Người Giám Đốc Sa-lê-diêng

LỜI NÓI ĐẦU                                                                    

Các Giám đốc thân mến,

Cha sung sướng trình bày cho anh em tập sách mới này: GIÁM ĐỐC SALÊDIÊNG, MỘT TÁC VỤ ĐỂ SINH ĐỘNG VÀ CAI QUẢN CỘNG THỂ ĐỊA PHƯƠNG. Đây là sự hỗ trợ mà Tổng Tu Nghị 21 yêu cầu (TTN21, 61d). Nó là một cuốn sách gồm những suy tư Salêdiêng được trình bày, một cách có thẩm quyền và huynh đệ, để giúp đỡ các giám đốc, vốn là những người được gọi để sinh động và hướng dẫn cộng thể Salêdiêng trong sứ mệnh đặc biệt của mình.

Cha muốn chia sẻ với anh em đôi suy tư.

  • Trước tiên, cuốn sách nhỏ này là một sự hỗ trợ cho cá nhân dựa trên những giá trị tin mừng.

Nó xin anh em xem xét những hành động, tư tưởng và tương giao của anh em với dân chúng, trong một thái độ hoán cải liên tục, sao cho phù hợp với những đòi hỏi của Đức Kitô Phục sinh và đối với hiện trạng thật sự mà Ngài sai anh em tới: dân chúng, cách riêng giới trẻ, những hoàn cảnh và những biến cố anh em gặp. ‘Cái sao cho’ này không qui chiếu tới cách thức được Chúa kêu gọi và sai đến một cách chung, nhưng là một cách độc đáo.

  • Nó là một bản văn thấm đượm tinh thần Salêdiêng. Trong tác vụ được trao phó cho anh em, cũng như trong tư tưởng, hành động và mối tương giao của anh em với những người khác như giám đốc, anh em phải tái tạo những tài năng, cảm nhận, việc làm và loại tương giao với người khác mà chính Don Bosco đã có. Điều này sẽ giúp anh em đo lường bí quyết của “tình cha” nơi ngài và làm cho nó sống động ngày nay. Nó sẽ giúp anh em hiểu được truyền thống phong phú mà ngài chuyển giao cho chúng ta, chấp nhận những mục tiêu và cách thức đạt tới chúng, cùng với những bổn phận vốn xuất phát từ đó.
  • Nó đã được chuẩn bị nhằm sứ mệnh chúng ta. Chắc chắn nó đòi hỏi anh em phải là những người của Thần khí.[1] Nhưng xin hãy nhớ điều cha đã viết trong lá thư về Gia đình Salêdiêng: “Hoạt động của đức ái mục tử không thấp hơn hữu thể của nó; đúng hơn nó đi theo hữu thể ấy, bộc lộ nó, tỏa sáng trên nó, hoàn thành nó và diễn đạt sự thật chân chính của nó. Nó không đến sau nhưng sống trong hữu thể như một yếu tố thuộc căn tính năng động của nó. Nó có tính nội tâm cách triệt để theo mức độ nó thông phần vào tình yêu Thiên Chúa. Do vậy chính ở trong những chiều sâu của kinh nghiệm có tính chất tông đồ về Thánh Thần (sự xuất thần trong hoạt động của thánh Phanxicô Salê) xét cho cùng chúng ta tìm được một hình thức của đời sống nội tâm.” (ASC 304, p. 28)

Vì vậy tiên vàn và trên hết đây là một bản văn thực tiễn theo nghĩa nó xin anh em hãy trung thành với Don Bosco theo một cách thức đặc thù mà các giám đốc phải trung thành, bởi vì chính qua tác vụ của anh em mà các hội viên tăng trưởng trong ơn gọi Salêdiêng, và như vậy đến lượt chính các thanh thiếu niên được rao giảng tin mừng.

Dưới diện của những bổn phận này anh em được cống hiến những phương thế mà ngày nay xem ra thích hợp nhất, hoặc bởi vì Đấng Sáng Lập thánh thiện đã sử dụng và truyền thống Salêdiêng đã làm nên nó, hoặc bởi vì những giá trị tân thời của chúng được các khoa học nhân văn nhìn nhận.

  • Cuốn sách nhỏ này không muốn là một khảo luận, mặc dù nhiều chỗ nó chứa đựng những ý tưởng vốn giúp chúng ta hiểu tinh thần chúng ta và không coi chúng như đã rồi. Nhưng điều nó cống hiến là một cơ hội Chúa ban để thảo luận nhằm soi sáng và hướng dẫn những trách vụ của riêng anh em là những giám đốc, và chỉ ra sự ưu tiên giữa những bổn phận đó. Nó giúp làm quang đi những gì không chắc chắn, cổ xúy những sáng kiến và óc sáng tạo trên bình diện cá nhân và cộng thể và mang lại cho giám đốc Salêdiêng phẩm giá đặc sủng mà Don Bosco muốn ngài phải có được một cách rất nổi bật. Nó cũng giúp cổ xúy sự tin tưởng nơi những hội viên xuất phát từ mối tương giao tốt đẹp với giám đốc và từ sự vâng phục đồng trách nhiệm.
  • Cuốn Cẩm nang này muốn được đầy đủ bao có thể. Nó được viết với ý tưởng làm cho nó đầy đủ bao có thể, và vì vậy anh em hiểu tại sao nếu xem ra nó có vẻ dài.

Mọi thái độ hay tư tưởng tự nhiên gợi nhắc những người khác quan tâm, và nếu ta bỏ sót một số trong chúng thì sẽ có nguy cơ là công việc xét như toàn thể sẽ thiếu mất tính duy nhất và sự đầy đủ.

  • Hãy minh chứng giá trị của nó cho chính anh em. Anh em có nhiệm vụ xác minh giá trị của sự hỗ trợ này. Nếu bản văn thật sự dựa trên kinh nghiệm thiêng liêng của Tu hội, anh em phải có thể lãnh hội tặng phẩm được Chúa ban cho Don Bosco khi anh em sống lại và tái khám phá kinh nghiệm này. Đoạn anh em sẽ ý thức tác vụ của anh em là một nguồn mạch cho sự hiệp nhất và ơn cứu độ lớn lao biết bao.

Cha Giám đốc thân mến, xin cha hãy suy gẫm những trang này và trao đổi với những người khác. Chúng sẽ trở thành một khung qui chiếu để lượng giá cộng thể của cha đang tiến bước thế nào. Cha hãy gợi nhớ điều cha Albera viết trong lời dẫn nhập cho cuốn Cẩm nang dành cho các Giám đốc: các giám đốc không thể chu toàn tác vụ của mình “nếu tất cả các phần tử của Tu hội không cộng tác. Nếu sự hòa hợp  này luôn thiếu giữa chúng ta, chúng ta không còn là con cái xứng đáng của một người Cha tốt lành như thế, hoặc nhiều cơ sở của của chúng ta không còn mang lại những kết quả mà Thiên Chúa, Giáo Hội, và ngay cả xã hội dân sự có quyền kỳ vọng từ chúng.” (Cẩm nang, pp. 5-6)

Ước gì Mẹ Phù Hộ mà vào ngày đại lễ kính Mẹ cha công bố cuốn cẩm nang này, ban cho chúng ta tin tưởng vào tất cả những công cuộc của chúng ta nhờ sự hiện diện của Mẹ, và ước chi Mẹ ban cho chúng ta niềm can đảm, hy vọng và an ủi trong những thời khắc khó khăn trong công việc hằng ngày của chúng ta.

Roma, 24 tháng Năm, 1982

Cha Egidio Viganò

Bề Trên Cả

NHỮNG LỜI THÂN TÍN CỦA DON BOSCO

CHO CÁC GIÁM ĐỐC

Cha Giám đốc thân mến, cuốn Hỗ Trợ này được dành cho cha nhằm giúp cha trong trách vụ tế nhị là người sinh động và là bề trên của cộng thể địa phương. Cuốn sách bắt đầu với “những lời thân tín” (memoranda); trước kia nó được gọi là “lá thư thân tín” mà Don Bosco gởi cho Micae Rua, người con yếu dấu, vị giám đốc đầu tiên của Tu hội tại nhà Mirabello.

Lá thư viết ngày 28 tháng Mười, 1863. (Ep. 1, Lett. 331). Chúng ta vẫn còn giữ được nguyên bản do chính tay Don Bosco viết. Don Rua treo nó trên tường của phòng ngài sau khi Don Bosco chết.

Nó được hiệu đính lại vài lần. Ấn bản cuối cùng được chính Don Bosco để lại như là chúc thư của ngài cho tất cả các giám đốc trong mọi thời.

Xin cha hãy lắng nghe những lời của Đấng Sáng Lập thánh thiện: “Đây là một thứ di sản cha để lại cho giám đốc của mỗi nhà. Nếu những lời khuyên này được đem ra thực hành, cha sẽ nhắm mắt an bình vì biết rằng chắc chắn Thiên Chúa sẽ chúc lành cho Tu hội chúng ta. Và Tu hội sẽ ngày càng phồn vinh cũng như chu toàn được sứ mệnh của mình là làm vinh danh Chúa ngày một hơn và cứu rỗi các linh hồn” (BM 10,452).

Tài liệu căn bản này chứa đựng những giá trị vĩnh tồn vốn vượt ra xa một số điểm khác mà không còn giá trị nữa bởi lẽ thời đại và văn hóa đã đổi thay. Nếu cha, giống như Don Rua, có thể giải thích những dòng chữ này vốn vẫn đầy khởi hứng và ý nghĩa luôn mới mẻ, thì cha cũng có thể hưởng được kinh nghiệm mà cha Rua đã có được, là nghe lại được giọng nói gây cảm hứng của Don Bosco và cảm thấy ngài gần bên cha như một người bạn, người anh và người cha.

Cho Chính Con

  1. Đừng để điều gì làm con xao xuyến.
  2. Con hãy tránh nhiệm nhặt trong ăn uống. Phải hơn, con hãy hãm mình bằng cách chăm chỉ chu toàn các bổn phận của con và kiên nhẫn chịu đựng những phiền toái. Vì sức khỏe của con lẫn của những kẻ thuộc quyền con hãy ngủ 7 tiếng ban đêm. Vì những lý do thích hợp, con có thể du di thêm bớt một tiếng trước hay sau.
  3. Con hãy cử hành thánh lễ và thần vụ cách sốt sắng, đạo đức và chăm chú. Điều này dành cho cả con lẫn những người thuộc quyền.
  4. Con đừng bao giờ bỏ nguyện ngắm ban sáng và viếng Thánh Thể hằng ngày. Những gì còn lại, con hãy thực hành theo qui luật của chúng ta.
  5. Con hãy cố gắng làm cho ai nấy yêu mến hơn là nể sợ con. Con hãy để cho đức ái và kiên nhẫn không lay chuyển hướng dẫn con trong khi ra lệnh và khuyên răn. Trong mọi điều con làm và nói năng hãy tỏ cho thấy rằng con đang tìm kiếm lợi ích của các linh hồn. Con hãy chịu đựng mọi sự và bất kỳ điều gì nếu liên quan đến việc ngăn ngừa tội lỗi. Con hãy tập trung nỗ lực tìm hạnh phúc thiêng liêng vật chất và tinh thần của các thanh thiếu niên được Chúa quan phòng ký thác cho con.
  6. Con hãy luôn nâng lòng trí lên cùng Chúa trước bất kỳ quyết định quan trọng nào. Khi người ta báo cho con điều gì, con hãy lắng nghe đầy đủ và cố gắng minh xác mọi sự trước khi phán quyết. Thường nhiều khi việc bé lại xé ra to.

Với Các Thầy Giáo:

  1. Con hãy lo sao để các thầy giáo có đủ cơm ăn áo mặc cần thiết. Con hãy quan tâm đến gánh nặng công việc của họ. Khi họ ốm đau hay không sẵn sàng, con hãy cho người thế.
  2. Con hãy thường xuyên trao đổi với họ riêng tư hoặc theo nhóm. Con hãy xem họ có lao lực không, có cần sách vở hay áo quần gì không, có bị mệt nhọc thể lý hay luân lý không, hoặc có gặp những vấn đề về kỷ luật học đường đối với một vài học sinh không. Con hãy gắng hết sức cung cấp bất kỳ nhu cầu nào con nhận ra được.
  3. Đặc biệt trong huấn đức, con hãy xin họ hỏi bài tất cả các học sinh một cách ngẫu nhiên và bảo chúng đọc bài trả lại. Con hãy xin họ đừng yêu riêng và thiên tư. Con đừng để họ cho bất kỳ ai vào phòng của mình.
  4. Nếu họ phải giao một việc đặc biệt nào cho học sinh, hay phải khuyên bảo chúng, thì con hãy cho họ dùng một phòng dành riêng cho mục đích này.
  5. Vào dịp lễ hội của thành phố hay trường học, tuần 9 ngày kính Đức Trinh Nữ hay một vị thánh nào, hay khi tưởng niệm một mầu nhiệm nào trong Đạo chúng ta, con hãy xin các thầy giáo nói đôi lời về điều ấy. Không bao giờ được bỏ điều này.
  6. Hãy lo sao để các thầy giáo đừng đuổi học sinh ra khỏi lớp hoặc đánh đập những học sinh chểnh mảng và ngỗ nghịch. Trong những trường hợp nghiêm trọng, con hãy xin họ mau mắn báo cáo vụ việc cho giám học hay cho giám đốc.
  7. Ngoài lớp học thầy giáo không nên dùng quyền bính. Họ nên giới hạn mình vào những lời khuyên, cảnh cáo hay sửa lỗi, theo như đức ái chân chính cho phép và gợi hứng.

Với Các Hộ Trực Và Trưởng Nhà Ngủ

  1. Phần lớn những gì nói cho các thầy giáo đều có thể được áp dụng cho các hộ trực và các người trông coi nhà ngủ.
  2. Con hãy lo sao họ có thời giờ và dễ dàng học hành mà không xao nhãng bổn phận của mình.
  3. Con hãy vui vẻ trao đổi với họ về hạnh kiểm của các học sinh. Họ có bổn phận quan trọng nhất là phải có mặt đúng lúc tại các nơi chốn của họ: nhà ngủ, lớp học hay xưởng thợ, sân chơi, …
  4. Nếu thấy bất kỳ ai trong họ yêu riêng bất kỳ học sinh nào, hoặc chức vụ và chỗ đứng luân lý của họ gặp hiểm nguy, con hãy cẩn trọng giao cho họ những bổn phận khác. Nếu vẫn còn nguy hiểm, con hãy báo ngay cho bề trên.
  5. Thỉnh thoảng, con hãy họp các thầy giáo, hộ trực và những người trông coi nhà ngủ hầu xin họ hết sức ngăn ngừa những câu chuyện xấu và loại trừ sách báo, tranh ảnh hoặc bất kỳ cái gì có thể gây nguy hại cho nhân đức trong sạch. Con hãy xin họ khuyên bảo và nhân hậu với mọi người.
  6. Con hãy xin mọi người ra sức khám phá ra những học sinh nguy hiểm về luân lý và nhấn mạnh rằng họ phải báo cho con biết những học sinh ấy.

Với Các Sư Huynh

  1. Con hãy coi sóc để họ có thể tham dự thánh lễ mỗi sáng và lãnh nhận các bí tích như luật Tu hội qui định.
  2. Con hãy rất dịu dàng khi ra lệnh. Bằng lời nói và việc làm con hãy cho thấy rõ rằng con đang tìm lợi ích thiêng liêng cho họ.
  3. Một sư huynh có đức ngay thẳng đã được tôi luyện nên trông coi những người gia công trong công việc và hạnh kiểm luân lý của họ, và ngăn cản thói chôm chỉa và chuyện trò bù khú.

Với Học Sinh

  1. Con đừng nhận các học sinh mà các trường khác sa thải hoặc con được biết là vô luân. Nếu cho dù đã phòng ngừa thích đáng mà vẫn có một học sinh như thế được nhận vào, thì con hãy lập tức giao em đó cho một người bạn đáng tin cậy. Người bạn đó sẽ không bao giờ rời mắt khỏi em đó. Nếu thiếu niên đó vi phạm luân lý, con phải cảnh cáo em một lần thôi. Lần thứ hai còn sai phạm, con hãy cho em về nhà ngay.
  2. Con hãy dành nhiều giờ bao có thể để ở với học sinh. Bất cứ khi nào cần, con hãy cố gắng thì thầm với từng em đôi lời tử tế, như con sẽ biết làm cách nào, bất cứ ở đâu con thấy cần thiết. Đây là bí quyết tuyệt diệu để trở nên ông chủ của cõi lòng chúng.
  3. Con có thể sẽ hỏi: “con sẽ nói gì đây?” Hãy nói điều mà trước kia đã được nói cho con. Chẳng hạn:
  • “Con khỏe không?
  • Dạ, con khỏe.
  • Linh hồn con ra sao?
  • Chắc không tệ lắm.
  • Con muốn giúp cha một việc quan trọng không?
  • Vâng, nhưng điều gì đây?
  • “Để biến con nên một thiếu niên tốt” hay “Để cứu linh hồn con” hay “Để làm con nên người rất tốt”.

Với một em ngỗ nghịch, con có thể khơi chuyện

  • Khi nào con muốn bắt đầu đây?
  • Bắt đầu cái gì?
  • Bắt đầu thành niềm vinh dự và niềm vui của cha hay bắt đầu trở thành một thánh Lu-y khác.

Đối với những thanh thiếu niên khá miễn cưỡng lãnh nhận các bí tích, con hãy nói:

  • Khi nào chúng ta sẽ nắm sừng thằng quỉ?
  • Nhưng làm thế nào?
  • Bằng cách xưng tội tử tế.
  • Bất cứ khi nào cha muốn,
  • Càng sớm càng tốt.

Con cũng có thể hỏi: “khi nào chúng ta sẽ thanh tẩy?” hay “con có sẵn sàng giúp cha nắm sừng thằng quỉ không?” hay “hai chúng ta sẽ thành bạn hữu trong những việc thiêng liêng nhé?” Con hãy thực hành những lối nói chuyện này và tương tự như thế.

  1. Trong các nhà chúng ta thường giám đốc cũng là cha giải tội. Vậy con hãy cho thấy rõ là con thật sung sướng thi hành tác vụ này. Nhưng con hãy để chúng tự do đến với cha giải tội khác nếu chúng muốn. Con hãy nói cho chúng rằng con không dự các phiên họp của các bề trên bàn về hạnh kiểm của chúng. Con hãy nhất quyết xua đi thậm chí cả một bóng nghi ngờ nhỏ bé nhất rằng con có thể lợi dụng bất kỳ điều gì con nghe được trong tòa giải tội hoặc ngay cả con nhớ đến nó nữa. Con đừng bao giờ tỏ ra thiên tư một chút nào đối với bất cứ ai thích cha giải tội này hơn cha giải tội khác.
  2. Hãy cổ võ và phát triển hội giúp lễ, hội thánh Lu-y, hội Thánh Thể và hội Vô Nhiễm. Con hãy cổ võ mà không điều hành những hội ấy. Con hãy coi những hội này là những việc các thanh thiếu niên phải đảm trách và có thể trao cho cha giám linh hay cha linh hướng coi sóc chúng.

Với Người Ngoài

  1. Chúng ta hãy vui vẻ sẵn sàng đối với các nghi thức tôn giáo, giảng thuyết, dâng lễ và giải tội khi đức ái và bổn phận cho phép, đặc biệt đối với giáo xứ chúng ta thuộc về. Con đừng bao giờ nhận những bổn phận làm con vắng nhà hay cản trở con chu toàn các bổn phận.
  2. Vì lịch sự, con nên mời các linh mục không thuộc về nhà của con giảng vào những dịp lễ trọng hay tham dự những buổi văn nghệ. Con cũng phải lịch sự như thế đối với các vị quyền chức dân sự hay những người làm ơn cho chúng ta hoặc những người có khả năng làm thế.
  3. Một trong những nét nổi bật của giám đốc là bác ái và lịch thiệp đối với tất cả mọi người, dù là những người cư trú hoặc những người ngoài.
  4. Nếu những lợi lộc vật chất bị đe dọa, con hãy nhún nhường bao có thể, ngay cả khi bị mất mát, nếu điều này ngăn chặn được những cãi vã hay tranh chấp có thể phạm đến đức ái.
  5. Trong những vấn đề thiêng liêng, con hãy cố giải quyết các vấn đề theo phương thức nào có thể làm cho Thiên Chúa được vinh quang hơn cả. Con phải hy sinh những cam kết, những nhỏ nhen, những ước muốn báo thù, lòng kiêu hãnh, những yêu sách và cả đến uy tín để ngăn cản tội lỗi.
  6. Trong những vấn đề thật hệ trọng, con hãy chờ đợi để cầu nguyện và để có thể tham khảo những người đạo đức và khôn ngoan.

Với Những Hội Viên Trong Tu Hội

  1. Tuân giữ xác đáng Tu luật, đặc biệt đức vâng phục, là nền tảng cho mọi sự. Nếu con muốn người khác vâng phục con, con hãy nêu gương vâng phục các bề trên của con. Không ai thích hợp để ra lệnh trừ phi họ có thể vâng phục.
  2. Con hãy cố gắng phân công tốt đẹp và không để cho bất kỳ ai phải làm việc quá sức. Con hãy liệu cho ai nấy luôn trung thành thực thi bổn phận của mình.
  3. Không phần tử nào của Tu hội có thể ký những khế ước, nhận tiền hay vay mượn thân nhân, bạn hữu hay bất kỳ ai khác. Không ai được giữ tiền hay quản trị tài sản trừ phi rõ ràng được bề trên ủy quyền. Tuân giữ khoản luật này sẽ ngăn ngừa cái tại họa chí tử nhất đã vốn làm cho nhiều dòng tu đau đớn.
  4. Con hãy ghê tởm như độc dược bất kỳ sự sửa chữa nào đối với Tu luật. Tuân giữ xác đáng thì tốt hơn bất kỳ sự duyệt xét nào. Cái tốt nhất là kẻ thù của cái tốt.
  5. Học hành, thời gian và kinh nghiệm làm cha thâm tín rằng tham lam, háu ăn và hư vinh phá hoại những Tu Hội đang triển nở và nhiều hội dòng đáng kính. Thời gian cũng sẽ dạy cho con một số điều chân thật biết bao, dù bây giờ con thấy chúng hình như không thể tin được.

Khi Ra Lệnh

  1. Con hãy cố đừng bao giờ ra lệnh cho những người thuộc quyền phải làm những điều vượt quá sức họ hay nghịch với xu hướng của họ. Tốt hơn con hãy cố hết sức để giúp những xu hướng của mỗi người phát triển bằng cách giao phó cho họ những trách vụ mà con biết là hợp hơn với sở thích của họ.
  2. Con đừng bao giờ ra lệnh nào mà gây phương hại đến sức khỏe của một người, tước mất sự nghỉ ngơi cần thiết của họ hoặc nghịch với những bổn phận hay các mệnh lệnh khác đã được một bề trên khác ban hành.
  3. Khi ra lệnh, con hãy luôn lịch thiệp và tế nhị. Con đừng dọa nạt hay giận dữ; những thứ đó chẳng hề có chút áp lực nào cho điều con nói và làm.
  4. Khi phải ra lệnh điều gì cứng cỏi và gay gắt, con hãy dùng đến lối tiếp cận này: “Cha [Thầy] có thể làm được điều này điều nọ không? Tôi có một công việc quan trọng, và thực ra tôi không muốn đè nặng trên cha [thầy] việc ấy, bởi nó khó khăn lắm. Tuy nhiên không ai khác lại có thể làm công việc ấy. Cha [thầy] có giờ không? Cha [Thầy] thấy có thể làm được không? Nó có cản trở các bổn phận khác của cha [thầy] không? Kinh nghiệm minh chứng rằng những lời đề nghị như thế vào đúng lúc rất hiệu nghiệm.
  5. Con hãy tiết kiệm trong mọi sự, nhưng con hãy đảm bảo rằng bệnh nhân không thiếu thốn chi. Dù vậy, con hãy nhắc nhớ mọi người rằng chúng ta đã khấn khó nghèo và vì thế chúng ta không nên tìm hoặc thậm chí ước muốn bất cứ tiện nghi nào. Chúng ta phải yêu mến đức khó nghèo và những gì đi kèm với nó. Vì thế chúng ta hãy tránh những tiêu pha không tuyệt đối cần thiết trong may mặc, sách vở, đồ đạc, di chuyển …

Đây là thứ gia sản cha để lại cho giám đốc của mỗi nhà. Nếu các con thực thi những khuyến dụ này, cha sẽ an bình nhắm mắt, vì biết rằng Thiên Chúa chắc chắn sẽ chúc lành cho Tu hội chúng ta, và Tu hội sẽ mãi mãi phong phú và chu toàn được sứ mệnh của mình là làm vinh danh Chúa ngày một hơn và cứu rỗi các linh hồn.

 

LỜI TỰA

 

  1. NHỮNG MỤC TIÊU

Cuốn cẩm nang GIÁM ĐỐC SALÊDIÊNG, TÁC VỤ SINH ĐỘNG VÀ CAI QUẢN CỘNG THỂ ĐỊA PHƯƠNG (RM), được cống hiến cho Tu Hội rõ ràng nhằm chu toàn đường hướng của Tổng Tu Nghị 21 (61d). Nhưng trên hết nó nhằm giúp cha triển khai sự hiểu biết của cha về tác vụ mục vụ trong cộng thể.[2]

Khi xuất bản cuốn Hỗ trợ [cẩm nang] này, chúng tôi cũng đáp lại yêu cầu của các hội viên xin làm sáng tỏ chức năng và hình ảnh của giám đốc.[3] Theo ý Don Bosco và truyền thống không gián đoạn của chúng ta, giám đốc “hẳn rõ ràng tạo thành trung tâm hiệp nhất và sáng kiến của mọi công cuộc Salêdiêng … ngài lãnh đạo và hướng dẫn cộng thể tu sĩ, cổ xúy và nâng đỡ mọi hoạt động tông đồ cũng như đào luyện; ngài là người chịu trách nhiệm sau cùng về mọi điều xảy ra trong các lãnh vực kinh tế, kỹ thuật hay tổ chức.”[4] Ngài có vai trò thật quan trọng,[5] vì ngài sinh động liên đới với mọi người và mọi sự. Các hội viên ý thức rằng họ phải liên hệ cá nhân với ngài.

Đàng khác, những đổi thay văn hóa đòi hỏi một lối tiếp cận mới phù hợp với những dấu chỉ thời đại và sự hiểu biết sâu xa hơn của Vatican II về ý nghĩa của tác vụ.[6] Giám đốc là nhân vật trung tâm và thực thi một chức năng bất khả thế. Nhưng chúng ta có nguy cơ không hiểu đầy đủ vai trò của ngài trừ phi chúng ta cống hiến một sự hỗ trợ huynh đệ và hợp thời, vốn cho ta những ý tưởng và chỉ dẫn rõ ràng, giúp giải quyết những khó khăn không thể né tránh buộc phải nổi lên, ngày một lớn hơn và nhiều hơn. Những văn kiện của các Tổng Tu Nghị đôi khi cho thấy một sự bứt rứt và lúng túng nào đó được ta kinh nghiệm trong việc thực thi quyền bính hằng ngày – (đó là) một tình trạng đòi buộc các hội viên phải chân thành cộng tác với giám đốc, bởi vì ngài là một người bất toàn, nhưng lại được mời gọi để sinh động một cộng thể vốn gồm những con người bất toàn. Như ai khác, ngài cũng cần được nâng đỡ và cảm thông.[7]

  1. TÁC VỤ VÀ CỘNG THỂ

Ta phải luôn nhìn tác vụ của giám đốc trong mối tương quan với cộng thể mà cha được mời gọi để sinh động và cai quản, và với từng phần tử của cộng thể đó.

  • Cộng thể Salêdiêng sống trong Giáo Hội, tham gia vào sứ mệnh của Giáo Hội “như một bí mật quan trọng mà Thiên Chúa giữ kín” cho tới thời Don Bosco và từ đó trở đi nó tiếp tục tồn tại với những nét đặc trưng của mình.[8]
  • Bản chất cũng như sự hiệp nhất của cộng thể đòi buộc phải có một hội viên, với đặc sủng là sự thụ phong linh mục và với kinh nghiệm mục vụ của mình, có thể hướng dẫn cộng thể trên bình diện thiêng liêng và tập chú cộng thể vào sứ mệnh của mình.[9] Tác vụ ấy thúc đẩy cha phục vụ, cổ võ cộng thể tăng trưởng và đạt được mục đích chuyên biệt của mình. Don Bosco thường nói: “Tu hội hiện hữu vì Giáo Hội, chứ không phải vì tôi.”[10]
  • Trong cộng thể cha là người anh giữa các anh em. Cha hiệp nhất với họ vì tặng phẩm là cùng một ơn gọi. Tuy nhiên cha cũng là người sinh động và là bề trên của họ. Cùng với họ, cha phục vụ Giáo Hội, tham dự vào sứ mệnh của Giáo Hội. Đây là một cam kết[11] mà Don Bosco là người đầu tiên cảm nhận. Ngày 11 tháng 3, 1869, ngài nói điều này khi tuyên bố: “Tu hội chúng ta được phê chuẩn. Chúng ta phải liên kết với nhau: cha liên đới với các con và các con với cha để tất cả chúng ta liên kết với Thiên Chúa. Giáo Hội có quyền trên công cuộc của chúng ta.”[12] Trong tình huynh đệ này, các hội viên liên kết với nhau “giống như các chi thể của thân xác con người lệ thuộc nhau và tất cả đều lệ thuộc vào một cái đầu.”[13]

Cam kết này cũng được diễn tả trong Hiến luật: “Chúng ta, các Salêdiêng Don Bosco họp thành một cộng thể những người được thánh tẩy. Vâng theo tiếng gọi của Thánh Thần, chúng ta nguyện thực hiện kế hoạch tông đồ của Đấng Sáng Lập trong đời thánh hiến tu trì.”[14]

Nhằm hoàn thành sứ mệnh này cũng như duy trì sự dễ dạy đối với Chúa Thánh Thần mà vị trí của bề trên “là ở trung tâm của cộng thể, là người anh giữa các anh em. Họ chân nhận trách nhiệm và quyền bính của ngài. Bổn phận đầu tiên của ngài là hướng về cộng thể. Ngài giữ cho cộng thể hiệp nhất trong niềm hiệp thông, điều hướng các nỗ lực của mọi người và lưu tâm đến những quyền lợi, bổn phận và khả năng của từng người … ngài chịu trách nhiệm trực tiếp trên mỗi hội viên, giúp họ hiện thực ơn gọi của mình và công tác họ đảm nhận ngày một tốt đẹp hơn.”[15]

Như thế, Hiến luật đòi buộc cha phải luôn lưu ý đến lợi ích của cộng thể và từng hội viên trong cộng thể, và theo đuổi điều ấy bằng những phương cách cá nhân thích hợp và có hiệu quả.

  • Nhờ hiểu biết những đặc tính của ơn gọi Salêdiêng, chắc chắn đúng như thế, cha sẽ ý thức đầy đủ hơn rằng tác vụ của cha ngày nay cần thiết biết bao cũng như cần canh tân nó biết mấy sao cho trung thành với tinh thần của chúng ta. Ơn gọi chúng ta phải trung thành với sự khôn ngoan của thời sơ khai và đồng thời lại phải rộng mở trước những thách đố mới của thời đại chúng ta. Thực vậy, ơn gọi của chúng ta nhằm “hiện thực được việc theo Đức Kitô, sequela Christi, theo đặc sủng của Don Bosco, trong khi vẫn liên lỷ rộng mở trước những đòi hỏi chính đáng của những tiến bộ mới được thế giới chung quanh chúng ta gợi lên, nhất là trong thế giới của người trẻ và trong đời sống Giáo Hội.”[16] Nguyên tắc này sinh ra cùng với Tu hội trong cõi lòng Don Bosco và chúng ta đã không bao giờ đánh mất nhãn quan ấy.

Những lời thân tín” (Confidential Memoranda) dành cho Don Rua như vị giám đốc được phát sinh từ việc Don Bosco hằng ao ước ở gần bên người con yêu quí của ngài. Nó phát sinh từ nhu cầu mà ngài từng cảm nghiệm được là phải nâng đỡ vị giám đốc trẻ tuổi ấy trong trách vụ rất quan trọng đối với cộng thể Salêdiêng, với thanh thiếu niên, với các cộng sự viên giáo dân, và đối với việc tông đồ mà phải phản ánh được môi sinh và tinh thần của Valdocco. Cuốn Cẩm nang dành cho giám đốc của Don Albera nhắc nhớ chúng ta một lý lẽ khác vốn cũng thuộc về truyền thống chúng ta. Trong cuốn cẩm nang này chúng ta tìm được những “đề xuất mà thời đại đang thay đổi cùng những hoàn cảnh mới dường như nêu lên”.[17] Trích dẫn Don Bosco từng chữ, liệu không đủ ư?

Don Albera đã xét kỹ câu hỏi ấy. Ngài viết: “Thưa cha giám đốc, tôi thẳng thắn nhận rằng đối với tôi, pha trộn những nhận xét nghèo hèn của mình vào lời giáo huấn của Don Bosco và Don Rua hình như là một thứ trần tục hóa!”[18] Nhưng rồi ngài đã thắng vượt được sự ngần ngại lớn lao ấy, nhằm giúp các giám đốc “phản ánh nơi chính họ cái khuôn mẫu về lãnh đạo ấy. Khuôn mẫu ấy là nét rất đặc sắc của Đấng Sáng Lập thánh thiện của chúng ta. Đồng thời cũng nhằm làm cho tinh thần ngài ngự trị trong tất cả sự sung mãn của nó nơi toàn Tu hội.”[19] Điều này sẽ được hoàn thành chính là nhờ vào những lời ám chỉ hữu ích ấy mà các nhu cầu thời đại và hoàn cảnh đổi thay dường như đòi hỏi.[20]

Cha có thể dễ dàng thấy những mục tiêu của “Những lời thân tín” (confidential Memoranda) của Don Bosco, cuốn Cẩm nang cho giám đốc của Don Albera và cuốn sách nhỏ bé này đều như nhau. Tất cả đều nhằm đem lại sự trợ giúp cho những ai được mời gọi thực thi quyền bính: là cống hiến cái lý lẽ, những chỉ dẫn và phương thế thực tiễn hầu qua tác vụ ấy, họ có thể xây dựng cộng thể Salêdiêng, nâng cao sự thánh thiện của cộng thể lẫn hiệu quả của việc tông đồ.

  1. SẮP XẾP NỘI DUNG CUỐN SÁCH

Những suy tư trên vạch đường cho ta theo trong cuốn sách nhỏ bé này.

  • Việc canh tân đời sống tu trì của chúng ta hàm ẩn phải liên tục quay về với những cội nguồn của Tu hội, đồng thời phải thích ứng với thời đại đang đổi thay.[21] “Ta phải duyệt xét cách thái điều hành các hội dòng theo cùng những tiêu chuẩn ấy.”[22]

Nhưng ta cần đến loại quyền bính nào cho thứ cộng thể nào đây? Chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi rất căn bản này bằng cách cố khám phá ý nghĩa của quyền bính và cộng thể vào thời khởi đầu cũng như vào trạng huống hiện nay của chúng ta.

  • Chúng ta trước tiên chăm chú nhìn ngắm Don Bosco. Qua hoạt động của Thánh Thần và sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, Don Bosco nhận được ân huệ sáng lập một Tu hội. Tu hội ấy đã ở nơi ngài như một phôi thai. Ngài là người cha đầu tiên và bề trên đầu tiên, nhưng cũng là người con đầu tiên của Tu hội ấy. Trong Hồi Sử chúng ta đọc thấy: “vì đời sống của Don Bosco hoàn toàn gắn kết với đời sống của Tu hội, nên chúng ta hãy nói về ngài.”[23]

Chúng ta khám phá ý nghĩa của quyền bính giám đốc tại chính cội nguồn của nó khi nhìn quyền bính trong ánh sáng của Don Bosco. Nơi ngài, chúng ta hiểu mình hơn.[24]

  • Giám đốc được mời gọi làm sống lại tình cha của Don Bosco. Sau khi khám phá ra ý nghĩa của nó tại chính cội nguồn, chúng ta cũng phải gắng sức hiểu được cái ý thức về Giáo Hội vốn đang lớn lên cũng như những hoàn cảnh hiện đại và những dấu chỉ thời đại.[25] Ta phải bảo vệ giá trị trường tồn của tình cha. Đó đâu phải là một thứ cặn bã vô dụng, ngột ngạt, lỗi thời của một nền văn hóa cổ hủ. Ta phải nhìn xem nó theo phong cách và giá trị được canh tân của nó. Các bề trên, những người đầu tiên chịu trách nhiệm về ơn gọi Salêdiêng, được mời gọi để thực thi việc phục vụ của quyền bính[26] hầu chu toàn được trách vụ khó khăn là hài hòa được sự sinh động thiêng liêng với quyền bính trong đời tu. Ta không thể sinh động mà không cai quản cũng như ta không thể cai quản mà không sinh động.

Sự sinh động này sẽ không thật sự là Salêdiêng nếu khi thực thi quyền bính, ta đánh mất một cấu tố khác (trách nhiệm cai quản thật sự). Biết làm sao để liên kết hai cấu tố đó với nhau theo những tỷ lệ thích đáng quả là một nghệ thuật và một ơn sủng Salêdiêng, được diễn tả trong chia sẻ và đối thoại. Những hình thức và phương pháp này được trình bày trong truyền thống chúng ta và những tài liệu của các Tổng Tu Nghị mới đây là những phương thế hữu ích, khôn ngoan và hữu hiệu để sống tinh thần Salêdiêng chúng ta. Chúng cũng được trình bày như liên quan nhiều đến các thái độ và nhân đức đặc biệt mà giám đốc phải có, hầu ngài có thể dùng chúng mà phục vụ cho ơn gọi đặc biệt và diệu kỳ của chúng ta, một ơn gọi cùng lúc là tu sĩ, tông đồ và Salêdiêng.

Những chiều kích này được liên kết trong sự thống nhất mà chúng ta kinh nghiệm được về ơn gọi của mình.[27] Chúng được nối kết hỗ tương với nhau, không phải như những thành phần rời rạc nối kết với nhau cách giả tạo nhưng như những khía cạnh đồng qui của cùng một thực tại năng động. Do đó chúng ta có thể cổ xúy đức ái và hoàn thành sứ mệnh của mình, bởi vì Thánh Thần dẫn dắt người Salêdiêng chọn lựa một lối sống Kitô hữu. Lối sống đó cùng một lúc vừa là tông đồ vừa là tu sĩ.[28] Tất cả những điều ấy được bàn đến ở chương 1, 2 và 3.

Chính những chiều kích này tạo thành bộ sườn cho việc phục vụ của cha là giám đốc. Trong chương 4 chúng ta sẽ xét đến ơn gọi Salêdiêng là một kinh nghiệm của đức ái (chiều kích “tu sĩ” Salêdiêng). Còn chương 5 lại bàn đến ơn gọi Salêdiêng như một kinh nghiệm về đức ái mục tử (chiều kích tông đồ Salêdiêng). Chương 6 nói đến những chiều kích này theo quan điểm các mục tiêu, tiêu chuẩn phương thế thích hợp nhất hầu thể hiện chúng cách thích đáng. Còn trong phần phụ lục, chúng ta vạch ra những cơ cấu pháp lý và quản trị cần phải có để cổ xúy cùng những giá trị này. Đây là chỗ mà những giá trị này trở thành linh hoạt và có được sức mạnh khách quan, sức mạnh ấy bảo đảm cho sự duy nhất và đồng tông đồng giống thiêng liêng của Tu hội.

 

CHƯƠNG I:

DON BOSCO,
NGƯỜI CHA VÀ ĐẤNG SÁNG LẬP

Mục đích của chương 1 và 2 là đi ngược về cội nguồn của quyền bính Salêdiêng. Trong ánh sáng đó, chúng nhằm gợi nhắc lại và thấu hiểu hơn quyền bính đó hầu canh tân nó.

  • DON BOSCO, NGƯỜI CHA VÀ ĐẤNG SÁNG LẬP

Don Bosco là mẫu gương hằng đặt trước mặt cha, một nhân vật hấp dẫn cho ta chiêm ngắm nhưng cũng là người tạo ra một sự úy kính. Vì cha và Don Bosco rất khác nhau, nên có thể dễ dàng gây ra một tình cảm về sự bất tương xứng kèm với một xác tín rằng mình không thể đạt tới sự hoàn thiện của ngài. Nhưng tình cảm chủ trị phải là nỗi niềm tri ân Thiên Chúa vì tặng phẩm là con người và sự thánh thiện của ngài, được theo sau bằng một tình cảm tín thác bởi lẽ Don Bosco không chỉ là một kỷ niệm quá khứ nhưng là Đấng Sáng Lập và mẫu gương của chúng ta: một sự hiện diện sống động, tích cực, vươn đến tương lai.[29]

Nếu chúng ta học hỏi ngài kỹ càng để bắt chước ngài[30] như vị giám đốc, thì dường như chúng ta hiểu xác thực nhất chân tính của ngài khi chúng ta gọi ngài là cha. Cha Rinaldi nói: “Đấng Sáng Lập chúng ta không là gì khác hơn là một người cha … Cả đời ngài là một thiên khảo luận đầy đủ về tình cha, một tình cha có nguồn mạch nơi Cha trên trời … và Don Bosco sống tình cha ấy ở dưới thế này cách tròn đầy và hầu như độc đáo. Cũng như đời ngài không gì khác hơn là tình cha, nên công cuộc và các con cái ngài không thể tồn tại mà không có tình cha ấy.”[31] Trích dẫn này là của một người Salêdiêng đã am hiểu Đấng Sáng Lập cách sâu sắc mà ít ai có được. Như người ta thường nói ngài giống hệt Đấng Sáng Lập chỉ trừ giọng nói mà thôi.

Cha giám đốc thân mến, Don Bosco chắc chắn hài lòng để nhìn nhận hình ảnh người cha nơi chính mình. Đó là một hình ảnh Tin Mừng mà thánh Phaolô đã diễn tả rất sâu sắc. Ngài nói lên mục đích của tình cha này: “cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em.”[32] “Điều tôi tìm kiếm không phải là của cải của anh em, mà là chính anh em. Thật vậy, không phải con cái có nhiệm vụ thu tích của cải cho cha mẹ, mà là cha mẹ phải thu tích của cải cho con cái.”[33] Ngài nói tình cha đòi hỏi sự tận hiến: “Chúng tôi sẵn sàng hiến cho anh em không những Tin mừng của Thiên Chúa mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.”[34] Ngài nói đến những thái độ mà tình cha cần có: “Chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em.”[35] “Anh em muốn gì? Muốn tôi mang roi vọt hay là đức bác ái và lòng nhân hậu mà đến với anh em.”[36] Ta thấy cùng một hình ảnh ấy nơi Don Bosco. Ngài luôn khước từ những danh dự và huân chương để vẫn luôn là “Don Bosco nghèo hèn.” Nhưng ngài thích được gọi là “cha.” Ngài không dấu diếm niềm vui sướng mà diễn ngữ ấy mang lại, một niềm vui lớn lên theo năm tháng trôi qua, và bắt ngài phải thốt lên câu nói này: “Các con hãy luôn gọi cha là cha và cha sẽ hạnh phúc.”[37] Ngài thích tước hiệu ấy bởi vì cùng lúc nó hàm ẩn ơn huệ đặc biệt của ngài, và ước ao của ngài là thiết lập nên một gia đình cho những người sống trong cùng một nhà. Nay xây dựng gia đình này thì tương đương với việc cùng cộng tác với hoạt động của Thánh Thần để khai sinh ra gia đình ấy (thành lập), sinh động nó trên bình diện siêu nhiên (đào tạo những người con của nó và giáo dục những người trẻ của nó) và hướng dẫn cùng cai quản nó. Don Bosco đặt tình yêu vĩ đại của ngài như nền móng cho cả tòa nhà ấy. Ngài rõ ràng nhân hậu trong cách suy nghĩ và hành động. Ngài có thể hòa nhã hay cứng rắn tùy theo hoàn cảnh. Nhưng những người mà ngài dùng lời nói để hướng dẫn hay sinh động, an ủi hay in khắc niềm tín thác, đều cảm nhận rằng ngài nói những lời ấy để diễn tả tình yêu của một người cha.

Những biến cố trong đời sống ngài dường như được “một bàn tay vô hình” sắp đặt và thường được rải rắc bằng “những sự tỏ lộ bí nhiệm. Chúng tiên báo những biến cố tương lai.” Những biến cố này “dường như được sắp đặt trước để thực hiện một kế hoạch mà Thiên Chúa hằng giữ kín trong cõi thẳm sâu của Ngài.”[38]

Ơn là Đấng sáng lập một Tu hội là điều thuộc riêng Don Bosco; nhưng rõ ràng theo một vài cách thức và một mức độ nào đó trách vụ này thuộc về tất cả các Salêdiêng, nhất là các bề trên. Don Bosco là Đấng Sáng Lập, nhưng các Salêdiêng của ngài có trách nhiệm không chỉ giữ gìn, nhưng canh tân, phát triển ơn ấy.[39]

Anh em có lẽ nhớ điều Don Bosco nói sau buổi kinh tối trong thư viện của Nguyện xá ngày 6 tháng Tư, 1869: “Chúng ta hãy nhiệt thành gắng sức là những người sáng lập xứng đáng của Tu hội thánh Phanxicô Salê, để những ai đọc lịch sử chúng ta sẽ thấy chúng ta thật gương mẫu. Chúng ta đừng để họ nói: “Quả là một đám ô hợp! Các con hãy giúp cha trong trách vụ lớn lao này, bằng thiện chí và vâng phục. Các con có bổn phận làm cho trách vụ của cha nên đơn giản. Nói: hãy dẫn đạo Tu hội thì dễ. Nhưng khi các con thử, các con sẽ thấy nắn đúc những người có tính tình và não trạng khác nhau nên một lòng một trí thật khó khăn và nặng nề biết bao. Nhưng trách vụ này sẽ nên dễ dàng hơn với sự trợ giúp hiền thảo.”[40]

  • DON BOSCO, “NHÀ ĐÀO LUYỆN VÀ LINH HƯỚNG”

Tình cha hay tình hiền phụ của Don Bosco trước tiên mang tính chất siêu nhiên. Nhưng không phải là không có sự sáng chói nhân loại của nó.

 Những phẩm tính nhân bản chân thật của ngài giống như là bí tích cho sự thánh thiện của ngài. Vì thế chúng hòa trộn với sự thánh thiện của ngài. Ngược lại, những tặng phẩm ơn sủng lại như tôn vinh tính nhân bản của ngài. Hiến luật chúng ta thật chí lý khi trình bày ngài để ta thán phục như là “một sự hòa hợp kỳ diệu giữa ân sủng và bản tính.”[41] Nơi tính thống nhất sinh tử này,[42] ta có được cái chìa khóa để hiểu được những thành tựu nhân bản và thiêng liêng của ngài.[43] Tính thống nhất này được sống cách đơn sơ nhưng thật kỳ diệu đến nỗi ta không diễn tả thích hợp bằng những khái niệm được.

2.1 Don Bosco “thật sâu xa là một con người”[44]

Don Bosco có thể ngỏ lời một cách đầy ý nghĩa cho con người mọi thời và mọi chỗ, bởi vì ngài là người vốn có một ý tưởng rõ ràng về căn tính của mình.

Ngài biết Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn ngài cho một sứ mệnh đặc thù. Ngài cũng có một trực giác phi thường về điều đang xảy ra chung quanh mình, và có một khoé nhìn sắc sảo về cách thức lên kế hoạch cho tương lai.

Từ khoé nhìn rõ ràng này phát sinh nơi Don Bosco một sự tín thác ngay cả khi đối diện với những công việc khó khăn, và thậm chí còn hơn nữa, cái phong thái mà qua đó ngài thông giao với con cái mình. Ngài có một nghệ thuật đối thoại với họ, tạo cho họ cơ hội diễn tả đúng điều họ nghĩ. Ngài không co rút vào quan điểm của mình như thể sợ phải thay đổi một cái gì đó trong cách thức ngài nhìn vào các sự việc. Ngài rộng mở trước sự phong phú mà ngài có thể nhận được bằng việc thông giao với kẻ khác. Chẳng hạn, anh em hãy xem những buổi thảo luận sống động và cởi mở giữa Don Bosco và các thành viên rất trẻ của Tổng Tu Nghị đầu tiên trong Tu hội. Họ là những thành viên được ngài huấn luyện từ lúc họ là những thiếu niên! Ghi lại một cuộc trao đổi ý kiến giữa Don Bosco và Don Belmonte tại Sam Pierdarena, Don Amadei đã viết: “Với sự thẳng thắn vốn là đặc điểm của các Salêdiêng tiên khởi, Don Belmonte đã nói với Don Bosco …” Nhận xét ấy thật ý nghĩa.

Kết quả của những ân điển và tài năng nổi bật này là một sự đào luyện vững chắc trong đường thánh thiện cho các Salêdiêng đầu tiên cũng như chính sự tăng trưởng của chính con người Don Bosco. Con cái ngài được làm giàu do sự đơm bông kết trái thiêng liêng của ngài và bị cảm kích vì lòng nhiệt thành vốn thúc đẩy ngài chuyển giao cho kẻ khác điều ngài đã khám phá và hoàn thành. Theo một nghĩa nào đó, họ đạt được một căn tính tươi mới trong khi Don Bosco lại biết mình còn sâu xa hơn nữa và có khả năng vươn đến những mục tiêu mới.

Sống con đường này không chỉ là một kỹ thuật giáo dục. Nó bắt nguồn nơi lòng thương mến sâu xa và chân thật. Tình yêu mạnh mẽ, đức kiên trì không mệt mỏi của ngài trong các trách vụ, cảm thức của ngài về trách nhiệm như một người cha trong gia đình và sự hiến thân vô hạn vì lợi ích của con cái ngài; ai nấy đều thấy rõ. Ngài đã từng nói: “Các con có thể tin tưởng cha bất kỳ ngày giờ nào.”[45] Nơi ngài sự ấm áp nhân loại và ân sủng Thiên Chúa được hòa hợp tốt đẹp và hiển nhiên trong tình cảm ngài tỏ ra. Về điều này ta có một bằng chứng rộng rãi.

Don Albera đã viết một trang về tình ưu ái của Don Bosco. Có lẽ đó là trang đẹp nhất trong nền văn chươing Salêdiêng: “Tôi phải nói rằng Don Bosco yêu thương chúng tôi theo một cách hoàn toàn của riêng ngài. Cách thức yêu mến đó có một sức quyến rũ không thể cưỡng lại được. Tôi thấy mình như thể một tù nhân của sức mạnh của lòng mến thương đó, vì nó gợi hứng cho tôi suy tư, nói năng và hành động. Tôi thấy mình được yêu như một cá nhân, được yêu mến theo một cách thức mà trước kia tôi chưa hề kinh nghiệm. Nó vượt xa thứ tình cảm nhân loại suông. Tình yêu này vây bọc tất cả chúng tôi trong một bầu khí hạnh phúc và vui tươi.

“Mọi sự ở ngài thật hấp dẫn. Không thể nào khác được bởi vì từ mọi lời nói và vịêc làm của ngài đều phát ra một sự thánh thiện đến từ đức ái hoàn hảo và sự kết hợp với Thiên Chúa. Ngài có thể chiến thắng trái tim chúng tôi bởi vì sự hấp dẫn này. Nhiều tài năng tự nhiên của ngài được nâng lên bình diện siêu nhiên nhờ đời sống thánh thiện của ngài.”[46]

2.2 Don Bosco “thật sâu xa là người của Thiên Chúa”[47]

Thật sự dường như Don Bosco đi trước thời đại ngài và đã thắng vượt những chướng ngại mà “ hình ảnh biểu tượng về người cha đã gặp phải trong một số nền văn hoá hiện đại của chúng ta.

Dẫu là một người con của thời đại thì kinh nghiệm thiêng liêng đã khiến ngài hiểu rằng “tình cha” chỉ tìm thấy được ý nghĩa thật sự và cơ bản của mình trong Thiên Chúa. Người ta nói đến những hiệu quả được sản sinh ra nơi ngài như một Đấng Sáng Lập do sự can thiệp của Thiên Chúa và những đặc sủng của ngài: “Don Bosco đảm nhận vai trò của người trung gian. Khi làm thế, Don Bosco mang đến một bằng chứng về một tình cha thiêng liêng và hiệu quả, nhất là có khả năng khai sinh những kinh nghiệm tôn giáo. Tinh thần gia đình ngài tạo nên thực sự là một sự đồng tông đồng huyết trên phương diện thiêng liêng. Nhà giáo dục ấy chuyển thông sự sống mà ngài rút lấy từ sự kết hợp với Thiên Chúa.”[48] Don Rua thành công trong việc lãnh hội và diễn tả bằng một vài lời đơn sơ điều mà “việc xức dầu của Thánh Thần”[49] đã tạo ra nơi Don Bosco: “là người mà nơi người ấy Thiên Chúa đã nâng tình cha thiêng liêng tới mức cao nhất.”[50]

Tình cha thiêng liêng này có nguồn mạch của nó nơi đức tin. Thánh Phaolô nói tới điều ấy khi viết cho dân thành Galat: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em.”[51] Ta tìm được những cội rễ của sự hiệu quả ấy nơi đặc sủng linh mục.

Công đồng Vatican II nói về các Giám mục và linh mục: “Nhờ sự chăm sóc đầy tình cha của họ, Đức Kitô tháp nhập vào thân mình Người những chi thể mới, qua sự tái sinh siêu nhiên.”[52]

Don Rinaldi nói: “Don Bosco chuyển giao cho các giám đốc truyền thống về tình cha thiêng liêng theo một cách thức mà nhấn mạnh rất nhiều đến hành vi tối thượng của sự tái sinh thiêng liêng vốn xảy ra trong việc dùng đến quyền năng Thiên Chúa ban để tha tội.” Don Rinaldi viết điều ấy vào năm 1931và Ngài dư biết sắc lệnh năm 1901 cấm các giám đốc giải tội cho kẻ thuộc quyền. Dầu vậy, ngài muốn truyền thống Salêdiêng nắm giữ được bản chất tư tế của mình và kinh nghiệm về mối tương quan “cha-con”; tương quan này phát sinh từ việc tiếp xúc trong bí tích. Ngài tiếp tục nói: “Thật lạ biết bao nếu các giám đốc tránh giải tội trực tiếp cho những người thuộc quyền mình, nhưng lại thường xuyên giải tội cho các phần tử trong Nguyện Xá và trong các nhóm trẻ.”[53]

Don Bosco làm nhiều việc trong một lúc. Nhưng lối suy nghĩ, hoạch định cũng như những quan tâm nền tảng vẫn là của vị linh mục: “Vinh quang Thiên Chúa”, “phần rỗi đời đời của thanh thiếu niên”, “những quan tâm lớn dành cho Giáo Hội công giáo”. Đích nhắm thường hằng của ngài là trở thành một linh mục, không hơn không kém.[54] Ngài thường diễn tả nguyên tắc này: “Linh mục luôn là linh mục, và ngài phải tỏ ra như thế trong mọi lời ngài nói. Là một linh mục nghĩa là liên lỷ gắn bó với việc đẩy mạnh những quyền lợi của Thiên Chúa, phần rỗi các linh hồn.”[55] Chính để cứu các linh hồn mà ngài là cha giải tội và linh hướng cho các Salêdiêng và thanh thiếu niên của ngài.

  1. Kinh nghiệm của ngài là cha giải tội

Don Bosco hiểu rằng một linh mục không bao giờ là một người ‘cha’ và ‘người bạn và người anh’ cho bằng khi linh mục biểu lộ lòng từ ái của Đức Kitô, trở thành người tác sinh ơn thánh và người cha của các tâm hồn trong cõi bí mật của tòa án lương tâm. “Ở đây ta có chìa khóa để hiểu phương pháp giáo dục của ngài. Bạn sẽ không bao giờ hiểu Don Bosco là nhà giáo dục và là nhà tạo nên các vị thánh, nếu bạn không nghĩ ngài là cha giải tội của thanh thiếu niên.”[56]

Loại linh hướng làm trong nơi kín đáo của tòa giải tội đối với Don Bosco có tầm quan trọng tuyệt mức. Don Caviglia, một hối nhân thường xuyên của Don Bosco suốt những năm học tại Valdocco, nhấn mạnh đến điểm này: “Không ai đã từng ở nhà của Don Bosco mà không được chỉ cho biết ngay từ đầu chỗ ngài giải tội và linh hướng.”[57] Hiển nhiên việc linh hướng này đi xa hơn điều gắn liền với bí tích đúng nghĩa. Don Bosco nhấn mạnh đến một kiểu linh đạo đơn sơ và căn bản, đồng thời nghiêm khắc và vui tươi cũng như ăn khớp với những nhu cầu của thanh thiếu niên và lớp bình dân. Những người hưởng được lợi ích của nó đều nói rằng Don Bosco đã tạo nên một bầu khí trong đó có sự kính trọng và tự do tinh thần. Ngài nhấn mạnh đến ý thức và bổn phận, đến sự chú tâm vào sự hiện diện của Thiên Chúa, đến tình yêu đối với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đến tinh thần hãm mình hy sinh, như những phương thế thánh hóa. Ngài muốn tất cả các hối nhân của mình phải cảm nhận sự tin tưởng sâu xa vào Thiên Chúa, sự thanh thản vui tươi, hân hoan và khát mong quê trời. Ngài không muốn có sự úy kính hay xao xuyến. Toàn bộ kinh nghiệm ấy phải xảy ra trong một bầu khí tình yêu cả bên ngoài lẫn bên trong.[58]

  1. Kinh nghiệm của ngài là vị linh hướng

Don Bosco có những phẩm tính của một vị linh hướng ưu hạng: phán đoán lành mạnh và kinh nghiệm thực tiễn. Ngài có trực giác sâu sắc về tâm lý, đặc sủng về tu đức (chẳng hạn hãy nghĩ đến giấc mơ dàn hoa hồng). Ngài là một nhà thần bí có một kiến thức tạo bằng kinh nghiệm về mầu nhiệm Thiên Chúa và những lối đường dẫn đến Ngài. Thiên Chúa ban cho Don Bosco những ân sủng cá nhân hoàn toàn phi thường: thị giác thứ hai, sự phân định thiêng liêng, đọc biết những bí mật lương tâm của dân chúng, và hồng ân của lòng nhân hậu lớn lao.

  • Linh hướng cá nhân

Không như thánh Phanxico Salê, Don Bosco để lại rất ít thư từ do ngài viết nhằm linh hướng và những thư đó lại rất ngắn. Ngài cũng không có giờ trò chuyện lâu. Giống như thầy mình là Don Cafasso, Don Bosco ưa linh hướng trong khung cảnh bí tích sám hối. Điều ấy cho ngài cơ hội làm việc trực tiếp trên chính cái lõi tủy thiêng liêng của một nhân vị, và cho phép ngài tin tưởng vào ân sủng mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Điều này đối với ngài dường như là lối tiếp cận vững chắc nhất.

Nhưng điều ấy không có nghĩa rằng ngay cả bên ngoài toà giải tội, Don Bosco không phải là một vị linh hướng tốt (cho các tâm hồn) và không nhờ đến giao tiếp cá nhân khi có thể. Tuy nhiên ngài lại làm thế theo cách riêng của mình. Ngài có nghệ thuật kéo dài cuộc linh hướng ra ngoài bí tích sám hối mà không thất bại để giữ được các giới hạn cần thiết. Những ai đi xưng tội với Don Bosco (Don Bosco không bao giờ là cha giải tội độc nhất ở Nguyện Xá, hầu ai nấy được bảo đảm hoàn toàn tự do trong lương tâm) đã tín nhiệm ngài và sự thánh thiện của ngài đến nỗi “họ không phân biệt chi cả khi nói cho ngài trong hay ngoài toà giải tội những vấn đề thầm kín nhất và tế nhị nhất.”[59]

Một số thí dụ tiêu biểu về loại linh hướng đích thực và tế nhị này là “lời nói rỉ tai”, một cái bắt tay, những sứ điệp ngắn gọn do ngài viết, và nói ra vào lúc bất ngờ nhất, những nhận xét thoáng qua tùy dịp mà một hội viên hay một thiếu niên sẽ thấy rất có ý nghĩa đối với mình. Truyền thống chúng ta luôn nhận biết thích đáng tính liên tục và bổ sung giữa linh hướng trong bí tích sám hối và điều được cống hiến trong bối cảnh giáo dục rộng rãi hơn. Cùng một tình cha, tình bạn và sự tin tưởng hoạt động, làm thức tỉnh nơi thanh thiếu niên một ý thức về những chuyển động của ân sủng và một cam kết để biết những khuynh hướng của chính mình và tăng trưởng thiêng liêng.[60]

  • Linh hướng cho cộng thể

Việc linh hướng cá nhân được thực hiện trong một khuôn khổ của một sự sinh động thiêng liêng toàn diện của cộng thể. Don Bosco có những mục tiêu rất rõ ràng trong tâm trí: đem lại một nền giáo dục vững chắc trong đức tin (rao giảng tin mừng, huấn từ tối, giáo lý); cống hiến những cuộc gặp gỡ thường xuyên với Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể và Sám Hối; đóng góp vào việc tông đồ trong đời sống Giáo Hội và vào sự biến đổi thế giới theo Kitô giáo; khắc sâu lòng tôn sùng đối với Mẹ Maria cung cấp một kế hoạch đời sống sẽ dẫn đến sự thánh thiện thực sự và phần rỗi đời đời.[61]

Khi mọi việc trôi chảy tốt đẹp ở Nguyện Xá thì chắc chắn có một môi trường làm cho việc tăng triển thiêng liêng được dễ dàng. Giám muc Gaudenzi thuộc địa phận Novara một ngày kia đã nhận xét: “Bất cứ ai thăm Nguyện Xá đều kinh nghiệm được bầu khí thánh thiện. Bầu khí đó, họ không dễ tìm được nơi các truờng khác. Dường như trong nhà của Don Bosco người ta thực sự hít thở hương thơm của Đức Kitô.”[62]

Đó cũng là một phong cách mới, dựa trên thuyết nhân bản lạc quan của thánh Phanxicô Salê. Nó giúp chúng ta biết cách “làm thành của chính mình điều gì tốt trong thế giới và không than vãn thời đại mình. Chúng ta giữ lấy điều gì có giá trị, nhất là nếu nó hấp dẫn thanh thiếu niên.”[63]

  • DON BOSCO, NGƯỜI HƯỚNG ĐẠO TRONG VIỆC CAI QUẢN TU HỘI: cơ cấu, sự vâng phục, hiệp nhất và hiệp thông

Don Bosco ý thức cần phải tổ chức xây dựng Tu hội: “Như tất cả các con điều biết, cho tới nay Tu hội chúng ta không có những quy luật được công bố rõ ràng. Chúng ta tiến bước mà không minh định rõ các bổn phận của mình. Khi không được Giáo Hội châu phê, Tu hội chúng ta có thể nói là treo lơ lửng giữa trời … Nhưng bây giờ các con thân mến sự việc không còn như trước nữa. Giáo Hội đã công bố … Chúng ta không còn là những cá nhân riêng rẽ nữa, mà là một Tu hội, một thực thể hữu hình. Từ nay trở đi ta phải trung thành tuân giữ từng khoản luật của chúng ta.”[64]

Và ngài đã ra công để thấy điều này xảy ra. Có thể nói, ngài khai sinh những chỉ dẫn và những cơ cấu; một số trong chúng là dứt khoát, bởi vì gắn kết với chính đặc sủng sáng lập; còn một số khác có tính cách tạm bợ, bởi vì lệ thuộc những hoàn cảnh thời gian và nơi chốn.

Điều này cho Tu hội cơ hội để vận hành, để ghi dấu trong lịch sử, và trở thành một đường lối gắng sức tìm vinh danh Thiên Chúa, sự thánh hóa của người Salêdiêng và phần rỗi giới trẻ. Don Bosco tổ chức Tu hội với một cảm thức mãnh liệt về sự vâng phục Thiên Chúa; ngài vun trồng nhân đức ấy nơi chính mình để thích hợp ra lệnh.[65] Ngài muốn các Salêdiêng coi đức vâng phục như nguồn mạnh sự trung kiên và đâm bông kết trái: “Đức vâng phục hiệp nhất, kiện cường và với ơn Chúa, đem lại nhiều kết quả diệu kỳ.”[66] Ngài xem đó là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ ai muốn ở lại với ngài và theo ngài: “Nếu các con muốn liên kết với cha, các con hãy để cha làm với các con điều mà cha đang làm với chiếc khăn tay này.”[67] Ngài coi vâng phục như là bản lề để xoay chuyển toàn Tu hội.”[68] Tiên vàn, với những điều kiện thích đáng và được đức tin thúc đẩy,[69] vâng phục đối với ngài là con đường trong đó ý Thiên Chúa được biểu lộ: “Người tu sĩ không bao giờ làm ý riêng mình, nhưng nhờ vâng phục, họ thi hành ý Chúa.”[70]

Tiên vàn đó không phải là vấn đề chống đỡ cái khung nhờ những chuẩn mực tu đức. Ngài có một tầm nhìn rộng lớn về cách thức ngài được can dự như một người cha trong việc thành lập và kiện cường Tu hội, do lệnh của Thiên Chúa: “Chúng ta phải lượng định các vấn đề bởi vì mặc dù Tu hội được phê chuẩn, Tu hội vẫn phải được tổ chức lại trên một nền tảng vững chắc. “Chúng ta phải thấy những cá nhân nào không thích hợp cho Tu hội … Những người do dự phải quyết định. Mỗi người hãy lưu ý đến vấn đề của riêng mình.”[71]

Hiệp nhất là mục tiêu ngài muốn đạt tới bằng việc thực thi tình cha trong trách nhiệm điều hành Tu hội và rồi ngài trao phó việc ấy cho tác vụ của bề trên. Ngài thường trở lại đề tài này, cách riêng trong bài huấn đức vào lễ thánh Phanxicô Salê, khi ngài tuyên ngôn như là Đấng Sáng Lập của Tu hội: “Ai nấy hãy dán mắt vào cái trung tâm ấy.”[72] Mỗi người hãy tập hợp lại quanh ngài (Bề Trên Cả) như tiêu điểm duy nhất. Bề Trên Cả có Hiến luật làm chỉ nam (người hướng đạo) của mình. Ngài đừng bao giờ lạc xa khỏi đấy: bằng không thay vì có một tiêu điểm thì lại có tới hai tiêu điểm: Hiến luật và ý của Bề trên. Tốt hơn Bề Trên Cả hãy là hiện thân của Hiến luật.”[73]

Sự hiệp nhất này có nguồn mạch nơi “tính đồng tông- đồng giống thiêng liêng” giữa Don Bosco và những cộng sự viên của ngài. Đây là một khía cạnh quan trọng, và là điểm Don Bosco thường xuyên nhấn mạnh: “Ai không suy tư về bản chất các Tu hội và dòng tu sẽ không hiểu được tầm quan trọng của điểm này. Còn ai suy nghĩ đến những lý lẽ làm các dòng tu suy thoái hay tăng trưởng cũng như nghĩ đến cái nguyên nhân gây nên chia rẽ mà biết bao Tu hội đã từng kinh nghiệm, sẽ thấy rằng vấn đề thoát thai từ việc thiếu mất tính đồng tông đồng giống ngay lúc khởi đầu trong việc sáng lập dòng tu ấy.”[74]

Từ kinh nghiệm này đưa đến một lời khuyến cáo cho những năm tương lai: “Vì bây giờ chúng ta đang bắt đầu chỉ định làm giám đốc những người đã sống một thời gian ngắn bên cạnh Don Bosco, nên nảy ra nguy cơ là mối tương giao giữa những người này và những giám đốc khác không thân tình như phải là thế.”[75] Để đạt được sự hiệp nhất tinh thần này, Don Bosco muốn chỉ có một nguyên tắc quyền bính và quản trị.[76] Hiểu được những lý lẽ của ngài dường như thật quan trọng. Trong khi một người cha thiêng liêng theo nghĩa truyền thống không trực tiếp quan tâm đến thái cử bên ngoài của người mà ngài hướng dẫn trong những lối đường của Chúa, thì Bề trên Salêdiêng, như được Don Bosco nhìn ngắm, lại mang lấy một trách nhiệm toàn diện. Nhưng mỗi mặt của tình trạng toàn diện này đều được nhìn từ nhãn quan thiêng liêng. Ngài phải quan tâm đến việc quản trị tài sản vật chất, đến việc cung ứng những nhu cầu vật chất, và đến việc phân công nhằm hoàn thành sứ mệnh của cộng thể. Nhưng ngài làm tất cả điều này dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Điều này không có nghĩa rằng chính ngài phải làm hết mọi việc này. Nhưng ngài phải đảm bảo rằng những bổn phận này được thực thi nhắm đến mục đích thiêng liêng. Ngài phải đảm bảo rằng có một phẩm trật các trách nhiệm trong việc cai quản cộng thể; và rằng những nỗ lực của từng cá nhân và cộng thể xét như một toàn thể, đồng qui vào việc nhắm đến một cứu cánh thiêng liêng. Lãnh vực thiêng liêng và vật chất không phải là hai khía cạnh tách rời nhau của đời sống cộng thể, chỉ đặt cạnh bên nhau mà thôi.

Từng cá nhân người tu sĩ và cộng thể được mời gọi xa tránh tội lỗi và thưc thi ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể của đời sống hằng ngày. Họ được kết hợp với Thiên Chúa và anh em qua việc sử dụng các sự vật bên ngoài, cũng như qua những ý hướng sâu xa nhất của họ. Và Don Bosco muốn nói đến điều này khi yêu cầu họ không chỉ kết hợp với giám đốc, nhưng phải thực hành đức vâng phục chân thật.

Mục tiêu khác nữa là tình yêu huynh đệ. Nó kết hợp các hội viên lại với nhau để làm họ nên một lòng một linh hồn[77] và một tinh thần tông đồ mãnh liệt.

Ta thường thấy những gương loại biệt về những phẩm tính này nơi Don Bosco và lịch sử Tu hội chúng ta.

Tình yêu huynh đệ mà họ qui chiếu tới là thứ tình yêu được sống trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem. Trong phần giới thiệu Hiến luật có qui chiếu rõ ràng đến Cv 4,32. Don Bosco thường xuyên trích dẫn câu này trong các bút tích của ngài.[78] Tổng Tu Nghị đầu tiên, họp tại Lanzo năm 1877, đã suy nghĩ về bản văn này và vạch ra một số đặc tính và áp dụng của nó liên quan với những lý lẽ căn bản cho đời sống cộng thể.

Tính năng động mục vụ của cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem bắt nguồn nơi hai sự vững chắc lớn lao này: Đấng Phục Sinh hiện diện và được kinh nghiệm trong việc chăm chỉ lắng nghe lời Thiên Chúa, trong kinh nguyện và trong phụng vụ (trung tâm của phụng vụ là cử hành Thánh Thể) và thần khí Chúa hịên diện và tỏ lộ mình ra qua việc kết hiệp các phần tử trong một tình huynh đệ chân thật. Nó là một cộng thể của những người được “gọi và được sai đi”, một cộng thể đầy tình yêu mục tử với những trách vụ loại biệt và dứt khoát phải thực thi “rao giảng Tin Mừng, xua trừ quỷ ma và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.”[79]

  • KẾT LUẬN

Chính nhờ kinh nghiệm sâu xa và đa dạng này về tình cha trong chức linh mục mà một đời sống Kitô hữu mãnh liệt và một sự thánh thiên chân thực đã nở rộ tại Valdocco như đã xảy ra quanh thánh Bênêđictô và Phanxicô Assisi. Don Bosco chuyển thông và chiếu tỏa sự sống của Thần khí một cách hầu như lây lan.

Ở đây chúng ta bắt gặp được sự tương đồng với điều được viết về các viện phụ lớn trong sa mạc: “Dần dần chịu ảnh hưởng của Thần khí Chúa, các viện phụ đã thành công trong việc đào tạo các môn sinh đạt tới sự hoàn thiện của đời sống ẩn tu trong mối dây hiệp thông mãnh liệt. Sức mạnh của Thánh Thần hoạt động trong lời khuyên ngắn gọn mà dân chúng, dù ở rất xa, đổ xô đến nghe họ nói … không có quy luật nào trong sa mạc ngoại trừ Tin Mừng và luật Thần Khí.

“Nhưng luật Tin Mừng được nhập thể nơi những con người trổi trang ấy, từng quen với mọi sự thiếu thốn. Họ không ban hành luật lệ; đúng hơn chính họ là luật sống của Thần khí. Như phát ngôn viên của Thần khí, viện phụ dạy cho những môn đệ của mình phân định tiếng nói của Thần khí.”[80]

Chúng ta không ngần ngại áp dụng những lời này cho Don Bosco. Nơi ngài chúng ta chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng của đặc sủng là tình cha theo chức linh mục, môt đặc sủng sống mãi trong Tu hội ấy như là phần gia sản thiêng liêng của nó.

CHƯƠNG 2

LÀM SỐNG LẠI TÌNH CHA CỦA DON BOSCO NƠI QUYỀN BÍNH CỦA GIÁM ĐỐC HÔM NAY

Tình cha hay tình hiền phụ của Don Bosco thì thường hằng và ôm ấp mọi sự. Nó thấm nhiễm mọi khía cạnh nơi nhân cách và sự phục vụ của ngài, mặc dù nhấn mạnh đến trách vụ thánh hoá và đào luyện kẻ khác.

Chúng ta muốn gợi lại những khía cạnh phong phú này mà Thánh Thần tiếp tục ban phát. Chúng ta muốn phân định những động cơ sâu xa của những khía cạnh ấy trong gia sản Giáo Hội, tức là căn tính Giáo Hội của các Tu hội và bản chất biệt loại của Tu hội chúng ta. Khảo cứu này sẽ giúp làm tăng tình cha của giám đốc cũng như việc phục vụ của ngài thêm hữu hiệu.

  • TÌNH CHA VÀ NHỮNG BỐI CẢNH VĂN HÓA

Làm sống lại tình cha của Don Bosco hôm nay! Cung giọng của diễn ngữ này có lẽ làm cha không mấy thoải mái. Có lẽ cha cảm thấy rằng nó không mấy khả tín trong bối cảnh của nền văn hoá hiện nay, vốn từng chống lại mọi kiểu quyền bính, đặc biệt quyền bính của người cha. Điều này hình như càng đúng vì với sự kiện là cơn khủng hoảng tôn giáo ngày nay dường như đưa đến vô thần và chống lại ‘hình ảnh người cha’. Người ta hiểu ‘người cha’ như biểu thị thứ ức chế hay hạn chế phá hủy tự do và làm cho con người không thể tới đạt vận mạng của mình.

Theo cùng những đường nét này, những ý thức hệ khác chủ trương rằng giai cấp trưởng giả không thấy được những giá trị chân thật, rằng khái niệm ‘người cha’, vốn liên kết chặt chẽ với những giá trị ấy, hoàn toàn mất hết ý nghĩa. Vì lẽ này, trong cuộc đấu tranh giữa thế hệ này và thế hệ kế tiếp, đã có sự đảo lộn các giá trị. Người con thì đáng giá hơn người cha. Người con biểu thị cho nguyên lý tăng trưởng và sáng tạo. Trái lại, quyền bính và kinh nghiệm của người cha chỉ là những ‘hình ảnh văn hóa’ có ít giá trị hơn nhiều. Chúng càng có ít để cống hiến, nên càng ít có quyền cấm đoán.

Như vậy, ‘hình ảnh người cha’ này được chuyển cho bất kỳ ai ở vị thế có quyền bính. Ông được coi như có tính áp bức và là nguồn mạch của mọi sự thất bại; và như vậy là mục tiêu của chống đối và bạo lực. Tính hiền phụ nơi con người bị huỷ diệt và tính hiền phụ hay tình cha của Thiên Chúa, được coi như sự hoàn hảo tối hậu của điều ấy, ngày càng mờ nhạt đi như sự lụi tàn của ý thức hệ tôn giáo.

Cũng có những ý tưởng và những quan tâm khác đang phổ biến trong văn hóa hiện đại. Và chúng hiển nhiên không hoàn toàn tiêu cực theo diện chúng muốn nói đối với tu sĩ. Chúng ta không bàn đến quá nhiều những đổi thay lớn về phương diện văn hóa xã hội, mà dĩ nhiên ta phải ghi nhớ, nhưng ta nói đến những hiện tượng loại biệt và khá thông thường. Chúng gắn liền với những khía cạnh khác nhau của những môi trường tu sĩ chúng ta. Chúng có thể được xem xét theo một cách thức cho thấy sự thích đáng của chúng về phương diện xã hội, và nó vạch ra một sự ưu tiên nào đó của các giá trị. Người ta có thể nghiên cứu chúng dưới diện những ý thức hệ xã hội, và theo đó người ta đánh giá và sống những thực tại nhân sinh; hoặc ta có thể cứu xét chúng theo khung của “tất cả những điều đem lại sự tinh tế và phát triển những khả năng thể lý và trí tuệ khác nhau của con người” và chúng tạo thành những trạng huống đời sống khác nhau.[81]

Biết những hiện tượng này thật là quan trọng đối với cha. Chúng có thể và nên được so sánh với những giá trị và phong thái đời tu. Nếu có giá trị tích cực, chúng có thể là một sự trợ giúp. Nếu mang một nội dung tiêu cực và không thể phù hơp với những giá trị của đời tu, chúng là một chướng ngại và có thể dẫn người tu sĩ lạc lối. Nhưng dù sao chăng nữa, chúng đều liên hệ tới trách vụ của cha là người cha và người sinh động.

Cá nhân hay cộng thể không thể nào tiếp tục trách vụ là phát triển con người và phúc âm hóa, nếu xa lạ với nền văn hóa của họ. Họ không thể tăng trưởng về phương diện thiêng liêng, bất chấp môi trường và văn hoá của họ, nhưng phải ở trong và cùng với môi trường và văn hóa ấy. Họ sẽ làm chứng họ hoàn toàn tận hiến cho Đức Kitô theo mức họ kết hợp với Người trong bối cảnh của nền văn hóa được kitô hóa của họ.[82]

  • KHÔI PHỤC NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA TÌNH CHA SALÊDIÊNG

Những khó khăn chúng ta đang miêu tả về việc hiểu hạn từ ‘cha’ muốn nói gì, phát xuất từ những tình cảm và những áp lực ta cảm nhận trong môt số tình trạng hiện nay. Nhưng giá trị của tình cha ta thấy được trong đời sống của Don Bosco lại thật quý báu và trơ gan cùng tuế nguyệt.

Chúng ta có nhiệm vụ suy tư lại và khám phá ra những đường lối và diễn tả tình cha Salêdiêng của chúng ta cho phù hợp với những nền văn hóa nhưng vẫn không hề cắt đứt với Don Bosco, bằng một cảm thức phân định sâu sắc theo ánh sáng của truyền thống chúng ta và của huấn quyền. Cá nhân cha được kêu gọi để đảm nhận thách đố này. Công việc này không dễ. Nhưng Thánh Thần tích cực hiện diện trong Giáo Hội và trong Tu hội, vì vậy việc này có thể thực hiện được và cha có thể đối diện với nó cách tín thác. Chúa Thánh Thần luôn trung thành và quảng đại. Ngài đã hiện diện lúc Tu hội được thành lập. Ngài tiếp tục hướng dẫn chúng ta hầu duy trì, thích ứng và phát triển đặc sủng ấy.

Trong bối cảnh này điều chúng ta sắp nói tới dường như có thể trừu tượng đôi chút và khá lý thuyết. Cha đang sống giữa những vấn đề thường nhật rất hiện thực, một số vấn đề còn làm ta bối rối nữa. Một vài ý tưởng dường như khá khó hiểu và giống như một thứ xa xỉ mà nhiều người không kham nổi. Dầu vậy, những tư tưởng này phải thực sự giúp cha nhìn ra chính mình, và sự phục vụ cha được yêu cầu trao ban trong bối cảnh tự nhiên của nó. Chúng phải giúp cha hiểu nguồn gốc và nền tảng của việc phục vụ cha thực thi là gì, cũng như ý nghĩa và hiệu năng của sự phục vụ ấy.

Thực cần thiết phải hiểu được bản chất của Giáo Hội, hiểu được ý thức của Giáo Hội về chính mình, và cách thức mà các tu hội phát sinh, sống và hoạt động trong Giáo Hội. Ta cần phải hiểu những nét làm chúng ta thành người của thời đại chúng ta. Đây không phải là một loại kiến thức hời hợt, chỉ chạm đến cha và công thể của cha từ bên ngoài và xa vời, nhưng là một ý thức cống hiến cho cha sự hiểu biết sâu xa về cộng thể và sự phục vụ của cha, hầu cảm thức và khả năng mục vụ của cha[83] có thể trở thành di sản lớn nhất của cha.

2.1 Giáo Hội, sự hiệp thông được quyền bính phục vụ

Công đồng Vatican II cống hiến cho chúng ta một hình ảnh về Giáo Hội như là một dân tộc sống hiệp thông với Thiên Chúa và với chính mình, đang chuyển mình hướng tới sự thánh thiện qua sự khởi hứng của Thánh Thần.

Dân mới này của Thiên Chúa là tiêu điểm lôi kéo và hiệp nhất toàn thể nhân loại.[84] Nói cách khác, Giáo Hội đối diện với những vấn đề lớn của nhân loại như sự hiệp thông của các ơn gọi biệt loại sống trong sự hiệp thông cùng một Thần Khí. Mọi ơn gọi giúp Giáo Hội là chính mình cách sung mãn hơn, và hoạt động hữu hiệu hơn. Bù lại Giáo Hội cung cấp cho từng ơn gọi cơ hội để hiểu được căn tính của mình, để trung thành, phát triển và phục vụ theo hồng ân đặc biệt của mình.

Những điều này cũng đúng đối với đặc sủng của quyền bính. Đặc sủng này phải được dùng chỉ để xây dựng đoàn chiên trong chân lý và sự thánh thiện mà thôi. Người có quyền phải ghi nhớ rằng ai làm lớn phải trở thành thấp bé, và kẻ làm đầu phải hầu thiên hạ.[85]

Cha không mấy khó khăn để biết rằng giá trị của cộng thể lớn lao biết bao và giá trị này được liên kết với đặc sủng của quyền bính như thế nào. Người ta thường nhấn mạnh điểm này. Thật quan trọng cho người phải thực thi quyền bính là phải ý thức rằng quyền bính được ký thác cho họ nhằm xây dựng cộng thể và rằng cũng như sự vâng phục đối với vấn đề này, nó được liên kết với mầu nhiệm Đức Kitô, người Tôi Tớ của Chúa Cha và của Giáo Hội. Điều này tương đương với nói rằng nhờ ơn Chúa, cha càng hiểu đầy đủ hơn mầu nhiệm khổ nạn, chết và phục sinh của Chúa Giêsu và mầu nhiệm Giáo Hội, cha càng biết rõ hơn phục vụ có nghĩa là gì.

Vì thế chúng ta không nên ngạc nhiên về chiều sâu của lòng trung thành và tình yêu Don Bosco dành cho Giáo Hội. Chúng ta cũng đừng lấy làm lạ về sự kiện là đối với ngài không có mệt nhọc nào là đáng kể khi lên quan đến việc phục vụ Giáo Hội và Đức Thánh Cha.[86] “Cha mệt nhọc tí xíu, nhưng ích lợi của Giáo Hội là trên hết, trên cả lợi ích của Tu hội chúng ta.”[87]

Tình yêu và sự gắn bó sâu xa của Don Bosco đối với Giáo Hội phải được coi là một ơn và nguồn sức mạnh và sự chắc chắn trong những giây phút khó khăn. Đó là một ân điển ngoại thường được đi xuống tới chúng ta qua kinh nghiệm của Đấng Sáng Lập thánh thiện của chúng ta.

2.2 Các Tu hội

Các Tu hội là những cộng đoàn hiệp thông với Giáo Hội. Các Tu hội có một thiện ích chung của mình và có chức năng riêng của mình. Các Tu hội cần mẫn đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa qua việc đào luyện mà các Tu hội cung ứng. Và các Tu hội hiến mình để công tác theo những phương cách và hình thái khác nhau vào cũng một việc tông đồ của Giáo Hội.[88] Các Tu hội được sinh độnghướng dẫn vào trách vụ này nhờ quyền bính đời tu. Những thực tại thiêng liêng này, khi giám đốc hiểu và sống, có thể giúp ngài ý thức sâu sắc tác vụ của ngài có ý nghĩa gì. Những chân lý này hỗ trợ và nuôi dưỡng ngài. Chúng bảo đảm sự hữu hiệu của tác vụ ngài.

Những văn kiện Lumen GentiumPerfectae Caritatis[89] định vị các Tu hội trong khung mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo Hội được xem là sự hiệp thông của các ân điển khác nhau. Người tu sĩ gắng vươn tới một thiện ích chung, hầu có thể trung thành giữ các cam kết mà việc tuyên khấn tu trì của họ hàm chứa, và tiến xa trên đường đức ái trong niềm vui thiêng liêng.[90] Nói cách khác, họ có một mục tiêu vươn đến. Ấy là, lớn lên trong đức ái nhờ việc theo Đức Kitô. Họ phải là dấu chỉ và người mang tình yêu của Người. Họ cũng được phú ban những phương thế để đạt tới mục tiêu này: tuyên khấn và một lối sống làm họ có thể thực thi các lời khấn ấy.

Bù lại, điều này cũng làm cho cộng thể có thể hiện hữu, bởi vì thiện ích chung giống như một linh hồn. Đó là cái ý thức sống động về những ân điển và bổn phận đặc thù mà các phần tử chia sẻ và vì đó họ làm việc. Thiện ích chung của mỗi Tu hội khác nhau theo bản chất của Tu hội. Trong cùng Tu hội, nó cũng khác biệt đối với từng cộng thể địa phương theo công việc tông đồ loại biệt của cộng thể ấy, theo khu vực cộng thể sinh sống, theo nền văn hóa mà cộng thể tham gia vào và thậm chí theo kích thước của cộng thể.[91] Nhưng không có sự sống nếu không có thiện ích chung.

Tất cả các Tu hội tham dự vào đời sống của Giáo Hội: “chính vì thiện ích của Giáo Hội mà các Tu hội có những đặc tính và chức năng riêng của mình.”[92]

Các Tu hội phải thực thi việc canh tân trong đời sống của Giáo Hội và trong những chọn lựa việc tông đồ của mình. Những khủng hoảng chúng ta kinh nghiệm ngày nay, trước hết liên quan đến sinh hoạt của Giáo Hội, bởi vì chúng đồng thời là những khủng hoảng về sự thánh thiện và sự uy tín.

Do các hoạt động của mình lẫn do sự linh hứng mà các Tu hội mang lại, các tu sĩ phải là những mẫu mực trong những tình huống mà nơi đó đang xảy ra những thay đổi lớn lao về văn hóa và nơi đó những thách đố lớn lao của lịch sử và các dân tộc đang trồi hiện. Việc theo Đức Kitô, sequela Christi, là một điều hoàn toàn khác với một thứ bắt chước Người suông, vốn thường bị tách khỏi lịch sử và những thực tế.

Sự trung thành của một Tu hội không phải là một vấn đề mà có thể được thiết định theo một đường lối thuần túy nội bộ của nhóm đó mà thôi. Nó cũng phải được định giá và bàn luận, lưu ý đến những điều kiện đổi thay và những dấu chỉ thời đại.[93] Đây luôn là lối tiếp cận của Don Bosco. Ngài diễn tả điều ấy rất đơn giản: “Cha luôn tiến tới như Chúa soi sáng cho cha và như hoàn cảnh đòi hỏi.”[94] Đối với ngài, đấy cũng là nguồn an vui: “Tâm hồn cha sung sướng vì thấy rằng dù thấp hèn lúc này chúng ta cũng vẫn đóng góp được viên gạch nhỏ bé để xây dựng tòa nhà Giáo Hội vĩ đại.”[95]

Những cộng đoàn này gồm những con người được thánh hiến có thiện ích của chính họ và công việc canh tân đặc trưng của họ được sinh động và hướng dẫn nhờ đặc sủng của quyền bính đời tu. Từ đây nảy ra một nhu cầu khá khẩn cấp là lúc này phải bàn đến một vài ý tưởng căn bản về nguồn gốc và bản chất của quyền bính đời tu, tầm quan trọng của việc phục vụ mà quyền bính đem lại, nhu cầu phải canh tân đường lối thực thi quyền bính, và ý nghĩa của sự miễn trừ mà nó được hưởng. Đây là những khái niệm cha đã quen thuộc và trực tiếp liên quan đến cha. Chúng bao gồm những đặc tính nơi căn tính của cha như một bề trên, nguồn gốc của căn tính này, tính hiệu quả của nó, và những mối liên hệ tất yếu mà cha phải cổ xúy hầu ân điển mà cha mang lấy sẽ không bị nghèo đi hay thậm chí bị chính cha xao nhãng trong thực tế. Bằng không, làm thế nào cha có thể làm chứng cho nó? Mặc dầu “bề trên cần tấm lòng hơn cái đầu,”[96] thì tấm lòng vẫn cần được nuôi dưỡng bằng động lực thâm sâu và bất biến.

  1. Nguồn gốc và bản chất của quyền bính trong đời tu
  • Thần khí Chúa là nguồn mạch của quyền bính đời tu.[97] Thánh Thần làm cho tu hội kiên định và qua kinh nghiệm đặc biệt của Đấng Sáng Lập, Ngài đem đến cho cộng thể một cơ cấu và cung ứng quyền bính thích hợp cho cơ cấu ấy hầu kinh nghiệm thiêng liêng này có thể tiếp tục sống. Vì thế, quyền bính là một diakonia, một sự phục vụ hơn là một chức tước. Người có quyền bính dùng nó để phục vụ những giá trị của sự hiệp thông mà thuộc về riêng của cộng đoàn ấy. Họ phải bảo vệ những giá trị này, cổ võ và có lẽ ngay cả khai sinh chúng. Chúng ta đang nói về một loại phục vụ dẫn đến tăng trưởng. Kiểu mẫu tốt nhất của quyền bính không phải là loại ra lệnh nhiều nhất nhưng là thứ sáng tạo, khai sinh và đem lại sự tăng trưởng.
  • Quyền bính đời tu có tương quan với phẩm trật thánh thiêng,[98] bởi vì được chuyển thông qua Đức Giáo chủ, nguyên lý của mọi quyền bính được thông chia trong Giáo Hội. Cảm thức về Giáo Hội, Sensus Ecclesiae, và sự trung thành đặc biệt với Đấng Kế Vị thánh Phêrô mà Hiến luật chúng ta nói đến, có được cái lẽ sống (raison d’être) trong những nguồn mạch này. Đàng khác, “Trong các Tu hội vẫn có một tổ chức nội bộ, có thẩm quyền riêng và một mức độ tự lập thực sự, mặc dù trong Giáo Hội, sự tự lập này không bao giờ trở thành sự độc lập. Mức độ chính đáng của sự tự lập này và sự giới hạn cụ thể của thẩm quyền được chứa đựng trong luật chung và trong những Qui luật hay Hiến luật của mỗi Tu hội.”[99]
  • Trong viễn ảnh này Công Đồng Vatican II trình bày về sự miễn trừ trong đời tu. Nhưng người tu sĩ phải công nhận Giáo Hội địa phương là bối cảnh lịch sử[100] trong đó ơn gọi của họ được hình thành và hiện thực.[101]
  1. Linh đạo của quyền bính trong đời tu

Do chính bản chất của mình, quyền bính trong đời tu nhạy cảm đặc biệt với những giá trị thiêng liêng bởi vì “đời tu là đời sống trong Thần khí.”[102] Những giá trị thiêng liêng thấm nhiễm đời sống cá nhân và cộng thể.

Nhờ lượng giá hoàn cảnh và nhu cầu nảy sinh, các bề trên khám phá ra những động cơ để trung thành với Thiên Chúa và phục vụ anh em bằng cách giúp họ quảng đại đáp lại những đòi hỏi của ơn gọi họ. Do đó, họ được mời gọi phải dạy dỗ, thánh hóa và cai quản với sự kiên nhẫn và cương nghị.

  • Như mọi bề trên, cha cũng sẽ cai quản theo Thần khí và bắt chước sự kiên nhẫn và sức mạnh của Thiên Chúa. Cha sẽ liên lỷ thấy mình ở trong những trạng huống mà cha phải vừa đòi hỏi lại vừa nhân ái.

Kiên nhẫn không bao giờ được trở thành sự nuông chiều ủy mị, tìm cách được quần chúng ưa thích, sự dửng dưng hay là sự lo lắng quá đáng về việc gây ra khó chịu. Kiên nhẫn đến từ thừa nhận sự mỏng dòn nhân loại và từ niềm xác tín rằng lòng nhân hậu của Tin Mừng chữa lành những khuyết điểm và lầm lỗi một cách hiền từ, khi nó là tình yêu chân thật đối với người sa ngã. Sự cương nghị là một thứ sức mạnh vị tha, giúp người khác cảm thấy những đòi hỏi cao cả của tình yêu Thiên Chúa và nhu cầu cần phải thắng vượt sự nguội lạnh hay sự bất tuân. Sức mạnh và sự hiền dịu không bao giờ đối kháng nhau, nhưng phải luôn đi cùng với nhau. Trong Thánh Kinh, Thần khí được so sánh với cơn bão táp và với làn gió hiu hiu. Nếu cha dễ dạy đối với Thần Khí, cha sẽ phải vừa cương nghị, vừa nhân từ. Cha sẽ phải biết đối diện với những quá phạm ra sao, đang khi vẫn khép mắt làm ngơ trước sự yếu đuối nhân loại. Cha không được nhỏ nhen, nhưng cũng không được vô tâm vô tính. Cha phải chinh phục sự tín nhiệm của các hội viên bằng cách quên những lầm lỗi họ đang chân thành gắng sức sữa chữa; nhưng cha cũng phải đòi hỏi hầu dẫn về lại hay gìn giữ sự trung thành của những kẻ được Thần khí Chúa trao phó cho cha coi sóc.

Don Bosco diễn tả những thái độ này bằng những kiểu nói quen thuộc với chúng ta: “Bề trên phải có ba phẩm tính này: ngài phải mau tha thứ, chậm phạt và rất nhanh quên.”[103] Giám đốc phải “anh hùng trong việc chịu đựng những yếu đuối của người khác.”[104] Tuy nhiên, giám đốc cũng “cần phải ra lệnh.”[105]

  • Bằng cách này một cảm thức về sự tin tưởngan toàn sẽ ngự trị và cha sẽ thành công trong việc thi hành trách nhiệm của mình như vị thầy tinh thần đối với những mục tiêu Tin Mừng của Tu hội. Cha sẽ thủ đắc được khả năng cổ xúy đời sống bác ái trong cộng thể và kiện toàn việc đào luyện ban đầu cùng liên tục của các hội viên cũng như việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm. Cha sẽ có thể tổ chức các phần tử trong cộng thể, phát triển sứ mệnh của cộng thể và bảo đảm rằng nó được xen nhập thích đáng vào trong đời sống của Giáo Hội địa phương.

2.3. Tu hội Salêdiêng

Mọi đoàn sủng có được ơn triển khai tiềm lực của mình trong môi trường lịch sử nó hiện sống. Nó có khả năng đáp ứng những vấn đề do các nền văn hóa khác nhau đem lại, và những kích thích đến từ Giáo Hội, theo một cách sáng tạo và hợp nhất. Nó làm điều này qua một phong thái đặc thù trong sinh động và cai quản, thánh hóa và hoạt động tông đồ.[106] Có lẽ đây là điều Don Bosco có trong trí khi ngài nói về “bản sao đẹp” của Tu hội mà ta phải tạo nên. Cần phải liên tục tô điểm lại “bản sao đẹp” ấy. Đây chính là đường lối cha phải nghĩ đến khi bắt tay vào việc sinh động và cai quản. Điều ấy chắc chắn sẽ giúp dân chúng và các Tu hội chu toàn công việc duy nhất này và phát triển đoàn sủng của họ.[107]

  1. Bản chất và quyền bính của Tu hội

Don Bosco viết: “Tu hội Salêdiêng của thánh Phanxicô Salê qui tụ các linh mục, tư giáo và giáo dân (nhất là những người thợ) muốn cùng nhau làm việc thiện cho nhau và cho người khác.”[108]

Ta nhìn thấy khía cạnh của việc cần đến nhau và phục vụ lẫn nhau[109] trong sự hiệp nhất của các phần tử, được liên kết với nhau bằng dây đức ái, và trong hoạt động đa dạng và bổ sung nhắm đến hiệu quả tông đồ.[110] Các người Salêdiêng sống và tiến bước trong đức ái nhằm đem lại một sự phục vụ cho người trẻ trong Giáo Hội như một sự trải rộng cùng một tình yêu ấy vốn kết hiệp họ với Đức Kitô và với nhau. Trong trí Don Bosco, đức ái này được hướng dẫn và nuôi dưỡng bằng một loại quyền bính được làm giàu nhờ ân sủng của tác vụ linh mục. Đây là nguồn sức mạnh và sức mãnh liệt, khi nó cố gắng đáp lại những dấu chỉ thời đại, và những đòi hỏi của một kỷ nguyên mới trong lịch sử, trong sự trung thành với những mục tiêu của mình.[111]

  1. Phong thái quyền bính Salêdiêng: sinh động bằng việc cai quản và cai quản bằng việc sinh động

Theo Hiến luật chúng ta, bề trên được ban cho ‘quyền cai quản’ đích thực, điều ấy thật rõ ràng.[112] Quyền bính của ngài có đặc tính tôn giáo tận bản chất, và được coi là một sự phục vụ trong việc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa để giữ gìn sự hiệp nhất và căn tính Salêdiêng.[113] Đàng khác, các cộng thể chúng ta ngày nay đang gia tăng ý thức là rất cần phải có việc sinh động hầu có thể thật sự được phúc âm hóa và trở thành những người loan báo Tin Mừng.

Vậy, sinh động và lấy quyết địnhhai chức năng của quyền bính. Chúng luôn sánh vai bên nhau mặc dù phân biệt nhau, theo những tình trạng loại biệt và với những mức độ khác nhau. Chúng có cùng một mục đích: làm cho cộng thể và cá nhân tăng trưởng trong ơn gọi của họ.

Có một số người nghĩ rằng quyền bính của bề trên chỉ hệ tại ở sự sinh động. Điều này không đúng. Sinh động cũng không phải là khu độc quyền dành riêng cho bề trên. Trong các cộng thể cũng có những người sinh động khác nhau nhưng không có quyền cai quản. Thực vậy, từ ngữ ‘sinh động’ có nghĩa trước tiên là gợi ý, thúc đẩy, thuyết phục. Nó giả định khả năng đối thoại, lắng nghe và phân định.[114] Bất kỳ ai có những phẩm tính này đều là một người sinh động đúng nghĩa.

Đàng khác, sự sinh động là một khía cạnh quan trọng của việc cai quản, và là một cách thức tiêu biểu để thực thi quyền bính.

Vì thế, cha phải cai quản bằng việc sinh động. Don Bosco diễn tả như thế này: “Trách vụ chính của giám đốc là phân công để thực hiện và bảo đảm công việc ấy được thực thi.”[115] Nếu bề trên ra lệnh, ngài phải làm thế theo đặc sủng Salêdiêng. Nói cách khác, phong thái của ngài phải luôn là của một người sinh động, không chút có tính chất chuyên chế hoặc bi quan yếm thế, nhưng có thẩm quyền, nghĩa là hợp với tinh thần gia đình và với những nhu cầu của thời đại chúng ta.[116] Don Bosco cho Don Rua, vị giám đốc tại Mirabello chuẩn mực này: “Con hãy cố làm cho người ta yêu mến hơn là nể sợ con; khi con ra lệnh hay sửa lỗi, hãy luôn cho thấy rõ con hành động vì thiện ích của người khác chứ không phải do tính bốc đồng.”[117]

Cha cũng phải sinh động bằng việc cai quản. Tiến bước theo ý ngay lành mà thôi thì không đủ. Cha phải đạt tới những mục tiêu của mình: “Nếu một hội, giống như chúng ta, muốn tiến bộ thì cần phải được tổ chức tốt đẹp. Luôn phải có những người ra lệnh và những người vâng phục… trong thân mình, phải có một trí tuệ điều khiển những vận hành của nó.”[118]

  1. Sinh động một cộng thể Salêdiêng có nghĩa là gì?

Những thái độ tân tiến và những đường lối hoạt động phù hợp với thời đại và hoàn cảnh chúng ta sống, chắc chắn phải được tháp nhập vào cách thức thực thi quyền bính. Xét một mặt cha là một người sinh động do công việc, hay nếu cha thích, theo ơn gọi. Nhưng cha phải cố gắng đạt được kinh nghiệm về cách thức để các nhóm sống và làm việc với nhau, và học để phát triển những năng khiếu và tài năng cá nhân của mình. Cha phải biết cách thức để hội nhập một người vào trong một nhóm, để đưa ra một đề tài đặc thù, để đề xuất hay đề nghị, để đón nhận lời phê bình. Cha phải có khả năng tạo được tin tưởng và tín nhiệm cũng như cổ võ sự tăng trưởng của những người khác, bằng cách mời gọi họ tiến lên và mạo hiểm.

Dầu phải hành động cách tế nhị và đúng đắn, cha cũng phải có thể cổ võ nhóm và các cá nhân bàn đến một vài đề tài cách sáng tạo hầu đạt được chân lý qua đối thoại chân chính. Cuối cùng, cha phải có khả năng tổng hợp và tổng kết; cha phải biết làm sao để trân trọng các hoạt động đã được thực hiện, nhưng cha cũng phải có thể vạch ra những hạn chế và những lầm lỡ. Đây là điều mà ngày nay người ta đòi hỏi ở bất kỳ người sinh động nào.

Tuy nhiên trong đời sống tu trì, sự sinh động có một ý nghĩa đặc biệt của nó. Đây là vì nguồn mạch của nó, những thái độ và những điều kiện nó đòi hỏi, và những mục tiêu của nó. Sinh động một cộng đoàn Kitô hữu không thể bị giới hạn vào những khía cạnh phương pháp, dẫu có thể hữu ích, hay vào việc phát triển các tài năng và mối tương quan của nhóm. Đúng hơn nó dựa trên thái độ dễ dạy đối với Thần khí, Đấng sinh động đệ nhất của toàn Dân Chúa và làm ta có khả năng phân định ý nghĩa của những thúc đẩy liên lỷ của Ngài trong đời sống chúng ta và qua khắp lịch sử.[119] Khía cạnh này đáng được nhấn mạnh bởi vì có thể nói, đấy là cốt lõi khoa linh đạo của bề trên.

Khác với người sinh động trong thế trần, bề trên trong đời tu khi phục vụ sự sinh động, biết rõ mình là cộng sự viên thấp hèn và là khí cụ thuần thục của Thần khí, hầu giúp người khác sống trong tinh thần vâng phục được đâm rễ trong đức tin và đức ái hoàn hảo. Như vậy, việc đầu tiên ngài phải làm là hiến mình cách thuần thục cho Thánh Thần hằng sinh động liên tục. Ngài không bao giờ có thể cho người khác điều họ chờ đợi nơi ngài trừ phi ngài kinh nghiệm Thiên Chúa cách chân thật và sâu sắc.

Đúng là đôi khi các cộng thể đòi hỏi điều hầu như không thể được.[120] Trong từng trạng huống, bổn phận của cha là tìm kiếm và cầu xin có được một linh thị rõ ràng về ý nghĩa ơn gọi của cha và của người khác. Cha phải tìm kiếm không phải lợi ích riêng mình, nhưng của người khác. Cha phải hành động cách xác tín rằng cha không phải là chủ nhân ông của nhóm hay của những cá nhân trong đó. Cha phải hân hoan nhận ra rằng trách vụ của cha là khám phá ra những ân điển của họ và giúp họ phát triển chúng. Đây là cách thức Don Bosco tóm kết những bổn phận này: “Chúng ta hãy coi những người mà chúng ta phải thực thi quyền bính trên họ là con cái chúng ta. Chúng ta hãy đặt mình phục vụ họ như Chúa Giêsu, Đấng đã đến để vâng phục, chứ không phải để ra lệnh. Chúng ta nên xấu hổ về bất cứ điều gì nơi chúng ta giống với tinh thần hống hách. Tìm thấy niềm vui lớn lao trong việc phục vụ người khác là cách cai quản của chúng ta. Đó là cách Chúa Giêsu đối xử với các Tông đồ.”[121]

  1. Cai quản một cộng thể Salêdiêng có nghĩa là gì?

Hiến luật chúng ta nhấn mạnh đến ý nghĩa quyền bính của giám đốc;[122] những mục tiêu trước mắt và tối hậu của quyền bính này; phương pháp và phương thế ngài thông thường nên sử dụng; và cuối cùng là những quyết định bề trên phải lấy sau khi cộng thể cùng phân định; và chúng đem lại cho người tu sĩ một lối đường vững chắc để theo.

  • Ý nghĩa và vai trò của quyền bính giám đốc như vị bề trên trong đời tu

Quyền bính luôn luôn và tiên vàn là sự ‘phục vụ Thiên Chúa’. Trách vụ nền tảng của cha là giúp cộng thể và mỗi phần tử trong đó ‘phục vụ Thiên Chúa’ theo Hiến luật. Cha làm điều này bằng cách sử dụng những phương thế đặc ưu nơi quyền bính của cha.

Do vậy, nếu ta nhấn mạnh nhiều về bổn phận sinh động của cha thì điều ấy không chút hàm ý giới hạn hay hạ thấp khía cạnh khác của sự phục vụ của cha. Giám đốc là một người sinh động và cũng là bề trên của cộng thể. Ngài thực sự chịu trách nhiệm cai quản cộng thể,[123] và ngài có quyền lấy những quyết định thích hợp.[124]

Điều này có nghĩa rằng giám đốc đích thân có quyền bính, theo nghĩa được SCRIS nói đến khi trả lời cho lời phàn nàn rằng “sự thử nghiệm những hình thức cai quản khác nhau gây ra nhiều vấn đề và nghi ngờ, đặc biệt liên quan đến quyền thể nhân của bề trên. Câu trả lời là thế này:[125] “Theo tinh thần của Công Đồng đại kết Vatican II[126] và tông huấn Evangelica Testificatio số 25, cũng như lưu ý đến những tham khảo hợp pháp và những giới hạn do luật chung và luật riêng của các dòng tu lập nên, cá nhân các bề trên có quyền bính.”[127] Một cách tự nhiên, phạm vi quyền bính của cha phải được hiểu theo diện của luật chung trong Giáo Hội và luật của Tu hội chúng ta. Đoàn sủng Salêdiêng và sứ mệnh riêng mà cha được mời gọi thực thi cho phép chúng ta nhìn quyền bính của cha theo viễn cảnh riêng của nó. Hiến luật vạch ra rằng giám đốc “cai quản cộng thể với sự công tác của ban cố vấn ngài.”[128]

Như vậy, khi lấy những quyết định về những vấn đề loại biệt có tầm quan trọng nào đó, bề trên theo những phương pháp tham khảo vốn đảm bảo cho ngài những người khác tham gia đầy đủ vào tiến trình lấy quyết định.[129] Loại quyền bính cá nhân mà cha có được đòi buộc cha đi đến những quyết định và thi hành chúng với sự cộng tác của những hội viên khác.

  • Những phương thế: quyền bính được chia sẻ và đồng trách nhiệm qua đối thoại

Bản văn của khoản Hiến luật 94, như được Tổng Tu nghị 21 hiệu đính, viết: “Trong cộng thể, để chu toàn sứ mệnh được trao phó cho chúng ta, tất cả chúng ta đều vâng phục dầu phải chu toàn những trách vụ khác nhau. Trong những vấn đề có tầm quan trọng, chúng ta cùng quy tụ lại để tìm thánh ý Thiên Chúa bằng cuộc trao đổi huynh đệ và kiên nhẫn, cũng như với ý thức sâu sắc về sự chia sẻ trách nhiệm. Bề trên thực thi việc phục vụ của quyền bính bằng cách lắng nghe các hội viên, khích lệ mọi người đóng góp và cổ xúy sự nhất trí trong đức tin và đức ái. Ngài kết thúc giai đoạn tìm kiếm chung bằng cách lấy những quyết định thích hợp mà thường xuất phát từ sự đồng quy các ý kiến. Vì thế tất cả chúng ta cam kết cộng tác tích cực và chân thành thực thi các quyết định ấy, ngay cả khi chúng không tương hợp với quan điểm riêng của chúng ta.”[130]

Khoản này và những khoản khác nữa[131] trong Hiến luật chúng ta là chìa khóa cho ta hiểu cách thức Salêdiêng thực thi mệnh lệnh sau đây của Perfectae Caritatis: “Cách thức cai quản phải phù hợp với những trạng huống hiện tại, với những nhu cầu của việc tông đồ, với những đòi hỏi của nền văn hóa và với những hoàn cảnh xã hội và kinh tế.”[132] Qua từng cộng thể, Tu hội tăng trưởng như một thân thể sống động, được Thánh Thần sinh động. Nhưng cộng thể ấy cũng hiện hữu như một cơ chế xã hội, có quy luật của mình, và lệ thuộc vào những lực lượng đang hoạt động trong nền văn hóa mà cộng thể ngập chìm vào.[133] Việc quyết định xem ta phải nhận những năng lực nào là những nguyên lý tác động của kinh nghiệm mà người Salêdiêng được mời gọi để sống như những môn đệ của Don Bosco, tùy thuộc vào chính bản chất của kinh nghiệm ấy. nó trở thành thước đo và tiêu chuẩn để chọn lựa.

Sau một thời kỳ tìm kiếm cam go và vất vả,[134] Tổng Tu Nghị 21 một đàng đã nhấn mạnh đến nhu cầu tham gia và đồng trách nhiệm trong việc thi hành quyền bính, đàng khác lại nhấn mạnh rằng cần một thái độ phân định thiêng liêng. Thái độ này phải hướng dẫn cuộc tìm kiếm và những tiến trình đi đến quyết định.

  • San sẻ quyền bính

Ta cần nhiều ân điển và tác vụ để xây dựng cộng thể và quyền bính là một trong những ân điển này. Nhưng theo những phạm vi là sự uy tín và những tình huống khác nhau, người có quyền bính phải được trợ giúp do những người san sẻ việc thực thi những trách nhiệm này. Trách nhiệm hàng đầu của cha là xin người khác tham gia. Bổn phận đặc biệt của những người có quyền là kích thích mọi người quan tâm và tham gia tích cực. Đây là phương cách thực tiễn truy nhận sự trưởng thành của các cộng sự viên của cha[135] và nó biểu lộ tinh thần gia đình như nó được tìm thấy nơi sự hiệp thông của một nhóm các hội viên cùng làm việc để đạt được cùng những mục tiêu.[136]

Trách vụ thứ hai của cha là cung cấp những động cơ cho việc tham gia. Giám đốc và các hội viên phải nắm vững một khóe nhìn rõ ràng về các khía cạnh sẽ dẫn đến việc hiểu đúng sự tham gia có nghĩa là gì. Trong bối cảnh Giáo Hội, động cơ làm nền tảng cho mọi sự san sẻ quyền bính là thế này: “Điều thuộc về một người thì thuộc về mọi người”, dẫu vì những lý lẽ khác nhau và bằng những cách thức khác nhau. Vậy, không ai còn có thể được đóng kín trong chính mình và thi hành công việc của mình cách cá nhân chủ nghĩa.

Chúng ta đi tới nguyên tắc bổ sung bằng việc công nhận giá trị độc đáo của các cá nhân và cộng thể: “Quyền bính thuộc bất kỳ loại nào là thuộc mọi bình diện phải để cho cấp thấp hơn và các cá nhân có thể hành động và quyết định.”[137] Đây là một trong những khía cạnh của lòng mến thương trong Hệ Thống Dự Phòng. Sự bổ sung tự bản tính đòi phải tản quyền, vốn là “một sự tự lập đúng đắn và có trách nhiệm và như thế là một sự phân phối quyền bính chính đáng giữa những cơ quan cai quản khác nhau.”[138] Các hội viên phải cùng nhau làm việc trong khi thực thi các hoạt động của mình và đem lại sự phục vụ đa dạng bởi vì những hoàn cảnh thường phức tạp, những vấn đề và các giải đáp thật rắc rối. Theo nghĩa này sự tham gia tích cực có nghĩa là chịu trách nhiệm chung về ơn gọi và sứ mệnh Salêdiêng của chúng ta.[139]

Cuối cùng ta nên nói rằng nghệ thuật của giám đốc là phải thấy rằng san sẻ trách nhiệm được thực thi đúng đắn. Ngài dùng quyền bính để đảm bảo rằng thế quân bình của hiệp nhất không bị đảo lộn. Cách cha can thiệp vào các hoạt động của các hội viên sẽ không gây ra bất an hay chống đối nếu cha để cho mỗi người có lãnh vực tự lập riêng.

Sự kiện là có những vai trò khác nhau giả định rằng các hội viên biết cách san sẻ trách nhiệm. Thông thường họ đều biết thế. Nhưng cha sẽ thấy khả năng này có nhiều mức độ khác nhau. Một số người sẵn sàng tham gia hoàn toàn; số khác chỉ tới một mức độ nào đó; và có những người hoàn toàn không thích. Một số hội viên giữ im lặng và không thông tri, nhưng đồng ý cho những người khác tham gia. Cộng thể chấp nhận họ theo đúng thực trạng của họ với một sự thỏa thuận ngầm. Cha đừng ép. Phản ứng có thể rất tiêu cực.

Cha cũng có thể tình cờ gặp trường hợp một hội viên không chút im lặng, nhưng công khai gây hấn và bất đồng với mọi hình thức tham gia. Đôi khi nhóm có một tinh thần cộng thể tốt đẹp đến nỗi có thể tiếp thu một người như thế mà không gây tác hại nào. Nhưng tình trạng có thể đe dọa cho đời sống cộng thể. Trong trường hợp đó cha có nhiệm vụ phải nghiên cứu những phương cách và trao đổi với Giám tỉnh hầu đi tới một giải pháp dứt khoát.

Đàng khác, ý thức rằng khả năng tham gia có thể được phát triển quả là quan trọng. Ta có thể làm điều này trong khung cảnh cộng thể mời gọi trao đổi và thông hiệp. Chính nơi đây mà việc đào luyện liên tục thường được thực hiện, dưới trách nhiệm của giám đốc.[140]

Trách nhiệm này cần phải được triển khai theo một đường lối có tổ chức, nhất là trong những cộng thể có các hội viên sống chung nhưng không có việc tông đồ chung; hoặc là trong những nơi mà đời sống của cộng thể tu sĩ đúng nghĩa phải được hài hòa với một việc tông đồ có nhiều cộng sự viên giáo dân.

Cộng thể Salêdiêng thực tế không trở thành một cộng thể hỗn tạp (nghĩa là gồm cả những người không phải là tu sĩ) mà không mất đi căn tính của mình.[141]

Đàng khác, cả hai Tổng Tu Nghị Đặc Biệt và Tổng Tu Nghị 21 nhấn mạnh rằng những người có trách nhiệm trên cấp tỉnh cần phải cung cấp những chỉ dẫn thích hợp để thực thi quyền bính trong cộng thể được gọi là những cộng thể nhỏ, “communità piccole.[142] Điều này cũng áp dụng cho những cộng thể có rất ít hội viên.

Trong truyền thống chúng ta, ta tìm thấy những qui chiếu thường xuyên cho những thái độ và nhu cầu căn bản được bàn đến ở trên kia. Vậy chúng dường như trở thành những nét thường hằng của tinh thần chúng ta.[143]

  • Quyền bính trong đối thoại

Đối thoại là phương cách đặc thù nhờ đó các ngôi vị thông giao với nhau và cùng nhau thông giao với Thiên Chúa, nhằm để hiểu biết và chu toàn thánh ý Ngài. Đối thoại với một người có nghĩa là có thể cho họ một câu trả lời thẳng thắn và chân thành mà không công thức hóa một phán đoán liên quan đến con người của họ. Cha có khả năng đối thoại nếu cha thường xuyên sẵn sàng cho và tiếp nhận lại loại đáp trả ấy, và như thế thông truyền cho người khác rằng cha tiếp nhận họ, kính trọng họ vô điều kiện mặc dầu cha không đồng ý với quan điểm của họ.

Nếu thiếu dự thế nội tâm này, thật sẽ vô ích để nói về năng động tập thể hay về những phương pháp thông giao khác. Không có dự thế nội tâm này, sự san sẻ quyền bính sẽ không ích chi. Đối thoại với Thiên Chúa có nghĩa là đặt mình, như cá nhân và cộng thể, trong tình trạng tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta nhìn đời sống theo cách thức Đức Kitô phục sinh đã nhìn xem; lượng giá và lấy những quyết định và hành động hợp với những tiêu chuẩn của Người; làm cho những ưu tiên của Người thành của chúng ta; chống lại điều Người chống đối; đồng nhất chính mình với những tình cảm sâu xa nhất của Người. Bằng cách này Chúa Giêsu trở thành chuẩn mực tối hậu cho đời sống chúng ta trong một tiến trình liên tục tập sự khiêm tốn. Bởi vì chúng ta phải nhớ rằng sự phân định luôn can dự đến một tiến trình của sự dễ dạy, hầu vị Thầy sống trong ta có thể hướng đạo và soi sáng chúng ta; ý muốn của chúng ta phải thuần thục để chúng ta có thể sẵn sàng được dẫn dắt trong các hoạt động hằng ngày của mình.

Vậy những người can dự vào tiến trình phân định ý Thiên Chúa cần những thái độ khác nhau. Là giám đốc, cha đặc biệt cần phải thận trọng và kiên nhẫn trong giai đoạn tìm kiếm; trong khi thực thi những quyết định, cha cần mạnh mẽ và can đảm. Rõ ràng không cần tìm ý Chúa nếu nó được nói rõ trong Hiến luật, Quy chế và những chuẩn mực được đưa ra do các bề trên. Đây là cách thức thông thường Chúa dẫn dắt chúng ta. Tìm kiếm điều đã hiển nhiên thì chẳng có ích gì.

Việc hoạch định và những vấn đề khác của việc quản trị thông thường cần một loại phân định thông thường: bầu khí cầu nguyện, chăm chú lắng nghe Lời Chúa, được tăng cường đúng trước khi và bắt đầu hội họp.

Sẽ cần đến sự phân định ngoại thường khi liên hệ đến những đề xuất có những hàm ý rất nghiêm trọng và những hậu quả sâu rộng. Tùy theo trường hợp cha có thể sử dụng những phương thế phân định khác nhau: hội nghị hội viên; những buổi họp ‘kiểm thảo’ hay những khóa phân định được coi như một kinh nghiệm thiêng liêng tự thân.

Tùy theo những nhu cầu của mình, các gia đình tu sĩ đã thừa nhận những kỹ thuật đã được tôi luyện và có những mức độ phức tạp khác nhau. Chúng ta hãy lấy một vài thí dụ từ đời sống của Don Bosco. Khi vấn nạn nảy sinh là có thể thành lập Tu Hội Con Mẹ Phù Hộ, Don Bosco không tin vào ý kiến riêng của mình mà thôi. Ngài triệu tập Hội đồng ngày 24 tháng Tư, 1871; sau khi giải thích rằng ngài triệu tập các thành viên lại để cùng bàn thảo một vấn đề có tầm quan trọng lớn lao, ngài nói cho họ biết điều ngài đang suy nghĩ và cũng cho họ biết nhiều áp lực bên ngoài khác nhau đã bắt ngài phải nghĩ đến việc thành lập ấy. Đoạn ngài nói tiếp: “Cha mời gọi anh em suy tư về vấn đề này trước nhan thánh Chúa và cân nhắc những lý do thuận và nghịch để sau đó ta có thể đi đến quyết định sẽ làm vinh danh Chúa hơn và mưu ích cho các linh hồn. Vì thế, suốt tháng này (ngài nói đến tháng Năm) chúng ta sẽ dâng những kinh nguyện cộng thể và cá nhân theo ý này: xin Thiên Chúa ơn hướng dẫn cần thiết cho vấn đề quan trọng này.” Những thành viên rời khỏi phòng họp với ấn tượng sâu xa.[144] Cuối tháng ấy, Don Bosco lại triệu tập phiên họp và xin từng người cho biết ý kiến, khởi đầu là Don Rua. Họ đều nhất trí ủng hộ tiến hành dự định. Don Bosco kết luận: “Tốt, nay chúng ta chắc chắn rằng Thiên Chúa cũng muốn chúng ta làm một điều gì đó cho các thanh thiếu nữ.”[145] Như ta có thể thấy phương pháp này thật đơn giản, hữu hiệu và thiêng liêng. Trong đó ta có thể phân thành vài giai đoạn:

  • Giai đoạn thông tri và san sẻ thông tin về vấn đề có tầm quan trọng lớn lao;
  • Một thời gian dài suy tư trước nhan thánh Chúa và học biết điều thuận điều nghịch;
  • Dâng kinh nguyện cộng thể và cá nhân cho ý hướng này;
  • Giai đoạn phân định và cân nhắc chín chắn để quyết định xem điều gì làm vinh danh Chúa hơn;
  • Giai đoạn trong đó những nhận xét của các thành viên hội nghị đồng qui và Don Bosco lấy quyết định và ngay tức khắc đặt ra những bước để thực thi nó: “Để đi đến một cái gì dứt khoát, cha đề nghị rằng căn nhà mà Don Pestarinô mới hoàn thành ở Mornese được sử dụng cho mục đích này.”[146]
  1. Những chiều kích của việc sinh động và cai quản

‘Ơn thống nhất’[147] mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, làm chúng ta có thể kinh nghiệm ơn gọi Salêdiêng trong cả hai chiều kích tông đồ và tu sĩ. Đây là hai khía cạnh tương liên với nhau đối với tinh thần Salêdiêng. Chúng bổ túc cho nhau và qui về cùng một thực tại cụ thể, nghĩa là cá nhân và cộng thể khi họ sống sự thánh hiến tu trì bằng cách thực thi một sứ mệnh rõ ràng.[148] Vì thế việc sinh động và cai quản của cha phải mang hai chiều kích:

  • Chiều kích của ơn gọi Salêdiêng xét như một kinh nghiệm của đức ái (chiều kích tu sĩ)

Ở đây chúng ta đang bàn đến “trái tim của người được thánh hiến,” chiều kích thiêng liêng của họ, cách thức họ nhận thức Thiên Chúa hiện diện và vâng phục Ngài. Nói tóm, chúng ta đang qui chiếu đến sự tăng trưởng thiêng liêng, đến giá trị chứng tá của đời tu. Bề trên là người sinh động và linh hướng, nhưng cũng là người giúp từng tu sĩ và cả cộng thể cam kết vâng phục ý Chúa.

  • Chiều kích của ơn gọi Salêdiêng xét như một kinh nghiệm của đức ái mục tử (chiều kích tông đồ)

Đức ái được Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta trở thành đức ái mục tử,[149] nghĩa là cảm thức mục vụ[150] và khả năng làm việc vì phần rỗi của giới trẻ.

Bề trên giúp các hội viên hằng ghi nhớ ý nghĩa sứ mệnh của họ. Bề trên giúp họ thủ đắc sự hiểu biết và những thái độ cần thiết để chu toàn sứ mệnh ấy cách hữu hiệu và để sống khoa linh đạo ấy cách chân chính.

Ơn gọi Salêdiêng thì cùng lúc thường hằng và năng động. Nó đặt cộng thể của cha vào lòng Giáo Hội và hoàn toàn phục vụ giới trẻ.[151] Nó đòi phải liên đới mật thiết với chúng; phải hiểu những nhu cầu mới và cũ của chúng; phải nắm bắt được những vấn đề chúng đặt ra; phải chấp nhận những hình thức tham gia mới mà chúng thấy cần.

Đáp trả ơn gọi này không phải là một cái gì xảy ra bất chợt. Nó là một chuỗi liên tục gồm những bảng biển nhờ đó Thiên Chúa vạch đường cho sự canh tân, thích ứng và hoàn thành sứ mệnh chúng ta.

Nhờ cha giúp đỡ, cá nhân hội viên và toàn cộng thể cố gắng chú tâm đến những thúc đẩy của Thánh Thần, Đấng hiện diện trong các biến cố đời sống thường nhật. Họ sẽ cố gắng giải thích ý nghĩa của những biến cố này và cổ xúy một sự hiểu biết ngày một sâu xa hơn về những sự soi sáng của Thần khí. Họ sẽ nỗ lực phát triển khả năng của mình để cống hiến một sự đáp trả “trung thành và lịch sử”[152] trước những thúc đẩy của Ngài. Đây là cách thức mà đức ái vốn đã hiện diện trong cộng thể trở thành đức ái mục tử.

CHƯƠNG 3

GIÁM ĐỐC NGƯỜI SINH ĐỘNG CÁC HỘI VIÊN SỐNG SỰ HIỆP THÔNG TU SĨ VÀ MỤC VỤ ĐẶC THÙ

Giám đốc sinh động và cai quản cộng thể cũng như từng hội viên nhằm giúp họ lớn lên như một thân thể trưởng thành và được hiệp nhất trong Đức Kitô và ý thức về ơn gọi của mình.

Để hiệu quả trong sứ mệnh của mình, giám đốc cố gắng khuôn rập đời sống theo những gương sáng về sự thánh thiện linh mục, của sự trưởng thành nhân bản và uy tín mà Don Bosco đã cung cấp.

  • CHIỀU KÍCH CĂN BẢN CỦA CÁCH THỨC HIỆP THÔNG SALÊDIÊNG

Cha thường thấy những qui chiếu đến những trách nhiệm của cha như vị thầy đàng thiêng liêng của cộng thể và cá nhân hội viên, được kêu gọi đúng như chính mình, để kinh nghiệm chiều kích “tu sĩ” của ơn gọi họ. Kinh nghiệm này là biến cố đệ nhất, là nguồn mạch mà mọi sự còn lại lệ thuộc vào. Đấy là điều mà Don Bosco coi là kinh nghiệm nền tảng của ngài về Thiên Chúa.[153] Đấy là đặc điểm của mọi kinh nghiệm kitô hữu bởi vì một kinh nghiệm như thế luôn là một giao ước, một sự hiệp thông đưa đến thờ phượng, và mang lại những hiệu quả trong đời sống hằng ngày với một loạt những quyết định; những quyết định này là hệ quả thực tiễn, là sự cắt nghĩa và là sự cử hành của sự hiệp thông này.

Thiên Chúa kêu gọi chúng ta cho chính Ngài, nhưng để sai chúng ta đi. Tặng phẩm Ngài ban không thể bị đóng kín nơi người nhận lãnh. Nó phải chảy tràn đến những người khác trong cùng môt sự quảng đại và sức mạnh để cứu độ mà với nó người ta đã nhận được. Đức ái, có thể nói, trở thành ý thức và tài khéo mục vụ. Tình yêu Thiên Chúa trở thành tình yêu đối với giới trẻ và nhờ thông phần tình yêu Đức Kitô và qua sự loại suy với tình yêu ấy, nó hiệp nhất tất cả tài năng và sức lực của một người lại.[154] Mối quan tâm của người Salêdiêng chúng ta hoàn toàn được nhìn dưới diện chúng ta tương quan với Đức Kitô và giới trẻ. Bằng không, ai sẽ làm cho giới trẻ hiểu Đức Kitô đã phục sinh theo một cách thức vui tươi và đáng mến? Rằng Người đang sống và hiện diện? Rằng Người đến với họ và kêu gọi họ cho chính Người hầu cứu họ và tỏ lòng yêu mến họ? Chúng ta hoàn toàn sống cho giới trẻ và thấu hiểu những quan tâm lo lắng của họ. Mọi sự giới trẻ quan tâm đều khiến chúng ta quan tâm.[155] Mặc dầu sự ưu ái dành cho giới trẻ này có nguồn mạch bất tận nơi tình yêu của Đức Kitô, Vị Tông Đồ của Chúa Cha,[156] thì kinh nghiệm tu trì và hoạt động tông đồ bao hàm và giải thích lẫn nhau. Mối tương quan giữa thực tại mục vụ và những giá trị khác của ơn gọi Salêdiêng không luôn là như nhau, nhưng nó luôn hiện hữu. Một số những giá trị này là chính nguồn mạch của công việc mục vụ này. Những giá trị khác là một sự trợ giúp cho nó bằng cách làm cho nó trở thành linh hoạt và hài hòa hơn.

1.1 Mối liên hệ mật thiết giữa đời sống thiêng liêng và sứ mệnh tông đồ

Có một sự hòa nhập (integration), một sự phong phú tự nhiên, một thứ thẩm thấu thiêng liêng giữa sức sinh động tu trì[157]hoạt động tông đồ[158] trong cộng thể của cha. “Đức ái mục tử, tươi trẻ và linh động” ở tận tâm điểm của tinh thần cộng thể của cha.[159] Đời sống cộng thể cùng lúc là sự hiệp thông và đồng trách nhiệm mục vụ.[160] Kinh nguyện làm cho cộng thể ý thức sứ mệnh của mình và gia tăng tinh thần tận hiến của cộng thể.[161] Việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm giúp cộng thể công bố Đức Kitô, Lời sự sống, sau khi đã gặp Người cách mật thiết, theo lời mời của Người. Việc thực thi các lời khấn cũng giúp cộng thể hiểu biết và chăm chỉ phục vụ Đức Kitô nơi giới trẻ, mà phải được dẫn đến Chúa Cha và kiện cường “sự hiệp nhất trong hành động”[162] của cộng thể. Qua việc đào luyện liên tục, cộng thể vâng phục ý Thiên Chúa bằng cách liên lỷ nỗ lực chuẩn bị mình cách thích đáng cho những trách vụ Người giao phó.[163] Cuối cùng, sự phục vụ của cộng thể được làm cho hợp thời, linh hoạt và có hiệu quả nhờ sự tổ chức và cai quản của cộng thể.[164]

Trong những khoản Hiến luật ta quy chiếu đến, ta có được một bản miêu tả đầy đủ hơn về tất cả những khía cạnh này. Tuy nhiên, điều ta vừa nói ở trên phải làm cho cha rõ rằng có một sự hỗ tương thực sự giữa “sức sống tu trì” và hoạt động tông đồ của cộng thể của cha.

Tất cả những giá trị tích cực đa dạng ấy của bậc sống tu trì đóng góp vào hiệu quả của hoạt động tông đồ; còn hoạt động tông đồ lại cung cấp một khung cảnh trong đó những giá trị này có thể được kinh nghiệm và làm chứng, có thể lớn lên và được thông ban cho người khác.

Trong việc hướng dẫn cộng thể và từng cá nhân qua kinh nghiệm này và bằng những phương thế thích hợp, giám đốc chu toàn vai trò của mình là “người giữ gìn sự hiệp nhất và là người canh giữ căn tính Salêdiêng.”[165] Ngài giúp các hội viên xem thấy ơn gọi của họ đem lại ý nghĩa cho đời sống của họ như thế nào.

1.2 Tính thống nhất của sứ mệnh dưới diện những cấu tố của nó

Các tài liệu của chúng ta miêu tả cha là “người hướng dẫn mục vụ của sứ mệnh”. Sứ mệnh chúng ta có một tính thống nhất bắt nguồn từ những cấu tố căn bản tạo thành sứ mệnh; tính thống nhất ấy đòi buộc các nhà giáo dục Salêdiêng phải hòa hợp với hạt nhân trung tâm của những giá trị mà chúng ta gọi là ơn gọi Salêdiêng. Mỗi lần cha làm một điều gì để xây dựng sự hiệp nhất,[166] xét như người hướng dẫn mục vụ của sứ mệnh, cha đang kêu gọi các hội viên sống hiệp nhất. Và khi cha xây dựng một lối sống được thống nhất giữa các hội viên, cha đang tạo nên một phương thế rất hữu hiệu và bất khả thay thế để cổ võ sự hiệp nhất của sứ mệnh.

Chúng ta hãy nhìn vào những cấu tố trong kế hoạch toàn diện của Don Bosco. Chúng ta phải học để lập tức ghi nhận xem những yếu tố này có mặt hay vắng mặt; chúng ta phải có thể tri nhận xem chúng có hiện diện đầy đủ hay thiếu sót một cách không thể bào chữa hay không, xem chúng hiện diện cách đích thực hay chỉ là gần đúng mà thôi.

Trước tiên, chúng ta hãy xem xét đến những ân điển và năng lực nơi các hội viên của cha; họ có được những điều ấy do bởi chức tư tế của phép rửa tội nơi họ. Vì mục đích của chúng ta, thật đáng gợi nhắc rằng ơn gọi tu trì là một lối sống bí tích rửa tội cách đặc biệt và như vậy cũng có một cách sống đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người tín hữu mà lệ thuộc vào bản chất của ơn gọi riêng mỗi người.

Vì sứ mệnh của họ, tất cả các hội viên của cha, cả linh mục lẫn sư huynh, cần đến những năng lực thúc bách các tiềm lực và những viễn tượng của họ. Những người Salêdiêng phải có khả năng liên lỷ cống hiến đời sống mình cho Thiên Chúa vì phần ích giới trẻ, đặc biệt giới trẻ nghèo; họ phải có một trực giác về những mầu nhiệm của Thiên Chúa và cách thức Thiên Chúa cứu rỗi giới trẻ trong những hoàn cảnh chúng sống; người Salêdiêng phải ra sức giúp đỡ một cách hiệu quả người trẻ chiến thắng tội lỗi và sự chết, đạt được những mục tiêu giáo dục và thay đổi những cơ chế cản trở họ tăng trưởng. Những người Salêdiêng phải tích cực và có trách nhiệm tham gia vào đời sống cùng hoạt động của Giáo Hội địa phương vốn là bối cảnh trong đó họ sống ơn gọi của mình.

Một yếu tố căn bản thứ hai của sự thống nhất trong sứ mệnh chúng ta là mục tiêu nó nhắm đến: sự phát triển nhân bản tròn đầy của giới trẻ và ơn cứu độ của họ trong Đức Kitô.[167] Sứ mệnh của Don Bosco rõ ràng là một sứ mệnh kitô hữu, ngay cả khi được thực thi vì những người không chia sẻ đức tin tôn giáo của chúng ta nữa. Ngay cả trong trường hợp ấy, một cách nội khởi sứ mệnh vẫn rộng mở tới chiều kích kitô hữu. Có một sự phân biệt về phẩm chất giữa tiến trình phát triển nhân bản và tiến trình cứu độ trong Đức Kitô, nhưng trong thực tiễn, hai tiến trình này hỗ trợ lẫn nhau.

Hơn nữa mục tiêu của sứ mệnh Salêdiêng cũng được thống nhất theo nghĩa rằng xét như một toàn thể, nó được nối kết thành ba giai đoạn phiến diện, nhưng không tất yếu kế tiếp nhau: sự phát triển nhân bản của cá nhân;[168] sự phát triển nhân bản của nhóm, được nhấn mạnh không chỉ đến những cá nhân tạo thành nhóm, nhưng đến bối cảnh lịch sử và môi trường;[169] và cuối cùng sự phát triển kitô hữu từ cả hai nhãn quan cá nhân và nhóm.[170]

Ba khía cạnh này làm đặc trưng và thống nhất toàn thể lối tiếp cận mục vụ. Mọi sự hiện diện Salêdiêng đều liên quan đến sự phát triển nhân bản, giáo dục và phúc âm hóa. Mọi công việc Salêdiêng đều mang chiều kích phát triển, văn hoá và tôn giáo, và đều liên quan đến cá nhân, nhóm và môi trường.

Cấu tố thứ ba của sứ mệnh chúng ta liên hệ đến những người chúng ta làm việc cho. Chúng ta ưu ái hơn đến những người trẻ nghèo, bị bỏ rơi và đang gặp nguy hiểm.

Don Bosco thiết tha rất nhiều đến hạnh phúc của chúng. Ngài nói về mối quan tâm này với một sự âu yếm tế nhị trong lời trăn trối thứ tư và cuối cùng cho các cộng tác viên Salêdiêng của ngài: “Cuối cùng cha muốn các con biết rằng sức khoẻ của cha giảm sút nhanh chóng. Cha có thể thấy mình yếu hơn và cha đoán rằng cái ngày mà cha phải trả món nợ đời và đi xuống mồ không còn xa mấy nữa. Nếu việc ấy xảy đến sớm, và nếu đây là lá thư cuối cùng cha viết cho các con, thì đây là lời trăn trối thứ tư và cuối cùng của cha: cha gởi gắm cho đức ái của các con tất cả mọi công cuộc mà Chúa đã dủ thương trao phó cho cha suốt gần 50 năm trường; cha xin các con hãy quan tâm đến việc giáo dục kitô hữu cho giới trẻ, đến ơn gọi linh mục và truyền giáo; nhưng đặc biệt cha gửi gắm cho các con chăm sóc những thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi. Chúng luôn là thành phần quý mến nhất trong trái tim cha ở dưới thế này.”[171]

Ngài đã nói: “Cha hứa với Chúa rằng cho đến hơi thở cuối cùng, cha đều dành cho các thanh thiếu niên của cha.”[172] Và thực sự là như thế.

Dĩ nhiên cha hiểu rằng quyết định để làm việc cho giới trẻ nghèo không phải là một giai thoại trong đời sống của Don Bosco và Tu hội. Nó là sự kiện mà đã trở thành một tiêu chuẩn. Điều này đúng đến nỗi chọn lựa này điều kiện hóa những đường nét của hết thảy công việc mục vụ Salêdiêng.

Bất cứ chúng ta làm việc ở đâu, công việc tông đồ của chúng ta đều phải là dành cho giới trẻ, cho giới bình dân và phải có đặc tính truyền giáo. Nó quan tâm đến một thứ tăng trưởng mà “các dân tộc vui hưởng thiên đàng với những cư dân may lành.”[173] Sứ mệnh của chúng ta hướng đến quần chúng và tỏ ra sự trân trọng đối với những quan tâm và những giá trị văn hoá của người bình dân. Lối tiếp cận mục vụ Salêdiêng rộng mở trước việc sử dụng những dụng cụ và phương pháp mới mẻ, nhưng không từ khước những giá trị vĩnh cửu và sinh tử của quá khứ.[174]

1.3 Sự hiệp nhất được nhập thể trong phương pháp mục vụ, nơi đó các vai trò của các linh mục và sư huynh Salêdiêng đều đồng qui và bổ túc nhau

Nếu cha suy nghĩ về ý nghĩa của một công thức đơn giản được Don Bosco dùng: “Các kitô hữu tốt và công dân lương thiện,” dưới diện của khoa thực hành mục vụ của ngài, cha sẽ ý thức rằng “không có chút phân rẽ nào trong đó cả, dẫu có sự khác biệt; không có hai sứ mệnh, một thuộc bình diện tự nhiên, một thuộc siêu nhiên.

Có một sứ mệnh mà thôi. Sứ mệnh đó mang tính chất mục vụ và nhằm kết hợp thành đô Nước Trời và trần thế lại với nhau.”[175]

Phạm vi tương liên trong mối liên hệ giữa những khía cạnh nhân bản và kitô hữu của sứ mệnh Salêdiêng không phải là không thay đổi. Nó liên lỷ thay đổi theo nền văn hóa trong đó chúng ta làm việc và phù hợp với mức độ đức tin và tự do mà giới trẻ đạt đến. Những giá trị nhân bản cần được thanh lọc và làm giàu nhờ đức tin. Những giá trị Tin Mừng phải được thực hành trong một sự hiệp nhất sống động với những thái độ và nhân đức nhân bản.

Để đạt mục đích này, Don Bosco kiến tạo một cộng thể sống một hình thức hiệp thông đặc biệt và được phú ban một kiểu lãnh đạo mục vụ được làm phong phú nhờ đặc sủng của chức linh mục hầu bảo đảm sự hiệp thông và hoàn thành đầy đủ những mục tiêu của đức ái mục tử một cách tốt đẹp hơn.

Theo Don Rinaldi, Don Bosco tỏ ra là một “thiên tài sáng tạo”[176] khi đòi hỏi rằng cộng thể của ngài phải có các Salêdiêng sư huynh lẫn linh mục: tất cả đều có những chức năng quan trọng và bổ sung.[177]

Chúa ban cho chúng ta một ân điển lớn lao khi kiến tạo trong một ơn gọi Salêdiêng hai dạng thái tiêu biểu để là một người Salêdiêng, dưới diện những cách suy tư, làm chứng, làm việc và tác động phong thái đời sống tông đồ và tu sĩ của cùng cộng thể.[178] “Người Salêdiêng là một hội viên của cộng thể và như vậy, họ phải cảm thấy nơi tâm hồn mình một mối tương quan bẩm sinh, bổ sung cho những hội viên Salêdiêng khác nhưng theo một cách khác nhau.”[179] Một hội viên nhìn các sự việc theo lối này sẽ tăng trưởng trong hiểu biết về ý nghĩa ơn gọi của mình.

Đấy không chỉ là vấn đề hiệp thông huynh đệ; đó là vấn đề tương quan hỗ tương giữa hai yếu tố nền tảng của ơn gọi chúng ta: linh mục và giáo dân. Hai cấu tố này cùng nhau lớn lên và triển nở cách hài hoà để nuôi dưỡng “sự mới mẻ sáng chói và sứ mệnh chung vốn tạo thành nét độc đáo của Tu hội chúng ta.”[180]

Những khác biệt nơi diện mạo và vai trò của các hội viên không được coi là những giới hạn hay những khác biệt về địa vị, nhưng họ cùng chia sẻ chung như những tài nguyên của một gia sản; không phải là vấn đề thiếu một cái gì, nhưng đúng hơn là tiềm lực để chia sẻ sự tuyệt mỹ lẫn cho nhau;[181] là sự đóng góp hài hòa vào một kiểu cộng thể độc đáo vừa là tu sĩ vừa là tông đồ.[182]

1.4 Những cộng thể của chúng ta cần một vị lãnh đạo có thể đem những chức năng linh mục thừa tác vào phục vụ tất cả các hội viên

Chúng ta vừa nói đến những ân điển, những năng lực và khả năng khác nhau để kiến tạo nên những tương giao; nhưng làm cách nào một cộng thể Salêdiêng được xây dựng dưới diện những phẩm tính này? Nói khác đi, ở đâu chúng ta tìm được nguồn mạch của đức ái mục tử? Hay tốt hơn nữa, Don Bosco coi cái gì là nguồn mạch? “Vì những yếu tố cấu thành kế hoạch Salêdiêng, đức ái mục tử của cộng thể Salêdiêng phải được hướng dẫn và nuôi dưỡng nhờ một loại quyền bính được làm giầu nhờ những ân sủng của thừa tác vụ linh mục,[183] một tác vụ được Vatican II khảo cứu sâu xa và đem lại sự thích hợp tươi mới trong Giáo Hội khi đáp lại những dấu chỉ thời đại và nhắm đến một kỷ nguyên mới trong lịch sử.”[184]

Nếu mất đi tác vụ linh mục của cha, cộng thể ấy không thể là điều mà nguyên thủy Don Bosco muốn nữa.

Một cộng thể Salêdiêng sẽ ở trong lúc rực rỡ nhất, khi cha, trong và nhân danh cộng thể, làm cho Đức Kitô hiện diện cách bí tích tại đây và lúc này, như là Đầu thông truyền sự sống và như là người Tôi Tớ hy sinh mạng sống mình. Nhưng cha cũng làm cho cộng thể hiện diện trước Đức Kitô. Như vị đại diện Người và như dụng cụ trong tay Thánh Thần, cha cam kết phục vụ và nâng đỡ cộng thể của cha về tính độc đáo và những mục tiêu của nó. Chúng ta đang nói về ‘đoàn sủng nỗ lực nhóm’.

Cha phải hướng dẫn và sinh động cộng thể qua chân lý cứu độ vốn đem lại cho cộng thể ánh sáng và các phương thế làm cộng thể nên thánh thiện; cha phải điều phối và hài hòa các ân điển đa dạng trong cộng thể và tương quan với sứ mệnh của cộng thể trong Giáo Hội.

Để diễn tả điều này chính xác hơn, cha có ba trách vụ đối với những tác vụ và đặc sủng khác nhau của cộng thể.

  • Trách vụ thúc giục và khích động chúng. Đấy không phải là việc tạo nên những tác vụ hay đặc sủng, nhưng là làm cho người ta biết đến chúng, nhấn mạnh chúng. Đấy là mục tiêu đệ nhất của hoạt động ơn gọi trong cộng thể;[185]
  • Trách vụ phân định tác vụ và đặc sủng nào là chân chính và tác vụ và đặc sủng nào thì không; phân biệt điều đích thực ra khỏi điều chỉ dường như là chân thực. Cha phải chăm chú lắng nghe anh em để hiểu cái gì nơi tâm hồn họ là kết quả của kinh nghiệm cá nhân; cha sẽ phải lắng nghe Lời Chúa để “nghe được Thần khí đang nói gì cho các Giáo Hội;”[186]
  • Trách vụ hòa hợp những tác vụ và đặc sủng này. Cha phải đảm bảo rằng những đóng góp đặc biệt của hết thảy hội viên đều đồng qui về một mục tiêu duy nhất mà thôi: nghĩa là, chu toàn sứ mệnh nhờ sự thánh thiện và đạt được sự thánh thiện nhờ chu toàn sứ mệnh.

Và như vậy cha sẽ thấy làm thế nào tác vụ của cha trong khi áp dụng cụ thể, thực sự lại không ở trên cộng thể nơi đó cha được kêu gọi phục vụ. Cha không độc lập trong cộng thể, cha cũng không ở trong cộng thể vì chính mình. Và cộng thể nơi đó cha sống tác vụ này, đúng là thế, một cộng thể. Nói cách khác, nó là sự hiệp thông thật sự, làm nảy sinh và đào luyện các người trẻ như những người Kitô hữu, và giúp các người Salêdiêng lớn lên trong sự thánh thiện.

Hoạt động ‘từ mẫu’ này được thực hiện do tất cả hội viên hiệp nhất thành một thân mình. Thánh Augustinô thường nói, dù trong một bối cảnh khác: “singuli filii, universi parentes”. Và điều này có thể là một ‘tình mẹ’ thực sự hiệu quả khi nó được liên kết với “nguyên lý tình cha,” bắt nguồn nơi Thiên Chúa và được thực thi nhờ dụng cụ là tác vụ linh mục của cha.

Như vậy cộng thể không bao gồm một số người triền miên tích cực (những người làm việc) còn những người khác thì thụ động (luôn ở bên lãnh nhận). Một thân xác lớn lên nhờ mỗi chi thể đóng góp tích cực. Tất cả các chi thể phải đồng trách nhiệm.

  • MỘT SỐ ĐÒI HỎI DÀNH CHO GIÁM ĐỐC XÉT NHƯ NGÀI LÀ LINH MỤC

Trong cộng thể, cha là một dấu chỉ của Đức Kitô, Đầu Giáo Hội. Chính nhân danh Người mà cha dạy dỗ, cai quản và thánh hóa. Cha thiết lập nên những tương quan sống động với Thân mình sống động là Giáo Hội, mà cộng thể của cha là một phần và là một biểu lộ của Giáo Hội. Và cha lãnh đạo nhóm người ấy trên đường thánh thiện.[187]

Phong thái thánh thiện của chúng ta là một phong thái thánh thiện đặc thù,[188] bởi vì nó can dự cả đến một ý thức sâu xa sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng kêu gọi chúng ta và sự sẵn sàng nên dụng cụ của Người, và cùng một lúc, là một nỗ lực liên lỷ phục vụ những người chúng ta được sai đến.[189]

Chính cha phải lớn lên trong sự thánh thiện nếu cha phải là gương mẫu của sự thánh thiện, và thông truyền điều ấy cho các hội viên. Sự thánh thiện đến từ một sự kết hợp đặc biệt với Đức Kitô là Thượng Tế đời đời, và được nuôi dưỡng bằng sự tiếp chạm với Người. Đời sống của cha có ý nghĩa trong mối tương giao với Đức Kitô và Giáo Hội trong sứ mệnh cứu rỗi.

Điều này muốn nói rằng cha phải thủ đắc những nhân đức và thái độ cha cần thiết: một kinh nghiệm về Thiên Chúa trong đoàn sủng Salêdiêng và khả năng để thông truyền điều ấy; và cùng với điều này sự trưởng thành nhân bản và uy tín mà đời sống thiêng liêng của cha đòi hỏi và đem lại, hầu cha có thể trở thành một vị lãnh đạo khả tín và hữu hiệu trong công việc giáo dục.

2.1 Mối tương quan của cha với Đức Kitô

  1. Sự kết hiệp đặc biệt với Đức Kitô, vị Thượng Tế vĩnh cửu

Don Albera viết rằng giám đốc khai triển một “sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô đến nỗi dần dần ngài trở nên quen nhìn thấy Đức Kitô trong mọi sự qua từng phút cuộc sống ngài.”[190]

Cha là một linh mục để yêu mến Đức Kitô. Tình yêu đối với Người không phải là một sự sùng mộ riêng tư. Sự thụ phong bí tích đòi cha điều ấy. Do chính bản chất của chức linh mục, linh mục yêu mến Đức Kitô theo cách thức mà không một ai khác có thể yêu mến Người, vì linh mục được chính Đức Kitô yêu mến cách đặc biệt. Cha cũng phải yêu mến Người hết tài năng nhân loại của mình và liên lỷ thanh luyện và phát triển chúng để chúng có thể trở thành phương tiện chuyển thông ân sủng của Người.

Cha được kêu gọi để cho thấy đức ái tăng trưởng và sự thánh thiện được thành tựu. Những khía cạnh thừa tác và cá nhân trong đời sống của cha không được tách rời nhau.

Mọi linh mục phải đảm bảo sự hữu hiệu của hành vi bí tích bằng cách sống của mình. Cá nhân ngài phải làm chứng cho chức tư tế của mình và thống nhất đời sống cá nhân với chức tư tế ấy bao có thể. Chức linh mục phải hoàn toàn thấm nhiễm đời sống ngài.

Lớn lên trong hiểu biết về Đức Kitô đến nỗi biết Người là tri thức tuyệt hảo nhất[191] cùng là niềm vui sâu xa nhất của cha.[192] Tấn tới trong kinh nghiệm về sự mật thiết với Người, đang khi làm cho mầu nhiệm này thành chân tính đích thực của cha, và thành lý lẽ cho mọi lựa chọn của cha, chính là đặt Đức Kitô vào tận tâm điểm tác vụ của cha.[193]

Theo cha Albera, người phản ánh tư tưởng của Don Bosco và Don Rua, kiến thức về Đức Kitô và kinh nghiệm tăng trưởng về sự mật thiết với Thiên Chúa được sống nhiều ở bình diện nội tâm trong đời sống của giám đốc hơn là được tỏ lộ công khai. “Bề ngoài không có gì bộc lộ sự hiện diện của Thần khí, song giám đốc cảm nhận nó. Chính Thần khí nói cho tâm hồn ngài, khích lệ và an ủi ngài, và trên hết chính Thần khí ban cho ngài sức mạnh tươi mới của ý chí và quảng đại hơn.”[194]

Tất cả những điều này đưa cha tới chỗ muốn là một linh mục sống trong sự tự do vâng phục đối với Thần khí của Chúa Giêsu. Kinh nghiệm Thiên Chúa: đây phải là ước muốn cao nhất của cha.

  1. Thánh Thần như một kinh nghiệm: sự tối thượng của đời sống trong Thần khí

Những người không thể sống hòa hợp với Thần khí có một tương lai trống vắng và chúng ta xác tín rằng một Tu hội không sống sự hiện diện của Thần khí cách sung mãn thì không có tương lai chi cả.

Tương lai Tu hội và sự tăng trưởng thiêng liêng của cá nhân chúng ta trực tiếp tùy thuộc vào đời sống chúng ta trong Thần khí. Chính Thần khí sống nơi chúng ta “như trong đền thờ”[195] và Ngài tuôn đổ “tình yêu của Người vào lòng chúng ta.”[196] Chính Ngài kiện cường chúng ta tận bên trong[197] và cầu nguyện trong chúng ta “bằng những tiếng rên xiết khôn tả.”[198] Trên hết, chính Thần khí đưa chúng ta vào những mầu nhiệm của Thiên Chúa nhờ sức mạnh bất khả chống cưỡng của Ngài, và Ngài làm cho chúng ta có thể nhận rõ ý nghĩa của lịch sử. “Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.”[199] Một cách ngoại thường Don Bosco là người của Thần khí. Niềm xác tín rằng ngài được trời cao hướng dẫn đặc biệt đã chủ trị cuộc đời ngài; xác tín này ở tận cội rễ cho những công việc táo bạo nhất của ngài.[200] Ngài không lý thuyết hóa hoặc bàn về Thần khí nhiều hơn những người khác đã quen làm như thế theo linh đạo của thời đại ấy, nhưng trên bình diện nội tâm, ngài lớn lên trong sự thánh thiện và sự cam kết cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Trên bình diện bề ngoài, với Đức Kitô và trong Đức Kitô, ngài thẳng tiến trong việc tận hiến cho đồng loại như là người anh em của họ và cho giới trẻ như là người cha của chúng.[201]

Đây là hai khía cạnh khác biệt nhưng bổ sung của đời ngài. Nơi Don Bosco có một sự thống nhất giữa sự trung thành với Thần khí và sự nhạy cảm của ngài đối với những đòi hỏi cụ thể của lịch sử và nhân loại.

Cha đại diện Don Bosco, đặc biệt đối với ‘những vấn đề của linh hồn.’ Vì thế, cha phải là người của Thần khí, khi sử dụng mọi ân điển nơi mình với tất cả khả năng của mình. Cha không phải là một đấng sáng lập, nhưng cha có trách nhiệm hơn người khác để đảm bảo rằng tinh thần và sứ mệnh của Tu hội tiếp tục sống. Cha có trách nhiệm hơn những người khác để gìn giữ, minh định và phát triển đoàn sủng của Don Bosco, vốn là “một kinh nghiệm của Thánh Thần.”[202] Cha phải làm việc này trong sự hài hòa với Nhiệm Thể Đức Kitô, là một thực tại đang tăng triển và sống động.

“Trung thành với Don Bosco không hệ tại ở việc sao chép ngài cách bề ngoài, nhưng là bắt chước sự thuần thục của ngài đối với Thánh Thần.”[203] Vì vậy, cha đừng chống lại Thần khí,[204] hay những khởi hứng và thúc đẩy của ngài. Thuần thục đối với Thần khí là một nhân đức mà các hội viên của cha đều cần; nhưng chính cha là một giám đốc còn cần đến nhân đức đó hơn nhiều, một nhân đức mà chỉ có thể được thực thi dưới một số điều kiện mà thôi. Theo gương Don Bosco, cha không được cho phép mình bị phủ ngập do cái nhịp điệu của các biến cố bên ngoài. Bao có thể, cha phải học để tạo ở bên trong và quanh cha những thời gian thinh lặng trong ngày để cha có thể lắng nghe Thần khí và rộng mở trước tác động và sức mạnh của Ngài. Cha phải kêu cầu Ngài trong những trạng huống khó khăn nhất. Cha phải xin Ngài tuôn đổ những hồng ân cốt yếu cho đời sống của một người Salêdiêng: tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn chịu đựng, hiền dịu, quảng đại, đức tin, hiền lành và tiết độ.[205]

Niềm vui của Don Bosco phát xuất từ nguồn mạch này, vì niềm vui “được đời đời thuộc về Thiên Chúa là hoa trái khôn sánh của Chúa Thánh Thần.”[206]

2.2 Mối tương giao của cha với Giáo Hội

Đời sống của cha chỉ có ý nghĩa trong tương quan với Giáo Hội, vì đầu không thể tách khỏi các chi thể. Cha hành động với tư cách của Đức Kitô. Như cộng sự viên của Giám mục, và trong sự hiệp nhất huynh đệ với các linh mục khác, cha làm cho đức ái chủ trị trên cộng thể vì Giáo Hội.[207] Phù hợp với đoàn sủng của cộng thể, cha hành động nhân danh cộng thể vì sự tăng trưởng của cộng thể trong Đức Kitô. Một cách ‘bí tích’ cha đại diện Người. Điều này có nghĩa là cha tận hiến cho Lời Thiên Chúa và là một dấu chỉ. Cha cam kết để sống cái cảm thức Giáo hội, sensus ecclesiae, và hân hoan muốn trở thành một dụng cụ của tình Ngài trong tay Đức Kitô qua việc dâng hiến và hy sinh chính mình.

  1. Cha hãy cố đạt được khả năng phân định nơi Lời Chúa một sứ điệp cứu độ cho các hội viên và thanh thịếu niên trong các biến cố hằng ngày và những hoàn cảnh thường gây rắc rối trong cuộc sống thường nhật của họ.

Cha là một thừa tác viên của Lời Chúa và bởi vì cha tương quan đặc biệt với Đức Kitô linh mục, và bởi vì cha có kinh nghiệm về Thiên Chúa, nên cha có thể công bố Lời Chúa cách có thẩm quyền. Lời này không chỉ là một lời về Thiên Chúa mà cha công bố, nhưng là lời của chính Thiên Chúa.

Tác vụ này có chỗ cao quí trong mọi cộng thể bởi vì lời Chúa là nguồn mạch cho công việc cứu độ. Chính việc công bố lời Chúa tụ họp cộng thể của cha lại, và quanh lời Chúa, cộng thể thắt chặt dây hiệp nhất. Chính từ Lời Chúa đức tin phát sinh: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô.”[208] Sẽ không có lời nào cả nếu không có miệng lưỡi công bố lời ấy hay tấm lòng để đem đến cho lời ấy sức ấm, sức ấm của việc công bố.

Vai trò cốt yếu của cha chính là ở đây. Giám đốc nào biết làm sao để công bố lời Chúa và thực sự cam kết cho trách vụ này là vị giám đốc hoàn thành được một việc lớn lao: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải.”[209] Giám đốc không phải là người bận bịu lắm chuyện, cũng không phải vì vậy ngài tiên vàn là một nhà tư tưởng. Trái lại, ngài là một người cầu nguyện, một người chiêm niệm có thể nội tâm hóa nền văn hóa nhờ đức ái, nhằm sứ mệnh và sự thánh hóa của cộng thể. Huấn quyền của các công đồng, của Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục giúp cha đáp trả lại thách đố này. Vai trò ngôn sứ thúc đẩy cha. Cha ý thức sự kiện này là bằng cách thực hành những lời dạy dỗ của huấn quyền Giáo Hội, cha góp phần tạo nên một câu truyện đời sống thật sự cho cộng thể của cha trong bối cảnh của Giáo Hội địa phương.[210]

Cũng vậy, cha phải lợi dụng những phương thế khác: quyền giáo huấn chính thức của Salêdiêng, nghĩa là các Tổng Tu Nghị, những dạy dỗ của Bề Trên Cả và Ban Cố Vấn ngài, của Giám tỉnh. Cha làm điều này không phải chỉ như phần vụ của việc tuân giữ tu trì, nhưng còn bởi vì cha ý thức rằng làm như thế, cha tích cực quan tâm đến việc thực thi sung mãn sứ mệnh ngôn sứ của cha như một linh mục và như thế giúp các hội viên lớn lên trong việc phục vụ các thanh thiếu niên.[211]

  1. Cha là thừa tác viên của những nghi thức thánh mà có thể làm cho những nguồn mạch ân sủng hoạt động thích đáng. Bù lại, những nguồn mạch này là chính nền tảng của Hệ Thống Dự Phòng.

Khi cha chủ sự tiệc Thánh Thể và cổ võ việc năng lãnh nhận bí tích Giao Hòa, cha đem lại những chất liệu cần thiết để xây dựng cộng thể. Chính Thánh Thể xây dựng cộng thể và đồng thời là khung cảnh đặc biệt để gặp gỡ Đức Kitô, Đấng Cứu Độ. Có nhiều dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng Thánh Thể là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện tuyệt hảo nhất của Đấng Cứu Độ.[212]

Khi chủ sự tiệc Thánh Thể, cha trở thành dấu chỉ bí tích về sự hiện diện của Chúa. Và mặc dù tất cả những người khác đều tham gia thì cha là người đưa cộng thể vào trong mầu nhiệm ấy nhờ những lời ghi nhận đầu lễ và bài giảng; cha là người công bố kinh nguyện thánh thể làm biến đổi những của lễ thành Mình và Máu Đức Kitô. Cha là người rèn đúc mối liên hệ giữa Thánh Thể và cuộc sống thường nhật và giúp những người tham dự sống điều họ cử hành.[213]

  1. Cha hãy gắng sao có được một kinh nghiệm sống động về sensus ecclesiae bằng cách nhấn mạnh đến ý nghĩa Giáo Hội trong tất cả mọi hoạt động của cha. Cha hãy buộc mình trong đức ái và vâng phục Đức Thánh Cha và các Giám Mục cũng như tăng triển những giao tiếp huynh đệ với những linh mục khác.[214]
  2. Cha hãy hoàn toàn tin rằng Chúa ở bên cạnh. Ngài tiếp tục tin tưởng cha bất chấp cha mỏng dòn. Ngài hiện diện trong những hoạt động hằng ngày của cha với ánh sáng và tình yêu của Ngài. Ngài ban cho cha sức mạnh để tiếp tục tiến bước, ngay cả khi sự dửng dưng hay chống đối làm cho cha khó kiên trì trong sự phục vụ của cha như một giám đốc.
  3. Cha hãy chấp nhận sự kiện rằng cha được sai đi và phải liên lỉ gắng trở thành một khí cụ thích hợp của đức ái trong tay Chúa,[215] để đáp lại cách hữu hiệu bao có thể những đòi hỏi trong sứ mệnh của cha – một sứ mệnh mà vì đó cha phải sửa soạn ngày qua ngày nhằm những nhu cầu khác nhau đang nảy sinh.

Thái độ thiêng liêng lớn lên nơi cha như một kết quả của một tình thân với đặc sủng linh mục của cha và với những mầu nhiệm Thánh Thể là thái độ của vị trung gian và hiến vật cùng với Đức Kitô trong tình yêu Người dâng hiến cho Chúa Cha.

Thánh Thể làm cho sự hiến mình của Đức Kitô cho Chúa Cha thành hiện tại. Người diễn đạt gãy gọn sự hiến dâng này khi đi vào thế giới.[216] Người sống điều ấy cách trung thành hoàn toàn suốt cuộc đời trần thế của Người, khi làm cho Thánh ý Cha nên của ăn của uống hằng ngày của mình; Người hoàn tất hy tế trên Calvê, và Người làm cho hy tế ấy hiện diện trong tất cả sự thích đáng và quyền năng của nó khi mỗi lần cử hành Thánh Thể.

Đối với cha như một linh mục, Thánh Lễ tận căn là sự kết hiệp của hai lễ phẩm (hai của lễ), hai hiến tế: hiến tế của Đức Kitô trên bàn thờ, và hiến tế cha làm nên nơi chính mình trên cùng một bàn thờ và cha kéo dài nó bằng cuộc đời và phục vụ của cha. Cha không được quên hiến dâng hy tế thiêng liêng liên lỉ là đời sống cha.

Cha sẽ tìm được động cơ trong Thư gởi tín hữu Do Thái. Nơi các tư tế của Cựu ước có sự phân biệt giữa nghi thức họ cử hành với đời sống cá nhân của họ.[217] Họ dâng “lễ phẩm và hiến tế,”[218] nhưng không dâng chính mình. Người ta không xứng đáng để dâng chính mình vì lỗi lầm của họ. Lễ dâng phải không được có vết nhơ. Luật này ngăn chặn tất cả chúng ta bởi vì chúng ta tất cả đều là tội nhân.

Đức Kitô biến đổi tận căn các sự việc. Người không chút tỳ vết hay bợn nhơ. Người là hiện thân của sự thánh thiện và Người dâng hiến chính mình. Người không vào cung thánh với máu súc vật, nhưng với chính máu mình. Vì thế lễ dâng của Người không tách khỏi thảm kịch của đời sống Người. Nó không phải là một “nghi thức” xảy ra bên ngoài hay dọc theo đời sống. Nhưng nó là chính thực tại của đời sống Người, của cái chết Người vì nó được hoàn tất không phải trong phụng vụ đền thờ, nhưng bên ngoài thành: trên đồi Calvê.

Từ đó trở đi, bất cứ ai tin vào Người, đều có thể hiến dâng chính mình. Thực vậy, thánh Augustinô nói: “tin chính là đi vào trong Đức Kitô.” Lễ dâng của chúng ta và của Người trở thành một thực tại, đáng được “các thiên thần mang lên tới bàn thờ thiên quốc trước tôn nhan Đấng Tối Cao.”[219]

Sự “hiến dâng chính mình và kiên nhẫn chịu khổ thì thiết yếu cho mọi người trong những thăng trầm của cuộc đời.”[220] Chẳng hạn, Don Bosco “cảm thấy rất khó chịu khi thấy một thanh thiếu niên của ngài phạm một tội nặng đến nỗi cả đêm ngài không thể chợp mắt.”[221] Ngài bị thúc đẩy do “đam mê thánh thiện”[222] để đền bù tội lỗi này vì ngài có đức tin mạnh mẽ và cảm thấy trách nhiệm ngài thật sâu xa.

Tội lỗi phá hủy con người và thế giới. Xét như một lầm lỗi, tội luôn hàm ý con người tự do khước từ trao ban chính mình cho Thiên Chúa. Nó chối Ngài có quyền là Kiến trúc sư của thế giới này. Xét như tội là đau khổ, nó có nghĩa là sự dội lại của một thế giới chưa hoàn thành và bị rách nát cách vô trật tự trên con người sống điều ấy. Giám đốc vốn phải là người lãnh đạo trách nhiệm của một kế hoạch cụ thể là cứu rỗi giới trẻ, buộc phải thật sự kinh tởm tội lỗi.

Một giám đốc hoàn toàn cam kết chiến đấu chống lại tội lỗi và đền bù tội lỗi. Ngài được lôi kéo vào hướng này do sức mạnh của đặc sủng linh mục. Như Chúa Giêsu, ngài đoan thệ đấu tranh chống sự dữ và đau khổ, kết quả của sự bất công. Ngài làm thành của mình tiếng “không” của Thiên Chúa trước tội lỗi và đau khổ. Như Thiên Chúa, ngài có một ao ước mang tính chất sáng tạo và vĩnh cửu rằng các thanh thiếu niên và các hội viên phải có sự sống!

Nhưng xét như Đức Kitô dùng sự tự do của mình để đem lại cho đau khổ một ý nghĩa tích cực và làm nó thành dấu chỉ của ơn cứu chuộc (dầu vô tội, Người đã làm cho mình được thanh tẩy với các tội nhân “hầu chu toàn mọi đòi hỏi của Thiên Chúa.”),[223] Giám đốc sợ hãi những gánh nặng của đau khổ và dâng mình đền bù những lỗi lầm của chính mình và của cộng thể.

Trong phép rửa của đau khổ này[224] mà như Đức Kitô Thượng Tế, giám đốc chấp nhận gánh vác, ngài nhận biết con đường đau khổ đưa tới hạnh phúc; và ngài được mời gọi tới đó nhờ đời sống phục vụ của ngài. Nơi tất cả điều này, như một linh mục chủ trị cộng thể trong tình yêu, giám đốc buộc phải cung cấp một sự bảo đảm cho giá trị của hành vi bí tích. Do chính sự kiện cha là một linh mục được thụ phong, cha buộc phải là một khuôn mẫu của khoa linh đạo “trung gian và hy sinh”. Nếu cha hằng ngày chấp nhận những đòi hỏi của khoa linh đạo này, chẳng mấy chốc cha sẽ thấy rằng nó là một trong những cấu tố chính yếu của tình hiền phụ nơi cha.

2.3 Sùng kính Đức Maria cách đặc biệt

Sắc lệnh công đồng về đào luyện các linh mục khi nói cho những người “sẽ lãnh nhận việc nên giống Đức Kitô linh mục do sự thụ phong” khuyên họ “tạo thói quen đến gần Người như các bạn hữu trong mọi chi tiết đời sống họ.”[225] Và để có thể lớn lên trong sự kết hợp với Đức Kitô, họ phải “yêu mến và tôn kính Đức Trinh Nữ Maria với lòng tín thác của những người con cái mà khi hấp hối trên thập giá, Đức Kitô đã trối người cho môn đệ của Người như một người mẹ.”

Ngườii ký thác sự tăng trưởng trong chức linh mục và trong thừa tác vụ của cha cho Mẹ. Mẹ Maria, bằng việc hạ sinh Con Thiên Chúa, trở thành mẹ của hết thảy tín hữu, bởi vì Giáo Hội như một thân mình, đến từ Đức Kitô và là Đức Kitô. Sự sinh hoa kết trái của Đức Maria không tự động nhưng hiện hữu để phục vụ Giáo Hội. Mẹ tham dự vào sứ mệnh của Giáo Hội nhờ sự ưng thuận phổ quát và vô giới hạn của Mẹ mà Con Mẹ đã dùng như phương thế tái sinh những người tín hữu mới.

Kinh nghiệm của Don Bosco (chính Đức Maria làm mọi sự)[226] là một sự kiện sống động thuộc về lịch sử của Tu hội chúng ta và được canh tân mỗi khi chúng ta cầu nguyện với mẹ và canh tân sự trung thành của chúng ta.[227]

Có được một kinh nghiệm về sự sùng kính Đức Maria giống như của Don Bosco, người “đã tận hiến cho Đức Trinh nữ,”[228] thì còn hơn là một sự cần thiết khách quan đối với một giám đốc. Đó là một nhu cầu cá nhân. Như là “Don Bosco của mỗi nhà Salêdiêng,” giám đốc trong khía cạnh này cũng phải bắt chước “Don Bosco của lịch sử,” người đã từng là một trong những người tôn sùng vĩ đại của Mẹ Maria.

Nhưng những kết quả của lòng tôn sùng này, đối với cha cũng như đối với các hội viên, sẽ là một ý thức sống động về Giáo Hội, một chọn lựa rõ ràng vâng phục tích cực đối với những chủ chăn của Giáo Hội và cộng tác với các ngài, là một phong thái và tinh thần nhờ đó sứ mệnh được thực thi và là việc nuôi dưỡng các ơn gọi.[229]

2.4 Yêu mến Don Bosco

Giám đốc có một tình yêu rất thật với Don Bosco linh mục. Nhờ sự trung thành của mình, giám đốc muốn phản ánh cái ý tưởng độc đáo của Don Bosco về giám đốc Salêdiêng, hầu tương ứng với tình yêu lớn lao mà vị thánh đã dành cho các giám đốc suốt đời ngài. Đó là một tình yêu ngài tiếp tục tỏ lộ một cách tích cực và hữu hiệu.[230]

Một kinh nghiệm cá nhân về tình yêu này làm cha dễ dàng hơn hoàn toàn chấp nhận những giá trị ngài đã cưu mang. Nó là nguồn mạch cho sự tín thác bởi vì cha cảm được sự xứng đáng của nó; và trong đó tìm được sự can đảm để tiến lên trong những bổn phận đôi khi rất mệt nhọc của cha. Và như vậy, biết và yêu mến ngài là một “tặng phẩm.”[231] Nó hơn hẳn một sự hứng khởi mà thôi. Nó là một sự hiệp thông sự sống chân thật trong đó con cái tiếp tục tăng trưởng trong ân sủng của người cha. Nếu Don Bosco là ‘khuôn mẫu cao cả của bề trên’ thì điều này càng đúng hơn đối với những ai được kêu gọi do vâng phục tiếp tục việc phục vụ này mà, theo ngài, là nên ‘mọi sự’ vì cộng thể.

2.5 Trưởng thành và kinh nghiệm nhân bản

Điều kiện thứ nhất thánh Phaolô đòi hỏi những người được kêu gọi phục vụ cộng đoàn trên bình diện thiêng liêng là họ phải trưởng thành và đầy đủ kinh nghiệm để hiểu biết những người anh em của mình. Người được chỉ định “chủ tọa” phải là người không chê trách được, không nghiện rượu, khôn ngoan, dậy dỗ tốt, hiền lành, có danh thơm tiếng tốt. Ngài phải thoát khỏi những nết xấu đó vốn là dấu chỉ của một nhân cách tầm thường và không trưởng thành.[232]

Chúng ta biết công đồng nhấn mạnh biết bao đến tầm quan trọng của các đức tính nhân bản trong việc huấn luyện và trong đời sống của các linh mục.[233] Những Tổng Tu Nghị chúng ta[234] xem xét sự việc từ cùng một viễn cảnh này khi nói rằng các Salêdiêng phải quân bình vì điều này can hệ sống động tới đời sống thiêng liêng của họ[235] và tới phong thái hoạt động bên ngoài của họ.[236] Lối sống Salêdiêng nối kết sự tự do với sự trung thành đối với sự thánh hiến tu trì của chúng ta, hầu gây được ảnh hưởng tích cực trong việc giáo dục của chúng ta khi chúng ta thanh thản tham gia vào đời sống cộng thể.[237]

Cha có thể coi như nhắm đến cho chính mình điều được đòi hỏi mọi Salêdiêng về sức khỏe tốt, làm việc, tiết độ, nền giáo dục thể lý;[238] cũng như điều được đòi hỏi dưới diện quân bình tâm lý và cần thiết sửa mình để tương quan thích hợp với chính mình, với các sự vật và với Thiên Chúa.

Cha phải quảng đại chấp nhận những hệ quả của hết thảy điều này. Cha đặc biệt phải cố gắng vun trồng hai thái độ. Hơn bất kỳ điều gì khác, chúng bộc lộ cho các hội viên mức trưởng thành cá nhân của cha: khả năng của cha có thể lấy những quyết định cách tự do theo ánh sáng của những động cơ chân chính và được nội tâm hóa; và khả năng yêu mến một cách thật sự hữu vị. Đây là hai khả năng giả thiết một toàn thể những nhân đức và thái độ khác, nhưng nhất là:

  • Tự do khỏi mọi sự nghiêm khắc, cấm đoán và trói buộc bên trong, và độc lập khỏi những áp lực môi trường.
  • Trân trọng kinh nghiệm và những giá trị chân thật của một người và chấp nhận những giới hạn của họ.
  • Rộng mở với tha nhân và có khả năng chấp nhận nhau cách kính trọng, tích cực và không thành kiến.[239]

Thật là kỳ diệu cho bất kỳ ai tiến đến với cha như một vị linh hướng để gặp được một người có sự nồng ấm nhân bản (như Don Bosco linh mục đã là thế), một con người có một nhân cách hòa hợp, một người có thể khích lệ người khác, thông cảm và nghiệm được những nỗi vui buồn của họ. Thật diệu kỳ khi gặp được giám đốc mà nơi ngài địa vị không trở thành chướng ngại cho con người ngài, nhưng đúng hơn, ngài đã xoay sở để đặt toàn bộ gia sản là các phẩm chất nhân bản vào phục vụ các hội viên của mình; những đức tính ấy ngài đã dày công phát triển.

2.6 Được sai đến với các anh em

Thánh Phaolô viết cho Timôthê: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.”[240] Vì thế, cha được mời gọi để lượng giá lại những ân điển của cha và liên lỉ ý thức hơn nữa sự kiện là cha được sai đến với các hội viên như một người sinh động thiêng liêng, như vị thầy có thẩm quyền và hợp thời về đời sống Salêdiêng và như một nhà hướng đạo có uy tín trong sứ mệnh của họ.

  1. Người sinh động khía cạnh thiêng liêng

Sự sinh động thiêng liêng là ‘bổn phận đệ nhất’ và là ‘trách nhiệm lớn lao’ của cha, như Don Albera đã diễn đạt trong cuốn Cẩm nang cho giám đốc.[241] Don Rua đã diễn tả nó chính là tột đỉnh nơi sứ mệnh của giám đốc.

May thay một lần nữa, ngày nay ta lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc công nhận giám đốc là người sinh động thiêng liêng của cộng thể, là một người giúp cộng thể lớn lên trong sự trọn lành và thánh thiện.[242]

Để tính ưu tiên này nơi khía cạnh tu trì và thiêng liêng trong sứ mệnh của giám đốc có thể là thực, chứ không chỉ là lý thuyết, Tổng Tu Nghị 21 đề xuất định nghĩa lại và đơn giản hóa các trách vụ mà Hiến luật đã ký thác cho giám đốc. Bước tiến này có thể mang lại nhiều khả thể tuyệt vời.[243]

Một giám đốc tốt luôn là một “lương tri thực tiễn” của ơn gọi Salêdiêng, theo nghĩa ngài am tường lịch sử đó, biết làm thế nào để sống ơn gọi ấy cho phù hợp với sự tiến hóa và đổi thay mà không cắt nó khỏi mối liên hệ với quá khứ.[244] Cha có thể tìm thấy nơi lịch sử Salêdiêng những tư tưởng hữu ích và có sức thuyết phục về “tình hiền phụ thiêng liêng” và tính ưu tiên của các khía cạnh tu trì trong vai trò của giám đốc.

“Theo tinh thần của Đấng Sáng Lập và truyền thống Salêdiêng, giám đốc của các nhà có một vị thế hoàn toàn giống với vị thế của cha linh hướng trong chủng viện. Ngài là người hướng đạo và là bác sĩ của tâm hồn.”[245] Câu nói đầy suy nghĩ ấy được Don Rua viết vào một trong những giờ khắc đau đớn nhất trong đời ngài, sau sắc lệnh ngày 24 tháng Tư, 1901, theo đó, giám đốc Salêdiêng không còn có thể là vị giải tội thông thường nữa, vì thế mất đi một cái gì đó rất đặc sắc, mặc dầu tình hiền phụ thiêng liêng của ngài cũng như những phương thế để thực thi nó vẫn nguyên tuyền.

Từ năm 1901 cho tới Tổng Tu Nghị 21, các Tổng Tu Nghị và các Bề Trên Cả luôn nhấn mạnh điểm này. Trong những qui chế được Tổng Tu Nghị 10 (1904) quyết định và in ra vào năm 1906, chúng ta tìm được nghị quyết này: “Tổng Tu Nghị 10 muốn các giám đốc chịu trách nhiệm thực sự đối với sự tăng trưởng thiêng liêng của các phần tử bằng cách đặt các ngài là những vị linh hướng chân thật của các hội viên, mặc dù các ngài không phải là những cha giải tội của họ.”[246]

Có những lời bình giải quan trọng về tình hiền phụ thiêng liêng của giám đốc trong suốt Tổng Tu Nghị 11. Giữa những lời bình giải ấy, ta có thể trích dẫn lời của Don Rinaldi: “Chúng ta phải trở về với tinh thần và tư tưởng của Don Bosco như được chứa đựng trong Những Lời thân tín dành cho Giám đốc và trong Qui chế. Giám đốc luôn phải là giám đốc Salêdiêng. Chỉ bỏ qua sự kiện là giám đốc không được giải tội cho những người thuộc quyền nữa, còn mọi sự không thay đổi gì.”[247]

Vào những thời buổi khác nhau của lịch sử chúng ta, các bề trên và các Tổng Tu Nghị đã làm cho những lời về đề tài này thành rõ ràng và có thẩm quyền.[248] Chúng ta sẽ giới hạn vào một lời trích dẫn từ Tổng Tu Nghị 19. Tổng Tu Nghị này đã có một lập trường đặc biệt đầy ý nghĩa bởi lẽ đang ở trong thời điểm canh tân: “Giám đốc hãy coi việc hướng dẫn thiêng liêng cho cộng thể và các hội viên là bổn phận chính yếu … ngài hãy quan tâm trước hết để lo cho các hội viên, đặt trách vụ đào luyện này trước cả trách nhiệm ngài có đối với các thanh thiếu niên.”[249]

Cuốn cẩm nang mới này sẽ không hòa điệu với kinh nghiệm sống động của Tu hội, cũng không thích hợp với thời đại chúng ta đang sống, nếu nó không còn trung thành với chiều hướng này. Tập trung vào khía cạnh thiêng liêng trong chức năng của cha không có nghĩa là tách cha khỏi những lãnh vực của sự sinh động mục vụ và giáo dục, hoặc khỏi việc cai quản cộng thể. Thực sự tất cả những lãnh vực của đời sống Salêdiêng phải luôn qui về giám đốc, ít nhất là trong điều liên quan đến hoạt động tổng quát và sự điều phối toàn thể của chúng.[250] Tuy nhiên, ta phải kính trọng một phẩm trật các giá trị và trách vụ, và tinh thần tu trì chiếm địa vị thứ nhất trong trật tự này.[251]

Ngày nay chúng ta có một hình ảnh mới về diện mạo-người cha. Hình ảnh ấy mang tính chất thẩm quyền hơn là chuyên chế. Người cha phải là một khuôn mẫu thì quan trọng hơn là một kẻ tuyên bố những luật lệ; người cha phải là người có khả năng đối thoại thì quan trọng hơn là một kẻ chỉ ban lệnh.

Những khía cạnh này áp dụng còn hơn nữa trong trường hợp của một người cha thiêng liêng vốn phải bén nhạy và rộng mở trước những dấu chỉ thời đại, sự độc đáo của mỗi nhân vị, những đổi thay của hoàn cảnh và môi trường, và trên hết, với những tác động của Thánh Thần là Đấng luôn canh tân bộ mặt trái đất.

Một kỷ nguyên mới và một cánh đồng mới của hoạt động đang mở ra cho cha như một người sinh động thiêng liêng. Cha đi vào lãnh vực này với một ‘tiếng nói mới’ của linh mục, vừa là tu sĩ và vừa là tông đồ theo tinh thần Vatican II; và với ‘tiếng nói mới’ của một Tu hội đã mặc lấy một ý thức được canh tân về sứ mệnh của mình qua các Tổng Tu Nghị mới đây.

Các hội viên mong đợi nhiều ở giám đốc như một người sinh động. Những kỳ vọng này gia tăng với thời gian trôi qua. Không ít các hội viên dường như mong chờ các giám đốc phải hoàn thiện. Đây là lối tư duy không liên hệ với thực tại và làm các giám đốc bối rối. Các hội viên phải học để chấp nhận giám đốc như ngài vậy.[252] Nhưng lập tức ta phải thêm rằng nếu cha được giao phó trách nhiệm giám đốc, cha phải nghiêm chỉnh đảm nhận bổn phận là làm cho mình có đủ tư cách đối với công việc ấy, không quá nhấn mạnh đến nguyên lý chuyên biệt hóa cho những trách vụ khác nhau cho bằng đến một lời đáp trả cho những nhu cầu khẩn cấp của Tu hội và một sự quay về với Don Bosco để làm ngài sống lại.[253]

Don Bosco làm biết bao điều để đào luyện các giám đốc! Điều này hiển nhiên từ Những lời thân tín, những huấn đức chung nhân dịp lễ thánh Phanxicô Salê (bắt đầu từ năm 1865), những cuộc nói chuyện trong các lần tĩnh tâm, những luân thư và những lá thư riêng ngài viết cho các cá nhân.

  1. Một ông thầy có thẩm quyền và hợp thời về đời sống thiêng liêng Salêdiêng

Hấp thụ tinh thần Salêdiêng cơ bản là vấn đề của sự thông truyền sống động.[254] Không phải là nghiên cứu sâu xa sẽ làm nên một giám đốc tốt. Dù vậy, trừ phi cha học hỏi lịch sử Tu hội và hiểu biết tốt đẹp về linh đạo kitô hữu nói chung và tinh thần Salêdiêng nói riêng, cha sẽ không thể chu toàn sứ mệnh của mình. Kinh nghiệm là một điều thiết yếu nền tảng; nhưng để hữu hiệu, kinh nghiệm phải “được đi kèm với lời cắt nghĩa thích đáng trên lý thuyết và được nâng đỡ bằng một sự học hỏi tiệm tiến và có hệ thống.”[255]

Don Bosco một con người hoạt động, luôn nhấn mạnh đến công thức: “học hành và đạo đức”. Trong một luân thư năm 1874, ngài viết: “Vos estis sal terrae, lux mundi; Muối: nhờ lòng đạo đức và khôn ngoan các con cần muối để hướng dẫn các linh hồn tới điều gì là tốt lành và nhân đức; ánh sáng, nhờ gương lành.”[256] “Học hành và đạo đức làm nảy sinh một Salêdiêng chân thật.”[257]

Đây không phải là một trách vụ dễ dàng cho một người như giám đốc có rất ít giờ rảnh, và thấy khó để theo kịp tiến bộ luôn xảy ra trong sự hiểu biết của con người. Điều Don Albera xưa kia đã nói, vẫn còn đúng cho những bộ kinh điển của đời sống thiêng liêng và cho những nguồn liệu Salêdiêng nền tảng: “Là giám đốc, cha nên chọn ra một ít tác giả đã được tuyển lọc kỹ càng và như vậy, chậm mà chắc, cha hiểu họ hoàn toàn và được thấm nhuần học thuyết của họ.”[258] Điều này vẫn đúng với bộ sách cổ điển về thiêng liêng và những tài liệu nền tảng của Tu hội; nhưng nó không áp dụng cho những sách chung chung, bởi vì có quá nhiều sách để chọn, và ngày nay sách vở rất mau chóng trở thành lỗi thời.

Chúng ta phải đối diện với sự kiện là kiến thức thủ đắc được suốt những năm đào luyện không còn đầy đủ nữa. Cha phải tiếp tục cập nhật trong cánh đồng linh đạo mà không xao nhãng những lãnh vực giáo dục và mục vụ. Một giám đốc mà dọi phóng hình ảnh về chính mình như lui về sau thời đại trên bình diện văn hóa, sẽ không thoải mái và không thể tránh được cái nguy hiểm tinh tế là tư duy lộn xộn, đặc biệt trong thời hiện tại vốn tra vấn những khuôn mẫu của sự thánh thiện và những hình thức đời tu mà trước kia đã từng được ai nấy chấp nhận, cũng như giá trị của một vài dự phóng giáo dục.

Về điểm này chắc chắn cha sẽ bắt đầu hỏi: tôi đi đâu để tìm được giờ giấc mà học hành? Làm thế nào để tôi có thể hòa hợp được những tiết học tập với quá nhiều bổn phận thúc ép, với việc thiếu nhân viên, với sức khỏe yếu kém của tôi? (và có lẽ những lo lắng khác)

Don Rua trả lời như sau trong một lá thư của ngài: “Thiên Chúa biết những nhận xét cha nêu ra đây mới quan trọng làm sao. Chắc chắn cha muốn anh em giữ gìn sức khỏe; thực sự, cha ra lệnh cho anh em làm việc đó, cũng như thực thi cách có ý thức và quảng đại những trách vụ được ký thác cho mỗi người do bài sai. Nhưng các con yêu mến, hãy tin cha đi. Bằng cách phòng xa, trật tự và lo lắng sử dụng thời giờ tốt đẹp, người ta có thể chu toàn được nhiều việc. Trong vấn đề này, học hành cũng là một bổn phận ta phải chu toàn.”[259]

Và như vậy lời khuyên của Don Albera hình như đặc biệt thích hợp: trong thời khóa biểu cha hãy dành ít nhất mỗi ngày một tiếng đồng hồ và giờ đó chỉ chuyên chăm vào việc học hỏi các khoa học thánh.[260]

Cha có thể cập nhật những đề tài thiêng liêng và tu trì bằng cách cẩn thận đọc những sách và tạp chí được tuyển chọn. Sách tốt không mang lại kết quả là bao, cha phải giữ sách nào là tốt nhất! Đừng bỏ qua những khoa học nhân văn mà cha đã học suốt những năm đào luyện ban đầu.

Không tham vọng là một chuyên viên, cũng chẳng chút lẫn lộn vương quốc của con người với vương quốc của Thiên Chúa, cha hãy cập nhật hóa trong lãnh vực tâm lý, xã hội và giáo dục vốn sẽ giúp cha biết đến những cơ cấu và qui luật trong đó ân sủng hoạt động.

Hiện nay hội viên đã đi ra tới các nhà sau một khóa đào luyện tốt. Phần thuộc trách vụ của cha là phải hòa hợp và luợng giá kiến thức của từng hội viên. Cha cũng phải đánh giá mối liên hệ giữa các lãnh vực khác nhau của kiến thức trên bình diện cộng thể. Nơi nào có những khó khăn đặc biệt, cha có thể tham khảo các chuyên viên để tìm ra những giải pháp dầu họ không là Salêdiêng, bao lâu họ ở trong đường hướng chính thức của chúng ta.

Cha hãy lãnh trách nhiệm về những sáng kiến này; cha hãy hỗ trợ chúng. Nhưng cha hãy tiến vào kiểm soát và sửa sai chúng khi cần. Cũng hãy coi bổn phận của cha là tham gia, trừ phi cha không thể làm được điều đó mà thôi, vào bất kỳ sinh hoạt nào của việc nhật hóa thiêng liêng, Salêdiêng và thần học, được tổ chức trong bối cảnh tỉnh dòng, vùng hay Giáo Hội địa phương.

Hoạt động giảng dạy của cha là có thẩm quyền vì được đâm rễ trong đặc sủng của chức tư tế, và trong bài sai loại biệt cha nhận được từ các bề trên.[261] Nó cũng có thẩm quyền dưới diện nội dung bởi vì nó chuyển giao kho tàng học thuyết Salêdiêng theo mức độ cha có uy tín để làm như vậy hợp với Hiến luật và với những chỉ dẫn của các bề trên và huấn quyền Giáo Hội – những người giải thích chân chính tinh thần chúng ta.[262]

Như một vị thầy của tinh thần đó, cha có bổn phận đặc thù đối với tính chất Salêdiêng. Do việc đặt cha làm người lãnh đạo cộng thể và làm đầu của một công cuộc Salêdiêng, các bề trên như vậy đã đặt cha làm vị thầy của đời sống Salêdiêng. Trách vụ của cha bao gồm việc giúp các hội viên phát triển một lối nhạy cảm mà cho phép họ cảm nhận và phê phán các sự vật từ quan điểm Salêdiêng đến việc họ có thể sống và làm việc theo kiểu Salêdiêng.

Kinh nghiệm của Giáo Hội hậu công đồng cho thấy rằng những Tu hội mà đã có thể canh tân chính mình hoàn toàn và mau chóng là những Tu hội thành công trong việc trở về nguồn và về tinh thần của Đấng Sáng Lập.[263] Ân sủng của những cội nguồn thật phong phú lạ lùng, ngay cả khi thời gian trôi qua.

Nhưng chúng ta không thể trở về với Đấng Sáng Lập chúng ta mà không học hỏi nhiều và yêu mến sâu xa đối với những cội nguồn Salêdiêng của chúng ta.[264]

Tình cờ qui chiếu đến Don Bosco thì không đủ. Nói về ngài cách chung chung và tuyên bố về ngài mà không thể dựa vào những bằng chứng hiển nhiên hay tách chúng khỏi bối cảnh thì không thể chấp nhận được và thật chẳng phong phú chút nào. Đấy là một nguy hiểm mà cha lao vào nếu cha dễ dàng quen thói ứng khẩu hay chỉ lập lại từng chữ những điều Don Bosco đã nói hay đã làm.[265]

Khi trình bày đời sống, tư tưởng và những thành tựu của ngài, cha phải cẩn trọng phân biệt điều tương hợp với ý định thường hằng của Thiên Chúa với điều chỉ là một sự diễn tả của những điều kiện đổi thay và trạng huống lịch sử cụ thể mà kinh nghiệm thiêng liêng của ngài được nhập thể.[266]

Nhưng trong trách vụ tế nhị này cha không phải bắt đầu từ số không. Thực tế, tiến trình phân định này đã xảy ra trong tiến trình toàn diện của việc thích nghi và canh tân đã được các Tổng Tu Nghị mới đây của chúng ta thực hiện.

Về vấn đề này các luân thư của các Bề Trên Cả trong những năm gần đây có tầm quan trọng lớn lao. Tài liệu Đào Luyện các Salêdiêng của Don Bosco đáng ta lưu ý đặc biệt.[267] Giữa những người khác nữa, nó được nhắm đến cho các giám đốc, và miêu tả những chức năng đặc biệt của họ về đào luyện.[268]

Trong tài liệu này cha sẽ tìm được những ý tưởng then chốt mà Tu hội muốn chuyển giao lại cho các thế hệ Salêdiêng mới để làm cho họ có thể là những hội viên theo tâm trí và cõi lòng của Don Bosco.

Tuy nhiên xác tín đầu tiên cha phải vun trồng và thông truyền là tầm quan trọng sinh tử của Hiến luật. Đây là tài liệu nền tảng nhất và có thẩm quyền nhất mà hết thảy những gì khác phải dựa vào. Cha phải liên lỷ tìm cách hiểu Hiến luật hoàn hảo hơn hầu có thể chia sẻ kiến thức này với từng hội viên và với toàn cộng thể. Hiến luật là cương lĩnh cho sự hiệp nhất của chúng ta. Nó tạo nên Luật đời sống Salêdiêng. Nơi đó toả sáng, như chuẩn mực tối thượng, Tin mừng được sống theo tinh thần Don Bosco và trong đó cất giữ sự giầu có thiêng liêng của truyền thống chúng ta.[269] Hiến luật rõ ràng xác định tinh thần và những mục tiêu chung của chúng ta và giải thích rõ ràng ý nghĩa sự phục vụ của quyền bính và của những sáng kiến.[270]

Vì những lẽ này, Hiến luật là điểm qui chiếu bó buộc cho lời dạy dỗ chân chính của giám đốc. Cha phải yêu mến Hiến luật và đảm bảo rằng nó được yêu mến, khi nhấn mạnh đến tinh thần thấm nhập Hiến luật hơn là đến chữ viết và hình thức diễn tả bên ngoài. Như Don Albera đã vạch ra “trong Tu hội chúng ta có một tâm điểm của mọi tư tưởng và chiều hướng, một lối tư duy và hành động làm nên tinh thần của chúng ta. Tâm điểm ấy chính là qui luật thánh.”[271] Hình thức bên ngoài lệ thuộc vào biến chuyển thời đại và thực sự đã chịu một số đổi thay; nhưng tinh thần tồn tại mãi bởi vì nó từ Phúc Âm mà đến và nó diễn tả ngày một sâu xa hơn “lòng trung thành năng động và sống động của Tu hội đối với sứ mệnh của mình trong lịch sử.”[272]

Đây là đường lối ta phải hiểu việc Don Bosco liên lỷ nhấn mạnh liên lỷ đến Hiến luật. Don Rinaldi xác nhận điều này trong một nhận xét sâu sắc của ngài sau khi vạch ra rằng Hiến luật của nhiều dòng tu có “nhiều điểm giống nhau và hầu như đồng nhất: Điều làm phân biệt chúng không phải là phần lớn điều được viết trong những khoản luật, nhưng được chứa đựng trong việc cắt nghĩa hay ứng dụng của từng khoản luật do Đấng Sáng Lập (người vẫn sống trong những người kế vị). Thực sự ngài in đậm dấu ấn cá nhân trên đó đến nỗi, bỏ ngoài những lời lẽ và ý nghĩa chung chung, chúng mặc lấy một nhân cách của chính chúng mà làm cho chúng rõ ràng khác biệt với những qui luật của những hội dòng khác.”[273]

Để cắt nghĩa Hiến luật cách có thẩm quyền và nói lên ý nghĩa sâu xa và năng lực để canh tân, cha phải hiểu biết chúng thật sâu sắc. Nhưng còn quan trọng hơn nữa là cha phải sống chúng. Theo lời cha Albera khuyên, cha phải làm chúng thành thước đo cho bước tiến của cha: Giám đốc “có thể nói như thế, phải coi xem mình đã đạt đến mức nào đối với Hiến luật để biết mình đã vươn đến nhân đức tới mức nào.”[274] Về cùng một điều này, việc chuyển giao cách trung thành điều chính cha đã nhận lãnh từ truyền thống, như được giải thích dưới diện những nhu cầu hôm nay do những tài liệu chính thức của Tu hội và Bề Trên Cả, không chỉ là một tác vụ dẫn đến sự hiệp nhất trong phạm vi chủ yếu giữa cộng thể thế giới, cộng thể tỉnh và địa phương, nhưng cũng còn có một tầm quan trọng quyết định trong việc làm cho các hội viên có thể hiểu được căn tính Salêdiêng, sức sinh động của Tu hội và giá trị của công việc họ làm như một lời đáp trả cho những câu hỏi và thách đố do tuổi trẻ ngày nay đặt ra.

  1. Người lãnh đạo uy tín của sứ mệnh

Qua toàn thể những nhân đức và những điều kiện cần thiết về nhân bản và Tin Mừng được hòa trộn với nhau trong kinh nghiệm cá nhân của cha, cha có thể là người sinh động thiêng liêng của cộng thể, và cùng lúc là người lãnh đạo chịu trách nhiệm về sứ mệnh mục vụ của cộng thể.

Lòng ưu ái của cha dành cho giới trẻ có nghĩa là cha làm mọi sự có thể được để dẫn chúng trên đường cứu độ. Cộng thể phải bắt đầu hoạch định cách thực tế và sáng tạo hoạt động mục vụ của mình tới đạt mục tiêu này.

Để chu toàn trách vụ này cách tốt đẹp, cha phải vun trồng những phẩm tính sau:

  • Tính chuyên nghiệp – không phải chỉ như một sự kiện bên ngoài, nhưng như một thái độ bên trong. Hướng dẫn một cộng thể trong công việc mục vụ hàm ẩn nhiều điều hơn là chỉ làm tốt mà thôi. Nó đòi phải có uy tín. Cha phải liên lỷ tăng trưởng trong lối tư duy và hành động của cha, để nhận ra giá trị của những hệ thống tư tưởng bàn đến vấn đề này và để có thể bản thảo những kết luận và những kết quả đạt được. Làm các việc theo cách chuyên môn cũng có nghĩa là nhận biết rằng vai trò của cha bổ sung cho vai trò của những người khác. Tận hiến thời giờ và sức lực để làm trách vụ của mình cho tốt đối với người Salêdiêng là một khía cạnh của làm việc và tiết độ.
  • Tính thực tế – Đây là một thái độ liên kết với nhân đức khôn ngoan và được nuôi dưỡng bằng kiến thức (về thế giới, Giáo Hội, con người, giáo dục, văn hóa) và bằng những kỹ năng thực thi mà ta phải liên lỷ khảo sát.

Tính thực tế kéo theo tri thức về những khả thể và giới hạn của chính mình; khả năng nhận thấy nhu cầu phải có những giải đáp lâu dài cho một vài vấn đề thay vì chờ đợi những kết quả tức thời; thói quen phê bình để xây dựng; khả năng tổng hợp và hình thành một khóe nhìn thống nhất về thực tại; khả năng nhìn xem toàn bộ bức tranh hầu tránh được việc nhấn mạnh quá đáng về bất kỳ khía cạnh nào; khả năng nhận ra sự kiện là người ta không bao giờ kiểm soát đầy đủ được tình trạng bởi vì trong đời sống sự việc biến chuyển liên tục.

  • Tín nhiệm con người. Tín nhiệm đồng loại là dấu tín nhiệm vào Thiên Chúa và vào Lời Ngài, Lời có thể chạm đến lòng người. Đây là một vấn đề tin rằng những cộng sự viên của cha có thể lớn lên, rằng những đóng góp của họ thật hữu ích ngay cả khi chỉ bé nhỏ mà thôi. Đấy là vấn đề tin vào nhu cầu là phải gieo hơn là vội vã gặt hái.
  • Những kỹ năng giao tiếp. Điều này nói về tiến trình cá nhân nhờ đó giám đốc có thể bình thản lắng nghe, hình thành những khái niệm rõ ràng và lấy những quyết định cần thiết. Mặt trái của tình trạng ấy là trong đó một người không thể bình thản phân định và lấy những quyết định chín chắn bởi vì họ ở trong cơn xoáy của những ý tưởng và chương trình mơ hồ. Phẩm tính này được biểu lộ ra bên ngoài qua sự chân thành, qua sự vui vẻ chia sẻ tất cả mọi thông tin cần thiết để hoạch định chung, qua khả năng lợi dụng sự thuyết phục, qua sự vui vẻ muốn giúp đỡ người khác lớn lên và phát triển những ân điển, qua việc đặt vai trò của chính mình cho sự kiểm soát của nhóm nhờ sự phân định cộng thể, và cuối cùng qua việc thừa nhận những giới hạn của mình và sự kiện là những tài năng của kẻ khác thường phải bổ khuyết những nhược điểm của chính mình.
  • Sự trưởng thành và sự quân bình cá nhân. Điều này thấy được qua cách người ta tương giao với kẻ khác. Nó bao gồm khả năng thiết lập những tương quan vốn không chỉ tập chú trên công việc, khả năng vượt qua việc chỉ tìm cách làm hài lòng mình mà thôi và thắng vượt những nỗi lo sợ tranh giành quyền bính luân lý hay tri thức. Trưởng thành và quân bình có nghĩa là hạnh phúc khi thấy những mục tiêu được thành đạt và khám phá ra những khía cạnh tích cực. Nó có nghĩa là sống cho người khác hơn là cho chính mình.
  • Cuối cùng một giám đốc cần ý thức về sự kiện là trong lãnh vực giáo dục các sự việc xảy ra tiệm tiến, rằng có nhiều lối đường để cho một người lớn lên, rằng ta cần phải chú ý đến những khác biệt tâm lý và có nhiều điều không thể lường được trong công việc giáo dục.
  1. Một khuôn mẫu khả tín

Chúng ta biết Don Bosco và truyền thống Salêdiêng nhấn mạnh biết bao rằng giám đốc phải là một chứng nhân và một gương mẫu: “Vì cha phải chủ trị trên người khác, nên trước hết cha phải đem lại một gương sáng.”[275] Don Albera viết: “Các giám đốc hãy ghi nhớ rằng lời nói không đủ đâu. Cộng thể không chỉ cần lời giáo huấn của cha, nhưng còn cần cả gương sáng. Giám đốc đừng quên rằng đời sống của giám đốc là một cuốn sách mở sẵn nơi đó các hội viên học được chuẩn mực điều hành lối sống của họ: regis ad exemplum totus componitur orbis. Cha đừng bao giờ quên rằng cặp mắt của cộng thể luôn nhìn lên cha và cha, có thể nói, phải là một luật sống trước mắt họ, là sự nhân cách hóa của nhân đức và cách sống luân lý.”[276] Những qui chiếu này dường như không thích đáng nếu người ta coi bắt chước là giới hạn tự do hay nếu người ta nhấn mạnh đến sự tự lập và nhu cầu phải có nhiều khuôn mẫu để bắt chước. Tuy nhiên, giáo lý chúng ta nói đến thì rất hòa hợp với Tin Mừng[277] và với truyền thống Salêdiêng chân chính.

Ngay cả những nghiên cứu hiện đại về con người cũng đồng ý rằng gương sáng có giá trị lớn. Thời trước kia chỗ đứng của quyền bính dường như ưu thắng trên con người có quyền bính và vì thế làm cho người ta không nhìn đến những khiếm khuyết của họ. Nhưng ngày nay chính con người này phải làm cho vai trò của mình thành khả tín. Khả năng để xét con người có quyền bính theo quan điểm đức tin là kết quả của một thời kỳ lâu dài trong việc trưởng thành thiêng liêng. Những người lãnh đạo có người theo thực sự trong thời hiện tại là những người khả tín nhất và gương mẫu nhất, đặc biệt dưới con mắt của những người trẻ. Sức mạnh của gương sáng hầu như vô hạn nếu nó là một gương sáng của một đời sống thật sự trung thành được sống trong sự phục vụ của đức ái. Chính bởi vì khi người ta cảm nhận được tình yêu nơi một người, người ta dễ dàng đồng hoá với những giá trị của người đó và sự cảm nhận ấy tạo nên tình cảm rằng họ đáng yêu mến và kính trọng. Bù lại, điều này đóng góp vào sự tăng trưởng, tính sáng tạo và hạnh phúc của họ. Mọi Salêdiêng trong đời mình đã gặp được một vài giám đốc mà họ vẫn còn đặc biệt tri ân họ. Đó có thể là những người không có những phẩm chất cao cả, trí thông minh trổi vượt hay những tài năng đặc biệt; tuy nhiên sự hiện diện của họ tự nó là một sứ điệp và đời sống họ nói nhiều hơn những lời của họ. Cha Ceria viết: “Chúng ta biết những người này. Họ thật khác nhau theo kiến thức và tài năng; khả năng của họ cũng thật khác nhau. Nhưng tất cả đều có một vài nét chung nào đó nổi bật vốn tạo nên những đặc tính căn bản của người giám đốc salêdiêng: sự bình thản trong cách nói năng và hành động mà tạo được sự thanh thản; tình cha và sự hiền dịu trong những cách họ diễn đạt chính mình và nơi cách giao tiếp với người khác. . . một tinh thần đạo đức mà hiển nhiên là nền tảng và mấu chốt cho đời sống Salêdiêng của họ.”[278] Tóm lại, những người này thật gương mẫu và khả tín. Điều chúng ta đọc thấy trong Mutuae relationes có thể được áp dụng cho họ: “Các mục tử hãy ghi nhớ lời khuyên của thánh Tông đồ là đừng bao giờ nên “người chuyên chế” trên bất kỳ nhóm người được giao cho họ trách nhiệm, nhưng phải làm gương sáng cho đoàn chiên noi theo. Họ sẽ ý thức đầy đủ về đời sống trong Thần khí. Điều này đòi buộc rằng họ vừa là “những nhà lãnh đạo” vừa là “những hội viên”; họ thật là “cha”, nhưng cũng là “những người anh em”; là thầy dạy đức tin, nhưng cũng là môn đệ theo Đức Kitô; “họ là những bậc thầy về đường trọn lành cho các anh em, nhưng cũng là những chứng nhân bằng sự thánh thiện cá nhân của họ.”[279]

Sự tái sinh thiêng liêng của Tu hội lệ thuộc rất nhiều vào các giám đốc vốn tin vào những lý tưởng này và với ơn Chúa nhập thể chúng trong đời sống hằng ngày của họ.

CHƯƠNG 4

SINH ĐỘNG VÀ CAI QUẢN MỘT CỘNG THỂ GỒM NHỮNG CON NGƯỜI ĐƯỢC THÁNH HIẾN

 

Kinh nguyện, đời sống cộng thể, và việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm là những lãnh vực quan trọng liên hệ với nhau mà giám đốc phải lưu tâm đặc biệt.

Cha phụng sự Chúa qua và trong cộng thể và mục tiêu của cha là giúp cộng thể tăng trưởng trong ơn gọi Salêdiêng của mình để trở thành một môi trường trong đó mỗi hội viên có thể tăng trưởng và phát triển. Mỗi cá nhân trưởng thành theo đường lối riêng, cá biệt và độc đáo của mình, theo tính chất của mình, những ơn sủng nhận được, nhịp độ phát triển của họ, và sự trung tín của họ đối với tình yêu; nhưng họ trưởng thành trong cộng thể của họ.

Sinh động một cộng thể trên bình diện thiêng liêng tiên vàn không có nghĩa là tổ chức và ra chỉ thị cho cộng thể ấy; sinh động không phải là một kỹ thuật, nhưng đúng hơn là một tinh thần và thậm chí một nghệ thuật thiêng liêng. Nhiệm vụ hàng đầu của cha là khơi dậy nơi mỗi hội viên ý thức họ là ai; làm nổi bật những khả năng và đặc sủng của họ; giúp họ làm cho các nhân đức đối thần thành sinh động; đem lại ánh sáng và sự tươi mới cho những giá trị và động lực cơ bản của đời sống họ, những giá trị đôi khi bị cũ nát đi chút ít vì sử dụng.

Nói cách khác, cha phải tạo nên một môi trường và những điều kiện làm cho mỗi người Salêdiêng khi vâng phục ơn thánh, có thể trưởng thành trong căn tính ơn gọi của mình và đạt tới “sự kết hiệp với Thiên Chúa” cách sung mãn, vốn là nét đặc trưng của Don Bosco.

Cha nên đặc biệt chú tâm đến lãnh vực nào? Các Tổng Tu Nghị vạch ra rằng trong lãnh vực cầu nguyện có một khủng hoảng nghiêm trọng mà cùng lúc có thể được coi là một thách đố thật sự. Chúng ta được yêu cầu cải thiện phẩm chất của tâm nguyện khi đáp trả lại linh đạo của ơn gọi chúng ta.[280] Lời mời gọi đó nhắc nhớ chúng ta tới lời Don Bosco đã nói: “Cha thấy một nhu cầu lớn lao trong dòng chúng ta: cần phải bảo vệ Dòng khỏi bị khô cằn và suy thoái, bằng cách cổ xúy tinh thần đạo đức.”[281] Nhưng các Tổng Tu Nghị này cũng chỉ rõ rằng lối đường để tạo nên những điều kiện thích hợp hầu canh tân đời sống cầu nguyện là cải thiện phẩm chất đời sống cộng thể và nhấn mạnh phải làm cho sự cam kết tu trì thêm lớn mạnh.[282] Vì vậy những lãnh vực phải được nhấn mạnh là cầu nguyện, đời sống cộng thể và việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm. Chúng liên đới và kết hợp với nhau để đem lại sự thánh thiện và hiệu năng tông đồ cho người Salêdiêng.

  • CẦU NGUYỆN

Trước tiên chúng ta sẽ xét đến cầu nguyện nói chung, rồi đến những hình thức cầu nguyện khác nhau. Chúng ta sẽ chú ý đầu tiên đến sự cam kết của chúng ta với Thiên Chúa và gặp gỡ cá nhân chúng ta với Ngài.[283] Rồi, liên kết với điều này, chúng ta sẽ bàn đến những lối cầu nguyện đã được canh tân mà phù hợp với tinh thần chúng ta và với não trạng của con người thời đại, nhất là giới trẻ ngày nay.[284]

1.1. Cầu nguyện nói chung

Tuy nhiên, cha có lẽ muốn định nghĩa cầu nguyện, thì cầu nguyện tiên quyết là một tặng phẩm. Cầu nguyện có nghĩa là đồng nhất với và thuận thảo cách huyền nhiệm với lời cầu nguyện của Đức Kitô ở trong chúng ta và với lời cầu nguyện của Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta, và hằng “ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Abba, Cha ơi.”[285] Cầu nguyện có cội rễ trong nơi sâu thẳm cõi lòng chúng ta. Một người cầu nguyện sống trong tình bạn và tình yêu của Đức Kitô. Thực vậy, người ấy không thể sống thiếu Người.[286] Kinh nghiệm cầu nguyện có nghĩa là một cuộc gặp gỡ ý thức. Nó tạo nên sự rộng mở và trao hiến, và do đó một nhu cầu nảy sinh là bước đi trước nhan Đức Kitô, thông giao với Người bằng cách lắng nghe Người, cử hành việc tưởng niệm những hành vi cứu độ của Người và xin Người canh tân những hành vi ấy trong Giáo Hội và nơi từng cá nhân.[287]

Chúng ta, những người hoạt động, phải xác tín rằng mọi hành động đều nảy sinh từ vận hành mật thiết của cõi lòng mà nhờ đó Thiên Chúa kết hiệp chúng ta với Ngài.[288] Bằng cách này các hành động của chúng ta là hệ quả của Lời chúng ta đón nhận, Đấng mạc khải chính Ngài cho ta và của sự ưng thuận tự do bên trong mà chúng ta trao dâng cho Ngài. Chúng ta không chỉ đáp trả lại những kích thích tố đến từ môi trường, thậm chí cũng không phải một thứ xung động lực nào đó hay một ‘ý muốn phải hoàn thành’ mà không thể cưỡng lại được. Những trường hợp ấy là những trường hợp trong đó những động cơ thật ngoại tại và chỉ đem lại những hệ quả bên ngoài mà thôi.

1.2. Những khó khăn đến từ môi trường

Kinh nguyện quả là một tặng phẩm, nhưng là một tặng phẩm khó duy trì và phát triển. Có khi đơn giản là chúng ta không trung thành. Đôi khi chúng ta nhượng bộ, ít là tới mức nào đó, khi đối diện với những khó khăn thực sự.

Dĩ nhiên luôn có những khó khăn thông thường, nhưng cũng có vài khó khăn mới mẻ và rất nguy hiểm.

  • Thiên Chúa không còn lộ hiện nữa trong thành đô trần tục. Cầu nguyện không dễ gì khi Thiên Chúa dường như im lặng còn thế giới lại thật dửng dưng.
  • Là những tông đồ, ơn gọi đòi buộc chúng ta phải ở ngay giữa lòng thế giới và Giáo Hội, liên đới mật thiết với những gì đang xảy ra chung quanh: vui mừng và hy vọng, buồn phiền và khắc khoải.[289] Những vấn đề sau muốn vùi lấp chúng ta. Cầu nguyện có thực sự thay đổi bất cứ điều gì chăng? Liệu phục vụ anh chị em lại không đủ rồi và khẩn cấp hơn hay sao?[290]
  • Hàng bao thế kỷ và ngay cả suốt thời Don Bosco, nhịp điệu cầu nguyện thật đồng bộ và xứng hợp với nhịp điệu cuộc sống. Chúng tán thưởng và cổ xúy sự tăng trưởng thiêng liêng. Ngày nay chúng ta lại sống trong một xã hội đổi thay mau lẹ và sự ổn định mà chúng ta cần đến, lại đang bị đe dọa.
  • Nhiều ‘phong trào cầu nguyện’ mới mẻ đã ra đời; một số chắc chắn có giá trị và cũng thường khá lôi cuốn. Tự nhiên, chúng ta bắt đầu so sánh và làm cho một số Salêdiêng thâm tín rằng lối cầu nguyện của chúng ta nghèo nàn và không chân chính. Điều này đúng không? Hay có phải vấn đề của chúng ta là chúng ta vẫn không hiểu và không kinh nghiệm được sâu xa lối cầu nguyện rất đòi hỏi mà Don Bosco truyền lại cho chúng ta, song song với sự hấp dẫn và hữu hiệu của nó?
  • Cầu nguyện Salêdiêng có nguồn mạch giữa giới trẻ và phát triển trong sự thông hiệp với họ. Ngày nay tiếp xúc với người trẻ thì khó khăn hơn, ít liên tục hơn và đôi khi thoáng chốc mà thôi.
  • Trong cầu nguyện chúng ta phải đương đầu với sự căng thẳng luôn có giữa sự đều đặn và sự tự phát, giữa sự ứng biến và trật tự, giữa tự do và luật lệ, tự do và bổn phận. Đây là những thái cực lôi kéo đối ngược nhau và không dễ quân bình. Đây không chỉ thuần túy là vấn đề lý thuyết. Cha có thể tham dự một đàng vào những kinh nguyện lặp đi lặp lại, đã được định mẫu sẵn, và đàng khác, vào sự thử nghiệm liều lĩnh. Đây là vấn đề kết hiệp giữa vâng lời và sáng kiến, khôn ngoan và mới mẻ, phân định và kiên nhẫn.
  • Phong thái cầu nguyện Salêdiêng thực sự không đặt ra vấn đề gì trước Vatican II. Suốt toàn bộ thời gian này những cuốn sách chứa đựng các việc đạo đức là nguồn có thẩm quyền của kinh nguyện chúng ta. Có hai cuốn: Bạn đường của tuổi trẻ (Don Bosco đã nói trong Tổng Tu Nghị đầu tiên, 1877: “Chúng ta hãy theo đó”) và thủ bản Các Việc Đạo Đức dùng trong các Nhà Salêdiêng do cha Albera ban hành năm 1916.

Không có chống đối nào với lệnh của cha Albera, vẫn được các Đấng Kế Vị nhắc lại là tuân hành tỉ mỉ các bản văn chính thức này và không làm bất kỳ thay đổi nào cả. Với đôi chút thay đổi, thế giới Salêdiêng đã đồng thanh cầu nguyện. Nhưng rồi số lượng, phẩm chất và sự đồng nhất trong kinh nguyện của chúng ta chịu thay đổi mau lẹ. Việc cải cách của Giáo Hội không nhằm giảm thiểu số lượng kinh nguyện.

Người ta đào thải những gì cổ hủ, lỗi thời hay nặng nề dư thừa, song lại nhấn mạnh đến chiều sâu và phẩm chất tinh ròng hơn. Người ta có thể nói được rằng thực sự người Salêdiêng ngày nay có cầu nguyện theo cách thức Don Bosco muốn không?

  • Mỗi kỷ nguyên tạo ra phong thái cầu nguyện riêng của mình. Trước Vatican II, người Salêdiêng không chất vấn đời cầu nguyện của mình. Nhưng rồi họ nhận thức lối cầu nguyện truyền thống không còn tương ứng với những đòi hỏi mới nữa và rằng thúc đẩy họ cầu nguyện bằng cách trích dẫn luật lệ thì không đầy đủ nữa. Thanh thiếu niên tự đông bị hút về nơi nào có sự sống. Ta phải tái khám phá, canh tân và thúc đẩy cầu nguyện hầu ta nhận thấy cầu nguyện là sinh tử. Đời sống cầu nguyện là một thực tại của đức tin. Nó chính là sự sống của Con Thiên Chúa. Một cảm thức sáng tạo đi tìm kiếm những hình thức cầu nguyện mới là một điều tốt, nhưng đấy không phải là yếu tính của canh tân.
  • Tóm lại, có một số khó khăn đặc thù không được coi nhẹ: những cộng thể hoặc quá phức tạp hoặc quá bé nhỏ; những hội viên quá độc lập hay quá cố định.

Như cha thấy, cầu nguyện là một tặng phẩm nhưng khó khai triển và làm thành thiết thân với đời sống của chúng ta để ta nắm chặt lấy nó.

Cha sẽ ghi nhận rằng khi ý thức về cầu nguyện như một hồng ân bắt đầu phai nhạt, thì có một khuynh hướng nhấn mạnh đến khía cạnh bó buộc của cầu nguyện. Khi người ta coi cầu nguyện chính yếu như một trách vụ buộc ta phải thực thi, chúng ta dễ dàng rơi vào vụ hình thức. Chúng ta phải thắng vượt mối nguy hiểm này và cảm nhận được thúc đẩy do tầm quan trọng nội khởi của cầu nguyện.[291] Cha phải là người đầu tiên xác tín về điểm đó.

Don Bosco nhắc nhớ cho cha: “Trong vấn đề có tầm quan trọng hơn, hãy nâng lòng lên cùng Chúa trong giây lát trước khi quyết định.”[292] Cầu nguyện “hoàn thành mọi sự và chiến thắng trong mọi hoàn cảnh.”[293] Cầu nguyện là công việc tốt nhất trong mọi công việc. Cha Ceria miêu tả cho chúng ta như sau về đời cầu nguyện của các giám đốc Salêdiêng tiên khởi: “Họ cầu nguyện rất nhiều và sốt mến. Họ rất lo cho những người khác cũng cầu nguyện và cầu nguyện sốt sắng. Dường như họ không thể nói, thậm chí một ít lời nơi công cộng hay tư riêng mà lại không bàn đến cầu nguyện. Tuy thế không ai trong họ, ngay cả cha Rua, có vẻ có bất kỳ ân điển lạ thường nào về cầu nguyện. Chúng tôi thường thấy họ chỉ thực hành trong tất cả sự đơn giản các việc đạo đức theo như Hiến luật và truyền thống mong đợi ở họ. Nhưng họ đã tỏ ra chuyên chăm biết bao trong các cuộc gặp gỡ của họ với Thiên Chúa! Và ngay cả khi nói về những đề tài khác biệt nhau nhất, họ đưa đức tin vào một cách rất tự nhiên. Họ đã sống với Don Bosco nhiều năm và điều ấy để lại dấu vết không phai nhòa nơi lòng họ.”[294]

Như Don Bosco, họ sống trong một bầu khí bạn hữu với Thiên Chúa. Họ trò chuyện với Ngài như những người con. Và điều ấy có nghĩa rằng cầu nguyện là một cái gì bộc phát trong đời sống họ. May thay, truyền thống cầu nguyện này còn tiếp tục nơi các giám đốc ngày hôm nay. Nhưng nó cần được củng cố và không ngừng canh tân, bởi vì các hoàn cảnh đã làm cho nó trở nên khó khăn hơn, và đàng khác, khi thiếu nó, thì cá nhân hội viên lẫn cộng thể chịu thiệt thòi. Cha phải là người thứ nhất xác tín rằng nếu cha không có và không phát triển tặng phẩm cầu nguyện Salêdiêng, cha sẽ không có gì để cho hội viên cả.

1.3. Cá nhân và cộng thể cầu nguyện

Hiến luật chúng ta nói về người Salêdiêng “luôn canh tân ý thức của họ về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống họ. Họ chỉ có ít việc đạo đức, nhưng họ cầu nguyện không ngừng theo cách Don Bosco kết hiệp với Thiên Chúa qua đối thoại đơn sơ và thân tình với Đức Kitô hằng sống, với Chúa Cha mà họ ý thức Ngài hằng ở gần bên, với Đức Maria là Đấng Phù Hộ.”[295]

Sự chú ý đặc biệt đến người Salêdiêng cầu nguyện là một nguyên tắc quan trọng nhất là khi người ta xét nó cùng với việc nhấn mạnh mà đôi khi người ta có đối với việc tìm ra những công thức và kỹ thuật hữu dụng. Đây là một sự kiện rằng nếu trong cộng thể cha có những người Salêdiêng thực sự cầu nguyện, cha có những kinh nguyện sốt sắng. Nhưng chỉ nguyên sự kiện là có các lời kinh được soạn thảo kỹ càng, sẽ không bao giờ sản sinh ra một người Salêdiêng cầu nguyện được. Điều này chạm đến cộng thể sâu xa: Không thể thành lập được một cộng thể cầu nguyện đúng thực nếu cá nhân các phần tử của cộng thể ấy không là những người cầu nguyện. Cộng thể sẽ không là “một thực thể sống động được.”[296]

Bởi thế đây là mục tiêu khẩn thiết và thực tiễn trước tiên của cha:

  1. Cải thiện thái độ thiêng liêng của các hội viên đối với cầu nguyện

Mới đây một tài liệu rất giá trị đã được tìm thấy trong công hàm của chúng ta. Nó mang tựa đề: “Thời khóa biểu hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm và cuộc sống của người Salêdiêng linh mục.” Nó là bản viết tay của cha Bonetti và được viết vào khoảng giữa 1870-1877. Nó được nhắm dùng như một phác họa cho một số ít các giám đốc của Tu hội trong thời gian ấy. Đó là một thời khóa biểu của một kỷ nguyên khác, nhưng ta không thể không bị đánh động do một khoảng lớn được dành cho cầu nguyện dưới nhiều hình thái khác nhau trong đời sống của các giám đốc tiên khởi khi chính họ phỏng theo gương Don Bosco. Nó khiến ta suy nghĩ sâu xa hơn về sự kiện là Don Bosco trước khi “tổ chức” các việc đạo đức, đã dạy các con cái mình thưởng nếm được cầu nguyện suốt một thời gian trên 20 năm và trong một bầu khí tự do và trách nhiệm. Làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng lại một lần nữa “sự cảm nếm cầu nguyện” trong bầu khí tự do?

Cầu nguyện là một điều mà ta buộc phải học để thực hiện. Cầu nguyện là một tặng phẩm của Chúa; nhưng nó cũng là kết quả của học tập: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.”[297] Vị Thầy duy nhất của cầu nguyện là Chúa Thánh Thần, hiện diện trong chúng ta. Tuy nhiên, thật cần thiết có một khoa sư phạm về cầu nguyện bởi vì Chúa Thánh Thần đòi ta cộng tác và nỗ lực. Khoa sư phạm này đồng một lúc là một nghệ thuật và trường sống, lại không mấy dễ dàng. Có rất ít sách thực sự dạy ta cầu nguyện, thậm chí khi chúng có giá trị đi nữa, chúng vẫn thường ở lại trên bình diện trừu tượng. Người ta học cầu nguyện bằng cách cầu nguyện. Là thầy dạy và người sinh động cầu nguyện, cha phải đề xướng một số thái độ và xác tín cũng như một số điều kiện bên ngoài.

  • Thanh luyện cõi lòng

“Những người có tâm hồn trong sạch sẽ nhìn xem Thiên Chúa.” Thiên Chúa là “Thần khí và là sự sống.” Để đạt tới Ngài, ta phải trở nên thiêng liêng và sống thái độ thống hối vốn là nét tiêu biểu của Kitô giáo.

Hội viên của cha sẽ không đi trên đường cầu nguyện nếu trước hết họ không theo con đường tu đức vốn cất đi mọi chướng ngại có trên con đường kết hiệp với Thiên Chúa. Họ trước hết phải đạt tới mức độ hữu vị nào đó của sự kết hiệp với mầu nhiệm thập giá. Cầu nguyện là một hành vi thiêng liêng nội tâm, còn chúng ta lại thông thường hơn hướng về những việc bên ngoài. Hơn nữa tự bản tính chúng ta lười biếng, và đôi khi cũng do thói quen. Cầu nguyện đòi ta hy sinh bản tính lười biếng của mình. Chúng ta dễ dàng quen thói hời hợt, chia trí và lơ đãng. Thật khó cầu nguyện nếu ta mệt nhọc hay ốm yếu, hoặc bầu khí hay môi trường không thích hợp. Chúng ta cũng đừng quên sự tấn công của quỉ dữ, những thử thách Chúa gởi đến, tình trạng khô khan và những mong chờ hão huyền chúng ta có thể có.

  • Sự “thinh lặng của toàn con người”[298]

Thinh lặng giúp ta có thể nghe được tiếng Chúa và đồng nhất với chương trình cứu độ của Ngài. Một số thời gian im lặng lâu dài là lối cầu nguyện đẹp nhất: Thiên Chúa nói cho ta; Ngài cho phép ta lắng nghe tiếng Ngài và những đòi hỏi của Ngài.

  • Cầu nguyện kéo theo tình yêu đối với Đấng hiện diện nơi chúng ta hầu ban chính mình Ngài cho ta, và làm cho ta đồng hình đồng dạng với hình ảnh của Ngài là Người Con đang cầu nguyện với Cha mình, và mời ta theo ngài trên cùng một lối đường. Thánh Catarina thành Siena viết: “Bạn có thể đòi hỏi một người như họ yêu mến, không hơn nữa.” Tình yêu cũng như sự mong đợi im lặng này không đòi hỏi Thiên Chúa phải nhanh chóng đáp lời, kính trọng sự tự do vô biên của Thiên Chúa, sự có vẻ vắng mặt của Ngài, sự thinh lặng huyền nhiệm của Ngài.
  • Chấp nhận ý Chúa. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu thường nói: “Tôi yêu mọi việc Chúa làm.” Cầu nguyện sẽ không bao giờ chân chính nếu nó không được cảm nhận và ước ao như là một giá trị then chốt trong những chương trình của ta và trong việc phục vụ tông đồ ta được kêu gọi tới. Nó là một hy tế thiêng liêng nghĩa là ý muốn hiến dâng cả bản thân ta qua công việc, những niềm vui nỗi buồn.
  • Cầu nguyện đòi hỏi một động lực sâu xa dựa trên học hỏi vững chắc, cập nhật với mục đích rõ ràng là tránh sự không vững chắc và lẫn lộn về phương diện giáo lý. Hiểu biết tốt đẹp về Lời Chúa thật cần cho cầu nguyện, và bù lại cầu nguyện được nuôi dưỡng bằng một đức tin trưởng thành và bằng việc cá nhân đọc sách và học hỏi. Loại học hỏi này giúp hội viên đã mất đi hương vị cầu nguyện, tra vấn những thái độ của mình khi đối diện với những kinh nghiệm sống động của cầu nguyện.

Ngày nay khuyết điểm nổi bật nhất là sự hời hợt. Chúng ta không thể trải qua một giai đoạn đổi thay văn hóa mà không suy tư sâu sắc. Sự hời hợt không bao giờ mang lại niềm vui của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa.

  • Thực hành lâu dài. Cầu nguyện là cuộc thao dượt kéo dài mãi mãi. Khi trích lại câu nói nổi tiếng của thánh Phaolô, Don Bosco thường nói: “Exerce teipsum ad pietatem.” Cầu nguyện không phải là một trong số ít việc người ta có thể làm cách vội vã được. Cầu nguyện là một trách vụ chín chắn, tức là hoa trái của ân sủng, tập luyện và thời gian.
  • Những thời gian đầy đủ. Cha phải phân phối công việc cho thích đáng nếu cha sẽ cống hiến cho các hội viên thật sự có thể cầu nguyện. Có những dòng hoạt động đã cắt bớt công việc mà các tu sĩ phải làm để họ được nghỉ ngơi đầy đủ hầu hiến mình cho việc cầu nguyện và học hành chân thực. Chính Giáo Hội đòi hỏi việc này: “Trong nhịp độ đôi khi làm kiệt sức của những bổn phận tông đồ, ta phải dành ra những khoảng thời gian dài đủ và được hoạch định tốt đẹp để cá nhân và cộng thể cầu nguyện, dựa theo hàng ngày và hàng tuần. Những khoảng thời gian này sẽ được hoàn tất do những kinh nghiệm đặc biệt của hồi tâm và cầu nguyện hàng tháng và suốt năm.”[299]
  • Những người sinh động cầu nguyện

Hãy có ít là một hội viên trong cộng thể đảm trách việc sinh động đời sống cầu nguyện của cộng thể. Người đó phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, được cập nhật và cha phải giúp đỡ người ấy, bởi vì cha vẫn luôn là người chịu trách nhiệm trước nhất về đời sống cầu nguyện của cộng thể.

Cầu nguyện đòi sáng tạo, uyển chuyển và thích nghi với những con người và môi trường, và tất cả điều ấy kéo theo phải chuẩn bị xa và gần cũng như phải cam kết và hy sinh. Nhưng cha không thể làm mà không có điều ấy. Ngày nay không còn chỗ cho những ngẫu hứng dễ dãi, và ngớ ngẩn nữa, cho việc cử hành gây nhàm chán vì đầy dẫy những việc lập đi lập lại đơn điệu và hoàn toàn thiếu sinh lực cùng nhiệt huyết. Không thiếu những trợ giúp thích hợp, kể cả những thủ bản cầu nguyện khác nhau đã được xuất bản kể từ sau Tổng Tu Nghị Đặc Biệt.

Tuy nhiên, cha phải nhớ là cầu nguyện can dự tới toàn thể cuộc sống và cả đời sống can dự tới cầu nguyện. Không có mối tương quan này, cầu nguyện chỉ trở thành một trong nhiều việc thực tiễn ta phải làm hằng ngày mà thôi.[300]

Như thái độ thiêng liêng (hay như Don Bosco gọi “tinh thần đạo đức”) được cải thiện nhờ các phương thức này, thì việc cầu nguyện cá nhân và cộng thể cũng buộc phải cải thiện; cả hai đều cần thiết.[301]

  1. Cầu nguyện cá nhân[302]
  • Khi Don Bosco viết trong bản Hiến luật dự thảo đầu tiên[303] – và rồi trong tất cả những ấn bản kế tiếp[304] – rằng vì cuộc sống vất vả của mình, người Salêdiêng “không thể có nhiều kinh nguyện chung được,” ngài như muốn ngầm nói rằng ngài ký thác phần lớn đời sống cầu nguyện của họ cho trách nhiệm cá nhân.

Các người Salêdiêng đầu tiên, ngoài cầu nguyện chung với các thanh thiếu niên, cũng cầu nguyện riêng rất nhiều, hoặc đó là những kinh nguyện thuần túy tự chọn hay những kinh nguyện được thực hành bởi vì họ là tu sĩ, chẳng hạn nguyện ngắm (chỉ được đưa vào năm 1874-1875 như thành phần của kinh nguyện cộng thể) và đọc sách thiêng.

Điều này hiển nhiên từ những lời của Don Bosco trong khoản Hiến luật kể trên: “Các hội viên sẽ tìm cách bù lại bằng gương sáng”: đối với vị thánh, điều này có nghĩa là sự ganh đua, tình yêu huynh đệ, tinh thần gia đình, và toàn bộ những hoạt động Kitô hữu: theo lối nói tu viện xa xưa chúng luôn luôn là nguyên nhân và hậu quả của đời sống cầu nguyện. (“Nếu các thầy dòng thương mến nhau nhiều, thì đó là dấu hiệu rằng họ cầu nguyện sốt sắng và nếu họ cầu nguyện sốt sắng thì đó là dấu họ mến thương nhau.”) Và Don Bosco tiếp tục: “bằng việc chu toàn hoàn hảo những bổn phận của họ là những Kitô hữu”: diễn ngữ này qui chiếu tới đời sống phụng vụ và bí tích cũng như tất cả các việc tuân giữ luân lý và các việc đạo đức rất nhiều vào thập niên 1900.

Kinh nguyện Salêdiêng không bao giờ mất đi tinh thần và sự tự do của lúc ban đầu. Don Caviglia thường nói: “Mỗi người Salêdiêng đều có đời sống cầu nguyện riêng của mình”. Và chúng ta có thể thêm rằng các người Salêdiêng luôn cầu nguyện nhiều hơn là họ buộc phải làm. Theo Hiến luật mới, “Chúng ta cầu nguyện không ngừng.”[305]

  1. Cầu nguyện cộng thể[306]

Nếu cha chú trọng đến cầu nguyện cá nhân thì gián tiếp cha đồng thời đánh giá đầy đủ cầu nguyện cộng thể và ngược lại. Quả vậy cầu nguyện cá nhân thì cần thiết nếu cầu nguyện cộng thể, nhất là cầu nguyện theo phụng vụ, thực sự sinh hoa quả. Nó là sự chuẩn bị bất khả thế để sống phụng vụ cách sung mãn, và đồng thời nó kéo dài hay chứng thực đã sống phụng vụ cách chân thực.[307] Hai loại cầu nguyện này bổ sung cho nhau.

Dĩ nhiên có những khác biệt. Cầu nguyện cá nhân được dâng lên nhân danh Đức Kitô và do những phần tử của Giáo Hội. Cầu nguyện này thì tự do hơn, tự phát hơn và mật thiết hơn. Còn cầu nguyện cộng thể thì chính thức hơn, được cơ cấu hơn theo hình thức và nội dung, có tính Giáo Hội hơn do bởi dấu chỉ là sự hội họp. Lối cầu nguyện trước nhằm trở thành loại cầu nguyện được nội tâm hóa nhiều hơn, trong khi lối cầu nguyện sau lại nhắm là khách quan và xã hội hơn, tức là một lời cầu nguyện biểu thị Dân Chúa nói chung. Chúng ta biết rằng sau Vatican II và cuộc canh tân phụng vụ, cầu nguyện cộng đoàn khôi phục lại tính ưu tiên trước kia của mình, không phải chỉ vì những ảnh hưởng của nền văn hóa mới vốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính duy nhất và cảm thức thuộc về một nhóm, nhưng còn bởi vì nó đảm bảo cho chúng ta sự hiện diện đặc biệt của Chúa. Người nói: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại , thì có Thầy ở đó, giữa họ.”[308] Nhưng nên ghi nhận rằng không có cầu nguyện cộng thể chân thật, nếu những người làm thành cộng thể không ý thức sâu sắc về sự hiệp thông giữa họ vốn dẫn đến cam kết và hành động. Ta đã nói rằng không có con người cầu nguyện thì không có cộng thể cầu nguyện; tuy nhiên, một cộng thể cầu nguyện thật sự chân chính còn đòi hỏi nhiều hơn việc các phần tử của cộng thể ấy phải là những người cầu nguyện. Vì lẽ này, các tài liệu nhằm canh tân chúng ta, rõ ràng mời gọi các người Salêdiêng “tái khám phá giá trị không thể thay thế được của cộng thể trong đời sống cầu nguyện.”[309] Lời khích lệ này có một số hệ quả. Giữa những điều khác, nó buộc cha phải hướng dẫn các hội viên đến một bước nhảy vọt thật sự về phẩm chất. Thế nhưng trừ một số luật trừ đáng khen, các hội viên lại được chuẩn bị khá tồi cho điều ấy. Cầu nguyện của các cộng thể chúng ta, bất chấp có những nguyên nhân nào chăng nữa, nhắm đến là tổng số những lời cầu nguyện cá nhân nhiều hơn là một lời cầu nguyện được hiệp nhất.

Chúng ta cầu nguyện và chúng ta có thể cầu nguyện khá nhiều khi chúng ta ở cùng với nhau; nhưng hiếm khi ta cảm nghiệm được sự hiệp nhất đang rung lên trong cộng thể, ‘một lòng một trí’ mà thánh Luca đã nói đến.

Nếu cộng thể của cha thành công trong việc trở thành một cộng thể cầu nguyện chân thật bởi sự đồng qui và sự hiệp thông giữa các phần tử cá nhân đối với các giá trị nền tảng của đời tu, cha sẽ không cần đặt tầm quan trọng vào các áp lực tâm lý và xã hội vốn thường ảnh huởng đến một nhóm xã hội; nhưng không biết đến chúng sẽ thật là ấu trĩ.

Trong bối cảnh này chúng ta hãy vắn gọn khảo sát vấn đề tế nhị là các khuynh hướng có tính chất cảm xúc. Cha biết rằng trong Giáo Hội hôm nay đã bừng dậy nhiều nhóm cầu nguyện. Một số nhóm gồm các tu sĩ, một số nhóm thì không. Các nhóm ấy có một lối tiếp cận mang tính cảm xúc mãnh liệt. Những cộng đoàn như thế cũng đã có trong Giáo Hội sơ khai về vấn đề này.

Đối với cầu nguyện ta không thể nào bỏ đi toàn bộ nội dung tình cảm, nhưng làm thế nào khía cạnh cảm xúc có thể hòa hợp thích đáng trong kinh nguyện của chúng ta? Nó đóng một vai trò tích cực. Nhiều năm trước đây vai trò của nó chỉ bé nhỏ hay đã bị dồn ép coi như một phản ứng đối với thứ đạo đức tình cảm (hay chủ nghĩa sùng mộ, pietism) hoặc đối với việc quá nhấn mạnh đến tâm lý. Ngày nay thì toàn diện con người phải diễn đạt chính mình trong toàn thể tính của họ bởi vì cả con người họ, tức con người thể xác và xã hội của họ, cầu nguyện.

Chúa Giêsu đã nêu gương cho ta. Người cầu nguyện với trọn cả con người mình. Khi Người cầu nguyện, ta thấy Người bộc lộ tất cả những tình cảm của mình: Người khóc, rúng động, hân hoan… Cộng thể cầu nguyện tại Valdocco và cả kinh nguyện cá nhân đã được đặc trưng bằng sự nồng ấm nhân loại.

Khuynh hướng cảm xúc này không mấy dễ biểu lộ trong các cộng thể có đa số hội viên lớn tuổi, đang khi đó trong những cộng thể gồm phần đa là những hội viện trẻ trung hơn, khuynh hướng này lại bộc phát cách rất tự nhiên và đôi khi đầy hứng khởi. Cha phải lo liệu sao để cho những khuynh hướng chỗ đứng thích đáng, nhưng không nhấn mạnh chúng tới trở thành duy tình cảm.

1.4 Các kinh nguyện

Để cứu vãn phẩm chất kinh nguyện của mình, ta cần một sự tái sinh thiêng liêng thật sự chứ không chỉ một sự tái cấu trúc suông mà thôi.

Cha phải thấy rằng Lời Chúa liên lỷ được qui chiếu đến như một giá trị tuyệt đối đối với mọi hình thức cầu nguyện, dù cá nhân, cộng đoàn hay phụng vụ. Điều này đúng đến nỗi “sống Lời Chúa” xuất hiện như lối đường phải theo trong mọi hình thức cầu nguyện.

  1. Sống Lời Chúa[310]

Sự kiện chúng ta không thành công đối với một số hình thức cầu nguyện, sự kiện chúng ta thấy những hình thức ấy khó khăn và ngay cả chúng ta cảm thấy chúng rỗng tuếch và hầu như vô ích; điều ấy có thể là vì tận căn chúng ta thiếu quen thuộc với Lời Chúa. Thiên Chúa nói với chúng ta và khi nói, Ngài trao ban chính mình cho ta. Lời Ngài thông truyền điều Ngài là và đạt tới thế giới nội tâm của chúng ta như một thách đố mà ta phải gánh vác và đáp trả.

Lời Chúa là thực, sống động và hiệu lực. Thánh Augustinô viết rằng Thiên Chúa không tạo ra các lời rồi rút lui đi mất; lời Ngài, một khi được Ngài tạo nên, tiếp tục ở trong Ngài. Kinh nghiệm mục vụ gắn kết chặt chẽ với việc lắng nghe Lời Chúa là lời có vô vàn ứng dụng thực tiễn. “Phúc cho những ai lắng nghe Lời Chúa”.

Khi phục vụ cộng thể, cha phải ý thức rõ về những thời khắc then chốt mà Lời Chúa được lắng nghe. Nhờ thế cha sẽ có thể cổ xúy chúng như những mục tiêu và những phương thế để cha thực thi trách vụ sinh động.

  • Trước tiên nhất thiết phải sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa, đặc biệt nếu ta phải thông truyền lời ấy cho kẻ khác. Ngôn sứ không phải là kẻ nói nhiều, nhưng là người say mê lắng nghe.
  • Sau khi lắng nghe Lời Chúa, ta phải nắm giữ lấy, vui sướng vì Lời ấy, trở nên thân thiết với Lời và hấp thụ Lời. Lời sẽ liên lỷ mạc khải cho ta sự mới mẻ và làm ta ý thức rằng sẽ không bao giờ ngừng có được những trực giác mới mẻ về Lời Chúa.

Nếu một người thưởng nếm Lời và lắng nghe Lời với tất cả tâm tình trong một thái độ vâng phục, Lời sẽ thấm nhập vào tận tâm khảm của người đó. Chỉ khi đó Lời mới được trở nên cấu tố toàn diện cho sự hoán cải của người đó. Người ấy sẽ có được cảm thức về Thiên Chúa và một trực giác vào thực tại đời sống.

  • Cuối cùng Lời Chúa trở nên tác động trong các biến cố đời sống và trong công việc hằng ngày của ta. Ta mang nó lại, có thể nói, cho Thiên Chúa vì chính nhờ Ngài mà ta biết sử dụng tốt các tài năng để đạt được kết quả.

Không có gì trong những điều trên xa lạ với những người Salêdiêng hôm nay. Mọi kitô hữu được Giáo Hội mời gọi sống như thế. Nó không mấy khác biệt với sự kiện là Don Bosco đã tìm kiếm và thích nghi các việc đạo đức mà ngài đã thấy được đề xuất và qui định nơi các sách giáo lý địa phận hay nơi huấn quyền hay trong các sách về việc tôn sùng. Đây là việc đạo đức ghi dấu các ngày, tuần, tháng và năm trong các nhà gần theo một cách thức giống như phụng vụ vậy.

Cha không cần nghĩ rằng các điều trên sẽ đòi các hội viên một số lớn giờ giấc phụ trội đâu. Thời giờ họ dành cho Lời Chúa sẽ là thời giờ Hiến luật qui định như thời giờ của kinh nguyện, cộng thêm ít giai đoạn họ có thể chọn lựa cho mục đích này. Tuy nhiên tận căn đó không phải là vấn đề tìm thời giờ để dành cho Lời Chúa, mà là vấn đề có được một loại thái độ thiêng liêng vốn làm cho những hình thức cầu nguyện khác nhau thành khả thể và hiện thực.

  1. Những hình thức cầu nguyện Salêdiêng

Với chữ “hình thức” ta không nói đến một kiểu cơ cấu cầu nguyện đã được quyết định trước trên bình diện lý thuyết trong những khuôn khổ mà kinh nguyện cá nhân của ta bị buộc phải khít vào. Hình thức cầu nguyện phát triển cùng với thái độ của người cầu nguyện, như là một sự chuyển biến của ân sủng trong khi tiếp chạm với con người và hoàn cảnh.

Cha nên nhớ kỹ sự khác biệt giữa những yếu tốhình thức cầu nguyện. Yếu tố là thành phần nòng cốt của bất kỳ kinh nguyện Kitô hữu nào. Thí dụ, có một yếu tố cá nhân luôn thiết yếu hiện diện trong mọi cách cầu nguyện Kitô hữu. “Hình thức” là kinh nguyện xét trong toàn thể của nó và được đặc trưng hóa do sự trổi vượt của một số yếu tố. Ví dụ có việc cầu nguyện cá nhân trong đó sáng kiến của mỗi cá nhân chiếm phần chủ yếu. Ta không nên nghĩ các hình thức cầu nguyện tận căn đối kháng nhau, bởi vì như vậy chúng loại bỏ hay xao nhãng yếu tố không chủ trị nhưng vẫn là thiết yếu đối với chúng.[311]

Don Bosco là mẫu gương của lòng đạo đức đơn sơ, cụ thể và sâu xa. Ngài sống phụng vụ đời sống bằng việc hoàn toàn tận hiến mình để phục vụ giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi. Và ngài muốn các môn đệ ngài sống theo lối đường ấy.[312] Đường nét thiêng liêng này khiến các Tổng Tu Nghị của chúng ta ưa chuộng hơn những hình thức cầu nguyện đến với chúng ta cách tự phát nhất; nghĩa là những hình thức tương hợp với kinh nghiệm thiêng liêng của chúng ta nhất.

  1. Hình thức cầu nguyện cá nhân

Cha đã quen với chúng rồi: nguyện ngắm, kết hợp với Chúa, các việc tôn sùng, lòng sùng kính Thánh Thể và Mẹ Maria cùng các hình thức khác được miêu tả chi tiết trong các thủ bản đạo đức khác nhau được dùng trong các nơi chúng ta hoạt động. Chúng là thành phần của gia sản chúng ta.

Cha hãy giúp các hội viên quí trọng những hình thức này như là những diễn đạt một loại đạo đức vốn là thành phần của nhiệm cục cứu độ khi nó được sống theo ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua; bởi lẽ mầu nhiệm vượt qua hàm ẩn giao ước, sự gặp gỡ và sự dâng hiến được diễn tả theo những hạn từ phù hợp với những nơi chốn và văn hoá khác nhau. Chúng ta, các Salêdiêng không xao nhãng những hình thức cầu nguyện đặc trưng này, bởi chúng ta có một đặc sủng truyền giáo và một sứ mệnh cho giới bình dân. Chúng ta kể ra một số hình thức cầu nguyện này mà xem ra hữu hiệu nhất cho cầu nguyện cá nhân cũng như hoà hợp với nền linh đạo của chúng ta, theo truyền thống và sự canh tân liên tục của chúng ta.

Truyền thống chúng ta được khẳng định rõ trong khoản Hiến luật 64 nói nguyện ngắm “đối với chúng ta là hình thức nòng cốt của cầu nguyện cá nhân.”[314] Chính Don Bosco cảm thấy tâm nguyện cần thiết cho ngài và ngài đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nó khi đề nghị các hội viên nên chuẩn bị nguyện ngắm từ tối hôm trước bằng cách bớt đi những hoạt động bên ngoài và nuôi dưỡng một tinh thần hồi tâm.[315] Cha Rinaldi quả quyết với chúng ta rằng đó là phong cách của Don Bosco: “Bất cứ khi nào tôi gặp ngài vào giờ đó, tôi thấy ngài, đôi tay chắp lại trong cầu nguyện và suy ngắm.”[316] Ngài coi đây như là nhu cầu nền tảng của Tu hội: “Trong việc làm cho Tu hội được thiết lập vững chắc, lòng đạo đức tương xứng là viên đá góc cho tòa nhà dòng tu; và trong lãnh vực lòng đạo đức có hai việc quan trọng tột bực: tĩnh tâm năm và nguyện ngắm hằng ngày.”[317]

Cha Rinaldi quả quyết: “Người Salêdiêng liều mình trở thành chỉ như người thợ tầm thường trong công việc của họ, trừ phi họ nguyện ngắm và nguyện ngắm sốt sắng.”[318]

Những người Salêdiêng chúng ta nguyện ngắm chung và ở một nơi thích hợp. Bắt đầu với những kinh dẫn nhập vắn gọn, sau “ít là nửa tiếng”[319] họ kết thúc nguyện ngắm với kinh dâng mình cho Mẹ Maria Phù Hộ các giáo hữu.

Hoa quả của nguyện ngắm giúp ta hiểu nó thiết yếu biết bao: “Nguyện ngắm nuôi dưỡng sự kết hiệp mật thiết của ta với Đức Kitô và với Thiên Chúa, gỡ chúng ta ra khỏi thói chiếu lệ, giữ lòng chúng ta được tự do và nuôi dưỡng việc tự hiến của chúng ta cho đồng loại. Đối với Don Bosco, đây là bảo đảm cho sự bền đỗ tươi vui trong ơn gọi.”[320]

Nguyện ngắm mang những lời và mầu nhiệm của Thiên Chúa vào lòng trí chúng ta hầu biến chúng thành những nguyên lý và kích thích tố thiêng liêng. Nguyện ngắm làm ta có thể cắt nghĩa các hoàn cảnh và sự kiện trong ánh sáng chân lý của Chúa. Dựa trên các chân lý được hấp thụ, nó khơi dậy các quyết định thực tiễn và cũng chuẩn bị con đường vươn tới chiêm niệm.

Như cha có thể thấy rõ, nguyện ngắm thật thiết yếu cho ý thức mục vụ, xây dựng và nuôi dưỡng nó; và đây là lý do khác nữa tại sao Don Bosco coi nguyện ngắm thật tối quan trọng.

  • Cầu nguyện và các thăng trầm thường nhật

Đây là một hình thức cầu nguyện có một vị trí đặc biệt trong gia sản thiêng liêng của chúng ta. Mọi kinh nguyện Kitô hữu chân chính đều ôm trọn toàn cuộc sống của người cầu nguyện. Cũng vậy, cuộc sống thường nhật của các hội viên, những sự việc họ bàn luận, những biến cố họ tiếp xúc, là một môi trường rất thực và rất ý nghĩa nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của họ. Cha hãy nhớ lại các Salêdiêng thời xa xưa. Họ thường đọc danh sách gồm các thanh thiếu niên đã gây cho họ nhiều vấn đề trong những lần đi viếng Thánh thể hằng ngày.

Lối cầu nguyện này đến cách tự nhiên. Nó là phần của một hoàn cảnh biệt loại và nó rút lấy nội dung và dạng thái diễn dạt từ trạng huống ấy. Nó có thể thưa chuyện về nhiều đề tài khác nhau mà rồi trở thành một cơ hội để họ cầu xin ánh sáng, dâng lời ca tụng và tạ ơn. Cha có lẽ nghĩ rằng các câu chuyện thường nhật không đáng kể gì so với các biến cố xã hội và lịch sử lớn lao, nhưng qua cầu nguyện cha có thể phân định giá trị của chúng và ý thức sự kiện này là bất kỳ một trạng huống nào cũng có thể trở thành đề tài để cầu nguyện, nếu cha chuyển đổi nó thành một kinh nghiệm đối thần. Don Bosco nói: “Hãy làm đức tin của con phấn chấn lên, đó là cốt yếu để hiểu và chu toàn lòng đạo đức.”[321] Sống trên bình diện đối thần can dự tới việc hiểu thấu ý nghĩa cơ bản và cứu cánh của các sự việc xảy ra theo Thiên Chúa.

Nhưng cha phải nhắc nhớ các hội viên rằng lối cầu nguyện này đòi hỏi nhiều khổ chế, dầu có được lợi điểm là liên kết mật thiết với thực tại. Ta phải tránh lối tiếp cận quá cảm xúc trong hình thức cầu nguyện này. Cha phải giúp cộng thể của cha vượt xa hơn những dáng vẻ suông của các hoàn cảnh mà có thể là ngoạn mục, gây khó chịu hay thích thú. Họ phải có thể vượt xa những giải thích dễ dãi mà người ta thông thường mặc cho các biến cố. Cha phải giúp họ thắng vượt nhãn quan hẹp hòi về các sự vật do tính ích kỷ gây nên. Những con người qui kỷ thích phê bình mọi sự và không bao giờ chân nhận khuyết điểm của mình. Họ không rộng mở để tìm kiếm ý Chúa cách chân thành và vô vị lợi, cũng không sẵn sàng đón nhận những hệ quả của nó. Nếu thiếu tiến trình thanh luyện này, cầu nguyện trở thành sự tò mò và một thứ tản mạn vô mục đích.

  • Lòng tôn sùng Thánh Thể

Linh đạo của Valdocco tập trung quanh Thánh Thể. Nó đã biểu lộ ra theo nhiều cách, và được thay đổi cho hợp với tinh thần của thời đại.

Qua việc canh tân phụng vụ, lòng sùng kính Thánh Thể đã có được những chiều sâu ý nghĩa mới. Sự hiện diện thật sự của Chúa vẫn còn là giá trị nền tảng như trước kia, nhưng bây giờ được nhìn trong mối liên hệ cốt thiết với Hy tế Thánh Lễ. Thờ lạy Đức Kitô trong Thánh Thể không chỉ có nghĩa là “nhìn lên Chúa Giêsu”, “bầu bạn với Người”. Nó có nghĩa là dấn thân tiếp xúc với các mầu nhiệm cứu chuộc, với luận lý của thập giá, với hành vi tình yêu cao cả nhờ đó Đức Kitô hiến mình cho Chúa Cha hầu biến đổi những hoa trái quí báu của mầu nhiệm Vượt Qua thành cụ thể trong đời sống hằng ngày. Cha nên tham chiếu Hiến luật và Qui chế để nắm vững những chỉ dẫn hữu ích liên quan đến ý nghĩa của lòng sùng kính Thánh Thể và những cách nuôi dưỡng lòng sùng kính ấy.[322]

  • Lòng sùng kính Mẹ Maria

Lòng sùng kính Mẹ Maria đã mặc lấy nhiều hình thức thực tiễn trong cuộc sống của Don Bosco và Tu hội. Một danh sách các hình thức đó sẽ kể từ việc đọc kinh Kính mừng vào nhiều lúc khác nhau trong ngày cho tới ba kinh Kính mừng đọc trước khi đi ngủ; từ các thánh thi kính Đức Mẹ đến tuần tam nhật chuẩn bị các ngày lễ Mẹ, từ tuần 9 ngày kính Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu đến phép lành tôn vinh Đức Mẹ; từ lần hạt mân côi đến các kinh khác trong cuốn “Bạn đường tuổi trẻ”.

Danh sách các việc tôn sùng Mẹ Maria sẽ rất dài và đa dạng, nhưng các việc đạo đức này luôn phải được nhìn trong nhiệm cục cứu rỗi có Đức Kitô là Đầu và Mẹ Người là Đức Maria.[323]

  1. Các hình thức cầu nguyện cộng thể
  • Cầu nguyện không thuộc phụng vụ

Vào thời Don Bosco, cầu nguyện không thuộc phụng vụ được nhấn mạnh rất nhiều. Ngày nay, ngoại trừ việc đọc sách thiêng liêng và một số kinh vắn gọn khác, như trước và sau bữa ăn, hay lời nguyện Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, chúng ta có thể nói là xét theo số lượng, cầu nguyện không thuộc phụng vụ không còn giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống hằng ngày của người Salêdiêng nữa.

Nếu các cộng thể có tinh thần sáng tạo, sẽ có nhiều cơ hội cho việc cầu nguyện không thuộc phụng vụ trong tĩnh tâm năm, vào những ngày lễ Salêdiêng hay vào dịp gặp mặt cộng thể dưới hình thức cầu nguyện chung hay là “các cuộc cử hành Lời Chúa”.

  • Cầu nguyện theo phụng vụ

Dù Vatican II khởi xướng việc canh tân phụng vụ đã được một số năm, thì cha biết rõ sự kiện là không phải tất cả các cuộc cử hành phụng vụ của chúng ta đều đã được canh tân. Việc này có nhiều lý do và không phải hết thảy đều kéo theo ý xấu.

Vì một lẽ, ta không luôn luôn hiểu đúng và thi hành đúng đắn việc canh tân phụng vụ. Một vài thay đổi đã gây ra một sự không chắc chắn về mối tương quan giữa con người và hoạt động phụng vụ, khi gây ra những căng thẳng và những vấn đề không thể tránh né trong cộng thể.

Cha có thể gặp những Salêdiêng suy nghĩ rằng một khi hoạt động phụng vụ xong rồi, thì cầu nguyện cộng thể chấm dứt; hay những người khác tiếp tục sống phụng vụ như thể yếu tính của việc canh tân là do một ý kiến thần học nhiều hơn là do Giáo Hội và Huấn quyền đòi hỏi. Thông thường trong những tình trạng không thoải mái này, các giám đốc gánh mũi chịu sào hơn cả.

Ngày nay tình trạng ấy xem ra sáng sủa hơn. Suy tư cần thiết để giải quyết các vấn đề mới phát sinh đã dẫn tới kết quả sau: Người ta hiểu rõ hơn là các hình thức cầu nguyện khác nhau liên hệ với nhau và làm giầu cho nhau. Những hình thức ấy tìm được nơi phụng vụ cội nguồn và sự thành tựu của mình.

Điều này cũng làm cho trách vụ đào luyện của cha là hoà hợp đức tin với đời sống nơi các hội viên của cha nhờ phương thế cầu nguyện nên dễ dàng hơn.

Mỗi cá nhân là một nhân tố thiết yếu của hoạt động phụng vụ. Chúng ta biết rằng khi cộng thể qui tụ lại, thì chính người đó cầu nguyện; chính người đó tham gia vào lời cầu nguyện phụng vụ; chính người đó sửa soạn và dõi theo kinh nguyện ấy. Bằng cách này, lời cầu nguyện phụng vụ qua con người đó thiết lập nên mối giao tiếp thân mật có tầm ảnh hưởng hỗ tương với những hình thức cầu nguyện khác. Hơn bất kỳ hình thức nào khác, phụng vụ chứa đựng khía cạnh suy niệm về Lời Chúa và về những đòi hỏi của Lời ấy trên chúng ta. Phụng vụ có được một yếu tố chiêm niệm mạnh mẽ và cảm thức về mầu nhiệm rất hiện tại. Phụng vụ hàm chứa một sự hoàn thành liên tục của mình nơi con người cầu nguyện và cổ xuý một sự lắng nghe trong thinh lặng và mau mắn trước hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử. Qua cầu nguyện đời sống, phụng vụ tiếp chạm với những biến cố thật sự của đời sống hằng ngày của chúng ta.

Nhờ sự liên kết này, mọi điều giúp cho con người trưởng thành trong hoạt động phụng vụ của mình đều ích lợi cho họ trong các cách diễn tả khác của cầu nguyện trong đời sống của họ. Và bất cứ điều gì giúp cho họ tăng trưởng trong các hình thức cầu nguyện ấy được hiểu và sống đúng đắn, đều cải thiện cầu nguyện phụng vụ. Khi cầu nguyện phụng vụ cũng như cầu nguyện không mang tính phụng vụ thay thế và đối kháng nhau, thì cả hai hình thức cầu nguyện đều chịu thiệt hại. Cha hãy nhớ rằng một nghị quyết của Tổng Tu Nghị Đặc Biệt về việc tái khám phá và tái lượng giá những giá trị này phát biểu long trọng như sau: “Chúng ta thật sự nhiệt liệt chấp nhận những trào lưu và những bước tiến mới của Giáo Hội trong lãnh vực phụng vụ; chúng ta thực sự và tích cực làm cho các điều ấy thành của mình.”[324]

Nhưng điều này hóa ra lại không đủ. Thật không quá đáng khi nói rằng nếu chính cha “không thấm nhiễm tinh thần và sức mạnh của phụng vụ,”[325] thì cộng thể của cha tất không bao giờ đi xa hơn đựơc mức khởi hành.

Cha đừng bỏ qua những loại trợ giúp khác nhau có sẵn về phụng vụ cùng những cơ hội để cập nhật trên bình diện thần học/ phụng vụ/ cử hành. Trên hết, cha đừng mãn nguyện chỉ với ‘việc cử hành phụng vụ’ mà thôi. Cha phải sống phụng vụ và giúp những người khác làm như vậy nữa.

  • Sống phụng vụ

Nghi thức là một biến cố cứu độ trong đó tham dự viên chính là Thiên Chúa và nó đưa ta vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.

Vì được những lời nói và chứng từ của giám đốc hướng dẫn, các hội viên của cha sẽ hiểu được rằng các nghi thức phụng vụ có mối liên hệ độc đáo với hoạt động mục vụ. Họ sẽ hiểu sâu xa hơn trực giác của Don Bosco, người luôn theo nguyên tắc là có một tương quan thực tiễn giữa việc giáo dục toàn diện các học sinh và việc cử hành các bí tích.

Công việc mục vụ chủ yếu là khoa sư phạm được thực thi qua tiếp xúc cá nhân. Đây là vấn đề “tiếp nhận giới trẻ như ta tìm thấy chúng bất kể tình trạng tự do hay đức tin của chúng hiện ra sao”[326] và giúp họ tiếp xúc cá nhân với Đức Kitô, Chúa Phục Sinh.[327]

Chắc chắn có cả một lãnh vực hoạt động mục vụ được tiến hành ở bên ngoài phụng vụ, nhưng ta phải trình bày mọi sự theo một cách thức đến nỗi dẫn giới trẻ vượt qua ngưỡng cửa của dấu chỉ và đi vào mầu nhiệm, vốn cứu độ họ hơn bất kỳ kinh nghiệm nào khác.

Nếu điều đó sẽ xảy ra thì trước tiên nó phải xảy ra nơi các nhà giáo dục. Cha phải quen với những thái độ luôn đi kèm công việc giáo dục này qua việc tiếp xúc cá nhân, và mọi nỗ lực nhằm cho thấy rằng người ta phải biết và sống các thái độ ấy. Sau đây là những mục tiêu cha phải nhắm đến:

  1. Tri nhận Đức Kitô Phục sinh đang hiện diện qua việc sử dụng mọi yếu tố cụ thể của nghi thức:

– Người hiện diện thật sự qua dấu chỉ bánh và rượu:

– Người hiện diện qua dấu chỉ là con người chủ sự phụng vụ (một dấu chỉ rõ ràng biết bao của Chúa là người đó, cũng như cha, được mời gọi để “chủ sự trong đức ái”!);

– Người hiện diện và thông giao qua dấu chỉ lời;

– Người hiện diện tích cực qua các bí tích là những hành động cá nhân của Chúa Phục Sinh;

– Người hiện diện trong Giáo Hội qua dấu chỉ cộng đoàn: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”[328]

  1. Cử hành nghi thức như buổi lễ và làm nó thành sống động trong đời sống hằng ngày. Khi cộng thể Salêdiêng đảm nhận chỗ đứng chính đáng của mình trong biến cố phụng vụ, như chính Giáo Hội, chứ không chỉ trong vai trò khán giả, thì cộng thể “không luyến tiếc quá khứ, nhưng hướng đến điều vĩnh cửu”, như có người đã viết như thế. Đây là hành vi phụng vụ thực sự; cộng thể nhớ Thiên Chúa và tình yêu Ngài. Trạng từ phụng vụ là “hôm nay, hodie”. Tình yêu mà nhờ đó Thiên Chúa đã tuyển chọn, thánh hóa và sai Don Bosco đi, hiện vẫn được thông ban cho các con cái ngài hôm nay.
  2. Làm cho các dấu chỉ bí tích thành chân chính. Cấu trúc của phụng vụ là cấu trúc làm bằng các dấu chỉ. Lời nói, cử chỉ và sự thinh lặng là ba yếu tố tạo nên nghi lễ. Chúng liên kết chặt chẽ đến độ thánh Augustinô nói đến “các cử chỉ nghe thấy được” và “những lời hữu hình”. Thinh lặng là bầu khí bao quanh lời nói và cử chỉ hầu những người tham dự có thể hấp thụ chúng và làm chúng thành có nghĩa cho chính mình.

Nếu cần, cha có trách vụ khôi phục lại sự chân chính cho các dấu chỉ này. Làm thế nào cha thực hiện điều này?

– Trước hết, bằng cách bảo đảm rằng chúng phải được thực hiện cách tốt đẹp và sinh động trong các cử hành phụng vụ. Chúng nảy sinh từ một “cảm thức linh thánh”, bởi vì chúng khai mở đến mầu nhiệm và có thể diễn tả tặng phẩm là ân sủng;

– Bằng cách giúp người khác hiểu và kính trọng ngôn ngữ biểu tượng của chúng, theo các chuẩn mực phụng vụ (các hành vi phụng vụ, y phục …);

– Bằng cách dẫn đưa cộng đoàn cầu nguyện tới hoán cải liên tục, để các dấu chỉ trở nên chân chính trên bình diện nội tâm, nghĩa là chân thật, bởi chúng tương ứng với đời sống thực. Bằng không, sẽ có nguy cơ đưa vào trong bí tích một yếu tố sai lầm (Thánh Tôma nói: “introducit mendacium”) và Thánh Thể có thể trở thành vô nghĩa – ít là đối với người khước từ hoán cải.

Và như thế những cuộc cử hành phụng vụ sẽ hữu hiệu theo nghĩa là chúng dẫn đưa cộng đoàn cầu nguyện sống động ấy vào trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Chúng không phải chỉ là một dụng cụ tôn giáo dễ chịu, một lễ nghi suông mà thôi. Chúng sẽ là một nghi thức có sức biến đổi. Tiến trình lan tỏa sức mạnh này vào đời sống con người là một tiến trình chậm chạp, nhưng rốt cuộc sẽ xảy ra.

Trong ánh sáng của những điều vừa nêu trên đây, trong thực tế cha phải chú ý đặc biệt đến những điều sau:

  1. Vị trí trung tâm dành cho việc cử hành Thánh Thể[329]

Don Bosco là một nhân chứng kỳ diệu về phép Thánh Thể và cho thấy sự phong phú của Thánh Thể một cách ngoại thường. “Khi ngài nói về Thánh Thể, mặt ngài sáng lên, mọi thính giả đều cảm thấy được tiếp xúc với chân lý là sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu.”[330]

Theo một nghĩa cá vị, tiếp nhận Đức Kitô có nghĩa là không chỉ chịu lấy Mình Thánh Người song là chính Người. “Nó có nghĩa là chúng ta cam kết khuôn rập não trạng của ta theo Người, để suy nghĩ như Người về cuộc đời (các mối phúc), về con người (giới luật mới), về Thiên Chúa (Chúa Cha). Nó có nghĩa là đón nhận điều Người muốn (ý Chúa Cha), những kẻ Người muốn (mọi người) và cách thức Người muốn (dù là cho đến chết).”[331]

Theo quan điểm cộng thể, tiếp nhận Đức Kitô có nghĩa là chấp nhận Người là “dấu chỉ và nguyên nhân của sự hiệp nhất, là Đấng cổ xúy sự hiệp nhất và mọi sự nó đòi hỏi; và kết quả của việc chúng ta tiếp nhận là chúng ta tận hiến năng lực cho trách vụ thiết lập sự hiệp thông với nhau.”[332] Từ sự thông hiệp với Đức Kitô Thánh Thể và với nhau nảy sinh khả thể tính và sự hiệu lực của tình yêu mục tử, động lực tông đồ của cộng thể Salêdiêng và của mỗi phần tử.[333] “Tất cả những khía cạnh này được diễn tả tuyệt đẹp trong Thánh Lễ đồng tế.”[334]

Hơn nữa, cha phải ý thức, để các hội viên của cha cũng ý thức điều đó, rằng có một mối liên kết chặt chẽ biết bao giữa việc cử hành Thánh Thể với những hy sinh đặc biệt mà đời thánh hiến tông đồ chúng ta đòi hỏi. Vào lúc tuyên khấn, nhờ Giáo Hội, chúng ta đã được hiến dâng cho Thiên Chúa trong sự kết hiệp mật thiết với Hy tế Thánh Thể.[335]

  1. Cử hành bí tích Hòa Giải[336]

Đời thánh hiến của chúng ta có một hướng chiều lưỡng diện: nó kích thích chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh em mình. Hoán cải liên tục là nét biệt loại của đời tu và đào luyện, khi chúng ta cố gắng thắng vượt tính ích kỷ và tăng trưởng trong tình yêu. Trong viễn cảnh của cuộc đấu tranh và tăng trưởng này, bí tích Hòa Giải là bất khả thế vì nó làm cho nỗ lực của từng người trong việc sám hối đạt được kết quả cách thiêng liêng và cổ xúy rất nhiều việc quay về Chúa Cha giàu lòng thương xót và xây dựng tình huynh đệ Kitô hữu.[337]

Trong vai trò của cha là người sinh động thiêng liêng, cha phải làm hết sức có thể để đảm bảo rằng bí tích Hòa Giải được khôi phục lại chỗ đứng trung tâm chính đáng của mình và ban cho bí tích ấy tầm quan trọng vốn luôn có được trong đời sống Salêdiêng.

Đa số các hội viên vui sướng tiếp nhận những thay đổi do Công đồng Vaticanô II thực hiện, nhưng họ đã rớt lại sau trong việc thực thi chúng bởi họ không cảm thấy được chuẩn bị trước những đòi hỏi được đặt ra cho họ. Cha cũng phải giúp các hội viên khám phá và hấp thụ sự giàu có do cuộc canh tân này của Giáo Hội mang lại trên lãnh vực này nữa, bằng cách, nếu cần, mời những thuyết trình viên có thẩm quyền nói chuyện với họ.

Thật thiết thân trong tác vụ của cha là đảm bảo rằng trong cộng thể:

  • Hiểu biết về tư tưởng và hành động của Don Bosco đối với tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xưng tội cá nhân như đã được Giáo Hội tái khẳng định rõ ràng. Cha hãy nhớ rằng việc xưng tội “sùng mộ” như ta vẫn thường gọi luôn luôn là một trong những phương tiện xây dựng sự thánh thiện trong Giáo Hội.[338]

Mọi hội viên đều phải có thể đến với các cha giải tội, ưu tiên vẫn là các Salêdiêng. Các ngài được mời đến tùy dịp hay đều đặn từ những cộng thể xung quanh. Và cha hãy mở rộng trước những cố gắng được thực hiện trong Giáo Hội miễn là chúng được thử nghiệm và chân thực để mang lại chiều sâu và ý nghĩa lớn lao hơn cho bí tích này.

  • Có những buổi cộng thể cử hành bí tích Hòa Giải vào những thời buổi thích hợp, và cá nhân xưng tội trong những dịp ấy. Giáo Hội khuyến khích những buổi cử hành này bởi vì chúng có đầy đủ cơ cấu phụng vụ và chúng mang một chiều kích Giáo Hội rõ ràng. Khoản Hiến luật 62 về bí tích Hòa Giải ngầm gợi nhắc đến những buổi cử hành này. Việc dọn mình chết lành hàng tháng và những ngày tĩnh tâm quí là những dịp thích hợp nhất theo Qui chế 49 cho các cuộc cử hành này. Việc này sẽ mang lại cho cộng thể cơ hội để diễn tả cộng thể chân thành khao khát được thanh tẩy qua bí tích này mà “không chỉ kết hiệp chúng ta mật thiết hơn với Thiên Chúa, nhưng còn cổ xúy tình huynh đệ và thanh luyện những ý hướng tông đồ của chúng ta.”[339]
  • Năng chuyên chăm đến với bí tích này và chuẩn bị bí tích này bằng việc xét mình hằng ngày.[340] Hiến luật của chúng ta nói đến thường xuyên lãnh nhận bí tích này.[341] Khi nói cho các linh mục, Công đồng Vaticanô II nói về “việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Sám Hối.”[342] Sắc lệnh SCRIS khích lệ các tu sĩ nam nữ đến với bí tích này “thường xuyên, nghĩa là hai lần một tháng.”[343]

Những tài liệu này cho thấy sự quan tâm của Giáo Hội. Một đàng Giáo Hội muốn các phần tử của mình có một cảm thức sống động về tội và cần phải đền bù tội lỗi theo một cách hết sức kính trọng và thiêng liêng có thể được. Đàng khác, Giáo Hội muốn bảo vệ sự tự do lương tâm, mà ta không thể đặt lằn mức thời gian mặc dù lương tâm cần thiết phải được soi sáng và kích thích.

  • sự hiểu biết giữa giám đốc và các cha giải tội, đặc biệt trong các cộng thể đào luyện hầu bảo đảm tính liên tục. Không ai sẽ xác tín hơn cha rằng một cha giải tội được chuẩn bị chu đáo cho nhiệm vụ này với một kinh nghiệm Salêdiêng phong phú đóng một vai trò chủ chốt trong tiến trình đào luyện. Nhưng có những cha giải tội tốt mà thôi thì không đủ. Công việc của các ngài phải được thực thi phù hợp theo những tiêu chuẩn đào luyện của Giáo Hội và Tu hội, hòa hợp với việc áp dụng thực tiễn những tiêu chuẩn này trong cộng thể địa phương dưới trách nhiệm của giám đốc.

Để đảm bảo tính hiệp nhất trong sức đẩy đào luyện của cộng thể và để bảo đảm được sự nhất trí trên những điểm nền tảng, cha có bổn phận gặp gỡ các cha giải tội vào đầu năm và bất cứ lúc nào cha thấy thuận lợi. Điều ấy sẽ cho cha cơ hội để cùng họ nhất trí về việc giải thích trên bình diện lý thuyết và trên thực tế các nguyên tắc và chuẩn mực đã được thiết định.[344] Dĩ nhiên những cuộc gặp gỡ ấy phải được đặc trưng hóa bằng sự kín mật chân thực. Không được nêu ra ngay cả cách gián tiếp những gì đã được nghe trong tòa giải tội.

  1. Phụng vụ các giờ kinh[345]

Bất kỳ khi nào có thể cha phải chuộng việc cộng thể cử hành phụng vụ giờ kinh hơn là việc cử hành cá nhân.[346] Khi qui lại để đọc thần vụ, cộng thể biểu hiện bản chất chân thật của Giáo Hội cầu nguyện mà cộng thể là một dấu chỉ kỳ diệu.[347]

Đây cũng là dịp tốt giúp các hội viên đạt được một não trạng Kinh Thánh. Tiếp xúc liên tục và thường xuyên với các Thánh vịnh là một trợ lực cho việc hấp thụ được các nguyên lý của lịch sử cứu độ. Điều này rất quan trọng cho linh đạo của chúng ta. Nhưng ở đây, cha cũng không được chỉ bằng lòng với việc thực hành theo chữ viết của luật lệ mà thôi; cha còn phải vào trong tinh thần của nó nữa.

Khi tóm kết lại toàn bộ phần nói về việc cầu nguyện này, dường như rằng việc cầu nguyện tốt đẹp hay không tốt đẹp xét cho cùng là tùy vào hội viên sống thế nào hay không sống tinh thần đối thần trong đời sống và trong những cam kết của họ, vào đức ái huynh đệ của họ sống động phong phú như thế nào, vào đời sống họ được nổi bật nhờ sự chối bỏ chính mình và chủ tâm bao nhiêu.

Khi thiếu những đường nét thiêng liêng này, không thời giờ và nơi chốn hoặc nhóm nào có thể bù lại cho chúng ta. Nếu có một thái độ đức tin và tình yêu bền vững,[348] các hội viên sẽ lo liệu để tránh được việc tham dự thuần túy hình thức và máy móc một cách tương đối dễ dàng.[349] Để tới được mục đích này, khoa sư phạm về cầu nguyện cũng giả định một nền đào luyện vững chắc về đời sống thánh hiến và kinh nghiệm về một đời sống cộng thể phong phú và sâu xa.[350] Đó cũng là hai lãnh vực phục vụ quan trọng khác mà cha phải sinh động. Nếu ta không hoàn toàn cam kết yêu mến Thiên Chúa và anh em một cách thực tiễn, ngày qua ngày, thì hồng ân cầu nguyện sẽ biến mất và ngược lại cũng hoàn toàn đúng vậy.

  • MỘT ĐỜI SỐNG CỘNG THỂ SÂU XA VÀ PHONG PHÚ

Chúng ta sẽ xem xét chi tiết một vài khía cạnh. Các Tổng Tu Nghị và các giáo huấn của các bề trên chứa đựng những thông tin và những chỉ dẫn thực tiễn về đề tài này. Hoạt động sinh động và cai quản của cha giúp cộng thể tăng trưởng theo một vài cách thức:

  • Cộng thể phải lớn lên trong một bầu khí thông giao và hiệp thông thực sự. Nếu thiếu điều này, người ta sẽ cảm nghiệm quyền bính, các phương pháp, những phương thế và các quyết định như một cái gì ngoại tại đối với đời sống và vì vậy sẽ dễ dàng bị chống đối. Hoạt động của cha sẽ vô ích.
  • Cộng thể phải lớn lên trong một bầu khí của đồng trách nhiệm thực sự: “Hãy nhớ rằng người ta không giả định chính giám đốc phải làm mọi việc đâu; nhưng đúng hơn phải thấy rằng những người khác đang làm việc và bảo đảm rằng mỗi người đang thực thi những bổn phận của mình.”[351]
  • Cộng thể phải lớn lên trong bầu khí liên đới và bổ sung. Cộng thể phải trân trọng cả sự bình đẳng lẫn sự khác biệt của ơn gọi Salêdiêng. Cộng thể phải giúp các hội viên nhận ra giá trị hỗ tương của mỗi người (linh mục và sư huynh, người trẻ và người già, người mạnh khỏe và kẻ đau ốm). Đồng thời bầu khí này khích lệ mỗi người bỏ đi những khiếm khuyết vốn làm giảm thiểu thiện ích chung.
  • Cộng thể cần lớn lên trong một bầu khí đầy đức tin. Bằng cách này cộng thể sẽ có thể làm chứng cho sự kiện rằng chính Thánh Thần là Đấng kêu gọi chúng ta và tụ họp chúng ta lại trong tình yêu Thiên Chúa bằng một đoàn sủng vốn can dự tới lòng ưu ái đặc biệt dành cho giới trẻ. Sự kiện này ở tận cội rễ ý nghĩa của việc chúng ta thông giao, hiệp thông, đồng trách nhiệm, liên đới và bổ túc cho nhau và liên lỷ thúc đẩy chúng ta làm cho những giá trị này nên sống động.

2.1. Một bầu khí thông giao và hiệp thông

Dĩ nhiên cha thâm tín rằng bổn phận thứ nhất của cha là tiên vàn chú trọng đến những giá trị cấu thành ơn gọi Salêdiêng. Nhưng nếu các hội viên phải ý thức và thông giao những giá trị này cách hữu hiệu, thì cần có một bầu khí thích hợp. Họ phải học để sống trong cộng thể và như một cộng thể. Kiến tạo những điều kiện trong đó có thể triển nở đời sống cộng thể là điều cần thiết.

Bất cứ điều gì giúp chúng ta tăng trưởng trong một tinh thần nhân bản, đều đảm bảo cho đức ái và tin tưởng, cho phép có những cuộc gặp gỡ xây dựng, chỉ đường dẫn lối cho sự cam kết tu trì, xây dựng sự hiệp nhất huynh đệ và cống hiến một cơ hội để diễn tả tình yêu chân chính.[352]

Nhưng cũng có những lý do khác để nhấn mạnh đến đời sống cộng thể. Cộng thể có sứ mệnh rao giảng Tin Mừng qua giáo dục và phát triển nhân bản. Không có cách nào để cộng thể có thể chu toàn sứ mệnh của mình trừ phi chính cộng thể được phúc âm hóa.

Khi chu toàn việc phục vụ của cha là cai quản và sinh động, cha cũng phải cổ võ sự thông giao và hiệp thông, và dùng những phương thế thích hợp để làm điều ấy.

  1. Sự thông giao

Nếu trong cộng thể của cha, thiếu sự thông giao,[353] nếu khó khăn lắm để có được kiểu giao tiếp đơn sơ và thẳng thắn vốn làm cho việc trao đổi thông tin và bình luận các biến cố hàng ngày nên dễ dàng, thì đấy không phải là một loại môi trường trong đó đối thoại và san sẻ quyền bính triển nở được. Các phần tử của cộng thể sẽ bất ổn và như người bên ngoài. Một cộng thể tốt đẹp chắc chắn là kết quả của một sự sinh động tốt đẹp, nhưng cộng thể tự nó có vai trò phải đảm trách để cho việc này có thể xảy ra.

Cha phải nhận diện những nguyên nhân gây cản trở sự thông giao và tạo ra sự cô lập, phòng thủ, và thù hằn, hầu giới hạn chúng. Những nguyên nhân thông thường nhất dường như là giao tiếp nhân bản bị giới hạn, do từ một vài cơ cấu và thời khóa biểu mà ra; những biểu lộ sự kính trọng dành cho một vài hội viên vì những địa vị họ nắm giữ; thiếu trân trọng sự đóng góp của nhiều hội viên so với uy thế mà một số ít hội viên ưu đãi được hưởng vì sự đóng góp lớn lao của họ; có thể là chính giám đốc ở giữa số ít những người này.

Trong bài huấn đức thứ ba trong Tổng Tu Nghị đầu tiên, khi bàn về kỷ luật, Don Bosco đã khuyến khích các “giám đốc phải biết cách để các người khác thực thi các bổn phận của họ.”[354] Mỗi ngày cha kinh nghiệm sự kiện là các hội viên làm việc và cộng tác càng vui vẻ tự ý nếu họ cảm thấy rằng họ gần gũi với mọi tin tức liên quan đến trách vụ của họ và biết được cộng thể kính trọng công việc của họ.

  1. Sự hiệp thông

Nhưng có một khía cạnh sâu xa hơn của cuộc đối thoại trong cộng thể mà chúng ta có thể gọi là ‘sự hiệp thông’. Từ ngữ này qui chiếu đến những yếu tố chạm nhiều hơn đến cá nhân các hội viên và đời sống của cộng thể trong chiều sâu. Nó là bản tổng hợp của ba thái độ nền tảng: tham gia, cảm thức thuộc về và cung điệu cảm xúc hay bầu khí của nhóm.

  • Sự tham gia của các hội viên là một trong những sức mạnh chính của một cộng thể. Nó bắt nguồn từ sự cam kết có tính hữu vị và tâm lý đối với bất kỳ điều gì liên quan đến cộng thể và sự hoàn thành của cộng thể. Từ đây nó qui chiếu đến những mục tiêu mà cộng thể đặt ra cho chính mình, dưới diện những công việc nội bộ hay sứ mạng của cộng thể; về những phương thế cộng thể muốn dùng để đạt được những mục tiêu này; và về các trách vụ được phân phối cho các phần tử khác nhau. Kinh nghiệm dạy rằng càng cung cấp cho các hội viên những cơ hội tham gia thực sự thì cộng thể sẽ càng được hiệp nhất hữu hiệu hơn.

Mặc dầu một vài hội viên không đồng ý với những ý kiến của người khác, và với những quyết định sau cùng của giám đốc, thì họ thực tế sẽ vui vẻ hơn để chấp nhận những quyết định ấy nếu họ đã có cơ hội tham gia và diễn tả những ý kiến của họ suốt tiến trình đi đến quyết định. Cũng như thế, nơi nào có sự tham gia thì các hội viên ít biểu lộ phản kháng hơn trước những thay đổi, tỏ ra cần mẫn hơn trong việc thực hiện những trách vụ được giao phó và chứng tỏ sự hữu hiệu và thỏa mãn hơn trong công việc của họ.

  • Như thế nảy sinh cảm thức thuộc về hay đồng nhất với cộng thể. Cá nhân hội viên cảm thấy rằng họ là phần tử sống động của cộng thể đó. Họ thấy rằng những lợi ích, những lý tưởng và những khát vọng của cộng thể là của chính họ. Đây là một kinh nghiệm về một sự cam kết chung được ta sống; nó hàm ẩn sự quan tâm đến điều làm cho những hội viên khác và cộng thể xét như một toàn thể đều quan tâm.

Cảm thức này có thể có nơi các hội viên khác nhau với những mức độ khác biệt. Nó dựa trên những xem xét có giá trị khách quan, nhưng nó cũng có một nội dung cảm xúc mạnh mẽ theo cả hai nghĩa cá nhân và tập thể. Vai trò của cha là không thể thay thế được về khía cạnh này.

Có một vài sự việc mà giám đốc không ủy nhiệm cho những người khác, cũng không bàn với họ trong các buổi họp cộng thể. Cha Rinaldi viết: “Khi làm giám đốc, Don Bosco muốn mọi người tử tế với mọi người khác. Nhưng ngài dành vai trò làm cha cho mình ngài mà thôi.”[355]

  • Cuối cùng, trong mỗi cộng thể có một bầu khí hay tinh thần nào đó khó mà diễn tả, nhưng rất dễ nhận ra ngay cả do những người không mấy sống động đối với những sự việc như thế. Bầu khí này có những liên hệ với cảm thức về ‘sự tham gia’ và ‘cảm thức thuộc về’. Nó lệ thuộc vào những khía cạnh này và đồng thời tác động mạnh trên những khía cạnh đó. Thông thường cha đã phải ghi nhận rằng thái độ của một hội viên theo một mức độ đáng kể được xác định do cách thức họ cảm nhận những phản ứng của cộng thể đối với họ!

Cũng có những yếu tố mà đôi khi chúng ta coi nhẹ, nhưng lại ảnh hưởng đến bầu khí của cộng thể; chẳng hạn, khung cảnh thể lý, kể cả sự bố trí và tiện dụng của vật chất và trang thiết bị, sự sắp xếp chỗ ngồi, sự sáng sủa, sự thoáng mát và nhà cửa sạch sẽ.

2.2. Bầu khí của đồng trách nhiệm chân thật

Theo nhãn quan về cơ cấu, Hiến luật miêu tả những cơ quan tham gia với giám đốc trong việc điều hành thông thường[356] của cộng thể và những chức vụ khác chia sẻ trách nhiệm điều phối và sinh động trong những lãnh vực khác nhau.[357] Viễn cảnh chúng ta đang xét đến ở đây là việc tạo nên một bầu khí làm cho những cơ quan này hữu dụng và hiệu quả. Vì là “trung tâm của cộng thể,”[358] cha cần tất cả các hội viên để làm cho nó hoạt động. Vậy, cha phải biết làm thế nào xin các hội viên cộng tác với sự nhân hậu và cương quyết vốn là tiêu biểu của cộng thể chúng ta. Các cộng thể chúng ta được tổ chức theo một cách thức đến nỗi mỗi hội viên làm điều họ được sai đến đó để làm, và giám đốc làm công việc của giám đốc qua “phân phối công việc, trách vụ và trách nhiệm.” Cha có một vai trò mà không ai khác có thể thay thế được. Giám đốc “phải biết làm thế nào để xin những người khác chu toàn công việc của họ. Giám đốc hãy tỉnh thức và sắp xếp thích hợp, nhưng chính ngài đừng bao giờ làm mọi sự. Nếu ngài không tìm được những cá nhân có nhiều khả năng để làm các việc, thì hãy để những người có các tài năng tầm thường làm công việc ấy. Nhưng ngài đừng bao giờ tự mình làm những việc như thế bởi vì cơn chướng là muốn thấy các việc ấy được làm tốt hơn.”[359]

Trong những lời này có cả một khoa khôn ngoan và một cảm thức về sự kính trọng mọi người cộng tác. Nhưng mặc nhiên cũng có một nhu cầu là sự cộng tác của giám đốc vào sự thành công của sứ mệnh nằm ở trên một bình diện khác với việc chỉ đơn thuần hành động bên cạnh và cùng với những người còn lại.

  1. Đồng trách nhiệm như sự chăm lo đến ‘trái tim nguyện xá’ của mỗi hội viên

“Giám đốc phải giữ mình khỏi mọi sự cam kết cản trở ngài chu toàn cái bổn phận nền tảng đối với hội viên.”[360] Đây còn hơn chỉ là một nguyên tắc thực tiễn. Nó là một điều kiện tiên quyết để giám đốc có thể chu toàn các bổn phận chính yếu của mình. Trong những hoàn cảnh khác nhau và cho nhiều giám đốc khác nhau, Don Bosco khuyên mỗi ngày phải đi quanh nhà. Ngài đảm bảo họ sẽ thu lượm được những phúc lợi bất ngờ từ việc thực hành đơn giản này. Sự hiện diện của giám đốc giữa các hội viên là một dấu chỉ của tình huynh đệ và tình liên đới. Nó là một sự xác nhận về những quyết định thực tiễn được thực hiện hàng ngày. Nó là một hình thức của cộng thể tham dự vào công việc của từng lãnh vực qua sự đồng cảm và nâng đỡ luân lý; nó là một cách thức để hiểu các vấn đề và những tình trạng khách quan hầu can thiệp cách hữu hiệu. Một lời khích lệ và ca ngợi của cha, một câu chào hỏi thông thường, trực giác về một nhu cầu kín đáo, một sự thăm hỏi các hội viên cao niên và ốm yếu, khả năng lạc quan của cha, việc cha nhắc nhở các hội viên bất chấp tuổi tác của họ, về những động cơ đức tin đều là những cách thức tuyệt hảo để giúp các hội viên lớn lên trong tình huynh đệ và liên đới. Và mọi điều này giúp cha chăm sóc đến ‘trái tim nguyện xá’ của mỗi hội viên.[361] Trong thực tế, điều này có nghĩa là giúp mỗi người trung thành và sáng tạo.

“Trung thành làm việc” không phải là chuyện đơn giản. Nhưng người ta phải đáp trả lại thách đố này phù hợp với điều kiện bất khả thay thế được Tổng Tu Nghị Đặc Biệt đề ra: “Để cho một hoạt động thật sự là Salêdiêng”:

  • Nó phải phục vụ giới trẻ, đặc biệt những ai thiếu thốn nhất;
  • Nó phải hoàn toàn mang tính cách mục vụ trong cảnh giới;
  • Nó phải được thấm nhuần tinh thần đã khởi hứng cho hoạt động của Don Bosco tại Nguyện xá Valdocco.”[362]

Sự hiện diện của cha trở thành bất khả thế nếu những nguyên lý nền tảng Salêdiêng liên quan đến sự phục vụ, đến trách vụ và phong thái hoạt động của chúng ta không bị biến mất. Theo nghĩa này, cha phải là hiện thân của ‘lương tâm chân thật và có tính chất phê phán’ của cộng thể đối với tinh thần Salêdiêng. Don Bosco diễn tả những đòi hỏi khác nhau này bằng một câu đơn giản được tìm thấy trong những ghi chú của ngài về Hệ Thống Dự Phòng: “Nhà giáo dục là người hoàn toàn hiến mình cho lợi ích của các học sinh của mình.” Và vì thế giám đốc phải giúp các hội viên:

  • Không được quên đi động lực tôn giáo phải soi sáng cho việc phục vụ của họ, bất chấp họ có trách vụ nào trong lãnh vực giáo dục và phát triển nhân bản (Don Bosco thường dùng từ “tận hiến”); và
  • Đừng giảm thiểu chiều rộng và chiều sâu của sức thúc đẩy tu sĩ trong công việc của họ khi họ hiến sức lực cho các khoa học nhân văn một cách thức xứng hợp (Don Bosco nói là ‘tận hiến hoàn toàn.’)[363]

Đối với tính sáng tạo của các hội viên, cha hãy đảm bảo rằng cha trân trọng giá trị tài năng của từng người và cho mỗi người nhiều cảnh giới để diễn tả chính mình và phát triển những ân điển đặc thù của họ. Don Caviglia viết: “Tôi không sợ mâu thuẫn khi nói rằng trong khi đòi hỏi một kỷ luật tu sĩ và Kitô hữu, Don Bosco lại kính trọng tới mức cao nhất tương hợp với kỷ luật như thế, những ước ao và kế hoạch của các môn đệ mình; có thể nói như thế, ngài để cho mỗi người nhiều khoảng không để hít thở.”[364] Theo điều được vạch ra trong Hiến luật chúng ta[365] và theo phong thái của Don Bosco, “việc sử dụng trí tưởng tượng có sư phạm, lòng can đảm, sự tinh khôn thánh thiện và tinh thần táo bạo” là những biểu lộ chân chính của ‘trái tim nguyện xá.’[366]

Đây không chỉ là vấn đề có những cơ cấu thích hợp để làm cho những người trẻ hiếu động cảm thấy “thoải mái”. Trên hết, đây là vấn đề phát triển những con người mà theo ơn gọi của họ và thời khắc hiện tại của lịch sử, họ biết làm thế nào để giữ cho mình hợp với Don Bosco và với thời đại.

Đây là một phần của công việc đào luyện liên tục mà can dự đến cha như một người sinh động.

  1. b) Đồng trách nhiệm như một đảm bảo cho những cơ cấu và tổ chức vận hành thích đáng và sinh hiệu quả mục vụ

Giám đốc là điểm qui chiếu chung dưới diện cơ cấu và tổ chức. Chính với phong thái phục vụ đặc thù của mình mà ngài trở thành một người đảm bảo cho việc vận hành trôi chảy và sự phong phú mục vụ của họ.[367]

2.3. Bầu khí liên đới và bổ sung

  1. Tình liên đới và những đòi hỏi của nó

Cha đừng bao giờ nhọc mệt cổ xúy nơi mỗi hội viên một cách thức nhìn xem các sự vật mà nhấn mạnh đến “cái chúng ta” hơn là “cái tôi”, đến “cái của chúng ta” hơn là “của tôi”, đến điều có châm ngôn là “Tình yêu Chúa Kitô là động lực thúc bách tôi” thay vì châm ngôn “tôi không quan tâm đến chuyện đó.” Một sự tăng trưởng như thế sẽ đưa đến một cảm thức thuộc về cộng thể, và cá nhân chủ nghĩa sẽ bị giảm thiểu nếu không biến mất hoàn toàn. Cá nhân chủ nghĩa là trở ngại lớn nhất cho sự tăng trưởng tinh thần huynh đệ.

Tình hiền phụ thiêng liêng của cha phải có khả năng đem lại sự hiệp nhất, hủy đi một tinh thần riêng biệt và tách biệt. Được cộng thể trợ giúp, cha phải bắt tay vào trách vụ này qua những phương thế do truyền thống chúng ta đặt cho cha tùy ý sử dụng:

  • Phát huy những tài năng cá nhân của mỗi người;
  • Vun trồng một sự rộng mở thân tình và được soi sáng mà có thể làm cho cha trân trọng công trình Thiên Chúa trong đời sống của các anh em của cha;
  • Cổ xúy cá nhân cộng tác tốt đẹp bao có thể vào sứ mạng chung;
  • Khích lệ mọi người đồng trách nhiệm;
  • Đặt đúng chỗ những phương thế nhân loại trong việc gia tăng tinh thần huynh đệ;
  • Đảm trách việc định kích thước lại cộng thể về số hội viên và loại hoạt động tông đồ để cổ xúy những tương quan liên vị thân mật hơn;
  • Nhấn mạnh đến tính bổ sung của ơn gọi chúng ta.[368]
  1. Giá trị của sự bổ sung

Tính chất bổ sung của những vai trò thiết yếu mà người Salêdiêng linh mục và sư huynh có trong cộng thể đòi hỏi phải hiểu biết và trân trọng sự bình đẳng và khác biệt của họ. Cha có trách vụ hành động theo các nguyên tắc luôn cổ xúy sự bổ sung này:

  • Hiểu biết và lượng giá đầy đủ về sự bình đẳng và khác biệt

Các học giả phải tiếp tục khảo sát mối tương quan độc đáo trong đời sống tu sĩ Salêdiêng giữa chức linh mục thừa tác và bậc sống thánh hiến giáo dân.[369] Nhưng mỗi người chúng ta đã có một trực giác chân thật về sự bổ sung mang ý nghĩa gì trên thực tế, đấy là điều quan trọng sinh tử bởi vì đó là cách sống và hoạt động tông đồ của chúng ta có nguồn gốc trong chính Chúa Thánh Thần. Lối đường được các Tổng Tu Nghị chúng ta dõi theo phải trở thành lối đường cộng thể của cha đảm nhận xuyên qua tác vụ của cha. Trong thực tế, cha phải kiên trì và thanh thản hướng dẫn ‘sự phân định của cộng thể’ về đề tài này.

Mục tiêu tức thời thật rõ ràng: “Để người ta có thể chấp nhận sự bình đẳng và sự khác biệt gắn liền với căn tính của người Salêdiêng linh mục và sư huynh như một trong những sự giầu có của cộng thể Salêdiêng và trở thành một thực tại của đời sống thường nhật, thì mỗi Salêdiêng phải chấp nhận những sự kiện này tận bên trong và tỏ lộ ra bên ngoài qua một vài thái độ căn bản: một sự thâm tín cơ bản về sự bình đẳng nền tảng và những khác biệt căn bản của họ; tinh thần gia đình; đồng trách nhiệm huynh đệ; vui vẻ nhận biết sự cần thiết của nhóm này đối với nhóm kia; sự bổ sung và tình liên đới quảng đại; sự thừa nhận chính đáng mỗi nhóm có trách nhiệm và sự tự lập thích đáng dù tương đối mà thôi.”[370] Cha phải cổ xúy một sự thay đổi não trạng và cõi lòng thật sự, khi nhấn mạnh rằng các linh mục và sư huynh phải rộng mở sâu xa đối với nhau. Ngu dốt làm phương hại thật sự cho đoàn sủng chúng ta. Những người Salêdiêng không thể còn trung thành với dự phóng nguyên thủy và phát triển diện mạo đặc trưng của mình trừ phi các linh mục và sư huynh rộng mở với nhau trong sự trao đổi hỗ tương các ân điển biệt loại của họ.[371]

Trước tiên, cha phải đảm bảo rằng ai nấy đều biết đến bản văn của Tổng Tu Nghị 21 về người sư huynh hầu ý nghĩa phong phú của căn tính Salêdiêng sư huynh vốn chạm đến chính yếu tính của Tu hội được biết đến.[372] Cha cũng sẽ phải có biện pháp giúp đỡ các hội viên trân trọng cả sự bình đẳng lẫn khác biệt của các sư huynh và linh mục.

  • Bằng cách tỏ ra rằng có một bổn phận về tính đồng trách nhiệm thiêng liêng tới một mức độ gia sản thiêng liêng của người Salêdiêng linh mục và người Salêdiêng sư huynh làm phong phú lẫn nhau, và sự thiếu nhiệt tình của một phía có những âm hưởng tiêu cực trên cả hai.[373]
  • Bằng cách cho thấy các linh mục và sư huynh tham gia vào cùng một việc tông đồ như thế nào. Don Bosco muốn cộng thể của ngài vốn phải thực hiện một sứ mệnh phức tạp và đa diện được tạo thành bởi cả linh mục lẫn sư huynh.[374] Chúng ta xác tín rằng “Da mihi animas” của ngài nối kết chặt chẽ bất khả phân hai khía cạnh đó là sự thăng tiến nhân bản và rao giảng Tin Mừng, với sự nhấn mạnh hơn đến khía cạnh tôn giáo.[375]

Trong sứ mạng này, phẩm chất trần thế của người Salêdiêng sư huynh mặc lấy ý nghĩa đầy đủ của nó. Ở điểm này chúng ta cần người sư huynh. Để chu toàn sứ mệnh của mình, Tu hội đúng nghĩa và nhất là các Salêdiêng linh mục cần phải có một khóe nhìn vượt xa hơn hoạt động giáo lý và tư tế theo nghĩa hẹp của những hạn từ này.[376] Sức đẩy tông đồ của chúng ta thì rất thực tiễn, hoàn toàn khác biệt và phức tạp.

  • Một loại hiểu biết đặc biệt trong việc chăm sóc các Salêdiêng sư huynh

Cha phải vun trồng một thái độ thông cảm như một diễn đạt về tình hiền phụ của cha.

Không ai khác có thể thế chỗ của cha trong việc này. Cha hãy chuyên cần nghiên cứu ơn gọi của các sư huynh hầu hiểu được những động cơ nằm dưới việc chọn lựa để nên một người tu sĩ giáo dân, hiểu được khoa linh đạo nhờ đó ơn gọi này được sinh động và khoa tâm lý làm đặc trưng nó. Mối quan tâm của cha sẽ cổ xúy người sư huynh phát triển những năng khiếu trần thế biệt loại mà làm họ nên một cấu tố thiết yếu của sứ mệnh chúng ta. Trong các hoạt động cha phải có khả năng cho thấy rằng cha đã hiểu và cha muốn minh chứng cách thực tiễn sự kính trọng lớn lao mà Don Bosco dành cho các sư huynh cũng như tình yêu vĩ đại ngài ấp ủ họ.

Đặc biệt những nhắc nhở thực tiễn sau đây thật quan trọng:

  • Cha hãy nhớ rằng người sư huynh cần đối thoại với một ai đó biết những vấn đề của họ mang cả hai tính chất thiêng liêng và trần thế. Họ không đòi giám đốc của mình phải thành thạo trong những vấn đề kỹ thuật; nhưng họ có lý mong chờ cha phải có một loại hiểu biết toàn diện về tình trạng mà có thể đưa tới một cuộc đối thoại hữu ích.
  • Cha hãy thâm tín rằng người sư huynh muốn cha thăm họ đang khi làm việc để cá nhân cha sẽ biết được những hoạt động họ dấn thân vào, biết được những vấn đề, những nhu cầu và hoạch định của họ. Cha đừng sợ ‘khuấy rối’ họ hay làm mất giờ của họ. Giám đốc thăm hỏi, chú ý đến các sự việc, khích lệ và khen thưởng họ sẽ làm cho họ tín nhiệm và mang lại những ích lợi lớn lao.
  • Cha hãy lợi dụng mọi cơ hội để trình bày ơn gọi sư huynh cho giới trẻ, cho dân chúng nói chung, cho những vị chức quyền dân sự và giáo quyền. Cha hãy cho thấy những đường nét đó và hoàn thành chúng sẽ mang lại thanh danh cho nhà và Tu hội.
  • Cha đừng quên rằng để chu toàn những trách nhiệm của mình, người Salêdiêng sư huynh có thể cần phải tiếp xúc thường xuyên với thế giới kỹ thuật, thương mại, công việc, nghệ thuật, thể thao hoặc với thế giới giáo dục về loại trách nhiệm biệt loại của họ trên bình diện giáo dục và tông đồ. Những tiếp xúc này thiết thân với sứ mệnh của họ. Hơn nữa, chúng là những dụng cụ sẽ mang lại cho họ cơ hội thủ đắc kinh nghiệm, tính nhạy bén và ngôn ngữ của người đời và như thế, là phương tiện họ cần thiết để chu toàn vai trò tông đồ của họ. Đàng khác, những giao tiếp này cũng có thể là dịp thử thách đối với họ.

Cha Rinaldi nói rằng giám đốc nên bàn luận với những người liên hệ trong những tình huống như thế với cách thức người cha trao đổi với ‘những người con đã lập gia đình’ của mình: ngài nhận xét họ với một sự âu lo nào đó và cũng với niềm tin tưởng, và khi cần ngài giúp họ đạt được sự thanh thản, sự an toàn và cảm thức về sự quân bình.

  • Cha hãy nhớ rằng những nét trần thế của người sư huynh cùng với kho tàng kinh nghiệm và khả năng của họ là giấy thông hành cho phép họ đi vào những môi trường rất khác biệt và rất trần thế. Do những phẩm tính trần thế họ có thể tiếp cận một số người mà có lẽ đã không bao giờ tín nhiệm vào người khác. Vì vậy, những đặc tính trần thế này là một dụng cụ quý báu cho việc tông đồ và nên được tích cực khích lệ và cổ xúy.
  • Cha hãy cổ võ văn hóa tôn giáo và kiến thức trần thế của các sư huynh. Cha hãy khích lệ mỗi hội viên thăng tiến tới mức họ có thể và ngay cả phải trả giá bằng sự hy sinh chăng nữa, để họ có thể phục vụ giới trẻ tốt đẹp hơn và làm cộng thể phong phú. Cha hãy duyệt lại việc đào luyện họ đã có và nếu cha khám phá ra bất kỳ những lỗ hổng lớn nào, cha hãy làm hết sức để giúp họ lấp chúng lại.[377] Bằng cách này cha sẽ làm phần của mình trong việc thưc thi việc phục vụ của cha là đào luyện liên tục, là trách vụ hàng đầu trong Tu hội của những người thực thi thừa tác vụ đào luyện, bởi vì họ được gọi đảm đương vai trò đó.
  • VIỆC THỰC THI CÁC LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM

   Là một người sinh động, giám đốc có một trong những nhiệm vụ hàng đầu là giúp các hội viên hiểu biết ý nghĩa Phúc Âm của việc tuyên khấn tu trì.

   Hiến luật mô tả bổn phận theo Đức Kitô cách quảng đại và vô điều kiện theo phong thái và tinh thần đặc thù của chúng ta. Nó phác họa cho chúng ta những nét chủ yếu của ơn gọi chúng ta và cống hiến cho chúng ta một lối sống.[378] Khi trở thành tu sĩ, chúng ta đã thực hiện một sự chọn lựa quảng đại, khó khăn nhưng hoàn toàn ý thức.

   Hiến luật cung cấp những nhắc nhớ mà chúng ta cần để có thể canh tân sự cam kết lớn lao và hấp dẫn mà chúng ta tự do ràng buộc với Đức Kitô.[379] Cha phải có khả năng khám phá và giúp kẻ khác khám phá mối liên hệ chân thật giữa các hoàn cảnh khác nhau trong đó chúng ta sống với dự phĩng tu trì Salêdiêng như được chứa đựng trong Hiến luật.[380]

3.1. Đặt sự vâng phục Salêdiêng trong bối cảnh riêng của nó.

  • Đặt sự vâng phục Salêdiêng trước tiên trong một bối cảnh đời tu

Đức vâng phục có tính cách tôn giáo khi nó liên hệ đến mối tương quan với Thiên Chúa. Giá trị cao cả của vâng phục hệ tại ở mối tương quan này: “Người tu sĩ vâng phục những con người không phải vì điều nơi chính họ, nhưng bởi vì họ có thể giúp người tu sĩ theo Đức Kitô và tỏ cho người tu sĩ cụ thể thánh ý Thiên Chúa là gì.”[381]

   Vì kết hiệp mật thiết với Đức Kitô bằng lời khấn vâng phục, người Salêdiêng làm sống lại sự vâng phục của Đức Kitô trong Tu hội và trong Hội Thánh và cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa Cha. Đó là một chương trình mà chúng ta không trực tiếp tri nhận được, nhưng nhờ mau mắn vâng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể nhận thức được nó trong các biến cố hằng ngày qua các Tin Mừng, Hiến luật và bề trên cộng thể.[382]

  • Đặt vâng phục trong bối cảnh Salêdiêng

   Vâng phục và quyền bính Salêdiêng tạo thành chuyện trong gia đình,[383] và được gợi hứng bởi sự thanh thản tín nhiệm lẫn nhau.[384]

   Lý tưởng là không bao giờ cha phải áp đặt quyền bính của cha. Ít nhất, như Hiến luật nói, “hãy dè dặt sử dụng quyền bính.”[385] Ở đây, “dè dặt” là “ít khi”, nhưng cũng có nghĩa là “được suy nghĩ kỹ càng” với một lý trí được đức tin và tình yêu hướng dẫn.

   Kết quả là hội viên sẽ cảm thấy buộc phải phát triển sự trưởng thành cần thiết để đảm nhận trách nhiệm đối với những cam kết của mình,[386] và sẽ tránh được hai thái cực là vâng phục thụ động và không khoan nhượng của quyền bính.

3.2. Chứng tá về ý nghĩa đức thanh khiết Salêdiêng

   Don Bosco đã chọn sống sự độc thân Tin Mừng như lời đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình và cũng như một phương thế để thực thi sứ mệnh của mình như một người cha và người mục tử của giới trẻ, một sứ mệnh mà ngài cảm thấy được kêu gọi tới do ơn gọi linh mục của mình. Trao tặng chính mình cho Hội Thánh và nhất là cho giới trẻ làm ngài nên sáng tạo và thâu lượm được kết quả trong các công việc và các dự định. Nó là nguồn lạc quan và vui tươi trong lao nhọc tông đồ và làm cho nhiệt tình của ngài không vơi cạn. Ngài hiểu đức trong sạch không chỉ như một thói quen nhân đức, nhưng như một đường lối thực tiễn yêu mến Thiên Chúa và như một phong cách sống can dự đến và chứa đựng trong chính mình tất cả những nhân đức khác. Vì thế, ngài đặt thanh khiết ở ngay tâm điểm của sứ điệp giáo dục của mình.[387]

Cha phải chú ý cách riêng ba khía cạnh này:

  • Khía cạnh của đức trong sạch được coi như là một nhân đức toàn diện trong mức độ nhiều giá trị khác qui chiếu tới nó. Những giá trị đó là sự chân tình và những mối giao tiếp thanh thản, loại tình cảm chân thật và hữu vị được biểu lộ ra ngay cả khi không được đáp trả; lối diễn đạt hữu hình và có thể nhận biết của đức ái Kitô hữu dưới hình thức là lòng mến thương. Đây quả là những giá trị rất tích cực có nền tảng vững chắc trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
  • Khía cạnh về mối tương giao giữa đức thanh khiết thánh hiến với cộng thể.

Cha hãy thường xuyên nhớ rằng chúng nâng đỡ hỗ tương cho nhau.

  • Đức thanh khiết rất khó khăn nếu không có cộng thể. Một bầu khí cộng thể giúp các hội viên sống đời độc thân Tin Mừng cách vui tươi, cổ võ tình bạn chân chính và sâu xa, giúp hết thảy hội viên trưởng thành và là một trợ lực lớn lao trong những lúc khó khăn.[388] Trong mức độ cha giúp cộng thể xây dựng chính mình cách vững chắc, cha sẽ nhờ đó cổ xúy các hội viên tăng trưởng một đức thanh khiết chói sáng.
  • Cũng thế, thật khó khăn để tạo nên một cộng thể chân thực nếu thiếu vắng yếu tố thanh khiết. Thanh khiết của chúng ta là nền tảng cho đời sống hiệp thông của chúng ta. Nó giúp chúng ta phát triển ý thức Kitô hữu về mối tương quan cá vị, nó làm cho chúng ta có thể hiến mình cách tự do, và nó giúp làm cho cộng thể trở thành một gia đình nơi đó sự thanh thản, thông cảm và tình thân ái ngự trị.[389] Điều mà thanh khiết và cộng thể có chung với nhau, chính là hiến thân mình cho Thiên Chúa nơi anh em mình. Và như thế sự tăng trưởng của một bên kéo theo sự tăng trưởng của bên kia. Vì vậy, không khó khăn chi để hiểu rằng thiếu trưởng thành tình cảm là phương hại đến tinh thần gia đình và việc hiến mình trong sự độc thân tu trì.[390]

   Mối liên hệ giữa độc thân và cộng thể là một trong những cơ cấu quý báu mà chúng ta những người Salêdiêng có được trong đời sống tu trì.[391] Giám đốc không nên quên rằng bên cạnh những khủng hoảng được nối kết với sự phát triển nhân vị, ngày nay chúng ta đối diện với một ‘khủng hoảng là sự chán chường’ đang gia tăng.

   Chỉ có một sự hiểu biết các khía cạnh tích cực của việc theo Đức Kitô như là “một đường lối Kitô hữu sâu xa để yêu Thiên Chúa và đồng loại”[392] mới có thể cống hiến những lý do đầy đủ cho một cảm thức về cái mới mẻ và niềm vui.

  • Khía cạnh tỉnh thức. Cha phải khôn ngoan và chăm chỉ giúp mọi người để có được một thái độ tự nhiên, thanh thản trong sáng và không mờ ám đối với đức thanh khiết.

   Ý thức được những giới hạn của bản thân, hành động cách tế nhị và trách nhiệm, sẽ giúp các hội viên hiểu một sự cam kết sống đời độc thân thánh hiến thật sự có nghĩa là gì.[393] “Thanh khiết không phải là một cái gì chiếm được một lần là xong rồi.”[394] Nó chỉ có thể là thực sự và chiến thắng trong bối cảnh của một đời sống sống thân mật với Chúa.

   Đức thanh khiết được giữ cho sinh động nhờ liên lỷ đối thoại cầu nguyện, nhờ đọc Kinh Thánh, nhờ lãnh nhận Thánh Thể và một tiến trình liên tục thanh luyện trong Bí tích Giao Hòa. Các phương thức hữu hiệu và cần thiết khác để gìn giữ đức thanh khiết được chuyển giao cho chúng ta qua truyền thống Salêdiêng là: lòng sùng kính con thảo đối với Đức Mẹ; cởi mở và tin tưởng vào vị linh hướng, cộng thể sống tình yêu huynh đệ; và thực hành khổ chế, làm việc và tiết độ.[395]

3.3. Định giá đầy đủ những yếu tố tin mừng tiêu biểu của đức khó nghèo Salêdiêng

   Đối với chúng ta, khó nghèo không chỉ thuần túy là một vấn đề xã hội. Cách thức Phúc Âm trình bày khó nghèo buộc chúng ta phải xét nó theo mối tương quan cốt yếu của nó với mầu nhiệm Đức Kitô. Chính trong mối tương quan này chúng ta tìm thấy sự biện minh cho lời quả quyết của Tổng Tu Nghị Đặc Biệt: “Đối diện với những vấn đề phức tạp chúng ta phải giải đáp, chúng ta hoàn toàn xác tín về nhu cầu phải đổi thay, nhưng chúng ta cũng hoàn toàn ý thức rằng điều ấy sẽ là kết quả của một não trạng mới, của sự sẵn sàng nhận ra ‘những dấu chỉ thời đại’, và sự trung thành với Phúc Âm và tinh thần Don Bosco.”[396] Qua chứng tá và lời nói, cha nhằm biến lời của Don Bosco về khó nghèo thành sự thực: “Các con hãy có đức khó nghèo trong lòng.” Để có thể kiện cường thái độ tinh thần này, cha phải biết làm thế nào giải thích đời sống hàng ngày, một đời sống có các nguyên tắc là sự khắc khổ và hy sinh, như một diễn tả về đức khó nghèo Phúc Âm. Hiến luật chúng ta nói về người Salêdiêng: “Nếu tình trạng khó nghèo có thể tạo nên cho họ những bất tiện và đau khổ, họ hãy vui mừng là vì có thể chia sẻ được với những người nghèo những chúc lành của Chúa đã hứa.”[397] Cha cũng phải coi như là những diễn đạt của khó nghèo: sự trung thành học hỏi và làm việc, kể cả việc tay chân như là phương tiện để tự kiếm sống; hoàn toàn sẵn sàng để chu toàn sứ mệnh Salêdiêng cho giới trẻ (“Ước muốn sống an nhàn và dễ dãi là mối đe dọa trực tiếp đến sự trung thành và lòng quảng đại tông đồ của họ;”)[398] chia sẻ quảng đại và vui vẻ; hiểu biết người nghèo và giới lao động cũng như cố gắng cảm thông với họ, tạo nên mối tương quan cởi mở và bằng hữu với họ, tham gia đấu tranh để giải phóng họ;[399] phục vụ các nhu cầu của xã hội loài người như một ưu tiên.[400]

3.4. Mối liên hệ giữa các lời khuyên Phúc Âm với sứ mệnh chúng ta.

   Đúng là chúng ta dần dần hiểu biết giá trị Phúc Âm của việc tuyên khấn tu trì chúng ta qua lời cầu nguyện và sự hiệp thông huynh đệ với các anh em chúng ta; nhưng kinh nghiệm của chúng ta trong việc tông đồ cũng giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của nó.

   Hiệp thông huynh đệ và việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm được sống trong bối cảnh và hòa hợp với những đòi hỏi của công việc tông đồ cần phải hoàn thành, làm giầu cho chính công việc tông đồ. Các yếu tố này có ảnh hưởng lẫn nhau. Giữa chúng có một sự hòa hợp hỗ tương.[401]

   Tất cả những điều này có nghĩa là cha phải có một kinh nghiệm thiêng liêng về sự kiện này. Cha cần ân điển phân định sự thật. Cha cần các ân điển khôn ngoan và tiên tri hầu có thể cảm nhận chân lý và thông truyền chân lý theo một cách thức mà đến nỗi các hội viên được Chúa trao phó cho cha có thể liên lỉ nhóm lên trong họ nhiệt tình đức ái.[402]

CHƯƠNG 5:

SINH ĐỘNG VÀ CAI QUẢN CỘNG THỂ TÔNG ĐỒ SALÊDIÊNG

Đức ái mà cha được mời gọi để chủ sự và là người sinh động hàng đầu trở thành “đức ái mục tử” Salêdiêng vì phần rỗi giới trẻ.

   Đời sống của mọi người Salêdiêng và cộng thể Salêdiêng giống như đời sống Don Bosco, trở thành “vừa tu sĩ vừa tông đồ cách bất khả phân.”[403] Mỗi chiều kích này bao gồm và ảnh hưởng hỗ tương đến chiều kích kia.

Và bởi vì Hệ Thống Dự Phòng diễn đạt đầy đủ nhất tính thống nhất của tất cả những khía cạnh này trong đời sống Don Bosco, nên cổ xúy và tái thực hiện Hệ Thống ấy là lối đường các hội viên phải theo nếu họ là “nhà giáo dục đức tin trong mọi lúc.”[404]

   Ta phải thắng vượt những khó khăn liên quan đến sứ mệnh hoặc trong Tu hội hay ngoài Tu hội. Hoạt động mục vụ của chúng ta phải được điều phối cách có trách nhiệm với những người xây dựng Hội Thánh theo nhiều cách khác nhau, và với những người trong xã hội làm việc cho cùng những mục tiêu đó, ngay cả với một mức độ hạn chế. Điều này giúp chúng ta hoàn thành sứ mệnh cách hữu hiệu hơn. Bằng cách này chúng ta ý thức về căn tính của mình và giúp nhau rộng mở trước những ân điển ta có, hầu chúng ta có thể cùng nhau làm việc xây dựng Hội Thánh.

  • DON BOSCO MỘT NGƯỜI CÓ MỘT NHÂN CÁCH HỊA HỢP

   Bất kỳ ai biết về đời sống Don Bosco đều ấn tượng vì nhân cách hòa hợp tốt đẹp của ngài. Chúng ta, các Salêdiêng “chiêm ngắm nơi ngài sự hòa hợp sáng chói của ân sủng và bản tính. . . Ngài sâu xa là một con người và sâu xa là người của Thiên Chúa. Hai khía cạnh này hòa hợp với nhau trong một kế hoạch (đời sống) làm cho đời sống ngài thành thống nhất: làm việc cho giới trẻ.”[405]

   Đây chắc chắn là một trong những nét nổi bật của ngài, một nét được sự khởi hứng và ân sủng của Thiên Chúa làm cho mạnh hơn. Thật vậy, đó thật thiết thân với phong thái ngài để cổ võ sự hòa hợp và cộng tác giữa mọi người, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ chế, và sự thống nhất của các mục tiêu giáo dục (học hành, sức khỏe, sự thánh thiện) để phục vụ nhân vị và những nhu cầu khác nhau của họ (lương thực, văn hóa, đức tin). Chính cách thức trong đó ngài thiết lập mối tương giao với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi và sai ngài đến giúp đỡ giới trẻ, cho ta một trực giác vào tính chất thiêng liêng của ngài. Từ giấc mơ chín tuổi, ngài nhìn xem Thiên Chúa là một người Cha hằng hiện diện với ngài. Sự kiện là ngài cảm thấy được kêu gọi để làm việc vì phần rỗi các linh hồn thúc đẩy ngài ưa dùng tước hiệu ‘Đấng Cứu Độ’ khi cầu nguyện với Thiên Chúa.[406] Điều mới mẻ về Don Bosco chính là cách thức đặc biệt của ngài nhìn lên Thiên Chúa là Cha và Đấng Cứu Chuộc đồng thời trong Thiên Chúa thấy chính mình là người tôi tớ trong Kinh Thánh, vốn không thể khước từ đảm nhận sứ mệnh của mình. Thái độ nội tâm liên lỷ của ngài là đây. Ngài thường diễn tả nó trong hình thức cầu nguyện đơn sơ và trực tiếp, trong những ao ước của ngài, trong hướng ngài hoạt động, trong việc hiến thân cho công cuộc của mình, trong sự đón nhận khiêm tốn mọi khó khăn, nhọc mệt và trong cách thức ngài đối diện với chúng, trong tính cụ thể (hiện thực) của các phán đoán cũng như các dự phóng của ngài và trong sự lạc quan thanh thản của ngài. Ngài diễn tả và giải thích cho Đaminh Savio về lối đường độc đáo này của mình vào năm 1854.[407] Đây là cách thức ngài thống nhất trong lối sống của chính mình “sự hiện diện mãnh liệt của Đấng kêu gọi và niềm vui được là dụng cụ của Ngài” mà những tài liệu nhằm canh tân của chúng ta nói đến.

  • HỆ THỐNG DỰ PHỊNG, BẢN TỔNG HỢP V SỰ THỂ HIỆN ƠN GỌI SALÊDIÊNG

   Hệ Thống Dự Phòng diễn đạt ý nghĩa nhất các khía cạnh khác nhau của toàn đời sống cá nhân và tông đồ của Don Bosco. Điều này quá đúng đến nỗi cha Caviglia cân bằng hai vế: Hệ Thống Dự Phòng là Don Bosco. Việc đào luyện các Salêdiêng tiên khởi hệ tại chính ở việc học sống và thực hành Hệ Thống Dự Phòng và điều này cũng là truyền thống trong việc đào luyện các thế hệ tiếp theo. Cha Albera dựa trên truyền thống xa xưa khi viết: “Hệ Thống Dự Phòng là hiến chương, Magna Carta, của Tu hội chúng ta.” Cha Rinaldi thường xuyên nhắc lại cho các hội viên trẻ: “Một người Salêdiêng hoặc là người Salêdiêng chân chính hoặc không là gì hết; hoặc là người Salêdiêng của Don Bosco hoặc không là chi cả; nếu chúng ta học đòi Don Bosco và đem Hệ Thống của ngài ra thực hành, chúng ta sẽ thực sự là con cái ngài; bằng không, chúng ta chẳng là gì cả, công việc của chúng ta sẽ vô ích và chúng ta sẽ đi trệch đường.”[408]

   Khi xét mình trong Tổng Tu Nghị 21, Tu hội khảo sát những lý do khiến cho “những kinh nghiệm tiêu biểu về Hệ Thống Dự Phòng bị mờ nhạt, nếu không phải là biến mất hoàn toàn (ít nhất là ở một số miền).”[409] Sau khi liệt kê một loạt những nguyên nhân văn hóa mà chắc chắn có ảnh hưởng, tài liệu đi đến kết luận này: “Một nguyên do triệt để hơn cả có lẽ là sự suy thoái về căn tính và sức sống tu trì của người Salêdiêng mà không thể không can dự đến Hệ Thống Dự Phòng, vì thấy rằng trong đó, Don Bosco “cô đọng lại cho các con cái ngài tất cả khoa linh đạo và hoạt động tông đồ của ngài.”[410]

   Đối với chúng ta, bản tổng hợp về sứ mệnh và sức sống tu trì có nghĩa là Hệ Thống Dự Phòng.

Điều đó cũng đã xảy ra trong trường hợp của Don Bosco, và ngài hiểu điều gì đang xảy ra. Cha Ceria thực sự đúng khi viết: “Để diễn tả cách vắn gọn, Hệ Thống của Don Bosco đem lại những học sinh tốt bởi vì trước tiên nó đem lại những nhà giáo dục tốt lành.”[411] “Vì thế người Salêdiêng của Don Bosco không thể hiểu đúng ý nghĩa của sứ mệnh mình mà không suy tư nghiêm chỉnh Hệ Thống giáo dục mục vụ mà Don Bosco để lại cho chúng ta như một gia sản quý báu.”[412]

   Tình trạng thúc Don Bosco viết thư cho cha Costamagna liên quan đến Hệ Thống Dự Phòng.[413] Các Salêdiêng tiên khởi ở Achentina thấy rất khó khăn áp dụng Hệ Thống Giáo Dục Dự Phòng. Chính Don Bosco can thiệp bằng gởi một lá thư cho những người liên hệ hầu làm minh tỏ các vấn đề và đặt vấn đề thẳng thắn. Theo một ghi chú trong Epistolario,[414] lá thư này cho thấy rõ ràng Hệ Thống Dự Phòng quan trọng biết bao trong trí Don Bosco và như thế nào các Salêdiêng ở những nơi xa xôi đảm bảo cho người cha tốt lành của họ bằng những phản ứng của mình rằng họ đã hiểu đúng điều ngài nhấn mạnh. Ghi chú viết: “Sự phong phú thiêng liêng và vật chất sau này của tỉnh dòng Achentina được qui gán cho những hiệu quả của lá thư này. Không chỉ giám tỉnh song cả những người khác viết thư cho Don Bosco để cám ơn ngài, sau khi đã chép lại lá thư ấy. Một vài Salêdiêng cảm thấy có tội vì đã không thực thi Hệ Thống Dự Phòng; họ thấy mình đặc biệt khó giữ bác ái khoan dung và kiên nhẫn, nên đã buộc mình khấn hứa thực thi hệ thống ấy; họ có thói quen canh tân lại lời khấn này mỗi tháng vào ngày dọn mình chết lành.” Đó là lời khấn thứ tư của người Salêdiêng khi Don Bosco vẫn còn sống!

   Ngày nay nữa như một ân huệ đặc biệt, Hệ Thống Dự Phòng sẽ thống nhất và mang lại ý nghĩa cho đời sống và hành động của các hội viên của cha, nếu Hệ Thống thực sự được đem ra thực hành: “Nó có thể trở thành một trong những sự đổi mới mà các Salêdiêng là những người cổ xúy đặc trưng của chúng trong cuộc gặp gỡ giữa Giáo Hội và giới trẻ.”[415]

2.1. Tái sinh động Hệ Thống Dự Phòng để chu toàn sứ mệnh của chúng ta

   Đôi khi các giám đốc tra hỏi với một sự nhấn mạnh nào đó: “chúng tôi có nhiệm vụ phải làm gì?”

   Họ hình như yêu cầu những giải pháp rõ ràng cho những vấn đề tức thời; nhưng không thể cung cấp cho họ bởi vì chúng ta đang bàn đến Tu hội trên bình diện thế giới lớn rộng; nơi đó chúng ta chỉ có thể cống hiến những hướng dẫn tổng quát. Cha phải đảm bảo rằng chính mình hiểu rõ những khó khăn và mức độ chúng tác động đến hoàn cảnh địa phương. Cha phải thâm tín rằng ở đó là những lý do vững chắc để có được một kế hoạch chương trình mục vụ và giáo dục trên cả hai bình diện tỉnh và địa phương hầu cha có thể thông giao cách thuyết phục sự thâm tín này cho những người không có nó. Cha phải biết ta phải miêu tả được những giá trị nào trong kế hoạch này cũng như những tiêu chuẩn phải hướng dẫn chương trình mục vụ hầu nó sẽ phù hợp với những nhu cầu thực sự. Cha phải ao ước mãnh liệt là phải làm thành của mình những hỗ trợ mà nhà Trung Ương hay ban cố vấn tỉnh cũng như các ban ngành của tỉnh dòng đã cung cấp sẵn.

Đâu là những khó khăn lớn ta kinh nghiệm?

Khó khăn thứ nhất nảy sinh ra do chính bản chất của kế hoạch mục vụ này. Nó là một sơ đồ bỏ ngỏ, được phác họa để đáp ứng những vấn đề “theo những nhu cầu thời đại”. Thật dễ hiểu, tính chất uyển chuyển của kế hoạch ấy cũng là một nguồn khó khăn, bất khả tránh né. Nó cũng là lối đường đối với Don Bosco. Hệ Thống Dự Phòng là kết quả của 45 năm ngài ở giữa những người trẻ. Đó là kết quả do ngài suy tư trên nhiều sáng kiến và dự phóng vốn được bắt đầu và trương rộng liên lỷ do những hoàn cảnh tôn giáo và con người đương thời cũng như những yếu tố bên trong và bên ngoài, giữa năm 1841 và 1888.

Từ thời đó trở đi, kế hoạch mà Don Bosco coi như kinh nghiệm của ngài phải được chuyển giao[416] và được những người khác làm sống lại[417] một đàng sẽ liên lỷ phải kính trọng những giá trị thường hằng của nó và đàng khác, sẽ phải làm cho nó giầu thêm do tiếp xúc thực tiễn với những điều kiện và kinh nghiệm của người trẻ: do đó những giá trị này mặc lấy một màu sắc địa phương và hình thành nên một dự phóng hợp thời đại.[418]

Vì thế đó là một kế hoạch liên lỷ đang hình thành. Theo một nghĩa nó thay đổi bởi vì những người trẻ thay đổi dưới diện tuổi tác, hoàn cảnh, thời đại, nơi chốn và văn hóa. Nhưng nó là một kế hoạch có thể đáp ứng những người trẻ và cứu độ chúng, cho dù bất kể chúng là gì và ở đâu. Phẩm chất của hệ thống cũng đòi hỏi chúng ta nỗ lực nhiều, theo nghĩa rằng sự giao tiếp có hiệu quả với giới trẻ được xây dựng chầm chậm và đòi phải “làm việc không mệt mỏi” như Don Bosco không ngừng lập lại. Nỗ lực lớn lao này là sự thiết yếu đầu tiên, lớn lao nhất và khó khăn nhất trong việc áp dụng đầy đủ Hệ Thống Dự Phòng.

Chính trong ý nghĩa và viễn cảnh này mà cha phải là một người hướng dẫn mục vụ.

Một cách chuyên biệt hơn nó có nghĩa rằng cha phải “gìn giữ và canh tân lòng trung thành của các hội viên đối với những nguyên lý của Hệ Thống Dự Phòng.”[419] Những yếu tố mà cha phải canh tân là những đặc tính thuộc về trạng huống; chúng phải đi kèm với những yếu tố thường hằng mà cha luôn luôn gìn giữ.

Thực tế là di sản này của chúng ta nay đang ở trong tình trạng mới vốn kéo theo những nguy hiểm và những viễn cảnh mới. Nó đòi phải nghiêm chỉnh suy tư và cố gắng canh tân thực sự.

Cha không khó để cá nhân hóa những yếu tố thay đổi bởi vì hằng ngày cha tiếp xúc với chúng. Một số yếu tố ở trong chính Tu hội, chẳng hạn sự bành trướng có tầm vóc thế giới của Tu hội vào những bối cảnh lịch sử và địa dư khác nhau; những sự hiện diện khác nhau đòi hỏi, vai trò mới mà người Salêdiêng được mời gọi đảm nhận trong một cộng đoàn giáo dục và khoảng cách ngày càng tăng với những cội nguồn chúng ta theo thời gian và văn hóa.

Những yếu tố khác ở bên ngoài Tu hội, nhưng cũng ảnh hưởng đến sự cam kết giáo dục của Tu hội. Giữa những yếu tố này là tình trạng mới của giới trẻ tân tiến, là sự hiện hữu của nhiều cơ quan giáo dục, là sự tiến hóa đang tiếp tục trong những cơ chế này mà đòi hỏi đa nguyên, sự tự do và sự tham gia; và sau cùng sự tăng trưởng của khoa sự phạm như một khoa học có nhiều kế hoạch giáo dục khác nhau cùng lúc.[420]

2.2. Một chiến lược để tái sinh động

Các hội viên của cha gặp phải những khó khăn này và những khó khăn khác; một số có lẽ mang tính chất địa phương, và vì thế được cảm nghiệm sâu sắc hơn. Những khó khăn như thế rất là thực, trước tiên bởi vì tới một mức nào đó chúng mang dấu vết của văn hóa và hoàn cảnh thực tiễn mà từ đó chúng phát sinh, nhưng cũng bởi vì chính những người trẻ (mặc dầu đôi khi với một cách thức lộn xộn, thô kệch và gây lúng túng)[421] đặt ra một loạt vấn đề vốn không thể để người Salêdiêng yên, bởi lẽ họ biết rằng họ không có quyền coi thường những vấn đề như thế chỉ để họ sẽ không phải thay đổi hay chính mình bị thay đổi.

  1. Đâu là những thái độ và nguyên lý mà các hội viên cần để tái sinh động kế hoạch giáo dục của Don Bosco?

Trước tiên họ phải thực sự muốn một kế hoạch và họ phải quyết định triển khai kế hoạch của họ. Họ cần phải chia sẻ ý thức rằng có kế hoạch thì mới đem lại lợi ích lớn. Nhờ một kế hoạch như thế, họ có thể xác định họ đang nhắm đến điều gì trong công tác giáo dục của họ. Họ trao ban cho nó tính liên tục và giải phóng nó khỏi mối nguy hiểm là sự ương bướng dễ dãi; họ làm cho kế hoạch ấy thành có thể đối với những người có liên hệ để cùng cộng tác trong một khung là cùng chia sẻ những mục tiêu. Họ tăng cường nơi mình cảm thức thuộc về, và họ đồng ý để thừa hưởng cùng những nguyên tắc hầu đánh giá những hoạt động và các biến cố.

Trong thực tế ta có thể làm được việc tái sinh động ấy nhờ có những tiêu chuẩn rõ ràng và chân chính. Cộng thể của cha phải đặt việc hoạch định dựa trên những kinh nghiệm và những nhu cầu thực sự của giới trẻ.[422] Cộng thể phải ý thức về mối liên hệ giữa những nhu cầu này, lời Thiên Chúa và tiếng gọi của mình.[423] Cộng thể không được coi nhẹ thực tại và phải cụ thể chú ý đến những dấu chỉ thời đại.[424] Cộng thể rộng mở trước những giá trị tích cực,[425] nhưng cũng phải tỉnh thức.[426] Khi bị những tình huống khác nhau thách đố, cộng thể phải lợi dụng đầy đủ thứ sáng tạo vốn là hoa quả của đức ái mục tử và cảm thức mục vụ;[427] cộng thể phải thỉnh thoảng xem xét bước tiến của mình cách có hệ thống.

Những tiêu chuẩn này, xét như toàn thể, nảy sinh nhiều cách thức sống sứ mệnh Salêdiêng khác nhau. Dầu sao ta liên lỷ kính trọng những nguyên lý cơ bản của sự thống nhất đối với những người mà chúng ta làm việc cho, những mục tiêu của chúng ta và những phương pháp đặc biệt mà phong thái hoạt động mục vụ của chúng ta đòi hỏi.

Chúng ta vẫn phải xét ba khía cạnh khác có tầm quan trọng sư phạm và được nhấn mạnh trong các tài liệu về sự canh tân của chúng ta: đời sống bí tích và phụng vụ, lòng sùng kính Đức Mẹ và sự cam kết của chúng ta cho huấn giáo. Chúng ta cũng sẽ khảo sát một số những chỉ dẫn có tính chất phương pháp vốn gắn liền với phong thái giáo dục của chúng ta: môi trường, chiều kích ơn gọi, việc hộ trực, khía cạnh nhóm và sự tham gia cộng thể.

  1. Ba khía cạnh

Ba khía cạnh được nói đến ở trên nhấn mạnh đến sự kiện là kế hoạch giáo dục của chúng ta rõ ràng là một kế hoạch Kitô hữu mà khiến giới trẻ tăng trưởng tới mức độ cao nhất có thể được, nghĩa là, tới sự thánh hóa chúng. Chúng ta đang qui chiếu đến một loại tăng trưởng hài hòa vốn lưu tâm đến nhân vị với những vấn đề của hoàn cảnh trong đó họ sống; sự tăng trưởng này có tính cách tiệm tiến, và bao gồm sự phát triển nhân bản cũng như thiêng liêng nơi mỗi cá nhân theo những đường lối khác nhau và trong một bầu khí tự do hữu vị.

Là giám đốc, “do bởi việc thụ phong linh mục và kinh nghiệm mục vụ của cha,”[428] cha được kỳ vọng có thể giúp các hội viên của cha tránh được nguy hiểm là họ để cho khía cạnh nghiệp vụ của đời sống thống trị khía cạnh mục vụ, Tất cả chúng ta biết về những cộng thể chỉ nhấn mạnh đến một chiều kích trong sự cam kết của họ. Sự quân bình thì rất quan trọng, dù nó rất tế nhị và không dễ đạt đến.

Biết cách đạt được sự quân bình này là một nghệ thuật và một ân sủng được thông ban qua kinh nghiệm đời sống thực sự và giao tiếp cá nhân. Thừa tác vụ của cha đòi cha phải hoàn thành việc ấy bởi cha là người “hướng dẫn công cuộc giáo dục và sự phát triển nhân bản.”[429]

  • Đời sống bí tích và phụng vụ

“Tổng Tu Nghị 21 hãy khảo cứu xem trong thực hành, nền giáo dục Salêdiêng Don Bosco vẫn còn dựa trên các bí tích hay không, và Tổng Tu Nghị này hãy đưa ra những hướng dẫn cần thiết để bảo đảm cho lòng trung thành của chúng ta trong vấn đề cốt yếu như thế”. Đây là cách thức các hội viên nói lên một số quan tâm của mình trong những lược đồ tiền Tổng Tu Nghị.

Cha biết rất rõ rằng đối với Don Bosco mục tiêu của giai đoạn đầu tiên trong tiến trình giáo dục là cho các thanh thiếu niên gặp gỡ Đức Kitô, Nhà Giáo Dục, qua các bí tích. Các bí tích không được tách khỏi, song cắm sâu vào việc giáo dục cách sinh động. Có một sự đồng ý liên tục về loại tiếp cận này; bù lại các bí tích làm cho công việc giáo dục được dễ dàng và hữu hiệu hơn.

Sự kiện là ngày nay trình bày và đạt được cùng một sự tham dự đó vào các bí tích thì khó khăn hơn không có nghĩa rằng chúng ta ngừng cống hiến cơ hội ấy. Lối tiếp cận sư phạm của chúng ta dĩ nhiên phải là một lối tiếp cận nhân ái và thân tình, nhưng ta phải thực hiện lối tiếp cận ấy. Don Bosco khuyên chúng ta thế này: “Con hãy khích lệ, con hãy làm cho việc lãnh nhận các bí tích nên dễ dàng; con hãy tỏ cho thấy vẻ đẹp và sự vĩ đại của đạo giáo, hãy làm thế nào đến nỗi các thanh thiếu niên được tự phát kéo đến với các bí tích, nhưng không ép buộc chúng.”[430]

Năm phụng vụ là một cơ hội ngoại thường để tăng trưởng đạo giáo. Cha đừng xao nhãng sử dụng nó. Một cộng thể trẻ trung không thể sống mà không có bầu khí lễ lạc. Những lễ trọng của Kitô giáo là biển chỉ đường trong đời sống cộng thể. Một sự chuẩn bị về phương diện giáo lý và thiêng liêng phải dẫn đến các lễ ấy.

Việc cử hành thực sự phải hàm ẩn việc xin mọi người can dự vào những hoạt động phụng vụ, giải trí và văn hóa. Ta cần tạo nên một khoa sư phạm mới mẻ và toàn diện: khoa sư phạm của ngày lễ.

  • Lòng tôn sùng Đức Mẹ

Đức Mẹ đào luyện Don Bosco về phương diện thiêng liêng và theo cách này chuẩn bị ngài cho sứ mệnh đối với giới trẻ. “Chúa Thánh Thần đã làm trỗi dậy Don Bosco, qua sự can thiệp từ mẫu của Mẹ Maria, để cứu rỗi giới trẻ, thành phần quý báu đầy hứa hẹn nhưng cũng là thành phần mỏng dòn của xã hội.”[431]

Kinh nghiệm cá nhân của Don Bosco nâng đỡ niềm thâm tín của ngài về giá trị giáo dục của lòng sùng kính Đức Mẹ và vai trò quan trọng Mẹ đảm nhận trong sự tăng trưởng đời sống ân sủng của một linh hồn. Kinh nghiệm của chính mình phải làm cho cha có thể hình thành nên cùng một niềm xác tín này. Đức Maria là “Mẹ của ân sủng” và đi kèm với sự phát triển của đời sống ân sủng ngay từ lúc khởi đầu; Mẹ phù hộ các Kitô hữu và dõi theo người trẻ được tháp nhập vào trong Giáo Hội; Mẹ có uy quyền để là một lý tưởng và một khuôn mẫu Tin Mừng; Đức Maria là một người mẹ và giới trẻ thấy cần Mẹ chở che và trợ giúp trong cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi. Những nghiên cứu hiện đại về thần học làm ta dễ hiểu hơn vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu rỗi, trong đời sống Giáo Hội, trong mầu nhiệm cá nhân của Đức Kitô cũng như trong đời sống chúng ta và các người trẻ.

  • Chúng ta ưu tiên cam kết cho huấn giáo

Nhờ việc loan báo mầu nhiệm Kitô giáo, qua những trực giác sâu xa hơn về đức tin mà ta dần dần phải có trong sự tăng trưởng trong Thần khí, qua sự học hỏi chín chắn về những tình trạng hiện đại và những chủ nghĩa của nền văn hóa hiện đại, cha cùng các hội viên và các thanh thiếu niên phải đạt được một sự lãnh nhận các bí tích cách ý thức và tham dự cách thâm tín hơn vào mầu nhiệm của Đức Maria, hầu trở nên một với Đức Kitô.

Để đạt được mục đích này, cha được mời gọi để:

– “Hiến mọi nỗ lực cho hoạt động huấn giáo;

– Hướng dẫn các cộng đoàn giáo dục và mục vụ đạt tới một sự hiểu biết sâu xa hơn về sứ điệp cứu độ qua huấn giáo, được tổ chức một cách hệ thống chứ không phải chỉ thỉnh thoảng mà thôi;

– Chú ý đặc biệt đến phương tiện mà dần dần đưa đến việc cổ võ một sự trưởng thành Kitô hữu đầy đủ và những cam kết ngày một hơn vào xã hội dân sự và cộng đoàn Giáo Hội.”[432]

  1. Một vài chỉ dẫn mang tính phương pháp luận

Kinh nghiệm và suy tư khiến Don Bosco nhấn mạnh môi trường như phương thế và khung cảnh giáo dục, và chiều kích ơn gọi như yếu tố thống nhất hóa trong nhãn quan toàn diện về giáo dục, bởi vì nó cung cấp những động lực cho tất cả mọi chọn lựa khác mà người ta phải làm trong bối cảnh của môi trường đó.

  • Một môi trường tươi sáng và mãnh liệt của sự tham gia và của những mối tương quan huynh đệ, bằng hữu và chân thành.[433]

“Hệ Thống Giáo Dục Dự Phòng đòi hỏi một môi trường tươi vui là sự tham gia mãnh liệt và những mối tương quan huynh đệ, bằng hữu và chân thành.”[434]

Don Bosco có một nhân cách hấp dẫn và một uy lực đối với các thanh thiếu niên của ngài đến nỗi ngài có thể ràng buộc chúng với chính mình bằng điều này mà thôi. Tuy nhiên, ngài liên lỉ quan tâm tạo nên một môi trường giáo dục thích hợp.

Ngài lợi dụng nhiều chi tiết bé nhỏ đến nỗi chúng giúp tạo nên một bầu khí. Ngài quan tâm đến mọi sự, từ phong thái trang hoàng những phòng khác nhau đến sự khôn ngoan tin tưởng những thiếu niên thật sự là những gương mẫu; từ những áp-phích mà giúp cho thanh thiếu niên từ từ hiểu chính mình hơn và có được một hình ảnh về chính mình tốt hơn cho đến cách thức cộng thể cầu nguyện; từ những phương pháp dạy giáo lý đến những loại thể thao mà chúng dấn thân vào; từ sự kiểm soát ở bình diện ganh đua trong hoạt động giải trí cho đến nỗ lực bỏ đi mọi hình thức hời hợt và xao nhãng bổn phận.

Vì cha chịu trách nhiệm cổ võ sự hiệp nhất, nên trách vụ chính yếu của cha là đảm bảo tạo nên được một môi trường giáo dục thực sự. Đây là một vài mục tiêu mà như một giám đốc cha phải nỗ lực vươn đến.

  • Nên bỏ đi những lối tiếp cận nệ hình thức

Điều gây hại nhất cho những tương giao giáo dục là tính hời hợt và quá hình thức. Giáo dục trở thành không thể được khi nó liên kết với những thái độ và hành vi bên ngoài mà có tính chất bàn giấy quan liêu; khi “những bộ luật lạnh lùng thay cho đức ái,”[435] theo lối nói của Don Bosco; khi việc tuân giữ bên ngoài là tất cả những gì nhà giáo dục quan tâm đến. Trong những trường hợp này, thiếu vắng những mối tương giao hữu vị thực sự, việc chia sẻ những quan tâm chung, và những chương trình được cùng nhau hoạch định và không thể có được cái gia đình Don Bosco muốn.

  • Phải có một sự thông truyền các giá trị và chân lý

Một môi trường giáo dục tốt kéo theo sự hiện diện của những khuôn mẫu về những thái độ mà chứng từ về chúng đảm bảo giá trị của kế hoạch đời sống được cống hiến và đảm bảo sự thành công của những cam kết được thực hiện.

  • Phải có một tương quan với thế giới

Một phương pháp giáo dục nhấn mạnh đến môi trường như một yếu tố chủ chốt sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thế giới trong đó chúng ta sống và cổ xúy phải kính trọng nó, phê phán nó cách tích cực và cam kết làm cho nó nên tốt hơn. Đồng thời phương pháp đó cũng nhắm sử dụng năng lực bên trong và những phương thế thích hợp để chống lại và ngăn cản sự biến dạng và thao túng. Nhà giáo dục cố gắng tạo ra quanh mình một khu vực hấp dẫn trên phương diện giáo dục[436] mà khiến những người mà họ làm việc cho tiến về một nẻo đường chung. Theo phong thái Salêdiêng điều quan trọng không phải là tách biệt nhưng là đem lại với nhau “trong một kinh nghiệm năng động độc đáo các nhà giáo dục (như cá nhân và cộng thể) lẫn các học sinh, các chương trình và các phương pháp.”[437] Chúng ta có thể nói rằng chúng có nguồn gốc chung trong giấc mơ 9 tuổi và chúng cùng sống và phát triển với nhau.

  • Phải lập những nhóm trẻ

“Cổ xuý việc hình thành những nhóm trẻ là một chiều kích bất khả thế của lối tiếp cận dự phòng và nổi tiếng của Don Bosco đối với giáo dục.”[438] Chính ngài viết về điều này trong một thư luân lưu cho các Salêdiêng: “Trong mọi nhà mỗi hội viên phải làm hết sức để cổ võ những nhóm tông đồ nhỏ. . . Đừng ai sợ nói về những nhóm đó, khuyên gia nhập các nhóm đó, cổ võ chúng và giải thích các mục đích của chúng… cha tin rằng những nhóm như thế có thể được gọi là chìa khoá cho lòng đạo đức, bảo vệ cho luân lý và nâng đỡ cho những ơn gọi linh mục và tu sĩ.”[439]

Cách thức ấy tương ứng với ước ao của Don Bosco mong mỏi chúng ta tỏ ra quan tâm đến nhóm trẻ này lệ thuộc vào thời đại và hoàn cảnh đổi thay; những nhóm ấy Don Bosco rất tin tưởng. Ngày nay, người ta không yêu cầu sao chép một cách vật chất (máy móc) một công thức đặc thù nào. Chúng ta phải triển khai một trực giác thực tiễn và [thật sự] hiện thực vào trong lối bước giáo dục và mục vụ của ngài, và theo kịp những ứng dụng mới mẻ các nguyên lý của ngài[440] theo loại công việc mà chúng ta dấn thân vào.

Một khi cha đã nắm được những nét chính của môi trường giáo dục mà Don Bosco tạo nên, cha có thể hiểu sâu hơn về nó bằng cách tra hỏi xem tại sao ngài lại muốn nó cách đặc biệt như vậy.

Đối với Don Bosco môi trường là một sức mạnh giáo dục. Cha hãy gọi đó là “sân chơi”, nếu cha thích, hay “hội lành” (một nhóm do thanh thiếu niên sáng lập cho các thanh thiếu niên) hay “lễ hội gia đình”.

Đối với ngài, nó có nghĩa là nhận biết rằng người trẻ và các nhà giáo dục cần phải ở với nhau và cùng nhau sống một tiến trình giáo dục. Kinh nghiệm dạy cho ngài rằng thanh thiếu niên dễ dàng hơn chọn được nhiều thái độ và mẫu sống, nếu được thông truyền trong một bầu khí tự phát của cuộc sống hằng ngày. Trong bối cảnh này, ta dễ dàng hiểu được tầm quan trọng của “hộ trực” – sự hiện diện thân tình.[441]

“Hộ trực” có nghĩa là ở với trẻ. Nó là sự hiện diện chia sẻ, tham gia và tỏ ra quan tâm. Nó là một loại liên đới thiên về giới trẻ, có thể nói như thế: “Ở đây, giữa các con, cha cảm thấy thoải mái, thật sự đời cha là ở với các con.”[442] Đó là một sự hiện diện cứu độ nhằm thông truyền những ơn ích của Thần khí qua sự tín nhiệm và tình bạn.

Môi trường ấy cũng đáp ứng nhu cầu của Don Bosco là cần có những hỗ trợ về cơ cấu cho hệ thống của ngài. Môi trường cung cấp những kế hoạch và những kinh nghiệm thực tế, mà nâng đỡ hoạt động giáo dục trong những chọn lựa khác nhau của nó. Có những cơ cấu và những giá trị giáo dục, vốn đi kèm với tiến trình làm cho chín muồi dần dần, trong mối tương quan hài hòa với nhau, vì giúp cho mỗi người tiến lên theo nhịp bước tự nhiên của họ.

Một lối tiếp cận giáo dục lành mạnh đòi hỏi rằng những người được giáo dục dần dần đào sâu động cơ cho thái độ bên ngoài của họ qua những kinh nghiệm cá nhân sâu xa.[443] Bằng không, khi một người trẻ rời bỏ môi trường đặc thù trong đó người ấy được giáo dục, thì họ liều bỏ qua một bên những giá trị mà môi trường ấy nhấn mạnh.

  • Chiều kích ơn gọi

Don Bosco thâm tín rằng “không đáng là gì khi dùng quá nhiều năng lực hay tiền bạc để săn sóc một ơn gọi.”[444]

Chính cùng một xác tín này phải thúc đẩy cha khi hướng dẫn nỗ lực giáo dục toàn diện. Đặc biệt trong tiến trình hoạch định và lượng giá, cha phải giúp cộng thể đạt được một tầm nhìn toàn diện và thực tế cho cam kết giáo dục và mục vụ của cộng thể.

Hiến Luật và những công báo của Tổng Tu Nghị Đặc Biệt và Tổng Tu Nghị 21 thường quay lại với đề tài này. Tất cả vạch ra rằng thật không phải là Salêdiêng chút nào khi ta không công bố toàn bộ sứ điệp Kitô hữu vì một sự sợ hãi sai lạc rằng giới trẻ sẽ bị ảnh hưởng quá nhiều trong việc thực hiện điều phải là những quyết định tự do.

Khoản Hiến luật 18 cung cấp một đại cương về một con đường ta có thể theo và trình bày cho người khác: chúng ta cống hiến cho chúng lương thực nuôi xác, huấn nghệ và cả lương thực nuôi lý trí. Chúng ta giúp chúng rộng mở trước chân lý và kiến tạo sự tự do của chính mình. Chúng ta giúp chúng thưởng nếm những giá trị chân thật sẽ đem chúng đến sự thánh thiện Kitô giáo.[445]

Khi một người trẻ có khoé nhìn toàn diện về thực tại, thì những quyết định biệt loại mà họ phải làm có một ý nghĩa đối với người ấy; và họ có thể đạt được một hiểu biết và trân trọng ơn gọi của mình như một con đường họ sẽ theo trong cuộc sống.

  • Cha cũng phải minh nhiên cổ võ các ơn gọi. Đây là một phần toàn diện trong trách vụ của mỗi người Salêdiêng. Hiến luật buộc chúng ta phải tìm kiếm các ơn gọi và giúp thanh thịếu niên và người trẻ tăng trưởng trong ơn gọi của họ.[446]

Don Albera coi làm việc cho các ơn gọi (trong bối cảnh thời đó, ngài nói về ơn gọi linh mục và tu sĩ) là một trong những mục đích của Tu hội chúng ta. “Viên đá góc, trên đó công cuộc của chúng ta dựa vào là các Nguyện xá, hoạt động truyền giáo và làm việc cho ơn gọi: đây là ba mục tiêu mà Đấng Sáng Lập đáng kính thiết định cho những công cuộc của ngài.”[447]

Đây là bổn phận dứt khoát của giám đốc. Don Albera tiếp tục nói: “Trong một vài nhà, người ta quên rằng Don Bosco muốn mọi nhà phải là một vườn ươm mầm ơn gọi cho các địa phận và cho các Tu hội. Theo lối suy nghĩ của ngài, mọi giám đốc đều được giả định thiết yếu là một người vun trồng ơn gọi cách cẩn thận và hữu hiệu. Don Rua trong ký ức lâu bền cũng đồng quan điểm ấy. Mỗi lần, một giám đốc nào đó đến bàn luận với ngài về một điều gì, ngài luôn hỏi xem giám đốc ấy có chuẩn bị một số đông những ơn gọi mới hay không.”[448]

Cuốn Cẩm nang do Don Albera viết có một số điểm rất ý nghĩa về đề tài này. Ngài triển khai từng đề tài trong một chương riêng, nhưng ngài dành hai chương về đề tài ơn gọi tu sĩ. Những trang này vẫn đáng cho chúng ta đọc lại. Chúng chứa đựng ba ý tưởng chính:

– Nuôi dưỡng ơn gọi là vấn đề sinh tử đối với chúng ta;[449]

– Đào luyện những ơn gọi này lệ thuộc rất nhiều vào đời sống gương mẫu và đức ái của các hội viên;[450]

– Giám đốc đừng tìm những lời bào chữa để được miễn khỏi bổn phận rất quan trọng này.[451] Don Albera viết: “Giám đốc hãy hiểu biết sứ mệnh mình cách đúng đắn và hãy nhớ rằng ngài không thể được gọi là người con đích thực của Don Bosco nếu… ngài không bằng mọi cách cố gắng cổ võ số ơn gọi nhiều bao nhiêu có thể trong cánh đồng được Chúa Quan Phòng ấn định cho ngài.”[452]

Chúng ta có một thống kê lý thú mà Don Bosco đã xin các Salêdiêng sưu tập vào năm 1883, năm năm trước khi ngài qua đời. Hơn 2000 thanh thiếu niên đã từng được đào luyện trong nhà Salêdiêng, đã đạt được đến chức linh mục trong các địa phận riêng của họ; ấy là chưa kể đến những người ở lại với ngài để làm việc trong gia đình tu sĩ của ngài.[453] Don Bosco không bao giờ mệt mỏi nói về ơn gọi, dầu ngài làm điều ấy cách rất tế nhị: “Ngài tránh bất kỳ kiểu diễn đạt nào có thể làm người ta hiểu sai như một sự cưỡng chế hay áp lực một ơn gọi trên bất kỳ ai.”[454]

Hơn hết mọi người, ngài không chú ý đến công việc hay phí tổn liên hệ: “Không có gì gọi là tốn nhiều năng lực hay phí tiền trong việc chăm lo ơn gọi. Ta hãy coi số tiền ấy được sử dụng chính đáng.”[455]

Trong bộ Hồi sử, cha sẽ tìm được ba bài “huấn từ tối”[456] cho thấy một cách cụ thể phải nói cho thanh thiếu niên về ơn gọi như thế nào. Những hướng dẫn cụ thể của Tổng Tu Nghị 19 vẫn có thể ứng dụng được trong lãnh vực này.

Tổng Tu Nghị vừa qua của chúng ta cũng yêu cầu chúng ta có một biện pháp trong việc cổ võ những ơn gọi:

– Chúng ta được yêu cầu phải thay đổi từ việc nhấn mạnh đến tìm kiếm và chọn lựa ơn gọi tới việc nhấn mạnh đến phân định và hướng dẫn ơn gọi. Toàn thể tiến trình giáo dục được nhìn xem trong ánh sáng của hướng dẫn ơn gọi và những đòi hỏi của nó. Nhiều việc phải làm để đem lại sự thay đổi này rơi xuống trên vai của giám đốc. Cha phải cổ võ loại nhạy cảm này như là thiết thân với trách nhiệm toàn diện của cha là một người hướng dẫn.[457]

– Chúng ta được yêu cầu phải theo một kế hoạch cộng thể hơn là một tiếp cận tùy dịp và cá nhân. Giữa những lý do khác, đã có quá nhiều một khuynh hướng làm việc cách cá nhân để có được niềm vui là có thể nói: “Người Salêdiêng đó là ơn gọi của tôi”; “Tôi có trách nhiệm về ơn gọi đó.” Đúng hơn, chúng ta phải cùng nhau làm việc để đưa ra những lựa chọn mục vụ, những lối tiếp cận, chương trình và phương pháp giáo dục mà làm thành một sự hướng dẫn ơn gọi thực sự có hệ thống.

– Chúng ta phải vượt xa những cơ cấu (mà có thể sẽ được giữ rất kỹ, nếu được canh tân) và thành công trong việc khiến cho cá nhân và cộng thể nhạy cảm.

Những người chịu trách nhiệm sinh động ơn gọi, còn hơn là những người được ủy nhiệm để làm một số việc, phải là những người sinh động của cộng thể chúng ta và cung cấp cho họ thông tin trong khi liên hệ với những tổ chức của Giáo Hội.[458]

Đây là một điểm chủ yếu. Vấn đề hướng dẫn ơn gọi không bao giờ được mất đi khỏi cộng thể của cha. Cha phải xác định với chính mình một kế hoạch mà sẽ giúp cha hòa hợp công việc của mình với những cơ quan của Giáo Hội địa phương và với những sáng kiến của họ.[459]

  1. Những trách nhiệm của giám đốc

Cha có một số trách nhiệm đặc biệt liên quan đến những mối quan tâm sinh tử này, bởi vì chúng thuộc về chính yếu tính của sứ mệnh chúng ta và liên kết với ơn gọi Salêdiêng đúng thực của chúng ta. Những quan tâm và những giá trị này, dĩ nhiên theo một cách thức tỉ lệ cũng thuộc về cộng thể Salêdiêng thế giới và cộng thể tỉnh. Những cộng thể này phải vạch ra những hướng dẫn mục vụ, những mục tiêu và những đích nhắm giáo dục để đảm bảo được tính thống nhất thực hành và cung cấp một nền tảng cho tiến trình lên kế hoạch và lượng giá những công cuộc và hoạt động tông đồ đa dạng.

Nhưng cộng thể địa phương và người lãnh đạo nó cũng can dự vào; cộng thể phải trình bày chính xác rõ ràng kế hoạch mục vụ thống nhất và có tổ chức cũng như hàng năm duyệt xét lại.

Nhà Trung ương đã chuẩn bị những sự hỗ trợ hữu ích cho mục đích này đối với các tỉnh dòng và một số tỉnh dòng lại đã chuẩn bị những hỗ trợ cho các cộng thể địa phương.

Cộng thể của cha phải cùng nhau làm việc và chia sẻ trách nhiệm để trình bày xác đáng một kế hoạch như thế. Đâu là những điểm chính mà cha phải ghi nhớ, và yêu cầu cộng thể phải tập trung vào trong việc này. Công việc này phải được thực thi và các Salêdiêng phải làm việc này. Nó đòi hiểu biết, nhiệt tâm Salêdiêng và kiên nhẫn.

Phải học hỏi lại kinh nghiệm giáo dục và mục vụ của Don Bosco như được tổng hợp trong Hệ Thống Dự Phòng. Như vậy:

+ Ta phải học hỏi, hiểu biết và thực hành hệ thống ấy cách cụ thể;

+ Ta phải trình bày nó một cách hệ thống như là suy tư có tính sư phạm cho những cộng sự viên giáo dân chúng ta. Ta phải nhập thể nó trong chính đời sống của cộng đoàn giáo dục;

+ Nó phải được so sánh khi bàn luận và đối thoại với những hệ thống giáo dục khác, đặc biệt nếu chúng được sử dụng trong những nơi chốn chúng ta làm việc.

– Sau khi đạt được mục tiêu đầu tiên này, cha sẽ phải trình bày chính xác rõ ràng một kế hoạch giáo dục. Kế hoạch này hòa hợp những trực giác của Don Bosco với những nhu cầu biệt loại của thanh thiếu niên mà chúng ta làm việc cho. Dầu những hoàn cảnh địa phương là gì đi chăng nữa, kế hoạch này phải là một tài liệu Salêdiêng chân thật theo quan điểm giáo dục, được dựa trên huấn giáo, việc đào luyện đức tin, sự tham gia cộng thể và nhóm trẻ.

– Kế hoạch này phải được triển khai trong những nét chuyên biệt và những áp dụng của nó trong một bầu khí của sự tham gia. Đây không phải là vì những lý do chiến lược, nhưng để nó sẽ thật sự đáp ứng được những nhu cầu thực sự, như một dấu chỉ về Giáo Hội và bởi vì tính chất bổ sung của những đặc sủng khác nhau đang bắt đầu hoạt động. Trong cộng đoàn giáo dục, cộng thể Salêdiêng là hạt nhân sinh động, và trách vụ này thật là đa dạng. Nó phải qui tụ toàn cộng đoàn lại và làm cho cộng đoàn ý thức về những mục tiêu giáo dục, phải hướng dẫn tiến trình lên kế hoạch theo một kiểu cách đến nỗi những mục tiêu này trở thành hữu hiệu. Cộng thể phải khơi động lên những nguồn mạch và những động lực ẩn trong tâm hồn của những nhà giáo dục; nó phải giúp họ triển khai một khoa linh đạo đem họ tới gần Đức Kitô, Nhà Giáo Dục, và truyền đạt cho họ những lý do của Tin Mừng để đến gần những người trẻ. Cộng thể ấy phải làm việc cùng với họ để tìm ra những câu trả lời cho những vấn đề giáo dục và văn hóa.

Loại sinh động này kéo theo một sự chuẩn bị và một vai trò hoàn toàn khác với tương quan thầy-trò. Nó đòi hỏi những người dấn thân vào trách vụ sinh động có được một nghệ thuật giáo dục trên lý thuyết cũng như thực hành. Nó đòi phải suy tư và học hỏi cũng như khả năng trình bày hệ thống của chúng ta cách rõ ràng và so sánh nó với những hệ thống khác. Về phía những người sinh động, nó đòi hỏi khả năng làm thư giãn những căng thẳng nảy sinh không thể tránh né được.

Trách vụ sinh động này thuộc về cộng thể Salêdiêng, chứ không chỉ thuộc về giám đốc hay hiệu trưởng hoặc giám học; nhưng giám đốc đóng vai trò chủ chốt trong tiến trình khó nhọc này. Trong khi đồng lao cộng khổ với và như những người khác, ngài phải đóng góp cách có thẩm quyền vào việc trình bày rõ ràng kế hoạch mục vụ, đảm bảo rằng mọi yếu tố của tiến trình giáo dục đều có ý nghĩa mục vụ chân thật và đời sống của các hội viên giữ được yếu tố thống nhất hóa của nó.

Cha có trách nhiệm thông truyền sự thống nhất đời sống này trong lời nói và hành động. Cha sẽ không hiến đức ái mục tử chỉ cho bất kỳ một loại công việc nào hay chỉ thừa nhận một lối hành động nào mà thôi. Cha phải tỏ cho thấy làm việc theo tâm hồn linh mục, sacerdotalis animus, mà Công Đồng Vaticanô II nói đến có nghĩa là gì.[460] Điều thống nhất đời sống của cha là một cảm thức tông đồ và một sự kết hợp thiêng liêng và ý thức với Đức Kitô, Đấng được Cha sai đến, trong cả khi thực thi công việc tông đồ lẫn trong chốn thẳm sâu của tâm hồn cha.[461] Don Albera ý thức rõ là nối kết hai nhu cầu này lại cách hài hoà thật khó khăn biết bao. Ngài cảnh giác các hội viên: “Thật là một tệ hại nếu… do việc giải thích sai lạc những ý hướng của Đấng Sáng Lập, một hội viên phải kết luận rằng để là môn đệ của Don Bosco, có một đam mê đối với người trẻ, một sở thích đối với trường học và một đời sống ồn ào giữa đám thanh thiếu niên là đủ rồi, mà chẳng cần phải chuyên tâm đối với việc thánh hóa bản thân.”[462]

  • ĐỒNG TRÁCH NHIỆM VÀ VIỆC ĐIỀU PHỐI MỤC VỤ TRONG MỘT CỘNG THỂ RỘNG MỞ VÀ Ý THỨC VỀ MỐI TƯƠNG QUAN CỦA CỘNG THỂ TRÊN NHỮNG BÌNH DIỆN KHC NHAU

Chúng ta sống và làm việc như thành phần của Giáo hội, và vì thế, chúng ta hoạt động cách đồng trách nhiệm với tất cả mọi người, xây dựng Giáo hội theo những đường lối khác nhau. Trong Tu hội, chúng ta cộng tác với Tỉnh dòng và với trung tâm ở Rôma ; chúng ta làm việc liên đới với những nhóm khác nhau của Gia Đình Salêdiêng, với Giáo Hội phổ quát và địa phương, với tất cả những người thiện chí, ngay cả cách phiến diện thôi, cố gắng đạt tới cùng những mục tiêu mà chúng ta đang nỗ lực vươn đến. Ta có thể xét hoạt động mục vụ của cộng thể cha ở những bình diện khác nhau:

– Đó là hoạt động của cộng thể Salêdiêng, xét như là một nhóm thực thi một sứ mệnh: “Đời sống cộng thể Salêdiêng được thiết lập để hoàn thành một vai trò tông đồ trong Giáo hội, như một sự nới rộng của đức ái vốn hiệp nhất các hội viên với nhau và với Đức Kitô”;[463]

– Nó là hoạt động được thực thi trong một cộng đoàn giáo dục và mục vụ vốn lưu tâm đến sự hiện diện của các cộng sự viên giáo dân, đặc biệt những người thuộc Gia Đình Salêdiêng;[464]

– Nó là hoạt động của Giáo Hội,[465] không phải theo nghĩa chung chung, nhưng theo nghĩa loại biệt. Cộng thể của cha đồng lao cộng tác với những cơ quan tông đồ và giáo dục khác nhau;[466]

– Nó là hoạt động phục vụ cho Giáo Hội phổ quát, mặc dầu được tháp nhập vào bối cảnh của cộng thể địa phương;

– Nó là hoạt động truyền giáo trong bối cảnh của Giáo Hội phổ quát.

Những mối tương quan này và những dạng thái tiến hành là khung cảnh cho chúng ta hiệp thông huynh đệ và hoạt động tông đồ được hữu hiệu. Chúng cũng là tình trạng, trong đó, cho chúng ta ngày càng hiểu biết hơn về căn tính của mình và cũng là môi trường, trong đó, nó tăng trưởng. Hiển nhiên, cha không thể chịu trách nhiệm đối với những chi tiết của tất cả những tương quan này, nhưng qua công việc sinh động, cha phải đảm bảo rằng chúng được sắp xếp thích đáng và hữu hiệu. Như một chuyện thực tế, những người và những nhóm khác nhau này, trong khi chia sẻ với chúng ta những hồng ân nhân bản và siêu nhiên, nhận ra giá trị của điều chúng ta phải cho và khiến chúng ta chia sẻ giá trị đó với họ.

3.1. Các cộng thể thế giới, tỉnh và địa phương

“Giống như Giáo Hội phổ quát được biểu lộ trong sự đa nguyên của từng Giáo Hội khác nhau và những nhóm cơ bản, thì cũng vậy Tu hội Salêdiêng được tạo nên do những cộng thể tỉnh, rồi đến lượt mình, cộng thể tỉnh lại được lập nên do các cộng thể địa phương. Chúng mang lại khung cảnh cụ thể và cách thức thực tiễn, trong đó, ta thực thi sứ mệnh Salêdiêng.”[467] Cộng thể tỉnh đảm nhận lấy tầm quan trọng đặc biệt của mình khi “cộng thể ấy tạo thành một cấu trúc tổ chức Salêdiêng tương ứng tốt nhất với Giáo Hội địa phương.”[468] Đặc sủng chúng ta, sứ mệnh và tinh thần Salêdiêng, sự trao đổi kinh nghiệm và những ích lợi, tính liên đới ở mọi lãnh vực và sự phục vụ mục vụ chúng ta dành cho Giáo Hội cổ võ và nuôi dưỡng sự hiệp nhất giữa hai thực thể này.

Những yếu tố của tính hiệp nhất mà các cộng thể tỉnh và thế giới cung cấp cho cộng thể địa phương là tặng phẩm làm cho “môi trường cụ thể và cách thức thực tiễn, trong đó, chúng ta thực thi sứ mệnh Salêdiêng” thành có thể có được và sinh trái trăng.[469]

Đàng khác, sự phát triển của đặc sủng chúng ta, như được sống trên cấp địa phương theo những phương cách khác nhau mà chúng ta phục vụ những nhu cầu của giới trẻ trong một miền địa dư đặc thù, cho thấy sự giầu có của đặc sủng ấy; cũng như đem lại một sự hiểu biết sâu xa hơn về ý nghĩa và sự hữu ích của đặc sủng ấy. Sự hiểu biết này trở thành có tính chất cá nhân và cộng thể. Nó đào sâu cảm thức của chúng ta về căn tính cũng như cảm thức thuộc về của chúng ta.

Vì vậy, cha có thể hiểu rõ việc phổ biến thông tin Salêdiêng thật hữu ích. Cha ý thức rằng người ta phải quan tâm đến những thông tin ấy và truyền lan đi. Đôi khi thông tin gây ra vui tươi, khi khác tạo ra u buồn. Thỉnh thoảng nó đòi hỏi chúng ta liên đới, đôi khi nó mang lại bài học thực tiễn.

Đây là một tiến trình thông giao qua đó, cộng thể của cha được làm giầu nhờ điều đến từ cộng thể thế giới và tỉnh; và ngược lại. Chuyển động này phát sinh từ việc qui tụ lại những năng lực sống động “trong một sự quân bình không dễ đạt được.”[470] Do đấy đòi hỏi cha kiên tâm chú ý và nỗ lực liên lỉ để kích thích, thay đổi, sửa sai và khởi xướng.

Cha hãy làm mọi nỗ lực để giúp cộng thể cha rộng mở đối với bất kỳ điều gì thuộc về Tu hội rộng lớn, thuộc về Tỉnh dòng và địa phương.

  1. Rộng mở trên bình diện thế giới, có nghĩa là chấp nhận những trách nhiệm vốn bắt nguồn trong cộng thể đó về tinh thần, chứng tá và sự phục vụ mà Tu hội cống hiến cho Giáo Hội phổ quát.[471]
  2. Rộng mở trên bình diện tỉnh có những ý nghĩa khác nhau:
  • Nó có nghĩa là làm cho việc thông giao và dòng thông tin luân chuyển thuận lợi;
  • Nó có nghĩa là làm cho việc tham gia vào tông đồ nên dễ dàng nhờ lòng trung thành sâu xa, và sự sẵn sàng của cá nhân;
  • Nó có nghĩa là kiện cường mối giây hiệp nhất trong khi đồng thời kính trọng thẩm quyền và óc sáng tạo của cộng thể địa phương;
  • Nó có nghĩa là cổ võ tình liên đới hoặc là thuộc bình diện tài chính hay sự phân phối nhân sự hợp lý hơn.[472]
  1. c. Rộng mở trên bình diện địa phương thì cần thiết để có thể tránh được sự phân cực và ta chấp nhận nguyên tắc bổ sung. Cộng thể của cha phải rộng mở đủ để xem xét thích đáng đến những khác biệt giữa ơn gọi linh mục và sư huynh,[473] đến những tài năng và nhân cách của mỗi hội viên,[474] đến giai đoạn đặc thù của đời sống mà họ đang trải qua và vốn liếng kinh nghiệm họ thủ đắc được trong cuộc sống tu sĩ và hoạt động tông đồ (người trẻ và người già),[475] và đến những trách nhiệm cộng thể. Cộng thể sẽ tỏ ra quan tâm cách đặc biệt đối với những hội viên trẻ, người ốm đau và người thiếu thốn, chẳng hạn như người già cả và yếu đau,[476] đối với các hội viên đang kinh nghiệm các vấn đề. Cộng thể phải điều phối cơ cấu nội tại và tổ chức của mình theo một cách nào để làm cho chúng trở nên hữu hiệu và tiện ích đối với sứ mệnh.

Những lãnh vực giáo dục và mục vụ là thiết thân với cộng thể. Vì lợi ích của sự bổ sung và sự tản quyền đòi buộc rằng những lãnh vực này phải được thiết đặt cụ thể. Chúng phải có thể hoạt động cách nào thật là đúng lúc (đáp ứng được những nhu cầu xác đáng và tỉ mỉ), hữu hiệu (có kiến thức thực nghiệm về môi trường giáo dục) và có thẩm quyền (không giải quyết vấn đề cách mặc chăng hay chớ hoặc hão huyền). Cha phải hết sức làm cho việc thành lập các nhóm hoạt động này được thuận lợi; cha phải phối hợp các nhóm ấy lại, bảo đảm rằng họ chia sẻ thông tin và mục tiêu tông đồ cho nhau theo ánh sáng của kế hoạch cộng thể toàn diện. Đây không chỉ là một trách vụ quản trị thông thường. Nó thực là một nghệ thuật mục vụ.

Cha phải đảm bảo rằng mọi người hiểu rõ và áp dụng nguyên tắc hỗ tương. Điều này có nghĩa rằng, dòng thông giao từ trung tâm ra ngoại biên được phản ánh lại trong một dòng chảy tương tự từ ngoại biên vào trung tâm.

Cha cũng phải hướng mối quan tâm mục vụ của cha tới những cơ quan trong đó có giáo dân tham gia, chẳng hạn như cộng đoàn giáo dục và hội nghị cộng đoàn mục vụ. Quan trọng là khoé nhìn một chiều không được ưu thắng trong những cơ quan này, nhưng tốt hơn là giữa họ sáng tỏ một viễn cảnh mục vụ chung, thêm vào sức thúc đẩy phúc âm hóa của toàn cộng thể Salêdiêng. Có hai nguyên tắc điều khiển những cơ cấu này và đảm bảo sự phong phú của chúng: uy tín và sự hòa hợp giữa điều gì là chuyên môn với điều gì là tu sĩ.

  • Nguyên tắc về uy tín

Trong thế giới tân tiến mà ngày càng phổ biến là người ta phải có bằng cấp cao và được chuyên môn thì việc có uy tín trở nên tuyệt đối cần thiết.

Nếu cha muốn công việc của mình mang lại những kết quả tích cực, cha phải được chuẩn bị cần thiết để đối phó với những tình huống và thực tại phức tạp.

Giám đốc phải cổ võ và làm cho những người có liên hệ dễ dàng tham dự những khóa học hỏi và cập nhật.

  • Nguyên tắc về sự hòa hợp giữa điều gì là chuyên môn với điều gì là tu sĩ

“Những cơ cấu của chúng ta nhắm là mục vụ tự bản chất. Chúng hiện hữu để giúp cộng thể và công cuộc của nó thành men Kitô hữu… Chúng ta không được tổ chức công cuộc của mình trên nền tảng là sự chia cách giữa điều linh thánh và trần tục. Nhưng đang khi chấp nhận sự kiện là điều linh thánh và trần tục khác biệt nhau, chúng ta cố gắng cho thấy tại sao tất cả công việc đáng làm thì đều liên kết và hiệp nhất trong Đức Kitô.”[477] Đấy là một vấn đề về sự quân bình và cha phải cổ võ nó cách rất thực tiễn trong đời sống và việc tông đồ cộng thể. Cha phải đảm bảo rằng những cơ cấu trần thế và sự khởi hứng của Phúc Âm được hòa hợp trong việc hoàn thành sứ mệnh cộng thể.

Mọi điều làm cản trở sự thông truyền các giá trị này từ trung ương thế giới đến những tỉnh và đến từng cộng thể và ngược lại, cũng đều cản trở sự hiệp thông của chúng ta, kinh nghiệm về ơn gọi và sự hữu hiệu của sứ mệnh chúng ta.

Chẳng hạn, cha hãy xem xét những bổn phận sinh động và lãnh đạo mà Hiến luật ký thác cho Bề Trên Cả, cho các giám tỉnh, các giám đốc, các ban cố vấn của các ngài, cho những cơ quan mục vụ và kỹ thuật khác. Cha hãy nghĩ đến sự thông giao trong Tu hội về chất liệu được chứa đựng trong Hiến luật, các công báo của các Tổng Tu Nghị, các thư của Bề Trên Cả, các tài liệu được các ban ngành trung ương soạn thảo; cha hãy nghĩ đến những kinh nghiệm và những gương sáng được xuất bản trong những ấn phẩm khác nhau của tập san Salêdiêng – Bolettino Salesiano – những thư tin tức và những thư tang chế. Cha hãy nghĩ đến những tài liệu của Giáo Hội và nội dung phong phú của chúng được cống hiến vào những lúc thích hợp và chúng có thể làm cho chúng ta thực hiện những sự chọn lựa hữu hiệu trong công việc mà chúng ta đảm trách.[478]

Tất cả những yếu tố này cổ võ sự rộng mở, sự hiệp thông và làm cho tác vụ có hiệu quả. Cha phải ghi nhớ những yếu tố này và nhắc nhở chúng cho người khác, vì chúng giúp ta xây dựng một tinh thần đối thoại, cộng tác và sự trung thành vốn đem lại cho ta một cảm thức về căn tính của mình. Hoạt động của cộng thể cha dầu được cắm chặt vào Giáo Hội địa phương, vẫn mang rất nhiều tính cách phổ quát theo những đường lối sau đây:

  • Ta thi hành nó theo một cách thức “được vạch ra để đặt chúng ta hoàn toàn phục vụ Giáo Hội phổ quát;”[479]
  • Ta định vị nó trong sứ mệnh và lối tiếp cận mục vụ của cộng thể vốn là một và siêu vượt những biên giới của các địa phận khác nhau;
  • Nó là phổ quát nhờ sự kiện là nó chuyển giao một kinh nghiệm được thực thi trên bình diện Giáo Hội.

3.2. Sự điều phối trong Gia Đình Salêdiêng

Tổng Tu Nghị Đặc Biệt cống hiến một số suy tư hữu ích về Gia Đình Salêdiêng này, một điều khá mới trong truyền thống chúng ta:

“Vấn đề này có cội rễ trong một sự kiện lịch sử. Để chu toàn sứ mệnh của mình là cứu giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi, Don Bosco tìm cách qui tụ rộng lớn những lực lượng tông đồ được liên kết với nhau bằng sự hiệp nhất của một gia đình.”[480] “Rõ ràng là ‘Gia Đình Salêdiêng’ không phải là một cái gì lạ thường, tưởng tượng hay không tưởng. Nó là một sự kiện cụ thể, một thực tại thiêng liêng. Nó có lịch sử riêng, có chân lý sâu xa của mình; và nó tạo nên những đòi hỏi nghiêm chỉnh mà ta phải đáp ứng vì trung thành với Don Bosco và sứ mệnh của chúng ta trong thế giới ngày nay.”[481]

Mệnh lệnh của Thiên Chúa, đi đôi với tình trạng trong đó Don Bosco tìm được giới trẻ, đã khiến ngài nhìn ra những nhóm khác nhau có cùng những mục tiêu, tinh thần, hệ thống giáo dục/mục vụ. Như vậy, Gia Đình Salêdiêng được khai sinh như một lời đáp trả lại những đòi hỏi của ơn gọi ngài và những nhu cầu của giới trẻ thời ngài.

Ngày nay, “các Salêdiêng không thể suy nghĩ đầy đủ lại về ơn gọi của mình trong Giáo Hội mà không quy chiếu đến những người cùng với họ tham gia vào việc thực thi ý muốn của Đấng Sáng Lập. Vì vậy, họ đang tìm cách kết hiệp hơn với mọi người, đang khi bảo tồn sự đa dạng chân chính của mỗi người.”[482]

Nói cách khác, sự canh tân phải nhắm hướng đến việc trương rộng một ý thức rằng có một gia đình. Sự đóng góp đặc biệt mà toàn gia đình làm cho giới trẻ là “một sự hòa hợp những ơn gọi khác nhau để tỏ cho thấy sự giầu có trong đoàn sủng của Đấng Sáng Lập” và trình bày cho giới trẻ với những khuôn mẫu đời sống đa dạng khác nhau vốn khởi hứng họ “sống Tin Mừng” trong thế giới rộng lớn và phức tạp này.[483]

  1. Những người Salêdiêng cần Gia Đình Salêdiêng
  • Trên bình diện Giáo Hội, khi trải qua một tiến trình canh tân hầu vẫn trung thành với Don Bosco, Gia đình Salêdiêng cống hiến cho người Salêdiêng một cơ hội tốt đẹp để tư duy lại và thực vậy, khám phá lại bản tính ơn gọi loại biệt của họ là những người rao giảng Tin Mừng, và để phát triển một sự trân trọng mới mẻ đối với những điều thật sự là Salêdiêng.[484]
  • Trên bình diện trường ốc, sự tiếp chạm giữa các người Salêdiêng có can dự vào những trường kỹ thuật và nghề nghiệp và các thành viên của Gia Đình Salêdiêng cũng can dự vào những trường kỹ thuật và nghề nghiệp và những thành viên của Gia Đình Salêdiêng làm việc trong các xí nghiệp và xưởng thợ, thật vô giá, bởi vì những người sau có thể chuyển giao kinh nghiệm đời sống thật sự.[485]
  • Trên bình diện cộng đoàn giáo dục chúng ta cần Gia Đình Salêdiêng không chỉ vì những lý do nêu ra ở trên, nhưng là còn để đảm bảo cho sự hữu hiệu của chúng ta khi giao tiếp với các cộng sự viên nói chung. Tất cả những cộng sự viên của chúng ta đóng góp phần mình, vì được đặt định là những người phải làm việc sát cánh với chúng ta vốn do ơn gọi được mời gọi chu toàn công việc của Don Bosco.[486] Nhưng đặc biệt nó là trách vụ của Gia Đình Salêdiêng để giúp họ thấy thoải mái và hiểu được những yêu cầu của hệ thống Salêdiêng. Điều này nhằm làm cho hệ thống được ứng dụng trọn vẹn hơn và mang lại hiệu năng tông đồ lớn lao hơn.[487]
  1. Gia Đình Salêdiêng cần những người Salêdiêng

Theo Don Bosco nghĩ, các Salêdiêng chúng ta có trách nhiệm đặc biệt lãnh đạo Gia Đình Salêdiêng. Chúng ta phải mang lại sự bền vững và sự sinh động cùng cổ võ sự hiệp nhất.[488]

Khi Tổng Tu Nghị 21 lượng giá xem trách nhiệm này được đảm trách tốt đẹp thế nào, thì lộ ra nhiều lỗ hổng và thiếu sót. Một lý do cho những thất bại dường như là nguời ta không hiểu biết rõ ràng ơn gọi loại biệt của từng nhóm và vì thế, nảy sinh một nguy cơ liên lỷ là hoán đổi hoặc thay thế những vai trò thích đáng của mỗi nhóm. Một lý lẽ khác mà Tổng Tu Nghị ấy khám phá là chúng ta thất bại trong việc tiếp chạm liên lỷ và thực nghiệm với xã hội trong đó những người trẻ sinh sống và vì thế chúng ta thất bại trong việc ý thức rằng họ có thể thành công hơn trong việc tìm được chỗ đứng trong môi trường của họ với sự cộng tác của giáo dân. Hơn nữa, một số kha khá những dự định dường như đã thất bại bởi vì chúng không được hoạch định cách tốt đẹp ở mức độ trách nhiệm thích hợp hoặc bị bỏ mặc cho cá nhân giải thích không được thông suốt và theo nhiệt tâm của mình, đặc biệt trong những sáng kiến địa phương.

Tuy nhiên, lý do dứt khoát nhất liên quan đến việc đào luyện các cộng sự viên giáo dân; việc đào luyện ấy hoặc là sai lầm hoặc là hoàn toàn thiếu sót.[489]

Như vậy, “trách nhiệm lãnh đạo rơi xuống trên cha, trên cộng thể cha và trên mỗi hội viên theo địa vị đặc biệt của họ trong việc gìn giữ căn tính Salêdiêng và mục vụ của cộng đoàn giáo dục.”[490]

Qui chế 30 và 31 tóm lại những cách thức ta phải toàn trách vụ này. Khi thực hiện, chúng ta phải liên lỷ hỗ trợ đặc biệt những nhóm khác nhau của Gia Đình Salêdiêng. Đây sẽ là một dấu chỉ về sự gắn bó với ơn gọi chúng ta và trung thành đối với phong trào tông đồ thiêng liêng đã được Don Bosco khởi xướng.[491]

Cụ thể, nếu cha muốn hữu hiệu, việc phục vụ của cha phải có một vài đường nét và phẩm chất:

  • Cha phải có hệ thống. Đừng bỏ mặc những hoạt động của Gia Đình Salêdiêng cho may rủi, nhưng hãy gom chúng trong việc cộng thể lên kế hoạch phù hợp với những người chịu trách nhiệm trực tiếp. Nhất là cha hãy ghi nhớ điều Quy chế[492] và Hiến luật[493] cùng Công báo của Tổng Tu Nghị Đặc Biệt và 21 nói về sự cộng tác mật thiết với những người làm việc sánh vai bên chúng ta.[494]
  • Cha phải hòa hợp trách nhiệm dành cho Gia Đình Salêdiêng với chương trình của cộng thể về những hoạt động, định rõ những ngày tháng và những sáng kiến sao cho bao có thể phù hợp với những người liên hệ.
  • Cha phải coi xem để cống hiến[495] việc đào luyện trong sự nhất trí với những người lãnh đạo của các nhóm khác nhau.[496]
  • Cha phải kính trọng lãnh vực uy tín của những vị lãnh đạo và ban cố vấn của mỗi nhóm kể cả của cộng tác viên và cựu học sinh, vì sự tự lập được dành cho họ trong những điều lệ của chính họ.[497]
  • Cha hãy có một thái độ niềm nở. Cha hãy giúp cộng thể luôn cởi mở, nhất là đối với các phần tử trong Gia Đình Salêdiêng.[498] Có những cách thức nhờ đó cha có thể cổ võ sự cởi mở này mà không chút phương hại đến đời sống chung, nhưng còn đem lại lợi ích nữa:

+ Bằng việc tạo nên những dịp cùng nhau chia sẻ, cầu nguyện, vui vẻ và huynh đệ;

+ Bằng việc mời các công tác viên, cựu học sinh và ngay cả những người khác đến các buổi họp của các hội đồng Salêdiêng hoặc của hội nghị cộng thể địa phương,[499] vào những dịp thích hợp, để nghe và ngay cả xin ý kiến họ và cống hiến cho họ sự hợp tác của cha.

+ Bằng việc cho các cộng tác viên và cựu học sinh nơi chốn văn phòng thích hợp và tương xứng và những phòng họp trong cộng thể.

  • Cha hãy phát triển một cảm thức về sự thông hiệp. Ở cấp địa phương, cha là người cha và trung tâm hiệp nhất của Gia Đình Salêdiêng vốn được dựa trên sự thông hiệp có giám đốc là hạt nhân trung tâm và là người thứ nhất chịu trách nhiệm về sức thúc đẩy mục vụ.[500]
  • Cha phải đem đến một thứ bổ sung thực tiễn. Nhờ Gia Đình Salêdiêng trợ giúp, cha cùng cộng thể có thể đương đầu với một vài loại công cuộc và hoạt động cần thiết cho ngày hôm nay, nhưng không thích hợp cho tu sĩ hay linh mục. Những hoạt động như vậy có thể thuộc vùng lân cận, những tổ chức giáo dục, thuộc những đơn vị chăm sóc sức khỏe, trong những nghiệp đoàn lao động hoặc có thể trong những hoạt động dân sự, kinh tế hoặc văn hóa.
  • Cha hãy cam kết làm việc cho ơn gọi vì Gia Đình Salêdiêng và liên kết với Gia Đình ấy. Công cuộc giáo dục và mục vụ Salêdiêng đạt đến tột đỉnh nơi việc tông đồ cho ơn gọi; việc này phải hiệp nhất toàn thể Gia Đình Salêdiêng.[501] Trong khi cổ võ mọi thứ ơn gọi trong Giáo Hội, chúng ta phải nhấn mạnh đến những ơn gọi cho Gia Đình Salêdiêng. Điều này có tầm quan trọng lớn lao đặc biệt đối với những công cuộc bao hàm các trường học, các Nguyện xá và trung tâm trẻ. – Những vườn ươm tự nhiên của các ơn gọi giáo dân, linh mục và tu sĩ. Một khía cạnh đặc biệt cho sự cam kết này là chăm lo đến những cựu học sinh và cộng tác viên trẻ, hai nguồn chính cho tiềm năng của các ơn gọi.
  • Hãy tỏ ra quan tâm đến những người hợp lực với phong trào Salêdiêng rộng lớn hơn. Có một “Gia Đình Salêdiêng” theo nghĩa rộng[502] vốn cho phép chúng ta nói về một “phong trào Salêdiêng” rộng lớn, được nối kết trong 6 vòng tròn đồng tâm:
  1. SDB và FMA;
  2. Những tu hội khác;
  3. Những phần tử của các tu hội đời (Chí nguyện viên Don Bosco và các nhóm khác);
  4. Những giáo dân có cam kết: các cộng tác viên; cựu học sinh cam kết làm việc tông đồ;
  5. Những cộng sự viên giáo dân;
  6. Những người mà chúng ta thực thi sứ mệnh của mình cho họ bằng nhiều cách khác nhau: học sinh, các người trong các giáo xứ, ân nhân, bạn hữu, những phong trào giới trẻ….

Trong phạm vi của mình, một nhà và một cộng thể Salêdiêng có một sự hiện diện Salêdiêng lớn rộng tương tự với những phong trào lớn của Giáo Hội, vốn là đặc trưng của thời đại chúng ta.[503]

Những chân trời rộng lớn này không chút xa lạ với tinh thần của Đấng Sáng lập chúng ta. Kế hoạch hành động của ngài thực sự gồm chứa cái không tưởng về một xã hội được Kitô hóa đầy đủ như phần trong tầm nhìn rộng lớn của ngài về mục vụ.

“Lòng trung thành năng động đối với Don Bosco qua việc chia sẻ và cộng tác sẽ trải rộng ảnh hưởng của trực giác mục vụ và tình hiền phụ của Don Bosco. Điều này sẽ tỏa chiếu sáng chói hơn bởi vì mọi sự tăng trưởng về tình cha, sự hiệp nhất và sự cam kết về phía những người tự coi mình là con cái của ngài, thêm vào cho tầm vóc của ngài. Tình cha này sẽ đảm nhận lấy những chiều kích Giáo Hội.”[504]

3.3 Một cộng thể thuộc Giáo Hội

Cảm thức tích cực về Giáo Hội, sensus Ecclesiae, là một phần của truyền thống sống động của Salêdiêng đến nỗi nó được coi là một cấu tố của tinh thần Don Bosco.[505] Giáo Hội đón nhận đoàn sủng chúng ta từ Chúa Thánh Thần, thừa nhận sự hiện diện của nó, cẩn thận nuôi dưỡng nó trong vai trò của mình là trở thành ngày một hơn cái nôi cho sự hiện diện của Đức Kitô giữa con người và trở thành một thân thể sống động hài hòa được tất cả những chức năng khác nhau.[506]

Sự nâng đỡ mà chúng ta nhận được từ Giáo Hội làm chúng ta có thể biết và lượng giá những tình trạng rất đa dạng. Bằng cách này các cộng thể chúng ta có thể dùng các tài năng của mình để giải quyết những vấn đề tức thời được bày ra cho họ, và để đáp ứng những nhu cầu ta nhìn thấy trong cái “lăng kính” rộng lớn là kinh nghiệm và sự khôn ngoan của Giáo Hội.[507]

Chúng ta có một đoàn sủng phải được chuyển dịch thành một kế hoạch hành động thực tiễn.

Theo nghĩa này chúng ta thấy sự lượng giá của Giáo Hội về những nền văn hóa khác nhau trong đó Giáo Hội nhập thể thật rất hữu ích. Giáo Hội cố gắng thấu hiểu, làm phong phú và biến đổi những nền văn hóa này cho tới khi chúng đạt được một cảm thức là thường xuyên nhạy cảm trước hành động của Thiên Chúa.[508]

Giám đốc lưu ý đến những lợi ích này. Sự kiện ngài ý thức rằng Giáo Hội là trung tâm hiệp nhất và sinh động trong đời sống của cộng thể dẫn ngài tới một cảm thức về sự tôn kính, vâng phục, kính trọng, tri ân sâu xa và cộng tác.

Trong bức tranh tổng quát này, các cộng thể tu sĩ và cá nhân người tu sĩ được tháp nhập vào lối tiếp cận mục vụ của Giáo Hội địa phương theo những cách khác nhau, như những người được Thần khí kêu gọi để thực thi một sứ mệnh đặc thù theo đoàn sủng loại biệt của họ.[509]

Vì thế cảm thức về Giáo Hội, sensus Ecclesiae, là một yếu tố quyết định cho sự cam kết tông đồ của Tu hội. Cha phải coi Giáo Hội địa phương như đang cấu thành nền văn hóa rõ ràng,[510] “là tổ quốc, có thể nói như vậy, của một ơn gọi.”[511]

Chính trong Giáo Hội địa phương mà cộng thể của cha diễn tả và thực thi sự cam kết tông đồ của mình. Thực tế là Giáo Hội địa phương “có một chức năng đặc biệt là dẫn đưa sự giầu có nhân bản của các dân tộc tới Thiên Chúa, và làm chúng phục vụ như một sự diễn tả đặc biệt về ơn cứu chuộc.”[512]

Tổng Tu Nghị Đặc Biệt đặt các hội viên trên một đường nẻo vốn giúp họ tìm ra chỗ đứng của mình trong bối cảnh toàn diện của đời sống Giáo Hội. Nó thúc đẩy họ tránh hai nguy hiểm: một não trạng cô lập và một sự tự lập bị hiểu lệch lạc; hay nói cách khác là sợ làm việc với những người khác và một thứ tự mãn thiển cận vốn hàm ẩn một bên là thiếu tự tín và bên kia là chủ nghĩa địa phương hẹp hòi.

Giáo Hội và Tu hội chia sẻ cùng những mục tiêu. Giáo Hội được Thần khí Đức Chúa hướng dẫn, khảo sát kỹ càng bản chất và sứ mệnh của mình. Cùng Thánh Thần ấy khuấy động nơi tâm hồn của những tu sĩ và tín hữu ước vọng sống và làm việc trong sự hiệp thông với Giáo Hội. Cha hãy vui mừng đón nhận sự kiện này với một ý thức trách nhiệm. Chúng ta hòa hợp với Thần khí và theo phong thái của Đấng Sáng Lập thánh thiện của chúng ta khi chúng ta sống hiệp thông với Giáo Hội và diễn tả ngay cả trong Hiến luật của mình cái nhu cầu là cảm thấy nên một với Giáo Hội lữ hành.[513] Thật đáng công cho chúng ta để tích cực bao có thể trong các cơ quan khác nhau của Giáo Hội hầu chia sẻ “những trực giác chân chính và tinh thần táo bạo” vốn thiết thân với đoàn sủng và lịch sử chúng ta xét như một Tu hội.”[514]

Trong khi thực thi công việc mục vụ, cha luôn luôn nên tìm cách phù hợp với những chỉ dẫn đến từ Giám Mục. Khi các tu sĩ cầu nguyện cho Giám Mục của mình, họ đang giúp các ngài phân định điều gì là hữu hiệu nhất xét về mục vụ; cầu nguyện kiểu này khiến chúng ta kính trọng và coi trọng những hồng ân Thiên Chúa; chúng được phổ biến khắp địa phận và được sử dụng vì thiện ích chung.

Cộng tác được phát sinh từ loại đức tin này. Nhưng cha phải phân biệt giữa thứ cộng tác thông thường hay tùy dịp mà không đòi hỏi quá nhiều thời gian và rơi vào trách nhiệm trực tiếp của cha và những loại công tác khác tách con người ra khỏi công việc của nhà bởi vì chúng đòi dấn thân nhiều hơn. Loại cộng tác này đòi hỏi phải có thẩm quyền của Giám tỉnh, bởi vì nó đòi phải thay đổi trong việc tổ chức công việc của cộng thể và có lẽ làm giảm thiểu sự hữu hiệu hiện thời.

Trong bối cảnh của Giáo Hội phổ quát, Tu hội chúng ta cũng thực thi một hoạt động truyền giáo. Nơi các Giáo Hội địa phương ấy vốn vẫn đang trong thời kỳ khởi đầu, chúng ta tham gia theo một đường lối được biệt loại hóa qua tinh thần ưu ái dành cho giới trẻ. Trách vụ truyền giáo của chúng ta thường được diễn tả như sau theo ấn bản Hiến luật cũ: “Chúng ta phải đồng cảm lớn lao nhất đối với tất cả những người trẻ chưa nhận được ánh sáng Tin Mừng cùng với gia đình và những người đồng hương của họ; như vậy, các hội viên hãy nhiệt thành hiến mình cho các cuộc truyền giáo ở hải ngoại.”[515]

Chúng ta phải truyền sức sống mới vào “lý tưởng của Don Bosco, người muốn Tu hội phải liên lỷ quan tâm đến công cuộc truyền giáo, đến nỗi tạo nên thiết thn trong bản tính và nhãn giới của mình.”[516]

Tu hội là truyền giáo theo nghĩa rằng có một mối liên hệ đặc biệt giữa phong thái hoạt động mục vụ mà nhờ đó chúng ta làm việc cho giới trẻ cách chung chung và đường lối chúng ta phải đi tới những Giáo Hội trẻ và các dân tộc chưa được loan báo Tin Mừng.[517] Một số nguyên tắc và đường lối hoạt động Salêdiêng hoàn toàn tự nhiên phù hợp với cảnh vực truyền giáo, nghĩa là, sự liên kết giữa việc rao giảng Tin Mừng và sự phát triển nhân bản, sự ưu ái chú tâm đến những thiếu niên nghèo, tinh thần thích ứng và sáng tạo, sự cam kết cho huấn giáo và lòng sùng mộ bình dân, sự trân trọng những giá trị được tìm thấy trong nền văn hóa của Giáo Hội địa phương, những mối tương quan nhân bản nồng ấm và thân mật trong tinh thần lạc quan.

Những việc truyền giáo hải ngoại đều là “bối cảnh ưa thích hơn để thực thi sứ mệnh Salêdiêng” và “tinh thần mà nhờ đó sứ mệnh được thực thi.”[518]

3.4 Sự điều phối trong tổ chức hoạt động mục vụ

Ở điểm này nảy sinh một vấn đề liên quan đặc biệt đến cha, nghĩa là, nhu cầu phải có sự điều phối hệ thống hơn về công việc của các Salêdiêng tại một khu vực đặc thù, trong bối cảnh của hoạt động mục vụ chung của địa phận.[519]

Dĩ nhiên, hoạt động này xảy ra dưới sự lãnh đạo của Đức Giám Mục và việc chúng ta can dự vào được Giám tỉnh hướng dẫn, ít nhất theo lối nói chung chung. Hiện nay phong trào thiêng liêng Salêdiêng đóng góp vững vàng vào hoạt động mục vụ chung tới nỗi các phần tử trong Gia Đình Salêdiêng, xét như những người cổ xúy tinh thần và sứ mệnh Salêdiêng, thì trung thành với ơn gọi của họ; tới nỗi họ ý thức rằng đoàn sủng mà họ đang gánh vác là một quà tặng cho Giáo Hội, đặc biệt dưới diện tăng thêm số các thừa tác vụ và việc phục vụ vốn cổ võ cho hạnh phúc của giới trẻ và người bình dân; tới nỗi họ được nối kết trong việc chia sẻ cho nhau những sự giàu có của ơn gọi và kết giao với việc tìm kiếm các linh hồn mà Thánh Thần đã đặt dưới sự hoạt động (aegis) của Don Bosco và con cái ngài.

Cha không được bao giờ nhọc mệt trong việc làm thức tỉnh lại ước muốn hiệp nhất mà Don Bosco đã có và khích lệ các hội viên lẫn cộng thể tìm được những chỉ dẫn chung.[520] Chúng sẽ có thể giúp họ can dự vào Giáo Hội địa phương theo một cách thức thật sự là Salêdiêng.

Hay vắng mặt không làm ích cho ai cả. Cha phải giúp các hội viên ý thức hơn nữa về những cơ cấu mục vụ mới này. Sự đóng góp của chúng ta có thể giúp làm cho chúng hoạt động cách sinh động và liên tục. Vì thế cha hãy giúp các hội viên hiểu rằng thời gian mà giám đốc và cộng thể danh cho công việc này không phải là thời gian phí phạm vô ích. Không có cơ cấu nào hoàn hảo và có sức thuyết phục hoàn toàn, khi nó mới xuất hiện. Giáo Hội địa phương cần mọi người trợ giúp để làm cho các cơ quan tập đoàn thành có hiệu quả và hữu hiệu hơn, trong công việc của Nước Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta phải thâm tín rằng sự tham gia của chúng ta không chỉ có nghĩa là cho, nhưng còn là nhận.

“Hoạt động được hòa điệu của toàn cộng đoàn Kitô hữu trong việc nuôi dưỡng tất cả các ơn gọi khác nhau làm cho việc tông đồ ơn gọi hữu hiệu hơn.”[521]

Những sự hiện diện tông đồ mới phải được ta hoạch định: “Các Giám Mục và các bề trên Tu hội qua đối thoại phải tìm cách phân định điều Thần khí muốn và nghiên cứu những cách thức giải đáp các vấn đề bằng cách thiết lập nên những sự hiện diện tông đồ mới.”[522]

Ở đây chúng ta lại bắt gặp một khía cạnh “là tái phát động tinh thần sáng kiến”[523] được Tổng Tu Nghị 21 nhấn mạnh nhiều. Người ta khai triển một sự canh tân thích đáng[524] về sự thờ phượng qua tinh thần táo bạo và sự tỉnh thức chung và người ta khám phá ra những hình thức cầu nguyện mới;[525] đang khi cùng lúc sửa chữa và thay đổi những lạm dụng.

Ở đây có một số những sáng kiến khả dĩ mà người Salêdiêng có thể được can dự vào hầu hiện diện tích cực hơn trong Giáo hội địa phương:

  1. Những tổ chức đời tu trong địa phận

Những giao tiếp mà Don Bosco có được với những vị bản quyền địa phương trong khi bảo vệ được sự tự do để có những quyết định riêng của mình, tạo cho ta một ý tưởng về cách thức chúng ta ngày nay phải hành động.

Cha và cộng thể của cha phải vui vẻ hiến thời giờ và năng lực cần thiết để tạo được những giao tiếp quan trọng này.

Phong cách của Don Bosco là bảo trì những mối liên hệ tốt đẹp với mọi người, nhất là với các tu hội khác. Giữa những lời khuyên dành cho các vị truyền giáo đầu tiên, có lời khuyên như sau: “yêu mến, kính trọng các dòng tu khác, và hãy luôn nói tốt về họ. bằng cách này các con được mọi người kính trọng và sẽ làm ích nhiều cho Tu hội.”[526] Trong Hiến luật canh tân, chúng ta đọc thấy: “Chúng ta phải kính trọng hết thảy mọi gia đình tu sĩ khác.”[527]

Kính trọng và nói tốt về những dòng tu khác ngày nay còn hàm chứa nhiều ứng dụng thực tiễn và có tính cách giáo hội hơn nữa. Thực tế có những hiệp hội và những phiên họp của các tu sĩ ở các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Tài liệu Mutuae Relationes không chỉ chính thức nhìn nhận sự hiện hữu của các hiệp hội ấy, nhưng còn gán cho chúng một tầm quan trọng lớn lao: “Những hiệp hội các tu sĩ ở cấp địa phận thật hữu ích và nên được khích lệ; chúng là những cơ quan cổ xuý sự phát triển và canh tân của các dòng tu; chúng là những cơ quan thảo luận những vấn đề hỗ tương của các Giám Mục và các bề trên và điều phối những hoạt động của các gia đình tu sĩ với hoạt động mục vụ của địa phận dưới sự hướng dẫn của các Đức Giám Mục.”[528] Đây là cách thức mới để diễn tả đức ái phải có giữa các gia đình tu sĩ và giữa các tu sĩ với Giáo Hội địa phương. Giáo Hội “là trung tâm sinh động hóa của tất cả mọi lực lượng được can dự vào công việc cứu độ,”[529] mà Don Bosco đã mong muốn rất nhiều.

  1. Phục vụ trong những cơ cấu không phải là Salêdiêng

Những tài liệu canh tân của chúng ta chứa đựng một yếu tố mới[530] về những mục đích tông đồ của cộng thể chúng ta mà cha phải nghiêm chỉnh chú tâm đến: việc chọn lựa hoạt động tông đồ của chúng ta phải luôn mang lấy tính chất Giáo Hội và hướng về giới trẻ.[531]

Nó có tính chất Giáo Hội bởi vì là một trong những cách thức trợ giúp những người trẻ của Giáo hội địa phương hay trong một khu vực đặc thù phải thực sự trở nên thiết thân với những cơ cấu và tổ chức hiện hành. Những tổ chức này cống hiến một thách đố liên lỷ và có một cơ hội hỗ tương để làm giàu cho tất cả mọi người có liên hệ tích cực.

Loại phục vụ này sẽ không tạo nên một ấn tượng về sự đào thoát, nhưng sẽ được coi như đang hòa hợp việc hoạt động tông đồ của chúng ta, nếu nó phát triển nơi các hội viên một ý thức về Giáo Hội và thuộc về Tu hội Salêdiêng có ý nghĩa sâu xa hơn là gì.

Sự chọn lựa hoạt động tông đồ của chúng ta nhắm đến giới trẻ và sáng tạo bởi vì ơn cứu độ của những người trẻ khiến chúng ta thừa nhận thái độ của vị Mục Tử nhân lành và đi tìm kiếm những người đang xa lạc, trong khi sử dụng những phương thế thích hợp nhất và không chờ đợi người trẻ phải đi bước trước.[532]

  1. Những phục vụ đáp ứng những nhu cầu cụ thể

Thật tốt đẹp khi các hội viên lại được đảm bảo rằng nhờ điều mà ta có thể gọi là công cuộc truyền thống của họ, họ thực sự phục vụ Giáo Hội địa phương.

Họ phải ý thức điều này. Có lẽ cần thiết phải thay đổi cách thức điều hành một số hoạt động, phải cổ xuý một số sáng kiến mới, hay phải công tác mật thiết hơn với những tổ chức khác, nhưng tuyệt nhiên điều này không làm giảm thiểu giá trị của loại phục vụ truyền thống này.

Một thái độ gương mẫu của Don Bosco

Don Bosco yêu mến Giáo Hội biết bao, điều ấy, ta không thể nghi ngờ: “Cha sẽ làm việc cho Giáo Hội mãi tới hơi thở cuối cùng. Và cha muốn các Salêdiêng sẽ phải hành động như thế.”[533]

Ngài làm cho những lý lẽ vì tình yêu ấy thành rõ ràng: “Tu hội cốt yếu thuộc về Giáo Hội;”[534] “Vinh quang của Giáo Hội là vinh quang của chúng ta.”[535]

Don Bosco mãnh liệt ao ước là người sinh động cho hạnh phúc của con người. Ao ước ấy xuất phát từ tình yêu ngài dành cho Giáo Hội và lòng nhiệt thành muốn Giáo Hội tăng trưởng và lan rộng. Yêu mến Giáo Hội luôn mang tính chất tông đồ. Khi chúng ta khảo sát tỉ mỉ những bút tích của ngài và lắng nghe lời ngài, ta khám phá ra một thái độ mà có thể dùng như một nguyên tắc thực tiễn cho tất cả những môn sinh của ngài: “Thiện ích của Giáo Hội ưu thắng trên mọi sự khác.”[536]

  1. Cộng tác bất kỳ ở đâu có thể được trong bối cảnh dân sự và xã hội

Loại cộng tác này là một cái gì mới mẻ đối với các cộng thể tu sĩ chúng ta; nhưng đó là một cách thức phục vụ Giáo Hội, dầu không phải dễ dàng gì, dưới diện sự hiện diện của cộng thể ấy tại một nơi chốn, một miền hay một vùng đặc thù. Cha phải cố gắng hiểu và giúp người khác hiểu những lý lẽ cho việc chúng ta can dự vào cảnh vực dân sự và xã hội. Nhu cầu này chính yếu nảy sinh từ việc chúng ta muốn hoàn thành kế hoạch giáo dục của chúng ta.

Trừ phi chúng ta hoàn thành cảm thức về tính sáng tạo trong một dự phóng thực tiễn vốn đáp ứng được những nhu cầu của dân chúng sống trong một bối cảnh và lãnh thổ được xác định rõ ràng, thì cộng thể sẽ chẳng bao giờ đáng là gì cả và cũng không giúp hoàn thành ý Thiên Chúa. Tình yêu đối với giới trẻ khiến chúng ta mau mắn như Don Bosco đối với những dấu chỉ chúng ta phân định được trong xã hội dân sự. Tình ưu ái dành cho chúng khiến chúng ta chia sẻ những vấn đề nền tảng của cuộc sống của chúng là tình yêu và lao động.

Và vì thế, bất kỳ nơi nào có thể được, chúng ta trở nên thiết thân với bối cảnh xã hội và dân sự hầu có khả năng cộng tác và thực thi một ảnh hưởng Kitô giáo trên việc lập pháp. Nếu lập pháp không nhằm bảo về phẩm giá con người và cổ võ tình yêu cuộc sống, nó có thể tác hại đến người trẻ, đặc biệt những người yếu đuối nhất.

Ngày nay chúng ta không thể nói rằng chúng ta trung thành với ơn gọi theo nghĩa xã hội trừ phi chúng ta tham gia vào những ủy ban của khu vực (ở đâu có những ủy ban đó), đặc biệt qua sự hiện diện mang tính chất giáo dân của các sư huynh hay tốt hơn cả là những nhóm khác trong Gia Đình Salêdiêng, trừ phi chúng ta làm cho người ta cảm nhận được sự hiện diện của mình trong những trung tâm văn hóa địa phương; trừ phi chúng ta tích cực tham gia vào những nhóm nghiên cứu, tìm tòi khác nhau.

Nếu chúng ta nhận là có công vì đã có lúc nhấn mạnh nhu cầu phải có những khế ước cho các em tập nghề trẻ, và rồi xao nhãng để duy trì một truyền thống quan trọng như thế, thì chúng ta phạm tội chối bỏ quá khứ của mình và tới một mức nào đó, quên đi cội nguồn của chúng ta. Ta phải làm cho rõ rằng chúng ta tích cực quan tâm đến những vấn đề xã hội này bởi vì chúng ta nhắm đến sự thiện của giới trẻ; và vì thế chúng ta quan tâm đến nền giáo dục của chúng cũng như đến những vấn đề việc làm, và gia đình của chúng. Chúng ta quan tâm đến những khía cạnh khác nhau này của cuộc sống họ. Chúng ta muốn có thể cộng tác và mang lại sự hướng dẫn cho những lãnh vực này.[537]

3.5 Những giao tiếp bên ngoài cộng thể[538]

Giáo huấn của Thông điệp Redemptor Hominis về con người và Giáo Hội (tìm thấy sứ điệp của mình là phục vụ con người) đòi hỏi một sự cộng tác giữa tất cả những người chân thành làm việc để cổ xúy phúc lợi của con người.

Ta phải ghi nhớ những nhận xét sau đây của Tổng Tu Nghị Đặc Biệt : “Cộng thể tham dự vào tính năng động của Giáo Hội. Cộng thể nhắm đến và rộng mở trước việc phục vụ những người trong Giáo Hội, đang khi cống hiến cho mọi người phúc lộc là những ân huệ mà Thiên Chúa tuôn xuống trên Giáo Hội. Bằng đức tin của mình, cộng thể vui vẻ vun trồng và làm phấn chấn những mối tương giao nối kết cộng thể với dân chúng thuộc những bối cảnh khác nhau, hoặc qua quan hệ họ hàng, niềm hứng khởi, công việc, cái lý tưởng hoặc trên nền tảng của bổn phận, tài sản, tình bạn hay đức ái.”[539]

Bằng cách này cộng thể Salêdiêng tiếp tục tinh thần và hành động của Don Bosco dù trong một thế giới rất khác biệt với thế giới của ngài. Do đó ngày nay “giúp tạo nên một phong trào có tính cách Giáo Hội và dân sự rộng mở trước các sức mạnh thích đáng và trước mọi thiện chí, có thể chia sẻ những quan tâm chung, dầu có những động cơ rất khác biệt” là một điều còn cấp bách hơn nữa. Thật là quan trọng để một mức nào đó chia sẻ vào việc hiện thực công việc chung hoặc là thuộc về những cơ quan khác nhau hoặc làm việc trong sự liên kết mật thiết.”[540]

Qua những cuộc tiếp xúc với bên ngoài đó, cộng thể của cha đem lại cho cuộc tiếp xúc với thế giới ý nghĩa tròn đầy hơn. Nó cũng được nổi bật bằng những phẩm chất mới; những phẩm chất này được hòa hợp với những hồng ân thiêng liêng và được trợ giúp để chu toàn sứ mệnh tông đồ của mình tốt đẹp hơn.

CHƯƠNG 6

KHUÔN MẪU CỦA CỘNG THỂ ĐỊA PHƯƠNG – NHỮNG PHƯƠNG THẾ SINH ĐỘNG VÀ CAI QUẢN

Vì chìm ngập trong một môi trường rất thực, được đặc trưng do những ảnh hưởng văn hóa và những khác biệt tuổi tác cũng như bối cảnh văn hóa của các hội viên, nên Giáo hội và Tu hội ký thác cho giám đốc một số phương thế. Những phương thế này được Giáo Hội và Tu hội theo sự khôn ngoan của mình, xét là hữu ích. Giám đốc được khích lệ dùng những phương thế này cách khôn ngoan và sáng tạo để cai quản và sinh động cộng thể mình.

Một vài phương thế này phải liên hệ đến mối tương quan hữu vị và cá nhân (chẳng hạn cuộc nói chuyện thân tình và linh hướng). Những phương thế khác quy chiếu về cộng thể (chẳng hạn việc linh hướng được ban qua các bài huấn đức, huấn từ tối, duyệt xét đời sống, những cuộc xét duyệt, việc thận trọng và khôn ngoan sử dụng thông tin). Những phương thế này cũng hữu ích cho các cơ quan sinh động và cai quản trong cộng thể thực thi chức năng riêng của mình (ban cố vấn của cộng thể và hội nghị hội viên).

Mặc dù giám đốc tin tưởng nơi những phương thế sinh động hóa này và chuyên chăm sử dụng chúng, thì ngài ý thức rõ về sự kiện là sự hiệp nhất và sự hữu hiệu tông đồ của cộng thể được xây dựng từng ngày một do nỗ lực kiên nhẫn, khiêm cung giữa sự va chạm không thể tránh né được và những khác biệt ý kiến. Ngài biết rằng chính mình phải trả giá.

Khởi điểm của ngài là một tinh thần đức tin sâu xa. Nó khiến ngài phục vụ Đức Kitô nơi các anh em. Ngài chấp nhận một sự cô đơn nào đó, đến từ việc ngài kinh nghiệm được những giới hạn và từ việc nhận thức rõ là dễ bị hiểu lầm biết bao và khó hiểu tha nhân biết mấy. Ngài cầu nguyện để có thể vượt xa những kỹ thuật xuông và thắng vượt cám dỗ là nghĩ rằng có những ‘đơn thuốc’ cho từng trường hợp và chúng đem lại những kết quả chắc chắn. Ngài khẩn xin Thiên Chúa ban ơn này.

Có những phương thế sinh động và cai quản khác nhau và đã được canh tân do truyền thống Salêdiêng và Giáo Hội cống hiến. Chúng thật hữu ích và thậm chí còn tuyệt đối cần thiết. Trên những bình diện cai quản khác nhau, những phương thế này rất hữu ích trong việc kiến tạo những tương quan cá nhân và cộng thể theo kiểu loại được Don Bosco mong muốn, nghĩa là, những tương quan được đặc trưng bằng sự thông cảm, tính thân thiện, tín nhiệm, tình bạn chân thành và đức ái. Don Bosco viết cho cha Bonetti: “Hãy đối xử với những người khác theo một cách thức đến nỗi hết thảy những người con tiếp xúc, sẽ thành bạn hữu của con.”[541] Nhưng trước hết, trong tiến trình đào luyện liên tục mà khung cảnh ưu đãi của nó là trong cộng thể, những phương thế này đòi hỏi phải càng nhất quyết tìm kiếm ý Thiên Chúa và gắn bó vững chắc với thánh ý ấy.

Mục tiêu Don Bosco đặt ra cho cha không phải là một mục tiêu dễ đạt tới. Nó can dự đến đời sống nội tâm, nhiệt tình, tính khả tín và uy tín của cha. Tuy nhiên không cần quá quan tâm đến những kỳ vọng phi lý của một số hội viên. Điều cần thiết là những phương thế này thực sự giúp cha làm cho mọi cuộc gặp gỡ những con người mà cha can dự tới thành một kinh nghiệm thật sự nhân bản và đầy đức tin. Những cuộc gặp gỡ của chúng ta đừng bao giờ đơn giản là những biến cố vô ngã và có tính cách quản trị mà thôi.

Cha sẽ thấy trách vụ của mình dễ dàng hơn nếu cha luôn lưu ý đến tình trạng cụ thể. Các hội viên của cha tất yếu bị tác động do một vài ảnh hưởng văn hóa. Họ khác nhau về tuổi, bối cảnh văn hóa và sự trưởng thành; và họ có những giới hạn của mình bất chấp những ân điển và tài năng của họ.

  • NHỮNG ẢNH HƯỞNG VĂN HÓA

Có một vài thái độ và nhạy cảm vốn thiết thân với thế giới lao động và thương mại tân tiến và nhất thiết ảnh hưởng đến cuộc sống hiện nay. Cha dễ dàng cảm nhận điều gì trong chúng có thể có giá trị cho đời sống tu sĩ và hoạt động tông đồ của chúng ta; nhưng cha cũng phải cảnh giác và tỉnh thức để chống lại những ảnh hưởng không tương hợp với Tin Mừng và với phẩm chất Salêdiêng của đời sống chúng ta.

  • NHỮNG LOẠI NHĨM KHC NHAU

Với những giới hạn và tài năng của mình, các hội viên hiển nhiên tác động đến tác vụ của cha. Thật khó sinh động một nhóm tuổi hỗn hợp. Tuy nhiên, theo một nghĩa khác, các hội viên làm cho việc ấy thành dễ dàng hơn nhờ ân điển và những tài năng của họ. Cha có nhiệm vụ giúp họ lợi dụng những ân điển này.

2.1 Những Salêdiêng trẻ gần gũi hơn với thế hệ đang lớn lên; họ có thể dễ dàng hiểu biết lề thói của chúng hơn, sinh động chúng và khơi động nhiệt tình của chúng.[542]

Nhưng chắc chắn các Salêdiêng này lại cần được hướng dẫn để soi đường dẫn lối sự quảng đại của họ cách thích đáng và để trưởng thành. Đề tài này được bàn kỹ càng ở tài liệu “đào luyện Salêdiêng” (FSDB), và vì thế ta không bàn đến ở đây.

Nói một điều gì đó về những người Salêdiêng già cả và lớn tuổi nhắm tới họ cần được đào luyện liên tục hình như khẩn cấp hơn. Trong khi họ vui hưởng sự hiện diện của những người Salêdiêng trẻ và nhiệt huyết chung quanh mình, họ cũng phải đóng góp thành quả là kinh nghiệm và những thái độ trưởng thành của họ.

2.2 Các Salêdiêng lớn tuổi hơn thì tự đủ hơn và được hòa hợp tốt đẹp vào môi trường thực sự của họ; họ lý luận sự việc đúng đắn nhưng không coi thường sự đóng góp tích cực mà những cảm xúc tạo nên. Họ rộng mở trước những giá trị của thế giới, nhưng không duy tâm ấu trĩ, cũng không phản loạn theo cách thức gây hấn. Họ tích cực mà không xao xuyến hay qui kỷ; họ quân bình và giữ được thế vững bền căn bản, trong khi vẫn có thể thay đổi khoé nhìn theo một mức độ lớn hơn hay ít hơn theo thời gian trôi qua (dĩ nhiên ở đây chúng ta đang nói theo lý tưởng). Những Salêdiêng lớn tuổi có những quan tâm và lo lắng vốn làm cho họ rộng mở trước những cam kết mới; chẳng hạn, họ quan tâm đến việc phát triển khả năng để hoàn thành các sự việc; họ quan tâm đến việc cải thiện mình; họ muốn học những điều mới mẻ, nhưng không bỏ đi kiến thức họ đã có. Họ quan tâm đến sự thông giao sâu xa hơn và tốt đẹp hơn giữa những phần tử của cộng thể họ, giữa trung ương và những tỉnh dòng trên bình diện thế giới, và giữa những nhóm khác nhau có những mối quan tâm khác.

Tuy nhiên họ bắt đầu kinh nghiệm một số những khó khăn. Tới một mức độ nào đó họ cảm thấy rằng tri thức và khả năng của họ không đạt được mức những đòi hỏi mà công việc của họ tác động trên họ; và điều này khiến họ đau khổ nhiều.

Họ dễ dàng ốm yếu bởi vì năng lực của họ suy giảm đáng kể. Trí nhớ của họ bắt đầu yếu dần; động lực của họ thay đổi; năng lực thích ứng những môi trường mới bị giảm thiểu; họ trở nên phòng thủ; họ thấy rất khó để thay đổi nếu không cố gắng vượt bực.

Cha sẽ biết phải nhấn mạnh điều gì và dùng phương thế nào trong những cuộc giao tiếp có tầm quan trọng hơn đối với những hội viên già hơn trong cộng thể, nếu cha nhạy cảm với những lợi ích của họ và hiểu biết những giới hạn của họ.

Mục tiêu căn bản phải nhắm tới là nhu cầu đào luyện liên tục của họ phải rõ ràng và được tiếp nhận. Đối với phương pháp cha có thể dùng, điều thứ nhất phải làm là tạo nên một bầu khí thuận lợi và rồi hết sức có thể sử dụng những tài năng và khả năng của họ, khởi đi với những gì họ quan tâm. Đừng để mất mục tiêu căn bản của cha: họ thay đổi cõi lòng và tâm trí. Cha hãy nhớ rằng phương cách duy nhất để hoàn thành điều này là do những kinh nghiệm sâu xa, cá vị trong bối cảnh của cộng thể.

2.3 Những Salêdiêng già cả

Đây là những Salêdiêng sống lâu năm. Mặc dù nhiều người trong họ có thể vẫn làm được công việc có giá trị, cha vẫn phải giúp họ chấp nhận sự kiện là họ phải trở nên già cả cách duyên dáng.

Khi thời gian trôi qua, một người từ chối chấp nhận sự kiện là họ đang trở nên già, thì một cách bất khả tránh né và bất khả cảm nhận, họ phải buộc mình giữ được một mức độ cao của hoạt động chuyên nghiệp, không kể đến những hy sinh cần thiết; hoặc bằng không, họ cố bù lại việc thiếu an toàn của họ bằng cách tìm kiếm sự thoải mái trong sự nghiêm khắc và gàn bướng. Thậm chí, họ có thể rơi vào sự cô độc đau thương hoặc dấu đi sự thiếu tín nhiệm của mình bằng cách trở thành giáo điều và hằn học. Giải đáp thật sự nằm ở việc chấp nhận tình trạng của mình và dần dần tạo nên một phong cách mới mẻ và quí báu để sống tích cực trong cộng thể và trong thế giới. Một con người ở trong ngưỡng cửa của tuổi già có nhiều điều để cống hiến. Họ có thể có ít năng lực và nhiệt huyết hơn, nhưng lại có một chiều sâu quân bình và lớn lao hơn. Họ có thể không có khả năng để hoàn thành nhiều việc như trước nữa, nhưng họ bền bỉ hơn.

Những người trong nhóm tuổi này có một sự khôn ngoan nào đó, một sự suy tư về kinh nghiệm họ thâu lượm được. Họ trở thành có khả năng để suy nghĩ sự việc sâu xa, trong sự trân trọng điều gì thật sự là đáng giá, trong ý nghĩa thiêng liêng của đời sống họ.

2.4 Những hội viên cao niên

Tuổi già là thời kỳ của cuộc sống biểu hiện và thông truyền tốt nhất sứ điệp của đời sống tu sĩ chứa đựng nơi chính mình. Đời sống ấy còn lại như một sự cô tịch và từ khước (thanh khiết); như mất mát sự hữu hiệu bề ngoài (nghèo khó) và như sự sẵn sàng chấp nhận ý Thiên Chúa (vâng phục).

Nó có thể có những lợi điểm của một tinh thần chiêm niệm sâu xa, một sự chấp nhận người khác vui tươi hơn, và một kiểu kết hợp với Thiên Chúa được tôi luyện và chân thật.

Nhưng khả năng sống tuổi già theo cách này không phải là một cái gì xảy ra tức thời. Một người đã thân thiết với những thành tựu và những hoạt động của chính mình có nguy cơ cảm thấy hoàn toàn vô ích. Một tu sĩ sẽ hưởng được quà tặng là sự chiêm niệm trong tuổi già chỉ nếu trước kia họ đã là một người chiêm niệm trong hành động và do đó đạt được sự đồng nhất với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Chúa.[543]

2.5 Bằng cách nào cha thực thi tác vụ của chính cha đối với những hội viên lớn tuổi, đặc biệt nếu cha là một giám đốc khá trẻ tuổi?

Cha hãy lấy khen ngợi, kính trọng và phục vụ làm những đặc nét cho lối tiếp cận của cha. Đây là ba cách biểu lộ tinh thần gia đình của chúng ta.

Cha ca tụng Thiên Chúa cũng bằng cách khen lao con người, nhất là khi họ cần đến. Khen con người có nghĩa là làm mọi sự cha có thể để giúp họ rộng mở cõi lòng, để an ủi, chữa trị, kích thích và nâng họ lên. Nó có nghĩa là cho họ niềm hy vọng, làm cho các sự việc trở nên dễ dàng hơn cho họ, khích lệ họ và cho họ sức mạnh; nó có nghĩa là giúp họ vui tươi và xóa đi mọi đau buồn và phiền muộn.

Khi cha tỏ ra kính trọng con người, cha kính trọng Thiên Chúa. Đối với nhiều hội viên già cả, nguyên nhân lớn nhất gây ra đau khổ cho họ là bị đối xử như các đồ vật.

Những người khác quyết định về họ mà không tham khảo họ. Có lẽ người ta chỉ nghĩ đến những nhu cầu thể lý của họ, chứ không xét đến những nhu cầu thiêng liêng, xã hội và văn hóa. Tuổi già là tuổi nghỉ ngơi, nhưng không phải hoàn toàn không hoạt động (vô vi). Có nhiều việc phục vụ bé nhỏ mà các hội viên cao tuổi có thể làm, nhiều người chỉ mong giúp được một tay, nhiều niềm vui họ có thể mang đến cho người khác.

Và sau cùng cha cũng được kêu gọi để phục vụ Thiên Chúa qua con người, nhất là những người thiếu thốn nhất. Phục vụ có nghĩa là làm ý muốn của một ai khác; nó có nghĩa là tìm ra những nhu cầu của người khác. Phục vụ có nghĩa là mỉm cười và dùng một cung điệu thân hữu. Hơn nữa, nếu cha thực sự muốn phục vụ, cha phải để cho mỗi người tự do chết cái chết của chính mình. Nói tóm lại, cha phải giúp từng hội viên hy sinh đời sống để thế giới được sống trong Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu. Khi cha cố gắng phục vụ, cha đừng quên rằng người trẻ thích một lối tiếp cận triệt để, nhưng người già lại thích sự thanh thản. Người già có một cơn đói về đức tin. Vào giai đoạn này của cuộc sống, nhiều lắng lo và quan tâm đã biến tan và Thiên Chúa thế vào chỗ ấy.

Bất cứ ai đọc bản miêu tả về những nhóm khác nhau này, có thể có ấn tượng rằng họ thuộc về nhóm này hoặc nhóm khác ở một mức nào đó; nhưng không thấy mình hoàn toàn hợp với bất kỳ một nhóm nào. Tuy nhiên, chúng ta ý thức rằng một mức nào đó, chúng ta kinh nghiệm một vài giới hạn hoặc sự thúc đẩy, hoặc những ao ước hay những ân điển của Thiên Chúa theo tuổi tác và tính khí.

Kinh nghiệm thường nhật của cha chắc chắn đủ để làm cha thâm tín rằng khi các hội viên thẳng thắn chấp nhận sự thật về chính mình, họ rộng mở hơn với những quyết định và những đề nghị của cha; và những cuộc nói chuyện bằng hữu định kỳ với họ và các cuộc hội họp sẽ hữu ích hơn và kết quả hơn.

  • HƯỚNG DẪN CÁ NHÂN HỘI VIÊN: ĐÀM THOẠI VỚI BỀ TRÊN VÀ LINH HƯỚNG

Một phần nghệ thuật thiêng liêng của giám đốc là cổ xúy sự thiện của cộng thể và đồng thời cổ xúy phúc lợi cá nhân của từng hội viên theo một phương cách đến nỗi để làm cho trách vụ hiểu biết họ là ai như một Salêdiêng và trách vụ tăng trưởng trong chân tính ơn gọi của mình nên dễ dàng. Ở đây chúng ta đang bàn đến vấn đề hằng ngày là mối tương giao cá nhân và cộng thể.

Ngày nay có một nhấn mạnh mới về những vấn đề và phẩm giá của từng người và điều ấy chính đáng.[544] Ta phải đặt tầm quan trọng thích đáng cho sức khỏe của mỗi người, sự đào luyện tri thức, đời sống thiêng liêng, nhu cầu riêng tư và nhu cầu diễn đạt chính mình. Trong bối cảnh này giám đốc phải thực sự gặp gỡ từng hội viên trên nền tảng cá nhân, hiểu biết tình trạng của họ và cung cấp những gì họ cần thiết. Giám đốc phải hoàn toàn kính trọng ân điển cá nhân của mỗi người, trong khi đồng lúc phục vụ thiện ích chung của các hội viên.

Hai vai trò này không phải không tương hợp nhau được. Giám đốc có thể bảo vệ thiện ích chung và thiện ích từng hội viên cùng một lúc. Trên bình diện lý thuyết chúng ta có thể hiểu rằng qua “sự sinh động thiêng liêng của mình” giám đốc có thể cổ xúy sự thiện của từng cá nhân trong khung phúc lợi toàn diện của cộng thể, bởi vì công việc của Thánh Thần được sắp đặt một cách khách quan vì sự thiện của cộng thể. Khi ta làm việc vì phúc lợi chân thật của mình, ta đồng thời đóng góp vào sự thiện của cộng thể, và bằng cách đóng góp vào sự thiện của cộng thể, ta thật sự cổ xúy sự thiện của chính mình.

Đây là những chân lý không thể chối cãi và một giám đốc lại mất khoé nhìn ấy là không thể tưởng được. Một tình trạng đặc thù thậm chí có thể đòi hỏi một loại tu đức mà đòi hỏi hy sinh vì thiện ích chung: “Mỗi người đặt những khả năng và những ân điển đặc biệt của mình nhằm phục vụ sứ mệnh chung. Được cộng thể trợ giúp, bề trên có trách nhiêm phân định và sử dụng chúng cho đúng. Nếu những nhu cầu tức thời của đức ái và việc tông đồ đòi hỏi hy sinh những dự tính và kế hoạch tự nó chính đáng, thì mọi hội viên hãy chấp nhận trong đức tin và kiên nhẫn điều mà đức vâng phục đòi hỏi.”[545]

Thực sự có nhiều trường hợp mà những mâu thuẫn hằng ngày không thể né tránh. Ở đây không phải là một vấn nạn về những mâu thuẫn thuộc về đời sống tu sĩ đúng nghĩa. Chúng thật thông thường trên bình diện xã hội. Và cha không thể chỉ mãn nguyện lập lại những nguyên lý quan trọng rồi không làm gì nữa, với hy vọng rằng thời gian và những hoàn cảnh sẽ dẫn cha có những quyết định đúng đắn. Không có những câu trả lời làm sẵn. Đối với từng vấn đề giám đốc cần phải tìm tòi giữa những giải đáp khả thi một giải đáp dường như đáp ứng lại những nhu cầu khác nhau cách tốt đẹp nhất.

Ngài sẽ phải khảo sát những ý kiến thuận – nghịch trong mỗi trường hợp, phải dùng đến trí tưởng của mình, và giữ đôi chân trên đất bằng; ngài hãy là một con người cầu nguyện và quân bình và đồng thời hãy chân thành và nói năng rõ ràng.

Một cuộc đàm thoại thật sự nhằm tìm kiếm chân lý, hay nói cách khác, một nỗ lực thực sự để phân định can dự tới giám đốc, cộng thể và cá nhân liên hệ, là phương cách tốt nhất để đảm bảo tính khách quan của một quyết định và sự vui vẻ lớn lao hơn để theo điều được quyết định, mặc dù nó đòi hỏi hy sinh nào đó.

3.1 Đàm thoại với Bề trên

  1. Một khủng hoảng và những nguyên do

Đối với việc đàm thoại cá nhân với giám đốc, chúng ta vừa trải qua giai đoạn xác định lại và canh tân, cũng như đã xảy ra với những điểm căn bản khác trong đời sống tu sĩ. Nếu tới một mức nào đó việc thực thi này hầu như ở mọi nơi bỏ đi không dùng đến, thì điều này trước tiên do sự kiện là một hiểu biết về bản chất đích thực của nó đang nổ ra và cũng gồm những yếu tố khác nữa.

Cha sẽ chắc chắn ghi nhận rằng không có sự canh tân nào xảy ra trong Tu hội mà không có đau thương.

Điều này càng là thế trong một thời kỳ lịch sử như hiện tại này; nơi đây những ý tưởng thịnh hành chắc chắn không cổ xúy cho việc thực thi tình cha của giám đốc, hay cũng không giúp hội viên tin tưởng ngài.

Hơn nữa, những yếu tố bên ngoài có một ảnh hưởng trên phong thái sống của chúng ta đến nỗi giám đốc đã phải đảm nhận một vài trách vụ và trách nhiệm có khuynh hướng kéo ngài ra khỏi trách vụ đệ nhất của ngài- chăm lo cho các hội viên- và điều ấy không để lại một chỗ cho một sự bình lặng tâm lý và thiêng liêng cần thiết nếu cuộc đàm thoại với bề trên phải xảy ra trong một bầu khí thích hợp.

  1. Đàm thoại với bề trên như một việc thực thi sự hoàn thiện

Chúng ta có một ghi chú không đề ngày tháng do Don Bosco viết. Trong đó ngài đề ra năm chuẩn mực để một nhà Salêdiêng chạy ngon trớn. Chuẩn mực đầu tiên là “tuyệt đối cần phải đàm thoại với bề trên.”[546] Đối với Don Bosco, đàm thoại với bề trên là một “trong những chuẩn mực cơ bản cho các nhà Salêdiêng.”[547] Nó là “chìa khóa cho trật tự và luân lý.”[548] Vì thế bề trên phải chu toàn nhiệm vụ này “với sự chuyên chăm lớn lao bao có thể;”[549] Chuyên chăm thông thường mà thôi thì không đủ.[550]

Đấng Sáng Lập thánh thiện có nhiều lý do để nói như thế. Một số là những động cơ thực tiễn thuộc về tinh thần gia đình của chúng ta, về việc điều hành thích đáng cộng thể đào luyện và quan tâm đến những nhu cầu của cá nhân theo nghĩa là dành một tình yêu đặc biệt cho từng hội viên hợp với đức ái mục tử được chính Đức Kitô tỏ lộ.[551]

Nhưng những lý do quan trọng nhất là những lý do có bản chất siêu nhiên. Đàm thoại thân tình với bề trên có nguồn mạch trong bầu khí siêu nhiên của Nguyện xá, trong môi trường là sự đơn giản và tín nhiệm được tạo nên trong bí tích Giao Hòa và được trải rộng ra đời sống thường nhật với khát vọng hướng đến sự hoàn thiện và thánh thiện vốn thúc đẩy những thanh thiếu niên tốt lành hơn “tỏ cho bề trên hay tất cả những bí mật của chúng với một lòng đơn sơ ngay thẳng của một đứa trẻ, khi em vạch cho người mẹ xem những vết cào, những vết thâm xước và những nốt ong chích của nó.”[552]

Theo Don Bosco nghĩ, đàm thoại với bề trên không bao giờ muốn là một hành vi quản trị hình thức. Nó luôn là một hành vi siêu nhiên, một thời khắc đặc biệt quan trọng trong đời sống chúng ta như những tông đồ được thánh hiến. Trong truyền thống chúng ta, nó được nối kết với Dọn Mình Chết Lành hàng tháng[553] và được coi là “một trợ giúp mạnh mẽ để tiến bộ trong nhân đức,”[554] hay chính xác hơn, là trường học chân chính dạy các nhân đức, schola virtutum, chứa đựng “một phần của tuổi thơ ấu thánh thiện; tuổi thơ ấu này được Chúa chúng ta căn dặn nhiều; nhờ đó và do đó tâm hồn được bảo đảm bình an chân thật.”[555]

Don Bosco gán cho cuộc đàm thoại với bề trên một vai trò được nhiều sự trợ giúp thiêng liêng thực hiện mà một tu sĩ chiêm niệm tìm được trong sự bình an và thinh lặng của tu viện: “Rendiconto hữu ích cách đặc biệt cho chúng ta, những người có rất ít cuộc sống chiêm niệm.”[556] Và Don Albera đúng với tư tưởng của Don Bosco khi viết: “Sự chăm sóc và đào luyện của chính cá nhân là quan tâm hàng đầu (của giám đốc), và để đạt được mục đích ấy, không có phương thế nào tốt hơn là rendiconto.”[557] Chiều kích thiêng liêng của nó mặc lấy thêm một ý nghĩa nếu cha ý thức rằng nó đã khởi đầu như một cuộc linh hướng và được tiếp diễn như thế một thời gian dài. Sau này người ta ấn định sự phân biệt tòa trong và tòa ngoài. Sự phân biệt này là nguyên nhân của nhiều căng thẳng khá mãnh liệt. Nhưng nay chúng đã được vượt qua trên bình diện pháp lý và thực tiễn cũng như trong thái độ của các hội viên.[558]

Mới đây trong một nghiên cứu về chính mình do Tu hội thực hiện trong Tổng Tu Nghị 21 ta đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng, bổn phận, phong cách của cuộc đàm thoại với bề trên: “Bề trên hãy coi như một trong những bổn phận chính yếu của mình là việc luôn sẵn sàng để phục vụ cộng thể, đặc biệt trong việc tiếp nhận và lắng nghe các hội viên. Cuộc đàm thoại thân tình này là một thời khắc ưu tiên để đối thoại. Nó giúp ích nhiều cho sự tăng trưởng thiêng liêng của cá nhân lẫn cộng thể. Trong bầu khí tin tưởng lẫn nhau mỗi hội viên phải năng gặp gỡ giám đốc, cho ngài biết tình trạng sức khoẻ của mình, việc tông đồ tiến hành ra sao, những khó khăn mình đang phải đối diện trong đời sống tu sĩ và bác ái huynh đệ, và tất cả mọi điều có thể đóng góp vào lợi ích của cá nhân hội viên và cộng thể.”[559]

  1. Phong thái đàm thoại với bề trên

Đối với Don Bosco, cuộc đàm thoại với bề trên xảy ra ngay sau khi thú nhận tầm quan trọng như một sự diễn tả của tình cha thiêng liêng và sự tín nhiệm lẫn nhau. Ngài tuyên bố điều này trong chúc thư thiêng liêng của ngài: “Giám đốc hãy hết sức đừng bao giờ bỏ việc rendiconto hàng tháng. Trong dịp đó mỗi giám đốc hãy trở nên người bạn, người anh và người cha của những người thuộc quyền mình.”[560] Trong sự thân mật của cuộc đàm thoại thân hữu này, cha đại diện Don Bosco. Nhưng khuôn mẫu thực sự của cha là Đức Kitô, như Ngài đã mặc khải tình yêu của Chúa Cha cho chúng ta và là Đấng đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ.[561] Loại phục vụ này là một nghệ thuật mà ta không bao giờ học cho đủ được. Nó là một đặc sủng của Thánh Thần ta phải triển khai. Cuộc “đàm thoại với bề trên” tự thân không hiện hữu. Điều hiện hữu là cuộc gặp gỡ cá nhân của cha với những hội viên cá vị và loại biệt của cha, trong sự khác biệt của họ và những hoàn cảnh đặc thù của đời sống họ. Mỗi ngôi vị đều khác nhau và cha phải hiểu họ và giao tiếp với họ như chính họ, nếu cha muốn cuộc đàm thoại mang lại những kết quả tích cực. Thực vậy, cuộc đàm thoại với bề trên nhắm cổ võ sự tự do của người hội viên, nghĩa là, giúp họ hiểu được chính mình và những nguyên lý của mình đầy đủ hơn hầu dần dần có khả năng tổ chức cuộc sống dấn thân và phục vụ của họ cách tốt đẹp hơn. Điều này đòi hỏi nơi phía cha một toàn bộ của những đường nét và thái độ mà nếu xao nhãng chúng thì quả thực là thiếu khôn ngoan:

  • Hiểu biết, hầu thích ứng với từng cá nhân

Là bề trên, cha thường tiếp xúc với các hội viên của cha, nhưng phần đa những giao tiếp này đều ngắn ngủi và thực tế. Còn đàm thoại thân tình thì hoàn toàn khác. Nó là cuộc gặp gỡ làm phát huy những giá trị của đời sống Salêdiêng và đời sống cá nhân của người hội viên. Nó phải liên quan đến những nhân đức, thái độ, giới hạn của họ, tới thành công và thất bại, niềm vui và nỗi buồn cùng những nhu cầu sâu kín nhất của họ nữa. Cuộc đàm thoại thân hữu cho cha dịp “hiểu biết các hội viên từng người một,” như Don Bosco diễn đạt. Tất cả chúng ta đều có một vài nét chung, nhưng “mỗi ngôi vị đều độc đáo bởi vì những tính chất đặc biệt của họ và nhịp điệu tăng trưởng của họ; bởi vì những luồng ảnh hưởng họ gánh chịu và những khả năng họ có thể phát triển; bởi vì đau khổ và niềm vui đang liên lỷ nhào nặn tính khí của họ và tiếng gọi độc đáo mà Chúa ban cho họ.”[562]

Cha được mời gọi để đi vào thế giới nội tâm này với sự run rẩy và tín thác, dù không chút xoi mói[563] và luôn kính trọng tự do của cá nhân. Cha phải thực sự hiểu biết trạng huống và cách thức người hội viên nhìn xem và kinh nghiệm trạng huống ấy. Cha phải để ý đến kinh nghiệm về tuổi tác của họ, đến những quan tâm của họ, những cam kết tông đồ và những nhu cầu sâu xa của họ. Thánh Bênêdictô viết: “Regere animas est multorum servire moribus.”

Loại nói chuyện chung chung với bề trên, trong đó điều họ nói có thể áp dụng cho bất kỳ ai thì tác hại hơn là gây ích. Thiên Chúa biết và kêu gọi chúng ta đích danh.

  • Biết cách lắng nghe để đạt được một sự hiểu biết đúng đắn.

Giám đốc là một người lắng nghe giỏi. Giúp một hội viên, nếu người đó nhút nhát, diễn tả chính mình mà không ngắt lời họ quả là tốt đẹp. Cha hãy tìm ra một chốn im lặng nơi đó cha sẽ không bị quấy rầy và lo sao tránh làm bất kỳ điều gì khi một hội viên đang tâm sự với cha. Cha đừng nói xen vào cách không suy nghĩ và tạo ra ấn tượng là một người biết mọi sự và có mọi giải đáp. Chúng ta đọc biết rằng khi Don Rua tiếp đón một hội viên, ngài kính cẩn nghiêng về phía hội viên đó, hoàn toàn chú tâm đến điều người đó phải nói. Don Bosco thường quen làm giống như vậy. Chỉ nguyên việc có thể diễn tả mình hoàn toàn tự do đã tạo cho một người tình cảm về sự thành tựu. Nếu cha quá bồn chồn đến nỗi phải bắt đầu đưa ra những giải quyết trước khi người hội viên kết thúc điều họ muốn nói, cha liều mình đưa ra những giải đáp sai lạc đối với những vấn đề không được diễn đạt đầy đủ. Chắc chắn điều này không có lợi cho hình ảnh của cha là một người đem lại những giải đáp có thẩm quyền.

  • Biết làm thế nào để đồng cảm với người khác hầu chia sẻ những vấn đề của họ

Giám đốc phải tránh sai lầm và lắng nghe một hội viên và đối thoại với họ chỉ trên bình diện thuần lý mà thôi, bỏ qua bình diện tình cảm mà luôn luôn đang được thịnh hành hơn nhiều. Cha không nên bị tình cảm ảnh hưởng quá, nhưng chắc chắn người hội viên có quyền kỳ vọng cha hiện diện với họ cách huynh đệ, bạn hữu và toàn diện. Cha có thể hiểu rõ rằng đằng sau những lời và kỹ xảo biện hộ vốn bộc lộ ra một sự căng thẳng nào đó, có những nhu cầu sâu xa và tình cảm phong phú kêu gọi đến một sự thông cảm và một sự đáp trả hữu ích.

  • Hướng dẫn hội viên

Don Bosco nói: “Trong rendiconto, giám đốc nên dành cho mỗi người trọn thời gian họ cần thiết để nói lên điều họ muốn nói, để diễn tả những nhu cầu và ước muốn của họ”[564] và “ngài phải tiến hành cách kiên nhẫn và trong tinh thần cầu nguyện.”[565]

Bây giờ chúng ta hãy coi xem cách ‘tiến hành này’ mà Don Bosco nói đến. Dưới diện những kỳ vọng của các hội viên, giám đốc có thể đảm nhận một trong những thái độ sau:

– Ngài có thể đóng vai trò của một chuyên viên và trả lời cho hội viên bằng cách cho họ một ý kiến rõ ràng (“con đúng”) hoặc (“con sai”) và cố gắng trực tiếp ảnh hưởng những quyết định của họ.

– Ngài có thể từ chối vai trò chuyên viên và đảm nhận một thái độ khích lệ, thâm tín vững vàng rằng người hội viên có thể và phải đạt tới độ là có khả năng tự mình quyết định. Giám đốc cho phép họ tìm kiếm và quyết định.

– Ngài có thể từ chối vai trò chuyên viên nhưng cộng tác với người hội viên cách huynh đệ khi họ cùng nhau khám phá những nguyên lý mà một quyết định phải dựa vào đó. Những nguyên tắc này sẽ chạm đến chính ý nghĩa và ơn gọi của người hội viên.

Giám đốc nên lấy thái độ nào? Ta không thể đưa ra một câu trả lời đơn độc nào, bởi vì trạng huống thật khác biệt nhau! Nhưng ta có thể thêm một ít tư tưởng về vấn đề này:

– Giám đốc không có quyền từ khước vai trò của mình là một người hướng dẫn, nhưng cách thức tốt nhất để hướng dẫn và chỉ đạo không nhất thiết là góp ý hay khuyên bảo hoặc ra các chỉ thị.

– Điều quan trọng là tìm được một cách thức thực thi một tổng hợp giữa sự hướng dẫn bên ngoài, thông truyền những nguyên tắc và làm cho cá nhân chín muồi tận bên trong.

– Từ quan điểm này, thái độ hòa hợp tuyệt hảo nhất hai nhu cầu này là thái độ cộng tác vốn có một vài hàm ý:

+ Nó có nghĩa là được thúc đẩy do một ước vọng chân chính là hiểu được cách nói của người hội viên, là nghĩ theo hạn từ của họ, là khám phá thế giới của họ. Nói cách khác, là nắm bắt điều trạng huống muốn nói với họ.

+ Nó có nghĩa là chân thành tin tưởng vào khả năng của các hội viên để chính mình quyết định. Do đó nó muốn từ bỏ bất kỳ cố gắng nào để làm cho người hội viên có thay đổi theo cách tư duy của cha và áp đặt những giá trị của cha trên họ, hoặc bằng cách công khai hay gián tiếp.

+ Nó có nghĩa là chân thành cộng tác với họ bằng cách sẵn sàng giúp họ phân định được những đòi hỏi chuyên biệt nào đó mà Thiên Chúa muốn được thực hiện trên họ, hầu họ có thể chu toàn tiếng gọi của Ngài.

  1. Những đề tài cho cuộc đàm thoại với bề trên

Theo đúng phong thái hiền phụ của Don Bosco, có một số đề tài biệt loại phải được nói đến trong cuộc đàm thoại với giám đốc. Chúng liên quan đến con người và những hoạt động của hội viên. Trong bầu khí tin tưởng và tín nhiệm lẫn nhau, họ được khích lệ để nói cho cha biết “tình trạng sức khoẻ của họ, cách thức tiến hành công việc tông đồ, những khó khăn họ gặp trong đời sống tu sĩ và bất kỳ điều gì có thể đóng góp vào hạnh phúc của từng cá nhân hội viên và của cộng thể.”[566]

  • Sức khoẻ

Sức khoẻ của các hội viên là một trong những tài sản quí báu nhất của Tu hội.

Mặc dầu mỗi người chịu trách nhiệm về sức khoẻ của mình thì cha vẫn có trách nhiệm quan tâm trực tiếp đến vấn đề này. Don Bosco không “khuyên hãm mình hay phạt xác”, nhưng “làm việc, làm việc hơn nữa.”[567] Nhưng ngài cũng nói: “Hãy làm việc nhưng chỉ tới mức mà sức khoẻ của con cho phép mà thôi.”[568] Ngài nói cho các giám đốc: “Mỗi đêm cha hãy ngủ nghỉ 7 tiếng. Cha có thể du di trong khoảng một giờ khi có một lý do đặc biệt nào đó, và cũng áp dụng điều này cho các hội viên.”[569] Hãy coi xem để các hội viên không quá đầu tắt mặt tối với công việc.” “Mỗi người hãy chăm sóc sức khỏe của mình … hầu họ có thể làm được nhiều việc.”[570]

Vì thế cha hãy để ý đến các hội viên trừ phi họ không thận trọng và làm việc quá độ, và vì thế trở thành vô ích trong cuộc sống sau này, bởi vì họ đã kiệt sức trong thời kỳ trước. Cha hãy luôn luôn thúc đẩy họ làm việc, nhưng hãy nhớ điều Vatican II nói: “Điều kiện thể lý và tâm lý ngày nay của con người nói chung không còn như xưa nữa.”[571]

Một vài sự nhượng bộ mà chỉ một ít năm trước đã được coi là không thể tưởng được, thì ngày hôm nay lại cần thiết vì những lý do sức khoẻ. Tất cả các hội viên thường không thể theo cùng một khuôn mẫu về nhịp điệu của công việc tông đồ. Một số người có những nhu cầu loại biệt trong đồ ăn, nghỉ ngơi và những nhu cầu khác. Cha hãy liệu sao cho cộng thể hiểu và chấp nhận những nhu cầu cá nhân này nhưng không nhượng bộ cho tính ích kỷ và việc tìm kiếm tiện nghi an nhàn từ phía bất kỳ hội viên nào.

Cha hãy chăm sóc đặc biệt những hội viên đau ốm. Mặc dầu có thể bất tiện, cha hãy đến thăm họ mỗi ngày nếu họ ở trong cộng thể, như Don Bosco mong muốn; và mặc dù họ phải ở nhà thương, cha hãy lo liệu sao cho họ được an ủi bởi những cuộc thăm viếng thường xuyên. Một hội viên không nên có lý do để phàn nàn rằng họ ít được săn sóc và quan tâm về phần thiêng liêng hơn là họ nhận được từ gia đình họ. Don Bosco viết trong Những kỷ niệm thân tình dành cho các giám đốc: “Cha hãy tiết kiệm trong mọi sự, nhưng hãy chắc chắn rằng những người đau ốm không thiếu gì cả. Tuy nhiên cha hãy làm cho mọi người nhớ rằng chúng ta đã tuyên khấn khó nghèo.”[572]

  • Những nhu cầu tri thức

Trong một xã hội nơi đó những nhu cầu cá nhân trở thành càng chuyên biệt và cá nhân hơn, giám đốc không thể bỏ qua những nhu cầu mà một hội viên có thể có đối với đời sống trí tuệ của họ. Lý trí của họ phải tìm thấy của ăn tương xứng theo sáng kiến được Giám tỉnh đem lại. Đây là sự đầu tư tốt nhất mà người ta có thể thực hiện được nơi một hội viên, trong khi việc làm cho tâm trí của người hội viên teo lại và khiến họ không thể thực thi công việc tông đồ cách xứng đáng và hữu hiệu thì không phục vụ gì cho Thiên Chúa cả.

Trong những buổi đàm thoại thân tình, cha có thể nhận ra những nhu cầu thuộc loại này và dùng những phương thế thích hợp để đáp ứng. Bao có thể và với một chút ít sự khôn ngoan nhìn xa trông rộng, cha hãy cố gắng khuyên nhủ các hội viên tham gia vào những khóa học và những cuộc họp cập nhật, và hãy quảng đại cung cấp sách vở và những trợ giúp khác để họ có được một loại văn hóa sẽ giúp ích cho họ trong công việc.

  • Những nhu cầu thiêng liêng

Thật không bao giờ dễ dàng để chu đáo và kiên trì trong việc sống những bổn phận của đời sống tông đồ chúng ta. Những mâu thuẫn có thể nảy sinh từ việc có nhiều ý kiến khác nhau, có sự ghen tương không nhận ra được, những khác biệt về tuổi tác, văn hóa hoặc kinh nghiệm, và ngay cả những khác biệt trong lãnh vực nhân đức. Trong những trường hợp như thế một cuộc thảo luận bình thản và an bình được đức tin soi sáng thường có thể soi sáng tâm trí, dẹp tan những hiểu lầm và khôi phục bình an.

Vì chức vụ của mình, cha thường xuyên sẽ có một khóe nhìn toàn diện đầy đủ hơn về nhiều tình trạng, nhưng đừng vì điều này mà coi thường sự trợ giúp của những hội viên thật tầm thường đem lại cho cha. Có những sự việc trong nhà mà chỉ giám đốc lưu ý; nhưng có những sự việc khác chỉ được một số cá nhân hiểu biết và chịu đựng. Vì vậy cha hãy lắng nghe họ với sự chú ý thích đáng và cha sẽ thấy mình đánh giá và kính trọng sự đóng góp họ có thể thực hiện.

Những tình huống khó khăn giữa những người thân của một hội viên thường là nguồn lo âu và đau khổ cho họ. Giám đốc phải chia sẻ những âu lo này và nhận ra mình có thể đem lại sự trợ giúp thực tiễn nào, đang khi đó, nếu cần, cũng nói vấn đề ấy với Giám tỉnh.

  • Những nhu cầu không luôn luôn hiển nhiên

Giám đốc phải luôn nhớ để hỏi: “Con có thấy bất kỳ điều gì trong công việc của con làm cho con xao xuyến và đe doạ đến sự trung kiên trong ơn gọi của con chăng?”[573] Câu hỏi này dường như cho thấy Don Bosco đã ý thức rằng một hội viên có thể có những nhu cầu mang tầm mức quan trọng nào đó; tuy nhiên họ không thể diễn tả chúng rõ ràng được. Đôi khi có một nhu cầu để là chính mình, bất chấp một thứ áo khoác cho kẻ điên được hoàn cảnh áp đặt lên; để hiểu lý do của một số thái độ bảo thủ hay gây hấn được cảm nghiệm trong đời sống của ngài hầu làm nhẹ đi tác động và ảnh hưởng của chúng; để nhìn xem cuộc đời và sống nó như một cái gì cho phép họ phát triển và trải rộng bởi vì cuộc sống đó đặt họ phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa; để được mãn nguyện trong nhu cầu của họ là cảm thấy mình được yêu mến. Giám đốc phải có khả năng đoán trước những nhu cầu này và những nhu cầu khác nữa, ngay cả khi chúng không được diễn tả rõ ràng, và phải giúp để minh tỏ và đáp ứng chúng.

  1. Thường xuyên đàm thoại với bề trên

Hiến luật[574] và Qui chế[575] dùng chữ “năng” khi nói về đàm thoại với bề trên. Don Bosco đã nói nhiều cùng một điều cho Don Lazzero vào năm 1884: “Đừng giữ nghiêm ngặt từ ngữ “hàng tháng”, nhưng tốt hơn cảm thấy tự do để làm bất kỳ điều gì mà tạo ra được điều tốt nhất. Theo nguyên tắc, những cuộc đàm thoại này có thể dài, nhưng thông thường chúng lại hóa ra ngắn; nhiều hội viên sẽ cần thiết chính xác là một tháng một lần; và một số khác hai tháng một lần cũng đủ, nhưng không bao giờ nên để lâu hơn thế.”[576] Thời gian theo niên biểu không luôn luôn tương hợp với những nhu cầu thiêng liêng. Một cuộc đàm thoại hữu hiệu đòi phải sửa soạn cả thiêng liêng lẫn tâm lý; ta phải ghi nhớ và cung ứng điều này. Toàn bộ công việc trở nên dễ dàng hơn nhiều khi tương quan giữa giám đốc và các hội viên được đánh dấu bằng sự tin tưởng và kính trọng.

  1. Cuộc đàm thoại với bề trên và tu đức

Mối tương quan cá nhân được phát triển trong cuộc đàm thoại thân tình là một cái gì không chỉ làm cho người hội viên có thể trưởng thành và tiến bộ, nhưng còn làm như thế nữa cho cả giám đốc. Thông giao kéo theo sự thay đổi. Xảy ra thường xuyên biết bao là những điểm tốt của các hội viên kích thích chính giám đốc cải thiện mình! Nhưng sự thay đổi cũng có thể là kết quả của một kinh nghiệm tu đức lâu dài và kiên nhẫn mà không hiếm khi đi liền với những cuộc đàm thoại này.

Có một loại hội viên mà do chính việc đối diện với bề trên đủ cho họ lập tức gây ra những xung khắc và xung đột. Họ phê bình bề trên, khước từ lắng nghe ngài và nói chung trút vào giám đốc mọi sự thù hằn họ cảm thấy đối với người khác. Và thậm chí có những người lợi dụng tình cha của giám đốc vào những trường hợp như thế vì những mục đích ích kỷ của chính họ. Don Bosco đã nhận ra và tiếc xót rằng có thể có tình cảm xấu và sự cay đắng nảy sinh giữa giám đốc và hội viên “mà có thể kéo dài hàng tháng, dầu không lộ hiện ra bên ngoài.”[577] Trong những trường hợp như thế, giám đốc phải kìm hãm mình, tự chủ và không bối rối hay mất kiên nhẫn.[578] Thay vì thế, ngài hãy chịu đựng trong thinh lặng và dâng đau khổ ấy cho Thiên Chúa vì ích lợi của người hội viên liên hệ.

Đây là một tác vụ mà nơi đó Thiên Chúa không quên mau tới giúp cha. Cha hãy sẵn sàng bỏ quyền bính của cha sang một bên nếu vì làm như thế cha có thể lợi được một linh hồn.[579] Cha hãy vui vẻ lắng nghe sự thật về chính mình, mặc dầu nó không tốt đẹp gì. Don Rinaldi ghi nhận: “Có thể mất thể diện cho chúng ta để nghe được những sự thật chua xót từ các hội viên; có lẽ họ dường như đang phỉ báng bề trên; nhưng chúng ta phải có can đảm để họ nói điều ấy ngay cả giữa công chúng, dầu tốt hơn cả là nói riêng tư. Chúng ta phải có can đảm nhận lỗi và sai lầm của mình: bằng cách này máu nóng có thể nguội đi biết mấy! Biết bao hiểu lầm có thể được sáng tỏ và hiểu đúng.”[580]

  1. Đàm thoại với giám đốc và sửa lỗi huynh đệ

Đàm thoại thân tình “cống hiến một cơ hội tuyệt hảo để sửa chữa sai lầm và ngay cả những sai lầm nghiêm trọng khi cần thiết, mà không làm mếch lòng.”[581] Don Rua và Don Albera đều nhất trí với Don Bosco về điểm này. Đàm thoại với giám đốc thực sự có thể đem lại những điều kiện thích hợp nhất để sửa lỗi huynh đệ, nhưng thường xuyên hơn, nó không phải là thời khắc lý tưởng cho mục đích này: “Đàm thoại thân tình phải là một thời khắc để trao đổi thân tình và thân mật, khiến hiểu nhau và cộng tác với nhau hơn.”[582] Sửa lỗi tốt nhất là khi cơn giận đã nguôi ngoai, “Vào lúc thích hợp, có lẽ khi cha đi dạo với người hội viên liên hệ. Cha có thể đi vào điều cha muốn nói bằng chỉ một ít lời thôi, rồi sau đó đổi đề tài ngay để người ta có thể thấy rằng theo như cha xét nó là một chuyện của quá khứ và có thể đã bị quên rồi.”[583] Đây là cách thức dễ dàng nhất để làm việc ấy, nhưng hãy làm điều cha phải làm.

Những điểm chính cha phải hướng sự khéo léo của tình cha và của chức linh mục tới trong vấn đề sửa lỗi huynh đệ là: cá nhân chủ nghĩa, sự sút giảm nhiệt tình tông đồ và sự đánh mất cảm thức về ơn gọi ngày một gia tăng.

Cá nhân chủ nghĩa phát triển mạnh do thiếu sửa lỗi huynh đệ. Từ thiên kiến và thiếu tin tưởng, ta dễ dàng đi tới việc quy ngã, bi quan và khước từ mọi trách nhiệm.[584] Những cộng thể đánh mất nhiệt huyết của mình; không còn cam kết nghiêm chỉnh nào nữa và bằng lòng với cái tối thiểu. Nó chấm dứt mọi sự độc đáo và biểu lộ sáng tạo.

Cá nhân chủ nghĩa và việc lần lần bỏ đi nhiệt huyết đưa đến một thứ trống rỗng và cảm thức bất mãn; cảm thức này sẽ tàn phá ý tưởng về việc dâng hiến cho Thiên Chúa; và điều này lại sinh ra nguy hiểm là thiếu tuân giữ Hiến luật; điều này làm lu mờ căn tính Salêdiêng và có thể đưa họ đến việc từ bỏ ơn gọi.[585]

  1. Sự bí mật

Chính bản chất cuộc đàm thoại thân tình với giám đốc đòi buộc một sự bí mật và kín đáo nghiêm nhặt: “Giám đốc hãy cẩn thận, đừng bao giờ tỏ cho người khác những lỗi lầm một hội viên có thể có, ngay cả khi họ đã có thể biết qua những nẻo đường khác. Hãy làm cho các người thuộc quyền mình thấy rõ ràng là ngài có khả năng kính trọng sự kín đáo đối với điều được ký thác cho ngài. Chỉ một sự hớ hênh nhỏ thôi cũng đủ làm suy giảm và có lẽ phá hủy hoàn toàn sự tín nhiệm họ dành cho ngài.”[586] Vì những lý lẽ gắn liền với chức vụ của cha, Giám tỉnh có thể hỏi ý kiến cha về người hội viên này nọ, và trong trường hợp đó cha phải cho biết cách khách quan và có trách nhiệm. Nhưng điều ấy phải được dựa chỉ trên thái độ bên ngoài của người hội viên liên hệ và trên những gì người khác nói về họ. Những tâm tư thầm kín được nói trong những cuộc đàm thoại riêng, được giữ kín cách nghiêm ngặt: nihil, umquam, nulli.

3.2 Linh hướng

Việc linh hướng đang được làm nổi bật lại, nhờ vào Giáo hội thúc đẩy trong các tài liệu, liên quan đến việc đào luyện trong các chủng viện và các tu hội, và một ý thức cũng như sự nhạy cảm rộng mở hơn từ phía Dân Chúa.[587] Trong Tu hội, chúng ta lại nhận ra được tính chất và sự khẩn cấp cốt yếu của điều ấy, đặc biệt trong các Tổng Tu Nghị mới đây của chúng ta.

  • Tổng Tu Nghị 19 chấm dứt những điều không rõ ràng khác nhau vốn đã gây ra nhiều vấn đề từ thời Don Rua. Tổng Tu Nghị công bố cách thẩm quyền rằng do một quyền lợi ngài không thể từ bỏ, giám đốc Salêdiêng luôn luôn và đồng thời “là bề trên của nhà, là giám đốc hay ‘magister spiritus’ cho mọi người trong đào luyện, là cha thiêng liêng hay vị hướng dẫn lương tâm được dành cho các hội viên.”[588] “Ngài sẽ được một hoặc nhiều cha giải tội giúp đỡ hữu hiệu; những vị đó không được mất đi khoé nhìn về hướng đi được giám đốc vạch ra. Các ngài sẽ tìm cách tiếp tục cho các hối nhân sự hướng dẫn đào luyện.”[589] “Nếu một hội viên yêu cầu một cha giải tội hay linh hướng đặc biệt, bề trên nên sẵn sàng chấp nhận điều ấy.”[590]
  • Tổng Tu Nghị Đặc Biệt nhấn mạnh rằng những dự thế của Tổng Tu Nghị 19 phải được thực thi, đặc biệt trong các cộng thể đào luyện; Tổng Tu Nghị diễn đạt hy vọng rằng cần phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vị bề trên như là vị linh hướng bằng cách “phải cung cấp một sự chuẩn bị nghiêm chỉnh.”[591]
  • Theo Tu hội yêu cầu, Tổng Tu Nghị 21 nhắc nhớ giám đốc về tính ưu tiên và sự khẩn cấp của trách vụ đào luyện của họ qua việc linh hướng cộng thể và cá nhân.[592] Ta đòi hỏi sự linh hướng như thế, đặc biệt như là thiết thân với việc chuẩn bị trực tiếp vào tập viện,[593] trong chính tập viện,[594] trong thời tập vụ,[595] trong việc đào luyện các linh mục Salêdiêng,[596] trong đào luyện liên tục.[597] Nhưng khôi phục việc linh hướng còn hơn là một sự quay trở về quá khứ thuần túy. Nó được phát sinh từ một khái niệm mới mẻ về điều nó hàm ẩn, và mọi giám đốc phải ý thức điều này. Việc canh tân liên hệ đến cả nội dung lẫn những mục tiêu mà nó nhắm đến, được biểu lộ và chuyển giao đúng thực như chúng trong kinh nghiệm của đức tin và chứng tá; việc canh tân cũng chạm đến phương pháp mà được làm cho hợp thời nhờ những đóng góp của các khoa học nhân văn và một khoé nhìn toàn diện về nhân vị trong sự phát triển liên tục; nó cũng được canh tân trong phong thái mà nay là phong cách của cuộc đối thoại thân tình vốn kính trọng những quyền lợi cá nhân, khả năng sáng tạo của họ cùng khả năng lấy quyết định.

Chắc chắn cha sẽ thức tỉnh trước những nhắc nhở này. Chúng là hoa trái của Thánh Thần đang tác động liên tục trong Giáo Hội và của những ý tưởng mới mẻ được Ngài liên lỉ khơi lên. Ngài thổi vào và làm Tu hội được canh tân. Và như vậy mở ra cho tác vụ ưu tiên của cha là hướng đạo một lãnh vực hoạt động rộng lớn; các hội viên trong thời kỳ đào luyện, những hội viên lớn tuổi hơn, những người gặp khó khăn. Cha phải tiếp cận sự phục vụ tha nhân này với một sự hiểu biết rõ ràng về bản chất của nó và điều nó đòi hỏi.

  1. Linh hướng, điểm căn bản

Lời công bố có thẩm quyền của Đức Phaolô VI sẽ đủ làm cho cha thâm tín về chân lý này: “Không ơn gọi nào có thể trưởng thành mà không có một linh mục trợ giúp. Tự mình ơn gọi không thể được như thế. Rất hiếm khi một người trẻ có thể hiểu được tiếng Chúa gọi và biết mình đi đâu mà không cần đến một sự trợ giúp của một người tài khéo trong việc phân định các tâm hồn và trong việc đọc những dấu chỉ thời đại. Cần phải có linh hướng.”[598]

  • Để nhận biết những lời chỉ dẫn của Thiên Chúa

Môi trường là một yếu tố chính yếu trong đào luyện. Nhưng vai trò thực sự của nó là đem lại một tình trạng trong đó chủ thể tự do và rộng mở cho sự hướng dẫn. Điều quan trọng là biết xem và tới một mức độ nào nhân vị trong thời kỳ đào luyện có thể hấp thụ và làm thành của mình những giá trị và những nguyên lý được cống hiến cho họ hay không. Tất cả những khía cạnh của ơn gọi Salêdiêng với những nhu cầu và mục tiêu của chúng, là những đối tượng của việc linh hướng, và vai trò của cha giải tội hoặc cha linh hướng thật chủ chốt. Có thể nói, các ngài là sự hiện diện bí tích của Giáo Hội và Tu hội mà nhờ thế nhằm đảm bảo cho việc đào luyện lương tâm. Bất kỳ ai tự ý làm sai trệch sự trung gian thuộc loại này hoặc thiếu chú ý đến lời khuyên họ nhận được đối với những chỉ dẫn thực sự, nghiêm chỉnh và tiêu cực, sẽ tự đặt mình vào trạng thái chống lại ý Chúa.

  • Để tinh chế ơn gọi thành một kinh nghiệm cá nhân

Ngày nay sự cần thiết của việc linh hướng cũng nảy sinh từ nguyên lý là ‘dành ưu tiên cho kinh nghiệm cá nhân’. Nếu kinh nghiệm như thế phải có giá trị là một sự hướng dẫn cá nhân, thì cần phải có người sẽ giúp cá nhân tăng trưởng trong hiểu biết về kế hoạch của Thiên Chúa đối với họ, mà không nhượng bộ cho những động cơ cá nhân dễ dãi hoặc thứ trì trệ vô trách nhiệm. Đoàn sủng của Đấng Sáng Lập là một kinh nghiệm Thần khí được chuyển giao cho các môn đệ của ngài để họ có thể sống, gìn giữ, liên lỉ tìm hiểu và phát triển.

Ý tưởng ‘một kinh nghiệm’ hàm ý việc sống Tin Mừng của Đức Kitô theo một phong thái mới với một tinh thần mới. Nó đem lại một sự biến đổi qua một ấn tượng bên trong vốn làm cho ta có thể hiểu biết và thâu hóa những lý tưởng mà người tu sĩ Salêdiêng chọn lựa. Nó là chuyện đối thoại liên tục, một cuộc đối thoại thông thường cần phải có sự hướng dẫn và trợ giúp mang tính chất thừa tác do vị linh hướng.[599]

Không hủy bỏ tự do cá nhân của mỗi người, phù hợp với tâm trí của Don Bosco và truyền thống chúng ta, cha sẽ thấy rõ tại sao ‘thật rất thích hợp’ là vị linh hướng phải là một Salêdiêng và (đặc biệt đối với hội viên trẻ trong thời đào luyện) người đó phải là giám đốc của cộng thể đào luyện.[600]

  1. Giám đốc, vị hướng đạo của người trong thời đào luyện

“Những người trong thời đào luyện” bao gồm các thỉnh sinh, các tập sinh, những hội viên khấn tạm, những người sống những năm đầu tiên của khấn trọn đời, các linh mục và sư huynh trong những kinh nghiệm đầu tiên của họ trong đời sống thực tế.

Từ thời Don Bosco, Tu hội không bao giờ mỏi mệt để nhắc nhớ các giám đốc về trách nhiệm rất nghiêm trọng của họ trong công việc đào luyện này.[601] Ngày nay ta lại nhấn mạnh cách đúng đắn đến trách nhiệm hàng đầu của chính những người trẻ và đến vai trò tột bực của cộng thể đào luyện. Nhưng không gì đúng hơn rằng cha vẫn là điểm quy chiếu bó buộc, “là điểm hội tụ của mọi yếu tố tập trung và điều phối”[602] trong việc sinh động thiêng liêng của cộng thể và các phần tử; đấy là sự thật vậy. Sau công đồng Vatican II có một sự lộn xộn nào đó như thường xảy ra khi những thay đổi mới mẻ và sâu xa làm nảy sinh những sáng kiến trái phép. Cuốn Đào Luyện Salêdiêng (FSDB) đã chấm dứt sự lộn xộn và không rõ ràng này bằng cách đặt ra những nguyên tắc và chuẩn mực rõ ràng.[603]

  1. Những hội viên già hơn

Câu ngạn ngữ “đối tượng của việc linh hướng là làm cho những người tiếp nhận sự linh hướng có thể hành động mà không có nó” chứa đựng một số chân lý. Người Salêdiêng trưởng thành tuân giữ luật dòng, hấp thụ sự linh hướng cộng thể mà họ thường được cống hiến qua những việc như là các bài huấn đức, những hội họp về những vấn đề thiêng liêng, việc duyệt xét đời sống, những bài đọc thuộc nhiều loại khác nhau; họ tiến bước không mấy khó khăn trên đường hoàn thiện hợp với bậc sống của họ.

Trừ ra đối với những người lo lắng do sự không chắc chắn hay bối rối thường xuyên, loại hướng dẫn có phương pháp, thuộc về giai đoạn đầu của việc đào luyện thì không còn thích hợp nữa. Nó phải đảm nhận những hình thức và nhịp điệu thích hợp hơn đối với người tu sĩ trong tuổi này, và trong thực tế, nó trở thành được đồng nhất với sự hướng dẫn nhận được trong bí tích Hoà Giải. Ít nhất đối với chúng ta là các Salêdiêng, đây là di sản được Don Bosco để lại cho chúng ta và được xác định do việc thực hành thường xuyên của ngài và do những truyền thống của chúng ta.

Khi viết cho các linh mục (nhưng lời khích lệ của ngài có thể áp dụng cho tất cả các hội viên) Don Albera nói rằng ngay cả đối với linh mục “linh hướng vẫn là bất khả thế.”

Tự nhiên “cha giải tội cũng là thẩm phán, cũng là người y sĩ và hướng đạo, là bạn và cha. Hơn bất kỳ ai khác, ngài biết những phẩm chất thiêng liêng của chúng ta và toàn cảnh của cuộc sống chúng ta. Ngài ở vào tư thế tốt đẹp cả trong lẫn ngoài bí tích để hướng dẫn chúng ta trên con đường hoàn thiện thiêng liêng, đặc biệt trong trường hợp của chúng ta. Ngài cũng buộc phải tìm kiếm cùng sự hoàn thiện đó là sống trong cùng một tinh thần tu sĩ.”[604] Ngay cả ngày nay, loại linh hướng này vẫn có giá trị,[605] ta có thể thêm rằng cuộc đàm thoại với giám đốc, theo một vài quan điểm và trong một vài trường hợp có thể là một loại linh hướng chân thật.[606]

Và như vậy cha có thể thấy rằng người Salêdiêng già cả hơn, nhạy cảm trước những thúc đẩy của Thần khí và gương lành của Don Bosco, không thiếu sự trợ giúp nội tâm hữu hiệu, đặc biệt trong những lúc thử thách không thể tránh được.

Không gây cho họ khó chịu, cha phải khôn khéo thỉnh thoảng nhắc nhớ các hội viên ấy về những sự kiện thiêng liêng này vốn liên kết rất nhiều với sự kiên trì của chúng ta và việc chúng ta liên lỉ thấu nhập vào Đức Kitô.

Cha hãy làm hết sức để đảm bảo rằng tất cả các hội viên dễ dàng đến với những cha giải tội có khả năng và thật sự là người của Thiên Chúa.

  1. Trong những lúc khó khăn

Theo lý thuyết tiến trình đào luyện phải tiến hành cách tích cực và hài hoà.

Trong thực tế có thể có những giai đoạn không chắc chắn và thậm chí những khủng hoảng, những thời kỳ giật lùi, những trạng thái mệt mỏi và nghi ngờ, khi người ta cần một kích thích mới cho đời sống nội tâm.

Tâm lý học sẽ dạy cho cha tới mức nào những động lực ẩn kín có thể ảnh hưởng đến những quyết định. Kinh nghiệm sẽ cho cha thấy rằng những khó khăn mà trước kia đã không bao giờ xuất hiện hoặc những khó khăn ta nghĩ rằng đã được giải quyết, có thể đột nhiên ló dạng vào những thời khắc bất ngờ nhất, chẳng hạn vào áp ngày tuyên khấn hay chịu chức. Chúng ta sống trong những trạng huống mà ở đó người ta ít chú trọng tới những mệnh lệnh luật lệ, ở đó những ý thức hệ khác nhau đầy dẫy trong những lãnh vực văn hóa và chính trị. Dù muốn hay không, các hội viên trẻ gặp những lý thuyết triết học, tâm lý và sư phạm vốn thách thức đức tin của họ. Họ gặp những phong thái sống mà ít giúp họ có được tính nhạy cảm kitô hữu vững chắc. Đầu óc của họ bắt đầu xoay chiều dưới làn đổi thay sâu rộng. Và họ thấy mình phải chọn lựa trong những trạng huống mà trước kia họ chưa bao giờ nghĩ đến; và trong đó người hướng đạo khả dĩ duy nhất của họ là lương tâm. Trong những trường hợp này thật rất khó khăn cho các hội viên là tách ra khỏi chính mình và những vấn đề tức thời của mình hầu có thể khách quan ước định ý Chúa.

  1. Các hội viên gặp khó khăn

Không sớm thì muộn, mọi giám đốc sẽ bắt gặp những hội viên có những vấn đề. Họ có thể là những hội viên trẻ lẫn già. Nếu ngài mở to đôi mắt cách tinh tường, thì trực giác tâm lý của người “chuyên tìm sự thiện cho mọi người và không làm hại ai” sẽ giúp ngài ghi nhận sự rắc rối ngay từ đầu và xử lý ngay. Nhưng điều này không dễ làm chút nào. Một hội viên có thể chịu cơn khủng hoảng vì bất kỳ lý do nào và đằng sau đó có thể có những nguyên nhân liên quan đến một sự quân bình tâm lý tế nhị hoặc một trạng huống bệnh lý bất trật tự.

Trong loại thử thách này, toàn cộng thể phải trợ giúp, nhưng trách nhiệm lớn nhất luôn rơi xuống trên giám đốc. Vào những lúc như thế cha phải thật sự là một người cha và phải tỏ ra như thế. Mặc dù có thể cần đến một chuyên viên can thiệp, thì cha đừng nghĩ rằng điều này xá miễn cho cha khỏi chịu trách nhiệm. Cha phải dùng sự tinh tế và tế nhị trong việc thu xếp cuộc gặp gỡ với chuyên viên và được hội viên đó ưng thuận. Nại đến quyền bính của cha trong trường hợp như thế thật không mấy khôn ngoan. Cha cũng phải dàn xếp những chi tiết cho một cuộc cộng tác liên hệ và thỏa thuận phạm vi của sự bí mật nghề nghiệp mà chuyên viên đó bị ràng buộc.[607]

Loại trợ giúp này có thể có giá trị, nhưng không được lẫn lộn với việc linh hướng: linh hướng hoạt động ở một bình diện cao hơn. Chẳng hạn, trách nhiệm đối với việc chọn lựa ơn gọi không tùy thuộc vào trách vụ hay thẩm quyền của tâm lý gia. Một quyết định như thế xẩy đến vào cuối tiến trình biện phân về phía của người có được ân sủng cần thiết cho tác vụ này.

  1. Những thái độ và phương pháp khi cuộc đàm thoại can dự đến việc linh hướng

Như cha biết, linh hướng là một cuộc gặp gỡ, vừa có tính chất nhân loại vừa có tính chất thiêng liêng, với một con người tài khéo trong tu đức và sự phân định. Nó lợi dụng những phương thế của cuộc thông giao kitô hữu để phân định và gắn bó với ý Chúa. Nó muốn hữu ích và có những hàm ý sau đây:

– Nơi cha, việc linh hướng đòi hỏi kinh nghiệm về Thiên Chúa, và về đời sống cùng đoàn sủng Salêdiêng, một sự sẵn sàng lắng nghe, sự chuẩn bị thích đáng về thần học và tâm lý học, khả năng phân định và sự khiêm nhường. Nhưng cha cũng phải ý thức đến sự kiện rằng điều cha đang làm tạo nên thành phần của một bức tranh rộng lớn về sự trung gian phổ quát của Giáo hội. Vì thế “cũng như người ta thường được cứu độ qua những người khác, thì Thiên Chúa cũng dùng con người để dẫn những người được kêu gọi đến một mức độ thánh thiện cao hơn tới đạt mục tiêu này.”[608] Khi cha dấn mình vào việc linh hướng, cha là một dụng cụ để phân định ý Chúa, chứ không phải là kho chứa thánh ý. Cha phải tìm kiếm ý Chúa cùng với người cha đang hướng dẫn. Và trách vụ của cha là cắt nghĩa những dấu chỉ mà qua đó ta nhận biết thánh ý. Những kết luận của cha không thể đi xa hơn một sự chắc chắn thận trọng mà luôn cần đến sự kiểm chứng cẩn thận.

– Người được giúp đỡ phải muốn làm cho mình được nhận biết đúng thực là mình hay đúng như họ nghĩ mình là thế. Đồng thời họ phải vui vẻ để được giáo huấn và trợ giúp. Họ đang tìm kiếm một chuyên viên trợ giúp bởi vì họ ý thức sự kiện là họ chưa thể làm được một sự lượng giá thiêng liêng về đời sống họ, bởi vì họ chỉ có một tri thức lộn xộn về cái cấu trúc thâm sâu hơn của một cá nhân mà những lý do để hành động theo những cách thức nào đó đối với họ lại không rõ ràng.

– Cả cha và người hội viên cha hướng dẫn, phải có một khoé nhìn ‘bí tích’ về tiến trình nhờ đó một thụ tạo mới được sinh ra theo Thần khí và đời sống thần linh được chuyển thông. Trong quá khứ những nhà linh hướng được gọi đúng là “những người mang Thần khí” và chức năng của họ được gọi là ‘tình cha thiêng liêng’.

Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Tinh thần của người môn đệ được truyền lại từ người cha thiêng liêng của họ theo cách kín ẩn và riêng tư.”[609] Giản lược mối tương giao ấy chỉ vào một tương giao “huynh đệ” hay “bạn hữu” sẽ làm nó nghèo đi rất nhiều. Nhưng đàng khác mối tương giao ấy lại rất thường phát triển trong tình bằng hữu huynh đệ sâu xa.

Phải nên thừa nhận phong thái đàm thoại nào?

Cha phải nhớ rằng việc linh hướng “mang theo với mình tất cả những đặc tính của truyền thống Giáo Hội về linh đạo và của phong thái Salêdiêng về sự sinh động thiêng liêng.”[610]

Không thể ao ước hoặc thậm chí không thể nghĩ đến một loại gặp gỡ mà thôi. Giữa nhiều khuôn mẫu thích hợp cha sẽ chọn một khuôn mẫu thích hợp nhất đối với tình trạng của người liên hệ, đối với môi trường của họ, đối với những nhu cầu mà cha thấy trước và đối với những vấn đề được nêu ra để thảo luận.

Tự nhiên cha sẽ chú ý để tránh bất kỳ những thái độ tình cảm nào mà có thể làm nguy hiểm cho tính khách quan và là cái phản đề của lòng nhân hậu; cha cũng sẽ tránh đi bất kỳ điều gì một đàng có vẻ quyền bính hay nghiêm khắc, và đàng khác lại quá suồng sã. Nhưng bất kỳ khuôn mẫu nào cha thừa nhận, thì cốt yếu là cha không được làm ra vẻ một tâm lý gia, nhưng chỉ là chính cha, tức một dụng cụ được Giáo Hội sai đi như một lệnh sứ của Thánh Thần; một vị hướng đạo nhưng đồng thời là một chứng nhân chân thực tỏ lộ ra trong đời sống của cha những giá trị cha nói đến; một chuyên viên, bao có thể, trong những vấn đề của cõi lòng và là bậc thầy về tinh thần Salêdiêng và sự thánh thiện.

Cha hãy tránh bất kỳ điều gì có vẻ kỷ luật; hãy nhường điều ấy cho các cộng sự viên của cha.

Cha hãy tử tế và niềm nở; hãy tỏ ra tin tưởng và tín nhiệm; và cha sẽ nhận được những thứ đó từ những người khác. Cha đừng hấp tấp. Thiết lập được loại tương giao đúng đắn ngay lần gặp gỡ đầu tiên là có thể được, song cũng vẫn cần thời gian và cố gắng. Cha hãy chờ đợi và cầu nguyện cho đến khi đá tan chảy ra. Nhưng nếu cha thấy rằng một hội viên đặc thù nào đó thấy khó khăn đặc biệt để tín nhiệm cha, cha đừng lo âu về điều ấy. Cha hãy lấy sáng kiến là khuyên họ đến gặp cha giải tội hay một hội viên nào đó mà họ có thể nhận được điều mà họ không thể có được từ cuộc đàm thoại thông thường với giám đốc.

Nhưng cha hãy nhấn mạnh và hãy nại đến Giám tỉnh về điểm này nếu cần, rằng những phần tử trong ban cố vấn của cha bình thường không đảm nhận việc hướng dẫn hội viên trẻ còn trong thời đào luyện. Sự bó buộc giữ bí mật ngăn cản họ đóng góp tòa ngoài, foro externo, vào việc đào luyện vốn là khẩn yếu và đôi khi là cốt yếu đối với chính việc linh hướng. Thực sự thường xảy ra rằng người được hướng dẫn trình bày một bức tranh về chính mình trong những lần gặp giám đốc, và bức tranh ấy thì lý tưởng hơn sự thực, và dù sao chăng nữa nó có tính chắt lọc và không đầy đủ.

  1. Những bất ổn và cạm bẫy

Mọi việc linh hướng được đi kèm bằng một cảm thức nào đó về sự chung tay (hai người cùng liên kết để tìm ý Thiên Chúa), một sự đồng nhất hóa nào đó ngày càng tăng của người môn sinh với thầy mình, một sự trao ban hỗ tương nào đó của điều mỗi người là, hơn là của điều mỗi người biết hay mỗi người làm. Không ai có thể sống một kinh nghiệm loại này với bất kỳ chiều sâu nào mà không bị nó biến đổi sâu xa. Và tiến trình ấy không thoát khỏi những cạm bẫy và những bất ổn. Chẳng hạn nếu hai người liên hệ tìm kiếm sự hài lòng lẫn nhau (một điều đôi khi vô tình lại xảy ra) thì sự đồng nhất hóa theo sau sẽ có những kết quả hoàn toàn tiêu cực. Giám đốc liên kết người khác với chính mình ở bình diện cảm xúc và người kia không còn có thể phân biệt giữa sứ điệp và người trao ban sứ điệp; và họ bị dẫn đến việc chấp nhận sứ điệp trên những nền tảng đồng cảm hoặc chống đối sứ điệp vì tình cảm xấu hoặc vì bực bội, mà không nhìn đến giá trị khách quan của nó.

Linh hướng được diễn tả dưới diện tình cha thiêng liêng. Có một khía cạnh thần linh nào đó đối với nó. Nhưng nó cũng can dự đến những phản ứng tình cảm và ngay cả những cảm tình vô thức. Những khát vọng có thể nảy sinh từ những cội rễ không rõ ràng và điều này có thể bóp méo mọi sự. Một sự cố chấp cứng đầu cứng cổ nào đó, những cắt nghĩa nghiêm khắc nào đó về Tin Mừng hay luật dòng, những sự im lặng nhiều lần là những dấu hiệu của loại vấn đề này.

Không có hai kinh nghiệm thiêng liêng nào đồng nhất nhau; không có hai đặc sủng thiêng liêng là như nhau. Nhưng mối nguy hiểm là chuyển giao những kinh nghiệm của riêng cha cho người cha hướng dẫn, với những cảm nếm và ao ước của cha là mối nguy hiểm rất thật.

Trừ phi ngài có thể đặt mình vào trạng huống của người khác, giám đốc sẽ có được một khoé nhìn sai lệch về tình trạng và sự tự do thiêng liêng của người thuộc quyền sẽ bị thoả hiệp. Trong tiến trình hướng dẫn có thể xảy ra thường xuyên hơn là thông thường người ta ý thức rằng người được hướng dẫn trút xuống trên giám đốc những tình cảm, tích cực và tiêu cực, mà trước kia chủ thể giáng xuống trên những người khác. Quan trọng là giám đốc phải điềm tĩnh và không bị kích thích vào một phản ứng sai lầm vốn sẽ làm phương hại đến chính mối tương giao.

Mặc dù những khó khăn đa dạng này, cha hãy nhớ rằng có lẽ không có một kinh nghiệm mục vụ nào gây phấn khởi cho bằng việc linh hướng. Nó mang lại niềm vui là có thể quan sát những kỳ công được Thánh Thần tạo nên trong những tâm hồn của những kẻ được chọn. Và niềm vui tương tự là có thể giúp và đồng hành, trên đường của họ, với những người tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và sống trong ánh sáng của Ngài; niềm vui là nhìn thấy họ tìm được lối sống Tin Mừng của họ và sống nó trong chiều sâu. Nhưng niềm vui này có giá của nó. Nó đòi cha một thái độ thanh luyện liên lỉ và khiêm nhường sâu thẳm, một tinh thần cầu nguyện sâu xa và sự mau mắn vâng nghe Thánh Thần. Nó đòi hỏi sự tế nhị, chân thành và kiên nhẫn. Cuộc đối thoại duy nhất thật sự có giá trị là cuộc đối thoại với Thiên Chúa; và chính điều này mang lại ánh sáng và sức mạnh cho cuộc đàm thoại trong linh hướng.

  • LINH HƯỚNG CHO CỘNG THỂ

Đàm thoại cá nhân và linh hướng chắc chắn đóng vai trò giúp cha sắp xếp các vấn đề để những tổ chức việc chia sẻ, sinh động và cai quản sẽ hữu hiệu theo quan điểm Salêdiêng. Những tổ chức này là ban cố vấn cộng thểhội nghị hội viên. Nhưng sức mạnh của những cơ chế này bắt nguồn theo một mức độ nào đó từ điều cộng thể nghe và nhận được bằng con đường thông giao, và ngay cả từ sự khởi hứng vốn hướng dẫn công việc của mỗi người và làm cho “cái ý thức tốt đẹp và biết phê phán của tinh thần Salêdiêng” được trưởng thành. Tính chất Salêdiêng này nằm ở cội nguồn của mọi sự mà một người Salêdiêng là và làm.

Nhằm mục đích này, những tài liệu của chúng ta đề xướng một nhịp điệu đều đặn của những bài huấn đức, hội họp và “huấn từ tối” cùng với việc thỉnh thoảng duyệt xét đời sống[611] và kiểm thảo.[612] Và việc bó buộc dùng đến thông tin (mà theo nhiều khía cạnh trải rộng xa những giới hạn của cộng thể tu sĩ và tràn ra tới Gia Đình Salêdiêng, tới cộng thể giáo dục và tới vòng rộng lớn hơn là các bạn hữu và những cảm tình viên).

4.1 Ban cố vấn cộng thể và hội nghị hội viên

Tương quan liên vị và từ đấy những vấn đề của một cộng thể địa phương tùy thuộc rất nhiều vào kích thước của nó. Cai quản và sinh động một cộng thể ít hội viên theo một phong thái đời sống gia đình đơn giản là một chuyện; còn cai quản và sinh động một cộng thể lớn với những luật lệ và tương giao phức tạp nhằm mang lại một kiểu tổ chức rất chính thức là một chuyện khác hẳn.

Đó không chỉ là một vấn đề về con số, nhưng còn về phẩm chất đời sống. Một cộng thể gồm mười hội viên có thể sống theo một cách thức mà làm cho cộng thể gần với tổ chức của một thân thể có tầm vóc to lớn hơn là với tổ chức của một nhóm nhỏ. Cũng vậy, giám đốc của một cộng thể có ít hội viên có thể gặp những khó khăn vì chính lý do này; chẳng hạn có những hội viên không được dựng nên để sống trong những nhóm nhỏ, nhưng lại hoàn toàn thích hợp trong cộng thể lớn hơn. Cần phải có sự tưởng thành nào đó để sống trong một cộng thể nhỏ với khả năng thích ứng với một bầu khí nhóm. Một tu sĩ hoàn toàn chú tâm vào công việc của mình và không có cảm thức về sự hiểu biết xã hội sẽ thấy mình lạc lõng trong nhóm như thế và làm cho đời sống khó khăn đối với mọi người khác.

Trong việc cai quản một cộng thể nhỏ cũng có thể có khuynh hướng, có lẽ chỉ là ngầm hay được mặc nhiên chấp nhận thôi, quyết định mọi sự bằng sự đồng thuận chung, còn giám đốc không được coi như là bề trên và trung tâm hiệp nhất. Nếu không được nhận ra và bị phản đối, một tình trạng như thế có những hậu quả nghiêm trọng trên phẩm tính của đời sống cộng thể Salêdiêng.

  1. Ban cố vấn cộng thể

Cha sẽ không được bỏ qua tầm quan trọng của những hoàn cảnh trong đó ban cố vấn cộng thể được kêu gọi để lấy những quyết định.[613] Quyền bính và chức năng của ban cố vấn được ra đặt trong Quy chế.[614] Nhưng tham gia vào việc cai quản cộng thể[615] có nghĩa là chia sẻ quyền bính trong Tu Hội trong tất cả những biểu hiệu của nó. Khoản Hiến luật 125 vạch ra khía cạnh mục vụ của quyền bính. Lời nhắc nhở đó thật thích hợp bởi vì ta dễ bỏ quên khía cạnh mục vụ và tập trung vào việc quản trị. Một ban cố vấn lưu tâm đến mục vụ trong công việc của mình sẽ thường xuyên lượng giá về tình trạng toàn diện của cộng thể; ban cố vấn sẽ xem xét những chỉ dẫn thích hợp cho những lãnh vực mục vụ khác nhau. Nó cảm thấy trực tiếp cam kết chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của cộng thể. Tình liên đới cần thiết là một dấu hiệu của tinh thần vốn phải soi sáng cho hoạt động của ban cố vấn.[616] Nó là một sự chia sẻ trách nhiệm cụ thể; trách nhiệm đó trải rộng đến cả những chọn lựa và nội dung.

  1. Hội nghị hội viên

Ta biết rất rõ về thẩm quyền của hội nghị là chọn một đại biểu dự Tu Nghị Tỉnh và trong một vài trường hợp, chọn một hay nhiều thành viên cho ban cố vấn cộng thể.[617] Nhưng điều không được ta hiểu cho đầy đủ là chức năng điều phối gắn liền với hội nghị này: điều này có lẽ là vì mệt mỏi sinh ra do cơ cấu mà trở nên đòi hỏi và kêu gọi một sự chú tâm liên lỷ và một tâm trí rộng mở.

Đây là hội nghị điều phối sự hiệp thông. Nó là cuộc hội họp “của tất cả mọi người Salêdiêng trong cộng thể địa phương.”[618] Nó cũng là điểm hội tụ của những tình cảm và tinh thần của họ.

Nó là một hội nghị dành để cùng tìm thánh ý Chúa, dưới sự hướng dẫn của bề trên. Bằng cách này sự vâng phục cộng thể được đảm bảo và có được một cam kết chung cho hoạt động tông đồ.[619]

Nó là một hội nghị điều phối khía cạnh cộng thể của công cuộc, không phải bằng cách thiết định mọi chi tiết, nhưng bằng cách quyết định những đường nét chính phải theo đối với “những câu hỏi chính yếu liên quan đến đời tu và hoạt động của công thể” theo những lời của Hiến Luật 194.

Một khoa tu đức nào đó thì cốt yếu trong việc mang lại mối tương quan và rộng mở của cộng thể đến với thánh ý Chúa vốn phải là hiển nhiên khi có hai người hay hơn nữa tụ họp nhân danh Ngài. Tác vụ của cha phải nhằm giúp các hội viên lấy lại được mối quan tâm và nhiệt tình đối với ơn gọi Salêdiêng của họ. Nếu họ có thể làm điều này, những vấn đề khác sẽ thường tự động biến mất.

  1. Một lời lưu ý cho giám đốc

Những cơ quan này đem lại sức mạnh cho sự cam kết mục vụ của tất cả các hội viên và cổ xúy sự thông giao và hiệp thông giữa họ. Nhưng nếu chúng phải đạt tới mục đích của mình, thì cha cần ghi nhớ vài điểm:

  • Hãy bảo đảm là ai nấy đều biết những chi tiết như nơi chốn, thời gian, chương trình của những buổi họp là ai sẽ tham dự, vào lúc thích hợp. Điều này phải được thực hiện cả trong những cộng thể nhỏ.
  • Theo quan điểm vật chất, cha hãy đảm bảo rằng những điều kiện cho buổi họp là tốt đẹp, bày biện đồ đạc tiện nghi ngăn nắp v.v.., cho những người tham dự.
  • Cha hãy ý thức sự đóng góp của cha cho cuộc họp đều có hiệu quả về tâm lý; đóng góp ấy có thể là quyết định. Cha hãy làm mọi sự có thể được để những hội viên có thể có những tình cảm gây hấn, thoát khỏi những hệ thống của họ trước đã, hầu cuộc họp có thể bắt đầu một bầu khí cầu nguyện và lắng nghe. Cha hãy bắt đầu bằng một vài lời dẫn nhập và chào đón đơn sơ. Xin một hội viên nào khác để chủ tọa cuộc thảo luận thật là hay. Nếu cha chủ tọa và chính cha làm việc này, cha có nguy cơ áp đặt ý riêng mình. Dù các hội viên có đồng ý với điều cha nói hay không, thì ngay cả cách vô thức họ cảm thấy rằng điều cha vừa nói phải được chấp nhận. Dù sao, sau khi điểm thảo luận được nêu lên rõ ràng, cha đừng làm người đầu tiên cho ý kiến. Cha hãy ở đó như ‘một người anh giữa các anh em’ và chăm chú lắng nghe. Khi cha nói, những người khác phải ý thức rằng giám đốc không thể bỏ qua một bên quyền bính của ngài và không thể bỏ qua cái nhìn toàn diện đầy đủ hơn về tất cả mọi khía cạnh của vấn đề mà ngài có thể có. Điều cha phải nói ở điểm này sẽ không là làm một quyết định (trừ phi trong một vài trường hợp đặc biệt cha muốn hành động cách khác), nhưng nó sẽ luôn là có thẩm quyền.
  • Cha hãy ý thức rằng điều mà thực sự được nói có thể chỉ biểu thị cái mút đầu của một tảng băng. Từ điều được nói ra cha cố gắng suy diễn những nhu cầu cá nhân và tập thể nằm ở dưới, ngay cả những nhu cầu được hiểu cách bất toàn. Và nếu cha chủ tọa, cha phải cố gắng nêu ra và minh tỏ chúng. Khả năng lắng nghe và trau chuốt gọn gàng chính xác lại những ý tưởng theo cách này không phải là một cái gì đến tự phát. Nó thường đòi hỏi nỗ lực đáng kể để hiểu những người khác (và thực sự muốn hiểu họ) và chống lại việc đưa ra câu giải đáp dễ dãi mà chúng ta có thể tưởng các hội viên đang mong chờ nơi chúng ta.
  • Cha hãy cổ võ đối thoại giữa các thành viên của nhóm hơn là để cuộc thảo luận khai triển cuộc đối thoại giữa một bên là cha và bên kia là một số còn lại của nhóm. Khi cha nói, cha hãy nói cho một cá nhân chứ không cho toàn nhóm.
  • Cha hãy chuẩn bị mình bằng một kho kiên nhẫn. Có thể việc khẩn cấp phải làm một quyết định là từ mọi tỉ lệ với bước tiến uể oải của cuộc thảo luận trong nhóm này đang xảy ra. Và thực sự đôi khi khẩn cấp thực sự. Nhưng cha hãy cẩn thận đừng tạo nên một sự khẩn cấp tưởng tượng để bỏ đi một vấn đề nào đó bằng cách cho một ‘giải đáp trên giấy tờ’. Nó sẽ trở lại sau này dưới một hình thức khó khăn hơn.
  1. Đối kháng và đối thoại trong những phiên họp cộng thể

Tổng Tu Nghị 21 nói cho giám đốc rằng ngài ‘phải nghiên cứu cách cá nhân và với cộng thể những đường lối thích hợp để chu toàn những bổn phận của mình, với sự kiên nhẫn liên lỷ đối diện với những khó khăn luôn nảy sinh.”[620] Để làm điều này cha cần có một vài hướng dẫn phải theo khi đối kháng nảy sinh. Đây là một số những hướng dẫn đó:

  • Đừng sợ hãi những đối kháng

Tránh né mọi đối kháng hay thời khắc khó khăn trong cộng thể là không thể được hoặc thậm chí không đáng ước ao. Một đối kháng sẽ mau chóng trở thành một sự phân tách rộng rãi nếu cha tỏ ra những dấu hoảng sợ hay âu sầu, hoặc nếu vì sợ hãi đối diện với vấn đề, cha tri thức hóa nó, và vì thế làm cho nó trở thành không thực, hoặc để loại nó ra khỏi đường đi, cha làm một quyết định vội vàng nào đó.

Khi nảy sinh một trạng huống như thế, tốt hơn cả là nhận biết nó, minh tỏ nó và làm cho nó trở thành khách quan; điều đó giả định cha có khả năng đương đầu với những căng thẳng và có một thái độ vốn làm cho cha có thể lắng nghe lời công bố của vấn đề mà không coi nó như một thách đố cho chính cha hoặc cho điều cha có thể đã làm, nhưng như một ý kiến ta cần phải nghiên cứu, bởi lẽ thực sự nó có thể đưa tới một giải đáp tốt đẹp hơn.

  • Cố gắng để nhận dạng nguồn mạch thực sự của đối kháng

Một vài đối kháng nảy sinh từ những trường hợp loại biệt và nhất thời; những đối kháng khác lại liên kết với cách thức trong đó người ta quan niệm hay trải qua mối tương quan với quyền bính. Còn những đối kháng khác nảy sinh do cách thức trong đó người ta thưc thi quyền bính.

Nếu giữa giám đốc và hội viên có một loại tương giao bàn giấy, thì nệ luật lớn lên; nó có thể cứu được vẻ bề ngoài (nhưng không luôn luôn được như vậy), nhưng thực nó lại xây lên một bức tường ngăn cách giữa họ. Những cá nhân sẽ tỏ ra không muốn xây dựng một mối tương quan sâu xa và cá vị chút nào.

Nếu có một quan niệm về quyền bính vẫn có mùi cha chú hay bi quan yếm thế tồn tại, thì những thái độ ấu trĩ có thể dễ dàng nảy sinh. Sẽ có những phản ứng chống lệ thuộc. Đối kháng chắc chắn xuất hiện nếu ta thừa nhận những hình thức cơ cấu hay những phương pháp tổ chức vốn hữu hiệu loại bỏ sự cộng tác hay sáng kiến của cá nhân hội viên.

  • Tìm ra đối kháng có ở bình diện nào

Nó có thể ở trên bình diện trí thức hoặc tình cảm. Chung chung nó xuất hiện như một sự va chạm các tư tưởng. Nhưng đối kháng thực sự có lẽ thường ở bình diện tình cảm. Đây là một trường hợp phải nhớ kỹ hầu tránh được những cố gắng để giải quyết thuần trên căn cơ lý luận trong khi những cội rễ của vấn đề đi sâu hơn vào trong những tình cảm hay những nhu cầu cá nhân.

– Hãy làm cho mình trở thành một dấu chỉ của sự tha thứ

Cha hãy ý thức rằng nói chung mỗi hội viên phải tìm được một đường lối riêng để tương giao thích hợp với bề trên của mình. Những thù hằn hay ác cảm tự nhiên cần phải xua trừ trên cả hai phía. Sự tha thứ phải khiến một con người bình thản, kiên nhẫn rộng mở và thông cảm. “Khả năng chấp nhận những người dưới phê bình chính đáng”[621] và sự biến đổi chính mình hay tình trạng là một yếu tố mạnh mẽ để cổ xúy sự hiệp thông.

Một cách tự nhiên đối thoại cống hiến một nguồn mạch phong phú để có thể tìm được một giải đáp.[622]

  1. Phải tránh những thái độ hiểu lầm

Có thể xảy ra là một vài thái độ của cha khiến cha bị hiểu lầm, nhưng một cách vô thức như thế mà thôi. Điều này có nghĩa là cha phải cảnh giác đề phòng nếu cha muốn khám phá ra chúng.

Đang khi bỏ qua một bên những cám dỗ khá ấu trĩ đưa đến thiên tư tây vị và tham vọng vốn đưa đến một ước muốn là gây ảnh hưởng, thì hầu hết tất cả những cám dỗ khác có thể giản lược vào một thứ sợ hãi nào đó.

Có thể sợ hãi thiết lập một mối tương giao thật sự cá nhân với các hội viên. Điều này đưa đến một khuynh hướng là lẩn trốn đằng sau chức vụ, là chỉ đóng một vai trò (với những tương giao cá nhân không hơn chi là nghi thức suông) hay là dìm mình vào hoạt động quản trị hay công việc tông đồ, giống như một sự thoái thác thực tế một cách vô thức khỏi giao tiếp cá nhân và sự sinh động.

Có thể có một khuynh hướng về chủ nghĩa độc đoán với một thiên hướng, ít nhất là giai đoạn đầu là nhận vơ mọi sáng kiến về cho chính mình; hoặc là khuynh huớng cha chú với các hội viên được giản lược vào tình trạng của những trẻ nít ‘phải được coi sóc chứ không được nghe.’

Đôi khi có một nỗi sợ hãi là làm những lỗi lầm mà sau này người ta phải chấp nhận bởi chúng đã trở thành hiển nhiên. Hoặc có thể có nỗi sợ hãi là đối diện cá nhân và trực tiếp với người làm sai quấy; và thay vào đó, là rút lui vào đằng sau lời quở trách cộng thể cách tổng quát hóa. Điều ấy luôn luôn khiến nhiều người phật ý mãnh liệt.

Đôi khi giám đốc ẩn náu trong một sự an toàn giả hiệu là đòi hỏi các hội viên liên hệ tỏ ra nhân đức anh hùng hơn là chấp nhận rằng không thể tìm được giải đáp tức thời cho một khủng hoảng nào đó. Cũng có cơn cám dỗ là gán những khó khăn cho ác ý hay không trưởng thành, hơn là cho những sức nặng của hoàn cảnh và những giới hạn cá nhân.

4.2. Huấn đức, hội họp và huấn từ tối

Để khuấy động nơi các hội viên một sự thưởng nếm đối với cầu nguyện vốn rất cần thiết, để giữ cho tinh thần gia đình sống động trong một bầu khí hiệp thông huynh đệ và tình bằng hữu, để cỗ võ việc thực thi lòng nhân hậu, vốn là bí quyết của tinh thần giáo dục Salêdiêng, để đảm bảo việc chia sẻ trách nhiệm hầu chu toàn sứ mệnh chung, tắt một lời, để làm cho cộng thể có thể sống tinh thần của chúng ta mãnh liệt hơn,[623] Qui chế cho các bài huấn đức, hội họp và đàm thoại cá nhân là những phương thế hữu hiệu mà cha là giám đốc được mời gọi để cung cấp cho cộng thể.[624]

Đây là những cơ hội ưu tuyển, và ta không được đánh giá thấp chút nào. Cha phải cảm thấy có trách nhiệm nghiêm chỉnh gắn bó với bổn phận này. Cha hãy chuẩn bị những bài huấn đức được kèm theo những suy tư và cầu nguyện.

Cha hãy đặt nền những bài huấn đức trên những nguồn liệu Salêdiêng[625] và trên khoa linh đạo của Giáo Hội.

Qui chế không đi vào chi tiết về sự thường xuyên và tiến hành. Điều này không hàm ý bỏ đi truyền thống (đã có từ thời Don Bosco) là mỗi tháng có hai bài huấn đức cho các hội viên và ít nhất mỗi năm có ba bài huấn đức về Hệ Thống Dự Phòng cho ban giảng dạy. Nơi đó cha có một chỉ dẫn về nội dung và tiến hành phải có. Nhưng mới đây hơn điều này được nới rộng để bao gồm cả ‘những cuộc gặp gỡ và nói chuyện khác nữa’.

Nhằm trương rộng hơn cha có thể tìm các cộng sự viên giúp đỡ để thỉnh thoảng thuyết trình. Nhưng cha hãy nhớ người chịu trách nhiệm hàng đầu là chính cha.[626] Cha phải cẩn thận suy nghĩ trước khi tuyển chọn nhũng người thay thế, nhưng điều này không nên thường xuyên.

  1. Huấn đức dịp tĩnh tâm tháng

Theo một truyền thống lên tận cội nguồn của chúng ta, huấn đức này có thể uỷ cho các hội viên khác. Họ có thể có khả năng cách đặc biệt và được cộng thể tiếp nhận. Nhưng bởi vì đây là “những bài huấn đức quan trọng nhất”[627] nên cha hãy cẩn thận đảm bảo nó được chu toàn tốt đẹp. Cha hãy mời người hội viên Salêdiêng mà cha muốn một thời gian dài trước. Hãy thỏa thuận với người hội viên điều mà họ sẽ giảng huấn, về cách thức người đó tiếp cận đề tài; và hãy cho các hội viên biết trước các chi tiết cần thiết để họ được chuẩn bị về phương diện tâm lý và thiêng liêng.

  1. Huấn đức hai tuần một lần

Cha nên dành cho mình bài huấn đức ở giữa tĩnh tâm tháng. Nó cho cha cơ hội để chuyển giao bất kỳ những quyết định nào của Giám tỉnh, để trình bày và bình giải Công báo của ban Thượng Cố Vấn, để lưu ý đến bất kỳ tài liệu quan trọng nào được Toà Thánh phát hành và để bàn đến những vấn đề liên quan đến việc sinh hoạt của nhà.[628] Don Albera nói rằng bài huấn đức này phải “giống một cuộc đối thoại trong gia đình hơn.”[629]

  1. Những bài huấn đức về sư phạm

Don Bosco nói đến những bài này trong Những kỷ niệm thân tín của ngài: “Con hãy năng nói chuyện với họ (nghĩa là với các thầy giáo), hoặc cá nhân, hoặc cả nhóm… trong những bài huấn đức đặc biệt.”[630] Sự thường xuyên ấy sau này được truyền thống ấn định là “ít nhất ba lần trong một năm.” Giám đốc không được bỏ những bài huấn đức này, hoặc làm chúng loãng đi bằng cách bàn luận đạo đức vô ích. Ngài không nên lẫn lộn những bài huấn đức ấy với những đóng góp của những nhà có thẩm quyền về sư phạm. Điều sau có thể hữu ích và thậm chí cần thiết nữa, nhưng cả hai không giống nhau chút nào.

Do chức vụ cha có thể lượng giá bước tiến của kế hoạch giáo dục tại địa phương và những điều kín ẩn người ta ký thác cho cha, nên cha thực sự là người tốt nhất để vạch ra những mục tiêu và những giới hạn, và để đề xuất một dòng phải theo.

  1. Những buổi hội họp nhằm mục đích cập nhật và học hỏi những điểm của tinh thần Salêdiêng

Khoản Qui chế 157 nói về những cuộc hội họp và gặp gỡ có mục đích là “làm cho đời sống cộng thể phải được thấm nhuần sâu đậm tinh thần của chúng ta” và đáp lại điều này, những sáng kiến khác nhau được cổ võ trong những phần khác nhau của Tu hội với sự ưng thuận của các Giám tỉnh, và được thực thi trong bầu khí cập nhật và canh tân.

Nền văn hóa hiện đại và liên lỷ đem lại những đề tài và những vấn đề mới trực tiếp hoặc gián tiếp chạm đến đời sống chúng ta. Những cuộc hội họp loại này, nếu được tổ chức cách khôn ngoan với sự tham gia của các chuyên viên hiểu biết những nhu cầu của chúng ta, sẽ cổ xuý tình cảm cộng thể và tiếp nhận những ý tưởng mới mẻ. Chúng ngăn chặn sự xơ cứng tri thức và giúp chúng ta theo kịp thời đại theo gương Don Bosco.

Đôi khi người ta có thể lợi dụng những trường hợp như thế để chú ý thích đáng đến diện mạo luân lý của hội viên nào đó nổi tiếng đã qua đời, rút từ lá thư tang chế về họ, hầu không bỏ mất gương lành của một Salêdiêng sống tử tế.

Sự thành công của những phiên họp kiểu này tùy thuộc phần lớn vào tinh thần sáng kiến và óc sáng tạo được tỏ lộ ra. Cha hãy cổ võ, hãy khuyến khích chúng.

Cha hãy sắp xếp các sự việc để dành chỗ ưu tiên[631] cho thông tin Salêdiêng về những áp dụng và hiệu triệu tổng quát hơn và phổ biến bằng những phương tiện truyền thông hiện đại. Nhưng cha hãy dành cho phụng vụ và cầu nguyện chỗ đứng hàng đầu.

Cha sẽ phải cẩn thận về số thời gian cha phân phối cho những sáng kiến thuộc loại này trong chương trình toàn diện; và đảm bảo rằng mọi người tham gia tích cực trong việc tổ chức chúng. Bằng không cha sẽ thấy rằng cha không thể đương đầu với công việc được giao. Nhưng khi ghi nhớ điều này, cha cũng nhớ cha không thể từ bỏ vai trò là người cố vấn được ủy quyền của cộng thể.

Trong một vài cộng thể người ta không gặp khó khăn mấy trong việc soạn thảo một chương trình có tổ chức đầy đủ, nhưng có những cộng thể khác chỉ có ít hội viên và thậm chí còn rải rác trên một địa bàn rộng lớn. Trong trường hợp sau, Giám tỉnh phải có nhiệm vụ phải tìm một cách nào đó để thỉnh thoảng đem họ về lại với nhau hầu kinh nghiệm niềm vui là cùng sánh bước bên nhau, và hưởng được lợi ích của cuộc chuyện trò thanh cao. Về phía mình, giám đốc và các hội viên bị buộc phải sống trong những hoàn cảnh xa xôi (chẳng hạn nơi một số truyền giáo) phải nhớ đến lời Thánh Phaolô: sức mạnh của Thiên Chúa phát huy tròn đầy nơi sự yếu đuối của cha.[632]

Nhưng bổn phận của giám đốc trong những cộng thể thông thường là phải giữ mối liên hệ thiêng liêng gần gũi với những hội viên ở riêng rẽ và cho họ bất kỳ sự trợ giúp cụ thể nào mà đức ái ân cần của những con cái Don Bosco chắc chắn biết làm cách nào để cống hiến cho những người đang cần đến nhất.

  1. Huấn từ tối

Thời gian thay đổi quá nhiều từ những cách thức của Don Bosco, và nhịp độ đời sống đổi thay quá nhiều với bản chất của công cuộc tông đồ của chúng ta, đến nỗi hầu như không thể nói bất kỳ điều gì về huấn từ tối mà có thể áp dụng phổ quát được. Mỗi tối sau kinh tối, Don Bosco muốn giám đốc hay một ai thay mặt ngài nói đôi lời với thanh thiếu niên và cộng đoàn đang tụ họp lại.[633] Nhưng trong nhiều công cuộc hiện nay của chúng ta, những loại hoạt động khác nhau tiếp nối nhau liên tục đến nỗi thực sự tìm ra được một chỗ cho việc huấn từ tối là có vấn đề. Trong mọt phiên họp của ban Thượng Cố Vấn vào năm 1884, những tình cảm trở nên mạnh mẽ bởi vì những việc ở Valdocco không trôi chảy. Vào một lúc nào đó, Don Bosco nói ra điều này: “Huấn từ tối là chìa khóa cho sinh hoạt nhà tốt đẹp. Phần lớn, nếu không nói là mọi sự, lệ thuộc vào đó.”[634] Có lẽ ở đây được nhấn mạnh quá, nhưng chắc chắn rằng trực giác của vị thánh và là nhà giáo dục cũng như kinh nghiệm lâu dài của ngài đã khiến cho Don Bosco thâm tín rằng ‘huấn từ tối’ là một trong những bí quyết của công cuộc giáo dục của ngài. Huấn từ tối phải ngắn. Ngài nói: “Con hãy nói đừng bao giờ quá hai hay ba phút.”[635] Nó bàn đến một sự kiện hay biến cố nào đã xảy ra trong nhà hay bất kỳ ở đâu, có thể dùng làm nền tảng để cho một lời khuyên hay cho một suy tư nào đó để làm nêu bật ý nghĩa kitô giáo trong biến cố đó.[636] Don Bosco muốn các thanh thiếu niên học từ cuộc sống và từ những biến cố trong thế giới nhỏ bé của chúng.

Nhưng ngài cũng quan tâm về cung giọng và bầu khí đặc biệt vốn phải tạo nên nét đặc sắc của huấn từ tối. Cuộc gặp gỡ cuối cùng trong một ngày phải kết thúc một lời nói đượm tình cha, nó có thể, nếu cần, bao gồm một lời khiến trách trung thực, nhưng dịu dàng, và nó sẽ lưu lại trong tâm trí. Cha Ceria ghi nhận rằng cung giọng được trao ban “do sự biểu lộ nét mặt và đổi giọng nói bộc lộ những tình cảm của người nói. Đó là một người cha yêu thương nói lời cuối cùng cho con cái mình; ngài chúc chúng ngủ ngon vào lúc cuối ngày và ao ước sáng hôm sau nhìn chúng được bồi bổ sau giấc ngủ ngon.”[637] Sự kiện toàn cộng thể, các bề trên cũng như học sinh, hiện diện trong buổi huấn từ tối đem lại cho nó một nét gia đình thật sự; và điều này là gia sản quí báu mà Don Bosco để lại cho các con cái và không được phép làm mất đi dòng theo thời gian, mặc dù ta cần phải thích ứng nó vào trong những hoàn cảnh khác nhau.

Thực tế, ta nên nói huấn từ tối vào lúc cuối ngày ở hoàn cảnh nào còn có thể được; và luôn làm như thế cho các hội viên. Giám đốc phải dùng cách lối Don Bosco đã dùng. Trái lại khi thanh thiếu niên rời bỏ chúng ta sau trưa hay ban chiều, ta có thể thay thế như bằng một lời chúc ban sáng khi học sinh đến trường ban sáng, hoặc như lời huấn dụ sau trưa lúc chúng ra về.

4.3. ‘Duyệt xét đời sống’

  1. Là gì?

Thực hành duyệt xét đời sống là một cách thức suy nghĩ đặc biệt về những mầu nhiệm đức tin và ơn gọi của ta trong bối cảnh là những trạng huống trong đó ta sống. Trong tất cả những trạng huống này, một người, dù muốn dù không, đều liên hệ hoặc tích cực, hoặc bằng việc đem đến chứng tá cách nào đó và được thúc đẩy để phán đoán và thừa nhận một thái độ rõ ràng. Duyệt xét đời sống có nghĩa là ‘coi lại’; nó có nghĩa là nhìn vào một biến cố từ nhãn quan của những chân lý mạc khải, với sự hiểu biết rằng xét cho cùng, những điều này chỉ là những điều mới đem lại một ý nghĩa chân thực và sống động cho bất kỳ điều gì diễn ra.

Tiến trình của nó gồm ba giai đoạn nền tảng kế tiếp nhau:

  • Khởi từ một cái gì đã xảy ra hay từ một hoạt động đã được thực hiện;
  • Cố gắng để diễn dịch chỗ mà Thiên Chúa đi vào trong vấn đề ấy, vì Ngài luôn liên lỷ sáng tạo mọi sự theo kế hoạch cứu độ của Ngài và Ngài hoạt động trong đó theo kế hoạch này khi kêu gọi chúng ta cộng tác với Ngài;
  • Tự cam kết cộng tác với tiếng gọi của Thiên Chúa; cùng với Ngài làm việc để biến đổi tình trạng nên tốt hơn.

Từ nét đại cương này và từ thực hành nó cách cụ thể, cha có thể hiểu rõ việc thực hành này có thể hữu ích như thế nào trong các cộng thể chúng ta để cổ xuý những thái độ của đức tin và sự cam kết nhất quán vốn cần thiết cho việc chia sẻ trách nhiệm cách chân thực.

  1. Những hoa trái của nó

Cha sẽ có thể nhìn thấy những hoa trái cho chính mình trong sự tiến bộ mà cộng thể cha đạt được trong đức tin, cây, mến.

Xây dựng một cộng thể là một tiến trình nội tâm. Những kỹ thuật có thể hữu ích, nhưng chúng không trực tiếp tạo ra hiệu quả. Khám phá ra Thiên Chúa trong những biến cố hằng ngày và việc làm sống lại chiều kích đức tin trong công việc thường nhật; vui vẻ chấp nhận những bổn phận; cẩn thận phân tích các sự kiện trong ánh sáng Lời Chúa; tự phát quay về với kinh nguyện; một đời sống được thống nhất trong đó công việc và cầu nguyện không còn tách biệt thành những phần chắc nịch: tất cả những điều này là một số trong những nhân đức bắt đầu làm giàu cho đời sống của các hội viên như là một kết quả của việc thực hành này.

Kinh nghiệm có lẽ đã cho cha thấy rằng một vài trạng huống tông đồ không phải là không có nguy hiểm. Chúng ta cần phải được tiếp cận và nghiên cứu bằng phương pháp ‘duyệt xét đời sống’ và nếu thực hiện điều này, chắc chắn cha có thể hy vọng được một sự cam kết nhất quán bất chấp những khó khăn.

Sự chân thành, việc qui chiếu đến Lời Chúa và sự hiện diện của những hội viên khôn ngoan và từng trải, chẳng bao lâu sẽ soi sáng cho những khía cạnh tiêu cực có thể có; bất kỳ những thoả hiệp dễ dãi nào sẽ bị tỏ ra, cùng với bất kỳ những nguy hiểm nào xuất phát từ sự mê hoặc của một điều gì mới mẻ hay không được phép. Thực hành việc đi sâu vào chính mình hơn và nhận ra sự phản ánh tôn nhan Thiên Chúa, đưa đến một nhãn quan Tin Mừng mới mẻ.

Sự kiện chúng ta tất cả là tội nhân và ý thức về những giới hạn của mình khai lối mở đường tới cầu nguyện và đây thường là kết quả hữu ích nhất của việc duyệt xét đời sống.

Và vì thế cha có thể thấy rằng trong cộng thể tu sĩ việc thực hành này cũng có thể là một yếu tố hữu hiệu nhất trong nền giáo dục của cá nhân lẫn cộng thể. Nó có thể đưa đến một sự hiểu biết sâu xa hơn về ý nghĩa của sứ mệnh và sự thánh hiến của họ. Nó là một phương tiện thường hằng để hòa hợp đức tin và đời sống với tất cả ý tưởng và giá trị của chúng thành một sự liên lỷ tái khám phá Thiên Chúa trong những biến cố đời sống hàng ngày.

Những kết quả này đều rất tích cực phải khiến cha cố gắng hết sức làm cho các hội viên thâm tín rằng họ nên nỗ lực thực hành nó vào những thời khắc thích hợp.[638]

  1. Những khả thể và phương pháp

Cần thảo luận những cách thức và phương thế thực tiễn để thực thi việc ‘duyệt xét đời sống’. Đòi hỏi chính yếu là có một cộng thể trong đó có những tương giao hữu vị rộng mở và chân thành và những hội viên của cộng thể đó cố ý làm cho đức tin và những cam kết tu trì của mình thành linh hồn của cuộc đời họ. Có một điểm nhỏ trong việc miêu tả những tiến trình cụ thể có thể xảy ra. Cộng thể có thể bắt đầu bằng việc đọc về đề tài này và tìm lời chỉ bảo từ những người đã có kinh nghiệm về việc thực hành này, nhưng điều cần thiết nhất là thực sự muốn làm cho điều đó hiện thực và dần dần trở thành một sinh hoạt bình thường của cọng thể.

4.4. Những kiểm thảo khác

Khi lượng giá, Tổng Tu Nghị 21 đã than phiền về sự kiện rằng người ta ít chú ý đến những buổi kiểm thảo khác nhau và Tổng Tu Nghị yêu cầu cộng thể và giám đốc phải nỗ lực hơn nữa để tái xuất chúng và thực hành chúng.

  1. Kiểm thảo về nghèo khó, scrutinium paupertatis

Mục tiêu của nó thật rõ ràng: “Để đảm bảo và cổ võ hơn nữa một sự nhạy cảm lớn lao hơn về đức khó nghèo Phúc Âm và để xác định phẩm chất của lao động như sự biểu lộ của đức khó nghèo Salêdiêng.”[639] Nội Qui tỉnh sẽ ấn định tới mức thường xuyên và phương pháp của việc này. Đời sống cộng thể đòi hỏi rằng tất cả mỗi hội viên phải thực thi khó nghèo theo cùng một cách thức và cam kết vui vẻ tỏ lộ ra bên ngoài tình trạng nghèo khó của mình trong Đức Kitô.

  • Khía cạnh cộng thể

Ngay cả nếu không có Nội Qui tỉnh, thì những thủ bản đạo đức khác nhau[640] và Công báo của Tổng Tu Nghị Đặc Biệt (ASC)[641] đã chứa đựng những chỉ dẫn mà cha có thể dùng làm Scrutinium paupertatis như một phương thế để cộng thể tăng trưởng thiêng liêng.

Ban cố vấn cộng thể phải dùng một hoặc hai phiên họp mỗi năm cho vấn đề này. Có hai kỳ đặc biệt mà cộng thể cảm thấy buộc phải tuân giữ khó nghèo cách đặc biệt: mùa Chay, được đón nhận theo tinh thần sám hối, và mùa Vọng để dùng chờ đợi Đức Kitô quang lâm, là Đấng vốn giàu có nhưng vì chúng ta lại làm cho mình thành nghèo khó hầu chúng ta có thể trở thành giàu có vì sự nghèo khó của Người.

Đây là những thời gian mà chúng ta cần phải ý thức hơn về tình liên đới huynh đệ vốn nối chúng ta lại thành một gia đình và phải cấp bách tỏ lộ điều này cách cụ thể hơn qua việc dâng hiến những hy sinh của chúng ta.[642]

  • Khía cạnh cấu trúc

   Người ta thường ít lưu ý đến khía cạnh cấu trúc của đức khó nghèo. Một nguyên tắc tổng quát có thể áp dụng cho mọi cấu trúc là: “Cấu trúc phải phục vụ cộng thể và cá nhân hội viên để họ có thể trung thành chu toàn ơn gọi của mình.”[643] Vì vậy chúng có tầm quan trọng đặc biệt trong lãnh vực thực tiễn. Chúng có thể làm cho việc canh tân trở nên dễ dàng hoặc ngăn cản nó bởi vì chúng minh bạch diễn đạt và chuyển giao những đường nét chung của tư duy và hành động.[644]

Chúng cần sự sinh động và tập hướng và nó thiết thân với sự phục vụ của cha như là người đảm bảo cho sự sinh động và tập hướng này trong cọng thể. Những cấu trúc kinh tế phải vừa hữu dụng vừa hữu hiệu.[645]

  • Để làm cho chúng nên hữu dụng, cha phải ghi nhớ bốn hướng dẫn sau đây vốn đơn giản song hữu hiệu:

– Cha hãy giữ được mối liên hệ thích đáng giữa quản trị và nghèo khó: một sự xác đáng chi ly trong quản trị lành mạnh là một đảm bảo cho khó nghèo cá nhân và tập thể.[646] Trong một lá thư luân lưu, Don Bosco nêu ra những thí dụ thực tiễn, ngài nói “phải tiết kiệm trong mọi sự; tiết kiệm bất kỳ điều gì ta có thể, nhưng không quá đáng.”[647] Khó nghèo còn hơn chỉ là không có đồ vật.

– Những mục đích của Tu hội đi trước những của cải tạm bợ. “Trong tất cả mọi hoạt động các hội viên sẽ coi những của cải vật chất như phương tiện để đạt được những mục tiêu chuyên biệt của Tu hội.”[648] Thực sự điều này có nghĩa rằng lý lẽ nền tảng để đảm nhận một hoạt động hay công việc nào đó phải được liên kết với sứ mệnh của mình chứ không chỉ dựa vào những nền tảng kinh tế mà thôi.

– Ý thức mình là những người canh giữ tài sản của Giáo Hội: “Những người đảm trách việc điều hành những tài sản như thế . . . sẽ hành động như những người canh giữ tài sản của Giáo Hội và sẽ không cho phép bất kỳ cá nhân nào sử dụng chúng tùy hứng.[649] Thường có một khuynh hướng thực thi việc quản trị như thể đó là vấn đề cá nhân và đôi khi điều này đưa đến những cách thức làm việc tùy tiện.

Giám đốc phải nhắc nhở quản lý của mình về bổn phận phải lệ thuộc bề trên và phù hợp với ban cố vấn của cộng thể.[650] Trong những cộng thể đông hội viên hoặc nhiều công việc, hình thành một ủy ban hay một nhóm tham vấn để nghiên cứu những vấn đề kinh tế và quản trị thật là tốt đẹp…

Điều này làm cho sự phát triển một tinh thần vô vị lợi và nghiêm chỉnh trong việc quản trị nên dễ dàng. Sự dính bén không đúng với của cải vật chất làm chia rẽ giữa sứ mệnh Salêdiêng chúng ta và những người trẻ.

  • Mối liên hệ hữu hiệu giữa của cải vật chất và chứng tá của chúng ta. Chứng tá này chịu ảnh hưởng của tiêu đề “chức năng” bởi vì vui tươi và công khai sống khó nghèo “sẽ kéo muôn phúc lành của Chúa xuống Tu hội” và “kích thích lòng rộng rãi giữa những con người.”[651] Chúng ta không làm việc hay thực thi sự thanh đạm và khó nghèo nhằm “được gấp trăm ở đời này”, nhưng điều mà Don Bosco nói về các hội dòng thật đúng : Khó nghèo là gia sản chân thực của họ và là nguồn mạch cho sự thịnh vượng của họ. Ngài nói về Tu hội của chúng ta: “Khi ao ước sống tiện nghi và an nhàn lớn lên giữa chúng ta, Tu hội chúng ta sẽ tận số.”[652]
  • Sự phong phú của những cấu trúc kinh tế nảy sinh từ tính hữu dụng đúng đắn của chúng mà có hiệu quả trên đời sống tu trì và trên sứ mệnh tông đồ của cộng thể. Điều ngáng trở trong con đường này là người tu sĩ có thể “lại dính bén những sự vật mà họ đã dứt bỏ do lời khấn khó nghèo, sử dụng chúng sai lầm, không thể trân trọng được những phức tạp liên hệ, hoặc phí phạm chúng qua việc thiếu hiểu biết hay chuẩn bị thích đáng hoặc qua xao nhãng hay lạm dụng.”[653]

   Người ta cũng phải đặc biệt cẩn thận về sự ứng biến trong quản trị hoặc một lối tiếp cận may rủi. Để đạt được mục đích này cha phải lưu ý đến hoạt động của những cơ quan trong cộng thể liên quan trực tiếp hơn với những chương trình kinh tế, nhưng ngân sách hằng năm và dự thảo ngân sách thu chi hàng năm: Hội nghị hội viên hoạch định những đường nét tổng quát phải theo trong lãnh vực tài chính, ban cố vấn cộng thể khi có vấn đề phải quyết định được Hiến luật tiên liệu,[654] uỷ ban tham vấn đối với những vấn đề kinh tế hiện hữu.

   Về cùng việc này, cha phải liên tục liên kết với văn phòng tỉnh và với những lãnh vực tài chánh và quản trị của văn phòng Quản lý tỉnh, để lợi dụng sự giúp đỡ của họ trong những vấn đề có thể vượt quá khả năng của cha và để chuẩn bị xa những người sẽ làm việc trong lãnh vực này của cộng thể của cha. Cuối cùng cha phải thường xuyên nhắc nhở người cộng sự tức thời trong lãnh vực này về giá trị tu sĩ của sự phục vụ mà họ được kêu gọi thực thi do đức vâng phục.[655] Đó là điều dễ dàng quên sót.

  1. Scrutinium orationis[656]

   Tổng Tu Nghị 21 cũng yêu cầu rằng “trong một tinh thần đức tin, mọi cộng thể địa phương phải định kỳ duyệt xét đời sống cầu nguyện của mình, đánh giá chiều kích tông đồ của nó và những hình thức nó đảm nhận, nội dung và sự tham gia vào kinh nguyện của các hội viên.”[657]

   Nó đem lại một loạt những câu hỏi quan trọng và hữu ích để đạt được mục đích này.[658] Chúng liên quan đến những đề tài mà chúng ta vừa xem xét và nó qui chiếu đến tinh thần và viễn cảnh của Tổng Tu Nghị Đặc Biệt trong lối tiếp cận của nó với cầu nguyện: “Cầu nguyện có thể làm chúng ta khám phá ra ý nghĩa sống động của quyền nghĩa tử của chúng ta là con cái Thiên Chúa. Nó là nền tảng của việc phục vụ tông đồ hướng đến mọi người anh chị em, cách riêng giới trẻ nghèo và thiếu thốn. Chính bởi vì chúng ta là con cái của một Cha chung, nên chúng ta là anh em và tôi tớ của mọi người.”[659]

   Ở đây có một vấn đề về khoa tu đức vốn biến chúng ta thành “những nhà chiêm niệm trong hành động.”[660] Cha có thể tìm được trong những trang này của các công báo của các Tổng Tu Nghị, chìa khóa để nối kết đặc sủng và cảm thức tông đồ của chúng ta lại với những hình thức và nội dung của cầu nguyện để triển khai một ước muốn có giá trị và tích cực đối với Scrutinium orationis và làm biến đổi theo cách suy nghĩ của cha về những người có lẽ coi việc cầu nguyện Salêdiêng không đủ đặc sắc và có hiệu quả đáng ngờ.

   Những cộng thể chúng ta chưa có kinh nghiệm đầy đủ về việc cầu nguyện Salêdiêng như Hiến luật ngày nay đã nhìn thấy[661] có lẽ cũng đúng.

  1. Scrutinium vocationis[662]

   Tổng Tu Nghị 21 rõ ràng yêu cầu giám đốc “vì địa vị là người lãnh đạo cộng thể phải cổ võ một cuộc duyệt xét định kỳ về ơn gọi, trong bầu khí đức tin và cầu nguyện.”[663] Sự duyệt xét này có thể theo một trong hai đường lối. Một cách có thẩm quyền, cả hai đều được tuyên bố là quan trọng và có ý nghĩa:

  • Giấc mơ mười viên ngọc[664]

Ta phải học hỏi giấc mơ này theo ánh sáng của lời giải thích sâu sắc mà cha Rinaldi có được về giấc mơ. Quan trọng là có được một khoé nhìn toàn diện hữu cơ về toàn thể giấc mơ, không bỏ qua phần dẫn nhập, bởi vì sự rõ ràng và những đặc tính căn bản của đời sống thiêng liêng không hệ tại ở một bảng liệt kê những nhân đức rời rạc nhau, nhưng đúng hơn hệ tại ở cấu trúc cân xứng hài hoà và hoà điệu với nhau toàn vẹn trong một sự liên kết hỗ tương và với một vài sự nhấn mạnh vốn tạo thành một diện mạo biệt loại.

Những viên ngọc của giấc mơ chỉ đến những điểm nổi bật trong đời sống thiêng liêng của người Salêdiêng. Chúng không có nghĩa là một danh sách các nhân đức mà thôi, nhưng đúng hơn là những giá trị và thái độ cốt yếu vốn làm đặc trưng sắc thái một phong cách sống biệt loại nào đó.

Những tiêu chuẩn này, cùng với hai bài bình giải có thẩm quyền mà ta có được,[665] sẽ làm cho giám đốc dễ dàng hơn giải thích giấc mơ và những dấu hiệu của nó như một phương pháp để làm thành Scrutinium vocationis.

  • Năm khuyết điểm phải tránh: những chướng ngại cho việc canh tân

Khi so sánh ‘năm khuyết điểm phải tránh’ mà Don Bosco đã nói trong phần giới thiệu Hiến luật, với ‘những chướng ngại cho việc canh tân’ mà Tổng Tu Nghị 21 đã đạt được, sau khi duyệt lại đời sống của các hội viên, ta có thể cung cấp một tiến trình khác để thực thi scrutinium vocationis. Có một sự tương xứng giữa hai điều ấy, và điều này càng có ý nghĩa hơn bởi vì nó không được nhằm trước.

Cả ‘khuyết điểm’ lẫn ‘những chướng ngại’ bao hàm toàn thể đời sống cá nhân và cộng thể, những bổn phận cố hữu trong việc tông đồ, cái cảm thức toàn diện về sự tận hiến tu trì và sự hiến dâng của cá nhân được thực hiện trong những lời khấn của việc tuyên khấn tu trì. Bản văn của Don Bosco có thể được đọc trong ánh sáng của những dấu hiệu của Tổng Tu Nghị 21, và người ta có thể đi từ bối cảnh của ‘những khuyết điểm’ đến “những chướng ngại” bằng cách hòa hợp những khía cạnh “cá nhân” của ‘những khuyết điểm’ với những khía cạnh ‘cộng thể’ của ‘những chướng ngại’.

4.5 Thông tin Salêdiêng.

  1. Tình trạng hiện tại và lịch sử của nó

   Thông tin Salêdiêng có nghĩa là những tin tức cập nhật về dự phóng tông đồ của Don Bosco như nó được hiện thực ngày qua ngày trong những miền khác nhau của thế giới; hoặc theo nghĩa rộng hơn nó bao gồm mọi thông tin Salêdiêng về những biến cố và thực tại Salêdiêng đối với những nền tảng lịch sử cũng như ý nghĩa của chúng.

Don Bosco đã dành nhiều chỗ cho ‘những tin tức trong gia đình’ ngay từ buổi đầu của cộng đoàn giáo dục đầu tiên của ngài, đoạn trong Tu hội, trong Gia Đình Salêdiêng và đối với công chúng nói chung.

Chẳng hạn, trong cộng đoàn giáo dục, ngay từ 1846 ngài dùng ‘huấn từ tối’ là để thông tin về những biến cố, giữa những mục đích khác nữa. Ngài cũng làm thế qua các ‘luân thư’ mà ngài đã bắt đầu vào năm 1867, khi những người Salêdiêng mới có cả thảy 44 người chỉ trong ba nhà và Tu hội chưa được phê chuẩn;[666] cũng thế nữa trong Gia Đình Salêdiêng, đặc biệt nhờ vào tập san Salêdiêng (xuất bản lần đầu năm 1877). Ngài muốn nó là cơ quan thông tin về công cuộc tông đồ của ngài, và muốn đạt tới tất cả bạn hữu rải rắc khắp thế giới. Và ngài đi đến công chúng qua tờ báo công giáo. Ngài gởi đến họ những tin tức đặc biệt về những biến cố như là cuộc xuất phát các đoàn truyền giáo, hầu người ta biết đến sự phát triển của công cuộc ngài và có thể lôi kéo được cảm tình, sự trợ giúp và các ơn gọi.

Hiểu biết về thông tin loại này thật quan trọng lắm. Không có và không bao giờ có một dân tộc mà không có những truyền thuyết và các câu chuyện. Chúng tạo nên một gia sản, một kho tàng chung, trong đó cá nhân và các nhóm nhận ra chính mình. Tuy nhiên coi nhẹ khía cạnh thời sự, mặc dù mỗi cá nhân có thể sống độc lập và dửng dưng đối với sự hiện hữu của một Gia Đình Salêdiêng đang làm việc giữa giới trẻ của thế giới thì hoàn toàn sai lầm. Thực tế tin tức tương xứng và hợp thời gia tăng ý thức, kiện cường ý thức thuộc về và một mức nào đó đóng góp vào cảm giác về tầm quan trọng và sự thiện ích lịch sử vốn là điều kiện trước hết và là sự cần thiết trên phương diện tâm lý để hoạt động vững chắc và hữu hiệu.

  1. Sử dụng thông tin ra sao

Chức vụ của cha làm cho cha có thể cổ võ một luồng thông tin nhờ việc cha chuyên chăm hay làm cản trở nó do việc cha thiếu quan tâm. Chẳng hạn cha nên lợi dụng những dịp tự nhiên xuất hiện và thậm chí tạo ra những cơ hội mới; chẳng hạn;

  • Việc đọc sách thiêng chung trong cộng thể có thể được thực hiện với một sự thường xuyên nào đó trên những nguồn thông tin Salêdiêng;
  • Những huấn đức và những ngày tĩnh tâm;
  • Cung cấp trong phòng đọc sách những ấn bản, nhất là những tập san định kỳ cập nhật;
  • Thư viện phải có một phần thích hợp và rộng rãi gồm sách vở và những bộ tạp chí bàn đến những khía cạnh của tinh thần Salêdiêng;
  • Một ‘phòng về Salêdiêng’ – một triển khai khá mới mẻ đang bắt đầu phổ biến. Đây thực sự là một khung cảnh trong đó người ta thu nhập mọi sự có thể phục vụ để hiệp nhất cộng thể với Don Bosco và nhắc nhớ cộng thể về sứ mệnh biệt loại của mình.
  • Đăng ký những ấn bản khác nhau cho những hội viên cần đến chúng.

Cha cũng nên đảm bảo rằng thông tin Salêdiêng đạt tới được những thanh thiếu niên của chúng ta.

Những tin tức họ nhận được qua các tạp chí, sách vở, những tập sách, những hình ảnh và tài liệu, cổ xuý mối quan tâm và hoạt động về truyền giáo đối với những quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Đây là những cách cổ võ sự cộng tác trong những sáng kiến của chúng ta; chúng sẽ khiến các thanh thiếu niên cộng tác hơn trong bối cảnh Gia Đình Salêdiêng, và có được một sự hiểu biết ngày càng tăng trưởng về ơn gọi.

Cha hãy phân phát các sách và tạp chí nếu có thể được, và nhất là tập san Salêdiêng giữa những thành viên của Gia Đình Salêdiêng. Cha phải đặc biệt quan tâm phân phát báo tập san Salêdiêng. Cha hãy làm cho điều này thành quan tâm riêng của cha, ấy là coi xem báo ấy tới tay những người thân của các hội viên, cộng tác viên, ân nhân và những người cộng tác với cộng thể theo nhiều cách khác nhau (các thầy giáo người đời và những nhân viên khác, những người lãnh đạo nhóm, các giáo lý viên. v.v.); coi xem tờ báo đó tới tay những người đời, các gia đình liên hệ như những người lãnh đạo trong các hoạt động của giáo xứ và nguyện xá, tới tay các bậc cha mẹ của những học sinh tốt hơn (mà không đi tới mức là một bản phân phát chung cho cha mẹ của tất cả mọi học sinh); cha hãy đặt nó vào trong những thư viện và những phòng đọc sách của những hiệp hội địa phương khác nhau. Cha hãy gởi báo ấy đến những vị có thẩm quyền cả đạo lẫn đời trong địa phương và tới những công ty thương mại mà cha giao tiếp.

Không mấy khó khăn để hiểu dòng cảm tình và sự dễ tới gần trào dâng từ sự phân phối tập san Salêdiêng có thể gợi lên nơi những vùng chung quanh chúng ta.

  1. Cung cấp thông tin Salêdiêng

Thỉnh thoảng thật tốt đẹp là chính cha không thoả mãn với việc phân phối thông tin Salêdiêng có được từ những nguồn khác, nhưng còn cung cấp thông tin nữa.

  • Trong một vài trường hợp thật là tốt để theo gương Don Bosco và lợi dụng những kênh thông tin hiện có để làm người ta biết đến những sự kiện liên quan đến công việc của cộng thể cha hoặc đến hệ thống của Don Bosco nói chung.

Ở một số nơi thật không khó khăn lắm để có được chỗ trong báo chí của địa phận hay địa phương hoặc ngay cả trên truyền thanh truyền hình vào những dịp như lễ Don Bosco, Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, khai giảng niên học, những nghi thức phát thưởng, những thao dợt ra trường và những sáng kiến khác có tầm quan trọng nào đó.

  • Trong một số trường hợp cũng là điều tốt để phát hành một tạp chí định kỳ nào đó về nhà của mình. Đây là một cách tân thời và hấp dẫn để giữ mình trước tâm trí của nhiều người vốn thân thiện với chúng ta trong quá khứ và có lẽ gần quên chúng ta; nó có thể tái thiết mối liên kết xa xưa và kích thích sự cộng tác mới. Dĩ nhiên có một nguy cơ đáng kể là cho lưu hành một tạp chí định kỳ nghèo nàn cả trong trình bày lẫn nội dung. Báo chí ngày nay vừa là một nghệ thuật vừa là một khoa học với những kỹ thuật chuyên biệt của nó. Không có chỗ cho loại tầm thường. Và vì thế cha cần sự trợ giúp chuyên môn; nhưng có khó khăn để tìm điều ấy giữa những bạn hữu của công việc chúng ta không? Có lẽ một nhà báo sẽ vui lòng giúp đỡ bằng lời khuyên hoặc giúp ta một tay chăng?
  • Trong chính cộng thể có lẽ có nhiều nhóm hay phong trào quan tâm tới việc làm cho công việc của họ được biết đến bằng những mảng sao chép hoặc photô. Giám đốc phải khích lệ những sáng kiến đó, chỉ nhấn mạnh rằng họ phải nghiêm chỉnh trong ý hướng và kiên trì trong ấn hành. Xét theo thực tế, Gia Đình Salêdiêng phải tiếp đón những phương thế khiêm tốn hơn này của việc truyền thông xã hội, bởi vì từ thời của Don Bosco, chúng đã luôn đem lại sự phục vụ có giá trị cho gia đình này.

KẾT LUẬN

Sau khi đọc mọi điều ở trên có lẽ một đàng cha thấy mình đđược kiện nhờ những giá trị vốn có trong sự phục vụ mà cha được kêu gọi tới, và đàng khác cha bị bối rối đôi chút bởi vì những đòi hỏi nó tạo thành nơi cha.

Để làm sống lại tình cha của Don Bosco vào thời nay và làm cho nó thành trách vụ hằng ngày của cha, để làm cho nhân cách của cha thăng tiến nhờ liên kết sống động với những nhân đức mà ân sủng Thiên Chúa ban cho cha dư dật: điều này càng có thể gây ra ngay ở trong cha một tình cảm về sự bất lực hơn là sự tín nhiệm vào khả năng của mình để đạt thành công.

Chắc chắn trách vụ phục vụ đè nặng trên cha, cha sẽ phải chịu sự căng thẳng vốn có giữa sự tự do hoàn hảo được Thánh Thần ban tặng và tình trạng bất khả thi phát sinh từ bản tính con người sa ngã của cha và của các hội viên. Nhưng những nỗ lực tự chủ của cha sẽ giúp cha đạt thêm sự sẵn lòng. Cha sẽ hiểu rằng chính Chúa kêu gọi cha và trong cuộc sống cha sẽ rộng mở tới mức tròn đầy nhất đến nỗi Ngài sẵn sàng ban nó cho cha. Điều này sẽ làm cha có thể giúp đỡ những người khác hơn là khống chế họ. Sự tế nhị cha tỏ ra trong khi giao tiếp với người khác sẽ thúc đẩy những người mạnh mẽ nỗ lực hơn nữa và sẽ khuyến khích những kẻ yếu đuối đừng nản lòng.

Bằng cách này cha và các hội viên sẽ có thể lại đi đến với Đức Kitô mỗi ngày. Sự chắc chắn rằng cha đang cùng họ và các thanh thiếu niên vươn đến cùng một mục đích là Đức Kitô, sẽ nhắc lại cho cha những lời mà Don Albera đã dùng để kết luận cho cuốn Cẩm nang Giám đốc. Ngài nhớ lại sứ điệp Don Bosco đã để lại và viết: “Trên giường chết, Don Bosco hẹn với mọi người chúng ta. Ngài nói: “Chúng ta sẽ gặp nhau trên thiên đàng.” Đấy là kỷ niệm ngài để lại cho chúng ta. Ngài muốn tất cả chúng ta là con cái của ngài. Và cha để lại cho các con một kỷ niệm cùng đi với điều ấy: “Hãy làm cho mình nên những người con xứng đáng của Don Bosco.”[667]

CHƯƠNG 7

NHỮNG YẾU TỐ PHÁP LÝ VÀ QUẢN TRỊ

 

Những nguyên tắc lớn lao của đức ái gắn chặt trong ơn gọi Salêdiêng tự động đòi hỏi những cơ cấu pháp lý và quản trị. Điều sau biểu thị một khung cảnh có thẩm quyền trong đó những nguyên tắc này có thể trở nên linh hoạt cách khách quan và có sức mạnh để đảm bảo sự hiệp nhất của Tu hội và tính đồng bộ thiêng liêng; tuy nhiên, chúng vẫn có thể được diễn đạt theo những cách khác nhau trong những văn hóa khác nhau.

Phụ lục này dùng để nhắc nhớ giám đốc những bổn phận pháp lý và những thực hành quản trị gắn liền với tác vụ của ngài, vốn nâng đỡ và trợ giúp ngài cũng như làm cho công việc ngài thành có thẩm quyền và đạt hiệu quả.

  • NHỮNG YẾU TỐ PHÁP LÝ. GIÁM ĐỐC SALDING THEO LUẬT CHUNG CỦA GIO HỘI V TU HỘI

Giáo Luật hiện đang đi vào giai đoạn hiệu đính cuối cùng, theo những chỉ dẫn của Vatican II, và bộ Giáo Luật được hiệu đính sắp được công bố. Vậy, ở đây chúng ta chỉ có thể cống hiến những chuẩn mực mà ta hy vọng vẫn còn hiệu lực. Đối với những tài liệu hậu công đồng, ta phải qui chiếu đến Enchiridion Vaticanum (Ed. Dehoniane, Bologna) hay, trong trường hợp của những ai đã truy cập chúng, đến Acta Apostolicae Sedis hay những tạp chí chuyên đề khác nhau.

1.1 Khía cạnh pháp lý của giám đốc

Điều này được đề ra trong HL 54 và 182 :

  • Giám đốc cộng thể:[668] “Bề Trên đại diện Đức Kitô là Đấng kết hiệp những kẻ thuộc về Người để phụng sự Chúa Cha. Bề Trên là trung tâm của cộng thể, người anh giữa các anh em, được họ thừa nhận trách nhiệm và quyền bính. Bổn phận trước hết của ngài là đối với cộng thể. Ngài gìn giữ cộng thể trong tình hiệp nhất thông hiệp, phối hợp các cố gắng của mỗi người, trong khi vẫn lưu ý tới quyền lợi, bổn phận và khả năng của từng người. Ngài hướng dẫn và khích lệ lương tâm mọi người trong việc trung thành với luật dòng. Ngài cũng còn có trách nhiệm trực tiếp đối với mỗi một người anh em, để giúp họ thể hiện ơn gọi cá nhân ngày càng tốt lành hơn và thực thi công việc cụ thể của họ. Trong lời nói, trong giao tiếp thường xuyên, trong các quyết định thích hợp, ngài hành xử như một người cha, thày dạy và linh hướng.”
  • Giám đốc:[669] “Bề trên của mỗi cộng thể địa phương được gọi là giám đốc. Ngài là người trước tiên chịu trách nhiệm về đời tu của cộng thể, về công việc tông đồ và về quản trị các tài sản của cộng thể. Ngài cai quản cộng thể theo Hiến luật và Qui chế với sự cộng tác của ban cố vấn ngài.”

Ta phải đọc và đem ra thực hành hai khoản này theo ánh sáng của những nguyên tắc và những tiêu chuẩn tổ chức tổng quát của Tu hội được đặt ra trong các khoản HL 123-127.

1.2 Những yếu tố liên quan đến chức vụ giám đốc nói chung:

Đặc sủng linh mục:[670] “Theo truyền thống chúng ta, để chu toàn trách vụ tông đồ này, cộng thể Salêdiêng có vị lãnh đạo là một hội viên có thể hướng dẫn tinh thần và hành động của anh em mình nhờ bí tích truyền chức thánh và kinh nghiệm mục vụ.”

Việc chỉ định:[671] “Giám đốc được Giám tỉnh chỉ định với sự đồng ý của ban cố vấn ngài và được Bề Trên Cả chuẩn nhận, sau khi đã xem xét thích đáng những kết quả của một sự tham khảo thích hợp được thực hiện giữa tất cả các hội viên của tỉnh dòng.”

Vào chức vụ: Điều này có hiệu lực từ lúc khi ngài chấp nhận chức vụ được giao lại do vị đi trước ngài. Ngày giữ chức vụ phải được cho Tổng Thư Ký biết không chậm trễ (biết ngay).[672]

Nhiệm kỳ của chức vụ:[673] “Giám đốc được chỉ định cho một thời kỳ là ba năm; ngài có thể được xác nhận lại cho nhiệm kỳ thứ hai của chức vụ trong cùng một nhà. Trong trường hợp này, không cần thiết tham khảo hay phê chuẩn được qui chiếu tới khoản 183. Nhưng ngay cả trong thời kỳ của chức vụ, ngài có thể được chỉ định vào một chức vụ khác nếu Giám tỉnh với sự đồng ý của ban cố vấn ngài xét là cần thiệt. Hết sáu năm giám đốc, thông thường ngài sẽ ngưng giữ chức vụ đó ít nhất một năm.”

Thư trả lời của Thánh Bộ Cum admotae (số 19) cho phép Bề Trên Cả với sự chấp thuận của ban cố vấn để xác quyết một giám đốc trong chức vụ cho một nhiệm kỳ ba năm lần thứ ba, sau khi nghe ý kiến của Đấng Bản Quyền địa phương (sở tại).

  • Kết thúc chức vụ: Giám đốc lưu nhiệm cho đến khi người kế vị lãnh quyền. Điều này xẩy ra không được muộn hơn 3 tháng sau khi ngày mà sự ủy nhiệm của ngài hết hạn. Đây là quyết định của Bề Trên Cả được làm trong một phiên họp của ban Thượng Cố Vấn vào ngày 23 tháng Sáu, 1978.

Giám đốc nhắc cho Giám tỉnh về việc ủy nhiệm của mình sắp kết thúc để ta thực hiện những bước cần thiết là điều nên làm, mặc dù tất cả thông tin loại này vị thư ký tỉnh dòng phải giữ và trên hồ sơ trong công hàm tỉnh dòng.

1.3 Một số bổn phận của các bề trên

Các Bề trên có nhiều bổn phận và không thể liệt kê hết được. Một số bổn phận đã được qui chiếu đến trong những chương trước. Điều đầu tiên phải ghi nhận rằng các ngài buộc phải thực thi một uy quyền nhận được từ Thiên Chúa, qua tác vụ của Giáo hội, trong một tinh thần phục vụ và hòa hợp với luật đặc thù và phổ quát.

Vatican II yêu cầu các bề trên cai quản những kẻ thuộc quyền với ý thức rằng họ là con cái Thiên Chúa và kính trọng họ là những nhân vị, ưa thích lắng nghe họ và cổ xúy sự cộng tác giữa họ vì phần ích của Tu hội và GiáoHhội.[674]

Cùng với những tu sĩ khác và luôn luôn phù hợp với đoàn sủng của Tu hội mình, các bề trên có bổn phận xây dựng cộng đoàn nên Đức Kitô qua việc cùng nhau tìm ý Chúa bằng việc lắng nghe lời Người, qua cầu nguyện và qua những dấu chỉ thời đại.

Họ cũng có bổn phận phải truyền đạt cho toàn cộng đoàn sự linh hướng thực sự phù hợp với lời dạy dỗ chân chính của phẩm trật; cổ xúy sự hoàn thiện trong điều liên quan đến sự tăng trưởng đời sống đức ái; chú ý đến đào luyện liên tục của các hội viên; tổ chức đời sống cộng đoàn và phân phối những trách vụ cho các phần tử của cộng đoàn hợp với sứ mệnh đặc biệt, và tháp nhập nó cách hiệu quả vào trong hoạt động của Giáo Hội địa phương.[675]

Các bề trên cũng có bổn phận thường hằng cư ngụ trong nhà của mình.[676] Qui chế chúng ta[677] đòi giám đốc “phải giữ mình khỏi mọi cam kết mà có thể cản trở những bổn phận nền tảng của ngài đối với các hội viên. Ngài không được vắng mặt khỏi nhà một thời gian đáng kể nào vốn không cần thiết và không trao đổi với Giám tỉnh.”

Cuối cùng ngài phải giữ công hàm cộng thể được cập nhật và trật tự, gồm tất cả những tài liệu liên quan đến thành lập và hoạt động của nhà (linh mục, tu sĩ, việc tông đồ giáo dục, v.v), và ngài phải giữ ký sự nhà, trừ phi ngài giao điều này cho một hội viên khác.

1.4 Loại phục vụ mà thẩm quyền giám đốc cung cấp

Điều này được Hiến luật nói rõ ràng.[678] “Quyền bính ở mọi cấp trong Tu hội được thực thi nhân danh Đức Kitô, trong sự noi gương Ngài và trong tinh thần của Don Bosco, như một sự phục vụ dành cho anh em để phân định và thực thi ý Chúa Cha… Để thực thi một sự phục vụ như thế, quyền bính được ban cho quyền cai quản đích thực.”

  • Quyền cai quản này đến cho các bề trên dòng tu từ Thiên Chúa qua tác vụ của Giáo hội để sử dụng trong tinh thần phục vụ. Do vậy, các ngài có quyền truyền khiến, ban lệnh và hướng dẫn cho cá nhân tu sĩ cũng như cộng thể, hay các lãnh vực của cộng thể, và điều này có liên quan đến cả những khía cạnh xã hội (quản trị tài sản, quản trị công việc, đại diện Tu hội, v.v) lẫn những biến cố cá nhân (hoặc có liên quan đế đời sống kitô hữu: ban phát các bí tích cho những kẻ liệt, các đám tang; hay đến đời sống tu trì: lời khấn vâng phục, sự tác thánh những người tận hiến cho Thiên Chúa, v.v.)
  • Bởi vì thuộc về một Tu hội miễn trừ thuộc quyền giáo hoàng,[679] do Giáo Luật,[680] những bề trên Salêdiêng cũng có quyền tài thẩm. Đây là quyền công khai của Giáo hội để hướng dẫn các tín hữu tới mục đích siêu nhiên thích hợp, như Đấng Sáng Lập Giáo Hội mong muốn.[681]
  • Sự miễn trừ khỏi quyền Giám Mục và lệ thuộc trực tiếp vào Giáo chủ Roma được nhắm để kiện cường sự hiệp nhất và đặt chúng ta hoàn toàn hơn phục vụ Giáo Hội phổ quát.[682]

Những trách nhiệm cá nhân đặc biệt của Giám đốc

  • Quyền bính của ngài là quyền cá nhân. Đây là nguyên lý được đặt ra trong Hiến luật:[683] “Sự cai quản ở trung ương, tỉnh dòng và địa phương được thực thi do một bề trên có quyền “thông thường” và được ban cố vấn ngài hỗ trợ.” Điều này được tái xác định ngày 2 tháng Hai, 1972 do SCRIS trong sắc lệnh Experimenta circa: “Theo tinh thần Vatican II[684] và Tông huấn Evangelica Testificatio số 25… các bề trên phải có quyền cá nhân.”[685] Điều này loại đi ý tưởng về sự cai quản tập thể như phương pháp thông thường và độc hữu, mà trong đó bề trên sẽ là một nhân viên thi hành suông.

Đây là ý nghĩa mà ta phải giải thích HL 189: “Bất kỳ khi nào hoàn cảnh đòi hỏi một luật trừ nào đó phải được thực hành trong cấu trúc cai quản thông thường của một cộng thể, nhất là khi cộng thể nhỏ, thì Giám tỉnh, với sự đồng ý của ban cố vấn ngài và sau khi tham khảo các hội viên của cộng thể liên hệ, có thể làm những thay đổi cần thiết, miễn là ta phải luôn giữ được diện mạo giám đốc.”

  • Ngài có thể ra lệnh nhờ lời khấn vâng phục. Điều này được Hiến luật đặt ra: “Do lời khấn vâng phục, các hội viên buộc phải vâng phục mệnh lệnh của một bề trên hợp pháp khi ngài tuyên bố có ý ra lệnh với sự buộc chặt của lời khấn… Chỉ các bề trên thượng cấp (Bề Trên Cả và Giám tỉnh) và giám đốc mới có thể ra lệnh theo kiểu này, nhưng họ nên hiếm khi làm thế và một cách thận trọng, và chỉ khi có một lý do nghiêm trọng để làm thế mà thôi.”[686]
  • Ngài triệu tập và chủ tọa ban cố vấn nhà. Một bề trên với sự trợ giúp của một ban cố vấn là cơ cấu nền tảng của sự cai trị Salêdiêng, hợp theo HL 124: “Ngài cai quản cộng thể theo Hiến luật và Qui chế, với sự cộng tác của ban cố vấn ngài.”[687] Ngài có bổn phận triệu tập ban cố vấn và chủ tọa với quyền bỏ phiếu.[688] “Ban cố vấn sẽ họp ít nhất một tháng một lần, và thường xuyên như chính ban cố vấn quyết định.”[689]

Thật tốt đẹp để nhớ rằng giám đốc phải lắng nghe ban cố vấn ngài bất kỳ khi nào qui định phải tham khảo ban cố vấn.[690] Nếu một phiếu thảo luận là nhất thiết, ngài không thể hành động trừ phi phiếu đó là thuận, nhưng nếu có một phiếu thuận của ban cố vấn, ngài không bị buộc phải hành động.[691]

  • Ngài triệu tập và chủ tọa hội nghị hội viên. “Hội nghị hội viên gồm tất cả các người Salêdiêng của cộng thể địa phương và được giám đốc triệu tập lại và chủ sự để tham khảo về những vấn đề chính liên quan đến đời tu và công cuộc của cộng thể.”[692]
  • Cần đến ý kiến của ngài trước khi chỉ định phó giám đốc và quản lý địa phương. Những chỉ định này được Giám tỉnh thực hiện, nhưng luôn luôn sau khi nghe ý kiến của giám đốc.”[693]
  • Ngài luôn là người đầu tiên chịu trách nhiệm. HL 182 nói rằng giám đốc là người đầu tiên chịu trách nhiệm, không chỉ đối với đời tu trì của cộng thể, mà cả đến công việc tông đồ và sự quản trị tài sản của cộng thể.
  • Ngài phải khích lệ sự chia sẻ trách nhiệm nghiêm chỉnh và hiệu quả về phía tất cả hội viên trong đời sống và công cuộc của cộng thể hợp theo những nguyên tắc của đối thoại, sự bổ trợ và tản quyền được Hiến luật thiết lập.[694]
  • Ngài cũng là bề trên của bất kỳ cộng thể lệ thuộc nào. Người chịu trách nhiệm trực tiếp của những cộng thể lệ thuộc như thế, mặc dù đã có thể được Giám tỉnh chỉ định như thế, vẫn lệ thuộc vào giám đốc của cộng thể chính, vì phải thích đáng nhìn đến nguyên tắc bổ trợ.[695]
  • Ngài cổ xúy cảm thức thuộc về cộng thể tỉnh và thế giới trong Tu hội, ghi nhớ điều được nói trong HL 131: “Bề trên ở mọi cấp chia sẻ cùng một quyền bính và thực thi quyền bính trong sự hiệp thông với Bề Trên Cả vì lợi ích của toàn Tu hội. Vậy, đang khi cổ xúy thiện ích của chính cộng thể của mình, họ quan tâm đến sự hiệp nhất, sự tăng trưởng và phát triển của toàn Tu hội.”[696]

Việc tuyên khấn tu trì luôn được thực hiện, trực tiếp hay gián tiếp, trong tay của Bề Trên Cả.[697]

1.5 Những bổn phận và bó buộc của tu sĩ đối với điều mà giám đốc phải giữ một hồ sơ

Sự chăm sóc và cảnh giác của giám đốc phải trải rộng tới mọi khía cạnh trong đời tu của cá nhân và cộng thể. Lãnh vực đó thật rộng lớn và phức tạp và chịu nhiều thay đổi trong cả nội dung và viễn cảnh mà ta dễ dàng nhìn ra từ những tài liệu tương ứng của Vatican II và sau đó. Theo Il Diritto nella vita della Chiesa, cuốn 2,[698] ở đây chúng ta sẽ không làm gì hơn là trình bày hai nguyên tắc chính: nguyên tắc thứ nhất cống hiến một bản tóm tắt những chuẩn mực chúng hiện có, đang khi nguyên tắc thứ hai trình bày trật tự của Giáo Luật như chúng được hoạch định để xuất hiện trong bộ Giáo Luật mới với một chỉ dẫn về những nội dung chính của chúng, được hòa hợp với những chuẩn mực và hướng dẫn của Hiến luật chúng ta.

  1. Lập pháp hiện hành

Theo trật tự của bộ Giáo Luật mới[699] ta có thể xếp loại những bó buộc của tu sĩ như sau: các bổn phận họ có chung với các thừa tác viên thánh;[700] những bổn phận rút từ bản chất của bậc tu sĩ; và những bổn phận nảy ra từ luật giáo sĩ.

  • Những bổn phận có chung với các thừa tác viên thánh.[701] Có một vài dự thế cũng trói buộc trên tu sĩ trừ phi điều gì là trái nghịch hiển nhiên với bối cảnh hay với bản chất của chính sự vật.[702] Ta có thể phân chúng thành những bổn phận tích cực và tiêu cực. Dưới tựa đề thứ nhất có: bổn phận hướng đến một đời sống thánh thiện,[703] chu toàn những việc thực hành tôn giáo,[704] vâng phục,[705] học hành,[706] thanh khiết,[707] đời sống chung,[708] đọc thần vụ,[709] và mang y phục thích hợp.[710] Còn phần thứ hai bao gồm những hoạt động trần thế[711] vốn cấm các giáo sĩ và tu sĩ, bởi vì không hợp với bậc sống thánh hiến của họ,[712] nghĩa là các hoạt động thế tục,[713] đời,[714] quân sự,[715] thương mại hay có tính chất đầu cơ tài chánh.[716]
  • Những bổn phận rút ra từ bản chất của bậc tu trì. “Tất cả tu sĩ, bề trên và những người thuộc quyền, không được chỉ tuân giữ đầy đủ và trung thành những lời khấn họ làm, nhưng còn làm cho đời sống mình đồng hình đồng dạng với những qui luật và Hiến pháp của Hội Dòng họ, và vì thế hướng tới sự hoàn thiện của bậc sống mình.”[717] Trong mỗi Hội Dòng hết thảy mọi người phải tuân giữ đời sống chung[718] và của cải phải được giữ chung.[719]
  • Những bổn phận dựa trên luật giáo sĩ được thiết lập do những nhu cầu của đời sống thiêng liêng, thí dụ, linh thao, thánh lễ hằng ngày, năng xưng tội, và những thực hành đạo đức khác được luật lệ qui định.[720] Cũng có những bổn phận mà có mục đích gìn giữ bản chất riêng biệt của tu sĩ và sự tách biệt của họ khỏi thế gian, và làm can dự đến những điểm như là: y phục tu sĩ,[721] nội vi,[722] sự thận trọng với khách[723] và việc rời bỏ nhà.[724] Xét về khu nội vi Giáo Luật phân biệt nội vi của những người thường,[725] những nữ tu với lời khấn trọng,[726] và những tu hội.[727]
  1. Bộ Giáo Luật mới

Những khoản Giáo Luật tương lai về những quyền lợi và bổn phận của các hội dòng đời thánh hiến và các phần tử của chúng chứa đựng một tổng hợp mới về những bổn phận của tu sĩ. Trật tự trong đó chúng được cống hiến, và nội dung chính yếu của chúng, là như sau:[728]

  • Luật tối thượng của toàn bộ đời thánh hiến là việc theo Đức Kitô. Bộ Giáo Luật mới nhắc nhớ tu sĩ ngay từ đầu rằng luật tối thượng của đời sống họ phải là việc theo Đức Kitô như được các Tin Mừng đề xướng và được diễn đạt trong hiến pháp của mỗi Hội Dòng.
  • Phương thế của sự tăng trưởng thiêng liêng. Thứ đến là lời nhắc nhớ về những bổn phận tôn giáo nền tảng mà đồng thời rất nhiều phương thế tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng: sự chiêm ngắm những thực tại Thiên Chúa và chuyên chăm kết hiệp với Thiên Chúa trong cầu nguyện, tham dự Thánh Thể, tôn thờ bí tích cực thánh, đọc Kinh Thánh, tâm nguyện, cử hành phụng vụ giờ kinh, và tham dự vào các việc đạo đức khác theo luật dòng. Sự sùng kính Đức Mẹ được nhấn mạnh: tu sĩ được mời gọi để nhìn nơi Mẹ Thiên Chúa gương mẫu và đấng che chở đời thánh hiến, và cũng cử hành việc tôn sùng mẹ nhờ kinh mân côi. Giữa nhiều sự trợ giúp thiêng liêng mà tu sĩ có được do tùy ý họ gìn giữ cuộc đối thoại với Chúa, ta phải dành một chỗ đặc biệt cho việc xét duyệt lương tâm và năng sử dụng bí tích Giao Hòa. Cuối cùng việc linh thao hằng năm không bao giờ được thiếu trong đời người tu sĩ.
  • Một đời sống hiệp thông huynh đệ. Tu sĩ buộc phải sống trong một nhà của các tu sĩ trong Hội Dòng mình và sống đời sống chung. Họ sẽ không bỏ nhà mà không có phép của bề trên; trong trường hợp khiếm diện lâu dài bề trên cao hơn, với sự ưng thuận của ban cố vấn và vì lý do tốt lành, có thể cho phép một hội viên của hội dòng sống ngoài nhà, nhưng không được quá một năm, trừ phi có phép vì lý do sức khỏe, điều trị thuốc men, học hành, hay thực thi một công việc tông đồ nào đó nhân danh Hội Dòng.
  • Sử dụng những phương tiện truyền thông. Đa phương tiện sẽ được dùng với sự dè dặt cần thiết; ta phải tránh mọi sự có thể gây hại đến ơn gọi và làm cho đức trong sạch của người được thánh hiến lâm nguy.
  • Nội vi. Trong mọi nhà sẽ phải có một nội vi, tùy vào công cuộc và sứ mệnh của hội dòng và như được luật riêng ấn định; ta phải nhớ kỹ rằng một phần của nhà tu phải luôn được dành cho các hội viên của Hội Dòng mà thôi.
  • Nghèo khó. Về điểm này bộ Giáo Luật mới biệt loại những hệ quả pháp lý của lời khấn nghèo khó.[729]
  • Tu phục. Tu sĩ phải mang tu phục của Dòng mình như luật riêng của họ qui định, như một dấu của sự thánh hiến và như một chứng tá của đức nghèo khó. Tu sĩ giáo sĩ thuộc về một Dòng mà không có tu phục biệt loại của mình phải ăn mặc theo cách giáo sĩ triều, như hội đồng Giám mục đề ra và được phong tục địa phương hợp pháp phê chuẩn.
  • Những bổn phận của Hội Dòng. Hội Dòng phải cung cấp cho các hội viên của mình mọi sự cần thiết để đạt được mục tiêu của ơn gọi biệt loại của họ theo Hiến pháp.
  • Hoạt động bên ngoài. Một tu sĩ không được nhận những chức vụ và chỉ định ngoài Hội Dòng mình mà không có phép của bề trên hợp pháp.
  • Những bổn phận khác. Tu sĩ cũng bị buộc do một vài bổn phận liên quan đến thừa tác viên thánh, như chẳng hạn, kiêng mọi việc không thích hợp với bậc sống mình, thận trọng hành sử trong gặp gỡ và giao tiếp với một số người, không chấp nhận những địa vị trách nhiệm dân sự. v.v.
  • Đàm thoại với bề trên

Theo HL 96 “mỗi hội viên nên thường xuyên đàm thoại huynh đệ với bề trên vì phần ích riêng mình và sự điều hành tốt đẹp của cộng thể. Hoàn toàn tín nhiệm, hội viên nên bàn đến đời sống bên ngoài, và nếu muốn, cũng bàn đến đời sống thiêng liêng của mình.”[730]

Giáo luật 530 cấm ngặt các bề trên thuyết phục những người thuộc quyền bằng bất kỳ cách nào để cho họ biết những vấn đề lương tâm. Nhưng không cấm những người thuộc quyền tự do và tự phát cởi mở tâm hồn cho các bề trên của mình… cho họ biết những hoài nghi và âu lo của lương tâm.

N.B. Giám đốc nên chú ý rằng người ta không thiết định những tình trạng và thực hành vốn không hợp pháp, ngoại lệ hay nguy hại nghiêm trọng đối với đời sống chung hay đối với việc thực thi các lời khấn và Hiến luật. Khi biết về những điều như thế ngài phải mau chóng can thiệp theo một cách thức kiên nhẫn và hiền phụ, nhưng cứng rắn. Những trường hợp nghiêm trọng hơn ngài phải nói cho Giám tỉnh.

  • Bí tích Sám Hối trong cộng thể chúng ta

Giữa những sự trợ giúp thiêng liêng mà những người được thánh hiến có thể lợi dụng trong trách vụ hằng ngày của việc theo Đức Kitô theo các Tin Mừng và theo đường lối được vạch ra trong hiến pháp, bí tích Sám Hối có tầm quan trọng đặc biệt. Chuẩn mực hiện tại được chứa đựng trong sắc lệnh Dum canonicarum legum, được SCRIS ban hành vào 8 tháng Mười Hai, 1970, vốn khích lệ tu sĩ kính trọng việc năng xưng tội, “nhờ đó ta tăng trưởng trong việc biết mình cách chính xác, sự khiêm nhường Kitô hữu được phát triển, sự linh hướng các tâm hồn được cổ xúy và ân sủng được phong phú hơn.”[731]

Chuẩn mực ấy đề ra rằng “Tu sĩ phải làm mọi nỗ lực năng đến gần bí tích Sám Hối, nghĩa là, một tháng hai lần. Bù lại, bề trên phải quan tâm để năng khuyến khích điều này và sắp xếp cho các hội viên có thể đến gần bí tích ấy ít nhất mỗi hai tuần, và thậm chí thường xuyên hơn nếu họ muốn làm thế.”[732]

Về pháp lý, giám đốc có thể ủy nhiệm để giải tội cho những hội viên đã tuyên khấn, tập sinh và tất cả những ai sống trong nhà ngày đêm. Ta có thể ban điều ấy cho ngay cả những linh mục triều hay những tu sĩ Hội Dòng khác, miễn là những linh mục như thế được nhìn nhận là thích hợp do Đấng Bản Quyền sở tại của họ.

Chính giám đốc có thể giải tội cho các hội viên thuộc quyền mình, nếu họ tự phát yêu cầu điều này theo sáng kiến của họ, nhưng ngài không được thường xuyên làm thế mà không có một lý do nghiêm trọng. Cùng một điều này phải giữ cho những kẻ nội trú trong các trường nội trú của chúng ta.

N.B. Do sự nhân nhượng của Bề Trên Cả và theo những đặc ân Salêdiêng, các giám đốc ngay cả sau khi thời kỳ giữ chức vụ đã hết hạn, có thể tiếp tục giải tội cho các hội viên tuyên khấn trong bất kỳ nơi nào, và cho những người cư trú không tuyên khấn trong các nhà chúng ta ở trong những nhà liên hệ. Tuy nhiên, năng quyền này không được dùng, ít nhất cách công khai, mà không có sự đồng ý của bề trên nhà quả là thích hợp.

  • Bí tích Thánh Thể trong các cộng thể chúng ta

Theo thực hành của Giáo Hội và truyền thống Salêdiêng, bề trên được khích lệ để cổ xúy tham dự vào hy tế Thánh Thể và hiệp lễ hằng ngày.

Chính cá nhân hay nhờ người khác, giám đốc có quyền và bổn phận ban của ăn đàng và bí tích bệnh nhân cho các hội viên tuyên khấn, tập sinh, và tất cả những ai ngày đêm sống trong nhà tu vì lý do phục vụ, giáo dục, hiếu khách, hay đau yếu. Quyền lợi của ngài đối với hội viên và tập sinh vẫn còn mặc dù họ ở ngoài nhà. Ngài cũng chủ sự đám tang trong những trường hợp này.

Ngài phải chú ý ghi sổ lễ cách trật tự với những bổng lễ tương ứng và đảm bảo rằng chúng được cử hành sớm bao có thể; ngài cũng phải đảm bảo rằng những bổn phận trước kia đã được thỏa, và đảm bảo cách lịch thiệp và không do dự rằng tất cả các linh mục phải chính xác và xác đáng về việc này.

  • Giám đốc và việc rao giảng

Ban những năng quyền để rao giảng trong cơ sở và nhà thờ thuộc cơ sở ấy thuộc về giám đốc. Điều này cũng áp dụng trong trường hợp các linh mục địa phận hay những người thuộc các Hội Dòng khác. Ngài phải trước hết làm cho mình thỏa đáng trước sự thích hợp này từ quan điểm giáo lý và thái độ chung.[733]

Nếu biết một linh mục nào đó thiếu những phẩm chất cần thiết, ngài phải rút phép hay năng quyền đã được ban. Bề trên có bổn phận biệt loại là làm cho các hội viên biết đến những văn kiện được Tòa Thánh hay Hội Đồng Giám Mục ban hành; và sự hiệp thông Giáo Hội, và cách đặc biệt hơn truyền thống Salêdiêng chúng ta, đòi phải liên đới hoàn toàn với huấn quyền Giáo Hội trong việc rao giảng và phúc âm hóa giới trẻ.

  • Giám đốc và năng quyền miễn chuẩn

Theo luật chung và những đặc ân của chúng ta, Giám đốc có thể miễn chuẩn:

. Tất cả những ai sống trong nhà khỏi bổn phận Chúa nhật và ngày lễ, và khỏi việc ăn chay và kiêng khem;

. Khỏi những lời khấn riêng trong cả tòa trong và tòa ngoài:

Những hội viên tuyên khấn và tập sinh, ngay cả trong trường hợp những lời khấn kín đáo;

Những tôi tớ, học sinh, khách khứa, và những bệnh nhân sống ngày đêm trong nhà, khỏi những lời khấn riêng không kín đáo. Cùng chuẩn mực đó áp dụng cho sự giảm khinh của những lời khấn đối với một thiện ích nhỏ. Trong tất cả các trường hợp miễn chuẩn khỏi các lời khấn những điều kiện phải được chứng nghiệm: một lý do chính đáng, và không phương hại đến những quyền lợi được thủ đắc của thành phần thứ ba. Tốt hơn để giảm khinh các lời khấn cho những công việc khác hơn là chỉ miễn chuẩn chúng, đang khi tuân giữ một sự tỷ lệ thích đáng, cách riêng trong trường hợp một lời khấn trọn đời.

1.6 Giám đốc và cổ võ ơn gọi

“Bởi vì vị trí của ngài là người lãnh đạo cộng thể, giám đốc là người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc cổ xúy ơn gọi ở cấp địa phương.”[734] Với việc phân định, sự phục vụ của quyền bính có một trách nhiệm đặc biệt mà không thể bị đặt ra bên ngoài bằng việc tin vào ý kiến của người khác.[735]

Để tiếp nhận vào tập viện ngài phải theo những chuẩn mực về những tài liệu bằng chứng cần thiết, cách riêng ngài phải xác định tình trạng gia đình của ứng sinh; trong trường hợp bất hợp pháp ngài phải tìm ra sự bất hợp pháp đó can dự tới loại nào, hầu một sự lượng giá thích hợp và cẩn trọng có thể được làm về những phản chỉ định hay những ngăn trở pháp lý.

  • Giám đốc và ban cố vấn ngài có một phiếu tham khảo về việc chấp nhận tuyên khấn và các chức thánh, và một cách loại suy, vào tập viện.[736]
  • Chú tâm cách riêng đến những hội viên khấn tạm ở trong cộng thể, hầu họ không còn ở lại mà không có lời khấn; khi thời gian lời khấn hết hạn đến gần, hãy giúp họ làm một quyết định tự do và am hiểu về việc canh tân lời khấn, nhưng không thực thi bất kỳ áp lực nào.

N.B. Thêm vào sự hỗ trợ được trích dẫn,[737] ta có thể qui chiếu tới tới Formation of Salesians of Don Bosco, Roma 1981, và Norms and Guidelines for salesian vocation discernment, Roma 1982, để bàn thảo sâu rộng hơn về những vấn đề nối kết với trách nhiệm này của giám đốc, cách riêng nếu ngài là bề trên của một cộng thể đào luyện. Phải trung thành tuân giữ những chỉ thị được đưa ra trong những ấn bản này.

1.7 Liên hệ với Giáo Hội địa phương

Những liên hệ giữa tu sĩ và Giáo Hội địa phương được điều hành do những chỉ thị được cống hiến trong văn kiện Mutuae relationes, ngày 14 tháng Năm, 1978.

“Tu sĩ phải mau mắn trung thành tuân theo những yêu cầu và ước muốn của các Giám mục khi họ được yêu cầu đảm trách một sự chia sẻ lớn lao hơn trong tác vụ cứu rỗi. Ta phải xem xét thích đáng đối với đặc tính của Hội Dòng đặc thù và những điều kiện của nó.”[738] Lời khuyên này cũng áp dụng cho sự cộng tác với các cha xứ (USA: ‘mục tử’, pastor) trong những nơi mà chúng ta định vị công việc của mình.

  • “Tất cả các tu sĩ, ngay cả những người được miễn trừ, bị buộc do luật, sắc lệnh và những qui định được đề ra do Đấng Bản Quyền địa phương ảnh hưởng đến những công cuộc khác nhau, trong những vấn đề liên quan đến việc thực thi việc tông đồ thánh thiêng cũng như hoạt động mục vụ và xã hội được Đấng Bản Quyền địa phương qui định hay khuyến khích.”[739]
  • Theo Motu Proprio (Tự sắc) Ecclesiae sanctae (số 38) Đấng Bản Quyền địa phương có quyền kinh lý các nhà thờ của các tu sĩ miễn trừ và những nguyện đường (oratories) của họ, nếu các tín hữu thông thường lui đến đó, trong những vấn đề liên quan đến việc tuân giữ các luật chung và những sắc lệnh của Giám mục về việc phượng tự thần linh. Nếu ngài khám phá những lạm dụng trong vấn đề này, nếu ngài đã khuyến cáo bề trên tu sĩ mà không có hiệu quả, thì chính ngài có thể đưa ra điều khoản do thẩm quyền của mình.
  • Đấng Bản Quyền địa phương, như vị Thầy chân chính của Giáo Hội địa phương, có thể đích thân kinh lý hay nhờ một người đại diện, các trường học, nguyện đường, trung tâm giải trí, câu lạc bộ, cô nhi viện, v.v. trong những vấn đề liên quan đến giáo dục đạo giáo và luân lý, trừ trong trường hợp của những trung tâm huấn luyện thuần túy nội bộ cho các thành viên đã tuyên khấn. Cấm các bề trên ngăn cản bằng bất kỳ cách nào việc thực thi những cuộc kinh lý như thế hay cản trở việc thông giao cá nhân giữa vị khác và những hội viên của cộng đoàn. Điều này áp dụng cho những cuộc kinh lý được thực hiện không chỉ do Đấng Bản Quyền địa phương nhưng còn do các bề trên tu sĩ.
  • Liên hệ với giáo xứ Salêdiêng

Trừ việc chăm sóc các linh hồn, vốn tùy thuộc vào Đấng Bản Quyền địa phương, tất cả những hoạt động khác của một giáo xứ Salêdiêng đều trong tầm quan tâm của giám đốc, vốn phải coi sóc chúng. Ngài có thể gọi cha xứ để thu xếp nếu ngài đang lơ là trong việc tuân giữ tu trì, và cũng (trong trường hợp này liên kết với Đấng Bản Quyền địa phương) nếu ngài chểnh mảng trong các bổn phận giáo xứ.

Đối với việc quản trị tài sản, sự đồng ý hoàn toàn giữa giám đốc và cha xứ là bất khả thế. Với sự trừ ra điều có thể được Tu Nghị Tỉnh đặt ra phù hợp với QC 175, sự quản trị tài sản của ‘tiền thu nhập giáo xứ’ (nếu ở đâu có), tiền thù lao, tiền dâng lễ, bổng lễ các loại, tiền dâng cúng cho những mục đích sùng mộ, và nói chung bất kỳ cái gì nhận được như kết quả công việc của cha xứ, thuộc về giám đốc. Ngài cũng có bổn phận giám sát việc quản trị tài sản mà cha xứ nhận intuitu paroeciae. Số 248 của ASC[740] chứa đựng những bố trí và quyết định của Ban Thượng Cố Vấn về mục tiêu và tiền ký quĩ của tiền thu nhập giáo xứ.

1.8 Những bổn phận ngoại thường của giám đốc

Trong trường hợp xì-căng-đan nặng bề ngoài hay tổn thương nghiêm trọng sắp xẩy ra cho cộng đoàn, một tu sĩ có thể bị thải hồi ngay do Bề Trên Cả với sự đồng ý của ban cố vấn ngài. Nếu có nguy hiểm trong trì hoãn và thời gian không cho phép nại đến Bề Trên Cả, họ có thể bị bề trên địa phương với sự đồng ý của ban cố vấn ngài thải hồi ngay cả. Không có sự phân biệt về điều này giữa hội viên tuyên khấn tạm hay trọn đời.[741]

Điều này có lẽ cần giải thích hơn. Phải là:

  • “Xì-căng-đan nặng bề ngoài”. Điều này bất kỳ khi một tội ác (delictum) đã được bên ngoài nhà tu biết đến, hay được tiên liệu rằng nó chắc chắn sẽ được người ta biết đến một cách nào đó.
  • “Tổn thương rất nặng sắp xẩy đến cho cộng thể”. Ta chỉ có thể dùng phương dược chữa trị ngoại thường cho những nguy hiểm tổn thương khách quan mà những phương thế khác không thể xóa đi. Phương dược cũng có thể áp dụng trong những trường hợp vô luân, cách riêng với học sinh, khi ta tiên liệu rằng danh dự của toàn cộng thể sẽ bị mất trừ phi phía người có tội bị đuổi ngay. Nhưng nguy hiểm phải là chắc chắn một cách luân lý và đặt một sự đe dọa đối với cộng đoàn.
  • Một sắc lệnh thải hồi được ban hành, một lời xác quyết chính xác về tất cả điều xẩy ra phải được soạn bằng bút mực, cùng với những bằng chứng cần thiết và một bản toát yếu lý lịch, curriculum vitae, của hội viên liên hệ. Qua Giám tỉnh, tất cả điều này phải được gởi đi cho Bề Trên Cả, và ngài có bổn phận gởi tài liệu đó cho Tòa Thánh; việc phê duyệt (hay không) quyết định (bước) đã được lấy đó thuộc quyền Tòa Thánh.

N.B. Giám đốc nên tỏ ra là một người cha tiếp đón (nồng hậu) đối với các hội viên tạm thời vắng khỏi cộng thể Salêdiêng; và điều này cách riêng trong trường hợp của hội viên (absens a domo) người đã được Giám tỉnh ấn định cho cộng thể của giám đốc. Ngài nên giữ giao tiếp mật thiết với người như thế đó để làm cho họ cảm thấy tình mến và sự gần gũi của các hội viên. Tương tự ngài sốt sắng tìm ra những người đã rời bỏ nhà tu một cách bất hợp pháp, và nhận họ với sự hiền dịu nếu họ thật sự ăn năn và quay trở lại.

1.9 Những trừng phạt hình sự mà một giám đốc phạm tội nặng có thể chịu

Giám đốc phải nhớ rằng theo những chuẩn mực pháp lý ngài cũng rất có thể lãnh nhận những trừng phạt, và thậm chí bị tước khỏi chức vụ trong những trường hợp loại biệt sau đây:

  • Nếu không có phép chính đáng ngài bất hợp pháp chuyển nhượng tài sản của Tu hội;
  • Nếu ngài lạm dụng quyền do những hành vi hay thiếu sót tội lỗi nặng nề;
  • Nếu qua sự ngu dốt tội lỗi ngài thực hiện hay bỏ quên những hành vi có sự tài thẩm giáo sĩ hay thuộc về chức vụ của ngài, mà gây hại cho những người khác.

Cảm thức về trách nhiệm trong việc cai trị cộng thể, sự kính trọng đầy đủ đối với những người được trao cho ngài coi sóc, và sự chú tâm cẩn thận đến những quyền lợi và bổn phận rút ra từ sự thánh hiến tu trì, những điều này là điểm then chốt trong sự phục vụ của quyền bính mà giám đốc muốn chu toàn họp theo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và Thày duy nhất của chúng ta.

  • PHÓ GIÁM ĐỐC TRONG CỘNG THỂ ĐỊA PHƯƠNG

2.1 Ngài là cộng sự viên chính của giám đốc[742]

Phó giám đốc là alter ego, cái tôi khác, của giám đốc, mà qua những hành động ngài phải rất hòa hợp để cùng với giám đốc hình thành một thực thể mà thôi. Vì vậy, giữa hai người phải có sự kính trọng và tín nhiệm chân thành lẫn nhau, sự thông cảm sâu xa và trung tín. Đây là lý do ẩn dưới cho những lời của HL 191 “sau khi nghe ý kiến của giám đốc.”

Sự chọn lựa những bề trên như thế, mà phải là những người xác tín và xứng đáng, thì không dễ dàng. Điều này hiển nhiên từ sự kiện là khoản luật được trích dẫn qui định rằng giám tỉnh phải làm việc bổ nhiệm với ban cố vấn. Hai nguy hiểm phải tránh:

  1. Làm cho hình ảnh đó thành vô nghĩa không có bất kỳ một chức năng đặc thù nào, giản lược ngài thành một nhân viên để thi hành các lệnh.
  2. Đem một sự lưỡng phân vào việc cai trị nhà, làm cho ngài thành một quyền bính thứ hai, tổn hại đến sự hiệp nhất của cộng thể.

2.2 Một vài minh tỏ liên quan đến quyền của phó giám đốc

– Ngài thay thế giám đốc.[743]

– Ngài có quyền thường hằng. Một vài người nghĩ rằng sự diễn đạt của HL 190 phải được hiểu theo nghĩa rằng những quyền của phó giám đốc chỉ có khi giám đốc vắng mặt hay thiếu khả năng (inability).

– Phó giám đốc có quyền đại diện thông thường. Trong cộng thể địa phương quyền của ngài tương tự với quyền của Phó Bề Trên Cả[744] hay Phó Giám tỉnh.[745] Như cộng sự viên chính của giám đốc ngài giúp giám đốc trong việc cai quản thiêng liêng, kỷ luật và vật chất của nhà, với một quyền tương tự với quyền của giám đốc, mặc dù là đại diện và lệ thuộc.

Như vậy khi phó giám đốc hành động đúng thực (chẳng hạn, chứ không phải như người sinh động nhóm nào đó), giám đốc không thể gạt bỏ những hành động của ngài. Quyền của ngài là thông thường, bởi vì nó bắt nguồn từ chức vụ,[746] nhưng là đại diện bởi vì nó không được trao ban một cách đầu tiên và lập tức cho ngài, hay ngài cũng không thi hành nó nhân danh ngài, nhưng nhân danh bề trên.[747]

  • Phó giám đốc có quyền pháp lý.

Do loại suy với những vị phó khác, trong cả lãnh vực đời cũng như đạo, ngài có pháp lý trên những hội viên và nhân sự thuộc về nhà. Xét như liên hệ pháp lý phó giám đốc có thể thay thế giám đốc trong những trường hợp khác nhau mà Giáo Luật dự định.[748] Bởi vì ngài có quyền pháp lý, nên theo đó ngài phải là một linh mục.[749]

  • Giám đốc có thể giới hạn những quyền thường hằng của phó giám đốc.

Do loại suy với GL 369 (những trường hợp trong đó Tổng Đại Diện không thể hành động mà không có một sự ủy nhiệm đặc biệt của Giám mục), giám đốc có thể dành cho cá nhân mình một vài trách vụ hướng dẫn và cai quản, mà ngài xét là không thích hợp để dành cho phó giám đốc.

Nhưng mọi sự mà giám đốc bình thường có thể làm, và điều đó đã không được thành chủ đề của một luật trừ, hay dành đặc biệt cho ngài, thì phó giám đốc cũng có thể làm. Và như vậy, chẳng hạn, ngài có thể gọi một hội viên nào đó, cho họ một trách vụ đặc thù, làm một sự dàn xếp nào đó, chủ tọa những buổi họp, đảm nhận sáng kiến khẩn cấp nào đó mà không làm tổn thương giám đốc, v.v.

  • Khi giám đốc đi xa hay ngăn trở, phó giám đốc có tất cả những quyền lợi và bổn phận của giám đốc được nói đến trong HL 182, và điều này ở trong mọi lãnh vực. Trong tình trạng như thế, phó giám đốc thực thi quyền cai trị thông thường trong nhà trên tất cả hội viên được nói đến trong Giáo Luật 514, với khả thể làm những quyết định và với cùng một loại thẩm quyền và mức độ như chính giám đốc.

2.3 Những đề nghị cho những hoạt động loại biệt của phó giám đốc

HL 190 rõ ràng tiên liệu rằng giám đốc có thể trao một số vấn đề đặc biệt cho phó giám đốc, trong khi HL 191 đề nghị rằng chức vụ phó giám đốc thông thường sẽ không gắn với quản lý. Điều này giúp cho giám đốc có thể trao cho người đại diện của mình mọi sự mà có thể cản trở bổn phận cơ bản của chính mình.

2.4 Những phẩm tính đáng ao ước nơi phó giám đốc

Cách riêng trong những vấn đề liên quan đến cai quản tổng quát, ngài phải là người thẳng thắn, quân bình, không dễ bị xoay theo những người khác, không bốc đồng, và tuân giữ Qui luật. Các hội viên phải có thể tìm thấy nơi ngài một khuôn mẫu để bắt chước, một người mà họ có thể tin tưởng, một bề trên mà luôn chú ý, chín chắn và thông cảm.

  • QUẢN TRỊ TI SẢN

3.1 Những đặc tính của những người quản trị

“Những người chịu trách nhiệm về việc quản trị trong các tu hội phải thận trọng, trật tự, trung thành, ý thức và chuyên cần trong việc đưa ra những bản kê khai hàng hóa thông thường; việc lo lắng tiền bạc của họ hợp với những chỉ dẫn của các bề trên.” “Mỗi tính từ và diễn đạt tương ứng với những lo lắng nảy sinh không phải từ những kinh nghiệm hiếm hoi mà đối với chúng ngay cả gia đình chúng ta không phải là một xa lạ.”[750]

  1. Ngăn nắp trật tự. Trật tự là cốt yếu đối với phương pháp làm việc lẫn sắp xếp hệ thống tất cả những tài liệu, sổ sách, v.v. Điều này được đơn giản hóa nhiều nếu văn phòng được trang bị thích đáng với đồ đạc thích hợp và thiết dụng được sắp xếp tốt đẹp và với bất kỳ điều gì được đòi hỏi theo lề thói của sắp xếp tài liệu, sổ sách và hệ thống sắp đặt mọi sự trong trật tự.
  2. Giữ cho cập nhật. “Vào sổ rõ ràng, xác đáng và hằng ngày, sổ sách quản trị thành thật và đầy đủ được trình bày cho bề trên vào lúc thuận tiện: những điều như thế thì không chỉ là một sự thực thi bàn giấy không nhất thiết và chính thức; chúng không chỉ là bổn phận nghiệp vụ sơ yếu suông nhưng trước hết và tiên quyết là phương thế và sự trợ giúp cần thiết và bất khả thế cho một sự quản trị lành mạnh và nghiêm chỉnh; tầm quan trọng của chúng sẽ bị hạ thấp chỉ do những ai không có một ý tưởng về quản trị tốt những tài sản của người khác có nghĩa là gì.”[751]

Những kỹ thuật tân tiến cung ứng cho chúng ta những hệ thống nhanh và hiệu quả để duy trì một sự quản trị rõ ràng và cập nhật, vốn có thể cung cấp vào bất kỳ thời khắc nào một cái nhìn gọn gàng về mỗi và từng tình trạng, cả đặc thù lẫn tổng quát. Mọi văn phòng quản trị, tỷ lệ với tầm quan trọng của nó, phải được thiết lập theo những nét này.

  1. Đầy đủ. Điều này đảm bảo rằng quản trị phản ánh đầy đủ thực tại, mà có thể được kiểm tra định kỳ trong toàn bộ tính của nó. Điều này thì nhanh gọn và đơn giản khi chứng cớ giấy tờ của tình trạng kinh tế và tài chánh đầy đủ. Bù lại điều này làm can dự tới sự ghi sổ toàn diện của hoạt động tài chánh, các tài khoản, món nợ và tín dụng; nó muốn giữ một lịch trình về lúc nào các tài khoản đến hạn, về tiền mượn, các hóa đơn và bưu phiếu phải trả; nó muốn biết loại tiền mặt nào có trong tay, giá trị của tài sản ta giữ và nó có thể được hiện thực hay không; và trong trường hợp công việc xây dựng, vị trí tài chánh thực sự, nghĩa là, khoản được qui định vào bất kỳ giai đoạn đặc thù của xây dựng nào và mức mà nó đã trả được.

Sự đầy đủ trong quản trị trong một nhà Salêdiêng sẽ thành không thể được nếu bất kỳ lãnh vực nào của hoạt động không chuyển những vụ việc tài chánh của mình qua văn phòng trung ương, mặc dù những lãnh vực như thế hoàn toàn phân biệt và liên quan đến những hoạt động khác nhau.

QC 183 rất rõ về điều này: “Sự quản trị tài sản của mỗi nhà được trao cho quản lý địa phương; quản lý này hành động lệ thuộc vào giám đốc, và đồng ý với cố vấn nhà. Mọi giao dịch tài chánh trong bất kỳ lý do gì của nhà, ngay cả của giám đốc phải được qui chiếu lại vì những mục tiêu sổ sách cho văn phòng quản lý, mà sẽ được tổ chức một cách thích hợp theo tầm quan trọng và phức tạp của công cuộc liên hệ. Ngay cả các hội viên dấn thân vào những phần của công cuộc mà do luật hay thỏa thuận phải có tổ chức quản trị của chính mình, phải tường trình cho các bề trên của mình. Điều này phải được thực hiện ngay cả khi có một quản trị riêng biệt của công cuộc liên hệ tách khỏi sự quản trị của cộng thể.” Trong trường hợp này ta phải theo những nghị quyết của Tu Nghị Tỉnh của mỗi tỉnh dòng, như QC 175 cung cấp.

  1. Lương thiện. Đang khi sự khôn ngoan và minh mẫn thích đáng đối với mọi người quản trị tốt phải luôn được thực thi, thì tất cả sự đầu cơ kinh tài bất hợp pháp phải tuyệt đối tránh. Không được ‘cung cấp thông tin sai lạc’, bịp bợm hay tránh thuế; không lắp ráp sai lạc những tình trạng để được giảm thuế, hay có những của cải hay trao đổi tài chánh chống lại luật. Bất kể mục đích nhắm đến tốt thế nào, không thể biện chính bất kỳ sự vi phạm nào thuộc loại này mà theo luân lý không thể hòa hợp với sự ngay thẳng tự nhiên, và hơn nữa, còn chống lại những nhân đức riêng cho bậc tu trì. Chúng có thể phương hại danh thơm của toàn Tu hội.

3.2 Những khía cạnh tổng quát của sự quản trị của chúng ta

  1. Chức vụ quản trị. Trước hết sự quản trị của chúng ta có tính chất ủy thác. Điều này mang theo với nó bổn phận ghi lại một cách thông thường và biện chính mọi công việc tài chánh; về việc xin phép cần thiết như được Hiến luật qui định, về sự lụy phục những kiểm soát như thế là thực hành bình thường trong cộng tác và giúp đỡ.
  2. Tản quyền. Sự quản trị của chúng ta có một khía cạnh tự lập (autonomous) bao lâu liên quan đến việc vận hành chung của một nhà, của một tỉnh hay thậm chí trên toàn tu hội ở bình diện của Ban Thượng Cố Vấn, nhưng nó cũng có một khía cạnh là sự lệ thuộc theo nghĩa rằng nó chịu kiểm soát; những sự cho phép và phép tắc đôi khi cần thiết, chẳng hạn về tiền thu nhập và chi tiêu ngoại thường, việc sử dụng bất động sản, v.v.

Vì vậy sự quản trị tập quyền bị loại trừ, ngay cả trên cấp tỉnh. Tuy nhiên, giám tỉnh, với sự đồng ý của ban cố vấn, không bị ngăn cản khỏi việc soạn thảo một kế hoạch kinh tế, thận trọng giữa những nguồn tài chánh của tỉnh dòng và tiền thu nhập ngoại thường và số tiền thừa đối với nhu cầu của các nhà. Một kế hoạch như thế sẽ làm cho việc xây dựng dần dần một dự phóng xây cất toàn diện là có thể được, bao gồm cả việc trang bị thích đáng của những công cuộc khác nhau, theo một kế hoạch được nghiên cứu cẩn thận được Ban Thượng Cố Vấn phê chuẩn.

Thêm nữa, không chút thiên kiến với nguyên tắc tản quyền và sự tự lập quản trị của các nhà khác nhau, một sự đồng ý tập thể có thể đạt được ở bình diện tỉnh dòng (và đối với một vài mục đích ngay cả trên bình diện quốc gia) về sự sắp xếp để cùng nối kết hầu đạt được những điều kiện tốt nhất, phẩm chất tốt hơn của tài sản và uy quyền mặc cả lớn hơn trong những cuộc tranh luận mà không xâm phạm những nguyên tắc là sự công bằng.

  1. Sự thích đáng (relevance). Sự quản trị của chúng ta phải được giới hạn vào điều liên quan đến đời sống kinh tế của các nhà. Không được đề xướng một đầu cơ nào. Như vậy không thể và không được xúc tiến bất kỳ hoạt động thương mại, kỹ nghệ hay đầu tư nào (những buôn bán tài sản, hay cổ phiếu).

Tiền bạc không thể cho những tư nhân vay mượn nhằm có tiền lời tốt hơn, hay chỉ tỏ ra ưa thích đối với một người hay công ty thương mại nào đó. Ít được phép hơn nữa để ban hành những ghi chú hứa hẹn, để dùng tài sản chúng ta để cung cấp những vật bảo đảm, hay để dấn vào việc buôn bán đầu cơ. Không cho phép tổ chức một quan tâm thương mại hay kỹ nghệ, hay một nông trại với mục tiêu duy nhất là kiếm lời từ đó; ta không đầu tư tiền bạc vào tài sản chỉ để đảm bảo một thu nhập cố định, hay trong cổ phiếu và cổ phần, những giấy nợ hay chứng khoán với cùng mục đích. Bỏ ra một bên tiền thu nhập được liên kết với những nhiệm vụ Thánh Lễ, những dịch vụ trợ cấp, những học bổng sinh viên, tiền trợ cấp hàng năm hay ký gởi tạm thời và tiện lợi tiền dành để dùng cho việc hiện thực các công cuộc gắn liền với việc tông đồ của chúng ta, bất kỳ công việc bất thường hay bất hợp pháp chung chung được nối kết với những khó khăn tài chánh và luân lý nghiêm trọng nhất cho các nhà hay Tỉnh dòng.

3.3 Giữ và sang nhượng tài sản

Tất cả bất động sản mà chúng ta có hoặc do mua tậu hay do bác ái được giữ để sử dụng cho công cuộc chúng ta hoặc được sắp xếp để bán. Ta phải giữ sổ sách cập nhật về tất cả tài sản như thế với những việc thích đáng của quyền sở hữu, tài liệu chuyển giao, bản đồ, giấy chứng nhận đăng ký, quyền xây cất khả thể hay cầm cố, những cản trở công khố, v.v

  1. Giữ tài sản. Điều này không bao giờ được giữ nhân danh cá nhân, trừ phi luật của một quốc gia không cho phép bất kỳ một khả thể nào khác hơn. Cho một chuẩn mực phổ quát đối với việc đăng ký tài sản là không thể được. Trong mỗi quốc gia ta phải nghiên cứu để quyết định phương pháp được luật pháp cho phép vốn cống hiến những phương tiện an toàn nhất, với ít khó khăn thuế má nhất và Nhà Nước xen vào ít nhất.

Nói chung quyền tư hữu tài sản phải là do tập thể với nhân cách pháp lý được nhà nước công nhận. Chúng phải là những cơ sở (foundations) bác ái hay những công ty huy động vốn cho bất động sản, v.v. Nhưng trong mọi trường hợp những cơ quan như thế phải ở dưới sự kiểm soát của giám tỉnh, quản lý tỉnh và ban cố vấn tỉnh, chứ không chỉ bề trên địa phương.

Trong những quốc gia mà nhân cách pháp lý của cơ quan tôn giáo được chấp nhận sẽ tốt đẹp để xin cho tỉnh dòng được công nhận như thế, cũng như từng những nhà.

Khi các hội viên thừa hưởng hay có được tài sản nhân danh họ, nó phải được chuyển nhượng sớm bao có thể và bằng bất cứ cách nào là tốt nhất cho Tu hội hay cho một trong những cơ quan tập thể của chúng ta, và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được chuyển tài sản cho những cá nhân khác.

Tài sản toàn bộ của một nhà phải nhân danh một cơ quan tập thể và ta phải tránh sự phân mảnh, bởi vì nó tạo nên những khó khăn trong quản trị và dẫn tới vấn đề thuế má. Một trong những mục tiêu phải đạt là một quyền sở hữu được tập quyền có bằng chứng hẳn hoi và rõ ràng. Hơn nữa, tất cả tài sản của Tỉnh dòng phải được chuyển nhượng nếu cần thiết để chúng thuộc về cơ quan tập thể của cùng một Tỉnh dòng đó.

Khi có vấn đề về một giáo xứ vốn là một thực thể tập thể được ký cho Tu hội ad nutum Sanctae Sedis, hay trong trường hợp của một thực thể luân lý được một nhà Salêdiêng trông nom hay chúng ta làm việc trong tài sản được thuê mướn của giáo xứ đó, những thỏa thuận, khế ước và lời minh xác cần thiết, về những bổn phận chung phải được soạn thảo kỹ lưỡng và rõ ràng.

  1. Sự sang nhượng tài sản. Tài sản phải được bán đi (nghĩa là, bất kỳ cái gì, nói chung không phục vụ cho mục đích hữu ích của công cuộc chúng ta) phải được sang nhượng sớm bao có thể. Thời khắc thích đáng phải được quyết định từng nố một trong những quốc gia khác nhau. Khi đi đến một quyết định, ta phải ghi nhớ những nguyên tắc sau:
  • Nếu tiến trình bán được dùng ngay để đáp ứng giá của công trình xây dựng, trang thiết bị hay trang bị, sự kiện rằng giá trị lên xuống không quan tâm đến. Bất cứ sự gia tăng khả thể nào trong giá trị của tài sản được bán sẽ hơn kém được bù đắp bằng một sự gia tăng tương tự trong giá cả được đáp ứng để xây dựng, v.v, và do lợi thế có tiền mặt sẵn đấy sớm sủa hơn cho công việc tông đồ của chúng ta.
  • Trong trường hợp bất động sản trong một khu vực sẽ phát triển trong tương lai, tốt hơn là đợi vì trong trường hợp đó sự gia tăng về giá trị là nội khởi và tuyệt đối hơn là tương đối. Nhưng phải thức tỉnh đối với việc lập pháp hay những quyết định khả thể của thẩm quyền dân sự mà có thể phủ nhận bất kỳ sự gia tăng khả thể nào trong giá trị, và hơn nữa có thể có một nguy hiểm nào đó trong việc chậm trễ.
  • Trong những giới hạn của việc lập pháp của những quốc gia khác nhau, ta nên chọn hình thức sang nhượng nào mà tốt nhất tránh được việc trả thuế quá mức.
  • Hợp theo Hiến luật và Giáo Luật, phép của Bề Trên Cả và ban cố vấn ngài là cần thiết cho bất kỳ công việc bán nào. Giám tỉnh phải xin phép như vậy vào lúc thích hợp, và cũng bao gồm bản trích lục từ biên bản của ban cố vấn tỉnh liên quan đến vấn đề đó. Nếu việc bán liên hệ đến một nhà đặc thù nào, giám đốc sẽ trước tiên khảo cứu vấn đề với ban cố vấn và sẽ gởi một bản ghi lại biên bản cho Giám tỉnh; ngài cũng sẽ tiến hành như trên.
  1. Thu được tài sản. Đôi khi có thể cần thiết để có được tài sản hoặc để cung cấp không gian hơn sự độc lập, hay khả thể tính thích hợp để phát triển một công cuộc đã hiện có, hay để bắt đầu một công việc mới. Trong trường hợp này ta phải dùng đến sự quan tâm và thận trọng lớn nhất và sau khi xem xét cẩn thận về nhu cầu và lượng giá chính xác về giá trị, được các chuyên môn thực hiện, toàn vấn đề sẽ được nghiên cứu trong ban cố vấn tỉnh và lời xin sẽ được gởi đến ban Thượng cố vấn để xin phép cần thiết. Thêm vào việc cho phép cần thiết, Ban Thượng Cố Vấn cũng sẽ phải làm quyết định về việc khả thể mở một công việc mới.

Cùng một thủ tục như thế phải được theo trong trường hợp các tặng phẩm, tiền trợ cấp hàng năm, tài sản kế thừa hay vật để lại; ta phải xin phép chấp nhận từ Ban Thượng Cố Vấn và cũng từ Tòa Thánh khi cần thiết. Khi ta có phép, ta phải luôn nói lên bất kỳ bổn phận liên quan nào, và bản trích lục thích hợp từ biên bản phải biểu lộ ý kiến của ban cố vấn tỉnh.

Đôi khi một sự biếu tặng bác ái được buộc với một bổn phận nghiêm trọng, chẳng hạn, mở một công cuộc mới, và quyết định đối với điều sau thuộc về Ban Thượng Cố Vấn.

Có lẽ thừa để thêm rằng việc mua hay bán tài sản cá nhân hay động sản có giá trị đáng kể không thể để mặc cho quyết định của giám đốc và quản lý địa phương. Những vấn đề như thế phải được xét trong ban cố vấn địa phương và rồi được đệ lên Giám tỉnh và ban cố vấn tỉnh để cho phép cần thiết.

Nếu can hệ đến việc mua bán luật trừ (chẳng hạn, máy móc phức tạp, hay những việc cài đặt kỹ thuật phức tạp và rất quan trọng) ta phải nói vấn đề đó cho Ban Thượng Cố Vấn.

  1. Tiền của. Không chút thành kiến với điều được nói tới ở trên về những đầu tư, việc dùng tiền bạc, và việc tập trung tiền mặt và quản trị để tránh những khó khăn và vi phạm lời khấn nghèo khó, người chịu trách nhiệm quản trị phải cẩn trọng rằng tiền của phải được ký gởi an toàn ở ngân hàng; điều sau phải được chọn để đạt được những tiền lời tốt nhất, và tất cả mọi ký gởi phải được làm vào tín dụng của nhà, tỉnh hay một cơ quan tập thể biệt loại nào. Chỉ một số ít tiền mặt đủ dùng được giữ trong nhà để đáp ứng những nhu cầu thường nhật bình thường. Trong trường hợp các giáo xứ mọi thu nhập nên được gởi ngân hàng, với một chỉ định về mục đích của nó, hoặc nó là thu nhập được quản trị do cha xứ hay sẵn cho việc sử dụng của nhà.

Cổ phiếu và cổ phần có thể đạt được chỉ vì mục đích thiết lập một quĩ để đáp ứng những bổn phận nảy sinh từ các thừa kế hay trợ cấp hàng năm, v.v.

Giám tỉnh không được lơ là để giữ mắt chăm chú tới lãnh vực này với tất cả quyền bính được ban cho ngài do Hiến luật và Giáo Luật. Ngài có thể có biện pháp để tránh một tình trạng trong đó một nhà có một số dư tín dụng mà thu được tiền lời phải chăng trên đó, đang khi nhà khác đang trả một lãi suất cao trên một khoản nợ, có lẽ ở cùng một ngân hàng.

Để bù vào một món nợ phép của Ban Thượng Cố Vấn là cần thiết và khi món nợ vượt quá một tổng số nào đó cũng cần sự phê chuẩn của Tòa Thánh, đạt được qua Bề Trên Cả. Vì vậy những người liên hệ phải theo thủ tục đã được vạch ra: ban cố vấn địa phương, ban cố vấn tỉnh, Ban Thượng Cố Vấn.

Khi một món tiền lớn được can dự một chỉ thị cũng phải được ban về khả thể tính và phương pháp trả nợ, với những điều kiện tiền lời sẵn nhất. Ta phải ghi nhớ sự thường xuyên của mỗi lần trả.

Một bổn phận quan trọng nhất của bất kỳ người quản trị nào là người đó chăm chú trả các khoản tiền. Đây là một vấn đề công bằng, và đôi khi cũng là vấn đề cám ơn, và nó phải được chu toàn cách chính xác, ngay cả đối với những cơ sở Salêdiêng khác (các nhà, Tỉnh dòng và Tổng Quản lý). Một món nợ phải được ký kết chỉ khi không có những khả thể tính sẵn đấy khác, nhưng nợ nần không được để mãi không trả đến vô tận; điều này thường gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho chủ nợ.

  1. Những công việc xây dựng. Những điều này bao gồm việc nới rộng, tái thiết lại hay những thay đổi cho một nhà đang có sẵn, hay việc thực hiện một công cuộc mới một khi điều này được Bề Trên Cả và ban cố vấn ngài cho phép. Không bao giờ hợp pháp để đảm nhận những công việc như thế mà không có phép của ban Thượng Cố Vấn, ngay cả khi quĩ cần thiết đã sẵn đấy.

Phép có được qua những kênh thông thường: ban cố vấn địa phương (nếu liên hệ đến nhà đang có), ban cố vấn tỉnh, Ban Thượng Cố Vấn. Đối với Ban Thượng Cố Vấn phải gởi một bản biên bản của ban cố vấn tỉnh với một miêu tả tổng quát về dự phóng và những kế hoạch chi tiết cho thấy địa điểm liên hệ, kích thước, những chi tiết kỹ thuật, bản vẽ của kiến trúc sư’; cũng phải có một lời xác minh rõ ràng về bản kê giá cả và làm thế nào để đáp ứng chúng.

Ta không tiếp tục mà không nói rằng công việc không thể bắt đầu trước khi nhận được phép và dự phóng được phê chuẩn. Hành động trong bất kỳ cách khác đều là một vi phạm đến kỷ luật tu trì và một lỗi nặng với những tác động (hậu quả) tiêu cực trên tất cả các hội viên.

Ngay cả khi một dự phóng xây dựng được thực hiện hoàn toàn với chi phí của ân nhân, các cơ quan công cộng hay chính nhà nước, Ban Thượng Cố Vấn phải được mang vào như đã được cho biết. Trong việc phê chuẩn công cuộc hay dự phóng mới ta phải hiển nhiên chú ý đến những điều kiện được đặt ra do những người cung cấp tài chánh. Nó là trách vụ của Ban Thượng Cố Vấn để đảm bảo rằng những điều này không biến đổi với những tiêu chuẩn của chúng ta.

Khi ta nhận được phép, những điều khoản của sự phê chuẩn phải được gắn vào đối với những chi tiết của dự phóng và những chi phí, và trong việc thi hành công cuộc bất kỳ đề xướng này hay lời khuyên nào được chứa trong tài liệu phê chuẩn phải được ghi nhớ đối với những thay đổi và giới hạn.

  1. Tường trình quản trị. Việc soạn thảo bản tường trình tài chánh là một trong những bổn phận quan trọng của mọi người quản trị. Nó phải được rất chính xác và được sẵn sàng do ngày tháng qui định, bằng không nó mất nhiều giá trị.

Các Giám tỉnh phải đảm bảo rằng những quản lý của mình làm những kiểm tra đều đặn về quản trị của từng các nhà, và cung cấp cho họ với tất cả sự giúp đỡ và lời khuyên hữu ích cho việc quản trị thích hợp của họ.

Hơn nữa, Giám tỉnh phải viết xuống trước thời gian những ngày tháng nào đó mà các ngài muốn những (bản thống kê) tiền thu về từ các nhà, hầu Giám tỉnh và ban cố vấn ngài được thông tin tốt đẹp về việc quản trị của tỉnh dòng và từng các nhà. Bằng cách này ngài cũng đảm bảo rằng bản tường trình quản trị của Tỉnh dòng được gởi đúng hẹn tới vị Tổng Quản lý.

Một kiến thức chính xác về tình trạng kinh tế của mỗi nhà sẽ làm cho Giám tỉnh có thể quyết định về sự đóng góp hay chỉ tiêu thích đáng được nhà thực hiện để duy trì Tỉnh dòng. Việc làm sự đóng góp này là một bổn phận; nó phải được chu toàn cách trung thành và quảng đại do các nhà như một dấu chỉ sự chấp nhận của họ về tình liên đới của mình với Tu hội. Nếu ta phải trả trong những phần trả đều đặn trong năm thì có ít khả thể hơn để không thể trả nó. Phép được ban cho một nhà để thực hiện một vài công cuộc hay để làm những chi phí ngoại thường không xá miễn khỏi việc trả chỉ tiêu này.

3.4 Bản tóm tắt những bổn phận quản trị

Đối với những nhân viên không phải Salêdiêng việc lập pháp của một quốc gia phải được tuân theo và có đủ giấy tờ cần thiết (documentation) để đảm nhận hay bỏ việc làm, trợ cấp xã hội và bảo hiểm hay sự đóng góp bác ái, và việc trả lương công bằng.

Cũng là trách vụ quản trị là giữ bản kiểm kê tài sản cập nhật về đồ đạc và trang thiết bị của nhà; chú ý đến việc bảo trì, trật tự và sạch sẽ; nhận lấy những công ty đáng tin và theo dõi cập nhật các chính sách bảo hiểm đối với việc hư hại tài sản hay nhân sự, tới mức độ mà có thể đáng khuyên hay cần thiết. Cuối cùng việc quản trị sẽ cung cấp bất kỳ cái gì cần thiết hợp với những khoản chi phi và thiết bị, giữ một sự quân bình giữa giá cả và phẩm chất.

“Giám đốc là người đầu tiên trách nhiệm việc quản trị tài sản của cộng thể.”[752] “Quản lý là người trực tiếp chịu trách nhiệm trong sự lệ thuộc vào giám đốc và đồng thuận với ban cố vấn cộng thể.”[753]

Giám đốc cai quản nhà cũng trong lãnh vực vật chất, nhưng trong những vấn đề có tầm quan trọng lớn hơn, ngài phải triệu tập ban cố vấn lại với nhau và không làm bất kỳ quyết định nào mà không có sự ưng thuận của ban cố vấn. Nếu không có ban cố vấn, ngài phải tham khảo Giám tỉnh.

  • Ngài sẽ quan tâm rằng bất kỳ tài sản thừa kế nào cho những mục đích tôn giáo hay bác ái tốt nhất là được làm cho Giám tỉnh;
  • Trong công hàm nhà ngài sẽ giữ những điều sau đây giữa những thứ khác:

+ Những chứng thư mua tậu hay bán động sản hay bất động sản, với bản đồ, sơ đồ và tài liệu liên quan đến đó;

+ Giấy phép của các bề trên cho việc thu nhận hay chuyển nhượng đất đai hay xây dựng nhà cửa, v.v. với những sơ đồ thích đáng;

+ Những quyền thụ ủy của những thành viên của nhà;

+ Một sổ sách về những bổn phận (Thánh Lễ, những chỗ tự do, những dịch vụ được trả cho cha xứ hay những người khác) mà trong đó ta phải ghi xuống nguồn gốc và bản chất của những bổn phận như thế;

+ Những sổ sách về những tài khoản hiện hành và những phí, được xếp loại từng năm;

+ Một bản sao chép về tất cả những tường trình quản trị được gởi cho văn phòng giám tỉnh;

  • Ngài sẽ cung cấp một bản tường trình viết tay về sự quản trị vật chất của nhà cho Giám tỉnh mỗi năm, và bất cứ khi nào ngài yêu cầu việc đó;
  • Ngài sẽ có được sự ưng thuận của Giám tỉnh trước khi làm bất kỳ sự thay đổi nào nơi các phòng ốc, v.v. Ngài sẽ chú tâm để hoàn thành cách nhanh chóng và hiền thảo những bổn phận tài chánh cho Giám tỉnh và sẽ chuyển cho ngài cho những nhu cầu của tỉnh bất kỳ sự thặng dư nào vào cuối năm tài chánh.
  • Ngài sẽ đảm bảo rằng bất kỳ đồng tiền nào quá những nhu cầu thường ngày của nhà sẽ được ký gởi ở ngân hàng. Tài khoản ngân hàng thông thường sẽ đứng tên của nhà và được hoạt động do những chữ ký của giám đốc và quản lý, hoặc cùng nhau hay riêng rẽ.

Ngài phải giữ một tường trình chính xác về thu nhập của mình và những chi phí và chuyển nó mỗi tháng cho quản lý để gồm cả vào trong những tài khoản thống nhất của nhà. Ngài phải kiểm tra rằng những tài khoản được giữ với sự chuyên chăm và chính xác, và một cách định kỳ lưu ý làm cho mình cập nhật về tình trạng tài chánh toàn diện của nhà.

N.B. Giám đốc có thể làm những tặng phẩm từ những nguồn và tài sản của cộng thể cho những mục đích bác ái hay chính đáng khác, miễn là không can dự đến bất động sản hay đồ vật có giá trị đáng kể nào, và chúng không quá những khả thể kinh tế của cộng thể. Những tặng phẩm bất hợp pháp sẽ tự động không có giá trị và đòi buộc phải hồi phục.

– Ngài sẽ coi xem sự trang hoàng nội thất của nhà, đồ đạc và trang thiết bị thật hữu dụng và nhất quán với nghèo khó tu sĩ. Chúng không bao giờ cho cảm tưởng về sự giầu có hay xa xỉ. Ngay cả trong nhà thờ ở đó mọi sự chắc chắn phải thích hợp và đoan trang, phải tránh những gì quá đáng.

– Ngài phải lưu ý rằng những giới hạn thích đáng được đặt vào những phí tổn bưu điện, điện tín và điện thoại. Những dịch vụ này phải được dùng chỉ khi thật sự cần thiết hay tiện lợi.

– Ngài phải thiết lập những chuẩn mực sử dụng những phương tiện di chuyển của cộng thể. Tất cả xe cộ, v.v, phải thuộc về nhà và chỉ được sử dụng để đáp ứng những nhu cầu của cộng thể.

MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU

NHỮNG LỜI THÂN TÍN

LỜI TỰA                                                                      

  • Những mục tiêu
  • Tác vụ và cộng thể
  • Sắp xếp nội dung cuốn sách

CHƯƠNG I

DON BOSCO – NGƯỜI CHA VÀ ĐẤNG SÁNG LẬP

  1. Don Bosco, người cha và đấng sáng lập
  2. Don Bosco, nhà linh hướng và sáng lập
  • Don Bosco thật sâu xa …
  • Don Bosco thật sâu xa …
  1. Don Bosco, người hướng đạo …..
  2. Kết luận…..

CHƯƠNG II

LÀM SỐNG LẠI TÌNH CHA CỦA DON BOSCO

NƠI QUYỀN BÍNH CỦA GIÁM ĐỐC NGÀY NAY

  1. Tình cha và những bối cảnh văn hóa ….
  2. Khôi phục những giá trị của tình cha Salêdiêng
  • Giáo hội, sự hiệp thông …..
  • Các Tu hội….
  • Tu hội Salêdiêng…..

CHƯƠNG III                                  

GIÁM ĐỐC, NGƯỜI SINH ĐỘNG HOÁ CỦA CÁC HỘI VIÊN SỐNG SỰ HIỆP THÔNG TU SĨ VÀ MỤC VỤ ĐẶC THÙ

  1. Chiều kích căn bản ….
  • Mối liên hệ mật thiết …..
  • Tính thống nhất của sứ mệnh
  • Sự hiệp nhất được nhập thể …
  • Những cộng thể chúng ta…
  1. Một số đòi hỏi dành cho Giám đốc ….
  • Mối tương quan của cha với Đức Kitô
  • Mối tương quan của cha với Giáo hội
  • Sùng kính đặc biệt Đức Maria                                    
  • Yêu mến Don Bosco                                                                                                
  • Trưởng thành và kinh nghiệm …                                            
  • Được sai đến với các anh em

CHƯƠNG IV                                       

SINH ĐỘNG HOÁ VÀ CAI QUẢN MỘT CỘNG THỂ CỦA NHỮNG CON NGƯỜI ĐƯỢC THÁNH HIẾN

  1. Cầu nguyện
  • Cầu nguyện nói chung
  • Những khó khăn đến từ môi trường
  • Cá nhân và cộng thể cầu nguyện
  • Các kinh nguyện
  1. Một đời sống cộng thể sâu xa và phong phú
  • Một bầu khí thông giao và hiệp thông                        
  • Bầu khí của đồng trách nhiệm chân thật
  • Bầu khí liên đới và bổ sung                                                                              
  1. Việc thực thi các lời khuyên Phúc Am            
  • Đặt sự vâng phục Salêdiêng …
  • Chứng tá về ý nghĩa….                                                                  
  • Định giá đầy đủ …….                                                                  
  • Mối liên hệ giữa …..

CHƯƠNG V

SINH ĐỘNG VÀ CAI QUẢN CỘNG THỂ TÔNG ĐỒ SALÊDIÊNG DON BOSCO

  1. Don Bosco một con người….
  2. Hệ thống giáo dục dự phòng
  • Tái sinh động Hệ thống giáo dục dự phòng
  • Một chiến lược cho sự tái sinh động hoá
  1. Đồng trách nhiệm …
  • Các cộng thể thế giới, tỉnh và địa phương
  • Sự điều phối trong gia đình Salêdiêng
  • Một cộng thể thuộc Giáo hội
  • Sự điều phối trong tổ chức …
  • Những giao tiếp bên ngoài cộng thể

CHƯƠNG VI

MẪU MỰC CỦA CỘNG THỂ ĐỊA PHƯƠNG PHƯƠNG THẾ SINH ĐỘNG HOÁ VÀ CAI QUẢN

1.Những ảnh hưởng văn hoá                

  1. Những loại nhóm khác nhau
    • Những Salêdiêng trẻ
    • Những Salêdiêng lớn tuổi
    • Những Salêdiêng cao niên
  1. Hướng dẫn cá nhân hội viên
  • Đàm thoại với bề trên
  • Linh hướng
  1. Linh hướng cộng thể
  • Ban cố vấn cộng thể và hội nghị hội viên
  • Những bài huấn đức, hội họp và “huấn từ tối”
  • Kiểm điểm đời sống
  • Những buổi kiểm thảo khác nhau
  • Thông tin Salêdiêng

KẾT LUẬN                                         

PHỤ LỤC

CHƯƠNG VII

NHỮNG YẾU TỐ PHÁP LÝ VÀ QUẢN TRỊ                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          

[1] Chú thích của người dịch: ở đây bản tiếng Anh dùng chữ “spiritual” mà thông thường được dịch là thiêng liêng. Tuy nhiên, theo mạch văn, tôi xin được dùng diễn ngữ ‘của Thần khí’với hy vọng diễn tả đúng hơn ý của cha Viganò.

[2] V. GC21 61a

[3] V. GC21 48

[4] GC19 32 (được trích dẫn trong GC21 49)

[5] GC21 55

[6] GC21 55

[7] GC21 55

[8] MB XIII 82

[9] V. HL 35; GC21 52; SGC 78-84, 27-30, 713-719; Lá thư của Hồng Y Villot cho GC21 448-450

[10] MB XVII 131

[11] V. FSDB 72

[12] MB IX 572

[13] MB IX 572

[14] HL 2

[15] HL 54

[16] FSDB 3

[17] Don Albera: Manuale del direttore (Colle Don Bosco; tái bản 1949)

[18] Ibid.

[19] Ibid. 8

[20] Ibid. 7

[21] PC 3

[22] PC 3

[23] MB XII 69

[24] V. GC21 163

[25] MR 12

[26] V. GC21 61d

[27] V. FSDB 47

[28] SGC 127

[29] V. GC21 163

[30] V. HL 49

[31] ASC 12 (1931) 940

[32] Gl 4:19

[33] 2 Cr 12:14

[34] 1 Tx 2:8

[35] 1 Tx 2:12

[36] 1 Cr 4:21

[37] MB XVII 175

[38] Ann. Pp. 3-4

[39] V. MB X 662; XVII 143

[40] MB IX 600

[41] HL 49

[42] HL 101

[43] V. GC21 96

[44] HL 49

[45] MB VI 362

[46] ASC 1 (1920) số 3, pp. 64-65

[47] HL 49

[48] P. Stella, Don Bosco nella storia della religiosità cattolica, vol. 2, PAS-VERLAG, Zurich (1969), P. 472

[49] PO 2

[50] MB IX 818

[51] Gl 4:19

[52] LG 21; v. LG 28, 32; PO 9

[53] ASC số 26 (1931), trg. 942. Được chân lý này đánh động, Đức Phaolô VI nói về “trực giác lớn lao do Chúa Quan Phòng ban cho Don Bosco”, “niềm say mê đời linh mục” đã phát triển trong năm tháng tại chủng viện “để hiến mình cho giới trẻ và bảo vệ chúng khỏi sự dữ.” (GC21 473)

[54] V. P. Braido: Contemporaneità di Don Bosco nella pedagogiadi ieri e di oggi; VA: Don Bosco educatore oggi (PAS, 1963), p. 61

[55] MB III 74

[56] A. Caviglia, Savio Domenico e Don Bosco (SEI 1943), vol. IV, p. 83

[57] Ibid.

[58] Ibid. p. 85

[59] Ibid. p. 85

[60] GC21 93

[61] V. HL 17-25

[62] E. Ceria: Don Bosco con Dio (LDC Colle Don Bosco 1947) pp. 233-234

[63] HL 47

[64] MB IX 1045

[65] V. MB X 1045

[66] MB V 10

[67] MB VI 11

[68] MB IX 573

[69] V. SGC 650

[70] MB IX 986

[71] MB IX 599

[72] MB XII 82

[73] MB XII 81

[74] Ann. Vol. I, pp. 311-312

[75] MB XIII 885

[76] MB III 414; VIII 279; X 1097; XVII 894; XII 490

[77] V. MB X 10871

[78] V. HL (1966) 12, Introd. Brotherly charity

[79] Mc 3:14-16; v. Cv 4:12-16

[80] J. Dupont: Le nom d’Abbé chez les solitaires d’Egypt (in Vie Spirituelle 321 – 1947)

[81] V. GS 53

[82] Gioan Phaolô II, Redemptor hominis 10

[83] V. SGC 27-30

[84] LG 1-4, 9, 13, 17; DV 2; AG 2-5; GS 24, 32

[85] V. LG 27

[86] V. MB V 577

[87] MB X 441

[88] V. CD 33

[89] V. LG 43, 44d; PC 1, 2c

[90] V. LG 43

[91] V. SGC 27-29

[92] PC 2b

[93] FSDB 417-418

[94] MB XVIII 127

[95] MB XI 386; v. also XII 83

[96] MB XVIII 866

[97] V. MR 13

[98] MR 13

[99] V. MR 23

[100] V, MR 23

[101] V. MR 37

[102] MR 4

[103] MB VIII 446

[104] MB XIV 293

[105] MB XVII 189

[106] V. MR 11; FSDB 50

[107] V. MR 11; FSDB 158

[108] MB XII 151

[109] V. SGC 148

[110] V. SGC 148

[111] V. GC21 215

[112] V. HL 125; GC21 54

[113] V. GC21 52

[114] GC21 46

[115] MB XIII 118, 258

[116] V. HL 35

[117] MB VII 118 trong SGC 649

[118] MB IX 573-575 trong SGC 650

[119] V. GC21 46, 584-585

[120] V. GC21 57

[121] Epist. Vol.4, p. 205

[122] HL 94, 124, 182; QC 154-163

[123] HL 125

[124] V. HL 94

[125] 2 tháng Hai, 1972

[126] PC 14

[127] AAS 64 (1972) 393-394

[128] HL 182

[129] V. QC 168-169; HL 94; QC 154

[130] GC21 392

[131] V. HL 124, 182; QC 154, 168, 169

[132] PC 3

[133] V. FSDB 31-39

[134] V. GC21 552

[135] V. GC21 46

[136] V. HL 126

[137] HL 127

[138] HL 127

[139] V. GC21 58

[140] V. HL 54

[141] V. GC21 160

[142] V. GC21 161; SGC 515

[143] V. QC 154; MB XIII 258, 887; XUV 474; Epist. III 158, II 270; Don Rua: Circ. P. 228, +28; ASC số 36, p. 487; ASC số 74, p. 137; GC17 trong ASC số 170, p. 30; SGC 674; GC21 53

[144] MB X 594

[145] MB X 597

[146] MB X 599

[147] V. SGC 127

[148] V. FSCB 46-48

[149] FSDB 128

[150] V. FSDB 129-132, 133

[151] V. HL 26

[152] V. FSDB 72

[153] V. SGC 24

[154] V. FSDB 129

[155] V. HL 16; SGC 58

[156] V. GC21 579; SGC 26

[157] V. GC21 99

[158] V. SGC 115; GC21 32; PC 8

[159] HL 40; V. HL 41-48

[160] V. HL ch. VII; cũng HL 53, 55, 56

[161] V. HL 58, 61, 62, 65

[162] HL 71; V. HL 73, 77, 75, 76, 90, 87, 88, 91, 94

[163] V. HL 99, 101, 118

[164] V. HL 125, 129, 133, 134, 140, 141, 143, 151, 162, 168, 172, 177, 181, 188, 194

[165] GC21 52

[166] V. GC 52

[167] V. HL 17; SGC 59, 61

[168] V. HL 18

[169] V. HL 19

[170] V. HL 20-23

[171] SB 12 (1888) Jan. p. 6: cho các Cộng Tác Viên

[172] MB XVIII 258

[173] BS (1883)

[174] V. ASC số 290, p. 24tt; GC21 99, 21

[175] V. SGC 60

[176] V. ASC số 40, p. 574

[177] V. HL 34

[178] V. ASC số 298, p. 5

[179] V. ASC số 298, p. 6

[180] V. ASC số 298, p. 6

[181] V. GC21 179

[182] V. ASC số 298, p. 8

[183] HL 35

[184] GC21 215

[185] v. RM 135

[186] Kh 2:17

[187] V. GC21 294

[188] V. FSDB 51

[189] V.SGC 26

[190] V.Don Albera, Manuale del Directtore, 71

[191] HL 21; V. SGC 26; ASC số 290, p. 15-16

[192] Ibid.,

[193] HL 73; FSDB 98

[194] Don Albera, Manuale del Direttore, 71

[195] 1 Cr 3:16

[196] Rm 5:5

[197] Ep 3:17

[198] Rm 8:26

[199] 1 Cr 2:12

[200] SGC 8; Stella, Don Bosco. . . vol. 2, p. 31

[201] V. E. Viganò, Non secondo la carne ma nello spirito, (1979) p. 40 (FMA, Rome)

[202] MR 11

[203] SGC 18

[204] Cv 7:51

[205] V. Gl 5:22

[206] ET 55

[207] V. LG 28

[208] Rm 10:17

[209] Cv 6:2

[210] V. RM 194

[211] V. RM 166

[212] SC 7

[213] V. 164

[214] V. RM 179, 192-194, 196-203

[215] PO 13b

[216] Dt 10:5tt

[217] Dt 5:1-10

[218] Dt 5:1; 9:9-14

[219] Lễ Qui Roma

[220] ASC 304, p. 26

[221] MB VIII, 113

[222] MB VIII, 113

[223] Mt 3:15

[224] Lc 12:50

[225] OT 8

[226] V. MB V 155; cũng x. XVII 510

[227] V. GC21 589

[228] V. FSDB 124; GC21 589

[229] V. ASC số 289, p. 23, 39, 33

[230] V. GC21 163

[231] HL 49

[232] V. 1 Tm 3:1-6

[233] V. OT 11; PO 3

[234] SGC 668

[235] V. SGC 667

[236] V. SGC 669

[237] V, FSDB 83

[238] V. FSDB 84-86

[239] V. FSDB 87-91

[240] 2 Tm 1:6

[241] Don Albera, Manuale del Direttore, 98

[242] V. GC21 52; MR 9c, 13b

[243] V. GC21 50-52, 587

[244] V. FSDB 158

[245] Ann. Vol. 3, p. 178

[246] QC (1906) p. 40

[247] Ann. Vol. 4, p. 8

[248] V. GC 7 (1926) 485; GC11 (1931) 939; ASC 152 (1947); ASC 281, p. 17; GC19 (1965) p. 95-100; SGC (1972) 678

[249] GC19 98

[250] V. GC21 50

[251] V. GC21 52

[252] GC21 57

[253] V.GC21 341

[254] V. QC 78

[255] V. QC 78

[256] Epist. Vol.2: Letter 1249, p. 422

[257] Epist. Vol. 4: Letter 2133, p. 10

[258] Don Albera, Manuale del Direttore, 56

[259] Don Albera, Manuale del Direttore, 55

[260] V. RM 56; Don Albera, Manuale del Direttore, 56

[261] V. HL 35, 54

[262] V. MR 13a

[263] V. PC 2

[264] V. FSDB 26 cũng x. Phụ luc 1, p. 307-315

[265] V. SGC 13-15

[266] V. SGC 13-15

[267] FSDB (1981)

[268] FSDB 171

[269] V. GC21 581

[270] V. GC21 337; Don Albera, Manuale del Direttore, 21

[271] Don Albera, Manuale del Direttore, 21

[272] GC21 377

[273] ASC số 56, p. 935

[274] Don Albera, Manuale del Direttore, 22

[275] MB XVI 313; cũng x. Circ. Letters, p. 190

[276] Don Albera, Manuale del Direttore, 29, 36

[277] Cv 1:1

[278] E. Ceria: Don Bosco con Dio, p. 106

[279] MR 9d

[280] V. SGC 523

[281] MB XIV 551

[282] V. SGC 553

[283] V. SGC 520

[284] V. SGC 522

[285] Gl 4:6; SGC 529, 530

[286] Pl 1:21

[287] PC 8; ET 10; SCRIS, vol. 6

[288] Ga 10:28-29

[289] V. GS 1

[290] V. SGC 520

[291] V. Laudis canticum trong AAS 83, 534, được trích dẫn trong SGC 532

[292] Don Albera, Manuale del Direttore 76

[293] MB XV 492

[294] E. Ceria, Don Bosco con Dio, p. 107

[295] HL 48

[296] V. SGC 525

[297] Lc 11:1

[298] ET 46

[299] SCRIS-DCR, Contemplative dimension of religious life (1980) 6

[300] V. SGC 536

[301] HL 64

[302] HL 64

[303] 1858-1859

[304] Việc đạo đức, kh. 1

[305] HL 48

[306] HL 58, 60, 61; QC 54

[307] V. SGC 548

[308] Mt 18:19

[309] SGC 521

[310] V. HL 59

[311] V. GC21 45

[312] V. SGC 532, 533, 534; HL 48, 152, 153, 155

[313] QC 45

[314] HL 64

[315] V. MB XIII 232

[316] MB XIX 400

[317] MB XI 273

[318] ASC số 7 (1926) p. 458

[319] QC 45

[320] HL 41; v. SGC 549

[321] MB VI 828

[322] HL 61

[323] HL 65; QC 47, 51

[324] SGC 544

[325] SC 14

[326] HL 25

[327] V. HL 21

[328] Mt 18:20

[329] HL 61

[330] MB IV 457

[331] SGC 543

[332] SGC 543

[333] SGC 543; PO 13d, 14b; SC 10a; CD 15b, 30f; UR 2a; AG 9b

[334] SGC 543; HL 61

[335] SGC 543; v. ET 47

[336] HL 52

[337] HL 62; FSDB 115; RFIS 55; PO 18b

[338] V. Gioan Phaolô II, Osservatore romano, 31 Jan. 1981

[339] HL 62

[340] HL 62

[341] V. HL 62

[342] PO 18b

[343] AAS LXIII, 30 tháng Tư 1971, p. 318

[344] Guides and Norms for Salesian vocation discernment, Rome, 1982, n. 4

[345] QC 44

[346] V. SC 99; Inst. Gen. L.H. 6, 7 trong SGC 544

[347] V. SC 27a; Inst. Gen. L.H. 9, 26, 32, 37, 40 trong SGC 544

[348] V. SGC 547

[349] SGC 548, 552, 553

[350] V. SGC 553

[351] Ep II 270

[352] V. FSDB 137

[353] V. GC21 58

[354] MB XIII 258

[355] ASC số 7 (1926), p. 485

[356] V. HL 181-194

[357] V. HL 193

[358] HL 54

[359] MB XIII 258

[360] QC 153

[361] V. GC21 565, 568

[362] SGC 230

[363] V. HL 71; ASC số 290, p. 18-24

[364] A. Caviglia: Don Bosco, profilo storico, p. 169 (SEI) 1934

[365] V. HL 27, 43, 44

[366] GC21 573

[367] V. GC21 53

[368] V. GC21 37

[369] V. GC21 235

[370] GC21 208

[371] V. GC21 196

[372] GC21 197, 206

[373] V. GC21 197, 206

[374] V. Acts of World Congress of Salesian Brothers, p. 256-257

[375] V. SGC 59-61

[376] V. Acts of World Congress of Salesian Brothers, p. 455

[377] V. FSDB 247, 607, 315,316, 333-336, 352, 399-406, 596-601, 607-611, 232, 172, 325, 392, 401, 404, 405, 610

[378] HL, lời dẫn nhập

[379] HL 1972, Bề Trên Cả gởi người Salêdiêng

[380] V. E. Vigano, non secondo la carne, p. 237

[381] SGC 629

[382] V. HL 91

[383] V. HL 46

[384] V. HL 93

[385] HL 106

[386] V. SGC 654

[387] V. SGC 572

[388] V. HL 78

[389] V. HL 78

[390] V. FSDB 91

[391] V. GC12, p. 84-85

[392] HL 75

[393] V. SGC 675, 563; ASC 285, p. 12, 30, 42

[394] HL 79

[395] V. FSDB 149; HL 79; QC 55

[396] V. SGC 581

[397] HL 83

[398] HL 83

[399] V. SGC 612, 613

[400] HL 88, 10

[401] V. HL69-71; SGC 115; GC21 38; PC 8

[402] HL 69

[403] HL 68

[404] HL 20

[405] HL 49

[406] V. P. Stella, Don Bosco, vol. 2, p. 25, 116

[407] V. MB V 126

[408] V. ASC 290, p. 7

[409] GC21 98

[410] GC21 99

[411] Ann., vol.1, 679

[412] GC21 80

[413] Epist. IV, Letter 2556, p. 333

[414] Epist. IV, Letter 2556, ghi chú 1

[415] GC21 571

[416] V. HL 25

[417] V. Don Bosco, Confidential Memoranda (1887)

[418] V. GC21 4

[419] GC21 52

[420] V. GC21 85, 129

[421] V. GC21 27

[422] V. HL 26

[423] V. SGC 274

[424] HL 43; v. HL 24, 7

[425] V. HL 55, 47

[426] V. FSDB 131

[427] V. FSDB 133; HL 27, 43, 40, 42, 54, 97

[428] HL 35

[429] GC21 52

[430] SGC 326

[431] HL 1

[432] V. GC21 95

[433] GC21 102

[434] GC21 102

[435] MB XVII 111

[436] V. ANS, Nov. 1979, Strenna ‘80

[437] GC21 96

[438] ASC số 294, p. 9

[439] Epist. Vol. 3, p. 7-8

[440] V. ASC số 294, p. 9

[441] V. GC21 102, 115; HL 72

[442] MB IV 654 được trích dẫn trong HL 16

[443] V. GC21 83; SGC 188

[444] MB XVII 616

[445] V. HL 20; SGC 335-341; GC21 81

[446] V. HL 12

[447] Don Albera: Circ. Letter 31 tháng Năm 1913, số 2

[448] Ibid.

[449] Don Albera, Manuale del Direttore, 140

[450] Ibid. 146

[451] Ibid. 141, 146, 148, 157

[452] Ibid. 153

[453] V. MB V 411

[454] Don Albera, Manuale del Direttore 145

[455] MB XVII 616

[456] V. MB VII 828, 831-833 (1864: 5, 10, 12)

[457] V. GC21 114

[458] V. GC21 114

[459] V. GC21 119a

[460] PO 14

[461] V. FSDB 129-132

[462] ASC (1921) số 2, trg 148

[463] SGC 504

[464] V. HL 39, 28, 14, 5; GC21 69, 78

[465] V. HL 33; SGC 27, 28

[466] V. HL 33;SGC 79-83.

[467] V. ASC 272, p. 22 (được trích trong FSDB 45)

[468] HL 56

[469] V. HL 57; QC 180

[470] V. HL 36, 37

[471] V. HL 34, 52, 97

[472] V. HL 38, 121

[473] V.HL 36, 37.

[474] V. HL 34, 52, 97.

[475] V. SGC 500

[476] V. SGC 712

[477] V. FSDB 15

[478] HL 6

[479] HL 6

[480] SGC 152

[481] ASC 304

[482] SGC 151

[483] GC21 72

[484] V. GC21 73

[485] V. GC21 73

[486] V. GC21 76

[487] V. GC21 74

[488] V. GC21 68

[489] V. GC21 71

[490] GS21 68; v. QC 129

[491] V. SGC 126, 163, 171, 736, 739, 755, 766; GS21 79

[492] V. QC 30

[493] V. HL 1, 5; SGC 189, 190, 191; GC21 402

[494] V. SGC 743

[495] V. GC21 79

[496] V. Qui Luật mới dành cho Cộng tác viên 21

[497] V. SGC 176

[498] V. HL 55

[499] V. SGC 710

[500] V. GC21 486 và tiếp theo, 529 và tiếp theo

[501] V. GC21 113, 118

[502] V. SGC 157, 2

[503] V. ASC 304

[504] SGC 174

[505] V. HL 44

[506] V. FSDB 12

[507] V. FSDB 15

[508] V. FSDB 37

[509] V. LG 44b; CD 35

[510] V. MR 23

[511] MR 37

[512] SGC 80

[513] V. HL 9

[514] V. MR 12, 19, 22, 23, 40

[515] V. Ediz. 1923

[516] ASC 244, p. 178 và tiếp theo (được trích dẫn trong SGC 471)

[517] V. ASC 267, p. 13, 19

[518] Ibid.

[519] V. SGC 159

[520] V. CD 35, 1

[521] MR 39; v. GC21 119c

[522] MR 40

[523] GC21 155, 6.1.1; GC 21 573

[524] V. MR 43

[525] V. SGC 552

[526] MB XI 389-390

[527] HL 44

[528] V. MR 59

[529] HL 44

[530] V. HL 43

[531] C.HL 30; QC 14; SGC 81

[532] V. HL 45, 43

[533] MB XIV 229, 219

[534] MB XVII 131

[535] MB XVII 491

[536] MB X 441

[537] V. ASC 284, pp. 3-60

[538] SGC 507

[539] SGC 507; v. LG 45b; CD 35, 3

[540] P. Braido, op. cit. trg 34

[541] MB X 1039

[542] V. HL 38

[543] V. HL 121

[544] V. GS 4; PC 14

[545] HL 97

[546] MB XII, 124

[547] MB X 1052

[548] MB XI 354

[549] Ibid.

[550] Ta có thể lại trích dẫn Don Bosco về đàm thoại. Thư luân lưu của ngài bằng tiếng Latinh gởi cho các giám đốc và các bề trên khác (8 tháng Mười Hai, 1880) có ích lợi đặc biệt, MB XIV 794. Ngài nói về đàm thoại trong những bối cảnh khác nhau: v. thư luân lưu của ngài về Hiệp nhất trong Tinh thần và quản tr (15 tháng Tám, 1869), MB IX 688; bài giảng của ngài vđàm thoại trong giới thiệu Hiến Luật (Don Albera gọi chúng là “những lời vàng ngọc”)

[551] V. SGC 644

[552] Giới thiệu HL trg 251

[553] QC 1966, khoản 44

[554] Giới thiệu HL (1972), trg 253

[555] Ibid.

[556] MB IX 995

[557] Don Albera, Manuale del Direttore, 124-130

[558] V. HL 96; SGC 646, 647b; QC 54 và tiếp theo; FSDB 160 và tiếp theo

[559] QC 71b trong GC 21 436

[560] MB XVII 266

[561] Mc 10:45

[562] Canh tân Huấn giáo (Roma, 1970), số 170

[563] HL 96

[564] MB XVII 266

[565] V. MB XI 346

[566] QC 71b trong GC21 436

[567] MB IV 216

[568] MB XI 390

[569] Don Bosco, Confidential Memoranda, 2

[570] MB XIII 89

[571] V. PC 31

[572] Don Bosco, Confidential Memoranda

[573] MB XIII 354

[574] HL 96

[575] QC 71b trong GC21 436

[576] MB XVII 375

[577] MB XII 86

[578] MB XVII 376

[579] V. ASC 27 (1947) trg 142, 105

[580] Don Rinaldi, Conference, ed. E. Valentini (Crocetta, 1959), trg 71

[581] MB XI 346

[582] L. Castano: Don Rinaldi vivente imagine di Don Bosco (LDC, 1980), trg 220

[583] Ibid.

[584] V. GC21 37

[585] V. GC 21 36-37

[586] Don Albera, Manuale del Direttore, 131

[587] V. OT 8, 19; PO 11, 18; PC 14; GE 10; RFIS, SS; Đức Phaolô VI cho các thành viên của Khóa Hội Thảo về ơn gọi (1972); EN 46; MR 13; La formazione dei presbiteri nella Chiesa italiana (1980), 3; The contemplative dimension in the religious life, 11.

[588] GC19, ASC 244 (1966), trg 95, số 1

[589] Ibid., trg 96, số 5

[590] GC19 trg 97, số 6

[591] SGC 678

[592] V. GC21 46-61, 61bc, 115, 251

[593] GC21 268

[594] GC21 274

[595] GC21 287

[596] GC21 294

[597] GC 21 318, 319

[598] Vocations, 1 (1972) trg 16

[599] V. FSDB 156

[600] V. FSDB 161; ASC 224, trg 96-99; SGC 678; GC21 249, 252

[601] V. FSDB 16-30

[602] GC21 50

[603] V. FSDB 160, 161

[604] Circulars (1965), trg 456, 457; ASC (1921), trg 160

[605] V. Osservatore Romano, 31 tháng Giêng, 1981

[606] V. ASC (1921), trg 161

[607] Guidelines and norms for Salesian vocation discernment, 1982, số 5

[608] Letter of Leo XIII to Card. Gibbon: Testem benevolentiae, 22 tháng Giêng, 1889

[609] Salita al Monte Carmelo II, XVIII, 5

[610] FSDB 160

[611] SGC 370, 494, 540, 555

[612] GC21 40, 114, 60a

[613] V. HL 188

[614] V. QC 164-167

[615] HL 185

[616] V. QC 166

[617] V. QC 167, 168, 187

[618] HL 194

[619] GC21 391

[620] GC21 61

[621] MB X 1037

[622] RM 50-53

[623] V. SGC 526, 678; Don Albera, Manuale del Direttore, 134; GC21 56

[624] QC 157

[625] QC 157

[626] GC21 52, 50

[627] Don Albera, Manuale del Direttore, 103

[628] Ibid.

[629] V. Ibid.

[630] Don Albera, Manuale del Direttore, 77

[631] V. QC 157.

[632] 2 Cr 12:9

[633] Hệ thống Dự phòng, 2, VI

[634] V. MB XVII 190

[635] Ibid.

[636] V. SGC 370

[637] Ann. (1946), vol. 3, p. 809

[638] SGC 370, 540

[639] GC21 59

[640] Thí dụ, Communità in preghiera (LDC) trg 241

[641] V. ASC 253, trg 52-56

[642] V. ASC 253, trg 44, 45

[643] SGC 706, 2

[644] SGC 706, 6

[645] V SGC19 trg 32

[646] V. SGC 726

[647] MB X 1099-1101

[648] SGC 726

[649] Ibid.

[650] V. HL 188

[651] SGC 726

[652] MB XVII 272

[653] SGC 726

[654] HL 188

[655] V. ASC 253, trg 45-47

[656] V. GC21 60

[657] GC21 60a

[658] V. GC21 44

[659] SGC 529

[660] HL 48

[661] Scrutinia paupertatis, vocationis, orationis (nghèo khó, ơn gọi, cầu nguyện) có thể trải rộng hữu ích tới những vấn đề của sự vâng phục và thanh khiết Salêdiêng; và nhiều bản câu hỏi tham khảo hữu ích và thực tiễn đã được soạn thảo do một số hội nghị tỉnh; những hội nghị này bàn đến những thái độ cá nhân và cộng thể; sau đây là những thí dụ:

Communità salesiana in preghiera (LDC) trg 233, 235, 245 và tiếp theo, 261-263, 483-522

Communità salesiana en oracion (Madrid), trg 45, 48, 67, 80, 376-405

Comunidad en oracion, Conf. insp. Achentina, 1975, trg 83, 111, 113, 155

[662] V. GC21 114

[663] Ibid.

[664] MB XV 183-187

[665] V. ASC 23, p. 197; ASC 55, p. 932-924; ASC 56, p. 933-934; ASC 57, p. 965; ASC 300, p. 3-36.

[666] V. MB VIII 828

[667] Don Albera, Manuale del Direttore, trg 506

[668] HL 54

[669] HL 182

[670] HL 35

[671] HL 183

[672] Sự khai báo của Bề Trên Cả tại khóa họp thông thường của Ban Thượng Cố Vấn, ngày 23 tháng Sáu, 1978

[673] HL 184

[674] V. PC 14

[675] V. MR 13

[676] Giáo luật khoản 508; v. GC21 52: những vai trò ưu tiên của giám đốc

[677] QC 153

[678] HL 125

[679] HL 3

[680] GL 501$1

[681] P. II số 8

[682] V.HL 6

[683] HL 124

[684] V.PC 14

[685] V. Sắc lệnh AAS (1972), trg 393; cũng ASC 266, V (văn kiện).

[686] HL 92

[687] HL 182

[688] V. HL 185

[689] QC 164

[690] V. HL 188

[691] V. ASC 134, trg 29 và tiếp theo

[692] V. HL 194; Hội nghị hội viên phải chọn đại biểu của mình cho Tu nghị tỉnh, và một vài hội viên cho ban cố vấn cộng thể (HL 187, 194)

[693] V. HL 191, 192

[694] V.HL 126, 127; ASC 272

[695] V. HL 126

[696] HL 131

[697] V. HL 74

[698] V. Montan A: Gli Istituti di vita consacrata, il Diritto nel magistero della Chiesa (PUL, Roma, 1981; ed. T. Bertone SDB), trg 473-573. V. cũng Bruno G.: Prontuario di Diritto salesiano (PAS, Roma, 1962) đối với những qui chiếu tới truyền thống và đặc ân của Salêdiêng.

[699] V. cũng Shaffer T: De Religiosis, số 303; Tqbero A. – Escudero G.: Il Diritto dei religiosi, trg 3390425; cũng v. Lesage G.: Ogglighi dei religiosi trong DIP, VI, 1980, col. 553-559

[700] GL 124-142. 592

[701] V. Ibid.

[702] GL 592

[703] GL 124

[704] GL 125, 126

[705] GL 127, 128

[706] GL 129-131

[707] GL 132, 133

[708] GL 134

[709] GL 135

[710] GL 135

[711] GL 137

[712] GL 138

[713] GL 139

[714] GL 140

[715] GL 141

[716] GL 147

[717] GL 593; ích lợi hơn là LG 47 và PC 2a

[718] V. GL 594$1; cũng SCRIS: Luân thư Par une lettre (10 tháng Sáu, 1972), Vie communautaire (EV IV 1732 và tiếp theo)

[719] V. GL 594$2; cũng ET 21

[720] GL 595

[721] GL 596

[722] GL 597-604

[723] GL 605

[724] GL 606,607

[725] GL 597-599

[726] GL 600-603

[727] GL 604, 605

[728] V. Communicatiiones XIII (1981), trg 177-193

[729] V. Ở trên, về việc tuyên khấn

[730] QC 84 qui định đồi thoại hàng tháng cho các hội viên trong đào luyện ban đầu; QC 158; cũng v. FASB 236

[731] N. 2

[732] N. 3; QC 156

[733] GL 1338-1340

[734] GC21 114

[735] V. Norms and Guidelines for salesian vocation discernment: Admission (1981)

[736] V. HL 115

[737] V. Ghi chú 68

[738] CD 35; v. cũng Lời khuyên của Don Bosco cho Cerruti trong MB IX 931

[739] MR 53,1

[740] 30 tháng Tư, 1967

[741] V. GL 653, 658

[742] V. HL 190

[743] Ibid.

[744] HL 138

[745] V. HL 175

[746] GL 197$1

[747] GL 197$2

[748] GL 509$1; 514$1; 645$2; 875$1; 1121$1; 1230$3; 1304,5; 1313,2; 1338$1

[749] S.C.Rel., ngày 27 tháng Mười Hai, 1969

[750] ASC 253 trg 46

[751] ASC 253, trg 47

[752] HL 182

[753] HL192

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *