về nguồn sống sa-lê-diêng

  • GUIDO FAVINI SDB

Guido Favini SDB

VỀ NGUỒN SỐNG SALÊDIÊNG

Nguyên tác: “Alle Fonti Della Vita Salesiana” Torino – 1965

Chương 1

Tu Hội Salêdiêng Don Bosco

Tiền Đề

Việc kỷ niệm một trăm năm ngày ban Sắc lệnh khen ngợi Tu Hội, 23 tháng 7 năm 1864, khích lệ chúng ta thu thập từ Bộ Hồi Sử những dữ kiện để làm sáng tỏ ơn gọi của chúng ta và giúp cho những người đọc những trang này trân trọng hơn ơn gọi của mình. Những trang này có mục đích làm rõ lịch sử, Luật Dòng  Tinh Thần của Tu Hội Salêdiêng Don Bosco.

Chúa Quan Phòng đã ban cho Tu hội những tài liệu vừa phong phú vừa tinh túy. Nhờ đó, dù thời cuộc có thay đổi, diện mạo, sức mạnh và tinh thần của Tu hội vẫn không thay đổi. Chúng ta sẽ không thể cảm tạ Chúa đầy đủ về ân huệ này. Chúng ta nhớ ơn những anh em đã góp công trao tặng chúng ta những tài liệu như thế.

Vào tháng 3 năm 1861, Nguyện xá thánh Phanxicô Salê đã thành lập ủy ban kiểm chứng các hồi ký do các tư giáo và học sinh ghi chép. Trưởng ban là cha Rua, phó là cha Turchi, thư ký là tư giáo Domenico Ruffino, và các thành viên là cha Alasonatti, cha Savio Angelo, sư huynh Oreglia, các tư giáo Durando, Cerruti, Anfossi, Provera, Bonetti, Ghivarello (VI, 861-863).

Cứ 15 ngày, các thành viên họp nhau kiểm tra lại các ghi chép và trình lên Don Bosco để ngài xét lại những điểm có vẻ khả nghi hay không chính xác, trước khi xếp vào công hàm.

Tháng 10 năm 1864, nhờ ơn Đức Mẹ, cha Giovanni Battista Lemoyne vào Nguyện xá. Cha là con của bác sĩ Luigi, thuộc bệnh viện Real Casa. Mẹ của cha là bà bà tước Prasca. Cha sinh ngày 2 tháng Hai 1839, tại Genova và chịu chức linh mục ngày 14 tháng Sáu 1862.

Câu chuyện ơn gọi lạ lùng của ngài được ghi trong hồi sử cuốn VII trang 766-769. Sau một năm ở Nguyện xá, Lemoyne đã tiến đến tác vụ thánh và được bổ nhiệm coi ngành ấn loát với tư  cách nhân viên sửa chữa bản thảo. Tháng 8 năm 1865, ngài làm phụ tá cho cha Alasonatti tại trường Lanzo Torinese tới khi cha này qua đời. Cha Alasonatti đã được Don Bosco nhận vào Nguyện xá muời năm trước (1854), lúc đó ngài đã là linh mục, được Don Bosco cử làm Tổng Quản (Prefetto) đầu tiên của Tu Hội, ngày 18 tháng 12 năm 1859.

Vào tháng 10 năm 1865, cha Lemoyne lãnh trách nhiệm điều hành trường trung học Lanzo Torinese, và giữ trách nhiệm đó liên tiếp 12 niên khóa. Năm 1877, Don Bosco đặt ngài làm tuyên úy cho nhà mẹ của Con Đức Mẹ Phù Hộ tại Mornese, và sau đó làm tuyên úy cho nhà Nizza Monferrato. Cha Lemoyne là hội viên đầu tiên được khấn trọn đời mà không cần khấn tạm 3 năm. Ngày khấn nhằm ngày 10 tháng 11 năm 1865.

Năm 1883, Don Bosco mời cha Lemoyne về Torino làm thư ký riêng cho mình, rồi làm thư ký cho ban Tổng cố vấn và chủ nhiệm tờ nguyệt san Salêdiêng. Khi tiếp ngài, Don Bosco nói: “Cha phó thác con người nghèo hèn này của cha cho con. Hãy đối xử với cha trong tình bác ái, đặc biệt bằng cách vâng lời. Cha không giấu con điều gì dù của riêng tư hay của Tu Hội” (XVI, 419)

Cha Lemoyne ở bên cạnh vị thánh cho đến khi ngài qua đời. Ngài ghi lại tất cả những điều Don Bosco ký thác qua những lần chuyện vãn lâu dài. Cứ chiều tối, khi đã không thể làm việc dưới ánh sáng nhân tạo, vị thánh thường tâm sự với ngài lâu giờ. Năm 1893, cha Lemoyne thôi làm chủ nhiệm tờ nguyệt san Salêdiêng để chuyển sang việc phát hành bộ Hồi sử Don Boso. Sau này, hai cha Amadei và Ceria tiếp tục công việc.

Khởi đầu cuốn hồi sử VIII, cha Lemoyne thanh minh như sau: “Chúng tôi đã và sẽ trình bày một cách trung thành những công việc đã xảy ra trong cuộc đời của Đấng sáng lập theo lời của hàng trăm nhân chứng liên quan tới đời sống ngài từ đầu đến cuối. Họ thuật lại những sự kiện mắt thấy tai nghe về chính con người của ngài. Ngay cả những cuộc đối thoại, được duy trì và chuyển tới chúng tôi, cũng là điều đã xảy ra trước mắt họ. Những tài liệu đó, có thể nói, giống như một thư viện. Khi viết những điều này, chúng tôi không cho phép mình phóng đại tô màu, vì chân lý không cần làm thế. Điều này thật rõ ràng qua các thư liệu do ba mươi nhân chứng đứng ra thề trong dịp tổ chức án phong thánh thông thường tại Tòa giám mục Torino. Chính chúng tôi được phép sử dụng các thư liệu đó cho công việc này” (VIII, 1-2).

Nên nhớ rằng, những vị kiểm duyệt chín cuốn Hồi sử đầu do cha Lemoyne xuất bản, là những nhân chứng mắt thấy tai nghe về phần lớn cuộc đời của vị thánh: cha Rua, cha Albera, cha Cerrutti, cha Giulio Barberis.

Đàng khác chính Don Bosco khích lệ các hội viên Salêdiêng lo viết và ấn hành lịch sử Tu hội, bất chấp có kẻ hiểu lầm, coi đó là một hư vinh. Có hai văn kiện minh chứng. Ngày 2 tháng 2 năm 1876, nhân dịp giảng huấn thường niên cho các giám đốc và hội viên, Don Bosco nói:

Cha đã viết về Nguyện xá từ đầu tới nay một cách tổng quát và từ năm 1854 trở đi, cha viết nhiều điều tỉ mỉ hơn. Năm 1854, câu chuyện Tu hội bắt đầu. Những sự kiện ngày một trải rộng và thêm nhiều khía cạnh khác. Cha thiết nghĩ việc biên chép này rất hữu ích cho những người về sau. Việc đó sẽ làm cho danh Chúa được rạng sáng hơn. Vậy chúng ta cứ tiếp tục viết. Về điểm này, không nên nể Don Bosco hay bất cứ ai khác. Cha thấy Don Bosco chìm lẫn trong đời sống Tu hội. Do đó, cứ viết ra, cần phải cho người ta biết đến công việc vì vinh danh Chúa, vì phần rỗi linh hồn và cũng là để Tu hội được phát triển. Lý do là, nói nhỏ giữa chúng ta với nhau thôi nhé, các dòng tu và hội dòng khác, ban đầu cũng có nhiều linh ứng, thị kiến và điềm thiêng … Những sự kiện đó thôi thúc họ lập dòng. Vậy mà những công việc cứ dậm chân tại chỗ, hoặc ít có ai biết đến. Giữa chúng ta sự thể diễn tiến cách khác hẳn. Có thể nói rằng không chuyện gì lại không được biết trước. Tu hội không bước một bước mà không có dữ kiện siêu nhiên khuyến khích. Chẳng có đổi thay nào mà không được lệnh Chúa soi báo” (XII, 69).

Kỳ họp Tổng Tu Nghị đầu tiên năm 1877, Don Bosco nhấn mạnh cần lo cho xong cuốn Niên giám của Tu Hội, cuốn ký sự các nhà và cuốn Vong danh lục. Ngài  lấy ví dụ các cha dòng Tên, họ chép sử cho mỗi nhà và phàn nàn rằng: “Giữa chúng ta làm việc thì nhiều, làm bao thứ việc, chỉ tội không ghi chép việc mình làm” (VIII, 276-278).

Năm 1885, trong Thông tin Salêdiêng tháng 6, Don Bosco lại viết về nhu cầu quảng bá Tu hội: “Chúng ta đang ở trong thời đại cần làm việc. Thế giới trở nên vật chất, do đó cần làm việc và phổ biến việc mình làm. Giả như một người làm phép lạ nhờ cầu nguyện đêm ngày và cứ ở trong phòng kín, thế giới sẽ không biết đến, rốt cuộc chẳng ai tin. Người ta đòi xem bằng mắt, bắt bằng tay”.

Khi giải nghĩa tiêu chuẩn đúng đắn về việc phổ biến công cuộc tốt, Don Bosco thêm: “Đây là phương tiện duy nhất cho người ta biết đến và nâng đỡ công cuộc. Thế giới hiện thời muốn trông thấy các công trình và muốn thấy giáo sĩ làm việc để dạy dỗ và giáo dục thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi, bằng những công cuộc từ thiện, lưu xá, trường học và công mỹ nghệ… Đây là phương tiện tiên quyết để cứu các thanh thiếu niên nghèo qua việc cải hóa chúng và nhờ đó Kitô hóa xã hội” (XIII, 126).

Xin đừng ngán lời mở đầu dài dòng này. Nó chỉ nhằm đánh giá đúng mức những nguồn liệu chúng tôi thâu thập và nỗi lòng thao thức của vị thánh. Ngài đã trao truyền những nguồn liệu ấy đến chúng ta cách vẹn toàn.

Một Mầu Nhiệm

Chiều 21 tháng 1 năm 1877, Đức Piô IX đau nặng, ngài tiếp Don Bosco trong phòng riêng, một căn phòng đơn sơ, có một giường sắt, không có thảm trải đất, không kệ để chân, vài chiếc ghế cũ hỏng. Nền nhà lát gạch đã nứt rạn. Hai người chuyện trò lâu giờ về sự thay đổi của thời cuộc và về Giáo hội. Đoạn Đức Thánh Cha nói với vị thánh: “Cha muốn tỏ cho con biết một mầu nhiệm. Cha tin tưởng Tu hội con lập vào thời đại này là do Chúa Quan phòng thôi thúc để biểu lộ quyền năng của Ngài. Cha vẫn thâm tín rằng Chúa đã muốn dấu kín cho tới bây giờ cái bí quyết mà qua bao thời đại các hội dòng chưa từng biết đến. Trong Giáo hội, Tu hội của con phải kể là loại dòng tu đầu tiên đựơc thành lập với tư cách vừa đạo vừa đời thấm nhập vào nhau. Một dòng tu vừa có lời khấn thanh bần, vừa giữ quyền sở hữu, vừa sống giữa đời, vừa sống nội vi. Các hội viên vừa là tu sĩ vừa là thường dân, có cả đời sống cộng đòan lẫn đời sống tự do dân sự … Được thiết lập như vậy là để trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho César những gì thuộc về César. Đúng như lời Chúa Giêsu đã dạy” (XIII, 82).

Ngày 9 tháng 5 năm 1884, Đức Lêô XIII đã lập lại những lời tương tự trong buổi triều yết dành cho vị thánh: “Con có sứ mạng làm cho thế giới biết rằng ai cũng có thể vừa là giáo dân tốt lành vừa là công dân liêm chính. Con cần cho họ biết rằng, người ta có thể làm ích nhiều cho các thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi trong mọi thời đại, cho họ thấy rõ không cần gây xung khắc về mặt chính trị vẫn có thể là người công giáo tốt”.

Thế rồi khi nhận thư chúc mừng của hội Thánh Thể gởi đến đức thánh cha, ngài tiếp: “Con hãy nói cho các trẻ trong hội Thánh Thể dùm cha rằng cha mến chúng. Chúng là những đóa huệ của lòng cha, con hãy thay cha chăm sóc chúng, hãy chúc lành từng đứa một “manu ad manum”. Những thanh thiếu niên này có thể minh chứng cho thế giới hiểu rằng bác ái Kitô giáo có đủ khả năng cải tiến xã hội qua việc giáo dục tốt các trẻ em nghèo và bị bỏ rơi” (XVII, 100-103).

Việc thành lập Tu hội chúng ta thật là một mầu nhiệm cao cả. Một mầu nhiệm thuộc về mầu nhiệm cao cả của Nước Thiên Chúa, mầu nhiệm của những kẻ mến tin, của Thân mình mầu nhiệm Đức Kitô, của Giáo Hội Mẹ thánh thiện. Đây là một mầu nhiệm làm sáng tỏ quyền năng của Thiên Chúa.

Chỉ cần nghĩ đến sự thù địch của thời đại thì sẽ hiểu rõ. Nhóm tam điểm tự do đã nhiệt liệt hưởng ứng phong trào đồng khởi ngay tại nước Ý, khởi sự bằng cuộc bách hại đạo Công giáo cách dữ dội. Trước hết, họ đóng cửa các chủng viện và tịch thu các trường do các tu sĩ điều khiển. Với đạo luật của Rattazzi, năm 1855 họ bãi bỏ hơn 35 gia đình dòng tu, quốc hữu hóa 334 tu viện, thải hồi 5.406 nam nữ tu sĩ. Đây mới kể riêng miền Piemont va Sardegna thôi (V, 182.197.242).

Năm 1863, tờ Thẳng Tiến, nhật báo của đảng dân chủ Ý ra ngày 11 tháng 8 viết: “Sự nghiệp cách mạng của ta nhằm phá bỏ tòa nhà công giáo, phải tiêu hủy nó và không còn cách nào khác là phải phá hủy nó, nếu ta muốn tồn tại. Về phía chúng ta, lòng yêu nước, sự thống nhất, sự tự do chính trị là những phương tiện để đạt tới mục đích này, đối với loài người thì không còn có cách gì khác hơn là phá bình địa cái tàn tích Trung cổ để lại, đó là đạo Công giáo”.

Số báo ngày 8 tháng 3 viết: “Ngày tiến vào Rôma không chỉ là ngày làm nên nước Ý, mà còn làm cho quyền giáo hoàng tiêu tan” (VI, 324). Cũng năm đó, tờ Thẳng Tiến số 164 hô hào hủy bỏ các trường trung học thánh Primitivo do các sư huynh LaSalle đảm trách, và thêm chi tiết: “Nếu xét về vài khía cạnh, chúng ta phải chiếm bất cứ bằng được Roma, thì chúng ta cũng phải tẩy rửa lòng trí con em chúng ta khỏi ảnh hưởng của nó. Chúng ta phải huỷ bỏ các dòng tu chuyên lo dạy học” (VII, 458).

Bên trong chương trình sát nhập các vùng, có luật của các giáo phái đưa đến những vụ tịch thu nhà cửa, của cải trong các nhà tu, giải tán các tu sĩ, đầy ải các giám mục và linh mục, thậm chí đi đến chỗ giết chóc bừa bãi. Phong trào an ninh tổ quốc năm 1866 và nghị quyết thanh trừng những phần tử khả nghi đã gây nên những vụ sát hại tàn bạo (VI, 856-857; VIII, 357-359; 412-413).

Sự căm thù phe phái cộng thêm những hiểu lầm trong hàng giáo phẩm, não trạng bảo thủ, và thái độ ngờ vực của hàng giáo sĩ đối với thời cuộc, không nhận ra đâu là dấu chỉ của thời đại lúc đó.

Quyền năng Chúa đã vượt trên mọi khó khăn. Ngài đã ban cho thế kỷ 19 một ân huệ bất ngờ. Một Tu hội ra đời, một Tu hội thích hợp với thời đại mới, phù hợp với não trạng mới. Chúa đã can thiệp vào công việc này cách phi thường.

Vào dịp tĩnh tâm đầu tiên tổ chức tại Trofarello ở Torino năm 1868, Don Bosco nói: “Tu hội của chúng ta là một Tu hội mới nhất. Giống như tất cả các dòng tu khác, nó được thành lập nhờ sự giúp đỡ của Đức Maria rất thánh. Ngài là Đấng sáng lập và là Mẹ của các dòng tu, kể từ nhà tiệc ly đến thời nay” (IX, 347). Chúng ta chỉ rảo qua lịch sử mà thôi.

Đức Maria rất thánh bắt đầu cho Don Bosco hiểu rằng ngài không thể cậy dựa vào các giáo sĩ hay giáo dân, những người đầu tiên giúp ngài ngay từ lúc khởi sự Nguyện xá. Năm 1849, Don Bosco đã đề nghị cho một số người có lòng nhiệt thành,  liên kết với nhau sống đời cộng thể, nhưng đề nghị này bị thất bại ê chề (III, 547). Ý định liên hiệp với nhóm Rosminiani năm 1850 cũng không thành (IV, 34-41).

Từ năm 1844, qua một số giấc mơ lạ lùng, Đức Mẹ cho Don Bosco hiểu rằng các Salêdiêng phải được đào tạo từ nhóm thanh niên ở Nguyện xá, ở các khu lưu xá và trường học. Trong giấc mơ đầu tiên, ngài thấy mình bước đi trên một cánh đồng bao la bát ngát, có ba chặng đường liên tiếp, các thú dữ đủ loại dần dần biến thành những con chiên hiền lành. Nhiều người chăn chiên đến giúp ngài nhưng chỉ được thời gian ngắn. Đang khi ấy thỉnh thoảng có những con chiên đột nhiên biến thành người chăn chiên, đàn chiên nhân lên và rải rác ở nhiều nơi” (II, 243).

Năm 1845, cũng giấc mơ ấy lập lại và thêm vài chi tiết. Thay vì cảnh cuối với một ngôi nhà thờ huy hoàng có hàng chữ: “Hic domus mea, inde gloria mea – Đây là nhà của Ta, từ nơi đây sẽ tỏa rạng vinh quang Ta”, lại xuất hiện ở mỗi chặng một nhà thờ lớn nữa. Để giữ các linh mục và tư giáo giúp ngài, bà dẫn đường lạ mặt, người nữ mục tử, đưa cho ngài những băng vải trắng, trên mỗi băng vải có hàng chữ: “Obbedienza: Vâng lời”. Bà bảo ngài cột các băng đó vào trán họ (II, 298).

Năm 1847, trong giấc mơ thứ ba, giấc mơ giàn hoa hồng, Don Bosco thấy một lối vào mơn mởn những đoá hồng xinh xắn, có lối đi thật mỹ lệ. Nhìn vẻ đẹp của con đường ngài đi, ai cũng thèm muốn. Ngài thấy cần cởi giầy để khỏi dẫm nát những đóa hoa hồng dễ thương bò trên mặt đất. Cởi giầy xong, vừa đi được một quãng ngắn, ngài thấy gai nhọn đâm vào chân. Vì quá đau, ngài không thể cất bước được nữa. Những ngừơi theo ngài nản chán la to: “Chết thật, chúng mình bị lừa cả lũ rồi”, nói đoạn họ tự ý tháo lui. Bà hướng dẫn khuyên Don Bosco phải mang giầy, thứ giầy tốt nhất của nhân đức hy sinh. Xỏ giầy xong ngài bắt đầu can đảm bước đi. Lúc ấy nhiều linh mục, tư giáo và giáo dân ùa theo để cộng tác với ngài. Họ nhất định theo ngài đi bất cứ nơi đâu (III, 32-34).

Ngây ngất vì hai giấc mơ đầu tiên ấy, Don Bosco cam tâm chịu mọi thử thách. Năm 1846, lúc vừa bị đuổi khỏi nhà Moretta và đưa các trẻ sang bãi cỏ nhà ông Phillip, nơi chỉ đựơc sử dụng trong thời gian rất ngắn, ngài nhẫn nại chịu đựng và đối phó đối với những kẻ muốn ngài bỏ công việc tông đồ của mình. Ngài tìm cách minh chứng cho họ thấy rằng việc tông đồ ngài đang làm là của Chúa Quan Phòng. Ngài thốt lên: “Ôi, Chúa Quan Phòng, quý vị lầm to! Chính tôi tưởng chừng không còn thể nào tiếp tục được nữa. Chúa quan phòng sai những trẻ nhỏ này đến với tôi. Tôi nhất định không khước từ trẻ nào. Xin qúy vị  hiểu cho… Tôi thâm tín một cách bất khả kháng rằng chính Chúa Quan Phòng trù liệu tất cả những điều cần thiết cho chúng… Hơn nữa, những phương tiện hầu như đã sẵn… Vì người ta không chịu cho tôi thuê nhà thì chính tôi sẽ tìm cách xây lấy, nhờ sự giúp đỡ của Đức Maria rất thánh. Chúng tôi sẽ xây nhà đồ sộ, những phòng ốc để làm trường học, nhà ngủ, xưởng thợ, sân chơi rộng rãi và nhà nguyện; sẽ có các thầy tư giáo và những giáo lý viên, các hộ trực viên, trưởng xưởng và sư huynh. Họ sẽ sẵn sàng theo sự chỉ dẫn của chúng tôi. Và rồi, sẽ có những linh mục đứng ra dạy dỗ các trẻ. Chính họ sẽ đặc biệt lo cho các em tỏ ra có mầm mống ơn gọi tu trì…”.

Những người đối nghịch vặn hỏi: “Xem chừng ông muốn lập dòng mới sao?”. Ngài vặn hỏi lại: “Vậy nếu tôi có dự tính đó, quý vị nghĩ gì?”. Kẻ hiếu kỳ trả lời: “Ông muốn cho họ mặc tu phục kiểu nào?”. Và Don Bosco quả quyết: “Mặc áo nhân đức”. Nhưng họ đòi ngài thanh minh rõ hơn; ngài hứng khởi đáp: “Tôi sẽ sai họ đi khắp nơi, với những chiếc áo ngắn tay như những trẻ thợ nề”. Lời giải thích gây thêm căng thẳng. Họ xác quyết ngài mất trí và tìm cách đưa ngài vào nhà thương điên. Thế rồi, câu chuyện kết thúc bằng một trò giỡn chơi lý thú. (II, 410-415).

Don Bosco tiếp tục cậy trông vào Chúa Quan Phòng. Ngài cứ nhẩn nha lựa chiều thực thi sứ mệnh mình. Đang khi đó, trong năm 1848, ngài đã phản kháng cả đến một vài giáo sĩ có uy quyền đang tìm cách lập một liên hiệp các Nguyện xá do các linh mục hay các giáo dân đã lập nên trong các khu vực khác của thành phố. Ngài giải thích cho cha Gastaldi là cổ động viên nhiệt thành của Liên hiệp này: “Giả như tôi phải tụ tập nhiều trẻ quanh tôi thì tôi cần những linh mục, tư giáo và những người thuộc trọn quyền tôi chứ không thuộc về ai khác”. Cha Durando, linh mục dòng Lazzarit hỏi ngài: “Cha muốn lập dòng sao?”. Don Bosco trả lời: “Dòng hay cái gì cũng được. Tôi cần có những nhà nguyện, Nguyện xá, lớp giáo lý, trường học, nhưng nếu không có những người cộng tác với tôi, thì tôi chịu chết”. Họ chất vấn ngài: “Nhưng làm thế nào mà cha khởi sự được những công việc đó? Phải có nơi chốn và tiền của nhiều như nước”. Don Bosco trả lời: “Có lẽ không cần, cần… và tất nhiên sẽ có…”. Cha Durando kết luận: “Thế thì còn lý luận gì nữa”, rồi đứng phắt dậy (III, 453).

Năm 1849 là năm căng thẳng, chính trị sôi động, đến nỗi một số giáo lý viên của Nguyện xá kéo trẻ thành bè lũ, đi đây đi đó để khuấy động. Don Bosco vẫn không nản. Tất nhiên, ngài sa thải họ và gây dựng một nhóm khác, với một số thanh niên khá hơn. Trong khi đó bốn người mà ngài từng hy vọng có thể giữ bên cạnh mình thì họ lại chuyển sang chủng viện.

Don Bosco vẫn điềm nhiên cảm tạ Thiên Chúa cả về vấn đề này. Cũng năm ấy vào khoảng tháng 8, ngài tổ chức hai cuộc tĩnh tâm cho 70 thanh thiếu niên, đến từ hai Nguyện xá thánh Phanxicô Salê tại Valdocco và thánh Louis tại Porta Nuova. Ngài chọn bốn em khác, dạy chúng học một chút, rồi kèm thêm môn Latin, với ý định dọn mình cho chúng nhận áo giáo sĩ, và biết đâu sau này sẽ chịu chức linh mục (III, 549-550).

Lần thử nghiệm cũng này thất bại: Bellia và Reviglio chịu chức linh mục xong thì chuyển qua giáo phận; Castini bỏ dở việc học, sau này đứng ra tổ chức hội Cựu học viên. Chỉ còn Giuseppe Buzzetti ở với Don Bosco, cậu chần chừ  mãi mới quyết định làm sư huynh.

Từ năm 1849, lịch sử Tu hội diễn tiến theo từng thập niên như sau: 1849-1859: chuẩn bị; 1859-1869: tổ chức theo giáo luật; 1869-1879: cuộc phát triển đầu tiên đến độ đi truyền giáo.

Sau đây là những niên biểu nổi bật trong giai đoạn đầu:

Năm 1850: (với ý hướng khích lệ 4 tu sinh đầu tiên cùng một số cộng sự viên giáo dân và giáo sĩ khác tiếp tục giúp ngài buổi chiều vào ngày lễ tại ba Nguyện xá; Nguyện xá thứ ba dâng kính Thiên Thần Bản Mệnh được mở tại Vanchiglia năm 1849), Don Bosco đã xin Đức Thánh Cha Piô IX vài ân xá cho những người đã cũng như sẽ đăng ký gia nhập Tu hội thánh Phanxicô Salê.

Tu hội lúc ấy còn nằm trong dự tính hơn là trong thực tại giáo luật; nhưng tòa thánh lúc ấy, không cần đòi hồ sơ,  đã ban cho ngài tất cả theo sở nguyện với văn thư đề ngày 28 tháng 9 năm 1850 (IV, 93-94).

Vào tháng 11 năm ấy, Don Bosco thử cùng với các linh mục và một số giáo dân trong thành phố ngấm ngầm tổ chức một hiệp hội tạm thời lấy tên là hội thánh Phanxicô Salê để dọn đường cho hoạt động công giáo tiến hành về sau (IV, 171-175). Ngài không thể xoay sở được vì lúc đó đang có chiến dịch thanh trừng các hiệp hội kiểu đó. Tuy nhiên thử nghiệm này vẫn giữ được cái vinh dự và công trạng của nó, vì sau này nó giúp cho Don Bosco tổ chức nhóm Salêdiêng ngoại trú, một hình thức dòng ba với tên Hội Đạo Đức Cộng tác viên Salêdiêng.

Đức Tổng Giám Mục Fransoni, dù đang bị lưu đày tại Lyon, vẫn thôi thúc Don Bosco nghĩ đến tương lai cho công cuộc bằng cách tìm ít là một người kế vị cho mình. Đức Tổng cho ngài năng quyền trao áo dòng cho bốn tu sinh đầu tiên, kể họ như là chủng sinh bị giải tán vì lý do đóng cửa chủng viện.

Ngày 2 tháng 2 năm 1851, cha Ortalda, giám đốc các trường tông đồ Martinetto được mời trao áo dòng cho bốn tu sinh tiên khởi của Don Bosco (IV, 230).

Năm 1852, với văn thư đề ngày 31 tháng 3, đức tổng giám mục đặt Don Bosco làm giám đốc linh hướng cho Nguyện xá. Ngày 5 tháng 6, ngày kỷ niệm lần thứ 11 ngày thụ phong linh mục của mình, Don Bosco đề nghị khoảng mươi học sinh cùng với một thầy sáu từ đại chủng viện bị giải thể, trong suốt một năm, đọc Bảy sự vui kính Đức Mẹ vào mỗi Chúa Nhật. Có lẽ hiểu được ý đồ của Don Bosco nên khi lập xong danh sách, chàng thanh niên Rua đã thêm những lời này: “Lạy Chúa, xin làm cho những ai có tên trong mảnh giấy này được nên thánh” (IV, 429).

Ngày 3 tháng 10 cùng năm, vị thánh có được niềm vui trao áo dòng cho chàng thanh niên Rua và Rocchietti. Năm sau, 1853 ngài lại ban áo dòng cho chàng thanh niên Francesia.

Năm 1854, ghi dấu chính thức ngày đặt tên Salêdiêng cho các tu sinh. Ngày 26 tháng giêng, Don Bosco chọn những thầy tư giáo Rua, Rocchietti, các học sinh Artiglia và Cagliero, và đề nghị với họ: “Với sự trợ giúp của Chúa và thánh Phanxicô Salê, thực hành đức bác ái đối với tha nhân, hướng tới lời tuyên hứa và rồi nếu điều kiện cho phép, tuyên khấn với Chúa” (V, 9). Từ chiều hôm đó trở đi, Don Bosco bắt đầu gọi tất cả các thành viên trong nhóm thử nghiệm ấy là Salêdiêng.

Hướng đi của Don Bosco khởi sự mang tính cách giáo luật để rồi hàng chục năm liên tiếp, cứ tiến mãi: năm 1854-1864: huấn luyện đời tu trì; 1864-1874: ổn định về giáo luật, từ Decretum Laudis (23.7.1864) tới sự phê chuẩn Hiến Luật (3.4.1874); 1874-1884: giải quyết xong kháng thư của toà giám mục và ban nhiều đặc ân miễn trừ.

Tháng 8 năm 1854, linh mục Vittorio Alasonatti, một người lớn tuổi đầu tiên, gia nhập vào nhóm thanh niên tu sinh (V, 71). Vị linh mục này bỏ trường làng Aviglia, đến giúp Don Bosco, ngài là người khôn ngoan và anh hùng trong việc bác ái chăm sóc bệnh nhân dịch hạch ở thành phố Torino, các miền phụ cận và tại quận Pinerolo (V,76-86; 87-117).

Ngày 22 tháng 11 lễ thánh Cêcilia. Don Bosco làm phép và ban áo dòng cho thầy Cagliero, người được phép lạ khỏi bệnh bị lây nhiễm vì đã giúp bệnh nhân dịch hạch (V, 104-110). Đã một tháng, Nguyện xá có diễm phúc được một vị thánh trẻ ở giữa các thanh thiếu niên là Đaminh Saviô (V,126)

Ngày 25 tháng 3 năm 1855, lễ Truyền tin, trong phòng Don Bosco, thầy Rua khấn tạm một năm giữ nghèo khó, thanh khiết và vâng phục. Sau đó ít lâu, cả cha Alasonatti cũng làm theo (V, 313).

Năm 1856, Don Bosco khuyên Đaminh Saviô hăng say khích lệ các bạn lên rước lễ, điều mà ngài thấy có vẻ đang nguôi dần. Cậu bé thiên thần này hoạch định và lập nên hội Đức Mẹ Vô Nhiễm, với sự giúp đỡ của Giuseppe Bongiovanni cậu soạn thảo luật hội. Don Bosco ưu ái chấp nhận và tuyên bố hội được thành lập (V, 478-487; VII, 337). Hội Vô Nhiễm trở thành đá góc cho công việc đào luyện các đệ tử. Don Bosco quen gọi hội này là “vệ sĩ” của ngài (VII, 415-416). Về sau ngài đã nắm phần chủ chốt qua việc hướng dẫn thiêng liêng trong phép giải tội và những bài huấn đức quen làm trong phòng ngài sau giờ kinh tối khi các thanh thiếu niên khác đã ngủ.

Trong thời gian đó, Don Bosco vẫn tiếp tục tham khảo quy luật và hiến pháp của các dòng tu khác, hội ý các giám mục và các giáo sỹ có uy tín, cách riêng cha Cafasso, hầu có thể soạn thảo bản Luật dòng đệ trình lên Đức Piô IX vào năm 1858. Chuyện này chúng ta sẽ bàn riêng. Ở đây chúng ta chỉ nêu ra điểm nổi bật, là cho dù Đức Piô IX đã duyệt xét, Don Bosco vẫn thận trọng. Thay vì đưa thẳng lên thánh bộ đặc trách về giám mục và dòng tu để nghiên cứu và phê chuẩn, ngài xin phép Đức thánh cha đưa về Torino cho các tu sinh thử nghiệm.

Mãi đến ngày 9 tháng 12 năm 1859, ngài mới quyết định chính thức lập Tu hội. Ngài kêu gọi  tất cả những ai cảm thấy mình muốn kết nạp vào việc này bằng lời khấn, đến tham dự buổi họp được tổ chức ngày 18 tháng 12 năm 1859. Chiều mùng 9 một số người rời phòng Don Bosco băn khoăn bàn luận: “Don Bosco muốn cho tụi mình trở thành thầy dòng sao đấy?”. Chính Cagliero cũng phải dằn vặt với tư tưởng này lâu lắm. Chàng cứ đi đi lại lại dưới hành lang, suy nghĩ đôi ngả: lòng yêu mến Don Bosco hay tính linh động độc lập của mình! Rốt cuộc cương quyết tự nhủ: “Thầy tu hay không cũng vậy thôi. Mình đã ở với Don Bosco, mình sẽ không bao giờ bỏ Don Bosco!” và chàng đã viết cho ngài về quyết định của mình. Khi gặp chàng, Don Bosco khích lệ: “Con đến nhé, đây mới là con đường của con” (VI, 333-334) .

Ngày 18 tháng 12 năm 1859 những người họp tại phòng Don Bosco: linh mục Alasonatti Vittorio, thầy sáu Angelo Saviô, phụ phó tế Micae Rua, tư giáo Giovanni Cagliero, Giovanni Battista Francesia, Francesco Provera, Carolo Ghivarello, Giuse Lazzero, Bonetti Giovanni, Anfossi Giovanni, Marcellino Luigi, Francesco Cerutti, Celestino Durando, Secondo Pettiva, Antonio Rovetto, Giuseppe Bongiovanni Cesare và thanh niên Luigi Chiapale. Căn cứ vào biên bản cuộc họp thì: “Tất cả nhóm đều có một mục đích và cùng một tinh thần: cổ võ và giữ tinh thần bác ái chân chính cần thiết cho Nguyện xá để giúp giới trẻ bị bỏ rơi và đang gặp nguy hiểm, là những người trong thời đại nhiêu khê này, bị lôi kéo gây hại cho xã hội và đang sa vào sự dữ và vô đạo”.

Đặt mình dưới sự bỏ phiếu, Don Bosco tỏ ra quá khiêm tốn đến nỗi mọi người đồng thanh xin ngài chấp nhận chức vụ bề trên cả. Vị thánh ưng thuận với điều kiện đựơc phép chọn phụ tá theo ý mình. Rồi ngài chọn, đúng hơn, ngài xác nhận cha Alasonatti, linh mục duy nhất, vốn đã đảm nhiệm công việc này kể từ năm 1854. Cuộc bầu phiếu kín cho kết quả sau đây: “Phụ phó tế Micae Rua là linh hướng, phó tế Angelo Saviô làm quản lý, thầy Gioan Cagliero và Carolo Ghivarello làm cố vấn” (V, 336).

Ban cố vấn tiên khởi vừa thành hình này đã nhóm phiên họp đầu tiên ngày 2 tháng 2 năm 1860, để bỏ phiếu nhận thanh niên Giuseppe Rossi làm sư huynh, sau này điều hành mọi công việc trong nhà (VI, 479-80).

Căn cứ vào biên bản cuộc họp, cha Leymoyne lần lượt tường trình việc kết nạp các hội viên vào Tu hội cho đến năm 1865. Ở đây chúng ta chỉ nêu lên việc tiếp nhận vài vị: Paolo Albera, và Giovanni Garino ngày 1 tháng 5 năm 1860; thầy tư giáo Domenico Ruffino, Francesco Vaschetti và thanh niên Eduardo Donato ngày 3 tháng 5 năm sau (VI, 511-12).

 Năm 1860, Don Bosco được an ủi vì lễ truyền chức linh mục cho quản lý Angelo Saviô ngày 2 tháng 6 và của vị linh hướng Micae Rua ngày 29 tháng 7 (VI, 588-703,706).

Một số thanh niên khác trong Nguyện xá trước đó cũng đã được chịu chức. Cha Felice Reviglio thụ phong ngày 6 tháng 6 năm 1857; thế nhưng, chính buổi chiều ngày làm lễ mở tay cha bỏ Nguyện xá sang giáo phận và đã làm nhiều việc tốt lành sau này. cha Giuseppe Rocchietti chịu chức ngày 18 tháng 12 năm 1858, cha ở lại với Don Bosco cho tới năm 1862, và vì sức khoẻ yếu kém phải chuyển sang địa phận và làm cha sở rất nhiệt thành ở giáo xứ San Gilio (V, 649-650; VI, 112-113; VI, 308).

Những vị linh mục kể trên đều biết ơn và thương nhớ Don Bosco lắm, họ đã tham dự đại hội Cựu học viên và làm ngài được an ủi nhiều vì lòng nhiệt trong chức linh mục của họ.

Năm 1860, ma quỷ báo thù Don Bosco với cao điểm là hai vụ xét nhà Nguyện xá, nhằm ngày 26 tháng 5, và 9 tháng 6. Don Bosco mô tả sự  kiện này cách tỉ mỉ làm điển hình cho các hội viên Salêdiêng. Cha Lemoyne cũng đã ghi chép tất cả những chi tiết này trong hồi sử cuốn VI trang 552, và 610 tiếp theo.

Ngày 11 tháng 6, coi như đã không có gì xảy ra, các hội viên ký tên vào bản Luật dòng chính thức hầu trình lên đức tổng giám mục và toà thánh.

Đang khi công việc cứ tiếp diễn, mà chúng ta sẽ bàn tới trong chương sau, thì ngày 21 tháng 5 năm 1861, phiên họp ban cố vấn bắt đầu thảo luận về vấn đề nhận một hội viên dòng ba. Đó là linh mục Giovanni Ciattino, cha xứ Maretto d’Asti (VI, 956). Ngài được nhận làm Salêdiêng ngoại trú với số phiếu nhất trí hoàn toàn, theo như Hiến luật tiên khởi. Trong khoản luật có khoản xác nhận rằng dòng Salêdiêng gồm hai thành phần: thành phần thứ nhất có lời khấn và đời sống cộng thể, thành phần thứ hai không có lời khấn và không có đời sống chung. Chúng ta sẽ có dịp xét về vấn đề này cách cụ thể để tìm hiểu đâu là sáng kiến độc đáo về giáo dân tính. Khoản luật này đã bị thánh bộ đặc trách về giám mục và dòng tu bác bỏ. Don Bosco giải quyết vấn đề này bằng cách lập hội dòng ba riêng ra vào năm 1874, lấy tên là Cộng tác viên Salêdiêng.

Năm 1862 đánh dấu ngày những anh em đầu tiên khấn tạm ba năm. Don Bosco đã dồn nỗ lực chuẩn bị cho các anh em này ngay từ đầu năm và ngày 8 tháng 5 họ tụ tập trong phòng ngài, trong số có cả linh mục lẫn tư giáo và giáo dân trẻ tuổi. Ngài giảng một bài rất cảm động. Ngài diễn giảng về sự cao đẹp, về công phúc của kẻ được Chúa chọn vào sứ mệnh cứu rỗi linh hồn. Ngài chậm rãi diễn tả tình yêu Chúa Giêsu đối với giới trẻ, làm nổi bật vụ mùa Chúa ban cho họ. Rồi ngài đề nghị với họ: “Làm cuộc thử, qua việc liên kết với Đấng Cứu Thế bằng một tình yêu thắm thiết hơn, bằng cách hứa tuân giữ tu luật và khấn với Chúa giữ đức thanh bần, thanh khiết và phục tùng trong ba năm”. Tất cả chấp thuận và họ ấn định ngày khấn vào thứ tư 14 tháng 5 năm 1862.

Ta hãy tưởng tượng mình đang tham dự lễ nghi âm thầm và thân mật đó. Tối hôm ấy, sau giờ kinh, các học sinh đã lên giường ngủ yên tĩnh, Don Bosco mặc áo các phép và đeo dây stola, quỳ gối trong phòng của mình trước tượng Chịu nạn thô sơ, 22 người tiên khởi, phủ phục quanh ngài. Ta nên ghi nhớ tên của họ: bốn linh mục, cha Alasonatti, Cha Rua, cha Saviô, cha Rocchietti; hai thầy sáu: Cagliero và Francesia; mười bốn tư giáo: Dominico Ruffino, có chức nhỏ, Durando Celestino, Giovanni Battista Anfossi, Giovanni Boggero, Giovanni Bonetti, Ghivarello Carlo, Francesco Cerrutti, Luigi Chiapale, Giuseppe Bongiovani, Giuseppe Lazzero, Francesco Provera, Giovanni Garino, Luigi Jarach, Paolo Albera; hai sư huynh là thầy Stefano Oreglia em của một Đức Hồng Y và thầy Giuseppe Gaia.

Khuôn mặt rực sáng niềm vui, sau kinh cầu Chúa Thánh Thần, Don Bosco tiếp nhận lời khấn của những người con thân yêu. Họ đọc rành mạch từng chữ theo những lời cha Rua xướng trong bản mẫu tuyên khấn. Thế rồi, ngài bắt đầu nói cho họ những điều cần phải giữ để thực hành lời khấn bằng những lời lẽ đầy tình cha con. Ngài khuyên họ phải cởi mở cõi lòng bày tỏ những nỗi nghi ngờ, ưu tư để được lời khuyên, khích lệ, và nếu cần, tháo gỡ lời khấn, vì ngài có đủ thẩm quyền làm như vậy. Để tránh thắc mắc về việc ngài có khấn hay không, ngài nói:

Đấy nhé, khi các con tuyên khấn trong tay cha, cha đã khấn trọn đời trước ảnh Chuộc tội này, bằng việc dâng mình làm hy lễ cho Thiên Chúa, sẵn sàng làm mọi sự để tìm danh Chúa và phần rỗi các linh hồn, đặc biệt linh hồn các thanh thiếu niên. Xin Chúa giúp chúng ta trung thành tuân giữ  lời đoan hứa này”.

Dường như tối hôm đó, người cha hiền không biết cách nào để buông đoàn con mình. Ngài tiếp: “Các con thân mến, chúng ta đang sống trong thời kỳ lũng đoạn, và có vẻ là sự liều lĩnh, trong thời buổi khó khăn này, chúng ta lại đâm đầu vào một cộng đoàn tu mới lập, đang khi thế gian và hoả ngục có đủ khả năng đảo lộn trái đất. Nhưng hệ gì đâu, cha có lý vững chắc để quả quyết rằng Chúa muốn dòng chúng ta thành lập và tiếp tục mãi. Rất nhiều sức mạnh đã tìm cách cản trở việc này, thậm chí có những kẻ cố chấp tìm cách phá hoại, nhưng hết thảy đều không xuôi. Dầu vậy, họ đã phải trả giá rất đắt. Tối nay, cha không thể kể hết cho chúng con về những ơn đặc biệt Chúa phù hộ chúng ta, kể từ khi thành lập Nguyện xá đến bây giờ. Mọi sự đều chứng minh rằng chúng ta có Chúa ở cùng. Chúng ta có thể tin tưởng vững mạnh tiến lên, vì biết rằng chúng ta đang làm theo thánh ý Chúa; nhưng không chỉ vì lý chứng này mà cha hy vọng vào Tu hội, còn có lý chứng khác lớn lao hơn nhiều. Chính những lý chứng đó làm cho chúng ta dám theo đuổi một mục đích duy nhất là vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Biết đâu Chúa lại không dùng Tu hội chúng ta như dụng cụ khiêm tốn để làm nhiều điều hữu ích cho Giáo hội. Nếu Chúa cứ tiếp tục giúp chúng ta như ngài đã làm suốt 20 đến 30 năm nay thì Tu hội sẽ tăng lên tới hàng ngàn hội viên. Với thiện chí và lời giảng dạy của họ, cha nghĩ họ sẽ khai hoá được tầng lớp dân chúng thấp kém. Một số hội viên khác sẽ dấn thân vào việc giáo dục thanh thiếu niên bị bỏ rơi. Có hội viên sẽ lo mở trường học, có hội viên khác lo phổ biến các sách báo tốt. Nói tóm lại, với tư cách là Kitô hữu quảng đại, họ sẽ bênh vực thẩm quyền Đức Thánh Cha và các thừa tác viên của Hội Thánh. Còn việc thiện nào mà họ chẳng làm. Đức Piô IX tin rằng chúng ta đã sẵn sàng ở trong hàng ngũ: đây, tối hôm nay chúng ta đang ứng trực trong hàng ngũ; cùng với ngài chúng ta chiến đấu cho Giáo hội, tức là chiến đấu cho Thiên Chúa. Hãy can đảm lên, và nhiệt thành làm việc. Chúa là ông chủ tốt lành ngài biết phải trả công thế nào. Nơi vĩnh cửu sẽ có đủ thời giờ cho chúng ta nghỉ ngơi” (VII, 163-164).

Phần còn lại có thể tóm lại như sau: một tháng sau đó, ngày 14 tháng 6, thầy Cagliero và thầy Francesia thụ phong linh mục (VII, 180-181); năm 1863, mở nhà ở ngoại ô Torino, đó là tiểu chủng viện thánh Carlo ở Mirabello Monferrato. Ngày 23 tháng 7 năm 1864, tòa thánh ban “Sắc lệnh khen ngợi” cho Tu hội Salêdiêng (VII, 705-708).

Mùa thu năm ấy, mở trường trung học ở Lanzo Torinese (VII, 806). Ngày 29 tháng 1 năm 1865, Don Bosco bắt đầu giảng huấn thường niên cho giám đốc các nhà, kể cả cha Pestarino tuyên uý nhà Mornese (VII,20), thông thường ngài giảng vào dịp lễ thánh Phanxicô Salê.

Ngày 27 tháng 4, đặt viên đá đầu tiên cho đền thờ Mẹ Phù Hộ (VIII, 99). Don Bosco tự làm phép viên đá đầu tiên ấy một năm trước đó, khoảng tháng 4 năm 1864. Lúc bấy giờ chỉ có các học sinh và các thợ xây hiện diện.

Ngày 29 tháng 10, Don Rua được cử làm Tổng Quản Tu hội vì cha Alasonatti mới qua đời tại Lanzo ngày 7 tháng 10 (VIII, 288). Cha Francesia được cử làm tổng giám linh. Ngày 10 tháng 11 thầy Lemoyne, người đầu tiên được khấn trọn mà không cần khấn tạm (VIII, 241).

Ngày 15 cử hành nghi lễ khấn trọn của cha Rua, Cagliero, Francesia, Ghivarello, Bonetti; các tư giáo: Enrico Bonetti, Racca, sư huynh Gaia va Domenico Rossi (VIII, 241).

Ngày 13 tháng 12 cha Francesia đỗ tiến sĩ văn chương ((VIII, 250). Năm 1866, khởi đầu những kỳ tĩnh tâm riêng cho các hội viên tại Trofarello (VIII, 445).

 Ngày 19 tháng giêng năm 1868, Đức cha Ferré giám mục giáo phận Monferrato ra sắc lệnh chấp nhận Tu hội Salêdiêng trong giáo phận (IX, 65).

Ngày 19 tháng 6 năm 1868, cung hiến đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ (IX, 240-281). Ngày 19 tháng 2 năm 1869, thánh bộ đặc trách về giám mục và dòng tu phê chuẩn Tu hội Salêdiêng và ban sắc lệnh đề ngày 1 tháng 3 với tựa đề: “Salus animarumphần rỗi các linh hồn” (IX, 558-59).

Năm 1872, thành lập Tu Hội Con Đức Mẹ Phù Hộ. Ngày 3 tháng 4 năm 1874, Hiến Luật được phê chuẩn (X, 796-98). Năm 1875, mở nhà tại Nizza – Pháp và gởi đoàn truyền giáo đầu tiên (XI, 372-90). Ngày 9 tháng 5 năm 1884, tòa thánh ban đặc ân miễn trừ (XVII, 136-142).

Sự Phát Triển Kỳ Diệu     

Những khó khăn Don Bosco tiên liệu vào năm 1862, nay đã trải qua. Năm 1869, khi toà thánh phê chuẩn Tu hội Salêdiêng thì đã có hơn một trăm hội viên: 22 linh mục, 26 hội viên khấn trọn kể cả tư giáo lẫn sư huynh, 33 tu sĩ khấn tạm, 31 đệ tử (IX, 73).

Năm 1887, theo tiên đoán 25 năm trước, số Salêdiêng lên tới 1049. Khi Don Bosco qua đời vào năm 1888, trong số 1049 hội viên, có một giám mục là đức cha Cagliero, một đại diện tông toà là đức ông Fagnano, 298 hội viên linh mục khấn trọn, 262 tư giáo, 116 sư huynh. Ngoài ra còn có 95 hội viên khấn tạm ba năm gồm 1 linh mục, 23 tư giáo, 71 sư huynh; và 276 tập sinh gồm 5 linh mục, 171 tư giáo, 100 sư huynh và 183 đệ tử. Salêdiêng hồi đó có 59 nhà, thêm hai trung tâm tuyên uý cho đồng bào di cư.

Đúng một thế kỷ sau ngày ban Sắc lệnh Ngợi Khen, năm 1964, Tu hội Salêdiêng có 1348 nhà, 22.042 hội viên, trong đó có 10.277 linh mục, 6330 tư giáo, 4250 sư huynh, 1185 tập sinh (theo bản thống kê của văn phòng tổng thư ký).

Cha Ceria nhận xét: “Trong lịch sử Giáo hội đã không thấy những gương mẫu của các vị sáng lập phải long đong lận đận, tìm kiếm những đứa trẻ đầu đường xó chợ và rồi kiên tâm uốn nắn chúng thành những viên đá nền tảng cho dinh cơ dòng tu của mình; những gương mẫu được trình bày thường là những nhân vật đã sẵn sàng đặt mình dưới kỷ luật của các thánh sáng lập và không ngần ngại cộng tác để xây dựng nền tảng cho các sự nghiệp do Chúa an bài” (XI, 156).

Sau này chính Don Bosco đã thổ lộ những thuận lợi của sự mới mẻ trong việc lập Tu hội Salêdiêng. Hôm ấy ngày 17 tháng 5 năm 1877, nhân tiện bàn chuyện với cha giáo tập Barberis về việc kết nạp bá tứơc Carolo Cays vào Tu hội, ngài nói: “Tất cả các dòng tu khác lúc đầu đều được các nhà trí thức thông thái cộng tác, giúp đỡ vị sáng lập như những đồng chí. Còn chúng ta thì không, tất cả đều là học sinh của Don Bosco. Điều này làm cho cha mệt mỏi vô kể trong suốt 30 năm trường. Nhưng vì tất cả đều được Don Bosco giáo dục nên có mối lợi là họ có cùng một phương pháp và cùng một kiểu làm việc. Những người gia nhập các dòng khác để cộng tác với vị sáng lập của họ đều lớn tuổi, và đã được đào luyện theo kiểu riêng, không còn có thể trút khỏi con người Adam cũ của mình. Rồi đến một cỡ tuổi nào đó, họ tạo ra những yếu tố dị biệt để kết thúc bằng việc phân chia dòng. Giữa chúng ta, chưa thấy một ai vào dòng mà thuộc gia đình quí phái hoặc quá giàu sang hay quá trí thức. Tất cả những điều họ làm và học hỏi đều được làm và học hỏi tại đây. Ai chưa từng đi sâu vào vấn đề hội dòng và dòng tu thì không thể hiểu được điều quan trọng này. Những ai đã từng suy nghĩ kỹ về những lý do lớn mạnh và sa sút của các dòng tu, về nguồn gốc những vụ phân ngành mà các dòng ấy phải gánh chịu, tất cả là sẽ thấy rõ do thiếu tính chất thuần nhất ngay từ ban đầu” (XIII, 220-221).

Nhận xét tinh vi này làm ta hiểu rõ ơn quan phòng mới lạ của Chúa trong việc hình thành Tu hội chúng ta. Điều mới mẻ đầu tiên đó là tất cả các học sinh đều xuất thân từ điều kiện nghèo hèn, lớn lên trong bầu khí gia đình tại các nhà của Don Bosco và được ngài nâng lên mức độ cao của ơn gọi.

Chúng ta hãy xem vị thánh đã biết giáo dục và rèn luyện chúng về đời tu như thế nào. Dẫu chỉ là một thứ thử nghiệm đầu tiên trong Giáo hội, Don Bosco vẫn không dấu nổi sự ngỡ ngàng của mình trước sự tăng trưởng mau lẹ của Tu hội mà ngài đã lập nên với những đứa trẻ bình dân, nhờ kiên nhẫn giáo dục và hướng dẫn chúng trên đừơng trọn lành thánh hiến qua lời khấn.

Ngày 30 tháng 1 năm 1871, khi kết thúc bài giảng đầu năm cho các giám đốc và hội viên, ngài cảm động thốt lên những lời này: “Sự tăng trưởng lạ lùng của Tu hội chúng ta phải là một phép lạ trong thời đại khốc liệt đầy những xáo trộn và chiến tranh tàn bạo đang hành hung các kẻ lành. Chính trong một thời mà hầu hết các dòng tu đều bị luật dân sự phế bỏ, các đan sĩ cũng không thể sống yên trong nội vi, thậm chí không gặp nổi anh em cùng dòng, chúng ta lại được hội họp như thường; trước mặt kẻ thù nghịch chúng ta điềm nhiên tăng trưởng, mở mang cơ sở và làm bất cứ việc nào. Thế giới biết có bàn tay Chúa và Đức Mẹ bảo vệ chúng ta. Luật nhà nước đâu còn chấp nhận các tu sĩ, nhưng mặc kệ, mặc áo hay không mặc áo, chúng ta cứ làm việc. Họ không chịu nổi chiếc áo chùng thâm? Nào có hệ gì, ta lại mặc thứ áo như bao nhiêu người và vẫn cứ tiếp tục làm việc thiện. Lại còn để râu dài, nếu cần. Việc lành nào có hệ ở chòm râu. Chúng ta chống lại nhóm Tam điểm, hết thảy họ ghét và làm khổ chúng ta, vậy mà chúng ta được bình an, vì có Chúa trợ giúp. Chúng ta ngược với số lớn phóng viên báo chí, vậy mà công chúng cứ tín nhiệm chúng ta, họ ùn ùn dẫn trẻ đến ký thác cho chúng ta chăm nom đến nỗi không nhận kịp” (X, 1058).

Trong dịp giảng huấn mùa thu, ngày 23 tháng 9 năm 1875, ngài khuyên các hội viên hãy sốt sắng cảm tạ Chúa: “Thôi bây giờ chúng ta kết thúc bài giảng bằng cách ngợi khen lòng nhân lành Chúa và Đức Maria Phù hộ về tất cả những điều chúng ta thấy xảy ra cho Tu hội. Xét theo con người thì không thể nào thấu hiểu nổi những lý do của những sự việc ấy: những dòng tu khác thì suy sụp, còn Tu hội chúng ta lại tăng triển cách diệu huyền, các trường khác không có học sinh, đang khi chúng ta không đủ chỗ để chứa. Hội viên thì chưa làm xong việc A đã phải làm việc B. Họ luôn có việc làm thích hợp cho mình. Cha như thấy những người mới vào Tu Hội ai nấy đều đầy hăng hái và thiện chí, kẻ nọ thôi thúc người kia tiến lên mãi, tiến hoài; còn những người làm bề trên thì luôn nảy sinh những sáng kiến và những công tác mới. Họ nóng lòng mong có người tiếp nối để nhường chỗ hầu có thể đẩy mạnh những dự án khác lớn lao hơn. Phải, chúng ta hãy cám ơn Chúa vì sự tăng triển của Tu hội. Quan trọng hơn cả là số hội viên mỗi ngày một tăng thêm, được huấn luyện chu đáo hơn, có tinh thần tu trì và khả năng hơn, kể cả tư giáo lẫn sư huynh. Đấy là một bằng chứng có bàn tay dẫn dắt của Chúa. Thật vậy, họ đã hy sinh nhiều. Có thế, mới thấy được những hạt giống được gieo vãi thế nào và những hy sinh đã được thưởng công xứng đáng…” (XI, 357).

Năm 1876, con số hội viên Salêdiêng đã lên tới 330, trong số đó có 112 khấn trọn, còn lại là khấn tạm, chưa kể các tập sinh và tu sinh. Trong vòng 4 năm, con số nữ tu Con Đức Mẹ Phù hộ lên tới 120. Ngày 27 tháng 1, trong bài giảng huấn thường niên, Don Bosco đã tường trình cách bao quát về các nhà ở tại Mỹ châu (Buenos Aires): Ngài tỏ ra mừng không chỉ vì sĩ số tăng thêm mà nhất là vì tinh thần tu trì cao độ. Ngài nói: “Nếu phải kể điều cha thấy về hiện tình công cuộc chúng ta, cha có thể hãnh diện bảo đảm với các con rằng cha rất hài lòng. Sự gia tăng ấy làm cha hoảng sợ nếu không tin tưởng mãnh liệt và Chúa là Đấng sắp xếp mọi việc cách xuôi chảy; phần nào cha sợ thật, vì thấy Tu hội chúng ta tăng trưởng quá nhanh. Điều làm cha được an ủi hơn cả là thấy các hội viên có tinh thần tu trì. Lý tưởng cho dự tính khi mới thu thập một số người giúp cha làm việc cho vinh danh Chúa nay đã thành tựu. Nhìn chung, cha thấy một tinh thần xả kỷ rất anh hùng, một tinh thần từ bỏ ý riêng và đức vâng lời khiến cha cảm phục…” (XII, 77-78).

Bài giảng này cũng như bài giảng ngày 6 tháng 2 năm 1877 đáng được in lại cả nơi đây, nhưng chúng ta chỉ gợi lại mấy nét thôi (XIII, 67-83). Cũng nên nhớ rằng cho tới năm 1877, vị thánh còn phải mướt mồ hôi để Tòa thánh cho phép ngài lấy lại các cơ sở của Giáo hội hoặc dòng tu đã bị nhà nước tịch thu, mà trong thời gian hình thành nước Ý đã bị bán hoặc tục hóa. Thế nhưng, vào tháng giêng năm 1877, chính Đức Thánh Cha lại khích lệ ngài.

Don Bosco tâm sự với các giám đốc: “Hiện giờ, tại Roma chính Đức Thánh Cha không những cho phép mà còn nhờ cha chuộc lại những cơ sở của các thầy dòng để làm nơi ở cho chúng ta. Như vậy, vừa để trả về cho Giáo hội cái đã bị chiếm, vừa để duy trì những ngôi nhà được xây cất cho vinh danh Chúa theo như mục đích nguyên thủy của nó, vừa để cho những cở sở đó khỏi rơi vào tay phàm tục. Vậy từ đây trở đi, nếu cơ hội cho phép chúng ta làm như vậy, thì nên biết rằng không có khó khăn gì từ phía Roma. Nào có ngờ được rằng ở những nơi đầy lường gạt như vậy mà chúng ta vẫn chưa phải lùi một bứơc… Chúng ta cứ tiến mãi. Mỗi dự tính, không ngờ đạt kết quả như vậy, đang khi ta liên tục trông thấy những người khác phải rời chỗ ở. Chính Thiên Chúa làm chúng ta tiến lên như buồm căng gió. Phải nói là đui mù nếu chúng ta không nhìn ra bàn tay của Thiên Chúa trong mọi nơi mọi lúc…” (XIII, 67).

Chúng ta hãy nghe thêm lời bộc lộ chân tình của Don Bosco cho cha giáo tập Giulio Barberis. Tháng 9 năm 1878, sau khi đã rảo xét qua 20 nhà mới mở năm đó, ngài nói: “Phải chăng, sự phát triển của dòng là thế? Có thể nói rằng tất cả chống lại chúng ta, và chúng ta phải đấu tranh với tất cả. Thế giới luật pháp tuyệt đối nghịch lại chúng ta, ngay một số dòng tu thấy mình xuống dốc mà chúng ta lại đang tiến lên, liền coi chúng ta thế này thế nọ. Gió thổi ngược chiều con thuyền chúng ta từ phía ban cố vấn Tòa Giám mục, gia đình và xã hội. Giả như Chúa không muốn, khó làm nên nông nổi gì. Tuy nhiên, hiện giờ trông thấy lòng nhân lành Chúa Quan Phòng, chúng ta phải ngạc nhiên hơn nữa, vì không những chúng ta có thể vững tiến mà còn có một chân trời thật rõ rệt hiện ra trước mắt chúng ta biết mình đi về đâu, đường lối của chúng ta đã được vạch ra rồi…” (XIII, 891).

Trang kế tiếp cho chúng ta thấy những dự tính rất lý thú đã từng vương vấn tâm trí vị thánh, và dần dần phần lớn đã được thực hiện (XIII, 892).

Xem ra điều chúng ta vừa trích dẫn đủ làm ta thấy quyền năng của Chúa trong lịch sử Tu hội, y như điều Đức Piô IX nhận thấy trong buổi triều yết đáng ghi nhớ mà chúng ta đã đề cập tới trong đoạn đầu chương này.

Để có thể thâu thập tất cả các sự kiện cũng như tài liệu rải rác trong 19 cuốn hồi sử, chúng ta phải viết tới hơn một cuốn sách.

Thay vào đó, chúng ta rảo qua và ít ra cũng nên nhắc lại để tỏ lòng tri ân với Chúa – Đấng ban sức sống và sự tăng triển lạ lùng cho Tu hội, được cấu tạo từ những người trẻ, tương xứng với tài trí khôn ngoan của Don Bosco, trong việc hun đúc những đứa con nghèo hèn bằng những lý tưởng cao siêu, đào tạo chúng theo nhu cầu đời sống tu trì và những công việc phi thường mà vị thánh cứ dần dần trao phó cho chúng.

Chương 2

Hiến Luật Tu Hội Salêdiêng

Phụng vụ lễ thánh Gioan Bosco áp dụng tư tưởng sách các vua quyển III chương 4 câu 29 như sau: “Chúa đã ban cho ngài trí khôn ngoan minh mẫn tuyệt vời và một con tim như bãi biển mênh mông”. Những ân huệ này tỏ rõ qua các hành vi trong cuộc sống, cách riêng trong việc thiết lập Tu hội.

Dù phải thiết lập Tu hội với những đứa trẻ trong thời buổi cực kỳ khó khăn, khi mà đời sống Giáo hội và tu trì có nhiều “trục trặc” và bầu khí ngột ngạt của cảnh hỗn độn dân sự, ngài đã xúc tiến cách khéo léo trong đòi hỏi chúng về bổn phận và lôi cuốn chúng bằng sự dễ mến của ngài.

Chúa Quan Phòng an bài cho Mẹ Magarita ở cạnh ngài suốt mười năm, kể từ năm 1846. Mẹ đem lại cho nội bộ Nguyện xá một nếp sống gia đình. Công việc cứ thế trôi chảy mà không cần luật lệ. Don Bosco một đàng lo cho các em nội trú, một đàng cứ quảng đại nhận các em mới. Mẹ Magarita đóng vai trò bà mẹ lo cho các học sinh và tư giáo, coi chúng như những đứa con nhỏ bé của mình.

Cha Giacinto Ballesio vào Nguyện xá sau khi Mẹ Magarita và Đaminh Saviô từ trần, thế mà ngài vẫn cảm thấy rõ tinh thần gia đình. Ngài miêu tả tinh thần này cách tuyệt diệu trong bài điếu văn nhân dịp tang lễ Don Bosco do các các cựu học viên tổ chức tại đền thờ Đức Mẹ Phù hộ. Bài được đăng với nhan đề “Đời sống nội tâm của Don Bosco”. Xin trích đoạn tiêu biểu:

Một trong những đức tính của Don Bosco là khả năng gây thiện cảm nơi các thanh thiếu niên. Đó là: niềm vui được đan dệt bằng những tâm tình mến thương, lòng tri ân và tín nhiệm trong tình cha con. Ngài là người chúng tôi cho là có uy tín, có lòng nhân từ và có sự trọn lành Kitô hữu. Trong những năm ấy, từ 1857-1860, Don Bosco luôn sống giữa chúng tôi vì chưa có nhà nào khác, ở Nguyện xá. Cuộc sống tương tự nếp sống gia đình. Nơi đây người ta thương mến Don Bosco, mong sao cho vừa lòng ngài. Lòng ngưỡng mộ chỉ có thể nhắc tới chứ không diễn tả nổi. Tất cả những tâm tình đó làm nảy sinh nhiều đức tính cao đẹp giữa chúng tôi… Đời sống và việc làm của Don Bosco chủ trì mọi chuyện. Điều không thể nói ra được, điều không thể hiểu thấu, chính là: đời sống nội tâm, sự hy sinh liên lỉ, bình thản, dịu hiền, bất khuất và anh hùng của ngài, chính là nỗi quan tâm đầy tình thương đối với chúng tôi; chính là sự tín nhiệm, kính trọng, cảm phục và mộ mến ngài gieo vào trong trái tim chúng tôi, chính là uy tín lớn lao, chúng tôi nhìn ngài như một vị thánh, như một bậc thông thái, như một mẫu người lý tưởng về sự trọn lành. Ôi thật là một câu truyện khó tả, khó làm cho người ta hiểu và tin tưởng vẻ dịu hiền mà chỉ bằng một lời nói, một khoé nhìn, một cử điệu ngài đã in sâu vào tâm khảm chúng tôi. Cần phải xem tận mắt, bắt tận tay… Ngài dồn tất cả nghị lực, tài năng cũng như tình thương bao la cho chúng tôi và luôn ở cùng chúng tôi. Thế đấy, từ sáng tinh sương ngài đã ở với các con của mình. Ngài giải tội, làm lễ và cho rước lễ. Ngài không hề ở một mình: hoặc các thanh thiếu niên, hoặc vô số người khác luân phiên quấy rầy ngài, trong phòng áo, ngoài sân chơi, trên cầu thang, dưới hành lang, ở nhà cơm và nơi phòng ngủ. Cứ như vậy, từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối, hôm nay, ngày mai và luôn mãi; ngài luôn lưu tâm tới mọi sự, biết hàng trăm người con và gọi tên từng đứa một. Ngài hỏi han, khuyên răn và điều khiển. Ngài liên lạc với rất nhiều người khác gì những người lo đại sự. Ngài chỉ nghĩ tưởng và cung cấp cho nhu cầu vật chất và tinh thần cho Nguyện xá” (V, 737-738).

Năm 1883, cha Achille Ratti, sau này làm Đức Giáo hoàng Piô XI, vẫn còn nhìn thấy điều đó, đến nỗi vào ngày 20 tháng 2 năm 1927 khi tuyên dương nhân đức anh hùng của Don Bosco đã phải thốt lên: “Chúng tôi đã thấy con người này trong cuộc gặp gỡ không ngắn qua lần nói chuyện lâu giờ. Một diện mạo tuyệt diệu. Nơi ngài, không dấu nổi đức khiêm nhường vô biên, khôn dò, một khuôn mặt tuyệt vời mà khi mới thoạt nhìn hay lại gần ai ai cũng nhận ra, cho dù ngài lăng xăng giữa mọi người để thôi thúc công việc trong nhà… Một trong những đức tính đẹp nhất của ngài là luôn có mặt trong mọi sự, bận rộn với hàng loạt công việc, dồn dập những vấn đề , chồng chất những thỉnh cầu và xin ý kiến, thế mà lòng trí ngài vẫn luôn để một nơi, luôn ở trên cao…” (XIX, 81).

Ngày 3 tháng 12 năm 1933 trong sắc lệnh phong thánh có đoạn: “Cuộc sống như thế này quả là một cuộc tử đạo đích thực cao cả. Một nếp sống với công việc kếch sù. Chỉ cần nhìn thấy ngài ta dã có cảm tưởng như vị đầy tớ Chúa bị đè bẹp, một nếp sống kiên nhẫn không đổi thay, không vơi cạn, một nếp sống trung thực trong đức ái chân chính. Ngài kể mình là thừa thãi, nhưng  việc gì cần tới là ngài có mặt ngay, ứng trực cho bất cứ vấn đề nào…” (XIX, 250).

 Còn có lời chứng bao quát hơn nữa được gói ghém trong đôi lời của cha Balesio: “Món cháo, các món ăn rất tầm thường so với thời buổi đó. Hồi tưởng lại việc ăn uống ngủ nghỉ của ngài, chúng tôi thấy làm lạ không hiểu sao ngài có thể bỏ qua mà chẳng tỏ ra khổ sở hay phàn nàn chi cả. Còn chúng tôi cứ vui vẻ, cứ mến thương ngài. Đắm say trong bầu khí của những tư tưởng đẹp, chúng tôi chỉ nghĩ về ngài không nghĩ đến chuyện nào khác” (IV, 337).

Như vậy ngài thành công trong việc hun đúc ơn gọi nơi các thanh thiếu niên, dẫn chúng tới sự trưởng thành tròn đầy và có năng lực, bằng cách hết lòng tín nhiệm chúng và làm chúng say mê cái lý tưởng cao cả đã từng lôi cuốn hồn tông đồ của ngài. Chúng ta có thể thấy rõ điều này hơn trong các bài huấn đức của ngài về ơn gọi. Một số người tỏ vẻ khó chịu về cung cách tốt lành của ngài để làm cho Nguyện xá vào thời gian đầu được vận hành trôi chảy, khi thấy ngài làm ngơ trước biết bao khiếm khuyết.

Ta có niềm tâm sự của ngài tỏ cho nhóm Salêdiêng vào năm 1875 với một giọng cứng rắn: “Ai trong các con còn nhớ thời buổi đầu tiên trong Nguyện xá chăng? Bây giờ mọi việc dần dần đổi hẳn và đang tiến đến sự ổn định vững vàng. Rõ là chúng ta đang tiến và tiến quá mức. Lúc đó Don Bosco chỉ có một mình và sau này có thêm cha Alasonatti, nhưng cha ấy dạy học cả ban ngày lẫn ban đêm, viết sách, giảng huấn, coi học sinh và chạy kiếm tiền… Thường có những vụ lộn xộn bên ngoài, bất đồng giữa các thầy tư giáo về việc phải làm, tranh luận về vấn đề văn chương và thần học, tuy ngoài giờ, nhưng đôi khi khá gây cấn. Một số thầy nghịch ngợm trong nhà hội khi vắng mặt học sinh. Có người chẳng thức giấc đúng giờ, chỉ vì trời lạnh. Có kẻ vì lý do này lẽ kia, không vào lớp mà chẳng nói qua với bề trên. Về các việc đạo đức cũng thế. Họ cũng có làm gương đến tham dự các giờ đạo đức với trẻ như luật định, nhưng lại bỏ qua sách thiêng và nguyện ngắm, điều mà các nhà tu đức Kitô giáo đòi phải làm. Cha thấy những sự lộn xộn đó, cảnh cáo đương sự, nhưng rồi lại để cho tiếp diễn chỉ vì chưa xúc phạm đến Chúa. Giả như cha dứt khoát loại trừ những sự bất trắc ấy một lần cho xong, thì cha phải thải hồi tất cả các học sinh và đóng cửa Nguyện xá. Lý do là các tư giáo chưa thích nghi với nếp sống mới. Cha phải thở dài trước cảnh tượng lông bông gây nên bầu khí bê bối, khó chịu. Có nhiều kiểu sống phóng khoáng, biểu lộ nếp sống của những linh mục triều. Đã vậy, còn có những cám dỗ về phía phụ huynh chỉ muốn nài nẵng kéo con cái họ về gần nhà sau thụ phong linh mục. Cần xử lý khôn khéo mới đối phó nổi. Mặt khác, cha thấy những tư giáo đó dù nông nổi vẫn sẵn sàng làm việc, có lòng tôt và nền tảng luân lý vững chắc; khi tuổi trẻ bồng bột qua đi, họ sẽ giúp đỡ cha rất nhiều. Cha thú thật rằng linh mục của Tu hội chúng ta đã thuộc về diện đó. Bây giờ, họ thuộc thành phần vất vả hơn cả. Họ có tinh thần Giáo hội và Tu hội khá hơn. Cứ sự thể lúc bấy giờ, chắc là họ tự động rút lui chứ đâu có dấn thân vào một lề lối kỷ luật khắt khe như vậy. Giả như cha muốn hoàn hảo hết mọi sự thì chắc cha chỉ giữ một nhóm nhỏ quanh cha, để rồi làm rất ít việc, hoặc không làm được gì. Như vậy Nguyện xá chẳng qua là một trừơng học ướm chừng năm sáu mươi hay quá lắm là 100 học sinh không hơn không kém” (V, 689-590).

Nghiên cứu về Don Bosco nhà lập luật là việc rất lý thú. Chỉ cần dẫn cử vài nét tiêu biểu xem dựa theo tiêu chuẩn nào ngài đã khéo léo cầm cương lũ trẻ và đưa các Salêdiêng tới một kỷ luật đời tu tròn đầy, ta sẽ phải thán phục cái cảm thức thực tiễn của ngài, nhằm thực chất trước, hình thức sau.

Mãi đến năm 1847, ngài vẫn chưa ra một luật lệ nào cho học sinh. Vào năm ấy ngài khởi sự trao luật cho hội thánh Louis (III, 215-220).

Ngài cũng bắt đầu soạn thảo quy luật cho Nguyện xá (III, 90-92), nhưng trì hoãn cho tới năm 1852 mới ấn hành. Ngài in cuốn Il Giovane Provveduto, mà ngài sáng tác như  Thủ bản cho đời sống Kitô hữu, không chỉ dành cho các việc đạo đức, nhưng còn nhằm đào tạo lương tâm giới trẻ về bổn phận, về giá trị lao động, về lòng trung thành với Giáo hội và Đức Thánh Cha. Bằng chứng là khi tái bản cuốn đó, ngài thêm phần phụ lục về Giáo hội, về quyền tối cao của Đức Thánh Cha. Ngài thành khẩn khuyên không nên bỏ phụ lục này khi tái bản (muốn hiểu rõ hơn nên đọc trọn chương II Hồi Sử cuốn III, trang 7-23 và cuốn V trang 596).

Đang khi ngài tham khảo quy luật của các Nguyện xá tại Milan và các trường học khác, năm 1850 ngài soạn thảo quy luật cho Hội tương trợ cho trẻ Nguyện xá ngoại trú (IV, 74-77).

Cũng năm đó, ngài tham dự vào việc dọn phương án tạm thời cho Hội đạo đức thánh Phanxicô Salê cho các giáo dân, một hình thức công giáo tiến hành (IV, 171-175). Năm 1852, Don Bosco soạn bản đầu tiên Quy luật cho các học sinh nội trú: mười một khoản được chép vào tấm bảng trên các cửa phòng ngủ (IV, 337-338).

Tại Nguyện xá, giữa các học sinh mà Don Bosco tính chọn để làm tu sĩ Salêdiêng tương lai, có cả các thầy chủng viện. Các thầy được gởi đến đây vì chủng viện bị đóng cửa ngay khi bắt đầu phong trào đồng khởi. Trong những năm đó, lần lượt có các thầy đến từ các chủng viện khác như: Asti, Casale, Monferrato… Don Bosco không đòi họ giữ luật đặc biệt, chỉ muốn họ tôn trọng khuôn khổ nội bộ, chăm lo việc đào luyện cá nhân qua bí tích giải tội và hướng dẫn thiêng liêng.

Năm 1853, mở xưởng cho các học sinh tập nghề. Don Bosco soạn nội quy cho xưởng thợ: có 9 khoản được viết trên tấm bảng (IV, 661-662). Ngài dọn xong nội qui đó vào năm 1862 (VII, 116-118), sửa lại trong những năm kế tiếp, rồi đem in vào năm 1877.

Năm 1854 ngài hoàn thành bản luật cho các học sinh nội trú, sửa chữa và hoàn chỉnh mãi đến năm 1877 mới in. Đầu niên khoá 1854-1855 ngài cho đọc các khoản luật ấy cách công khai. Từ đó về sau các nhà vẫn giữ thói quen này. Có bộ luật khá lạ gọi là “Nội quy dành cho nhà tiếp giáp với Nguyện xá thánh Phanxicô Salê”( IV, 542;735-755). Có điều đáng lưu ý là luật đòi nhà trường bảo trợ cho Nguyện xá cạnh bên khi thấy Nguyện xá đó thiếu thốn.

Cha Lemoyne, trong hồi sử cuốn III trang 93-108, đã phân tích bản Nội quy của Nguyện xá các ngày lễ để rút ra sự hình thành Hiến luật Salêdiêng. Việc nghiên cứu này cũng cần xét đến bản nội quy của các học sinh nội trú và bản qui luật của hội Vô Nhiễm mà Đaminh Saviô đã soạn với sự cộng tác của Giuse Bongiovanni và Don Bosco hoàn chỉnh. Tất nhiên tinh thần thì trùng hợp và có sự chuyển biến khá rõ.

Dù sao, Hiến luật Tu hội Salêdiêng vẫn có lịch sử riêng của nó. Don Bosco tìm cách thoát khỏi mối nguy người ta muốn thành lập một liên hiệp giữa các Nguyện xá với nhau, vì có nguy cơ làm biến dạng công việc và tinh thần của các Nguyện xá của ngài. Do đó, ngài nghiên cứu một thể thức nhằm bảo đảm tương lai cho chúng. Nhưng ngài không nói ra vì sợ người ta hiểu sai. Ngài cứ tránh né ngay cả khi có người đề nghị thiết lập một hiệp hội. Năm 1850 ngài trả lời cho cha Borel và các linh mục khác rằng: “Chúng ta cứ vững bước, phó thác nơi Chúa. Hãy chờ dấu chỉ của Chúa để rồi bắt đầu” (V, 686).

Khi tư giáo Saviô Ascanio đề nghị lập dòng, ngài trả lời: “Cứ nhẩn nha” (V, 685). Ngài tâm sự nhiều với cha thánh Cafasso. Khi vị này nói: “Đối với công việc con đang làm, thì lập một dòng tu là thiết yếu”, Don Bosco thành thực đáp: “Dự tính của con là thế, nhưng biết sao bây giờ?”. Cha Cafasso trả lời rằng cần phải là dòng tu có lời khấn với sự phê chuẩn của thẩm quyền Giáo hội, chứ không chỉ có sự bảo trợ của thẩm quyền giám mục mà thôi (V, 687).

Đức Tổng giám mục Fransoni, trong thời gian ngắn cư ngụ tại tư dinh ở Pianezza, trước khi bị cầm giữ tại Cittadella và lưu đầy tại Fenestrelle để rồi kết thúc bằng một án biệt xứ sang Lyon, đã có lần được Don Bosco ở bên cạnh thăm nom yên ủi ngài. Ngay từ tháng 2 năm 1850, đức tổng giám mục đã hối thúc Don Bosco tìm người kế vị và nghĩ tới việc thiết lập một dòng tu đích thực (IV, 29).

Ròng rã năm sáu năm trời, vị thánh chỉ đóng khung trong việc huấn luyện các học sinh cho chức linh mục, mong chúng sẽ giúp mình trong “các công chuyện của Nguyện xá” như ngài đã nói cho 4 tu sinh được mặc áo dòng vào năm 1851 (III, 546). Ngài cho họ đọc cuốn niên giám trường Propagazione della Fede, thân mật giảng huấn cho họ trong phòng riêng sau kinh tối, và làm họ quan tâm về lịch sử Giáo hội qua các bài huấn từ vào Chúa nhật…

Đang khi đó ngài âm thầm tham khảo luật các dòng và Tu hội đang đáp ứng hơn cả với những đòi hỏi của thời đại. Ngài chỉ lo sao cho các học sinh bằng lòng “ở với Don Bosco” để giúp ngài chiến đấu chống tội lỗi, làm việc lành cho các bạn, nhưng ngài không đề cập thẳng đến dòng tu” (V, 687-688).

Năm 1857, thấy cha Alasonatti cùng 8 thầy tư giáo và các thanh thiếu niên khác sẵn sàng chia sẻ nỗi mệt nhọc của mình, ngài quyết định thảo một quy luật mà xét về bản chất giữ được điều cốt yếu của đời tu. Ngài thâm tín rằng: “Cái bề ngoài không cần thiết. Hơn nữa, theo tôi, một dòng tu như thế sẽ gây được nhiều cảm tình và tín nhiệm hơn, rồi với thời gian sẽ thu hút được nhiều người gia nhập căn cứ trên đặc tính hiện đại của nó” (V, 693)… Điểm này đúng hay không, lịch sử hiện nay đã xác minh.

Đang khi ngài soạn thảo thì ngài bị ma quỷ quấy rối nhiều đêm. Vừa kết với câu “Ad majorem Dei Gloriam: vì vinh danh cao cả của Chúa”, thì kẻ thù là quỷ thần xuất hiện, hất tung cả bàn lẫn bản văn, nghiên mực tung toé, nhoè nhẹt từng trang giấy đến nỗi không đọc nổi hàng chữ (V, 694). Đương nhiên phải bắt đầu lại.

Dần dần ngài soạn lại từng khoản luật, uỷ thác cho một số tu sinh tín cẩn và nhiệt thành thử nghiệm xem có thể tuân giữ được hay không. Khổ thân Don Bosco! Khác hẳn các đấng sáng lập trước kia là những người được Chúa soi sáng, ung dung viết luật cho các tu sĩ, còn Don Bosco vừa phải rút tỉa từng khoản luật từ kinh nghiệm của cuộc sống, vừa phải lưu tâm tới tất cả những khó khăn của thế hệ mới. Dầu ngài xúc tiến cách khôn ngoan và dè dặt, công việc vẫn tiết lộ ra bên ngoài Nguyện xá tới mức vài giáo sĩ có danh giá có cảm tình với Don Bosco, đã cố ngăn cản ngài chớ có liều thử một tổ chức mà chắc chắn chế độ mới không bao giờ ưng chuẩn.

Trong thực tế sự chấp thuận của chính quyền lúc này còn đang chờ đợi, bởi vì khi biết Tu hội là sự việc đã rồi và đã được Toà thánh phê chuẩn năm 1869, quan chấp chính của nhà vua, luật sư Eula, nhắn Don Bosco đến trao cho ông sắc lệnh ấy và làm đơn xin lệnh của triều đình. Khi Don Bosco đệ trình sắc lệnh và lá đơn, thì Bộ về Ân xá, Công lý và Tôn giáo cho ý kiến phủ quyết (8 tháng 10 năm 1869) (IX, 662-663). Thật là may mắn vì có bàn tay can thiệp ly kỳ và mãnh liệt, không được kể rõ trong bộ Hồi sử, đã cho phép Don Bosco hưởng được sự ưng thuận của Đức Giáo Hoàng một cách xuôi chảy mà không gặp phiền phức chi cả (IX, 657).

Chúa Quan Phòng đã hoạt động lạ lùng hơn nữa. Tháng 7 năm 1857, xảy ra một cuộc đối thoại giữa Don Bosco với bộ trưởng Urbano Rattazzi, người đã ra lệnh triệt hạ tất cả các dòng tu vào năm 1855. Vị bộ trưởng, kinh hoàng vì hậu quả tai hại do việc sai trái mình làm, đã gây ra một phong trào đảo điên là thanh trừng tu sĩ, đã mời Don Bosco đến để xin ngài nhận một thanh niên phạm pháp vào Nguyện xá. Ông nói: “Tôi chúc cha sống thêm nhiều năm để giáo huấn nhiều trẻ nghèo. Nhưng cha cũng sẽ chết như mọi người, vậy khi cha mất đi, hỏi công việc sẽ ra sao?”. Don Bosco chộp lấy cơ hội như ta thường nói chộp lấy trái banh đang nẩy. Một cách bông đùa, ngài trả lời mình chưa có ý chết sớm như thế, rồi hỏi bộ trưởng xem mình có thể làm được việc gì mà không xung khắc với đạo luật đã ban hành.

Rattazzi lập tức tiếp lời: “Theo ý tôi, xem ra cha chưa muốn xác nhận Nguyện xá như một công cuộc từ thiện (điều mà hai người đã có lần bàn luận trứơc). Cha nên chọn một số người giữa giáo dân và giáo sĩ  tín cẩn, lập ra như một Hội với những quy luật nào đó, tiêm nhiễm vào lòng họ tinh thần và huấn luyện theo phương pháp của cha, để không những họ trở thành những cộng sự viên, mà còn là kẻ nối nghiệp cha nữa…”

Don Bosco nghĩ đến đạo luật ngài mới ban hành, liền ngắt lời: “Thưa bộ trưởng, liệu có thể thiết lập một Hội tương tự trong thời buổi này chăng? Vả lại, sao nó tồn tại được nếu các hội viên trong đó không có sợi dây tu trì ràng buộc?” Bộ trưởng góp ý: “Cần có sự rằng buộc nhưng nên làm thế nào để tính chất của nó không biến thành một cộng đoàn như pháp nhân luân lý…”

Giải đáp thắc mắc về đạo luật triệt hạ các dòng tu mà vị thánh mới đề cập, ông cắt nghĩa: “Đạo luật đó, tôi biết, tôi biết cả chủ đích của nó nữa. Không có gì trở ngại cả, miễn sao ngài lập Tu hội theo nhu cầu của thời đại và hợp với pháp luật hiện hành”.

“Sao có thể được?” Don Bosco hỏi dồn. Ông ta trả lời: “Phải là Tu hội không có đặc tính cứng ngắc nhưng phải có tính chất linh động, nghĩa là một Tu hội, trong đó các hội viên vẫn giữ quyền công dân của mình, thi hành các sắc lệnh nhà nước, làm nghĩa vụ công dân, tắt một lời trứơc mặt chính quyền, Tu hội mới của cha không gì hơn là một nghiệp đoàn của những công dân tự do, họp nhau sống chung để  theo đuổi mục đích lương thiện”. “Thưa ngài bộ trưởng”, vị thánh thêm, “ngài có thể đảm bảo đảm cho tôi rằng chính quyền sẽ cho phép lập và để cho một Tu hội như thế tồn tại chăng?”

Vị bộ trưởng kết luận: “Không một chính phủ lập pháp nào cấm hoạch định hoặc phát triển một Tu hội như thế, cũng như không gây trở ngại mà còn cổ võ các nghiệp đoàn thương nghiệp, công nghiệp tư doanh và hợp doanh cùng những xí nghiệp tương tự. Bất cứ nghiệp đoàn công dân tự do nào đều được phép mở, miễn là chủ đích và hoạt động của nó không nghịch pháp luật và cơ cấu  tổ chức nhà nước (V, 696-699).

Không phải tất cả đã xong trong cuộc đàm thoại lịch sử này. Ngày 1 tháng 1 năm 1876, Don Bosco quả quyết: “Ong Rattazzi muốn cùng cha đúc kết một vài khoản trong luật dòng của chúng ta liên quan tới luật dân sự và nhà nứơc. Có thể nói rằng Hiến luật có những lượng định tình thế để chúng ta khỏi bị thẩm quyền dân sự gây phiền phức, chính là nhờ ông ta” (V, 699).

Được hướng dẫn như thế cho phù hợp với nhu cầu trong lãnh vực dân sự, Don Bosco thăm dò lãnh vực giáo luật. Sau khi bàn hỏi với cha Cafasso lâu dài, ngài đệ trình các giám mục và những nhân vật uy thế trong Giáo hội lời thỉnh ý: “Một Tu hội thao thức làm việc cho vinh danh Chúa trong tư thế dân sự trước mặt chính quyền, không thể giữ được tính chất dòng tu trườc mặt Chúa và Giáo hội chăng? Các thành viên của dòng không thể vừa là công dân tự do vừa là tu sĩ sao? Con thiết nghĩ là được, với điều kiện là trong một nước, bất cứ một người công giáo cũng có thể vừa là thuộc quyền vua, thuộc quyền nhà nước, vừa là thuộc quyền Giáo hội, trung thành với đôi bên và tuân giữ luật lệ của cả hai” (V, 699-700).

Các thư phúc đáp tán thành. Hơn nữa năm 1858, đức tổng giám mục Fransoni khuyên Don Bosco trong thư rằng: “Cha nên tới Roma để xin Đức Thánh Cha hướng dẫn cách thiết lập một dòng tu về phía Giáo hội, và các tu sĩ bản dòng vẫn giữ được quyền tự do theo luật dân sự” (IX, 63).

Ngày 18 tháng 2 năm 1858 Don Bosco đã đi Roma với thư giới thiệu của đức tổng gíam mục cùng với giấy thông hành và giấy phép Toà Giám Mục làm chứng thư. Trước đó một ngày, ngài đã xưng tội với cha Cafasso. Cha này mượn dịp nhờ ngài chuyển dùm “Kinh phó dâng” để Toà Thánh phê chuẩn và ban ơn toàn xá trong giờ lâm tử (V, 802-805).

Đối với các thầy tư giáo tỏ vẻ run sợ vì nghĩ đến những ngày xa vắng lâu dài của Don Bosco, ngài nói: “Các con đang rầu rĩ vì sợ Don Bosco vắng nhà lâu ngày, lo rằng các con sẽ bị bỏ rơi. Đừng buồn, trong mọi sự tuỳ ý Chúa là tốt hơn cả. Còn nhiều linh mục tốt lành, sẵn lòng đóng vai cha hiền giữa các con. Mấy hôm trước cha Gastaldi, người mà chúng con quen biết, có nói rằng ngài không bị trở ngại nào và sẽ đến Nguyện xá để thay cha giúp các con. Do đó, tương lai các con được hoàn toàn bảo đảm…” (V, 802). Lời xác quyết này có tầm mức quan trọng, nó cho ta hiểu rõ tương quan giữa Don Bosco và Đức Tổng tương lai của Torino.

Với cha Rua tháp tùng, ngày 21 tháng 2, Don Bosco tới Roma và ngày 9 tháng 3 năm 1858 Don Bosco vào yết kiến Đức Piô IX lần đầu, đúng ngày giỗ của Đaminh Saviô. Lúng túng đôi chút vì tên của Don Bosco bị người điều phối phát âm sai, đức thánh cha thân mật trò chuyện với Don Bosco. Câu chuyện liên quan tới các công cuộc của Nguyện xá, đến tờ Đọc văn Công giáo. Ngài vẫn còn cảm động về món quà do các học sinh gởi tới Gaeta cho Ngài khi còn đang bị lưu đầy năm 1849. Đức thánh cha nói: “Con thân mến, con đã khởi sự nhiều công chuyện, nhưng chẳng may con chết đi thì sự việc sẽ ra sao ?”

Don Bosco thú thực rằng ngài đến Roma cố ý bàn vấn điều  này. Khi trình giấy giới thiệu của Đức Tổng Giám Mục ngài thêm: “Con khấn xin đức thánh cha giúp con đặt nền cho một Tu hội phù hợp với thời đại và nơi chốn chúng con đang sống”. Đức Piô IX đọc thư giới thiệu của Đức Tổng giám mục Torino xong liền nói: “Rõ là cả ba chúng ta cùng nhất trí”.

Thế nhưng, vì không biết Don Bosco đã có sẵn bản thảo Hiến luật, Đức Thánh Cha nói tiếp: “Con cần phải lập một Tu hội làm sao để cho chính quyền không bắt bẻ  được. Đang khi đó con đừng chỉ hài lòng liên kết các hội viên với lời hứa mà thôi, vì làm như vậy sẽ không có sự tương quan chặt chẽ giữa các hội viên với nhau và giữa các hội viên với bề trên. Con sẽ không bao giờ nắm vững các thuộc hạ và không thể chi phối lâu dài trên ý chí của  họ. Hãy tìm cách thích ứng luật của con theo những nguyên tắc này, khi làm xong, cha sẽ cứu xét công việc. Việc này không mấy dễ dàng. Vấn đề là sống giữa đời mà không để cho đời biết tới. Dù sao nếu đây là ý Chúa, Ngài sẽ soi sáng con. Con hãy cầu nguyện và sau vài ngày trở đây, cha sẽ nói cho con  biết ý nghĩ của Cha” (V, 860).

Lần yết kiến thứ hai nhằm vào chiều ngày 21 tháng 3. đức thánh cha lập tức vào đề: “Cha đã suy nghĩ về dự tính của con, và cha thâm tín rằng nó sẽ mưu ích rất nhiều cho thanh thiếu niên. Cần phải thực hiện nó. Không có dự tính đó làm sao các Nguyện xá của con có thể tồn tại và làm cách nào có thể cung ứng nhu cầu thiêng liêng cho chúng? Bởi thế, Cha thấy cần phải có một dòng tu mới giữa thời buổi tang tóc này. Dòng ấy phải được xây dựng trên cơ sở này: phải có lời khấn, vì nếu không có lời khấn thì khó có thể duy trì sự hiệp nhất về tinh thần và công việc, nhưng phải là lời khấn đơn, dễ tháo cởi, phòng sự nếu có hội viên nào đó bất mãn thì không phương hại đến sự bình an và hiệp nhất cho các hội viên khác. Luật dòng phải nhẹ nhàng để dễ tuân giữ. Dòng không cần nổi bật giữa đời do cách ăn mặc và việc đạo đức. Có lẽ muốn đạt mục đích này thì nên gọi là Tu hội hơn là Dòng tu. Tắt một lời, con hãy nghiên cứu cách nào để mỗi thành viên trong Tu hội vừa là tu sĩ trứơc mặt Hội Thánh vừa là công dân tự do trước mặt xã hội”.

Don Bosco rút từ túi ra bản thảo đệ trình Đức Thánh Cha và thưa: “Kính lạy đức thánh cha, đây là bản Luật chứa đựng kỷ luật và tinh thần đã từng hướng dẫn những ai tuân giữ nó trong Nguyện xá nhiều năm qua. Những ngày trước đây con đã sửa chữa và thêm vào những chi tiết theo nguyên tắc căn bản đức thánh cha đã vạch ra vào dịp con được diễm phúc quỳ dưới chân đức thánh cha lần trước… Con xin trao trọn bản này vào tay đức thánh cha và trong tay người mà đức thánh cha chỉ định đọc, sửa chữa, thêm hoặc bỏ những gì xét thấy cần cho vinh danh Chúa và phần ích các linh hồn”.

Đức Thánh Cha xem qua bản thảo rồi đặt lên bàn, đoạn bắt đầu bàn về những chuyện rất lý thú khác (V, 881-885).

Ngày 6 tháng 4, trong lần triều yết thứ ba, Đức Thánh Cha trả lại bản thảo đã được niêm ấn để Don Bosco chuyển cho Hồng y Gaude nghiên cứu và phê nhận theo giáo luật. Nhưng Don Bosco xin đức thánh cha cho phép mang về Torino để thử nghiệm thêm một thời gian (V, 907).

Thế là xuôi xắn, ngài trở về Torino trình bày cho các tu sinh, khích lệ họ thực hành những qui luật, và xin họ tin tưởng cho ngài biết những nhận xét và những khó khăn gặp phải. Cha Ghivarello đã chép một bản Hiến luật sau này được in trong bộ Hồi sử VII, 871-886. Bản này được sao y như bản vị thánh sửa chữa dựa theo kinh nghiệm 1858-1859. Tiếc rằng bản được đức thánh cha niêm ấn không biết đâu mất. Có lẽ vụ kiểm tra năm 1860 khiến Don Bosco dấu kỹ hoặc hủy bản luật ấy hay chăng?

Bây giờ chúng ta đang ở trang sử đáng nhớ của Luật dòng. Ngày 7 tháng 6 năm 1860, Don Bosco nhóm họp 26 Salêdiêng tiên khởi và cho họ đọc bản văn Hiến luật chung cuộc chính thức. Vài người đề nghị ngài tuỳ ý chọn thành viên của ban cố vấn; nhưng vị thánh cho rằng không thay đổi những điều luật đã quy định thì hơn. Ngài mời họ đến họp ngày 11 tháng 6 để ký tên ưng thuận, khác nào họ là những vị cùng sáng lập, hầu gởi bản Hiến luật lên đức tổng mục và Roma.

Ngày 9 tháng 6 công an xông vào Nguyện xá đợt hai. Don Bosco vắng mặt, nên cha Alasonatti bị ngất xỉu vì bị ngược đãi. May thay vị thánh về đúng lúc, ngài đòi họ phải có thái độ kính trọng (bài tả về cuộc xét nhà này khá tỉ mỉ trong bộ hồi sử VI, 610-628).

Bất chấp những vụ lôi thôi như thế, ngày 11 tháng 10, 26 hội viên Salêdiêng ký tên vào bản văn được mọi ngừơi chấp nhận và đệ trình lên Đức Tổng Giám mục với những lời sau đây:

Kính trình Đức Tổng Giám mục, chúng con những người ký tên dưới đây thao thức cùng nhau đảm bảo cho phần rỗi đời đời, nên đã họp nhau sống đời cộng thể hầu tìm thực hiện những đều liên quan tới vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn một cách dễ dàng hơn. Để duy trì sự hiệp nhất tinh thần và kỷ luật cũng như áp dụng những phương thế thực sự lợi ích cho chủ đích nêu trên, chúng con soạn thảo một số quy luật theo kiểu một Hội tu sĩ, không dính líu đến chính trị, mà chỉ nhằm thánh hoá các hội viên của mình, đặc biệt là bằng việc thực thi bác ái đối với tha nhân. Chúng con đã thử nghiệm những khoản luật này và thấy phù hợp với khả năng đồng thời rất ích lợi cho linh hồn chúng con” (VI, 631).

Chúng ta hãy lưu ý đến động từ ở số nhiều: “Chúng con đã soạn thảo”. Chính Don Bosco đã làm mọi sự, thế mà khi bản thảo được xuất trình lên đức tổng giám mục và Toà Thánh với tư cách là người sáng lập, ngài kèm thêm cả tên các học trò của mình như những người đồng sáng lập.

Chính ngài đã dùng tước hiệu đó không những để gọi các hội viện tiên khởi và cả những hội viên trong thập niên đầu. Ngày 6 tháng 4 năm 1869, ngài nhận lời khấn tạm 3 năm của cha Garino và cha Dalmazo. Ngài kết thúc bài huấn đức sau trưa như thế này: “Chúng ta cố giữ sao cho xứng là những ngừơi sáng lập Tu hội thánh Phanxicô Salê, để sau này ai đọc lịch sử còn có thể thấy chúng ta là những gương mẫu. Đừng để cho họ thốt lên: Chẳng hiểu họ là những người sáng lập quái gở nào! Các con hãy giúp cha với thiện chí và vâng lời trong các việc lớn lao này. Nói bóng bảy hơn: Các con hãy dẫn đầu một dòng tu. Cần phải chịu thử thách. Nguyên việc tâm sự và suy nghĩ cách biệt nhau, cộng thêm việc vất vả đưa nhiều người về một lòng trí và một tinh thần đã là một điều khó khăn vô chừng. Nhưng có sự giúp đỡ con thảo của chúng con, mọi sự sẽ nên dễ dàng cho cha”.

Nơi các hội viên Salêdiêng đầu tiên, ta có một thứ nhuệ khí anh hùng. Chỉ cần đọc lại phần kết của biên bản cuộc họp khó quên ngày 11 tháng 6 năm 1860 đủ hiểu: “Ngày 11 tháng 6, chúng tôi đã ký tên vào bản Hiến luật của Tu hội thánh Phanxicô Salê để trình lên đức tổng giám mục Fransoni. Chúng tôi đã long trọng thề hứa rằng nếu chẳng may vì thời  cuộc, không còn khấn được nữa, mỗi người, dù ở nơi nào, ngay cả khi phải phân tán khắp nơi, dù một hay hai người, vẫn phải tìm cách truyền bá Tu hội và luôn tuân giữ luật của Tu hội bao có thể” (VI, 630-631).

Đấy, các hội viên tiên khởi của chúng ta cương nghị biết bao! Những ai hời hợt nhìn vào có thể cho họ là chưa trưởng thành, nhưng thực tế, họ đã có một ý chí cương quyết làm việc, một con tim tốt lành và có một nền tảng luân lý vững chắc.

 Dựa trên ba cơ sở này, vốn là những đặc tính ơn gọi Salêdiêng, chẳng mấy chốc sẽ nảy sinh những đức tính anh hùng và nếp sống thánh thiện.

Gởi một bản lên Đức Tổng Giám mục Fransoni xong, Don Bosco lập tức chuyển bản nữa lên Hồng y Gaude, để ngài xúc tiến với thánh bộ về giám mục và dòng tu. Nhưng ngày 14 tháng 12 năm 1860 Đức Hồng y qua đời (VI, 726). Về phía đức tổng giám mục Torino, ngài xem qua mãn nguyện, chuyện bản thảo cha sang cha Durando tu sĩ dòng Lazzarist để duyệt xét. Ngày 26 tháng 3 năm 1862 đức tổng giám mục qua đời, Toà Giám mục Torino trống ngôi cho đến năm 1867. Thủ tục cứ thế trì trệ.

Được tin về những ngày khó khăn tác động việc kiểm duyệt ở Torino, ngày 6 tháng 9 năm 1860 trong bài huấn từ cho các tu sĩ Salêdiêng, Don Bosco nói: “Nếu Hiến luật và Tu hội chúng ta không tràn ngập vinh quang Chúa, cha rất bằng lòng xin Chúa gây khó khăn để cả hai không được chấp thuận; nhưng cha nói cho các con hay: đừng đem gì vào nhà một điều mới lạ dù thấy điều đó có vẻ khá hơn. Hệ gì đâu, tạm gác cái khá hơn đấy, nhưng giữ cái tốt đã. Không nên phê bình cũng không nên vi phạm một luật nào. Chớ bỏ việc đạo đức này mà bày thêm việc đạo đức khác” (VI, 721).

Đang khi tìm cách làm cho các giám mục vùng phụ cận biết Tu hội để được tán trợ cũng như cho các vị không có cảm tình do sự chống đối từ vị tổng đại diện của ban cố vấn Toà Giám mục Torino, cha linh mục Zappata (là người không biết phải làm thế nào khi thấy Hiến Luật bị Roma bác lần thứ hai năm [1862-1863] chỉ vì có khiếm khuyết trong lá thư giới thiệu của ngài, và bộ giáo dục lúc ấy còn gây phiền phức cho các tư thục), Don Bosco thường than thở cách đáng yêu thế này: “Nguyện xá sinh ra từ sấm sét, lớn lên giữa sấm sét và tiếp tục sống giữa sấm sét… Còn nghi ngờ gì nữa. Cha nghiệm thấy rằng khi ta không được người đời hỗ trợ, thì Chúa can thiệp mạnh hơn; đang khi gặp khó khăn cay đắng, ta cần tin tưởng mãnh liệt hơn nơi Chúa. – Ngài ngước mắt lên trời và kết với một lời nguyện – : Lạy Chúa, nếu là việc của Chúa, xin Chúa thương bênh vực, nếu là việc của con, con sẵn lòng để nó tan vỡ” (VII, 319).

Tháng 9 năm 1863 ngài viết cho linh mục Zappata để cắt nghĩa thêm: “Chủ đích của con là một Tu hội. Trước mặt chính phủ vẫn giữ mọi quyền công dân cho từng cá nhân; trước mặt Giáo hội, nó là một pháp nhân luân lý thực thụ, cũng gọi là một Tu hội” (VII, 563)

Lá thư tán trợ đầu tiên được gởi tới là của Giám mục địa phận Cuneo đề ngày 27 tháng 11 năm 1863. Tháng  giêng năm 1864, các thư khác lần lượt đến từ các Giám mục địa phận Acqui, Susa. Mondovi và Casale Monferrato.

Phải nhờ cậy Đức Mẹ Vô Nhiễm mới làm cho kinh sĩ Zappata dứt khoát quyết định. Hôm ấy, ngày 11 tháng 2 năm 1864, kỉ niệm năm thứ sáu ngày Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, với kiểu bù đắp, ngài gởi lá thư tán trợ tuyệt hay, khen ngợi các Salêdiêng đầu tiên với những chữ: “Các tân linh mục và các sư huynh của linh mục đáng kính này sống theo một luật và nhờ đó có nếp sống nghiêm túc, xứng đáng nêu gương cho tất cả các học sinh được trao phó cho họ coi sóc”.

Don Bosco vừa nhận thư xong liền viết những lời khẩn khoản lên Đức Thánh Cha. Hôm sau, ngài trao tất cả hồ sơ cho người tín cẩn mang về Rôma. Ngày 19, Hồng y Antonelli trấn tĩnh Don Bosco bằng thư rằng mọi sự đã được trình lên Đức Thánh Cha. Ngài rất hài lòng và trao tận tay cho Hồng Y Quaglia đặc trách thánh bộ về Giám mục và Dòng tu (VII, 620-626).

Trong thơ gởi đức thánh cha, Don Bosco thêm vài chi tiết để giải thích thêm về Tu hội. Đặc biệt, ngài nhấn mạnh về những mục đích với những dòng sau đây: “Mục đích của Tu hội này, xét về các hội viên, chẳng qua là mời họ hiệp nhất với nhau về tinh thần để tôn vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn…; còn xét về phía Tu hội là tiếp tục những việc đã thực hiện 20 năm qua trong Nguyện xá thánh Phanxicô Salê. Có thể nói rằng, đây là bản tóm lược kỷ luật đã thực hành trong Nguyện xá cho tới bây giờ, sắp xếp thành Hiến luật theo tiêu chuẩn đấng có thẩm quyền tối cao trong Giáo hội đã đề nghị” (VII, 622).

Tiếp đến, Don Bosco cáo lỗi về việc không trực tiếp xưng danh đức thánh cha trong bản Hiến luật, chỉ vì sợ chính quyền gây khó dễ như nhiều lần đã xảy ra trong những dịp kiểm kê trước đây. Tuy nhiên ngài quả quyết rằng Tu hội có mục đích chủ yếu nhằm nâng đỡ  và bảo vệ quyền đức thánh cha với tất cả phương thế mà thời gian, nơi chốn và nhân sự cho phép. Don Bosco cũng chú thích  thêm rằng: khi soạn theo  bản Hiến luật này, ngài gợi hứng từ bản Hiến pháp của tổ chức Opere Pia Cavanis thành Venezia, hiến pháp của nhóm Rosminiani và của các Tu sĩ tận hiến cho Đức Trinh Nữ Maria mà Toà thánh đã phê chuẩn. Nhưng chương 5,6,7 về lời khấn được trích từ các đoạn Hiến luật dòng Chúa Cứu Thế, văn thức tuyên khấn theo kiểu dòng Tên (VII, 622).

Làm vậy, cốt ý đơn giản cho việc nghiên cứu cho các chuyên viên. Don Bosco không ngờ nổi cách nghiên cứu tỉ mỉ và nhận xét tinh vi tới mức nào. Cha Savini, tu sĩ dòng Cát Minh kịch liệt đả phá chương 16 bàn về tu sĩ ngoại trú, liên quan đến hội viên dòng ba sau được đổi thành Cộng tác viên Salêdiêng. Vị linh mục này đưa ra 17 nhận xét khác nhau, đòi hàng loạt những thanh minh và sửa đổi (VII, 624-626).

Thế là phải chờ 10 năm sau bản Hiến luật mới được phê chuẩn. Năm 1867, khi Don Bosco gởi bản dịch Latinh Hiến luật về Roma, ngài đã tìm cách cứu vãn chương 16 bằng cách đưa nó về phần phụ lục, rút bớt 4 khoản; nhưng năm 1873 ngài nói rõ ra rằng, nếu ngài không tách nhóm dòng ba ra khỏi tu sĩ có lời khấn, Hiến luật chắc không được chấp nhận. Sau cùng, ngài đành tổ chức thành phần thứ ba của Tu hội cách biệt lập, mang tên Cộng tác viên Salêdiêng (X, 784-895).

Cuối cùng, ngày 3 tháng 4 năm 1874 bản Hiến luật được châu phê (X, 796-803). Thế mà còn chờ hơn 10 năm Thánh bộ dòng tu mới ban luật miễn trừ cho Tu hội. Tu hội kể là ổn định. Sắc lệnh ban cho Tu Hội tính cách của giáo hoàng được ký ngày 28 tháng 6 năm 1884 (X, 721).

Sắc lệnh gởi tới Torino ngày 9 tháng 7; lúc cha Berto trao sắc lệnh cho Don Bosco, đột nhiên bốn cú sét ghê rợn nổ tung ngay trong căn phòng giữa lúc bầu trời thật bình lặng (XVII, 141). Đây là lần cuối cùng ma quỷ thi thố quyền hung hãn của nó bằng một cơn bão kinh hoàng. Nó cay cú chống lại công việc của Don Bosco.           

Rốt cuộc vị thánh có thể cảm tạ Chúa. Cha Lemoyne viết: “Biết bao là sỉ nhục và chống đối mà ngài phải chịu trong mười năm trời. Chúng tôi đã chứng kiến Don Bosco khóc khi thấy công việc như đến lúc sắp tiêu tan một lần nữa. Chính lúc ấy ngài thốt lên: Nếu cha biết trước việc lập dòng nhiều đau khổ, vất vả, chống đối đến mức ấy, chắc cha không đủ can đảm lao đầu vào công việc” (XVII, 142; X, 416).

Kinh nghiệm cho ngài biết cần dè dặt hơn trong việc làm luật, thay vào đó phải lo sao để việc thực hành đựơc hăng say chu đáo. Ngài diễn tả cảm nghĩ của mình cách độc đáo trong bài phát biểu cho các bề trên họp Tổng Tu Nghị lần I năm 1877: “Bây giờ, việc quan trọng là đưa luật vào đời sống. Đến nay, người ta nói rằng mọi sự đã hoàn tất. Nhưng ôi chao! Chúng ta còn sống xa luật chừng nào. Thật quá vội mà nói: “Đời sống chung”. Để thực hiện điều đó ta còn thiếu sót nhiều thứ lắm. Luật của chúng ta thật vắn gọn. Tuy nhiên, trong nhiều điểm, một từ ngữ đòi hỏi phải mấy chương giải nghĩa cách thi hành. Giả như lúc soạn luật ấy mà cha có kinh nghiệm hiện nay, chắc chắn cha đã vắn gọn hơn nhiều. Có lẽ cha đã rút ngắn còn chừng một phần năm. Lý do là tại Roma, để phê chuẩn luật, người ta không ngừng phân tích từng chữ. Còn những điều khác, người ta không để ý bao nhiêu. Tại các cơ quan thánh bộ Roma, người ta chỉ để ý đến thể thức cơ cấu; còn về vấn đề thực hành, họ để lại cho chúng ta suy nghĩ. Bây giờ, việc Tổng Tu Nghị phải làm là bàn về khía cạnh thực hành. Đến nay bao nhiêu điều đã viết chưa được đem ra thi hành; ngay cả có hội viên không biết có trong Hiến luật hay không. Vậy phải giải thích chính xác và vạch rõ cách tuân giữ các khoản luật” (XIII, I424).

Năm 1886, Don Bosco chủ toạ Tổng Tu Nghị thứ Tư, ngài khuyên các Tu nghị viên đừng nên câu nệ và chấp nhất quá vào các nội quy mà đánh mất sự xúc tích của Hiến luật: “Chỗ nào không cần đến quy luật, nên lấy tình cha con mà làm việc. Bề dưới nên giúp bề trên cho việc nhà xuôi chảy” (XVIII, 187).

Sự cân nhắc khôn ngoan của vị sáng lập phải làm chúng ta yêu kính Hiến luật nhiều hơn. Ta cần tôn trọng đúng mức Lời Mở Đầu ngài đã dùng để làm dẫn nhập cho ấn bản đầu tiên và ao ước duy trì nó cho tất cả các lần tái bản khác, lý do là vì ngài đã tổng hợp tinh thần phải sinh động việc tuân giữ Hiến luật, ngay cả khi Giáo luật thay đổi và thời đại đòi sửa đổi.

Chương 3

Kỷ Luật Đời Tu Salêdiêng

Trong những bài giảng huấn vào tháng 4 năm 1875, đúng một năm sau ngày phê chuẩn Hiến Luật, cha Albera nói lên nguyện vọng của tất cả các bề trên là xin Don Bosco sớm cho in bản văn đã châu phê, để có thể phát cho tất cả các Salêdiêng. Nhưng Don Bosco muốn đợi để soạn cho xong lời mở đầu, do đó, việc in bản Hiến luật sang Ý ngữ phải hoãn tới ngày 15 tháng 8, để có thể phát hành toàn bộ bản văn cùng với lời mở đầu (XI, 288).

Vào dịp Tổng Tu Nghị năm 1877, Don Bosco nói: “Mỗi giám đốc hãy duy trì thói quen của nhà mẹ, hãy ghi sâu vào ký ức và thực hành những thói quen đó trong nhà được uỷ thác cho mình” (XIII, 249).

Tất cả những văn kiện của Tổng Tu Nghị đầu tiên đều có một tầm mức quan trọng về mặt tinh thần Salêdiêng. Don Bosco muốn nó “đánh dấu thời gian” trong lịch sử. Ngày 21 tháng 4 năm 1877, ngài nói cho các bề trên đang chuẩn bị họp Tổng Tu Nghị: “Vì đây là phiên họp đầu tiên, nên cha muốn cử hành nó thật long trọng… Nó đánh dấu một bước tiến mới. Tốt đẹp chừng nào nếu mỗi năm Tu hội chúng ta tiến một bước khả quan như thế. Cha ước ao Tổng Tu Nghị đánh dấu giai đoạn lịch sử. Như thế, khi cha khuất bóng, người ta sẽ thấy mọi sự đâu vào đó”. Người viết sử nhận xét: “Lạ lùng thay, Don Bosco có vẻ làm ngơ trước ngàn vạn sơ xuất vụn vặt, ngài không nói tới, nhưng vẫn để tâm suy nghĩ, rồi khi tới lúc, mọi sự đều đã chuẩn bị đúng lúc” (XIII, 243-294).

Năm 1879, khi thiết lập các tỉnh dòng đầu tiên với việc bổ nhiệm vị giám tỉnh (lúc đó chỉ có giám tỉnh, mãi tới thời cha Rua mới thiết lập các ban cố vấn tỉnh cho từng tỉnh), Don Bosco ngỏ lời cùng các giám đốc họp tại Alassio và truyền lệnh: “Hãy cổ động cho việc học hỏi không chỉ với Hiến luật mà cả quy chế các nhà cũng như các nghị quyết của Tổng Tu Nghị I” (XIV, 44).

Ngài ấn định mỗi hội viên cũng phải có một cuốn quy chế các nhà để nghiên cứu những phần liên quan đến mình, tuỳ theo chức vụ do bài sai chỉ định. Giám đốc và phó giám đốc phải giữ một bản đính kèm để ghi những nhận xét, những điểm nổi bật cũng như đề nghị cần thiết. Ngài nói: “Bao có thể, cần phải hoàn chỉnh nội quy của chúng ta bao có thể càng sớm càng tốt. Những nét cơ bản thiết lập hiện nay được mọi người ưng thuận, sẽ tồn tại mãi. Như thế, khi các học sinh bây giờ đang lớn lên, họ sẽ thấm nhuần tư tưởng và truyền thống một cách dễ dàng. Nhưng, thế hệ đầu qua đi, người ta rất ngại chấp nhận sự thay đổi, ngay cả những điều cần thiết, họa chăng có đi nữa thì cũng rất khó khăn. Chúng ta phải hoàn thành công việc. Cứ xem điều thường xảy ra nơi các dòng khác thì biết, họ cần cải tổ, rồi chia rẽ và gây gương mù. Các Tổng Tu Nghị sẽ họp từ 30 năm đến 50 năm nữa, khi chúng ta khuất bóng rồi, thì sẽ mất rất nhiều tầm mức quan trọng” (XIV, 44).

Với lời lẽ trên, Đấng sáng lập không có ý đóng khung Hiến luật vào công thức cố định một cách phi lý. Vào một ngày của năm 1875, ngài nói cho cha Barberis: “Các con phải hoàn chỉnh công việc cha đã khởi đầu. Cha vẽ phác, các con tô màu”. Vị tập sư phụ thêm: “Miễn sao đừng bôi hỏng bức họa mà Don Bosco đã phác”. Ngài đáp: “A, không phải thế ! Đấy nhé, bây giờ cha phác hoạ một Tu Hội còn thô sơ, để những người đến sau cha tô điểm. Hiện giờ mới có mầm giống. Chính con đã nhìn thấy nó từ khi con vào Nguyện xá, biết bao điều đã trở nên khả quan hơn, cả về phương diện vật chất, lẫn trật tự và kỉ luật” (VI, 309).

Năm 1876 trong giấc mơ, Đaminh Savio báo trước những ngày huy hoàng từ năm 1877 (chính là thời kỳ của Tổng Tu Nghị đầu tiên). Nhưng Đaminh Savio nghiêm túc cảnh tỉnh: “Cha nên lưu ý, đừng để con cái cha kéo toa xe Chúa đang ngự ra trệch khỏi đường” (XII, 593).

Don Bosco đã cho ta con đường: đó là Hiến luật và quy chế (Tổng Tu Nghị 1922 đã khai phá từ những Nghị quyết của các Tổng Tu Nghị trước và được tiếp tục hoàn chỉnh sau đó, theo nhu cầu thời đại). Don Bosco đã vạch đường cho chúng ta bằng những truyền thống ngài thành hình.

Nên nhớ lại lời Đức Thánh Cha Lêô XIII nói cho vị thánh vào dịp yết kiến đầu tiên ngày 16 tháng 3 năm 1878: “Con hãy nói cho các hội viên của dòng dừng quên lòng lành của Chúa khi mời gọi họ vào dòng để mưu cầu ích lợi cho bản thân cùng tha nhân. Việc thành lập Tu hội này, các học sinh được giáo dục Kitô giáo trong các nhà, các trường được hoạt động, các nhà thờ được mở cho việc phượng tự và công việc truyền giáo kết quả mỹ mãn, tất cả những điều này thực hiện mà không có của cải vật chất, cho thấy rõ phúc lành của Chúa. Cha thiết tưởng những người phủ nhận phép lạ, nếu muốn giải thích làm thế nào một linh mục nghèo nàn lại có thể nuôi sống hơn hai mươi ngàn trẻ với tất cả nhu cầu của chúng thì buộc phải thú nhận: Có bàn tay Thiên Chúa nơi đây. Các Salêdiêng phải tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa nhân từ, nhưng hãy tỏ lòng tri ân ấy bằng việc tuân giữ Hiến luật cách xác đáng. Hiến luật thích hợp để cổ võ và bảo đảm sự trọn lành Kitô hữu, tuy nhiên sự hoàn hảo của Hiến luật chưa phải là sự hoàn hảo của các tu sĩ. Các tu sĩ chỉ đạt được khi nào họ thực thi Hiến luật. Vậy hãy bảo họ học hỏi, thấu  hiểu và nhất là thực thi Hiến luật cách gương mẫu. Có như vậy, họ rất ngạc nhiên trước sự mỗi ngày một gia tăng con số tu sĩ, trước việc cứu rỗi nhiều linh hồn; Thiên Chúa nhân từ sẽ nâng đỡ và chúc lành cho mọi công việc họ làm” (XIII, 497-98).

Trong giấc mơ năm 1879, nhân vật giống như thánh Phanxicô Salê để lại cho Don Bosco lời nhắn nhủ cho các giám đốc nhà: “Phải dành mọi quan tâm, mọi nỗ lực, để tuân giữ và làm cho tuân giữ Luật dòng mà qua đó mỗi người đã hiến mình cho Thiên Chúa” (XIV,124).

Sau lễ Giáng sinh 1879, Don Bosco gởi hoa thiêng năm 1880 đến từng nhà: Hết mọi người, không trừ ai: “Hãy nêu gương cho nhau trong lời nói và việc làm. Hãy tránh cả những thói quen dù không xấu trong những điều không cần thiết”; riêng cho các Salêdiêng: “Tuân giữ xác đáng Luật Dòng”.

Hoa thiêng này không là gì khác lưu niệm tuần phòng ngài cho vào ngày 10 tháng 9 trước đó, sau khi nhận lời khấn. Mấy hôm trước khi khấn, Don Bosco tuyên bố có lẽ đây là lần cuối ngài nhận khấn tạm ba năm. Ngài nói: “Sang năm ai ước muốn, sẽ khấn trọn ngay. Khấn tạm ba năm xem ra là một thử thách quá lớn đối với nhiều người. Một năm sống trong Tu hội cũng đủ để nhận thức mình có được Chúa gọi trong Tu Hội và biết mình có đủ sức hay không” (XIV, 361).

Trong nghi lễ tuyên khấn, ngài khích lệ: “Sĩ số mỗi ngày một gia tăng nghĩa là thêm nhiều người tận hiến hồn xác cho Chúa để đảm bảo phần rỗi cho mình và cho người khác. Ôi an ủi cho cha chừng nào, đang khi thế gian không biết đến thì có biết bao người sẵn sàng dấn thân vào việc thiện. Chính Chúa muốn điều đó và bằng cách đó, Ngài chúc lành cho chúng ta. Ngoại trừ chúng ta và những người liên hệ, thế gian chẳng biết gì. Nhiều năm trước đây đã có đợt tĩnh tâm đầu tiên, chúng ta cả thảy 14 người, lúc ấy chưa có Tu hội. Trong số 14 người ấy, có 12 người ngoại trú (cộng tác viên tương lai) vì hồi đó Don Bosco mới có hai nội trú (Rua và Cagliero). Đợt thứ hai con số tăng tới 32. Nhưng khi Tu  hội thành hình,  thì Trofarello được chọn làm nơi tĩnh tâm. Cha nhớ rằng một năm nào đó, đợt tĩnh tâm thứ hai chỉ có 16, chẳng bao lâu địa điểm trở nên quá hẹp, buộc phải rời sang Lanzo. Tại đây bắt đầu từ năm ngoái, hai đợt thông lệ vẫn không đủ, phải thêm đợt thứ ba ở Sampiedarena. Năm nay buộc phải tổ chức thêm một đợt tại Alassio. Đợt đầu tại đây số người tham dự sẽ lên tới 250 người và cha cảm thấy rằng đợt tới sẽ không kém đợt này. Không thấy rõ ràng bàn tay Chúa làm hay sao? Nhưng trong một đoạn Kinh Thánh nào đó, Chúa phán: “Các ngươi tăng thêm dân số mà chẳng tăng thêm vui vẻ gì cả?”. Liệu có phải nói như thế về chúng ta nữa ư ? Cha hy vọng là không. Nhất trí, chúng ta không để chuyện đó xảy ra … Các con biết cần làm gì không? Chỉ một điều: Osservanza: giữ luật. Bao lâu còn giữ luật đời tu, bấy lâu các dòng tu còn tiến triển. Khi nào các nhà dòng suy thoái? Khi kỷ luật đời tu sa sút hay đứt đoạn” (XIV, 362-363).

Đêm mồng 10 tháng 9 năm 1881, khi Don Bosco qua đêm ở trường Canavese, Chúa quan phòng đã dùng một nhân vật biểu trưng để tỏ cho ngài biết Tu hội Salêdiêng (qualis esse debet) phải ra sao và (qualis esse periclitatur) sẽ gặp nguy cơ như thế nào. Phương thế để thoát khỏi nguy cơ tàn tệ ấy được gói gém trong lời khuyên vĩ đại này: “Meditatio matutina et vespertina sit indesinenter de observantia Constitutionum – Nguyện ngắm sớm tối không ngừng về việc tuân giữ Hiến luật” (XV, 183-187). Chúng ta chớ quên điều đó, song song với việc tuân giữ Hiến luật còn phải duy trì các truyền thống nữa.

Ngày 25 tháng 9 năm 1885 trước mặt ban Thượng cố vấn, Don Bosco giới thiệu cha Rua làm phó bề trên cả theo lời khuyên và quyền hạn của Đức Lêô XIII ban cho ngài. Nguyên văn lời nói như sau: “Vị phó bề trên phải liệu sao cho những truyền thống của chúng ta đang giữ được duy trì nguyên vẹn. Truyền thống phân biệt với Hiến luật, xét vì giải thích và thực thi chính Hiến Luật. Người phải lo thế nào để những truyền thống này, khi Don Bosco khuất đi, được những người đi theo chúng ta tôn trọng và duy trì” (XVII, 279).

Trong văn thư công bố cho tất cả các hội viên ngày 8 tháng 12 năm 1885, Don Bosco đã xác định sứ mệnh rất đặc biệt của vị Phó bề trên như sau: “Cha đã suy tính tìm một người làm Phó, khả dĩ đại diện cha như là cái tôi thứ hai của cha, một vị đại diện có nhiệm vụ đặc biệt, là lo sao cho những truyền thống chúng ta vốn giữ tới bây giờ, được bảo toàn nguyên vẹn, và những người nối gót chúng ta sẽ duy trì sau khi cha đã qua đời. Cha có ý nói đến những truyền thống đã từng là khuôn mẫu thực tế giúp ta hiểu, giải thích và thực thi luật dòng một cách trung thành, những luật đã được Giáo hội phê chuẩn và tạo nên tinh thần cùng đời sống của Tu hội chúng ta. Bởi vì ao ước mãnh liệt của cha là khi cha qua cõi vĩnh cửu, mọi chuyện của chúng ta sẽ không bị thay đổi hay xáo trộn chút nào” (XVII, 281).

Chính phần dẫn nhập của Hiến luật cũng ghi lại những lời cảnh cáo nghiêm trọng của Đức Thánh Cha Pio IX: “Nếu các Salêdiêng không đòi hỏi tu bổ Hiến luật của họ mà cứ nắm giữ, Tu hội của họ sẽ luôn luôn thịnh vượng”. (X, 870).

   Don Bosco truyền ghi lại cho chúng ta những lời căn dặn cuối cùng của Đức Lêô XIII vào dịp yết kiến ngày 13 tháng 5 năm 1887 như sau: “Con hãy khích lệ các Salêdiêng cách riêng về đức vâng phục và bảo  họ nắm giữ châm ngôn và truyền thống con sẽ lưu lại. . . Riêng cho con và vị Phó của con, cha tha thiết căn dặn rằng hãy quan tâm cả về số hội viên Salêdiêng cũng như sự thánh thiện của những người mà con đã có. Không phải số lượng hội viên làm vinh danh Chúa, nhưng là nhân đức và sự thánh thiện của họ” (XVIII, 331).

Sự thánh thiện Salêdiêng đã được Hiến luật xác định rồi. Những nghị quyết và quy chế lưu ý đến những tiểu tiết, ngay cả trong lãnh vực hoạt động tông đồ. Duy có việc trung thành, nhiệt tâm tuân giữ Hiến luật mới bảo đảm sự trọn lành của chính ơn gọi chúng ta. Vì thế, như ta sẽ thấy Don Bosco mỗi năm một đòi hỏi hơn.

Trong cuốn Hiến luật 1874 mà cá nhân Don Bosco dùng, ta thấy rất nhiều những chú thích, như thấy trong cuốn X trang 994. Xin đan cử vài nét tiêu biểu: “Thánh hoá bản thân, tìm phần rỗi linh hồn bằng cách thực thi bác ái, đó là chủ đích của Tu hội. Bởi vậy, tiên vàn hãy thận trọng, đừng chểnh mảng trong việc phục vụ tha nhân. Cách riêng cho những ai phải trau dồi nhân đức và học vấn để truyền dạy cho kẻ khác. Thà thiếu thầy dạy còn hơn là có mà bất xứng” (X, 820- 994).

Xác tín rằng “Sự mai một của các cộng đoàn tu trì phải quy lỗi về bề trên vì họ  không chính xác trong việc giữ luật và, vì muốn chiều lòng anh em tu sĩ, vì muốn mua chuộc mà buông lỏng mọi sự”, Don Bosco muốn rằng không những giám đốc mà còn hết thảy những ai thuộc ban cố vấn trong mọi nhà phải chính xác trong việc tuân giữ Hiến luật, và ân cần lo cho anh em mình tuân giữ (X, 1080).

Ngài kiên trì gieo vào tâm trí mọi người lòng quý chuộng cái bộ luật khiêm tốn của đời tu chúng ta và bằng hình thức khá long trọng vào dịp giới thiệu vị Phó của mình cho cộng thể trung ương ở Nguyện xá vào tối hôm lễ Mẹ Vô Nhiễm năm 1885, ngài tuyên bố rằng cả Hiến luật cũng là một ân huệ Đức Maria ban cho. Lá thư bổ nhiệm cha Rua làm phó bề trên cả được cha Francesia đọc công khai ở đền Đức Mẹ Phù Hộ. Trong thư, Don Bosco miêu tả Nguyện xá lúc 40 năm về trước và khi đối chiếu với năm đó, ngài kể mọi phúc lành Chúa ban đều nhờ Kinh Kính Mừng đọc với Bartolomeo Garelli trong nhà thờ thánh Phanxico Assisi ngày 8 tháng 12 năm 1841. Đoạn ngài kết luận một cách quả quyết rằng: “Tu hội chúng ta được đặt định cho những việc trọng đại và lan tràn trên khắp thế gian, với điều kiện là các Salêdiêng luôn trung thành tuân giữ luật do Đức Maria rất thánh trao tặng” (XVII, 511).

Đêm ngày 9 rạng mồng 10 tháng 4 năm 1886, khi đang ở tại nhà Sarriá tại thành phố Barcellona (Tây Ban Nha), ngài có một giấc mơ vĩ đại về tương lai truyền giáo Salêdiêng. Sáng hôm sau ngài đem giấc mơ này kể cho cha Rua, cha giám đốc Branda và cha Viglietti nghe. Sau khi đã chỉ các ngài thấy sự phát triển từ Valparaiso tới Santiago, tới Bắc Kinh và tại Phi Châu, vị Nữ Chăn chiên nói: “Các con cái của con, con cái của các con của con, và rồi con cái của những người này nữa, sẽ làm nên điều đó. Nhưng họ phải nhất quyết tuân giữ Luật dòng và tinh thần Tu hội” (XVII, 73). Thế rồi, Bà bổ túc thêm cho ngài viễn tượng về các nhà Salêdiêng ở Hồng Kông, Calculta, Madagascar.

Khác hẳn với các vị sáng lập vĩ đại của các dòng tu cựu trào, thường giáng những cú vạ tuyệt thông trên những kẻ dám sửa đổi hoặc cải tổ tu luật của các ngài, Don Bosco tuyệt nhiên không có ý chất nặng trên lương tâm các Salêdiêng những điểm không hàm chứa sự lỗi phạm đối với luật Chúa, luật Giáo hội, hoặc lời khấn và cả đến gương mù và khinh thị. “Vì an bình lương tâm, Tu hội tuyên bố: Hiến luật này không buộc thành tội dầu nặng hay nhẹ. Vì thế, nếu ai vi phạm luật đó sẽ có lỗi trước mặt Chúa. Việc này không phải trực tiếp do Hiến luật, nhưng do luật Chúa và Giáo hội, hay do lời khấn, hoặc sau cùng, do những trường hợp theo sau việc vi phạm này, như gương xấu, khinh thị và các việc như giống thế” (xem HL nguyên thuỷ chương XVII, 201).

Ngày 16 tháng 8 năm 1884, từ Pinerolo, Don Bosco viết cho cha Bonetti: “Trong cuộc sống con hãy luôn giảng: đừng cải tổ Luật Dòng chúng ta, nhưng đem luật ra thi hành. Ai tìm sự cải cách sẽ làm hỏng cách sống của chính mình. Con hãy kiên trì thôi thúc việc tuân giữ xác đáng Hiến luật. Nên nhớ rằng: Ai tôn sợ Chúa sẽ không sao lãng việc gì; và ai khinh thường điều nhỏ, sẽ dần sa ngã vào điều trọng” (X, 870).

Trong phần dẫn nhập của Hiến luật, vì coi đó là khuyết điểm đầu tiên phải xa tránh, ngài viết: “Ta phải tránh loại mọt cải tổ”. Loại mọt này như bao loại mọt khác, là triệu chứng của thứ rối loạn chức năng và là dấu của bệnh nặng.

Trong thời gian chuẩn bị Tổng Tu Nghị lần I năm 1877, Don Bosco cũng nhờ đến nhà chuyên môn là cha Secondo Franco dòng tên, cha này đã đặc biệt nhắn nhủ  các Tu nghị viên chú tâm vào việc đào tạo lương tâm tu sĩ cho các hội viên (XIII, 294).

Lời nhắn nhủ này có giá trị cho mọi dòng tu, thì lại có tầm quan trọng chủ chốt đối với một Tu Hội như Tu hội chúng ta, vì Tu Hội được sinh trưởng trong một bầu khí gia đình, với một kỷ cương đơn giản, trong đó mọi tu sĩ chỉ cần giữ lấy nét chính yếu đã có thể coi mình chu toàn nghĩa vụ lương tâm hầu đạt tới một nếp sống tu trì nhiệt thành gương mẫu.

 Những công báo và cách riêng những lời phát biểu của vị sáng lập vẫn còn minh chứng rằng Tổng Tu Nghị kỳ đó đã hài lòng về lời nhắn nhủ đó biết chừng nào. Chỉ cần đọc lại chương IX của cuốn hồi sử XIII thì rõ.

Nhưng chúng ta có thể nói rằng Don Bosco không bao giờ có mối lo lắng nào lớn hơn. Chính hệ thống dự phòng mà ngài áp dụng trong lãnh vực giáo dục đề cao hầu như tuyệt đối trên lương tâm những người giáo dục và những kẻ thụ giáo. Khác hẳn chủ thuyết hình thức và đối kháng hoàn toàn với chủ trương cưỡng bách, vị thánh triền miên vun trồng sự hồn nhiên tự phát của lương tâm ngay lành, kịp thời hun đúc ý thức về bổn phận, về lòng hâm mộ lý tưởng cao siêu và tâm hồn quảng đại.

Chính ngài đã theo phương pháp này trong khi lo cho những ơn gọi đã từng triển nở trong nhà trường. Tất nhiên, ngài đòi hỏi mọi thứ khi ngài nói với các tu sinh đầu tiên rằng ngài cần chúng để cho ngài sắp xếp chúng như chiếc khăn tay của mình, tuỳ tiện sử dụng, vo vặn hay mở ra ngay trước mặt chúng để làm thí dụ điển hình (III, 549- 550). Có khi ngài đòi những em khác để ngài làm chủ đầu não của chúng tới mức để ngài “cắt đầu của chúng” (III, 140; IV, 425; VIII, 996). Nhưng ngài đòi như một ân huệ chứ không ép buộc.

Cha Leymone viết: “Thường xuyên và cứ thế kéo dài nhiều năm, khi ở giữa đám trẻ hoặc tư giáo của mình, quen thói chơi giỡn, ngài kết trò chơi bằng cách ngồi xuống đất, hai chân bắt chéo với học trò vây quanh cũng ngồi như ngài. Lúc ấy ngài cầm trên tay một chiếc khăn trắng và vo nó thành một trái banh tròn, xong ngài truyền từ tay nọ sang tay kia. Các học sinh trố mắt nhìn trò chơi ấy và đột nhiên ngài thốt lên: “A, giả như cha có lấy 12 thanh niên sẵn sàng để cha chi phối như cha vừa làm với chiếc khăn này, thì cha sẽ rao truyền Danh Chúa Giêsu trên khắp trời Âu và xa hơn nữa, vượt khỏi ranh giới đến cõi đất, xa thật xa”.

   Đồng thời trong các bài giảng thuyết, huấn đức và các cuộc nói chuyện, Don Bosco tìm cách thổi vào tâm trí chúng một lòng hâm mộ đời sống hoàn toàn thánh hiến cho Chúa và phần rỗi linh hồn. Kể từ đó, ngài năng nói cho các trẻ về những lợi ích của đời sống chung, về việc không cần lo lắng cho tương lai, về vấn đề không bận tâm tìm kiếm sự cần thiết cho cuộc sống, về lòng nhân lành của Chúa quan phòng. Tuy nhiên, ngài luôn lập luận một cách gián tiếp, không đả động gì đến bậc sống tu trì. Ngài miêu tả vài nét vẻ vang của tiểu sử các vị thánh với giọng điệu thi vị và hấp dẫn. Ngài giúp chúng hiểu thấu sự trọn lành của bậc sống ấy mà không có vẻ giới thiệu. Lời mời gọi duy nhất ngài ngỏ cho các hoc sinh là muốn chúng giúp ngài một tay; và khi tạo được nơi chúng một tình yêu mãnh liệt đối với mình, ngài nhắc đến ý muốn có chúng ở bên mình luôn mãi, có thể hướng dẫn chúng tới thiên đàng, ngày nào đó cùng với chúng trong nơi hạnh phúc vĩnh cửu…” (IV, 424-425).

    Dần dần, từ ý thức về sự cao quý của đời sống linh mục, của đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa vì phần rỗi linh hồn, đặc biệt giới trẻ, ngài chuyển sang việc quảng diễn cái gọi là: “Việc Nguyện xá” nghĩa là sự phát triển sứ mệnh. Các giấc mơ đã giúp ngài cách tuyệt diệu để tiên đoán về tương lai: những giấc mơ năm 1844, 1845, 1846, 1847 đã được trích phần nào (II, 243, 296, 342, 406; III, 32). Giấc mơ năm 1862 nói về việc thiết lập Tu hội con Đức Mẹ Phù Hộ (VII, 218) và hai giấc mơ khác (XV, 364; XVII, 487); giấc mơ năm 1867 về sự tiếp tục công cuộc Salêdiêng cả sau khi ngài qua đời (VIII, 840); giấc mơ 1872 về truyền giáo (X, 54-55); các giấc mơ nói về mưu toan, nguy hiểm, chiến đấu cam go và chiến thắng vẻ vang của Tu hội (XII, 463, 476, 586); giấc mơ năm 1881 nói về Tu hội Salêdiêng sẽ phải ra sao và gặp nguy cơ như thế nào (XV, 183); các giấc mơ năm 1883 nói về truyền giáo (XV, 89- 91; XVI, 385- 395); giấc mơ năm 1884 (XVII, 299-305) và năm 1886 cũng về truyền giáo (XVIII, 71)…

   Khi kể về cuộc hành trình của Don Bosco đi Roma, vào tháng giêng năm 1867, cốt ý mang theo bản dịch Latinh của Hiến luật và những giải đáp thắc mắc cho các chuyên viên khảo cứu, cha Leymone quả quyết rằng, ngay cả Hiến luật, Don Bosco  cũng đã nhìn thấy trước trong giấc mơ và ngài đã lo lắng rằng mình không chính xác đủ với bản luật mẫu thấy trong giấc mơ khi phải điều chỉnh bản văn theo yêu cầu của thánh bộ về Giám mục và dòng tu (VIII, 569).

   Khi Tu hội được thành lập xong và khi xúc tiến nhận vào nhà tập và khấn dòng, ngài cứ thủng thẳng đào tạo lương tâm các đệ tử và các người đã khấn về nghĩa vụ và trách nhiệm của đời tu.

   Chẳng hạn ngày 14 tháng 5 năm 1862, sau đợt khấn lần đầu tiên, ngài nói về việc tuân giữ quy luật như sau: “Lời khấn mà các con mới hứa xong, cha không có ý đòi buộc gì hơn điều vốn giữ đến bây giờ, tức là quy luật nhà. Cha tha thiết ước ao rằng không ai phải sợ sệt và lo lắng. Mỗi người, khi cần hãy gặp cha sớm để cởi mở cõi lòng, trình bày cho cha biết những ngờ vực và những dày vò của tâm hồn. Cha có thể nói cho chúng con như vậy vì có lẽ ma quỷ thấy các con có thể sống lâu trong Tu hội mà tìm cách cám dỗ các con hầu làm các con phản nghịch cùng Chúa kiểu nào chăng. Nếu biết rõ chuyện, ắt cha có thể cứu xét và ổn định cõi lòng của các con và cần thì tháo lời khấn cũng được, nếu thấy đó là ý Chúa và lợi ích cho các linh hồn…” (VII, 162- 163).

   Ngày 15 tháng 11 năm 1865, khi nhận lời khấn trọn của các cha Rua, Cagliero, Francesia, Ghivarello, Bonetti, các thầy Enrico Bonetti, Pietro Racca, các sư huynh Giuseppe Gaia, và Domenico Rossi, Don Bosco cảm thấy cần phải thanh tẩy ý hướng của họ luôn mãi nên đã tha thiết nhắn nhủ rằng không ai được tuyên khấn “để chiều lòng bề trên hoặc để theo học, hoặc vì tư lợi hay chỉ vì mục đích nhân loại, cũng không phải để mưu ích cho Tu hội, nhưng ai nấy phải có một mục đích duy nhất là phần rỗi linh hồn mình và linh hồn kẻ khác” (VIII, 241).

   Đáng tiếc là trong việc hình thành Tu hội, ngài gặp phải những kinh nghiệm chua chát về sự quanh co và lừa lọc của một số người. Một hôm ngài tâm sự với cha Leymone và một số Salêdiêng như sau: “Chẳng ai có thể ngờ được những sự phản kháng, chống đối, nản lòng, những mờ ám, ảo tưởng, chua cay và sự vô ơn làm cho Nguyện xá điêu đứng trong 20 năm trường. Nếu có những người được chọn, họ hứa ở lại giúp Don Bosco chỉ vì họ nhận được cơ hội để theo học thoải mái, bởi lẽ khi học xong, họ vịn vào ngàn lý do để xin chuẩn việc tuyên hứa. Sau những lần thử nghiệm bất thành ấy, duy một lần đem lại kết quả là 8 thanh niên nhận áo chùng thâm. Song le, chưa được bao lâu liền rút khỏi Nguyện xá. Cũng có vài người đúng ngày chịu chức hoặc chiều ngày lễ mở tay, thẳng thắn tuyên bố rằng nếp sống của Nguyện xá không phù hợp với họ, để rồi khăn gói ra đi. Vì ao ước một cuộc đời dễ dãi và yên tĩnh hơn, họ khao khát nhận một xứ đạo, vào chủng viện của giáo phận, hoặc gia nhập vào một dòng tu ngay cả ở nước ngoài. Có mấy người, sau vài năm thần học, rũ áo chùng thâm hồi tục” (V, 404 –405).

   Vị thánh không nhụt chí trước kinh nghiệm ấy, ngài rút ra những lý do để quý trọng những anh em giữa bao cám dỗ về một cuộc sống khá hơn, vẫn quyết định sống chết với ngài, chia sẻ những bất tiện, thiếu thốn và vất vả tông đồ. Theo lời chứng của cha Reviglio và nhiều người khác, đang khi Don Bosco tiếp tục cung cấp phương tiện cần thiết giúp đạt tới chức linh mục cho những người có thể sẽ theo con đường khác, ngài hân hạnh thấy mình có thể cung ứng cho Giáo hội những tân linh mục mà ngài biết luôn cần thiết (V, 405); thì cùng lúc đó, cách tiệm tiến, ngài nâng các Salêdiêng của ngài đến sự trọn lành đời tu.

Ngày 9 tháng 6 năm 1867, lễ Hiện xuống, ngài gởi đến cha Rua và các con quý mến của mình bức luân thư mà ta tạm lọc ra phần chính:

Tu hội chúng ta có lẽ không bao lâu nữa sẽ được phê chuẩn, vì vậy cha cần nói cho các con quý mến của cha thường xuyên hơn. Điều này khó có thể đích thân cha làm được, nên ít ra cha tìm cách viết thư. Cha bắt đầu nói cho các con vài điều liên quan đến chủ đích của Tu hội và rồi, dịp khác chúng ta sẽ chuyển sang vấn đề kỷ luật đời tu cách chi tiết hơn.

Mục tiêu tiên quyết của Tu hội chúng ta là thánh hóa các hội viên. Bởi thế mỗi người khi gia nhập Tu hội cần trút bỏ mọi tư tưởng và quan tâm khác. Ai vào Tu hội để hưởng một đời yên phận, để được tiện bề theo học, thoát khỏi sự sai khiến của cha mẹ hoặc thoát khỏi việc vâng lời bề trên nào đó, là đi sai mục đích và họ sẽ không còn là người theo chân Chúa Cứu Thế nữa, bởi vì họ chạy theo lợi lộc riêng tư chứ đâu có tìm phần ích các linh hồn. Các Tông đồ được Chúa khen thưởng và hứa nước Trời, không phải vì việc họ đã bỏ thế gian, nhưng là khi bỏ thế gian, họ hứa sẵn sàng theo ngài trong mọi nỗi gian truân: thực tế đã xảy ra như vậy, họ tiêu hao trót cuộc sống mình trong lao nhọc, trong đền tội và chịu đau khổ, sau cùng kiên trì tới mức tử đạo vì đức tin.

Cũng không phải là chủ đích tốt cho những ai vào hoặc ở trong Tu hội vì thâm tín mình cần thiết cho Tu hội. Mỗi người hãy in sâu vào tâm trí điều này: kể từ Bề trên cả cho đến hội viên rốt hết, không ai cần thiết cho Tu hội. Duy chỉ có Chúa là thủ lãnh, là Ông Chủ tuyệt đối cần thiết mà thôi. Cho nên các hội viên phải quy về vị thủ lãnh, là Chủ thực sự, là Đấng thưởng công, và vì yêu mến Ngài, ai nấy đăng ký gia nhập Tu hội; vì yêu mến Ngài hãy làm việc, vâng lời, từ bỏ những của cải trần gian, để cuối đời có thể thưa với Đấng Cứu Thế rằng chúng ta đã chọn tiêu chuẩn này là: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy thì phần chúng con sẽ ra sao?” (Mt 20, 27).

Khi nói rằng mỗi người phải vào Tu hội chỉ vì ước ao được phụng sự Chúa một cách trọn vẹn hơn, và mưu ích cho bản thân, điều ấy hiểu là tìm ích lợi thực sự cho chính mình, lợi ích thiêng liêng và trường cửu. Ai tìm đời tiện nghi, dễ dãi thì không vào Tu hội này với chủ đích tốt lành được. Chúng ta lấy Lời Chúa làm căn bản: “Ai muốn làm môn đệ ta, hãy đi bán điều mình sở hữu trên thế gian, phân phát cho người nghèo và hãy theo ta”. Đi đâu, theo tới chốn nào nếu chính Ngài không có một tấc đất để ngả đầu? Ai muốn làm môn đệ Ta, Chúa phán, hãy theo bằng cầu nguyện, đền tội và đặc biệt từ bỏ chính mình, vác thập giá gian khổ hằng ngày mà theo… Nhưng theo Ngài tới khi nào? Cho tới chết và nếu cần, chết trên thập giá. Đó là thân phận của kẻ sống trong Tu hội, dồn tâm sức vào tác vụ thánh, vào việc dạy học hoặc những phần vụ linh mục tới mức chấp nhận cái chết tàn bạo trong lao tù, nơi lưu đày vì gươm giáo, vì nước vì lửa để rồi sau khi chịu khổ cùng chết với Chúa Giêsu Kitô trên trần gian, có thể về hưởng phúc thiên đàng với Ngài… Một hội viên vào Tu hội với ý định tốt lành như thế phải tỏ ra mình không đòi hỏi mà phải vui lòng chấp nhận bất kì nhiệm vụ nào được trao phó: dạy học, học, làm việc, giảng huấn, giải tội trong và ngoài nhà thờ, ngay cả những phần việc thấp hèn cũng phải đảm nhận cách nhanh nhẹn và vui tươi, vì Chúa không xem phẩm chất của công việc nhưng thấy ý hướng của người thi hành công việc ấy. Do đó, mọi nhiệm vụ đều cao trọng như nhau, vì có công phúc như nhau trước nhan Chúa.

Các con thân mến hãy tin tưởng vào các Bề trên của các con: các ngài phải trả lẽ rất nhiệm nhặt về công việc các con làm, thành ra các ngài nghiên cứu khả năng, xu hướng của các con và sắp đặt sao cho phù hợp với năng lực của các con, miễn sao luôn luôn quy về vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn.

Ôi, giả như các anh em chúng ta vào Tu hội với những ý tưởng này. Các nhà của chúng ta tất nhiên sẽ trở thành thiên đàng trần gian. An bình và hoà thuận sẽ thống trị trên từng cá nhân của mỗi gia đình và bác ái sẽ là áo choàng thường nhật cho kẻ truyền lệnh; vâng phục và kính trọng giúp ta đi trước đón nhận các công việc và cả ý nghĩ của bề trên nữa. Tắt một lời sẽ có một gia đình của những anh em xung quanh người cha của họ…” (VIII, 828-829).

Rõ ràng luân thư này là một đề cương nhằm làm sáng tỏ những mục tiêu phải đạt tới. Ngài còn nêu rõ hơn nữa điểm này trong các dịp tĩnh tâm mà từ năm 1866-1869 ngài phải tổ chức riêng cho các hội viên tại một nhà mới thuê ở Trofarello, tiếp đến là tại Lanzo Torinese, địa điểm lý tưởng cho việc tĩnh tâm năm.

Ngài yên lặng không bình phẩm gì về phản ứng biện minh của một vài người; kết thúc cuộc tĩnh tâm đợt đầu tháng 8 năm 1866, một linh mục và hai tư giáo bỏ Tu hội. Một số khác phải dằn vặt và rồi cũng rút lui nốt.

Don Bosco soạn thảo một luân thư rất hay cho tháng 5, có lẽ năm 1868 hay 1869, bàn về sự hiệp nhất trong tinh thần và trong việc điều hành nhờ việc tuân giữ từng khoản Hiến luật. Rất tiếc là luân thư không ngày tháng ấy đã chẳng được in lại trong tuyển tập do cha phụ tá Rua phát hành.

Trong thư này, sau khi trình bày lòng tin tưởng của mình vào thiện chí của các hội viên nhất quyết trung thành, vị thánh khích lệ bằng cách nhấn mạnh rằng muốn thành công trong việc cứu rỗi các linh hồn, trước tiên cho linh hồn mình, cần phải lưu tâm hết sức đến việc thực thi luật của Tu hội. Ngài nói: “Nếu chúng ta muốn Tu hội vững tiến với ơn phúc của Chúa thì tiên vàn mỗi khoản luật phải là thể thức hành động”. Liền theo đó, ngài định nghĩa về sự hiệp nhất tinh thần: “Hiệp nhất tinh thần là quyết tâm muốn hoặc không muốn các điều bề trên thấy mang lại vinh danh Chúa hay là không. Nhờ sự quyết tâm này, công việc có gặp trở ngại trầm trọng đến mấy cũng không bị trì trệ. Nó giúp các hội viên ứng trực trong mọi bổn phận, không phải chỉ vì lệnh truyền mà thôi, nhưng còn vì vinh danh Chúa, như họ mong muốn”. Sau cùng ngài khai triển vấn đề đạo đức, việc đánh giá đúng đắn những sắp xếp của bề trên và việc giữ đức khó nghèo, rồi kết luận: “Ích lợi lớn hơn cả cho Tu hội là tuân giữ Hiến luật” (X, 1097-1099). Ngài tha thiết cổ võ sự tín nhiệm: “Đừng quanh co, che dấu bề trên. Mỗi người hãy cởi mở lòng mình như người con đối người cha cách đơn sơ thành thật. Nhờ vậy, bề trên sẽ nhận rõ tâm trạng các hội viên, cung ứng nhu cầu và quyết định sao cho để giúp hội viên giữ quy luật cách dễ dàng và lại ích lợi cho toàn thể Tu hội “ (X, 1099).

Vào dịp Tu hội vừa mới được phê chuẩn, giọng điệu của ngài trịnh trọng hơn nhiều. Từ Rôma về hôm 5 tháng 3 với sắc lệnh ban hành ngày 1 tháng 3 năm 1869, mượn dịp lễ thánh Phanxico Salê được cử hành cách long trọng bề ngoài ngày 7, vị thánh tường thuật diễn tiến công việc cho các Salêdiêng nghe. Sau kinh tối, ngài tập họp họ vào nhà cơm của các thầy, gồm các hội viên ở Nguyện xá, giám đốc ở các nhà khác, gồm cả cha Pestarino từ Mornese qua, và cả các tu sinh nữa. Ngài nói: “Chuyến đi này mang lại kết quả vượt sức mong đợi. Tất cả các con đều biết cái nhà này, đúng hơn, Tu hội chúng ta đây, tới nay diễn tiến chỉ có thế, không cơ bản vững chắc cho sự sống còn. Luật lệ thì có, nhưng phê chuẩn thì chưa, vỏn vẹn chỉ có liên kết các cá nhân chung quanh một nhân vật để theo đuổi một mục đích duy nhất..Don Bosco mà chết, nó cũng chết theo. Từ năm 1864, Tu hội được khen ngợi và Don Bosco được bầu làm đầu, không hơn không kém. Rồi năm 1867, khá đông Giám mục gửi thư tán trợ và cổ võ. Nhưng vấn đề phải đi tới dứt điểm: hoặc được chấp nhận hoặc bị giải tán. Cuộc sống của chúng ta lúc ấy mong manh lắm… Vô vàn trở ngại đã xảy đến”.

Vị thánh kể lại khá nhiều trở ngại: từ những khó khăn cấp giáo phận tới cấp Toà Thánh Roma. Ai cũng ngăn cản ngài không cho ngài xuống Roma, vì Thánh bộ lúc ấy đang ráo riết chuẩn bị Công đồng, và vì thời cuộc hầu như bất thuận cho một Tu hội mới mẻ như vậy. Ở Roma, phải nhờ tới Đức Mẹ mới làm cho các vị chức sắc Tòa Thánh quyết định. Chính Don Bosco kể lại vụ chữa cháu của Hồng y Berardi, chữa bệnh tê liệt cho Hồng y Antonelli, chữa bệnh phổi cho Đức cha Svegliati (IX, 501. 503. 521). Ngài miêu tả những chiến thắng của Đức Mẹ và lòng ưu ái vô kể của Đức Pio IX.

Tu hội nay đã được châu phê, ngài kêu mời tất cả cảm tạ Thiên Chúa và nêu lên điểm nổi bật sau đây: “Sắc thái độc đáo của chúng ta là thích hợp với bất cứ thể chế nào, dân chủ hoặc quân chủ, chuyên chế hay lập hiến, bởi lẽ các hội viên của nó trước mắt xã hội dân chính được coi như những công dân tự do và có thể sở hữu và quản lý tài sản căn cứ trên tờ di chúc” (IX, 563-565).

Đoạn ngài chia sẻ cho các hội viên những lời nhắn nhủ đặc biệt của Đức Thánh Cha. Có thể tóm tắt như sau: việc bắt chước tinh thần và đoàn kết của các cha dòng Tên, việc lưu tâm tìm kiếm ơn gọi, việc tuân giữ kỹ lưỡng quy luật cũng như lưu ý đến đức nghèo khó và chuyên cần làm việc: “Tu hội của con sẽ phồn thịnh, Đức Thánh Cha nói, với điều kiện, các hội viên tuân giữ Hiến luật, miễn là những kẻ giàu sang không chen chân vào, bởi vì cùng với họ, sẽ có những lối sống dễ dãi, tư riêng và lỏng lẻo… Cha đánh giá cao những nhà tu cầu nguyện ít mà làm việc nhiều hơn là một số nhà tu cầu nguyện nhiều mà làm việc ít hay không làm gì cả.” (IX, 566).

Don Bosco kết luận bằng việc mời mọi người tạ ơn Chúa: “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và để cho Tu hội chúng ta được thanh luyện tận bên trong nơi các hội viên, để có thể mang lại hoa trái làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Với cách thức này chúng ta sẽ làm cho mình được yêu mến và nhân danh Chúa chúng ta sẽ thực hiện được những điều lớn lao” (IX, 567)

Thầy Oreglia miêu tả quanh buổi lễ hôm đó trong thư gởi cho Mẹ Galeffi, trưởng hội Tor de’ Specchi ở Roma như sau: “Ở Nguyện xá hình như điên cuồng cả một lượt! Kẻ đàn, người ca, đây kia reo hò, sung sướng đến nỗi không còn biết trời đâu đất đâu. Ngay cả đến qủa chuông cũng không lúc nào im tiếng, thành thử những người lân cận cũng vui lây” (IX, 567).

Ngày 8 tháng 3 vị thánh báo tin vui cho tất cả trẻ học chữ và học nghề đang tụ tập tại nhà hội để đọc kinh và nghe huấn từ.

Ngày 11 tháng 3 sau kinh tối, ngài tập họp tất cả Salêdiêng và tu sinh trong nhà cơm của các thầy. Ngài làm nổi bật vấn đề là dù biết bao khó khăn, không tư giáo nào đã phải ngắt quãng việc học hay bỏ áo dòng chỉ vì thiếu sự trợ giúp vật chất, lý do là Chúa Quan Phòng cho tới giờ vẫn can thiệp một cách tỏ tường. Sau đó, ngài chuyển sang chủ đề tuân giữ Tu luật với những lời lẽ nghiêm trọng sau đây: “Như ai cũng biết cho tới bây giờ, Tu hội chúng ta chưa có luật dòng cố định. Chúng ta đã vững tiến dù chưa xác định rõ rệt nghĩa vụ. Vì chưa được Giáo Hội phê chuẩn, Tu hội chúng ta đã như sống trên mây, trên gió và đã có thể đến ngày tan rã. Nhà chúng ta đã có thể đạt tới đích mà cũng đã có thể đóng cửa, không tồn tại, không gì chắc chắn, vì vậy không tránh khỏi tình trạng lỏng lẻo. Các con thân yêu, từ rầy về sau, không còn như thế nữa. Tu hội chúng ta đã được phê chuẩn rồi, chúng ta hết thảy đều liên kết mật thiết với nhau; cha ràng buộc với các con, các con ràng buộc với cha. Và tất cả chúng ta ràng buộc với Chúa. Giáo Hội đã tuyên phán Chúa đã chấp nhận phương án của chúng ta, thành thử chúng ta phải giữ lời hứa. Chúng ta không còn là những con người riêng rẽ, nhưng tạo nên một Tu hội, một thân mình khả giác; chúng ta hưởng đặc ân miễn trừ. Thiên hạ quan sát chúng ta, và Giáo Hội có quyền trên công cuộc của chúng ta. Từ nay trở đi, mỗi phần của quy luật phải được thực thi một cách xác đáng. Cha không muốn trong nháy mắt đổi hết tất cả bộ mặt Nguyện xá. Làm như vậy chỉ tổ rối trật tự, đàng khác, không thể được. Cứ tuần tự, chúng ta sẽ tất cả…”. Ngài tiếp tục bài giảng huấn tuyệt hay về bác ái huynh đệ, hiệp nhất về tổ chức và tinh thần, về vâng phục và hướng dẫn, sau cùng khích lệ việc hộ trực học sinh và năng viếng Thánh Thể.

Bài giảng huấn có giá trị vô song, đáng được đọc lại trọn vẹn, và được giải thích thường xuyên (IX, 571-576). Ngày 10 tháng 12 cùng năm, các Salêdiêng được Don Bosco triệu về trung ương để bầu ban Thượng cố vấn. Dựa trên quyền hạn do quy luật thời đó ấn định, Don Bosco tự mình cử cha Rua làm phó và cha Cagliero làm linh hướng (thời đó quen gọi là tổng giám linh). Số phiếu dồn cha Angelo Savio làm quản lý, các cha Chivarello và Durando làm cố vấn. Thay thế cho cha Francesia, người phải sang Cherasco làm giám đốc, vị cố vấn thứ ba được bầu là cha Phaolô Albera (IX, 764-766).

Ngài cho biết rằng từ đây Ban cố vấn phải phục vụ toàn thể Tu hội, thế nên được gọi là ban Thượng Cố vấn và ấn định các vị Thượng cố vấn sẽ có trách nhiệm trực tiếp trên toàn Nguyện xá và sẽ được các vị bề trên phụ tá giúp để khỏi tạo ra ban cố vấn riêng biệt cho Nguyện xá; các thượng bề trên không cần có nhà cơm riêng hầu được thong dong mà lãnh đạo toàn thể Tu hội. Ngài chỉ thị soạn danh sách hội viên hàng năm kèm theo danh sách các anh em đã qua đời, nêu cao những nhân đức họ đã thực hành (IX, 766-767). Cho đến năm 1873 danh sách hội viên và Vong danh lục được truyền đi như cuốn chép tay, mãi sau mới thành ấn bản.

Ngày 7 tháng 3 năm 1870 từ Roma về, tâm hồn càng rạo rực vui vì chính mình có dịp đàm đạo với các giám mục và các nghị phụ về việc công bố tín điều bất khả ngộ của Đức thánh cha, ngài bộc lộ cảm tưởng của mình trong bài giảng huấn cho các giám đốc. Một trong những cảm tưởng đó là việc công bố sự thành lập Tu hội Salêdiêng giữa phiên họp khoáng đại của Công đồng. Ngài nói: “Sau đó cha có dịp trao đổi với các Giám mục đã nghe công bố về Tu hội chúng ta trong Công đồng chung. Các ngài tha thiết van nài cha thương đến lập một nhà ở địa phận của các ngài, nhưng cha không dám hứa, không phải vì thiếu phương tiện vật chất mà thiếu nhân sự”.

Tiện dịp, Don Bosco cũng khích lệ thêm việc chăm sóc ơn gọi: “Riêng chúng ta, hãy ra sức làm việc lành và mỗi người hãy cộng tác bao có thể vào việc tìm kiếm hội viên, mời gọi họ gia nhập công cuộc bằng lời nói và gương sáng. Vì giả như cha khéo léo lời mọc mà các con không thuận theo, thì cha khác nào chàng lính khua chiêng gõ mõ, nhưng chẳng ai nghe theo… Thế nên mỗi giám đốc hãy coi xem có ai trong trường phù hợp với Tu hội chúng ta chăng, hoặc giả như có thi cử gì thì hãy cho họ biết về kỳ thi ấy để định liệu. Bởi thế, cần nhất cả là mỗi người hãy có lòng thành kiếm tìm ơn ích thực sự cho linh hồn các thanh thiếu niên đã được trao phó cho chúng ta. Hãy bỏ ngoài tai những tán thưởng, xua nịnh và ngỡ ngàng của kẻ khác, hãy giữ lấy sự tinh ròng chân thật; và chúng ta sẽ vui sướng vì được Chúa đặt tay chúc lành, nhưng phải tuân giữ tu luật và coi trọng đúng mức luật của Tu hội” (IX, 834-35).

Những lời nhấn mạnh một ngày một mãnh liệt chứng tỏ rằng Don Bosco gặp khó khăn cho việc đặt nền cho kỷ luật đời tu, cách riêng tại Nguyện xá, nơi người ta cứ liên tục tính toán bảo đảm tương lai của họ.

Cha Lasagna lo lắng về điều này đến nỗi, một tối nọ đợi Don Bosco giải tội xong, khoảng 23g30, cùng ngài vào dùng tối, đã bộc lộ lo sợ rằng Tu hội khó có thể đứng vững khi ngài nằm xuống. Vị thánh trả lời: “Con cậy vào thế lực loài người quá đúng hơn phải trông cậy vào sức mạnh siêu nhiên mới phải. Con hãy coi một trong hai điểm này: hoặc Don Bosco không làm được chuyện gì hoặc Don Bosco làm được cái gì đó! Nếu ngài làm được chuyện gì thì sau khi chết ngài vẫn có cách xoay sở. Nếu ngài không làm được chuyện gì, a, càng hay, Chúa sẽ làm mọi sự” (IX, 835-836).

Về phần ngài, ngài vẫn liên tục kêu mời khi có dịp. Ngày 27 tháng 3 năm 1870, triệu tập tất cả hội viên đã khấn, các tu sinh, tư giáo cũng như sư huynh của Nguyện xá để huấn đức, và khi nhắc đến cám dỗ của Adam trong vườn địa đàng, ngài phàn nàn rằng trong Nguyện xá, ma quỷ cũng tìm cách quấy phá với những ghen tương, xấu bụng và bất mãn. Ngài minh xác: “Đã khá lâu, cha thấy có những điều không thích hợp phải được ngưng lại ngay lập tức. Cha biết có khuynh hướng chia rẽ thành hai nhóm, điều tuyệt đối phải tránh trong Tu hội. Cha đã ở Lanzo, Mirabello, Cherasco và trong những lần thăm các nhà đó, ngoài các giám đốc ra, cha đã quan tâm hỏi han cả các hội viên, kẻ này người nọ xem họ có nhận xét gì về bước tiến Tu hội. Và cứ đặt vấn đề này ra là ai cũng đồng một loạt nói rằng theo họ, tại Torino, nhà mẹ, các hội viên không còn khí thế như họ phải có, kém hơn các nhà khác. Cha đã thấy ở những nhà khác, các hội viên vừa dạy học vừa hộ trực lớp, nơi nhà hội, trong phòng ngủ, ngoài sân chơi. Như vậy, vừa mới ngưng dạy ở lớp, thay vì thong dong giải lao một mình, họ ùa vào giữa đám trẻ, vui đùa và trông coi chúng. Cha thấy họ làm việc nhiều thực sự. Cha tỏ ý thương hại, muốn gửi vài hội viên khác đến giúp họ một tay, nhưng họ cho rằng không nên, vì ít người làm việc mà sống hòa hợp còn hơn là nhiều mà chẳng thuận hòa gì cả” (IX, 838).

Lời nhắc nhở này cộng với những lời nhắc nhở khác lập tức mang lại hiệu quả tốt đẹp vì xét cho cùng, không thiếu người thiện chí. Bằng chứng là ngày 30 tháng 1 năm sau đó, sau khi nhận lời khấn ba năm của tư giáo Luigi Rocca và sư huynh Marcello Rossi giữa hai nhân chứng là cha Lemoyne và Pestarino, vị thánh có bài huấn đức chung. Trong bài giảng, ngài sung sướng công bố tin vui nhận được từ các giám đốc trường Borgo San Martino, Lanzo, Cherasco, Alassio và nói thêm: “Nếu phải nói về Nguyện xá, nhà mẹ trung ương, cha phải tỏ ra vui mừng và an ủi khi thấy năm nay có tiến bộ tỏ tường. Cha trông thấy mọi sự được sắp xếp chu đáo. Cha cũng hài lòng về học sinh chuyên nghiệp những năm trước không kỷ luật trật tự gì, chỉ là mối bực dọc cho các nhà mà thôi, nhưng nay đã cải thiện khá lắm. Vẫn biết ai nấy chưa phải là bột để làm nên bánh lễ, nhưng ít ra là đã tiến bộ kha khá. Có vài học sinh xin gia nhập Tu hội. Cha cũng nhận thấy rằng giữa các hội viên đã tăng thêm tinh thần trách nhiệm, nỗ lực làm việc lành và hiệp thông với nhau, một điều rất cần thiết cho chúng ta” (X, 1055).

Qua tường trình của các giám đốc nói chung, Don Bosco bày tỏ niềm vui của mình vì trong từ năm trước Tu hội đã tiến triển về mặt “thiện chí, hiệp nhất và ham chuộng làm việc” và không những “một số kha khá học sinh được nhận vào nhà thử mà còn nhiều trẻ khác xin vào làm tu sinh: toàn là thanh thiếu niên thiện chí cả” (X, 1054). Để kết luận, ngài khích lệ mọi người giữ Luật dòng và tránh ngoại lệ. Ngài đau lòng nói trước: “Đáng tiếc, sẽ có thời không tránh khỏi ngoại lệ và cha rùng mình khi nghĩ đến điểm này. Nói vậy không có nghĩa là khi rất cần thiết, một người vẫn không được xoay sở; thế nhưng, nếu có gì ngoại lệ chỉ nên chấp nhận vì thuần tuý cần thiết mà thôi” (X, 1059)

Trong tuần phòng tháng 9, Don Bosco cảm thấy cần nhấn mạnh hơn nữa cho các bề trên rằng “mỗi giám đốc phải trả lẽ cho Chúa về linh hồn của các hội viên đã được trao phó cho họ hướng dẫn”. Tiếp đó ngài khởi hứng cho mỗi người hăng hái chu toàn bổn phận của họ, với lời lẽ rành mạch sau đây: “Hoặc là Salêdiêng thánh hay đừng là Salêdiêng” (X, 1078). Hôm 31 tháng 12 năm 1871, hoa thiêng năm 1872 được công bố cho các khấn sinh và tập sinh là: “Tuân giữ Tu luật” (X, 1039).

Ngày 12 tháng 1 năm 1873, khi giảng huấn chung cho các hội viên, ngài thông báo rằng ban thượng cố vấn ở Nguyện xá sắp được rảnh những công tác của cộng thể để thong dong mà lo việc cho toàn Tu hội. Ngài mời tất cả cám ơn Chúa vì có nhiều ơn gọi cũng như nhiều ân nhân, và nói: “Chúa hằng bênh vực chúng ta, Ngài an bài để chính những kẻ oán ghét và bách hại các dòng tu khác lại là những người nâng đỡ và cổ võ công cuộc của chúng ta. Họ cung cấp cho chúng ta cả phương tiện lẫn khí giới, rõ là “ gậy ông đập lưng ông”.

Sau đó ngài tiếp: “Nếu ao ước lớn nhất của cha là Tu hội được lớn lên và các tông đồ được gia tăng thì ước ao còn lớn hơn nữa phải là những hội viên này phục vụ Tu hội cách rất đắc lực, trở thành những người con xứng đáng của thánh Phanxicô Salê, giống như những anh em dòng Tên là những người con xứng đáng của thánh Ignatio Loyola. Trên toàn cõi đất hơn ai hết, lũ ngụy tặc mang mối căm thù của Satan, chúng muốn tiêu diệt hết mầm giống rất thánh thiện này, nhưng vẫn phải ngỡ ngàng thán phục. Dù bị bách hại và tàn sát đến đâu lòng qủa cảm của họ vẫn không lung lạc. Bị phân tán khắp nơi, tới mức họ không còn biết tu sĩ kia của dòng mình ở chỗ nào (như trường hợp triệt hạ các dòng tu do chính quyền Tam điểm gây ra ở Ý), kẻ nọ cách xa người kia đến thế, mà họ vẫn tuân hành qui luật do Bề trên ban xuống, như ở trong cùng một cộng thể vậy. Đâu có tu sĩ dòng Tên, cha phải nói, đấy có gương mẫu nhân đức và thánh thiện: nơi đó họ giảng thuyết, giải tội, công bố Lời Chúa. Còn gì nữa? Khi những kẻ gian ác tưởng đã dập tắt họ, chính lúc ấy họ tăng số và đạt được nhiều kết quả cho các linh hồn. Các con yêu quí của cha, các con cũng phải thế, hãy nghiêm chỉnh suy tưởng về ơn Chúa gọi, hãy ngẫm nghĩ và cầu nguyện. Khi vào Tu hội, chúng con hãy noi gương những người con độ lượng của Chúa Kitô và hãy cứ thế mà làm. Dù ôm ấp đời tư giáo hay sư huynh và dầu lãnh nhận bất kỳ chức vụ nào, hãy luôn luôn chính xác trong việc tuân giữ Hiến luật” (X, 1062).

Vào dịp lễ thánh Phanxico Salê, ngài kết bài giảng huấn thường niên bằng cách trở về cùng một đề tài: “Điều tối quan trọng Don Bosco muốn khích lệ các con làm cho Tu hội là gì nhỉ? Các con có thể đoán được. Chính là tuân giữ Tu luật. Nếu chúng ta giữ đàng hoàng, Chúa sẽ hài lòng (không ai nên giữ luật để chiều lòng cha hay người khác) và chúng ta sẽ lôi cuốn kẻ khác theo gót chúng ta vì “verba movent exempla trahunt, lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn”. Ngài cũng đi sâu vào những chi tiết có thể phương hại đến tâm hồn học sinh “ngược lại nếu chúng ta không tuân giữ luật, cứ buông theo sự ham mê ăn uống, nhất là thói rượu chè, hoặc ở nhà thờ cứ quay ngang quay ngửa, cách riêng sau lúc chịu lễ, người ta sẽ nghĩ gì về Tu hội chúng ta? Các con yêu dấu, bây giờ cha còn như vị thuyền trưởng giữa thủy thủ đoàn, tất cả sẵn sàng chịu mọi sự, không phải vì mua lòng cha là kẻ không trả công gì hết, nhưng là đẹp ý Chúa. Chúng ta hãy liệu sống sao cho những người xung quanh được xây dựng và tất cả điều này quy về vinh danh Chúa” (X, 1066 – 1067).

Trong bài nói chuyện và khuyên nhủ của Don Bosco, ta có cả một kho thần học về kỷ luật đời tu, cho sự trọn lành cá nhân và toàn thể Tu hội; về sự khả tín của Tu hội đối với Giáo hội  và thế giới; về sự hấp dẫn đối với giới trẻ được Chúa mời gọi vào đời tu trì.

Vị cha hiền không chịu giới hạn mình trong bài giảng và huấn đức mà thôi. Khi Hiến luật mới được chấp thuận, ngài lập tức uỷ phái cho cha Rua, phó bề trên cả lo liệu cho Hiến luật được tuân hành và đi thăm các nhà theo giáo luật để kiểm tra vấn đề này (X, 1260-66).

Trong các bài giảng huấn thường niên, sau này được bố trí vào ngày 17 và 18 tháng 4, ngài nêu ra quy tắc chung sau đây: “Bây giờ Hiến luật đã được phê chuẩn, từ nay trở đi chúng ta nhất trí phải tiến bước một cách quy củ. Cần làm sao để bề trên có thể tuỳ nghi sắp xếp về từng cá nhân, cách riêng trong lãnh vực tác vụ thánh. Ta bỏ mọi khuynh hướng cá nhân và nỗ lực tạo nên duy một thân thể. Mọi người không nên khước từ công việc đã truyền, bất kể nặng nhọc hay trái sở thích. Không phải chỉ liên kết với giám đốc mà thôi, còn phải thực thi đức vâng phục chân chính. Thay vì giải thích luật với ý nghĩa giúp mình thoái thác thì nên giải thích sao để đưa mình vào công việc cách mau mắn và vui vẻ. Kính trọng Tu hội không phải cách chung chung mà còn kính nể từng hội viên nữa. Cha của chúng ta là Chúa, mẹ của chúng ta là Tu hội. Vậy hãy yêu mến Tu hội, bảo vệ danh thơm tiếng tốt cho Tu hội, tránh những gì phương hại đến danh dự, sự tăng triển và thịnh vượng của Tu hội. Không ai nên thoái lui nhưng phải tự do và can đảm tiến tới: không chỉ giữ luật mà cần giữ cả những điều chi tiết đã được ấn định nữa” (X, 1071).

Những cuộc hội họp mùa thu từ ngày 18 đến 26 tháng 9 năm 1875 đánh dấu vài nét cải tổ trong tổ chức: thay từ ngữ linh hướng bằng hạn từ Giám linh (Catechista), vì muốn dành quyền hướng dẫn cho giám đốc cộng thể; quyết định bổ nhiệm một người “lo cho việc học” với danh xưng là Tổng cố vấn học vụ; thêm vào đó quyết định in cuốn Danh sách các hội viên và Vong danh lục cũng như thư vâng lời (XI, 341, 342, 351).

Trong các nghị quyết ta thấy nhấn mạnh nhiều về việc tuân giữ Tu luật và ấn định trong hai bài huấn đức hàng tháng, giám đốc phải dành một bài cho việc cắt nghĩa Luật dòng (X, 354).

Ngài tỏ cảm tưởng sâu xa của mình về lời cảnh cáo của cha Bruno, linh mục dòng thánh Philip Nêri, vị giảng phòng đã nói rằng: “Những lộn xộn xảy ra trong các nhà tu không bao giờ bắt đầu từ những điểm chính yếu mà luôn khởi sự từ những điểm nhỏ nhặt hơn cả” (X, 344).

Nhân dịp gửi các truyền giáo đầu tiên, Don Bosco đã cho chụp bức hình trao sách Hiến luật cho vị trưởng phái đoàn là cha Cagliero.

Khi nói cho các tư giáo tối hôm 6 tháng 7 năm 1875, vị thánh trình bày tư tưởng của mình về quan điểm rằng Ngay ở giữa thế gian cũng có thể được rỗi và thánh hoá bản thân, cho nên không được coi kẻ bỏ ơn gọi tu trì là những người bị luận phạt. Ngài nói: “Đúng là tuyệt đối mà nói, thì ngay cả ngoài nhà dòng cũng có thể sống cuộc đời tốt được và người xuất dòng cũng có thể sống đời Kitô hữu tốt được, vẫn được rỗi như bình thường. Nhưng các con tin cha một chút, cha nói thẳng rằng vấn đề này chỉ đúng trên lý thuyết còn thực tế thì khác hẳn. Cha quan niệm rằng ít có ai bỏ đời tu mà được rỗi một khi dòng tu là điều kiện cho phần rỗi của họ. Trước nhất là vì khi vào dòng, thì có thể nói, họ có ơn gọi; và, khi tự mình đánh mất ơn gọi, thì khó tìm lại con đường đúng đắn. Vả lại biết mình sống ở bậc này tốt mà bỏ, thì phải coi đó là dấu không theo sự thôi thúc của Chúa, nhưng theo tư lợi mà thôi” (XI, 300).

Ngày 3 tháng 2 năm 1876 trong phiên họp thường niên cho các giám đốc, quen triệu tập vào dịp lễ thánh Phanxicô Salê, Don Bosco, trong bài huấn đức long trọng, sau khi đã biểu dương các giám đốc về mức tiến bộ của mỗi nhà, ngài trình bày sự phát triển của Tu hội con Đức Mẹ Phù Hộ và giới thiệu công cuộc mới là Nhóm thanh niên tu muộn mang danh hiệu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ. Ngài sốt sắng dâng lời cảm tạ Chúa Quan Phòng đã tuôn đổ dồi dào ơn thiêng, rồi ngài lại bàn về việc tuân giữ Tu luật như dấu chứng cụ thể để tỏ lòng tri ân với Chúa, bắt đầu với vấn nạn sau đây: “Vậy chúng ta phải làm gì để đáp đền lòng nhân hậu của Chúa Quan Phòng?”. Ngài tự đáp: “Đây nhé, Tu Hội đã được thiết lập, Hiến luật đã được châu phê. Việc to tát nhất là dùng mọi phương cách thi hành luật và tuân theo một cách chu đáo. Thế nhưng, muốn thực hành và tuân theo cần phải biết và nghiên cứu kỹ lưỡng. Mỗi người có bổn phận học tập Hiến luật. Bây giờ không còn như thời trước, lúc Hiến luật chưa được phê nhận. Lúc ấy mới có Tu hội được phê nhận mà thôi, nên chỉ điều hành theo kiểu truyền thống và gần như gia tộc. Thời đó đã qua rồi. Ta phải gắn bó với Bộ luật của chúng ta, nghiên cứu tỉ mỉ, thấu hiểu, giải thích và thi hành. Mọi sinh hoạt của chúng ta phải được Hiến luật hướng dẫn.

Các giám đốc, về tới nhà, phải liệu cho các người thuộc quyền thấu triệt Hiến luật, phải dành cho Hiến luật mức uy tín cao nhất và thực là như vậy. Các luật đều có uy lực riêng của chúng. Các giám đốc hãy nghiên cứu, giải thích với tất cả lòng bác ái và nhân lành.

Trong mọi trường hợp thay vì nại đến thẩm quyền khác, hãy nói đến Tu luật: “Luật nói thế này, luật giải quyết như vậy; anh làm muốn như vậy mà luật không cho phép, bạn thoái thác điều đó mà luật lại đòi buộc”.

Hãy cổ võ việc tuân giữ và tuân giữ Hiến luật khi giảng huấn cũng như lúc nói chuyện chung và riêng. Nhờ thế, cách thức điều hành của giám đốc luôn mang sắc thái tình cha, như chúng ta hằng mong muốn. Làm sao để thấy rằng không phải giám đốc muốn điều này điều nọ, cấm đoán hoặc sai bảo, nhưng là Tu luật; như vậy, thuộc hạ không còn chê trách hoặc lẩm bẩm mà không vâng lời. Tắt một lời: Tuân giữ Tu luật là phương thế duy nhất để rao truyền tinh thần của chúng ta. Chống lại Tu luật hoặc không lưu ý đến Tu luật là dấu không lành; bởi vì nếu muốn làm việc với tinh thần tốt mà không ở trong khuôn khổ Tu luật, hỏi việc đó để làm gì? Mỗi người sẽ làm việc cho là thật nhiều đi nữa, thì công việc vẫn có tính chất tư riêng chứ chưa tập thể. Đương nhiên mọi thiện ích của dòng tu đều lệ thuộc vào điều này: làm việc tập thể. Bằng không, đừng hòng gây dựng một công trình nào.

Giả như ta xa cách điều Tu luật đòi buộc và cứ miệt mài làm việc, kẻ kéo đàng này, người lôi đàng kia, mục đích tốt thật đấy, nhưng rất riêng rẽ. Đây là manh mối của sự lỏng lẻo tinh thần, các công việc này sẽ không được Chúa chúc phúc như trước  nữa. Thế rồi, đưa đến chỗ cải tổ, làm cho Tu hội suy yếu nhiều lắm. Chính chúng ta đã thấy xảy ra cho các dòng tu khác và luôn kết thúc ở chỗ gây thiệt hại rất lớn cho phần rỗi linh hồn. Rồi sao nữa? Sụp đổ và tan rã hoàn toàn. Tuân giữ Hiến luật là phương thế hữu hiệu  làm cho Tu hội được bền vững.

Giữa chúng ta bề trên hãy là tất cả. Mọi người tiếp tay với Bề trên cả, nâng đỡ trợ giúp mọi cách, coi ngài là tâm điểm. Bề trên cả thì có Tu luật: ngài không được rời xa Tu luật, bằng không, tâm điểm không còn là một mà là hai, nghĩa là một tâm điểm là Tu luật và tâm điểm khác là ý riêng của ngài; cần làm thế nào để hầu như Tu luật nhập thể vào Bề trên cả. Phải làm sao để Bề trên cả và Tu luật nên một.

Điều xảy ra nơi Bề trên cả đối với toàn thể Tu hội cũng là điều xảy ra cho giám đốc mỗi nhà. Ngài phải làm cùng một điều với Bề trên cả và các phần tử trong nhà cũng phải làm cùng một điều với ngài. Nơi giám đốc, Tu luật cũng phải được nhập thể… Không còn là bộ mặt của Ngài mà là bộ mặt của Tu luật. Ai cũng biết Tu luật là ý Chúa. Ai chống lại Tu luật là chống lại chính bề trên và ý Chúa nữa” (XII, 80- 81)

Ở đây không chỉ có lời nhắn nhủ giữ luật mà thôi. Còn có cả tiêu chuẩn về uy tín của luật và duy nhất tính của thể thức quản trị theo quan niệm của Don Bosco nữa.

Trong một thư luân lưu đề ngày 6 tháng 1 năm 1884, Don Bosco diễn tả rất rõ việc vi phạm lời khấn và Tu luật: “Các con thân yêu, các con biết rõ rằng cha đã tiếp nhận các con vào Tu hội và cha kiên trì dùng mọi phương sách tìm ích cho phần rỗi đời đời của các con. Cho nên nếu các con muốn tiếp tay với cha trong công tác này, hãy làm theo ước muốn của lòng cha. Các con dễ dàng đoán ra điều có thể sử dụng để đạt tới dự định này. Tuân giữ Tu luật, thứ luật đã được Giáo Hội phê chuẩn làm chỉ nam sinh ích cho phần rỗi chúng ta, và ích lợi thiêng liêng và vật chất cho các học sinh thân yêu của chúng ta. Chúng ta đã đọc luật đó rồi, đã nghiên cứu và bây giờ đã trở  thành đối tượng cho lời khấn hứa, và nhờ đó chúng ta tận hiến cho Chúa. Do đó, cha tha thiết khuyến khích các con không ai được thốt ra một lời nuối tiếc, tệ hơn nữa là tỏ ra hối hận vì đã tận hiến mình cho Chúa.

Đây là một hành vi vô ơn xấu xa. Hết thảy điều ta có trên bình diện siêu nhiên hoặc tự nhiên đều thuộc về Chúa. Thế nên, việc hiến thân cho Chúa qua sự thánh hiến tu trì chẳng qua là dâng cho Chúa, tạm nói như thế, điều ta vay mượn Chúa, nhưng tuyệt nhiên vẫn thuộc quyền sở hữu của Ngài. Chúng ta mà rút lui, không tuân giữ lời khấn, thì chúng ta làm một hành vi trộm cắp đối với Chúa, đang khi trước nhan thánh Chúa, ta đòi lại, tục hoá điều ta đã dâng hiến và đã trao trọn nơi bàn tay thánh thiện của Ngài.

Có người có thể nói: giữ Tu luật vất vả lắm. Ừ, thì vất vả, nhưng chỉ vất vả đối với kẻ ngại ngùng, đối với kẻ xao nhãng mà thôi. Còn đối với người chuyên cần, ham chuộng điều ích lợi cho linh hồn, việc giữ luật theo lời Đấng Cứu thế, trở thành ách êm ái và gánh nhẹ nhàng. Hơn nữa, các con thân yêu, liệu chúng ta lên thiên đàng trong toa xe sang trọng được không? Chúng ta không làm tu sĩ để hưởng lạc, nhưng để chịu đau khổ và lập công phúc cho đời sau. Chúng ta hiến mình cho Chúa không phải để chỉ tay năm ngón mà để vâng lời, không phải để dính bén vào thụ tạo, nhưng là để thực hành đức bác ái đối với tha nhân vì lòng yêu mến Chúa, không phải để sống an nhàn mà để sống nghèo với Chúa Giêsu, chịu đau khổ với Chúa Giêsu trên trần gian và làm ta nên xứng đáng  với vinh quang Nước trời” (XVII, 16-17).

Năm 1884, năm ráo riết hoạt động để được Thánh Bộ ban đặc ân miễn trừ, cũng là năm rắc rối cho việc điều hành Nguyện xá. Ở Roma ngài đau khổ khi nghe tin tại Nguyện xá có những vụ lộn xộn, khiến ngài có một giấc mơ nổi tiếng được viết trong lá thư đề ngày 10 tháng 5 (XVII, 107-114). Khi trở về, ngài giải quyết tận căn với biện pháp sa thải khối lớp thứ năm trung học. Ngài cũng thảo bức thư di chúc với những chuẩn định  rất chi tiết và quý báu. (XVII, 256- 273).

Trong thư, ngài đòi buộc giữ Tu luật như một bảo chứng tình yêu của các người con đối với người cha: “Các con thân yêu trong Chúa Giêsu Kitô, thay vì khóc lóc (cái chết của cha), các con hãy quyết chí vững vàng và hữu hiệu, trung thành với ơn gọi cho đến chết. Hãy ý tứ và liệu sao đừng để cho sự trìu mến thế gian, tình cảm đối với cha mẹ và những người thân thích, cũng như nếp sống dễ dãi đưa đẩy các con tới chỗ tục hoá lời khấn, để rồi phản bội hành vi khấn dòng, nhờ hành vi này chúng ta đã tự thánh hiến cho Thiên Chúa. Chớ có ai đòi về cho mình điều đã được tặng hiến cho Chúa. Nếu trong dĩ vãng, các con đã thật lòng yêu mến cha, thì hãy tiếp tục yêu mến cha trong tương lai bằng cách xác đáng tuân giữ Tu luật…” (XVII, 258). “Chúa Quan Phòng đã dọn sẵn cho Tu hội chúng ta một tương lai rực rỡ và vinh quang của Tu hội chúng ta sẽ tồn tại bao lâu Hiến luật còn được trung thành tuân giữ” (XVII, 272).

Giấc mơ năm 1881 thật phi thường :”Tu hội Salêdiêng phải như thế nào và sẽ nguy hiểm ra sao?” (XV, 183-187), được kết hợp với những lời căn dặn lớn lao như sau : Meditatio matutina et vespertina sit indesinenter de observantia constitutionum – nguyện ngắm sớm tối, không ngừng về việc tuân giữ Hiến luật” (XV,186).

Lòng yêu mến của chúng ta đối với vị sáng lập sẽ bừng cháy nếu chúng ta suy gẫm và trung thành tuân giữ Hiến luật một cách gương mẫu.

Chương 4

Tinh Thần Đạo Đức

Năm 1878, Đức Cha Ferré, Giám mục địa phận Casale Monferrato đã chỉ cho hai nhân vật vị vọng thấy bí quyết phát triển mau lẹ của Tu hội Salêdiêng, với những nhận xét sắc bén như sau: “Don Bosco có hai bí quyết làm cho các con cái ngài thực hiện nhiều việc thiện. Trước hết, ngài gieo vào tâm hồn thanh thiếu niên lòng ham mộ việc đạo đức đến độ, tôi có thể nói, là làm chúng say mê. Chính bầu khí bao quanh chúng, bầu khí chúng hít thở đã thấm nhiễm những thực hành tôn giáo. Được ghi khắc sâu xa như thế, các thanh thiếu niên dường như không dám làm điều xấu; chúng không có phương tiện để làm xấu, vì tuyệt nhiên phải chống lại trào lưu mới trở nên xấu được. Xao nhãng việc đạo đức thì chúng cảm thấy chẳng khác gì như cá ra khỏi nước. Chính bí quyết này biến các thanh thiếu niên nên ngoan ngoãn, làm việc với lương tâm ngay lành đến nỗi không thể nào nghĩ tới chống đối. Mọi sự tốt đẹp nhờ một sức mạnh bất khả kháng. Nhưng làm sao để các linh mục và tư giáo trẻ kiên trì nổi trong những tác vụ đầy nguy hiểm đang khi chính họ còn trong tuổi đầy yếu đuối, mà không vỡ lỡ? Đây là bí quyết thứ hai: Don Bosco chất lên mỗi người hàng lô công việc phải làm, dồn vào trí não họ vô số tư tưởng và trọng trách khiến họ không còn thì giờ để hướng lòng về điều gì khác. Ai còn thì giờ để thở cũng còn thì giờ để chiều theo tội ác. Vị Giám mục kết luận – Ở trường thánh Martino có hai vị tư giáo xem ra rất thường, thế mà họ tự lo việc học hành, tự dọn thi tú tài, đang khi quán xuyến việc dạy dỗ và trông coi các học sinh. Làm việc đến mức đó, sao không vững tiến trên đường đạo đức được” (XIII, 889).

Khi những nhận xét này đến tai Don Bosco, ngài giải thích thêm: “Cha nghĩ đó qủa là hai chân lý tốt đẹp. Về phương diện đạo đức, không nên gò ép người trẻ, tránh làm chúng mệt mỏi, hãy làm sao vừa nhẹ nhàng, vừa thoải mái, giống như một khối không khí tuy bao quanh ta, mà ta vẫn không cảm thấy bị ép, vì nó ở trong và ngoài cơ thể con người. Còn vấn đề làm nhiều việc… đúng lắm! Riêng năm nay, cha Barberis thử tính xem có bao nhiêu nhà mới mở?”. Cha Barberis tính nhẩm, kể cả các nhà của dòng con Đức Mẹ Phù Hộ, có tổng số là hai chục” (XIII, 889).

Ta tạm gác cái bí quyết thứ hai tức là đam mê làm việc để bàn về tinh thần đạo đức. Ta có những bằng chứng rõ rệt về tinh thần đạo đức của Don Bosco gây dựng trong nguyện xá vào những năm đầu. Cha Balesio, trong bài điếu văn của các Cựu Học Sinh, hôm tang lễ của Ngài, cho biết: “Hồn sống của nguyện xá, dây cương kiềm tỏa các thói hư tật xấu, sự thi đua làm lành, sự vui tươi, vẻ đẹp và trật tự trong nhà, sự thành công trong việc học và lao động, tất cả đều phát sinh từ tinh thần đạo đức hợp lý, thâm sâu và nồng nhiệt mà Don Bosco đã tuôn đổ vào lòng chúng tôi bằng gương sáng và bài giảng của ngài, bằng việc năng chịu Mình Thánh, một điều khá mới lạ đối với người đương thời, bằng những câu chuyện linh động và xây dựng với lời lẽ, cử điệu, khóe nhìn khả dĩ phá tan mọi mờ tối và băn khoăn; tâm hồn tràn ngập niềm vui, nồng cháy lửa mến nhân đức, hy sinh và vâng phục… Don Bosco đại diện Chúa điều hành mọi công chuyện…Vị giám đốc tốt lành ấy thông truyền sang những thuộc hạ của mình tinh thần đạo đức, để rồi những người này lại truyền sang cho tất cả con cái ngài” (V. Balesio, đời sống nội tâm của Don Bosco).

Ở đây ta có ba đặc tính của lòng đạo đức mà Don Bosco vun trồng (hợp lý, thâm sâu và nồng nhiệt). Có cả cái gọi là kỹ thuật sư phạm ngài dùng để trau dồi lòng đạo (gương sáng trước, lời nói sau). Cần một thiên khảo luận mới đủ để bàn tới phương cách ngài giáo dục thanh thiếu niên về đạo đức. Muốn rõ giá trị cao đẹp về vấn đề này, chỉ cần liên tưởng đến các lời chứng của hàng trăm cựu học viên bày tỏ trong đền Đức Mẹ Phù Hộ vào dịp tang lễ của ngài. Đàng khác, hoa trái của lòng đạo đức ấy qúa hiển nhiên, đó chính là bài ca ngợi. Ta hãy theo dõi vài nét của chứng từ kỳ diệu này.

Don Bosco quản trị nguyện xá của Ngài, đúng hơn của chúng tôi, với lòng kính sợ Thiên Chúa, bằng tình yêu và gương sáng. Có người gọi kiểu quản trị này là thần quyền. Còn chúng tôi thì cho đó là cách cai quản với lòng xác tín và mến thương, rất xứng hợp với con người. Khỏi nói, kết quả thể chế ấy rất lạ lùng. Hàng trăm thanh thiếu niên, học chữ và học nghề, răm rắp chu toàn bổn phận mình cách hăng say, và chu đáo. Đa số trẻ không những tốt mà còn rất tốt, gương mẫu về mặt đạo đức học hành, hiền hoà và hy sinh. Chúng là những trẻ hấp dẫn, dễ thương, những mẫu gương trong sáng và đắc lực, chưa cố tình phạm tội nhẹ bao giờ. Chúng là những thanh thiếu niên có lòng đạo đức vững vàng, dẻo dai với những khả năng phi thừơng. Nhìn chúng qùi trong nhà thờ thật vui mắt, đắm chìm trong hạnh phúc thiên đàng. Nhiều lần ông thị trưởng dẫn các con của mình đến Nguyện xá để chúng nhận ra tấm gương nơi những đứa con của người dân, nay đã trở nên cao qúi và cao thượng nhờ lòng đạo. Những trẻ này là những người con thân yêu của Don Bosco, được đầy tràn tinh thần của ngài và giúp đỡ ngài đắc lực. Chúng gây ảnh hưởng lớn lao trên chúng bạn. Trong Nguyện xá, ai ai cũng nhận ra những nhân đức tuyệt đẹp: lòng vô tội, đơn sơ, với niềm vui Kitô giáo… những nhân đức thánh phụ Đaminh và Phanxicô cùng những con cái các ngài xưa kia hằng quí mến. Điều người phàm tục cho là huyền thoại đường lại là chuyện rất thực” (VI, 499-450).

Cha Lemoyne quả quyết: “Các thanh thiếu niên sợ tội không tả được. Nơi đây, nền tảng đạo đức thân thương, vững chắc và chân thật, chính là đặc điểm của Nguyện xá, một nền đạo đức hầu như vượt tầm tuổi và khó tin đối với người phàm tục. Chúng tôi đã thấy chúng ngàn vạn lần trong nhà thờ, vẻ mặt dễ thương đáng ca ngợi, khoé mắt đăm chiêu, long lanh ánh lửa mến không bút nào tả xiết” (V, 169).

Don Bosco cũng công nhận như thế. Năm 1878 khi thân mật trò chuyện với những anh em Salêdiêng từ buổi đầu, vị thánh nói: “Hôm qua, cha Cagliero nhận xét: “Ôi, chúng ta có nhiều trẻ rất xứng được vui chơi với thánh Luy”. Đúng lắm, nhiều trẻ luôn duy trì sự vô tội của phép thánh tẩy. Ngay trong nguyện xá này dù đang ở tuổi cực kỳ hiểm nghèo, chúng vẫn giữ được lòng vô tội. Vô số trẻ em sa đi ngã lại dưới sức cám dỗ của ma quỷ, vào chốn này, chúng lập tức thay đổi cuộc sống. Kể như chúng đã vào bầu khí khác hẳn. Chúng quên đứt cái khuynh hướng chúng xấu xa xưa để rồi năm này qua năm khác, chúng thật không cố tình phạm một tội nhẹ nào nữa. Điều an ủi chúng ta nhiều và cũng thôi thúc cha mở mang thêm: chỉ vì hình như Tu hội cắm lều nơi nào thì nơi đó dạt dào ơn Chúa” (XIII, 888).

Hai mươi thế kỷ Kitô giáo, đâu phải vô tình mà Chúa quan phòng dành cho Don Bosco vụ phong thánh một em nhỏ không tử đạo. Chưa có trường Công giáo nào hân hạnh được sự may mắn đó trước Don Bosco. Cả là một bài học cho chúng ta. Chính lối thiêng Salêdiêng đã đưa Đaminh Savio đến đỉnh cao thánh thiện. Một lối thiêng được Don Bosco hơn một lần định nghĩa: “Lòng đạo đức hệ tại ở việc chu toàn bổn phận vì yêu mến Chúa”.

Ngài rất thận trọng khi đặt ra những việc đạo đức chung cho các hội viên và học sinh, nhưng ngài biết tuôn đổ vào lòng mọi thành phần tinh thần đạo đức khả dĩ thánh hoá công việc cũng như phát huy đức ái huynh đệ và tinh thần gia đình. Muốn biết rành mạch sự thận trọng của ngài về vấn đề này, nên đọc trọn chương 58 của cuốn Hồi sử IV. Kẻ cho là quá nhiều, người cho là quá ít. Don Bosco trả lời: “Tôi không đòi gì hơn điều một người công giáo tốt phải làm, nhưng tôi lo sao để đọc các kinh một cách sốt sắng” (IV, 683).

Ngài cảm thấy cần phải minh xác rõ cho anh em Salêdiêng trong Hiến luật: “Đời sống hoạt động mà Tu hội đặc biệt huớng tới, không cho phép hội viên thực hành nhiều việc đạo đức chung với nhau; vì thế, hội viên sẽ bù lại bằng cách làm gương sáng cho nhau và chu toàn đầy đủ bổn phận chung của người Kitô hữu” (HL XII, 150).

Ngoài ra còn nhiều chi tiết khả dĩ tỏ rõ sự thận trọng của ngài. Năm 1860 chẳng hạn, có người muốn đưa vào Nguyện xá Hội tôn sùng trái tim Đức Mẹ, vị thánh phản ứng ngay: “Cha thích Hội này lắm, cha muốn lắm, nhưng có thể làm suy giảm Hội thánh Luy đang thịnh hành, nên ta tạm gác ý kiến rất tốt này một bên, bù lại, ta thúc đẩy thêm lòng tôn kính Đức Maria rất thánh” (VI, 721).

Năm 1868 khi kiểm duyệt bản thảo tiểu sử của thiếu niên Ernesto Saccardi do cha Bonetti soạn, ngài gạt bỏ mấy trang và thêm đôi lời nhận xét: “Sau khi đã suy xét cẩn thận, cha nghĩ nên bỏ tất cả những điều có thể gây tố cáo rằng chúng ta ép làm việc đạo đức và em Saccardi bị ép buộc bỏ giờ giải trí. Cha cũng bỏ đi phần bàn về việc em đọc ‘Triều thiên kính thánh Tâm’ hằng ngày, một việc tự nó rất tốt, nhưng cộng thêm với những việc khác sẽ ra như quá nhiều” (IX, 307).

Trong dịp Tổng Tu Nghị I, có anh em Salêdiêng xin cho chầu Thánh Thể hằng ngày ở các trường học giống như tại Nguyện xá. Nhưng Don Bosco không đồng ý, thay vào đó ngài đề nghị khuyên các học sinh năng viếng Thánh Thể và chào kính Đức Mẹ cách sốt sắng hơn (XIII, 283). Một số anh em đề nghị làm trong mỗi nhà ngủ một bàn thờ nhỏ với một ngọn đèn thâu đêm kính Đức Mẹ, Don Bosco trả lời: “Nếu có kẻ xấu bụng thăm nhà, họ sẽ nói gì khi thấy nhà ngủ nào cũng có ngọn đèn trong cả đêm trên bàn thờ. Họ sẽ tố cáo chúng ta là mê tín; còn chúng ta biết rõ thời cuộc, nên dè dặt thì hơn. Bao có thể hãy in sâu vào tâm khảm tất cả học sinh một lòng đạo đức sâu chừng nào hay chừng nấy, nhưng giảm thiểu tối đa vẻ hào nhoáng bên ngoài. Trong những việc tối cần thì không cần nể ai… tuy nhiên, tránh hết sức thói phô trương, khiến thiên hạ dòm ngó” (XIII, 284)

Có ngừơi đề nghị nên cho làm dấu thánh giá trước khi ăn bánh lót dạ ngoài sân chơi. Thời đó, và kể cả thời của người viết sách này, bữa lót lòng vỏn vẹn gồm có bánh mì khô, học sinh ăn trong sân ngay trong giờ giải trí. Don Bosco nhận xét: “Đương nhiên đây là thói quen tốt, nhưng những kẻ có ý xấu thấy ta làm dấu, họ sẽ nói gì? Nếu thấy ta làm dấu trong bữa ăn, họ sẽ làm thinh vì biết rằng giáo lý dạy, nên tín hữu nào cũng làm như thế. Chúng ta cũng có thể làm; nhưng ở nơi nào chưa có thói quen đó, tốt hơn đừng bày vẽ. Cách riêng không nên thôi thúc học sinh trong trường làm việc này. Đáng tiếc, không thiếu những phụ huynh học sinh kém lòng đạo đức, thấy con em mình làm dấu nơi bàn ăn còn chịu được, còn nhìn chúng làm dấu vào lúc điểm tâm, họ dễ thắc mắc và có thể không gởi con em đến trường nữa.” (XIII, 285).

Ta nhận ra ngay điểm hệ trọng này: Don Bosco luôn nhìn xa về tương lai, kể cả  ấn định việc đạo đức. Bởi thế, ngài chỉ duy trì những nét vững vàng và chính yế. Ngài không nghĩ cho học sinh mà cho Kitô hữu ngày mai.

Cha Lemoyne còn nhận định rằng ngay cả trong việc sắp xếp các bài thánh ca, Don Bosco cũng có chủ đích rõ rệt: “Coi thánh ca là phương thế sửa soạn đời sống các giáo xứ” (III, 152).

Ngay từ những năm đầu tổ chức nội trú tại Nguyện xá Valdocco, có kẻ chất vấn Don Bosco: “Thay vì cho trẻ đọc kinh chung to tiếng, cha để chúng đọc thầm hầu tập cho chúng làm quen với tâm nguyện có hơn không?” Nhà giáo dục thánh thiện trả lời: “Bẩm sinh trẻ là thế. Nếu không cùng nhau đọc to tiếng, thả chúng một mình thì khẩu nguyện cũng mất mà tâm nguyện cũng tiêu. Bởi vậy, dù đọc một cách máy móc và chia trí, khi lo phát âm vẫn tránh được việc chúng noi chuyện với bạn bè. Việc quan tâm phát âm các lời kinh có sức đẩy xa ma qủi!” (VI, 173).

Qủa là một cảm thức tuyệt hay!… Trong thực tế, ngài đã cung cấp cho các thanh thiếu niên những chất liệu nguyện ngắm thật phong phú, những bài sách thiêng thích hợp đọc sau giờ lễ hoặc các nghi thức khác, lúc ban huấn từ tối, hoặc trong nhà ngủ, lúc học sinh thay y phục lên giường. Ngài cho đọc hạnh các thánh hoặc những đề tài thiêng liêng chứ không cho đọc các truyện phiêu lưu nhảm nhí. Ngài khôn khéo đổi thay các hình thức nguyện ngắm. Hơn một lần, ngài cổ võ việc đọc sách thiêng, và năm 1861 trong kỷ niệm ngày hè, ngài khuyên đọc sách thiêng.

Khó mà diễn tả được tính thực tế nơi Don Bosco khi ngài đưa việc giáo dục giới trẻ và nếp sống tu trì của các Salêdiêng vào nề nếp. Ở đây, ta có hàng loạt thí dụ về mối quan tâm của ngài: thánh lễ hằng ngày, chịu lễ thường xuyên, xét mình hằng ngày, dọn mình chết lành hàng tháng, tĩnh tâm năm, nguyện ngắm và sách thiêng theo lứa tuổi, tôn kính sự thương khó Chúa Giêsu và Đức Mẹ, tôn thờ Chúa Giêsu trong phép Mình Thánh và lòng tôn sùng Đức Mẹ Phù Hộ Vô Nhiễm, lòng tôn sùng thánh Giuse cho học sinh tập nghề và lòng tôn kính thánh Luy dành cho trẻ học chữ.

Xin đan cử hai tài liệu điển hình:

  1. Kỷ niệm cho các học sinh của ba nguyện xá ở Torino dịp lễ Phục Sinh năm 1850: “Các con thân mến, nếu muốn duy trì ơn ích của việc chịu lễ trong mùa phục sinh, các con hãy thực hành ba lời khuyên này. Chúng sẽ đem lại niềm vui cho tâm hồn: 1) Hãy thánh hoá các ngày lễ trọng, không bỏ dự thánh lễ và nghe Lời Chúa, nghe giảng, huấn đức và giáo lý; 2) Hãy xa tránh các bạn xấu như tránh bệnh dịch, tránh những đứa nói lộng ngôn hay kêu tên Chúa vô cớ, làm hoặc nói những lời thô tục, cũng nên tránh những người nói xấu đạo công giáo, người phê bình các thừa tác viên, nhất là tránh những ngừơi hay chỉ trích Đức Giáo Hoàng là vị đại diện Chúa Giêsu Kitô. Một người con phê phán về nếp sống của cha mình là kẻ xấu, một Kitô hữu phê phán Đức Thánh Cha thì cũng là kẻ xấu như thế, vì ngài là cha chung của mọi tín hữu trên toàn cầu; 3) Hãy năng chạy đến tòa cáo giải. Đừng trễ nải hơn một tháng mà không xưng tội, chịu lễ theo lời khuyên của cha giải tội. Sau chịu lễ, hãy dùng thời giờ để cám ơn Chúa và xin Ngài che chở khỏi chết đang khi mắc tội trọng. Chỉ một Chúa, nếu Ngài đối nghịch tôi, hỏi ai sẽ cứu tôi? – Tôi chỉ có một linh hồn, nếu mất, tôi sẽ còn gì? – Một tội trọng đã đáng sa hỏa ngục rồi. Số phận tôi sẽ ra sao nếu tôi chết trong tình trạng đó? Các con thân mến, hãy nghe cha: thế gian gian trá, chỉ có Chúa mới là ngừơi bạn chân thật” (IV, 54-55).
  2. Ghi nhớ cho các thanh thiếu niên nội trú tập nghề và học sinh văn hóa: về thái độ sống trong kỳ hè 1861. Hằng ngày: khi có thể, nên giúp lễ; nguyện ngắm và sách thiêng đôi chút, tránh ở nhưng, làm gương sáng mọi nơi; Hằng tuần: xưng tội và chịu lễ; Lễ trọng: tham dự thánh lễ, nghe giảng và chầu Mình Thánh; Mọi lúc: tránh tội. Chúa nhìn chúng ta. Chúa phán xét chúng ta” (XII, 234)

Niên khoá 1861-1862 ráo riết chuẩn bị các đệ tử đầu tiên khấn làm tu sĩ Salêdiêng. Ngài vạch cho họ một đường hướng đời sống thiêng liêng qui củ hơn. Năm 1868 vị thánh gởi cho cha Bonetti giám đốc nhà Mirabello một danh sách học sinh, cạnh tên mỗi em, ngài viết một hoa thiêng cá nhân. Đại đa số chỉ nhắn nhủ đọc sách thiêng và nguyện ngắm (IX, 33-36). Cứ thế, mỗi ngày một chút, ngài vạch cho trẻ những thực tập quan trọng về nếp sống tu trì.

Năm 1868, ngài dành cho các anh em tĩnh tâm một bài giảng huấn về việc đạo đức hằng ngày. Bàn về thể thức nguyện ngắm tốt, ngài khuyên ai không nguyện ngắm chung được, nên liệu tập cho mình một kiểu tạm gọi là nguyện ngắm nhà buôn vì con buôn ở đâu cũng ngẫm nghĩ tới việc mua bán (IX, 355-356).

Trong phần dẫn nhập của Hiến luật, Don Bosco trình bày việc đạo đức là của ăn nuôi dưỡng linh hồn. Ngài khuyến cáo: “Bao lâu chúng ta hăng hái tuân giữ các việc đạo đức, lòng ta sẽ hoà hợp với hết mọi ngừơi và chúng ta sẽ thấy người Salêdiêng vui vẻ hài lòng về ơn gọi của mình. Trái lại, khi nào họ bắt đầu chểnh mảng các việc đạo đức, họ sẽ nghi nan về ơn gọi của mình và sẽ gặp những cám dỗ mãnh liệt. Lần giờ lịch sử Giáo hội, ta thấy tất cả các Dòng và các Tu hội bao lâu còn thực hành các việc đạo đức một cách hiệu lực, bấy lâu còn phát triển và đem lại lợi ích cho Giáo hội. Trái lại, ta cũng nhận thấy một số dòng, không phải là ít, đã sa sút, còn các dòng khác đã tiêu vong. Nhưng khi nào? Khi tinh thần đạo đức bị giảm bớt và mỗi phần tử chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình hơn ích lợi của Chúa Kitô, như thánh Phaolô đã phàn nàn về một số tín hữu qua những lời trên. Vì thế, các con thân mến, nếu các con quan tâm đến vinh quang của Tu hội chúng ta, nếu các con muốn Tu hội lan rộng và thịnh vượng để mưu ích cho linh hồn chúng ta và của anh em chúng ta, ta hãy hết sức lo lắng để không bao giờ bỏ nguyện ngắm, đọc sách thiêng, viếng Thánh Thể hằng ngày, xưng tội hằng tuần, siêng năng hiệp lễ và hiệp lễ sốt sắng, lần hạt mân côi kính Mẹ Maria, kiêng bớt chút ít trong ngày thứ sáu và các việc giống thế”.

Thế nên, ngài dành hai trang để khích lệ việc tĩnh tâm năm và tĩnh tâm tháng cũng gọi là dọn mình chết lành (thực hành căn bản bao hàm các việc đạo đức khác, xem phần mở đầu Hiến Luật: Việc đạo đức). Liên quan đến việc tĩnh tâm năm, trong Tổng Tu Nghị thứ I năm 1877, để khích lệ cha Cagliero chăm lo thực hành điều đó tại Nam Mỹ, dù chưa có nơi chốn thích hợp, ngài nói: “Ở đây chúng ta thấy (tại Italia) Tu Hội phát triển, có thể nói, là từ lúc bắt đầu tổ chức tĩnh tâm năm dành riêng cho các Hội viên” (XIII, 291).

Riêng về việc tĩnh tâm tháng, chúng ta thấy ngài làm cho trở thành thích thú ngay cả đối với thanh thiếu niên bằng cách thêm chút đồ ăn trong bữa điểm tâm, một chút lúc bấy giờ đã tạo nên bầu khí ngày lễ (XI, 268; III, 19).

Ngài thường nói: “Cha tin rằng có thể khẳng định chắc chắn về phần rỗi linh hồn của một thanh thiếu niên hằng tháng xưng tội và rước lễ như thể lần cuối cùng trong đời” (IV, 683).

Nói với các hội viên tĩnh tâm tại Lanzo năm 1876, để ghi nhớ tuần phòng, ngài nói: “Giữa nhiều điều, phải đặc biệt lưu tâm giữ việc đạo đức, nhất là phải nhớ làm tốt việc Dọn mình chết lành. Cha có thể đoan chắc rằng ai thực hành điều này hằng tháng thì có thể yên tâm về phần rỗi linh hồn mình và an tâm bước đi đúng đường trong ơn gọi” (XII, 471).

Đúng ngày 1 tháng 8 năm ấy, ngài viết cho cha Cagliero bên Nam Mỹ như sau: “Hãy bảo các hội viên đừng bỏ qua việc dọn mình chết lành. Đây là chìa khóa giải quyết mọi sự” (XII, 273). Chính ngài cũng dạy chúng ta cách thức làm việc này cho nên, nêu rõ điểm những chính phải thực hiện khi xét mình (XI, 676; XII, 459)

Khi ghi vào cuốn ký sự của Nguyện xá năm 1854 khuyết điểm của hai tư giáo, ngài thêm nhận xét: “Các thầy này đã chểnh mảng khá nhiều việc đạo đức, phí giờ học hành, không gương mẫu trong lời nói và cách cư xử” (V, 12)

Ngày 16 tháng 9 năm 1867 ngài than phiền với một nhóm hội viên về hai tư giáo  xuất sắc, đạt bằng cấp xong, liền rũ áo chùng thâm hồi tục. Ngài tâm sự rằng hai thầy đã được cảnh cáo rồi và nói: “Vinh quang của Nguyện xá không lệ thuộc vào kiến thức cho bằng lệ thuộc vào đạo đức. Một người tầm thường mà đạo đức, khiêm nhường, thì làm được nhiều việc lành và ích lợi hơn một học giả kiêu căng. Không phải kiến thức mà là nhân đức làm ta nên thánh” (VIII, 931).

Cha Giovanni Turchi người hay lui tới nguyện xá trong thời gian xây cất nhà nguyện thánh Phanxicô Salê, đã có ấn tượng là lòng đạo đức chủ trị mọi sự. Sau này, ngài đã ghi nhận: “Thoạt tiên vào nguyện xá, điều đập vào mắt tôi hơn cả là lòng đạo đức không tưởng tượng được. Lúc ấy tôi bắt đầu hiểu đôi chút về việc xưng tội. Nơi đây trẻ lãnh bí tích vào cả ngày lễ trọng lẫn lễ thường. Don Bosco khuyên chúng tôi nên luân phiên nhau lên chịu lễ hằng ngày để có sự liên tục. Đa số học sinh xưng tội với Don Bosco, dù có các linh mục khác thường trực trong toà. Nhiều trẻ có lương tâm tế nhị, để có thể tới gần bàn thánh, lúc ngài chuẩn bị làm lễ, chúng chạy đến hỏi ngài về tình trạng lương tâm để yên trí mà rước lễ. Hồi đó, tôi luôn trông thấy nhóm trẻ trong Nguyện xá đầy tràn lòng đạo đức thâm sâu, đáng ca tụng, làm cho cả nhà được siêu thoát, và lôi cuốn những trẻ khác vào việc thiện “ (IV, 287-288).

Lòng đạo đức Salêdiêng khởi đầu từ việc gớm ghét tội lỗi để đạt tới mức độ thần hiệp trước Thánh Thể như Đaminh Saviô.

Trường Don Bosco có đủ chất liệu cho việc biên khảo. Chúng ta chỉ nêu ra vài nét điển hình. Don Bosco biết cách tạo nên bầu khí hấp dẫn về lòng đạo đức, làm cho thanh thiếu niên cảm nếm được hương vị ngọt ngào của cầu nguyện. Ngài cũng biết cách huấn luyện lương tâm ngày lành, lưu ý nhiều tới phụng vụ thánh nhờ bài trí nhà thờ, cử hành các nghi lễ cách trang nghiêm. Don Bosco là nhà tiên phong trong việc huấn giáo vững vàng và đánh giá đúng mức việc phụng tự trong vai trò huấn luyện tâm hồn.

Ngài đặc biệt dùng hình thức Hội lành: Các hội Thánh Thể, Giúp lễ, Đức Mẹ Vô Nhiễm, thánh Giuse, thánh Luy. Cuốn thủ bản lý tưởng cho các thanh thiếu niên, Il Giovane Provveduto, khi Don Bosco còn sinh thời đã được tái bản hơn 122 lần và mỗi lần 50.000 cuốn (III, 8-9; V, 596)

Năm 1856, Don Bosco cho in nhiều loạt bài trong tập san Đọc văn Công giáo để thôi thúc lòng đạo đức bình dân. Hãy nhớ đến bài “Andrea, vui sống đạo đức” của bá tước Birago đăng trong số tháng 9 và bài của cha Philip Carlo dòng Capucino Luận về những ý nghĩa luân lý trong các nghi thức và phương thức tham dự thánh lễ cho có hiệu quả” (V, 515).

Hằng tuần, Nguyện xá mở lớp dạy lễ nghi và thánh nhạc. Chiều thứ bảy có lớp giải thích các thánh vịnh của kinh chiều Chúa nhật. Sáng Chúa nhật các thanh thiếu niên, học chữ và học nghề, nếu không lễ hát trọng thể, thì đọc kinh sách hoặc hát kinh sáng theo cuốn nhật tụng kính Đức Mẹ. Các tư giáo có những lớp đặc biệt về Kinh Thánh, phụng vụ và lễ nhạc. Những giáo sư chính kiêm dạy các môn là Don Bosco, thần học gia Bertagna, về sau là Tổng Giám mục và giáo sư luân lý nổi tiếng. Năm 1857 cũng có thêm vài giáo sư như cha sở họ Santa Maria, linh mục Gherardi, các cha Rochietti, Cagliero, Bongiovanni (VI, 208). Năm 1863, dạy môn hùng biện có cha Lorenzo Gastaldi, Đức Tổng Giám mục tương lai của Torino (VII, 417). Lớp Kinh Thánh hằng tuần ưu tiên dành cho các giám đốc dạy.

Don Bosco còn in phụ trương trong cuốn cẩm nang Il Giovane Provveduto những phần kinh tối của các ngày đại lễ của mùa chay để luân phiên thay đổi cho kinh chiều thường được hát vào sau trưa Chúa nhật (III, 20)

Ngài dành riêng khoản 151 trong Hiến luật để nói về điệu bộ khi cầu nguyện: “Điệu bộ cá nhân, phát âm rõ ràng, sốt sắng và khúc chiết khi đọc kinh, cung cách nhã nhặn trong cách nói, trong khoé nhìn, trong cách đi đứng ở nhà cũng như ngoài đường phải là dấu phân biệt hội viên chúng ta với những người khác”. Khoản luật này rất khéo ở chỗ nó vượt qua giới hạn của thời khoá biểu kinh nguyện để nói lên tư cách của người Salêdiêng, họ phải tỏ rõ tinh thần đạo đức.

Đáng ghi lại vài ví dụ vị thánh đã nêu ra: “Ở nhà thờ phải có mặt đầy đủ mọi người, cả tư giáo lẫn linh mục, không có lý do miễn chuẩn. Linh mục thì làm lễ trước hoặc sau cộng đoàn, vị nào làm xong, hãy quì gối tạ ơn, vị nào chưa, hãy tĩnh tâm dọn mình hoặc đọc sách nguyện. Đây là nhiệm vụ quan trọng giúp trẻ có thái độ trang nghiêm và cầu nguyện sốt sắng. ‘Không thầy đố mày làm nên’ tục ngữ ta nói thế. Trong dịp bàn hỏi, nên nhắc nhở việc này. (X, 1019).

Cách tự nhiên Don Bosco cũng lưu tâm cả đến việc giúp lễ ngoài giờ thánh lễ chung. Như vậy, làm sao trẻ không giúp lễ hẳn hoi và các linh mục Salêdiêng không cử hành thánh lễ đúng qui tắc được? (III, 456; VI, 208, 437; XI, 348). Ngày 30.11.1864, trong bài huấn từ tối, ngài công khai xin các giáo sư dành riêng một tiết để dạy trẻ các giúp lễ cho xứng hợp với hy tế Thánh Thể. Ngài mời cha linh hướng Cagliero mở lớp phụng vụ thánh. Ngài uỷ cho cha Francesia, giám đốc trường học, lo liệu để mỗi ngày đều có hai thanh thiếu niên luân phiên, phục vụ thánh lễ và các thầy theo phiên phục vụ phòng thánh (VII, 821-822).

Việc học thánh nhạc được coi là việc phụng vụ nhà thờ. Đôi khi ngài đích thân tập thánh ca, dù đã có anh em phụ trách. Để khích lệ việc dạy thánh nhạc, ngài xin đức Piô IX ban ân xá cho các nhạc sư và học sinh. Ngài cảm thấy toại nguyện khi nghe học sinh hát bình ca rất hay (IV, 451).

Ngài năng nhắc: “Nguyện xá không âm nhạc được ví như một xác không hồn. Cần phải giữ trẻ bận rộn liên miên, ngoài giờ học trên lớp hay trong xưởng thợ. Hãy cho chúng tham dự vào các ban nhạc hay ban giúp lễ. Nếu tâm trí chúng không bận bịu với công việc, chúng sẽ tự làm chúng bận rộn với những tưởng tượng và công việc bất chính (V, 347).

Thế nên, ngài tổ chức ca đoàn cho nhóm trẻ học văn hóa, ban nhạc khí cho trẻ học nghề và hội giúp lễ cho cả hai. Ngài dành khá nhiều buổi huấn từ tối để nói về nghi lễ, phụng vụ, các phẩm chức và dụng cụ thánh, phẩm trật và các chức vụ trong Giáo hội (IX, 404-405).

Trong tuần phòng cho các Salêdiêng năm 1876 ngài dành trọn một buổi huấn từ tối để nói về cầu nguyện: “Một vài nơi có thói quen kỳ quặc, cha không muốn nó du nhập vào nhà chúng ta. Nhiều người chưa thông văn phạm nên đã lẫn động từ ngồi với quì, thành ra họ làm hai động tác một trật. Thôi nhé, các con. Điều này hoàn toàn sai văn phạm, cả khoa ngữ học và các tự điển không có sự đồng nghĩa giữa hai chữ này. Thực sự, nhiều người nửa ngồi nửa quì, tựa về đằng sau. Phải bỏ thói xấu này. Khi ngồi thì ngồi cho hẳn hoi. Khi quì hãy quì nghiêm trang, thân thể ngay ngắn, không tựa mông vào ghế sau. Lời khuyên của cha có giá trị bây giờ và mãi mãi. Nó có công hiệu cho giám đốc của các trường đã du nhập thói quen này và họ phải gây tập quán tốt trong trường nếu chưa có. Hãy tin cha: thái độ nghiêm trang bên ngoài giúp sự cầm trí bên trong nhiều lắm” (XII, 446).

Trong cuốn cẩm nang cho các thanh thiếu niên, ngài định nghĩa: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, thân mật, đàm đạo với ngài bằng những suy tư và tâm tình lành thánh”.

Năm 1869, trong đợt tĩnh tâm đầu tiên tại Trofarello, ngài vắn tắt quảng diễn tư tưởng thực tế này trong một bài huấn đức ngắn mà thật hay: “Cầu nguyện phải hiểu về tất cả những gì khả dĩ khơi dây tâm tình yêu mến Chúa. Đầu tiên là nguyện ngắm buổi sáng. Ai nấy đều phải luôn thực hiện, nhưng, phải đi tới thực hành, tới quyết định cụ thể là sửa một tính mê nết xấu, tập một nhân đức nào đó. Muốn được ơn thì phải cầu nguyện cho nên. Hãy năng đọc kinh chung sớm tối, dùng kinh nguyện để nói với Chúa về mọi điều cần thiết cho cả xác lẫn hồn. Cầu nguyện chung phải luôn sốt sắng. Mỗi người khi có thể hãy đọc kinh chung với người khác, nếu không có thể thì chịu vậy, nhưng không bao giờ được bỏ… Đừng quên ngày nào cũng phải lần hạt, dự thánh lễ và phải đọc sách đạo đức. Lời kinh phải biểu lộ đức tin để giúp người bên cạnh ca ngợi Chúa. Người Salêdiêng chúng ta bắt đầu ngày sống bằng việc sốt sắng tham dự thánh lễ. Các linh mục cử hành hy tế Thánh thể cách cung kính, gương mẫu, đúng nghi thức. Các linh mục và những anh em sắp chịu chức nên học hiểu khá hơn về luật chữ đỏ. Nên giúp các học sinh tham dự cách nghiêm trang nghi lễ thánh thiện này. Một em nhỏ mà giúp lễ sốt sắng thì làm ích rất nhiều. Ngày xưa, dân chúng miền quê thường nói: “Trẻ nào giúp lễ tốt là học sinh của Don Bosco”. Còn các linh mục, các con hãy đọc thần vụ cách xứng đáng, ý thức và sốt sắng, khi có thể nên đọc trước nhà tạm. Hãy bái chào và làm dấu thánh giá cách kính cẩn hầu giúp việc đọc kinh sốt sắng” (IX, 708-709).

Trong số qui tắc viết riêng cho các giám đốc năm 1876, có hai mục:

– số 13: Các giám đốc, tự mình hoặc nhờ giám linh, lo cho các cha trong nhà làm lễ cách xứng đáng và đúng nghi thức, tiến lên bàn thờ với lòng sốt sắng. Khi làm lễ cho giáo dân nên tránh thói đọc quá chậm hay quá nhanh;

– số 14: Các linh mục hay tư giáo được sai đi cử hành hay giúp lễ ở ngoài, nên là những người có lòng sốt sắng và thông thạo nghi lễ hơn. Trường hợp các vị ấy bận, thì đừng nhận. Hãy giữ danh giá cho tu Hội và cho nhà trường. (X, 1049).

Một giai đoạn khá lý thú xảy ra năm 1875 về vấn đề đọc sách nguyện. Khi đệ trình danh sách các ứng sinh lên Don Bosco, cha Barberis đề nghị hoãn việc phong phụ phó tế, vịn lẽ các thầy sẽ mất nhiều thời giờ vào việc đọc sách nguyện. Lúc ấy, có cha Giuseppe Vespignani hiện diện, nghe Don Bosco trả lời: “Cha nói gì vậy? Đọc sách nguyện mà phí giờ ư? Rất có lợi chứ! Khi đọc sách nguyện, các tư giáo thực thi phần vụ của mình với Giáo Hội. Họ sẽ biết lời mạc khải qua Kinh Thánh và bài đọc của các giáo phụ, am tường về hạnh tích và gương lành của các thánh. Họ cầu nguyện với thánh ca, thánh vịnh và thánh thi của dân Chúa. Sách nguyện sẽ cung cấp cho họ kiến thức dồi dào hơn mọi thứ sách vở và giáo sư uyên bác. Sách nguyện sẽ soi sáng cho họ dạy dỗ học sinh khoa học về Thiên Chúa và linh hồn. Vì vậy, hãy giúp các thầy thấu triệt tầm mức quan trọng của chức phụ phó tế và am tường phương pháp thế lớn lao giúp cho việc dạy giáo lý và thánh hóa bản thân nhờ đọc sách nguyện” (XI, 293).

Ngày 23 tháng 11 năm 1874, Don Bosco biên thư cho các giám đốc, đưa ra các quy định cho trường thần học, ngài muốn các Salêdiêng là “muối nhờ lòng đạo đức và hiểu biết hầu dẫn dắt các linh hồn đến việc thiện và nhân đức, là ánh sáng nhờ gương lành” (X, 1110).

Dù đã quan tâm rất nhiều, năm 1880 ngài tâm sự với ban cố vấn: “Lúc này, cha thấy Tu hội cần sửa thói lãnh đạm và cổ vũ tinh thần đạo đức cũng như tu trì trong nếp sống chung” (XIV, 551).

Ta có thể kết với đôi tư tưởng về các Bí tích và lòng tôn sùng Đức Maria. Đó là những đề tài đáng khai triển thành bài riêng.

Về phép cáo giải ta chỉ cần nhắc tới vài lời Don Bosco nói cho các Salêdiêng vào tuần tĩnh tâm năm 1868 trong bài giảng huấn về lòng đạo đức: “Các con hãy xưng tội tám ngày một lần, cả khi lương tâm không có gì bất ổn. Đó là hành vi khiêm nhường của những người biết ơn Thiên Chúa, bởi vì nó làm cho cảm thấy đau buồn vì những tội đã phạm, đồng thời làm cho ý thức về sự bất xứng vì những khuyết điểm nhỏ mà thường vấp ngã mỗi ngày” (IX, 355)

Điều này làm ta liên tưởng đến lời của Đức Piô XII trong thông điệp Mystici Corporis và Mediator Dei cảnh cáo những người chủ trương ngăn cản người mắc tội nhẹ xưng tội. Trong thông điệp Mystici Corporis, Đức Thánh Cha viết: “Thật ra có nhiều cách để đền bù tội lỗi. Nhưng muốn tiến tới trên đường nhân đức, Ta nhiệt liệt khuyến khích thói quen tốt được Giáo hội ưng thuận theo ơn soi sáng của Thánh Thần, đó là việc xưng tội thường xuyên, nhờ đó lương tâm thêm phần chính trực, đức khiêm nhường gia tăng, xóa tận căn tính hư nết xấu, chống trả sự khô khan thiêng liêng, thanh tẩy lương tâm, kiện cường ý chí, bảo đảm việc hướng dẫn linh hồn và chính nhờ Bí tích này, ân sủng gia tăng dồi dào”.

Trong Mediator Dei, Đức Thánh Cha nhắc nhủ các giám mục: “Nhất là đừng cho phép như có người vịn lẽ canh tân phụng vụ hoặc hời hợt nói về hiệu năng và vai trò được phụng vụ xác nhận. Họ đòi hỏi cửa nhà thờ ngoài những giờ cử hành nghi lễ phụng tự, phải đóng cửa, như đã từng xảy ra ở một vài nơi; rằng nên bỏ việc chầu và viếng Mình Thánh Chúa; bảo người ta không nên xưng tội chỉ vì lòng mộ mến; rằng giữa giới trẻ nên phớt lờ lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa, điều mà các thánh cho là dấu chứng của phần rỗi”.

Có thể nói, Don Bosco là vị tông đồ và là vị tử đạo của Bí tích giải tội. Ngài ân cần khuyên phải chuẩn bị các cha giải tội và ngài cũng khuyên các hối nhân chọn cha giải tội nhất định cho việc hướng dẫn thiêng liêng. Dẫu để thong dong tối đa trong những trường hợp tế nhị, ngài vẫn nêu ra vài tiêu chuẩn trong bài nói chuyện với các giám đốc họp tại Alassio năm 1879: “Đừng để các linh mục không thuộc Salêdiêng làm cha giải tội thường xuyên cho dù thánh thiện như cha Belasio và cha Persi. Luôn có thể xảy ra sự bất trắc, nên cần dè dặt khi cắt đặt các tân linh mục của chúng ta vào việc giải tội cho các thanh thiếu niên” (XIV, 45)

Ngài nêu ra những nguyên tắc thực tiễn và quí báu cho các cha giải tội. Bài huấn đức năm 1862 có thể tóm lại mấy điểm nổi bật sau đây:

  1. Rất cẩn trọng khi hỏi về những điều tế nhị, hầu tránh nguy cơ dạy chúng những điều chúng chưa cần biết tới.
  2. Không nên từ chối xá giải, dù cả đối với hối nhân sa đi ngã lại hoặc đã có thói quen, nếu họ tỏ lòng ăn năn thống hối thực sự; nhưng khi đó là phương thế cần thiết để thôi thúc họ xét lại cuộc sống, thì cũng nên khước từ ban ơn xá giải và không cho rước lễ.
  3. Rất nghiêm nhặt, kể cả từ chối ban ơn xá giải cho kẻ đồng lõa. Ai cũng nhất trí về vấn đề này.
  4. Đòi nạn nhân tố cáo nơi bề trên những con sói hầu ngài có thể khôn ngoan ngăn chặn việc xúc phạm đến Chúa, tránh gương mù và ngăn ngừa sự tai hại cho kẻ khác.
  5. Đừng ân hận vì dồn nhiều giờ vào vịêc giải tội. Đừng ra việc đền tội nhẹ cho các tội trọng, nhưng phải đòi làm việc gì để kích thích họ suy nghĩ và hối cải như cho họ nguyện ngắm, dọn mình chết lành, ngắm đàng thánh giá, viếng Mình Thánh và lần hạt” (VII, 192-193).

Tuần đầu của tháng 7 cùng năm, Don Bosco cùng các linh mục bàn bạc rất nhiều về vấn đề giải tội. Ngài khuyên:

  1. Hiền lành và nhẫn nại đối với trẻ nhỏ để gây tín nhiệm.
  2. Cầu nguyện nhiều: để có sự khôn ngoan và hiệu năng của lời nói, mở lòng người là do ơn thánh Chúa. Cho nên, cần hỏi chúng trong sự cầu nguyện với ý ngay lành, sám hối và hy sinh theo gương nhiều cha giải tội nhiệt thành thường làm.

Ngài rất ái ngại bàn về tội phạm thánh và khi nói tới ngài rợn người (VII, 193).

Năm trước đó, năm 1861 trong giấc mơ bánh xe lăn, người hướng dẫn bí nhiệm cảnh tỉnh ngài về một lô những vụ xưng tội không tốt: “Số người bị phạt vì xưng tội đông hơn số bị phạt vì không xưng tội; lý do là kẻ xấu cũng có khi đi xưng tội thật, nhưng số đông thì xưng tội không nên”. Do đó, hướng dẫn viên khuyên: “Trên toà giảng cứ hai lời thì phải dành một cho việc xưng tội tử tế” (VI, 903)..

Năm 1884, với cặp mắt ứa hàng lệ, Don Bosco kể cho cha Viglietti nghe giấc mơ về cuộc “mật đàm” của lũ qủy bầy mưu thôn tính các Salêdiêng. Ngài nói: “Viglietti con ơi, hãy sống thánh thiện và hãy chuẩn bị mà chứng kiến những biến cố sắp xảy ra… A! Ước chi cha được nói cho từng học sinh, ước sao cha đều đến mỗi nhà lần chót, cho chúng biết được tình trạng lương tâm của từng đứa như cha đã thấy trong cơn ác mộng. Các tu sĩ Salêdiêng cũng vậy, giá mà cha nói được cho họ một lời thì họ sẽ điều chỉnh lại mình nhờ phép giải tội. Cha thấy người thì giữ luật dòng, kẻ thì không. Cha thấy nhiều thanh niên sẽ tới trường Begnino học, chúng sẽ làm tu sĩ nhưng rồi sẽ  bỏ cuộc. Có người đã là tu sĩ rồi nhưng cũng sẽ ra đi. Sẽ có những kẻ miệt mài theo học để rồi vênh vang với kiến thức, đi tìm lời khen thưởng và coi rẻ những lời khuyên của người khác vì họ cho rằng những người đó ít học thức hơn họ” (XVII, 389).

Vì lý do này, trong đợt tĩnh tâm sau cùng ở Valsalice năm 1887, thánh nhân không thể cho bài kỷ niệm tuần phòng được nữa, ngài đành giới hạn trong bài huấn từ tối. Ngài khuyên một điều duy nhất là “xưng tội cho nên”. Nguyên tắc nêu ra về vấn đề  năng lãnh nhận các Bí Tích giống hệt nguyên tắc của thánh Philip Nêri: “Thánh Philip Nêri đã khuyên các con cái ngài hãy xưng tội tuần một lần và năng chịu lễ tùy theo lời khuyên của cha giải tội. Cha cũng nói như thế. Cứ tám ngày, hãy xưng tội một lần, không nên nhiều hơn; bởi vì nên nhớ rằng không phải cứ xưng tội dồn dập làm người ta nên tốt, nhưng hoa trái của việc xưng tội mới làm điều đó. Tuy nhiên, trừ trường hợp lương tâm bất an… không hẳn cần phải xưng tội nhưng là hoà giải lương tâm…” (VII, 84)

Về lòng sùng kính Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Maria rất thánh, chỉ cần nêu ra lời Don Bosco nói vào dịp khánh thành nhà hội tập sinh sau ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm năm 1876 cũng đủ: “Chúa muốn tỏ cho thời đại nhiêu khê này biết rằng trong phép Thánh Thể tàng ẩn Thân mình của Ngài, cho người thời đại biết rằng Đức Maria đồng trinh là Nữ Vương trời cao, là Mẹ Vô Nhiễm và là Đấng Uy Quyền nhờ Con của Mẹ. Nhờ Mẹ, Tu hội chúng ta phát sinh, tồn tại và phát triển. Cha tha thiết xin các con thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể trước rồi kính viếng Đức Mẹ sau. Việc cổ võ lòng sùng kính này sẽ đem lại cho các con nhiều ích lợi. Về ơn gọi, Đức Maria sẽ giúp rất nhiều. Cha không cần trưng ra bằng chứng nhưng cha biết rõ có những ơn gọi thật bấp bênh hoặc sai trệch và nguy hiểm cực độ, vậy mà nhờ Đức Mẹ chuyển cầu, mọi sự đều đâu vào đó” (XII, 578)

“Lòng sùng kính Đức Maria là bảo chứng đời sống Kitô hữu, giúp ta bền tâm làm việc lành và chắc chắn sẽ được chết lành”. Đó là những lời Đức cha Galleti giảng vào dịp cung hiến đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ (IX, 284)

Ngày 24 tháng 5 năm 1883 trùng với ngày lễ trọng Mình Thánh Chúa, tại nhà nguyện bệnh viện thánh Augustino ở Versaille (Paris), Don Bosco giảng một bài vắn tắt tổng hợp hai lòng tôn sùng cách kỳ diệu: “Tôi hân hạnh được nói chuyện với các  Kitô hữu tốt trong buổi lễ trọng đại này; ngày kính phép Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô và kính Đức Mẹ Maria Phù Hộ, Nữ Vương thiên đàng. Đức Maria, Đấng Phù Hộ những người cha mẹ; Đức Maria, Đấng Phù Hộ những người làm con cái; Đức Maria, Đấng Phù Hộ của những người bạn; Đức Maria, Đấng Phù Hộ những người bị cáo, những kẻ phiền muộn, những kẻ rối đạo, những người ly khai, những tội nhân khốn khổ. Tắt một lời, Mẹ Phù Hộ hết mọi người, vì Mẹ nhân lành muốn hoán cải tất cả. Nhưng muốn được Đức Mẹ yêu mến, quí vị cần lãnh Bí tích, chịu lễ thường xuyên, và nếu không thể, hãy chịu lễ thiêng liêng, tham dự thánh lễ, viếng Mình Thánh Chúa, làm việc bác ái vì kính mến Chúa Giêsu Kitô, Chúa rất ưa thích những việc từ thiện” (XVI, 211-212)

Ở đây ta có trọn bản chất của lòng tôn sùng chân chính đối với Đức Mẹ. Phải chăng do bầu khí của Công đồng chung gây nên?

Don Bosco luôn nhất quán trong sứ mệnh chính của mình. Có người phê bình rằng việc đạo đức thái qúa của Nguyện xá ngày lễ, Don Bosco trả lời: “Thưa ông, tôi đã lấy tên Nguyện xá đặt cho trường này cốt để nói lên việc cầu nguyện là sức mạnh duy nhất mà chúng tôi cậy nhờ. Sở dĩ chúng tôi lần hạt là vì từ đầu tôi đã phó thác bản thân và các trẻ của tôi cho Đức Mẹ Đồng Trinh rất thánh trực tiếp bảo trợ” (III, 110).

Nội quy cho học sinh nội trú có một chương rất hay nói về việc đạo đức:

  1. Các con thân mến, nên nhớ rằng chúng ta được dựng nên để yêu mến và phụng thờ Chúa, Đấng dựng nên mọi sự. Nên nhớ rằng dù có đủ mọi kiến thức và của cải thế gian mà không có lòng kính mến Chúa thì chẳng được ích lợi gì. Chính nhờ lòng kính mến thánh thiện này mà ta có đủ mọi sự lành trên trần và vĩnh cửu.
  2. Những phương thế giúp duy trì lòng kính sợ Chúa và bảo đảm phần rỗi linh hồn là: Cầu nguyện, các bí tích và Lời Chúa.
  3. Cầu nguyện liên lỉ và sốt sắng. Nhưng đừng gây bực bội hoặc phiền nhiễu cho các bạn. Thà không cầu nguyện còn hơn cầu nguyện chẳng nên (IV, 747).

Ngày 11 tháng giêng 1865, ngài ban huấn từ tối: “Khi các con cầu nguyện hãy nghĩ đến điều mình đang đọc. Đang lúc cầu nguyện hãy nói chuyện với Chúa: nói nghĩa là phát âm rõ ràng, có thể nghe và hiểu được. Hãy đọc thong thả các lời kinh, cung giọng như thể nói với người bạn nghĩa thiết của mình” (VIII, 10).

Năm 1868 trong dịp tĩnh tâm, ngài nói cho các Salêdiêng “Ai không hãm dẹp thân xác, không thể cầu nguyện được” (IX, 352). “Nên nhớ Luật dòng đòi mỗi người lần hạt hằng ngày” (IX, 356).

Tuần tĩnh tâm năm 1869, ngài nói: “Ma qủy tìm cách ngăn chặn việc cầu nguyện” – “Khẩu nguyện mà không có tâm nguyện kèm theo thì giống như xác không hồn” – “Lời nguyện tắt bao gồm cả tâm nguyện lẫn khẩu nguyện” – “Hết thảy những ai dấn thân phục vụ Chúa, phải kiên trì sử dụng tâm nguyện và khẩu nguyện” (IX, 997).

Hiến luật sơ khởi cho tới khi xuất bản năm 1874 có một chương bàn về các việc đạo đức, nay chương ấy đã được chuyển sang chương bàn về các tập sinh. Khoản 13: “Mỗi người phải sẵn sàng chịu nóng lạnh, đói khát, mệt nhọc, khinh khi mỗi khi vinh quang Thiên Chúa, ích lợi thiêng liêng của tha nhân đòi hỏi, và phần rỗi linh hồn mình đòi hỏi” (x. hiến luật kh. 189)

Tất nhiên điều này không chỉ dành cho tập sinh! Nó có giá trị đối với mọi hội viên. Điều đó nâng tinh thần đạo đức tới mức anh hùng và tử đạo.

Điều Don Bosco nói cho các học sinh an ủi chúng ta nhiều lắm: “Các con chỉ cần sống tốt, đừng lo lắng gì. Tại sao? Các con nghĩ Chúa dựng nên thiên đàng để bỏ trống sao? Nhưng nên nhớ rằng thiên đàng đòi giá hy sinh mới được vào. Chúng ta hãy cầu xin để lời cầu của chúng ta không uổng công vô ích. Chính đức tin giúp ta cầu được ước thấy” (II, 156).

Ngày 1 tháng 3 năm 1888 trong bài giảng lễ giỗ 30 ngày Don Bosco tại vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ, Đức Hồng Y Alimonda, tổng Giám mục Torino ví linh hồn vị thánh với bầu trời, bầu trời xanh thanh bình, trong ánh mặt trời rạng rỡ là Chúa Giêsu Thánh Thể, trong ánh sáng phản chiếu huy hoàng là Đức Trinh Nữ Maria Phù Hộ Vô Nhiễm và trong sự lôi cuốn dịu dàng của thánh Phanxicô Salê.

Một tâm hồn Salêdiêng lại không phải như thế sao?

Chương 5

Lời Khấn Tu Trì Theo Don Bosco

Tinh thần đạo đức là linh hồn của đời sống tu trì. Bản chất riêng biệt của đời sống tu được giáo luật nhìn nhận trong Giáo Hội như là đời sống thực hành các lời khuyên Phúc Am qua các lời khấn.

Don Bosco như chúng ta đã đề cập, ban đầu có một thời gian ngài ảo tưởng, rằng có thể lập một Tu hội mà không có lời khấn. Nhưng Đức Mẹ, qua những giấc mơ, và rồi chính Đức Thánh Cha Pio IX đã thuyết phục ngài rằng cần phải có lời khấn.

Cho tới năm 1879, ngài thích ứng với kỷ luật chung của Giáo Hội, Tu hội Salêdiêng mang lời khấn đơn với các mức độ áp dụng chung: khấn tạm ba năm và khấn trọn đời. Vào tháng 9 năm 1879 trong một dịp tĩnh tâm, đột nhiên ngài tuyên bố ý định bãi bỏ khấn tạm ba năm và nói rằng năm tới ngài chỉ chấp nhận đơn xin khấn trọn mà thôi.

Về điểm này, Giáo luật lúc đó chưa có qui định rõ ràng nào. Rút cuộc, từ năm 1880 trở đi, đa số các hội viên khấn trọn ngay khi hết năm tập, cho tới khi có những qui định do sự khôn ngoan đòi hỏi phải có thời gian khấn tạm, theo bộ Giáo luật.

Don Bosco ưa thích một sự quảng đại dâng hiến cho Chúa. Hơn mười năm kinh nghiệm khiến ngài phải tin rằng: “Khấn tạm là một thử thách quá lớn đối với nhiều người, đang khi lẽ ra một năm trong Tu hội cũng đủ để nhận thức mình có được Chúa kêu gọi trong Tu Hội không, và cảm thấy mình có đủ sức hay không. Do đó, họ phải có thể tự quyết”.(XIV, 361)

Ngày 18 tháng 10 năm 1878, ngài bày tỏ niềm xác tín của mình qua niềm tâm sự với cha Barberis: “Cha đã áp dụng kiểu khấn tạm ba năm vì lúc đầu cha có ý lập một Tu hội để giúp cho các giám mục… nhưng vì thấy bất thành nên cha buộc lòng phải xoay chiều khác. Khấn tạm ba năm đem lại nhiều trở ngại hơn là ích lợi cho chúng ta” (XIV, 46-78).

Ngày 7 tháng 2 năm 1879 ngài bày tỏ cho các giám đốc được triệu tập tại Alassio để nghe giảng huấn thường niên như sau: “Sở dĩ cha thuận theo kiểu khấn tạm ba năm vì cha đã có ý định khác về Tu hội. Ý định ban đầu của cha là gây dựng một việc khác hẳn điều hiện có! Nhưng sự thể đòi phải làm sao thì phải làm như vậy” (XIV, 47).

Ngài nói tiếp: “Lời khấn ràng buộc cá nhân bao lâu còn ở trong Tu hội. Những ai vì lý do chính đáng hoặc vì nhận định khôn ngoan của bề trên mà rời bỏ Tu hội vẫn có thể được Bề trên cả ở nhà mẹ tháo cởi” (XIV, 48).

Rõ ràng Don Bosco không coi việc khấn tạm là việc dọn mình khấn trọn, nhưng chỉ coi đó là mối dây ràng buộc tạm thời những ai cộng tác với ngài trong các công việc của Nguyện xá và của ơn gọi: nghĩa là tiếp tay giúp cho các giám mục (XIV, 47). Hướng đích đầu tiên của ngài là lập nên một Tu hội gồm những nhân viên có năng lực điều khiển Nguyện xá để các giám mục tùy nghi chi phối. Ai đã buộc ngài phải đổi ý, khó mà xác định được.

Đã nhiều lần ngài trình bày ý nghĩ này cho các hội viên Salêdiêng. Thí dụ, ngài nói với họ trong bài huấn từ tối vào tuần tĩnh tâm năm 1876 thế này: “Các anh em khấn tạm ba năm vẫn còn nhiều băn khoăn và thao thức. Nguyên do gây nên những dày vò đến từ phía ma quỷ cũng như từ nơi cha mẹ. Còn những anh em khấn trọn thì đã một lần dứt khoát với các mối tương giao bên ngoài, nên có phần ổn định hơn. Đàng khác nếu ai hối hận về bước đường mình đã đi mà phải chuyển hướng, vẫn không sao, vì nếu thực sự hợp lý, bề trên vẫn có đủ thẩm quyền chuẩn cả lời khấn tạm lẫn lời khấn trọn” (XII, 448). Ngài cũng diễn tả về hai lợi ích thiêng liêng do lời khấn mà ra: Phục hồi sự trong trắng vô tội của phép rửa và công phúc của người tử đạo”.

Cũng trong tuần tĩnh tâm này, ngài ban huấn từ tối khác chống lại kẻ tính toán lạm dụng việc tuyên khấn tạm để thăng tiến việc học của mình. Lấy ví dụ một trường hợp đặc biệt, ngài nói: “Kẻ ấy phạm tội ăn cắp trước mặt Chúa và Tu hội”. Ngài nói tiếp như thể có kẻ đó đang ở trước mặt: “Con làm tốn bao nhiêu tiền của và sức lực, rồi khi mới có khả năng đền đáp Tu hội đôi chút, con ngang nhiên bỏ đi sao?… Có người theo học vì thấy mình nghèo không đủ cung cấp phí tổn. Tu hội cũng hy vọng sau này sẽ giúp Tu Hội phần nào, nên nâng đỡ và đủ cách giúp họ trong việc học, trả lương giáo sư lo các phí tổn khác cũng như cước phí thi cử, mãi tới khi lấy được bằng cấp và giấy phép dạy học hẳn hoi. Vậy mà sau khi làm cho tất cả phải hy vinh, họ lại nói: ‘Mình chẳng cần Tu hội nữa’. Thế là họ hồi tục. Cha không hiểu thứ người như vậy sao có thể yên ổn lương tâm trước mặt Chúa được. Đó là một hành vi trộm cắp thật sự và không được tha nếu họ không đền trả. Tiếc rằng giữa chúng ta đôi ba kẻ đã như vậy. Đấy, cha mặc họ nghĩ sao thì nghĩ, theo lương tâm họ. Cũng có những phụ huynh lải nhải với họ rằng cha xứ bảo đảm, đức cha mời gọi: nhưng kẻ ấy không thể bỏ Tu hội theo kiểu như vậy được… Can đảm lên chứ! Chúng ta hãy tận hiến cho Chúa, nhưng toàn vẹn, không bớt xén” (XII, 449-450).

Ngày 17 tháng 9 ngài dành riêng bài giảng kỷ niệm cho vấn đề này. Với khí thế hồ hởi, ngài nhắc nhở các tân hội viên như sau:

Khi một đại tướng thấy số binh lính gia tăng thì vui mừng hớn hở bởi lẽ có thể dễ dàng chiến thắng quân địch mà không sợ. Trong giây phút này, cha cũng sung sướng vì thấy đoàn con của mình gia tăng, những dũng sĩ cùng cha chống chọi ma quỷ, những quân binh giúp cha trong trận mở mang Nước Chúa nơi trần gian và dọn ngai thiêng sáng láng trên trời”.

Ngài tiếp: “Các con hiểu rõ ý nghĩa của lời khấn không? Khấn có nghĩa là sẵn sàng trong hàng ngũ binh đội của Chúa Cứu Thế, hầu xông vào cuộc chiến dưới cờ hiệu của Ngài. Nhưng khấn mà thôi chưa đủ, còn phải nỗ lực thi hành điều mình đoan hứa cùng Chúa”. Ngài đi sâu vào chi tiết: “Với lời khấn, hết thẩy chúng ta tận hiến cho Chúa. Không nên đòi lại điều mình đã dâng hiến. Cặp mắt này đã trao dâng thì phải bỏ hẳn sách nhảm nhí hoặc vô ích, những khóe nhìn xấu và vô ích. Đôi tai này đã được dâng lên Chúa, vậy hãy bỏ ngoài tai những lời phàn nàn kêu trách, gieo bất bình, phải bỏ những ao ước viễn vông, nông nổi hoặc tìm đến những câu chuyện lăng nhăng, những tụm năm tụm ba, tuy không xấu nhưng vẫn mang tính chất trần tục và vô bổ. Miệng lưỡi này được trao dâng cho Chúa thì nên khử trừ những lời ăn tiếng nói có vẻ trêu chọc, châm chích bạn bè, không nên cãi vã với bề trên và gây nhiều bất mãn. Chớ! Từ nay trở đi, vì đã tận hiến cho Chúa, thì không được đòi lại, nhưng mọi người hãy rắp tâm ca ngợi Thiên Chúa, nêu gương sáng và thôi thúc anh em khác làm việc lành. Cổ họng này đã được dâng hiến cho Chúa, vì vậy hãy xa tránh mọi thói vô độ đài các về ăn uống, mê say rượu chè, không nên để cho tính mê ăn đưa đẩy chúng ta nhận dùng bữa hoặc nhậu nhẹt và những điều tương tự. Đôi tay này được đặc biệt dành cho Chúa thì ta không được ở nhưng nữa, đừng làm động tác lố lăng, nhưng phải làm mọi việc vì vinh danh Chúa. Đôi chân này cũng được dâng cho Chúa. Ôi, đến đây, cha phải đi vào một lĩnh vực thật sâu rộng. Chớ dùng đôi chân để trở về cái thế giới mà ta đã từ bỏ. Đúng thế, cha cần dừng lại đây để bàn thêm một chút về vấn đề này. Chúa thương gọi theo ta Ngài: thế gian đã quá hư hỏng, lại còn là kẻ làm hỏng. Vậy ta hãy theo ơn thánh mà đừng quay lại mà làm hư bản thân…”

Ngài rất ái ngại khi phải nói tới những cám dỗ có thể đến từ cha mẹ và những kẻ thân thích. Rút cuộc sáng hôm ấy có hai tư giáo tốt lành đã quyết định tuyên khấn, dù  hai thầy bị cha mẹ kích liệt phản đối. Chính cha xứ, thậm chí Đức Tổng giám mục cũng tìm cách làm hai thầy bỏ ý định làm Salêdiêng (XII, 448-450).

Trong dịp tĩnh tâm năm 1877, Don Bosco lại đụng tới cùng một vấn đề. Chỉ cần đọc ba bài huấn từ tối hôm 22, 23, 26 tháng 9 trong cuốn XIII, trang 424-425 sẽ rõ.

Ngài nói cách hết sức rõ rệt trong bài huấn từ tối thứ nhất như sau: “Cha muốn các con thâm tín điều này: Người gia nhập Tu hội thì không bị thiếu thốn những gì cần thiết, nhưng cần phải làm việc. Có khi bề trên muốn trao công tác này công tác nọ cho một người, họ đáp: “Tôi còn phải dạy học”. Ngỏ ý trao công tác khác, họ lại vịn lẽ này lẽ nọ để khước từ tới mức bề trên phải thất vọng, để mặc họ. Tinh thần Tu hội đâu có thế. Ai muốn đứng chống nạnh thì đừng vào Tu hội…”.

Trong bài huấn từ thứ hai ngài nói: “Bây giờ tới lúc chúng ta phải nện một nhát búa vào đầu ma quỷ, đầu của thế gian và xác thịt, đuổi nó ra khỏi những người đã xong năm thử ở tập viện, đã khấn tạm ba năm hoặc trọn đời. Giữa khấn tạm và khấn trọn, cha không thấy có sự khác biệt nào. Lý do là họ đã dứt khoát quyết định sống chết với Tu hội. Sẽ thế nào nếu có kẻ vì thấy mình không thể thành công ở nơi khác, họ bắt đầu phỉnh gạt Don Bosco, thật đáng tiếc… Cũng có thể có kẻ tự nhủ: ‘Mình cứ bắt đầu với Don Bosco một năm đi, cứ ăn nhờ cơm gạo của ngài, cứ học hành nhờ chi phí của người ta’. Kẻ khác lại nói: ‘Cứ ở trong Nguyện xá ba năm, tội gì phải bồn chồn về cơm áo. Sau ba năm mình sẽ tìm nơi khác theo sở thích’. Ước chi họ thẳng thắn trình bày với bề trên: ‘Con không muốn có ý ở trong Tu hội, nhưng con muốn được học hành vì con không có phương tiện, xin cha thương’. Như vậy, bề trên sẽ liệu cách nào đó giúp việc học của họ được tiếp tục; ngoài ra, họ nên đi nơi khác, có thể sẽ may mắn hơn, nhưng đừng khấn làm gì” (XIII, 425).

Trong giấc mơ nổi tiếng năm 1879, nhân vật coi giống thánh Phanxicô Salê mách cho Don Bosco những lời khuyên sau:

Về việc cổ võ ơn gọi: Các tu sĩ Salêdiêng sẽ có nhiều ơn gọi nhờ nếp sống gương mẫu, cư xử nhân ái với trẻ và nhấn mạnh việc năng chịu lễ.

Về việc nhận tập sinh: sa thải kẻ lười biếng và mê ăn.

Về việc nhận tuyên khấn: xem có bảo đảm về đức thanh khiết không.

Trong lá thư luân lưu ngày 6 tháng giêng 1884, vị thánh cảnh cáo: “Nếu ta ơ hờ việc tuân giữ lời khấn, thì ta ăn cắp của thuộc về Chúa. Trước nhan Chúa, ta cướp về, chà đạp và tục hoá điều đã dâng hiến và trao trọn nơi tay Ngài” (XVII, 16).

Vào tháng 4, mới từ Pháp về, Don Bosco triệu tập các thành viên trong Ban thượng cố vấn tại Sampierdarena để bàn việc tiếp nhận một tư giáo lên các chức thánh. Ngài nói: “Nếu một người không sẵn sàng để khấn với người khác, nên dứt khoát cho hồi tục; trường hợp một người không được nhận để tiến chức được, cũng nên sa thải luôn”.

Cha Cagliero nhấn mạnh thêm ý kiến của Don Bosco bằng cách nhắc lại lời cha Franco SJ: “Thật lầm to khi ta giữ trong nhà dòng một người không thể được tiến chức được hay  không được tuyên khấn” (XVII, 63).

Trong một phiên họp khác của Ban tổng cố vấn nhằm ngày 29 tháng 11 năm 1884, đứng trước đề nghị của cha Bonetti đòi tất cả khấn tạm ba năm trước khi khấn trọn, Don Bosco trả lời: “Ai không sẵn lòng khấn trọn ngay sau năm tập, remittatur – hãy sa thải. Những người đó chỉ nỗ lực theo thời đoạn đôi chút, rồi chúng ta lại phải làm mọi sự từ đầu. Chỉ áp dụng ngoại lệ cho ai có hy vọng họ sẽ nên hữu ích nhiều cho Tu hội và nền luân lý của họ không có gì đáng trách”.

Với thể thức thực tiễn này, Ban cố vấn chấp thuận cả những đường hướng khác nữa giá trị cho mọi thời: “Xét về mặt luân lý, phải nghiêm khắc hơn đối với người được tiến chức so với người được khấn dòng; tuy nhiên, cả hai trường hợp phải rất ngặt. Nếu là suy nghĩ, sách vở, thì có thể để xem, chờ đợi hay hoãn quyết định. Còn nếu là hành vi, những thói quen, thì nghiêm trọng hơn; trừ ra trường hợp vô tình, thuộc trường hợp họa hiếm, thì có thể kéo dài thời gian thử. Nếu là những thiếu sót cùng với người khác, thật khó mà thay đổi. Về những người gọi là con bất hợp pháp, ngày nay ta chưa thấy có ngăn trở nào; thế nhưng, theo ý Đức Thánh Cha và các giám mục thì tuyệt đối phải sa thải họ ra khỏi việc tiến chức, hoặc khấn dòng”. (XVII, 662).

Ta có thể kết những điểm thánh sáng lập nói về việc khấn dòng, lời khuyên mà Don Bosco dùng để nói cho các tân khấn sinh của cộng thể San Begnino Canavese ngày 4 tháng 10 năm 1884: “Các con thân mến, khỏi cần nhắc các con cũng rõ: Cha rất sung sướng gặp các con vì cha thấy nơi những người mới khấn, cột trụ của Tu hội. Những anh em đã ở đây trước các con trong cộng thể này, họ đã tản mác ra nhà này nhà nọ, có người đi truyền giáo. Bởi vậy chúng ta cần có những người tiếp nối hàng ngũ của Tu hội mà ta đã đoan thệ trung thành. Cha vui mừng vì các con đã đoan thệ trung thành và ước mong những điều đó không thể trở thành lời hứa suông hoặc lấp lửng mây gió, không dựa trên những lý do viễn vông, nhưng dựa trên những nguyên cớ vững chắc, bất khả ngộ của một Tu luật đã được Giáo hội bất khả ngộ châu phê. Có lẽ chúng ta đã khấn để chiều lòng Don Bosco hay bề trên nào chăng? Không, chúng ta khấn vì đây là ơn gọi của chúng ta”.

Thế là vấn đề “khấn mà không giữ hoặc giữ mà không khấn” đã được giải quyết bằng cách nhắc nhở rằng “với lời khấn chúng ta dâng Chúa cả vốn lẫn lãi”. Rồi ngài tiếp: “Vì chúng ta có công phúc gấp đôi khi tuân giữ luật Chúa với lời khấn, nên chúng ta cũng tội lỗi gấp đôi nếu vi phạm lời khấn. Do đó, đừng ai nghĩ rằng việc mình ràng buộc với lời khấn là chuyện thần tiên, chỉ được mà chẳng lo mất gì. Không, nếu giữ lời đã hứa, ta có công nghiệp gấp đôi, không giữ ta cũng thất sủng gấp đôi”.

Đến đây Don Bosco gợi lại hai ý kiến của thánh Tôma và của các nhà thần học cho rằng lời khấn trọn đời mang lại cho ta sự trong sạch vô tội của phép thánh tẩy. Ngài tiếp: “Còn điểm này, cha nghĩ cần nói với các con. Ai khấn thì có nghĩa vụ tuân giữ. Họ không còn là con cái của thế gian mà là con cái của Chúa Giêsu, của Đức Maria và của thánh Phanxicô Salê…. Mỗi người phải tự nhủ: Tôi không còn là con cái của thế gian nữa… Từ nay trở đi, giả sử có cám dỗ nổi dậy, hãy tự đáp: Không, tôi đã nên con của Đức Mẹ, như vậy, không còn một khoé nhìn, một tư tưởng và một lời nói nào nghịch với lời khấn thánh thiện.

Có người sẽ hỏi cha: Thưa cha, lời khấn có buộc giữ ngặt không? Nếu có ai cố tình khấn mà không có ý không tuân giữ thì kẻ đó lừa đảo, kể là một sự sỉ nhục cho Danh Chúa và là hành vi phản bội chính lương tâm mình. Thế nên phải khấn với chủ ý sắt đá muốn tuân giữ cho tới chết, và rồi sẽ được thưởng công trên thiên đàng theo việc mình đã làm trên cõi đời này.

Có người sẽ nói: ‘Giữ lời khấn khó lắm!’ Khó ư? Chúa và Đức Mẹ từ thiên đàng đích thân xuống tiếp nhận chúng ta, và  đang lúc thế gian sống trong sự dữ, các ngài đến soi sáng và nâng đỡ để chúng ta thực hiện lời khấn, chẳng lẽ các ngài lại không giúp chúng ta tuân giữ, miễn là ta cố gắng hết sức mình, hay sao? Tất nhiên kẻ khấn rồi tục hóa chính mình, kẻ không giữ lời, thì sỉ nhục Đấng Tạo Hóa, làm cực lòng Đức Maria Phù Hộ rất thánh, gây thiệt hại vô kể cho linh hồn mình. Tắt một lời, họ sẽ mắc tội phạm sự thánh lớn lao. Nhưng cha mong rằng các con kiên trì giữ lời khấn và không để tâm hồn bị lây nhiễm sự bất trung với thề…” (XVII, 561).

Chớ gì những lời khuyên của Don Bosco trong chúc thư của ngài cho các Salêdiêng vào tháng 9 năm 1884 vang dội trong lòng chúng ta: “Các con hãy tỉnh thức canh chừng, đừng để lòng say đắm thế gian, quyến luyến cha mẹ hay ham muốn cuộc sống an nhàn làm lung lạc và đưa các con tới chỗ tục hoá các lời khấn thánh thiện và như vậy phản bội sự tuyên khấn tu trì mà nhờ đó chúng ta đã thánh hiến mình cho Chúa. Chớ gì đừng ai trong chúng con lấy lại những gì mình đã dâng hiến cho Chúa”. (XVII, 258).

Chương 6

Đức Khó Nghèo Salêdiêng

Ngày 8 tháng 2 năm 1870, Don Bosco tới Rôma cốt ý ủng hộ việc công bố tín điều về bất khả ngộ của Đức Thánh Cha, ngài đã yết kiến Đức Piô IX hai lần: một lần vào ban sáng, một vào chiều tối. Trong lần thứ hai Đức Thánh Cha bàn bạc lâu giờ về Tu hội Salêdiêng, và cho vị thánh biết rằng giữa phiên họp Công đồng chung sáng kiến của ngài được các nghị phụ hưởng ứng rất nhiều. Một giám mục đã tán thành việc lập một Tu hội khả dĩ đáp ứng được nhu cầu của thời đại: các tu sĩ lệ thuộc vào Giáo hội nhưng vẫn là công dân tự do trước mặt nhà nước. Khi đặt vấn đề, Đức Giám Mục thành Parma phát biểu: “Tôi rất vui mừng báo tin cho anh em biết rằng một Tu hội này đã có rồi và rất phát triển. Đó là các anh em Salêdiêng”. Ai nấy vỗ tay mừng trước cái tin vui ấy; và Đức cha địa phận Mandovi có nhiệm vụ tường trình cách tỉ mỉ hơn (IX, 800-811).

Những biến cố dồn dập buộc gác câu chuyện một bên. Nhưng các nghị phụ lại trở về câu chuyện Tu hội Salêdiêng khi bàn đến lời khấn khó nghèo tu trì. Thể thức Don Bosco đưa ra có vẻ mới lạ, vì các ngài chưa biết rằng Giáo hội đã chấp nhận thể thức này cho nhóm Rosminiani. Những dòng cựu trào cũng cảm thấy thích thú về khía cạnh này, bằng chứng là các bề trên dòng Đaminh và Phanxicô đã đến tham khảo ý kiến Don Bosco. Hơn một vị Hồng y đã quả quyết với Don Bosco rằng rất có thể Công đồng sẽ áp dụng phương thức này để giúp cho cho các dòng tu khác tồn tại. Quả thực, mấy năm sau hết thảy các dòng tu cựu trào đã chấp nhận cùng phương thức ấy. Khi loan tin này cho các tu sĩ Salêdiêng, Don Bosco kết luận: “Như vậy, Chúa đã dùng chúng ta để phát huy một kiểu khấn thanh bần mới, phù hợp với đòi hỏi của thời đại. Mọi sự đều quy về vinh danh Chúa, vì chính Ngài đã làm nên mọi sự” (IX, 502).

Lạ lùng thay, Chúa Quan Phòng đã chuẩn bị đưa Don Bosco vào nẻo đường mới mẻ trong việc thực hành lời khấn khó nghèo tu trì. Ngài đã tiếp xúc với các cha thuộc nhóm Rosminiani vào năm 1838 lúc còn là tư giáo. Lúc ấy một người bạn đồng lớp là cha Giacomelli đã dẫn ngài đi viếng đền thánh Micae ở thung lũng Susa (I, 496). Ngày 16 tháng 9 năm 1850, khi thăm Stresa, ngài có dịp đàm đạo với vị sáng lập, cũng là triết gia thời danh, là Đức Viện phụ Antonio Rosmini. Trong các cuộc trao đổi tín cẩn, ngài đã tham khảo viện phụ về đời tu trì và nhờ đó Don Bosco biết đâu là lý do hướng dẫn cha Rosmini lập nên Tu hội của người. Nhờ trực giác, cha này đã nhận ra rằng những lạm dụng từ phía tân chính phủ là mối đe doạ lớn nhất cho sự sống còn của các dòng cựu trào. Vì thế, cha đã dung hoà giữa lời khấn khó nghèo tu trì theo Giáo luật và quyền sở hữu tài sản riêng, cho các tu sĩ được quyền sở hữu tài sản cá nhân, đang khi cấm không được xếp đặt hoặc sang nhượng mà không có phép của bề trên. Cha Rosmini đã lướt thắng những chống đối từ phía Thánh bộ Roma, bằng cách lập luận rằng bản chất của nhân đức hệ tại ở tâm hồn chứ không hệ tại của cải bên ngoài, và khó nghèo Phúc âm lệ thuộc vào sự không dính bén những của cải trần gian và sự giàu có thế tục, vào sự sẵn lòng chịu thiếu thốn và không đòi hỏi sở hữu của cải. Cha ấy kết thúc cuộc tâm sự với Don Bosco thế này: “Hội dòng của chúng tôi sẽ không bao giờ bị triệt hạ, bởi vì chúng tôi không còn gì cho họ trục lợi” (V, 129-130)

Năm 1857, cuộc đàm đạo với Urbano Rattazi làm cho Don Bosco phải xác tín đây là một đường lối đúng đắn (V, 696-700). Với sự hỗ trợ của chính ông Rattazzi, ngài khai triển những khoản luật đầu tiên như đã được ghi trong phần phụ lục của cuốn hồi sử V.

Khoản 1 về lời khấn khó nghèo được hiểu như sau: “Bản chất lời khấn thanh bần trong Tu hội chúng ta hệ ở việc sống đời chung trong cách ăn mặc và không giữ điều gì làm của riêng nếu chưa có phép của bề trên”. Năm khoản khác nói: “Mỗi người phải giữ phòng riêng hết sức đơn giản, không giữ tiền tiêu riêng nơi mình cũng như nơi những kẻ khác vì bất cứ lý do nào; tùy thuộc bề trên trong việc di chuyển, quản lý các nhà, tác vụ và bất cứ nhu cầu nào; cũng như trong việc cho và nhận hay xếp đặt bất cứ sự gì; trao lại cho bề trên mọi tặng phẩm” (V, 936).

Trong ấn bản năm 1874, được chấp thuận với sắc lệnh ngày 3 tháng 4, hình thức khoản luật này được khai triển rộng hơn nhưng bản chất vẫn y nguyên: “Khoản 1: Lời khấn thanh bần được nói tới đây chỉ nhằm quyền quản trị bất cứ vật gì chứ không nhằm quyền sở hữu. Thế nên, người đã khấn trong Tu hội thì giữ nguyên quyền sở hữu tài sản, nhưng hoàn toàn cấm việc quản trị, cũng như sự xếp đặt các hoa lợi. Hơn nữa, trước khi khấn cho dù một cách riêng tư, họ phải nhường quyền quản trị, quyền sử dụng và quyền huê lợi cho ai tuỳ ý, ngay cả cho Tu hội nếu bằng lòng. Trong việc nhượng quyền như thế đương sự có thể ấn định đòi lại khi muốn. Tuy nhiên, khấn sinh theo lương tâm, không được sử dụng quyền hồi thục tài sản mà không có phép của Toà thánh. Tất cả những điều này phải được tuân giữ đối với những của cải khác mà hội viên sẽ có thể sở hữu nhờ quyền thừa tự sau khi đã tuyên khấn”.

Sáu khoản khác chứa đựng hầu như tất cả các qui định của bản Luật 1922, vốn được tu sửa để phù hợp với Bộ Giáo luật. Người ta có thể nhận ra những điểm điều chỉnh, sửa chữa, khi so với bản văn 1867 ở trong chương Hồi sử cuốn VII, trang 877 và cuốn X, trang 675, 747, 810. Những thay đổi chính đó là:

Khác về chương: Lời khấn nghèo khó xếp đầu tiên, khác với vị trí Don Bosco đã xếp cho lời khấn Vâng lời.

Khác về các khoản: Khoản 24: “Lời khấn nghèo khó cấm các hội viên xếp đặt của cải mà không có phép của bề trên hợp pháp” – Khoản 25: lấy lại khoản 1 và 2 của Hiến Luật 1874 chỉ rõ rằng “để thay đổi việc xếp đặt tài sản, không cần phải dựa vào Toà thánh nhưng vào Bề Trên Cả, miễn là phần quan trọng của tài sản không nhằm thuận lợi cho Tu Hội”. – Khoản 26 bắt buộc cả các tập sinh làm di chúc trong thời gian nhà tập, xác định rằng để thay đổi trong di chúc phải có phép của Tòa thánh, và chỉ trong trường hợp khẩn cấp thì giám tỉnh hay giám đốc. – Khoản 27 là khỏan mới: “Cấm các hội viên từ khước chủ quyền tài sản riêng với danh nghĩa tự do”. – Khoản 28 bảo vệ quyền của các hội viên thực hiện các hành vi pháp lý về tài sản với phép của Bề trên Cả hay Giám tỉnh. – Khoản 29 lấy lại khoản 4 – Khoản 30 lấy lại khoản 6 – Khoản 31 là khỏan mới: “Theo như thói quen của các Dòng tu, cả sau khi khấn, các bản viết tay được coi như sử dụng cá nhân hội viên, nên khi đổi nhà có thể đem theo”. –  Khoản 32 bỏ đi một xác định đặc biệt của khoản 5 HL 1874 vốn xác định rằng: “Thuộc về lời khấn này việc sắp xếp phòng ở sao cho giản dị tối đa, học trang hoàng bên trong mình bằng các nhân đức,…”. Tóm tắt hơn, xác định: “Mỗi người phải sắp xếp phòng ở sao cho giản dị tối đa, hết sức học trang hoàng bên trong mình bằng các nhân đức,… ” – Khoản 33 phản ánh khoản 7 với chút ít thay đổi về hình thức: “Sau cùng hãy giữ lòng mình khỏi dính bén mọi sự vật trần gian: hội viên quan tâm thực hiện điều này bằng đời sống chung trong mọi sự, trong vấn đề ăn mặc, và không giữ gì riêng cho mình nếu không có phép riêng của bề trên”. – Khoản 7 của Hiến Luận tiên khởi diễn tả như sau: “Sau cùng mỗi người hãy giữ lòng mình khỏi dính bén mọi sự vật trần gian: hội viên quan tâm thực hiện điều này bằng đời sống chung trong mọi sự, hài lòng với những gì Tu Hội cung cấp liên quan đến vấn đề ăn mặc, và không giữ gì riêng cho mình nếu không có phép riêng của bề trên”.

Ở đây chúng ta thấy được bản chất của đức khó nghèo mà Don Bosco với từ ngữ bình dân đã miêu tả: “Cần có đức khó nghèo trong lòng để mà thi hành” (V, 670). Cần phải đọc trọn chương 55 của cuốn Hồi sử V mới hiểu được Don Bosco quan niệm và sống đức khó nghèo Salêdiêng thế nào. Chúng ta tạm nêu ra đây vài lời cảnh tỉnh hữu ích của ngài: “Đừng quên rằng chúng ta là những người nghèo, và chúng ta phải có tinh thần khó nghèo không phải chỉ trong tâm khảm và trong sự không dính bén của cải vật chất mà thôi, nhưng còn phải biểu lộ ra ngoài cho người ta thấy nữa” (V, 675).

Vị thánh sống sự quan phòng của Chúa và ý thức rõ rệt rằng ngay cả những gì Chúa bằng lòng cho chúng ta chiếm hữu nhờ mồ hôi nước mắt cũng là hồng ân của Chúa. Thế nên ngài run sợ trước những lãng phí, những lạm dụng của dư thừa, trước thói mê ăn uống, và tật lùng kiếm phương hại đến đức nghèo khó.

Châm ngôn của ngài là: “Tiêu dùng, không phí phạm, nhưng chỉ khi nào cần thiết thôi” (V, 670). “Bao lâu ta còn giữ khó nghèo, Chúa quan phòng sẽ không để ta thiếu thốn” (V, 671). “Nếu chúng ta tiết kiệm từng xu, không tiêu xài vô lối và vô ích, Chúa Quan Phòng sẽ luôn rộng lượng ban cho chúng nhiều ân huệ” (V, 671). “Chiếm hữu được nước trời đã là ân thưởng bội hậu cho đức khó nghèo của chúng ta” (V, 678). “Cha tha thiết khuyên các con đừng sử dụng bừa bãi những của dư thừa. Hãy nhớ rằng những sự vật ta có không phải của chúng ta mà thuộc người nghèo. Khốn cho ta nếu ta không sử dụng tốt” (V, 682).

Ngài khích lệ người ta không nên ham thích tiện nghi và phải lưu ý gìn giữ quần áo, sách vở và bất kỳ đồ dùng nào; không phí phạm giấy, không nên quen thói tiêu xài xa xỉ, vặt vãnh. Ngài nói: “Tiết kiệm như thế sẽ giúp chúng ta giúp đỡ thêm một thanh thiếu niên” (V, 682). Khi diễn giảng về sự khó nghèo của Chúa Cứu Thế, ngài kết luận: “Sao ta có thể là đồ đệ của Chúa nếu ta tỏ ra khác hẳn với Ngài? Chúa Giêsu sinh ra nghèo, sống nghèo hơn nữa và chết vô cùng nghèo” (V, 682).

Có người phàn nàn mình thiếu thốn cả những sự cần thiết, ngài nói: “Con xem, chỉ như vậy ta mới thực hành thực sự nhân đức khó nghèo, không nên như một số tu sĩ mà thánh Bênađô đã tả: “Họ muốn nhân đức khó nghèo, nhưng không muốn sự bất tiện của nhân đức ấy. Họ muốn làm người nghèo, miễn là không thiếu thốn gì” (V, 678).

Ngài cũng nhắc nhở chúng ta trong phần dẫn nhập của Hiến luật. Và thêm rằng: “Thánh Phaolô nói rõ rệt rằng ai theo Chúa Kitô, bất cứ đi đâu và làm việc gì, phải hài lòng với của ăn cần thiết nuôi xác và áo che thân” (V, 678).

Trong thực tế, theo Don Bosco, đức khó nghèo của chúng ta mang sắc thái của thánh tông đồ. Vài lời trích dẫn đủ làm chứng: “Một khi có của ăn và áo mặc, ta hãy lấy thế làm vừa lòng”. “Bạc vàng và áo xống của ai, tôi không hề ham muốn. Chính anh em cũng biết rằng các nhu cầu của tôi và của những người ở với tôi, thì chính những bàn tay này đã tự cung cấp lấy”. “Hưởng thế gian như không tận hưởng”. “Như không có gì và như sở hữu mọi sự” “Như kẻ nghèo nhưng lại làm giàu cho nhiều người”. “Tôi còn coi là thua lỗ bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Chúa tôi. Vì Ngài đã đành thua lỗ mọi sự và coi là phần bón cả để lợi được Đức Kitô và được thuộc về Ngài”.

Don Bosco đã nêu gương đến độ anh hùng. Sống với Don Bosco, các anh em Salêdiêng đã lớn lên trong một bầu khí khó nghèo không tưởng được. Cha Balesio đã công nhận như thế trong bài phúng điếu: “Người ta nhìn thấy đức khó nghèo mọi nơi trong nhà, trong mỗi hành vi của ngài và trong tất cả cuộc sống chúng tôi nơi Nguyện xá. Trong trí tôi nhiều lần nảy lên tư tưởng này: Don Bosco và gia đình của ngài, dù không phải là tu sĩ dòng Phanxicô khó khăn theo danh nghĩa và lời khấn, thì cũng là như thế trong thực tế cuộc sống nghèo khó và cần mẫn. Thế rồi, như thường xảy ra nơi các thánh, các ngài biết đứng trung dung và tránh được những thái quá, đức nghèo khó nơi vị đầy tớ Chúa này đã bộc lộ một cách tối ưu rõ rệt. Tôi tin rằng đức khó nghèo ấy phát xuất từ các nhân đức bên trong và đặc biệt từ sự hãm mình, từ đức tính cần cù làm việc và đức thanh khiết rất tế nhị, bởi lẽ con người của vị đầy tớ Chúa luôn xuất hiện trước chúng tôi là những kẻ vây quanh ngài, như một con người thánh thiện và gọn gàng cách thánh thiện” (V, 683).

Ý thức về trách nhiệm trước mặt Chúa Quan Phòng và sự không dính bén những sự thế gian, Don Bosco cũng vun trồng ý thức này nơi các thanh thiếu niên. Vừa thấy ai lãng phí một miếng bánh là ngài lập tức cảnh cáo: “Chúa Quan Phòng lo cho những nhu cầu của chúng ta. Các con cũng thấy rằng Chúa không hề để chúng ta thiếu thốn. Nếu các con phí phạm bánh Chúa ban, thì các con phụ lòng nhân lành của Chúa và các con hãy coi chừng. Ngài sẽ phạt các con trong tương lai bằng cách để các con thiếu thốn mọi sự” (V, 672). Lạ lùng chừng nào, khi thấy cha Rua đi lượm những mẫu bánh vất đây vất kia để mà ăn! Tại vì ngài đã lớn lên trong trường huấn luyện như thế.

Khi một đứa trẻ đã thú nhận mình giữ tiền trong túi (điều mà lúc đó luật cấm ngặt và buộc giữ chu đáo), Don Bosco trong toà cáo giải cho em đó việc đền tội bằng cách sai đi trao ngay cho cha quản lý để người giữ giùm trong kho. Nếu em đó không vâng lời mà còn xưng tội lại, thì ngài dọa sẽ không tha tội (X, 100).

Ngày 10 tháng 6 năm 1864, chiều áp lễ thánh Lui, Don Bosco ban huấn từ tối: “Cha rất ao ước các con xin thánh Lui một ơn đặc biệt, đó là dứt lòng trí các con khỏi dính bén những sự vật thế gian. Có lẽ xin ơn đó không quá đáng, vì lòng trí của trẻ thường chưa dính bén với tiền bạc. Vả lại, nếu các con có lấy một đồng tiền, các con lập tức đi mua trái cây. Thế nên, xin ơn này rất cần cho các con: cắt dính bén với sự vật trần thế, cha có ý nói: hãy cắt dính bén với những kẻ không tốt mấy, từ bỏ những thú vui bất chính, dứt một tình bạn quá riêng tư, khước từ những đồ ăn uống từng là cơ hội cho thói ham ăn uống. Cắt dính bén là gì, nếu không là bỏ một tấm áo, dăm miếng giẻ rách (đang vương vấn lòng trí các con) để nhờ đó các con chế ngự ước muốn ăn diện, khoe khoang, hào nhoáng của những người thích làm đỏm. Nếu các con để lòng mình dính bén với những sự vật như thế thì rất tai hại cho các con… Ôi, cái thứ infensus hostis – kẻ thù thâm độc. Như người ta miêu tả về sự không dính bén của thánh Lui đối với tất cả những sự phù vân thế gian. Các con hãy xin thánh nhân giúp chúng con ngước lên một chút và tâm hồn được nâng cao tới những sự trên trời” (VII, 680).

Trong các bài huấn đức cho tu sinh, kể cả những bài cho các thầy, ngay cả trước khi Tu hội chính thức thành lập, cha Lemoyne trích dẫn chi tiết lời khiển trách và những câu trả lời rất lý thú. Một người vặn hỏi Ngài: “Sao có thể làm được nhiều việc như vậy, ít người quá mà”, vị thánh trả lời: “Cha sẽ trả lời cho con với lời thánh Vinh Sơn Phaolô: Trong những lúc thật thiếu thốn là lúc ta thấy rõ mình có thật sự tin cậy vào Chúa hay không? Các con cứ tin Cha đi: ba người làm việc nhiều hơn mười người, một khi đã có Chúa nhúng tay vào, và Ngài luôn giúp ta một tay khi Ngài đặt ta vào một việc vượt sức chúng ta”.

Người khác có lần phàn nàn: “Chúng ta nghèo thật!”. Don Bosco trả lời: “Nghèo như vậy là một may mắn và là một phúc lành của Chúa. Chúng ta còn phải cầu xin Chúa cho chúng ta được phúc nghèo thật sự trong lòng. Chúa Giêsu Kitô không khởi sự trên máng cỏ để rồi kết thúc trên thập giá đó sao? Kẻ giàu thường ham chuộng sự an nhàn thảnh thơi, tiện nghi, thỏa mãn và biếng nhác. Tinh thần hy sinh vì thế tắt lịm. Đọc giáo sử các con sẽ thấy nhan nhản những thí dụ về sự sung mãn của cải trần thế là duyên cớ gây đổ vỡ cho bao gia đình dòng tu. Chỉ vì họ không chịu duy trì tinh thần nghèo khó mà phải rơi vào cảnh bi đát như vậy. Những cộng đoàn nào trung thành giữ đức nghèo khó thì phát triển một cách kỳ diệu. Ai nghèo thì suy tưởng về Chúa và chạy tới Ngài. Cha bảo đảm cho các con hay rằng, nhiều ít Ngài sẽ luôn dự liệu những sự cần thiết. Ai sống trong giàu sang dễ quên Thiên Chúa. Các con không thấy rằng cầu xin những sự cần thiết là một vinh dự hay sao? Cho đến nay, các con đã thiếu gì chưa? Đừng ngờ vực gì cả! Những phương tiện vật chất đã không thiếu bao giờ, kể cả những nhu cầu của chúng ta lẫn của học sinh” (VII, 328).

Kiểu nói này chưa phải là kiểu nói cho các người đã khấn, vậy mà Ngài đã khéo léo dọn lòng họ từ bỏ dính bén và trông cậy vào Chúa biết mấy!

Một lần kia đi dạo qua một đường phố, lúc đó gọi là đường Dora Grossa nay là đường Garibaldi, ngài dừng lại trước một cửa hiệu với anh Bosio để quan sát một bản đồ thế giới và chỉ cho anh xem Mỹ Châu rộng lớn, dân số lại ít. Chàng Bosio nói: “Bù lại có nhiều vàng!” Don Bosco tiếp: “Dĩ nhiên, nhiều vàng lắm, nhưng kẹt một nỗi, không một người công giáo nào biết sử dụng nó đàng hoàng. Với số vàng nhiều như vậy, họ có thể nâng đỡ bao người cùng khổ. Những ngừơi có nhiều vàng có thể lập được bao nhiêu công phúc. Với số vàng đó, người ta có thể giúp rất nhiều cho việc truyền bá đức tin. Thế nhưng, với sự nghèo khó và thánh giá, Chúa Giêsu đã cứu chuộc cả thế gian. Và sự nghèo khó chính lại là sự giàu có của các tông đồ và thừa tác viên của Ngài” (V, 674).

Chúng ta biết bữa ăn của Don Bosco nghèo chừng nào. Hồng Y Cagliero ghi nhận: “Cho đến năm 1853, món cháo và bánh mì của Ngài ăn cũng là thứ chúng tôi ăn. Phần ăn mẹ Margarita dọn cho Ngài thường vỏn vẹn có rau, đôi khi thì dăm ba miếng thịt nhỏ hoặc trứng, thông thường là món rau trộn; và chính món ăn ấy Ngài phải dành cho bữa trưa và bữa tối để hâm nóng mà ăn. Nhiều lần người ta thấy Ngài phải cứ nhai đi nhai lại cùng một thứ bánh táo khô để dành từ Chúa nhật tới ngày thứ Năm trong tuần” (IV, 189).

Sau này vì kính nể người đồng bàn, ngài thêm vào món cháo và món kia, một ít trái cây và phó-mát. Năm 1855, có thêm một món nữa vào bữa trưa khi có một linh mục nào đến ở vài ngày với ngài. Nhưng chi có đĩa đầu, ngài ăn với thịt, còn đĩa thứ hai, ngài ăn với rau luộc hoặc rau trộn (IV, 189-90).

Cha Lemoyne ghi nhận: “Don Bosco có cả một lý tưởng trọn lành riêng cho mình”. Vào khoảng năm 1860 ngài phải cải thiện bữa ăn vì nhu cầu của những người sống với  cạnh, ngài không có khó khăn nào khi phải ăn phần dọn sẵn. Thế nhưng, thường xuyên chúng tôi nghe ngài nói: “Mình cứ tưởng trong nhà mình ở, ai cũng hài lòng với món cháo và bánh mì, có thêm thì một món rau là cùng. Thế ra mình lầm to. Lý tưởng của mình là một Tu hội gương mẫu thanh đạm. Mình muốn để lại cho hậu thế một Tu hội như thế sau khi chết. Bây giờ mình hiểu rằng ý tưởng của mình không thể thực hiện được. Ngàn vạn lý đã khiến mình phải theo gương các dòng tu khác: món cháo, hai món khác và trái cây. Chính Thánh bộ về các giám mục và dòng tu cũng không phê nhận Luật một dòng quá khắt khe về vấn đề xác định phẩm lượng của thức ăn, thế mà ngay lúc này mình vẫn cứ đinh ninh rằng có thể sống như hồi đầu của Nguyện xá được lắm” (IV, 192).

Lẽ tất nhiên, một cơ thể yếu ớt hơn cơ thể của Ngài không chịu nổi lượng ăn như  cha Cagliero đã xác nhận; huống chi là thứ cháo và món ăn, trong những năm đầu, do mẹ Margarita nấu để ăn từ Chúa nhật đến thứ Năm trong tuần và đổi một món nhẹ vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy” (III, 25). Muốn rõ thêm cứ đọc chương 28 của Hồi sử cuốn IV, từ trang 183-204 thì biết.

Về vấn đề áo mặc, chỉ cần hồi tưởng khung cảnh của năm 1866 thì rõ. Lúc ấy, Ngài phải đi Firenze để gặp Bộ trưởng Ricasoli, với tính cách ngoại giao chính thức giữa chính quyền Ý và Toà thánh (sứ mệnh này kéo dài tới thời đức Giáo hoàng Lêo XIII, năm 1878). Vậy mà Ngài phải vội mượn thầy này một cái mũ, cha kia một cái áo choàng hoặc tu sĩ nọ một cái áo chùng thâm (VIII, 532; III, 24).

Phòng riêng của Ngài vẫn còn thấy rõ rệt cho đến những năm cuối đời. Trong những năm đầu, giường ngủ ngay trong phòng không màn ngăn cách, chiếc bàn nhỏ không thảm để chân, không kệ gác chân, tường vách vỏn vẹn có vài ảnh giấy và một bức ảnh chuộc tội, hai ghế mây, một lò sưởi nhỏ với dăm ba thanh củi mà hiếm khi Ngài đốt cho ấm mình (III, 25).

Bởi thế ngài cũng có thể đòi hỏi người khác lắm chứ. Bộ Hồi sử cho ta thấy vô số những thí dụ cụ thể. Chỉ cần xem qua phần mục lục đủ rõ (qua các từ như hãm mình, đền tội, khó nghèo, thức ăn, bữa ăn, phòng riêng, y phục…) ta sẽ thấy dồi dào đề tài. Ở đây, ta thích theo trường Ngài dạy. Hãy nhớ lại những năm 1863 khi Don Bosco sai cha Rua sang làm giám đốc ở Mirabello Monferrato, trong số lời ghi nhớ cho cha ấy, có mấy điểm sau đây:

“3. Không người nào trong Tu hội được phép ký giao kèo, nhận tiền bạc, đổi chác, hay vay mượn nơi thân nhân, bạn hữu hay ai khác. Không một ai giữ tiền hoặc chi phối của cải vật chất mà không có phép của bề trên. Giữ được khoản luật này sẽ tránh được thứ bệnh dịch khốc hại nhất cho Tu hội.

  1. Con hãy cảnh giác như nọc độc thói sửa đổi Tu luật. Sự tuân giữ luật chính xác còn khá hơn mọi thứ cải tổ. Cái tốt hơn là kẻ thù của cái tốt.
  2. Việc học hỏi, thời gian và kinh nghiệm cho cha thấy được rằng thói mê ăn, tư lợi, hư vinh đã đổ vỡ cho nhiều dòng tu lừng danh. Thời gian sẽ cho con biết chân lý mà hiện giờ có lẽ con khó tin nổi”. (X, 1045 –1046).

Lời lưu niệm cuối cùng, liên quan đến cách thức ra lệnh, ngài trở lại lời ghi nhớ thứ 5: “Phải tiết kiệm trong mọi sự, nhưng trong cách thức sao cho những người đau ốm không phải thiếu thốn chi. Ngoài ra còn phải làm sao để mọi người nhớ rằng chúng ta đã khấn nghèo khó, bởi thế chúng ta không được tìm kiếm, thậm chí dù là ao ước mà thôi, sự dễ dãi. Chúng ta phải yêu mến đức nghèo khó và các bạn hữu của đức nghèo khó. Do đó phải tránh mọi chi tiêu tuyệt đối không cần thiết trong quần áo, sách vở, nhà ở, hành trình”. (X, 1046)

Tối hôm 12 tháng 6 năm 1867, bài huấn từ dồn hết vào vấn đề khuyên mọi người đừng để mình bị lôi cuốn bởi những vật phàm tục: “Đừng nhìn sự vật trần gian với lăng kính phóng đại, nhưng hãy nhìn với cặp mắt thường, bởi những lăng kính phóng đại, một hạt cát có thể phóng ra to ra như cái núi. Tất cả sự vật trên thế gian này gom lại chỉ là không. Vua Salomon, sau khi hưởng mọi lạc thú trần gian đã nói: ‘Mọi sự đều giả dối và làm khốn tinh thần’. Và rồi các con xem: những sự vật trần gian mai kia ta phải từ bỏ tất cả. Nếu từ bỏ ngay bây giờ, Chúa sẽ thưởng công cho ta; nếu chúng ta không từ bỏ bây giờ, chúng ta cũng sẽ phải bỏ vào lúc chết mà chẳng có công phúc gì cả” (VIII, 831).

Cũng năm ấy hoặc năm sau, một lá thư không đề ngày tháng được gửi cho các nhà. Sau khi bàn về sự hiệp nhất trong tinh thần, ngài nói tới hiệp nhất trong cách quản trị, ngài viết: “Một tu sĩ tự nguyện thực hành lời của Đấng Cứu Thế, từ bỏ của riêng trong thế gian, sẽ được thưởng công nhiều hơn trên trời: bỏ cha mẹ, anh chị em, nhà cửa và tài sản, bất luận giống gì và dâng hết mọi sự cho Chúa. Tuy nhiên bao lâu xác còn kết hợp với hồn, người đó vẫn còn cần phải có của ăn để nuôi sống, áo ấm che thân và làm việc. Bởi thế, khi đã từ bỏ mọi sự mình có, người ấy tìm gia nhập một Tu hội trong đó đảm bảo nhu cầu cần thiết cho cuộc sống mà không cần mang gánh nặng quản trị của cải đời tạm này. Vậy họ cần điều hành của cải trong Tu hội ra sao? Luật của Tu hội đã định liệu tất cả. Bởi thế, khi thực hành luật thì mọi nhu cầu của người đó sẽ được đáp ứng. Một bộ quần áo, một tấm bánh đã đủ cho một tu sĩ. Cần thêm gì, họ hãy ngỏ ý cho bề trên và sẽ được cung cấp.

Nhưng ở đây ta phải quy về sự nỗ lực của từng người. Ai có thể tìm ích cho Tu hội, người đó phải ráng làm, nhưng đừng có xoay quanh bản thân. Hãy liệu sao chỉ có một túi tiền chung cho tất cả, giống như chỉ một tâm trí vậy. Ai tìm cách mua bán, đổi chác hoặc giữ tiền tiêu riêng, kẻ ấy giống như nông dân đang khi những người xúc lúa đổ vào kho, thì lại đem tung dễ dãi ra mọi nơi. Về vấn đề này, cha phải khuyến cáo các con đừng giữ tiền riêng ngay cả khi lấy chiêu bài phải sinh lời cho Tu hội. Việc làm hữu ích cho Tu hội hơn cả là tuân giữ Hiến luật.

Y phục, phòng ở, những đồ trang bị của nó phải xa tránh bệnh tìm tiện nghi. Một tu sĩ luôn phải sẵn sàng từ bỏ phòng ở để xuất hiện trước nhan Đấng Tạo hoá mà không đau khổ vì vương vấn và khiến cho vị Thẩm Phán phải khiển trách.

Mọi việc phải được đức vâng phục thôi thúc với lòng khiêm tốn và tin tưởng. Không gì giấu giếm, không gì mờ ám đối với bề trên. Mọi người phải cởi mở lòng mình một cách minh bạch, thành thật như người con đối với người cha. Như vậy, bề trên có khả năng nhận biết các anh em hội viên của mình, liệu sao cho họ có những gì là cần thiết và quyết định phù hợp với khả năng hầu có thể giúp cho việc giữ luật thêm chu đáo và mưu ích cho toàn Tu hội…” (X, 1098-1099).

Dịp tĩnh tâm năm 1869 vị thánh giảng bài huấn đức về nghèo khó. Chúng ta hãy nêu ra những đoạn quan trọng. Ngài khởi đầu là những lời Chúa Giêsu: “Không ai làm tôi hai chủ; không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền tài”. Ngài nói: “Đối với phần lớn thì của cải hẳn là gai nhọn gây lo âu và mệt nhọc vì phải chạy vạy tìm tòi và lo lắng cất giấu. Của cải là bẫy gài người ta vào tội bất công, tham lam, cứng lòng với tha nhân; của cải là cái ách vùi dập tâm hồn sát xuống mặt đất, ngăn trở ta khao khát những sự trên trời và chỉ có bùn đất mới là phần dành riêng cho nó. Đức nghèo khó đúng đắn không có những bận tâm gây lo lắng dày vò, không có những cắn rứt dằn vặt, bảo đảm trước muôn cám dỗ của ma quỷ, là mẹ của các nhân đức, khao khát về trời cao và tín thác vào Chúa nhân lành. Đấng đã phán: “Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (IX, 698).

Ngài nhắc nhở họ phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước để có thể tin tưởng vào Chúa Quan Phòng; rồi nhắc họ tình yêu của Chúa Giêsu đối với đức khó nghèo, dựa trên lời rất hay của thánh Bernardo: “Đức khó nghèo không tìm thấy ở trên trời, ở dưới đất lại đầy tràn; vậy mà con người không nhận ra giá trị của đức ấy. Con Thiên Chúa lại ao ước nó đến độ bỏ trời mà xuống để chiếm hữu cho mình và làm cho nó trở nên quý trọng đối với chúng ta”. Ngài lại tiếp: “ Đức khó nghèo thánh thiện này bắt nguồn từ giáo lý mà Chúa Giêsu triền miên rao giảng. Chúa Giêsu đã giảng cho đám đông về sự cần thiết của việc cắt dính bén khỏi của cải trần thế, rồi buộc những ai muốn nên môn đệ của Ngài phải làm như vậy, và những ai Ngài muốn chọn làm môn đệ để khăng khít sống với Ngài, thì Ngài đòi họ phải từ bỏ những gì họ có, thậm chí cả gia đình nữa…” (IX, 699).

Sau khi đã minh chứng chân lý này bằng một đoạn kinh thánh, ngài kết luận với một tư tưởng về sự nâng đỡ Chúa ban cho các tu sĩ tốt lành trong việc giao chiến với ma quỷ, thế gian và bản thân: “Chúng ta không cần sợ những kẻ thù vì Chúa đã trang bị cho chúng ta bằng khí giới thiêng liêng. Và loại khí giới hiệu nghiệm hơn cả chính là lời khấn khó nghèo. Khi hết lòng từ bỏ tất cả, Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi sự” (X, 700).

Trong bài huấn đức thứ hai, ngài giải thích những nghĩa vụ mà lời khấn khó nghèo đòi buộc đã được ghi trong Hiến luật năm 1867: “Việc giữ lời khấn khó nghèo hệ ở chỗ không để cho lòng dính bén những của cải trần thế. Để được như vậy, chúng ta lo sao sống đời cộng đoàn về của ăn, áo mặc và nếu không có phép của bề trên thì không được giữ vật gì làm của riêng” (IX, 701; X, 877).

Ngài nói: “Giữa chúng ta lời khấn thanh bần nhằm quyền quản trị chứ không nhằm quyền sở hữu. Thế nên các khấn sinh có thể giữ quyền sở hữu gốc về tài sản của mình; nhưng hoàn toàn cấm ngặt quản trị, phân phát hoặc sử dụng lợi nhuận mà không có phép của bề trên. Tất cả các hội viên trước khi khấn phải làm tờ di chúc. Họ có thể nhường quyền cho ai hoặc  bằng tờ di chúc, hoặc nếu có phép của bề trên cả (ngày nay là phép của bề trên tỉnh) bằng một tờ cam đoan với người còn sống. Bất cứ vật gì mà hội viên chiếm hữu được do danh nghĩa Tu hội đều phải sung vào của chung cho cộng thể hầu mưu lợi ích chung cho Tu hội. Không ai được giữ tiền riêng nơi mình hay nơi người khác”( IX, 701).

Don Bosco tiếp tục nói bằng cách trích dẫn thánh Phaolô, coi đó là quy luật sống của các tông đồ, thư 1 Timôthê 6, 8: “Một khi có ăn có mặc, ta hãy bằng lòng” và thư Philip: “Tôi coi mọi sự hết thảy là thua lỗ bất lợi cả vì cái lợi tuyệt vời là biết Đức Giêsu Kitô”. Chính vì ý ngay lành này mà Chúa Giêsu đã hứa ban ân thưởng dồi dào: “Phúc cho kẻ khó nghèo trong lòng vì nước trời là của họ”. Ngài không nói ở thì tương lai mà là ở thì hiện tại.

Ngài tiếp tục bằng việc trích lời thánh Bernardo: đức nghèo khó của chúng ta phải trên thực tế chứ không trên ngôn từ. Bạn thân của Đức nghèo khó là sự thiếu thốn, túng cực, là làm việc,… trong phòng riêng, trong y phục, nơi bàn ăn, nơi sách vở và trong việc di chuyển,…

Chúng ta hãy suy nghĩ đôi chút: 1) một tu sĩ phải có điều mà Đức Kitô có…. Có thể nói Chúa Giêsu chỉ có một áo che thân mà các hung thủ đã lột ra để rút thăm trước mặt Ngài khi Ngài đang hấp hối trên thập giá; 2) nên nhớ rằng ai ham giàu có sẽ ngã vào tròng của ma quỷ (1Tm 5, 9). Tiền của đã làm cho Giuđa phạm bao giống tội. Hắn phạm tội trọng khủng khiếp đến mức thắt cổ tự tử. Một cái chết ghê rợn!; 3) đừng quên hoàn cảnh cũ của mình như thánh Giêrôm viết cho Nepoziano: “Lúc mới làm thầy, con có chừng nào thì bây giờ hãy có chừng đó. Sinh ra trong nghèo khó, một túp lều thô sơ, về của ăn vỏn vẹn có miếng bánh mốc mà vẫn no bụng, bây giờ con cũng phải thế. Cha ngán kiểu sống của con bây giờ”; 4) Nhìn lên ảnh chuộc tội, thánh Tôma Villanova và các thánh khác không còn cảm thấy đời tu khó sống bao nhiêu. Ôi những kẻ tự nguyện trở nên nghèo túng vì Chúa Giêsu Kitô sẽ được an ủi chừng nào trong giờ chết!

Về phương diện cá nhân, không được có gì tư riêng cả. Chúng ta sở hữu một số đồ vật chung, và ít ra trong thâm tâm ta phải khước từ tất cả những sự vật hiện tại, mọi ràng buộc và tất cả những gì mình yêu thích trong trần gian, sao cho người tu sĩ được sẵn sàng thà mất hết mọi sự còn hơn là vi phạm lời khấn và xúc phạm đến Chúa. Nếu quả thật chúng ta trung thành với lời khấn khó nghèo, chúng ta sẽ nên giống những người ăn xin, nhưng lại nên giàu có ( về ơn Chúa Thánh Thần): ‘Của cải như mảy may không có mà được mọi sự làm sở hữu’ (2C 6,10), bởi vì đức khó nghèo chính là sự giàu sang của chúng ta.

   Thánh tâm của Chúa Giêsu thương mến vô kể những kẻ theo lời Ngài mời gọi. Chẳng bao lâu trên khắp mặt đất có thể nói rằng không khoảng đồi hay thung lũng nào mà các tu viện, đan viện hoặc trường học bị thiếu thốn. Nhưng khốn cho nhà tu nào bắt đầu sống cảnh giàu sang. Thánh Augustino và thánh Giêrôm đã tuyên bố như vậy ngay trong thời của các ngài. Nhiều nhà tu đã suy sụp. Nhưng cũng có nhiều dòng tu lại vẻ vang hơn, dù bị bách hại và bị người ta ghét bỏ vì những tu sĩ trong đó đã tận tâm bênh vực đức tin, và quyền lợi Giáo hội. Những đổ vỡ của rất nhiều dòng cựu trào nổi tiếng và sự tàn lụi về tài sản là dấu cho thấy cơn giận Chúa trừng phạt tội bất trung với lời khấn. Sau những dòng ấy xuất hiện những tu hội mới, cũng đông như những dòng cựu trào. Quả là việc lạ lùng, cum persecutionibus, cùng với sự bách hại. Chúa Giêsu đã và sẽ còn mở rộng từ tâm ban nhiều ơn cho họ miễn là họ không dính bén của cải trần thế.

“Ôi thánh thiện và hạnh phúc thay đức khó nghèo! Lạy Chúa của con và là mọi sự của con!” Thánh Phanxicô hay than thở như thế. Chúng ta có thể nói với thánh Phaolô: “Tôi nghèo, nhưng tôi làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”. Chính ở điểm này mà những người nghèo khó đích thực vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô đã làm những phép lạ. Chính vì điều này mà một tu sĩ, với đức tin, đưa tay trên bệnh nhân và chữa lành họ…

Rồi ngài kết luận bằng cách nhắc lại những phép lạ các tông đồ đã thực hiện khi Chúa Giêsu sai các ngài đi rao giảng với hai bàn tay trắng, và họ đã không thiếu những gì cần thiết: “Cả chúng ta cũng có thể thưa cùng Chúa Giêsu: chúng con nghèo mà không thiếu thốn gì” (IX, 701-708).

Đọc các quyết định của phiên họp năm 1873 ta sẽ có ấn tượng ngạc nhiên. Trong số các khoản luật về tài chính, ta có khoản 11 nói như sau: “Trong mỗi trường học, phải chú ý đến giấy đã viết hay đã cắt. Loại giấy này có thể phân thành bốn loại: 1) loại giấy đã viết rồi mà còn một phần trắng, như thư nhận được hay là các thứ giấy tương tự sẽ được dùng vào việc ghi chép, làm biên lai, biên nhận và ghi chú. Nếu dư hãy gởi về Torino; 2) loại giấy đã viết rồi mà còn một phần trắng, thường là giấy làm bài thi còn dở. Hãy gởi loại này về Torino đưa vào nhà in, nơi sẽ cần nhiều bản nháp hoặc in thử; 3) những tờ giấy bị vò nhàu, giấy báo hoặc những tờ to đủ loại màu, nếu không cần dùng tới, cứ việc gởi về Torino cho vào nhà kho hoặc nhà đóng sách; 4) giấy đã viết kín hai mặt mà vẫn còn lành lặn, hoặc bất cứ giấy vụn nhặt được từ các lớp học hay sân chơi, những thư từ giao thiệp đã bị xé rách, không cách nào bán được, cũng hãy gởi về Nguyện xá” (X, 1117).

Về vấn đề tiết kiệm, Don Bosco không ngừng nhấn mạnh. Trong phiên họp ngày 27 tháng 1 năm 1876 ngài thảo luận với các giám đốc về những chi tiêu kếch xù cho việc xây cất khắp nơi như sau: “Cha phải thú thật rằng… nếu lấy con mắt loài người mà nhìn những sự vật có trong tay, ta buộc lòng phải trùm chiếc khăn trắng trên đầu, cải trang để chốn vào nơi hiu quạnh miền Tebaide hầu không ai trong xã hội còn thấy cha nữa, bởi lẽ cha không biết xoay xở cách nào để điều hành công việc. Nhưng chúng ta phải ngước lên cao và trông cậy vào Chúa quan phòng. Có khi nào Chúa quan phòng đã bỏ chúng ta chưa? Chưa! Chúng ta luôn được vẻ vang về việc chúng ta làm. Nhìn về quá khứ, thì chúng ta thấy tương đối vững chắc. Đến nay, chúng ta đã làm gì để tiến tới? Chúng ta tin tưởng vô tận vào Chúa quan phòng. Ngài không để chúng ta thiếu sự gì cả. Chừng nào Chúa quan phòng sẽ thôi trợ giúp? Khi mà chúng ta không xứng đáng nữa vì phí phạm tiền của, giảm suy tinh thần khó nghèo… Nhưng cho đến lúc còn điều cha thấy hiện giờ là đâu đâu cũng hy sinh và tiết kiệm hết cách, công việc lại lớn lao và vô vị lợi, thì hãy cầm chắc, Chúa quan phòng sẽ không bỏ rơi chúng ta bao giờ. Đừng sợ, thân phận chúng ta nằm trong tay Thiên Chúa và mọi sự sẽ thành đạt theo sở nguyện.

   Tuy nhiên đang khi chúng ta nhắm mắt phó thác nơi Chúa Quan phòng, cha khuyên các con hãy gắng tiết kiệm mọi mặt. Hãy dè sẻn bao có thể, trong mọi cách, về di chuyển, xe cộ, giấy tờ, ăn uống và y phục; không phí phạm một cắc, một xu, một cái tem, ngay cả một mảnh giấy cũng không nên phí. Cha tha thiết khuyến khích các con, đặc biệt các thày hộ trực, các giáo sư và những anh em khác, lo sao cho mình và cho các thuộc hạ biết tiết kiệm và tránh bất cứ loại hoang phí nào. Đồng thời, ai nấy hãy thôi thúc nhau làm việc bác ái qua sự cần mẫn và khích lệ… Đừng ỷ lại vào Chúa quan phòng để rồi khoanh cánh phè phỡn. Chúa quan phòng chỉ nhúng tay vào việc chừng nào thấy chúng ta làm việc hết sức vì yêu mến Ngài. Điều kiện là ta phải sử dụng tốt những gì do lòng hảo tâm người ta dâng cúng. Ta không được phép tạo cho mình một cuộc sống dễ dãi” (XIII, 79).

   Năm sau, vào ngày 6 tháng 2 năm 1877, Don Bosco gợi lại cũng một đề tài đã kết bài huấn đức ban trưa như sau: “Đức Thánh Cha nói rằng nếu chúng ta muốn các trường của chúng ta phát triển, nhất thiết phải chấp nhận và rao truyền, giữa chúng ta và các thanh thiếu niên, ba điểm sau đây: một là tinh thần đạo đức; hai là tinh thần luân lý; ba là tinh thần tiết kiệm. Mỗi người phải liệu cách học hỏi đặc biệt xem thể thức nào khả dĩ giúp cổ võ ba điểm trên cho các hội viên và học sinh. Nên nói trong bài giảng, huấn đức và trong các câu chuyện riêng tư. Trong những ngày tới, cha mong có một bài huấn đức nói về thể thức cụ thể đáp ứng lời răn dạy của đức thánh cha” (XIII, 69).

Ngài lấy điều này làm chủ đề cho Tổng Tu Nghị đầu tiên mà ngài triệu tập vào tháng 4 năm 1877 để tháng 9 họp ở Lanzo Torinese. Ngài vạch ra lược đồ gồm 6 mục,  số 8 đến 13 đưa ra qui tắc cho: quần áo và giặt ủi, phân phối đồ dùng cần thiết, bếp núc, than củi, hành trình và xây cất (XIII, 248).

Những chi tiết thú vị được thấy trong chương 9 của Hồi sử cuốn XIII. Ở đây ta chỉ đưa ra vài định hướng của ngài:

Về vấn đề quần áo và giặt ủi, ngài nhận xét: “Việc thực hành các nghị quyết này đòi phải có một đức ái dồi dào; thế nên, bề trên hãy liệu sao cho ai nấy ăn mặc lịch sự, không thiếu gì gọi là cần thiết hầu tránh giá buốt hoặc giảm mức khe khắt của thời tiết”.

Về vấn đề phân phối những thiết dụng: “Nếp sống của ta dựa vào Chúa quan phòng, Đấng không để chúng ta thiếu thốn bao giờ. Thế nhưng chúng ta phải sử dụng hết sức cẩn thận để tiết kiệm trong những cái không cần thiết, giảm thiểu những chi tiêu để cho việc mua bán nên hữu ích”.

Ngài còn nhắc lại đôi lời nhận xét về vấn đề tiết kiệm điện nước, giao thông và thư tín. Riêng về bếp núc, ngái khuyên: “Mỗi ngày, cha quản lý nên xuống bếp vừa để xem có gì thiếu chăng, vừa để ngăn ngừa kẻ không phận sự vào bếp”.

Về việc xây cất: “Những người ngay lành sẽ chướng mắt khi họ thấy kiểu sống cầu kỳ, xây cất hào nhoáng, bài trí rườm rà và những bữa ăn quá đáng nơi những kẻ thường hay nại đến lòng hảo tâm của họ”. Điều này cũng nhắc chúng ta những lời cảnh cáo tương tự gần đây của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Phaolô VI.

Về việc nhận tiền bố thí, cho dù ta không đủ khả năng bố thí cho kẻ khác, bởi vì hằng ngày ta sống dựa vào Chúa quan phòng, thì tuỳ hoàn cảnh cần, ngài đồng ý rằng “giám đốc có thể đưa cho các linh mục trong nhà một vài đồng bạc để các ngài có thể bố thí cho những trường hợp rất cấp bách; thế nhưng không nên cho trước, sau hoặc đang khi giải tội, ngay cả khi trong phòng áo cũng vậy” (XIII, 248-249).

Trong phiên họp ngài khuyên các nghị viên nên cứu giúp những cá nhân và gia đình nghèo túng cách kín đáo theo chỉ định của cha xứ. Ngài khuyến khích cách riêng việc trợ giúp những khách ngoại kiều vì họ không được địa phương chăm sóc. Lời lẽ như sau: “Cần phải rất kính trọng những thanh thiếu niên và những kẻ lang thang, thỉnh thoảng đến để xin bố thí. Dầu họ có còn to khoẻ, lý do phải đi xin ăn mặc là vì hoàn cảnh tung thiếu buộc họ và có khi là những người công giáo tốt lành nữa. Nếu không làm thế, rất có thể họ sẽ rơi vào cảnh trộm cắp, ban đầu chưa đến nỗi phạm tội nhưng có thể rơi vào cuộc sống sa đoạ lắm. Nếu là thanh thiếu niên lại càng nên giúp chúng hơn nữa, chỉ vì đó là điều phù hợp với sứ mạng của ta. Vì chưa có lý tưởng chắc chắn, chỉ cần một chuyện không đâu, cũng đủ giao chúng vào con đường bất chính…, có khi hết đời. Thế rồi có lúc những người sống cô độc đến ăn xin. Ôi, cũng nên giúp họ với cả lòng từ ái và đại lượng…

Trên đời này không có hạng người nào sống trong hiểm nghèo bằng những người cô độc; đã nghèo lại bị bỏ rơi. Cha bằng lòng cho họ ngay cả phần ăn của cha nếu không có gì khác, hầu đưa họ ra khỏi mối nguy hiểm của cuộc đời. Đừng nói rằng họ không cần; tệ hơn cả là coi họ thuộc lọai mất nết. Nếu họ không cần, họ đã chẳng đi ăn xin. Vả lại nếu họ chưa là kẻ nhân đức, thì ít ra giúp họ một lần thóat cảnh hiểm nghèo, như thế đã là tốt lắm rồi. Đừng quan niệm những kẻ ăn xin thường không phải là người thực sự túng thiếu, nên nhớ rằng thời đại chúng ta, sự cùng cực còn mang nhiều hình thức rộng hơn vẻ bề ngoài nữa…”.

   Để giải đáp thắc mắc của cha Cerrutti, giám đốc nhà Alassio về vấn đề nhận làm lễ ngòai cộng thể, ngài nói: “Hãy nhận làm lễ ở những nơi con thấy ít bổng lễ hơn cả; trước tiên là giáo xứ, rồi đến những cơ sở từ thiện, hoặc những nhà thờ giáo dân năng lui tới; sau cùng nếu có thể mới tới các nhà thờ tư của mấy người chủ điền và các nhà nghỉ mát” (IX, 931).

   Ngài cảm động mô tả cho các bề trên ấn tượng của mình ngày 21 tháng giêng 1877, khi được tiếp chuyện trong phòng riêng với Đức Piô IX đang liệt giường như sau: “Lúc đó, đức thánh cha liệt giường. Giường của ngài khá thấp và nghèo như giường của học sinh trường chúng ta. Dưới đất không thấy trải thảm nệm cho ấm chân gì cả. Nền nhà lát gạch rạn nứt và lung lay, lồi lõm đến nỗi sơ ý liền vấp ngã. Cụ thể là khi thấy cha tiến gần, biết cha cận thị, Đức Thánh Cha bảo: ‘Coi chừng, đi lối kia, chỗ này coi chừng vấp đó’” (XIII, 18-19).

Năm 1878 từ Pháp về, các soeur ở Valdocco hớn hở trang hoàng phòng khách để đón ngài. Nhung vị thánh nhắn họ: “Ồ, không, không! cha không lui tới những nơi màn che và ghế bành đâu”. Họ buộc phải dẹp hết rồi ngài mới đến (XIII, 207).

Thầy Vacchina có thói quen chia cho những học sinh nghèo nhất của mình số tiền nhận được từ cha mẹ. Nhưng cảm thấy áy náy lương tâm, thầy đến thú tội cùng Don Bosco. Vị thánh hỏi: “Vậy mà con cứ chịu lễ sao?”. Thầy hối hận vì thấy mình đã không xin phép và nói: “Ôi, khốn thân con, chẳng lẽ con đã phạm sự thánh ư?” Don Bosco kết luận: “Cha không có ý nói thế! Con có ý ngay lành vì đã giúp trẻ nghèo. Được lắm, thế là đủ. Người ta thấy rõ con là con của Don Bosco” (XIII, 281).

Năm 1880 ngài sang Benigno Canavese thăm các tư giáo. Cha Nai, quản lý nhà này tỏ nỗi băn khoăn của mình về vụ một cha giám đốc đòi mua cho mỗi tư giáo một chiếc áo chòang mới và màn che cửa sổ mà tiền chưa có. Don Bosco triệu mời tất cả lại, cho một bài huấn đức về đức khó nghèo, với lời lẽ rất mạnh. Cuối bài huấn đức ngài hỏi ai có nhận xét gì không. Vị bề trên ấy đứng lên ý kiến rằng, đối với mình không thể tách sự trang hòang và đức khó nghèo với nhau. Ngài trả lời: “Chính đức khó nghèo là đồ trang hoàng của tu sĩ” (XIV, 549).

Năm 1930, cha Philip Rinaldi gợi lại chuyện này cho anh em tại nhà mẹ ở Torino. Ngài nói rằng thời bấy giờ ngài thấy đức nghèo khó của Don Bosco còn khe khắt hơn đức nghèo khó của các tu sĩ Cappuccino và các dòng khất thực. Thế mà vào chính năm ấy, vị thánh đã xây xưởng thợ, nhà in cho Nguyện xá với những phòng ốc và nơi chốn hùng vĩ tới mức các trường khác ở Torino khó địch nổi. Để kết bài, cha Rinaldi nói: “Ta không nên lẫn lộn đức nghèo khó nội tại của người Salêdiêng và của từng cá nhân với nhu cầu của công cuộc Salêdiêng bên ngoài, là điều buộc Don Bosco phải luôn luôn đi tiên phong cho đà phát triển” (XIV, 550).

Tuy nhiên trong phiên họp Tổng Tu Nghị III ngày 24 tháng 12 năm 1883, Don Bosco than phiền về nút gaz ở nhà thờ thánh Gioan Tông đồ vừa mới dựng xong đã bị hư và ca thán về phòng làm việc của chủ nhiệm ngành ấn lóat ở Nguyện xá chẳng khác một cửa tiệm sang với những cửa sổ có màn treo trướng rũ!

Ngài nói: “Nhìn một phòng sang như thế, hỏi ai còn bố thí cho chúng ta nữa?”. Nhắc lại lời của ông bá tước Fassati trước một cửa phòng sang trọng: “Mình sẽ không cho nhà này thứ gì nữa. Cái cửa nhà này quá sức phong lưu”. Dù biết đó là lời nói đùa, Don Bosco vẫn kết luận: “Cần phải suy tính cẩn thận trước khi tra tay vào việc và tất cả phải nhất trí tránh những chi tiêu vô ích. Có người phàn nàn công việc của chúng ta chỉ là làm đi làm lại, tính ra thì đắt gấp đôi công việc của một tư  nhân. Thế nên, hãy nhớ chúng ta nghèo. Trước khi bắt tay một công trình, nên nghiên cứu dự án. Những dự án được xét xong, nên đệ trình lên Don Bosco và lên ban Thượng cố vấn. Nên đón nhận tất cả những phê phán xây dựng cho các công việc ta làm (XVI, 421). Qủa là luật vàng để tránh được nhiều phí phạm và nhiều tai hại”.

Trong bản tường trình cho các tu sĩ Salêdiêng về Tổng Tu Nghị năm 1880, vị thánh đã tóm tắt những nghị quyết chính. Về đức khó nghèo, ngài viết: “không ai giữ tiền nơi mình, cũng không được tiêu tiền, trừ trường hợp có lý do và theo mức độ do bề trên ấn định” (XVI, 795).

Trong thư di chúc viết năm 1884, ngài nêu lên những quyết định như sau: “Hãy giữ nguyên tắc bất di bất dịch này: Không nên duy trì bất cứ bất động sản nào trừ những nhà và phạm vi chung quanh cần thiết cho sức khỏe hội viên hoặc sự thóang khí cho học sinh. Việc nắm giữ khư khư những huê lợi là một hành vi ngạo ngược với Chúa quan phòng, Đấng bảo trợ chúng ta một cách phi thường và lạ lùng. Khi cho phép xây cất hay sửa sang nhà cửa, nên cấm ngặt mọi xa hoa, đồ sộ, lộng lẫy. Chừng nào xuất hiện sự dễ dãi cá nhân chừng đó thời gian lụn bại của Tu hội bắt đầu” (XVII, 257-258).

Những lời khuyên cơ bản của thánh nhân cho tất cả các Salêdiêng: “Hãy yêu mến đức nghèo khó, nếu các con muốn tình trạng kinh tế của Dòng được ổn định. Hãy lo sao để đừng ai có thể nói: các đồ dùng này chẳng phản ảnh tinh thần nghèo khó chút nào; người nghèo không thể có cái bàn, chiếc áo, căn phòng như thế này. Ai gây dịp cho người khác nói như thế là tự ý gây thiệt hại cho Tu hội, vì danh dự của Tu hội hệ tại ở lời khấn nghèo khó. Khốn cho chúng ta nếu các vị ân nhân có thể kêu trách chúng ta rằng chúng ta sống đời an nhàn hơn họ. Cũng phải hiểu rằng chỉ phải giữ như thế khi sức khỏe ở trong tình trạng tốt. Khi bệnh tật, thì ta dùng mọi phương thế Hiến luật cho phép” (XVII, 271).

Cả sau kỳ họp Tổng Tu Nghị cuối cùng mà ngài được chủ tọa, năm 1886, khi có dịp thuật lại diễn tiến của các phiên họp, ngài tập trung khuyến cáo về vâng phục, bác ái và khó nghèo, nêu rõ rằng: “Thiện ích của Tu hội cũng như phần ích linh hồn chúng ta lệ thuộc rất nhiều vào việc tuân giữ nghèo khó” (XVIII, 191).

Đến nay Chúa quan phòng thật đã giúp chúng ta trong mọi nhu cầu cuộc sống. Sự nâng đỡ này đương nhiên sẽ còn tiếp mãi nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Phù Hội, Mẹ hiền của chúng ta. Nhưng điều này không có nghĩa là về phía chúng ta không cần phải cẩn thận giảm bớt những chi tiêu xài trong bất cứ lãnh vực nào: thiết bị, hành trình, xây cất và nói chung mọi thứ không cần thiết. Cha tin tưởng đây là bổn phận riêng của chúng ta trước nhan thánh Chúa và trước mặt các ân nhân” (VIII, 191).

Đức khó nghèo Salêdiêng là đức khó nghèo của những người lao động chân chính, kiếm sống bằng việc làm, ý thức về sự trợ giúp của Chúa quan phòng, đồng thời ý thức về những đòi hỏi của đức nghèo khó Phúc âm đã khấn hứa vì lòng mến Chúa hầu phục vụ tha nhân.

Lời căn dặn của Don Bosco rất phù hợp với lời của vị đại diện Chúa Kitô, là Đức Phaolô VI như sau: “Các tu sĩ phải giải tỏa trước mặt mọi người, gương sáng về đức nghèo khó Phúc âm. Thế nên, họ cần phải yêu mến đức nghèo khó là điều họ tự ràng buộc chính mình. Sử dụng của cải với phép bề trên mà thôi chưa đủ, còn phải hài lòng với những gì là thiết yếu và tránh mọi thứ tiện nghi cũng như những kiến thức khác làm cho suy đồi nếp sống tu trì. Ngòai đức khó nghèo cá nhân, đức khó nghèo tập thể cũng làm cho đời tu sáng chói, hiểu là tòan thể cộng đòan. Bởi vậy, các dòng tu khi xây cất bất kỳ công cuộc nào, hãy lánh xa mọi thứ gọi là quá hào nhóang, quá cầu kỳ trong những kiểu bài trí xa hoa. Và họ nên lưu ý đến mức sống xã hội chung quanh. Họ cần tránh những sự kiếm chác lợi lộc quá đáng. Với những phương thế Chúa quan phòng ban cho, họ nên lưu ý giúp đỡ những anh em thiếu thốn, bất kể những anh em sống cùng địa phương hay ở những nơi xa lạ của địa cầu” (trích bài nói chuyện với các nghị viện liên dòng ngày 23 tháng 5 năm 1964, chiều áp lễ Mẹ Phù hộ).

Qủa là hoà điệu tuyệt vời cho dù cách nhau hầu như một thế kỷ!

Chương 7

Đức Thanh Khiết Salêdiêng

Trong văn thức tuyên khấn của chúng ta, Don Bosco dùng ba tính từ để nêu rõ đặc tính Salêdiêng của ba lời khấn. Đáp lại câu hỏi: “Con có hiểu rõ tuyên khấn theo Hiến luật của Tu hội thánh Phanxicô Salê nghĩa là gì không?” Khấn sinh trả lời: “Thưa, con đã am hiểu. Khi tuyên khấn theo Hiến luật Tu hội thánh Phanxicô Salê, con có ý thánh hoá linh hồn mình bằng cách từ bỏ những lạc thú và phù vân thế gian, xa lánh bất cứ tội cố tình nào, sống thanh bần trọn hảo, thanh khiết gương mẫu và vâng phục khiêm tốn…”.

Ngày 11 tháng giêng năm 1861, khi Don Bosco tiết lộ cho một thầy tư giáo rằng ngài đã thấy thầy trong giấc mơ xảy ra vào cuối tháng 12 năm 1860, ngài nói: “Can đảm lên! Con hãy trút bỏ những dính bén phàm tục. Nên tỉnh táo phá tan những u tối trí khôn. Con hãy có lòng đạo đức chân chính và gạt bỏ những tư lợi. Con hãy chạy đến cùng thầy thuốc thiêng liêng nơi toà giải tội mà tẩy gột những vết thương của tâm hồn. Con nên rèn luyện đức tin cho tinh hảo vì đức tin là con ngươi của lòng đạo đức. Có như thế, đức tin của con mới nên mạnh mẽ và sống động” (VI, 827).

Đức nghèo khó dọn đường cho đức thanh khiết. Việc từ bỏ của cải trần gian giúp linh hồn siêu thoát. Don Bosco muốn nhân đức nghèo khó đạt tới mức trọn hảo để giúp cho đức thanh khiết nên vững mạnh. Hiếm thấy nhà giáo dục nào đã và đang vun trồng sự  trong sạch với một nỗi say mê thánh thiện như Don Bosco. Không biết có đấng sáng lập hay bậc thầy nào đã từng rao giảng và viết về nhân đức này một cách dồi dào như ngài chưa? Ngài có phương pháp riêng để thu hút và làm các học sinh say mê nhân đức này.

Hồng y Cagliero nhận định như sau: “Don Bosco dành lại cho người khác bàn về sự không ngay thẳng, còn ngài, ngài thích nói với chúng tôi về đức thanh khiết. Ngài cho rằng đó là đoá hoa đẹp nhất của thiên đàng, một bông hoa xứng đáng được gìn giữ nơi cõi lòng tươi trẻ của chúng tôi. Nó là bông huệ trinh bạch, trắng trong vô tì tích. Nó làm cho chúng tôi nên giống các thiên thần ở trên trời. Với hình ảnh này, hình ảnh nọ rất thanh cao, Don Bosco làm cho chúng tôi say mê nhân đức này. Mỗi lần nhắc đến nhân đức ấy, vẻ mặt ngài bừng sáng niềm vui, giọng nói ngài trong trẻo khác thường, lòng tràn lửa sốt mến và thâm tín. Đôi mắt long lanh của ngài tràn ứa những giọt lệ vì nỗi sợ, mỗi khi nghĩ đến nhân đức này sẽ bị lu mờ vẻ đẹp và giá trị cao quý, dù chỉ là bởi những ý nghĩ hay những câu chuyện xấu” (IV, 478).

Hôm 29 tháng 5 năm 1862, cha Bonetti viết ký sự nhà như sau: “Lễ Chúa lên trời sáng nay, Don Bosco lên toà giảng. Theo thông lệ, ngài kể về lịch sử Giáo hội, đoạn kể hôm nay tới dân tộc ngoại giáo Vestali. Ngài dẫn giải thêm cho chúng tôi về đức thanh khiết. Lời lẽ thật cao đẹp. Bài giảng rất hấp dẫn. Khi nói đến nhân đức nữ hoàng này, dường như ngài không còn phải là người nữa, nhưng như một thiên thần!… Ra khỏi nhà thờ ai cũng tấm tắc khen ngợi. Họ thốt lên với tôi cũng như với những người khác: “Ôi chao, chưa từng nghe Don Bosco giảng hấp dẫn như lần này! Giả như ngài kéo dài cả ngày lẫn đêm, tôi cũng vẫn ham nghe. Ôi ước chi Chúa ban ơn đó cho cả tôi nữa, để khi tôi làm linh mục, tôi sẽ ra làm say mê con tim giới trẻ và mọi người vì nhân đức này” (VII, 168).

Có thể nói rằng bài giảng hôm lễ lên trời là tột đỉnh của một loạt bài huấn từ tối của vị thánh liên quan đến vấn đề này. Trong những tháng trước đó, Don Bosco đã liên lỷ đề cập tới nhân đức này và khuyên các trẻ ngài phải dùng thời gian cho nên: sốt sắng đọc kinh, năng viếng Thánh Thể, tôn kính Đức Mẹ Maria, đọc lời nguyện tắt thường xuyên. Tối hôm 14 tháng 12, Don Bosco thêm: “Nếu các con thật tình tha thiết gìn giữ nhân đức này, thì hãy xin Chúa trong thánh lễ. Đây nhé, từ hồi lập Nguyện xá cho đến nay, vào lúc dâng Mình Thánh, cha ấn định ngưng mọi tiếng động, không tiếng đàn, không hát ca, không đọc kinh. Các con muốn biết tại sao không? Cốt ý cho mọi người cầm lòng cầm trí trong giây phút trang trọng ấy mà xin Chúa ban cho mình nhân đức nết na này. Các con yêu quý, cứ tin cha đi, trong giây phút trang nghiêm ấy, xin Chúa sẽ ban cho” (XII, 83-84).

Vào những tối kế tiếp, Don Bosco tiếp tục khuyên các học sinh xưng tội đúng hạn kỳ, chọn cha giải tội nhất định, lưu ý thực hành lời cha giải tội khuyên. Lời ngài nói có công hiệu mạnh mẽ vì chính sự trong sạch nơi tâm hồn ngài tỏa sáng rõ rệt trên nét mặt và cử chỉ của ngài.

Sau đây là lời cha Balesio tả về Don Bosco giữa các trẻ trong sân trường: “Ngài luôn ở giữa các học sinh. Chúng luôn xúm quanh ngài và có khi ngài bị chúng lôi đi từ chỗ này qua chỗ kia trong giờ giải trí, trong các trò chơi. Ngài đơn sơ, hồn nhiên, trong sáng và lanh lợi cả trong lời nói lẫn sự hiện diện: Không chỉ lời ngài, mà chính sự hiện diện của ngài, nhất là từng khóe nhìn và mỗi nụ cười, tất cả đều gợi hứng cho các học sinh quý chuộng nhân đức thanh khiết. Dưới con mắt chúng tôi, nhân đức này được biểu hiện như một báu vật nơi vị đầy tớ Chúa. Vì nhân đức này mà chúng tôi kính nể và yêu mến ngài rất nhiều. Khi nào không chơi, ngài cho phép các học sinh níu những ngón tay, đi đi lại lại, nhẹ nhàng lướt qua những câu chuyện luân lý bổ ích. Thỉnh thoảng ngài tế nhị cúi xuống rỉ tai đứa này đứa nọ đôi lời nhắn nhủ. Khi thì ngài bảo chúng đọc những lời nguyện tắt mà chính ngài thường đọc, lúc thì khuyên chúng đọc một kinh nào đó. Ngài quen cho phép trẻ hôn tay mình, cốt ý lợi dụng cơ hội khuyến cáo hoặc khích lệ chúng. Cứ thế, học sinh cũng như linh mục, hễ ai rời Nguyện xá là nâng tay ngài lên, hôn chào một cách cung kính như hôn xương thánh vậy” (V, 168).

Còn nhiều chứng từ khác về vấn đề này. Lời chứng của cha Turchi sau đây giúp cho nhận định của linh mục Balesio thêm vững mạnh: “Mỗi khi được vây quanh ngài, chúng tôi cảm thấy như có sức mạnh trong sạch nào đó lôi cuốn đến nỗi không một tư tưởng bất xứng nào có thể xâm nhập đầu óc chúng tôi được. Các bạn của tôi cũng có cùng một cảm tưởng đó”. Hồng y Cagliero thêm: “Khi Don Bosco giải tội cho chúng tôi, phong cách cao đẹp của tâm hồn ngài làm cho chúng tôi cảm thấy thánh thiện và đạo đức như trên thiên đàng vậy. Với vài lời ngắn gọn, ngài gieo vào tâm trí chúng tôi lòng yêu mến tha thiết đối với nhân đức thanh khiết” (V, 168).

Ngoài ra, ta nên quan sát hai bức ảnh chụp năm 1861. Một ảnh chụp Don Bosco ngồi giữa các thanh thiếu niên. Một ảnh chụp ngài đang giải tội cho Phaolô Albera, người kế vị thứ hai sau này. Nhìn hai tấm ảnh đó đủ thấy tâm hồn ngài trong trắng đến mức nào. Thần học gia Reviglio đã ghi vài nét trong dự án phong thánh rằng Don Bosco khi khen thưởng hoặc tỏ lòng nhân từ với học sinh nào, ngài đặt tay trên đầu, trên vai hoặc trên má học sinh đó. Lời văn chính xác như sau: “Cử chỉ âu yếm như thế, tôi không sao tả được. Nó trong sáng, tinh khiết, đầy tình cha, đến nỗi ghi khắc vào tâm hồn chúng tôi tinh thần thanh khiết của ngài, khiến chúng tôi được nâng cao và quyết tâm thực hành nhân đức mỹ lệ này”.

Trọn chương 16 cuốn hồi sử V bàn về nhân đức này. Cha Barberis còn ghi nhận rằng: “Lòng quý chuộng đức thanh khiết nơi Don Bosco sâu sắc đến nỗi ngài không chỉ hài lòng giữ nó cách hoàn hảo mà thôi, mà còn bày cho các tu sĩ Salêdiêng những phương pháp thực tế và hữu hiệu để duy trì nhân đức ấy. Hơn nữa, ngài còn tìm cách giúp đỡ thanh thiếu niên đựơc Chúa trao phó cho ngài gìn giữ bông hoa xinh đẹp ấy” (X, 37).

Phương pháp giáo dục của ngài chú trọng cách riêng về khía cạnh thanh khiết. Đó là: duy trì tâm hồn vô tội và rèn luyện sự trong sạch nơi cách sống.

Thế nhưng, chẳng ai cho được điều mình không có. Bởi vậy, ngài muốn các nhà giáo dục và các tu sĩ Salêdiêng phải có nhân đức này, như là dấu phân biệt của Dòng và trường của ngài. Đây là huy hiệu phân biệt Tu hội và trường học do ngài sáng lập. Ngài thường nói: “Điều phân biệt hội dòng chúng ta là đức thanh khiết, giống như đức nghèo khó phân biệt con cái của thánh Phanxicô Assisi và đức vâng phục phân biệt những người con của thánh Ignatio” (X, 35).

Trong phần dẫn nhập của Hiến luật ngài định nghĩa: “Nhân đức thanh khiết là nhân đức tối cần, nhân đức cao cả, nhân đức thiên thần, là triều thiên của các nhân đức khác.. Ai giữ được nhân đức này có thể áp dụng cho mình lời Chúa Thánh Thần: “Mọi điều tốt lành theo nhân đức này mà đến với tôi” (Kn 7,11). Chúa Cứu Thế quả quyết rằng ai có được kho tàng quý giá này, thì ngay trên đời này họ nên giống như các thiên thần”.

Hiến luật khoản 34 tuyên bố: “Ai hiến đời sống mình phục vụ thanh thiếu niên bị bỏ rơi, chắc chắn phải cố gắng hết sức trau dồi con người mình bằng mọi nhân đức, nhưng nhân đức phải vun trồng và phải đặt luôn trước mặt, nhân đức được Con Thiên Chúa quý chuộng hơn cả, là nhân đức thanh khiết”. Khoản 35 nói về sự tín nhiệm: “Ai không có hy vọng vững chắc là mình, với ơn Chúa giúp, có thể giữ gìn nhân đức thanh khiết trong lời nói, việc làm và tư tưởng, thì không nên tuyên khấn trong Tu hội này bởi vì họ thường xuyên gặp nguy hiểm”. Cũng khỏan 36 nêu lý do của sự nguy hiểm: “Những lời nói và khóe nhìn cho dầu vô tư, đôi khi còn bị thanh thiếu niên từng là nạn nhân của các dục vọng nhân lọai cắt nghĩa xấu. Thế nên, phải cẩn trọng nhiều trong việc giao tiếp với chúng, dù ở lứa tuổi hay cảnh huống nào”.

Năm 1860, Nguyện xá có 212 em nội trú. Thế mà trong giấc mơ 14 bàn tiệc, ngài chỉ trông thấy 12 em vô tội (VI, 708-709; X, 125). Don Bosco xác quyết về mối nguy hiểm này mạnh hơn nữa khi kết thúc cuộc tĩnh tâm năm, vào ngày 24 tháng 9 năm 1870: “Thanh thiếu niên là lợi khí nguy hiểm ma quỷ dùng để làm hại những người hiến mình cho Chúa” (IX, 922).

Thâm tín về thực tại này và miệt mài với trách vụ Chúa trao phó là giáo dục giới trẻ bằng phương pháp dự phòng, một phương pháp dựa trên tình thương, chinh phục lòng thanh thiếu niên bằng cách làm cho chúng cảm thấy mình được thương mến, Don Bosco không sợ qúa đáng khi phải đòi hỏi một đức thanh khiết tinh ròng, gương mẫu. Lý do là vì nhân đức này mang sắc thái nổi bật về phương diện giáo dục và mục vụ. Ai không yêu mến cách trinh trong, thì không giáo dục. Ngay đến các phụ huynh cũng vậy. Nếu họ không sống đúng với bí tích hôn phối, chắc chắn họ không thể dạy dỗ con cái đàng hoàng được.

Có người cho nhân đức thanh khiết Don Bosco đòi hỏi là dã man. Không gì sai lầm hơn nhận xét đó! Cha Semeria dòng Barnabit nhận xét rất hay như sau: “Phương pháp giáo dục của ngài là kiểu sống khắt khe về luân lý dưới một dạng thức thật hào hứng. Đó là phương pháp của thánh Phanxicô Salê và của thánh Philip Nêri: giới trẻ được coi trọng theo bản năng cao đẹp của chúng và được sửa dạy một cách cương nghị theo bản năng thấp hèn của chúng” (X, 35).

Trong tiểu luận về phương pháp dự phòng, Don Bosco viết: “Giáo sư, giám xưởng, hộ trực viên phải được công nhận là những người có đức tính tốt. Họ phải tránh các thứ tình cảm hoặc kết nghĩa riêng với các học sinh như tránh bệnh dịch vậy. Nên nhớ rằng một người lầm lỗi thôi cũng có thể làm tổn thương cả trường giáo dục” (XIII, 920).

Lệnh truyền của ngài là: “Phải nhớ kỹ: de moribus, về phong hóa. Tất cả hệ ở đó: phải giữ nền luân lý. Nên cam chịu tất cả, những huyên náo, ngông cuồng và lơ đễnh, nhưng không bao giờ chấp nhận sự xúc phạm đến Chúa, đặc biệt tội nghịch sự trong sạch. Hãy cẩn trọng về vấn đề này và luôn lưu tâm tới những trẻ được Chúa trao phó cho các con” (V, 66).

Đối với các thanh thiếu niên, ngài không úp mở. Ngài thường nói: “Các con xem. Don Bosco là người hiền lành nhất trên trần, nhưng chớ nêu gương xấu, đừng làm hỏng linh hồn người ta, kẻo khốn với ngài” (IV, 568).

Chính Chúa cũng giúp cho Don Bosco bằng những giấc mơ đặc biệt. Chúa ban cho ngài đặc ân nhìn thấu lương tâm và lột trần những kẻ làm gương xấu. Đọc các giấc mơ, ta thấy: những bó hoa và những con mèo (VIII, 34), dâng hoa cho Mẹ (VIII, 131), chiếc bè (VIII, 279), đàn chiên (VIII, 843), những bàn ăn (X, 125), sự hiện về của đức giám mục (VIII, 857), sự trong trắng vô tội (XVII, 193).

Don Bosco nói: “Thà đóng cửa nhà trường, còn hơn phạm một tội nghịch thanh khiết trong Nguyện xá. Những tội này khiến Chúa chúc dữ trên cả dân nước” (V, 64).

Một hôm, ngài nói với cha Costamagna sắp đi giảng tĩnh tâm ở một trường trung học như sau: “Hãy bảo các con cái yêu dấu của cha rằng: trong suốt cuộc đời, Don Bosco đã đọc rất nhiều sách, đã nghe vô số bài giảng, nhưng đã quên phần lớn. Thế mà một câu chửi tục nghe hồi sáu bảy tuổi không tài nào quên đi được. Lũ quỷ hằng ráo riết gợi lại lời đó trong ký ức của ngài. Hãy nói cho chúng: Khốn cho đứa nào dạy người ta nói tục và khốn cho kẻ gây gương mù”. Don Bosco rùng mình khi nghe tin một thanh niên nêu gương xấu, nhiều khi người ta nghe ngài thốt lên: “Giá như không là tội, tôi đã bóp cổ chúng chết rồi” (X, 37).

Nếu thâu góp tất cả những lời ngài nói liên quan đến tình trạng vô tội của tâm hồn cách chung và đức thanh khiết tu trì nói riêng, ta sẽ có một kho sách quý giá, nhất là xét về tính cách Salêdiêng trong vấn đề giáo dục đức thanh khiết. Mong có tay bút lành nghề và trung thực nào đó phục vụ chúng ta trong việc này. Thời nay người ta ít nhắc đến nhân đức nết na, thành ra sự việc thế nào thì cứ y như vậy.

Khi thâu thập những bài nói chuyện và nhắn nhủ của Don Bosco cho các thanh thiếu niên, chúng ta chỉ chú trọng tới những bài liên hệ cách riêng đến các hội viên Salêdiêng theo Hiến luật của Tu hội. Đây chỉ là những chỉ nam đơn giản, nhưng chúng vẫn cống hiến chúng ta những nét hướng dẫn sâu rộng cho việc nghiên cứu.

Sau khi kể giấc mơ con rắn trong cái giếng (tháng 11 năm 1863), Don Bosco rút ra một bài học luân lý từ những đứa trẻ liều mình nhảy bên này qua bên kia miệng giếng để rồi rớt xuống đáy. Ngài giải thích: “Cú nhảy đầu tiên chính là kết nghĩa riêng với người nào đó, dấu lén một sách xấu, giữ trong lòng một mối tình lăng lòan. Cú nhảy này chính là làm quen với một nếp sống phóng túng và sa đọa, xa tránh các bạn tốt, vi phạm các điều luật nhỏ mọn hoặc khinh thường những lời khuyên của các bề trên. Nhưng mới nhảy xong cú đầu tiên, trẻ đã bị rắn cắn lập tức” (VII, 552).

Một hôm Don Bosco tâm sự với cha Gioachino Berto, thu ký thân cận của ngài như sau: “Con xem, những kẻ giả hình, cha nhận ra ngay lúc chúng mới tới gần. Nếu có đứa nào trong bọn lai vãng cha cảm thấy ghê tởm đến nhức óc, nôn oẹ không chịu nổi, dù chúng có những lời che đậy ngon ngọt. Chỉ nhìn qua nét mặt cũng đủ thấy hiệu quả khủng khiếp của tội nghịch đức thanh khiết. Những đứa trẻ vô luân cũng thế. Cha tin chắc mình không sai lầm” (VII, 555).

Ngày 6 tháng 2 năm 1865, kể giấc mơ bông huệ và con mèo xong, Don Bosco nhận xét: “Các con thân mến, bông huệ là hình ảnh đức nết na cao đẹp. Con mèo là ma quỷ luôn tìm cách phá hủy nhân đức xinh tươi này. Khốn cho kẻ nào để đóa hoa dưới thấp. Ma quỷ sẽ giật nó xuống. Những trẻ cầm hoa dưới thấp là những đứa nuông chiều thân xác, ăn uống vô độ ngoài giờ, sợ vất vả, thoái thác việc học hành và biếng nhác lao động. Chúng ưa những chuyện nhơ bẩn, và đọc những sách phù phiếm, trốn tránh hy sinh. Hãy làm ơn, các con hãy chống lại thứ quỷ này, bằng không nó sẽ cai trị các con. Hãy giơ cao cánh tay, dương cao cành hoa để được an tòan. Đức nết na là nhân đức thuộc về trời cao. Ai muốn duy trì nhân đức ấy phải nâng cao tâm hồn. Vậy các con hãy cứu lấy mình bằng lời cầu nguyện”. Ngài giải thích thêm: “Cầu nguyện là đọc kinh sớm tối tử tế. Cầu nguyện là nguyện ngắm và tham dự thánh lễ. Cầu nguyện là xưng tội và rước lễ. Cầu nguyện là nghe lời giảng dạy và khuyên răn của bề trên. Cầu nguyện là năng viếng Thánh Thể. Cầu nguyện là lần hạt. Cầu nguyện là chăm chỉ học hành” (VIII, 34).

Khoảng năm 1867, Don Bosco cho huấn từ tối, tư tưởng đáng được trích dẫn vì nó gói ghém một quan điểm có vẻ quá đáng đối với người thời nay. Hôm mồng 5 tháng 7, ngày dọn mừng mừng lễ thánh Lui mà vị thánh đã hoãn lại để tổ chức trọng thể vào Chúa nhật kế tiếp. Ngài nói: “Khi có một phụ nữ đến thăm, dù là thân thích hay ai đi nữa, chung quy là đàn bà thì các con hãy ý tứ , tiếp đón họ một cách chừng mực. Đừng có những cư xử khiếm nhã, nhưng với phong thái lịch sự, các con cứ nói với họ rằng Don Bosco nhờ các con chút việc, như vậy các con có lý để tránh xa họ. Chuyện vãn với đàn bà là thời giờ uổng phí. Nơi đây dành cho thanh thiếu niên chứ không phải cho đàn bà con gái. Vả lại, tất cả đều có xương thịt. Các con mà đưa lửa lại gần rơm, thì sẽ thấy chuyện gì. Ma quỷ khôn lắm. Nó chỉ cần xóa chữ: cô, dì, em rồi để lại một người khác phái. Ma quỷ là một triết gia khéo gợi ý trừu tượng” (VIII, 873).

Khỏang năm 1869, Don Bosco giảng bài rất hay về nhân đức thanh khiết cho các hội viên tĩnh tâm tại Trofarello. Đáng lẽ phải trích dẫn trọn bài, nhưng ta tạm giới hạn với nội dung của nó: ca ngợi đức thanh khiết, những phương thế tích cực và tiêu cực để giữ nhân đức này. Ngài khích lệ mọi người rằng: “Đức thanh khiết cần cho mọi hạng người, cách riêng cần cho những ai tận hiến cuộc đời cho Chúa để dạy dỗ giới trẻ… Ngay trong Cựu ước cũng có những nét làm sáng tỏ điểm này: Giuse, Elia, Daniel, Susana. Trong Tân ước, đức thanh khiết trùng nghĩa với đức đồng trinh bởi có lời tiên tri loan báo: “Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai”. Những lời ca ngợi đức thanh khiết xứng hợp hơn cả phải được thốt ra từ cửa miệng của các thiên thần. Nhân đức này làm cho những người có nó nên giống như các thiên thần. Nhưng, khốn thay cho ai làm mất nhân đức ấy. Đức bác ái, đức thanh khiết, đức khiêm nhường là ba nữ hòang luôn đi với nhau. Đức nọ không thể thiếu đức kia. Bao lâu một người còn trong sạch, bấy lâu người còn đức tin sống động, đức cậy vững chắc và đức mến hăng nồng. Khi một người để mình theo nết xấu, thì cũng bắt đầu hết tin vào các chân lý đức tin. Sự vô tín và rối đạo không có căn nguyên nào khác”.

Những phương pháp tiêu cực Don Bosco đề nghị là: xa tránh dịp tội, không tò mò nhìn xem, tránh những ngày hội lớn ngòai đời. Ngài đưa ra quy tắc sau đây: “Không nhìn chòng chọc vào mặt người khác phái kể cả khuôn mặt xinh đẹp của trẻ nam. Cần phải có sự thận trọng này khi dạy giáo lý cho các em nam nữ. Đối với thân nhân, họ hàng cũng phải cẩn trọng và đối với thân mẫu thì kính cẩn và tế nhị. Đừng đọc sách vô luân như tiểu thuyết và kịch tuồng, những truyện trần tục và tình cảm. Chỉ những ai có bổn phận dạy học về môn đó mới có quyền đọc. Khi có lời tục tĩu, hãy bịt tai lại. Nên xa tránh những người hay nói tục. Nên lảng ra nơi khác khi gặp một ai nói tục, nói lời suồng sã và mất nết. Không nên nhận dùng cơm với những khách thế tục. Nếu không có chuyện cần kíp, đừng vào nhà người ta”.

Ngài còn khuyên “chẳng những phải tránh xa những chuyện tục tĩu mà còn phải xa tránh những mẫu chuyện nhảm nhí, như chuyện hoang đường, ngụ ý và những chuyện vụn vặt, cho dù không xấu, nhưng trong một số hoàn cảnh, lại là không thanh khiết…. Không nên nói hơn điều cần thiết và luôn chỉ nói điều có ích cho linh hồn… Hãy hãm mình trong việc ăn uống, chẳng những không tìm kiếm những thức ăn hợp mùi vị mà còn phải kiềm chế cả những ham muốn nữa…

Tránh không ở một mình với người khác phái… Không nên đi kèm họ ngòai đường, nắm tay họ, cho dù là chị em ruột… Đối với nữ tu, cần phải kính trọng…

Nên tránh tình nghĩa riêng với trẻ. Chúng có sự hấp dẫn làm ta dễ say mê. Đừng bao giờ hôn hít, tránh bá vai bá cổ, không vuốt ve hoặc tỏ vẻ tình cảm đối với chúng. Không cho phép mình có hành vi hay lời nói có thể khiến chúng tưởng tượng xấu, cảm xúc giác quan; tệ hơn cả là làm những chuyện ấy một mình với chúng. Không bao giờ được dẫn chúng vào phòng riêng. Làm như thế là khiếm nhã, gây chia rẽ, ngờ vực, ghen tương và gương mù”.

Những phương pháp tích cực được tóm trong bốn điều sau: cầu nguyện, tránh ở nhưng, vì thế phải làm việc chăm chỉ, năng chịu Mình Thánh, nhanh nhẹn thi hành những phần việc nhỏ bé một cách chu đáo.

Ta tạm đơn cử vài nét độc đáo trong những lời nhắn nhủ này: thức dậy ngay khi nghe hiệu báo thức. Không ngủ nghỉ ngòai giờ ấn định. Nghỉ bằng cách thay đổi việc làm. Khi tâm trí mệt mỏi không nên gắng gượng bằng một lo lắng khác. Hãy làm nhẹ nhàng tâm trí bằng cách tản bộ, chạy nhảy, vui đùa, làm chút việc tay chân nào đó.

Về việc xưng tội: “Ai bị cám dỗ nhiều, có thể năng xưng tội hơn”.

Về việc chịu lễ: “Ai không thể chịu lễ hằng ngày, chớ bao giờ bỏ chịu lễ thiêng liêng và nhắc cho các bạn làm việc ấy”. “Hằng ngày nên viếng Thánh Thể nhiều lần” .

Don Bosco nêu ra vài chi tiết giúp tránh các cơn cám dỗ nho nhỏ hoặc dịp tội: “Hãy đề phòng, khi gặp chứơc cám dỗ, hãy lập tức làm một việc nào đó, đổi vị trí, tản bộ, tưởng tượng sang vấn đề khác, suy nghĩ về những kỷ niệm tốt, đổi việc này sang việc kia, hay những điều tương tự…  Chống trả cơn cám dỗ lúc ban đầu thì dễ hơn, khi cơn cám đã kéo dài và lẻn sâu vào tâm trí thì khó mà thắng. Lý do là ý chí nhu nhược hơn, kẻ thù khỏe mạnh hơn. Hãy đẩy lui ngay từ đầu bằng cách tránh xa các nguy hiểm càng mau càng tốt. Về khía cạnh nhân đức, không có vấn đề nhỏ nhẹ, một khi đã ưng theo. Khi đang đọc một đọan sách, dù là sách tốt, nếu gặp nguy cũng phải bỏ. Thấy bức họa hay tranh ảnh nào dù không xấu nhưng khiến lòng trí bất an, gặp trẻ nam hay nữ ăn mặc không đoan trang, hãy lập tức hãm mình, ngoảnh nhìn chỗ khác”.

Những lời khuyên này xem ra quá đáng, những hội viên dự tuần phòng tỏ vẻ khó chịu. Tối hôm sau trong huấn từ, ngài trấn an họ. Hôm ấy là ngày 16 tháng 9. Ngài nói: “Có một vài lý do khẩn cấp và vì bệnh tình trầm trọng của một số thân thích, thì  hội viên có thể và phải thăm gia đình; thế nhưng, để nghỉ hè hay chữa bệnh thì nên tìm đến nhà Salêdiêng gần nhất mà ở”. Ngài thêm: “Có thể được thì cấm đọc báo. Nhưng đọc báo tốt cũng được, nhưng đừng phô bày trước mặt trẻ”. Tối hôm 17 ngài nói: “Lần nói về lời khấn thanh khiết vừa qua gây bất an cho một số anh em. Về phần cha, cha nhắc lại và nhấn mạnh hơn về một vài điểm mà cha thấy có thể gây nguy hiểm và cần phải xa tránh. Cha lưu ý rằng cái gì không phải là tội, thì chớ nên phóng đại. Cha không nói một cái bắt tay, một sự thiện cảm ngay thẳng, một lời nói thân thiện, miễn là không gây nên ấn tượng xấu, nếu là như thế, không có gì là tội cả. Cha chỉ nói rằng: đừng tự gieo mình vào dịp tội vì có hại cho những tâm hồn yếu đuối. Cha nhấn mạnh hơn rằng: nên có một vài cử chỉ thân thiện, nếu cần, nhưng chớ kéo dài triền miên. Nên cẩn thận thì hơn. Hãy có ý ngay lành, tin vào ơn thánh Chúa, làm việc liên lỷ, cầu nguyện luôn, năng lãnh bí tích, vâng lời, giữ luật. Tất cả những điều này là lợi khi đẩy lui những mưu chước ma quỷ. Vả lại, những điều đó là dấu chỉ minh chứng chúng ta thực sự nỗ lực yêu mến, làm việc giữa các trẻ của chúng ta. Đàng khác “Ai cảm thấy mình không giữ được nhân đức này giữa các thanh thiếu niên, cha khuyên họ đừng vào Tu hội” (IX, 711-712).

Ngày 18 ngài cho các vị tham dự tuần phòng hai lời khuyên làm kỷ niệm: “Không nên yêu mến các sự vật, các bạn hữu, thân thích, bề trên và các bạn đồng học vì mục đích thuần tuý nhân loại, nhưng hãy yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và thương mến người ta vì lòng mến Chúa. Hãy làm việc với đức tin, cậy, mến” (IX, 712-713).

Don Bosco đã dặn dò cặn kẽ và cẩn thận canh phòng, vậy mà vào năm 1870 ngài vẫn còn phải lưu ý về sự lỏng lẻo, than trách ở nhà cơm, ra ngoài vô cớ, có cả sự thân ái riêng tư nguy hiểm cho học sinh. Ngày 27 tháng 3 các Salêdiêng và học sinh được tụ họp lại để nghe huấn đức. Sau khi nhắc lại cơn cám dỗ Adam trong địa đàng, ngài nói: “Tu hội chúng ta đã bắt đầu khá tốt xét về những người đã kết nạp. Thế mà, bây giờ dù vẫn còn ở giai đoạn đầu, ma quỷ đã khởi sự thọc gậy bánh xe. Nó kiếm chác nhiều lợi lộc cho nó bằng những ghen tương và bất mãn”. Don Bosco cũng cho biết có khuynh hướng phe phái, bớt hăng say làm việc bổn phận, phàn nàn về thức ăn, phàn nàn vì luật ra vào nhà trường. Ngài khuyên mọi người xa tránh tình trạng tệ hại này. Sau cùng ngài chọc hẳn vào vết thương trầm trọng: “Giờ đây ta nên nói tới điểm quan trọng hơn, đó là thói vuốt ve một vài học sinh. Về điểm này, cha không chịu chút nào. Cha ao ước không ai đặt tay trên kẻ khác. Cha muốn rằng không ai luyến ái một học sinh cách đặc biệt, bất kể em nào, chỉ vì cách đây mấy hôm, một người đã chực làm hại một học sinh, làm hư chính mình và làm mất danh giá cho cả nhà trường. Bởi thế, từ nay tuyệt nhiên cấm không được dẫn trẻ vào phòng riêng vì bất cứ lý do nào. Cha thấy có người đã gọi đứa này đứa nọ vào phòng riêng và nói: “Em quét giúp thầy cái nhà, xếp giường chiếu cho thầy, kiếm cho thầy ly nước, sang nhà hội lấy giúp cuốn sách thầy để đó”. Cha không muốn như thế. Tuyệt đối không được dẫn học sinh này nọ từ phòng này qua phòng khác. Cha cũng không muốn ai cho phép học sinh vào phòng riêng” (IX, 839-840).

Hôm 24 tháng 9 năm 1870, Don Bosco lại đề cập đến vấn đề này vào kết tuần phòng, ngài đưa ra nguyên tắc cư xử với trẻ: “Không bao giờ được viết thư quá tình cảm cho học sinh. Đừng giữ tay chúng. Đừng bao giờ ôm chúng, hôn chúng. Nói chuyện riêng tư với chúng là điều chẳng nên nhất là không đưa chúng vào phòng riêng vì bất cứ lý do nào. Dứt khoát không nhìn chúng với cặp mắt tình tứ”. Ngài kết luận: “Thanh thiếu niên là lợi khí nguy hiểm ma quỷ dùng để chống lại kẻ hiến mình cho Chúa” (IX, 922).

Cha giám đốc nhà Lanzo, Don Lemoyne, hỏi ngài phải bày cách nào để gởi những  học sinh xấu về gia đình. Don Bosco nói rằng không nên ghi các lỗi của chúng trên giấy tờ. Rồi ngài lấy một mảnh giấy và viết thể thức phải thông báo cho cha mẹ chúng như sau: “Xin quý vị lập tức đến thăm con em của quý vị. Em không thể ở lại trường. Qúi vị sẽ được biết cách cá nhân sau” (IX, 923).

Hôm 5 tháng 2 năm 1874, ngài gởi luân thư đến từng nhà ở Roma. Trong thư ngài ghi cách thức cổ võ và duy trì nền luân lý giữa các thanh thiếu niên. Ngài bàn về hai điểm riêng biệt: 1) Sự cần thiết của nền luân lý giữa các hội viên; 2) Phương thế vun trồng và gìn giữ luân lý nơi các học sinh của chúng ta.

Lá thư này luôn hợp thời, ta nên trích dẫn những điểm nổi bật hơn cả: “Có thể khẳng định, như một nguyên tắc không sai lầm, rằng luân lý của học sinh tùy thuộc người dạy chúng, người hộ trực và người điều khiển chúng. Nếu chúng ta muốn vun trồng nếp sống luân lý và các nhân đức nơi học sinh, tiên vàn ta phải có chúng, thực hành chúng và làm cho những điều ấy sáng chói nơi lời nói và việc làm của chúng ta. Không nên đòi kẻ dưới quyền mình thực hành một nhân đức mà chính mình xao lãng. Nếu muốn cổ võ nếp sống đạo hạnh trong các nhà trường, chúng ta phải là những người gương mẫu… Thiên hạ thường hay bàn tán sôi nổi về những chuyện vô luân, gây đổ vỡ cho nếp sống đạo hạnh và gương mù khủng khiếp. Thật là một sự dữ lớn lao! Một tai họa khốn khổ! Cha cầu xin Chúa làm cách nào để các nhà chúng ta bị đóng cửa trước khi xảy những bất hạnh như thế. Cha không muốn dấu các con rằng chúng ta đang sống trong thời buổi hoạn nạn. Thế gian hiện đang ở trong tình trạnh giống như lời Chúa phán: “Cả trái đất nằm dưới sự dữ”. Đàng khác, có nhiều phán đoán sai lạc về những việc Chúa, thường thì người ta phóng đại, lúc thì người ta bày mưu để làm phương hại kẻ khác. Nhưng nếu có kẻ phát giác ra và phán quyết dựa vào sự thật, thì các con thử tưởng tượng xem sẽ có biết bao nhiêu đồn thổi và chê trách!.. Tuy nhiên nếu có một tâm trí không thiên tư, thì chúng ta phải tìm lý do của những sự dữ này, và thường chúng ta thấy đó là do muối đã ra nhạt, ánh sáng đã ra mờ; nghĩa là vì không còn thánh thiện nên người ra lệnh gây nên nhiều thiệt hại sẽ xảy ra cho thuộc hạ. Ôi thanh khiết, thanh khiết! Người là nhân đức rạng ngời! Bao lâu ngươi còn sáng ngời giữa chúng ta, nói khác đi, bao lâu những người con của thánh Phanxicô Salê biết thực hành khổ chế, nết na, tiết độ, và trung thành với lời khấn, bấy lâu luân lý còn rực sáng giữa chúng ta, sự thánh thiện của nền luân lý sẽ nên như đuốc sáng chói, tỏa rạng trong tất cả các trường của chúng ta” (X, 1105-1106).

Để kết luận, ngài nhắc lại những khoản luật liên quan tới luân lý đã có trong bài nói chuyện với các giám đốc năm trước, tức năm 1873, vào dịp chuẩn bị tuần đại phúc. Các khoản đó đã được chuyển tới các nhà vào năm 1874 (X, 1111-1112).

Đoạn đầu khoản luật viết: “Điều quan trọng nhất trong các nhà của chúng ta là cổ võ và bảo trì nếp sống luân lý nơi các hội viên lẫn học sinh. Khi điều này được bảo đảm, mọi sự sẽ được bảo đảm. Thiếu điều này thì thiếu mọi sự” (X, 1118).

Vào khoảng năm 1875-1876, Don Bosco liên tục lên tiếng chống lại thói yêu riêng. Trong năm 1875, vào dịp tĩnh tâm, ngài dành trọn bài huấn đức để nói về những phương thế tiêu cực giúp cũng cố nhân đức thanh khiết: tránh xa các dịp nguy hiểm: người khác phái, những cuộc chuyện trò thế tục, những cuộc viếng thăm không phù hợp, sự kết nghĩa riêng với hội viên và học sinh. Ngài nói: “Tuổi cha đã tới ngũ tuần rồi mà cha chưa hề nghĩ tới nguy hiểm này. Bây giờ buộc lòng cha phải tin rằng thứ nguy hiểm thật trầm trọng này là có thật. Không những có và luôn luôn có, mà còn tới mức phải báo động. Thế nên, không chỉ cần phải tránh xa thân mật với người khác phái, ăn uống, chuyện vãn với họ, … mà phải tránh cả sự thân riêng với người cùng phái nữa. Trước tiên giữa các hội viên với nhau, không được có tình nghĩa riêng.

Thế rồi, đối với những bồ bịch: một người có việc phải ra khỏi nhà, thì luôn có người kia cùng đi; nếu người này có gì khác thường, thì người kia cũng làm theo lập tức.

Rồi đối với các học sinh. Về điểm này chúng ta đụng tới thực tế. Cha đã khuyên phải luôn ở giữa trẻ, bây giờ cha lại đòi phải tránh xa chúng sao? Chúng ta hiểu cho nhau nhé! Luôn phải ở với chúng và ở giữa chúng, nhưng không bao giờ riêng lẻ, chớ khi nào thích đi với đứa này hơn đứa kia. Chúng ta nói một cách thẳng thắng là: sự suy tàn của các dòng tu chuyên lo giáo dục đều vì vấn đề này. Đương nhiên trong những năm tháng gần đây đã có mưu mô vu khống một số tu sĩ đến độ một số trường phải đóng cửa ở nước Ý. Nhưng chúng ta cũng phải nói rằng nhiều trường hợp không hẳn là thiếu căn cớ”.

Nhắc lại việc cấm hôn hít, vuốt ve, âu yếm, thư tình với nhau với những lời lẽ kỳ quặc và óng ả, ngay cả đến quà tặng nho nhỏ cũng vậy:

“Các thứ quà như ảnh tượng, bánh kẹo và các  phẩm vật khác rất nguy hiểm khi được cho cách lén lút vì tình cảm riêng tư. Đồng ý có thể ban thưởng ở lớp cho các học sinh ngoan ngoãn, chăm học, làm việc chăm chỉ. Được lắm, có thể làm điều ấy để khích lệ. Vì lý do khác thì không. Còn những ai dẫn trẻ vào phòng, cha phải nói sao bây giờ? Có người đưa trẻ vào phòng của mình để chải chuốt tóc tai cho nó, làm nọ làm kia, hàn huyên thủ thỉ bí mật thì sao? Chớ, chớ bao giờ. Đừng tỏ ra cưng chiều đứa này hơn đứa nọ. Cha rất hài lòng về điều chúng ta hằng quen làm từ xưa đến nay. Đó là ra khỏi nhà thờ, nhà cơm, gặp ai nhập bọn với người đó, không phân biệt lớn bé, mua vui cho mọi người bằng nhiều kiểu” (XI, 583).

Trong cuốn hồi sử XII cũng ghi lại một bài giảng huấn lý thú về đức thanh khiết. Ngài giảng bài này vào tháng giêng năm 1876 cho các tư giáo. Phấn khởi vì con số họ  gia tăng, ngài đi thẳng vào vấn đề: “Khi một ai đã dâng mình cho Chúa, họ hiến cho Chúa mọi đam mê của mình, cách riêng họ dâng Chúa tất cả những nhân đức, đặc biệt là nhân đức thanh khiết. Nhân đức này làm tâm điểm từ đó mọi nhân đức khác, bắt nguồn, đặt nền móng và được nối kết”.

Ngài xin lỗi họ vì đã nói nhiều khi mô tả vẻ đẹp của nhân đức này, bởi vì ngài nói: “Về vấn đề này, nếu kéo dài thì cả năm cũng chưa xong, chép đến pho sách dày hàng dặm cũng chưa diễn hết ý của những thí dụ đã có trong Cựu  ước và Tân ước, hầu có thể quảng diễn về những phép lạ Chúa làm để bênh vực những kẻ kính sợ Ngài… Cha nói với chúng con rằng đức thanh khiết là trân châu, hạt ngọc quý báu, cách riêng cho các linh mục và bởi đó cho những tư giáo đang theo đuổi cuộc sống tận hiến đức đồng trinh của mình cho Chúa. Với cương vị này các con cần phải hiểu dăm ba nét đại cương can hệ cho việc gìn giữ nhân đức cao đẹp ấy. Không có nhân đức này, một linh mục hay một tư giáo được kể bằng không. Có nhân đức ấy, họ có tất cả mọi kho báu trong tay (XII, 15).

Ngài bỏ qua việc chay tịnh và hãm mình đã được bàn đến trong nhiều sách tu đức. Ngài chỉ nêu ra vài phương cách hữu hiệu để thực hành nhân đức như sau: Triệt để chu toàn bổn phận; Linh động trong các giờ giải trí; Tuân giữ luật nhà cách chính xác.

Ngài nhấn mạnh cách riêng về thức dậy đúng giờ, và đi ngủ trong thinh lặng, đoan trang trong nhà ngủ trước các hội viên và học sinh. Tiết độ trong ăn uống.

Sau cùng, ngài nói đến việc kết nghĩa riêng: “Một điểm nữa rất nguy hại cho đức thanh khiết là việc kết nghĩa riêng. Không có ý nói đến tình bạn chân thật và huynh đệ, mà thứ tình bạn tới mức tâm trí dành cho người này hơn người khác. Một số không ít bị lôi cuốn bởi những khả năng thể xác và tinh thần của đồng bạn hay kẻ thuộc về mình rồi chỉ nghĩ đến người đó. Lúc thì cho một cốc rượu, một miếng bánh, khi thì một tấm ảnh hay một vật nào khác. Cái kiểu ấy làm sinh ra thứ tình bạn dần dà gạt loại những người khác, đồng thời khiến trí khôn bận rộn theo sự mơ tưởng. Thế rồi đi đến những cái nhìn tình tứ, những cái khoác tay, hôn hít… đi sâu hơn bằng những lá thư tình cảm, tặng vật theo sau, nhờ vả – làm giúp tôi việc này, làm giùm tôi việc nọ, đi chỗ này chỗ kia với tôi -. Kết cục, cả hai rơi vào tròng lúc nào mà chẳng hay…

Cha có thể kể cho chúng con nhiều sự đổ vỡ vì kết nghĩa, vì cưng chiều, vì giao du riêng rẻ giữa những đồng bạn với nhau. Thế nên cha khuyên chúng con: có bạn thì bạn với mọi người, đừng riêng tư… Chính cha cũng vậy. Nói thẳng nói thật, trong nhà, cha không thương ai hơn ai cả. Người chức vụ cao nhất cũng như một em thợ khiêm tốn, cha đều thương mến họ như nhau. Tất cả là con của cha. Để cứu chúng con, cha sẵn sàng hi sinh cả mạng sống của cha”. Kết thúc bài huấn đức, ngài nhắn nhủ thêm vài điểm thực hành khác. Ta có thể đọc những lời này trong cuốn hồi sử XII, 22-23.

Hai hôm sau, ngày 12 tháng giêng, một luân thư được gởi cho các hội viên. Ngài khích lệ họ cổ võ tinh thần đạo đức qua sinh hoạt của các Hội lành. Ngài xác quyết: “Sinh hoạt hội lành là chìa khóa mở lòng đạo đức, là kho báu cho nếp sống luân lý, là rường cột nâng đỡ ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ”.

Đoạn ngài mở rộng bằng mấy lời cảnh giác sau đây: “Coi chừng vấn đề giao tiếp, bạn bè và những chuyện vãn lén lút tư riêng qua lời nói và thư từ, quà tặng và sách báo. Thế nên, cầm tay, hôn hít, bá vai, bá cổ, vuốt ve, khoác vai nhau tản bộ; tuyệt đối cấm hẳn. Cấm ngặt làm những chuyện đó giữa chúng ta với nhau, giữa các con với học sinh và giữa học sinh với nhau nữa” (XII, 26).

Về vấn đề tránh xa thế tục và những lời thô lỗ ngài nói: “Căn cớ gây bất hạnh, chính là việc giao tiếp với thế gian, điều ta đã từ bỏ mà lại còn tìm kiếm. Có người, khi ở trong nhà tu tỏ ra gương mẫu về nhân đức; về với họ hàng hay bạn bè, chỉ một thời gian ngắn đã đánh mất ý chí, khi trở lại nhà dòng, họ không còn lấy lại được nữa, thậm chí còn đánh mất cả ơn gọi. Cho nên, không nên về gia đình trừ phi vì lý do nghiêm trọn đòi hỏi, và cả khi có lý do cũng đừng khi nào quên phép cần thiết. Bao có thể nên đi với một hội viên được bề trên chỉ định” (XII, 26).

Sau hết, ngài nhắc lại việc cấm những nhiệm vụ và công việc bên ngoài; ngài cũng nhắc tới việc thức giấc và ngủ nghỉ, giữ thinh lặng sau kinh tối, việc tham dự thánh lễ hằng ngày, năng lãnh các bí tích. Ngài kết: “Lá thư cha gởi đến các con tuy viết cho tất cả, nhưng cha mong mỗi người coi như viết cho chính mình vậy. Chớ gì mỗi lời đã được nhắc đi nhắc lại sẽ lọt vào tai từng người trăm ngàn lần, sao cho đừng quên” (XII, 27).

Ngày 4 tháng 6 năm 1876, lễ hiện xuống, khi kết bài nói chuyện chung cho các hội viên, tập sinh và tu sinh, ngài tha thiết kêu mời mọi người thực hành nhân đức thanh khiết, coi nhân đức này là dấu riêng cho Tu hội và là trục xoay mọi sinh hoạt. Ngài nói: “Còn một điểm cha muốn chúng con lưu ý cách riêng: điều phân biệt hẳn chúng ta khỏi những người khác, điểm được coi là đặc biệt của Tu hội chúng ta phải được kể là thanh khiết. Mong mọi người chúng ta ra sức vun trồng và thực hành nhân đức thanh khiết, nhờ đó ta có thể gieo cây nhân đức này nơi tâm hồn người khác. Về điểm này, có thể áp dụng lời kinh thánh sau đây: ‘Venerunt mihi omnia bona pariter cum illa– Mọi sự thiện hảo đến với tôi nhờ nhân đức ấy’. Không có thanh khiết, mọi sự sẽ tiêu tan và kể như không có gì. Nhân đức thanh khiết là rường cột cho mọi sinh hoạt. Chúng ta quý trọng và đánh giá cao nhân đức này. Hãy ra sức làm gương cho học sinh, đừng để chúng vấp phạm vì hội viên chúng ta có điều đáng tiếc liên quan đến vấn đề này. Một Salêdiêng không được để mình đánh mất nhân đức nết na, làm cớ vấp ngã cho kẻ khác bằng lời nói hay việc làm, thư tín hoặc sách báo và bất cứ hành động nào. Thời nay, người đời đòi chúng ta có một nhân đức thanh khiết rõ rệt và cao cả. Nếu các con quý chuộng nhân đức này, một nhân đức tinh túy dịu huyền, các con sẽ nên như thiên thần trên trời, eritis sicut angeli Dei. Các thiên thần hằng kính mến, thờ lạy và phụng sự Chúa. Ai yêu quý nhân đức này, ắt có lòng kính sợ Chúa, sẽ có sự bình an trong tâm hồn, lòng trí sẽ không bối rối, lương tâm sẽ không bứt rứt, sẽ tiến mạnh trên đường nhân đức và can đảm chịu mọi sự khó vì Chúa. Có nhân đức này trong lòng, thì ta đi đúng đường. Hành vi cuộc sống chúng ta dù nhỏ mọn tới đâu cũng được Chúa chấp nhận, sẽ có nhiều công nghiệp về mọi mặt và dứt khoát sẽ được dư tràn phúc lộc hầu hưởng nhan thánh Chúa. Chúng ta nên tránh xa hết sức bất cứ điều gì làm tổn hại nhân đức này. Phương thế hữu hiệu để gìn giữ nhân đức này là: vâng lời triệt để. Đây là hai nhân đức tương trợ nhau. Ai vâng lời cách toàn vẹn cũng giữ vẹn kho tàng vô giá là đức trinh trong. Chúng ta tha thiết cầu xin Chúa ban cho chúng ta nhân đức này. Nếu Chúa ban cho ta, ta không cần gì khác. Mọi ơn lành, mọi lời an ủi sẽ từ trời đổ xuống miễn là chúng ta bền bỉ thực hành nhân đức đó. Mọi thắng lợi của Tu hội đều phụ thuộc vào nhân đức này vì đây chính là cách tối hảo biểu lộ lòng tri ân của ta đối với Chúa…” (XII, 224-225).

Tháng 10 và 12 tiếp sau, Don Bosco trở về cùng một đề tài. Nên nhớ rằng năm 1874 là năm Don Bosco cảm thấy có trọng trách rõ rệt trên ba gia đình thiêng liêng: Tu Hội Salêdiêng được phê chuẩn năm 1869; dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ được thành lập năm 1872, sau được giám mục địa phận Acquy chấp thuận hôm 23 tháng 1 năm 1876; hội Cộng Tác Viên Salêdiêng do Đức thánh cha Pio IX chuẩn nhận với văn thư đề ngày 9 tháng 5 năm 1876. Lúc này Don Bosco được kể là ngang hàng với các vị lập dòng lớn khác.

Ngày 13 tháng 10 năm 1876, ngài muốn sinh động mọi người để bắt đầu một năm mới tốt lành. Ngài nói: “Cha đến để chúc mừng năm mới. Niên khóa không khởi sự được nếu năm mới không bắt đầu một cách tốt lành. Năm nay phải là năm Salêdiêng, một năm đánh dấu các công cuộc Salêdiêng được trải rộng trên khắp nước Ý, Argentina và ở Pháp tại Nice. Năm nay Tu hội chúng ta đã mở thêm 21 nhà mới”.

Ngài khích lệ mọi người sống cho xứng đáng với ơn gọi bằng cách thực hành sự hồi tâm, khó nghèo, vâng phục. Đến nhân đức thanh khiết, ngài hứng khởi thêm những lời: “Ôi nhân đức đẹp biết bao! Cha muốn nói suốt ngày về nhân đức này, tiếc là không đủ giờ. A, giá mà các Salêdiêng giữ mình trong sạch tránh được mội vết nhơ thì sung sướng biết mấy! Nhân đức này cao cả, trong sáng và tinh túy hơn cả; nếu không tìm cách giữ gìn thì dễ mất lắm. Ta phải ra sức giữ mình trong sạch và thánh thiện. Nếu không thận trọng vâng theo các lời khuyên của các bề trên và của Tu luật thì dễ làm nó ra nhơ uế. Ngay từ ban đầu, ta phải cẩn trọng, lúc cám dỗ vừa mới chớm. Nên kìm hãm giác quan, khống chế những lời nói lăng loàn. Hãy ghê tởm thói kết nghĩa riêng, tránh đọc những sách vớ vẩn, nhảm nhí. Thế rồi chớ buông thả giác quan. Nếu chẳng may ai đó bị ma qủy đánh bại thì sao? Ý tứ, đừng để mình bị mắc lừa sau khi lỡ lầm. Sai lầm chết người đầu tiên đó là sau khi phạm tội, liền thay đổi cha giải tội. Cha thấy không nguy hại lớn lao hơn khi ta làm điều này. Vấn đề ở đây không chỉ lãnh ơn tha tội, mà còn hệ tại ở sự hướng dẫn nữa. Một phương thuốc chữa trị và giúp tránh tái phạm là trung thành xưng tội với cha giải tội quen biết lương tâm của mình. Cha muốn nói cho tất cả linh mục, tư giáo, sư huynh và học sinh một điểm khác nữa, đó là không ngày nào bỏ qua mà không xin Chúa ban cho mình ơn giữ đức trong sạch, đặc biệt sau khi hiệp lễ, hay sau thánh lễ. Hãy xin Chúa như một ơn trọng đại nhất. Cứ năn nỉ tha thiết, vì lúc Chúa ở trong lòng thì thịt máu Ngài trở nên thịt máu của ta, như thế sẽ không rối loạn nào có thể xảy ra trong ta” (XII, 564-565).

Ngày 3 tháng 12 ngài huấn từ tối cho các học sinh trong Nguyện xá. Ngài đi thẳng vào vấn đề bồ bịch: “Một điều khác cha muốn nói cho các con, – ngài nói như thế sau khi đã khuyên chúng dọn mình xưng tội mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm -, đó là hãy thương yêu nhau, làm điều lành cho nhau, nêu gương sáng và khuyên nhủ lẫn nhau. Tuy nhiên, đừng bao giờ làm bạn nhăng nhít để rồi gây gương xấu cho nhau, để nói chuyện tình tứ mà giết chết linh hồn người khác…” (XII, 575).

Mồng 6 tháng 1 đang khi dừng chân tại trường Lanzo Torinese, ngài chiêm bao thấy Đaminh Saviô. Ngài thấy cậu dẫn một toán rất đông thanh thiếu niên trong sạch vô tôiLúc cha Alasonatti cất bài: Virgines enim sunt et sequuntur Agnum quocumque ierit – các kẻ đồng trinh theo chiên con đi khắp nơi”, các thanh thiếu niên đáp lại: “Hi sunt sicut Angeli Dei in coelo – những người này giống như thiên thần của Chúa”. Saviô dẫn giải cho thấy rằng đó là vườn hoa muôn sắc Salêdiêng và giới thiệu cho ngài một danh sách gồm ba nhóm: nhóm chưa bị thương, nhóm đã bị thương, nhóm gục ngã trong sự bất chính. Saviô cũng thông báo một tương lai hứa hẹn của Salêdiêng và nói điều đó còn tùy thuộc vào hai điều kiện: Không để cho các con cái cha lôi toa xe Chúa ngự ra khỏi đường rầy; các con cái cha phải yêu mến Đức Trinh Nữ rất thánh và gìn giữ nhân đức thanh khiết, là nhân đức làm đẹp lòng Chúa (XII, 593).

Tối hôm 22 tháng 12 năm 1876 Don Bosco kể giấc mơ cho tất cả học sinh trong Nguyện xá và các nhân sự trong phòng khách. Hai ngày sau, chiều canh thức lễ Giáng sinh, ngài nhận lời khấn trọn của bốn linh mục, một tư giáo và lời khấn tạm của hai tư giáo khác. Với kiểu cách khác thường, ngài giảng một bài bằng cách dẫn họ đi quanh nhà, cho họ có cảm giác chạm tới các ơn lành Chúa đã ban cho Dòng. Sau cùng, với hình ảnh của con ong đang bay, ngài cắt nghĩa về nếp sống tu trì. Ngài khuyên mọi người yêu mến và tránh thói ra khỏi nhà khi không cần thiết và mời gọi họ cân nhắc về vấn đề này:

Các con nên biết rằng khi một người rời bỏ thế gian, ma quỉ càng tìm cách lôi kéo tâm trí họ về thế gian hầu xóa mờ nếp sống tu khỏi tâm khảm họ. Ma quỉ xảo quyệt lắm. Đầu tiên nó không đưa ta vào ngay những bạn bè nguy hiểm và những câu chuyện xấu xa đâu. Không, không. Nó chỉ tìm cớ đưa ta ra khỏi nơi an toàn. Rồi ngoài đời sẽ có những người nói không tốt về dòng tu, những người ưa nói chuyện nhảm nhí, ăn mặc lố lăng, các thú vui nông nổi, nhậu nhẹt vô độ cùng với nhiều thứ có hại cho nhân đức thanh khiết. Tu sĩ bồng bột sẽ bị lôi ra khỏi nhà dòng. Như vậy, đây một lời nói vô liêm sỉ, kia một tranh ảnh khiêu ngợi, một bức hình gây ấn tượng khiến người ấy mang theo mình, nhiều chuyện sẽ ám ảnh con người đêm ngày. Đương nhiên họ chống trả. Nhưng tinh thần phai nhạt. Nhu cầu tiêu khiển nổi lên… cần ra ngoài xả hơi, cần về gia đình. Kết cục sa ngã ghê gớm. Kinh nghiệm cho hay mỗi lần ma quỉ đưa một tu sĩ ra ngoài vô cớ là một lần nó thành công lớn” (XII, 601-602).

Trong số những bản viết, có một tờ giấy nhỏ, từ Roma ngài gởi cho cha Cagliero hôm 14 tháng 1 năm 1877: “Cha vừa thăm đức thánh cha về. Ngài gởi lời thăm tất cả Salêdiêng ở Nam mỹ và chúc lành cho mọi người. Ngài nói: hãy khuyên bảo các con cái của con thay cha. Bảo họ cẩn thận tuân giữ Hiến luật. Bảo trì cách riêng về luân lý mà ở nhiều nơi đang lâm vòng nguy hiểm” (XIII, 35).

Ngày mồng 6 tháng 2 năm 1877, trong huấn dụ thường niên cho các giám đốc, Don Bosco đưa ra các lời lẽ sau đây: “Các con hãy lưu ý những chuyện trong cộng thể. Chúng ta cứ đinh ninh rằng nhà chúng ta có luân lý vững, không có gì đáng trách. Liệu chúng ta có luôn đúng chăng? Có tiếng mà thật có miếng không? Coi chừng. Đến giờ Chúa vẫn thương che chở. Tuy nhiên nguy cơ vừa nằm cả bên trong lẫn bên ngoài. Phương thế tốt nhất để ngăn ngừa chuyện vô luân là năng xưng tội rước lễ và sự tỉnh táo canh chừng của những người hữu trách. Phòng cháy còn hơn chữa cháy. Vấn đề vô luân luôn có thể xảy ra. Cần hộ trực chu đáo. Không ai được miễn cho mình khỏi việc ngăn cản sự xúc phạm đến Chúa. Rồi phương thế để khỏi sa ngã là tránh ở nhưng và tránh kết nghĩa riêng. Trước sự tấn công của ma quỷ, dù là bề trên hay người dưới quyền, kinh nghiệm hay tuổi tác, thánh thiện quá khứ chẳng là gì cả. Vả lại, tuổi càng cao sự xấu càng tinh tế. Nguyên vấn đề tìm chỗ gần gũi người này người kia đã nguy rồi. Ban đầu bằng tặng quà, ảnh đeo, ảnh giấy, lời khuyên… rồi tiến sâu  hơn. Các học sinh rất để ý: cha này thầy nọ hỏng mất rồi, ông ấy đọc sách xấu”. Không việc gì bề trên làm mà học sinh chẳng biết. Thật khốn cho ai bị kết tội. Tóm lại, aut nullum, aut omnes pariter dilige – hoặc không yêu ai hết hoặc yêu tất cả. Lao động cũng là phương thế giúp phòng ngừa sự suy đồi về luân lý. Có người nói với cha: ‘Sao cha bắt các linh mục làm việc quá đỗi như vậy?’ Ừ, đã là linh mục, hoặc chết vì làm việc hay chết vì nết xấu. Có thế thôi!” (XIII, 85-86).

Nhân dịp giảng huấn chung, ngài nhắc lại tiên tri của Đức thánh cha Pio IX nói hôm yết kiến ngày 21 tháng giêng như sau: “Cha tiên báo cho con một điều. Con hãy viết lời tiên báo này cho các con cái con: Tu hội sẽ triển nở, sẽ trải rộng cách lạ lùng, sẽ tồn tại qua muôn thế kỷ, có nhiều cộng sự viên trung thành, bao lâu biết cổ võ đời sống đạo đức và tu trì, cách riêng giữ đức thanh khiết” (XII, 82). Don Bosco gợi ý cho một người có trí nhớ sắc bén ghi lại lời nói trên. Đoạn ngài kết: “Các con chớ bao giờ quên gìn giữ nền luân lý vững vàng. Vinh quang của Tu Hội chúng ta nằm ở nền luân lý. Chúa có thể hủy diệt Tu hội nếu chúng ta thiếu sót về nhân đức thanh khiết. Nhờ nhân đức này, Tu hội mới có khả năng lan tràn khắp địa cầu. Bởi thế, cần cổ võ mọi người giữ nhân đức này. Nó là điểm đồng qui những nhân đức khác” (XIII, 83).

Tháng 9 năm 1877, kỳ họp Tổng Tu Nghị đầu tiên, ngài muốn mọi người bàn về vấn đề quan trọng này cách rộng rãi. Ngài ấn định những qui tắc hữu hiệu để giữ đức thanh khiết như sau: “Luân lý vững chắc là nền móng và lý do tồn tại của các dòng tu. Chỉ có dáng vẻ bên ngoài mà thôi thì chưa đủ. Cần phải thận trọng canh phòng. Nói khác đi, trước khi đón nhận ai vào dòng tu, cần cứu xét kỹ về vấn đề này. Nên điều tra rõ rệt về hạnh kiểm và đời sống luân lý của tu sinh trước khi nhận vào đệ tử viện. Dĩ nhiên cần có kiến thức và đồ dùng cần thiết, nhưng nghiêm chỉnh đòi em đó có nếp sống luân lý cao. Chớ bao giờ nhận một em bị trường học hay chủng viện thải hồi. Không nên cho khấn nếu thấy một thỉnh sinh trong năm tập có dấu vết đáng nghi về luân lý. Tốt hơn, nên theo thói lệ của một vài dòng tu thải hồi tập sinh ngay lúc thấy đời sống luân lý của họ bấp bênh” (XIII, 247).

Liên quan đến học sinh, ngài nhấn mạnh trước hết là các gương sáng của các Salêdiêng: “Đời sống luân lý của các học sinh tỉ lệ thuận với luân lý toả sáng của các Salêdiêng. Nhân đức thanh khiết phải là đề tài giảng huấn của các giám đốc” (XIII, 247).

Còn một bài giảng nữa về đức thanh khiết do cha Barberis ghi chép: Don Bosco giảng bài này trong nhà thờ thánh Phanxicô Salê vào buổi khấn của năm hội viên hôm lễ Chúa lên trời năm 1878. Theo thông lệ, khuyên mấy lời xong, ngài đi từ nguyên tắc: “Với nhân đức này, tu sĩ dâng trọn đời mình cho Chúa”. Ngài nhấn mạnh vấn đề tránh kết nghĩa riêng và định nghĩa thói xấu ấy là thế này: “Kết nghĩa riêng là thân với một người mà lúc nào cũng có nguy cơ phạm đến Chúa”. Tiếp đến ngài giải nghĩa thêm: “Nên tránh những kẻ hay phàn nàn, ca thán, tránh những người lẩn trốn những giờ đạo đức, hoặc hay muốn ở riêng với nhóm bạn của mình”. Ngài quay sang vấn đề lao động, coi đó là then chốt duy trì đức thanh khiết: “Biếng nhác và thanh khiết không thể đội trời chung”. Ngoài ra, ngài còn khuyên hãm mình, cầu nguyện và năng chịu lễ. Ngài nói thêm: “Đừng nuông chiều thân xác. Thế không có nghĩa là không cho của nuôi cần thiết. Nhưng là tránh thỏa mãn vị giác. Linh hồn là dây cương kìm hãm thân xác. Thể xác là con ngựa để linh hồn cầm cương bắt nó đi đâu tùy ý…”.

Cầu nguyện. Với từ ngữ cầu nguyện, cha có ý nói tới mọi loại tâm nguyện cũng như khẩu nguyện, đọc lời nguyện tắt, nghe giảng và đọc sách thiêng. Ai cầu nguyện chắc chắn sẽ thắng mọi thứ cám dỗ nặng nhẹ. Chúng ta phải ưa thích cầu nguyện. Nó là vũ khí sắc bén mà chúng ta phải có để có thể bảo vệ ta trong những lúc gặp nguy hiểm. Cha mong muốn chúng con cầu nguyện đặc biệt vào buổi tối khi đi ngủ, bởi vì đây là một trong những giây phút nguy hiểm hơn hết cho nhân đức đẹp xinh này. Chúng ta phải sẵn sàng hãm mình trong mọi sự ngay cả đối với những cái được phép, còn hơn xúc phạm đến Chúa. Chúng ta không phải chỉ giữ giờ đạo đức cách chu đáo mà còn phải nâng lòng trí lên cùng Chúa suốt ngày và hãy năng đọc lời nguyện tắt Mẹ Maria: “Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con”. Trong nhiều trường hợp, lời kinh vắn tắt này có công hiệu tỏ tường. Có thế ta mới giữ được đức thanh khiết là mẹ của các nhân đức khác, đồng thời là nhân đức của các thiên thần” (XIII, 799-806).

Ngày 14 tháng 9 năm 1880, Don Bosco ngỏ cùng các hội viên họp Tổng Tu Nghị như sau: “Trong thời đại, nhất là thời nay, vấn đề sống chết của chúng ta là luân lý. Ta quyết hy sinh tính mạng để bảo vệ nền tảng luân lý.” (XIV, 552). Đáng tiếc là trong Tổng Tu Nghị III, vị cha hiền buộc phải phàn nàn vì lời khuyên của ngài đã không được lưu tâm. Ngài nói: “Cho đến giờ, chúng ta đã có thể hãnh diện về nếp sống luân lý. Trong giai đoạn này, vì sự bất cẩn, nếp sống của chúng ta đã bị sứt mẻ phần nào. Tai tiếng bắt đầu có. Các giám đốc, với tư cách người trách nhiệm, hãy tìm cách bảo đảm nền luân lý của nhà mình. Phương thế là chính xác giữ Tu luật và thực hành các quyết nghị. Các giám đốc và hội viên đều phải nỗ lực. Điều này sẽ được công bố cho mọi người. Thế nên hãy giải nghĩa về vấn đề này trong các bài giảng hàng tháng. Không cần những bài giảng uyên bác. Chỉ cần đọc ra rồi thêm chút cắt nghĩa cách vắn gọn. Vấn đề lòng cốt là giữ nền luân lý của nhà bảo đảm. Nên cho các hội viên biết rằng khi thiếu sót về vấn đề luân lý, không những cộng thể và Tu hội sẽ suy sụp trước mặt Chúa mà còn cả trước mặt thế gian nữa. Trước mặt Chúa, ta mất linh hồn. Trước mặt người ta thì mất tiếng tốt” (XVI, 416-417).

Don Bosco đòi phải lưu ý nhiều về vấn đề luân lý để có thể giảm bớt sự dữ: “Kinh nghiệm cho thấy, ai phỉnh gạt giám đốc và cộng thể, kẻ ấy sẽ dần dần bỏ nguyện ngắm, bỏ việc đạo đức, tiếp đến là vụng trộm đưa sách báo về đọc và kết nghĩa riêng. Kết cục là sẽ có lộn xộn. Cho nên giám đốc hãy nhớ mình có trách nhiệm lưu tâm bảo đảm nền luân lý cho hội viên và học sinh. Học sinh còn nhỏ, chúng không nói. Nhưng khi về nhà chúng kể cho thân nhân, rồi  nhiều việc được thổi phồng, đồn đại khắp nơi, tai hại cho uy tín chúng ta và vinh quang của Chúa. Dĩ nhiên, bề trên chứ không phải người nào khác, có thể tỏ ra vài cử chỉ tình cảm trong sáng nào đó với trẻ và chỉ được làm thế với mục đích khích lệ chúng làm điều thiện thôi” (XVI, 417).

Chúng ta cũng nên để ý tới qui định của Don Bosco: việc hôn tay phải là dấu biểu lộ kính trọng chỉ dành cho giám đốc mà thôi (XIV, 842). Đối với thân nhân, ta có thể xem qui tắc Don Bosco đã nêu ra vào dịp lễ mở tay của cha Rua ngày 30 tháng 7 năm 1860, tại Nguyện xá. Hôm ấy, vừa làm lễ xong, một số kéo nhau lên nâng tay cha Rua hôn kính. Hành vi này gây xôn xao giữa các thầy tư giáo. Họ bàn luận về những trường hợp nào có thể hôn tay. Hôm sau, Don Bosco mới từ Giaveno, nơi ngài bàn bạc với ủy ban phường để giải quyết vấn đề chủng viện, về. Lúc ấy, người ta hỏi ý kiến Don Bosco. Vị thánh mới trả lời: trường hợp là cha mẹ, hoặc ai giữ vai trò phụ mẫu, nhận lấy cái hôn rồi đáp lại bằng cái hôn; đối với người khác, chỉ hôn khi nào đem lại ích lợi thật sự và nhân dịp xóa bỏ mọi hờn giận hoặc làm hòa với nhau. Tuy nhiên, không bao giờ hôn người khác phái; Được phép hôn một người bạn đã từng xa cách thời gian lâu dài. Ngoài ra, đối với tất cả những người điều hành cộng thể và giáo dục thanh thiếu niên, tuyệt nhiên cấm khoác vai trẻ, hôn hít, nắm tay, trừ khi bắt tay chia ly hoặc gặp lại nhau sau thời gian dài” (VII, 704).

Trong giấc mơ năm 1884, giấc mơ đã khiến Don Bosco viết lá thư vào ngày 10 tháng 5, Buzzetti nói: “Chỉ trong trường hợp vô luân, thì bề trên mới không nhân nhượng. Trong trường hợp phản luân lý, thà cho một học sinh vô tội về gia đình còn hơn dung dưỡng một gương xấu” (XVII, 112).

Vài tháng sau, Chúa an ủi Don Bosco bằng một giấc mơ tuyệt đẹp về tình trạng tâm hồn vô tội. Khi kể xong giấc mơ này, Don Bosco định nghĩa vô tội như “là tình trạng hạnh phúc ơn thánh Chúa được giữ nguyên vẹn trong tâm hồn, là một linh hồn bền bỉ giữ trọn luật Chúa” (XVII, 193-194; XVII, 722-730).

Để kết luận, chúng tôi trích dẫn đoạn văn căn bản được Don Bosco ghi trong thư  di chúc vào năm 1884:

Đây là điều ghi nhớ cơ bản, nghĩa là những điều buộc mọi người làm việc trong Tu Hội phải tuân giữ. Cha tha thiết khuyên và đòi buộc mọi người, trước mặt Chúa và người ta, phải gìn giữ nền tảng luân lý cho các Salêdiêng và cho hết thảy những người dưới bất cứ danh nghĩa nào Chúa đã trao phó cho chúng ta coi sóc” (XVII, 268).

Điều Don Bosco đã dẫn giải qua các bài giảng, huấn đức, luân thư, khuyến cáo chung hoặc riêng đều cô đọng trong trong các khoản của Hiến luật của chúng ta.

Đêm mồng 9 rạng mồng 10 tháng 04 năm 1886, tại Barcelona, Don Bosco chiêm bao về quang cảnh truyền giáo. Vị nữ chăn chiên chỉ cho ngài thấy viễn tượng huy hoàng với lời lẽ sau: “Còn một việc phải làm: Hãy thúc giục con cái cha trau dồi nhân đức của Đức Mẹ” (XVIII, 74). Liền đó, Vị nữ mục tử cảnh báo: “Con phải ngăn chặn những sai lỗi mà cha đang thấy. Đó là thói lẫn lộn khoa học loài người với khoa học thiêng liêng, bởi vì khoa học của trời cao không thể hòa đồng với khoa học đất thấp” (XVIII, 74).

Đó không phải là lời cảnh báo về một thứ sư phạm hiện đại nào đó sao? Chắc chắn lời cảnh báo của vị sáng lập dòng của chúng ta nay lại được đức thánh cha Phaolô VI xác nhận qua bài huấn dụ các nghị viên đại hội liên dòng hôm 23 tháng 5 năm 1964 như sau: “Các tu sĩ phải đặc biệt chuyên chăm gìn giữ đức thanh khiết như giữ trân châu quí giá vậy. Vẫn biết môi trường sống hiện nay làm cho việc giữ đức thanh khiết ra khó khăn hơn, một đàng vì phong hóa lệch lạc, một đàng thuyết duy tự nhiên đã đầu độc tâm trí con người. Điều đó khiến chúng ta càng xác tín hơn về giá trị siêu nhiên Chúa đã phán về nhân đức thanh khiết được ôm ấp vì nước trời, về khả năng gìn giữ bông huệ trinh trong ấy cậy vào ơn thánh Chúa. Để gìn giữ nhân đức này cách hữu hiệu, tất yếu phải hăng hái thực thi đức hãm mình Kitô hữu và kìm hãm ngũ quan cách cẩn thận. Chẳng thể vịn lý do là để hiểu biết những điều ích lợi và mở rộng văn hóa mà tỏ ra nhân nhượng với những sách báo, phim ảnh bất nhã và thế tục. Dù vì nhu cầu khảo cứu chăng nữa, các bề trên cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng và đánh giá đúng mức”.

Chương 8

Đức Vâng Phục Salêdiêng

Trong Hiến Luật, cho đến bản Hiến luật năm 1922, lời khấn vâng phục luôn được đặt đầu tiên trong ba lời khấn. Don Bosco và các đấng sáng lập cựu trào đã xếp như thế. Ngày 23 tháng 5 năm 1964, Đức Phaolô VI vẫn coi trọng thứ tự đó, khi ngỏ lời cùng các bề trên liên dòng: “Điều kiện sống hiện nay đã thay đổi không ít, cho nên cần phải thích ứng đời sống tu trì. Dù sao, những yếu tố xuất phát từ chính bản chất của ba lời khuyên Phúc Âm vẫn giữ nguyên giá trị của chúng, không hề giảm thiểu chút nào. Quí vị hãy hết sức cố gắng vun trồng đức vâng phục quen gọi là của lễ toàn thiêu, dâng trọn ý riêng cho Chúa. Của lễ này được thể hiện nhờ việc vâng phục các bề trên hợp pháp. Quyền bính phải được sử dụng trong đức ái và tôn trọng nhân phẩm. Thời đại chúng ta đòi các tu sĩ có trách nhiệm cao và tinh thần sáng kiến hơn quá khứ”.

Chính đức vâng phục tạo nên bản chất người tu sĩ. Nhân đức này được coi là “bí tích của bậc tu trì”. Sánh ví quả là xác đáng, vì đức vâng phục là dấu chỉ tỏ tường, bất khả khuyết, in dấu và ban ơn trên con người tu sĩ.

Một lý do khác, có tính chất kinh viện hơn, đã hướng dẫn các nghị viên Tổng Tu Nghị năm 1922. Nhưng lý lẽ của các vị sáng lập vẫn ưu trổi hơn.

Hơn nữa cũng chính vì đây là sợi dây đầu tiên mà Đức Maria đòi Don Bosco dùng để cột vào trán những cộng sự viên của ngài để thực thi sứ mệnh. Trong giấc mơ thứ hai xảy ra vào năm 1845 về Nguyện xá, Don Bosco nhìn thấy ngôi đền nguy nga dâng kính Mẹ Maria Phù hộ, kế đến, ngài nhìn thấy cảnh tượng thật bi đát: các linh mục và tư giáo giúp ngài một thời gian rồi đào tẩu, bỏ ngài một mình. Bà lạ mặt bảo: “Con biết làm gì để họ khỏi đào tẩu không? Đây, hãy cầm lấy giải khăn này và chít vào trán họ. Trên giải khăn bà đưa có ghi hàng chữ: Obbedienza – Vâng phục. Don Bosco lập tức chít khăn đó lên trán họ. Và không thấy họ đào tẩu nữa (II, 297-298).

Don Bosco ghi sâu bài học quí giá này trong lòng. Năm 1849 ngài bắt đầu mời gọi một số trẻ theo học để làm linh mục và sau này giúp ngài. Ngài không đặt ra cho chúng điều kiện nào ngoài: “Để các con đạt tới đích điểm này, cần nhiều thứ, nhưng chính yếu là các con đặt mình trong tay cha như chiếc khăn này”. Vừa nói, ngài vừa rút chiếc khăn, giở ra cho chúng xem và thêm: “Điều các con thấy cha làm cho chiếc khăn này, các con phải để cha làm y hệt với các con, nghĩa là phải vâng lời cha trong mọi sự, thi hành bất cứ ý muốn nào của cha” (III, 550). Ngài năng dùng hình ảnh này để bày trò chơi cho trẻ và kết bằng cùng một công thức: “Oi, giá như cha có mười hai học sinh sẵn sàng để cha sử dụng như chiếc khăn này. Cha có thể rao giảng danh Chúa Giêsu Kitô khắp trời Âu và xa hơn nữa, trên khắp mặt đất, xa thật xa” (IV, 424; VI, 11).

Ngài còn dùng hình ảnh này cả cho các chị con Đức Mẹ phù hộ vào dịp tĩnh tâm ở Torino năm 1878. Ngài nói: “Như chiếc khăn để cho người ta sử dụng tùy thích và tùy cách, giặt ủi, vò nhàu mà không nói gì. Chúng ta cũng phải giống như chiếc khăn tay trong vấn đề vâng phục tu trì. Chúng ta muốn luôn sống hoan lạc ư? Hãy vâng phục. Chúng ta muốn chắc chắn bền bỉ trong ơn gọi ư? Hãy luôn vui tươi. Chúng ta muốn tiến trên con đường nhân đức và đạt tới thiên đàng ư? Hãy trung thành và vâng phục trong những việc nhỏ bé” (XIII, 210).

Đây là một khoa thần học về đức vâng phục Salêdiêng. Nói với trẻ, Don Bosco có cả một kiểu đùa vui: “Con muốn cắt đầu không? Để cha cắt đầu cho con nhé” (IV, 425). Câu pha trò ấy đã trở nên một thành ngữ thông dụng để chỉ nghi thức khấn dòng đã ghi trong cuốn ký sự nhà: “Hôm nay, Don Bosco cắt đầu anh… thầy… cha…”. Nhưng đó không chỉ là một kiểu nói vui. Dù điều hành với lòng tốt của bầu khí gia đình, Don Bosco vẫn đòi hỏi tinh thần vâng phục tu sĩ. Ngài có chủ đích riêng của ngài. Chủ đích ấy là kềm chế tính kiêu ngạo, ngoài ra cũng tăng thêm nghị lực làm việc tông đồ cho các tu sĩ.

Trong nghị quyết của Tổng Tu Nghị I, Don Bosco xác định rõ khi diễn tả: “Nhân đức vâng phục đòi mỗi Salêdiêng làm tròn bổn phận, thực hành những qui định của Hiến luật, chu toàn chức vụ theo ấn đinh của qui chế, và lệnh truyền của các bề trên. Không ai được đảm nhận một công việc gì nếu chưa được các ngài ưng thuận”.

Vào năm 1922, nghị quyết này cùng với một nghị quyết khác về vấn đề ra lệnh nhân danh lời khấn vâng phục từ phía các bề trên, đã được đưa vào trong Hiến Luật, một chút ít chỉnh sửa (khoản 43).

Vị thánh tiêm vào đầu óc trẻ ý thức về vâng phục khá mạnh. Trong ký sự nhà, ngày 26 tháng 1 năm 1854 (ngày Don Bosco lấy tên Salêdiêng đặt cho bốn cộng sự viên của mình. Ngài đề nghị họ thực hành đức ái để rồi đi đến lời hứa và nếu được thì tuyên khấn), cha Lemoyne cẩn thận ghi: Lời mời gọi đó đã vang dậy nơi cõi lòng của các tư giáo như Rua, Rocchietti, thanh niên Artiglia và Cagliero, vì họ đã được chuẩn bị qua các bài giảng của vị thánh. Cha Lemoyne còn ghi thêm: “Don Bosco đã khéo léo mô tả mối dây liên kết huynh đệ của các Kitô hữu tiên khởi, sự hiệp thông giữa các thừa tác viên quanh Đức Giáo Hoàng và Giám Mục, lòng hăng hái tập nhân đức của các vị tu hành, sự vất vả của công việc tông đồ và những cuộc trở lại của dân ngoại. Giảng xong ngài đã quen hỏi lý do nào đã gây nên kết quả lớn lao như thế. Đoạn ngài tự động trả lời: “Chỉ nhờ vâng lời. Chính nhân đức này liên kết, tăng sức và với ơn Chúa đưa mọi việc tới kết quả mĩ mãn” (V, 10).      

Vào một tối nọ, Don Bosco ngồi hẳn xuống đất giữa đám học sinh vây quanh ngài. Micae Magone cũng có mặt. Ngài khởi đầu nói về những việc cần phải làm. Đoạn ngài thốt lên: “Tốt đẹp biết bao nếu cha có chừng mười, mười hai linh mục nhiệt thành, cha sẽ sai họ đi khắp thế gian”. Lũ trẻ lao nhao giơ tay tình nguyện và hô to: “Con, con”. Ngài đáp: “Ừ được, nếu thế, các con phải theo sự chỉ dẫn của cha, cho phép cha sắp xếp các con như cha làm với chiếc khăn tay này”. Nói rồi, ngài bày trăm trò cho chúng vui chơi với chiếc khăn, kết trò chơi ngài bảo: “Mọi sự đều có thể được, miễn là cho phép cha sử dụng các con như chiếc khăn tay. Nếu các con vâng lời cha, nếu làm theo ý cha muốn và theo ý Chúa muốn, các con sẽ thấy Chúa làm nhiều phép lạ nhờ trẻ Nguyện xá” (X, 12).

Cha Bonetti cũng ghi lại bài giảng của Don Bosco vào năm 1858. Hôm ấy là Chúa nhật. Don Bosco giảng thay cho cha Borel. Bài giảng đột xuất, nhưng rất mạch lạc. Cha Lemoyne có lý để quả quyết: Don Bosco hằng vun trồng nhân đức vâng phục nơi các học sinh. Ngài nêu ví dụ người thợ phải tập luyện để thực hiện thành thạo nghề của mình. Thế rồi, ngài cắt nghĩa câu nói của thánh Tôma: “Oboedientia est virtus hominem efficiens proptum ad exequendum praeceptum aut voluntatem superioris: vâng phục là nhân đức khiến con người mau mắn thi hành lệnh truyền, hoặc ý muốn của bề trên”. Ngài giải thích thêm rằng vâng phục không phải là nhân đức đối thần, nó là nhân đức luân lý căn bản mà ta có thể thủ đắc nhờ ơn Chúa qua việc rèn luyện ý chí, nghĩa là bằng cách lập đi lập lại hành vi vâng lời”.

Bởi vậy, ngài nêu ra cách phân lọai cổ truyền về nhân đức vâng lời như sau: “Vâng lời Thiên Chúa, vâng lời Giáo hội, vâng lời chính quyền, vâng lời cha mẹ, vâng lời tu trì”. Ngài cặn kẽ giải thích thêm về bốn lọai vâng lời đầu tiên, rồi bỏ qua sự vâng lời tu trì, vịn lẽ các học sinh không phải là đan sĩ hay tu sĩ Phanxicô. Để kết bài, ngài nâng lời ca tụng nhân đức này: “Căn cứ vào nội dung của vâng phục, thì nhân đức này bao gồm mọi nhân đức khác… Nó có khả năng duy trì mọi nhân đức, khiến chúng không mất được. Vâng phục là hành vi biết ơn hòan hảo đối với Chúa”. Ngài giải thích thêm: “Giữa các ân huệ duy có tự do là ơn lớn lao cả, nghĩa là Chúa dựng nên chúng ta như thụ tạo tự do. Bởi thế, mỗi lần chúng ta vâng phục, ta dâng cho Chúa món quà to tát là ý chí thong dong bằng cách đặt nó dưới ý muốn của người khác. Thế nhưng, ý chí lại là ân huệ quý báu nhất của con người khả dĩ nhận được. Thành ra tác động hy sinh này đẹp ý Chúa hơn cả. Muốn cho sự phục tùng của ta được Chúa ưng nhận, cần phải hiến dâng ý riêng mình. Một người vâng lời cách miễn cưỡng chỉ vì sợ hình phạt, thì không cách nào làm đẹp lòng Chúa, bởi vì Ngài không ưa hành vi ép buộc. Ngài là Chúa tình yêu nên Ngài muốn chúng ta làm mọi việc vì yêu mến, bởi vậy một khi Chúa đã truyền cho ta phải làm một việc gì, nên lập tức bình tâm thi hành nhanh nhẹn. Như thế, Chúa sẽ ở cùng chúng ta” (VI, 15).

Bài tuy ngắn, nhưng tuyệt hay! một khoa sư phạm bất khả chê trách. Ngài không bàn tới vâng phục tu sĩ, để không làm cho học sinh khiếp sợ vì lời khấn đòi buộc. Ngài chỉ đưa ra ý nghĩa tôn giáo của sự vâng phục và làm cho cảm thấy thật dễ mến. Vài năm sau, nhiều em trong số thiếu niên ấy thành tu sĩ Salêdiêng đã công nhận như vậy. Ngày 20 tháng 1 năm 1864, tiếp nhận hai tu sinh xong, Don Bosco nói: “Vâng phục là Voluntas prompta se tradendi ad ea quae pertinent ad Dei famulatum, nghĩa là ý chí mau mắn dấn thân vào việc làm tôi Thiên Chúa. Định nghĩa này trùng ý nghĩa với lòng đạo đức. Mỗi người chúng ta phải sẵn sàng làm những hy sinh lớn lao về chính ý chí của mình, không phải hy sinh sức khỏe hay tiền bạc hoặc đánh tội, cũng không phải nhịn ăn hoặc phạt xác dị thường, nhưng là hy sinh ý riêng. Thế nên, ai nấy phải ứng trực, khi lên tòa giảng, lúc xuống nhà bếp, khi dạy học, lúc quét nhà, khi dạy giáo lý và cầu nguyện trong nhà thờ hoặc âm thầm ngồi học, lúc coi trẻ ngòai sân hoặc dẫn trẻ dạo chơi, giây phút này chỉ đạo, giây phút kia tuân phục” (VII, 47).

Đây là đặc tính riêng của đức vâng phục Salêdiêng: “Luôn uyển chuyển”. Vị thánh kết luận: “Với tâm trạng sẵn sàng uyển chuyển làm mọi việc, chúng ta sẽ được Chúa chúc lành, nhờ đó, ta nên môn đệ và tôi trung của Chúa. Tiên tri Samuel hỏi vua Saolê: ‘Phải chăng Chúa thích lễ tòan thiêu và hy tế hơn là vâng lời Ngài? Melior est oboedientia quam victimae; et auscultare magis quam offerre adipem arietum. Vâng lời trọng hơn của lễ và nghe lời thì trọng hơn dâng bò tơ béo tốt’. Do đó, ta nên nghe và thi hành lời bề trên cách quảng đại, vì các ngài đại diện Chúa và tiếng nói bổn phận. Thi hành đúng như thế rồi, chúng ta sẽ đạt tới đỉnh cao của ơn gọi, sẽ có công phúc lớn lao và cứu được linh hồn mình và linh hồn người khác” (VII, 48).

Tất cả yếu tố quan trọng của nhân đức vâng phục tu trì nằm ở đó. Cha Lemoyne bình luận: “Thường xuyên ngài nhắc lại đề tài về vâng phục, gợi lên một cách rõ rệt phần thưởng cao cả dành cho các tu sĩ ngay khi còn ở trần gian, nghĩa là có cơ may cứu rỗi linh hồn”. Nhật ký của cha Bonetti ngày 23 tháng 1 năm 1862 đã ghi lại việc Don Bosco dạy Tân ước cho các tư giáo vào mỗi thứ năm. Ngài cắt nghĩa câu phúc âm của thánh Gioan: Qui facit veritatem, venit ad lucem – Ai sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng (Ga 3, 21). Cắt nghĩa xong, ngài kết thúc bằng cách thốt lên: “Oi, phúc cho tư giáo nào đã từng mến thưởng hương vị ngọt ngào của làm việc vì phần rỗi linh hồn. Thầy đó sẽ không còn sợ nóng lạnh, đói khát, đau khổ hoặc khó khăn, ngay cả chết cũng không sợ. Thầy sẽ hy sinh mọi sự, miễn là cứu được nhiều linh hồn về cho Chúa. Ai làm lành sẽ được sớm chiêm ngưỡng vinh quang Chúa. Các con cứ thử và sẽ thấy” (VII, 48).

Ơ đây, ngòai lý thuyết, còn có cả tinh thần. Tinh thần này đã được tóm lại trong khỏan Hiến luật 44, 45. Khỏan 44 viết: “Mọi ngừơi phải tuân phục bề trên mình bằng cách coi các ngài như người cha rất đáng mến trong mọi sự và triệt để tùng phục ngài cách mau mắn, vui vẻ và khiêm tốn, thâm tín rằng những mệnh lệnh của ngài biểu lộ thánh ý Thiên Chúa”. Và khoản 45: “Để khỏi mất công phúc của đức vâng phục, không nên phản kháng khi phục tùng, hoặc bằng lời nói, hành động hay tư tưởng. Công việc càng trái nghịch với người làm thì khi thi hành họ càng có công lớn trước mặt Chúa”. Phần hai của khỏan 45 được thêm vào Hiến luật 1922.

Hai khỏan luật trên đã tàng ẩn trong Nội quy các trường, phần II, chương III: 1) Cơ bản của mọi nhân đức nơi một thanh niên là vâng lời bề trên của mình. Các con hãy nhận ra ý Chúa nơi ý muốn của các ngài, hãy phục tùng các ngài, đừng tỏ ra phản đối dứơi bất cứ hình thức nào. 2) Các con hãy thâm tín rằng bề trên luôn cảm thấy có trách nhiệm nặng nề là phải lo cho phần ích của các con, khi khuyên răn cũng như lúc sai khiến và sửa dạy. Ngài chỉ mưu ích cho các con mà thôi. 3) Hãy kính trọng và yêu mến các ngài như kẻ thay mặt Chúa, và cha mẹ, để coi sóc các con. Khi vâng lời các ngài, các con kể như mình đang vâng lời chính Thiên Chúa. 4) Các con nên mau mắn vâng lời, kính cẩn và vui tươi trước mọi lệnh truyền. Đừng bao giờ đối chất để thóai thác. Hãy vâng lời ngay cả khi lệnh truyền không hợp sở thích. Khỏan 5 hé mở một hướng đi cho các Salêdiêng trong vấn đề bàn hỏi tín nhiệm: “Hãy cởi mở lòng mình cho bề trên, coi các ngài như người cha hiền hằng tha thiết ao ước tìm hạnh phúc cho các con” (IV, 749).

Nên nhớ lời khuyến cáo Don Bosco nói cho Saviô, khi thấy cậu phạt xác quá đáng: “Việc đền tội Chúa muốn con làm là vâng phục, vâng lời là đủ” (V, 209). Hôm mùng 6 tháng 5 năm 1857, một học sinh công khai hỏi Don Bosco đâu là chìa khóa mở đường vào sự thánh thiện cho Saviô. Don Bosco đáp: “Chìa khóa và thên chốt cho việc nên thánh nơi Saviô là vâng phục và tín nhiệm nơi cha linh hướng” (V, 649).

Chiều ngày 12 tháng 5 năm 1861, trong bài huấn đức cho các hội viên, ngài trình bày đức Vâng phục như là bác ái với chính mình, vì chính là khắc phục bản thân và chiến thắng tính kiêu ngạo. Ngài bảo: “Các con sẽ thấy có những quy luật không mấy vừa lòng, một vài chức vụ không hợp sở thích. Đừng nản, hãy lướt thắng tất cả vì lòng mến Chúa Giêsu Kitô, và trông vào phần thưởng Chúa đã dọn sẵn. Như thế, đức vâng phục mới chân chính. Đây là động lực xoay trọn cuộc sống tu sĩ, như thánh Luca nói: khước từ ý riêng và vác thánh giá hằng ngày theo Chúa Cứu Thế” (VI, 933).

Ngày 13 tháng 9 năm 1862, cha Bonetti viết ký sự nhà rằng, hôm ấy, sau cơm trưa, giữa các tư giáo và học sinh bao quanh, Don Bosco hàn thuyên về vấn đề nên thánh và tiên đóan sẽ có một số trẻ của Nguyện xá được nâng lê bậc hiển thánh. Ngài xác quyết: Đaminh Saviô chẳng hạn. Nếu cậu cứ tiếp tục làm phép lạ như thế, cha không hồ nghi chút nào. Nếu còn sống, cha có thể xúc tiến thủ tục phong thánh cho cậu và tối thiểu, Giáo hội sẽ cho chúng ta tôn kính cậu trong Nguyện xá”. Thế rồi, ngài quay sang hỏi thầy Anfossi xem cách nào nên thánh dễ hơn cả. Nghe thầy cùng mấy đứa trẻ trả lời xong, vị thánh nói: “Đây nhé, nhìn nhận ý Chúa nơi ý bề trên trong tất cả những gì các ngài truyền và nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống… Đây là cách thức ắt có thể và dễ nhất tiến tới đỉnh cao của bậc trọn lành” (VII, 249).

Trong giờ huấn từ tối dành cho trẻ vào tháng giêng năm 1864, sau khi Francesco Besucco mới qua đời, ta có một bài huấn từ rất hay về gương lũ ong làm mật dưới sự điều khiển của ong chúa. Ơ bất cứ hòan cảnh nào, ong thợ cũng phải triệt để vâng lời. Chúng cùng nhau kiếm mật từ những lòai hoa thích hợp. Bài học áp dụng thế này: “Mật ngọt là hình ảnh những việc lành các con làm như việc đạo đức, học hành và vui tươi. Ba điều này sẽ đem lại cho chúng con biết bao an ủi dịu ngọt như thể mật ong. Tuy nhiên các con phải bắt chước đàn ong. Trứơc tiên phải theo lệnh ong chúa, nghĩa là theo lệnh của qui luật và bề trên. Không vâng phục sẽ rối trật tự, bất mãn, chẳng làm được gì  ích lợi cả” (VII, 602).

Vào dịp thành phố Torino nô nức làm tuần chín ngày kính Đức Mẹ bảy sự, hôm đó nhằm ngày 15 tháng 6, trong buổi huấn từ tối, Don Bosco trở lại cùng một đề tài liên quan tới vâng phục để cứu rỗi các linh hồn: “Các con nên nhớ kỹ: Hầu như không thể đến cùng Chúa Giêsu được nếu không qua Đức Maria. Vậy các con hãy ký thác mọi sự cho Mẹ, cách riêng linh hồn mỗi người. Hãy vâng lời theo mọi điều cha đã căn dặn, chớ gì các con vâng lời một cách nhanh nhẹn, vui tươi, đúng lúc. Mong rằng ý chí các con muốn điều bề trên muốn, phán đoán của ngài là phán đoán của các con, tâm tình của ngài là tâm tình của các con. Chúng ta hãy đồng tâm nhất trí với nhau vì kính yêu Đức Mẹ, và vì phần rỗi bản thân” (VII, 677). Ơ đây, đức vâng phục mang ý nghĩa vừa suy lý vừa tình cảm. Thật là một sự trọn lành đòi tâm tình gia đình.

Ngày 4 tháng 7 năm 1864, sau khi tiếp nhận hai tư giáo, ngài giảng một bài cho các hội viên về vấn đề vâng phục trọn hảo: trong thi hành, trong ý chí và trong phán đoán. Rồi ngài nêu thánh Dositeo và thánh Luy như là gương mẫu. Ngài khai triển ý tưởng này như sau: “Đức vâng phục là bản tóm sự trọn lành của toàn bộ đời sống thiêng liêng; là con đường ít vất vả nhất, an tòan và ngắn hơn cả để làm giàu về nhân đức và chóng đạt tới thiên đàng. Thánh Têrêsa đã thâm tín về chân lý này, nên đã nói rằng giả như hết thảy các thiên thần truyền cho ngài phải làm một việc mà bề trên bảo phải làm việc khác, thì ngài vẫn thích theo lệnh truyền của bề trên hơn, chỉ vì vâng phục bề trên là điều Chúa truyền dạy rõ rệt trong Kinh thánh, do đó không thể sai lầm… Don Bosco nhận xét rằng sở dĩ đức vâng phục không được nghiêm chỉnh thi hành là vì người ta chưa nhận thức được giá trị của nó” (VII, 694-695).

Trong giấc mơ đêm 30 tháng 5 năm 1865, vị thiên thần thu những hoa của các học sinh dâng Đức Mẹ, đã cho ngài kỷ niệm này: “Hãy thực hành đức khiêm nhường, đức vâng phục và đức thanh khiết. Ba nhân đức được Đức Maria rất ưa thích và một ngày kia các ngươi sẽ thấy được triều thiên xinh đẹp hơn triều thiên này nhiều” (Thiên thần vừa nói vừa chỉ tay trên những triều thiên các trẻ đang đội trên đầu) (VIII, 131).

Vào tháng 8 năm ấy, Don Bosco được mời tới một đan viện của các nữ tu. Các bà dòng này đang ở trong tư thế chống đối Đức Giám mục địa phận Novara. Trong bài giảng, vừa chuyển sang đề tài “Vâng phục Đức Giám mục” các bà liền phá ngang. Sau này Đức Giám mục đã dẹp bỏ đan viện và giải tán các bà dòng. Thuật lại chuyện đó cho các hội viên Salêdiêng xong, vị thánh kết luận: “Một khi sự cứng đầu cứng cổ đã lọt vào tinh thần và đâm rễ sâu trong đó, hỏi còn gì là thánh thiện? Đâu có đức vâng phục khiêm tốn đấy có sự chiến thắng của ơn thánh” (VIII, 174). Nói thế, ngài đã làm sáng tỏ sự cao đẹp của nhân đức này.

Bằng việc đề cao giá trị của nhân đức vâng phục, Don Bosco đã thành công hơn bằng việc khiển trách kẻ không vâng phục. Ngài đã làm cho cha Rua, đồ đệ tín trung nhất của mình hiểu rõ về cách thức này này, khi khuyên cha ấy biết bôi dầu mỡ: “Các thuộc hạ của con sẽ thuần thục, con hiểu chứ? Khi cư xử với họ, con đừng quên, hay đúng hơn, con phải làm cái nghề bôi dầu mỡ” (VIII, 491).

Tinh thần gia đình, trong một số hoàn cảnh, giúp cho sự khoan dung đi với sự đòi hỏi. Nhưng, với tư cách thầy dạy thiêng liêng, Don Bosco dạy một sự vâng phục mù quáng. Đây, lời ngài nói cho một học sinh hỏi phải làm gì để tiến trên đường nhân đức: “Vâng lời mù quáng, tuân giữ mọi quy luật của nhà, khuyên nhủ các bạn, mỗi ngày suy gẫm đôi chút, làm việc mọi sự vì vinh danh Chúa dù khi ăn uống, ngủ nghỉ, chơi đùa và học hành… rồi còn phải có chữ T (tutto: mọi sự) và chữ S (Superiore: bề trên) nghĩa là thường xuyên nói chuyện linh hồn với cha, sao cho mọi sự đều minh bạch, tức là tín nhiệm vô tận vào bề trên”. Đây là một luật đơn giản nhưng cũng là luật vàng.

Một hôm ngài khuyên một thanh niên có tính hay bực dọc trong tâm trí trước mọi chỉ thị của bề trên. Chàng thanh niên đã viết lá thư nhỏ để cám ơn và hứa “Con chân thành thưa với cha rằng: con không muốn gì hơn là theo ý cha, vì cha là người rất thân mến của con trong Đức Giêsu Kitô”. Sau cơm tối, Don Bosco bất chợt gặp anh, ghé tai và bảo: “Cha đã đọc thư của con rồi, cha thích lắm. Về phần cha, cha không tiếc gì, miễn sao giúp ích cho con thôi. Thấy rõ là cha con mình hiểu nhau, đúng không?” “Vâng, vâng”, chàng đáp. Rồi người cha nói thêm: “Con nhớ giữ gìn sức khỏe nhé” (VIII, 750).

Khi Tu hội được châu phê, Don Bosco gia tăng thêm sự nhấn mạnh, sự khuyên nhủ và đòi hỏi. Ngày 31 tháng 1 năm 1869 ngài gởi cho cha Rua một mệnh lệnh truyền đình chỉ lập tức việc in cuốn tự điển Latin là bởi ấn hành không có phép tỏ tường. Ngài cắt nghĩa thế này: “Con hãy nói cho Buzzetti và các anh em khác rằng, họ  có vài điều trục trặc trong vấn đề ấn loát. Trong tương lai, cha không muốn cho in thứ gì mà chưa có sự ưng thuận của cha. Vả lại, con mới được năng quyền tùy lúc thôi. Cha  thiết nghĩ, khi nào tiện, con nên có bài huấn đức nhấn mạnh về sự cần thiết của đức vâng phục trong cụ thể, chứ không phải trong lời nói suông. Hãy lưu ý rằng không ai ra lệnh tốt, nếu không biết vâng phục” (IX, 526).

Ngày 11 tháng 3, từ Roma về trong niềm vui vì Tu hội được Tòa thánh phê chuẩn, ngài trao văn thư cho ban cố vấn và cả nhà xem. Rồi tụ tập trong nhà cơm của các tư giáo, ngài giảng một bài cho hết thảy các tu sĩ và tu sinh về việc giữ Hiến luật. Xong, ngài chuyển sang đề tài vâng phục, ngài nói:

Chúng ta đã chọn sống in unum… in unum locum, in unum spiritum, in unum agendi finem: ở một nơi, cùng một tinh thần, họat động theo một mục đích. Trước hết, nghĩa vụ và điều kiện đầu tiên của một dòng tu, đó là phải sống duy nhất như một thân mình. Một hội dòng phải giống thân thể con người, gồm đầu và thân, phần nọ lệ thuộc phần kia, mọi phần khác lệ thuộc vào đầu. Nếu đầu được đặt trên thân thể, thì đầu mới dễ coi và đúng mỹ thuật. Nếu vất đầu vào một xó, lỏng chỏng, không thân thể thì quả là quái dị. Cũng vậy, cha không thể làm nên trò trống gì nếu không có các con hợp với cha để nên một thân thể. Ngược lại, các chi thể cũng không thể hiện được gì nếu không có đầu. Chỉ cần một đầu ghép vào một thân thể đã đủ thành một con người. Nếu ghép nhiều đầu vào một thân thể thì sẽ thành quái vật, không còn dáng vẻ con người nữa. Vậy ra, chỉ một đầu kết hợp với thân thể để tạo nên một con người. Lại nữa, thân mình bổ khuyết cho đầu, bộ phận nào cũng có công dụng riêng, khác hẳn với các bộ phận kia. Mỗi bộ phận phải tùy cơ mà theo năng sức của nó. Muốn cho một Tu hội như Tu hội chúng ta được phát triển cần phải có một tổ chức chu đáo, nghĩa là cần phải có người điều hành và kẻ thừa hành. Người này việc này, kẻ kia việc kia, tùy năng khiếu. Kẻ tuân lệnh chẳng nên phân bì với người chỉ huy. Người lao động chẳng nên ganh tị với người theo học. Và tương tự như thế bởi lẽ người nọ cần người kia… Cho nên trong Tu hội chúng ta phải có những người giảng thuyết, kẻ theo học hoặc dạy học, người lo nhu cầu vật chất, kẻ lo vấn đề tinh thần. Sắp xếp như vậy dĩ nhiên đòi có sự tuân phục, nhờ đó người này giữ nhiệm vụ này, kẻ khác giữ nhiệm vụ khác; vâng phục được ví như trục xoay guồng máy Tu hội. Thiếu vâng phục mọi sự sẽ nên rối. Nếu đức vâng phục chủ trị, tất nhiên sẽ có một thân thể và một tinh thần trong việc yêu mến và phụng sự Chúa. Có người cho rằng làm công tác này nó thật phí giờ chỉ vì họ không ưa thích, hoặc cho mình có thể thành công trong những lãnh vực khác. Chớ như vậy. Mọi người hãy chấp nhận việc giao phó cho mình. Nỗ lực làm và cứ tiến trong việc đó cách êm xuôi. Còn kết quả thì sao? Chính việc hiệp nhất với nhau đã là kết quả rồi. Một kết quả đồng đều cho mọi người, cho người giữ chức cao cũng như người giữ chức vụ thấp; tới mức người giảng thuyết cũng có công ngang với người nấu bếp, rửa chén và quét nhà. Trong Tu hội sự thiện của một người được chia sẻ cho mọi người. Về sự dữ, cách nào đó cũng thế, sự dữ của một người cũng là cho mọi người. Trước mặt Chúa mỗi người sẽ ngang nhau về công phúc nhờ đức vâng phục” (IX, 573-574).

Don Bosco cứ liên tục vun trồng sự hiệp nhất về tinh thần và ý chí trong đức ái và triền miên nhắc nhở: “Một chi thể không là chi thể tốt, nếu chi thể đó không hy sinh mình để cứu tòan thân”.

Ngài cũng gợi ý về tương quan giữa bề trên và thuộc hạ qua sự duy nhất nhờ đức vâng phục. Ngài nhận định: “Đôi khi xảy ra là người ra lệnh ít xứng đáng. Phải chăng đó là lý do để không vâng phục? Không, vì làm như vậy khiến cho toàn thân ra mất trật tự và không thể hoạt động được. Cần luôn nhớ rằng bề trên đại diện Chúa. Vâng lời ngài là vâng lời Chúa. Có hệ gì nếu trong nhiều mặt ngài thấp kém hơn tôi? Công phúc vâng phục của tôi càng lớn lao hơn. Đàng khác, nên nhớ rằng thực ra việc truyền lệnh là một gánh nặng…. Hày làm nhẹ gánh đó cho bề trên bằng việc sẵn sàng vâng phục. Nếu quả thực ta coi chính mình là chi thể của thân thể là Tu hội thì ta không ngần ngại đảm nhận bất cứ trách vụ nào. Nếu thân thể này được tinh thần bác ái sinh động và được nhân đức vâng phục hướng dẫn, thì nó có khả năng để hiện hữu và có tiềm lực thể hiện những công trình to lớn: làm cho vinh danh Chúa được cả sáng và mưu ích cho phần rỗi đồng lọai và cho các hội viên là chi thể của nó”.

Ngài khích lệ những người đang gặp khó khăn cởi mở cho ngài với tất cả lòng tín cẩn để ngài trình bày cho ban Thượng cố vấn. Ngài kết với đôi lời nhắn nhủ rằng: “Ý tứ đừng làm đứt sợi dây hiệp nhất. Hãy năng viếng Thánh Thể mỗi ngày, và Thánh Thể là dấu chứng vĩ đại của sự hiệp nhất” (IX, 575).

Ngày 18 tháng 9, kết thúc tuần tĩnh tâm ở Trofarello, ngài khuyên các bề trên thi hành chức vụ với lòng bác ái và bao có thể tìm cách dựa theo bản tính của thuộc hạ mình: “Bề trên hãy tìm hiểu bản tính của thuộc quyềntính tìnhkhuynh hướng, tài năng, lối suy nghĩ, hầu có thể giúp họ vâng phục cách dễ dàng. Các ngài phải luôn nhớ rằng kẻ nào không biết vâng phục cũng không biết chỉ huy. Đừng khi nào truyền khiến một công việc khó quá sức hay quá lố bịch” (IX, 713).

Trong một lần huấn đức, Don Bosco giải thích thành ngữ “vivit purius: sống trong sạch hơn” như là thiện ích lớn cho đời tu. Ngài thấy rằng: “Một tu sĩ thì không làm theo ý riêng bao giờ, nhưng luôn làm theo ý Chúa vì đức vâng phục”. Ngài nói: “Ý ngay lành tinh hảo chính là cái làm đẹp lòng Chúa, và chỉ có thể bảo đảm bằng cách vâng phục”, “Ý riêng làm hỏng mọi việc” (IX, 986).

Vào phần cuối sách vong danh lục 1872, ngài ghi đôi lời làm kỷ niệm. Điểm thứ ba ghi: “Tu hội chúng ta phát triển mạnh, hãy sống xứng đáng với những ân huệ Chúa ban bằng cách chu tòan phận sự của chúng ta”. Điểm thứ tư ghi: “Vâng phục bề trên của mình và đức ái tương trợ là hai nhân đức cần được khích lệ hơn cả vì triền miên ai nấy đều cần đến và phải thực hành” (X, 313).

Một lời khuyên Don Bosco năng dùng nhất mỗi khi thăm các nhà là: “Đức vâng phục phải thánh hóa mọi sự” (X 1020). Như vậy, ngài đã đưa đức vâng phục tới mức độ cao nhất và rộng nhất của nó.

Năm 1875, một phụ nữ giàu có lòng từ thiện, bà Eurosia Monti đã cống hiến cho Don Bosco một biệt thự trên núi Superga với chủ đích dành cho các tư giáo lên đó nghỉ mát. Vì biệt thự chỉ đủ cho 15 người, nên ngài phải sắp xếp để các thầy luân phiên và đưa ra các qui tắc để có thể bồi dưỡng mà không mất giờ. Xong đâu đấy, ngài cho các thầy một bài huấn đức đầy tình cha con về ơn gọi, báo trước rằng mối nghi ngờ của một vài cá nhân có thể gây thiệt hại hơn là hữu ích. Lời của ngài như sau: “Các con có biết điều gì nên gánh nặng cho Tu hội không? Đó là những người, dù tài giỏi, nhưng không vâng phục. Bề trên phải lựa chiều, êm ngọt lắm mới làm cho họ vâng phục, không thì biết chắc sẽ không được vâng phục, hoặc vâng phục miễn cưỡng” (XI, 299).

Ngày 25 tháng 9 nhân dịp giảng huấn thường niên cho các giám đốc, trong số lời ngài nói có ý tưởng này: “Phải in những lá thư mà các dòng quen gọi là thư vâng lời. Các hội viên phải xuất trình thư ấy lên giám đốc nhà mà bề trên sai mình tới. Không nên quảng bá cho người ta trước khi trao thư đó. Đến nhà rồi, hội viên hãy đặt mình vâng phục giám đốc và hoàn toàn thuộc quyền ngài” (XI, 351).

Sau cùng ngài tha thiết khích lệ: “Nên nhớ rằng cho đến nay, việc vâng phục vẫn còn có tính chất cá nhân hơn là tu trì. Chúng ta hãy tránh sự bất tiện này. Đừng khi nào vâng lời chỉ vì người này hay kẻ kia ra lệnh. Nhưng hãy vâng lời vì lý do cao siêu hơn, tức là vì Chúa truyền. Chúa sai khiến qua người nào tùy theo thánh ý. Chúng ta hãy khởi công thực tập nhân đức tu trì này để rồi có thể vun trồng nó nơi người khác. Bao lâu chúng ta chưa thành công trong việc này, chúng ta sẽ không đạt gì nhiều. Đừng làm việc vì ham thích hay để mua lòng kẻ truyền lệnh, hoặc vì cách thức người đó ra lệnh. Nhưng hãy làm vịêc cách vui vẻ, vì lệnh ấy đựơc truyền ra. Qui tắc này phải được nhắc đến trong các bài giảng và huấn đức, trong tòa giải tội và bao có thể trong bất cứ hình thức nào khác” (XI, 356).

Kết buổi huấn đức thường niên vào đầu năm ngày 3 tháng 2 năm 1876, Don Bosco huấn đức một bài về việc tuân giữ Hiến luật, về sự hiệp nhất trong việc làm và về nhân đức vâng phục. Ngài nhấn mạnh mục đích chung của sự hiệp nhất trong vâng phục: “Thiện ích mà các dòng tu chờ mong thường có được nhờ điều này: làm việc tập thể. Bằng không chớ mong làm nên chuyện gì to lớn. Nếu chúng ta xa cách điều Hiến luật đòi buộc và cứ làm theo ý riêng, thì kẻ kéo đàng này người kéo đàng kia, mục đích tốt đấy, nhưng chỉ là riêng rẽ. Từ đó đưa đến chểnh mảng, lỏng lẻo. Công việc như vậy hẳn sẽ không được Chúa chúc lành như xưa nữa. Và rồi sẽ cần tới sự cải tổ. Điều đó sẽ làm cho dòng suy yếu như chúng ta thừơng thấy xảy ra nơi nhiều dòng tu. Chung cục, sẽ dẫn tới sự mất mát lớn lao cho phần rỗi linh hồn. Rồi sao nữa? Đổ vỡ tòan diện” (XII, 80-81).

Don Bosco còn gợi đến một nguyên tắc khác mà ta đã có dịp trích dẫn ở trên về việc tuân giữ Hiến luật: “Giữa chúng ta bề trên phải là tất cả… Tu luật và bề trên cả phải là một… Điều nói về bề trên cả trong tương quan với Tu hội cũng có thể nói về giám đốc trong mỗi nhà… Ngài còn phải được coi là hiện thân của Tu luật”. Điều này giúp cho sự lệ thuộc của bề dưới vào bề trên được dễ dàng hơn. Sự lệ thuộc phải được sống “một cách sống hồn nhiên, không ép buộc. Các thuộc hạ phải tìm cách bênh vực và trợ giúp, nâng đỡ và che chở giám đốc của mình, luôn đứng sát bên ngài, dường như nên một với ngài, không làm gì mà chẳng lệ thuộc vào ngài…” Vị thánh tiếp tục giải thích rằng sự lệ thuộc này tất nhiên phải được hiểu theo óc phán đóan đúng đắn: “khi một người giữ chức vụ thì không nhất thiết lúc nào cũng phải xin phép làm việc những việc mà thông thường chức vụ đòi làm. Chỉ cần đừng làm việc theo hứng là đủ rồi” (XI, 82).

Ngài kết bằng cách để lại một ý tưởng hướng dẫn tương lai. Ngài nói: “Vâng phục, đây là ý tưởng bổ ích cho mọi nhà. Nó sẽ là chỉ nam cho năm nay và luôn mãi. Y tưởng này khi đã được tuân theo, nó sẽ làm cho Tu hội chúng ta triển nở”. Ngài dẫn giải: “Đúng vậy, mỗi người trong lãnh vực của mình phải tìm cách vâng phục từ Tu luật cho đến từng mệnh lệnh của các bề trên. Ai nấy tự mình tuân giữ và cổ võ các hội viên khác. Nhân đức vâng phục phải được vun trồng nơi các bề dưới, học sinh và mọi người. Khi nhân đức này chủ trị trong nhà dòng, mọi sự sẽ xuôi xắn. Một vị đại thánh nói rằng: “Tất cả lòng đạo đức hệ tại ở vâng phục. Nhân đức này sinh ra các nhân đức khác và gìn giữ chúng. Ta cứ vâng phục rồi sẽ có đức nhẫn nại, đức bác ái và đức thanh khiết vì đó là phần thưởng đặc biệt dành cho kẻ khiêm nhường. Vậy đức vâng phục phải là chủ đề cho sách thiêng, giảng huấn và huấn từ…” (XI, 82)

Trong kỷ niệm Don Bosco trao cho các hội viên vào cuối tuần tĩnh tâm ngày 18 tháng 9 năm ấy, cùng với đức nhẫn nại và trông cậy, ngài khuyên nhân đức vâng lời. Ngài trình bày đức nhẫn nại theo lối riêng mà ngài quen suy diễn: “Nhân đức này thật cần thiết để chu tòan bổn phận một cách chu đáo, để thực thi Hiến luật trong mọi sự, và để chính xác thể hiện các chức năng của chúng ta. Cả bề trên lẫn bề dưới cần nhân đức này và có nhiều cơ hội phải sử dụng đến nó. Bởi thế, cần phải có nhân đức này thật dồi dào” (XI, 453).

Ngài chuyển sang ý tưởng nói về đức nhẫn nại, như một kiên trì bền bỉ làm việc bổn phận, được nâng đỡ do lòng trông cậy vào phần thưởng. Noi về phần thưởng lớn lao Chúa dành cho chúng ta trên trời, ngài dừng lại trên đức vâng phục, như là nhân đức bao gồm và nối kết hai nhân đức kia: “Cha khuyến khích các con rất nhiều: hãy vâng phục một cách nhẫn nại. Cha ước mong rằng khi đầu óc chúng ta ra chai đá không muốn vâng phục thì ta hãy ngước nhìn thiên đàng với lòng trông cậy. Đức vâng phục được giữ trọn vẹn là hồn sống của các dòng tu, cũng là nhân đức khiên cho các dòng có tinh thần hiệp nhất. Biết bao việc lành có thể thực hiện được nếu tất cả cùng lệ thuộc hoàn toàn vào một người, người này, do chính địa vị của mình, có nhãn quan bao quát hơn, sẽ biết làm thế nào cho mọi điều được tốt đẹp… Các thiện ích sẽ tăng bội và mọi việc đều nên trọn, miễn là có vâng lời tuyệt đối”. Sau hết, ngài nhắc nhở rằng đức vâng phục có khả năng tăng công phúc của mọi hành vi, ngay cả những hành vi hèn mọn. Kế đến, ngài đề nghị một lược đồ xét mình cho tĩnh tâm tháng, tức là dọn mình chết lành (XI, 459).

Ngài tổng hợp và định nghĩa phạm trù vâng phục Salêdiêng trong một thư luân lưu quảng diễn bằng la ngữ. Ngày 8 tháng 12 năm 1880, ngài gởi các Salêdiêng một bản tóm tắt các nghị quyết trong Tổng Tu Nghị diễn ra vào tháng 9: “Oboedientia inter nos sit de facto, erga Superiores, quoad Constitutiones, quoad officia unicuique commissa: giữa chúng ta đức vâng phục phải cụ thể, đối với bề trên, cũng như   Tu luật và phận vụ của mỗi người” (XIV, 794).

Ngày 4 tháng 10 năm 1885 sau khi nhận lời khấn của 45 tập sinh tại trường thánh Benigno, ngài kết thúc bài giảng truyền thống về sự cao cả của lời khấn bằng cách vạch cho thấy trong đức vâng phục có cả một chìa khóa mở kho trung thành tu trì: “Nếu các con muốn có một chìa khóa để giữ lời khấn, thì đây cha cho các con mọi nhân đức được gói trong đức vâng lời. Mọi nhân đức có thể tiêu tan nếu không chính xác vâng phục, đặc biệt trong những việc nhỏ mọn, là điều dẫn tới các việc lớn” (XVII, 561).

Năm sau 1886, khi thi hành trách vụ này lần chót, ngài khuyên phải có đức ái với bề trên, bằng cách luôn vâng lời để khỏi làm phật lòng các vị ấy để các ngài khỏi phải ca thán. Đọan ngài nghiêm khắc cảnh cáo: “Thật là một tội phạm thánh nếu đã khấn vâng phục mà còn sống như một vài kẻ vâng lời chỉ khi hợp sở thích” (XVIII, 207).

Hôm 30 tháng 3 năm 1876, Don Bosco cho một bài huấn từ tối khá mạnh, trực tiếp nhắm vào mấy học sinh không chịu vâng theo một số qui luật, trong dịp du ngọan trước đó ba hôm, cốt ý nhắc cho tất cả phải vâng lời. Ngài nói: “Các con tưởng cứ tùy tiện làm gì thì làm sao? Mỗi lần làm việc gì, bề trên phải đặt mình trước Chúa, tự kiểm điểm lương tâm, cầu xin ơn soi sáng cho thấy phải sắp xếp thế nào hầu có ích cho thuộc hạ của mình, họ đắn đo và cân nhắc kỹ lắm mọi công bố theo như ý Chúa soi dẫn. Cha không hiểu tại sao có kẻ chẳng hiểu gì (giữa chúng con có đứa đầu rỗng, các con phải hiểu chứ), chúng không hiểu cho rằng chính Chúa đã cắt đặt các bề trên và ban cho các ngài ơn địa vị để cai quản các thuộc hạ. Omnis potestas a Deo: mọi quyền bính đều bởi Thiên Chúa. Cha cũng chưa hiểu tại sao mấy đứa vẫn còn không thấu triệt điều này là Chúa ưa chuộng sự vâng phục và ai vâng phục không thể sai lầm… Các con hãy tín nhiệm bề trên, hãy tin tưởng tuân theo những chỉ thị của các ngài, không cần bàn cãi, như thế, các con sẽ hài lòng. Dẫu sao các ngài cũng có tuổi hơn, kinh nghiệm thực tế hơn, có học hơn. Vả lại, các ngài còn thương mến các con nữa” (XII, 146-147).

Đang khi cảnh cáo các học sinh như thế, ngài cũng nhằm cho các bề trên một bài học để họ nắm giữ phần thắng lợi vẻ vang của nhân đức vâng lời!

Đức cha Giacomo Costamagna trình bày trong án phong thánh như sau: “Don Bosco đã khôn khéo sử dụng đức vâng phục biết bao. Trứơc tiên ngài thường lựa chiều theo khuynh hướng tự nhiên của chúng tôi. Bởi thế, đối với chúng tôi, kẻ thuộc quyền, ngài tìm cách ủy cho những trọng trách và công việc được chúng tôi ưa thích hơn cả. Thế rồi, khi thấy việc ngài truyền có vẻ nặng nhọc và cam go, ngài biết dùng sự khôn khéo thánh thiện để đạt ý muốn. Ngài hay đón đợi nói với từng người sau lúc chịu lễ bởi vì đó là giây phút thuận lợi nhất để đặt thánh giá trên một người. Do đó, ngài mỉm cười gặp chúng tôi, kéo tay và nói: Cha cần con, con làm giúp cha việc này chứ?” (X, 1029).

Vị Giám mục Salêdiêng thứ hai này không quên được cái kỷ niệm êm đềm khi còn là tư giáo. Mùa hè năm 1864 Don Bosco ngỏ ý sai thầy sang dạy nhạc ở trường Lanzo Torinese. Trường được khai giảng vào tháng 10. Lúc ấy thầy trình bày cảm nghĩ của mình là không thích rời Nguyện xá. Tháng 10 đến, thầy tham dự cùng với khoảng một trăm thanh thiếu niên và bề trên cuộc đi dạo do Don Bosco tổ chức cắm trại trên đồi, nơi sinh quán của ngài để mừng lễ Mẹ Mân Côi. Từ đó trở xuống tham quan Genova và trên đường về Torino, ngài cho trẻ ghé qua Mornese và Acqui, tính ra 17 ngày. Thầy Costamagna trong thời gian này cứ lẩn tránh Don Bosco vì sợ ngài khơi lại vấn đề. Vậy mà tới Acqui, các trẻ trọ ở chủng viện địa phận. Đang lúc các học sinh há miệng nghe vị giám mục nói chuyện, vị thánh men tới gần và đòi thầy trả lời. Thầy lúng túng thưa: “Thưa cha, con sẽ trả lời tối nay hoặc sáng mai khi trở về Torino”.

Tối hôm đó, sau kinh tối, thầy về phòng và gặp Don Bosco đang dọn giường cho thầy, vì buổi sáng thầy chưa dọn. Một sự xúc động dâng lên nghẹn ứ cổ họng làm thầy khóc cả đêm. Sáng hôm sau, thầy chạy đến phòng Don Bosco, lúc đó ngài đã thức, đang đi đi lại lại đọc kinh. Thầy thưa: “Cha ơi, cha sai con đâu tùy ý, con chịu không nổi” (XII, 777).

Don Bosco rất giỏi thông cảm với sự yếu đuối của những kẻ mới tập sự, nhưng cũng biết đòi lòng hy sinh anh hùng nơi các hội viên khi đã nắm vững mức độ nhân đức của họ.

Năm 1870 ngài đánh điện mời cha Cerrutti từ Mirabello về điều hành trường Alassio. Cha này đang mắc bệnh nặng. Bác sĩ và các hội viên rất quản ngại cho tính mạng của cha và cha giám đốc nhà, cha Bonetti báo cho Don Bosco biết tình trạng nguy hiểm của cha Cerruti, thế nhưng vị thánh vẫn đòi phải đi ngay. Cha Cerruti vâng lệnh. Cuộc hành trình kéo dài 8 tiếng, hết xe lửa sang xe ngựa, mệt nhọc đến độ gần như bất tỉnh. Nhưng vừa tới Alassio thì cơn bệnh biến tan và cha cảm thấy khỏi hẳn. Một hôm, Don Bosco gợi lại chuyện này và nói với ngài: “Khi phải dùng thí dụ về câu “vir oboediens loquetur victoriam – người vâng phục ca khúc chiến thắng” con không cần phải tham khảo ví dụ trong sách nào khác” (IX, 931).

Mù thu năm 1881, Don Bosco chuyển cha Phaolô Albera từ chức vụ giám đốc nhà Sampierdarena lên chức vụ giám tỉnh các nhà bên Pháp tại Marseille. Khổ thân, cha Albera như bị sét đánh. Nhiều người đáng kính kêu van cho Bosco cứ để cha Albera ở lại Sampierdarena, vì ngài được nhiều uy tín trong tỉnh Genova. Dù cha Albera nhờ cha Belmonte trao đổi ý kiến, nhưng vẫn không đủ lý làm cho Don Bosco thông cảm và miễn thứ, cho nên ngài phải đích thân về Torino trình bày những khó khăn. Vị thánh vẫn không cho để cho ngài mở miệng ngỏ lời. Vị thánh hỏi đón đầu: “Sao, con chưa đi Marseille à? Hãy đi ngay lập tức”. Cha Albera nâng tay, nghẹn ngào hôn kính, về thẳng Sampierdarena, dọn hành lý lên đường sang Marseille. Tới nơi, ngài được dân Pháp mộ mến đến nỗi gọi ngài là “le petit Don Bosco – Don Bosco nhỏ” (XV, 455-456).

Chương 8

Hướng Dẫn Thiêng Liêng

Don Bosco đã vui hưởng những niềm vui đầu tiên của việc hướng dẫn thiêng liêng, khi cha Calosso cho ngài ở trong nhà xứ để dạy ngài học đôi chút và đưa ngài vào ơn gọi.

Làm linh mục rồi, Don Bosco đã hiến trọn cuộc đời hướng dẫn cho các thanh thiếu niên, cách riêng trong phạm vi thừa tác vụ thánh. Ngài tín nhiệm chúng đến nỗi chúng bộc lộ tâm sự một cách tự nhiên và dễ dàng ngay cả ngoài tòa cáo giải.

Vừa vạch hướng đích ơn gọi cho các tu sinh xong, ngài đã dồn nỗ lực lo hướng dẫn thiêng liêng qua cả tòa trong lẫn tòa ngoài, dù phải bận rộn với rất nhiều công việc. Khi tu hội đã hình thành, ngài thường hay gọi người này người nọ để bàn bạc về đời sống và trách vụ của họ cũng như của Nguyện xá.

Khi tiếp nhận những đợt khấn sinh đầu tiên, ngài sắp xếp và tha thiết kêu mời các khấn sinh liệu dịp thuận tiện đến mở lòng cho ngài, hầu được giúp đỡ trong mọi nỗi khó khăn (VII, 162).

Ngài làm cho việc bàn hỏi thiêng liêng thành đáng yêu chuộng, đến nỗi cha Alasonatti, khi chỉ còn ít tháng nữa là qua đời, trong thời gian dưỡng bệnh ở sinh quán là Avigliana, để được nâng đỡ trong lúc sức khỏe suy sụp, ngày 20 tháng 5 năm 1865, đã bàn hỏi qua thư từ (VII, 127-128).

Ngài thường xuyên tập họp tất cả để nghe giảng huấn trong bầu khí gia đình. Cha Ceria đã làm sáng tỏ điểm này như sau: “Một trong những phương thế Don Bosco năng dùng để gieo vào lòng các con cái của ngài những tâm tư của mình và củng cố tu hội mới thành lập là năng triệu tập các hội viên để huấn đức. Trong các lần hội họp như thế, ngài đối xử với họ trong tình cha con hơn là trong uy thế của một bề trên. Ngài hiệp thông sâu xa với họ nơi những ý nghĩ và dự định, làm cho họ gắn bó với công cuộc của ngài, và đưa họ ngày càng gắn bó với nhóm ” (XI, 157-158).

Ngày 15 tháng 8 năm 1869, ngài viết một luân thư thích đáng để khích lệ việc bàn hỏi. Xin dẫn chứng với nét chính yếu: “Ta có khoản trong Tu luật bàn về mối tương quan tín nhiệm giữa bề trên và bề dưới. Chương năm khoản 6 ghi rằng: Mỗi người hãy tin tưởng nơi bề trên, đừng dấu các ngài điều gì bí ẩn trong lòng. Khoản luật này rất quan trọng. Cần ý thức rằng việc đàm thoại giữa các bề trên và những thuộc hạ mang lại ích lợi lớn lao. Làm như vậy, các thuộc hạ có thể hoàn toàn tự do trình bày những nhu cầu và xin lời khuyên thích hợp, đang khi đó các bề trên có thể nhận biết tình trạng của hội viên, đáp ứng các nhu cầu, lấy những quyết định phù hợp giúp giữ luật một cách dễ dàng, đồng thời đem lại ích lợi cho cả Tu hội… Để đạt được những ích lợi như vậy, thiết nghĩ ta nên xác định vài điều thì mới đạt thành quả của khoản luật trên:

  1. Mỗi tháng nên có hai bài giảng huấn. Trong đó một bài đọc và cắt nghĩa Tu luật của Dòng. Bài thứ hai bàn về vấn đề luân lý, nhưng với cung cách thực tế thích hợp cho người nghe.
  2. 2. Mỗi hội viên nên gặp giám đốc nhà một tháng một lần và tỏ bày cho ngài những gì mình nghĩ là ích lợi cho linh hồn. Giả như có ngờ vực về việc tuân giữ Hiến luật, họ nên trình bày bằng cách xin ngài lời khuyên thích hợp cho lợi ích thiêng liêng và vật chất. Về phía giám đốc, với đức ái cần thiết ngài nên lắng nghe mọi sự vào giờ nhất định, cũng nên tìm cách hỏi han từng người về tình trạng sức khỏe thể lý, về phận vụ, về việc tuân giữ tu trì, học hành hoặc công tác họ phải chu toàn. Sau cùng ngài tìm cách khích lệ, giúp hội viên bằng việc làm hoặc bằng những lời khuyên để họ được bình an trong tâm hồn và sống thanh thản. Đây cũng là mục đích chính của tất cả mọi người thuộc về Tu hội này…

Riêng đối với nhà mẹ thì có một luật trừ, nơi đây tất cả những ai thuộc ban cố vấn và các linh mục đều có thể đi gặp bề trên cả để trình bày vấn đề. Việc bàn hỏi với bề trên của mình là thói quen vốn hiện hành trong mọi nhà tu, rất có ích lợi. Bởi vậy, cha hy vọng nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả chúng ta nữa, cách riêng giúp mưu cầu bình an cho tâm hồn và đem lại sự thanh thản cho lương tâm” (IX, 688-689).

Ngay trong hồi sử cuốn IX cũng ghi lại toàn bộ bài giảng huấn của Don Bosco về vấn đề bàn hỏi vào dịp tĩnh tâm tại Trofarello. Bài khơi mào với lời sách huấn ca: “Amicus fidelis medicamentum vitae – Người bạn trung tín bảo trọng sinh mệnh” (Hc 6, 16). Ngài giải thích: “Người bạn này, kho tàng này chính là bề trên. Theo Hiến luật, chúng ta phải có lòng tin tưởng vô song nơi bề trên trong mọi sự kể cả những điều thuộc lương tâm nữa”. Không có gì mới lạ, Dòng tu nào cũng giữ thói quen này. Các thánh giáo phụ coi đó là bước đầu của đường trọn lành… Nó ích lợi cho việc chữa trị linh hồn… hữu ích cho sức khỏe… hiểu biết nhau và giải quyết những bất trắc… Nhờ đó có thể trao cho đương sự những công tác không qúa sức… Nó giúp ích cho bề trên trong việc đặt thuộc hạ vào những việc hữu ích, chứ không gán ghép… nhưng trái lại có thể lựa theo khuynh hướng mà trao nhiệm vụ tùy đức tính mỗi người… Nó ích lợi cho dòng tu… một khi đã bộc lộ tình trạng nội tâm, đương sự được nhiều an ủi và dễ vâng phục…Vậy hãy làm: giống một bệnh nhân bày tỏ tình trạng ốm yếu cho bác sĩ, không sợ làm phiền hay mất giờ bề trên… Đừng thoái thác việc này bằng cách lấy cớ là chỉ có chuyện nhỏ nhặt chẳng đáng kể và biết bề trên sẽ nói gì rồi” (IX, 995-996).

Ngày 15 tháng 11 năm 1873, Don Bosco viết một luân thư để quảng diễn về kỷ luật đời tu, cổ võ tuân giữ nhũng luật chung và riêng theo trách vụ, vạch chương trình cho giám đốc, phó giám đốc, giám linh, tập sư và các hộ trực viên, rồi tha thiết khích lệ mỗi người: “Báo cáo cho bề trên hết thảy những gì khả dĩ phát huy thiện ích và ngăn ngừa sự lỗi lầm đến Chúa” (X, 737; 1101; 1103). Trong các phiên họp cùng năm, Don Bosco nhắc đi nhắc lại lời khích lệ trên cho các giám đốc, với nghị quyết III liên quan khoản Hiến luật 4 (X,1118).

Ngài thêm vào đó những quy tắc riêng các giám đốc, sau được bổ túc thêm để kết thành bài kỷ niệm cho các giám đốc vào năm 1876. Ngài cũng nhấn mạnh hơn về việc hỏi các hội viên xem “Họ có gặp những khó khăn nào trong khi thi hành chức vụ, có nguy hiểm nào về ơn gọi không, có thấy những rối trật tự nào trong nhà hoặc cần làm gì để ngăn ngừa sự xúc phạm đến Chúa và tránh gương xấu không” (X, 108). Ngoài ra, ngài còn nhấn mạnh hơn nữa rằng: “Việc bàn hỏi và xưng tội là hai việc biệt lập. Việc bàn hỏi chỉ xoay quanh những việc bên ngoài, bởi vì chúng ta luôn cần nó mọi trừơng hợp, nếu không thì không thể thực hiện được. Trường hợp phải đi vào vấn đề lương tâm nhị thì đừng lẫn lộn với điều thuộc phạm vi tòa cáo giải” (X, 1049).

Trong bài huấn đức vào mùa thu năm 1875, Don Bosco bàn sâu rộng hơn bằng cách định nghĩa: “Việc bàn hỏi là chìa khoá giúp cho công việc trong nhà được xuôi chạy tốt đẹp“. Ngày 24 tháng 9 ngài khẳng định: “Cách chung trong những lần bàn hỏi, các hội viên mở lòng nói lên nỗi lo âu khổ sở và chẳng may có sự bất ổn nào, họ trình bày. Đây cũng là phương thế linh nghiệm cho việc sửa sai, ngay cả rất kiên quyết nếu cần, mà không phật lòng. Hơn nữa, việc chỉnh lỗi ngay lúc vi phạm thường là một hành vi nguy hiểm. Đương sự vì còn đang ở trong lúc nóng giận của tâm trí, khó có thể nhìn ra khía cạnh tốt của việc sửa sai và ngay chính chúng ta rất có thể làm vì lý do nóng nảy. Ngược lại, khi ta sửa sai cách điềm tĩnh với tư thế hài hoà như thường làm trong lúc bàn hỏi, đương sự dễ nhận ra lỗi mình. Họ sẽ ý thức việc lưu ý tới các lỗi lầm để sửa sai và rút kinh nghiêm là bổn phận của bề trên” (XI, 346).

Vào ngày 25 tháng 9 một trong những qui tắc cụ thể được ngài nêu lên là: “Theo cha nghĩ chìa khóa cơ bản về trật tự và luân lý, một phương thế khả dĩ giám đốc dùng được, đó là đúng hẹn nghe bàn hỏi mỗi tháng, không nên bỏ qua vì bất cứ lý do gì và nên làm việc này một cách thận trọng và chu đáo” (XI, 354).

Gợi lại hai điểm chính xong, ngài nói: “Nếu qua việc bàn hỏi, ta biết đuợc chuyện gì bất trắc hoặc nguyên cớ cho những vô trật tự nơi một hội viên, nên ghi lấy, đợi đến phiên người ấy vào bàn hỏi, thì hỏi theo cách gợi ý hoặc thẳng thắn nêu vấn đề, tùy theo trường hợp. Làm như thế, ta có thể tránh những trục trặc trầm trọng mà vẫn không phật lòng. Kế đến, ta nhắc cho đương sự biết khuyết điểm vì vô tình họ đã mắc phải khiến gây rối trật tự và gương xấu. Trong những dịp bàn hỏi, hãy ý tứ đừng đi sâu vào lương tâm. Vấn đề này luôn đòi một sự biệt lập: việc bàn hỏi chỉ xoay quanh những vấn đề bên ngoài, và chúng ta được dùng trong mọi trường hợp. Nếu đi sâu vào lương tâm, chúng ta rất có thể lầm lẫn vì đã lộn bàn hỏi với xưng tội” (XI,355).

Trong các phiên học tập về thánh Phaxicô Salê năm 1876, vấn đề được đưa ra có nên đi sâu vào lương tâm qua việc bàn hỏi hay không. Lúc bấy giờ chưa có giải đáp phủ quyết của giáo luật mà sau này sẽ có hiệu lực. Giáo luật ấn định: “Cấm các bề trên dòng đưa thuộc hạ vào thế buộc họ phải thổ lộ lương tâm cho mình. Tuy nhiên, không cấm các tu sĩ thuộc hạ tự nguyện giãi bày tâm tư của họ cho các bề trên; sau nữa họ nên lấy tình con thảo đầy tin tưởng mà trình bày cho các bề trên và nếu là linh mục, cũng có thể bày tỏ các nghi ngờ và băn khoăn của lương tâm” (Can 530, 1-2).

Khoản giáo luật trên, Don Bosco đã lượng trước được khi ngài đưa ra các qui định khôn ngoan. Tuy nhiên, điều thích đáng là các bề trên nên khôn ngoan hỏi cho biết về khuynh hướng và những thói quen của các tu sinh cũng như hội viên, bởi vì điều đó chưa phải là chất liệu của tòa cáo giải, những chuyện đó có thể giúp ích nhiều cho các bề trên trong việc phân công và hướng dẫn họ vâng phục một cách thích đáng (XII, 60).

Ngày 28 tháng 9 năm nhân dịp kết thúc tuần đại phúc 1876, Don Bosco kể giấc mơ những con bò điên. Người hướng dẫn trong mộng mách cho ngài một châm ngôn độc đáo của Tu hội: làm việc và tiết độ giúp Tu hội phát triển” (XII, 466). Rồi ngài kết bằng lời cảnh báo rằng cần phải tránh bốn chiếc đinh làm tu hội khốn khổ là: Tật mê ăn uống, tìm tiện nghi, lẩm bẩm và lười biếng. Ngoài ra còn phải nói tới việc mỗi người cần thẳng thắn và tín nhiệm vào bề trên của mình” (XII, 469).

Nhân dịp họp Tổng Tu Nghị II tại Lanzo vào tháng 9 năm 1880, Don Bosco nhấn mạnh các giám đốc về bổn phận việc chu toàn bàn hỏi hàng tháng (XIV, 520). Ngài soạn ra một điều trong các quyết nghị: “Các giám đốc phải hết sức quan tâm giúp các hội viên thoải mái và thuận tiện để cởi mở cõi lòng mỗi tháng một lần” (XIV, 794).

Năm 1884, vị thánh đã thêm vào chúc thư lời lẽ sau đây: “Bao có thể các giám đốc đừng quên nghe bàn hỏi hàng tháng và trong dịp đó, mỗi giám đốc phải trở nên người bạn, người anh và người cha đối với thuộc hạ của mình. Hãy giúp các hội viên có đủ thời giờ và tự do để suy tư, để có thể giãi bày nhu cầu và cảm nghĩ của họ. Về phía giám đốc, nên cởi mở tâm hồn cho tất cả, đừng bực bội với ai, chớ nhắc lại những khuyết điểm quá khứ, trừ khi cần làm thế để từ tốn khuyên nhủ hoặc ưu ái nhắc nhở bổn phận cho kẻ sao nhãng. Ngài nên tìm cách tránh đề cập đến vấn đề can hệ đến tòa cáo giải trừ khi hội viên yêu cầu ngài làm như vậy. Trong những vụ đó, không bao giờ được giải quyết việc đó qua phạm vi tòa ngoài mà chưa được đương sự ưng thuận” (XVII, 206).

Thật là một luật vàng, với sự xác định thật chính xác!

Có một mục rất lý thú xảy ra trong phiên họp của ban thượng cố vấn ngày 12 tháng 9 năm 1884, là khi cha Sala, tổng quản lý, đề nghị cho các uỷ viên bàn thảo về huy hiệu với khẩu hiệu “Sinite parvulos venire ad me – hãy để các trẻ lại cùng ta”. Các uỷ viên bác ngay, vịn lẽ rằng các dòng đã dùng khẩu hiệu đó rồi. Don Bosco cứ mặc cho các vị ấy đề nghị những khẩu hiệu khác. Sau cùng, ngài nói: “Đã có một khẩu hiệu được chấp thuận ngay từ thời đầu của Nguyện xá, trong thời cha còn ở lưu xá (vì lúc đó Nguyện xá còn đang sinh hoạt trên mảnh đất của lưu xá cho các giáo sĩ từ năm 1841 – 1844), hồi cha còn hoạt động cho trại cải huấn, đó là câu: “Da Mihi Animas, coetera tolle – xin cho con các linh hồn, còn mọi sự khác xin cất đi“. Ban thượng cố vấn nhiệt liệt tán thành ý kiến của Don Bosco và đồng thanh chấp nhận khẩu hiệu có tính lịch sử ấy (XVII, 365).

Về việc bàn hỏi, ngài phát biểu trong phiên họp ngày 24 tháng 10 năm 1884 như sau: “Ban thượng cố vấn và thư ký làm bàn hỏi nơi Don Bosco, cứ buổi chiều sau 6 giờ, cha sẵn sàng nghe bàn hỏi và giải tội. Riêng việc ngồi tòa, cha muốn ấn định vào mỗi thứ năm. Cha cũng thích vào phòng áo sớm như trước đây, nhưng sợ quá nhiều người đến làm cha mệt mỏi. Cha Francesia có nhiệm vụ nghe bàn hỏi của những linh mục nào không có chức vụ nhất định giữa trẻ học chữ và học nghề, cũng như các nhân viên coi sóc chúng. Cha Rua sẽ lo nghe bàn hỏi của các hội viên lớn tuổi vì những người khác khó mà cáng đáng nổi công việc này. Tính ra chỉ có độ bốn hay năm người gì đó“.

Cha Lazzero ý kiến rằng nếu phải nghe bàn hỏi của 80 người thì khó mà tìm ra đủ thời gian. Don Bosco trấn an cha ấy bằng một qui tắc thực tiễn như sau: “Không nên hiểu chữ hàng tháng cách máy móc. Cứ thong thả xúc tiến công việc, tuỳ theo người mong muốn và ích lợi nỗ lực tìm cầu ích lợi đó. Lúc ban đầu việc bàn hỏi xem ra rất lâu dài, nhưng kết cục có thể rất ngắn gọn. Đối với một số hội viên cần phải chính xác mỗi tháng một lần. Đối với số khác, hai tháng một lần cũng được, nhưng lâu hơn thì không nên. Đối với một số ít, cần phải nhắc cho họ vào khoảng cuối tháng. Cha  khuyên con đừng làm việc bàn hỏi bằng cách tản bộ ngoài sân. Hãy sai người mời họ vào phòng để việc đàm thoại được thoải mái và không bị chi phối. Công việc bàn hỏi có tầm mức quan trọng đến nỗi được coi như chìa khoá chính mở cửa tòa nhà Tu hội. Ai có trọng trách nghe bàn hỏi nên vận dụng đức ái bao có thể, vừa chuyên chăm và đúng hẹn, cha đã hỏi nhiều người và họ trả lời: “Đã 6 tháng, đã một năm, đã 2 năm, con chưa bàn hỏi. Chểnh mảng trong việc này sẽ làm tinh thần Tu hội sa sút. Khi gặp một hội viên khó tính, bề trên đừng mất kiên nhẫn. Không nên nói thế này về một số người: Nói với họ vô ích thôi. Hãy gọi họ, đừng tỏ ra mệt mỏi phải nhắc nhở. Hãy kiên trì xúc tiến công việc và lấy lòng đạo đức mà hướng dẫn họ” (XVII, 375).

Ngày 10 tháng 9 năm 1885, Don Bosco nhắc cho các Tu nghị viên về bổn phận nhận bàn hỏi hàng tháng qua lời lẽ sau: “Cần nhấn mạnh cho các giám đốc để họ khỏi quên công việc bàn hỏi và để cho việc này mang lại ích lợi, họ phải nghiên cứu xem phải nói những lời gì. Một số đã sao nhãng bổn phận này. Một số giám đốc khi bị khiển trách vì đã bỏ quên bổn phận này, đã biện hộ cho mình rằng: ‘Con không biết phải nói gì’. Vậy, hãy hỏi về việc nguyện ngắm, học hành, hộ trực học sinh, khó khăn khi thi hành nhiệm vụ, chẳng phải là những duyên cớ và đề tài phong phú cho việc bàn hỏi hay sao? Nếu các ngài có óc phán đoán một chút, ắt phải cám ơn vạn lần về những điều mình học hỏi được trong giờ phút bàn hỏi. Thế mà việc bàn hỏi đã nên như không quan trọng tới mức lờ đi. Điều giám đốc phải thi hành thì lại bỏ qua. Việc bàn hỏi là chìa khoá mở cửa cho mọi công việc của Tu hội được xuôi chạy” (XVII, 665).

Qủa là những qui tắc thực tiễn khôn ngoan giải quyết được ngay cả những khó khăn của thời đại chúng ta và ngăn ngừa mọi vấn nạn!

Trong cuốn hiến luật đầu tiên in năm 1874, khoản 4 trong chương bàn về đức vâng phục ấn định: “Mỗi người hãy đặt hết tin tưởng vào bề trên. Sẽ thật ích lợi cho hội viên việc thỉnh thoảng báo cáo với bề trên về đời sống bên ngoài của mình. Mỗi người hãy thành thật và mau mắn tỏ cho các bề trên …”.

Các Tổng Tu Nghị xác định rõ hơn về nhiệm vụ này như sau: “Mỗi người phải bày tỏ cho bề trên của mình…“. Và các nghị quyết của Tổng Tu Nghị năm 1906 minh xác: “Mỗi tháng ít là một lần, hội viên tới bàn hỏi về đời sống bên ngoài của mình với giám đốc hay với một vị nào được ấn định”. Tổng Tu Nghị cũng lượng định trước những khó khăn giám đốc có thể gặp, nên đã ‘chấp thuận trường hợp một hội viên có thể được uỷ nhiệm thay giám đốc để nghe bàn hỏi’.

Hiến luật năm 1922 đã đưa nghị quyết này vào khoản luật 48: “Vì thế, mỗi tháng ít là một lần, hội viên tới bàn hỏi về đời sống bên ngoài của mình với giám đốc hay vị nào được ủy nhiệm chức vụ này”.

Năm 1886, phiên họp Tổng Tu Nghị cuối cùng có Don Bosco chủ toạ, một trong những đề nghị mà đức cha Cagliero đã nêu ra là nên dành cho các giám đốc một bài giảng huấn đặc biệt. Tổng Tu Nghị cũng chấp nhận cả đề nghị thứ năm liên quan đến vấn đề bàn hỏi với qui định rằng: “Cần đều đặn thực thi việc bàn hỏi. Chuyên cần thi hành bàn hỏi sẽ làm cho công việc các nhà trôi chảy” (XVII, 176 – 179). Nó giúp khắc phục mọi khó khăn và rút ra những ích lợi lớn lao.

Chương 9

Làm việc và Tiết Độ

Ngày 18 tháng 9 năm 1876 khi kết thúc tuần tĩnh tâm năm, Don Bosco đã kể lại một giấc mơ làm ngài trằn trọc mấy đêm và gây nên một ấn tượng mạnh cho ngài. Ngài bị ấn tượng đến độ đã dùng nó làm kỷ niệm tuần tĩnh tâm. Câu truyện được viết lại toàn bộ trong hồi sử cuốn XII, được chia làm bốn phần từ trang 463 đến trang 469.

Hình như thánh nhân cùng với các người dự cuộc tĩnh tâm đang trở lại Torino trên những chiếc xe mà ngài không biết diễn tả ra sao. Vào một lúc nào đó, có một nhân vật kỳ lạ đòi buộc Don Bosco quay hướng những chiếc xe vào một cánh đồng rất rộng rãi, ở đó ông ta ra lệnh cho tất cả phải xuống xe và nằm úp mặt xuống đất. Thình lình xuất hiện một con bò mộng điên xông đến để tiêu diệt những ai không vâng lời. Những người vâng lời thì được cất bổng lên không khí, làm cho con bò mộng bảy sừng lượn đi lượn lại để húc mà không làm gì được.

Một sức mạnh vô hình đưa họ trở lại mặt đất. Các tu sĩ Salêdiêng được mời hướng về phía đông. Cảnh tượng lúc này đổi thay và Don Bosco nhận thấy, không biết làm thế nào, mà tất cả mọi người đều có mặt trong một nhà thờ, long trọng chầu Thánh Thể trên bàn thờ, trong khi đó, phía sau họ có nhiều con bò mộng khác chạy xấn tới nhưng chúng không thể làm hại được ai.

Don Bosco cắt nghĩa như sau: “Chúng con biết rằng bò mộng là ma quỷ, kẻ thù của linh hồn, chúng rất tức giận đối với chúng ta và luôn tìm cách làm hại chúng ta. Bẩy cái sừng là bảy nết xấu làm đầu. Điều làm chúng ta thoát khỏi những cái sừng của bò mộng, đưa chúng ta lên cao không rơi vào những nết xấu, đó là đức khiêm nhường, nền tảng của mọi nhân đức”.

Tường thuật tiếp tục kể: lại ở trong cánh đồng lúc trước, Don Bosco tiến đến gần nhân vật kỳ lạ và ngài được mời leo lên một tảng đá lớn trải ra hầu như vô tận.. Trước mắt ngài hiện ra một cảnh tượng gồm mọi thứ người, gồm mọi mầu da, y phục và quốc gia. Trong số những người ấy, Don Bosco có thể phân biệt một số tu sĩ Salêdiêng đứng đầu các trẻ nam và trẻ nữ nhiều vô kể. Ngài đã xem thấy những người mặc áo lông đủ mọi mầu sắc; nhìn tứ phía ngài còn thấy ở đông phương có những người nữ chân rất nhỏ đang bước đi khó nhọc. Nhân vật kỳ lạ cắt nghĩa:

Tất cả những điều cha thấy là mùa màng sửa soạn cho các tu sĩ Salêdiêng. Cha thấy nó mênh mông biết bao! Cánh đồng bao la mà cha trông thấy, là cánh đồng các Salêdiêng phải làm việc. Các Salêdiêng cha nhìn thấy là những người thợ của vườn nho Thiên Chúa. Rất nhiều người đang làm việc, cha nhận ra họ. Chân trời mở rộng ra trước mắt cha và có nhiều thứ dân mà cha không biết. Điều này có nghĩa là không phải chỉ trong thế kỷ này mà cả trong những thế kỷ tương lai, tu sĩ Salêdiêng cũng vẫn làm việc trong cánh đồng riêng biệt này. Nhưng cha biết cần phải có những điều kiện nào không? Hãy nhìn vào đây: Cha cần phải ghi khắc những lời này như là huy hiệu, khẩu lệnh và biệt hiệu của cha. Hãy ghi cho đúng: Il Lavaro e la Temperanza faranno fiore la Congregazione – Làm Việc và Tiết Độ sẽ làm cho Tu Hội triển nở. Cha phải cắt nghĩa, nhắc lại và nhấn mạnh những lời này. Cha phải in một thủ bản cắt nghĩa để người ta hiểu được rằng làm việc và tiết độ là di sản mà cha chối lại cho Tu hội. Nó sẽ là sự vinh hiển của Tu hội”.

Don Bosco đã hứa và khẳng định là ngài đã làm như vậy rồi mỗi khi có dịp vì nó hoàn toàn phù hợp với mục đích của chúng ta. Nhưng người kia trả lời: “Cha hoàn toàn tin chứ? Cha có hiểu rõ không? Đây là di sản mà cha phải để lại cho con cái cha, và cha phải nói cho họ hiểu rằng chừng nào họ đáp ứng được, họ sẽ có những người tiếp nối tận đông tây nam bắc“.

Và vào lúc đó những chiếc xe “Biệt loại” xuất hiện và các Salêdiêng Don Bosco leo lên tiếp tục cuộc hành trình tới nơi đã định. Những phương tiện di chuyển này không có thành chắn, tuy nhiên người kỳ lạ bảo đảm rằng họ có thể di chuyển mà không gặp nguy hiểm miễn là nhớ lại lời khuyên của thánh Phêrô: Hãy tiết độ và tỉnh thức.

Don Bosco ở lại với nhân vật này. Ông ta cho ngài trông thấy một chiếc xe kỳ lạ có một tấm bảng trên đó có vẽ bốn cái đinh. Có một tiếng nói: “Đó là bốn cái đinh dày vò các Dòng tu. Nếu tránh được bốn cái đinh này, mọi sự sẽ trôi chảy và các con sẽ được cứu độ“.

Quan sát kỹ lưỡng Don Bosco thấy chiếc xe chia làm bốn toa, trên mỗi toa đọc thấy những chữ này: “Quorum Deus venter est – quaerunt quae sua sunt, non quae Jesu Christi – Aspidis lingua eorum – Cubiculum otiositatis – Thiên Chúa của họ là cái bụng – họ tìm kiếm những cái cho mình chứ không phải những cái thuộc về Đức Kitô; miệng lưỡi họ thâm độc – lười biếng”.

Người lạ mặt cảnh báo ngài rằng chiếc đinh thứ nhất làm khổ và phá hoại các Dòng tu. Ông khuyên Don Bosco chiến đấu quyết liệt với nó. Rồi ông tiếp tục nói về câu ở toa thứ hai: “Đây là những người tìm tiện nghi, dễ dãi cho mình. Họ tìm lợi lộc bản thân hay có lẽ cả lợi lộc cho thân nhân nữa, mà không tìm ích lợi cho Tu hội vốn thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Vậy hãy coi chừng thứ tệ hại này”. Ở toa thứ ba: “Chiếc đinh độc hại cho các Dòng tu là những người nói xấu, lẩm bẩm, là những người luôn tìm cách chỉ trích cách này cách khác”. Còn ở toa thứ tư: “Đây là những kẻ sống an nhàn với con số đông đảo. Khi sự an nhàn bắt đầu chớm nở, thì cộng đoàn bắt đầu tan vỡ, ngược lại khi người ta làm việc thì không có sự nguy hiểm nào”.

Trong toa thứ tư này ông chỉ cho Don Bosco thấy một tấm bảng, tấm bảng trải dài cả sang toa khác. Don Bosco đọc thấy lời này: Latet anguis in herba – dưới cỏ có rắn. Rồi người chỉ đạo tỏ cho Don Bosco thấy những người ấy. “Đó là những kẻ giấu mặt, họ không nói gì, họ không bao giờ mở lòng cho các bề trên”. “Họ thực sự là tai họa, là bệnh dịch của các Dòng tu. Họ xấu, nhưng nếu họ tỏ ra, thì còn chữa trị được; nhưng không, họ luôn dấu mặt nên chúng ta không biết được cho đến khi sự xấu đã ra nặng, nọc độc đã ăn sâu vào trong tim họ. Và khi biết được thì không còn kịp để sửa chữa vì tai hại gây ra rồi. Vậy cha phải nhớ kỹ rằng những sự trên đây phải được loại khỏi Tu hội của cha…”

Don Bosco kết thúc câu truyện và nói thêm: “Cha kể cho chúng con giấc mơ trong dịp này, trước khi chia tay, để có thể nói thật rằng chúng ta sẽ kết thúc tuần tĩnh tâm xứng đáng nếu chúng ta cố gắng tuân giữ khẩu hiệu của chúng ta: Làm Việc và Tiết Độ và nếu chúng con cố gắng loại bỏ bốn chiếc đinh làm hại các Dòng tu: tham ăn, tiện nghi, nói hành, và lười biếng. Ngoài ra chúng ta còn phải thêm vào một điều nữa là mỗi người phải luôn cởi mở, thành thật và tín nhiệm vào các bề trên” (XII, 463 – 469).

Rồi thánh nhân chuyển sang phần thứ hai của bài giảng. Ngài khuyên các hội viên vâng lời, kiên nhẫn và trông cậy (XII, 470- 472). Nhưng ngài quên mất phần cuối của giấc mơ mà sau này ngài kể lại ở Chieri: một chiếc xe kỳ lạ xuất hiện do một con heo và một con cóc đang kéo trong một khu vườn đầy hoa. Thật là dễ hiểu ý nghĩa của biểu tượng (cần đọc lại hồi sử cuốn XII trang 469-470). Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến khẩu hiệu: Làm Việc và Tiết Độ.

Chúng ta biết rằng năm 1876 là năm rất quan trọng trong đời sống của Don Bosco. Lúc đó ngài đã có ba gia đình tu sĩ và ngài đóng vai trò như Đấng sáng lập vĩ đại. Đó là dòng Salêdiêng, dòng con cái Đức Mẹ Phù Hộ, và hội Cộng tác viên Salêdiêng. Ngài cũng gởi những tu sĩ đi truyền giáo. Ngài không còn phải lo để lập thêm gì nữa, nhưng phải củng cố và hoàn thiện. Và đây từ trời cao đã ban xuống khẩu hiệu: Làm Việc và Tiết Độ. Đó là huy hiệu, là khẩu lệnh, dấu phân biệt, là di sản cho các Salêdiêng, là vinh quang của Tu Hội.

Don Bosco không muốn lấy câu này này ra như là một trình bày chính thức về Tu hội, khi vào ngày 12 tháng 9 năm 1884 cha Tổng quản lý Sala trình bày bản thảo cho các thành viên của ban tổng cố vấn, dù cha Barberis đã gợi ý tới giấc mơ trên. Don Bosco thích châm ngôn nói lên sứ mệnh của ngài hơn: Da mihi animas, mà sẽ xuất hiện lần đầu tiên ngay ở đầu của lá thư luân lưu ngày 8 tháng 12 năm 1885 trong đó công bố việc bổ nhiệm cha Rua làm Phó bề trên (XVII, 280-81; 365-66)

Nhưng sự làm việc và tiết độ nổi bật trong đời sống của Don Bosco và của Tu hội ngay từ lúc ban đầu, đến độ mà trước mặt Giáo hội và trước mặt người đời, “Các Salêdiêng ngay lập tức được coi là những người làm việc, những nhà giáo dục và tông đồ” không lẫn lộn được với ai khác.

Thậm chí người ta kết án vị sáng lập và các tu sĩ Salêdiêng lúc ban đầu là làm việc quá độ, gây thiệt hại cho sự huấn luyện thiêng liêng, thiệt hại cho đòi hỏi cầu nguyện đúng mức của đời tu. Lời tố giác ấy vẫn còn cho đến cuối tiến trình phong chân phước và phong thánh cho Don Bosco, trong bộ Nghi lễ có người chống đối Don Bosco vì không dành đủ thời giờ cần thiết cho việc cầu nguyện. Nhưng Đức Thánh Cha Piô XI đã bênh vực Don Bosco, cho rằng, thay vì hỏi giữa bao công việc khi nào Don Bosco cầu nguyện, người ta phải hỏi: “Khi nào Don Bosco không cầu nguyện”.

Đức Thánh Cha Piô XI biết rõ Don Bosco từ năm 1883, khi từ Milano đến thăm Nguyện xá để tâm sự tín cẩn với Don Bosco và thán phục công cuộc của ngài tại nhà Mẹ. Năm 1922 khi vừa được làm giáo hoàng, qua lời xin của cha Rinaldi, đức thánh cha đã ban cho các tu sĩ Salêdiêng, các nữ tu con cái Mẹ Phù Hộ, các Cộng tác viên Salêdiêng, ân xá của những việc được thánh hoá (mà sau này đức thánh cha Gioan XXIII sẽ ban cho cả thế giới). Ngài biện minh cho ân xá này vì nhấn mạnh trên câu châm ngôn của trường phái Salêdiêng “Làm Việc và Cầu Nguyện”, Ngài nói: đối với các con, các tu sĩ Salêdiêng thì phải nói rằng : “Làm Việc là Cầu Nguyện “.

Thật vậy mọi công việc Don Bosco làm đều nhắm mục đích làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Đó chính là niềm say mê làm việc tông đồ đến tiêu hao nghị lực và say mê giữ gìn sự vô tội, sự trong trắng và sự khiết tịnh.

Sau cuộc phong chân phước Don Bosco, nhiều lần đức thánh cha lên tiếng trong các cuộc yến kiến chung, ca ngợi vinh quang của Don Bosco như một người làm việc. Chúng ta kể ra vài chứng từ.

Ngày 20 tháng 2 năm 1927, sau khi đọc sắc lệnh về các nhân đức anh hùng của Don Bosco, đức thánh cha đã giới thiệu Don Bosco như một vĩ nhân mang ơn thánh, một đời sống quá cần mẫn với trăm nghìn việc nhưng luôn suy gẫm và cầu nguyện. Ngài nói: “Đây là một đức tính đẹp nhất của Don Bosco, ngài hiện diện ở khắp nơi để khích lệ và thúc đẩy các nhóm, nhưng tinh thần của ngài như thể cũng đang ở nơi khác: luôn hướng lên, khiến ngài luôn bình thản, một sự bình thản cao cả; thế nên trong ngài, công việc luôn là hiệu quả của lời cầu nguyện và nơi ngài một nguyên lý vĩ đại của đời sống Kitô giáo đã được thực hiện: Qui laborat, orat – ai làm việc, người ấy cầu nguyện” (XIX, 83).

Sau ngày phong chân phước cho Don Bosco, ngày 3 tháng 6 năm 1929, khi tiếp các đại diện của cả ba nhóm của gia đình Salêdiêng tụ họp lại ở công trường thánh Damaso để cám ơn đức thánh cha. Thật vui vẻ phấn khởi đức thánh cha nói: Chúng con biết rằng sự vinh hiển của thánh Gioan Bosco ở trên trái dất này nằm ở trong tay chúng con, tuỳ thuộc ở chúng con. Không phải lời của cha nói cho chúng con bây giờ mà là lời của Chúa: Gloria patris, filii sapientes. Sự vinh hiển của cha chúng con là một sự vinh hiển đẹp nhất mà một người có thể đạt được, nếu chúng con trở thành con cái khôn ngoan của một người cha như thế; nếu chúng con biết luôn luôn tiến tới trong tinh thần và trong hành động của Don Bosco; nếu các con tiếp nối cách chính xác như ngài muốn là: Làm việc không dè  giữ (chúng ta hãy nhớ lại chính lời của Don Bosco: Ai không biết làm việc thì không phải là người Salêdiêng), làm việc mà không đo lường mức độ dâng hiến, trái lại, từ bỏ hoàn toàn chính bản thân vì lợi ích cho các tâm hồn. Và cha còn lại những lời của Don Bosco nói về tương lai như để chia vui với cha về bao nhiêu sự tốt đẹp trong các nhà dòng, các cơ sở và các trường. Các con thấy rằng, ngài không nói về điều tốt nơi mình, nhưng ngài nói cách chung tới điều tốt, và vì là điều tốt ngài tiến tới cách đầy phấn khởi. Trước những lời khen ngợi của cha, như các con biết, khi phải nói về mình, ngài luôn nói ở ngôi thứ ba: “Khi phải làm gì đó sinh ích, thì Don Bosco luôn muốn là người tiên phong”. Những lời này do cửa miệng cha chúng con nói ra. Các con thân mến, cha nghĩ cần để lại cho chúng con một kỷ niệm, như hoa trái hay như một dự định làm việc, để kết thúc giờ phút tốt đẹp này. Khi nói về sự thiện, về chân lý, về vinh danh Thiên Chúa và Giáo hội, về Nước của Chúa Kitô, về phần rỗi các linh hồn, thì Don Bosco luôn luôn đi tiên phong. Đây sẽ là hiệu lệnh của chúng con, sẽ là sự thúc đẩy chúng con đến cuộc sống tốt đẹp qua những lời khuyên, sự khích lệ và gương sáng của Don Bosco (XIX, 157).

Vào tháng 11, trong khi tiếp xúc với 200 nhân viên của ngân hàng quốc gia Credito, Đức Thánh Cha đã cho họ ảnh Don Bosco và nói rằng: “Don Bosco là người làm việc rất vĩ đại, làm những công việc vô cùng hữu ích, nhờ đó, ngài nhận được nguồn ơn trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời”.

Ngày 19 tháng 11 năm 1933, sau khi tuyên bố những sắc lệnh chuẩn y những phép lạ đề nghị để phong thánh, sau khi ca ngợi những đức tính tự nhiên và siêu nhiên của khuôn mặt rạng ngời với bao giá trị, đức thánh cha Piô XI nói thêm: “Qủa là một diện mạo tuyệt vời và đầy giá trịVới một bộ óc thông minh và một ý chí sắt đá, một cơ thể có một tính khí vui vẻ, từ nhỏ được tôi luyện bởi sự nghèo khó, một ý chí mạnh mẽ và kỷ luật, với tinh thần hãm mình đích thực tự nguyện, ngài đã chứng tỏ một sự bền bỉ làm việc thật kỳ diệu, không khác gì phép lạ” (XIX, 234).

Ngày 3 tháng 12, sau khi tuyên bố sắc lệnh phong thánh, đức thánh cha Piô XI nói: “Đây là một cuộc sống mà cha đã có thể nhìn thấy được rất gần và thán phục, một cuộc sống thật là tử đạo, một cuộc sống làm việc khổng lồ mà người ta có cảm tưởng như bị buộc, nhưng chỉ nhìn ngài thôi cũng đủ thấy một cuộc sống kiên nhẫn và bác ái” (XIX, 250).

Tháng 6 năm 1934, khi phát ảnh Don Bosco cho các công nhân khí đốt ở Rôma, đức thánh cha nói rằng: Chúng con hãy nhận lấy ảnh của thánh Gioan Bosco. Đây là một người bạn vĩ đại của giới lao công, một người bạn và một vị thánh để thánh hoá công việc của mình, một nhà tổ chức công việc, một sự tổ chức để thánh hoá sâu xa” (XIX, 320).

Một vài ngày sau đó, trước hàng ngàn công nhân Legnano, đức thánh cha đã nói: “Cha muốn cho chúng con ảnh của thánh Gioan Bosco, một đầy tớ Chúa mà qua sự quan phòng cha đã phong thánh cho ngài. Ngài là một tay thợ kỳ diệu; và cha đã có thể thấy công việc và may mắn được gần gũi ngài. Người tổ chức và giáo dục về lao động kỳ tài này, đặc biệt lao động nghề và kỹ thuật cho giới trẻ. Đó là một bộ mặt dễ được chấp nhận đối với công nhân mà chúng ta coi ngài như mẫu gương và như đấng bảo trợ” (XIX, 320).

Cũng chính đức thánh cha, vài tháng sau khi phong hiển thánh cho Don Bosco, nói chuyện với một nhóm thợ khác, đã vạch ra rằng: “Khuôn mặt tuyệt vời của vị tân hiển thánh, đó là người lao động Kitô hữu vĩ đại” (XIX, 320-321).

Với một số người điều hành, chẳng hạn như của công ty điện khí ở Rôma, Napoli và Bari nước Ý, đức thánh cha lại đề cao một khía cạnh khác: “Cha đã có thể biết về Don Bosco cách chắc chắn, rằng ngài là một người xếp hạng nhất về bất cứ khía cạnh nào. Về kỹ thuật, Don Bosco luôn luôn đi tiên phong. Cha biết ngài quan tâm đến máy móc, những thứ thời đó có, cha nhớ ngài đã trả lời cha thế nào về những dụng cụ, chế tạo giấy, in ấn, ngài trả lời với một vẻ tự hào nào đó nhưng luôn nói ở ngôi thứ ba, như thói quen ngài dùng để nói về mình: Trong những điều này Don Bosco luôn muốn là người tiên phong” (XIX, 321)

Vào năm 1883, cha Achille Ratti tới Nguyện xá, lúc đó Don Bosco vừa canh tân xưởng in. Ngài đặt ở Thuỵ sĩ một máy in rất tối tân và làm triển lãm ở Torino năm 1884. Nhờ đó Don Bosco có một máy in hoàn toàn. Nhà máy vừa sản xuất giấy, đóng sách, in sách và bán sách; in ấn cuốn Giáo lý và cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Wiseman: Fabiola ngay trước mắt những người tham quan (XVII, 246). Trong lối vào hành lang nhà in, người ta có viết những dòng chữ này: Don Bosco – Xưởng Giấy – Xưởng In – Xưởng Đức – Xưởng Đóng Sách và Hiệu Sách (XVII, 244). Như vậy chẳng có thiếu gì, kể cả việc quảng cáo.

  1. Làm Việc

Chúng ta hãy khởi đi từ những lời của Đức Thánh Cha Piô XI, người được mệnh danh là “Đức Thánh Cha của Don Bosco”, để rút ra giáo huấn Don Bosco về lòng yêu thích làm việc.

Đức thánh cha đưa ra gương sáng về lao động vào đúng lúc mới khai sinh phong trào quốc tế về lao động, không may lại được tổ chức do ý hệ Marxism.

Ngài qủa là mẫu gương lao động! Ngài không phải là một lý thuyết gia, chưa từng lao động trên ruộng đồng, hay trong xưởng thợ, không thấy được giải pháp nào khác hơn là đẩy công nhân đến cuộc đấu tranh giai cấp; đây ta có một người lao động đích thực với đất đai, với gỗ, với sắt, là nông dân, là thợ may, thợ mộc, thợ rèn, làm vườn, giúp việc trong hàng quán… Don Bosco đã tiến tới chức linh mục sau khi đã làm hầu như tất cả mọi công việc. Vì thế, ngài hiểu được những ước vọng thật sự của giới công nhân và những nhu cầu cần thiết của họ.

Không có quảng cáo và kích động gì cả, ngài thu thập những thiếu niên nghèo bị bỏ rơi nhất để giúp chúng có việc làm với những giao kèo viết tay và rồi sau trên giấy tờ có thị thực, điều mà chính quyền và các nghiệp đoàn vài thập niên sau mới thực hiện (IV, 295). Khi chưa thể tổ chức các trường kỹ thuật và nông nghiệp cho thanh thiếu niên, ngài đích thân quan tâm tới việc huấn luyện nghề cho các em nơi những người cho việc trong thành phố. Các trường của ngài đã và còn đang giúp cho các em có tay nghề và có chuyên môn, rèn luyện cho có văn hóa nói chung và chuyên về kỹ thuật, cho tới khi có thể có chỗ đứng xứng hợp trong xã hội.

Chứng từ qủa qúa rõ, đứng trước những kẻ bóc lột và những nhà chính trị, thì vinh quang của Don Bosco là “vị tông đồ của người công nhân”.

Giờ đây chúng ta muốn bàn tới sự yêu thích làm việc mà Don Bosco đã biết vun trồng nơi các thanh thiếu niên, cũng như đòi nơi các tu sĩ Salêdiêng như một danh hiệu chính nói lên đặc tính Salêdiêng của mình.

Ngay từ những quyết định khi làm lễ mở tay, chúng ta thấy rõ ngài có mục đích lưỡng diện: như một bổn phận theo như dụ ngôn những nén vàng, và như phương thế để gìn giữ đức hạnh:

  1. Không đi dạo chơi nếu không có lý do rất cần thiết như thăm nom bệnh nhân.
  2. Tận dụng thời giờ để làm việc.
  3. Chịu đựng đau khổ, làm việc, khiêm nhường trong mọi sự và mọi lúc với mục đích cứu vớt các linh hồn…
  4. Lao động là vũ khí mạnh mẽ chống lại những kẻ thù linh hồn. Vì thế tôi sẽ không cho phép thân xác tôi nghỉ hơn 5 giờ mỗi đêm. Trong ngày và nhất là sau trưa, tôi sẽ không nghỉ ngơi, trừ ra khi đau ốm bệnh tật… (I, 518).

Về vấn đề lao động, khi nói cũng như viết, Don Bosco có vô số lời khuyên cho các thiếu niên. Đây chúng ta trích ra hai đoạn. Trong cuốn Il Giovane Provveduto: “Các con thân mến, các con hãy xác tín rằng con người được sinh ra để làm việc. Và khi nào ngừng làm việc là xa lạc và có nguy cơ xúc phạm đến Thiên Chúa. Chẳng có điều gì giày vò người bị kết án trong hoả ngục lớn hơn là sự lười biếng của họ vì đã làm mất thời giờ của Chúa ban cho để cứu rỗi linh hồn mình. Trái lại, chẳng có gì an ủi các linh hồn lành thánh trên thiên đàng hơn vì đã biết dùng chút thời giờ Chúa ban cho để cứu rỗi linh hồn mình”. Như vậy qủa là rõ ý nghĩa tôn giáo của lao động.

Trong cuốn Qui luật đầu tiên được dọn cho các thợ, có khoản như sau: “Các học sinh hãy nghĩ rằng con người được sinh ra để làm việc, chỉ có ai làm việc với lòng yêu mến và chăm chỉ mới thấy lao lực trở nên nhẹ nhàng và mới có thể học được nghệ thuật sống cách lương thiện” (VII, 118).

Trong Quy luật chung cho các nhà mà ngài soạn vào năm 1852, mở rộng vào năm 1854 và in ra vào năm 1877, ngài dành chương thứ II nói về lao động :

  1. Các con thân mến, con người được sinh ra để làm việc. Ông Ađam được đặt trong vườn địa đàng để canh tác. Thánh Phaolô tông đồ nói rằng: “Ai không làm việc, không đáng ăn” (2Th 3, 10).
  2. Làm việc nghĩa là chu toàn bổn phận của bậc sống mỗi người, hoặc là học hành hay nghệ thuật, nghề nghiệp.
  3. Chúng con hãy nhớ rằng nhờ làm việc mà chúng con làm ích cho xã hội, cho đạo giáo và làm ích cho linh hồn chúng con, nhất là khi chúng con dâng cho Chúa các công việc hằng ngày của chúng con.
  4. Chúng con hãy nhớ rằng tuổi chúng con là mùa xuân của đời sống. Ai còn trẻ mà không quen làm việc sẽ trở thành kẻ lười biếng lúc tuổi già. Họ sẽ làm mất thể diện cho tổ quốc và gây tai hại cho linh hồn mình bởi vì nhàn rỗi sinh ra các nết xấu.
  5. Ai bị bó buộc làm việc mà không làm thì ăn cắp của Thiên Chúa và các bề trên. Khi chết những kẻ nhàn rỗi rất hối tiếc vì những thời giờ đã mất.

Khoản 4 và khoản 5 khuyên yêu thích làm việc vì đức vâng lời và đừng kiêu hãnh vì những tài năng Chúa ban. Khoản 8 và khoản 9 khuyên cầu nguyện trước và sau khi làm việc, khi học, và trong ngày (IV, 748).

Đây là trường huấn luyện tại gia của Don Bosco để giáo dục các thanh thiếu niên yêu thích làm việc, thánh hoá tất cả hành vi của họ, và để nâng giá trị của đời sống. Ngài còn muốn các thanh thiếu niên làm việc để đền tội: “Các con thân mến, cha không khuyên chúng con phải hãm mình phạt xác với kỷ luật ngặt nghèo, nhưng cha khuyên chúng con làm việc, làm việc và làm việc” (IV, 216).

Đối với các cộng tác viên của ngài, ngài nói: “Cần phải làm cho các trẻ luôn bận  việc. Ngoài các giờ lớp và tập nghề ra, cần phải cho chúng biết âm nhạc hay vào hội giúp lễ. Như vậy, đầu óc của chúng sẽ tiếp tục liên tục. Nếu chúng ta không làm cho chúng bận rộn và chắc chắn chúng sẽ tự làm mình bận rộn với những ý nghĩ và những việc làm không tốt” (V, 347).

Chính trong trường huấn luyện này, Don Bosco đã giáo dục các tu sĩ Salêdiêng, các tư giáo và các sư huynh bằng gương sáng và bằng các lời khuyên đầy nhiệt huyết.

Đối với những người ngạc nhiên vì Don Bosco có thể làm vô số những công việc khác nhau thì ngài trả lời rằng: “Thiên Chúa đã ban cho tôi một ơn để biến công việc và sự mệt mỏi, thay vì là gánh nặng thì thành một thứ vui chơi và khích lệ cho tôi” (IV, 212).

Ngày 10 tháng 2 năm 1861, khi một vài thầy tư giáo đưa ngài về phòng, Don Bosco đã nói rằng: “Ồ, chúng con thật may mắn, vì chúng con còn trẻ và có nhiều thời giờ để làm nhiều điều tốt lành cho Thiên Chúa, còn có thời giờ làm nên công phúc trên thiên đàng. Trái lại cha đã già rồi và chẳng bao lâu cha sẽ xuống mồ và phải ra trình diện trước mặt Chúa với hai bàn tay trống rỗng”. Nhưng một thầy đã đối lại rằng: “Cha làm việc ngày đêm không có một giây phút để nghỉ ngơi, vì thế cha không thể nói được rằng cha chỉ có hai bàn tay trống rỗng”. Don Bosco đáp lại: “Đúng, nhưng tất cả những gì cha làm đều cái cha phải làm do bổn phận. Cha là linh mục, cha phải ban cho người ta sự sống, cha chẳng làm gì ngoài bổn phận”. Một người khác đối lại: “Vậy tốt hơn đừng làm linh mục”. Don Bosco trả lời: “Bình tĩnh! Khi nào Thiên Chúa muốn như thế, thì chúng ta không thể chống lại, nhưng phải vâng lời. Ngoài ra, điều an ủi cha là Thiên Chúa giàu lòng nhân từ và khi nào ra trước mặt ngài, chúng ta có thể nói Fecimus quod jussisti – chúng con đã làm cái ngài truyền. Và ngài chẳng có thể làm gì cho chúng ta hơn là hướng chúng ta về những lời này: Euge, serve bone et fidelis, quia super pauca fuisti fidelis, super multa te constituam. Intra in gaudium domini tui – Tốt lắm, tôi tớ lương hảo và trung tín. Ít mà ngươi đã trung tín, đây ta đặt ngươi cai quản nhiều hơn. Hãy vào vui hưởng cùng chủ ngươi” (VI, 847).

Cũng năm ấy, một buổi tối kia sau khi đọc kinh, khi các thiếu niên về phòng ngủ, Don Bosco nói với các thầy tư giáo và các linh mục vây quanh ngài, đang lo lắng về sức khoẻ của ngài: “Cha chưa bao giờ nghĩ đến sự chết có thể làm ngăn trở chương trình của cha, nhưng cha làm mọi sự dường như nó là công việc cuối cùng của đời cha. Cha sẽ bắt đầu một vài công cuộc khác, có lẽ cha sẽ không có thời giờ dể kết thúc những công công cuộc ấy, nhưng không sao, cha sẽ làm cái gì có thể như là những công việc của ngày cuối đời cha. Nhưng đồng thời cha cũng làm việc như là cha còn có thể sống nhiều năm nữa” (IV, 933).

Vào đầu niên khoá 1861-1862, một thầy tư giáo nói rằng mình không có một phút nào là không bận rộn. Don Bosco nói thêm: “Ôi, thật là an ủi khi đến chiều cảm thấy mỏi mệt và hết sức vì đã dùng trọn ngày cho vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn” (VI, 1046). Ngày 14 tháng 5 năm 1862, khi kết thúc nghi lễ khấn tạm ba năm, Don Bosco lại khuyên về sự làm việc: “Chúng ta hãy can đảm và làm việc hết lòng. Thiên Chúa nhân lành sẽ trả công bội hậu cho chúng ta. Thời gian đời đời đủ dài để chúng ta nghỉ ngơi” (VII, 164).

Thứ bảy tuần thánh năm 1863, quá mệt mỏi vì giải tội, Don Bosco đã xỉu đi trong phòng thánh. Khi tỉnh lại, ngài dùng một chút sữa rồi lại tiếp tục làm việc đến nỗi các y sĩ buộc ngài phải nghỉ ngơi trong phòng mấy ngày. Đối với những người muốn ngài nghỉ, ngài thường trả lời rằng ngài không thể nghỉ được trong khi ma quỉ không ngừng làm hại các tâm hồn. Tuy nhiên, ngài khuyên các người khác làm việc điều độ: “Mỗi người chỉ có giá trị bằng một người. Không ai bị buộc làm cho hai người, nếu không thì nó phá hủy đời sống mau chóng và không làm gì được trong khi nó có thời giờ để làm nhiều việc hữu ích” (VII, 413).

Don Bosco là người đầu tiên trong các bề trên dòng đề ra việc thi cử của nhà nước cho các thầy tư giáo trẻ tuổi để bảo đảm có được chứng chỉ để dạy học. Tháng 9 năm 1863, chính phủ Ý công bố mở khoá thi đặc biệt. Một số tu sĩ Salêdiêng không sợ mệt nhọc sau một niên học, đã học tập trong hai tháng để thi.

Có người nhận xét với Don Bosco rằng mấy thầy làm việc quá nhiều. Và cha Francesco Dalmazzo có mặt ở đó, đã thuật lại cuộc đối thoại: “Các con cái của cha làm việc quá nhiều”. Don Bosco đã trả lời cho vị ân nhân của ngài: “Chúng ta ở đây là để làm việc“. “Đúng, nhưng sợi dây căng quá sẽ đứt. Đôi khi các thầy cũng cần có thời giờ để nghỉ ngơi”. “Họ sẽ nghỉ trên thiên đàng“. “Nhưng nếu họ làm việc nhiều quá, họ sẽ mất sức khỏe”. “Đây không phải là một sự mất mát mà là được“. “Cha không thấy rằng có một số người vì làm việc nhiều quá nên đời sống ngắn ngủi, chết yểu sao?”. “Họ sẽ sớm nhận được phần thưởng. Hạnh phúc cho những ai chết vì lý do ấy“.

Với tất cả sự khôn ngoan cần thiết, ngài tiếp tục khích lệ làm việc, và đồng thời nhắc cho con cái ngài lời của thánh Phaolô: “Si delectat magnitudo praemiorum, non deterreat multitudo laborum – Khi vui mừng vì phần thưởng, sẽ không còn sợ gánh nặng lao nhọc. Thiên Chúa công chính, Ngài sẽ không quên công việc và lòng bác ái của chúng ta. Mỗi người sẽ nhận được tiền công của mình cân xứng với sự mệt nhọc của nó” (VII, 484-485).

Ngày 18 tháng 10 năm 1864, Don Bosco đã chỉ cho các thầy tư giáo cách thức làm việc: “Mọi người trong nhà phải làm việc như mình là giám đốc: gọi những người thiếu bổn phận, khuyên bảo họ và trong những câu chuyện thân mật gia đình, làm cho các thiếu niên thích đi chịu Mình Thánh, vì đây là sự trọng tâm của sự tiến bộ trong nhà. Chúng ta hãy can đảm chu toàn bổn phận của chúng ta. Nếu công việc của chúng ta là của Chúa, thì công việc sẽ tiến tới: cá nhân trong nhà không phải là gì khác hơn là dụng cụ làm việc cho Chúa và không đặt một hy vọng nào vào thế gian này” (VII, 795).

Nguyện xá đã trải qua những ngày khó khăn thử thách. Don Bosco cảm thấy cần kêu gọi các tu sĩ Salêdiêng trung thành tới mức anh hùng. Và ngài đã nhận được điều xin ấy.

Chúng ta đã nhấn mạnh tới sự mềm dẻo và thích ứng mà Don Bosco đòi hỏi ở bất cứ công việc nào, với một ý chí hy sinh toàn diện: “Mỗi người phải sẵn sàng khi thì bước lên tòa giảng, khi thì vào bếp làm cơm, khi phải dạy học cũng như khi phải quét nhà, khi dạy giáo lý cũng như khi cầu nguyện trong nhà thờ, khi coi trẻ chơi trong sân cũng như khi học riêng trong phòng, khi đi dạo, khi ra lệnh cũng như khi vâng lời” (VII, 47). Nếu có ai phàn nàn thì thánh nhân có sẵn câu trả lời: “Con hãy nhớ rằng con chịu đựng cho một ông chủ tốt lành là Thiên Chúa. Con hãy làm việc và chịu đựng vì Chúa Kitô là Đấng đã làm việc và chịu đựng rất nhiều vì con. Một mảnh thiên đàng dàn xếp được tất cả” (VIII, 444).

Sau khi Tu hội được phê chuẩn, Don Bosco dám xin đức thánh cha Piô IX cho các tập sinh trong năm tập được làm việc. Và Đức Cha Piô IX hoàn toàn đồng ý, ngài nói: “Cha cho rằng một nhà dòng nơi người ta cầu nguyện ít mà làm việc nhiều, thì ở  trong điều kiện tốt hơn một nhà dòng cầu nguyện nhiều mà làm việc ít hay chẳng làm gì” (ngày 24.3.1869, IX, 566).

Vì thế ngài giữ vững về điều này ngay cả khi Thánh Bộ các dòng tu muốn rằng trong năm tập, các tập sinh phải dùng trọn thời giờ cho việc cầu nguyện và học Tu luật. Don Bosco đã chạy đến với đức thánh cha Piô và ngài trả lời: “Cứ tiến bước! ma quỷ sợ một nhà dòng làm việc hơn là một nhà dòng chỉ cầu nguyện. Bởi vì rất nhiều lần sự nhàn rỗi thống trị các nhà này. Cũng có những Dòng khác mà người ta nhận vào nhà tập rồi và sai họ đến những môi trường làm việc. Tại sao lại làm khó cho Don Bosco như thế?” (XVII, 661).

Sau khi Tu hội được phê chuẩn, Don Bosco tăng thêm sự nhấn mạnh về làm việc theo đức vâng lời, nhưng từ buổi huấn đức đầu tiên trong ngày 11 tháng 3 năm 1869, ngài khuyên: “Mỗi người hãy bận rộn và làm việc theo như sức khỏe cho phép và theo khả năng” (IX, 547).

Ngày 18 tháng 9 cũng trong năm đó, ngài nói như những lời kỷ niệm của tuần tĩnh tâm: “Chúng con hãy làm việc với đức tin mà mong đợi phần thưởng trên trời. Đừng làm gì để bề trên khen hay là để người khác biết mà ca tụng… Các con hãy làm việc với đức cậy. Khi chúng ta mệt nhọc, cực khổ, hãy ngước mắt lên trời: Một phần thưởng lớn lao đang đợi chúng ta trong khi sống, trong giờ chết và trong cõi đời đời. Các con hãy làm việc với tình yêu Thiên Chúa. Chỉ một mình ngài đáng được  yêu mến và được phụng sự. Ngài tính sổ mọi việc bé nhỏ mà chúng ta làm cho Ngài. Cũng vậy, bổn phận của chúng ta là sống bác ái với người dưới và tìm cách giúp họ. Đừng bao giờ dùng quyền hành để nói: Làm việc này làm việc kia, nhưng luôn tỏ ra khả ái, êm dịu, ngọt ngào. Không bao giờ nói với một người cộng sự, hay với một người giúp việc khi họ có điều phản đối (điều mà cha không khi nào thích): Im đi! Phải vâng lời! Mày là  gì? Chẳng qua mày chỉ là một người đầy tớ. Trong nhà chúng ta không có những đầy tớ. Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều bình đẳng… Hãy kiên nhẫn chịu đựng những khuyết điểm của người khác. Chúng con hãy yêu nhau như anh em, giúp đỡ nhau, chịu đựng nhau, bảo vệ danh dự cho nhau: Không bao giờ quở mắng nhau hay chọc tức nhau, nhưng nhắn nhủ nhau cách bác ái. Hãy tránh những lời cứng cỏi, luôn luôn lịch sự và bác ái… Hãy bác ái đối với bề trên, chịu đựng những khuyết điểm của các ngài. Chúng ta hãy thực hành những điều chúng ta khuyên người khác” (IX, 712 – 714).

Đây là tổng hợp của thần học về lao động.

Về ý ngay lành trong khi làm việc, hiển nhiên, ngài thường xuyên đề cập tới. Vào năm 1872, trong cơn bệnh liệt giường hai tháng ở Varese, Don Bosco nói với sư huynh Enria chăm sóc sức khỏe cho ngài rằng: “Cha tin tưởng Thiên Chúa làm cho công trình của Ngài có đủ sức chịu đựng, để làm vinh danh Ngài. Enria thân mến, con hãy tin rằng tất cả những khả năng, những tài khéo, những công việc, những khó nhọc, những sự hạ mình của chúng ta phải có mục đích duy nhất là vinh danh Thiên Chúa mà thôi. Nếu chúng ta mệt nhọc để tìm danh dự cho mình thì tất cả những tư tưởng, những tìm tòi, sáng kiến, những công cuộc của chúng ta sẽ ra vô ích. Khốn cho những ai làm việc để mong tiếng tăm của người đời! Người đời bội bạc sẽ trả công cho chúng ta bằng vô ơn” (X, 265-266).

Don Bosco nói với các nữ tu con cái Đức Mẹ Phù Hộ: “Chúng con hãy làm việc, hãy làm việc và đừng mong đợi người đời trả công; cái phần thưởng mà Chúa sẽ trả cho các con thì lớn gấp bội so với công lao của chúng con. Chúng con hãy làm việc và rồi chúng con sẽ có mươi ngày nghỉ trước khi chết” (X, 647).

Hồng y Cagliero đã nghe Don Bosco và lập lại cho các nữ tu: “Chừng nào các tu sĩ Salêdiêng và các nữ tu con cái Đức Mẹ Phù Hộ tận hiến để cầu nguyện và làm việc, thực thi tiết độ và vun trồng tinh thần nghèo khó, thì hai Tu hội này sẽ làm được những lợi ích lớn lao. Ngược lại, nếu họ mất sự hăng hái, tránh sự mệt nhọc và thích đời sống tiện nghi, lúc đó giờ của họ sẽ tới, họ đang lao đầu xuống đất” (X, 651 – 652).

Trong bài huấn đức thứ nhất trong hai bài hàng năm (thường vào thánh lễ Phanxico Salê và vào tháng 9 cho các giám đốc), vào ngày 30 tháng 1 năm 1871, Don Bosco đã diễn tả sự vui mừng của ngài và lòng biết ơn đối với Thiên Chúa: “Chúng ta thấy rằng Tu hội chúng ta từ năm trước tới giờ đã tăng trưởng trong thiện chí, trong sự hiệp nhất và sự yêu thích làm việc … Cha thấy rằng trong một số nhà đặc biệt, người ta làm việc nhiều và rất nhiều. Có những người vừa dạy học, vừa giám thị phòng ngủ, đi dạo với trẻ, chơi, cũng những người này giám thị nhà cơm mà vẫn còn tìm được thời giờ để đọc sách, học bài và soạn bài. Điều này làm cho cha rất vui lòng. Bởi vì ở đâu người ta làm việc nhiều thì ở đó ma quỷ không tới đựợc. Trong một số nhà đặc biệt người ta làm việc nhiều lắm, kể cả nhà này (cha muốn nhấn mạnh bởi vì trong Nguyện xá này đã có những người, thay vì đứng lớp, trực trong phòng hướng dẫn tổng quát, đã tạo ra cho các thầy giáo và các hộ trực ấn tượng là họ không làm việc). Thật ra chúng ta có nhiều người, nhưng cũng có quá nhiều công việc thành thử luôn thiếu người. Đầu tiên cha không tin rằng chúng ta quá bận rộn như thế, nhưng rồi một ngày nọ, cha cần phải chép hai trang giấy, nhưng cha không tìm được một ai có giờ rảnh giúp cha. Thay vì buồn, cha thấy vui mừng và xin Chúa luôn ban cho chúng ta công việc làm bởi vì khốn cho chúng ta, nếu chúng ta tránh mệt nhọc và không bận rộn gì. Các con hãy tin cha, sự đổ vỡ của các Dòng tu đến từ sự nhàn rỗi không hoạt động. Nhàn rỗi là mẹ sinh ra các nết xấu. Bởi thế, chúng ta hãy khiếp sợ trước ý nghĩ nếu con quái vật đó xuất hiện giữa chúng ta” (X, 1054 – 1055).

Tham dự bài huấn đức tháng 1 năm 1875 gồm có: ban thượng cố vấn: cha Rua, cha Cagliero, cha Savio, cha Durando, cha Ghivarello, cha Lazzero; các giám đốc các nhà: cha Bonetti, cha Lemoyne, cha Francesia, cha Cerruti, cha Albera, cha Dalmazzo và cha tập sư Barberis.

Cha Rua chủ tọa các cuộc họp riêng, còn Don Bosco nói chuyện như mọi năm có sự hiện diện của hội viên Nguyện xá và các tập sinh: “Khi cha đi thăm các trường của chúng ta, cha phải nói rằng cha rất bằng lòng vì thấy công việc trôi chảy. Đầu tiên cha thấy có rất nhiều thiếu niên khỏe mạnh và tốt lành. Nhưng điều làm cha cảm động hơn là khi xem cách thức các Salêdiêng làm việc. Công việc thì nhiều, nhưng người ta tận tụy, thí dụ như một người vừa dạy học vừa giám thị nhà cơm, nhà ngủ, đi dạo và không tìm ra một giờ để lo cho mình… Nhưng còn quan trọng hơn cả công việc khi cha nhìn thấy tinh thần làm việc. Cha có thể nói rằng người ta không có thể đòi hỏi gì hơn. Hình như cha đã đánh giá cao về sự làm việc cho các Tu hội đã lập. Vì ngoài các việc bề bộn ra, người ta còn có tinh thần vâng lời hay sự dửng dưng trong mỗi hành vi. Một giáo sư hay một linh mục đi nữa cũng không ngại khi phải giúp làm bếp hay quét nhà. Thiên Chúa đáng được ca tụng chừng nào! Chúng ta hãy cố gắng duy trì tinh thần này và luôn luôn thúc đẩy để thăng tiến tinh thần đó hơn” (XI, 28-29).

Vào tháng 4 năm 1875, Don Bosco muốn có các bề trên và các giám đốc trong buổi huấn đức và chính ngài dọn bài thứ năm, nói công khai trong nhà thờ thánh Phanxicô cho chừng 150 người gồm hội viên, tập sinh và đệ tử. Khi bàn đến làm việc, Don Bosco nhớ lại câu chuyện của một cựu học sinh thời ban đầu, bây giờ anh này phản bội, viết báo chống đối hàng giáo sĩ. Don Bosco hỏi anh tại sao vẫn nói tốt cho các tu sĩ Salêdiêng trong khi anh nói xấu hàng giáo sĩ chung cũng như riêng. Anh trả lời là anh không thể nói xấu các tu sĩ Salêdiêng được vì chính anh và các bạn anh xem thấy họ làm việc, làm ích, không dính líu gì vào chính trị, không bao giờ lười biếng. Don Bosco nói tiếp: “Các con thân mến, cha nói với các con rằng cả những người xấu cũng thán phục khi thấy chúng ta làm việc thật tự, không vụ lợi và làm việc nhiều”. Ở đây, Don Bosco khích lệ “làm việc nhiều để làm tốt nhiều mà đừng bận tâm xem người ta nói gì, bởi vì chúng ta không thể làm hài lòng mọi người“.

Để kết thúc ngài lưu ý đặc biệt giữ gìn sức khỏe và kêu gọi sự nâng đỡ: “Lời khuyên đặc biệt này dành cho các giám đốc, ước gì họ đừng để cho các bệnh nhân thiếu thốn gì, nhưng cũng phải xem để đừng thái quá. Cha thích để lại một vài công việc, thay vì một người phải vất vả quá độ. Hãy can đảm lên! Ai có thể làm hơn, hãy làm và làm tự nguyện. Còn ai làm ít thì giữ mức độ như người khác, đồng thời cũng phải lo tới sức khỏe của mình. Vậy cha muốn nói với chúng con điều gì? Cha không có gì để xin các con ngoài lòng tốt để nâng đỡ cha, như các con đã có cho tới bây giờ và cầu nguyện cho cha. Chúng ta hãy nâng đỡ nhau và đây phải là một ghi nhớ lớn có ích cho cả đời sống chúng ta” (Xl, 167-169).

Nơi Don Bosco, cõi lòng của người cha luôn mạnh mẽ hơn cung cách bề trên. Lòng nhiệt thành và tinh thần hy sinh của các Salêdiêng tiên khởi đã khích lệ thánh nhân mở ra những nhà mới, chuyển nhân sự tới nơi này nơi khác.

Đây là một cuộc đối thoại giữa Don Bosco và cha Cagliero vào ngày 4 tháng 7 năm 1875 trong khi sửa soạn sai các tu si truyền giáo lần đầu tiên. Sau khi ăn tối, Don Bosco báo cho cha Cagliero một vài phép nhận được liên quan đến việc truyền chức: “Thât là an ủi, nếu không có gì ngăn trở, trong vòng một tháng, chúng ta sẽ truyền chức cho 11 linh mục“. Cha Cagliero trả lời: “Tốt, cho truyền chức một lần như vậy hơi nhiều, nhưng con không còn là tân linh mục trong Dòng nữa. Mỗi năm đều có truyền chức linh mục và mỗi năm chúng ta lại thấy linh mục hiếm. Khi truyền chức cho một linh mục thì lại sinh ra công việc cho hai người. Nếu có hai tân linh mục ở Nguyện xá thì cha sẽ sai ba linh mục tới các trường khác. Bây giờ nếu truyền chức cho 11 nhưng chúng ta mới thêm nhà mới ở Mỹ châu, một nhà lưu trú để bắt đầu công việc cho ơn gọi muộn. Và rồi 11 người, người vì lý do này, người vì lý do khác, có thể 4 hay 6 hay 8 người hoãn truyền chức, lúc đó thì xin nói câu “xin chào”. Công cuộc của chúng ta sẽ tăm tối hơn lúc ban đầu”.

Don Bosco trả lời: “Không, không, trừ khi Roma không ban cho chúng ta thời hạn phụ trội mà cha đã xin; nhưng không được nghĩ tới chuyện đó vì cho tới bây giờ điều chúng ta xin, chúng ta đều luôn được. Khi thời gian phụ trội xảy ra, thì tuần thứ nhất chúng ta sẽ cho chịu các chức nhỏ, tuần thứ hai chịu chức phụ phó tế, tuần thứ ba chịu chức phó tế và tuần thứ tư làm lễ luôn”.

“Và rồi những người này chiếm chỗ của những người khác, nhưng chúng ta cần những người khác bù vào chỗ của họ”.

Don Bosco kết luận: “Ồ, chừng nào còn Nguyện xá thì cha sợ rằng tình trạng sẽ luôn như thế! Một công việc đòi hỏi một người và người này lại cần người khác. Và khi nào một người không có hai việc trong tay, thì họ sẽ có ba việc, và như vậy, chúng ta luôn luôn vui sướng“.

Cha Cagliero đáp: “Đủ rồi, đủ rồi. Bây giờ xem ai nghĩ đến chúng tôi. Tôi sẽ đi sang Mỹ và có lẽ các việc bên đó đã đổi thay rồi” (XI, 306-307).

Ngày 10 tháng 12 năm 1875, Don Bosco đã trả lời câu vấn nạn của ban thượng cố vấn rằng để củng cố nội bộ Tu hội vững chắc cần phải tạm ngưng sự phát triển: “Về Tu hội thì cha luôn nhắc rằng chúng ta cần phải củng cố. Cha thấy rằng càng làm việc nhiều thì mọi sự càng tốt. Sự củng cố càng chậm thì công hiệu càng kéo dài. Cho dù nhắm mắt vào thì chúng ta cũng có thể thấy rằng chừng nào còn nắm vững khẩu hiệu này là làm việc nhiều, thì con thuyền Tu hội vẫn tiến bước. Đời sống quá ngắn, cần phải làm việc mau trước khi sự chết đến!“.

Vì thế Don Bosco tiếp tục đặt kế hoạch. Cha Berto nhiều lần ngạc nhiên khi nhìn thấy ngài dán mắt vào bản đồ và kêu lên: “Cái ngày đẹp đẽ biết bao khi các vị thừa sai Salêdiêng đi tới từng trạm ở Congo, họ sẽ gặp được các hội viên đến từ phía sông Nil, tay bắt mặt mừng ngợi khen Thiên Chúa” (XI, 409).

Đây là tư tưởng của Don Bosco tâm sự với cha Barberis ngày 31 tháng 5 năm 1876: “Chúng ta sẽ không bao giờ ngừng lại vì luôn có việc này thúc giục việc khác. Bây giờ dường như cần củng cố chứ không cần mở rộng thêm quá nhiều; thế nhưng cha thấy rằng khi nào chúng ta ngừng lại, Tu hội chúng ta bắt đầu chết. Không có lấy một ngày nghỉ. Công việc này chưa xong thì công việc khác đã thúc đẩy chúng ta. Chuyến này đi Mỹ châu chưa cập bến, thì cha đã đi Nice để nở thêm một nhà mới tại đó vì Bordighera yêu cầu. Nhưng công việc này chưa xong thì lại phải mở một nhà ở Torino cho con cái Đức Mẹ Phù Hộ. Trong khi đó lại cần phải đi Roma. Thế đấy, ở đây việc này gối lên việc khác. Kế hoạch về Hội ơn gọi muộn Đức Mẹ Phù Hộ chưa xong, thì đã trình bày lên Đức thánh cha kế hoạch Cộng tác viên. Chưa có thời giờ để kết thúc công việc này thì lại phải nghĩ đến chuyện mở nhà ở Patagonia. Chương trình mở nhà ở Patagonia do chính đức hồng y Franchi và sứ thần tòa thánh tại Ấn độ đề xuất. Và rồi những chuyện khác, những chuyện khác nữa… khốn nạn cho cái đầu của Don Bosco bị áp lực bởi bao nhiêu sự việc và đau khổ rất nhiều. Thế nhưng phải tiến lên, tiến lên! Việc củng cố Tu hội cũng cần phải làm… và cha thấy đang làm, nhưng… đồng thời, các con không được dừng lại” (XI, 83-84).

Vì có nhiều công cuộc lớn lao nên Don Bosco cũng nghĩ đến việc gởi các hội viên Salêdiêng Don Bosco lấy bằng cấp. Về điểm này ngài nói cho cha Barberis nói rằng: “Chúng ta cần phải xem xem các tư giáo này có thể làm ích nhiều cho Tu hội để cho họ đi thi hay không. Không đặt vấn đề xem cá nhân họ có muốn nhiều hay muốn ít. Cũng không xem những cuộc thi như thế có ích lợi hay không đối với một tư giáo; mà chỉ xem đến nó có ích lợi cho Tu hội hay làm hại Tu hội. Cha không muốn chúng ta thúc đẩy quá nhiều việc này, như người ta làm ở những nơi khác; nhưng chúng ta luôn luôn giữ một nguyên tắc chung là các quyết định phải nhắm tới ích lợi cho Tu hội chứ không cho cá nhân. Rồi một điều khác không bao giờ được lãng quên, là chọn người có khả năng, có hy vọng trong việc học và còn trẻ. Những người khác hoặc vì ít thông minh hay tuổi cao, thì giúp cho họ học nhanh, châm chước các môn phụ để họ sớm có thể thực hành các tác vụ thánh. Chúng ta cũng cần nhiều người để hộ trực, quản lý và một số công việc khác trong nhà” (XI, 292).

Từ đây sinh ra tư tưởng “Trường lửa – Scuola di fuoco” cho những ơn gọi muộn gọi là Con Đức Mẹ Phù Hộ để biến họ thành những tông đồ, những vị tử đạo và những vị thánh.

Vào năm 1876, Don Bosco đã có thể hưởng được kết quả này và ngài nói với cha Barberis: “Cha được an ủi nhiều vì nhìn thấy mọi người có tinh thần tu sĩ! Phải, mọi việc xảy ra tốt lành, chừng nào còn có nhiều việc làm mọi sự sẽ tốt đẹp” (XII, 37).

Một ngày kia, bà bá tước Fassati hỏi cha Barberis: “Don Bosco có phải là người ôm đồm quá nhiều không?” Cha này đã trả lời bà, hôm đó là ngày 2 tháng 4 năm 1876, vạch cho thấy một tiêu chuẩn khác của Don Bosco rằng: Ở đâu những người khác không làm được gì, thì các Salêdiêng ít là làm được một tí: “Chắc rằng chúng tôi có nhiều việc phải làm và chúng tôi làm việc không nghỉ như thể chết vì mệt mỏi; thế nhưng bao lâu còn có việc liên lỉ như thế không chút nghỉ ngơi, Don Bosco lại thấy công việc trôi chảy tốt đẹp. Ngài làm cho chúng tôi thành những người rất nhiệt tình và hữu dụng trong nhiều công việc. Ngay cả những người không có khả năng đảm nhận những việc lớn, thì ngay từ lúc là tư giáo đã được đặt vào trong các công việc. Khi quen tránh né công việc thì mất cơ hội và chẳng bao giờ đạt được gì.

Don Bosco cũng thấy có nhiều công việc trong vườn nho Chúa mà nhiều việc người ta có thể làm nhưng không làm. Vì thế, thay vì cho phép người ta không làm gì, thì ngài muốn phải làm một ít. Một sai lầm của nhiều người, kể cả của tu sĩ, là khi thấy một việc gì mà không thành công trọn vẹn, thì thay vì bắt tay làm, họ bỏ luôn công việc. Đối với chúng tôi, chúng tôi không nhìn xem sự vinh danh bên ngoài hay là những điều người ta nói. Nếu không có thể làm được toàn bộ mọi vần chữ cái, mà có thể làm được 4 vần ABCD thì tại sao lại bỏ cái việc chút ít này, lấy cớ rằng không thể thành công đến vần Z?” (XII, 207).

Ngày 14 tháng 8 năm 1876, Don Bosco lợi dụng cơ hội chuyện vãn sau cơm tối, để biện minh cho lời cáo giác là vì quá nhiều công việc làm cho các tu sĩ Salêdiêng chết yểu: “Mỗi người chúng ta nếu chết vì làm việc có thể thu hút hàng trăm người khác vào Tu hội. Thật vậy, cha bằng lòng và hãnh diện khi thấy chúng ta làm việc nhiều. Nhưng cha nghe thấy có mấy người nói rằng các linh mục chết tại nhà là vì làm việc quá nhiều! Không, cha không nghĩ như vậy đâu! Các ngài làm việc nhiều, các ngài thành những nhà vô địch, nếu nghỉ ngơi các ngài, có thể kéo dài thêm đời sống, nhưng thật ra tất cả các ngài đều mắc chứng bệnh mà bác sĩ nói không chữa nổi“.

Và đề cập tới những căn bệnh đã cắt ngắn cuộc đời cha Alasonatti, cha Ruffino, cha Croserio, cha Chiala, ngài nói: “Người có thể gọi là nạn nhân của công việc, có lẽ phải nói là cha Rua; đúng vậy, chúng ta thấy rằng cho tới bây giờ Chúa giữ gìn chúng ta ai nấy đều khỏe mạnh”.

Vào năm 1876 cha Rua đang là: phó Bề trên cả của Tu hội, giám đốc Nguyện xá, Tổng giám linh, Giám đốc dòng con cái Đức Mẹ Phù Hộ, Linh hướng của nhà “Rifugio Barolo”, giảng viên và là cha giải tội thường xuyên của nhà thờ Đức Mẹ Phù Hộ, đó là chưa kể đến những trách nhiệm theo hoàn cảnh nữa… và Don Bosco kết luận: “Nhưng có lẽ đúng thật điều người ta nói, ôi qủa là vinh quang nếu chết vì làm việc qúa nhiều. Qua những hy sinh này Thiên Chúa dành cho họ một phần thưởng quý giá, không những chỉ cho cá nhân người đó ở trên trời, mà còn cho cả Tu hội của người đó ở trần gian này. Khi cất người ấy đi, Thiên Chúa sẽ sai hàng trăm người khác tới. Tu hội chúng ta sẽ không bao giờ giảm sút, sẽ luôn luôn tăng số chừng nào còn làm viêc nhiều và còn sự tiết độ. Cha có cảm tưởng rằng trong vòng 50 năm, Tu hội chúng ta sẽ có chừng 10 ngàn hội viên… Tuy nhiên,… cha cũng thấy một khuynh hướng tìm tiện nghi làm cha kinh sợ! Khi cha bắt đầu lập những Nguyện xá và Tu hội thì cha đơn độc, vậy mà tất cả đã được thực hiện. Bây giờ thì công việc được chia sẻ cho nhiều người. Chắc chắn rằng công việc thì nhiều mà người làm thì còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, và thường họ phải tự học lấy… Nhưng cha vẫn thấy rõ ràng khuynh hướng này. Và còn một điều nữa cũng khá chắc chắn là “Chừng nào những người hiện sống với Don Bosco, những người đã xem thấy thời kỳ này của Tu hội, chừng nào những người này còn sống, thì mọi việc đều tốt đẹp. Còn tương lai sau đó thế nào… chúng ta phải tín thác vào Chúa”  (XII, 382 – 383).

Ngài chấm dứt câu chuyện bằng cách đưa ra những lý do sa sút của các Dòng tu: sự nhàn rỗi, tiện nghi và sự dư dật đồ ăn, lòng ích kỷ và óc cải cách hay sự nói xấu. Ngài nhấn mạnh: “Cần phải quyết tâm làm việc hơn sức của mình, như thế cũng chưa chắc tới được mức mà chúng ta có thể làm“.

Trong bài huấn đức hàng năm vào ngày 6 tháng 2 năm 1877, Don Bosco cảm thấy cần phải cám ơn cách công khai: “Cha phải vui mừng với các con đang làm việc, đã làm việc và còn tiếp tục duy trì tinh thần làm việc. Cha phải cám ơn Đức Mẹ đã luôn trợ giúp chúng ta. Cha, như là bề trên của tu hội, cha cám ơn các giám đốc về những vất vả cá nhân và tinh thần. Cha nói cùng họ rằng: Họ hãy mang lời cám ơn của cha về mỗi nhà, và nói cho tất cả biết rằng cha rất hài lòng với họ, cho họ biết người cha của họ rất lưu tâm đến nhũng người đang làm việc và chịu đựng. Hãy nói cho họ biết cha xin họ trong chính lúc này để họ dâng sự hy sinh sức mình để liên kết tất cả lại, để cứu linh hồn chúng ta và linh hồn người khác, để tăng thêm tinh thần đạo đức, để làm tăng thêm số các Salêdiêng và số những kẻ được vào trong vinh quang của Chúa” (XIII, 83).

Vào tháng 3 năm 1879, Don Bosco đã sửa soạn một tường trình tổng quát về Tu hội từ năm 1841-1879 cho Tòa thánh. Ngài đã trình bày tình trạng và sự phát triển cơ sở, khi trình bày về điều kiện tinh thần, ngài viết: “Nhờ ơn Chúa, sự tuân giữ Hiến luật được duy trì trong mọi nhà và cho đến bây giờ chưa có Salêdiêng nào đã gây ra gương xấu. Còn công việc thì vượt quá sức và vượt qúa con số nhân sự; nhưng không có ai sợ hãi, và hình như họ coi mệt nhọc là món ăn thứ hai sau đồ ăn vật chất. Thật ra, cũng có một số trở thành nạn nhân của lòng hăng hái, ở châu Âu cũng như ở các xứ truyền giáo. Nhưng điều này chỉ làm tăng sự hăng say làm việc đối với các Salêdiêng khác. Tuy nhiên có sự đề phòng để không có ai làm việc quá sức khiến tổn hại đến sức khỏe” (XIV, 218).

Giấc mơ về thánh Phanxicô Salê vào tháng 5 năm 1879 khích lệ ngài về tương lai. Thánh Phanxico Salê nói với ngài rằng: “Chừng nào các bề trên còn làm việc bổn phận của mình thì Tu hội sẽ còn phát triển và không ai có thể làm ngừng lại được; và Tu hội sẽ còn tồn tại bao lâu các hội viên còn thích làm việc và sống tiết độ. Nếu thiếu một trong hai trụ cột này thì tòa nhà của chúng con sẽ đổ xuống và đè bẹp các bề trên, bề dưới và các môn sinh nữa” (XIV, 124).

Trong giấc mơ năm 1881, nhân vật biểu thị Tu hội phải là thế nào, mang trên vai hai chữ Labor et temperantia (làm việc và tiết độ) với những chữ “remedium concupiscentiae, arma potentissima contra omnes insidias diaboli. Si lignum tollis, ignis estinguitur. Pactum constitue cum oculis tuis, cum gula, cum somno, ne huiusmodi inimici depraedentur animas vestras. Intemperantia et castitas non possunt simul  cohabitare” – Làm việc và tiết độ là phương dược chữa trị dục vọng, là khí giới mạnh mẽ chống lại mọi tấn công của ma qủy. Nếu rút củi ra, lửa sẽ tắt. Hãy dứt khoát kìm hãm con mắt, miệng lưỡi, ngủ nghỉ để kẻ thù khỏi hãm hại linh hồn. Sự vô độ và đức thanh khiết không cùng sống chung được” (XV, 184).

Vì thế trong lá thư di chúc vào năm 1884, Don Bosco không ngần ngại viết rằng: “Khi một tu sĩ Salêdiêng bị chồng chất quá nhiều việc và chết đang khi làm việc cho các linh hồn thì lúc đó chúng con phải nói rằng Tu hội chúng ta đã chiến thắng lớn và nhờ đó phép lành bởi trời tuôn xuống” (XVII, 273).

Giấc mơ lớn năm 1885 về truyền giáo hứa hẹn rằng: “Các tu sĩ Salêdiêng sẽ thành công trong mọi sự nhờ lòng khiêm nhường, nhờ làm việc và nhờ tiết độ” (XV, 301). Sau đó hai năm khi Don Bosco mời cha Ortuzar vào dòng Salêdiêng, Don Bosco đã nói rằng: “Cha muốn làm việc phải không? Được lắm, ở đây cha sẽ có bánh ăn, công việc và thiên đàng” (XVIII, 419). Trong cơn hấp hối, Don Bosco đã nói với đức cha Cagliero những lời di chúc: “Cha nhờ con nói cho tất cả các Salêdiêng rằng hãy làm việc với lòng hăng hái nhiệt thành: Làm việc, làm việc!” (XVIII, 477 – 493).

  1. Tiết Độ

Dù dùng sự làm việc để làm chủ giác quan, Don Bosco vẫn luôn luôn trau dồi nhân đức tiết độ. Những Salêdiêng tiên khởi đã thấy được bàn ăn nghèo khổ của Don Bosco trong nhiều năm. Và họ còn có một trường liên tục dạy họ bằng gương sáng, bằng lời nói và bằng văn từ của Don Bosco.

Trong cuốn Lịch sử thánh với gương sáng của Daniel ngài viết: sự tiết độ được Thiên Chúa chúc phúc và nó còn giúp cho trí thông minh và sức khỏe thể xác (II, 395).

Trong cuốn sách Il Giovane Provveduto, ngài đã nêu gương sáng tiết độ của thánh Lui Gonzaga. Trong đời sống của Đaminh Saviô, của Micae Magone và của Phanxico Besucco, ngài đã lo lắng cho các thiếu niên bắt chước các nhân đức của thánh Lui cùng với sự chừng mực khôn ngoan. “Hãy cho tôi một thiếu niên biết tiết độ trong ăn uống và ngủ nghỉ thì các bạn sẽ thấy rằng nó là đứa trẻ nhân đức, chăm chỉ trong bổn phận, sẵn sàng làm việc lành và yêu thích mọi nhân đức. Nhưng nếu có một thiếu niên ham ăn, mê rượu, ngủ dài thì dần dần nó sẽ có mọi nết xấu. Nó sẽ trở thành người bất cẩn, lười biếng, bất an và tất cả của nó sẽ đi tới tệ hại. Có biết bao nhiêu thiếu niên bị hư đi vì tội mê ăn uống! Tuổi trẻ và rượu là hai ngọn lửa. Rượu và đức khiết tịnh không ở chung với nhau được” (IV, 184).

Cha Lemoyne đã tả trong chương 18 cuốn IV về đời sống rất mực hy sinh của Nguyện xá trong nhiều năm chỉ ăn bánh với cháo và ít khi thay đổi. Don Bosco đã tâm sự với cha Rua rằng: Cho đến khi 50 tuổi, ngài đã không ngủ hơn 5 giờ đồng hồ mỗi đêm, và mỗi tuần thức trắng một đêm để làm việc. Từ năm 1866 tới năm 1871 ngài nhượng bộ để ngủ 6 giờ, và vẫn tiếp tục thức một đêm mỗi tuần. Sau cơn bệnh vào năm 1872, ngài bị bó buộc ngủ 7 giờ mỗi đêm và bỏ không thức trắng đêm nữa. Chính ngài khuyên người khác không nên theo chương trình này và khuyên các giám đốc ngủ 7 giờ mỗi đêm (IV, 187).

Thời khoá biểu của Nguyện xá kéo dài mãi tới năm 1914 khi chiến tranh thế giới bùng nổ, với tu sĩ thức dậy lúc 5 giờ, học sinh lúc 5g30. Phần đông các bề trên đều thức vào 4g30. Vào mùa đông được ngủ thêm nửa giờ trong những ngày quá lạnh và những ngày có trình diễn kịch nghệ kéo dài tới 11 giờ đêm.

Ngài cũng thường khuyên các thiếu niên: “Chúng con tránh những thói quen, cả khi chúng là những thói quen rất dửng dưng: chúng ta chỉ phải quen làm việc thiện mà thôi. Thân xác chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn. Càng cho nhiều nó càng đòi nhiều” (IV, 590).

Dù chăm lo tổ chức những cuộc giải trí lành mạnh cho các thanh thiếu niên, Don Bosco lưu ý sự xáo động vô độ, nhắc lại lời của thánh Giuse Cafasso nói khi ngài được mời tham dự cuộc vui: “Tôi có nhiều việc khác phải làm hơn là giải trí! Khi tôi không còn việc gì phải lo nghĩ thì lúc đó tôi sẽ đi giải trí” (IV, 590).

Ngài vô cùng thận trọng khi có thể đi giải trí vì lý do sức khoẻ, ngài khuyên những người khoẻ mạnh nên làm quen với những thay đổi thời tiết và những bất tiện. Don Bosco nhớ lại câu truyện ngài đã nghe trên xe lửa từ hai người sống ở vùng núi: “Chúng tôi là người miền núi, chúng tôi quen với gió, với tuyết, với băng giá. Chúng tôi như chẳng còn nhận thấy mùa đông nữa. Trẻ của chúng tôi ngay thời này, vẫn còn đi chân không trên tuyết, chúng nghịch tuyết mà chẳng lưu ý gì tới trời nóng trời lạnh”. Don Bosco cắt nghĩa thêm: “Từ đó cha có thêm bằng chứng rằng: tùy theo người ta cho thân xác nhiều hay ít, thì thân xác cũng ở trong tư thế nhận nhiều hay ít. Đối với những người qúa nhạy cảm thì sẽ gặp thấy những lúc rất bất tiện, đang khi điều đó thì người ít nhạy cảm lại quen rồi”. (IV, 808).

Ngài dạy cho các thầy tư giáo sống bỏ mình như là nhân đức đầu tiên của các môn đệ Chúa Kitô. Ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng con hãy bắt đầu hãm mình bằng những việc bé nhỏ để có thể dễ dàng hãm mình trong các việc lớn” (III, 614).

Thay vì việc đền tôi nhiệm nhặt như thánh Luy và các thánh lớn thì ngài khuyên làm quen chịu đựng nóng, lạnh, ốm đau, người khác và các biến cố xảy ra…” (IV, 216).

Vào tháng 11 năm 1862 ngài có đăng trong tạp chí Đọc văn Công giáo truyện ông Germano thợ mộc. Và ngài thêm vào đó một trang giúp trẻ dễ nhớ, trong đó có những lời này:

  1. Có hai điều mà người ta không thể chiến đấu cũng như không thể thắng được nhiều là xác thịt và tính vị nể. Hạnh phúc cho các con nếu khi còn trẻ, các con có thói quen thắng được chúng.
  2. Giải trí một tí thì không phải là điều xấu, nhưng rất khó để chọn trò giải trí, rồi điều độ trong giải trí. Vậy chúng con hãy thực hành như thế này: Tất cả sự vui chơi và giải trí của chúng con phải luôn được cha giải tội chấp thuận, và ngay cả trong những trò ấy đừng bao giờ chúng con tìm thỏa mãn. Khi chúng con hãm mình để thắng chính mình, thì chúng con đã thắng cuộc và đạt lợi lớn” (VII, 292).

Vào buổi huấn từ tối ngày 27 tháng 7 năm 1864, Don Bosco đã nói về sự hãm mình như là phương thế độc nhất để thắng các đam mê. Ngài nói: “Một người mắc bệnh khát thì càng uống bao nhiêu càng khát bấy nhiêu. Các đam mê là những con chó điên cuồng, không bao giờ thỏa mãn, càng nhượng bộ chúng thì chúng càng nổi dậy. Người muốn uống rượu nghĩ rằng uống say một lần thì sẽ hết muốn. Nhưng ngược lại càng uống càng thèm. Vậy chúng con có muốn kìm chế tính vô độ không? Chúng con hãy ăn chay. Chúng con có muốn thắng sự lười biếng không? Chúng con hãy làm việc. Chúng con có muốn từ bỏ những tư tưởng xấu không? Chúng con hãy hãm dẹp con mắt, miệng lưỡi, lỗ tai, tránh một số câu truyện và sách báo” (VII, 683).

Ngay từ đầu Don Bosco đã có luật không chấp nhận vào Tu hội những kẻ lười biếng và tham ăn. Đó là do kinh nghiệm dạy cho ngài biết. Ngày 6 tháng 9 năm 1867 khi các Salêdiêng phàn nàn vì sự xuất tu của hai tư giáo giỏi giang đầy hy vọng thì Don Bosco bình tĩnh cắt nghĩa: “Một trong hai kẻ phải ra đi vì lý do tham ăn. Anh ta không bao giờ bằng lòng với đồ ăn được cung cấp” (VIII, 930).

Giấc mơ vào năm 1879, nhân vật kỳ lạ giống như thánh Phanxicô Salê đã trả lời cho Don Bosco khi ngài hỏi tiêu chuẩn để nhận tập sinh: “Hãy loại những kẻ lười biếng và tham ăn” (XIV, 124).

Đây là một vài đoạn văn trong những bài huấn đức ngài thường nói cho các hội viên. Bài huấn đức trong tuần tĩnh tâm năm 1868 ngài đã đề cập trực tiếp đến sự hãm dẹp ngũ quan: “Chúng ta có một kẻ thù mà ngày đêm không chịu bỏ chúng ta, đó là thân xác chúng ta. Vậy chúng ta phải chiến đấu chống lại nó nếu chúng ta không muốn để nó nổi loạn chống lại tinh thần. Chúng ta phải hãm dẹp nó để nó qui phục tinh thần. Chúa Giêsu Kitô đã cho chúng ta một mẫu gương trong sáng trong tất cả cuộc sống của Ngài. Ngài đã không ngừng hãm dẹp thân xác. Ngài đã bắt đầu cuộc rao giảng bằng một cuộc ăn chay 40 đêm ngày. Ngài đã chịu sự mệt nhọc của biết bao hành trình đi bộ, đói khát, thức thâu đêm đê cầu nguyện và chịu nạn… Ngài đã dạy hai phương án để chống lại thân xác: lấy đi khỏi thân xác mọi sự xoa dịu và cầu nguyện… Ai không hãm mình thì không biết cầu nguyện.  Tất cả các thánh trên thiên đàng, tất cả các chức bậc và các linh mục tốt đều đã và đang bắt chước Chúa Giêsu, tất cả họ là gương mẫu cho chúng ta“.

Khi kể ra gương sáng của thánh Phaolô, của các vị tử đạo, của các thánh, của vô vàn tín hữu, của các vị ẩn tu, các tu sĩ và giáo dân qua sự ăn chay hãm lình tỉnh thức kỷ luật và bao nhiêu sự đền tội khác, Don Bosco đã nhận xét: “Chắc rằng chúng ta không buộc phải hy sinh bằng những hình thức của các thánh, khi cần Thiên Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta chịu như vậy. Nhưng điều chúng ta phải làm là không bao giờ ưu tiên cho thân xác, phải đề phòng những cạm bẫy của giác quan. Chúng ta hãy thực thi việc dọn mình chết lành với đức tin mạnh mẽ. Tránh mọi phù hoa, tham vọng, không đòi gì đặc biệt gì trên giường ngủ, nơi quần áo mặc hay sách vở, chịu đựng những hậu qủa bất tiện của sự khó nghèo mà chúng ta đã khấn hứa tuân giữ. Hãy hãm dẹp giác quan. Nơi đôi mắt khi nhìn xem, khi đọc sách báo. Bằng lòng với của ăn trong nhà. Không bao giờ để đồ uống trong phòng. Không có gì khác ngoài cái thông thường. Biết chịu đựng và mời người khác chịu đựng. Ăn chay mỗi thứ sáu. Chịu nóng lạnh và những bất tiện về sức khoẻ hay khi thiếu sự gì. Không đi đây kia nếu không cần thiết” (IX, 352 – 354).

Vào bài huấn từ thứ ba trong cuộc tĩnh tâm năm 1871, Don Bosco đã giải thích câu: “Abstrahe ligna foco, si vis extinguere flammas; si motus carnis, otia, vina, dapes – nếu muốn tắt lửa, hãy rút củi ra; nếu muốn thân xác không xáo trộn, hãy lấy đi sự ươn lười, rượu chè và mê ăn”. Và ngài kết luận: “Chứng ưa ăn nhậu là lý do đổ vỡ của nhiều tu viện” (X, 1078).

Trong bài huấn đức đầu tiên nói cho các tập sinh ngày 13 tháng 12 năm 1876, khi tập viện mới được tách khỏi Nguyện xá. Ngài đã xếp sự ham ăn vào hàng đầu trong những điều phải lọai khỏi đời sống tu trì. Ngài nói: “Các con đừng quen thói tham ăn. Chúng con hãy bằng lòng với những đồ ăn ở bàn ăn và không đòi hỏi gì hơn“. Ngài tâm sự rằng mình đã nhìn thấy có người chọn miếng ăn ngon và mừng lễ bằng một chai rượu, và ngài bắt đầu nghi ngờ về sự trung thành của họ (XI, 517).

Vào lúc kết thúc cuộc tĩnh tâm năm 1876, sau khi đã kể giấc mơ mà chúng ta đã nói ở trên, Don Bosco khuyên: “Đối với thân xác, đừng tìm sự tiện nghi dễ chịu mà ngược lại phải xử tệ với nó. Chỉ khi vì lý do sức khỏe mới dễ dãi với nó. Ngoài ra luôn chỉ cho thân xác điều thật sự cần và không hơn” (XII, 470).

Có thể nói được rằng ngài không bỏ qua một cuộc tĩnh tâm nào mà không nhấn mạnh về sự tiết độ. Và thời ấy, đồ ăn rất hiếm, không dễ gì có ai thoả mãn tính tham ăn với bữa phụ hay có một chai rượu để lai rai. Thế nên ta không gây ngạc nhiên lắm thấy ngài nhắc nhở thường xuyên về sự ham vui. Vào buổi kết thúc cuộc tĩnh tâm năm 1879, ngài đã nói tới những sự tai hại của sự vô tiết độ: “Mỗi người hãy quan tâm sống kỷ luật, trong việc ăn uống chỉ dùng những gì cần thiết thôi. Thí dụ, khi chúng con được mời dự tiệc, hoặc vì thích đáng hay cần thiết thì các con đi. Trong bữa ăn, chúng con thấy có nhiều đồ ăn và đồ uống, chúng con hãy vui vẻ và không cần phải tỏ ra khác người. Hãy coi đó như một dịp đặc biệt thôi. Nhưng phải cân nhắc sức khỏe của mình và nhu cầu riêng, không được ăn uống thái quá vô độ. Về điểm này, chúng ta phải nghiêm khắc với chính mình. Nhiều lần xảy ra những chuyện đáng tiếc vì thiếu suy xét. Tốt hơn hãy dùng dịp này để làm một vài sự hãm mình cách vui vẻ” (XIV, 363).

Cha Barberis viết rằng mỗi lần cần phải nói đến sự vô độ ăn uống, Don Bosco đều bày tỏ suy tư của mình. Một ngày trong năm 1878, ngài nói: “Chúng con hãy ý tứ, khi một người để nết xấu này làm chủ mình, thì không còn có cách nào, chẳng thể quyết định làm gì được; vô cùng khó khăn. Tính tham ăn sẽ kéo theo những nết xấu khác. Thánh Giêrôm nói rằng rượu và đức khiết tịnh không đội trời chung”. Và ngài kể một số thí dụ đã xảy ra thời ngài ở chủng viện cũng như ở nhà chung các giáo sĩ. Đứng trước những sự kiện này, thánh Giuse Cafasso và cha Guala thường nói: “Chỉ có phép lạ mới chữa được nết xấu này; còn bình thường người ta có thể thắng được nó trong một thời gian, nhưng sau này, chứng nào tật ấy” (XIII, 398).

Vào lễ Đức Mẹ Phù Hộ, người ta có thói quen tổ chức một bữa tiệc Buffet trong đó các thiếu niên có thể mua đồ uống nhờ vào điểm tốt mà chúng có thể góp suốt năm do phần thưởng chăm chỉ. Năm 1877, ban thượng cố vấn đã cấm các tư giáo đi tham dự bữa ăn đó. Một vài người xin để đặt rượu trong nhà cơm vào dịp này. Don Bosco đã chống lại việc này và cũng không muốn cho các thầy ít tiền để họ mua đồ uống trong hội chợ. Ngài nhận xét rằng: “Những điều họ cần thì luôn đuợc cung cấp đúng lúc. Có những nhượng bộ vài lần sẽ thành quyền lợi và sinh ra những hậu quả không hay” (XIII, 399).

Don Bosco đã thấy trước nhiều điều. Giấc mơ năm 1881 đã xác nhận cho những sự đề phòng của ngài được trình bày ở mặt sau của mẫu ảnh với những chữ: “Pia Salesianorum Societas qualis esse periclitatur anno salutis 1900 – Tu hội Salêdiêng vào năm 1990 sẽ gặp nguy cơ thế nào, thay vào chữ “temperantia” (tiết độ) là chữ Gula, et quorum Deus venter est – tham ăn, Chúa của họ là cái bụng” (XV, 185).

Vào thời Don Bosco về mùa đông trời rất lạnh, nhất là ở Bắc Ý; thế mà lúc đầu ngài chống lại việc dùng lò sưởi, vì nhớ rằng trong chủng viện không bao giờ có sưởi.

Trước đây là như vậy; nhưng tinh thần của Đấng sáng lập đã đưa ra một sự dè dặt cho mọi thời. Don Bosco lấy tư tưởng đó như tóm tắt giấc mơ bài ca vô tội năm 1884 (XVII, 193; 722-730). Chúng ta chỉ trích dẫn một đoạn về sự hãm mình: “Hạnh phúc cho các thiếu niên ôm ấp cây thánh giá hãm mình bằng những quyết định cứng rắn, chúng có thể nói được như ông Gióp: Donec deficiam non recedam ab innocentia mea – tôi sẽ không bỏ sự vô tội của tôi cho tới chết. Vậy hãm mình trong việc thắng vượt những chán nản cảm thấy trong lúc cầu nguyện… Hãm mình trong lý trí bằng tự hạ, vâng lời bề trên và Luật dòng… Hãm mình trong việc nói luôn luôn nói thật, trong việc trình bày những khuyết điểm và những nguy hiểm một người có thể gặp… Hãm mình trái tim bằng cách kìm hãm những xúc động, yêu mến mọi người vì lòng yêu mến Chúa và dứt khỏi những ai làm tổn thương tới sự vô tội của chúng ta… Hãm mình trong việc chịu đựng cách can đảm và thẳng thắn những sự nhạo cười xúc phạm lòng tự ái… Hãm mình con mắt, khi nhìn, khi đọc, tránh những sách báo xấu và không hợp… Hãm mình khi nghe: không nghe những câu truyện xấu, thô thiển hay gian trá… Hãm mình trong lời nói: không để sự tò mò lướt thắng… Hãm mình ăn uống: không ăn uống quá độ… Tóm lại, hãm mình chịu đựng tất cả những gì xảy ra trong ngày như nóng lạnh mà không tìm thoả mãn riêng” (XVII, 727-728).

Vấn đề hãm mình được bàn tới như vậy, Ngày nay cần phải thêm vào sự hãm mình về những trò giải trí, đọc sách báo, ham phim ảnh và tivi… Chúng ta hãy nhớ lại hai khoản trong hiến luật:

Có hai điều đặc biệt mà mọi người phải lưu ý: 1) Mỗi người phải ý tứ để không bị ràng buộc với những tập quán thuộc bất cứ loại nào, kể cả những điều có tính cách dửng dưng. 2) Quần áo, giường và phòng ở của mỗi người phải sạch sẽ, lịch sự, nhưng phải tránh mọi hấp dẫn và tham vọng. Chẳng có gì trang trí tốt đẹp hơn cho một tu sĩ bằng sự thánh thiện của đời sống, nhờ đó nêu gương sáng cho mọi người. (khoản 188).

Mỗi người phải sẵn sàng chịu đựng nóng, lạnh, đói, khát, mệt nhọc và khinh khi, mỗi khi những sự này ích lợi cho vinh danh Thiên Chúa, cho ích lợi thiêng liêng của tha nhân và cho phần rỗi các linh hồn (khoản 189). Don Bosco đã đặt khoản hiến luật này vào chương thực hành việc đạo đức (khoản 13), như là hiệu quả đích thực của lòng đạo đức. Ôi vị thánh của chúng ta!

Chúng ta được khích lệ qua những lời của Don Bosco nói vào dịp cha Giuse Vespignani và các bạn khấn dòng vào tối vọng lễ Giáng sinh 1876. Ngài dẫn họ đi thăm Nguyện xá để suy tư về ba ân ban của Chúa, đó là: việc làm, bánh ăn và thiêng đàng. Ngài thêm: “Chúng con sẽ thấy điều này trong khắp mọi nhà chúng ta. Mọi nơi chúng con sẽ có bánh ăn, có việc làm và thiên đàng. Có lẽ chúng con sẽ xảy ra trường hợp tương tự của những người Do thái trong sa mạc gặp nước mặn, tức là những sự không ưa thích, ốm đau, thử thách, khó khăn, cám dỗ. Trong trường hợp này chúng con cũng hãy dùng cách thức của Môsê: Đó là đặt một mảnh gỗ vào nước mặn để nó biến thành nước ngọt. Mảnh gỗ cha muốn nói đây là gỗ của thánh giá, hay là tuởng niệm đến cuộc tử nạn của Chúa Kitô, sự hy sinh của Ngài mà hằng ngày chúng ta cử hành trên bàn thờ” (XII, 600).

Chương 10

Gíao Dục Kitô Giáo Cho Giới Trẻ

   Sứ mệnh của Don Bosco trong Giáo hội rất rộng: từ các Nguyện xá cho đến việc truyền giáo nơi dân ngoại. Ngoài ra ngài cũng còn ôm ấp nhiều hình thức tông đồ khác. Nhưng việc tông đồ đặc biệt được Chúa Quan Phòng trao phó và làm cho ngài nổi tiếng trên thế giới qua Tu hội của ngài là việc giáo dục Kitô giáo cho giới trẻ. Chúng tôi nói rõ là việc giáo dục Kitô giáo cho giới trẻ chứ không phải là việc dạy học hay mở trường, vì dạy học hay mở trường chỉ là một trong nhiều phương tiện được Don Bosco dùng để giáo dục Kitô giáo cho giới trẻ.

Tu hội Salêdiêng không phải là Tu hội của các thầy giáo nhưng là Tu hội của các nhà giáo dục Kitô giáo.

Trước khi có nhà trường, Don Bosco đã mở các Nguyện xá để phục vụ sứ mệnh này. Rồi một khi đã mở được nhà trường, ngài cũng không bao giờ bỏ chức năng toàn diện của Nguyện xá.

Chỉ cần nhớ tới bài giảng huấn thường niên vào tháng 9 năm 1875, đoạn cuối bài giảng, Don Bosco đã nhấn mạnh vai trò của Nguyện xá cho tất cả các vị giám đốc phải quan tâm và làm cho nó sống động song song với nhà trường tại những nơi giáo quyền ban phép. Đứng trước vấn nạn rằng thiếu thốn về nhân sự và nơi chốn, Don Bosco không nản lòng. Ngài nói: “Chỉ có cách này người ta mới có thể xây dựng tận gốc cho dân chúng một nếp sống tốt lành”. Ngài cũng khuyên :”Nếu không thể giữ trẻ lại chơi, thì ít nhất buộc phải có thánh lễ cho trẻ ngoại trú vào các ngày chủ nhật và các ngày lễ buộc. Ngoài ra, cũng phải lo để chúng xưng tội và chịu lễ hàng tháng” (XI, 351).

Đức hồng y Salotti coi Nguyện xá là hào quang tiên khởi và là kiệt tác của Don Bosco. Hẳn rằng Don Bosco coi đây là nền tảng của mọi nhà trường của ngài. Vào năm 1852 ngài đã phác thảo một bản quy chế cho trường nội trú đầu tiên ở Valdocco với tựa đề: Bản quy chế tiên khởi cho nhà cạnh Nguyện xá thánh Phanxicô Salê (IV, 542; 543; 735).

Don Bosco luôn coi nhà trường như phương tiện giáo dục. Nhà trường không phải chỉ để dạy học nhưng còn để đào luyện Kitô giáo trong tâm trí người ta. Còn lại thì tất cả công cuộc của ngài đều nhằm tới việc cứu rỗi các linh hồn, đặc biệt là linh hồn giới trẻ. Về vấn đề này, vào năm 1881 tường trình cho Toà Thánh, Don Bosco đã giới thiệu Tu hội Salêdiêng: “Tu hội đã khởi sự bằng một bài giáo lý đơn sơ trong nhà thờ thánh Phanxicô Assisi ở Torino” (XV, 703).

Cha Lemoyne khi diễn tả lại những buổi hội họp Chúa nhật đầu tiên mà Don Bosco, lúc đó còn là một đứa trẻ đã tổ chức trên các mỏm đá hay trên bãi cỏ với những đứa trẻ lân cận, đã quả quyết rằng: “Cái ý hướng luôn luôn có mặt giữa các trẻ để tụ họp chúng lại, dạy giáo lý cho chúng đã có trí trong ngài cách rõ ràng ngay từ lúc lên 5 tuổi. Điều đó đã củng cố ước muốn của ngài và hình như đó là việc độc nhất mà ngài phải làm trên thế gian” (I, 143).

Vả, nếu không phải là công việc độc nhất thì ít ra cũng là việc chính yếu. Giấc mơ chín tuổi càng làm Don Bosco xác tín điều này hơn khi Thiên Chúa quan phòng trao trách nhiệm cho ngài biến cải những con thú hung dữ thành những con chiên hiền lành, không phải bằng hình phạt nhưng bằng lòng bác ái nhân từ, dạy cho chúng biết sự xấu xa của tội lỗi và sự quý trọng của nhân đức (I, 124), nghĩa là cho chúng sự giáo dục Kitô giáo.

   Sau khi làm linh mục, ngài đã viết vào một tờ giấy nhỏ vẫn còn được giữ trong công hàm, giải thích về sứ mệnh của Chúa Giêsu trong Phúc âm thánh Gioan chương XI câu 52: “Ut filios Dei, qui erant dispersi, congregaret in unum. Để thâu họp con cái Thiên Chúa về một đoàn”. Và ngài đã viết những lời sau đây trong những ngày đầu của chức linh mục: “Những lời này có thể áp dụng từng chữ cho giới trẻ thời đại chúng ta.  Chúng là thành phần tế nhị và quí giá nhất của xã hội loài người, trên đó người ta xây dựng niềm hy vọng và một tương lai hạnh phúc, mà tự bản chất, chúng không phải là xấu… Nếu lấy đi được sự chểnh mảng của cha mẹ trong việc săn sóc con cái, sự nhàn rỗi, bạn bè xấu mà trẻ thường gặp thấy trong những ngày lễ nghỉ thì cũng rất dễ dàng cho đâm rễ sâu trong trái tim non yếu của chúng tinh thần trật tự, những thói quen tốt, lòng kính trọng và đạo đức; nếu vào tuổi đó mà chúng đã bị hư rồi thì hỏng! Thật vậy, các trẻ này cần được một bàn tay diễm phúc săn sóc, vun trồng nhân đức và tránh xa các nết xấu. Cái khó là làm sao thu tập chúng lại nói chuyện với chúng, dạy chúng sống luân lý. Đây là sứ mệnh của Con Thiên Chúa và chỉ có đạo thánh Ngài làm được. Mà đạo thánh này thì vĩnh viễn và bất di bất dịch, là thầy dạy của mọi thời, nó bao gồm một thứ luật hoàn bị tới nỗi có thể cắt nghĩa hợp với mọi thời và với từng người. Trong những phương tiện để làm lan toả tinh thần đạo đức nơi những tâm hồn thất học và bị bỏ rơi thì phải kể đến Nguyện xá. Khi được làm linh mục, tôi đã hiến tất cả sức lực tôi để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các tâm hồn. Tôi sẽ làm việc để cống hiến cho xã hội và thiên đàng những công dân tốt. Xin Thiên Chúa giúp tôi để có thể tiếp tục công việc ấy cho đến hơi thở cuối cùng” ( II, 45-46).

Trong văn liệu này – không biết ngài có tỏ cho ai biết những cảm nghĩ trên đây không -, chúng ta nhận thấy không chỉ là một thao thức trong tâm hồn ngài, mà còn có một nhãn quan rất rõ, một sự hiểu biết, một dự định chắc chắn và quảng đại tới mức anh hùng, mà chính cuộc đời ngài làm chứng tỏ điều đó. Cái nhãn quan, sự hiểu biết, dự định mà mỗi Salêdiêng phải biến thành của mình.

“Giáo dục – như đức thánh cha Piô XI định nghĩa – là cộng tác với Chúa Thánh Thần để làm ra hình ảnh Chúa Giêsu trong các tâm hồn”. Đó cũng là tư tưởng của Thánh Phaolô khi ngài muốn đưa các tín hữu Galata tới sự sống mới, ngài chăm lo để cho Chúa Kitô được hình thành nơi họ (Gal 4,19).

Chính vì sứ mệnh này mà Don Bosco hiến thân với đầy sự đam mê thánh thiện. Ngài nói với các Salêdiêng tiên khởi rằng: “Cha sẵn sàng hiến dâng mọi sự để chiếm được tâm hồn thanh thiếu niên và dâng chúng cho Chúa” (VII, 250).

Ngài sáng chế ra phương pháp riêng, bằng mẫu gương của ngài hơn là bằng lý thuyết. Thật đáng ghi nhận ở đây những lời của giáo sư Habrich ở Colonia khi ông kết án rằng: “Khoa sư phạm lý thuyết đã bỏ quên một điều: sức mạnh vô song của gương sáng. Thế giới phải vô cùng biết ơn Don Bosco về những lời vàng mà ngài đã viết về hệ thống giáo dục dự phòng; nhưng còn hơn nữa, bởi chính mẫu gương tuyệt diệu ngài đã để lại về tình yêu có khả năng giáo dục.

Về những điều này, đức thánh cha Pio XI đã qủa quyết khi nói chuyện với các sinh viên công giáo tiến hành năm 1934: “Chắc hẳn Don Bosco là con người thiên về hoạt động hơn là nghiên cứu, nhưng ngài là một trong những người bạn lớn nhất mà giới trẻ gặp được trong dòng lịch sử” (XIX, 319). Và trong sắc lệnh phong thánh De tuto, ngài cho rằng mình không nói qúa khi gọi Don Bosco là Novae juventutis educator princeps – ông tổ giáo dục của thế hệ trẻ mới.

Chính tấm gương sáng đáng thán phục của tình yêu giáo dục của ngài mà chúng ta ca ngợi. Một tình yêu thông minh! Tình yêu biết sử dụng lý trí, tôn giáo, và tình yêu; nhưng trên hết đó là tôn giáo. Bởi vì, như ngài viết trong các tờ phân phát năm 1849 để thu hút thanh thiếu niên lao động của thành phố Torino tới sứ mệnh: “Chỉ có tôn giáo mới có khả năng để bắt đầu và hoàn thành công trình lớn lao của một nền giáo dục chân thật” (III, 604).

Ngài cũng nói cho các Salêdiêng đầu tiên của mình: “Các học sinh đến Nguyện xá của chúng ta vì cha mẹ và những ân nhân của chúng trao phó chúng cho chúng ta để được dạy dỗ về văn chương, khoa học, nghệ thuật và nghề nghiệp, nhưng Chúa gởi chúng đến với chúng ta là lo cho linh hồn chúng để chúng tìm được nơi đây con đường cứu độ đời đời. Vì vậy mọi cái khác đều là phương tiện ngoại trừ cứu cánh cuối cùng là hoán cải chúng nên tốt và được cứu rỗi đời đời” ( VI,68).

Lần khác ngài nói: “Thiên Chúa đã, đang và sẽ gởi đến cho chúng ta nhiều thanh thiếu niên, chúng ta phải quan tâm đến chúng. Chớ gì chúng ta biết đáp lại ơn của ngài qua việc săn sóc chúng. Chúng ta phải thật tình hăng hái hy sinh để giáo dục và cứu vớt chúng” (VI, 382).

Don Bosco cũng thường nhắc đi nhắc lại: “Hơn bất cứ ai, giới trẻ thích nghe những chân lý đời đời. Và do đó, chúng phân biệt được ai là người không muốn cho chúng nên tốt” ( VI, 386). Vì thế, trong những lần đi thăm các nhà trường, ngài thường nhấn mạnh: “Các thầy dạy phải nhớ rằng nhà trường không là gì ngoài phương tiện dạy dỗ sự lành, các thầy phải đóng vai trò của các cha xứ đối với giáo dân, như là các vị truyền giáo trong việc tông đồ. Vì thế thỉnh thoảng phải nói lên những chân lý Kitô giáo, các bổn phận đối với Thiên Chúa, các bí tích, lòng tôn sùng Đức Mẹ. Tóm lại, các bài dạy của các thầy phải là những bài học Kitô giáo; các thầy cũng phải thẳng thắn và với lòng yêu mến khích lệ học sinh để trở thành những kitô hữu tốt. Đó là điều bí quyết để yêu mến và chiếm được sự tín nhiệm của giới trẻ. Ai xấu hổ khi khích lệ lòng đạo đức thì không xứng đáng là thầy. Các thiếu niên sẽ khinh thường họ và họ sẽ chẳng thành công gì ngoài làm hư các tâm hồn mà Thiên Chúa gởi đến cho họ” (X, 1019).

Don Bosco đã muốn rằng ngay cả trường nội trú khiêm tốn đầu tiên mà ngài mở bên cạnh Nguyện xá ngày lễ vào năm 1847, cũng mang tên Nguyện xá (Nguyện xá thánh Phanxicô Salê, nhà mẹ của toàn tu hội Salêdiêng) để tuyên bố công khai mục đích trước tiên của các trường văn hoá và nghề nghiệp Salêdiêng, là giáo dục Kitô giáo cho giới trẻ.

Ngài không dấu chuyện đó cả với bộ trưởng Urbano Rattazzi vào năm 1854 khi sắc lệnh đóng cửa các dòng tu có hiệu lực, ông này tới Nguyện xá để xem tận mắt những gì Don Bosco làm. Cuộc nói chuyện được cha Lemoyne ghi lại chi tiết. Cha Lemoyne kể rằng khi nói chuyện thì Don Bosco tỏ rõ ngài ưa chuộng phương pháp giáo dục dự phòng, qua đó ngài giáo dục giới trẻ bằng sự hiền dịu và nhờ đó ngài giúp chúng giữ luật và tự chủ. Ngài nói: “Trước hết, người ta chăm lo in sâu vào tâm hồn trẻ lòng kính sợ Thiên Chúa, gợi cho chúng yêu mến các nhân đức và ghê tởm các nết xấu, nhờ việc dạy chúng giáo lý cũng như những giáo huấn luân lý thích hợp, nâng đỡ đời sống của chúng qua những lời khuyên tốt theo hoàn cảnh, nhất là với việc thực hành đạo đức và tôn giáo. Ngoài ra bao có thể, với sự hộ trực đầy tình mến, trong sân chơi, trong lớp học cũng như khi làm việc, khích lệ chúng với những lời đầy lòng tốt. Khi chúng xao nhãng bổn phận thì khéo léo tìm cách nhắc nhở chúng ngay với những lời khuyên lành mạnh. Tóm lại dùng tất cả khả năng mà đức ái Kitô giáo gợi hứng để  giúp chúng làm lành và lánh dữ theo một lương tâm được đạo giáo soi sáng và nâng đỡ” ( V, 52-53).

Đây là tổng hợp toàn bộ phương pháp giáo dục dự phòng của Don Bosco. Phương pháp mà ngài đã minh họa một chút trong một ít trang (IV, 543; 558; 570) và rồi được đặt vào trong luật của các nhà (Khoản 87-111) mà trong đó ngài đã để lại nhiều gương sáng cụ thể.

Vào năm 1886 giám đốc chủng viện Montpellier đã xin Don Bosco cắt nghĩa phương pháp này, thì ngài đã trả lời: “Hệ thống giáo dục mà ngài đòi tôi cắt nghĩa… Nhưng có lẽ tôi cũng chẳng biết gì để cắt nghĩa. Tôi luôn luôn làm trước khi có hệ thống, theo như sự soi sáng của Thiên Chúa và sự đòi hỏi theo trong mỗi hoàn cảnh” (VI, 681). Chính nhờ sự soi sáng và kinh nghiệm thực tế cùng với ý ngay lành và tâm hồn quảng đại mà ngày nay chúng ta có nhiều tài liệu học tập quý giá về vấn đề này.

Ngoài ra phải nhớ rằng Don Bosco không bao giờ là một nhà sư phạm, nhưng ngài luôn là một linh mục trong giáo dục. Nếu tách rời khoa sư phạm của ngài ra khỏi khoa tu đức thì thật là sai lầm. Hệ thống giáo dục dự phòng Salêdiêng mang nặng tính cách tôn giáo. Nhiều lần Don Bosco đã nói: “Phương pháp giáo dục đề phòng là đức ái. Nó là sự kính sợ Chúa có trong tâm hồn”. Ngài cũng thường nhắc lại cho các cộng sự viên của ngài: “Cần phải đưa tội ra khỏi nhà và đưa trẻ đến với ơn thánh Chúa. Các con hãy nhớ rằng phương pháp giáo dục đầu tiên là xưng tội và chịu lễ sốt sắng” (IV, 554-555). Vì thế ngài viết rằng: “Chỉ có người Kitô hữu mới có thể áp dụng phương pháp giáo dục dự phòng. Nhà giáo dục phải liên lỉ dùng lý trí  và tôn giáo như phương tiện nếu muốn đạt tới mục đích”( IV, 548).

Một linh mục cựu học viên, mà cha Lemoyne không ghi lại tên, năm 1889 đã nói về Don Bosco như sau: “Don Bosco là một linh mục, qua gương sáng và lời nói, đã dạy người ta biết phải có tình yêu như thế nào, trong bậc sống của mình, để trung thành phụng sự Thiên Chúa” (VI, 4). Nói theo kiểu Manzoni, đấy là cốt lõi.

Và nếu muốn tóm lại các phương tiện chính mà Don Bosco dùng trong việc giáo dục của ngài, chúng ta có thể xác định: 1) Giáo huấn về đạo giáo thích hợp; 2) Thực hành việc đạo đức đúng mức; 3) Bầu khí yêu mến tín nhiệm và cộng tác.

Don Bosco dạy đạo giáo bằng việc dạy giáo lý, lịch sử Giáo hội, lịch sử Thánh, bằng việc giảng huấn, phổ biến Lời Chúa, phổ biến học giáo lý Kitô, khi nói cũng như khi viết: từ những bài sách thiêng ngắn hằng ngày, cho tới những bài học về đạo đúng nghĩa, những buổi giảng huấn định kỳ và tùy dịp và với những “huấn từ tối” đặc sắc. Đáng chú ý cách đặc biệt là ngài dùng tới việc ấn loát. Năm 1854 ngài cho in cuốn Lịch sử Giáo hội, một bản tóm lược dễ đọc và mang tính giáo huấn đã đào luyện lương tâm biết bao thanh thiếu niên khi mà Ý đang xảy ra tình trạng chính thức chống đối Giáo hội do nhóm Tam điểm chống giáo sĩ thời Phục Hưng chủ trương.

Năm 1846 ngài đã cho in cuốn Lịch sử thánh. Năm 1847 cho in cuốn Cẩm nang ngừơi trẻ (Il Giovane Provveduto) nhằm để thực hành đời sống tín hữu. Năm 1849 ngài thử cho vào lãnh vực báo chí với tờ Người bạn của giới trẻ. Năm 1853 ngài cho in tờ Đọc văn công giáo và loại này tiếp tục xuất bản cả một thế kỷ. Sau đó ngài còn in cuốn Cuộc đời các vị Giáo hoàng, cuốn Người Công giáo có hiểu biết và loạt sách Các văn sĩ cổ điển và hiện đại, nhằm một ý hướng tôn giáo rõ rệt, đề cao đời sống luân lý trong cảm thức Kitô giáo.

Về loạt sách Các văn sĩ, có một giai đoạn vào năm 1885, ngài giải thích về đạo binh thánh giá. Ơ Marsiglia, có một luật sư nổi tiếng tên Michel, một ngày kia ngài đã hỏi ông, đâu là lý do khiến cho nhiều người Công giáo biết lý thuyết thì lạc đường, còn những người  thực hành đạo thì không lạc. Ong luật sư vạch ra vài điều chỉ có tính phụ thuộc. Don Bosco đã trả lời: “Không, không, luật sư thân mến. Lý do của sự tệ hại chỉ có một: là vì nền giáo dục vô đạo mà người ta đang cung cấp trong các trường. Nền giáo dục dựa trên các văn sĩ ngoại đạo, thấm nhiễm châm ngôn và những chủ trương ngoại đạo, được dạy theo phương pháp ngoại đạo, nhưng ngày nay học đường lại là tất cả, nền giáo dục như thế không bao giờ tạo nên các Kitô hữu đích thực được. Tôi đã chiến đấu suốt đời để chống lại cái lối giáo dục trái khoáy đó đã từng làm hại não trạng và trái tim giới trẻ; lý tưởng của tôi là đào luyện chúng dựa trên nền tảng Kitô giáo rõ ràng. Vì thế tôi đã can thiệp vào những sách báo xấu của các tác giả Latinh cổ điển vô đạo bằng cách in ra các tác giả Latinh Kitô giáo. Tôi đã lưu ý các giám đốc, các thầy giáo và các hộ trực viên Salêdiêng. Và giờ đây tuổi già đã đến với tôi, tôi sẽ chết trong đau thương vì người ta không hiểu tôi đủ” ( XVII, 442).

Năm 1855 ngài viết và cho in một tập Giáo lý thiếu nhi để dùng trong giáo phận Torino. Trong suốt thời gian có công đồng Vatican I ngài đã tích cực soạn tập giáo lý phổ quát cho tất cả mọi địa phận và đã được một số đông giám mục tán thành, nhưng ngài đã không thể kết thúc được vì một ngăn trở đột xuất ( V, 362; IX, 827). Sau đó ngài lại đặt vấn đề trong lần triều yết Đức Thánh Cha Leo XIII vào ngày 25 tháng 4 năm 1882 (XV, 536). Nhưng tiếc thay lý tưởng của ngài vẫn chỉ là một giấc mộng. Tuy nhiên nó cũng đã mở ra con đường và Don Bosco đã có phần công sức của mình.

Năm 1856, Don Bosco còn viết ngay cả lịch sử nước Ý, đặt vào trong đó ý nghĩa đạo giáo, ngài mở đầu ngay bằng truyện Macabêo đại diện cho dân trước người Roma, như thể giới thiệu Lịch sử thánh.

Nhưng điều làm cảm động hơn cả trong việc tông đồ của Bosco là lòng nhiệt thành dạy giáo lý của ngài và một ơn riêng làm cho giới trẻ hiểu được tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng. Chỉ cần xem qua các suy tư ngắn trong những trang đầu của cuốn “Il Giovane Provveduto” là thấy rõ. Trong suy tư nói về “nhận biết Thiên Chúa”, ngài đã kết luận bằng những lời này “Oi, Thiên Chúa yêu thương chúng con chừng nào, ngài rất muốn cho chúng con làm việc lành để chúng con được tham dự vào vinh quang của ngài trên thiên đàng!”.

   Suy tư thứ hai (Thiên Chúa rất yêu thương giới trẻ) Don Bosco đã kết thúc bằng những lời này: “Nhận thấy rằng Thiên Chúa yêu thương lứa tuổi chúng con rất nhiều, đó không phải là lý do để chúng con cam kết đáp lại ngài bằng cách làm mọi việc vui lòng ngài và tránh tất cả những gì làm phiền lòng ngài sao!”.

Suy tư thứ ba (Ơn cứu rỗi của một người thường tùy thuộc vào thời niên thiếu của họ) Don Bosco kết luận: “Các con thân mến, hãy can đảm lên, hãy dùng thì giờ để tập nhân đức; cha qủa quyết với chúng con rằng chúng con sẽ luôn luôn vui vẻ và bằng lòng và chúng con sẽ thấy rằng phụng sự Thiên Chúa thì êm ái chừng nào!”

Với những lời mở đầu như vậy Don Bosco dễ dàng đề cập tới sự vâng lời: “Chớ gì những lời khuyên và những lời cảnh cáo của các bề trên của chúng con sẽ là luật sống và hành động của chúng con. Hạnh phúc cho chúng con nếu chúng con làm như vậy. Ngày sống của chúng con sẽ hạnh phúc và mọi hành động của chúng con sẽ luôn trật tự và xây dựng. Chúng con hãy cho cha một thiếu niên biết vâng lời thì cha sẽ cho chúng con một vị thánh. Ngược lại, chúng con sẽ chỉ thấy một người đầy nết xấu”.

Vào tháng chạp năm 1949 khi tổ chức một cuộc tĩnh tâm cho giới trẻ thợ trong thành phố, Don Bosco đã dán những tờ quảng cáo ở cửa các nhà thờ, hay gởi những tờ truyền đơn tới các gia đình các xưởng thợ, các tiệm buôn. Đây là một việc hoàn toàn mới mẻ vào thời đó. Trong những tờ quảng cáo, sau khi ân cần mời gọi các bậc làm cha mẹ, phụ huynh, các chủ nhiệm đồng ý và cộng tác với sáng kiến của ngài bằng cách gởi các người trẻ đến tham dự càng đông càng tốt cho dù phải chịu một vài hy sinh, thánh nhân đã khích lệ giới trẻ bằng cách những lời cảm động sau đây: “Hỡi các bạn trẻ, các bạn trẻ thân mến của cha, chúng con là niềm hoan lạc và con ngươi trong mắt Chúa, chúng con đừng hối tiếc khi phải chịu đựng một vài bất tiện do thời tiết bốn mùa để làm ích cho linh hồn chúng con. Thiên Chúa mời gọi chúng con nghe lời ngài, Thiên Chúa cũng cho chúng con dịp tốt để được ơn và phép lành của ngài. Vậy chúng con hãy lợi dụng lấy những dịp đó. Phúc cho các con khi còn nhỏ đã biết lưu tâm thi hành luật Chúa” (III, 604-605).

   Vào ngày kết thúc tuần tĩnh tâm ngài đã phân phát cho những người tham dự những tấm ảnh đẹp có những lời kỷ niệm viết ở mặt sau:

  1. Hỡi các bạn trẻ, chúng con hãy nhớ rằng chúng con là niềm hoan lạc của Thiên Chúa. Hạnh phúc cho những người con nào khi còn nhỏ đã tuân giữ luật Chúa.
  2. Thiên Chúa thật đáng yêu, vì ngài đã dựng nên chúng ta, đã cứu chuộc chúng ta và đã đang làm cho chúng ta nhiều sự lành cũng như đang sửa soạn cho những ai tuân giữ lề luật của ngài một phần thưởng đời đời.
  3. Bác ái là dấu chỉ phân biệt con cái của Thiên Chúa với con cái của ma quỷ thế gian.
  4. Khuyên bạn bè làm tốt là thực thi đức ái.
  5. Các con hãy vâng lời bề trên như Chúa dạy và chúng con sẽ đạt được nhiều thành quả tốt.
  6. Ai muốn trở thành người giáo hữu tốt phải tránh xa những kẻ nói xấu đạo, nói xấu hàng giáo phẩm và đặc biệt nói xấu Đức Thánh Cha là cha chung mọi tín hữu, một người con nói xấu cha mẹ luôn luôn là người con bất hiếu.
  7. Chúng con hãy đề phòng những sách báo xấu và hãy truyền bá những sách báo tốt.
  8. Những thói quen có ảnh hưởng suốt đời đứa trẻ. Nếu là những thói quen tốt thì sẽ dẫn đưa chúng ta tới các nhân đức và chắc chắn đưa tới cứu rỗi. Ngược lại, khốn cho chúng ta nếu chúng ta lây nhiễm những thói quen xấu (III, 607).

Rảo qua Quy luật nhà, chúng ta luôn thấy những cung cách hấp dẫn và xác tín. Phần II khoản I nói về lòng đạo đức:

  1. Các con thân mến, các con hãy nhớ rằng chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng để yêu mến và phụng sự Ngài. Dù chúng ta chiếm được mọi khoa học và sự giầu có thế gian mà không kính sợ Thiên Chúa thì kể là chẳng có gì. Mọi điều thiện hảo hiện thời và mai sau đều tùy thuộc vào sự kính sợ ấy.
  2. Phương tiện giúp chúng ta kính sợ Chúa và bảo đảm phần rỗi linh hồn là lời cầu nguyện, các bí tích và Lời Chúa.
  3. Cầu nguyện phải chuyên cần và sốt sắng nhưng không bao giờ mang ý xấu và làm ngăn trở cho người khác. Thà đừng cầu nguyện còn hơn cầu nguyện không nên. Việc phải làm đầu tiên ban sáng khi thức dậy là làm dấu Thánh giá và nâng lòng trí lên cùng Thiên Chúa với lời nguyện tắt.
  4. Hãy chọn một cha giải tội thường xuyên và hãy mở tâm hồn con cho ngài hai tuần hay một tháng một lần. Thánh Phillip Nêri là bạn thân của giới trẻ đã khuyên các con cái của ngài xưng tội mỗi tuần một lần và rước lễ còn thường xuyên hơn nữa tuỳ theo lời khuyên của cha giải tội.
  5. Hãy tham dự thánh lễ sốt sắng. Hãy nhớ rằng nhà thờ là nhà của Chúa, là nơi cầu nguyện.
  6. Hãy năng đọc sách thiêng liêng và hãy chăm chú nghe các bài giảng và những bài giáo huấn luân lý. Không bao giờ nghe xong một bài giảng mà không có một vài điều quyết định để thực hành.
  7. Hãy tập các nhân đức khi còn trẻ, nếu đợi đến tuổi già thì liều mình cho sự hư mất. Những nhân đức làm tăng vẻ đẹp cho một thiếu niên là nết na, khiêm nhường, vâng lời và bác ái… (IV, 747- 748).

Vì có mục đích hướng dẫn thiêng liêng nên ngài cũng không ngại trích những đoạn dài. Trong số 8, Don Bosco đã khuyên các học sinh hãy có lòng tôn sùng đặc biệt đối với phép Thánh Thể, với Đức Trinh Nữ Maria, với thánh Phanxicô Salê, thánh Lui Gonzaga là những vị thánh đặc biệt của nhà. Ngày nay, chúng ta có thể thêm vào lòng sùng kính thánh Giuse, thánh Gioan Bosco và Đaminh Savio như là những vị thánh đặc biệt của chúng ta. Trong số 10 ngài cũng đề cao lòng kính trọng đối với các tác viên của Giáo Hội, đối với tất cả những gì liên quan tới tôn giáo và ở đoạn cuối ngài viết: “Ai nói xấu những đối tượng trên đây thì hãy coi họ như là kẻ thù và tìm cách xa tránh”. Trong số 9 ngài nhấn mạnh những lời này: “Không bao giờ đặt ra những lòng sùng kính mời nếu không có phép riêng của cha giải tộiChúng con hãy nhớ lời khuyên này của thánh Phillip Nêri cho các con cái ngài: Đừng có qúa nhiều  lòng sùng kính, nhưng hãy trung thành với những lòng sùng kính hiện có” (VI, 748).

Don Bosco rất tế nhị trong việc đào luyện các thiếu niên về lòng đạo đức. Ngài nhấn mạnh những phương thế đào luyện là thánh lễ, các bí tích, lòng tôn sùng Đức Mẹ, dọn mình chết lành hàng tháng, tĩnh tâm năm, tuần ba ngày đầu năm học…

Nhưng đối với những lòng tôn sùng và những việc thực hành đạo đức phụ thì ngài luôn đòi chừng mực. Trong Tổng Tu Nghị đầu tiên năm 1877 có người đề nghị trong mỗi phòng ngủ sẽ lập một bàn thờ nhỏ và một ngọn đèn đốt cháy ngày đêm dưới chân tượng Đức Mẹ. Ý kiến này đã bị Don Bosco bác bỏ, ngài viện lý rằng: “Nếu có kẻ xấu đi thăm nhà, họ sẽ nghĩ gì khi thấy nhà ngủ nào cũng có ngọn đèn chong cả đêm trên bàn thờ. Họ sẽ tố cáo chúng ta mê tín, còn chúng ta biết rõ thời cuộc, nên dè dặt thì hơn. Bao có thể hãy in sâu vào tâm khảm học sinh một lòng đạo đức sâu chứng nào hay chứng nấy nhưng giảm thiểu tối đa vẻ hào nhoáng bên ngoài. Trong những việc tối cần thì đừng nể ai… tuy nhiên tránh hết sức thói phô trương khiến thiên hạ nhòm ngó” (XIII, 284).

Còn một vài đề nghị khác để tập cho các thiếu niên có thói quen làm dấu thánh giá trước khi ăn bữa 4 giờ chiều trong sân chơi, Don Bosco đã khiến họ suy nghĩ: “Đương nhiên đây là thói quen tốt, nhưng những kẻ có ý xấu thấy ta làm dấu trong  bữa ăn họ sẽ làm thinh vì giáo lý dạy, nên tín hữu nào cũng làm như thế. Nếu riêng tư, cứ việc làm, nhưng ở nơi nào chưa có thói quen đó, tốt hơn đừng bày vẽ. Cách riêng, không nên thôi thúc học sinh trong trường làm việc này. Đáng tiếc, không thiếu những phụ huynh học sinh kém lòng đạo thấy con em mình làm dấu vào lúc lót dạ, họ dễ thắc mắc và có thể không gởi con em đến trường nữa” (XIII, 285). Ngày nay ở nhiều nước trên thế giới, thời thế đã đổi thay rất nhiều, nhưng sự khôn ngoan này vẫn còn có giá trị.

Don Bosco biết cách làm cho người ta yêu mến việc đạo đức nhưng rất tế nhị trong những việc đạo đức bó buộc. Ngài cũng rất chăm lo tới phụng vụ và thánh nhạc với sự huy hoàng lộng lẫy của các nghi lễ thánh và những bài giảng thích hợp với sự hiểu biết của trẻ; bên cạnh đó có những tổ chức như hội thánh thể, hội giúp lễ, ca đoàn, và ban nhạc lôi kéo nhiều trẻ tham gia tích cực, đồng thời cũng là lý do làm cho nhiều người lớn cảm động và trở lại.

Ở đây chúng tôi chỉ xin đưa ra lá thư của một em học nghề thánh thiện viết cho Don Bosco vào năm 1860: “Cha rất đáng kính, một đêm kia con thấy mình đứng trước mặt một người có vẻ nghèo khó nhưng gọn gàng với nét mặt nhân từ cao thượng và  khôn ngoan. Ông đi sandal và tay cầm gậy. Sau khi đã tỏ cho con một vài điều trong tương lai, nhân vật này chỉ tay và nói với con: “Hãy theo ta”. Con liền theo ông và con đi vào trong một nơi rất xa lạ. Tới đây ông cho con biết rằng: Nguyện xá sẽ tăng số thiếu niên rất nhiều và sẽ trở nên rất thịnh và làm vinh danh cho Giáo hội nếu tại đó người ta chuyên cần cầu nguyện và cầu nguyện sốt sắng. Nhưng khi người ta chán việc đạo đức kitô hữu, chểnh mảng chịu các bí tích, khi người ta không còn chú tâm lúc đọc kinh, vội vàng, nói tóm là chẳng còn yêu mến Thiên Chúa nữa, nhưng lại ham mê những thú vui trần thế thì lúc đó con số thiếu niên và giáo sĩ sẽ giảm sút; người ta sẽ than khóc cay đắng khi nhìn thấy những sự xúc phạm của mình làm tổn thương tới chính Thiên Chúa. Bề trên bị người dưới không kính trọng, bị khinh bỉ, thậm chí bị bách hại, nếu như các việc đạo đức xưa kia trong Nguyện xá bị bãi bỏ. Điều này sẽ gây ra một sự đe dọa kinh khủng. Vào lúc này cha hãy tin rằng không có nguy hiểm gì, vì cha có các thiếu niên có hạnh kiểm tốt và trong sạch” (VI, 500-501).

Người ta có thể nói: chuyện mộng mị gì như thể thời trung cổ vậy! Thế mà, đã có nhiều trẻ trong sạch và tốt lành nhận được sứ mệnh từ trời để giúp Don Bosco. Cha Amadei kể lại nhiều chuyện tương tự trong hồi sử cuốn X, trang 38-40. Đức cha Anrê Scotton thuật rằng mình đã được chính Don Bosco kể rằng có một thiếu niên đã xông vào phòng của ngài không có phép và nói cho ngài: “Hỡi cha Bosco, hãy viết đi”. Rồi cậu ta đọc cho Don Bosco một loại tên của các trẻ. Cậu cũng nói cho cha rằng Thiên Chúa đã làm cho mình biết những tên bất hạnh kia có một sứ mệnh tai hại thi hành trong Nguyện xá, mà sáng hôm đó sau khi chịu lễ Chúa Giêsu đã khiển trách cậu vì đã không đi báo cho cha Bosco. Sau đó Don Bosco đã điều tra và khám phá ra rằng những trẻ có tên đã ghi, do bè Tam Điểm gởi đến Nguyện xá để phá các bạn của chúng và khuyên chúng gia nhập bè rối. Cả bọn này đều có mã số và thẻ cá nhân để nhận ra nhau” (X, 40).

Một vài điểm nổi bật trong những khoản luật được trình bày cho các bề trên, các hội trực viên, các thầy dạy, các cha giải tội và những giảng viên. Don Bosco muốn rằng mọi Salêdiêng phải cảm thấy có trách nhiệm trong việc hộ trực giới trẻ. Ngài cũng nói cho những người không có trách nhiệm trực tiếp trong việc trong coi trẻ: “Khi không có công việc đặc biệt, thì mỗi ngày vào giờ chơi của chúng hãy lượn một vòng qua các cầu thang, các hành lang, điều đó có giá trị như cứu được một linh hồn” (VI, 773). Thiết tưởng nên coi lại luật hộ trực đặc biệt trong nhà thờ, trong phòng học, khi xếp hàng, trong nhà ngủ, khi đi dạo, trong giờ chơi và trong lớp (X, 1019-1024). Ngài cũng nói cho các giáo sư dạy triết lý: “Các giáo sư hãy kiên nhẫn, sống khiêm nhường, hạ mình xuống như học sinh, đừng có nhiều lời thao thao bất tuyệt, nhưng hãy cắt nghĩa theo sát bài học” (XI, 291).

Bài huấn đức tháng 6 năm 1862 Don Bosco khuyên các cha giải tội: “Hãy củng cố các thanh thiếu niên cho tới khi chúng lên 17, 18 tuổi và hãy nói cho chúng rằng: Hãy coi, sẽ tới một giai đoạn rất nguy hiểm cho con, ma quỷ đã sữa soạn những cạm bẫy làm con rơi vào. Trước tiên, nó nói cho con biết rằng việc năng chịu lễ là việc của con nít chứ không phải của người lớn, chỉ cần thỉnh thoảng đi một lần là đủ. Và nó sẽ làm mọi sự để cho con khỏi nghe giảng và chán ngán Lời Chúa. Nó sẽ làm cho con tin rằng có một số việc con làm không phải là tội…Rồi cuối cùng vì bạn bè rủ rê, tính tự ái, sách báo xấu, dục vọng… Hãy cẩn thận đề phòng: Đừng để ma quỷ cướp mất sự bình an và mất sự trong trắng của tâm hồn vốn làm con nên bạn hữu của Thiên Chúa” (VII, 192).

Sau đó vài ngày Don Bosco khuyên các cha giải tội: rất cẩn thận khi hỏi các trẻ trong toà giải tội về những điều tế nhị để khỏi nguy cơ dạy cho chúng những điều chúng chưa biết. Hãy tha tội cho những kẻ sa ngã và hay tái phạm miễn là họ tỏ ra muốn sửa mình. Nhưng có khi cũng không giải tội hay không cho phép một vài người đi chịu lễ với mục đích kích thích họ nhìn ra tình trạng tâm hồn mình. Hãy tỏ ra rất ngặt với tội đồng loã để ngăn cấm những con chó sói khỏi vào đàn chiên. Hãy nói cho hối nhân đến gặp để tỏ cho bề trên biết mặt những con cho sói, để ngài khôn ngoan ngăn cản những gương xấu và tai hoạ cho người khác. Đừng ngại mất thì giờ cắt nghĩa cho hối nhân để họ thực lòng ăn năn khi thấy họ chưa sửa soạn gì. Hãy nghĩ tới tình trạng kính sợ của một tâm hồn dù chỉ mang tội nặng trong mình một giờ. Đừng cho việc đền tội nhẹ nhàng khi có tội nặng, nhưng hãy định một vài đền tội nào đó phù hợp để sửa chữa sự xấu, như là suy niệm sách Il Giovane Provveduto, dọn mình chết lành, viếng đàng thánh giá, viếng Thánh Thể, đọc kinh triều thiên Đức Mẹ sầu bi… để giúp hối nhân suy nghĩ và sửa mình”

Vào tuần đầu tháng 7, ngài lại nhắc lại vấn đề này. Ngài khuyên các cha giải tội “rất bác ái và kiên nhẫn khi giải tội cho trẻ để khỏi mất lòng tín nhiệm của chúng. Hãy nhớ rằng một sự khôn ngoan cần thiết và hiệu quả của lời nói giúp chúng ta làm chủ được tâm hồn người ta. Đây thật là một tặng phẩm của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể đạt được điều này bằng cầu nguyện, ý ngay lành bằng việc hy sinh hãm mình như các cha giải tội nhiệt thành vẫn làm” (VII, 192-193).

Vào buổi kết thúc Tổng Tu Nghị năm 1877 các bề trên đã trao phó cho cha Bonetti trách nhiệm soạn thảo tài liệu về thuật hùng biện thánh. Don Bosco nhận xét ngay: “Cần làm sao để tài liệu này không phải chỉ đề ra một số nguyên tắc về bài giảng, nhưng là sự giáo dục đức tin cho giới trẻ. Cần phải đưa vào trong hệ thống giáo dục dự phòng của chúng ta. Đó phải là tình yêu lôi kéo giới trẻ làm điều tốt với sự hộ trực và hướng dẫn liên tục, chứ không dựa vào hệ thống hình phạt vì những thiếu sót  khi trẻ lỗi phạm… Kinh nghiệm cho hay rằng năng dùng hình phạt sẽ làm cho trẻ oán ghét suốt đời. Rồi bài giảng phải đơn sơ. Hãy định nghĩa về vấn đề muốn nói tới; rồi từ đinh nghĩa đó sẽ chia ra các phần nhỏ để cắt nghĩa. Đừng quá ôm đồm nhiều dẫn chứng hay nhiều sự kiện, chỉ cần dẫn chứng những cắt nghĩa rành mạch. Nhưng nếu có nhiều sự kiện, thì hãy chọn lấy một điều thích hợp nhất và trình bày tỉ mỉ. Đầu óc của trẻ không có khả năng hiểu biết và tiếp thu nhiều chứng minh, chỉ cần một mà thôi nhưng in sâu vào trong trí não của chúng, như vậy hy vọng chúng sẽ còn nhớ trong nhiều năm”(XII, 292-293).

Về các lòng sùng kính thì chúng ta chỉ cần nói tới phần thứ hai của bài huấn từ tối ngày 20 tháng 6 năm 1864: “Cha muốn rằng chúng con hãy vỗ đôi cánh thiêng thiêng. Cánh nào vậy? Thứ nhất: nếu muốn đôi cánh của lòng nhiệt thành, hãy yêu mến Đức Mẹ, một tâm tư trung tín với Mẹ thì có thể hướng lòng về trời. Ôi, biết bao nhiêu lần các con đã hát lời ca này. Vậy đó là chiếc cánh thứ nhất. Chiếc cánh thứ hai là lòng tôn sùng Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể. Với hai lòng sùng kính này, chúng con chắc chắn chúng con đang nhanh chóng tiến về Thiên đàng. Nên biết rằng con chim khi cất cánh không bao giờ bay thấp, nhưng luôn luôn bay lên cao. Chúng con cũng vậy, chúng con đừng bay sà sà mặt đất, nghĩa là làm việc đạo đức với mục đích trần thế và thiếu ý ngay lành, để lấy thiện cảm, để làm vui lòng các bề trên và được các bạn khen. Ôi, nếu cha có thể cho các con tình yêu lớn lao đối với Đức Mẹ Maria và đối với Chúa Giêsu Thánh Thể thì cha hạnh phúc biết mấy! Chúng con thấy rằng cha nói quá đáng, nhưng không sao. Để đạt được mục đích này, dù cha phải lấy lưỡi mà liếm đất từ đây đến ngọn núi Superga thì cha cũng sẵn sàng. Đó là một lời nói quá đáng, nhưng cha sẵn sàng làm. Cái lưỡi của cha sẽ nát ra từng mảnh, nhưng cha có nhiều thiếu niên thánh thiện” (VII, 680).

Cũng nên lưu ý đến phần thứ nhất của cùng bài huấn từ tối hôm đó, ngày áp lễ thánh Lui, Don Bosco đã khuyên các thiếu niên xin thánh Lui ơn bắt chước ngài trong việc từ bỏ những gì thuộc thế gian. Và như vậy người ta hiểu được lối tu đức của thánh Gioan Bosco trong việc khích lệ lòng tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Mẹ Maria. Không phải để đạt được những ơn huệ phụ thuộc và vật chất, nhưng để có những vị thánh. Ngài đã hướng chúng về những lòng tôn sùng ấy cách nồng nhiệt và say mê.

Ngày 8 tháng 10 năm 1864 ở Mornese, một đoàn con cái Đức Mẹ Vô Nhiễm, đứng đầu là chị Maria Mazzarello do cha Pestarino giới thiệu với Don Bosco để ngài chúc lành cho họ và thâu nhận họ vào gia đình thiêng liêng của ngài, mà chỉ sau đó ít năm, họ đã trở thành những viên đá nền tảng của dòng con cái Đức Mẹ Phù Hộ. Cùng ngày hôm ấy, một giáo sư nổi tiếng là ông Phanxicô Bodrato đến gặp Don Bosco và hỏi ngài về bí quyết của phương pháp giáo dục đề phòng của ngài. Don Bosco trả lời: “Tôn giáo và lý trí là hai cột trụ của tất cả phương pháp giáo dục dự phòng của tôi”. Ngài nói tiếp: “Nhà giáo dục phải xác tín rằng tất cả hay hầu như tất cả mọi trẻ đều có một sự thông minh tự nhiên để biết sự lành mà cá nhân chúng đã nhận được, đồng thời tâm hồn chúng cũng rất nhạy cảm trước sự biết ơn. Rồi khí đó, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, làm thấm nhuần vào trong tâm hồn chúng những mầu nhiệm chính của đạo giáo, làm chúng thấy tình yêu bao la Thiên Chúa đã mang đến cho loài người. Khi thời gian đến trái tim chúng sẽ rung lên những nhịp điệu biết ơn đối với ngài bằng cách tự ý theo ngài tuân giữ lề luật của ngài đặc biệt là những bổn phận đối với nhau. Như thế là phần lớn công việc giáo dục đã được làm rồi vậy. Trong lối giáo dục này, tôn giáo là chiếc hàm thiếc đặt trong miệng con ngựa hung hăng để chế ngự nó, còn lý trí là giây cương điều khiển nó. Tôn giáo chân thật chủ trị những hành vi của giới trẻ, còn lý trí giúp chúng áp dụng cách ngay thẳng những lề luật thánh thành qui tắc cho tất cả mọi hành động của chúng. Đó là bản tóm hệ thống giáo dục tôi đã áp dụng mà ngài muốn biết bí quyết của nó” (VII, 791-792).

Lúc đó ông giáo sư cho Don Bosco một nhận xét rằng trong bộ giây cương và hàm thiếc còn thiếu cái roi nữa. Don Bosco trả lời: “Này giáo sư thân mến, giáo sư cho phép tôi nói rằng theo ngài thì cái roi hay hình phạt cũng như những sự đe doạ cần thiết không thể loại bỏ được. Giáo sư cũng thấy rằng trong tôn giáo cũng có nhiều hình phạt kinh khủng cho những ai không tuân giữ giới luật Chúa hay dám khinh chê lề luật của Người. Những hình phạt như vậy cũng có hiệu quả, nhưng nhiều khi bề ngoài tuân theo, còn bề trong thì nạn nhân bị xúc phạm. Vậy để xác tín về chân lý này cần phải có việc thực hành tôn giáo chân thật, năng chịu các bí tích và sự nhấn mạnh của nhà giáo dục. Hẳn rằng với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, người ta dễ dàng tìm được những người tín hữu tốt ngày cả nơi những người cứng cổ nhất. Ngược lại, một khi các thiếu niên xác tin rằng nhà giáo dục thật tình yêu chúng và muốn điều thiện cho chúng thì một sự lạnh nhạt đối với chúng cũng là một hình phạt rồi. Xin giáo sư hãy tin rằng phương pháp giáo dục này dễ dàng hơn và hiệu quả hơn, bởi vì khi thực hành tôn giáo thì có ơn Chúa” (VII, 762-763).

Kết thúc cuộc nói chuyện, Don Bosco đã mời vị giáo sư đó đến Torino để xem phương pháp giáo dục đó được thực hiện ra sao trong Nguyện xá. Nhưng Thiên Chúa còn đi xa hơn nữa, ngài đã kêu mời ông vào đời sống Salêdiêng. Và ngày 19 tháng 10 năm sau, Don Bosco hoan hỉ chúc lành và trao áo dòng cho ông. Rồi giáo sư Bodrato hoàn tất chương trình thần học, ông đã được chịu linh mục, đi truyền giáo và ông đã trở thành bề trên tỉnh Salêdiêng đầu tiên ở Achentina.

Ngày 13 tháng 12 năm đó, khi chủ sự chầu Mình Thánh Chúa tại nhà thờ thánh Phanxicô Salê, từ bậc bàn thờ Don Bosco xin các thiếu niên cầu nguyện cho một trẻ tên là Gioan Lagorino ốm nặng và đã lãnh nhận của ăn đàng. Ngài nói với chúng những lời này: “Chúng con thân mến, lúc này chúng ta phải hết sức quan tâm đến bổn phận của chúng ta. Sức khoẻ là tặng phẩm lớn lao của Thiên Chúa và chúng ta phải trả lẽ với Ngài về vấn đề này. Con mắt cúng ta phải nhìn xem vì Chúa, chân đi vì Chúa, bàn tay làm việc vì Chúa, trái tim đập cũng vì Chúa. Tóm lại tất cả thân xác chúng ta dùng để phụng sự Chúa chừng nào chúng ta còn sống trong thời gian; sao cho khi Thiên Chúa cất khỏi chúng ta sức khoẻ và chúng ta đi tới đoạn chót của cuộc sống, chúng ta sẽ không phải ân hận vì đã phí phạm thời giờ của Ngài” (VII, 834).

Ở đây tinh thần đạo đức cung ứng cho trí khôn cái ý thức tôn giáo trong đời sống và khơi dậy những hành vi rất mực ngay thẳng “Pietas ad omnia utilis” – Lòng đạo đức thì ích lợi mọi mặt” (1Tim 4, 8) … Từ đó chúng ta thấy Don Bosco biết dùng tôn giáo và lý lẽ như thế nào!

Don Bosco đã can đảm áp dụng phương pháp này trong khi các nhà sư phạm cùng thời lại đi theo đường lối khác. Một ngày kia khi nói chuyện với cha Cerruti về sự lệch lạc của nhà giáo dục Aporti và nhiều người tương tự như ông này, vì trong khoa sư phạm họ đã coi tôn giáo như một thứ cảm tình thuần tuý. Lúc đó Don Bosco lưu ý rằng: “Một trong những khuyết điểm của khoa sư phạm tân thời là trong sự giáo dục, họ không muốn nói tới những chân lý đời đời, nhất là sự chết và hoả ngục” (II, 214). Còn ngày hôm nay người ta phải nói gì?

   Bây giờ chúng ta chuyển sang khía cạnh thứ ba của hệ thống giáo dục dự phòng đó là tình thương mến. Cha Balesio viết rằng: “Một trong những khả năng đặc biệt của Don Bosco là chiếm được cảm tình của giới trẻ, và cảm tình đó bao gồm lòng yêu mến, sự biết ơn, lòng tín nhiệm, như người con đối với cha, nghĩa là tình cảm đối với một người có quyền đối với chúng tôi, quyền bính ấy là lòng tốt và sự hoàn thiện Kitô hữu. Từ năm 1857-1860 Don Bosco thường hay đến với chúng tôi, vì lúc đó ngài cũng chưa có các nhà khác. Nguyện xá lúc đó sống như một gia đình, trong đó mọi người yêu mến Don Bosco và muốn làm vui lòng ngài. Và tinh thần đó cứ tiếp tục tăng triển, người ta chỉ có thể nhớ được chứ không diễn tả lại được; nhờ đó mà giữa chúng tôi sinh ra nhiều nhân đức tốt đẹp” ( V, 737).

Cha Turchi nhận xét rằng: “Don Bosco giáo dục giới trẻ và dẫn chúng tới sự thiện với lòng xác tín và vui tươi. Ngài luôn luôn dịu dàng khi ra lệnh cũng như khi yêu cầu chúng tôi điều gì, và cứ thế sự tốt lành kéo dài tới 10 năm ở Nguyện xá nơi tôi ở cho đến khi tôi lãnh chức linh mục” (IV, 288). Những thí dụ cụ thể khác có thể tìm thấy ở cuốn hồi sử IV, trang 544- 570.

   Ngài nói với các Salêdiêng ngày 4 tháng 2 năm 1876: “Cần có tình thương mến đối với giới trẻ và cư xử tử tế với chúng. Sự cư xử tử tế và tình thương mến phải là đặc tính của mọi bề trên Salêdiêng không trừ ai” (XII, 88).

Và trong lá thư luân lưu đề ngày 29 tháng 1 năm 1883 ngài viết: “Chúng con hãy nhớ rằng giáo dục là việc của cõi lòng, mà chỉ có mình Thiên Chúa làm chủ trái tim ấy. Chúng ta sẽ chẳng đạt được kết quả gì nếu Thiên Chúa không dạy cho biết nghệ thuật và không cho chìa khoá để mở các trái tim ấy. Chúng ta hãy học yêu mến và trau dồi ý thức trách nhiệm và lòng kính sợ Thiên Chúa. Rồi chúng ta sẽ thấy rất dễ dàng mở lòng người ta để cùng chúng ta ca ngợi và chúc tụng Đấng là mẫu mực của chúng ta, là đường chúng ta đi, là tấm gương cho chúng ta trong mọi sự, đặc biệt trong việc giáo dục giới trẻ” (XVI, 447).

Trả lời cho phóng viên báo Pélerin phỏng vấn ngài ở Paris ngày 12 tháng 5 năm 1883 về vấn đề giáo dục, ngài nói: “Việc huấn luyện hệ ở hai điều: dịu dàng trong mọi sự và nhà nguyện luôn mở cửa, phải dễ dàng đến với việc xưng tội và rước lễ… Thay các hình phạt bằng việc hộ trực và trò chơi. Mỗi đứa trẻ mới nhập Nguyện xá đều được trao phó cho một trong những người cũ (qua hội lành) để hướng dẫn, chỉ đường bảo vệ và khuyên nhủ… Khi một trẻ đã chơi mệt rồi thì thường đến nhà thờ để cầu nguyện, nhà thờ thì luôn mở cửa” (XVI, 168).

   Với tờ báo Journal de Rome đăng bài phỏng vấn ngày 25 tháng 4 năm 1884, Don Bosco đã trả lời: “Phương pháp giáo dục của tôi thế nào ư ? Rất là đơn giản, hãy để cho trẻ hoàn toàn tự do làm điều chúng thích, nhờ đó ta khám phá ra những khả năng tốt của chúng để vun trồng. Và vì ai cũng thích khi làm cái mình có thể làm, nên tôi vẫn theo nguyên tắc này và các trẻ của tôi đều làm việc, không phải chỉ như một hoạt động nhưng với lòng yêu mến” (XVII, 85).

   Cha Lemoyne viết rằng: “Sự dịu dàng thường hằng là nền tảng phương pháp giáo dục của Don Bosco. Ngài xác tín điều đó rất cần thiết để giáo dục giới trẻ, để mở tâm hồn chúng, như là bước chân vào trong một ngôi nhà riêng để nhổ tận căn các nết xấu và vun trồng các nhân đức. Đó chính là sự học hỏi của ngài để đào luyện chúng, với sự nhã nhặn, quảng đại, đơn sơ và trong sáng. Để chiếm lấy sự tín nhiệm của chúng, ngài đã tìm hết cách để chúng yêu mến ngài và biết rằng chúng được yêu mến… Còn những cõi lòng đóng kín, những kẻ đơn độc, những kẻ xấu nết, những kẻ lừa dối, những kẻ giả hình là mối khổ tâm lớn của ngài, ngài tìm hết cách để thắng chúng và làm chủ chúng bằng những việc lành” (III, 115-117).

   Cha Ascanio Savio đã làm chứng: “Khi ghé qua Valdocco tôi bắt đầu xác tín về lời xác quyết của Don Bosco rằng chỉ có một cách duy nhất để chiếm được sự tín nhiệm của giới trẻ và làm chúng lánh xa sự xấu là cư xử với chúng bằng một tấm lòng cởi mở” (II, 585). Don Bosco thường nói rằng: “Dịu dàng trong lời nói, trong việc làm, trong khi cho nhận xét, sẽ giải quyết được mọi vấn đề” (XVII, 628).

   Sự dịu dàng của Don Bosco không phải là một thứ tình cảm uỷ mị nhưng thể hiện một tình yêu chân thật, trong sạch và rộng lớn. Chỉ cần đọc qua phần mở đầu của tập sách “Il Giovane Provveduto” đủ thấy. Khi giới thiệu sách này như kim chỉ nam của đời sống Kitô giáo cho giới trẻ, thánh nhân đã kết luận: “Các con thân mến, cha yêu mến các con hết lòng, đối với cha, cha chỉ cần biết rằng chúng con là người trẻ, đủ để cha yêu mến chúng con rồi. Chúng con sẽ thấy nhiều tác giả viết dài hơn và hay hơn cha, nhưng chúng con khó có thể tìm thấy ai yêu chúng con trong Chúa Kitô và muốn chúng con được hạnh phúc hơn cha. Cha yêu mến chúng con bởi vì trong trái tim chúng con cất dấu một kho tàng nhân đức, nếu chiếm được nhân đức ấy chúng con sẽ có tất cả, mà nếu chẳng may chúng con sẽ mất các nhân đức ấy thì chúng con sẽ là những người bất hạnh nhất trên địa cầu”.

Một định nghĩa tuyệt vời về tình yêu giáo dục của linh mục được diễn tả gọn ghẽ trong mấy chữ: bản chất, đúng mức, lý trí và mục đích.

Chúng ta còn tìm thấy những lời tuyên bố thật xúc động của ngài trong các bài nói chuyện hay trong các bài viết. Trước hết là bài hoa thiêng cổ điển cho năm 1860 được nói cho các tu sĩ Salêdiêng và cho giới trẻ vào buổi chiều 31 tháng 12 năm 1859: “Các con thân mến, các con biết rằng cha yêu mến các con trong Chúa chừng nào, chính vì thế cha đã hy sinh tất cả để làm ích cho chúng con bao nhiêu có thể. Với một chút kiến thức, một ít kinh nghiệm học được, tất cả những gì cha là và cha có, cầu nguyện, lao nhọc, sức khoẻ và chính sự sống của cha, cha muốn dùng tất cả những điều đó để phục vụ chúng con. Vì thế bất cứ ngày nào hay bất cứ sự gì chúng con làm đều quan trọng đối với cha, nhất là những điều liên quan tới linh hồn. Về phần cha, như hoa thiêng năm nay, cha hiến tất cả bản thân cho các con, dẫu cho chẳng là gì; nhưng khi cha hiến tất cả cho các con, nghĩa là cha không giữ lại gì riêng cho mình” (VI, 362).

   Tôi không biết có nhà giáo dục nào dám tuyến bố như vậy không. Ngài tiếp theo bằng mấy lời nhận xét; rồi để lại mấy lời khuyên về một số lãnh vực. Thiết tưởng ích lợi để nhắc lại ở đây vì nó mang tính cách một tài liệu tu đức hơn là sư phạm, hay tu đức:

Với học sinh: chớ gì trong các khoa học tự nhiên, chúng con tìm ra được khoa học Nước Trời và đem nó ra thực hành.

Với học sinh kỹ thuật: ngày thường chúng con không có nhiều thời giờ để nghĩ đến linh hồn thì chớ gì trong ngày lễ chúng con làm việc đó bằng cách tham dự thánh lễ, chăm chú nghe giảng, chầu Mình Thánh Chúa, chớ gì chúng con chịu các bí tích trong các ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng.

Với các thầy tư giáo: hãy nhớ rằng họ đã được mua về cho Nước Trời vì thế chớ gì họ không tưởng gì về trái đất này nữa. Tất cả sự học vấn của họ cốt để tìm vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn. Với ý tưởng đó cha khuyên tất cả hãy tích cực trong việc cứu rỗi các linh hồn trước tiên bằng gương sáng rồi bằng các lời khuyên tốt. Ngăn cản người ta phạm tội cho dù chỉ là một tội nhẹ; khích lệ đọc sách tốt, vun trồng tinh thần phục tùng, cảnh báo khi thấy những con chó sói trong đoàn chiên hiền lành. Tóm lại hãy nhớ lời vị đại thánh nói: Divinorum divinissimum est cooperari Deo in salutem animarum – Việc linh thánh nhất là cộng tác với Thiên Chúa cứu rỗi các linh hồn”.

Với các linh mục: cho dù ít, cha cũng khuyên họ hãy học biết làm cho mình cháy lửa nhiệt thành vì các linh hồn.

Và cho chính cha – ngài kết luận, cha sẽ nói phải nói gì? Cha nói rằng (lúc đó ngài như thể khóc với những lời ngắt quãng) một năm nữa đè nặng trên vai cha trong khi cái năm 1859 này lui vào quá khứ. Năm nay có nghĩa là thời gian dành cho chúng ta sống bớt đi và chúng ta sẽ bất hạnh nếu chúng ta để thời gian qua đi vô ích. Cha cảm thấy trách nhiệm của cha rất nặng nề, cha phải tính sổ với Thiên Chúa về tâm hồn mỗi người chúng con. Cha làm những gì có thể làm được, các con thân mến, các con hãy giúp cha!” (VI, 362-363).

Chúng ta cũng trích dẫn trong một số bài huấn từ tối vào năm 1863: “Cha sống ở đây không phải để tìm tiền bạc, tên tuổi hay vinh dự nhờ chúng con. Cha ở đây không có mục đích gì khác hơn là làm ích cho các con. Vì thế chúng con thấy rằng tất cả những gì cha là, tất cả là cho chúng con, ngày cũng như đêm, sáng cũng như chiều, bất cứ lúc nào. Cha không có mục đích nào khác hơn là làm ích cho chúng con về luân lý, trí tuệ và thể xác. Nhưng để thành công cha cần chúng con giúp cha một tay. Nếu được như vậy thì cha đoan chắc với chúng con Thiên Chúa sẽ không để chúng ta phải thiếu thốn gì, và chắc chắn chúng ta sẽ làm những điều lớn lao. Cha không muốn  chúng con coi cha như một bề trên cho bằng như một người bạn. Vì thế các con đừng sợ cha, trái lại hãy tín nhiệm cha, và đó là điều cha mong ước; cha xin chúng con hãy là những người bạn chân thật của cha. Cha thành thật nói với chúng con rằng cha loại bỏ hình phạt. Cha không muốn cảnh cáo và phạt những người lỗi phạm, đó không phải là phương pháp giáo dục của cha. Ngay cả khi có ai sai lỗi, nếu cha có thể sửa chữa người đó bằng một ít lời, mà nếu người phạm lỗi đó sửa mình, cha không mong gì hơn nữa. Cả khi phải phạt một người trong chúng con đi nữa, thì hình phạt kinh khủng nhất lại dành cho cha, vì cha đau khổ lắm. Khi người cha nào có đứa con bướng bỉnh, thường thì ông nổi giận, cũng cho nó mấy roi khi hoàn cảnh cần phải như vậy. Ong làm đúng bởi vì – Qui parcit virgae odit filium suum – yêu cho roi cho vọt. Tuy nhiên trái tim cha không thể chịu được, cha sẽ không đánh, cha cũng không muốn xem đánh phạt; như vậy không có nghĩa là cha sẽ bỏ qua những lỗi lầm; không, không đâu! nhất là đối với những gương xấu cho bạn hữu… Nhưng có cách để giải quyết những chuyện ấy giữa cha và chúng con. Tất cả chúng ta hãy nên một lòng một trí. Cha sẵn sàng giúp đỡ các con trong mọi trường hợp. Còn chúng con hãy thiện chí, thẳng thắn thành thật với cha, như cha đối với chúng con” (VII, 503).

Mấy ngày sau đó, Don Bosco lại trở lại vấn đề khi mời gọi sự cộng tác của các thiếu niên vào việc tông đồ giáo dục, trong khi báo trước cho chúng biết những phương pháp mới: “Cha nói cho chúng con một điều rất quan trọng, đó là xin chúng con giúp cha trong một chuyện, một công việc mà cha có trong lòng, đó là việc cứu rỗi linh hồn chúng con. Đây không phải chỉ là một việc chính, nhưng là lý do duy nhất của sự hiện diện của cha ở đây. Nhưng nếu không có sự giúp đỡ của chúng con, cha không thể làm gì được. Cha cần chúng ta đồng ý với nhau, để giữa cha và chúng con có một tình bạn và sự tín nhiệm thật” (VII, 504).

Cùng trong tuần lễ ấy, khi phàn nàn về sự không thành thật của một vài trẻ, Don Bosco nói: “Cha mở lòng cho chúng con; nếu có điều gì làm cha buồn thì cha cũng nói cho chúng con. Nếu cần phải nhắc nhở các con, hoặc công khai hoặc riêng tư, cha cũng làm ngay. Cha chẳng có gì dấu chúng con điều gì: điều trong lòng, cũng là điều ngoài miệng. Chúng con thân mến, chúng con cũng hãy làm như vậy. Nếu có điều gì không làm chúng con vui lòng, chúng con hãy nói cho cha biết để cha dàn xếp cho tốt hơn. Nếu chúng con làm gì sai, chúng con hãy tín nhiệm nói cho cha biết trước khi những người khác biết và chúng ta cùng tìm cách sửa chữa tất cả. Nếu chúng con nghe cha và làm như vậy, lúc đó chúng con sẽ biết sự gì sẽ xảy ra không? Sẽ xảy ra chuyện này là chừng nào chúng con còn sống trong Nguyện xá, chúng con sẽ luôn bằng lòng. Và khi nào chúng con trở về quê, chúng con sẽ đi con đường đầy ân Chúa, chúng con sẽ giữ mãi kỷ niệm đẹp về người này người kia, và chúng ta sẽ mãi mãi là bạn” (VII, 506).

Đang khi nói cho các thanh thiếu niên và mọi người chung như thế, thì cũng trong những ngày đó vào năm 1863, ngài khuyên các bề trên: “Hãy lưu ý đừng nói xấu một đứa trẻ nào trước mặt bạn bè chúng, về một vài khuyết điểm. Nếu phải nói đôi lời cảnh cáo thì nên nói với từng đứa một với tất cả sự dịu dàng. Nói chung, trừ một vài trường hợp hoạ hiếm, không bao giờ để cho các khuyết điểm tăng thêm mà không sữa chữa. Cần phải nói ngay và nói cách thẳn thắn. Hãy khen những kẻ biết sửa mình và khích lệ những kẻ bất nhẫn. Để cho trong nhà được bình an, các con hãy khiêm nhường và khoan dung. Cả khi một bề trên nghe những báo cáo trong đó có những điều quá đáng, do hiểu lầm hay nói sai, hãy luôn luôn tỏ ra kính trọng và nghe những nhận xét ấy. Và trong trường hợp này, cần nói đôi lời khuyên như phương thuốc đề phòng. Một bề trên phải là một người cha, một thầy thuốc, một quan toà, nhưng cũng phải sẵn sàng chịu đựng và bỏ qua” (VII, 508- 509).

   Cũng trong năm đó ngài sai cha Rua điều khiển trường trung học mới ở Mirabello. Trong những lời kỷ niệm tín thác, ngài đã nói cho cha Rua mà sau này ngài đã nói lại cho tất cả các cha giám đốc: “Hãy học làm cho con được yêu mến trước khi làm cho con  được kính sợ. Bác ái và kiên nhẫn phải theo con luôn luôn khi con ra lệnh cũng như khi sửa chữa; làm sao để mỗi hành vi và mỗi lời của con chứng tỏ rằng con muốn mưu ích cho các linh hồn. Hãy chịu đựng mọi sự khi ngăn ngừa tội lỗi. Chớ gì sự ân cần của con hướng tới ích lợi thiêng liêng, sức khoẻ, và hiểu biết của các thiếu niên mà Chúa Quan Phòng đã trao phó cho con…” (X, 1041).

Ngài cũng khuyên cha Rua dùng nhiều thì giờ để ở giữa giới trẻ, và khi thuận tiện nói cho chúng đôi lời tốt lành như ngài vẫn thường làm ở Nguyện xá: “Con hãy dùng hết thời giờ có thể để ở với trẻ, và cố gắng nói vào tai chúng vài lời thân ái mà con đã biết, từ đó con sẽ nhận ra nhiều nhu cầu. Đây là bí quyết để làm chủ tâm hồn chúng” (X,1043).

   Vào năm 1867 trong lá thư rất thân tình, Don Bosco đã báo tin cho giới trẻ về sự thăm viếng của ngài đến trường trung học đầu tiên của ngài ở ngoài thành phố Torino. Ngài viết: “Cha đến với chúng con như một người cha, một người bạn, và một người anh. Chúng con chỉ cần cho cha trái tim của chúng con, rồi tất cả chúng con sẽ hài lòng. Hài lòng vì sự bình an và ơn Chúa đổ xuống linh hồn chúng con. Cha cũng rất hài lòng vì cha nhận được niềm an ủi lớn lao khi thấy tất cả chúng con có tình bạn cùng Chúa” (VIII, 865).

   Thời ấy các cha bề trên cũng là các cha giải tội của các hội viên và của trẻ, nên Don Bosco dùng tác vụ thánh phục vụ họ để họ thăng tiến trong các nhân đức. Vì công việc bề bộn và vì sự bành trướng kỳ diệu của Tu hội và một số công cuộc khác nữa, nên Don Bosco cảm thấy không còn có thời giờ để ở giữa trẻ nữa, và ngài đã nói điều đó trong khi hồi âm bức thư mừng sinh nhật của ngài ngày 15-08-1875: “Cha muốn dùng tất cả đời sống của cha để làm ích cho những ai giờ đây đang nghe cha. Nếu cha có phải khổ vì chúng con, cũng chẳng hệ gì, miễn là cha có thể làm cho chúng con được hạnh phúc. Chúng con hãy tin rằng tất cả cuộc sống cha, cha đã hiến dâng vì mục đích này. Có nhiều công việc không cho phép cha trực tiếp lo lắng cho chúng con, nhưng công việc chung của cha luôn hướng về mục tiêu này. Vậy chúng con hãy can đảm lên! Ai là học sinh thì học hăng say. Ai là thợ thì siêng năng làm việc. Sự mỏi mệt của chúng ta sinh ích cho nhiều người để họ sống cách xứng đáng và làm ích cho xã hội. Chúng con là những người được may mắn. Còn biết bao nhiêu thiếu niên cùng cảnh ngộ và chạc tuổi chúng con, chúng phải làm việc nhiều hơn chúng con nhưng không bao giờ được nghe một lời an ủi, không có sự vui vẻ của chúng con và cũng chẳng có ai lo lắng đến chúng. Chúng con phải có lòng biết ơn với những ai làm ơn cho chúng con. Chúng con nên biết rằng làm việc tử tế với hạnh kiểm tốt là điều an ủi cho các bề trên của chúng con vậy” (XIII, 760).

   Năm 1875 là một trong những năm đẹp nhất của Nguyện xá. Việc chuẩn bị cho đợt đi truyền giáo đầu tiên đã gây ra cho các tu sĩ Salêdiêng và giới trẻ một lòng nhiệt thành hăng say làm cho ơn gọi phát triển cách lạ lùng. Và Don Bosco muốn trao tận tay cho họ những bí quyết của sự phát triển, chỉ rõ những bí quyết ấy bằng cuộc nói chuyện thú vị của ngài:

“1. Những trẻ đều đã là những em nghèo, được nuôi dưỡng miễn phí hay chỉ phải đóng một số tiền ít oi. Nhớ kỹ rằng những kẻ xấu đều đã bị loại khỏi trường, còn những kẻ bị trục xuất mà chẳng có nơi nương tựa, thì được canh chừng để chúng khỏi ra tệ hơn.

  1. Đã có sự siêng năng chịu các bí tích, vì từ đó người ta sẽ học được cách sống theo lương tâm chứ không phải vì sợ hình phạt.
  2. Mọi nhân sự đều thuộc Tu hội (bề trên, thầy dạy, hộ trực, người làm bếp) không pha trộn người ngoài.
  3. Đã có những bài huấn đức nhỏ nhỏ riêng cho những trẻ tốt, nhờ đó chúng có được đồng cỏ thích hợp nuôi dưỡng chúng.
  4. Các bề trên có lòng tín nhiệm và yêu thích ở giữa các trẻ, dù tránh sự thân thiện trái khoáy..
  5. Phương thế hiệu nghiệm để thuyết phục đó là những lời tâm sự cho giới trẻ sau khi đọc kinh tối. Nhờ đó mà nhổ tận căn các bất trật tự trước khi chúng phát triển.
  6. Vui vẻ, hát xướng, âm nhạc và tự do giải trí (Bảy bí quyết: XI, 221).

Việc Don Bosco yêu mến cách riêng những trẻ nghèo không phải là điều khó hiểu. Đã nhiều lần ngài tuyên bố công khai điều này và vô số tài liệu ghi lại lời nhắn nhủ dành ưu tiên cho trẻ nghèo và bị bỏ rơi. Điều này nói lên chọn lựa môi trường hoạt động của các Salêdiêng.

Ngày 3 tháng 4 năm 1864 có một vài tu sĩ đề nghị mở trường cho các con nhà quí phái. Don Bosco đã thẳng thắn trả lời: “Điều này dứt khoát không có! Chừng nào cha còn sống không bao giờ có những trường như vậy. Chừng nào Tu hội còn tuỳ thuộc vào cha, cha sẽ không bao giờ cho phép! Nếu phải đứng ra để quản trị một trường như vậy thì có thể nhận; bằng không thì thôi. Điều này có thể sinh căn cớ cho sự đổ vỡ của Tu hội mà kinh nghiệm cho thấy một số dòng tu danh tiếng đã sa vào. Vì mục đích đầu tiên của họ là lo giáo dục những trẻ nghèo mà sau đó lại bỏ chúng để đi nhận những trẻ giầu có. Từ đó sinh ra sự thiên vị, ghen tương và ước muốn thay đổi, sự phong phú của những gia đình giầu có mang lại là căn cớ tham lam cho mọi người. Nhưng nếu chúng ta luôn sống với người nghèo thì chúng ta sẽ được yên hàn. Như vậy người ta cũng sẽ khen ngợi chúng ta. Cũng chẳng có ai phân bì với chúng ta” (VII, 647).

Vào năm 1872 Don Bosco bó buộc phải tiếp nhận một trường trung học dành cho những trẻ nhà giàu ở Valsalice do Đức tổng giám mục Torino là Đức cha Gastaldi trao cho. Khi nói chuyện này với cha Lemoyne lúc đó làm giám đốc trường trung học ở Lanzo, cha này đã khuyên Don Bosco đừng nhận. Don Bosco kêu lên: “Vậy ra con cũng chống lại việc tiếp nhận trường ấy sao? Tất cả, tất cả chúng ta đều loại bỏ một trường như vậy”.

Và cha Lemoyne kể lại rằng việc này làm cho Don Bosco vui lòng lắm, vì nó chứng tỏ rằng các con cái của ngài còn nhớ những lời của ngài: “Cha đã không nói cho chúng con và còn nhắc đi nhắc lại rằng tiếp nhận những trường học quí phái là dấu sa sút của Tu hội, và chúng ta phải luôn luôn sống cho con cái những người nghèo hay sao?”

Thánh nhân trả lời: “Đúng thế, con có lý. Tuy nhiên cha vẫn phải nhận trường Valaslice, vì đó là lệnh của Đức Tổng giám mục”. Cha Lemoyne kết luận: “Nếu sự thể như vậy thì tuỳ cha và chúng con sẵn sàng vâng lời cha. Còn như nếu được tự ý chọn lựa, thì chắc chắn con sẽ chối” (X, 343). Trên thực tế, Don Bosco tiếp nhận nhà trường ấy, nhưng trước khi chết, ngài đã bỏ những học sinh quí phái và biến trường đó thành một chủng viện truyền giáo, và chính ngài đã được an nghỉ tại ngôi trường này từ khi ngài qua đời cho tới khi được phong chân phước.

   Ngược lại vào ngày 8 tháng 2 năm 1879 trong bài nói chuyện hằng năm cho các giám đốc tại Alassio, Don Bosco rất vui mừng được tin một ngôi nhà mới rất nghèo được thành lập tại Saint-Cyr bên Pháp. Nguyên văn như sau: “Chúng ta hãy yên ủi nhau vì đây thật là một vườn nho Chúa quan phòng mở ra cho chúng ta. Những trường như thế này sẽ làm ích rất nhiều cho các tâm hồn. Bởi đây chúng ta hy vọng sẽ có nhiều ơn gọi giáo sĩ, vì giữa những trẻ ở đây có nhiều trẻ có nếp sống và nhiều hành vi thánh thiện. Có nhiều trẻ đã ngỏ ý muốn trở thành các tu sĩ Salêdiêng. Ở đây chúng ta cũng sẽ có nhiều người sống trong dòng như sư huynh. Ở bên Pháp ngày nay không còn Tu hội nam nào chăm sóc tới giới nghèo nữa. Hoạ chăng, nếu có thì hoặc là không hoạt động vì lý do này lý do kia, hoặc là chỉ lo lắng giáo dục những trẻ nhà giầu. Ơ đó hiện chẳng có ai quan tâm đến đối tượng của lối giáo dục chúng ta. Tất cả mọi người đều yêu mến tinh thần của chúng ta, đặc biệt giới trẻ chúng ta có bổn phận chăm sóc. Vì thế chúng ta nhận được rất nhiều thiện cảm ở mọi nơi và vì vậy cha hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ bị phiền toái” (XIV, 48-49).

Đáng tiếc là vào cuối thế kỷ nhóm công xã đã gây nhiều khó khăn, nhưng công cuộc Salêdiêng không bị biến mất.

Về các bài huấn từ tối, chúng ta biết rằng Don Bosco coi đó như là “chìa khóa chính khiến cho sinh hoạt trong nhà được tốt đẹp”. Ngài muốn các bài đó phải: “Ít lời, chỉ cần nhấn mạnh một tư tưởng chính, nhưng làm sao gây nên ấn tượng, để khi đi ngủ các thanh thiếu niên hiểu được rành mạch chân lý đã trình bày” (VI, 94).

   Cha Balesio cũng để lại cho chúng ta những dòng chữ sau đây khi ngài diễn tả thời gian đầu của Nguyện xá: “Khi các lớp học hát, thổi kèn, văn phạm, toán học ban chiều kết thúc, một hồi chuông vang lên, chúng tôi tất cả tụ họp lại để cầu nguyện. Đây là giây phút rất thân thương và siêu thoát. Tâm hồn tôi tràn đầy vui sướng khi nhớ lại điều ấy. Lời ngợi khen vang lên và ba trăm thiếu niên đồng ca khiến các dân chúng ở xa cũng nghe thấy. Mọi người, hoặc quỳ trên vỉa hè, hoặc trong hành lang, hay trong nhà chơi, cùng cất cao giọng kinh với Don Bosco. Ôi, lúc đó trông Don Bosco thật đẹp và thánh thiện chừng nào! Đọc kinh xong, ngài bước lên một cái bục nhỏ, ngài mỉn cười đưa mắt nhìn chúng tôi bằng một cái nhìn đầy tình phụ tử chân thành. Trong đại gia đình ấy, người ta nghiệm thấy sự mãn nguyện và hài lòng vì những lời thì thầm êm ái của ngài. Rồi một sự thinh lặng đạo đức, mọi con mắt chăm chú nhìn ngài…” (VI, 95).

Rồi một tư tưởng đến với ngài, ngài bắt đầu nói và: “Nét mặt ngài như muốn nói: Tất cả những gì cha làm đều nhằm mục đích cứu rỗi các con. Tất cả những gì cha chịu khổ đều vì linh hồn các con” (VI, 95-96). Ngài có cung cách thay đổi kỳ diệu khiến cho lời ngài không bao giờ gây chán hay khó chịu, cả khi bài huấn từ ba phút kéo dài thành ba mươi phút… Để kết thúc, ngài đã chúc các thiếu niên đi ngủ ngon và tất cả đáp lại với tiếng cảm ơn vang vọng” (VI, 96-105).

   Ngày 29 tháng 1 năm 1883 Don Bosco đã gởi một luân thư cho tất cả các tu sĩ Salêdiêng trong đó ngài nói về Các hình phạt trong nhà Salêdiêng. Có lẽ thật ích lợi nếu mỗi nhà đọc lại thư đó mỗi năm một lần (XVI, 439-447). Thư gồm có những điểm:

1) Không bao giờ phạt một ai nếu trước đó đã không dùng hết mọi phương tiện khác ; 2) Hãy sửa lỗi trong lúc thuận tiện nhất ; 3) Đừng để cho người ta thấy rằng người phạt thi hành hình phạt vì tức giận; ; 4) Dàn xếp làm sao để kẻ có tội có hy vọng được tha thứ ; 5) Phải dùng hình phạt nào và ai dùng.

Ở đây chúng ta nhận ra vài qui tắc: Hãy làm cho các thiếu niên thấy rằng việc sửa lỗi là hợp lý và cần thiết. Qua cái nhìn thương mến, qua lời khích lệ gây sự tín nhiệm, người ta đạt được nhiều hơn là bằng nhiều lời khiển trách, vì nó làm cho thiếu niên bối rối và mất sự can đảm. Hãy nhớ rằng vũ lực có thể phạt nết xấu nhưng không thể sửa chữa được con người xấu. Mệnh lệnh, thời gian, cách thức phạt luôn luôn từ giám đốc. Đó là phần sửa chữa riêng của ngài. Những căn bệnh tâm hồn cũng cần được đối xử giống như căn bệnh của thể xác. Không gì tai hại, cho bằng một sự sửa chữa sai và không đúng lúc. Cần phải rất khôn ngoan để có thể biết khi nào cần cho việc sửa chữa. Và chúng ta chỉ có thể biết điều đó qua kinh nghiệm của một tâm hồn tốt lành. Chắc rằng tức giận thì dễ hơn kiên nhẫn, đe doạ một đứa trẻ thì dễ hơn thuyết phục nó. Cha còn muốn nói rằng đối với sự bất nhẫn và kiêu ngạo của chúng ta việc phạt một đứa trẻ bướng bỉnh thì dễ hơn sửa chữa và chịu đựng nó với sự kiên trì và nhân ái

Don Bosco đã đào tạo những thiếu niên đầu tiên của ngài thành những tu sĩ Salêdiêng ngay từ buổi đầu của Nguyện xá ở Torino qua những lời khuyên phụ tử mà chúng ta có thể đọc thấy rải rác khắp nơi trong cuốn hồi sử của ngài. Cha Lemoyne trong cuốn hồi sử VI chương 29 đã viết lại cho chúng ta những lời khuyên sau đây của thánh nhân cho các bề trên trong dòng: “Để cho lời của chúng con có uy tín và mang những hiệu quả mong muốn, mỗi bề trên cần, trong mọi trường hợp, hãy tìm bỏ cái “tôi” của mình. Các thiếu niên có óc nhận xét tinh tế và chúng sẽ nhận thấy nơi bề trên có sự ghen tương, ghen ghét, kêu ngạo, đề cao chính mình, khi ấy bề trên sẽ mất mọi ảnh hưởng. Thiếu khiêm nhường luôn là tai hoạ cho sự hiệp nhất; một nhà trường sẽ đổ vỡ nếu bề trên nhà đó đầy tự ái. Ôi, thời gian đầu của Nguyện xá tốt đẹp chừng nào vì lúc đó người ta chỉ tìm vinh danh Thiên Chúa. Ngược lại, nếu chúng ta tìm vinh danh cho chính mình thì chúng ta sẽ bất mãn, chia rẽ và lộn xộn. Các hội viên hãy tạo thành một lòng một trí với bề trên, và các bề trên cũng hãy có một lòng với người dưới, đừng nhắm tới mục tiêu khác vì nó không phục vụ mục đích của chúng ta… Đừng bao giờ dùng cung giọng ra lệnh, đừng bao giờ nói “Tôi muốn”, cũng đừng ra lệnh bắt làm việc gì vượt quá sức cá nhân, hay có thể làm thiệt hại tới sức khoẻ hay làm nghịch với lợi ích thiêng liêng của người mà chúng ta muốn họ làm một công việc hay nhận một chức vụ” (VI, 389-390)

   “Khi tức giận hay xao động, đừng vội sửa phạt hay sửa trị để các trẻ thấy rằng chúng ta phạt chúng không phải để hả cơn giận, nhưng hãy đợi có khi một vài ngày, khi cơn giận đã nguôi và sự hung hăng đã qua. Cũng vậy, khi phải sửa chữa hay cho nhận xét một thiếu niên, phải luôn luôn gọi ra một nơi riêng, và đừng để cho thiếu niên đó nhận thấy chúng ta đang tức giận; cần phải bình tĩnh và thanh thản, lúc đó mới bắt đầu cảnh cáo và cuối cùng luôn luôn cho một vài lời  khuyên tốt… Đừng bao giờ đánh một thiếu niên vì bất cứ lý do nào. Không bao giờ bỏ qua tội vô luân, sự nói lộng ngôn hay tội ăn cắp. Khi thấy một thiếu niên gây gương xấu nguy hiểm, thì hãy báo ngay cho người có trách nhiệm để tìm cách loại ra khỏi Nguyện xá. Đối với những lỗi lầm nhỏ thì cũng phải xét đến sự thiếu nhận định của tuổi trẻ nữa. Thí dụ khó mà tìm thấy những đứa trẻ không nói dối, hay là không ăn cắp những đồ ăn lặt vặt khi có dịp… (VII, 391). Đừng phạt nặng những tội nhẹ… Đừng bao giờ áp đặt những hình phạt chung” (VI, 392). Khi một thiếu niên tỏ ra thống hối lỗi đã phạm thì hãy dễ dàng tha thứ, và hãy tha thứ tận đáy lòng. Trường hợp này hãy quên đi mọi sự” (VI, 391).

   Tiêu chuẩn quan trọng của Don Bosco trong việc chăm lo thanh thiếu niên gồm trong những lời này: “Chúng ta đặt mình phục vụ giới trẻ, như Chúa Giêsu đến để vâng phục chứ không đến để ra lệnh, thật xấu hổ nếu chúng ta có cung cách thống trị. Chúng ta không thống trị giới trẻ nhưng phục vụ giới trẻ” (XVI, 442).

   Trong cơ cấu tổ chức của Don Bosco có một đặc điểm đáng cho chúng ta suy nghĩ. Thánh nhân muốn rằng phải có Thánh lễ cộng đồng mỗi ngày cho các em học sinh cũng như cho các thợ tập nghề trong mọi trường; và cha hiệu trưởng có trách nhiệm cử hành. Don Bosco muốn như vậy, vì các hiệu trưởng, những người có trách nhiệm về kỷ luật, phải mang những nét của một linh mục nơi giới trẻ, hơn là tỏ ra như một giám thị có nguy cơ đòi hỏi kỷ luật quá đáng, dễ dàng quên mất bản chất sứ mạng của một linh mục là phục vụ các linh hồn và làm cho mình đáng ghét. Các thiếu niên khi thấy cha hiệu trưởng cử hành Thánh lễ, sẽ biết nghĩ về chức năng của họ là cần thiết cho sự tiến bộ của nhà trường, và nhất là sự phục vụ của chức linh mục, cả khi phải trông coi kỷ luật, cũng chỉ có mục đích là mưu ích cho các linh hồn.

   Niên khoá 1883-1884 là một năm thử thách của Nguyện xá. Một thứ kỷ luật nhà binh đã đe doạ phương pháp giáo dục đầy tình phụ tử gia đình của Nguyện xá lúc ban đầu, như việc, cho tới năm 1865 để đi xuống phòng ăn bó buộc xếp hàng, cho tới năm 1866 để đi vô nhà nguyện, cho tới năm 1867 để vào lớp học. Tự nó có thể làm thoả mãn một số người, nhưng nó phá huỷ tinh thần gia đình Salêdiêng. Mùa xuân năm 1884 Don Bosco đến Roma để xin cho Tu hội Salêdiêng một số đặc ân. Ngài rất lo lắng về giấc mơ trong đó hai cựu học sinh là Valfre và Buzzetti đã hiện ra và tỏ cho ngài biết về thời kỳ vàng son của Nguyện xá lúc ban đầu, đồng thời cũng phàn nàn về những thay đổi theo thời gian.

Ngài đã tả lại giấc mơ đó cách chi tiết và vào ngày mồng 10 tháng 5 năm đó, ngài đã gửi về Torino một lá thư lừng danh nói về phương pháp giáo dục dự phòng và quy luật của các nhà làm thành một lối giáo dục ba chân vững chắc để lưu lại cho con cái (XVII, 107-115). Lá thư này đáng cho mỗi nhà đọc lại hàng năm. Nó sẽ sinh ra rất nhiều công hiệu: khích lệ các hội viên trung thành, cảnh cáo những thành phần kỳ cục, khuyến khích và mưu nhiều lợi ích đào luyện cho giới trẻ.

   Thoạt tiên Valfrè tỏ cho Don Bosco thấy các thiếu niên của Nguyện xá lúc ban đầu đang chơi đùa giữa các tu sĩ Salêdiêng, hầu hết lúc đó còn là các thầy tư giáo, với một tình thân thiện chan hòa, bình thản và vui tươi ồn ào. “Cha thấy đó, sự thân tình đưa tới tình yêu và tình yêu dẫn tới lòng tín nhiệm. Do đó, các thanh thiếu niên rất cởi mở, không sợ các thầy, các hộ trực và các Bề trên. Chúng rất thành thật trong toà giải tội và sẵn sàng vâng phục mệnh lệnh bề trên vì biết rằng chúng được yêu mến” (XVII, 108).

   Còn Buzzetti lại diễn tả mặt trái của bức hình, trong đó các thiếu niên chơi uể oải với những cặp mắt đầy nghi ngờ và ác ý hay thờ ơ… Các Salêdiêng thì lo việc riêng… Buzzetti nhận xét: “Từ đó, nhiều thiếu niên đến với các bí tích cách lạnh nhạt, và chểnh mảng trong việc thực hành đạo đức trong nhà thờ cũng như ở mọi nơi, là những dịp rất tốt để Chúa quan phòng ban nhiều ơn lành cho thể xác, linh hồn và trí tuệ. Do đó, chúng không còn sống phù hợp với ơn gọi của chúng và trở thành người vô ơn đối với các bề trên; chúng trở thành người lẩm bẩm, nói hành với nhiều hậu quả tai hại khác” (XVII, 109)

   Don Bosco hỏi cách sửa chữa thì Buzzetti nói đến đức ái: “Không phải chỉ có việc các thiếu niên được yêu mến là đủ, mà phải làm sao cho chúng biết rằng chúng được yêu mến… Chúng được yêu mến trong những điều mà chúng thích, tham dự vào những hướng chiều trẻ thơ của chúng, để chúng học yêu thích cả trong những điều mà chúng không ưa thích mấy như tinh thần kỷ luật, việc học, sự hy sinh; và học để làm việc đó cách hăng say với tình yêu” (XVII, 110).

Buzzetti tiếp tục tỏ cho Don Bosco thấy các tu sĩ Salêdiêng ở riêng, không còn là linh hồn của giờ chơi nữa: “Hồi đầu của Nguyện xá, cha không luôn luôn ở giữa các thiếu niên nhất là các giờ chơi hay sao? Thật là thiên đàng! Một thời kỳ mà chúng con rất thích khi gợi nhớ lại, vì tình yêu nâng cao tinh thần kỷ luật và chúng con chẳng có gì để dấu diếm cha”.

   Cha Bosco cũng công nhận là các tu sĩ Salêdiêng đã có lúc không đủ can đảm để chịu đựng những mệt nhọc như thời xưa. Buzzetti đáp lại:  “Chớ gì họ yêu thích những gì mà các thiếu niên ưa thích rồi các thiếu niên sẽ yêu thích những điều làm vui lòng bề trên. Bằng cách này thì sự mệt nhọc sẽ trở nên dễ dàng. Lý do làm cho Nguyện xá thay đổi như hiện nay là vì có một số thiếu niên không tín nhiệm các bề trên. Trước kia các học sinh cởi mở cõi lòng cho các bề trên, chúng yêu mến và vâng lời các ngài dễ dàng. Nhưng hiện nay, các bề trên được coi như là những bề trên, không còn như các người cha, người anh, hay người bạn hữu. Vì thế, các thiếu niên sợ sệt và chẳng yêu mến các ngài bao nhiêu. Vì thế nếu muốn tạo nên một lòng một trí, vì tình yêu Chúa Giêsu, cần phải tháo bỏ hàng rào ngăn cách của sự bất tín nhiệm và phải gây lại lòng tín nhiệm. Cần làm cho sự tuân phục đưa dẫn các thiếu niên cũng giống như người mẹ dìu dắt đứa con; có như vậy thì Nguyện xá mới được bình an và vui vẻ như ban đầu… Cần có sự thân tình với các thiếu niên, nhất là trong giờ chơi. Không tỏ ra thân tình thì cũng chẳng diễn tả được tình yêu, mà không có tình yêu thì cũng chẳng có lòng tín nhiệm. Ai muốn được yêu mến thì phải cho thấy mình yêu mến. Chúa Giêsu đã trở nên nhỏ bé như các trẻ nhỏ và chấp nhận sự yếu hèn của chúng ta. Ngài thật là thầy dạy sự thân tình.

Một ông thầy mà chỉ có mặt ở ghế giáo sư thì chỉ là một ông thầy, nhưng nếu trong giờ chơi, ông đi chơi với trẻ thì trở thành anh của chúng. Một người mà chỉ thấy bên trên toà giảng thì người đó mới làm bổn phận của mình, nhưng nếu biết nói đôi lời trong giờ chơi, thì đó phải là lời của người yêu mến.

Biết bao sự hoán cải có được do những lời tình cờ lọt vào tai các thiếu niên nên khi chơi. Ai biết mình được yêu mến, thì sẽ yêu mến; và ai được yêu mến là được tất cả, nhất là đối với trẻ. Lòng tín nhiệm sinh ra một dòng điện giữa các thiếu niên và các bề trên. Các tâm hồn rộng mở và trình bày cho các bề trên biết những nhu cầu cũng như những khuyết điểm của chúng. Tình yêu này làm cho các bề trên chịu đựng những vất vả, những sự quấy rầy, lòng vô ơn, những phiền toái, những thiếu sót, lơ đễnh của các thiếu niên. Chính Đức Kitô cũng không nỡ đạp dập cây sậy đã ngã gục hay dập tắt tim đèn còn khói. Đó là mẫu gương của chúng ta.

Như vậy cha sẽ không còn thấy những người làm việc để tìm tiếng khen, những người ra hình phạt chỉ để báo thù cho lòng tự ái; những kẻ rút lui không chịu hộ trực vì thấy người khác hơn mình; những người lẩm bẩm nói hành vì muốn các thiếu niên yêu mến kính trọng, những người loại trừ các bề trên khác sẽ chẳng được gì ngoài sự bị khinh bỉ và hành vi giả tạo; những kẻ yêu riêng và chạy theo thứ tình cảm đó trong khi bỏ quên tất cả những thiếu niên khác, những kẻ ưa tìm tiện nghi và không quan tâm gì đến vấn đề hộ trực; những người vị nể không dám khuyên bảo những người cần được khuyên bảo”. (XVII, 111).

   Sau khi đã chỉ ra những vết thương, vốn không may, là những vết thương của mọi thời, Buzzetti nhấn mạnh: “Nếu có tình yêu chân thật này thì người ta không tìm gì khác hơn là vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn. Khi thứ tình yêu này yếu đi, thì mọi sự cũng sa sút theo nó. Tại sao người ta lại muốn thay lòng bác ái bằng những luật lệ lạnh lùng? Tại sao các bề trên lại xao lãng những quy tắc giáo dục của Don Bosco đã dạy? Tại sao nguyên tắc giáo dục dự phòng luôn canh chừng những sự rối loạn một cách yêu mến lại dần dần được thay thế bằng một phương thức dễ dãi hơn, mau lẹ hơn cho người ra lệnh, bằng cách ban ra luật, lấy hình phạt mà áp đặt sự tuân giữ, để rồi gây ra sự oán ghét và bất mãn; và một khi việc áp đặt giữ luật này bị chểnh mảng, sẽ phát sinh ra sự coi thường các bề trên và gây nên sự rối loạn rất lớn?” (XVII, 111-112)

Và Buzzetti kết luận: “Vậy nếu muốn cho Nguyện xá trở lại trạng thái hạnh phúc ban đầu thì cần phải làm cho phương pháp giáo dục cũ sống mạnh lại: Bề trên trở nên mọi sự cho mọi người, sẵn sàng lắng nghe mỗi sự nghi nan hay sự phàn nàn của các  thiếu niên. Ngài phải, với tình cha, mở to đôi mắt để theo dõi hạnh kiểm của chúng, tất cả trái tim của ngài phải dùng để tìm kiếm ích lợi thiêng liêng và vật chất của những người được Chúa Quan Phòng trao phó cho ngài… Chỉ trong trường hợp vô luân, thì các bề trên mới thẳng tay. Đào thải khỏi nhà một học sinh vì lầm lẫn còn hơn là vô tình giữ lại một kẻ nêu gương xấu. Các thầy hộ trực phải trình bày cho bề trên biết tất cả những gì mình biết là xúc phạm tới Thiên Chúa” (XVII, 112).

   Sau cùng Buzzetti đã kết thúc bằng cách chỉ cho một thứ thần dược trong việc tuân giữ nghiêm chỉnh kỷ luật nhà khi nói rằng “Món ngon nhất trong bữa ăn chính là khuôn mặt vui vẻ” (XVII, 112).

Đêm hôm sau giấc mơ lại tiếp diễn, và Don Bosco đã lợi dụng dịp đó để hỏi Buzzetti xem phải làm gì để nâng cao các học sinh lên, và phải khuyên chúng làm sao. Câu trả lời được tìm thấy trong cuốn hồi sử XVII trang 112-114. Và đây là lời kết thúc rất cảm động: “Chúng con có muốn biết người cha già đáng thương đã hy sinh tất cả đời sống mình vì chúng con muốn chúng con điều gì không? Không có gì khác ngoài món nợ chúng con phải trả là trở lại những ngày hạnh phúc thuở ban đầu của Nguyện xá. Những ngày chan hòa tình yêu và tín nhiệm giữa các thiếu niên và bề trên; những ngày đầy tinh thần phục tùng và chịu đựng nhau vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô; những ngày của các tâm hồn cởi mở, đơn sơ, ngay thật, yêu thương và vui sống với hết mọi người. Cha cần chúng con yên ủi cha bằng cách ban cho cha sự hy vọng và một lời hứa rằng chúng con sẽ làm tất cả những gì cha muốn để mưu cầu lợi ích cho phần rỗi cho các linh hồn chúng con. Chúng con chưa ý thức đủ sự may mắn của chúng con ở trong Nguyện xá: khi một thiếu niên vào ở trong nhà Salêdiêng, thì Đức Trinh Nữ Maria tức khắc bảo vệ nó cách đặc biệt. Chớ gì đức ái của người truyền lệnh và người phải vâng lời làm sinh ra trong chúng ta tinh thần của thánh Phanxicô Salê. Oi, các con thân mến của cha, sắp đến giờ cha phải lìa bỏ các con và đi vào cõi đời đời rồi!”.

Đến đây Don Bosco ngừng đọc cho cha Lemoyne và nước mắt ngài chảy tuôn trào. Sau đó ngài tiếp tục: “Vậy cha ước để lại cho các con là những linh mục, tư giáo và các thanh thiếu niên rất thân mến con đường mà chính Thiên Chúa muốn chúng con đi” (XVII,114).

Có một giai thoại thú vị cho thấy cách thức Don Bosco xử sự thế nào với học sinh và các hội viên, nó làm cho chúng ta phải ghen với trái tim quá lớn lao của ngài một cách thánh thiện. Thầy Gioachino Berto người được Don Bosco chọn làm thư ký của ngài, luôn luôn sợ không làm hài lòng ngài. Một ngày kia vào năm 1866 khi đi cùng Don Bosco từ phòng làm việc đến phòng kịch. Thầy được Don Bosco dịu dàng kéo lại gần và khích lệ: “Con xem, con quá sợ Don Bosco, con nghĩ rằng cha quá khắt khe và đòi hỏi, và vì thế hình như con sợ cha. Con không dám nói với cha cách tự nhiên. Con luôn lo lắng vì sợ làm mất lòng cha. Con hãy gạt sự sợ hãi đó đi. Con biết rằng Don Bosco luôn yêu mến con: bởi thế, nếu con sai lỗi nhỏ thì cha không quan tâm, còn nếu sai lỗi nặng thì cha cũng sẵn sàng tha thứ” (VIII, 419-420).

Cảm động vì sự phục vụ trung thành ngày đêm, nên nhiều năm sau đó thánh nhân đã hỏi: “Này cha Berto, Don Bosco phải làm gì để làm vui lòng con, hầu đáp lại bao nhiêu điều con đã làm cho cha với tất cả sự quan tâm?” Cha Berto trả lời: “Con đã được trả đủ qua sự hứng khởi phục vụ cha trong mọi điều con có thể làm, rất tiếc là con không có khả năng để làm nhiều hơn…”. Don Bosco đáp: “Được, con hãy biết rằng Don Bosco coi con như con ngươi trong mắt ngài. Khi vào thiên đàng, nếu Thiên Chúa để  cho cha có thể dành ra một chỗ bên cạnh cha, thì chỗ đó phải là chỗ của con” (XIV, 486-496).

   Một ngày kia cha Lemoyne nói với một linh mục Salêdiêng trẻ rằng: “Có một thời Nguyện xá phải ăn cháo bắp, nhưng có Don Bosco ở bên cạnh!…”(XVIII, 282). Thật chỉ có ít lời, nhưng nói lên bao nhiêu điều!…

Chương 11

Vun Trồng Ơn Gọi

Chăm sóc ơn gọi là vấn đề sinh tử của một dòng tu. Nhưng Don Bosco được Thiên Chúa mời làm tông đồ ơn gọi để phục vụ cho cả Giáo Hội và cho các dòng tu khác. Ngài được soi sáng để chọn những ơn gọi trong số các trẻ khiêm nhường thuộc lớp bình dân, đang khi các gia đình quý tộc thì cũng chẳng có người đi tu như đã có một thời.

Trong lá thư di chúc của ngài vào tháng 9 năm 1884 Don Bosco đã viết: “Thiên Chúa đã kêu mời Tu hội Salêdiêng nghèo khó để vun trồng ơn kêu gọi cho Hội Thánh giữa lớp trẻ nghèo và điều kiện thấp kém… Nên biết rằng chúng ta trao tặng cho Giáo Hội một kho tàng quý giá khi chúng ta vun trồng được một ơn gọi tốt, dù cho ơn gọi này hay linh mục này sẽ gia nhập giáo phận, đi truyền giáo hay sống trong một dòng tu, cũng không sao. Đó luôn là một kho tàng quý giá được trao tặng cho Giáo Hội Chúa Kitô. Nhưng không thể cho lời khuyên bất cứ đứa trẻ nào, nếu không biết chắc chắn là trẻ đó có giữ được nhân đức thiên thần, như thần học quy định. Về trí thông minh thì có thể chọn một đứa trẻ trên mức trung bình nhưng không bao giờ được thiếu nhân đức thiên thần này” (XVII, 261-262).

Ngài là một trong những người đầu tiên nhận ra những dấu chỉ của thời đại dưới cơn lốc của phái tự do tam điểm, của thuyết tục hoá và thuyết marxism duy vật, là những thuyết khích động thái độ chống đời sống giáo sĩ và tu sĩ, muốn dẹp bỏ tầng lớp giàu có, mà thường lại rơi vào cạm bẫy của sự vô luân khắp nơi.

Qua những giấc mơ, Don Bosco được cho biết phải biết tìm ơn kêu gọi giữa những thành phần cầm xẻng, cầm cuốc, cầm búa. Ở đây cần nhớ lại giấc mơ năm 1873 (IX, 999) và văn thư ngài đệ trình Đức Thánh Cha Leo XIII, khi ấy vừa mới được bầu làm giáo hoàng, qua tay đức Hồng y Bartolini năm 1878 (XIII, 488).

Cho đến năm 1864 ngài luôn luôn chống lại những phái chủ trương mở trường cho những con nhà quý phái. Như chúng ta đã biết, Đức Tổng Giám Mục Gastaldi ép ngài nhận trường trung học Valsalice, nhưng khi vừa có dịp, Don Bosco biến nó thành một Chủng viện thừa sai. Cả khi lập trường  trung học ngài cũng nhắm tìm các ơn kêu gọi tốt lành.

Một khoản trong hiến luật (I, 6) đặt các tu sĩ Salêdiêng vào bổn phận tiếp tục chăm sóc ơn kêu goi như ngài đã làm; một khoản khác trong Quy luật Cộng tác viên (II, 2) đặt các Cộng tác viên phải quan tâm đến vấn đề này như một bổn phận cấp bách nhất trong các sự cộng tác.

Sau giấc mơ ngày 1 tháng 2 năm 1885 về các xứ truyền giáo, Don Bosco rất quan tâm nói cho đức cha Cagliero và các vị truyền giáo lời khuyên này: “Tất cả sự bận tâm của các tu sĩ Salêdiêng và các nữ tu con cái Mẹ Phù Hộ đều hướng về việc vun trồng các ơn kêu gọi cho Giáo Hội và cho các dòng tu” (XVII, 305).

Một bản thống kê năm 1878 cho thấy trong số 300 đệ tử trong các nhà Salêdiêng lúc đó, có 80 người thành tu sĩ Salêdiêng, 20 người đi truyền giáo, 15 người đi vào trong các dòng tu  và 185 người tu triều trong các địa phận (XIII, 735). Một bản thống kê khác vào năm 1883 đem lại an ủi cho Don Bosco khi ngài biết rằng có chừng 2000 cựu học sinh của mình đã trở thành linh mục và đang thi hành tác vụ trong các giáo phận (V, 411).

Những con số trên đây là căn cớ gây sợ hãi cho những người tu sửa Hiến luật, vì từ ban đầu họ đã chống lại khoản luật về chăm sóc ơn kêu gọi, họ chủ trương rằng điều này thuộc về trách nhiệm giám mục chứ không phải trách nhiệm các tu sĩ. Tâm hồn của Don Bosco thì rộng rãi bao la, ngài đã nghĩ đến toàn thể Giáo Hội. Vì thế ngài đã mở rộng mọi cánh cửa để đón tiếp các thiếu niên khi có chút hy vọng có ơn gọi. Và ngài không ngừng nhắc đi nhắc lại: “Dù có phải thiếu thốn các phương tiện, nhưng chúng ta không bao giờ được phép từ chối một thiếu niên có nhiều hy vọng có ơn gọi. Chúng con hãy chi tiêu mọi cái chúng con đang có, nếu cần đi ăn xin cũng được; và nếu sau đó chúng con thấy quá thiếu thốn, chúng con đừng lo gì, chính Đức Mẹ sẽ làm phép lạ giúp chúng ta” (V, 396-397). Toàn bộ chương 33 cuốn Hồi Sử V đều nói về vấn đề này rất thú vị (338-412).

Cả đối với con cái Đức Mẹ Phù Hộ, ngài cũng tích cực khuyên họ đừng bao giờ từ chối một ơn gọi chỉ vì thiếu phương tiện. Minh chứng của mẹ bề trên Petronilla ở Borgo San Martino khi Don Bosco hỏi về con số các đệ tử:  “Thưa cha, chúng có đến đấy, nhưng tất cả hay hầu như tất cả chỉ có bàn tay trắng. Cha tính làm sao có thể nuôi chúng được?” Thánh nhân trả lời: “Ôi, nếu con biết một ơn gọi lớn lao chừng nào! Chúng ta không bao giờ đào thải một người chỉ vì nghèo túng. Nếu chúng ta quan tâm tới các ơn kêu gọi thì Thiên Chúa Quan Phòng sẽ giúp chúng ta. Hãy nói ở Mornese, hãy nói điều đó cho mọi người rằng, những ơn kêu gọi, cả những ơn kêu gọi nghèo, sẽ làm giàu cho nhà dòng” (XII, 283).

Hiển nhiên ngài phải quan tâm đến Tu hội của mình, vốn rất cần nhiều ơn gọi tốt. Nhưng, đang khi quan tâm đặc biệt như thế, ngài cũng rất tế nhị cân nhắc và tuân theo những lời khuyên của Đức Thánh Cha Pio IX vào ngày 8 tháng 2 năm 1870 về việc tuyển lựa ơn gọi: “Nếu con muốn cho Tu hội của con bước đi vững chắc và phát triển, con hãy rất từ từ trong việc nhận người và dễ dàng để ban cho họ ơn xuất dòng. Như vậy chúng con sẽ có ít người, nhưng đầy thiện chí, điều này tốt hơn là có nhiều người bất mãn” (IX, 812).

   Phục vụ cho ơn gọi vào thời đại của ngài thật là một cuộc chiến vì Chúa, bởi lẽ khi ấy có phong trào cách mạng chống hàng giáo sĩ, trục xuất các chủng sinh và các tu sĩ ra khỏi các nhà trường, giết hại các linh mục trong khi tìm cách làm cho họ bỏ đạo, tịch thu các nhà cửa và các sở hữu vật chất, tước bỏ tất cả các phương tiện để đào tạo chủng sinh.

   Đã có người từng kết án ngài là tạo sức ép qúa lớn đối với giới trẻ, làm ảnh hưởng cả tới đứa không có ơn gọi. Chính cha Zappata, Tổng đại diện giáo phận Torino cũng nói với một vài bà mẹ rằng: “Hãy gởi con của bà đến với Don Bosco vài tháng, và nếu nó không có ơn gọi, ngài sẽ làm cho nó có” (XII, 12). Nhưng Don Bosco đã có cách đễ trả lời cho những tố giác như vậy. Có những kiểu nói, những bài huấn đức, các bài huấn từ tối làm chứng về sự thận trọng của ngài.

   Don Bosco có một bài huấn đức đặc biệt – gọi là Messis quidem multa, operarii autem pauci – Mùa màng thì nhiều nhưng thợ gặt thì ít, trong đó có các ý tưởng rất rõ ràng. Lời ngài đáng cho chúng ta đọc lại toàn bộ, nhưng ở đây chúng ta tự hạn chế trong một vài điểm:

   “Ôi, chớ gì cha thấy chúng con hăng say làm việc như các tông đồ. Tất cả tư tưởng, sự chăm sóc và sự mệt nhọc của cha đều dành cho việc này. Làm thế nào cha có thể im lặng trước nhu cầu quan trọng như thế trước con mắt của nhiều người hay sao?…  Tuy nhiên, đang khi cha mời gọi các con hãy bền lòng ghi tên vào tu hội Salêdiêng; cha không muốn những ai không có ơn kêu gọi cũng tìm cách để vào… Điều cha muốn và cha nhấn mạnh luôn cho bất cứ ai là phải nên giống lời phúc âm: lucerna lucens et ardens, là ánh sáng soi chiếu và toả sức nóng. Cha không chống lại những trẻ nào muốn vào chủng viện để trở thành linh mục triều. Điều cha muốn và cha đã nhấn mạnh cũng như sẽ còn nhấn mạnh, là chừng nào cha còn hơi và còn tiếng, là ai làm thầy thì hãy là một thầy thánh thiện, ai làm linh mục thì cũng hãy là một linh mục thánh thiện. Chớ gì những ai muốn dự phần vào gia nghiệp của Thiên Chúa, muốn ôm ấp đời sống giáo sĩ thì đừng bận tâm đến những sự trần thế, nhưng chỉ quan tâm đến phần rỗi các linh hồn. Cha xin chúng con điều này: là tất cả chúng con, nhất là những giáo sĩ, hãy là ánh sáng soi chiếu cho những người chung quanh, chứ đừng là bóng tối lừa gạt kẻ theo họ”(XII, 629).

Về việc tìm kiếm ơn gọi, Don Bosco xác tín rằng Thiên Chúa gởi đến cho ngài ngay trong nhà. Ngài thường ngỏ lời với các cha xứ và các cộng tác viên, đặc biệt qua các thư luân lưu, để tìm ơn gọi giữa các người lớn và tìm ơn gọi sư huynh.

Cha Giulio Barberis, người là tập sư đầu tiên, ngay cả dù trong thời kỳ đầu thực ra tước hiệu này cha Rua đã mang, đã cho thấy trong ký sự ngài viết đề ngày 12 tháng 8 năm 1876, những lời tín thác của Don Bosco: “Chúng ta đi tìm ơn kêu gọi và chúng ta tìm thấy chúng mà không phải đi đâu xa. Chúng đến với chúng ta dù không có ý định, ngay trong các nhà trường và trong Nguyện xá của chúng ta. Chúng thích lối sống của chúng ta và chúng xin ở lại. Đối với chúng ta chỉ có việc chọn lựa mà thôi. Nếu ai có hi vọng thành công tốt thì chúng ta chọn, nếu không thì để họ đi theo con đường khác” (XII, 329)

Từ những lời tín thác trên đây chúng ta nhận ra hai điều:

  1. Môi trường lý tưởng để phát triển ơn gọi là chính tinh thần Salêdiêng trong các nhà của chúng ta, trong đó người ta sống hăng hái vui tươi, một thứ vui tươi thánh thiện của lòng đạo đức và lao động.
  2. Don Bosco muốn dành sự ích lợi của Nguyện xá Torino và những lưu trú khác cho các thanh thiếu niên có hy vọng về ơn kêu gọi.

Cũng về vấn đề này, rất ích lợi để suy nghĩ về những quyết định của ban Thượng cố vấn trong phiên họp ngày 5 tháng 6  năm 1884, sau khi nghe Don Bosco đưa ra những nhận xét hơi buồn về các nhà của chúng ta (XVII, 183).

Bí quyết làm nảy sinh ơn gọi là nhờ tinh thần gia đình mà Don Bosco đã truyền lại cho chúng ta và cũng nhờ vào việc thực hành phương pháp giáo dục dự phòng. Chúng ta hãy nhớ lại lời khuyên của thánh nhân trong một bài huấn từ năm 1868 và trong lá thư di chúc đã trích ở trên. Ngày 3 tháng 2 năm 1868 trong khi kết thúc bài huấn đức cho các giám đốc, ngài đã có một bài huấn đức chung:

“Và giờ đây, chúng ta hãy nghĩ tới việc tăng số nhân sự của chúng ta; nhưng để đạt được điều đó mỗi người phải dấn thân kiếm được một vài hội viên mới. Trách nhiệm này chính yếu là của giám đốc của các nhà. Họ phải làm sao chiếm được và duy trì lòng tín nhiệm của các trẻ mà họ thấy có hy vọng có một tương lai tốt đẹp. Đó là cách duy nhất để lôi kéo chúng vào Tu hội. Cha nói cho chúng con điều đó là do kinh nghiệm: cha có thể đảm bảo với chúng con rằng nếu chúng con có một thiếu niên mà trong thời gian học tập luôn tín nhiệm vô song vào bề trên và giám đốc, thì chúng con rất dễ dàng chiếm được thiếu niên ấy. Lúc đó đứa trẻ nhìn giám đốc không phải như một bề trên mà như người cha. Nó sẽ cởi mở tâm hồn cho ngài và sẽ làm tất cả những gì ngài khuyên. Như vây nó sẽ có một tình cảm với nơi đang ở. Cho dù chưa biết Tu hội nhưng chắc chắn nó sẽ thực hành Hiến luật; và vừa khi biết Tu hội, nó sẽ ôm lấy và không bao giờ lìa xa, trừ khi nó mất lòng tín nhiệm ấy. Ngược lại, có nhiều thiếu niên đến đây chỉ để học, hạnh kiểm không có gì đáng trách, chúng sẽ thành những người tốt, đáng được điểm tốt, nhưng nếu không có sự tín nhiệm này thì không thể có nổi hai phần mười hy vọng để vào Tu hội hay ở với chúng ta. Lý do là chúng nhìn nơi giám đốc của chúng không như một người cha mà như một bề trên luôn canh chừng hạnh kiểm chúng. Từ đó có thể rút ra một qui tắc rằng cần khơi dậy cảm tình để có thể biết những chiều hướng của thiếu niên và những người tuỳ thuộc” (IX, 69-70)

   Trong lá thư di chúc thánh nhân viết: “Sự làm việc, lối sống tốt và thanh thản của các hội viên chúng ta sẽ chiếm và lôi kéo học sinh theo gương họ. Hãy hy sinh tiền bạc và nhân sự, nhưng phải thực hành hệ thống giáo dục dự phòng, và chúng ta sẽ có rất nhiều ơn gọi. Nếu không thể bỏ được thì cũng cố gắng giảm bớt những ngày nghỉ hè bao có thể.

Lòng kiên nhẫn và sự dịu dàng, các tương giao Kitô giáo giữa thầy và trò sẽ chiếm được nhiều ơn gọi giữa các trẻ. Tuy nhiên phải hết sức chú ý, không bao giờ nhận vào số các hội viên, nhất là vào hàng giáo sĩ, những người không có sự chắc chắn luân lý để giữ nhân đức thiên thần.

Khi giám đốc nhà thấy một học sinh có lối sống đơn sơ, có tính tình tốt thì hãy trở nên bạn với em. Hãy thường xuyên nói với em vài lời, sẵn sàng nghe giải tội cho em (khi đó các giám đốc còn là cha giải tội), khuyên em cầu nguyện và đoan chắc với em rằng ngài cũng cầu nguyện cho em trong Thánh lễ; hãy mời gọi em đi chịu lễ để tôn kính Đức Mẹ, hay để cầu cho các linh hồn ở luyện ngục, cầu cho cha mẹ em, cầu cho việc học của em hay những ý chỉ tương tự.

Rồi khi học hết trung học, hãy khuyên em chọn lựa ơn gọi, chọn nơi mà em thấy lợi ích cho linh hồn và do đó sẽ được yên ủi trong giờ chết. Ngoài việc xét ơn gọi theo lương tâm đương sự, còn phải quan sát lối sống của thiếu niên ấy tại gia đình, trong thời gian nghỉ hè hay trong nhà trường,… Nhưng hãy tìm cách ngăn cản ơn gọi giáo sĩ đối với những người muốn đi tu để giúp đỡ gia đình mình. Trong trường hợp này hãy khuyên chúng theo bậc sống khác, một nghề khác, một nghệ thuật khác chứ không phải con đường giáo sĩ” (XVII, 262-263)

   Cũng trong bức thư đó Don Bosco đưa ra những quy tắc cho các đệ tử, các các tập sinh và những người xuất dòng: “Về các đệ tử, chúng ta hiểu là các thiếu niên muốn vươn tới một mức sống Kitô hữu vững mạnh để làm cho chúng nên xứng hợp khi tới thời gian, chúng gia nhập tu hội Salêdiêng, trở thành một tư giáo hay một sư huynh. Với lớp người này cần sự chăm nom rất đặc biệt. Nhưng chỉ nhận vào số này những người có ý hướng thành tu sĩ Salêdiêng, hay ít ra không có gì trái nghịch theo thánh ý Thiên Chúa. Mỗi tháng ít nhất phải cho họ hai bài huấn từ, trong đó phải nói tới những điều một thiếu niên phải thực hành và những điều phải tránh, để trở thành người Kitô hữu tốt. Cuốn cẩm nang cho thiếu niên (Il Giovane Provveduto) đã tổng hợp những điểm chính về vấn đề này. Không cần nói cho chúng về Hiến luật của chúng ta cách tỉ mỉ hay về lời khấn về sự từ bỏ gia đình và thân nhân, vì những điều đó chắc chắn sẽ vào tâm hồn chúng mà không cần phải lý luận. Cần phải nắm vững nguyên tắc lớn: là, dù sớm hay muộn, phải tận hiến cho Thiên Chúa. Và Thiên Chúa gọi người tận hiến cho Ngài ngay khi còn trẻ là người có phúc (Beatus homo cum portaverit jugum ab adolescentia sua). Cũng phải từ bỏ tất cả và mãi mãi, sớm hay muộn, vì yêu mến hay bó buộc, thế gian cùng với tất cả sự quyến rũ, họ hàng, bạn hữu, nhà cửa”.

Với các tập sinh: “Phải biết rõ rằng Tu hội chúng ta không được lập ra cho những người đã sống lối thế tục và muốn đến với chúng ta để hoán cải. Tu hội chúng ta không được thiết lập cho họ. Chúng ta cần có các hội viên chắc chắn và đã được thử thách bằng các nhân đức… Giám đốc tập viện phải quan tâm không bao giờ giới thiệu các tập sinh mà theo lương tâm ngài không thấy có một nền luân lý vững chắc”.

Liên quan tới những người xuất dòng: “Trong vấn đề đào thải, chúng ta phải bắt chước kẻ làm vườn, cuốc và ném ra khỏi vườn những cây cỏ, các cây có hại hay vô ích. Nhưng hãy lưu tâm vì thường một lương tâm tế nhị đâm ra lo sợ về ơn kêu gọi của mình khi mà không có lý do phải lo sợ. Vì thế hãy xét cho kỹ các lý do cho xuất dòng. Không ban phép xuất dòng, nếu không có lý do trọng đại, nghĩa là sự ở lại của họ gây thiệt lớn lao cho chính họ, hay cho Tu hội. Trong mọi trường hợp khi phải đào thải, phải hết sức quan tâm, nếu cần phải chịu những hy sinh, để hội viên ra đi trong sự hài hòa tốt đẹp, giữ tình nghĩa với Tu hội. Nhưng thông thường những sự liên hệ sau đó với hội viên ra đi không nhiều hơn trong tư cách một giáo hữu tốt. Cũng không cho họ trú ngụ trong nhà trừ khi có lý do thực sự cần thiết và tạm thời thôi. Khi một viên ra khỏi dòng thì tìm cách giúp đỡ họ công ăn việc làm hay một nơi nào đó để họ có thể sinh sống lương thiện” (XVII, 263-264).

Ngày 22 tháng 2 năm 1874 từ Roma Don Bosco đã viết thư trả lời về những lời chúc mừng của thầy Lui Piscetta mà sau này trở thành một nhà thần học nổi tiếng. Những lời này được viết bằng Latin: “Nunc parvulus es, ideo collige pisciculos: multi enim sunt apud nos. Cum autem vir factus fueris, Dominus faciet te piscatorem hominum. Bây  giờ con còn nhỏ, vậy hãy bắt những con cá mà chúng ta có rất nhiều ở chung quanh chúng ta. Rồi khi con thành người lớn, Thiên Chúa sẽ làm cho con thành người đánh cá người lớn” (X, 778).

Thật ra Don Bosco đã xác tín rằng một phần ba thiếu niên mà Chúa quan phòng gửi đến các nhà Salêdiêng có ơn kêu gọi giáo sĩ hay tu sĩ. Và ngài không ngừng ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho ngài được hình thành nên Tu Hội từ các thanh thiếu niên lớn lên trong ngay các nhà Salêdiêng.

Một ngày kia ngài đã nói với cha Barberis: “Việc tiếp nhận các thiếu niên từ nhỏ vào trong nhà chúng ta mà một phần lớn trong số này thành tu sĩ Salêdiêng là một điều rất thuận lợi. Dù không ý thức, chúng đã quen dễ dàng thích nghi với một đời sống lao nhọc, hiểu biết tất cả cách thức của Tu hội và thấy dễ dàng thi hành bất cứ công việc nào; chúng tất nhiên trở thành những hộ trực và thành những thầy dạy tốt, với sự nhất trí trong tinh thần và phương pháp, không cần ai dạy cho chúng về phương pháp giáo dục của chúng ta nữa, vì chúng đã học được điều đó khi còn là học sinh. Nhờ đó chúng ta có nhiều hy vọng tiếp tục sống tinh thần Salêdiêng của chúng ta, không có sự bất đồng hay nhu cầu cải cách. Khi một người lớn tuổi giỏi giang và có quyền thế gia nhập Tu hội, nếu họ không là một vị thánh lớn, tức là người trong những trường hợp đặc biệt không biết thích ứng ý mình với ý bề trên, thì người ấy làm hại hơn là làm lợi cho Tu hội. Rất khó để tách mình ra khỏi con người cũ của Adam nhất là đối với những điều mà mỗi người khi làm phải có đầy đủ ý thức, chứ chưa nói gì đến nết xấu hay tội lỗi. Với gương của họ, tinh thần truyền thống biến mất và sinh ra một hiệu quả rất tai hại cho sự tiến bộ của những người khác. Cha tin rằng cho tới thời buổi chúng ta hôm nay chưa có một Tu hội hay một dòng nào có được dễ dàng trong việc chọn lựa nhân sự thích hợp hơn. Một điều nữa, khiến cha hy vọng duy trì được tinh thần của chúng ta kể cả trong tương lai và cả ở những nơi xa xôi, đó là trong việc bổ nhiệm những người sống lâu năm trong Tu hội và đã qua nhiều trách vụ, làm bề trên các nhà. Nhiều nhà sẽ được mở ra, nhưng đối với các giám đốc, không cần phải nghĩ đâu xa, họ sẽ được chọn trong số các linh mục và tư giáo từ đây gửi đi, trước khi có thể trao trách nhiệm ấy cho những người ngày nay đang lớn lên tại địa phương. Những người đã sống với chúng ta nhiều năm sẽ đổ vào nơi những người khác tinh thần của chúng ta và trước khi có một người Mỹ châu nào đó có nhiều thế giá nơi các hội viên, thì tinh thần Salediêng đã trở thành tự nhiên và đã ăn rễ sâu vào trong tân thế giới này” (Cronaca di Don Barberis, 12-8-1876; XII, 300).

Những lời khuyên trên đây khôn ngoan biết bao! Và lịch sử cho thấy Don Bosco có lý. Cha Lemoyne tỏ cho chúng ta thấy Don Bosco đào luyện các đệ tử của ngài vào lối sống Salêdiêng mà chính chúng không biết. Chúng ta đọc thấy trong Hồi sử cuốn IX trang 569: “Don Bosco kiên trì làm cho các thanh thiếu niên bận tâm về tất cả những gì liên quan đến Nguyện xá. Ngài muốn rằng chúng coi Nguyện xá như nhà riêng của chúng; và ngài cho chúng biết tất cả những gì liên quan đến chúng, ngài tin rằng chúng biết là điều thích hợp. Khi đã thiết lập Tu Hội, ngài tiếp tục làm như vậy, ngài muốn đối với nhiều thanh thiếu niên, điều đó trở thành lý tưởng trong đời sống Kitô hữu, mục đích của việc học tập của chúng, là cái bến vững chắc của ơn gọi, là sự tham dự vào các công cuộc và định mệnh vinh hiển đã được Đức Mẹ đoan hứa” (IX, 569).

Hiệu quả của lối sống gia đình này thật tuyệt diệu !

Thánh nhân cũng vui vẻ nhận xét rằng: “Giữa chúng ta hôm nay, hầu như tất cả thanh thiếu niên trong trường đã trở thành con cái như trong một gia đình. Tất cả đều làm chủ ngôi nhà mình ở, rất quan tâm đến Tu hội. Chúng nói rằng: nhà thờ của chúng ta, trường Lanzo, Alassio, Nizza của chúng ta. Bất cứ sự gì liên quan đến Tu hội Salêdiêng thì chúng cho là của chúng. Thậm chí chúng còn bàn đến việc truyền giáo, các nhà, các việc tôn giáo và chúng quan tâm và để lòng vào đó như các việc của chúng. Rồi nhiều khi cũng nghe thấy chúng nói cần phải đi đến nơi này nơi kia, rằng chúng ta được nhiều nơi mời tới, ở Ý, ở Pháp, ở Anh, ở Mỹ, như thể chúng là chủ thế giới” (XII, 255).

Điều này khiến chúng ta ngày nay phải duyệt xét lương tâm, người ta nói quá nhiều về thể thao, xe cộ, giải trí, về những gì thuộc về thế tục cho giới trẻ!… Người ta đang trở thành tục hoá lấy cớ cập nhật hoá. Chúng ta sẽ cứu được nhiều ơn gọi nếu chúng ta nói cho chúng nhiều hơn về Giáo hội, về việc Giáo Hội làm và đau khổ Giáo Hội phải chịu!… nói cho chúng nhiều hơn về Tu hội, về lịch sử của Tu hội, về sự bành trướng, hiện tình, về những điểm ích lợi mà các vị truyền giáo đang thực hiện, về sự anh hùng can đảm và những hy sinh của họ!… Các thanh thiếu niên vẫn còn tốt, nhạy cảm trước những lý tưởng lớn lao, đầy thiện chí và quảng đại. Còn chúng ta thì sống trưởng giả và nhồi cho chúng những điều nông cạn.

Đúng là rằng thời gian đã thay đổi, những sự hấp dẫn, những cạm bẫy và những sự đổ vỡ tệ hại của thế giới tân thời đã bóp nghẹt những ơn gọi sáng ngời khi vừa chớm nở, những viễn tượng của sự giàu có, những thú vui đã làm say mê các thanh thiếu niên hơn trước kia. Nhưng chúng ta còn có thể cứu được biết bao thiếu niên và củng cố được biết bao ơn gọi khi chúng ta theo phương pháp của cha chúng ta.

Chúng ta muốn thử các phương pháp khác để có đầy các đệ tử của chúng ta. Được, chúng ta hãy nghe một nhận xét rất quan trọng của Đức cha Fulton Sheen: “Khi quảng bá ơn gọi, người ta sử dụng các kỹ thuật quảng cáo, đăng báo, viết thư với mục đích thúc giục các thiếu niên vào một Tu hội hay một cộng đoàn, thì thường sinh ra một nguy cơ quan trọng hóa số lượng mà quên mất phẩm chất” (xem Il Sacerdote non si appartiene).

Và chúng ta đừng quên lời khuyến cáo của thánh Tôma: “Deus numquam deserit Ecclesiam suam quin inveniantur idonei ministri sufficienter ad necessitatem plebis, si digni promoverentur et indigni repellerentur. Et si non posset tot ministros inveniri, quot modo sunt, melius est habere paucos ministros bonos, quam multos malos – Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi Giáo hội của ngài trong việc tìm kiếm cho các thừa tác viên thích hợp cần thiết cho dân Chúa, nếu họ là những người xứng đáng thì ngài củng cố, nếu họ bất xứng thì ngài đào thải. Và nếu không có thể tìm được nhiều thừa tác viên như lòng mong ước, thì thà rằng có ít mà tốt còn hơn có nhiều mà chẳng ra gì” (Supp, q. 36, art. 4 ad 1).

Chúng ta kết thúc với một số những tiêu chuẩn về việc tuyển chọn. Cha Felice Giordano thuộc dòng Tận hiến của Đức Mẹ, trong một bức thư gửi cho cha Durando năm 1888 đã nói rằng Don Bosco đã chọn những ơn gọi trong số các thiếu niên sống trong môi trường lành mạnh, tính tình thẳng thắn, có trí nhớ và óc thông minh cởi mở, phong tục không bị ô nhiễm” (V, 410).

Trong Tổng Tu Nghị I vào năm 1877, Don Bosco đã tỏ ý hướng của ngài đối với thanh thiếu niên thợ muốn làm linh mục: “Ngày nay vì thiếu rất nhiều giáo sĩ, nếu có  đời sống luân lý và khả năng, cha muốn con đường dễ dàng để người ta tiến tới chức linh mục” (XIII, 257).

Nền tảng chính yếu là đời sống luân lý. Về điểm này Don Boco  không nhượng bộ: “Nếu khám phá ra rằng chúng thiếu nhân đức tuyệt mỹ này, thì không bao giờ khuyên chúng làm Salêdiêng. Nếu chúng thiếu đời sống luân lý đối với những người  khác, mà muốn vào chủng viện, thì chỉ cấp cho chúng giấy chứng nhận học mà thôi. Nếu phải về gia đình mà người ta đòi giấy chứng nhận hạnh kiểm, thì đừng trả lời” (qui tắc được trao cho cha Lemoyne và cha Viglietti, để thông báo cho các giám đốc ngày 27 tháng 5 năm 1885) (XVII, 461).

Xét về việc năng chịu các bí tích thì đây là quy tắc Don Bosco gửi cho các vị tập sư: “Sự năng chịu các bí tích mà thôi không hẳn là dấu chỉ người tốt lành. Có những người, dù không phạm sự thánh, nhưng chịu các bí tích rất nguội lạnh; thậm chí sự thiếu nghị lực của họ làm cho họ không hiểu nổi sự quan trọng của bí tích họ chịu. Ai đi chịu lễ mà không bỏ đi hết những quyến luyến thế tục, và không hoàn toàn lăn xả vào cánh tay nhân lành của Chúa Giêsu, thì sự chịu lễ chẳng sinh ơn ích gì” (XI, 278).

   Có những người bề ngoài xem ra không làm cho ta tin tưởng, nhưng trái lại rất đáng tin: “Có những người khác rất từ từ ghi tên vào Tu Hội. Sự tiến bộ của họ hầu như không trông thấy, nhưng họ vẫn tiến tới và không bao giờ lùi. Đối với những ai không hiểu rõ họ thì cho rằng hạng người này lạnh nhạt hay tầm thường. Nhưng những ai biết họ và sống lâu với họ thì thấy rằng họ là thành phần rất hy vọng. Họ đi chậm từng bước, nhưng một khi bước thì không lùi. Họ từ từ làm một điều dốc quyết nhưng không ai làm họ thay đổi và như vậy họ từ từ tiến đi trên đường nhân đức. Bởi vậy hãy lưu tâm tới một thiếu niên, khi em bền bỉ trong nhân đức, hơn là đánh giá em bằng sự sốt sắng” (XI, 279).

   Don Bosco cũng diễn tả rõ ràng ý kiến của ngài về sự trung thành trong ơn kêu gọi khi huấn đức cho các tư giáo trong Nguyện xá: “Tuyệt đối mà nói, thì một người không sống trong dòng cũng có thể là một giáo dân tốt, một người xuất tu cũng có thể được cứu rỗi. Nhưng nếu các con tin cha, cha nói thẳng cho các con biết rằng điều này chỉ đúng trên lý thuyết hơn là trong thực hành. Thực tế, ý kiến của cha, là rất ít người tự ý xuất tu mà được cứu rỗi. Bởi vì khi bước chân vào dòng tu thì có thể nói được rằng  mình có ơn kêu gọi, mà một khi vì lỗi riêng mình mà đánh mất ơn kêu gọi đó thì khó lòng mà đi đúng đường. Tiếp đến, người tự ý bỏ chỗ mà mình biết là tốt, và thật là một việc tốt lành vì ích lợi cho mình nếu ở lại trong đó, thì chứng tỏ rằng họ không hành động vì yêu mến Thiên Chúa nhưng theo sở thích riêng” (XI, 300).

   Chúng ta hãy đọc lại bức thư gửi cho Đức Thánh Cha Leo XIII, qua đức Hồng y Bartolini, khi ngài vừa lên ngôi: “Người ta muốn phá vỡ những viên đá của đền thờ, đâp tan những tường thành, làm đảo lộn thành thánh và nhà Sion – ngài ám chỉ đến nền chính trị chống giáo sĩ thời bấy giờ -. Chúng không thành công nhưng gây ra thiệt hại lớn. Vậy đến lượt đấng cầm quyền tối cao của Giáo hội tại thế tìm cách sửa lại những thiệt hại do quân thù gây ra. Sự dữ sinh ra do sự thiếu thốn những người thợ Phúc âm. Khó lòng tìm thấy các tư tế Lêvi trong những thành phần sống tiện nghi, vì thế phải hết sức quan tâm tìm họ trong những người lao động, cầm cuốc, cầm búa mà không cần phải lo đến tuổi tác và điều kiện sinh sống của họ. Tụ tập họ lại và đào tạo họ cho đến khi họ có khả năng sinh hoa trái mà dân chúng mong đợi. Mọi sự cố gắng, mọi hy sinh cho mục đích này luôn luôn là nhỏ bé nếu đem so sánh với những sự dữ  có thể ngăn ngừa và những sự lành có thể  đạt được. Những con cái của dòng tu ngày nay đang sống rải rắc khắp nơi cần được tụ họp lại, nếu họ không có thể lập thành được mười nhà, thì hãy lập một nhà với kỷ luật nghiêm chỉnh. Với sự tuân giữ tu trì, con cái thế gian sẽ biến đổi thành con cái sự cầu nguyện và suy gẫm. Các gia đình tu sĩ hiện nay được mời gọi theo nhu cầu của thời thế. Với đức tin vững chắc, với những công việc của vật chất, họ phải chiến đấu chống lại những tư tưởng của những ai chỉ nhìn con người dưới những khía cạnh vật chất. Những người đó hay khinh chê những ai cầu nguyện và suy gẫm, nhưng họ bó buộc phải tin vào những công việc họ thấy. Các nhà dòng mới cần được nâng đỡ và chấp nhận bởi những người mà Thánh Thần đã đặt cái quản Giáo hội. Bởi thế xin hãy biết: với sự khích lệ và vun trồng ơn kêu gọi để phục vụ bàn thờ, với sự qui tụ các tu sĩ đang sống rải rác và tái lập sự tuân giữ luật dòng, với sự theo dõi, nâng đỡ và hướng dẫn các Tu hội hiện thời, sẽ có các người thợ Phúc âm cho các giáo phận, cho các dòng tu và cho các xứ truyền giáo” (XII, 488). Chúng ta hãy suy nghĩ những lời trong giấc mơ của Don Bosco vào năm 1873: “Hãy dạy giáo lý cho các trẻ nhỏ, hãy giảng về sự từ bỏ của cải thế tục. Đã đến lúc các người nghèo sẽ trở thành những người rao giảng Phúc âm cho mọi dân tộc. Thành phần tư tế Lêvi sẽ được tìm giữa những người cầm cuốc, cầm búa” (IX, 1000).

Các lời khuyên khác: “Để vun trồng ơn kêu gọi chúng con phải đề cao: 1) Yêu mến đức khiết tịnh; 2) Ghê tởm nết xấu trái nghịch; 3) Tránh xa những người xấu nết; 4) Năng chịu lễ; 5) Sống bác ái nhân từ. (XI, 390).

Vườn ươm ơn gọi và phương tiện thích hợp là Nguyện xá, lưu xá, và các nhà cho thanh thiếu niên bị bỏ rơi” (XII, 374).

Cha khuyên hãy chăm sóc ơn gọi, với ba phương thức sau: Năng nói về ơn kêu gọi, bàn luận nhiều về các xứ truyền giáo, đọc thư của các vị truyền giáo” (XIII, 86).

Những phương tiện rất quan trọng để đánh thức và duy trì ơn kêu gọi được đọc thấy trong cuốn XIV, trg 44-45, 124; XVII, 461; 491; 187. “Hãy hy sinh tiền của và sức người, nhưng phải thực hành phương pháp giáo dục dự phòng, thì chúng ta sẽ có dồi dào ơn kêu gọi” (XVII, 262, 309).

“Mỗi sự quan tâm, mỗi sự lao nhọc, mỗi sự tốn kém để kiếm được một ơn gọi thì không bao giờ được coi là quá đáng” (XVII, 616).

Chương 12

Lòng Nhiệt Thành Tông Đồ

Trước khi tiếp nhận thầy Gioan Bosco vào chức linh mục, hội đồng giáo sư đại chủng viện Chieri – đã họp lần chót và nhận định về thầy một cách vắn gọn rằng: “Thầy có lòng nhiệt thành và có khả năng thành đạt” (I, 515).

Năm 1886, tờ Merry England đăng tin hội địa dư thành phố Lion trao tặng huân chương vàng cho Don Bosco đã thêm mấy lời ca ngợi các Salêdiêng: “Các linh mục Salêdiêng là những con người trổi trang về mặt giáo lý, nhưng đáng kể hơn là lòng nhiệt thành tông đồ và lòng đạo đức thâm sâu. Tóm lại, hết thảy là những mục tử tốt lành sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đoàn chiên“.

Chúa muốn chúng ta phải luôn xứng với lời biểu dương đó! Không phải chỉ các linh mục mà thôi nhưng cả các tư giáo và sư huynh nữa, vì ngay trong những năm sống ở đệ tử viện Don Bosco vẫn đặt cho họ việc tông đồ nào đó, đòi họ có lòng nhiệt thành chân chính hầu tìm ích cho các linh hồn.

Đàng khác, câu “Da mihi animas – xin cho tôi các linh hồn” là châm ngôn chính thức của Tu hội, thành ra, nếu không cảm thấy sống động sự hăng hái tìm kiếm các linh hồn thì không thể là Salêdiêng được.

Đây cũng là mục đích chính yếu cho mọi hoạt động của ơn gọi Salêdiêng. Thánh Ambrogio quả quyết rằng lòng nhiệt thành là sự sống của Thiên Chúa: “Zelus est vita Dei”. Thánh Augustino còn quả quyết thêm rằng lòng nhiệt thành là kết qủa của tình yêu, là lý chứng mãnh liệt nhất về tình yêu của chúng ta đối với Đức Kitô: “Zelus est maxmium amoris erga Christum argumentum”, đoạn thánh nhân suy luận: “Zelus est effectus amoris, ergo qui non zelat non amat – lòng nhiệt thành là thành quả của tình yêu, do đó, ai không nhiệt thành ắt không yêu mến”.

Don Bosco là bậc thầy của lòng nhiệt thành. Ngài đã nêu gương sáng rất nhiều trong suốt cuộc sống về vấn đề này. Có thể nói rằng ngài chưa từng tiếp xúc với ai mà không quan tâm đến linh hồn của họ. Ngay cả trong những cuộc gặp gỡ tình cờ trên xe ngựa, xe lửa hay đi bộ…., lúc nào cũng lưu ý đến vấn đề linh hồn.

Ngài thường nhắc rằng “mỗi lời của linh mục phải là muối của đời sống vĩnh cửu, phải là như thế cho bất cứ ai và ở bất cứ nơi nào. Bất cứ ai tới gần một linh mục phải gặp được nơi ngài vài chân lý hầu mưu ích cho linh hồn họ” (VI, 381).

Nhiều năm sau, cha Terrone đã soạn một pho sách với nhan đề: “Don Bosco, kiện tướng săn bắt các linh hồn” với hàng trăm giai thoại thú vị, tiếc là sách đó đã bị huỷ vì lý do chiến tranh khiến ta không có cơ hội khai triển và xuất bản. Trong sách đó ta có biết bao chất liệu quý giá để rao giảng!… ; có biết bao thí dụ cụ thể làm mẫu cho các linh mục nói chung và các Salêdiêng nói riêng!

Hơn nữa, đức Pio IX đã chẳng gán cho Don Bosco cái biệt hiệu “Venator animarum – thợ săn các linh hồn” đó sao? Thợ săn cỡ nào. Đầy say mê đến hao mòn và tài giỏi tuyệt vời. Đầy dấn thân, không chỉ ở tòa giảng hay tòa cáo giải mà thôi, nhưng còn suốt cả cuộc sống. Tới mức, ngày nọ, ngài không sợ mang tiếng kiêu căng dám nói rằng: “Nếu tôi quan tâm đến linh hồn của tôi, như tôi lo cho linh hồn người khác, thì chắc hẳn phần rỗi của tôi rất được đảm bảo” (VII, 250).

Còn hơn nữa trong những năm cuối đời, thân tàn sức lụi cùng nhiều bệnh tật, đáng được nghỉ đôi chút, ngài vẫn viết trong thư gởi cha Lemoyne thế này: “Ôi lạy Chúa, xin cứ cho con thập giá để vác, gai nhọn để mang, và bách hại để chịu, miễn là cứu được linh hồn của con và của người khác”  (thư viết ngày 30-9-1885 trong hồi sử cuốn VII, 617).

Don Bosco là người của sự thánh thiện tông đồ của thời đại. Hoạt động tông đồ của ngài có đặc điểm: 1) Đầy đam mê các linh hồn; 2) Cảm thức đầy sống động về Hội Thánh; 3) Nhạy cảm trước những dấu chỉ thời đại và nhu cầu Giáo Hội. Hệ thống giáo dục của ngài hoàn toàn nhằm vào việc đào tạo các tâm hồn tông đồ.

Hơn hẳn bao người khác, ngài trực giác xuyên qua thời gian cả một thế kỷ để thấy trước điều mà Vaticano II tuyên bố, đó là không thể xứng danh Kitô hữu nếu không có hồn tông đồ, hoặc không hiến thân cách nào đó, tìm ích cho linh hồn tha nhân.

Chính Hội Thánh cũng công nhận Don Bosco là nhà tiên phong tổ chức việc tông đồ giáo dân. Phải nói hơn nữa rằng: Don Bosco đã biến việc tông đồ thành phương thế đầu tiên để thánh hoá, bắt đầu từ các thanh thiếu niên của ngài.

Chỉ cần đọc hạnh Đaminh Savio liền rõ. Vào năm Don Bosco 1855 giảng cho các thanh thiếu niên Nguyện xá bài giảng nổi tiếng về việc nên thánh với ba mục sau đây: Chúa muốn mọi người nên thánh – Nên thánh là việc dễ dàng – Ai nên thánh sẽ được Chúa thưởng bội hậu trên thiên đàng. Nghe xong, lòng Savio lập tức bừng cháy lửa mến Chúa. Tâm tư cậu những nao nức, mãi tới khi Don Bosco dứt khoát cấm việc hãm mình cầu nguyện quá lâu, ngài khuyên cậu phương thế đầu tiên để nên thánh: “Tìm kiếm nhiều linh hồn về cho Chúa”, vì trên đời này không có công tác nào thánh thiện cho bằng việc cứu rỗi các linh hồn, bởi lẽ chính Chúa Giêsu đã phải trút cả giọt máu cuối cùng ra để đem lại ơn rỗi cho linh hồn người ta.

Như thế dường như đảo lộn đuờng lối tu đức cổ điển dựa trên những thực hành đạo đức dài, và đền tội nghiêm khắc. Không phải thế, đây chỉ là việc đi về nguồn các thánh tông đồ. Quả vậy, chính Đức Giêsu trước hết đã làm cho họ thành tông đồ, rồi chính trong việc tông đồ sẽ làm cho họ nên thánh thiện và tử đạo. Việc tông đồ chính là phương thế đầu tiên Chúa dùng để tạo nên các vị thánh. Chúng ta nói tới việc tông đồ chứ không phải thứ duy hiếu động: bởi vì tính hiếu động làm tán loạn bản thân, còn việc tông đồ – vốn là lòng mến các linh hồn vì tình yêu Chúa – luôn là một năng lực thánh hóa, ngay cả dù phải hoạt động tối đa.

   Có người nhận định rằng Don Bosco bẩm sinh đã là nhà giáo dục. Ta cũng có thể thêm rằng Don Bosco bẩm sinh là tông đồ, vì khi giấc mơ chín tuổi nung nấu ngài, thì đã từ lâu: từ lúc năm tuổi, như chúng ta đã thấy, ngài say mê làm tông đồ. Giấc mơ hồi lên chín xác định rõ đối tượng, kỹ thuật và phương pháp phải áp dụng để thực thi việc tông đồ giữa giới trẻ cho có hiệu năng mà thôi. Trong thực tế, ngài có nghệ thuật giáo dục chừng nào thì cũng có nghệ thuật làm việc tông đồ hợp thời chừng nấy. Chúa đã làm cho ngài trở thành tiên phong trong tổ chức việc tông đồ.

Chúng ta vẫn còn thấy những dấu vết của việc tông đồ mà bé Gioan Bosco đã làm để thu hút lũ trẻ trên các ngọn đồi vùng quê, hầu dạy giáo lý cho chúng giữa những trò vui thật ngây thơ. Thế rồi khi còn là cậu bé làm mướn cho nông trại Moglia, Gioan Bosco đã sáng kiến ra một hình thức Nguyện xá rất thô sơ tại Moncucco.

Năng khiếu tông đồ lại được phát triển tỏ tường hơn nữa khi thầy Bosco lập hội vui tại thành phố Chieri với bản quy luật rất đơn giản gồm hai khỏan đòi các thành viên trong hội phải làm việc tông đồ dùng gương sáng: 1) Mỗi thành viên trong hội phải tránh xa các câu chuyện và hành vi bất xứng đối với một Kitô hữu; 2) Thực thi chu đáo các bổn phận học hành và đạo đức (I, 261).

Thầy Gioan Bosco quen gieo vào lòng các sinh viên đại chủng viên những tư tưởng tương tự, đến độ các bề trên cũng cho phép thầy tiếp tục việc tông đồ của thầy, mỗi tuần một lần mở cổng chủng viện, để tiếp nhận các trẻ trong thành phố vào chơi và học giáo lý. Mỗi lần nghe tin đến phiên thầy Bosco phục vụ ở nhà thờ chính là lũ trẻ kháo nhau tuôn đến tham dự lễ nghi (I, 381- 405).

Sự tổ chức tông đồ thật sự, với một phương pháp rõ ràng, phải nói như thế, là khi Chúa quan phòng cho ngài có thể định cư Nguyện xá của ngài tại khu vực Valdocco, và bên cạnh việc tông đồ cho các em ngoại trú, ngài lập ra nhà Nội trú cho các em học nghề và học chữ.

Năm 1875, Don Bosco khởi sự lập Hội lành thánh Lu-y cho các em học chữ và học nghề, trình bày thánh Lu-y như mẫu gương sống. Các hội viên, ngoài nhiệm vụ thực hành việc đạo đức cách sốt sắng và chu toàn bổn phận cho nên, cũng thi đua để cho Nhà Chúa được trật tự và giúp người khác thực hành nhân đức, ngăn ngừa các câu chuyện xấu, thực thi bác ái với tha nhân, chăm sóc người đau bệnh…. (III, 217).

Lòng nhiệt thành nói trên không những giúp thăng tiến nhà trường mà còn mang lại nhiều thiện ích công cộng nữa. Chỉ cần nhắc lại việc các học sinh quả cảm dấn thân chăm sóc các nạn nhân dịch hạch năm 1854 khi thành phố Torino và quận Pinerolo phải điêu đứng vì tại hoạ này. Hiện nay, công hàm Salêdiêng vẫn còn giữ lá thư ông Tommaseo Nicolo, chủ tịch thành phố viết để cám ơn Don Bosco và biểu dương lòng nhiệt thành tông đồ của các em học sinh (V, 117-118). Gioan Cagliero suýt phải hy sinh tính mạng trong dịp làm việc tông đồ năm ấy. Cậu được khỏi bệnh cách lạ lùng, đang khi Chúa soi sáng cho Don Bosco biết ơn gọi của cậu sẽ trở thành nhà truyền giáo trong tương lai, cầm đầu đoàn truyền giáo và sau sẽ trở thành giám mục tiên khởi của giáo phận Patagonia và là hồng y Salêdiêng đầu tiên (V, 104-113).

Năm 1856, Don Bosco củng cố đường lối của mình bằng cách gợi ý cho Đaminh Savio lập Hội Mẹ Vô Nhiễm, gần như là tiểu chủng viện của Tu hội Salêdiêng. Từ bản quy luật của hội do Savio soạn thảo với sự cộng tác của Giuseppe Bongiovanni, chúng ta rút ra mấy khoản tiêu biểu:

Khoản 3: Đức ái hỗ tương sẽ nối kết tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta yêu mến các bạn học một cách không phân biệt, dịu dàng tìm dịp thuận tiện khuyên nhủ họ.

Khoản 4: Mỗi tuần sẽ họp chừng nửa tiếng. Sau khi cầu xin Chúa Thánh Thần, đọc một đoạn sách thiêng, sẽ thảo luận về bước tiến của Hội về lòng đạo cũng như  về nhân đức.

Khoản 5: Một cách tế nhị, chúng ta giúp sửa lỗi cho nhau. (V, 480)

Đây là tinh thần hoạt động và cộng tác rất kỳ diệu về mặt tu đức. Khi duyệt xong bản thảo, Don Bosco thêm vào bảy điểm trong đó có điểm thứ ba viết: “Trong các cuộc họp nên phân công làm những việc bác ái thực tế như lau dọn nhà thờ, giúp vài em kém trí học bổ túc hay học giáo lý” (V, 482).

Người viết cuốn sách này vẫn còn nhớ thời học sinh của mình các bề trên hay chia công tác cho anh em lớp 11 và 12 việc dạy giáo lý cho các em nhỏ ở Nguyện xá. Nhiều khi các anh còn được sai đi dạy giáo lý cho các học sinh ở các xứ lân cận nữa.

Các thành viên hội Vô Nhiễm có một sứ mệnh lớn lao, đó là trực tiếp cộng tác với bề trên để làm cho việc bước tiến trong nhà được xuôi chảy, bảo đảm nền luân lý và nhiệt tâm tuân giữ quy luật.

Năm 1857 Don Bosco khuyên tư giáo Bongiovanni Giuseppe tổ chức Hội lành Thánh Thể cùng với Đaminh Savio, người mà Don Bosco coi như Đồng sáng lập, đang khi tặng cho Bongiovanni danh hiệu người Người cổ động Hội lành Mẹ Vô Nhiễm (VII, 337; IX, 287; XI, 225).

Ngoài việc chăm lo việc tôn thờ Thánh Thể và việc thần vụ, nội quy cũng đưa các hội viên vào việc tông đồ rộng lớn. Chúng ta thấy điều luật 6 ghi lại: “Trong các buổi họp, sẽ bàn tới những việc trực tiếp liên quan đến việc tôn thờ Thánh Thể, cũng như khích lệ việc Rước lễ cách thật sốt sắng, giúp và dạy những em chuẩn bị Rước lễ lần đầu; giúp chuẩn bị và cám ơn cho những em rước lễ; phổ biến sách báo, hình ảnh,.. có mục đích này (V, 760).

Năm 1858 chính tư giáo Bongiovanni được Don Bosco khuyên tổ chức Hội giúp lễ, để với việc phục vụ bàn thánh, vun trồng những ơn gọi linh mục tốt nhất (V, 789).

Năm 1859 tư giáo Giovanni Bonetti, được trao trách nhiệm hộ trực học sinh nghề, đã hỏi Don Bosco làm sao để tổ chức Hội lành thánh Giuse cho các em. Don Bosco rà lại và hoàn chỉnh nội quy do thầy soạn, để có được sức sống mạnh nhất.

Ngoài trách nhiệm cá nhân phải sống tốt, các hội viên còn có nhiệm vụ trong các việc tông đồ rỏ rệt đối với các bạn. Khoản 2 trong chương IV nội quy của Hội ghi: “Cần  tận tình vâng phục các bề trên và tin tưởng vô hạn nơi các ngài; xây dựng các bạn bằng gương sáng cũng như lấy tình bác ái mà khuyên bảo họ mỗi khi gặp dịp để ai nấy chuyên chăm làm lành lánh dữ”.

Khoản 3 ấn định các thành viên phải “dùng đức ái để ngăn chặn những cuộc cãi cọ hay gây gỗ giữa các bạn ở bất cứ nơi chốn và trường hợp nào”. Khoản 4 đòi “hết sức xa tránh và, chính mình hay nhờ người khác, chặn đứng những câu chuyện xấu và bất cứ điều gì phương hại cho đức nết na”.

Chương V khoản 6 ấn định việc chăm sóc các bệnh nhân vào ban đêm, mỗi phiên hai người (VI, 195-196, xem lược đồ nguyên thủy IX, 79-80).

Chúng ta đừng quên rằng dù Đaminh Savio chưa làm tư giáo, Don Bosco vẫn trao cho cậu trách nhiệm chính thức thành lập nhóm tư giáo trẻ và soạn quy luật riêng cho nhóm này. Như thế chúng ta thấy ý tưởng về phong trào tông đồ mà Don Bosco đã biết gợi lên giữa các học sinh của ngài. Chính các Hội lành đã là men để vun trồng các ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ tốt. 

Don Bosco có lý khi định nghĩa rằng: “Hội lành là chìa khoá, là nơi giữ gìn nền luân lý, là sự nâng đỡ các ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ” (XII, 26). Chúng ta có thể thêm rằng: Hội lành là sân huấn luyện tuyệt hảo cho đời sống Kitô hữu gương mẫu, cho đời tông đồ, và cho tinh thần công giáo tiến hành.

Sự vẻ vang trọn vẹn của tinh thần tông đồ này Don Bosco đạt tới với hai hội dòng: Tu hội Salêdiêng và dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, cùng với gia đình thiêng liêng thứ ba: Các Cộng tác viên.

Nhóm thứ ba này có thể được gọi không chỉ là longa manus – cánh tay nối dài của Don Bosco giữa đời, như chính ngài định nghĩa như thế, nhưng còn là bản thảo của phong trào Công giáo Tiến hành, như trong sắc lệnh phong thánh De tuto, đức Pio XI nói: “Actionis catholicae nobile rudimentum – Kiểu sinh hoạt thô sơ cao quý của công giáo tiến hành” (XIX, 242).

Ngày 12 tháng 9 năm 1952, ba ngàn đại biểu của hội cộng tác viên Salêdiêng thế giới về Roma tham dự đại hội, đức Pio XII đã ban diễn từ cho họ và đề cao “Don Bosco vị tông đồ bẩm sinh và là người khơi dậy các tông đồ”.

Chúng ta có đoạn văn tiêu biểu: “Don Bosco bẩm sinh là tông đồ và là người khơi dậy các tông đồ. Ngài phóng tầm nhìn của mình trước thế kỷ. Nhờ trực giác của một thiên tài và đời sống thánh thiện ngài tiên đoán điều mà thế giới Công giáo sau này gọi là động viên toàn bộ giáo dân chống lại những hành vi thù nghịch cùng Hội Thánh… Với việc thành lập Tu hội Salêdiêng, lòng nhiệt thành dẻo dai của ngài dự phóng một phong trào tông đồ giáo dân do Chúa quan phòng, để đối phó với sức mạnh lôi kéo của sự dữ đang hoành hành, nhờ ơn soi sáng của Thánh linh chuẩn bị các giáo dân vào hàng ngũ, huấn luyện họ cho biết hành động, biết cầu nguyện và hy sinh, sẵn sàng chờ lệnh của Chúa để xông vào cuộc chiến thánh thiện. Các con thân mến, các con biết đấy, vì đã được hấp thụ tinh thần Salêdiêng một cách thâm sâu, hẳn các con rất tha thiết cộng tác, nâng đỡ và cổ võ các giáo dân giúp hàng giáo phẩm đáp ứng nhu cầu của thời đại, nơi chốn và hoàn cảnh. Chính cha cũng tin tưởng vào sự cộng tác của các con rất nhiều” (Favini, Nẻo đường của một lý tưởng vĩ đại, trang 203-204).

Ngay đến Tu hội Salêdiêng cũng vậy. Thoạt tiên, Don Bosco có ý đặt phạm vi phục vụ của Tu hội dưới sự chỉ đạo của giám mục và đóng khung sinh hoạt của Tu hội trong phạm vi giáo phận và giáo xứ. Thế rồi chỉ khi thấy mình không được thấu hiểu, ngài mới dành quay sang một dự án lớn lao hơn, với các trường, một công việc đòi hỏi nhiều nhân sự (XIV, 48). Nhưng sự ưa chuộng của ngài đối với các Nguyện xá vẫn còn linh thiêng vì gốc gác lịch sử, đến từ động từ cầu nguyện mà ngài dùng khi nói chuyện riêng hay chung trong năm 1878 và 1879: “Chỉ vì thấy bất khả mà cha đành xoay chiều” (XIV, 44).

Chính vì để phục vụ cho việc tông đồ giáo phận cho giới trẻ mà ngài đã nghĩ đến việc một Tu hội hỗn hợp gồm hai thành phần: Một là những tu sĩ có lời khấn và sống đời cộng đoàn, hai là những nam nữ giáo dân được liên kết bởi một ý tưởng tông đồ với lời hứa dấn thân phục vụ tuỳ theo khả năng riêng của họ (VII, 885). Ngài gọi các tu sĩ bằng một tên đơn giản là Salêdiêng; còn các giáo dân được gọi là Salêdiêng ngoại trú theo bản Hiến luật đệ trình Thánh Bộ năm 1864.

Ròng rã mười năm ngài ráng duy trì lập trường cốt ý liên kết vào trong chính Tu hội, ngay cả các cha mẹ và thân nhân các tu sĩ Salêdiêng, mà không đòi họ phải hy sinh bổn phận thường nhật ở gia đình và xã hội.

Đây là 5 khoản của chương XVI của Hiến Luật nguyên thủy: Khoản 1: Bất cứ ai, kể cả người sống giữa đời, ngay tại gia đình, trong nhà của mình, vẫn có thể thuộc về Tu hội chúng tôi; Khoản 2: Người ấy không có lời khấn nào, nhưng tận tâm thi hành những khoản luật phù hợp với tuổi tác, với bậc sống và hoàn cảnh, như dạy giáo lý hoặc cổ võ việc chăm sóc trẻ em nghèo cũng như phổ biến các sách báo tốt. Cộng tác và tạo điều kiện cho việc tổ chức tuần tam nhật và cửu nhật, các đợt tĩnh tâm và các việc đạo đức hay từ thiện hầu đem lại ích lợi thiêng liêng cho giới trẻ và lớp bình dân; khoản 3: Để được thông dự những ơn ích thiêng liêng của Tu hội, các hội viên ít nhất phải hứa trước bề trên cả, dấn thân trong những gì xét thấy có thể mang lại vinh quang cho Thiên Chúa; khoản 4: Lời hứa như thế không buộc dưới án tội nào, kể cả  tội nhẹ; khoản 5: Mỗi hội viên trong Tu hội vì lý do chính đáng mà ra khỏi Tu hội, vẫn được coi như là hội viên ngoại trú và vì thế có thể hưởng các ơn ích của Tu hội miễn là tuân giữ các khoản dành cho hội viên ngoại trú.

Khoản cuối này ngụ ý giữ các hội viên xuất dòng vào việc tông đồ khi họ không còn bị buộc do lời khấn, với lý do chính đáng. Chính vì muốn tỏ ra dễ dàng theo giải pháp này mà thánh nhân, trong những trường hợp đặc biệt, đã cho phép khấn tạm ba năm.

Năm 1874 Thánh Bộ về Giám mục và dòng tu đòi loại bỏ khỏi Hiến luật chương XVI vì chưa có thói quen chấp thuận một kiểu dòng tu hỗn hợp gồm hội viên có lời khấn lẫn hội viên không có lời khấn. Don Bosco tìm cách lái hình thức Salêdiêng ngoại trú sang hình thức dòng ba với tên Cộng tác viên Salêdiêng. Rồi từ năm 1879 trở đi, khi nhận khấn dòng, ngài ưu tiên cho những ai khấn trọn đời ngay và tỏ ra không tin tưởng cho lắm đối với những anh em xin khấn tạm (XIV, 46-47; 361).

Theo ý nghĩ của Don Bosco, hội Cộng tác viên phải tạo nên lý tưởng đời sống Kitô hữu dành cho các học sinh không có ơn gọi tu trì; cũng như Tu hội Salêdiêng là lý tưởng dành cho những em có ơn gọi tu trì (IX, 569). Theo ngài, việc ghi tên vào Hội Cộng tác viên là kết quả tốt đẹp nhất của nền giáo dục Kitô giáo đã truyền đạt trong các nhà Salêdiêng.

Bởi thế, trong phiên họp Tổng Tu Nghị IV năm 1886, ngài muốn, trong số các quyết nghị về đề tài tôn giáo trong các trường kỹ thuật, có khoản 12: “Nếu các học sinh tốt nghiệp có hạnh kiểm khá thì nên khích lệ chúng gia nhập hội Cộng tác viên Salêdiêng, và giới thiệu chúng cho Hội Lao Động Công giáo nào đó” (XVIII, 701).

Khoản này có tầm vai trò quan trọng vì nó giải quyết vấn đề tương quan với tổ chức Công giáo Tiến hành, mở rộng đón nhận sự cộng tác chân tình hơn ngay từ năm 1886, khi mà tổ chức Công Giáo tiến hành chưa được hoàn bị cho lắm.

Tắt một lời Don Bosco tìm cách làm cho các Kitô hữu trở thành tông đồ càng nhiều càng tốt, hầu nâng cao chỉ tiêu cứu rỗi các linh hồn trong một thế giới, mà bắt đầu từ thời ngài, đang dần dần thoái hoá về diện Kitô giáo.

Trong một luân thư đề ngày 12 tháng 1 năm 1876 ngài tha thiết ngỏ lời với các Salêdiêng, kêu gọi họ: “Các con thân mến, cha cảm thấy rất đau lòng khi nhìn thấy vụ mùa bị bỏ dở vì thiếu thợ gặt” (XII, 26).

Năm 1876, hội Cộng tác viên như hiện nay đã được phê chuẩn, Don Bosco khởi sự quảng bá, kêu gọi tất cả những người thiện chí: “Trong thời buổi cực kỳ khó khăn này Kitô hữu chúng ta cần phải liên kết với nhau, để cổ võ tinh thần cầu nguyện và bác ái, dùng mọi phương thế đạo giáo gợi ra, để có thể giảm thiểu sự dữ đang tàn phá nền luân lý của giới trẻ đang lớn lên, một giới trẻ sẽ nắm trọn tương lai của xã hội. Tu hội chúng tôi, vì đã được Giáo Hội chính thức phê nhận, có thể thực hiện sự liên kết chắc chắn và vững bền cho quý Cộng tác viên… Hội có mục tiêu chính là sống đời hoạt động bác ái đối với tha nhân và cách riêng đối với giới trẻ đang lâm vòng nguy hiểm… Các Cộng tác viên có cùng mùa gặt với Tu hội thánh Phanxicô Salê… Điều kiện gia nhập hội là 16 tuổi trở lên và quyết tâm thi hành những khoản luật đã soạn riêng cho họ… Các tu sĩ Salêdiêng sẽ coi các Cộng tác viên như anh chị em trong Chúa Giêsu Kitô và sẽ kêu mời các Cộng tác viên mỗi khi có việc nào có thể mang lại nhiều vinh quang cho Chúa và phần ích cho các linh hồn hơn cả. Cũng một sự tự do như vậy, tùy theo trường hợp, quý Cộng tác viên kêu mời các hội viên của Dòng Salêdiêng…” (XI, 540-545).

Dựa vào những ý tưởng trên, Don Bosco soạn bản quy luật cho hội Cộng tác viên. Ngày 9 tháng 5 năm 1876 đức Pio IX đã ban cho hội rất nhiều đặc ân, kể cả các ân xá và các đặc ân đã từng dành riêng cho dòng ba Phanxicô và sau này các đức giáo hoàng khác còn bàn thêm nhiều đặc ân khác cho hội.

Don Bosco chăm lo lập nên bộ khung điều hành của hội Cộng tác viên. Ngài muốn tất cả các giám đốc và linh mục Salêdiêng, các niên trưởng trong giáo phận và quản hạt đều có thể là thành viên của ban chấp hành. Hiện nay cơ cấu tổ chức như sau: Bề trên tổng quyền của hội Cộng tác viên là bề trên cả của Tu hội Salêdiêng cùng với sự cộng tác của cha Tổng quản thuộc ban Thượng cố vấn Salêdiêng. Các giám tỉnh, vị ủy viên tỉnh; các giám đốc, vị ủy viên địa phương. Tất cả những vị này sẽ được hỗ trợ bởi  một ban Cố vấn gồm các nam nữ giáo dân Cộng tác viên: như vậy, sẽ có: ban thượng cố vấn, ban cố vấn tỉnh và cố vấn địa phương.

Các Nữ Tử Mẹ Phù Hộ cũng trợ lực vào việc này nhờ sự cộng tác của mẹ bề trên tổng quyền của nhà trung ương, ủy viên tỉnh và ủy viên địa phương; các tình nguyện viên (zelatori/rici) cũng có thể tiếp tay vào việc này.

Kể từ năm 1878-1886 vị thánh đã đích thân triệu tập 49 đại hội tại các nước Y, Pháp và Tây Ban Nha để phổ biến sinh hoạt của hội và xuất bản tờ Thông tin Salêdiêng để phối kiểm cùng hun đúc lòng nhiệt thành tông đồ cho các hội viên thuộc gia đình Salêdiêng thứ ba này.

Xem chừng ngài gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực muốn cống hiến cho các giám mục các Cộng tác viên Salêdiêng để chăm lo cho các Nguyện xá. Bởi vì Hiệp hội nhằm để giúp các giám mục. Đây chúng ta có một bằng chứng rất rõ ràng. Ngày 20 tháng 1 năm 1884, một cha Salêdiêng đã liều tổ chức tại Padova một cuộc họp mặt cho các giáo sĩ của giáp phận, hầu thuyết trình về hội Cộng tác viên. Nhưng nhiều linh mục cảnh giác như đây là một hiệp hội có thể làm các tín hữu xa rời các tổ chức trong giáo phận. Chính đức giám mục Callegari đã bênh vực Don Bosco, làm cho mọi người biết rằng các Cộng tác viên “không phải là hội dành riêng cho các công cuộc của Don Bosco mà thôi, nó nhằm mưu ích cho toàn thể Giáo Hội. Hội không là gì khác cánh tay nối dài của các giám mục và linh mục quản xứ”. Vả lại, ngài nhấn mạnh thêm rằng giúp công cuộc của Don Bosco, cũng có nghĩa là giúp ích cho toàn thể Giáo Hội, bởi vì Don Bosco không đóng kín công việc của mình ở Torino mà thôi, nhưng còn nhắm vào toàn thể giới trẻ và để phục hưng nếp sống Kitô giáo cho toàn thể xã hội. Do đó, ngài tha thiết kêu mời các giáo sĩ cũng như giáo dân gia nhập hội Cộng tác viên Salêdiêng.

Khi bức thư phúc đáp của Đức Giám Mục tới tay Don Bosco, vị thánh ứa lệ vì cảm động. Và ngày 16 tháng 2 cùng năm đã tâm sự với cha Lemoyne như sau: “Cha đã nghiên cứu kỹ lắm về việc lập hội Cộng tác viên Salêdiêng. Chủ đích trực tiếp của hội không nhằm việc trợ giúp các Salêdiêng nhưng nhằm giúp đỡ toàn thể Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của các Salêdiêng. Họ sẽ đảm nhận các công tác từ thiện như dạy giáo lý, giáo dục giới trẻ nghèo và các việc tương tự. Giúp các Salêdiêng chẳng qua chỉ là giúp một trong muôn vàn công cuộc của Hội Thánh công giáo. Đành rằng khi có nhu cầu cấp bách thì chúng ta hướng tới họ; nhưng họ là dụng cụ trong tay các giám mục. Cho đến nay duy mình Đức Giám mục thành Padova thấu hiểu trọn vẹn ý nghĩa này. Chính Đức Giám mục đã nói rõ rằng không được ghen với các Cộng tác viên Salêdiêng, bởi vì họ là của giáo phận, và rằng tất cả các cha xứ và giáo dân nên làm Cộng tác viên. Các giáo dân nữ được vào hội Cộng tác viên là do ý muốn của đức Pio IX” (XVII, 24-25).

Năm 1872 Don Bosco trình lên các giám mục miền Piemonte, giáo tỉnh Lombardia và Liguria phương án thiết lập chủng viện liên giáo phận hầu cứu gỡ tình trạng khan hiếm linh mục. Phương án không được chấp thuận (X, 340).

Thất bại trong dự định, ngài quay về công việc vun trồng ơn gọi cho các giáo phận ngay trong Nguyện xá. Năm 1876 ngài thiết lập Công cuộc Anh em Con Đức Mẹ dành cho các ơn gọi người lớn muốn hướng tới chức linh mục, với ước mong: cống hiến những ơn gọi trưởng thành và chắc chắn cho các giáo phận. Ngày nay công cuộc này được nhiều giám mục hưởng ứng. Đức Pio IX thấy việc phục vụ rất quý giá này ngay từ khi phê nhận sự thành lập “Anh em Con Đức Mẹ”. Đến độ vừa khi nghe tin Don Bosco bị hồng y Berardi phản đối, đức thánh cha liền thốt lên:  “Nếu các đan sĩ muốn tăng số đan sĩ, nếu các giám mục muốn có thêm nhiều linh mục, chắc họ phải theo đường lối của Don Bosco” (XIII, 186).

Về phía Don Bosco, ngay từ hôm 14 tháng 8 năm 1875, ngài đã tiên báo cho ban thượng cố vấn về chuyện này. Rồi khoảng cuối tháng giêng 1876 ngài trao đổi với cha Barberis như sau: “Lúc này chúng ta buộc phải tạm gác việc tổ chức nhóm Con Đức Mẹ Phù Hộ. Xem chừng trong năm nay công việc chắc sẽ không xuôi như mong muốn (do sự đả phá của đức giám mục Gastaldi). Hiện giờ con số của anh em này thật khiêm tốn. Nhưng con sẽ thấy nó sẽ tăng thêm, và thời gian sẽ minh chứng cho các giám mục và việc truyền giáo biết đó là nguồn độc nhất vô nhị. Thời buổi lúc này thật khó khăn nhưng hy vọng hoàn cảnh sẽ thay đổi, thời cuộc sẽ khả quan hơn và sẽ có nhiều ơn gọi hơn. Thời cuộc thuận lợi chúng ta có thể ao ước, nhưng hy vọng thì không! Nếu thực sự hậu qủa thì tỷ lệ với nguyên nhân và nếu có nguyên nhân tất có hậu quả, thì những điều chúng ta hiện thấy là nguyên nhân vừa mạnh vừa tang tóc, thì ắt sẽ đưa đến kết quả khá cay đắng và kéo dài, chẳng con mắt nhân loại nào biết khi nào mới chấm dứt. Chỉ khoảng ba bốn chục năm về trước, vẫn còn có các Nước công giáo, nước này còn hy vọng từ nước kia. Bây giờ chẳng còn gì cả. Bất chấp mọi sự chúng ta cứ can đảm tiến lên. Đồng lúa chín vàng đang chờ ta. Chúng ta sẽ khấp khởi mừng vui, hát bài ca chiến thắng của ngày mùa.”(XI, 52).

Ngày 6 tháng 2 năm 1876 khi hàn huyên với một số Salêdiêng về chuyện khan hiếm ơn gọi, Don Bosco vạch cho họ thấy tầm mức quan trọng của Công cuộc Anh em Con Đức Mẹ: “Cả trong việc này, sẽ có các giám mục, khi nhìn thấy thành qủa rõ rệt chúng ta đang làm và các ngài sẽ theo gương chúng ta và mở các nhà cho những ơn gọi muộn. Tạ ơn Chúa! Chúng ta khởi đầu và hài lòng khi thấy điều tốt được lan toả, bất cứ theo phương thế và kiểu cách nào. Cha hy vọng nơi nhóm Anh em Con Đức Mẹ này lắm. Cha tin chắc đây là nguồn duy nhất về ơn gọi cho Giáo Hội trong lúc này” (XI, 54).

Vào dịp Tổng Tu Nghị IV năm 1886, tổng tu nghị cuối cùng mà vị thánh chủ tọa, ngài nhắc lại sự thể hồng y Berardi nói về Anh em Con Đức Mẹ thế nào và đức Pio IX thì vui vẻ thốt lên: “Nếu các đan sĩ nếu muốn tăng số đan sĩ và nếu các giám mục muốn tăng thêm số linh mục, chắc lại phải theo đường lối này”. Kể xong , Don Bosco nhận định: “Lý do chính là các thanh niên thời nay thường bị phiêu dạt trong tuổi thiếu niên, nhưng rồi khi tới 16 – 17 hay 20 tuổi, chúng sẽ tự nghĩ lại” (XVII, 186).

Ít có người, có được trực giác về thời điểm, như Don Bosco; và ít có người như ngài dự liệu trước những nhu cầu và những điều lạ lùng của Hội Thánh. Ngày 17 tháng 9 năm 1885 trước những cấp bách của nền văn hóa, Don Bosco trình bày cho ban thượng cố vấn quan điểm này: “Các anh em Con Đức Mẹ là những con người của hoạt động, còn các em nhỏ lớn lên trong nhà chúng ta sẽ là những con người của tri thức” (XVII, 544). Về hoạt động và sự thánh thiện, chỉ cần nhớ đến diện mạo của cha Philip Rinaldi. Có biết bao vấn đề khó khăn trong thời chúng ta, lời giải đáp thích đáng đã được Don Bosco cung cấp, trong bộ Hồi sử.

Tinh thần tông đồ của Don Bosco cũng đã thấm nhập một số vị sáng lập các dòng tân thời chỉ vì các ngài được may mắn theo học ở trường của vị thánh nhiều năm. Chúng ta nhớ đến lần triều yết ngày 6 tháng 4 năm 1858 (Don Bosco cùng với tư giáo Rua tháp tùng xuống Roma). Đức Pio IX mượn dịp nhắc đến cha Lenardo Murialdo, người sau này sẽ được Giáo hội phong chân phước, Đức Thánh Cha nói: “Thật là một an ủi lớn lao khi một người được chúng ta cứu rỗi lại dấn thân mưu cầu phần rỗi cho người khác, đang khi những kẻ ươn lười lại muốn sống lẻ loi hầu tự cứu lấy mình” (V, 909).

Rồi trường hợp chân phước Luy Guanella cũng vậy. Ngài là giám đốc đầu tiên của các Anh em Con Đức Mẹ. Cha Orione, vị đầy tớ Chúa cũng thế. Hết thảy đều hết sức kính mến và bắt chước ngài trong lĩnh vực sinh hoạt tông đồ.

Chúa hằng cổ võ Don Bosco áp dụng kiến thức để phục vụ tông đồ cho người bình dân và cách riêng giữa các trẻ nghèo và bị bỏ rơi. Ta còn nhớ giấc mơ ly kỳ về cuộc họp mặt của lũ quỷ mà Don Bosco chiêm bao vào năm 1884. Đó chính là năm có nhiều sai lệch xa rời việc thực hành hệ thống giáo dục đề phòng. Trong mơ ngài thấy một thằng quỷ to con đứng ra phát biểu: “Tao có một mưu kế có thể phá hẳn tận nền móng, mưu kế mà bọn Salêdiêng sẽ đau đớn nhìn thấy cảnh hư hoại tận gốc rễ. Nghe tao đây: hãy làm cho tụi Salêdiêng tin rằng sự thông thái tạo nên vinh quang chính yếu. Vì vậy hãy cám dỗ bọn chúng học nhiều vì bản thân, để được danh giá, không còn học để thực hành, như thế chúng sẽ không áp dụng kiến thức của mình để phục vụ tha nhân nữa. Kế đó, tụi Salêdiêng sẽ chán ghét việc giao tiếp với người nghèo và thất học, dần dần tụi nó sẽ biếng nhác trong các tác vụ thánh. Sẽ không còn Nguyện xá các ngày lễ nữa, không còn giáo lý cho trẻ em, không còn các lớp học nho nhỏ để dạy các em nghèo bị bỏ rơi nữa, không còn dành giờ để giải tội nữa… Chúng cũng sẽ giảng nhưng chỉ qua lần và ngại ngùng, lời lẽ khô khẳng, bởi vì đầy tự kiêu với mục đích tìm khen thưởng nhân loại chứ không tìm cầu phần rỗi linh hồn” (XVII, 387). Don Bosco nhận xét rằng lời gợi ý ấy được toàn thể lũ quỷ rộn ràng vỗ tay hoan nghênh. Thực ra giấc mơ không làm gì khác hơn là xác nhận cảm nhận thực tiễn của Don Bosco mà ngài đã nói cho cha Lemoyne và cha Bonetti:

Cha ngày càng thấy rõ một tương lai huy hoàng đang chờ đón Tu hội chúng ta, thấy những thiện ích và phát triển mà Tu hội sẽ thể hiện. Dù hiện trạng có vẻ không tốt, sự khiếm khuyết, sự phản bội, nhưng Tu hội vẫn nhằm thể hiện những sự nghiệp to lớn. Rồi đây khi tình thế ổn định hơn một chút, Uruguay, Agentina, Patagonia sẽ thành cánh đồng hoạt động lý tưởng của chúng ta. Nhưng hãy nhớ rằng Nguyện xá là sinh hoạt cơ bản của chúng ta. Bao lâu chúng ta còn gắn bó với thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi, bấy lâu chẳng ai ghen ghét chúng ta. Từ những Nguyện xá này sẽ nảy sinh nhiều linh mục gương mẫu rồi ngay cả những kẻ nghịch với hàng linh mục cũng phải coi trọng chúng ta và nơi nào cũng sẽ niềm nở đón chúng ta… Cha mong ước đặt làm giám đốc các Nguyện xá những vị rảnh các trách nhiệm khác. Làm như thế sẽ mang lại nhiều kết quả cho các linh hồn hơn” (XVII, 364).

Phương thuốc chữa bệnh kiêu căng về kiến thức là đức ái xây dựng (1Cor 8,1): “Charitas Christi urget nos: aestimantes hoc, quoniam si unus pro omnibus mortuus est, ergo omnes mortui sunt. Et pro omnibus mortuus est Christus: ut et qui vivunt, iam non sibi vivant, sed ei qui pro ipsi mortuus est et resurrexit – Lòng mến Chúa Kitô thúc bách chúng ta, bởi đã được xác tín rằng một Đấng đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và ngài đã chết vì mọi người để ai sống thì đừng sống cho chính mình nữa, nhưng là cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2 Cr 5, 14-15).

Lòng say mê tìm kiếm các linh hồn vừa bảo đảm cho phần rỗi vừa giúp ích cho linh hồn tha nhân rất nhiều. Nó sẽ chỉnh đốn ý ngay lành, tăng thêm lòng sốt sắng cho kinh nguyện và làm cho tâm hồn cao thượng hơn.

Vì muốn coi trọng bậc thang giá trị, ngày 1 tháng 2 năm 1864, Don Bosco đã đăng ký cho Nguyện xá cũng tham dự vào phong trào tông đồ cầu nguyện (VII, 638). Ngài đã làm cho lòng sốt sắng của các học sinh dâng cao tới mức chúng có thể làm phép lạ nhờ lòng đạo đức ngây thơ vô tội của chúng. Chúng ta đã nói tới điểm này trong chương về tinh thần đạo đức.

Vì thâm tín giờ hành động đã điểm nên Don Bosco đề cao lòng nhiệt thành, qua những công việc cụ thể. Ngài trả lời cho những người khiển trách việc ngài quảng cáo công cuộc ở khắp nơi như sau: “Chúng ta đang ở trong thời đại cần hoạt động. Thế giới đã trở nên vật chất, do đó, cần làm việc và làm cho biết điều tốt mình đã làm. Giá như một người làm phép lạ nhờ cầu nguyện đêm ngày trong riêng, thế giới sẽ không biết đến, rốt cuộc chẳng ai tin. Người ta đòi xem bằng mắt, bắt bằng tay” (VIII, 126).

Riêng đối với các Cộng tác viên, ngài không muốn họ chỉ đóng khung trong việc bố thí đôi chút hoặc nằm gọn trong cơ cấu tổ chức huynh đệ, cho nên, trong dịp giảng huấn cho họ, ngài nêu ra ý tưởng này: “Thời xưa khi xã hội loài người còn sống theo đức tin, thì chỉ cần hiệp nhau vào một chỗ để làm những việc đạo đức là đủ. Thời nay, ngoài việc cầu nguyện, mà tất nhiên không được thiếu, cũng cần hoạt động, hoạt động thực lực, bằng không sẽ đi đến chỗ diệt vong” (nói chuyện cho các cộng tác viên tại San Benigno Canavese ngày 4-6-1880). Ngày 1 tháng 7 năm 1880 Don Bosco lại thuyết trình cho các anh chị em cộng tác viên ở Borgo San Martino. Ý chính như sau: “Xưa kia, cứ họp nhau cầu nguyện là đủ. Hiện nay với những phương tiện tiêu khiển khá dồi dào, tai hại nhiều cho giới trẻ nam cũng như nữ, nên chúng ta phải cộng tác với nhau trong lãnh vực hoạt động thực tế” (XIV, 542 – 546).

Ngày 13 tháng 2 năm 1882 ngài nói cho các cộng tác viên ở Toulon như sau: “Cần phải hiểu rõ mục đích của hội. Quý vị không chỉ là những người đóng góp tiền của cho các cơ sở từ thiện của chúng tôi mà thôi, nhưng còn phải vận dụng mọi phương tiện nhằm mưu ích cho phần rỗi của anh chị em mình, cách riêng của giới trẻ. Quý vị hãy tìm cách gởi con em đi học giáo lý, hãy đích thân giúp các cha xứ trong việc đó, hãy chuẩn bị các trẻ nhỏ Rước lễ, cũng như xem cho chúng được ăn mặc xứng hợp; hãy quảng bá sách báo tốt và quyết chí chống lại những sách đồi trụy vô luân và phản tôn giáo” (XV, 500).

Việc quảng bá sách báo lành mạnh là một trong những ưu tư bén nhạy của Don Bosco. Ngài dành rất nhiều thì giờ cho công việc này dù phải thức khuya dậy sớm nhiều đêm trong tuần, chi tiêu nhiều cho việc này, chịu nhiều chống đối và nhiều lần suýt bị ám sát, nhất là vì tờ Đọc văn Công giáo. Năm 1860 ngài lập một Hội để truyền bá sách báo tốt (VI, 488). Ngài muốn có ngành ấn loát ngay khi có các trường dạy nghề đầu tiên. Vào năm 1864 ngài khởi sự một nhà sách, dẫu còn khiêm tốn, bên cạnh lớp thương nghiệp để cho học sinh làm quen với việc quản lý (VII, 788). Ngài tăng thêm các cơ sở ấn loát và các nhà sách với những trang bị máy móc thật tân tiến như ngài đã biểu lộ ý hướng của mình cho cha Achille Ratti là đức Pio IX sau này (XVI, 323). Ngài gợi ý cho các hội viên cũng như Cộng tác viên có khả năng viết sách, thôi thúc họ cộng tác với ngài về mọi khía cạnh và kiểu cách quảng cáo. Ngài thật xứng đáng nhận danh hiệu Tông đồ in ấn và đức Pio IX đã công bố ngài là Bổn mạng các nhà xuất bản Công giáo Ý.

Ngày 1 tháng 6 năm 1885 trong đền Đức Mẹ Phù hộ, ngài trình bày cho các Cộng tác viên Torino như sau: “Trong thời buổi ngày nay, các kẻ xấu dùng mọi mánh khóe để gieo rắc điều ác độc cùng tư tưởng trụy lạc, họ muốn hủ hóa giới trẻ vốn bất cẩn với những tổ chức, những ấn phẩm và hội có mục đích muốn tách chúng khỏi đạo giáo, khỏi Hội Thánh và nền luân lý lành mạnh. Đó, các nam nữ Cộng tác viên nên nghiên cứu cách thức chống lại những sách lược đầu độc nói trên. Làm cách nào? Hãy quảng bá những châm ngôn lành mạnh, những sách báo công giáo, sách giáo lý và những ấn phẩm tương tự” (XVII, 463-464).

Ý tưởng rộng lớn về những dự  tính tông đồ cũng được Don Bosco trình bày cho các anh em Cựu học viên nhân dịp họp mặt ngày 13 tháng 1 năm 1886: “Công cuộc của các Cộng tác viên, Công cuộc của Đức Thánh Cha, được thực hiện để khuấy các tín hữu ra khỏi tình cảm bê trễ mà họ ngủ quên và để khai thác tiềm năng bác ái nơi họ. Mai đây, danh xưng Cộng tác viên sẽ đồng nghĩa với Kitô hữu đích thực. Họ sẽ là những người cổ võ và nâng đỡ tinh thần Công giáo” (XVIII, 160-161).

Năm 1862 Don Bosco trải qua hai giấc mơ nổi tiếng: một giấc cho ngài thấy hai trụ cột ngoài khơi (VII, 169-172). Giấc kia cho thấy con ngựa đỏ (VII, 219).

Tối hôm 30 tháng 5 khi kể giấc mơ về hai cột trụ với trận thủy chiến ác liệc, ngài tiên đoán ngay về những thử thách lớn lao của Giáo Hội lẫn giáo phận, bị tấn công bởi đoàn tàu đối phương được võ trang bằng đại bác, súng cối, các khí giới dữ dằn và  sách báo xấu. Ngài thấy Đức Thánh Cha đứng chỉ huy trên chiếc tàu chính, gọi các tài công của các tàu khác, tức là các giám mục đến tham khảo; nhưng đột nhiên thấy Đức Thánh Cha buộc phải ngừng và sai các giám mục kịp thời quay về để bảo vệ các giáo phận (phải chăng là công đồng Vatican I ?). Bỗng có được một khoảnh khắc bình yên, nên Đức thánh cha muốn triệu tập lần nữa tất cả các giám mục về quanh mình để tham khảo ý kiến; nhưng lại có trận cuồng phong quá mạnh và cuộc tấn công khủng khiếp tứ phía với những vũ khí cực kỳ dữ dằn đến nỗi Đức thánh cha té nhào một lần, lần thứ hai ngã quỵ rồi qua đời. Một đấng kế vị được bầu lên nhanh chóng đến nỗi địch thù ngỡ ngàng. Ngài đã kíp thời làm chủ tình thế bằng cách thả hai neo móc chặt vào chân hai cột trụ. Một trụ có bánh Thánh sáng ngời ở chóp đỉnh và dọc theo trụ có hàng chữ: Salus credentium – phần rỗi của các tín hữu. Trụ khác, ở đỉnh cao có tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm với hàng chữ: Auxilium Christianorum – Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu. Thế rồi Đức Thánh Cha hoàn toàn đánh bại đối phương.

Khó mà xác định ý nghĩa của giấc mơ, đặc biệt là phần hai của nó. Có lẽ phải đợi tới kết thúc của công đồng Vatican II mới hiểu trọn vẹn. Don Bosco lúc ấy chỉ giải thích rằng những chiến thuyền của địch quân là hình ảnh của cuộc bách hại đang xảy ra trong thời của ngài nhất là trong nước Ý. Ngoài ra Don Bosco không muốn gán ghép hoặc ám chỉ về những biến cố hậu lai. Ngài kết rằng ơn cứu rỗi có được là nhờ Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Mẹ Phù Hộ.

Giấc mơ thứ hai xảy ra vào đêm 5 rạng ngày 6 tháng 7 năm đó. Ngài kể lại ngay sau đó cho vài người thân cận. Quang cảnh xảy ra giống như ngài và bà bá tước Barolo đang tranh luận với nhau. Bà muốn Don Bosco chuyên lo cho trẻ nam còn trẻ nữ dành riêng cho bà. Đang lúc ngài cố thuyết phục bà rằng trẻ nữ cũng được Chúa ủy thác cho Don Bosco phải chăm sóc, thì đám trẻ nam của Nguyện xá đang chơi bỗng nhiên biến mất, và từ đàng xa xuất hiện trên cánh đồng một con ngựa đỏ khổng lồ, trông thật quái dị, khiến ai nấy phải run sợ. Bà bá tước ngất xỉu, còn Don Bosco tìm cách lẩn trốn vào một nhà gần đó, nhưng người ta khóa cửa, xua ngài ra. Thế là ngài phải quyết định đương đầu với tình thế, ngài nhìn con ngựa quái vật từ đầu tới chân. Ngài nghe thấy tiếng nói đó là con ngựa được mô tả  trong sách Khải Huyền. Don Bosco liền sai cha Durando nghiên cứu xem sách nói gì về con ngựa. Cha Rua nhanh trí nói thuộc lòng câu 4 chương 6, rằng khi ấn thứ hai được mở ra, thánh Gioan thấy con ngựa đỏ thứ hai mà người cỡi nó được ban tặng một thanh kiếm lớn, được lệnh mở ra một chiến tranh khủng khiếp trên cõi đất.

Don Bosco giải thích con ngựa đỏ là hình ảnh của một xã hội dân chủ đảng trị, nó ngổ ngáo xông ra đảo lộn trật tự xã hội, áp đặt sự cai trị, trường học, công sở và tòa án, để tàn phá Giáo Hội, và mọi tổ chức tôn giáo, mọi cơ sở đạo đức, và cả đến quyền tư hữu cũng bị bãi bỏ. Rồi ngài kết luận: “Tất cả những kẻ ngay lành, kể cả chúng ta nữa, trong sự hèn mọn yếu kém của mình, với lòng can đảm nhiệt thành hãy tìm cách mắc dây cương vào mõm con mãnh thú đang dày xéo cánh đồng một cách tàn tệ”.  

Khi tiếp tục câu chuyện, Don Bosco cũng đề nghị các biện pháp: đề cao cảnh giác cho dân chúng, thực thi đức ái và truyền bá các sách tốt để chống lại những học thuyêt sai lầm của con quái vật  đó, quy hướng tâm trí họ về ngai tòa Phêrô (VII, 217-219).       

Thực tế ngài đã làm như vậy, ngài tiếp tục công cuộc đã khởi sự từ hai mươi năm trước giữa các thanh thiếu niên và trải rộng giữa dân chúng bằng sách báo tốt đã mười năm rồi. Nếu phân tích các việc tông đồ của ngài ta sẽ thấy sứ mệnh kép: “Giáo dục ý thức và bác ái bằng việc thực thi tác vụ thánh, các công cuộc từ thiện, quảng bá sách báo tốt và yêu mến Đức Thánh Cha”. Và chúng ta phải thêm rằng, ta thấy ngài có lòng can đảm bất khả lay chuyển. Ngài cũng quen nói: “Để làm được chút việc thiện, phải can đảm, sẵn sàng chịu đựng hy sinh, đừng phiền lụy ai, và phải có lòng từ ái” (III, 52).

Hồi sử cuốn VI còn ghi cuộc đàm thoại của ngài với một mục sư Valđê bên giường bệnh của một học sinh Nguyện xá đã bị lôi cuốn theo bè rối của ông. Vị mục sư căm phẫn nạt nộ Don Bosco rằng nếu ngài làm cho đứa bé trở lại đạo Công giáo, một hậu quả tai hại sẽ xảy ra. Don Bosco thẳng thắn trả lời: “Thưa ngài, đụng đến vấn đề phần rỗi, tôi không sợ bất cứ hậu quả nào” (V, 661).    

Đối với những người khuyên ngài nên chừng mực ngài trả lời: “Khi nào tôi thấy ma quỷ ngừng việc gài bẫy các linh hồn, lúc đó tôi sẽ ngưng việc tìm phương thế chống lại sự lừa lọc và sức tấn công của nó” (VI, 603).

Sau khi Nguyện xá bị kiểm kê lần thứ hai năm 1860, chiếu theo chỉ thị của bộ trưởng Farini, Don Bosco nhận được lời khuyên của Cavour là nên dẹp đường lối chính trị chống đối nhà nước, vì có sẽ mang lại nhiều hậu quả tai hại. Ngài phản ứng tức khắc với mấy lời này: “Chính trị nào? Hậu quả nào? Một linh mục Công giáo không có đường lối chính trị nào khác ngoài Phúc âm và ngài không sợ bất cứ hậu quả nào” (VI, 679).           

Đứng trước các tấn công của báo chí, Don Bosco thốt lên: “Thế đấy, phải nhẫn nại mới được! Rồi đâu sẽ vào đó… Tội nghiệp cho những kẻ chống đối Don Bosco là người chỉ biết làm việc thiện. Chẳng lẽ chúng ta cứ để mặc cho các linh hồn phải hư đi sao? Họ đối kháng công việc của Chúa mà không biết. Ngài biết cách dẹp tan ý đồ của họ” (VI, 692).

Ngày nọ ngài kết câu chuyện với các anh em Salêdiêng về các đối kháng ấy như sau: “Nói xấu hay nói tốt về cha, cứ việc nói; nói xấu nói tốt, không sao cả, miễn sao cứu được vài linh hồn. Thế nên, khen cũng như chê, đều làm cha vui cả” (VI, 294).   

Ngày nọ Don Bosco nói với cha Paolo Taroni, linh hướng của chủng viện Faenza và hiện là đầy tớ Chúa: ngài không ngần ngại ngả nón chào ma quỷ miễn là nó để ngài cứu được một linh hồn” (XIII, 415).

Trong thực tế ngài đã can đảm đứng trước những kẻ ra mặt chống lại Giáo Hội khi thấy việc đó mưu ích nhiều cho các linh hồn. Ngài làm điều đó cách khiêm tốn và nhiệt tình, đi xa tới mức độ có thể. Đến nỗi đôi khi các giới chức Công giáo nghi kỵ. Nhưng Don Bosco biết rất rõ giới hạn và không bao giờ đi qúa.

 Khi từ biệt một linh mục vùng Modena, vào năm 1875, sau khi vị này hỏi ngài về những vấn đề sôi bỏng của thời cuộc, Don Bosco tâm sự thân tình: “Thưa cha, lời giải đáp của con làm cha thầm nghĩ rằng con đã phần nào nhiễm khuynh hướng tam điểm và rất có thể con bị tai tiếng đối với giáo dân Modena về vấn đề này. Không sao. Con là tam điểm trong cách thức của con và chỉ trong trường hợp nào đó thôi. Chính đức Pio IX cũng biết rõ con gắn bó với ngài còn hơn cả dây leo bám vào tảng đá” (VIII, 862).   

Nhưng trước khi bàn sâu thêm về đặc tính công giáo và giáo hoàng trong việc tông đồ của ngài, chúng ta hãy nói sơ qua về lòng nhiệt thành lôi kéo những người khác vào việc tông đồ: có lần một học sinh đến hỏi xem mình phải làm gì để cho Don Bosco vừa lòng, vị thánh trả lời ngay: “Giúp cha cứu nhiều linh hồn, nhưng linh hồn con trước đã” (III, 620). 

Ngài nói với tư giáo Giovanni Bonetti khi thầy đang sao chép bản viết tay về cuộc đời chân phước Caterina Racconigi: “Hãy kết ước với vị thánh để con được ơn là bao nhiêu trang viết về cuộc đời ngài, thì con cũng có thể kiếm được bấy nhiêu linh hồn cho Chúa, nhưng trang đầu tiên phải là linh hồn con đó nhé”. (VII, 86).

Đối với các tư giáo và các sư huynh trong tuần tĩnh tâm 1868, ngài nói: “Việc cứu rỗi linh hồn không chỉ là chuyện của cha giảng phòng, mà là nhiệm vụ của mọi người, kể từ người tập nghề nhỏ nhất cho đến nhà hùng biện thánh nổi tiếng. Bằng cách nào? Bằng cách cầu nguyện cho kẻ có tội trở lại, bằng việc chu toàn bổn phận, hài hoà khuyên nhủ người khác ngoài sân chơi cũng như trong nhà thờ, bằng cách bác ái đối với người thiếu thốn, bằng sự tha thứ cho kẻ làm mất lòng mình. Ôi, biết bao việc lành mà ta có thể làm ! Biết bao linh hồn ta có thể cứu nhờ gương sáng đời sống tốt” (IX, 347).

Trong một lá thư đầy tâm tình gởi các học sinh trường Lanzo ngày 5 tháng 1 năm 1875, sau những lời khuyên chúng giữ gìn sức khỏe, học chăm, duy trì nếp sống luân lý, ngài kêu gọi tha thiết để chúng tham dự công cuộc truyền giáo mà ngài đang tổ chức gởi nhóm đầu tiên lên đường: “Các con thân yêu, các học sinh trường Lanzo quý mến, cha nghe thấy lời kêu gào tha thiết từ miền xa xăm: hãy đến cứu giúp chúng tôi. Đó là tiếng kêu của vô số các linh hồn!” (XI, 16).

Năm 1876 ngài giảng cho các tu sĩ Salêdiêng một bài với chủ đề: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Sau khi xướng câu Phúc âm đó ngài dẫn giải: “Đây chính là tiếng kêu thống thiết qua mọi thời vang lên trong Giáo Hội và nhiều dân nước: Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Mùa lúa đây có nghĩa là việc cứu rỗi các linh hồn… Oi mùa lúa còn mênh mông!  Còn hàng triệu triệu người trên thế giới! Biết bao việc phải làm hầu mang lại phần rỗi cho mọi người! Thế nhưng thợ gặt lại quá ít. Thợ gặt ở đây phải hiểu là những tay thợ cộng tác cách nào đó vào việc cứu rỗi các linh hồn. Nên nhớ không phải chỉ có linh mục mới là thợ, cũng chẳng riêng gì các cha giải tội và giảng thuyết như nhiều người lầm tưởng. Tất nhiên các ngài là những tay thợ lành nghề, có nhiệm vụ trực tiếp thâu hoạch vụ mùa, nhưng vẫn chưa đủ… Ôi, nếu có nhiều linh mục để sai đi khắp các miền đất, tới mọi dân nước, thành thị và thôn làng hầu cải hóa thế giới thì tốt đẹp dường nào. Nhưng được như vậy quả thật là khó. Bởi thế cần có nhiều người khác tiếp tay. Vả lại, làm sao các linh mục còn có giờ để thi hành các tác vụ thánh nếu phải bù đầu vào lo những chuyện ăn mặc? Các ngài cần có người hỗ trợ. Cha tin rằng lời cha không sai, nếu bảo rằng hết thảy các con, linh mục, tư giáo, sư huynh và trẻ học chữ học nghề, tất cả đều có thể là những tay thợ làm việc trên cánh đồng của Chúa” (XII, 625-631).

Vị thánh nêu lên mấy cách thức cộng tác vào việc cứu rỗi các linh hồn như sau: cầu nguyện, gương sáng, cổ võ thực hành việc đạo đức, hoà thuận trong nhà, ngăn chặn gương xấu, lấy tình thương mà sửa bảo và giúp đỡ nhau… Đoạn ngài phỏng đoán thêm về sự phát triển kỳ diệu của Tu hội cũng như của nhu cầu truyền giáo: “Ôi, các con thân yêu, tiếng kêu tha thiết này ‘thợ gặt thì ít’ không phải chỉ là tiếng thời xa xưa vọng lại, cũng chẳng là dư âm của dĩ vãng mà là tiếng kêu thiết thực của thời đại chúng ta. Mỗi ngày một thống thiết hơn nhiều. Tu hội chúng ta lớn nhanh, nhưng mùa gặt cũng gia tăng khôn xiết đến nỗi cha không biết phải bắt đầu từ chỗ nào và xếp đặt công việc làm sao. Bởi vậy cha mong các con sớm trở thành thợ gặt cho cánh đồng của Thiên Chúa” (XII, 628).        

Tiếng kêu mời và khích lệ thắm tình này được cha hiền của chúng ta nhấn mạnh hơn kể từ năm 1875, khi bắt đầu thời kỳ truyền giáo của Tu hội. Kết quả thật tỏ tường: Kể từ năm 1875 đến năm 1887 có tất cả 8 phái đoàn truyền giáo. Phái đoàn thứ ba đã có thêm các nữ tu Mẹ Phù Hộ.

Lời dặn đầu tiên của Don Bosco cho những anh em đầu tiên đi truyền giáo cũng như những anh em theo gót họ là: “Hãy tìm các linh hồn. Đừng kiếm tiền bạc, danh tiếng và chức quyền”. Lời dặn thứ năm là: “Hãy chăm sóc cách riêng các bệnh nhân, trẻ em, người già và người nghèo, rồi các con sẽ được Chúa chúc phúc và mọi người mến chuộng” (XI, 389).

Nhưng trong diễn từ gĩa từ, ngài có lời căn dặn khác. Lời căn dặn ấy cho thấy đặc tính công giáo mạnh mẽ của công cuộc ngài gợi hứng từ lòng mến Chúa, mến các linh hồn, tha thiết với Giáo Hội và Đức Thánh Cha. Với giọng điệu thật cảm xúc ngài ngỏ lời cùng các con cái của mình như sau: “Các con thân yêu, dù ở bất cứ nơi đâu, hãy triền miên nhớ mình là những linh mục công giáo và là tu sĩ Salêdiêng. Với tư cách người Công giáo, các con đã nhận phép lành từ Roma, nhất là sự sai phái của Đức Thánh Cha. Nguyên việc các con tuyên tín đã đủ chứng minh việc nhìn nhận chính Đấng Đại diện Chúa Giêsu Kitô sai các con đi để thực hiện sứ mệnh của các tông đồ y như được Chúa Giêsu sai đi vậy. Hơn nữa, chính các bí tích thánh và Phúc âm đã được Chúa Cứu thế và các tông đồ cùng các đấng kế vị thánh Phêrô truyền cho đến nay lại là những điều các con mến chuộng, tuyên xưng, và nhất quyết rao truyền cho cả dân tộc bán khai lẫn dân tộc văn minh. Xin Chúa che chở để các con tránh được những lời nói và việc làm nghịch với những phán quyết bất khả ngộ của Đức Thánh Cha. Đấng phán quyết từ ngai tòa Thánh Phêrô là nơi Chúa Giêsu hằng ngự trị và mọi sự phải quy hướng và lệ thuộc vào đó. Với tư cách là Salêdiêng dù ở bất cứ phần đất nào của quả địa cầu, đừng quên ở Ý này có một người cha già luôn mến thương các con trong Đức Kitô, có một Tu hội luôn theo dõi các con trong mọi biến cố, lo cho các con về mọi sự và luôn tiếp đón các con như những anh em” (XI, 387).

Don Bosco cũng xứng nhận lời ca tụng mà thiên hạ đã khen các thánh khác là “Vir vere catholicus et apostolicus – người Công giáo và tông đồ thực thụ”. Và có thể khắc trên đài kỷ niệm của ngài lời đầy ý nghĩa ghi trên bia mộ của Hồng y Mermillod: Dilexit Ecclesiam – ngài yêu mến Giáo Hội“.

Đã hơn một lần đức Pio XI ca ngợi Don Bosco như thế. Ngay trong năm đầu của triều đại giáo hoàng, ngày 25 tháng 6 năm 1922, nhân dịp các học sinh trường Thánh Tâm ở Roma vào triều yết, ngài nói rằng, Don Bosco đã để lại một tấm gương sáng chói, và hùng hồn cho các thanh thiếu niên, rằng chính ngài đã thấy và cảm nghiệm trong tâm hồn Don Bosco, “vinh quang hơn hết mọi vinh quang đó là làm nô bộc trung thành của Chúa Giêsu Kitô, của Giáo Hội và Đấng đại diện Người” (XIX, 72).

Và trong cuộc tiếp kiến trọng thể sau dịp phong thánh ngày 3 tháng 4 năm 1834, khi tiếp các đại biểu của ba thành phần đại gia đình Salêdiêng trong đền Thánh Phêrô, ngôi nhà tuyệt đẹp và vĩ đại nhất thế giới, vương cung thánh đường Phêrô, đức thánh cha của Don Bosco đã nhắc đến ba lòng mến mà vị thánh đã có công vun trồng nơi tâm trí các thanh thiếu niên, đó là : lòng mến Chúa Giêsu Thánh Thể, lòng mến Đức Mẹ phù hộ và lòng mến đối với đức thánh cha. Về lòng mến thứ ba, ngài nói nguyên văn như sau: “Là vị lãnh đạo khôn ngoan và là người cha nhân ái, người đã cùng với một người lãnh đạo khác hướng dẫn các con trong trận chiến lớn lao, tới cuộc chiến vinh quang nhất vì phần rỗi các linh hồn, một cuộc chiến sẽ trải rộng trên khắp thế giới. Đó là cuộc chiến cho phần rỗi các linh hồn. Don Bosco đã chỉ cho các con thắng cuộc chiến đó bằng một tấm lòng kính yêu tha thiết vô biên đối với Giáo Hội, đối với Tòa Thánh và vị đại diện Chúa Giêsu Kitô. Đây là một đường hướng diệu kỳ mà người đã ngỏ cho ta trong một buổi đàm đạo thân mật khiến ta nhớ mãi. Xét về nhiều phương diện ngoài sự chân thành của cuộc đàm đạo quá mặn nồng và trong sáng, nó cho ta thấy rõ rệt chương trình liên tục cần thiết cho mọi chiều kích, rất rõ ràng, rất thực tế, bằng việc làm hơn là bằng lời lẽ, vì thấy rõ Giáo Hội, Tòa Thánh, và đấng Đại diện Chúa Kitô ngập tràn trong cuộc sống của người. Chính ta đã trực tiếp biết, nghe những lời chứng từ chính cửa miệng người, qua những tư tưởng người trao đổi với ta một cách thân thiện như hai cha con, cho dù rất cách biệt nhau về tuổi tác…” (XIX, 295).

Lòng mộ mến Giáo Hội và đức thánh cha nơi Don Bosco không phải là thứ tình cảm ủy mị. Nó phát xuất từ một ý thức thẳm sâu về thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và Đấng đại diện của Người, bao hàm đức tính ngoan hiền vâng phục tuyệt đối, có tiềm năng nhạy cảm trước những nhu cầu cấp bách của Giáo Hội và kiểu phục vụ thật thắm thiết và trung thành.         

Khi viết cuốn Toát yếu Lịch sử Giáo Hội, xuất bản vào năm 1845, Don Bosco năng than thở lời nguyện này: “Lạy cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh cha cả sáng, nước cha trị đến. Xin cha ban cho Giáo Hội Công giáo, Giáo Hội duy nhất chân thật của Đức Kitô, ngày một rộng lan và vinh thắng. Xin cho mọi dân nước biết quyền tối cao của Giáo Hội và quyền của thủ lãnh Giáo Hội và các giám mục. Cho mọi tâm trí được gắn bó với Giáo Hội, vừa là Bà giáo khôn ngoan, vừa là kho gìn giữ chân lý mạc khải, là nhân chứng thần linh về tính chân chính và thẩm quyền của Thánh Kinh, là Bà giáo bất khả sai lầm của nhân loại, là thẩm phán tối cao về vấn đề đạo lý. Xin cho mọi ý chí biết tuân theo luật luân lý và kỷ cương của Hội Thánh để sau khi chiến thắng thế gian, họ sẽ được vinh thắng trên nơi vĩnh cửu, cùng với những người Chúa đã cứu chuộc” (II, 272).

Cha Lemoyne nhận định: “Đức tin của Don Bosco thật sáng ngời qua lời nói và văn từ. Ngài thường xuyên nhắc tới những chân lý cao cả này và hối thúc các linh mục rao giảng những chân lý đó. Chung quy các tư tưởng và hoạt động của ngài hết thảy đều nhắm đến Giáo Hội, tán thưởng và vui hưởng vinh quang của Giáo Hội, cảm thông với Giáo Hội trong cảnh gian truân và bách hại. Tuy nhiên ngài vẫn miệt mài tìm cách tăng thêm niềm phấn khởi cho Giáo Hội, giảm thiểu những nỗi đau thương và bù đắp những điều mất mát cho Giáo Hội, ra sức tìm các chiên lạc về, khiến cho số con cái trong Hội Thánh ngày một đông. Là người công giáo và là linh mục, ngài biết rõ bổn phận của mình. Ngài là một con người của những ý tưởng vĩ đại, và sắp xếp cho mọi việc nhỏ của mình ăn khớp với những công việc của Giáo Hội toàn cầu” (II, 272).

Năm 1848 ngài xuất bản cuốn sách khá dầy với đề tựa Hướng dẫn các Kitô hữu trên đường thánh đức và văn minh theo tinh thần của thánh Vincenzo de’ Paoli (III, 378). Ngài bênh vực sự bất khả ngộ của Đức Thánh Cha, một tín điều sẽ được Giáo Hội công bố vào khoảng 22 năm sau. Ngài gieo ghi vào trí của các độc giả: “Quý vị hãy công nhận điều đức thánh cha công nhận, lên án những gì đức thánh cha lên án. Mỗi Kitô hữu hãy quý mến những phán quyết của các vị có thẩm quyền trong hàng giáo phẩm. Quý vị nên đề phòng những kẻ ngu dại miệt mài với những kiến thức mơ hồ, thiếu Giáo Hội tính, để rồi tiếp nhận những điều quyền bính Giáo hội lên án, công kích những điều mà mình không hiểu” (III, 380).

Chính lúc đó bọn tam điểm vừa mới khởi xướng phong trào chống đối đức thánh cha về khía cạnh thế quyền. Họ dựa vào ý niệm quyền tối cao để xóa bỏ ý niệm tôn giáo về Đấng đại diện Chúa Kitô. Một ngày trong năm 1847, khi cử hành lễ tại nhà dòng Chúa chiên lành, vào lúc dâng Mình Thánh, Don Bosco phải rúng động vì tiếng thét lớn một nữ tu đã khiến cộng đoàn tham dự phải sửng sốt. Vài ngày sau, bà  bề trên đích thân dẫn chị ta đến Nguyện xá gặp Don Bosco để xin ngài thông cảm cho hành vi khiếm nhã ấy. Nhưng Don Bosco tin rằng có gì đó siêu nhiên, nên đã hỏi chị nữ tu đó: “Chị thấy gì vào lúc đó?” – Nữ tu đó trả lời: “Thưa, con thấy trong Bánh thánh có Chúa Giêsu hài nhi mình dính đầy máu”. Nhưng vì chị nữ tu không hiểu ý nghĩa nên Don Bosco giải thích:  “Con nên biết, đó là cuộc bách hại gắt gao sẽ xảy ra cho Hội Thánh Chúa” (III, 285).

Don Bosco thừa hiểu tâm ý giả tạo của bọn bè rối khi thấy chúng tung hô “vạn tuế Pio IX” một cách mỉa mai, nên ngài đã cho các học sinh của mình hô to một cách thành kính câu “Vạn tuế đức thánh cha”. Ngài giải thích: “Có người muốn phân cách giữa quyền tối cao của Roma khỏi chức giáo hoàng, tách con người ra khỏi phẩm chức thần linh… Vậy nên, nếu chúng ta muốn chắc chắn, chúng ta hãy hô lên: Vạn tuế đức thánh cha!… Rồi nếu các con muốn hát bài ca ngợi đức thánh cha, các con hãy hát bài do nhạc sĩ Verdi sáng tác: Chào kính lá cờ thánh thiện… lá cờ mà Đấng đại diện Chúa Kitô giương cao” (III, 240).

Năm 1849 đức Pio IX bị lưu đầy sang Gaela. Don Bosco cho trẻ biết qua về tình cảm của vị cha chung, xong liền khuyến khích chúng đóng góp chút tiền nhỏ, qua những hy sinh, góp vào qũy đồng xu thánh Phêrô mà các tín hữu đóng góp để tiếp tế cho đức thánh cha. Các em quyên góp được 33 lire và long trọng trao cho các thành viên của Uy ban là cha Valinotti và quận tước Gustavo di Cavour, tới Nguyện xá vào ngày 25 tháng 3 năm 1849, Chúa nhật lễ lá, để nhận số tiền. Thật tuyệt đẹp những lời của một học sinh thay cho tất cả diễn tả tâm tình của các bạn đối với đức thánh cha: “Chúng con nhất trí muốn mãi mãi là những người con quý yêu của đức thánh cha. Dù rằng sức mạnh sự dữ muốn làm chúng con xa rời sự hiệp nhất công giáo, chúng con con một lòng một dạ tuyên xưng rằng đức thánh cha là kế vị của thánh Phêrô, hiện thân của Đức Giêsu Kitô trên trần gian. Ai không liên kết với Đức Thánh Cha tất nhiên sẽ hư mất đời đời và không ai thuộc về Giáo Hội nếu tự mình tách bỏ Giáo Hội có Đức Thánh Cha là thủ lãnh hữu hình. Chúng con sẵn sàng hy sinh mọi của cải và cả tính mạng, để xứng đáng là con cái của người cha nhân lành của toàn dân Công giáo…”.

Nghi thức trao tiền kết thúc với bài hát ca tụng đức thánh cha Pio IX, do cha Carpano đã tập cho các em (III, 509).

Vào cuối những ngày đại phúc mà Don Bosco cống hiến cho các thanh thiếu niên thợ ở Torino trong tháng 12 cũng năm 1849, thánh nhân phân phát cho mỗi em một vài lời kỷ niệm với tựa đề: Đôi lời của người bạn gởi các thanh thiếu niên sống sao cho thích hợp với thời đại; ngài khuyên chúng: “Ai muốn làm người Công giáo tốt phải cẩn thận tránh những kẻ bài bác đạo giáo hoặc nói xấu các thừa tác viên và cách riêng nên xa tránh những kẻ nói xấu Đức Giáo Hoàng là cha chung của mọi người công giáo. Hãy luôn biết rằng người nói xấu người cha của mình là người con xấu” (III, 607).

Don Bosco cứ tiếp tục và tăng cường những bài học về đạo cho các học sinh. Thêm vào những bài học trong lớp giáo lý và lịch sử thánh, còn có những bài giảng huấn vào Chúa nhật về lịch sử Giáo hội và cuộc đời của các đức thánh cha.

Năm 1851, khi các người Tin Lành bắt đầu xây dựng nhà thờ của họ tại thành phố Torino, Don Bosco cho xuất bản ngay cuốn sách nhỏ, tiền thân của tờ “Đọc văn Công giáo“. Cuốn sách nhỏ mang tên “Lời nhắn nhủ các tín hữu Công giáo“. Trong vòng hai năm, ngài phân phát 200 ngàn cuốn. Cuốn sách nhắc đến những chân lý đức tin liên quan đến Giáo Hội và đức thánh cha. Ta trích dẫn một  đoạn của bài đó: “Anh chị em hãy tin vững vàng chân lý cao cả này: Nơi đâu có vị đại diện của Chúa Kitô, nơi đấy có Giáo Hội chân chính của Chúa Kitô. Không có đạo nào là đạo thật, ngoài đạo Công giáo; và không ai là công giáo thật mà không có đức thánh cha. Các mục tử của chúng ta, đặc biệt là các giám mục, liên kết chúng ta với đức thánh cha, và đức thánh cha liên kết chúng ta với Chúa. Chúa là Đấng nhân từ, hằng ban cho các giáo dân công giáo đức can đảm và kiên nhẫn để họ trung thành với đạo mà họ đã đựơc diễm phúc sinh ra và giáo dục trong đó. Lòng can đảm và kiên nhẫn ấy làm cho chúng ta sẵn sàng chịu mọi sự khó, có thể là cả cái chết, hơn là nói hoặc làm điều trái nghịch với đạo Công giáo là đạo đích thực của Chúa Giêsu Kitô. Ngoài đạo Công giáo không ai có thể đạt đến phần rỗi” (IX, 226).

Sau tập sách bé nhỏ này, Don Bosco xuất bản thêm cuốn “Những điều căn bản của đạo Công giáo” mà nội dung phần lớn đã có trong cuốn “Người thanh niên được dự phòng” xuất bản lần thứ hai. Tiếp đó ngài nghĩ tới cuốn thứ ba với tựa đề “Người Công giáo thông biết về đạo”. Vì thời giờ eo hẹp nên mãi tới năm 1853 mới xuất bản được (IV, 227-373).

Hiện nay, trong bầu khí hậu công đồng Vatican II, công đồng đã mở rộng cánh tay và mở rộng tâm hồn của Giáo hội công giáo đối với các anh em ly khai. Nhiều người có thể ngỡ ngàng đứng trước thái độ mạnh mẽ của Don Bosco với tờ Đọc văn Công giáo để giữ các tín hữu cho khỏi sai lầm. Nhưng qủa lúc bấy giờ có rất nhiều giáo phái Tin lành tại Ý mang hình thức bạo động và mánh khoé, như lịch sử chứng thực điều đó.

Công cuộc tông đồ của Don Bosco trong lãnh vực này đã cứu biết bao linh hồn khỏi lạc giáo và làm cho họ chân thành hoán cải. Ngay các học sinh của Nguyện xá cũng bị tấn công, nhưng chúng vẫn đứng vững trong đức tin, đồng thời chúng còn trở thành tông đồ giữa các bạn của mình. Don Bosco không bỏ mất cơ hội nào mà không làm cho các tràn ngập lửa mến đối với đức thánh cha và Giáo Hội. Ngài năng nhắc: “Dù ở đâu hay lúc nào, chúng ta hãy yêu kính Đức Thánh Cha. Lời khuyên và ước muốn của Đức Thánh Cha là lệnh truyền đối với chúng ta” (V, 573).

Lần khác ngài nói: “Các con thân mến, hãy coi như là thù nghịch tất cả những ai, bằng lời nói và văn bút, xúc phạm đến quyền bính đức thánh cha, những kẻ tìm cách giảm thiểu sự vâng phục và kính trọng những lời dạy và những mệnh lệnh của người” (V, 573).    

Dù bận rộn với trăm công ngàn chuyện, từ năm 1862 Don Bosco vẫn tìm ra giờ để soạn cuốn Lịch sử phổ quát của Giáo Hội được khai triển xoay quanh đức thánh cha. Ngài nhờ cha Bonetti giúp quảng diễn một phần. Tiếc rằng năm 1870 bản thảo đã bị thất lạc hầu hết (V, 567) khiến ngài không thể làm lại từ đầu công việc.

Ngài hay phàn nàn rằng các sử gia thường bỏ lướt qua những giai đoạn lịch sử dài trong đời sống Giáo Hội mà không nhắc đến vai trò của các đức thánh cha, đang khi các ngài lại là trung tâm của những sự kiện ấy.

Ngày kia, Don Bosco ngỏ cho cha Bonetti và cha Cerruti cảm nghĩ này: “Cha khó chịu khi thấy một số tác giả ít lưu tâm đến vị thế của các đức thánh cha. Các con nên nhớ rằng mọi người phải gắn bó với đức thánh cha vì phần rỗi hệ tại ở điểm này. Điều làm cha đau lòng là một số sử gia viết rất nhiều về các biến cố trong Giáo Hội mà không lưu ý hoặc lưu ý rất ít về đức thánh cha. Cần phải làm cho diện mạo của đức thánh cha ngời sáng trên mặt đất. Có văn sĩ phàn nàn rằng người ta biết qúa ít, hay không biết gì về các đức thánh cha đầu tiên, nên họ chẳng có chất liệu để viết. Điều đó không đúng. Họ chỉ cần đọc sử liệu của học giả Bollandisti và các tác phẩm quan trọng khác, chỉ cần xem qua các đề mục thì họ sẽ thấy… Cái thiếu ở đây chính là thiếu thiện chí làm việc. Liên quan đến Giáo Hội và đức thánh cha, bất cứ lao nhọc nào cũng không đáng kể” (V, 577).

Năm 1858, nhân dịp Don Bosco tới Roma và ở lại đó mấy ngày, đức ông De Merode, linh mục hầu cận đức Pio IX, ngỏ ý cho ngài biết rằng Đức Thánh Cha xin Don Bosco giảng tĩnh tâm cho các phụ nữ ở trại cải huấn tại Terme Di Diocleziano gần Santa Maria degli Angeli. Don Bosco nói: “Ước muốn của Đức Thánh Cha là mệnh lênh cho con” (V, 874).

Năm 1860, một bà ân nhân khao các học sinh Nguyện xá một bữa sáng. Các em nhất trí hy sinh bữa sáng ấy để dành tiền tiếp tế cho đức thánh cha. Số tiền ấy gồm có 163 lire và 40 xu. Các em gởi số tiền đó kèm theo một lá thư gồm 710 chữ ký cho đức thánh cha (VI, 505). Cảm động vì hành vi cao đẹp của các em học sinh, bà ân nhân đã tặng cho các em một món tiền nữa để các em có bữa sáng. Ngoài ra các học sinh Nguyện xá còn đóng góp được 205 lire và 15 xu gởi tới Roma hầu góp vào phí tổn của Công  đồng Vaticano I (IX, 771).

Năm 1862, tình hình tôn giáo tại Ý căng thẳng (nhiều Giám mục bị trục xuất khỏi toà giám mục và quản thúc, rất nhiều linh mục đang thi hành nhiệm vụ coi sóc các linh hồn bị bắt giam và xử tử; thêm vào đó các dòng tu bị triệt hạ và các tu hội bị đàn áp, tài sản nhà dòng bị tịch thu, nhà ở của cộng đoàn tu trì bị trưng dụng, tu viện và đan viện cùng các tòa giám mục bị niêm phong và chủng viện phải đóng cửa, phong trào này lan dần tới các tỉnh lân cận). Thay vì bó gối than vãn, Don Bosco tìm cách đến với những người có thẩm quyền tốt bụng để cứu vãn tình thế, đồng thời xin các học sinh cầu nguyện cho đức thánh cha và Giáo Hội.

Ngày 5 tháng 6, trong hai bài huấn từ tối, ngài kể cho học sinh và tu sĩ Salêdiêng đôi ba chuyện về lòng tốt của đức thánh cha. Rồi ngài kêu gọi tất cả yêu mến đức Pio IX không phải vì cá nhân của người nhưng vì người là đức thánh cha. Ngài kết: “Cha muốn mọi người trong Nguyện xá dù ở đâu cũng yêu mến và nhiệt thành bảo vệ đức thánh cha” (VII, 159-160).

Vài ngày sau, ngài nói cho các Salêdiêng: “Đạo Công giáo mỗi ngày một mất đi những phương tiện vật chất để làm việc thiện, mất uy thế để cậy nhờ, vì thế nhiều linh hồn đã bị tước đoạt khỏi Giáo Hội chỉ vì mưu chước của kẻ nghịch. Đã tới lúc chúng ta cần chung sức với đức Pio IX để chiến đấu. Một số người kẻ ngu ngốc đã nói rằng một số ý tưởng của đức Pio IX là gàn dở cố chấp: không hệ gì! Chúng ta thích lên thiên đàng với những tư tưởng gàn dở của Đức Pio IX, còn hơn xuống hoả ngục với sự uyên bác kiêu kỳ của loài người” (VII, 160).

Khi Nguyện xá nghe tin về những chuyện bất toàn và gương xấu xảy ra, ngài lập tức cảnh giác: “Chúng con đừng ngạc nhiên; nơi đâu có con người nơi đó có sự thảm thương. Nhưng Giáo hội không phải lo sợ. Dù mọi người cấu kết để tiêu diệt, Giáo Hội vẫn đứng vững nhờ sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần” (XI, 175).

Đối với các tư giáo phải nghiên cứu những tác phẩm lịch sử có tính cách thiên vị này, ngài nhắc: “Khi một tác giả viết không viết tốt về đức thánh cha, thì sách của họ không xứng cho chúng ta đọc” (VII, 220).           

Ngày 27 tháng 7 năm 1862, khi cho các học sinh về quê nghỉ hè, ngài thánh thiện lợi dụng bầu khí phấn khởi của cách mạng vừa mang lại để khuyên nhủ chúng: “Về nhà, các con hãy làm gương tốt, hãy tỏ ra mình là người có đức tin. Trong thời kỳ mới dành quyền độc lập, các con hãy sử dụng quyền tự do để làm việc lành, tỏ ra mình là Kitô hữu chân chính bằng cách tuân giữ luật Chúa và luật Hội Thánh” (VIII, 233).

Ngày 13 tháng 2 năm 1863, Don Bosco viết thư tường thuật cho đức thánh cha về hiện tình chống đối giáo sĩ, cách riêng về phong trào trần thế hoá các trường học, về việc quảng bá sách báo xấu và về nhiều hình thức bách hại đạo giáo. Nhưng ngài cũng biết an ủi đức thánh cha với những lời lẽ phù hợp sau đây: “Lòng tôn kính đức thánh cha ngày một gia tăng giữa người tốt, họ đứng vững và tăng số dù phải ở giữa kẻ thù của đức tin. Điều đó là nhờ đức độ âm thầm, công việc tốt lành, và sự kiên vững của đức thánh cha. Omnia ad majorem Dei gloriam – mọi sự quy về vinh danh Chúa. Cái chết và sự lưu đầy của một số Giám mục, đã làm cho người thiếu nhiệt thành mất niềm tin, nhưng lại làm các giáo sĩ trở nên khăng khít với nhau nhiều hơn. Các ngài một lòng hướng tâm trí về tâm điểm của chân lý, về vị Đại diện Chúa Kitô. Các Giám mục tiếp tục hiệp nhất với nhau, đang khi linh mục đoàn tại Piemonte một lòng một với các Giám mục và đức giáo hoàng Rôma… Trong lúc này, các Giám mục tại nơi lưu đầy và nơi tù ngục, làm được nhiều việc tốt lành và ích lợi hơn khi các ngài còn tự do tại tòa, vì các ngài có dịp công khai bênh vực nguyên lý về quyền bính thần linh nơi vị Thủ lãnh hữu hình, vốn là nền tảng của đạo thánh Công giáo chúng ta” (VII, 387).

Ngài kết thư bằng đôi lời khuyên đức thánh cha cổ võ lòng sùng kính Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria, như “hai chiếc neo cứu nhân loại khỏi cảnh cùng khốn” (VII, 288).

Don Bosco đưa toàn thể Tu hội vào đường hướng tông đồ ấy, cho dù Hiến luật tiên khởi không ghi rõ rệt vấn đề này. Tuy nhiên, vào ngày 12 tháng 2, khi gởi một bản văn Hiến luật để xin phê chuẩn, cùng với các thư giới thiệu của các đức Giám mục, ngài đã cho đức thánh cha biết điều đó. Ngài giải thích: “Bản Tu luật này không trực tiếp xưng danh đức thánh cha, tuy nhiên mục đích chính yếu của Tu hội là nâng đỡ và bảo vệ quyền bính của đức thánh cha với tất cả phương thế, mà thời gian, nơi chốn và nhân sự cho phép sử dụng một cách khôn ngoan” (VII, 622). Ngài có ý nhắc đến những vụ kiểm kê phiền phức xảy ra từ tháng 5 năm 1860.

Ngài cũng lập lại tuyên bố này vào năm 1874, khi đệ trình bản Hiến luật cuối cùng sau khi đã sửa chữa bổ sung theo như thánh Bộ về giám mục và dòng tu đã yêu cầu. “Mục tiêu chính yếu của Tu hội ngay từ đầu luôn luôn là: nâng đỡ và bảo vệ quyền của vị Thủ lãnh Giáo Hội giữa thành phần dân chúng nghèo khó trong xã hội và cách riêng giữa giới trẻ đang gặp nguy hiểm” (xem Hiến Luật c. I và VI; X, 762).

Ngài nhắc lại ý tưởng này cho Đức Hồng Y Alimonda, Tổng giám mục Torino, trên giường bệnh vào ngày 23 tháng 12 năm 1887: “Kính thưa Đức Hồng Y, con đã trải qua những thời buổi thật khó khăn! Nhưng quyền bính của đức thánh cha… quyền bính của đức thánh cha… như con đã nói với đức cha Cagliero để thưa với đức thánh cha dùm con, rằng các Salêdiêng hiện hữu là để bênh vực quyền bính của đức thánh cha, dù ở nơi đâu và bất cứ lúc nào. Xin đức hồng y cũng nói với đức thánh cha như thế” (XVIII, 491).

Đức Hồng Y đã hứa và đã chuyển lời. Sau này ngài còn nhắc lại từ tòa giảng của Đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ, nhân dịp kỷ niệm 30 ngày sau khi Don Bosco qua đời và kết luận: “Với những lời đó đã mở cho tôi thấy di chúc của ngài. Sao tôi lại gọi là mở? Cả cuộc đời của ngài, riêng tư cũng như công khai, đều rõ ràng cho mọi người thấy rằng đó là một di chúc về đức thánh cha” (XIX, 15).

Thực ra, trót cả đời Don Bosco, không chỉ là chứng từ về chân lý và đức bác ái, bằng lời nói, bằng ngòi bút, bằng các công cuộc do Chúa quan phòng, trong sự hoàn toàn trung thành đối với Giáo Hội và đức thánh cha, mà còn là sự hết mình phục vụ Giáo Hội và đức thánh cha trong những giờ phút cực kỳ bi thương nhất của Giáo Hội tại nước Ý: vì thiện ích của Giáo Hội và quê hương. Theo kiểu nói của Hồng y Salotti là: “Chúa ban cho nước Ý một vị thánh đúng lúc”. Chính đức Pio IX, năm 1871, cũng tuyên bố ngài là “Kho báu của nước Ý” (X, 429).

Từ năm 1854, khi ngài nhận nhiệm vụ khó khăn là cảnh báo vua Victorio Emmanuel II về âm mưu giáo phái trong luật triệt hạ các dòng tu, với lời đe dọa báo bốn vụ tang tóc sẽ xảy ra trong hoàng triều (V, 185-188), cho tới năm 1878, là năm bầu đức thánh cha Leo XIII, Don Bosco đã thực hiện những hoạt động trực tiếp để làm nhẹ những hậu quả tai hại do đạo luật và biện pháp chống giáo sĩ gây nên. Rồi từ năm 1866 đến 1874, ngài đã ráo riết đứng ra hoà giải giữa chính quyền Ý và Tòa thánh.

Sứ vụ ngoại giao chính thức ấy vẫn còn phải tiếp tục. Cuốn hồi sử X chương V cho ta những chi tiết thật lý thú dưới đề mục: “Những nhiệm vụ cao cả phải hoàn thành” (415-574); và rải rác trong những cuốn khác cũng có nhiều chi tiết liên quan. Nhưng phần đa các việc đã thực hiện, như chính Don Bosco nói, người ta sẽ chẳng biết được, bởi vì nó được trao đổi riêng tư với sự cẩn trọng tối đa từ cả hai phía. 

Năm 1861, Don Bosco viết thư khác cảnh cáo nhà vua. Lá thư khởi đầu bằng lời tiên tri như sau: Dicit Dominus: Regi nostro, vita brevis – Chúa phán cùng đức vua rằng đời người còn rất ngắn (VI, 325).

Đang khi đó Don Bosco tìm đủ cách để giảm nhẹ những bất tiện của các giám mục bị lưu đầy, của các linh mục bị cầm tù hay cách nào đó bị ngược đãi. Ngài tiếp đón Đức Cha Ranza, Giám mục giáo phận Piacenza, vào Nguyện xá. Ngài ủi an tổng giám mục giáo phận Fermo, Hồng y De Angelis, lúc đó bị cầm giữ sáu năm ở Torino, trú ẩn tại tu viện Lazzarit, và báo trước ngày giải thoát của người nhờ thị kiến của một em học sinh Nguyện xá” (VIII, 523). Don Bosco cũng hết mình giúp đỡ các tu sĩ bị đuổi khỏi tu viện; tiếp đón trong Nguyện xá các chủng sinh ẩn trú vì chủng viện bị đóng cửa hoặc bị chiếm giữ vì lý do quân sự để làm doanh trại quân đội hay nhà thương. Ngoài ra còn giúp cho rất nhiều linh mục bị bách hại phải sống bơ vơ ngoài địa phận”.

Tháng 12 năm 1866, Don Bosco tới Firenze với hy vọng gặp mấy vị bộ trưởng. Ngài đã nói với vị Tổng Giám mục đang lo ngại cho số phận Roma, rằng chính quyền nước Ý sẽ chiếm đóng. Tới nơi, ngài được ông Bettino Ricasoli, Chủ tịch Hội đồng Nội các mời ngài đến mật đàm. Khi gặp ông ta Don Bosco nói ngay về mình, tuyên bố rất rõ ràng: “Ngài Bộ trưởng, xin biết rằng Don Bosco là linh mục nơi bàn thờ, linh mục trong tòa giải tội, linh mục giữa các thanh thiếu niên. Ngài là linh mục ở Torino thế nào thì cũng là linh mục ở Firenze như thế, là linh mục trong nhà người nghèo cũng như trong cung điện nhà vua và dinh bộ trưởng” (VIII, 534).

Ông Ricasoli không tỏ vẻ bối rối. Ông cho Don Bosco biết rằng Hội đồng chính phủ cần có một linh mục tốt để họ có thể trao đổi với tòa Thánh. Ông tâm sự với Don Bosco về những ước mong của chính quyền, và cho ngài biết chính quyền đã gởi ủy viên Tonello tới Roma để khởi sự công việc cụ thể và xin ngài ủng hộ cho tiến trình này. Don Bosco tán thành, nhưng ngài ra điều kiện rằng không được áp đặt Giáo Hội những  điều phi lý, chẳng hạn như đòi Giáo Hội thu hẹp các địa phận chẳng hạn. Trở về Torino mừng lễ Giáng sinh và tất niên xong, vào tháng giêng năm 1867 Don Bosco lên đường tới Roma để đóng vai trò con thoi giữa ủy viên Tonelli, Hồng y Antonelli và đức thánh cha.

Nhân dịp cuộc yết kiến đầu tiên năm 1867, đức Pio IX đã hỏi Don Bosco có cách nào giải quyết nhiều vấn đề căng thẳng cho Giáo hội, Don Bosco trả lời: “Đường lối chính trị của con là đường lối của đức thánh cha. Đó là chính trị của kinh Lạy cha. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta xin cho nước Cha trên trời trị đến, nghĩa là được lan rộng và ngày càng được cảm nghiệm, luôn sống động, mạnh mẽ và vinh hiển: Adveniat regnum tuum!” (VIII, 594).

Với đường lối chính trị ấy, vị thánh đã có thể đề nghị một danh sách các giám mục để cho các địa phận lúc đó đang trống ngôi (VIII, 595-596). Với đường lối này, ngài tiếp tục đóng vai trò con thoi, thương thuyết hầu đưa đẩy công việc tới thành công một cách mau lẹ. Có những cuộc đàm thoại rất lý thú giữa Don Bosco và những lãnh chúa bị truất phế. Trong số đó đại công tước miền Toscana là Leopoldo II, tiểu công tước miền Modena là Francesco V và các quận vương miền Napoli đều được ngài thẳng thắn nói cho rằng không còn hy vọng tái thiết ngai vàng (VIII, 632).

Năm 1869 tại Firenze ngài mật đàm với bộ trưởng Menabrea, nhưng nội dung và các công việc không được tiết lộ. Duy có lời sau đây của vị thánh giới thiệu mình với vị bộ trưởng được ghi trong hồi sử: “Thưa ngài, xin ngài nhớ cho rằng trong mọi công chuyện tôi luôn giữ lập trường đứng về phía đức thánh cha” (IX, 480). Qủa là lời khẳng khái, xác định rõ rệt đường lối của ngài.

Ngày 14 tháng 3 năm 1869 kỷ niệm ngày sinh của vua Vittorio Emmanuele II, Don Bosco được cử đi dự bữa tiệc ngoại giao tại dinh thị trưởng Torino, là công tước Radicati. Vào lúc nâng ly chúc mừng, Don Bosco thực hiện vai trò của mình rất độc đáo. Ngài nâng chén và nói: “Tôi xin nâng ly chúc mừng quý chính khách. Xin quý vị cùng tôi hô to: vạn tuế đức vua Vittorio Emmanuele, ngài Cavour, ngài Garibaldi và toàn thể qúi Bộ trưởng, những người đang tiến lên dưới lá cờ của Đức Giáo Hoàng hầu hầu có thể được cứu rỗi linh hồn” (IX, 581).

Ngày 20 tháng 1 năm 1870, Don Bosco tự ý đi tới Roma để gấp rút ủng hộ cho việc công bố tín điều về sự bất khả ngộ của Đức Thánh Cha tại công đồng Vaticano I và khéo léo làm đổi lòng các đối thủ của mình, đầu tiên là đức giám mục Gastaldi lúc ấy còn đang coi địa phận Saluzzo và Đức Cha Audisio nữa (IX, 793-829). Ngài cũng giúp đại công tước Leopoldo II trong giờ lâm chung (IX, 807).

Vào yết kiến đức thánh cha ngày 8 tháng 2, Don Bosco trình bày cho người bộ tạp chí Đọc văn Công giáo. Đức Pio IX kể cho ngài nghe quang cảnh các nghị phụ bàn luận về Tu hội Salêdiêng và đã vỗ tay hoan nghênh như thế nào trong công đồng Vatican I (IX, 811). Ngày 12 tháng 2  Don Bosco trở lại, trao tay đức thánh cha phần cuối của thị kiến xảy ra ngày 5 tháng giêng: Tiếng phán từ trời cho vị mục tử của các mục tử (IX, 817). Trong cuộc yết kiến sau cùng nhằm ngày 21 tháng 2, Don Bosco cho đức thánh cha biết phần còn lại của thị kiến (IX, 827).

Riêng đối với những nhà quý phái đang nóng lòng muốn chờ xem số phận tương lai của Roma, Don Bosco không dấu họ rằng không bao lâu Roma sẽ bị chính quyền Ý chiếm đóng.

Sáng ngày 20 tháng 9, từ Torino, ngài viết cho đô đốc Dupaz một lá thư: “Kính chúc ông đô đốc được giàu lòng can đảm và tràn đầy hy vọng. Xin ông nhớ mấy lời này: một cơn lốc, cơn giông và cơn bão sắp nổi lên, nhưng sẽ qua rất mau. Tiếp đó là sẽ là cảnh trời mai chói lọi như chưa từng có từ thời thánh Phêrô cho tới Đức Pio IX (IX, 920).

Đang giảng phòng cho các anh em Salêdiêng từ ngày 19 tại Lanzo Torinese, ngài nhận được tin Roma bị chiếm. Trả lời cho thư của đức Pio IX gởi để hỏi ý kiến rằng nên rời Roma hay không. Don Bosco gởi thư tay tín cẩn, viết vài dòng chữ phúc đáp: “Hỡi người lính canh, thần hộ thủ dân Thiên Chúa, hãy ở tại chỗ và trông coi đá tảng và hòm bia thánh” (IX, 923). Đức Pio IX đã ở tại chỗ.

Tháng 6 năm 1871 chính Don Bosco hỏi bộ trưởng nội vụ là ông Giovanni Lanza xem có cách nào tái hòa đàm để bổ nhiệm các giám mục cho các giáo phận vì lúc đó có chừng 70 tòa giám mục bỏ trống. Vừa được trả lời về sự nhất trí của chính quyền, ngài lập tức xuống Firenze vào ngày 22 để có cuộc hội kiến đầu tiên với ông ta. Đứng trước ông Lanza, ngài cũng giới thiệu mình thế này: “Thưa bộ trưởng, xin nhận nơi tôi lòng tri ân chân thành vì ngài đã cho phép tôi gặp ngài. Ngài sẽ biết rõ lý do vì sao tôi đến gặp ngài. Tôi chỉ mong ích lợi cho nước nhà và Giáo Hội. Nhưng tôi nghĩ ngài quá biết  Don Bosco là ai, vì thế xin ngài hiểu cho rằng tôi trước hết là một người Công giáo” (X, 426). Từ Firenze ngài tới Roma để có cuộc hội kiến ngày 28 với đức thánh cha. Đức thánh cha nghe biết sự sẵn lòng của phía chính quyền, nên đã trao cho Don Bosco  nhiệm vụ chọn một số linh mục xứng đáng cho việc truyền chức Giám mục: “Con hãy cho cha một danh sách rồi cha sẽ phê chuẩn” (X, 434).

 Don Bosco lập tức bắt tay vào việc. Ngày 21 ngài đến Nizza Monferrato, ngụ ở nhà bà bá tước Corsi để yên tĩnh lập danh sách các linh mục ứng viên giám mục. Qủa là gây thắc mắc tờ giấy ngài ghi cho bà bá tước về điều kiện tiếp khách như sau: “Ai đến để lấy tiền hoặc để bàn những chuyện ích lợi cho các linh hồn, thì bà mời họ vào bất cứ giờ nào ngày nào. Ai đến để khen thưởng, thì xin cám ơn họ rồi kiếu dùm” (X, 438). Thực ra ngài không còn giờ nào rảnh rỗi.

Cũng vào tháng 9 năm 1871, ngài được mời tới toà thị trưởng Torino để gặp thị trưởng. Ông này trao cho ngài một điện văn của bộ trưởng Lanza mời ngài cấp tốc xuống Firenze để bàn chuyện. Lúc ấy ngài đang sắp sửa giảng phòng cho các Salêdiêng ở Lanzo Torinese. Ngài liền hoãn tuần tĩnh tâm đó lại tuần sau và tâm sự với các bề trên trong ban cố vấn họp tại đó lý do của bức điện:

Thật sự cha cảm thấy hơi mệt. Nhưng ích lợi của Giáo Hội phải được coi trọng trên hết, hơn lợi ích của Tu hội. Đúng 7 giờ tối nay, cha phải đi chuyến đêm tới Firenze để sáng mai (11 tháng 9) gặp bộ trưởng… và rất có thể phải tới Roma nữa” (X, 441).

Tại Roma ngài lập tức yết kiến đức thánh cha, và đức thánh cha duyệt lại danh sách các tân Giám mục và dàn xếp cho 18 Giám mục sớm về tòa trống. Trong số đó, đức cha Gastaldi về Torino và đức cha Magnasco về Genova X, 443). Ngài cũng gặp bộ trưởng Vigliani để bàn về vấn đề tài chánh và cuộc sống cho các vị (X, 477-550). Ngài cũng đề nghị một kế họach hòa giải mà Bismark đã cắt ngang bằng cú điện tín vì ông ta không muốn đình chiến với Tòa Thánh (X, 550). Trong dịp này ngài cũng gặp ông Crispi, thủ tướng chính phủ, ông nài ép đức thánh cha cho phép cử hành thánh lễ tại dinh Quirinale, một dinh thự của đức thánh cha đã bị tịch thu để biến thành ngôi nhà cho các vua chúa mới. Don Bosco thẳng thắn nói cho ông ta rằng được phép cử hành lễ trong nhà nguyện của tư dinh ấy miễn là chuyển các lãnh chúa đó dời đi nơi khác. Lệnh cấm chế trên dinh thự qủa là nghiêm trọng hơn.

Năm 1878 khi Don Bosco đang còn ở Roma, cả thế giới lo ngại cho sức khỏe của đức Pio IX. May mắn bệnh của ngài thuyên giảm, ngược lại đức vua Vittorio Emmanuele II lại ngã bệnh và sẽ qua đời ngày 9 tháng giêng. Don Bosco được đức Pio IX sai giúp phần linh hồn cho nhà vua trong giờ lâm chung, nhưng ngài không đựơc phép đến gần nhà vua, nên chỉ có thể gởi lên tới tai vua những lời quan tâm hiền phụ của đức thánh cha. Về phần nhà vua, ông cũng nhắn lời xin lỗi đức thánh cha Pio IX về tất cả những lỗi lầm của mình (X, 470; bút ký III, 274, lá thư 1689). Nhà vua qua đời sau khi đã chịu các bí tích và thực tình ăn năn hối cải. Ngày 7 tháng 2 đức thánh cha cũng tạ thế mà Don Bosco không thể ở sát gần ngài (X, 477).

Vì có nhiệm vụ dò ý của chính quyền liên quan đến cuộc mật nghị hồng y, Don Bosco đã có cuộc hội đàm cuối cùng với thủ tướng Crispi, và cho ông này hiểu về quyền lợi của nước Ý để có thể bảo đảm được diễn trình hòa bình. Chính trong cuộc đàm đạo này, ông Crispi đã hỏi Don Bosco xem ngài có còn nhớ, tại Torino năm 1852, ông đã xưng tội với ngài ở Nguyện xá không. Don Bosco trả lời cách tế nhị rằng mình không nhớ đã được cái hân hạnh đó: “Tôi thú thực là không nhớ ra, nhưng nếu ngài muốn, tôi vui lòng nghe ngài xưng tội ngay lúc này”. Crispi trả lời: “Có lẽ cần. Nhưng hồi đó tôi có đức tin. Hiện giờ thì chúng tôi không còn tin nữa”(X, 483). Đại danh từ ở số nhiều hàm chứa biết bao điều bất hạnh!

   Don Bosco tiên báo rằng đức Leo XIII sẽ đắc cử (X, 484) và cũng nhắc cho người về “những điều cần thiết cho Giáo Hội” (X, 488). Hơn cả, ngài lưu ý tới sự khan hiếm khá trầm trọng về những người rao giảng Phúc âm và khuyên đức thánh cha chăm lo phải vun trồng ơn gọi giữa đám nông dân và công nhân và không nên coi trọng quá về tuổi tác và điều kiện sống của họ.

Ngày 7 tháng 5 năm 1880, Don Bosco gởi thư cho cha Tổng quản (Procuratore Generale) Dalmazzo. Trong thư có tư tưởng này: “Cha làm việc và muốn các Salêdiêng luôn làm việc tới hơi thở cuối cùng vì Giáo Hội” (XIV, 229). Don Bosco xin thánh Bộ Giám Mục và Dòng tu thông cảm hơn một chút với Tu hội Salêdiêng, vì lúc đó vị tổng trưởng, Hồng y Ferrieri, đang kịch liệt phản kháng việc ban đặc ân miễn trừ cho Tu hội. Đến ngày 21 tháng 7 năm ấy, Don Bosco lại gởi một lá thư nữa cho cha Tổng quản liên quan đến cùng một vấn đề và cam đoan rằng Tu hội luôn sẵn sàng mở thêm nhà mới: “Cứ mỗi lần gặp trắc trở thì chúng con lại đáp ứng bằng cách mở thêm một nhà mới” (XIV, 229).

Sau cùng, khi nhận được sắc lệnh ban đặc ân miễn trừ, Don Bosco gởi ngay một lá thư cho đức thánh cha ngày 17 tháng 8 năm 1884: “Từ nay về sau không còn gì phải làm thêm, duy có một điều là chúng con, các Salêdiêng của đức thánh cha, chỉ  một tâm trí để làm việc vì lợi ích của Hội Thánh. Đúng là trong thời buổi cực kỳ khó khăn mà chúng ta phải trải qua và đứng trước vụ mùa quá lớn lao; tuy nhiên tất cả nguồn lực và sự sống mình, chúng con đặt trọn trong tay đức thánh cha để đức thánh cha tùy ý sắp xếp vì vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn ở châu Âu cũng như châu Mỹ, cách riêng ở vùng Patagonia…”(XVII, 219-220).

Vài ngày sau ngài viết trong thư di chúc: “Cha muốn sống và chết trong đạo Công giáo, là đạo có đức giáo hoàng Roma là đầu, đại diện cho Chúa Giêsu Kitô trên trần gian. Cha tin kính và tuyên xưng mọi chân lý đức tin mà Chúa đã mặc khải trong Hội Thánh…” (XVII, 272).

Ngày 26 tháng 7 năm 1884 ngài nói cho các Cựu học viên giáo dân trong cuộc họp mặt hằng năm như sau: “Đời cha đã về cuối… Phần các con dù ở đâu cũng hãy nhớ mình luôn là con cái Don Bosco, những người con xuất thân từ Nguyện xá thánh Phanxicô Salê. Các con hãy là những người công giáo chân chính nhờ những nguyên tắc lành mạnh và công việc tốt đẹp. Hãy trung thành thực hành đạo duy nhất chân thật này và đạo này sẽ thu thập tất cả chúng ta vào nơi hạnh phúc vĩnh cửu. Phúc thay nếu các con không quên thực hành các nhân đức mà cha đã cố công ghi khắc vào lòng các con từ thuở còn nhỏ… Hãy cầu nguyện cho cha và cha sẽ cầu nguyện cho các con. Để kết thúc, cha hiệp ý với các con để tung hô: vạn tuế đức thánh cha Leo XIII, người khôn ngoan nhất trên trần và hoan hô đức Hồng Y Gaetano Alimonda, tổng giám mục của chúng ta, người thương mến chúng ta cách riêng” (XVII, 489).

   Bốn ngày sau, tức ngày 30 tháng 7, Don Bosco tiếp các Cựu học viên linh mục. Đứng trên bục, ngài khuyên các vị đó gắng công vun trồng ơn gọi: “Nhu cầu cấp bách cho Giáo Hội hiện nay là cần nhiều vị truyền giáo, nhiều quản xứ và phó xứ. Các con hãy tìm cách đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của Giáo Hội. Các con sẽ gặp thấy trong giáo xứ, trong vùng quê của các con những thanh thiếu niên chừng mười lăm, mười sáu hoặc hai mươi tuổi chưa học đủ trình độ, nhưng còn có ước muốn theo học… Các con hãy ưu ái khích lệ và nâng đỡ chúng… Nếu không biết gởi chúng đi đâu, nếu chúng không có đủ phương tiện, các con có thể gởi chúng tới Don Bosco. Chỉ cần quan tâm sao nhận biết là chúng có ơn gọi và có hạnh kiểm tốt để bảo đảm cho thành qủa ơn gọi. Danh dự của Giáo Hội là danh dự của chúng ta, phần rỗi của các linh hồn là mối quan tâm chung của tất cả chúng ta” (XVII, 491).

Ở đây ta thấy rõ cảm thức tông đồ của Don Bosco. Đây cũng là mối quan tâm then chốt của Công đồng chung Vatican II khi bàn về việc tông đồ giáo dân. Mối quan tâm của Don Bosco cũng ăn khớp với lời hiệu triệu của đức Phaolô VI vào dịp triều yết chung ngày 29 tháng 4 năm 1964 như sau: “Sức mạnh của đức thánh cha chính là lòng mến yêu của các con cái người, là sự hiệp nhất của cộng đoàn Giáo Hội, là sự nhất tâm thương yêu nhau dưới sự hướng dẫn của người”

 Chương 13

Dưới Ánh Sáng Thánh Phanxicô Salê

Sự linh ứng của Thiên Chúa nơi Don Bosco có ngay cả trong việc chọn lựa những lòng sùng kính riêng biệt mà ngài đã để lại cho ba gia đình thiêng liêng của mình. Đó là lòng sùng kính đối với Chúa Giêsu Thánh Thể, với đức Maria Phù Hộ và với đức thánh cha. Các lòng sùng kính là cốt yếu để đào tạo nên các tâm hồn tông đồ. Qua các lòng sùng kính này Don Bosco đã đào luyện các Salêdiêng, các con Đức Mẹ Phù Hộ và các Cộng tác viên Salêdiêng. Bằng những lòng sùng thành kính này ngài đã đào luyện giới trẻ vào thời của ngài và ngài cũng muốn rằng tương lai sẽ tiếp tục đào luyện giới trẻ nơi các Nguyện xá, các trường học, các xứ truyền giáo được Tòa thánh trao phó cho Tu hội bằng những lòng sùng kính ấy.

Đó là những lòng sùng kính mà chúng ta có thể gọi là có tính cấu tạo nên người tín hữu tốt lành, tích cực và trung thành, là phần tử sống động của Thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô, chứa chan ân sủng, người chiến sĩ kỷ luật, nhà truyền giáo nhiệt thành để nước Chúa được khải hoàn trên trần gian, dưới sự hướng dẫn của đức thánh cha, của các giám mục… cộng tác với hàng giáo phẩm.

Nhưng hạnh phúc biết bao vì Don Bosco đã chọn được một lòng sùng kính để thông đạt cho các thiếu niên hệ thống giáo dục và lòng nhiệt thành mục vụ của ngài. Đó chính là lòng tôn sùng thánh Phanxicô Salê. Cha Lemoyne đã đặt ra câu hỏi thế nào và tại sao Don Bosco đã dâng hiến Nguyện xá đầu tiên của ngài cho vị thánh này trong cuốn hồi sử II chương 27. Và ngài trả lời cho chúng ta qua cuộc đối thoại giữa thánh Giuse Cafasso và nhà thần học Borel, khi Don Bosco còn ở trong Học viện giáo sĩ, và chăm sóc các thiếu niên ngay tại khu vực Học viện này.

Cha Cafasso thấy rằng Don Bosco đã gặp biết bao nhiêu khó khăn để hình thành một cuộc sống ổn định cho công cuộc của ngài và ngài đã phải vất vả lắm, vì khi ấy Nguyện xá chưa có một vị thánh bảo trợ đặc biệt. Khi thảo luận với nhau, cha Cafasso đề nghị với nhà thần học Borel chọn thánh Phanxicô Salê. Cha Borel nói chuyện đó với Don Bosco và Don Bosco đồng ý ngay và còn hết sức tán thành vì đó cũng là ý của bà bá tước Barolo. Bà tiếp nhận Don Bosco như một cha tuyên úy cho Viện Rifugio và cống hiến cho ngài hai gian phòng trong nhiều tháng và một sân chơi nhỏ thuộc về khu nhà thương nhỏ mà bà mới lập). Bà muốn lập một Tu hội các linh mục thích hợp với công cuộc của bà dưới sự che chở của thánh Phanxicô Salê (II, 253).

Và như vậy ngày 8 tháng 12 năm 1844 Don Bosco đã làm phép hai gian phòng trong nhà thương nhỏ của bà bá tước để làm nhà nguyện dâng kính thánh Phanxicô Salê. Liền sau đó ngài đã cử hành lễ Mẹ Vô Nhiễm và cho một số thiếu niên chịu lễ (II, 250). Vì thế, Nguyện xá đầu tiên của ngài mang tên thánh Phanxicô Salê, là bước đầu tiên của ngài khi bước chân ra khỏi Học viện giáo sĩ.

 Don Bosco cũng xác nhận tên này cách chính thức, khi Nguyện xá của ngài, sau hai năm sống hạnh phúc ở nhà thương thánh Filomena, ở San Pietro in Vincoli, ở Molassi, ở nhà Moretta, rồi ở trong mảnh vườn gia đình Filippi, sau cùng đã có thể cắm lều tại nhà Pinardi.

Ngày 12 tháng 4 năm 1846 Don Bosco đã biến nơi này thành một nhà nguyện, dù  nhỏ vừa thấp lại vừa dài. Ngài đã làm phép nhà nguyện ấy và dâng kính thánh Phanxicô Salê, ngài đã đặt trên bàn thờ nhỏ một tượng của thánh nhân và ngài đã cử hành lễ phục sinh năm đó tại đấy (II, 428-429).

Từ Nguyện xá ngày lễ, tước hiệu thánh Phanxicô Salê, đã chuyển sang nhà nội trú khi Don Bosco làm ngôi nhà bên cạnh cho các học sinh văn hóa và nghề nghiệp ở, gọi là Nhà bên cạnh Nguyện xá thánh Phanxicô Salê (IV, 542-543; 735). Và từ nhà mẹ này, cách tự nhiên, tước hiệu được chuyển sang cho Tu hội gọi là Tu hội thánh Phanxicô Salê hay là dòng Salêdiêng vào năm 1859.

Cái tên Salêdiêng vào ngày 26 tháng 1 năm 1854 được đặt cho bốn thỉnh sinh đầu tiên được Don Bosco nhận vào đời sống tu trì (V, 9). Cha Lemoyne nói rằng Don Bosco biết rất rõ về đời sống và những tác phẩm của thánh nhân. Ngay khi còn là thầy chủng viện, ngài đã sống theo những châm ngôn của vị thánh này: “Không xin gì và cũng không từ chối gì” và “Đi theo chứ không đi trước Chúa quan phòng” (I, 399; II, 60).

Cha Bonetti đã làm chứng rằng Don Bosco đã trình bày cho những thiếu niên ưu tuyển của ngài trong Nguyện xá về “thánh Phanxicô khi còn trẻ”. Ngài nói “Sự hiền lành và dịu dàng của thánh nhân không phải bởi tự nhiên mà có nhưng nó được trả bằng nhiều hy sinh đắt giá”. Cha Bonetti nói tiếp “Và chúng tôi, trước những lời đó, chúng tôi nghĩ ngay đến tâm hồn của Don Bosco. Chúng tôi biết, qua tâm sự của ngài, từ khi còn trẻ rất nhiệt thành, sẵn sàng, mạnh mẽ, gan lỳ; thế mà chúng tôi cũng thấy ngài là gương mẫu hiền lành và luôn bình thản. Ngài làm chủ được chính mình đến độ  không bao giờ xáo động. Đối với chúng tôi, các hành vi của ngài là chứng từ về sự cầm hãm chính mình, anh hùng tới mức trở thành bản sao sống động, hùng hồn về đức ái của thánh Phanxicô Salê. (II, 254).

Bằng chứng quý giá cho chúng ta thấy Don Bosco từ lâu đã có lòng sùng kính, bắt chước và phó thác việc đào luyện các tu sĩ Salêdiêng cho thánh nhân trong việc thực hành sự dịu hiền trong sự nhiệt thành sống đức ái Kitô giáo. Đây là mối dây ràng buộc đầu tiên của Tu hội Salêdiêng như hiến luật khoản 12 xác quyết: “Tu hội này gồm có giáo sĩ và giáo dân, tất cả các hội viên sống đời sống chung, được ràng buộc chặt chẽ bằng mối dây bác ái huynh đệ và những lời khấn đơn. Điều này liên kết họ lại thành một lòng một trí để yêu mến và phục vụ Chúa với nhân đức khó nghèo, thanh khiết và phục tùng, cùng ôm ấp đời sống Kitô hữu theo nghĩa chặt”.

Ngay trong bản luật đầu tiên của Nguyện xá ngày lễ, Don Bosco đã trình bày lý do chọn thánh Phanxicô Salê làm quan thầy bằng những lời này: “Nguyện xá này được đặt dưới sự che chở của thánh Phanxicô Salê để những ai muốn tận hiến mình cho công cuộc này phải coi thánh nhân là gương mẫu của đức ái trong cách đối xử, để nhờ đó sinh ra những hiệu quả tốt mà Nguyện xá mong chờ” (III, 91).

Ngay từ những năm đầu của nhà nội trú, mà trước đó Nguyện xá ngày lễ đã làm, Don Bosco đã mừng lễ thánh nhân với tính cách bổn mạng một cách rất long trọng. Nhiều lần ngài cũng tổ chức cuộc rước kiệu thánh nhân với một tượng nhỏ nhưng rất đẹp.

Năm 1850 Don Bosco đã xin tòa thánh những ân xá đầu tiên cho các hội viên của tu hội thánh Phanxicô Salê (vốn theo lý tưởng của ngài, được tạo thành bởi các giáo lý viên ngoại trú và bởi các đệ tử, nhưng chưa có một hình thức giáo luật đúng nghĩa) và đức thánh cha Pio IX đã đồng ý ban ngay cả ân xá 300 ngày cho những ai tham dự cuộc rước kiệu thánh nhân, cho dù họ không thuộc về Tu hội (Phúc nghị ngày 28 tháng 9 năm 1850, IV, 93-94).

 Đối với học sinh nội trú, Don Bosco còn làm nhiều điều hơn. Ngài đã định ngày lễ thánh Phanxicô Salê để phát thưởng cho những học sinh học chữ và học nghề có hạnh kiểm tốt. Với một phương pháp riêng: vào tuần trước ngày lễ, mỗi học sinh viết trên một mảnh giấy tên một người bạn mà mình nghĩ có hạnh kiểm tốt nhất rồi trao cho Don Bosco. Vào buổi chiều ngày áp lễ, tất cả các bề trên và các học sinh tụ họp lại để trao phần thưởng cho những ai được nhiều phiếu nhất (V, 11).

Năm 1854 Don Bosco muốn các học sinh cho phiếu cả các tư giáo nữa. Nhờ đó mà có một sự thúc đẩy mãnh liệt để sống tốt hơn (V, 12).

Số học sinh nội trú năm đó là 76 người, và trong tập tài liệu lưu trữ, chúng ta thấy, cùng với điểm chung hàng tháng, cũng có điểm hạnh kiểm, đạo đức và học vấn của các tư giáo được ghi lại như sau: “Năm nay cuộc phát phần thưởng long trọng được tổ chức vào ngày lễ thánh Phanxicô Salê, trong số các thầy thì có hai người rất đặc biệt là Michele Rua và Giuseppe Rocchietti. Còn trong số các học sinh thì có: Bellisio, Artiglia, Cagliero. Những người trúng thăm: Mag Turchi, Anglo Savio, L. Peppe, Comollo”. Những lời này do chính Don Bosco ghi chép (V, 12).

Chúng ta hãy nghĩ tới giá trị sư phạm của việc phát thưởng này: ngay cả hạnh kiểm của các học sinh và các thầy cũng xét dưới ánh sáng của vị thánh quan thầy dịu hiền. Kế hoạch của Don Bosco thật lạ lùng!

Cha Lemoyne cũng viết trong Hồi sử chương trình ngày lễ thánh Phanxicô Salê năm 1859 và nói lên lý do tại sao có sự chọn lựa này: “Vị thánh thân yêu của chúng ta đã chính thức đặt tên cho Tu hội Salêdiêng mà năm nay là lần đầu tiên Tu hội được gọi dưới tên ấy. Tên này sẽ là huy hiệu và chương trình của chúng ta mãi mãi, nếu điều này làm vui lòng Chúa và Đức Mẹ” (VI,128). Chính vào năm 1859 Tu hội Salêdiêng được chính thức thành lập (VI, 335).

Trong số các người tham dự lễ kính thánh Phanxicô Salê năm 1860 có một em Do thái và ba em Tin lành dự lần đầu tiên. Thiếu niên Do thái tên Jarach, con trai của một giáo sĩ Do thái (rabi), em đã được rửa tội ở Nguyện xá ngày 15 tháng 1 năm đó do đức cha Moreno, giám mục giáo phận Ivrea, và bố mẹ đỡ đầu là bá tước Tommaso Scotti và nữ bá tước Maria Fassati. Cũng vị giám mục này đã ban bí tích thêm sức cho em cùng với 300 thiếu  niên khác (VI, 475-478).

Vào dịp lễ thánh Phanxicô Salê năm 1861, đức cha địa phận Alba và cha Galletti đã thuyết trình hai bài rất hùng hồn để ca ngợi ngài và ngày lễ kết thúc bằng một buổi văn nghệ (VI, 843).

Năm 1863 vào buổi chiều ngày áp lễ thánh nhân đã xảy ra một câu chuyện chứng tỏ tinh thần gia đình của Nguyện xá và lòng tín nhiệm của các thiếu niên đối với Don Bosco. Sau khi ăn tối, Don Bosco cho đọc trong phòng ăn một bức thư của đức cha giáo phận Spoleto, trong đó đức cha khen Don Bosco hết mình. Cha Francesia luôn luôn bên cạnh Don Bosco đã công khai hỏi ngài rằng: “Cha không tự mãn khi nghe người ta khen cha như vậy sao?”. Don Bosco trả lời: “Con thấy đó! Cha đã quá quen thuộc rồi với đủ mọi thứ nói về cha rồi. Cha cho đọc một lá thư với đầy lời khen, cũng như một lá thư khác đầy lời lăng mạ. Khi nhận được một thư khen ngợi, cha thường thích đặt nó với những lá thư khác sặc mùi lăng mạ, rồi cha nói: đây này, các lý lẽ của loài người bất đồng với nhau như thế đó. Họ nói gì tùy theo ý họ. Sự phán xét của Chúa mới quan trọng”.

Một người khác, khi Don Bosco đang bàn về việc xây cất nhà thờ Đức Mẹ Phù Hộ, đã kêu lên: “Don Bosco qủa là gan lỳ: không tiền bạc, giữa một xã hội tham lam và hám lợi, mà lại xây nhà thờ. Thật là thách thức Chúa quan phòng. Ngài không sợ dở dang công việc sao?”. Don Bosco nói: “Khi muốn làm gì, thì trước hết chúng ta phải xem công việc có làm vinh danh Chúa không, nếu biết đó là việc làm vinh danh Chúa, thì cứ xúc tiến, đừng sợ và chúng ta sẽ thành công”.

Buổi chiều ngày lễ hôm đó, Don Bosco đã tâm sự với các thầy tư giáo và sư huynh đang vây chung quanh rằng: “Cha chỉ sống được hai năm nữa thôi… Nếu chúng con để cha đơn độc thì cha sẽ chết sớm, vì cha đã quyết không dừng bước, cho dù phải chết trên chiến trường. Vậy chúng con hãy giúp cha chiến đấu với tội lỗi…”. Rồi ám chỉ về ngôi đền thờ ngài có ý xây thì ngài nói: “Chẳng gì hơn là làm ma quỷ đọc kinh Suspiciat. Lúc này chúng con hãy cầu nguyện, rồi cha hy vọng sẽ cắt nghĩa mọi sự cho chúng con thấy” (VII, 375-377). Xem bầu khí gia đình như thế, đủ thấy ngài sống tinh thần Phanxicô Salê chừng nào.

Ngày 29 tháng 1 năm 1865, sau khi dọn tâm hồn, như thói quen vốn có với tuần chín ngày và hoa thiêng đặc biệt, ngài bắt đầu long trọng cho bài huấn đức như hàng năm cho các Salêdiêng mà ngài thường làm kể từ khi lập dòng. Trình bày hôm ấy có cha Rua là giám đốc nhà Mirabello, cha Ruffino giám đốc nhà Lanzo và cha Pestarino tuyên úy Con Đức Mẹ Phù Hộ trong tương lai ở Mornese. Don Bosco đã khuyên hãy hết sức quan tâm làm phát triển các Nguyện xá ngày lễ (VIII, 20).

Năm 1866, trong phòng khách của Don Bosco, cha Rua chủ tọa buổi huấn đức vì hôm đó Don Bosco đi đưa đám tang bá tước De Maistre. Cha Rua đã nói về tinh thần gia đình Salêdiêng và ngài khuyên:

  1. Hiệp nhất trong sự hướng dẫn: mọi sự tập trung vào giám đốc. Mọi sự tuỳ thuộc vào ngài. Không được chỉ trích bề trên; các học sinh cần bắt chước các tư giáo: nếu các thầy biết vâng lời, thì chúng cũng làm như vậy.
  2. Hiệp nhất trong tinh thần bác ái: một tư giáo không bao giờ nói xấu một tư giáo khác, luôn luôn giúp đỡ nhau, chịu đựng lẫn nhau, yêu thương nhau như anh em.
  3. Hiệp nhất trong của cải vật chất: không ai vịn cớ này cớ khác để có luật trừ nơi phòng riêng, trong đồ ăn, trong khi hộ trực, nếu không có những lý do đặc biệt.
  4. Về đức khiết tịnh: rất lưu tâm trong khi giao tiếp với giới trẻ: hãy nhớ rằng nhân đức thiên thần này là sự vinh quang và là triều thiên của chúng ta; hãy thực hành các phương pháp của thánh Philip Nêri để giữ nhân đức này (VIII, 297).

Các điểm trọng tâm mà Don Bosco vạch ra, cho thấy phương pháp đào luyện Salêdiêng và gia đình, hoàn toàn ăn hợp với tinh thần của thánh quan thầy.

Trong bài nói chuyện cho các giám đốc và các hội viên Salêdiêng năm 1868, Don Bosco đã có thể báo tin về đức giám mục địa phận Casale Monferrato, đức cha Ferré, đã chính thức cho lập nhà dòng Salêdiêng trong địa phận của ngài theo sắc lệnh ngày 19 tháng 1. Ngài đã chấp thuận các công cuộc của cha Pestarino và của nữ tu Maria Mazzarello với các nữ tu khác, để lôi kéo giới trẻ khỏi mối nguy hiểm luân lý ở Mornese. Trong các lời khuyên thì có lời này về việc sửa dạy các trẻ cứng cổ: “Các bề trên hãy gọi chúng riêng ra, thân tình tỏ cho chúng sự thất vọng vì hạnh kiểm xấu của chúng, khích lệ chúng sửa mình và đồng thời trao chúng cho thầy giáo của chúng săn sóc, các thầy giáo này quan tâm thường xuyên để kéo chúng ra khỏi những thói xấu của chúng” (IX, 67). Nhắc lại cái chết của hai hội viên gương mẫu, ngài khen ngợi: Thầy Giuseppe Mazzarello có tính tình tốt, nghiêm chỉnh trong các quyết định, và có tinh thần vâng lời. Còn cha Enrico Bonetti biết thắng chính minh và vượt qua mọi sự khó khăn, cho dù ngài có tính nóng (IX, 68).

Ngài khích lệ các tu sĩ Salêdiêng làm nhiều hy sinh vì lòng mến Chúa trong khi nhắc lại cho họ giấc mơ giàn hoa hồng. Ngài giải thích rằng không những các hội viên phải bước đi trên gai nhọn của những thiếu thốn và mệt nhọc, mà còn bị gai nhọn của các chướng ngại và mâu thuẫn đâm trong những công việc của họ. Ngài kết luận: “Nhưng chúng ta hãy can đảm và kiên trì chiến đấu. Với ơn Chúa, chúng ta sẽ toàn thắng mọi sự. Chỉ với sự vất vả lớn lao mới có những thành công lớn lao. Vòm hoa hồng là phần thưởng trên trời của chúng ta và chỉ vì phần thưởng đó mà chúng ta dùng hết sức để chiếm lấy”. Sau cùng ngài khích lệ tất cả hãy gia tăng nhân sự bằng việc chăm sóc ơn gọi (IX, 69).

Ngày lễ thánh Phanxicô Salê năm 1869 được tổ chức rất long trọng, bởi vì Don Bosco trở về từ Roma với sắc lệnh phê chuẩn Tu Hội Salêdiêng ngày 1 tháng 3 năm 1869. Ngày lễ được dịch lại vào ngày 7 tháng 3 năm ấy tại tân thánh đường dâng kính Đức Mẹ Phù Hộ đã được thánh hiến trước đó một năm. Hôm đó, Don Bosco đã mời cha Leonardo Murialdo giảng về thánh Phanxicô Salê và đức cha Balma chủ tọa chầu Thánh Thể.

Sau bữa ăn trưa, phòng học biến thành rạp hát, và trong cuộc vui người ta hát một bài của cha Cagliero với ban nhạc. Gastini làm vui mọi người bằng một vũ điệu và sáu thiếu niên người Calabria hát một bài ca Napolitana. Vào buổi chiều có chơi lôtô và trưng đèn khắp nơi. Sau kinh tối là bài huấn đức của Don Bosco cho các giám đốc và các tu sĩ Salêdiêng về sự phê nhận Tu Hội, về những năng quyền đựơc ban và về các lời khuyên của đức thánh cha Pio IX (IX, 561 – 567).

Trong các quyết nghị đến từ cuộc họp năm 1873, Don Bosco đã quyết định: lễ thánh Phanxicô Salê phải được cử hành trọng thể bao có thể tại mỗi nhà trong toàn thể Tu hội. Riêng Nguyện xá Torino thì cử hành lễ đúng ngày. Còn các nhà khác thì cử hành vào Chúa nhật liền sau đó (X, 1115).

Vào ngày đầu của tuần chín ngày năm 1876, Don Bosco đã nói bài huấn từ tối rất quan trọng. Ngài khích lệ các thiếu niên đi chịu lễ sốt sắng, xưng tội đều đặn, năng nghĩ về ơn kêu gọi và bắt chước thánh Phanxicô Salê. Ngài nói: “Lễ thánh Phanxicô Salê là lễ bổn mạng của chúng ta, nghĩa là lễ của đấng thánh được lấy đặt tên cho Nguyện xá, vì thế mới được gọi là Nguyện xá thánh Phanxicô Salê. Vậy chúng ta phải tổ chức lễ ngài long trọng và sốt sắng bao có thể. Vì thế mỗi người trong tuần 9 ngày phải sửa soạn tốt để sinh ích cho linh hồn mình. Mỗi người phải thanh toán chuyện lương tâm để có thể chịu lễ hàng ngày. Cha nói cho chúng con về vấn đề năng chịu lễ, hãy đến gặp các cha giải tội và ngài sẽ định cho chúng con số lần chịu lễ. Nhưng điều quan trọng là giữ lương tâm trong sạch để có thể đi chịu lễ hàng ngày”.

Ngài cũng than phiền rằng có mấy thiếu niên vào phòng áo không phải để xưng tội nhưng để cho ấm hơn. Ngài nói: “Cho đến giờ thì cũng chẳng có gì là xấu khi tìm cách tránh lạnh, vì ai lạnh quá sẽ không làm gì được. Nhưng không phải đây là lý do. Nếu nhà thờ lạnh quá thì làm như vậy có lý. Nhưng nhà thờ khá ấm, nên cái chuyện trốn đọc kinh chung, vào phòng thánh ngồi, không thể khen được. Nếu có ai cảm thấy lạnh quá, hãy nói cho cha hay cha Chiala hay cha Sala để chúng ta có thể cung cấp cho họ một lò sưởi nhỏ trong nhà thờ” (XII, 30-31).

Cái lối sửa lỗi hay biết mấy! Qủa là trường dạy Salêdiêng thực tiễn!… Nhưng chúng ta tiếp tục khám phá. Sau khi cho những quy tắc để xưng tội nên và khuyên bảo về ơn gọi, ngài nói tiếp: “Bây giờ cha phải đề nghị cho chúng con làm gì để tôn kính vị thánh của chúng ta? Thánh Phanxicô Salê như chúng con biết là một vị thánh có lòng hiền lành và kiên nhẫn. Vậy trong tuần chín ngày này, cha muốn chúng con ra sức bắt chước các nhân đức này. Cha muốn các con làm cho mình thành dịu dàng tận sâu trong lòng, nhân đức ấy thúc đẩy tâm hồn chúng con luôn biết yêu mến các bạn, không bao giờ nổi giận, không chửi bới lăng mạ, luôn luôn làm tốt cho người ta, và không bao giờ làm sự dữ cho ai. Vậy cha muốn chúng con thực hành tình yêu này đối với bạn bè bằng những lời khuyên tốt, và không bao giờ, như người đời vẫn hay làm, xúi giục người khác làm sự xấu.

Có người quyết định sống tốt, nhưng có một người bạn xúi anh làm xấu, như đừng tha thứ, đừng vâng lời, đừng nộp cho bề trên một cuốn sách xấu, không đi lại với mấy người bạn gương mẫu, lánh mặt bề trên, không nghe theo lời khuyên của các ngài và như vậy một người trước đây có nhiều thiện chí, bây giờ rơi vào điều xấu vì những lời xúi giục xấu xa của một người bạn. Ngược lại, hãy tin cha đi, nếu một người biết lựa thời cơ đúng lúc đúng nơi, chân tình khuyên bảo một ngươi bạn làm tốt, thì họ làm được một việc lành cả thể. Thông thường, người bạn, chẳng cân nhắc khi làm điều xấu, nó thực hiện gần như không suy nghĩ gì cả, nếu được tiếng nói thân tình cảnh tỉnh, nó sẽ rút lại; khi đó sự dữ giảm bớt đi và sự tốt tăng lên. Oi trong tuần 9 ngày này, chúng con thực thi lời cha khuyên chúng con và kéo dài hết năm học cũng như trong suốt đời sống chúng con, thì chúng con đã làm bao nhiêu sự lành cho chính chúng con và cho bạn hữu chúng con.

Còn lại là hoa thiêng cha cho chúng con. Đang trong mùa lạnh, để làm hoa thiêng tôn kính thánh Phanxicô Salê, cha muốn rằng trong suốt tuần chín ngày chúng con hãy chịu lạnh, chịu khí hậu ẩm thấp và những bất tiện khác mà không kêu ca phàn nàn. Mỗi khi chúng con phải chịu đựng một vài sự khó như ốm đau, khinh bỉ, xúc phạm thì các con hãy nói rằng: Vì tình yêu Chúa. Và Chúa sẽ rất hài lòng với chúng con, với lời cầu khẩn của thánh Phanxicô Salê, ngài sẽ chúc lành cho chúng con. Ai muốn làm những việc đạo đức khác thì cứ làm và họ sẽ làm tốt, nhất là khi bắt chước thánh nhân trong thinh lặng, trong sự tiết độ và trong lời nói tế nhị không xúc phạm đến các bạn nữa”. (XII, 32 – 33).

Giấc mơ của Don Bosco kể lại ngày 9 tháng 5 năm 1879 cũng hợp với tinh thần Salêdiêng. Lúc đó thánh nhân đang đứng quan sát một trận chiến ác liệt giữa các thiếu niên với những người lính chiến đủ loại, dưới nhiều hình thức, với những võ khí lạ kỳ. Rồi có một trận chiến khác ác liệt hơn diễn ra giữa các muông thú to lớn chống lại những người cũng to lớn được vũ trang đầy đủ và được tập luyện kỹ càng. Những người này có một cờ hiệu rất cao và rộng với những dòng chữ viết bằng vàng: Maria Auxilium Christianorum. Trận chiến thì dài và đổ máu, nhưng những người nào theo sau cờ hiệu thì không bị thương và họ làm chủ một cánh đồng rất rộng rãi. Rồi các thiếu niên sống sót trong trận chiến đầu tiên đều nhập bọn với những người này và họ làm thành một đạo binh đặc biệt. Tay phải mỗi người mang một Thánh giá thay vũ khí, còn tay trái thì mang cờ hiệu Đức Mẹ Phù Hộ giống mẫu nói trên. Những tân binh này làm nhiều công trình trong cánh đồng bao la ấy rồi chia ra và trẩy đi, người thì đi về hướng đông, một ít đi về hướng bắc, rất nhiều người về hướng nam… Tiếp theo đó là những trận chiến khác, và một cơn mưa lửa hãi hùng xảy đến, sấm chớp ầm ầm rồi bầu trời trở lại trạng thái yên hàn. Lúc đó,  Don Bosco thấy như mình đang đứng trong một khu vườn rất thú vị, ngài thấy hiện ra một người có diện mạo như thánh Phanxicô Salê và trao cho ngài một cuốn sách để đọc, nội dung sách gồm có những qui tắc về nhiều lãnh vực. Chúng ta đã nói tới vài quy tắc, đây chỉ đề cập hai điểm:

Đối với các tập sinh: Vâng lời trong mọi sự, vâng lời đem lại phúc lành của Chúa và ích lợi cho con người. Với lòng kiên nhẫn họ chiến đấu và chiến thắng những cạm bẫy của kẻ thù thiêng liêng.

Đối với các người đã khấn dòng: Tuyệt đối gìn giữ nhân đức khiết tịnh. Giữ thể diện cho các hội viên và đề cao danh giá của Tu hội.

Giấc mơ kết thúc bằng cách chỉ cho Don Bosco chiếc quan tài đã được sửa soạn sẵn cho ngài cùng với lời khuyến cáo này: Bao lâu cha còn sống, cha phải làm cho người ta thực hành điều cha muốn các con cái của cha thực hành sau này (XIV, 123-125).

Giấc mơ ám chỉ đến những cuộc đấu tranh để theo đuổi và trung thành sống trong ơn kêu gọi. Để khích lệ các học sinh lớp 9 lớp 10 của trường trung học Borgo San Martino ngày 17 tháng 6 năm 1879 ngài đã viết cho chúng về đề tài này và ngài kết luận: “Nền tảng của đời sống hạnh phúc của một thiếu niên là năng chịu lễ và mỗi ngày thứ bảy đọc kinh kính Mẹ Maria rất thánh để xin ơn chọn bậc sống, như in sẵn trong cuốn Il Giovane Provveduto” (XIV, 126).

Cả đối với các Cộng tác viên Salêdiêng, ngoài những cử hành phụng vụ ngày lễ để cổ võ lòng tôn sùng thánh Phanxicô Salê và Đức Maria rất thánh, Don Bosco cũng ấn định một bài huấn đức hằng năm vào ngày lễ thánh Phanxicô Salê, và một bài khác vào ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ để bàn về sứ mệnh của họ trong thế giới theo những nhu cầu của thời đại.

Vào năm 1886, Don Bosco không thể giảng được, nhưng ngài cũng cố gắng chủ sự nghi thức trong nhà thờ thánh Gioan tông đồ tại Torino, kết thúc với việc ban phép lành Thánh thể. Cha Bonetti nói bài huấn đức. Nhưng vào buổi chiều ngày lễ thánh Phanxicô Salê, tức là ngày 29 tháng 1 năm 1886, Don Bosco đã nhận được một sự an ủi lớn. Từ lâu, khi không thể xuống nhà thờ được thì Don Bosco thường cử hành thánh lễ trên một bàn thờ nhỏ liền với một cái tủ trong phòng của ngài. Nhưng năm ấy thầy Viglietti đã đạt được ý nguyện là sửa một cái phòng bên cạnh phòng làm việc của Don Bosco thành một nhà nguyện nhỏ có một cái bàn thờ xứng đáng. Nhân dịp đó đức Hồng y Gaetano Alimonda tới thăm đúng vào buổi tối ngày lễ, nên Don Bosco xin ngài làm phép nhà nguyện. Đức Hồng y vui lòng nhận ngay và vây quanh ngài còn có đức cha giáo phận Ivrea, một số linh mục và một số nhân vật quan trọng đến thăm Don Bosco (XVIII, 24). Nhà nguyện đó ngày nay vẫn còn là nơi cầu nguyện của rất nhiều tu sĩ Salêdiêng và khách hành hương.

Một vị Hồng y khác tên là Lucido Maria Paroccchi, là vị Tổng Đại diện của đức giáo hoàng ở Roma, ngày 14 tháng 5 năm 1887, sau khi thánh hiến nhà thờ Thánh Tâm Chúa ở Rôma thuộc dòng Salêdiêng, với tính cách là người bảo trợ cho Tu hội nên ngài đã tặng một bàn thờ dâng kính thánh Phanxicô Salê cho vương cung thánh đường của chúng ta tại Roma (XVIII, 338).

Vào ngày lễ thánh Phanxicô Salê năm 1888 trong khi tại nhà thờ Đức Mẹ Phù Hộ, đức giám mục giáo phận Susa, tức đầy tớ Chúa Rosaz, đang cử hành các nghi lễ trọng thể, thì Don Bosco rước của ăn đàng do cha Viglietti là thư ký của ngài. Lúc đó, cha Sala đeo một dây Stola vào cổ ngài và trải tấm vài trắng trên giường của ngài. Và cha Sala đâm ra lo sợ vì hình như Don Bosco đã bất tỉnh. Nhưng khi cha Viglietti vừa mới đọc câu Corpus Domini nostri Jesu Christi thì ngài mở mắt ra chăm chú nhìn vào Thánh Thể, chắp tay lại và nhìn Mình thánh, và đầy vẻ trang nghiêm sốt sắng ngài tạ ơn Chúa trong khi nhắc lại những lời cầu xin do cha Sala đọc trước (XVIII, 435).

Hai ngày sau đó, ngài tạ thế, kết thúc một cuộc đời trải qua trong sự kết hợp cùng Thiên Chúa, thao thức trong tình yêu Thánh Thể, luôn chiến đấu dưới cờ hiệu Đức Mẹ Phù Hộ, trong tinh thần của thánh Phanxicô Salê.

Những nẻo đường của Chúa thật kỳ diệu! Cách nhau ba thế kỷ mà một đứa trẻ nghèo nàn đã thâu nhặt được một ngọn lửa từ một gia đình quý tộc để thắp sáng cho mình một lò lửa lớn trong suốt đời sống. Như vậy, tinh thần phúc âm không phân biệt giai cấp. Và nơi đâu tinh thần đó thổi tới, thì đều thực hiện những điều kỳ diệu. Don Bosco, giống như thánh Phanxicô Salê, đã phục vụ các linh hồn với sự ưu ái dành cho những người nhỏ bé và nghèo khổ.

Cũng như thánh Phanxicô Salê, Don Bosco đã giáo dục những thế hệ trẻ một lòng đạo đức chân thật và một tinh thần tông đồ nhiệt thành. Như thánh Phanxicô Salê, ngài đã phân phát lời Chúa bằng lời nói và bằng ngòi bút, truyền bá sách báo tốt, để bảo vệ đức tin công giáo của dân công giáo, để cho được tinh ròng và toàn vẹn đứng trước lạc giáo, bảo vệ Giáo hội và quyền bính của đức thánh cha, để đào tạo các tâm hồn ưu tú, chọn ngay trong các thiếu niên để đạt tới sự thánh thiện và lòng nhiệt thành tông đồ.

Trong sứ mệnh phức tạp này, Don Bosco, giống như thánh Phanxicô Salê, chiếu tỏa thứ sự dịu dàng đáng mến chinh phục các tâm hồn.

Kể cả những điều khác, các ngài cũng luôn giống nhau! Ngài cũng biết đến thế nào là thù địch, vô ơn, hiểu lầm và giả dối, những sự lạ lùng và những khiếm khuyết; nhưng không bao giờ thiếu lòng bác ái trong tâm hồn và sự dịu hiền trong cư xử, đứng trước những tâm hồn cứng cỏi chống lại sự tốt lành của ngài.

Nhân vật kỳ lạ đã nói cho ngài ngay từ trong giấc mơ đầu tiên rằng ngài phải coi những đứa trẻ bướng bỉnh và hay gây gỗ như bạn thân, và phải chinh phục chúng bằng sự dịu dàng: “Con phải chiếm được lòng những người bạn này của con không phải bằng võ lực, nhưng bằng lòng nhân từ và bác ái” (I, 124). Và ngài đã không bao giờ quên điều đó. Khi nói đùa với một bạn chủng sinh cùng có tên Bosco, ngài nói: “Tên tôi là Bosco Sales (mà thổ âm Piedmont có nghĩa là rừng cây salice, một thứ cây gỗ mềm và dẻo). Có lẽ ngài muốn ám chỉ lòng mộ mến thánh Phanxicô Salê cách đặc biệt (I, 406).

Khi làm lễ mở tay, trong số những điều dốc quyết, Don Bosco đã làm điều này: “Lòng bác ái và sự dịu dàng của thánh Phanxicô Salê hướng dẫn tôi trong mọi sự” (I, 518). Trong khi nêu gương sáng, thì Don Bosco cũng khuyên những người cộng sự của ngài làm như vậy. Trong một bức thư viết đi từ Castelnuovo là nơi ngài bó buộc phải nghỉ ngơi hai tháng sau cơn bệnh nặng 1846 bức thư đề ngày 31 tháng 8 gởi cho cha Borel là người thay thế ngài trong Nguyện xá lúc đó ở nhà Pinardi: “Mượn cha Trivero coi Nguyện xá cũng được, nhưng phải chú ý, vì ngài xử với trẻ gay gắt quá nên có một số chán ngài. Cha ấy hãy nêm dầu vào trong các món ăn trong Nguyện xá của chúng ta” (II, 506). Cha Trivero, là một linh mục rất tốt, khi nào ngài có thể, ngài cộng tác với cha Borel, nhưng tính ngài hơi nóng.

Don Bosco cư xử với các thiếu niên thế nào, thì cũng như cư xử với những người chống đối và nhất là với những người lạc giáo như vậy. Cha Anfossi nói rằng: “Nhiều lần tôi đã được tham dự các cuộc bàn cãi của Don Bosco. Các lý chứng của ngài đưa ra rất tế nhị: thấy rõ ràng ngài không chỉ học tập để biện bác những lỗi lầm của thệ phản, nhưng dường như có một thứ ánh sáng đặc biệt tỏa chiếu từ trời, từ lòng bác ái lớn lao trong khi cư xử với những người khác. Nhóm thệ phản thì cư xử không được lịch thiệp với ngài, nhưng ngài luôn đáp lại họ bằng sự dịu dàng. Ngài nói đây là nhân đức rất cần khi cư xử với những người rối đạo” (IV, 348). Cũng như thánh Phanxicô Salê, dù rất giỏi về khoa lý luận, ngài chiếm được những kẻ rối đạo bằng sự dịu dàng hơn là bằng khoa học. Sức mạnh của lý luận mà không có sự dịu dàng thì chẳng bao giờ chinh phục được ai (IV, 348).

Khi Tu hội đã được thành hình, Don Bosco không ngừng lấy tình cha nhấn mạnh cho các Salêdiêng luyện tập nhân đức này. Với những người có tính cứng cỏi ngài khuyên: “Cha muốn rằng từ nay trở đi con phải chiếm được lòng người mà không cần nói. Nếu phải nói, thì lời nói của con phải luôn luôn dịu dàng” (VIII, 490). Với người khác ngài nói: “Con hãy nhớ rằng như con ruồi không thèm nếm dấm chua đâu!” Một ngày kia ngài gọi cha Rua lúc đó là quản lý của Nguyện xá để nói chuyện: “Con thân mến, con hãy nghe, con phải đi buôn dầu!” Cha Rua không hiểu gì nên đáp lại: “Buôn dầu ư!”.. “Phải, buôn dầu”. “Nhưng thưa Don Bosco, con là tu sĩ!” “Đúng thế, Con không phải là quản lý, nguời trông coi việc sửa chữa trong nhà sao? Bây giờ cha nghe thấy những tiếng kêu cọt kẹt, chỉ cần đỗ một ít dầu vào bản lề là mọi sự đều trôi chảy. Vậy con thấy các trẻ trong nhà cũng kêu cọt kẹt tương tự. Nào chúng ta hiểu nhau rồi chứ? Khi cư xử với chúng, con đừng quên làm nghề buôn dầu, hay đúng hơn, phải buôn dầu” (VIII, 490). Cha Rua đã hiểu điều đó và mọi người đều nhận thấy ràng ngài đã cố gắng hết sức để tỏ ra rất đáng yêu cả trong những đòi hỏi chính đáng của bổn phận.

Chúng ta cũng đã nói đến nguyên tắc tông đồ vĩ đại của ngài: “Để làm việc lành, cần phải can đảm, sẵn sàng chịu đựng bất cứ hy sinh nào. Đừng làm đau khổ ai cả và phải luôn đáng mến”. Ngài còn thêm vào sau đó những lời này: “Với phương pháp này cha đã gặt hái được những kết quả rất khích lệ, phải nói là lớn lao. Ngày nay cũng vậy, bất cứ ai cũng có thể thành công như cha, miễn là có sự dễ tính và dịu dàng của thánh Phanxicô Salê!” Khi nhớ lại khoảng thời gian đầu, ngài đã kêu lên: “Ôi, thời kỳ đó đẹp đẽ chừng nào” (III, 52).

Khi phải khiển trách, ngài chỉ làm điều này với những kẻ thô tục, bướng bỉnh ăn nói phạm thượng hay những kẻ nói chuyện vô luân, khi ấy mọi người đều nhận thấy rằng không bao giờ ngài hành động vì tức giận: vì ngài có sự dịu dàng trong mọi lúc (III, 115). Thực ra bên trong không phải là ngài không cảm thấy gì, nhưng ngài đã chế ngự đuợc. Cha Giacomelli là bạn thân của Don Bosco ngay từ khi còn ở trong chủng viện, và sau khi cha Giuse Cafasso qua đời, đã trở thành cha giải tội của Don Bosco, đã làm chứng điều đó. Một ngày kia, thấy Don Bosco bối rối, mặt thì đỏ lên vừa chạy theo hai đứa trẻ vừa nói: “Này, đây là lần thứ hai cha trông thấy con sai lỗi”. Và sau khi nắm được hai đứa trẻ ranh ấy, Don Bosco biện minh: “Cha muốn gì? Hai đứa idễm phúc này tìm cách bỏ trốn nhà thờ để đi chơi!”. Thì ra lúc đó là giờ đọc kinh, mấy đứa trẻ tinh nghịch, sau khi chơi xong, tìm cách trốn khỏi Nguyện xá ngay (III, 121).

Đối với những kẻ hay giận dỗi thì ngài rất dè dặt lời nói. Tuy nhiên khi bổn phận đòi hỏi thì ngài luôn luôn nói hơn một lần để khỏi mắc bệnh ù lỳ. Đặc biệt với các em ca sĩ và kịch si, ngài thường nói: “Sự kiên nhẫn giải quyết được nhiều vấn đề” (III, 147).

Đây là lời chứng của cha Giacomelli để lại cho những ai muốn bắt chước Don Bosco: “Các thiếu niên từng đoàn từng lũ đến với Don Bosco và chúng trở nên tốt hơn và chăm chỉ hơn. Mọi mệnh lệnh, mọi lời nhắc nhở và những sửa chữa của ngài đều có đức ái đồng hành. Như vậy, ngài chứng tỏ cho các thiếu niên biết rằng ngài chỉ tìm ích lợi cho chúng. Ngài đã lường trước những thiếu sót của chúng, không dùng hình phạt trước những khuyết điểm của chúng. Đáp lại, các thiếu niên rất yêu mến ngài, rất kính phục ngài và chỉ cần ngài tỏ ý muốn là chúng sẵn sàng vâng lời. Ngài hết sức tránh việc làm cho một đứa trẻ bất mãn. Nhờ đó mà sự vâng phục của đứa trẻ không có tính cách sợ sệt, nhưng do lòng hiếu thảo chân thật. Có một số em để ý tránh được những lỗi phạm gần như vì kính nể Don Bosco hơn là vì Chúa. Nhưng Don Bosco khi biết điều đó đã thẳng thắn trách chúng và nói rằng: “Thiên Chúa tuyệt đối cao hơn Don Bosco”. Điều làm cho tôi ngạc nhiên hơn cả là thấy đám trẻ nghèo và thiếu học ở Nguyện xá cứ tạo ra hết chuyện này đến chuyện kia, cần phải đổi mới suy nghĩ và thói quen của chúng. Nhờ sự kiên nhẫn và tinh thần hy sinh ngài đã dần dần thắng được tất cả… Ngài cũng dùng phương pháp đó để đối sử với các học sinh nội trú… Khi chúng chu toàn bổn phận thì ngài cũng thích cho chúng giải trí bằng các trò thể dục và nói rằng sự chơi đùa giải trí cũng là một việc có giá trị trước mặt Chúa. Ngài cấm các thứ trò chơi đòi phải chú ý qúa mức và ít vận động (những trò chơi trong nhà của giới trưởng giả); cũng như cấm những trò chơi có thể gây hại tới thân thể và luân lý. Ngài thường nói với các học sinh rằng: “Chúng con cứ hò hét, chạy nhảy, miễn là đừng phạm tội”. Chính ngài cũng làm gương, luôn tỏ ra vui vẻ và tìm mọi cách cho chúng vui, ngài tham dự trò chơi giải trí với chúng, đưa chúng đi dạo và ngài cũng thường dẫn chúng viếng những nơi thánh… Nếu có em nào sai lỗi điều gì nặng, thì ngài tỏ ra rất buồn và ngăn cản không để điều gì bất hạnh xảy ra cho em, ngài đau đớn nói với người lỗi phạm: “Tại sao con dám làm một sự xấu như vậy với Thiên Chúa là đấng luôn yêu thương ta?”. Và lúc đó tôi thấy ngài khóc (III, 585- 587).

Ngài khuyên các Salêdiêng: “Nên biết rằng các trẻ lỗi phạm vì tính linh động nhiều hơn là vì ác ý, chúng sai lỗi vì thiếu người trông coi hơn là vì có ý đồ xấu. Vậy, cần để tâm chăm sóc chúng, tham dự những trò chơi của chúng, hộ trực chúng, đừng tỏ vẻ người lớn với chúng, lượng thứ những ồn ào và khó chịu chúng gây ra” (IV, 553).

Trong Hồi sử cuốn VI trang 538 có những lời quý giá của đức hồng y Cagliero: “Nhiều năm sống bên cạnh ngài, tôi nhận thấy ngài có một tâm hồn bình tĩnh và rộng rãi trong việc đối phó với biết bao nhiêu chống đối, cốt để tìm vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn. Ngài không bao giờ mất bình tĩnh và có sự dịu dàng trong lòng cũng như trong trí, ngay cả khi đứng trước sự lăng mạ vô ơn, sức ép trong công việc, những cuộc tấn công trên cá nhân ngài cũng như vào Tu hội. Ngài thường nói cho chúng tôi rằng: Est Deus in Israel – có Thiên Chúa ở với Israel, ta chẳng sợ gì “.

Ngoài ra còn có những chứng minh khác của cha Rua, cha Berto, cha Turchi: “Don Bosco đã chứng tỏ một đức ái cao vời qua việc tha thứ những kẻ xúc phạm công khai cũng như riêng tư, trong việc đối xử dịu dàng với kẻ xúc phạm và cầu nguyện cho họ; ngài không nhớ chi những xúc phạm ấy. Ngài đã đưa ra cho các học sinh của ngài những nguyên tắc này: “Sẵn sàng xét đoán tốt về người chung quanh, và khi không có thể xét tốt cho họ được, thì hãy tha thứ. Đừng bao giờ nhắc lại những lỗi lầm đã được tha thứ. Hãy làm lành cho mọi người và đừng làm xấu cho bất cứ ai” (VI, 691).

Cho dù tình yêu thương của ngài rất dịu dàng, ngày 24 tháng 12 năm 1860 trong bài huấn từ tối, ngài cũng phải kêu trách về mấy học sinh có thói lẩn trốn ngài: “Cha có một điều để nói mà thực ra cha không muốn nói, nhưng cha bó buộc phải nói. Đó là có một số thiếu niên từ đầu năm có mặt ở Nguyện xá mà hầu như cha không hề biết. Điều này cha buồn lắm. Trong nhà này có hai thái cực. Một số thì luôn gần cha, số khác thì không những không đến gần mà khi vừa trông thấy cha thì trốn ngay. Điều này làm cha đau đớn và chúng con muốn biết lý do tại sao không? Chúng con hãy tự hỏi tại sao một người cha lại muốn trông thấy các con thân yêu của mình. Đối với cha, còn hơn cả tình yêu một người cha, cha muốn và ao ước cứu rỗi linh hồn các con; vì thế, cha ao ước nhìn thấy các trẻ đó để nói cho chúng đôi lời. Tóm lại, các con có muốn cha nói cho chúng con nhiều hơn không? Có những người phải chỉnh đốn việc linh hồn của mình mà cha không thể gặp được họ. Cha gọi chúng đến thì chúng không đến. Có lẽ cần phải đe doạ chúng không? Vậy nên, không phải cha ước ao chúng phải luôn bên cạnh cha, trái lại cha muốn chúng vui chơi trọn giờ chơi. Điều cha ao ước chỉ là chúng không chạy trốn khi cha gặp chúng…” (VI, 889).

Hôm đó, khi các học sinh đã đi ngủ, thì theo thói quen thời đó, Don Bosco nói chuyện với các hội viên trong chính phòng khách và ngài nói cho họ về đức ái: “Phải cư xử làm sao để bất cứ ai đến gặp chúng ta khi ra đi cũng bằng lòng. Chớ gì mỗi lần chúng ta nói chuyện với người nào, thì thì chúng ta có thêm một người bạn. Bởi vì chúng ta phải tăng thêm số bạn bè và bớt đi con số kẻ thù và chúng ta phải làm điều tốt cho mọi người. Chúng ta phải tiếp đón tử tế với sự dịu dàng những người xa lạ, dù họ là người sang trọng hay nghèo hèn. Hơn nữa, người hèn kém lại cần phải được tiếp đón tử tế hơn. Đối với các thiếu niên chúng ta phải có lòng bác ái và luôn dịu dàng; sao cho đừng để người ta nói về ai trong chúng ta rằng: người này người kia khắt khe và nóng tính. Không!. Đây không bao giờ có thể là ý tưởng mà các thiếu niên nghĩ về bất cứ ai trong chúng ta. Nếu chúng ta phải khiển trách em nào, chúng ta sẽ làm riêng với em đó, hãy làm sao để em đó thấy được điều xấu đã làm, làm mất danh dự của em, tai hại cho em và xúc phạm đến Chúa. Làm khác đi, em sẽ cúi đầu trước lời nói của chúng ta, sẽ run sợ, nhưng sẽ luôn trốn tránh chúng ta và những lời khuyên của chúng ta sẽ công hiệu rất ít… Đặc biệt giữa chúng ta cũng phải dùng đức ái mà cư xử với nhau. Khi có ai phải nói với một người bạn điều gì, thì nói ngay không sợ sệt. Đừng bao giờ giữ sự uất ức trong lòng. Cha nói thế có không phù hợp chăng? Không đâu, cứ nói ngay…” (VI, 890 -891).

Vào tháng 4 năm 1876, Don Bosco đã mơ một giấc mơ kỳ lạ. Ngài thấy mình đang ở trên quả đồi tại quê nhà và trông thấy đức thánh cha Pio IX đi bộ tiến lại gần. Ngài kêu lên: “Làm sao, đức thánh cha không có xe sao?” Đức thánh cha trả lời: “Chiếc xe của ta là sự trung thành, là sức mạnh, và là sự êm dịu” (XII). Vậy sự dịu dàng cũng là nhân đức đặc biệt  của đức thánh cha Pio IX người đồng sáng lập Tu hội Salêdiêng với Don Bosco.

Ngày 18 tháng 9 năm đó Don Bosco đã giảng tĩnh tâm cho các hội viên ở trường trung học Lanzo Torinese và ngài đã nói đến sự kiên nhẫn cần thiết để hoàn thành bổn phận của mình. Sau khi đã nói đến sự kiên nhẫn của người thuộc quyền, ngài nói tới sự kiên nhẫn của các bề trên: “Một vị bề trên lại càng phải kiên nhẫn hơn. Nếu ngài biết áp dụng điều này, thì những người dưới sẽ nói  rằng: ‘Chúng ta rất đông, còn ngài thì chỉ có một mình; chúng ta mỗi người kiên nhẫn một chút, còn bề trên thì đối diện với tất cả và phải kiên nhẫn với tất cả mọi người’. Vì thế các bề trên, cho dù còn rất trẻ, đôi khi cũng phải hạ mình xuống trước người này hay trước người khác, nhiều lần cũng phải biết cắn rằng chịu đựng, khi thì vì người khác thiếu khả năng, khi thì vì thiếu ý chí và tự phát hay ngay cả đôi khi thấy có ác ý. Nhưng có phải vì thế mà cắt đứt liên lạc với kẻ ấy, hay trong việc đó, để mặc sự việc hay không? Cha biết rằng sẽ có nhiều lần muốn hoặc khiển trách hoặc đuổi họ đi ngay hoặc làm gì đó, nhưng đây chính là lúc phải có tính kiên nhẫn hay đúng hơn phải sống đức ái theo hương vị thánh Phanxicô Salê: hiền lành và dịu dàng… Các con không tin rằng chính cha cũng phải trả giá hay sao? Khi trao cho ai một công việc gì hay một nhiệm vụ nào hay sai họ thực hiện điều gì quan trọng hay tế nhị cần cẩn thận, mà họ không đúng giờ hay làm sai, thì cha cũng cảm thấy khó lòng mà giữ nổi bình tĩnh. Cha thú thật với chúng con rằng nhiều lần cha cảm thấy máu cha sôi lên, các giác quan như bừng bừng. Nhưng làm sao đây!. Nóng lên chăng?… Người ta chẳng đạt được gì ngoài sự dở dang và cũng chẳng thể sửa chữa được người dưới nhờ vào sự nóng nảy… Lúc đó hãy suy nghĩ một chút: Trong trường hợp này thánh Phanxicô Salê sẽ cư xử ra sao?” (XII, 455- 456).

Vào buổi kết thúc tuần tĩnh tâm cho các vị trong cuộc xuất phát truyền giáo thứ ba năm 1877, Don Bosco đưa ra những kỷ niệm rút từ giấc mơ hạt dẻ, ngài nói về chất đường nấu mứt hạt giẻ, tạo thành một lớp mỏng bọc lấy hạt giẻ, tượng trưng cho sự dịu dàng. Người bán hạt giẻ nói với ngài: “Nó tượng trưng cho sự dịu dàng của vị thánh mà các ngươi coi như gương mẫu để bắt chước. Lớp đường trắng như tuyết có nghĩa là phải đổ mồ hôi, phải vất vả nhiều để giữ được sự dịu dàng và thậm chí đôi khi phải đổ máu mới giữ được nó” (XIII, 303).

Giấc mơ truyền giáo vĩ đại ngày 30 tháng 8 năm 1883 cho ngài thấy cuộc chiến thắng nhờ sự dịu dàng của các vị truyền giáo Salêdiêng tại Mỹ châu La tinh. Don Bosco đã kể giấc mơ này cho ban thượng cố vấn vào ngày 4 tháng 9 và sau đó kể cho các hội viên. Và đây là đoạn kết: “Với sự dịu dàng của thánh Phanxicô Salê, các Salêdiêng đã kéo những người Mỹ châu đến cùng Đức Kitô. Cải tạo họ khỏi sự man rợ vào đường luân lý là điều rất khó khăn; nhưng con cái của họ sẽ sẵn sàng nghe theo các vị truyền giáo, và nhờ thế hệ mới này mà lập được những trung tâm, nếp sống văn minh thay thế cho sự man rợ của họ. Như thế, những người bán khai ấy mới được tham dự vào đoàn chiên của Chúa Kitô” XVI, 394).

Ngày nay, Tu hội ca tụng chiến thắng ban đầu đó bằng những dòng chữ vàng. Chúng ta có thể kết luận bằng cách gợi lại những lời nhấn mạnh đầy tình cha của Don Bosco trong những năm cuối đời.

Vào cuối năm 1879 cũng là chính năm các vị truyền giáo Salêdiêng bước chân vào đất Patagonia và khởi điểm những sứ mệnh truyền giáo. Don Bosco đã nói những lời này như hoa thiêng cho năm 1880:

Cho mọi người: nêu gương sáng bằng lời nói và việc làm. Xa tránh những thói quen ngay cả dù là thói quen không xấu trong những điều không cần thiết; Cho các Giám đốc: hãy kiên nhẫn như ông Gióp; Cho các bề trên: hãy dùng sự dịu dàng của Thánh Phanxicô Salê để cư xử với người khác (XIV, 383).

Ngày 29 tháng 1 năm 1883 lễ thánh Phanxicô Salê, ngài đã gởi cho tất cả các nhà một lá thư luân lưu nói về hình phạt với một số quy luật cho các giám đốc, cho vị quản lý và các thầy giáo để họ sử dụng làm quy tắc trong trường hợp bó buộc phải ra hình phạt trong nhà. Chúng ta đưa ra một số suy tư của ngài:

“Nói chung hệ thống giáo dục mà chúng ta phải áp dụng được gọi là hệ thống dự  phòng, nó hệ tại ở việc làm cho tâm hồn của học sinh chúng ta, không có sự ép buộc nào, phải tự mình thực hiện ý muốn của chúng ta. Với hệ thống này, cha muốn nói với các con rằng không bao giờ được áp dụng những phương thế cưỡng bức, nhưng luôn chỉ dùng đến những phương thế của sự thuyết phục và đức ái…  Trước hết, nếu chúng ta muốn trở thành thân thiết với lợi ích của các học sinh của chúng ta và buộc chúng phải chu toàn bổn phận của chúng, thì không bao giờ được quên rằng chúng ta là đại diện của cha mẹ của những thiếu niên này, vốn cũng là đối tượng yêu thương của những công việc của cha, của sự học hành của cha, của thừa tác vụ linh mục của cha, của cả Tu hội chúng ta. Nếu chúng con muốn trở thành những người cha thật của các trẻ của chúng con thì cần có tấm lòng, không bao giờ nại tới trấn áp hay hình phạt vô lý và bất công, trong cách thức của người đã quen như thế để ép buộc đứa trẻ làm bổn phận…

Thứ bác ái mà cha khuyên chúng con thực hành là đức ái mà thánh Phaolô đã áp dụng cho những người tín hữu mới trở lại, những người nhiều khi làm cho ngài phải khóc và khẩn cầu khi thấy họ không dễ dạy trước thịnh tình của ngài… Cha muốn rằng, người Salêdiêng cũng phải trở nên giống ông Môsê. Ông tìm cách làm nguôi cơn  giận chính đáng của Chúa chống lại dân Do thái. Nếu nói lần đầu mà không có kết quả, thì nên nói với một bề trên nào khác có ảnh hưởng trên kẻ lỗi phạm và rồi nói với Chúa về em… Chúng con hãy kiên vững tìm sự lành và ngăn cản sự dữ, nhưng hãy luôn dịu dàng và khôn ngoan, kiên nhẫn và đáng yêu và chúng con sẽ thấy rằng Chúa sẽ làm cho chúng con làm chủ được cả những tấm lòng chai đá…

Hãy coi những người mà chúng ta phải thực thi quyền hành trên chúng, như là con cái… Vì chúng là con cái chúng ta, nên chúng ta không được nóng giận khi sửa chữa lỗi của chúng, hay ít ra cũng kìm hãm bớt được sự nóng nảy của mình. Đừng xao động tâm hồn, đừng nhìn xem cách khinh khi, không thốt ra lời lăng mạ, nhưng hãy thương cảm và hy vọng vào tương lai… Nhiều khi một sự phó thác cho Chúa, khiêm nhường trước mặt Chúa, giúp ích nhiều hơn là một cơn bão lời nói. Chúng con biết thánh Phanxicô Salê áp dụng quy luật rất ngặt với chính mình, theo đó lưỡi ngài sẽ không nói khi thấy lòng ngài xáo động. Ngài thường nói rằng: ‘Tôi sợ đánh mất trong 15 phút đồng hồ, sự dịu dàng mà tôi phải khổ công tập luyện 20 năm, nó như sương mát cho tâm hồn tôi. Một con ong phải vất vả hàng tháng mới kiếm được một chút mật, mà chỉ đủ một miếng cho một người. Vậy nói với một người vô tâm có ích gì?’ Một ngày kia, ngài bị người ta phàn nàn vì quá nhân từ với một thanh niên đã vô lễ nặng với mẹ nó, ngài nói: ‘Anh này chưa có khả năng lợi dụng sự khiển trách của tôi, tình trạng xấu trong tâm hồn của anh làm cho trí khôn anh ra mù quáng. Một sự sửa chữa cứng cỏi chẳng ích gì cho anh và có khi nguy hiểm cho tôi, nó làm cho tôi đóng vai trò kẻ chết đuối mà đòi vớt người’. Đây là lời của thánh quan thầy chúng ta, một nhà giáo dục tâm hồn đầy hiền lành và khôn ngoan mà cha muốn nhấn mạnh cho chúng con, để quan tâm hơn và in sâu vào trong lòng chúng con. Chúng ta hãy học cách làm cho mình được yêu mến và thấm nhuần tinh thần bổn phận và sự kính sợ Chúa và rồi chúng ta sẽ thấy rất dễ dàng mở cửa các tâm hồn, để chúng cùng chúng ta ca ngợi, chúc tụng Đấng tỏ mình là mẫu sống của chúng ta, là đường đi và là gương mẫu chúng ta trong mọi sự, nhưng đặc biệt trong việc giáo dục giới trẻ” (XVI, 439- 447).

Để bảo đảm tinh thần thánh Phanxicô Salê trong các nhà, ngày 10 tháng 5 năm 1884, từ Roma Don Bosco đã viết: “Đức ái của người ra lệnh và đức ái của người phải vâng lời phải làm cho tinh thần của thánh Phanxicô Salê ngự trị giữa chúng ta” (XVII, 114).

Mùa thu năm đó, có tin từ Ấn Độ về cơn dịch tả càn quét một dân tộc nghèo khổ và lúc đó Don Bosco nói cho cha Lemoyne gởi thư cho một số giám mục nói rằng ngài sẵn sàng tiếp đón các trẻ em nghèo nào mà các vị muốn gởi tới. Ngài nói: “Đức ái không kể tới sự khác biệt chủng tộc và nơi chốn” (XVII, 237).

Sau buổi lễ tấn phong giám mục cho Đức cha Cagliero ngày 13 tháng 12 năm 1884, Don Bosco có một bài nói chuyện với các Salêdiêng, trong đó ngài nhớ lại thời gian ban đầu của Nguyện xá, khi ngài và mẹ Margaritta phải làm mọi sự. Và ngài đã kết luận bằng một lời khuyên của thánh Gioan: “Diligite alterutrum – chúng con hãy yêu thương nhau”. Cha cũng nói cho chúng con là con cái thân yêu của cha như vậy. Chúng con hãy yêu thương nhau, hãy giúp đỡ lẫn nhau trong tinh bác ái, đừng bao giờ có ai giữ lòng thù ghét anh em mình, làm mất danh dự anh em mình bằng những lời nói không hợp. Khốn cho ai làm như vậy! Chúng ta không bao giờ được quên lời của Chúa Giêsu Kitô nói cho các tông đồ của ngai: “Người ta sẽ nhận ra chúng con là môn đệ của thầy, nếu chúng con yêu thương nhau” (XVII, 296- 297).

Ngày 15 tháng 8 năm 1885, Don Bosco viết cho cha Costamagna bên Mỹ châu, nhắn nhủ phải làm sao cho tinh thần Salêdiêng sống động và hướng dẫn mọi hành động và lời nói của chúng ta, ngài nói: “Sự dịu dàng trong lời nói, trong hành động, và trong sự sửa bảo đạt được mọi sự và mọi người” (XVII, 628).

Sau đó bốn ngày, ngài viết cho cha Tomatis là giám đốc trường thánh Nicolas ở Arroyos: “Những nhân đức làm cho con hạnh phúc bây giờ và đời sau là nhân đức khiêm nhường và bác ái. Con hãy luôn là bạn, là cha của các hội viên, con hãy giúp đỡ họ bao có thể về tinh thần và vật chất. Con hãy phục vụ họ trong mọi điều làm có thể vinh danh Thiên Chúa” (XVII, 630).

Vào những ngày đầu tháng 12 năm 1887, ngài đọc cho Đức cha Cagliero những kỷ niệm cuối cùng của ngài, bắt đầu bằng lời khuyên này: “Hãy giúp đỡ Tu hội và các xứ truyền giáo, cần khuyếch trương công cuộc của chúng ta đến tận bờ biển Phi châu và Phương Đông”. Rồi ngài nhấn mạnh: “Các con hãy cư xử tốt lành với nhau như anh em, hãy yêu mến, giúp đỡ và chịu đựng nhau” (XVII, 447).

Chiều tối ngày 29 tháng 1 năm 1887, ngài cho mời cha Rua và Đức cha Cagliero đến, nhắc lại lời nhắn nhủ và nói thêm: “Sự phù giúp của Chúa và Đức Mẹ sẽ không thiếu đâu. Chúng con hãy xin mọi người cầu nguyện cho cha được rỗi. Alter alterius onera portate. . . Exemplum bonorum operum – Chúng con hãy vác gánh nặng cho nhau. … Hãy nêu gương sáng bằng việc làm”. Ngài chúc lành cho các nhà và các hội viên, rồi lập lại: “Chúng con hãy hứa với cha là chúng con hãy yêu thương nhau như anh em. Chúng con hãy khuyên nhau năng chịu lễ và lòng tôn sùng Đức Mẹ Phù Hộ” (XVIII, 502).

Lòng bác ái huynh đệ là đề tài quan trọng ngài dùng để khích lệ họ, liên kết các tâm hồn trong tinh thần tu trì Salêdiêng trong Tu hội. Ngài rất hăng say khi bàn về đề tài này bởi vì một Tu hội hoạt động như Tu hội chúng ta thì đức bác ái là nhân đức bị thách đố nhiều nhất. Đáng khi là nhân đức hàng đầu của Kitô giáo, nó còn là sức mạnh tông đồ và là niềm vui của đời sống tu trì.

Trong bài huấn đức Messis quidem multa – mùa màng thì nhiều, mà chúng ta đã trình bày, ngài nói: “Chúng con hãy tin rằng mối dây ràng buộc các Tu hội, các Dòng tu chính là tình yêu huynh đệ. Cha nghĩ rằng có thể gọi nó là trục xoay của các Dòng tu. Nhưng phải đạt tới mức độ nào? Đấng Cứu Thế đã nói cho chúng ta rằng: ‘Diligite alterutrum sicut et ego dilexi vos… – Các con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con’. Vậy tình yêu này, để có thể đúng như phải là, thì điều tốt đẹp của một người phải là điều tốt của mọi người, điều xấu của một người cũng là điều xấu của tất cả. Đó là tình huynh đệ cao cả! Nếu chúng ta làm như vậy thì chúng con biết sự gì xảy ra không? Sẽ xảy ra điều đã xảy ra cho Giáo hội. Một số là tông đồ, nhưng bên cạnh các tông đồ ra còn có phó tế và có những người cộng tác phúc âm, tất cả những người này cùng nhau làm việc, tất cả kết nối với nhau bằng tình yêu huynh đệ cao cả, và vì thế họ đã có thể biến cải cả mặt đất. Chúng ta cũng vậy, dù ở bất cứ nơi nào, trong bất cứ công việc nào, miễn là chúng ta có thể cứu rỗi các linh hồn và trên hết chúng ta có thể cứu rỗi linh hồn chúng ta…” (XII, 631).

Cầu mong sao như thế! Xin thánh quan thầy rất hiền lành giúp chúng ta, vì vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn, vì sự toàn thắng của Đức Mẹ Phù Hộ và thánh Gioan Bosco là đấng sáng lập và là cha thân yêu của chúng ta.

Chương 14

Bác Ái Huynh Đệ

Bác ái huynh đệ là mối dây đầu tiên ràng buộc các người Salêdiêng trong Tu hội (Hl 12).

Có một thời gian Don Bosco đã ảo tưởng rằng tự mình ngài có thể lôi kéo những cộng tác viên nhiệt thành suốt đời ràng buộc với công cuộc của các Nguyện xá. Nhưng như chúng ta đã thấy ở trên, Đức Maria đã can thiệp vào trong giấc mơ tấm vải trắng năm 1845, rồi đến đức thánh cha Pio IX và một số nhân vật tên tuổi khác, các vị giám mục, các nhà thần học đã khuyên ngài về sự cần thiết của lời khấn, và ngài đã thêm những lời khấn đơn.

Nhưng ngài luôn đề cao đức ái qua đó tạo nên người tu si đích thực, và đã ghi khắc trên ba gia đình thiêng liêng của ngài là dòng Salêdiêng, dòng con cái Đức Mẹ Phù Hộ và hội Cộng tác viên, tinh thần Salêdiêng, vốn cốt yếu là tinh thần gia đình. Hơn nữa, đức ái làm họ trở nên những nhà giáo dục hiện đại gương mẫu theo hệ thống giáo dục đề phòng, vốn là hoa trái của đức ái.

Một trong các cảnh tượng đẹp nhất mà Don Bosco thấy về công cuộc và về Tu hội tương lai của ngài, khi vừa ổn định được Nguyện xá tại nhà ông Pinardi và bắt đầu nhận những trẻ mồ côi đầu tiên đến trú ngụ, đó chính là Giấc mơ dàn hoa hồng năm 1847 (III, 34-37). Cảnh tượng đẹp đẽ: một dàn đầy hoa hồng khắp nơi, trên đầu dưới chân. Các hoa hồng đều có gai, cho tới khi tới một khu vườn cực kỳ đẹp đẽ, ở đó hoa hồng không có gai nữa.

Khác với các giấc mơ khác trong đó người hướng đạo là một bà, một người nữ chăn chiên, hay một nhân vật nào khác, còn ở đây người hướng đạo chính là Đức Trinh Nữ Maria. Và Don Bosco không coi giấc mơ này là một mầu nhiệm. Năm 1864 khi kể chuyện này cho các Salêdiêng đầu tiên (gồm có cha Alasonatti, cha Rua, cha Cagliero, cha Durando, cha Lazzero và cha Barberis) ngài nói khi những người trung thành đầu tiên, cùng với ngài, tới một căn phòng rất rộng rãi và đẹp đẽ, trang hoàng bằng những bông hồng tươi thơm ngát và không gai, khi ấy Đức Trinh Nữ là người chỉ đạo, hỏi ngài: “Con có hiểu điều mà con thấy bây giờ và trước đây có nghĩa là gì không?” và Đức Mẹ cắt nghĩa rằng con đường đầy hoa và gai ám chỉ sứ mệnh của ngài giữa giới trẻ. Những cái gai là những tình cảm nhân loại cần thắng vượt bằng những đôi giầy của sự  hãm mình. Hoa hồng “tượng trưng cho lòng bác ái nồng cháy phải là dấu phân biệt con và tất cả cộng sự viên của con”. Còn các gai khác ở khắp nơi ám chỉ những chướng ngại, những sự chịu đựng và những khó chịu đủ loại. Đức Mẹ kết luận: ‘Nhưng chúng con đừng thất vọng, với đức bác ái và sự hãm mình chúng con sẽ vượt thắng tất cả và chúng con sẽ đạt được những bông Hồng  không gai’. Khi Đức Mẹ nói xong thì ngài thấy mình đang ở trong phòng” (III, 35). Lời kể của ngài có tính tâm sự, xong câu chuyện ngài nói rằng giấc mơ xảy ra hai lần vào năm 1848 và 1856.

Có bao điều mà giấc mơ giàn hoa hồng muốn nói cho chúng ta. Các hoa hồng nói với chúng ta rằng tất cả công cuộc Salêdiêng phải là sự nở rộ hoa hồng: đó là là sự vinh hiển của đức ái, của tình yêu chân thật đối với Thiên Chúa và tha nhân; và Tu hội phải là một gia đình đích thực trong đó đức ái hoạt động với tất cả sức mạnh siêu nhiên của nó. Đức ái Kitô hữu cung cấp cho người làm bề trên cái vinh dự của điều răn thứ tư, điều mà chúng ta gọi là sự vinh dự của bậc cha mẹ, và ràng buộc các anh em hội viên lại trong sự chân thật của tình yêu huynh đệ tu trì.

Don Bosco cũng không che dấu những khó khăn, đó là sự khả dĩ thoái hóa thành một thứ tình cảm giác quan nguy hại; và khả dĩ gây nên xung khắc về tính tình trong một thứ náo hoạt vốn tự nhiên làm căng thẳng thần kinh. Vì thế những lời khuyên sống đức ái tu trì của ngài luôn có mục đích giúp các tu si Salêdiêng tránh khỏi sự nguy hiểm rơi vào hai thái cực ấy. Dần dần chúng ta sẽ nhận thấy vấn đề này trong những đoạn trích dẫn.

Chúng ta khởi sự với những điều ngài viết trong cuốn Nội quy các Nguyện xá: “Nguyện xá này được đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Phanxicô Salê, để cho những ai có ý tận hiến cho công cuộc này, phải đặt thánh nhân là gương mẫu đức ái trong lối sống vì nó là nguồn sinh hoa trái tốt lành mà Nguyện xá mong đợi” (III, 91).

Sau lời tuyên bố nền tảng này, Don Boso đưa ra những qui tắc thực hành và những hướng dẫn, ngài công bố nguyên tắc: “Đức ái là phương thế thích hợp nhất để làm ích cho thanh thiếu niên” (III, 95).

Dĩ nhiên đức ái, hiểu cho đúng, không phải là việc bố thí, nhưng là nhân đức hình thành cách cư xử và tăng nghị lực tông đồ trong sự giáo dục và trong việc cứu rỗi các linh hồn.

Hướng trực tiếp tới các cộng sự viên, trong chương một, đoạn hai của cuốn Nội quy, khoản 4 viết: “Đức ái và sự kiên nhẫn chịu đựng những khuyết điểm của người khác, được khuyến khích cho mọi người, vì nó củng cố tiếng tốt của Nguyện xá, của các nhân viên và khuyến khích mọi người làm tốt và tín nhiệm vào vị giám đốc. Bởi vì nếu thiếu các nhân đức ấy thì việc duy trì trật tự, vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho các linh hồn sẽ thất bại” (III, 188).

Người ta thấy rằng phần lớn các ơn gọi Salêdiêng phát sinh trong chính các nhà Salêdiêng tỉ lệ với tinh thần Salêdiêng mà giới trẻ được hít thở. Chính Don Bosco cũng không ngần ngại quả quyết rằng các ơn kêu gọi tốt nhất đều xuất thân từ các Nguyện xá. Ngày 12 tháng 11 năm 1884, ngài nói với cha Bonetti và cha Lemoyne rằng: “Từ các Nguyện xá, chúng ta sẽ đào tạo ra các linh mục là gương mẫu cho các người khác, chính các kẻ thù của các linh mục cũng kính nể, và họ sẽ được tiếp nhận nồng hậu ở khắp nơi” (XVII, 364).

Vậy, để giáo dục các thiếu niên ngay từ còn nhỏ biết thực hành đức ái huynh đệ, nên vào giữa các năm 1852-1854 Don Bosco đã soạn ra Nội qui cho nhà kế cạnh Nguyện xá thánh Phanxicô Salê và sau đó được đem áp dụng cho hết mọi nhà. Ngài đã dành trọn chương 4 với đề tài “Cư xử đới với các bạn” và đây là mấy khoản chính:

1) Hãy tôn trọng và yêu mến các bạn như thể là anh em. Hãy học cách xây dựng cho nhau bằng gương sáng.

2) Hãy yêu mến mọi người như Chúa dạy, nhưng hãy canh chừng các gương xấu. Ai làm gương xấu trong lời nói và hành động thì không còn phải là bạn hữu, nhưng là kẻ giết hại linh hồn người ta.

3) Khi có thể chúng con hãy giúp đỡ nhau và nói cho nhau vài lời khuyên tốt. Trong giờ chơi hãy chơi và chuyện vãn với hết mọi người, và đừng có bất cứ sự phân biệt nào và hãy vui vẻ nhường nhịn nhau. Cẩn thận không bao giờ nói những khuyết điểm của bạn hữu, trừ khi bề trên hỏi. Trong trường hợp này đừng phóng đại điều mình nói.

4) Đừng cười nhạo những khuyết điểm thể lý và tinh thần của bạn hữu.

5) Đức ái thật kiên nhẫn thì chịu đựng những khuyết điểm của người khác và dễ dàng tha thứ khi có ai xúc phạm chúng ta;  nhưng đừng bao giờ xúc phạm người khác, nhất là những người dưới.

Thiết tưởng cũng nên đề cập tới chương tiếp sau trong đó nói về sự nết na:

4) Hãy ăn nói nết na, không bao giờ dùng những kiểu nói nghịch đức bác ái, và thiếu nhã nhặn.

5) Đừng vội vã xét đoán việc của người khác, cũng đừng bao giờ khoe khoang.

6) Tránh mọi hành vi, cử chỉ và lời nói thô lỗ, hãy tập sửa chữa các khuyết điểm và tính khí, cố gắng tập cho mình có bản tính hiền lành và liên lỉ được hướng dẫn bởi những nguyên tắc của đức nết na Kitô giáo ( IV, 751).

Điều này làm ông Alexis Carrel suy tư, vì ông nhận xét rằng khi các mục sư (tin lành) nói về đức ái, họ không nhận thấy rằng nhiệm vụ đầu tiên của đức ái đó là “làm cho chính chúng ta nên đáng mến đối với mọi người”. Nhận xét này qủa rất khôn ngoan, hẳn có giá trị đối với chúng ta. Vì ít khi người ta nghĩ đến chức năng này của đức ái!

Chúng ta biết rằng Don Bosco đã phải đào luyện các Salêdiêng đầu tiên hơi vội vàng để có nhân sự phục vụ cần thiết, nên chúng ta cũng đừng ngạc nhiên trước những lời khuyên cơ bản được nhắc đi nhắc lại nhiều lần về những người có tính nóng: “Cha tha thiết khuyên chúng con tránh những kiểu nói chua chát và châm chọc, chúng con hãy chịu đựng nhau như anh em… Đừng bao giờ viết những lời xúc phạmScripta manent – chữ viết thì lưu tồn” (IV, 208).

Với một linh mục đang chuẩn bị in một cuốn sách về giáo huấn và giáo dục, xin ngài lời khuyên, thì Don Bosco chỉ nói một điều: “Cha khuyên con một điều đặc biệt, là đừng bao giờ lỗi đức ái”.

Trả lời cho một người hỏi ngài về định nghĩa phương pháp giáo dục dự phòng, Don Bosco đã trả lời bằng lời này: “Phương pháp giáo dục dự phòng chính là đức ái” (VI, 381).

Ngày 4 tháng 9 năm 1861, Don Bosco đã nói một bài huấn đức cho tất cả các Salêdiêng về một số vấn đề thời sự. Bộ Hồi sử cung ứng cho chúng ta nội dung tóm gọn trong một bức thư của cha Savio Angelo gởi cho cha Durando lúc đó không có mặt ở Torino. Và đây là lời khuyên cuối cùng của ngài: “Sau cùng ngài tha thiết xin chúng tôi coi Tu hội chúng ta như một sợi dây xích, trong đó mỗi phần tử là một mắt xích nối với những mắt xích khác bằng mối dây bác ái, bằng sự cầu nguyện và bằng chính tinh thần của Tu hội” (VI, 1004).

Tháng giêng năm 1864 trong một bài huấn từ tối ngài đã dành để nói về vấn đề  này: “Chiều nay cha chỉ nói cho chúng con một lời rồi cha để cho chúng con tự do. Chúng con hãy nhớ lời khuyên của thánh Gioan thánh sử nói cho các môn đệ của ngài: các con hãy yêu thương nhau. Tình yêu này không chỉ là lời khuyên đơn thuần, nhưng là một mênh lệnh. Vì thế, ai không tuân giữ sẽ mắc tội. Vì thế, giữa chúng con không bao giờ được có những lời lăng mạ, nhạo báng, cãi cọ, ghen tương báo thù, trêu chọc và ác ý. Hãy làm tốt cho nhau và đây là bằng chứng chúng con yêu thương nhau như anh em. Ôi! nếu tất cả mọi người chúng ta biết thông cảm, giúp đỡ chịu đựng tha thứ cho nhau để bác ái luôn luôn chiến thắng…, một nhà sống như thế sẽ thành thiên đàng trần gian, trong đó nhiều hành vi nhân đức được các thiên thần ngưỡng mộ, đầy tràn phúc lành của Thiên Chúa và bao nhiêu yên ủi của Mẹ Maria ban cho”.

Sau đó ngài chỉ ra những hành vi bác ái thiêng liêng cũng như vật chất, bằng cách nhắc đến Đaminh Savio, Michele Magone, và của Francesco Besucco: “Đức ái này là điều đã làm cho Savio, và Besucco nên đáng yêu… Oi nếu mỗi người chúng ta bắt chước Magone và Besucco tìm cách gia tăng nơi người khác lòng mến Thiên Chúa, làm cho những kẻ vô tâm biết tránh tội lỗi!… Nếu tất cả chúng ta bắt chước Savio và Besucco, thì Nguyện xá sẽ thành thiên đàng! Và như vậy cha tin chắc rằng cha có thể làm cho tất cả mọi người chúng con nên thánh và đó cũng là ước muốn của cha” (VII, 601-602).

Vì phải có mặt ở Firenze vào những tuần đầu tháng 12 năm 1865 và không chắc có mặt ở Torino vào lễ Giáng sinh, nên Don Bosco đã để lại cho Rua những hoa thiêng của tuần 9 ngày Giáng Sinh, trong đó có 4 trong 9 ý chỉ nói về đức ái: 3) Bác ái: chịu đựng khuyết điểm của người khác, quan tâm để không xúc phạm bất cứ ai; 4) Bác ái: yên ủi kẻ âu lo, sẵn sàng phục vụ, khi có the, làm điều lành cho mọi người và không làm điều dữ cho bất cứ ai; 5) Bác ái : nhắc nhở những người chểnh mảng, lấy lòng tốt mà sửa chữa những người nói hay làm điều xấu; 6) Tha thứ cho kẻ thù và tìm dịp khuyên bảo chúng khi có dịp (VIII, 257).

Đó là cách thức Don Bosco khai triển đề tài trong bầu khí gia đình vừa thực tế, vừa thân mật. Cũng nên biết rằng hoa thiêng này được áp dụng cho trẻ cũng như cho các Salêdiêng. Như vậy, ngài cũng khích lệ các thiếu niên cộng tác cho công việc nhà được trôi chảy, thậm chí cả việc lấy tình huynh đệ mà sửa chữa cho nhau. Đó là một lối đào tạo tinh thần tông đồ cách khôn ngoan của một nền giáo dục tốt.

Ngày 26 tháng 9 năm 1868 là ngày kết thúc tĩnh tâm cho các hội viên tại Trofarello, khi nói về việc thực hành các việc đạo đức, Don Bosco đã kết luận bằng việc áp dụng tinh thần đạo đức vào trong việc thực hành đức ái:

Đầu tiên chúng ta hãy thực hành đức ái giữa Salêdiêng chúng ta, chúng ta hãy chịu đựng những khuyết điểm của nhau, thương cảm nhau. Hãy khích lệ nhau làm việc lành, giúp nhau giữ kỷ luật, yêu mến và kính trọng nhau như anh em. Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả liên đới thành một lòng một trí để yêu mến và phụng sự Chúa… Sau khi đã thực hành mọi lề luật trong nhà chúng con cũng hãy khích lệ để các thiếu niên tuân giữ. Đồng thời chúng con hãy có lòng bác ái khi khuyên bảo chúng, nhưng không bao giờ được cho phép mình hay cho phép chúng có những hành vi hay lời nói gợi nên những hình ảnh xấu. Hãy đến với những người cần yên ủi, những người bệnh tật, khuyên họ sống can đảm và kiên nhẫn chịu đựng… Hãy làm điều đó không phải chỉ với những người chúng ta thích, những người tốt, những người có tài, nhưng cả những người thiếu nhân đức, ít tài năng và cả với những người xấu nết nữa. Trong phúc âm Chúa Giêsu chẳng nói rằng những người khỏe mạnh không cần thầy thuốc sao?…

Không bao giờ để hình phạt có dáng vẻ báo thù… hay gợi lại rằng người đó đã phạm đến chúng ta trong qúa khứ, nhất là không nhắc tới các khuyết điểm đã được tha thứ rồi. Trái lại, chúng con hãy lưu tâm tỏ tình yêu mến nhiều hơn trước và quên đi tất cả chuyện cũ. Chúng ta hãy cẩn thận nghiên cứu tính nết chúng, khuyên bảo chúng, xây dựng chúng bằng những lời tốt lành và bằng gương sáng, bằng sự nâng đỡ. Với những kẻ hay nóng giận, dễ dàng xúc phạm tới người khác, chúng con càng phải tỏ ra nhân từ với chúng hơn và cầu nguyện cho chúng” (IX, 357).

Ngày 3 tháng 12 năm 1868, Don Bosco đã cho hoa thiêng của tuần 9 ngày kính Đức Mẹ Vô Nhiễm, bằng cách thực hành nhân đức nết na, ngài nói: “Đức khiêm nhường, bác ái và nết na không thể đứng vững một mình, có nhân đức này mà không có các nhân đức kia” (IX, 436).

Buổi chiều ngày 7 tháng 3 năm 1869 Don Bosco đã tụ họp tất cả các Salêdiêng trong phòng ăn để công bố tin mới nhất về những ngày tại Roma của ngài nhằm xin cho Tu hội được chấp thuận và tâm sự với họ lời khuyên của đức thánh cha Pio IX. Đức thánh cha nói cho Don Bosco về gương sáng của các cha dòng tên về sự dè dặt trong việc nói về chuyện trong nhà. Ngài nói: “Chúng con không bao giờ nghe thấy một cha dòng tên nói xấu về một người nào đó trong dòng. Nhưng trái lại, họ thường khen ngợi các hội viên của họ. Đức ái hay ở chỗ là luôn tìm ra được sự ngợi khen. Cùng cách đó, họ biết nâng đỡ và tán thưởng những ưu điểm của bất cứ tu sĩ nào trong dòng về ấn loát hay công trình hay bất cứ việc gì có lợi cho Giáo hội, cho dân chúng, cho việc truyền giáo, và cho giới trẻ. Châm ngôn của họ là: ‘Một người vì mọi người và mọi người vì mỗi người’. Vì thế, trong mọi trường hợp, chúng con phải bảo vệ nhau, không được phơi bày nỗi khốn nạn của một phần tử nào đó trong Tu hội và bao nhiêu khuyết điểm của họ. Mỗi phần tử của phải sẵn sàng hy sinh chính mình cho thân thể và chúng con phải khuyến khích nhau làm sự lành” (IX, 565).

Buổi chiều ngày 11 tháng 3 năm 1869, Don Bosco lại tụ họp tất cả các Salêdiêng trong phòng ăn của các tư giáo, vì phòng này khá rộng, ngài nói về sự tuân giữ Hiến luật và sự duy nhất trong một thân thể trong sự trung thành thi hành đức ái và sự tuân phục. Ơ đây chúng ta chỉ lấy những điểm có tương quan tới đức ái: “Hãy luôn nhớ rằng chúng ta được tuyển chọn để sống trong Tu hội. O quam bonum et quam jucundum habitare fratres in unum – ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”. Chính tiên tri David khi được thần hứng đã ca lên như thế để ám chỉ về những cộng đoàn tu sĩ. Thật là tốt đẹp khi sống liên kết với nhau bằng sợi dây bác ái huynh đệ, khích lệ nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi hài lòng cũng như khi lúc buồn chán, giúp đỡ nhau trong công việc và bằng lời khuyên, thật tốt đẹp khi thoát khỏi mọi trở ngại trần gian, để tiến thẳng về trời dưới sự hướng dẫn của bề trên. Nếu chúng ta muốn nhận được những ơn ích từ Tu hội, thì chính chúng ta cũng cần phải quy về Tu hội, để Tu hội được sống động và phát triển. O quam jucundum!… và để có một cuộc sống ngọt ngào bên nhau, cần phải lấy đi những sự cạnh tranh ghen tị. Cần phải yêu thương nhau như anh em, nâng đỡ nhau, giúp nhau, khích lệ và chịu đựng lẫn nhau. Mỗi người phải xa lánh sự nói xấu Tu hội và cũng phải khuyến khích người khác làm như vậy” (IX, 572-573).

Vì thế, ngài trình bày những đòi hỏi để sống sự hiệp nhất của một thân thể, với sự vâng phục trung tín và thân tình đối với các bề trên. Don Bosco nói tiếp về tinh thần: “Đâu là tinh thần phải sinh động thân thể này? Các con thân mến, đó chính là đức ái. Phải có đức ái để chịu đựng và sửa chữa cho nhau, không bao giờ phàn nàn, bác ái và nâng đỡ nhau, nhất là không bao giờ nói xấu về các phần tử của thân mình. Đó là đặc tính rất  cốt thiết cho Tu hội chúng ta, vì chúng ta muốn làm ích cho người ta thì chúng ta phải hiệp nhất, và chúng ta cũng được hưởng tiếng tốt chung. Vì thế, phải dẹp ngay các tư giáo hay những người nào khác gây chia rẽ sau lưng với người này người khác; nhất là khi nhằm chống đối một bề trên nào. Chúng ta hãy bảo vệ nhau: hãy coi danh dự và thiện ích của Tu hội là của mình và hãy tin chắc rằng người nào không sẵn sàng hy sinh thân mình để cứu lấy toàn thân, thì không thể là chi thể  tốt. Mỗi người phải biết chia vui sẻ buồn với nhau. Như khi một người nhận được một ân huệ lớn lao thì cũng phải là niềm vui của tất cả. Còn trước nỗi khốn khổ thì sao? Mọi người phải tìm cách làm cho nó ra nhẹ nhàng. Khi một người thiếu bổn phận thì phải sửa chữa họ, tỏ ra thương cảm họ, nhưng không bao giờ được khinh bỉ vì họ có khuyết điểm về thể lý hay về luân lý. Hãy luôn yêu mến nhau như anh em  vì như lời David nói  trên” (IX, 574).

Khi nói về đức thanh khiết trong tuần tĩnh tâm năm 1869, Don Bosco cũng nói về đức ái: “Đức ái, đức khiết tịnh và đức khiêm nhường là ba vị nữ hoàng luôn đứng bên nhau” (IX, 706). Ngài đã kết thúc tuần tĩnh tâm bằng những lời này: “Đừng yêu mến các tạo vật, bạn hữu, cha mẹ, bề trên vì mục đích nhân loại, nhưng hãy yêu thương Thiên Chúa trên hết và yêu tha nhân vì yêu mến Chúa. Thánh Gioan nói: Qui manet in caritate in Deo manet, et Deus in eo – Ai ở trong đức ái thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy. Làm việc với đức tin, đức cậy và đức mến…. Hãy làm việc với đức ái quy hướng về Chúa vì Ngài đáng được yêu mến và phụng sự, vì Ngài ban thưởng cho những hành vi bé nhỏ nhất khi chúng ta làm vì Ngài. Ngài yêu chúng ta như một người cha đầy tình thương. Caritate perpetua dilixi te – Ta đã yêu con bằng tình yêu vĩnh cửu. Bổn phận của chúng ta là phải dùng cách thức yêu thương với người dưới để giúp đỡ họ. Đừng bao giờ nói theo kiểu có quyền chức: làm điều này, làm cái kia, nhưng hãy dùng những cách thức dịu dàng. Khi xảy ra tranh cãi, vốn là điều cha vô cùng không thích, không bao giờ được nói với một sư huynh hay nói với người giúp việc rằng: “Im đi! phải vâng lời ngay! Mày là gì mà…? Mày chẳng qua chỉ là một người đầy tớ”. Trong nhà chúng ta không có ai là đầy tớ. Tất cả chúng ta đều bình đẳng trước mặt Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng không muốn người ta gọi ngài là ông chủ, nhưng gọi là cha là thầy, và ngài còn nói mình đến thế gian để phục vụ chứ không phải để được hầu hạ. Cũng thế bề trên, người chủ trong cộng thể chúng ta, phải là ngừơi nhỏ nhất… Hãy kiên nhẫn chịu đựng các khuyết điểm của người khác như thánh Phaolô nói: Alter alterius onera portate – anh em hãy đỡ gánh nặng của nhau. Hãy yêu thương nhau như anh em, giúp đỡ nhau, thương cảm nhau, chịu đựng nhau, nâng đỡ gánh nặng cho nhau, không bao giờ trách mắng chua chát, nhưng chân tình sửa bảo nhau. Hãy loại bỏ những lời thô kệch, luôn luôn đối xử với nhau cách lịch sử và bác ái. Hãy bác ái đối với bề trên, chịu đựng khuyết điểm của các ngài…” (IX, 712-713)

Trong một lá thư ngắn gởi tư giáo Garino sau này sẽ trở thành một Salêdiêng chuyên viên tiếng Hy lạp nổi tiếng, Don Bosco đã kết thúc lá thư: “Con hãy yêu cha như cha yêu con trong Chúa”. (10/10/1869 – IX, 736). Ngài đã khuôn mẫu theo sự dịu dàng của Chúa Cha.

Ngay cả trong phần lời tựa của cuốn sách Người Lịch Sự năm 1871phụ trương của tập san Đọc Văn Công Giáo, ngài tỏ lòng mong ước đất nước được trở lại cảnh hòa hợp sau những cuộc chiến tranh thống nhất, ngài khuyên mọi người như sau: “Nếu bạn muốn sống hạnh phúc, muốn đựơc Thiên Chúa phù trợ, muốn được người ta kính trọng và được yêu mến, thì bạn cần phải có lòng tốt với hết mọi người, yêu mến các bạn hữu, kiên nhẫn và quảng đại với kẻ thù, khóc cùng người khóc, không ghen tương vì hạnh phúc của người khác, làm tốt cho mọi người và không làm sự dữ cho ai” (IX, 962)

Khi soạn cuốn niên giám của Tu hội năm 1871, ngài đã đưa vào bốn điều kỷ niêm. Và trong điều thứ tư, ngài nhắc lại lời khuyên nóng bỏng của ngài: “Vâng lời các bề trên và bác ái đối với nhau là những nhân đức phải hết sức lưu tâm, chớ gì chúng luôn được mọi người nhắc nhở và thực hành” (X, 313)

Trong bản in Hiến luật đầu tiên của Tu hội năm 1874 để xin được phê chuẩn, Don Bosco đã đặt ngay vào chương đầu các khoản này:

1) Sanctificatio sui ipsius, salus animarum per exercitium caritatis, en finis nostrae Societatis… – việc thánh hoá bản thân, sự cứu rỗi các linh hồn qua sự thực thi đức ái là mục đích của Tu hội chúng ta…

3) Caritas benigna est, patiens est, omnia suffert, omnia sperat, omnia sustinet…  Đức ái thì hiền từ, kiên nhẫn, chịu đựng tất cả, hy vọng tất cả, nâng đỡ tất cả.

4) Egenos vagosque induc in domum tuam, et carnem tuam ne despexeris. Hospes eram et suscepistis me, nudus eram et cooperuistis me… Hãy đưa những kẻ nghèo khó và bơ vơ về nhà con, đừng khinh chê xác thịt của con. Vì khi Ta là khách lạ con đã tiếp đón ta, khi ta mình trần con đã cho Ta mặc…

7) Res civiles neque in libris, neque in concionibus pertractentur; cum sermo est de male agentibus, de haereticis et de eorum erroribus, neglectus personarum devitetur: imo caritas Christi omnes et omnia urgeat- Chẳng phải khoa học thế gian trong sách vở, cũng chẳng do những bài diễn văn hùng biện hấp dẫn người ta, mà những kẻ bỏ đạo trở lại: nhưng chính nhờ đức ái của Đức Kitô thúc đẩy mọi người và mọi sự (X, 994).

Đức ái là đề tài thông thường mà thánh nhân thường bàn tới khi thăm viếng các nhà. Trong thời đầu, lúc đó các hội viên hầu hết đều là tư giáo, đang gánh vác nhiều trách nhiệm, nhưng vẫn còn trong thời gian đào luyện, vì thế không lạ khi thấy Don Bosco luôn luôn có sự thúc đẩy như một người cha nhân từ nhấn mạnh điều này điều kia: “Không hội viên nào được phép nói lời khinh bỉ hay phản đối công việc của một hội viên khác, nhất là trước mặt các học sinh. Nếu không, regnum divisum desolabitur – sẽ sinh ra chia rẽ ngay. Cần phải che những khuyết điểm và bênh vực các hội viên; không bao giờ được cho người ta biết duy trừ khi để người ta khỏi lầm. Đừng ai phê bình về đồ ăn và sự xếp đặt của bề trên trước mặt các thiếu niên bởi vì chúng sẽ bắt chước để lẩm bẩm, và từ lẩm bẩm tới chỗ vô luân, và rồi sự đổ vỡ của tâm hồn. Và lúc đó chúng ta phải tính sổ với Chúa làm sao. Và rồi tâm hồn. Và lúc đó chúng ta phải tính sổ với Chúa làm sao! Và rồi tấm gương vâng phục, đức bác ái và sự hy sinh hãm mình sẽ ra sao?” (X, 1019).

Tháng 6 năm 1875 Nguyện xá tổ chức lễ đệ nhất bách chu niên mạc khải của Trái tim Chúa Giêsu cho Thánh nữ Margarita Maria Alacoque và kỷ niệm 30 năm triều giáo hoàng của đức thánh cha Piô IX (16-6-1846-16/6/1875). Chương trình hôm đó ghi lại như sau: dọn mình chết lành, bài thuyết trình của cha Rua, tận hiến cho Thánh tâm, hát Te Deum và chầu phép lành. Sau đó, cha Ceria lập lại bài huấn từ tối của Don Bosco cho các Salêdiêng và các thiếu niên về tình yêu huynh đệ. Thực ra buổi lễ tổ chức sớm, nhằm ngày 6 tháng 6 là Chúa nhật thứ hai tôn kính thánh Luy. Ngài nói:

Còn một nhân đức nữa của Thánh Luy mà cha muốn chúng con bắt chước là mọi người chúng con hãy cố gắng thực hành đức bác ái huynh đệ; để làm vinh danh thánh nhân, hãy loại đi những lời nói xấu chống lại bạn hữu, ngưng mọi con giận. Đôi khi người bên cạnh dẫm lên chân chúng ta hay vô ý xô đẩy làm tổn thương đến con người chúng ta; thế mà người ấy lại buông ra những lời cay cú, mà nhiều khi còn muốn đáp lại bằng những cú đấm cái đá. Không! Hãy nhớ lại lời Chúa Cứu Thế đã nói nhiều lần: “Mandatum novum do vobis, ut diligatis invicem sicut dilexi vos… In hoc cognoscent quia discipuli mei estis si dilectionem habueritis ad invicem – Thầy ban cho các con điều răn mới là các con yêu thương nhau như Thầy yêu mến các con… Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau”. Đây là điều răn trọng đại, một điều răn mới Chúa ban cho chúng ta. Không phải vì trong Thánh kinh trước đó dạy một điều khác, nhưng người ta đã làm khác. Người Do thái đã thực hành nguyên tắc: làm điêu tốt chỉ đối với những người làm tốt cho chúng ta; và đối với người làm xấu cho chúng ta thì được làm điều xấu cho họ. Nhưng với một giới hạn: sự báo oán không được lớn hơn sự dữ nhận được. Chúng ta không hành xử như vậy: hãy tuân giữ điều răn mới là chúng ta luôn luôn yêu thương nhau. Nếu ai có thể làm vui lòng người khác, thì hãy làm. Nếu không làm được, thì hãy kiên nhẫn; còn người kia cũng hãy tỏ ra bằng lòng” (XI, 250)

Vào tháng 10 năm đó Don Bosco đã nêu một gương sáng rất lớn về nhân đức này. Số là có người giới thiệu với Don Bosco một bản viết về tiểu sử không hay về đức tổng giám mục Gastaldi dài hàng nghìn trang với một số tiền rất lớn để cho ngài in. Don Bosco đã xé ngay tập sách đó và quăng vào lửa khiến cho các tác giả bực bội và phản đối ngài về tiền bạc (XI, 305).

Một tháng sau, trong số những lời kỷ niệm cho các vị truyền giáo trẩy đi Argentina, ngài nói những lời này: “Chúng con hãy yêu thương nhau, khuyên bảo nhau, sửa chữa nhau, không bao giờ ghen tị hay thù ghét. Chớ gì điều tốt của một người là điều tốt cho tất cả. Sự rủi ro và đau khổ của một người cũng làm mối ưu tư của tất cả. Mỗi người hãy tìm cách xa tránh sự dữ hay ít ra làm giảm bớt nó” (XI, 390).

Năm 1876 người ta đã sưu tập tất cả các bài huấn đức thường niên của Don Bosco trong những năm trước để in. Nhưng trước khi in chính ngài đã xem lại bản thảo để làm giảm bớt những kiểu nói quá mạnh, ngài nói: “Bao lâu có thể thì cần tránh đụng chạm, và lần lần tiến bước” (XII, 85)

Trong những cuộc đối chọi giữa thánh nhân và đức tổng giám mục Gastaldi, người ta nhận thấy ngài không bao giờ dùng những lời khiếm nhã. Một ngày kia ngài nói với một người đồng tình với ngài: “Don Bosco bảo vệ mình nhưng không xúc phạm” (XII, 187)

Ngày 27 tháng 4 năm 1876 từ Roma Don Bosco đã viết cho cha Cagliero lời khuyên này: “Khi nào có thể, con hãy nói riêng cho các Salêdiêng biết rằng cha yêu mến họ rất nhiều trong Chúa Giêsu Kitô và cha cầu nguyện cho họ hằng ngày. Chớ gì họ cũng yêu thương nhau và làm mọi sự cho nhau, và trước mặt Chúa hãy giảm thiểu những căn cớ gây bất mãn cho nhau” (XII, 195).

Ngày áp lễ Giáng Sinh năm 1876 sau khi nhận lời khấn của bảy hội viên, ngài đã nói một bài huấn đức tuyệt hay, gợi hứng từ đời sống của bầy ong và kết luận bằng sự kêu mời sống đức ái: “Chúng ta hãy khích lệ nhau để thực thi thánh ý Chúa, được thể hiện qua bề trên, chúng ta hãy giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm và chịu đựng lẫn nhau để cùng nhau tiến bước trên đường thánh thiện. Nếu có ai gặp nguy hiểm, thì hãy cảnh báo: mỗi người phải nâng đỡ và giúp ích cho người đó. Và chúng ta khi tiến tới trong trường dạy tình thương, chúng ta sẽ tạo thành một trái tim duy nhất liên kết với Trái tim của Chúa Giêsu Kitô, cho đến trọn đời khi chúng ta đến gặp Ngài và không bao giờ lìa xa ngài nữa” (XII, 607).

Trong bài huấn đức long trọng về Mùa màng thì nhiều mà thợ gặt thì ít, chúng ta lưu tâm tới những lời ngài thốt ra: “Thánh Phalô đã nói cho các tín hữu của ngài để họ trở thành ánh sáng soi chiếu và tỏa sức nóng. Ô, nếu người ta thấy trong chúng ta, thứ ánh sáng đó. Nếu mọi người đựơc thăng tiến nhờ vào lời nói và việc làm của chúng ta. Chớ gì ngọn lửa bác ái đó tồn tại trong chúng ta để chúng ta không quan tâm tới bất cứ sự gì mà chỉ tìm cách mưu ích cho anh em chúng ta. Chớ gì đức ái toàn thiện này toàn thắng trên mọi nết xấu và chớ gì sự dịu dàng của chúng ta thu hút được mọi tâm hồn. Ô, cha tin rằng tất cả thế giới sẽ lọt vào lưới của chúng ta…” (XII, 626-627).

Mỗi người hãy trang hoàng trái tim bằng đức ái vốn khiến ta tận hiến đời sống mình vì phần rỗi các linh hồn. Đức ái ở đây không quan tâm tới những lợi lộc thể xác, điều mà thánh Phaolô gọi là những thú vui thế tục và những sự vật trần thế như thể vẩn rác, nhưng để chiếm đoạt các linh hồn về cho Chúa Giêsu Kitô”. (XII, 629). “O, nếu các Salêdiêng thực hành đạo giáo bằng cách thức của Thánh Phanxicô Salê, với lòng nhiệt thành của ngài, được hướng dẫn bởi lòng bác ái của ngài, được quân bình hóa bằng sự hiền dịu của ngài, thì cha có thể tự hào và có lý do để hy vọng có một sự ích lợi vô cùng lớn trên thế giới. Còn hơn nữa, cha có thể nói rằng thế giới sẽ theo chúng ta, và chúng ta sẽ làm chủ thế giới.

Còn một điều rất quan trọng mà chúng ta cần phải tìm kiếm để có ngay hôm nay và duy trì mãi mãi. Đó là tình yêu huynh đệ. Hãy tin chắc rằng sợi dây làm cho các Tu hội và các Dòng hiệp nhất chính là tình yêu huynh đệ. Cha có thể gọi nó là trục xoay. Nhưng phải yêu thương tới mức độ nào? Chính Chúa Giêsu đã trả lời: Diligite alterutrum sicut et Ego dilixi vos – Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con. Và Thánh Kinh cũng thường nhắc cho chúng ta phải thương yêu nhau. Thứ tình yêu này phải là thứ tình yêu sao cho điều tốt của một người phải là điều tốt của mọi người, điều xấu của một người phải là điều xấu của mọi người. Chúng ta phải nâng đỡ nhau, đừng ai khinh thị điều người khác làm, cũng đừng ghen ghét nhau. Người đó có chức này chức kia, còn tôi thì chẳng có gì. Người đó nhìn bắt mắt, còn tôi chẳng ai thèm nhìn. Coi này, nếu có cái gì đó tốt đẹp, là cứ phải dành cho anh đó, đang khi đó tôi chẳng được gì hết. Không, đừng để thứ ghen tương đó lan ra: điều tốt của một người phải là điều tốt cho mọi người, điều xấu xảy ra cho một người cũng là cho mọi người. Có ai đó bị bách hại chăng? Tất cả chúng ta phải cảm thấy như mình bị bách hại, cảm thương và giúp đỡ người đó. Có ai đó ốm đau chăng? Chúng ta cũng đau buồn như mình bị vậy. Chúng ta hãy cố gắng đồng lòng trong những điều tốt, dù rằng sáng kiến có thể đến từ một người. Ai hiểu biết đều rõ không phải mọi người đều có khả năng như nhau, học hành như nhau, có phương tiện như nhau. Vậy nhé, hãy có tình yêu huynh đệ!” (XII, 630-31).

Năm 1877, Nguyện xá tổ chức lễ bổn mạng Don Bosco trễ vào ngày 28 tháng 6, vì lý do đức cha Leone Aneyros, tổng giám mục Buenos Aires và đức cha Pietro Ceccarelli, tổng đại diện, tới Torino, trong chuyến thăm Italia, để cám ơn Don Bosco đã gởi các Salêdiêng tới Argentina.

Chương trình dạ hội diễn không hết, nên làm tiếp vào ngày hôm sau, nhằm lễ thánh Phêrô, sau các lễ nghi trong nhà thờ Mẹ Phù Hộ. Trước khi đức tổng giám mục nói lời kết, Don Bosco cho một bài giảng ngắn mà người ta có thể gọi là bài ca đức ái: “Ngày hôm nay là một trong những ngày đẹp nhất đời cha. Một ngày thật đáng ghi nhớ trong kỷ niệm của Nguyện xá. Nhìn thấy biết bao thanh thiếu niên bao quanh, đang vui tươi diễn tả tình mến và lòng biết ơn, lòng cha thấy xúc động. Oi đẹp biết bao tình mến đi với lòng bác ái! Tại sao lại phải dùng mọi cách để quy tụ và lôi kéo các thanh thiếu niên tới Thiên Đàng? Tại sao rất nhiều người đạo đức hy sinh công sức của cải để cứu giúp các thanh thiếu niên này? Và tại sao nhiều người từ bỏ thế gian, dâng mình cho Thiên Chúa với sự ràng buộc thực thi nhân đức và tình mến huynh đệ và hiến cả đời để cho những mầm non này được lớn lên? Chính là vì đức ái. Phải, chỉ vì những ràng buộc của nhân đức này nối chặt chúng ta với Thiên Chúa qua đó chúng ta giúp nhau. Chính đức ái thôi thúc những người đặc biệt từ xa đến Nguyện xá này để hòa mình vào nếp sống nghèo khó, để thoả mãn lòng nhiệt thành thánh thiện đem ánh sáng tin mừng soi chiếu những nơi còn u tối, để làm phát sinh những con cái mới của đại gia đình các tín hữu. Chính đức ái hướng dẫn nhiều chiến sĩ anh dũng của Đức Kitô, từ bỏ quê hương, cha mẹ và mọi sự để đi tới các nơi xa xăm, đương đầu với bao nhiêu khó khăn để mang tin mừng tới những người anh em của họ. Và cũng đức ái chiều nay liên kết mọi người chúng ta nơi đây. Cha nói điều này với tất cả trái tim của cha, là cha muốn có những biệt thự dát bằng kim cương với những dẫy hành lang đầy hoa hồng và hoa huệ để xứng đáng đón tiếp đức tổng giám mục Buenos Aires là đức cha Ceccarelli và phái đoàn của ngài. Nhưng chúng ta, các Salêdiêng nghèo khó, chúng ta sống nhờ vào sự cứu giúp của những người đạo đức và chúng ta không thể đón tiếp như chúng ta mong muốn. Và các vị, cũng vì sự thúc đẩy của đức ái, không ngại chịu đựng những bất tiện của Nguyện xá để có dịp làm những việc làm bác ái mới. Vậy, chúng ta phải cám ơn các ngài vì đã không nề hà sự nghèo khó của chúng ta, và đã dành cho chúng  ta một vinh dự lớn lao cũng như sự hài lòng đặc biệt. Chúng ta sẽ ghi nhớ sự kiện này mãi mãi. Khi các vị về nước, trong cánh đồng truyền giáo, xin hãy nói cho các bạn hữu và nói cho cha Benitez rằng chúng con không bao giờ quên được công ơn của qúi vị. Xin các vị tin rằng các Salêdiêng, dù xa xôi biển cả, vẫn ghi nhớ qúi vị trong lòng trí và trong lời cầu nguyện. Xin tin chắc rằng các Salêdiêng luôn yêu mến và hỗ trợ qúi vị với tất cả con tim và luôn tìm cách cộng tác với quí vị trong công cuộc của quí vị” (XIII, 149-150).

Phần đức tổng giám mục Buenos Aires ngài đã cám ơn Don Bosco và các Salêdiêng và làm một lời hứa, mà chúng ta phải luôn luôn để trước mặt nhất là khi lấy cớ rằng nếu Don Bosco còn sống vào thời đại ta thì có lẽ ngài sẽ làm khác những điều ngài đã làm vào thời ngài. Sau khi phàn nàn về tinh thần thế tục đã phàm tục hóa ngay cả khoa sư phạm khiến làm hư giới trẻ, đức cha Aneyros nói tiếp: “Hãy cho phép cha được khuyên một lời, hay đúng hơn được diễn tả một ước muốn của lòng cha, cha muốn nói rằng các linh mục Salêdiêng được Thiên Chúa tuyển chọn để đào tạo các thế hệ mới, họ hãy tiếp tục phương pháp giáo dục đã thực hiện, và đừng bao giờ, vì lý do thời thế đã thay đổi, muốn rời xa phương pháp này. Bởi vì nó là một phương pháp tốt nhất trong các phương pháp tốt, đáp ứng được những nhu cầu của thời đại, nó như thuốc chữa lành những vết thương của một thứ khoa học sai lầm và như một hình phạt của Thiên Chúa nó lan tràn khắp thế giới qua công việc của các nhà bách khoa…” (XIII, 926)

Ngày 8 tháng 12 năm 1878 lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Don Bosco đã trình bày cho các nữ tu con cái Đức Mẹ phù hộ Hiến luật của họ, trong đó đức ái được đặt ra không những cho các trẻ nhỏ nhưng còn cho thanh thiếu nữ trong chương IX. Chương cuối nói riêng về bác ái huynh đệ: n22. Các nữ tu luôn phải liên kết mật thiết với nhau bằng sợi dây bác ái, bởi vì thật đáng trách nếu những theo Chúa Giêsu Kitô mà không tuân giữ lệnh truyền mà ngài đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tới nỗi ngài gọi luật đó là “Luật của ngài”. Vì thế, ngoài lòng thương cảm và sự yêu mến không thiên vị, nếu có ai làm gì thiếu bác ái với người chị em, thì phải xin lỗi ngay, với tâm hồn bình tĩnh nhận ra lỗi của mình hay ít ra là phải xin lỗi trước khi đi ngủ; n. 23. Để hoàn thiện hơn về đức ái, mỗi người hãy vui vẻ dành sự tiện nghi cho chị em hơn cho mình. Trong mọi trường hợp sự phải giúp đỡ nhau và yên ủi nhau bằng những dấu chỉ tốt lành và tình bạn thánh thiện. Không bao giờ để cho sự ghen tương người này chống người kia toàn thắng; n24. Mỗi người hãy ước ao và cố gắng làm sự lành cho người chung quanh bao có thể, luôn ước muốn giúp đỡ và phục vụ Chúa Giêsu Kitô nơi người nghèo khổ, nhất là bằng việc hộ trực, phục vụ, yên ủi các chị em ốm đau và đau khổ và khích lệ những lợi ích thiêng liêng của các trẻ nhỏ từng nơi mình sống (XIII, 214-215).

Năm 1878 khi chỉ định cha Perrót làm giám đốc nhà mới ở La Navarre bên pháp, cha này là người rất trẻ và nhút nhát, hay xấu hổ, Don Bosco viết: “Cha Perrót thân mến, cả cha cũng biết con còn là một đứa trẻ, vì thế con cần phải học và thực hành với một ông thầy giỏi giang. Nhưng như thế nào? Thánh Timôthê, được kêu gọi rao giảng Chúa Giêsu Kitô ngay khi còn trẻ, và ngài đã rao giảng nước Thiên Chúa cho người Do Thái và cho dân ngoại. Cả con nữa, con hãy đi nhân danh Chúa, không đi như một bề trên, nhưng như một người bạn, người anh và người cha. Chớ gì mệnh lệnh của con là đức ái để làm sự lành cho mọi người và không làm sự dữ cho một ai” (XIII, 723).

Trong bức thư đề ngày 31 tháng 12 năm 1878, Don Bosco gởi cho cha Francesco Bodrato là vị bề trên tỉnh đầu tiên ở Mỹ châu, có những điểm đáng nhớ sau đây: 1) Hãy làm bất cứ hy sinh nào để duy trì đức ái và sự liên kết giữa các hội viên; 2) Khi phải sửa lỗi hay cho nhận xét, không bao giờ làm nơi công cộng, nhưng phải nói riêng inter te et illum solum; 3) Sau khi đã sửa lỗi, hãy quên lỗi lầm của họ và hãy tỏ sự tín niệm như trước. Đây là chúc thư của người bạn và người cha của con là Don Bosco (XIII, 880).

Ngày 6 tháng 3 cũng năm 1878, từ Rôma Don Bosco đã viết thư cho cha Bonetti, người trưởng các linh mục và tư giáo của Nguyện xá, cũng là chủ nhiệm báo tập san Salêdiêng: “Cha rất hài lòng về việc con trông nom các giáo sĩ cùng với ban điều hành. Nhưng, nên lưu ý để điều khiển công việc bằng sự kiên nhẫn và bằng lòng bác ái… Con hãy hết sức kiên nhẫn với thầy Micae Rossi; khi có thể hãy đi dạo với thầy đó… Làm sao để đừng chất rơm vào lửa. Tuyệt đối không viết lên mặt báo tất cả những gì liên quan tới chính phủ” (XIII, 863). Một lần khác ngài đã viết cho cha này về việc “ngừng chiến”.

Ngày 31 tháng 12 năm 1878 ngài cũng viết thư cho một vị truyền giáo rất nhiệt thành khác là cha Taddeo Remotti với những lời khuyên đầy tình phụ tử: “1. Hãy chịu đựng những khuyết điểm của kẻ khác, cả khi những khuyết điểm đó gây hại cho ta; 2. Hãy che giấu những vết dơ của kẻ khác. Đừng bao giờ vì đùa mà làm cho kẻ khác bị xúc phạm; 3. Hãy làm việc, nhưng làm việc vì tình yêu Chúa Giêsu: hãy chịu đựng tất cả, nhưng đừng làm mất đức ái” (XIII, 881).

Khi diễn tả về sự thích nghi của Don Bosco với cách ăn mặc của hàng giáo sĩ nước Pháp gồm mũ, dây lưng và khăn che ngực khi ngài đến Nice và Marseille năm 1879, cha Ceria nhận xét rằng: “Đức ái đã làm cho ngài trở thành tất cả cho mọi người để đưa tất cả về cùng Chúa Giêsu Kitô. Đức ái cũng dậy cho ngài có những thái độ bề ngoài thích hợp để tẩy sạch những đầu óc có thiên kiến nguy hiểm về ngài, thí dụ ở ngoại quốc, người ta cho rằng Don Bosco muốn ghi khắc nơi các công cuộc của ngài thứ chủ nghĩa quốc gia có nguy cơ kích động sự ngờ vực của các nước tiếp đón ngài và khuấy lên mối nghi ngờ đáng ghét đối với lòng nhiệt thành chân tình của ngài” (XIV, 15).

Hồi đầu tháng ba khi từ Pháp trở về Ý, Don Bosco đã triệu tập một cuộc họp tại Alassio gồm tất cả các giám đốc các nhà Salêdiêng để huấn dụ và xác định những tỉnh dòng đầu tiên với những tước hiệu tương xứng (XIV, 42). Ngài nói một bài rất quan trọng về việc chăm sóc ơn gọi, trong đó ngài chỉ ra đức ái, như phương thế hàng đầu để đánh thức và vun trồng ơn gọi nơi các thanh thiếu niên: “1. Phải cư xử với các thanh thiếu niên bằng đức ái; 2. Đức ái phải được thấy nơi các bề trên. Nếu chúng thấy chúng ta không cư xử đồng đều, người này nói xấu người kia, công kích người nọ hay chống đối một bề trên, thì lúc đó không ai muốn trở thành Salêdiêng nữa” (XIV, 44).

Ngày 29 tháng 9 năm 1879, Don Bosco viết cho cha Tomatis, là người có tài năng và nhân đức, sau khi đã chỉ định ngài làm giám đốc trường trung học thánh Nicola ở Arroyos bên Argentina: “Con hãy can đảm nâng đỡ sự yếu đuối của kẻ khác. Đối với các học sinh hãy sống rất nhân từ, rất dễ tính, và tự do trong việc xưng tội” (XIV, 239).

Trong giấc mơ quan trọng năm 1881, nhân vật tiêu biểu cho Tu hội như là “Qualis esse debet”, mang hạt kim cương đức ái được gắn nơi trái tim với dòng chữ này: “Alter alterius onera portate, si vultis adimplere legem meam – Diligite et diligemini – Sed diligite animas vestras et vestrorum – Devote divinum officium persolvatur – Missa attente celebretur – Sanctum Sanctorum peramanter visitetur – Hãy vác lấy những gánh nặng của nhau nếu con muốn chu toàn giới luật của ta – Chúng con hãy yêu thương nhau – Nhưng trước hết hãy yêu mến linh hồn chúng con và linh hồn của những người thuộc chúng con – Hãy đọc kinh phụng vụ sốt sắng – Cử hành thánh lễ sốt sắng – Năng viếng thăm nơi cực thánh”. Cảnh trái ngược ghi chữ: “Negligentia in divinis perficiendis –  nếu không có đức ái, ngài viết: “Negligentia in divinis perficiendis Amant et quaerunt quae sua sunt, non quae Jesu Christi – Chểnh mảng công việc của Chúa – Yêu mến và tìm kiếm điều thuộc về mình chứ không tìm điều thuộc về Chúa Giêsu Kitô” (XV, 183-185).

Mùa hè năm 1884 vì bị sức khoẻ giảm sút, nên Don Bosco phải đi dưỡng sức mấy tuần tại Pinerolo ở nhà đức cha Chiesa, đi theo ngài có cha Lemoyne. Một buổi kia thình lình ngài nói với người viết tiểu sử tương lai của ngài: “Có lẽ tốt hơn chúng ta nên đốt tất cả những văn thư đã trao đổi với đức cha Gastaldi và những giấy tờ liên quan đến ngài”. Cha Lemoyne cố dấu sự ngạc nhiên, đã hỏi lại: “Nhưng lúc đó chúng ta sẽ nói gì về lịch sử của Nguyện xá từ những năm 1872 đến 1883?” Thánh nhân trả lời: “Cứ nói rằng trong những năm đó, Don Bosco tiếp tục công việc của mình”. Và ngài tiếp tục câu chuyện đó với tất cả sự xác tín, trong khi cha Lemoyne sợ hãi trước một mệnh lệnh như vậy, và lợi dụng khi có người đến gặp Don Bosco, đã bỏ đi nơi khác. Sau đó, khi trở về Torino, ngài không nói gì đến vấn đề đó nữa (XV, 263). Chúa quan phòng đã muốn tiến trình phong thánh cho Don Bosco và một lần nữa quan phòng việc cha Lemoyne cẩn thận sưu tập tài liệu.

Ngày 18 tháng 10 năm 1882, Don Bosco gởi tới Rôma cho cha Dalmazzo đại diện Tu hội trước tòa thánh: “Cha chúc mừng con và cầu cho con mọi hạnh phúc thiêng liêng và vật chất. Con hãy chuyển những lời cầu chúc của cha cho mọi Salêdiêng, và những lời khuyên sau đây: hãy tuân giữ rất cẩn thận ba lời khấn khó nghèo, thanh khiết và vâng phục qua đó chúng ta đã được thánh hiến cho Chúa. Chúng ta sẽ có một ngày tuyệt đẹp khi nào đức ái thống trị hoàn toàn giữa chúng ta, các công việc của chúng ta sẽ được xếp đặt, sẽ tổ chức lại những công việc Thánh Tâm Chúa Giêsu của chúng ta...” (XV, 418).

Ngày mồng 3 tháng 2 năm 1882 Don Bosco cũng viết cho Hội các bà bảo trợ nhà Salêdiêng Marseille bên Pháp, sau khi nói những lời cám ơn vì công việc họ đã làm cho Viện mồ côi thánh Leo, ngài đã khuyên họ về đức ái: “Thật là tốt đẹp khi nhìn thấy qúi bà tụ họp lại, không phải một năm một lần, nhưng rất thường xuyên để làm vinh danh Thiên Chúa qua việc thực thi đức ái. Vì thế cha khuyên Hội hãy liên kết thành một trái tim và một linh hồn để yêu mến và phụng sự Thiên Chúa và làm vinh danh Ngài qua việc thực thi đức ái. Với mục đích này, cha mời gọi chúng con hãy từ bỏ ý riêng. Nếu có một ý kiến nào hợp với người này mà bị những người khác từ chối, thì người kia cũng nên nhường nhịn để giữ đức ái, đừng dính bén với ý của mình để mất bình an. Chúng ta hãy làm việc vì vinh danh Chúa với đức ái và lòng kiên nhẫn trong đạo giáo và vững vàng bảo vệ những nguyên lý công giáo. Để yên ủi Hội, cha nói tin này là trong Nguyện xá, có rất nhiều thiếu niên đang ước ao làm linh mục và nhiều người trong họ đã được truyền chức rồi, đặc biệt là có hai người đã sang truyền giáo bên Mỹ châu. Tất cả vì vinh danh Thiên Chúa và chớ gì Thiên Chúa được chúc tụng” (XV, 486).

Ngày 31 tháng 1 năm 1883 khi giải tội xong, Don Bosco nói với cha Berto rằng: “Con hãy hy sinh toàn bộ đời sống con cho Thiên Chúa và ước ao làm việc cho đến hơi thở cuối cùng vì vinh danh ngài. Hãy kiên nhẫn chịu đựng trái ý và những chống đối khi làm những công việc tốt lành, và hãy coi đó như một sự tuyên xưng cuối cùng trong đời sống con”. Sau khi cử hánh thánh lễ trong phòng riêng Don Bosco đã trao cho cha Berto một hoa thiêng do chính tay ngài viết, coi như chính Đức Mẹ gởi cho: “Ai muốn làm việc có kết quả, phải giữ đức ái trong tâm hồn và thực hành sự kiên nhẫn trong công việc” (XVI, 32).

Một ngày kia người ta hỏi Don Bosco xem ngài có giảm sút tình cảm đối với những tên côn đồ đã từng ăn cắp chăn mền hay đã đe doạ hay mưu sát ngài không, thì ngài trả lời: “Không đâu, cha chỉ nghĩ rằng họ là những người đáng thương, lớn lên đã bị mắc phải ảnh hưởng ngay khi còn nhỏ. Xã hội quan tâm quá ít tới thành phần này” (XVI, 122).

Cuối năm 1883 Don Bosco đã cho hoa thiêng năm 1884 như sau: Với các trẻ: “Không được ăn cắp vật gì của ai, không đánh cắp mất thời giờ, không đánh cắp sự vô tội, không đánh cắp linh hồn bằng lời nói hay việc làm”; với các hội viên: “Tiên vàn hãy áp dụng đức ái cho chính linh hồn mình” (XVI, 316).

Ngày 29 tháng 1 năm 1883 Don Bosco viết một luân thư về hình phạt: “Biết sửa phạt đúng lúc, điều này chúng ta chỉ có thể biết được nhờ kinh nghiệm của một tấm lòng nhân từ” (XVI, 441).

Ngày 8 tháng 5 năm 1884 Don Bosco đã nói một bài huấn đức cho các Cộng tác viên ở Roma. Sau ngài, là những lời của đức hồng y Parocchi, giám quản Roma. Trong khi phân tích về đặc tính của Tu hội, vị hồng y đã minh họa thật hay về đức ái Salêdiêng: ‘Tu hội Salêdiêng có gì đặc biệt? Đâu là đặc tính và diện mạo của Tu hội? Tôi hiểu rõ đặc tính ấy, tôi có thể diễn tả được rõ, mục đích của Tu hội, đặc tính của Tu hội, diện mạo của Tu hội hay điểm cốt yếu của Tu hội chính là đức ái được thực thi theo những nhu cầu đòi hỏi của thời đại. Vì đức ái mà chúng tôi tin. Thiên Chúa là tình yêu và Ngài đã tỏ mình ra qua đức ái. Thế giới ngày nay chỉ có thể lôi cuốn  được bằng đức ái và sự cư xử tốt lành. Thế giới hôm nay chỉ muốn biết đến sự vật vật chất; nó không biết gì, không muốn biết gì về những điều linh thiêng. Họ không biết đến vẻ đẹp của đức tin và sự quan trọng của tôn giáo, họ chối bỏ đời sống tương lai và chối bỏ Thiên Chúa. Làm sao một người mù có thể đánh giá trị về màu sắc, một người điếc có thể nghe được những âm điệu du dương của Beethoven hay của Rossini, một kẻ khờ dại có thể đo lường vẻ đẹp của nghệ thuật? Thế giới hôm nay như vậy đó: vừa mù loà, vừa điếc lác, chẳng có một ý thức về Thiên Chúa và về đức ái. Họ chỉ hiểu đức ái nửa vời chứ không biết đến mục đích và nguyên lý. Họ biết phân tích nhân đức này nhưng không biết tổng hợp. Animalis homo non percipit quae sunt spiritus Dei – con người mang thú tính không nhận thức được tinh thần của Thiên Chúa, thánh Phaolo đã nói thế. Các con hãy nói cho con người hôm nay rằng: phải cứu lấy các linh hồn đang hư mất, cần phải giáo dục cho những người không biết gì về những nguyên lý đạo giáo. Cần phải bố thí vì tình yêu Thiên Chúa, vị Thiên Chúa thưởng công bội hậu cho những tâm hồn quảng đại. Nhưng người ta không hiểu gì hết. Cần phải thích nghi với thế gian, một thế gian bay sà mặt đất. Đối với lương dân Thiên Chúa làm họ nhận biết Ngài qua luật tự nhiên; đối với người Do Thái qua Thánh kinh; đối với những người Hy Lạp lạc giáo qua những truyền thống giáo phu; đối với người Tin Lành qua Phúc âm; và đối với thế giới nói chung qua đức ái. Nos credidimus caritati…” (XVII, 93-94).

   Ngày 13 tháng 12 năm 1884 vào lối sáu giờ chiều Don Bosco họp tất cả các hội viên trong phòng khách, trong khi tâm hồn đầy xúc động về việc tấn phong giám mục cho cha Cagliero, nhớ lại thời xa xưa, và những tiến triển của Tu hội, ngài khuyên mọi người sống phục tùng và bác ái. Ngài đã bắt đầu bằng những lời của thánh Gioan tông  đồ trong những năm cuối đời đã dùng để khuyên các tín hữu: “Các con thân mến, cha cũng nói cho chúng con như vậy: chúng con hãy yêu thương nhau, hãy giúp đỡ lẫn nhau, không bao giờ để xảy ra chuyện người này chống người kia, hay xúc phạm đến nhau bằng những lời bất xứng. Khốn cho những ai làm như vậy. Chúng ta phải tha thứ cho anh em, nếu muốn Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta. Làm sao chúng ta có thể đọc kinh Lạy Cha: xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, nếu tâm hồn chúng ta chứa đầy sự giận ghét? Chúng ta đừng bao giờ quên những lời của Chúa Giêsu Kitô nói cho các tông đồ: Người ta sẽ nhận ra chúng con là môn đệ Thầy, nếu chúng con yêu thương nhau” (XVII, 296-297).

   Ngày 3 tháng 10 năm 1886 vào dịp tĩnh tâm cho các tập sinh, Don Bosco đã nhận 53 khấn sinh tại nhà San Benigno Canavese, hôm đó ngài đã nói về sự vâng phục và lòng bác ái với lời kết thúc: “Khấn vâng phục rồi chỉ vâng phục trong những gì mình yêu thích quả là một tội phạm sự thánh”. Ngài dừng lại trên đức ái để ghi cho thật sâu phải “bác ái với đồng bạn, không bao giờ chỉ trích, ngay cả đối với việc in ấn của chúng ta”. Ngài chống lại thái độ phê bình cách mạnh mẽ. Ngài nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng đối với người chung quanh, thì hoặc là nói tốt hoặc im lặng. Ngài tỏ ra muốn người ta hiểu rõ ước muốn này của ngài và vâng theo, đang khi nói, ngài tỏ vẻ đau đớn, phát khóc và giọng nói của ngài run cảm động nhưng mạnh mẽ và cương nghị, như thể chúc dữ cho những miệng lưỡi hoả ngục cứ mở ra là nói xấu. Và tới một lúc, ngài đã nói rằng: “Nếu Don Bosco có phải buồn phiền… thì đó chính là vì sự thiếu bác ái giữa các hội viên” (XVIII, 207; cần biết rằng những lời này do cha Ceria là người có mặt lúc đó, đã ghi lại).

   Một nữ tu sống trong vùng La Réole, trong tòa nhà Gironda bên pháp, mỗi ngày thứ Sáu được chịu những đau khổ của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và được ơn mạc khải. Hai người Cộng tác viên là cô Lallemand và mẹ cô đến thăm nữ tu này và nói với nữ tu về Don Bosco và công việc của ngài. Sau cơn đau đớn, bà được an ủi vì được thấy Đức Mẹ, bà quỳ xuống tìm tòi trong đống giấy tờ người ta đã gởi cho bà, và khi tìm thấy một mảnh giấy nói về Don Bosco bà đã cất lời ngợi khen Thiên Chúa vì lòng nhiệt thành và vì rất nhiều linh hồn được ngài giật ra khỏi tay ma quỷ, nhờ lòng bác ái hăng nồng của ngài (XVII, 472).

   Trong một lá thư rất thân tình đề ngày 14 tháng 8 năm 1885 gởi cho cha Tomatis, giám đốc nhà Salêdiêng San Nicolas de los Arroyos bên Argentina, Don Bosco đã cho những lời khuyên đặc biệt này: “Con hãy nhớ rằng biết nhiều chưa đủ mà cần phải thực hành. Chớ gì Thiên Chúa giúp chúng ta để lời của Đấng Cứu thế đừng chỉ về chúng ta: chúng nói nhiều mà chẳng làm gì. Hãy để mắt xem lại những công việc của con. Khi có ai chểnh mảng hay thiếu sót bổn phận, con hãy sẵn sàng nhắc cho họ đừng đợi khi xảy ra nhiều tai hại. Với lối sống đơn sơ, với lòng bác ái khi nói năng, khi ra lệnh, khi chịu đựng những khuyết điểm của người khác, người ta sẽ mang rất nhiều ích lợi cho Tu hội. Con hãy năng khuyên bảo để người ta năng xưng tội và chịu lễ. Những nhân đức làm cho con được hạnh phúc bây giờ cũng như đời sau là đức khiêm nhường và bác ái. Con hãy luôn luôn là bạn, là cha của các hội viên; hãy giúp đỡ họ trong mọi sự con có thể trong những vấn đề tinh thần cũng như vật chất, con hãy phục vụ họ trong tất cả những gì làm vinh danh Chúa” (XVII, 630).

Năm 1886 Don Bosco tham dự cuộc nói chuyện của cha Cerruti cho các Cộng tác viên ở San Siro vùng Genova. Một cộng tác viên ở Voltri đã viết cho cha Rua rằng: “Con đã qua một giờ trên thiên đàng. Các cộng tác viên nam nữ hình như muốn nuốt sống Don Bosco. Tất cả mọi người muốn nhìn ngài, nói với ngài, hôn tay ngài. Còn ngài, con người đáng yêu mến, luôn tươi cười, lắng nghe hết mọi người và nói cho mỗi người một lời, một lời có ảnh hưởng tới tâm hồn họ”.

Don Bosco rất được yêu mến. Ngày 29 tháng giêng năm 1888 có một nhóm thiếu niên viết trên giấy, muốn chết thay cho Don Bosco, với những lời này: “Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, lạy Mẹ Maria Phù Hộ các giáo hữu, lạy thánh Phanxicô Salê là quan thầy của chúng con, chúng con là những kẻ hèn mọn ký tên dưới đây là Dondina Pietro, Orione Luigi, Giovanni Martinasso, Rossi Giuseppe, Aimerito Gabriele, Bertazzoni Augusto, linh mục Gioachin Berto, với mục đích là xin Chúa gìn giữ Don Bosco, người cha rất yêu mến và là bề trên của chúng con, chúng con xin dâng mạng sống thay cho ngài. Vậy chúng con cầu xin Chúa đoái nghe và nhận của lễ chúng con” (XVIII, 538-539).

Trong số những kẻ này chúng ta thấy có đức hồng y Bertazzoni Augusto, sau này là tổng giám mục giáo phận Potenza. Cha Gioankim Berto như chúng ta biết, còn sống được nửa thế kỷ nữa. Còn cha Lui Orione sau là đấng sáng lập dòng và hiện trong dự án phong thánh.

Sau cùng xin cho đức ái xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa, vì tình yêu Chúa, toàn thắng và lan tràn ra cho tất cả mọi hội viên và cho mọi người.

MỤC LỤC

  1. Tu Hội Salêdiêng Don Bosco
  2. Hiến Luật Tu Hội Salêdiêng
  3. Kỷ Luật Đời Tu Salêdiêng
  4. Tinh Thần Đạo Đức
  5. Lời Khấn Tu Trì Theo Don Bosco
  6. Đức Khó Nghèo Salêdiêng
  7. Đức Thanh Khiết Salêdiêng
  8. Đức Vâng Phục Salêdiêng
  9. Hướng Dẫn Thiêng Liêng
  10. Làm việc và Tiết Độ
  11. Gíao Dục Kitô Giáo Cho Giới Trẻ
  12. Vun Trồng Ơn Gọi
  13. Lòng Nhiệt Thành Tông Đồ
  14. Dưới Anh Sáng Thánh Phanxicô Salê
  15. Bác Ai Huynh Đệ

Thực hiện lại tại Tập viện Thánh Tâm Ba Thôn

Lớp Tập sinh năm 2006-2008

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *