Hệ Thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng

TU HỘI SA-LÊ-DIÊNG DON BOSCO

Ủy ban Truyền thông Xã hội

HỆ THỐNG TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI SA-LÊ-DIÊNG

Những hướng dẫn cho Tu hội Sa-lê-diêng

Ban Truyền thông Sa-lê-diêng chuyển ngữ

 

PHẦN MỘT SSCS

Việc xuất bản của chúng ta cần được thực hiện một cách cách có hệ thống

và ở tầm mức rộng rãi, và như thế đạt tới hầu như mọi thành phần trong xã hội.”

(Thư luân lưu của Don Bosco về việc phổ biến sách báo tốt ngày 19.03.1885)

  1. LỜI NÓI ĐẦU

Các hội viên Sa-lê-diêng và các bạn hữu của ngành Truyền thông Xã hội thân mến,

Mọi sự luôn thay đổi, chỉ mình Thiên Chúa mới tồn tại mãi mãi. Trong kỷ nguyên mới của truyền thông hiện nay, điều này càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Không chỉ là việc con người ngày nay có những kỹ thuật mới, nhưng những kỹ thuật này còn thực sự tác động trên nền văn hóa: Trên cả mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, với tha nhân và thiên nhiên, và tất nhiên trên cả cách chúng ta chọn lựa những giá trị của mình, việc sản xuất, phân phối và tích lũy những tài sản, trên cách chúng ta làm cho cuộc sống của chính mình có ý nghĩa và hoàn thành nó. Vì thế, Đức Thánh Cha Biển Đức đã đặt tựa đề cho sứ điệp Ngày Truyền thông Xã hội Thế giới năm 2009: “Những Kỹ thuật mới, những mối Tương giao mới”, trong đó, ngài đề cập đến một “lục địa kỹ thuật số”. Vì thế, việc cập nhật tài liệu Cẩm nang Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng (SSCS) là điều cần thiết mà ấn bản sau cùng cũng đã được vị tiền nhiệm của tôi, Đức Giám mục Tarcisio Scaramussa, cùng với các chuyên viên truyền thông vào lúc đó mà hiện nay nhiều người vẫn đang tiếp tục làm việc trong lãnh vực này, đã cho phát hành cách đây 6 năm.

Trong suốt hai năm vừa qua, việc cập nhật tài liệu này đã được thực hiện qua những cuộc hội nghị, trong đó có sự góp phần suy tư và tổng hợp của nhiều người làm việc trong lãnh vực truyền thông của Tu hội: Các hội viên trong toàn Tu hội, các Uỷ viên Truyền thông Tỉnh dòng và các cộng sự viên, các Giám đốc của các Nhà Xuất bản và Nhà in, Đài Phát thanh và Truyền hình, Tập san Sa-lê-diêng và Truyền thông đa phương tiện, các Quản trị viên Website và các thành viên của Ban Tư vấn Truyền thông Xã hội Thế giới. Chất lượng suy tư, việc hưởng ứng tham gia và đóng góp từ các Vùng cũng thật vượt quá sự mong đợi. Chúng tôi xin cám ơn tất cả mọi người vì ý thức thuộc về Tu hội thật mạnh mẽ, đồng thời tỏ bày rõ ràng trách nhiệm của mình trong lãnh vực này qua lối làm việc nhóm, hướng đến việc thực thi sứ mệnh Sa-lê-diêng. Chúng tôi cũng xin gởi lời chúc mừng đến mọi người, vì tập tài liệu này diễn bày được cuộc sống, niềm tin, sự chuẩn bị và cả kinh nghiệm của mọi người; đây là một nỗ lực phối hợp và tất nhiên là sự nỗ lực của “tất cả chúng ta”.

Tựa đề và cả những khái niệm cơ bản vẫn được giữ lại, mặc dầu cấu trúc có thay đổi so với ấn bản đầu tiên. Chúng ta có thể coi đây là một phiên bản được cập nhật chứ không phải một cuộc cách mạng! Tuy nhiên trong việc cập nhật, một số ý tưởng được trình bày trong suốt tài liệu làm nó trông khá mới mẻ, đồng thời tài liệu cũng muốn cổ xúy một lối tư duy mới trong Tu hội: Củng cố lối làm việc nhóm giữa các ban ngành trong Tu hội nhằm thực hiện sứ mệnh chung; đặt ưu tiên việc đào tạo các tu sĩ Sa-lê-diêng, những cộng sự viên người đời vào sứ mệnh, cũng như các bạn trẻ để họ học biết cách thông đạt; sự dấn thân rất phù hợp của người đời vào trong lãnh vực này vốn là một chuyện tự nhiên với họ; việc trình bày những nguyên tắc và tiêu chuẩn để đi tới một lối làm việc đồng nhất trong khi vẫn cho phép một lối thực thi phù hợp và mềm dẻo theo địa phương; và cuối cùng, cần xem xét và triển khai Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng thành một hệ thống tương tác với nhau.

Tập tài liệu này có sự góp phần đáng kể của các đại diện Ban Đào luyện, Mục vụ Giới trẻ và Truyền giáo tại cuộc hội nghị của nhóm Cố vấn Truyền thông Thế giới, để từ đó đưa ra bản phác thảo cho tập tài liệu cuối cùng. Đây là điều được Tổng Tu Nghị 26 số 117 yêu cầu:

… Cần xem xét tới độ đa phức của sứ mệnh Sa-lê-diêng cũng như nhận ra nhu cầu cần phải có sự phối hợp giữa các ban ngành: Mục vụ Giới trẻ, Truyền thông Xã hội và Truyền giáo, đặc biệt trong việc sinh động các lãnh vực hoạt động chung; … cũng xin cha Bề Trên Cả và Ban Cố vấn của ngài cổ xuý các nhóm sinh động liên ban ngành cho các lãnh vực này, đồng thời ủy thác việc điều phối này cho một vị Tổng Cố vấn hay một người khác nhưng phải đảm bảo tính độc đáo và hữu cơ của công việc mục vụ Sa-lê-diêng.

Sự thống nhất và sự điều phối giữa các ban ngành trong sứ mệnh là một đòi hỏi của đoàn sủng nhằm làm phong phú và kiện cường căn tính của họ, chứ không phải làm nghèo nàn các ban ngành, bởi lẽ chúng ta khởi đi từ cùng một nguồn và chuyển động theo cùng một hướng. Điều này đòi hỏi một tư duy và lối sống mới, một lối tổ chức và đào tạo đưa chúng ta đi vào sự hiệp thông với người khác nhằm hoàn thành sứ mệnh chung.

Tiếp đến, Cẩm nang Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng (SSCS) cho thấy một quan điểm rõ ràng: Đặt ưu tiên việc đào luyện truyền thông cho các Sa-lê-diêng, các cộng sự viên người đời tham gia vào sứ mệnh và cả những người trẻ. Đối tượng là những ơn gọi mới hướng đến đời sống dâng hiến, và những thế hệ thanh thiếu niên thuộc kỷ nguyên mới đang có mặt trong lục địa này. Dẫu trong thực tế chúng ta vẫn chưa hài lòng, nhưng chúng ta và những cộng sự viên người đời của chúng ta đang nắm bắt và sử dụng công nghệ cũng như ngôn ngữ của“lục địa” này với những thành công nhất định.

Việc đào luyện mà không nhận biết hay không thực hiện đủ những gì quá hiển nhiên, thì có nguy cơ không thu hút được những ơn gọi mới, không làm cho Tin mừng được hội nhập và cũng chẳng hiểu biết được những người mà việc đào luyện truyền thông muốn nhắm đến. Việc đào luyện truyền thông hẳn rằng không chỉ là việc sử dụng những yếu tố kỹ thuật và trang Web, hay tổ chức những khoá học hỏi và thảo luận về những chủ đề để học hỏi được những ý niệm cần thiết và quan trọng. Đó chính là một chiều kích xuyên suốt mọi sự, một chiều kích bao gồm cả những nhà đào luyện lẫn những người được đào luyện, cả thày lẫn trò.

Với những người được đào luyện, việc giáo dục hướng đến sự tự do trong trách nhiệm phải là điều chính yếu; thêm vào đó, với các tu sĩ thánh hiến thì việc đào luyện còn phải hướng tới một cuộc sống chân thực bao gồm lòng yêu mến ơn gọi, sứ mệnh và những đối tượng mà chúng ta được sai đến. Vì thế tôi có thể khẳng định rằng chúng ta đang đối diện với một cơ hội đầy thách đố nhưng tuyệt vời nhất trong việc phúc âm hoá và giáo dục nơi từng “lãnh địa” Sa-lê-diêng, trong đó vô số các thiếu niên, các bạn trẻ đang hết sức cần tới việc thực thi Hệ thống Dự phòng, một hệ thống giáo dục cần được cập nhật liên tục.

Một Lục địa mới nhất thiết phải biểu lộ Tình yêu của Thiên Chúa: Đó là lục địa kỹ thuật số, nơi bao gồm cả những người giàu lẫn người nghèo, những người tin và không tin, mà hiện đang có mặt ở đó. Tới đây, đơn giản tôi chỉ muốn khẳng định lại điều đã nói ở trên: Người Sa-lê-diêng cần được đào tạo toàn diện; việc mục vụ phải khởi đi từ những nhu cầu của những đối tượng mà họ nhắm đến; một người Sa-lê-diêng với lòng nhiệt thành cho sứ vụ luôn được canh tân không được phép lẫn lộn giữa sứ vụ và những công việc của sứ vụ đó; một nhà truyền thông Sa-lê-diêng với chiều sâu tâm linh có thể trở thành chứng tá cho Thiên Chúa giữa các người trẻ trong thời đại kỹ thuật số ngày nay.

Hơn nữa, giờ đây một não trạng mới, một lối góp phần mới mẻ và rộng mở cho phép người đời tham dự vào chính sứ mệnh Sa-lê-diêng qua truyền thông. Tổng Tu nghị 24 khẳng định rõ ràng “Các người thánh hiến Sa-lê-diêng và người đời cùng chia sẻ một tinh thần và một sứ mệnh.” Đây là một lối nhìn thực sự làm phong phú cho lãnh vực truyền thông. Càng ngày càng có nhiều Uỷ viên Truyền thông của các Tỉnh dòng được đào tạo tốt; cũng như số người đời có khả năng chuyên môn và các chuyên gia tham gia vào những nhóm truyền thông của tỉnh dòng gia tăng; và cũng thế trong Hội đồng Cố vấn Thế giới. Về việc biên soạn cẩm nang Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng (SSCS), những đóng góp của họ không chỉ mang tính kỹ thuật, nhưng còn mang cả tính đoàn sủng và giáo hội nữa, qua đó động lực rao giảng tin mừng và việc giáo dục những bạn trẻ nghèo khổ đã được khởi sự nơi Valdocco ngày trước, nay vẫn được tiếp tục. Người thánh hiến và người đời có nhiều điều để cống hiến, cũng như để học hỏi lẫn nhau, nhưng luôn hướng đến việc phúc âm hóa và giáo dục người trẻ trong một bối cảnh mới. Do đó cần những chứng nhân và những người tông đồ mới để đồng hành với chúng trong việc phân định ơn gọi. Thật ý nghĩa việc các Đức Giám mục Ý đã gặp nhau trong năm 2010 để cùng trao đổi một chủ đề chung “Những chứng nhân thời đại kỹ thuật số”. Thực tại kỹ thuật số và việc tân phúc âm hóa là một chủ đề xuyên suốt trong tập tài liệu. Don Bosco vẫn là người cha của chúng ta và là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi chuyện này.

Tài liệu trình bày một tiêu chuẩn thống nhất toàn diện, đòi hỏi phải suy tư rồi triển khai ở cấp địa phương. Tính thống nhất trong đoàn sủng vẫn luôn tôn trọng việc áp dụng những nguyên tắc, những cấp độ và những nét đa biệt vốn là hệ quả của lịch sử, văn hóa và những năng lực con người. Trước hết, việc học hỏi và thực thi Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng như đoàn sủng và sứ mệnh đòi hỏi, cũng như việc quy hướng đến những con người trong thế giới mới này, là trách nhiệm của Giám tỉnh và Ban Cố vấn ngài, cũng như của vị Uỷ viên và nhóm truyền thông.

Trong tỉnh dòng, không thể chấp nhận nếu bỏ qua những gì được nói tới ở trên, hay thiếu những người Sa-lê-diêng hay người đời trách nhiệm việc sinh động tỉnh dòng về lãnh vực này và khích lệ mọi người dấn thân vào trong lục địa mới của các người trẻ, nơi họ gặp gỡ được Thiên Chúa, Don Bosco và chính các người trẻ. Cũng không thể chấp nhận việc truyền thông bị coi nhẹ trong kế hoạch chung của Tỉnh dòng hay Kế hoạch Giáo dục Mục vụ (EPP). Vì thế, nhất thiết cần có một uỷ viên là “linh hồn” nhằm truyền được sức sống và năng lực cho cả một tập thể như tỉnh dòng, xét như một cộng đoàn phục vụ mang tính xã hội và huynh đệ. Điều này có nghĩa là phải triển khai cùng một sứ vụ chung với các ban ngành và các công cuộc khác, nhưng dưới lăng kính truyền thông. Để hướng tới sứ mệnh, mỗi tỉnh dòng cần có những nguyên tắc rộng mở và có hiệu lực đi đôi với việc áp dụng bằng lòng đam mê và óc sáng tạo.

Sau cùng, tôi nhận thấy chúng ta đang muốn chú tâm vào Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng và áp dụng nó như một “hệ sinh thái” trong một sự hiểu biết năng động, hòa hợp và uyển chuyển nhằm cung cấp một sự phát triển cân bằng, tổng thể, hướng tới một mục đích rõ ràng. Don Bosco là người kiến tạo nên bối cảnh phúc âm hóa và giáo dục, bởi vì ngài có thể tạo nên một không gian của mối tương quan hài hoà và cân đối, cũng như mang nơi mình một khát vọng mãnh liệt về siêu việt. Chúng ta có thể nhận thấy điều này nơi ý tưởng và kinh nghiệm nguyện xá cũng như sân chơi của ngài. Ngài đảm bảo rằng mọi nơi đều gợi mở một cảm thức rộng mở về cuộc sống thông qua các mối tương quan bằng hữu, đề xuất giá trị sống, biết tạo khoảng không và vai trò tích cực của những con người trong đó. Những con người này bao gồm cả các giáo viên và học sinh. Họ có thể tự do chọn lựa để có thể cảm nhận, lắng nghe, phát biểu, cảm nếm mọi nơi và mọi lúc những gì ngài cống hiến.

Nó cũng trở thành một mái ấm để yêu và được yêu thương như trong một gia đình; một sân chơi mang lại sự hạnh phúc và mở rộng tình thân ái; một trường học giáo dục suy tư và xây dựng một xã hội công bằng; một giáo xứ nhằm tôn vinh Thiên Chúa như mục đích tối hậu của cuộc sống. Đây là cách thức tốt nhất để diễn tả một hệ sinh thái truyền thông, nơi con người biết thông đạt hơn nữa qua những gì họ là hơn những gì họ nói. Việc này lại đòi hỏi tất cả các ban ngành biết cùng nhau cộng tác vào sứ mệnh Sa-lê-diêng.

Một lần nữa, cha xin cám ơn tất cả những ai tham gia vào việc cập nhật cuốn Cẩm nang Hệ thống Truyền thông Sa-lê-diêng. Cha tin tưởng mọi người biết đánh giá cao việc học hỏi nghiên cứu và áp dụng nó vào trong các Tỉnh dòng của mình.

Thân ái trong Don Bosco,

Cha Filiberto Gonzalez Plasencia SDB,

Tổng Cố vấn Truyền thông Xã hội,

Rô-ma – Ý, ngày 31.01.2011

 

 

TRUYỀN THÔNG

 

2.1. Truyền thông là gì?

Ngày nay, truyền thông đã trở thành một chủ đề học hỏi và suy tư. Nó khơi lên một mối bận tâm lớn, không chỉ vì công nghệ giờ đây đã tiến bộ vượt bậc so với vài thập niên trước đây, mà còn vì chúng ta nhận ra phẩm chất của việc truyền thông đang gặp nguy cơ. Chỉ khi chúng ta bắt đầu hiểu ra tầm quan trọng của không khí mà chúng ta hít thở khi thiếu khí để thở, chúng ta mới thấy cần phải bắt tay làm một điều gì đó. Với truyền thông thì cũng thế. Các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật, các triết gia, tâm lý gia, các nhà xã hội học, các nhà giáo dục, đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến truyền thông, nhờ đó kiến thức truyền thông của chúng ta cũng đã tăng triển theo. Ít ra, chúng ta có thể nắm bắt “những sự thật” sau đây:

Việc truyền thông của con người không thể giảm thiểu vào chuyện một luồng thông tin được phát đi từ một máy truyền tín hiệu và kết thúc ở một bộ phận nhận tín hiệu; nhưng việc truyền thông của chúng ta đã vượt ra ngoài mô hình đường thẳng này. Sơ đồ này chỉ dành cho các máy móc chứ không dành cho con người. Việc truyền thông đích thực đòi hỏi sự quan tâm và đối thoại với nhau, tức là việc truyền thông xảy ra khi có sự hợp tác giữa những con người nhằm xác định nội dung được chia sẻ. Vì thế truyền thông tự bản chất là một hình thức gặp gỡ và đối thoại.

Khi thực thi việc truyền thông, chúng ta không chỉ triển khai thông tin, mà còn xây dựng các mối quan hệ. Chúng ta làm việc cùng một lúc trên hai cấp độ, vừa về nội dung (những ý tưởng, những lời phát biểu…) vừa về các mối quan hệ (định rõ loại và phẩm chất của mối quan hệ giữa chúng ta với người đối thoại). Hiểu rõ được chuyện này là điều rất quan trọng, bởi lẽ đó không chỉ là những ý tưởng nhưng còn là sự thâm tín của chúng ta, khiến người đối thoại với chúng ta không chỉ chú tâm đến chúng ta hay ý tưởng của chúng ta là những gì vốn dễ ngăn cản sự truyền thông.

Truyền thông không thể đồng hoá với bất kỳ một hoạt động đặc thù nào. Chắc chắn, tôi tìm cách truyền thông qua những ngôn từ tôi sử dụng với người đang đối thoại với tôi, nhưng sứ điệp không thể bị giảm trừ vào những lời lẽ này. Vượt xa những ngôn từ, và đôi khi chẳng cần dùng tới nó, chúng ta vẫn có thể truyền thông qua điệu bộ, nét mặt, giao lưu bằng đôi mắt, các mốt y phục, ngôn ngữ thân thể, và sự hiện diện của chúng ta trong một bối cảnh xác định nào đó. Do đó, truyền thông là một chiều kích biểu lộ qua tất cả các hành vi ứng xử của tôi. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng mọi sự đều là truyền thông.

Phẩm chất truyền thông của chúng ta không dựa trên mặt cú pháp của ngôn ngữ mà chúng ta đang sử dụng nhưng dựa trên bối cảnh, và những giá trị dẫn chúng ta đi theo một hướng thống nhất mạch lạc. Trong quá khứ, có thể chúng ta đã từng sử dụng hình ảnh những cái chén hay những cái ly được xếp với nhau thế nào để khi đổ nước vào một cái chén thì nước sẽ chảy qua tất cả các chén khác, mức nước trong tất cả các chén đều gia tăng đồng bộ, như thế ta đã tạo nên một mức thông như nhau giữa các chén hay các ly đó. Tất nhiên vẫn chưa đủ để chỉ bàn về một khía cạnh thông truyền mà thôi, nhưng là tất cả mọi sự đều được cải thiện.

Tuy nhiên ngày nay, chúng ta có thể sử dụng một ngôn từ ẩn dụ hiệu quả hơn: Đó là một “hệ sinh thái”. Phẩm chất thông truyền trong bối cảnh xác định ở đây được đảm bảo do tính đa diện của những yếu tố tương tác. Nơi mỗi người, mỗi cơ cấu, đều thông truyền một cách hiệu quả nếu có sự đồng nhất giữa sứ điệp muốn trao ban và những sứ điệp được thể hiện qua những gì được làm và qua bản chất sự kiện.

2.2 Chúa Giêsu, Nhà Truyền thông Tuyệt hảo

Một khi chúng ta đã hiểu truyền thông theo cách này, thì còn thú vị hơn khi quy hướng về Chúa Giêsu[1], không chỉ tìm hiểu những gì Ngài đã rao giảng, nhưng suy gẫm cả cách thức “giao tiếp” của Ngài với dân chúng, các môn đệ, trẻ em, những người tội lỗi, giới thẩm quyền, và cả với Thiên Chúa Cha. Sự việc Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là Con người, đã trở thành rất quan trọng (mầu nhiệm Nhập Thể). Chúng ta hãy đọc những gì mà Huấn thị Mục vụ “Communio et Progressio” nói trong số 11:

Khi còn sống trên trần gian, Chúa Ki-tô đã tỏ lộ Ngài là nhà một nhà Truyền thông tuyệt hảo. Qua“việc Nhập thể”, Ngài hoàn toàn đồng hoá bản thân mình với những người đã đón nhận sự thông truyền của Ngài. Ngài trao ban sứ điệp của Ngài không chỉ bằng ngôn từ nhưng còn qua cả lối sống của Ngài. Ngài ngỏ lời với họ từ bên trong, tức là từ chính Dân của Ngài. Ngài rao giảng về sứ điệp của Thiên Chúa mà không sợ hãi hay thoả hiệp. Ngài điều chỉnh lại cho phù hợp với lối nói và lối suy nghĩ của họ. Ngài trình bày theo phạm trù của thời đại Ngài.

2.3  Don Bosco, Nguồn Cảm hứng của chúng ta

Cũng thật hữu ích và hiệu quả khi chúng ta tham chiếu nơi Don Bosco, không chỉ để đánh giá ngài qua các vai trò như nhà văn, nhà xuất bản, nhà phân phối… mà còn suy tư về những lời nhắn nhủ đầy sức lôi cuốn của ngài mà các con cái của ngài vẫn đang tiếp tục thực thi trong một lãnh vực mà sau này gọi là “truyền thông xã hội”. Đây chỉ là một khía cạnh giáo huấn mà Don Bosco để lại cho chúng ta trong lãnh vực truyền thông.

Chúng ta chưa thể khám phá và áp dụng hết những lời giáo huấn của ngài vào kinh nghiệm hiện tại của chúng ta. Don Bosco thật vĩ đại: Ngài có khả năng giao tiếp tuyệt vời khi hiện diện giữa các bạn trẻ, kiến tạo nên một hệ thống giáo dục tuyệt vời là “Hệ thống Dự phòng” (như ngài đã gọi thế), thành lập nguyện xá, và sử dụng bất cứ nguồn lực nào để mang đến cho các người trẻ những điều tốt lành.

Đến đây, thật đáng để lắng nghe lời phát biểu của ông Umberto Eco, một chuyên gia nghiên cứu truyền thông. Ông cho rằng Don Bosco đã tạo nên một cuộc cách mạng vĩ đại” trong lãnh vực truyền thông. Ngài đưa ra một đề xuất rồi thực hiện qua cấu trúc nguyện xá, một thứ dạng thức không tưởng về một hình thức sống chung mới”. Dạng thức này được xem như một chiến lược rất hiệu quả trong một xã hội truyền thông mà không còn được đặc trưng hoá bằng những “gã khổng lồ” nào đó (truyền thanh, truyền hình, báo chí, xi-nê) nhưng lại được chia thành một loạt những loại nhóm (nhóm quần jean xanh, ma tuý, bán đàn cũ, những băng đảng và các nhóm cũng là một phần của truyền thông đại chúng”). Trong bối cảnh này, điều cần thiết không phải là làm phát sinh thêm những gã khổng lồ, nhưng cần biết về nhiều nhóm này cũng như kiến tạo nên những cách thức mới trong việc sử dụng, thay đổi, thay thế luân phiên, và nối kết chúng lại với nhau”.

 “Don Bosco có sáng kiến tạo nên nó [cuộc cách mạng này], rồi đưa vào một mạng lưới các giáo xứ và tổ chức Công giáo Tiến hành, nhưng điểm nòng cốt là ở chỗ nhà cải cách tài giỏi này đã nhận ra rằng xã hội kỹ nghệ cần tới những cách thức mới để đưa họ đến với nhau, trước hết là cho người trẻ rồi đến những người lớn. Vì thế, ngài đã thành lập nguyện xá Sa-lê-diêng: “Một cỗ máy tuyệt vời với các kênh truyền thông, từ các trò chơi đến âm nhạc, sân khấu đến báo chí, đều được quản lý theo cách riêng của chúng với những yếu tố cơ bản đơn giản nhất, rồi sau đó được duyệt lại và trao đổi khi có được những kết quả truyền thông. Chúng ta nhớ lại vào thập niên 1950, một mạng lưới gồm 12.000 hội trường giáo xứ nhỏ  đã thành công trong việc tác động trên các nhà sản xuất phim”.

Nguyện xá đã khéo léo đưa ra một quy tắc đạo đức và tôn giáo cho những ai muốn, nhưng đồng thời cũng chấp nhận cả những ai không muốn! Trong ý nghĩa này, dự án của Don Bosco đã tác động trên toàn xã hội nước Ý trong thời đại kỹ nghệ”. Ông Eco phát biểu thêm, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả“kế hoạch của Don Bosco”, chúng ta cần “một số người hay một số nhóm có cùng một khả năng tư duy lô-gíc xã hội, nhạy bén về thời đại, khả năng tổ chức đầy sáng tạo như Don Bosco. Ngoài cơ cấu này, không có ý thức hệ nào có sức mạnh để kiến tạo nên một chính sách truyền thông đại chúng toàn cầu, ngược lại chính bản thân nó sẽ còn bị hạn chế khi so sánh với những gã khổng lồ (không đạt được phần đa mà thường bị nguy hại là đàng khác), nơi mà giá trị đạt được sẽ ít hơn là những gì chúng ta tưởng”[2].

2.4  Thánh Phan-xi-cô Sa-lê, Vị Mục tử Nhiệt thành và Tiến sĩ Đức ái

Chúng ta khó có thể trình bày được lối diễn tả không tưởng về “cuộc cách mạng” của Don Bosco mà không nói đến một nhân vật đã gợi hứng cho ngài: Thánh Phan-xi-cô Sa-lê. Trong khi chúng ta có thể xem Đức Giám mục thành Geneva là một nhà truyền thông xuất sắc ở hầu hết mọi khía cạnh (ngài là một nhà báo đầy sáng tạo, giữa nhiều khía cạnh “nghiệp vụ” khác của một nhà truyền thông), thì chúng ta chỉ cần nhìn vào nguyện xá Valdocco thời phôi thai, để nhận ra gì mà Thánh Phan-xi-cô Sa-lê đã gợi hứng cho Don Bosco. Chúng ta có thể nghe sử gia Sa-lê-diêng, cha Phê-rô Stella thuật lại cho chúng ta: Ngay từ đầu,

Căn phòng của Don Bosco và nhà nguyện là trái tim và trung tâm của nguyện xá Valdocco; cả hai được xem như những nơi lưu giữ những sứ điệp mà Don Bosco muốn ngỏ với những người gặp gỡ ngài. Các bạn trẻ và người lớn khi đi vào phòng của ngài đều thấy một hàng chữ trên tường: Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác xin cứ lấy đi. Hàng chữ này cũng là một lời nguyện tắt cùng Thiên Chúa. Thật là ý nghĩa khi nhà nguyện sau đó được phát triển thành một nhà thờ rộng rãi khang trang và được dâng kính Thánh Phan-xi-cô Sa-lê. Theo lời khẳng định rõ ràng của Don Bosco, việc này nhằm biểu lộ phong cách giáo dục của Thánh Phan-xi-cô: Không chấp nhận thái độ khắt khe, nhưng là sự từ ái của nhà giáo dục; nét vui tươi biểu lộ mối tương giao thân mật với ân sủng Thiên Chúa mà các bạn trẻ cần để tăng trưởng và bày tỏ…[3]

Hẳn rằng Don Bosco không nhìn vào Thánh Phan-xi-cô Sa-lê để gợi hứng cho ngài một vài khía cạnh đặc biệt nào đó của hoạt động truyền thông mà thôi. Thực tế cho thấy “Thánh Phan-xi-cô Sa-lê và Thánh Gioan Bosco” đều có cùng những đặc điểm: Tính sáng tạo, lạc quan, từ ái nhưng kiên quyết trước tất cả những gì cản trở việc truyền bá Tin mừng Cứu độ. Tuy các ngài sống cách xa nhau về mặt địa lý và thời đại, (dầu không quá khác biệt về mặt địa lý và văn hóa; trên hết, họ chia sẻ nét đẹp của dãy núi Alp, các hồ và những vùng đồng bằng “miền Piedmont”) nhưng cả hai là những nhà truyền thông chân chính về Tình yêu Thiên Chúa và là những nhà xây dựng tài ba cho Nước Thiên Chúa.

  1. GIẢI THÍCH CÁC THUẬT NGỮ

 

Việc sinh động: Một phong cách đặc trưng trong cương vị lãnh đạo Sa-lê-diêng, được rút ra từ ý nghĩa cơ bản của hạn từ “sinh động”, nghĩa là nhằm truyền sức sống hay truyền hồn cho một sự vật hay một người nào đó, nói khác đi, tạo nên một sức đẩy.

Kế hoạch Sinh động và Quản trị của cha Bề Trên Cả và Ban Tổng Cố vấn: Tiến trình hoạch định được khởi xướng từ cha Bề Trên Cả nhưng được triển nhờ sự giúp đỡ của Ban Tổng Cố Vấn, ngay lúc khởi đầu giai đoạn sáu năm, tức là ngay sau một Tổng Tu Nghị, và kế hoạch này điều hướng cho sáu năm tiếp theo (x. GC Vademecum, 2003).

Nhật ký web: Một website hay một phần trong website do một cá nhân duy trì, với nội dung là những điều được ghi lại theo thứ tự thời gian. Đó có thể là lời bình luận hay những suy nghĩ cá nhân. Thuật ngữ này là sự kết hợp giữa hai từ tiếng Anh: “mạng lưới toàn cầu” (web) và “nhật ký” (log).

Tán gẫu: Hệ thống tin nhắn nhanh cho phép những người sử dụng giao tiếp qua bàn phím, chủ yếu là gởi những tin nhắn theo thời gian thực. Người sử dụng thường được đòi hỏi sử dụng một biệt danh. Những cuộc tán gẫu thường được chia vào các “phòng” theo chủ đề.

Truyền thông: Thuật ngữ “truyền thông” đề cập đến người tham gia vào tiến trình tương quan giữa các cá nhân và nhóm, và cũng liên quan đến một môi trường văn hoá và xã hội tác động trên mọi người trong một mạng lưới sử dụng những công cụ và những công nghệ trung gian. Ý nghĩa nội tại của hạn từ truyền thông là những giá trị như sự tương giao hỗ tương, việc tham gia vào tiến trình trao và nhận. Việc chúng ta cho rằng mọi người đều tham gia vào tiến trình truyền thông chính là một đề tài của truyền thông ‘xã hội’.

Hệ sinh thái truyền thông: Tất cả những tương quan và những thái độ cá nhân của những người muốn kiến tạo nên một môi trường truyền thông thực sự qua việc chia sẻ những ý tưởng, những giá trị, những mối tương giao trong nhịp sống thường ngày của một cộng đồng và  với những người xung quanh. (trích từ một chú thích của ấn bản SSCS gốc).

Những nguồn lực truyền thông: Thuật ngữ này thường thấy trong tài liệu này và mang nghĩa rộng liên quan đến tất cả những gì có thể dùng, có sẵn và được coi như những phương cách để đạt tới mục đích. Đó có thể là những gì mang tính vật chất (một số lượng nguồn lực cụ thể) hay con người (vd. nguồn chất xám để giải quyết một vấn đề), hoặc mang tính kỹ thuật. Trong một vài trường hợp, những nguồn lực được xác định rõ là có tính “giáo dục” hay “tài chính” hay những tính chất khác.

Phương tiện truyền thông hội tụ: Nhiều sản phẩm truyền thông được kết hợp để  tạo thành một sản phẩm đơn nhất thực hiện nhiều chức năng. (định nghĩa của Hiệp hội Châu Âu).

Không gian ảo: Thuật ngữ này được tìm thấy trong tiểu thuyết Neuromancer (1984) của Wolliam Gibson nhằm ám chỉ đến một không gian giả tưởng, một loại ảo giác chung do những máy tính mạnh tạo ra khi tương tác với con người. Hiện nay thuật ngữ này bao trùm rộng hơn tới cả môi trường ảo hình thành từ tất cả các loại thiết bị kết nối với trang mạng, tạo nên một loại thế giới song song.

Những Ban ngành thực hiện sứ mệnh: Hướng dẫn của Tổng Tu Nghị 26 cho thấy cần có sự phối hợp hơn nữa giữa các ban ngành: Mục vụ Giới trẻ, Truyền thông Xã hội và Truyền giáo, đặc biệt với những lãnh vực sinh động có những hoạt động cần chia sẻ với nhau… trong mỗi trường hợp phải đảm bảo bản chất thống nhất và hữu cơ của mục vụ Sa-lê-diêng.

Kỹ thuật số: (thuật ngữ mở rộng “thế hệ kỹ thuật số”, “phương tiện truyền thông số”, “khoảng cách số”, “đưa vào số hoá”…). Thông tin kỹ thuật số được lưu chứa theo cách sử dụng một loạt con số 1 và 0. Các máy vi tính là các máy kỹ thuật số bởi vì chúng có thể đọc thông tin như “mở”hay “tắt” – 1 và 0. Phương pháp tính toán này, còn gọi là hệ thống nhị phân, khá đơn giản, nhưng nhằm diễn đạt tổng số dữ kiện không thể tin được. Đĩa CD và DVD dùng để chứa và phát ra âm thanh cũng như xem video chất lượng cao, mặc dù chúng chỉ là các số 1 và 0.

Không như các máy vi tính, con người tiếp nhận thông tin dưới dạng “tương tự” (analog). Nhờ qua giác quan, chúng ta nhận biết các tín hiệu theo dòng liên tục. Trái lại, những thiết bị số nhận biết thông tin qua việc dùng những con số 1 và con số 0. Tỷ lệ nhận biết này được gọi là “số lần lấy mẫu”, đã chứa biết bao thông tin trong một mẫu (độ sâu số), xác định tính chính xác của sự nhận biết số.

Một vấn đề không thấy xuất hiện trong tập tài liệu, được gọi là “khoảng cách số”. Vẫn còn nhiều tranh cãi về ý nghĩa của thuật ngữ này và việc nó có ý nghĩa gì đối với người Sa-lê-diêng, mà hẳn nhiên nó vượt quá chuyện chấp nhận cách hời hợt một hạn từ mà dù sao vẫn chưa được đón nhận rộng rãi. Thế nhưng hạn từ này phải được đón nhận trong quan điểm và trong thực hành, như tài liệu này cho thấy cẩm nang Hệ thống Truyền thông Sa-lê-diêng luôn hỗ trợ việc đưa vào số hoá và từ bỏ bất cứ hình thức nào của việc loại bỏ số hoá.

Lục địa kỹ thuật số: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đưa ra thuật ngữ này trong thông điệp Ngày Truyền thông Thế giới năm 2009. Ngài không định nghĩa nó nhưng sử dụng nó như một ẩn dụ không gian để ám chỉ đến “thế hệ kỹ thuật số”. Ngài yêu cầu những nhà truyền thông “đảm nhận trách nhiệm” phúc âm hóa “lục địa kỹ thuật số”.

Truyền thông Giáo dục: Việc kết hợp những chính sách và những hoạt động trong kế hoạch, rồi đem ra áp dụng vào thực tế, lượng giá những tiến trình và những sản phẩm nhằm tạo ra và củng cố hệ sinh thái truyền thông trong những bối cảnh giáo dục, dù là thực tế hay thực tại ảo.

Việc Phúc âm hóa: Việc đưa Tin mừng thấm nhập vào tất cả các tầng lớp xã hội, và qua tác động này,  biến đổi con người từ bên trong và làm tươi mới lại… Giáo hội thực thi việc Phúc âm hoá khi Giáo Hội giúp cá nhân và tập thể nhân loại hoán cải chỉ nhờ qua sức mạnh của Lời Chúa mà Giáo hội công bố, trong những hoạt động mà Giáo hội dấn thân, nơi những cuộc đời và những hoàn cảnh cụ thể của con người. (EN 18)

FOSS:  Phần mểm Tự do Nguồn mở. Loại phần mềm cấp quyền sử dụng tự do cho những người sử dụng, tuỳ nghi nghiên cứu, thay đổi và cải tiến nó qua mã nguồn sẵn có.

Khung quy chiếu: Một hệ thống các giả định và các tiêu chuẩn để hành xử và làm cho có ý nghĩa.

Ngôn ngữ: Tiếng Pháp có sự phân biệt giữa các hạn từ langue (ngôn ngữ hay cái lưỡi) và parole (lời), và đã được đưa vào bộ từ vựng của ngành ngôn ngữ học lý thuyết với tác phẩm GIÁO TRÌNH NGÔN NGỮ HỌC TỔNG QUÁT của nhà ngôn ngữ học Ferdinand De Saussure, xuất bản năm 1915 sau khi ông qua đời, được thu thập lại từ những phần ghi chú của các sinh viên trong đó có hạn từ langage (ngôn phong).

Ngôn ngữ theo nghĩa của từ parole là một thí dụ về từ, một lời được nói ra.

Ngôn ngữ theo nghĩa của langue là cái mà chúng ta có thể hiểu một cách thông thường như là một “ngôn ngữ”, một hệ thống các dấu hiệu.

Ngôn ngữ theo nghĩa của langage (ngôn phong) là một khả năng về ngôn ngữ, hay ý niệm trừu tượng về ngôn ngữ và có thể áp dụng cho các loài vật, con người, rạp chiếu phim, rạp hát…

Mạng lưới, hoạt động mạng lưới: Cẩm nang “Hệ thống Truyền thông Sa-lê-diêng” (SSCS) sử dụng hai thuật ngữ không giống nhau, chủ yếu đề cập đến khái niệm làm việc chung với nhau, thiết lập những mối quan hệ giữa các cá nhân hay các nhóm. Tuy nhiên phải công nhận rằng việc trao đổi hay phát triển những ý tưởng trong một mạng lưới, hay họat động mạng lưới hiểu theo nghĩa “xã hội” này thì không làm mờ nhạt đi hình ảnh sự liên kết nối các điểm như thường được diễn tả về những mạng lưới. Khi điều nghiên về những mạng lưới xã hội hiện nay, người ta thấy chúng hiển thị rõ những “luật” mới và những hấp lực trong hoạt động, nhằm lôi cuốn chúng ta tham gia vào tiến trình này.

Những biên cương mới:“Những biên cương đề cập ở đây không chỉ về mặt địa lý mà còn cả trong lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo” (cha Bề Trên Cả  trong diễn từ kết thúc Tổng Tu Nghị 26).

Những công nghệ mới: Tất cả những công nghệ sản xuất mang lại sự cải thiện đáng kể (cả về mặt làm tăng năng suất lẫn việc tiết kiệm các chi phí)  so với những công nghệ đang được dùng để xử lý trong một lãnh vực cụ thể nào đó. Dầu được định nghĩa như thế, nhưng điều được coi là “mới” thì hiển nhiên đến từ việc tái định nghĩa liên tục, xét như những thay đổi liên tục trong công nghệ. ( Gordon Marshall. “công nghệ mới”. Từ điển xã hội học. 1998.)

Đào luyện liên tục: Sự tiếp nối liên tục tự nhiên và cần thiết cho một tiến trình đã được khởi sự trải nghiệm trong thời gian đào luyện ban đầu (RATIO, ấn bản năm 2000, số 520).

Kế hoạch Tỉnh dòng (còn gọi là Kế hoạch Hữu cơ của Tỉnh dòng) OPP: Kế hoạch chiến lược nhằm sinh động và điều hành tỉnh dòng. Kế hoạch phác thảo một cái nhìn toàn diện về đời sống và sứ mệnh của Tỉnh dòng và đưa ra những chọn lựa nền tảng nhằm điều hướng Tỉnh dòng.

Phương tiện truyền thông cá nhân: Một phương tiện truyền thông kỹ thuật số xuất hiện mới đây “được thiết kế theo lối tương tác, và cho phép những người dùng không chỉ sử dụng những sản phẩm phương tiện truyền thông nhưng có thể tạo ra chúng” (Shiregu Miyagawa, giáo sư ngôn ngữ học và truyền thông Trường Kỹ thuật Massachusetts).

Xuất bản: Chuẩn bị và phát hành (tài liệu in, nhưng hiện nay bao gồm cả kỹ thuật số) những sản phẩm để phân phối hay bán rộng rãi.

Ratio: Huớng dẫn đào luyện thực hành của người Sa-lê-diêng Don Bosco, tập Ratio Fundamentalis Institutionis Et Studiorum vốn được biết đến với một tên gọi đầy đủ (cũng còn được gọi là Việc Đào luyện người Sa-lê-diêng Don Bosco hay FSDB). Ratio “trình bày những nguyên tắc và những tiêu chuẩn phức tạp liên quan đến việc đào luyện được đề cập đến trong Hiến luật, Quy chế Tổng quát cũng như những tài liệu khác của Giáo hội và của Tu hội” (R.87)

Tập san Sa-lê-diêng: Một tạp chí phục vụ sứ mệnh Sa-lê-diêng do Don Bosco khởi xướng và thực hiện, nhắm đến đối tượng độc giả là công chúng hơn là cho Hội dòng. Vì muốn đưa độc giả quan tâm đến những bối cảnh cụ thể mà nhân loại và Giáo hội đang trải nghiệm ngày hôm nay, Tập san cống hiến một lối đọc mang tính Sa-lê-diêng về các sự kiện này, đặc biệt những gì liên quan đến giới trẻ và việc giáo dục.

Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng (SSCS): Một tựa đề khác có tên là “một dự án truyền thông tổng hợp và thống nhất” (cha Martinelli trình bày cho những nhà biên tập tập san Sa-lê-diêng, 1998).

Truyền thông xã hội: “Trong số những khám phá công nghệ tuyệt vời mà những con người tài năng làm được với sự trợ giúp của Thiên Chúa, đặc biệt trong thời đại  hiện nay, Giáo hội chào đón, cổ xuý và quan tâm đặc biệt những gì có liên quan trực tiếp nhất đến tâm trí con người cũng như những xa lộ thông tin mới sẵn sàng chuyển tải những tin tức, quan điểm và giáo huấn về mọi loại. Những phát minh quan trọng nhất là những phương tiện truyền thông như báo chí, phim ảnh, phát thanh, truyền hình và những thể loại tương tự, mà tự bản chất, chúng có thể tác động và ảnh hưởng không chỉ trên những cá nhân, nhưng trên cả những tập thể lớn hay trên toàn thể nhân loại, mà thật có lý khi chúng được gọi là phương tiện truyền thông xã hội” (Inter Mirifica, Vatican II, đoạn dẫn nhập)

Bộ nhớ dịch (TM):  Nơi chứa đựng những đoạn văn nguồn cùng với những bản văn đã được chuyển ngữ tương ứng”. Quả thực, nó có thể được xem như là một ngân hàng dữ liệu mà qua đó những nhà dịch thuật có thể tìm đến những đoạn đã được chuyển ngữ phù hợp với đoạn văn bản hiện tại cần được chuyển ngữ (Bowker, L., 2002. kỹ thuật chuyển ngữ qua máy vi tính: sự giới thiệu thực hành. Canada: Đại Học Báo Chí Ottawa).

Web 2.0 và 3.0: Nếu chúng ta xem web 1.0 là web truyền thống, thì thường nó chỉ “tĩnh”, theo nghĩa là chúng ta có thể đọc một trang web và chẳng làm gì hơn là nhấp vào các đường liên kết của nó để kích hoạt một điều gì đó muốn được xảy ra (video hay âm thanh).  Trong Web 2.0, chúng ta đi từ việc “Đọc” sang việc “Đọc-Viết”; từ dạng html sang AJAX (kỹ thuật xử lý Ajax không đồng bộ); từ trạng thái “tĩnh” sang trạng thái “tương tác”, bao gồm các nhật ký mạng, lối hoạt động theo mạng xã hội. Trong khi chưa có một định nghĩa tươm tất về Web 2.0 (một hạn từ nói lên việc cải tiến), thì thực sự nó cũng chính là “Web” do Tim Berners Lee đặt ra, rồi nay trở thành web 3.0, mà theo ngữ nghĩa, cho phép mọi thứ kết nối với nhau qua một loại ngôn ngữ (gọi là OWL hay ngôn ngữ web), rồi từ đó cho phép các máy tính đọc và hiểu nhằm phục vụ cho lợi ích của những người đọc.

  1. TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH

4.1  Giới thiệu

1.

Tài liệu này bao gồm những điều cơ bản của cấu trúc truyền thông, đường lối và những chính sách hành động cho Hệ thống Truyền thông xã hội Sa-lê-diêng, như được đề cập tới trong những tài liệu của Tu hội Sa-lê-diêng sau Tổng Tu Nghị 20 (1971-2) và trong những năm gần đây. Như thế, nó trở thành một công cụ làm việc cho những ai trách nhiệm việc cổ xuý truyền thông ở cấp độ toàn cầu, cấp khu vực và địa phương. Đặc biệt các hội viên Sa-lê-diêng hãy đọc tài liệu này cùng với tài liệu “Những Hướng dẫn về Đào luyện Truyền thông Xã hội cho các Sa-lê-diêng”.

2.

Tài liệu này gồm ba phần:

Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng.

Những Hướng dẫn về Đào luyện Truyền thông Xã hội cho các Sa-lê-diêng.

Phụ chương.

Phần thứ tư là cuốn sổ tay mang tựa đề người Sa-lê-diêng, nhà Truyền thông, hiện đang được duyệt lại, do đó không có trong tập tài liệu này.

Phần đầu của Tài liệu Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng bao gồm: Lời mở đầu, các khái niệm chính yếu; bảng giải thích thuật ngữ; tầm nhìn và sứ mệnh; những mục tiêu chiến lược; các chính sách; cơ cấu; các vai trò, các nhiệm vụ; phụ chương.

4.2  Tầm nhìn của Don Bosco

3.

Don Bosco có một nhãn quan và sự hiểu biết rộng về truyền thông. Lá thư ngài viết về việc phổ biến những sách báo tốt được xem như một bản hiến chương bộc lộ tâm hồn tông đồ, niềm tin và tầm nhìn bao quát của ngài.

4.

Ngài xem truyền thông là một lãnh vực ưu tiên của sứ mệnh: “Việc phổ biến những sách báo tốt này là một trong nguyên tắc hàng đầu của Tu hội… cha xin các con đừng thờ ơ với phần quan trọng nhất này trong sứ mệnh của chúng ta”[4]. Theo những gì được tư giáo Rua viết lại trong chuyến đi với Don Bosco, truyền thông cũng là mối quan tâm của Don Bosco trong cuộc tiếp kiến đầu tiên với  Đức Thánh Cha Piô IX: Don Bosco đã trả lời câu hỏi của Đức Piô về những gì ngài đã làm ở Tô-rin-nô bằn những lời lẽ này: “Thưa Đức Thánh Cha, con đã dấn thân vào việc giáo dục giới trẻ và xuất bản Tạp chí Bài đọc Công giáo.”(BM 5).

5.

Bên cạnh báo chí và “việc phổ biến những sách tốt”, Don Bosco đã sử dụng tất cả những công cụ và những ngôn ngữ truyền thông có trong thời đại của ngài để đưa vào việc giáo dục: Sân khấu, những buổi dạ hội, âm nhạc…

6.

Don Bosco sử dụng nhiều chiến lược truyền thông nhằm tiếp cận giới trẻ, ngay cả cho một số bạn trẻ thất học và mù chữ. Việc sử dụng các hình thức kể chuyện, những dạng minh hoạ, và việc coi trọng các bí tích cũng mang tầm quan trọng như nhau với một nhà truyền thông hiệu quả, như với các trò chơi, những buổi “huấn từ tối”, việc kể lại các giấc mơ một cách sống động, các chuyện kể, và qua phụng vụ thánh.

7.

Don Bosco nhận thấy sức mạnh của thông tin nhằm mang lại sự sinh động cho gia đình thiêng liêng của ngài, và lôi kéo xã hội tham gia vào sứ mệnh của ngài. Việc hình thành “Tập san Sa-lê-diêng” cho thấy rõ điều này. Theo chân Don Bosco trong việc này, ngày nay, những khả thể cung cấp thông tin và sinh động cộng đồng là rất lớn. Chúng ta có thể kể đến Thông tấn xã ANS, thư luân lưu của Giám tỉnh kể cả qua dạng kỹ thuật số, các website, các mạng xã hội và vân vân.

8.

Nhãn quan của Don Bosco luôn nhắm đến việc giáo dục và phúc âm hóa các người trẻ và giới bình dân. Tiếp đến, ngài đề cập về truyền thông như một hệ thống thực sự liên quan đến mọi người và mọi việc: “Việc xuất bản của chúng ta phải hình thành một hệ thống thứ tự, bao trùm mọi tầng lớp xã hội”[5]. Quả thực, danh từ “hệ thống” rất có ý nghĩa với Don Bosco, đặc biệt ngài dùng để chỉ về mối tương quan giữa những yếu tố đặc trưng mang phong cách giáo dục của ngài: Hệ thống Dự phòng.[6]

4.3  Tầm nhìn năng động của Tu hội

9.

Các đấng kế vị Don Bosco đã thể hiện nhãn quan của ngài một cách năng động, đặc biệt qua các bản văn của các vị Bề Trên Cả, các Tổng Tu Nghị và những tài liệu khác của Tu hội[7].

10.

Quả đúng và cần thiết khi chúng ta phải ngày một biết lưu tâm đến việc dấn thân trong lãnh vực đoàn sủng này, có thái độ tích cực và đảm nhận vai trò hợp tác hơn là tự vệ trước phương tiện truyền thông. Cha Ricaldone khẳng định: “Chúng ta không thể chỉ dừng lại ở thái độ bất bình với điều xấu, nhưng còn phải dùng việc in ấn để truyền bá những sách báo tốt nhằm chống lại điều xấu “. [8]

11.

Nhằm thích nghi với thời đại đổi thay này, với việc phát triển những công nghệ mới và tác động của chúng trên xã hội và văn hóa, nhất là sau Tổng Tu Nghị Đặc biệt (1971-1972), một nhãn quan bao quát và đầy đủ hơn về lãnh vực truyền thông và ý nghĩa đa diện của nó đã đến lúc chín muồi, kể cả về mặt cơ cấu tổ chức, việc phát triển chung và có sự điều phối. Quả thực, Tổng Tu Nghị này đã trích từ báo cáo của cha Ricceri trong đó ngài phải chân nhận “một sự tiếp cận có hệ thống, có phối kiểm phù hợp với tầm quan trọng và sự tương xứng của những thiết bị truyền thông xã hội, đã từ lâu không được cổ xuý”.[9]

12.

Các Tổng Tu Nghị và những văn kiện phát hành sau đó tiếp tục cho thấy những xác tín thuyết phục và hoạt động có hệ thống mới hơn của người Sa-lê-diêng trong lãnh vực truyền thông. Chúng ta có thể ghi nhận:

Ý thức tầm quan trọng của truyền thông như “một dạng thức giáo dục đại chúng, tác nhân kiến tạo nền văn hóa, một trường học khác”[10];

Độ ưu tiên của lãnh vực này trong việc giáo dục và phúc âm hóa[11];

Một nhãn quan truyền thông bao quát hơn xét như một chiều kích nhân bản mang tính tương giao và sự tiến bộ của xã hội loài người xét như một mục đích trên hết[12];

“Việc khai thác tất cả các hình thức và những lỗi diễn tả về truyền thông: Truyền thông liên vị, truyền thông sứ điệp nhóm, và sử dụng các nguồn lực giáo dục truyền thông”[13];

Giá trị của truyền thông xét như một nơi gặp gỡ mới cho các người trẻ[14]; mô hình hóa những dịch vụ, việc lãnh đạo và việc điều phối những chính sách, các cơ cấu: Tổng Cố Vấn Truyền Thông Xã hội[15] và Uỷ Viên Tỉnh Dòng[16]; vai trò của Giám tỉnh và Ban Cố Vấn[17]; sự tham gia của mỗi hội viên[18]; các kênh thông tin và các trung tâm sản xuất[19]; trách nhiệm của các Uỷ ban cấp tỉnh[20];

Trình độ chuyên môn và đào tạo cá nhân[21].

13.

Giai đoạn từ 1990 đến nay, những tiến bộ mới và phi thường trong thế giới truyền thông kỹ thuật số thật trổi vượt. Tổng Tu Nghị 26 vào năm 2008 đã trình bày nó như là một “biên cương mới”, nơi “chúng ta cảm thấy bị chất vấn bởi chính những công nghệ mới và những thách đố về giáo dục mà chúng đặt ra”. Tổng Tu Nghị nhận ra rằng giới trẻ đang sống trong nhiều thế giới ảo… và chúng ta không phải lúc nào cũng có thể chia sẻ và sinh động chúng nếu không được đào luyện, dành thời gian và có sự nhạy cảm”(số 102). Giữa những cách khác, TTN 26 đã đề xuất, việc “sử dụng có trách nhiệm, việc sinh động giáo dục và phúc âm hóa hiệu quả hơn nữa”(số 104), và các cộng thể hãy “sử dụng những công nghệ truyền thông để làm cho sự hiện diện của họ trở nên khả thể hơn nữa và để truyền bá đoàn sủng”(số 110).

4.4  Sứ mệnh

14.

Cẩm nang Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng (SSCS) cổ xuý một môi trường truyền thông Sa-lê-diêng, đó là việc phối hợp các cá nhân, các công cuộc, các dự án và các hoạt động. Hệ thống muốn đưa sự phát triển và việc ứng dụng các nguồn lực truyền thông nhằm vào việc giáo dục và phúc âm hóa các người trẻ và xã hội, đặc biệt các trẻ nghèo. Hệ thống không thực hiện việc này một mình, nhưng cộng tác với các ban ngành khác trong sứ mệnh Sa-lê-diêng.

4.4.1  Những xác tín và những giá trị

15.

Những xác tín và những giá trị là những ý niệm nhằm chân nhận, mô tả và điều hướng các hoạt động truyền thông của Tu hội Sa-lê-diêng.

16.

Thuật ngữ communication muốn nói đến những người tham gia vào các mối quan hệ cá nhân và nhóm, nhưng bao hàm cả môi trường văn hóa và xã hội của những người trong một mạng lưới, qua trung gian là những công cụ và những công nghệ. Những giá trị nội tại nằm bên trong hạn từ truyền thông là sự hỗ tương, sự tham gia, việc trao và nhận. Đây là lý do mà chúng ta có thể nói rằng mọi người tham gia vào tiến trình truyền thông đều là một đối tượng của truyền thông “xã hội”.

17.

Con người là một hữu thể mang tính truyền thông, đối thoại, một hữu thể đối với tha nhân, một điều kiện và khả thể cho mỗi và mọi hoạt động truyền thông. Tất cả chúng ta là những nhà truyền thông mặc dù không phải là những nhà truyền thông chuyên nghiệp.

18.

Truyền thông nhân bản hiệu quả và chân thực là một tiến trình tương quan nhân linh, trong đó ngoài việc truyền đi những thông điệp rõ ràng, còn có thể làm phát sinh:

Sự Hiểu biết:

Sự Hiệp thông

Sự Liên đới

Sự Tham gia

Sự Kính trọng

Việc làm phong phú cho nhau

Việc thăng tiến những mối tương giao nhân vị

Cùng nhau sống trong tình bằng hữu.

19.

Nội dung quan trọng nhất của truyền thông là chính ân ban này: Thiên Chúa bày tỏ chính Người cho nhân loại nơi Đức Giê-su Phục sinh. Niềm xác tín quan trọng nhất của người Sa-lê-diêng liên quan đến việc này là: Trở thành nhân chứng cho tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Đức Kitô và thông truyền điều này qua những dấu hiệu, những biểu tượng và những ngôn ngữ của truyền thông.

20.

Việc phúc âm hóa, huấn giáo và giáo dục không thực hiện được nếu không có một tiến trình truyền thông đầy tính nhân bản một cách tương thích.

21.

Truyền thông là một ân ban của Thiên Chúa, mang tầm quan trọng cơ bản trong việc giáo dục và phúc âm hóa của thời đại chúng ta.

22.

Truyền thông là một lãnh vực hoạt động rộng lớn nằm trong số những ưu tiên mục vụ của sứ mệnh Sa-lê-diêng.

23.

Đoàn sủng Sa-lê-diêng mang một tiềm thể mới mẻ trong lãnh vực truyền thông.

24.

Hệ thống Dự phòng của Don Bosco hàm chứa một phong thái truyền thông Sa-lê-diêng.

25.

Đây là lý do giải thích tại sao chính sách truyền thông của Tu hội Sa-lê-diêng lại dựa trên những tiêu chuẩn vốn là nét đặc trưng của hoạt động Sa-lê-diêng. Những tiêu chuẩn này xác định rõ những quyết định chính yếu và phương cách thực hiện trong lãnh vực này:

4.4.2  Những Tiêu chuẩn quan trọng cho Truyền thông Sa-lê-diêng

Nhập thể

26.

Đoàn sủng mang sắc thái trẻ trung và bình dân của đời sống Sa-lê-diêng hướng dẫn những nỗ lực truyền thông của cả cộng thể lẫn từng cá nhân. Điều này khiến cho việc truyền thông hướng tới sự thiết lập một mối tương giao tích cực rộng mở và liên đới với các người trẻ và với mọi người nói chung, và trong cách thức này, truyền thông của chúng ta cũng giới thiệu những công cuộc và các hoạt động trong những bối cảnh khác nhau trong thế giới Sa-lê-diêng. Cũng tương tự như những hoàn cảnh cuộc sống thực tế, chúng ta cần cung cấp một sự giải thích được cập nhật về các sự kiện và những hoàn cảnh thế giới từ nhãn quan hội nhập văn hoá của việc phúc âm hóa và giáo dục.

Chứng tá ơn gọi

27.

Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng (SSCS) cần nỗ lực làm cho hình ảnh của người trẻ trở thành chứng tá dấn thân của người Kitô hữu trong việc làm cho xã hội biến đổi. Chúng ta ý thức rằng “việc phục vụ giáo dục trước tiên mà người trẻ mong đợi từ chúng ta là chứng tá về một đời sống huynh đệ như một lời đáp trả cho nhu cầu truyền thông sâu xa của các người trẻ, như một lời đề xuất rất nhân bản, một lời tiên tri về Nước Chúa, một lời mời gọi đón nhận ân ban của Thiên Chúa” (GC25, 7). Nhằm mở rộng mối tương giao bạn bè và với những ai trách nhiệm các hoạt động trẻ trung và bình dân, chúng ta cam kết khơi lên sự quan tâm đến hoàn cảnh của các người trẻ và những nhu cầu của chúng, trong sứ mệnh của Don Bosco, trong công cuộc thăng tiến nhân bản và phúc âm hóa của ngài, và trong những hoạt động nhằm giúp các người trẻ và mọi người vượt khỏi những khó khăn trước mắt, theo lối nhìn về sự tăng triển của họ như những nhân vị. Chúng ta nghĩ về hạn từ “bán” như việc khơi lên những ơn gọi Sa-lê-diêng mới: Kiến tạo nên một phong trào rộng lớn theo phong cách Don Bosco.

Phúc âm hóa và giáo dục

28.

Đoàn sủng Sa-lê-diêng là một đoàn sủng giáo dục. Phúc âm hoá bằng giáo dục và giáo dục bằng phúc âm hoá thâu tóm hoạt động Sa-lê-diêng trong lãnh vực truyền thông. Đối với chúng ta, những đứa con tinh thần của Don Bosco và của Thánh Phan-xi-cô Sa-lê, hoạt động như thế được các ngài thực hiện trong những sự chọn lựa hài hoà một cách hoàn hảo. Do đó, truyền thông Sa-lê-diêng mang tính giáo dục, và thể hiện như một sự dấn thân trong nền văn hóa và giáo dục, một sự bảo vệ truyền thống văn hóa Sa-lê-diêng, một sự đáp trả những nghi vấn truyền thông cũng như những kỹ năng của nhà giáo dục và giới trẻ trong lãnh vực này, và như là nội dung và hình thức truyền thông. Chúng ta tin tưởng sự dấn thân của chúng ta trong việc giáo dục là “sự đóng góp quan trọng bậc nhất của chúng ta nhằm thay đổi thế giới và chuẩn bị cho Vương quốc Thiên Chúa đến”(GC24,99).

Hệ thống dự phòng

29.

“Sự đóng góp độc đáo mà chúng ta có thể cung cấp cho sự nghiệp giáo dục được gọi là hệ thống dự phòng” (GC 24,99) vốn là tâm điểm của môi trường truyền thông. “Theo suy nghĩ của Don Bosco và truyền thống Sa-lê-diêng, hệ thống dự phòng tiếp tục được nhận biết trong tinh thần Sa-lê-diêng: Đó chính là việc giảng dạy, chăm sóc mục vụ, linh đạo, được kết hợp thành một kinh nghiệm năng động nối kết các giáo viên (xét như những cá nhân và các cộng thể) với các học sinh, nội dung và những phương pháp, những thái độ và những lối hành xử được nhận biết rõ ràng” (GC21,96). Truyền thông Sa-lê-diêng được đặc trưng hoá nhờ hệ thống dự phòng… …nó quảng bá những giá trị của tinh thần Sa-lê-diêng xét như sự thúc bách mục vụ, một cảm thức về Thiên Chúa và Giáo hội, sự ưu ái đối với các người trẻ, tinh thần gia đình, sự lạc quan và vui tươi, một cảm thức thực tế về mọi chuyện, tính sáng tạo và mềm dẻo, làm việc và tiết độ, và việc thực hành hệ thống dự phòng – một hình thái “trợ giúp” được thực hiện bởi lý trí, tôn giáo, sự từ ái. Những tính chất quan trọng này làm nên một mẫu hình lý tưởng và  đáng mong ước của một nhà giáo dục Sa-lê-diêng.

Đạo đức và tính Chuyên nghiệp

30.

Giống như tất cả các hoạt động của con người, hoạt động Sa-lê-diêng trong chiều kích truyền thông hàm chứa những tiêu chuẩn đạo đức và nghề nghiệp dựa trên bản chất của việc giáo dục và phúc âm hoá của hoạt động này. Đạo đức thể hiện tính chân thật nghề nghiệp của nhà truyền thông trong nỗ lực luôn tìm kiếm sự thật, trong thái độ kiên định mẫu mực, không phải như kẻ chiến thắng dương dương tự đắc cũng không phải như một thứ khung tự quy chiếu, nhưng trong một thái độ dân chủ biết tôn trọng sâu xa trước những sự kiện bên ngoài và những kẻ thụ hưởng mà người đó phục vu, không hề có sự gian dối, lừa gạt hay mánh khoé, biết tôn trọng bản quyền, hình ảnh, đời tư, và pháp luật. Phẩm chất chuyên môn liên quan đến cách thức làm việc cẩn thận, tương ứng với bản chất thực tế của công việc mà chúng ta đang giải quyết. Đối với truyền thông, điều này có ý muốn nói: Sự đánh giá dữ kiện có hệ thống, có phê bình và liên tục; nhận biết người thụ hưởng nhằm phân biệt sự tương tác và thông tin; phẩm chất của hình thức và nội dung, thích nghi theo những khả năng của người thụ hưởng và những đòi hỏi về kiểu mẫu truyền thông.

Truyền thông đa phương tiện:

31.

Để thực thi sứ mệnh cách hiệu quả, chúng ta hãy nhìn vào Don Bosco là người luôn khích lệ những sáng kiến và những hình thức truyền thông, chẳng hạn như sân khấu, âm nhạc, nghệ thuật, văn chương… mỗi phương tiện có thể truyền thông mà không mất đi ý thức giáo dục chung trong sứ mệnh của chúng ta. Truyền thông đa phương tiện là một đòi hỏi của đoàn sủng Sa-lê-diêng: Một công cụ kiến tạo sự hiệp thông trong việc thể hiện sứ mệnh Sa-lê-diêng trên thế giới; một sự đáp trả các nhu cầu của việc giáo dục toàn vẹn bao hàm cả việc chia sẻ những sự hiểu biết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau; một sự thể hiện vai trò lãnh đạo và đặc tính liên hệ của tiến trình giáo dục Sa-lê-diêng.

Nhân quyền

32.

Một trong những quyền này (quyền thế hệ thứ ba) là quyền được truyền thông. Quyền này thì rất cần cho người nghèo và do đó là một quyền mà toàn thể gia đình Sa-lê-diêng phải xúc tiến và hỗ trợ. Gia đình Sa-lê-diêng có thể trở thành tiếng nói cho thấp cổ bé miệng và giúp đỡ những ai mà tiếng nói của họ không được lắng nghe.

Hệ thống

33.

Làm việc một cách có hệ thống nghĩa là làm việc với một tầm nhìn được chia sẻ, trong sự liên đới với Giáo hội và Tu hội, theo những chính sách và những kế hoạch chung ở nhiều cấp độ và với những bộ phận liên quan; nó cũng có nghĩa là một công cuộc nào đó có mối tương quan với những con người, với mạng lưới trong nội bộ chúng ta và với những tổ chức khác ngoài xã hội cùng có chung một sứ mệnh. Sự rộng mở cho lối hoạt động nhóm và tham phần là một đường hướng vững bền trong kế hoạch và tổ chức của chúng ta xét như  một Tu Hội, một Gia đình và một Phong trào Sa-lê-diêng. Ngày nay, chúng ta mạnh dạn mô tả nó như một hệ sinh thái.

Làm việc theo mạng lưới

34.

Lối làm việc theo mạng lưới giữa các cá nhân và nhóm đòi phải có những phẩm chất chân thực và đích thật, cũng như khả năng xây dựng sự tín nhiệm và các mối quan hệ vững bền. Nó cũng muốn nói đến việc con người cần có sự hướng dẫn hay nhìn thấy những “chứng cứ” khi họ phải quyết định, cũng như tính năng động này thực sự phải có trong lối làm việc theo mạng lưới nơi những con người.

  1. NHỮNG MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC

 

5.1  Những người Thụ hưởng / Những Vai trò chủ chốt và những Nhu cầu của họ

35.

Mục tiêu hành động ưu tiên của toàn Tu hội Sa-lê-diêng cũng như với mỗi người Sa-lê-diêng trong lãnh vực Truyền thông Xã hội, là chính các người trẻ, đặc biệt những em nghèo khổ nhất. Môi trường bình dân và truyền giáo lại là đối tượng ưu tiên khác. Với tất cả những đối tượng thụ hưởng của sứ mệnh, truyền thông phải nhắm đáp ứng các nhu cầu của chúng về mặt giáo dục và phúc âm hóa. Như đã nói, cả lối tiếp cận của Don Bosco và sự hiểu biết hiện nay của chúng ta về “hệ sinh thái” như đã được áp dụng trên các cá nhân và các nhóm, thì không chỉ cho những người thụ hưởng, nhưng cho cả những người đóng vai trò chủ đạo.

5.1.1  Người trẻ cần

36.

Có óc sáng tạo và đóng vai trò chủ động trong sự trưởng thành của chúng, trong xã hội, và với chúng ta trong sứ mệnh;

Hiểu biết, và sử dụng thành thạo những nguồn lực và những tiến trình truyền thông trong việc giáo dục chúng, cũng như xây dựng mối tương giao với Thiên Chúa, con người, thiên nhiên và xã hội;

Nhận thức rõ cách thức tương tác với những phương tiện truyền thông và sống trong một thế giới liên kết mà chúng là thành phần trong đó;

Biết được những thông tin trợ giúp sự trưởng thành của chúng trong xã hội, kế hoạch đời sống của chúng, và mối quan hệ của chúng với thế giới;

Biết được những thông tin về Tu hội, Giáo hội, Đời sống Tu trì.

Được đào tạo trong một thời đại kỹ thuật số và biết sử dụng có trách nhiệm các thể loại truyền thông (đám đông, công chúng, cá nhân, nhóm quy tụ, vân vân…) để dấn thân cách tích cực và có khả năng như những người biết sáng tạo với những cơ hội mà truyền thông xã hội mang lại (mạng xã hội, website), cũng như trong những dạng thức diễn đạt bình dân và trẻ trung.

5.1.2  Những môi trường bình dân và truyền giáo cần

37.

Những nguồn lực truyền thông phù với việc đào tạo và phát triển cho giới bình dân về mặt chính trị-xã hội, văn hóa và tôn giáo;

Những nguồn dữ liệu và nghiên cứu về giới trẻ;

Lối làm việc theo mạng lưới để trao đổi và thống nhất các kế hoạch;

Cổ xuý nhân quyền, bao gồm quyền được truyền thông.

Nhận thức rõ cách thức tương tác với những phương tiện truyền thông và sống trong một thế giới liên kết mà họ là thành phần trong đó.

38.

Những người thụ hưởng / những người tham gia chính yếu khác bao gồm các hội viên Sa-lê-diêng, những người đời chia sẻ trách nhiệm với chúng ta, Gia đình Sa-lê-diêng, những người hỗ trợ Don Bosco, xã hội (các phương tiện truyền thông, chính quyền, công dân, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức của Giáo hội, những ban ngành đặc thù khác). Những hoạt động trong lãnh vực truyền thông sẽ đáp trả được cho những nhu cầu của họ và đảm bảo những việc phục vụ này mang lại lợi ích cho những mục tiêu ưu tiên của họ.

5.1.3  Người Sa-lê-diêng cần

39.

Ý thức rõ họ là “người khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa [nơi người trẻ] và mời gọi họ mở lòng trước mầu nhiệm tình yêu của Chúa.”(GC 26. 2)

Hiểu biết ngôn ngữ của người trẻ;

Biết cách trình bày những chân lý với phương cách và những dạng thức lô-gíc phi tuyến tính (ngôn ngữ của hình ảnh, thiết kế đa phương tiện, diễn đạt qua chuyện kể…);

Rộng mở với thái độ lạc quan, biết đón nhận với óc nhận định và biết sử dụng thành thạo những công cụ cũng như những ngôn ngữ của người trẻ;

Được chuẩn bị cho vai trò những người sinh động văn hóa;

Được đào luyện liên tục để biết làm truyền thông một cách chuyên nghiệp;

Có những chất liệu giúp thực thi sứ mệnh giáo dục và mục vụ;

Có được những thông tin về đời sống của Tu hội, về Gia đình Sa-lê-diêng, giới trẻ và giáo dục;

Kiện cường tính thuộc về và quan tâm tới sự tăng trưởng của cộng đoàn (sự hiệp lực tập thể);

Có khả năng đưa những sứ điệp giáo dục và phúc âm hóa hội nhập vào trong văn hóa truyền thông ngày hôm nay;

Phổ biến những nguyên tắc và những giá trị Sa-lê-diêng;

Sẵn sàng sử dụng đúng mức những công cụ trong bối cảnh sứ mệnh và phù hợp với những chỉ dẫn của đời tu.

Luôn sẵn sàng để làm việc theo mạng lưới.

5.1.4  Tu hội cần

40.

Người Sa-lê-diêng được đào tạo để trở thành những người loan báo Tin Mừng, những nhà giáo dục và những nhà truyền thông;

Một hệ thống truyền thông chuyên nghiệp, ổn định, mềm dẻo (kế hoạch chiến lược hội nhập, mạng lưới, những cấu trúc và những công cụ thích hợp, tương giao xã hội, hệ sinh thái, phương tiện truyền thông);

Nhân sự có chuyên môn;

Thông tin và sự chuẩn bị cho những kế hoạch sinh động;

Một tư duy nhận thức được tầm quan trọng của việc chia sẻ trách nhiệm với người đời trong lãnh vực này (x. GC24);

Những trung tâm đào tạo và xuất bản (các phương tiện và những nguồn lực – những công việc giao dịch);

Về mặt xã hội, cần kiện cường hình ảnh Tu hội như một tổ chức chuyên lo giáo dục và phúc âm hóa nhằm phục vụ giới trẻ nghèo và giới bình dân;

Có sự thông tin giữa Trung ương và các Tỉnh dòng.

5.1.5  Người đời chia sẻ trách nhiệm với chúng ta cần

41.

Nhận biết họ như những cộng sự viên thật sự với chúng ta trong sứ mệnh Sa-lê-diêng;

Hiểu biết ngôn ngữ của người trẻ;

Biết về hệ thống Sa-lê-diêng;

Được đào tạo thành những người sinh động và lãnh đạo văn hóa;

Được đào tạo sử dụng những nguồn lực truyền thông trong giáo dục;

Được chuẩn bị cho lối làm việc mạng lưới;

Có những tài liệu và công cụ cho việc giáo dục và mục vụ;

Những nguồn lực truyền thông mới mẻ.

 

5.1.6  Gia đình Sa-lê-diêng cần

42.

Tài liệu và những công cụ đào tạo cho việc

 giáo dục và mục vụ;

Những nguồn lực truyền thông phục vụ cho sứ mệnh;

Có sự liên kết giữa các thành phần trong gia đình Sa-lê-diêng và với các đoàn thể dân sự và Giáo hội khác.

Gìn giữ gia sản;

Tiếp cận với những nguồn lịch sử của Gia đình Sa-lê-diêng;

Có những thông tin cập nhật về những sự kiện của thế giới Sa-lê-diêng;

5.1.7  Giáo hội và xã hội cần

43.

Những thông tin mà thế giới truyền thông cần lưu tâm cũng như những thông tin giúp tăng cường sự nhận thức;

Thông tin chính xác và tốt lành về giới trẻ, giáo dục, Giáo hội, tôn giáo, xã hội…;

Việc truyền bá những giá trị của một nền văn hóa công bằng, hòa bình, liên đới và sự hiệp thông;

Những cống hiến tinh thần được trình bày qua phương tiện truyền thông mới;

Kêu gọi những người thiện chí giúp chúng ta cổ xuý sứ mệnh phục vụ giới trẻ.

Những Kết quả mong muốn

Những kết quả mong muốn là:

44.

Giới trẻ, đặc biệt những bạn trẻ nghèo, có thể hiểu biết, quản lý và sử dụng các tiến trình, ngôn ngữ và những nguồn lực truyền thông trong mối tương giao với Thiên Chúa, với con người, thiên nhiên, xã  hội, và được thông tri về những bước phát triển trong việc phúc âm hóa, về Giáo hội, Đời sống Tu trì, về Tu hội và Tỉnh dòng.

45.

Những nguồn lực truyền thông cần phục vụ thích đáng những môi trường bình dân và truyền giáo trong việc đào tạo và thăng tiến về mặt chính trị – xã hội, văn hoá, tôn giáo, cũng như qua những thông tin và việc nghiên cứu về giới trẻ.

46.

Những người Sa-lê-diêng phải sẵn sàng đảm nhận vai trò người sinh động văn hoá và có khả năng hiểu biết cũng như nắm bắt được những ngôn ngữ mới của truyền thông với sự hỗ trợ của những nguồn lực truyền thông cho sứ mệnh giáo dục của họ. Họ cũng biết tiếp nhận những thông tin về Tu hội, Gia đình Sa-lê-diêng, giới trẻ và việc giáo dục, đồng thời biết truyền bá những xác tin và những giá trị Sa-lê-diêng.

47.

Qua hệ sinh thái truyền thông chuyên nghiệp, Tu hội luôn phục vụ cho sự hiệp thông và sứ mệnh với những con người đầy nhiệt huyết, có năng lực, kiên định, có  một tầm nhìn và biết làm việc chung; với các trung tâm đào tạo và sản xuất, những công cụ thích hợp cho đào tạo, và với một hình ảnh của một tổ chức giáo dục và phúc âm hoá nhằm phục vụ các người trẻ nghèo, tầng lớp thợ thuyền, biết làm việc liên kết với các cơ cấu tổ chức và các nhóm khác có cùng mối quan tâm đến các người trẻ.

48.

Người đời chia sẻ trách nhiệm với các người Sa-lê-diêng, có thể hiểu được ngôn ngữ của các người trẻ, biết về hệ thống dự phòng, được đào tạo thành những người sinh động văn hóa, và được những nguồn lực truyền thông hỗ trợ trong công việc giáo dục và mục vụ của họ, cũng như được thông tin về hiện trạng giới trẻ và việc giáo dục.

49.

Gia đình Sa-lê-diêng cần có sự hiểu biết về lịch sử và các sự kiện Sa-lê-diêng và di sản này phải được bảo tồn; các thành viên cần được hỗ trợ từ những nguồn lực truyền thông cho công việc hoạt động giáo dục và mục vụ của họ.

50.

Giáo hội và xã hội cần biết được những thông tin mà thế giới truyền thông lưu tâm (bao gồm những thông tin chính xác về giới trẻ và giáo dục, Giáo hội và tôn giáo), và cả việc đào tạo ý thức cũng như thứ văn hóa hòa bình.

5.2  Những Thành phần liên quan

51.

Nhằm cổ xuý Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng hay hệ sinh thái truyền thông, có những thành phần với phẩm chất đặc biệt cần được xem xét tới:

NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC được quan tâm trước hết và trên hết trong mối tương giao liên vị giữa thế hệ lớn tuổi và các người trẻ, giữa giáo dân và tu sĩ. Trong tinh thần của hệ thống dự phòng, mọi người đều phải giúp làm tăng triển các kỹ năng hiệp thông, việc cùng chung sống trong sự tự tin và tình bằng hữu, những mỗi tương giao và cộng tác về mọi mặt.

CÁC CỘNG THỂ SA-LÊ-DIÊNG và CÁC CỘNG ĐỒNG GIÁO DỤC, mặc dù khác biệt về vai trò và trách nhiệm, nhưng vẫn cùng nhau chịu trách nhiệm về việc phát triển sự hiệp thông.

NHỮNG CHUYÊN VIÊN với những vai trò đặc thù và trách nhiệm về truyền thông, cần được tổ chức xác định, cả trong lẫn ngoài cộng thể.

NHỮNG NHÀ QUẢN LÝ VÀ NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO ở mọi cấp với trách nhiệm của mình: Trên cấp độ Tu hội là Cha Bề Trên Cả và Ban Cố Vấn của ngài, vị Tổng Cố Vấn Về Truyền Thông và Ban Truyền Thông;

Trên cấp độ quốc gia hay vùng miền là Uỷ viên vùng hay quốc gia hoặc Điều phối niên;

Trên cấp  độ tỉnh dòng là Cha Giám tỉnh với ban Cố Vấn của ngài, uỷ viên và nhóm truyền thông;

Ở cấp địa phương, Giám đốc và Ban Cố Vấn của ngài và Điều Phối Viên  cùng vớiĐiều phối viên và nhóm Truyền thông địa phương. 

Chúng ta cần nhìn nhận hệ thống này là một hệ sinh thái truyền thông thực sự, và cho dẫu những tổ chức như đài phát thanh, truyền hình và những website khiêm tốn tự chúng vẫn mở ra cho thế giới, chúng ta vẫn bao hàm toàn thể xã hội vào trong danh sách này, và còn đặc biệt là bao gồm cả một loại xã hội vượt xa những cộng thể Sa-lê-diêng địa phương và những công cuộc của họ (một xã hội ảo ngoài thứ xã hội vật lý và địa lý).

5.4  Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng – những lãnh vực hoạt động

5.4.1  Sinh động

52.

Sinh động trở thành lối suy nghĩ và hành động cơ bản của người Sa-lê-diêng giữa mọi chuyện khác. Tài liệu “Những hướng dẫn cho việc đào luyện người Sa-lê-diêng về lãnh vực Truyền thông xã hội” cũng như việc quản trị truyền thông trong những tiến trình giáo dục và trong những mối tương giao bên trong và bên ngoài, giúp đưa ra những tiêu chuẩn áp dụng cho việc sinh động này.

5.4.2  Đào luyện

53.

Việc đào tạo giúp phát triển những kỹ năng truyền thông, cách điều hành truyền thông trong những tiến trình giáo dục và kiến tạo những mối tương quan bên trong và bên ngoài của Tu hội.

5.4.3  Thông tin

54.

Những thông tin Sa-lê-diêng giúp nuôi dưỡng ý thức thuộc về cũng như sự hiệp thông, việc giáo dục và phúc âm hóa các người trẻ, kiến tạo ý thức và huy động những người tham gia vào sứ mệnh Don Bosco. Những thông tin cũng trình bày một hình ảnh thích đáng về của Tu hội.

5.4.4  Việc xuất bản

55.

Việc xuất bản nhắm đến việc sản xuất và hỗ trợ những chương trình, những nguồn lực, sự hiệp thông, các tổ chức và công cuộc, các website, nhằm phục vụ sứ mệnh giáo dục và mục vụ đối với các người trẻ. Điều đó cho thấy rằng chúng ta cần phân biệt giữa những hoạt động xuất bản chung ở nhiều cấp độ truyền thông, và những đòi hỏi xuất bản đặc biệt trên cấp độ kinh doanh.

  1. NHỮNG CHÍNH SÁCH

 

6.1  Chính Sách Truyền Thông của Tu Hội

56.

Truyền thông được triển khai trong bộ khung của sứ mệnh Sa-lê-diêng đối với các người trẻ, một chiều kích xuyên suốt trong tất cả mọi hoạt động giáo dục và mục vụ. Nó được coi như một hoạt động có cùng một cấp độ với các công cuộc Sa-lê-diêng khác, và như một lãnh vực hoạt động của sứ mệnh. Việc quản trị những tiến trình và những sản phẩm cũng nhắm kiến tạo và làm gia tăng những môi trường truyền thông Sa-lê-diêng. Vì tính thiết yếu và độc đáo  của sứ mệnh, truyền thông Sa-lê-diêng cũng cần có sự điều phối và hòa điệu với tất cả các ban ngành khác trong sứ mệnh Sa-lê-diêng.

57.

Các hoạt động của Hệ thống Truyền thông Sa-lê-diêng được nối kết nhằm tạo ra những kết quả phù hợp với những xác tín và những giá trị Sa-lê-diêng, cũng như tình liên đới và sự hòa bình trong một xã hội rộng lớn, xét như việc phục vụ cho sự hiệp thông đoàn sủng trong Tu hội và trong gia đình Sa-lê-diêng.

Hoạt động truyền thông của Tu hội hoàn toàn phục vụ cho sứ mệnh của Giáo hội, chú tâm vào việc giáo dục và phúc âm hóa các người trẻ, đặc biệt những bạn trẻ nghèo khổ, cũng như giáo dục đức tin cho những người thuộc giới bình dân.

59.

Thực thi việc truyền thông là trách nhiệm của mọi người, dưới sự lãnh đạo và điều phối của Tổng Cố Vấn Truyền Thông ở trên cấp thế giới, các Giám Tỉnh và các Uỷ viên ở trên cấp tỉnh dòng. Nó bao hàm những hoạt động có hệ thống, với những chính sách và những kế hoạch chung xét như một phần của Chương trình Sinh động của cha Bề Trên Cả cùng Ban Cố Vấn của ngài và của Kế hoạch Tỉnh Dòng(OPP).

60.

“Truyền thông Xã hội vượt ra ngoài khuôn khổ của một tỉnh dòng. Vì thế cần nghĩ đến nó như một mạng lưới. Nếu những nỗ lực của một tỉnh dòng không thể giải quyết được vấn đề thì cần sự hợp tác của nhiều tỉnh dòng khác” (AGC 370.41).

61.

“Nên có một sự liên kết và hợp tác (liên quan đến những việc phục vụ này) giữa những người chịu trách nhiệm về truyền thông và vị Tổng Cố Vấn Truyền Thông Xã Hội”(R. 31). “Những nhà xuất bản trong cùng một đất nước hay trong khu vực nên nghĩ ra những phương cách cộng tác thích hợp, chẳng hạn đi theo một kế hoạch thống nhất”(R. 33).

62.

Theo những đường hướng này,  những quốc gia và những vùng miền nào có cơ hội và sự thuận lợi, thì có thể tổ chức những buổi hội thảo, thành lập những nhóm, xây dựng cơ sở và các trang thiết bị, hay có thể chia sẻ những sự phục vụ, sự tư vấn và liên kết truyền thông nhằm phục vụ các tỉnh dòng. Những cơ sở, trang thiết bị và những sự phục vụ này cần được quản trị theo những quy định đặc biệt hay những khế ước được các tỉnh dòng đồng thuận, với sự tham gia của vị Tổng Cố Vấn Vùng sau khi đã tham khảo vị Tổng Cố vấn đặc trách Truyền thông Xã hội.

63.

Công việc truyền thông càng thăng tiến khi những kỹ năng truyền thông của các cá nhân và của những tổ chức được cải thiện. Những kỹ năng (một hạn từ được các nhà giáo dục ngày hôm nay sử dụng) có thể được lượng giá một cách khách quan. Việc lượng giá này được thực hiện theo các chỉ số và thông số khách quan nhằm đánh giá mức độ thành tựu của những thành quả đạt được và thực hiện theo tiêu chuẩn đã đề ra. Việc này được những người có liên quan thực hiện, nhằm đánh giá tính hiệu quả của kế hoạch và những tiến trình đã khởi sự, cũng như hướng dẫn những bước tiếp theo.

64.

Tính chất thống nhất và cấu trúc hữu cơ của sứ mệnh Sa-lê-diêng cho thấy khả thể và nhu cầu liên kết các ban ngành (ví dụ Mục vụ Giới trẻ,Truyền thông xã hội, Truyền giáo), đặc biệt trong việc góp phần vào những hoạt động chung.

6.2  Những chính sách hoạt động cho khu vực

6.2.1  Sự sinh động

65.

Thực hiện việc sinh động và truyền thông trong tiến trình giáo dục cần xem xét đến:

Truyền thông đại chúng, truyền thông nhóm và cá nhân,  đặc biệt truyền thông xã hội xét như những phương tiện thông tin và triển khai những mô hình sáng tạo cũng như những tư duy mới; tất cả đều đòi phải lưu tâm đặc biệt đến việc giáo dục.

Thực hành việc truyền thông trong cộng đồng giáo dục, biết coi trọng vai trò lãnh đạo và sự tham gia;

Đưa ra những sứ điệp;

Việc giáo dục truyền thông, được xem như những công cụ sử dụng trong những tiến trình giáo dục tổng quát, giáo dục truyền thông, liên quan đến sự hiểu biết cần thiết về những phương tiện truyền thông, không chỉ như những công cụ mà còn là ngôn ngữ và văn hóa, và giáo dục truyền thông nhắm đến việc đào tạo những chuyên viên;

Những trình diễn nghệ thuật, các hoạt động văn hóa, âm nhạc, thể thao và giải trí theo phong cách tiêu biểu của Sa-lê-diêng;

Quan tâm môi trường trong những khía cạnh khác nhau;

Rộng mở trước “những dạng thức giáo dục và phúc âm hóa vốn nhấn mạnh truyền thông như một lãnh địa sống mới của các người trẻ.”

66.

Thực hiện việc  sinh động và truyền thông trong những tương giao nội bộ cần xem xét đến:

Nỗ lực liên tục nhằm xây dựng một cộng đồng có một tầm nhìn chung và cùng tham phần vào sứ mệnh, có tinh thần Sa-lê-diêng và kế hoạch, một bầu khí gia đình liên kết mọi người: Các Sa-lê-diêng và người đời (x. TTN 24), các nhà giáo dục và học sinh;

Sự hiện diện của cộng thể Sa-lê-diêng như hạt nhân sinh động của một môi trường thân thiện niềm nở;

Cổ xuý tất cả các hoạt động chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm;

Một thái độ vươn ra khỏi những hoạt động và công việc của các ban ngành cũng như các lãnh vực chức năng (mục vụ giới trẻ, truyền thông xã hội, truyền giáo…) ở cấp địa phương, tỉnh dòng và cấp toàn cầu;

Cổ võ sự hiệp nhất trong sự phát triển đa biệt của các nền văn hoá và những hoàn cảnh luôn đổi thay, với việc thường xuyên trao đổi giữa Trung ương và các Tỉnh dòng, một mặt để có được sự hiểu biết và am tường về các hoàn cảnh địa phương cũng như những vấn đề của họ, mặt khác để mở rộng trước tính phổ quát của Tu hội;

Tạo sự liên kết gần gũi giữa Ban Quản trị Trung ương với các tổ chức và các nhóm của Tỉnh dòng, lên kế hoạch để thâm nhập vào mạng lưới địa phương hơn là can thiệp từ bên trên đối với các trung tâm và các uỷ viên của vùng miền hay của tỉnh dòng;

67.

Thực hiện việc sinh động và truyền thông trong những tương giao với bên ngoài cần xem xét đến:

Quan tâm đến các mối quan hệ công chúng của Tu hội;

Quan tâm đến hình ảnh của Tu hội về cả mặt cơ cấu và công chúng;

Hỗ trợ cha Bề Trên Cả và Ban Cố Vấn của ngài nói chung, các vị Giám tỉnh cùng Ban Cố Vấn trong khu vực của họ, trong mối tương giao với mọi người, với các cộng đồng, các tổ chức, với giới truyền thông và các hoạt động cộng đồng;

Cổ xuý sự hiểu biết của giáo quyền và chính quyền dân sự về Tu hội, nhằm hỗ trợ cho việc thực thi sứ mệnh Sa-lê-diêng;

Cộng tác với truyền thông trong lãnh vực giáo dục các người trẻ và việc truyền bá tin mừng;

Sử dụng mọi cơ hội có thể nhằm tham gia vào thế giới truyền thông, học cách sử dụng những phương tiện truyền thông và tích cực tạo ảnh hưởng trên nội dung của nó;

Liên đới và tham gia vào những cơ cấu tổ chức của Giáo hội và của xã hội dân sự nhằm thực thi và điều phối lãnh vực truyền thông;

Tham gia vào các sự kiện và những phong trào xã hội trong lãnh vực truyền thông để  tạo mối tương quan với những tổ chức giáo dục và mục vụ.

6.2.2  Đào luyện

68.

Việc đào luyện Sa-lê-diêng cần xem xét:

Khoản Quy chế 82: “Theo cách thức độc đáo riêng, sứ mệnh Sa-lê-diêng của chúng ta định hướng và tạo sắc thái cho việc đào luyện tri thức các hội viên ở mọi trình độ. Vì thế việc sắp xếp các môn học cần làm sao để những yêu cầu của tính nghiêm túc khoa học phù hợp với những yêu cầu của chiều kích tu trì tông đồ trong kế hoạch đời sống chúng ta. Nên nỗ lực chăm lo cách đặc biệt việc khảo cứu và các môn học chuyên về giáo dục, mục vụ giới trẻ, huấn giáo và truyền thông xã hội.”

Những hướng dẫn của Ratio (Việc đào luyện những người Sa-lê-diêng Don Bosco. những Nguyên tắc và những Quy định);

Sự nhận thức và sẵn sàng của các hội viên để họ có thể truyền thông một cách chuyên nghiệp;

Những Hướng dẫn cho việc đào luyện các người Sa-lê-diêng về Truyền thông Xã hội: Nội dung và những phương pháp cho mọi cấp đào tạo, do Ban Đào luyện và Ban Truyền thông Xã hội cùng biên soạn (2006).

69.

Việc quản trị những kế hoạch đào tạo các người Sa-lê-diêng và các nhà giáo dục cần xem xét 3 cấp độ này (x. AGC 370, tr. 22-25):

Cấp độ Cơ bản tổng quát

Có sự hiểu biết sâu hơn những nền tảng mục vụ và thần học về truyền thông;

 Nghiên cứu và thực thi hệ thống dự phòng của Don Bosco như là một trong những cách thức diễn tả truyền thông tốt nhất và như là một đường hướng cơ bản cho tất cả việc đào luyện;

Đào luyện những nhà giáo dục về các kỹ năng truyền thông, khởi đi từ những nhu cầu của họ;

Chuẩn bị cho lối làm việc nhóm và những hình thức hợp tác nghiên cứu khác;

Hiểu biết, lượng giá, tương tác với truyền thông, vượt lên khỏi những yêu cầu đơn thuần của các khách hàng và người sử dụng;

Nhận thức với óc phê bình, và hoà điệu với các ngôn ngữ có sức chuyển tải văn hóa của người trẻ, chẳng hạn như văn chương, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh;

Chuẩn bị việc thể hiện một vai trò quan trọng trong “lục địa kỹ thuật số” ngày nay, đặc biệt qua nhật ký mạng, tin nhắn nhanh, bài viết…

Cấp độ của những nhà sinh động, và những người làm công việc giáo dục và mục vụ.

Cần hiểu nền văn hóa của một thế giới được toàn cầu hóa, những cũng cần đóng góp vào việc sáng tạo những khuôn mẫu của một nền văn hóa liên đới khác;

Có sự tương tác với hệ thống truyền thông đại chúng, đảm bảo có việc đào tạo những người có tâm huyết và óc sáng tạo… sử dụng truyền thông nhằm mang lại lợi ích cho toàn cộng đồng;

Khả năng sử dụng ngôn ngữ, những nguồn lực và những công cụ truyền thông trong các hoạt động giáo dục và mục vụ;

Đào tạo các nhà giáo dục truyền thông, những nhà truyền thông giáo dục, những nhà lãnh đạo văn hóa.

Cấp độ chuẩn bị chuyên hóa

Đào tạo chuyên nghiệp và chuyên ngành công nghệ;

Tham gia vào những chương trình của các trung tâm  đào luyện truyền thông.

70.

Việc điều hành các dự án đào tạo các người trẻ cần lưu ý:

Đào tạo theo nhóm và cá nhân về những khả năng truyền thông, khởi đi từ những nhu cầu của họ;

Đào tạo những nhà lãnh đạo văn hóa;

Đào tạo sự hiểu biết về truyền thông với óc phê bình;

Truyền thông và lối diễn đạt qua những ngôn ngữ sân khấu, âm nhạc, khiêu vũ, những hình thức dân gian, in ấn, nghệ thuật, phim ảnh, truyền hình, Internet…;

Khả năng sử dụng ngôn ngữ, những nguồn lực và những công cụ truyền thông  .

6.2.3  Thông tin

71.

Thông tin được coi như một yếu tố nền tảng giúp tạo nên những môi trường truyền thông Sa-lê-diêng cũng như huy động toàn xã hội quan tâm đến những nhu cầu của các người trẻ.

72.

Thông tin cần mang tính biệt loại và thích nghi để có thể đáp ứng nhu cầu của bất kỳ loại người tiếp nhận nào – cá nhân hay nhóm- theo một ngôn ngữ và hoàn cảnh tương thích và phù hợp.

73.

Việc đào tạo phải nhất quan với những chính sách truyền thông và tiêu chuẩn của Tu hội.

74.

Khích lệ việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm xét như một yếu tố giúp làm tăng triển cảm thức hợp nhất và ý thức thuộc về Tu hội và Gia đình Sa-lê-diêng.

75.

Việc đào tạo góp phần vào việc hỗ trợ và phát triển Kế hoạch Sinh động của cha Bề Trên Cả và Ban Tổng Cố vấn, cũng như của Tỉnh dòng và các cộng thể.

76.

Ngoài sự gặp gỡ cá nhân và sự hiểu biết về các người trẻ nơi mỗi cộng thể hay trong lãnh vực hoạt động, chúng ta còn chú tâm tìm hiểu về thế giới của các người trẻ. Cần biết tổng hợp nhiều thông tin để có thể hiểu biết rõ hơn, biết đánh giá tốt hơn và xác định rõ hơn về sự phục vụ của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng cung ứng những thông tin này cho xã hội hầu có thêm những sáng kiến và sự hiểu biết giúp có những đường lối và những hoạt động tốt hơn cho các người trẻ.

77.

Chúng ta cung ứng một cơ sở dữ liệu luôn cập nhật có khả năng giúp chúng ta nắm bắt được những thông tin cách nhanh chóng, chính xác và an toàn liên quan đến con người, công việc và các hoạt động, nhằm hỗ trợ Tu hội trong việc sinh động và hành động thích đáng xét như một tổ chức.

78.

Hoạt động thông tin cũng phải quan tâm đến việc lưu giữ những thông tin kỹ thuật số, bao gồm cả việc triển khai những phương cách trên các cấp độ khác biệt nhằm đảm bảo dữ liệu kỹ thuật số được dễ dàng lưu giữ. Những cách xử lý kỹ thuật số khác nhau đó được dùng để lưu giữ những tài liệu lịch sử và văn hoá của Tu hội, cả những tài liệu viết lẫn các hình ảnh (tĩnh hoặc động), âm thanh, hay những sự vật, qua việc quản trị những văn khố lưu trữ, thư viện, bảo tàng viện, những công trình kỷ niệm.

79.

Phải lưu tâm trình bày những hình ảnh về tập thể, về tổ chức, với những thông tin chính xác và đầy đủ để cho thấy rõ tầm mức xã hội của công cuộc Don Bosco. “Chúng ta làm việc trong những môi trường bình dân và cho những thanh thiếu niên nghèo khổ. Chúng ta cộng tác với chúng trong việc giáo dục chúng thành người có ý thức trách nhiệm về luân lý, nghề nghiệp và xã hội. Bằng cách ấy, chúng ta góp phần vào việc thăng tiến dân chúng và môi trường.

Với tư  cách tu sĩ, chúng ta tham dự vào chứng tá và nỗ lực của Giáo Hội cho công lý và hoà bình. Trong khi giữ mình độc lập khỏi mọi thứ ý thức hệ và chính trị đảng phái, chúng ta từ khước tất cả những gì tán trợ nghèo đói, bất công và bạo lực, và cộng tác với những ai xây dựng một xã hội xứng đáng với con người hơn.

Việc thăng tiến mà chúng ta dấn thân phục vụ trong tinh thần Tin Mừng, thể hiện tình yêu giải phóng của Đức Ki-tô, và tạo thành một dấu chỉ cho thấy Nước Chúa đang ở giữa chúng ta”(HL 33).

80.

Những công cụ, những cấu trúc và những sản phẩm thông tin phải thường xuyên được nâng cấp với chất lượng chuyên nghiệp, đặc biệt:

Thông tấn Sa-lê-diêng (ANS) với mạng lưới các phóng viên tại các vùng miền và các tỉnh dòng;

Những quan hệ công chúng, các văn phòng báo chí và những phát ngôn viên chính thức;

Các Tập san Sa-lê-diêng;

Các cổng thông tin và các website;

Tài liệu và những dịch vụ lưu trữ;

Những thư luân lưu của Giám tỉnh và nhiều sản phẩm thông tin Sa-lê-diêng khác;

Những công cụ và những phương tiện kỹ thuật truyền thông mà cho phép tiết kiệm thời gian, chi phí và năng lượng, việc truy cập thông tin thường xuyên và cá nhân.

6.2.4  Sản phẩm

6.2.4.1  Công việc Xuất bản

Công cuộc giáo dục của Don Bosco mang dấu ấn những tác phẩm của ngài xét như một nhà văn và nhà biên tập. Như một nhà văn, ngài viết những bài liên quan đến đời sống đạo, việc đào tạo, giáo dục và học đường. Để hỗ trợ cho hoạt động xuất bản, ngài thành lập Tu hội để truyền bá sách báo tốt và xây dựng một Nhà in tại Nguyện xá Valdocco.

Tầm nhìn

82.

Các tổ chức xuất bản Sa-lê-diêng thuộc về một phần của đời sống văn hóa, xã hội và chính trị của người dân, đặc biệt là giới trẻ thuộc lớp bình dân. Các tổ chức này cần mở rộng trước các nền văn hóa của các quốc gia nơi họ cần hiểu biết được rồi đưa Tin mừng hội nhập vào những nền văn hoá đó.(x. HL 7)

Qua những hoạt động, các tổ chức xuất bản giúp Tu hội thể hiện được vai trò năng động trong tiến trình phúc âm hóa và huấn giáo trong xã hội, nơi học đường và trong nền văn hóa. Theo hướng dẫn của Huấn quyền, các tổ chức xuất bản này cần điều chỉnh đường lối biên tập của mình dựa trên mối tương quan giữa niềm tin và văn hóa;  họ cần nhận biết tính chất chân thực của những giá trị trần thế, sự độc lập của chúng và mối tương giao với niềm tin, đồng thời biết từ chối bất cứ hình thái nào của thứ chủ nghĩa duy chính thống.

Những hoạt động này làm nên một sự hiện diện sáng tạo và giáo dục trong nền văn hóa, lưu tâm cách đặc biệt đến chiều kích bình dân và nhân bản, đi theo Don Bosco và truyền thống giáo dục và khoa sư phạm Sa-lê-diêng.

Việc xuất bản Sa-lê-diêng hoạt động trong lãnh vực giáo dục, phúc âm hóa, huấn giáo, đào tạo và giáo dục. Các nhà xuất bản dấn thân cho việc công bố Tin Mừng, đồng hành giúp khám phá và làm tăng triển đức tin, tạo nên sự kết nối giữa niềm tin và văn hóa, giáo dục một cảm thức luân lý, thẩm mỹ, với óc phê bình, và cổ xuý sự rộng mở trước Niềm tin tôn giáo. (x. HL 31,34)

Cơ cấu tổ chức

83.

Theo gương Don Bosco là người đã kiến tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động xuất bản của ngài, và như Quy chế (số 31) yêu cầu, những nhà xuất bản Sa-lê-diêng phải mang tính pháp lý và có sự đảm bảo về mặt kinh tế.

Cũng như các công cuộc khác trong tỉnh dòng, Giám tỉnh và Ban Cố vấn ngài xác định rõ cấu trúc hợp pháp của Nhà Xuất bản theo luật lệ hiện hành của quốc gia, sở hữu chủ, mục tiêu của hoạt động, cơ cấu tổ chức, các vai trò, các trách nhiệm và chức năng. Họ thực thi bổn phận giám sát liên tục và xử lý tình huống.

Những người trách nhiệm các Nhà Xuất bản cần đề ra những giá trị nòng cốt trong tài liệu chính thức, những chỉ dẫn cho những quyết định, chính sách, các hoạt động, tầm vực: Đây là lý do cơ bản cho sự tồn tại của các nhà xuất bản, sứ mệnh và những mục tiêu theo đuổi.

Tổ chức sẽ triển khai một chiến lược nhằm hoàn thành sứ mệnh được uỷ thác qua sự lượng giá về những điểm mạnh, điểm yếu, những nguồn tài lực và nhân lực, khả năng sáng kiến, và nhận biết lãnh vực thị trường hướng tới, việc kinh doanh cốt yếu, việc triển khai kế hoạch chiến lược, cũng như kế hoạch tài chính và quảng bá, và xác định các nhiệm vụ: ai làm cái gì, khi nào và như thế nào.

6.2.4.2  Các website Sa-lê-diêng

Chúng ta có thể nhận ra 3 điều cốt yếu của một trang web Sa-lê-diêng: Căn tính, mục đích, bản chất của phương tiện truyền thông.

Tầm nhìn  – Căn tính

85.

Căn tính xác định một trang web Sa-lê-diêng là căn tính đoàn sủng và cơ cấu.

Căn tính đoàn sủng có thể diễn tả qua: Sứ mệnh (cứu rỗi giới trẻ), khung quy chiếu vào Don Bosco và sự hấp dẫn của ngài, hạn từ “người Sa-lê-diêng”, một dạng thức được gợi hứng từ hệ thống dự phòng, một cảm thức cộng thể và cách thức tạo nên cộng thể.

Căn tính cơ cấu. Có những cấp độ khác nhau trong căn tính cơ cấu tuỳ tính chất của trang web: một trang “chính thức” (của Tu hội, của vùng miền hay của tỉnh dòng) hay của một công cuộc, một ban ngành, một hoạt động Sa-lê-diêng điển hình. Ngoài ra còn có những yếu tố khác như một logo, những đường “liên kết” đa dạng giúp diễn tả sự thuộc về này. Nơi một trang web chính thức thường có đường liên kết tới Website của Tu hội.

Một trang web Sa-lê-diêng luôn nhắm tới mục tiêu là làm chứng về Ki-tô giáo và việc phúc âm hoá.

Mục đích

86.

Mục đích của một trang web Sa-lê-diêng ít nhất phải thể hiện được việc sinh động, đào luyện/ giáo dục, thông tin (tin tức, phim ảnh…), lưu trữ (những tài liệu, những hình ảnh, âm thanh…), quảng bá (không có quá nhiều sự quy chiếu về mình). Một trong những mục đích trên thường là mục đích chính của trang web.

Bản chất của phương tiện truyền thông.

87.

Ngày hôm nay chúng ta nói về web 2.0 và nay mai sẽ là web 3.0. Một trang web đã xây dựng cách đây một thập niên thì sẽ không đáp ứng những mong đợi của ngày hôm nay. Vì thế một trang web Sa-lê-diêng phải thường xuyên nâng cấp.

88.

Sự phát triển này liên quan đến những khía cạnh như việc thiết kế, các biểu tượng, việc truy cập, sự tương tác, việc truy xuất, và cả khả năng quản lý những trang web phức tạp theo cách thức đơn giản nhất, bằng cách sử dụng những công cụ có sẵn ngày nay.

89.

Người quản trị trang web Sa-lê-diêng tham gia vào một phong trào rộng lớn mang tính góp phần. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể nói về một thứ “cộng đồng hành động” mà nên được phát triển và củng cố:

Chúng ta muốn cộng đồng này phát triển qua sự đối thoại, sự rộng mở và tham gia của mọi thành viên của nó ;

Cảm giác công khai và tư riêng nơi các website cũng như “cộng đồng hành động” của chúng ta đòi một sự cân bằng giữa cả 2 yếu tố này;

Chúng ta xác tín rằng một website Sa-lê-diêng làm tăng thêm giá trị “Sa-lê-diêng”. Như thế nó giúp cộng thể và sứ mệnh Sa-lê-diêng mở rộng hơn.

“Cộng đồng hành động” của những nhà quản trị website Sa-lê-diêng là một nơi rộng mở chào đón giống như một hội trường công cộng hay những nơi tương tự khác;

Mỗi cộng thể có những nhịp điệu riêng và đến độ “cộng đồng hành động” của những nhà quản trị website Sa-lê-diêng cũng có nhịp điệu riêng, vì nó biểu tỏ sức sống. Cộng đồng hành động này sẽ tìm kiếm những phương cách tiếp cận cụ thể trong lãnh vực riêng (chia sẻ thông tin, trao đổi thư điện tử,  các diễn đàn hay dạng thức khác).

 

6.2.4.3  Đài Phát Thanh Sa-lê-diêng

Sứ mệnh

90.

Chúng ta có những đài phát thanh làm việc theo phong cách Sa-lê-diêng: Phúc âm hoá nền văn hóa của giới trẻ và giới bình dân, giáo dục, hướng dẫn, thông báo và những gì thu hút.

Tầm nhìn

Chúng ta cổ xuý việc đào tạo các hiệp hội, và sự tham gia của các người trẻ cũng như tầng lớp lao động; chúng ta khơi lên nơi họ một cảm nhận về thực tại với óc phê bình và giúp cho những gia trị nhân bản và Ki-tô giáo thấm nhập vào trong xã hội.

Những hướng dẫn thực tiễn

92.

Thực hiện những chương trình giáo dục, văn hóa và mục vụ;

Phổ biến những chương trình đặc biệt dựa trên hệ thống dự phòng Sa-lê-diêng;

Thực hiện những chương trình sản xuất cho giới trẻ mang nét Sa-lê-diêng và giáo dục sau khi đã bàn thảo với chúng. Điều này khích lệ chính việc sản xuất của chúng;

Thông tin cung cấp sự hỗ trợ và sự phê bình có tính xây dựng xã hội;

Cộng tác trong những chiến dịch bảo vệ và thăng tiến quyền con người;

Nhắm đến khả năng tự tồn tại của đài phát thanh và đài truyền hình qua sự hỗ trợ của địa phương và những kế hoạch làm việc theo mạng lưới.

Cổ xuý ơn gọi Sa-lê-diêng.

Những hướng dẫn tổng quát

93.

Sử dụng ngôn ngữ phát thanh nhằm truyền đạt, giáo dục và phúc âm hoá cho người trẻ và các tầng lớp lao động;

Thực hiện một chương trình chất lượng về luân lý nhằm cổ  xuý văn hóa, giáo dục và tôn giáo;

Sản xuất và duy trì những chương trình, những nguồn lực và hoạt động phát thanh nhằm phục vụ sứ mệnh giáo dục và mục vụ giới trẻ;

Chuẩn bị và huấn luyện đội ngũ đài phát thanh chuyên nghiệp theo đoàn sủng Sa-lê-diêng trên một cơ sở chuẩn để đảm bảo chất lượng của sứ điệp phúc âm hóa;

Dấn thân bênh vực công bằng xã hội và quyền con người qua những sứ điệp phát thanh nhằm mục đích gây ý thức.

Sử dụng những nguồn lực thích hợp nhằm truyền bá những giá trị tôn giáo và những giá trị sư phạm Sa-lê-diêng.

Khích lệ lối làm việc theo mạng lưới liên kết với Tu hội Sa-lê-diêng và Giáo hội trong Tỉnh dòng và nơi các cộng đoàn địa phương.

6.3  Những tiến trình và những chính sách của chúng

6.3.1  Những tiến trình cơ bản

94.

Để đảm bảo một hệ thống tổ chức thực thi đúng chức năng, cần phải nhận ra những tiến trình đa dạng hình thành nên nó. Những tiến trình này là một tập hợp những hành động có liên quan với nhau và cần thiết cho việc thực hiện sứ mệnh của hệ thống tổ chức đó.

95.

Việc mô tả tiến trình cho thấy những điều cần phải làm và cách thức để thực hiện nhờ qua những hoạt động đa dạng. Điều này khác biệt với cơ cấu tổ chức vốn xác định những lãnh vực hoạt động với những thuộc tính và trách nhiệm.

96.

Người ta thấy những tiến trình dưới đây trong SSCS:

Lập kế hoạch;

Triển khai;

Thăng tiến;

Hỗ trợ: Việc quản trị và những dịch vụ.

97.

Đây là một biểu đồ về cách thức SSCS làm việc và việc mô tả những tiến trình.

 

 

 

Tiến trình hoạch định và những chính sách

98.

Tiến trình kế hoạch đảm bảo sự cập nhật liên tục của SSCS theo những nhu cầu của người tiếp nhận, điều hướng hoạt động đến việc hoàn thành những mục tiêu (những kết quả mong muốn) một cách hiệu quả hơn.

99.

Tiến trình hoạch định được quản trị như một điều kiện chiến lược cổ xuý SSCS, nhằm hướng dẫn việc triển khai và đồng quy những hành động giúp đạt được những kết quả mong muốn.

100.

Hệ thống Truyền thông Sa-lê-diêng được điều hướng bởi một Kế hoạch Hành động toàn diện của Ban Truyền thông (SAP), rồi được vào trong Kế hoạch Sinh động của Cha Bề Trên Cả và Ban Cố Vấn ngài, và nhắm tạo nên sự hiệp lực giữa các tỉnh dòng cũng như sự hợp tác giữa các công cuộc đặc thù về mặt đào luyện và sản xuất.

101.

Trên cấp độ tỉnh dòng, Hệ thống Truyền Thông Xã hội Sa-lê-diêng được điều hướng bởi Kế hoạch Truyền thông của Tỉnh dòng (PSCP) và được đưa vào Kế hoạch Tỉnh (OPP), một kế hoạch hướng đến những hoàn cảnh đặc biệt của mỗi Tỉnh dòng và cố gắng áp dụng chính sách truyền thông của Tu hội vào Tỉnh dòng cùng với việc áp dụng kế hoạch lục niên chung do cha Bề Trên Cả và Ban Cố vấn của ngài đề ra.

6.3.3 Tiến trình triển khai và những chính sách

102.

Việc triển khai nhằm nuôi dưỡng sức sống, sự năng động, và phong thái tryền thông Sa-lê-diêng xét như một chiều kích tác động trên tất cả hoạt động mục vụ và giáo dục trong sứ mệnh và các công cuộc với những nét đặc trưng của nó, và như một hệ sinh thái truyền thông đặc thù và tiêu biểu.

103.

Việc triển khai và xây dựng Hệ thống Truyền thông Sa-lê-diêng được hỗ trợ qua các hoạt động phân tích, nghiên cứu, học tập và suy tư, rồi được giám sát qua việc lượng giá, tham khảo, đào tạo và phát triển.

104.

Nhiệm vụ này đòi phải đạt được mức độ hiểu biết tốt hơn về việc sử dụng truyền thông trong mục vụ Sa-lê-diêng nhằm phục vụ Tu hội Sa-lê-diêng, Giáo hội và xã hội.

105.

Để dễ dàng thực hiện điều này, cần lập ra các ban tham vấn trên cấp thế giới và tỉnh dòng. Đây là những nhóm quy tụ các chuyên viên Sa-lê-diêng và người đời về các lãnh vực hay chuyên ngành khác nhau. Những ban tham vấn này được điều phối bởi vị Tổng Cố vấn Truyền Thông xã hội và Ủy Viên Truyền thông Xã hội Tỉnh Dòng.

106.

Đào tạo những chuyên viên Sa-lê-diêng và người đời về truyền thông là điều cần thiết để thực hiện độ ưu tiên được đề cập tới trong sứ mệnh Sa-lê-diêng.

6.3.4  Tiến trình thăng tiến và những chính sách

107.

Việc thăng tiến truyền thông bao gồm việc duy trì và nâng cao hiệu quả trong những lãnh vực hoạt động: Việc sinh động, đào tạo, thông tin và sự sản xuất, nhằm thực hiện việc truyền thông cách hiệu quả trong việc phục vụ sứ mệnh Sa-lê-diêng.

108.

Việc thăng tiến truyền thông được thực hiện trong những chọn lựa sau đây:

Mọi nỗ lực thăng tiến đều nhắm đến việc đào tạo con người, các nhóm và các trung tâm để triển khai những sứ điệp, hơn là việc quan tâm đến việc có được những công cụ hay việc quản trị những cơ sở thiết bị vật chất;

Những kế hoạch nhắm đến việc kiến tạo nên những tiến trình truyền thông, nhằm phục vụ Kế hoạch Giáo dục và Mục vụ Sa-lê-diêng (SEPP), sự hiệp thông đoàn sủng và khích lệ tập trung vào sứ mệnh, hơn là những công cuộc độc lập với nhiệm vụ được định hướng.

109.

Mọi quy trình và cơ cấu cần được thiết lập với những nhân sự và nguồn lực tương xứng để có thể thực thi việc sinh động, đào tạo, thông tin và sản xuất, trên cấp độ chung và trên cấp tỉnh dòng.

110.

Trách nhiệm cổ xuý truyền thông sẽ do vị Tổng Cố Vấn Truyền thông Xã hội và Ủy viên Truyền thông Xã hội của Tỉnh dòng đảm nhận.

111.

Theo hướng dẫn của Tổng Tu Nghị 23, Giám tỉnh phải chỉ định Ủy viên Truyền thông Xã hội là người “sẽ giúp cho mỗi cộng thể thăng tiến việc truyền thông, trợ giúp những ban ngành khác, duy trì mối tương quan với Giáo hội địa phương và những tổ chức dân sự”(GC23, 259).

6.3.5  Tiến trình hỗ trợ và những chính sách

112.

Tiến trình hỗ trợ đảm bảo tính sẵn sàng và việc quản trị thích hợp cho nhân viên, những nguồn lực và những dịch vụ cần cho SSCS hoạt động.

113.

Việc quản trị tiến trình hỗ trợ này được thực hiện trong sự đồng thuận với Tổng Quản Lý và / hay Quản Lý Tỉnh.

114.

Việc quản trị nhân cần sự lưu tâm đến:

Đồng điệu với những xác tín và những giá trị của Tu hội, và cả việc dấn thân thực hiện sứ mệnh Sa-lê-diêng;

Hỗ trợ và triển khai chính sách về nguồn nhân lực qua đó cho phép SSCS sử dụng được những nhân sự có phẩm chất, lâu dài và có động lực;

Việc đào luyện liên tục dành cho những nhân sự nhằm phát triển những tiềm năng cũng như sắp đặt họ vào những vị trí thích đáng trong cơ cấu công cuộc;

Việc thực hiện phải phù hợp với những đòi hỏi và những quy định của luật pháp.

115.

Việc quản trị những nguồn lực kinh tế và những tài sản cần lưu tâm đến:

Tính khả dụng, việc thực thi thích đáng và việc kiểm soát những nguồn lực rất cần thiết để hoàn thành vai trò của SSCS trong Tu hội;

Việc thực hiện phải phù hợp với những quy định hiện hành và hợp pháp cũng như những yêu cầu hợp pháp của xã hội dân sự và Tu hội;

Tính chuyên nghiệp trong những thủ tục;

Một ngân sách tương xứng với mỗi kế hoạch.

116.

Việc quản trị những dịch vụ cần lưu tâm tới:

Sự tổ chức và những bước tiếp cận công việc phải làm sao để những cơ cấu tổ chức được cập nhật liên tục và phù hợp với những thành quả mà Hiến luật và Quy chế của Tu hội mong muốn, đồng thời những sự cải tiến đạt được nơi một ban ngành hay một lãnh vực của Tu hội cũng được chia sẻ với những ban ngành khác;

Cần sử dụng hệ thống máy tính để có thể truy cập nhanh và an toàn, dựa trên đó đưa ra được những quyết định quản trị cần thiết để đạt được kết quả mong muốn;

Sử dụng sự hỗ trợ pháp lý để hướng dẫn việc thực hiện SSCS và bảo vệ quyền lợi của Tu hội trong lãnh vực này.

117.

Việc quản trị những nguồn lực về ngôn ngữ và dịch thuật cần lưu tâm:

Đảm bảo sự đồng nhất về thuật ngữ trong những tài liệu Sa-lê-diêng khi sử dụng nội bộ hay khi chia sẻ với những người khác;

Đảm bảo những sứ điệp và những thông báo từ cha Bề Trên Cả và Ban Cố vấn ngài cũng như của các tổ chức sinh động, đào tạo và thông tin khác được phiên dịch trung thực và hiểu được. “Trung thực” ở đây có nghĩa là trung thành với ngôn ngữ và ngữ cảnh gốc, “hiểu được” ở đây có nghĩa là người nghe có thể hiểu được trong bối cảnh văn hoá của họ. Cổ võ việc đưa ra những chuẩn mực, đặc biệt trong những văn bản nguyên văn của Quản trị Trung ương.

118.

DSC cộng tác với Trung Tâm Lưu Trữ Hồ Sơ Sa-lê-diêng hỗ trợ việc quản trị dữ liệu ngôn ngữ của Tu hội, qua việc số hoá bản văn, bộ nhớ dịch (TM), vân vân… DSC cung cấp những kỹ năng và cố vấn cho Phòng Văn Khố Lưu Trữ Trung ương Sa-lê-diêng và những người chịu trách nhiệm việc quản trị dữ liệu ngôn ngữ của Tu hội.

119.

Trong sự hợp tác với Tổng Thư ký và/ hay Phó Bề Trên Cả, DSC theo dõi và điều phối “nhóm” những nhà dịch thuật, đồng thời hỗ trợ họ trong trách vụ của họ.

120.

DSC  soạn thảo những hướng dẫn cho những bối cảnh khác biệt, ví dụ, cho Ban Trung Ương, hay cho những người dịch thuật trong nhiều ngôn ngữ khác nhau.

  1. TỔ CHỨC, VAI TRÒ VÀ CÁC CHỨC NĂNG

7.1  Tổ chức SSCS

Việc tổ chức liên quan đến tiến trình nhận ra và xếp nhóm công cuộc cần được hoàn thành: Xác định và uỷ thác các trách vụ, trao quyền, thiết lập những mối tương giao cho phép người ta làm việc nhóm, nhắm tới những kết quả mong muốn.

7.1.1  Sơ đồ tổ chức

122.

7.2  Tổng Cố vấn về Truyền thông Xã hội

7.2.1  Vai trò:

Tổng Cố Vấn:

123

Vị Tổng Cố vấn sinh động Tu hội trong lãnh vực truyền thông: Khích lệ những hoạt động liên quan đến lãnh vực truyền thông, và trên cấp độ thế giới, đặc biệt trách nhiệm việc điều phối các trung tâm và các cơ sở của Tu hội hoạt động trong lãnh vực này.

7.2.1.1  Vai trò chi tiết

Tổng Cố Vấn:

Nâng cao nhận thức về ý nghĩa truyền thông và tính hiệu quả của việc tông đồ giáo dục truyền thông trong Tu hội.

125.

Đồng hành và hỗ trợ các Giám tỉnh trong nhiệm vụ được uỷ thác cho họ theo Quy chế khoản 31 về việc thực thi những công việc truyền thông xã hội.

126.

Duy trì phẩm chất Sa-lê-diêng trong lãnh vực truyền thông.

127.

Điều phối các lãnh vực đa dạng để hoàn chỉnh ngành Truyền Thông Xã Hội.

128.

Trên cấp thế giới, điều phối các trung tâm và các cơ sở của Tu hội mở ra trong lãnh vực truyền thông.

129.

Theo dõi việc áp dụng kế hoạch chung và việc phối hợp nhóm với những phận vụ riêng, cũng như kế hoạch của cha Bề Trên Cả và Ban Cố Vấn ngài và các ban ngành khác.

7.3  Nhóm Truyền thông Xã hội

7.3.1  Vai trò

Nhóm Truyền thông Xã hội:

130.

Cộng tác với vị Tổng Cố vấn trong việc thực thi những hoạt động truyền thông xã hội.

7.3.1.1  Vai trò chi tiết

Nhóm Truyền thông Xã hội:

131.

Thường xuyên cộng tác trong mọi chuyện liên quan đến những mục tiêu của Ban Truyền thông Xã hội.

132.

Thực thi những nhiệm vụ được vị Tổng Cố Vấn uỷ thác để điều hành các hoạt động phục vụ của Ban Truyền thông, chẳng hạn:

ANS;

Văn phòng báo chí;

Tập san Sa-lê-diêng Ý;

Các tập san Sa-lê-diêng;

Cổng thông tin web;

Tài liệu và việc lưu trữ;

Những dịch vụ về ảnh;

133.

Thực thi những nhiệm vụ được vị Tổng Cố Vấn uỷ thác để điều hành  tiến trình hoạch định trong giai đoạn sáu năm, như:

Tham gia các sự kiện và những tổ chức truyền thông trong nội bộ Tu hội hay bên ngoài.

Điều phối và cộng tác vào các tiến trình liên quan tới các sự kiện do Ban Truyền thông tổ chức.

Duy trì và phát triển trang web của Tu hội do Ban Quản trị Trung ương điều hành. Website đóng vai trò như một cổng thông tin, nghĩa là nơi cung cấp những thông tin và những dịch vụ trong lãnh vực Sa-lê-diêng. Những gi được nói đến trong việc “sản xuất” một website Sa-lê-diêng tất nhiên cũng được áp dụng cho trang web của Tu hội.

7.4  Hội đồng Cố vấn Thế giới

7.4.1 Vai trò

134.

Hội đồng Cố vấn Thế giới:

Đồng hành với sự phát triển truyền thông của Tu hội, thực hiện việc lượng giá, tiến hành việc khảo sát, nghiên cứu, phác hoạ những đường hướng và cung cấp những chất liệu cho việc cập nhật liên tục.

Vai trò chi tiết

135.

Hội đồng cố vấn thế giới:

Thường xuyên tư vấn cho việc truyền thông trong Tu hội, đặc biệt cho Ban Truyền thông Xã hội.

136.

Các thành viên Sa-lê-diêng và người đời trong nhóm, các chuyên gia thuộc các lãnh vực khác nhau trong việc sinh động, đào tạo, thông tin và hoạt động doanh nghiệp, thường xuyên cộng tác với Ban Truyền thông qua những nghiên cứu và những đề xuất của họ hầu có thể đáp ứng được những đòi hỏi, nhưng đồng thời cũng cung cấp cả những đề xuất tích cực và bộc phát đến từ cá nhân.

137.

Việc chia sẻ những đóng góp cá nhân qua mạng Internet cũng thật thích hợp. Tuỳ vào những nhu cầu,  những cuộc hội thảo và hội nghị trên cấp vùng hay cấp thế giới có thể được tổ chức với sự tham gia của các chuyên viên trong những lãnh vực đặc biệt hay với sự tham gia của toàn nhóm.

7.5  Uỷ viên Khu vực / quốc gia và hay Uỷ Viên của Hội nghị

7.5.1  Vai trò

138.

Uỷ viên:

Với tầm nhìn chiến lược bao quát về sứ mệnh và về Tu hội, vị uỷ viên khích lệ lối làm việc nhóm cũng như sự cộng tác liên tỉnh dòng trong lãnh vực truyền thông và những hoạt động phối hợp.

7.5.1.1  Vai trò chi tiết

139.

Uỷ viên:

Hoàn thành nhiệm vụ được uỷ thác theo quy định hay những thoả thuận của vùng hay của hội nghị.

140.

Duy trì sự liên lạc mật thiết và sự cộng tác với vị Tổng Cố vấn Truyền thông Xã hội và Ban Truyền thông.

141.

Khích lệ sự phát triển và việc thực thi kế hoạch hành động chung, cộng tác trong lãnh vực truyền thông, giám sát việc thực hiện kế hoạch toàn diện trong Khu vực hay Hội nghị.

Giám tỉnh với Ban Cố Vấn ngài

Vai trò

142.

Giám tỉnh với Ban Cố vấn ngài:

Cổ xuý truyền thông trong tỉnh dòng.

7.6.1.1  Vai trò chi tiết.

Giám tỉnh và Ban Cố vấn ngài:

143.

Xử lý và giám sát chất lượng truyền thông bên trong và bên ngoài tỉnh dòng, giữa các hội viên, với các nhóm trong Gia đình Sa-lê-diêng, với Giáo hội và các cộng thể, các tổ chức dân sự xã hội và các nhóm, giữa các tỉnh dòng và Ban Tổng Cố vấn.

144.

Bổ nhiệm Uỷ viên Truyền thông Xã hội của Tỉnh dòng, và Uỷ ban hay nhóm Truyền thông.

145.

Chuẩn bị các hội viên tích cực dấn thân trong hoạt động báo chí, phim ảnh, truyền thanh và  truyền hình.

146.

Thiết lập và củng cố các trung tâm xuất bản nhằm xuất bản và phổ biến sách báo, các tạp chí định kỳ và những tài liệu khác, cũng như các trung tâm sản xuất và phát thanh những chương trình nghe nhìn, những chương trình phát thanh và truyền hình.

147.

Chỉ định những người duyệt xét các tài liệu xuất bản vốn cần có sự phê duyệt của Giáo hội.

7.7  Uỷ viên Truyền thông của Tỉnh dòng

7.7.1  Vai trò:

148.

Uỷ viên:

Có thể là một hội viên Sa-lê-diêng hay người đời đảm trách việc sinh động truyền thông trong Tỉnh dòng nhân danh Giám tỉnh. Nên là người làm việc toàn thời gian.

7.7.1.1  Vai trò chi tiết

149.

Uỷ viên:

Cộng tác với những nhóm khác (tuỳ thuộc vào cấu trúc của sứ mệnh Sa-lê-diêng với giới trẻ trong Tỉnh dòng) để cùng nhau làm việc, đặc biệt làm việc theo lối điều phối cùng với các uỷ viên của các ban ngành khác. Vì là những hoạt động và những tổ chức của Tỉnh dòng, nên vị uỷ viên cần có sự trình bày thích đáng về ban hay cơ cấu quản trị với sự đồng thuận của quản lý tỉnh.

150.

Cộng tác trong việc phác thảo và thực hiện Kế hoạch Truyền thông Xã hội Tỉnh dòng.

151.

Đồng hành và sinh động bao có thể tất cả những gì có liên quan đến vấn đề  truyền thông trong Tỉnh dòng:

Ban Cố vấn Tỉnh;

Các cộng thể Sa-lê-diêng;

Những cuộc gặp gỡ địa phương về truyền thông;

Những lãnh vực khác biệt của các hoạt động truyền thông;

Đào luyện liên tục cho các hội viên Sa-lê-diêng trong lãnh vực truyền thông;

152.

Kiến tạo mạng lưới gồm những người trách nhiệm tại mỗi cấp của Tỉnh dòng, điều phối các hoạt động của SSCS, với việc nhấn mạnh đến tiêu chuẩn Sa-lê-diêng như đã được phác hoạ trong phần đầu của chương này:

Việc triển khai và thực hiện những kế hoạch tại các cấp địa phương và tỉnh dòng;

Tiến trình triển khai và thực hiện các hoạt động cũng như những chương trình đào tạo, thông tin và sản xuất.

Làm việc liên kết với nhóm / Ban Mục vụ Giới trẻ Tỉnh dòng

Hiện diện trong những nhóm lãnh đạo liên quan đến việc sản xuất truyền thông.

153.

Cần một tầm nhìn toàn diện cho phép người uỷ viên có những sự can thiệp nhắm tới mục tiêu để đảm bảo sự quân bình giữa trung tâm thông tin Sa-lê-diêng địa phương và trung tâm thế giới, trong những lãnh vực sau đây:

ANS (Thông tấn xã Sa-lê-diêng): Thông tin địa phương (những phóng viên);

Việc sản xuất và phổ biến thông tin trong Tỉnh dòng và Gia đình Sa-lê-diêng, những công cụ như thư luân lưu của cha Giám tỉnh, Tập san Sa-lê-diêng, những sản phẩm địa phương khác;

Vận hành  trang web;

Hoạt động của văn phòng báo chí;

Sự liên lạc năng động và tích cực với những cơ cấu, con người và phương tiện thông tin trong khu vực;

Hình ảnh người Sa-lê-diêng, cả về chất lượng lẫn số lượng;

Ý nghĩa của sự hiện diện chúng ta trong truyền thông và báo chí.

154.

Tham dự những họp truyền thông (SSCS) trong những cấp độ khác nhau (những buổi hội thảo, cấp Vùng, cấp Thế giới), xây dựng sự hiệp lực trong Tu hội.

155.

Cộng tác với các tổ chức của Giáo hội, của các Dòng tu, của chính quyền và của xã hội dân sự, liên quan đến truyền thông.

7.8  Ban Truyền thông Xã hội

(Ban ngành cấp tỉnh hay một tên gọi khác)

7.8.1  Vai trò:

Ban Truyền Thông Xã hội:

156.

Cùng với Uỷ viên và Tỉnh dòng, góp phần vào nhiệm vụ thực thi việc truyền thông.

7.8.1.1  Vai trò chi tiết

Ban Truyền thông Xã hội:

157.

Làm việc như một nhóm trong hệ thống, và thường xuyên thực hiện tất cả những gì liên quan đến sứ mệnh trong lãnh vực truyền thông.

158.

Góp phần vào việc phác thảo và thực hiện những kế hoạch tỉnh dòng liên quan đến việc sinh động, đào tạo, tư vấn trong lãnh vực truyền thông.

159.

Đóng góp thông tin, chia sẻ những nghiên cứu, việc lập kế hoạch và việc thử nghiệm cho công việc của Uỷ viên.

160.

Đảm nhận những trách vụ do cha Giám tỉnh hay Uỷ viên uỷ thác liên quan đến việc hỗ trợ hay điều hành các công cuộc hay những hoạt động, hoặc tham gia vào các sự kiện và tổ chức truyền thông.

161.

Khích lệ những hoạt động truyền thông trong việc giáo dục và phúc âm hoá cho người trẻ và giới bình dân.

7.9  Người cộng tác SC địa phương.

7.9.1  Vai trò:

Điều phối viên địa phương:

162.

Cổ xúy việc truyền thông trong cộng thể và những công cuộc địa phương.

7.9.1.1  Vai trò chi tiết

Điều phối viên địa phương:

163.

Làm việc với nhóm mục vụ giới trẻ trong mọi chuyện liên quan đến việc giáo dục người trẻ, và có sự tương tác với những đại diện của các ban ngành khác nhằm tạo sự hỗ tương trong các công cuộc địa phương.

164.

Cộng tác trong việc phác thảo và thực thi Kế hoạch Truyền thông Xã hội địa phương.

165.

Hỗ trợ việc chỉ đạo trong mọi việc liên quan đến truyền thông nơi:

Ban Cố vấn cộng đoàn Giáo dục;

Cộng thể Sa-lê-diêng;

Ban Truyền thông địa phương;

Những hoạt động truyền thông khác biệt.

166.

Điều phối các hoạt động truyền thông Sa-lê-diêng qua sự tham gia có hiệu quả của những người trách nhiệm trong lãnh vực này, đảm bảo hệ thống vận hành hiệu quả nhằm đáp trả những nhu cầu của những người thụ hưởng và những người giữ vai trò chủ chốt, sử dụng tiêu chí Sa-lê-diêng:

Trong việc phác thảo và thực thi những kế hoạch;

Trong việc triển khai tiến trình, thực hiện các hoạt động và những chương trình đào tạo, thông tin và việc sản xuất.

167.

Triển khai việc thông tin Sa-lê-diêng địa phương:

Khích lệ việc sản xuất và phổ biến các thông tin trong các công cuộc và Gia đình Sa-lê-diêng, sử dụng những công cụ như bản tin của địa phương và những sản phẩm đặc trưng khác;

Đồng hành với những hoạt động của điều phối viên địa phương nhằm chia sẻ trách nhiệm với người ấy;

Hướng dẫn những hoạt động của trang web địa phương;

Hướng dẫn những công việc của văn phòng báo chí;

Duy trì mối liên hệ năng động và tích cực với những cơ cấu, con người và phương tiện truyền thông trong khu vực địa phương;

Làm sáng tỏ hình ảnh Sa-lê-diêng, và bằng số lượng lẫn chất lượng, làm cho mình hiện hiện tối đa trong truyền thông đại chúng và báo chí.

Cung cấp thông tin địa phương cho Thông tấn ANS, trong Tỉnh dòng và Roma,  và rồi khéo léo phổ biến thông tin này cho địa phương;

168.

Tham gia các cuộc họp truyền thông của Tỉnh dòng, thường xuyên góp phần qua lối làm việc nhóm.

Làm việc với các nhóm của Giáo hội, tu sĩ, chính quyền, dân sự,  liên quan đến truyền thông.

7.10  Thông tấn xã ANS

7.10.1  Vai trò

ANS:

170.

Xuất bản thông tin Sa-lê-diêng để duy trì truyền thông Sa-lê-diêng và truyền bá những sản phẩm trong phương tiện truyền thông, trong sự phục vụ sứ mệnh Sa-lê-diêng.

7.10.1.1  Chức năng

ANS:

171.

Nhằm phục vụ cho nhiều cơ cấu trong Tu hội (cha Bề Trên Cả, Ban Tổng Cố Vấn, các Ban ngành, các Tỉnh dòng,…) để giúp họ sử dụng thông tin và truyền thông thật hiệu quả như cách thế để đạt được mục tiêu sinh động và điều hành.

172.

Qua thông tin đến từ nhiều nơi, ANS khích lệ mối tương quan giữa các hội viên trong Tu hội trên khắp thế giới, cũng như giữa các nhóm thuộc Gia đình Sa-lê-diêng.

173.

Thu thập những vấn đề khác nhau xảy ra quanh chúng ta, rồi giúp Tu hội, Gia đình Sa-lê-diêng và xã hội, đọc và giải thích những vấn đề đó trong nhãn quan sứ mệnh Sa-lê-diêng.

174.

Góp phần vào phẩm chất thông tin của Tu hội và của những nhóm thuộc Gia đình Sa-lê-diêng. Thông tấn xã xử lý những thông tin truyền thông này để chúng mang sức sinh động cả về nội dung lẫn hình thức trình bày.

175.

Làm cho Tu hội và Gia đình Sa-lê-diêng được khắp nơi trên thế giới biết đến, qua việc cung cấp những thông tin về họ cho Giáo hội địa phương, cũng như cho giới truyền thông nói chung.

176.

Làm nổi bật những vấn đề của người trẻ và vấn đề giáo dục trên thế giới, triển khai và truyền bá khắp thế giới những sản phẩm thông tin liên quan đến hoàn cảnh giới trẻ và giáo dục với nhãn giới Sa-lê-diêng.

177.

Tổ chức và điều phối mạng lưới phóng viên trong mỗi khu vực địa lý Sa-lê-diêng.

178.

Chuẩn bị các phóng viên hoạt động chuyên nghiệp trong lãnh vực thông tin.

179.

Làm việc theo đúng những chính sách và tiêu chuẩn truyền thông Sa-lê-diêng.

180.

Hoạt động trên hai cấp:

Thế giới: Tại Rô-ma, và trong sự cộng tác mật thiết với các nhóm điều hành trong Tu hội và Gia đình Sa-lê-diêng, Tổ chức Thông tấn xã Sa-lê-diêng thiết lập những mối liên hệ cần thiết với những Thông Tấn xã quốc tế, với những cơ sở lưu trữ dữ liệu trên khắp thế giới, với Vatican và tất cả các cộng thể Sa-lê-diêng. Những sản phẩm mang tính toàn cầu, dù được tiêu thụ nội bộ hay cả ở bên ngoài, cũng được Tổ chức Thông tấn xã quản lý, rồi phân phối trực tiếp tới những khách hàng hay gởi đến những Uỷ viên Tỉnh dòng để được sử dụng trong truyền thông của quốc gia họ.

Tỉnh dòng: Uỷ viên Truyền thông Xã hội của Tỉnh dòng (phóng viên của tỉnh dòng), cần làm việc sát cánh với những cơ cấu điều hành của Tỉnh dòng, thiết lập những mối tương giao với các thông tấn xã truyền thông cấp quốc gia, với Văn phòng Báo chí của Hội đồng Giám mục và với các cộng thể Sa-lê-diêng trong Tỉnh dòng. Uỷ viên (cá nhân hay qua phóng viên báo chí khác) gởi về thông tấn xã trung ương ở Roma tất cả thông tin đáng quan tâm của Tỉnh dòng, phù hợp với tiêu chuẩn và những chính sách đã được thiết lập, phân phối những sản phẩm thông tin từ Thông tấn xã trung ương đến các thông tấn xã và nhóm truyền thông cấp quốc gia. Vị Uỷ viên, người cũng chịu trách nhiệm đối với Thông tấn xã Trung ương, biên tập và phân phối thông tin Sa-lê-diêng thích hợp tới các địa phương và nhóm truyền thông địa phương. Các phóng viên báo chí địa phương, các hội viên Sa-lê-diêng và các thành viên trong Gia đình Sa-lê-diêng ở các nơi, cũng cộng tác vào việc này.

181.

Lưu tâm đến việc sản xuất và gửi những sản phẩm của ANS, chẳng hạn:

Tờ ảnh của ANS ảnh: phát hành hằng tháng

Trang web của ANS

Những sản phẩm khác khi cần

7.11  Văn Phòng Báo Chí

7.11.1  Vai trò

Văn phòng Báo chí:

182.

Duy trì những mối liên hệ với các thông tấn xã, cơ quan truyền thông và công chúng, nhằm lôi kéo sự chú ý đến thành phần giới trẻ hay những vấn đề giáo dục, và nhằm vun xén cũng như bảo vệ hình ảnh Tu hội và các hoạt động Sa-lê-diêng.

7.11.1.1  Chức năng

Văn phòng Báo chí:

183

Là một dịch vụ hoạt động thuộc Thông tấn xã ANS.

184

Tổ chức và cập nhật ngân hàng dữ liệu về Sa-lê-diêng, giới trẻ và hiện tình giáo dục.

185.

Theo dõi những thông tin hiện tại liên quan đến sứ mệnh Sa-lê-diêng, thông tin cho những ai trong Tu hội cần biết về thông tin này và tương tác với cơ quan truyền thông có liên quan.

186.

Thiết lập những mối liên hệ với những thông tấn xã, đặc biệt với giới phóng viên, nhằm cung cấp thông tin về sứ mệnh Sa-lê-diêng và lôi kéo họ quan tâm đến việc giáo dục giới trẻ.

187.

Quản trị một kế hoạch truyền thông và tiếp thị cho hình ảnh của Tu hội (hay của Tỉnh dòng).

188.

Sắp xếp những buổi trình bày báo cáo của  những người lãnh đạo Tu hội cho giới truyền thông ở các cấp độ và ngược lại.

7.12  Những Quan hệ Công chúng

7.12.1  Vai trò

Những mối Quan hệ Công chúng:

189.

Quản lý những mối quan hệ chính thức của cha Bề Trên Cả và Ban Cố Vấn ngài với Tu hội, giữa Tu hội với đối tác, trong cấp độ chung, và Giám tỉnh và Ban Cố Vấn ngài trong cấp độ Tỉnh dòng.

7.12.1.1  Chức năng

Những mối Quan hệ Công chúng:

190.

Cha Bề Trên Cả có trách nhiệm- trong những trường hợp đặc biệt ngài có thể uỷ quyền cho cha Phó Bề Trên Cả, Tổng Thư ký, người phát ngôn chính thức hoặc những người khác – về những mối quan hệ chính thức giữa Ban Cố vấn với Tu hội và giữa Tu hội với thế giới bên ngoài, đặc biệt với Toà Thánh, Hiệp hội Các Bề trên Thượng cấp (USG), các Tu hội và các Hội dòng khác, các cơ quan và đoàn thể của Giáo hội hay dân sự, đặc biệt trong việc tuyên ngôn hay đảm nhận một vai trò nhân danh Tu hội.

191.

Giám tỉnh và Ban Cố vấn ngài xác định việc này được thực hiện như thế nào trên cấp độ Tỉnh dòng, trong sự thoả thuận với văn phòng báo chí.

7.13  Tập san Sa-lê-diêng

7.13.1  Vai trò

Tập san Sa-lê-diêng:

192.

Truyền bá tinh thần Don Bosco, làm cho công cuộc Sa-lê-diêng và những nhu cầu được mọi người biết đến, liên kết và khích lệ các nhóm trong Gia đình, cổ võ ơn gọi nhằm giúp phong trào Sa-lê-diêng phát triển, và động viên sự cộng tác trong sứ mệnh.

7.13.1.1 Chức  năng

Tập san Sa-lê-diêng:

193.

Tập san Sa-lê-diêng được xuất bản theo những hướng dẫn từ Bề Trên Cả và Ban Cố vấn ngài. Tập san được xuất bản theo những ấn bản bằng những ngôn ngữ khác nhau xét như một tổ chức chung của công cuộc Sa-lê-diêng, chứ không phải là một thứ dành riêng cho mỗi vùng.

194.

Tập san Sa-lê-diêng có chủ đích đưa những giá trị của ơn gọi Sa-lê-diêng duy nhất vào trong những lãnh vực văn hoá khác biệt.

195.

Tập san Sa-lê-diêng là một tạp chí nhắm tới sứ mệnh, trình bày quan điểm cho công chúng hơn là cho cơ cấu tổ chức của mình. Điều này có nghĩa tập san muốn hiện diện trong một thế giới mà con người và Giáo hội cảm nghiệm ngày hôm nay, và cống hiến “một lối đọc” Sa-lê-diêng trong đó, đặc biệt nơi đâu mà các người trẻ và việc giáo dục được quan tâm.

196.

Uỷ ban Truyền thông Xã hội thiết lập một dịch vụ điều phối trung ương để:

Điều phối tiến trình đổi mới (đồng hành, sinh động và tạo kết nối);

Hướng dẫn chính sách thông tin và lên kế hoạch cho giai đoạn sáu năm;

Hình thành những kế hoạch cho việc đồng hành, đào tạo và hỗ trợ việc quản trị, và mở rộng việc truyền bá;

Nối kết những tạp chí Sa-lê-diêng khác qua trang web.

197.

Dịch vụ này có một hội đồng cố vấn bao gồm các chuyên gia trong lãnh vực này.

7.14  Cổng Thông tin Web

7.14.1  Vai trò

Cổng Thông tin web:

198.

Quản trị những nguồn lực Internet để thông tin, đào tạo, việc chia sẻ, trong việc phục vụ kế hoạch sinh động và điều hành của Tu hội, xét như một nguồn thông tin về đoàn sủng Sa-lê-diêng và như một công cụ huy động xã hội quan tâm đến các người trẻ.

7.14.1.1  Chức năng

Cổng Thông tin web:

199.

Là một dạng thức truy cập Internet có khả năng cống hiến một cơ hội, những công cụ và những dịch vụ, như: Chọn ngôn ngữ, bộ máy tìm kiếm, mạng nội bộ, các đường liên kết, tán gẫu… và những thông tin biệt loại về giáo dục và phúc âm hoá các người trẻ.

200.

DSC quản lý cổng Thông tin của Ban Quản trị Trung ương:

Tạo sự tương tác dễ dàng giữa Trung ương và các Tỉnh dòng, và lưu giữ một danh sách được cập nhật về các trang web Sa-lê-diêng;

Duy trì một cơ cấu thích hợp về con người và các phương tiện công nghệ thích hợp cho chức năng tương tác này;

Đào tạo những nhân sự để thực hiện sự tương tác này;

Thể hiện vai trò sinh động với các nhà quản trị viên website Sa-lê-diêng khác trên toàn thế giới.

201.

Trong cấp độ tỉnh dòng, Uỷ viên cung cấp việc hướng dẫn Sa-lê-diêng và một định hướng chuyên nghiệp cho các trang web trong Tỉnh dòng, theo sự thống nhất với chính sách truyền thông chung của Tu hội.

7.15  Tài liệu và văn khố lưu trữ

7.15.1  Vai trò

Tài liệu và văn khố:

202.

Thu thập, giữ gìn và sắp xếp dễ sử dụng các tài liệu về đoàn sủng, kinh nghiệm và công cuộc Sa-lê-diêng.

7.15.1.1  Chức năng

Tài liệu và văn khố:

203.

Một cách tổng quát, Tổng Thư ký chịu trách nhiệm về văn khố lưu trữ Sa-lê-diêng (ASC). Văn khố lưu trữ thực thi chức năng theo “Quy chế về Văn khố Trung ương”.

204.

Văn khố lưu trữ những tài liệu lịch sử, tức là những tài liệu hiện không còn sử dụng hay những tài liệu cho việc tham khảo hiện tại, tuy nhiên chỉ được phép khi có yêu cầu.

205.

Một bộ phận khác là văn khố lưu trữ hình ảnh. Bộ phận này lưu giữ các hình ảnh và phim / video của quá khứ lẫn hiện tại. Người trách nhiệm về văn khố này sẽ lo để các tài liệu có thể được sử dụng cho việc xuất bản và dùng cho những tài liệu khác.

206.

Ban Truyền thông Xã hội cũng quản trị văn khố của Ban và văn khố lưu trữ của những dịch vụ khác (ANS, SB, Cổng Thông tin), cũng như những cơ sở dữ liệu và tài liệu dành cho việc tham khảo hiện tại.

207.

Ban Truyền Thông Xã Hội hỗ trợ những chuyên môn đặc biệt cho Tổng Thư ký hay những người chịu trách nhiệm trong những bộ phận khác của ASC liển quan đến những phương cách và kế hoạch lưu trữ, đặc biệt những chuyên viên về kỹ thuật và công nghệ số.

7.16  Thư  Luân lưu của Giám Tỉnh

7.16.1  Vai trò

Thư luân lưu của Giám tỉnh:

208.

Bao gồm những thông tin cần chuyển đạt giữa các cộng thể Sa-lê-diêng, các cộng đoàn giáo dục và trong Gia đình Sa-lê-diêng. Việc làm này phục vụ sự hiệp nhất, việc chia sẻ những kinh nghiệm, sự tăng trưởng ý thức thuộc về, và sự canh tân sáng tạo.

7.16.1.1  Chức năng

Thư luân lưu của Giám Tỉnh:

209.

Cung cấp những thông tin nhằm phục vụ Kế Hoạch Sinh Động Tỉnh Dòng trong các tổ chức giáo dục và mục vụ.

210.

Cung cấp những thông tin với những chi tiết của kế hoạch trên cấp độ Tỉnh dòng về:

Lịch sử tỉnh dòng;

Lịch sử đoàn sủng Sa-lê-diêng: Đưa ra một lối đọc lại đoàn sủng Sa-lê-diêng trong Tỉnh dòng, không chỉ theo một dạng biên niên sử về những biến cố của quá khư, hiện tại hay tương lai;

Đề xuất sự cộng tác và dấn thân (theo nghĩa rộng) của người đời muốn chia sẻ đường lối của Don Bosco.

211.

Cung cấp những thông tin diễn tả sức sống của các cộng thể và các công cuộc trong Tỉnh dòng. Đó không chỉ là một sự thu thập mang tính lịch sử, hay một một dạng điểm báo, cũn không chỉ là liệt kê một danh sách các tài liệu Sa-lê-diêng hay Giáo hội.

212.

Cung cấp nhiều hơn những vấn đề mà thế giới Sa-lê-diêng quan tâm.

7.17  Các Trung tâm Đào tạo

7.17.1  Vai trò:

Các Trung tâm Đào tạo:

213

Đóng góp vào sứ mệnh Sa-lê-diêng bằng việc việc đào tạo các giáo viên, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và những người khác trong lãnh vực truyền thông. Cần tạo sự quân bình giữa kiến thức lý thuyết và những kỹ năng thực tế.

7.17.1.1  Chức năng

Các Trung tâm Đào tạo:

Thể hiện những mặt khác nhau: các trường đại học (mang tính học thuật) hay việc giáo dục không chính quy (với những chương trình và thời khoá biểu đa dạng).

215.

Việc mỗi trung tâm hoạt động theo chức năng như thế nào thì được hướng dẫn theo một kế hoạch giáo dục mục vụ Sa-lê-diêng cụ thể và những kế hoạch hành động đáp ứng những nhu cầu thực tế của những người có liên quan và được đưa vào Kế hoạch Toàn diện của Tỉnh dòng (OPP).

216.

DSC cổ võ sự cộng tác hỗ tương giữa các trung tâm đào tạo truyền thông sử dụng những đường hướng, hoạt động hay chiến lược sau đây:

Làm việc hoà điệu với Ban Đào luyện và Ban Mục vụ Giới trẻ;

Nghiên cứu những yếu tố hiểu biết và cộng tác giữa các phân ban truyền thông thuộc IUS và các trung tâm đào tạo khác;

Đưa ra một giải đáp mang tính đào tạo cho vấn đề giáo dục truyền thông và việc đào tạo chuyên môn.

PHẦN HAI

“Những Hướng dẫn cho việc Đào luyện các Sa-lê-diêng về Truyền thông xã hội”

Nội dung và phương pháp cho các giai đoạn đào luyện.

Tổng Cố vấn Đào luyện và

Tổng Cố vấn Truyền thông xã hội

Roma, ngày 24 tháng 05, năm 2006

Dẫn nhập

 

Truyền thông xã hội luôn luôn được nhìn nhận như một lãnh vực đào luyện cần thiết và cấp thiết trong Tu hội. Tu hội đã thấy rõ tầm quan trọng lớn lao của nó đối với cuộc sống và sứ mệnh Sa-lê-diêng, nên từ thập niên 1990 trở về sau, đã có rất nhiều nỗ lực trong việc đưa ra một chương trình đào luyện cho các giai đọạn khác nhau, đặc biệt là cho những hội viên đang trong giai đoạn đào luyện ban đầu.

   Việc thúc đẩy để soạn thảo ra tập những Hướng dẫn này đến từ một chuỗi các sự kiện xảy ra: Việc ban hành cuốn Ratio mới vào năm 2000, sự chọn lựa mang tính thực hành từ Tổng Tu Nghị 25 vào năm 2002 để từ đó có được một Tổng Cố Vấn chuyên biệt cho Ban Truyền Thông Xã hội, những hướng dẫn trong Kế hoạch của cha Bề Trên Cả và Ban Cố Vấn ngài, để từ đó một chương trình giảng dạy về Truyền thông xã hội được hình thành, sự đòi hỏi của Hội Đồng Cố Vấn Thế Giới về truyền thông xã  hội vào năm 2004, việc xuất bản cuốn cẩm nang “Hệ thống Truyền thông xã hội Sa-lê-diêng” vào đầu năm 2005, và sau cùng là Lá thư của cha Bề Trên Cả được đăng trong Công báo Trung ương năm 2005 (AGC 390).

   Tài liệu Hướng Dẫn bạn đang có là kết quả của sự cộng tác giữa các Ban Truyền thông Xã hội và là thành quả của sự tham vấn trong toàn Tu hội, đặc biệt là giữa các chuyên viên trong lãnh vực truyền thông xã hội và các nhà đào luyện. Họ lấy cảm hứng từ các tài liệu của Giáo hội nói về lãnh vực truyền thông xã hội, từ Hiến luật và Qui chế của chúng ta, từ những gì được đề cập tới trong Thư của các vị Bề Trên Cả: Cha Viganò (ACG 298), cha Vecchi (ACG 370 và 366), cha Chávez (ACG 387 và 390). Sau cùng, họ cũng dựa vào chính những trải nghiệm của các tỉnh dòng và của những vùng khác nhau của Tu hội.

Những đối tượng được nhắm đến

   Tập sách NHỮNG HƯỚNG DẪN CHO VIỆC ĐÀO LUYỆN CÁC SA-LÊ-DIÊNG VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI được dành cho những người và những nhóm mà Ratio nhắm đến, tức là: Tất cả các hội viên Sa-lê-diêng, đặc biệt là các Giám tỉnh và Ban cố vấn, các Uỷ viên và các thành viên của Ban Đào luyện và Ban Truyền thông Xã hội, các nhà đào luyện và những ai đang được đào luyện, các người trách nhiệm việc đào luyện các hội viên trong giai đoạn đào luyện ban đầu và thuộc giai đoạn đào luyện liên tục.

Mục đích

Mục đích của tập sách “Chỉ nam” này là đào luyện những hội viên Sa-lê-diêng trở thành “một nhà truyền thông tốt”, biết quan tâm đặc biệt đến lãnh vực truyền thông xã hội.

Việc trở thành một nhà truyền thông tốt đòi phải có khả năng tiếp nhận với óc nhận định và biết tạo ra các sản phẩm mang tính thông tin và truyền tải các sứ điệp, cùng lúc đòi phải có khả năng sinh động và quản lý truyền thông xã hội trong các tiến trình giáo dục và mục vụ. Sau cùng, nhà truyền thông cần phải có khả năng tương tác và tương quan trong lãnh vực truyền thông xã hội đối nội cũng như đối ngoại của Tu hội.

Lãnh vực truyền thông cũng liên quan đến việc truyền thông đại chúng và cá nhân khác nhau, chẳng hạn báo chí, xi-nê, phát thanh, truyền hình, internet, DVD, điện thoại di động,…: nó cũng bao gồm  tất cả sự tương tác trong xã hội hay trong một nhóm văn hoá, chẳng hạn kịch nghệ, âm nhạc, quảng cáo, các mối quan hệ công chúng. Sau hết, nó cũng quan tâm đến văn hoá, đặc biệt các dạng thức về nhân chủng học do phương tiện truyền thông sáng tạo và lan truyền.

Những cấp độ đào luyện

Cần lưu ý rằng những Hướng dẫn này nhắm đến việc đào luyện, chứ không chủ ý là việc “huấn luyện”, bởi lẽ đó không nhằm để thủ đắc được những khả năng và sự am tường về mặt kỹ thuật liên quan đến một thể loại nào đó được đào luyện, nhưng là sự biến đổi xét như một nhân vị, bao gồm cả những thái độ và khả năng nhận định.

Ở đây cũng cần nhắc lại hai đoạn, (số 56 và 68) trích từ Cẩm nang “Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng”, đề cập đến những khía cạnh phải làm trong việc đào luyện: Truyền thông xã hội được triển khai trong bối cảnh sứ mạng Sa-lê-diêng đối với người trẻ, một chiều kích xuyên suốt trong tất cả các hoạt động giáo dục và mục vụ (số 56), đồng thời cũng đề cập đến những quy chiếu đào luyện về truyền thông xã hội (số 68).

   Dựa trên những gì Huấn quyền Giáo hội và những tài liệu của Tu hội nói tới, Cẩm nang “Hệ thống Truyền thông Xã hội Sa-lê-diêng” trong số 69 đã đề cập đến 3 cấp độ đào luyện.

Cấp độ thứ nhất và căn bản, chú trọng đến việc đào luyện của những người tiếp nhận.

Cập độ này đề cập đến những việc sau:

Giáo dục người Sa-lê-diêng có khả năng nhận định và nhận thức, để họ có thể thoát khỏi những đề xuất rất tinh vi và những sự lôi kéo của các phương tiện truyền thông;

Trang bị cho họ có khả năng để thực hiện những chọn lựa tự do và có trách nhiệm, biết sử dụng những phương tiện truyền thông không chỉ để giải trí, mà đúng hơn để thông tin và đào luyện, hầu có được sự thăng trưởng về mặt văn hoá và xã hội cách hài hoà.

Giáo dục những kỹ thuật về truyền thông cá nhân cần thiết để có thể “đọc” và am tường đối tượng muốn truyền thông một cách chính xác.

Nhận biết được những hàm ý về mặt xã hội, văn hoá, chính trị và kinh tế, đằng sau là những sứ điệp cũng như những giá trị được truyền thông đề xuất; đặc biệt lưu ý đến mối tương quan giữa truyền thông và quảng cáo, ý thức hệ và quyền lực chính trị.

Quan tâm đến mỹ học của truyền thông qua việc thực hiện khía cạnh nghệ thuật, văn chương và âm nhạc trong nhãn quan truyền thông; phải lưu tâm hơn đến việc trình bày văn hoá một cách tổng quát; có khả năng đánh giá các tác phẩm nghệ thuật; nghiên cứu âm nhạc của người trẻ để thấu hiểu những vấn đề, ngôn ngữ, những ước mơ của chúng và có khả năng đối thoại, tìm kiếm với chúng; ít ra cũng phải đọc vài trang của nền văn chương hiện đại.

Cấp độ thứ hai nhắm đến việc chuẩn bị cho các nhân viên giáo dục và mục vụ.

Cập độ này đề cập đến những việc sau:

Trang bị cho người Sa-lê-diêng khả năng sử dụng đúng đắn những phương tiện truyền thông xã hội đa dạng trong các hoạt động giáo dục và mục vụ;

đào luyện người Sa-lê-diêng và người đời biết sử dụng truyền thông xã hội trong giảng dạy và trong giáo dục, trong giáo lý và trong bài giảng, trong việc cổ xuý hoà bình và phát triển, cũng như trong việc gióng lên tiếng nói về những nhu cầu của người nghèo.

Giúp cảm nhận và chuẩn bị người Sa-lê-diêng có khả năng kết hợp Tin mừng với một “nền văn hoá mới” do truyền thông xã hội hiện đại tạo nên.

Cấp độ thứ ba đề cập đến việc chuẩn bị những chuyên viên truyền thông xã hội, những người đảm nhận trách vụ nhân danh Tỉnh dòng. Việc này cần:

Chuẩn bị một số hội viên có khuynh hướng đặc biệt này để trở thành những chuyên viên giảng dạy về truyền thông xã hội;

Chuẩn bị một số người làm việc trong lãnh vực sản xuất của truyền thông, rèn luyện khả năng của họ về mặt quản lý và sinh động các hoạt động trong tỉnh dòng về lãnh vực này.

Trong giai đoạn đào luyện ban đầu, hãy thực hiện cấp độ thứ nhất và thứ hai; còn trong giai đoạn đào luyện liên tục, hãy thực hiện việc cập nhật và với một số người, có thể cho tiến đến cấp độ thứ ba.

Những Đề nghị cho mỗi giai đoạn đào luyện

   Đối với mỗi giai đoạn của đào luyện ban đầu hay đào luyện liên tục, những hướng dẫn này cho thấy trước hết một sự tổng hợp ngắn gọn những gì mà Ratio nói, liên quan đến bản chất và phạm vi của giai đoạn đó.

   Tiếp đến, nó làm nổi bật những khía cạnh đào luyện nào đó có liên quan đặc biệt đến truyền thông xã hội trong giai đoạn này. Nó đề cập đến những mục tiêu của việc đào luyện truyền thông xã hội, được trình bày không theo kiểu lý thuyết trừu tượng, nhưng theo những chỉ dẫn cụ thể cần phải thực hiện.

   Theo sau điều trên là một số đề tài nghiên cứu được đề xuất nhằm cổ xuý việc suy tư lý thuyết về ý nghĩa của truyền thông, vai trò xã hội và ngôn ngữ của nó cũng như việc sử dụng với óc nhận định. Những nội dung liên quan đến việc nghiên cứu này có thể được thực hiện tốt hơn một khi người ta biết nghiên cứu những gì mà RATIO STUDIORUM nói đến về những giai đoạn khác nhau.

Sau cùng, những kinh nghiệm thực hành và những khả năng cần thủ đắc, sẽ giúp theo dõi những mục tiêu đã được đề ra. Rõ ràng những kinh nghiệm này không bị giới hạn vào giai đoạn cần phải xem xét, nhưng là những gì cần phải tiếp tục và được nghiên cứu kỹ lưỡng trong các giai đoạn kế tiếp, xét như là những khả năng cần được thủ đắc cách tiệm tiến. Phần này, những kinh nghiệm và khả năng, cần được hiểu sâu rộng hơn và trên hết phải được thực hiện. Tiếp đến, nó cần có những tài liệu hỗ trợ. Những tài liệu hỗ trợ này sẽ được cung cấp trong khoá.

Đối với mỗi giai đoạn đào luyện, chúng ta có thể thấy: Một bản tóm lược bản chất và phạm vi của giai đoạn đó, những mục tiêu liên quan đến truyền thông xã hội, những chủ đề nghiên cứu và suy tư, những kinh nghiệm và những năng lực cần có.

   Chúng tôi cảm ơn tất cả những người đã cộng tác vào việc soạn thảo tập Chỉ nam này. Chúng tôi mong ước tập Chỉ nam này sẽ giúp ích thực sự cho việc đào luyện các Sa-lê-diêng, trở thành điểm xuất phát chung để đạt được những trải nghiệm phong phú, đồng thời góp phần vào sự cộng tác giữa các uỷ viên tỉnh và các Ban ngành Đào luyện và Truyền thông xã hội.

Cha Francéco Cereda – Tổng cố vấn đào luyện (2006)

Cha Tarcísio Scaramussa – Tổng cố vấn truyền thông xã hội (2006)

  1. TIỀN TẬP

1.1. Tiền tập là một giai đoạn đào luyện trong đó ứng sinh Sa-lê-diêng đào sâu sự chọn lựa ơn gọi của mình, đặc biệt tăng trưởng về đời sống nhân bản và kitô hữu, để phù hợp với việc bắt đầu giai đoạn nhà tập.

1.2. Trong tiến trình thăng tiến nhân bản và Ki-tô hữu, ứng sinh cần phải:

Rộng mở trước thực tại xã hội và văn hoá trong chính môi trường của ứng sinh cũng như trong thế giới truyền thông;

Đặc biệt nhạy cảm đối với những vấn đề của người nghèo và những người trẻ sống bên lề xã hội, những hoàn cảnh nghèo khổ, sự bất công và việc bị loại trừ.

Trưởng thành trong cuộc sống thực tế và làm tăng trưởng cảm thức liên đới và lòng trắc ẩn, được biểu lộ qua một lối sống đơn giản (x. FSDB 338).

Cần phát huy khả năng biết nhận định cách nghiêm chỉnh để ứng sinh có khả năng đưa ra những phán đoán về con người và sự kiện một cách khách quan và biết tôn trọng người khác, đồng thời cũng cho phép ứng sinh có lập trường riêng về những kiểu mẫu văn hoá do truyền thông đề xuất. 

(và rồi ứng sinh sẽ) biết cách đọc với óc nhận định và biết sử dụng có trách nhiệm những phương tiện truyền thông xã hội. (FSDB 65)

Trưởng thành với sự cảnh giác hiệu quả và bình thản trong cuộc sống cá nhân, biết làm chủ các giác quan, đồng thời biết sử dụng cách thận trọng và khôn ngoan tất cả các phương tiện truyền thông xã hội (x. FSDB 65).

1.3. Một số chủ đề học hỏi được giới thiệu với các ứng sinh như là phần nhập môn truyền thông xã hội:

Truyền thông là cái gì;

Các hình thái của truyền thông;

Các kiểu mẫu của truyền thông;

Ngôn ngữ của những dấu chỉ và biểu tượng;

Truyền thông xã hội;

Văn hoá nghe-nhìn;

Lịch sử truyền thông xã hội.

1.4. Sau cùng, những kinh nghiệm thực hành và những khả năng cần thủ đắc dưới đây cũng được đề xuất cho các ứng sinh:

Phát huy những thái độ thích đáng và những khả năng truyền thông như: lắng nghe, nói, viết, đọc trước công chúng, biết đón nhận ý kiến phản hồi;

Mỹ thuật, kịch nghệ, âm nhạc cũng cần được các ứng sinh thủ đắc tuỳ theo khả năng của họ;

Học cách sử dụng máy vi tính và internet nếu chưa làm điều này;

quan tâm đên những phương tiện truyền thông như in ấn, tạp chí, sách báo.

Biết tự giáo dục chính mình trong việc sử dụng thời gian rảnh một cách hợp lý và trong sự chọn lựa có trách nhiệm những chương trình tivi và internet;

Biết thưởng thức và lượng giá với óc nhận định những phương tiện và những sản phẩm của truyền thông xã hội;

Biết làm quen với việc sử dụng cách cẩn trọng các nhật báo, các chương trình phát thanh, tivi, các thư luân lưu và các tập san;

Học biết cách phân tích và thảo luận về các tin tức, đặc biệt những vấn đề của người trẻ và giới bình dân, cũng như những thách đố về văn hoá và đa văn hoá ngày nay đối với Giáo hội, đặc biệt trong những lãnh vực như hoà bình, công lý, tình liên đới, công ăn việc làm và gia đình.

 

  1. TẬP VIỆN

2.1. Tập viện khởi đầu việc trải nghiệm đời sống Sa-lê-diêng trong tư cách người đi theo Đức Kitô. Tập sinh khởi sự sống đời thánh hiến tông đồ và nội tâm hoá những giá trị Sa-lê-diêng.

2.2. Như một phần thực hành đời sống Sa-lê-diêng, người tập sinh:

Tiếp tục trao dồi việc làm chủ bản thân và sự tiết độ, đồng thời kiện cường những động cơ chọn lựa  của mình. (FSDB 359)

Sống những thái độ trên với cả lãnh vực truyền thông xã hội.

Kiện cường sự gắn bó mạnh mẽ với Don Bosco, với Tu hội, với Gia đình Sa-lê-diêng và Phong trào Sa-lê-diêng (FSDB 362);

Khám phá ra một lãnh vực hoạt động rất ý nghĩa trong truyền thông xã hội vốn là một phần của những ưu tiên tông đồ trong sứ mạng Sa-lê-diêng.

Tăng trưởng trong sự nhạy bén mạnh mẽ về sứ mạng Sa-lê-diêng giữa những người trẻ nghèo, và luôn cập nhật thông tin trong việc này.

Luôn biết quan tâm đến những nhu cầu của thế giới và một cảm thức sống động về Giáo hội;

Bởi thế luôn biết ấp ủ nơi mình một thái độ tích cực thực sự về truyền giáo (FSDB 366).

2.3. Việc triển khai một số chủ đề học hỏi dưới đây sẽ giúp cho việc đào luyện tập sinh về lãnh vực truyền thông xã hội:

Don Bosco là vị thầy của truyền thông;

Biết quy chiếu về Hiến luật và Quy chế những gì liên quan đến truyền thông xã hội;

Sự phát triển của Tu hội trong lãnh vực truyền thông từ Tổng Tu Nghị Đặc biệt cho đến ngày hôm nay.

2.4. Tập sinh cần trải nghiệm những kinh nghiệm dưới đây, cũng như cần thủ đắc được những khả năng sau:

Dành “không gian” cho sự tự do và trách nhiệm, được tập viện cống hiến  liên quan đến việc sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội để lượng giá chính mình, tập luyện sự tự lập cá nhân, sử dụng cách thận trọng và khôn ngoan những phương tiện truyền thông với óc nhận định, đồng thời suy tư về những lựa chọn mình đã thực hiện.

Phát triển những khả năng cần có đối với truyền thông: Hình ảnh, phim ảnh, kịch nghệ, âm nhạc, báo chí, internet, hội hoạ;

Sử dụng những phương tiện truyền thông để lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, trong việc chia sẻ đức tin và cầu nguyện theo nhóm, trong phụng vụ, trong kinh nghiệm tông đồ của tập viện;

Tham gia những diễn đàn và những hoạt động tương tự để phân tích, thảo luận và nhận định với óc phê phán những buổi trình bày và những sứ điệp, đặc biệt những quan điểm đáng lưu tâm hay còn đang tranh luận về sứ mạng của Giáo hội và của Tu hội đối với các người trẻ;

Giữ liên lạc với truyền thông xã hội của Tu hội và của Gia đình Sa-lê-diêng: Tập san Sa-lê-diêng, ANS, trang www.sdb.org tại Rô-ma, các Thư luân lưu, vv…

Phát triển cảm thức thuộc về Tu hội thông qua việc đọc các tin tức Sa-lê-diêng.

 

  1. HẬU TẬP VIỆN

3.1. Hậu tập viện là giai đoạn trong đó các tân khấn sinh Sa-lê-diêng kiện cường việc thăng tiến ơn gọi cá nhân, chuẩn bị cho giai đoạn tập vụ, từng bước kết hợp giữa đức tin, văn hoá và cuộc sống qua sự hiểu biết sâu hơn những trải nghiệm đời tu và tinh thần của Don Bosco, sự chuẩn bị thích đáng về triết lý, sư phạm và huấn giáo để có thể đối thoại với nền văn hoá (x. HL 114).  

3.2. Như một phần của tiến trình đào luyện hậu tập viện, người Sa-lê-diêng cần:

Có khả năng kiến tạo một tương quan nghiêm túc với nền văn hoá, với thế giới người trẻ, với những vấn đề giáo dục, với nhãn quan ki-tô hữu.(x. FSDB 401).

Có sự hiểu biết rộng và óc nhận định về truyền thông xã hội, biết đọc, lượng định và tương tác với những phương tiện truyền thông, các thông tin và quảng cáo hiện đại, đồng thời có đủ khả năng để nắm bắt được những tác động về mặt tâm lý và xã hội của chúng trên giới bình dân và các người trẻ;

Có được khả năng nhất định về những kỹ thuật đa dạng của truyền thông xã hội, biết sử dụng chúng trong việc giáo dục và phúc âm hoá các người trẻ (FSDB 410).

3.3. Vì việc đào luyện tri thức là đặc nét của giai đoạn này, nên các Sa-lê-diêng hậu tập viện cần học hỏi về lãnh vực truyền thông xã hội:

Lý thuyết truyền thông và những vấn đề tâm lý xã hội của truyền thông;

Các hình thái của truyền thông, đặc biệt là những công nghệ mới: In ấn, truyền thanh, truyền hình, internet;

Nền văn hoá do truyền thông xã hội sản sinh ra;

Giáo dục truyền thông;

Việc áp dụng truyền thông xã hội vào những lãnh vực khác nhau như huấn giáo, phụng vụ, những hoạt động mục vụ chung, việc giảng dạy và sinh động văn hoá.

3.4. Những nghiên cứu này cần đi đôi với những kinh nghiệm thực hành khác nhau cũng như những khả năng cần thủ đắc, hầu giúp đem ra thực hành những gì đã học được nơi trường lớp:

Phát triển những khả năng cần có đối với truyền thông: Hình ảnh, video, kịch nghệ, báo chí, các chương trình máy tính, hội hoạ, áp-phích, bích báo, âm nhạc, phương tiện thính thị;

Tham gia vào những nhóm phân tích và thảo luận giúp đánh giá những sản phẩm do truyền thông thực hiện với cảm thức Ki-tô giáo và với óc nhận định, đặc biệt liên quan đến nội dung và ngôn ngữ của tin tức, quảng cáo, báo chí, phim ảnh, video và internet, trò chơi video, rồi suy tư về tính toàn cầu của thông tin;

Biết ngôn ngữ và những “tiếng lóng” của người trẻ; đưa những hình thái Sa-lê-diêng về kịch nghệ, lễ hội, những buổi diễn nguyện, các khoá học…đến với những người trẻ.

Dấn thân vào việc phục vụ thông tin trên cấp địa phương hay trên cấp tỉnh dòng.

 

  1. TẬP VỤ

4.1. Tập vụ là giai đoạn đầy sức sống và mạnh mẽ với những hoạt động Sa-lê-diêng, mang lại những trải nghiệm giáo dục mục vụ, qua đó giúp các hội viên tập vụ trưởng thành trong ơn gọi Sa-lê-diêng và thẩm định sự thích hợp của họ trong tiến trình tiến đến sự thánh hiến trọn đời.

4.2. Giai đoạn tập vụ này không có một chương trình học tập cụ thể. Nó là một thời gian trải nghiệm, hay đúng hơn là toàn bộ những kinh nghiệm khác nhau của đời sống và hoạt động Sa-lê-diêng, trong đó có việc sử dụng truyền thông một cách trách nhiệm và dùng nó cho việc đào luyện, giáo dục và phúc âm hoá các người trẻ. Đặc biệt, các tập vụ có thể xem xét và kiểm tra điều mà tập cẩm nang “Hệ thống Truyền thông Sa-lê-diêng” đã đề cập đến trong số 51 liên quan đến những người trách nhiệm về truyền thông và việc sinh động truyền thông trong các tiến trình giáo dục.

4.3. Giai đoạn này mời gọi các tập vụ suy tư và chia sẻ những trải nghiệm của họ, rồi khi có thể, cũng nên có một số những chương trình ngắn về truyền thông xã hội được lồng trong bộ khung của việc đào luyện về sư phạm, phương pháp luận, huấn giáo, và giáo dục (FSDB 433). Ví dụ thật hữu ích nếu có những suy tư về một vài phương diện như: Sự hiện diện giữa các người trẻ theo quan điểm của McLuhan trình bày cuốn sách “Trung gian như sứ điệp”; việc giáo dục truyền thông trong kinh nghiệm mục vụ và giáo dục; việc toàn cầu của truyền thông và ảnh hưởng của nó trên những chọn lựa và lối sống của đời tu.

  1. ĐÀO LUYỆN CHUYÊN BIỆT

5.1. Đào luyện chuyên biệt là giai đoạn hoàn tất quá trình đào luyện ban đầu của nhà giáo dục mục vụ Sa-lê-diêng trong ơn gọi chuyên biệt sư huynh hay linh mục.

5.2. Tiếp đến, nó cũng là một phần của  việc đào luyện người Sa-lê-diêng:

Để có một nền tảng xác tín vững chắc về lãnh vực truyền thông xã hội;

Để trở thành một nhà giáo dục, thầy dạy và người hướng dẫn những người khác, dạy họ cách sử dụng những công cụ với óc nhận định để có thể đọc, hiểu và đánh giá các bản văn cũng như các sứ điệp được các phương tiện truyền thông cống hiến và tác động.

Để có thể trở nên một vị mục tử trong lãnh vực truyền thông xã hội, biết sử dụng những kỹ thuật và những tiến trình truyền thông hiện đại một cách khôn ngoan và chuyên nghiệp với các mức độ nhóm nhỏ hay lớn, đồng thời biết đưa Tin mừng vào nền văn hoá truyền thông.

5.3. Mặt khác, một số việc học hỏi nữa cũng cần để đưa ra một khung quy chiếu lý thuyết:

Lý thuyết truyền thông;

Tài liệu Giáo hội về Truyền thông xã hội;

Sứ vụ truyền thông xã hội và tính đạo đức trong truyền thông cũng như những vấn đề mục vụ liên quan đến văn hoá của các người trẻ (x. FSDB 468);

5.4. Mặt khác, những người trong giai đoạn đào luyện cũng được mời gọi trải nghiệm một số kinh nghiệm nào đó và thủ đắc một số khả năng:

Sử dụng những công nghệ thông tin và internet;

Sử dụng những kỹ thuật về truyền thông xã hội trong các bài giảng, phụng vụ, tác vụ, huấn giáo và cách chung, trong thế giới lao động và trong việc phục vụ thừa tác, dấn thân vào các chương trình “giáo dục truyền thông” cho các người trẻ.

Học để phát biểu trên các đài phát thanh và vô tuyến truyền hình địa phương, chuẩn bị một cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn hay phỏng vấn người khác, thực hiện một website, viết các bài báo và những công việc xuất bản đa dạng khác. Hẳn đó không chủ yếu dành cho một ai đó được đào tạo để có được những khả năng này. Biết cách thực hành một hay hai kỹ thuật thôi cũng đủ, để đứng từ một quan điểm cụ thể, có thể am hiểu tốt hơn những quy tắc của ngôn ngữ thính thị mà trong thực tế, cũng là những kỹ thuật giống nhau đối với tất cả loại phương tiện truyền thông; chú tâm nghiêm túc vào một hay hai kỹ thuật này thì cũng đủ.

Sử dụng một số phương tiện và ngôn ngữ của phương tiện truyền thông hiện đại để loan báo Tin Mừng, nhưng đồng thời cũng đưa sứ điệp Tin mừng vào trong chính nền văn hoá truyền thông hiện đại. Điều này có nghĩa là Tin mừng trở nên dễ hiểu hơn cho các bạn trẻ ngày nay và cũng trở nên thành phần cấu tạo nên nền văn hoá của họ (x. PSDB 466).

Biết đối thoại với các chuyên viên truyền thông, ví dụ vào dịp Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội. Điều này tạo cơ hội để trực tiếp nhận biết những khó khăn mà các chuyên gia đang muốn vượt thắng, những lý tưởng và giới hạn của họ, những vấn đề về đạo đức, và những vấn nạn họ nêu lên cho những người của Giáo hội.

 

  1. ĐÀO LUYỆN LIÊN TỤC

6.1. Đào luyện liên tục là việc liên tục cập nhật cho giai đoạn đào luyện ban đầu và hoàn thành nó: Mục đích là giúp người hội viên nỗ lực sống kế hoạch tông đồ Sa-lê-diêng trong niềm vui và sự trung thành sáng tạo.

6.2. Giữa những điều khác, sự dấn thân như thế đòi người hội viên phải:

Trải nghiệm việc tương tác rộng mở và khôn ngoan với thực tại truyền thông xã hội;

Trang bị những ngôn ngữ mới và biết chăm chú lắng nghe thế giới và văn hoá của người trẻ;

Học biết những tiêu chuẩn phân định nền tảng và nhất quán với nhãn quan Ki-tô giáo, với những hướng dẫn Sa-lê-diêng và Giáo hội, và với đoàn sủng Sa-lê-diêng (x. FSDB 528-529).

Ngay cả khi tuổi đã cao, vẫn nỗ lực cập nhật lãnh vực truyền thông xã hội với những kỹ thuật mới.

Sẵn sàng cập nhật về lãnh vực truyền thông xã hội với mức độ tương xứng với việc phục vụ giáo dục mục vụ của mình, đồng thời còn với một khả năng sinh động và hướng dẫn người khác, các kế hoạch, các công cuộc nữa (x. FSDB 529, 542).

Có khả năng đào tạo người đời và tự đào luyện chính mình cùng với họ nữa.

Biết chấp nhận những yêu cầu của bề trên và chuyên hoá trong lãnh vực truyền thông để phục vụ cách hiệu quả trong Tỉnh dòng và Tu hội (x. FSDB 542, 556) khi bản thân hội viên có những khả năng cần thiết hay khi để đáp ứng với những nhu cầu của Tỉnh dòng.

6.3. Ngoại trừ trường hợp những người được yêu cầu để chuyên môn hoá trong lãnh vực truyền thông xã hội, trong giai đoạn này (đào luyện liên tục), không có những khoá đào luyện chính thức. Cùng với Gia đình Sa-lê-diêng và với những người đời trợ giúp, các Sa-lê-diêng có thể tham gia những ngày học hỏi và suy tư. Việc này nên làm theo những hướng dẫn của Giáo hội hoàn vũ hay địa phương, hay những hướng dẫn của Tu hội liên quan đến truyền thông xã hội, khi học hỏi về những chủ đề quan trọng và nổi bật trong lãnh vực này. Trong số những chủ đề đó, chúng ta quan tâm đến những chủ đề về các công nghệ giáo dục mới; việc điều hướng công luận, huấn giáo, phúc âm hoá và những ngôn ngữ mới; tâm lý và xã hội của truyền thông xã hội; mối tương giao trong tổ chức và mối quan hệ công chúng.

6.4. Những sáng kiến tông đồ trong lãnh vực truyền thông xã hội tự chúng là những kinh nghiệm đào luyện các người Sa-lê-diêng, đặc biệt là khi chúng bao gồm sự suy tư về các hoạt động đã được thực hiện. Dưới đây là một số điểm quan trọng cần lưu tâm hơn:

Tham gia cùng với những người đời trong Cộng đoàn giáo dục và mục vụ (CEP) hay Gia đình Sa-lê-diêng, với những sáng kiến nhắm tới việc suy tư và hiểu biết sâu hơn về một số khía cạnh nào đó của truyền thông xã hội, đối chiếu với những kinh nghiệm;

Thực hiện việc đào luyện chuyên biệt các lãnh đạo và sinh động viên, nhất là trong Gia đình Sa-lê-diêng, về lãnh vực của truyền thông xã hội cho học đường, cho những thời gian rảnh và các nhóm, qua việc tổ chức những nhóm suy tư, những ngày học hỏi, và những hoạt động đặc biệt để giúp họ biết đọc và đánh giá những phương tiện truyền thông xã hội.

Tuỳ theo khả năng cá nhân và những yêu cầu của tỉnh dòng, dấn thân trực tiếp và chuyên nghiệp vào thế giới truyền thông qua việc hình thành, sinh động những trung tâm sản xuất và phân phối các sách báo, tạp chí, hay bằng việc quản trị những phương tiện truyền thông thuộc về Tu hội: Các Đài phát thanh, những kênh Truyền hình, các”câu lạc bộ video”, với sự quan tâm đặc biệt về gia đình và sứ vụ.

Phụ lục A: TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI TRONG CÁC TÀI LIỆU TU HỘI

HIẾN LUẬT

Khoản 06: “Chúng ta là những người giáo dục đức tin trong các môi trường bình dân, đặc biệt với việc truyền thông xã hội”.

Khoản 43: “Chúng ta hoạt động trong địa hạt Truyền thông Xã hội. Đó là một lãnh vực hoạt động quan trọng nằm trong những hoạt động tông đồ ưu tiên của sứ mệnh Sa-lê-diêng.

Đấng Sáng lập Dòng chúng ta đã nhận thức được giá trị của trường học đại chúng này trong vai trò tạo lập nền văn hóa và truyền bá những nếp sống; và ngài đã nỗ lực dấn thân vào các công tác tông đồ độc đáo để bảo vệ và nâng đỡ đức tin của quần chúng.

Noi gương ngài, chúng ta đề cao như hồng ân của Thiên Chúa những khả năng lớn lao mà việc truyền thông xã hội cống hiến cho chúng ta để giáo dục và rao giảng Tin Mừng.

Khoản 84: (Thanh khiết) sử dụng chừng mực và thận trọng những phương tiện truyền thông xã hội.

Khoản 59: … sự liên lạc và thông tin về công việc của các hội viên, là những yếu tố tăng cường sự hiệp thông, ý thức thuộc về cộng thể thế giới và làm chúng ta sẵn sàng phục vụ cộng thể ấy.

Khoản 137: Tổng Cố Vấn về truyền thông xã hội có nhiệm vụ sinh động Tu hội trong phạm vi này. Ngài cổ võ hoạt động Sa-lê-diêng trong phần vụ truyền thông xã hội; cách riêng ngài phối kiểm, trên cấp toàn cầu, các trung tâm và các cơ cấu được Tu hội điều khiển trong lĩnh vực này.

QUY CHẾ

Khoản 6: Việc truyền thông trong hoạt động mục vụ của chúng ta.

Khoản 31: Vai trò và trách nhiệm của Giám tỉnh & Ban Cố Vấn ngài.

Khoản 32: Việc giáo dục giới trẻ về Truyền thông xã hội.

Khoản 33: Mở ra những kênh thông tin trong Tu hội và trong Gia đình Sa-lê-diêng.

Khoản 34: Việc kiểm duyệt của Giáo quyền.

Khoản 44: Trong các cộng thể, việc cảnh giác với phương tiện truyền thông xã hội.

Khoản 66: Khôn ngoan trong việc sử dụng truyền thông liên quan đến đức khiết tịnh.

Khoản 82: Truyền thông xã hội trong việc đào luyện người Sa-lê-diêng.

Khoản 142: Những nhiệm vụ của Hội đồng Liên tỉnh trong việc chuẩn bị người Sa-lê-diêng trong lãnh vực truyền thông xã hội.

CÁC TỔNG TU NGHỊ

Nhận xét: Bên cạnh những con số đưa ra, còn có những tài liệu khác được liệt kê theo thứ tự chữ cái.

TTN 20 – 1971/ 72 (Tài liệu 6: các số từ 442 đến 462) Những thực tại văn hoá và giáo dục thuộc tầm quan trọng ưu tiên: Nền tảng cho khoản HL 43.

TTN 21 – 1978 (các số 148-153)

Báo động: Cần một bước nhảy vọt!

Truyền thông xã hội: Một cách để loan báo Tin mừng.

TTN 22 – 1984 (các số 73-75)

Kiện cường căn tính và định hướng thực tế: Hiến Luật mới của Tổng Tu Nghị Đặc Biệt trong ấn bản sau cùng và sự chấp thuận từ Tòa Thánh, thiết lập Uỷ Ban Truyền thông với vị Tổng Cố vấn đặc trách.

TTN 23 – 1990 (các số 254-260) Hành trình đức tin của giới trẻ đòi cộng thể phải có một hình thức truyền thông mới. Giám tỉnh bổ nhiệm vị đặc trách trong tỉnh dòng (Ủy viên).

TTN 24 – 1996 (các số 128-137) Một trong những lãnh vực của người Sa-lê-diêng trong tương lai: Đọc lại cam kết của người Sa-lê-diêng trong ánh sáng truyền thông xã hội; những thái độ trưởng thành, những thái độ tâm linh và văn hóa cần cho những ai ước muốn làm truyền thông; sự sinh động trên cấp tỉnh dòng và cộng thể địa phương cần được củng cố qua việc phục vụ của người Uỷ viên; việc lượng giá phẩm chất của những công việc truyền thông.

TTN 25 – 2002: Không gian quy tụ mới và đầy sức sống cho người trẻ (số 47). Vai trò của Tổng Cố vấn Truyền thông xã hội (số 133). Một bài của Tổng Tu nghị nhìn từ quan điểm truyền thông giúp chúng ta nhận ra nhiều khía cạnh: Hình ảnh chân thực của cộng thể: Chứng tá đời sống huynh đệ như một sự đáp trả cho nhu cầu sâu xa về truyền thông của giới trẻ. (7) Mối tương giao liên vị trong cộng thể (các số 13-15) sự hiện diện thông giao giữa các người trẻ trong khu vực địa phương (các số 37-48) truyền thông trong xã hội – những yêu cầu mới của sứ mệnh: Hoạt động bảo vệ và thăng tiến các người trẻ (các số 103, 140) Truyền thông trong các mối tương giao trên cấp Tỉnh dòng và cấp Thế giới (các số 111, 159)

TTN 26 – 2008: Chúng ta cũng cảm thấy mình bị những công nghệ mới của truyền thông xã hội chất vấn cũng như đối diện với những thách đố giáo dục mà chúng gây ra. Những cơ hội truyền thông ngày nay cũng trở thành một lối ứng xử thường ngày đối với các người trẻ khi gặp nhau, trao đổi ý kiến, giúp hòa nhập nhanh chóng với những bước chuyển động mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng theo lối không định danh và ảo. Nền văn hóa truyền thông cá nhân có thể hủy hoại khả năng trưởng thành của một người trong những mối tương giao cá nhân và làm cho các người trẻ đặc biệt phải đối diện với mối nguy hiểm của chính những cuộc gặp gỡ tiêu cực và lệ thuộc; đây là “sân chơi” nơi chúng ta hiện diện để lắng nghe, khai sáng và hướng dẫn (số 99); Sự nhạy cảm và sự dấn thân của Tu hội trong lãnh vực Truyền thông xã hội đã phát triển. Ví dụ, người ta có thể thấy những dấu hiệu: Việc thiết lập phân  khoa về ngành Truyền thông tại Đại học UPS, việc đảm nhận những kế hoạch giáo dục đa dạng liên quan đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông với óc nhận định, việc chúng ta có những website trên mạng internet, việc chúng ta quen thuộc hơn với mạng máy tính hoặc để có những trao đổi cá nhân hay để giáo dục từ xa, và những sắp xếp mới cho Ban Truyền thông xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta nhận thức rằng có rất nhiều thế giới ảo nơi các người trẻ và chúng ta không phải lúc nào cũng có thể chia sẻ hay sinh động chúng bởi vì chúng ta thiếu thông tin, thời gian và độ nhạy bén (số 102); việc chuyển đổi từ: Một thái độ rụt rè và sự hiện diện không thường xuyên trong truyền thông sang một thái độ sử dụng có trách nhiệm và một sự sinh động mang tính giáo dục nhạy bén và phúc âm hoá (số 104); Về phía cộng thể: Lên những kế hoạch giáo dục nhằm giúp người trẻ biết nhận định và sử dụng có trách nhiệm những loại phương tiện truyền thông khác nhau (truyền thông đại chúng, công chúng, cá nhân, xu thế hội tụ truyền thông… ) và khuyến khích sự dấn thân tích cực của họ trong lĩnh vực truyền thông xã hội qua những hình thức thông dụng với sắc thái trẻ trung; sử dụng các công nghệ của truyền thông xã hội làm cho sự hiện diện của họ trở nên khả giác hơn hầu làm cho đoàn sủng được quảng bá rộng rãi (số 109); Về phía Tỉnh dòng: Đưa ra một chiến lược thực tế có sức làm cho sự hiện diện của họ trong thế giới truyền thông mạnh mẽ hơn với lối diễn tả thông dụng, hấp dẫn và trẻ trung hơn, đồng thời cũng chuẫn bị nhân sự chuyên môn trong lãnh vực này;

Về phía Bề Trên Cả và Ban cố vấn ngài: Qua các Ban ngành như Ban Truyền thông, Ban Đào luyện, và Ban Mục vụ Giới trẻ, suy tư về những thách đố mới của văn hoá truyền thông cá nhân để đào luyện các người Sa-lê-diêng, chuẩn bị người đời và giúp các người trẻ (số 109)

Các Công báo của Ban Tổng Cố Vấn từ năm 1977 đến 2006

 

Phụ lục B : ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI

Sứ điệp nhân Ngày Quốc tế Truyền thông xã hội lần thứ 43 (24-05-2009)

Anh Chị Em thân mến,

Gần tới ngày Quốc tế Truyền thông xã hội, tôi vui mừng ngỏ lời cùng anh chị em để trình bày một vài ý nghĩ của tôi về chủ đề đã chọn cho năm nay: “Nền công nghệ mới, mối tương giao mới. Thúc đẩy một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại và hữu nghị”. Thực vậy, nền công nghệ mới kỹ thuật số quyết định những thay đổi căn bản trong các mô hình truyền thông và trong các quan hệ giữa con người. Các thay đổi này đặc biệt thấy rõ nơi người trẻ. Sự lớn lên của họ gắn chặt với các công nghệ truyền thông mới này. Bởi vậy, họ thấy thoải mái trong một thế giới kỹ thuật số trong khi, ngược lại, thế giới này nhiều khi xem ra xa lạ đối với nhiều người trong số những người có tuổi như chúng ta, vốn phải học để hiểu và quý chuộng các lợi ích mà thế giới này cung cấp cho việc truyền thông. Bởi vậy, trong sứ điệp của năm nay, tôi nghĩ là phải ngỏ lời đặc biệt với những người thuộc thế hệ kỹ thuật số này: tôi muốn chia sẻ với họ mấy ý tưởng về tiềm lực phi thường các công nghệ mới này nắm giữ khi chúng được sử dụng để tạo thuận lợi cho việc hiểu biết nhau và cho tình liên đới giữa con người. Những công nghệ này thực sự là một quà tặng đối với nhân loại: do đó, chúng ta phải làm sao để những lợi ích chúng đem lại được đưa ra phục vụ cho mọi con người, nhất là những kẻ phải sống trong thiếu thốn và dễ bị tổn thương, và cho mọi cộng đồng.

Tính cách phổ biến của điện thoại di động và máy tính, kết hợp với tính toàn cầu và sự vận hành của hệ thống mạng, đã tạo nên vô số kênh qua đó người ta có thể gửi, một cách tức thì, các từ ngữ và hình ảnh tới những ngóc ngách xa xôi và hẻo lánh nhất của thế giới: chắc chắn đây là một khả năng nằm ngoài ý nghĩ của các thế hệ đi trước. Đặc biệt, người trẻ đã hiểu được khả năng to lớn của các phương tiện truyền thông mới trong việc tạo thuận lợi cho việc kết nối, cho việc truyền thông và cho sự hiểu biết nhau giữa các cá nhân và cộng đồng, và họ sử dụng chúng để liên lạc với các bạn bè của họ, để kết bạn với những người mới, để tạo nên những cộng đồng và những đường dây, để tìm kiếm thông tin và tin tức, để chia sẻ ý nghĩ và quan niệm của họ. Nhiều lợi ích nảy sinh từ nền văn hóa truyền thông mới này: các gia đình có thể tiếp xúc với nhau, cho dù ở rất xa nhau, sinh viên và nhà nghiên cứu có thể tiếp xúc một cách trực tiếp và dễ dàng hơn với các tư liệu, các nguồn và các khám phá khoa học và do đó, họ có thể làm việc chung với nhau từ nhiều nơi khác nhau; ngoài ra, tính chất tác động lẫn nhau của các phương tiện truyền thông mới tạo nên các hình thức giáo dục và truyền đạt năng động hơn, góp phần vào tiến bộ xã hội.

Mặc dù tốc độ phát triển của các công nghệ mới do độ tin cậy và tính hữu hiệu của chúng là một lý do khiến chúng ta ngỡ ngàng, sự phổ biến của các công nghệ mới này nơi người sử dụng lại không làm chúng ta ngạc nhiên, bởi vì chúng đáp ứng ước muốn căn bản của con người là được quan hệ với nhau. Ước muốn truyền thông và hữu nghị này cắm rễ sâu trong chính bản tính con người chúng ta và không thể được hiểu một cách thích đáng chỉ như một câu trả lời cho các phát minh của công nghệ. Dưới ánh sáng của tín thư Mạc khải, ước muốn này đúng hơn phải được xem như một ánh phản chiếu việc chúng ta tham dự vào tình yêu thương cởi mở và kết hợp của Thiên Chúa, Đấng muốn biến toàn bộ nhân loại thành một gia đình duy nhất. Khi chúng ta cảm thấy nhu cầu đến với người khác, khi chúng ta muốn hiểu người khác rõ hơn và bộc lộ chính mình, chúng ta đang đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa – lời kêu gọi cố hữu với bản chất của chúng ta là được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, Thiên Chúa của truyền thông và của thông hiệp.

Ước muốn kết nối và bản năng truyền đạt, hiện rõ trong văn hóa đương thời, thực ra chỉ là những biểu hiện mang tính hiện đại của thiên hướng căn bản và không thay đổi của con người là ra khỏi mình để đi vào trong quan hệ với người khác. Trong thực tế, khi chúng ta mở lòng mình ra với kẻ khác, chúng ta thực hiện một cách trọn vẹn những nhu cầu thâm sâu nhất của chúng ta và chúng ta trở thành người một cách đầy đủ hơn. Đấng Tạo hóa đã dựng nên chúng ta chính là để yêu thương. Dĩ nhiên, đây không phải là những quan hệ thoáng qua, hời hợt, mà là yêu thương thực sự, thứ yêu thương làm nên tâm điểm của lời dạy đạo đức của Chúa Giêsu: “Con phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa con, hết lòng, hết linh hồn con, hết trí khôn con và hết cả sức lực con” và “Con phải yêu mến đồng loại con như chính mình” (xem Mc 12, 30-31). Vào ngày này, khi suy nghĩ về ý nghĩa của những công nghệ mới, điều quan trọng là xem xét không chỉ khả năng không thể phủ nhận của các công nghệ này trong việc tạo thuận lợi cho việc tiếp xúc giữa con người, mà cả tính chất của những nội dung các công nghệ này được mời gọi truyền đạt. Tôi mong muốn khuyến khích tất cả những người thiện chí làm việc trong thế giới đang bắt đầu của truyền thông kỹ thuật số, để họ dấn thân thúc đẩy một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại và hữu nghị.

Bởi vậy, những người làm việc trong lĩnh vực sản xuất và phổ biến nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng mới, không thể không cảm thấy mình phải có lòng tôn trọng đối với phẩm giá và giá trị của con người. Nếu các công nghệ mới phải phục vụ lợi ích của cá nhân và xã hội, thì những người sử dụng các công nghệ này phải biết tránh sử dụng những từ ngữ và những hình ảnh làm mất phẩm giá con người, và do đó, phải loại bỏ những gì nuôi dưỡng hận thù và sự bất bao dung, làm mất đi cái đẹp và sự thân tình của tính dục của con người, khai thác những con người yếu đuối và không được bảo vệ.

Các công nghệ mới cũng mở đường cho đối thoại giữa con người thuộc các nước, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Thế giới mới của kỹ thuật số, cái được gọi là không gian của điều khiển học, giúp con người gặp gỡ nhau và nhận ra những giá trị và truyền thống của người khác. Tuy nhiên, để trở nên phong phú, những gặp gỡ này đòi hỏi phải có những hình thức diễn tả lương thiện và đúng đắn, cũng như một sự lắng nghe chăm chú và tôn trọng. Đối thoại phải cắm rễ sâu trong một sự tìm kiếm chân lý một cách chân thành và có qua có qua lại, để thúc đẩy sự phát triển trong sự hiểu biết và chấp nhận nhau. Cuộc sống không chỉ đơn thuần là một chuỗi các sự kiện và kinh nghiệm nối tiếp nhau: sự sống đúng hơn là sự tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Chính vì mục đích này mà chúng ta có những chọn lựa của chúng ta, thực hiện sự tự do của chúng ta và nơi chúng, nghĩa là trong chân, thiện, mỹ, chúng ta tìm thấy hạnh phúc và niềm vui. Nhưng cũng còn phải tránh không để bị lừa bịp bởi những kẻ chỉ tìm người tiêu thụ trên một thị trường không phân biệt các khả năng, nơi chính sự chọn lựa lại trở thành thiện, cái mới mẻ được coi là mỹ, và chân bị kinh nghiệm chủ quan thay thế.

Khái niệm về tình hữu nghị mới được phục hồi trong từ vựng của các mạng lưới xã hội kỹ thuật số xuất hiện trong những năm gần đây. Khái niệm này là một trong những khám phá cao quý nhất của văn hóa nhân loại. Trong tình hữu nghị và qua tình hữu nghị này của chúng ta, chúng ta lớn lên và phát triển thành người. Cũng chính vì vậy mà tình hữu nghị đích thực từ muôn thuở đã được xem là một trong những kho tàng lớn nhất con người được hưởng. Chính vì vậy, cần phải chú ý để không tầm thường hóa khái niệm và kinh nghiệm về tình hữu nghị. Sẽ là đáng tiếc nếu ước muốn củng cố và phát triển tình hữu nghị trên mạng lại được thực hiện một cách gây tổn hại đến sự sẵn sàng của chúng ta đối với gia đình, đối với người láng giềng và đối với những người chúng ta gặp trong đời sống thường ngày của chúng ta, tại nơi chúng ta làm việc, ở trường học, trong khi chúng ta nhàn rỗi. Thực vậy, khi ước muốn kết nối qua mạng (ảo) trở thành nỗi ám ảnh, hậu quả sẽ là con người tự cô lập mình, và như vậy, cắt đứt sự tương tác xã hội thực sự. Điều này cuối cùng cũng sẽ làm rối loạn các thể thức nghỉ ngơi, thinh lặng và suy tư cần thiết cho một sự phát triển con người một cách lành mạnh.

Hữu nghị là một tài sản quan trọng của con người, nhưng nó sẽ mất giá khi nó bị xem như một cứu cánh tự thân. Bạn hữu phải nâng đỡ và khuyến khích nhau bằng cách phát triển các thiên phú và khả năng của nhau và bằng cách sử dụng chúng phục vụ cộng đồng nhân loại. Trong bối cảnh đó, quả là thỏa lòng khi thấy xuất hiện những mạng lưới kỹ thuật số mới nhằm thúc đẩy sự liên đới giữa con người, thúc đẩy hòa bình và công lý, các quyền con người và sự tôn trọng sự sống và tài sản của công cuộc tạo dựng. Các mạng lưới này có thể làm cho các hình thức hợp tác giữa các dân tộc thuộc các môi trường địa lý và văn hóa khác nhau trở nên dễ dàng bằng cách cho phép họ đào sâu tính nhân loại chung và ý nghĩa của sự đồng trách nhiệm đối với lợi ích của mọi người. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý để thế giới kỹ thuật số, trong đó các mạng lưới này có thể được thiết lập, phải là một thế giới mà mọi người đều có thể thực sự tiếp cận được. Tương lai của nhân loại sẽ bị tổn thất nặng nề nếu những phương tiện mới của truyền thông, vốn giúp chia sẻ hiểu biết và thông tin một cách nhanh nhất và hữu hiệu nhất, lại không tới được những kẻ vốn đã bị gạt ra ngoài lề về mặt kinh tế và xã hội hoặc nếu chúng chỉ góp phần đào sâu khoảng cách giữa người nghèo với các mạng lưới mới vốn phát triển nhằm phục vụ việc thông tin và xã hội hóa của con người.

Tôi muốn được kết thúc thông điệp này với đôi lời, đặc biệt, ngỏ cùng các người trẻ công giáo, để cổ vũ họ làm chứng cho niềm tin của họ trong thế giới của kỹ thuật số. Các bạn trẻ rất yêu quý, hãy dấn thân tìm cách đưa những giá trị vốn là nền tảng của cuộc đời các bạn vào trong nền văn hóa của không gian truyền thông và thông tin mới này! Vào buổi đầu của Giáo hội, các Tông đồ và các môn đệ của các ngài đã loan báo Tin Mừng về Chúa Giêsu trong thế giới Hy Lạp-La Mã: như khi ấy, để có được hiệu quả, việc loan báo Tin Mừng đòi hỏi sự hiểu biết chăm chú về nền văn hóa và phong tục của các dân ngoại để đánh động lòng trí, ngày nay cũng vậy, việc loan báo Đức Kitô trong thế giới của những công nghệ mới đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc để sử dụng chúng một cách chặt chẽ và thích đáng.

Chính chúng con, các bạn trẻ, những người thấy mình hòa đồng một cách gần như tự nhiên với các phương tiện truyền thông mới này, chúng con có nhiệm vụ đặc biệt loan báo Tin Mừng cho “lục địa kỹ thuật số” này. Hãy biết đảm nhiệm với lòng nhiệt tình phận sự loan báo Tin Mừng cho những người đương thời! Chúng con hiểu rõ nỗi lo sợ và niềm hy vọng của họ, sự nhiệt tình và nỗi chán chường của họ: quà tặng quý báu nhất các con có thể đem đến cho họ là chia sẻ với họ “Tin Mừng” về một Thiên Chúa đã làm người, đã đau khổ, đã chết và đã sống lại để cứu độ nhân loại. Lòng con người đang khát khao một thế giới trong đó tình yêu thương ngự trị, trong đó các quà tặng được chia sẻ, trong đó sự thống nhất được xây dựng, trong đó tự do có được ý nghĩa của nó trong sự thật và trong đó căn tính của mỗi người được thực hiện trong một sự hiệp thông đầy kính cẩn. Trước những chờ đợi này, niềm tin có thể đem lại câu trả lời: Hãy là những sứ giả loan báo niềm tin ấy! Đức Giáo hoàng sẽ ở bên chúng con bằng lời cầu nguyện và phép lành của mình.

Từ Vatican

Ngày 24 tháng 01 năm 2009,

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Phụ lục C: CÔNG BÁO SỐ 423 – 2

Những Đường hướng và Chỉ dẫn cụ thể về việc Sử dụng mạng Truyền  thông Xã hội

2.1. Sự hiện diện của chúng ta trên mạng lưới truyền thông (1)

Bài viết của Cha Filiberto SDB, Tổng Cố vấn đặc trách Truyền thông Xã hội

Dẫn nhập

Các trang mạng xã hội (2) là một hình thái mới của truyền thông. Lúc khởi đầu, các trang mạng chỉ nhằm để trao đổi kinh nghiệm và các ý kiến, để giao lưu  hay làm quen, trong một xã hội mà mọi người liên lạc với nhau qua internet ngày càng nhiều.

Vai trò của các trang mạng xã hội trở nên thiết yếu đối với nhiều người hay các tổ chức, các cơ sở, nhằm giúp mọi người biết về nhau, biết về nơi chốn, biết về các sự kiện xảy ra tức khắc để có thể đối thoại và hình thành các nhóm với những chức năng và những chủ đích khác nhau.

Qua mạng Facebook, Twitter, Youtube, Instagram, Myspace, Linkedin,Whatsapp, Snapchat và nhiều trang mạng khác, một người có thể liên lạc với nhiều người tại những địa điểm khác nhau trên toàn thế giới, mà chỉ vài năm trước người ta vẫn chưa thể nghĩ đến. Chỉ cần một cú nhấp chuột, chúng ta có thể biết những gì ở cách chúng ta cả ngàn cây số.

Qủa vậy, các mạng online tạo nhiều thuận lợi cho người sử dụng để chúng ta biết những thông tin, hơn là chỉ cung cấp thông tin, bởi vì sử dụng các mạng online đều rất thuận tiện cho mọi người, cả việc tiếp cận những tin tức hay đăng những thông tin cho người khác biết. Trên mạng xã hội, mọi người sử dụng đều có thể là đạo diễn, là diễn viên, là người sáng tạo cùng một lúc và  rất nhãn tiền.

Chúng ta cần phải suy nghĩ về việc chúng ta tham gia các trang mạng xã hội cùng những đổi thay về văn hóa và về những tương quan đang diễn ra (3). Các mạng xã hội mang lại nhiều thiện ích, nhưng cũng tạo ra những nguy cơ cho mọi người cũng như cho các tổ chức, nếu chúng ta không dấn sâu vào đó và biết cách xử lý đúng cách. Kỹ thuật tự nó không tốt cũng chẳng xấu. Tuy nhiên, nó là một phần của nền văn hóa. Vì thế chúng ta phải hiểu và phải học ngôn ngữ của nó, phải biết về những lợi điểm cũng như những giới hạn của kỹ thuật .(4)

Sau đây là những hướng dẫn cho tất cả các Sa-lê-diêng cũng như cho mọi người đời cộng tác với chúng ta đang làm việc tại những công cuộc và những cơ sở  của các tỉnh dòng hay của các phụ tỉnh (5).

Các Sa-lê-diêng và mạng lưới xã hội (6)

Ngày nay, khi nói về Web 2.0, chúng ta phải hiểu 2 điều : Trước hết, người sử dụng mạng lưới xã hội đi từ khía cạnh tiêu thụ, tức là khai thác những thông tin, đến khía cạnh sáng tạo và phổ biến thông tin. Thứ hai, Web 2.0 chỉ là trang web thuần túy, tự nó không có chức năng kết nối mang tính xã hội. Tuy nhiên, nó có thể tạo mặt bằng để mọi người cộng tác với nhau và chúng cũng có thể mời gọi người khác tham phần vào. Mặt bằng này phá vỡ cách học hỏi truyền thống theo cơ cấu trước đây, tức là giáo viên đứng lớp giảng dạy và truyền đạt kiến thức, học sinh tiếp thu, và đó chỉ là phương thức một chiều. Cách thức mà các trang mạng xã hội tạo ra giúp chúng ta phát huy tính sáng tạo, chủ động cung cấp những kiến thức, những tin tức cũng như tạo ra sự truyền thông rộng rãi.

Đối với các anh em SDB và những cộng sự viên người đời, Web 2.0 là cơ hội rất tốt để chúng ta hiện diện ở đó, quảng bá đặc sủng Sa-lê-diêng và những công cuộc chúng ta đang thực thi,  giúp chúng ta tiếp cận được rất nhiều người, đặc biệt giới trẻ và các nhà giáo dục, là những người cũng đang có mặt rất đông trên các trang mạng. Qua họ, chúng ta có thể làm cho sứ điệp và sứ mệnh của Don Bosco được nhân lên nhiều lần (7).

Ngày nay, những ý tưởng tốt lành và những giá trị về cá nhân hay về mỗi công việc sẽ được rất nhiều người biết đến chỉ cần một cú nhấp chuột. Dĩ nhiên, đây không phải là một công việc máy móc cách tự động, nhưng những giá trị này phải được trình bày với ngôn ngữ của người đương thời, vào những thời điểm thích hợp và với kỹ thuật cũng như các phương thức phù hợp. Không phải phương thức nào cũng thích hợp cho mọi nội dung để quảng bá hay để thông tin. Nếu chúng ta không nắm vững những nguyên tắc này, chúng ta sẽ phí phạm thời giờ, và việc chúng ta muốn truyền tải một sứ điệp sẽ mất tính hiệu quả.

Nhiều người khi xem hồ sơ của các anh em SDB và các cộng sự viên người đời trên mạng, vẫn không thấy được sự liên kết giữa căn tính Sa-lê-diêng với những công việc chúng ta đang làm hay với cuộc sống cụ thể của chúng ta. Những gì họ nhìn thấy trên mạng, không chỉ là cá nhân người này hay người nọ, nhưng là hình ảnh con cái Don Bosco, hình ảnh của cả Tu hội. Vì thế, điều  rất quan trọng là chúng ta phải ý thức  rằng, chúng ta phải nối kết chặt chẽ 2 yếu tố, một bên là quyền tự do căn bản để trình bày, một bên là bổn phận phải trung thành với Tu hội Sa-lê-diêng. Mỗi một câu chúng ta bình luận trên mạng, mỗi hình ảnh mà cá nhân nào đó đăng lên, có thể được cắt nghĩa như là dấu chứng cho thấy các anh em Sa-lê-diêng trên toàn thế giới đều tin như thế, đều bình luận, đều suy nghĩ và đều hành động như thế. Cho nên, đây là trách nhiệm rất lớn khi chúng ta hiện diện ở trên mạng. Trong trường hợp này, tính cẩn mật và riêng tư lại rất khác so với khi chúng ta thực hành những tương giao xã hội, vào những thời điểm hoặc nơi chốn cụ thể. Rất quan trọng cần phải ý thức, là khi chúng ta biết sử dụng thời giờ cách chính đáng để vào mạng, chúng ta sẽ được mọi người nhìn thấy, đặc biệt là các người lớn và các bạn trẻ. Đây là đối tượng quan trọng mà chúng ta đang nhắm tới để phục vụ.

Trong thế giới kỹ thuật số, lãnh vực mà chúng ta dễ hiện diện để thông tin và làm việc cũng như dễ được người khác kính trọng, Tu hội Sa-lê-diêng đã tận dụng phương thế này nhằm các  mục đích sau :

Để cộng tác vào sứ vụ Tin mừng hóa của Giáo hội (8), đặc biệt qua việc cung cấp những thông tin, tuờng thuật những biến cố quan trọng trong Giáo hội và phổ biến những thông điệp của Đức Thánh Cha.

Để quảng bá về các tu sĩ Sa-lê-diêng như một cộng đoàn rộng lớn do chính Don Bosco thiết lập, nhằm Tin mừng hóa và giáo dục giới trẻ thuộc tầng lớp lao động.(9)

Để thông tin về những sinh hoạt của mỗi tỉnh dòng, của các ban ngành và những công cuộc trong tỉnh dòng ấy (trường học, giáo xứ, nguyện xá, công cuộc truyền giáo, các trung tâm hoạt động xã hội, các ấn phẩm về truyền thông v..v..) (10)

Để quảng bá một hình ảnh tích cực về sứ mệnh chúng ta với cách trình bày hiện đại, chân thực và trong sáng.

Để duy trì việc học hỏi những kinh nghiệm lẫn nhau qua việc trao đổi tin tức về các công việc hằng ngày, theo những mục tiêu và những giá trị mà công cuộc đó nhắm đến.

Để khích lệ mọi người biết về Don Bosco, về Tu hội và về gia đình Sa-lê-diêng hầu mời gọi tham gia vào các kế hoạch hoạt động, trải rộng trên 130 quốc gia (11).

Để các bạn thanh thiếu niên, các người trẻ, các nhà giáo dục và các phụ huynh tiếp cận được những tư tưởng tốt lành, khơi dậy những đề nghị và những hành động cụ thể, tạo cơ hội cho họ tham phần và cộng tác cách cụ thể vào những việc đó, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người.

Để các bạn trẻ luôn được đồng hành (12), luôn được hộ trực trong thế giới thực hôm nay, như Don Bosco đã làm.

Để cung cấp những thiện ích về văn hóa xã hội, về mục vụ, về thiêng liêng nhằm giúp đào luyện các thành viên trong gia đình Sa-lê-diêng và những người quan tâm đến sứ mệnh của chúng ta (13).

Để trở thành không gian nhằm trao đổi với những người quan tâm đến giới trẻ, và những người xuất bản các sách báo về giáo dục và xã hội, trong nhãn quan của Don Bosco.

MỘT VÀI HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

Sau đây là một vài hướng dẫn (14), nhắc nhở chúng ta về sự an toàn, biết sử dụng cách ý thức những trang mạng xã hội để chúng ta biết cách chia sẻ thông tin và tương tác với nhau theo những quy chuẩn đạo đức.

Có mặt trên các trang mạng xã hội: Cần nêu bật căn tính Sa-lê-diêng và ý thức trách nhiệm

Các kỹ thuật mới của mạng xã hội hiện đại vào thế kỷ 21 đang xóa dần khoảng cách trong truyền thông giữa lãnh vực chuyên nghiệp và lãnh vực riêng tư. Chắc chắn, đây là một quyết định cá nhân khi chúng ta trình bày căn tính riêng của mình trong tư cách là một thành viên của Tu hội hay trong tư cách một người đang làm việc trong dòng Sa-lê-diêng Don Bosco. Tuy nhiên, căn tính này, trong cương vị của một tu sỹ Sa-lê-diêng hay là một nhân viên của dòng, chúng ta phải được các bạn bè nhận ra, qua những người quen biết hay những người đồng sự, hoặc qua cả những người ở ngoài quỹ đạo chúng ta đang làm việc, nhờ vào sự trong sáng, tính chân thật và ý thức trách nhiệm cá nhân nơi chính mình.

Vì thế, các anh em SDB, các nhân viên và những cộng sự viên của chúng ta khi tham gia vào mạng xã hội, cần phải :

Tạo lập một hồ sơ có thể nêu lên căn tính của mình với các chức năng, những công việc và sứ mệnh được trao phó cho người ấy trong một lãnh vực nào đó.

Phải xin phép từ những người có thẩm quyền, khi sử dụng logo hay biểu tượng của tổ chức đó để trình bày trong hồ sơ hay trong những ấn bản do mình sản xuất.

Phải lãnh trách nhiệm về thông tin mình chia sẻ, về những bình luận mình đưa lên mạng, về những hình ảnh và những video mình phát tán. Mạng xã hội không hủy bất cứ thông tin nào được đăng lên hay bất cứ hình ảnh nào, video nào chúng ta đã tung ra.

Phải cẩn trọng về những phát biểu hay những bình luận, đừng để những bình phẩm đó khơi dậy những lời xầm xì, những nghi ngờ hay những bán tin bán nghi nơi độc giả.

Phải đính chính những thông tin sai lạc hay những nhận định đối nghịch về ngày tháng, về nơi chốn hay về nguồn trích, khi cần thiết. Đây là thái độ của người trưởng thành biết nhận ra những thiếu sót nơi mình.

Hiện diện trong thế giới mạng : Để thông truyền các nội dung.

Các mạng xã hội là không gian để truyền thông với nhau. Vì vậy khi đã đăng lên, tin tức có 1 năng lực để mọi người đều có thể nhìn thấy và nó cũng tạo nên nguy cơ là người ta có cảm tưởng rằng chúng ta đang muốn quảng cáo về một điều gì đó, nhưng nó cũng giúp mọi người thay đổi quan điểm một cách trực tiếp và mau lẹ.

Vì vậy, các anh em Sa-lê-diêng, các nhân viên cũng như những người đời thông dự vào sứ mệnh, tất cả chúng ta được mời gọi :

Nâng đỡ công cuộc của các anh em Sa-lê-diêng, chia sẻ nội dung truyền tải qua các  kênh chính thức, mở rộng cho mọi người chia sẻ quan điểm hay phê bình mang tính xây dựng và khách quan.

Tham phần vào các cuộc thảo luận trên các kênh chính thức của Tu hội. Qua các kênh đó, chúng ta có thể góp ý, chia sẻ kinh nghiệm hay sự hiểu biết cuả mình.

Thể hiện sự trợ giúp mục vụ hay chia sẻ những lời khuyên, sẵn sàng đối thoại và trao đổi thông tin cho nhau. Nếu yêu cầu được đưa ra vượt quá khả năng và kinh nghiệm của chúng ta, chúng ta cần nại tới những người khác có khả năng và sự hiểu biết sâu xa  hơn và phải luôn nhớ rằng, tin tức được đưa ra không đầy đủ có thể làm nguy hại tới hình ảnh và công cuộc giáo dục mục vụ của chúng ta.

Chia sẻ các nội dung (thông điệp, hình ảnh hay video) phải làm sao gắn kết với ơn gọi Sa-lê-diêng của chúng ta, với chức năng của các nơi chúng ta đang làm việc, để nêu ra những mẫu gương cho các trẻ em và những người trẻ, là đối tượng chúng ta phục vụ. Các bạn trẻ cũng như các phụ huynh của các em và những người đồng sự có thể nhìn vào hồ sơ của chúng ta để họ cũng có thể chia sẻ. Vì lý do đó, tránh đưa ra những hình ảnh không dính dáng đến ơn gọi hay chức năng của mình để họ không hiểu lầm.

Trước khi bạn chia sẻ và phát tán nội dung trên mạng, rất quan trọng là bạn cần phải xem xét xem những thông tin đến từ nguồn nào và phải bảo đảm tính xác thực của nó. Nếu chúng ta đưa ra những nội dung xuyên tạc hay không đúng sự thật, thì đó là một việc làm phi đạo đức hay phản giáo dục. Người  ta tin tưởng và cũng xem chúng ta như những nguồn truyền tải tin tức đáng tin cậy. Chúng ta có bổn phận và phải có ý thức trách nhiệm về việc này.

Phải trân trọng tác quyền. Nếu chúng ta muốn chia sẻ những nội dung có tính riêng tư của một ai, cần phải chú thích ai là tác giả hay ít nhất phải nêu ra rằng chúng ta đã trích hay sao chép từ đâu.

Hãy vượt thắng cám dỗ chỉ nêu ra những vấn đề khi sau đã được bàn cãi riêng tư, đặc biệt trên Facebook hay những trang mạng tương tự.

Chúng ta cũng phải nắm bắt những luật lệ tại mỗi quốc gia khi đăng tải những nội dung, đặc biệt những vấn đề liên quan đến trẻ em và trẻ vị thành  niên.

Phải luôn nhớ rằng, những nội dung có tính khiêu dâm hoàn toàn không thể được chấp nhận trong Tu hội của chúng ta, xét về mặt luân lý. Điều đó có thể là bất hợp pháp theo luật dân sự. Vì lý do đó, những xuất bản như thế hoàn toàn bị nghiêm cấm.

Tránh làm cho độc giả hiểu sai và dễ đi đến kết luận một cách lệch lạc. Cũng đừng đưa ra những phát ngôn mang tính chính trị.

Hiện diện trong không gian mạng: Cần phải tôn trọng người khác

Chúng ta là thành phần trong Giáo hội, nên mọi anh em SDB và những người đang làm việc cộng tác với chúng ta cần phải bày tỏ niềm tin của mình với thái độ lịch sự, chân thực và luôn biết kính trọng những người có niềm tin tôn giáo khác. Hệ thống Giáo dục Dự phòng (15) cần được chúng ta quảng bá rộng rãi, và đây là phương tiện để chúng ta tiếp cận nhiều người. Chúng ta phải trình bày Hệ thống Giáo dục ấy như là hệ thống thực tiễn để thực hành, một phương pháp khôn ngoan, mang tính lạc quan, thực tế, có tính khai sáng, tính kỷ luật, tính đạo đức và cũng là một phương pháp chuyên nghiệp. Đối với chúng ta, về mặt thể lý cũng như thực tiễn, chúng ta phải đứng về lập trường này, tuy nhiên vẫn phải tôn trọng những ý kiến khác.

Những ai cộng tác với chúng ta hay thuộc về những công cuộc của chúng ta ở nhiều cấp độ khác nhau, khi sử dụng các mạng xã hội, cũng phải lãnh lấy trách nhiệm của họ về tính pháp lý, về cá nhân hay về những hành động của họ.

Các hoạt động của một tỉnh dòng SDB trong lãnh vực truyền thông, được ủy thác cho một Ủy viên lo về truyền thông để vị đó điều hành, dưới sự giám sát và trách nhiệm của Cha Giám tỉnh.

Chú thích

  1. Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô viết ngày 24 tháng Năm 2015 gửi Cha Bề Trên cả Angel Fernandez Artime nhân dịp 200 năm Sinh nhật Don Bosco : ‘Như Don Bosco, với người trẻ và cho người trẻ’. Ngài viết : “Đặc biệt, Cha muốn nêu ra 2 công việc nổi lên ngày hôm nay khi chúng ta nhìn vào thực trạng của lớp trẻ : Điều thứ nhất là vấn đề giáo dục, liên đới với khía cạnh nhân học Kitô giáo, với ngôn ngữ được sử dụng trong các phương tiện truyền thông xã hội và các mạng xã hội, những thứ đang hình thành cách sâu xa nền văn hóa và hệ thống giá trị nơi giới trẻ, tạo nên cái nhìn của chúng về thực tại con người và về tôn giáo….”
  2. Với những trang mạng xã hội, chúng ta đề cập đến nội dung và không gian mạng để những người sử dụng trao đổi với nhau những thông tin và những nội dung như hình ảnh, video, những câu truyện, những kinh nghiệm hay những ý kiến.
  3. Trích cuốn : ‘Hệ thống Truyền thông xã hội Sa-lê-diêng, những hướng dẫn cho toàn Tu hội’, nhà xuất bản SDB, in lần thứ 2, Rôma, trang 9.
  4. Xem TTN 26 số 99,109. Xem Ratio Đào luyện, in lần thứ 3, Rôma 2000 số 141.
  5. Tài liệu này, theo cấu trúc và nội dung, được soạn ra theo những hướng dẫn được Tỉnh dòng Đức (GER) cập nhật, sau đó được các Ủy viên đặc trách truyền thông và Ban Tổng cố vấn hiệu đính.
  6. Xem thư của Cha Pascual Chavez, ‘Với sự can đảm của Don Bosco, chúng ta dấn thân vào biên cương mới trong lãnh vực truyền thông’. Công báo số 390.
  7. Xem TTN 27 số 25
  8. Xem Hiến luật khoản 6

9.Xem hiến luật khoản 2 và 43

  1. Xem Ratio đào luyện, tái bản lần 3, Rôma 2000, số 71
  2. Xem TTN 26 số 11
  3. Xem Hiến luật khoản 39
  4. Xem tài liệu ‘Các yếu tố cho việc đào luyện các anh em Sa-lê-diêng trong lãnh vực truyền thông’, tài liệu của Ban Đào luyện và Ban Truyền thông trung ương, Rôma 2015.
  5. Bản văn được gợi ý từ tài liệu của Hội đồng Giám mục Đức, ‘Hội nghị các Bề trên thượng cấp của các Dòng tu’, nói về các quy luật khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong tổ chức Caritas Đức, và tài liệu ‘Hướng dẫn về truyền thông’ của Ủy ban đặc trách thành phố Berlin và Hội Hồng Thập tự nước Áo.
  6. Xem Hiến luật khoản 20 và 38.

 

 

MỤC LỤC

    PHẦN MỘT

Lời nói đầu                                                                   

Truyền thông                                                    

Giải thích thuật ngữ                                         

Tầm nhin & Sứ mệnh                                      

Mục tiêu Chiến lược                                        

Những Chính sách                                                       

Tổ chức, Vai trò & Các Chức năng                

PHẦN HAI

Dẫn nhập                                                                  

Tiền Tập                                                           

Tập viện                                                

Hậu Tập viện                                                    

Tập vụ                                                   

Đào luyện Chuyên biệt                        

Đào luyện Liên tục                                          

    PHẦN BA

Phụ lục A                                              

Phụ lục B                                                                      

Phụ lục C                                                                      

 

[1]  Cesare BISSOLI, Đức Ki-tô, Nhà Truyn thông’ trong F. LEVER – P. C. RIVOLTELLA – A.ZANACCHI, Truyn thông. T đin Khoa hc và K thut, Rivoli (To)-Roma, ELLEDICI – RaiEri – LAS 2000, 325-328.

[2]  Eco U., ’Bài hc t Don Bosco’, trong “L’Espresso”, 15.11.1981, tr. 105. Đoạn văn được trích dẫn bởi F. LEVER – P. C. RIVOLTELLA – A. ZANACCHI, ‘Truyn thông’, tr. 114.

[3]  P. Stella, ’Don Bosco và Truyn thông’ tại Salesianum, Annus LXXI-N.4 các trang 635-650.

[4]  Don Bosco, Luân thư v vic Qung bá Sách báo tt, 19 tháng 3 năm 1885. Trong EPISTOLARIO, cuốn 4, các trang 318-321.

[5]   – nt –

[6]   Công báo 290, tr. 10.

[7]    x. Phân khoa Truyền thông Xã hội. NGƯỜI SA-LÊ-DIÊNG & TRUYN THÔNG

     Rome, Editrice SDB, 1989, các trang. 9-32.

[8]   Công báo 287, số. 143, tr.52.

[9]   TTN 20, 453

[10]  “Hơn bao giờ hết, Truyền thông xã hội đang trở thành một sự hiện diện giáo dục quần chúng, một dạng thức tư duy và kiến tạo văn hoá. Qua truyền thông, những bằng chứng tập thể đến từ những mẫu gương sống mới và những tiêu chuẩn mới để phán đoán đã được hình thành và được phổ biến. Hiệu quả mạnh mẽ và sự hiện diện của nó làm cho Truyền thông Xã hội trở thành một trường học chân chính và thực tế cho mọi thành phần xã hội loài người, đặc biệt cho các người trẻ và giới bình dân” (TTN 21, 148)

[11]   Đó là một lãnh vực hoạt động quan trọng nằm trong những hoạt động tông đồ ưu tiên của sứ mệnh Sa-lê-diêng. Đấng Sáng lập Dòng chúng ta đã nhận thức được giá trị của trường học đại chúng này trong vai trò tạo lập nền văn hoá và truyền bá những nếp sống, và ngài đã nỗ lực dấn thân vào các công tác tông đồ độc đáo để bảo vệ và nâng đỡ đức tin của quần chúng. Noi gương ngài, chúng ta đề cao như hồng ân của Thiên Chúa những khả năng lớn lao mà việc truyền thông xã hội cống hiến cho chúng ta để giáo dục và rao giảng Tin mừng.(HL. 43).

[12]   Công báo 302, tr. 16

[13]   TTN 24, 129

[14]   TTN 25, n. 47

[15]   HL 137

[16]   TTN 23, 259

[17]   QC 31

[18]   QC 31

[19]   QC 33

[20]   QC 142

[21]   QC 31, 82; Ratio

Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *