Ma-ga-ri-ta, Mẹ của Don Bosco

MỘT NGƯỜI MẸ DŨNG CẢM

một tường thuật vắn gọn về cuộc sống của Mẹ MARGARITA OCCHIENA BOSCO,

Mẹ của cha thánh Gioan Bosco

theo

Philip J. Pascucci SDB

DẪN NHẬP

            Đây là câu chuyện của một người mẹ quê.

            Bà một mình đảm đang chăm sóc người mẹ chồng vừa già vừa ốm đau  bệnh tật  và đàn con 3 đứa. Một trong những người con này đã trở thành thánh trong Giáo Hội.

            Bối cảnh là vùng Piedmont, miền Bắc nước Ý; đặc biệt là Castelnuovo ở Casti và Tô-ri-nô.

            Chỉ ước mong bất cứ ai đọc chuyện ngắn này cũng hiểu biết về cuộc sống dũng cảm của bà mẹ nhà quê này và  quyết tâm bắt chước  lối sống nhân đức  Kitô  hữu   của Bà .

 

MỘT GIẤC MƠ

            Có câu ngạn ngữ  “Cha nào con nấy”.

            Cũng có thể nói về người mẹ và người con như  thế. Điều này đã xẩy ra đúng cho người mẹ góa và người con của bà như trong tiểu sử vắn gọn này muốn nói tới. Cuộc sống tuyệt vời và đầy hoa trái của họ, phong phú tinh thần và nhân đức công giáo đã làm chứng cho sự thật của câu ngạn ngữ “Mẹ nào con đó”.

            Mẹ Margarita Bosco đã sớm nhận ra trách nhiệm cao cả của mình đối với người con trai của Mẹ , Gioan 9 tuổi,  khi cậu kể  lại cho cả nhà giấc mơ lạ lùng. Cậu thấy mình trên đồng cỏ. Một đám trẻ trai đang chơi hăng say, có những đứa chửi thề chửi tục.

            Một người uy nghiêm nói cho cậu hãy dùng lòng nhân ái chứ không đấm đá giúp đám trẻ chừa chửi thề văng tục này. Sau đó một bà dễ thương xuất hiện. Bỗng chốc những đứa trẻ biến mất nhường chỗ cho đủ mọi thứ súc vật dữ tợn. Người đàn bà nói với Gioan đây là việc phải làm. Cậu nhìn lại. Tất cả đàn vật ghê sợ đã trở thành đàn cừu hiền lành.

            Bà nội nhắc nhở đừng quan tâm đến những giấc mơ, có chăng nữa chỉ để cười vui. Antôn, người anh cùng cha khác mẹ của Gioan cho rằng Gioan sẽ trở thành tướng cướp. Còn Mẹ Margarita thì nói:”Ai biết được? Con mình có thểtrở thành một người chăn dắt các linh hồn. Có thể trở nên một linh mục “.

            Mẹ Margarita Bosco là ai?

            Là con gái  Ông Melchior Occhiena và Domenica Bossone.

            Margarita  chào đời ngày 01 tháng 8 năm 1788 ở Capriglio thuộc xã Asti.  Margarita là con thứ ba trong số 8 người con của Ông Bà Melchior và Domenica. Họ là những người nhà quê,  có cuộc sống tạm ổn về vật chất.

THẦN CHẾT VÀ HẬU QUẢ

Margarita là hoa khôi của Capriglio.

            Bất cứ chàng trai đứng đắn nào cũng đánh giá tốt về cô .

Hoặc thầm lặng hoặc nói lên lời,  chàng mong  ước  cưới được  cô. Nhưng nàng tránh mọi ve vãn lăng nhăng.

Margarita thích đi lễ ở Morialdo và thích đi chợ Castelnuovo ở Asti.

            Vùng Becchi, nơi giòng tộc Bosco sinh sống, nằm ngay trên trục lộ từ Castelnuovo đến Capriglio. Margarita thường dừng chân nơi đó để nghỉ đôi chút khi đi chợ về. Trong khi dừng chân nghỉ ngơi, Antôn 8 tuổi, con ông Phanxicô Bosco thường chạy ra đổ một gàu nước cho con vật của cô lưng đang nặng gánh đồ chợ của cô chủ .

Đó là một chú bé có giáo dục, sáng sủa và vui vẻ.

            Rồi, một buổi tối định mê kia đã đến.

            Đó là một buổi tối vào tháng 2 năm 1811.

Margarita đang vội vã từ chợ về trước khi màn đêm bao phủ. Trời lại tuyết nữa chứ. Khi Margarita đi ngang qua nhà của anh Bosco, cô nhận ra bé Antôn, mặt lem luốc tro bụi, mắt đỏ ngàu và đang khóc cạnh cửa nhà.

Nó nói cho Margarita là Bà và mẹ nó đang đau nặng.

Đêm ấy, như định mệnh đã có sẵn, người đàn bà già cả với 70 tuổi thì sống và người mẹ trẻ, Maria Bosco, thì qua đời.

Như  cả một bầu  trời đã sập và thế giới đã biến khỏi anh Phanxicô Bosco, khỏi người con trai nhỏ bé và khỏi người mẹ già đau  yếu của anh.

Cuộc sống của họ đã đổi thay hoàn toàn.

            Anh  Phanxicô Bosco phải lo cho trang trại và người mẹ già yếu. Không ai giúp anh  lo cho thằng  Antôn bé bỏng.

            Tội nghiệp cho Antôn : trước đây vui vẻ sáng sủa, nay ủ rũ âu sầu và không thèm chơi với ai. Nó chẳng thèm mở miệng  chào Margarita nữa; khiến Margarita rất đỗi ngạc nhiên. Nó chẳng thèm giả hình che giấu cuộc sống chán ngán với bao việc lặt vặt trong nhà. Antôn phải gắng sức gần gũi người bà yếu đau, nó thường bướng bỉnh, không thèm ra tay giúp ai. Trước đây nó hãnh diện bước theo người ba nó rất đỗi quí mến,  nó lao động hăng say nơi đồng ruộng. nay mọi sự đổi thay. Antôn  phải gắn bó với người bà yếu đau già cả. Những điều bất hạnh  này làm cho mảnh đời đầy gánh nặng của anh Phanxicô thêm nặng hơn  .

            Giỗ giáp năm Maria Bosco đã đến.

Anh  Phanxicô xin lễ cầu cho người vợ thân yêu đã qua đời. Bạn hữu và lối xóm đều hiện diện cùng dâng lễ cầu nguyện với anh. Ai cũng nhận thấy anh Phanxicô thật đáng thương và bé Antôn không còn ngoan ngoãn như  trước. Nó trở nên khó tính, lôi thôi lếch thếch và cẩu thả vô cùng. Quá rõ cho anh Phanxicô: cần phải có một người vợ khác lo cho đứa con của mình. Biết được mảnh đời phức tạp của Phanxicô ai sẽ dám cưới anh ?

HY VỌNG ĐÃ TRỞ VỀ MÁI ẤM  ANH  BOSCO

Trở về  với bà của Antôn.

Bà đòi hỏi anh Phanxicô, con bà, phải xin Margarita Occhiena về giúp đỡ.

“Nhưng mẹ ơi,” Anh Phanxicô trả lời mẹ mình,  “cô ta thuộc gia đình giầu có và danh giá nhất vùng mà. Cô ta đâu có đoái hoài gì đến những lời cầu hôn của các thanh niên  trong vùng. Không ai dám đến với cô không ai dám xin cô giúp một tay. Sao con dám ngước cao thế mẹ?”

            “ Chúng ta có thể là những người nghèo”, bà già nhấn mạnh người con trai mình, “nhưng cô gái đó và mẹ sẽ làm cho cuộc đời tốt hơn. Mẹ thích cô ta. Càng nhìn cô ta mẹ càng thấy thán phục cô ”.

            “Mẹ tỏ ra mẹ biết cô ta ư ?  “ Phanxicô trả lời, “đã cả mười năm rồi mẹ đâu ra khỏi nhà mà biết!”

            “Nhà chúng ta ở ngay  trên đường từ làng cô đến chợ”, Bà già mỉm cười nói với con trai mình, “Mỗi tuần cô ta vẫn đi qua đây. Từ ngày Maria qua đời, cô ta vẫn thường ghé vào thăm mẹ mỗi thứ Năm. Cô ta và mẹ thường  trò chuyện với nhau, hai chúng ta đã vui cười với nhau và hai chúng ta đã cầu nguyện cho nhau. Cô ta là người con gái tinh túy nhất mà mẹ để mắt. Cô ta không chỉ đẹp xác mà con đẹp hồn. Cô ta sống rất gần gũi, rất gần gũi với Thiên Chúa”.

            Bà già tiếp tục  nói đến Margarita, Phanxicô gạt ra ngoài.

            Nhưng sáng hôm sau bà đòi con trai bà :”Con ơi, con hãy đi gặp Margarita và trình bầy ý muốn của con. Cô ta sẽ nghe lời con. Cô ta biết cuộc sống của chúng ta thế nào. Cô ta đã tận mắt nhìn cảnh nghèo túng của chúng ta. Cô ta đã biết Antôn ra sao. Đi đi, con ơi. Con cứ thử đi. Chẳng mất mát gì đâu.”

            Anh Phanxicô đã ra đi không phải vì thâm tín nhưng vì muốn làm đẹp lòng người mẹ không ngừng thúc giục.

Thoạt thấy anh Phanxicô ghé nhà, Ông Occhiena, Bố của Margarita giật mình. Ông càng giật mình hơn nữa khi biết được ý của người khách trẻ.

            Ông lắc đầu lia lịa và nói:”Không gì có thể đổi được ý định của con bé đâu. Nó vô cùng hài lòng với công việc nội trợ ở nhà này.”  Hơi nghiêng mình về phía trước, ông  Occhiena chỉ Phanxicô cửa ra vào. Nhưng Phanxicô cố gắng lần nữa. Phanxicô xin Ông Occhiena làm môi giới. Chỉ xin ông chuyển ý định của Phanxicô cho con gái ông thôi.

Ông Occhiena đã tỏ bầy ý định của Phanxicô cho vợ ông. Cả hai ông bà đã nói chuyện với Margarita. Họ dùng mọi cách để thuyết phục. Cuối cùng, người con gái có đủ thứ miền quê dành cho, đã nhận lời của anh chàng nhà quê xứ Becchi. Anh ta cần có một người vợ cho mình và một người mẹ cho con trai anh. Cô sẽ trở thành Bà Bosco thứ hai.

Êm đềm và không kèn trống, 14 tháng sau khi vợ qua đời, Anh Phanxicô Bosco quì gối bên cô Margarita Occhiena nơi cung thánh Nhà Thờ Capriglio. Anh được 28 tuổi còn cô nàng 24. Đó là ngày mồng 6 tháng 6 năm 1812; họ trở thành cô dâu chú rể trong lễ cưới được cử hành. Thành phần tham dự chỉ đơn giản  là  những phần tử  thân thiện của cả hai gia đình.

Màn đêm buông, Margaret rời về căn nhà Becchi thân quen. Ngay trong ngày cưới cô đã trở thành vợ, thành mẹ và thành người hộ lý cho 3 đầu người của gia đình Bosco.

LẠI NIỀM VUI NỮA CHO GIA ĐÌNH  BOSCO.

            Cuối cùng thì gia đình Bosco đã có một người mẹ.

            Phanxicô, cưới vợ lần thứ hai, tỏ ra rất tử tế và vô cùng quan tâm làm hài lòng người vợ mới của mình.

            Anh sơn lại nhà cửa, sửa sang một ít những đồ vật trong và chung quanh mái ấm, làm cho nơi ở đượm tình thân thiện vốn có trước kia.  Mọi thành phần trong gia đình cảm nghiệm được những phúc lộc người mẹ mới đem lại. Margaret phải nuôi 6 miệng ăn gồm Phanxicô, người mẹ già, đứa con trai tên Antôn, hai người giúp việc đồng áng và chính mình.

Một  lợi điểm. 

            Vốn là người nấu nướng giỏi, cô không những biết nấu ăn ngon miệng mà còn biết biến chế với những điều kiện giới hạn của gia đình. Cần rất nhiều kiên nhẫn.

Margarita phải đương đầu với vấn đề lớn nhất là Antôn. 

Sinh ngày 3 tháng 2 năm 1803 Antôn là đứa con riêng của Phanxicô; đứa bé đã 9 tuổi. Antôn có một chỗ đứng rất đặc biệt trong gia đình khimẹ cậu còn sống; cậu là  người con duy nhất, lại là cục cưng nữa. Thình lình bị mất mẹ, cậu đã trở nên uẫn ức và khó trị. Cậu trở nên ghen tương, võ đoán, bi quan yếm thế và là đứa bé dễ bị phật ý bực giọng.

Bà nội và Margarita có cùng tên thánh.

Họ mừng lễ với nhau. Cô con dâu trẻ trung còn người mẹ chồng sống trong tuổi thất tuần.  Tuy thế, cả hai rất mực thương yêu nhau,  thông cảm với nhau,  như hai mẹ con ruột thịt vậy.Trong 14 năm chung sống với  Mẹ chồng, cô Margarita trẻ trung luôn  xin mẹ chỉ bảo những ý kiến và lời khuyên  dậy cần thiết.

Bà nội bị đau yếu nhiều năm trời. Bà hầu như bị liệt giường. Tuy thế, không khi nào Margarita để cho Bà có mặc cảm mình là gánh nặng cho gia đình.

Khi trời lạnh, Margarita dọn một lò sưởi trong căn phòng nhỏ bé của nội.

Trong những đêm trường giá lạnh, thường Bà nội cao tuổi phải đau đớn nhức mỏi khắp người. Margarita thường ngồi bên cạnh Bà, đắp cao cho nóng người, xoa bóp chân tay nhức mỏi, chăm sóc Bà cẩn thận. Cô còn biết  pha trà dược thảo giúp nội ngủ ngon, giảm những đau đớn nhức nhối.

Những ngày đi chợ, Margarita thường đem bán những chiếc thùng hoặc giỏ chồng cô đã đan trong những ngày mùa đông lạnh lẽo; cô mua về  ít quà cho nộiø nói lên tâm tình con thảo của mình. Margarita đã tỏ lòng yêu mến và quan tâm săn sóc Bà nội bằng nhiều hành vi tương tự.

Năm 1815 là năm hòa bình.

Chiến tranh thời Napoleon chấm dứt . Còn Napoleon Bonaparte bị câu lưu ở đảo Henena. Không còn vấn đề đội hạ sĩ quan bé nhỏ đi chinh phục  châu nữa.

Nhưng năm 1815 là một năm đáng ghi nhớ  vì một lý do khác nữa. Trong tổ ấm bé nhỏ của Becchi đã cho ra chào đời một bé trai sẽ ảnh hưởng đến nhiều người hơn Napoleon. Tối 16 tháng 8 Gioan Occhiena Bosco chào đời cho gia đình Phanxicô và Margarita Occhiena Bosco. Cậu là đứa con thứ hai của họ. Đứa thứ nhất, Giuse, sinh ngày 8 tháng Tư  năm 1913.

THẦN CHẾT LẠI GÕ CỬA

Năm 1816 là năm đói, vì cả miền Piedmont bị hạn hán.

Đồng ruộng chẳng sản xuất được gì. Kết quả là mọi người bị đói và có mợt số  người bị chết . Và giữa lúc đói và hạn hán hoành hành thì một điều bất hạnh khác đã đến.

Đầu tháng 5 năm 1817, khí hậu trở nên oi bức.

Từ đồng ruộng vất vả, Phanxicô vội vàng về mái ấm. Cảø người anh nhễ nhãi mồ hôi đầm đìa như tắm. Vô tình, anh đã vào hầm rượu. Giữa hai nhiệt độ khác nhau, anh đã bị cảm nặng ; anh bị sưng phổi trầm trọng . Mọi phương thuốc đều vô hiệu. Phanxicô trở bệnh nặng thêm. Anh lãnh nhận các Bí tích cuối cùng . Và trước khi trút hơi thở lìa đời anh đã căn dặn người vợ đau thương phải hết lòng tín thác vào Thiên Chúa.

Rồi anh nói với nàng:”Ôi Thiên Chúa tốt lành dường bao ! Ngài gọi anh về với Ngài hôm nay, ngày Thứ Sáu, ngày của Đấng Cứu Thế. Ngài gọi anh vào đúng giờ Con Một Ngài chịu chết . Anh lại được gọi về cùng tuổi đời với Đấng Cứu Thế”.

Sau đó, anh dặn vợ anh không được khóc lóc khi anh  chết ;  anh còn kêu gọi nàng phải hoàn toàn vâng theo Thánh ý Thiên Chúa. Anh nói thêm : “Anh để lại con cái cho em, nhưng em phải chăm sóc bé Gioan đặc biệt hơn”.

Phanxicô từ trần ngày 11 tháng 5 năm 1817 vào tuổi 33.

Gioan chưa đầy 2 tuổi khi Bố cậu chết.

Mẹ cậu nói với cậu:”Bây giờ con không có bố nữa”! Và khi mọi người ra khỏi phòng, bé Gioan nhất định ở lại. Mẹ cậu dắt tay cậu  và buồn rầu nói : ”Gioan, hãy đi với mẹ”. Gioan trả lời :”Nếu Ba không đi, con cũng không đi đâu”. Bà nói;” Con ơi, đi với mẹ; con không còn bố nữa”. Nói đến đây, bà bật khóc nức nở và bế bé Gioan đi. Cả Gioan cũng khóc òa lên.

Margarita Bosco giờ đây trở thành quả phụ. Bà sẽ là một người mẹ dũng cảm.

CON ĐƯỜNG THÁNH GIÁ VƯƠNG GIẢ

Hạn hán và đói khổ tiếp tục hoành hành Piedmont.

Giá cả thực phẩm leo thang không sao kiểm soát nổi, dù thế Mẹ Margarita không nỡ lòng cho hai người giúp việc nghỉ. Mẹ còn phải ra công nuôi 5 miệng ăn.

Cả hàng ngàn người chết đói.

Không đủ tiền để mua thức ăn và cũng chẳng còn gì để bán. Margarita táo bạo quyết định: nhờ người giúp việc một tay, Mẹ giết một con bê. Với thịt bê và ít lúa bắp Mẹ mua với giá cắt cổ từ các nông trại gần nhà, Mẹ có thể hạ cơn đói của gia đình trong ít ngày.

Giữa những thử thách trên, Margarita còn phải gặp một điều bất hạnh khác nữa. Người mẹ thân yêu của Margarita, Bà Domenica Bossone, chết ngày 22 tháng 3 năm 1818, ở tuổi 60.

Khi những thử thách này đã qua và khi đã có ít điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, Margarita lại được gọi mời tái giá.

Mẹ đã dẹp ngay lời mời mọc này, Mẹ nói :”Thiên Chúa đã ban cho tôi một người chồng và Thiên Chúa lại cất anh ấy đi. Giữa cơn hấp hối chồng tôi đã trối lại 3 người con trai cho tôi. Tôi mà bỏ ba người con này giữa lúc chúng đang cần tôi nuôi nấng chăm sóc thì tôi quả là một người mẹ tàn nhẫn”.

Và khi  người ta cam đoan với Mẹ là những đứa con của Mẹ sẽ được gửi cho một người rất tốt và người đó sẽ là người bảo vệ chúng cách rất cẩn thận.

Mẹ Margarita trả lời :”Một người bảo vệ chỉ là một người bạn. Tôi là mẹ của chúng. Dù có các vàng cả thế giới cho tôi đi nữa tôi cũng  không ruồng bỏ chúng. Bổn phận của tôi là hiến trọn đời tôi giáo dục chúng lối sống công giáo”. Mẹ cũng cho biết rằng chính Mẹ sẽ chăm sóc người mẹ chồng già cả nữa !

Vốn sống đời đạo đức và ngập chìm trong các nhân đức, Mẹ Margarita hằng nỗ lực chuyền dẫn các nhân đức này  và  các nhân đức khác nữa vào cuộc sống của cả 3 người con của Mẹ. 

Chữ “Chúa” là lời nói thông thường trên môi miệng Mẹ. Mỗi khi Mẹ cho phép con cái ra đồng cỏ xanh chạy nhảy, mỗi khi Mẹ cảm thấy con cái Mẹ có những tư tưởng không đẹp lòng Chúa, mỗi khi Mẹ nhận thấy người con nào của Mẹ hối lỗi cách giả dối hoặc không thỏa đáng, mẹ đều cảnh giác:”Hãy nhớ Chúa nhìn con và Chúa biết hết những gì con suy nghĩ dù thầm kín đến đâu!” Nhắc nhở kiểu đó với cả lòng yêu mến đã mang lại cho Mẹ những thành quả như lòng Mẹ mong ước.

Mẹ Margarita luôn nhắc nhớ con cái về Chúa , Đấng Tạo Hóa của chúng, bằng cách dẫn chúng chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên.

Vào những đêm trăng sao vằng vặc, Mẹ thường kêu gọi con cái nhìn lên bầu trời, Mẹ nói :”Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và trang điểm vũ trụ này với bầu trời đầy trăng sao tuyệt vời. Nếu bầu trời còn như  thế thì Thiên Đàng còn phải đẹp biết bao”!

Vào mùa thu, ngắm nhìn cảnh đồng quê rạng rỡ với đồng cỏ điểm hoa thơm, hoặc chiêm ngắm cảnh bình minh tuyệt vời hoặc cảnh hoàng hôn chói lọi Mẹ thường kêu lên : “Ôi biết bao điều tuyệt mỹ Thiên Chúa đã dựng nên cho chúng ta”!

Gặp cảnh  trời bão tố kéo mây bao phủ, đám trẻ của Mẹ chạy núp bên Mẹ vì sợ sấm sét, Mẹ trấn tĩnh con cái :”Ôi Thiên Chúa quyền phép dường nào ! Ai có thể chống lại Thiên Chúa ?  Chúng ta chớ phạm tội nhé !”

Gặp cảnh mưa đá phá hoại mùa màng, Mẹ cùng con cái ra quan sát những thiệt hại, Mẹ nói :”Thiên Chúa ban cho chúng ta, và Thiên Chúa cất chúng đi. Thiên Chúa là chủ mùa màng. Chúa biết những gì là tốt đẹp nhất. Những kẻ dữ sẽ bị Chúa luận phạt. Không ai có thể trêu chọc Chúa” !

Và khi mùa màng đạt kết quả tốt, Mẹ dậy con cái rằng:” Nào chúng ta hãy cám tạ Thiên Chúa ! Chúa thật tốt lành biết bao khi ban cho chúng ta lương thực hằng ngày”!

Mùa đông lạnh lẽo tới, khi gia đình vui vẻ quây quần bên lò sưởi ấm cúng giữa lúc bên ngoài gió và tuyết không ngừng đập vào những cánh cửa sổ, Mẹ thường nói với con cái :”Chúng ta phải cám tạ Thiên Chúa vô cùng. Ngài ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thiên Chúa quả là người Cha, người Cha ở trên trời ‘!

 XÂY DỰNG MÁI ẤM GIA ĐÌNH

Anh Phanxicô để lại cho Margarita 3 người con.  Tính tình 3 đứa rất khác nhau.

Antôn, đứa con ghẻ, thô tục, rất ít tế nhị trong tư tưởng, hay khoác lác và luôn mau mắn dùng những cú đấm. Ở trường, Antôn học biết đọc biết viết, nhưng cậu không thích học. Cậu có thân mình khỏe mạnh và là một người nhà nông tốt.

Giuse hiền lành và bình thản, kiên nhẫn và cẩn thận. Cậu có tài biết sử dụng mọi thứ. Cậu thích nếp sống bình thản của miền quê.

Ngược lại, Gioan dễ nổi nóng và hơi cứng đầu ngoan cố,; cậu phải cố gắng lắm mới làm chủ được mình. Cậu tốt bụng, thông minh và mau mắn tiếp thu học tập. Gioan  ít nói, để ý quan sát mọi sự. Cậu đoán những ý nghĩ của người khác để tự luyện mình cách thận trọng.

Mẹ Margarita đã có hướng đưa Gioan vào con đường khác với cuộc sống nơi nông trại.

Mẹ đã phải vất vả và  hy sinh rất nhiều . Mẹ phải làm ngược lại ý của Antôn, lúc đó được coi như đầu của gia đình. Mẹ nhất quyết phải tạo điều kiện cho  Gioan  đi học. Antôn càu nhàu và chỉ muốn Gioan ở nhà cùng giúp lo việc đồng áng.

Mẹ Margarita đã xin cho  người con Gioan 8 tuổi của Mẹ được học đọc và viết tại trường của Cha Lacqua ở phố Capriglio. Chính nhờ sự khuyến khích và giúp đỡ của Mẹ Margarita và các ân nhân mà việc học hành đầu tiên này đã khai mào  con đường dẫn Gioan đến chức linh mục và cuộc đời sau đó .

Dù rất mềm dẻo, nhưng Mẹ Margarita không nhu nhược trong việc giáo dục con cái.

Con cái Mẹ luôn nhớ  rằng chúng chắc chắn sẽ bị phạt nếu chúng cứ ở lì trong những lỗi phạm. Mẹ thường treo một cái roi trên tường để nhắc nhơ’ con cái điều đó.

Một lần nọ, Gioan  đã tỏ ra không kiên nhẫn. Mẹ Margarita gọi cậu, tay Mẹ chỉ lên chiếc roi và nói:”Gioan, con có thấy cái roi kia không?”

“Dạ, con thấy” Gioan vừa trả lời vừa rụt rè lui bước.

“Đem nó lại đây cho Mẹ”

“Để làm gì ạ?”

“Đem nó lại đây và con sẽ biết”.

Gioan đem cái roi lại cho Mẹ. Cậu hỏi:”Mẹ định đánh con sao?”

“Sao không chứ? Con muốn thế mà”!

“Mẹ ơi, con sẽ không phạm lỗi nữa !” Và đứa bé thấy yên lòng khi nhìn thấy Mẹ nở nụ cười trên môi.

Cũng cần nhắc đến sự kiện khác nữa:

Vào một buổichiều mùa hè nóng bức kia .

Giuse 6 tuổi và Gioan 4 tuổi vừa đi dạo về. Cả hai đều khát bỏng cả cổ họng . Mẹ Margarita lấy bình nước và trao cho Giuse uống trước. Gioan bực mình vì sự ưu đãi này. Cậu không uống khi Mẹ đưa cho cậu. Mẹ Margarita đem bình nước cất đi . Mẹ không nói một lời.

Gioan đứng đó một lúc. Cúi gầm đầu xuống, cậu nói :” Mẹ “!

“ Ừ có gì ..”

“ Mẹ có cho con uống nước không ạ?”

“Mẹ tưởng rằng con không khát “.

“Con xin lỗi Mẹ, “

“ Thế mới là con ngoan của mẹ chứ !”  Vừa cười Mẹ vừa đưa nước cho Gioan.

Thực đáng khâm phục đức tự chủ của Mẹ Margarita.

Mẹ luôn  làm chủ được mình khi 3 đứa con của Mẹ hư thân hỗn láo ngay trong việc nhỏ cũng như  trong việc lớn.

Như đã đề cập trước đây: Antôn trở thành đứa bé vô kỷ luật sau khi mẹ của cậu qua đời.

Ngày bố cậu cưới Margarita thì Antôn đã hơn 9 tuổi. Khi thấy bố mình là Phanxicô vuốt ve bé Giuse và bé Gioan thì Antôn nghĩ ngay đến việc mất hết quyền lợi. Lòng bực tức càng dâng cao trong Antôn vì cậu nghĩ rằng gia tài nhỏ bé mà cậu sẽ được thừa hưởng trước đây sẽ bị giảm xuống và mất đi hai phần ba.

Sau khi bố Phanxicô qua đời, Antôn đã gây rất  nhiều khó khăn cho gia đình.

Tuy thế, để giảm sự  bực bội nơi Antôn, Mẹ Margarita luôn cho cậu ý thức Mẹ dành tất cả sự ưu đãi cho cậu trong mọi sự. Mẹ cho cậu thấy cậu được quan tâm hơn bất cứ đứa con đầu lòng khác đáng được.

Đứng trước thái độ sống bốc đồng và dữ dằn của Antôn, cần phải có nhân đức anh hùng.   

Thỉnh thoảng cậu cãi nhau với Bà Nội.

Antôn còn thường xuyên  đánh đập những đứa em bé bỏng của mình.

Mẹ Margarita phải can ngăn và đỡ đòn cho chúng.

Tuy thế, trung thành với lối sống tự giác , Mẹ không bao giờ đánh đập Antôn. Phải là một người biết  tự  chủ cao như  Mẹ mới kìm chế được những hành động do bản năng và tình yêu mẫu tử  tự nhiên đòi hỏi  khi Mẹ bảo vệ Giuse và Gioan .

Sau sự cố ít giờ, Antôn đến gần Mẹ và hỏi :”Mẹ ơi, có chuyện gì không ?”

Mẹ trả lời:”Hãy để mẹ yên. Mẹ không nói chuyện với con bây giơ được . Mẹ đang lúng túng lắm. Hãy để cho mẹ bình tĩnh lại và mai Mẹ sẽ nói chuyện với con”

Sáng hôm sau, Antôn đến với Mẹ.

Cậu nói:”Mẹ ơi, xin tha lỗi cho con” !

“Con nghĩ thế nào về việc đã xẩy ra hôm qua”?

“Nhưng chúng nó đã gây sự trước. Chúng làm con phải điên lên. Con muốn chúng phải kính trọng con. Chúng nó đã gây sự trước”.

“Vậy thôi, đủ rồi! Nếu con nghĩ thế thì chẳng ích lợi gì để nói chuyện với con nữa. Con còn muốn Mẹ tha cho con điều gì?”

“Nhưng con có lý mà”.

“Con có lý ư?  Giả như con đã có lý lúc đầu ư? Nhưng con đã xử  sự cách sai lầm khi con hành động bằng đấm đá. Các em con không hoàn toàn có lỗi đâu. Con cũng có lỗi nữa. Hãy nhận lỗi và sửa tính đổi nết đi. Chỉ thế Mẹ mới tin con đang hối lỗi thật sự”.

Được Mẹ ôn tồn cắt nghĩa phải trái như thê’, Antôn thưa lại:”Vâng, con xin lỗi Mẹ. Con đã nhận ra lỗi của con rồi .  Con hứa sẽ không tái phạm nữa”.

“ Tốt lắm! Bây giờ Mẹ tha lỗi cho con”. Vừa nói vừa âu yếm nở nụ cười trên môi Mẹ Margarita làm cho Antôn bừng lên trong lòng niềm hạnh phúc chứa chan.

Nhưng cũng có những lúc Antôn không chịu nhận lỗi. Cậu lẩm bẩm.

Mẹ Margarita rất mực kiên nhẫn chờ đến giờ kinh tối gia đình.

Antôn giận dỗi đứng ở xó nhà. Mẹ Margarita ân cần dỗ ngọt cậu, bền tâm đối với cậu,  Mẹ đã thành công đem Antôn vào cùng cầu nguyện với gia đình.

Có những lần Mẹ Margarita phải dùng đến những chuyện khôi hài dỗ dành Antôn khiến cậu cũng phải miễn cưỡng cười lên. Thế rồi Mẹ Margarita lớn tiếng cất kinh cho cả nhà cùng cầu nguyện.

Nếu Antôn bị xúc phạm và không tha thứ. Mẹ Margarita chờ cho đến giờ kinh tối gia đình. Giữa khi cả nhà đọc kinh Lạy Cha đến câu “ Xin tha nợ chúng con”,  Mẹ quay sang Antôn và nói      :       “Con đừng đọc câu này thì hơn”!

“Sao không ? Kinh dậy thế mà”!

“Sao à Antôn?  Con có can đảm đọc những lời kinh này khi con không tha thứ cho các em con sao?  Khi con còn tức bực với các em con mà chính con đã tý nữa làm bể đầu sứt trán chúng hay sao? Con không sợ Chúa sẽ phạt con khi con đọc những lời kinh này ư?  Những lời kinh con đọc là những lời nói dối, là những xúc phạm đến Chúa vì con không tha thứ . Sao con dám xin Chúa thứ tha tội lỗi cho con khi chính con ương ngạnh không tha thứ cho người khác ”?

Những lời cắt nghĩa phải trái phát xuất từ con tim và đầy lòng đạo đức của Mẹ đã đạt kết quả như lòng mong ước. Cuối cùng Antôn nhận lỗi . Cậu thưa với Mẹ:”Vâng, con có lỗi, Mẹ ơi. Xin Mẹ tha lỗi cho con”.

Cũng có những trường hợp Mẹ Margarita dùng lời ngon ngọt  và đầy kiên nhẫn xoa dịu sự bực tức của Antôn. Cậu  lại như điên khùng, không tự chủ được chính mình, lại còn  giơ nắm tay dí vào mặt Mẹ đe dọa, cậu nghiến răng nói:”Bà chỉ là Mẹ ghẻ của tôi thôi” !

Gặp những trường hợp này, Mẹ Margarita đã lập tức nhớ đến  tâm lý đau buồn vàtình cảm vỡ tan của Antôn khi cậu mất đi những người cha mẹ ruột thịt mà cậu vô cùng gắn bó.                      

Mẹ ôn tồn nói với Antôn:

”Antôn, con nghe đây. Mẹ gọi con là con và Mẹ thực sự nghĩ thế. Con là con của Mẹ vì con là con của Phanxicô. Con là con của Mẹ vì bố con đã trối con  cho Mẹ và vì Mẹ yêu con thật nhiều. Con biết đó, nếu Mẹ muốn bắt con quì gối cũng được, nhưng Mẹ yêu con, Mẹ không làm thế. Mẹ đã quyết định không bao giờ dùng sức mạnh thể lý để tỏ quyền bính của một người mẹ trên con cái. Con là con của Mẹ. Mẹ không muốn đánh phạt con. Con có thể làm điều con muốn, nhưng con đang làm điều sai lầm đấy”.

Với những lời trên, Mẹ Margarita để cho Antôn suy nghĩ, Mẹ đi chỗ khác. Antôn thấy áy náy và bối rối. Cậu nhận ra con người của mình và cúi mặt xấu hổ đi chỗ khác.

Nhiều lúc Antôn nổi khùng, nhưng những lời trấn an ôn tồn của Mẹ Margarita khiến cậu  dịu xuống .

ANTÔN ĐỔI ĐỜI

Đối với tính khí của Antôn, dù sao đi nữa cũng phải nói thêm rằng cậu phục thiện:

Không bao giờ cậu đi quá những đe dọa và không bao giờ cậu tỏ ra ương ngạnh cố chấp không chịu xin lỗi khi cơn nóng giận lắng dịu.

Những lời khuyên dậy thẳng thắn của Bà Nội cũng đã giúp cậu không ít.

Thời gian qua đi, Antôn đã trở thành con người ngọt ngào đến nỗi cậu lấy lại được danh thơm tiếng tốt đáng mọi người kính phục. Cậu trở nên người dễ gần gũi đối với mọi người. Không những thế, với tính khí vui tươi cậu đã trở thành người bạn cho nhiều người tin tưởng và lui tới .

Tình cảm và lòng kính trọng cậu dành cho Mẹ Margarita, dù ẩn kín và sâu đậm trong lòng, cũng đã buột ra qua thái độ sống nâng đỡ phục vụ Mẹ sau khi gia đình phân tán.

Suốt thời gian Mẹ Margarita còn ở Morialdo, Antôn vẫn thường lui tới thăm Mẹ, luôn gọi Mẹ bằng danh xưng “Mẹ”.

Sau này khi Mẹ về Tôrinô, cậu cũng thường lên thăm Mẹ và thường ở bên Mẹ ít giờ, kính cẩn nghe những lời Mẹ khuyên bảo .

NGĂN NGỪA NHỮNG THIỆT HẠI CHO NGƯỜI KHÁC

Dù cuối cùng Antôn đã thay da đổi thịt, thiết tưởng cũng cần nói đến một biến cố đau thương

Đó là biến cố Mẹ Margarita đã phải gánh chịu khi Antôn lúc đó chống đối việc cho Gioan  ăn học.

Mẹ phải gửi Gioan đến xin việc nơi ông Lui Moglia, một nông gia giầu có.

Vào tháng Hai năm 1828, tuyết đã phủ mặt đất, và trời rất lạnh. Nước mắt đầm đìa trên đôi mắt Mẹ Margarita, khi Mẹ nhìn theo Gioan đang rảo xa bước dần, hướng về nông trại Moglia cách nhà năm dặm rưỡi.

Gioan đến nông trại vào lúc trời đã tối.

Ông Moglia nói với Gioan phải trở lại nhà. Lý do vì đang trong mùa đông, không ai mướn người làm thuê. Phải chờ đến cuối tháng 3.

Gioan ngồi xuống đám tuyết lạnh và khóc.

Vợ chồng ông Moglia mủi lòng . Ông bà bằng lòng thuê Gioan như người bồi phòng. Sau một thời gian, vì Gioan làm việc rất tốt nên gia đình Moglia quyết định trả cho

Gioan 15 lia một năm để lo áo quần ; thời ấy đồng lương này kể cũng khá xộp cho một em bé 14 tuổi .

Mẹ Margarita gớm ghét điều xấu và Mẹ cố gắng phòng ngừa tất cả những gì xúc phạm đến Thiên Chúa dù ở ngoài gia đình của Mẹ.

Mẹ luôn thận trọng và mạnh mẽ cảnh giác những điều gây gương mù.

Khi con cái Mẹ muốn dự những trò tiêu khiển giải trí ngoài đường phố, Mẹ luôn luôn kiểm soát trước khi Mẹ cho phép. Và khi con cái Mẹ chống cự , Mẹ  luôn nói:”Mẹ không muốn có chúng con sa chìm trong tội lỗi và liều mình trong hình phạt của Chúa. Các con hiểu chứ?” Và thay vào đó, chính Mẹ tiêu khiển con cái bằng kể những chuyện hiệp sĩ mạo hiểm sống động và hay đến nỗi con cái Mẹ thấy vui hẳn lên.

Trường hợp khi  Mẹ thấy những cô gái ăn mặc nhố nhăng và thiếu vải, Mẹ Margarita tiến đến các cô và nói: này các cô gái, các cô có ý thức có Thiên thần bản mệnh đang đi bên cạnh các cô không?  Các cô đang làm cho Thiên Thần bản mệnh của mình phải xấu hổ đấy“!

“ Gia đình chúng cháu nghèo lắm. Chúng cháu không có ai nuôi nấng lo áo quần cho các cháu”!

“Vậy hãy theo Mẹ”.

Mẹ Margarita dẫn chúng về nhà, sửa sang lại áo quần và cho các cô gái về, trông các cô đẹp đẽ và đoan trang hơn. 

Có một bà kia sống gần Becchi. Bà cho một anh chàng thanh niên đến trọ nhà mình.

Hàng xóm xầm xì với nhau về gương mù quá hiển nhiên này, nhưng không ai dám làm gì để ngăn chặn.

Mẹ Margarita đã không ngần ngại, đến khuyên bảo bà ta. Bà trả lời rằng bà không biết cách nào đuổi anh ta đi. Mẹ Margarita nói: “Chị không biết cách nào ư, tôi sẽ chỉ cho chị”. Mẹ liền đến trước cửa phòng anh ta và quát to tiếng :” Cút đi ! Cút đi ! Đồ đệ của quỉ sứ! Hãy cút khỏi đây! Hãy ra và cút đi”!

Người đàn ông ấy tìm lối thoát gần nhất và phóng vụt đi, biến hút biệt tăm không bao giờ trở lại.

Có một người thanh niên kia đã giữ một mụ đàn bà có tiếng xấu trong nhà của anh ta.

Khi anh ta đau nặng, Mẹ Margarita đến thăm.

Hôm ấy Mẹ cũng dẫn mụ đàn bà kia ra một bên và với đầy lòng bác ái nhẹ nhàng thuyết phục mụ ấy rời căn nhà ông này và về sống ở nhà mình cũng gần đấy thôi.

Mụ ta cứng đầu không chịu nhận lời.

Khi ấy, người bệnh càng yếu hơn và có nguy cơ sắp chết.

Vị linh mục đến để giúp anh phần hồn.

Mẹ Margarita báo cho Cha biết tình hình. Và vị linh mục cũng đã khuyên bảo mụ đàn bà xấu nết nhưng mụ không chịu nghe, lại còn nói:”Tôi làm chuyện của tôi chứ tôi đâu xía vào chuyện của các người. Tôi có lý do riêng để ở lại đây”.

“Sao?” vị linh mục nói,”Bà làm hại người ta khi anh còn khỏe chưa đủ ư? Bà còn muốn hại anh ta khi anh ta chết nữa sao? Bà có muốn cho anh ấy chịu phạt muôn đời không”?

Vì hàng xóm vây quanh biết rõ điều đã xẩy ra, nên mụ đàn bà xấu nết đã phải quyết định rời chàng thanh niên  và về lại nhà mình.

Mẹ Margarita được mọi người biết đến như người đàn bà tốt bụng đối với hết thảy những ai  cần giúp đỡ.

Không ai rời khỏi nhà Mẹ mà không được giúp đỡ.

Cả những tay phạm pháp trốn chạy cũng thế. Không những họ được Mẹ cho ăn uống mà còn cho chỗ trốn ẩn. Mẹ chủ trương giúp đỡ bất cứ ai cần hỗ trợ.

Cảnh sát biết rõ những việc Mẹ làm. Nhưng vì kính nể Mẹ và vì quí mến lòng bác ái yêu người của Mẹ, họ không bao giờ bắt giữ ai trước mặt Mẹ, ngay cả những trường hợp  họ biết kẻ phạm pháp đang ở trong nhà Mẹ  hoặc  ở ngay  cùng phòng với họ.

CỐ GẮNG ĐẠT ĐƯỢC VIỆC HỌC HÀNH

Hai biến cố quan trọng đã xẩy ra – một vào năm 1829 và một vào năm 1830.

Theo lời khuyên của cậu Micae, Gioan đã rời trang trại gia đình Moglia trở về chung sống bên cạnh Mẹ hiền. Sau khi cậu Micae thất bại đem cháu vào trường thì Cha Calosso nhận dậy kèm Gioan để Gioan được cùng lớp cùng trường với các bạn đồng trang lứa.

Sự việc đang diễn tiến rất tốt đẹp giữa vị linh mục cao tuổi và chú bé Gioan, một học sinh hết mực chăm ngoan. Cả thầy lẫn trò vô cùng sung sướng.

Khi Gioan đang theo học nơi Cha Calosso, mẹ Margarita quyết định chia gia tài vì Antôn đã 26 tuổi và thường gây  khó cho gia đình. Thoạt đầu Antôn nhất định không đồng ý vì anh cho rằng mọi sự thuộc về anh. Nhưng sau ,  sự việc đã ổn định theo pháp luật và Antôn ra ở riêng . Một thân một  mình sinh sống với phần tài sản đã được chia.

Mẹ Margarita từ đó sống an bình với hai người con củamình là Giuse và Gioan.

Giữa lúc họ đang sống an vui hạnh phúc, một thảm họa đã xảy ra.

Ngày 19 tháng 11 năm 1830, Cha Calosso tốt lành bị đột quị.

Ngài cho gọi Gioan mà Ngài mới sai đi làm chút việc riêng cho Ngài.

Khi Gioan về tới nhà thì Cha Calosso không còn nói được nữa. Ngài cố gắng đưa cho Gioan chiếc chìa khóa hòm tiền lúc ấy đang có 6.000 lia. Ngài muốn nói rằng số tiền trong hòm tiền được dành cho Gioan theo học ở chủng viện. Nhưng không có ghi chép rõ ràng.

Hai ngày sau, Cha Calosso qua đời, Ngài được 75 tuổi.

Hôm ấy là ngày 21 tháng 11 năm 1830.

Khi con cháu họ hàng của Cha Calosso đến dự đám tang, Gioan trao chìa khóa hòm tiền cho người cháu của Cha Calosso. Và người cháu Cha Calosso mở hòm tiền , biết được số tiền trong hòm, ông trao hết cho Gioan. Ông nói:”Tôi giữ ý nguyện của cậu tôi. Số tiền này là của cháu. Tôi công nhận  cháu được lấy điều cháu muốn”.

Gioan đứng suy nghĩ; một đàng Cha Calosso đã bầy tỏ ý định khá rõ ràng, đàng khác người được hưởng gia tài cũng tỏ ý kiến cấp thuận.

Gioan lên tiếng :”Không, không. Cháu không muốn lấy gì cả ! Cháu chỉ muốn chọn Nước Trời hơn mọi của cải tiền nong của thế gian này” .

Người cháu thừa hưởng gia tài liền nói: “Nếu cháu không nhận gì cả, tôi cám ơn lòng quảng đại và thanh lịch của cháu. Tùy ở cháu; hãy làm như cháu muốn”.

Rồi, Gioan và Mẹ Margarita trở về nhà phấn đấu lo cho việc ăn học của cậu.

LÊN ĐƯỜNG ĐI CHỦNG VIỆN

Cuối cùng thì Gioan cũng đã tiếp tục được việc học hành.

Trước tiên Gioan đi Castelnuovo.

Khởi đầu, cậu đã phải chạm trán với vài chống đối, nhưng sau đã trở thành thán phục và thành công.

Mãn trường trung học, Gioan đi Chieri, một phố 12 dặm phía Đông Torinô. Mẹ Margarita cung cấp ít lương thực và vài đồ cần dùng khác. Bạn bè cũng giúp cậu như thế. Gioan làm những việc lặt vặt do đó có cơ hội học được nhiều nghề khác nhau. Kinh nghiệm này giúp Gioan nhiều sau này khi Gioan làm linh mục.

Ngày 25 tháng 10 năm 1835, Gioan mặc áo giáo sĩ.

Thầy 19 tuổi tốt nghiệp trường mà ngày nay gọi là cao học và cổ điển học La Hy.  

            Thầy vào Đại Chủng Viện ngày 30 tháng 10 năm 1835.

Mọi sự đã sẵn sàng và mọi người trong gia đình đều thật vui mừng. Tuy thế, Mẹ Margarita có vẻ thật lo lắng, và buổi tối trước khi Thầy Gioan lên đường, Mẹ nói với Thầy:”Gioan con của mẹ, Giờ đây con đã được mặc áo của hàng giáo sĩ. Niềm vui của mẹ là niềm vui của người mẹ có đứa con được diễm phúc. Nhưng con hãy nhớ rằng không phải chiếc áo dòng mang lại vinh dự cho cuộc sống con, mà  là việc thực hành nhân đức. Giả như con có hồ nghi về ơn gọi của con, vì Nước Trời, con chớ làm ô uế chiếc áo dòng này! Tốt nhất, hãy cởi nó ra để một bên. Thà rằng mẹ có một người con làm nông còn hơn có người con làm linh mục bất xứng. Khi sinh con ra, mẹ đã dâng con cho Đức Trinh Nữ. Ngày con bắt đầu đi học, Mẹ cũng đã nói với con dâng mình cho Mẹ Thiên Quốc. Bây giờ mẹ xin con thuộc trọn về Đức mẹ. Hãy chọn bạn giữa những người yêu mến Đức Mẹ. Và nếu con làm linh mục, hãy phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ”.

Mẹ Margarita tỏ ra rất xúc động khi nói những lời này, còn Thầy Gioan mắt đẫm lệ.

Thầy trả lời:”Thưa Mẹ, con xin hết lòng cám ơn Mẹ về mọi sự Mẹ đã dậy bảo con và về mọi điều Mẹ đã làm cho con. Những lời của Mẹ không trở thành vô ích cho con đâu; con sẽ giữ nó như kho tàng quí hóa cho cả đời con”.

Đại chủng viện trở thành nhà của Thầy Gioan trong suốt 6 năm trời.

Những ngày nghỉ hè, Thầy về Becchi.

Vào những ngày cuối cùng của Đại Chủng Viện, Thầy nhận được sự quí mến và thán phục của các Bề trên, các Giáo Sư  và các bạn bè cùng trường cùng lớp. Với kết quả PLUS QUAM OPTIME (Tối Ưu) Thầy tốt nghiệp kỳ thi cuối cùng trước khi được thụ phong linh mục.

GIẤC MƠ ĐƯỢC THỰC HIỆN

Chiều Thứ Bảy trước Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi, ngày 5 tháng 6 năm 1841 là biến cố lớn : Thầy Gioan được thụ phong linh mục.

Đức Tổng Giám Mục Lui Fransoni đã phong chức linh mục cho Ngài ngay tại Nhà Nguyện riêng của Đức Tổng. Thầy Gioan từ nay được biết đến với tên Don Bosco.

Thứ Năm kế đó là lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Cha Gioan Bosco chủ trì các lễ nghi trong nhà thờ ở Castelnuovo.

Ngày hôm ấy, khi chỉ còn Cha Gioan và Mẹ Margarita ở bên nhau, Mẹ Margarita nói với con mình :

”Con nay là linh mục rồi và con cử hành Thánh lễ. Do đó con được gần Chúa Giêsu Kitô hơn. Nhưng con hãy nhớ : bắt đầu cử hành Thánh lễ là bắt đầu chịu đau khổ. Giờ đây con chưa hiểu ngay được điều này đâu. Nhưng dần dần con sẽ hiểu lời mẹ nói là đúng. Mẹ tin rằng con sẽ cầu nguyện cho mẹ mỗi ngày dù mẹ còn sống hay đã qua đời, và đó là đủ cho mẹ rồi. Từ nay, con phải để tâm cứu các linh hồn; đừng bao giờ lo lắng cho mẹ”.

Cũng vào dịp này, người con khác của Mẹ Margarita , Giuse, đã lập gia đình và có nhiều con cái. Mẹ Margarita rất hạnh phúc sống ở Becchi. Rồi nữa, Mẹ còn vui sống với các cháu. Cuộc đời của Mẹ thật là tốt đẹp.

Trong khi đó Don Bosco đã bắt đầu làm việc với những em không nhà không cửa và những em công nhân. Cha đã thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo tý nữa  đem Cha đến mồ.  Sức khỏe vừa bình phục, Cha đã nhận ra Cha cần có một người phụ nữ khôn ngoan  kinh nghiệm giúp Cha lo cửa nhà và giúp đám trẻ tại trung tâm trẻ.

HY SINH CAO CẢ

Giữa lúc khó khăn, Don Bosco về Castelnuovo xin ý kiến Cha Cinzano, Cha Xứ của Ngài. Don Bosco trình bầy những nhu cầu và những âu lo.

Vị chủ chăn trả lời:”Bà Cố Cha thế nào? Hãy đem Bà Cố theo Cha về Torinô”.

Don Bosco nêu lên một số những bất tiện, nhưng Cha Cinzano gạt ra bên ngoài và nói:”Hãy đem Bà Cố Cha theo Cha. Chẳng ai giúp Cha được bằng Bà Cố đâu. Xin Cha đừng lo lắng nữa. Bà Cố sẽ là thiên thần bản mệnh bên cạnh Cha”.

Thế là một ngày nọ Don Bosco đưa Mẹ theo mình và nói với Mẹ:”Mẹ ơi, con quyết định về lại Tôrinô sống với con cái của con. Nhưng vì con không ở Rifugio của Bà Hầu tước Barolo nữa, con cần một người giữ nhà. Điều này đưa con đến  một vấn đề khác: Chỗ con sống ở Valdocco rất nguy hiểm về luân lý vì có những người bên cạnh. Con cần có ai đó bảo đảm luân lý cho con và giúp con tránh khỏi những lời đồn thổi ma giáo. Mẹ là người duy nhất thực hiện được điều đó. Mẹ có vui lòng đến sống với con không” ?

Trước đề nghị bất ngờ của con mình, Mẹ Margarita thinh lặng ít phút suy nghĩ.

Mẹ đã trả lời: “Con yêu quí của mẹ, con không thể tưởng tượng được mẹ sẽ đau khổ dường bao khi phải lìa xa căn nhà này, xa anh con và những người mẹ hằng quí mến thân thiện. nhưng nếu con nghĩ rằng điều này đẹp lòng Chúa thì mẹ sẵn sàng đi”.

Don Bosco quả quyết điều này đẹp lòng Chúa, và sau khi cám ơn Mẹ, Cha nói:”Vâng, nào chúng ta chuẩn bị hành trang. chúng ta sẽ lên đường sau lễ các Thánh”.

Quả thực, Mẹ Margarita phải hy sinh thật nhiều khi rời Becchi. Nơi đó, trong nhà của Mẹ Mẹ là bà chủ của mọi sự. Mẹ vui mừng được mọi người, già trẻ lớn bé, quí mến kính trọng. Và Mẹ là bà nhà quê chẳng thiếu sự gì . Mẹ thật sung sướng, hạnh phúc. Những thànhphần khác của gia đình mẹ cũng phải hy sinh nữa nếu Mẹ ra đi. Nơi nhà mẹ, ngự trị bình an và trật tự của lòng kính sợ Chúa . Không ai phàn nàn kêu ca khi thấy Mẹ ra đi vì mục đích cao thượng và đượm  tình yêu thương.

Mẹ Margarita lên đường sống với con mình không phải để hưởng tiện nghi hoặc để giải trí nghỉ ngơi, nhưng để chia sẻ với con mình mọi thiếu thốn và mọi đau khổ lo cho hàng trăm em nghèo túng, bị bỏ rơi. Mẹ ra đi không vì tiền bạc quyến rũ, nhưng vì yêu mến Chúa và vì các linh hồn. Mẹ biết rất rõ con mẹ đã chọn phần mục vụ này chẳng đem lại lợi tức tài chính nhưng rút hết những tiềm lực của con Mẹ vàcòn đưa con Mẹ đến chỗ ăn mày ăn xin sau này. Những hiểu biết này không cản ngăn được bước tiến của Mẹ.

Trong khi đó, sau khi đã gửi trước về Tôrinô một ít rau quả, bột mì và bắp đậu, và sau khi đã ổn định hành trang cần thiết, Mẹ lên đường.

Hôm đó là ngày Thứ Ba mồng 3 tháng 11 năm 1846.

Những đứa cháu của Mẹ Margarita không cầm nổi nước mắt khi thấy Bà nội của chúng ở cửa sắp lên đường. Bà Nội dũng cảm của các cháu trấn an chúng và hứa sẽ sớm về thăm. Rồi rút mình khỏi những vòng tay của các cháu, Mẹ Margarita và Gioan lên đường đi Tôrinô. Họ cuốc bộ quãng đường 22 dặm. Mẹ Margarita xách giỏ đựng ít vải và vài thứ cần thiết, còn Don Bosco đem theo ít cuốn sổ tay, cuốn sách lễ, sách nguyện trong đó kẹp ít câu trích dẫn Cha đã ghi từ Thánh Kinh hoặc từ các Thánh Giáo Phụ.

CUỘC SỐNG VỚI DON BOSCO TẠI TÔRINÔ

Cuộc hành trình dài đã kết thúc và dẫn đưa hai mẹ con đến căn nhà mới của họ.

Nhà có 2 phòng ngủ, một được dùng thêm cho việc bếp núc nữa. Còn 2 phòng khác hoàn toàn trống trải. Nhà có nội thất là 2 chiếc giường nhỏ, 2 ghế băng, 2 ghế dựa, 1 cái dương, 1 cái bàn nhỏ, 1 ấm nước, 1 chảo và ít  cái đĩa. Đêm đầu tiên đó họ còn có một chiếc đồng hồ đeo do Cha Gioan Vola tặng khi họ vừa đến Tôrinô. Ngày hôm sau họ đã bán chiếc đồng hồ này.

Thật là kinh ngạc và đáng suy nghĩ khi đọc lại Hồi Ký Don Bosco nói về cảnh túng nghèo anh hùng của những ngày đầu .

Mẹ Margarita luôn sẵn sàng dùng ngay cả những cái rất ít ỏi họ có hay những đồ dùng cá nhân để giúp những người túng quẫn.

Cùng ý nghĩ với Mẹ Margarita, Don Bosco sắp xếp bán vài miếng đất và vườn nho nơi quê nhà. Mẹ Margarita còn nhắn đem cho Mẹ những đồ cưới mà Mẹ đã cẩn thận cất giữ. Nào là áo cưới, nào là nhẫn cưới, nào là hoa tai, chuỗi hạt …  Khi đồ cưới đến, Mẹ đã bán đi một phần; phần còn lại Mẹ dùng cho đồ lễ ở Nhà Nguyện đang còn quá thô sơ. Vài chiếc áo của Mẹ đã được sửa thành áo lễ, còn đồ vải được dùng may áo an-ba, áo các phép, khăn thánh và khăn bàn thờ. Tiền bán chuỗi hạt Mẹ đã dùng mua dải viền vàng, tua rua  và đồ trang trí cho đồ lễ.

Cả là một hy sinh thật lớn lao khi phải bán những đồ này.

Về sau, khi nói về sự việc này, Mẹ Margarita đã nói:

”Khi tôi nhìn những kỷ vật này lần cuối trước khi bán chúng hoặc trước khi biến chúng thành những đồ khác tôi cảm thấy lúng túng một lúc. Nhưng rồi sau đó tôi trấn tĩnh và tự nhủ”Ôi, còn gì tốt hơn là dùng chúng để mua thực phẩm và áo quần cho đám trẻ nghèo túng, bị bỏ rơi. Còn gì vinh dự và hạnh phúc  bằng được trang điểm cho Chú Rể trong nhà thờ?” Tôi thực sự thấy hạnh phúc  đến nỗi nếu tôi có cả trăm bộ áo cưới tôi cũng sẵn sàng hiến dâng mà không tiếc xót”.

Chắc chắn học sinh  các lớp Don Bosco dậy giáo lý và các môn khác chẳng giữ kỷ luật tốt đâu.

Ít đứa thường sống  côn đồ; chúng chuyên làm bể đồ đạc và để đồ lung tung. Ngoài ra, chúng còn ồn ào và đi lên đi xuống gây bao nhiêu khó chịu. Nhưng không liệu khác được.

Thay vì ở bếp, Mẹ Margarita buộc phải rút vào một góc nhỏ ở đầu cầu thang để lo việc may vá. Thường trong cảnh này đòi phải kiên nhẫn đến bậc anh hùng.

Tuy thế, trong suốt những năm trời chung sống, Mẹ Margarita luôn phục vụ săn sóc các nhu cầu của đám trẻ bất cứ lúc nào chúng cần, với trái tim người mẹ hiền; Mẹ thường không ngơi sửa quần  vá áo rách nát tả tơi của chúng.

Một ngày nọ, đám trẻ chơi trò chiến tranh.

Chúng dùng những cây súng cũ kỹ của quân đội và gậy gộc làm khí giới.

Mẹ Margarita đã trồng được một thửa vườn với nhiều thứ rau và rau thơm. Mẹ còn trồng một luống cỏ cho thỏ nữa.

Hai đội binh đã dàn trận để bắt đầu cuộc chiến.

Chiếc tù và cũ kỹ được thổi lên và cuộc chiến bắt đầu. Cả sân trở nên hết sức hồi hộp trước cuộc chiến. Quên mọi sự chung quanh, đám trẻ thật hăng say chiến đấu. Chúng chạy cả vào vườn rau, luống cỏ. Và khi trận chiến đã kết thúc thì ôi thôi, cảnh điêu tàn thống trị khắp chốn, kể cả vườn rau của Mẹ Margarita.

Vừa rơi lệ vừa chạy đến  cùng Don Bosco, Mẹ Margarita phàn nàn:Gioan xem kìa !  Xem bọn chúng đã làm gì? Chúng đạp dập cả vườn rau rồi !”

Với nụ cười thông cảm Don Bosco trả lời :”Mẹ ơi, mẹ có thể làm gì đây? Chúng còn trẻ con mà !” Không lâu sau đó, bọn trẻ chạy lại xin lỗi Mẹ và cõi lòng buồn đau của Mẹ trở nên bình tĩnh. Vườn rau đã được khôi phục. Nhưng sau này nó đã biến luôn để cho sân chơi rộng thêm.

CÔNG CUỘC PHÁT TRIỂN

Một tối trời mưa kia, có chú bé 15 tuổi đến trước cửa.

Nó bị ướt như chuột từ đầu đến chân. Nó xin ăn và chỗ ngủ. Với cả con tìm hiền mẫu, Mẹ margarita ân cần đón em và phục vụ cháo nóng với bánh mì. Hỏi chuyện đứa bé, Don Bosco biết được nó mồ côi cha mẹ và vừa tiêu hết 3 đồng lia, nó đang kiếm việc làm. Đứa bé chưa rước lễ lần đầu  hoặc thêm sức. Hỏi về dự tính , đứa bé trả lời :” Con cũng chẳng biết nữa. Con có thể ngủ đêm tại đây không? Một góc xó  nào cũng  được.” Nói rồi nó òa lên khóc.

Cảm động trước hoàn cảnh của đứa bé, Mẹ Margarita cũng bắt đầu chảy nước mắt. Cả Don Bosco cũng mủi lòng. Sau khi tin chắc đứa bé sẽ không vơ vét đồ đạc chạy trốn, các ngài đã dọn cho đứa bé một cái giường dã chiến và mượn tạm nệm chăn và khăn trải giường của Don Bosco cho đứa bé. Sau khi dọn dẹp giường chiếu xuôi xắn, Mẹ Margarita ngồi thủ thỉ với chú bé, dây nó về việc làm, về đời sống lương thiện và về việc sống đức tin. Vô tình, Mẹ đã khởi sự một thói quen ngày nay vẫn còn giữ nơi các nhà Salésien và cũng vô tình, các Ngài cũng  đã bắt đầu mở trường nội trú.

Sau khi trường nội trú đã hoạt động tốt đẹp, đám trẻ bắt đầu gọi Mẹ Margarita là “Mẹ”. Đúng thế. Mẹ nấu nướng, vá quần áo, may sơ mi, áo lót, và đan bí tất… Mẹ thật hãnh diện trông thấy đám trẻ ăn mặc đàng hoàng những ngày trong tuần và nhất là những ngày Chúa nhật. Mẹ tận dụng thời giờ dậy chúng lịch sự đời sống gia đình hạnh phúc. Bọn trẻ cần bất cứ điều gì đều chạy đến với Mẹ. Và Mẹ bao có thể đã thỏa mãn nguyện vọng của chúng. Đối xử với chúng như  con riêng của Mẹ, Mẹ không thể làm gì hơn cho chúng được nữa.

Bản tính bình thản không nao núng, đầy tình yêu mến và quảng đại đã làm cho  Mẹ được mọi người yêu mến. Nếu Mẹ có khuyên bảo, hoặc cố gắng ngăn ngừa những nguy hại, giọng nói của Mẹ luôn dịu dàng, và những nhận xét của Mẹ luôn đượm vẻ khích lệ khen ngợi. Ngay cà Don Bosco cũng có ấn tượng về tài hùng biện thiên phú của Mẹ, về kiểu nói đầy sức thuyết phục, phong phú với nhiều chuyện dụ ngôn hoặc trào phúng. Đám trẻ hết mực  kính cẩn ghi tạc những lời Mẹ dậy.

Ít năm sau, có một đứa bé đầu tiên ước ao làm linh mục vừa được mặc áo giáo sĩ và vừa được trao cho vài chức vụ. Mẹ Margarita đã lập tức đối xử với chú bé đó như một vị Bề trên, Mẹ không dám khuyên bảo, sửa dậy, la mắng và rao1 chú bé đó nữa. Nói tóm, Mẹ khiêm tốn nhận mình như là kẻ bề tôi. Tuy thế, thầy tư giáo trẻ trung vẫn tiếp tục kính phục Mẹ và vẫn gọi Mẹ là “Mẹ”.

Mẹ Margarita luôn âu yếm để mắt tới những em được sửa dậy hoặc bị phạt vì hạnh kiểm khi lao động.

Con đường của Mẹ là không để cho trẻ ủ ấp và nuôi sự hận thù khi được sửa lỗi. Mẹ cố gắng làm cho chúng không bị mặc cảm. Mẹ vẫn nói:”Mỗi vết thương đều cần được xức dàu mỡ. chúng ta phải làm cho trẻ hiểu rằng nếu phải áp dụng hình phạt nghiêm  ngặt là cố để giúp ích cho chúng thôi”. Nhiều gương điển hình nói về cách Mẹ Margarita đã đối xử khéo léo và ôn tồn với trẻ được ghi lại trong Hồi Ký Don Bosco.

Mẹ Margarita quả là một người đàn bà đáng khen ngợi và đầy dũng cảm.

Ngoài việc dâng lễ hằng ngày, rước lễ thường xuyên, viếng Thánh Thể, Lần Hạt Mân côi, mẹ giữ tâm hồn luôn giao tiếp với Chúa từ sáng cho đến đêm về. Đang đọc  kinh “Lạy Cha” hoặc kinh “Lạy Nữ Vương” Mẹ hay ngắt ra để khuyên bảo một đứa trẻ hoặc xin một ai đó làm gì,  rồi Mẹ lại tiếp tục lời kinh đã ngắt. Có ít phút rảnh là Mẹ vội đến Nhà Nguyện quì gối cầu nguyện trước Thánh Thể.

Nếu chung quanh có người, Mẹ chỉ thì thầm cầu nguyện , nhưng nếu chỉ có mình Mẹ, Mẹ tỏ lộ tâm tình với Chúa to tiếng, có khi cả hằng giờ. Don Bosco có thể nghe Mẹ cầu nguyện từ phòng riêng của Ngài và đôi khi vì muốn cho Mẹ thư giãn  Ngài nói lớn”Mẹ ơi, Mẹ đang lý luận với ai đó?”

Đối lại, Mẹ bình tĩnh trả lời:”Ô không ! Mẹ chỉ cầu nguyện cho đám trẻ và cho các ân nhân thôi mà.” Có lẽ những thói quen này đối với nhiều như một chuyện tầm thường, nhưng không phải thế đối với Mẹ Margarita, vì  mẹ rất hồn nhiên tự phát với lòng nhiệt thành, lòng đạo đức và sự thâm tín cho thấy Mẹ thực sự đang qui hướng về sự hiện diện của Chúa.

Trung tâm trẻ tăng con số và cả trường nội trú cũng thế.

Mẹ Margarita vẫn tiếp tục việc phục vụ và khi cần thêm số người giúp việc, Mẹ cũng trông coi công việc họ làm. Mẹ là linh hồn của sự kiên tâm và của lòng nhân ái đối với mọi người.

DỊCH TẢ

Tháng 5 năm 1854 xẩy ra một trận dịch tả tai hại đã tấn công Tôrinô đúng như Don Bosco đã nói cho đám trẻ con cái Ngài .

Ngài còn thêm :           ”Đừng lo, hãy làm điều Cha dậy và các con sẽ bình an.”

“Chúng con phải làm gì?” Bọn trẻ hỏi lại.

“Hãy tránh phạm tội, đeo ảnh Đức Mẹ mà Cha sẽ làm phép và cho mỗi người  trong các con; ngày ngày đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng danh và hãy cầu nguyện cùng Thánh Lui.”

Tối thứ Bảy ngày 05 tháng 8, lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết,

Don Bosco qui tụ tất cả các em nội trú lại và nói chuyện với các em.

Ngài nói sơ lược lịch sử bệnh dịch tả và kêu gọi tất cả đặt mình trong tay Mẹ Maria. Ngài kêu gọi chúng chuẩn bị mừng lễ Mẹ Mông Triệu bằng cách làm tuần 9 ngày.

Ngài thúc giục tất cả đám trẻ đi xưng tội và rước lễ vào ban sáng, như thế Ngài có thể dâng từng em cho Mẹ Maria và nài xin Mẹ cứu chữa và gìn giữ chúng khỏi dịch tả như những người con yêu quí của Đức Mẹ .

Cuối cùng Ngài nói:

”Nếu tất cả các con đều giữ mình trong ân sủng Chúa và không phạm tội trọng, Cha bảo đảm không một ai trong các con sẽ bị ngã bệnh. Nhưng nếu có ai đó cố tình sống trong đối nghịch với Thiên Chúa, và còn tệ hơn nữa dám xúc phạm đến Chúa cách ghê gớm, từ phút giây đó trở đi Cha không thể nào bảo đảm cho người ấy hoặc cho bất cứ em nào trong nhà này.”

Không em nào trong Trung Tâm trẻ và trong trường nội trú bị dịch tả tấn công,  ngược lại còn có nhiều em tình nguyện đi giúp chăm sóc những người ốm đau.

Don Bosco hướng dẫn  các em cách thức phục vụ.

Ngài còn chia các em thành 4 nhóm với những công việc khác nhau cho mỗi nhóm. Thường trong những dịp khác, Mẹ Margarita tỏ ra lo lắng về sự an toàn cho con mình,

nhưng đối với công việc này Mẹ  xác định con mình phải liều thân và phục vụ những nạn nhân của con bệnh.

Mẹ Margarita giúp đoàn trẻ và cho chúng những thứ chúng cần để cứu giúp những bệnh nhân dịch tả.

Cuối cùng ớ nhà chẳng còn gì,  chỉ còn quần áo của chính đám trẻ và ít khăn trải giường, chăn .

Một hôm, một cậu trai kia nói với mẹ Margarita về một bệnh nhân của cậu quằn quại hấp hối trên cái giường nhỏ trần trụi và em xin Mẹ cái gì đó để  đắp lên người bệnh nhân. Mẹ lục soát khắp nhà để kiếm miếng vải nhưng chỉ thấy còn chiếc khăn bàn. Với đầy lòng trắc ẩn, Mẹ nói:”Con lấy cái này đi. Mẹ chẳng còn gì nữa; cái này được.” Cậu bé vui vẻ chạy về cùng bệnh nhân của mình.

Các bà các cô chạy tới Mẹ Margarita xin Mẹ áo quần cho những đứa bé gái, cho những người mẹ, hoặc cho những bệnh nhân nữ khác. Mẹ cho họ nào là những chiếc mũ của Mẹ, những chiếc khăn choàng, và cả những chiếc áo hoặc váy lót của Mẹ nữa . Rút cuộc, Mẹ chẳng còn gì ngoài áo quần Mẹ đang mặc trên thân.

Một ngày nọ, có người đến xin Mẹ khăn trải giường.

Mẹ Margarita vô cùng đau đớn vì Mẹ chẳng còn gì.

Nhưng, như được linh ứng đột xuất, với sự đồng ý của Don Bosco, Mẹ lấy khăn bàn thờ, một khăn vai và một áo an-ba cho người ta. Chính vì thế, Don Bosco có lần đãghi lại  những lời này:

“Khi bán những chén thánh để chuộc những kẻ nô lệ, Thánh Ambrose đã nghĩ thế này: Có  gì giá trị hơn việc dùng những cái chén đựng  Máu Đấng Cứu Thế mà chuộc lại lần nữa những kẻ đã được chính Máu Thánh này cứu chuộc?”

Bệnh dịch tả đã qua đi.

Đám trẻ đã dấn thân phục vụ vói tinh thần xả kỷ và quảng đại đến nỗi đã làm cho Don Bosco phải ứa lệ vì quá vui mừng.

Tờ L’Armonia , tờ nhật báo dẫn đầu các báo chí khác của Tôrinô, đã khen ngợi và tỏ lòng biết ơn. Trong số ngày 16 tháng 9 năm 1854, báo đã khen ngợi hàng giáo sĩ  của thành phố. Trong một cột dài của số báo, tờ báo này đã đăng tải những việc anh hùng như gương điển hình của Don Bosco và con cái của Người.

ĐỜI KHÓ NGHÈO CỦA MẸ DON BOSCO

Mẹ Margarita sống khó nghèo như một tu sĩ nghèo nhất.

Một ngày nọ, vì nhận thấy áo Mẹ mình quá xơ xác và bạc cũ, Don Bosco nói với Mẹ:” Mẹ ơi, chiếc áo của Mẹ không còn mặc được nữa. Nhìn Mẹ, người ta sẽ cười con và nói con lo cho mọi người nhưng lại thờ ơ đối với Mẹ.” Nói xong, Don Bosco đưa cho Mẹ một đồng vàng để Mẹ mua áo mới. Ít tuần sau, Ngài hỏi Mẹ:” Mẹ ơi, chiếc áo mới thế nào?”

Mặt ửng đỏ, Mẹ nói:”Gioan, con có lý. Mẹ phải kiếm một áo mới, nhưng làm sao Mẹ có thể mua đây? Mẹ đâu có tiền.”

“Tiền con đưa cho Mẹ hôm nào thì sao?”

“ À đúng rồi, để Mẹ nghĩ lại xem. Mẹ đã mua muối, mua một cái áo vét tông cho Tony, rồi Đa-minh không có sách vở.”

Don Bosco chỉ còn biết cười lên và Ngài dẫn Mẹ ra phố và yêu cầu Mẹ mua một chiếc áo mới. Mẹ đành chịu.

Một lần khác có người tặng Mẹ một chiếc khăn choàng bằng lụa.

Mẹ đưa những ngón tay vút ve và khen đẹp. “Ôi chao ! Một bà nhà quê dùng đồ lụa sao?” Mẹ đã cắt tấm khăn thành nhiều mảnh để may cà ra vạt cho con cái.

Và khi hỏi xem Mẹ cần gì nhất, Mẹ Margarita trả lời:”Tôi sinh ra nghèo túng, Tôi sống nghèo túng và tôi muốn chết nghèo túng.”

GIÃ TỪ

Vào giữa năm 1856, Mẹ Margarita nhiễm bệnh xưng phổi.

Dù được chăm sóc chữa trị nhưng cơn bệnh mỗi ngày thêm trầm trọng.

Ý thức  bệnh tình mình, mẹ đã tâm sự riêng với Don Bosco. Trong lời tâm sự này, Mẹ đã khen ngợi đích danh một số những ai theo Cha và cảnh giác một số khác. Don Bosco ngỡ ngàng về sự tinh anh thấu biết tính tình của Mẹ.Sau đó Mẹ đã xin mọi người trong nhà cầu nguyện cho Mẹ.

Cha Gioan Borel giúp Mẹ lãnh nhận các Bí tích cuối cùng.

Khi mẹ sắp sửa được xức dầu, mẹ nói với Don Bosco:”Khi con còn bé, Mẹ đã giúp con chuẩn bị xưng tội và rước lễ. Giờ đây đến lượt con giúp Mẹsốt sáng  lãnh nhận các Bí tích.”

Tối cuối cùng của Mẹ đã đến.

Tràn ngập đau đớn, Don Bosco ở bên cạnh giường Mẹ cho đến rất khuya.

Giuse cũng có mặt cạnh Cha.

Vào một lúc nọ, Mẹ Margarita nói với Don Bosco:”Giờ con đi đi, con cưng của Mẹ. Mẹ không chịu nổi khi Mẹ thấy con quá sầu đau như thế. Cả con cũng vậy,  con cũng không chịu nổi khi thấy mẹ qua những giây phút cuối cùng này. Chào tạm biệt con, Gioan của Mẹ. Con hãy nhớ ở đời này chúng ta chịu đau khổ, nhưng chúng ta sẽ hưởng hạnh phúc thật trên trời. Con hãy về phòng con và cầu nguyện cho Mẹ.”

Và thấy Don Bosco lưỡng lự không chịu đi, Mẹ nhìn Cha và ngước mắt lên trời như muốn nói với Cha “Con đang đau khổ. Điều này làm Mẹ đau khổ hơn. Xin con đi và cầu nguyện cho mẹ. Chúng ta sẽ gặp nhau ở trên trời. Có Cha Alasonatti ở đây; đủ rồi, con ạ.”

Sau khi chào mẹ với cái chào đầy yêu mến, Don Bosco rời phòng, nghĩ bụng sẽ không đến nỗi nguy cập. Rồi quãng nữa đêm  Cha Bosco lại trở lại bên Mẹ.

Mẹ Margarita biết có Don Bosco ở bên . Mẹ đã ra hiệu cho Cha đi, nhưng Ngài không lui bước. Mẹ nhấn mạnh:”Thật quá đau khổ cho con ….”

Nghẹn ngào trong tiếng nức, Don Bosco trả lời:”Không đứa con yêu quí nào rời Mẹ phút giây này!”

Margarita thinh lặng vài giây rồi nói:”Gioan con yêu quí, xin làm cho Mẹ một ơn. Đây là điều cuối cùng Mẹ xin con. Mẹ đau khổ gấp đôi khi nhìn con đau khổ. Mẹ được chăm sóc chu đáo lắm rồi. Xin con đi đi. Hãy cầu nguyện cho mẹ, đó là điều Mẹ xin… Chào con.”

Vâng theo  ý muốn quá rõ ràng của Mẹ, Don Bosco về phòng nhưng không ngủ.

Đêm ấy là đêm 25 tháng 11 năm 1856.

Ít phút sau, Mẹ Margarita hấp hối.

Vào 3 giờ sáng Don Bosco nghe thấy Giuse đến phòng Cha. Mẹ của họ đã về trời. Hai anh em thinh lặng nhìn nhau rồi buột lên khóc nức nở xé ruột gan những tư giáo và những ai đang theo Giuse.

Sáng ngày Mẹ Margarita qua đời, Don Bosco đi dâng lễ ở đền thánh Đức mẹ An Ủi để cầu nguyện cho linh hồn Mẹ mình. Sau đó, Ngài cầu nguyện hồi lâu trước tượng Đức Mẹ An Ủi. Giữa những việc khác, Don Bosco thưa với Đức mẹ:”Lạy Mẹ rất nhân từ, con cái con và con không có mẹ nữa! Xin Mẹ làm Mẹ của chúng con từ giờ phút này.”

LỜI KẾT

Đó là câu chuyện về cuộc đời hằng ngày của một bà mẹ đơn sơ, tốt lành và đầy cảm thông, một người mẹ đạo đức, một người mẹ của vô số các trẻ em nghèo khổ và người mẹ của một vị thánh.

SÁCH THAM KHẢO

 

Lemoyne, Rev. Giovanni Battista SDB., The Biographical Memoirs of Saint John Bosco edition

Rev Diego Borgatello SDB., Editor-in-chief, Volumes I-V, Salesiana Publishers, New Rochelle, New York, 1965-1969.

Benziger, Marieli and Rita, Mamma Margherita, St John Bosco’s Mother, Altadena, CA, 1958.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *