HOA THIÊNG 2008: Chúng ta hãy giáo dục với Trái tim của Don Bosco

HOA THIÊNG 2008

CHÚNG TA HÃY GIÁO DỤC VỚI TRÁI TIM NHƯ CỦA DON BOSCO

«Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa» (Lk 4, 18-19).

 

  1. Giáo dục với trái tim như của DB

1.1. Ơn gọi và con đường tới sự thánh thiện.

1.2. Tình yêu dự phòng . 

1.3. Ngôn ngữ của trái tim .

  1. Cổ xúy giới trẻ phát triển tiềm lực trọn vẹn của chúng

2.1. Chia sẻ niềm tin tưởng trong giáo dục.

2.2. Bắt đầu với những kẻ rốt hết.

2.3. Một nền giáo dục mới.

2.3.1 Tính phức tạp và tự do. 

2.3.2 Thuyết chủ quan và chân lý .

2.3.3. Lợi lộc cá nhân và tình liên đới.

2.4. Sự trưởng thành đức tin của giới trẻ trong bối cảnh này.

2.5. Lời đáp trả của Gia Đình Salêdiêng.  

2.5.1. Trở về giữa giới trẻ với tính hiệu quả lớn hơn

2.5.2. Khởi phát lại “người công dân lương thiện”

2.5.3. Khởi phát lại “người Kitô hữu tốt lành”.  


  1. Cổ xúy nhân quyền, cách riêng của những vị thành niên.

3.1. Nhân quyền và phẩm giá con người. 

3.2. Sứ mệnh Salêdiêng và quyền lợi của trẻ em. 

3.3. Chúng ta hãy cố gắng trình bày cùng những ý tưởng bằng ngôn ngữ của nhân quyền.

3.4. Giáo dục chính mình để giáo dục vì sự biến đổi của mỗi cá nhân và toàn xã hội:  vì sự phát triển nhân bản. 

3.5. Một bản văn mà DB sẽ sẵn sàng ký nhận.

Thay lời kết luận.

Roma ngày 25 tháng 12, 2007

Lễ Chúa Giáng Sinh

 Các hội viên thân mến,

 Cha ngỏ với anh em với cõi lòng của Don Bosco, vào cuối năm 2007, trong đó chúng ta đã tiếp tục làm việc vì sự sống, theo gương Thiên Chúa chúng ta, “đấng yêu mến sự sống”, và bên thềm năm 2008, vốn mở ra trước chúng ta “một năm Thiên Chúa được chiếu nhận”.

Từ lúc viết lá thư vừa qua mà trong đó cha trình bày cho anh em về Vùng Châu Phi-Madagascar, cha trải qua một thời kỳ rất bận rộn với những cuộc kinh lý các tỉnh dòng Hoa Kỳ và Á Tỉnh Canada, vào tháng Chín; rồi tháng Mười, cha lại thăm viếng Á Tỉnh Tây Phi nhân dịp kỷ niệm 25 năm các Salêdiêng đến Nigeria, Zambia và Mozambique; và cuối cùng cha thăm tỉnh dòng Trung Đông, và được nối tiếp bằng cuộc hành trình của cha tới Achentina, vào tháng Mười Một.

Thêm vào đó là một vài biến cố quan trọng và có ý nghĩa như nghi thức xuất phát truyền giáo vừa qua, vào cuối tháng Chín, việc phong chân phước cho các Salêdiêng Tử Đạo ở Tây Ban Nha ngày 28 tháng Mười, cũng như cho Zephyrinus Namucura, vào 11 tháng Mười Một.

Hai cuộc phong chân phước này dùng để đóng lại toàn bộ thời kỳ lục niên, vốn đã khởi sự với cuộc phong chân phước cho ba vị thánh nổi bật về đức ái cụ thể (Sư huynh Artemides Zatti, cha Luy Variara và chị Nữ tu Maria Romero). Chúng là một lời hiệu triệu mới để mang lại cho đời sống chúng ta một tiêu chuẩn cao cả của lối sống Kitô hữu thông thường mà Đức Gioan Phaolô II đã mời gọi chúng ta vươn tới vào đầu thiên niên kỷ thứ ba này. 

Hơn nữa, đang khi các vị Tử Đạo đưa chúng ta trở lại với lá thư về Thánh Thể, vì Thánh Thể không hiện hữu mà không có tử đạo (đời chứng nhân) và tử đạo (đời chứng nhân) là không thể được nếu không có Thánh Thể, thì Zephyzinus nhập thể sự thánh thiện như hoa quả hoạt động của Thần khí và của khoa sư phạm Salêdiêng. Hẳn nhiên những nhà truyền giáo được Don Bosco sai đi đã học và làm sản sinh lại kinh nghiệm thiêng liêng và sư phạm của Valdocco để đem các vị thánh trẻ tới trưởng thành. Vì vậy, cha không nghĩ là có thể có một kích thích nào lớn hơn nữa cho Hoa Thiêng mới mà bây giờ cha trình bày cho anh em. 

Như anh em thấy từ tựa đề và từ nội dung mà cha đã cho anh em biết, cha thích tập trung không phải trên những người mà công cuộc giáo dục chúng ta hướng tới nhiều cho bằng ngay lập tức tập trung đến tất cả các nhà giáo dục của Gia Đình Salêdiêng; như Đức Giêsu, họ cảm nhận mình được thánh hiến và được Thần khí Chúa sai đi để rao giảng tin mừng, để giải phóng khỏi tình trạng nô lệ, để chữa khỏi đui mù và cống hiến năm ân sủng cho những người mà công việc giáo dục hướng tới (x. Lc 4:18-19). Vì vậy, Hoa Thiêng 2008 minh nhiên ngỏ cho các thành viên của những Cộng Đoàn Giáo Dục Mục Vụ, cho các Cộng Đoàn những nhà giáo dục, cho các Hội Đồng Mục Vụ, v.v, trong thế giới rộng lớn của Gia Đình Salêdiêng. Nó muốn là một lời hiệu triệu để kiện cường lại căn tính của chúng ta là những nhà giáo dục, để chiếu sáng trên chương trình giáo dục Salêdiêng, để khảo sát cách sâu xa nào đó những phương pháp giáo dục, để giải thích minh bạch mục tiêu của những nỗ lực chúng ta, để trở nên ý thức hơn về những khuyết điểm có tính xã hội của giáo dục.  

Chúng ta được kêu gọi cho chính sứ mệnh này. Bản văn của Tin mừng Luca được cha chọn để giới thiệu Hoa Thiêng, xác định ơn gọi chúng ta là những nhà giáo dục theo phong thái của Don Bosco. Không phải ngẫu nhiên, trong Hiến Luật của những người Salêdiêng, những câu trích dẫn Kinh thánh này được chọn để dẫn vào “sự phục vụ giáo dục mục vụ của chúng ta.”

Khởi đầu đời sống công khai, nơi bản văn của ngôn sứ Isaia, được đọc lên trong hội đường ở Nadarét, Đức Giêsu nhìn ra sứ mệnh thiên sai của mình và công bố trước những người đồng hương của mình: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này quí vị vừa nghe” (Lc 4:21).

Cái “hôm nay” này của Đức Giêsu tiếp tục trong sứ mệnh giáo dục của chúng ta. Qua phép Rửa, chúng ta đã được thánh hiến với việc xức dầu Thần khí, và chúng ta được sai đến giới trẻ để công bố đời sống mới mà Đức Kitô ban cho chúng ta, để cổ xúy và phát triển sự sống đó qua việc giáo dục vốn giải phóng giới trẻ và người nghèo khỏi mọi thứ áp bức và bị loại ra bền lề. Những tình trạng bị loại ra bên lề này ngăn cản họ tìm kiếm chân lý, rộng mở trước hy vọng, sống có mục đích và niềm vui, và kiến tạo sự tự do của chính mình.

Hoa Thiêng 2008 chặt chẽ tiếp theo sau những Hoa Thiêng của hai năm qua. Sự sống là tặng phẩm lớn lao của Thiên Chúa; Ngài “là đấng yêu mến sự sống” và Ngài đã ký thác nó cho chúng ta như một hạt mầm hầu chúng ta có thể cộng tác với Ngài khi làm cho nó tăng trưởng và sản sinh nhiều hoa quả phong phú. Hạt giống này cần “rơi vào đất tốt” mà trong đó nó có thể nẩy mầm và sinh hoa kết quả; đất tốt này là gia đình, chiếc nôi của sự sống và tình yêu; gia đình là nơi chốn đầu tiên mà ở đó ta học làm người. Gia đình hân hoan và tri ân đón chào tặng phẩm sự sống và cung cấp khung cảnh tự nhiên thích hợp để nó tăng trưởng và phát triển. Nhưng cũng như với hạt giống, đất tốt mà thôi không đủ; cũng cần những nỗ lực kiên nhẫn và lao nhọc của bác nông phu tưới nước, vun xới và giúp nó tăng trưởng. Bác nông phu mà giúp sự sống tăng trưởng là nhà giáo dục. Đây là điều mà Don Bosco đã phải nói tới: “Giống như không một mảnh đất khô khan và cằn cỗi nào mà lại không thể nên phì nhiêu nhờ nỗ lực kiên trì, thì cũng vậy đối với tâm hồn của một người. Bất chấp lúc đầu người đó khô cằn và khó dạy bao nhiêu, thì sớm muộn gì họ cũng sẽ mang lại hoa trái tốt lành. Người đó sẽ bắt đầu bằng cách yêu mến điều gì tự nhiên là tốt và cuối cùng đi tới chỗ yêu mến điều gì là tốt cách siêu nhiên, miễn là vị linh hướng (nhà giáo dục) sẽ cộng tác với ơn Chúa bằng kinh nguyện và gắng sức làm cho họ nên phong phú và tốt lành.” (BM V, 236-7).

Cha nghĩ rằng lập lại điều cha đã nói ở chỗ khác thật là thích hợp. Hoa Thiêng năm nay không muốn đề xướng một chủ đề mới như thể những chủ đề của năm trước đã dứt khoát qua đi và hoàn thành. Cha thâm tín rằng ta không thể hiểu và thực hiện công việc giáo dục mục vụ một cách đột biến (lúc có lúc không), với những dừng lại và khởi động; nó đúng là giống với việc làm ruộng vốn đòi hỏi một lối tiếp cận dài hạn, hoạch định, vun xới và chăm chút, và trên hết, với tận tụy và yêu mến.  Trong trường hợp này chúng ta đang bàn đến hình thức tột hảo của canh nông: văn hóa vốn là sự “canh tác” những con người. Bằng cách này đề tài được chọn năm nay chắc chắn tiếp nối với những Hoa Thiêng về gia đình và sự sống.

Vậy Hoa Thiêng năm 2008 là đây:

Vì sự phát triển tồn diện của giới trẻ, cách riêng những em nghèo khổ bất hạnh nhất, chúng ta hãy giáo giới trẻ với lòng thương mến như Don Bosco bằng cách bênh vực quyền lợi của giới trẻ

 Khi bắt đầu bài bình giải này về chương trình mục vụ và thiêng liêng hàng năm này, mà Hoa Thiêng này muốn tạo nên, cha gợi nhớ một lời  hiệu triệu có ý nghĩa mà P. Duvallet nói lên cho các Salêdiêng chúng ta sau suốt hai mươi năm cùng cộng tác Abbe Pierre trong việc tông đồ là giáo hóa những người trẻ: “Anh em có các công cuộc, trường học, nguyện xá dành cho giới trẻ, nhưng anh em chỉ có một kho tàng: khoa sư phạm của Don Bosco. Trong một thế giới mà nơi đó thanh thiếu niên bị phản bội, bị vắt cho khô cạn, bị đè bẹp, bị khai thác, Chúa đã trao vào tay anh em một khoa sư phạm mà ở đây sự kính trọng người trẻ, với sự vĩ đại và mỏng dòn của chúng, với phẩm giá của chúng là con cái Thiên Chúa, ưu thắng. Anh em hãy gìn giữ và canh tân nó, làm nó thêm trẻ trung và làm giầu nó bằng tất cả những khám phá mới nhất; hãy thích ứng nó cho những người thuộc thế kỷ XX này cùng với những bi thương của họ mà DB không thể biết đến. Nhưng vì Chúa, hãy gìn giữ nó! Hãy thay đổi mọi sự, nếu cần, hãy mất các nhà của anh em, song hãy giữ lấy kho tàng này, đang khi hình thành nơi hàng ngàn tâm hồn cách thức yêu mến và cứu giới trẻ, vốn là gia sản của Don Bosco.”[1]

Khó mà tìm được một lời hiệu triệu thúc bách hơn thế này. Chúng ta biết về ơn gọi cao cả của mình là những nhà giáo dục cũng như tặng phẩm cao quý chúng ta nhận được nơi khoa sư phạm của Don Bosco, đúng là một “khoa sư phạm của trái tim”. Vì thế, chúng ta ngày nay muốn cam kết để thấy những lời chứng mang tính ngôn sứ hùng hồn này trở thành một thực tại.

Về mặt thực hành, Hoa Thiêng muốn tập trung vào:

  • chủ đề là khoa sư phạm Salêdiêng và Hệ Thống Dự Phòng; nó như là lời đáp trả lại nhu cầu mà chúng ta những nhà giáo dục phải có là suy tư thêm mãi và đào luyện hơn nữa cho điều này hầu không làm mất đi sự phong phú của nó;
  • sự đóng góp giá trị mà qua giáo dục, chúng ta có thể làm trong việc đáp lại những thách đố khổng lồ của đời sống và của gia đình;
  • việc cổ xúy nhân quyền, cách riêng quyền lợi của những vị thành niên; đó đúng là một cách thức nhìn thấy rằng sự cam kết của chúng ta cho giáo dục đóng góp tích cực vào tất cả mọi nền văn hóa.

 

  1. GIÁO DỤC VỚI TRÁI TIM NHƯ CỦA DON BOSCO

Đối với nhà giáo dục, giáo dục với trái tim như của Don Bosco có nghĩa là vun trồng “lý trí, tôn giáo, lòng thương mến” trong cõi lòng mình và rồi cho phép nó tuôn tràn, là làm cho lòng nhân hậu mến thương thành yếu tố then chốt, thành việc áp dụng cụ thể điều mà tôn giáo và lý trí đề xướng. Nó là chuyện sống Hệ Thống Dự Phòng, vốn là một tình yêu biết làm thế nào cho mình được yêu mến (x. HL 20), với việc canh tân sự hiện diện của mình giữa giới trẻ; nó hệ tại ở sự gần gũi mến thương và có hiệu quả, ở sự tham gia và đồng hành, ở sự sinh động và làm chứng, ở việc cổ xúy ơn gọi và phong thái hộ trực Salêdiêng. Trên hết, điều cần là phải canh tân sự chọn lựa, cách riêng dành cho giới trẻ nghèo và gặp nguy hiểm, đang khi tìm ra những tình trạng túng thiếu hiển nhiên hay ẩn dấu, tin tưởng vào những nguồn lực tích cực của mọi người trẻ, thậm chí những kẻ bị tổn hại nhất do cuộc sống, cam kết toàn cuộc sống chúng ta để giáo dục chúng. 

“Tình yêu của Don Bosco dành cho những thanh thiếu niên này là một chuyện của những cử chỉ thực tiễn và đúng thời. Ngài quan tâm đến toàn đời sống của chúng, đáp ứng những nhu cầu hiển nhiên hơn của chúng và cảm nhận những nhu cầu ẩn dấu. Nói rằng Don Bosco trao hiến tâm hồn hoàn toàn cho giới trẻ có nghĩa là mọi sự vốn đã từng thuộc về ngài, trí tuệ, trái tim và ý chí, sức khỏe thể lý, [tức] toàn thể con người ngài đều hướng tới điều gì là tốt nhất cho chúng, bằng cách cổ xúy các tiềm lực của chúng phát triển đầy đủ, muốn chúng được cứu rỗi đời đời. Vì vậy, đối với Don Bosco, một người có trái tim có nghĩa là hoàn toàn tận hiến cho sự hưng thịnh của thanh thiếu niên và hiến cho chúng tất cả những năng lực của mình, cho tới hơi thở cuối cùng!”[2]

Để hiểu lối diễn đạt nổi tiếng của Don Bosco “Giáo dục là chuyện của trái tim và chỉ mình Thiên Chúa mới là chủ trái tim mà thôi” (BM XVI, 376)[3] và như vậy để hiểu Hệ Thống Dự Phòng, đối với cha, dường như lắng nghe một trong những chuyên viên nổi tiếng nhất về nhà giáo dục thánh thiện này quả thật quan trọng: “Khoa sư phạm của Don Bosco được đồng nhất với mọi sự ngài làm; còn mọi sự ngài làm lại đồng nhất với nhân cách của ngài; toàn vẹn con người Don Bosco được tóm lại hoàn toàn trong trái tim của ngài.”[4] Sự vĩ đại của ngài là ở đây và đó cũng là bí quyết thành công của ngài như một nhà giáo dục: Don Bosco biết làm thế nào để quân bình quyền bính và sự hiền dịu, tình yêu Thiên Chúa và tình yêu giới trẻ.

1.1.     Ơn Gọi Và Con Đường Nên Thánh

Hẳn nhiên lời giải thích rằng nền giáo dục Salêdiêng có thể vượt qua năm tháng, có thể được hội nhập vào trong những bối cảnh đa biệt nhất và có thể đáp ứng những nhu cầu và kỳ vọng của giới trẻ vốn luôn mới mẻ, phải là sự thánh thiện độc đáo của Don Bosco.

Một sự nối kết tốt đẹp giữa những tặng phẩm cá nhân và những hoàn cảnh đã dẫn Don Bosco trở thành “Cha, Thầy và Bạn Giới Trẻ”, như Đức Gioan Phaolô II đã công bố ngài như thế vào năm 1988. Tài năng bẩm sinh của ngài để gần gũi với giới trẻ và được chúng tin tưởng, thừa tác vụ linh mục của ngài vốn cho ngài hiểu biết sâu xa về lòng người, và kinh nghiệm của ngài về sự hữu hiệu của ân sủng trong sự phát triển của một thiếu niên, với một tài năng thực tiễn để đưa những ý tưởng của mình ra thực hiện theo một cách thức đơn sơ, thời gian dài giữa giới trẻ, tất cả điều ấy làm cho ngài có khả năng mang những khởi hứng ban đầu của mình được phát triển sung mãn.

Ở tận gốc rễ của mọi sự này là một ơn gọi. Đối với Don Bosco, phục vụ giới trẻ là một lời đáp trả quảng đại trước tiếng Chúa gọi. Nó liên kết sự thánh thiện và giáo dục, trong mọi sự vốn liên quan đến những cam kết của ngài, một đời sống thiêng liêng của hy sinh, một diễn đạt của tình yêu, vốn tạo thành nhân cách riêng biệt của ngài. Ngài là một nhà giáo dục thánh thiện và là một vị thánh chuyên lo giáo dục.

Từ sự nối kết này ngài rèn đúc nên cội rễ của một “hệ thống”, vốn là một bộ các ý tưởng và áp dụng thực tiễn mà có thể được trình bày trong một cuốn sách, được thuật lại trong một cuốn phim, được miêu tả trong một bài thơ hay được diễn xuất trong một vở ca kịch. Nó là một cái gì vốn lôi kéo các cộng tác viên đầy nhiệt tâm và làm cho những người trẻ ước mơ.

Được các môn đệ của ngài đảm nhận mà đối với họ, giáo dục cũng là một ơn gọi, hệ thống này được mang tới những nền văn hóa rất khác nhau và chuyển dịch thành những dự phóng giáo dục khác nhau, theo những hoàn cảnh của giới trẻ mà nó hướng tới.

Một lần nữa, khi chúng ta tìm hiểu đời sống của Don Bosco hay lịch sử của một trong những công cuộc của ngài, một vài câu hỏi nảy sinh cách tự phát: Còn ngày nay thì sao? Những ý tưởng của ngài áp dụng tới mức nào? Điều gì trong những giải đáp thực tiễn mà thực sự ngài đã lợi dụng có thể giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang đối diện, những vấn đề dường như không thể vượt qua được: cuộc đối thoại giữa các thế hệ, việc có thể thông giao những giá trị, sự chuyển giao một khóe nhìn về thực tại, v.v.?

Cha sẽ không chậm trễ liệt kê tất cả những khác biệt giữa thời Don Bosco và chúng ta. Chắc chán chúng không nhẹ đâu; ta tìm thấy chúng trong tất cả mọi lãnh vực: nơi điều kiện của giới trẻ, trong gia đình, nơi ứng xử, trong cách thức ta xem xét về giáo dục, nơi đời sống xã hội, trong thực hành tôn giáo. Nếu khi nỗ lực cấu trúc lại lịch sử một cách trung thành, hiểu một kinh nghiệm quá khứ đã là khó khăn rồi, thì sống lại [hiện thực lại] nó và chuyển dịch nó thành cụ thể trong một bối cảnh khác nhau tận căn còn khó hơn nhiều. 

Tuy nhiên chúng ta thâm tín rằng điều đã xẩy ra nơi trường hợp của Don Bosco quả đã là một thời khắc của ân sủng đầy tiềm lực; một thời khắc mà có thể chứa đựng những khởi hứng cho cha mẹ và những nhà giáo dục để chuyển dịch thành những hạn từ ngày nay; một thời khắc có những ý tưởng chín muồi để triển nở, hầu như giống với những hạt mầm chờ đợi nổ tung sức sống.[5]

1.2.     Tình Yêu Dự Phòng

Một trong những bài học chắc chắn phải học là về việc dự phòng, cần phải dự phòng, những lợi điểm của dự phòng, tác động của nó và vì thế những trách nhiệm được liên quan với nó. Ngày nay, đối diện với những thống kê rõ ràng và báo động, nhu cầu này trở nên hoàn toàn hiển nhiên; nhưng, chấp nhận nó theo nguyên tắc và đem nó ra thực hành cách hiệu quả không phải là chuyện dễ dàng trong hiện trạng xã hội. Không may, đây không phải là một nền văn hóa ưu thắng. Còn khuya mới như thế! 

Tuy nhiên, dự phòng phí tổn ít hơn; nó hữu ích hơn là chỉ ngăn chận phạm pháp xuông và bất kỳ sự phục hồi nào sau này. Thực vậy, nó cho phép phần đa giới trẻ được giải phóng khỏi gánh nặng của những kinh nghiệm tiêu cực; gánh nặng ấy khiến cho sức khỏe thể lý, sự phát triển tâm lý, sự hoàn thành tiềm lực của chúng, hạnh phúc đời đời của chúng bị lâm nguy. Nó cũng cho phép để thả cương hoàn toàn cho các tài năng của chúng, để hưởng lợi tối đa từ những cơ hội giáo dục được ban cho chúng, để khôi phục bất kỳ những nhược điểm khả dĩ nào trong những giai đoạn trước. Đây là kết luận Don Bosco đạt tới theo kinh nghiệm của ngài với thanh thiếu niên trong tù, và cuộc tiếp xúc với những người thợ trẻ lao động tay chân ở Turin. 

Dự phòng, từ việc hầu như là một hình thức giữ trật tự nhằm tới việc duy trì trật tự trong xã hội, đối với ngài, trở thành đặc tính cốt yếu và nền tảng của giáo dục. Nó có đặc tính dự phòng bởi vì tính thức thời [hợp thời] của nó nhưng cũng bởi vì hình thức nó mang lấy và cách thức ngài lợi dụng nó. Ngài phải tiên liệu [tiền dự] những tình trạng tiêu cực, hoặc thể lý hay tinh thần, và thái độ nảy sinh; và đồng thời ngài phải cung cấp nhiều cách thức hơn khai thác những phẩm tính tốt lành của cá nhân và hướng dẫn họ đi vào những dự phóng hấp dẫn và hữu ích. Ngài thâm tín về sự tốt lành nơi tâm hồn giới trẻ, của từng người trẻ, mà thậm chí trong những thanh thiếu niên đáng thương nhất cũng có những  hạt giống tốt lành. Trách vụ của nhà giáo dục khôn ngoan là khám phá và nuôi dưỡng chúng. Nhất thiết phải tạo ra một bầu khí nói chung là tích cực qua một bầu khí gia đình, các bạn hữu, những điều phải học, những điều phải làm; bầu khí đó vốn khích lệ sự tự ý thức (ý thức về mình, self-awareness), nới rộng kiến thức của chúng về thế giới thực sự, tạo cho chúng cảm nhận sự sống và nếm cảm sự thiện. 

Anh em hãy nghĩ tới câu chuyện của Micae Magone, “đại tướng tí hon” tại nhà ga Carmagnola; Don Bosco trước hết cống hiến cho cậu tình bạn của mình, rồi một nền giáo dục tại Nguyện xá Valdocco, tiếp theo là sự hướng dẫn tài khéo của ngài (“Magone thân mến, cha muốn con giúp cha một việc . . . hãy để cha nhìn vào cõi lòng con một lúc nhé”), cuối cùng giúp cậu tìm thấy nơi Thiên Chúa ý nghĩa cuộc đời cậu và nguồn hạnh phúc chân thật (“Tôi hạnh phúc biết bao!”) cũng như làm cho cậu thành một khuôn mẫu cho giới trẻ hôm qua và ngày nay.  

Một trong những vấn đề trong xã hội chúng ta ngày nay là cung cấp một sự phục vụ giáo dục không thích hợp. Nó không đạt đến mọi người; nó làm cho nhiều người bị gạt ra bên lề; nó không cung ứng điều mà nhiều người cần thiết, căn cứ vào tình trạng đặc thù của họ. Nó không thể ứng phó với những người khởi sự [cuộc đời] với một sự thua thiệt, hay không thể theo kịp [bước tiến]. Điều ta cần để ứng phó với tình trạng này qua nhiều phương cách dự phòng khác nhau và cung cấp một nền giáo dục thích hợp, là phải phối hợp những nỗ lực của gia đình, các nhà chính trị, các dịch vụ xã hội, những cơ quan giáo dục, những cộng đoàn Giáo Hội và những cá nhân. Giáo dục, cách riêng cho những thanh thiếu niên bị thua thiệt, chính yếu là một ơn gọi, hơn là một vấn nạn về công ăn việc làm hay về bằng cấp chuyên môn. Don Bosco là một nhân vật đặc sủng và một nhà tiên phong. Ngài đi xa hơn pháp chế và phong tục. Được một ý thức xã hội mãnh liệt thúc đẩy, nhưng lại bằng lối tiếp cận rất hữu vị vốn là hoa quả của một ơn gọi, ngài kiến tạo mọi sự vốn được gắn kết với tên ngài. Và có lẽ ngày nay điều được yêu cầu thì không khác nhau: buộc tất cả những năng lực sẵn đấy hoạt động, khuyến khích những ơn gọi lo về giáo dục và nâng đỡ những dự phóng phục vụ. 

Hiệu quả của giáo dục dự phòng hệ tại ở phẩm chất của nó. Xã hội phức tạp, các quan điểm và sứ điệp được cống hiến lại rất khác nhau, những lãnh vực khác nhau của đời sống chia tách thành những ngăn khác nhau, tất tất đều mang lại những nguy hiểm cho cả giáo dục. Một trong những điều này là sự phân mảnh của điều được cống hiến và những cách thức khác nhau trong đó nó được nhận lãnh. Chúng ta sống nhờ vào chế độ kiêng khem của những viên thuốc, kể cả cho tâm trí. Khẩu hiệu đó là khuôn mẫu của các sứ điệp. 

Một nguy hiểm khác nữa là lựa chọn điều được cung cấp theo những sở thích cá nhân của ta: đây là thuyết chủ quan. Điều chọn lựa đã chuyển từ chợ đời đến cuộc sống. Mọi người ý thức phải hòa giải những lựa chọn khác nhau: lợi lộc cá nhân và tình liên đới, tình yêu và dục tính, một nhãn quan vật chất và một cảm thức về Thiên Chúa, một sự ứa tràn thông tin và sự khó khăn để lượng định giá trị của nó, quyền lợi và bổn phận, tự do và lương tâm.

Cách thức của Don Bosco là cổ xúy nơi người trẻ bất kỳ điều gì là tích cực hay tỏ ra cố gắng thăng tiến chính mình, đang khi đặt họ tiếp chạm với một gia sản văn hóa bao gồm những ý tưởng, phong tục và niềm tin, và cho họ cơ hội về một kinh nghiệm đức tin sâu xa, giúp họ có được chỗ đứng của mình trong một xã hội mà họ có thể cảm thấy mình tham gia vào qua công việc của mình, qua việc cùng chung  trách nhiệm trước công ích và qua việc cam kết kiến tạo hài hòa trong xã hội. Ngài diễn đạt điều này trong những công thức đơn giản mà giới trẻ đều có thể hiểu và theo đuổi: “những Kitô hữu tốt lành và công dân lương thiện”, “sức khỏe, khôn ngoan, sự thánh thiện”, “lý trí và đức tin.”

Những phúc lợi hữu vị ta đạt được từ giáo dục phải hướng tới việc đóng góp vào xã hội trong một tinh thần liên đới; sống lương thiện với sự thành công vật chất trong thế giới này có một chiều kích thiêng liêng, siêu việt, Kitô hữu; giáo dục và huấn nghệ được liên kết với một nhãn quan về thế giới, với đào luyện lương tâm và với việc xây dựng những tương giao nhân bản.

Để không rơi vào một thứ chủ nghĩa duy tâm quá khích, Don Bosco đẵ bắt đầu ở chỗ mà nó có thể được, thích ứng với điều kiện của người trẻ và tình trạng của nhà giáo dục. Trong Nguyện xá của ngài có thể vui chơi nô đùa; ở đó, chúng được tiếp đón, những mối liên hệ được rèn đúc; nơi đấy, chúng được dạy giáo lý, chúng có thể học đọc học viết, học cách làm việc; ở đó, người ta cống hiến những chuẩn mực cho một lối hành xử có văn hóa thích đáng, và ngay cả luật lệ vốn qui định  công việc của những người thợ và những nỗ lực được thực hiện để cải tiến nó, người ta cũng suy nghĩ đến.  

Ngày nay có thể có việc dạy học mà chẳng màng chi đến những vấn đề cuộc đời. Đây là một lời phàn nàn luôn diễn ra của giới trẻ. Có thể có một sự chuẩn bị nghề nghiệp mà chẳng có lấy một chiều kích đạo đức hay văn hóa. Có thể có một nền giáo dục chỉ giới hạn vào thời khắc hiện tại mà không bàn đến những vấn nạn cuộc đời. 

Nếu đời sống và xã hội trở nên phức tạp, thì người nào không có bản đồ hay la bàn buộc phải bị lạc lối hay trở nên lệ thuộc vào những người khác mà thôi. Đào luyện tâm trí, lương tâm và trái tim cần thiết hơn bao giờ hết.

Một “lãnh vực nan giải” của giáo dục ngày nay là sự thông giao: giữa các thế hệ bởi vì sự biến đổi nhanh chống, giữa những cá nhân bởi những mối liên hệ lỏng lẻo, giữa những thể chế và khách hàng bởi những nhận thức khác nhau liên quan đến mục đích của họ. Người ta nói, thông giao thật lộn xộn, rối rắm, rộng mở cho sự hàm hồ bởi vì quá nhiều tiếng động, vì cả lô sứ điệp xuông, và bởi vì người chuyển (trạm phát sóng) và kẻ nhận (trạm tiếp thu) không cùng một tần số. Vì vậy, có những hiểu lầm và im lặng, lắng nghe lựa chọn có giới hạn như thể qua những hiệp ước không gây hấn, “cúi đầu làm thinh” sẽ có bình an hơn và yên tĩnh hơn. Bằng cách này, cống hiến lời khuyên về những thái độ, đề xướng những cách hành sử, chuyển đạt các giá trị quả thật khó khăn.

1.3.     Ngôn Ngữ Của Trái Tim

Ngôn ngữ của trái tim cũng thay đổi không ít từ thời Don Bosco. Tuy nhiên ngài cống hiến những đề xướng mà trong sự đơn giản của chúng, sẽ mang đến thành công, nếu ta có thể tìm ra cách thức để thực hành chúng. Một đề xướng như thế là: “Hãy yêu mến thanh thiếu niên”. – Chúng ta đọc thấy trong “lá thơ về hình phạt” – “Bằng ánh mắt thân hữu và một lời khích lệ, chúng ta chiếm được nhiều hơn là với cả tràng chửi mắng” (BM XVI, 373).[6]

Yêu chúng có nghĩa là chấp nhận chúng như chính chúng [chấp nhận con người của chúng], dành thời giờ ở với chúng, tỏ ra rằng anh em muốn chia sẻ những cảm nếm cùng những quan tâm của chúng và vui thích làm như thế, là tỏ ra tin tưởng vào điều chúng có thể làm cũng như chịu đựng điều gì là ngắn hạn hay nông cạn, im lặng tha thứ những sai lỗi không cố ý của chúng vì tính hung hăng hay thiếu trưởng thành của chúng. Đây là điều mà Don Bosco suy nghĩ: “Tất cả thanh thiếu niên đều có những khủng hoảng riêng, cũng như con đã có những khủng hoảng của chính mình. Cầu Trời giúp chúng ta nếu chúng ta không làm một nỗ lực để giúp chúng vượt qua những thời khắc đó cách nhanh chóng và không chê trách” (BM XVI, 373).[7]

Có một diễn đạt ngày nay không mấy được sử dụng. Diễn đạt này, các Salêdiêng tự hào để gìn giữ  bởi vì nó tóm tắt điều mà Don Bosco đã học được về mối liên hệ giáo dục và cống hiến như lời khuyên của ngài: lòng nhân hậu mến thương. Nguồn mạch của nó là đức ái như Tin mừng trình bày, nhờ đó nhà giáo dục nhận thức kế hoạch Thiên Chúa trong đời sống của mỗi người trẻ và giúp họ ý thức đến và đem nó ra thực hành với cùng một tình yêu giải phóng và cao thượng mà với nó Thiên Chúa trước tiên nghĩ về kế hoạch đó. Lòng nhân hậu mến thương là tình yêu được nhìn nhận và diễn đạt.  

Lòng nhân hậu mến thương sinh ra một tình mến được minh chứng theo cách thức mà một thiếu niên phản ứng, cách riêng các em nghèo; nó là một lối tiếp cận vốn tỏ ra tin tưởng, đi bước đầu, mở lời trước, tỏ ra kính trọng theo những cách thức mà người ta có hiểu được; điều đó khích lệ tín nhiệm, cổ xúy một cảm thức về sự tự tín; nó đề xướng và rồi nâng đỡ ước muốn là được can dự và sức mạnh vượt thắng các khó khăn.   

Bằng cách này, nhưng không phải là không khó khăn, một mối liên hệ phát triển mà ta nhất thiết phải chú ý đến khi ta cố gắng chuyển dịch những trực giác của Don Bosco vào bối cảnh của chính chúng ta. Nó là một liên hệ được ghi dấu bằng một tình bạn vốn phát triển thành một mối liên hệ là tính hiền hậu như của người cha.

Tình bạn lớn lên với những diễn đạt của sự thân tình và được nuôi dưỡng bằng những điều ấy. Vì thế đến lượt mình tin tưởng trồi hiện. Và tin tưởng là mọi sự trong giáo dục, vì chỉ khi người trẻ mở rộng những cánh cửa tâm hồn của chúng cho chúng ta và ký thác cho chúng ta những bí mật của họ thì mới có thể có tương tác được mà thôi. Đối với chúng ta, tình bạn có một diễn đạt rất cụ thể: hộ trực.

Hiểu ý nghĩa hộ trực Salêdiêng theo nghĩa được tự điển đặt cho hạn từ đó, hoặc theo cách sử dụng hiện hành là không thể được. Nó là một hạn từ được tạo ra bên trong một kinh nghiệm đặc thù; nó có một ý nghĩa và áp dụng hoàn toàn là độc đáo. Nó hàm ẩn một ước ao là ở với giới trẻ: “Cha thích ở đây với các con.” Nó là sự hiện diện thể lý ở nơi mà thanh thiếu niên tụ họp, trao đổi tư tưởng và tạo nên những kế hoạch của chúng; đồng thời nó có một chiều kích luân lý với khả năng hiểu biết, khích lệ, và cống hiến sự hướng dẫn cũng như lời khuyên theo nhu cầu cá nhân.

Hộ trực rốt cục trở nên một sự nhân hậu có tính giáo dục như của người cha vốn hơn cả một tình bạn. Nó là một diễn đạt thân ái và có thẩm quyền về trách nhiệm vốn cống hiến sự hướng dẫn và dạy dỗ quan trọng và làm thành những đòi hỏi về kỷ luật và sự cam kết. Tính nhân hậu như của người cha là tình yêu và thẩm quyền. 

Nó có thể được nhìn thấy tốt nhất ở chỗ “biết cách để nói với trái tim” theo một cách thức hữu vị, vì đó là cách thức mà nó đề cập đến điều ở nơi tâm trí của thanh thiếu niên, nó giải thích điều đang xẩy ra trong cuộc đời chúng, nó giúp chúng hiểu giá trị của lối hành sử và cảm nghiệm của chúng, chạm đến tận sâu thẳm lương tâm chúng. 

Không phải là nói quá nhiều, song là nói đúng trọng điểm; không phải là nói cách lỗ mãng song rõ ràng. Trong khoa sư phạm của Don Bosco có hai thí dụ về cách nói này: “Huấn từ tối”, nói một vài lời cho mọi người vào cuối ngày, bình luận về điều gì đã xẩy ra, và “những lời rót vào tai” là những lời hữu vị được nói vào những lúc thoải mái khi giải trí. Cả hai là những thời khắc rất nhạy cảm khi ta bàn đến những biến cố thật sự và tức thời và khi ta cho lời khuyên khôn ngoan hằng ngày về cách thức thế nào để quan tâm đến chúng; thực vậy, chúng là một sự trợ giúp để sống và dạy nghệ thuật sống.  

Tình bạn, hộ trực và tình nhân hậu như người cha tạo thành bầu khí gia đình, ở đó những giá trị trở thành khả tri và những đòi hỏi trở thành có thể chấp nhận. Bằng cách này ta cân bằng cách đúng đắn giữa một thái độ độc tài vốn liều rơi vào nguy cơ là không thật sự tạo được một ảnh hưởng mặc dù nó rõ ràng có được những kết quả, và một thái độ thiếu hẳn một mục đích rõ ràng; giữa sự xâm phạm, không để một chỗ nào cho sự diễn đạt tự do và một sự từ bỏ trách nhiệm giáo dục mà không nỗ lực chuyển giao những giá trị; giữa một lối tiếp cận bè bạn quá độ và hành sử như người lớn có trách nhiệm.  

Tính nhân hậu như người cha của Don Bosco được diễn tả trong một bối cảnh mà nơi đó phong thái gia đình theo phụ hệ là nguyên tắc. Những đặc tính của nó dùng như những mẫu mực cho tất cả mọi loại quyền bính: trong xã hội dân sự, thế giới thương trường, giáo dục. Vậy mọi sự có “phong thái gia đình” của nó: giáo dục, thương mại, kinh tế. Ta chấp nhận như chuyện đã rồi rằng nhà giáo dục phải đảm nhận một “vai trò của người cha.” 

Đối với chúng ta cũng vậy, tính nhân hậu như người cha vẫn là bất khả thế: nó là một tình yêu vốn tạo sức sống và lấy trách nhiệm về sự phát triển của mình, nó yêu mến từ trái tim như nó phải yêu mến, nó hỗ trợ tiến trình trưởng thành, chấp nhận tự lập, hân hoan đón chào người quay trở lại. 

Dự phòng, những đề xướng, những mối liên hệ tất cả đều tụ lại bất kỳ ở đâu mà ta tìm gặp được giới trẻ. Thanh thiếu niên cần có thể diễn đạt sự sinh động của chúng, điều chúng cảm nhận bên trong, suy nghĩ và hoạch định. Thanh thiếu niên cần có cơ hội để kinh nghiệm việc thực thi trách nhiệm, đem những giá trị mà chúng học được ra thực hành, thực thi tình liên đới, điều hành cuộc đời của chính mình.

Đối với một nhà giáo dục Salêdiêng, “chìa khóa giáo dục tốt nhất” để biết người trẻ không phải là bản trắc nghiệm tâm lý học, song là sân chơi. Ở đó, người trẻ hành sử cách tự phát. Giao tiếp giáo dục chính yếu không phải ở những khung cảnh trang nghiêm song tự phát. Chắc chắn, tiến trình tăng trưởng của một người trẻ cần phải bao gồm sự kính trọng những quy luật và tính thuần thục đối với nhà giáo dục, nhưng nó được phản ánh nhiều hơn trong khả năng vui tươi tham gia vào những sinh hoạt khác nhau và trong đời sống vốn được tạo nên trong nhóm, trong câu lạc bộ, trong cộng đoàn giới trẻ, ở đó các nhà giáo dục có một trách vụ không dễ dàng là truyền động lực, kích thích, khích lệ, mở rộng những chân trời, cổ xúy tính sáng tạo. 

Những công việc mà ngày nay vẫn rút lấy hứng khởi của mình từ Don Bosco gìn giữ những đặc tính mà ngài đã truyền vào những cơ sở của mình. Chúng cố gắng đáp ứng những nhu cầu của giới trẻ với một chương trình thực tiễn và bao quát cách lý tưởng: dạy học, chỗ cư trú, chuẩn bị việc làm, và giải trí. Chúng cũng mang những người lớn lại với nhau, cách riêng những người thuộc giới lao động, hoặc những người quan tâm đến việc giúp đỡ giới trẻ. Những công việc ấy thật “rộng mở’ chứ không loại trừ (độc hữu, khép kín, exclusive). Chúng tạo liên đới, cộng tác với những thể chế, khu vực địa phương, dân chúng và những người hữu trách.  

Ngày nay người ta cảm nhận cần phải có “những không gian” cho giới trẻ: nhỏ, trung bình và rộng lớn. Những câu lạc bộ ca nhạc khiêu vũ và những nhóm khác nhau là những thí dụ. Có vấn đề là sự tai hại do cô đơn tạo ra, vốn ở tại cội nguồn của lối cư xử lầm lạc. Phân tích giáo dục thành công khi, không phải là quá tuyệt đối nó phân biệt giữa những nơi chốn chính thức được tổ chức cho những mục đích loại biệt và “những nơi chốn sinh động” mở rộng cho tính tự phát, cho tìm kiếm ý nghĩa, cho những dự phóng, cho tính sáng tạo; những nơi chốn bó buộc và những nơi chốn tự do chọn lựa; những nơi chốn được áp đặt và những nơi chốn sinh động. Không gian mà Don Bosco kiến tạo là một sự nối kết của cả hai loại: hầu trong đời sống hằng ngày những phân biệt mà bài phân tích giáo dục nói đến bị vượt thắng.

 

  1. CỔ XÚY NGƯỜI TRẺ PHÁT TRIỂN TIỀM LỰC CỦA MÌNH CÁCH TRÒN ĐẦY

Đối diện với tình trạng của giới trẻ, Don Bosco quyết chọn lựa giáo dục. Nó là loại giáo dục vốn ngăn chặn trước sự xấu bằng cách tin tưởng vào sự thiện hiện có trong cõi lòng của mỗi người trẻ; nền giáo dục đó vốn nhờ kiên nhẫn và kiên trì mà phát triển những tiềm lực của họ cách tròn đầy, mà xây dựng tính cá vị của mỗi người. Nó sản sinh những cá nhân lành mạnh, những công dân tích cực và có trách nhiệm, những người rộng mở với những giá trị của đời sống và đức tin, những người nam nữ có thể trao ban ý nghĩa cho đời mình, với niềm vui, ý thức trách nhiệm và thẩm quyền (uy tín). Nó là một nền giáo dục vốn trở thành một kinh nghiệm thiêng liêng thật sự, chạm đến “lòng mến của Thiên Chúa, Đấng tiên liệu mọi sự cho mọi tạo vật bằng sự Quan Phòng, hằng hiện diện bên cạnh chúng, và rộng ban sự sống Ngài để cứu vớt chúng” (HL 20). Thể hiện lại chọn lựa này của Don Bosco ngày nay đòi buộc phải quyết định một số chọn lựa nền tảng. 

2.1. Chia Sẻ Niềm Tin Tưởng Trong Giáo Dục

Thời đại chúng ta tỏ ra tin tưởng vào giáo dục; vì lẽ này có một cố gắng trải rộng nó cho mọi người. Người ta liên lỷ thực hiện những nỗ lực để thích ứng giáo dục đối với những thách đố vốn trồi hiện từ nơi làm việc, từ những phát triển trong kiến thức và cách thức xã hội được tổ chức. Nó được trao phó ngày một hơn cho những thể chế chuyên môn. Nó tập trung vào việc thông giao văn hóa, vào thông tin khoa học và vào việc chuẩn bị nghề nghiệp. Trách nhiệm đối với giáo dục được trải rộng nhiều hơn cho gia đình, những thể chế xã hội và nhà nước.  

Bằng cách này giáo dục trở thành một hiện tượng xã hội, một quyền lợi được nhìn nhận và sự khởi hứng của mọi người. Những vấn nạn được nối kết với nó đã trở nên mối quan tâm của mọi người. Việc quản trị và những thương gia cũng như người công dân bình thường và công luận đều quan tâm đến nó. Tận căn bản, nó là vấn đề nhận biết giá trị độc đáo của cá nhân và vai trò cốt lõi của họ trong việc tiến triển văn hóa, đời sống xã hội và ngay cả của những tiến trình sản xuất. 

Giáo Hội không kém quan tâm hơn, và cũng không thiếu những hướng dẫn trong lãnh vực này. Giáo Hội can dự vào giáo dục thật quyết liệt trong nhiều nơi chốn xét cả về sự bành trướng lẫn phẩm chất của nó. Sự nối kết vốn có tận bên trong giữa rao giảng tin mừng và giáo dục đã dẫn Giáo Hội nhìn xem giáo dục không như một cam kết tùy chọn nhưng như ở tận sứ mệnh của Giáo Hội; Giáo Hội thấy mình là và muốn mình là nhà giáo dục của nhân loại.

Những dấu chỉ hiển nhiên nhất về sự cam kết này là những nhà giáo dục thánh thiện. Họ làm cho trách vụ giáo dục thành sự diễn đạt về sự chọn lựa ưu ái của họ dành cho Thiên Chúa, thành việc thực thi hằng ngày tình yêu của họ dành cho nhân loại và là lối đường thánh hóa chính mình. Và sau họ kéo theo cả những viện và những phong trào trong Giáo Hội mà giáo dục đối với họ đã trở thành một sứ mệnh và một phong thái sống.

Người ta phải tìm thấy Don Bosco và Gia Đình Salêdiêng giữa những phong trào này trong Giáo Hội được khởi hứng do một nhà giáo dục thánh thiện. Họ muốn đáp lại những khát vọng sâu xa nhất của con người, cách riêng những kẻ nghèo khổ nhất, đang khi chiếm chỗ đứng của mình trong thời nay cũng như đảm nhận lời mời gọi cho một cuộc tân phúc âm hóa.

2.2. Khởi Sự Với Những Người Rốt Hết

Dẫu bất chấp sự tin tưởng tổng quát này về giáo dục, chúng ta vẫn có ấn tượng rằng về mặt này có một hố ngăn cách giữa những khát vọng và những khả thể, giữa những tuyên ngôn và việc thực thi chúng, giữa những ý hướng và sự hoàn thành, giữa quyền lợi được nhìn nhận và quyền lợi được đảm bảo. Điều này, ta thấy rất rõ trong một số bối cảnh. 

Vì vậy lời hiệu triệu đầu tiên để đáp lại là điều liên quan đến việc thiếu những dịch vụ tối thiểu và những điều kiện cốt yếu để giáo dục. Vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, như sa mạc địa lý, sa mạc giáo dục không nhỏ đi chút nào song lại đang trương rộng.

Trong những miền rộng lớn của thế giới những cơ hội giáo dục bị giảm thiểu một cách bi thảm cả trong những hạn từ xác thực cũng như trong mối liên hệ với dân số gia tăng. Những đối kháng nội tại, sự suy sụp trong những dịch vụ, các chính quyền vốn băng hoại và tham lam, sự ung thối về xã hội và chính trị dẫn tới chậm phát triển gia tăng mà trong đó các nạn nhân đầu tiên là giới trẻ.  

Trong những xã hội tiên tiến, cũng có sự giảm trừ những cơ hội về giáo dục. Người ta thấy những khuyết điểm trong những cơ hội học hành bị lãng phí, thiếu nâng đỡ của gia đình, trong nhiều hình thức phạm pháp, trong giới trẻ thất nghiệp, và trong lao động giản đơn dành cho trẻ con thường lại gắn liền với những hành vi tội phạm.

Từ những tình trạng này một lời hiệu triệu mạnh mẽ được nêu lên. Có một nhu cầu để chia sẻ những phúc lợi căn bản của giáo dục, để phân phối lại sự chú tâm, thời giờ và những nguồn lực hầu chúng được dành cho những ai mà không có được những thứ đó nơi những chốn đặc thù và trong thế giới rộng lớn.

Một gia đình như gia đình chúng ta đã tiếp nhận người nghèo như gia sản của mình; gia đình chúng ta đã nỗ lực rất lớn cho một lục địa nghèo như Châu Phi, không thể xao nhãng hiện tượng này, mà không ít nhất làm nên một vài hành động ngôn sứ.

2.3. Một Nền Giáo Dục Mới

Nhiệt tâm tân thời đối với giáo dục, đang khi biểu hiện một điều gì tích cực có tầm vóc thế giới lại không phải là không có những hàm hồ liên quan đến cách thức mà giáo dục chung chung được tổ chức và hướng cụ thể mà giáo dục đảm lấy. 

Ta đã nói rằng giáo dục là giúp mỗi người phát triển tới mức sung mãn tiềm lực của họ như một ngôi vị bằng cách đào luyện lương tâm của họ, phát triển trí tuệ của họ, giúp họ hiểu định mệnh của chính mình. Các vấn đề nảy sinh quanh cốt lõi thiết yếu này và những khái niệm khác nhau xung đột về giáo dục. 

Ngày nay, ta có thể thấy một sự bất quân bình giữa tự do và ý thức luân lý, giữa quyền lực và lương tâm, giữa tiến bộ kỹ thuật và tiến bộ xã hội. Sự bất quân bình này thường mang lấy những hình thức khác nhau: nhấn mạnh đến sở hữu song ít chú ý được dành cho hiện hữu [con người], ước muốn chiếm hữu và không có khả năng chia sẻ, sự tiêu thụ mà không kiềm chế để thưởng thức.

Nó là vấn đề của những chọn lựa đối kháng mà có thể trở thành một nguồn sức mạnh lớn lao, nếu một nhân vị có thể hài hòa chúng. Nhưng chúng sẽ tàn phá nếu chúng thành công làm thay đổi các giá trị của ta, và cách riêng nếu những giá trị nền tảng bị chối từ hay giảm thiểu. Những yếu tố cơ cấu, những trào lưu văn hóa, những hình thức của đời sống xã hội đều có thể ảnh hưởng mạnh mẽ trong một chiều hướng. Giáo dục sẽ luôn đòi hỏi một thái độ phân định tích cực đối với những đề xướng và lời ngôn sứ. Bây giờ cha sẽ xét đến một vài những tương phản này mà chúng ta cần phải chú ý để canh tân điều chúng ta cống hiến qua giáo dục. 

2.3.1.Tính Phức Tạp Và Tự Do 

Nhiều người có ấn tượng rằng chúng ta đang sống trong một thế giới vốn cực kỳ hỗn độn khi nói đến điều gì là tốt và điều gì là xấu. Những nhà xã hội học nói về tính phức tạp, một tình trạng xã hội và văn hóa mà trong đó có nhiều sứ điệp, cũng như nhiều ngôn ngữ mà nhờ đó các sứ điệp được truyền thông, nhiều khái niệm căn bản về cuộc đời, với những cơ quan tự trị  khác nhau cổ xúy chúng, những lợi lộc vô kể và không thể tương hợp đằng sau chúng. Và không có một nhóm người có thẩm quyền nào có thể đề xướng một cách uy quyền một nhãn quan chung về thế giới và sự sống con người, một hệ thống gồm những chuẩn mực luân lý, một nhãn quan về cuộc sống, một “danh sách” những giá trị chung và đều được ai nấy chấp nhận.   

Trong tình trạng này tiến trình giáo dục trở thành khó khăn. Người lớn không cảm thấy rằng họ hiểu biết vững chắc về một gia sản văn hóa chắc chắn. Hơn nữa, có ít giờ để chuyển giao nó song lại có quá nhiều điều chia trí. Vì thế, điều mà họ thành công trong việc thông giao dường như là bị lụy vào sự hư hỏng mau chóng. Người ta không luôn luôn coi kiện hàng giáo dục bán giảm giá là hấp dẫn hay được hiểu như một toàn thể. Nó đấu tranh để chiếm được sự chấp nhận.

Hệ quả hiển nhiên nhất cho mọi người nhưng cách riêng cho các thế hệ trẻ hơn là phải căng thẳng tìm cho được lối đường của mình giữa những đống kích thích tố, những vấn đề, những quan điểm và những cống hiến đặc biệt. Những nét khác nhau của đời sống tỏ ra lộn xộn và lượng giá chúng thật không dễ dàng.

Vấn đề được kinh nghiệm trong khi cố gắng thông truyền những giá trị văn hóa do gia đình, học đường, xã hội và những cơ sở tôn giáo làm cho việc hoạch định một cuộc đời có trật tự thành khó khăn. Ta thấy điều này trong cách mà người ta bỏ cuộc khi đối diện với những đối kháng và vỡ mộng, trong nỗ lực để làm và giữ gìn những cam kết lâu dài, trong việc lần lữa những lựa chọn đời sống, trong việc không có khả năng nhận ra chính mình trong những vai mẫu (role models) mà xã hội cống hiến.

Vấn đề giáo dục về căn tính của mình không phải là một vấn đề mới mẻ gì. Trong mọi thế hệ người trẻ phải giải quyết nó hầu chấp nhận căn tính của chính mình và tìm thấy cũng như lãnh nhận chỗ đứng thích hợp của mình trong xã hội.

Điều mới mẻ là những hoàn cảnh mà trong đó ngày nay điều này đang xẩy ra. Thực vậy có một sự liên kết các yếu tố vốn cùng lúc vừa là lợi điểm vừa là bất lợi. Một đàng có rất nhiều điều bán hạ giá hơn và tự do nhiều hơn. Dường như thể người ta nói cho các thanh thiếu niên: “hãy chọn đi và giúp chính mình.” Có hứa hẹn về sự tự lập và một sự cống hiến là sự hoàn thành chính mình, nhưng trong cô lập. Điều ngày nay đang mất dần không phải là tự do nhưng là hiểu biết và trách nhiệm, nâng đỡ và hướng dẫn. 

Vì vậy chẳng mấy chốc cá nhân đối mặt với chính những giới hạn của mình và những trở ngại được bày ra do xã hội hậu-kỹ nghệ (post-industrial): ganh đua và chọn lựa trong mọi lãnh vực, thị trường công việc, việc kéo dài thời kỳ lệ thuộc, những cơ hội nhỏ hẹp để được can dự vào đời sống công cộng, thiếu những chọn lựa khác sẵn đấy.

Điều này nảy sinh những tình cảm về sự bất an vốn làm cho giới trẻ trong xã hội chúng ta có thể bị thương tổn trước sự bóc lột dưới nhiều cách thức. Những lý luận có tính thuyết phục nhắm tới việc đạt được những sản phẩm quyết định không ít những chọn lựa của họ, không chỉ liên can đến những sản phẩm song cả những mẫu sống: loại người nam hay nữ, lý tưởng về vẻ đẹp, về hạnh phúc, bậc thang các giá trị, những cách cư xử và chiếm vai trò trong xã hội.  

2.3.2. Thuyết Chủ Quan Và Chân Lý

Sự trồi hiện của thuyết chủ quan là một trong những chìa khóa để giải thích văn hóa hiện hành. Nó được liên kết với việc nhìn nhận tính cá vị của mỗi người và giá trị kinh nghiệm của họ và đời sống nội tâm. Nó được tóm bắt lấy do những nhóm mà từ lâu rồi đã cảm thấy “là nạn nhân” [là vật tế thần] (victimized) do các luật lệ, bằng những áp đặt trên căn tính của họ hay do những tập tục (quy ước, convention) vốn ngăn cản họ diễn đạt chính mình. Tuy nhiên, bỏ mặc cho những mưu chước của chính mình, không chút qui chiếu nào tới chân lý, tới xã hội hay tới lịch sử, thuyết chủ quan không bao giờ có thể tìm được sự hoàn thành.

Người ta có thể thấy rõ nhất sự riêng tư hóa này hay lối tiếp cận chủ quan trong những vấn đề luân lý và việc đào luyện lương tâm. Thí dụ hiển nhiên nhất, dù không phải độc nhất, là về phái tính. Trong lãnh vực này sự kiềm chế được áp đặt do xã hội đã sụp đổ, đôi khi sự kiềm chế do gia đình cũng thế. Có sự nhân nhượng công khai đối với quyền làm những chọn lựa khác nhau. Thực vậy, báo chí, sách vở, kịch nghệ thường tâng bốc những vi phạm và trình bày lối hành sử lạc lối là gì như hệ quả của những trạng huống khác nhau. Người ta ít xét đến bất kỳ chiều kích luân lý nào ngay cả dưới dạng thuần túy nhân loại khi nó không hoàn toàn bị lãng quên, ngay cả trong những chương trình chính thức được công bố rộng rãi. Mối quan tâm duy nhất dường như là phải có đời sống phái tính thỏa mãn mà không có bất kỳ nguy cơ nào đối với sức khỏe thể lý và tâm  trí. Do vậy nó tách khỏi những yếu tố vốn trao ban cho nó ý nghĩa và phẩm giá. 

Người ta cũng thấy thiếu bất kỳ quy chiếu nào đến chân lý trong những quy luật liên quan đến hoạt động kinh tế và xã hội. Thường chúng đặt nền trên những tiêu chuẩn được cá nhân lựa chọn và trong những thỏa thuận giữa những bên liên hệ có quyền lực nhất. Chúng không luôn luôn tương ứng với công ích hay phúc lợi kinh tế hoặc xã hội. 

Phẩm chất giáo dục sẽ tùy vào việc lấp đi hố ngăn cách giữa tự do chọn lựa và đào luyện lương tâm, giữa chân lý khách quan và cá nhân. Ta cần cống hiến sự hướng dẫn bằng cách giúp hiểu những hệ quả thực tiễn của các chọn lựa được hiện thực và kìm chế thuyết chủ quan không bị kiềm tỏa, và bằng cách nhìn nhận thực tại khách quan của những tình trạng và giá trị.


2.3.3. Lợi Lộc Cá Nhân Và Tình Liên Đới

Tính phức tạp và thuyết chủ quan có một ảnh hưởng trên việc đạt được sự quân bình chính đáng giữa tìm kiếm chính lợi ích của mình và sẵn sàng rộng mở cho những nhu cầu của những dân tộc khác.

Có một thời khi ta nghĩ là có thể tổ chức một xã hội tự do và công bằng; xã hội đó qua những luật lệ và cơ cấu có thể cung cấp những điều kiện chính đáng cho sự hưng thịnh của mọi người. Nhiều người trẻ đam mê đảm nhận vụ việc biến đổi thế giới và giải phóng các dân tộc. Chuẩn bị cho một vai trò chính trị thì thiết thân với việc đào luyện con người và việc thực hành đức tin; nó là một dấu chỉ về cảm thức trưởng thành về trách nhiệm và về duy tâm quảng đại (generous idealism).

Rồi đến thời kỳ mùa đông của những không tưởng, những ý thức hệ sụp đổ và cùng với chúng những dự phóng tập thể, vấn nạn luân lý, khung cảnh của những thể chế chống lại lẫn nhau. Những khác biệt chính trị dẫn tới cãi cọ ầm ỹ. Chính trị trở thành một biểu diễn nhưng lại không luôn luôn là một biểu diễn xây dựng. Điều này kéo theo sự mất kính trọng và dân chúng trở nên bất mãn như đã hiển nhiên trong việc thiếu tham gia của họ. Một sự trân trọng khái niệm về công ích bị tổn thất và không có gì tương đương đã thế chỗ đó. Trái lại, người ta chỉ cống hiến “những mẩu vụn” của thiện chí xã hội hỗ tương mà thôi.

Ngày nay chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên của “thị trường”, xét như một não trạng và như một quan điểm có tổ chức về xã hội. Hiện tại một khái niệm có tính chủ nghĩa cá nhân về hoạt động xã hội đang đuổi theo bén gót. Xã hội đang được cứu xét như một tổng số gồm những cá nhân, mỗi người mải mê tìm những lợi lộc cá nhân mình, thỏa mãn những nhu cầu riêng mình, mặc nhiên một cách vô giới hạn. Những ước muốn và quyền lợi cá nhân chiếm chỗ tối thượng.  

Trong khuynh hướng bất tận nhắm tới thỏa mãn những nhu cầu nhân tạo, người ta trở nên  câm điếc với những nhu cầu nền tảng và chân thật.  Những lý tưởng về công bằng xã hội và về tình liên đới chấm dứt bằng cách trở thành những công thức sáo rỗng, được coi là không thực tiễn.

Vì thế, kết luận của nhiều người nhìn thấy trong thị trường chướng ngại chính yếu xét về văn hóa, luật lệ, đạo đức cho sự tăng trưởng một não trạng về sự cộng tác hỗ tương giữa những người lớn cũng như người trẻ trên bình diện quốc tế và quốc gia không phải là không có nền tảng.

2.4. Sự Trưởng Thành Đức Tin Của Giới Trẻ Trong Bối Cảnh Này

Tính phức tạp, thuyết chủ quan và ý tưởng nhân vị mang tính cá nhân chủ nghĩa có một ảnh hưởng nơi người trẻ về tiến trình trưởng thành đức tin của họ, vốn tận căn là sự rộng mở, sự hiệp thông và sự chấp nhận đời sống và lịch sử trong toàn thực tại của nó.

Ngày nay, ta bị rúng động do hai hiện tượng. Có một cảm thức tôn giáo rộng khắp vốn mặc lấy những hình thức khác nhau nhất. Nó đáp lại việc tìm kiếm ý nghĩa trong một xã hội mà không cung cấp ý nghĩa đó; nó đáp lại một nhận thức mờ nhạt về chiều kích khác đối với đời sống mà vẫn còn không được diễn đạt. Tuy nhiên, cùng với điều này ta nhận rõ sự thiếu sót một nền tảng và động cơ khách quan, và như vậy một hố ngăn cách giữa kinh nghiệm tôn giáo, sự hiểu biết đời sống và những chọn lựa luân lý. Những chân lý tôn giáo cũng bị giản lược vào những ý kiến. Tính chất về sự đóng góp của Giáo Hội trở nên nan giải, và ngay cả tính chất của những thừa tác viên hay đại biểu cá nhân còn hơn thế nữa; nó đã được lợi dụng một cách lọc lựa. 

Có một số ít người học hỏi, vui sướng, và phát triển một đời sống Kitô hữu trưởng thành và diễn tả nó trong đức tin, trong một ý thức về Giáo Hội, và trong sự cam kết có tính chất xã hội. Tuy nhiên, cũng có một số lớn người trẻ sau khi đã nghe công bố, buông trôi khỏi đức tin mà không chút áy náy hối tiếc. Thời kỳ đào luyện tôn giáo đã trở nên dài hơn, và người ta không luôn luôn trông mong ở việc có chất liệu thích đáng vốn che phủ nó hoàn toàn.    

Tất cả điều này trao ban cho đức tin một hương vị rất chủ quan. Tách khỏi nền tảng vững chắc là những biến cố lịch sử của ơn cứu độ, nó trở thành cực kỳ mỏng dòn, một thứ hàng hóa để tiêu thụ mà mỗi người lợi dụng nó như mình thích. Bằng cách này nó trở nên một trong những khía cạnh khác nhau của đời sống và tư tưởng mà có sự hiện hữu tách biệt của chính mình. Mối nguy hiểm của hố ngăn cách giữa đời sống và đức tin, giữa đức tin và văn hóa là tình trạng trong đó chúng ta hết thảy đều đang sống, trong đó người trẻ ngày nay đang lớn lên. Và điều này cũng vào một thời gian khi Giáo Hội đang tỏ lộ những dấu chỉ nổi bật về môt cảm thức cộng đoàn mạnh mẽ, về sự cam kết có tính xã hội và nỗ lực truyền giáo.

2.5. Lời Đáp Trả Của Gia Đình Salêdiêng

Đâu là những đáp trả trước những lời nài nỉ này mà người trẻ có thể kỳ vọng từ Gia Đình Salêdiêng? Chúng ta có thể triển khai những lực lượng nào?

Ngày nay càng ngày càng có nhiều nhà giáo dục hơn, nhất là những nhà giáo dục chuyên nghiệp. Cũng có những nhà giáo dục không chính thức (informal); họ không có một vai trò biệt loại và không phải là những chuyên nghiệp. Giống như có những nghị sự được công bố và những nghị sự ẩn dấu. Ngày một hơn ở tại tâm điểm của tiến trình giáo dục và khi đưa ra nhận xét về nó là cá vị, kẻ chọn lựa và tiến hành những điều được trình bày cho họ hay họ khám phá cho chính mình. Ngày nay, ít hơn bao giờ hết, giáo dục có thể được ủy cho một ai với hy vọng là họ sẽ có thể điều khiển cách thức nó tiến hành. Giới trẻ lặng lẽ chọn những nhà giáo dục của chính mình khi họ mở rộng tâm trí và cõi lòng cho chúng ta, khi họ muốn nghe một lời từ chúng ta hay coi chúng ta làm một điều gì mà họ coi là tạo ý nghĩa trong đời sống của chính họ. Trách nhiệm này có thể đến với một ai vào bất kỳ thời khắc nào.    

Ảnh hưởng của những nhà giáo dục được ủy cho trách vụ giáo dục và của những người được chọn do cá nhân tùy thuộc vào ba yếu tố: tính khả tín của điều được dạy trong mối liên hệ với tình trạng mà trong đó người trẻ đang sống, thẩm quyền của vị thầy chứng nhân, khả năng thông truyền.

Vì thế, điều này là thách đố cho người lớn: cống hiến sự hướng dẫn và những đề xướng mà không tránh né khỏi tính phức tạp và những đòi hỏi của thuyết chủ quan và không cho phép chính mình cống hiến những tổng quát hóa hàm hồ. Điều này có nghĩa là rộng mở đối với điều tích cực, đặt nền vững vàng trên điều ban cho cuộc sống con người ý nghĩa thật sự của nó, có một khả năng phân định. Đây là ba điều mà Gia Đình Salêdiêng cần phải chú ý đặc biệt. 

2.5.1. Trở Về Giữa Giới Trẻ Với Tính Hữu Hiệu Lớn Lao Hơn

Chính là khi ở giữa thanh thiếu niên mà Don Bosco đã nắn hình cách sống của mình, gia sản mục vụ và sư phạm của mình, hệ thống và lối thiêng của mình. Đối với Don Bosco, sự cam kết dành riêng cho sứ mệnh đối với giới trẻ luôn luôn và mọi nơi là một thực tại, ngay cả khi vì lý do đặc biệt nào đó, ngài không giao tiếp cách thể lý với thanh thiếu niên, và khi công việc mà ngài dấn thân vào không trực tiếp nhằm phục vụ giới trẻ và khi ngài táo bạo bảo vệ đoàn sủng của mình là Đấng Sáng lập vì tất cả giới trẻ của thế giới khi đứng trước áp lực từ những giáo sĩ vốn không luôn luôn hiểu biết đầy đủ. Sứ mệnh Salêdiêng là sự thánh hiến, nó là “một “tình yêu đặc biệt” đối với giới trẻ; và tình yêu đặc biệt này, trong hình thức nguyên nguồn của nó, là một tặng phẩm từ Chúa mà trí tuệ và cõi lòng chúng ta cần phải phát triển và mang tới hoàn thành. 

Người Salêdiêng chân thật không đào thoát lãnh vực giới trẻ. Một người Salêdiêng là người biết giới trẻ từ kinh nghiệm bản thân mình: trái tim của họ đập hòa nhịp trong thời gian với trái tim của chúng. Người Salêdiêng sống cho chúng, hiến mình cho những vấn đề của chúng; giới trẻ trao ban ý nghĩa cho cuộc đời họ: công việc, trường học, đời sống tình cảm, giờ rảnh rỗi/giải trí. Một người Salêdiêng cũng là một người có cả kiến thức lý thuyết về giới trẻ cũng như một kinh nghiệm sống mà có thể làm cho họ khám phá ra những nhu cầu thật sự của họ và kiến tạo một tác vụ giới trẻ được thích ứng với những nhu cầu của thời đại.  

Vì lẽ để nó thật sự hữu hiệu, sự trung thành với sứ mệnh chúng ta cần phải tiếp chạm với những “vấn đề then chốt” của văn hóa ngày nay, với những mẫu tư duy và thái độ hiện hành. Chúng ta đang đối mặt với những thách đố khổng lồ mà cần phải phân tích nghiêm chỉnh, cần đến một uy tín khi nhận xét phê bình, một sự khảo sát kỹ lưỡng về văn hóa và một khả năng để hiểu rõ tình trạng đó theo tâm lý học. Trong một bối cảnh như thế này, sự thông giao giáo dục dành ưu tiên hơn cho một số kênh rạch.  

Kênh rạch đầu tiên là góp chung quan tâm và khảo cứu thay vì trình bày những giải pháp làm sẵn; là đối thoại ở mọi bình diện thay vì cung cấp thông tin giới hạn; là sự trong suốt và những giải thích chân thật thay vì những tường trình sai sự thật (half-truths). 

Trong khi nỗ lực để đạt được/hình thành khóe nhìn của chính mình về thế giới, giới trẻ lắng nghe, phản ứng, suy tư và thử nghiệm. Chúng cảm thấy như thể đang ở giữa một chợ đời; nơi đây, chúng thấy giá cả và phẩm chất của điều bày ra bán giảm giá và có thể cầm lấy những món đồ mình thích. Chứng từ và lời nói hữu vị mà có thể mang lại ánh sáng và hy vọng mới tìm được một cử tọa.

Nhà giáo dục của tương lai sẽ là người biết làm thế nào để lèo lái giữa muôn vàn sứ điệp và nhãn quan, hướng tới chọn lựa các giá trị và tiêu chuẩn có thể nâng đỡ một sự tăng trưởng liên tục. Và chính ở trong việc giáo dục hướng tới các giá trị mà nhà giáo dục cần phải tập trung trên sự can dự tích cực hơn là trên sự chấp nhận dễ bảo của chủ thể.

Những đòi hỏi cần được trình bày cách can đảm. Ta phải tránh bằng lòng với những đáp ứng trước những nhu cầu tức thời, vốn lấy người trẻ khỏi những chân trời xa rộng và để họ ở mãi trong một vị thế tự yêu mình.

Đàng khác, lãnh trách nhiệm mới đóng góp lớn lao cho sự phát triển nhân vị. Qua kinh nghiệm và suy tư họ phải làm thành của mình điều mà giáo dục cống hiến và từ đó rút những kết luận của chính mình. Chỉ khi một người trẻ trở thành một tác nhân tích cực, chứ không phải là người thụ nhận xuông điều mà giáo dục phải cống hiến họ mới có thể hoàn toàn ý thức về điều họ được dạy dỗ và nó mới trở thành một cái gì họ phải gìn giữ suốt đời.  

Rồi có một yếu tố then chốt khác trong những khuôn mẫu của thông giao: những hoàn cảnh. Ngày nay ta chú ý đến cái gọi là “những không gian sinh động,” sóng bên với những cơ sở giáo dục truyền thống. Những cái sau (cơ sở truyền thống) thực thi ảnh hưởng của mình qua những cơ cấu, chương trình, vai trò, luật lệ và qui chế; song chúng tỏ ra là không thể thỏa mãn những đòi hỏi về [đi tìm] ý nghĩa và những mối liên hệ mà giới trẻ diễn đạt. Đàng khác, những không gian sinh động dành chỗ cho tính tự phát, tập trung vào điều tích cực, vào việc chia sẻ tự do, vào tình bạn, vào sự chấp nhận hỗ tương, vào những lý tưởng, vào ngôn ngữ biểu tượng, vào những dự phóng. Ta phải hy vọng rằng các gia đình, cộng đoàn Kitô hữu, những nhóm cam kết, những nơi chốn mà giới trẻ qui tụ, và những trường học sẽ trở nên như thế này.

Khi ngỏ lời với các thành viên của Gia Đình Salêdiêng thật đúng chỗ để cha gợi nhắc rằng Don Bosco, bằng trực giác hơn bằng bất kỳ kiến thức lý thuyết nào, đã kiến tạo một hệ thống thông giao toàn diện: nguyện xá, một nơi chốn đầy sự tự phát và diễn đạt tự do, mà trong đó có những vai trò rõ ràng và những mối liên hệ thân thiện cùng những chương trình được cống hiến cho mọi người trên một nền tảng thông thường đan xen với những cơ hội cho tính sáng tạo của cá nhân và của nhóm.

Tại nguyện xá đầu tiên ở nhà Pinardi, như Don Bosco đã dự kiến, ta có thể tìm được một vài ý tưởng quan trọng cơ bản mà sau này đã được kết giao với ý nghĩa nhân bản và Kitô hữu sâu xa hơn của chúng:

  • một cơ cấu uyển chuyển, đang khi quy tụ Giáo Hội, xã hội đô thành và những nhóm con cái của dân chúng lại với nhau; [nó như] một thứ “cây cầu”;
  • kính trọng và trân trọng giai cấp lao động;
  • tôn giáo là nền tảng của giáo dục theo giáo huấn của khoa sư phạm Công giáo như được chuyển giao lại cho ngài từ bầu khí tại Học viện giáo sĩ Convitto;
  • mối liên kết (inter-connection) sống động giữa đào luyện tôn giáo và phát triển nhân bản, giữa giáo lý và giáo dục; cũng như mối kết liên của giáo dục và giáo dục đức tin cũng như sự hòa hợp đức tin và cuộc sống (integration);  
  • niềm thâm tín rằng dạy dỗ là phương thế cốt yếu để soi sáng tâm trí; 
  • một nền giáo dục, giống như huấn giáo, vốn được khai triển bằng mọi cách thức khả dĩ căn cứ vào thời gian hạn hẹp và những nguồn liệu sẵn đấy: dạy cho những người không bao giờ có cơ hội đến trường biết đọc biết viết, tìm công ăn việc làm cho một số em, để mắt đến chúng suốt tuần, phát triển những hoạt động nhóm và tương thân tương ái….
  • sử dụng và trân trọng đầy đủ thời giờ rảnh rỗi;
  • lòng hiền hậu mến thương là một phong thái giáo dục và một cách tổng quát hơn, là một phong thái sống Kitô hữu.

Được hiểu theo cách này, nguyện xá đối với chúng ta tiếp tục là “công thức” mà chúng ta cố gắng áp dụng vào mọi loại hoàn cảnh hay cơ cấu giáo dục.

2.5.2. Khởi Phát Lại “Người Công Dân Lương Thiện”

Việc xem xét lại phẩm chất xã hội của giáo dục, vốn đã có nơi Don Bosco, mặc dù được thực thi một cách bất toàn, phải động viên chúng ta kiến tạo những kinh nghiệm minh nhiên về sự cam kết có tính chất xã hội theo nghĩa rộng nhất. Điều này giả định một suy tư sâu xa cả trên bình diện lý thuyết, căn cứ vào chiều rộng của chủ đề là cổ xúy giữa dân chúng về nhân bản của vị thành niên và những xem xét khác nhau có liên hệ đến nhân học, thần học, khoa học, lịch sử và phương pháp luận, lẫn trên bình diện kinh nghiệm và suy tư thực tiễn của các cá nhân và cộng đoàn. Trong bối cảnh Salêdiêng Tổng Tu Nghị 23 đã nói đến “chiều kích xã hội của đức ái” cũng như đến “giáo dục người trẻ để cam kết và tham gia vào đời sống công cộng”, “một lĩnh vực mà chúng ta đã có gì đó xao nhãng hay bỏ qua”.[8]

Một sự hiện diện giáo dục trong đời sống xã hội bao gồm những điều sau: ý thức về giáo dục, những chính sách giáo dục, phẩm chất giáo dục của đời sống trong xã hội, văn hóa.

Bất kỳ ai thật sự quan tâm đến chiều kích giáo dục đều gắng sức thực thi ảnh hưởng qua những phương thế chính trị, hầu người ta có thể để ý đến nó trong mọi lãnh vực: từ đô thị hóa và du lịch đến thể thao và hệ thống truyền thanh truyền hình, một điều mà trong đó những tiêu chuẩn thị trường thường ưu thắng.

Rồi có khía cạnh loại biệt của những chính sách giáo dục và tuổi trẻ. Cần phải thức tỉnh lại mối quan tâm và sự đấu tranh hầu những giải pháp cho một số vấn đề khẩn cấp không bị đặt vào chỗ sau cùng. Chẳng hạn, những điều này bao gồm toàn lãnh vực của dự phòng, phẩm chất của một hệ thống giáo dục được hoà hợp, sự đa biệt hóa thích đáng của những khả thể tính giáo dục tương ứng với những nhu cầu của các cá nhân, sự bằng nhau về kinh tế, sự tái định cư của những người mà đã bị rơi rớt lại bên vệ đường trong tiến trình giáo dục.

Hơn nữa, phong thái của đời sống xã hội và những thực hành chính trị cấu thành nơi chính mình một bài học hằng ngày nổi bật mà từ đó những người lớn và người trẻ lặng lẽ rút ra những kết luận thực tiễn. Người ta có thể nói rằng thật vô ích cho những cơ sở giáo dục khi dạy các sinh viên phải tôn trọng luật pháp nếu trong đời sống công cộng những tiêu chuẩn khác được áp dụng với một lương tâm dễ dãi, vì chính do những điều này mà những xác tín và lối cư xử của chúng ta được nắn hình. In khắc một cảm thức về công bằng thật khó khăn nếu những cơ quan công cộng bị tham nhũng và thỏa hiệp thống trị. Dạy phải kính trọng cá nhân quả thật rất khó, nếu trong cuộc tranh cãi chính trị sự bất tín nhiệm nhau, lừa đảo và cãi nhau thắng thế. Giáo dục, đời sống xã hội và thực hành chính trị tạo thành một toàn thể, hầu bất kỳ ai muốn cải thiện phẩm chất nơi một trong những điều trên, tất yếu phải nỗ lực để thay đổi những cái kia.   

Cuối cùng, trên nền tảng của giáo dục, của sống chung trong xã hội, và của chính trị, có nền văn hóa. Điều này cung cấp những động cơ và thông truyền ý nghĩa của những điều mà vốn lặng lẽ thấm nhập tâm trí và khơi lên một vài mẫu hành sử. Để thiết lập một cái gì có giá trị, những sáng kiến, ngay cả nhiều sáng kiến đi nữa, thì không đủ; những người tốt, quảng đại và được khởi hứng tốt đẹp cũng không đủ. Cần phải có một lối tư duy chung để giữ chặt và làm chín muồi. Thực vậy, văn hóa liên quan đến không chỉ những ý hướng và đề xướng cá nhân nhưng đến việc khai thác hợp lý và có hệ thống những năng lực mà cộng đoàn có [sử dụng] tùy ý mình. Đôi khi có một sự đối kháng nổi bật giữa những hành động của những cá nhân và não trạng tập thể, giữa những sáng kiến cá nhân và lối tiếp cận của xã hội, giữa thực hành và những nền tảng của nó, hầu những khát vọng của cá nhân là một chuyện, còn kinh nghiệm thường nhật mà họ bị buộc phải lụy phục là một chuyện khác.  

2.5.3. Khởi Phát Lại “Người Kitô Hữu Tốt Lành”

Ta phải nói cùng một điều về việc khởi phát lại “người Kitô hữu tốt lành”. Don Bosco, “cháy bỏng” với nhiệt tình dành cho các linh hồn, hiểu rõ tính hàm hồ và những mối nguy hiểm của tình trạng xã hội và luân lý của thời đại mình; ngài đã thách thức những giả định của nó; ngài tìm những cách thức mới để đối nghịch với sự dữ bằng những nguồn lực kinh tế và văn hóa giới hạn [dùng] theo ý mình.

Làm thế nào ta sản sinh “người Kitô hữu tốt lành” của Don Bosco? Ngày nay làm thế nào ta đảm bảo tất cả những yếu tố nhân bản và Kitô hữu của một dự phóng với những sáng kiến mà một cách chính thức hay thông dụng có tính chất tôn giáo và mục vụ thoát khỏi những nguy hiểm của chủ nghĩa cơ bản dưới những hình thức cũ và mới? Làm thế nào ta biến đổi nền giáo dục tôn giáo có phong thái cổ truyền thành một nền giáo dục để sống căn tính của mình trong một thế giới đa tôn giáo, đa văn hóa và đa sắc tộc? Đối diện với việc qua đi của khoa sư phạm truyền thống của phục tùng, có liên hệ với một khoa Giáo Hội học nào đó, thì làm thế nào ta sử dụng khoa sư phạm của tự do và trách nhiệm hữu vị, nhắm đến sản sinh những cá tính mạnh mẽ có khả năng quyết định cách tự do và trưởng thành, rộng mở cho đối thoại, tích cực chiếm lấy chỗ của mình trong xã hội không phải với một thái độ theo chủ nghĩa tuân thủ (conformist), nhưng là một thái độ có tính cách phê phán để xây dựng?

Đây là một vấn đề về việc khám phá ơn gọi của con người và giúp họ sống cái bản ngã chân thật của mình một cách ý thức. Chính trong lãnh vực này các tín hữu có thể đóng góp cách giá trị nhất. 

Thực vậy, họ biết rằng con người và những mối liên hệ hữu vị của con người được xác định do bản tính của họ là một thụ tạo vốn không nói lên một sự thấp kém hay lệ thuộc, song chỉ ra tình yêu nhưng không và sáng tạo về phía Thiên Chúa.  Con người mắc nợ sự hiện hữu của mình đối với một tặng phẩm. Họ ở trong mối liên hệ với Thiên Chúa mà họ phải đáp trả lại. Ngoài mối liên hệ này cuộc sống của họ không có ý nghĩa. Đấng “khác” mà họ ý thức đến và ước ao một cách vô thức/mơ hồ là Đấng Tuyệt Đối, không phải là một tuyệt đối thể vốn xa lạ với họ hay là một sự trừu tượng, song là nguồn mạch của cuộc đời họ. Ngài kêu gọi họ cho chính Ngài.

Trong Đức Kitô chân lý về một ngôi vị mà lý trí có thể bắt đầu hiểu biết tìm được sự soi sáng đầy đủ của nó. Qua lời ngài, nhưng trên hết do cuộc sống nhân-thần của ngài mà trong đó ngài tỏ lộ ý thức của Ngài là Con Thiên Chúa, ngài rộng mở một ngôi vị tới sự hiểu biết tròn đầy về chính mình và về định mệnh của mình.

Nơi ngài chúng ta được làm nên con cái và được gọi để sống như thế trong chỗ đứng của mình trong lịch sử. Nó là một thực tại và một tặng phẩm, mà ý nghĩa của nó một con người cần phải dần dần hiểu biết. Ơn gọi là con cái Thiên Chúa không phải là một sự xa xỉ dư thừa, một cái gì ngoại khởi đóng vào để con người hoàn thành mình. Trái lại, nó là một điều kiện bất khả thế, thuần khiết và đơn giản cho tính chân chính và sung mãn, là cái nhu cầu đòi thỏa mãn nhất của mọi nhu cầu căn rễ nhất, những cái cấu thành bản tính con người như một thụ tạo. 

Người giáo dục – cha mẹ, bạn bè, huynh trưởng – rất ý thức rằng mình là một chứng nhân và người đồng bạn trong việc mạc khải này của những khả thể cuộc đời; nó nối kết sự hiểu biết này với nguồn mạch và cùng đích của nó; nó làm cho đời sống có thể tăng trưởng; nhưng trên hết nó mang đến một ai đó để nói đến và một dấu chỉ về Thiên Chúa hiện diện. 

Có một cuộc đối thoại huyền nhiệm giữa mỗi người trẻ và bất kỳ cái gì hay bất kỳ ai đến với họ từ bên ngoài, giữa điều nảy sinh từ bên trong và điều họ khám phá như một mệnh lệnh, như một ân sủng hay như một lời giải thích. Dần dần họ thủ đắc được một hiểu biết đầy đủ hơn về chính mình, họ kiến tạo một hình ảnh về cuộc đời mà trong đó họ phải đầu tư tất cả năng lực và đóng phần vụ mình cách đầy đủ.

Những nhà giáo dục, dù chuyên nghiệp hay không, được mời để cống hiến điều mà họ coi là thích đáng, bằng cách sống với niềm hy vọng về tương lai với tất cả những yếu tố không biết được của nó. Họ quan tâm nghiêm chỉnh đến con người đang lớn lên với tất cả những sự không chắc chắn. Thực vậy, Thiên Chúa muốn được nhận biết nơi họ, và trong tiến trình lớn lên đó, ngài sẽ tỏ lộ chính mình càng lúc càng rõ ràng hơn. Nếu các sự việc tốt đẹp, họ sẽ đóng góp phần vụ mình trong lịch sử của những người “từ Thiên Chúa mà xuống”, những người vốn cảm nhận chính mình ở trong một mối liên hệ hiền tử với Ngài, và sẽ tạo thành những dấu chỉ sống động về sự hiện diện của ngài.

 

  1. CỔ XÚY NHÂN QUYỀN, CÁCH RIÊNG QUYỀN CỦA NHỮNG VỊ THÀNH NIÊN

Chúng ta là những kẻ kế thừa và mang lấy một đoàn sủng giáo dục vốn nhắm tới việc cổ xúy một văn hóa sự sống và việc thay đổi cơ cấu. Vì lẽ này chúng ta có bổn phận cổ xúy nhân quyền. Lịch sử của Gia Đình Salêdiêng và sự bành trướng cực kỳ nhanh chóng của nó, ngay cả trong những bối cảnh văn hóa và tôn giáo xa cách khỏi những bối cảnh văn hóa và tôn giáo mà từ đó nó được sinh ra, chứng kiến sự kiện rằng hệ thống dự phòng của Don Bosco có thể được đảm bảo để đóng góp vào việc giáo dục giới trẻ trong mọi loại khung cảnh và là một cương lĩnh để đối thoại vì một nền văn hóa mới của những quyền lợi và tình liên đới. Bằng cách xét đến phẩm giá của mỗi cá nhân và sự bình đẳng trong những quyền lợi của họ, ta có thể hiểu tốt hơn hàng vạn lý do vốn nâng đỡ sự chọn lựa ưu tiên của Giáo Hội dành cho người nghèo. 

Chính trong bối cảnh này mà ngày nay ta phải đọc và thực thi lời khuyên của Don Bosco cho các vị truyền giáo đầu tiên: “Hãy đặc biệt chăm sóc người ốm đau, giới trẻ, người già cả và kẻ nghèo, rồi các con sẽ được Chúa chúc lành, và người đời tín nhiệm.” Đối với chúng ta những Salêdiêng, giáo dục cho nhân quyền, cách riêng những quyền lợi của vị thành niên, là cách thức tốt nhất để đem ra thực hành trong những khung cảnh khác nhau sự cam kết của chúng ta cho dự phòng, cho sự phát triển nhân bản toàn diện, cho việc xây dựng một thế giới bình đẳng hơn, công bằng hơn, lành mạnh hơn. Ngôn ngữ của nhân quyền cũng làm chúng ta có thể thảo luận khoa sư phạm chúng ta và giới thiệu nó vào trong những nền văn hóa khác nhau của thế giới. 

3.1. Nhân Quyền Và Phẩm Giá Của Nhân Vị  

Nhân quyền là quyền lợi áp dụng cho mọi người như một con người; chúng không tùy thuộc vào chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, nguồn gốc địa dư, tuổi tác hay phái tính. Chúng là những quyền lợi nền tảng, phổ quát, không thể vi phạm và bất khả thế. Chúng không được in khắc trên đá nhưng trong sự tiến hóa liên tục. Những quyền lợi chính trị và dân sự vốn đi trở lại tới thời của cuộc Cách Mạng Pháp (1789), nảy sinh từ đòi hỏi một loạt những đặc quyền căn bản mà từ đó những phần lớn dân cư đã bị loại trừ: quyền sống, quyền phải kính trọng thể lý, kính trọng tự do tư tưởng, quyền diễn đạt, quyền lập hội đoàn, quyền tham gia chính trị. Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân quyền năm 1948 phê chuẩn những quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa: quyền dạy dỗ, lao động, nhà ở, sức khỏe, v.v. Đoạn, có những quyền lợi của dân chúng để xác định chính mình, hưởng hòa bình, phát triển, sự ổn định môi sinh, quyền điều hành những nguồn lực quốc gia, bảo vệ môi trường. Cuối cùng có những quyền lợi nối kết với sự kính trọng con người, trong liên hệ với những lãnh vực của sự thao túng về di truyền, về đạo đức sinh học và những kỹ thuật truyền thông mới.

Chúng ta phải ý thức rằng kính trọng đầy đủ nhân quyền trước hết là trách nhiệm của chúng ta. Không may những vi phạm nhân quyền lại là trật tự của ngày nay và thật rõ ràng là những phương tiện hiện có để dự phòng thì không đủ để trừ khử chúng. Trong tình trạng này chúng ta cần làm việc vì kính trọng phẩm giá con người.

Giáo Hội dạy dỗ và xác quyết rằng giải thích đúng đắn và bảo vệ hiệu quả các quyền lợi tùy thuộc vào một khoa nhân học mà để ý được tất cả những chiều kích cấu thành nên ngôi vị con người. Thực vậy, tất cả nhân quyền phải tương ứng với phẩm giá của mỗi cá vị. Chúng cần phải quy chiếu đến sự thỏa mãn những nhu cầu căn bản, đến sự thực thi tự do, đến những mối liên hệ với tha nhân và Thiên Chúa. Chúng có đặc tính phổ quát, được tìm thấy trong mọi con người không có luật trừ về thời gian và nơi chốn. Thực vậy, những quyền lợi căn bản thuộc về con người xét như nhân vị, thuộc về mỗi người và từng người, nam cũng như nữ, trẻ cũng như già, giầu cũng như nghèo, khỏe mạnh cũng như ốm đau.

3.2. Sứ Mệnh Salêdiêng Và Những Quyền Lợi Của Trẻ Em

Trong bài nói chuyện tại Campidoglio ở Roma vào ngày 27 tháng 11 năm 2002, về đề tài: “Chúng ta hãy cứu thanh thiếu niên là tương lai của thế giới, trước khi quá muộn,” cha đã cố gắng trình bày Hệ Thống Dự Phòng từ quan điểm của việc thăng tiến mỗi thiếu niên nam nữ, để được giáo dục, để được cứu độ toàn diện trong mọi ý nghĩa của hạn từ đó theo quan điểm Kitô hữu, nhưng quy chiếu đặc biệt đến sự biến đổi xã hội, hầu sẽ không còn bất kỳ ai ở bên lề xã hội nữa. Trên hết, cha đã trình bày Hệ Thống Dự Phòng dưới diện một người được giáo dục đảm nhận trách nhiệm cách ý thức; người này sẽ biến đổi từ một người cần được che chở bởi vì những nhu cầu của họ (đối tượng) đến một chủ thể có trách nhiệm bởi vì họ có quyền lợi và nhận biết quyền lợi của người khác, đang khi chuẩn bị người công dân của ngày mai chính nơi thiếu niên của ngày hôm nay: công dân lương thiện và Kitô hữu tốt lành. Cha gởi đến anh em một vài câu trong bài diễn từ ấy.

“Tình trạng mà nhiều người trẻ sống trong đó tại nhiều miền trên thế giới thật nghiêm trọng: giới trẻ bị nguy hiểm và đẩy ra bên lề xã hội. Có quá nhiều người như thế. Không ai nghe thấu tiếng họ kêu than. Họ ám ảnh trên lương tâm của một xã hội đang tìm cách toàn cầu hóa nền kinh tế chứ không phải  cam kết phát triển các dân tộc và cổ xúy phẩm giá của mỗi người.

Những thách đố ngày nay. Đây là một thứ tổng quan nhanh gọn về giới trẻ bị loại ra bên lề xã hội và bị bóc lột (khai thác) quanh thế giới:

Thanh thiếu niên trên hè phố và các băng đảng.

Thanh thiếu niên đi lính tráng.

Thanh thiếu niên bị lạm dụng.

Thanh thiếu niên lao động như nô lệ

Thanh thiếu niên “không là gì cả”.

Thanh thiếu niên ở trong tù.

Thanh thiếu niên bị buộc phải hiến các phần thân thể và què quặt.

Thanh thiếu niên nghèo và bị gạt ra bên lề xã hội.

Thanh thiếu niên sống ở các cống rãnh, đầu đường xó chợ.

Thanh thiếu niên ốm yếu.

Thanh thiếu niên tỵ nạn và mồ côi.

Thanh thiếu niên là . . .”

Sự không may như thế đè nặng trên lương tâm mỗi người. Vào cuối Tổng Tu Nghị 25 các Salêdiêng đã làm một lời hiệu triệu ngỏ cho tất cả những người có trách nhiệm về giới trẻ: “Chúng ta hãy cứu lấy thanh thiếu niên là tương lai của thế giới, trước khi quá muộn.” Đây cũng là lời hiệu triệu của cha như đấng kế vị Don Bosco. 

Đối diện với một bức tranh buồn thảm như thế về cách thức giới trẻ đang chịu khổ, chúng ta những Salêdiêng “đứng về phía giới trẻ, bởi vì, như Don Bosco chúng ta tin tưởng vào chúng, vào thiện ý của chúng, để học hành, để thoát khỏi nghèo khổ, để nhận lấy tương lai trong đôi tay của mình . . . chúng ta ở bên giới trẻ bởi vì chúng ta tin vào giá trị của cá nhân, tin vào một loại thế giới khác có thể có được, và trên hết vào giá trị cao cả của làm việc cho giáo dục.”[9] Chúng ta hãy đầu tư vào giới trẻ!

Chúng ta hãy cam kết cho nền giáo dục trên cơ sở toàn cầu và bằng cách này chúng ta sẽ chuẩn bị một tương lai tích cực cho toàn thế giới. Gia Đình Salêdiêng sẽ mang vào nỗ lực này những sự giầu có của phương pháp giáo dục được thừa hưởng từ Don Bosco, Hệ Thống Dự Phòng nổi tiếng.

Theo hệ thống này mối quan tâm đầu tiên là quan tâm ngăn cản sự xấu qua giáo dục, nhưng đồng thời nó quan tâm đến việc giúp giới trẻ xây dựng chính nhân cách của chúng, giúp mang sự sống mới cho những giá trị mà trước kia họ đã không có thể thủ đắc và phát triển chính bởi vì họ đã bị loại ra bền lề, và giúp khám phá những động cơ để sống một cuộc đời vốn có ý nghĩa với niềm vui, trách nhiệm và uy tín. 

Hơn nữa, Hệ Thống này vững tin rằng chiều kích tôn giáo của một nhân vị là phẩm tính quý giá nhất và ý nghĩa nhất của họ; vì thế như đích nhắm chung cục của mọi sự mà nó làm, nó bắt đầu hướng dẫn từng thanh thiếu niên hiện thực ơn gọi của mình như con cái Thiên Chúa. Cha nghĩ rằng đây là một trong những đóng góp quan trọng nhất mà Hệ Thống Dự Phòng của Don Bosco có thể làm trong lãnh vực giáo dục giới trẻ thuộc mọi luống tuổi từ trẻ em đến người lớn vốn là những người nghèo và gặp nguy hiểm về tâm lý-xã hội. 

Nó là một vấn nạn về kinh nghiệm rõ ràng và quan trọng (có ý nghĩa) về tình liên đới được nhắm đến để đào luyện – những lời này là của Don Bosco – “những công dân lương thiện và những Kitô hữu tốt lành”, nghĩa là, những người xây dựng thành đô, những người tích cực và có trách nhiệm, ý thức về phẩm giá của mình với một kế hoạch đời sống, rộng mở trước Đấng Siêu Việt, trước tha nhân và Thiên Chúa.”

3.3. Chúng Ta Hãy Cố Gắng Trình Bày Cùng Những Ý Tưởng Đó Bằng Ngôn Ngữ Của Nhân Quyền

Khi quy chiếu đến danh sách về những vi phạm nhân quyền được đặt ra ở trên, thì điều trở nên rõ như ban ngày là ngày nay một nền giáo dục Salêdiêng toàn diện không thể không xét đến một cam kết đối với những quyền lợi căn bản và phẩm giá con người.

Trước tiên người ta có thể ghi nhận rằng chủ đề giáo dục về những quyền lợi và tự do căn bản mật thiết liên quan đến hai Hoa thiêng trước, mà trong đó cha nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của gia đình trong việc giáo dục và cổ xúy nhân quyền, và tiên vàn là bảo vệ cùng cổ xúy sự sống.

Trong lãnh vực này, giáo dục đặt mục tiêu là đóng góp vào việc xây dựng một nền văn hóa của nhân quyền có thể thảo luận, thuyết phục và xét cho cùng ngăn cản những vi phạm nhân quyền hơn là trừng phạt hay đàn áp chúng. Nó là bước quá độ từ sự cáo giác suông về những vi phạm đã phạm phải tới nền giáo dục dự phòng. 

Từ quan điểm này, giáo dục nhân quyền phải nhất thiết là đa chiều kích và được đặc trưng như một nền giáo dục tới quyền công dân lương thiện, tích cực và có trách nhiệm, có thể nối kết điều mô tả và quy tắc, biết và sống, và hòa hợp việc trao truyền kiến thức và đào luyện nhân cách.

Giáo dục nhân quyền là giáo dục tới hành động, tới việc làm một điều gì, tới việc lấy một lập trường, chấp nhận trách nhiệm, tới phân tích phê phán, tới việc được thấm nhuần, tới việc cân nhắc thông tin từ các phương tiện (media); đó là một nền giáo dục phải trở thành thường hằng và hằng ngày.

Trên những nền tảng này, phương pháp luận ta dùng phải bao gồm ít nhất ba chiều kích:

  • chiều kích nhận thức (cognitive): biết, tư duy cách có phê phán, khái niệm hóa, phán đoán; Don Bosco thường nói “lý trí”;
  • một chiều kích tình cảm: nỗ lực, có một kinh nghiệm, làm bạn, sự thấu cảm; Don Bosco thường nói “lòng nhân hậu mến thương”;
  • một chiều kích liên quan đến ý chí: nó dẫn tới lối hành sử được thúc đẩy cách đạo đức: làm những chọn lựa và hành động, hành sử  theo một cách thức có trật tự; Don Bosco thường nói: “tôn giáo”.

3.4. Giáo Dục Chính Mình Để Giáo Dục Nhằm Biến Đổi Mọi Cá Nhân Và Toàn Thể Xã Hội: Phát Triển Nhân Loại

Vì vậy, Hệ thống Dự Phòng và tinh thần Don Bosco ngày nay kêu gọi chúng ta phải nỗ lực lớn lao, cá nhân và tập thể, nhắm tới việc thay đổi những tình trạng nghèo khổ và chậm phát triển, để làm cho mình thành những người cổ xúy sự phát triển nhân loại và để giáo dục tới một nền văn hóa của nhân quyền và phẩm giá của đời sống con người.

Nhân quyền là một phương tiện để phát triển nhân bản; giáo dục nhân quyền là phương thế trong việc mang lại sự phát triển con người, cả cá nhân lẫn tập thể và vì thế đạt được một thế giới bình đẳng hơn, công bằng hơn và lành mạnh hơn. 

Mỗi người chúng ta, dẫu là bất kỳ ai chăng nữa, có thể trở thành người bảo vệ , cổ xúy và hoạt động trong vụ việc của nhân quyền, chính bởi vì chúng ta là những nhà giáo dục và đang theo đuổi nhãn quan nhân học Kitô hữu về cuộc đời vốn đã từng khởi hứng Don Bosco.

Vì lẽ này chúng ta cần đạt được một sự hiểu biết Salêdiêng về những nguyên lý vốn ở tận nền tảng của nhân quyền, hầu có thể nhận diện những thách đố mà nhân quyền bày ra cho Gia Đình Salêdiêng chúng ta.

Đây là một vài yếu tố cho một khảo sát như thế:

  • toàn thể tính của ngôi vị, và việc áp dụng cái nguyên lý là tính không thể phân chia và lệ thuộc hỗ tương (interdependence) của tất cả những quyền lợi nền tảng nơi một nhân vị: dân sự, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, chính trị và xã hội;
  • giáo dục tới quyền công dân lương thiện và áp dụng nguyên lý về trách nhiệm chung song khác biệt về việc cổ xúy và bảo vệ nhân quyền;
  • đi đến từng cá nhân một và áp dụng nguyên lý là mối quan tâm cao hơn cho vị thành niên;
  • vị thành niên ở tại trung tâm như chủ thể tích cực tham gia và áp dụng nguyên tắc là sự tham gia của vị thành niên;
  • châm ngôn “chỉ cần các con là trẻ, đủ để cha yêu mến các con nhiều” và áp dụng nguyên lý là không kỳ thị phân biệt;
  • châm ngôn “cha mong các con hạnh phúc bây giờ và luôn mãi” vốn quan tâm đến toàn nhân vị và áp dụng nguyên lý là sự phát triển con người toàn diện: thiêng liêng, dân sự, kinh tế, chính trị và xã hội của vị thành niên.

3.5. Một bản văn mà Don Bosco sẵn sàng ký nhận

Giáo dục trẻ em sẽ phải  hướng tới:

(a) phát triển nhân cách của trẻ em, những tài năng và những khả năng tâm trí cũng như thể lý tới tiềm lực sung mãn nhất của chúng;

(b) phát triển sự kính trọng nhân quyền và những tự do nền tảng, và những nguyên lý được Hiến chương của Liên Hiệp Quốc gìn giữ;

(c) phát triển sự kính trọng cha mẹ của trẻ em, căn tính văn hóa của chính họ, ngôn ngữ và những giá trị, kính trọng những giá trị quốc gia của quê cha đất mẹ mà trong đó trẻ em đang sống; quê hương mà từ đó họ xuất phát, và kính trọng những nền văn minh khác với của họ;

(d) chuẩn bị cho trẻ em một đời sống trách nhiệm trong một xã hội tự do, trong tinh thần thông cảm, bình an, chịu đựng, bình đẳng phái tính, và tình bằng hữu giữa các dân tộc, chủng tộc, nhóm quốc gia và tôn giáo và những nhân vị có nguồn gốc bản xứ;

(e) phát triển sự kính trọng khung cảnh thiên nhiên.

Thực vậy, đây là khoản 29 trong “Quy ước của Liên Hiệp Quốc (UNO) về những quyền lợi của trẻ em và thanh thiếu niên”; nó được Hội nghị Khoáng đại của Liên Hiệp Quốc thừa nhận vào ngày 20 tháng Mười Một, 1989 và được 192 quốc gia thông qua.

Như vậy, việc thực hành của nhiều nhà giáo dục cần phải được sửa chữa khi họ giản lược nhân quyền vào một danh sách gồm những ý tưởng hoặc coi giáo dục nhân quyền dưới dạng những chuẩn mực, như thể đang giải thích những bản văn pháp lý.

Chúng ta tán thành một lối tiếp cận rộng lớn hơn nhiều, một lối tiếp cận đối với việc học hành có tính xã hội-dân sự; nó cổ xúy kinh nghiệm thực tiễn, lãnh nhận trách nhiệm và can dự tích cực và có trách nhiệm.

Giáo dục nhân quyền, hay tốt hơn giáo dục “văn hóa dự phòng của những nhân quyền,” một nền giáo dục có thể ngăn cản việc vị phạm nhân quyền, cần phải trồi hiện khỏi lãnh vực hẹp hòi của các luật sư và nhà luật học, hầu thuộc về mọi người, thuộc về bất cứ ai cảm thấy sẵn sàng để mở rộng và giữ gìn một cuộc đối thoại liên văn hóa dựa trên nhân quyền. 

Thực thế, nhân quyền chính yếu không phải là một đề tài mang tính luật pháp hay triết học; chúng là một đề tài liên quan nhiều lãnh vực và có thể được giải thích cũng như thảo luận với một lối tiếp cận liên văn hóa trong bối cảnh của nhiều đề tài: lịch sử, địa dư, ngoại ngữ, văn chương, sinh học, vật lý, âm nhạc, kinh tế. 

Chúng không phải là một đề tài tách biệt nhưng là một chủ đề nối kết hàng ngang. Nhân quyền phải là một phần toàn vẹn của việc huấn luyện và cập nhật của các nhà giáo dục, hoặc chính thức hoặc không chính thức (informal), hầu chính họ có thể phát triển và biểu thị chúng như cái lý lẽ (leit-motiv) và chiều kích hàng ngang trong những đề tài khác nhau. 

Nếu chúng ta đã hiểu dạy học là một hoạt động mà trong đó chỉ một người, ông thầy, mới có một cái gì để nói, còn tất cả những người khác chỉ phải lắng nghe, thì xét theo nhân quyền, tiến hành theo kiểu này là không thể được. Nhân quyền không được dạy, giống như chúng không bị áp đặt, nhưng dân chúng được giáo dục cho nhân quyền qua đối thoại, thảo luận, và suy tư cá nhân.

Như những phương pháp dạy học người ta có thể dùng nghệ thuật, kịch nghệ, âm nhạc, ca múa, vẽ phác, thi ca; về mặt này chúng ta có thể gợi nhớ những sáng kiến được Don Bosco “sáng chế ra”.

Nếu tầm nhấn mạnh trong tiến trình giáo dục được đặt trên những động cơ bên trong mà nhà giáo dục yêu cầu, thì Hệ Thống Dự Phòng trở thành một “khoa linh đạo”. Nếu tầm nhấn mạnh được đặt trên ba cột trụ là lý trí, tôn giáo và lòng nhân hậu mến thương, thì Hệ Thống Dự Phòng trở thành việc thực thi một hình thức tu đức, một khung các giá trị và một kế hoạch đời sống. Nếu ta nhấn mạnh trên mối liên hệ giữa nhà giáo dục và người thụ giáo, Hệ Thống Dự Phòng giả định một chiều kích thần bí. Nếu ta nhấn mạnh đến một kế hoạch đời sống mà người thụ giáo cần phải nuôi dưỡng trong cõi lòng mình, thì Hệ Thống Dự Phòng là việc rao giảng tin mừng cách đầy đủ, vì nó nhắm đến việc tạo nên (đào tạo) công dân lương thiện và người Kitô hữu tốt lành, như  “Christifideles laici” nói, có thể sống tin mừng đang khi phục vụ con người và xã hội.  

Để kết luận, Hệ Thống Dự Phòng biến đổi nhà giáo dục và người thụ giáo thành một ai đó biết đến trách nhiệm là bảo vệ và cổ xúy nhân quyền nhằm phát triển nhân vị và toàn thế giới. 

Đang khi diễn giải dài dòng lối diễn đạt khéo léo của Đức Phaolô VI trong “Populorum Progressio”, cha dám nói rằng tên mới của hòa bình là giáo dục để  bảo vệ và cổ xúy nhân quyền.

Chắc chắn, giáo dục với trái tim như của Don Bosco, để phát triển cuộc sống của giới trẻ, cách riêng của những em nghèo nhất và không may mắn nhất, tới tiềm lực tròn đầy của họ, việc cổ xúy những quyền lợi của họ hàm ẩn: 

Một quyết định được canh tân để trở nên can dự vào như những cộng thể trong những lãnh vực hoạt động biệt loại.

Tính chất cộng đoàn của khoa sư phạm Salêdiêng đòi hỏi rằng chúng ta phải kiến tạo một tinh thần hiệp thông đối với những lý tưởng giáo dục của Don Bosco, đang khi biết làm thế nào cho mọi người có trách nhiệm can dự vào những cơ sở và chương trình giáo dục khác nhau, hình thành nơi họ một ý thức có phê phán về những nguyên nhân khiến giới trẻ bị đẩy ra bên lề và bị bóc lột, một động cơ mạnh mẽ vốn nâng đỡ những nỗ lực hằng ngày của họ và một thái độ tích cực khác. Tất cả điều này can dự đến việc phải cam kết đào luyện các nhà giáo dục.  

Minh nhiên canh tân một lối tiếp cận mục vụ.

Hoạt động Salêdiêng, được thực thi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, luôn bao gồm một quan tâm đến phần rỗi của từng người: một sự hiểu biết về Thiên Chúa và sự hiệp thông hiền tử với ngài bằng cách chấp nhận Đức Kitô qua đời sống bí tích của Giáo Hội. Sau khi chọn lựa giới trẻ và giới trẻ nghèo, các Salêdiêng đảm nhận như những khởi điểm của mình nơi nào mà giới trẻ sinh sống, và những khả thể mà chúng có, khi làm một cuộc hành trình đức tin. Trong mọi công việc như tái định cư, giáo dục và sự phát triển nhân vị, có sự khởi đầu và thực thi của ơn cứu độ mà sẽ trở nên rõ ràng hơn khi những người có liên hệ đó trở nên có khả năng cho điều đó. Tất cả đều có quyền đến với Đức Kitô. Ta cần phải công bố Ngài mà không áp buộc các sự việc quá nhiều, song cũng không để các sự việc trôi qua quá dễ dàng. 

 

THAY LỜI KẾT LUẬN

Lần này, cha kết luận không phải bằng một câu truyện ngụ ngôn (fable) nhưng với một câu chuyện gia đình, đúng hơn với “giấc mơ” vốn ở tại cội nguồn của điều chúng ta là [của bản chất chúng ta] và điều chúng ta làm. “Giấc mơ” này vừa là một kỷ niệm (tưởng nhớ, memorial) và một lời ngôn sứ, một lời nhắc nhớ quá khứ và một kế hoạch cho tương lai.

«Cha đã được chín tuổi. Mẹ cha muốn cho cha đến trường, nhưng không dễ chút nào. Khoảng cách từ chỗ chúng tôi sinh sống đến Castelnuovo là hơn ba dặm (4 cây số); anh Antôn lại chống đối việc cha nội trú ở đó. Cuối cùng một thỏa hiệp được ai nấy đồng ý. Suốt mùa đông cha sẽ đi học ở làng Capriglio bên cạnh. Bằng cách này cha có thể học những yếu tố sơ đẳng là đọc và viết. Thầy giáo của cha là một linh mục đạo đức tên là Giuse Delacqua. Ngài rất chăm chú đến những nhu cầu của cha, đến việc học hành của cha và còn hơn nữa đến nền giáo dục Kitô hữu của cha. Suốt những tháng hè cha thực thi điều mà anh cha muốn là  làm việc trên cánh đồng.

Một giấc mơ

Chính vào tuổi này cha có một giấc mơ. Suốt đời điều này sâu xa tác động tâm trí cha. Trong giấc mơ này cha dường như thấy mình gần nhà, tại một sân vườn rất  lớn. Một đám trẻ rất đông đang chơi ở đấy. Một số cười đùa, số khác chơi các trò chơi, và không ít kẻ chửi tục. Khi cha nghe những lời xấu xa này, cha lập tức lồng lộn lên giữa chúng và cố gắng bắt chúng im ngay bằng la hét cũng như đấm đá..

Lúc đó một người quí phái xuất hiện, một người lớn ăn mặc tề chỉnh. Ông mặc  một chiếc áo choàng trắng, gương mặt ông tỏa rạng đến nỗi cha  không thể nhìn trực tiếp vào ông được. Ông gọi đích danh cha, bảo cha  coi sóc đám trẻ này. Ông nói thêm những lời này: “Con sẽ phải chiếm cho được những người bạn của mình không phải bằng đấm đá nhưng bằng hiền dịu và yêu thương. Hãy bắt đầu dạy ngay cho  chúng tội lỗi xấu xa ghê tởm, còn nhân đức lại giá trị đẹp đẽ.” Cha bối rối và sợ hãi. Cha trả lời rằng mình là một đứa trẻ nghèo hèn, không thể nói cho thanh thiếu niên về đạo giáo. Vào lúc đó đám trẻ ngừng la ó, cười đùa và chửi tục; chúng tụ họp quanh người đang nói.

Không biết mình nói gì, cha hỏi: “Ông là ai mà lại ra lệnh cho con  làm điều không thể được này?

“Chính bởi vì dường như đó là chuyện không thể được đối với con mà con lại phải làm cho nó thành có thể được nhờ vâng phục và thủ đắc được hiểu biết.”

“Nhưng ở đâu, bằng phương thế nào, con có thể thủ đắc được kiến thức?”

“Ta sẽ cho con một bà giáo. Nhờ bà hướng dẫn, con có thể trở nên khôn ngoan. Không có bà, mọi khôn ngoan là ngu dốt.”

“Nhưng ông là ai mà lại  nói thế?”

“Ta là con của người phụ nữ mà mẹ con đã dạy con phải chào hỏi mỗi ngày ba lần.”

“Mẹ con bảo không được tiếp xúc với những người mà con  không biết trừ phi  bà cho phép. Vì thế, xin ông nói cho con  tên của ông đi.”

“Hãy hỏi mẹ của ông  xem tên của ông  là gì?”

Đúng lúc đó, cha thấy một phụ nữ có dáng vẻ oai vệ đứng bên cạnh ông. Bà mặc  một áo choàng lấp lánh như thể gắn đầy sao sáng. Khi thấy cha bối rối hơn bao giờ hết, qua  những câu cha  hỏi và trả lời, bà bảo cha  lại gần. Bà cầm tay cha  ân cần  nói: “Này”. Nhìn quanh, cha ý thức rằng các thanh thiếu niên đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là cả một đàn vật gồm dê, chó, beo và những thú vật khác nữa.  .

“Đây là cánh đồng làm việc của con. Con hãy làm cho mình nên khiêm tốn, mạnh mẽ và nghị lực. Điều con thấy xẩy ra cho những thú vật lúc này sẽ là điều con phải làm cho các con cái của Ta.” 

Cha nhìn quanh lần nữa, và nơi mà trước kia cha vừa thấy những thú hoang nay lại thấy những con chiên hiền lành. Chúng tung tăng và kêu be be như thể đón chào người đàn ông và người phụ nữ đó. 

Vào lúc này, vẫn còn mơ, cha bắt đầu khóc. Cha xin bà nói để cha có thể hiểu bà, bởi lẽ  cha không biết tất cả có ý nghĩa gì. Bà đặt tay lên đầu cha và nói: “Khi thuận lợi, con sẽ hiểu mọi sự.”

Với điều đó, một tiếng động khiến cha  choàng tỉnh và mọi sự biến mất. Cha hoàn toàn hoang mang. Đôi tay cha nhức nhối  vì những cú đấm cha dùng, và mặt cha rát lên vì những gì mà cha nhận được. Ký ức về người đàn ông và người phụ nữ đó, cũng như những điều được nói và được nghe, chiến đoạt tâm trí cha đến nỗi cha không sao ngủ tiếp được đêm đó.

Cha không phí giờ để nói cho mọi người về giấc mơ của mình. Trước tiên cha kể lại cho các anh cha. Họ nhạo cười câu chuyện đó, và rồi  cho mẹ và bà nội của cha. Mỗi người cắt nghĩa một kiểu. Anh Giuse nói: “Em sắp thành người chăn cừu, dê và các thú vật khác.” Mẹ cha bình phẩm: “Ai biết, con có lẽ trở thành một linh mục.” Anh Antôn chỉ làu bàu: “Có lẽ mày trở thành tên tướng cướp.” Riêng bà nội, dù không thể biết đọc biết viết, song lại am hiểu thần học đầy đủ và làm một phán đoán cuối cùng khi nói rằng “Đừng chú y vào mộng mị làm chi.”

Cha đồng ý với bà nội. Tuy nhiên, cha không thể xua bỏ giấc mơ đó khỏi tâm trí mình. Những điều cha phải nói sau này sẽ đem lại một ý nghĩa nào đó cho tất cả điều này. Cha im thin thít về những điều này, còn những người thân của cha ít để ý đến chúng. Nhưng khi cha đến Roma năm 1858 để nói với Đức Giáo hoàng về Tu hội Salêdiêng, ngài bảo cha kể cho ngài mọi điều mà có sự đề xướng của điều siêu nhiên về Tu hội. Chỉ khi đó, lần đầu tiên cha mới nói về giấc mơ mà cha có lúc được chín hay mười tuổi. Đức Giáo hoàng ra lệnh cho cha viết lại giấc mơ ấy cách chi tiết và để lại như lời khích lệ cho các con cái của Tu hội mà vì thành lập nó cha đã đến Roma.” [10]

Cha mong ước tất cả anh em hãy làm cho giấc mơ của người cha thân yêu và Đấng sáng lập Gia Đình Salêdiêng chúng ta, thánh Gioan Bosco, thành của chính mình. Chúng ta hãy cùng nhau làm việc để giấc mơ ấy thành thực tại cho giới trẻ, cách riêng những em nghèo khổ, bị bỏ rơi và đang gặp nguy hiểm. Vì chúng, chúng ta hãy mơ đến những giấc mơ mới. 

Ước gì Mẹ TC nơi danh ngài chúng ta bắt đầu năm ân sủng 2008 này, sẽ là mẹ và bà giáo của anh em, như ngài đã là thế đối với Don Bosco, hầu ở trường của ngài chúng ta có thể học có được trái tim của những nhà giáo dục. 

Roma, ngày 31 tháng Mười Hai, 2007

 Cha Pascual Chavez Villanueva

Bề Trên Cả

_____________________________________________________________ 

[1] AA.VV. “Il Sistema educativo di Don Bosco tra pedagogia antica e nuova”, Atti del Convegno Europeo Salesiano sul sistema educativo di Don Bosco, LDC Torino 1974, p. 314

[2] P. RUFFINATO, Educhiamo con il cuore di don Bosco, in “Note di Pastorale Giovanile”, n. 6/2007, p. 9.

[3] Cf. G. BOSCO, Dei castighi da infliggersi nelle case salesiane, in P. BRAIDO, Don Bosco educatore. Scritti e testimonianze, LAS, Roma 1992, p. 340.

[4] Cf. P. BRAIDO, Prevenire non reprimere. Il sistema educativo di Don Bosco, LAS, Roma 1999, p. 181.

[5] Cf. P. BRAIDO, Prevenire non reprimere. Il sistema educativo di don Bosco, LAS, Roma 1999, p. 391.

[6] Cf. G. BOSCO, Dei castighi da infliggersi nelle case salesiane, in P. BRAIDO, Don Bosco educatore. Scritti e testimonianze, LAS, Roma 1992, p. 335.

[7] Cf. G. BOSCO, Dei castighi da infliggersi nelle case salesiane, in P. BRAIDO, Don Bosco educatore. Scritti e testimonianze, LAS, Roma 1992, p. 336.

[8] Cf. GC23 203-210; 212-214

[9] GC25, 140

[10] J. BOSCO, Memoirs of the Oratory of Saint Francis of Sales from 1815 to 1855, Translation by Daniel Lyons SDB, Don Bosco Publications, New Rochelle, 1989, pp. 9-10;18-21.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *