hoa thiêng 2022

Trình bày chủ đề Hoa thiêng 2022
“Làm tất cả vì tình yêu, không làm gì vì bắt buộc”
(thánh Phanxicô Salê)

Anh chị em và các bạn hữu thân mến,

chỉ cách đây sáu tháng chúng ta đã trao cho các chị em Con Đức Mẹ Phù Hộ – như là truyền thống của chúng ta từ thời Don Bosco – và trao cho toàn thể Gia đình Salêdiêng, Hoa thiêng của năm mới.

Giờ đây, sáu tháng sau, cha đã được yêu cầu để nói trước về chủ đề có thể là định hướng cho năm mới 2022, như các nhịp độ khác của nữa bán cầu nơi đó sự hiện diện Salêdiêng đòi hỏi. Cha rất sẵn lòng làm điều này với hy vọng nó đem lại ích lợi.

Điều rõ ràng là năm 2022 chúng ta sẽ cử hành bốn trăm năm ngày qua đời của thánh Phanxicô Salê, nên chủ đề không thể nào khác ngoài linh đạo của thánh Phanxicô Salê,[1] nguồn mạch của tinh thần Salêdiêng của Don Bosco, tinh thần mà người Cha và Đấng Sáng lập của chúng ta đã say sưa và chiêm ngắm mọi giây phút, nhất là khi ngài tìm cách định nghĩa về phong cách giáo dục và Tin mừng hoá – nói theo kiểu của chúng ta hôm nay – của Tu Hội Salêdiêng vừa mới khai sinh: “Chúng ta sẽ gọi tên là Salêdiêng”. [2]

Chúng ta biết rằng Don Bosco vô cùng bị đánh động bởi diện mạo phi thường của vị thánh này. Vị thánh này là một nguồn cảm hứng chân thực đối với ngài, nhất là bởi vì vị thánh này là một mục tử đích thực, một bậc thầy về đức ái, một người lao tác không mệt mỏi vì phần rỗi các linh hồn.

Khi còn là một chủng sinh trẻ tuổi, trước khi chịu chức linh mục, Gioan Bosco đã lấy quyết định này: “Đức ái và sự dịu hiền của thánh Phanxicô Salê sẽ hướng dẫn tôi mọi giây phút”. Và trong Hồi Ký Nguyện xá, Don Bosco tuyên bố: “[Nguyện Xá] bắt đầu được gọi tên là Phanxicô Salê […] bởi vì tác vụ của chúng ta đòi phải hết sức bình thản và dịu hiền, nên chúng ta đã đặt mình dưới sự che chở của vị thánh này, ngõ hầu chúng ta được Thiên Chúa ban ơn để có thể bắt chước ngài trong sự dịu hiền vượt bậc và trong việc thu được các linh hồn”. [3]

Hiển nhiên, hoa thiêng năm nay sẽ là một cơ hội tuyệt vời để nhìn nhận và để tìm lại mình trong linh đạo của thánh Phanxicô Salê và để trân trọng hơn nữa những đặc tính kỳ diệu của tinh thần Salêdiêng của Don Bosco, cũng như những giá trị quý báu của linh đạo giới trẻ Salêdiêng. Chắc hẳn chúng ta sẽ thấy mình được phản ảnh trong đó và sẽ cảm thấy được kêu gọi trở thành “Salêdiêng hơn” ngày hôm nay trong gia đình Salêdiêng của chúng ta, tức là đầy tinh thần của thánh Phanxicô Salê hơn, tinh thần mà đã thấm nhuần tính chất Salêdiêng của chúng ta như là Gia đình của Don Bosco.

Hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, bằng cách sống tròn đầy sự hiện diện trong trần thế

Đây có lẽ là một đề xuất có tính “cách mạng” nhất của thánh Phanxicô Salê. Đức thánh cha Benedicto XVI đã diễn tả điều này với cung cách sâu sắc và đẹp đẽ thường lệ của ngài khi nói rằng lời mời gọi lớn nhất mà thánh Phanxicô Salê hướng tới các Kitô hữu đó là “hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, bằng cách sống tròn đầy sự hiện diện trong trần thế và các nhiệm vụ của bậc sống mình”. “Ý định của tôi là chỉ dạy cho những người sống nơi đô thị, trong bậc hôn nhân, nơi triều đình […] (Lời tựa của quyền Dẫn vào đời sống sùng mộ). Văn kiện mà Đức Pio IX, hai thế kỷ sau đó, công bố thánh Phanxicô Salê là Tiến Sĩ Hội Thánh, sẽ nhấn mạnh trên sự mở rộng lời mời gọi nên hoàn thiện, nên thánh. Đức thánh cha viết: “[lòng đạo đức đích thực] thấm vào tận ngai vua chúa, trong lều của các thủ lãnh quân đội, nơi toà của các thẩm phán, nơi các văn phòng, nơi các xưởng thợ và ngay cả nơi lều của những mục đồng […]” (Sắc chỉ Dives in misericordia, 16/11/1877). Thế là phát sinh lời hiệu triệu hướng tới các giáo dân, phải chăm lo để hiến thánh những sự việc trần thế và thánh hoá cái thường ngày, điều mà Công đồng Vatican II và linh đạo thời đại chúng ta sẽ nhấn mạnh. Lý tưởng về một nhân loại được hoà giải, trong sự hoà điệu giữa hoạt động trần thế và kinh nguyện, giữa hoàn cảnh trần thế và việc tìm cách trở nên hoàn thiện, với sự trợ giúp của ơn sủng của Thiên Chúa vốn thấm nhập nhân tính và, không phá huỷ nó, nhưng thanh luyện nó, nâng cao nó tới tầm cao thần linh”. [4]

Chắc chắn chúng ta gặp được nguồn mạch của linh đạo này nơi biết bao cử chỉ và lời của Chúa trong Tin Mừng và trong sự giản dị của đề xuất của Don Bosco đưa ra cho các thanh thiếu niên của ngài, theo một thứ ngôn ngữ và bối cảnh của Giáo Hội thế kỷ 19.

Vậy thì, làm thế nào chúng ta lại không chú tâm để nó cũng là nguồn mạch gợi hứng và đề xuất mục vụ và thiêng liêng cho chúng ta hôm nay?

Vị trí trung tâm của cõi lòng

Trong suốt thời gian đào luyện ở Paris điều làm cho Phanxicô hoán cải, đó là việc đọc đào sâu sách Diễm Ca, dưới sự hướng dẫn của một linh mục dòng Biển Đức.

Đó chính là một ánh sáng tạo nên mầu sắc cho toàn bộ lối hiểu của ngài về Thiên Chúa cũng như về cuộc sống con người, của hành trình cá nhân lẫn của các tương quan với bất kỳ con người nào.

Kể cả trong biểu tượng mà ngài chọn cho Dòng Thăm Viếng, ngài cho thấy trái tim là dấu hiệu nói về toàn bộ gia sản nhân bản và thiêng liêng của ngài: một trái tim bị đâm thâu bởi hai mũi tên: tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, về hai tình yêu này ngài sẽ viết hai cuốn luận thuyết vốn cô đọng toàn thể suy tư và giáo huấn của ngài. Cuốn đầu tiên – Luận về tình yêu Thiên Chúa – là hoa trái của hoạt động kiên trì để hình thành lên nhóm đầu tiên của Dòng thăm viếng: đó là những bài huấn đức được soạn thảo và ấn hành thành những tập sách nhỏ. Đó cũng là cái nền của sự đào luyện của thánh Maria Margherita Alacoque, người mà, 51 năm sau khi thánh Phanxicô qua đời, đã nhận được những mạc khải, từ đó mở ra lối đường dẫn tới lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Giáo Hội.

Cuốn luận thuyết thứ hai, về tình yêu tha nhân, vì ngài qua đời sớm vào ngày 28 tháng 12 năm 1622 ở tuổi 55, nên chỉ có được những đề mục mà thôi.

Học thuyết nhân bản của thánh Phanxicô, nỗi ao ước của ngài và khả năng của ngài để đối thoại với mọi người, giá trị lớn lao mà ngài dành cho tình bạn, thì rất quan trọng đối với việc đồng hành cá nhân theo cách thức mà Don Bosco giải thích…, mọi sự đều được xây dựng trên nền tảng vững chắc của cõi lòng, như thánh Phanxicô đã sống điều ấy.

Giữa sự quan phòng và tình thương mến

Có hai phản ánh về cách thức ngài cảm nghiệm cõi lòng của Thiên Chúa và mở lòng mình cho anh em, vốn liên hệ mật thiết cái này với cái kia, đó là cảm thức của ngài về Thiên Chúa quan phòng và cách thức ngài đến gần và tương tác với mọi người, nghĩa là sự dịu dàng và tình thương mến thành như châm ngôn của ngài.

Tín thác vào sự Thiên Chúa quan phòng được bắt nguồn từ việc đào luyện của ngài ở Paris và ở Padova: sự “dửng dưng thánh thiện”: tôi tín thác không chút dè giữ vào cõi lòng của Thiên Chúa, và điều này làm tôi ôm ấp lấy bất cứ hệ luỵ biến cố hay hoàn cảnh nào xảy đến cho tôi mỗi ngày. Tôi “không xin gì và cũng không từ chối gì” đối với những gì tôi biết là ở trong tay Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Phaolo đã nhìn theo cách thức này khi ngài viết cho các tín hữu Roma: “Chúng ta biết rằng mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa, cho những người đã được gọi theo dự định của Người. Bởi vì những ai Người đã biết thì Người cũng tiền định cho họ nên đồng hình với hình ảnh của Con của Người, để cho Con của Người trở thành trưởng tử giữa đoàn em đông đức” (Rm 8, 28-29).

Sự dịu hiền của trái tim đối với tha nhân, ngay cả khi họ không thân thiện hay tạo nên thích thú do tính tình, trước khi là một tính cách, cũng là một phản chiếu của sự tín thác này, tín thác dành cho cõi lòng của con người, luôn mở ra cho hành động của Thiên Chúa và luôn được đặt định để cho sự sống được tròn đầy. Sự dịu hiền và tình thương mến là hai tiếp cận truyền giáo, nhắm để kích hoạt bao có thể trong mọi hoàn cảnh, sự gặp gỡ giữa ân sủng và tự do bên trong cõi lòng của người đang ở trước mặt tôi. Vì thế, nó không chỉ là vấn đề khôn khéo cư xử.

Nếu chúng ta nghĩ tới cách thức mà Don Bosco giải thích lại về tình thương mến này trong hệ thống giáo dục của ngài, chúng ta hiểu được mức sâu xa như thế nào tại sao ngài lại nuôi dưỡng nó, đúng như đã xảy ra đối với thánh Phanxicô Salê.

Thực thi sứ mệnh ở vùng Chablais và châm ngôn Da mihi animas của Don Bosco

Kinh nghiệm vất vả của việc Tin Mừng hoá tại Chablais giữa năm 1593 (diễn từ nói ở Provost) và năm 1596 (các thánh lễ Giáng Sinh ở Toulon) chính là nơi mà sứ mệnh mang lại một sắc thái cụ thể cho toàn bộ cuộc sống ngài. Tình cảnh thật vô cùng khó khăn (“ở đây tất cả mọi người đều mang nơi cửa miệng sự thoá mạ và cầm đá trong tay”) nhưng lại là một sự khủng hoảng làm tăng trưởng và biến đổi nhà truyền giáo, trước khi biến đổi những người hưởng nhận.

Cũng thật rất thú vị đọc lại những năm ấy như là một khoa sư phạm Thánh Thể. Thánh Thể hữu hình, được cử hành, với một sự quy tụ dân chúng đông đảo, được rước cung nghinh… sau những năm trống vắng (Giáng Sinh 1596…), là đích tới sau cả một hành trình sa mạc dài, sa mạc mà nơi đó Ngài đã sống bởi Thánh Thể và trở nên Thánh Thể trong cách thế ẩn kín, giữa đám dân mà ban đầu đầy thù nghịch, và rồi ngài lại gần họ và làm cho từng người một nên bạn hữu.

Nghĩ đến các hiện diện Salêdiêng của chúng ta phần lớn là giữa những người không là Công giáo, thì linh đạo Thánh Thể này trở thành có tính ngôn sứ: từ bên trong của người truyền giáo, với sự kiên nhẫn và bền bĩ lớn lao, linh đạo ấy vươn tới những người mà họ được sai tới, mà không từ bỏ việc loan báo rõ ràng, nhưng biết chờ đợi cái thời gian dài của Thiên Chúa, và không đợi chờ các tín hữu vào đầy nhà thờ nhưng là đi vào giữa đàn chiên ở bất cứ nơi đâu và dù chúng có thế nào chăng nữa….

Và cùng với Bí tích Thánh Thể, như theo cùng một nhịp của làn sóng, ở trung tâm có thánh giá và sự tín thác nơi Mẹ Maria.

Tất cả những điều này nói cho chúng ta về niềm đam mê giáo dục và Tin Mừng hoá của Don Bosco, người đã tìm được sức mạnh hằng ngày để thực hiện câu Da mihi animas, cetera tolle nơi sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể và nơi sự hiện diện mạnh mẽ của Đức Maria trong đời sống của Nguyện Xá, giữa các thanh thiếu niên.

Nhưng truyền thông như thế nào?

Thánh Phanxicô Salê là bổn mạng của các nhà báo. Thật đáng tìm hiểu đặc sủng của ngài như là một người truyền thông, nơi ngài có một sự hoà hợp tuyệt diệu giữa, một bên là tình yêu và quan tâm đối với sự suy tư, đối với văn hoá, đối với nền nhân bản trong những biểu hiện đẹp nhất của nó, để cổ võ, khích lệ, làm cho hài hoà, bằng việc tạo lập và khích lệ sự đối thoại giữa người nào có nhiều khả năng  và dồi dào trong những lãnh vực này, và bên kia, thánh Phanxicô Salê là một bậc thầy truyền thông đối với mọi người, một người phát tán vĩ đại qua các phương tiện và các cảnh ngộ trong đó ngài sống. Chỉ cần nghĩ đến con số khổng lồ các lá thư, trong đó cô đọng một phần lớn không phải là thứ yếu việc tông đồ của vị giám mục và vị thánh, là đủ.

Kể cả ở đây chúng ta cũng có Don Bosco, người môn đệ đi theo lòng nhiệt thành của vị thầy, với những phương tiện mới trong tầm tay (máy in bình dân “cho số đông”): 318 tác phẩm của Don Bosco đã được in ấn trong 40 năm… tính trung bình cứ khoảng mỗi hai tháng một tác phẩm. Và đồng thời, đối với chúng ta, cũng là một sứ điệp vô cùng mang thời sự tính và một thách đố thực sự, trong thế giới hiện nay, nơi mà truyền thông thì ở trung tâm của thực tại.

Thánh Phanxicô Salê trong cách thức Don Bosco đồng hành người trẻ: những đặc sủng nở rộ và đặc sủng này sinh hoa trái nơi đặc sủng kia

Có một “sự truyền thông của các thánh” bên trong nghệ thuật giáo dục và thiêng liêng của Don Bosco, vốn không tự nhiên mà có, nhưng được nuôi dưỡng bởi cội rễ thâm sâu, là công trình của Chúa Thánh Thần trong lịch sử của Hội Thánh đã đi trước ngài. Không phải là thêm vào và cũng không phải là lập lại : đúng hơn nó là một sự nở rộ và kết trái mới, được nuôi dưỡng bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần Đấng đã làm cho Hội Thánh sống động với những vị như thánh Phanxicô Assisi và thánh Ignatio, thánh Đaminh và thánh Teresa Avila.

Một đề xuất cho Giáo Hội ngày hôm nay, và chắc chắn là cho Gia đình Salêdiêng của Don Bosco, chắc chắn là sự tăng trưởng trong nghệ thuật đồng hành bước đường đức tin của các thanh thiếu niên và người trẻ trên thế giới chưa biết đến Thiên Chúa, và đồng thời lại đói khát Ngài đang khi không biết Ngài. Thật rất là “Salêdiêng” khi cảm nhận và tin thật rằng mỗi người đều cần có một “người bạn của linh hồn” [5] nơi nguời bạn đó, họ tìm thấy lời khuyên, sự trợ giúp, sự hướng dẫn và tình bạn.

*  *  *

Cha muốn kết thúc những đường nét tổng hợp này, theo đó có thể khai triển Hoa thiêng 2022 cho toàn thể Gia đình Salêdiêng của Don Bosco trên thế giới, với lời mời gọi mà Đức thánh cha Benedicto XVI hướng tới chúng ta vào cuối cuộc nói chuyện của ngài, ngài xin chúng ta, trong “tinh thần tự do”, bước theo chứng tá mẫu mực của thánh Phanxicô Salê, mẫu đích thực về nền nhân bản Kitô hữu, vốn làm cho chúng ta cảm nghiệm rằng chỉ nơi Thiên Chúa chúng ta mới có được sự mãn nguyện cho nỗi ao ước và hoài nhớ mà chúng ta cảm nghiệm về Ngài: “Anh chị em thân mến, trong một thời đại như thời của chúng ta vốn tìm kiếm sự tự do, kể cả bằng bạo lực và sự bất an, không được bỏ quên tính hiện thực của vị thầy vĩ đại về linh đạo và về sự bình an này. Ở tột đỉnh của một giáo huấn đầy say mê và đầy đủ về thực tại của tình yêu, ngài đã trao cho các môn đệ của ngài “tinh thần tự do”, sự tự do đích thực. Thánh Phanxicô Salê là một chứng nhân điển hình về nền nhân bản Kitô giáo; với cách thức thân thiện, đôi khi với những dụ ngôn mang tính thơ phú, ngài nhắc nhở cho chúng ta rằng hữu thể nhân linh mang tận thâm sâu bản thân mình sự hoài nhớ về Thiên Chúa và chỉ nơi Người, họ mới tìm thấy niềm vui đích thực và sự hiện thực mình tròn đầy nhất”. [6]

Roma 22/07/2021


[1] xem thánh Phanxicô Salê viết cho thánh Jeanne-Françoise de Chantal: “Đây là quy luật về sự vâng phục của chúng ta, cha viết cho con với những chữ viết hoa: Làm tất cả vì tình yêu, không làm gì vì bắt buộc – YÊU SỰ VÂNG PHỤC HƠN LÀ SỢ SỰ BẤT TUÂN.  Cha để lại cho con tinh thần tự do, không phải thứ tự do loại trừ sự vâng phục, đó là thứ tự do của thế gian, nhưng là sự tự do loại trừ sự bạo lực, lo âu và thói chi ly (lá thư 234 gởi Jeanne-Françoise de Chantal, 14/10/1604, trong Oeuvre de saint François de Sales, XII, 359 trích trong E. Alburquerque Frutos, Một linh đạo về tình yêu: San Francesco di Sales, Torino, Elledici 2008, 46).

[2] x. P. Chávez Villanueva, Salesiani da centocinquant’anni, Roma, LEV 2019, 40.

[3] G. Bosco, Hồi Ký Nguyện xá thánh Phanxicô Salê từ 1815 tới 1855, trong ISS, Nguồn Saledieng 1. Don Bosco và công cuộc của ngài, Roma, LAS 2014, 1244.

[4] Đức Benedicto XVI, Tiếp kiến chung, Roma 2/3/2011.

[5] G. Bosco, tác phẩm đã trích., 1184.

[6] Như trên.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *