Hiểu biết cha Thánh Gio-an Bosco: LINH DAO

HIỂU BIẾT

CHA THÁNH GIO-AN BOSCO

 

Phần ba

 LINH ĐẠO

Pascual Chávez Villanueva, SDB

 

Lời nói đầu

Đối với từng thành viên của Gia đình Sa-lê-diêng và mọi người gắn liền với Tinh thần của Don Bosco, ngày 16 tháng 08 năm 2015 thật là ý nghĩa để nhìn tới phía trước, khi chúng ta sẽ cử hành đệ nhị bách chu niên ngày sinh của Don Bosco. Một thời kỳ chuẩn bị gồm ba năm đã được vạch ra, như một cách làm cho tất cả chúng ta sẵn sàng cho ngày trọng đại này; nhờ đó kiến thức của chúng ta về Don Bosco – đấng sáng lập dòng Sa-lê-diêng, và là cha, thầy của người trẻ – được thêm phong phú. Khởi đi từ năm 2012, chúng ta chú tâm đến những lãnh vực chính về con người của cha thánh và đặc sủng của ngài, đấy là: “Lịch sử”, “Phương pháp giáo dục” và “Linh đạo” của cha Bosco. Qua đó, chúng ta có thể biết và bắt chước ngài hơn nữa.

Cuốn sách này gom góp một loạt bài được Bề trên cả Pascual Chávez của dòng Sa-lê-diêng viết hàng tháng cho Gia đình Sa-lê-diêng dưới chủ đề ‘Linh đạo của Don Bosco” trong hoa thiêng 2014. Những bài viết này soi sáng và hướng dẫn anh chị em qua hành trình khám phá những bí quyết linh đạo của Don Bosco, thông qua những cuộc hành trình khám phá về tinh thần của cha thánh; khám phá ngài ngay từ rất sớm trong cuộc sống của mình, đã sống kết hiệp liên lỷ như thế nào với Thiên Chúa là cha yêu thương của mình. Khám phá Thiên Chúa đã chọn để làm cho Gioan Bosco trải nghiệm ra sao sự chăm sóc yêu thương của Ngài qua sự can thiệp từ mẫu cùa Mẹ Maria – Mẹ của Chúa Giê-su; khám phá trong suốt cuộc đời, Don Bosco đã nỗ lực nhất tâm trong những việc nhỏ cũng như những việc lớn, để hòa hợp ý riêng mình với thánh ý Thiên Chúa như thế nào. Một cách sáng tạo, cha Chávez dùng một hình thức diễn tả đặc biệt. Xuyên suốt, ngài đã để Don Bosco lên tiếng ở ngôi thứ nhất. Độc giả chắc chắn sẽ trân trọng điều này như một sự khích lệ để tăng trưởng trong tình bạn mật thiết với chính Don Bosco.

Chúng tôi mong rằng, sau khi đọc sách này, anh chị em sẽ được truyền cảm hứng để sống kinh nghiệm thiêng liêng của Don Bosco. Được sinh động bằng chính kinh nghiệm này, anh chị em cũng sẽ sẵn lòng tiếp tục công cuộc của ngài là phục vụ  giới trẻ bất hạnh trong thế giới biến đổi không ngừng này.

Trong phần phụ lục, chúng tôi bao gồm bài bình giải của cha Chávez về hoa thiêng năm 2014. Hoa thiêng khẳng định đức ái mục tử, tình yêu của Chúa Giê-su vị Mục tử Nhân lành là cốt lõi trong lối thiêng của Don Bosco; nó giải thích làm sao mà cả người trẻ lẫn những thành viên giáo dân của Gia đình Sa-lê-diêng có thể sống lối thiêng này. Hơn nữa, một tiểu sử ngắn về cha thánh Gioan Bosco được trình bày theo từng cũng được cống hiến để giúp độc giả dễ dàng qui chiếu.

Đây là quyển cuối cùng trong ba quyển “Tìm hiểu Don Bosco” giúp ta thấy rõ được ánh sáng tình thần của Sa-lê-diêng, tôi hết lòng tri ân và trân trọng nguyên Bề Trên Cả Pascual Chávez Villanueva, tác giả của tất cả nội dung trong cuốn sách này. Đặc biệt, chúng ta tri ân ngài vì đã viết riêng 6 chương cuối cho chúng ta trong ấn phẩm này. Chúng con xin cám ơn người cha thân yêu Pascual!

Đồng thời, chúng ta cũng cảm ơn đến các dịch giả đã chuyển ngữ từ tiếng Ý sang tiếng Anh trong cả ba tập. Nói chung, các bản văn tiếng anh này là thành quả của lao nhọc vất vả và âm thầm của họ. Xin cám ơn các vị!

Cha Lanfranco M Fedrigotti

Ngày 24 tháng 5 năm 2015

Lễ kính trọng thể Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu

MỤC LỤC

 

Lời Nói Đầu    

  1. Đối với cha, Thiên Chúa luôn là một người cha nhân hiền
  2. Chúa Giê-su là bạn của cha cùng nhau
  3. Sự thánh thiện dành cho tất cả mọi người
  4. Maria người mẹ trong suốt mọi ngày          
  5. Thưa ngài [Bộ trưởng] xin biết cho rằng Don Bosco là một linh mục
  6. Chúng ta có thể góp viên gạch nhỏ của mình
  7. Làm sao tôi có thể nghỉ ngơi được khi mà ma quỉ chẳng khi nào nghỉ?           
  8. Chú ý kìa! Giàn hoa hồng                                   
  9. Người tri ân là một người yêu thương
  10. Nếu mà cha đã biết trước…

PHỤ LỤC 1: “Da mihi animas, coetera tolle” chúng ta hãy hấp thụ kinh nghiệm thiêng liêng của Don Bosco…                                            

PHỤ LỤC 2: Tiều sử ngắn về Don Bosco

 

1

ĐỐI VỚI CHA, THIÊN CHÚA LUÔN LÀ

NGƯỜI CHA NHÂN HIỀN

Một Dẫn nhập quan trọng

Trọn cuộc sống của cha sinh ra, lớn lên và phát triển trong mối tương giao mật thiết với siêu nhiên. Nếu trần gian là nơi thử thách, thì đức tin là lời cha đáp lại như là một tín hữu. Cha quen nói: “Giữa những khó khăn cực độ nhất của đời sống, ta lấy đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa để vượt qua chúng”.

Điều này, cha luôn nói cho người khác, song trước hết nói cho chính cha. Rốt cục, ở nhà, cha đã học từ người mẹ giải thích các dấu chỉ về sự hiện diện yêu thương và sự quan phòng của Thiên Chúa trong các biến cố và thăng trầm của cuộc sống.

Những điều chắc chắn hằng nâng đỡ cha

Một sự chắc chắn luôn hướng dẫn cha: Cha luôn cảm nhận sự đảm bảo từ trên cao trong mọi sự. Dù nhận biết mình giới hạn, cha luôn trải nghiệm lòng nhiệt thành của người tôi tớ trong Kinh thánh thiêu đốt tôi, tiếng gọi của người ngôn sứ mà biết mình không thể xa khỏi ý Chúa. Mặc dù, khi cha nói về giấc mơ thời ấu của cha, cha chưa bao giờ có ý định dùng thuật ngữ “công bố”; cha luôn nắm vững rằng chúng là những nhắc nhở chân chính từ trời cao để được bàn đến với sự khiêm nhường khôn ngoan và sự thừa nhận tin tưởng. Trong những năm sau khi cha đã trưởng thành, khi cha có cái nhìn khác vào kinh nghiệm tông đồ của mình, cha cảm thấy choáng váng. Sự kinh ngạc theo Tin mừng khiến cha thốt lên: “Cha là một linh mục nghèo, đơn độc, bị mọi người bỏ rơi; và còn tệ hơn là đơn độc, bởi vì cha cảm nhận mình như đang bị khinh thị và bách hại; cha có một ý tưởng mập mờ về việc làm tốt… Trở lại với những tư tưởng về một linh mục nghèo chỉ dường như chỉ là giấc mơ. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho chúng nên hiện thực và hoàn thành những ước ao của vị linh mục nghèo này. Cha không thể diễn tả mọi sự đã xảy ra như thế nào. Cha cũng không thể trả lời điều ấy. Nhưng cha chắn điều này: Chúa muốn thế!”

Cha cảm nhận mình là đầy tớ vô dụng mà Tin Mừng nói đến. Cũng như Đức Mẹ, cha chúc tụng Thiên Chúa bởi cha chẳng là gì, nên Đấng Toàn Năng đã làm những điều cao cả.

Cha khích lệ những Sa-lê-diêng tiên khởi, mà cha đã đồng hành khi họ lớn lên từ lúc còn niên thiếu: “Thiên Chúa mong đợi những điều lớn lao từ chúng con; cha có thể thấy rõ lắm… Thiên Chúa đã khởi sự và sẽ tiếp tục công việc của Ngài, và chúng con góp phần trong công trình đó… Chính Thiên Chúa đã khởi sự những điều này. Chính Ngài làm cho chúng chuyển động và tăng trưởng. Khi năm tháng tiếp diễn, Ngài sẽ đỡ nâng chúng. Ngài sẽ hoàn thành chúng. Thiên Chúa sẵn sàng làm những điều trọng đại này… Ngài chỉ yêu cầu chúng con một điều: Đừng làm cho chính mình nên bất xứng trước lòng nhân hậu và lòng thương xót của Ngài dành cho chúng ta.”

Cha luôn mở lòng mình ra để cho những lời mà mẹ cha đã nói nhiều lần trên môi miệng hướng dẫn cha: “Chúng ta ở trong tay Chúa. Chúa là Người Cha tốt lành nhất giữa các người cha; vì thiện ích của ta, Người luôn trông coi chúng ta; Người biết điều gì tốt nhất và không tốt nhất cho con cái Người.”

Ta cần một liều thuốc tốt của đức tin, tức là can đảm và phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa Quan Phòng; cha đã không thiếu điều này, mặc dù vậy, cho đến cuối đời cha phải thừa nhận: “Nếu có được đức tin gấp trăm lần, thì có lẽ cha đã làm được gấp trăm lần những gì cha làm”.

Cha giải quyết mọi thử thách được gửi đến với sự điềm tĩnh và tin tưởng hiền thảo vào Thiên Chúa. Cha đã viết một cuốn sách dành cho trẻ của cha về sự cầu nguyện và sự đào luyện người Ki-tô hữu với tiêu đề là Người bạn đồng hành của người trẻ vào năm 1847. Cuốn sách này trở thành cuốn sách bán chạy nhất bởi phong cách và nội dung vui tươi: “Chúng con sống trên trần không chỉ để hưởng lạc, làm giàu, ăn, uống và ngủ nghỉ giống như thú vật, nhưng mục đích sống của chúng con là yêu mến Chúa.” Cha miêu tả người tín hữu như “người lữ hành về trời.” Đối với cha, Thiên Chúa và Thiên Đàng cốt yếu là như nhau. Thực vậy, cha muốn các thiếu niên của cha “hạnh phúc bây giờ và mai sau.” Khi cha nói về Thiên Chúa là “Cha hằng xót thương và quan phòng”, lời nguyện của cha đổi giọng: chung chung, lời cầu nguyện của cha thì đơn giản và nồng ấm, giọng cha không đổi là mấy; Nhưng khi cha thốt lên Lạy Cha chúng con, cha thốt lên với một cung điệu – và những người hiện diện đều nói thế – phản lại một nhiệt huyết cực kỳ chân thành. Cha đã khóc bố cha là Phanxicô qua đời, với nỗi buồn ngây thơ và xé ruột mà chỉ một em bé chưa đầy hai tuổi mới có thể làm được. Cái chết đó dẫn cha tới mầu nhiệm Thiên Chúa vốn không bao giờ bỏ rơi con cái mình. Ngay từ những ngày đầu đời, cha tương giao với Ngài như là một người Cha tốt lành và xót thương. Cha luôn đề nghị: “Chúng ta hãy luôn tin tưởng vào Thiên Chúa và đi tới.” Niềm tin tưởng ấy bắt cha phải nói lên: “Để đạt được một kết quả tốt đẹp khi các con không có gì, các con cần lao vào làm việc với sự tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa.”

Một trách vụ bất tận

Cha muốn bộc lộ cho chúng con một điều thuộc thế giới sâu thẳm của cha. Có lẽ đó là một trong những ánh chớp hiếm hoi qua đó cha bộc lộ chính mình. Hãy cho cha nói lên bằng những lời cha viết vào năm 1854: “Khi cha hiến thân cho khía cạnh đặc thù này trong tác vụ thánh thiêng, cha bắt đầu tận hiến những nỗ lực của cha để Chúa được vinh danh hơn cũng như vì phần ích của các linh hồn; cha bắt đầu làm việc để tạo nên những công dân tốt lành trên trần hầu một ngày kia họ sẽ là cư dân xứng đáng trên trời. Ước gì Chúa giúp con tiếp tục cho đến hơi thở cuối cùng. Amen.” Chúng con thấy đó, đó hơn hẳn một lời hứa; nó là một lời cầu nguyện, một sự tận hiến cuộc đời và suy tư vì giới trẻ. Tiếng “Amen” ở cuối đóng ấn sự dâng hiến của cha suốt đời.

Nay nhìn lại những năm đã qua, những lời đòi hỏi ấy minh tỏ một chương trình dứt khoát của cuộc đời cha. Nó không bao giờ nhạt phai. Đến nỗi khi giới thiệu cuốn Người bạn đường của giới trẻ, cha có thể nói ra một điều gì đó thật can đảm song rất  thật: “Những người bạn dấu yêu của cha, cha yêu chúng con hết lòng. Chỉ cần chúng con là người trẻ là đủ cho cha yêu mến các con rất nhiều. Cha có thể đảm bảo với các con rằng chúng con sẽ tìm được những quyển sách hữu ích được những người nhân đức và tài giỏi hơn cha rất nhiều. Nhưng chúng con sẽ rất rất khó khăn tìm được một ai yêu mến chúng con hơn cha trong Chúa Giê-su Ki-tô. Rất khó khăn cho các con tìm được một ai ước muốn chúng con được hạnh phúc đích thực hơn cha.”

Cha đã luôn cam kết cho thanh thiếu niên, mặc dù cha trải qua giai đoạn không chắn chắn lớn lao. Trước đó một ít (tháng 6 năm 1846) cha bị suy sụp thể lý đem cha đến bờ vực của nấm mồ; rồi, sau một ít ngày dưỡng bệnh tại Becchi, cha trở lại Tô-ri-nô. Tại nơi đây, cha tranh luận khá căng thẳng và khó khăn với bà bá tước Barolo tốt lành. Vì thế, cha hạnh phúc lặp lại một lần nữa lập trường rõ ràng của cha với vị ân nhân quảng đại của cha (người yêu mến cha như đứa con chưa từng có của bà) tiếng “vâng” dứt khoát và chính thức của cha; đó là “kinh tin” của cha vì giới trẻ. Và hôm nay cũng thế, khi cha thấy Tu hội trải rộng khắp 132 quốc gia: “Tôi tận hiến đời mình cho sự thiện của giới trẻ. Tôi cám ơn bà vì điều bà đã làm cho tôi. Nhưng tôi không xa rời con đường mà Chúa quan phòng đã vạch ra cho tôi”. Nếu không có bất kỳ người nào trợ giúp, cha vẫn phó mặc chính mình “cho điều mà Thiên Chúa đã vạch ra cho cha.”

Cha tin tưởng vào Thiên Chúa. Người luôn là ông “bố” tốt lành đối với cha.

2

CHÚA GIÊ-SU LÀ BẠN CỦA CHA

Một kỷ niệm thời thơ ấu

Cha luôn sống giữa bạn bè. Cha nhớ lại những năm tuổi thơ: “Cha được bạn bè cùng trang lứa yêu mến và nể nang… Phần cha, cha làm tốt cho bất kỳ ai có thể được, chẳng làm xấu cho một ai cả. Bạn bè thương cha rất nhiều… dù dáng cha nhỏ con, nhưng cha lại mạnh mẽ và can đảm. Cha có thể làm cho những đứa lớn tuổi hơn cha nhiều phải nể nang.” Mẹ cha quen khuyên và nhắc nhở cha: “Chính kinh nghiệm chứ không phải trái tim phải hướng dẫn con trong tình bạn”. Bài học này trong đời giúp cha hướng dẫn thanh thiếu niên, bằng cách đề nghị cho chúng: “Các con hãy luôn chọn những bạn giữa những ai nổi tiếng tốt lành, và hãy chọn những người tốt nhất trong họ. Hãy bắt bước điều thiện mà những người tốt nhất thực hiện và tránh xa những lỗi lầm của họ, bởi vì chúng ta đều có những lỗi đó”.

Suốt hơn 10 năm cha sống tại Chieri, đầu tiên là học sinh và sau đó là một chủng sinh, cha nuôi dưỡng vài tình bạn rất là tuyệt vời. Cùng với nhiều bạn cùng lứa, cha chia sẻ sự cam kết sống đạo đức, nhiệt tâm học tập, lan toả niềm vui thanh thản, tìm kiếm những lý tưởng nổi bật nhất để làm giàu thêm cuộc đời.

Tình bạn, một ‘kỹ năng’ có thêm được từ giáo dục

Đối với cha, tình bạn là một giá trị phải nắm giữ nghiêm chỉnh, chứ không chỉ là một mạo hiểm của thiếu niên. Một khi cha được thụ phong linh mục, cha đã tiếp xúc với nhiều thanh thiếu niên bị tách khỏi gia đình và các mối dây văn hoá và bị săn đuổi vào một thành phố náo nhiệt như Tô-ri-nô. Những kinh nghiệm đầu tiên của cha trong lĩnh vực này khiến cha thâm tín một điều: Hoặc là chiếm được thanh thiếu niên bằng sự dịu hiền hoặc là cha sẽ mất chúng mãi mãi. Đó là lối đi mới và tiên phong của cha.

Một sự kiện quan trọng tự nhiên ùa đến cha. Thậm chí cha không biết tên của đứa trẻ núp trong phòng áo của nhà thờ thánh Phan-xi-cô Át-xi-di, vào sáng thứ tư ngày 8 tháng 12 năm 1841. Cha chưa từng thấy em. Vì vậy, khi cha nhìn thấy người coi phòng thánh (ông từ) của nhà thờ ấy sắp lấy chổi phang em, cha can thiệp liền với những lời sẽ trở thành quen thuộc với cha: “Đứa trẻ này là bạn của tôi.” Đây là những lời ma thuật cha dùng cho đến khi nằm trên giường bệnh. Những lời nói đó thành tấm danh thiếp của cha; ngày nay người ta gọi là tiếng chiêm chép, tweet, của cha.

Cha luôn nói với những đứa trẻ của mình rằng: “Hãy đảm bảo rằng mọi người con chuyện vãn với, trở nên bạn con.” Cha đặt ra một kế hoạch sống cho những đứa trẻ của mình, khi nói rằng: “Hãy luôn nhớ điều này, khi nhờ sự hiền dịu, chúng con thắng được một kẻ thù hay làm bạn với một người, thì đó luôn là ngày lớn lao cho các con. ”

Chúa Giê-su, người Bạn của chúng ta

Để trở thành một linh mục, cha phải từ bỏ mọi sự, chịu hy sinh và nhục nhã bởi vì cha mơ ước tận hiến mình cho giới trẻ. Nhưng các con hãy nhớ kỹ: cha không muốn trở nên một người nhân đạo (từ ngữ ngày xưa thường dùng), chăm sóc nhiều thanh thiếu niên bị bỏ rơi vì vô gia đình; một người nhân đạo cũng có thể xảy ra là vị linh mục. Không! Cha là một linh mục yêu Chúa đến nỗi cha muốn những thanh thiếu niên ấy cũng biết và yêu Ngài. Tình yêu cha dành cho thanh thiếu phản chiếu tình yêu buộc cha với Thiên Chúa. Thiên Chúa hướng dẫn cha. Còn cha cần phải hướng dẫn giới trẻ đến với Ngài, những em vây quanh cha, những em cha tìm được ở các quảng trường hay quán rượu, hoặc những em cha đến thăm tại nơi làm việc hoặc ở trong tù.

Cha tin rằng đây là một khám phá tuyệt đẹp và rõ ràng, khi vẫn còn là một thiếu niên, cha bắt đầu một tình bạn mật thiết với Chúa Giê-su. Những cuốn sách đạo đức không nói về điều này; đây vẫn còn là một sự mới mẻ đối với kinh nghiệm tôn giáo. Thực vậy, đã có cả một bầu khí khốc hại, hệ quả của trào lưu Gian-sê-nít; theo đó, Thiên Chúa được coi như một vị thẩm phán nghiêm khắc hơn là một người cha yêu thương. Tổ chức cách sống Ki-tô hữu như một lời đáp trả yêu thương giữa bạn bè quả không dễ dàng. Ba năm cha ở tại Học viện Giáo sĩ đúng là do Chúa Quan Phòng. Cha đã học để thành một linh mục có những ý tưởng rõ ràng và một trái tim rộng mở tin tưởng con người cũng như lòng thương xót của Thiên Chúa tốt lành.

Cha đã phát triển một tình bạn với nhiều thiếu niên đã từng là mồ côi: Chúng cần khám phá ra nơi Chúa một người bạn trung thành, một ai đó chúng có thể tin tưởng tuyệt đối. Khi giải tội cho chúng, cha nói với chúng một bí quyết: Chúa Giê-su là một người bạn luôn đảm bảo Chúa Cha tha thứ. Cha nhấn mạnh nhiều đến lòng thương xót của Chúa. Những lời ấy ngắn ngủi, song đủ để khơi gợi lên nơi chúng ngắn gọn nhưng cũng đủ khơi dậy niềm khát mong Thiên Chúa nơi chúng. Cha nhen lên lại niềm hy vọng và niềm vui trong đời chúng, vì chúng cảm nhận được yêu thương. Cha đã từng nói các trẻ rằng: “Cha giải tội của con là một người bạn chỉ muốn điều tốt cho linh hồn các con thôi, một bác sĩ có thể chữa lành tâm hồn con, một vị thẩm phán không nhằm kết án các con nhưng xá giải và giải phóng các con”. Cha bảo các Sa-lê-diêng: “Các con đừng làm cho việc xưng tội nên đáng ghét và nặng nề vì thiếu kiên nhẫn hoặc la mắng.”       

Cha nhìn đời sống Ki-tô hữu là một nỗ lực liên tục ở sự ly thoát thiêng liêng. Nhận sự tha thứ thì không bao giờ đủ; cũng cần một cái gì hơn nữa, một cái gì đặc biệt. Chính vì thế, cha nhấn mạnh đến giá trị của Hiệp Lễ. Cha không bắt thanh thiếu niên nhưng chỉ đề nghị chúng: “Một ai đó cho rằng các con cần phải thánh thiện rồi mới Hiệp lễ thường xuyên. Không đúng đâu. Hiệp Lễ là cho nhưng ai muốn trở nên thánh. Chúng ta phát thuốc cho những kẻ ốm, đồ ăn cho những kẻ yếu”. Cha thâm tín rằng “Mọi người cần Hiệp Lễ: người tốt vẫn thêm tốt, còn kẻ xấu trở nên tốt.”

Đến gần Chúa Giê-su như người bạn trong Thánh Thể không phải là một điều phải làm do thói quen, mặc dù nó là thói quen tốt. Nó cần sự cam kết và một phong thái sống phù hợp. Cha chưa bao giờ nhượng bước ở điểm này; cha không bao giờ là một nhà giáo dục ‘để mặc’ cho các thiếu niên. Cha biết chúng có thể quảng đại và hy sinh. Kinh nghiệm đảm bảo cho cha điều ấy. Vì thế, cha không sợ nói cho chúng: “Hiệp Lễ mà không mang lại sự cải thiện thì làm gì?”

Năm 1855, cha đã thành công thuyết phục  Bộ trưởng Rattazzi cho phép cha dẫn những đứa trẻ bị nhốt trong tại tù Generala đi dạo, mà không có lính canh hay cai ngục nào quản giáo. Khi chiều về, lúc điểm danh, không một ai bỏ trốn. Bộ trưởng ngạc nhiên về điều này. Ông hỏi cha về bí quyết. Vì thế, cha có thể nói cho ông: “Nhà Nước chỉ biết cách ra lệnh và trừng phạt, đang khi chúng tôi ngỏ lời tới tâm hồn của giới trẻ và lời của chúng tôi là Lời Chúa”.

Cha nhắn gửi những người Sa-lê-diêng “làm cho người trẻ yêu mến Chúa Giê-su.” Điều này không được nói nhiều trong thời đại cha, cách riêng do các linh mục! Cha nói về Chúa Giê-su như một người bạn. Cha gợi ý cho các thiếu niên: “Người bạn này có thể làm biết bao điều tốt cho các con. Các con hiểu cha đang nói về Đức Giê-su. Hãy năng rước lấy Ngài, song rước lấy cách tốt đẹp (xứng đáng); các con hãy giữ Ngài trong lòng; Năng đi viếng Ngài cách sốt sắng. Ngài rất tốt lành không bao giờ bỏ rơi chúng con.”

Cha thường khích lệ các trẻ của cha với câu hỏi đánh trúng vào trong tâm hồn của chúng: “Tại sao chúng ta thường không có nhiều nếm cảm về những sự thiêng liêng? Bởi vì cõi lòng chúng ta không yêu Chúa Giê-su.”

3

SỰ THÁNH THIỆN DÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

Một bí quyết được giữ kín

Giữa nhiều bút tích đa dạng mà cha đã phát hành – các con sẽ vô vọng tìm thấy cuốn nhật ký về một tâm hồn của cha, một tường thuật về cuộc hành trình mật thiết, hay một cuốn tự thuật về đời sống thiêng liêng. Đó không phải là phong cách của cha. Có lẽ nó là sự dè dặt bẩm sinh tiêu biểu của người nông dân. Sự dưỡng dục của cha không dẫn cha rộng mở bản thân theo cách thức này. Cha ưa giữ kỷ niệm về quá nhiều kinh nghiệm tông đồ và thiêng liêng trong lòng hơn là trình bày chúng công khai. Bởi thế, các con sẽ không tìm được những miêu tả hay những chứng từ bằng bút mực hay những cuốn sách về mối tương quan cá nhân cha với Thiên Chúa hay mầu nhiệm của Người.

Kinh nghiệm của cha với Chúa

Cha sinh ra đâu phải là một vị thánh. Cha đơn sơ và chân thành nói với chúng con như thế. Cha đã vật lộn để trung thành với Thiên Chúa và để vẫn cỏn nhất quán với các cam kết Ki-tô hữu của cha. Cha có thể đảm bảo rằng điều này chẳng dễ dàng gì. Các thánh đều dần dần trở nên thánh. Chẳng một công cụ nào đã được sáng chế ra để đo mức độ của sự thánh thiện. Thánh thiện hoàn toàn tập trung vào ân sủng và sự cộng tác của tạo vật. Ân sủng thì ngoài tầm kiểm soát của nhân loại, bởi vì là tặng phẩm của Thiên Chúa.

Cha luôn là người lạc quan do nền đào  luyện tự nhiên cũng như do niềm xác tín cá nhân. Cha không phải là người dễ tính, càng ít hơn là một người khờ khạo. Cuộc sống đã là – và tiếp tục là – một ông thày đòi hỏi và khôn ngoan. Cha biết đó có nghĩa là những thách đố và không bao giờ loại bỏ khó khăn và thử thách.

Như vậy, các có thể hiểu được lý tưởng cha có trong lòng, cha sẽ viết xuống vài nghĩ suy khi cha sắp vào chủng viện ở Chieri. Cha đã hai mươi tuổi rồi! Hết rồi cái tuổi trẻ non nớt hoặc mộng mơ… “Cuộc sống cha đã sống cho đến lúc này cần phải được thay đổi cách triệt để. Những năm qua cha không xấu, song cha đã lãng phí thời gian, tự phụ, đánh bài, chơi đùa, làm xiếc, mọi thứ tương tự như thế; tất cả là vui thú chóng qua nhưng chẳng thỏa mãn cõi lòng”. Về phần mẹ của cha – rất cảm động khi khi trông thấy cha trong bộ áo chùng thâm, lại hoàn toàn minh bạch : “Nay con khoác trên mình chiếc áo giáo sĩ. Con hãy nhớ không phải chiếc áo mang lại danh dự cho bậc sống của con, song là việc thực hành các nhân đức. Mẹ thà có một người con là một nông dân nghèo, hơn là một người con linh mục bê trễ bổn phận mình.”

Cha đã tìm cách phụng sự Thiên Chúa và vì vinh quang của Ngài với sự chân thành khiêm hạ. Tin cha đi, đây không phải những lời rẻ tiền; Khi cha còn sống, đó thật là một chương trình sống thực sự. Đó là bí quyết của mối tương giao của cha với Thiên Chúa, được tóm lại trong một câu mà cũng diễn đạt sự phục vụ của cha dành cho giới trẻ. Đó là điều cha tin tưởng. Cha đã thâm tín và ngày qua ngày, kinh nghiệm xác minh rằng những người trẻ cha gặp trong các tụ điểm cờ bạc, nơi các quảng trường Tô-ri-nô, trong các trại giam, hoặc với những ông chủ bất nhân, rõ ràng cần đến một đôi tay thân thiện, cần một ai đó chăm sóc chúng, nuôi dưỡng chúng, hướng dẫn chúng đến con đường đức hạnh và tránh xa những thói hư tật xấu. Giấc mơ cha có được vào lúc chín tuổi tại Becchi tiếp tục khuấy động lòng trí cha. Cha thâm tin rằng chỉ một linh mục hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa, một linh mục thánh thiện mới có thể cống hiến cho chúng sự chắc chắn và niềm tin tưởng, ý nghĩa sung mãn của cuộc đời, niềm vui trong lòng và hy vọng. Vì thế đây là kết luận cha tới được: Sự thánh thiện sẽ là món quà tuyệt đẹp nhất mà cha có thể cho các thanh thiếu niên.

Khi cha bắt gặp Thánh Phan-xi-cô Sa-lê

Hẳn nhiên, đây không phải là cuộc gặp gỡ giữa các cá nhân: Cha ra đời sau ngài 250 năm. Khi đọc một trong những sách của ngài đang lưu hành ở Piedmont, cha gặp một câu đánh động cha và trở thành một chương trình cho đời linh mục của cha: “Muốn loại bỏ việc thực hành lòng sùng mộ khỏi khung cảnh binh sĩ, khỏi xưởng thợ thủ công, khỏi dinh hoàng tộc, hoặc khỏi mái ấm của những người đã kết hôn, quả là một sai lầm, một lạc giáo… dù bất cứ ở đâu, chúng ta đều có thể và phải khao khát đời sống trọn lành.” Điều này trở thành lý tưởng của cha! Cha nỗ lực sống điều ấy và cũng trao ban nó cho các trẻ của cha. Điều này đòi một sự quả cảm nào đó! Đối với đa số, nói về sự thánh thiện (phải, cha đã sử dụng đúng hạn từ đó!) cho các thanh thiếu niên dường như là mục tiêu không thể thực hiện. Trái lại, cha tin vào điều này. Cha xác tín nói rằng trở nên thánh là một lý tưởng cao đẹp, thậm chí là dễ dàng nữa; Tình bạn của ta với Thiên Chúa cũng như sự trung thành với Ngài sẽ được thưởng công mai sau. Cha đã trình bày sự thánh thiện là một ơn gọi “dấn thân” và hấp dẫn; nhưng cha cũng giải thích rằng nó là một sự thánh thiện đòi hỏi hy sinh và từ bỏ. Nó là loại thánh thiện thực tiễn, được tạo nên bằng các bổn phận được thực thi cách cẩn trọng, là tình bạn với Thiên Chúa, Đấng là bạn của mọi người. Đó là sự thánh thiện làm chúng ta thành tông đồ giữa các bạn đồng trang lứa bằng cách sống tử tế và đơn giản, một loại thánh thiện thường ngày. Rồi cha thêm vào một nét mà cha luôn coi là cốt yếu: nó phải là sự thánh thiện hạnh phúc, sự thánh thiện quan tâm đến điều gì là tốt, sự thánh thiện lôi cuốn và  làm ta thành “những người cứu vớt các thanh thiếu niên.”

Cha gần như bị Vatican chống đối

Gần như bị Vatican chống đối ư? Phải. Lúc đó cha đã ở trên Trời rồi. Cha biết dưới trần họ đang bàn luận một vấn đề mà theo cha không bao giờ có được. Căn cứ vào khối lượng công việc khổng lồ và những bận tâm bủa vây cha, một số người tin rằng cha có giờ đâu mà cầu nguyện. Vì thế nảy sinh câu hỏi: “Khi nào Don Bosco cầu nguyện?” Đây không phải là câu hỏi ngờ nghệch. Một câu hỏi đáng phải trả lời! Rồi họ khám phá một bí quyết mà cha nghĩ không nhất thiết phải tung ra làn gió bốn phương: cả đời cha là cầu nguyện bởi vì cha làm cho cuộc sống thành cầu nguyện! Cha đã chỉ ra điều này cho các người Sa-lê-diêng thành một chương trình và cha cũng  đề nghị nó cho các thanh thiếu niên. Cầu nguyện đã là ở trong tòa giải tội hàng giờ, là viết hàng chục lá thơ dưới ánh nến lập lòe vào đêm khuya, là lên xuống cầu thang dài đằng đẵng trong những khu dân cư đông đúc, là trò chuyện ấm cúng với các thanh thiếu niên trên sân chơi, là cử hành thánh lễ, là ngất ngây nhìn lên gương mặt của Mẹ Maria Phù Hộ các Giáo Hữu. Cầu nguyện là sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, như cha đã học được khi còn niên thiếu từ mẹ cha; Đối với cha, cầu nguyện là từ bỏ chính mình một cách tin tưởng vào Chúa Quan phòng, là dạy một nghề, một loại công việc cho nhiều thanh thiếu niên đến nỗi chúng luôn có thể là “những Ki-tô hữu tốt và những công dân lương thiện”. Cha đã cầu nguyện khi cha chia tay những nhà truyền giáo đầu tiên lên đường đi Argentina, khi cha gặp Đức Giáo hoàng, khi cha chào đón những giám mục bị trục xuất ra khỏi giáo phận của các ngài, hay khi cha viết và xuất bản tập san Công giáo, hoặc khi cha làm “phép lạ” ra nhiều bánh mì cũng như Mình Thánh lúc hiệp lễ. Cha đã cầu nguyện khi cha du hành từ Tô-ri-nô đến Barcelona, hay là từ Tô-ri-nô đến Paris để tìm tài trợ cần thiết để xây dựng thánh đường Thánh Tâm Chúa Giê-su tại Rôma hoặc để mua những gì cần thiết cho việc phổ biến Tin mừng tại Pampas thuộc Argentina… cha luôn bận rộn suốt nhưng cõi lòng cha gắn bó mật thiết với Chúa.

Một vị thánh trẻ cho các thanh thiếu niên

Cha đã lặp đi lặp lại điều này nhiều lần: Cha trải nghiệm mình được gọi cho người trẻ, cách riêng những em thiếu thốn tình thương và hy vọng nhất. Họ luôn là lý do để cha sống và hoạt động. Nhưng cha không muốn chúng vì chính mình. Như cha kết thúc khi nói cho một linh mục, một người bạn thân nhất của cha: “Như người mẹ nuôi sống mình để dưỡng nuôi đứa nhỏ của mình, thì Don Bosco cũng nuôi dưỡng chính mình với Thiên Chúa, như vậy ngài có thể nuôi dưỡng các thiếu niên của mình với Thiên Chúa”. Với tất cả sự khiêm tốn cha có thể đảm bảo với các con rằng cha tìm thấy một điều gì đó rất đơn giản nhưng rất thật nơi những lời ấy. Cha muốn các người trẻ là bạn của cha bởi vì cha say mê muốn chúng là bạn hữu của Thiên Chúa. Và khi một ai là bạn với Thiên chúa, người đó đang đi trên con đường nên thánh!

4

 MARIA NGƯỜI MẸ TRONG SUỐT MỌI NGÀY

Bà nhân ái cầm lấy tay cha

Cha đã có một kỷ niệm đẹp và khó quên trong tháng ngày thơ ấu. Cha có một giấc mơ khi cha chừng 9-10 tuổi. Giấc mơ ấy đã để lại cho cha một dấu ấn không thể quên được. Cha thấy một nhóm trẻ đang mải mê chơi; Cuộc chơi bất chợt chuyển thành một trận ẩu đả lẫn nhau; đấm đá vung lên, xen lẫn chửi thề và cả lời phạm thánh. Thế là cha lao vào chiến trận. Một ông với dáng vẻ quý phái khiến cha dừng lại; Ông chỉ cho cha cách để làm cho chúng nên tốt hơn. Liền sau đó, một bà tuyệt đẹp và trìu mến xuất hiện: Bà ra hiệu cho cha tiến lại gần. Vì cha bối rối vì cảnh tượng thay đổi quá nhanh, nên bà nắm lấy tay cha. Cử chỉ tuyệt diệu của sự dịu dàng hiền mẫu thu phục cha mãi mãi. Với cả sự đơn sơ của mình, cha có thể đảm bảo cho các con rằng cha không bao giờ chán bàn tay ấy; thực vậy, cha đã luôn nắm chặt bàn tay ấy, cho đến chết…

Khi con vào thế gian

Từ khi là một đứa bé, cha đã hấp thụ bầu khí tôn giáo và lòng tôn kính Đức Bà Maria trong thời đại của cha. Mẹ Maria ‘thoải mái’ ở giữa chúng ta. Cha cũng biết rằng một người Sa-lê-diêng tốt lành ngày kia đã viết về cha: “Mẹ Maria ở mọi nơi quanh Don Bosco.”  Cha rất thích đọc lời minh xác này, vì đúng thực là thế đó. Tối đến gia đình cha lần hạt mỗi ngày. Kinh truyền tin phân chia ngày sống của gia đình cha, lúc 6 giờ sáng, giữa trưa và rồi lúc 6 giờ chiều. Cha học được từ mẹ để cử hành tôn kính Mẹ Maria, qua những lòng sùng kính bình dân trong những nơi chốn cha sống: Mẹ Mân Côi, Nữ Vương Castello, Nữ Vương Scala, Đức Mẹ Ban Ơn, Đức Mẹ Ủi An, Đức Mẹ Sầu Bi. Có rất nhiều cách để nắm chặt tay Mẹ…

Cha vẫn nhớ như in buổi tối trước khi cha vào chủng viện tại Chieri. Trong túp lều khiêm hạ tại Becchi, mẹ cha đang gấp đồ, Bà đã chọn thời khắc này cho biết một điều quan trọng, một bí mật giữa hai mẹ con: “Gioan, khi con sinh vào trần gian này, mẹ đã dâng hiến con cho Đức Nữ trinh; Khi con bắt đầu đi học, mẹ khuyên con hãy sùng kính Đức Mẹ; Nay mẹ nhủ khuyên con hãy hoàn toàn thuộc về Đức Mẹ.” Người mẹ đạo đức của cha biết rằng, trong thời đó, tỷ lệ trẻ sơ sinh chết rất cao, cả với nơi dân nghèo bình thường cũng như trong các dinh thự vua chúa. Mẹ cha nói: “Mẹ phó thác, mẹ trao dâng con cho Đức Mẹ, dâng con cho Đức Mẹ, con thuộc về Đức Mẹ!” Một hành động trao dâng tin tưởng vào bàn tay của một Người Mẹ, Đấng có thể làm mọi sự. Cha nói cho những người khác điều mà cha thương nghe từ mẹ của cha: “Trông cậy thật nhiều vào Đấng có thể làm mọi sự.” Vì vậy, khi cha hiện diện giữa thanh thiếu niên, cha nhắm chuyển giao cùng một loại sùng kính này: Không phải như một cái gì các con chỉ mang trong những ngày lễ, một cái gì chỉ để mặc trong ngày Chúa nhật, nhưng như một cái gì quen thuộc ta mang hằng ngày. MỌI NGÀY VỚI ĐỨC MARIA, MỘT NGƯỜI MẸ SUỐT ĐỜI!

Mẹ Vô nhiễm Phù hộ Các Giáo hữu: Chính Mẹ làm tất cả

Đây là lòng sùng mộ vững chắc, thực tiễn, hầu như cốt yếu, không chút hời hợt, hoàn toàn không chút giả tạo. Cha luôn nhắc nhở các thanh thiếu niên: “Đức Mẹ muốn những gì là thật, không phải vẻ bên ngoài.” Vì vậy, cha nhấn mạnh rằng: “Để được Đức Maria yêu thương, chúng con cần phải tôn kính Chúa Con.” Cha trình bày Mẹ Maria là Đấng dẫn chúng ta đến Chúa Giê-su. Cha tóm tắt điều ấy như sau: “Hãy tránh xa những gì là xấu xa, và làm những điều thiện vì yêu mến Mẹ Maria.” Một cách rất cụ thể và thực tiễn…

Có hai điều chắc chắn đỡ nâng cha.

Cách riêng, cha trình bày Mẹ Maria như là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Có những động cơ lịch sử, chẳng hạn, lời khẳng định tín điều này (1854), và rồi, hầu như một sự minh định, Đức Mẹ hiện ra ở Lourdes (1858). Đó là những ngày tháng quan trọng. Còn cha không thể quên được ngày 8 tháng 12 năm 1841, khi Chúa Quan phòng cho cha gặp cậu bé Bartholomeo Garelli. 45 năm sau, trong khi cha đang đợi chuyến xe lửa từ Tây Ban Nha trở về Tô-ri-nô, cha nhớ đến cuộc gặp gỡ đó với nhiều cảm xúc và tri ơn: “Tất cả mọi phúc lành từ trời xuống trên chúng ta đều là kết quả của lời kinh Kính Mừng được sốt sắng và với ý ngay lành thốt lên.”

Cũng có những lý lẽ mục vụ: Khi cha tiếp xúc với sự mỏng dòn tuổi trẻ, cha ý thức các thiếu niên của cha cần biết bao nhìn lên Mẹ Maria, Đấng đầy ơn phúc, và chúng cần biết bao tiếp nhận một sứ điệp hấp dẫn về đức trong sạch và sự thánh thiện từ Mẹ hầu kinh nghiệm được niềm vui là con cái của Thiên Chúa.

Vào năm 1854 tại Valdocco, cha có thể tin tưởng Đa-minh Sa-vi-ô, một thiếu niên tuyệt vời. Cha đã đề xướng cho cậu lý tưởng là “may một chiếc áo đẹp cho Thiên Chúa.” Cùng với em có những thiếu niên khác (hầu hết sẽ là những Sa-lê-diêng tương lai); các em là phần tử của Hội Mẹ Vô Nhiễm. Các em trở thành nắm men giữa khối đám đông thiếu niên. Trong quy luật, các em đã đề xuất rằng họ sẽ “vượt qua mọi rào cản, tuân giữ những quyết định, nghiêm khắc với chính bản thân, yêu thương mọi người và xác đáng trong mọi sự.” Nhờ chúng, một con lộ mới đi tới sự thánh thiện trẻ trung được mở ra.

Năm tháng dần trôi. Khi cha ghi nhận rằng đức tin đang dần yếu đi ngay cả giữa những người bình dân, cha cảm nhận rao truyền lòng sùng kính Đức Mẹ dưới tước hiệu Phù Hộ các Giáo hữu quả là ngày một khẩn cấp. Đức Mẹ Phù Hộ là Đấng luôn giơ tay giúp đỡ chúng ta, không bao giờ rời mắt khỏi chúng ta, luôn giữ ta hiệp nhất với Giáo hội. Cha không phải là người sáng tạo lòng sùng kính Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo hữu, nhưng cha xác tín và không mệt mỏi làm cho tước hiệu này được lan rộng. Đó là điều chắc chắn. Cha giải thích cho các Sa-lê-diêng đầu tiên: “Không còn phải là kẻ lạnh nhạt phải được hun nóng, tội nhân cần được hoán cải, những người vô tội phải được giữ gìn, nhưng là chính Giáo hội đang bị tấn công, mới cần được bảo vệ”.

Mặc dù cơn run rẩy chạy khắp người khi cha làm như thế, cha gợi nhớ sáng hôm đó cha bắt đầu đào móng để xây dựng ngôi đền thờ nguy nga dâng kính Mẹ tại Tô-ri-nô. Một cách trang trọng, cha đổ hết mọi thứ trong túi tiền của cha vào tay chủ công trình: chỉ tám đồng xu chạy ra để trả tiền lần thứ nhất. Nhưng cha tin chắc một điều: “Cha hoàn toàn tin tưởng vào Mẹ.” Chính buổi sáng đó, những lá thư khác nhau cha đã viết chiều hôm trước vẫn nằm trên bàn của cha; chúng ta không có tiền trong nhà để dán tem nữa! Đức Mẹ luôn là “người ăn xin” của cha. Cha có thể đảm bảo với các con: Đức Mẹ đã là người ăn xin tuyệt nhất!

Cuối cùng khi đã xong ngôi đền ấy, cha đã nói cho các tín hữu đến đó: “Anh chị em nhìn thấy nhà thờ này chứ? Chính Đức Maria đã xây dựng đấy”. Rồi cha thêm, “Đó là một phép lạ.”

Khi nay và trong giờ lâm tử

Các học giả Sa-lê-diêng viết rất nhiều điều về cha, với nhiều tình yêu và chi tiết đều biết rằng trong những lời cầu nguyện cuối cùng trên giường hấp hối, lại không phải là lời nguyện cầu “Mẹ Maria Phù hộ các Giáo hữu” được thốt lên từ miệng cha, nhưng là: “Mẹ ơi, Mẹ Maria rất thánh, Mẹ ơi, Mẹ ơi!” Cha đã quên chăng? Không! Có một lời giải thích.

Vào cuối đời, trong cơn đau giãy chết, cuối cùng cha đã “hiểu mọi sự”. Cha muốn chết y như đứa nhỏ của 62 năm trước. Với Đức Maria dịu dàng cầm lấy tay cha đang khi cha thì thầm với Mẹ: “Ôi, Mẹ ơi… Mẹ ơi … Mẹ mở cửa Thiên đàng cho con nhé.”

5

THƯA NGÀI [BỘ TRƯỞNG] – XIN BIẾT CHO RẰNG

 DON BOSCO LÀ MỘT LINH MỤC

 

Tấm Danh thiếp của cha

Vào tháng 12 năm 1866, cha ở Florence theo lời mời của Thủ Tướng Bettino Riasoli. Cha đi tới lâu đài Pitti để hội kiến. Trước đó một chút, một Sa-lê-diêng cho cha mượn chiếc áo chùng thâm vì chiếc áo của cha xác xơ rồi, và xem ra không thích hợp.  Vì cha được giao cho một sứ vụ khó khăn và nhạy cảm, vốn đòi hỏi nhiều thao lược, kiên nhẫn và sắc bén. Đó là vụ việc lựa chọn và bổ nhiệm nhiều giám mục cho các giáo phận đã không có giám mục một thời gian dài. Trước khi thảo luận, cha nghĩ giới thiệu mình cho vị Bộ trưởng theo những lời được coi là tấm danh thiếp của cha thật là thích hợp; cha nói: “Kính thưa ngài bộ trưởng, Xin biết rằng Don Bosco là một linh mục tại bàn thờ; một linh mục trong tòa giải tội, một linh mục giữa các thanh thiếu niên; nếu ngài là một linh mục ở Tô-ri-nô,  ngài cũng là một linh mục ở Florence, là linh mục trong nhà của người nghèo cũng như là linh mục trong cung điện vua chúa và bộ trưởng”. Thời đó, hạn từ “linh mục” thường được dùng cách miệt thị; Cha sẵn lòng dùng nó tới 7 lần. Nó không phải là một trả thù vặt; nó là một sự tuyên xưng đức tin ngay thẳng theo một giá trị vốn đòi cha nhiều đau khổ lớn lao để đạt được và cha luôn coi là huy hiệu cao quý nhất của mình. Thực vậy cha thường nói rằng “Một linh mục luôn là một linh mục và điều này phải tỏ ra trong mọi lời nói của mình.”

Khi cha trở thành “Don Bosco”

Không thiếu linh mục ở Tô-ri-nô lúc Tổng Giám mục Luy Fransoni phong chức cho cha. Cha nhớ rất rõ: Đó là thứ bảy ngày 5 tháng 6 năm 1841, ngày áp lễ mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Từ đó trở đi cha trở thành “Don Bosco”. Cha được 26 tuổi: đẳng sau cha bày ra một kinh nghiệm đời sống khó khăn nhưng ngời sáng, vô số kỹ năng cha học được, bao đêm không ngủ để đọc sách và học hành, và vô vàn tình bạn cha đã vun trồng. Và cả một giấc mơ! Giấc mơ cha có được lúc được 9 – 10 tuổi trong một mái tranh nghèo tại làng Becchi. Giấc mơ ấy đã trở đi trở lại nhiều lần theo kiểu chiếu lại, mà sứ điệp  của nó ngày một rõ và đầy đủ hơn: “Toàn tâm toàn lực làm việc với giới trẻ.”

Cha không hề nghĩ mình chỉ là một linh mục thêm vào, là linh mục thứ 852 ở thành phố Tô-ri-nô. Có nhiều linh mục tốt! Nhiệt tình và quảng đại, can dự vào công việc giáo xứ, và liên hệ đến hàng giáo sĩ. Nhưng các linh mục là bạn của giới trẻ và bạn thâm giao của chúng thật ít ỏi và cực kỳ hiếm hoi. Cha không bao giờ quên nỗi thất vọng mà cha tình cờ gặp các linh mục, thuở cha còn nhỏ, và cha cũng nhớ lại những lời của mẹ cha khi bà cố gắng biện minh sự lạnh nhạt và sự xa cách tỏ tường của họ;  Cha thán phục những gì mẹ nói, nhưng không hề thâm tín hoàn toàn.

Cha chưa bao giờ thành công trong việc đồng nhất hóa bất kỳ loại “công việc” nào hoặc là công việc của một cha xứ đơn giản hay một gia sư riêng và thậm chí không như một tuyên úy cho các nữ tu. Chúng là những nghề vốn không phù hợp; Chúng mang lại một chức năng xã hội đáng được kính trọng và cũng đảm bảo tài chánh. Nhưng cha cảm thấy được gọi cho một sứ vụ khác. Do Chúa Quan phòng, cha qua ba năm tại Học viện Giáo sĩ; ở đó, tại một trường mà ngày nay chúng ta thường định nghĩa là một trường có được sự hoàn hảo mục vụ tột cùng, cha thực sự học để trở thành một linh mục! Hơn hẳn việc “làm linh mục”, cha đã chọn “là linh mục” cho những người trẻ. Cha không phải, và không bao giờ, là một kẻ hành sử theo những nguyên tắc khác người. Là một linh mục chính là lý tưởng của cha. Là một linh mục của giới trẻ là lời đáp trả đối với nhiều giấc mơ. Cha muốn trở nên là một linh mục cho phố xá, cho sân chơi! Và một ngày kia, cha đã muốn các Sa-lê-diêng của cha đúng là như thế. Đàng khác, cha cảm nhận cha hiệp thông với Đức Tổng Giám mục của cha. Ngài đã quý trọng công việc của cha, đến nỗi ngài đặt cha là “Giám đốc của các Nguyện xá ở Tô-ri-nô.” Cha đâu phải là người đầu tiên quan tâm đến thế giới của giới trẻ; trước cha đã có nhiều linh mục khác rất nhiệt tâm và can đảm. Tuy nhiên, đơn giản cha không sao chép họ. Cha hiểu rằng thời đại đòi một câu trả lời cho hiện tượng giới trẻ di dân, vấn đề của các công nhân trẻ bị bóc lột và lớn lên với những cái tát và chửi rủa đến nỗi chúng có thể sản sinh và vượt qua cuộc cạnh trạnh nước ngoài. Chúng lớn lên trong những nhà tù kinh hoàng đầy dẫy những kẻ cướp vặt, còn trẻ em lại sống lẫn lộn với những bọn cướp nguy hiểm và kẻ giết người chai lì. Cha đã từng biết những thiếu niên và những người trẻ khác: Chúng là những nông dân chịu khó tại làng Becchi, và những học sinh với những lý tưởng tuyệt vời và xứng đáng tại Chieri. Nhưng giới trẻ mà nay cha biết đúng là “Những con sói”, bầy thú hoang mà cha đã thấy trong giấc mơ đầu tiên. Những trò ảo thuật vô tư hay trò xiếc đi trên giây thì không đủ cho chúng. Chúng cần một điều gì rất khác! Những thiếu niên này cần một ai đó tiếp cận chúng không chút thành kiến, với tình yêu và nhiều kiên nhẫn.

Cha đã quyết định: Cha muốn trở nên một linh mục cho giới trẻ với hai nét đặc biệt: Trước hết, đức ái mục tử cho giới trẻ sẽ hướng dẫn cha sống toàn tâm toàn lực ơn gọi linh mục. Cha thâm tín rằng những hoạt động của linh mục không thể bị giới hạn vào một vài chức năng; Cha cảm nhận rằng cha phải hoàn toàn can dự vào đời sống và hạnh phúc của những thiếu niên này. Nó phải là một công việc liên lỷ: do cha và những người khác. Những giấc mơ tiếp tục đến [xảy ra] càng cho cha thấy những thú hoang biến thành những chú chiên hiền lành, và một số con chiên trở thành mục tử. Sau kinh nghiệm chất chồng theo năm tháng, cha nỗ lực xác quyết rõ ràng lý tưởng của công cuộc: “Cha muốn các con hạnh phúc bây giờ và vĩnh cửu.”

Thứ đến, cha cảm nhận bị thúc bách mãnh liệt cần phải tạo ra một hình dáng nhân bản, thực sự và có thể hiểu được cho tình yêu của cha dành cho giới trẻ. Sau tháng 7 năm 1846, xảy ra một sự biến đổi tận căn trong cuộc đời cha. Cha nhận biết rõ sự kiện rằng quả là rất quan trọng đến nỗi một linh mục phải là người bạn cho những  thiếu niên này. Các bạn trẻ đã cầu xin Thiên Chúa đừng cất cha đi xa chúng vì một căn bệnh nghiêm trọng, và Chúa đã lắng nghe điều chúng khấn sinh, cha được hồi sức và khỏe mạnh. Sau biến cố đó, nhờ những hy sinh, cầu nguyện và nhiều lời khấn hứa chúng làm để cha được hồi sức từ sự suy sụp thể lý nghiêm trọng vốn đem cha tới bờ vực của cái chết. Cha gắng sức trở lại Valdocco để cám ơn chúng, và cha hiểu rằng, một mối liên hệ tin tưởng và đời sống đã được hình thành giữa cha và bọn trẻ, một giao ước thực sự giữa chúng ta. Chính lúc đó cha đoan hứa và cha trung thành với lờii hứa ấy cho đến cùng: “Cha nợ chúng con mạng sống này. Các con hãy biết rằng cha sẽ dành hết cuộc đời này cho chúng con đến hơi thở cuối cùng.” Trong cánh đồng ấy tại Valdocco, bên cạnh túp lều nghèo nàn Pinardi, một vị linh mục hăng say với sứ mệnh của mình và hạnh phúc để là một linh mục, đã làm “một cuộc tuyên khấn long trọng”, hiến mình hoàn toàn và trọn đời cho cơ sự của giới trẻ. Cha đồng nhất hóa hơn nữa với sứ mệnh linh mục, không chút mặc cảm và những lời phàn nàn vô ích. Nhìn đăm đăm vào những người trẻ, một ngày kia cha sẽ nói với sự khiêm nhường và vui tươi: “Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến cả mạng sống mình.”

Chiều hôm đó, mẹ cha bảo cha

Vào ngày 10 tháng Sáu, 1841, một ngày thứ Năm và cũng là ngày lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, cha dâng thánh lễ tạ ơn đầu tiên tại quê nhà. Đó là một thánh lễ tuyệt vời với tiếng hát và kiệu Mình thánh Chúa Ki-tô qua những con đường được trang hoàng; cha chánh xứ tổ chức bữa ăn với nhiều khách mời. Tối hôm ấy, sau bữa tối thanh đạm, mẹ cha kéo cha riêng ra; bà thật xúc động và rạng rỡ. Bà nói với cha: “Nay con là một linh mục, con ở gần Chúa Giê-su hơn. Mẹ không đọc các sách vở của con, nhưng con hãy nhớ, bắt đầu dâng lễ nghĩa là bắt đầu chịu đau khổ. Con không nhận ra điều đó ngay đâu, nhưng dần dần con sẽ hiểu rằng mẹ con nói đúng. Vậy từ nay trở đi, con hãy chỉ nghĩ đến cứu rỗi các linh hồn mà thôi và đừng lo lắng gì cho mẹ.” Đây là những lời linh thiêng, một chúc thư thiêng liêng thực sự mà cha không bao giờ quên!

Khi đọc lại đời cha

Như một phong thái cá nhân, cha đã chọn để giúp thanh thiếu niên trong việc giáo dục, đặc biệt những em sống trong những hoàn cảnh bấp bệnh để tăng trưởng và là phần tử của xã hội. Cha không muốn là một chính trị gia do nghiệp vụ hay nhà cải cách xã hội, hoặc là người khôn ngoan trong lãnh vực xã hội hoặc một thương gia có cả ngàn dự án. Cha dâng hiến toàn cuộc sống cho vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn. Cha thâm tín rằng chỉ một linh mục thánh thiện, đầy ân sủng của Thiên Chúa, mới có thể gieo trồng niềm hy vọng và niềm vui trong lòng của rất nhiều người trẻ. Cha chú tâm vào lý tưởng đó bởi cha thâm tín rằng: “Những linh hồn là kho báu được ủy thác cho linh mục.” Nói cách khác, song với sự mạnh mẽ tương đương “Khi đó là vụ việc cứu các linh hồn thì cha không sợ những hệ quả.” Nơi trường học của cha Cafasso, cha đã học được rằng “Linh mục không lên thiên đàng một mình, cũng không xuống hỏa ngục một mình.” Một cách chân thành, cha luôn bận rộn với thanh thiếu niên, cha nói cho chúng về điều chắc chắn đã từng luôn soi sáng cho cha: “Cha là linh mục, ôi hạnh phúc biết bao!” Đây là diện mạo nội tâm của cha, là cách thức cha tỏ lộ căn tính của cha cho chúng. Là một linh mục trong những năm biến động ấy không phải là tiếng gọi dễ dàng hay an bình. Nhưng đó là tiếng gọi kỳ diệu! Khi thời gian trôi qua, cha hiểu hơn điều mẹ cha nói cho cha trong túp lều hèn mọn tại Becchi vào buổi tối ngày cha dâng  thánh lễ đầu tiên tại Castelnuovo: “Nó có nghĩa là bắt đầu chịu đau khổ…”

Những năm sau, cha khích lệ các hội viên Sa-lê-diêng và cam đoan với họ: “Những chiếc gai nhọn chích vào ta bây giờ sẽ trở nên những đóa hoa trongn cõi vĩnh hằng.”

Mẹ Ma-ga-ri-ta không là một “thần học gia” ứng biến xuông. Dù thất học, mẹ được minh chứng là hoàn toàn đúng.

6

CHÚNG TA CÓ THỂ GÓP VIÊN GẠCH NHỎ CỦA MÌNH

Trong ngôi thánh đường được dựng lên tôn kính Me Phù hộ tại Valdocco có một vật cha luôn luôn nhìn lên với sự tôn kính: chiếc bục giảng bằng gỗ quý được một quý bà thuộc tầng lớp thượng lưu tại thành phố Tô-ri-nô biếu tặng vì một ơn bà nhận được. Bục giảng này có một lịch sử diệu kỳ và những kỷ niệm thân thương đằng sau đó. Đang khi cha thường nhút nhát và dè dặt, cha lại không thể cầm giữ cảm xúc bất kỳ khi nào cha nhìn đến bục giảng đó. Bức hình mười anh em Sa-lê-diêng, tất cả đều trẻ và can đảm, trở lại với cha. Những người đó cha đã chọn ra để trở thành những người tiền phong cho một bước ngoặt lịch sử của những biến cố trong Tu hội Sa-lê-diêng đang lớn lên.

Một cú nhảy về phẩm chất

Năm 1874, gia đình tu sĩ của cha rốt cục được Tòa Thánh phê chuẩn; tiến trình phê chuẩn này đã trải qua những năm dài và cam go. Nhưng rốt cục, nay Tu hội Sa-lê-diêng đã được công nhận. Năm sau đó, giữa tháng 11, cha đã cử những vị truyền giáo đầu tiên đến Argentina: Đó là một lời đáp trả can đảm, hầu như hấp tấp, trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Cha cảm nhận, các con cái của cha không chỉ được gọi để làm việc với những người trẻ tại Tô-ri-nô, Lanzo hoặc Nice, mà còn trải rộng hoạt động đến những vùng đất xa lạ, vì các dân tộc khác, những văn hóa khác. Những người Sa-lê-diêng nay can dự vào Giáo hội, với Giáo hội và vì Giáo hội khắp thế giới. Đó là một trách vụ gây sửng sốt! Đây không chỉ là kết quả của nhiệt tình nổ ra đột ngột. Tu hội khiêm tốn đặt mình theo sự sắp xếp của Giáo hội, khi đứng bên những Dòng Tu và Tu hội đã [được thiết lập] hàng thế kỷ với một lịch sự phong phú.

Cha vẫn gợi nhớ tối ngày 11 tháng 11 năm 1875: Thánh đường Đức Mẹ phủ hộ các Giáo hữu đầy ngập các tín hữu khi cha bước lên bục giảng đó. Đó là một quang cảnh xúc động. Cha nhìn vào đám đông chen chúc, bạn bè, ân nhân; nhưng cha không thấy một ai vì mắt cha nhòa lệ:  nó là niềm vui, nỗi đau, một cảm thức về sự chia tách sắp xảy ra, công cuộc hứa hẹn, viễn cảnh của mồ hôi và máu. Những “Con sói” trong giấc mơ đầu đời cũng là những người trẻ mà con cái của cha phải tiếp cận trong miền pampas rộng lớn của Ắc-hen-ti-na hay trong những ngoại ô nguy hiểm của Buenos Aires, những đứa trẻ người Ý ra đi tìm cuộc sống trong ngoại ô nổi tiếng như La Boca. Bằng một giọng để lộ cảm xúc và hy vọng cha nói: “Chúng ta đang bắt đầu một công cuộc lớn lao không phải vì  chúng ta có những tham vọng hay chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ cải tà toàn vũ trụ trong vài ngày. Không; nhưng ai mà biết, cuộc ra đi này và một nhúm người này có thể là hạt giống mà từ đó một cây to mọc lên? Ai mà biết được một hạt kê hay một hạt cải nhỏ bé đang dần dần lan rộng ra có thể hoàn thành điều thiện lớn lao hay không?” Rồi cha kết luận: “Dẫu chúng ta bé nhỏ, nay chúng ta cũng đang đặt cục gạch nhỏ bé của mình trong tòa nhà vĩ đại là Giáo hội”.

Nhóm Truyền giáo đầu tiên

Cá nhân cha đã chọn lấy mười vị truyền giáo đầu tiên: 6 linh mục và 4 sư huynh. Cha muốn gợi nhắc từng người với lòng tri ân vô tận: cha Gio-an CAGLIERO (37 tuổi, trưởng đoàn chắc chắn), cha Giuse FAGNANO (cựu ủng hộ viên của Garibaldi, nhưng có tâm hồn của một người tiên phong), cha Đa-minh TOMATIS (giáo sư và nhà chép sử cho cuộc khai phá đầu tiên này), cha Valentine CASSINI, cha Gio-an Tẩy giả BACCINO (hai năm sau đã qua đời vì làm việc quá sức), cha Gia-cô-bê ALLAVENA, cả ba người đều là giáo viên tiểu học, và bốn sư huynh mà cha chính thức cho họ tước vị “giám linh”: Thầy Bạc-tô-lô-mê-ô SCAVINI (thợ mộc), thầy Vinh sơn GIOIA (thợ sửa giầy và đầu bếp), thầy Bạc-tô-lô-mê-ô MOLINARI (giáo viên xướng âm và nhạc cụ), thầy Tê-pha-nô BELMONTE (chịu trách nhiệm về âm nhạc và gia chánh). Nhóm này đã hiện thực giấc mơ mà cha đã từng ấp ủ là một nhà truyền giáo. Trong những năm đào tạo tại chủng viện, có một sự chấp nhận rõ ràng những chân trời rộng lớn hơn này. Nhiều Tu hội chuyên về truyền giáo được thành lập; nhiều giám mục, được gọi đến Rô-ma để tham dự Công đồng Vatican I, đã tha thiết kêu gọi truyền giáo, điều này đã tạo nên sự đồng cảm trong tâm trí và trái tim của nhiều linh mục; Các vị giám mục khác nhau đã ghé thăm Valdocco, được chào đón nồng hậu và những lời các ngài xin trợ giúp nhân sự tạo nên một bầu khí truyền giáo sống động.

Về phần cha, cha nhấn mạnh hơn là đánh mất mình trong một định nghĩa trừu tượng: “Bất cứ ai không có Giáo hội là Mẹ không thể có Thiên Chúa là Cha.” Bởi thế, cha thâm tín rằng: “Nơi nào Giáo hội đang bị đe dọa, thì bất cứ nỗ lực nào đều đáng giá.” Cha khuyên nhủ: “Cha mong muốn mọi hội viên Sa-lê-diêng làm việc cho Giáo hội cho đến hơi thở cuối cùng.

Không biết bao nhiêu lần cha đã xoay quả địa cầu của thế giới!

Chọn lựa Ắc-hen-ti-na không dễ dàng, cũng không tức thời. “Những Giấc mơ Truyền giáo” chồng chất lên trong tâm trí cha; Nhưng chúng ta cần bước tiến lựa chọn và phân định chầm chầm và chi tiết về những yếu tố chưa biết rõ và tối tăm hơn. Cha cố gắng làm sáng tỏ bằng cách tham khảo tập bản đồ của thời đó, làm cho những học giả về địa lý can dự vào. Nhiều quốc gia thì cách xa nhau là một phần của sự lựa chọn, và một số quốc gia, chúng ta lại hầu như không biết gì. Dần dần, chúng ta loại bỏ Ethiopia, rồi Hồng Kông, đoạn đến lượt Úc và cuối cùng là Ấn Độ. Cuối cùng, một lá thư miêu tả chi tiết đến từ Ắc-hen-ti-na với những giải thích vốn loại bỏ mọi nghi ngờ. Cha thâm tín rằng Ắc-hen-ti-na là khởi điểm cho hoạt động truyền giáo, cũng bởi vì trong những thập niên gần đây, 210.000 người Ý đã cập bến ở đó; trong số đó, 30.000 hay hơn nữa đang sống tại Buenos Aires.

Cha đến Genoa cùng với những vị truyền giáo đầu tiên; cha chia tay từng người một,  trao cho từng người một bản gồm 20 điều nhắc nhớ. Bản văn này về sau trở thành bản tóm tắt chân thật về lối thiêng và chiến lược truyền giáo Sa-lê-diêng. Cõi lòng mục vụ của cha đặt vào những điều khuyên nhủ đó. Cha cô đọng những điều cốt thiết trong vài dòng: Cha nhấn mạnh đến đời sống chứng tá, cha khuyên phải tôn trọng và công tác với người có thẩm quyền. Cha tuyên bố cần phải sống trong sự nghèo khó vui tươi và trong sáng. Cha nhắc nhớ họ về đời sống cầu nguyện và gia đình. Cha gợi ý đến những ơn gọi. Cha kết thúc với những nghĩ suy về vĩnh cửu: “Trong lao nhọc và đau khổ, các con đừng bao giờ quên sẽ có một phần thưởng đã dành sẵn cho chúng con ở trên trời.”

Luôn ở bên họ!

Cha nhìn họ ra đi, nhưng trái tim cha không bao giờ quên họ. Họ là “con” của cha, đang rời đi tới những nơi xa xăm. Cha sẽ chẳng bao giờ gặp lại họ. Nhưng, cha đã không ném họ cách dại dột vào cuộc chiến cam go. Cha muốn họ được chuẩn bị, có thể nói tiếng Tây Ban Nha lưu loát, có kiến thức về những nơi chốn ở đó họ thực thi những nỗ lực truyền giáo. Cha đồng hành với họ bằng kinh nguyện; nhân danh họ và nhân danh những người họ đang làm việc cho, cha đã gõ cửa nhiều nhà, trở nên một người ăn xin, giữ liên lạc thư từ với từng người họ, thậm chí cha phàn nàn khi họ chậm hồi âm các thư cha viết, và cha gửi cho họ bất kỳ cái gì họ cần.

Cha viết cho một hội viên mà cha biết dễ nản lòng: “Bạn thân của cha, hãy nghe cha này: một nhà truyền giáo phải sẵn sàng hiến dâng đời mình vì vinh danh Thiên Chúa; Vì thế, liệu nhà truyền giáo không thể chịu đựng một sự ác cảm từ một người đồng hành ư, mặc dù họ lầm lỗi đáng kể?”

Cha biết cha Cagliero đã ổn định rất tốt, có lòng nhiệt thành tông đồ. Cha trân trọng sự sáng tạo tuyệt với của ngài. Ngày 31 tháng 10 năm 1876 (chỉ 11 tháng sau khi ngài khởi hành cho việc truyền giáo) cha viết cho ngài như sau: “Cha rất cần con làm một hành trình đến Âu châu năm 1877, rồi hành trình đến Ceylon  trong vùng dân Indies để mở một sứ vụ rất quan trọng khác; nơi đó họ thật sự cần một kiểu Castelnuovo vậy.” Cha đã ước mơ lớn, nhưng luôn luôn với những hạn từ thực tiễn.

Một Sư huynh trải qua một khủng hoảng nghiêm trọng đã nghĩ đến việc rời khỏi Tu hội. Tấm lòng hiền phụ đã thúc đẩy cha viết: “Con đừng làm vậy Con đã khấn hiến mình cho Thiên Chúa và con là một người Sa-lê-diêng truyền giáo, là một trong những người đầu tiên đi đến Mỹ châu, và con là người bạn rất thân tình của Don Bosco – Giờ đây, con lại muốn rời Tu hội để về lại trần thế, nơi mà con đã gặp nhiều nguy cơ lầm lạc sao? Cha mong con sẽ không quyết định sai. Con hãy viết ra điều gì làm con âu lo. Và như người cha của con, cha sẽ cho con lời khuyên như dành cho một đứa con yêu dấu  do một người cha muốn con được hạnh phúc cả đời này và đời sau.” Với một vài lời cha hết sức tài khéo để làm cho người sư huynh đó nhìn mọi sự khác đi.

Cha phác ra một kế hoạch đời sống cho một tư giáo trẻ: “Người bạn thân mến của cha. Con luôn làm cõi lòng cha sung sướng. Thậm chí nay còn hơn thế nhiều, vì trái tim cha, và thậm chí còn sâu đậm hơn nữa, vì nay con đã hoàn toàn hiến thân cho việc truyền giáo; điều ấy có nghĩa rằng: Con đã từ bỏ tất cả để hoàn toàn hiến mình chiếm được các linh hồn. Vì vậy, con hãy cam đảm: con hãy chuẩn bị mình để là một linh mục tốt lành và một người Sa-lê-diêng thánh thiện.”

Việc tiếp thị không được hoạch định, tuy nhiên lại do Chúa Quan Phòng.

Khi kỷ nguyên truyền giáo bắt đầu, Tu hội chúng ta “xuất khẩu” đoàn sủng của mình tới những nền văn hóa khác. Hạn từ “truyền giáo” kết tận là do Chúa Quan phòng,  khi khơi dậy lòng nhiệt tình, ơn gọi, sự đồng lòng và các ân nhân. Khi cha qua đời, ngoài 23 nhà tại nước Ý, 6 tại Pháp, 2 tại Tây Ban Nha và 1 tại Anh, ở Ecuador và Áo, những Sa-lê-diêng hiện diện tại Ắc-hen-ti-na, Uruguay, Braxinl, Chilê. (Các Sa-lê-diêng đã đến tại Quito vào ngày 28 tháng 1 năm 1888 và các hội viên đã gửi ngay cho cha một bức điện tín; điện tín này được đọc lớn cho cha nghe vào sáng ngày 30 tháng 1 – một ngày trước khi cha qua đời. Trong cơn hấp hối cuối cùng của mình, cha chỉ gật đầu cho thấy cha đã hiểu).

Dần dần chiến lược truyền giáo trở thành một công cụ thích hợp mang tính lịch sử; nhờ đó, đoàn sủng Sa-lê-diêng được nhập thể và lan rộng đến những nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Cha viết cho một tư giáo đầu tiên đến từ Uruguay, để cho thầy biết cha thật hạnh phúc biết bao: “Xin Thiên Chúa là Đấng đã gọi con thành một người Sa-lê-diêng, một Sa-lê-diêng nhiệt thành và gương mẫu, giúp thầy chiếm được nhiều linh hồn về Thiên Đàng. Và con sẽ làm điều này qua gương sáng và tuân giữ xác đáng Tu luật chúng ta.” Sự hiện diện của Tu hội đã gia tăng về con số, cùng với những thợ gặt mới cho vườn nho của Thiên Chúa.

Với sự khiêm nhường và lòng biết ơn, chưa đầy ba tháng sau cuộc xuất phát truyền giáo đầu tiên, cha đã nói với các giám đốc trong phiên họp tại Valdocco: “Chúa trông đợi những điều lớn lao từ các con. Đúng vậy. Những kỳ công Chúa muốn hoàn thành nơi chúng ta quả là lớn lao. Chính các con sẽ thán phục và ngạc nhiên khi thấy rằng các con có thể làm được tất cả điều này trước con mắt thế gian và vì thiện ích của xã hội con người. Chúa là đấng khởi sự những việc này. Chính Ngài đã khởi động chúng; ngài làm cho chuyển động và gia tăng; Khi thời gian dần trôi, chính Thiên Chúa đỡ nâng chúng, đem chúng đến hoàn thành. Thiên Chúa chỉ cần một điều nơi chúng ta:  chúng ta đừng bao giờ làm cho mình  ra bất xứng với sự hiền dịu và lòng thương xót của Thiên Chúa.”

Trong lúc “cực kỳ cảm động” (Hoặc những người đã ở đó nói cho cha như thế) cha kết luận những lời này, và một tư tưởng liên tục quấy rối cha. Đây là điều cha đã từng nói trong một vài dịp khác: “Nhưng nếu Don Bosco có đức tin lớn mạnh hơn, thì ngài đã có thể làm được nhiều hơn nữa”.

 

7

LÀM SAO TÔI CÓ THỂ NGHỈ NGƠI ĐƯỢC KHI MÀ MA QUỈ CHẲNG KHI NÀO NGHỈ?

 

Làm việc chứ không phải náo hoạt

Cội rễ nông thôn làm cha quen lao động từ khi cha là một đứa trẻ,quen đến nỗi lao động trở thành một trong những nét đặc trưng nằm trong gen của cha (DNA). Một phương châm thường ở trên môi miệng cha: “Chúng ta không thể đương đầu với sự dữ chỉ bằng kinh “Lạy Cha” (Pater Noster). Phải làm việc!” Kinh nghiệm chất chồng suốt bao năm tháng khiến cha nói: “Ngày xưa đến với nhau cầu nguyện là đủ rồi, nhưng nay có rất nhiều phương tiện suy đồi đến nỗi chúng ta cần phải cùng nhau hành động và làm việc”. Cha tin rằng “trên trần gian chúng ta làm việc cho Nước Trời.” Nguyên tắc này đã hướng dẫn cha: “Cha làm mọi sự như thể nó là công việc cuối cùng trong cuộc đời cha, song cha làm việc như thể cha còn sống nhiều năm nữa”. Đó không phải là chủ nghĩa náo hoạt. Không. Cha nhận thấy sự cấp bách của Vương quốc. Cha trải nghiệm cầu nguyện trong đời sống thường nhật và mỗi ngày chìm ngập trong Thiên Chúa. Soạn thảo một kiểu học thuyết thiêng liêng có hệ thống không phải là phong thái của cha. Cha ưa chuộng sống và chuyển giao bằng kinh nghiệm một con đường nên thánh qua những hạn từ đơn giản, trực tiếp, sẵn sàng cho mọi người. Công việc mà cha đề xướng được làm vì Chúa, với sự chắc chắn rằng “Thiên đàng thưởng công mọi sự”.

Tại Valdocco, một trong những lời nhục nhã nhất và nặng nề nhất mà các con có thể chĩa vào một người trẻ là dán cho anh ta cái nhãn là “lười chảy mỡ ra”. Nhãn đó tạo nên khiếp sợ cho chúng, vì nó có ý nói về một ai đó không hợp với gia đình đó, một người trẻ không có phẩm giá, không có cảm thức thuộc về và vô dụng. Cha đã nhấn mạnh cho các thanh thiếu niên: “Trong nhà của cha, có cơm bánh ăn; Chúa Quan Phòng gởi cơm bánh đến; rồi có việc làm, và mọi người phải làm việc của những người này; còn có cả thiên đàng nữa, vì bất cứ ai làm việc cho Thiên Chúa đều có quyền có một chỗ trên trời”.

Giấc mơ đầu tiên: Khởi đầu của mọi sự

Cuộc đời của cha được vạch ra bằng một chuỗi giấc mơ nối tiếp nhau hầu như không gián đoạn. Một số người gọi đó là ơn soi sáng, những lời báo trước, những mạc khải, nhưng cha chưa bao giờ dám dùng những từ như thế. Những cụm từ trên dường như quá trang trọng đối với cha, mặc dù cha biết (trên trời  các con sẽ biết chút xíu về mọi sự…) một anh em Sa-lê-diêng rất thân thiết với cha nhưng có một chút nghiêng chủ nghĩa bách chiến  bách thắng, một  ngày kia viết cho cha: “Sự tin tưởng về việc sống dưới áp lực của Thiên Chúa thống trị cuộc đời Don Bosco. Ngài tin rằng mình là khí cụ của Chúa cho một sứ mệnh phi thường. Niềm tin này thật vững chắc và sâu xa, Trong mọi sự, Don Bosco cảm nhận và thấy được một sự đảm bảo từ trên cao. Điều ấy cho ngài thái độ tôn giáo đặc trưng người tôi trung trong kinh thánh vốn không thể quay lưng lại thánh ý Thiên Chúa”. Cha nghĩ người ấy đã hoàn toàn đúng. Và cha cảm ơn người ấy vì trực giác này.

Đâu là nhiệm vụ mà người quý phái trong giấc mơ đã giao cho cha? “Ngay lập tức bắt đầu dạy cho chúng tội lỗi thật xấu xa và nhân đức thật mỹ miều”. Cha là “một đứa trẻ nghèo và dốt nát ” không có khả năng nói về tôn giáo cho những đứa trẻ này. Dạy bước theo Chúa, sống vui trong tình bạn với ngài, chuyển giao cho người khác cùng một kinh nghiệm ấy chính là mục đích cuộc đời cha như một đứa trẻ nông thôn, học sinh, chủng sinh và cuối cùng một linh mục suốt 47 năm!

Cuộc đời của cha: Không ngừng chiến đấu chống lại tội lỗi

Trên hết nơi chính mình, cha không sinh ra đã là một vị thánh: Cha phải chiến đấu. Cha đảm bảo các con là thế! Cha viết: “Kiêu ngạo đâm rễ sâu trong lòng cha”. Đấy không phải là lời sự nhận định rẻ bèo; nó hoàn toàn đúng. Cha đã từng rất cứng đầu, dễ mất kiên nhẫn, không chấp nhận những ý kiến của người khác, luôn coi ý mình thì tốt hơn. Cha dễ nổi cáu mà chẳng có lý do gì cả. Trở thành người bạn thân ngày một hơn với Chúa và mầu nhiệm Ngài đâu phải là một kỳ công trong nháy mắt; nó là nỗ lực suốt đời. Cha không để lại bất cứ một quyền sách dầy cộm nào về linh đạo và tu đức, nhưng các con luôn có thể đọc được vài dòng nơi đó cha nói lên [điều ấy] với sự khiêm tốn thực sự bình thản. Đây nhé: “Nếu  Chúa không dẫn cha trên đường của các Nguyện xá, cha sợ mình đã liều đi vào con đường hoàn toàn sai lầm”. Cha không đi vào chi tiết, nhưng cha tin rằng cha đã nói lên đúng sự thật vậy.

Tại Valdocco cha đều đặn đi xưng tội vào mỗi sáng thứ hai. Cha chọn ngày đó vì ít hối nhân hơn [xưng tội] vào thứ hai. Cha Giacomelli, một linh mục đã từng ở với cha tại chủng viện, đến vào lúc 8 giờ sáng. Trước tiên cha nghe ngài xưng tội, rồi thì ngài lại giải tội cho cha. Không bao giờ bỏ.

Trong những buổi trò chuyện thân tình sau kinh tối, từ ngữ “tội lỗi” thường được nghe thấy. Cha muốn các thiếu niên hạnh phúc, vui tươi, tự do, nhưng không rỗng tuếch và nhẹ dạ. Cha biết rất rõ tội lỗi cướp mất niềm vui khỏi chúng ta. Giáo lý của cha về tội lỗi thì đơn giản và cô đọng. Cha nhấn mạnh đến vẻ đẹp và niềm vui về kinh nghiệm tình bạn với Thiên Chúa. Cha thường giải thích: “Khi phạm tội tôi quay lưng lại với Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo; Thiên Chúa nhân hậu đã ban vô vàn điều tốt lành cho tôi; thế mà tôi khinh thường ân sủng và tình bạn của Ngài. Người phạm tội nói với Thiên Chúa: Chúa à, hãy tránh xa tôi. Tôi không còn muốn vâng phục, không còn muốn phụng sự, không muốn nhận biết Ngài là Thiên Chúa của tôi nữa”. Cha nhấn mạnh đến “sự trống rỗng của cõi lòng” mà tội lỗi gây ra:  Nó là một lời kêu nài khát mong Thiên Chúa, một đề tài quen thuộc của cha, một chủ đề thân thiết với cha, và dễ dàng tạo ấn tượng trên cả thiếu niên và người lớn. Mọi lời cha nói đều nhắm đến việc đào tạo nên những lương tâm ngay thẳng, những lương tâm thâm tín và trưởng thành, có thể làm được những quyết định nhất quán và có trách nhiệm. Bản năng sợ tội khiến cha nhấn mạnh đến “Những nút” cần thiết: Ăn năn trọn vẹn, nghĩ đến Thiên Chúa hiện diện, bổn phận hy sinh mọi sự và không bao giờ thỏa hiệp với việc làm xấu xa, khi can đảm tập trung sức mạnh chúng ta nhận được từ việc gặp gỡ Đức Ki-tô trong Thánh Thể, và lòng tôn sùng con thảo đối với Mẹ Maria.

Cha thường nói với các học sinh về sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa; cha muốn chúng sám hối và quyết tâm làm việc lành, không bao giờ nản lòng vì những yếu đuối không thể tránh được của con người. Cha đảm bảo cho chúng rằng “Vị giải tội là người cha”; ngài “nhìn vào thiện chí của chúng con mà không ngạc nhiên vì những sa ngã của các con; thực thế, nhìn thấy một người trẻ chân thành, muốn chiến thắng ma quỉ, và sống trong ân sủng Thiên Chúa, muốn lớn lên trong nhân đức, quả là một trong những an ủi lớn nhất. Các con thân mến, đừng để điều gì cướp mất niềm tín nhiệm này nơi chúng con. Đừng để cho nỗi xấu hổ cướp mất điều ấy của các con: chúng ta biết rõ mà, sự đáng thương của nhân loại là sự đáng thương của nhân loại. Các con không đi xưng tội để nói về các phép lạ! Điều đó mới khiến cha giải tội nghĩ rằng các con không thể phạm tội và chính các con có lý cười nhạo một khóe nhìn như thế.”

Hãy cho tôi các linh hồn

Có hai câu nói cha viết và lặp lại thường xuyên nhất: vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn. Cha luôn làm mọi việc vì Chúa, vì Vương quốc Ngài, vì cha thâm tín rằng “Thiên Chúa muốn chúng ta sống trong một thế giới tốt hơn thế giới này.” Vì thế, cha gầy dựng sứ mệnh của mình như là linh mục và người thầy cho giới trẻ dựa trên nền tảng cụ thể là thuyết nhân bản Ki-tô hữu lành mạnh. Khi nói về “các linh hồn”, cha qui chiếu đến toàn thể con người, đến toàn thể nhân vị mà cha trò chuyện, đến chính thiếu niên đang xin cha mẩu bánh và một tình bạn an bình, chính thiếu niên đang tìm việc làm, thiếu ý nghĩa đời sống. Cha đảm bảo mình chưa bao giờ phạm những tội đối nghịch là chủ thuyết thiên thần (angelism) và chủ thuyết thế trần (earthism)! Đối với cha, một thiếu niên là [người] thực, cụ thể. Hẳn nhiên, mọi thứ được nhìn như trong chức năng của tinh thần; Tuy nhiên, không phủ nhận bất kỳ điều gì, chỉ những xúc phạm đến Thiên Chúa thôi. Phần rỗi các linh hồn là động lực xa đằng sau hoạt động của cha, còn động lực gần là biến đổi các thiếu niên Thiên Chúa gửi đến cho cha thành “những Ki-tô hữu tốt và công dân lương thiện”. Tư tưởng vè phần rỗi các linh hồn ở tận những gốc rễ sâu nhất của con người bên trong của cha, trong cuộc đối thoại của cha với Thiên Chúa, và trong tất cả mọi việc làm. Lời đầu tiên trong 20 điều nhắc nhở cha dành cho những nhà truyền giáo đầu tiên là một chương trình sống, một bản tóm tắt của đời sống tông đồ: “Các con hãy tìm kiếm các linh hồn”.

Cha làm việc vì “các linh hồn” khi cha đi ra ngoài tìm kiếm một em học nghề thợ xây; Cha cảm thấy khủng khiếp khi thấy em è lưng kéo một chiếc xe cút kít xiêu vẹo đầy gạch dọc theo miếng ván ọp ẹp. Cha tìm kiếm “các linh hồn” khi tại Porta Palazzo cha dừng lại để trò chuyện với một thiếu niên cạo ống khói gầy guộc cao ngồng vốn đã giữ dáng như thế để có thể dễ dàng lướt lên tới ống khói đó hay khi cha trò chuyện với một em nhỏ bán diêm hoặc một thiếu niên bị bóc lột trong một nhà máy vải len, một em giữa 7,184 thiếu niên dưới 10 tuổi tại vùng Piedmont (Số liệu chính thức được thống kê vào năm 1844!) Chúng có một gương mặt, một tên gọi, một tên họ và một tia hy vọng. Cha tìm kiếm “các linh hồn” khi cha trải qua hàng giờ và hàng giờ (Ai có thể đếm được bao nhiêu tiếng đồng hồ?) giải tội, rao giảng, và nói về Chúa như một người Cha nhân lành, cử hành thánh lễ, ban những “lời nhủ thầm” vốn tạo ra nhiều biến đổi tốt lành.

Cho đến cuối đời

Ngay cả trên giường bệnh, bị các cơn ác mộng tấn công, cha run rẩy, vỗ tay kêu lên: “Vội lên! Nhanh lên! Vội lên mau! Hãy cứu các những người trẻ này!” Cha đã làm thế suốt đời.

Nhưng giờ đây, cha như ngọn đèn sắp tàn vì hết dầu. Một trong những lời cuối cùng cha thốt, như một lời cầu nguyện, vẫn là cho các thanh thiếu niên. Cha thành công thì thầm vào tai cha Bonetti khi ngài nghiêng mình về cha; “Hãy nói với các thiếu niên của cha: cha chờ chúng trên Thiên Đàng!” Cuối cùng cha thành công “hiểu mọi sự”, như giọng nói huyền nhiệm trong giấc mơ đầu tiên đã nói với cha như thế. Có một cuộc cử hành lớn lao đang đợi mọi người trên trời. Mãi mãi!

8

CHÚ Ý KÌA! GIÀN  HOA HỒNG

Thoáng nhìn lên Thập giá

Một trận chiến đã diễn ra dữ dội giữa dân “Piedmonte” và “Áo”. Cùng với 200 khẩu súng được chính phủ phát cho chúng ta, nhưng không có nòng, những thiếu niên, được Brosio “một tay thiện xạ” huấn luyện, đã có một buổi chiều không thể quên. Khi hoàng hôn, những người “Piedmonte” đã chiếm thế thượng phong, còn “Quân Áo” thì đã rút lui. Có một nhiệm vụ nữa khi “tay thiện xạ” đó nghe một tiếng kèn huyền nhiệm. Không may, đã không chỉ có một . Tiếc thay đó đã không phải là một trận thua quân sự tan tác. Sự việc chịu hệ quả tệ nhất của cuộc rút lui có chiến lược ấy là vườn rau của mẹ Ma-ga-ri-ta; vườn rau bị xâm chiếm và chà đạp do cả những kẻ chiến thắng và chiến bại. Khi bà bắt gặp “cuộc tàn sát” này, bà thất vọng bảo cha: “Gioan, con xem kìa, chúng làm gì thế! Bây giờ mẹ lấy cái gì nấu canh đây? Chúng đã phá sạch cả rồi!” Sau đó mẹ cha cởi cái tạp dề ra và nói: “Mẹ không thể tiếp tục được nữa. Mẹ về lại Becchi thôi!”. Cha cảm thấy mất mát. Cha sẽ làm gì nếu không có bà, nếu không có lời bà khuyên, nếu không có công việc của bà? Có một cây thánh giá trên tường; cha giơ tay chỉ vào đó. Mẹ cha cúi đầu xuống và chỉ nói: “Mẹ hiểu”. Bà đã ở lại cho đến chết.

Cha thường rút lấy sự can đảm để tiếp tục, chứ không bị thất vọng từ sức mạnh Ki-tô hữu của người phụ nữ đó. Bà là mẹ cha, bà giáo của cha, đầy đức tin và kiên nhẫn.

“Cha không thể mang nổi”

Phải, đây là những lời của cha. Cha viết như thế năm 1853 trong lá thư gửi đến cha Canon De Gaudenzi, một người bạn thật sự và một linh mục toàn vẹn, sau này là giám mục của giáo phận Vigevano. Những năm sau, cha đã trải lòng mình ra trong một lá thư gửi cho bà Công tước Callori di Vignale: “Biết bao nhiêu phí tổn, xáo trộn, trách vụ đè nặng trên vai Don Bosco. Tuy nhiên, bà đừng nghĩ tôi bị đánh gục; chỉ mệt mỏi thôi.” Hoàn toàn tự phát và tin tưởng, cha mở lòng mình ra cho một bà ân nhân, một trong những người phụ nữ mà cha dành cho tước hiệu “má” (mamma) thân thương.

Đây là những tâm sự nhỏ bé mà cha hoàn toàn tự nhiên dành cho những bạn thân của cha và nay cha dành cho các con. Tuy nhiên, tin cha đi, cha không chỉ đóng vai nạn nhân đâu, song thuần túy và đơn giản, cha chỉ nói lên những sự kiện. Các con đừng quên tại Valdocco, lời đồn rằng các vấn đề càng to lớn bao nhiêu, những khổ não càng trĩu nặng, thì càng nhiều Sa-lê-diêng (và trước tiên là các thiếu niên!) thấy cha thanh thản hơn bình thường. Họ đoán câu kết luận rằng: “Hôm nay Don Bosco phải thật sự gặp nhiều khó khăn lắm, nếu ngài xem ra rất hạnh phúc và tươi cười.”

Ác mộng “Người làm bánh”

Cha có thể cam đoan với chúng con rằng cha thật sự mất ngủ tối nay. Có lẽ nó là một khía cạnh nổi bật nhất của một cuộc đời ghi dấu bởi nghèo khổ, không đủ phương tiện và không mệt mỏi tìm kiếm trợ giúp (Trong những lá thư, khi cha nói đến vấn đề dai dẳng này, cha luôn dùng từ “thợ nướng bánh” (panettiere); từ ngữ này phần nào như  chữ “panaté” theo thổ ngữ Piedmont, vốn có nghĩa là thợ nướng bánh). Cha thiết nghĩ cần phải nhắc nhớ chúng con rằng tự bẩm sinh cha ngại ngần ngửa tay ra lắm. Có lẽ đó là sự ngại ngần tự nhiên của người nông dân, vốn không quen xin các vật, những nhu yếu tối thiểu của đời sống, mà làm việc cực nhọc của họ có thể mang đến. Có lẽ chính là do tính khí kiêu hãnh chưa hoàn toàn thuần thục của cha. Cha nhắc nhớ (năm 1886) thẳng thắn cho một vài hội viên Sa-lê-diêng, những người đã sống với cha ngay lúc đầu; Lúc đó, họ chỉ là những đứa trẻ, nhưng nay đã là những bề trên, là thành viên của Ban Tổng Cố Vấn. Cha bày tỏ cho người ngại ngần nhất trong họ: “Con không biết cha phải trả giá bao nhiêu để đi xin bác ái đâu.”

Xin lỗi, cha lạc đề rồi. Cha đang nói về thợ làm bánh ông Magra. Cha viết cho một ân nhân những dòng sau: “Thợ làm bánh luôn nhắc nhở tôi phải trả tiền bánh từ hồi tháng ba đến nay, nhưng tôi không biết kiếm tiền ở đâu; Nếu ông có thể giúp tôi thì cho các trẻ đói khổ của tôi chút gì đó bỏ vào miệng” (Lá thư này được viết vào ngày 7 tháng 3) Khi cha nói về những thiếu niên của cha cho nhiều người quảng đại vốn luôn giúp đỡ cha, cha thường miêu tả chúng bằng những hạn từ đâu đó ở giữa nghiêm túc và khôi hài là những đứa hủy diệt các ổ bánh. Bánh mà cha cống hiến cho chúng thì hơn nhiều một ổ bánh: nó là một cam kết của đời sống, tình bạn và hy vọng. Dĩ nhiên, các thiếu niên không thể sống nếu không có cơm bánh vật chất; nhưng lương thực thiêng liêng thì quan trọng trên hết, được làm nên từ sự cam kết Ki-tô hữu,, Thánh Thể, tình bạn an bình với Thiên Chúa và lòng sùng kính mãnh liệt đối với Mẹ Maria.

Điều đó cũng đắt giá với cha!

Cuộc tĩnh tâm tại Lanzo được diễn ra từ ngày 10 đến ngày 18 tháng 9 năm 1876. Gồm nhiều Sa-lê-diêng ở đó. Cha thường cho huấn từ tối và ba bài huấn đức. Trong một bài huấn đức, cha dùng một số giờ nói về sự kiên nhẫn. Ngôn ngữ của cha luôn là phong thái đơn giản, gia đình và đi vào trọng điểm. Giữa những điều khác, cha nói: “Các con hãy biết rằng sự kiên nhẫn cũng khiến cha trả giá điều gì đó. Các con đừng tin rằng trải qua mọi buổi sáng bị ràng buộc vào các thính giả hay bị chôn chân tại bàn làm việc ban đêm giải quyết những vấn đề mua bán, thư từ hay những gì tương tự là chuyện lớn lao nhất trong thế giới. Ồ, cha đảm bảo với các con thường thường cha sẵn lòng đi ra ngoài hưởng không khí trong lành và có lẽ cha thực sự cần tới… Các con cũng đừng tin rằng cha cũng không phải trả giá gì, sau khi xin một ai đó giải quyết một điều gì đó, hay sau khi sai người nào đó đi làm một việc quan trọng, tế nhị hay khẩn cấp, rồi chỉ thấy việc đó được làm không đúng giờ hoặc làm sai. Nó đòi cha phải trả giá đắt. Cha có thể dám chắc với các con đôi khi máu cha sôi sục lên, một ngứa ngáy khó chịu khắp người. Như vậy ư? Liệu chúng ta nên bất nhẫn? … Bất kiên nhẫn không làm xong điều đã không được làm xong và tức giận chẳng sửa lỗi cá nhân được.” Có lẽ, khi cha nói những lời này thì cha nhớ đến mẹ cha. Cha gợi nhớ sự buồn phiền và thất vọng trên khuôn mặt bà khi bà thấy điều đã xảy ra cho mảnh vườn của bà. Cha không bao giờ quên cảnh đó: bà nhìn vào cây thập giá, rồi cúi đầu xuống.

Cha nhìn cuộc đời mình như một sứ mệnh, không chỉ là món quà nhưng là một nghĩa vụ, một tài năng để được sử dụng. Nghèo tự bẩm sinh, cha cảm thấy thiết thân với đám người bình dân mà cha xuất thân ra; là một linh mục, do ơn gọi cha cảm nhận được gọi để đem đến một loại gia đình tu sĩ mới, một nhóm những người tận hiến chia sẻ một cơ sự chung với những người bình dân. Cha tin rằng, để mang đến một câu trả lời thuyết phục, “chúng ta cần phải làm việc và hãy làm cho người ta biết đến những việc tốt ta làm. Dẫu cho nếu có một phép màu nào đó xảy ra bằng việc cầu nguyện ngày đêm không ngừng và được lưu lại trong chiếc điện thoại, thì thế giới cũng sẽ không để ý đến và sẽ không tin vào điều đó. Thế giới cần được cảm nhận và chứng kiến.

Cha đã mơ về người Sa-lê-diêng “Với tay áo xoắn cao” (như các người thợ), loại người “Sơ cấp cứu”, can đảm và nhiệt tình. Cha viết như sau: “Thập giá mà trên đó người Sa-lê-diêng nằm chết là việc họ can đảm làm việc vì phần rỗi các giới trẻ.” Điều này tương hợp với một lời ngôn sứ cha dùng kết thúc Di chúc thiêng liêng: “Khi một Sa-lê-diêng bị kiệt sức hay chết vì các linh hồn, chúng con có thể nói rằng Tu hội chúng ta đã đạt được một chiến thắng lớn lao.”

Những bài học từ một giấc mơ

Cha có một giấc vào năm 1847. Chính Đức Mẹ luôn quan tâm và hiền mẫu can thiệp. Mặc dù giữa cả ngàn sự bất ổn, Mặc dù giữa cả ngàn những bất trắc, cha đang khởi sự một lối đường mới đầy những thách đố và trách nhiệm, khởi sự một gia đình tu sĩ mới hòa toàn hiến mình cho sự vụ của giới trẻ. Cha mơ mình đang ở trong một khu vườn  hấp dẫn với một dàn “phủ đầy hoa hồng nở rộ tuyệt đẹp”. Con đường ấy là cả một thảm hoa hồng; để không dẵm nát các cánh hồng, cha cởi giày nhưng chẳng bao lâu cha ý thức rằng dấu ẩn giữa những bông hoa ấy có nhiều gai nhọn. Cha vội đi giày vào, song chúng cũng chẳng bảo vệ cha; đôi chân cha đầy máu, cánh tay và bàn tay cha chạm vào rất nhiều bông hồng nhưng cả gai nhọn nữa. Một ai đó nhìn từ xa sẽ nói: “Don Bosco đi trên hoa hồng, mọi sự tốt đẹp thế”.

Một nhóm nhỏ gồm những người thiện nguyện đang theo cha, được hấp dẫn bởi “biển hoa hồng” đó. Nhưng khi gặp gai nhọn, một số than vãn và phàn nàn, nói rằng họ bị lừa. Cha thấy mình cô đơn. “Nhưng cha mau chóng được an ủi. Cha nhìn thấy một nhóm linh mục, tư giáo và giáo dân đến gần cha. Họ nói: “Chúng con đây đều là của cha, sẵn sàng theo cha”. Chúng ta đến một khu vườn tuyệt vời khác và “cha thấy mình được vây quanh bởi một số đông giới trẻ và tư giáo, sư huynh và cả linh mục bắt đầu làm việc với cha. Cha chỉ biết một số thôi, còn đa số khác thì không.” Đức Mẹ ở với chúng ta và giải thích: “Con hãy biết rằng con đường qua hoa hồng và gai nhọn có nghĩa là việc các con phải chăm sóc cho giới trẻ; con cần phải dùng đến đôi giày là sự khổ chế. Gai nhọn biểu trưng lòng nhiệt thành bừng cháy vốn phải làm nổi bật con và các người của con. Gai nhọn cũng có nghĩa là những chướng ngại, đau khổ, buồn phiền con sẽ gặp phải. Những không bao giờ thất đảm. Với đức ái và khổ chế con sẽ chiến thắng mọi sự.”

Cha đã ở tại Valdocco suốt một năm trong túp lều nhỏ. Không thiếu gai cùng góc. Nhưng Đức Mẹ cũng đảm bảo có nhiều hoa hồng. Nhiều lắm. Kinh nghiệm cùng với sự tin tưởng vào Chúa làm cho cha thâm tín rằng “một mảnh Thiên đàng xác định mọi sự”. Đó chính là điều mà mẹ cha từng dạy cha: “Những gai nhọn cuộc đời sẽ là hoa đẹp trên trời”.

9

NGƯỜI TRI ÂN LÀ MỘT NGƯỜI YÊU THƯƠNG

Cha chẳng hề quên gốc gác của mình là một đứa trẻ nông dân nghèo hèn, một học sinh thiếu thốn, và một linh mục luôn bị buộc (nhưng không bao giờ trở nên quen thuộc với nó) phải chìa tay ra và xin mọi sự. Cha thường nói: “Cha luôn cần mọi sự và mọi người để giúp tiếp tục đi tới”. Đồng thời lời xác minh này cũng là cách thức thanh thản để giữ cha tỉnh thức. Bài học chân chính này trong đời sống, được ôm ấp không chút mặc cảm tự ti hay ghen tuông với những người có nhiều hơn (giàu sang hơn), đã dạy cha phải luôn luôn biết ơn. Trước khi đề xuất điều này cho người khác, cha cố gắng sống như người mẹ tốt lành của cha đã thường nói với cha: “Con hãy quên đi điều con đã làm cho người khác nhưng không bao giờ quên những điều người khác làm cho con”. Đối với cha “cám ơn” là một điều cha cần phải nói. Từ  tiếng “cám ơn” này, cha đạt được một cảm thức về kinh ngạc, thờ phượng và sững sờ. “Cám ơn” trở thành lời cầu nguyện đối với cha. Cha khóc trong niềm tri ân mỗi khi cha đọc lại hay in lại hạnh đời sống Đa-minh Sa-vi-ô. Cha viết những lời sau đây: “tôi nhận thấy nơi em một tâm hồn mà Thánh Thần ngự trị tuyệt với, và cha sững sờ trước cách thức ân sủng đã làm nơi cõi lòng và tâm trí trẻ trung của em”. Cha cảm nhận cùng một niềm vui và ngạc nhiên vài năm sau khi cha thấy một sự biến đổi tận căn dần dần xảy ra nơi Mi-ca-en Ma-gôn. Cha tạ ơn Thiên Chúa tốt lành vì đã cho cha gặp được những thiếu niên như thế.

 Nhớ một ai cũng là một dấu tri ân

Cha không hề là một loại người cảm xúc song cha vun trồng một tấm lòng rộng lượng và thân hữu từ khi cha còn niên thiếu và không bao giờ hối tiếc lối tiếp cận nhân bản và chân chính này.

Vào 16 tháng Hai, 1876 cha viết lá thư hiền phụ và cảm động cho cha Cagliero. Ngài là người lãnh đạo cuộc truyền giáo đầu tiên tới Ắc-hen-ti-na và mới rời cha một ít tháng trước thôi. Cha cảm nhận sự vắng bóng của người Sa-lê-diêng này như là cha hãnh diện vì sự quảng đại vô điều kiện của ngài. Giữa những điều khác cha viết cho ngài: “Hôm qua chúng ta trình diễn một buổi văn nghệ tuyệt diệu. Mino hát bài ‘Il figlio dell’esule’ (đứa trẻ lưu đầy) và thành công lớn. Nhưng khi cha nghĩ đến sự kiện là người soạn nhạc lại ở quá xa, cha xúc động và đang khi Mino hát và diễn xuất, tất cả những gì cha nghĩ đến chính là những vị truyền giáo ở Mỹ châu.” Những lời này chứa đựng biết bao niềm tri ân! Cha đi xa hơn với cha Costamagna. Vào ngày 10 tháng Mười Một, 1883 cuộc xuất phát truyền giáo lần thứ 8 xảy ra, và cha trao Thánh Giá cho 20 Sa-lê-diêng và 12 Con Mẹ Phù hộ các Giáo hữu; hai ngày sau cha viết một lá thư cho cha Costamagna mà ngài sẽ nhận được hai ngày sau khi vẫn còn ở Marseilles: “Con đi rồi, nhưng tim cha thực sự tan nát. Cha đã quả cảm về điều này nhưng cha đau khổ và suốt đêm không thể ngủ được”. Cha cảm nhận mình là người cha của gia đình này đông đúc vượt qua tới những miền đất xa xăm. Những vị truyền giáo mà cha thán phục và muốn tri ân là những người con của cha. Cha thường nói với các thiếu niên: “Các con hãy biết ơn bất kỳ ai làm điều tốt cho các con”. Làm thế nào cha lại không cảm thấy biết ơn (vô vàn) đối với những người Sa-lê-diêng can đảm này?

 “Một kỷ vật” đầy niềm biết ơn

Vào ngày 6 tháng Sáu, 1841, lễ Trọng kính Chúa Ba Ngôi, cha cử hành thánh lễ đầu tiên tại nhà thờ thánh Phanxicô Assisi ở Tô-ri-nô tại bàn thánh được hiến thánh cho Thiên Thần Hộ Thủ. Khoảng 30 năm sau cha viết “Hồi Ký Nguyện xá” và cha gợi nhắc rằng “suốt thánh lễ đáng ghi nhớ đó cha cố gắng hết sức nhớ đến tất cả các thày giáo, ân nhân và nhất là cha Calosso dấu yêu. Cha luôn nhớ đến ngài như vị ân nhân vĩ đại, nổi bật của cha”. Đó là lời “tri ân” của cha dành cho vị tuyên úy già nua tại Murialdo. Nhờ ngài hướng dẫn, “cha bắt đầu triển nở một cảm nếm về đời sống thiêng liêng”. Ngài bị cơn xuất huyết não đánh gục và đã qua đời trong tay cha. Cái chết đột ngột của ngài cướp đi khỏi cha người cha yêu mến “hơn một người cha”. Tại đó, bên cạnh thi hài, cha hứa cầu nguyện cho ngài mỗi sáng. Và cha đã trung thành với lời cam kết này.

 Hàng ngàn cánh thư

Cha đã viết hàng ngàn hàng ngàn lá thư. Một số chỉ là ghi chú ngắn gọn; số khác dài hàng trang giấy. Tất cả đều được viết bằng tay; chắc chắn không có máy điện toán! Từ 1842 trở đi, đôi mắt cha thật tệ và những năm sau đó mắt phải của cha hầu như chẳng thấy gì. Đây là lời bào chữa cho nét chữ nguệch ngoạc của cha… Rồi, trong hầu hết cả ngàn lá thư đó cha xin trợ giúp và kêu nài những tấm lòng tốt lành của dân chúng. Nhưng trong tất cả các lá thư, cha luôn nói “cám ơn”. Đây là một thí dụ nhỏ: “Bà Công tước quý yêu, chính với niềm tri ân mà tôi đã nhận 100 quan Pháp cho các vị truyền giáo của chúng tôi đang sẵn sàng lên đường đi Châu Mỹ. Cám ơn bà nhiều. Chúa sẽ ban thưởng cho bà nhé”. Chỉ một vài dòng nhưng được diễn đạt bằng tấm lòng tri ân.

Cha không bao giờ quên Blanchard, người con của một bà tốt lành như vậy; Blanchard luôn cho cha chút mật ong khi cha là học sinh trung học. 40 năm sau cha tình cờ gặp lại Blanchard trênd đường phố Chieri. Cha giới thiệu ông cho một nhóm linh mục như là ân nhân lớn của cha. Cha mời Blanchard đến thăm cha ở Valdocco. Thực thế, ông đã tìm cách đến nhưng mãi tới 10 năm sau, năm 1886, khi sức khỏe của cha  suy sụp tàn tạ. Bất chấp mọi cố gắng, trước tiên, của người giữ cửa, rồi đến thư ký của cha, rốt cục ông cũng vào được phòng đợi. Cha nhận ra tiếng của ông khi ông nói: “Cứ nói với cha rằng đây là bạn Blanchard của ngài”. Cha nhanh chóng mở cửa và vui biết bao vì cả hai chúng tôi trò chuyện lâu giờ. Đến giờ ăn trưa. Cha không còn có thể lên xuống cầu thang. Vì thế cha yêu cầu dành chỗ thông thường của cha tại nhà cơm cho ông. Đó là “lời cám ơn” của cha vì những ân huệ cha không hề quên. Tri ân trở thành một lời đáp trả chân thành, tự nhiên và thân thương. Nó không chỉ là nhớ; nó là nỗi nhớ được biến thành niềm vui!

 Những lời tri ân trên giường bệnh của cha

Đã đến lúc cha phải bỏ cuộc đời. Thân xác tàn tạ, mòn hao y như chiếc áo cũ sờn rách. Cha phải để nó nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng như cha đã từng nói cho bác sĩ nổi tiếng Combal, đây là liều thuốc duy nhất mà cha từ chối. Chiếc giường là đồi Calvê của cha, một chặng dọc suốt Đường Thánh Giá dài của cha. Cha thường nói: “Tất cả chúng ta đều phải vác Thập giá của mình với Chúa Giê-su”. Nay đến lượt cha thâm tín rằng “Đường Thánh giá là con đường dẫn tới Thiên Chúa”. Luôn bên cạnh cha như một y sĩ dễ thương và chu đáo là sư  huynh Phê-rô Enria. Cha biết thày từ khi thày còn là thiếu niên. Những năm sau khi cha ốm nặng tại Varazze thày bỏ hàng tháng trời với cha như một người con yêu thương. Nay trong những tháng cuối đời cha, thày không rời cha một phút và thậm chí làm những việc thấp hèn nhất phục vụ cha. Cha cám ơn thày mỗi lần, nói rằng cha xin lỗi: “Phê-rô dấu yêu, hãy kiên nhẫn nhé”. Và thày thường đáp: “Don Bosco ơi, con sẽ hiến đời con để thấy cha hồi phục. Và cha biết, không chỉ mình con đâu”. Cảm động và tri ân cha thốt lên với thày: “Con biết đó, cha cảm nhận buồn thật sự là cha phải lìa xa con!” Cha thực sự hành xử như một người cha đau khổ bởi vì phải bỏ lại các con cái mình. Đó là tình mến và niềm tri ân.

 Một “lời tri ân” mà các con có lẽ không biết đến

“Chúng ta thấy buồn cho những người vô ơn bởi vì họ quá bất hạnh”. Cha thường nhắc nhớ các thiếu niên về điều này để giáo dục chúng tới một cảm thức tri ân.

Cha không muốn xem ra vô ơn, quên đi những “việc dịu hiền” mà Bộ trưởng Urban Rattazzi dành cho Tu hội Sa-lê-diêng. Cha nhớ lại, đó là năm 1857. Bộ trưởng lấy sáng kiến. Ông rất lo lắng về những buổi tụ họp của giới trẻ vây quanh cha mà có thể thoái hóa thành những cuộc bạo loạn và phá rối trật tự công cộng. Cha lại đảm bảo điều này với ông. Rồi sau đó ông nói với cha rằng ông quan tâm đến sự tiếp nối công cuộc của cha dành cho giới trẻ. Ông bảo cha: “cha sẽ chết như bao người khác”. Cha trả lời rằng cha không “mong là mình sẽ chết yểu”. Và rồi cuộc đối thoại chuyển qua một hướng bất ngờ. Vị Bộ trưởng, vốn là một người chống giáo sĩ và thuộc phái Tam điểm, tỏ cho cha điều phải làm để khai sinh một Tu hội mới: Cha sẽ phải tạo dựng một Hội tôn giáo mà được công nhận như một hội dân sự trước Nhà Nước. Ông giải thích: “Trước mắt chính phủ, Hội mới đó sẽ không là gì khác hơn một hiệp hội của những công dân tự do qui tụ và sống với nhau vì một mục đích bác ái.” Đó là cách ông bàn đến và rồi kết luận: “Cha đừng lo, nếu cha quyết định cha sẽ được Chính phủ và Đức Vua hỗ trợ hoàn toàn vì đây là vụ việc của một công việc nhân đạo.” Điều này xảy ra năm 857. Hai năm trước, chính Rattazzi, với một nét bút, đã cấm 331 đan viện / tu viện hoạt động và quét đi 4540 nam nữ tu sĩ! Những làn gió thổi quanh chúng ta chắc chắn không nuôi nhiều hy vọng hồng thắm.

Hai mươi năm sau, cha sống tại Valdocco được một nhóm Sa-lê-diêng vây quanh. Chúng ta nói về điều Bộ trưởng Rattazzi đã làm cho chúng ta. Cha xác quyết mối quan tâm của ông và thêm một số chi tiết mà cho đến lúc đó chẳng ai biết. “Cùng với cha, Rattazzi tìm cách để hoạch định một vài khoản luật chúng ta; những khoản luật liên quan đến cách thức (làm thế nào) Tu hội chúng ta phải “đi đứng” với luật dân sự và Nhà Nước. Ta có thể nói rằng một số điều khoản hoàn toàn là của ông, vì thế, chúng ta không khiến thẩm quyền dân sự băn khoăn.”

Bằng cách làm cho nỗ lực này của vị Bộ trưởng đó thành công khai, cha tỏ lộ niềm tri ân đối với ông một cách rất ý nghĩa. Trong cõi lòng của cha, cha luôn coi ông là một ân nhân chân chính, một người bạn mà vào thời điểm khủng hoảng và kịch tính, đã giúp cha phân định ý Chúa với sự rõ ràng hơn! Cha nghĩ rằng xét vì quá nhiều năm trôi qua, các Sa-lê-diêng sẽ làm tốt để ghi nhớ với niềm tri ân một người đã dọn sạch đất mà không phải không có những khó khăn và khủng hoảng của nó. Lời khuyên từ một chính trị gia thông minh? Cha ưa nói đến sự hướng dẫn từ một người bạn trung thành và một ân nhân chân thành.

 Valdocco? Một hạt nhân [nguyên tử]

Hãy để cha kết thúc bài nói chuyện này bằng một điều cha nói khoảng năm 1875. Một Sa-lê-diêng rất thân yêu với cha đã viết xuống ngay theo kiểu nhật ký. Nó đáng để cho chúng con đặt vào đó sự tin tưởng: “Trên trần này Nguyện xá của chúng ta tại Valdocco này là gì? Một hạt nhân nguyên tử. Nó cho ta rất nhiều điều để làm, và từ cái xó cỏn con này của thế giới chúng ta đang nghĩ đến việc sai cử những người đây đó. Ồ, sức mạnh của tâm trí nhân loại! Sự tốt lành của Thiên Chúa!” Khi cuộc sống đối với cha bắt đầu héo tàn và vàng úa, cha bắt đầu hiểu giá trị của những  lời huyền nhiệm đã nói với cha trong giấc mơ đầu tiên: “Đúng lúc con sẽ hiểu mọi sự”. Như trong một miếng ren đẹp cha nhìn thấy toàn cuộc đời cha. Kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa tốt lành đã chọn một đứa trẻ quê mùa nghèo khổ từ xóm Becchi để mang sứ điệp niềm vui và hy vọng cho các tâm hồn của biết bao thiếu niên xuyên qua đời sống cha. Ta phải hoàn toàn quỳ gối tôn thờ. “Tri ân” phải trở thành lời cầu nguyện! Cha ký thác cho các Sa-lê-diêng: “Cha hoàn toàn kinh ngạc khi thấy Chúa chúc phúc cho chúng ta thế nào; cha hầu như phải nói, ơn sủng Chúa chồng chất trên cuộc đời chúng ta”.

Cha cũng nhắc nhớ cha Cagliero thân yêu, vị truyền giáo can đảm của chúng ta tại Ắc-hen-ti-na, vẫn gần gũi với trái tim cha, khi, sau khi đã kể cho ngài về “tầm rộng lớn của những dự phóng mà nghe như truyện cổ tích hay những ý niệm điên rồ đối với thế giới, nhưng ngay khi chúng khởi sự, Chúa chúc phúc cho chúng để nỗi chúng có thể vươn sải ra phía trước.” – cha kết thúc với bốn động từ xem như một chương trình sống cụ thể: “cầu nguyện, tạ ơn, hy vọng và tỉnh thức”. Một phần lớn thuộc linh đạo của cha được chứa đựng trong bốn động từ này!

10

NẾU MÀ CHA ĐÃ BIẾT TRƯỚC

 

Học hỏi ngày qua ngày

Ngày nay các con chắc chắn biết lịch sử của Tu hội cách rõ ràng hơn chính cha đã từng biết nó. Cha mò mẫm quanh khi ngày qua ngày gom kinh nghiệm của cha lại. Cha là một người tiền phong, nhắm vạch ra một hướng mới. Thật sự – và cha luôn chấp nhận điều ấy với niềm tri ân khiêm cung – không thiếu sự soi sáng và cha để mình bị dẫn dắt bởi điều đó. Nhưng phân định những chọn lựa phải làm, những chướng ngại phải tránh, những thách đố phải đối diện, và nhất là những người mà cha có thể tin cậy quả là chẳng dễ dàng đâu. Một điều chắc chắn: Cha không bao giờ hành động nhẹ dạ, hời hợt. Đó không phải là phong thái của cha, cha cũng chẳng chấp nhận điều đó nơi kẻ khác. Khi ta không thể làm mọi sự, cha bằng lòng chính mình với điều gì là có thể được. Cha không phê chuẩn những người nói: tất cả hoặc không có gì. Cha giải thích lối nghĩ suy của cha: “Nếu ta không thể đọc toàn bộ chữ cái, nhưng ta có thể đọc A, B, C, D, thì tại sao không làm điều đó với lời chữa mình rằng chúng ta không thể đọc tới Z?” Đó dường như là một phương sách tiêu cực mà cha thấy nơi nhiều người, kể cả các tu sĩ: nếu họ sợ họ không thể hoàn thành một trách vụ hay làm nó thật tốt, thì họ ưa không đi bước trước hơn là khởi sự nó. Nhưng đó không phải là của cha; cha thấy có quá nhiều điều phải làm trong vườn nho của Chúa và cha buồn khi thấy rằng không ai dám lấy sáng kiến. Cơn chướng đối với sự hoàn thiện (chủ nghĩa cầu toàn) không bao giờ làm tê liệt các sáng kiến của cha để làm điều tốt.

Cha thường nói cho các Sa-lê-diêng: “Thế gian không nghĩ đến các linh hồn. Ở Paris, họ nói về các nhà hát; còn trong quốc hội ở Florence, Petersburg, Bá Linh họ bàn đến súng đạn, chiến tranh và chiến thắng. Nhưng không ai nghĩ về các linh hồn, như thể chúng ta không có một linh hồn”.

Và cha nhắc nhớ họ: “Ngay cả khi một ai đó phê bình chúng ta, thì đây là cách giải quyết của chúng ta: làm tốt và để họ muốn nói gì thì nói.” Các con biết câu chuyện đời cha rồi: họ nghĩ cha là kẻ mộng mơ, một kẻ điên, một nhà duy tâm. Cha cảm nhận thật sự bị bỏ rơi, chế nhạo, hiểu lầm, thương hại, bị dò thám, đe dọa có nghĩa là gì. Cha không hề là một “siêu nhân”. Cha có nước mắt, có những giờ khắc đen tối. Thậm chí cha bị cám dỗ bỏ cuộc mà. Không! Cha không hề coi mình là một anh hùng. “Chúng ta hãy hoàn toàn tin tưởng đặt mình trong tay Chúa”: đó là điều cha nói cho những người khác. Đó là chương trình của cha.

Cha đã thấy mọi vấn đề

Cha biết lịch sử của Giáo hội quá rõ để ghi nhớ làm thế nào những Dòng tu và Tu hội lớn đã có mặt. Cùng với thánh Biển Đức, Benađô, thánh Phanxicô Assisi, Đaminh, Ignatio Loyola, Philip Neri (chỉ mới nhắc vài người thôi) luôn có những người lớn khác, những người đã được chuẩn bị trên bình diện văn hóa. Trái lại, cha bắt đầu với các thiếu niên. Đấy là một chọn lựa rất đúng (thích hợp): đang khi kính trọng khí chất của từng người, cha có thể hình thành (đào luyện) một nhóm gắn bó có cùng những lý tưởng về sự nhiệt tâm và tận hiến cho cơ sự của giới trẻ. Cha học đòi từ Tin mừng và chỉ làm như Đức Giê-su đã làm với các môn đệ đầu tiên: “Đến mà xem”, “Và họ đã ở lại với Ngài”. Đức Giê-su bắt đầu nhóm tông đồ của mình dựa trên những mối liên hệ nhân bản chân chính; cái còn lại từ từ đến. Cha sao chép từ Đức Giê-su, nếu cha có thể nói như thế. Valdocco, đang khi ở giữa cả ngàn khó khăn, kiến tạo lên một phong thái giáo dục đặc trưng, có một khoa linh đạo thích hợp hơn với thời đại, đang phát triển một tinh thần nối kết hơn của tình bạn và tình thân thiện. Các thiếu niên lớn lên quanh cha và học hỏi. Chúng làm việc như những “Sa-lê-diêng” mà chưa biết điều ấy. Cha hứa cho họ cơm bánh, việc làm và thiên đàng. Cha muốn chúng “sắn tay áo lên”, như những công nhân. Những công nhân khiêm tốn và trung thành trong vườn nho của Chúa.

Có những lỗi lầm không? Nhiều, nhiều lắm!

Hai mươi năm sau, được vây quanh bởi những người trong thời gian đó là những đứa trẻ sống động và không cẩn thận, cha nhắc nhớ họ: “Nếu  cha muốn cắt bỏ mọi vấn đề ngay lập tức cha đã phải đóng cửa Nguyện xá rồi bởi vì các tư giáo sẽ không đáp ứng được một Quy Luật nghiêm chỉnh và họ tất cả đã bỏ đi rồi. Cha thấy rằng ngay cả giữa những tư giáo ương ngạnh hơn nhiều người sẵn lòng làm việc, có lòng tốt, vững chắc về luân lý. Và một khi sự bồng bột tuổi trẻ của họ qua đi, họ có thể giúp cha nhiều lắm. Và cha phải nói rằng các linh mục khác nhau trong Tu hội xưa đã ở giữa thành phần đó nay lại ở giữa những kẻ làm việc nhiều nhất, có tinh thần Giáo hội hơn cả, nhưng ngày xưa họ chắc chắn họ bỏ về nhà hơn là bắt mình vào những hạn chế”. (cha để mặc các con tưởng tượng phản ứng tự phát của những Sa-lê-diêng hiện diện mà cha đang nói về họ…).

 Nhìn vào người làm vườn

Chúng là những lúc khó khăn cho các Dòng tu và Tu hội: đó là điều chúng ta không bàn đến, và nghĩ đến việc bắt đầu một Gia đình tu sĩ mới chỉ là một sự không tưởng. Nó đòi hỏi tài ứng biến, ngoại giao, cẩn trọng và nhiều hy vọng. Thậm chí nếu cha đã từng ám chỉ đến những ý định thực sự của cha mà thôi, cha sẽ thấy cả một sa mạc quanh cha. Chính Cagliero, rất nhiệt tâm và thân ái, rõ ràng đã nói: “Ở lại với Don Bosco và giúp ngài thì được. Nhưng trở thành thày tu ư, không đời nào!”

Ở buổi họp các giám đốc, cha giải thích cách thức cha hành động để họ có thể sao chép cách cha hành động: “Các con hãy nhìn người làm vườn: ông chăm sóc biết bao cho cây con. Có lẽ các con nói tất cả mọi nỗ lực đều bay đi; nhưng ông biết rằng đúng lúc cây đó sẽ cho ông lại rất nhiều, và vì thế ông không kể chi đến lao nhọc… Các bạn hữu thân yêu của cha, chúng ta là những người thợ làm vườn, những người cầy cấy trong vườn nho của Chúa. Nếu chúng ta muốn công việc của chúng ta mang lại điều gì đó, chúng ta cần phải chăm sóc thật nhiều cho những cây mà chúng ta phải trồng”.            

Khi cha đang nói, cha nhìn thấy những khuôn mặt của những Cộng tác viên của cha. Nay họ là những người của tin tưởng, được tôi luyện và vững chắc, những người bạn rất trung thành cho mọi thời khắc. Những người này đã từng là những “đứa trẻ quá quắt” của vài thập niên trước, những chú oắt ranh mãnh thánh thiện; biết bao đứa trong chúng đã thực sự tôi luyện sự kiên nhẫn của cha với sự hiếu động của chúng. Nay chúng là những con chiên trong giấc mơ đã trở thành những vị mục tử, trải rộng khắp nước Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, và nay cả trong những vùng đồng hoang vô tận ở Ắc-hen-ti-na, Braxin, Uruguay, Chilê và Ecuador! Giấc mơ của cha đã trở thành giấc mơ của họ. Từ những nơi truyền giáo, một bề trên có thẻ viết cho những hội viên của mình: “Ở đây chúng ta sống như Don Bosco vậy”. Chắc chắn không phải như con người nghèo hèn của cha, nhưng có cùng những lý tưởng của cha.

 Một số lời rất cứng cỏi

Đó là năm 1885: cho đến lúc đó có tới 9 cuộc xuất phát truyền giáo rồi, 119 Sa-lê-diêng đã lên đường đi tới những biên cương tiên tiến nhất của Vương quốc Thiên Chúa, và nhiều công cuộc đã phát triển và các việc đã kiên vững. Nhưng có những đảo ngũ buồn thảm. Giàn hoa hồng cha đã mơ đến là một con đường trải đầy gai, mặc dù có nhiều hoa hồng.

Có một sự dâng cúng quảng đại song cám dỗ từ một linh mục thuộc địa phận Cuneo: một nhà đã hoàn toàn sẵn sàng có thể chứa một trăm trẻ nghèo. Lời đề xướng gợi lên một đáp trả tích cực và nhiệt huyết. Chúng ta thảo luận lâu giờ tại Valdocco. Nhưng cha rất cứng: “Chúng ta không thể chấp nhận vì thiếu nhân sự”. Rồi cha nhận diện rõ điều ấy và nói một điều rất cứng, một điều bất thường trong ngữ vựng của cha: “Chúng ta cần phải khóc than rằng một vài Sa-lê-diêng không có tinh thần Sa-lê-diêng gì cả. Mọi năm có những cuộc đào thoát và sau quá nhiều công việc để giáo dục những cá nhân này chúng ta kết thúc trong thất vọng. Chúng ta cần củng cố”. Là Đấng Sáng lập, cha cảm nhận bổn phận phải cho một tín hiệu cảnh báo rõ ràng, đúng vào lúc khi Tu hội đang tăng trưởng của chúng ta dường như trải rộng với sức mãnh liệt và nhiệt tâm táo bạo. Một số tố cáo cha là không kính trọng những giới hạn của sự thận trọng nhân loại bằng cách gia tăng bừa bãi con số các công cuộc lớn lao mà chẳng có những phương thế thích đáng hay gởi những người điều hành các trường học mà không chuẩn bị đầy đủ. Đó là một sự liều lĩnh mà cha đã phải làm. Nhưng trong khóe nhìn của cha đó không phải là một vấn đề về sự uy tín nhưng là về sự trung thành và kiên định trong sứ mệnh. Cha tiếp tục nhắc nhớ các hội viên mà cha biết rõ sự can đảm của họ cũng như cha thán phục sự quảng đại của họ.

 Nếu mà cha đã biết trước

 “Cha có một ý tưởng mơ hồ về việc làm tốt, ở đây trong chốn này và làm tốt cho các thiếu niên nghèo. Ý tưởng này thống trị cha, nhưng cha không biết làm thể nào để làm cho nó xảy ra (hiện thực); nó không bắt đầu với cha, nhưng chính ý tưởng đó hướng dẫn cha từng bước, từng hành động của cha. Cha muốn làm tốt, làm nhiều điều tốt, nhưng làm ở đây. Thời đó những ý tưởng đó của một linh mục nghèo dường như là một giấc mơ. Nhưng Thiên Chúa làm cho nó nên thực, hoàn thành ước muốn của vị linh mục nghèo đó. Cha không thể miêu tả mọi điều đó xảy ra như thế nào. Cha không thể cho câu trả lời về điều ấy. Cha biết chắc điều này: Thiên Chúa muốn thế đó.” Đây là những tâm sự cha mở lòng với các Giám đốc đang hội họp với cha năm 1876. Trong ánh sáng đức tin cha trở lại đời sống quá khứ của mình và luôn thâm tín hơn rằng “trong những thiếu thốn lớn chính là lúc nhìn xem chúng ta có thật sự tin tưởng vào Thiên Chúa hay không”. Đó là tờ giấy quì (litmus) thử nghiệm (mặc dù được nói trong những lời đơn sơ hơn) mà cha học được từ mẹ cha. Theo nguyên tắc cha không bao giờ ngừng làm việc ở một điều gì mà cha biết là tốt dù bất kể là gì những vấn đề và khó khăn không thấy trước được. Một niềm tin dẫn dắt cha. Và đây cũng là một gia sản từ gia đình cha: “Chúa luôn gởi đến sự trợ giúp lớn lao trước những nhu cầu lớn”.

Giữa năm 1859 và 1874 đã có một Đàng Thánh Giá dài và căng thẳng (cân não) mà cha phải đảm nhận để đạt được sự phê chuẩn dứt khoát của Tu hội: những hành trình và những cuộc ở lại lâu ngày ở Roma, những lá thư bất tận, những thảo luận không dứt để giải thích và tự vệ, trao đổi hàng giờ ở hành lang (bên ngoài). Một công việc ngoại giao thận trọng để không làm tổn thương những nhạy cảm của người khác, biết làm sao để chờ đợi, làm sao để cám ơn mọi người cách duyên dáng mà không nô lệ vào nó. Cuối cùng, cha thốt lên một lời thú nhận và cũng là một thứ xả hơi: “Nếu mà cha đã biết trước vô vàn đau khổ, nỗ lực, biết bao chống đối và đối nghịch cha phải trả giá để lập một Tu hội có lẽ cha không có can đảm để bắt đầu trách vụ đó”. Sự kiên nhẫn của một nông dân và sự kiên trì của một tín hữu đã chiến thắng, một ai đó tin rằng “chúng ta cần phải bỏ mình trong tay Chúa Quan phòng mà sẽ không bao giờ thiếu đâu”.

Phụ lục 1

“Da mihi animas, cetera tolle”

Chúng ta hãy hấp thụ kinh nghiệm thiêng liêng của Don Bosco, để có thể bước đi trên con đường nên thánh theo ơn gọi chuyên biệt của chúng ta.

“Vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn”

 

Anh chị em thân yêu trong Gia đình Sa-lê-diêng,

Chúng ta sẽ kết thúc ba năm chuẩn bị đệ nhị bách chu niên ngày Don Bosco sinh ra. Sau khi đã dành năm thứ nhất để hiểu biết ngài trong lịch sử của thời đại ngài, và năm thứ hai để nhận biết ngài là một nhà giáo dục và thực hành phương pháp giáo dục của ngài; còn năm thứ ba, năm cuối cùng này, chúng ta muốn khám phá nguồn mạch của đoàn sủng ngài bằng cách hấp thụ lối thiêng của ngài.

Lõi tủy của Lối thiêng Ki-tô hữu là đức ái, nói cách khác, là chính sự sống Thiên Chúa, Đấng là Agape, là Đức Ái, là Tình Yêu, ở mức độ sâu thẳm nhất. Lối thiêng Sa-lê-diêng không khác gì lối thiêng Ki-tô hữu. Nó cũng tập trung vào đức ái; nhưng, trong trường hợp này, đó là “đức ái mục tử”; nói cách khác, là đức ái thúc bách chúng ta tìm kiếm “vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn.” “Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách chúng tôi”. [“Caritas Christi urget nos”].

Như hết thảy những đấng sáng lập thánh thiện và vĩ đại khác, Don Bosco sống cuộc đời mình như một Ki-tô hữu có một đức ái nồng cháy; ngài chiêm ngắm Chúa Giê-su theo một quan điểm đặc thù, quan điểm của đoàn sủng mà Thiên Chúa đã ký thác cho ngài: sứ mệnh cho giới trẻ. “Đức ái Sa-lê-diêng” là đức ái mục tử bởi vì nó tìm cách cứu rỗi các linh hồn. Nó cũng là đức ái mang tính giáo dục bởi vì nó tìm thấy trong giáo dục nguồn lực vốn cho phép mình giúp giới trẻ luôn phát triển tất cả mọi năng lực của chúng. Bằng cách này, giới trẻ có thể lớn lên thành những công dân lương thiện, những Ki-tô hữu tốt lành và những cư dân của thiên quốc trong tương lai.

Vì vậy, cha mời gọi anh chị em, các thành viên yêu dấu của Gia đình Sa-lê-diêng, hãy kín múc từ nguồn mạch lối thiêng của Don Bosco, nói cách khác, từ đức ái giáo dục và mục tử của ngài. Đức ái ấy tìm được mẫu mực của mình nơi Đức Ki-tô vị Mục Tử Nhân Lành cũng như lời cầu nguyện và kế hoạch đời sống của mình trong châm ngôn của Don Bosco: “Da mihi animas, cetera tolle”. Theo sát lối đường này chúng ta sẽ có thể khám phá “Don Bosco là một người thần nghiệm” và kinh nghiệm thiêng liêng của ngài nằm tận tâm điểm của cách thức chúng ta ngày nay sống linh đạo Sa-lê-diêng, theo những ơn gọi khác nhau vốn lấy cảm hứng của mình từ ngài; rồi chính chúng ta cũng sẽ có thể có một kinh nghiệm thiêng liêng mãnh liệt theo cách thức Sa-lê-diêng.

Hiểu biết đời sống và phương pháp giáo dục của Don Bosco vẫn không có nghĩa là hiểu cái bí quyết sâu xa nhất của ngài cũng như hiểu cái lý lẽ thật sự cho sự việc là ngày nay Don Bosco vẫn còn thích đáng một cách ngạc nhiên. Quen thuộc với những khía cạnh khác nhau trong đời sống và công việc của Don Bosco và thậm chí, với phương pháp giáo dục của ngài thì không đủ. Đằng sau tất cả điều này, là một cái gì mà thậm chí có thể vụt mất khỏi chúng ta là con cái của ngài: [đó là] đời sống nội tâm sâu xa của ngài mà chúng ta có thể gọi là “tình thân mật” với Thiên Chúa. [Đó mới đúng] là nguồn mạch cho những hoạt động phong phú cũng như sự thích đáng của ngài. Có lẽ đây là ý tưởng tốt nhất chúng ta có về ngài để yêu mến và cầu nguyện với ngài, bắt chước và bước theo ngài hầu gặp được Chúa Giê-su cũng như mang giới trẻ tới cùng một cuộc gặp gỡ đó!

Ngày nay phác thảo diện mạo thiêng liêng của Don Bosco, khởi từ những ấn tượng của những Cộng tác viên đầu tiên của ngài là có thể được. Chúng ta có thể học hỏi cuốn sách của cha Eugene Ceria, “Don Bosco với Thiên Chúa”; cuốn sách đó đã là một cố gắng đầu tiên được thực hiện để cung cấp một bản miêu tả cho đại chúng về lối thiêng của Don Bosco. Rồi chúng ta có thể so sánh với những lời giải thích khác nhau về lối thiêng của Don Bosco được những đấng kế vị ngài mang đến, trước khi cuối cùng đi đến cuộc khảo cứu vốn ghi dấu một khúc ngoặt trong việc học hỏi về cách thức Don Bosco đã sống đức tin và đời sống tôn giáo của chính mình.

Những nghiên cứu mới đây tỏ ra trung thành hơn vì cách thức chúng tiếp chạm với những nguồn liệu sẵn có; chúng rộng mở xét đến những viễn cảnh thiêng liêng khác nhau đã tác động đến Don Bosco, hay với những điều ngài đã tiếp xúc (Thánh Phan-xi-cô Sa-lê, Thánh I-Nhã, Thánh An-phong Maria Li-guơ-ri, Thánh Vinh sơn Phao-lô, Thánh Phi-líp Nê-ri…). Tuy nhiên, những nghiên cứu ấy cũng lại giúp chúng ta nhận biết rằng kinh nghiệm của ngài thật độc đáo và sáng tạo. Về điểm này, có được một diện mạo thiêng liêng mới về Don Bosco, một cuốn sử hạnh mới, như thần học thiêng liêng ngày nay hiểu về hạn từ đó, quả thật thú vị.

Don Bosco, “con người thiêng liêng”, đã hấp dẫn Walter Nigg, một mục sư phái Luther và giáo sư về Giáo sử tại đại học Zurich; ông quan tâm đặc biệt đến Don Bosco, con người thiêng liêng này. Ông tập trung vào chiều kích thiêng liêng; ông viết: “Miêu tả một người đang khi lại bỏ qua sự kiện là chúng ta đang bàn đến một vị thánh thì giống như mới trình bày một nửa chân lý thôi. Phạm trù thánh nhân phải chiếm ưu tiên hơn phạm trù nhà giáo dục. Bất kỳ việc sắp xếp nào khác đều sẽ làm sai lạc phẩm trật giá trị. Đàng khác, vị thánh là một người mà nơi ngài những cái tự nhiên tiếp giáp với những điều siêu nhiên; nơi Don Bosco có những điều siêu nhiên rất nổi bật… Chúng ta không chút hồ nghi: vị thánh tân thời thật sự của nước Ý là Don Bosco”.[1]

Trong thập niên 1980, nhà thần học dòng Đa-minh, cha Đaminh Chenu, chia sẻ nhận định này. Ngài trả lời cho một nhà báo xin ngài đề nghị một vài vị thánh mang đến một sứ điệp thích hợp cho thời đại mới của chúng ta: “Tôi đặc biệt thích gợi nhớ một người vốn là tiền thân của Công Đồng khoảng một thế kỷ, Don Bosco. Ngài là một khuôn mẫu mang tính ngôn sứ về sự thánh thiện bởi vì công việc của ngài đoạn giao với cách thức suy tư và tin tưởng của những người đương thời”.

Trong mọi thời đại văn hóa và trong mọi bối cảnh, chúng ta cần phải trả lời những câu hỏi này:

Don Bosco nhận được gì từ môi trường ngài sống?

Ngài đã mắc nợ bao nhiêu đối với những khung cảnh xung quanh, gia đình của mình cũng như Giáo hội của thời đại ngài?

Ngài phản ứng ra sao và đã cống hiến gì cho thời đại và khung cảnh xung quanh?

Đâu là ảnh hưởng của ngài trên những thời đại tiếp theo sau? 

Những người đương thời, tức là, các Sa-lê-diêng, dân chúng, Giáo hội và giáo dân, đã nhìn ngài như thế nào?

Những thế hệ sau này hiểu ngài ra sao?

Đâu là những khía cạnh trong sự thánh thiện của ngài mà chúng ta ngày nay quan tâm hơn cả?

Ngày nay làm thế nào chúng ta chuyển dịch lối Don Bosco đã giải thích Tin mừng đây?

Đây là những loại câu hỏi mà một cuốn sử hạnh mới về Don Bosco sẽ phải trả lời. Vấn đề ở đây không phải là nhận diện một dung mạo dứt khoát, có giá trị muôn thuở về Don Bosco. Song, đây là vấn đề cống hiến một diện mạo thích đáng cho ngày nay. Tự nhiên, ta nhấn mạnh một vài khía cạnh của từng vị thánh; ta đặc biệt quan tâm đến chúng vì chúng hiện vẫn đang thích đáng; còn những khía cạnh khác, ta để ra một bên, vì chúng được coi là không cần thiết vào thời đại lịch sử đặc thù này hay được xét là ít thích đáng hơn khi nhận ra những nét đặc trưng chính yếu của vị thánh đó.

Thực thế, các thánh là lời đáp trả cho những nhu cầu thiêng liêng của một thế hệ, một minh họa nổi bật về điều mà những người Ki-tô hữu vào một thời đại đặc thù muốn hiểu về sự thánh thiện. Và hiển nhiên noi gương bắt chước một vị thánh mà ta mong đợi chỉ có thể tỷ lệ với điểm quy chiếu tuyệt đối chính là Đức Giê-su Nadaret mà thôi; thực vậy, mọi Ki-tô hữu, trong hoàn cảnh thực sự của mình, được mời gọi để nhập thể, theo cách thức riêng của mình, diện mạo phổ quát là Đức Giê-su, mà hiển nhiên ta chẳng bao giờ có thể tát cạn. Các vị thánh cống hiến cho chúng ta một lối đường cụ thể và có giá trị hướng đến việc đồng nhất với Chúa Giê-su.

Trong bài bình giải về Hoa Thiêng mà cha cống hiến cho Gia đình Sa-lê-diêng, cha sẽ khai triển ba vấn đề then chốt là: những nét trong lối thiêng của Don Bosco; đức ái mục tử là cốt lõi cũng như bản tổng hợp của lối thiêng Sa-lê-diêng; lối thiêng Sa-lê-diêng dành cho mọi ơn gọi. Cuối cùng cha sẽ đề nghị cách đầy đủ hơn một số trách vụ thực tiễn mà cha đã tiên liệu ở đây.

  1. Những nét trong lối thiêng của Don Bosco

Đi đến một nhận diện xác đáng về lối thiêng của Don Bosco không dễ dàng gì; vì thế, chẳng mấy ngạc nhiên khi khía cạnh này trong nhân cách ngài ít được khai phá nhất. Don Bosco là một người hoàn toàn bị công việc tông đồ chiếm hút; ngài không cung cấp cho chúng ta bất kỳ miêu tả nào về sự tăng trưởng nội tâm của mình; ngài cũng chẳng để lại cho chúng ta bất kỳ những suy tư đặc biệt về kinh nghiệm thiêng liêng của mình. Ngài không viết nhật ký thiêng liêng cũng chẳng cống hiến những giải thích về động lực nội tâm của mình. Ngài thích chuyển giao một tinh thần bằng cách miêu tả những biến cố cuộc đời mình, hay qua những tiểu sử của các thiếu niên của mình. Chắc chắn không đủ khi nói rằng lối thiêng tông đồ của ngài là lối thiêng của một người thực thi một tác vụ cách tích cực, một sự quân bình giữa một lối thiêng của người học thức và của người thông thường; đúng hơn, nhận diện được điều gì ở tận lõi tủy trong kinh nghiệm thiêng liêng của ngài mới quả là thiết yếu.

Điều này nêu lên một câu hỏi quan trọng: căn cứ vào sự thiếu sót thật sự các nguồn liệu về đời sống nội tâm của ngài, làm thế nào anh chị em khảo sát lối thiêng của Don Bosco? Chúng ta có thể để lại cho các thần học gia thiêng liêng đào sâu vấn đề phương pháp luận này, còn chúng ta hãy cố gắng nhận diện một vài khía cạnh cơ bản và những đặc tính nơi kinh nghiệm thiêng liêng của ngài.

Lối thiêng là một ‘cảm nhận’ đặc trưng đối với sự thánh thiện Ki-tô hữu và được nghiêng chiều theo hướng đó; nó là một cách thức đặc thù để sắp xếp đời mình sao cho đạt được sự hoàn thiện Ki-tô hữu, và thiết thân với một đoàn sủng đặc biệt. Nói cách khác, đó là một lối sống vốn giả định đức tin của người Ki-tô hữu trong sự kết hiệp với Thiên Chúa.

Lối thiêng Sa-lê-diêng gồm những yếu tố khác nhau; đó là một phong thái sống, cầu nguyện, làm việc, tương giao liên vị; một lối sống cộng thể; một sứ mệnh giáo dục và mục vụ dựa trên gia sản có đặc tính sư phạm; một lối tiếp cận với đào luyện; một tập hợp các giá trị và thái độ đặc trưng; một khóe nhìn đặc thù về Giáo hội và xã hội qua những lãnh vực dấn thân biệt loại; một di sản lịch sử gồm những tài liệu và bút tích; một ngôn ngữ đặc trưng; một tập hợp tiêu biểu gồm những cấu trúc và công cuộc; một niên lịch với những cử hành và kỷ niệm của riêng mình…

Trong cái khung tổng quát là lịch sử linh đạo của thế kỷ 19, chúng ta có thể chỉ ra một số yếu tố mà đối với chúng ta, dường như là thích đáng đặc biệt khi miêu tả kinh nghiệm thiêng liêng của Don Bosco; chúng là khởi điểm của ngài, những cội rễ sâu xa nhất của ngài, những phương thế ngài dùng, mục tiêu của ngài.

1.1. Khởi điểm: Vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn

 Don Bosco đam mê vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn. Cổ xúy vinh quang Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn có nghĩa là làm cho ý riêng mình nên đồng hình đồng dạng với Ý Thiên Chúa. Hiển nhiên, Thiên Chúa rất muốn tỏ lộ cách viên mãn sự thiện hảo là chính Ngài; nói cách khác, vinh quang của Thiên Chúa chính là đạt được cách chân chính điều gì là thiện hảo cho con người – phần rỗi linh hồn của họ.

Trong một mảnh [tài liệu] hiếm có trong cuốn “câu chuyện một tầm hồn”, Don Bosco thú nhận (năm 1854) cái bí quyết về mục đích của điều ngài đang làm: “Khi tôi bắt đầu hiến mình cho khía cạnh đặc thù này của tác vụ thánh, tôi khởi sự hiến trọn nỗ lực của tôi để Chúa được vinh quang hơn cũng như để cứu rỗi các linh hồn; tôi khởi sự làm việc để tạo nên những công dân tốt trên trần thế này hầu một ngày kia họ sẽ là cư dân xứng đáng của trời cao. Xin Chúa giúp tôi có thể tiếp tục mãi như thế cho đến hơi thở cuối cùng. Amen”. [2]

Cùng trong đoạn đó, trước đó ít dòng, ngài đã viết:

Ut filios Dei, qui erant dispersi, congregaret in unum. Để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối (Ga 11: 52). Những lời Tin mừng này cho chúng ta biết rằng Chúa Cứu Thế đến trần gian để hiệp nhất con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi. Đối với tôi, dường như ta có thể áp dụng từng chữ những lời này cho giới trẻ của thời đại chúng ta. Đây là thành phần mỏng dòn nhất song lại quý báu nhất của xã hội nhân loại; những hy vọng một tương lai hạnh phúc đặt trên đó. Chúng không tự hướng về điều xấu […]. Khó khăn là làm sao tìm được cách thức quy tụ chúng lại, chỉ dạy chúng, dẫn dắt chúng sống một cuộc đời tốt lành. Đây là sứ mệnh của Con Thiên Chúa, và chỉ tôn giáo thánh thiện của ngài mới có thể làm được điều này”.[3]

Quyết định thiết lập Nguyện xá, tận nền tảng, là ý muốn cứu độ của Thiên Chúa; ý định này được bộc lộ khi Con Thiên Chúa nhập thể được sai đến để quy tụ quanh mình những kẻ bị lạc mất trong những nẻo đường lầm lạc dẫn tới sự thánh thiện. Giáo hội được mời gọi đáp lại trong thời đại của mình sứ mệnh cứu rỗi này của Thiên Chúa. Vì thế, Nguyện xá hoàn toàn phù hợp vào nhiệm cục cứu độ này; nó là một lời đáp trả của con người trước ơn gọi thần linh; nó không phải là một công cuộc được đặt nền trên thiện chí của một cá nhân.

Chúng ta có thể đọc trong một bản miêu tả ngày 16 tháng Giêng 1861, như lời xác minh điều này: “Khi được hỏi ngài có ý kiến gì liên quan đến hiệu lực của ân sủng, ngài trả lời: tôi đã nghiên cứu những câu hỏi này rất nhiều; nhưng hệ thống của tôi là một hệ thống góp phần vào việc làm cho Thiên Chúa được vinh quang hơn. Điều ấy thật sự có nghĩa gì nếu tôi có một hệ thống chặt chẽ rồi đưa một linh hồn xuống hỏa ngục, hay có một hệ thống khoáng đạt với điều kiện nó đem nhiều linh hồn lên thiên đàng?”[4]

Lời giải thích ngài đưa ra ngày 16 tháng Hai 1876 về cách thức ngài thực thi những kế hoạch của mình cũng tương tự thế: “Chúng ta luôn luôn tin tưởng tiến lên phía trước; trước khi đảm trách bất cứ điều gì chúng ta chắc chắn rằng chính Thiên Chúa muốn thực hiện những điều này. Chúng ta có thể gặp muôn ngàn khó khăn trên đường, nhưng chẳng quan trọng gì. Thiên Chúa muốn thế, và chúng ta không sợ hãi đối diện với bất kỳ khó khăn nào có thể xảy ra.”[5]

Những mục đích của “công cuộc các Nguyện xá” thì đồng nhất với mục đích của Nguyện xá, nói cách khác, của Tu hội Sa-lê-diêng, của Tu hội Con Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, của Hiệp hội Cộng tác viên Sa-lê-diêng, của Hiệp hội Đức Mẹ Phù Hộ; tất cả đều được sinh động, được thúc đẩy và được hướng dẫn bởi cùng một mục đích. Một ít lời trích về những người Sa-lê-diêng từ giữa biết bao lời người ta có thể trích dẫn cũng đủ rồi.

Trong lời dẫn nhập cho bản nháp thứ nhất của Hiến luật, Don Bosco tuyên bố rằng nhóm tư giáo cộng sự đầu tiên đã cùng nhau liên kết và “hứa sẽ chỉ bận rộn với những điều mà Bề Trên của họ xét là để Thiên Chúa được vinh danh hơn và vì phần ích của linh hồn họ”[6]. Trong chương sau đó về mục đích của Tu hội, ngài lập lại: những người Sa-lê-diêng “quy tụ với nhau để làm nên một lòng một dạ hầu yêu mến và phục vụ Thiên Chúa”[7].

Hơn nữa, ngày 11 tháng Sáu 1860 trong lời xin đệ trình lên Tổng Giám Mục Tô-ri-nô phê chuẩn Hiến luật, ta đọc thấy: “Chúng con, những người ký tên dưới đây, được thúc đẩy chỉ bởi vì muốn phần rỗi đời đời của mình được đảm bảo, nên đã quy tụ lại với nhau để sống đời sống chung và như thế dễ dàng hơn để tâm đến những điều liên quan đến vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn”[8]. Rồi, ngày 12 tháng Giêng 1880, ngài viết cho Hồng y Ferrieri nói rằng mục tiêu của công cuộc Sa-lê-diêng vẫn là như nhau: “Con tin con có thể đảm bảo với Đức Hồng Y rằng các người Sa-lê-diêng không có mục tiêu nào khác hơn là làm việc để Thiên Chúa được vinh quang hơn, vì Hội thánh để trải rộng Tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô giữa những người Da Đỏ miền Pampas và ở Patagonia”[9].

Thực sự, Don Bosco đã bàn đến cùng một mục đích của Tu hội thánh Phan-xi-cô Sa-lê đang tăng trưởng, khi viết cho các Sa-lê-diêng trong một thư luân lưu, vào ngày 9 tháng Sáu 1867, hai năm trước khi Tu hội được phê chuẩn: “Mục đích đầu tiên của Tu hội là sự thánh hóa của các hội viên thuộc Tu hội […] Mọi người nên vào Tu hội vì được hướng dẫn chỉ bởi vì muốn phục vụ Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn, và vì thiện ích của chính mình mà thôi; mà sự thiện thực sự cho chính mình là sự thiện thiêng liêng và đời đời của họ, điều ấy quả thật hiển nhiên rồi”[10].

1.2. Tận cốt lõi của lối thiêng: Sự kết hiệp với Thiên Chúa

 Chỉ một điều cần, unum necessarium, ở tận cốt lõi trong đời sống nội tâm của Don Bosco, trong cuộc đối thoại của ngài với Thiên Chúa, trong công việc ngài như một vị tông đồ. Không thể hoài nghi, sự thánh thiện tỏa chiếu ra trong những công cuộc của Don Bosco; song cũng rất đúng, những công cuộc của ngài đơn giản là một sự diễn đạt đức tin của ngài. Không phải những công việc ngài thực hiện đã làm cho Don Bosco nên thánh như chính Thánh Phao-lô nhắc nhớ chúng ta: “Nếu tôi nói được mọi ngôn ngữ… nhưng không có lòng mến tôi chẳng là gì cả” (1 Cr 13); nhưng chính đức tin được đức ái thực tiễn sinh động (x. Gl 5:6b) mới làm cho ngài thành một vị thánh: anh em sẽ có thể nhận ra họ bằng hoa trái của họ (x. Mt 7:16.20).

Tất cả các Ki-tô hữu được mời gọi “kết hiệp với Thiên Chúa”, cách thực sự chứ không chỉ theo tâm lý. Kết hiệp với Thiên Chúa có nghĩa là sống cuộc đời của mình trong Thiên Chúa và trước nhan ngài: đó là chính sự sống thần linh vốn ở trong chúng ta, nhờ sự thông phần; nó là việc thực thi đức tin, đức cậy và đức mến mà những nhân đức thiên phú, những nhân đức luân lý, v.v. nhất thiết theo sau đó. Don Bosco ban cho toàn đời sống mình một nhiệt tình đối với Tin mừng, làm cho sự chuyển giao đức tin vào Thiên Chúa thành toàn bộ mục đích của đời mình, khi sống các nhân đức đối thần: với một đức tin vốn trở thành một gương sáng hấp dẫn giới trẻ, một niềm hy vọng được diễn đạt trong những lời vốn là một ánh sáng chói lọi cho họ, với một đức ái mà trở thành một diễn đạt  tình yêu dành cho những người bé nhỏ nhất và bị lãng quên.

Don Bosco luôn trung thành với sứ mệnh đức ái thực tiễn của mình: ở đâu một khoa thần nghiệm phi nhập thể (disincarnated) liều tách khỏi thực tại, thì [ở đó] đức tin buộc họ phải giữ cho đôi chân đứng vững trên mảnh đất nhân sinh hầu trung thành với những người thiếu thốn nhất; khi họ bị mệt nhọc vượt thắng hay bị cám dỗ bỏ cuộc, thì hy vọng nâng đỡ họ; khi dường như không có giải đáp thì cách thức mà Thánh Phao-lô tiến lên thúc đẩy họ: “Caritas Christi urget nos” “Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách chúng tôi” (1 Cr 5:14). Đức ái của Don Bosco không nản chí khi đối diện với những khó khăn: “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1 Cr 9:22). Không phải những đối kháng khiến ta sợ hãi trong lãnh vực giáo dục, nhưng là thiếu nỗ lực và rút lui (disengagement). 

Sống nhờ đức tin: có nghĩa là từ bỏ chính mình với niềm tin tưởng vui tươi vào Thiên Chúa, Đấng mặc khải chính mình nơi Đức Giê-su hầu có thể sống trong mọi hoàn cảnh theo một cách thức mang tính cứu độ: nói cách khác, đáp ứng mọi hoàn cảnh theo một cách thức đến nỗi cho phép Thiên Chúa tỏ lộ công trình cứu độ của Ngài nơi họ. Không một trạng huống nào tương ứng hoàn toàn với ý Chúa, nhưng trong từng trạng huống, một người có thể hành động để luôn thực thi ý Thiên Chúa.

Sống nhờ đức cậy: có nghĩa là làm tôi Thiên Chúa mỗi ngày hầu có thể chấp nhận tặng phẩm của Ngài khi nó đến; sống nhờ đức cậy có nghĩa là chờ đợi Thiên Chúa từng ngày; Ngài đến qua những tặng phẩm thụ tạo của Ngài: mỗi ngày đều có tặng phẩm của nó. Vì vậy, trong hết mọi hoàn cảnh – ngay cả thất bại: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8:39).

Sống nhờ đức ái: có nghĩa là mở ra thời khắc hiện tại cho tình yêu Thiên Chúa. Để có thể sống tinh thần hy sinh, ta cần phải thực hành liên lỷ; ta cần một bối cảnh có tính kích thích: chắc chắn, sứ mệnh Sa-lê-diêng đúng là thế đó.

Don Bosco sống tất cả điều này trong một tinh thần sùng mộ chân chính. Ngài không bỏ bất kỳ công thức nào đối với việc đạo đức, hay bất kỳ lòng sùng mộ đặc biệt nào của chính mình. Lối tiếp cận của ngài rất thực tế và thực tiễn. Chỉ là những kinh nguyện của một Ki-tô hữu tốt, dễ dàng và đơn giản, nhưng được kiên định thực thi. Điều Don Bosco muốn là các Sa-lê-diêng phải hiến toàn vẹn đời sống mình để cứu rỗi các linh hồn và thánh hóa công việc mình bằng cách hiến dâng nó cho Thiên Chúa; cầu nguyện phải chiếm chỗ của mình như việc nâng lòng trí lên Thiên Chúa, như lời khẩn xin và lương thực. Nói cách khác, “những việc đạo đức” có một cái gì thuộc vai trò tu đức. Những kết quả của điều này, ai nấy đều thấy tỏ tường, trong đời sống của Don Bosco.

Chúng ta hãy lắng nghe hai lời chứng sau. Đây là điều mà một cựu học sinh 45 tuổi, một binh sĩ và người huấn luyện quân lính từ Florence viết cho Don Bosco ở Tô-ri-nô:

“Don Bosco dấu yêu của con, dường như cha hoàn toàn đúng để ngao ngán vì con, nhưng cha cũng có thể chắc chắn rằng con yêu mến cha và sẽ luôn luôn yêu mến cha. Từ cha, con được mọi tự hào, và từ xa con thán phục mọi điều cha làm. Con không nói xấu cha cũng chẳng cho phép bất kỳ ai nói xấu cha. Con luôn bảo vệ cha. Nơi cha con thấy ra một ai đó quan tâm đến linh hồn con bằng mọi giá. Con thật bối rối, ngây ngất, xúc động do lối cha suy nghĩ; luôn vững vàng và cảm nhận sâu xa. Nó làm con bối rối; nó khiến con cảm thấy ngạc nhiên khi nghiệm rằng cha luôn yêu con quá đỗi. Đúng vậy, Don Bosco dấu yêu. Con tin vào sự hiệp thông của các thánh […] Không ai biết con hơn cha, không ai hiểu cõi lòng con hơn cha và có thể quyết định. Vì thế, con kết luận.: xin cha hãy khuyên nhủ và yêu mến con, hãy tha thứ cho con và phó thác con cho Thiên Chúa, cho Chúa Giê-su, cho Mẹ Maria rất thánh… Con chân thành hôn kính cha và thề rằng con yêu cha nhiều…”[11]

Lời chứng thứ hai là một trang rất cảm động được thánh Don Orione viết cho các tư giáo của mình năm 1934, năm Don Bosco được tuyên thánh: 

“Nay cha sẽ nói cho anh em lý do, động cơ, nguyên do mà vì đó Don Bosco đã trở nên thánh. Don Bosco nên thánh bởi vì ngài đã nuôi dưỡng sự sống thần linh của mình, bởi vì ngài nuôi dưỡng sự sống thần linh của chúng ta. Ở trường của ngài, cha học được rằng vị thánh này không làm đầy đầu óc chúng tôi bằng điều vớ vẩn hay bất kỳ cái gì như thế, song đúng hơn, ngài nuôi dưỡng chúng tôi bằng Thiên Chúa. Ngài nuôi dưỡng chính mình bằng Thiên Chúa, bằng tinh thần của Thiên Chúa. Như một người mẹ nuôi chính mình để rồi có thể nuôi đứa con của bà. Tương tự thế, Don Bosco nuôi mình bằng Thiên Chúa để cũng nuôi chúng tôi bằng Thiên Chúa. Vì lẽ này những kẻ biết vị thánh và được ơn đặc biệt là lớn lên gần bên ngài, lắng nghe lời ngài, ở gần ngài, một cách nào đó sống đời sống của vị thánh, rút lấy từ mối tương giao ấy một điều gì đó mà không thuộc về thế gian này, nghĩa là không thuộc về con người; một cái gì mà có thể nuôi dưỡng sự sống của ngài như một vị thánh. Rồi một lần nữa, ngài hướng mọi sự tới thiên đàng, mọi sự tới Thiên Chúa và rút ra từ mọi sự lý lẽ để nâng tâm hồn chúng tôi tới thiên đàng, xoay bước chúng tôi tới thiên đàng”.

1.3. Những Phương thế: Những giá trị vô hình được chuyển dịch thành những công việc hữu hình

 Ở tận tâm điểm lối thiêng của Don Bosco chỉ có Thiên Chúa mà thôi, Đấng phải được biết đến, yêu mến và phụng sự vì phần rỗi của con người, qua việc thực thi một ơn gọi cá nhân thật sự thực tiễn: tôn giáo và tông đồ – bác ái, giáo dục, mục vụ – cho giới trẻ cách riêng những em nghèo và bị bỏ rơi, vì ơn cứu độ toàn diện của chúng, theo gương Đức Giê-su Đấng cứu độ và ở trường học của Mẹ và Bà giáo Maria rất thánh. Danh từ ngài dùng nhiều nhất, chẳng hạn, nơi một trong những sưu tập các lá thư ngài viết là Thiên Chúa và động từ được dùng nhiều nhất sau động từ “làm việc” là ‘cầu nguyện’”, điều ấy quả có ý nghĩa lớn lao[12].

Nơi Don Bosco có một lối thiêng tích cực; ngài hướng chiều tới hoạt động, làm việc cật lực dưới ảnh hưởng của sự hiểu biết về nhu cầu cũng như ý thức về sứ mệnh từ trời cao. Chọn lựa làm việc cật lực mang đến một ý nghĩa đặc thù cho sự ly thoát, trong lãnh vực hoạt động tông đồ. Ở chỗ sự ly thoát theo thánh Anphong trên hết là một dự thế nội tâm nơi con người, thì nơi Don Bosco sự ly thoát đạt được ý nghĩa hơn trong bối cảnh của làm việc cật lực: sự ly thoát giúp chúng ta tận hiến mình cho những công việc được Thiên Chúa trao cho chúng ta thi hành.

Nơi Don Bosco ta tìm thấy một cảm nhận về giá trị tương đối của các sự vật, và đồng thời cần phải sử dụng chúng cho những mục đích mà ngài ao ước mãnh liệt. Ngài không ưa quá gắn chặt với bất kỳ một khung đặc thù nào của các sự vật; vì thế, [ngài ưa chuộng] một lối tiếp cận thực tiễn, mục vụ, thiêng liêng hơn là suy lý-thần học. Nơi ngài có sự độc đáo biệt loại này: nhờ lòng thương mến, sự hiền lành, niềm vui, khiêm nhường, lòng sùng mộ Thánh Thể và Đức Maria, tình yêu dành Thiên Chúa và tha nhân mà ta đạt đến ơn cứu độ.

Đối với người Ki-tô hữu lẫn người tu sĩ, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân thì đồng nhất. Đó là vấn đề sống sự thánh hiến cho Thiên Chúa và làm cho ngài được vinh quang hơn mãi trong sự tận hiến toàn vẹn để làm việc cho sự thiện của các linh hồn, linh hồn mình và linh hồn của những người khác. Cũng vậy, nó là sự hy sinh mà không giữ lại bất cứ điều gì cho chính mình, kết hiệp với anh chị em mình trong tình yêu vâng phục cũng như chia sẻ tình liên đới.

Với sự bén nhạy chân thật và nhiệt tình linh mục, Don Bosco dấn thân vào xã hội, làm chứng cho đức tin, khích lệ, không chút vị nể, trở nên can dự trực tiếp vào những lãnh vực mà đối với một số người dường như ngài thỏa hiệp phẩm giá linh mục. Ngài sống những giá trị bền vững của ơn gọi mình, nhưng ngài cũng biết làm thế nào để chuyển dịch chúng thành hoạt động xã hội, những thước đo thực tiễn mà không co rút vào những điều thiêng liêng, vào “những điều mộ đạo” (churchy), vào những vấn đề phụng vụ, được hiểu là bị cắt khỏi những vấn đề của thế giới và đời sống.

Nơi Don Bosco, Thần khí thật sinh động (linh hoạt). Ngài không phóng nhanh tới phía trước; ngài cũng chẳng chùn lại. Vững vàng trong ơn gọi, cuộc sống hằng ngày của ngài không bị đóng kín trên chính mình mà không có những chân trời; như thể tự vệ trong một vỏ sò, như thể từ chối đối diện với thực tại trong tất cả chiều rộng và sự khác biệt; trong một thế giới bị giới hạn vào một ít nhu cầu phải được thỏa mãn; ở đấy hầu như lặp lại cách máy móc những thái độ truyền thống; như một sự khước từ đối diện với những căng thẳng, những hy sinh đòi hỏi khắt khe, mạo hiểm và phấn đấu mà không có sự thành công tức thời.  

Về phương diện này, một trích dẫn từ 120 năm trước có tầm quan trọng; ngày nay ta có thể xem xét trích dẫn này, dẫu nó không phải là những diễn đạt đặc thù đối với một số người. Nó là một lời chứng “từ bên ngoài” về Don Bosco. Nó cống hiến cho chúng ta một lời giải thích, mà những người khác vốn có lẽ cũng được khởi hứng bởi những người Sa-lê-diêng mang đến cho công cuộc của ngài. Đó chính là lời chứng của Hồng y Tổng Đại Diện của Roma, Lucido Maria Parocchi đã viết như sau vào năm 1884:

  “Một cách xác đáng đâu là nét loại biệt của Tu hội Sa-lê-diêng? Tôi muốn nói cho anh em dấu đặc trưng của Tu hội anh em là gì, điều gì vốn làm nên đặc tính của anh em, giống như những người Tu sĩ Phan Sinh nổi bật lên vì sự nghèo khó, các tu sĩ Đaminh nổi bất lên vì sự bảo vệ đức tin, các tu sĩ dòng Tên nổi bật lên vì văn hóa. Anh em có những nét tương tự với những nét của Tu sĩ Phan sinh, Đaminh và dòng Tên, nhưng chúng được phân biệt do cách thức và mục đích của chúng… Vì vậy đâu là điều đặc biệt trong Tu hội Sa-lê-diêng? Cái gì tạo nên đặc tính và diện mạo của Tu hội này? Nếu tôi hiểu đúng và trừ phi tôi quá sai lầm, điều tạo nên đặc tính loại biệt của Tu hội này, cung điệu cốt yếu và dung nhan đặc thù của nó, là đức ái được thực thi theo những nhu cầu của thế giới ngày nay, “nos credidimus charitati. Deus caritas est”

Chỉ những việc bác ái mới có thể thu hút và lôi kéo thế giới ngày nay tới sự thiện mà thôi. Ngày nay thế giới không có giờ cho bất kỳ điều gì ngoài vật chất; nó chẳng muốn biết gì đến những điều thiêng liêng. Nó làm ngơ với vẻ đẹp của đức tin; nó đâu biết gì về sự vĩ đại của tôn giáo, nó chống lại bất kỳ niềm hy vọng nào vào sự sống tương lai, nó chối bỏ chính Thiên Chúa. Thế giới này hiểu đức ái chỉ như một phương thế chứ không phải như mục đích và nguyên lý. Nó biết cách phân tích nhân đức này, nhưng lại không biết làm cách nào để tạo nên một tổng hợp về nó. Như Thánh Phao-lô nói: con người xác thịt không nhận biết những sự thần linh của Thiên Chúa. Animalis homo non percipit quae sunt spiritus Dei. Nếu anh em nói cho con người của thế giới này: “cứu những linh hồn hư mất quả là cần thiết; nhất thiết phải dạy cho những người không biết những nguyên lý của tôn giáo, và làm phúc bố thí vì tình yêu dành cho vị Thiên Chúa đó là Đấng mai ngày sẽ ban thưởng cho những người quảng đại”, thì con người của thế giới này sẽ không hiểu đâu.

 Vì thế nhất thiết phải thích ứng chính mình đối với thế giới này vốn lẩn trốn rất nhanh. Thiên Chúa làm cho các dân ngoại biết chính Ngài qua luật tự nhiên; nhờ Thánh kinh, Ngài làm cho dân Do Thái nhận biết Ngài; còn với những người ly giáo Hy Lạp, Ngài làm cho mình được biết đến nhờ những truyền thống lớn của các Giáo phụ; những người Tin lành nhận biết Ngài nhờ Tin mừng. Ngày nay, Ngài làm cho thế giới nhận biết mình qua đức ái. Anh em hãy nói cho thế giới: “Tôi đưa những thiếu niên xa khỏi đường phố để chúng không nằm chết dưới xe điện ngầm, để chúng không rơi xuống vực sâu; tôi đem chúng vào trong một lưu xá để chúng không phí phạm những năm tháng tốt nhất của mình trong nết xấu và nhậu nhẹt; tôi dẫn chúng vào các trường học để giáo dục hầu chúng không trở nên miếng mồi béo bở cho xã hội, không kết tận trong lao tù; tôi gọi chúng đến với tôi và chăm sóc cho chúng để chúng không lườm nguýt lẫn nhau”. Rồi, con người của thế giới này hiểu và bắt đầu tin[13].

Liên quan đến những công cuộc của mình, chúng ta phải ghi nhớ rằng nếu thế giới trần tục trân trọng những dịch vụ (phục vụ) xã hội của chúng ta, nó thường làm thế bởi vì cách thức chúng ta trở nên mau chóng can dự và hành động ngay, bởi vì tính hữu dụng thực tiễn của sự phục vụ được cung cấp, vì hầu hết thế giới ấy trần tục hóa yếu tố đạo giáo trong đó họ chỉ thấy sự nhân đạo chứ không phải tình yêu và sự khởi hứng của Tin mừng. Đôi khi người ta coi các công cuộc của chúng ta như thể chúng tương tự với những cơ sở [thương mại] kiếm lời hay có lẽ những cơ sở [thương mại] danh tiếng khi những dịch vụ xã hội của Nhà Nước đang thiếu. Ngay cả các tín hữu thường hoài nghi về những giá trị tôn giáo trong những công cuộc của chúng ta, ngay cả khi nó giúp họ và phục vụ cho họ; họ khen ngợi những người điều hành chúng, chứ không được khởi hứng bởi kinh nghiệm tôn giáo của Tu hội. Một cách quá dễ dàng họ ít tin tưởng vào sự thích đáng và tính thích ứng của các công cuộc chúng ta. Đó là điều làm chúng ta suy nghĩ – và suy nghĩ nhiều!

1.4. Mục tiêu: Sự thánh thiện

Don Bosco thừa kế thuyết nhân bản tôn giáo của thánh Phan-xi-cô Sa-lê vốn đề xướng cho hết mọi tầng lớp dân chúng con đường thánh thiện. Tuy nhiên, khía cạnh được Don Bosco nhấn mạnh là sự thánh thiện chung cho mọi người, mỗi người theo bậc sống của mình. Ngài không nghĩ dưới diện những mức độ thánh thiện, không muốn phân tích theo cách này. Ngài dùng những sơ đồ kinh viện được lấy từ khoa lối thiêng Công giáo của thời đại ngài. Thần học của ngài mang đặc tính quy về Đức Ki-tô và Thánh thể, có tính chất thánh mẫu, được nuôi dưỡng bằng sự thực hành một vài nhân đức, cách riêng đức vâng phục. Sự thánh thiện không loại bỏ niềm vui, sự hân hoan, nó không đòi hỏi ăn năn phạt xác nhưng đòi hỏi sự cam kết, đến từ một đời sống ân sủng trong việc thực thi những bổn phận của mình.

Don Bosco ưa thích hạn từ sự thánh thiện hơn là hạn từ cổ điển “sự sùng mộ” (devotion) được dùng để chỉ tình trạng của tình yêu vốn làm chúng ta mau mắn và yêu mến hành động vì Thiên Chúa. Sự thánh thiện chỉ tình trạng của một người sống trong tình trạng ân sủng thường hằng bởi vì qua nỗ lực cá nhân và sự trợ giúp của Thần khí, họ đã thành công tránh xa những tội thông thường song rất chung ở giới trẻ: bạn bè xấu, nói chuyện bù khú, không trong sạch, làm gương xấu, ăn cắp, vô độ, kiêu hãnh, vị nể, xao nhãng bổn phận tôn giáo…

Theo thánh Phan-xi-cô Sa-lê và trước Công đồng Vatican II, Don Bosco dạy chúng ta rằng mọi người đều có thể đạt tới sự thánh thiện; mọi  người được ban đầy đủ ân sủng để đạt được sự thánh thiện; sự thánh thiện tùy thuộc nhiều ở sự cộng tác của một người với ân sủng. Chắc chắn, nhiều chướng ngại khác nhau làm cho sự thánh thiện nên khó khăn, nhưng không phải là không thể được: những bất toàn, khuyết điểm, đam mê, ma quỷ, tội lỗi. Sự thánh thiện không phải là không thể được, căn cứ vào nhiều phương thế sẵn cho ta sử dụng tùy ý: những nhân đức đối thần, những ân điển Thánh Thần, những nhân đức luân lý thiên phú và được thủ đắc, những thực hành tu đức…  

Lối thiêng của chúng ta có nguy cơ bị phá ngang, bởi vì thời đại đã thay đổi và bởi vì đôi khi chúng ta sống hời hợt. Để thực sự làm cho lối thiêng nên sinh động, chúng ta cần bắt đầu lại từ Don Bosco, từ kinh nghiệm thiêng liêng của ngài và từ hệ thống dự phòng của ngài. Giáo sĩ trong thời của Don Bosco nhìn thấy điều đang xảy ra không tốt đẹp; giới trẻ không muốn trở thành tu sĩ, nhưng Don Bosco đã thu hút họ. Như Đức Phao-lô VI đã viết những người trẻ cần “những chứng nhân”. Điều người ta cần là “những người thần thiêng”, những con người đức tin, nhạy cảm trước những điều của Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận sự vâng phục mang tính sùng mộ khi tìm kiếm điều gì là tốt nhất. Không phải điều mới lạ, song là chân lý, mới giải phóng chúng ta; chân lý chẳng thể là điều gì hợp thời trang, là sự hời hợt, là sự ngẫu hứng (improvisation): “veritas liberavit vos”.

  1. Lõi tủy và bản tổng hợp của lối thiêng Sa-lê-diêng: Đức ái mục tử

 Trước kia chúng ta đã thấy Don Bosco là “loại” người thần thiêng như thế nào: là người cách thâm sâu đồng thời hoàn toàn rộng mở cho Thiên Chúa; trong sự hài hòa giữa hai chiều kích này, ngài sống một kế hoạch đời sống mà ngài đã nhất tâm đảm nhận: phục vụ giới trẻ. Như Don Rua nói: “ngài không đi một bước, nói một lời, không đảm trách một trách vụ nào mà không nhằm cứu rỗi giới trẻ”[14]. Nếu khảo sát kế hoạch của ngài cho những người trẻ, người ta thấy rằng nó có một “lõi tủy” (một trái tim), một yếu tố tạo nên cho nó ý nghĩa, tính độc đáo: “Thật sự lòng ngài chỉ quan tâm đến các linh hồn”[15].

Vì thế có một lời giải thích thực tiễn nữa về sự duy nhất của đời sống ngài: qua sự tận hiến cho giới trẻ, Don Bosco muốn cống hiến cho chúng một kinh nghiệm về Thiên Chúa. Về phần ngài đây không chỉ là một sự quảng đại hay nhân đạo (philanthropy) nhưng là đức ái mục tử. Đây được gọi là “lõi tủy và bản tổng hợp” của tinh thần Sa-lê-diêng[16].

“Lõi tủy và bản tổng hợp”, đó là lời xác quyết mạnh mẽ và đòi hỏi. Liệt kê những nét khác nhau, thậm chí những nét cơ bản của lối thiêng chúng ta, mà không làm cho chúng ta cam kết vào bất kỳ loại tương quan có tính phẩm trật nào, vốn sẽ chọn một tương quan nào đó là tương quan chính yếu, [điều ấy] quả là dễ dàng hơn. Trong trường hợp này, nhất thiết phải đi vào trong tinh thần của Don Bosco hay của người Sa-lê-diêng để khám phá lời cắt nghĩa cho cách thức họ thực thi các sự việc.

Để hiểu điều được can dự vào đức ái mục tử, chúng ta theo ba bước: Trước hết chúng ta nhìn vào đức ái, rồi nhìn vào sự biệt loại “mục vụ” của nó, và sau cùng nhìn vào những đặc trưng ‘Sa-lê-diêng’ của đức ái mục tử.

 2.1. Đức ái

 Một trong những câu nói của thánh Phan-xi-cô Sa-lê như sau: “Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ; tinh thần là sự hoàn thiện của con người; tình yêu là sự hoàn thiện của tinh thần; và đức ái là sự hoàn thiện của tình yêu”[17].Đây là một lối tiếp cận phổ quát vốn đặt bốn dạng thái hiện hữu theo một cán cân đi lên: sự vật, con người, tình yêu như một  hình thức hiện hữu cao cả hơn bất kỳ những diện đạt nào khác, và rồi đức ái như diễn đạt cao nhất của tình yêu.

Tình yêu biểu thị đỉnh cao, điểm tột cùng trong tiến trình chín muồi của bất kỳ một người Ki-tô hữu hay không phải Ki-tô hữu nào. Tiến trình giáo dục khởi sự để dẫn một người có thể hiến ban chính mình, tới một tình yêu quảng đại vô vị lợi.

Chính những nhà tâm lý, chứ không chỉ Đức Giê-su Ki-tô, nói rằng một cá nhân phát triển, mãn nguyện và hạnh phúc cách sung mãn mới có thể quảng đại và có thể điều hành để sống một tình yêu mà không phải chỉ là dục mà thôi (concupiscence), nói cách khác, vì sự thỏa mãn của cá nhân là được yêu mến. Những hình thức khác nhau của chứng loạn thần kinh và những bất trật tự nhân cách nảy sinh từ việc tập trung vào chính mình; thế mà, tất cả những xử lý thông thường lại nhắm tới việc mở rộng con người và giúp họ tập trung vào những người khác. 

Vậy đức ái là đề xuất chính yếu trong mọi lối thiêng: nó không chỉ là giới răn đầu tiên và chính yếu, và như vậy là chương trình chính yếu cho hành trình thiêng liêng; đức ái còn là nguồn sức mạnh để tiến bộ. Về điều này, có những suy tư phong phú, cách riêng nơi thánh Phao-lô (2 Cr 12:13-14) và thánh Gioan (1 Ga 4:7-21). Chúng ta hãy chỉ lấy một vài điểm chính.

Việc thức tỉnh đức ái trong chúng ta là một mầu nhiệm và ân sủng; nó không phải là một sáng kiến nhân loại, nhưng là một sự thông phần vào sự sống Thiên Chúa và là hiệu quả của sự hiện diện của Thần khí. Chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa nếu chính Ngài không yêu mến chúng ta trước, làm chúng ta cảm nhận Ngài và cho chúng ta được nếm cảm và thông thái để đáp lời Ngài. Thậm chí chúng ta không thể yêu mến người lân cận và nhìn thấy nơi họ một hình ảnh của Thiên Chúa mà không có một kinh nghiệm cá nhân về tình yêu Thiên Chúa. 

“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5:5). Đàng khác ngay cả tình yêu nhân loại, ta chẳng thể lý giải cách hợp lý, vì vậy người ta nói tình yêu là mù quáng. Không ai có thể nói chính xác tại sao một người lại phải lòng một người khác. 

Từ bản tính, đức ái là thông phần vào sự sống thần linh và là một sự hiệp thông huyền nhiệm với Thiên Chúa, đức ái tạo nên nơi chúng ta một khả năng khám phá và tri nhận Thiên Chúa: Tôn giáo mà không có đức ái làm chúng ta tách xa Thiên Chúa. Tình yêu chân chính, ngay cả tình yêu nhân loại, đưa những kẻ còn đang xa cách hướng tới đức tin và một khung cảnh tôn giáo. Dụ ngôn người Samari nhân hậu nêu bật mối liên hệ giữa tôn giáo và đức ái vì lợi ích của tôn giáo.

 Thánh Gioan trong thư thư nhất của ngài tóm tắt điều này khi viết: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:7-8). Nơi thánh Gioan, từ ngữ “biết” có nghĩa là “kinh nghiệm”, hơn là có những ý tưởng chính xác: bất cứ ai yêu mến thì kinh nghiệm Thiên Chúa.

Vì đức ái là một tặng phẩm vốn cho phép chúng ta biết Thiên Chúa bằng kinh nghiệm, nên đức ái cũng có thể làm cho chúng ta vui hưởng Ngài trong sự hưởng kiến: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1 Cr 13:12).

Vì thế đức ái không chỉ là một nhân đức đặc biệt nhưng là hình thức (mô thức) và bản thể của tất cả các nhân đức; điều đó tạo nên và dựng xây một ngôi vị: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, … Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, … Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13:1-3).

Vì lẽ này, đức ái và những hoa quả của nó là các sự việc luôn tồn tại, không hư hoại theo thời gian: “Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư ? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng ? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư ? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi” (1 Cr 13:8-10). Điều này áp dụng không chỉ cho đời sống mà cho lịch sử chúng ta. Điều gì được xây trên tình yêu luôn tồn tại và xây dựng chúng ta, cộng thể chúng ta, xã hội chúng ta. Đang khi đó điều gì dựa trên và xây trên thù ghét và ích kỷ, sẽ hủy diệt chính mình.

Vì thế, đức ái là lớn nhất và cội rễ của tất cả các đặc sủng, qua đó Giáo hội được xây dựng và hoạt động. Chính sau khi đã giải thích mục đích và vai trò của những đặc sủng khác nhau, Thánh Phao-lô giới thiệu diễn từ của mình về đức ái bằng những lời sau đây: “Anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.” (1 Cr 12:31).

Đây là đặc sủng chính yếu, ngay cả khi nó được diễn đạt trong những điều thường nhật, không có gì ngoại thường hay phô trương: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13:4-6).

Đối với Don Bosco và mẹ Mazzarello, cũng như đối với tất cả các thánh, đức ái là cốt tủy. Đó là sức mạnh liên lỷ hướng dẫn đời sống họ. Nói điều này và nói như thế quả là đúng. Rất thông thường mọi thành viên của Gia đình Sa-lê-diêng đều kinh nghiệm điều này và khám phá tầm quan trọng của đức ái trong một phong trào Giáo hội sau khi đã sống nhiều năm lối thiêng của đoàn sủng Sa-lê-diêng chúng ta. Dường như là trước đó họ chưa từng bao giờ nghe một ai nói về điều ấy cách hiệu quả hay có thể sống cuộc đời cách mãnh liệt.

Trong giấc mơ 10 viên ngọc, vốn là một dụ ngôn về tinh thần Sa-lê-diêng, đức ái được đặt ở phía trước và trên chính trái tim của nhân vật huyền bí: “Ba trong những viên ngọc ấy người đó mang trên ngực… viên ngọc thứ ba ở trên trái tim của người đó mang chữ ĐỨC ÁI”[18].Trong giấc mơ này điều được đặt ở phía trước là phần cơ bản của tinh thần chúng ta.

Hơn nữa, đức ái được những đấng sáng lập chúng ta khuyên nhủ theo nhiều cách khác nhau: như nền tảng của đời sống chúng ta trong cộng thể, như một nguyên lý sư phạm, như nguồn mạch của lòng đạo đức, như điều kiện để cá nhân được quân bình và hạnh phúc, như sự thực thành các nhân đức đặc thù như tình bạn, lối cư xử nhã nhặn, hy sinh những lợi ích riêng tư…

Học cách thức để yêu mến là mục đích của đời thánh hiến, vốn không là gì khác hơn “một lối sống bắt đầu từ tình yêu và dẫn tới tình yêu”[19].Sự nối kết các việc thực hành với kỷ luật, những chuẩn mực và lời dạy thiêng liêng là nhắm để đạt được một mục tiêu duy nhất: làm chúng ta có thể tiếp đón người khác và đặt mình phục vụ họ cách quảng đại.

 2.2. Đức ái Mục tử

 Đức ái có nhiều diễn đạt: Tình mẫu tử, tình vợ chồng, những việc bác ái, sự cảm thông, lòng thương xót, tình yêu đối với kẻ thù, sự tha thứ. Trong lịch sử của sự thánh thiện, những diễn đạt như thế bao trùm tất cả những lãnh vực của đời sống nhân loại. Chúng ta là các Sa-lê-diêng (SDB) và Con Đức Mẹ Phù hộ (FMA) cũng như nói chung tất cả các nhóm của Gia Đình Sa-lê-diêng, muốn nói đến một Đức ái “Mục tử”.

Diễn đạt này xuất hiện nhiều lần trong Hiến luật hay Điều Lệ của những nhóm khác nhau, trong các văn kiện và cuộc nói chuyện. Ý nghĩa của đức ái mục tử được giải thích rất rõ trong Vatican II. Khi quy chiếu tới những người hiến mình cho việc giáo dục đức tin, Công Đồng viết: “Với ơn sủng bí tích, họ được ban ơn để có thể thực thi vai trò hoàn hảo của đức ái mục tử qua cầu nguyện, hy sinh và rao giảng… Thiên Chúa làm cho họ có thể không sợ hãi thí hiến mạng sống mình vì đàn chiên và nên một khuôn mẫu cho đàn chiên; điều ấy có thể dẫn Giáo hội tới sự thánh thiện ngày càng gia tăng qua gương sáng của chính họ”[20].

Từ ngữ “mục tử” chỉ ra một hình thức loại biệt của đức ái: nó lập tức gợi nhớ đến Chúa Giê-su vị Mục Tử Nhân Lành[21].Tuy nhiên, không chỉ gợi nhớ lối hành động của Người: sự hiền dịu, tìm kiếm chiên lạc mất, đối thoại, tha thứ; song còn và trên hết gợi nhắc bản chất của tác vụ Người: mặc khải Thiên Chúa cho mọi người nam nữ. Quả là hiển nhiên hơn nữa, hình thức đức ái này khác biệt biết bao với những hình thức khác mà tiêu điểm ưa chuộng của chúng là nhắm vào cả những nhu cầu đặc thù của dân chúng: sức khỏe, đồ ăn, việc làm.

Yếu tố tiêu biểu của đức ái mục tử là công bố Tin mừng, giáo dục đức tin, đào luyện cộng đoàn Ki-tô hữu, mang men Tin mừng vào trong hoàn cảnh. Vì thế, điều này đòi hỏi phải hoàn toàn sẵn sàng, hết lòng cho phần rỗi của nhân loại, như Chúa Giê-su đã tỏ lộ: mọi người nam nữ và từng người, ngay cả chỉ một người mà thôi. Don Bosco, và Gia đình Sa-lê-diêng chúng ta đi theo bước chân ngài, diễn đạt đức ái này với câu nói: Da mihi animas, cetera tolle. 

Những Tu hội lớn và những trào lưu linh đạo lớn tóm tắt cốt lõi của đoàn sủng của mình trong một câu ngắn: Tu sĩ dòng Tên nói “Để Thiên Chúa được vinh quang hơn”; lời cầu chúc của các tu sĩ Phan sinh: “Bình an và tốt lành”; chương trình của các tu sĩ Biển đức là “Cầu nguyện và làm việc”; chuẩn mực của tu sĩ Đa-minh: “chiêm niệm và chuyển giao cho người khác những điều được chiêm niệm.” Từ những ngày sơ khai, các chứng nhân và những suy tư tiếp theo của Tu hội đã dẫn tới xác tín rằng diễn đạt tóm kết lối thiêng Sa-lê-diêng chính là “Da mihi animas, cetera tolle”.

Chắc chắn lối diễn đạt ấy thường được tìm thấy nơi miệng lưỡi của Don Bosco và đã ảnh hưởng đến thái độ thiêng liêng của ngài. Đó chính là câu nói đã gây ấn tượng mạnh cho Đa-minh Sa-vi-ô trong văn phòng của Don Bosco, lúc đó vẫn còn là một linh mục trẻ (34 tuổi); nó thúc đẩy cậu đưa ra một lời bình giải mà ngày nay vẫn còn nổi tiếng: “Con hiểu rồi; ở đây cha không buôn bán bằng tiền nhưng bằng các linh hồn. Con hy vọng linh hồn con cũng có phần trong cuộc buôn bán này”[22]. Vì vậy đối với cậu thiếu niên này, rõ ràng Don Bosco cống hiến cho cậu không chỉ một nền giáo dục và một mái nhà nhưng trên hết cơ hội để tăng trưởng thiêng liêng.

Lối diễn đạt ấy đã được áp dụng trong Phụng vụ: “Xin khơi lên cho chúng con cùng một đức ái tông đồ ấy để tìm kiếm phần rỗi của người lân cận và phụng sự Chúa là sự thiện duy nhất và độc nhất”[23]. Và điều này hoàn toàn đúng, căn cứ vào điều Don Bosco đã có ý hướng này trong tâm trí khi thành lập các Tu hội của mình: “Mục đích của Tu hội này xét như liên quan đến các hội viên của nó là không gì khác hơn một lời mời gọi quy tụ với nhau được thúc đẩy bởi một câu nói của thánh Augustinô: “Điều thần linh nhất trong các điều thần linh là làm việc cho sự thiện ích của các linh hồn” [“divinorum divinissimum est in lucrum animarum operare”][24].

2.3. Đức ái mục tử Sa-lê-diêng

Trong lịch sử Sa-lê-diêng, chúng ta đọc thấy: “Vào tối ngày 26 tháng Giêng 1854, chúng tôi tụ họp trong phòng của Don Bosco; ngài đã đề xướng rằng với sự trợ giúp của Thiên Chúa và thánh Phan-xi-cô Sa-lê, chúng tôi trước hết thử luyện chính mình bằng cách thực hiện những việc bác ái đối với người lân cận… Từ tối đó trở đi, những người đã đồng ý – hay sẽ đồng ý sau này – với điều này được gọi là Sa-lê-diêng”[25].

Sau Don Bosco, từng Bề Trên Cả, như những chứng nhân có thẩm quyền, đã tái xác quyết cùng một niềm xác tín. Tất cả các ngài đã quan tâm lập lại nó với một sự nhất trí không chút hoài nghi, sự kiện ấy quả là thú vị.

Tại tiến trình phong chân phước và tuyên thánh cho Don Bosco, cha Micae Rua xác quyết: “Ngài để cho những người khác thu tích giàu sang… chạy theo danh vọng; Don Bosco thật sự không có gì nơi tâm hồn ngoài các linh hồn: bằng việc làm chứ không chỉ lời nói, ngài thốt lên: Da mihi animas, cetera tolle”.

Trải qua nhiều năm với Don Bosco, Cha Phao-lô Albera biết ngài rất rõ đã tuyên bố: “Động lực của toàn cuộc sống ngài là làm việc cho các linh hồn; ngài đã hoàn toàn hiến mình cho công việc đó… Người ta có thể nói cứu rỗi các linh hồn là lẽ sống duy nhất của ngài mà thôi”[26].

Thậm chí còn gây ấn tượng mạnh hơn cũng bởi vì châm ngôn đó nêu bật những động cơ sâu xa nhất của Don Bosco. Cha Philip Rinaldi nhìn thấy trong châm ngôn “Da mihi animas” cái bí quyết của tình yêu ngài, sức mạnh và nhiệt nồng cho đức ái của ngài.

Đối với sự hiểu biết đương thời, sau khi suy nghĩ lại đời sống Sa-lê-diêng theo ánh sáng của Công đồng, như Bề Trên Cả, cha Egidio Viganò tuyên bố: “Tôi xác tín rằng không có diễn đạt ngắn gọn nào tóm tắt tốt hơn tinh thần Sa-lê-diêng cho bằng diễn đạt được chính Don Bosco chọn: Da mihi animas, cetera tolle. Nó chỉ ra một sự kết hiệp nồng nhiệt với Thiên Chúa vốn làm chúng ta có thể thấm nhập mầu nhiệm sự sống Ba ngôi của Thiên Chúa được tỏ lộ trong lịch sử nơi sứ mệnh của Con và Thần khí như Tình Yêu vô tận nhằm cứu độ con người, “ad hominum salutem intentus”[27].

Diễn đạt này hay châm ngôn này từ đâu mà đến? Và nó có ý nghĩa chính xác nào ngày hôm nay? Cha nói “hôm nay” bởi vì ngày nay từ ngữ ‘linh hồn’ không có cùng ý nghĩa hay không mang cùng một ý tưởng như nó đã có trong những thế hệ trước.

Châm ngôn này của Don Bosco được tìm thấy trong Sáng Thế, chương 14 câu 21. Bốn vua liên kết thành đồng minh và tuyên chiến với năm vị vua khác, trong đó có vua của Xô-đôm. Khi thành phố ấy bị cướp bóc, ông Lót,  cháu của Abram và gia đình của ông, bị bắt làm tù nhân. Áp-ram được báo tin này và sau khi những người của ông đã được vũ trang, ông khởi hành với bộ lạc của mình. Ông đánh bại những người xâm lăng, giành lại được của cải và giải cứu được tù binh. Lúc đó, với niềm biết ơn, chính vua Xô-đôm nói cho ông: “Hãy cho tôi người, còn mọi sự khác thuộc về ông.” Sự hiện diện của Melchisedek, một vị tư tế mà nguồn gốc của ông, ta không biết, mang lại một ý nghĩa đặc thù có tính tôn giáo và thiên sai cho câu truyện, cách riêng do phúc lành ông mang đến cho Áp-ram: Vì thế, một tình huống chỉ có nghĩa “thiêng liêng” mà thôi. Tuy nhiên, nơi lời thỉnh cầu của vua thành Xô-đôm đó, có một sự phân biệt rõ ràng giữa “con người” (dân chúng) và “những gì còn lại”, những sự vật. 

Don Bosco mang đến cho diễn đạt này một giải thích cá nhân theo khóe nhìn tôn giáo-văn hóa của thế kỷ trước. “Linh hồn” chỉ ra phẩm chất thiêng liêng của một người, cái cốt lõi của sự tự do và lý lẽ cho phẩm giá cá nhân của họ; nơi đó họ rất rộng mở cho Thiên Chúa. Khi Don Bosco cho bản văn Thánh kinh ấy một lời giải thích được thích nghi, có tính ẩn dụ, cầu nguyện và phụng vụ, thì diễn đạt từ St 14:21 mang lấy những đặc tính đặc thù: linh hồn, animas, là những con người nam nữ của thời đại ngài, họ là những thiếu niên thực sự mà ngài giao tiếp; những sự khác cứ lấy đi, cetera tolle, có nghĩa là sự ly thoát khỏi sự vật và thụ tạo, một sự ly thoát mà nơi ngài chắc chắn không tương đương với sự hủy mình của bản ngã, sự hủy mình trong Thiên Chúa, chẳng hạn, như những thần học chiêm niệm hay những nhà thần nghiệm hiểu nó. Đối với ngài, ly thoát là một tình trạng tâm trí vốn cần thiết để có được sự tự do tuyệt đối nhất và sự sẵn sàng trước những đòi hỏi của chính việc tông đồ.

Những liên kết giữa hai ý nghĩa này, ý nghĩa của Thánh kinh và ý nghĩa được Don Bosco gán vào, trong chính văn hóa của chúng ta, chỉ ra những chọn lựa rất thực tiễn.

Trước hết đức ái mục tử xét đến từng cá nhân, và quan tâm đến toàn nhân vị; đầu tiên và trên hết nó quan tâm đến việc phát triển tiềm năng của toàn nhân vị. Cho “đồ vật” (những điều khác) thì đến sau; cung cấp một dịch vụ (phục vụ) nào đó là nhắm phát triển lương tâm và cảm thức về chính phẩm giá nhân vị của người đó.

Hơn nữa, một đức ái mà trên hết xét đến con người thì được hướng dẫn bởi một “tầm nhìn” (vision) về ngôi vị đó: là người không có nghĩa là chỉ sống nhờ cơm bánh mà thôi: họ có những nhu cầu tức thời nhưng cũng có những khát vọng vô biên. Họ cần các sự vật vật chất, nhưng cũng muốn những giá trị thiêng liêng. Theo diễn đạt của thánh Augustinô, “Được Thiên Chúa tạo dựng, họ khát mong về Ngài”. Vì thế, ơn cứu độ mà đức ái mục tử tìm kiếm và cống hiến là điều thật sung mãn và dứt khoát. Mọi sự khác được sắp đặt trong mối tương quan với điều đó: các việc bác ái dẫn tới giáo dục; giáo dục dẫn tới khai tâm tôn giáo; khai tâm tôn giáo dẫn tới đời sống ân sủng và hiệp thông với Thiên Chúa.

Nói cách khác, ta có thể nói rằng trong giáo dục hay sự phát triển chúng ta dành địa vị hàng đầu cho chiều kích tôn giáo: không phải vì sự tòng giáo (proselytism), nhưng bởi vì chúng ta thâm tín rằng tôn giáo là nguồn lực sâu xa nhất để phát triển nhân vị. Trong một thời đại duy tục, lối tiếp cận này không dễ thực hiện.

Câu nói “Da mihi animas” cũng chỉ tới hình thức phương pháp nào đó: trong đào luyện hay tái sinh một cá nhân, nhất thiết phải thức tỉnh lại những năng lực thiêng liêng của họ, lương tâm và sự rộng mở của họ trước Thiên Chúa, những tư tưởng về định mệnh vĩnh cửu. Khoa sư phạm của Don  Bosco là một khoa sư phạm của tâm hồn, của siêu nhiên. Một khi điều này được hiện thực, công cuộc giáo dục thật sự mới có thể bắt đầu. Điều còn lại thật sự là bối cảnh hay công việc chuẩn bị.

Don Bosco nói rõ điều này trong cuốn tiểu sử về chàng trai Mi-ca-en Ma-gôn của ngài. Thiếu niên này rời bỏ đường phố đi vào Nguyện xá. Cậu hạnh phúc, và từ một quan điểm nhân loại, là một đứa trẻ tốt: cậu thật tự phát và chân thành, cậu chơi, học hành và kết bạn. Chỉ có thiếu một điều: sự hiểu biết của cậu về đời sống ân sủng, về mối tương giao với Thiên Chúa và làm thế nào để đạt được nó. Từ một quan điểm tôn giáo, cậu dốt nát hoặc lơ đễnh. Cậu bật khóc khi cậu so sánh mình với các bạn và nhận biết rằng đấy là điều cậu thiếu. Đoạn Don Bosco nói chuyện với cậu. Từ thời khắc đó hành trình giáo dục được miêu tả trong tiểu sử đó bắt đầu: sự hiểu biết và thừa nhận chiều kích tôn giáo-Ki-tô hữu của mình. 

Vì thế, có một tiến trình tu đức đối với một người được đức ái mục tử thúc đẩy: “cetera tolle”, “bỏ mọi sự khác lại đằng sau”. Người ta phải bỏ nhiều điều để giữ lấy mục tiêu chính; nhiều điều có thể được trao phó cho những người khác, và nhiều hoạt động có thể bị bỏ qua một bên để có giờ và sẵn sàng để khai mở các thiếu niên cho Thiên Chúa. Điều này không chỉ ở trong đời sống cá nhân của ta, song cũng ở trong chính những chương trình và công việc tông đồ.

“Bất cứ ai khảo sát đời sống của Don  Bosco, đi theo những tiến trình tư tưởng của ngài và nghiên cứu những kết quả đều tìm được một lòng mẹ (matrix): Ơn cứu độ trong Giáo hội Công giáo, kho chứa duy nhất những phương thế của ơn cứu độ. Ngài cảm nhận thách đố của những thiếu niên bị bỏ rơi, nghèo khổ, vô mục tiêu đánh thức ngài nhìn nhận cái nhu cầu khẩn cấp của giáo dục để làm cho những thiếu niên này có thể đảm nhận chỗ đứng thích hợp của chúng trong thế giới và Giáo hội qua những phương pháp dùng đến sự hiền dịu và lòng yêu mến. Tuy nhiên với một sự căng thẳng vốn có nguồn gốc nơi ước muốn của ngài đối với ơn cứu rỗi vĩnh cửu của giới trẻ”[28]

2.4. Bước tiến cho đến nay

Như một tóm lược, chúng ta có thể lấy lại những ý tưởng cơ bản trong suy tư chúng ta.

  • Lối thiêng của chúng ta là lối thiêng tông đồ: Nó được diễn đạt và tăng trưởng qua công việc mục vụ.
  • Việc tông đồ trở thành một kinh nghiệm thiêng liêng chân chính và được đức ái sinh động, chứ không chỉ là việc tiêu hao hết năng lực, sự căng thẳng, mồ hôi và nước mắt; nó là một nguồn mạch cho sự hiệu lực, tin tưởng và niềm vui trong công việc mục vụ.
  • Đức ái làm cho đời sống cá nhân chúng ta được duy nhất; nó giải quyết những căng thẳng nảy sinh giữa hoạt động và cầu nguyện, giữa đời sống cộng thể và cam kết tông đồ, giữa giáo dục và loan báo Tin mừng, giữa lối tiếp cận chuyên môn và hoạt động tông đồ.
  • Sức thúc đẩy toàn diện của đời sống thiêng liêng chúng ta hệ ở việc sinh động lại đức ái mục tử, thanh lọc và làm nó thêm mãnh liệt: “Hãy yêu và rồi làm điều bạn muốn” “ama et fac quod vis”.
  1. Lối thiêng Sa-lê-diêng cho tất cả mọi Ơn gọi

 Nếu lối thiêng Ki-tô hữu có những yếu tố chung có giá trị cho mọi tiếng gọi là đúng, thì cũng đúng là nó được kinh nghiệm qua những khác biệt đặc thù và những loại biệt theo bậc sống của mỗi người: tác vụ linh mục, đời sống thánh hiến, giáo dân, giới trẻ, người già cả… Tất cả đều có kinh nghiệm thiêng liêng tiêu biểu của mình. Lối thiêng Sa-lê-diêng cũng đúng y như thế.

3.1. Một lối thiêng chung cho tất cả các nhóm của Gia đình Sa-lê-diêng

Có những yếu tố của lối thiêng chung dành cho tất cả các nhóm của Gia đình Sa-lê-diêng: tất cả đều kín múc khởi hứng từ Don Bosco, Đấng Sáng Lập của những người Sa-lê-diêng, Con Đức Mẹ Phù hộ cùng với Mẹ Mazzarello, của các Cộng tác viên Sa-lê-diêng và Hiệp hội Mẹ Phù hộ các Giáo hữu; những nhóm khác quy chiếu đến những Đấng Sáng Lập riêng của mình. Những yếu tố này được liệt kê trong “Hiến chương về căn tính của Gia đình Sa-lê-diêng”; ta cần phải biết đến nó và suy tư trên đó vì nó tạo thành khung quy chiếu cho lối thiêng hiệp thông của chúng ta cũng như cho việc đào luyện của chúng ta dẫn tới hiệp thông.

Những nét đặc trưng và được tất cả các nhóm nhận biết có thể được tìm thấy cách riêng trong phần ba của cuốn “Hiến chương” đó. Chúng nhìn đời sống chúng ta trong liên hệ với Ba ngôi, những dây nối kết với Don Bosco, sự hiệp thông vì sứ mệnh, lối thiêng của đời sống hằng ngày, chiêm niệm trong hành động theo gương Don Bosco, đức ái tông đồ năng động, ơn thống nhất, sự ưu ái dành cho giới trẻ và lớp bình dân, lòng mến thương, lạc quan và niềm vui, làm việc và tiết độ, sáng kiến và uyển chuyển, một tinh thần cầu nguyện, phó thác cho Mẹ Maria Phù hộ.      

 Chúng ta đừng quên rằng Hệ thống Dự phòng là một diễn đạt và áp dụng cụ thể của lối thiêng này vốn được mọi người cùng chia sẻ. Lại một lần nữa nó liên kết chúng ta với tinh thần, những thái độ và những chọn lựa Tin mừng của Don Bosco. “Sự tài khéo” (ingenuity) của tinh thần ngài được cột chặt với việc thực thi Hệ thống Dự phòng. Nó là một hệ thống thành công, mà ngày nay là khuôn mẫu và khởi hứng cho nhiều người đang dấn thân vào giáo dục trong những lục địa khác nhau, trong những bối cảnh đa văn hóa và đa tôn giáo. Nó là một khuôn mẫu vốn đòi hỏi mọi người phải suy tư liên tục để ngày một hơn lấy giới trẻ làm trung tâm; giới trẻ là những người mà sứ mệnh Sa-lê-diêng được thực hiện cho họ và với họ.

 3.2. Một lối thiêng thích hợp cho từng nhóm của Gia đình Sa-lê-diêng

 Đàng khác, mỗi nhóm thuộc Gia đình Sa-lê-diêng có những yếu tố thiêng liêng của mình. Hoàn toàn đúng, vì cội nguồn và sự phát triển của họ, những nhóm khác nhau có lịch sử đặc thù của mình và những khía cạnh đặc biệt của lối thiêng chung mà họ đã đặc biệt minh chứng là độc đáo cho họ, cách này cách khác. Những yếu tố này là tính đa dạng biệt loại của mỗi nhóm và cấu thành sự giàu có của toàn Gia đình. Ta cần phải biết đến chúng.

Tính đa biệt là một tặng phẩm của Thần khí; Ngài không muốn sự đồng phục và tiêu chuẩn hóa; tuy nhiên, những khác biệt và những nét biệt loại không được biến thành những lời bào chữa cho những phân rẽ và những tranh cãi, song phải làm giàu cho mọi người và đồng quy vào một sự duy nhất. Sự duy nhất này là sự hiệp thông mà ta phải chào đón như một tặng phẩm cũng như phải được ta cam kết thực hiện. Những yếu tố có tính đồng nhất hóa này thì hiện diện và được làm cho rõ ràng cách riêng trong những quy luật đời sống, và cả trong những truyền thống của những nhóm khác nhau.

 3.3. Lối thiêng Giới trẻ Sa-lê-diêng

Thời gian trôi qua và Lối thiêng Giới trẻ Sa-lê-diêng cũng phát triển. Thêm vào  ba cuốn tiểu sử về các thiếu niên Mi-ca-en Ma-gôn, Đa-minh Sa-vi-ô và Phan-xi-cô Bê-súc-cô, được Don Bosco viết, chúng ta có thể nghĩ đến những trang ngài nói cho chính những người trẻ trong “Người bạn đường của giới trẻ”, và về “Hội lành” Don Bosco đã lập nên như một cơ hội để chúng nắm giữ vai trò hướng đạo về thiêng liêng và tông đồ.

Biết đến sự phát triển xảy ra suốt lịch sử và truyền thống của chúng ta về Lối thiêng Giới trẻ Sa-lê-diêng, cho đến ngày nay khi một sự sắp xếp chính thức được trình bày gọn gàng và rõ ràng cũng như trải rộng giữa giới trẻ qua Phong trào Giới trẻ Sa-lê-diêng, [điều ấy] quả là thú vị. Lối thiêng là nền tảng của Phong trào Giới trẻ Sa-lê-diêng, vốn tăng trưởng với sự cam kết của chính những người trẻ; nó cần sự năng đỡ là sự sinh động về phía các nhóm khác nhau trong Gia đình Sa-lê-diêng. Thực vậy, Phong trào Giới trẻ Sa-lê-diêng là một cơ hội, một tặng phẩm và một trách vụ cho tất cả các nhóm thuộc Gia đình Sa-lê-diêng.

Lối thiêng giới trẻ Sa-lê-diêng là một lối thiêng thích hợp với giới trẻ; nó được sống với giới trẻ và vì giới trẻ, được hoạch định và sống như thiết thân với kinh nghiệm của một người trẻ. Nó nhắm kiến tạo một kế hoạch chi tiết cho người Ki-tô hữu trẻ ngày nay sống trong thế giới và được chuẩn bị cho thế giới ngày nay; nó được cống hiến cho tất cả người trẻ bởi vì nó áp dụng cho “người nghèo nhất” nhưng đồng thời có thể cung cấp những mục tiêu cho những người đã tiến bộ hơn; nó cũng bắt đầu để làm cho người trẻ thành một tấm gương cho những bạn đồng trang lứa và trong những nơi họ sinh sống.

 Một lối thiêng của đời sống hằng ngày như nơi chốn gặp gỡ Thiên Chúa

 Lối thiêng giới trẻ Sa-lê-diêng nhìn cuộc sống hằng ngày là nơi chốn gặp gỡ Thiên Chúa. Nền tảng cho khóe nhìn rất tích cực này về cuộc sống hằng ngày và về chính cuộc đời là đức tin và sự trân trọng mầu nhiệm nhập thể. Trong loại lối thiêng này người ta cho thấy chính mình được dẫn dắt bởi mầu nhiệm Thiên Chúa mà với sự nhập thể, cái chết và phục sinh của Ngài xác quyết Ngài luôn hiện diện trong mọi thực tại nhân sinh và hiện diện như Đấng cứu độ.

Đối với một người trẻ, cuộc sống hằng ngày được tạo thành bởi các bổn phận, hòa nhập vào xã hội, thể thao, những khó khăn về cảm xúc của tuổi trẻ, đời sống gia đình, sự phát triển những tặng phẩm cá nhân, những viễn cảnh tương lai, những đòi hỏi, những khao khát. Chính tất cả điều này cần được chấp nhận, suy tư và sống trong ánh sáng của Thiên Chúa. Theo Don Bosco, để trở nên thánh, tất cả điều ta cần là làm tốt điều mình phải làm. Ngài coi việc trung thành với những bổn phận của ta trong đời sống như đá thử cho nhân đức và như dấu chỉ của sự trưởng thành thiêng liêng.

Để cuộc sống hằng ngày có thể được sống như một lối thiêng, điều ta cần là ơn thống nhất vốn giúp hài hòa những nét khác nhau của đời sống quanh một trái tim nơi đó Thánh Thần cư ngụ. Điều này làm cho sự hoán cải và thanh luyện thành có thể được; qua quyền lực của bí tích Hòa giải nó làm cho người trẻ có thể giữ được một trái tim tự do vốn rộng mở cho Thiên Chúa và được cống hiến cho anh chị em.

Giữa những thái độ và kinh nghiệm của cuộc sống hằng ngày được sống cách sâu xa trong Thần khí người ta có thể xem xét: đời sống gia đình của ta; tình yêu đối với công việc hay học hành của ta, sự phát triển văn hóa và kinh nghiệm học tập; nhu cầu nối kết những kinh nghiệm ngoại thường với “công việc đều đều hằng ngày”, một khóe nhìn tích cực và có suy nghĩ về thời đại chúng ta; sự chấp nhận đời sống của ta và sự tiến bộ thiêng liêng ngày qua ngày, một cách trách nhiệm; khả năng hướng dẫn đời sống của ta theo một kế hoạch ơn gọi.

Một lối thiêng đầy lạc quan và niềm vui phục sinh

 Chân lý quyết liệt của đức tin Ki-tô hữu là Chúa đã sống lại thật! Vì thế, đời sống vĩnh cửu với Thiên Chúa là cùng đích tối hậu của chúng ta và nay nó đã là mục tiêu của chúng ta rồi vì nó đã trở nên thật sự trong chính thân xác của Đức Ki-tô Giê-su. Lối thiêng giới trẻ Sa-lê-diêng mang tính chất vượt qua tự bản chất và thấm đượm thực tại cánh chung.

Hướng chiều sâu xa nhất nơi tâm hồn của giới trẻ là ước muốn và tìm kiếm hạnh phúc. Niềm vui là diễn đạt cao quý nhất của hạnh phúc và là đặc tính của lối thiêng Sa-lê-diêng, cùng với sự cử hành và hy vọng. Đức tin Ki-tô hữu là lời công bố về hạnh phúc tối cao mà “sự sống đời đời” hứa ban và trao tặng. Tuy nhiên, đây không phải là một điều ta đoạt chiếm nhưng đúng hơn là một tặng phẩm vốn tỏ cho chúng ta rằng Thiên Chúa là nguồn mạch của niềm vui và hy vọng chân thật. Không loại bỏ giá trị sư phạm của nó, niềm vui trên hết có một giá trị đối thần; Don Bosco nhìn thấy đời sống ân sủng được tỏ lộ cách thiết yếu ở đó.

Don Bosco hiểu và giúp các thanh thiếu niên hiểu rằng sự cam kết và niềm vui đi liền với nhau; rằng sự thánh thiện và niềm vui thì không thể tách rời. Don Bosco là một vị thánh vui tươi sống động. Các thiếu niên của ngài học rất thuộc bài học này về cuộc sống đến nỗi chúng có thể nói bằng những hạn từ tiêu biểu của Nguyện xá rằng “thánh thiện hệ tại ở việc luôn vui tươi”. Lối thiêng giới trẻ Sa-lê-diêng cống hiến một con đường thánh thiện vốn đơn giản, vui tươi và thanh thản.

Sự trân trọng niềm vui như một điều gì mang tính thiêng liêng, nguồn mạch của sự cam kết và những hệ quả của nó, đòi ta phải nuôi dưỡng một số thái độ và kinh nghiệm nơi giới trẻ: nó đòi ta phải thúc đẩy tạo ra cơ hội cho thanh thiếu niên được can dự vào cách gần gũi; trong những mối tương giao thân hữu và huynh đệ; với kinh nghiệm vui tươi về tình cảm; những cử hành tự phát và trẻ trung cũng như những biến cố cộng đoàn (nhóm); một cảm thức về sự ngạc nhiên và một sự cảm nếm những niềm vui mà Đấng Sáng tạo đã đặt trên đường chúng ta đi: thiên nhiên, sự thinh lặng, những điều ta cùng nhau đạt được; niềm vui mang tính đòi hỏi của hy sinh và tình liên đới; ân sủng có thể chịu đựng đau khổ dưới dấu chỉ và với sự an ủi của Thập giá Đức Ki-tô.

 Một lối thiêng của tình bạn và tương giao cá nhân với Chúa Giê-su

Lối thiêng giới trẻ Sa-lê-diêng nhằm dẫn người trẻ tới gặp gỡ Chúa Giê-su Ki-tô và làm cho mối tương giao tình bạn và tin tưởng ngài thành có thể được, đang khi kiến tạo một sự trung tín tin tưởng lâu bền. Nhiều người trẻ đã chân thành ao ước muốn biết Chúa Giê-su và cố gắng trả lời những vấn đề về ý nghĩa đời sống; tuy nhiên, chỉ Thiên Chúa mới có thể trao ban một câu trả lời  thật sự về điều ấy mà thôi.

Người bạn, vị Thày, Đấng Cứu độ, ấy là những từ ngữ diễn đạt vai trò cốt lõi của Chúa Giê-su trong đời sống thiêng liêng của giới trẻ. Gợi nhắc Don Bosco thường trình bày Chúa Giê-su là người bạn của giới trẻ quả thật thú vị: “Giới trẻ là niềm vui sướng của Chúa Giê-su”, ngài thường nói như thế; [Chúa Giê-su] là vị thày của đời sống và sự khôn ngoan; là khuôn mẫu cho mọi Ki-tô hữu; là Đấng cứu độ trao hiến trọn đời sống mình trong tình yêu cho đến chết để cứu rỗi chúng ta; là Đấng hằng hiện diện nơi những người bé nhỏ nghèo hèn.

Bước theo con đường nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô đòi buộc ta phải khai triển một số thái độ và kinh nghiệm: qua đức tin tham gia vào cộng đoàn vốn sống với ký ức và trong sự hiện diện của Chúa và cử hành [mầu nhiệm] Người trong các bí tích khai tâm Ki-tô giáo; khoa sư phạm của sự thánh thiện mà Don Bosco đã biểu thị trong sự giao hòa với Thiên Chúa và với anh chị em của mình trong bí tích Giao hòa; học cách thức cầu nguyện cá nhân và với những người khác, những thời khắc đặc biệt để lớn lên trong tình yêu và trong mối tương giao cá nhân với Chúa Giê-su Ki-tô; học hỏi có hệ thống về đức tin, được soi sáng bởi đọc và suy niệm Lời Chúa.

 Một lối thiêng của sự hiệp thông Giáo hội

 Kinh nghiệm và hiểu biết thích đáng về Giáo hội là một trong những điểm khi phân định lối thiêng Ki-tô hữu. Giáo hội là sự hiệp thông thiêng liêng và một cộng đoàn vốn trở nên hữu hình qua việc chia sẻ những cử chỉ và công việc; nó là sự phục vụ những người nam người nữ mà từ đó nó không tách mình ra như một “bè phái” vốn chỉ coi những công việc mang ấn dấu của chính mình mới tốt đẹp mà thôi. Giáo hội là nơi chốn Đức Ki-tô chọn và ban tặng; trong đó ta có thể gặp gỡ Người. Đức Ki-tô đã ký thác cho Giáo hội Lời, phép Rửa, Mình và Máu Người, ân sủng tha thứ tội khiên, và những bí tích khác, kinh nghiệm về sự hiệp thông và quyền lực Thần khí, vốn thúc đẩy con người yêu mến anh chị em mình. Giữa những kho tàng của gia đình, Gia đình của Don Bosco có một truyền thống rất giàu về lòng trung thành con thảo đối với Đấng Kế vị Thánh Phê-rô và sự hiệp thông cũng như cộng tác với các Giáo hội địa phương.

Chính bởi vì chiều kích Giáo hội này, lối thiêng giới trẻ Sa-lê-diêng là một lối thiêng có đặc tính thánh mẫu. Thiên Chúa Cha kêu gọi Đức Maria để nhờ ân sủng Thánh Thần, ngài là mẹ của Ngôi Lời và rồi trao ban Người cho thế giới. Giáo hội nhìn nhận Đức Maria là gương mẫu đức tin. Don Bosco đã làm như thế và chúng ta cũng làm y như thế trong sự thông hiệp với Giáo hội. Đức Maria sống cuộc đời mình như Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta; như Đấng Vô nhiễm nguyên tội đầy ơn sủng, hoàn toàn rộng mở cho Thiên Chúa, cho sự thánh thiện và cho đời sống Ki-tô hữu được sống cách trung tín hoàn toàn; như Đấng Phù hộ các giáo hữu trong trận chiến của đức tin và xây dựng Vương quốc Thiên Chúa. Ngài là đấng che chở và hướng dẫn Giáo hội. Vì thế Don Bosco coi ngài là Mẹ chúng ta trong những thời đại khó khăn, là sự nâng đỡ và cột chống đỡ (butress) của đức tin và Giáo hội. Nơi Đức Maria Phù Hộ các giáo hữu chúng ta có một khuôn mẫu và một người hướng đạo cho công cuộc giáo dục và tông đồ của chúng ta.

 Vì vậy, ta cần phải kiến tạo những thái độ và kinh nghiệm sau: làm cho khung cảnh thực tiễn là nhà Sa-lê-diêng trở thành một nơi, ở đó người ta kinh nghiệm được một khuôn mẫu chân thật về Giáo hội, một khuôn mẫu tươi trẻ, hấp dẫn, năng động, có khả năng đáp ứng những kỳ vọng của giới trẻ; với những nhóm và cách riêng cộng đoàn giáo dục, vốn hiệp nhất giới trẻ và các nhà giáo dục trong một bầu khí gia đình trong một dự phóng về nền giáo dục toàn diện; với sự tham gia vào Giáo hội địa phương, ở đó tất cả những lực lượng đầy đức tin của các Ki-tô hữu quy tụ lại với nhau trong một sự hiệp thông hữu hình và một tinh thần phục vụ hiển nhiên trong một nơi chốn định sẵn; với sự kính trọng và tin tưởng Giáo hội phổ quát được hiểu và được diễn đạt trong tình yêu đối với Đức Giáo hoàng; một tình yêu đặc biệt, lòng sùng kính và bắt chước Đức Maria Vô nhiễm Phù hộ; hiểu biết về các Thánh và những Ki-tô hữu quan trọng khác được nổi bật bởi sự suy nghĩ và thành tựu của họ trong những lãnh vực khác nhau. .

 Một Lối thiêng của sự phục vụ có trách nhiệm

 Cuộc đời được sống như cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, con đường đồng nhất hóa với Đức Ki-tô, Giáo hội được nhìn như sự hiệp thông và phục vụ ở đó mỗi người có một chỗ và ở đó những tặng phẩm (ân điển) của mọi người đều cần thiết dẫn tới và làm cho trưởng thành niềm xác tín rằng đời sống mang chúng ta vào một ơn gọi phục vụ. Don Bosco muốn những người trẻ của mình trở thành “những Ki-tô hữu tốt và công dân lương thiện”. 

 Don Bosco, như một người trẻ và một tông đồ, đã thấy và sống cuộc đời mình như một ơn gọi khởi từ giấc mơ chín tuổi. Với một trái tim quảng đại ngài đáp lại lời mời gọi ấy: ở giữa giới trẻ để cứu chúng. Don Bosco thường mời các thiếu niên của mình dấn thân vào “việc thực thi tình yêu cụ thể đối với người lân cận”. Lối thiêng giới trẻ Sa-lê-diêng là một lối thiêng tông đồ bởi vì nó phản ánh niềm xác tín rằng chúng ta được gọi để cộng tác với Thiên Chúa trong sứ mệnh của Ngài, đáp lại với sự tận hiến, trung tín, tin tưởng và hoàn toàn sẵn sàng. Như thế ta phải đề xướng cho giới trẻ những ơn gọi tông đồ và những ơn gọi đến sự thánh hiến đặc biệt.

 Sự phục vụ có trách nhiệm hàm ẩn một vài thái độ và kinh nghiệm mà ta cần phải thúc đẩy: rộng mở trước hiện trạng thực sự và những giao tiếp cá nhân; cổ võ phẩm giá và nhân quyền của cá nhân, ở mọi nơi; sống trong gia đình với tinh thần quảng đại và chuẩn bị để đào luyện ta trên nền tảng của một sự trao ban chính mình (tự hiến) cách hỗ tương; khuyến khích tình liên đới đặc biệt hướng tới những người nghèo nhất; đảm trách công việc của ta với sự ngay thẳng và uy tín nghiệp vụ; cổ xúy công bằng, hòa bình và thiện ích chung (công ích) trong chính trị; tỏ ra kính trọng tạo thành; cổ xúy văn hóa; nhận diện kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc đời ta; dần dần đi tới những quyết định trưởng thành và nhất quán đối với việc phục vụ Giáo hội và tha nhân; làm chứng cho đức tin của mình và sống đức tin theo một cách thức cụ thể nơi một lãnh vực nào đó, chẳng hạn, sinh động giáo dục, mục vụ và văn hóa, sự phục vụ tự nguyện và cam kết truyền giáo; biết đến và rộng mở trước những ơn gọi của sự thánh hiến đặc biệt.

3.4. Một Lối thiêng của Giáo dân và Gia đình Sa-lê-diêng

 Những nhóm của Gia đình Sa-lê-diêng can dự đến nhiều giáo dân trong sứ mệnh của họ. Chúng ta ý thức rằng không thể can dự toàn vẹn mà không chia sẻ cùng một tinh thần. Thông truyền lối thiêng Sa-lê-diêng cho giáo dân vốn đồng trách nhiệm với chúng ta về tác vụ giáo dục quả là một trách vụ cơ bản. Những người Sa-lê-diêng, cùng chung với những nhóm khác của Gia đình Sa-lê-diêng, đảm nhận trách nhiệm trình bày rõ ràng một lối thiêng Sa-lê-diêng cho giáo dân trong Tổng Tu Nghị XXIV.[29] Chắc chắn các nhóm giáo dân trong Gia đình Sa-lê-diêng, đặc biệt là Cộng tác viên Sa-lê-diêng và Cựu học viên cấu thành một nguồn khởi hứng cho một lối thiêng như thế.

Sau khi ngày một ý thức rằng không có thể có tác vụ giới trẻ mà không có một tác vụ gia đình, chúng ta nghĩ đến việc soạn thảo và trình bày loại lối thiêng Sa-lê-diêng cần phải có cho gia đình. Có những nhóm theo phong thái gia đình rút lấy khởi hứng của mình từ Don Bosco. Trong lãnh vực này, chúng ta chỉ mới bắt đầu, nhưng đó là một con đường trước mắt vốn giúp chúng ta phát triển sứ mệnh của mình không chỉ cho giới trẻ song cho cả người bình dân. Chúng ta cần khai triển một tác vụ gia đình và như thế chia sẻ một số kinh nghiệm thiêng liêng với các gia đình, với các cặp vợ chồng để chuẩn bị giới trẻ cho chúng xây dựng gia đình của chính họ.

  1. Những Trách vụ cho Gia đình Sa-lê-diêng

 4.1. Chúng ta hãy cam kết để hiểu biết hơn nữa đâu là kinh nghiệm thiêng liêng của Don Bosco; đâu là diện mạo thiêng liêng của ngài, hầu chúng ta có thể khám phá “Don Bosco nhà thần nghiệm”; nhờ thế, chúng ta có thể bắt chước ngài bằng cách sống một kinh nghiệm thiêng liêng với căn tính đoàn sủng. Trừ phi chúng ta làm cho kinh nghiệm thiêng liêng của Don Bosco thành của chính mình, chúng ta không thể hiểu đúng về căn tính thiêng liêng Sa-lê-diêng của chúng ta; đây là cách thức duy nhất mà chúng ta có thể là môn đệ và tông đồ của Chúa Giê-su, với Don Bosco như khuôn mẫu và vị thày của chúng ta về đời sống thiêng liêng. Lối thiêng Sa-lê-diêng được giải thích lại và làm giàu qua kinh nghiệm thiêng liêng của Giáo hội sau Công đồng và qua suy tư bởi thần học thiêng liêng ngày nay, cống hiến cho chúng ta một hành trình thiêng liêng dẫn tới sự thánh thiện. Chúng ta nhận biết rằng lối thiêng Sa-lê-diêng là một lối thiêng chân thật và đầy đủ: nó tạo nên mối liên hệ với lối thiêng Ki-tô hữu, cách riêng với lối thiêng của thánh Phan-xi-cô Sa-lê; nó có nguồn mạch của mình trong kinh nghiệm loại biệt và độc đáo của Don Bosco, đã được làm giàu bởi kinh nghiệm của Giáo hội và đạt được lời giải thích lại và bản tổng hợp chín chắn mà chúng ta có ngày nay. 

 4.2. Chúng ta hãy sống cái cốt lõi và bản tổng hợp của lối thiêng Sa-lê-diêng vốn là Đức ái Mục tử. Don Bosco sống nó bằng cách tìm “vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn” mà đối với Don Bosco đã trở thành một cách thức cầu nguyện và một chương tình sống trong châm ngôn “Da mihi animas, cetera tolle”. Đức ái này cần phải được nuôi dưỡng qua cầu nguyện và đâm rễ trong đó bằng cách nhìn vào Thánh Tâm Đức Ki-tô, bắt chước vị Mục Tử Nhân Lành, suy niệm Thánh kinh, trải nghiệm Thánh Thể, dành thời gian cho cầu nguyện cá nhân, mặc lấy một não trạng phục vụ giới trẻ. Nó là một đức ái chuyển dịch thành cũng như được nên hữu hình nhờ những cử chỉ thuận hòa với những người chung quanh, yêu mến, làm việc, tận hiến. Chúng ta hãy áp dụng hệ thống dự phòng như một kinh nghiệm thiêng liêng chứ không chỉ như một đề xướng của việc phúc âm hóa và lối tiếp cận sư phạm; nó tìm thấy nguồn mạch của nó trong đức ái của Thiên Chúa, Đấng đi trước mọi người với sự quan phòng của Ngài, hằng hiện diện bên cạnh họ và tự do trao hiến mạng sống mình để cứu họ”[30]; nó chuẩn bị chúng ta để nhìn thấy Thiên Chúa nơi giới trẻ và mời gọi chúng ta phục vụ Ngài nơi chúng, nhận biết phẩm giá của họ, canh tân luôn mãi niềm tin của chúng ta vào những nguồn lực của chúng và giáo dục chúng tới đời sống sung mãn.  

 4.3. Chúng ta hãy chuyển giao đề xướng của chúng ta về lối thiêng Sa-lê-diêng theo những ơn gọi khác nhau của chúng ta, cách riêng cho giới trẻ, cho anh chị em giáo dân được can dự vào sứ mệnh của Don Bosco, cho các gia đình. Ta cần phải sống lối thiêng Sa-lê-diêng theo ơn gọi mỗi người đã nhận được từ Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhận biết những nét thiêng liêng chung của mỗi nhóm khác nhau trong Gia đình Sa-lê-diêng như được chỉ ra trong “Hiến chương về căn tính”; chúng ta hãy làm cho mọi người biết đến những chứng nhân về sự thánh thiện; chúng ta hãy xin các vị chân phước, đáng kính và đầy tớ Chúa của chúng ta chuyển cầu cho chúng ta; chúng ta hãy cầu xin để họ được tuyên thánh. Chúng ta hãy cống hiến lối thiêng Sa-lê-diêng cho giới trẻ mà chúng ta đồng hành. Chúng ta hãy cống hiến lối thiêng Sa-lê-diêng cho giáo dân vốn cam kết chia sẻ sứ mệnh của Don Bosco; bằng cách tập trung vào tác vụ gia đình, chúng ta hãy chỉ ra một lối thiêng thích hợp cho các gia đình theo những hoàn cảnh của họ. Cuối cùng, chúng ta cũng hãy mời  giới trẻ, giáo dân, và các gia đình trong các cộng đoàn giáo dục mục vụ của chúng ta có được một kinh nghiệm thiêng liêng; chúng ta cũng mời cả đến những người trong các nhóm và hiệp hội của chúng ta vốn thuộc về những tôn giáo khác hay những người thấy mình có sự thận trọng nào đó về Thiên Chúa; bởi lẽ một kinh nghiệm thiêng liêng cũng là chuyện khả thể đối với họ, nên ở đó cũng có chỗ cho sự nội tâm, thinh lặng, đối với với chính lương tâm của mình, rộng mở trước Đấng Siêu Việt.

 4.4. Chúng ta hãy đọc một số bút tích của Don Bosco mà có thể được coi như những nguồn mạch của lối thiêng Sa-lê-diêng. Trên hết cha mời gọi các con đọc đi đọc lại và đem ra thực hành “giấc mơ về 10 viên ngọc”. Điều này cống hiến cho chúng ta một hình ảnh thiêng liêng cho từng người chúng ta vốn rút hứng khởi của mình từ Don Bosco. Rồi cha đề nghị với các con một hợp tuyển về các bút ký thiêng liêng của Don Bosco ở đó ngài đúng là một vị thày chân thật về đời sống thiêng liêng[31]. Bằng cách này chúng ta có thể tới được một vài trang sách, dẫu ít được biết đến, nhưng lại nói cho chúng ta trực tiếp về đời sống thiêng liêng Sa-lê-diêng.

  1. Kết luận

 Lần này cha kết luận bài bình giải về Hoa thiêng không phải với một câu chuyện thần tiên, nhưng với chứng từ và sứ điệp của cha Pasquale Liberatore đã để lại cho chúng ta. Suốt nhiều năm trời ngài là Tổng Thỉnh Viên cho các vụ việc của các vị Thánh chúng ta, và chính ngài là một người thánh thiện. Đây là bài thơ của ngài với tựa đề “những vị thánh”.

 Đây là một “kinh tin” ngắn gọn của một cá nhân; nó đem mọi sự lại với nhau quanh lối thiêng Sa-lê-diêng mà ta có thể nhìn thấy, khi được đem ra thực hành cách chân chính và đích thực trong sự giàu có và những hoa trái khác biệt (đa dạng) của sự thánh thiện trong Gia đình Sa-lê-diêng khởi đầu với Don Bosco là Đấng Sáng Lập và người Cha thân yêu của chúng ta. Chúng ta tìm được bài thơ này trong văn phòng của cha Pasquale khi ngài qua đời. Trong đó, ngài ca ngợi các thánh, dùng những hình ảnh khác nhau mà chúng ta thấy là rất đẹp. Đọc bài thơ này chúng ta hầu như đạt tới và chạm tới tính bén nhạy thiêng liêng và nhân bản rất tế nhị và đáng tin cậy nơi các vị thánh của chúng ta; chúng ta hầu như cảm được họ khao khát sự sống, tình yêu và hạnh phúc sung mãn trong Thiên Chúa; chúng ta quan sát sức mạnh nội tâm và kinh nghiệm thiêng liêng của họ mà chính chúng ta được gọi để sống và biết cách trình bày cho những người khác, cách riêng giới trẻ, với niềm đam mê và xác tín.

 Lá thư đầu tiên của cha như Bề Trên Cả mang tựa đề “Hỡi các Sa-lê-diêng, hãy nên thánh!” và cha thấy đó đúng là bước khởi sự một chương trình cho nhiệm kỳ của cha như Bề Trên Cả. Nay cha sung sướng thấy rằng lá thư cuối cùng cha viết như đấng kế vị của Don Bosco lại là một lời mời chân thành để uống tận nguồn lối thiêng của ngài. Đây thực là điều cha mong muốn chính mình có thể thực hiện và đề xướng cho tất cả anh em, các phần tử thân yêu của Gia đình Sa-lê-diêng và giới trẻ.

CÁC THÁNH NHÂN

“Nên như những vì sao trên trời: Các Thánh sẽ tỏa sáng như bầu trời.”

Như những vì sao trên trời,

với mắt phàm, họ là vạn người,

Nhưng trước kính viễn vọng nhìn được những thiên thể không hào quang,

Các thánh nhân quả hằng hà vô số, không tài nào đếm nổi.

[Khác nào] Những núi lửa sôi động

Họ như những lỗ nhỏ để nhìn vào Ngọn lửa Ba Ngôi nhiệm mầu.

[Họ giống như] Những câu chuyện thám hiểm

Được Thánh Thần viết lên

Trong đó ngạc nhiên là chuẩn mực.

 [Cầm bằng như] muôn vẻ diễn đạt theo những hình thức văn chương đa dạng

Song lại luôn hấp dẫn:

từ phong thái bi kịch đến hương vị ngụ ngôn.

[Khác chi] Những tác phẩm cổ điển theo ngữ pháp là các mối phúc,

Luôn có sức thuyết phục,

Vì họ sống vui tươi hạnh phúc.

[Thật như] Những nhà du hành vũ trụ trong không gian

Chúng ta mắc nợ họ những khám phá gây ngạc nhiên nhất

Mà chỉ dành cho ai tách ra khỏi mặt đất.

Hệt như những thiên tài là thế,

Họ như người khổng lồ khác chúng ta

Song lại được tạo thành từ cùng một vật liệu như chúng ta.

Có thể lầm lỡ và thất bại

Nhưng họ luôn là người ngoại lệ:

không phải để bị đánh giá thấp bằng lời bào chữa

Vốn làm họ thành kẻ đồng trang đồng lứa của chúng ta.

Họ diễn đạt Thiên Chúa hoàn toàn cho không

luôn làm [họ] thêm giàu và nâng [họ] lên cao

Theo tiêu chuẩn nhiệm mầu: Ngài là cả sự hào phóng.

Họ sống trong an bình vững chãi

Giữa những đối kháng nhân sinh thường lệ,

Song chẳng hề tự tại vì luôn gắng sức vươn cao.

Xoay vần quanh điều cốt yếu

Họ đúng là ngôn sứ của Đấng Cao Tôn.

Khác nào những nghệ nhân vĩ đại

Trong lò luyện của Đấng Tuyệt Mỹ

Trước Ngài ôi lòng người say ngất.

Là những người thành toàn,

Bất kể nam hay nữ

Họ làm chứng sự hài hòa nhiệm lạ

Giữa bản tính và ân sủng.

Khác nào người điên của Thiên Chúa

Yêu thương quá mãnh liệt

Đến nỗi thốt ra những cách điệu đảo lộn.

Họ muôn dặm cách xa tội lỗi theo bản năng,

nhưng lại gần kề hơn ai hết với mọi hạng tội nhân.

Khác chi những vũ đài trên đó Thiên Chúa diễn tuồng

Song họ thấy mình có khác chi hạng khán giả khiêm cung

Vì biết rõ mình chỉ là hư vô.

Họ quyết ẩn dấu mình luôn mãi

Song lại cứ tỏa sáng không thôi

Hệt như thành cao trên đỉnh núi.

Họ mang lấy sứ điệp vĩnh cửu

Vượt quá mọi thời gian,

tiến bộ, văn hóa và giống nòi.

[Cầm bằng như] Những lời nóng bỏng

Chúa tuyên phán hầu phá đổ sự biếng nhác chúng ta

Như tiếng gõ trên bàn,

vị Tôn Sư Thần Linh thức tỉnh

lũ học trò đãng trí là chúng ta.

Là phép lạ sống động

Chẳng cần chi đến chuyên viên

Để thừa nhận phẩm chất ngoại thường của Tin mừng được sống không dối gian (sine glossa)

Như anh hùng ly thoát khỏi những tục lụy

như chuyên viên tuyệt vời trong cảnh sắc nhân sinh.

Khác nào bậc thày tâm lý chân thật

chạm thấu đến chốn ẩn kín nhất của lòng người,

nhờ lối đường yêu thương.

Họ có thể kích thích cội rễ trong sáng nhất

Hay chạm đến những sợi dây hài hòa cổ xưa

Hoặc truyền dẫn nỗi nhớ nhung về tương lai.

Như những vì sao trên bầu trời

Ôi khác nhau biết mấy

Song tận căn đều cùng được Ngọn Lửa Thần Linh đốt nóng.

Cha Pascual Chavez Villanueva, SDB

Bề Trên Cả

Giáng sinh, 25/12/2013

PHỤ LỤC 2

THOÁNG NHÌN VÀO

CUỘC ĐỜI CỦA DON BOSCO

16/08/1815   

Sinh tại Becchi,  Castelnuovo.

11/05/1817   

Francis Louis Bosco, bố của Gioan Bosco qua đời.

1824              

Nhận được sự giáo dục của cha Giuse Lacqua tại Capriglio.

1826              

Rước lễ lần đầu.

1828              

Làm việc tại trang trại Moglia.

1829              

Học tiếng Ý và Latinh dưới sự bảo trợ của cha Gioan Melchior Calosso.

1830              

Học sơ cấp tại Castelnuovo.

1831              

Học nhân văn và hùng biện tại Chieri.

1835              

Gia nhập chủng viện Chieri.

05/06/1841   

Thụ phong linh mục tại Chieri.

11/1841         

Gia nhập Học viện Giáo sĩ (Convitto Ecclesiastico) nhằm đào luyện thêm về mục vụ.

08/12/1841   

Khởi sự Nguyện xá sau khi gặp gỡ Bartolomeo Garelli.

1844              

Làm cha tuyên úy tại lưu xá được thành lập do Chân phước Juliet Fraces Colbert de Maulevrier, bà Bá tước Ba-rô-lô.

05/1845 – 03/1846  

Nguyện xá lang thang.

12/04/1846   

(Chúa nhật Phục Sinh) thành lập  Nguyện xá tại túp lều Pinardi. Don Bosco ốm thập tử nhất sinh. Mẹ Magarita của Don Bosco đến Nguyện xá. Trường bình dân học vụ ban tối để dạy đọc, viết và toán.

1849              

Mở Nguyện xá Thiên thần Hộ thủ.

Xuất bản cuốn Bạn của thanh thiếu niên và Vị thầy của dân chúng.

1850              

Thành lập Câu lạc bộ công nhân hay Hội tương trợ cho  các thanh thiếu niên lao động tại Tô-ri-nô.

1852              

Được Tổng Giám mục Luy Fransoni chỉ định làm Giám đốc của ba Nguyện xá.

1853              

Phát hành Tập san Công giáo (Catholic Readings).

Thành lập xưởng đóng giày và xưởng may.

1854              

Thành lập xưởng đóng sách.

Đa-minh Sa-vi-ô tham gia Nguyện xá.

1855              

Thành lập trường dạy văn phạm (cấp 1) tại Nguyện xá.

1856              

Khởi xướng xưởng mộc.

Thành lập trường dạy văn phạm (trình độ 2 và 3).

Đa-minh Sa-vi-ô thành lập Hội lành Mẹ Vô nhiễm (nhóm hoạt động tông đồ giữa các bạn trẻ).

1857              

Giuse Bongiovanni, người bạn thân của Đa-minh Sa-vi-ô, sau này là một linh mục, thành lập Hội lành Thánh Thể (để tôn thờ) và Hội Giúp lễ (dành cho nhóm giúp lễ).

16/04/1858   

Chuyến đi Rô-ma lần đầu tiên để hoạch định vì sự bền vững của Nguyện xá trong tương lai.

1859              

Thành lập trường dạy văn phạm (trình độ 4 và 5) tại Nguyện xá.

(18/12) Thiết lập Tu hội Sa-lê-diêng với 18 thành viên đầu tiên.

1860              

Sư huynh đầu tiên gia nhập Tu hội Sa-lê-diêng.

1861              

Xưởng in được khởi xướng.

1862              

Xưởng sắt được ra đời.

(14/05) 22 thành viên khấn lần đầu trong Tu hội.

1863              

Trường học đầu tiên được mở bên ngoài Valdocco: Mirabello.

1864              

Thiết lập Collegio tại Lanzo.

Decretumm Laudis từ Rô-ma, công bố Tu hội Sa-lê-diêng là một Tu hội thuộc quyền Giáo hoàng.

1865              

Xuất bản cuốn Library of Latin Authors.

1868              

Thánh hiến Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu.

1869              

Roma phê chuẩn Tu hội Sa-lê-diêng.

Phát hành cuốn Library of Ilalian Youth.

1870              

Thành lập Collegio-Convitto tại Alassio.

1871              

Thành lập các trường học tại Marassi và  tại Sampierdarena.

05/8/1872 

Hội dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ được thành lập.

1874              

Roma phê chuẩn Hiến luật Tu hội.

1875              

Khai mở Truyền giáo – Những người Sa-lê-diêng được sai đến Ắc-hen-ti-na, Uruguay, Pháp, Tây Ban Nha và Anh.

1876

Thành lập Hiệp hội Cộng tác viên.

08/1877         

Phát hành tờ báo Sa-lê-diêng lần đầu tiên.

Tổng Tu Nghị (TTN) Sa-lê-diêng lần đầu tiên (1880, 1883, 1886).

31/01/1888   

Don Bosco qua đời tại Tô-ri-nô.

24/071907

Đức Giáo hoàng Piô X tuyên phong “Đáng kính”.

02/06/1929   

Đức Giáo hoàng Piô X tuyên phong Chân phước.

01/04/1934   

Đức Giáo hoàng Piô X tuyên thánh Don Bosco.

[1]W. NIGG, Don Bosco. Un santo per il nostro tempo, Torino, LDC, 1980, 75.103.

[2]x. G. Bosco, Piano di regolamento per l’Oratorio maschile di S. Francesco di Sale in Torino nella regione Valdocco. Introduzione, in P. Braido (ed.), Don Bosco Educatore. Scritti e Testimonianze. Roma, LAS 1997, 111.

[3]Ibid. 108-109.

[4]D. Ruffino, Cronache dell’Oratorio di S. Francesco di Sales, n. 2, 1861, 8-9.42.

[5]G. Barberis, Cronichetta, quad 4, 52.

[6]Costituzioni, ed. Motto, 70-71.

[7]Ibid. 82.

[8]Epistolario, ed. Motto, vol. I, 405.

[9]Epistolario, ed. Ceria, vol. III, 544.

[10]Epistolario, ed. Motto, II, 1050.

[11]Ricordi e riflessi di una educazione ricevuta in “Ricerche Storiche Salesiane”, 11 (1987) 365.

[12]Ricerche Storiche Salesiane” 41 (2002) 250-251.

[13]BS 8 (1884) n. 6, 89-90.

[14]Hiến luật Sa-lê-diêng khoản 21

[15]Hiến luật Sa-lê-diêng khoản 21

[16]x. Hiến luật Sa-lê-diêng khoản 10; HL FMA khoản 80

[17]x. Thánh Phan-xi-cô Sa-lê, Luận về Tình yêu Thiên Chúa, C.II, Sách X, c. 1

[18]BM XV, 148 (The whole of the famous “Dream”)

[19]x. Hiến luật Sa-lê-diêng, khoản 196

[20]Hiến chế Lumen Gentium số 41

[21]x. Ga 10

[22]J. Bosco, Life of Dominic Savio, in Dominic Savio ed T O’Brien Guild Publications London, 1969, chap VIII, 10.

[23]x. Prayer for the Liturgy on the Solemnity of Saint John Bosco

[24]MB VII, 622.

[25]BM V, 8.

[26]P. Brocardo, Don Bosco profondamente uomo – profondamente santo, LAS, Roma 1985, 84.

[27]Ibid, 85

[28]P. Stella, Don Bosco nella storia della religiosità cattolica, vol. II, Zurigo, PAS Verlag, Zurigo, 13.

[29]GC24, Salesians and Lay People: communion and sharing in the spirit and mission of Don Bosco, Rome 1996, n. 89-100.

[30]Hiến luật Sa-lê-diêng, khoản 20.

[31]Saint John Bosco. Teachings on the spiritual life. An anthology. Edited by A. Giraudo, LAS – Rome 2013

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *