HỒI KÝ NGUYỆN XÁ

HỒI KÝ NGUYỆN XÁ THÁNH PHANXICÔ SALÊ

Dịch giả: Đaminh Phạm Xuân Uyển


LỜI PHI LỘ

Bản dịch và ghi nốt này được thực hiện do yêu cầu của Ban Đào luyện Tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam, và dựa trên bốn ấn bản:

  1. Hồi ký Nguyện xá do cha Eugenio Ceria cho xuất bản, Tôrinô, 1946.
  2. Hồi ký Nguyện xá do Aldo Giraudo, thuộc viện lịch sử Salêdiêng của UPS, LAS-ROMA xuất bản, 2011.
  3. Hồi ký Nguyện xá do Antôniô da Silva Ferreira, thuộc viện Lịch sử Salêdiêng của UPS, LAS-ROMA xuất bản, 1992.
  4. Hồi ký Nguyện xá do Don Bosco Publications, New Rochelle, New York, xuất bản năm 1989, với bản dịch sang tiếng Anh của Daniel Lyons, SDB, và phần ghi nốt của Eugenio Ceria, SDB, Lawrence Castelvecchi, SDB và Michael Mendl, SDB.

Các số thứ tự và đề mục tổng quát của các chương là do người dịch thêm vào, còn đề mục chi tiết là của Don Bosco.

Don Bosco như một người cha viết cho các con cái tinh thần của ngài về cuộc mạo hiểm vĩ đại của thời kỳ ban đầu của Nguyện Xá, của Ơn Chúa đã gọi ngài vào mũi tiến công độc đáo phục vụ cho giới trẻ nói chung và đặc biệt là giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi, một mục tiêu lớn của Giáo hội và xã hội mọi thời. Đó là cách mà Don Bosco đã đọc được từ Tin Mừng Chúa Giêsu, dưới sự hướng dẫn của một Bà giáo ân cần là Đức Trinh nữ Maria phù hộ.

Hoàn toàn căn cứ vào các tài liệu lịch sử, nhưng với ngòi bút phóng khoáng của Don Bosco đã tạo nên cả một thiên anh hùng ca sâu sắc và vui nhộn, cảm kích đến chảy nước mắt và bộc trực, thân yêu. Lời lẽ rất đơn sơ, nhưng sứ điệp và ý nghĩa nóng bỏng, lôi cuốn và tràn trề hy vọng. Ngày nay, các con của ngài đều chân nhận ở đây cả một kho tàng và ý nghĩa về con đường sống độc đáo của vị thánh từng là cha, thầy và bạn của giới trẻ.

Xin ghi lại một số nguồn bằng chữ viết tắt:

AAT =   Archivio Arcivescovile di Torino [Văn khố Tòa Tổng Giám mục Tôrinô].

APC =     Archivio della Parrocchia di Capriglio [Văn khố Giáo xứ Caprilio].

APSAC = Archivio della Parrochia S. Andrea, Castelnuovo [Văn khố Giáo xứ Thánh Anrê, Castelnuovo].

APSGC   = Archivio della Parrochia di S. Giorgio, Chieri [Văn khố Giáo xứ Thánh Giorgio, Chieri].

ASC =  Archivio Salesiano Centrale [Văn khố Trung ương Salêdiêng].

ASCT = Archivio Storico della Citta di Torino [Văn khố lịch sử thành phố Tôrinô].

ASMT =  Archivio de Seminario Metropolitano, Torino [Văn khố Chủng viện Tổng Giáo phận Torino].

AST =     Archivio dello Stato, Torino (Sezioni riunite) [Văn khố Quốc gia, Tôrinô (Các phân ban được liên kết lại)].

E =       Epistolario di S. Giovanni Bosco [Các thư Thánh Gioan Bosco].

FDB =     Fondo Don Bosco [Nguồn sử liệu Don Bosco].

OE =        Opere Edite [Các ấn bản của Don Bosco] 37 vol., Roma.

Đaminh Phạm Xuân Uyển, SDB

LỜI NÓI ĐẦU

HỒI KÝ NGUYỆN XÁ THỜI KỲ I: 1815-1835

DÀNH RIÊNG CHO CÁC HỘI VIÊN SALÊDIÊNG

Nhiều lần cha đã được khuyến khích viết lại Các Hồi Ký về Nguyện xá[1] thánh Phanxicô Salê, và dù rằng cha không thể từ chối lệnh của một nhân vật có quyền hành tối cao[2], nhưng cha không thể quyết định thực hiện việc này theo cách riêng vì cha phải nói về chính cha quá thường xuyên[3]. Giờ đây lại có thêm lệnh từ một nhân vật có thẩm quyền cao nhất, khiến cha không còn được phép trì trệ thêm nữa. Do đó, bây giờ cha có mặt để diễn tả những chi tiết bí mật chỉ nói riêng với nhau mà thôi[4] để giúp soi sáng hay là có ích  cho công cuộc mà Chúa quan phòng đã đoái thương trao phó cho Tu hội thánh Phanxicô Salê. Tiên vàn cha phải nói trước là cha chỉ viết cho các con Salêdiêng yêu quí của cha với lệnh cấm phổ biến cho công chúng về những chuyện này cả trước lẫn sau cái chết của cha[5].

Vậy công trình này có thể giúp được những gì? Nó sẽ là qui tắc giúp vượt thắng những khó khăn tương lai, nhờ rút tỉa được những bài học từ quá khứ; nó sẽ giúp nhận biết được chính Thiên Chúa đã hướng dẫn mọi sự trong mọi thời; ít nhất nó cũng sẽ giúp giải trí cho các con cái của cha, khi họ có thể đọc những chuyện mà người cha của họ đã dấn thân, và họ sẽ hứng thú đọc các hồi ký này khi cha được Thiên Chúa gọi về để trả lời về những hành động của cha, cha sẽ không còn được ở lại giữa các con cái nữa. Khi xảy ra là họ gặp những chuyện được trình bày có lẽ với sự tự mãn quá đáng, và có lẽ với cả dáng vẻ bên ngoài của sự hào nhoáng hư vinh, thì các con của cha sẽ sẵn sàng chịu đựng và thông cảm cho cha. Đây là một người cha sung sướng kể lại những chuyện của mình cho các con cái yêu quí của mình, những đứa con cũng thích biết những cuộc mạo hiểm bé nhỏ hoặc lớn lao của con người đã yêu mến họ xiết bao, và người cha này trong các chuyện lớn nhỏ đã luôn luôn tìm hết sức để làm việc cho lợi ích thiêng liêng và trần thế của họ.

Cha trình bày Các hồi ký này khi chia chúng ra thành ba thời kỳ[6], bởi vì trong mỗi một khoảng thời gian như vậy diễn ra một sự phát triển đáng kể và dễ nhận ra của công cuộc của chúng ta.

  1. TUỔI TRẺ CỦA CHA

MƯỜI NĂM TUỔI THƠ – CHA CHẾT

CẢNH NGHÈO TÚNG CỦA GIA ĐÌNH – MẸ GÓA.

Ngày[7] dâng hiến cho Đức Mẹ hồn xác lên trời là sinh nhật của cha vào năm 1815, tại Morialdo, thuộc thị trấn Castelnuovo d’Asti[8]. Mẹ của cha tên là Magherita Occhiena di Capriglio[9]; còn bố của cha tên là Phanxicô. Họ là dân quê, kiếm sống lương thiện bằng công việc và bằng sự dè sẻn. Người bố tốt lành của cha hầu như chỉ lo lao động, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mà nuôi sống bà nội 70 tuổi, chịu khổ bởi những bệnh tật thường xuyên; ba người con,  con cả là Antôn, con đời mẹ trước; con thứ là Giuse; và cậu nhỏ nhất là Gioan[10], tức là chính cha; cộng thêm hai người giúp việc đồng áng.

Cha chưa được hai năm, thì Thiên Chúa nhân từ giáng xuống trên gia đình cha một tai nạn lớn. Bố thân ái, tràn đầy sức lực, với tuổi trai trẻ, đầy nhiệt huyết chăm lo giáo dục Kitô giáo cho đàn con cái, một ngày kia, trở về nhà sau công việc, người đầy mồ hôi, thì vô ý đi vào trong hầm nhà dưới lòng đất lạnh lẽo. Vì mồ hôi không thoát ra được, nên chiều đến, bố lên cơn sốt nặng. Điềm báo của một cơn cảm lạnh không nhẹ. Tất cả mọi nỗ lực chăm sóc đều vô ích, và trong ít ngày, bố ở mức cùng của cuộc sống. Được cung cấp tất cả các an ủi và nâng đỡ của các phép trong đạo, bố đã căn dặn mẹ hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, và ngưng cuộc sống vào ngày 12 tháng năm 1817, ở giữa tuổi 34 trẻ trung.

Cha không biết khi đó cha như thế nào trong hoàn cảnh đau thương đó; cha chỉ còn nhớ, và đó là dữ kiện đầu tiên của cuộc sống mà cha ghi nhớ trong ký ức, rằng tất cả mọi người đi ra khỏi phòng người quá cố, còn cha thì cứ nhất định phải ở lại đó.  – Gioan con, đến, đến với mẹ, – người mẹ đau đớn của cha nhắc đi nhắc lại. – Nếu bố không đến, con không muốn đi, – cha trả lời. – Con đáng thương của mẹ, mẹ cha lại nói, con đến với mẹ, con không còn có bố nữa[11]. – Nói vậy rồi, mẹ cha gào khóc, rồi cầm tay cha  kéo đi chỗ khác, trong khi cha khóc bởi vì mẹ khóc. Bởi khi đó, với tuổi nhỏ đó, cha chắc chắn chưa hiểu được mất bố là cả một sự bất hạnh lớn lao như thế nào.

Sự việc này khiến cả gia đình rơi vào nỗi kinh hoàng. Phải nuôi nấng cả năm người; mùa gặt năm đó thất bại vì khô hạn ghê gớm; thực phẩm vọt giá kinh khủng. Bột mì phải trả 25 đồng Franc một thùng[12], lúa hay ngô bắp 16 Franc một thùng.[13] Nhiều dân quê thời đó quả quyết với cha rằng những người ăn xin xin một mẩu bánh hay chút vỏ bánh để bỏ vào trong chén cháo đậu để mà nuôi sống mình. Có những người nằm chết ở cánh đồng cỏ với miệng ngậm đầy cỏ, với hy vọng rằng ăn cỏ để làm giảm cơn đói đang gào thét.

Mẹ cha nhiều lần kể cho cha bao lâu còn có của ăn, thì cho cả nhà ăn; rồi đưa một món tiền cho một người hàng xóm tên là Bernado Cavallo[14], để ông đi tìm mua lương thực. Người bạn này đã đi các chợ xung quanh mà chẳng mua được gì, dù là với giá cao ngất. Người này đã trở về sau hai ngày, trong sự nóng lòng chờ đợi của cả nhà, vào lúc ban chiều, nhưng khi nghe báo là chẳng mang về với mình được gì cả, ngoại trừ tiền đã mang theo, thì nỗi khiếp sợ đã xâm chiếm tâm trí mọi người; vì hôm đó, mỗi người chỉ ăn được một chút xíu của ăn, nên ai cũng sợ những hậu quả kinh khủng của cơn đói trong đêm hôm đó. Mẹ cha thay vì phàn nàn, liền đi sang các nhà gần đó để đi vay chút lương thực, nhưng chẳng tìm được ai có thể giúp đỡ được. Mẹ liền nói: – Khi bố[15] hấp hối, đã nói với mẹ rằng phải có lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy cùng quì gối xuống mà cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện vắn tắt, mẹ đứng dậy và nói: – Trong trường hợp khẩn trương thì phải dùng biện pháp khẩn trương. Do đó, với sự trợ giúp của ông Cavallo, mẹ vào trong chuồng bò, giết một con bê và lo nấu ăn ngay lập tức, thế là mẹ có thể cho ăn giải đói cả gia đình. Rồi những ngày hôm sau thì có thể mua ngũ cốc về từ các làng phương xa, dù với giá rất cao,[16] để mà lo cho gia đình.

Ai cũng có thể hình dung ra mẹ cha đã phải chịu cực và lao nhọc vất vả đến mức nào trong năm tai ương đó. Nhưng với sự hăng say làm việc không biết mệt mỏi, với sự dè sẻn bền bỉ, với mức quan tâm đến những chuyện nhỏ nhất, và một vài sự trợ giúp thật sự là do Chúa quan phòng gửi đến, gia đình đã vượt qua cơn khủng hoảng của năm đói đó. Mẹ cha đã nhiều lần kể lại cho cha những chuyện này và bà con gần gũi cũng như các thân hữu đều xác nhận như vậy.

Khi cơn khốn quẫn kinh khủng đó đã qua đi, và gia đình chuyển sang tình trạng khả quan hơn, thì mẹ cha được đề nghị một sự sắp xếp cưới hỏi rất thuận lợi; nhưng mẹ cha chỉ trả lời: – Thiên Chúa đã ban cho tôi một người chồng, và Chúa đã cất anh đi khỏi tôi; khi sắp chết, anh đã trao phó lại cho tôi ba đứa con, và tôi sẽ là một người mẹ ác độc nếu tôi bỏ rơi chúng khi chúng rất cần đến tôi. Người ta trả lời cho mẹ cha là các con của bà sẽ được trao phó cho một người giáo hộ tốt lành để hết lòng chăm lo cho chúng. Nhưng người phụ nữ quảng đại này trả lời: – Người giáo hộ là một người bạn, còn tôi là một bà mẹ của các con tôi; tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng, dù cho ông có cho tôi tất cả vàng bạc trên trái đất này.

Mẹ để tâm nhất là lo dạy các con mẹ, dạy dỗ các con của mẹ biết và sống đạo, hướng dẫn các con biết vâng phục và bận bịu với các công việc xứng với tuổi của mình. Ngay khi cha còn nhỏ, chính mẹ dạy cha cầu nguyện; khi cha có thể tự mình đọc kinh như các anh, mẹ bảo cha sáng chiều quì gối với các anh, và mọi người cùng nhau đọc kinh chung, lần một phần ba tràng Kinh Mân Côi. Cha nhớ là chính mẹ chuẩn bị cho cha xưng tội lần đầu, cùng cha đi đến nhà thờ; chính mẹ xưng tội trước, gửi gắm cha cho cha giải tội, rồi sau đó giúp cha cảm ơn Chúa. Mẹ tiếp tục giúp cha như thế cho tới khi mẹ xét thấy cha có khả năng một mình đi xưng tội một cách xứng đáng.[17]

Thế rồi cha đã lên chín tuổi; mẹ cha ước ao cho cha đi học, nhưng đi lại thật khó khăn vì khoảng cách, vì xứ Castelnuovo cách xa nhà cha đến 5 cây số. Anh Antôn thì phản đối việc cha đến trường. Anh đã có cá tính riêng. Sang mùa đông, cha học ở trường làng Capriglio nhỏ bé, nơi cha tập đọc và tập viết. Thầy dạy của cha là một linh mục rất đạo đức tên là cha Giuse Lacqua. Ngài rất quan tâm săn sóc cho cha, hết lòng chăm lo dạy dỗ cha, và đặc biệt lo công việc giáo dục Kitô hữu cho cha. Sang mùa hè, cha thỏa mãn ý anh cha, làm việc tại đồng quê.[18]

  1. MỘT GIẤC MƠ

Vào tuổi đó, cha có một giấc mơ[19] đã in sâu vào tâm trí cha trong suốt cuộc đời. Trong giấc mơ, cha thấy mình ở gần nhà, trong một cái sân rộng, nơi có rất đông các trẻ em tụ lại vui chơi. Người thì vui cười, người khác thì chơi, và có vài kẻ nói phạm thượng. Nghe những lời phạm thượng đó, cha lập tức lăn xả vào giữa chúng, vừa đấm vừa lên tiếng để cho chúng im đi. Trong lúc đó, một người đáng kính hiện ra, ở tuổi tráng niên, ăn mặc quí phái. Một tấm áo choàng trắng phủ lên cả thân hình; nhưng mặt ngài thì thật sáng chói, và cha không có thể nhìn ngắm ngài. Đấng ấy gọi cha bằng tên, và lệnh cho cha đứng đầu đám trẻ này bằng những lời: – Không bằng những cú đấm mà bằng sự dịu dàng và bằng đức bác ái, con sẽ phải chinh phục các bạn trẻ của con đây. Và con hãy lập tức dạy cho chúng biết về sự thô lỗ, xấu xa của tội và về quí giá của nhân đức.

Bối rối và khiếp hãi cha nói thêm rằng cha chỉ là một đứa trẻ nhỏ ngu dốt và nghèo khổ, không có khả năng nói về tôn giáo cho các bạn trẻ này. Trong lúc đó bọn trẻ ngừng cười, la hét và nói phạm thượng, mà tất cả tụ họp lại xung quanh Đấng đang nói.

Hầu như chẳng biết mình nói gì, cha lên tiếng: – Ông là ai, mà lại ra lệnh cho con những chuyện con không thể làm được? – Chính vì những chuyện này có vẻ không thể làm được đối với con, thì con phải biến nó thành có thể bằng sự vâng phục và bằng việc chinh phục sự hiểu biết. – Con sẽ chinh phục sự hiểu biết ở nơi đâu và bằng các phương tiện nào? – Ta sẽ cho con một bà giáo, dưới khuôn phép[20] của bà, con có thể trở thành khôn ngoan, và không có bà, mọi sự khôn ngoan đều trở thành điên rồ.

  • Ông là ai, mà lại nói cho con như vậy?
  • Ta là con của Bà mà mẹ con dạy con chào mỗi ngày ba lần.
  • Mẹ con nói con không được tiếp xúc với những người con không biết, nếu không có phép của mẹ; nên xin ông nói cho con tên của ông.
  • Tên của Ta, con hãy hỏi nơi Mẹ của Ta.

Chính lúc đó cha thấy bên cạnh ông, có một bà dáng vẻ uy nghi, mặc áo choàng chỗ nào cũng rực sáng, như thể mọi điểm của tấm áo choàng đó đều có đính sao chói ngời. Thấy cha hoàn toàn lúng túng trong các câu hỏi và trả lời của cha, Bà ra dấu cho cha tiến lại gần Bà, rồi Bà âu yếm cầm lấy tay cha, Bà nói: – Con hãy xem. Cha nhìn và thấy các trẻ em đã chạy trốn hết, và thế chỗ chúng, cha thấy cả một đoàn lũ các dê, chó, mèo, gấu và nhiều loại con vật khác nữa. – Đây chính là lãnh vực của con, đây chính là nơi con phải làm việc. Con hãy làm cho mình trở nên khiêm cung, mạnh mẽ, cường tráng; và điều mà con thấy giờ đây xảy ra cho các con vật này, thì con phải làm nên điều ấy cho các con của mẹ.[21]

Khi ấy cha quay lại nhìn, và này, thay vì các con vật hung dữ, thì xuất hiện cũng bấy nhiêu những con vật, nhưng tất cả là những con chiên dịu dàng, tất cả chúng đều nhảy tung tăng quanh đó và kêu be be, như là chào đón tưng bừng ông ấy và bà ấy.

Tới điểm này trong giấc mơ, cha òa khóc, và kêu xin các vị nói với cha sao cho cha hiểu được, bởi vì cha chẳng  biết các vị muốn nói điều gì. Khi ấy bà đặt tay lên đầu cha và nói với cha: – Đến thời của nó, con sẽ hiểu tất cả.

Sau khi Bà nói xong câu đó, một tiếng động làm cha tỉnh giấc; và mọi sự biến mất.

Cha hoàn toàn sửng sốt. Hai bàn tay cha hình như đau vì những cú đấm mà cha đã đấm; và mặt cha đau đớn vì những cú tát mình đã lãnh; thế rồi nhân vật đó, bà đó, những điều đã nói và những chuyện đã nghe chiếm hết tâm trí cha, đến nỗi suốt đêm còn lại, cha không thể nào ngủ lại được.

Sáng ra, cha lập tức kể lại giấc mơ đó, trước hết cho các anh của cha, và họ bắt đầu cười, rồi cho mẹ và cho bà nội của cha. Mỗi người đều  giải nghĩa  cùng một giấc mơ ấy theo cách của mình. Anh Giuse nói: – Em sẽ trở thành người chăn dê, chăn cừu hay các con vật khác. Mẹ cha nói: – Ai biết được là con có thể trở thành linh mục. Anh Antôn lên tiếng cộc lốc: – Có lẽ mày sẽ trở thành thủ lãnh bọn cướp. Nhưng bà nội biết khá về thần học, dù bà hoàn toàn không biết đọc biết viết, cho lời phán quyết vĩnh viễn: – Không nên để ý tới mộng mị.[22]

Cha thì đồng ý với bà nội; tuy nhiên cha chẳng thể nào cất giấc mộng đó khỏi tâm trí mình. Những điều cha sẽ kể ra đây mang lại phần nào ý nghĩa cho giấc mơ này. Cha luôn giữ im lặng về mọi chuyện này; những người thân của cha cũng không để ý mấy đến. Nhưng vào năm 1858, cha đi Rôma để thương lượng với Đức Thánh Cha về Tu hội Salêdiêng, Ngài đã bắt cha kể lại chi tiết tất cả các chuyện dù có vẻ bề ngoài là siêu nhiên về Tu hội.[23] Thế là lần đầu tiên cha mới kể ra giấc mơ mà cha đã mơ năm lên chín hay mười tuổi này. Đức Thánh Cha mới ra lệnh cho cha viết nó ra theo nghĩa sát chữ, và viết một cách chi tiết, và để nó lại như là một lời khích lệ cho các con cái của Tu hội, vì Tu hội là mục tiêu của chuyến viếng thăm Rôma đó.

  • Tương lai giáo dục của Don Bosco từ tấm bé được bao phủ bởi những sự hiện diện thần thiêng và nhân loại nào?
  1. CHÚ XIẾC TRẺ

NHỮNG TRÒ VUI CHƠI ĐẦU TIÊN CHO CÁC TRẺ EM – CÁC BÀI GIẢNG – NHỮNG  NGƯỜI LÀM XIẾC  –  NHỮNG TỔ CHIM

Các con đã hỏi cha, nhiều lần hỏi cha là vào tuổi nào cha đã bắt đầu chăm sóc cho những trẻ em. Vào lúc mười tuổi, cha đã làm việc vừa sức với tuổi của cha, và đó đã là một loại của Khánh Lễ Viện. Các con hãy lắng nghe. Khi cha còn là một chú bé con, cha đã nghiên cứu tính tình các bạn của cha. Và nhìn thẳng vào mặt em nào, là cha nhận ra ngay được các kế hoạch mà em đó có trong đáy lòng mình. Bởi thế, giữa các bạn cùng lứa tuổi, cha rất được yêu mến cùng nể sợ[24].  Mỗi em đều muốn cha làm người phân xử và làm người bạn của em. Về phần cha, cha làm ích cho bất cứ ai cha có thể làm được, mà không làm hại một ai. Các bạn hữu yêu mến cha lắm, mỗi khi có chuyện cãi cọ, cha luôn là người đứng ra phân xử. Bởi thế, dù cha có thân hình bé nhỏ, cha có sức mạnh và lòng can đảm để khiến các bạn lớn tuổi hơn cha cũng phải nể sợ; cho nên hễ xảy ra cãi cọ, tranh giành, ẩu đả, cha ngay lập tức trở thành người trọng tài đứng ra phân xử các bên tranh giành và mọi người đều vui lòng chấp nhận cách phân xử mà cha đưa ra.

Nhưng cái khiến họ luôn bâu quanh cha, và làm cho họ say mê đến điên rồ, chính là những câu chuyện mà cha kể cho họ. Những gương lành được nghe trong các bài giảng và trong các bài giáo lý; những gì đọc được trong các cuốn truyện Các vua nước PhápLão Guerinô độc ác, hay Các cuộc mạo hiểm của Bertolđô Bố Và Bertolđô Con[25] cung cấp cho cha rất nhiều giai thoại. Các bạn của cha vừa thấy cha, liền ùa đến để nghe một đứa bé phải cố gắng lắm mới bắt đầu hiểu được cái mình đã đọc, kể lại cho chúng nghe một điều gì đó. Thêm vào số đó, còn có cả vài người lớn, thế rồi có khi trên con đường đi tới hay trở về từ Castelnuovo, khi thì trên cánh đồng, hay trên đồng cỏ, cha luôn được bao vây bởi hàng trăm người chạy lại để lắng nghe một đứa bé đáng thương, khốn khổ, chỉ nhờ có chút trí nhớ, chứ thực rất thiếu thốn về hiểu biết, nhưng lại xuất hiện ở giữa chúng bạn như một vị tiến sĩ. Thật là nước người mù, kẻ chột làm vua [Monoculus rex in regno caecorum].

Trong mùa đông, tất cả đều muốn ở bên cha tại chuồng bò[26] để kể một vài câu chuyện nhỏ. Tại đó, người ta thuộc đủ lứa tuổi và hoàn cảnh tụ tập lại, tất cả đều vui sướng được thưởng thức những buổi chiều kéo dài năm, sáu tiếng để im phăng phắc 1ắng nghe độc giả của tiểu thuyết anh hùng Các vua nước Pháp, một nhà hùng biện đáng thương diễn giải trong khi đứng thẳng trên chiếc ghế dài để cho tất cả mọi người có thể thấy và nghe được. Tuy nhiên vì cùng đồng ý rằng họ đến đây để nghe giảng, nên trước và sau khi cha kể chuyện, tất cả đều làm dấu thánh giá và đọc kinh Kính Mừng. 1826[27].

Sang mùa ấm áp, đặc biệt trong các ngày lễ, những người trong xóm làng và không ít người đến từ xa tụ tập lại. Tại đây, sự việc mang dáng dấp nghiêm chỉnh hơn. Cha cống hiến cho họ một cuộc giải trí với các trò ảo thuật và xiếc mà cha đã học được từ những người khác. Tại các khu chợ và các chợ phiên có rất nhiều người làm xiếc và làm ảo thuật, cha thường hay tới đó để xem. Cha chăm chú quan sát từng xảo thuật nhỏ các trò khéo léo của họ, và cha về nhà tập luyện cho tới khi cha đã làm được hệt như những gì cha đã học. Các con cứ tưởng tượng cha phải chịu biết bao những cú va chạm, bầm dập, nhào ngã, lộn đầu lộn cổ mà cha đã phải chịu đựng trong mọi lúc.Vậy mà các con có dám tin chăng? Mười một tuổi, cha đã chơi những trò chơi tung hứng, những cú nhảy lộn nhào chết người, hay những cú quay vòng kiểu chim nhạn[28], đi trên đôi tay; đi, nhảy và vũ trên dây, giống hệt như một người làm xiếc chuyên nghiệp.

Từ chương trình được làm trong ngày lễ, các con có thể hiểu tất cả những cái thường được làm trong những ngày khác.

Tại Becchi có một cánh đồng cỏ, trên đó có những loại cây khác nhau, mà bây giờ vẫn còn một cây lê[29]. Cây lê này xưa đã giúp cha nhiều lắm. Cha buộc một đầu sợi dây thừng vào đó, sợi dây được nối sang một cây khác cách đó một chút; thế rồi cha đặt một cái bàn nhỏ với túi dết trên đó; rồi một tấm thảm trải dưới đất để thực hiện những cú nhảy. Khi mọi việc đã được chuẩn bị và ai cũng hồi hộp chờ đợi thưởng ngoạn những trò chơi mới, cha liền mời tất cả lần một chuỗi tràng hạt Mân côi, sau đó hát một bài ca thánh. Xong  cha leo lên chiếc ghế, cất tiếng giảng, hay đúng hơn nhắc lại cái cha nhớ được từ bài giảng Phúc Âm nghe được vào ban sáng tại nhà thờ; hay cha kể lại các chuyện hay gương sáng nghe hay đọc được từ một vài cuốn sách. Kết thúc bài giảng, tất cả cùng đọc một kinh nguyện ngắn, và lập tức khai mạc trò giải trí. Vào lúc đó, các con xem đấy, nhà giảng thuyết trở thành người làm xiếc chuyên nghiệp. Nào là trò xoay vòng kiểu chim nhạn, nào là những cú nhảy lộn chết người, đi trên đôi tay với thân thể lộn ngược; rồi quấn khăn ăn che quanh ngực[30], cha ăn những đồng tiền để rồi đi lấy chúng ra từ mũi của người này hay người khác; rồi hóa ra nhiều nào là banh, nào là trứng, hóa nước thành rượu, giết và cắt con gà thành từng mảng, rồi làm cho nó sống lại và gáy càng hay hơn trước, đấy là những trò chơi thông dụng. Thế rồi cha đi một đoạn trên dây; cha nhảy và khiêu vũ, dính chặt vào dây khi thì với một chân, khi thì với cả hai chân, khi thì với một tay khi thì với cả hai tay. Sau một vài giờ chơi như thế, khi cha đã khá mệt, liền ngừng tất cả những trò chơi, rồi đọc một kinh nguyện ngắn, rồi ai nấy về nhà mình. Tất cả những ai đã nói phạm thượng đến Chúa, hay nói những chuyện tục tĩu, hay từ chối không chịu tham dự vào các thực hành tôn giáo, đều bị cấm không cho tham dự vào cuộc tụ họp này.

Chắc các con sẽ hỏi cha: – Để đi đến các khu chợ phiên và các chợ, học hỏi với các người làm xiếc, lo hỗ trợ những gì cần thiết cho các trò giải trí này, thì cần phải có tiền, vậy tiền lấy ở đâu? Về chuyện này cha có thể lo liệu bằng nhiều cách.  Tất cả những tiền mà mẹ cha hay những người khác cho cha để sắm những thứ mình thích, kẹo bánh, đồ chơi, những món quà nho nhỏ, cha đều để dành vào việc này. Hơn nữa cha rất thiện nghệ đánh bẫy chim bằng bẫy chân, bẫy lồng, bẫy nhựa dính, bẫy dây, cha cũng rất thiện nghệ trong việc tìm các tổ chim. Bắt được đủ chim, cha biết đem đi bán giá hời. Nấm, các thứ cỏ dùng để nhuộm vải[31], cây cỏ ngựa (thạch nam)[32] còn là một nguồn khác nữa để cha kiếm ra tiền.

Tới đây các con sẽ hỏi cha: thế mẹ cha có bằng lòng để cha sống một đời sống tản mạn như vậy, và phí mất thời giờ như vậy để làm người làm xiếc hay sao? Cha sẽ trả lời các con là mẹ cha thương yêu cha nhiều lắm; và cha có lòng tin tưởng ở mẹ vô giới hạn, và không có sự đồng ý của mẹ, cha sẽ chẳng động một bước. Mẹ biết hết, quan sát hết mọi sự và mẹ để cho cha làm. Hơn thế, nếu cha còn cần thêm gì, mẹ rất vui lòng cung cấp cho. Chính các bạn của cha và nói chung tất cả các khán giả đều vui lòng cho cha những gì cha cần để đem lại cho họ những trò vui hào hứng này.

  • Phương thế giáo dục của bé Gioan Bosco vừa đơn giản vừa hiệu nghiệm: bạn có biết lý do vì sao chăng?
  1. NẾM HƯỞNG TÌNH YÊU CHÚA
    QUA NGƯỜI CHA TINH THẦN

RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU – BÀI GIẢNG CỦA TUẦN ĐẠI PHÚC – DON CALOSSO – TRƯỜNG HỌC TẠI MORIALDO

Một chuyện khiến cha suy nghĩ nhiều đó là không có được một nhà thờ hay một nhà nguyện để có thể tới đó ca hát, cầu nguyện cùng với các bạn của mình. Để đi nghe một bài giảng hay một bài giáo lý, thì phải đi gần mười cây số đường trường, tính cả đi và về, để tới hoặc là thị trấn Castelnuovo hay tới một làng bên cạnh gần Buttigliera[33]. Đó là lý do tại sao các bạn hữu lại thích đến nghe các bài giảng của chú bé làm xiếc.

 Năm lên mười một tuổi, cha được chấp nhận rước lễ lần đầu[34]. Cha đã học thuộc toàn bộ sách giáo lý nhỏ; nhưng theo lệ thường chẳng ai được chấp nhận rước lễ lần đầu nếu chưa đạt mười hai tuổi. Đàng khác, cha ở xa nhà thờ[35], nên cha xứ không biết đến cha, và cha hầu như chỉ biết cậy dựa vào sự dạy dỗ  về tôn giáo nơi mẹ tốt lành của cha. Nhưng vì  ước ao không để cho cha cứ lớn hơn mãi mà không được thực hành hành vi cao cả đó của đạo thánh chúng ta, mẹ đã chính mình dấn thân chuẩn bị bao việc có thể tốt nhất cho cha, theo như mẹ có thể và biết làm. Trong suốt mùa Chay, mẹ bắt cha đi học giáo lý hằng ngày; thế rồi cha được thi, và chấm đậu, và trong ngày đó tất cả các trẻ em phải thực hiện bổn phận [rước lễ][36] Phục sinh được ấn định.

Ở giữa đám đông dân chúng tham dự, sao có thể tránh khỏi sự chia trí. Mẹ cha đã tính đến có mặt để giúp đỡ cha trong nhiều ngày; mẹ đã ba lần dẫn cha đi xưng tội trong Mùa chay. – Gioan bé nhỏ con của mẹ, mẹ nhắc đi nhắc lại, Thiên Chúa chuẩn bị cho con một món quà lớn; nhưng con phải lo chuẩn bị cho tốt, đi xưng tội và đừng giấu bất cứ tội gì trong khi xưng tội. Con hãy xưng mọi sự, ăn năn mọi sự, và hứa với Chúa sẽ cố gắng sống tốt hơn trong tương lai. – Cha đã hứa tất cả; nếu sau đó cha đã trung thành, có Chúa biết điều đó. Tại nhà, mẹ giúp cha cầu nguyện, đọc một cuốn sách tốt, và mẹ ban cho cha những lời khuyên mà một bà mẹ cần mẫn biết là thích hợp nhất để mà chọn trao cho con mình.

Sáng sớm đó mẹ không để cho cha nói chuyện với một ai, rồi đi theo cha tới bàn tiệc thánh, và cùng cha lo việc chuẩn bị và việc cám ơn, mà cha Quản hạt Sismondo[37] hết sức sốt sáng cất cao giọng hướng dẫn mọi người cùng đọc qua những lời xướng-đáp. Trong ngày hôm đó, mẹ không muốn cha lo bất cứ công việc vật chất nào, mà hoàn toàn phải chú tâm đọc sách và cầu nguyện. Trong số các điều dạy dỗ, mẹ nhắc lại nhiều lần cho cha những lời này: – Con yêu ơi, hôm nay là một ngày vĩ đại cho con. Mẹ chắc chắn Thiên Chúa tốt lành đã thực sự chiếm hữu trái tim con. Giờ đây con hãy hứa với Chúa hãy hết sức sao để gìn giữ con tốt lành cho đến phút cuối cuộc đời. Trong tương lai, con hãy năng rước lễ, nhưng hãy coi chừng đừng phạm sự thánh. Con hãy xưng thú mọi sự trong tòa giải tội; con hãy luôn luôn vâng lời, hãy sẵn lòng đi học giáo lý và nghe giảng; nhưng vì yêu Chúa, con hãy tránh như tránh dịch tễ tất cả những ai nói những chuyện xấu xa.

Cha giữ lại và lo thực hành các lời khuyên của người mẹ đạo đức của cha: và xem ra từ ngày hôm đó đã có một sự tiến bộ nào đó trong đời cha, cách riêng là trong sự vâng lời và sự qui phục các người khác, là cái mà trước đây cha rất ghét, vì cha chỉ muốn luôn làm theo những suy nghĩ trẻ con của cha đối lại với những ai ra lệnh và ban cho cha những lời khuyên tốt lành.

Trong năm đó (1826[38]), có một tuần đại phúc Năm thánh tại làng Buttigliera, nên cha có may mắn được đi nghe một số bài giảng. Danh tiếng của các nhà giảng thuyết lôi cuốn người ta từ nhiều nơi đến. Cha cũng đến cùng với nhiều người khác. Mỗi buổi chiều có một bài huấn dụ và một bài giảng, sau đó các thính giả được tự do về nhà.

Một buổi chiều tháng tư cha cùng đám đông về nhà, có cha Calosso quê ở Chieri, một con người rất sốt sắng, cũng cùng đi. Cho dù lưng có còng xuống vì tuổi tác, ngài đã đi quãng đường dài này để đến nghe các nhà giảng thuyết. Cha chính là vị cha sở họ lẻ Morialdo[39]. Thấy một em bé dáng bé nhỏ, đầu trần, tóc soăn quắn bước đi rất thầm lặng giữa những người khác, ngài liền nhìn sang cha và bắt đầu nói với cha thế này:

  • Con ơi, con đến từ đâu? Con cũng đi nghe tuần Đại phúc đấy chứ?
  • Vâng, thưa cha, con đi nghe các vị thuyết giảng tuần Đại phúc.
  • Con hiểu được gì nào? Có lẽ mẹ con có thể giảng những bài giảng thích hợp hơn cho con, phải không?
  • Vâng đúng thế, mẹ con thường giảng cho con những bài giảng rất hay, nhưng con cũng thích đi nghe các nhà giảng thuyết giảng và con có vẻ là hiểu được các ngài.
  • Nếu con nói được cho cha nghe bốn lời của bài giảng hôm nay, thì cha sẽ cho con bốn đồng.
  • Xin cha cứ nói cho con biết cha muốn con nói cho cha bài giảng thứ nhất hay bài giảng thứ hai?
  • Con thích sao thì cứ làm vậy, miễn là con nói cho cha được bốn lời. Con có nhớ bài giảng thứ nhất bàn đến điều gì không?
  • Trong bài giảng thứ nhất có nói đến cần phải kịp trao phó mình cho Thiên Chúa và đừng trì hoãn việc hối cải.[40]
  • Thế trong bài giảng đó nói những gì? – Vị cha già đáng kính đó có đôi chút ngạc nhiên, thêm vào.
  • Con nhớ khá tốt và nếu cha muốn, con xin đọc tất cả.

Và không đợi gì nữa, cha bắt đầu trình bày lời khai mào, rồi ba điểm, tức là ai trì hoãn việc hối cải của mình sẽ gặp nguy hiểm lớn là người ấy sẽ thiếu mất thời gian, ân sủng và ý muốn. Cha [Calosso] cứ để mặc cho cha tiếp tục như thế cả nửa giờ ở giữa đám đông; rồi ngài hỏi cha thế này:

  • Con tên gì, cha mẹ con thế nào, con đã đi học nhiều trường chưa?
  • Con tên là Gioan Bosco, cha con mất khi con còn thơ. Mẹ con góa với năm người phải nuôi nấng.[41] Con đã học đọc và một chút viết lách.
  • Con đã học sách Đônatô, hay là sách văn phạm chưa[42]?
  • Con không biết đó là những gì.
  • Con có thích học không?
  • Con thích lắm, thích lắm.
  • Cái gì cản trở con?
  • Anh Antôn của con.
  • Tại sao Antôn không để cho con đi học?
  • Bởi vì anh đã không muốn đi học, nên anh nói là không muốn người khác mất thời giờ học hành như anh ấy đã mất[43]; nhưng nếu con được đi, con sẽ học và sẽ không mất thời giờ.
  • Vì sao con ước ao đi học?
  • Để ôm ấp đời sống giáo sĩ.
  • Và vì sao con lại muốn ôm ấp đời sống này?
  • Để con gần gũi, nói chuyện, dạy dỗ biết bao nhiêu các bạn bè con về đạo giáo. Họ không xấu, nhưng đã trở nên như vậy, vì chẳng có ai chăm lo cho họ.

Những lời nói thẳng thắn và có thể cho là táo bạo của cha đã tạo một ấn tượng lớn nơi vị linh mục thánh thiện này, và trong khi cha nói, ngài chẳng bao giờ quay ánh nhìn ra khỏi cha. Trong khi đó đã đến một điểm mà con đường rẽ làm hai, cha [Calosso] mới chia tay cha bằng những lời này: – Con có tâm hồn tốt; cha sẽ nghĩ đến con và đến việc học của con. Chủ nhật  con hãy đến với mẹ của con để gặp cha và chúng ta sẽ kết luận về mọi chuyện. – Chúa nhật đến, cha quả đã tới với mẹ của cha, và cùng thống nhất là ngài dạy cha một buổi mỗi ngày, buổi còn lại cha đi làm tại đồng quê để thỏa mãn ý nguyện của anh Antôn. Anh dễ dàng bằng lòng, vì chuyện học của cha chỉ bắt đầu sau mùa hè, khi công việc đồng áng không còn phải quan tâm nhiều nữa.

Cha ngay lập tức phó thác bản thân trong tay cha Calosso, ngài chỉ mới đến nhận họ sở này được vài tháng. Cha cho ngài biết tất cả bản thân cha. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi hành động đều được sớm biểu lộ ngay cho ngài. Điều này làm ngài rất hài lòng, bởi vì cứ theo cách đó, ngài có nền tảng để xếp đặt ổn định cho cha trong đời sống thiêng liêng cũng như trần thế.

Khi đó cha mới biết được thế nào là có một vị linh hướng vững bền, một người bạn trung thành của linh hồn, mà cho tới lúc đó cha vẫn chưa có được. Trong số những chuyện khác, ngài đã cấm cha một việc đền tội mà cha vẫn thường làm, nhưng không thích hợp với tuổi và hoàn cảnh của cha. Ngài khích lệ cha năng xưng tội, rước lễ, và dạy cha cách thế mỗi ngày thực hiện một việc nguyện gẫm ngắn hay đúng hơn là một chút đọc sách thiêng liêng. Toàn bộ thời gian có thể, cũng như trong các ngày lễ nghỉ, cha qua ở với ngài. Trong các ngày thường trong tuần, bao giờ có thể, cha đi giúp lễ cho ngài. Kể từ thời đó, cha đã bắt đầu nếm hưởng thế nào là đời sống thiêng liêng, bởi trước đó cha chỉ hành động đúng ra một cách vật chất, và giống như một cái máy, mình làm một chuyện mà không biết lý do mình làm.

Giữa tháng chín cha đã bắt đầu thường xuyên học văn phạm tiếng Ý, mà trong một thời gian vắn cha đã có thể viết và thực hành các bài viết hay. Vào Giáng sinh cha bắt tay vào học Đonatô (văn phạm Latinh), vào Phục sinh, cha bắt đầu tập dịch từ Latinh sang tiếng Ý và từ tiếng Ý sang Latinh. Trong tất cả quãng thời gian đó, cha không bao giờ ngưng các biểu diễn vui trong các dịp ngày lễ tại cánh đồng cỏ, hay tại chuồng bò vào mùa  đông. Từng việc làm, từng lời nói, và cha có thể nói từng lời một của vị thầy của cha, đều được dùng để giúp tác động nơi các khán giả của cha.

Cha đã nghĩ là mình đã đạt tới chỗ hoàn thành các ước nguyện của mình, thì một cảnh đau khổ mới, một nỗi bất hạnh nghiêm trọng đã cắt đứt hết sợi chỉ của các niềm hy vọng của cha.

  • Kinh nghiệm thiêng liêng của bé Gioan được vun sới bởi mẹ Margharita và bởi cha Calosso như thế nào?
  1. NHỮNG HY VỌNG TAN VỠ

VIỆC HỌC HÀNH VÀ ĐỒNG ÁNG – TIN DỮ VÀ TIN TỐT LÀNH –  CÁI CHẾT CỦA CHA CALOSSO

Bao lâu mùa đông còn kéo dài và công việc của nông dân không đòi hỏi phải lo lắng nhiều, anh Antôn còn cho cha chăm lo việc học. Nhưng mùa xuân tới, anh bắt đầu than phiền rằng anh phải chịu đựng cuộc sống trong những công việc nặng nhọc, trong khi cha thì mất thời giờ để làm ông trưởng giả nhỏ. Sau những cãi vã với cha và với mẹ cha, để gìn giữ hòa khí trong gia đình, thì đi tới kết luận là cha sẽ đi học ban sáng tại trường và thời giờ còn lại trong ngày thì cha phải dành cho công việc vật chất. Nhưng làm sao để mà học các bài học đây? Làm sao để làm các bài dịch?

Các con hãy nghe. Việc đi đến và trở về từ trường học cho cha một chút thời gian để học. Rồi khi về đến nhà, cha liền tay cầm cuốc, tay cầm cuốn văn phạm; rồi trên đường, cha học Qui quae quod, qualora è messo[44] v.v., đến khi đi tới nơi làm việc, cha tiếc nuối ngó cuốn văn phạm lần chót, đặt nó vào một góc, rồi cha tiến lại cuốc hay sạc cỏ, hoặc nhặt cỏ cùng với những người khác, tùy theo việc cần phải làm.

Thế rồi vào lúc những người khác thường nhấm nháp gì đó lúc giải lao, cha rút lui về một nơi vắng, và một tay cầm khúc bánh nhỏ để ăn, tay khác cầm cuốn sách để học. Cha cũng làm y như vậy khi trở về nhà. Giờ ăn trưa, ăn tối, giờ đánh cắp được từ giấc ngủ là thời gian duy nhất còn lại cho cha để làm các bài viết.

Bất chấp cha có làm việc nhiều và rất thiện chí, anh Antôn vẫn không bằng lòng. Một ngày kia với mẹ cha và với anh Giuse, anh lên giọng ra lệnh: – Đủ rồi. Con muốn nó kết thúc với cuốn văn phạm này. Con đã to lớn thế này mà có cần nhìn đến những cuốn sách đâu. – Trong lòng tràn ngập buồn sầu và tức giận, cha đã trả lời bằng cái mà đáng lẽ cha không nên nói: – Anh nói tệ rồi, cha lên tiếng. Anh không thấy con lừa nhà ta còn lớn hơn anh và nó có đi tới trường đâu? Anh có muốn trở nên giống như nó không? – Với những lời lẽ đó, anh nổi cơn giận dữ, nhào tới, và chỉ nhờ đôi chân mà cha biết sử dụng rất tốt, cha mới có thể trốn thoát cả một trận mưa đấm đá.

Mẹ cha vô cùng đau khổ; cha thì khóc; cha sở thì thương cảm. Vị thừa tác viên xứng đáng của Thiên Chúa đó khi  được biết những chuyện xảy ra trong gia đình cha, một ngày kia đã gọi cha và nói với cha: – Gioan con yêu của cha, con đã đặt tin tưởng vào cha, và cha không muốn chuyện đó trở nên vô ích. Vậy hãy bỏ lại một người anh dữ tợn và hãy đến cùng cha và con sẽ nhận được một người cha yêu thương. – Cha liền lập tức cho mẹ hay về món quà bác ái lớn lao đó. Sang tháng tư, cha bắt đầu sống với cha sở, và chỉ về nhà vào buổi tối để đi ngủ.[45] Không ai có thể tưởng tượng được cha bằng lòng đến mức nào. Cha Calosso trở thành thần tượng của cha. Cha yêu mến ngài hơn là một người bố, cha cầu nguyện cho ngài, và sẵn lòng phục vụ ngài trong mọi chuyện. Thật là vui sướng được vất vả vì ngài, và cha dám nói, hiến cả mạng sống cha trong những chuyện ngài ưa thích. Cha đã thực hiện được sự tiến bộ trong vòng một ngày ngang với cái cha phải làm tại nhà trong cả một tuần. Con người của Thiên Chúa này mang lại cho cha biết bao tình thương như nhiều lần ngài đã nói với cha: – Con đừng lo lắng gì cho tương lai của con cả; bao lâu cha còn sống, cha sẽ không để cho con phải thiếu thốn điều gì; nếu cha chết, cha cũng sẽ lo liệu y như vậy cho con.

Các công chuyện của cha diễn ra với một sự thịnh đạt không thể tả ra được. Cha kêu lên là mình hoàn toàn hạnh phúc, chẳng còn có gì là đáng tiếc cả, khi mà một thảm họa cắt đứt đường tiến của tất cả các niềm hy vọng của cha.

Một buổi sáng tháng tư 1828[46] cha Calosso sai cha đi về nhà lo một việc; cha vừa về tới nhà, thì một người chạy ngay tới bên cha, nhấn mạnh rằng cha phải chạy ngay về với cha Calosso đang bị lâm bệnh nặng, và cho gọi cha. Cha không chạy, mà là lướt như bay về bên cạnh người ân nhân của cha, mà cha thấy đang nằm trên giường sắp chết, không nói được lời nào. Cha [Calosso] đã bị một cơn tai biến. Ngài nhận ra cha, muốn nói với cha, mà không thể bập bẹ được lời nào. Ngài đưa cho cha chìa khóa tiền, ra dấu là đừng đưa nó cho bất cứ một ai khác. Nhưng sau hai ngày hấp hối, cha Calosso đáng thương đã gửi linh hồn trong lòng Đấng Tạo Dựng; thế là với ngài, tất cả niềm hy vọng của cha cũng chết. Cha đã luôn luôn cầu nguyện và bao lâu cha còn sống, cha không bao giờ quên mỗi sáng cầu nguyện cho vị ân nhân trổi vượt này của cha.

Thế rồi các người thừa kế của cha Calosso đến, và cha đã trao lại các chìa khóa và mọi sự lại cho họ .[47]

  1. HỌC TẠI CASTELNUOVO

CHA CAFASSO – NHỮNG HOÀI NGHI – PHÂN CHIA GIA SẢN CỦA CHÚNG TÔI –  ÂM NHẠC –  NGƯỜI THỢ MAY

Vào năm đó, Chúa quan phòng cho cha được gặp một ân nhân mới: Cha Giuse Cafasso quê ở Castelnuovo d’ Asti.

Đó là chủ nhật thứ hai của tháng mười (1827[48]) và dân làng Morialdo cử hành lễ Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria rất thánh, là đại lễ chính của họ. Ai cũng lo việc tại nhà hay tại nhà thờ, trong khi những người khác thì đứng xem hay tham dự vào những trò chơi hay các trò giải trí.

Chỉ có một người cha thấy đứng tách xa các cảnh vui chơi, đó là một thầy chủng sinh, người bé nhỏ, mắt sáng, vẻ dễ yêu, gương mặt thiên thần. Thầy đứng tựa cửa nhà thờ. Cha như  bị chấn động bởi vẻ của thầy, và dù cha chỉ mới ở tuổi mười hai[49], tuy nhiên, bị thúc đẩy bởi ước ao muốn nói chuyện cùng thầy, cha liền lại gần thầy và nói những lời này: – Thưa thầy, thầy muốn xem một vài cuộc chơi của ngày lễ của chúng ta chăng? Con sẽ vui vẻ dẫn thầy đi bất cứ nơi nào thầy thích tới

Thầy ra dáng dịu dàng vời cha tới, bắt đầu hỏi về tuổi tác, về  việc học hành của cha, và xem cha đã được rước lễ lần đầu chưa, và có năng đi xưng tội không, có đi học giáo lý và những chuyện tương tự như thế. Cha rất thú vị vì cách thức ăn nói rất gương mẫu; cha vui vẻ trả lời các câu hỏi của thầy; thế rồi, hầu như là để cám ơn thầy vì sự ân cần dịu dàng của thầy, cha nhắc lại là sẵn sàng dẫn thầy đi thăm vài cảnh tượng hay vài cuộc chơi mới mẻ.

  • Ôi, anh bạn thân mến của tôi, thầy trả lời, các cảnh tượng vui vẻ của những linh mục là các việc cử hành phụng vụ tại nhà thờ; càng được cử hành cách sốt sắng, thì các cảnh tượng của chúng ta càng trở nên chan hòa hạnh phúc cho mọi người. Những cái mới của chúng ta là các việc thực hành tôn giáo, chúng luôn mới mẻ và do đó nên được siêng năng tham dự; thầy chỉ đợi mở cửa nhà thờ thôi để mà vào.

Cha lấy can đảm để tiếp tục cuộc câu chuyện, và cha nói thêm: -Những điều thầy nói thật là đúng; nhưng có thời giờ cho mọi sự: thời giờ để đi nhà thờ, và thời giờ để vui chơi[50].

Thầy bật cười, và kết luận bằng những lời đáng ghi nhớ này, và đó sẽ là chương trình của các hành động của toàn diện đời sống của thầy: – Ai ôm ấp đời sống tư giáo, thì đã bán mình cho Chúa, còn tất cả những gì mình có trong trần gian, thì chẳng còn có gì nằm trong lòng mình cả, nếu không phải là cái có thể chuyển thành vinh quang Thiên Chúa và lợi ích cho các linh hồn.

Lúc ấy cha rất kinh ngạc, muốn biết tên của thầy đó, người có những lời và khuôn mặt biểu lộ tinh thần của Chúa. Cha đã biết được thầy là thầy tư giáo Giuse Cafasso, sinh viên thần học năm thứ nhất, mà người ta đã nhiều lần được nghe nói đến như một tấm gương nhân đức.

Cái chết của cha Calosso đã là một tổn thất vô cùng lớn không gì có thể bù đắp được. Cha đã khóc ròng vị ân nhân qua cố đó. Khi tỉnh, cha nhớ đến ngài, khi ngủ, cha mơ thấy ngài; công chuyện đi quá xa, đến nỗi mẹ cha lo sợ cho sức khỏe của cha, đã sai cha đi nghỉ ngơi một thời gian ở nhà cậu của cha tại Capriglio.

Trong thời gian đó cha đã mơ một giấc mơ khác, theo đó cha đã bị quở trách một cách nặng nề, vì cha đã đặt hy vọng của cha nơi người đời, chứ không phải nơi lòng tốt yêu thương của Cha trên trời.[51]

Trong khi đó cha vẫn đeo đuổi ý tưởng tiếp tục trong việc học hành. Cha đã gặp một vài vị linh mục làm việc trong thừa tác vụ thánh, mà cha không thể nào tạo nên với các ngài một sự tiếp xúc thân mật được. Trên đường đi cha thường gặp cha xứ hay cha phó xứ. Cha chào các ngài từ xa, và cúi đầu chào khi các ngài đi qua. Nhưng các ngài dáng nghiêm nghị và lễ phép chào đáp lại, rồi cứ tiếp tục đi đường của các ngài. Nhiều lần cha khóc và nói với mình hay với những người khác: -Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ làm khác; tôi muốn lại gần cùng các con trẻ, tôi muốn nói với chúng những lời tốt lành, trao cho chúng những lời khuyên bảo. Cha thật sẽ sung sướng biết bao nếu có thể được trao đổi đôi chút với cha xứ của tôi. Niềm hạnh phúc đó cha đã có được với cha Calosso. Sao lại không thể còn có được nữa?

Mẹ cha, thấy cha hoàn toàn đau khổ vì những khó khăn, trở ngại đặt ra cho việc học hành của cha, và không hy vọng gì được sự đồng ý của anh Antôn khi đó đã vượt quá 20 tuổi, quyết định đi đến phân chia tài sản bố để lại. Có những trở ngại nghiêm trọng, vì cha và anh Giuse còn nhỏ tuổi, lại còn phải hoàn thành nhiều thủ tục và chịu những phí tổn nặng nề. Nhưng mẹ vẫn quyết tâm tiến hành quyết định này. Thế là gia đình cha giảm nhân số còn lại có mẹ cha, anh Giuse của cha muốn sống chung với cha mà không cần phân chia gì cả. Bà nội của cha đã qua đời được vài năm rồi.

Đúng là việc phân chia gia sản đó lấy đi cục đá cứng khỏi dạ dày cha, và cha được trao ban hoàn toàn sự tự do để theo đuổi việc học; nhưng để đáp ứng được các thủ tục của luật pháp, còn cần phải chờ thêm một vài tháng, và cha chỉ có thể đi học tại trường tiểu học tại Castelnuovo vào khoảng Giáng sinh năm 1828, khi cha đã lên tới tuổi mười ba[52].

Vì cha đã học trường tư, giờ đây vào trường công với thầy dạy mới, là cả một sự ngỡ ngàng đối với cha; cha phải hầu như bắt đầu học lại văn phạm tiếng Ý để chuẩn bị con đường học Latinh. Trong một thời gian cha đi bộ từ nhà đến trường làng; nhưng vào mùa đông giá buốt, cha hầu như không thể tiếp tục được. Cả hai lần đi cùng hai lần về nhà là 20 km mỗi ngày. Cuối cùng cha được nhận nội trú trong nhà một ông thợ may tốt lành tên là Roberto Giovanni, một người rất thích nhạc bình ca [Gregoriano] và thanh nhạc. Và vì cha có một giọng rất tốt, cha đem hết lòng tập luyện nghệ thuật âm nhạc và chí ít cha có thể bước lên dàn nhạc và thể hiện vai mình phải đóng cách rất thành công. Hơn nữa, cha còn thích sử dụng tốt giờ chơi trong một công việc gì, nên cha dấn mình vào ngành may như một người thợ may. Trong thời gian rất ngắn cha đã có thể đơm cúc, làm đường viền, may đường may đơn và kép. Cha cũng học cắt quần đùi, áo gi-lê, quần sóc, áo choàng ngoài, và xem ra cha đã trở thành một trưởng xưởng may có giá.[53]

Ông chủ của cha thấy cha tiến bộ như thế trong nghề nghiệp, đã đề nghị cha những đề xuất có lợi, để cha ở lại vĩnh viễn hành nghề cùng ông. Nhưng các quan điểm của cha lại khác: cha muốn tiến lên trong học hành. Cho nên trong khi tránh sự nhàn rỗi, cha dấn thân vào nhiều việc, nhưng cha vẫn nỗ lực đạt tới mục tiêu chính của mình.

Trong năm đó cha gặp phải một vài dịp nguy hiểm do mấy bạn bè mời mọc. Chúng muốn kéo cha đi chơi vào giờ lớp; và bởi vì cha viện cớ mình không có tiền bạc, chúng đã gợi ý cách giúp cha tự giải quyết, bằng cách đi ăn cắp tiền của ông chủ hay của mẹ của cha. Một anh bạn khuyến khích cha làm chuyện này, anh ta nói:

  • Anh bạn ơi, đã đến lúc cậu phải tỉnh ra rồi. Cần phải học sống trong thế giới. Ai bịt chặt con mắt mình lại, thì chẳng thấy mình đi đâu. Cố lên, cứ kiếm tiền cho bạn đi, thì cả bạn nữa, bạn sẽ vui hưởng những lạc thú của các bạn của bạn.

Cha nhớ là đã trả lời cho chúng như thế này: – Tớ không có thể hiểu được các cậu muốn nói gì; nhưng từ lời các bạn, xem ra các bạn muốn khuyên tớ trốn học đi chơi và ăn cắp. Nhưng bạn không thốt lên mỗi ngày trong kinh nguyện là: thứ bảy chớ lấy của người sao? Mà kẻ ăn cắp chính là kẻ trộm, và những tên ăn trộm sẽ có một kết cuộc buồn thảm. Hơn nữa mẹ tớ thương tớ và muôn vàn muốn tốt cho tớ, và nếu tớ xin mẹ tiền cho những việc chính đáng, mẹ cho tớ ngay; không có phép của mẹ, tớ đã không làm bất cứ cái gì, cho nên bây giờ tớ cũng chẳng muốn bắt đầu không vâng lời mẹ. Nếu các bạn của bạn làm những trò này, chúng đều là đứa xấu. Còn nếu chúng không làm, nhưng lại khuyên kẻ khác làm chuyện này, thì chúng là những tên côn đồ, du thử du thực.

Lời lẽ của cha đó chúng truyền tai nhau, và không có một đứa nào còn dám đưa ra cho cha những đề nghị bất xứng này. Hơn nữa, câu trả lời của cha đến tai thầy giáo, khiến thầy từ đó rất thương yêu cha; nhiều cha mẹ của các anh bạn trẻ cũng nghe biết chuyện đó, nên các ông bà khích lệ các con yêu của họ đến với cha. Nhờ vậy, cha dễ dàng chọn cho mình các bạn hữu, họ thương cha và vâng lời cha y như những bạn ở Morialdo.

Mọi chuyện của cha cứ xuôi chiều tốt đẹp như vậy, thì lại một sự kiện mới xảy đến làm rối bung lên. Cha Virano, thầy dạy của cha, được cử làm cha xứ Mondonio, thuộc dịa phận Asti. Nên vào tháng tư năm 1830[54], vị thầy thân yêu của chúng tôi đi nhận giáo xứ của ngài; ngài được thay thế bởi một vị không có khả năng giữ kỷ luật, và vị này hầu như tung vào gió tất cả những gì mà trong các tháng trước cha đã ra công học tập[55].

4) Bài học đầu tiên về đời sống linh mục mà thầy Cafasso dạy cho bé Gioan Bosco là gì? Nó có thấm thía trong đời bé sau này không? Và Gioan bắt đầu rút ra các bài học nào từ những biến cố đau buồn và những khó khăn đã gặp trong cuộc sống?

  1. HỌC TẠI CHIERI

THEO HỌC TẠI CHIERI – LÒNG TỐT CỦA CÁC THẦY GIÁO – CÁC LỚP CẤP II[56] ĐẦU TIÊN

Sau khi mất rất nhiều thời gian tại Castelnuovo, [Gia đình] quyết định cho cha lên Chieri, nơi cha dấn thân học hành cách nghiêm chỉnh.

 Đó là vào năm 1830[57]. Đối với một người được nuôi dưỡng giữa rừng cây xa xôi hẻo lánh[58], thì  vừa mới thấy một làng nhỏ của một tỉnh, cũng đã bị ấn tượng mạnh bởi từng cái mới nhỏ bé rồi. Cha sống nội trú tại nhà một bà đồng hương, bà Lucia Matta, góa chồng, với một con trai duy nhất. Bà đến Chieri để hộ trực và coi sóc con trai bà[59].

Người thầy đầu tiên cha được biết là cha Eustachio Valimberti, vị thầy vô vàn kính ái nay đã qua đời. Ngài cho cha nhiều lời khuyên là phải lo xa lánh những dịp nguy hiểm; ngài gọi cha giúp lễ cho ngài, và việc đó cống hiến những dịp để ngài cho cha một vài gợi ý tốt đẹp. Đích thân ngài dẫn cha đến vị hiệu trưởng[60], và cho cha làm quen với các thầy dạy khác của cha. Bởi lẽ việc học của cha cho đến lúc này là mỗi thứ học mỗi tí, và hầu như chẳng giúp được gì mấy, nên cha được khuyên là nên theo học lớp chuẩn bị vào lớp Văn pháp 1 (Ginnasio 1)[61].

Thầy của cha khi đó là nhà thần học Pugnetti[62], ngài cũng là người đã khuất và còn để lại rất nhiều mến thương. Ngài xử với cha đầy tình thương yêu. Ngài giúp cha tại lớp học, và mời cha về nhà ngài, và rất thương cảm cho tuổi tác và ý muốn tốt của cha, và với tất cả những gì có thể, ngài hết lòng giúp đỡ cha.

Nhưng tuổi của cha và thân thể của cha hiện lên như cây cột giữa đám bạn nhỏ tí. Lo lắng kéo cha ra khỏi vị trí này, sau hai tháng tại lớp sáu, khi cha đã đạt tới vị trí đầu lớp, cha được nhận làm bài thi, và được nhận vào lớp năm[63]. Cha hết sức vui lòng bước vào lớp học mới, bởi vì các bạn học đã khá lớn, hơn nữa cha còn có được thầy dạy là cha Valimberti. Sau hai tháng, với nhiều lần cha được đứng đầu lớp, cha lại được nhận vào thi theo lối ngoại thường, rồi sau đó được nhận vào lớp 4, tương đương với Ginnasio 2[64].

Lớp này có thầy Giuse Cima dạy. Ngài là con người của kỷ luật. Vừa xem thấy một học trò cao và to như ngài xuất hiện tại lớp vào giữa niên học, ngài liền nói đùa trước cả lớp: -Thằng bé này hoặc là một đứa ngốc to xác, hoặc là một tài năng. Các con nghĩ sao? – Hoàn toàn ngỡ ngàng trước một lời giới thiệu như vậy, cha trả lời: – Một cái gì ở giữa; [vâng], con là một em bé đáng thương, có ý muốn tốt là thi hành bổn phận và tiến bộ trong học hành.

Ngài hài lòng về những lời lẽ này, và với một sự thân ái lạ thường, ngài thêm: – Nếu con có ý muốn tốt, con đang ở trong đôi bàn tay tốt; cha sẽ không để cho con ở nhàn rỗi. Can đảm lên con, và nếu con có gặp các khó khăn gì, con hãy lập tức nói cho cha, và cha sẽ san bằng các khó khăn cho con. – Cha đã hết lòng cám ơn ngài.

Cha ở trong lớp này được hai tháng, thì có một sự kiện nho nhỏ làm cho mọi người nói về cha. Một hôm, thầy dạy cắt nghĩa về cuộc đời của Agesilao, do Cornêliô Nipote viết. Ngày hôm đó, cha không mang sách học đi với mình, và để giấu không cho thầy giáo biết cha quên đem sách đi, cha mở cuốn [văn phạm của] Đônatô, và đem đặt trước mặt cha. Các bạn nhìn thấy. Một bạn bắt đầu cười, rồi một bạn khác tiếp tục cười. Lập tức cả lớp náo động cả lên.

  • Có gì thế, thầy giáo lên tiếng, có gì thế? Hãy nói cho thầy nghe lập tức nào.

Và vì con mắt của tất cả đều hướng về cha, thầy lập tức lệnh cho cha cấu trúc câu văn và nhắc lại y nguyên lời giảng của thầy. Thế là cha đứng lên, luôn cầm cuốn [văn phạm của] Đônatô trong tay, và nhắc lại thuộc lòng bản văn, cấu trúc văn, và lời giảng. Các bạn hầu như tự bản năng, thốt lên những lời khen ngợi và vỗ tay. Không thể nói ra được thầy giáo đã nổi cơn giận đến mức nào; bởi vì theo thầy, đây là lần đầu tiên thầy không thể giữ kỷ luật được. Thầy liền cho cha một cái tát, nhưng cha cúi đầu né; thế rồi thầy đưa tay cầm cuốn [văn phạm] Đônatô của cha, bắt các bạn gần bên cắt nghĩa lý do của sự rối trật tự này. Những bạn này nói: – Bosco luôn chỉ có cuốn [văn phạm] Đônatô trước mặt, nhưng lại đọc và cắt nghĩa như thể đang cầm trong tay cuốn sách của Cornêliô. Thầy cầm hẳn lấy cuốn Đônatô, bắt cha tiếp tục thêm nữa hai đoạn, rồi mới nói với cha: – Vì trí nhớ tốt[65] của con, thầy tha cho con tội quên đem sách của con. Con thật có phước; con hãy lo sao sử dụng trí nhớ đó cho tốt.

Kết thúc niên học đó (1830-1831)[66], cha được lên lớp Văn pháp 3, tức Ginnasio 3[67] với điểm cao.

  1. HỘI VUI

CÁC BẠN HỌC – HỘI VUI – CÁC BỔN PHẬN KITÔ HỮU

  • Trong bốn lớp học đầu trung học này, cha đã tự học cách đối xử với các bạn hữu. Cha đã chia các bạn thành ba loại: những bạn tốt, những bạn bình thường, những bạn xấu. Những bạn xấu thì vừa biết được là tuyệt đối tránh xa mãi mãi; còn với những bạn bình thường thì tiếp xúc cách lịch sự và khi cần; với những bạn tốt, thì kết tình thân thích, khi mà cha thực sự biết họ như vậy[68]. Vì trong thành phố này, cha không biết một ai, nên cha định luật cho cha là không kết thân với một ai. Tuy nhiên cha phải chiến đấu không ít với những người mà cha biết là chẳng có làm tốt gì đâu. Có những kẻ muốn đưa cha xem kịch tuồng, những người khác muốn đưa cha tham dự cuộc chơi, người khác nữa muốn đưa cha đi bơi[69]. Người khác nữa muốn đưa cha đi ăn cắp hoa quả trong vườn cây hay trong đồng quê.
  • Có một kẻ trơ trẽn đến độ khuyên cha ăn cắp chủ nhà cha ở một vật có giá trị để đi mua kẹo. Cha đã thoát được ra khỏi đám người này bằng cách kiên quyết xa lánh kết bè với chúng, khi mà dần dần cha có cơ hội để khám phá ra chúng. Nói chung cha đã có câu trả lời tốt để nói cho chúng rằng mẹ cha đã gửi gắm cha cho bà chủ nhà này, và vì yêu quí mẹ, cha không thể, cũng không muốn đi bất cứ nơi nào, cũng như làm bất cứ chuyện gì mà không có sự đồng ý của chính bà Lucia tốt lành.
  • Việc cha kiên quyết vâng lời bà Lucia tốt lành cũng đã mang lại cho cha ích lợi khi ấy; do sự kiện này, bà rất vui lòng trao phó cho cha người con một của bà[70] có tư cách rất linh hoạt, rất thích các trò chơi, lại rất ít chuộng học hành.
  • Bà trao trách nhiệm cho cha lo cho bạn đó ôn tập, dù bạn đó thuộc lớp trên cha. Cha chăm sóc cho bạn như là cho một người anh em. Một cách thân ái, với những món quà nhỏ, với những trò chơi trong nhà,[71] rồi dẫn bạn tham dự các buổi lễ tôn giáo, cha đã biến bạn thành khá dễ bảo, vâng lời và chăm học[72], bằng cớ là sau sáu tháng bạn đã trở nên khá tốt và chăm chỉ đến độ làm hài lòng các thầy dạy và đạt được những chỗ danh dự trong lớp. Mẹ bạn rất sung sướng và để thưởng cho cha, bà đã miễn cho cha toàn thể tiền phí nội trú.
  • Bởi vì những bạn hữu đã từng muốn lôi kéo cha vào những trò phóng túng quả đã sao nhãng trong các bổn phận, nên chúng bắt đầu cầu cứu đến cha, để cha làm cho chúng một việc bác ái đời học sinh là cho chúng mượn hay đọc cho chúng bài làm của cha. Điều này làm phật lòng các thầy giáo, bởi hành động thương người giả tạo đó cổ vũ sự lười biếng của chúng, nên bị nghiêm cấm, nên cha nại đến một cách thức kém tác hại hơn, có nghĩa là cắt nghĩa cho chúng các chỗ khó, hay giúp cho cho các chúng bạn đang thực sự cần được giúp đỡ. Bằng cách thức này, cha làm hài lòng mọi người. Thế là bắt đầu có những người đến để vui chơi, hoặc để nghe kể chuyện, hay để làm bài vở học đường, và cuối cùng họ đến mà chằng cần tìm lý do, như đã từng xảy ra ở Morialdo và ở Castelnuovo.
  • Để tạo một tên cho các cuộc họp mặt này, chúng tôi thường gọi là đó là Hội Vui[73]: một tên gọi rất thích hợp, bởi vì mỗi người có bổn phận rất ngặt là phải tìm kiếm các sách, giới thiệu các câu chuyện hay các trò chơi có sức góp phần tạo nên niềm vui chung sống; ngược lại cũng nghiêm cấm các chuyện ngược với các luật của Thiên Chúa. Ai đã nói phạm thượng hay hư từ kêu Danh Chúa, hay nói những chuyện xấu, thì lập tức bị khai trừ khỏi Hội.
  • Thế là cha trở thành người đứng đầu một nhóm đông đảo các bạn hữu, và đồng lòng với nhau các điều lệ nền tảng sau đây:
  • Mỗi thành viên trong Hội Vui phải tránh từng lời nói, từng hành động không thích hợp với một Kitô hữu;
  • Chính xác hoàn thành các bổn phận học đường và các bổn phận tôn giáo.
  • Những chuyện này góp phần tạo cho cha sự quí mến, và trong năm 1832[74], cha đã được tôn kính bởi các đồng bạn của cha như là một thủ lãnh của một đạo binh nhỏ. Từ mọi phía người ta kiếm tìm cha để tạo sự vui chơi, để hộ trực (assistere) các học sinh tại các nhà riêng và cũng để phụ đạo hay ôn tập bài vở tại tư gia. Bằng phương tiện này, Chúa quan phòng cho cha tự đủ sức cung cấp những gì cần thiết cho bản thân mình như áo mặc, các dụng cụ học đường hay những điều khác, mà không cần quấy rầy đến gia đình cha.
  • Phong cách giáo dục của Don Bosco “dùng các bạn trẻ để giáo dục các bạn trẻ” trong sinh hoạt hội đoàn như thế nào?
  1. ĐỜI HỌC SINH

CÁC BẠN HỮU TỐT LÀNH –  CÁC VIỆC THỰC HÀNH ĐẠO ĐỨC

Trong số các hội viên của Hội Vui cha có thể khám phá ra được một vài người thật sự là gương mẫu. Trong số đó xứng đáng được kể tới là Gugliemô Garigliano quê ở Poirino và Phaolô Braje[75]  quê ở Chieri. Các bạn rất vui lòng tham dự cuộc vui chơi lành mạnh, nhưng phải lo sao cho việc đầu tiên phải hoàn thành là các bổn phận học đường. Cả hai thích sự thanh vắng và việc đạo đức, và bền bỉ trao ban cho cha các lời khuyên tốt. Trong các lễ, sau khi đã tham dự thánh lễ cộng đoàn nhà trường[76], thì họ đi tới nhà thờ thánh Antôn, nơi các cha dòng Tên thực hiện các lớp giáo lý tuyệt vời trong đó nhiều câu chuyện được kể mà tới nay cha vẫn còn nhớ Trong tuần lễ, Hội Vui tập họp tại nhà một bạn để nói về tôn giáo. Trong cuộc họp mặt như thế, ai muốn thì tự do lên tiếng. Garigliano và Braje là những người mau mắn nhất. Chúng tôi vui cùng nhau với các trò chơi nhẹ, với các cuộc thảo luận đạo đức, đọc sách đạo, cầu nguyện chung, trao cho nhau các lời khuyên tốt và nhắc nhở nhau các tật xấu cá nhân mà có ai đó đã nhận thấy hay nghe người khác nói đến. Vô tình, chúng tôi đã đem ra thực hành khẩu hiệu tuyệt vời: Phúc cho ai có một người đứng ra khuyên bảo, và lời khuyên của Pitagore: “Nếu bạn đã không có được một người bạn sửa các khiếm khuyết cho bạn, bạn hãy thuê một kẻ thù biết đem lại cho bạn việc phục vụ này”. Ngoài các sinh hoạt thân ái này, chúng tôi đi nghe giảng, thường xuyên đi xưng tội và rước lễ.

Ở đây rất ích lợi nhắc nhở lại rằng trong các thời buổi ấy tôn giáo đã giữ một phần nền tảng trong giáo dục như thế nào[77]. Một thầy giáo trong lúc pha trò lỡ tuyên bố một lời bóng bẩy hay vô đạo, thì lập tức bị đuổi khỏi nhiệm vụ. Nếu thầy mà còn bị xử lý như vậy, thì các con có thể tưởng tượng sẽ sử nghiêm thế nào với các học sinh vô kỷ luật và gây gương mù!

Vào sáng sớm các ngày trong tuần chúng tôi dự thánh lễ; và khi bắt đầu học, chúng tôi sốt sáng xướng kinh: “Cúi Xin Chúa Sáng Soi Các Công Việc Chúng Con Làm” cùng với kinh Kính mừng Maria. Sau giờ lớp đọc kinh Chúng con cám ơn  cùng với kinh Kính mừng Maria.

Trong các ngày lễ tất cả các học sinh tụ tập lại trong nhà thờ của cộng đoàn. Khi các bạn trẻ đã vào, thì đọc sách thiêng liêng, rồi hát phụng vụ giờ kinh Kính Đức Mẹ; rồi thánh lễ, giảng Phúc âm. Buổi chiều thì học giáo lý, đọc phụng vụ giờ kinh ban chiều, và huấn dụ. Mỗi người đều phải lui tới các bí tích và để tránh sao nhãng các bổn phận quan trọng này, các học sinh bó buộc phải mang theo vé xưng tội một lần mỗi tháng. Ai không hoàn thành bổn phận này, không được nhận vào thi cuối năm[78], dù cho có ở trong số những bạn học khá nhất. Kỷ luật nghiêm khắc này sản sinh các hiệu quả lạ lùng. Trong nhiều năm không hề nghe những lời nói phạm thượng hay những lời nói xấu xa. Các học sinh dễ dạy và biết kính trọng cả trong khi tại trường cũng như khi ở gia đình. Thường xảy ra là cả trong các lớp rất đông học sinh, vào cuối năm, tất cả đều được lên lớp trên. Trong năm học thứ ba, năm học cổ điển và văn chương, tất cả các đồng bạn của cha đều được lên lớp.

Cuộc mạo hiểm may mắn nhất của cha là có được một vị cha giải tội cố định nơi nhà thần học Maloria, vị kinh sĩ của trường hoàng gia Chieri[79]. Ngài luôn tiếp đón cha với lòng nhân ái mỗi khi cha lại cùng ngài. Hơn thế, ngài còn khích lệ cha xưng tội và rước lễ thường xuyên hơn. Thật hiếm hoi tìm thấy một vị khích lệ việc năng lui tới các bí tích. Cha không nhớ được là đã có một ai trong các thầy dạy của cha đã khuyên cha như vậy. Ai đi xưng tội và rước lễ hơn một lần trong tuần lễ thì được coi là những người nhân đức nhất; và nhiều cha giải tội không cho phép điều đó. Còn cha thì tin rằng mình nhờ cha giải tội của cha mà tránh được khỏi bị lôi cuốn bởi các bạn vào trong một số những sự phóng đãng mà những cậu bé thiếu kinh nghiệm đã từng phải than phiền trong các trường trung học lớn.[80]

Trong hai năm học này[81], cha đã không bao giờ quên các bạn của cha tại Morialdo. Cha luôn giữ liên lạc với họ và thỉnh thoảng vào những ngày thứ năm[82] cha lại về thăm họ. Trong các ngày nghỉ mùa thu, khi vừa biết cha về, họ liền chạy ra gặp gỡ cha từ rất xa và luôn đón cha với không khí tưng bừng đặc biệt của ngày lễ. Cha cũng giới thiệu Hội Vui ở giữa họ, trong đó tham gia những người mà trong suốt năm được tách riêng ra qua hạnh kiểm luân lý, và ngược lại những người sống không tốt đều bị gạch khỏi sổ, cách riêng nếu họ đã nói phạm thượng hay nói những chuyện xấu.

  • Kinh nghiệm của chàng thiếu niên Gioan Bosco về hoạt động hội đoàn do sáng kiến của các bạn trẻ để giáo dục các bạn trẻ giúp cho bạn những hiểu biết gì về phương pháp giáo dục riêng của Don Bosco?
  1. LU-Y CÔMÔLLÔ

CÁC LỚP CỔ ĐIỂN VÀ VĂN CHƯƠNG – LU-Y CÔMÔLLÔ

 Khi đã học xong ba lớp đầu cấp II trung học gọi là “Ginnasio”[83], chúng tôi được Vụ Cải cách Học vụ sai linh mục – luật sư – nhà giáo Gazzani[84], con người có huân công lớn lao, đến thanh tra chấm thi. Ngài đối xử rất tử tế với cha, và cha vẫn lưu giữ một ký ức tốt lành và đầy lòng tri ân với ông, bằng chứng là chúng tôi kể từ đó đã luôn có quan hệ thân ái và chặt chẽ với nhau. Vị linh mục tốt lành này vẫn sống tại Montedo Superiore là quê hương của ngài, và giữa nhiều công cuộc bác ái của ngài, ngài đã thiết lập một chỗ miễn phí[85] trong trường của chúng ta tại Alassio cho một học sinh có ý muốn học để vươn tới bậc giáo sĩ.

Cuộc thi này được tiến hành rất nghiêm chỉnh; tuy vậy tất cả các đồng liêu của cha là 45 người đều được cho lên lớp trên, tức lớp 9[86]. Cha đã gặp một nguy hiểm thật sự bị đánh trượt vì đã trao bản chép bài làm của cha cho những bạn khác. Nếu cho được chấm đậu, đó là nhờ sự che chở của thầy giáo đáng kính, cha Giussiana, dòng Đaminh, ngài đã cho cha một đề tài thi mới, và bài này cha đã làm tốt, nên cha được chấm đậu với tròn mười điểm[87]

Thời đó có một thói quen rất đáng ca ngợi là, trong mỗi lớp, ít nhất có một người được nhận phần thưởng là được Hội đồng thành phố miễn cho khỏi trả tiền học phí toàn niên là 12 frăng[88]. Để được nhận ân huệ này, phải là học sinh được nhận điểm tròn mười trong các kỳ thi cũng như trong hạnh kiểm luân lý. Cha luôn được số may mắn đó[89], và trong mỗi lớp, cha đều được miễn trả học phí.

Trong năm học đó[90] cha đã mất một trong các người bạn thân nhất. Cậu bé Phaolo Braje, người bạn tốt lành và thân thiết, sau một cơn bệnh dài, quả thật là một mẫu gương về lòng đạo đức, về sức chịu đựng, phó thác, về đức tin sống động, đã chết ngày… năm… để đi gặp thánh Lu-y, là người mà em đã chứng tỏ là người theo gót trung thành trong suốt cuộc đời. Cả trường đều cảm thấy nhớ thương; các bạn học từng đoàn đi dự lễ tang. Và không ít bạn trong một thời gian dài trong các ngày nghỉ vẫn thường rước lễ, đọc giờ kinh phụng vụ kính Đức Mẹ, hay năm chục kinh Mân côi cho linh hồn người bạn quá cố. Thiên Chúa đã thương bù lại cho sự mất mát của bạn này bằng một người bạn khác cũng nhân đức như vậy, nhưng còn nổi tiếng hơn vì các việc của cậu. Đó là em Lu-y Cômôllô[91], mà ít nữa cha sẽ phải nói đến.

Kết thúc năm học lớp cổ điển[92], cha đã khá thành công; bằng chứng là các thầy dạy của cha, cách riêng là Tiến sĩ Phêrô Banaudi, đã khuyên cha thỉnh cầu được thi vào lớp triết học[93], và cha đã được chấm cho đậu và lên lớp này; tuy nhiên vì yêu thích học văn chương, cha xét là tốt hơn cứ tiếp tục như bình thường các lớp học và theo học lớp văn chương tức là lớp Mười[94] vào niên học 1833-34. Chính trong năm đó các mối liên hệ của cha với Lu-y Cômôllô bắt đầu. Cuộc sống của người bạn quí hóa này đã được viết riêng ra, và mỗi người đều có thể đọc tùy thích[95]; tại đây, cha ghi nhận lại một sự kiện đã khiến cha biết tới cậu giữa các bạn học lớp cổ điển[96].

Trong năm đó, giữa các học sinh văn chương, có đồn rằng sẽ có một học sinh thánh thiện tới với chúng ta, và nói sơ sơ rằng đó là cháu của cha xứ làng Cinzano, một linh mục cao tuổi, nhưng khá nổi tiếng thánh thiện. Cha ước ao biết cậu bé này, nhưng không được biết tên. Một sự kiện làm cho cha nhận ra cậu ta. Thời đó học trò bắt đầu chơi trò chơi nguy hiểm gọi là trò cỡi ngựa non[97], vào lúc sắp học. Các bạn sao nhãng học nhất và ghét học nhất lại là các bạn thích và giỏi chơi trò chơi này nhất.

Từ mấy ngày, các bạn đều thấy một cậu bé khiêm nhượng tuổi 15[98], đến trường, ngồi xuống mà không để ý đến các trò chơi của các bạn khác, chuyên chăm đọc và học. Một bạn học trơ trẽn lại gần cậu, cầm lấy cánh tay cậu, muốn ép cậu cũng phải chơi trò “cỡi ngựa non”.

  • Mình không biết chơi, cậu ta trả lời khiêm tốn và cầm mình. Mình không biết, chưa bao giờ biết trò chơi này.
  • Tớ muốn cậu buộc phải tham gia; nếu không tớ sẽ ép cậu bằng đấm và tát.
  • Cậu có thể đấm mình tùy sức cậu, nhưng mình không biết, không thể, và không thích.

Tên bạn học xấu và mất dạy cầm lấy cánh tay cậu này, đẩy ra và rồi cho hai cú tát, nghe vang khắp cả lớp. Thấy vậy cha cảm thấy máu cha sôi sục trong huyết quản và cha đợi xem người bạn bị xúc phạm sẽ trả thù phải lẽ; nhất là người bị xúc phạm vượt hẳn tên đó cả về tuổi lẫn sức mạnh. Nhưng ngạc nhiên thay, cậu thiếu niên trẻ đó mặt đỏ và hầu như tím lại, đưa mắt thương hại nhìn tên bạn ranh mãnh đó, và nói gọn lỏn: – Nếu như vậy đã đủ làm cậu hài lòng rồi, thì hãy bình thản mà đi đi, mình đã tha thứ cho cậu rồi.

Hành động anh hùng đó đã khơi dậy nơi lòng cha ước ao biết tên cậu, và đó chính là Lu-y Cômôllô, cháu của cha xứ Cinzano, người mà tiếng ca ngợi đồn xa. Kể từ thời gian đó, cha luôn có cậu làm bạn thiết, và cha có thể nói là từ nơi cậu cha đã học sống là Kitô hữu thực sự[99]. Cha đã đặt niềm tin tưởng hoàn toàn vào cậu, và cậu nơi cha; người này cần đến người kia. Cha thì cần sự trợ giúp thiêng liêng, còn cậu thì sự trợ giúp thể xác. Bởi vì Cômôllô, do tính nhút nhát, đã không dám tìm cách tự vệ chống lại các lời xúc phạm của kẻ xấu, trong khi cha thì được nể sợ bởi tất cả các bạn, kể cả những ai lớn tuổi và to con hơn, vì sự bạo dạn và sức mạnh cường tráng của cha. Điều đó đã được chứng tỏ đối với một số kẻ muốn khinh bỉ và đập đánh chính Cômôllô và một bạn khác tên là Antôn Candelo, mẫu của một bản tính tốt. Cha đã muốn can thiệp để bênh hai bạn này, nhưng chúng không màng. Một ngày kia thấy hai người bạn vô tội này bị xử tệ, cha nói lớn: – Chúng mày coi chừng, thằng nào đó còn xúc phạm đến hai người này hãy coi chừng.

Một số đáng kể những tên cao lớn và trơ trẽn bắt đầu hè với nhau để chung sức tự vệ và đe dọa chính cha, trong khi hai cú tát đốp chát giáng vào mặt Cômôllô. Trong lúc đó, cha như không còn biết gì về mình nữa, và khuấy động mạnh trong cha không phải là lý lẽ, mà là sức mạnh cục súc[100], và không có trong tay dù là một chiếc ghế hay là một cây gậy, cha liền nắm lấy vai một đứa, và vung tròn hắn như vung một cây gậy để quật ngã các đối thủ. Bốn tên té ngay xuống đất, còn những tên khác chạy tán loạn, la hét xin thương. Rồi sao? Chính lúc đó thầy vào lớp, thấy cảnh tượng tay và chân vung tung tóe trên cao giữa tiếng la hét của một thế giới ngoài hành tinh, liền bắt đầu la hét, vung tay đập bên phải và bên trái. Cơn bão đang sắp rớt xuống trên cha; nhưng sau khi cho kể lại lý do tại sao lại có cuộc rối loạn này, thầy muốn xem diễn lại cảnh này, hay đúng hơn diễn lại cuộc thử nghiệm về sức mạnh này. Thầy bật cười, tất cả các học trò đều cười, và ai cũng ngạc nhiên, chẳng còn đề ý đến hình phạt mà cha xứng đáng chịu nữa.

Nhưng Cômôllô thì cho cha một bài học khác. Khi chúng tôi vừa bình tĩnh lại để nói với nhau, Cômôllô lên tiếng: – Bạn ơi, sức mạnh của bạn làm mình sợ; nhưng bạn tin mình đi, Thiên Chúa không cho bạn sức mạnh để tiêu diệt các bạn hữu. Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau và tha thứ cho nhau, và để chúng ta làm ích cho những ai làm hại chúng ta.

Cha cảm phục lòng bác ái của  người bạn học của mình, và đặt mình trong tay bạn, cha để cho bạn hướng dẫn cha đi tới đâu bạn muốn. Chúng tôi nhất trí với bạn Garigliano, cùng xưng tội với nhau, rước lễ với nhau, nguyện  ngắm, đọc sách thiêng liêng, viếng Thánh Thể, giúp lễ với nhau. Cômôllô biết mời gọi chúng tôi cách thân ái, dịu dàng và nhã nhặn, khiến không thể nào từ chối các lời mời gọi của bạn.

Cha nhớ lại một hôm đi qua một nhà thờ, vì mãi nói chuyện vui với một bạn hữu, cha quên không cất mũ chào, bạn Cômôllô liền lập tức nói cùng cha với một vẻ rất dễ thương: – Gioan thân yêu của mình, bạn quá chú tâm nói chuyện với con người, mà thậm chí quên nhà của Chúa.

  • Ảnh hưởng của người bạn tốt trong đời học sinh được Don Bosco quảng diễn như thế nào?
  1. VUI BUỒN LẪN LỘN

CAPHÊ VÀ RƯỢU MẠNH  –  MỪNG LỄ THẦY –
MỘT TAI HỌA

Nói qua đến chuyện đời học sinh, cha kể ra đây một vài sự kiện có thể được dùng để giải trí cách nhẹ nhàng.

Trong năm học chương trình cổ điển, cha đã thay đổi chỗ ở vừa để ở gần thầy giáo của cha là cha Banaudi, vừa để giúp cho một người bạn của gia đình tên là Gioan Pianta sắp mở một tiệm cà phê năm đó tại thành phố Chieri[101] Cuộc sống nội trú mới này chắc chắn là có những hiểm nguy[102]; nhưng vì ở bên những người Kitô hữu tốt, và liên tục tiếp xúc với các bạn học tốt, cha đã có thể tiến lên mà không chịu những sự thiệt hại trên phương diện luân lý. Ngoài các bổn phận học hành, còn lại nhiều thời giờ rỗi, cha thường dùng một phần vào việc đọc các tác giả cổ điển tiếng Ý và tiếng La tinh, và một phần vào việc chế rượu li-cơ và mứt.[103] Giữa năm đó, cha đã có thể chế cà phê, Sôcôla; biết các công thức và mức độ pha chế để chuẩn bị mứt, li-cơ, kem và các thức uống. Người chủ quán của cha bắt đầu cho cha ở nội trú không lấy tiền, và xét thấy cha có thể sinh lợi cho quán, ông đã đề nghị với cha những khoản thương lượng có lợi nếu cha tham gia vào nghề này. Nhưng cha chỉ làm những việc này để giải trí và vui chơi, ý định thật của cha là tiếp tục việc học.

Thầy giáo Banaudi thật sự là mô phạm cho các bậc thầy. Không áp đặt các thứ hình phạt nào bao giờ, nhưng thầy đã thành công làm cho tất cả các học trò đều mến sợ. Thầy yêu hết mọi học trò như con cái, và chúng cũng yêu mến thầy như người cha dấu yêu.

Để biểu lộ lòng mến yêu thầy, chúng tôi đã quyết định dâng một món quà cho thầy nhân ngày lễ mừng thầy. Để thực hiện điều này, chúng tôi đồng ý với nhau chuẩn bị các sáng tác thi ca, [và] cả các diễn văn, và lo liệu một số quà dâng tặng, mà chúng tôi xét sẽ làm cho thầy đặc biệt hài lòng[104].

Buổi lễ đó thành công rực rỡ, thầy dạy hài lòng không sao tả siết, và để tỏ dấu mãn nguyện, thầy dẫn chúng tôi đi ăn tại đồng quê. Ngày hôm đó thật là êm ái. Giữa thầy và trò, chỉ có một tấm lòng, và mỗi người đều tìm các cách diễn tả niềm vui của tâm hồn. Trước khi trở lại thành phố Chieri, thầy giáo gặp một người khách, và phải lên đường với ông ta, để lại chúng tôi một mình đi một quảng đường vắn còn lại. Trong lúc đó một vài bạn ở các lớp trên lại gần chúng tôi, và mời chúng tôi đi tắm tại nơi gọi là Fontana Rosso [Con Sông Hồng] cách Chieri hai cây số rưỡi. Cha và một vài bạn của cha không đồng ý, nhưng vô ích. Một vài bạn cùng cha đi về nhà, các bạn khác thì muốn đi bơi lội. Một quyết định đáng buồn. Ít giờ sau khi bọn cha về đến nhà, thì một bạn, rồi một bạn nữa khiếp sợ và lo lắng chạy lại nói với bọn cha: – Ô, nếu các bạn biết được, nếu các bạn biết được! Bạn Philíp N. [Tên gọi.], người cứ nhấn mạnh là chúng ta phải đi bơi, đã chết rồi.

–  Sao thế, ai cũng hỏi, bạn bơi giỏi lắm mà!

– Biết sao được? Bạn kia tiếp tục. Để khích lệ chúng mình lặn xuống nước, do tự tin vào tài nghệ của mình, nhưng không biết đến chỗ xoáy nguy hiểm của con sông Fontana Rossa, bạn nhảy xuống đầu tiên. Chúng tớ đợi bạn trồi lên khỏi mặt nước, nhưng thất vọng. Chúng tớ bắt đầu la lên, người ta kéo đến. Họ dùng đủ mọi cách, dù có nguy hiểm cho họ. Và sau một tiếng rưỡi, họ kéo được xác bạn lên. Tai họa này khiến mọi người vô cùng buồn bã; năm đó và cả năm sau nữa (1834)[105], không bao giờ còn có nghe một bạn nào nữa  nói đến ý tưởng đi bơi. Một thời gian mới đây thôi cha có dịp gặp lại một vài người trong các bạn xưa, và cùng nhau nhắc nhớ lại với tất cả nỗi đau lòng, nỗi bất hạnh xảy ra cho người

bạn không may mắn đó tại khúc xoáy của con sông Fontana Rossa.[106]

  1. NGƯỜI BẠN DO THÁI GIONA[107]

Trong năm học chương trình Cổ điển, khi sống tại quán cà phê của ông bạn Gioan Pianta, cha tiếp xúc với một cậu thanh niên trẻ Do Thái tên là Giona. Cậu ta 18 tuổi, gương mặt đẹp, có giọng hát hiếm có trong số những những giọng hay nhất. Cậu ta chơi bi-da rất giỏi, và bởi vì chúng tôi đã biết nhau tại hiệu sách của ông Elia, nên vừa tới quán, là cậu ta hỏi thăm cha ngay. Cha thương cậu ta rất nhiều; còn cậu ta thì say mê kết tình bạn với cha. Mỗi lúc rỗi, cậu ta lại qua phòng cha; chúng tôi ở bên nhau để cùng hát, cùng chơi pianô, cùng đọc, trong khi lắng nghe cả ngàn câu chuyện cha kể cho cậu.  Một hôm xảy ra một chuyện lộn xộn, cãi vã và đánh nhau, mà có thể để lại các hậu quả đau buồn; cho nên cậu chạy đến cha để xin lời khuyên. Cha nói với cậu:

  • Giona thân mến, nếu cậu là người Kitô hữu, chúng ta sẽ đi xưng tội.
  • Nhưng nếu chúng tớ muốn, chúng tớ cũng có thể đi xưng tội.
  • Các cậu đi xưng tội, nhưng người giải tội cho cậu không buộc phải giữ bí mật, không có quyền tha tội, cũng không có thể cử hành các bí tích nào cả.
  • Nếu cậu muốn dẫn mình đi, mình sẽ đi xưng tội với một vị linh mục.
  • Mình có thể dẫn cậu tới, nhưng chúng ta cần phải làm một cuộc chuẩn bị lâu dài.
  • Chuẩn bị ra sao?
  • Cậu biết là việc xưng tội tha thứ các tội phạm sau khi rửa tội; cho nên nếu cậu muốn tiếp nhận một bí tích nào đó, thì tiên vàn cậu phải chịu phép rửa tội.
  • Tớ phải làm gì để được tiếp nhận phép rửa tội?
  • Trau dồi bản thân mình trong đạo Kitô giáo và tin vào Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Làm điều đó, cậu có thể lãnh nhận phép rửa tội.
  • Phép rửa tội mang lại cho mình lợi ích nào?
  • Phép rửa tội xóa sạch tội nguyên tổ và cả các tội hiện tại, mở ra cho bạn con đường lãnh nhận tất cả các bí tích khác, tóm lại làm cho cậu trở thành con yêu của Thiên Chúa và người thừa hưởng thiên đàng.
  • Chúng ta những người Do Thái không có thể được cứu rỗi chăng?
  • Không, Giona thân yêu ơi; sau khi Đức Giêsu Kitô đã đến, người Do Thái không có thể được cứu rỗi nếu họ không tin vào ngài.[108]
  • Nếu mẹ mình mà biết được mình muốn là Kitô hữu, thì chết mình đấy!
  • Đừng sợ; Thiên Chúa là chủ các cõi lòng, và nếu ngài gọi bạn làm Kitô hữu, ngài sẽ làm cách nào đó để mẹ bạn sẽ vui lòng, hoặc ngài sẽ lo liệu cách nào đó cho linh hồn bạn.
  • Thế bạn muốn biết bao điều tốt cho mình, nếu bạn ở vị trí của mình, bạn sẽ làm gì?
  • Mình sẽ bắt đầu học hỏi về Kitô giáo; trong khi đó Thiên Chúa sẽ mở ra con đường cho cái sẽ phải làm trong tương lai. Để tiến tới mục tiêu này, bạn hãy cầm lấy cuốn giáo lý nhỏ, và bắt đầu học đi. Bạn hãy cầu xin Thiên Chúa soi sáng cho bạn, và làm cho bạn nhận biết chân lý.

Từ ngày đó cậu ta bắt đầu gắn bó yêu thương với đức tin Kitô hữu. Cậu ta đến quán cà phê, và vừa mới chơi xong một trận bi-da, liền lập tức tìm cha để bàn thảo về tôn giáo và về giáo lý. Trong khoảng ít tháng, cậu ta đã học làm dấu thánh giá, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Tin kính, và những chân lý chính của đức tin. Cậu ta rất hài lòng, và mỗi ngày trở nên tốt hơn trong lời nói và trong hành động.

Cậu ta đã mất cha ngay từ tấm bé. Mẹ cậu tên là Rakel đã nghe thấy một vài tiếng nói xa xa, nhưng chưa biết được cái gì chính xác cả. Chuyện bị lộ như sau: Một ngày kia khi dọn giường, bà thấy cuốn giáo lý mà con bà đã vô ý để quên giữa chăn và nệm. Bà ta bắt đầu thét lên tại nhà, đem cuốn sách giáo lý cho thầy Ráp-bi, và nghi ngờ cái đã thực sự xảy ra, bà ta vội chạy tới học trò Bosco, mà bà ta đã nhiều lần nghe cậu con trai của bà nói đến. Các con hãy thả trí tưởng tượng để nghĩ ra một loại thô lỗ nào ghê gớm nào đó, và các con có đấy một ý tưởng về người mẹ của Giona[109]. Bà ta chột một mắt, và điếc[110] cả hai lỗ tai; mũi to, răng hầu như rụng hết, môi dồ, miệng méo, cằm dài và nhọn, giọng nói giống tiếng càu nhàu rên rỉ của ngựa con[111]. Những người Do Thái quen gọi bà ta với cái tên mụ phù thủy Lilít[112], là một tên gọi mà người Do Thái thường dùng để diễn tả cái thô lỗ nhất của dân tộc họ. Sự xuất hiện của bà làm cha hãi sợ, và không để cho cha có thời giờ để bình tĩnh lại, bà ta lên tiếng ngay:

  • Này tôi thề đó, cậu có lỗi rồi; cậu, cậu đã làm hư thằng Giona của tôi; cậu đã làm nhục nó trước mặt công chúng; tôi chẳng còn biết nó sẽ ra sao nữa. Tôi sợ rốt cuộc nó sẽ làm Kitô hữu; và chính cậu là duyên cớ.

Khi ấy cha hiểu bà ta là ai, và bà ta nói về ai, và với tất cả sự bình tĩnh cha trình bày là bà ta phải bằng lòng và cám ơn người đã làm điều tốt cho con của bà mới phải.

  • Chuyện đó mà lại là tốt à? Chối bỏ đạo của mình mà lại là tốt hay sao?
  • Bà tốt lành ơi, bà hãy bình tĩnh đi nào, và hãy lắng nghe. Cháu đã không đi tìm cậu Giona của bà, mà là chúng cháu đã gặp nhau tại tiệm sách Elia. Không biết tại sao mà chúng cháu đã trở thành bạn hữu. Bạn Giona thương cháu rất nhiều, và cháu cũng rất thương bạn, và vì là bạn chân thật, nên cháu ước ao bạn được cữu rỗi linh hồn, và ước ao cho bạn biết được đạo mà ngoài đạo đó ra không ai được cứu rỗi. Thưa bà là mẹ của Giona, bà hãy biết cho cháu, cháu đã cho con của bà một cuốn sách, và chỉ nói với bạn là hãy tự học hỏi trong đạo, và nếu bạn trở thành Kitô hữu, bạn không bỏ tôn giáo Do thái của bạn, mà chỉ hoàn thiện tôn giáo ấy mà thôi.
  • Nếu bất hạnh mà nó nhận trở thành Kitô hữu, nó sẽ phải bỏ các ngôn sứ, bởi vì các Kitô hữu không tin vào Abraham, Isaác, Giacóp, vào Môsê hay vào các ngôn sứ.
  • Ngược lại chúng cháu tin vào các vị tổ phụ, và tất cả các vị ngôn sứ trong Kinh Thánh. Các sách họ viết, các lời sấm ngôn sứ của họ tạo thành nền tảng cho đức tin Kitô giáo.
  • Nếu có được ở đây bây giờ thầy Rápbi, thầy sẽ biết trả lời cho cậu; tôi chẳng biết gì về Sách Mishna và sách Gemara (là hai phần trong sách Talmud[113]); nhưng vậy đứa con khốn khổ Giona của tôi sẽ ra sao?

Nói xong, bà ta đi ngay. Tới đây, hẳn nên nói dài dòng hơn về các cuộc tấn công cha đã xảy ra nhiều lần do bà mẹ, do ông thầy Ráp-bi của bà ta, và do họ hàng của Giona. Không có một sự đe dọa nào hay cưỡng bức nào mà không được dùng chống lại chàng trẻ tuổi can đảm này. Cậu chịu đựng mọi sự, và tiếp tục trau dồi bản thân trong đức tin. Và bởi vì trong gia đình, cậu không còn đảm bảo cho mạng sống mình nữa, nên cậu đã phải dời xa nhà và sống hầu như là một người đi ăn xin. Tuy nhiên nhiều người đã đến giúp đỡ cậu, và để cho mỗi chuyện được tiến hành với sự cẩn trọng phải có, cha đã gửi gắm người học trò của cha cho một vị linh mục uyên bác, và ngài đã chăm sóc cho cậu bằng một tấm lòng người cha. Khi cậu đã được dạy dỗ đầy đủ trong tôn giáo, và tỏ cho thấy cậu nôn nóng muốn được làm người Kitô hữu, thì một nghi thức trọng thể được tổ chức, tạo nên một tấm gương sáng cho tất cả dân thành phố Chieri, và những người Do Thái khác cũng được kích động, trong số họ có vài người đã ôm ấp Kitô giáo sau này.

 Cha mẹ đỡ đầu của Giona là hai vợ chồng Bertinetti, có tên gọi là Carlo và Ottavia[114]

  1. TRÒ ẢO THUẬT

TRÒ CHƠI KHÉO TAY – ẢO THUẬT –  MA THUẬT –
TỰ BIỆN HỘ

Giữa các việc học hành, các thú chơi khác nhau của cha, như ca hát, âm nhạc, diễn thuyết, kịch nghệ, trong đó cha tham dự hết lòng, cha còn học những trò khác: trò chơi lật con bài, trò chơi bi, đi kheo, chạy nhảy, tất cả những trò chơi này cha ham thích tột độ, trong đó nếu cha đã không nổi tiếng, thì cũng không đến nỗi tồi. Cha đã học được nhiều trò chơi tại Morialdo, một số khác cha học được tại Chieri, và nếu tại các cánh đồng Morialdo, cha chỉ là một chú học trò nhỏ, thì vào năm đó cha đã trở thành một bậc thầy lão luyện. Điều này gây kinh ngạc. Bởi vì vào thời gian đó những trò chơi này ít được biết đến, nên chúng hiện ra như những thứ thuộc một thế giới khác. Nhưng chúng ta sẽ nói gì về các trò ảo thuật đây?

Cha vẫn thường cống hiến các cuộc biểu diễn công cộng và riêng tư. Bởi vì cha có một trí nhớ khá tốt, nên cha thuộc lòng  phần lớn những tác phẩm cổ điển, nhất là các thi sĩ: Dante, Petrarca, Tasso, Parini, Monti và những thi sĩ khác đối với cha quá thân quen đến độ cha có thể sử dụng các áng văn của họ tùy thích, như là những vật sở hữu của riêng cha. Những thi ca này cha có thể bất ngờ sử dụng một cách thật dễ dàng. Trong các trò giải trí này, cũng như trong các cuộc diễn xuất này, cha lúc thì hát, lúc thì chơi nhạc, hay sáng tác những vần thơ, khiến người ta coi như là những kiệt tác, nhưng trên thực tế chúng chỉ là những đoạn văn của các tác giả xưa, được thích nghi với những đề tài được đề xuất. Vì lý do đó, cha đã không bao giờ trao các sáng tác của cha cho những ai khác; và có khi nào cha viết chúng ra, cha cũng đã lo liệu để trao chúng cho thần lửa.[115]

Thế rồi nỗi kinh ngạc ngày càng tăng trước các trò ảo thuật của cha. Người ta cứ há hốc miệng ra mà xem từ một cái hộp nhỏ, thoát ra cả một chuỗi hằng ngàn trái banh, mỗi trái nào trái đó đều to hơn hẳn cái hộp đó, hay từ một cái túi nhỏ cha lôi ra cả ngàn cái trứng. Thế rồi khi mà người ta thấy cha nhặt những trái banh nhỏ từ đỉnh mũi của các người đứng ngó, hay đoán có bao nhiêu tiền trong những túi đựng tiền của kẻ khác: khi cha chỉ đơn giản lấy ngón tay chạm vào, thì các đồng tiền bằng bất cứ loại kim loại nào cũng đều tan ra thành bụi,  hay làm cho xuất hiện cả một đám thính giả diện mạo kinh khủng hoặc không có đầu, thì khi ấy có những người bắt đầu nghi ngờ rằng cha chính là người phù thủy, và cha không thể làm những công việc này mà không có sự can thiệp của ma quỉ.

Ông chủ nhà cha ở, tên là ông Tôma Cumino, càng ngày càng tin như vậy. Ông là một Kitô hữu sốt sắng, rất thích thú các trò diễu, và cha biết cách lợi dụng tính tình của ông, và cha dám nói cái tính cả tin của ông, để biến các trò này thành muôn mầu muôn sắc. Một hôm nhân ngày lễ mừng bổn mạng của ông, ông hết sức chuẩn bị món thạch và một con gà để đãi các em nội trú tại nhà ông. Ông đem tới bàn ăn một đĩa, nhưng khi mở tấm khăn che ra, thì một con gà trống nhảy ra, bay tung lên và gáy rùm beng dưới cả ngàn hình thức. Lần khác ông đã chuẩn bị một nồi mì ống, và sau khi đã cho nấu nhiều giờ khi cho đổ ra đĩa, thì chỉ thấy có cám rang khô. Nhiều lần ông cho rượu đầy chai, rồi khi muốn đổ vào ly, lại chỉ thấy nước lã; khi khác muốn uống nước lã, thì lại thấy ly đầy rượu. Mứt thì hóa thành các miếng bánh mì, tiền trong túi thì biến thành các miếng thiếc han rỉ vô bổ, còn mũ thì trở thành mũ mềm để đội vào ban đêm khi ngủ, các hạt dẻ thì biến thành các túi đá sỏi: Tất cả những cái đó đều là những chuyện khá thông thường.

Ông Tôma tốt lành không còn biết nói gì hơn nữa. Ông tự nhủ loài người đâu có thể làm được những chuyện này; Thiên Chúa thì không mất thời giờ làm những chuyện vô ích; cho nên chỉ có ma quỉ làm tất cả những chuyện này. Không dám nói những chuyện này với những người trong nhà, ông đi hỏi lời khuyên của một linh mục ở gần bên là cha Bertinetti. Khi nhận ra trong những hành động này, trong những trò chơi này, quả là một trò ma thuật, ngài đã nói chuyện đó cho vị vị thanh tra của trường, khi đó là một vị linh mục kinh sĩ đáng kinh Burzio[116], cha quản hạt và cha sở của nhà thờ chính tòa.

Vị kinh sĩ là một nhân vật học thức cao, đạo đức và khôn ngoan; và không nói với những người khác, ngài gọi cha lại ad audiendum verbum [nói cho ngài hay điều đáng được biết, tức là chuyện gì thực sự đã xảy ra]. Cha tới nhà ngài vào giờ đọc kinh phụng vụ ban chiều, và nhìn cha với một nụ cười, ngài ra dấu hiệu cho cha hãy đợi ngài một chút. Sau cùng ngài nói với cha hãy theo ngài vào trong văn phòng, và ở đó với những lời lẽ lịch sự, nhưng vẻ mặt nghiêm nghị, ngài bắt đầu hỏi cha như sau: – Này con, cha rất bằng lòng về việc học của con và về hạnh kiểm mà con vẫn giữ tốt cho đến bây giờ; nhưng nay người ta bắt đầu nói nhiều chuyện về con… Họ nói với cha là con biết được những tư tưởng của người khác, đoán được tiền bạc mà những người khác có trong túi dết của họ, con cho người khác thấy cái đen ra cái trắng, biết những chuyện từ xa, và những chuyện tương tự. Điều này làm cho người ta nói nhiều về con, và có người còn đi tới nghi ngờ rằng con sử dụng ma thuật, và do đó trong chuyện này có thần khí của Sa- tan. Vậy con hãy nói cho cha: ai đã dạy con trong khoa này? Con đã học từ đâu? Con hãy nói cho cha mọi chuyện một cách hoàn toàn tin tưởng; cha bảo đảm với con là cha không sử dụng sự hiểu biết này, nếu không phải là để làm sự tốt lành cho con.

Không tỏ ra vẻ mặt bối rối, cha xin ngài cho một thời gian 5 phút để trả lời, và cha cũng xin ngài cho cha biết bây giờ là mấy giờ. Ngài liền đưa tay vào túi, nhưng không tìm ra đồng hồ nữa.

  • Vậy nếu không tìm ra đồng hồ, cha gợi ý, thì xin cha cho con một đồng 5 xu.

Ngài tìm khắp các túi áo của ngài, nhưng không tìm ra cái túi đựng tiền.

  • Thằng ranh con, ngài nói với cha giọng giận dữ, hoặc con là tôi tớ của ma quỉ, hoặc là ma quỉ đang sử dụng con. Con đã ăn cắp cái túi tiền và cái đồng hồ của cha. Cha không có thể im lặng được nữa, cha buộc phải tố cáo con, và cha cũng chẳng biết giữ mình làm sao để khỏi giáng xuống trên con cả một lô những cú đập.

Nhưng khi thấy cha tình tĩnh và mỉm cười, ngài xem ra khá dịu lại, và tiếp tục câu chuyện:

  • Chúng ta hãy giải quyết sự việc một cách hòa bình: Con hãy cắt nghĩa cho cha những cái mầu nhiệm này. Làm sao mà cái ví tiền và cái đồng hồ của cha lại có thể thoát ra khỏi các túi áo của cha mà cha không nhận ra? Những đồ vật ấy, chúng đã đi đâu cả?
  • Thưa cha quản hạt, cha lên tiếng thưa với ngài với vẻ đầy kính trọng, con xin cắt nghĩa cho cha bằng ít lời. Đây thuần túy chỉ là sự khéo léo của đôi bàn tay, việc nắm bắt được chuyện gì đã xảy ra, hay chuyện gì mình đã kịp chuẩn bị.
  • Con đã nắm bắt được cái gì về cái đồng hồ và cái túi đựng tiền của cha?
  • Con xin cắt nghĩa cho cha cách vắn gọn. Khi con đến nhà cha, cha phân phát của bố thí cho một người nghèo khổ, rồi cha đặt cái túi đựng tiền trên chiếc ghế quì. Rồi khi cha đi từ cái phòng đó sang một phòng khác, cha đã bỏ cái đồng hồ của cha trên một cái bàn nhỏ. Con đã dấu cả hai vật đó, còn cha cứ tưởng là cha đang giữ chúng, trong khi thực ra chúng đang ở dưới cái tấm che ánh sáng đèn này.

Nói đến đây, cha nhấc cái chắn ánh sáng đèn lên và cả hai vật trên được tìm thấy ngay, mà trước đây cha cứ tưởng chúng đã bị quỉ đem đi nơi khác.

Vị kinh sĩ tốt lành cười rộ lên vui vẻ; ngài bảo cha làm một vài hành động khéo tay làm mẫu, và khi ngài biết được cách thức qua đó các đồ vật được làm cho xuất hiện hay biến đi, ngài rất vui vẻ, ban cho cha một món quà nhỏ, và cuối cùng kết luận:

  • Con hãy đi nói với các bạn con là ignorantia est magistera admirationis [sự ngu dốt là bà giáo tạo ra sự kinh ngạc]
  1. NGƯỜI VÔ ĐỊCH MÔN NHÀO LỘN

CHẠY ĐUA – NHẢY XA – CHÈO THUYỀN – ẢO THUẬT – TRÊN NGỌN CÂY

Một khi đã được minh oan là trong các trò chơi của cha, không hề có ma thuật gì cả, cha lại có thể tập họp các bạn của cha để vui chơi, giải trí như xưa. Vào lúc đó, xảy ra có một số người đã đề cao tới tận mây xanh một người nhào lộn từng biểu diễn cho công chúng một cuộc chạy đua tốc độ từ đầu mút này sang đầu mút khác của thành phố Chieri trong có hai phút rưỡi, gần như bằng thời gian của xe lửa tốc hành[117]. Không chú ý đến các hậu quả của lời nói của mình, cha đã lên tiếng là cha sẵn sàng đua[118] với người nhào lộn này. Một người bạn bất cẩn đã nói chuyện này cho người nhào lộn, và thế là cha phải dấn thân vào một chuyện thách đố: một học sinh thách đố một người chạy đua chuyên nghiệp!

Nơi chọn đua là con đường dẫn tới Tôrinô[119]. Tiền đặt cược là 20 frăng. Cha không có tiền, nên một số bạn trong Hội Vui vui lòng giúp cha. Cuộc chạy đua bắt đầu, và đối thủ của cha chạy hơn cha vài bước; nhưng cha đã sớm tái chiếm lại thế thượng phong và bỏ xa tên đó, khiến giữa cuộc chạy, anh ta phải ngừng, để cho cha thắng cuộc. Anh ta nói với cha:

  • Tôi thách anh nhảy; nhưng tôi muốn đặt cược 40 frăng, hoặc hơn thế, nếu anh muốn.

Chúng tôi nhận lời thách đố, và đến lượt anh ta chọn địa điểm, anh ta ấn định là cú nhảy phải đạt tới sát bức tường nhỏ của một cây cầu nhỏ. Anh ta nhảy trước, chân anh ta đạt thật sát bức tường nhỏ đó, đến độ nhảy xa hơn là chuyện không thể làm được. Trong trường hợp này, cha có thể thua, chứ không thể nào thắng. Nhưng mưu trí là cái giúp cho cha. Cha cũng làm một cú nhảy tương tự; nhưng tựa bàn tay trên bức tường nhỏ đó, và lộn ngược, và thế là kéo dài được cú nhảy vượt cả hố và cả tường. Toàn khán giả vỗ tay vang dội.

  • Tôi muốn thách đố với cậu một lần nữa. Cậu hãy chọn một trò chơi về kỹ xảo.

 Cha chấp nhận và chọn trò chơi cây đũa thần, với tiền đặt cược là 80 frăng. Cha liền lấy một cây đũa, trên một đầu cây đũa, cha đặt một cái mũ, còn đầu kia cha đặt vào lòng bàn tay. Thế rồi không dùng tay kia chạm vào cây đũa, cha cho cây đũa nhảy trên đầu ngón tay út, ngón đeo nhẫn, ngón giữa, ngón trỏ, ngón cái; rồi trên  đốt ngón tay, trên cùi chỏ, trên vai, trên cằm, trên môi, trên mũi, trên trán; thế rồi đi trở lại cùng một hành trình, cha chuyển cây đũa thần về lại trong lòng bàn tay. Đối thủ của cha liền lên tiếng:

  • Tôi không sợ thua; đây chính là trò chơi tôi ưa thích nhất.

Anh ta cũng lấy cùng một cây đũa ấy và với kỹ xảo kỳ diệu, anh ta làm cho cây đũa đi cho tới đôi môi, từ đó đi tiếp, nhưng vì mũi của anh ta dài quá, nó bị vấp và, mất thăng bằng. Anh ta phải lấy tay cầm lấy đũa để nó khỏi rơi xuống đất.

Con người khốn khổ này, thấy cả tài sản của mình chìm xuống, liền thốt lên hầu như trong cơn giận dữ:

  • Thà chấp nhận bất cứ cái nhục nào khác, chứ nhất quyết không chịu thua bởi một học sinh. Tôi còn 100 đồng frăng nữa, và số tiền này tôi đặt cược và ai trong chúng ta đặt được chân gần ngọn cây kia nhất sẽ có nó.

Chúng tôi cũng chấp nhận lần đặt cược này; hơn thế, một cách nào đó chúng tôi cũng bằng lòng nếu anh ta thắng, bởi vì chúng tôi cảm thấy thương hại anh ta, và không muốn anh ta bại sản.

Anh ta liền leo lên cây đu trước, và chân anh ta đạt tới chỗ cao tới mức nếu mình đứng cao hơn, cây sẽ gẫy, và người trèo cây sẽ ngã xuống đất. Mọi người đều nói là không thể leo lên cao hơn. Cha thực hiện phiên của cha. Cha leo tới độ cao ở mức có thể, mà không làm cho thân cây còng xuống; thế rồi lấy hai tay ôm lấy cây, cha rướn ngược mình lên, và đưa chân cha khoảng một mét cao hơn người đua cuộc của cha.

Ai có thể tả nổi tiếng vỗ tay reo hò của đám đông, nỗi vui của các bạn của cha, nỗi tức giận của người nhào lộn, niềm kiêu hãnh của cha, người rốt cuộc đã thắng, không phải là thắng các bạn  học của cha, mà thắng một thủ lãnh của các người nhào lộn? Nhưng giữa những nỗi đau khổ to lớn của anh ta, chúng tôi đã muốn đem lại cho anh ta một sự an ủi. Bị xúc động bởi nỗi buồn bã của con người thê thảm đó, chúng tôi đã lên tiếng là chúng tôi sẽ trả lại tiền bạc của anh ta, nếu anh ta chấp nhận một điều kiện là đến bao chúng tôi bữa ăn trưa tại quán Murettô[120]. Anh nhào lộn đã chấp nhận với lòng biết ơn. Chúng tôi tất cả 22 người đi, tất cả đều là các cổ động viên của cha. Bữa ăn tốn 25 frăng, như thế anh ta nhận lại được số tiền hoàn trả là 215 frăng.[121]

Hôm đó thực là một ngày thứ năm vô cùng vui vẻ. Cha thì được phủ ngập vinh quang[122] vì đã vượt xa kỹ xảo của người chuyên nghiệp nhào lộn. Các bạn cha cũng hết sức hài lòng, vị họ được giải trí tới mức hết chỗ nói bằng những tiếng cười và bằng bữa ăn. Còn người nhào lộn cũng bằng lòng, vì anh ta hầu như đã thâu hồi về được hầu như tất cả tiền nong của anh ta, nên anh ta cũng ăn uống rất thú vị. Khi chia tay, anh ta lên tiếng cám ơn mọi người:

Nhờ các bạn trả lại cho tôi số tiền này, các bạn đã cứu tôi khỏi sạt nghiệp. Tôi hết lòng cảm ơn các bạn. Tôi sẽ giữ mãi kỷ niệm đáng yêu này, nhưng tôi sẽ không bao giờ đánh cược với các học trò nữa.

  • Tất cả những chuyện vui buồn Don Bosco kể lại ở các chương này cho bạn thấy tầm nhìn giáo dục các thanh thiếu niên của ngài rộng thoáng như thế nào?
  1. ĐÓI SÁCH

HỌC CÁC TÁC GIẢ CỔ ĐIỂN

Thấy cha trải qua thời giờ trong biết bao nhiêu trò giải trí phí phạm như vậy, các con sẽ nói là cha tất nhiên sao lãng việc học. Cha không dấu diếm các con là cha đã có thể học nhiều hơn nữa: nhưng nghĩ rằng sự chú tâm tại lớp là đủ cho cha để học những gì cần thiết. Hơn nữa, là trong thời gian đó[123] cha không phân biệt giữa đọc và học, và một cách thật dẽ dàng, cha có thể nhắc lại nội dung của một cuốn sách đã đọc hay đã nghe kể lại. Hơn nữa, đã được mẹ dạy cho làm quen với việc ngủ ít, cha có thể dùng hai phần ba ban đêm để đọc các sách cha thích, và qua hầu như cả ngày làm những chuyện cha tự ý chọn, như là giúp ôn tập, phụ đạo, mà thường cha làm vì bác ái và vì tình bạn, nhưng cũng có vài người trả tiền cho cha.

Khi đó tại Chieri có ông chủ hiệu sách Do Thái, có tên là Elia, mà cha được tiếp xúc, khi cha dấn thân đọc các sách cổ điển Ý, Một đồng cho mỗi cuốn, khi đọc xong mới phải trả lại. Mỗi ngày cha đọc một cuốn trong bộ Thư viện bình dân[124]. Năm thứ tư Ginnaisio[125] cha đọc các tác giả Ý. Năm văn chương[126] cha bắt đầu học các tác giả Latinh cổ điển, và cha bắt đầu đọc Cornêliô Nipote, Cicerone, Sallustio, Quinto Cursio, Tito Livio, Cornêliô Tacito, Ovidio, Virgilio, Orazio Flacco và các tác giả khác. Cha đọc các tác giả này để giải trí và thưởng thức như thể cha đã hiểu toàn thể bản văn. Chỉ đến sau này cha mới nhận ra là không phải như vậy, bởi lẽ khi đã làm linh mục, khi có phận sự cắt nghĩa cho những người khác các sách cổ điển nổi tiếng này, cha mới biết được rằng phải học hỏi rộng ra, và chuẩn bị rất nhiều, mình mới có thể thâm nhập sâu xa vào ý nghĩa đúng và vào vẻ đẹp của các bản văn đó.

Bởi lẽ các bổn phận học hành, những công việc giúp ôn tập, việc đọc sách nhiều, lấy đi của cha cả ngày và một phần lớn ban đêm. Nhiều lần xảy ra là cho đến giờ dậy, cha vẫn còn cầm trong tay toàn bộ cuốn sách của Tito Livio, mà cha đã bắt đầu đọc vào buổi chiều hôm trước. Chuyện này làm hại rất nhiều sức khỏe của cha, mà trong nhiều năm, cuộc sống cha xem ra đã gần với mộ phần[127]. Bởi thế, cha luôn khuyên người khác là chỉ nên làm cái mình có thể, chứ đừng làm quá. Đêm được dành cho giấc ngủ, và trừ  trường hợp cần thiết, nếu không thì sau bữa ăn tối, không một ai nên tập trung vào các công việc nghiên cứu, học hành. Một người cường tráng, còn có thể chịu đựng được một thời gian, nhưng sẽ luôn luôn tạo cho sức khỏe của mình một sự thiệt hại nào đó.”

  1. CHỌN BẬC SỐNG

VIỆC CHUẨN BỊ – VIỆC CHỌN BẬC SỐNG

Cuối niên học văn chương[128] đã đến gần, là thời gian các học sinh thường quyết định về ơn gọi của mình. Giấc mơ tại Morialdo luôn luôn được ghi sâu trong tâm trí cha; hơn nữa nó còn nhiều lần được tái diễn[129] một cách rõ nét hơn, bởi đó, một khi muốn tin vào giấc mơ này, cha phải chọn bậc giáo sĩ, mà cha cảm thấy mình nghiêng chiều về; nhưng việc cha không muốn tin ở các giấc mơ, cũng như cách cha sống, những thói quen của cõi lòng cha, và việc tuyệt đối thiếu các nhân đức cần thiết cho bậc sống này[130], đã khiến cho dự định trên càng đáng hoài nghi và càng trở nên khá khó khăn.

Ôi, nếu khi đó cha đã có một người hướng dẫn chăm sóc cho ơn gọi của cha! Ngài sẽ là một kho tàng cho cha; nhưng kho tàng này cha đã không có được! Cha có một cha giải tội tốt, có nghĩ sao để giúp cha nên một Kitô hữu tốt, nhưng về ơn gọi, thì ngài không muốn gieo mình vào.

Sau khi tự mình suy nghĩ với bản thân mình, sau khi đã đọc vài cuốn sách bàn về việc chọn lựa bậc sống, cha đã quyết định vào dòng Phanxicô.[131] Cha đã tự nhủ: – Nếu tôi làm giáo sĩ sống giữa trần thế, ơn gọi tôi sẽ gặp nguy hiểm chìm đắm. Tôi sẽ ôm ấp đời linh mục, từ bỏ thế gian, đi vào tu viện kín, dấn mình vào học hành, nguyện gẫm, và sống trong sự cô tịch như thế, tôi sẽ có thể chiến đấu với các đam mê của tôi, cách riêng là sự kiêu ngạo đã có căn rễ rất sâu xa trong lòng tôi[132]. – Cho nên cha làm đơn xin vào Các tu viện Dòng Phanxicô Cải Tổ, tham dự cuộc thi nhập dòng, được đón nhận, và đã chuẩn bị mọi sự để vào tu viện Đức Mẹ Hòa Bình tại Chieri. Ít ngày trước thời gian ấn định để cha nhập dòng, cha đã mơ một trong những giấc mơ lạ kỳ nhất. Cha như thấy một đám đông các tu sĩ này mặc áo mòn sơ cả chỉ chạy tán loạn. Một trong số họ đến với cha và nói: – Anh đi tìm bình an, nhưng ở đây anh không tìm được bình an. Anh hãy xem thái độ của các anh em của anh. Thiên Chúa đang chuẩn bị cho anh một nơi khác, một mùa gặt khác.

Cha đã muốn hỏi tu sĩ đó một câu; nhưng một tiếng ồn làm cha tình giấc, và cha không còn thấy thêm một cái gì nữa. Cha đã trình bày toàn thể câu chuyện này cho cha giải tội của cha, nhưng ngài không muốn nghe gì cả về giấc mơ cũng như về các thầy dòng. –Trong chuyện này, ngài trả lời cho cha, mỗi người cần phải đi theo những khuynh hướng của mình, chứ không phải những lời khuyên của người khác.

Trong thời gian đó xảy ra một trường hợp khiến cha không thể nào thực hiện kế hoạch của cha. Bởi vì các chướng ngại rất nhiều và kéo dài mãi, nên cha đã quyết định trình bày tất cả cho Lu-y Cômôllô bạn của cha. Bạn đã khuyên cha nên làm một tuần chín ngày, trong thời gian đó bạn sẽ viết thư cho bác của bạn là một cha xứ. Ngày cuối cùng của tuần chín ngày, cùng với người bạn khôn vời ấy, cha đã đi xưng tội và rước lễ, rồi dự thánh lễ, rồi giúp một lễ nữa tại bàn thờ Đức Mẹ Các Ơn Sủng của nhà thờ chính tòa. Sau đó về nhà, chúng tôi quả đã nhận được một lá thư của cha Cômôllô được viết bằng những lời lẽ như sau: – Sau khi đã suy xét kỹ lưỡng về những chuyện cháu đã trình bày, bác khuyên bạn của cháu hãy ngừng vào tu viện lúc này. Bạn hãy mặc áo giáo sĩ, và trong khi bạn ấy sẽ theo đuổi việc học, bạn ấy sẽ biết rõ hơn điều mà Thiên Chúa muốn nơi cậu ấy. Cậu ấy không nên có bất cứ nỗi sợ hãi mất ơn gọi gì cả, bởi vì với việc cầm lòng cầm trí và với các thực hành đạo đức, cậu ấy sẽ vượt qua được tất cả các cản trở.

Cha đã theo lời gợi ý khôn ngoan đó, và nghiêm chỉnh chuyên tâm vào những chuyện có thể giúp cha chuẩn bị cho việc mặc áo giáo sĩ. Sau khi thi kết niên học văn chương, cha thi vào chủng viện để được mặc áo giáo sĩ, ngay tại các phòng hiện tại của căn nhà của ông Carlo Bertinetti, mà linh mục kinh sĩ Burzio đã thuê. Căn nhà này ông [Carlo Bertinetti] khi hấp hối, đã để thừa kế lại cho chúng ta (các Salêdiêng Don Bosco]. Trong năm đó cuộc thi vào chủng viện không xảy ra như theo thường lệ tại Tôrinô, do cơn bệnh dịch hạch đe dọa các vùng đất của chúng ta.

Cha muốn ghi nhận ở đây một điều chắc chắn đã cho chúng ta biết tinh thần đạo đức đã được vun trồng tại trường Chieri cho tới mức nào. Trong khoảng bốn năm học cha theo đuổi tại trường này, cha không nhớ đã nghe một câu chuyện hay dù chỉ một lời nói nào chống lại thuần phong mỹ tục hay chống lại tôn giáo. Khóa học văn chương kết thúc, trong số 25 học trò của cả lớp học, có 21 người ôm ấp bậc sống giáo sĩ; ba người làm bác sĩ, một người làm thương gia.[133]

Về nhà [134] để nghỉ, cha ngừng không còn làm người nhào lộn nữa, và cha dấn mình đọc các sách tốt mà cha phải xấu hổ mà thú nhận là cho đến khi đó cha đã sao nhãng. Tuy nhiên, cha vẫn tiếp tục chăm lo cho các bạn nhỏ tuổi, tiêu khiển với chúng bằng các câu chuyện, các cuộc chơi hào hứng, các bài thánh ca; hơn thế nữa, thấy nhiều bạn đã lớn tuổi, nhưng còn rất dốt nát trong các chân lý đức tin, cha hết lòng chăm lo dạy dỗ chúng về các kinh nguyện hằng ngày và những điều quan trọng khác nữa trong lứa tuổi đó. Cái đó chính là một loại Nguyện xá có sự tham dự của khoảng 50 trẻ em, những người yêu mến cha và vâng lời cha, như thể cha chính là người cha của chúng.

  • Vì tầm quan trọng của việc lựa chọn ơn gọi, Gioan Bosco đã tìm những cách thế nào để nhận ra ơn gọi đặc biệt Thiên Chúa dành cho cậu?

THỜI KỲ II: 1835-1845

  1. MẶC ÁO GIÁO SĨ

MẶC ÁO GIÁO SĨ – LUẬT ĐỜI SỐNG

Sau khi đã quyết định ôm ấp bậc sống giáo sĩ và thực hiện cuộc thi tuyển đã được qui định, cha tiến hành chuẩn bị cho ngày hết sức quan trọng đó, bởi vì cha tin chắc rằng ơn cứu độ đời đời hay sự hư mất đời đời thông thường lệ thuộc vào việc chọn bậc sống. Cha đã xin một số các bạn hữu cầu nguyện cho cha; cha làm tuần chín ngày, và vào ngày lễ Thánh Micae (tháng mười 1834)[135], cha chịu các bí tích, thế rồi, nhà thần học Cinzano[136] là cha xứ và là cha quản hạt ở quê hương cha, làm phép áo cho cha và mặc áo giáo sĩ cho cha trước khi thánh lễ long trọng được cử hành.

Khi ngài ra lệnh cho cha cất bỏ áo học sinh đi bằng những lời: Hãy cởi bỏ con người cũ cùng những hành động của nó, cha tự nhủ trong lòng mình: – Ôi, biết bao nhiêu áo cũ mình phải cởi bỏ đi! Lạy Thiên Chúa của con, xin Chúa tiêu diệt trong con tất cả những thói hư tật xấu. Khi ban cho cha cổ trắng, ngài thêm: Xin Chúa mặc cho con con người mới, đã được tạo dựng theo Thiên Chúa trong sự công chính và sự thánh thiện của chân lý! Cha cảm thấy hoàn toàn cảm kích và nói tiếp trong lòng cha: – Vâng, lạy Thiên Chúa của con, xin làm cho con trong giờ phút này con được mặc lấy con người mới, tức là kể từ giây phút này con bắt đầu một đời sống mới, hoàn toàn theo thánh ý của Chúa, và xin cho sự công chính và thánh thiện sẽ là đối tượng liên lỉ của các tư tưởng của con, của các lời nói của con và của các hành động của con. Xin cho được như vậy. Ôi Maria, xin Mẹ là ơn cứu độ cho con.

Sau khi xong các nghi thức tại nhà thờ, cha xứ của cha muốn ban cho cha một nghi thức khác hoàn toàn thế tục: là dẫn cha đi dự lễ thánh Micae[137] được cử hành tại Bardella, thị trấn của Castelnuovô. Cho cha tham dự lễ hội này, ngài muốn làm một cử chỉ ân cần chiêu đãi cha, nhưng lễ hội này là chuyện không thích hợp cho cha. Cha thật giống như một con búp bê mới được mặc áo, bây giờ được giới thiệu với công chúng để mọi người ngó nhìn. Hơn thế nữa, sau hơn một tuần chuẩn bị cho cái ngày đáng mơ ước này, cha lại thấy mình ở bàn ăn giữa dân chúng thuộc đủ hoàn cảnh, cả nam lẫn nữ, tụ họp tại đó, để mà cười cợt, chuyện vã, ăn uống và vui chơi; những người mà đa số là đi tìm các trò chơi, khiêu vũ và đủ mọi loại giải trí: Liệu những người như thế này, những đoàn nhóm như vậy có thể cùng đi với một người mà vừa mới sáng nay đã mặc lấy áo của sự thánh thiện để hiến thân cho Chúa chăng?

Cha xứ của cha đã nhận ra điều đó, và trên đường đi về nhà, ngài hỏi cha tại sao trong ngày vui lễ hội hôm đó cha lại đã tỏ ra e dè và tư lự như vậy. Với tất cả sự thành thật, cha trả lời rằng nghi thức được cử hành ban sáng trong nhà thờ quả không hợp một tí nào, cả về giống, về số cũng như về chức năng [in gender, number and case][138] với lễ hội ban chiều đó.  Cha còn thêm: Hơn thế, thấy có những linh mục pha trò, giỡn cợt giữa những khách đồng bàn, rồi cụng ly, đã khiến con cảm thấy có gì ghê sợ cho ơn gọi của con. Nếu con biết là mình một ngày kia sẽ trở thành một linh mục như  họ, con sẽ thà cởi bỏ áo giáo sĩ của con và sống như một học trò nghèo khổ, mà là một Kitô hữu tốt còn hơn!

  • Thế gian là như vậy con ạ, cha xứ trả lời cho cha, và cần phải tiếp nhận thế gian như nó thật sự là. Cần phải nhìn vào cái xấu để biết rõ nó và để tránh xa nó. Không ai trở thành một chiến sĩ can trường mà không học cách sử dụng khí giới. Vậy chúng ta cũng phải làm như vậy, chúng ta phải có một cuộc chiến đấu không ngừng chống lại kẻ thù của các linh hồn.

Khi đó cha im lặng, nhưng tự nhủ trong lòng rằng: – Tôi sẽ không đi đến các lễ hội công cộng nữa, ngoại trừ khi bị bắt buộc do các nhiệm vụ tôn giáo.

Sau ngày hôm đó, cha phải chăm lo cho bản thân cha. Cuộc sống cha đã sống cho đến ngày hôm đó phải được cải cách lại tận căn rễ. Trong những năm trở về trước, cha đã không phải là một học sinh xấu, nhưng đã sống tản mạn, tìm hư vinh, bận bịu vào những cuộc chơi, hội hè, nhảy lộn, và những chuyện tương tự, đã tạo nên nỗi vui thú trong thoáng chốc, nhưng đã không thỏa mãn cõi lòng[139]

Để tạo cho cha một luật vững chắc của cuộc sống để không quên lãng, cha đã viết những quyết định sau đây:[140]

  1. Trong tương lai tôi sẽ không bao giờ tham gia vào trong các cuộc chơi[141] công cộng tại các chợ phiên, hội chợ: không đi xem khiêu vũ hay xem kịch: và bao giờ có thể, không tham dự các bữa tiệc thường được đãi đằng trong các dịp đó.
  2. Tôi sẽ không chơi bun, những mánh lới ảo thuật, những biểu diễn nhào lộn, những kỹ xảo, biểu diễn trên dây bao giờ nữa: Tôi sẽ không chơi viôlông[142], không đi săn. Tất cả những chuyện này tôi coi là hoàn toàn ngược với sự nghiêm trang và với tinh thần giáo sĩ.
  3. Tôi sẽ ao ước và sẽ thực hành nếp sống kín ẩn, sự tiết độ trong ăn uống: và về nghỉ ngơi, tôi sẽ chỉ sử dụng một thời gian thực sự cần thiết cho sức khỏe của tôi.
  4. Nếu trong thời quá khứ, tôi đã phục vụ thế gian bằng việc đọc các sách đời, thì trong tương lai tôi sẽ lo phục vụ Thiên Chúa dấn thân vào đọc các truyện tôn giáo.
  5. Với tất cả sức lực của tôi, tôi sẽ chống lại mọi chuyện, mọi sách vở, mọi tư tưởng, lời nói, câu chuyện và công việc ngược với đức khiết tịnh. Ngược lại, tôi sẽ thực hành những điều dù là rất nhỏ, có thể góp phần cho việc duy trì nhân đức này.
  6. Ngoài những việc thực hành đạo đức thông thường, tôi sẽ không bao giờ bỏ một chút nguyện ngắm và đọc sách thiêng liêng mỗi ngày.
  7. Mỗi ngày tôi sẽ kể một vài tấm gương hay một vài châm ngôn hữu ích cho các linh hồn người khác. Điều này tôi thực hiện cho các bạn học, các bạn bè, các người thân, và khi không có thể làm với những người khác, tôi làm điều này cho mẹ của tôi.

Đây là những điều cha quyết định khi nhận áo giáo sĩ; và để cho những quyết định này ghi sâu trong lòng cha, cha đã tiến đến một bức ảnh Đức Trinh Nữ, và nói chúng ra cho Đức Mẹ, và sau một kinh cầu nguyện, cha đã chính thức hứa với vị Ân Nhân trên trời của cha. Đó là sẽ tuân giữ các quyết định này dù có phải chịu bất cứ các hy sinh nào.

  • Bạn nghĩ gì về những quyết định đầu đời giáo sĩ của Gioan Bosco?
  1. TỪ GIÃ MẸ

LÊN ĐƯỜNG VÀO ĐẠI CHỦNG VIỆN

Ngày 30-10-1835[143] cha phải có mặt ở chủng viện. Một số quần áo đã được chuẩn bị.[144] Mọi người trong thân quyến cha đều hài lòng, mẹ cha là người hài lòng nhất trong số họ. Nhưng mẹ cha rất tư lự và cho tới khi ấy chỉ nhìn cha, như thể muốn nói với cha một điều gì. Buổi chiều hôm trước ngày giã từ, mẹ đã gọi cha lại và nói với cha những lời đáng ghi nhớ này[145]: – Gioan con yêu, con đã mặc áo linh mục; mẹ đã cảm thấy tất cả niềm an ủi mà một người mẹ cảm nhận vì cái may mắn của con mình. Nhưng con hãy nhớ không phải bộ áo làm vinh hạnh bậc sống của con, mà là việc thực hành nhân đức. Nếu có khi nào đó con đi đến nghi ngờ ơn kêu gọi của con, thì vì đức ái! Con đừng làm nhục chiếc áo này. Con hãy cởi bỏ nó ra ngay. Mẹ thà có một đứa con nông dân nghèo khổ hơn là một đứa con linh mục sao nhãng bổn phận của mình. Khi con sinh ra trong trần gian, mẹ đã dâng hiến con cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh; khi con đã bắt đầu đi học, mẹ đã căn dặn con có lòng sùng kính với người Mẹ của chúng ta. Bây giờ mẹ nhắn nhủ con hãy hoàn toàn thuộc về Người. Con hãy yêu mến những bạn hữu sùng kính Mẹ Maria; và nếu con trở thành linh mục, con hãy khích lệ và cổ võ luôn mãi lòng sùng kính Đức Mẹ Maria.

Khi nói xong những lời này, mẹ cha xúc động.  Cha đã trả lời: – Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ về tất cả  những gì mẹ đã nói với con và làm cho con; những lời mẹ nói sẽ không ra vô ích và con sẽ giữ làm kho tàng của con cho đến hết đời con.

Ban sáng, cha đã tới Chieri kịp giờ, và buổi chiều cùng ngày hôm đó cha vào chủng viện[146]. Sau khi chào các bề trên, và sắp xếp xong giường của cha, cha cùng với bạn Garigliano bắt đầu đi dạo trong các phòng ngủ, rồi dọc các hành lang, và cuối cùng là bước vào trong sân. Nhìn lên chiếc đồng hồ mặt trời (rọi bóng chỉ giờ), cha đọc dòng chữ sau đây: Thời gian trôi chậm với những kẻ lười, nhưng lại qua nhanh cho những người vui[147]. – Cha liền nói với bạn cha: – Đúng rồi, đây chính là chương trình của chúng ta: Chúng ta hãy luôn sống vui, và thời gian sẽ qua rất nhanh.

Ngày hôm sau bắt đầu ba ngày tĩnh tâm, và cha đã lo thực hiện tốt bao giờ có thể. Kết thúc ba ngày này, cha đến với giáo sư triết học, khi ấy là nhà thần học Ternavasio của tỉnh Bra, và xin ngài ban cho một vài qui luật sống qua đó cha có thể đáp ứng tốt các bổn phận của cha và chiếm được cho mình lòng ưu ái của các bề trên của cha. Vị linh mục xứng đáng trên đã trả lời cho cha: – Chỉ có một chuyện cần: Đó là chu toàn chính xác các bổn phận của mình[148].

Cha đã lấy lời khuyên này làm nền tảng, và với hết cả tâm hồn, cha dấn mình tuân giữ các luật của chủng viện. Cha không phân biệt giữa khi nào chuông nhỏ vang lên để gọi đi học, vào nhà thờ, hay vào phòng ăn, vào cuộc chơi, vào giờ nghỉ. Sự chính xác này đã chinh phục cho cha tình yêu thương của các bạn hữu, và sự quí mến của các bề trên, bằng chứng là sáu năm[149] ở chủng viện đối với cha quả là một nơi hết sức sảng khoái.

  • Bài học đầu tiên Gioan Bosco tiếp thu tại chủng viện Chieri là gì?
  1. ĐỜI SỐNG CHỦNG VIỆN

Các ngày sống tại chủng viện hầu như luôn giống nhau[150]; bởi thế cha nhấn sơ qua đến sự việc nói chung, để rồi đi vào chi tiết miêu tả một số dữ kiện đặc biệt. Cha bắt đầu nói về các bề trên[151].

Cha rất yêu mến các bề trên của cha, và các ngài cũng luôn đối xử với cha một cách rất tốt lành; nhưng con tim cha không thỏa mãn. Cha giám đốc[152] và các bề trên khác chỉ thường gặp gỡ các chủng sinh khi chúng tôi từ kỳ nghỉ trở về chủng viện hoặc từ chủng viện về nghỉ tại nhà. Không có ai đến nói chuyện với các ngài ngoại trừ trong các trường hợp phải tiếp nhận sự la rầy nào đó. Một trong các bề trên tới phiên mình đến hộ trực mỗi tuần tại nhà ăn và trông vào lúc các thầy đi dạo sau cơm trưa, sau đó phiên hộ trực của các ngài kết thúc và được chuyển giao cho các vị khác.[153] Biết bao nhiêu lần cha đã muốn đến nói chuyện, xin các ngài lời khuyên hay giải tỏa các hoài nghi, nhưng cha không thể làm được chuyện này; thậm chí khi này xảy ra một bề trên đi qua giữa các chủng sinh, thì không hiểu tại sao, mỗi người đều vội vã trốn lánh sang bên phải hay bên trái, như để tránh một con vật đen[154]. Điều đó càng đốt nóng lòng cha mong sao mình sớm được làm linh mục để có thể vui chơi giữa các bạn trẻ, hộ trực họ, để thỏa mãn tất cả các nhu cầu của họ.          

Còn đối với các bạn hữu, cha đã giữ mình theo đúng gợi ý của mẹ cha, nghĩa là kết bạn hữu với những ai sùng kính Mẹ Maria, yêu thích việc học hành và lòng đạo đức. Cha buộc phải nói như qui luật cho những người lui tới chủng viện, là tại đó tuy có  rất nhiều thầy chủng sinh nổi bật về nhân đức, những cũng có cả những người nguy hiểm[155]. Có nhiều người trẻ không chú tâm đến ơn kêu gọi của mình, đã vào chủng viện mà không có tinh thần hay ý muốn làm chủng sinh tốt. Tệ hơn nữa, cha nhớ lại chính mình cũng từng nghe những lời lẽ vô cùng xấu xa đến từ các bạn hữu. Và có lần, sau khi đã khám xét một vài chủng sinh, thì đã tìm thấy các sách vô đạo hay dơ bẩn đủ loại.[156] Đúng là các bạn kiểu đó thì hoặc là đã tự ý cởi bỏ áo giáo sĩ hoặc đã bị đuổi ra khỏi chủng viện, vừa khi họ bị phát giác ra như vậy. Nhưng trong khi họ còn ở lại chủng viện, họ là bệnh dịch hạch cho những người tốt cũng như cho những người xấu.

Để tránh mối nguy hiểm đến từ các bạn hữu này, cha đã chọn một vài bạn đã được mọi người biết đến vì các mẫu mực về các nhân đức. Họ tên là Garigliano Guglielmo, Gioan Giacomelli xứ Avigliana, và sau đó dến Lu-y Cômôllô. Ba bạn này đối với cha quả là một kho tàng[157].

Các chủng sinh hoàn thành các việc đạo đức khá tốt. Mỗi buổi sáng có thánh lễ, nguyện ngắm, đọc một mùa trong phép lần hạt mân côi; tại bàn ăn, có đọc sách tốt. Vào thời đó sách Lịch sử hội thánh của Bercastel[158] được đọc. Việc xưng tội thì bó buộc cứ 15 ngày một lần; nhưng ai muốn có thể xưng tội mỗi thứ bảy[159]. Tuy nhiên chỉ có thể rước lễ[160] vào Chúa nhật và trong  ngày đại lễ đặc biệt. Đôi khi cũng có thể được rước lễ trong những ngày trong tuần, nhưng để làm được việc này, phải phạm một sự bất tuân phục. Nghĩa là phải chọn giờ ăn sáng, rồi kín đáo  đi sang nhà thờ thánh Philiphê[161] ở cạnh đó để rươc lễ, rồi trở lại cùng hội nhập với  các bạn vào lúc các bạn đi học riêng hay tới lớp. Vi phạm thời khóa biểu là một điều bị cấm, nhưng các bề trên vẫn ngầm ban cho một sự ưng thuận, bởi vì các ngài đã biết, có khi đã thấy, nhưng đã không nói gì chống lại. Bằng phương thức này, cha đã có thể thường xuyên hơn đi rước lễ, mà cha có thể gọi một cách có lý là lương thực hữu hiệu nhất của ơn kêu gọi của cha. Sự thiếu hụt trong việc đạo đức trên này, giờ đây đã được  bổ sung khi Đức Tổng Giám mục Gastaldi[162] đã sắp xếp mọi chuyện sao cho người ta có thể được rước lễ mỗi sáng, miễn là có sự chuẩn bị.

CÁC THỨ GIẢI TRÍ VÀ GIỜ CHƠI

Trò chơi thông thường nhất trong những lúc giải trí là trò “Tiến về tụ điểm”[163]. Lúc đầu cha rất thích tham gia trò chơi này, nhưng bởi vì trò chơi này rất giống với các thao diễn của người nhào lộn, mà cha đã tuyệt đối từ bỏ, nên cha cũng đã muốn ngưng không tiếp tục chơi nữa. Cũng có một số ngày, được phép chơi bài “tarô”, và cha cũng tham dự các ván bài này trong một thời gian. Nhưng ở đây cha cũng cảm nhận một vị ngọt pha với vị đắng. Mặc dù cha không phải là một tay chơi giỏi, nhưng cha cũng thật may mắn, nên hầu như luôn luôn thắng. Vào cuối các cuộc chơi, tay cha đầy ắp tiền; nhưng khi thấy các bạn cha buồn bã bởi vì cha đã đánh họ thua, cha trở nên con người buồn vì nỗi buồn của họ. Hơn nữa trong cuộc chơi, cha đã đem hết tâm trí vào đó, nên sau đó cha đã không thể cầu nguyện cũng không thể học hành, bởi trí tưởng tượng của cha luôn bị ám ảnh bởi quân bài “Vua” và con bài “Tên lính hầu Jack mang gươm”, bởi con bài 13[164] hay con bài 15[165] của bộ bài “Tarô”. Do đó cha đã lấy quyết định là sẽ không tham gia trò chơi này nữa[166], giống như cha đã từ bỏ các trò chơi khác. Đó là điều cha đã làm vào giữa niên khóa thứ hai triết học 1836.

Thời gian vui chơi nếu dài hơn thông thường, thì các chủng sinh được đi du ngoạn, thường là tại những nơi cảnh trí thanh nhã ở xung quanh thành phố Chieri[167]. Các cuộc đi dạo này cũng giúp cho việc học hành rất nhiều, bởi mỗi người đều tìm cách thực tập trong các chuyện học vấn, vừa hỏi bạn mình, vừa trả lời cho các câu mà bạn hỏi mình. Ngoài thời gian đi dạo chính thức, mỗi người cũng có thể vui chơi khi đi dạo cùng các bạn chủng sinh tại chính chủng viện, thảo luận cùng nhau về những chuyện giải trí, xây dựng, và liên quan tới khoa học.

Trong các cuộc giải trí dài[168], các chủng sinh thường tụ họp lại thành vòng tròn trong nhà ăn để để trao đổi về học vấn[169]. Mỗi người ở đó đều nêu các câu hỏi quanh những chuyện mình biết, hay những chuyện mình không hiểu rõ trong các tác phẩm hay tại lớp học. Điều này cha thích lắm, và nó thực sự trở nên hữu ích cho việc học, việc đạo đức và sự thánh thiện. Người nổi tiếng về việc đặt các câu hỏi là anh Lu-y Cômôllô, anh đến chủng viện sau cha một năm. Anh Đaminh Peretti, bây giờ là cha xứ Buttigliera[170], cũng ăn nói khá lưu loát, và luôn luôn là người trả lời các câu hỏi. Garigliano là một người lắng nghe[171] tuyệt vời; để rồi chỉ nêu lên một vài suy tư. Còn cha thì là vị chủ trì và là người phán quyết bất khả khiếu nại. Bởi vì trong các cuộc trao đổi thân tình của các anh em, có khi có những câu hỏi, các vấn đề khoa học được đưa ra hiện trường mà không một ai trong nhóm cha có thể trả lời được một cách chính xác, nên anh em chia sẻ các khó khăn cho nhau. Mỗi người, trong một thời gian nhất định, phải chuẩn bị giải quyết những gì mình đã được phân công.

Cuộc vui chơi của cha không hiếm khi bị gián đoạn bởi Cômôllô. Anh kéo áo cha, rồi bảo cha đi theo anh. Thế là anh dẫn cha tới nhà nguyện viếng Thánh Thể để cầu nguyện cho các người đang hấp hối, lần hạt hay đọc phụng vụ giờ kinh kính Đức Mẹ để cầu cho các linh hồn nơi luyện tội.

Người bạn kỳ diệu này quả là một sự may mắn cho cha. Vào đúng lúc, anh biết nhắc nhở, khuyên bảo  cha, sửa lỗi cha, an ủi cha, nhưng bằng một cách thức rất dễ thương và đượm tình bác ái[172], khiến cha rất vui tìm hiểu lý do tại sao Cômôllô lại khuyên như vậy, để rồi thưởng thức cái thú được sửa chữa. Cha đối xử thân tình với anh, và tự nhiên cảm thấy sự thúc đẩy phải bắt chước anh, dù cho cha có cả hằng ngàn dặm ở đằng sau anh về nhân đức, nếu không nói là mình đã bị làm cho ra hư hỏng bởi những bạn phóng túng, và nếu cha đã có thể  tiến bộ trong ơn gọi của cha, cha thực mắc nợ Cômôllô rất nhiều.

Nhưng chỉ có một chuyện cha không cảm thấy muốn bắt chước Cômôllô: đó là trong sự hãm mình. Cứ nhìn thấy một chàng trai còn nhỏ này[173] ăn chay cách nhiệm nhặt trong mùa chay và trong thời gian khác mà Hội Thánh ra lệnh; Cômôllô ăn chay mỗi thứ bảy để tôn kính Đức Trinh Nữ, thường là qua việc từ bỏ bữa ăn lót dạ sáng; đôi khi ăn trưa chỉ với bánh và nước lã; anh chịu bất cứ một sự khinh bỉ, xúc phạm nào mà không hề bao giờ tỏ dấu giận hờn; cứ nhìn bạn thật chính xác trong các bổn phận học hành và đạo đức nhỏ bé: Tất cả những chuyện này làm cha kinh ngạc quá mức, và làm cho cha nhìn vào người bạn đó như một thần tượng đã trở thành bạn của cha, như một sự kích thích mình làm các việc thiện, như một mẫu gương nhân đức cho tất cả những ai sống trong chủng viện[174].

  • Ý kiến của bạn về phương pháp rèn luyện Gioan Bosco nhận được trong chủng viện thế nào?
  1. CÁC KỲ NGHỈ HÈ

Kỳ hè thường là một mối nguy hiểm lớn lao cho các chủng sinh, nhất là vào thời đó kỳ hè kéo dài bốn tháng rưỡi[175]. Cha sử dụng thời giờ để đọc và viết; nhưng vì không biết sử dụng một cách ích lợi các ngày hè của cha, nên cha mất mát chúng rất nhiều mà chẳng có kết quả gì. Cha tìm cách  giết thời gian bằng các việc thủ công. Cha luân phiên làm lúc thì các con thoi, lúc thì các con ngựa gỗ, các con cù, các quả bun hay các trái banh; cha may áo; cắt và may giầy; làm thợ sắt, thợ mộc. Hiện nay, tại nhà của cha ở Morialdo, vẫn còn một cái bàn viết, một bàn ăn với vài chiếc ghế nhắc nhở tới các tuyệt kỹ[176] trong các kỳ hè của cha. Cha cũng lo cắt cỏ ngoài đồng cỏ, gặt lúa mì tại cánh đồng; cha cắt tỉa các cây nho, thu hoạch các chùm nho, và làm rượu, và những chuyện giống thế. Cha cũng chăm sóc cho các bạn trẻ nhỏ bé của cha như thường lệ, nhưng chỉ làm được việc này trong các ngày lễ. Tuy nhiên cha có được mối an ủi lớn là dạy giáo lý cho rất nhiều bạn của cha; họ đang ở lứa tuổi 16 và cả 19, mà quả thực họ đói khát các chân lý đức tin. Cha cũng dạy một số tập đọc và tập viết với một kết quả tốt đẹp; bởi nỗi khát khao, sự nôn nóng muốn học hỏi đã lôi cuốn các bạn trẻ thuộc mọi lứa tuổi đến với cha. Lớp học hoàn toàn miễm phí, nhưng với điều kiện là họ phải bền tâm, chăm chú và xưng tội hằng tháng. Ngay từ lúc đầu có một vài người không muốn qui phục các điều kiện này, đã nghỉ. Chuyện đó trở thành tấm gương tốt và sự khích lệ cho những bạn khác.

Với phép và sự trợ giúp của cha xứ của cha, cha cũng bắt đầu thuyết giảng. Cha thuyết giảng về phép Lần hạt rất thánh Mân côi[177] tại làng Alfiano, trong kỳ nghỉ hè năm triết học thứ hai[178]; về thánh Tông đồ Bartôlômeô trong năm thần học thứ nhất tại Castelnuovo; về Sinh nhật Đức Maria, tại Capriglio. Cha cũng không biết kết quả của các bài giảng đó như thế nào. Cha được ca ngợi từ mọi phía, thế là cha được kéo đi bởi hư vinh, cho tới khi cha được vỡ lẽ như sau. Một hôm, sau bài giảng của cha về Sinh Nhật Đức Maria[179], cha đã hỏi một giáo dân, mà cha thấy là thông minh nhất vốn đã tâng bốc cha lên tận mây xanh, là ông nghĩ thế nào về bài giảng của cha, và ông ta đã trả lời cho cha rằng bài giảng của thầy về các linh hồn khốn khổ trong Luyện ngục ấy hay quá, một lời khen ngọi chẳng đúng chỗ gì cả, vì hôm đó cha chỉ giảng về các vinh quang của Đức Mẹ Maria.

Tại làng Alfiano[180], cha cũng muốn xin ý kiến của cha xứ, một nhân vật rất đạo đức và giàu giáo thuyết, tên là cha Giuse Pellato. Cha đã xin ngài nói cho cha hay ý kiến của ngài về bài giảng của cha.

Ngài trả lời cho cha:

  • Bài giảng của thầy rất đẹp, có thứ tự, được trình bày bằng lời lẽ văn vẻ, với các tư tưởng Kinh Thánh, và nếu cứ tiếp tục như vậy, thầy sẽ có thể thành công trong việc giảng thuyết.
  • Nhưng dân chúng họ có hiểu không cha?
  • Ít lắm. Những người hiểu thầy chỉ có cha anh của tôi, và tôi cùng một số rất ít những người khác.
  • Sao những chuyện dễ như thế mà người ta không hiểu?
  • Đối với thầy xem ra là dễ, nhưng đối với dân chúng thì khá cao đấy. Những trưng dẫn lướt qua Lịch sử thánh[181], những sự bay bổng xuyên qua các lý luận trên cả một chuỗi các sự kiện của lịch sử Hội Thánh, tất cả những chuyện ấy dân chúng không hiểu được.
  • Vậy cha khuyên con phải làm thế nào?
  • Thầy hãy từ bỏ cái ngôn ngữ và hoa hòe của các lối văn chương cổ điển, hãy nói bằng tiếng bình dị của địa phương[182] khi có thể, hoặc bằng tiếng Ý cũng được, nhưng cách thật bình dân, thật bình dân, thật bình dân. Thế rồi thay vì lý luận. Hãy nêu ra các tấm gương, các ví dụ, các lời biện bác đơn sơ và thực tiễn. Nhưng thầy phải luôn nắm chắc là dân chúng hiểu ít, và các chân lý của đức tin không thể nào mà cắt nghĩa đầy đủ cho họ được.

Lời khuyên đầy tình cha con này đã giúp cha như một qui luật

trong suốt cuộc đời cha. Cha gìn giữ các bài giảng đó[183] với biết bao là niềm hổ thẹn, và hiện nay cha chỉ thấy trong đó không có gì khác ngoài sự khoe khoang, và sự tìm kiếm hư vinh. Thiên Chúa nhân từ đã sắp đặt để cha có được những bài học này, các bài học quí giá về giảng thuyết, về việc dạy giáo lý, về các bài huấn dụ, và về viết lách, mà kể từ thời đó cha đã bắt đầu áp dụng[184].

  • Là một thầy chủng sinh, Gioan Bosco đã tiếp thu ý kiến về việc giảng lễ như thế nào?
  1. NHỮNG NGÀY TẠI MIỀN QUÊ

LỄ HỘI TẠI MIỀN QUÊ – TIẾNG ĐÀN VIÔLÔNG –
BUỔI ĐI SĂN.

Khi cha vừa mới nói trước đây rằng các kỳ nghỉ là nguy hiểm, cha có ý nói là cho cha. Chuyện vẫn thường xảy ra cho cha đây, một thầy giáo sĩ đáng thương, là mình phải đứng trước những nguy hiểm nghiêm trọng, mà mình chẳng nhận ra được. Cha đã từng ở trong sự thử thách đó. Có một năm, cha được mời tham dự một lễ hội tại nhà của một trong số các bà con của cha. Cha đã không muốn đi, nhưng viện cớ rằng không có một thầy giáo sĩ nào để giúp lễ trong nhà thờ, và trước các lời mời dồn dập của cậu cha, cha đã tin rằng mình nên chiếu cố, và thế là cha đã tới đó. Khi các nhiệm vụ thánh, trong đó cha đã giúp lễ và đã hát xướng, đã xong, cha và mọi người đi ăn. Phần đầu của bữa tiệc, mọi sự tiến hành tốt đẹp; nhưng khi men say bắt đầu thấm tháp, thì những lời ăn tiếng nói mà một giáo sĩ không thể chấp nhận được, bắt đầu diễn ra. Cha cố gắng đưa ra một vài nhận xét, nhưng tiếng nói của cha bị dập tắt. Không còn biết phải thích ứng với bữa tiệc đó như thế nào, cha đã muốn chạy trốn. Cha đứng dậy khỏi bàn, cầm lấy mũ để bước đi khỏi; nhưng cậu của cha phản đối. Một người khác bắt đầu những lời nói thậm tệ hơn, và chửi rủa tất cả những người đồng bàn. Từ lời nói, họ bắt đầu chuyển sang hành động: những tiếng la hét, những lời đe dọa, những ly, chai, đĩa, thìa muỗng, nĩa ăn, những con dao tạo nên một sự náo động khủng khiếp, và cha không còn cách trốn thoát nào khác hơn là phó mặc cho đôi chân tháo chạy. Về tới nhà, cha đem hết lòng canh tân lại quyết định mà cha đã nhiều lần lấy, đó là sống xa thế tục, để mình khỏi sa vào tội lỗi.

Một sự việc thuộc loại khác, nhưng cũng chẳng kém khó chịu, đã xảy đến với cha tại Croveglia, một thôn của Buttigliera. Trong khi dân chúng muốn cử hành lễ thánh Bartôlômêô, thì một người cậu của cha mời cha can dự để phụ giúp các phụng tự thánh, hát và chơi đàn viôlông, mà một nhạc cụ cha ưa thích nhất, mà cha đã từng giã từ. Mọi chuyện tiến hành tuyệt hảo tại nhà thờ. Vì người cậu của cha là đứng đầu tổ chức ngày lễ, nên bữa ăn trưa được tổ chức tại nhà cậu, và cho tới đó chẳng có gì đáng trách cả. Ăn xong, các người đồng dự tiệc mời cha chơi một bản đàn viôlông nào đó để tạo cuộc vui chơi. Cha đã từ chối[185]. Nhưng một nhạc công nói: – Ít nhất, thầy hãy chơi phụ họa với tôi. Tôi chơi trước, rồi thầy chơi phần thứ hai. – Thật khốn nạn! Cha đã không biết từ chối và cha bắt đầu dạo đàn, rồi chơi bản đàn trong một lúc, thế rồi cha nghe những giọng thì thầm và rồi những bước chân dồn dập của cả một đám đông người. Cha liền tiến ra cửa sổ, và nhìn thấy cả một đám rất đông người đang vui vẻ khiêu vũ theo tiếng đàn viôlông của cha tại một cái sân gần đó. Không thể diễn tả bằng lời lẽ cơn giận dữ bùng lên trong con người cha lúc đó. Cha nói với các người cùng dự tiệc với cha: – Tại sao, tôi đã từng la hét chống lại những cảnh khiêu vũ công cộng, mà giờ đây tôi lại là người khởi xướng chúng? Chuyện này sẽ không bao giờ còn xảy ra nữa.[186] – Cha đã đập nát chiếc đàn viôlông của cha thành hằng nghìn mảnh, và cha không còn muốn sử dụng đến nó bao giờ nữa, dù cho còn có những cơ hội và những dịp xứng đáng để chơi trong các phụng vụ thánh.[187].

Còn một giai thoại nữa xảy ra cho cha trong một cuộc đi săn. Trong mùa hạ, cha đi tìm các tổ chim, còn trong mùa thu, cha đi bắt chim bằng bẫy nhựa hay bẫy dây[188], hay bẫy bằng con chim sẻ cái, và còn bằng cả súng bắn. Vào một buổi sáng, cha đuổi theo một con thỏ, và bước đi từ cánh đồng này sang cánh dồng khác, từ vườn nho này sang vườn nho khác, chạy qua các thung lũng và các núi đồi trong nhiều giờ. Sau cùng cha nhắm bắn con thỏ đó, và bằng một nhát bắn, cha bắn gẫy sườn con thỏ, khiến con vật bé nhỏ đáng thương ngã xuống, khiến cho tim cha đập loạn lên khi nhìn thấy nó tắt thở. Nghe tiếng súng bắn, các bạn của cha chạy lại, và khi các bạn vui sướng vì con mồi, cha nhìn vào mình cha một hồi, và nhận thấy mình mặc một cái áo sơ mi, không mang áo dòng, với một chiếc mũ lá, khiến cha trông giống như một tên lái buôn lậu, và ở một nơi cách xa nhà cha chừng 5 cây số[189]. Thật là xấu hổ hết cỡ nói, cha xin lỗi các bạn vì gương xấu qua lối ăn mặc như thế này. Cha đi về nhà ngay, và một lần nữa, cha lại tái từ bỏ và từ bỏ cách vĩnh viễn mọi hình thức đi săn. Với sự trợ giúp của Chúa. Lần này cha đã giữ lời mình hứa. Xin Thiên Chúa tha thứ cho cha gương mù này.[190]

Ba sự việc này đã cho cha một bài học ghê gớm, và kể từ đó về sau, cha quyết tâm cách mạnh mẽ hơn là sống xa lánh thế tục, và cha thực sự tin chắc rằng ai muốn dấn thân mình cách rõ ràng phục vụ Chúa, cần phải trên thực tế từ bỏ các thứ giải trí trần thế. Thật ra những chuyện này không phải là tội lỗi[191]; nhưng chắc chắn là các lời nói trên, lối ăn mặc, lối nói, lối hành động ấy luôn luôn chứa đựng một nguy hiển  nào đó phá hoại nhân đức, đặc biệt là nhân đức rất tế nhị là đức khiết tịnh.

MỐI TÌNH BẠN VỚI LU -Y CÔMÔLLÔ

Bao lâu Thiên Chúa còn gìn giữ người bạn khôn vời này tại thế, thì chúng tôi luôn sống trong tình bạn mật thiết cùng nhau. Trong các kỳ nghỉ, cha nhiều lần đến cùng bạn, và bạn cũng nhiều lần đến với cha. Hai người chúng tôi thường xuyên qua lại thư từ với nhau. Cha nhìn thấy nơi bạn một vị thánh trẻ tuổi; cha yêu bạn vì những nhân đức họa hiếm của bạn; bạn yêu mến cha vì cha đã giúp bạn trong việc học hành, thế rồi khi cha ở bên bạn, cha luôn cố gắng bắt chước bạn trong một điều gì đó.

Trong một dịp nghỉ, bạn đến sống qua một ngày với cha,[192] vào lúc đang ở ngoài cánh đồng gặt lúa. Bạn đưa cho cha đọc bài giảng bạn viết, mà bạn sẽ phải giảng thuyết vào lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời sắp tới[193]; thế rồi cha diễn giảng với cử điệu họa với các lời lẽ. Sau vài giờ trao đổi vui vẻ cùng nhau, chúng tôi nhận thấy đã đến giờ ăn trưa. Chúng tôi chỉ có một mình tại nhà. Biết làm gì bây giờ?  Cômôllô lên tiếng: – Phía trên đó, mình sẽ nhóm lửa, còn bạn thì sửa soạn chảo, và chúng ta sẽ nấu nướng cái gì đó .

  • Tốt lắm, cha trả lời, nhưng trước hết phải để mình đi bắt một con gà nhỏ ở ngoài sân, để vừa làm đĩa thức ăn, vừa để nấu cháo; chính mẹ mình đã có ý như vậy.

Lập tức chúng tôi đã đưa tay chộp ngay được một con gà con; nhưng ai sẽ cảm thấy có can đảm giết nó đây? Cả cha lẫn bạn chẳng ai dám. Để đi tới một kết luận thuận lợi, chúng tôi quyết định là Cômôllô cầm con gà con, kề cổ nó trên cái thớt, còn cha thì cầm liềm cắt đứt ngay cổ nó. Cú cắt được thực hiện; cái đầu được cắt lìa ngay khỏi thân. Thế là cả hai đều khiếp sợ, chúng tôi vội vã chạy trốn, thút thít khóc.

  • Chúng ta trẻ con thật, Cômôllô bỗng lên tiếng; Chúa đã nói cho chúng ta sử dụng các con vật trên trái đất để mưu ích cho chúng ta; vậy thì tại sao chúng ta lại gớm ghê cái chuyện này?

Thế là chúng tôi chẳng có khó khăn gì lượm lại con gà, vặt lông nó, và nấu nướng nó làm bữa ăn giữa chúng tôi.

Đáng lý cha phải tới Cinzano để lắng nghe bài giảng của Cômôllô về Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời; nhưng vì cha cũng chịu trách nhiệm giảng ở nơi khác cùng một bài giảng ấy, nên cha tới đó vào ngày hôm sau. Thật là kỳ diệu được nghe những lời khen ngợi mà mọi phía đều xướng lên ca tụng bài giảng của Cômôllô. Ngày hôm đó (16 tháng 8) cũng là lễ của thánh Rocco,[194] thường được gọi là một lễ của soong chảo hay của nhà bếp, và các anh em họ hàng hay bạn hữu thường nhân cơ hội này mời các người thân yêu của họ tới dùng bữa hay hưởng một cuộc vui chơi công cộng nào. Trong dịp này, xảy ra một giai thoại cho thấy sự táo bạo của cha đi đến đâu.

Người ta đã đợi chờ vị giảng thuyết cho dịp đại lễ này gần như cho tới giờ bước lên tòa giảng, nhưng vị đó không đến. Để cất nỗi bối rối khỏi cha xứ Cinzano, cha đã đi lúc thì tới vị này, lúc thì vị kia trong số rất nhiều cha xứ có mặt ở đó, cầu khẩn và nài nỉ các vị sao cho có một vị nào đó giảng một bài ngắn cho số đông người tụ tập tại nhà thờ khi đó. Không ai muốn nhận lời cả. Khó chịu vì những lời mời gọi liên tục của cha, họ trả lời gay gắt với cha: – Này thầy điên hay sao! Đột xuất lên tòa giảng về thánh Rocco đâu có phải là uống một ly rượu; vậy thay vì quấy rầy những người khác, thầy cứ làm xem sao. Nghe vậy, tất cả đều vỗ tay. Bị thương tổn và xúc phạm trong sự kiêu ngạo của cha, cha trả lời: – Chắc chắn con không dám tình nguyện trong chuyện này, nhưng bởi vì tất cả các vị đều từ chối, con xin nhận. – Thế rồi một bài thánh ca chúc tụng được hát lên trong nhà thờ để cho cha có đôi chút suy nghĩ; và nhắc lại trong trí nhớ cuộc đời của vị Thánh mà cha đã đọc, cha bước lên tòa giảng, giảng thuyết một bài mà cha đã luôn được nghe nói là đây là bài giảng hay nhất mà cha đã giảng so với cả trước lẫn sau này.

Cũng vào kỳ nghỉ hè này và cũng vào dịp này (1838)[195]. Có một hôm, cha cùng bạn đi dạo trên một ngọn đồi[196], từ đó chúng tôi có thể nhìn thấy các đồng cỏ, đồng ruộng và vườn nho trải rộng  mênh mông. Cha liền nói với Cômôllô:

  • Này Lu-y xem này, năm nay mùa màng chúng ta thu hoạch được thật là ít ỏi! Thật khổ sở cho những người nông dân! Biết bao nhiêu công việc vất vả, và hầu như là vô ích!

Bạn cha liền trả lời:

  • Đó chính là bàn tay Thiên Chúa đè nặng trên chúng ta. Bạn cứ tin mình đi, chính tội lỗi chúng ta là nguyên nhân của chuyện này.
  • Năm tới mình tin rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta mùa màng thu hoạch dồi dào hơn.
  • Mình cũng hy vọng như vậy, và thật may mắn cho những người sẽ còn được hưởng mùa thu hoạch đó.
  • Trên đường đi, chúng ta hãy để ra một bên những ý nghĩ buồn bã; năm nay thì đành kiên nhẫn chịu đựng, nhưng năm tới, mùa màng sẽ thu hoạch dồi dào hơn và chúng ta sẽ làm những rượu tốt hơn.
  • Bạn sẽ uống rượu ấy chứ.
  • Vậy cậu cứ nghĩ là mình sẽ chỉ uống thứ nước lã thường ngày của cậu sao?
  • Mình thì hy vọng uống thứ rượu tốt hơn.
  • Bạn muốn nói gì với lời này?
  • Thôi, đừng nói nữa… Chúa biết điều gì ngài sẽ thực hiện.
  • Mình không hỏi cậu chuyện này. Mình hỏi cậu muốn nói gì với lời: Mình thì hy vọng uống thứ rượu tốt hơn. Hay là cậu muốn lên thiên đàng?
  • Cho dù mình không thực sự chắc chắn sẽ lên thiên đàng sau khi mình chết, tuy nhiên mình có một hy vọng có nền tảng, và đã từ một thời gian qua, mình tha thiết mong mỏi thưởng thức niềm khao khát của các thánh, khiến cho mình cảm thấy không thể nào những ngày sống của mình còn kéo dài được nữa.

Cômôllô nói điều này với một sự vui sướng cực lớn lao hiện lên trên khuôn mặt vào đúng thời gian bạn đang hưởng sự thánh thiện tuyệt hảo, và bạn đang chuẩn bị trở lại chủng viện.

  • Những ý tưởng thiêng liên trao đổi giữa Gioan Bosco và Lu-y Comollô cho thấy tình bạn thiêng liêng hữu ích thế nào cho việc thăng tiến thiêng liêng và đưa tâm hồn người ta tới niềm hy vọng cao cả như thế nào?
  1. VIỆC CÔMÔLLÔ HIỆN VỀ

Những chuyện đáng nhớ nhất trước và sau cái chết quí báu của người bạn thân thiết này đã được miêu tả riêng ở nơi khác và ai muốn, có thể tìm đọc một cách mãn nguyện.[197] Nhưng ở đây cha không muốn bỏ qua một sự việc khiến người ta phải nói đến rất nhiều, và các bản Hồi ký đã xuất bản chỉ nhắc đến cách sơ khởi. Chuyện đó như sau. Vì hoài mong tình bạn, sự tín nhiệm vô giới hạn đổi trao giữa cha và Cômôllô, mà chúng tôi thường nói cái có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào, về chuyện chúng tôi lìa xa nhau do cái chết. Một hôm, sau khi đã đọc một đoạn dài trong truyện Hạnh các thánh, chúng tôi nói nửa đùa nửa thật rằng sẽ là một niềm an ủi lớn  nếu một trong hai chúng tôi, ai là người sẽ chết trước, sẽ thông tin lại về tình trạng của mình. Nhắc đi nhắc lại chuyện này nhiều lần, chúng tôi đã đi đến một khế ước: – Ai trong số hai chúng tôi chết trước, nếu được Thiên Chúa cho phép, sẽ báo tin về sự cứu độ của mình cho người bạn còn sống của mình. – Cha không biết đến tầm quan trọng của một lời hứa như thế, và cha phải thú nhận là chúng tôi có nhiều sự nhẹ dạ trong trường hợp này, và cha sẽ chẳng bao giờ khuyên người khác làm như vậy. Tuy nhiên chúng tôi đã hẹn với nhau, và đã nhiều lần nhắc lại, đặc biệt trong cơn bệnh cuối cùng của Cômôllô. Thậm chí những lời nói cuối cùng của bạn và cái nhìn cuối cùng đều tái khẳng định những gì chúng tôi đã nói với nhau về chuyện này. Nhiều bạn cũng đã hay biết về điều trên.

Cômôllô chết ngày 2 tháng 4 năm 1839. và buổi chiều ngày hôm sau bạn được long trọng an táng tại nhà thờ thánh Philíp[198]. Những bạn biết có chuyện hứa hẹn này thì nóng lòng xem nó được ứng nghiệm như thế nào. Cha thì vô cùng lo lắng. Chiều hôm đó, cha đã lên giường trong một nhà ngủ dành cho 20 chủng sinh, và cha rất bồn chồn, tin chắc rằng đêm đó lời hứa sẽ được thực hiện. Vào lúc 11 giờ 30, một tiếng ồn sâu lắng nghe vang lên ở các hành lang. Nó giống như một toa xe lớn được kéo bởi nhiều con ngựa đang tiến dần đến của nhà ngủ. Nó càng lúc càng vang lên ghê sợ tựa tiếng sấm, khiến cả nhà ngủ rung lên. Các thầy chủng sinh khiếp hãi chạy trốn khỏi giường để qui tụ lại với nhau, tạo cho nhau được thêm can đảm. Chính lúc đó, và giữa cái thứ sấm gầm sâu lắng và hãi hùng đó, cha nghe rõ ràng tiếng của Cômôllô ba lần vang lên: Bosco, mình đã được cứu rỗi! Tất cả nghe thấy tiếng ồn, có một số nghe thấy tiếng là không hiểu  ý nghĩa; tuy nhiên một số bạn khác đã hiểu y như cha. Bằng chứng là trong cả một thời gian lâu dài về sau lời ấy vẫn được nhắc lại trong chủng viện.[199] Đó là lần đầu tiên như cha nhớ là cha đã thực sự sợ hãi: Cha sợ hãi khủng khiếp đến nỗi rơi vào một cơn bệnh nặng, gần như đã ở bên bờ mộ rồi. [200] Cha sẽ không bao giờ cho những người khác một lời khuyên thuộc loại này cả. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Do vậy ngài sẽ không lắng nghe những loại giao kèo kiểu này; tuy rằng trong lòng nhân từ vô cùng của ngài, ngài cũng cho phép là các lời hẹn ước với nhau như thế đã được hoàn thành, như là trong trường hợp cha vừa trình bày.[201]

  • Những chân lý đời đời và một khoa tu đức lành mạnh và quân bình mang lại cho Gioan Bosco những lợi ích gì?
  1. CHA GIOAN BOREL

PHẦN THƯỞNG – PHÒNG ÁO – CHA TIẾN SĨ THẦN HỌC GIOAN BOREL

Trong chủng viện cha được nhiều may mắn và luôn được các bạn hữu của cha cùng các bề trên của cha yêu mến. Trong kỳ thi lục cá nguyệt, có lệ ban một phần thưởng là 60 frăng cho một người trong mỗi lớp đã đạt được những điểm tốt nhất trong học hành cũng như trong hạnh kiểm luân lý. Thiên Chúa đã thực sự chúc lành cho cha và trong sáu năm cha ở chủng viện, cha luôn nhận được phần thưởng này. Trong năm thứ hai thần học, cha được làm người coi phòng áo, một nhiệm vụ không mấy cao quí, nhưng là một dấu chỉ quí báu của lòng ưu ái của các bề trên, nhờ đó cha nhận được thêm 60 frăng khác nữa. Như thế cha đã được hưởng một nửa tiền để đóng phí nội trú, phần còn lại thì cha Cafasso đầy lòng bác ái đã lo liệu cho cha[202]. Người coi phòng áo phải chăm lo giữ gìn nhà thờ, phòng áo, bàn thờ cho sạch sẽ và xếp đặt ngăn nắp các cây đèn, cây nến, và các đồ đạc khác cần thiết cho việc thờ phượng thánh.

Chính trong năm đó cha có cái may mắn là được quen biết một trong các vị thừa tác viên nhiệt thành nhất của  thánh đường. Ngài xuất hiện tại phòng áo với dáng vẻ vui tươi, với những lời lẽ đầy vẻ khôi hài, nhưng luôn được làm cho mặn mà bởi những tư tưởng luân lý. Khi cha đã quan sát việc ngài chuẩn bị Thánh lễ và cám ơn sau Thánh lễ, phong thái ngài, lòng sốt sáng trong việc cử hành thánh, cha nhận ra ngay ngài là một vị linh mục xứng đáng, và tên của ngài chính là linh mục tiến sĩ thần học Gioan Borel của thành phố Tôrinô.[203] Thế rồi khi ngài bắt đầu bài giảng của ngài, và khi các bạn được chiêm ngưỡng sự bình dân, sự sống động, sự rõ ràng và ngọn lửa đức ái xuất hiện lên trong tất cả các lời nói của ngài, thì mỗi người, ai cũng nhắc lại rằng ngài là một vị thánh.

Trên thực tế, tất cả đều chạy đua để đi xưng tội với ngài, bàn luận với ngài về ơn gọi của mình và nhận lấy một vài lời khuyên làm kỷ niệm. Cả cha nữa, cha cũng muốn bàn với ngài về những chuyện của linh hồn. Sau cùng, cha đã xin ngài một phương thức chắc chắn để duy trì tinh thần[204] ơn gọi trong suốt năm, và cách riêng trong dịp nghỉ hè, ngài đã để lại cho cha những lời đáng ghi nhớ này: – Với sự lui vào trong sâu lắng (ritiratezza) và với việc năng rước lễ, thầy sẽ hoàn bị và gìn giữ được ơn gọi của mình và đào tạo mình thành một người giáo sĩ đích thực.

Các cuộc linh thao của nhà thần học Borel tạo thành những mốc điểm trong chủng viện, và cho dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng những lời châm ngôn thánh mà ngài đã khuyên bảo ở nơi công cộng hoặc nói nơi riêng tư, vẫn còn được nhắc lại.

  • Cha Gioan Borel có vị trí như thế nào trong cuộc đời của Gioan Bosco?
  1. VIỆC HỌC HÀNH

Về chuyện các môn học cha bị lôi cuốn bởi một sự sai lầm đáng lý đã để lại nơi cha những hậu quả tệ hại, nếu như một sự việc do Chúa quan phòng đã không đến cất điều đó đi. Cha đã có thói quen đọc các tác phẩm cổ điển trong tất cả khóa học cấp ba[205], quá quen thuộc với những dung mạo vượt trổi của thần thoại và của các câu chuyện truyền kỳ ngoại đạo, nên cha không còn tìm thấy thích thú trong các chuyện tu đức nữa[206]. Cha đã đi tới tin chắc rằng một ngôn ngữ hay và sự hùng biện không thể dung hòa với tôn giáo. Chính các tác phẩm của các Giáo phụ đối với cha xem ra chỉ là một sản phẩm của những thiên tài có giới hạn, ngoại trừ các nguyên tắc tôn giáo mà chúng trình bày với sức mạnh và sự minh bạch.

Một hôm vào đầu năm triết học thứ hai, cha đi viếng Thánh Thể, và vì không đem theo với mình cuốn sách kinh nguyện, cha liền đọc cuốn Gương Chúa Giêsu[207]. Suy nghĩ một cách chăm chú sự cao cả của các tư tưởng và cách thức sáng sủa và đồng thời có thứ tự và đầy chất hùng biện qua đó những chân lý lớn được trình bày, cha bắt đầu tự nhủ: – Tác giả cuốn sách này là một người uyên thâm. –  Thế rồi tiếp tục những lần khác đọc tác phẩm vàng này, cha đã sớm nhận ra là chỉ một câu của nó thôi còn chứa đựng biết bao nhiêu là giáo lý và luân lý mà cả nhiều cuốn sách cổ điển đã không chứa đựng được. Chính cuốn sách này đã giúp cho cha thôi đọc các sách thế tục. Cha dấn thân đọc bộ sách của Lịch sử Cựu ước và Tân ước của Calmet[208], và các sách Thời cổ Do Thái; Về cuộc chiến Do Thái của Flavius Josephus[209]; rồi sách Thảo luận về tôn giáo của Đức Cha Marchetti;[210] rồi các sách của Frayssinous, Balmes, Zucconi, và nhiều văn sĩ tôn giáo khác; cha cũng thưởng thức tác phẩm của Fleury, sách Lịch sử Hội Thánh của ông, mà cha không biết đó là sách phải tránh[211]. Cha cũng thu lượm được nhiều ích lợi khi đọc các sách của Cavalca, Passavanti, Segneri và toàn bộ Lịch sử Hội Thánh của Henrion[212].

Có lẽ các con sẽ nói: – Lo đọc biết bao nhiêu sách như thế, cha không thể học hỏi các khảo luận của lớp học mình. – Chuyện không phải thế. Trí nhớ của cha luôn tiếp tục ủng hộ cha, và chỉ cần đọc và nghe lời diễn giảng các khảo luận tại lớp đã đủ cho cha đáp ứng đầy đủ các bổn phận của cha. Do đó tất cả các thời giờ thiết định cho việc học hỏi cha có thể dùng để đọc các sách khác nhau. Các bề trên đều biết hết và đã để cho cha được tự do làm điều này.

Một môn học mà cha rất tâm đắc là môn tiếng Hy Lạp. Cha đã học những yếu tố chính trong lớp học môn cổ điển, cha đã học văn phạm và thực hiện các bài dịch đầu tiên nhờ vào các cuốn tự điển. Một cơ hội tốt đã đến với cha một cách rất thuận lợi để thực hiện công việc này.  Năm 1836, tại Tôrinô có mối đe dọa của bệnh dịch, nên các cha dòng Tên đã sớm gửi các học sinh nội trú của trường Đức Mẹ Núi Các-men[213] từ trường Carmine về nhà nghỉ tại Montaldo. Việc gửi học sinh về nhà nghỉ sớm này đòi hỏi nhân viên dạy học phải được tăng gấp đôi, bởi vì vẫn phải giải quyết các lớp học cho các học sinh ngoại trú vẫn còn tiếp tục tới trường [tại Tôrinô]. Người ta đã thỉnh cầu cha Cafasso, và ngài đề nghị cha dạy môn Hy Lạp cho một lớp. Điều ấy thúc đẩy cha nghiêm chỉnh học tiếng Hy Lạp nhiều hơn để có thể đứng lớp. Hơn thế nữa, cha còn tìm được một linh mục của dòng Tên tên là Bini, một học giả Hy Lạp uyên thâm. Cha đã thụ hưởng được từ nơi ngài rất nhiều lợi ích. Chỉ trong bốn tháng, ngài đã giúp cho cha dịch hầu như toàn bộ Tân ước, hai cuốn sách đầu của Homero, nhiều thi ca của Pindaro và của Anacreonte.[214] Vị linh mục xứng đáng này ngưỡng mộ thiện chí của cha, đã tiếp tục phụ đạo cha trong bốn năm; mỗi tuần ngài đọc một bài viết Hy Lạp hay một bài chuyển ngữ từ tiếng Hy Lạp mà cha gửi tới cho ngài, và mau mắn sửa chữa và rồi gửi lại cho cha với những nhận xét thích hợp. Nhờ thế cha có thể dịch tiếng Hy Lạp dễ dàng như dịch tiếng Latinh.

Cũng trong thời gian này cha đã học tiếng Pháp và các nguyên tắc của tiếng Do Thái. Cha rất quí chuộng ba thứ tiếng Do Thái, Hy Lạp và Pháp này, chỉ sau tiếng Latinh và tiếng Ý mà thôi.

  • Kiến thức rộng Gioan Bosco thu hoạch được là nhờ những gì?
  1. THỤ PHONG LINH MỤC

CÁC CHỨC THÁNH – ĐỜI SỐNG LINH MỤC

Năm Cômôllô qua đời (1839), cha đã tiếp nhận lễ nghi cắt tóc cùng với bốn chức nhỏ vào năm thần học thứ ba. Sau năm đó, cha nghĩ ra một ý tưởng là thử một chuyện mà vào thời đó ít ai được phép: là thực hiện một khóa học trong kỳ nghỉ hè. Để đạt được việc này, cho không xúc tiến với một ai, mà chỉ trình diện với Đức Tổng Giám mục Fransoni[215], xin ngài cho được học các khảo luận thuộc năm thứ tư[216] trong kỳ hè đó và nhờ thế mà có thể hoàn thành năm học thứ năm vào niên khóa 1840-1841. Cha viện dẫn lý do là cha đã lớn tuổi, đạt trọn 24 tuổi rồi.

Đức Cha đã tiếp đón cha với biết bao tấm lòng yêu thương, và nhận ra thành quả của các cuộc thi cử của cha đã trải qua cho tới giờ này tại chủng viện, ngài đã ban đặc ân cha đã thỉnh nguyện với điều kiện cha mang theo với mình tất cả các khảo luận của khóa học mà cha muốn dự thi. Linh mục tiến sĩ thần học Cinzano, cha quản hạt của cha, chịu trách nhiệm thi hành ý muốn của bề trên. Trong hai tháng, cha đã có thể học xong các khảo luận đã được qui định và trong mùa thu, nhằm vào một trong bốn dịp phong chức[217], cha đã được nhận vào chức phụ phó tế[218]. Giờ đây cha đã biết các nhân đức được yêu cầu cho bước tiến chức rất quan trọng này, cha đã xác tín rằng cha đã chưa được chuẩn bị đầy đủ; nhưng không có một ai trực tiếp chăm lo cho ơn gọi của cha, nên cha đến thỉnh vấn lời khuyên của cha Cafasso, và ngài nói với cha là cứ tiến lên phía trước và luôn luôn dựa vào lời của ngài. Trong mười ngày linh thao được thực hiện tại nhà truyền giáo[219] Tôrinô, cha đã xưng tội chung, để cha giải tội có thể có một ý tưởng rõ ràng về lương tâm của cha và cho cha lời khuyên thích hợp. Cha ước ao hoàn thành các bổn phận học hành của cha, nhưng run sợ trước tư tưởng phải ràng buộc mình cho suốt cả đời; do đó cha không muốn lấy một quyết định vĩnh viễn, nếu không phải là sau khi đã có sự đồng ý hoàn toàn của cha giải tội.

Kể từ đó cha đã dấn thân tột độ thực hành lời khuyên của linh mục tiến sĩ thần học Borel: Với sự lui vào trong sâu lắng (ritiratezza) và việc rước lễ thường xuyên, mình sẽ gìn giữ và hoàn bị được ơn gọi của mình.  Sau đó, trở lại chủng viện, cha được ghi danh vào số các anh em năm thứ năm thần học, và cha được đặt làm Trưởng tràng[220], là trách nhiệm cao nhất mà một chủng sinh có thể được nâng lên. Vào thứ bảy tuần thứ tư Mùa chay năm 1841, cha nhận chức Phó tế, và vào mùa chịu chức kỳ hè cha được thụ phong linh mục. Nhưng cái ngày đau đớn nhất chính là ngày cha phải vĩnh viễn từ giã chủng viện. Các bề trên yêu mến cha, và liên tục biểu lộ các dấu thương yêu. Các bạn hữu vô cùng thân thiết với cha. Có thể nói cha sống cho họ, và họ sống cho cha. Ai cần cạo râu hay cắt vòng tóc trên đầu theo nghi lễ cắt tóc, đều đến với cha. Ai cần mũ Bê-rê giáo sĩ, cần may hay vá một chiếc áo nào, thì cứ nhờ Bosco. Bởi đó cuộc chia tay này là vô cùng đau đớn cho cha[221], một sự chia tay với cái nơi mà mình đã sống sáu năm, nơi mình đã được giáo dục, đã nhận lãnh khoa học, tinh thần giáo sĩ và tất cả các dấu của lòng tốt yêu thương mà mình có thể ước ao được.

Ngày thụ phong linh mục của cha nhằm vào Lễ Vọng Kính Đức Chúa Trời Ba ngôi, và cha đã cử hành thánh lễ đầu tiên của cha tại nhà thờ thánh Phanxicô Assisi, nơi cha Cafasso là giám đốc trường Thần học luân lý và Thuật hùng biện Thánh.[222] Dù quê hương cha đang nóng lòng mong mỏi cha, vì nhiều năm nay đã không có lễ mở tay nào tại đó, nhưng cha thích cử hành Thánh lễ một cách êm đềm tại Tôrinô hơn, và hôm đó cha có thể coi là ngày đẹp nhất đời cha. Trong Kinh cầu nhớ đến những người đã qua đời của Thánh lễ đáng ghi nhớ đó, cha cố gắng hết sức sốt sáng nhớ đến tất cả các thầy dạy, các ân nhân thiêng liêng và vật chất của cha, và cách riêng là cha Calosso xiết bao nhớ thương, mà cha luôn luôn ghi nhớ như là vị ân nhân vĩ đại và cao cả. Thứ hai cha đi cử hành thánh lễ tại nhà thờ Đức Mẹ An Ủi[223], để tạ ơn rất thánh Trinh Nữ vì muôn vàn ơn huệ mà cha đã nhận được từ Đức Giêsu, Người Con Yêu Chí Thánh của Mẹ.

Sang thứ ba cha đến Chieri cử hành thánh lễ trong nhà thờ thánh Đaminh[224], tại đó có giáo sư cũ của cha, cha Giussiana sống, đón chờ cha với tấm lòng hiền phụ. Trong thánh lễ đó, ngài luôn khóc vì xúc động. Cha qua cả ngày hôm đó với ngài, và cha có thể gọi ngày hôm đó là ngày sống ở trên thiên đàng.

Thứ năm, lễ trọng kính Mình Thánh Chúa Kitô, cha thỏa mãn nguyện vọng của các người ở quê hương của cha, hát thánh lễ và cử hành long trọng kiệu Thánh Thể trong[225] buổi lễ trọng thể này. Cha xứ đã muốn mời gia đình cha, các giáo sĩ và các chính quyền dự bữa tiệc. Tất cả đều tham dự trong bữa tiệc vui ấy vì cha thực sự được yêu mến rất nhiều bởi các dân quê của cha và mọi người đều vui mừng vì tất cả những gì đã có thể chuyển thành điều tốt lành cho cha. Chiều hôm đó cha trở về nhà cha.[226] Nhưng khi cha về gần nhà cha và nhìn lại chỗ của giấc mơ cha đã mơ năm lên 9 tuổi, cha không khỏi nức nở và trào nước mắt, và thốt lên: – Thật là kỳ diệu biết bao các dự định của Chúa quan phòng! Thiên Chúa đã thật sự cất nhắc lên từ đất một đứa bé nghèo khổ để đặt nó giữa các khanh tướng của dân ngài.

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH  KHI CHỊU CHỨC LINH MỤC

Xin ghi lại ở đây những quyết định của Don Bosco khi chịu chức linh mục, được chính ngài viết trong một cuốn vở.

Kỷ niệm tuần phòng trước khi cử hành thánh lễ đầu tiên của tôi. Một linh mục không lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục một mình. Nếu linh mục thực hành công việc của Thiên Chúa, thì sẽ lên thiên đàng với nhiều linh hồn mình đã cứu bằng gương sáng của mình. Nếu linh mục gây nên gương mù, thì sẽ đi vào nơi hư mất với các linh hồn bị kết án xuyên qua gương mù của linh mục. Cho nên tôi nguyền giữ các quyết định sau đây:

  1. Không bao giờ đi dạo trừ phi vì các lý do quan trọng như đi thăm kẻ liệt, v.v…
  2. Sẽ rất nghiêm nhặt trong việc sử dụng thời giờ của mình.
  3. Chịu đau đớn, làm việc, hạ mình trong mọi sự, khi đó là vấn đề cứu các linh hồn[227]
  4. Đức ái và sự dịu dàng của thánh Phanxicô Salê phải hướng dẫn tôi[228]
  5. Tôi sẽ bằng lòng với bất cứ của ăn nào được dọn, miễn là không nguy hại cho sức khỏe.
  6. Tôi sẽ chỉ uống rượu pha nước lã, và chỉ trong mức nó có lợi cho sức khỏe.
  7. Làm việc là một vũ khí mạnh mẽ chống lại các kẻ thù của linh hồn. Do đó tôi sẽ chỉ ngủ không hơn 5 tới 6 giờ. Ban ngày tôi sẽ không ngủ, nhất là sau bữa ăn trưa. Chỉ khi nào bệnh tật, tôi mới áp dụng luật trừ cho điều luật này.
  8. Tôi sẽ dành thời giờ mỗi ngày để suy gẫm và đọc sách thiêng liêng. Trong ngày tôi sẽ đi viếng Thánh Thể trong một lúc ngắn, hay ít nhất nâng lòng tôi lên trong kinh nguyện. Tôi sẽ qua ít nhất một khắc chuẩn bị cho Thánh lễ, và một khắc nữa để cám ơn sau Thánh lễ.
  9. Tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn mình trong chuyện vãn với phụ nữ, trừ khi để nghe xưng tội, hay khi vì cần thiết cho lợi ích thiêng liêng của họ (BM I, 385).
  • Việc chuẩn bị làm linh mục và ba Thánh lễ đầu tay của Gioan Bosco trong bầu khi trầm lắng và không có lễ lạc bề ngoài cho thấy Gioan Bosco đặt mục đích linh mục của mình ở đâu và đã theo đuổi những lời khuyên có ý nghĩa nào của cha Borel?
  1. ĐẦU ĐỜI LINH MỤC

NHỮNG KHỞI ĐẦU CỦA THỪA TÁC VỤ THÁNH –
BÀI GIẢNG TẠI LAVRIANO VÀ GIOAN BRINA

Trong năm đó (1841), cha xứ của cha thiếu cha phó, nên cha hoàn thành nhiệm vụ này trong năm tháng. Cha cảm thấy rất hứng thú với công việc này. Cha giảng trong tất cả các Chúa nhật, thăm viếng những người ốm đau, cho họ chịu các bí tích, ngoại trừ phép giải tội, vì cha chưa thi để được ban phép thực hành quyền giải tội[229]. Cha chủ trì lễ tang, giữ các sổ sách giáo xứ trong trật tự, làm những xác nhận về tình trạng khó nghèo[230] và các chuyện khác nữa. Nhưng niềm vui sướng của cha là được dạy giáo lý cho trẻ con, vui chơi và nói chuyện với chúng. Chúng thường từ Morialdo đến thăm cha; khi cha trở về nhà, chúng luôn bâu lấy cha. Thế rồi trong cả xứ quê này, bọn trẻ bắt đầu trở thành nhóm bạn thân thiết. Khi cha ra khỏi nhà xứ, cha luôn được cả một đám đông các trẻ em đi theo, và bất cứ nơi nào cha đến, cha luôn được bao quanh bởi những người bạn bé nhỏ của cha, chúng vui chơi đầm ấm với cha.

Vì cha có được một sự dễ dãi lớn lao trong việc trình bày lời Chúa, nên cha thường được kiếm tìm để đi giảng, nhất là trong các dịp đại lễ tại những làng bên cạnh. Cha đã được mời giảng lễ thánh Benignus tại Lavriano vào cuối tháng 10 năm đó. Cha vui sướng nhận lời, vì đó là quê hương của người bạn và đồng môn với cha là cha Gioan Grassiano[231], giờ đây là cha xứ Scalenghe. Cha đã ước ao tôn vinh dịp lễ trọng đó, và do đó cha đã chuẩn bị và viết bài giảng bằng ngôn từ bình dân nhưng trong sáng; cha đã ghi bài giảng vào trí nhớ, tin chắc rằng mình sẽ được vinh dự nhờ đó. Nhưng Thiên Chúa đã muốn cho một bài học kinh khủng để sửa dạy thói hư vinh của cha. Vì đó là ngày lễ, nên trước khi đi, cha đã phải cử hành thánh lễ cho dân trong xứ. Do đó cha phải đi bằng ngựa để tới đó kịp giảng. Đi được nửa đường vừa chạy nước kiệu vừa phi tẩu mã, cha đã tới thung lũng Casaborgone nằm ở giữa xứ Cinzano và Berzano khi từ một cánh đồng kê một đàn chim sẻ thình lình cất cánh, tiếng bay ồn ào khiến con ngựa khiếp hãi vuột chạy tứ tung trên con đường[232], trên cánh đồng và trên đồng cỏ. Cha giữ  chặt lấy chiếc yên ngựa, nhưng nhận thấy chiếc yên ngựa đang ngả xuống dưới phía bụng ngựa, cha cố gắng nghiêng người lại để giữ thế quân bình; nhưng chiếc yên bị xoay trệch chỗ đã tung cha lên cao, và cha ngã chúi đầu xuống, nhào vào một đám đá đã bị chẻ vỡ. Một người từ ngọn đồi gần đó đã nhìn được cái tai nạn đáng thương này, và cùng với một tên đầy tớ, ông ta chạy lại cứu nạn cho cha, và thấy cha đã bất tỉnh, ông ta đưa cha về nhà ông ta và đặt cha nằm vào một chiếc giường tốt nhất ông ta có. Ông chăm sóc cho cha bằng vô vàn sự chăm nom ân cần nhất; một giờ sau cha hồi tỉnh và biết mình đang ở nhà một người khác.

  • Xin cha đừng ngại, ông chủ nhà nói với cha, cha đừng lo nghĩ vì đang ở tại một nhà người khác. Ở đây cha sẽ không thiếu điều gì. Con đã sai người đi tìm thầy thuốc; và một người khác đi bắt con ngựa. Con là một người dân quê, nhưng con có đủ những thứ con cần. Cha có thấy đau không?
  • Xin Thiên Chúa trả công cho biết bao nhiêu là tình bác ái của bác, hỡi ông bạn tốt lành của tôi. Tôi nghĩ là không có gì hệ trọng lắm; có lẽ tôi bị bể vai, bởi tôi không thể cử động nó được nữa. Tôi đang ở đâu đây nhỉ?
  • Cha đang ở trên đồi Berzano, tại nhà của Giovanni Calosso, biệt danh là Brian [Sương giá][233], một người tôi tớ khiêm hạ phục vụ cho cha. Con cũng đã từng đi lại quanh vùng và cũng đã từng phải cần đến những người khác. Ô, biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra cho con khi đi dự các hội chợ và các chợ phiên!
  • Trong khi chúng ta đợi thầy thuốc đến, bác cứ kể cho tôi nghe thêm về câu chuyện.
  • Ôi, biết bao nhiêu chuyện con có thể kể ra; Cha hãy lắng nghe câu chuyện này. Vài năm trước đây, vào thu, con đã đi tới Asti với con lừa của con để mua sắm lương thực cho mùa đông. Khi trở về, con đi tới các thung lũng làng Morialdo, thì con lừa khốn khổ của con, do quá tải, đã ngã vào một hố bùn và nằm bất động ở đó, giữa đường. Tất cả nỗ lực vực dậy nó đều vô ích. Lúc đó vào giữa đêm, trời tối lắm và mưa nữa. Con không biết phải làm gì, liền gọi to lên, kêu cứu. Sau vài phút, có tiếng người đáp lại con từ một cái nhà nhỏ gần đó. Một thầy chủng sinh tới, cùng với người anh của mình, và hai người khác nữa, đem theo đèn đốt sáng. Họ đã giúp con kéo con lừa lên, đưa nó ra khỏi hố bùn, và đưa con cùng tất cả các đồ đạc của con vào nhà của họ. Con thì nửa chết nửa sống; mọi thứ đều bị phủ bởi bùn. Họ cho con tắm giặt sạch sẽ, và bồi dưỡng cho con bằng một bữa tối tuyệt vời, rồi cho con một cái giường vô vàn êm ấm. Đến sáng, trước khi đi, con đã muốn trả tiền cho họ vì tất cả những chuyện họ đã làm cho con; nhưng thầy chủng sinh từ chối hết, nói rằng: – Cũng có thể ngày mai chúng tôi lại cần tới ông bạn?!

Nghe những lời này cha xúc động và ông bạn cha nhìn thấy những giọt nước mắt của cha. Ông ta  mới nói với cha:

  • Cha cảm thấy đau hay sao?
  • Không, cha trả lời, tôi vui quá khi nghe chuyện này, khiến tôi xúc động.
  • Nếu con đã tìm ra được chuyện gì để làm cho gia đình này thì hay quá!.. Họ là những người tốt lành quá!
  • Họ tên là gì?
  • Là gia đình Bosco, thường gọi nôm na là những “anh em Bosco nhỏ nhắn ”.[234] Nhưng sao cha lại tỏ ra cảm động đến thế? Có lẽ cha biết gia đình đó chứ?.. Thế thầy chủng sinh đó vẫn còn sống và khoẻ mạnh chứ?
  • Ông bạn tốt của tôi ơi, thầy chủng sinh đó bây giờ là ông linh mục này đây, người mà ông bạn đã đáp trả ngàn lần hơn cái mà người ấy đã làm cho ông bạn. Đó chính là cái con người đang nằm tại nhà ông bạn đây, ngay trên cái giường này. Chúa quan phòng đã muốn cho chúng ta biết được qua sự việc này rằng ai làm gì, thì sẽ đón chờ được chuyện đó.

Ai cũng có thể tưởng tượng ra được nỗi ngạc nhiên, vui sướng của người Kitô hữu này và của cha, mà trong tai nạn, Thiên Chúa đã trao cha vào trong tay một người bạn như thế này. Bà vợ của ông, em gái của ông, các thân nhân của ông cùng các bạn hữu thật vui sướng hết sức khi biết rằng người mà họ đã bao lần nghe nhắc đến, thì đã đang ở trong nhà của họ. Thế rồi chẳng bao lâu thầy thuốc tới, ông thấy là cha không bị gẫy xương gì cả, và do đó, trong ít ngày, cha lại cưỡi ngựa được, để có thể  lại lên đường trở về xứ của mình. Ông Gioan Brina đi theo cha cho đến tận nhà, và cho tới khi ông ta còn sống, chúng tôi đã luôn luôn duy trì những ghi nhớ tình bạn hữu thân thiết nhất.

Sau lần cảnh cáo này, cha đã lấy quyết định kiên vững là trong tương lai, cha sẽ chuẩn bị các bài giảng của cha vì vinh danh cao cả của Thiên Chúa, chứ không phải để tỏ mình ra là người học thức và có chữ nghĩa.

  • Những kinh nghiệm Don Bosco rút ra trong năm đầu đời linh mục của ngài là những gì?
  1. TRƯỜNG ĐÀO TẠO GIÁO SĨ
    THÁNH PHANXICÔ ASSISI

Kết thúc các ngày nghỉ đó, cha nhận được ba đề nghị việc làm, mà cha buộc phải chọn một: Làm gia sư cho môt gia đình một ngài ở Genova với lương 1000 frăng một năm[235]; làm cha sở Morialdo, tại đó dân làng tốt lành rất khát khao được cha về đó đã tăng gấp đôi tiền lương của các cha sở trước đó;[236] làm phó xứ tại giáo xứ của cha [Castelnuovo]. Trước khi lấy bất cứ quyết định vĩnh viễn nào, cho đã muốn đi vòng quanh Tôrinô một vòng để xin ý kiến cha Cafasso, người mà từ vài năm nay đã trở thành người hướng dẫn cha trong các chuyện thiêng liêng và chuyện đời. Vị linh mục thánh thiện đó đã lắng nghe mọi sự, những đề nghị với lương bổng hậu, những năn nỉ của họ hàng và các bạn hữu, ước ao của cha là được làm việc. Không do dự phút nào, ngài đã nói cùng cha những lời này:  “Cha cần học luân lý và việc giảng thuyết. Cha hãy từ bỏ mọi đề nghị việc làm và hãy đến sống tại trường Đào tạo giáo sĩ”.[237] Cha đã vui vẻ làm theo lời khuyên bảo khôn ngoan đó, và ngày 3-11-1841, cha gia nhập ngôi trường mình ấp ủ này.[238]

Trường Đào tạo giáo sĩ có thể được gọi là công cuộc bổ túc cho việc học thần học, vì trong các chủng viện của chúng ta, các chủng sinh chỉ học riêng có các môn tín lý, các môn suy lý; về luân lý họ chỉ được học các luận đề tranh cãi. Còn ở đây, người ta được học để là linh mục. Các buổi nguyện ngắm, đọc sách, hai buổi lên lớp mỗi ngày, các bài học về giảng thuyết, đời sống xa lánh thế tục và trầm lắng, mọi tiện nghi để mà học hỏi, việc đọc các tác giả tốt, tất cả là những chuyện xoay quanh đó mỗi người phải đem hết tâm lực mà chuyên chú vào.

Hai nhân vật nổi tiếng vào thời đó đứng đầu nơi đào tạo này là Linh mục tiến sĩ thần học Lu-y Guala và Don Giuse Cafasso. Nhà thần học Guala chính là người sáng lập công cuộc này[239]. Là con người vô vị lợi, giàu khoa học, khôn ngoan và can đảm, đã trở nên tất cả cho hết mọi người trong suốt thời gian cai trị của Napôlêôn I. Để cho các linh mục trẻ vừa mới kết thúc các khóa học tại chủng viện, có thể học đời sống thực hành thừa tác vụ thánh, ngài đã thiết lập lò đào tạo kỳ diệu này, một nơi đã tạo nên biết bao lợi ích cho Giáo hội, đặc biệt là nhổ tận rễ các gốc rễ của chủ nghĩa Giăngsêníc nhiệm nhặt cho tới khi đó vẫn còn được duy trì giữa chúng tôi.[240]

Trong số các vấn đề khác, vấn đề khuấy động nhiều nhất là vấn đề  “được phép làm nếu có đủ lý lẽ cái nhiên” (probabilismo), và vấn đề “buộc phải theo một quan điểm cái nhiên hơn giữa hai hay ba quan điểm được đưa ra” (Probabiliorismo). Người đứng đầu  trong số những người chủ trương quan điểm trước là Alasia, còn Antôniô đứng về phía những tác giả chủ trương nghiêm khắc hơn [241][tức là theo lập trường cái nhiên hơn], lối thực hành của ông ta có thể dẫn đến thuyết Giăngsênít. Những người chủ trương thuyết “theo cái cái nhiên là được rồi” (probabilismo) thì đi theo giáo thuyết của thánh Anphonsô, Đấng mà bây giờ đã được phong làm tiến sĩ của Hội Thánh, và thẩm quyền của ngài có thể coi là thần học của Đức Thánh Cha, bởi vì Giáo hội đã công bố các tác phẩm của ngài có thể được dạy, rao giảng và thực hành, nên không có trong đó những chuyện phải bị khiển trách. Nhà thần học Guala giữ lập trường kiên định giữa hai phái, và ở tâm điểm của mỗi quan điểm, ngài luôn lấy Đức ái của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, nhờ thế mà ngài thành công trong việc đưa các lập trường cực đoan lại gần nhau. Các công việc đi đến một dấu hiệu là, nhờ nhà thần học Guala, mà thánh Anphonsô trở thành thầy của các trường chúng ta với lợi ích từng là điều được mong ước từ lâu, và ngày nay vẫn còn chứng tỏ là có các hiệu quả cứu độ. Cánh tay phải của cha Guala là cha Cafasso. Với nhân đức từng được thử luyện và kiên vững giữa các thử thách, với sự bình tĩnh phi thường, với sự nhận thức sáng suốt, sự khôn ngoan, ngài đã có thể cất đi sự gay gắt, chua cay mà những người theo “chủ trương tiếp nhận nhận cái gì là cái nhiên hơn” còn giữ lại đối với những người theo khuynh hướng của thánh Anphônsô.[242]

Có cả một hầm vàng được dấu ẩn nơi vị linh mục Tôrinô, nhà thần học Phêlixê Golzio[243], xuất thân từ trường Đào tạo giáo sĩ . Trong cuộc sống khiêm hạ của ngài, ngài ít gây tiếng ồn ào; nhưng với công việc không biết mỏi mệt của mình, với đức khiêm nhường và với kiến thức của ngài, ngài thực sự là chỗ dựa hay đúng hơn là cánh tay mạnh mẽ của cha Guala và cha Cafasso. Các nhà tù, các nhà thương, các tòa giảng, các nhà bác ái,[244] các người đau ốm tại nhà, các thành phố, các xứ quê và chúng ta có thể nói các dinh thự của các vĩ nhân và các  nơi ở tồi tàn và dơ dáy của những người nghèo đều cảm nhận được những hiệu quả bổ ích của lòng nhiệt thành của Ba cây đèn sáng của giới giáo sĩ Tôrinô Này.

Các vị này là ba mẫu gương Chúa Quan Phòng đã đặt ở trước mặt cha, và cha chỉ việc đi theo vết chân, giáo thuyết, các nhân đức của các ngài. Cha Cafasso[245], người đã hướng dẫn cha suốt trong sáu năm qua, cũng là cha linh hướng của cha, và nếu cha có làm được gì tốt lành, cha đều mang ơn của vị giáo sĩ xứng đáng này; trong tay ngài, cha đã đặt mỗi quyết định của cha, mỗi nghiên cứu, mỗi hành động của đời sống cha.

Việc thứ nhất ngài làm là đưa cha đến thăm các nhà tù, nơi cha đã sớm nhận biết nỗi gian ác và sự khốn nạn của các con người thật là to lớn như thế nào. Cha đã thấy nhiều đám đông các bạn trẻ, ở tuổi từ 12 đến 18, hoàn toàn lành mạnh, khoẻ khoắn, lanh lợi xét về tài trí, nhưng cha lại thấy họ ở đó nhàn rỗi, bị ruồi bu dơ dáy, thiếu hẳn bánh ăn cho thể xác và tâm hồn, đó là những điều làm cho cha kinh tởm. Nỗi nhơ của tổ quốc, cái nhục cho gia đình, cái ghê tởm của chính bản thân đã được hiện thân nơi những con người bất hạnh này. Nhưng cái đáng làm cha kinh ngạc nhất và lấy làm lạ lùng nhất chính là khi cha nhận thấy nhiều người trong số họ đã ra khỏi đấy với một quyết tâm vững chắc muốn sống đời sống tốt hơn, thế nhưng lại sớm được đưa dẫn trở lại cái nơi mà chính họ ít ngày trước đã được ra khỏi.

Chính trong các dịp này mà cha nhận ra rằng tại sao một số lại được dẫn trở lại nơi này, chính là vì họ đã bị bỏ mặc cho bản thân họ. Nên cha tự nhủ trong lòng: – Ai mà biết được nếu các người trẻ tuổi bé nhỏ này mà có được ở bên ngoài một người bạn biết chăm sóc cho chúng, hộ trực chúng, nâng đỡ chúng và dạy dỗ chúng trong đạo giáo trong các ngày lễ, thì chẳng lẽ họ lại không có thể giữ mình xa khỏi sự hư hoại hay ít nhất là làm giảm đi được con số của những người phải trở lại nhà tù? – Cha đã trao đổi tư tưởng này với cha Cafasso, và với lời khuyên của ngài và cùng với sự soi sáng của ngài, cha đã bắt đầu học cách thức thực hiện điều trên, phó thác hiệu quả nơi ân sủng của Chúa, vì không có ân sủng này, tất cả các nỗ lực của con người đều ra hư huống.[246]

  • Trường Đào tạo giáo sĩ Thánh Phanxicô Assisi mang lại cho linh mục trẻ Gioan Bosco những ích lợi gì?
  1. LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

KHỞI ĐẦU KHÁNH LỄ NGUYỆN XÁ

Vừa mới nhập trường Đào tạo giáo sĩ thánh Phanxicô Salê, cha lập tức gặp gỡ một đoàn đông đảo các bạn trẻ đã theo cha trên các đường phố, trong các công trường và trong chính phòng áo nhà thờ của Trường. Nhưng cha không thể trực tiếp chăm sóc cho chúng được vì cha không có được nơi chốn. Một chuyện xảy ra đáng tức cười và đặt ra một cơ hội để thử nghiệm hoạt động của kế hoạch phục vụ các bạn trẻ lang thang trên các đường phố, cách riêng các bạn ra khỏi các nhà tù.1

Trong ngày đại lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội (8-12-1841), vào giờ ấn định, cha đang mặc áo lễ để cử hành Thánh lễ. Ông từ Giuse Comotti thấy một cậu bé ở một góc nhà, liền mời cậu bé lại gần cha để giúp lễ cho cha. Hết sức bối rối không biết làm sao, cậu bé trả lời:

  • Không biết.
  • Đến đi, ông từ trả lời. Tao muốn mày giúp lễ.
  • Không biết, cậu bé lại trả lời, cháu không bao giờ giúp lễ cả.
  • Thằng hỗn xược, ông từ nổi đóa la to; Nếu mày không biết giúp lễ, thì tại sao lại đến phòng mặc áo.

Nói xong, ông từ cầm lấy cây chổi lông quét bụi mà đập túi bụi xuống vai, xuống đầu cậu bé khốn khổ. Trong khi cậu bé vắt cẳng chạy. Cha mới thét lên:

  • Ông làm gì thế? Tại sao ông đánh đập thằng bé như vậy? Nó đã làm gì?
  • Tại sao nó dám đến phòng áo, nếu không biết giúp lễ?
  • Nhưng nó có làm phiền hà gì ông không?
  • Chuyện này có liên quan gì đến cha?
  • Có liên quan nhiều chứ, vì đây là một người bạn của tôi; ông hãy gọi ngay đứa bé lại đây, tôi cần nói chuyện với nó.
  • Này ông tướng, này ông tướng![247] Ông ta bắt đầu gọi; rồi ông ta chạy theo đứa bé, hứa hẹn với nó là sẽ xử với nó tốt hơn, ông ta đã đưa đứa bé lại với cha. Cậu bé vừa tiến lại vừa run run và thút thít khóc vì những cú đánh đập vừa nhận được.
  • Con đã dự Thánh lễ lần nào chưa? – Cha nói với em bé với cả lòng yêu thương[248] mà cha có thể có.
  • Chưa, đứa bé trả lời.
  • Vậy con hãy đến dự lễ đi; sau đó cha sẽ vui sướng nói với con về một chuyện mà con sẽ thích.

Nó liền hứa với cha. Ước ao của cha là làm nhẹ bớt nỗi đau khổ của đứa bé đáng thương và không để cho nó có ấn tượng thê thảm về các ông từ của phòng áo đó. Sau khi đã cử hành Thánh lễ xong, và cám ơn sau Thánh lễ, cha dẫn người ứng sinh của cha tới một nhà nguyện ở cạnh nhà thờ. Với vẻ mặt vui vẻ và lời đảm bảo cho em bé là sẽ không những cú gậy đập thêm nữa, cha bắt đầu hỏi em:

  • Này anh bạn nhỏ của cha, con tên là gì?
  • Con tên là Bartôlômêô Garelli.
  • Con đến từ xứ nào?
  • Từ D’ Asti.
  • Ba con còn sống không?
  • Không, ba con đã chết rồi.
  • Còn mẹ con?
  • Mẹ con cũng đã chết rồi.
  • Con bao nhiêu tuổi?
  • Con 16 tuổi.
  • Con biết đọc biết viết chứ?
  • Con không biết tí gì cả.
  • [Con biết hát không?

Mở toang đôi mắt, cậu bé nhìn Don Bosco và trả lời:

  • Không.
  • Con biết thổi sáo không?

Mặt cậu bé tươi nở một nụ cười, đó là điều Don Bosco muốn, bởi vì điều đó cho thấy cậu bé cảm thấy thoải mái.”][249]

  • Con đã được rước lễ chưa?
  • Chưa.
  • Con đã xưng tội chưa?
  • Rồi, nhưng khi con còn nhỏ cơ.
  • Bây giờ con có đi học giáo lý không?
  • Con không dám.
  • Tại sao thế?
  • Vì các bạn rất nhỏ của con đã thuộc giáo lý; con thì lớn hơn chúng mà chẳng biết gì. Bởi thế con xấu hổ phải tới các lớp đó.
  • Nếu cha dạy riêng con học giáo lý, con có thích đến nghe dạy chăng?
  • Con sẽ vui lòng đến miễn là họ đừng lấy gậy đánh con.
  • Con cứ yên tâm đi, sẽ không có ai xử tệ với con. Hơn thế, con sẽ là bạn của cha, và con sẽ chỉ học với cha, chứ không học với bất cứ một ai khác. Khi nào con muốn để chúng ta bắt đầu bài giáo lý của chúng ta?
  • Khi nào cha thích.
  • Vậy thì chiều nay nhé?
  • Vâng.
  • Hay con muốn ngay bây giờ?
  • Vâng, ngay bây giờ, con rất thích.

Cha đứng dậy, và để bắt đầu cha làm dấu Thánh giá; nhưng ông bạn của cha không làm, vì không biết cách làm. Trong bài giáo lý đầu tiên này, cha lo dạy em cách làm dấu Thánh giá và dạy cho em biết Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng, và mục đích vì đó mà Ngài đã tạo dựng nên chúng ta. Cho dù em có trí nhớ chậm, nhưng với sự chăm chỉ, trong ít ngày lễ, em đã có thể học được những điều cần thiết để xưng tội một cách đàng hoàng và, ít lâu sau, em được chịu lễ

Những học sinh khác đã đến thêm vào con số cho người học sinh đầu tiên đó,[250] và trong mùa đông đó, cha chỉ giới hạn trong số những em lớn tuổi cần học giáo lý cách đặc biệt, và nhất là các em ra khỏi nhà tù. Và khi ấy, cha bắt đầu học từ chính kinh nghiệm, như chạm thấy được bằng tay rằng các thanh thiếu niên khi ra khỏi nơi chúng bị phạt, nếu chúng tìm được một bàn tay nhân ái chăm sóc cho chúng, hộ trực chúng trong những ngày lễ, tìm cách sắp xếp chúng vào làm việc[251] nơi một ông chủ lương thiện nào đó, và đôi lần trong tuần tới thăm viếng chúng, thì các thanh thiếu niên này sẽ dấn mình vào trong một cuộc sống lương thiện. Đây chính là khởi điểm[252] của Nguyện xá chúng ta, từng được Chúa chúc lành, đã đi vào bước tăng trưởng tới mức mà cha chắc chắn đã không có thể tưởng tượng ra vào lúc đó.

  • Cuộc gặp gỡ cùng em bé Garelli mở ra một phương pháp và một sự dấn thân giáo dục như thế nào?
  1. NGUYỆN XÁ TRONG NĂM 1842

Vậy trong mùa đông đó[253], cha đã nỗ lực củng cố Nguyện xá bé nhỏ của cha. Mặc dù mục đích của cha là chỉ tụ tập các thanh thiếu niên  gặp nhiều nguy hiểm nhất, và ưu tiên cho các em ra khỏi nhà tù, tuy nhiên để có một nền tảng nào đó để dựa trên đó xây dựng kỷ luật và nền luân lý, cha cũng mời gọi một số những em khác có hạnh kiểm tốt và có học[254]. Họ giúp cha duy trì trật tự và đọc hay hát các thánh ca; bởi vì cho tới khi đó, cha nhận thấy rằng nếu không phổ biến các sách hát và các bài đọc hứng thú, các cuộc tụ tập mừng lễ sẽ trở thành như một cái xác không hồn. Vào lễ Đức Mẹ dâng Chúa vào Đền thánh (2 -2-1842), khi ấy còn là lễ buộc, cha đã có được 20 em, qua chúng, lần đầu tiên chúng tôi đã có thể hát thánh ca “Hãy ngợi khen Đức Maria, hỡi các miệng lưỡi của các tín hữu”.[255] 

Vào lễ Truyền tin cho Đức Trinh Nữ, con số các em đã lên tới 30. Trong ngày đó, cha cho mừng lễ lớn hơn một chút. Ban sáng các học trò[256] nhận lãnh các bí tích; ban chiều thì hát một bài thánh ca ngợi khen và sau giờ giáo lý, thì một chuyện được kể để làm bài giảng. Nhà nguyện phía cạnh nhà thờ mà cho tới nay các em đã tụ tập đã trở nên quá hẹp, và chúng tôi buộc phải dời sang nhà nguyện gần đó tại phòng áo.

Tại đây, Nguyện xá được thực hiện như sau. Vào mỗi ngày lễ, các em đều được tạo thuận lợi để tham dự các bí tích thánh là xưng tội và rước lễ[257]; nhưng một ngày thứ bảy và một ngày Chúa nhật trong tháng thì được thiết định riêng để hoàn thành nhiệm vụ tôn giáo này. Ban chiều, vào một giờ nhất định, thì hát một bài thánh ca ngợi khen, dạy giáo lý, rồi một chuyện kể làm gương, sau đó phân phát một món quà, có khi ai cũng được, có khi thì thông qua rút số.

Trong số các bạn trẻ thường xuyên lui tới trong những ngày đầu tiên của Nguyện xá cha muốn ghi nhận anh Giuse Buzzetti luôn bền tâm tham dự và nêu gương sáng. Bạn này yêu mến Don Bosco và các cuộc lễ hội Nguyện xá đến mức từ bỏ các việc trở về mái ấm trong gia đình của mình (tại Caronno Ghiringhello)[258], như các anh em và các bạn hữu khác của bạn vẫn thường làm.[259] Các anh  của cậu cũng trổi vượt: đó là các bạn Carlo[260], Angelo, Giosuê. Còn Gioan Gariboldi và em cậu khi ấy chỉ là những cậu bé, nhưng bây giờ đã là những chủ thầu xây dựng. Nói chung Nguyện xá gồm các bạn trẻ làm nghề thợ xẻ đá, thợ xây, thợ quét vôi, thợ lát đường, thợ trát vữa, và những bạn khác đến từ các làng ở xa. Họ không phải là những người đi nhà thờ thường xuyên hay có các bạn hữu, nên trong tình trạng dễ rơi vào các dịp nguy hiểm là trở nên trắc nết, cách riêng trong các ngày lễ hội.

Hai linh mục giáo sư Guala và Don Cafasso rất thích các cuộc qui tụ các thanh thiếu niên này, và sẵn lòng cho các các ảnh thánh, các tờ bướm, các sách nhỏ, các ảnh đeo, các thánh giá nhỏ để làm quà tặng. Có khi cha cho các quần áo cho một số bạn rất cần đến để mặc, và cho bánh cho các bạn khác trong nhiều tuần lễ, cho tới khi mà với công việc, các bạn có thể tự kiếm sống được. Hơn nữa, vì số các bạn đã tăng rất nhiều, nên cha đã tự cho phép mình được tập họp đạo quân nhỏ của cha tại sân cạnh đó để tổ chức các cuộc chơi. Nếu nơi chốn cho phép, chẳng bao lâu chúng tôi đã có thể đạt tới con số trên cả trăm; nhưng chúng tôi phải tự giới hạn mình trong con số 80 em.

Khi chuẩn bị cho các em lãnh nhận các bí tích, chính cha giáo sư Guala và Don Cafasso thường đến thăm chúng tôi và kể cho chúng tôi một câu chuyện nêu gương nào đó.

Cha giáo sư tiến sĩ Guala ước ao mừng lễ kính thánh Anna, là lễ của các thợ xây, trong một không khí tưng bừng, nên sau các nghi thức phụng vụ ban sáng, ngài đã mời tất cả ăn sáng với ngài. Gần như cả trăm bạn trẻ qui tụ lại trong phòng gọi là phòng huấn đức. Tại đó mọi người đều được tiếp cà phê, sữa, sôcôla, bánh nướng, bánh ngọt, cháo ngô [bắp], và các loại bánh ngọt khác mà các bạn trẻ vô cùng ưa thích. Mỗi người đều có thể tưởng tượng được buổi lễ hôm đó kích động và ồn ào biết mấy, và biết bao nhiêu người sẽ đến nếu chỗ cho phép!

Ngày lễ thì hoàn toàn được dành để cha coi sóc, chăm lo cho các bạn trẻ của cha; còn trong tuần thì cha đi thăm viếng chúng tại chính các công việc của chúng trong các xí nghiệp hay các công xưởng. Công việc này đem đến niềm an ủi lớn cho các bạn trẻ khi chúng thấy một người bạn chăm lo cho chúng; nó cũng làm vui lòng các ông chủ, và họ vui vẻ duy trì dưới kỷ luật của họ các người thợ trẻ từng được cha hộ trực trong suốt tuần lễ, và nhất là trong các ngày lễ, là những ngày có mối nguy hiểm to lớn.

Mỗi ngày thứ bảy cha đi tới các nhà tù với những tay nải khi thì đầy thuốc lá, khi thì đầy hoa quả, khi thì đầy bánh mì. Mục đích của cha luôn là vun trồng cho các bạn trẻ đã có nỗi bất hạnh bị đưa dẫn vào đấy, hộ trực chúng, biến chúng thành những người bạn, và nhờ vậy chúng được khích lệ đến với Nguyện Xá, khi chúng có cơ may được ra khỏi nơi thụ hình phạt này.[261] 

  • Hoạt động giáo dục Nguyện xá năm 1842 của Don Bosco diễn ra như thế nào?
  1. CHUYỂN TỚI VALDOCCO[262]

THỰC THI CHỨC LINH MỤC –
ĐẢM NHẬN MỘT CHỖ TRONG VIỆN NƯƠNG NÁU 

(Tháng 9 năm 1844)

Trong thời gian đó cha đã bắt đầu giảng thuyết tại một số nhà thờ ở Tôrinô, trong Nhà thương Bác Ái, tại viện Dục Anh[263] rèn luyện nhân đức, trong các nhà tù,[264] tại trường Trung học thánh Phanxicô Paola, giảng các tuần tam nhật, cửu nhật hay các cuộc linh thao. Sau khi hoàn tất hai năm học luân lý, cha chịu sát hạch về phép giải tội[265]; nhờ vậy cha có thể với những thành quả lớn lao hơn vun trồng kỷ luật và luân lý, và lợi ích của phần hồn cho các bạn trẻ nam của cha trong các nhà tù, trong Nguyện xá, và tại bất cứ nơi nào cha hoạt động.

Thật là một điều an ủi cho cha là trong suốt tuần lễ, cách riêng là trong các ngày lễ được thấy tòa giải tội của cha được 40, 50 các bạn trẻ quây quần từng giờ, từng giờ để đến phiên mình đi xưng tội. Chuyện này là một sự tiến hành bình thường của Nguyện xá trong hầu như là ba năm, tức là cho tới cuối tháng 10 năm 1844[266]. Trong khi đó Chúa quan phòng sắp chuẩn bị những chuyện, những đổi thay và cả những gian truân mới.

Vào cuối thời kỳ ba năm học luân lý,[267] cha sắp phải đảm nhận một phận vụ nhất định nào đó của thừa tác vụ thánh. Người cậu già và suy yếu của Cômôllô là cha Giuse Cômôllô, cha xứ  Cinzano, với ý kiến của Đức Tổng Giám Mục, đã xin cha đến giúp ngài quản trị giáo xứ. Nhà thần học Guala đã đọc cho cha viết lá thư cám ơn Đức Tổng Giám Mục Fransôni, trong khi chính cha đang chuẩn bị cha cho một chuyện khác.[268] Một hôm cha Cafasso gọi cha đến với ngài và nói:

  • Bây giờ cha đã hoàn tất các khóa học của cha; thế là cha phải đi làm việc. Trong thời buổi này, mùa màng thì khá sung mãn. Cha cảm thấy đặc biệt thiên về chuyện gì?
  • Về chuyện mà cha vui lòng chỉ bảo cho con.
  • Có ba công việc: làm cha phó ở Buttigliera d’ Asti, phụ đạo luân lý tại Trường Đào Tạo Giáo sĩ, giám đốc một nhà thương nhỏ gần Viện Nương Náu[269]. Cha muốn chọn công việc nào?
  • Công việc mà cha xét nên làm nhất.
  • Cha không thấy có khuynh hướng nghiêng về chuyện này hơn là chuyện khác sao?
  • Ý hướng của con nghiêng về việc chăm sóc cho giới trẻ.[270] Cha cứ hướng con làm gì tùy theo ý của cha: con nhận ra ý muốn của Chúa nơi lời khuyên của cha.
  • Vào lúc này cái gì chiếm cứ lấy lòng của cha? Cái gì đang quay cuồng trong tâm trí cha?
  • Trong lúc này con như thấy mình ở giữa đám rất đông các trẻ em đang kêu xin con giúp đỡ.
  • Vậy cha hãy đi nghỉ hè vài tuần lễ. Khi cha trở lại, tôi sẽ nói cho cha nơi cha sẽ đến làm việc.

Sau những ngày nghỉ[271], Cha Cafasso để trôi qua đi vài tuần lễ không nói năng gì với cha cả; cha cũng không hỏi ngài tí gì cả. Thế rồi một ngày kia, cha Cafasso nói với cha:

  • Tại sao cha không hỏi tôi đâu là nơi sẽ dành cho cha?
  • Bởi vì con muốn nhận ra ý Thiên Chúa trong quyết định của cha và con muốn không đưa ra một điều gì cả thuộc về ý muốn của con.[272]
  • Cha hãy dọn va li của cha và hãy đi với cha Borel; cả hai cha sẽ là giám đốc của Nhà Thương Nhỏ thánh Philômêna; hai cha cũng hãy làm việc cho Công Cuộc Viện Nương Náu.[273] Trong khi đó Thiên Chúa sẽ đặt trong tay các cha tất cả những gì các cha phải làm cho giới trẻ.

Thoạt nhìn, thì một lời khuyên như thế xem ra có vẻ đi ngược lại các khuynh hướng của cha, bởi vì việc điều hành một nhà thương, việc giảng dạy và giải tội trong một trường gồm hơn bốn trăm thiếu nữ sẽ lấy hết thời giờ của cha để có thể làm được những việc khác. Tuy vậy đây quả chính là những ý muốn của trời cao, như là cha sẽ lập tức được đảm bảo về điều đó.

Ngay từ giờ phút đầu tiên khi cha được biết cha Borel, cha đã luôn luôn nhìn thấy nơi ngài một vị linh mục thánh thiện, một gương mẫu đáng ngưỡng mộ và phải được bắt chước. Mỗi khi cha có dịp nói chuyện với ngài, cha luôn luôn nhận được những bài học từ vị linh mục nhiệt thành đó, luôn nhận được những lời khuyên tốt khích lệ cha sống và hành động tốt đẹp. Trong ba năm trải qua tại trường Đào tạo giáo sĩ , đã nhiều lần cha được chính ngài mời gọi phục vụ các nghi thức thánh, giải tội, cùng với ngài đi giảng thuyết, đến mức độ là cha đã biết được, và một cách nào đó, đã thân quen với lãnh vực công việc của cha. Rất nhiều lần chúng tôi đã nói chuyện với nhau lâu giờ xoay quanh các luật lệ mình phải theo để giúp đỡ lẫn nhau trong việc lui tới các nhà tù, và hoàn thành các bổn phận được trao phó, và đồng thời hộ trực các bạn trẻ, mà đời sống luân lý của chúng và hoàn cảnh bị bỏ rơi của chúng luôn luôn yêu cầu một sự chú tâm hơn nữa của các linh mục. Nhưng phải làm sao đây? Phải tìm ra nơi đâu để qui tụ các bạn trẻ này? Cha Borel mới nói với cha:

  • Căn phòng được dành cho cha[274] có thể được dùng trong một thời gian để tụ họp các bạn trẻ lui tới nhà thờ thánh Phanxicô Assisi này. Khi chúng ta có thể đi tới căn nhà được chuẩn bị cho các linh mục gần Nhà thương Nhỏ, thì khi ấy chúng ta sẽ nghiên cứu một nơi tốt đẹp hơn.
  • Ơn gọi phục vụ thanh thiếu niên nghèo bị bỏ rơi của Don Bosco bắt đầu mang lấy nét cụ thể như thế nào qua sự can thiệp của các hoàn cảnh cho tới lúc này?
  1. MỘT GIẤC MƠ MỚI

Vào Chúa nhật thứ hai tháng mười năm đó (1844), cha phải cho các bạn trẻ nhỏ của cha hay là Nguyện xá phải được dời về Valdocco. Nhưng sự thiếu chắc chắn về nơi chốn, về các phương tiện, về các nhân sự làm cho cha suy nghĩ lung lắm. Buổi tối hôm trước, cha lên giường với tâm hồn đầy lo lắng. Trong đêm hôm đó, cha lại mơ một giấc mơ mới, giống như một phụ lục của giấc mơ xảy ra tại Becchi, khi cha lên chín tuổi. Cha xét thấy là nên trình bày nó theo sát nghĩa chữ.

Cha mơ thấy mình đang ở giữa vô số những chó sói, dê và dê nhỏ, chiên nhỏ, cừu cái, cừu đực, chó và chim muông. Tất cả tạo thành một tiếng ồn ào, ầm ĩ hỗn độn kéo dài hay đúng hơn một cảnh hỗn loạn khiến cho những người can đảm nhất cũng phải khiếp hãi. Cha muốn chạy thoát, thì một bà trong bộ áo nữ mục tử gọn ghẽ, ra dấu cho cha hãy đi theo và đồng hành với đàn súc vật lạ lùng này, trong khi bà đi trước chúng. Chúng tôi đi lang thang qua các cảnh trí khác nhau: chúng tôi đã dừng lại tại ba chặng. Ở mỗi chặng dừng lại, nhiều con vật trong số những con vật này đã biến thành những con chiên, thế là số chiên dần tăng lên. Sau khi đã đi rất nhiều, cha thấy mình đang ở một cánh đồng cỏ, tại đó các con vật nhảy giỡn và ăn cùng nhau, mà không con nào lại tìm cách làm hại con kia.

Bị cơn mệt hành hạ, cha muốn ngồi xuống cạnh một con đường gần bên, nhưng người nữ mục tử mời cha tiếp tục hành trình. Đi được một quãng đường ngắn, cha thấy mình ở trong một chiếc sân rộng với cổng xung quanh, và ở cuối sân có một nhà thờ.[275] Khi ấy cha nhận ra rằng bốn phần năm số các con vật đã biến thành chiên. Và con số chiên trở thành rất đông đảo. Trong lúc đó có thêm một số những mục tử đến để trông coi chúng. Nhưng họ chỉ ở lại không lâu, và đã sớm lên đường.[276] Khi ấy xảy ra một chuyện lạ lùng. Nhiều con chiên biến đổi thành các mục tử, và lớn lên, họ đứng ra chăm sóc cho những kẻ khác. Khi các mục tử tăng số đông đảo, họ tự chia ra, và đi tới các nơi khác để tụ tập các con vật lạ khác và dẫn dắt chúng tại các đàn khác.[277]

Cha muốn đi khỏi, vì cha thấy hình như đã tới giờ cha phải đi cử hành thánh lễ, nhưng vị nữ mục tử mời cha nhìn về hướng nam. Đưa mắt nhìn, cha thấy một cánh đồng tại đó đã gieo bắp, khoai tây, bắp cải, củ cải đường, rau riếp, và nhiều thứ rau cỏ khác. Bà nói với cha: – Hãy nhìn một lần nữa; cha nhìn một lần nữa. Khi ấy cha thấy một nhà thờ cao và tuyệt vời[278]. Một ban nhạc, và tiếng đàn nhạc chen tiếng hát mời gọi cha hát lễ. Bên trong nhà thờ đó có một biểu ngữ trắng, trong đó viết hàng chữ lớn: Hic domus mea, inde gloria mea [Đây là nhà của Ta, từ đấy vinh quang của Ta lan tỏa].

Trong giấc mơ tiếp tục ấy, cha đã muốn hỏi bà nữ mục tử xem cha đang ở nơi đâu; bà muốn chỉ cho cha điều gì với cuộc hành trình đó, và với những chặng dừng, với cái nhà đó[279], nhà thờ, và một nhà thờ khác nữa. – Con sẽ hiểu từng điều một, khi bằng con mắt thể chất của con, con sẽ thấy trên thực tế cái mà bây giờ con đã thấy bằng con mắt của tâm trí. – Nhưng cha thấy mình hình như đã tỉnh giấc, nên nói: – Con thấy rõ rồi, và con thấy bằng con mắt thể chất: con biết con đi đâu và con biết điều con làm. – Trong lúc đó tiếng chuông Ave Maria[280] trong nhà thờ thánh Phanxicô vang lên, và cha thức dậy.

Giấc mơ này chiếm lấy hầu như hết cả đêm; nhiều chi tiết đi kèm theo với nó. Khi ấy cha hiểu rất ít ý nghĩa của nó, bởi vì cha đặt ít tin tưởng vào nó; nhưng cha hiểu các sự việc dần dần đã có các hiệu quả của chúng. Hơn thế nữa, sau này, khi liên kết nó với một giấc mơ khác[281], cha dùng nó làm chương trình trong các quyết định của cha.

GHI CHÚ CỦA BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT:

MỘT GIẤC MƠ VÀO THỜI NGUYỆN XÁ LƯU ĐỘNG

Xin trích từ BM II: các trang 232-233 MỘT GIẤC MƠ VÀO THỜI NGUYỆN XÁ LƯU ĐỘNG[282] (tức thời ký từ tháng 8/1845 đến tháng 4/1846)  để bổ sung cho giấc mơ quan trọng trên:

Cha thấy mình như đang ở trên một đồng cỏ rộng[283] với một số lượng vô tận các trẻ trai. Có những kẻ đánh nhau, có những kẻ nguyền rủa. Ở chỗ này thì chúng ăn cắp, chỗ kia chúng làm những chuyện xúc phạm đến thuần phong mỹ tục. Không khí dày đặc các cục đá bay vèo, do lũ trẻ đánh nhau ném. Tất cả chúng đều là những trẻ bị bỏ rơi và hư hoại. Cha đang định rời xa đó, thì trông thấy một Bà ở bên cạnh cha. Bà nói với cha: “Con hãy dấn bước vào giữa những đứa con trai này và hãy làm việc.”

Cha lại gần chúng, nhưng cha biết làm gì đây? Cha không có chỗ để mà thu nhận một người nào trong số chúng: cha muốn giúp đỡ chúng: Cha kêu cầu những người đang đứng nhìn từ xa, và họ đã có thể nâng đỡ cha một cách đắc lực. Nhưng không một ai chú ý đến hay đến hỗ trợ cho cha. Thế rồi cha quay lại Bà đó. Bà nói : “Đây là một chỗ”. Và Bà chỉ cho cha một cánh đồng cỏ. Cha mới nói: “Nhưng đây chỉ là một cánh đồng cỏ.” Bà trả lời: “Con của Ta và các Tông đồ của Ta không có chỗ gối đầu” (xem Mt 8:20). Cha bắt đầu làm việc trong cánh đồng cỏ đó, khuyên bảo, giảng thuyết, giải tội, nhưng cha thấy hầu như tất cả các nỗ lực của cha đều vô ích. Cha phải có được một tòa nhà nào đó để mà tụ tập và cho ăn cho ở những đứa bị bỏ rơi bởi các cha mẹ chúng, những đứa bị khinh bỉ và bị vứt bỏ bởi xã hội này. Rồi Bà đó dẫn cha đi xa hơn một chút, tới phía bắc và nói: “Hãy nhìn này!”

Cha nhìn và thấy một nhà thờ nhỏ với mái thấp, một chiếc sân nhỏ, và một số lớn các trẻ. Cha bắt đầu công việc của cha lại, nhưng vì nhà thờ trở thành quá nhỏ, cha lại bắt đầu kêu đến với Bà, và Bà chỉ cho cha một nhà thờ khác, rộng hơn, và có một căn nhà nằm ở cạnh nó. Rồi bà dẫn cha đi tới nơi gần ngay đó, trên một mảnh đất trồng tỉa, gần như trải ra ngay ở trước mặt nhà thờ thứ hai, và nói tiếp: – Tại nơi này, chỗ các vị Tử đạo quang vinh của Tôrinô là Avventore và Ottavio[284] đã chịu cực hình tử đạo, trên những cục đất được tắm và được thánh hóa bằng máu của họ, Ta muốn Thiên Chúa được tôn vinh một cách rất đặc biệt. – Nói xong, bà nhấc chân tiến về phía trước, và đứng lại trên nơi đã từng xảy ra cuộc tử đạo, và chỉ nơi ấy cho cha một cách chính xác. Cha đã muốn đặt ở đấy một dấu nào đó để mà tìm ra lại nó, khi cha sẽ có được một dịp khác để quay trở lại cánh đồng này, nhưng cha chẳng tìm được cái gì cả ở xung quanh cha, dù là một cây que hay là một hòn đá; tuy nhiên cha ghi kỹ vào trí nhớ nơi ấy với sự chính xác. Nó tương ứng chính xác với góc phía trong của nhà nguyện các thánh Tử đạo, sau này gọi là nhà nguyện thánh Anna, ở cạnh nơi đặt Phúc Âm [của bàn thờ], tại nhà thờ Đức Mẹ Maria Phù Hộ.

Vào lúc đó, cha thấy mình được bao bọc bởi con số mênh mang và ngày càng tăng lên nữa các bạn trẻ; và trong khi cha nhìn lên Bà đó, thì các phương tiện và nơi chốn cũng tăng lên; và rồi cha nhìn thấy một nhà thờ rất to lớn ngay tại nơi xảy ra cuộc tử đạo của các Thánh thuộc đạo quân Têbêan mà cha đã được chỉ cho thấy, với nhiều tòa nhà xoay quanh và có một đài đẹp đẽ toạ lạc ở giữa. Trong khi xảy ra những chuyện này, thì cha có được, vẫn hoàn toàn trong giấc mơ, các linh mục đến hỗ trợ, họ giúp đỡ một chút nhưng rồi bỏ trốn cả. Cha đã hết sức vất vả tìm cách lôi kéo họ lại với cha, nhưng họ chỉ ở được ít lâu rồi sau đó đã bỏ đi hết, để cha ở lại một mình. Khi ấy cha lại kêu lên với Bà đó, Bà nói: – Con muốn biết làm thế nào để họ không trốn chạy khỏi con nữa chứ gì? Con hãy lấy dải băng này, và buộc trên trán họ. – Cha cầm lấy dải băng một cách kính cẩn từ tay Bà và cha thấy trên đó có viết lời này: VÂNG LỜI.[285] Cha lập tức thử làm những điều Bà nói với cha, và cha bắt đầu cột đầu của một vài người trong số những người tình nguyện phụ giúp cha bằng dải băng đó, và cha lập tức thấy một hiệu quả to lớn và kỳ diệu, và hiệu quả này càng ngày càng tăng lên trong khi cha tiếp tục trong sứ mạng đã được trao phó cho cha, bởi vì ý tưởng bỏ đi nơi khác trên thực tế đã rời khỏi các người ấy, và họ đã ở lại để giúp đỡ cha. Thế là Tu hội Salêdiêng tốt lành đã bắt đầu”.

  • Những dấu hiệu từ trời cao chỉ cho Don Bosco biết sứ mệnh của ngài như thế nào?
  1. NGUYỆN XÁ CHUYỂN ĐẾN VIỆN NƯƠNG NÁU

Chúa nhật thứ hai tháng mười[286], kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, cha thông báo cho các bạn trẻ của cha việc chuyển Nguyện xá tới viện Nương náu. Thoạt nghe tin này, các em tỏ ra bối rối; nhưng khi cha nói với các em là tại đó có cả một nơi rộng rãi đang đợi chờ chúng ta, hoàn toàn cho chúng ta, để hát, để chạy, để nhảy, và để vui chơi, các em đều thích thú, và ai cũng nóng lòng chờ đợi Chúa nhật tới để thấy được cái mới lạ mà chúng đang mường tượng ra. Chúa nhật thứ ba tháng mười đó, nhằm ngày kính Đức Mẹ dâng Con vào Đền thánh, vào sau trưa một tí, thì cả một đám đông các bạn trẻ thuộc các lứa tuổi khác nhau và các hoàn cảnh khác nhau chạy về Valdocco để tìm Nguyện xá mới.

Chúng chạy đi khắp nơi hỏi han: – Nguyện xá ở đâu? Don Bosco ở đâu? – Chẳng ai biết trả lời ra sao, vì chẳng  ai  trong  vùng  ấy đã nghe nói về Don Bosco hay về Nguyện xá. Những người hỏi thăm tưởng mình bị giễu cợt, đã nói oang lên các yêu cầu của mình. Còn những người khác thì nghĩ là mình bị sỉ nhục, liền đưa chân múa tay đe dọa và đánh đập. Câu chuyện bắt đầu trở nên nghiêm trọng khi cha và cha giáo sư Borel nghe thấy những tiếng la ó, liền đi ra khỏi nhà. Thấy chúng tôi xuất hiện, các tiếng ồn ào, cãi vã đều ngưng ngay. Chúng chạy ào lại phía chúng tôi và hỏi Nguyện xá ở đâu.

Chúng tôi buộc phải nói cho các em là Nguyện xá còn chưa sẵn sàng, nên tạm thời chúng đến phòng của cha, một căn phòng khá rộng, và đã cung ứng khá tốt. Nhưng Chúa nhật hôm sau, cùng với những học trò cũ lại có thêm một số những bạn thân, nên cha không biết sắp xếp chúng ở đâu. Căn phòng, hành lang, cầu thang, tất cả đều đầy nhóc các bạn trẻ nhỏ. Vào ngày Lễ Các thánh, cha ngồi tòa giải tội cùng với cha Borel, tất cả đều muốn xưng tội; nhưng làm sao đây? Có hai cha giải tội, nhưng có tới hơn hai trăm em. Kẻ thì muốn đốt nến, người khác lại muốn tắt đi. Người này mang củi đến, người khác lại mang nước; nào thùng, nào các cái kẹp, xẻng, bình, chậu, ghế, dày, sách và mọi thứ đồ đạc đặt ngổn ngang, trong khi chúng muốn sắp xếp các đồ vật cho có qui củ. Cha giáo sư Borel thân yêu đã phải thốt lên: – Chúng ta chẳng còn có thể tiếp tục như thế này được nữa; cần phải lo liệu sao cho có một nơi thích hợp hơn. Tuy nhiên chúng phải trải qua sáu ngày Chúa nhật liên tiếp trong cái nơi ở chật hẹp này, là cái phòng nằm ở trên vòm nhà che cổng chính dẫn vào viện Nương náu

Trong thời gian đó, cha đã lên tiếp xúc với Đức Tổng Giám mục Fransoni; ngài hiểu ngay tầm quan trọng của kế hoạch của chúng tôi, và lên tiếng:

  • Cha hãy đi, và làm tất cả những gì các cha nghĩ là có ích lợi cho các linh hồn; tôi ban cho cha tất cả những năng quyền các cha cần đến. Cha hãy nói chuyện với bá tước Barôlô; có lẽ bà sẽ có thể cung cấp cho cha một nơi nào đó thích hợp. Nhưng này, hãy nói cho cha hay: đám trẻ này không có thể lui tới với giáo xứ riêng của chúng sao?
  • Chúng là các trẻ em phần đa là những trẻ xa lạ[287], và chúng chỉ ở lại tại Tôrinô trong khoảng một thời gian trong một năm. Chúng còn chẳng biết chúng thuộc về giáo xứ nào. Trong số chúng có nhiều em thực sự lạc lõng, nói các thổ ngữ người ta chẳng hiểu mấy, do đó chúng hiểu rất ít và người khác cũng chẳng hiểu được chúng mấy. Một số trong chúng đã lớn và không dám tham dự vào cùng một lớp giáo lý với các bạn nhỏ tuổi.
  • Cho nên cần phải có một nơi riêng thích hợp với chúng, Đức Tổng Giám mục nói thêm. Vậy cha hãy lên đường. Tôi chúc lành cho cha và kế hoạch của cha. Trong những gì tôi có thể giúp đỡ cho cha, xin cha cứ đến, và tôi sẽ luôn luôn làm tất cả những gì tôi có thể để giúp cha.

Cha quả có đi nói chuyện với bá tước Barôlô, và bởi vì Nhà thương Nhỏ sẽ không mở cho đến cuối tháng 10 năm sau, nên Bà có lòng bác ái này bằng lòng để cho cha tái bố trí thành nhà nguyện hai cái hai phòng rộng được dành làm nơi giải trí cho các linh mục của viện Nương náu khi các ngài sẽ chuyển nơi ở của các ngài về nơi này. Vậy để đi đến Nguyện xá mới, thì phải đi qua cổng vào nhà thương, xuyên qua một con đường ngắn nằm ở giữa Công cuộc Cốttôlengô và Nhà thương Nhỏ, để đi đến nới ở hiện nay của các linh  mục, và qua một cầu thang ở bên trong nhà, đi lên đến tầng lầu ba. Đó chính là nơi Chúa quan phòng đã chọn để làm nhà nguyện[288] đầu tiên cho Nguyện xá. Nó bắt đầu được gọi là Nhà nguyện thánh Phanxicô Salê vì hai lý do: Thứ nhất bởi vì bá tước Barôlô có ý lập một Tu hội các linh mục dưới tước hiệu này, và với ý hướng này, bà đã cho vẽ vị Thánh này mà cho tới nay người ta vẫn còn được chiêm ngưỡng[289] ngay tại lối vào của nơi này; thứ hai bởi vì phần vụ của thừa tác vụ chúng ta đòi hỏi một sự bình thản và sự dịu dàng lớn lao, nên chúng ta đã đặt mình dưới sự che chở của vị thánh này, để từ trời Ngài kêu xin nơi Thiên Chúa cho chúng ta được ơn có thể bắt chước ngài trong sự dịu dàng phi thường của ngài, và trong việc chinh phục các linh hồn,[290]

Vì thế, vào ngày 8-12-1844, ngày kính Đức Maria Thụ Thai Vô Nhiễm Nguyện Tội, với phép của Đức Tổng Giám mục, trong thời gian lạnh nhất, giữa tuyết phủ cao  và vẫn còn rơi xuống rất dày từ trời, nhà nguyện[291] hằng mong đợi đó được làm phép, và thánh lễ được cử hành, một số các bạn trẻ xưng tội và rước lễ. Cha đã hoàn thành nghi thức thánh hôm đó với của lễ dâng là những nước mắt của niềm an ủi, bởi vì cha đã được thấy một cách nào đó là công cuộc Nguyện Xá với mục đích đãi ngộ thanh thiếu niên bị bỏ rơi và gặp hiểm nguy nhất đã có dáng dấp vững bền sau khi chúng đã hoàn thành các nghĩa vụ tại nhà thờ.

  1. NGUYỆN XÁ RỜI KHỎI VIỆN NƯƠNG NÁU

NGUYỆN XÁ TẠI KHU NHÀ MÁY XAY[292] – CÁC KHÓ KHĂN –

BÀN TAY CỦA CHÚA

Trong nhà nguyện kế cận ngôi Nhà thương Nhỏ thánh Philômêna, Nguyện Xá có một bước tiến rất tốt đẹp. Trong các ngày lễ, các bạn trẻ từng đoàn đi xưng tội, rước lễ. Sau thánh lễ, có cắt nghĩa Phúc Âm cách vắn gọn. Sau giờ giáo lý ngày thứ tư, có hát Thánh ca Ngợi Khen, huấn đức, Kinh Cầu Đức Mẹ và chầu Thánh Thể. Trong các khoảng nghỉ khác nhau, các bạn trẻ tham gia các cuộc chơi vui vẻ, với các trò chơi khác nhau. Các trò chơi được chơi trên những con đường nhỏ cho tới nay vẫn còn giữa tu viện thánh Mađalêna và con đường công cộng. Chúng tôi trải qua bảy tháng tại đây và chúng tôi cứ nghĩ mình đã tìm thấy vườn địa đàng tại thế rồi, vào lúc chúng tôi sắp phải rời nơi cư trú thân yêu để đi tìm một nơi khác.

Bà bá tước Barôlô dù cho có nhìn mọi công cuộc bác ái với con mắt thiện cảm, nhưng tới ngày sắp khai trương Công cuộc Nhà thương Nhỏ (được khai trương ngày 10-8-1845), đã muốn Nguyện xá chúng tôi phải dời xa khỏi nơi đó. Thật ra nơi được dùng để làm nhà nguyện, lớp học hay nơi vui chơi của các bạn trẻ nam không hề có liên lạc với phía bên trong của nhà trường nữ; ngay cả những cánh cửa chớp cũng được đóng lại và hướng lên phía trên; dẫu sao chúng tôi cũng phải vâng lời. Chúng tôi đã thực hiện những bước thỉnh nguyện mạnh mẽ[293] với Tòa thị chính Tôrinô, và nhờ sự giới thiệu của Đức Tổng Giám mục Fransoni, chúng tôi được phép chuyển Nguyện xá về nhà thờ thánh Martinô khu Nhà máy xay,[294] gọi là khu Môlini [các nhà máy xay] của thành phố.

Và hôm đó là Chúa nhật [ngày 13] tháng 7 năm 1845, chúng tôi mang nào là ghế dài, bàn quì, nến, một vài chiếc ghế, các thánh giá, các bức ảnh và những bức ảnh nhỏ; và mỗi người đều mang một đồ vật mà mình có thể mang, giống như cuộc di cư, giữa những tiếng ồn ào, la ó, tiếng cười và niềm hối tiếc, chúng tôi đi thiết lập một “tổng hành dinh” tại nơi vừa mới nêu tên.

Linh mục Giáo sư Borel cho một bài giảng thuyết nhân cơ hội trước khi khởi hành cũng như sau khi đến khu nhà thờ mới.

Vị thừa tác viên xứng đáng của đền thờ mà ai cũng mến mộ một cách có thể nói được là độc nhất hơn là khác thường, đã nói lên những tư tưởng này:

  • Hỡi các bạn trẻ thân mến, các cây cải bắp nếu không được trồng lại, thì không lớn đẹp và có bắp tròn và to. Chúng ta có thể nói cùng một sự việc đó về Nguyện xá của chúng ta. Cho tới bây giờ, Nguyện xá đã được trồng lại nhiều lần từ nơi này sang nơi khác[295], nhưng tại những nơi khác nhau khi Nguyện xá dừng chân lại, thì nó luôn có một sự tăng trưởng đáng kể đem lại lợi ích to lớn cho những người tham dự. Nhà thờ thánh Phanxicô đã chứng kiến Nguyện xá bắt đầu như một bài giáo lý và một chút ca hát. Tại đó, ta không thể làm gì hơn được nữa. Viện Nương náu đã muốn Nguyện xá dừng lại trong một thời gian tại đó, như là một tạm dừng của đường xe tầu hỏa, và việc đó là để cho các bạn trẻ của chúng ta không thiếu thốn trong một vài tháng sự trợ giúp thiêng liêng là các dịp xưng tội, học giáo lý, nghe giảng thuyết và các cuộc vui chơi dễ chịu.
  • Tại nơi Nhà thương Nhỏ một Nguyện xá thật đã bắt đầu, và xem ra nó đã tìm được một sự an bình thật sự, một nơi thuận lợi cho chúng ta; nhưng Chúa quan phòng an bài để chúng ta phải di dời và chuyển đến nhà thờ thánh Martinô. Chúng ta sẽ ở đây lâu chăng? Chúng ta không biết; chúng ta hy vọng sẽ tụ lại lâu; nhưng dẫu sao, chúng ta tin rằng như những cây bắp cải được trồng lại, Nguyện xá của chúng ta sẽ lớn lên về con số các bạn trẻ yêu thích các nhân đức, và sẽ lớn lên mãi nỗi khát khao hát, chơi nhạc, học hành ban tối và kể cả vào ban ngày.
  • Vậy thì chúng ta sẽ trải qua ở đây một thời gian lâu chăng? Chúng ta đừng bận tâm với cái suy nghĩ này; chúng ta hãy ném tất cả nỗi lo lắng của chúng ta vào trong tay Chúa, ngài sẽ chăm sóc cho chúng ta. Chắc chắn là ngài sẽ chúc lành cho chúng ta, giúp đỡ chúng ta và lo liệu cho chúng ta. Ngài sẽ nghĩ đến nơi thuận tiện để cổ xúy vinh quang của ngài và giúp cho lợi ích của linh hồn chúng ta. Chính bởi vì các ơn của Chúa tạo thành một dây xích mà mắc xích này gắn với mắc xích khác; cũng thế, trong khi hưởng lấy lợi ích của các ơn huệ đầu tiên, chúng ta sẽ chắc chắn là Thiên Chúa sẽ còn ban cho chúng ta các ơn huệ lớn hơn; và chúng ta, trong khi đáp ứng cho mục tiêu của Nguyện xá chúng ta, chúng ta sẽ tiến bước từ các nhân đức này sang các nhân đức khác, cho tới khi chúng ta đạt tới quê hương hạnh phúc, nơi mà lòng thương xót vô cùng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sẽ ban phần thưởng mà mỗi người chúng ta sẽ đáng lãnh nhận nhờ các các việc thiện của mình.

Có cả một đám đông đảo các bạn trẻ tham dự vào việc phụng vụ thánh này; và bài ca Tạ ơn [Te Deum] được hát lên với một niềm cảm xúc vô cùng to lớn.

Các việc thực hành đạo đức được thực hiện tại đây y như tại viện Nương náu. Nhưng không thể cử hành thánh lễ[296], cũng không thể cử hành chầu phép lành Mình Thánh vào ban chiều; do đó các việc hiệp lễ, một yếu tố nền tảng của cơ chế của chúng ta[297], ngay cả việc vui chơi cũng bị khuấy động, bị cản trở không ít bởi lẽ các trẻ em buộc phải ngoài đường và tại sân phía trước nhà thờ nơi những người đi bộ, những xe, những con ngựa, và những cỗ xe ngựa qua lại. Không có thể có được những điều kiện tốt hơn, chúng tôi tạ ơn trời về tất cả những điều trời đã ban cho chúng tôi, trong khi đợi chờ một nơi tốt hơn; những khuấy động mới rơi xuống trên lưng chúng tôi.

Các người thợ xay, ép, các người học nghề của họ, các người làm công đã không chịu đựng nổi những tiếng hát, và đôi khi những tiếng la hét của đám học trò, đâm ra lo lắng, và đồng lòng, họ đưa lên chính quyền thành phố những lời phàn nàn. Thế là từ đó bắt đầu có tiếng nói ra rằng những cuộc tụ họp các bạn trẻ này thật là nguy hiểm, bất cứ lúc nào những cuộc tụ tập ấy cũng có thể tạo nên những cuộc dấy loạn và cách mạng[298]. Họ nói điều đó dựa vào sự vâng phục mau mắn mà họ thi hành trước dù chỉ là một dấu biểu lộ nhỏ của bề trên. Họ còn thêm một cách vô căn cớ rằng các trẻ em đã làm hằng ngàn sự phá hoại ở trong nhà thờ, ở ngoài nhà thờ, trên các vỉa hè, và xem ra là cả Tôrinô sẽ bị nhận chìm, nếu chúng tôi cứ tiếp tục tụ tập tại nơi đó.

Thế rồi một lá thư viết do tay người thư ký của Nhà máy xay Đôra viết cho ông thị trưởng thành phố Tôrinô đã đẩy các nỗi khốn khổ của chúng tôi lên đến tột đỉnh. Lá thư đó trong khi thu thập lại tất cả các tiếng đồn đại mơ hồ và phóng đại tất cả các sự phá hoại mà người ta có thể tưởng tượng ra được, đã nói rằng tất cả các gia đình làm việc trong khu Nhà máy xay này không còn có thể tiếp tục các nhiệm vụ của mình và còn có được sự yên tĩnh nữa. [Ông thị trưởng đã sai người đi tìm hiểu và thấy được rằng các bức tường, vỉa hè, nền nhà, toàn thể đồ vật trong nhà thờ đều đàng hoàng cả. Chỉ có một sự hư hoại độc nhất do một đứa trẻ dùng đầu cây đinh vẽ một vòng tròn nhỏ trên bức tường]. Viên thư ký còn đi tới chỗ nói rằng cái Nguyện Xá này là một ươm mầm sự vô luân. Cuối cùng, dù thấy là bản báo cáo là vô căn cứ, ông thị trưởng cũng đã viết một lá thư lời lẽ nóng nảy căn cứ vào đó Nguyện Xá của chúng tôi buộc phải chuyển sang một nơi khác[299]. Thật là một sự tiếc nuối chung, cùng những tiếng thở dài vô ích! Chúng tôi phải bỏ nơi đó.[300]

Cũng đáng ghi nhận là viên thư ký đó, có tên là[301] … (không bao giờ được công bố ra), tác giả của lá thư nổi tiếng vừa kể, đã viết nó ra lần cuối cùng, vì [sau đó] ông đã bị một chứng run tay cực mạnh nơi tay phải, và sau ba năm, ông ta đã đi vào phần mộ. Thiên Chúa đã an bài để đứa con của ông ta bị bỏ rơi ở giữa một đường phố và buộc phải đi ăn xin lương thực và được tiếp nhận vào viện Tế bần được mở tại Valdocco.[302]

  1. NGUYỆN XÁ TẠI NHÀ THỜ THÁNH PHÊRÔ BỊ XIỀNG XÍCH[303]

NGƯỜI NỮ GIÚP VIỆC CHO CHA SỞ – MỘT BỨC THƯ –
MỘT BIẾN CỐ THÊ THẢM.

Do việc ông thị trưởng và nói chung Hội đồng thành phố tin chắc rằng những gì người ta đã viết chống lại chúng tôi đều là vô căn cớ, nên chỉ cần một đơn xin kèm theo lời hậu thuẫn của Đức Tổng Giám mục là chúng tôi có thể được tụ tập tại sân và trong nhà thờ  Mộ Chúa Chịu Đóng Đinh, được gọi cách bình dân là nhà thờ thánh Phêrô bị xiềng xích[304]. Thế là sau hai tháng sinh hoạt ở nhà thờ thánh Martinô,[305] chúng tôi trong nỗi hối tiếc cay đắng, lại phải chuyển sang một nơi mới, nhưng dưới một khía cạnh, nó lại thuận lợi hơn cho chúng tôi. Hành lang dài, sân rộng, nhà thờ thích hợp với các cử hành phụng vụ thánh, tất cả mọi sự đều kích thích nỗi hào hứng của các bạn trẻ, khiến cho chúng say sưa vui sướng.

Nhưng tại nơi đó lại có một đối thủ cạnh tranh ghê gớm, mà chúng tôi không được biết trước. Không phải là một người chết, họ đã an nghỉ rất đông tại khu nghĩa trang này, nhưng là một người bằng xương bằng thịt, bà giúp việc của cha sở. Bà ta bắt đầu được nghe những tiếng hát và những tiếng nói, và chúng tôi cũng phải kể tới, những tiếng la hét của các học trò, liền ra khỏi nhà trong cơn nổi đoá, với chiếc khăn trùm đầu thắt chéo, với hay tay chống nạng, lớn tiếng thóa mạ đám đông đang thích thú vui chơi. Cùng lên tiếng chửi bới với bà ta, có cả một bé gái nhỏ, một con chó, một con mèo, cả đàn gà mái, cung cách thật giống như là chiến tranh Âu châu sắp tới đến nơi. Cha cố gắng lại gần để trấn an bà ta, cho bà ta thấy rằng lũ trẻ này không có ý xấu, và chúng chỉ vui chơi, không hề phạm tội nào. Thế là bà ta quay sang cha, và kể chuyện cha.

Vào lúc đó, cha đã nhận thấy là nên ngưng cuộc chơi, dạy giáo lý một chút, và sau khi lần hạt xong ở nhà thờ, chúng tôi đi ngay với hy vọng lần sau gặp lại nhau trong sự yên ổn hơn vào Chúa nhật tới. Nhưng ngược hẳn, bởi vào buổi chiều hôm ấy, khi cha sở về nhà, bà giúp việc tốt lành này đã quanh quẩn bên ngài, gọi Don Bosco và các con cái của Don Bosco là những kẻ làm cách mạng, tục hóa các nơi thánh, và là cả một đám đáng nguyền rủa, rồi thúc đẩy ông chủ tốt lành này viết một lá thư cho chính quyền thành phố. Ngài viết theo lệnh đọc của bà đầy tớ, nhưng với một sự chua chát đến nỗi ngay lập tức người ta phải ban hành ngay lệnh bắt bất cứ ai trong chúng tôi sẽ còn trở lại đó nữa.

Thật buồn để mà nói, nhưng đây chính là lá thư cuối cùng của cha sở Tesio, ngài viết thư vào thứ hai, và chỉ vài giờ sau đó, ngài bị cú xuất huyết não khiến ngài hầu như ngay lập tức trở thành xác chết.[306] Hai ngày hôm sau, cùng một số phận xảy ra cho bà giúp việc[307]. Những chuyện này đồn ra và tạo nên một ấn tượng sâu xa nơi tâm hồn các bạn trẻ và tất cả nhưng ai nghe được tin này. Mọi người đều nóng lòng muốn đến, muốn nghe những chuyện buồn này; nhưng vì chúng tôi bị cấm qui tụ lại tại nhà thờ thánh Phêrô bị xiềng xích, cũng như chẳng có thể có những dàn xếp hay trao đổi thích hợp, nên chẳng một ai, kể cả cha nữa, có thể tưởng tượng ra được mình sẽ có thể có được ở đâu một nơi để mà qui tụ lại.[308]

  • Những chuyện di dời Nguyện xá đã tôi luyện Don Bosco như thế nào?
  1. NGUYỆN XÁ TẠI NHÀ CHA MORETTA[309]

Chúa Nhật sau lệnh cấm trên, đám đông lũ trẻ tới nhà thờ thánh Phêrô bị xiềng xích, bởi vì cha đã không thể báo cho chúng trước được lệnh này. Chúng thấy khu này hoàn toàn đóng của, liền kéo cả đám tới nơi cha ở tại khu nhà thương nhỏ. Biết làm gì? Cha có cả một đống các đồ dùng cho nhà thờ và cho các cuộc chơi; cả một đám đông các trẻ em sẵn sàng theo cha đi tới mọi nơi, trong khi cha không có lấy một mảnh đất nhỏ để chúng tôi có thể qui tụ lại được.

Tuy nhiên cha dấu kỹ những nỗi phiền muộn này, và với tất cả đám trẻ cha tỏ ra rất tươi tỉnh, và mua vui cho chúng bằng cả ngàn những câu chuyện kỳ diệu xoay quanh Nguyện xá tương lai, mà vào giờ phút này chỉ có nơi tâm trí cha và nơi các sắc lệnh của Chúa. Thế rồi để có thể bằng một cách nào đó lấp đầy những ngày lễ, nghỉ bằng các hoạt động, cha dẫn chúng[310] khi thì tới làng Sassi[311], khi thì tới Đức Mẹ ở Trụ Pilone[312], Đức Mẹ Miền Quê[313], trên núi các cha Cappucin (các Thầy dòng Đội Lúp)[314] và cho tới cả Đồi Superga.[315] Trong các nhà thờ này, cha lo cử hành thánh lễ cho các em vào ban sáng có diễn giảng Phúc Âm; vào ban chiều cha dạy một chút giáo lý, hát các thánh ca, kể một vài câu chuyện, rồi đi dạo cho tới giờ trở về gia đình của các em. Xem ra cái hoàn cảnh khó khăn này đáng lý phải đưa mọi ý tưởng về Nguyện xá thành mây khói, nhưng ngược lại số các em đến sinh hoạt tăng một cách phi thường.

Trong khi đó chúng tôi đang ở tháng 11 (năm1845), mùa này không còn thích hợp cho các cuộc đi dạo và du ngoạn ra khỏi thành phố nữa. Đồng ý với cha Borel, chúng tôi đã thuê ba căn phòng của căn hộ của cha Moretta[316]. Đó là căn hộ gần với nhà thờ Đức Mẹ Phù Hộ hiện nay. Bây giờ căn hộ đó do bắt buộc phải tu sửa, nên đã được làm lại hầu như là hoàn toàn. Tại đó, chúng tôi trải qua bốn tháng trời, lo lắng về nơi chốn, mà bằng lòng vì ít nhất có thể tại những căn phòng này tụ tập các học trò[317] của chúng tôi, dạy dỗ chúng và cho chúng các cơ hội thuận tiện đặc biệt để xưng tội. Hơn nữa cũng chính trong mùa đông này, chúng tôi đã bắt đầu các lớp học chiều. Đây là lần đầu tiên trong đất nước chúng ta, mới được nói đến một loại trường lớp như thế;[318] bởi thế mà có tiếng ồn ào lớn, người thì ủng hộ, kể thì phản đối.

Cũng trong thời gian này, một số những lời đồn thổi lạ lùng được phổ biến. Có một vài người gọi Don Bosco là người làm cách mạng, những người khác thì cho là Don Bosco điên hay là theo tà giáo. Họ lý luận như sau: – Nguyện xá này đưa các trẻ em ra khỏi các giáo xứ, cho nên các cha xứ thấy nhà thờ của mình trống vắng, không còn có thể biết các trẻ em của mình nữa, những em mà các ngài phải trả lời cho trước tòa án của Chúa. Do đó Don Bosco hãy sai các trẻ em của mình về với các giáo xứ và thôi đừng tiếp nhận chúng tại địa bàn này nữa. – Chính hai vị cha xứ đáng kính của thành phố này khi đến thăm cha nhân danh các bạn đồng nghiệp của các ngài đã nói với cha như thế. Cha đã trả lời cho họ:

  • Các trẻ mà con tiếp nhận không phá rối việc các trẻ em lui tới với các giáo xứ, bởi vì phần đa chúng không biết kể cả cha xứ và giáo xứ.
  • Tại sao thế?
  • Bởi vì chúng hầu như là những trẻ xa lạ, chúng bị cha mẹ chúng bỏ rơi tại thành phố này; hay chúng tới đây để tìm việc làm, nhưng lại không tìm được. Những em quê ở Savoy, Thụy Sĩ, Val d’ Aosta, Biela, Novara, Lombardi là những trẻ em thông thường lui tới các cuộc tụ tập của con.
  • Vậy cha không thể gửi trả lại các bạn trẻ này trở về với các giáo xứ của chúng sao?
  • Chúng không biết các giáo xứ của chúng?
  • Sao cha không cho chúng biết các giáo xứ ấy?
  • Không thể được. Việc rời xa quê hương của chúng, sự khác biệt về ngôn ngữ, việc thiếu chắc chắn về nơi ở, việc không biết gì về các địa phương làm cho chuyện đi đến các giáo xứ khó mà thực hiện, nếu không nói là không thể làm được. Hơn nữa nhiều em trong chúng đã là những người trưởng thành; chúng đã lên tới 18 tuổi, 20 tuổi, và thậm chí 25 tuổi, và thực sự không biết gì về các chuyện tôn giáo. Liệu ai có thể đưa những em này hội nhập với các trẻ em 8 hay 10 tuổi, nhưng lại có học thức cao hơn chúng nhiều?
  • Cha không có thể chính mình đưa dẫn chúng chăng, rồi cha đến dạy giáo lý tại chính các nhà thờ của các giáo xứ?
  • Con có thể đi tới một giáo xứ, chứ không thể đi tới tất cả mọi giáo xứ. Chúng ta có thể lo liệu việc này, nếu mỗi cha xứ chịu bỏ công đến hay mời những ai đến tiếp nhận các trẻ này và dẫn chúng về lại nơi các giáo xứ của chúng. Nhưng rồi những chuyện như thế vẫn là khó khăn, vì không ít em trong số chúng là những trẻ buông thả, thậm chí là hư hỏng. Những em này để cho mình bị cuốn hút bởi trò chơi, bởi cuộc đi dạo,[319] được tổ chức tại chỗ chúng con, mới quyết tâm thường xuyên theo học giáo lý và thực hành các việc đạo đức khác. Bởi thế sẽ cần thiết là mỗi giáo xứ cũng có một nơi nhất định, để có thể tụ tập và cho các trẻ em này được vui chơi trong các trò chơi hào hứng.
  • Những chuyện này là không thể được. Chúng con không có các nơi chốn, và cũng không có các linh mục rảnh trong các ngày lễ để lo công chuyện này.
  • Vậy thì làm thế nào?
  • Vậy thì cha hãy làm như cha xét thấy là tốt đẹp; trong khi chúng ta qui định giữa chúng ta điều xem ra là tốt hơn để mà làm.

Thế là vấn đề được đem ra bàn cãi giữa các cha xứ của thành Tôrinô, xem có nên cổ vũ hay phải khiển trách các Nguyện xá. Có người nói thuận có người nói chống. Các cha xứ Borgo Đôra, cha Augustino Gattino,[320]cùng với nhà thần học Ponsati,[321] cha xứ của giáo xứ thánh Augustinô, đã mang đến cho cha câu trả lời như sau:

 – Các linh mục quản xứ của thành phố Tôrinô, họp nhau lại trong một cuộc hội họp thường lệ của mình, đã bàn về sự tiên lợi của Nguyện xá. Sau khi cân nhắc những nỗi e sợ và những niềm hy vọng từ phía này hay phía khác, do lý do mỗi linh mục quản xứ không thể lo liệu một Nguyện xá trong chính giáo xứ của mình, các linh mục quản xứ khích lệ linh mục Bosco cứ tiếp tục [Nguyện xá của ngài], cho tới khi một nghị quyết khác được lấy.[322]

Trong khi các chuyện này xảy ra, thì mùa xuân năm 1846 đến. Căn hộ của cha Moretta có nhiều người thuê nhà khác đến ở. Những người này khiếp sợ các tiếng la hét và tiếng ồn ào liên tục của các trẻ em đi và đến, đã lên tiếng than phiền với chủ nhà, tuyên bố là

tất cả họ sẽ không thuê nhà nữa, nếu các cuộc tụ tập không lập tức ngưng. Thế là vị linh mục tốt lành Moretta phải báo cho chúng tôi đi tìm ngay lập tức một nơi khác, để có thể tụ tập các thanh thiếu niên, nếu chúng tôi muốn duy trì sự sống cho Nguyện Xá của chúng tôi.[323]

  1. NGUYỆN XÁ NGOÀI TRỜI

NGUYỆN XÁ TẠI CÁNH ĐỒNG CỎ – MỘT CUỘC DÃ NGOẠI TỚI SUPERGA

Với niềm hối tiếc sâu đậm và với không ít phá quấy nhẹ cho các cuộc qui tụ của chúng tôi trong tháng ba năm 1846, chúng tôi phải rời bỏ căn hộ của cha Moretta và đi thuê một cánh đồng cỏ của các anh em Filippi, nơi mà hiện nay có một xưởng đúc các thanh sắt. Cha ở đó, ngay ngoài trời, giữa một cánh đồng cỏ, có hàng dậu đổ nát bao quanh, mà ai muốn bước vào cũng được. Các bạn trẻ nằm trong số ba tới bốn trăm em. Chúng đã tìm thấy vườn địa đàng của chúng trong cái Nguyện xá này, mà vòm và mái là chính bầu trời.

Nhưng mà tại nơi này làm sao có thể thực hành các việc tôn giáo? Làm tốt bao nhiêu có thể, tại nơi đây các em đã học giáo lý, đã hát các thánh ca, đã hát kinh chiều phụng vụ; thế rồi cha giáo sư Borel và cha, chúng tôi bước lên một mô đất hay một chiếc ghế và ngỏ một bài giảng ngắn của chúng tôi với các bạn trẻ đang nóng lòng muốn để lắng nghe chúng tôi.

Còn việc xưng tội thì thực hiện như sau: Trong các ngày lễ, vào sáng sớm, cha có mặt tại cánh đồng cỏ, tại đó vài em đã đợi ở đó. Cha liền ngồi ở một mô đất lắng nghe những em này xưng tội trong khi những em kia lo việc chuẩn bị mình hay cám ơn sau khi xưng tội, sau đó không ít em tái lấy lại cuộc chơi của các em.

Tới một lúc nào đó vào ban sáng, một tiếng kèn trôm pét gióng lên, tập họp các bạn trẻ lại; một tiếng kèn trôm pét khác ra dấu im lặng, tạo cho cha cả một không gian để nói và chỉ cho chúng biết chúng sẽ đi tới đâu để dự thánh lễ và rước lễ.

Có khi thì nói chúng ta đi tới Đức Mẹ Miền Quê, tới nhà thờ Đức Mẹ Yên ủi, tới Stupigini[324] hay tại những nơi đã được nói đến ở trên. Bởi vì chúng tôi thường thực hiện các cuộc hành trình tới những nơi xa xăm nữa, nên cha sẽ miêu tả lại một sự kiện tại Superga, biết được chuyện tại đó thì cũng có thể mường tượng ra được những chuyện xảy ra tại nơi khác.

Cha đã tập họp các thanh thiếu niên tại cánh đồng cỏ và cho chúng thời gian để chơi bun, chơi ném đĩa, v.v…, đánh trống, thế rồi tiếng kèn trômpét vang lên ra hiệu tập họp rồi lên đường. Chúng tôi thường lo liệu sao cho các em được tham dự thánh lễ trước hết; rồi sau 9 giờ một chút, chúng tôi lên đường hướng tới Superga. Người thì mang các thúng bánh, người thì mang pho mát hay dồi salamê hay trái cây hay những gì cần thiết cho ngày hôm đó. Tất cả giữ im lặng cho đến khi ra khỏi thành phố; rồi chúng tôi bắt đầu la hét, hát vang và kêu to, nhưng luôn trong hàng ngũ có trật tự.

Đi tới chân sườn dốc dẫn tới Vương cung Thánh đường đó, cha thấy một con ngựa nhỏ đã được thắng yên cho nhiệm vụ, mà cha Anselmetti, cha xứ của nhà thờ đó, đã gửi đến cho cha. Cũng tại đó cha đã nhận được một lá thư nhỏ của cha Borel, người đã lên đường trước chúng tôi, trong thư nói: “Cha hãy yên tâm đến cùng với các thanh thiếu niên thân yêu của cha; cháo, bữa ăn trưa, rượu đã được chuẩn bị rồi”. Cha liền nhảy lên con ngựa đó, rồi đọc to lên lá thư này. Tất cả đều tập họp lại quanh con ngựa, và nghe đọc lá thư đó xong, thì tất cả đồng loạt vỗ tay và hoan hô bằng những tiếng hét, tiếng la to và tiếng hát. Những người này nắm lấy tai con ngựa, những người khắc nắm lấy mũi con ngựa hay lấy đuôi con ngựa, lúc thì xô đẩy con ngựa, lúc thì cưỡi lên nó. Con vật hiền từ chịu đựng tất cả trong an bình, tỏ những dấu kiên nhẫn hơn cả sự kiên nhẫn mà người được cưỡi trên lưng nó đã tỏ lộ. Giữa những tiếng la hét đó, chúng tôi còn có tiếng âm nhạc của chúng tôi, gồm một cái trống, một kèn trômpét, và một chiếc ghi ta. Thứ âm nhạc ấy mỗi thứ một phách, nhưng đều góp phần tạo nên tiếng ồn ào, hòa với các giọng của các bạn trẻ đủ để tạo thành một bản hợp ca tuyệt diệu.

Mệt vì cười, vì nói chuyện tiếu lâm, vì hát và cha dám nói, vì la hét, chúng tôi đi đến nơi đã qui định. Các bạn trẻ, mồ hôi nhễ nhãi, qui tụ lại trong sân đền thánh, và ngay lập tức được cung cấp những gì cần thiết cho cái dạ dày tham ăn của chúng. Sau khi đã nghỉ ngơi, cha liền tập họp tất cả chúng lại, và kể cho chúng một cách chi tiết câu chuyện kỳ diệu của ngôi vương cung thánh đường này, về các ngôi mộ của các vị vua nằm ở dưới hầm nhà thờ, và về Học viện Giáo sĩ[325] do Đức vua Carlô Albertô sáng lập và được khởi xướng bởi các Đức Giám mục của các nước vùng Sardi.

Cha giáo sư Guglielmo Audisio[326] là Giám đốc của Học viện đã quảng đại chịu mọi chi phí cho cháo khai vị cùng toàn bộ bữa ăn cho tất cả các thực khách. Cha xứ thì ban rượu và trái cây. Các em được phép thăm các địa điểm trong vòng hai tiếng đồng hồ; rồi chúng tôi qui tụ lại trong nhà thờ, tại đó cũng có số đông dân chúng tham dự. Vào lúc ba giờ chiều, cha giảng một bài giảng ngắn tại tòa giảng, sau đó một số có giọng đậm đà hát bài Kính Mình Thánh Tantum ergo. Tiếng hát mới mẻ, trong trẻo này đã lôi cuốn mọi người trong sự ngưỡng mộ. Vào sáu giờ chiều, một số bong bóng được cho bay lên bầu trời; thế rồi giữa tiếng cám ơn nồng hậu dâng lên các vị đã ban ân cho chúng tôi, chúng tôi lên đường trở về Tôrinô. Cùng những tiếng hát, tiếng cười, những cuộc chạy, và có khi cả những kinh nguyện lại chiếm hết cuộc hành trình của chúng tôi.

Khi đã tới thành phố, từ từ một số tới nơi gần với nhà riêng của mình, không còn đi trong hàng ngũ nữa, và rút lui về gia đình của mình. Khi tới viện Nương náu, cha còn có 7 hay 8 bạn trẻ khoẻ mạnh nhất đi với cha, mang theo những đồ dùng được dùng cho ngày hôm đó.

  1. BÁ TƯỚC CAVOUR CHỐNG LẠI NGUYỆN XÁ

BÁ TƯỚC CAVOUR VÀ CÁC LỜI ĐE DỌA CỦA ÔNG – NHỮNG KHUẤY ĐỘNG MỚI CHỐNG LẠI NGUYỆN XÁ

Không thể diễn tả hết niềm phấn khích mà các cuộc đi dạo này tạo nên nơi các thanh thiếu niên. Các em thật sự thích thú với sự pha trộn của lòng sùng kính, với các trò vui chơi, các cuộc đi dạo, khiến cho mỗi em đã trở thành vô cùng thân thiết với cha, bằng chứng là các em không những vô cùng tuân hành các hiệu lệnh của cha, mà còn nóng lòng muốn được cha trao phó một nhiệm vụ gì để hoàn thành. Một hôm một người hiến binh thấy cha chỉ bằng một dấu hiệu bằng tay mà khiến cho cả bốn trăm các thanh thiếu niên đang chạy nhảy, đang la hét trên cánh đồng cỏ bỗng im phăng phắc, đã thốt lên: – Nếu ông linh mục này là một tướng lĩnh quân đoàn, ông ta có thể chiến đấu chống lại bất cứ một đạo quân mạnh mẽ nhất trong thế giới. – Quả thực sự vâng lời và lòng thương mến của các học sinh của cha đã đi đến mức điên rồ.

Đằng khác, điều này đã tạo cớ để làm sống lại lời nói cho rằng Don Bosco với các con cái của ông đã có thể bất cứ lúc nào xúi giục một cuộc nổi loạn. Một lời khẳng định như thế dựa vào cái đáng nực cười, lại tìm được một sự cả tin mới nơi các chính quyền địa phương, cách riêng nơi ông bá tước xứ Cavour[327], cha của hai ông Camillô và Gustavô Cavour nổi tiếng. Ông ta khi đó làm Đại diện cho nhà vua, đứng đầu thành phố[328]. Do vậy ông đã triệu cha đến dinh Thị Sảnh để lý giải với cha rất lâu về những chuyện điên rồ được tung ra xoay quanh bản thân cha, rồi ông kết luận bằng cách nói với cha:

  • Này vị linh mục tốt lành của tôi, cha hãy nghe lời khuyên của tôi, hãy đuổi đám trẻ khốn nạn đó đi đi. Chúng chỉ mang đến những nỗi phiền toái cho cha và cho chính quyền, Tôi bảo đảm với cha rằng các cuộc tụ tập này là nguy hiểm, và do đó tôi không có thể chấp nhận được.
  • Tôi không có ý nhắm điều gì khác, thưa ngài bá tước, cha trả lời, ngoài việc làm cho được tốt đẹp hơn số phận của các đứa con nghèo khổ này của dân chúng.[329] Tôi không xin các phương tiện tiền bạc, mà chỉ là một nơi để có thể tiếp nhận chúng. Bằng cách thế đó, tôi hy vọng có thể làm giảm đi con số các em hư hỏng, và những em sẽ phải đưa vào trong nhà tù.
  • Cha tự lừa dối mình đó, cha yêu quí ạ; cha vất vả vô ích. Tôi không có thể trao cho cha bất cứ một chỗ nào, trong khi cảnh cáo cho cha rằng những cuộc tụ tập này là nguy hiểm; và cha lấy đâu ra tiền bạc để mà trả tiền thuê nhà và giải quyết biết bao nhiêu là các chi phí mà đám trẻ lang thang bụi đời này tạo ra cho cha? Tôi nhắc lại cho cha ở đây là tôi không có thể cho phép cha thực hiện các cuộc tụ tập này.
  • Thưa ngài bá tước, các kết quả thâu lượm được bảo đảm với tôi rằng tôi không lao nhọc vô ích. Nhiều thanh thiếu niên hoàn toàn bị bỏ rơi đã được qui tụ lại, được giải thoát khỏi những sự nguy hiểm, được hướng đến một nghề nghiệp nào đó và nhà tù không còn là chỗ chứa chúng nữa. Cho tới nay tôi vẫn không hề thiếu các phương tiện vật chất; các phương tiện ấy ở trong tay Thiên Chúa, Đấng đôi khi dùng những dụng cụ không đáng kể để hoàn thành các kế hoạch cao cả của người.
  • Xin cha hãy kiên nhẫn mà vâng lời tôi không do dự; tôi không thể cho phép cha thực hiện những cuộc tụ tập này nữa.
  • Ngài không ban điều này cho tôi, thưa ngài bá tước, mà là ban điều đó vì lợi ích của biết bao thanh thiếu niên bị bỏ rơi; chúng là những người có lẽ sẽ phải tiến tới một kết cuộc buồn thảm.
  • Cha im đi, tôi không ở đây để tranh luận. Đây là một chuyện rối trật tự, và tôi muốn và buộc phải ngăn trở điều đó. Cha không biết là mỗi cuộc qui tụ đều bị cấm đoán, khi không có một phép đúng theo pháp luật?
  • Các cuộc qui tụ của tôi không có mục tiêu chính trị.[330] Tôi dạy giáo lý cho những đứa trẻ nghèo khổ, và việc này tôi làm bởi sự cho phép của Đức Tổng Giám mục.
  • Đức Tổng Giám mục có hay biết về những chuyện này sao?
  • Ngày hoàn toàn hay biết, và tôi không đi một bước mà không có sự đồng ý của ngài.
  • Nhưng tôi không có thể cho phép những việc qui tụ này.
  • Thưa ngài bá tước, tôi tin rằng ngài không muốn cấm tôi dạy giáo lý với phép của Đức Tổng Giám mục chứ?
  • Và nếu Đức Tổng Giám mục nói với cha là hãy từ bỏ công việc tức cười này của cha, cha sẽ không nêu ra lý do khó khăn chứ?
  • Không một chút nào. Tôi đã khởi sự và cho tới nay tôi đã tiếp tục với ý thuận của của Bề trên của tôi trong Hội Thánh. Chỉ cần một lời nói nhỏ của ngài, là tôi sẽ hoàn toàn làm theo dấu hiệu của ngài.
  • Cha hãy đi đi, tôi sẽ nói chuyện với Đức Tổng Giám mục; nhưng mà cha đừng có mà bướng bỉnh trước các lệnh của ngài đó[331], nếu không, cha sẽ buộc tôi phải có các biện pháp nghiêm minh,[332] điều mà tôi không muốn sử dụng đến.

Một khi các câu chuyện được giảm thiểu lại tới mức này, thì cha tin tưởng ít là trong một thời gian cha được để lại trong sư an bình. Nhưng các con hãy tưởng tượng cha bị giao động đến mức nào khi cha về tới nhà, và nhận được lá thư qua đó các anh em Filippi thải hồi cha khỏi nơi mà họ đã cho cha thuê! Họ nói với cha:

  • Các lũ trẻ của cha liên tục dẫm nát cách đồng cỏ của chúng con, làm chết đến tận các rễ của cây cỏ. Chúng con bằng lòng tha cho cha phải trả tiền thuê đã đến hạn, miễn là trong vòng 15 ngày cha giải phóng cánh đồng cỏ cho chúng con. Chúng con không thể triển hạn cho cha hơn thế được nữa.[333]

Khi tin đồn về biết bao khó khăn như thế lan ra, một số các bạn hữu của cha đến với cha nói rằng hãy từ bỏ một công việc vô ích đó đi, đó là nhận định họ đã nói giữa nhau. Thế rồi những người khác, thấy cha đăm chiêu và luôn được bao quanh bởi các trẻ em, thì bắt đầu nói rằng cha đã trở thành điên mất rồi.

  • Một hôm cha giáo sư Borel trước mặt cha Pacchiotti Sebastiano[334] và những người khác, đã nói với cha như vầy:
  • Để khỏi khiến chúng ta phải mất tất cả, tốt hơn là mình lo cứu vớt một cái gì đó. Chúng ta hãy để tất cả các đứa trẻ hiện tại tự do ra đi; chúng ta chỉ giữ lại khoảng 20 đứa nhỏ nhất. Trong khi chúng ta tiếp tục dạy cho chúng về giáo lý, Thiên Chúa sẽ mở ra cho chúng ta một con đường và cơ hội thuận lợi để có thể làm nhiều hơn nữa.[335] Cha đã trả lời cho họ:
  • Không cần phải đợi một cơ hội thuận lợi khác. Nơi chốn đã sẵn sàng: Ở đó có một cái sân rộng rãi, một căn nhà với rất đông trẻ, rồi dãy hành lang, nhà thờ, các linh mục, các thầy tư giáo, tất cả theo dấu hiệu lệnh của chúng ta.
  • Nhưng tất cả những cái đó ở đâu hở? – Cha Borel đột xuất cắt ngang lời cha.
  • Con không biết nói những cái đó đang ở đâu, nhưng chúng chắc chắn có đấy, và là để cho chúng ta.

Khi ấy cha giáo sư Borel thở dài nuồn nuột, rồi thốt lên:

  • Thật khổ cho Don Bosco! Đầu óc của ngài quay cuồng rồi.

Rồi ngài cầm lấy tay cha, hôn cha và đi xa khỏi cha cùng với cha Pacchiotti, để lại cha một mình trong căn phòng của cha.

  1. TỐI HẬU THƯ ĐẾN TỪ BÀ BÁ TƯỚC BAROLÔ

CHÀO TỪ BIỆT VIỆN NƯƠNG NÁU –
NHỮNG TỐ CÁO MỚI NHẤT VỀ VIỆC BOSCO ĐIÊN

Nhiều chuyện được đồn thổi về Don Bosco đã làm bà bá tước Barôlô lo ngại, nhất là vì hội đồng thành phố Tôrinô tỏ ra chống lại các kế hoạch của cha.

Một hôm tới phòng cha, bà bắt đầu nói với cha như sau:

  • Tôi rất hài lòng về những sự chăm lo cha đã dành cho các công cuộc của tôi. Cám ơn cha đã hết sức làm việc để đưa vào trong đó việc hát các thánh ca ngợi khen, bình ca, âm nhạc, số học và cả hệ thống mét, kilô gram và lít làm các đơn vị cơ sở.[336]
  • Bà không phải cám ơn. Các linh mục phải làm việc vì bổn phận của họ. Thiên Chúa sẽ trả lại tất cả, và không cần phải nói về những chuyện này nữa.
  • Tôi muốn nói là tôi rất lấy làm tiếc, những công việc quá nhiều của cha đã làm suy giảm sức khỏe của cha. Cha không thể nào có thể vừa điều hành các công cuộc của tôi vừa lo cho các trẻ trai bị bỏ rơi, nhất là vì hiện này, số các em tăng nhân vượt mọi giới hạn. Tôi đến đây là để đề nghị cho cha chỉ nên làm điều thuộc về phận sự của cha, tức là việc điều hành Nhà thương Nhỏ, chứ không đi đến các nhà tù, đến Cốttôlengô[337] và ngưng lại tất cả mọi nỗi quan tâm của cha cho các trẻ trai. Cha có gì muốn nói không?
  • Thưa bà bá tước, Thiên Chúa đã giúp tôi cho đến bây giờ và ngài sẽ không bỏ quên giúp đỡ tôi mãi mãi. Bà đừng lo lắng đến những việc gì phải làm. Giữa tôi, cha Pacchiotti, giáo sư Borel, chúng tôi sẽ cùng chia sẻ để làm hết mọi sự.
  • Nhưng tôi không thể chịu đựng được việc cha tự giết cha. Biết bao nhiêu công việc, lại rất khác biệt nhau như thế, dù muốn dù không, cũng làm phương hại đến sức khỏe của cha và đến các công cuộc của tôi. Và rồi chuyện những lời đồn thổi về sức khỏe tinh thần của cha, sự chống đối của chính quyền địa phương buộc tôi phải đến khuyên can cha…
  • Về chuyện gì, thưa bà bá tước?
  • Hoặc là cha từ bỏ các trẻ nam của cha, hay là từ bỏ viện Nương náu. Xin cha hãy suy nghĩ và trả lời cho tôi.
  • Câu trả lời của tôi đã được suy nghĩ rồi. Bà có tiền bạc, và dễ dàng tìm ra biết bao linh mục mà bà muốn có cho các công cuộc của bà. Còn những đứa trẻ trai khốn khổ thì không thế. Vào lúc này, nếu tôi rút lui, mọi sự sẽ tan thành mây khói; do đó tôi sẽ vẫn tiếp tục làm điều tôi có thể làm được cho viện Nương náu, thì tôi xin ngưng nhiệm vụ đều đặn tại đó và tôi sẽ hiến mình cho mục đích chăm sóc các trẻ trai bị bỏ rơi.
  • Nhưng làm sao cha có thể sống được?
  • Thiên Chúa đã luôn giúp đỡ tôi và ngài sẽ giúp đỡ tôi trong tương lai.
  • Nhưng cha đã làm hư hoại sức khỏe của cha, và cái đầu của cha đã không giúp được cho cha nữa; cha sẽ nhận chìm mình trong các nợ nần; cha sẽ đến với tôi, và tôi tuyên bố rõ ràng ngay từ bây giờ là tôi sẽ không cho cha một đồng[338] cho các đứa con trai của cha. Bây giờ cha hãy nhận lấy lời khuyên của một bà mẹ khuyên cha đây. Tôi sẽ tiếp tục trả lương cho cha, và sẽ còn tăng lên nữa nếu cha yêu cầu. Cha hãy đến một nơi nào đó một năm, ba năm, năm năm; cha hãy nghỉ ngơi; và khi cha khỏe hẳn lại rồi, cha sẽ trở lại viện Nương náu và cha sẽ luôn luôn được tiếp đón ân cần nhất. Nếu không thế, thì tôi buộc phải đặt mình trong một sự cần thiết rất đau lòng là phải cho cha nghỉ khỏi các công cuộc của tôi. Xin cha suy nghĩ nghiêm chỉnh.
  • Tôi đã suy nghĩ về điều đó rồi, thưa bà bá tước. Cuộc đời tôi đã tận hiến cho lợi ích của giới trẻ. Tôi cám ơn bà vì đề nghị bà ban cho tôi, nhưng tôi không có thể xa rời khỏi con đường mà Chúa quan phòng đã vạch ra cho tôi.
  • Vậy là cha thích thú các trẻ lang thang của cha hơn các công cuộc của tôi chứ gì? Nếu thật là như vậy, cha được nghỉ ngay từ giờ phút này. Ngay hôm nay tôi sẽ đích thân lo người thế chỗ trống của cha.

Cha đã cho bà thấy rằng một việc giải nhiệm hấp tấp như thế sẽ làm cho người ta dị nghị là có những lý do không danh dự mấy cho cả cha và cho cả bà; tốt hơn là cần phải hành động một cách bình thản, và giữ gìn giữa chúng ta cùng một đức bác ái y như là đức bác ái mà mình phải có khi cả hai phải lên tiếng trước tòa án của Chúa. Bà liền kết luận:

  • Vậy tôi cho cha ba tháng, sau đó tôi sẽ để cho những người khác công việc điều hành Nhà thương Nhỏ của tôi.
  • Tôi chấp nhận việc giải nhiệm, phó mặc mình cho điều Thiên Chúa sẽ sắp đặt cho tôi.

Trong khi đó, mỗi ngày lại trổi vượt lời đồn rằng Don Bosco đã điên rồi. Các bạn hữu tôi thấy đau lòng cho tôi; những người khác thì cười nhạo; nhưng tất cả đều giữ mình xa tôi. Đức Tổng Giám mục không can thiệp; cha Cafasso thì khuyên tôi hãy tạm ngừng hoạt động[339], nhà thần học Borel thì im lặng[340]. Như vậy tất cả những người cộng tác với cha đều để cha ở lại một mình[341] giữa số 400 trẻ trai.

Trong dịp này có một vài nhân vật đáng kính muốn chăm sóc cho sự lành mạnh tinh thần của cha. Một trong số họ nói:

  • Cái ông Don Bosco này đã có những ý kiến cố chấp, những điều ấy tất nhiên dẫn ông ta tới chỗ điên tàng. Có lẽ một cuộc chữa bệnh sẽ đem lại cho ông ta điều tốt hơn. Chúng ta hãy đem ông ta đến nhà thương điên, và tại đó, với sự chăm sóc cần thiết, người ta sẽ làm cho ông tất cả những điều mà sự khôn ngoan khuyên nên làm.

Họ đã trao cho hai vị đến đưa cha đi với một chiếc xe ngựa để dẫn cha đến nhà thương điên.[342] Hai vị sứ giả chào cha cách lịch sự; thế rồi hỏi thăm cha về sức khỏe, về Nguyện xá, về việc xây cất tương lai, và về nhà thờ. Sau cùng hai vị đưa ra một tiếng thở dài rất sâu, rồi buông ra lời: “Thật là như vậy.”

Sau chuyện đó, họ mời cha đi với họ để cùng đi dạo.

  • Một chút không khí sẽ rất tốt cho cha; cha đi chứ? Chúng tôi đang có một chiếc xe ngựa đây, chúng ta hãy cùng đi với nhau và chúng ta sẽ có thời giờ để bàn thảo với nhau.[343]

Khi ấy cha nhận ra ngay trò chơi mà các vị muốn chơi cha, và không tỏ ra mình nhận thấy gì hết, cho đi theo họ cho tới chỗ chiếc xe, và nhấn mạnh rằng các vị lên xe chọn chỗ ngồi trước, và thế rồi, thay vì chính mình cũng bước lên xe, cha vội vã đóng ngay chiếc cửa nhỏ, và nói với người đánh xe ngựa: – Ông bạn hãy chạy thật nhanh đến nhà thương điên, nơi người ta đang chờ đợi hai vị giáo sĩ này.

THƯ NỮ BÁ TƯỚC BAROLO VIẾT CHO DON BOREL

Torino 18 tháng năm, năm 1846

Thưa linh mục nhà thần học Borel kính yêu (ASC A 101).

Lời trao đổi của con với cha Cafasso buộc con phải có lời cắt nghĩa về câu chuyện giữa con với cha, thưa cha thần học rất kính yêu. Con nghĩ là nên viết hơn là nói, vì rằng mỗi khi con được vinh dự nói chuyện với cha, thì con không được phép diễn tả lòng quí trọng của con với con người của cha, sự cảm phục các nhân đức của cha, và việc con vô vàn biết ơn những sự chăm sóc cha đã làm và còn tiếp tục làm cho các cơ sở giáo dục của con.

Khi Nhà thương Nhỏ tăng thêm con số các công trình này, thì chúng con đã nghĩ rằng phải đặt một vị tuyên úy cho Nhà Thương này. Con không thể đặt lòng tin tưởng của con nơi ai khác ngoài cha. Cha đã chọn Don Bosco tuyệt vời và giới thiệu ngài cho con. Con đã hài lòng ngay vào giờ phút đầu tiên gặp cha ấy, với vẻ trầm lắng và đơn giản của những tâm hồn thánh thiện. Sự quen biết của chúng con đã bắt đầu từ năm 1844 và Nhà thương Nhỏ không thể khai trương và đã không khai trương mãi cho tới năm 1885. Nhưng nỗi ước mong đảm bảo việc có được sự phục vụ của một người phục vụ tốt đẹp như thế đã khiến con sớm thiết định tiền lương cho Don Bosco trong công việc này. Nhưng chỉ ít tuần sau khi đã đồng ý với ngài về lương bổng, thưa linh mục thần học đáng kính, thì con trong tư cách bề trên của viện Nương náu, đã thấy được sức khỏe của ngài không cho phép ngài phải tiêu hao trong sự mệt nhọc. Cha đã nhớ lại chứ là nhiều lần con đã nói với ngài là phải cẩn thận và để cho ngài nghỉ ngơi v.v… và v.v… Nhưng ngài đã chẳng nghe, cứ nói rằng các linh mục thì phải làm việc v.v…

Nhưng sức khỏe của Don Bosco thì càng trở nên tồi tệ hơn vào dịp con đi Rôma; trong khi ngài làm việc, thì ngài ngã bệnh, thổ ra máu. Chính khi đó con đã nhận được một lá thư của linh mục nhà thần học, trong đó cha có nói với con rằng Don Bosco không còn có thể hoàn thành công việc được trao phó cho ngài nữa. Con lập tức đã trả lời cho cha hay rằng con sẵn sàng cung cấp tiền lương cho Don Bosco, với điều kiện là ngài đừng làm gì cả, và con hết lòng sẵn sàng giữ lời hứa của con. Nhưng vị linh mục đó lại tin rằng chẳng có sao nếu mình cứ tiếp tục giải tội, khích lệ hằng trăm trẻ trai; con nghĩ rằng điều đó làm hại sức khỏe của Don Bosco, và tin rằng cần thiết cha phải đi xa khỏi Torinô để không xảy ra việc khiến hai buồng phổi của cha quá mệt mỏi. Bởi vì khi ở Gassino, các trẻ con trai này cứ đến với cha mà xưng tội, lại còn đem ngài trở lại Torinô.

Cha thần học gia đáng mến, Don Bosco thật giàu lòng bác ái, nên con hẳn bị cha ấy không bằng lòng vì con đã cho cha ấy biết rõ là cha phải ngưng ngay việc dạy giáo lý cho các trẻ con trai của cha ấy vào các ngày Chúa nhật và những mối chăm nom cha ấy phải khổ công trong suốt cả tuần lễ cho các trẻ này. Con tin rằng công việc của cha ấy tự nó thật là tuyệt vời và xứng đáng đối với những người có công vun xới cho nó; nhưng đằng khác con tin chắc rằng sứ khỏe của Don Bosco tuyệt đối không cho phép cha tiếp tục làm công việc đó, và đàng khác con tin rằng cuộc hội họp các trẻ đó lại để đón chờ vị Giám đốc của chúng, lúc đầu thì tập trung ở cổng  viện Nương náu trẻ nữ của con, còn bây giờ thì ở ngay cổng của Nhà thương Nhỏ, quả thật chẳng thuận lợi chút nào. Con không muốn nói tới những chuyện thuộc về quá khứ, và về điều mà cha Durando rất đáng kính cũng hoàn toàn đồng ý với con,  nhưng con sẽ chỉ nói với cha về điều mới xảy ra hôm qua thôi. Con đã được bà giám đốc Nhà thương Nhỏ báo cho con hay về chuyện đã xảy ra ở đấy, cùng với một gia đình của một cô bé đau ốm của Viện, có một con bé có đời sống hư đốn, đã đi ra khỏi mái nhà viện Nương náu một cách thật trơ trẽn; con bé hư đốn này đến đây cùng với một bà mẹ của một đứa con gái của viện Nương náu được chúng con nuôi theo lời khuyên dụ của cha xứ của nhà thờ Đức Mẹ Truyền Tin “Annunziata”. Cả hai người này đều bị chính con đuổi khỏi đây.

Ít phút trước đây con đã gặp ở cổng Nhà thương Nhỏ một nhóm con trai, và con hỏi chúng làm gì ở đây, chúng trả lời cho con là chúng đang đợi Don Bosco. Trong số chúng có một vài đứa khá lớn. Vậy thì thứ con gái có đời sống xấu xa và thứ người đàn bà mà con đã đuổi ra khỏi Nhà thương Nhỏ, những hạng đó rất bất mãn, lại đi ngang qua đáng trẻ con trai này. Và nếu những hạng đĩ thõa ấy lại giở những trò dâm đãng của chúng với các học trò của Don Bosco thì còn ra thể thống gì nữa?

Tóm lại: 1. Con ủng hộ và ca ngợi công trình dạy dỗ cho các trẻ con trai, nhưng con thấy rằng cuộc tụ tập của chúng ở cổng của các viện của con thì thật là nguy hiểm vì tính chất của các người ở trong các viện của con. 2. Và vì con tin theo lương tâm mình rằng bộ phổi của Don Bosco cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, nên con sẽ không thể tiếp tục cung cấp chút lương bổng mà Don Bosco muốn nhận từ con, nếu Don Bosco không chấp nhận một điều kiện là cha ấy phải đi xa khỏi Torinô, để cha khỏi làm hại nghiêm trọng cho sức khỏe của cha, là điều con rất quan tâm, vì con quá quí trọng cha ấy lắm.

Con biết, thưa cha thần học rất đáng mến, là chúng ta không cùng chung một tình cảm trong câu chuyện này. Nếu con không nghe theo tiếng lương tâm của con, thì con đã rất sẵn sàng đồng ý với suy nghĩ và phán đoán của cha rồi.

Con xin hứa lại với cha sự quí mến không thay đổi của con đối với cha và lòng con trọng kính cha.

Người tôi tớ rất sùng mộ của cha,

Nữ bá tước Barolo sinh tại Colbert.

  • Trong tất cả mối liên hệ giữa Don Bosco và nữ bá tước Barolô, có những khó khăn nào? Sao bạn có thể nghĩ là tình bạn giữa hai người vẫn còn tiếp tục, và nữ bá tước không bao giờ quên trợ giúp Don Bosco?
  1. CHÚA NHẬT LỄ LÁ 1846

DI CHUYỂN SANG KHU NGUYỆN XÁ THÁNH PHANXICÔ SALÊ HIỆN NAY TỌA LẠC TẠI VALDOCCO.

Trong khi những chuyện kể trên tiếp tục xảy ra,[344] thì đã đến chúa nhật cuối cùng mà cha còn được phép giữ Nguyện xá sinh hoạt tại cánh đồng cỏ (15-3-1846)[345]. Cha im lặng không hé răng, nhưng tất cả đều biết những bối rối của cha và những cái gai của cha vào buổi chiều ngày hôm đó. Cha nhìn đám đông các trẻ em đang vui chơi, và nhìn mùa gặt dồi dào đang tiếp tục được chuẩn bị cho thừa tác vụ thánh, mà để làm việc trong đó, chỉ có một mình cha là người thợ, sức lực thì hết, sức khỏe thì ngày càng tồi tệ, không biết được nơi đâu cha sẽ còn có thể qui tụ các trẻ con của cha, cha bị xúc động nhiều lắm.

Cha rút lui riêng ra một nơi, bắt đầu đi dạo một mình và có lẽ là lần đầu tiên cha cảm thấy xúc động đến trào nước mắt. Đi đi lại lại, cha ngước mắt lên Trời, thốt lên: – Lạy Thiên Chúa của con, tại sao Ngài không cho con biết rõ nơi mà Chúa muốn con qui tụ các trẻ em này? Hoặc Chúa làm cho con biết được nơi đó hoặc Chúa nói cho con biết phải làm gì.

Nói xong những lời lẽ ấy, thì đúng vào lúc một người xuất hiện, tên là Pancrasio Soave[346], nói lắp bắp cùng cha:

  • Có đúng là cha đang tìm một chỗ để làm một xưởng thợ [laboratorio]?
  • Không phải là xưởng thợ [laboratorio], mà là Nguyện xá [oratorio].
  • Con không biết xưởng thợ và Nguyện xá có phải là cùng một chuyện hay không; nhưng một nơi thì có đấy, cha hãy đến xem đi. Đó là là tài sản của ông Giuse Pinardi[347], một người lương thiện. Cha hãy đến và làm một hợp đồng tốt.

May mắn là ngay vào lúc đó một người bạn đồng sự của cha đã đến. Đó là cha Phêrô Merla[348], vị sáng lập của công cuộc đạo đức lấy tên là Gia đình thánh Phêrô. Ngài dấn thân rất nhiệt tình trong thừa tác vụ thánh, và đã khởi xướng công cuộc của ngài nhằm mục đích chăm lo cho cảnh sống bị bỏ rơi trong đó biết bao nhiêu phụ nữ không chồng con hay bất hạnh rơi vào. Những người này sau khi đã chịu án phạt tù tội, lại còn bị xã hội của những người lương thiện ghê tởm khiến cho họ hầu như không thể nào tìm được một ai muốn đem lại cho họ cơm bánh hay công việc. Khi nào vị linh mục xứng đáng đó còn lại một chút thời giờ, thì ngài liền vui vẻ chạy đến giúp cho người bạn của mình, mà người bạn ấy hơn nữa lại đang trong cảnh đơn độc giữa cả một đám rất đông trẻ em. Vừa thấy cha, ngài lên tiếng ngay:

  • Có gì thế? Mình không thấy cậu có khi nào lại buồn bã đến như vậy. Cậu đã gặp một tai ương gì?
  • Tai ương thì không, nhưng là một chuyện bối rối lớn. Hôm nay là ngày cuối cùng mình còn được phép ở lại trên cánh đồng cỏ này. Chúng mình đang ở vào ban chiều; ngày chỉ còn hai [giờ] nữa; mình phải nói với các con của mình là Chúa nhật tới sẽ tập họp ở đâu, mà mình thì không biết. Mình có ở đây một người bạn, ông ta nói với mình là có một nơi có lẽ là thuận lợi. Này cậu đến đây đi, lo hộ trực cuộc chơi của trẻ một lúc nhé; mình đi để xem đây, và mình sẽ trở lại đây ngay.

Cha đến nới ông bạn vừa nói, thấy một căn nhà nhỏ tồi tàn một lầu, với cầu thang và ban công bằng gỗ đã mọt nát, có vườn, đồng cỏ, đồng ruộng bao quanh.[349] Cha muốn bước lên cầu thang, nhưng ông Pinardi và Pancrazio nói với cha:

  • Không. Nơi dành cho cha ở đây, phía sau cơ.

Đó là một mái che kéo dài, một bên dựa vào tường, bên kia thì kết thúc ở độ cao khoảng một mét tính từ mặt đất.[350] Nó có thể được dùng khi cần để làm nhà kho hay để chất củi chứ không làm được việc gì khác. Để vào trong đó, cha phải cúi đầu xuống để khỏi đụng vào cái gác xép sát mái. Cha mới nói:

  • Tôi không dùng được. Nó thấp quá!

Ông Pinardi liền vồn vã:

  • Con sẽ cho sửa lại cho cha theo như ý của cha. Con sẽ đào đất xuống, sẽ làm những bậc đi xuống, sẽ làm một cái nền mới; nhưng có phải cha rất mong muốn đặt xưởng thợ của cha ở đây chứ ?
  • Không phải một xưởng thợ, mà là một Nguyện xá, một nhà thờ nhỏ để qui tụ những đứa trẻ.
  • Vậy thì càng tốt. Con sẽ hết lòng giúp cha. Chúng ta hãy làm giao kèo. Con cũng là một người biết hát, con sẽ đến giúp cha; con sẽ mang tới hai chiếc ghế, một cho con và một cho vợ con. Hơn nữa trong nhà con có một cây đèn, con sẽ mang nó đến đây.

Con người tốt lành đó hình như bắt đầu nói huyên thuyên vì nỗi vui có một nhà thờ tại căn nhà của ông.

  • Tôi cám ơn ông, ôi người bạn tốt của tôi, về tình thương và ý muốn tốt lành của ông. Tôi chấp nhận những món quà đẹp đẽ này. Nếu ông có thể hạ thấp nền nhà xuống ít là một bước (50 cm), tôi chấp nhận Nhưng ông yêu cầu bao nhiêu?
  • Ba trăm đồng frăng; người ta muốn thuê con cao hơn nữa, nhưng con thích dành cho cha hơn, vì cha muốn dành chỗ này cho lợi ích công cộng và cho tôn giáo.
  • Tôi cho ông ba trăm hai mươi, miễn là ông cho tôi mảnh đất bao quanh[351] [khu nhà che này] để cho các trẻ em của tôi vui chơi; miễn là ông hứa với tôi là Chúa nhật tới tôi đã có thể đến đây cùng với các trẻ em của tôi.
  • Đồng ý, giao kèo đã xong.[352] Cha cứ việc đến: mọi sự sẽ xong ngay.

Cha không còn tìm gì hơn thế nữa. Lập tức cha chạy lại với các thanh thiếu niên của cha; cha tập họp chúng quanh cha và cha bắt đầu hô lớn tiếng:

  • Can đảm lên, các con của cha, chúng ta có một Nguyện xá bền vững hơn thời đã qua; chúng ta sẽ có nhà thờ, phòng áo, các phòng lớp, nơi chơi. Chúa nhật, Chúa nhật, chúng ta sẽ tới Nguyện xá mới của chúng ta, nó nằm ở đó, trong căn hộ Pinardi. – Và cha chỉ cho chúng nơi đó.

Những lời đó được đón nhận một cách nồng hậu nhất. Có em chạy hay nhảy vì vui sướng; có  em đứng im phăng phắc; có em lớn tiếng la lên, và cha còn nói thêm, với những tiếng la và những tiếng hét. Nhưng chúng tôi thật cảm kích như một người cảm thấy một niềm vui sướng lớn lao mà không biết diễn tả ra thế nào, chúng tôi ngây ngất bởi một niềm tri ân sâu xa, và để cám ơn Đức Trinh Nữ Rất Thánh đã nghe và nhận các lời cầu nguyện của chúng tôi mà sáng hôm đó chúng tôi đã kêu xin cùng Đức Mẹ Của Đồng Quê,[353] chúng tôi đã quì gối một lần chót trong cánh đồng cỏ này, và chúng tôi đã lần chuỗi Mân Côi rất thánh, sau đó ai nấy lui về nhà của mình. Như vậy cha đã chào biệt lần cuối cùng cái nơi mà mỗi người chúng tôi đã yêu mến vì nhu cầu, nhưng là nơi mà trong niềm hy vọng sẽ có được một nơi khác tốt hơn, chúng tôi đã giã từ nó không một niềm hối tiếc.

Chúa nhật tới, nhằm Đại lễ Phục sinh, vào ngày 12-4-1846,  chúng tôi chuyển về nơi này tất cả những dụng cụ của nhà thờ và những dụng cụ dùng cho các cuộc chơi, và chúng tôi tới chiếm sở hữu một nơi sinh hoạt mới.

DON BOSCO VIẾT CHO VỊ ĐẠI DIỆN THÀNH PHỐ MICAE CAVOUR

Thưa ngài, ngài được trao trọng trách chăm lo về tất cả những gì liên quan đến trật tự công cộng và dân chính cũng như về luân lý, nên tôi trông mong Ngài sẽ không phiền lòng gì đối với hoạt động dạy giáo lý của tôi, nhằm mưu ích cho các thanh thiếu niên là đối tượng ngài đã nhiều lần tỏ lòng ưu ái.

Chương trình giáo lý này đã khởi sự từ nhà thờ thánh Phanxicô Assisi, nhờ đó các bạn trẻ càng ngày càng tham gia với con số đông đảo. Trong khi đó vào năm 1844, vì lý do tham gia việc làm, tôi đã đến ở tại Công cuộc viện Nương náu, tại đó các trẻ em tốt lành tiếp tục lui tới để được dạy dỗ về tinh thần. Chính trong thời gian đó cùng với linh mục thần học gia Borel và Don Pacchiotti, chúng tôi đã trình bản ghi nhớ lên Đức Tổng Giám mục, và ngài đã cho phép biến căn phòng của chúng tôi thành Nguyện xá, nơi chúng tôi dạy giáo lý, nghe xưng tội, và cử hành Thánh lễ cho các trẻ em trên.

Vì lý do số trẻ tăng thêm, nên căn phòng không đủ để chứa các em, nên chúng tôi đã trình bày với các vị chính quyền thành phố và được các vị ký cho phép chúng tôi chuyển nơi dạy giáo lý sang nhà thờ thánh Martinô gần nhà máy xay bột của thành phố. Tại đó số trẻ em tham dự lại tăng lên đến 250 em.

Nhưng tại nhà thờ này chúng tôi lại được được vị thị trưởng thành phố báo trước là sang tháng giêng, chúng tôi phải di chuyển nơi dạy giáo lý sang chỗ khác mà không cho biết lý do. Những khó khăn đã trở nên quá lớn cho chúng tôi. Chúng tôi buộc phải từ bỏ một công cuộc vừa mới bắt đầu và xem ra đang phát triển tốt đẹp. Chỉ có bá tước xứ Collegno khích lệ chúng tôi cứ tiếp tục sau khi chúng tôi đã trao đổi với ông ta.

Trong suốt mùa đông chúng tôi đã dạy giáo lý cho các trẻ em một phần tại nhà chúng tôi ở, một phần trong các phòng thuê. Sau cùng, trong tuần qua chúng tôi đã thương lượng cùng ông Pinardi để thuê một phòng lớn với giá 280 đồng lire để làm Nguyện xá, cộng thêm hai căn phòng kế bên. Nơi này xem ra thuận lợi với chúng tôi vì nó ở gần viện Nương náu, và cũng là nơi khá xa với các nhà thờ, và lại gần với các hộ dân đang ở. Chúng tôi chỉ còn chờ ý kiến ngài cho chúng tôi hay là mọi sự như thế là tốt đẹp về phương diện xã hội dân chúng ở bên ngoài.

Mục đích của tổ chức dạy giáo lý này là để tiếp nhận các thanh thiếu niên trong các ngày lễ. Chúng là những trẻ bị bỏ rơi để tự mình lo lấy mình, không thuộc về bất cứ một nhà thờ nào để có thể tới đó học hành, và được tiếp đón tại đó với những lời nói thân tình, những ước hẹn, những phần quà và nhiều thứ khác giống thế. Công việc dạy dỗ chính xác gồm những phần sau đây: 1. Yêu lao động. 2. Năng tham dự các bí tích. 3. Tôn trọng các quyền bính và các bề trên. 4. Tránh các bạn xấu.

Những nguyên tắc mà chúng tôi tìm cách đưa sâu vào trong tấm lòng của chúng đã tạo nên những kết quả kỳ diệu. Trong khoảng ba năm, hơn 20 em ôm ấp đời sống tu trì, 6 em học Latinh để theo đuổi đời sống giáo sĩ, rất nhiều em khác trở nên tốt lành và bắt đầu tham gia đời sống giáo xứ của chính các em. Điều này càng được đánh giá cao hơn bởi vì tình trạng của các em từ 10 tuổi đến 16 tuổi không được hướng dẫn bởi các nguyên tắc tôn giáo cũng như đạo đức, và phần đa chúng đã là những con mồi cho các tật xấu, và tạo nên nỗi phiền toái cho trật tự công cộng, và khiến nhiều người trong số bị đưa vào vòng lao tù.

Vì Ngài có tấm lòng tốt lành, yêu quí những gì góp phần cho trật tự công cộng, dân sự và luân lý, nên chúng tôi khẩn khoản cầu xin ngài che chở cho những khó nhọc của chúng tôi, vì như ngài thấy, chúng tôi không làm việc vì lợi lộc, mà chỉ vì muốn kiếm các linh hồn về cho Chúa.

Những chi phí chúng tôi phải cung cấp cho công việc tìm kiếm chỗ cho công cuộc này là rất nhiều; chúng tôi đã hân hạnh có được bá tước Collegno kính mến sẵn sàng đứng ra làm ân nhân cho chúng tôi. Ông đã không phiền lòng trình bày sự việc cho chính ngài, vì thế ông sẽ trao đổi chi tiết mọi sự việc với ngài. Vậy nếu ngài muốn nói chuyện với tôi và với các bạn hữu cùng cộng tác với tôi, thì chúng tôi rất vui lòng khi nhận được tín hiệu của ngài, và chúng tôi thật sự nôn nóng được gặp ngài.

Vậy xin ngài vui lòng đón nhận tấm lòng chân thành của chúng tôi đã dám tự do bộc lộ với ngài như vậy. Tôi xin cầu chúc ngài mọi sự tốt đẹp từ Chúa, và tôi xin thật sự lấy làm vinh dự to lớn được trình bày với ngài với sự hết lòng trân trọng và quí mến của tôi.

Tôi xin ký tên

Như tôi tớ người khiêm hạ và tri ân

Của ngài Đại diện Đức vua rất kính mến

Linh mục Gioan Dosco

Linh hướng của viện Nương náu

 [Sau đây là lời ghi chú viết tay của Bá Tước Michele Cavour:]

Hẹn gặp. Tôi đã nói chuyện với Đức Tổng Giám mục và với bá tước Collegno. Các vị đó đã không e ngại gì để ủng hộ cho công việc dạy giáo lý và tôi sẽ rất vui lòng tiếp đón linh mục Bosco vào lúc hai giờ chiều thứ hai ngày 30 tháng 3. [Ghi chú] Ngày 28 tháng 3, Benso di Cavour.

  • Với 31 tuổi, Don Bosco đã tỏ ra chín chắn, kiên quyết cùng khôn khéo và dạn dĩ trong vai trò sáng lập Công cuộc Nguyện xá của ngài vượt qua những khó khăn như thế nào?

THỜI KỲ THẬP NIÊN III: 1846-1855

  1. NHÀ THỜ MỚI

Dù cho nhà thờ mới này thật sự là một cái gì nhỏ bé,[354] tuy nhiên vì được thuê bằng một hợp đồng chính thức, nên đã giải thoát cho chúng tôi khỏi nỗi lo lắng cứ phải từng lúc di trú từ một nơi này sang nơi khác với những khuấy động nghiêm trọng. Còn đối với cha, đây xem  như thật sự là nơi cha đã mơ thấy được viết hàng chữ: Đấy là nhà của Ta, từ đấy giải tỏa vinh quang của Ta [Haec est domus mea, inde gloria mea], cho dù những dự định của trời có khác![355]

Căn nhà mà chúng tôi đang ở đây đặt ra một khó khăn không nhỏ; nó là một căn nhà vô luân; khó khăn cũng đến từ phía nhà hàng Giardiniera, căn nhà của bà Bellezza hiện tại, nơi đặc biệt vào các ngày lễ qui tụ những hạng ăn chơi của thành phố. Nhưng dẫu sao chúng tôi cũng có thể thắng vượt tất cả và bắt đầu thực hiện đều đặn các cuộc qui tụ của chúng tôi.

Công việc đã hoàn tất[356], Đức Tổng Giám mục vào ngày [10] tháng tư [1846][357] ban năng quyền làm phép và thánh hiến ngôi nhà khiêm cung đó cho việc thờ phượng Thiên Chúa. Việc đó xảy ra vào Chúa Nhật ngày[10][358]tháng tư năm 1846.[359] Cũng chính Đức Tổng Giám Mục nhằm nói lên sự hài lòng của ngài, đã tái xác nhận lại việc ban các năng quyền như ngài đã ban khi chúng tôi còn ở viện Nương náu, tức là hát lễ, làm các tuần tam nhật, cửu nhật, các cuộc linh thao, cho các em được đón nhận thêm sức, rước lễ lần đầu, và cũng có thể hoàn thành “điều răn Hội Thánh” về giữ lễ cùng rước lễ Phục sinh cho tất cả các em tham dự Viện của chúng tôi.

Một nơi ở vững bền, các chữ ký ưng thuận của Đức Tổng Giám mục, các nghi thức long trọng, âm nhạc, tiếng đồn khắp nơi về một vườn thanh thiếu niên vui chơi, đã thu hút các bạn trẻ từ khắp chốn. Một số các giáo sĩ bắt đầu trở lại. Trong số các vị tham gia vào công cuộc, đáng ghi nhận  cha Giuse Trivero, tiến sĩ thần học Giacintô Carpano, tiến sĩ thần học Gioan Vola, tiến sĩ thần học Roberto Morialdo, và tiến sĩ thần học kiên cường Borel.[360]

Các việc phụng vụ thánh được cử hành như sau: Trong các ngày lễ, vào sáng sớm mở cửa nhà thờ; và các em bắt đầu xưng tội cho mãi tới giờ lễ. Thánh lễ được ấn định vào 8 giờ, nhưng để thỏa mãn cho đám đông các em ao ước được xưng tội, không hiếm khi thánh lễ được dời lại cho tới 9 giờ hoặc trễ hơn nữa. Một vị nào trong số các linh mục hiện diện sẽ hộ trực các em, và các em đọc kinh chia thành hai bên thay phiên nhau. Trong Thánh lễ, em nào có chuẩn bị thì lên rước lễ. Kết thúc Thánh lễ, cha cởi áo lễ, rồi bước lên một cái ghế  thấp, bắt đầu việc cắt nghĩa Phúc Âm, có khi được thay thế bằng việc kể chuyện Lịch sử Thánh.[361] Các tường thuật này được nói cách đơn sơ và bình dân, với màu sắc của các phong tục của các thời, các nơi chốn, các tên địa lý của chúng, khiến cho chính các bạn nhỏ cũng như những bạn trưởng thành cùng các vị giáo sĩ hiện diện đều lấy làm thích thú. Sau bài giảng, thì có các lớp học cho tới giữa trưa.

Vào một giờ trưa, cuộc chơi bắt đầu, với bun, với các cây cà kheo, súng, gươm bằng gỗ và những dụng cụ thể thao sơ khởi. Vào hai giờ rưỡi, bắt đầu học giáo lý. Các em nói chung rất là dốt nát. Nhiều lần cha bắt đầu hát kinh Ave Maria [Kính Mừng], mà khoảng 400 em hiện diện, không em nào có khả năng đáp lại, cũng chẳng có thể tiếp tục, nếu giọng cha ngưng lại.

Kết thúc giờ giáo lý, vì các em chưa có thể hát Vespri [Phụng vụ kinh chiều], nên tất cả lần hạt mân côi. Sau này các em bắt đầu hát Ave Maris Stella [Kính chào Mẹ là sao biển], rồi kinh Magnificat [Linh Hồn Tôi Ngợi Khen Đức Chúa], rồi kinh Dixit [ Lạy Chúa, Giờ Đây Xin cho Tôi Tớ Chúa Ra đi Bình an…], cùng các thánh vịnh khác; và sau cùng là kinh Tiền xướng ca và trong vòng một năm, tất cả chúng tôi đều có thể Hát phụng Vụ kinh Chiều Kính Đức Mẹ.

Cùng với việc hát kinh chiều, cũng có một bài giảng ngắn sau đó, bài này chủ yếu là một tấm gương, trong đó một tật xấu hay một nhân đức được hiện thân lên. Mọi sự đều được kết thúc bằng việc hát kinh cầu và chầu phép lành Thánh Thể.

Ra khỏi nhà thờ là bắt đầu thời giờ tự do trong đó mỗi người có thể làm gì theo ý mình muốn. Có những em tiếp tục lớp giáo lý, những em khác lớp hát, hay lớp tập đọc, nhưng phần đa số qua thời gian này bằng chạy, nhảy và vui chơi thỏa thích trong các trò chơi và cuộc vui khác nhau. Tất cả các trò mạo hiểm xuyên qua nhảy dài, chạy đua, trò tung hứng, làm xiếc với các cây gậy,  đi trên dây mà xưa kia cha đã học được từ các tay xiếc và nhào lộn, bây giờ được đưa ra thi thố dưới sự chỉ dẫn của cha. Bằng cách đó mới có thể kiểm soát và hãm phanh lại cái đám đông mà phần đa có thể nói được rằng: Chúng giống như lừa ngựa, giống vô tri [Sicut equus et mulus, quibus non est intellectus (Tob. C. VI và Tv 31: 9)].

Tuy nhiên cha phải nói rằng bất chấp sự chưa hiểu biết lớn lao của chúng, cha vẫn cảm phục nơi chúng một sự kính trọng lớn lao đối với những chuyện thuộc về nhà thờ, đối với các vị mục tử  thi hành các chức vụ thánh, và một sự mong muốn lớn lao được học hỏi những chuyện tôn giáo. Hơn nữa cha dùng cuộc chơi ngoài lệ như thế để làm len lỏi vào trong các học trò của cha những tư tưởng về tôn giáo và về việc năng tham dự các bí tích. Đối với những em này cha dùng một lời nói rỉ tai, căn dặn các em vâng lời nhiều hơn, mau mắn hơn trong các bổn phận của bậc sống của mình; đối với những em khác cha khuyên nhủ hãy đi học giáo lý thường xuyên, hay hãy đến xưng tội hoặc những chuyện tương tự như thế. Cho nên đối với cha các dịp vui chơi là một cách thế thích hợp để cha chăm sóc đến cả một đám đông các bạn trẻ, là những em vào ban chiều ngày thứ bảy cũng như ban sáng Chúa nhật đã có thiện chí đến để lo xưng tội.

Có đôi khi cha đem chúng ra khỏi chính các trò chơi của chúng để dẫn chúng đi xưng tội khi mà cha đã thấy chúng không sẵn sàng với những bổn phận quan trọng này. Cha sẽ kể lại một trong nhiều vụ việc. Một cậu trẻ tuổi được mời gọi nhiều lần hãy đến lo các bổn phận xưng tội rước lễ dịp Phục sinh; Chúa nhật nào em cũng hứa là sẽ làm, nhưng rồi em đã không giữ lời hứa. Một Chúa nhật nọ, sau các cử hành thánh, em bắt đầu chơi sinh động hết cỡ nói. Trong khi em chạy mọi phía, vừa chạy vừa nhảy, ướt đẫm mồ hôi, mặt em đỏ bừng khiến em không còn biết được là mình đang ở trên thế giới này hay trong một thế giới khác, cha liền vội vã hết sức gọi em lại, xin em đi theo cha vào trong phòng áo để giúp cha hoàn tất một chuyện. Em đã muốn đến trong tư thế em đang là, với chỉ bộ áo sơ mi thôi; không, cha nói với em, con phải mặc áo gi-lê vào rồi mới tới. Khi chúng tôi đến phòng áo, cha dẫn em lên khu ca đoàn, rồi nói thêm cùng em:

  • Con hãy quì trên chiếc bàn quì này.

Em quì; nhưng em muốn kéo lê ghế quì sang một bên.

  • Không, cha nói thêm, con hãy để mọi cái đúng ở chỗ của nó.
  • Cha muốn con làm gì?
  • Đi xưng tội. – Con chưa chuẩn bị. – Cha biết.
  • Vậy thì sao? – Vậy thì con hãy chuẩn bị, rồi con đi xưng tội.
  • Tốt quá, thiệt tốt quá, em thốt lên; con thực sự cần xưng tội; con thực sự cần xưng tội, cha đã làm cho con điều thiệt tốt là đem con vào cách thế này, nếu không, do sợ chúng bạn, con đã không đến xưng tội.

Trong khi cha đọc ít kinh nhật tụng, thì cậu bé đã dọn mình xong; rồi em đã xưng tội một cách khá tốt lành và cám ơn Chúa cách rất sốt sắng. Kể từ đó em ở luôn bền bỉ trong số những em luôn kiên trì hoàn thành các nhiệm vụ tôn giáo của em. Thế rồi em thường kể lại sự kiện này cho chúng bạn của em nghe rằng Don Bosco đã dùng một chiến thuật tuyệt vời để bắt con sáo sa vào tròng.

Đêm sắp xuống, một hồi chuông rung ra hiệu, tất cả tập họp tại nhà thờ, tại đó mọi người cầu nguyện một chút hay lần hạt cùng với kinh Truyền Tin, và mọi sự kết thúc với bài hát Ngợi khen Chúa đến muôn đời v.v…

Ra khỏi nhà thờ, cha đi vào giữa chúng, đồng hành cùng chúng trong khi chúng hát vang hay la hét. Sau khi đã leo đến bùng binh Rondò[362], các em còn hát lên vài đoạn của Sách thánh ca ngợi khen Thiên Chúa, rồi hẹn hò nhau Chúa nhật tới, cùng chào nhau to tiếng một buổi chiều tốt lành, rối ai nấy về nhà mình.

Đây là một cảnh ra về từ Nguyện xá thật độc nhất. Ra khỏi nhà thờ, từ mỗi người vang lên cả ngàn lần lời chúc nhau “buổi tối vui nhé, vui nhé…”, mà không sao dứt ra được khỏi đám đông các bạn hữu. Cha có nói mãi cũng vô ích: – Các con về nhà đi, tối rồi, cha mẹ các con đợi các con.

Hoàn toàn vô ích. Cha phải để cho chúng tiếp tục tụ tập; sáu trong số những em cường tráng nhất bện các cánh tay lại thành một chiếc ghế trên đó, như trên một chiếc ngai cha được ép ngồi lên.[363] Chúng xếp thành nhiều hàng trật tự, rước Don Bosco trên cái ngai làm bằng những cánh tay đó, cao hơn hẳn nhưng bạn có thân hình cao lớn nhất, và vừa tiến bước vừa ca hát, cười vang và hét vang cho tới bùng binh thường gọi là Rondò. Tại đó chúng còn hát thêm một vài bài thánh ca, rồi  kết bằng bài ca long trọng “Ngợi khen Thiên Chúa đến muôn đời”. Thế rồi tất cả giữ im lặng như tờ, để cha có thể khi đó cầu chúc cho tất cả “Các con hãy vui hưởng một buổi tối tốt lành và một tuần lễ hạnh phúc!”. Tất cả đều trả lời to bao nhiêu có thể “Chúc cha buổi tối tốt lành”. Vào lúc đó, cha được hạ xuống khỏi ngai của cha; mỗi em trở về với lòng gia đình của các em, trong khi một vài bạn trong số các bạn lớn đi theo cha cho tới tận nhà, và cha thì nửa chết nửa sống vì mệt nhoài.

  • Phong cách giáo dục tôn giáo và hướng dẫn thực hành các bí tích của Don Bosco tuyệt vời như thế nào?
  1. VUA CỨU NGUYỆN XÁ

ÔNG CAVOUR LẠI RA TAY – HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ – CẢNH SÁT

Không kể gì đến trật tự, kỷ luật và sự yên tĩnh của Nguyện xá chúng tôi, bá tước Cavour, vị đại diện[364] thành phố, cho rằng các cuộc tụ tập của chúng tôi có các mục tiêu nguy hại. Khi ông biết rằng cha đã luôn hành động với sự thỏa thuận của Đức Tổng Giám mục, ông đã triệu tập Hội đồng Quản trị thành phố[365] tại dinh Đức Tổng Giám mục vì lý do Đức Tổng Giám mục khi ấy có phần ốm đau.

Hội đồng Quản trị thành phố là thành phần tuyển lọc gồm những thành viên hàng đầu của Hội đồng thành phố. Họ nắm trong tay guồng máy cai trị dân chính của thành phố. Vị đứng đầu Hội đồng Quản trị thành phố được gọi là chủ tịch Hội đồng, Người thứ nhất trong ban Mười vị thành viên hay cũng gọi là vị Đại diện thành phố, và về quyền lực thì ông ở trên ông thị trưởng thành phố.[366]

Sau đó Đức Tổng Giám mục đã phải thú nhận: – Khi cha  thấy tất cả các bậc vị vọng đó tới họp trong căn phòng này, cha cảm thấy mình như đang đứng trước cuộc phán xét chung của Chúa. – Người ta đã thảo luận rất nhiều về ủng hộ hay là chống lại; nhưng sau cùng họ đi đến kết luận là tuyệt đối phải ngăn cản và phân tán tất cả các cuộc tụ tập này, bởi vì nó phương hại tới an ninh công cộng.

Công tước Giuse Provana của miền Collegno[367] cũng là thành phần của Hội đồng thành phố này. Ông là ân nhân nổi bật của chúng tôi, và khi đó là Bộ trưởng Tổng Kiểm toán, tức là Bộ Tài chính, trong cung đình vua Carlô Albertô. Ông đã nhiều lần ban cho cha các trợ cấp của riêng ông cũng như là phần của nhà vua. Vị vua này đã nghe nói đến Nguyện xá với nhiều ưu ái. Khi cho thiết triều long trọng, nhà vua rất vui lòng đọc bản tường trình mà cha kính gửi đến bằng văn bản, hay nghe vị công tước nói trên tường thuật lại bằng miệng. Ngài đã nhiều lần chuyển lời đến cha rằng ngài rất quí chuộng phận vụ này của sứ vụ linh mục, nói lên ước vọng tha thiết của ngài là trong tất cả các thành phố và các làng quê của nước của ngài cần tạo nên được các viện [giáo dục] như thế. Vào đầu năm, ngài luôn luôn gửi đến cho cha một trợ cấp 300 lire với những lời như sau: “Gửi cho các trẻ tinh nghịch của Don Bosco”.

Khi biết được rằng hội đồng thành phố đe dọa sẽ giải tán các cuộc tụ tập của chúng tôi, Ngài đã giao trách nhiệm cho vị công tước nói trên thông tri cho họ biết ý muốn của ngài bằng những lời sau đây: – Ý của trẫm là những cuộc tụ tập trẻ trong các dịp lễ này cần phải được cổ xúy và bảo vệ; nếu có nguy cơ tạo nên những sự  rối trật tự, thì cần nghiên cứu cách thức để đề phòng và ngăn cản.

Công tước Collegno đã im lặng trong suốt buổi tranh luận gây cấn, nhưng khi ông thấy rằng người ta đã đề nghị lệnh cấm và vĩnh viễn giải tán các cuộc tụ tập của cha, thì ông đứng dậy, xin phép được lên tiếng để thông báo ý của nhà vua, và sự che chở mà nhà vua muốn dành cho cái cơ chế bé nhỏ này.

Vừa nghe những lời này cả ngài Đại diện lẫn Hội đồng đều im lặng. Ngài Đại diện lập tức cho gọi cha đến gặp ông một lần nữa, và với một giọng điệu đe dọa và gọi cha là cứng đầu, đã kết luận với những lời tử tế như sau: – Tôi không muốn sự xấu cho một ai cả. Cha đã làm việc với ý hướng tốt, nhưng cái cha đang làm thật đầy nguy hiểm. Tôi thì buộc phải duy trì an ninh xã hội. Tôi sẽ cho người giám sát cha và các cuộc tụ tập của cha. Chỉ cần một chuyện nhỏ xíu tạo phương hại cho cha, là tôi lập tức giải tán các chú bé tinh nghịch của cha, còn cha thì phải để ý đến những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Có lẽ do những vụ gây rối ông ta đã phải chịu đựng, hay một cơn bệnh nào đó đã hành hạ ông ta,  khiến lần này là lần cuối cùng  mà quan Đại diện Cavour tới với Hội Đồng thành phố. Ông bị tấn công bởi căn bệnh gút, phải chịu nhiều đau đớn và ít tháng sau ông được đưa xuống mồ.

Nhưng trong sáu tháng ông còn sống, mỗi Chúa nhật ông đều sai một vài nhân viên an ninh hay cảnh sát  đến ở suốt ngày với chúng tôi, canh chừng tất cả những gì được nói hay làm tại nhà thờ hay ngoài nhà thờ.

  • Này chú mày, ông bá tước Cavour nói cùng một trong những người cảnh sát, chú nó đã thấy gì, nghe gì ở cái chỗ đám động lộn xộn đó?
  • Thưa bá tước, chúng con đã thấy cả một đám đông vô cùng đông đảo các trẻ em vui chơi dưới cả ngàn cách thức: chúng con đã nghe giảng ở nhà thờ những bài giảng khiến cho người ta khiếp sợ. Người ta nói biết bao nhiêu chuyện về hỏa ngục và về các ma quỉ, khiến cho chính con cũng nảy ra ý muốn đi xưng tội.
  • Thế còn những chuyện chính trị?
  • Về chính trị chẳng có ai nói đến gì cả, bởi vì những đứa trẻ này sẽ chẳng hiểu chút gì về các chuyện đó. Con tin rằng chúng bàn rất tốt về chuyện các chiếc bánh mì nhỏ, xoay quanh đề tài này, mỗi người trong chúng đều có khả năng tham luận ngay lập tức.

Ông Cavour chết rồi, thì chẳng còn ai trong Hội đồng thành phố tạo cho chúng tôi những sự phiền hà cả; thậm chí mỗi khi có dịp, thì Hội đồng thành phố đều rất ưu ái đối với chúng tôi cho tới năm 1877.

  • Vua Carlô Albertô đã bảo vệ cho công cuộc của Don Bosco trước áp lực của ông Cavour như thế nào?
  1. KHAI SINH TRƯỜNG DẠY BAN TỐI

CÁC LỚP HỌC NGÀY CHÚA  NHẬT – CÁC LỚP HỌC BAN TỐI

Tại nhà thờ thánh Phanxicô, cha đã cảm nhận thấy sự cần thiết phải có các lớp dạy học nào đó. Một số các bạn trẻ tuổi rất lớn, mà vẫn còn rất ngu tối về các chân lý đức tin. Đối với chúng, việc dạy bằng lời suông sẽ kéo dài rất lâu và hơn nữa rất buồn chán cho chúng; do đó chúng dễ dàng bỏ không tham dự nữa. Cha đã cố gắng dạy chúng học hành kiểu trường lớp một chút, nhưng không thể làm được do thiếu các nơi chốn và các thầy dạy thích đáng sẵn sàng đến giúp chúng tôi. Tại viện Nương náu và rồi tại căn nhà cha Moretta,[368] chúng tôi đã khai trương một loại trường Chúa nhật, và khi chúng tôi đến Valdocco chúng tôi cũng bắt đầu trường lớp ban tối đều đặn nữa.

Để đạt được một kết quả tốt nào đó, cần phải chọn dạy một môn thôi, trong từng đợt một. Chẳng hạn trong một hay hai Chúa nhật, ta cho đọc hết, rồi tái đọc lại toàn bộ các mẫu chữ abc và các phụ âm đi kèm theo các nguyên âm; thế rồi ta lấy ngay cuốn giáo lý nhỏ xoay quanh đó ta giúp các em đánh vần và đọc cho tới khi các em có thể đọc một hay hai trong số các câu hỏi đầu tiên của cuốn giáo lý, và bấy nhiêu tạo nên bài học cho các em trong suốt cả tuần lễ. Chúa nhật tới, ta cũng cho các em nhắc lại cùng một nội dung, nhưng có thêm vào các câu hỏi và các câu trả lời khác. Bằng cách đó trong tám ngày lễ cha có thể đạt tới mức là một số em đã có thể tự mình đọc và học toàn bộ những trang sách giáo lý. Điều này cứu được nhiều thời giờ. Với phương pháp cũ, các bạn lớn tuổi hơn buộc phải lui tới các lớp giáo lý nhiều năm mới có thể được dạy dỗ đủ duy chỉ để tham dự bí tích thống hối.

Những cuộc thử nghiệm các lớp học Chúa nhật đã đem lại lợi ích cho nhiều em, nhưng vẫn không đủ; bởi lẽ không ít em, do trí rất chậm, đã hoàn toàn quên cái mà Chúa nhật trước các em đã được học. Thế là các lớp học tối được đưa vào. Các lớp này đã được bắt đầu ngay tại khu viện Nương náu, rồi được tiếp tục với sự đều đặn nhiều hơn tại căn nhà cha Moretta, và còn tốt đẹp hơn thế nhiều khi vừa có thể có chỗ vững bền tại Valdocco. Các lớp học ban tối sản sinh hai hiệu quả tốt đẹp: Chúng tác động các bạn trẻ đến tham dự để rèn luyện mình về chữ nghĩa, điều mà chúng cảm thấy cần thiết một cách nghiêm trọng; đồng thời chúng tạo một sự thuận lợi lớn cho việc học hỏi đạo là điều tạo nên mục tiêu cho các nỗi quan tâm của chúng tôi.

Nhưng lấy đâu ra biết bao nhiêu các giáo viên trong khi mà mỗi ngày đều cần bổ sung thêm các lớp? Để cung ứng cho nhu cầu này, cha đã bắt đầu dạy dỗ cho một số các bạn trẻ của thành phố. Cha dạy các em này tiếng Ý, tiếng La tinh, tiếng Pháp, toán học hoàn toàn miễn phí, nhưng bó buộc các em phải đến gúp cha dạy giáo lý và dạy các lớp Chúa Nhật và các lớp ban tối của cha. Các giáo viên nhỏ của cha này, ngay vào thời đó là tám hay mười em, còn tiếp tục tăng lên về con số, và với các em, cha đã bắt đầu khâu các học sinh.[369]

Khi cha ở Trường Đào Tạo Các Giáo Sĩ Thánh Phanxicô Assisi, thì trong số các học trò của cha, cha có những em Gioan Coriasco, bây giờ là Thầy Dạy Mộc; Phêlixê Vergnano, bây giờ là người buôn sợi; anh Phaolô Đelfinô, bây giờ là giáo viên khóa kỹ thuật. Tại Khu Viện Nương Náu, cha có các học trò là anh Antôniô Melanotte, bây giờ là chủ tiệm hàng tạp hóa, anh Gioan Melanotte, bây giờ là chủ tiệm mứt, anh Felicê Ferrero, bây giờ là người môi giới; anh Phêrô Ferrero là nhạc sĩ, anh Gioan Piola, bây giờ là thợ mộc, chủ tiệm đồ gỗ. Thêm vào con số các học trò này còn có Lu-y Genta, Vittorio Morna, và những người khác là những người không tham gia lớp học cách liên tục và lâu dài. Cha đã phải tốn kém rất nhiều thời giờ và rất nhiều tiền bạc, nhưng thường thường vào lúc cha cần hơn cả, thì họ lại bỏ cha.

Cộng thêm vào con số các bạn trẻ này còn có các ông khác của thành phố Tôrinô. Những người kiên trì là ông Giuse Gagliardi, người bán hàng trang trí, ông Giuse Pino có cùng một nghề như ông Gagliardi, ông Vittorio Ritner, thợ kim hoàn và những người khác. Các linh mục thì giúp cha cách riêng trong việc cử hành thánh lễ, việc giảng thuyết và dạy các  lớp giáo lý cho các bạn đã trưởng thành hơn.

Một khó khăn to lớn là vấn đề về sách vở, bởi vì khi đã học xong sách giáo lý cấp nhỏ, thì không còn có thêm sách học khác nữa. Cha đã tra cứu tất cả các truyện Lịch sử thánh nhỏ thường được dùng trong các trường học của chúng ta, mà cha không thể nào tìm được bộ nào thỏa mãn được nhu cầu của cha. Nào là thiếu tính bình dân, có các sự kiện không thích hợp, các câu hỏi thì dài và lỗi thời, đấy là những khiếm khuyết chung. Thế rồi nhiều dữ kiện được trình bày trong một cách thế khiến chúng đặt đời sống luân lý của các bạn trẻ trong sự nguy hiểm. Đằng khác tất cả các sách trên đều ít chú tâm nêu lên những điểm phải giúp tạo nên nền tảng cho các chân lý của đức tin. Chúng ta cũng phải nói y như trên liên quan đến các dữ kiện về việc thờ phượng bên ngoài, về luyện tội, về việc xưng tội, về Thánh Thể và những chuyện tương tự.

Sau cùng, để cung cấp cho phận vụ giáo dục này cái mà các thời buổi này đang khẩn thiết và tuyệt đối đòi hỏi, cha quyết tâm dấn thân biên soạn bộ Lịch sử thánh mà ngoài lời lẽ dễ hiểu và văn thể bình dân ra, nó còn phải được sàng lọc khỏi các khuyết điểm kể trên. Đó là lý do đã thúc đẩy cha viết và cho in bộ sách mang tên là Lịch sử thánh được dùng trong các trường học. Cha không thể bảo đảm đây là một công trình trau chuốt, nhưng cha đã làm với tất cả thiện chí của mình nhằm đem lại lợi ích cho giới trẻ.[370]

Sau vài tháng thực hiện trường học ban tối này, chúng tôi đã có thể cống hiến một cuộc trình diễn công khai các kết quả của trường học ban tối của chúng tôi, trong đó các học sinh được hỏi  về toàn bộ lịch sử thánh, về địa lý xoay quanh nó,với tất cả các câu hỏi thích đáng. Quan sát viên là cha Aporti nổi tiếng,[371] ông Boncompagni[372], Tiến sĩ thần học Phêrô Baricco, Giáo sư Giuse Rayneri[373], và tất cả đã nhiệt liệt vỗ tay hoan hô cuộc thí nghiệm này.

Được khích lệ bởi các tiến bộ trong các lớp học Chúa nhật và ban tối, bổ sung cho lớp học đọc và viết, chúng tôi đã thêm các lớp số học và vẽ. Đây là lần đầu tiên tại các xứ sở của chúng tôi có mặt những loại trường như vậy. Khắp mọi nơi người ta nói đến nó như là một cái mới rất vĩ đại. Nhiều giáo viên và các nhân vật nổi tiếng thường đến thăm chúng tôi. Chính Hội đồng thành Phố cũng sai một Ủy ban với ngài Kỵ sĩ hàng ủy nhiệm Duprè[374] dẫn đầu, với một nhiệm vụ chuyên biệt được trao là đến thẩm định xem những kết quả đã được công bố ở trên về các trường lớp ban tối có phải là đúng như vậy chăng. Chính các vị đã hỏi về cách đọc, về tính toán, về thuật kể chuyện, và họ đã không thể cắt nghĩa tại sao [các thanh niên trẻ này], thực sự còn là chưa biết chữ cho tới mười tám tuổi, thậm chí hai mươi tuổi, lại có thể trong thời gian ít ỏi tiến bộ vượt bậc như thế này trong việc tiếp thu sự dạy dỗ và giáo dục. Khi thấy một số đông lớn lao như thế các bạn thanh niên trẻ này thay vì đi lang thang ngoài phố, biết tập họp lại vào ban tối, tham dự việc học hành, các vị đó đã lên đường lòng đầy phấn khởi. Sau khi các sự kiện được báo cáo đầy đủ lên, Hội đồng thành Phố đã ban một phần thưởng hằng năm là 300 frăng, phần thưởng này được nhận cho đến năm 1878 khi, không thể hiểu vì lý do nào, số tiền trợ cấp đó lại bị cất đi để ban cho một trường khác.[375]

Kỵ sĩ Gonella, mà lòng nhiệt thành và đức bác ái còn để lại tại Tôrinô một sự ghi nhớ vinh quang và bất tử, khi đó là Giám đốc Công cuộc Trường dạy giới ăn xin[376]cũng đến nhiều lần để thăm chúng tôi vào năm ấy (1847), và đã đem áp dụng chính các trường lớp và chính phương pháp như trên vào trong công cuộc được trao phó cho ngài. Nhưng sau khi đã báo cáo mọi chuyện lại cho các vị quản trị của công cuộc của ngài, thì các vị ấy trong một buổi họp toàn ban, đã ra quyết nghị thưởng một ngàn frăng cho các trường lớp của chúng tôi. Hội Đồng Thành Phố cũng theo gương ông, và chỉ trong khoảng ít năm, các trường ban tối được phổ biến trong tất cả các thành phố chính của xứ Piemonte.

Còn một nhu cầu nữa xuất hiện: một cuốn sách phục vụ cho các việc sùng kính thích nghi với các thời điểm. Có rất nhiều các cuốn sách, mà do những ngòi bút có giá trị viết, đang lưu hành trong tay mọi người. Nhưng những cuốn sách này nói chung được viết cho những người lớn, có học, và hơn thế nữa, có thể phục vụ cho các người Công giáo, Do Thái và Tin Lành. Bên cạnh đó có nhiều cuốn sách không thích hợp với giới trẻ[377] càng ngày càng len lỏi vào dân chúng, cha đã lo biên soạn một cuốn sách thích hợp với giới trẻ, ích lợi nhờ vào những tư tưởng tôn giáo của nó, dựa trên Kinh Thánh, một cuốn sách trình bày các nền tảng của đạo công giáo với sự vắn tắt và sự sáng sủa  tối đa. Đó là cuốn Hành trang người trẻ [Il Giovane provveduto].[378]

Cũng cần phải làm cùng một chuyện như trên cho việc dạy môn số học và hệ thống đo lường. Đúng là việc sử dụng hệ thống mét không bó buộc cho đến năm 1850; nhưng nó đã được đưa vào học đường kể từ năm 1846. Cho dù nó đã được đưa vào một cách hợp pháp trong các học đường, nhưng quả thật còn thiếu những sách

giáo khoa. Cha đã cung cấp cuốn: Hệ thống mét thập phân được chuyển thành đơn giản nhất, v.v…

  • Công việc dạy dỗ các trẻ Nguyện xá của Don Bosco gồm các lãnh vực gì? Theo bạn nó chuẩn bị cho trẻ bước vào đời làm sao?
  1. CƠN BỆNH NẶNG

CƠN BỆNH –  VIỆC KHỎI BỆNH –
LẬP KẾ HOẠCH SỐNG TẠI VALDOCCO

Công việc đa đoan cha đã làm tại nhà tù, tại nhà thương Cốttôlengô, tại viện Nương náu, tại Nguyện xá và trong các lớp dạy học đã khiến cha buộc phải dùng ban đêm để biên soạn các sách mà cha tuyệt đối cần đến. Do chuyện đó mà sức khỏe của cha vốn đã rất mỏng manh,[379] nay lại trở thành tệ hại đến độ các bác sĩ đã khuyên cha hãy ngừng tất cả mọi công việc. Nhà thần học Borel, người thương cha nhiều lắm, vì lợi ích của cha, đã gửi cha nghỉ một thời gian nơi cha xứ Sassi.[380] Trong những ngày trong tuần lễ, cha nghỉ tại đây, còn Chúa nhật cha đến làm việc tại Nguyện xá. Nhưng chuyện đó không đủ. Các bạn trẻ từng đoàn một đến thăm cha; thêm vào số đó, lại còn có cả các bạn trẻ trong làng cũng đến nữa[381]. Thế là cha còn bị khuấy động hơn là khi cha còn ở lại tại Tôrinô, trong khi chính cha lại gây ra một sự khuấy động lớn vô kể cho các người bạn nhỏ của cha.

Không chỉ các bạn thuộc Nguyện xá chạy đến với cha, mà mỗi ngày, chính các học sinh của trường các sư huynh La San từ Sassi cũng đến. Đây là một giai thoại giữa biết bao nhiêu giai thoại. Người ta đã giảng một cuộc linh thao cho các học trò của trường Thánh Barbara do chính các sư huynh quản trị. Bởi vì có một số đông theo thường lệ đã đi xưng tội với cha, nên khi gần kết thúc tuần linh thao, chúng đến thành đoàn để tìm cha tại Nguyện xá; nhưng không tìm thấy cha ở đó, nên lần này chúng đi đến Sassi, cách Tôrinô 4km. Trời mưa, chúng lại không quen biết đường xá, nên chúng đi lạc vào trong các cánh đồng cỏ, đồng ruộng và các vườn nho để tìm Don Bosco. Cuối cùng chúng đến được với cha, với con số là 400 em, hoàn toàn chết lả vì đường dài và vì người chúng ướt sũng mồ hôi, lấm lem đầy bùn đất, và xin cha cho chúng được xưng tội. Chúng nói: – Chúng con đã qua cuộc linh thao, chúng con muốn nên tốt, tất cả chúng con muốn xưng tội chung, và với phép của các thầy giáo, chúng con hiện đã đến đây.

Chúng tôi nói với các em là hãy mau trở về lại với trường học để cất đi nỗi lo lắng của các thầy giáo của các em và của cha mẹ các em; nhưng các em cứ nài nẵng rằng các em muốn xưng tội. Cha hiệu trưởng trường làng, cha xứ, cha phó xứ, và cha nữa đã nghe các em xưng tội càng được nhiều em càng tốt, nhưng đáng lý phải cần tới mười lăm cha đến giải tội cho các em mới đủ.

Nhưng làm thế nào để hồi phục hay đúng hơn để làm im cơn đói của cả một đám đông này? Cha sở tốt lành (vẫn là cha sở hiện tại, cha Abbondioli) đem tất cả những thứ gì ăn được của ngài ra cho bọn trẻ: nào là bánh, cháo bột bắp, đậu, cơm, khoai tây, bắp cải, phó mát, quả, tất cả đều được đem dọn ra và cung cấp cho các em.

Thế rồi sự kinh ngạc đã dâng cao tới mức nào khi các vị giảng thuyết, các thầy giáo, một vài nhân vật được mời đã đến tham dự vào lễ nghi bế mạc tuần linh thao, và tham dự vào thánh lễ cùng việc rước lễ chung, mà không tìm thấy một em học sinh nào ở trường? Thật là một sự rối trật tự; và thế là những biện pháp hữu hiệu được quyết định để từ rày sẽ không còn xảy ra chuyện như thế này nữa.

Về tới nhà,[382] cha bị kiệt sức, và được đưa vào giường.[383] Cơn bệnh lộ ra là một cơn bệnh sưng cuống phổi, kèm thêm chứng ho và viêm phổi[384] khiến cha thấy người nóng ran. Trong tám ngày, cha được xét nghiệm là mình đang ở mức cùng của cuộc sống. Cha đã nhận Của Ăn Đàng, phép Xức dầu bệnh nhân. Cha thấy như lúc đó cha đã chuẩn bị để chết; cha tiếc là phải bỏ lại các con trẻ của cha, nhưng cha bằng lòng là cha kết thúc đời mình sau khi đã tạo được một hình thức vững bền cho Nguyện xá.[385]

Tin cha bị bệnh nặng lan ra, và thế là toàn thể đám trẻ của cha vô cùng hối tiếc, đến độ không còn có thể nói đến một sự hối tiếc nào lớn lao hơn được nữa. Vào mỗi lúc, luôn có cả đoàn các thanh thiếu niên nước mắt trào ra, đến gõ của để hỏi thăm cha đau thế nào. Càng cho biết tin tức, chúng càng hỏi nhiều hơn. Cha nghe thấy các câu hỏi han với người giúp việc[386] và cha cảm kích vì lời lẽ này. Sau này cha đã biết các trẻ yêu thương cha đến nỗi chúng đã dám làm những gì. Chúng cầu nguyện, ăn chay, đi dự thánh lễ, đi rước lễ một cách bộc phát tự nhiên. Chúng thay nhau thức đêm cầu nguyện. Ban sáng chúng đốt những ngọn nến đặc biệt cho cha, và cho tới tối khuya, chúng vẫn tụ tập với một con số đáng kể để cầu nguyện và khẩn nài Đức Mẹ Thiên Chúa rất thánh để mẹ thương gìn giữ Don Bosco đáng thương của chúng.

Một số em làm lời khấn đọc toàn bộ chuỗi tràng hạt trong suốt một tháng, những em khác thì trong một năm, một vài người khác thì trong cả đời. Chẳng thiếu các em hứa ăn chay chỉ với bánh và nước lã trong nhiều tháng, nhiều năm và trong suốt cuộc đời. Cha nhận thấy một số trẻ học nghề thợ xây ăn chay với bánh và nước lã trong nhiều tuần, mà không giảm bớt các công việc nặng nhọc của chúng từ sáng đến chiều. Hơn thế nữa, còn lại một chút thời gian ngắn ngủi, chúng liền vội vã tới quì trước Thánh Thể.

Thiên Chúa đã nghe lời chúng. Khi đó là thứ bảy, vào ban tối, ai cũng nghĩ đó là đêm cuối cùng của đời sống của cha. Cả các bác sĩ đã nói như vậy; cả cha cũng tin chắc như thế, vì nhận thấy thực sự cha chẳng còn chút sức lực nào, do liên tục mất máu. Vào đêm khuya, cha cảm thấy muốn ngủ. Cha ngủ được, và cha thức dậy thì thấy mình thoát được mối hiểm nguy. Bác sĩ Botta và bác sĩ Cafasso đến thăm cha vào ban sáng đã nói là cha hãy đi cám ơn Đức Mẹ An Ủi[387] vì ân huệ cha đã nhận được.

Các bạn trẻ của cha cũng không thể tin được nếu chúng đã không được thấy; và chúng đã thấy cha trên thực tế là cha với cây gậy, đã có thể dần dần tiến tới Nguyện xá. Ta có thể dễ dàng tưởng tượng được nỗi cảm xúc dâng tới mức nào, nhưng thực khó tả ra; thế là Bài ca tạ ơn [Te Deum] được hát lên. Cả ngàn tiếng reo hò, và niềm phấn khởi thật khôn tả!

Giữa những chuyện trước tiên phải làm, thì có việc là phải thay đổi những lời khấn hứa mà không ít bạn trẻ đã làm khi cha đang ở trong cơn thập tử nhất sinh, mà các bạn lại chưa có được sự suy nghĩ chín chắn, thành một cái gì có thể thực hiện được. Cơn bệnh này xảy ra vào đầu tháng 7 năm 1846.[388]

Cha đã đi dưỡng bệnh một vài tháng tại gia đình, vào giữa lúc cha phải rời viện Nương náu và chuyển đi đến một nơi khác,[389] ở nhà cha, tại Morialdo. Cha có thể đã kéo dài thời gian ở lại tại quê hương, nhưng các bạn trẻ bắt đầu từng đoàn một đến thăm cha, đến độ cha không còn có thể hưởng sự nghỉ ngơi và yên tĩnh. Tất cả mọi người đều khuyên cha hãy qua một vài năm ngoài Tôrinô, tại những nơi kín ẩn, để lo hồi phục lại sức khỏe ban đầu. Cha Cafasso và Đức Tổng Giám mục đều đồng ý như thế. Nhưng chuyện nghỉ ngơi như thế thực sự trở thành một điều đáng tiếc và ân hận nghiêm trọng, nên cha được sự đồng ý trở lại Nguyện xá nhưng bó buộc trong hai năm phải nghỉ tất cả việc giảng giải và giải tội. Cha đã không vâng lời. Khi trở lại Nguyện xá, cha đã bắt đầu làm việc như trước và trong suốt 27 năm, cha đã không còn cần đến bác sĩ hay thuốc men. Điều ấy đã khiến cha tin rằng công việc không phải là cái làm hại sức khỏe thể xác của cha.[390]

  1. MẸ MAGHERITA DỜI ĐẾN VALDOCCO

NƠI Ở BỀN VỮNG TẠI NGUYỆN XÁ VALDOCCO

Sau vài tháng dưỡng bệnh tại gia đình, cha thấy như  mình đã có thể trở về với các con thương yêu của cha; nhiều em trong số chúng mỗi ngày mỗi đến thăm cha hoặc viết thư cho cha, thúc đẩy cha sớm trở về giữa chúng. Nhưng biết tìm đâu ra chỗ ở, bởi cha đã bị cho nghỉ việc tại viện Nương náu? Lấy đâu ra các phương tiện để nâng đỡ một công cuộc càng ngày càng vất vả và tốn kém? Biết lấy gì để nuôi sống cha và những người cha vô cùng cần thiết với cha?

Trong thời gian đó có hai phòng trống bên căn nhà Pinardi, và chúng đã được thuê cho cha và mẹ cha.[391]

Một ngày kia cha nói với mẹ: – Mẹ ơi, con phải đến sống tại Valdocco, nhưng vì những người hiện đang ở trong căn nhà đó [có tiếng tăm xấu], mà con không thể nào đem theo với con một ai khác ngoài mẹ.[392] Mẹ cha đã hiểu tất cả sức mạnh của những lời lẽ của cha và lập tức nói thêm vào: Nếu con thấy chuyện đó đẹp lòng Chúa, thì mẹ sẵn sàng đi ngay trong giờ phút này. Mẹ cha đã phải làm một hy sinh lớn; bởi vì trong gia đình, cho dẫu không khá giả, mẹ cũng vẫn là một bà chủ của tất cả, được hết mọi người yêu mến, và được coi như là Bà hoàng của các trẻ con và người lớn.

Chúng tôi đã chuyển trước một ít đồ vật cần thiết hơn cả cùng với những cái đã có ở viện Nương náu; chúng đã được chuyển tới nơi ở mới. Mẹ cha đã chất đầy những đồ vải, khăn, drap cùng những đồ vật khác tối cần thiết vào cái hòm mây; cha thì đem theo cuốn sách nguyện, một cuốn sách lễ cùng vài sách vở cần thiết hơn cả. Và đấy là tất cả tài sản của chúng tôi. Chúng tôi cuốc bộ, từ Becchi hướng về Tôrinô. Chúng tôi dừng chân tại Chieri và đến chiều ngày 3-11-1846, thì  đến Valdocco.[393]

Khi mẹ cha nhìn vào những căn phòng thiếu thốn mọi sự đó, mẹ nói đùa: Ở nhà mẹ phải nghĩ  biết bao những ý nghĩ để mà sắp xếp và bảo ban; còn ở đây mẹ yên tâm lắm, [khỏi phải nghĩ gì], bởi mẹ có gì để ăn đâu và có ai để bảo ban đâu.

Nhưng sống như thế nào, ăn uống gì, làm sao trả các món tiền thuê và cung cấp cho rất nhiều các em mỗi lúc mỗi đến xin bánh, bít tất, quần áo hay sơ mi, mà nếu thiếu những cái đó, chúng không có thể đi tới nơi làm việc được? Chúng tôi đã cho chuyển đến từ nhà một ít rượu, hạt kê, đậu và ngũ cốc khác nhau. Để đương đầu với những món phải tiêu tức thời cha đã phải bán một ít đất đai và một giàn nho. Mẹ cha đã cho mang đến bộ đồ cưới mà cho đến nay mẹ vẫn còn giữ nguyên vẹn với cả tình yêu độc nhất. Một số các áo của mẹ được chuyển sang thành các áo lễ, với vải trắng, chúng tôi làm những chiếc khăn lau chén thánh, áo súp-pli, áo an-ba (áo dài trắng để làm lễ), và các loại khăn khác nhau. Mọi thứ đều đi qua tay của Bà Magherita Gastalđi,[394] người kể từ giờ phút đó tham gia chăm lo các nhu cầu của Nguyện xá.

Chính mẹ của cha còn có vài cái nhẫn vàng, một chiếc vòng cổ bằng vàng; chúng lập tức được đem bán để mua các đồ trang trí cho các áo lễ. Vào một buổi chiều, mẹ cha, luôn vui tính và hài hước, đã cười dòn và hát cho cha nghe:

Thế giới thật chết điếng,

Nếu chúng biết rằng chúng ta

Như lữ khách không nhà,

Không có chi để sống!

Sau khi đã sắp xếp những chuyện trong nhà cho xong, cha đã thuê thêm một căn phòng khác được dành làm phòng áo. Không có những chỗ để làm các lớp học, cha đã phải dùng nhà bếp hay phòng của cha trong một thời gian ngắn để dạy học, nhưng cái loài “nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò” này hoặc chúng phá hư mọi chuyện hoặc chúng đảo  lộn mọi thứ.

Chúng tôi đã bắt đầu một vài lớp học tại phòng áo, tại khu ca đoàn, hay tại các chỗ khác trong nhà thờ; những những tiếng nói ồn ào, tiếng hát, tiếng bước chân đi lại của những người này phá rối những gì chúng tôi muốn làm cho những người kia. Sau đó một vài tháng, chúng tôi có thể thuê thêm hai phòng nữa, và do đó tổ chức được tốt hơn những lớp học ban tối[395] của chúng tôi. Như đã nói ở trên, vào mùa đông 1846-1847[396], trường học của chúng tôi đạt được những kết quả cực tốt. Bình quân chúng tôi có 300 học sinh vào ban tối. Ngoài phần học các môn khoa học, các lớp học còn được thêm hào hứng nhờ việc luyện bình ca và thanh nhạc là những môn luôn được vun trồng ở giữa chúng tôi.

  • Don Bosco đã thuyết phục mẹ ngài đến đó bằng lý do gì? Với việc mẹ Marghêrita của Don Bosco đến Nguyện xá, sinh hoạt giáo dục tại đó nhuốm vẻ cuộc sống gia đình như thế nào?
  1. ĐOÀN THÁNH LU-Y

ĐIỀU LUẬT  CHO CÁC NGUYỆN XÁ – ĐOÀN[397] THÁNH LU-Y  CUỘC VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC CHA FRANSONI

Khi đã được an cư tại Valdocco, cha đem hết tâm hồn cổ xúy những việc có thể góp phần duy trì sự thống nhất tinh thần, kỷ luật và quản trị. Trước hết cha biên soạn điều luật, trong đó cha trình bày cách đơn giản những gì được thực hành trong Nguyện xá, và cách thức thống nhất qua đó các sự việc cần phải được làm. Điều luật này được in riêng ra, mỗi người đều có thể đọc theo ý mình muốn[398]. Lợi ích của qui luật này khá rõ ràng: mỗi người đều biết điều mình phải làm, và bởi vì cha thường để cho mỗi người chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của mình, nên mỗi người phải quan tâm lo sao để mình biết và hoàn thành phận vụ của chính mình. Nhiều vị Giám mục và quản xứ yêu cầu có được nó, nghiên cứu và sử dụng hầu du nhập công cuộc Nguyện xá vào các làng quê và các thành phố của các giáo phận có liên quan.

Khi các nền móng tổ chức phục vụ cho kỷ luật và việc quản trị của Nguyện xá đã được thiết lập, thì cần phải tạo sự khích lệ cho lòng đạo đức thông qua một số việc thực hành bền vững và thống nhất. Điều ấy được thực hiện với việc thiết lập Đoàn thánh Lu-y. Sau khi đã hoàn tất Các Luật của  Đoàn này trong giới hạn mà cha thấy là thích hợp nhất đối với các thanh thiếu niên, cha trình bày  chúng lên cho Đức Tổng Giám mục; ngài đọc rồi trao các luật này cho những người khác để nghiên cứu và trình bày ý kiến lại cho ngài. Sau cùng ngài khen ngợi các luật đó và phê chuẩn chúng và ban cho các ơn xá riêng tính từ ngày 12-4-1847. Các con có thể đọc các luật này ở phần riêng.

Đoàn thánh Lu-y tạo nên một niềm phấn khích rất to lớn cho các bạn trẻ của chúng tôi; tất cả các em muốn ghi danh vào. Để theo đuổi điều đó, cần hai điều kiện: gương sáng tại nhà thờ và ở ngoài nhà thờ; tránh các lời nói xấu xa và năng lui tới các bí tích. Thế là chúng tôi nhận thấy có một sự tiến bộ về luân lý.

Thế rồi để sinh động tất cả các bạn trẻ cử hành sáu Chúa nhật kính thánh Lu-y[399] chúng tôi mua một tượng của vị Thánh đã được yêu cầu làm tại Gonfalone. Và tạo điều kiện cho các thanh thiếu niên có được sự dễ dãi là có thể đến xưng tội vào bất cứ giờ nào trong ngày, dù là vào ban tối hay vào ban đêm. Hơn nữa bởi vì không có một em nào trong số chúng đã được chịu thêm sức, nên các em đều được chuẩn bị cho bí tích này vào dịp lễ thánh Lu-y. Các em kéo đến rất đông đảo để tham dự! Tuy thế, với sự giúp đỡ của các vị giáo sĩ khác và các giáo dân, công việc chuẩn bị thực hiện được và vào ngày lễ của vị Thánh, mọi sự đã đâu vào đấy .

Trong số những người vui lòng ghi danh vào Đoàn thánh Lu-y, đáng kể là cha Antôniô Rosmini[400], Kinh sĩ cha bề trên Phêrô De Gaudenzi[401] giờ đây là Đức Giám mục Vigevano, hai ngài Camillô Cavour[402] và Gustavô Cavour,[403] Đức Hồng Y Antonucci, Tổng Giám mục Ancona,[404] Đức Thánh Cha Piô IX, Đức Hồng y Antonelli [405] và nhiều vị khác.

Đây là lần đầu tiên có những nghi thức này tại Nguyện xá, và cũng là lần đầu tiên Đức Tổng Giám mục đến viếng thăm chúng tôi.

Trước nhà nguyện nhỏ, chúng tôi dựng một loại nhà rạp để đón Đức Tổng Giám mục. Cha đã đọc một bài diễn văn nhân cơ hội này; rồi một số bạn trẻ trình bày một hài kịch ngắn có đề tài: Anh tiểu đội trưởng của Napôlêôn. Đây chỉ là một anh tiểu đội trưởng nhát của Napôlêôn để nói lên nỗi cảm kích ngỡ ngàng của anh trước một buổi lễ long trọng cha dám nói là muôn màu muôn vẻ. Hài kịch này tạo nên biết bao vui cười và sự giải trí dịu dàng cho vị mục tử, đến nỗi ngài nói là trong đời của ngài, ngài đã không bao giờ cười nhiều như thế. Ngài rất sung sướng nói những lời đáp lại mọi người, diễn tả niềm an ủi to lớn của ngài về Nguyện xá; khen ngợi và khích lệ hãy bền vững, và cám ơn sự tiếp đón chân tình mà các em đã đón tiếp ngài.

Ngài cử hành thánh lễ và cho hơn hai trăm em rước lễ, sau đó ngài ban phép thêm sức.

Chính trong dịp này khi Đức Tổng Giám mục, sau khi đặt mũ tế lễ lên đầu, lại cứ tưởng là ngài đang ở trong nhà thờ chính tòa, nên vội ngẩng cao đầu lên, và thế là ngài đụng mạnh vào trần nhà nguyện. Chuyện này khích động mạnh nỗi tức cười vui vẻ nơi ngài và nơi các người đứng ở đó. Đức Giám mục hay nhắc lại nhiều lần chuyện đó khi nhớ lại các cuộc hội cộng đoàn của chúng tôi, khiến cho cha Rosmini đã so sánh chúng với các cuộc họp cộng đoàn tại các xứ truyền giáo xa xăm.

Cũng đáng ghi nhận là để cử hành các nghi thức thánh này có hai vị kinh sĩ của nhà thờ chính tòa cũng đến để phụ giúp cho Đức Tổng Giám mục cùng với nhiều vị giáo sĩ khác. Sau khi hoàn tất  cuộc cử hành, có ghi biên bản trong đó ghi nhận ai là người đã ban bí tích, và tên của các cha mẹ đỡ đầu các em với các dữ kiện nơi chốn và ngày tháng của buổi cử hành. Rồi các giấy chứng được thu tập, và phân chia ra theo các xứ đạo khác nhau của các em, để đem đến Tòa Giám mục hầu chuyển đến các xứ của từng em.

  • Hãy nói về tầm quan trọng của Hội đoàn trong khoa giáo dục Salêdiêng. Ngày nay chúng ta có thể áp dụng tổ chức Hội đoàn vào thực trạng của chúng ta ra sao?
  1. NHÀ NỘI TRÚ ĐẦU TIÊN

KHỞI ĐẦU KHU NỘI TRÚ – 
VIỆC TIẾP NHẬN LẦN ĐẦU CÁC TRẺ EM VÀO NHÀ NỘI TRÚ

Trong khi chúng tôi tổ chức các phương tiện để tạo sự thuận lợi cho việc dạy tôn giáo và chữ nghĩa, thì thấy xuất hiện một nhu cầu khá lớn lao cần phải cấp bách lo liệu. Nhiều thanh thiếu niên Tôrinô và những em đến từ các nơi khác đầy thiện chí dấn thân vào đời sống luân lý và nghề nghiệp; nhưng khi được mời gọi, các em thường chỉ trả lời chúng con không có [cơm] bánh, áo sống, cũng không có nơi ở để đến trú ít là trong một thời gian nào đó. Để cho lưu trú ít là vài em hiện không có nơi nương náu vào ban đêm, cha đã dọn dẹp khu chuồng bò để các em có thể qua đêm với một ít rơm rạ. Nhưng có những em thì lấy những khăn trải nằm đi, những em khác thì lấy chăn đi, thậm chí cả rơm rạ cũng bị lấy đi và đem bán.[406] Bấy giờ xảy ra vào một chiều mưa tháng năm, khi đã khuya lắm, một thiếu niên 15 tuổi ướt sũng nước xuất hiện. Mẹ cha đón em vào nhà bếp, kéo em lại gần ngọn lửa, và trong khi em sưởi ấm và hơ khô quần áo, mẹ cho em ăn cháo và bánh để hồi sức cùng lúc ấy cha hỏi em đã đi học chưa, có cha mẹ không, và làm nghề gì. Em trả lời cha: – Con là một đứa bé mồ côi nghèo khổ, đến từ thung lũng Sesia[407] để đi tìm việc làm. Con có trong túi 3 frăng, nhưng con đã tiêu hết trước khi kiếm được những đồng frăng khác nhưng bây giờ con chẳng còn một đồng nào cả và con cũng chẳng còn có một ai.

  • Con đã được nhận vào rước lễ lần đầu chưa?[408]
  • Con chưa được.
  • Còn thêm sức?
  • Con cũng chưa được chịu.
  • Con đã xưng tội bao giờ chưa?
  • Con đã xưng tội vài lần.
  • Bây giờ con muốn đi đâu?
  • Con không biết, con xin cha thương cho con được qua đêm tại một góc nào trong căn nhà này.

Nói xong, em thút thít khóc, mẹ cha cũng khóc cùng em, còn cha thì cảm động.

  • Nếu cha biết được con không phải là một đứa ăn cắp, cha sẽ tìm cách giúp đỡ con, nhưng những em kia đã lấy đi một số các chăn mền của cha, còn con sẽ lại lấy đi cái khác nữa!
  • Không thưa cha. Xin cha yên tâm; con nghèo thật, nhưng con không bao giờ ăn cắp.

Mẹ cha mới nói:

  • Nếu con muốn, mẹ sẽ sắp đặt cho nó đêm nay, còn ngày mai Thiên Chúa sẽ lo liệu.
  • Ở đâu? – Ở đây trong nhà bếp này. – Nó sẽ lấy đi cả xoong chảo.
  • Mẹ sẽ lo để chuyện đó không xảy ra.
  • Vậy thì mẹ cứ làm đi.[409]

Người mẹ tốt lành cùng với sự giúp đỡ của đứa trẻ mồ côi đã đi ra ngoài, lượm về một số viên gạch, rồi mẹ xếp thành bốn cái trụ, để có thể đặt lên trên đó những tấm ván và đặt lên trên đó một cái bao to tổ bố. Đó là cái giường đầu tiên dành cho trẻ Nguyện xá mà mẹ cha đã chuẩn bị. Rồi bà mẹ tốt lành của cha thủ thỉ một lời khuyên răn ngắn[410] về sự cần thiết phải làm việc, về sự trung thành và về đạo nghĩa. Sau cùng cha nói với em đọc các kinh nguyện. Nó trả lời: – Con không biết. Cha nói với nó: – Con hãy đọc theo chúng ta; và mọi sự xong xuôi.

Để đảm bảo mọi sự được an toàn, nhà bếp được khóa lại, và không còn được mở ra cho đến sáng.

Đó là cậu bé đầu tiên[411] của nhà Nội trú của chúng tôi. Rồi có thêm một em khác nữa, rồi lại thêm những em khác, nhưng vì thiếu nơi chốn trong năm đó, chúng tôi phải giới hạn ở con số hai em thôi.[412] Thế là năm 1847 đã trôi qua!

Nhận thấy rằng đối với nhiều em, mọi khó nhọc của chúng tôi sẽ uổng công nếu không lo được chỗ cư trú cho các em, nên cha hết sức lo liệu để thuê lại những phòng này, rồi những phòng khác [của căn nhà Pinardi], dù cho phải chịu giá cắt cổ. Nhờ thế mà ngoài nhà nội trú ra, cha còn có thể bắt đầu các lớp bình ca và thanh ca. Bởi đây là lần đầu tiên (1845) có các lớp dạy âm nhạc công cộng, và lần đầu tiên âm nhạc được dạy trong các lớp học có nhiều học sinh cùng một lúc, cho nên có một sự tham dự rất đông đảo.

Các nhạc sư nổi tiếng Lu-y Rossi, Giuse Blanchi,[413] Cerrutti[414], Kinh sĩ Lu-y Nasi[415] đều nóng ruột đến mỗi buổi chiều dự các buổi dạy nhạc của cha. Đây là điều ngược với Phúc Âm nói rằng học trò không thể hơn thầy được, trong khi cha không biết đủ một mi-li- mét của tất cả những gì mà các bậc thầy nổi tiếng kia biết, cha lại đóng vai tiến sĩ giữa các vị đó. Đàng khác các vị đến để quan sát xem phương pháp mới được thi thố thế nào, đó là phương pháp hiện nay được thực hành trong các nhà của chúng ta. Trong các thời gian quá khứ mỗi học sinh ước ao học nhạc, phải tìm cho mình một thầy dạy nhạc dạy riêng cho mình các bài học.

  1. MỘT NGUYỆN XÁ NỮA

NGUYỆN XÁ THÁNH LU-Y –  CĂN NHÀ MORETTA – ĐẤT CHỦNG VIỆN

Càng quan tâm nhiều đến việc cổ xúy việc dạy học, thì càng tăng số các học sinh. Trong các ngày lễ chỉ có một phần học sinh có thể qui tụ ở trong nhà thờ để dự các nghi thức thánh, hay có thể tụ tập tại sân để chơi. Cho nên luôn luôn có sự thỏa thuận với cha Borel,[416] nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu ngày một tăng, thì một Nguyện xá mới được mở tại một khu phố khác của thành phố. Đáp ứng cho công cuộc này, chúng tôi thuê một nhà nhỏ tại Porta Nuova [Cổng Lớn] trên con đường Nhà Vua, thường được gọi là Con đường cây tiêu huyền [Platani], lấy từ tên loại cây mọc ở hai bên đường.

Để có được căn nhà này, chúng tôi phải chịu một cuộc chiến khá gây cấn với những người cứ trú tại đó. Một số các thợ giặt cư ngụ tại căn nhà tưởng rằng tận thế đến nơi khi họ phải rời bỏ khu nhà cũ của họ. Nhưng chúng tôi sử dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng và xuyên qua việc đền bù, chúng tôi đã có thể giải quyết vấn đề để các thành phần tham chiến không đi đến chỗ thù nghịch cùng nhau.

Chủ khu đất và khu vườn nơi các trẻ em chơi là bà Vaglienti; sau này bà để Kỵ sĩ Giuse Turvano được  quyền hưởng thừa kế. Tiền thuê nhà là 450 frăng: Nguyện xá được gọi là Nguyện xá thánh Lu-y, một danh hiệu mà cho tới này vẫn còn tồn tại.

[Don Bosco ghi chú thêm câu sau:] Nhà thờ Gioan thánh sử[417] hiện bao phủ lên chỗ có nhà thờ, phòng áo và căn nhà cổng nhỏ của Nguyện xá thánh Lu-y.

Việc khai trương Nguyện xá do cha và cha Borel chủ trì ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm năm 1847. Có một sự tham dự phi thường của các bạn trẻ tại đây, nhờ vậy mà đội ngũ quá dày đặc của các bạn trẻ tại Valdocco được giãn ra. Việc điều hành Nguyện xá này được trao phó cho cha Giacinto Carpano; ngài làm việc tại đây vài năm hoàn toàn miễn phí. Cùng một Nội qui được biên soạn cho viện Valdocco được áp dụng ở Nguyện xá thánh Lu-y mà không cần đưa vào một thay đổi nào.

Trong cùng  năm đó, để đáp ứng ước muốn đám đông trẻ xin được vào nội trú, chúng tôi mua toàn bộ căn nhà Moretta. Nhưng trong khi khởi công sắp đặt lại căn nhà cho thích ứng với nhu cầu của chúng tôi, chúng tôi tìm thấy bức tường không còn đứng vững nữa. Bởi thế chúng tôi xét thấy tốt hơn là bán lại căn nhà, nhất là khi giá mua được đề nghị cho chúng tôi khá hời.[418]

Thế là chúng tôi thực hiện việc mua một công đất (3800m2) từ chủng viện Tôrinô[419], và tại đó sau này sẽ xây nhà thờ Đức Maria Phù Hộ và khu nhà mà nay chứa các xưởng dạy nghề cho các em học nghề của chúng tôi.

  1. NHỮNG CHUYỂN BIẾN TRONG GIÁO DỤC

1848 – TĂNG SỐ CÁC EM THỢ VÀ LỐI SỐNG CỦA CÁC EM NÀY –  BÀI HUẤN TỪ TỐI  – NHỮNG NĂNG QUYỀN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC BAN –
CÁC TUẦN LINH THAO NĂM

Trong năm này, cuộc sống xã hội có những biến chuyển mới.

Vua Carlô Albertô đã chấp nhận Hiến pháp[420]. Nhiều người chăm chú theo dõi sự kiện này, nhất là việc giải phóng các người Do Thái và các người Tin Lành mà cho rằng không còn phân biệt gì cả giữa những người Công giáo và những đạo giáo khác.

  • Ngày 20-12-1847 vua Carlô Albertô nhận được một đơn thỉnh cầu của 600 người Công giáo nổi tiếng, sau đó nhà vua đã ký vào đạo luật giải phóng nổi tiếng mà chúng ta nói tới ở đây.
  • Trong tháng 12- 1847 một Thỉnh nguyện Thư được trình lên vua Carlô Albertô có chữ ký của 600 công dân nổi tiếng, phần đa số là các giáo sĩ, xin lệnh giải phóng danh tiếng đó.

Trong khi đó một thứ cuồng nhiệt đã xâm nhập vào tâm trí của chính các bạn trẻ; họ tụ tập lại tại các tụ điểm khác nhau của thành phố, trên các con đường và các quảng trường, và coi mọi lời sỉ nhục và tấn công chống lại linh mục hay chống lại tôn giáo là một điều tốt lành.[421] Cha đã hơn một lần bị tấn công tại nhà và trên đường phố. Một hôm trong khi cha dạy giáo lý, một phát đạn từ nòng súng hỏa mai đi qua lối cửa sổ, xuyên thủng áo cha giữa cánh tay và cạnh sườn, và làm hư một chỗ lớn nơi tường. Lần khác một tên, trong khi cha đang ở giữa đám đông các trẻ em, thì hắn cầm một con dao găm dài đã tấn công cha ngay giữa ban ngày. Và thật là một phép lạ nên cha đã có thể vội vã chạy trốn và ẩn mình tại phòng của cha. Cha giáo sư Borel cũng nhờ một chuyện lạ lùng mà trốn thoát khỏi một cú súng lục và những cú đâm dao vào một lúc mà ngài bị nhận lầm là một kẻ khác. Và bởi đấy rất khó khắc phục một giới trẻ thả buông như vậy. Trong sự điên đảo của các ý tưởng và tư tưởng, thì vừa khi chúng tôi có thể có thêm được những phòng mới, là tăng lên ngay con số của các học trò thợ, đã lên tới mười lăm người, và tất cả đều nằm trong diện các em bị bỏ rơi và đang gặp nguy hiểm lớn nhất. Đó là vào năm 1847.

Tuy nhiên có một khó khăn lớn. Trong khi chưa có được các xưởng trong viện, các học trò của chúng tôi phải đi làm việc và học tại Tôrinô, với cái nguy hại lớn về luân lý, bởi vì các bè bạn mà chúng gặp gỡ, những lời lẽ mà chúng nghe, và điều mà chúng thấy, làm cho ra vô bổ tất cả những gì chúng tôi đã dạy và đã nói cho chúng tại Nguyện xá.

Kể từ đó cha bắt đầu nói một bài giảng rất ngắn vào ban chiều[422] sau kinh nguyện với mục đích diễn giảng hay củng cố một vài chân lý mà chẳng may do mạo hiểm chúng đã bị nói chống lại vào thời gian ban ngày. Điều đã xảy ra cho các học trò thợ, cũng đáng than phiền cho cả các em học sinh. Bởi vì chúng được chia thành các lớp khác nhau, những em học cao hơn (các em theo học các lớp văn phạm) phải đi đến học với Giáo sư Bonzanino,[423] còn các em học các lớp văn chương thì tới với giáo sư linh mục Matthêu Picco.[424] Đó là những trường lớp tốt nhất, nhưng đường để đi, về thì thực là đầy các sự nguy hiểm. Năm 1856 có lợi thế lớn là các lớp học và các xưởng học nghề đã được thiết lập vĩnh viễn tại Nguyện xá.[425]

Trong thời điểm đó xuất hiện một sự đảo điên các ý tưởng và hành động, khiến bản thân cha cũng không thể tin tưởng ở những người giúp việc;[426] cho nên mọi công việc nội trợ do chính cha và mẹ cha làm. Làm bếp, chuẩn bị bàn ăn, quét dọn, chẻ củi, cắt may quần, áo sơ mi, áo gi-lê, khăn ăn, khăn tắm, tấm trải bàn, tấm drap cũng như việc may vá lại đồ đạc; đó là những chuyện thuộc phận sự của cha[427]. Nhưng những chuyện này lại trở thành rất có lợi về mặt luân lý, bởi vì cha có thể rất thuận lợi ngỏ với các thanh thiếu niên một lời khuyên hay một lời thân ái trong khi phục vụ cho chúng bánh ăn, cháo húp, hay những việc tương tự.

Sau đó vì nhận thức được nhu cầu phải có một vài người nào đó đến giúp đỡ cho cha trong những chuyện trong nhà và học đường tại Nguyện xá, nên cha bắt đầu đem một vài em về miền quê, và đem những em khác đi nghỉ với cha tại Castelnuovo,[428] quê hương của cha, người thì dùng bữa trưa với cha, người thì tối đến học đọc hay viết một cái gì đó, nhưng luôn luôn với mục tiêu là cống hiến một phương thuốc giải độc chống lại các quan niệm chứa nọc độc mà các em đã bị nhiễm trong ngày. Đó là việc xảy ra ít nhiều thường xuyên kể từ 1841 đến 1848. Cha cũng dùng đến tất cả các phương thức để theo đuổi một mục tiêu đặc biệt của cha, đó là tìm hiểu, biết được và chọn lựa một vài người có các tư thế và khuynh hướng về đời sống chung, và đón nhận các em ở với cha tại nhà.

Cũng theo đuổi cùng một mục đích như vậy, trong năm 1848 cha đã thử nghiệm một thứ linh thao.[429] Cha tiếp đón khoảng 50 em trong nhà Nguyện xá; chúng đều dùng bữa với cha; nhưng không có giường cho mọi người, nên một số phải trở về nhà ngủ để đến sáng hôm sau thì trở lại. Việc đi đến và trở về nhà vào cả ban sáng lẫn ban chiều có nguy cơ làm mất hết những lợi ích các em thu lượm được từ các bài giảng và các bài huấn đức thường có được trong dịp đó. Tuần linh thao bắt đầu từ chiều Chúa nhật và kết thúc vào chiều thứ bảy. Linh thao như vậy thành công khá tốt. Nhiều em mà cha đã làm việc trong một thời gian dài để giúp đỡ nhưng vô ích, đã dấn thân một cách thực sự vào một đời sống nhân đức. Một vài em đã trở thành tu sĩ, những em khác thì ở lại ngoài đời, nhưng đã trở thành các tấm gương trong việc tham dự thường xuyên sinh hoạt Nguyện xá[430].

Về chuyện này sẽ được nói đến riêng ra trong lịch sử Tu hội Salêdiêng.

Trong năm đó một số các cha xứ, cách riêng là của các xứ Borgodora, Carmine, thánh Augustino, đã chuyển lên  Đức Tổng Giám mục những lời than phiền mới là tại sao lại cho cử hành các bí tích tại các Nguyện Xá. Trong dịp này, Đức Tổng Giám Mục đã ban một sắc lệnh qua đó ngài ban cho đầy đủ các năng quyền để chuẩn bị và giới thiệu các trẻ em nhận lãnh Bí tích thêm sức, nhận lãnh Mình Thánh Chúa và hoàn thành luật buộc xưng tội mùa chay để mừng Phục Sinh cho tất cả những ai lui tới các Nguyện xá của chúng tôi. Ngài cũng tái ban cho năng quyền được cử hành bất cứ  nghi thức tôn giáo nào đã từng được cử hành tại các giáo xứ. Đức Tổng Giám mục nói: Các nhà thờ [Nguyện xá] này  đối với các trẻ em xa lạ và bị bỏ rơi sẽ chính là các nhà thờ giáo xứ trong thời gian các em còn ở lại tại Tôrinô!

  • Don Bosco đào sâu phương pháp giáo dục của ngài như thế nào?
  1. CÁC CỬ HÀNH TÔN GIÁO

TIẾN BỘ TRONG ÂM NHẠC – CUỘC RƯỚC ĐỨC MẸ AN ỦI –  PHẦN THƯỞNG TỪ THÀNH PHỐ VÀ TỪ CÁC TRƯỜNG CHO NHỮNG NGƯỜI NGHÈO – THỨ NĂM TUẦN THÁNH – NGHI THỨC RỬA CHÂN.

Những nguy hiểm mà các bạn trẻ gặp phải về mặt tôn giáo cũng như về luân lý, đòi hỏi những nỗ lực lớn lao hơn để bảo toàn chúng. Trong các lớp tối cũng như chương trình dạy học ban ngày, chúng tôi xét thấy ngoài các lớp học thanh nhạc, cần phải thêm các lớp dạy pianô và dương cầm, cũng như các lớp dạy các dụng cụ âm nhạc khác. Thế là cha bỗng nhiên trở thành thầy dạy thanh nhạc và nhạc cụ, kể cả pianô lẫn dương cầm mà không bao giờ đã từng là học trò. Ý muốn tốt bổ sung được cho mọi sự.

Sau khi đã chuẩn bị một nhóm có giọng hát trong hay nhất, các em bắt đầu đi thao diễn tại Nguyện xá, rồi khắp Tôrinô, Rivoli, Moncallieri[431], Chieri và các nơi khác. Kinh sĩ Lu-y Nasi, tiến sĩ Micae Chiattellino[432] rất vui lòng huấn luyện cho các nhạc sĩ của chúng tôi và đi theo họ, điều khiển họ trong các cuộc biểu diễn công cộng trong các xứ khác nhau; bởi lẽ cho tới lúc đó người ta chưa từng nghe thấy các đội đồng ca giọng sopranô hát theo dàn nhạc, khi thì có những đơn ca, khi thì những song ca, khi thì cả đội tạo nên một cái gì hoàn toàn mới mẻ, khiến khắp nơi đều bàn luận về âm nhạc của chúng tôi, và thi nhau tranh thủ cho có được các ca sĩ của chúng tôi đến hát. Hơn nữa kinh sĩ Lu-y Nasi, tiến sĩ Micae Chiattellino[433] còn là hai vị dẫn dắt của Hội yêu nhạc mới khai sinh của chúng tôi.

Hằng năm chúng tôi thường thực hiện một nghi lễ thánh tại nhà thờ Đức Mẹ An Ủi, nhưng trong năm này, chúng tôi tới đó hành hương trong một cuộc rước phát xuất từ Nguyện xá. Các bài hát trên đường, cũng như ca nhạc trong nhà thờ đã lôi cuốn một đoàn lũ đông đảo dân chúng. Chúng tôi cử hành thánh lễ, lên rước lễ, sau đó cha giảng một bài giảng nhỏ nhân cơ hội đó trong một nhà nguyện dưới lòng đất, và rồi sau cùng các tu sĩ tận hiến Cho Đức Mẹ Maria[434] bất ngờ ban cho chúng tôi một bữa sáng tại khu dành riêng của đền thờ.

Dưới hình thức đó chúng tôi đã bắt đầu vượt thắng sự cả nể, các bạn trẻ đã tụ tập lại được, và có các cơ hội để làm thấm nhập một cách thận trọng nhất tinh thần luân lý, tinh thần tôn trọng quyền bính, và việc năng tham dự các bí tích. Nhưng những cái mới đó đã tạo một tiếng đồn ghê gớm.

Cũng trong năm đó Hội đồng thành phố Tôrinô cử một phái đoàn gồm Kỵ sĩ Phêrô Ropolo miền Capello gọi là Moncalvo, và ủy nhiệm Duprê[435] đến xác nhận lại những tiếng đồn thổi chỉ nêu lên một cách mơ hồ. Phái đoàn rất mãn nguyện; và sau khi đã làm bản tường trình hợp lý, thì một sắc lệnh ban thưởng 1000 frăng[436] được ban hành với lời lẽ rất là êm ái. Từ năm đó Hội đồng thành phố ban một trợ cấp hằng năm luôn được trao cho tới năm 1878. Chính trong năm đó, người ta đã cắt bỏ đi món tiền 300 frăng mà các vị cai quản khôn ngoan của thành phố Tôrinô đó đã dự trù ngân sách nhằm cung ứng đèn sáng cho trường học ban tối vì lợi ích của các con em của dân chúng.

Công cuộc giáo huấn giới ăn xin đã dựa theo phương pháp của chúng tôi, mà du nhập các lớp tối và các lớp âm nhạc, cũng gửi một phái đoàn đứng đầu là Kỵ sĩ Gonella đến thăm chúng tôi. Như dấu tỏ sự hài lòng, phái đoàn đã ban cho chúng tôi phần thưởng một ngàn frăng.

Hằng năm vào thứ năm tuần thánh, chúng tôi cũng thường cùng nhau đi viếng các bàn thờ đặt Mình Thánh là biểu tượng nơi bắt giữ Chúa Giêsu.[437] Nhưng vì hậu quả của những lời giễu cợt mà chúng tôi cũng muốn nói là những lời khinh bỉ,[438] nên không ít người không dám cùng đi tham dự với các anh em đồng bạn của họ. Chính để khích lệ mạnh mẽ hơn các bạn thanh thiếu niên hãy khinh thường sự cả nể, mà năm đó lần đầu tiên chúng tôi thực hiện cuộc đi viếng Chúa bằng một cuộc rước, vừa đi vừa hát Mẹ đứng đó [Stabat] và Lạy Chúa, xin thương xót chúng con [Miserere]. Thế là người ta thấy rất nhiều các em thuộc mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh sống, đua nhau tham gia vào đội ngũ chúng tôi. Mọi sự đều tiến hành một cách thứ tự lớp lang và yên lành.

Vào buổi chiều lần đầu tiên chúng tôi cử hành Nghi thức Rửa chân. Chúng tôi chọn ra 12 em cho công việc này, mà chúng tôi thường gọi là mười hai tông đồ. Sau khi rửa chân theo nghi thức, một bài giảng luân lý được giảng cho công chúng. Thế rồi tất cả mười hai tông đồ đều được tham dự bữa cơm tối thanh đạm với một chút quà mà mỗi em vô cùng hân hoan đem về nhà của mình.[439]

Cũng trong năm đó cũng được dựng lên Đàng Thánh Giá theo đúng qui luật Hội Thánh, và các chặng đàng thánh giá được làm phép hết sức long trọng. Tại mỗi chặng, đều có một bài diễn giảng ngắn, sau đó là một bài hát tương tự được hát có âm nhạc đi kèm.

Và như vậy Nguyện xá khiêm cung của chúng tôi được dần dần củng cố.

  1. THẲNG TIẾN GIỮA GIAN NAN

1849: ĐÓNG CỬA CÁC CHỦNG VIỆN – NHÀ PINARDI – NHỮNG ĐỒNG XU DÂNG LÊN ĐỨC THÁNH CHA – NHỮNG TRÀNG HẠT ĐỨC THÁNH CHA PIO IX BAN – NGUYỆN XÁ THIÊN THẦN BẢN MỆNH – CÁC NGHỊ SĨ TỚI THĂM

Năm đó đáng ghi nhớ lắm. Cuộc chiến của xứ Piemonte chống lại nước Áo bắt đầu từ năm trước đã làm rung chuyển cả nước Ý. Các trường công phải nghỉ, các chủng viện, đặc biệt là chủng viện Chieri và Tôrinô, đều đóng cửa[440] và các binh sĩ đồn trú tại đó; và hậu quả là các chủng sinh của các giáo phận chúng tôi ở trong tình trạng không có các thầy dạy, và không có nơi chốn, để mà tụ tập lại. Nên khi đó để ít là có được mối an ủi là mình đã làm hết sức mình, và để làm giảm nhẹ những tai họa công cộng, cha đã thuê lại toàn thể căn nhà Pinardi[441]. Những người đang ở căn nhà kêu gào, đe dọa cha, mẹ cha, và cả ngay ông chủ nhà, và chúng tôi phải thực hiện những hy sinh lớn lao về tiền bạc; tuy nhiên chúng tôi đạt được sự việc là nơi này hoàn toàn đặt dưới sự sử dụng của chúng tôi. Thế là cái hang ổ của sự ác trong suốt 20 năm phục vụ cho Sa-tan, nay nằm ở dưới quyền lực của chúng tôi. Nó ôm ấp lấy toàn thể cảnh sân nằm giữa nhà thờ Đức Mẹ Phù Hộ và các tòa nhà sau thánh đường này.[442]

Bằng cách đó, chúng tôi có thể tăng số các lớp học lên, nới rộng nhà thờ và tăng gấp đôi diện tích sân chơi, và con số các thanh thiếu niên [nội trú] tăng lên 30 em. Nhưng mục đích chính là để có thể tiếp nhận, và trên thực tế chúng tôi đã tiếp nhận, các chủng sinh của các giáo phận; và có thể nói rằng căn nhà Nguyện xá trong gần 20 năm, đã trở thành một Chủng viện Giáo phận.[443]

Cuối năm 1848, Đức Thánh Cha Piô IX phải lánh khỏi Rôma, và đến trú ẩn tại Gaeta[444].

Vị Giáo hoàng vĩ đại này nhiều lần đã thực hiện sự ưu ái đối với chúng tôi.[445] Vì có tin loan truyền rằng ngài gặp thiếu thốn về tiền nong, nên tại Rôma có mở cuộc lạc quyên dưới danh nghĩa “Quà dâng đồng bạc của thánh Phêrô”. Một ủy ban gồm kinh sĩ Tiến sĩ thần học Phanxicô Vallenotti và bá tước Gustavô Cavour đến Nguyện xá. Cuộc lạc quyên của chúng tôi lên đến 35 frăng.[446] Nó là một món quà nhỏ, nhưng chúng tôi đã tìm cách biến nó thành dễ thương cho Đức Thánh Cha qua một lời dâng kính làm cho ngài rất hài lòng[447]. Ngài đã biểu lộ sự hài lòng của ngài bằng lá thư gửi cho Đức Hồng y Antonucci, khi đó là Khâm sứ Tòa Thánh tại Tôrinô, và bây giờ là Đức Tổng Giám mục Ancona, trao cho Đức Hồng y nhiệm vụ nói cho chúng tôi hay Đức Thánh Cha rất được yên ủi bằng quà dâng của chúng tôi, nhưng còn được an ủi gấp bội bởi các ý tưởng đi kèm theo với nó. Sau cùng với phép lành Tông Tòa, ngài đã gửi cho chúng tôi một gói gồm 60 tá tràng hạt, được long trọng phân phát ngày 20-7 năm đó. Các con hãy đọc cuốn sách nhỏ được in vào dịp đó cùng các tờ nhật báo khác nhau [448][Cha ghi lại ở đây là thư Đức Hồng y Antonucci, khi ấy là Khâm sứ Tòa Thánh tại Tôrinô viết:

Ngày 2-5-1849

Trong khi trình lên Đức Thánh Cha… một đóng góp nữa cho Quĩ dâng đồng bạc của thánh Phêrô được trao cho tôi… nhân danh Ủy ban được thành lập cho mục đích này tại thành phố Tôrinô, tôi đảm nhận trách nhiệm nêu rõ để Đức Thánh Cha chú ý tới món quà 33 lire của các trẻ của cha. Tôi cũng nhắc đến những tình cảm chúng diễn tả trong khi trao  số tiền đó cho Ủy ban.

Trong thư phúc đáp ngày 18 tháng Tư, [Đức Hồng y Antonelli]… cho tôi hay là một mối xúc cảm dịu dàng đã trào dâng trong tâm hồn Đức Thánh Cha trước món quà dâng yêu thương và chân thành của các trẻ em học nghề này và trước những lời lẽ sùng kính con thảo của các em đi kèm theo đó.

Vì thế xin cha vui lòng cho chúng biết rằng Đức Thánh Cha rất hài lòng với quà dâng của chúng và coi đó là quí báu cách riêng vì nó đến từ những người nghèo; ngài cảm thấy được an ủi cách sâu xa vì nhìn thấy các em đã thấm nhuần một sự kính trọng chân chính đối với vị đại diện của Chúa Giêsu Kitô, một điềm báo không thể nghi ngờ gì nữa của những nguyên tắc tôn giáo đã được ghi ấn trên các tâm trí non trẻ của chúng”[449]

Vì con số càng ngày càng gia tăng của các bạn trẻ ngoại trú tham dự vào Nguyện xá, nên phải nghĩ đến một chỗ khác, và đó chính là Nguyện xá thánh Thiên thần bản mệnh tại Vanchiglia,[450] không cách xa mấy nơi mà do công đặc biệt của nữ bá tước Barôlô sau này sẽ trổi lên nhà thờ thánh Giulia.

Cha Gioan Cocchi đã từ nhiều năm sáng lập Nguyện xá này với một mục đích gần giống như của chúng ta. Nhưng được đốt nóng bởi tình yêu tổ quốc, ngài xét thấy nên dạy các học trò của ngài sử dụng súng và gươm để chính ngài đứng đầu chúng và xung phong tấn công các người Áo, và thực tế ngài đã làm.

Thế là Nguyện xá ấy bị đóng cửa trong một năm. Sau khi chúng tôi đã thuê lại, và trao việc điều hành cho nhà thần học Gioan Vola,[451] con người đáng tưởng nhớ. Nguyện xá này được mở cho tới năm 1871, khi nó được di chuyển về gần nhà thờ giáo xứ. Nữ bá tước Barôlô đã để lại một món tiền di chúc cho công việc này, với điều kiện là nơi này và nhà thờ này được dành cho các thanh thiếu niên gắn kết với giáo xứ như vẫn được thực hiện cho tới nay.

Một cuộc thăm viếng long trọng Nguyện xá do một Ủy ban các thượng nghị sĩ cùng với các chức sắc khác của Bộ Nội vụ được thực hiện vào thời đó. Các vị đến để tôn vinh chúng ta qua chính sự hiện diện của các vị.[452] Các vị đã viếng thăm tất cả nơi chốn, nói chuyện với từng người một, với tình thân hữu, rồi làm một bản phúc trình dài về văn phòng Nghị viện. Bản phúc trình đó đã tạo nên một cuộc thảo luận dài và sinh động mà chúng ta có thể đọc trong Báo Piemonte ngày 29-3-1849. Hạ nghị viện ban tặng cho các thanh thiếu niên chúng tôi 300 frăng; ngài Rattazzi khi đó là Bộ trưởng Nội vụ quyết định ban tặng 2000 frăng. Các con hãy xem các tài liệu.[453]

  • Quan điểm giáo dục dựa trên niềm tin tôn giáo qua khẩu hiệu “Lý trí – Tôn giáo – và tình thương yêu” được Don Bosco thể hiện như thế nào?
  1. KHÔNG LÀM CHÍNH TRỊ

CÁC NGÀY LỄ QUỐC KHÁNH

Một sự kiện lạ thường xảy đến trong những ngày đó tạo nên không ít sự xáo trộn cho các cuộc tập họp của chúng tôi. Nhân danh các ngày lễ Quốc khánh,[454] người ta đã muốn Nguyện xá khiêm cung của chúng tôi phải tham dự các cuộc biểu tình công cộng đang diễn ra nhiều lần trong thành phố và trong các làng quê. Ai tham gia các cuộc biểu tình này và muốn công khai tỏ mình là người yêu mến tổ quốc thì chải tóc gọn về phía trước, và kết chúng lại thành từng gọn lỏn để rơi bồng bềnh xuống phía sau; họ mặc những áo gi-lê bó gọn và nhiều màu sặc sỡ, mang Quốc kỳ, với phù hiệu đeo ở ngực. Họ mặc như thế để đi diễu hành, vừa đi vừa hát những bài ca.

Bá tước Roberto d’ Azeglio[455], người cổ xúy chính của các cuộc biểu tình này đã chính thức mời chúng tôi tham gia, và bất chấp lời từ chối của cha, đã lo tất cả những gì chúng tôi cần để chúng tôi có thể cùng với những người khác xuất hiện một cách danh dự. Một khu đã được chuẩn bị cho chúng tôi tại quảng trường Vittorio, bên cạnh tất cả các viện thuộc bất cứ danh nghĩa, mục đích và hoàn cảnh nào. Biết làm sao bây giờ? Từ chối có nghĩa là cha tự tuyên bố mình là kẻ thù của nước Ý; đồng ý theo, có nghĩa là chấp nhận các nguyên tắc mà cha xét là mang lại những hậu quả tai hại. Cha liền trả lời cho ngài Azeglio đáng ca ngợi:

  • Thưa ngài bá tước, cái gia đình này của tôi, các thanh thiếu niên của thành phố đang qui tụ tại đây, không phải là một pháp nhân; tôi sẽ làm một trò cười ở đó, nếu tôi dám tự nhận đám trẻ của tôi là một viện huấn luyện, trong khi mình chỉ sống hoàn toàn nhờ lòng bác ái của dân chúng.
  • Đúng như vậy. Cha hãy để cho lòng bác ái của dân chúng biết cho rằng công cuộc mới phát sinh của cha không đi ngược lại các cơ chế hiện đại; chuyện này làm ích lợi cho cha; nó sẽ cung cấp các của dâng cúng cho cha, Hội đồng thành phố, và chính bản thân tôi sẽ rộng rãi ủng hộ cho cha.
  • Thưa ngài bá tước, hệ thống kiên định của tôi duy trì bản thân tôi xa lạ với mọi chuyện có liên quan tới chính trị. Không bao giờ nói ủng hộ, mà cũng không bao giờ nói chống.
  • Vậy cha muốn gì?
  • Làm một chút lợi ích mà tôi có thể cho các trẻ em bị bỏ rơi của tôi, bằng cách dốc hết sức lực của tôi làm cho các em trở nên các người Kitô hữu tốt đối với tôn giáo, và các công dân lương thiện ở giữa xã hội dân chính.
  • Tôi hiểu tất cả: nhưng cha lầm đấy, và nếu cha tiếp tục kiên định trên nguyên tắc này, cha sẽ bị bỏ rơi bởi tất cả, và công cuộc của cha trở thành không thể nào làm được. Cha phải biết học hỏi thế giới, biết thế giới và đưa các cơ chế cổ và hiện đại xứng tầm cao của các thời đại.
  • Tôi xin cám ơn ý muốn tốt và các lời khuyên mà ngài đã ban cho tôi. Xin ngài hãy đề nghị tôi vào bất cứ chuyện gì, trong đó người linh mục thực thi được đức bác ái, và ngài sẽ thấy tôi mau mắn hy sinh mạng sống và các của cải, nhưng tôi muốn giờ đây và mãi mãi đứng ở ngoài chính trị.

Nhà ái quốc nổi tiếng này đã giã từ cha với sự thỏa mãn, và kể từ đó về sau ông không có những liên hệ kiểu này với cha nữa. Hơn thế, cha ở lại hầu như một mình sau sự kiện mà cha vừa kể ra.

  • Lập trường không làm chính trị Don Bosco chủ trương cho Tu hội của ngài có điểm thuận lợi nào và có những giới hạn nào?
  1. MỘT ĐE DỌA KHÁC ĐẾN VỚI CÁC NGUYỆN XÁ

MỘT SỰ KIỆN NỮA[456]

Chúa nhật sau ngày lễ vừa mới được nhắc đến, vào lúc hai giờ chiều, cha đang ở trong cuộc chơi với các thanh thiếu niên, trong lúc một em nào đó đang đứng đọc tờ Hòa hợp,[457] thì các linh mục thường đến giúp cha trong nhiệm vụ thánh xuất hiện với huy chương, phù hiệu ở mũ, cờ ba sắc mầu, cộng với một tờ báo thật sự vô luân lý có tên là Quan điểm.[458]  Một trong các vị đó, khá đáng kính vì lòng nhiệt thành và vì giáo thuyết sâu xa, đứng trước mặt cha và khi nhìn thấy bên cạnh cha có em cầm trong tay tờ Hòa hợp. Ông bắt đầu lên tiếng: – Đồ khốn kiếp! Bây giờ là lúc thôi đi với thứ người ướt át, đẫm sương này[459]. – Nói xong, ông giằng lấy tờ báo từ tay cậu bé, xé ra thành cả ngàn mảnh, vứt xuống đất, nhổ nước bọt lên trên và dày đạp lên nó cả trăm lần. Sau khi đã tuôn ra đợt thứ nhất cái nhiệt tình chính trị của ngài, ngài liền đến trước mặt cha, đưa tờ Quan điểm lên trước mắt cha, và nói:

  • Tờ này là một tờ báo tốt; những người công dân lương thiện và chân thật phải đọc tờ này, chứ không phải tờ kia.

Cha kinh ngạc vì lối nói và hành động kiểu đó, và vì không muốn làm tăng thêm các cú sốc gương mù tại nơi mà đáng lý ra mình phải nêu gương tốt, cha chỉ vắn gọn xin ngài và các đồng nghiệp của ngài nói về các luận điểm đó trong chỗ riêng tư mà thôi, và chỉ giữa người lớn chúng ta thôi. – Không thưa ngài, ông ta nhắc lại, không được phép chỉ nói ở chỗ riêng tư hay trong nơi kín đáo nữa. Mọi sự phải được đặt giữa ánh sáng ban ngày.

Vào lúc đó tiếng chuông kêu gọi tất cả các học sinh vào nhà thờ, và cha gọi chính ngay một trong các vị  giáo sĩ đó đã được giao trách nhiệm giảng một bài ngắn về luân lý cho các trẻ em nghèo khổ này. Nhưng lần này bài giảng của ông không đề cập đến vấn đề đó.[460]

Cha thì ở phòng áo nóng lòng lo sao mình có thể lên tiếng được và đạp phanh cho sự rối trật từ trên; nhưng vị giảng thuyết lập tức bước ra khỏi nhà thờ vừa khi vừa mới ban phép lành Mình Thánh Chúa xong, đã mời các linh mục và các bạn trẻ liên kết cùng ông, và rồi ngoắc miệng hát vang các bài quốc ca, vung cao ngọn cờ hết sức hăng hái, họ đi tới đồi Các thầy dòng Capucin. Tại đó họ làm một lời hứa không tham dự vào Nguyện xá nữa nếu họ không được mời và được tiếp nhận với tất cả các nghi thức quốc gia.[461]

Tất cả điều trên diễn tiến ra mà cha không có thể dưới bất cứ cách nào nói lên những lý lẽ và những ý nghĩ của mình. Nhưng cha không hãi sợ sự gì chống đối lại với các bổn phận của cha. Cha cho nói với các vị linh mục trên rằng họ bị nghiêm cấm không được trở lại với cha nữa; còn các thanh thiếu niên, thì các em phải từng người một trình diện với cha trước khi trở lại với Nguyện xá. Công chuyện đó của cha đã thành công mĩ mãn. Không có một vị nào trong số các linh mục đó thử trở lại; các thanh thiếu niên thì xin lỗi, quả quyết rằng chúng bị đánh lừa, và hứa sẽ vâng phục và giữ kỷ luật.[462]

  • Don Bosco nghiêm khắc với thói phô trương chính trị nhất thời như thế nào?
  1. LẠI TRỞ NÊN HẦU NHƯ ĐƠN ĐỘC

NHỮNG KHÓ KHĂN MỚI  –  MỘT MỐI AN ỦI – LINH MỤC ROSMINI VÀ LINH MỤC PHÊRÔ ĐỆ GAUDENZI

Nhưng cha chỉ còn một mình. Trong các ngày lễ cha phải giải tội từ sáng sớm, cử hành thánh lễ lúc 9 giờ sáng, và giảng sau đó, rồi bắt đầu lớp dạy hát, dạy chữ nghĩa[463] cho tới giữa trưa. Vào một giờ chiều, chơi, rồi giáo lý, kinh chiều, chầu phép lành, sau đó lại chơi, hát, các lớp cho tới tối.

Trong các ngày trong tuần, suốt ngày cha phải làm việc cho các trẻ của cha, dạy học các lớp cấp II cho khoảng 12 em, buổi chiều cha phải lo dạy các lớp tiếng Pháp, số học, bình ca, thanh nhạc, đàn pianô và dương cầm. Cha không biết làm sao cha có thể tiến hành tất cả những chuyện này[464]. Thiên Chúa giúp cho cha!  Một niềm an ủi lớn và một sự nâng đỡ lớn cho cha trong các thời điểm đó chính là cha Giáo sư Borel. Vị linh mục kỳ diệu đó, dù cho có bị đè nặng bởi những công việc rất nặng nề của thừa tác vụ thánh, vẫn tận dụng từng tí thời giờ có đuợc để chạy đến giúp cha. Không hiếm khi ngài phải ăn cắp những giờ từ giấc ngủ để có thể đến giải tội  cho các thanh thiếu niên; ngài từ chối bồi dưỡng lại cho thân xác mệt nhọc để đến giảng cho các em. Hoàn cảnh gay cấn đó kéo dài rất lâu cho tới khi cha có thể được đôi phần nâng đỡ bởi thầy chủng sinh Saviô, Bellia, Vacchetta, nhưng rồi họ cũng sớm bỏ cha; bởi lẽ họ nghe theo các lời gợi ý của người khác mà vào dòng Những Người Tận Hiến của Đức Maria, mà chẳng hề nói cùng cha một lời.[465]

Trong một trong những ngày lễ đó, cha được hai vị linh mục tới thăm. Cha thấy nên kể tên các vị ra. Vào lúc bắt đầu lớp giáo lý, cha hoàn toàn trong hoạt động để ổn định các lớp dạy học của cha, thì hai vị giáo sĩ xuất hiện. Các vị vẻ mặt khiêm nhường và kính trọng, đến khen ngợi cha và xin tìm hiểu về nguồn gốc và hệ thống của tổ chức của cha. Câu trả lời duy nhất của cha là lên tiếng: – Xin hai cha thương giúp con. Cha thì xin tới chỗ dành cho ca đoàn, và cha sẽ có ở đấy các em lớn nhất; rồi cha nói với vị có vóc dáng cao hơn: – Còn cha thì con xin trao phó cái lớp này là một lớp phá phách nhất. – Nhận thấy các vị dạy giáo lý một cách tuyệt vời, cha xin một vị ban cho các thanh thiếu niên của cha một bài giảng nhỏ, còn vị khác tham gia làm Chầu Mình Thánh Chúa. Cả hai vị nhận một cách thân ái.

Vị linh mục có vóc dáng bé nhỏ là Cha Antôniô Rosmini. Người Sáng Lập Tu Hội Đức Ái; vị kia là Kinh sĩ De Gaudenzi, bây giờ là Giám Mục Vegevano. Các vị kể từ đó về sau, vị này cũng như vị kia, đều luôn luôn tỏ ra yêu thương, tốt lành, thậm chí còn là ân nhân của Nguyện xá.

ĐƠN XIN TRỢ CẤP CỦA CÁC THẦY TƯ GIÁO ĐẦU TIÊN CỦA NGUYỆN XÁ

AST Grande Cacelleria m. 259/1 n. 1370.

Kính thưa Đức vua tôn kính

Chúng con, các chủng sinh Savio Ascanio, Buqqetti Giuse, Gastino Carlo, Reviglio Felice, được nâng đỡ bởi một số người có lòng bác ái, với phép của bề trên giáo quyền, sẽ được mặc áo giáo sĩ, mà trên thực tế thì thiếu của cải, nên gặp khó khăn to lớn để trả tiền nhà ở, lương thực và quần áo. Trong nỗi thiếu thốn lớn lao này, chúng con không biết chạy đến với ai. Vậy chúng con thành kính cầu khẩn Đức vua thương duyệt xét và ban trợ cấp chiếu theo lòng ưu ái đầy tình cha của Đức vua để chúng con có thể tiếp tục sự nghiệp giáo sĩ mà Thiên Chúa đã kêu gọi chúng con.

Chúng con những người đứng đơn sẽ luôn luôn tri ân sự thương đoái của Đức vua, cầu nguyện mỗi ngày xin Chúa ban cho Đức Vua được an thịnh và gìn giữ Đức vua cùng Hoàng gia được sống lâu dài.

Chúng con những người làm đơn ký tên.

  • Giữa những khó khăn, Don Bosco biết tập trung nghị lực làm việc cho tương lai của Tu hội và cho giới trẻ như thế nào?
  1. MUA KHU NHÀ PINARDI

MUA NHÀ PINARDI VÀ NHÀ BELlEZZA – NĂM 1850[466]

Năm 1849 rất gai góc, khô cằn, dù rằng nó đã đòi phải trả bằng biết bao mệt nhọc và những hy sinh kinh khủng; nhưng đó chính là sự chuẩn bị cho năm 1850 ít bão tố hơn, và khá phong phú các kết quả. Chúng ta hãy bắt đầu từ căn nhà Pinardi.[467] Những người đã được bứng đi khỏi căn nhà này đã không thể để mình ở yên. Họ tiếp tục nói: – Có đáng căm phẫn chăng việc một căn nhà của sự vui chơi và của sự thư giãn lại rơi vào đôi bàn tay của một ông linh mục cố chấp?

Thế là ông Pinardi được đề nghị một giá thuê hai lần cao hơn giá của chúng tôi. Nhưng ông ta cảm thấy không ít hối hận trong việc thu một món lợi lớn hơn đến từ các phương tiện xấu xa; do vậy, ông ta đôi khi đã đề nghị bán cho cha, trong khi cha cũng cũng có ý muốn mua lại nhà đó. Nhưng giá cả ông ta đưa ra cao quá đáng. Ông ta đòi đến 80.000 frăng cho một ngôi nhà giá chỉ đáng một phần ba con số đó. Thiên Chúa muốn làm chủ các cõi lòng, và điều đó xảy ra như sau.

Một ngày lễ nọ, khi cha Giáo sư Borel giảng, cha đứng ngoài cổng vào sân để ngăn ngừa các cuộc tụ tập hay những quấy rối, thì ông Pinardi xuất hiện. Ông ta gọi:

  • À này, Don Bosco cần phải mua căn nhà của tôi.
  • À này, ông Pinardi cần phải cho tôi cái giá đúng của căn nhà, và tôi mua ngay.
  • Ừ, thì tôi cho cha cái giá đúng.
  • Bao nhiêu?
  • Như giá đã đưa ra đó.
  • Tôi không có thể trả giá đó.
  • Vậy cha cứ trả.
  • Tôi không thể.
  • Tại sao?
  • Bởi vì giá đó quá đáng. Tôi không muốn xúc phạm đến người đã ra giá.
  • Cha cứ trả như cha muốn.
  • Ông cho tôi cái giá theo đúng giá trị của căn nhà nhé.
  • Đây là lời nói danh dự, tôi đồng ý cho theo đúng giá.
  • Ông bắt tay tôi đi và tôi sẽ cho biết giá tôi xin trả.
  • Bao nhiêu?
  • Tôi đã cho một người bạn của tôi và của ông[468] ước lượng giá trị căn nhà, và ông bạn đã bảo đảm với tôi rằng trong trạng thái hiện tại, căn nhà tương đương với 26 hoặc 28 ngàn frăng; nhưng tôi với giá chót, tôi xin trả 30.000 frăng.
  • Cha sẽ tặng thêm một ghim 500 frăng cho vợ tôi chứ ?
  • Tôi sẽ tặng bà món quà này.
  • Cha sẽ trả bằng tiền mặt.
  • Tôi sẽ trả bằng tiền mặt.
  • Khi nào chúng ta sẽ làm các giấy tờ?
  • Khi nào ông muốn. 15 ngày kể từ ngày mai, nhưng với một lần trả thôi nhé.
  • Hoàn toàn nhất trí như ý của ông muốn.
  • Một trăm ngàn frăng tiền phạt cho ai lui bước đấy nhé.
  • Thì cứ như vậy.

Công chuyện này được thương lượng trong năm phút; nhưng biết lấy tiền ở đâu trong một thời gian ngắn như thế. Ngay chiều hôm đó, cha Cafasso đã làm một chuyện hoàn toàn ngoại lệ trong các ngày lễ, ngài tới thăm cha, và nói cho cha rằng một bà đạo đức, nữ công tước Casazza-Riccardi đã giao cho ngài cái trách nhiệm đem cho cha mười ngàn frăng để tiêu cho bất cứ chuyện gì cha nghĩ là làm cho vinh danh lớn lao hơn của Thiên Chúa. Ngày hôm sau, một tu sĩ Rosminianô đến Tôrinô để lo gửi 20.000 frăng sinh lời, và ngài đã xin cha lời khuyên. Cha đề nghị đem tiền đó cho cha vay dài hạn để cha hợp đồng mua căn nhà Pinardi, và thế là tập trung được đúng món tiền cha cần tìm.[469] Ba ngàn frăng chi phí phụ được bổ sung bởi Kỵ sĩ Cotta, và tại ngân hàng của ông tờ khế ước hằng mong đợi được ký.

Việc mua căn nhà này đã được đảm bảo như thế rồi, cha liền quay sang nghĩ đến căn nhà của khu Giardiniera [nhà hàng vườn]. Nó là một nhà hàng ăn uống, nơi vào các ngày lễ thường tụ tập các người ăn chơi. Các đàn Ac-cóc-đi-ông, sáo, cla-rí-nét, vi-ô-lông, bạt, côn-trô-bạt và các bài hát đủ loại liên tục xướng họa lên suốt ngày; thậm chí chẳng ít khi tất cả đều đồng một lúc phụ họa cùng nhau thành dàn hòa tấu. Bởi tòa nhà này, nhà của bà Bellezza chỉ cách biệt với sân của chúng tôi bằng một cái tường nhỏ, cho nên thường xảy ra là các bài hát của nhà nguyện chúng tôi bị lẫn vào và bị bóp nghẹt bởi những tiếng inh ỏi của âm thanh, của chai và ly đụng nhau tại căn nhà Giardiniera (của Bà làm vườn]. Hơn nữa còn có một sự đi đi lại lại liên tục từ nhà Pinardi tới khu Giardiniera. Mỗi người đều có thể dễ dàng hình dung ra chúng tôi bị khuấy động đến mức nào và nỗi nguy hiểm lớn lao biết mấy cho các thanh thiếu niên của chúng tôi.

Để giải thoát cho chúng tôi khỏi sự khuấy động này, cha đã cố gắng mua lại ngôi nhà, nhưng cha đã không thành công; cha đã tìm cách để thuê lại, và bà chủ đã bằng lòng; nhưng người chủ nhà hàng đòi hỏi một giá đền bù kinh khủng. [470]

Thế là cha quyết định cất bỏ tất cả nhà hàng này, chấp nhận thuê lại và đền bù tất cả các đồ đạc của phòng ngủ, bàn ăn, hầm rượu, nhà bếp v.v… và sau khi đã trả mọi chuyện bằng một giá rất cao, cha có thể trở thành người chủ trì nơi đó, và lập tức chuyển đổi mục đích cho nó. Thế là phá tan được một ổ gieo vãi sự dữ, cho đến lúc này vẫn còn tồn tại bên cạnh nhà Pinardi tại khu Valdoccô.

  • Những may mắn và những khó khăn nào đã giúp Don Bosco làm chủ hoàn toàn khu nhà Pinardi?
  1. NHÀ THỜ THÁNH PHANXICÔ SALÊ

Thoát khỏi những trắc trở luân lý của căn nhà Pinardi và Nhà hàng vườn [Giardiniera], chúng tôi lại phải nghĩ đến một nhà thờ xứng đáng hơn cho việc phượng tự, và thích hợp hơn cho nhu cầu ngày một lớn. Nhà thờ cũ quả đã được nới rộng thêm và nó đích xác chiếm hết vị trí của khu nhà cơm của các bề trên hiện nay (1875)[471], nhưng rất bất tiện vì khả năng chứa cũng như vì độ thấp của nó. Để vào nhà thờ, cần phải đi xuống hai bậc, cho nên vào mùa đông và khi trời mưa, nó sũng nước, trong khi vào mùa hè, chúng tôi hầu như bị ngộp vì độ nóng và hơi nồng quá mức. Hầu như  không có ngày lễ nào mà không có vài học sinh bị ngất xỉu hay được đưa ra ngoài vì nghẹt thở. Cho nên cần phải bắt tay vào việc xây dựng một ngôi thánh đường tương xứng hơn với con số các trẻ em, thoáng mát và yên lành hơn.

Kỵ sĩ Blachier đã vẽ một họa đồ,[472] mà một khi đem thi công, tất cho chúng tôi một nhà thờ thánh Phanxicô hiện tại, và một tòa nhà bao quanh sân nằm ở cạnh nhà thờ. Nhà thầu xây dựng là ông Phêđêricô Bocca. 

Khi đã đào lỗ đặt móng, thì lễ làm phép tảng đá móng đầu tiên được tổ chức ngày 20-7-1851.[473] Kỵ sĩ Giuse Cotta đặt tảng đá vào chỗ của nó; kinh sĩ Moreno,[474] Tổng quản lý Giáo phận làm phép; Cha Barrera danh tiếng cảm kích trước số đông người tới tham dự, đã bước lên một mô đất và đột xuất giảng một bài tuyệt diệu cho cơ hội này. Ngài khích lệ bằng các lời nguyên văn như sau: “Thưa quí ngài, tảng đá mà chúng ta vừa mới làm phép và đặt làm nền móng cho nhà thờ này, có hai ý nghĩa to lớn. Nó nói lên rằng một hạt cải bé nhỏ sẽ lớn lên thành một cây huyền nhiệm, và các trẻ em sẽ tới nương náu trong nó; nó cũng muốn nói lên rằng công cuộc này đặt nền trên một viên đá góc là chính Đức Giêsu Kitô, mà tất cả các nỗ lực mà các kẻ thù của đức tin sẽ làm để bạt nó đi, để chống lại nó, sẽ hoàn toàn vô ích”. Thế rồi ngài triển khai mỗi một trong hai tiền đề này đến mức làm thỏa mãn tất cả các thính giả, đến độ họ phải nhận là vị giảng thuyết hùng biện này quả là được Thiên Chúa linh hứng.

Đây là biên bản.[475] Biên bản của buổi lễ trong thể này đã được ghi lại.

Buổi lễ long trọng này đã lôi kéo các bạn trẻ ngoại trú từ mọi phía, trong khi vào mỗi giờ trong ngày luôn có nhiều em tới, có những em van xin được nương náu lại. Con số các em nội trú năm đó[476] đã lên tới 50 em, và một xưởng dạy nghề nào đó đã được khai trương trong nhà bởi vì chúng tôi ngày một cảm thấy việc các em đi ra khỏi nhà để làm việc tại thành phố càng ngày càng thêm thảm hại.[477]

Khi tòa nhà hằng được mong ước và linh thiêng này đã mọc lên khỏi đất, thì chính là lúc cha nhận thấy là nguồn tài chánh đã hoàn toàn cạn kiệt. Cha đã góp lại tất cả là 35.000 frăng do việc bán một số đất đai; nhưng số tiền này đã biến mất như nước đá đặt dưới ánh nắng mặt trời. Vị Tổng quản lý tài sản Hội thánh của vương quốc dành 9.000 frăng[478] cho công trình, nhưng  chỉ chuyển tiền đến khi công trình hầu như đã hoàn thành. Đức Giám mục địa phận Biella là Đức Cha Phêrô Losana[479] đã nghĩ rằng ngôi nhà mới này và toàn thể công cuộc của chúng tôi đem lại lợi ích đặc biệt cho các trẻ em học nghề của địa phận Biella, nên ngài đã gửi một lá thư luân lưu tới các cha xứ trong địa phận, mời gọi các ngài đồng đóng góp với của dâng cúng của các vị. Thư luân lưu viết như sau:

Cha xứ rất kính mến,

Vị linh mục đạo đức và xuất chúng Don Bosco, do nhiệt huyết của đức bác ái thực sự thiên thần, đã đảm nhận tiếp đón trong các ngày lễ tất cả các trẻ em mà ngài gặp, những em bị bỏ rơi và sống phân tán trong các quảng trường và các đường phố trong vùng đông dân và kéo dài giữa Borgo Đôra và xứ Martinetto, và rồi ngài đem chúng đến ở trong một nơi thích hợp, vừa để cho chúng có nơi vui chơi lành mạnh, vừa để dạy dỗ và giáo dục Kitô hữu cho chúng. Chính sự nhiệt thành và lao nhọc thánh thiện đó của ngài đã khiến cho nhà nguyện địa phương trở nên quá bé nhỏ cho các nhu cầu, và hiện nay không đủ để chứa một phần ba trong số hơn sáu trăm em hiện đã lui tới đó. Do nhiệt tình đối với biết bao thiện ích, ngài đã bắt tay vào công việc xây dựng một nhà thờ đáp ứng được với các nhu cầu của chương trình đầy tình yêu thương của ngài, và do đó ngài ngỏ lời kêu xin lòng bác ái của các tín hữu Công giáo, để từ đấy ngài có thể lấp đầy những chi phí quá lớn lao cần thiết hoàn tất ngôi thánh đường.

Thế nên với niềm tin tưởng đặc biệt ngài đã chạy đến với tỉnh và địa phận này qua bản thân tôi, bởi lẽ trong số hơn sáu trăm em đã qui tụ quanh ngài, đã có đến một phần ba (hơn 200 em) là các thanh thiếu niên Biella, trong số đó có cả vài em được ngài cho nương náu tại nhà ngài, và các em này được cung cấp tất cả những gì các em cần về lương thực và quần áo một cách miễn phí, để cho chúng có thể học được một nghề nghiệp. Do vậy ngoài danh nghĩa của đức bác ái, sự trợ giúp mà ngài yêu cầu nơi chúng ta cũng còn dưới danh nghĩa của sự công bình, do đó tôi xin cha rất kính mến báo cho các giáo dân tốt lành của giáo xứ cha về một chuyện thật tốt đẹp như vậy, và xin nhờ đến những người có khả năng hơn và dành một Chúa nhật để quyên góp tiền nong trong nhà thờ vì mục đích trên. Số tiền này sẽ được sớm chuyển về cho Tòa Giám mục một cách chắc chắn, có ghi rõ ngoài phong bì số tiền cụ thể chứa trong đó, cũng như nơi tiền đó phát xuất.

Trong sự hy vọng sinh động là sớm có thể  đem lại cho công trình của người của Thiên Chúa rất đáng khen đó một sự trợ giúp đầy khích lệ nhờ vào các của dâng cúng sẽ đến được với chúng tôi, và cùng với một bằng chứng công khai của lòng đạo đức sáng suốt và biết ơn của các giáo hữu trong địa phận của tôi đối với một công cuộc thánh thiện như vậy, một công cuộc thật hữu ích, thậm chí thật cần thiết cho thời đại chúng ta, tôi xin lợi dụng dịp thuận lợi này để nói lên sự quí trọng cùng niềm yêu thương lớn lao của tôi đối với cha.

Biella ngày 13-9-1851

Người tôi tớ hết tình phục vụ của Cha

+ Gioan Phêrô, Giám mục.

Cuộc quyên góp được một ngàn frăng. Nhưng đó chỉ là một giọt nước trên đất khô; do đó mới có sáng kiến mở một cuộc xổ số[480] với các phần thưởng là những món quà nho nhỏ. Đây là lần đầu tiên cha nại đến lòng bác ái công cộng dưới hình thức này, và nó đã được tiếp nhận khá thuận lợi. Chúng tôi nhận được ba ngàn món quà. Đức Giáo hoàng, vua, Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu,[481] và nói chung tất cả triều đình nổi bật lên với các quà tặng của mình. Việc bán các vé (50 xu mỗi vé) đã được hoàn tất; và khi thực hiện việc rút số lãnh phần thưởng tại Dinh Thị Sảnh, thì có những người đi tìm vé mua, trả đến 5 frăng một vé, mà vẫn không tìm ra vé để mua. Chúng ta có thể nêu ra Chương trình và các Điều lệ của cuộc sổ số này.[482]

  1. Bất cứ tặng vật nghệ thuật, thủ công, tức là các đồ thêu thùa, ảnh, sách, các tấm vải, và những thứ tương tự đều được đón nhận với lòng biết ơn.
  2. Trong việc trao tặng vật, người trúng sẽ được nhận một biên lai, trong đó viết phẩm chất của tặng vật và tên của người tặng, trừ khi vị đó không muốn công bố tên.
  3. Số vé của cuộc xổ số sẽ được phát hành tương ứng với giá trị của các tặng vật, trong các giới hạn mà luật cho phép, nghĩa là bằng một phần bốn của lợi tức sẽ thu được.
  4. Các vé sẽ được xé ra từ một tờ giấy mẹ, và sẽ được ký bằng chữ ký của hai thành viên Ủy ban xổ số.[483] Giá trị của vé là 50 xu.
  5. Sẽ trưng bày[484] công khai tất cả các tặng vật vào tháng ba tới, và cuộc trưng bày sẽ kéo dài ít nhất là một tháng. Sẽ có thông báo trong tờ báo chính thức của vương quốc về thời gian và nơi chốn trong đó sẽ thực hiện cuộc trưng bày này.
  6. Các số trúng thưởng sẽ được rút mỗi lần một số. Khi vì rút sai, mà xảy ra rút hai số cùng một lúc, thì không đọc lên các số rút đó, mà trả chúng lại trong thùng các số rút trở lại.
  7. Có bao nhiêu phần thưởng mà người mua vé có thể chiếm được, thì có bấy nhiêu lần rút số. Số thứ nhất được rút ra sẽ trúng tặng phẩm được ghi với con số 1; rồi đến số 2, và cứ thế tiếp tục, cho đến khi chúng ta rút đủ các số tương ứng với các số phần thưởng.
  8. Trong tờ báo chính thức của vương quốc sẽ được công bố các số trúng phần thưởng, và ba ngày sau bắt đầu việc phân phát các phần thưởng.
  9. Các phần thưởng không được lấy đi sau ba tháng thì được coi như là “được nhường lại cho” lợi ích của Nguyện xá.

Có nhiều người đã trúng phần thưởng nhưng nhường lại để làm công đức cho Nguyện xá. Từ đó lại rút ra được những lợi ích được chia thêm khác nữa. Đúng là phải chi không ít cho cuộc xổ số, tuy nhiên vẫn thu được một con số gói gọn là 26 ngàn frăng[485].

  • Don Bosco lo việc quyên tiền xây dựng nhà thờ thánh Phanxicô Salê như thế nào? Kế hoạch sổ số ra sao? Sự cân nhắc chín chắn của Don Bosco trong công chuyện này thế nào?

56 . KHỐN CHO TÔRINÔ!

VỤ NỔ KHO THUỐC SÚNG FASSIO GABRIELE –
LÀM PHÉP NHÀ THỜ MỚI

Trong khi các đồ dành cho những người trúng xổ số được triển lãm (16-4-1852), thì xảy ra vụ nổ kho thuốc súng gần nhà thờ nghĩa trang thánh Phêrô bị xiềng xích. Sức chấn động nó tạo nên thì ghê gớm và dữ tợn. Nhiều nhà xây gần và xa đó đều bị rúng động, và chịu thiệt thòi lớn. Trong số các người lao động tại đó, có 28 nạn nhân; sự thiệt hại sẽ còn nặng nề hơn, nếu một viên trung sĩ có tên là Sacchi, người đã dám liều đến chính mạng sống mình, đã không ngăn ngừa nổi việc ngọn lửa lan qua khu kho thuốc súng to lớn hơn ở bên cạnh, và nếu kho đó nổ, thì cả thành phố Tôrinô sẽ bị hư hại.

Khi nói đến chuyện này, cha muốn kể một sự kiện liên quan đến một người thợ trẻ của chúng tôi có tên là Fassio Gabriele. Năm ngoái anh ta rơi vào bệnh sốt rét ngã nước, cơn bệnh đưa anh ta đến cơn thập tử nhất sinh. Trong nỗi đau ghê gớm của cơn bệnh, anh ta chỉ nhắc đi nhắc lại: “Khốn cho Tôrinô, khốn cho Tôrinô!” Các bạn của anh ta mới nói với anh ta: – Tại sao thế?

  • Bởi vì nó bị đe dọa một thảm họa lớn.
  • Thảm họa nào?
  • Năm tới. Ôi, khốn cho Tôrinô, vào ngày 26 tháng tư.
  • Chúng ta phải làm gì?
  • Hãy cầu xin thánh Lu-y che chở Nguyện xá và những người ở trong đó.

Thế là, do lời yêu cầu của tất cả các em trong nhà, cả sáng và chiều đều có thêm vào kinh chung một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh, cầu nguyện với vị thánh này. Quả thực, nhà của chúng ta chịu hư hại ít so với cơn nguy hiểm này, và những em nội trú của chúng ta không có ai bị thương cả.

Trong khi ấy các công việc xây cất nhà thờ thánh Phanxicô Salê tiến triển nhanh không thể tưởng tượng được, và trong khoảng 11 tháng, đã đến hồi kết thúc. Ngày 20-6-1852, nhà thờ được thánh hiến cho việc phượng tự thánh với một lễ trọng thể phải nói là độc nhất hơn là hiếm có cho chúng tôi. Một cổng chào hình vòng cung cao khủng khiếp được dựng lên ở lối vào sân. Trên đó có treo dòng chữ nổi, viết:

VỚI NHỮNG CHỮ VÀNG RÒNG –

 CHÚNG TÔI VIẾT TRÊN MỌI PHÍA –

ĐỜI ĐỜI HOAN HÔ NGÀY HÔM NAY.

Từ mọi nơi vang lên những dòng thi ca này bằng âm nhạc của thầy Nhạc trưởng Giuse Blanchi, con người còn được ghi nhớ mãi:

Sao có thể mặt trời phía tây đã lặn,

Lại lên đường tiến ngược đến phía Đông?

Sao có thể giòng sông nước mênh mang

Quay ngược lại tuôn về nguồn mạch cũ?

Sao có thể ngày hôm nay rực rỡ,

Một ngày tươi đẹp nhất giữa chúng ta,

Và mãi mãi sẽ vẫn là đẹp nhất,

Lại có thể phai nhòa trong ký ức chúng ta!

Chúng tôi cũng đọc và hát vang cách hùng tráng bài thơ sau đây:

Như chim kia nhảy nhót ở trên cành,

Mong mỏi tìm ra chỗ ẩn thân, v.v… (Xin biên vào đây.[486])

[Thì Nguyện xá sau bao năm dời đổi,

Cũng tìm được nơi chốn bình an!]

Nhiều tờ báo cũng nói đến ngày lễ  long trọng này.

Ngày mùng một tháng Giêng năm đó, khai mào Hội Tương trợ để ngăn không cho các bạn trẻ của chúng tôi ghi danh vào Hội Thợ thuyền, một hội mà ngay từ lúc khởi đầu đã mang những nguyên tắc hoàn toàn xa lạ với đạo giáo. Mỗi người mang lấy một cuốn sách nhỏ có đóng dấu. Nó phục vụ cách tuyệt vời cho mục tiêu của chúng tôi.[487] Sau này, chính Hội này được chuyển thành Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô, một Hội vẫn còn tồn tại cho đến nay.[488]

Nhà thờ xây xong, còn cần các trang thiết bị đủ loại. Đức Bác Ái của dân thành phố không thiếu. Kỹ sư Giuse Duprè trang trí nhà nguyện kính thánh Lu-y, và mua một bàn thờ bằng cẩm thạch, cho tới nay bàn thờ này vẫn trang trí tuyệt diệu cho nhà nguyện này. Một ân nhân khác cho thực hiện khu ca đoàn, tại đó được đặt một đàn óc-gan nhỏ dành cho các trẻ em ngoại trú. Ông Micae Scannagati mua trọn bộ dàn nến; bá tước Fassati cho làm bàn thờ Đức Mẹ, và cung cấp một bộ chân nến bằng đồng, và sau này cả tượng Đức Mẹ.[489] Cha Cafasso trả tất cả các chi phí thiết lập tòa giảng. Bàn thờ chính do bác sĩ Vallauri cung cấp, và sau này được hoàn tất bởi người con của ông là Cha tiến sĩ Phêrô Vallaur. Như thế nhà thờ trong vòng một thời gian ngắn đã thấy mình được trang bị tất cả những thứ cần thiết cho các lễ ghi công.

  • Ý nghĩa lịch sử của nhà thờ thánh Phanxicô Salê như thế nào?
  1. TÒA NHÀ ĐANG XÂY SỤP ĐỔ NĂM 1852

Với nhà thờ mới kính thánh Phanxicô Salê, có phòng áo và tháp chuông,[490] chúng tôi có thể cung ứng cho các em có lòng ước ao tham gia các vào các phụng vụ thánh trong các ngày lễ, vào các lớp học tối và cả ban ngày. Nhưng làm sao đáp ứng được cho đám rất đông các trẻ em nghèo mà trong mọi lúc đến xin được trú lại? Hơn nữa, vụ nổ kho thuốc súng xảy ra trong năm trước[491] đó đã hầu như làm hư hoại căn nhà cũ. Trong lúc nhu cầu thật khẩn thiết như thế, chúng tôi đã quyết định xây thêm một cánh nhà mới.[492] Để có thể vẫn còn có thể sử dụng chỗ cũ, khu nhà mới được đặt ở vị trí tách rời ra, giữa khu cuối nhà cơm hiện tại cho tới nơi đúc các chữ in.

Công việc tiến hành rất nhanh,[493] tuy thế thời gian đã đi sâu vào mùa thu, và nhà thì đã xây được tới mái che. Khi các kèo và đòn tay đã được lắp ráp và đóng đinh, các thanh gỗ dùng để đặt ngói đã được trải ra trên giàn đòn tay và đóng đinh chặt, và ngói đã được kéo lên và chất đống trên lớp thanh gỗ để lợp, thì một trận mưa như thác đổ đình hoãn lại toàn bộ công việc. Nước đổ xuống nhiều ngày đêm, chảy xuống đầm đìa trên các dàn kèo và thanh gỗ dùng để lợp mái, làm rữa nát và kéo xuống với nó vôi vữa, chỉ để lại bức tường với thuần túy gạch và đá cuội trơ ra.

Và vào khoảng nửa đêm, mọi người đang an giấc, thì nghe thấy một tiếng rầm vang dội, và mỗi lúc một nghe ầm ầm ghê gớm và khiếp sợ. Mọi người trỗi dậy chẳng biết đó là chuyện gì, sợ hãi quá, đều lấy chăn và vải che giường trùm lên mình trở lại, rồi ra khỏi nhà ngủ và sợ hãi chạy trốn mà chẳng biết mình đi đâu, nhưng với một ý nghĩ là làm sao tránh khỏi chỗ nguy hiểm mà ai cũng có thể tưởng tượng được. Sự rối loạn và tiếng ồn ào tăng thêm; toàn bộ dàn mái, đòn kèo, trộn lẫn với các vật liệu của tường, tất cả rơi xuống đất, với một tiếng ầm vang to lớn, tất cả đều hư hại.

Vì căn nhà xây này tựa trên một cái tường của căn nhà cũ và thấp, nên ai cũng sợ là toàn bộ khu nhà đều sụp hết; nhưng may không còn những đổ vỡ nào khác ngoài tiếng động kinh khủng, nhưng không làm một ai bị thương cả.

Đến sáng, có các kỹ sư từ chính quyền thành phố tới. Kỵ sĩ Gabetti[494] đã nhìn thấy một cây cột cao khác, bị lung lay dưới đáy, nhưng còn dựa vào nhà ngủ. Ông đã thốt lên: “Tất cả hãy đi cám Ơn Đức Mẹ An Ủi đi. Cây cột này còn đứng được ở đây là một phép lạ. Nếu nó rớt xuống, chắc sẽ chôn Don Bosco trong đống nhà đổ nát cùng với ba mươi em nằm trong phòng ngủ dưới kia”. Các công việc được tiến hành, cái hại lớn nhất chủ thầu phải chịu. Sự hư hại của chúng tôi được tính vào khoảng 10.000 frăng. Sự kiện xảy ra vào giữa đêm ngày 2-12-1852.

Giữa những chuyện buồn xảy ra liên tục, cha luôn luôn được bàn tay nhân lành của Chúa làm giảm nhẹ các tai nạn của chúng tôi. Nếu tai nạn xảy ra chỉ hai giờ trước đó, thì có thể nó đã chôn các học trò học các lớp chiều của chúng tôi rồi. Chúng học xong các lớp này vào lúc 10 giờ, và ra khỏi lớp học [các học trò], với con số khoảng 300 em, thường chạy qua giữa các khoảng trống của tòa nhà đang xây cất này. Và chỉ sau giờ ra khỏi lớp một chút, thì xảy ra tai nạn.

Không những vì thời gian đã vào quá thu không còn cho phép bắt đầu xây cất lại tất cả hay dù chỉ một phần của công trình ngôi nhà bị hư hoại, chứ cha không còn dám nói là hoàn tất ngôi nhà. Và trong lúc này thì ai là người cung cấp giúp chúng tôi trong những bước khốn cùng của mình? Biết làm gì giữa biết bao nhiêu trẻ em với quá ít nơi ở như vậy và giữa một khu đổ nát? Những nhu cầu cấp bách tạo cho ta nên nhân đức. Chúng tôi củng cố lại những bức tường của khu nhà thờ cũ, nó được chuyển thành nhà ngủ. Còn các lớp học thì được chuyển sang nhà thờ, nhưng nó sẽ vẫn là nhà thờ trong các ngày lễ, còn trong tuần thì là trường học.

Cũng trong năm này, tháp chuông cạnh nhà thờ thánh Phanxicô Salê được xây dựng, và ông Micae Scannagati đầy lòng bác ái cung cấp một bộ chân nến đẹp cho bàn thờ chính, và bộ chân nến này tạo thành một trong những đồ trang trí đẹp nhất của nhà thờ.

  1. SỰ TĂNG TRƯỞNG TIẾP TỤC TRONG NĂM 1853

Vừa khi thời tiết cho phép là chúng tôi lập tức bắt tay vào việc dựng lại ngôi nhà đã sụp đổ. Công việc tiến triển mau mắn và vào tháng mười, tòa nhà hoàn tất.[495] Vì rất cần nơi chốn, nên chúng tôi ào tới để chiếm hữu ngôi nhà. Cha là người thứ nhất vào trong căn phòng mà Thiên Chúa ban cho cha được ở cho đến ngày hôm nay. Các lớp học, nhà ăn, phòng ngủ được thiết lập và sắp đặt cách bền vững, và con số các học sinh tăng lên 60 em.

Các ân nhân khác nhau tiếp tục cung cấp những gì cần thiết. Kỵ sĩ Duprè bằng tiền của mình cung cấp dãy chấn song bằng đá cẩm thạch  ngăn xung quanh bàn thờ thánh Lu-y; làm đẹp lại bàn thờ và làm nổi bật tất cả nhà nguyện thánh Lu-y. Bá tước Đaminh Fassati tặng dãy chấn song quanh bàn thờ Đức Mẹ, một bộ các chân nến bằng đồng mạ vàng cho bàn thờ đó. Quận công Carlo Cays,[496] một vị ân nhân lớn của chúng tôi, lần thứ hai đắc cử Hội trưởng Hội thánh Lu-y, trả cho chúng tôi món nợ cũ 1200 frăng cho chủ lò bánh mì, khi ông bắt đầu làm khó dễ trong việc phân phối bánh mì. Ông mua một quả chuông, và buổi khánh thành là một dịp lễ rất vui vẻ. Cha tiến sĩ thần học Gatto, cha sở đáng ghi nhớ của chúng tôi, tới làm phép chuông; rồi giảng một bài nhân cơ hội ấy cho rất nhiều khách đến dự từ thành phố. Sau các nghi thức thánh, thì có buổi diễn hài kịch là đề tài rất vui vẻ cho  tất cả mọi người. Chính công tước Cays cũng cung cấp một chiếc khăn đẹp, hiện tại là chiếc khăn choàng phủ Mình Thánh trong các buổi chầu và rước Mình Thánh, cùng với các trang thiết bị khác.

Nhà thờ mới đã được trang bị những thứ cần thiết cho việc phượng tự như thế, nên sau cùng đã có thể lần đầu tiên thỏa mãn nỗi khát mong chung của mọi người là cử hành tuần chầu Mình Thánh 40 giờ. Không có những sự giàu sang lớn về trang trí, nhưng có một sự tham dự phi thường của các tín hữu. Để đáp ứng lòng đạo đức hăng nồng và cho mọi người sự thuận lợi để thỏa mãn lòng sùng kính của mình, thì sau tuần chầu bốn mươi tiếng, còn có tuần bát nhật với giảng thuyết đi kèm theo, mà theo nghĩa sát mặt chữ được dùng để  giải tội cho đám đông đến dự. Sự tham dự phi thường này là động lực cho những năm sau đó để tiếp tục việc đặt Mình Thánh bốn mươi tiếng cùng với việc giảng thuyết đều đặn. Rất nhiều người tiếp tục đến lãnh nhận các bí tích thánh và cử hành các việc đạo đức khác nữa.

  • Những khó khăn và những may mắn góp phần cho sự tăng trưởng bền vững như thế nào?
  1. NGUYỆT SAN “SÁCH ĐỌC CÔNG GIÁO”

Năm đó [1853], vào tháng ba cha bắt đầu xuất bản định kỳ Nguyệt san Sách đọc Công giáo.

Vào lúc đó do hoàn cảnh bức thiết khuyến cáo, cha đã bắt đầu tạo ra một số bảng tóm lược xoay quanh Hội thánh Công giáo và một số các áp phích khác mang tiêu đề: Những ghi nhớ dành cho các người Công giáo và cha đem tất cả sức lực của mình tung chúng ra cho các bạn trẻ và các người lớn, cách riêng vào những dịp tĩnh tâm cũng như những tuần giảng đại phúc. Những trang sách nhỏ này và những cuốn sách nhỏ này được nôn nóng đợi chờ và đón nhận, và trong một thời gian ngắn, đã được tung ra hàng nghìn và hàng nghìn bản. Điều ấy thuyết phục cha về nhu cầu cần phải có một phương tiện bình dân nào đó giúp cho dân chúng có thể dễ dàng biết được những nguyên tắc nền tảng của đạo Công giáo. Do đó cha đã cho in một cuốn sách nhỏ có tiêu đề: Những lời cảnh báo cho người Công giáo.

Khi ấy cha mới thấy rằng khẩn trương phải chuẩn bị và in ấn cho dân chúng, và cha đã lên kế hoạch cho những cuốn sách gọi là Các sách đọc Công giáo. Sau khi đã chuẩn bị được một số các cuốn sách nhỏ, cha đã muốn xuất bản chúng ngay, nhưng khi ấy lại xuất hiện một cái khó khăn bất ngờ và không có thể tưởng tượng trước đó được. Không có một vị giám mục nào muốn đứng đầu cho công việc này. Các Đức Cha ở Vercellii, Biella, Casale đều đã từ chối. Các ngài nói rằng đây là một việc làm nguy hiểm. Đức Tổng Giám mục Fransoni, khi đó đang sống [lưu đày] tại Lyon, đã phê chuẩn, khích lệ, nhưng không một ai muốn đảm nhận ngay cả việc tái duyệt của Hội Thánh. Linh mục kinh sĩ Giuse Zappata, vị tổng đại diện, là người duy nhất theo lời mời gọi của Đức Tổng Giám Mục, đã duyệt một nửa cuốn sách nhỏ đầu tiên; sau đó ngài trả về cho cha bản chép tay và nói với cha: “Xin cha cầm lấy công trình của cha; tôi không cảm thấy mình nên ký vào đây.

Đồng ý với cha Tổng đại diện, cha đã trình bày mọi chuyện cho Đức Tổng Giám mục, và ngài đã trả lời cho cha với một lá thư đem đến cho Đức Cha Moreno, Giám mục của Ivrea. Qua thư đó, Đức Tổng Giám mục xin Đức Cha Moreno đứng ra bảo trợ cho kế hoạch xuất bản của cha, nâng đỡ cho kế hoạch đó bằng việc duyệt lại và bằng thẩm quyền của ngài. Đức Cha Moreno sẵn lòng giúp đỡ; ngài đã ủy nhiệm cho vị Tổng đại diện của ngài lo phần duyệt xét, nhưng đồng thời không công bố tên của người duyệt xét. Lập tức một chương trình[497] được biên soạn, và vào 1-3-1853, tập sách nhỏ đầu tiên của Sách đọc Công giáo được xuất bản…

  1. NHỮNG LẦN KHỐN KHÓ

Trong cuộc sống của mình, Don Bosco có nhiều lúc gặp những cảnh nguy nan bởi một số người ghét mình.

Một buổi chiều lúc cha đang ở giữa các thanh thiếu niên đang học hành, thì có hai người gọi cha hãy mau mau đến quán Tấm Lòng Vàng[498] để gặp một người hấp hối. Cha sẵn sàng đến ngay, nhưng muốn có một vài em trong số những học sinh lớn cùng đi theo. Họ mới nói với cha: “Cha đừng làm phiền đến các học trò của cha. Chúng con sẽ dẫn cha đến thăm người bệnh và sẽ dẫn cha về nhà lại. Người bệnh rất có thể sẽ bị quấy rầy bởi sự có mặt của đám trẻ.”

  • Ông đừng bận tâm về điều đó, cha nói thêm; những học sinh trên của tôi sẽ được đi dạo một đoạn đường ngắn, và sẽ dừng lại ở chân cầu thang trong thời gian tôi ở bên người bệnh.

Khi cha tới quán Tấm Lòng Vàng, họ liền nói với cha: “Cha hãy đến đây một lúc, và nghỉ ngơi đôi chút trong khi chúng tôi đi báo cho người bệnh là cha đến”. Họ dẫn cha đến một phòng ở tầng trệt, nơi những người thích ăn chơi sau khi ăn tối, còn dừng lại ăn hạt dẻ. Họ đón tiếp cha bằng ngàn lời khen ngợi và hoan hô, và muốn cha tự nhiên hưởng dùng các hạt dẻ của họ. Nhưng cha không thưởng thức các hạt dẻ này, viện lẽ cha đã dùng bữa tối rồi. Họ trả lời:

  • Ít nhất là cha uống một ly rượu. Cha sẽ thích mà. Rượu này là rượu miền Asti.[499]
  • Tôi không cảm thấy hứng thú, tôi không có thói quen uống rượu ngoài bữa ăn; nó làm tôi khó chịu.
  • Một chén rượu nhỏ chắc chắn không làm hại cha gì cả.

Nói thế rồi, chúng rót rượu ra cho mọi người; đến chỗ cha, một tên liền lấy chai rượu và cái chén đã được đặt riêng ra một bên. Thế là cha nhận ra dự định xấu xa của chúng. Tuy nhiên cha đưa tay tiếp nhận lấy ly rượu, và cụm ly với chúng, nhưng thay vì uống, cha tìm cách đổ rượu xuống trên bàn. Một tên liền lên tiếng:

  • Cha đừng làm chuyện này, làm như thế mất lòng đấy.

Một tên khác lại thêm:

  • Đó là môt sự sỉ nhục; cha không thể từ chối chúng tôi như thế.
  • Tôi không cảm thấy thích, và không thể uống, và cũng không muốn uống.
  • Cha phải uống với bất cứ giá nào! – Nói xong, một tên nắm lấy vai trái của cha, một tên khác nắm lấy vai phải của cha, rồi chúng nói thêm: – Chúng tôi không thể chịu đựng nổi trò sỉ nhục này. Cha phải uống vì thích hay vì bị ép buộc cũng được.
  • Nếu các anh muốn tôi nhất định phải uống, thì tôi sẽ uống; nhưng các anh hãy để cho tôi được tự do. Và vì tôi không thể uống, tôi sẽ đưa rượu này cho một trong các đứa con của tôi, chúng sẽ uống thay cho tôi. – Nói những lời giả vờ như vậy xong, cha liền bước một bước dài về phía lối ra, mở cửa, và gọi các bạn trẻ của cha vào.
  • Không cần, không cần những ai khác phải uống. Cha cứ an tâm, chúng ta sẽ đến với bệnh nhân ngay lập tức. Còn những ông bạn trẻ này thì cứ đứng lại dưới cầu thang. – Dĩ nhiên là cha không đời nào đưa ly rượu ấy cho những người khác uống, nhưng cha đã hành động để khám phá rõ ràng hơn cái âm mưu của họ, là làm cho cha phải uống thuốc độc.

Sau đó cha được dẫn đến một phòng ở lầu hai, tại đó, thay vì người bệnh, cha thấy người nằm tại đó là chính người đã đến để gọi cha đi, và anh ta sau khi chịu đựng một vài câu hỏi của cha, anh ta đã bật ra một tràng cười, rồi thốt lên: “Tôi sẽ xưng tội vào sáng mai”. Cha lập tức đi khỏi để lo công chuyện của cha.

Một người bạn của cha đã điều tra đôi chút về những người đã đến gọi cha, về mục tiêu của họ, và cha có thể chắc chắn rằng có một người nào đó đã trả cho họ một bữa ăn thịnh soạn với ý hướng là họ phải dụng công làm cho cha uống một chút rượu mà ông ta đã chuẩn bị.

  1. NHỮNG CUỘC TẤN CÔNG LIÊN MIÊN

NHỮNG CUỘC TẤN CÔNG – TRẬN MƯA NHỮNG CÚ GẬY

Những cuộc mưu sát mà cha sắp kể thật giống như các chuyện hoang đường; ấy thế mà đó lại chính là những sự thật đau đớn, được rất nhiều người chứng kiến. Này đây, một chuyện còn lạ lùng hơn nữa.

Vào một buổi chiều tháng tám, vào khoảng sáu giờ tối, cha đứng trên khu vực được ngăn cách bởi một rào chắn trong sân Nguyện xá, có các bạn trẻ của cha bao quanh, thì một tiếng bất ngờ vang lên: “Có tên giết người, có tên giết người”. Và thế là xuất hiện một tên mặc áo sơ mi dài tay, tay cầm một con dao dài, vẻ đầy ác khí, chạy lại phía cha, và la lên: “Tôi muốn Don Bosco, tôi muốn Don Bosco!” Tất cả các học sinh ào toé chạy, còn tên đó thì tiếp tục chạy theo sau một thầy tư giáo, mà hắn nghĩ là cha. Thế rồi hắn biết là hắn đã nhầm, nên lại hung hiểm chạy về phía cha. Vừa khi cha có đủ thời giờ trốn lên cầu thang của khu nhà cũ, và khóa chặt cổng lại, thì tên khốn nạn đó đến. Hắn đập phá, gào thét các thanh sắt hòng mở cổng ra, nhưng vô ích cha đã đang ở một nơi an toàn. Bọn trẻ của cha đã muốn tấn công tên khốn nạn đó và xé nát hắn ra thành từng mảng, nhưng cha liên tục cấm đoán chúng, và chúng đã nghe lời cha. Tin được báo về cho các cảnh sát, tại đồn cảnh sát, cho các cảnh sát mang súng các-bin,[500] nhưng không có ai đến mãi cho tới 9 giờ 30 vào tối hôm đó, là giờ các sảnh sát mang súng các bin tới bắt tên hung đồ đó và dẫn về đồn trại.

Ngày hôm sau viên đồn trưởng sai một cảnh sát viên đến hỏi xem cha có tha thứ cho tên  đã tấn công cha đó không. Cha trả lời là cha đã tha thứ cho cuộc tấn công vừa rồi cũng như các lần hãm hại khác; tuy nhiên nhân danh luật pháp, cha yêu cầu chính quyền bảo vệ tốt hơn bản thân cũng như nơi ở của các công dân. Ai có thể tin chuyện này? Đó là vào đúng giờ giấc mà hắn đã từng thực hiện cuộc tấn công vừa qua,[501]  tên địch thủ của cha lại quay trở lại đón cha vào ngày hôm sau ở một khoảng cách gần đó khi cha ra khỏi nhà.

Một người bạn của cha[502] thấy rằng cha đã không có thể được chính quyền bảo vệ cho mình, đã muốn nói chuyện với tên khốn khổ đó. Hắn trả lời: “Tôi đã được người ta trả tiền để làm, và nếu ông cũng trả cho tôi y như số tiền người khác đã trả cho tôi, tôi ra đi ngay trong sự yên lành”. Vậy là hắn ta được trả cho 80 frăng để đáp ứng số tiền thuê nhà đã đến hẹn trả, và được trả trước thêm 80 frăng [503]nữa để kiếm một chỗ ở khác xa khu Valdocco, và thế là kết thúc tua hài kịch thứ nhất.

Câu chuyện thứ hai mà cha sắp kể, không êm trôi như câu chuyện thứ nhất. Khoảng một tháng sau sự kiện vừa được kể ở trên, vào một buổi chiều Chúa nhật, cha được yêu cầu phải vội vã tới căn nhà ông Sardi gần khu Viện nương Náu, để giải tội cho một phụ nữ ốm nặng, mà người ta nói rằng sắp chết. Dựa vào các sự kiện xảy ra trước đó, cha mời vài thanh niên lớn đi theo cha. “Không cần” –  những người mời nói với cha – “chúng tôi sẽ đi theo cha; cha cứ để đám trẻ này ở lại với những trò chơi của chúng”. Những lời nói trên đủ để cho cha không đi một mình,[504] Cha đã để lại vài người ở lại trên đường phố, cách cầu thang lên nhà một vài bước; còn Giuse Buzzetti và Giacinto Arnaud thì dừng lại ở trên tầng lầu thứ nhất, ở điểm dừng của các bậc cầu thang, cách lối ra của phòng của người đàn bà đau ốm.

Cha bước vào nhà, và thấy một người  đàn bà đang thở hắt ra như người sắp trút hơi thở cuối cùng. Cha xin những người đứng xung quanh cả thảy là bốn người đi ra ngoài một chút để cha có thể nói về chuyện linh hồn. Người đàn bà cất giọng oang oang nói:

  • Trước khi xưng tội, tôi muốn tên ác ôn đang đứng trước mặt tôi kia rút lại các lời vu không nó đã trút lên tôi.
  • Không, tên kia trả lời.
  • Im lặng! – một tên khác đứng dậy nói xía vào.
  • “Ừ, Không, Coi này, Tao bóp cổ mày, Tao cắt đôi mày”,

Những lời trên trộn lẫn với những tiếng chửi rủa, tạo nên một âm vang ma quỉ chói tai trong nội phòng đó. Giữa cái trò ma quỉ này, chúng tắt hết đèn; rồi những tiếng la hét vang dội thêm, và một trận mưa gậy nhắm thẳng ngay nơi cha ngồi. Cha lập tức đoán ra trò chơi, chỉ là nhắm làm điên đảo cha; và vào lúc đó cha chẳng có thời giờ để mà tư tưởng hay suy nghĩ, cha liền nhận lời khuyên của thời cơ khẩn trương: cha đưa tay lôi lấy chiếc ghế, và đặt nó lên trên đầu, và dưới tấm khiên che này, cha tiến về phía cửa, vừa đi vừa nhận những cú gậy đập đôm đốp giáng xuống trên chiếc ghế đó.

Thoát ra khỏi nòng súng của Satan đó, cha tung mình nhảy vào vòng tay của các bạn thanh niên của cha, những người này khi vừa nghe những tiếng ồn ào, la hét, đã tìm cách vào trong căn nhà đó bằng bất cứ giá nào. Cha đã không bị những thương tích trầm trọng, trừ một cú gậy đập vào ngón tay cái bên tay trái  khi ấy vịn lên trên lưng ghế và kéo đi toàn bộ cái móng của nó, cũng như [phần da thịt] của đốt đầu ngón tay đó, đến độ cho tới nay cha vẫn còn mang sẹo. Nhưng cái hại lớn nhất là nỗi hãi sợ.

  1. CON CHÓ XÁM

Con Chó Xám là đề tài cho nhiều lời bàn luận và cho nhiều giả thuyết khác nhau. Không ít người trong chúng con đã từng thấy nó và thậm chí còn vuốt ve nó. Giờ đây loại ra một bên tất cả những câu chuyện kỳ dị mà người tà đồn đại về con chó này, cha chỉ trình bày lại cho chúng con những gì thuần túy là sự thật.

Những cuộc tấn công thường xuyên nhằm vào bản thân cha đã khuyến cáo cha là đừng tới lui thành phố Tôrinô một mình. Vào thời đó nhà thương điên là tòa nhà cuối cùng về hướng Nguyện xá, phần còn lại là mãnh đất ngổn ngang các bụi táo gai và cây keo.

Vào một buổi tối như mực, trời đã khá về khuya, cha đi về nhà mà người cảm thấy hơi rờn rợn; cha thấy một con chó ở bên cha, mà vừa nhìn thấy dáng nó, cha đã khiếp sợ; nhưng nó không đe dọa cha bằng những động tĩnh thù địch, mà còn quấn quýt, liếm vào cha với vẻ yêu mến như thể cha là chủ của nó. Chúng tôi đã sớm quen thân với nhau, và nó đi theo cha về Nguyện xá. Điều xảy ra vào chiều hôm đó, cũng còn xảy ra nhiều lần khác nữa; đến độ cha có thể nói rằng Con Chó Xám đã phục vụ cho cha thật tốt đẹp trong biết bao dịp. Cha xin kể lại một vài dịp.

Vào cuối tháng 11 năm 1854, trong một buổi chiều tuyết rơi và mưa đổ, cha trở về từ thành phố, và để khỏi một mình đi trên một con đường xa, cha bước xuống một con đường từ nhà thờ Đức Mẹ An Ủi tiến về phía viện Cốttôlengô. Tới một quãng đường nào đó, cha nhận thấy có hai người tiến bước cách xa cha một chút ở phía trước. Họ tiến nhanh bay bước chậm lại tùy theo mỗi khi cha tiến nhanh hay bước chậm lại. Khi cha thử tránh sang một bên kia đường để khỏi đụng vào họ, họ liền khéo léo đến trước mặt cha. Cha gắng tiếp tục bước, thì không còn thời gian nữa; bởi lẽ, họ đột ngột nhảy lùi hai bước, vẫn tuyệt đối lạnh lùng, họ tung một nhát rìu vào mặt cha. Cha gắng đừng để họ bao vây lấy cha, nhưng vô ích; thậm chí một người còn gắng lấy vải bịt miệng cha. Cha muốn la to lên, nhưng không thể. Ngay vào lúc đó xuất hiện Con Chó Xám, nó rú lên như tiếng chó sói, lao thẳng hai cẳng trước vào mặt một người, còn mõm thì sủa hướng về phía người kia, khiến cho họ buộc phải chận đứng con chó lại trước đã. Một tên run sợ hét lên:

  • Ông hãy gọi con chó này lại đi.
  • Được, tôi sẽ gọi, nhưng ông phải để cho những người đi đường được tự do.
  • Nhưng mà ông hãy gọi ngay nó lại, – chúng đồng thời thốt lên.

Con Chó Xám tiếp tục hú giống như chó sói hay như con gấu đang tức giận. Hai người kia vội bỏ đi theo đường của họ, còn Con Chó Xám thì luôn đứng bên cạnh cha, theo cha đi cho tới khi cha vào trong viện Cốttôlengô. Cha định thần lại khỏi nỗi khiếp sợ, và được hồi sức nhờ ly nước giải khát mà Đức Ái của viện này luôn biết mời đúng lúc, cha đã trở về nhà với Chó Xám tốt lành hộ tống.

Tất cả mọi buổi tối khi cha không có ai hộ tống mà phải đi qua các tòa nhà, cha luôn thấy xuất hiện Con Chó Xám từ một góc đường nào đó. Các em của Nguyện xá cũng nhiều lần thấy nó, nhưng có một lần nó tạo cho chúng tôi một trò vui. Các em trong Nguyện xá thấy nó đi vào trong sân: có em muốn đánh nó, có em muốn lấy đá ném nó. Giuse Buzzetti mới nói: “Các bạn đừng xử khinh bỉ nó, nó là con chó của Don Bosco”. Thế là mỗi em đều hết lòng vuốt ve nó bằng cả ngàn cách, và dẫn nó đến với cha. Cha thì đang ở nhà cơm ăn tối cùng với mấy thầy tư giáo và linh mục, và với cả mẹ của cha nữa. Đột nhiên thấy nó, mọi người đều sởn tóc gáy. Cha vội nói: “Đừng ai phải sợ. Đó là Con Chó Xám của tôi. Hãy để nó đến”. Quả vậy, nó đi một vòng rộng quanh bàn ăn, và tiến lại gần cha vẻ rất sung sướng. Chính cha cũng vuốt ve nó và chìa ra cho nó cháo, bánh và đĩa đồ ăn, nhưng nó không chịu ăn gì cả; thậm chí chẳng thèm đưa mũi ngửi món quà biếu này. Cha mới nói: “Thế ông bạn muốn gì vậy?” Nó không làm gì khác ngoài vẫy tai và phất đuôi. “Hoặc ông bạn ăn, hoặc ông bạn uống, hay ít là ông bạn vui vẻ với tôi chứ” cha kết luận. Thế là nó tiếp tục tỏ dấu hài lòng, tựa đầu nó vào chiếc khăn ăn của cha như thể muốn nói vào chúc cha một buổi tối tốt lành; sau đó, bọn trẻ con rất ngạc nhiên và vui sướng, tiễn nó tới tận cửa. Cha nhớ lại rằng buổi chiều hôm đó cha về nhà muộn, và một người bạn đã dùng xe ngựa đưa cha về nhà.[505]

Lần cuối cùng cha thấy Con Chó Xám là vào năm 1866, khi cha từ Morialdo đến Moncucco, thăm nhà ông Lu-y Moglia, người bạn của cha. Cha xứ Buttigliera đã muốn tiễn cha một đoạn đường, và chuyện đó khiến cha bất chợt thấy mình giữa đường phải một mình đi trong đêm tối.  Cha liền tự nhủ: “Ôi, nếu tôi đã có được Con Chó Xám của tôi, thì tôi sẽ may mắn biết mấy!” Nói xong, cha liền đứng lên một đồng cỏ để hưởng một chút ánh sáng cuối cùng. Vào lúc đó, Con Chó Xám chạy đến gặp cha vẻ vô cùng vui sướng, và nó tiếp tục cùng đi với cha quãng đường còn phải đi tiếp, dài độ ba cây số. Tới nhà người bạn của cha, nơi cha được mong đợi, người nhà đã báo cho cha đi qua khu riêng biệt, để con Chó Xám khỏi cắn nhau với hai con cho lớn trong nhà. Như lời ông Moglia nói: “Nếu chúng đánh nhau, chúng sẽ xé nát nhau thành nhiều mảnh.”

Cha nói chuyện khá lâu với cả gia đình, rồi cha đi dùng bữa tối, còn ông bạn Chó Xám của cha thì được để nghỉ trong một góc phòng. Cuối bữa ăn, ông bạn của cha mới nói: “Cũng phải cho Con Chó Xám ăn tối nữa chứ”. Rồi ông ta lấy một ít đồ ăn, đem đến cho con chó. Ông ta nhìn khắp mọi phía trong phòng và trong nhà; nhưng Con Chó Xám thì không thấy tăm hơi đâu nữa. Mọi người ai cũng ngạc nhiên, bởi vì cả lối ra lẫn cửa sổ, không có đâu để mở cả, ngay cả các con chó trong nhà cũng không ra dấu là Con Chó Xám có đi ra. Mọi người tiếp tục tìm trên lầu trên, nhưng chẳng có ai tìm được nó cả.

Đó là tin cuối cùng mà cha biết được về Con Chó Xám, là đề tài cho biết bao nhiêu các cuộc điều nghiên và thảo luận. Cha không bao giờ có thể biết được tên ông chủ của con chó. Cha chỉ biết được rằng con vật này đối với cha thật sự là một sự quan phòng[506] của Thiên Chúa trong nhiều dịp nguy hiểm mà cha gặp phải.

  • Bạn nghĩ gì về chuyện Con Chó Xám?

CÁC CÂU HỎI TỔNG KẾT VỀ DON BOSCO

  • Don Bosco đã tận hiến trọn cuộc đời, đã trọn cuộc đời cha các thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi như thế nào?
  • Don Bosco đã nhận ra mình được Chúa gọi ngài trong ơn gọi Salêdiêng như thế nào? Vai trò linh hướng có tác động gì trong sự biện phân ơn gọi và sự bền đỗ với ơn gọi?
  • Tại sao Don Bosco từ chối can thiệp vào chính trị? Ngài từ chối như thế để làm gì?
  • Đức nghèo khó và sự hiệp thông của cải trong đời Don Bosco đi đôi với nhau như thế nào? Nó đã được nêu gương bởi các bậc tiền bối Salêdiêng trong đó có cả Cha Cafasso, Cha Borel, Mẹ Margherita, và các người Salêdiêng đầu tiên ra sao?
  • Don Bosco sử dụng thời giờ của ngài vào những việc gì? Ngài có phung phí thời giờ chăng? Tại sao?
  • Tại sao lại nói lòng trung thành với Đức Thánh Cha là nét son của đức Vâng phục của Don Bosco?
  • Mối liên hệ giữa Don Bosco và nữ giới ra sao? Đặc biệt với các ân nhân, các người cộng tác, các nữ tu Con đức Mẹ Phù hộ? Phải chăng tình Cha trong Chúa đã giúp Don Bosco trở nên trong sáng trong mọi tương quan của ngài với nữ giới?
  • Don Bosco đã chín chắn trong ơn gọi truyền giáo “Ad Gentes” [tới muôn dân] như thế nào? Ngài thực hiện ơn gọi truyền giáo xuyên qua Tu hội Salêdiêng ra sao?

Chân thành chúc các bạn sinh viên

Một khoa học Salêdiêng Don Bosco có kết quả tốt đẹp!

ĐÔI LỜI KẾT LUẬN

Lễ Mẹ Thân Yêu!

Hôm nay lễ Mẹ lên trời, kỷ niệm 190 Sinh Nhật của Don Bosco thân yêu, bản dịch Hồi ký Nguyện xá này may mắn được hoàn thành, một trùng hợp thật dễ thương.

Cuốn sách này quả là một cuộc mạo hiểm vĩ đại của Don Bosco đi tìm Con Đường Tin Mừng sau đó được cụ thể hóa trong Hiến Luật  Salêdiêng.

Hôm nay, như mọi năm, có bảy anh em SDB tuyên khấn trọn đời theo con đường Tin Mừng Don Bosco đã vạch ra trong Hiến luật.

Cha chúng ta đã mạo hiểm kể từ tấm bé, kể từ sắp sửa chào đời, lúc mẹ cha đã dâng hiến cha cho Đức Mẹ, tức vào ngày 15-8-1815. Thế rồi từ các mốc điểm 2 tuổi mất cha, 9 tuổi, được Chúa Giêsu trao phó bé Gioan  cho Đức Mẹ là bà giáo vĩ đại của ngài, ngài đã phiêu lưu sống đời sống Tin Mừng, đi tìm cách đem Tin Mừng của Chúa Giêsu cho các thanh thiếu niên nghèo, bị bỏ rơi, gặp nguy hiểm, và hình thành đạo binh các con cái mênh mông bất tận của ngài. Don Bosco đã thể hiện toàn diện cách sống của Chúa Giêsu, đồng hành cùng Đức Mẹ, rao giảng Tin Mừng cho những kẻ khó nghèo và bé mọn cùng cứu thế giới.

Người dịch ước ao đặt tên cho Sách này là Nguyện xá phiêu lưu ký…, nhưng mà không dám đặt.

Tuy nhiên những trang sách này là vô tiền khoáng hậu cho những ai đã từng đi theo Don Bosco. Chúng nhắn nhủ chúng ta hãy mạnh dạn đi theo đường lối Tin Mừng Don Bosco đã khám phá ra cho chúng ta.

Chúc các độc giả mua vui cùng Don Bosco, khi Cha thánh vui say kể lại cuộc mạo hiểm mình cho các con cái, và mãi mãi tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ Maria Rất Thánh.

Xin Mẹ chúc lành cho các Salêdiêng và các bạn hữu của Don Bosco.

Xuân Hiệp 15 – 8 – 2005.

Xuân Uyển SDB

MỤC LỤC

LỜI PHI LỘ.. 3

LỜI NÓI ĐẦU.. 6

HỒI KÝ NGUYỆN XÁ THỜI KỲ I: 1815-1835. 6

DÀNH RIÊNG CHO CÁC HỘI VIÊN SALÊDIÊNG.. 6

  1. TUỔI TRẺ CỦA CHA.. 9

MƯỜI NĂM TUỔI THƠ – CHA CHẾT. 9

CẢNH NGHÈO TÚNG CỦA GIA ĐÌNH – MẸ GÓA. 9

  1. MỘT GIẤC MƠ.. 15

1)       Tương lai giáo dục của Don Bosco từ tấm bé được bao phủ bởi những sự hiện diện thần thiêng và nhân loại nào?. 18

  1. CHÚ XIẾC TRẺ.. 19

NHỮNG TRÒ VUI CHƠI ĐẦU TIÊN CHO CÁC TRẺ EM – CÁC BÀI GIẢNG – NHỮNG  NGƯỜI LÀM XIẾC  –  NHỮNG TỔ CHIM… 19

2)       Phương thế giáo dục của bé Gioan Bosco vừa đơn giản vừa hiệu nghiệm: bạn có biết lý do vì sao chăng?  23

  1. NẾM HƯỞNG TÌNH YÊU CHÚA QUA NGƯỜI CHA TINH THẦN 24

RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU – BÀI GIẢNG CỦA TUẦN ĐẠI PHÚC – DON CALOSSO – TRƯỜNG HỌC TẠI MORIALDO.. 24

3)       Kinh nghiệm thiêng liêng của bé Gioan được vun sới bởi mẹ Margharita và bởi cha Calossô như thế nào?………. 30

  1. NHỮNG HY VỌNG TAN VỠ.. 31

VIỆC HỌC HÀNH VÀ ĐỒNG ÁNG – TIN DỮ VÀ TIN TỐT LÀNH –  CÁI CHẾT CỦA CHA CALOSSO   31

  1. HỌC TẠI CASTELNUOVO.. 35

CHA CAFASSO – NHỮNG HOÀI NGHI – PHÂN CHIA GIA SẢN CỦA CHÚNG TÔI –  ÂM NHẠC –  NGƯỜI THỢ MAY.. 35

4)       Bài học đầu tiên về đời sống linh mục mà thầy Cafasso dạy cho bé Gioan Bosco là gì? Nó có thấm thía trong đời bé sau này không? Và Gioan bắt đầu rút ra các bài học nào từ những biến cố tang thương và những khó khăn của cuộc sống?. ………………………………………………………………………….40

  1. HỌC TẠI CHIERI. 41

THEO HỌC TẠI CHIERI – LÒNG TỐT CỦA CÁC THẦY GIÁO –  CÁC LỚP CẤP II ĐẦU TIÊN   41

  1. HỘI VUI. 46

CÁC BẠN HỌC – HỘI VUI – CÁC BỔN PHẬN KITÔ HỮU.. 46

  1. ĐỜI HỌC SINH.. 50

CÁC BẠN HỮU TỐT LÀNH –  CÁC VIỆC THỰC HÀNH ĐẠO ĐỨC   50

5)       Kinh nghiệm của chàng thiếu niên Gioan Bosco về hoạt động hội đoàn do sáng kiến của các bạn trẻ để giáo dục các bạn trẻ giúp cho bạn những hiểu biết gì về phương pháp giáo dục riêng của Don Bosco?  53

  1. LU-Y CÔMÔLLÔ.. 54

CÁC LỚP CỔ ĐIỂN VÀ VĂN CHƯƠNG – LU-Y CÔMÔLLÔ.. 54

6)       Ảnh hưởng của người bạn tốt trong đời học sinh được Don Bosco quảng diễn như thế nào?  59

  1. VUI BUỒN LẪN LỘN.. 60

CA-PHÊ VÀ RƯỢU MẠNH  –  MỪNG LỄ THẦY –  MỘT TAI HỌA   60

  1. NGƯỜI BẠN DO THÁI GIONA.. 63
  2. TRÒ ẢO THUẬT. 69

TRÒ CHƠI KHÉO TAY – ẢO THUẬT –  MA THUẬT –  TỰ BIỆN HỘ   69

  1. NGƯỜI VÔ ĐỊCH MÔN NHÀO LỘN.. 74

CHẠY ĐUA – NHẢY XA – CHÈO THUYỀN – ẢO THUẬT – TRÊN NGỌN CÂY   74

7)       Tất cả những chuyện vui buồn Don Bosco kể lại ở các chương này cho bạn thấy tầm nhìn giáo dục các thanh thiếu niên của ngài rộng thoáng như thế nào?. 77

  1. ĐÓI SÁCH.. 78

HỌC CÁC TÁC GIẢ CỔ ĐIỂN.. 78

  1. CHỌN BẬC SỐNG.. 80

VIỆC CHUẨN BỊ – VIỆC CHỌN BẬC SỐNG.. 80

8)       Vì tầm quan trọng của việc lựa chọn ơn gọi, Gioan Bosco đã tìm những cách thế nào để nhận ra ơn gọi đặc biệt Thiên Chúa dành cho cậu?. 84

THỜI KỲ II; 1835-1845. 85

  1. MẶC ÁO GIÁO SĨ. 85

MẶC ÁO GIÁO SĨ – LUẬT ĐỜI SỐNG.. 85

9)       Bạn nghĩ gì về những quyết định đầu đời giáo sĩ của Gioan Bosco?  89

  1. TỪ GIÃ MẸ.. 90

LÊN ĐƯỜNG VÀO ĐẠI CHỦNG VIỆN.. 90

10)     Bài học đầu tiên Gioan Bosco tiếp thu tại chủng viện Chieri là gì?  92

  1. ĐỜI SỐNG CHỦNG VIỆN.. 93

CÁC THỨ GIẢI TRÍ VÀ GIỜ CHƠI. 96

11)     Ý kiến của bạn về phương pháp rèn luyện Gioan Bosco nhận được trong chủng viện thế nào?  100

  1. CÁC KỲ NGHỈ HÈ.. 101

12)     Là một thầy chủng sinh, Gioan Bosco đã tiếp thu ý kiến về việc giảng lễ như thế nào?  104

  1. NHỮNG NGÀY TẠI MIỀN QUÊ.. 105

LỄ HỘI TẠI MIỀN QUÊ – TIẾNG ĐÀN VIÔLÔNG –  BUỔI ĐI SĂN. 105

MỐI TÌNH BẠN VỚI LU -Y CÔMÔLLÔ.. 108

13)     Những ý tưởng thiêng liên trao đổi giữa Gioan Bosco và Lu-y Comollô cho thấy tình bạn thiêng liêng hữu ích thế nào cho việc thằng tiến thiêng liêng và đưa tâm hồn người ta tới niềm hy vọng cao cả như thế nào?…………… 112

  1. VIỆC CÔMÔLLÔ HIỆN VỀ.. 112

14)     Những chân lý đời đời và một khoa tu đức lành mạnh và quân bình mang lại cho Gioan Bosco những lợi ích gì?. 115

  1. CHA GIOAN BOREL.. 116

PHẦN THƯỞNG – PHÒNG ÁO – CHA TIẾN SĨ THẦN HỌC GIOAN BOREL   116

15)     Cha Gioan Borel trong cuộc đời của Gioan Bosco?. 118

  1. VIỆC HỌC HÀNH.. 119

16)     Kiến thức rộng Gioan Bosco thu hoạch được là nhờ những gì?  122

  1. THỤ PHONG LINH MỤC.. 122

CÁC CHỨC THÁNH – ĐỜI SỐNG LINH MỤC.. 122

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH  KHI CHỊU CHỨC LINH MỤC.. 127

17)     Việc chuẩn bị làm linh mục và ba thánh lễ đầu tay của Gioan Bosco trong bầu khi trầm lắng và không có lễ lạc bề ngoài cho thấy Gioan Bosco đặt mục đích linh mục của mình ở đâu và đã theo đuổi những lời khuyên có ý nghĩa nào của Cha Borel?. 128

  1. ĐẦU ĐỜI LINH MỤC.. 129

NHỮNG KHỞI ĐẦU CỦA THỪA TÁC VỤ THÁNH –  BÀI GIẢNG TẠI LAVRIANO VÀ GIOAN BRINA   129

18)     Những kinh nghiệm Don Bosco rút ra trong năm đầu đời linh mục của ngài là những gì?  133

  1. TRƯỜNG ĐÀO TẠO GIÁO SĨ THÁNH PHANXICÔ ASSISI 133

19)     Trường đào tạo giáo sĩ Thánh Phanxicô Assisi mang lại cho linh mục trẻ Gioan Bosco những ích lợi gì?…………… 138

  1. LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. 138

KHỞI ĐẦU KHÁNH LỄ NGUYỆN XÁ.. 138

20)     Cuộc gặp gỡ cùng em bé Garelli mở ra một phương pháp và một sự dấn thân giáo dục như thế nào?………. 142

  1. NGUYỆN XÁ TRONG NĂM 1842. 143

21)     Hoạt động giáo dục nguyện xá năm 1842 của Don Bosc diễn ra như thế nào?  146

  1. CHUYỂN TỚI VALDOCCO.. 147

THỰC THI CHỨC LINH MỤC –  ĐẢM NHẬN MỘT CHỖ TRONG VIỆN NƯƠNG NÁU   147

(Tháng 9 năm 1844) 147

22)     Ơn gọi phục vụ thanh thiếu niên nghèo bị bỏ rơi của Don Bosco bắt đầu mang lấy nét cụ thể như thế nào qua sự can thiệp của các hoàn cảnh cho tới lúc này?. 151

  1. MỘT GIẤC MƠ MỚI. 152

GHI CHÚ CỦA BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT: 155

MỘT GIẤC MƠ VÀO THỜI NGUYỆN XÁ LƯU ĐỘNG.. 155

Xin trích từ BM II: các trang 232-233 MỘT GIẤC MƠ VÀO THỜI NGUYỆN XÁ LƯU ĐỘNG (tức thời kỳ từ tháng 8/1845 đến tháng 4/1846)  để bổ sung cho giấc mơ quan trọng trên: 155

23)     Những dấu hiệu từ trời cao chỉ cho Don Bosco biết sứ mệnh của ngài như thế nào?  157

  1. NGUYỆN XÁ CHUYỂN ĐẾN VIỆN NƯƠNG NÁU.. 158
  2. NGUYỆN XÁ RỜI KHỎI VIỆN NƯƠNG NÁU.. 162

NGUYỆN XÁ TẠI KHU NHÀ MÁY XAY-CÁC KHÓ KHĂN- 162

BÀN TAY CỦA CHÚA.. 162

  1. NGUYỆN XÁ TẠI NHÀ THỜ THÁNH PHÊRÔ BỊ XIỀNG XÍCH 169

NGƯỜI NỮ GIÚP VIỆC CHO CHA SỞ – MỘT BỨC THƯ – MỘT BIẾN CỐ THÊ THẢM. 169

24)     Những chuyện di dời Nguyện xá đã tôi luyện Don Bosconhư thế nào?  171

  1. NGUYỆN XÁ TẠI NHÀ CHA MORETTA.. 172
  2. NGUYỆN XÁ NGOÀI TRỜI. 177

NGUYỆN XÁ TẠI CÁNH ĐỒNG CỎ – MỘT CUỘC DÃ NGOẠI TỚI SUPERGA   177

  1. BÁ TƯỚC CAVOUR CHỐNG LẠI NGUYỆN XÁ.. 181

BÁ TƯỚC CAVOUR VÀ CÁC LỜI ĐE DỌA CỦA ÔNG – NHỮNG KHUẤY ĐỘNG MỚI CHỐNG LẠI NGUYỆN XÁ.. 181

  1. TỐI HẬU THƯ ĐẾN TỪ BÀ BÁ TƯỚC BAROLÔ.. 186

CHÀO TỪ BIỆT VIỆN NƯƠNG NÁU –  NHỮNG TỐ CÁO MỚI NHẤT VỀ VIỆC BOSCO ĐIÊN   186

THƯ NỮ BÁ TƯỚC BAROLO VIẾT CHO DON BOREL.. 191

25)     Trong tất cả mối liên hệ giữa Don Bosco và nữ bá tước Barolô, có những khó khăn nào? Sao bạn có thể nghĩ là tình bạn giữa hai người vẫn còn tiếp tục, và nữ bá tước không bao giờ quên trợ giúp Don Bosco?………    193

  1. CHÚA NHẬT LỄ LÁ 1846. 194

DI CHUYỂN SANG KHU NGUYỆN XÁ THÁNH PHANXICÔ SALÊ HIỆN NAY TỌA LẠC TẠI VALDOCCO. 194

DON BOSCO VIẾT CHO VỊ ĐẠI DIỆN THÀNH PHỐ MICAE CAVOUR   199

26)     Với 31 tuổi, Don Bosco đã tỏ ra chín chắn, kiên quyết cùng khôn khéo và dạn dĩ trong vai trò sáng lập Công cuộc Nguyện xá của ngài vượt qua những khó khăn như thế nào?. 202

THỜI KỲ THẬP NIÊN III: 1846-1855. 203

  1. NHÀ THỜ MỚI. 203

27)     Phong cách giáo dục tôn giáo và hướng dẫn thực hành các bí tích của Don Bosco tuyệt vời như thế nào?………… 209

  1. VUA CỨU NGUYỆN XÁ.. 210

ÔNG CAVOUR LẠI RA TAY – HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ – CẢNH SÁT  210

28)     Vua Carlô Albertô đã bảo vệ cho công cuộc của Don Bosco trước áp lực của ông Cavour như thế nào?………… 213

  1. KHAI SINH TRƯỜNG DẠY BAN TỐI. 213

CÁC LỚP HỌC NGÀY CHÚA  NHẬT – CÁC LỚP HỌC BAN TỐI  213

29)     Công việc dạy dỗ các trẻ Nguyện xá của Don Bosco gồm các lãnh vực gì? Theo bạn nó chuẩn bị cho trẻ bước vào đời làm sao?. 220

  1. CƠN BỆNH NẶNG.. 220

CƠN BỆNH –  VIỆC KHỎI BỆNH –  LẬP KẾ HOẠCH SỐNG TẠI VALDOCCO   220

  1. MẸ MAGHERITA DỜI ĐẾN VALDOCCO.. 225

NƠI Ở BỀN VỮNG TẠI NGUYỆN XÁ VALDOCCO.. 225

30)     Don Bosco đã thuyết phục mẹ ngài đến đó bằng lý do gì? Với việc mẹ Marghêrita của Don Bosco đến Nguyện xá, sinh hoạt giáo dục tại đó nhuốm vẻ cuộc sống gia đình như thế nào?  228

  1. ĐOÀN THÁNH LU-Y.. 229

ĐIỀU LUẬT CHO CÁC NGUYỆN XÁ – ĐOÀN THÁNH LU-Y  CUỘC VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC CHA FRANSONI. 229

31)     Hãy nói về tầm quan trọng của Hội đoàn trong khoa giáo dục Salêdiêng. Ngày nay chúng ta có thể áp dụng tổ chức hội đoàn vào thực trạng của chúng ta ra sao?………    233

  1. NHÀ NỘI TRÚ ĐẦU TIÊN.. 234

KHỞI ĐẦU KHU NỘI TRÚ –   VIỆC TIẾP NHẬN LẦN ĐẦU CÁC TRẺ EM VÀO NHÀ NỘI TRÚ   234

  1. MỘT NGUYỆN XÁ NỮA.. 238

NGUYỆN XÁ THÁNH LU-Y –  CĂN NHÀ MORETTA – ĐẤT CHỦNG VIỆN   238

  1. NHỮNG CHUYỂN BIẾN TRONG GIÁO DỤC.. 240

1848 – TĂNG SỐ CÁC EM THỢ VÀ LỐI SỐNG CỦA CÁC EM NÀY –  BÀI HUẤN TỪ TỐI  – NHỮNG NĂNG QUYỀN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC BAN –  CÁC TUẦN LINH THAO  NĂM   240

32)     Don Bosco đào sâu phương pháp giáo dục của ngài trong năm sôi sục tính chất cách mạng như thế nào?………. 247

  1. CÁC CỬ HÀNH TÔN GIÁO.. 248

TIẾN BỘ TRONG ÂM NHẠC – CUỘC RƯỚC ĐỨC MẸ AN ỦI –  PHẦN THƯỞNG TỪ THÀNH PHỐ VÀ TỪ CÁC TRƯỜNG CHO NHỮNG NGƯỜI NGHÈO – THỨ NĂM TUẦN THÁNH – NGHI THỨC RỬA CHÂN. 248

  1. THẲNG TIẾN GIỮA GIAN NAN.. 252

1849: ĐÓNG CỬA CÁC CHỦNG VIỆN – NHÀ PINARDI – NHỮNG ĐỒNG XU DÂNG LÊN ĐỨC THÁNH CHA – NHỮNG TRÀNG HẠT ĐỨC THÁNH CHA PIO IX  BAN – NGUYỆN XÁ THIÊN THẦN BẢN MÊNH – CÁC  NGHỊ SĨ TỚI THĂM… 252

33)     Quan điểm giáo dục dựa trên niềm tin tôn giáo qua khẩu hiệu “Lý trí – Tôn giáo – và tình thương yêu” được Don Bosco thể hiện như thế nào?. 257

  1. KHÔNG LÀM CHÍNH TRỊ. 258

CÁC NGÀY LỄ QUỐC KHÁNH.. 258

34)     Lập trường không làm chính trị Don Bosco chủ trương cho Tu Hội của Ngài có điểm thuận lợi nào và có những giới hạn nào?. 261

  1. MỘT ĐE DỌA KHÁC ĐẾN VỚI CÁC NGUYỆN XÁ.. 262

MỘT SỰ KIỆN NỮA.. 262

35)     Don Bosco nghiêm khắc với thói phô trương chính trị nhất thời như thế nào?  264

  1. LẠI TRỞ NÊN HẦU NHƯ ĐƠN ĐỘC.. 265

NHỮNG KHÓ KHĂN MỚI  –  MỘT MỐI AN ỦI – LINH MỤC ROSMINI VÀ LINH MỤC PHÊRÔ ĐỆ GAUDENZI. 265

ĐƠN XIN TRỢ CẤP CỦA CÁC THẦY TƯ GIÁO ĐẦU TIÊN CỦA NGUYỆN XÁ   267

36)     Giữa những khó khăn, Don Bosco biết tập trung nghị lực làm việc cho tương lai của Tu Hội và cho giới trẻ như thế nào?. ………………………………………………………………………..267

  1. MUA KHU NHÀ PINARDI 268

MUA NHÀ PINARDI VÀ NHÀ BELlEZZA – NĂM 1850. 268

37)     Những may mắn và những khó khăn nào đã giúp Don Bosco làm chủ hoàn toàn khu nhà Pinardi?  271

  1. NHÀ THỜ THÁNH PHANXICÔ SALÊ.. 272

38)     Don Bosco lo việc quyên tiền xây dựng nhà thờ thánh Phanxicô Salê như thế nào? Kế hoạch sổ số ra sao? Sự cân nhắc chín chắn của Don Bosco trong công chuyện này thế nào?  ………………………………………………………………………..278

56 . KHỐN CHO TÔRINÔ! 279

VỤ NỔ KHO THUỐC SÚNG FASSIO GABRIELE –  LÀM PHÉP NHÀ THỜ MỚI  279

39)     Ý nghĩa lịch sử của nhà thờ thánh Phanxicô Salê như thế nào?  282

  1. TÒA NHÀ ĐANG XÂY SỤP ĐỔ NĂM 1852. 283
  2. SỰ TĂNG TRƯỞNG TIẾP TỤC TRONG NĂM 1853. 286

40)     Những khó khăn và những may mắn góp phần cho sự tăng trưởng bền vững như thế nào?  287

  1. NGUYỆT SAN “SÁCH ĐỌC CÔNG GIÁO”. 288
  2. NHỮNG LẦN KHỐN KHÓ.. 290
  3. NHỮNG CUỘC TẤN CÔNG LIÊN MIÊN.. 292

NHỮNG CUỘC TẤN CÔNG – TRẬN MƯA NHỮNG CÚ GẬY.. 292

  1. CON CHÓ XÁM… 296

42)     Bạn nghĩ gì về chuyện Con Chó Xám?. 300

CÁC CÂU HỎI TỔNG KẾT VỀ DON BOSCO.. 301

43)     Don Bosco đã tận hiến trọn cuộc đời đã trọn cuộc đời cha các thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi như thế nào?…………… 301

44)     Don Bosco đã nhận ra mình được Chúa gọi ngài trong ơn gọi Salêdiêng như thế nào? Vai trò linh hướng có tác động gì trong sự biện phân ơn gọi và sự bền đỗ với ơn gọi?  301

45)     Tại sao Don Bosco từ chối can thiệp vào chính trị? Ngài từ chối như thế để làm gì?  301

46)     Đức nghèo khó và sự hiệp thông của cải trong đời Don Bosco đi đôi với nhau như thế nào? Nó đã được nêu gương bởi các bậc tiền bối Salêdiêng trong đó có cả cha Cafasso, Cha Borel, Mẹ Margherita, và các người Salêdiêng đầu tiên ra sao?…. 301

47)     Don Bosco sử dụng thời giờ của ngài vào những việc gì? Ngài có phung phí thời giờ chăng? Tại sao?  301

48)     Tại sao lại nói lòng trung thành với Đức Thánh Cha là nét son của đức Vâng phục của Don Bosco?  301

49)     Mối liên hệ giữa Don Bosco và nữ giới ra sao? Đặc biệt với các ân nhân, các người cộng tác, các nữ tu Con Đức Mẹ Phù hộ? Phải chăng tình cha trong Chúa đã giúp Don Bosco trở nên trong sáng trong mọi tương quan của Ngài với nữ giới?. ………………………………………………………………………..301

50)     Don Bosco đã chín chắn trong ơn gọi truyền giáo “Ad Gentes” [tới muôn dân] như thế nào? Ngài thực hiện ơn gọi truyền giáo xuyên qua Tu hội Salêdiêng ra sao?…………. 301

ĐÔI LỜI KẾT LUẬN.. 302

MỤC LỤC.. 304

HỒI KÝ NGUYỆN XÁ THÁNH PHANXICÔ

Gioan Bosco

Chịu trách nhiệm xuất bản

BÙI THỊ LÂM NGỌC

Biên tập: Lê Hồng Hải

Trình bày: Lê Thị Thanh Hải

Sửa bản in: Hồng Hải

Bìa: Nguyễn Trí Dũng

In: 1.000 bản. Khổ: 14 x 20 cm. In tại:

Số ĐKKHXB: 533 – 2013/CXB/11 – 26/ ĐoN, Cục Xuất bản xác nhận ngày: 23/4/2013. Quyết định xuất bản số: 255 B/QĐ – ĐoN,

do NXB Đồng Nai cấp ngày 24/9/2013.

In xong và nộp lưu chiểu: Quý 4/2013.

Nhà Xuất bản Đồng Nai, 1953J (số cũ 210) Nguyễn Ái Quốc, TP Biên Hòa, Đồng Nai

Ban Biên tập: (0613) 825 292 – P Kinh doanh: 946 521 – P Kế toán: 946 520

Fax: (0613) 946 530 – Email: nxbdongnai@hcm.vnn.vn

[1] Don Bosco gọi công cuộc của cha là “Nguyện xá”, một tên gọi do thánh Philíp Neri (1515-1595) sử dụng. Don Bosco muốn nơi này là một chỗ và một thực hành tông đồ cho các bạn trẻ tập họp lại để cầu nguyện, cử hành các lễ Chúa Nhật và lễ trọng, xưng tội, rước lễ và giảng cùng dạy giáo lý, với các phương tiện thu hút các bạn trẻ gồm trò chơi, đi dạo, học hành, với việc giúp giải quyết việc làm, và một nhà nội trú.

[2]  Thẩm quyền khuyến khích và sau đó ra lệnh chính là Đức Thánh Cha Piô IX: Năm 1858 ngài khuyên Don Bosco viết Các hồi ký, năm 1867, ngài ra lệnh. Don Bosco tôn trọng lời khuyên, nhưng chỉ đặt bút viết khi có lệnh!

[3] Don Bosco nhiều lần tỏ ra dè dặt trong việc nói về chính mình, ngay cả khi viết lời dẫn nhập cho cuốn truyện Đaminh Saviô do ngài viết. Chuyện này dễ hiểu vì đây là bàn về lai lịch của một Tu hội có liên quan đến đời sống nội tâm của riêng bản thân ngài. Sự kiện này cắt nghĩa tại sao ngài nhiều lần cấm phổ biến cuốn sách này.

[4] Ngày 1-1-1876, Don Bosco nói với các cộng sự viên của ngài: “Bây giờ nhiều chuyện cha đã viết, và chúng ta cần phải họp nhau lại để xem xét, lựa chọn điều gì nên công bố ra cho công chúng, và điều gì nên giữ im lặng; bởi vì có nhiều chuyện sẽ là những huấn thị lớn lao cho chúng ta; nhưng mà những chuyện đó lại không thể công bố ra được, ít nhất là cho đến lúc này” (G. Barberis, sử biên niên nhỏ (Cronichetta), quad. 3, 75-76, p. 46). Cho dù lúc đầu vì kính trọng ý muốn của Don Bosco, sách Hồi ký Nguyện xá không được xuất bản. Tuy nhiên nội dung của nó đã được đưa vào trong Lịch sử Nguyện xá thánh Phanxicô Salê trong các số “Nguyệt san Salêdiêng” từ 1879 đến 1886 do cha Bonetti, và cha Lemoyne đã đưa nhiều nội dung của nó vào trong ba cuốn Hồi sử Linh mục Gioan Bosco do ngài biên soạn.

Buổi chiều 2-2-1876, khi bàn về tầm quan trọng phải chuẩn bị những sử liệu có thể hữu ích để viết Lịch sử Tu hội Salêdiêng, Don Bosco đã nói: “Ở đây không phải nể nang gì đến Don Bosco hay đến ai khác; cha thấy rằng chuyện đời Don Bosco hoàn toàn hòa quyện với cuộc đời của Tu hội, và vì thế chúng ta hãy nói đến điều này, vì vinh danh lớn lao hơn của Thiên Chúa, và vì phần rỗi các linh hồn, và sự tăng triển của Tu hội, mà nhiều chuyện cần phải được biết tới. Và ở đây cha thấy tốt đẹp là hãy bỏ con người ra một bên; với cha thì có quan trọng gì việc nói tốt hay nói xấu về cha; có quan trọng gì việc người ta phán xét về cha thế này hay thế khác; họ đã nói gì, sẽ nói gì, điều ấy ít quan trọng đối với cha; cha sẽ chẳng hơn hay chẳng kém cái cha hiện có trước mặt Thiên Chúa, nhưng  cần thiết là các công cuộc của Thiên Chúa được biểu lộ ra”. Sau cùng Don Bosco có nhắc đến những điều mà cha đã viết liên quan tới chuyện này (G. Barberis, Sử Biên Niên Nhỏ, Quad. 4, p. 41).

[5] Tóm lại tất cả sự dè dặt trên và lệnh cấm phổ biến của Don Bosco là muốn nhấn mạnh đến việc cuốn sách này không dành cho công chúng, mà là dành riêng cho các hội viên của Tu Hội Salêdiêng mà thôi.

[6] Thời kỳ thứ nhất nói về cuộc sống tại gia đình và thời học sinh; thời kỳ thứ hai trình bày người chủng sinh và vị linh mục trẻ Bosco tại quê hương và tại Tôrinô; thời kỳ thứ ba kể các chuyện xảy ra cho cha và cho Nguyện xá Valdocco, từ khi mua căn nhà mái hẹp Pinardi (1846) đến việc xây dựng trường Nội trú (1855).

[7] Don Bosco luôn luôn tin là mình sinh  ngày 15-8; Khi Nguyện xá có thói quen cử hành sinh nhật của cha, thì mẹ của cha, người duy nhất có thể sửa lại ngày kỷ niệm này, đã chết. Don Rua cũng xác nhận trên tấm giấy ghi nhận vào ngày tang lễ của cha là cha sinh ngày 15-8. Chỉ sau khi cha qua đời, tìm trong sổ rửa tội của cha mới hay cha thực sự sinh vào chiều ngày 16-8-1815. Ngài được đặt tên là Gioan Melchior Bosco [trong đó tên thứ hai “Melchior” được đặt cho ngài để vinh danh cho ông ngoại của ngài]. Trong sổ rửa tội của Giáo xứ có ghi như sau: “Ngày 17-08-1815 – Bosco Joannes Melchior, con của đôi vợ chồng  Phanxicô Aloysii và Magarita Ochiena đã sinh vào chiều hôm trước, và ngay chiều  hôm đó được long trọng rửa tội bởi Linh mục đáng kính Giuse Festa, cha đỡ đầu là Melchior Ochiena…” Henri Ghéon trong tác phẩm Saint Jean Bosco của ông (Parigi, collezione Les Grands coeurs), trang 22 giải quyết tốt đẹp như sau: “Người đàn bà thánh thiện Magherita Occhiena chắc chắn đã trải qua ngày 15-8 trong sự hiệp thông vui sướng và khải hoàn với Đức Mẹ Chúa Trời. Bà dâng cho Mẹ nỗi đau đớn của bà và cả chính đứa con sắp sinh như được tắm gội trong lời cầu nguyện của bà và được phản ánh trên trán nụ cười dịu dàng của Đấng Vô Nhiễm. Em sẽ sớm được rửa sạch vết nhơ nguyên tội, và sẽ giữ mình mãi trong trắng đến ngày cuối cùng. Don Bosco có lý khi viết: “Cha sinh ra ngày 15-8”. Về mặt thiêng liêng, em thật có hai người mẹ, một trên trời, và một dưới đất. Tại Piemonte, có thời quen, hễ có gì xảy ra trước hoặc sau 15-8 một chút, thì đều nói chuyện đó xảy đến cho Đức Mẹ của tháng Tám. Chúng ta cứ coi như là ngay từ tấm bé, Gioan luôn được nghe nhắc đến trong gia đình là em được sinh ra cho Đức Mẹ của tháng Tám.

[8] Thị trấn Castelnuovo d’ Asti, nay là “Castelnuovo di Don Bosco”, có khoảng 3500 dân vào thời đó, cách Tôrinô 27 km. Thị trấn có bốn làng phụ thuộc trong đó có Morialdo, nằm cách Castelnuovo 4km.  Thôn Becchi nơi Don Bosco sinh trưởng nằm trong làng Morialdo, nay gọi là Il Colle (Đồi) Don Bosco. Don Bosco đã từng mơ trong năm 1886 là được mẹ Magherita dẫn mình trở lại một khu đất cao gần căn nhà nhỏ xưa của mình, và hai mẹ con đã nhìn cao nguyên bao quanh, và nói đến biết bao chuyện tốt lành sẽ làm cho dân chúng ở đây. Chính bề trên cả Ricaldone đã cho xây dựng một trường dạy nghề lớn ở đó.

[9] Mẹ Magherita sinh tại Capriglio, một thi trấn nhỏ cách Morialdo 7km. Gia đình mẹ Magherita rất nghèo, của hồi môn dành cho đám cưới của mẹ năm mẹ 24 tuổi, với bố Phanxicô của Don Bosco khi ấy 28 tuổi chỉ vẻn vẹn là một số công việc mà các người anh của mẹ hoàn thành giúp cho bố Phanxicô của Don Bosco.

[10] Các anh em của Don Bosco gồm Antôn, con đời mẹ trước, hơn Gioan 7 tuổi, rồi chị kế Têrêsa cũng con đời mẹ trước, nhưng chết sau khi sinh hai ngày. Mẹ Don Bosco sinh được hai con, anh Giuse hơn Don Bosco hai tuổi, và bé Gioan Bosco được 22 tháng khi bố Don Bosco qua đời vào tuổi 34.

[11] Người cha của các trẻ mồ côi [orphanorum pater], như câu được khắc ghi trên mộ cha, lần đầu tiên cảm nghiệm nơi mình sự đắng đót của một nỗi đau đớn mà cha đã phải cảm nhận và cha sẽ làm cho nhẹ vơi đi nỗi đắng đót đó với biết bao nhiêu trẻ em đau khổ.

[12] Một thùng tương đương với 23 lít. Thời đó một thùng lúa giá 7,43 lira.

[13] Don Bosco gọi đồng Franc tức là đồng Lira, vì miền Piêmontê gần với đời sống bên Pháp. Nói chung giá thực phẩm vọt lên gấp 6 lần giá bình thường.

[14] Nhà Becchi của Bosco được xây dựa vào tường nhà ông Cavallo và nhà ông Graglia. Tức các nhà trên có chung nhau một bức tường.

[15] Nguyên văn là “chồng của mẹ” (mio marito).

[16] Chính cha sở Vittorio Amedei đã xác nhận là đã nhận từ ông Gioan Zucca  người giáo hộ của gia đình Phanxicô Bosco số tiền 37,50 Lira để giao bốn thùng lúa vào ngày 6-7-1817.

[17] Gioan Bosco xưng tội kể từ năm lên sáu hoặc lên bảy. ĐTC Pio XII ngày 31-1-1940 gợi nhớ lại hình ảnh gia đình Becchi của Don Bosco: “Các con hãy xem người phụ nữ góa chồng đó cùng ba đứa con quì gối cầu nguyện sáng chiều; các con hãy xem họ giống như các thiên thần nhỏ trong bộ áo ngày lễ mà người mẹ cẩn thận lấy ra từ trong tủ, để đi sang làng Morialdo dự thánh lễ. Buổi chiều, sau bữa ăn tối thanh đạm, với miếng bánh được chúc lành, họ họp nhau lại xung quanh người mẹ. Mẹ nhắc lại cho chúng các giới răn của Chúa và của Hội Thánh, các bài học giáo lý vĩ đại, các phương tiện cứu rỗi, rồi kể lại… câu chuyện bi thảm của Abel và Cain, cái chết đau đớn của Chúa Giêsu tốt lành, bị đóng đinh trên thánh giá vì chúng ta. Ai có thể đo lường được những ảnh hưởng sâu xa của các lời dạy bảo hiền mẫu đầu tiên ấy! Chính Don Bosco khi trở thành linh mục đã nói từ đấy mà cha có được lòng sùng kính dịu dàng và tin tưởng với Đức Mẹ rất thánh và với Thánh Thể”.

[18] Khi học ở trường Castelnuovo, Gioan phải đi học cả sáng lẫn chiều, tức cuốc bộ 4 lần, mỗi lần 5km. Cho nên Gioan sau đó theo học trường ở gần hơn thuộc thôn Capriglio. Cha Lacqua không hứng thú lắm nhận một bé từ Becchi vào học, vì Becchi thuộc Castelnuovo. Nhưng có nhiều lý do đưa đẩy việc này: Trước hết người bác ruột của Gioan Bosco làm nội tướng giúp việc cho cha Lacqua, và sau này sẽ cùng mẹ của cha lên ở với cha tại Nguyện xá Valdocco. Kế đến mẹ Magherita khẩn khoản cha Lacqua nhận bé Gioan vì anh của bé phản đối bé đi học tại Castelnuovo do mất quá nhiều giờ đi lại. Gioan theo học với cha Lacqua khoảng hai năm, từ năm 9 đến 10 tuổi, và có phần nhỉnh tuổi hơn so với các bạn đồng trang. Gioan Bosco có mối liên hệ rất tốt với cha Lacqua, qua thư từ giữa ngài với cha Lacqua còn được lưu giữ lại. Đa số các giáo viên tiểu học và các nhà giáo trược trung học của quốc gia Piêmôntê khi đó là các linh mục. Các ngài vừa đảm nhận việc dạy học vừa giữ vai trò linh mục phó xứ hay tuyên úy coi sóc một nhà thờ của một làng.

[19]  ASC A 0030112, FDB 892 124: Ngày 30 -10-1875, ông Giuse Turco, bạn học xưa của Don Bosco, có đến Nguyện xá, giới thiệu giấc mơ của Gioan Bosco như sau: “Một hôm tôi thấy Gioan Bosco khác thường, chạy nhảy rất vui vẻ qua vườn nho của chúng tôi, và với vẻ hoan hỉ của ngày lễ cậu trình diện với bố của tôi. – Sao thế, bé Gioan, sao hôm nay bé vui như vậy trong khi mới đây thôi ta thấy bé buồn lắm cơ mà?. Có tin vui, tin vui. Đêm qua cháu đã mơ một giấc mơ trong đó cháu thấy là cháu sẽ tiếp tục được học, cháu sẽ làm linh mục, cháu sẽ đứng đầu rất nhiều các bạn trẻ mà cháu sẽ chăm lo giáo dục cho chúng trong suốt cuộc đời cháu. – Thế đó, bây giờ mọi sự tốt đẹp cả rồi, cháu sẽ có thể làm linh mục. – Nhưng đó chỉ là một giấc mơ thôi mà, còn phải chờ xem sự việc ra sao đã… – Ôi! Chuyện còn lại chẳng đáng kể gì, cháu sẽ là linh mục và cháu sẽ  đứng đầu biết bao các trẻ em, mà cháu sẽ làm rất nhiều chuyện tốt cho chúng”.  Và nói như vậy xong, cậu ta rất vui vẻ và bằng lòng đi ra như thường lệ để lo đọc, học và chăm sóc cho vườn nho”.

[20] Disciplina dịch là kỷ luật, hay khuôn phép; bản tiếng Anh dịch là sự hướng dẫn có vẻ hơi xa ý.

[21] Per I figlie miei: các con của Ta. Xin dịch là mẹ cho thân mật.

[22] Năm 1885, Don Bosco viết cho Đức Cha Cagliero: “Cha khuyên con không nên để ý nhiều tới các giấc mơ. Nếu chúng giúp để hiểu tốt các chuyện luân lý hay đến các luật của chúng ta, thì tốt, nên lưu giữ chúng lại. Nếu không thể, con đừng lấy chúng làm quan trọng” (E  IV 314). 

[23] Don Bosco thăm Rôma lần thứ nhất từ ngày 21 tháng 2 đến 14 tháng 4-1858. Ngài được bệ kiến Đức Thánh Cha nhiều lần: ngày 9, 21 (hoặc 23) tháng 3 và ngày 6 tháng 4. Cha LeMoyne tóm lại rằng: trong cuộc gặp gỡ ngày 21 tháng 3, Đức Thánh cha bảo ngài kể lại “những chuyện có dáng dấp siêu nhiên” và căn dặn Don Bosco: “Khi trở lại Torino, con hãy viết các giấc mơ này lại và những chuyện khác nữa mà lúc này con đã nói với cha, và viết chúng ra môt cách chi tiết và theo nghĩa tự nhiên của chúng; các con hãy duy trì chúng làm gia sản cho Tu Hội của các con; để chúng lại để làm mối khích lệ và các qui luật cho các con cái của con” (MB V,882). Cũng trong dịp này Don Bosco trình bày kế hoạch thành lập Tu Hội Salêdiêng và được Đức Thánh Cha khích lệ. Trong triều đại giáo hoàng rất dài của ngài (1846-1878), Đức Pio IX ủng hộ việc thiết lập các dòng tu mới để tái phát triển công việc truyền giáo của Giáo hội và cổ xúy các công cuộc bác ái; ngài thúc đẩy các lòng sùng kính Thánh Thể và Đức Mẹ Maria; ngài đánh giá cao tình cảm tôn giáo, cách riêng quan tâm đến các biểu hiện phi thường, các cuộc hiện ra và các dấu hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử. Khi xin Don Bosco kể về những chuyện siêu nhiên vào ngay lần thứ nhất họ gặp nhau, Đức Thánh Cha không có ý tách biệt Don Bosco ra như một con người nổi nang. Đức Thánh Cha chỉ nhạy cảm với cái siêu nhiên và tìm ra nó khi Ngài ngờ rằng có một dấu hiệu nào gợi tới cái đó (xem Stella, LW, tr. 10, n. 15).

[24] Don Bosco sử dụng động từ nể sợ theo nghĩa là “tôn trọng và kính yêu”. Trong cuốn sách viết về Hệ thống Giáo dục dự phòng, ngài viết: “Người giáo dục ở giữa các học trò của mình cần phải làm cho các học sinh yêu mến mình, nếu muốn làm cho chúng tôn trọng mình”.

[25] Đây là những tiểu thuyết đề cao các nhân vật anh hùng, từ vua cho đến các nhân vật nông dân áo vải nguồn gốc Pháp, Vênêtô. Cuốn truyện về nông dân Bertolđô Bố rất khôn lanh và khéo nói miêu tả một nông dân hình dáng xấu xí nhưng khôn lanh, được đức vua Alboinô quí mến, cho dẫu hắn đôi khi bông đùa về các vị quyền thế. Còn cuốn truyện về Bertolđô Con thì ngược lại: nó không vui cười trước cái dáng vẻ khôn lanh của giới dân chúng, mà là chế diễu về thói ngu xuẩn của dân đen.

[26] Mùa đông lạnh mà không có củi đốt cho ấm, nên dân quê thích tụ tập ở chuồng bò, để nhờ hơi ấm của súc vật, mà cảm thấy ấm áp. Dưới ánh sáng của một ngọn đèn họ giết thời gian bằng việc lần hạt, hay làm việc thủ công, trao đổi cho nhau các tin tức trong ngày, kể cho nhau các câu chuyện vui. Khi đó người ta cũng có thể đọc cho nhau nghe chuyện một vị thánh, hay trao đổi những câu đối thoại để học hỏi thêm về đức tin. Vào thời đó có nhiều sách bình dân về các đề tài đạo đức này.

[27] Con số 1826 được Don Bosco viết mà không cắt nghĩa. Don Bosco ở đầu chương nói là lúc ấy cậu bé mới lên mười. Vậy mùa đông kể chuyện này là vào thời gian giữa 1825-1826.

[28] Lối xoay vòng này trước hết là tung tay ôm lấy cây cột dựng chắc, hai chân dang ra bắt chước đuôi nhạn xoè, rồi thân mình xoay tít.

[29] Cây lê là cây đặc trưng của vùng Piêmôntê, với những trái nhỏ, được thu hoạch vào tháng mười một, dùng để nấu với rượu, đường hay mật, để làm mứt.

[30] Khăn ăn quấn quanh cổ, che cho đồ ăn khởi vương vãi vào áo.

[31] Cỏ gồm nhiều loại, cung cấp các màu đỏ, vàng, xanh.. Nay các màu hóa chất làm chúng ta quên đi công dụng của những loại cỏ này.

[32] Tiếng Anh “heather”, tiếng Ý “erica”, còn Don Bosco thì viết là “treppio”  mà đoán ra có lẽ là tiếng Piemonte “trebi hay terbi”,  là một loại cỏ có những lông cứng để làm bàn chải chải cho ngựa.

[33] Đây là khu dân cư làm nông cách Castelnuovo 2,5 km, và cách Torino 25km; vào năm 1834 đã có 2170 dân số.

[34] Nằm 1825 cha xứ Castelnuovo viết cho Đức Tổng Giám mục: “Việc dạy giáo lý cho các trẻ em không chỉ làm trong các ngày lễ, mà còn làm trong tất cả các ngày Mùa chay, bắt đầu từ tuần thứ nhất mùa chay cho đến Tuần Thương Khó, để có thể chuẩn bị các em xưng tội và rước lễ Phục sinh, cũng là dịp để tiếp nhận những em trai em gái ở tuổi mười hai xưng tội rước lễ lần đầu khi thấy các em đã chứng tỏ được khả năng và sự chín chắn” (Báo cáo của giáo sứ thánh Anrê, tờ số 471). Việc rước lễ lần đầu được tổ chức vào mùa Phục sinh. Gioan Bosco tròn 11 tuổi vào ngày 16-8-1826, nên chắc là đến Phục sinh năm 1827, thì được nhận tham dự Rước lễ lần đầu.

[35] Khoảng cách từ nhà Gioan Bosco đến nhà thờ Castelnuovo là 5km.

[36] Bản văn chỉ nói đến bổn phận Phục sinh, tức là rước lễ một năm ít là một lần vào dịp Phục sinh.

[37] Tên đúng của ngài là Giuse Sismonđô. Ngài vừa làm cha sở Castelnuovo từ năm 1812 đến khi qua đời, vừa làm cha quản hạt trong vùng. Địa phận Torinô khi đó có 463.000 dân số; số các xứ là 242, chia thành 27 hạt.

[38] Có thật là tuần Đại phúc long trọng của Năm thánh thông thường vào năm 1825 được trải dài sang đến năm 1826 do Đức Lêô XII ban hành chăng? Khi ấy Don Bosco mới có 10 tuổi. Trong Hồi ký Nguyện xá không nhắc đến thời gian Gioan làm trẻ phụ việc tại đồng quê ở Moglia, và Don Bosco đã nối kết lại hai  Năm thánh 1826 và Năm thánh 1929.  Để cử hành việc được tuyển làm Giáo Hoàng ngày 31-3-1829, Đức Piô VIII đã công bố Đại Năm thánh ngoại thường cho năm 1829. Đức Giám mục Chiaveroti công bố thời gian từ  8-22 tháng 11, 1829 là dịp lãnh ơn toàn xá. Tuần tam nhật đại phúc tổ chức tại Buttigliera từ thứ năm đến thứ bảy từ 5-7 tháng 11 năm 1829 là nhằm chuẩn bị để lãnh ơn toàn xá. Cho nên hợp lý hơn năm thánh được nói đến trong Hồi ký Nguyện xá này là năm 1829, và Don Bosco gặp cha Calosso nhằm ngày 5-11-1829, khi Gioan Bosco lên 14 tuổi, hơn là vào tháng Tư năm 1826.

[39] Cha Melchior Calosso (1760-1830), làm cha xứ tại Bruino 1791-1813; nhưng buộc phải từ chức cha xứ do sự vu khống của một vài chức danh thuộc nhóm Giacôbít, tức những người ủng hộ việc ban hành Hiến pháp cho quốc gia. Sau đó ngài về cộng tác với cha xứ ở Carignanô, rồi mùa xuân 1829, ngài chuyển tới nhà nguyện xóm Murialdo trong những năm 1829-1830. Morialdo chỉ là họ lẻ của Castelnuovo. Trước khi cha Calosso tới, họ lẻ này không có cha trong một thời gian. Các cha già, yếu đau thường đảm nhận một họ lẻ như thế, để cho người dân đỡ phải đi lễ xa. Một người dân địa phương sống tại Tôrinô dành cho nhà nguyện Morialdo này một bổng lương 800 lire một năm. Cách sắp xếp như vậy rất thông thường tại Piemonte, nơi tương đối có nhiều linh mục.

[40] Từ các nguồn khác thì đề tài bài giảng thường nói đến việc gặp gỡ giữa linh hồn và thân xác vào ngày phán xét chung thẩm. Đáp ứng các mục đích của Hồi ký Nguyện xá, Don Bosco thay bài giảng đó bằng bản văn này có nguồn gốc từ cuốn Hành trang bạn trẻ.

[41] Gồm mẹ, ba đứa con và bà nội.

[42] Sách văn phạm Latinh lấy tên nhà văn phạm lớn thế kỷ  IV tên là Đonatô.

[43] Đây là dấu anh Antôn của Don Bosco có đi học. Anh ta có khả năng ký tên mình trong các tài liệu. Anh Giuse của Don Bosco mới lên bốn khi bố chết, có thể  không được đi học, chỉ biết ký tên mình bằng dấu chữ “+”.

[44] Cách học Latinh dưới hình thức các vần thơ  cho dễ nhớ, ví như:

Các đại danh từ  tiếng latinh Qui, quae, quod [chỉ đàn ông, đàn bà, sự việc] thì  khi nào sử dụng thì được đặt vần như sau:

Qui, Quae, Quod khi nào sử dụng?

Tùy theo tiếng đi trước,

Mà chọn một trong ba,

Sao cho hợp cả giống lẫn số.

[45] Don Bosco đã không đá động gì đến biến cố xung đột trong gia đình khiến Mẹ Magherita phải cho cha đi làm người ở tại trang trại Moglia, mà chuyển sang ngay đến tình thương lớn lao của cha Calosso. Trên thực tế diễn tiến phức tạp hơn:

  1. Anh Antôn thực sự ngăn trở việc học của cha trong các năm 1825-1827, khi anh 17 – 19 tuổi.
  2. Mẹ Magherita với sự hậu thuẫn của chị Mariannê và cậu em Micae, tính đến phân chia gia sản của bố Phanxicô của Don Bosco cho cả ba người con, để Antôn sống tự lập, và như vậy giải thoát cho Gioan Bosco. Nhưng phải đợi đến năm 1829, khi Antôn tới tuổi trưởng thành.
  3. Thế là không cho Gioan Bosco biết gì về kế hoạch của mình, Mẹ Magherita để cho bé đến trang trại Moglia là người quyến thuộc của gia đình mẹ Magherita. Tại đây cậu bé đã chinh phục lòng mọi người. Nhưng bé có thể chỉ được lui tới học hành đôi chút với cha xứ Castelnuovo và với cha hiệu trưởng của trường địa phương là cha Nicholas Moglia, là anh trai của chủ trại Moglia, mà vẫn phải vất vả lao động.
  4. Ngày lễ Các thánh, tháng 11,1829, cậu Micae đem Gioan Bosco trở về nhà, khi đã có thể đối chất lại với Antôn để giàn xếp chính thức việc gia đình như dự tính. Đây cũng vào dịp Cử hành tuần Đại phúc mừng Đại Năm thánh tại Buttigliera. Trong dịp này Don Bosco được gặp cha Calosso.
  5. Kết quả là cha Calosso không những lo dạy dỗ cho Gioan Bosco, mà vào năm 1830, cha còn cho cậu được sống với cha, và được cha thương như đứa con yêu quí.

[46] Theo tài liệu chính thức (giấy khai tử) cha Calosso chết 21-11-1830. Bé Gioan Bosco đã trải qua học và sống với người bạn và người thầy đời sống thiêng liêng này trong một năm từ tháng 11,1829 đến tháng 11,1830, tức từ 14 đến 15 tuổi..

[47] Hạn từ “mọi sự” đây gồm cả chiếc chìa khóa mở hòm tiền. Số tiền là 6.000 lire (tương đượng với 2.400.000 lire vào năm 1985, tức US. 16.000). Nếu tại trường Chieri mà Gioan Bosco theo học các năm 1831-1835, học phí hằng năm là 12 lire, thì số tiền cha Calosso để lại cho cậu bé con của bà Magherita nghèo khổ này thật là vô cùng to lớn. Sự từ bỏ lớn lao này Don Bosco kể lại một cách nhẹ nhàng hòa hợp với giấc mờ cậu bé Gioan Bosco sắp mơ nhắc nhỏ cậu “đừng đặt tin tưởng ở người đời mà hãy phó thác cho Thiên Chúa!”

[48] Don Bosco nhớ dịp gặp cha Cafasso lần đầu tiên là vào năm 1827.  Nhưng Cafasso thuộc nhóm sinh viên thần học đầu tiên học tại Chieri khi Đức Tổng Giám mục Chiareroti mở trường chủng viện ở đây năm 1829. Vậy năm chính xác Don Bosco lần đầu tiên gặp cha Cafasso có thể là 1830.

[49] Có lẽ lúc ấy Gioan Bosco lên 15 tuổi thì đúng hơn, và thầy Cafasso khoảng 20 tuổi, học năm I thần học.

[50] Một gợi ý về hệ thống giáo dục toàn diện của mình, cũng như những gì bé Gioan Bosco đã từng nói cho cha Calosso về những đứa trẻ cần có tấm lòng thương yêu chúng để giáo dục chúng.

[51] Giấc mơ này có thể theo sau cái chết của cha Calosso cũng như việc đã trao chìa khóa hòm tiền cho người bà con thừa kế của cha, để Gioan Bosco thật sự chẳng còn gì để nương tựa nữa xét về mặt nhân loại.

[52] Chính ra là vào tháng 12 năm 1830, lúc Gioan Bosco lên 15 tuổi.

[53] Don Bosco khôi hài khi nghĩ đến trường dạy nghề của ngài vào những năm 1870.

[54] Trên thực tế là năm 1831.

[55] Don Bosco không muốn kể tên vị thầy mới đến này. Ngài chính là cha Nicola Moglia, họ hàng với nhà Moglia mà xưa kia cậu bé nghèo Gioan Bosco đã tới ở nhờ. Ngài đã 75 tuổi, và bất lực trong việc giữ kỷ luật. Vì biết Gioan Bosco trong hoàn cảnh ở nhà Moglia xưa, nên ngài cứ coi Gioan Bosco như một đứa trẻ tầm thường. Nếu em làm bài tốt, ngài lại nói đó chẳng phải là bài làm của em, mà là cóp của bạn khác. Về vị linh mục này, cha xứ của xứ Castelnuovo là nơi có mở trường dạy cho các em nhỏ và lớn, giống như Gioan Bosco ở lứa tuổi 15, có nhận định là ngài là linh mục đã phục vụ giáo xứ trong 30 năm trong tư cách cha phó xứ I, và bây giờ ngài lại chọn làm cha phó xứ II, với nhiệm vụ giải tội, đã giúp ích cho giáo xứ rất nhiều. Tuy nhiên theo nhận xét của Gioan Bosco, thì công việc dạy học của ngài đã không giúp gì cho cậu cả.

[56] Nguyên văn là “các lớp Văn pháp” [classi di grammatica]. Sau đây là bản đối chiếu chương trình học trung học của thời niên thiếu thánh Gioan Bosco với chương trình hiện hành của chúng ta:

Tại Việt NamTại Ý hiện nayTại Piêmontê
Lớp 5 tiểu học Lớp  Chuẩn bị
Lớp 6Ginnasio 1Lớp Văn pháp I
Lớp 7Ginnasio 2Lớp Văn pháp 2
Lớp 8Ginnasio 3Lớp Văn pháp 3
Lớp 9Ginnasio 4Lớp Cổ điển
Lớp 10Ginnasio 5Lớp Văn chương
Lớp  11Liceo= trung học cấp IIILớp Triết học 1
Lớp  12Liceo= trung học cấp IIILớp Triết học 2
Đại họcUniversità: Đại họcĐại học

[57] Thành phố Chieri cách thủ đô Tôrinô 15km  về hướng Đông-Nam, có 9 ngàn dân, sống bằng kỹ nghệ dệt. Khi ấy Chieri vẫn còn có một trong các đại chủng viện của giáo phận, và là một thành phố cho các học sinh miền quê lên học. Mỗi năm có khoảng 600 em lên đó học. Gioan Bosco lên đó học ngày 3-11-1832, với tuổi 15. Nhờ lớn lên gian khổ tại miền quê, nên bất chấp quần áo và lương thực đạm bạc, cậu vẫn giữ được vóc dáng và sự khỏe mạnh.

[58] Don Bosco chơi chữ ở đây. Tên Bosco của cha có nghĩa là cây cối.

[59] Bà Lucia Matta thuê một nhà của ông Giacôbê Marchisio tại công trường Thánh Gugliemo, số 9, đường Mercanti. Trong năm học, bà ở đó trông nom con trai bà, tên là Gioan Baotixita Matta (1809-1878), sau này là thị trưởng Castelnuovo. Hai nhiệm vụ “hộ trực và coi sóc” [assistere e vegliare] Don Bosco dùng ở đây, và việc Gioan Bosco sẽ đích thân đảm nhận việc này để giúp đỡ cho con trai bà Matta là tiền đề cho Hệ thống giáo dục dự phòng Salêdiêng.

Cho Gioan Bosco ở bên bà Lucia Matta, gia đình phải trả 21 lire tiền nội trú hằng tháng. Một số tiền quá lớn đối với Mẹ Marghêrita. Nên Gioan Bosco phải bổ sung một phần bằng việc làm những việc phụ cho gia đình Lucia Matta, phần còn lại mẹ Marghêrita vừa trả bằng tiền vừa trả bằng lương thực. Nhưng sau bà Lucia nhờ thẳng Gioan Bosco chăm sóc trực tiếp cho cậu con trai của bà, dù cậu bé này trên Gioan Bosco một lớp, và sự thành công lên tới mức bà Lucia chuẩn miễn hẳn cho Gioan Bosco tiền trả nội trú.

[60] Vị hiệu trưởng do nhà nước đặt, là cha Eusebius Sibilla, giáo sư triết lý, dòng Đaminh. Năm 1832, ngài được bầu là Bề trên Tỉnh dòng có trụ sở tại Genova.

[61] Lớp chuẩn bị này tương đương với lớp 5 cấp I hiện nay.

[62] Nhà thần học tức là tiến sĩ thần học.

[63] Tương đương lớp 6 cấp II hiện nay.

[64] Tương đương với lớp 7 cấp II hiện nay.

[65] Don Bosco không chỉ có trí nhớ tốt, mà là rất tốt. Don Bosco nói: Cha đọc là nhớ hết. Khi đã cao tuổi, Don Bosco còn đọc cả tràng thơ của thi sĩ Đantê cho các thư ký của cha nghe. Khi gần qua đời, lúc đàm thoại với cha Rua về một thời điểm của lịch sử thánh đã từng gợi hứng cho thi sĩ Metastasio, cha đã đọc hầu như cả một cảnh của thi sĩ này mà chắc hẳn cha đã không đọc đến nữa kể từ khi rời trường trung học cấp II.

[66] Đúng ra là 1831-1832.

[67] Tức lớp 8 cấp II.

[68] Don Bosco lại trở lại với đề tài giáo dục ngài rất ưa thích: đó làm tầm quan trọng của việc cẩn trọng chọn các bạn mà chơi.

[69] Bởi tại Piemonte được coi là một vấn đề luân lý vì ba lý do: (1)  Có nguy hiểm chết đuối vì nước sông có chỗ xoáy; (2) Trầm mình trần dưới nước xúc phạm tới sự nết na tự nhiên dù không có trẻ nữ tắm; (3) Vắng người lớn coi sóc, có thể xảy ra hạnh kiểm xấu.

Hơn nữa luật nhà trường nghiêm cấm học sinh đi bơi lội, vào nhà kịch, các trò bông đùa, đeo mặt nạ, đi dự vũ hội, các trò chơi ngoài phố xá, tiệm hàng hay tiệm cà phê, dự tiệc tùng, đi uống tại quán, diễn kịch tại nhà v.v… mà không có phép của hiệu trưởng.

[70] Sau đây là ghi chú ngoài lề do chính tay Don Bosco viết: “Matta Gio[an] Bat[tis]ta di Castelnuovô, nhiều năm làm thị trưởng thị trấn quê hương, và bây giờ có một tiệm bán thuốc tại cùng một thị trấn”.

[71] Các trò chơi trong nhà ví như trò ảo thuật, kể chuyện, sáng tác thi ca. Không khó để nhận ra ở đây đã phác họa ra được Hệ Thống Dự Phòng của Don Bosco và tác động của một người bạn tốt trên một bạn trẻ khác.

[72] Gioan TG Matta (qua đời 1878), thực ra hơn Gioan Bosco 6 tuổi, học trên một lớp. Đọc Don Bosco, ta có cảm tưởng như cậu còn nhỏ tuổi hơn Don Bosco.

[73] Ba đặc điểm của Don Bosco được biểu lộ xuyên qua hình thái của Hội Vui này là: (1) Nhiệt tình tông đồ đầy hoạt động tính; (2) Một khả năng tổ chức đích thực; (3) Và trên hết, tinh thần vui vẻ là điểm son của tất cả công trình giáo dục của ngài. Khoa giáo dục của Don Bosco dựa nhiều trên sáng kiến tông đồ của các bạn trẻ sinh hoạt trong “các hội bạn tốt”, quen gọi là “Các Hội Lành”, nhằm thực hiện sự đóng góp của giới trẻ vào trong việc đào luyện của chính các bạn trẻ với nhau.

[74] Chúng ta không biết năm nào Don Bosco và các bạn tổ chức Hội Vui, nhưng có lẽ chỉ sau một thời gian ngắn khi Gioan Bosco đến học ở Chieri.

[75] Garigliano (+1902) nhỏ hơn Don Bosco hai tuổi, cùng vào chủng viện và làm linh mục đồng học tại trường Convitto Ecclesiastico với Don Bosco. Braje trẻ hơn Don Bosco ba tuổi, chết năm 1832. Do đó Hội Vui được thành lập vào niên khóa 1831-1832.

[76] Don Bosco gọi là nhà trường là “collegio”, và vào thời đó nó được hiểu là  trường trung học nhà nước Piêmôntê, giống như là nhà trường hoàng gia tại Chieri nơi Don Bosco đã theo học, chủ trương giáo dục các thanh thiếu niên vừa theo học trí thức, vừa được huấn luyện trong thực hành đồng sống Kitô giáo với thánh lễ và việc dạy giáo lý.

[77] Các luật về tôn giáo thời đó được công bố trong một tuyển tập (raccolta) có khi rất chi tiết. Như khoản luật 123 liên quan đến đại học: “Vào những lễ trọng của Hội thánh. Các ngày lễ của Đức Trinh Nữ, các thánh bổn mạng của nền học vấn, sau lớp, các học sinh phải được chuẩn bị để cử hành các mầu nhiệm.

Don Bosco cũng cho những khuyến dụ tương tự cho các trường của ngài, và theo sát các thực hành đặc biệt của các trường công những năm 1830t.

[78] Dĩ nhiên việc thực hành sư phạm hiện đại không chấp nhận sự áp đặt lương tâm kiểu đó. Don Bosco tuy có nêu lên các hiệu quả tốt đẹp của sự áp đặt này, nhưng ngài không bao giờ thiết định việc thực hành như vậy cho các trường của ngài. Không những để tránh sự phạm thánh, mà còn bởi ngài muốn có một bầu khí tự do. Ngài không cho rước lễ tuần tự theo hàng để khỏi lộ ra ai không đi lên rước lễ. Còn về xưng tội, tuy Don Bosco tạo dịp, lo cho có nhiều cha giải tội, khích lệ học sinh xưng tội, nhưng không ai bị bó buộc đi xưng tội cả.

[79] Linh mục kinh sĩ Giuse Maloria (1802-1857) đậu tiến sĩ thần học tại Đại học Tôrinô năm 1825 đã từng là cha giải tội của Giuse Cafasso nữa khi cậu còn là học sinh trung học. Có thể ngài đã giúp đào sâu tình bạn giữa Gioan Bosco và Giuse Cafasso. Do Chieri chưa có nhà thờ chính tòa, nên còn có các vị kinh sĩ như cha Maloria, và cả thánh Giuse Cốttôlengô, sáng lập viên của Căn nhà bé nhỏ của Chúa quan phòng phục vụ các kẻ tàn tật.

[80] Thời bấy giờ ảnh hưởng của Giăng-sê-nít tại Piêmontê không khuyến khích rước lễ thường xuyên. Suy nghĩ của Don Bosco không những nói đến nguy cơ của bạn xấu, mà con đến xưng tội, rước lễ như hai cột trụ của khoa giáo dục. Một cha giải tội thường xuyên, biết trái tim của hối nhân, với lời khuyên tốt, sự khích lệ và sự canh chừng thương yêu sẽ giúp cho người trẻ tiến bộ.

[81] Những năm đó chắc là 1830-1832. Don Bosco theo học trung học tại Chieri trong những năm 1831-1835.

[82] Các chiều thứ năm không có học, tuy nhiên các sáng thứ bảy có học.

[83] Tương đương với lớp 6,7,8 cấp II tại Việt Nam.

[84] Tên đúng theo lời chứng của người chắt của ngài phải là Gazzano.

[85] Chỗ học miễn phí này được cha Gazzano thiết lập 1-3-1872.

[86] Nguyên văn là lớp “quarta ginnasiale” ngang với lớp 9 tại Việt Nam.

[87] Chứng từ làm chứng điều này. Được tròn mười điểm [pieni voti] tức là được  điểm cao nhất.

[88] Tiền lệ phí cả năm này khi ấy gọi là “phí minervale” để làm nhẹ gánh nặng cho những tòa thị chính nghèo. Gioan Bosco được miễn trả lệ phí này trong năm học 1832-1833; năm học 1831-32 cậu đóng 9 lire, còn các năm 1933 (năm học cổ điển) và 1834-35 (năm học văn chương) thì cậu đóng đủ 12 lire. Đồng tiền “lia” của Ý ở vùng Piemontê gọi là đồng “frăng”, cách gọi do ảnh hưởng của quân đội của Vua Nước Pháp là Napolêôn khi xưa đóng tại Piêmôntê.

[89] Don Bosco khiêm nhượng nói đến số may, nhưng chắc là phải có cái gì hơn thế nữa! Do nỗ lực và thiện chí!

[90] Niên học 1832-1833. Paul Braje chết ngày 10-7-1832.

[91] Tình bạn với Lu-y Cômôllô diễn tả một xác tín giáo dục của Don Bosco: đó là bạn hữu là người tốt nhất để giúp người học sinh sống tốt lành, giống như ca dao tục ngữ Việt Nam: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

[92] Tương đương lớp 9 VN.

[93] Hai năm triết học, bỏ qua năm học lớp văn chương (tương đương lớp 10 VN).

[94] Nguyên văn là lớp “quinta ginnasiale” ngang với lớp 10 tại Việt Nan.

[95] Cuộc đời Lu-y Cômôllô được Don Bosco viết năm 1844 nhưng không ghi tác giả. Mười năm sau, bản tái duyệt được đăng trong Letture Catoliche [Tạp chí Các độc giả Công giáo] (10-25,1854), với chính tên của tác giả.

[96] Tương đương lớp 9 tại Việt Nam. Các học sinh hai lớp cuối cùng là lớp cổ điển và lớp văn chương [tương đượng  lớp 9 và lớp 10] gặp nhau trong cùng một phòng học, dưới cùng một thầy giáo. Cômôllô học dưới Gioan Bosco một năm.

[97] Giống trò chơi cóc nhảy, các bạn nhảy lên lưng một bạn chịu làm nạn nhân đang xuôi cả hai chân và hai tay chống đất, xem bạn có thể cõng được bao nhiêu bạn.

[98] Lu-y Cômôllô sinh 7-4-1817, tại thôn Prat, thuộc xã Cinzano. Từ tấm bé đã ước ao làm linh mục, và được chú ý vì lòng đạo đức. Mùa thu 1834, Gioan Bosco gặp cậu lần đầu tiên, lúc cậu 17 tuổi.

[99] Gioan Bosco đã từng khát vọng sống đời nội tâm, và đã tự mình nỗ lực tiến bước. Lu-y Cômôllô như là hiện thân của cái lý tưởng ấy, Gioan muốn cùng cậu vươn tới việc thực hành các nhân đức trọn hảo.

[100] Một thùng thuốc nổ cực thánh [Botte sacrosante]! Một khi đạt đến tột đỉnh của lòng hiền dịu, Don Bosco nghiêm nghị phê phán một hành vi bộc phát nghị lực thời tuổi trẻ từng tỏ lộ cho chúng ta bản chất tự nhiên nhiệt nồng và quảng đại của ngài.

[101] Hai lý do Don Bosco kể ra chỉ là lý do phụ. Lý do chính là bà chủ nhà trọ cũ, bà Lucia Matta, không trở lại Chieri nữa, vì con bà học hết các lớp Ginnasio [các lớp 6,7,8]. Ông Gioan Pianta, anh của bà Lucia Matta, bạn của gia đình Bosco, cũng là một người họ hàng về phía mẹ Maghêrita của Don Bosco.

[102] Một thời gian vắn trước khi Pianta mở quán cà phê ở căn nhà Vergnano, số 3 đường Palazzo của Chieri, Gioan Bosco ở tại chuồng ngựa của ông chủ lò bánh mì  Micae Cavallo, với điều kiện chăm sóc con ngựa cho ông ta và mấy gốc nho của ông ở ngoại thành, và được tự do các chiều thứ bảy để đi xưng tội. Nhưng sau vì có người thấy Gioan Bosco chịu cực quá, nên hối thúc Pianta sớm mở quán cà phê. Tại đây cũng có những nguy hiểm luân lý như đánh cược tiền trong khi đấu bi-da, khách hàng la cà mất thời giờ, và ngôn ngữ tục tĩu.

[103] Ngày 10-5-1888, ông Pianta tới Chieri, trước mặt các cha Salêdiêng Bonetti, Francesia và Bertô làm chứng rằng: “Không thể tìm được một cậu bé tốt hơn Gioan Bosco. Sáng nào cậu cũng đi giúp lễ tại nhà thờ thánh Antôn. Tại nhà, tôi có bà mẹ già ốm đau, cậu đã xử với bà bằng một đức bác ái đáng cảm phục. Cậu thường thức suốt đêm để học, đến sáng, tôi còn gặp cậu dưới ánh đèn đọc và viết”. Ông không nói chi đến căn phòng ngủ của Gioan Bosco mà cha Lemoyene (M.B.I, 289) miêu tả như sau: “Một căn phòng hẹp ở trên lò nướng bánh nhỏ được xây dựng để nướng bột làm bánh mì, lên đó phải dùng thang. Đó là nơi cậu dùng để ngủ. Vừa mới duỗi chân trên chiếc giường nhỏ, chân cậu đã đu đưa ra bên ngoài chiếc giường đầy rơm rạ, mà còn ra cả lối mở trống của căn phòng.” Khi Don Bosco được phong thánh, một tấm bia được dính vào quán cà phê xưa của ông Pianta, gợi lại những hy sinh của Gioan Bosco thời trẻ, và nhắc đến cả người bạn trẻ Giuse Blanchard (1818-1893) của ngài đã từng cho ngài trái cây và rau, thuộc gia đình bán thực phẩm tạp, cũng có một căn hộ tại căn nhà Vergnano này.

[104] Nói tuy đơn sơ vậy, nhưng Gioan Bosco đã phải hết sức vất vả!

[105] Năm xảy ra tai nạn nhằm niên khóa 1833-1834, có thầy dạy là Pietro. Cậu bé chết đuối này, theo sổ ghi tử của giáo xứ, có lẽ là Philíp Maurizio Comandona, 18 tuổi, chết ngày 18-3-1834. Còn năm sau đó, đúng ra phải ghi là năm 1835,  Don Bosco học văn chương, với thầy dạy là linh mục tiến sĩ Gioan Bosco. Don Bosco đã miêu tả về người thầy này trong tiểu sử Cômôllô (tr. 34, ấn bản. 1884): “Đức ái, sự kiên nhẫn, cách xử sự nhã nhặn qua đó ngài xử với các học trò, sự quan tâm làm cho họ tiến bộ trong học hành, đã biến ngài thành thần tượng cho tất cả các học trò của ngài”.

[106] Các sự việc khác không được nói đến là: (1) Anh Giuse Bosco ngày 1-5-1833 cưới Domenica Febbraro, sinh hạ được 10 người con, thuê đất tại Mattas ở Sussambrino kể từ năm 1831. (2) Ngày 4-8-1833, Gioan Bosco chịu phép thêm sức tại Buttigliera d’ Asti. (3) Giuse Cafasso thụ phong linh mục ngày 21-9-1833.

[107] Có lẽ là Giacobê Levi (1816-?), thợ nhuộm và dệt. Sau khi được rửa tội, ông sống tại nhà vợ chồng Bertinetti. Cưới vợ năm 1840, tái giá 1860, chuyển tới Tôrinô sau năm 1865. Cũng có thể là Lu-y Bolmiđa, thợ nhuộm và dệt tại Chieri, qua đời tại Tôrinô 13-7-1860.

[108] Don Bosco miêu tả cuộc nói chuyện của ngài với anh bạn trẻ Do Thái  mà không có bất cứ những sự phân biệt nào. Bởi lẽ theo lời dạy của Giáo hội Công giáo: (1) Không có ơn cứu độ ở bên ngoài Đức Giêsu Kitô, và con đường tới Đức Giêsu là xuyên qua Hội thánh. (2) Những ai biết ý Thiên Chúa muốn họ phải vào Hội thánh Công giáo, thì buộc theo lương tâm họ phải vào Hội thánh, nếu không họ sẽ bị hư mất. (3) Những ai với lòng lương thiện cố gắng làm hài lòng Thiên Chúa theo ánh sáng của lý trí tự nhiên mà ước ao cách hàm ẩn và không ý thức (implicitly and unconsciously)  được thuộc về Hội thánh và được cứu rỗi qua Đức Giêsu Kitô. Những người như thế sẽ được cứu rỗi. (Xem chẳng hạn thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III,8,3 ad 1; và III, 68, 2).

Đức Piô XII ra vạ tuyệt thông cho Leonard Feeney, dòng tên, người Mỹ vì đã dạy là một người phải minh nhiên thuộc về Hội thánh Rôma Công giáo mới được cứu rỗi (Thơ của Holy Office cho ĐTGM Boston, 8-8,1949 [DS 3866-3872]. Don Bosco đã đến gần hơn với lời dạy của Hội thánh khi ngài nói với bạn mình: “Thiên Chúa sẽ lo liệu cách nào đó cho linh hồn của bạn”. Công đồng Vaticanô II còn diễn tả tinh tế hơn vai trò của Hội thánh Công giáo trong việc cứu rỗi nhân loại, cũng như vị trí của dân Do Thái.

[109] Nhìn chung, lối miêu tả của Don Bosco về mẹ của Giona làm giảm niềm tin vào sự nhạy cảm dễ thương của ngài đối với những con người mà ngài thường biểu lộ. Có lẽ ấn tượng của mẹ Giona nơi ngài quá sâu sắc và đau thương!

[110] Điếc theo nghĩa không muốn nghe lý lẽ.

[111] Don Bosco tránh một thành ngữ thô hơn là “giống con lợn ủn ỉn”.

[112] Theo người Do thái, Lilít là ma đêm, ngoặm con nít, một quỉ cái theo thần thoại, thường lui tới những nơi hoang tàn (Is 34: 14).

[113] Talmud có nghĩa là “các chỉ thị”. Đó là bộ luật cuối cùng của luật Do Thái, dựa trên Kinh Thánh và truyền thống truyền khẩu, có niên biểu thế kỷ thứ ba và thế kỷ thứ tư sCN. Nó có hai phần: Mishnah và Gemara. Phần thứ nhất, sách Mishna viết từ thế kỷ II sCN, chứa đựng luật truyền khẩu truyền thống; Phần thứ hai gọi là Gemera, sát chữ có nghĩa là “việc làm hoàn bị” diễn giải sách Mishna [các luật truyền khẩu truyền thống] xuyên qua các bình luận của các học giả Do Thái.

[114] Carlo và Ottavia Bertinetti là những người để lại toàn gia sản cho Don Bosco, do đó mà có công cuộc Salêdiêng tại Chieri. Biên bản 1834 ghi như sau: “Bolmida. Vào ngày 1 tháng 8 [1834], cha xứ Sebastiên Schioppo, nhà thần học và kinh sĩ, với phép của Đức Tổng Giám mục Tôrinô, đã long trọng rửa tội cho một người trẻ quê ở Chieri tên là Giacôbê Levi, tuổi 18. Tôi đặt tên cho em là Lu-y, Hyacinth Laurence, Ottavian, Maria Bolmida. Các cha mẹ đỡ đầu là Hyacinth Bolmida và Ottavia Maria Bertinetti (Stella, L.W, p. 32, n. 68). Ông Carlo Bertinetti không phải là cha đỡ đầu, có lẽ ông chỉ đứng bên cạnh vợ mình là bà Ottavia Maria Bertinetti khi bà này đảm nhận vai trò đỡ đầu. Tên chàng trai được rửa tội là Giacôbê Levi. Tên Giona trong Hồi ký của Don Bosco có thể chỉ là một tên giả định, Don Bosco tránh viết tên thật của cậu ra. Cuối năm 1880, ông Giona còn tới thăm Don Bosco tại Nguyện xá. Chính gương đức hạnh của cậu trai trẻ Gioan Bosco tại Chieri đã chinh phục Giona trở lại Kitô giáo.

[115] Don Bosco cũng có quên đốt một phần sáng tác nào đó của ngài. Ví như bộ Tuyển tập Các bài thơ trữ tình và các áng thơ khác được ngài bắt đầu thực hiện từ 27-5-1835. Bên cạnh những thơ văn trích từ các tác giả khác, cũng có cả các sáng tác của ngài. Trong số đó có một bài thơ trữ tình với đề là Sự kiên trì của Đức Piô VII dưới sự áp chế của Napôlêôn”. Ở trang đầu Don Bosco viết: Quidquid agunt homines, intentio iudicat omnes (Bất cứ cái gì con người viết, thì ý hướng của họ sẽ phán xét chính họ). Trên dòng chữ đó có một dòng ghi nốt viết bằng chữ viết của Don Lemoyne. Tuyển tập này chính Don Bosco đã trao cho cha Lemoyne bạn của ngài.

[116] Kinh sĩ Maximus Burzio thuê các phòng của căn nhà Bertinetis, căn nhà mà ông bà Bertinetis sau này sẽ để lại cho Don Bosco. Những năm 1840-1863, ngài làm cha xứ Monucco, nơi cậu bé Gioan Bosco xưa làm mướn tại căn trại Moglia.

[117] Vào năm 1835 còn chưa có đường xe lửa tại Vương quốc Sardinia.

[118] Don Bosco không nói lý do cuộc thách đố này. Người nhào lộn này thường biểu diễn tại công trường Armi, kéo nhiều bạn trẻ khỏi đi nhà thờ thánh Antôn. Gioan Bosco đã cố gắng thuyết phục anh ta ngừng biểu diễn vào các giờ phụng vụ, nhưng anh ta từ chối.

[119] Con đường xưa đẹp đẽ này vẫn nằm phía trái con đường chính Tôrinô-Chieri ngày nay, với hàng cây tiêu huyền hai bên.

[120] Tên đúng là Muletto [Quán Con Lừa Nhỏ]. Các cụ già còn xác định cho tới năm 1915, vẫn còn một quán nhỏ trên đường Castelnuovô có tên là Muletto.

[121]  Bởi cha Bertô thư ký của Don Bosco khi chép bản viết tay của Don Bosco lại, đã đọc lộn con số 2 thành con số 4 trong số tiền trả bữa  ăn “25 frăng” của người nhào lộn, nên số tiền Gioan Bosco hoàn trả chỉ còn được tính là 195 frăng như cha Lemoyene ghi trong MB I, 236. Nhưng chính Don Bosco đã duyệt đính lại và ghi rõ hai con số 25 và 215 frăng.

[122] Don Bosco rất khiêm nhường khi nói về chính mình, chẳng hạn ngài nói từ Cômôllô, “cha học sống thực sự là người Kitô hữu”, thế nhưng ở đây, trong cảnh vui này, với giọng hài hước, ngài lại phóng mình vào kiểu nói ngoa ngữ ngài vốn ưa thích: “Cha được phủ ngập vinh quang”.

[123] Với tuổi cao và các bệnh tật, trí nhớ của Don Bosco cũng giảm đi. Câu thốt lên “trong thời gian đó” đầy luyến tiếc cho thấy Don Bosco cũng phải nghiêng mình chào đón số phận chung.

[124] Cuốn Thư viện bình dân này xuất bản giữa các năm 1829-1840 do Giuse Tomba tại Tôrinô. Đó là một tuyển tập 100 cuốn sách các tác phẩm cổ điển Ý và các tác phẩm cổ điển Latinh và Hy Lạp được phiên dịch sang tiếng Ý. Mỗi cuốn sách 160 trang, bìa đỏ, in chữ nhỏ, dày, rõ ràng và đẹp. Mỗi cuốn được in 10.000 bản.

[125] Tương đương lớp 9 phổ thông tại Việt Nam.

[126] Tương đương lớp 11

[127] Thiếu ngủ chỉ là một trong những lý do phá hoại sức khỏe của Don Bosco. Những diễn biến tiếp tục còn cho ta thấy có nhiều lý do khác nữa.

[128] Lớp học văn chương nằm trong niên khóa 1834-1835

[129] Xảy ra thêm một lần vào năm Don Bosco 16 tuổi (xem chương 6), và một lần nữa vào năm Don Bosco 19 tuổi (1834), Năm 1870, Don Bosco tâm sự lại với cha Barberis về giấc mơ năm 19 tuổi này: “Gioan  thấy một nhân vật chói sáng, hướng dẫn một đám đông mênh mông các trẻ trai, rồi gọi ngài lại và nói: – Con hãy lại đây; hãy dẫn đầu đám trẻ con này và dẫn dắt chúng. – Ngài trả lời là mình không cảm thấy có khả năng hướng dẫn và dạy dỗ cả hàng ngàn các bạn trẻ. Nhân vật nhấn mạnh với giọng đầy quyền uy là Gioan buộc phải vâng lời.”

[130] Các thói quen Gioan Bosco nhắc đến chắc là việc ưa thích các trò chơi, dù là vì mục đích tốt, đam mê văn chương. Nhân đức cậu thiếu là lòng khiêm nhường. Bậc sống linh mục khi ấy được đề ra quá cao vời, do nền thần học nghiêm khắc của thế kỷ 19, đã khiến người bạn trẻ khiếp sợ khi chọn ơn gọi.

[131] Trong sổ ghi chép chính thức: Gioan Bosco làm đơn xin tháng 3, 1834, thi nhập dòng tại tu viện Đức Mẹ Thiên Thần 18-4-1834, và được chấp nhận ngày 28 cùng tháng, tức là vào niên khóa học lớp cổ  điển 1833-1834.

[132] Mối bận tâm day dứt này, nỗi lo lắng vầ sự không xứng hợp, và trách nhiệm cứu rỗi linh hồn mình đã có mặt ngay trong những năm cuối cùng của bậc trung học, làm tổn hại sức khoẻ của Gioan và khiến cậu có quyết định đi tu dòng Phanxicô ngay trong năm học cổ điển (1834).

[133]  Cha Lemoyene (Mb, 1:273) viết: “Gioan đi chào từ biệt các bề trên của trường. Nhà tiến sĩ thần học Bosco và các nhân vật nổi tiếng khác kể cho chúng tôi rằng thật là một chuyện kỳ diệu nhận thấy Gioan không chỉ đọc tấm lòng của các đồng bạn, mà còn cả lòng của vị hiệu trưởng, vị linh hướng và tất cả các thầy giáo; các thầy đều giữ một lòng thương mến đối với cậu, đến nỗi luôn coi cậu là người bạn và là người mình có thể tâm sự. Thầy dạy văn chương của cậu [Cha Gioan Bosco], tiến sĩ văn chương và giáo sư phụ tá Đại học Tôrinô, vừa khi hoàn tất niên khóa dạy học, đã muốn coi Gioan là bạn và gọi bằng cậu bằng tiếng thân mật “này cậu bạn” [Tu]. Điều đó đủ chứng tỏ cậu bé dân quê Becchi đã được quí chuộng biết mấy. Nguyên do không chỉ vì các nhân đức của Gioan, mà còn là một loại tương phản nổi rất rõ trong tất cả các hành động của cậu, làm cho cậu thực sự  dễ mến. Cậu hoạt động không ngừng và đầy sáng kiến, nhưng lại chậm rãi và chững chạc trong hành động: rất phong phú các ý tưởng và rất dễ thông tri chúng vào lúc thuận lợi, nhưng lại ít lời, cách riêng đối với những ai ở trên cậu. Chúng tôi đã biết về cậu như thế trong nhiều năm và ngay từ thời còn trẻ.”

[134] “Nhà” đây là làng Sussambrino, nơi anh Giuse cùng vợ là Margaret đã chuyển đến từ năm 1831. Ngoài ra đôi khi trong thời gian này – rõ ràng là vào kỳ nghỉ hè năm 1835 – Gioan không chắc chắn mình sẽ làm gì trong tương lai do sự nghèo của gia đình mình, đã đến Castelnuovo để gặp cha xứ, trước là cha Dassano, sau là cha Cinzano, và gặp cả người bạn của ngài là anh thợ rèn Evasio Savio. Anh này khuyên Gioan Bosco lên Tôrinô gặp cha Cafasso, khi đó tuy mới 24 tuổi, nhưng đã nổi tiếng thánh thiện và khôn ngoan. Savio cũng khích lệ cha Cinzano, ông chủ tịch của làng quan tâm tới việc học hành của Gioan, ví như giúp Gioan tiền bạc, và họ đã làm, kể cả cha Cafasso nữa. Trong Hồi ký Nguyện xá, Don Bosco không hề nói gì đến những cuộc hỏi ý kiến này. Dĩ nhiên Don Bosco đã có nhắc đến cuộc gặp thầy Cafasso trong năm 1830: Đây có thể là thời điểm kể từ đó Cafasso đã trở thành người thầy cố vấn và nâng đỡ Gioan Bosco.

[135] Ngày lễ hôm đó là ngày lễ của thánh thiên thần Raphael (chứ không phải Micael) mà lễ đúng ngày nhằm ngày 24 tháng 10, nhưng được cử hành trọng thể vào Chúa nhật 25 tháng 10 năm 1835. Sau buổi lễ, Gioan Bosco đi dự lễ hội mừng thánh thiên thần Raphael tại Badella.

[136] Đối với Cha Antôn Cinzanô là thành viên ban tham vấn của địa phận, tước vị “nhà thần học” có thể chỉ đẳng cấp tiến sĩ thần học, hay đơn giản chỉ là một tước hiệu tỏ lòng kính trọng, như Don Bosco từng được gọi là nhà thần học.

[137] Don Bosco có lẫn lộn đôi chút. Ta phải hiểu dân Bardella cử hành lễ hội thánh Raphaen vào dịp đó.

[138] Trong tiếng La tinh, một chữ tính từ chẳng hạn phải hợp theo “giống đực hay giống cái”, “theo số ít hay số nhiều”, theo “chức năng” là túc từ hay là chủ từ v.v… với chữ nó đi theo. Ý Don Bosco muốn nói “là hoàn toàn khác biệt”.

[139] Nguyên bản Don Bosco viết “nhưng chúng không thỏa mãn cõi lòng” ở thời hiện tại: nghĩa là từ một nhận xét về quá khứ “đã chỉ tạo nên nỗi vui thú trong thoáng chốc”, chuyển sang một nhận đinh tổng quát có giá tri luôn mãi: “nhưng chúng không thỏa mãn cõi lòng” ở thời hiện tại.

[140] Kế hoạch đời sống này đóng dấu cho sự chuẩn bị của Gioan Bosco cho năm chủng viện thứ nhất. Nó tổng kết các trực giác về sự thinh lặng và cầu nguyện đi theo lễ mặc áo giáo sĩ. Đây là một chương trình đời sống đầy tràn Thiên Chúa, được sống trong cuộc thưa chuyện thân mật cùng Người, có tính nghiêm chỉnh và kỷ luật trong lời nói và tư tưởng, thiên thần trong đức thanh khiết.

[141] Các quyết định của Gioan phản ánh kỷ luật giáo sĩ thời đó với những cấm đoán nghiêm ngặt.

[142] Gioan Bosco đã học chơi viôlông với Gioan Robertô tại Castelnuovô (xem chương 6).

[143] Don Bosco viết năm 1834, cha Ceria trong ấn bản của ngài sửa lại cho chính xác là 1835. Vào ngày 5-10-1835, có cuộc rút thăm tuyển lính, và Gioan đã nhận được số rút là 41. Tuy nhiên vì lý do sắp vào chủng viện, nên cậu được miễn tuyển quân dịch.

[144] Cha Cinzano và dân làng Morialdo đã lo liệu những quần áo Gioan cần. Cha Cinzano và cha Cafasso xin cha Luy Guala dùng ảnh hưởng của mình xin với Đức Tổng Giám mục Fransôni miễn phí chủng sinh cho Gioan ít là trong năm thứ nhất.

[145] Vào những dịp quan trọng của con mình, như dịp rước lễ lần đầu hay giờ đây, khi con trở thành chủng sinh, mẹ Marghêrita đem tất cả tình mẹ và niềm tin vào trong lời khuyên bảo rất lành mạnh và vô vị lợi này.

[146] Chủng viện này xưa, vào năm 1658, là tu viện của các tu sĩ “Nguyện xá của thánh Philip Neri”, sau bị tịch biên. Đức Tổng Giám mục Chiaveroti đã mua lại tòa nhà vào năm 1828, sau đó Tòa Thánh ban sắc lệnh lập thành đại chủng viện ngày 14-5-1828. Nhà nguyện của nó cho đến nay vẫn còn đang sinh hoạt. Năm 1840, tổng số chủng sinh nội và ngoại trú là 565, trong đó nội trú là 207. Cha Stella, nhà sử học Salêdiêng, cho rằng Gioan Bosco chọn đời nội trú để xa lánh hẳn ảnh hưởng trần tục.

[147] Chủng viện xưa nay đã trở thành một ngôi trường công, nhưng chiếc đồng hồ mặt trời và dòng chữ viết này nay vẫn có thể nhận ra được. Câu ghi lại tại chiếc đồng hổ sử dụng độ chiếu của mặt trời nét đặc trưng của linh đạo của thánh Philíp Neri mà Don Bosco đã tiếp thu cho các con cái của ngài: Đó là sống vui vẻ, hay phụng sự Thiên Chúa trong sự vui tươi.

[148] Vấn đề nền tảng chính là sự chu toàn bổn phận. Don Bosco trưởng thành sẽ nhận ra con đường bổn phận là con đường nên thánh, như ngài đã từng khuyên Đaminh Savio. Ở đây, có lẽ cậu chủng sinh trẻ Gioan Bosco chỉ nghĩ rằng chu toàn bổn phận là con đường chuẩn bị cho mình trở thành một linh mục tốt.

[149] Từ 30-10-1835 cho đến 5-6-1841.

[150] Đời sống tại chủng viện là thời kỳ Gioan Bosco được thảnh thơi hơn, không phải vừa lo làm, vừa lo học, với một cuộc sống đầy náo nhiệt xưa kia. Thời kỳ này cũng chất chứa những lo lắng nội tâm, đăm chiêu về phần rỗi, về định mệnh, về sự phán xét của Chúa. Có thể một phần nào đối chọi với bản chất yêu đời, ưa náo nhiệt của Gioan Bosco. Don Bosco của tuổi trưởng thành, thấm nhuần tư tưởng nhân bản của thánh Phanxicô Salê, sẽ mạnh mẽ, bình thản hơn. Có lẽ đây là thời gian Gioan Bosco xem ra ở dưới mức trung bình, kể cả về sức khỏe, như lời nhận định của cha Giaconelli (tháng 11 năm 1837: “Tôi thấy một chủng sinh ngồi trước tôi [tại lớp], vẻ xanh xao, gầy yếu, không khỏe khoắn. Theo nhận định của tôi, anh ta khó có thể đi cho đến hết năm học.” (BM I, 300).

[151] Các bề trên gồm: Giám đốc chủng viện: Cha Sebastiano Mottura (1795-1876). Linh hướng: Cha Giuse Mottura (1798-1876), giáo sư thần học: Cha Lôrensô Prialis (1803-1868) và giáo sư phụ tá thần học: cha Innocentê Arduino (1806-1880), Giáo sự Triết học: Cha Phanxicô Ternavasio, Cha giải tội và cha xứ nhà thờ thánh Philíp Neri trực thuộc Chủng viện: Cha Matthêu Testa (1782-1854)

[152] Gioan Bosco được các bề trên tôn trọng, nhưng thầy không thực sự gần gũi với các bề trên.

[153] Phiên hộ trực gồm hai tuần: tuần 1, bề trên hộ trực giữ vai trò hộ trực chính, trong bữa cơm trưa của các chủng sinh và cho phép chủng sinh “ra khỏi nhà” cũng như “đi hát lễ”. Sang tuần thứ hai ngài đảm nhận trách nhiệm hộ trực phụ gồm coi sóc chủng sinh trong giờ đi dạo giải trí sau cơm trưa tại chủng viện cũng như trong bữa ăn chiều.

[154] Theo quan niệm thời đó, nếu thầy và trò quá thân thiện, sẽ làm suy giảm sự kính trọng, và do đó làm giảm thiểu tác động giáo dục.

[155] Các chủng sinh nguy hiểm, phóng túng này chắc là nằm trong số các chủng sinh ngoại trú, và ảnh hưởng của họ cũng lan sang một số nhỏ các chủng sinh nội trú. Do lý tưởng cao vời vươn tới sự thánh thiện linh mục, Gioan Bosco cảnh tỉnh và sống tách biệt với họ. Đó cũng cắt nghĩa tại sao Don Bosco nhà giáo dục sau này ngại cho các học sinh của mình nán lại lâu trong gia đình vào các dịp nghỉ.

[156] Luật chủng viện yêu cầu khám xét: “Các bề trên chủ trì phải theo dõi lối sống và việc chăm chỉ học hành của các chủng sinh, thậm chí phải thường xuyên thăm phòng ngủ của họ vào giờ cầu nguyện hay giờ học hành, và yêu cầu chủng sinh trao cho các ngài chìa khóa rương hòm để xem có giữ sách cấm, vũ khí hay các quân bài, để rồi ra hình phạt cho chủng sinh nào vi phạm”. (Trích Luật Chủng viện từ sách của cha Giraudo, Clero seminario e Società [Chủng sinh và Xã hội), tr. 365).

[157] Các bạn thân của Gioan Bosco là Garigliano, Gioan Tẩy giả Giaconnelli và Lu-y Cômôllô. Cha Giaconelli (1820-1901) luôn là một người bạn thân thiết của Don Bosco. Sau khi cha Golzio qua đời năm 1873, cha Giaconelli trở thành cha giải tội của Don Bosco.

[158] Đây là một bộ sách lịch sử Hội Thánh rất quân bình và hữu ích.

[159] Thầy Gioan Bosco trong ba năm đầu chủng viện (1835-1838) xưng tội cứ 15 ngày một lần, sau đó thì thầy xưng tội hầu như hằng tuần.

[160] Theo quan điểm nhiệm nhặt do ảnh hưởng của phái Giăngsênít thời đó, thì không nên rước lễ thường xuyên, bởi cho rằng con người ta phần đa đều bất xứng. Trên thực tế chỉ có trong thánh lễ Chúa nhật mới ban phát Bánh Thánh Thể cho các chủng sinh.

[161] Các chủng sinh có thể từ phòng áo nhà nguyện của chủng viện mà đi vào nhà thờ thánh Philiphê, mà không cần đi qua cửa chính của nhà thờ này.

[162] Đức Cha Lorenzo Gastaldi (1815-1883), sinh tại Tôrinô, làm linh mục năm 1837, Kinh sĩ nhà thờ Thiên Chúa Ba Ngôi  năm 1841, Tiến sĩ thần học 1836, vào dòng Rosminiano năm 1851, qua Nước Anh cho tới năm 1862, Giám Mục Saluzzo năm 1867, Tổng Giám Mục Tôrinô tư 1871 cho đến khi qua đời. Khi còn là một linh mục trẻ, cha Gastaldi giúp Nguyện xá của Don Bosco rất nhiều. Mẹ của cha Gastaldi là cộng sự viên thân cận của mẹ Marghêrita trong việc nấu ăn, giặt giũ, vá quần áo cho học sinh. Don Bosco khen ngài về hoạt động cổ vũ việc rước lễ. Khi trở thành Tổng Giám mục Tôrinô, ngài có những bất đồng với Don Bosco về mục tiêu của Tu hội Salêdiêng, cách thức đào luyện, kỷ luật nội bộ của Tu hội… Giữa các thánh hay những người đạo đức, vẫn có thể có sự bất đồng!

[163] Hai bên đều có kẻ trốn và người đuổi bắt. Những ai bị bắt trước khi tìm tới được tu điểm là thua.

[164] Con bài này biểu tượng sự chết.

[165] Con bài này biểu tượng ma quỉ.

[166] Gioan Bosco cho rằng chơi bài là phí thời giờ, thậm chí còn là điều không thích hợp cho các chủng sinh. Cho tới năm 1965, Qui chế Chủng viện vẫn còn giữ lại lệnh “cấm chơi bài”, tuy cha Giám đốc chủng viện có thể cho phép chơi bài “Tarô”. Tuy Gioan Bosco từ bỏ việc chơi bài, nhưng khi phải dùng một ván bài để chinh phục một vài bạn trẻ, Don Bosco vẫn chứng tỏ mình là một tay chơi bài giỏi.

[167] Luật chủng viện Chieri có viết: “Thứ hai và thứ năm mỗi tuần được dành để đi dạo. Khi ra khỏi chủng viện, các chủng sinh đi theo thứ tự hai người một, khoảng cách từng cặp không quá ba bước” (xem Giraudo, Clero seminario e società, 338).

[168] Các cuộc giải trí dài khoảng 45 phút được thực hiện sau bữa ăn trưa và bữa tối.

[169] Cuộc trao đổi học vấn này dưới sự chủ trì của một giáo sư hướng dẫn học bài cho các chủng sinh. Vị này cho một chủng sinh đứng ra trình bày một luận đề, và một chủng sinh khác chất vấn, hoặc một người nêu lên câu hỏi, và người kia thì trả lời câu hỏi (xem Giraudo, nt, tr. 269-270).

[170] Đây là Buttigliera Alta thuộc tỉnh Tôrinô. Bạn của Don Bosco làm cha xứ ở đây từ 1850 đến 1893.

[171] Garigliano nói lắp.

[172] Don Bosco trong Khảo luận hệ thống dự phòng đã viết: “Đừng bao giờ tức giận khi sửa lỗi hay khi đe dọa hoặc thực thi hình phạt, trái lại trong chuyện này hãy biểu lộ một lời cảnh giác thân tình và đề phòng thông qua lý luận, hơn nữa hãy lo chiếm cõi lòng, để học sinh biết sự cần thiết phải sửa phạt hoặc là hầu như ao ước bị phạt”

[173] Cômôllô kém Gioan Bosco hai  tuổi, nét mặt giống một cậu bé hơn là một thanh niên.

[174] Theo như những suy nghĩ của thời chủng sinh của mình, Don Bosco lý tưởng hóa lòng đạo đức của Cômôllô và quyết tâm của cậu muốn hành động đúng như điều mình tin. Thế nhưng việc hãm mình nhiệm nhặt đã đưa Cômôllô tới một cái chết sớm, và là điều Don Bosco ở tuổi trưởng thành và trong tư cách một vị linh hướng khôn ngoan đã khuyên Đaminh Saviô nên tránh.

[175] Kỳ nghỉ hè kéo dài từ lễ thánh Gioan Tẩy Giả (24/6) đến lễ Các Thánh(1/11).

[176] Lối nói này chỉ là một lời bông đùa. Những đồ vật này nay đặt tại nhà của ông Giuse Bosco, được xây dựng xuyên qua chiếc sân nhỏ, từ căn nhà cũ xưa khi họ còn sống như những anh em bé nhỏ.

[177] Lễ này nhằm 7 tháng 10, nhưng thường được cử hành trọng thể vào Chúa nhật gần nhất sau đó, nên có lễ Gioan Bosco giảng lễ vào Chúa nhật.

[178] Don Bosco viết nguyên văn là “nelle vacanze di fisica”, tức là năm triết hai, với các môn siêu hình học (metafisica) là chính. Còn chữ “di fisica” (vật lý học) thì không hiểu tại sao Don Bosco lại viết như vậy.

[179] Lễ này nhằm ngày 8 tháng 9.

[180] Cha Alfiano Natta, con người biết cố vấn và cầu nguyện, cha sở Alfiano cách Castelnuovo 20km từ năm 1823 cho tới khi qua đời. Ngài để lại di sản cho Giáo hội, để cung cấp tiền lương vững bền cho một cha phó xứ, một sự trợ giúp đáng kể cho những người nghèo và cho phượng tự thánh.

[181] Ngài không khuyên đừng giảng theo Kinh Thánh, mà là tránh trích dẫn những nhân vật hay những sự kiện một cách tình cờ mà những người không có học không hiểu được. Các bài giảng thời ấy phần đa mang tính luân lý và tín lý.

[182] Nguyên văn là “in volgare”, tức là thổ âm Piêmôntêse

[183] Văn khố Salêdiêng lưu giữ hai bài giảng của Don Bosco bằng thổ âm Piêmôntêse về Đức Mẹ lên trời và Sinh nhật Đức Mẹ, khá văn vẻ, câu dài, cấu trúc điêu luyện, cao quí, nhưng không có vẻ hùng biện. Khi viết về giảng thuyết, Don Bosco muốn khích lệ các con cái ngài về sự hữu hiệu, cụ thể, đơn sơ, bình dị, thân tình, dễ hiểu.

[184] Trong nhóm 12 hay 14 chủng sinh họp nhau lại, do sáng kiến của người bạn đồng lớp Giacôbê Bosco, để bàn luận về văn chương trong các kỳ nghỉ hay giờ chơi, trong đó Gioan Bosco được coi như linh hồn của nhóm, “bậc thầy về văn pháp”, rất kỹ lưỡng trong việc sửa văn. Theo Don Caviglia: “Don Bosco viết đơn sơ, rõ ràng, ngăn nắp, chậm rãi” (Don Bosco profilo storico [Tôrinô: SEI,1920] pp.  97,99).

[185] Cha Lemoyne kể rằng Gioan Bosco từ chối với cái cớ rằng thầy không đem theo đàn viôlông với mình, nên có người đề nghị cho thầy mượn đàn (BM I,312)

[186] Tại Piemont, cũng như vùng Nam Âu, tòa giảng thường lên án nam nữ khiêu vũ trong các cuộc khiêu vũ công cộng như là mối nguy hiểm cho đức khiết tịnh. Vào thời Don Bosco, một thầy tu chơi viôlông cho người ta khiêu vũ quả là một gương mù!

[187] Gioan Bosco đập nát chiếc đàn viôlông của mình, chứ không phải chiếc đàn người ta cho thầy mượn để chơi vào dịp lễ hội đó. Cha Lemoyne (BM I, 312) có lẽ đã từng nghe Don Bosco kể lại bằng miệng câu chuyện này cho ngài, đã bổ sung vào đoạn chuyện Don Bosco viết bằng những lời này: “Đứng dậy, dời đó mà về nhà, cha lấy chiếc đàn viôlông của cha, và đập nó ra thành cả nghìn mảnh, cha không muốn bao giờ còn dùng đến nó nữa, cho dù có biết bao là dịp xứng hợp để sử dụng đến nó trong các phụng vụ thánh”.

[188] Bẫy dây để bắt sống chim.

[189] Nguyên văn là “due miglia” [hai dặm piêmontêsê, tương đương 5 cây số].

[190] Đây là một tấm gương của một lý tưởng linh mục cao quí. Chúng ta đã biết Gioan Bosco đã quyết định từ bỏ săn bắn khi cha mặc áo giáo sĩ.

[191] Thánh Ambrosiô cũng viết: “Dù những câu bông đùa và hóm hỉnh có khi rất lương thiện và dễ chịu, nhưng chúng vẫn là điều trái với các qui định đời giáo sĩ” (De off., XXIII,102).

[192] Sau năm thần học thứ nhất của Gioan Bosco (1838).

[193] Trong chuyện Lu-y Cômôllô, Don Bosco viết: “Tôi có bài giảng đó. Dù bạn có sử dụng đến các tác giả nổi tiếng, nhưng hình thức và cách diễn tả là của chính bạn, cũng như lòng yêu mến mạnh mẽ đối với Mẹ Thiên Chúa toát ra rất rõ ràng từ đó.”

[194] Thánh Rocco (1350-1378) đến từ Montpellier, Nước Pháp, được biết tới như là vị thánh chăm lo cho những người ốm đau. Thánh Rocco được tôn kính rộng rãi tại Ý vì nhờ cầu khấn với Ngài mà bệnh dịch không xâm phạm các thành phố bên Ý.

[195] Trong chuyện Lu-y Cômôllô, câu chuyện sắp kể đây xảy ra vào đầu năm học, tức là cuối tháng 10 năm1838, chứ không nhằm vào lễ thánh Rocco (16 tháng 8). Có vẻ như Don Bosco vội vã viết và không rà soát lại bằng cách đối chiếu với thời điểm ngài đã viết chính xác trong chuyện Lu-y Cômôllô.

[196] Kể từ chỗ này cho đến hết chương, Cha Berto đã chép lại các trang 61-63 của Chuyện cuộc đời Lu-y Cômôllô do Don Bosco viết, đúng theo chỉ thị của Don Bosco đã ghi trong bản bản thảo Hồi ký Nguyện xá đầu tiên của ngài.

[197] Hai ấn bản đầu của Cuộc Đời Cômôllô (1844 và 1854) chỉ nhắc đến mà không miêu tả hai lần hiện về của Cômôllô. Còn  BMI,350-351 thì miêu tả lần hiện về thứ nhất. Ấn bản Cuộc Đời Cômôllô năm 1884, miêu tả lần hiện về thứ hai còn chi tiết hơn cả bản văn trong Hồi Ký Nguyện Xá này.

[198] Cômôllô có thân thể mảnh dòn, mà còn bị tàn phá bởi các việc đền tội và nền thần học bi quan về ơn cứu độ đang hiện hành tại chủng việc của thời kỳ đó. Sau cái chết của Cômôllô, vị linh mục giám đốc đã vội vã lên Tôrinô xin chính quyền và giáo quyền cho Cômôllô được an táng tại nhà thờ thánh Philip, cạnh chủng viện. Mộ của cậu nằm trên nền lối đi phía bên phải nhà thờ.

[199] Chúng ta đọc trong ấn bản Cuộc đời Cômôllô năm 1884 những chi tiết bổ sung như sau: Tiếng ồn sâu lắng nghe ở phía cuối hành lang, càng ngày càng vang âm sâu hơn, to hơn khi tiếng đó đến gần. Giống như một toa xe, một toa xe lửa, một phát đại bác… giống như cả một chuỗi những âm vang ồn ào, mãnh liệt, tạo nên nỗi sợ hãi càng lúc càng to lớn, khiến ai nghe đều câm họng. Khi tiếng ồn đó tới gần, thì tường, trần, nền hành lang rung lên như những tấm kim loại bị đụng tới bởi cánh tay người khổng lồ. Tiếng đó lại gần mà không cảm nhận được, để mà có thể biết nó ở xa hay gần, nhưng để lại cho người ta một sự thiếu chắc chắn như là con tàu chạy bằng hơi nước, mà mình chẳng biết được tàu ở điểm nào trên hành trình của nó nếu chỉ đoán từ làn khói nó nhả ra. Các chủng sinh trong nhà ngủ đó thức dậy, nhưng không ai lên tiếng cả. Cha thì trở thành trơ trơ như đá vì khiếp sợ. Tiếng ồn ào tiến tới, và càng lúc càng gây thêm khiếp sợ; nó ở gần nhà ngủ rồi; cửa nhà ngủ tự mở tung ra; tiếng ồn ào càng thêm mãnh liệt, nhưng chẳng thấy gì, chỉ thấy một ánh sáng mờ, không màu sắc, ánh sáng ấy điều chỉnh âm thanh của tiếng ồn. Vào một lúc nào đó, bỗng im lặng hẳn, một ánh sáng chói chan bừng sáng, và tiếng của Cômôllô vang lên, ba lần gọi người bạn của anh [là Bosco], nói rằng: – Mình đã được cứu rỗi! – Vào lúc đó, nhà ngủ càng sáng rực lên, tiếng ồn ào đã ngừng lại nghe vang lên càng lúc càng mãnh liệt, như sấm làm sập cả căn nhà, nhưng rồi bỗng dưng ngừng lại và mọi ánh sáng biến mất. Các bạn dậy khỏi giường chạy trốn mà không biết đi đâu; một số tụ tập trong một góc tường nào đó của nhà ngủ, những bạn khác thì quây chặt lại quanh vị giám thị là cha Giuse Fiorito từ Rivoli; tất cả cố gắng qua đêm, đợi chờ ánh sáng ban ngày đến trấn tĩnh. Cha chịu khổ rất nhiều và nỗi hoảng sợ của cha thật lớn lao, đến nỗi vào lúc đó cha những ước mong được chết đi”. Trong nốt, Don Bosco ghi nhận là vị linh mục Fiorito được nhắc đến, đã nhiều lần nói về câu chuyện hiện về cho các bề trên của Nguyện xá (BM I,351-352). Em gái của cha là Genevieve và cha Micae Chiantore, một trong các chủng sinh chứng tá sự kiện này đều đã làm chứng cho biến cố này bằng tài liệu viết (Văn khố chính Salêdiêng, S123 Cômôllô; xem Desramaut. Lesm,tr. 74, số 21).

[200] Cha Stella viết: “Ý thức về sự thánh thiện đòi hỏi nơi người sắp tiến lên bàn thờ, Gioan Bosco nỗ lực từ bỏ các thói quen và các thái độ mà thầy cho là không đi đôi với bậc sống linh mục. Toàn thể những sự việc đó diễn ra trong bầu khí chung của mức cắng thẳng về tu đức, của sự kiềm chế và sự dồn nén (control and inhibition). Khoa tu đức hãm mình đang tăng tiến của thầy thúc đẩy thầy ăn chay, kiêng khem, và có những cơn giận giữ vì bản thân mình khi thầy thấy mình còn trù trừ trong các khả năng thế tục của mình như tài khéo thao diễn, hay khả năng chơi viôlông. Sự căng thẳng tu đức này đã đưa người bạn Cômôllô của thầy tới cái chết, và đưa chính Gioan Bosco tới chỗ cùng kiệt của sức lực” (LW, tr. 66). Cơn bệnh của thầy kéo dài từ tháng 4 năm 1939 đến đầu năm 1840, có vẻ là một sự kết nối giữa sự suy nhược và việc suy sụp của thần kinh. Nó là kết quả của các dữ kiện sau đây: (1) Lý tưởng linh mục quá cao khiết khiến mình cảm thấy hoàn toàn không xứng đáng; (2) Sự dấn thân quyết liệt và lâu dài khi chịu chức năm (xem chương 25); (3) Khoa tu đức, khổ chế nhiệm nhặt; (4) Cú sốc của cái chết của một người bạn thân, Lu-y Cômôllô. Gioan ngày càng thêm ốm, ăn là mửa, ngủ không được. Sau cùng bác sĩ phải ra lệnh nghỉ hoàn toàn. Mẹ Maghêrita đã đem đến cho Gioan Bosco rượu tốt và bánh hạt kê. Hai toa thuốc của bác sĩ và của mẹ Maghêrita  đó đã mang lại kết quả tốt. (BM I, 357).

[201] Don Bosco trong chuyện Cômôllô còn viết thêm: “Khi chạm đến sự nối kết giữa tự nhiên và siêu nhiên, con người trần sẽ chịu các hậu quả nghiêm trọng. Nhất là khi đó là một chuyện không cần thiết cho việc cứu rỗi đời đời”. Thế nhưng còn có thể có một lý do khác cho cuộc hiện về gây hãi hùng của Cômôllô. Đó là một vài lương tâm cần một cú sốc mạnh để cảnh tỉnh. Hai ngày trước khi chết, Cômôllô đã  nói về các bạn mình là “có vài người trong họ xấu” (Chuyện Cômôllô, tr. 86). Don Bosco cũng có nhận xét như vậy trong chương 19 của sách này. Trong `, thuộc hai ấn bản đầu, Don Bosco có viết: “Cha giám đốc chủng viện quả quyết với cha là một hiệu quả tốt do cái chết của Cômôllô tạo nên vẫn còn tồn tại đến ngày nay.”

[202] Cha Cafasso đã ba lần giúp Gioan Bosco đệ đơn lên Đức vua như đã tìm thấy trong AST (Văn khố quốc gia Torinô) văn bản như sau: “Trọng kính Đức vua, Thầy tư giáo Gioan Bosco từ Castelnuovo d’ Asti là chủng sinh… của chủng viện Chieri năm thứ tư (năm thứ năm…) đang rất cần [tài chính] để sắm tu phục, để trả học phí hằng năm, mà không tìm được sự lo liệu của cha mẹ, vì cha mẹ thầy còn phải lo lắng cho các nhu cầu của con cháu tại gia đình… hết lòng khiêm cung kính xin Đức vua ban cho thầy sự trợ giúp bác ái, để cứu trợ cho hoàn cảnh thiếu thốn của thầy, hầu đạt tới được sự nghiệp giáo sĩ thầy đang theo đuổi, với những dấu thật rõ ràng là Thiên Chúa đã gọi thầy. Thành kính cầu khẩn Đức vua.” Người thỉnh cầu ký tên…

[203] Cha Borel (1801-1873) luôn được Don Bosco viết bằng âm tiếng Ý tròn đầy là Don Borel. Ngài là Salêdiêng trước khi có các tu sĩ Salêdiêng. Ngài đóng một vai trò tối cần thiết trong việc sáng lập Nguyện xá. Chỉ có cha Cafasso và cha Borel gắn bó với Don Bosco trong giai đoạn khủng hoảng của những năm 1845-1846. Chính cha Borel duy trì công việc của Nguyện xá trong thời gian Don Bosco lâm trọng bệnh cận kề với cái chết vào mùa hạ và mùa thu năm 1846. Cha Tổng quản lý Fedele Giraudi (L’ Oratorio di Don Bosco, Tôrinô, S.E. I, 2a ed., pag. 65) viết về ngài như sau: “Con người dáng nhỏ bé, nhưng có tâm hồn to lớn và quảng đại này, đã làm việc tại Nhà mồ côi Refuge [viện Nương náu], nơi các nhà tù quốc gia, và rất nhiều chỗ khác trong thành phố, vẫn còn tìm ra thời giờ để đến làm việc tại Nguyện xá. Thường là đánh cắp thời giờ của giấc ngủ để đến đó mà giải tội; ngài từ chối không cho cơ thể đã mệt nhoài bởi biết bao công việc được nghỉ ngơi theo nhu cầu cần thiết, để đến giảng cho các bạn trẻ vào các buổi chiều các ngày lễ, và để làm nhẹ bớt cho Don Bosco khỏi gánh nặng này. Khi ghi nhớ lại Cha Borel trong Hồi ký, cha Lemoyne đã thốt lên: ‘Muôn ngàn đời ca ngợi vị linh mục khôn vời này!’. Một tấm bảng bằng đồng ghim vào phiến đá cẩm thạch còn được đặt dưới cổng vào gần nơi mà ngày xưa có nhà nguyện bằng mái dại che Pinardi còn là bằng chứng cho lòng nhiệt thành của ngài.

[204] Don Bosco nhấn mạnh đến việc duy trì tinh thần của đời sống ơn gọi, nghĩa là nhắm đến chất liệu của ơn gọi, chứ không chỉ nhắm đến việc tiếp tục sống bậc giáo sĩ một cách tầm thường, vụ lợi, như một nghề sống.

[205] Nguyên văn “il corso secondario” tương đương với cấp III hiện tại ở Việt Nam.

[206] Hồi đó, ngay cả trong giáo giới, các môn học cổ điển vẫn thường được coi là cái cốt lõi của toàn bộ nền giáo dục.

[207] Gioan Bosco bắt đầu học năm thứ hai triết học vào tháng 11 năm 1836. Sách Gương Chúa Giêsu sẽ mãi mãi là sách Don Bosco ưa thích. Khi không thể đọc sách thiêng trong ngày, trước khi đi ngủ, cha đã quì gối trên nền nhà, đọc và suy gẫm một vài câu trong sách (BM IV,318). Hoặc có khi cha rút cuốn sách và tình cờ mở ra, mời gọi người khác đọc những dòng chữ đầu tiên trong trang đó (BM III,432).

[208] Calmet, một tu sĩ Bênêđitô, nhà chú giải công giáo tốt nhất của thế kỷ 18.

[209] Ông này là một người thân Rôma, và muốn biện hộ cho tính chất trung thành với Do Thái giáo của ông. Ông là một nhà sử Do Thái duy nhất của thời kỳ cuối của cuộc hình thành sách Kinh Thánh, dù không phải là một tác giả luôn đáng tin tưởng.

[210] Cuốn “Thảo luận về tôn giáo” đúng ra là của Cha Anphonsô Nicolai (Venezia e Genova,1770). Còn sách của Đức Cha Marchetti mà Don Bosco nhắc tới có lẽ là Bộ Những sự bàn thảo có tính cách gia đình về lịch sử tôn giáo (Tôrinô, Bianco, 1823).

[211] Có thể Don Bosco thích phẩm chất văn chương và tính cách nêu gương lành của tác giả này, nhưng ông chủ trương chủ thuyết “Giáo hội kiểu Pháp” (Gallicalism), chống lại “Mục Sách Cấm” (Index) của Tòa Thánh. Don Bosco ngầm cho rằng các bề trên chưa thận trọng đủ trong việc để các chủng sinh tiếp xức với những sách có quan điểm lệch lạc ở vào lúc họ chưa có ý thức cao độ.

[212] Auguste Henrion (1805-1862), sử gia về Hội Thánh có khuynh hướng thiên về “Giáo hội kiểu Pháp” (Gallicalism)

[213] Trường này là một trường nội trú cho các học sinh quí tộc tại Tôrinô, lấy tên của nó từ Tu viện Các-men và nhà thờ Đức Mẹ Núi Các-men ở đường Carmine.  Tuy rất có thế giá, nhưng đã bị dẹp và tịch thu năm 1848 vì cơn sốt chống Dòng Tên. Trường có một nhà nghỉ miền quê tuyệt vời tại Montaldo, một làng cách Chieri khoảng 6 km. Thầy giáo sĩ Bosco dạy Hy lạp và giám thị nhà ngủ từ 1/7 tới 17/10. Vị Giám đốc của trường đã nhận định về Gioan Bosco trong một tờ xác nhận được lưu giữ tại chủng viện Chieri với các phẩm chất honestate morum, pietate in Deum et Sacramentorum frequentia [luân lý lành mạnh, thảo hiếu cùng Thiên Chúa, năng chịu các bí tích]

[214] Pindar (522?-443 tCN) và Anacreonte (572?-488 tCN) là những thi sĩ trữ tình.

[215] Đức Tổng Giám mục Lu-y Fransoni (1789-1862) là người bảo trợ vĩ đại của Don Bosco. Ngài là Tổng Giám Mục Tôrinô từ năm 1832, ngài chống lại việc thu nạp đất Tòa Thánh vào Nước Ý. Năm 1850, chính quyền Ý đày ngài, và ngài phải cai trị giáo phận từ Lyons. Ngài được coi là vị tử đạo cho quyền của Tòa Thánh. Ngài khích lệ Don Bosco trong công cuộc Nguyện xá, san bằng các chống đối  bất lợi cho Don Bosco, và đặt Don Bosco đứng đầu tất cả các Nguyện xá trong thành phố. Ngài chấp thuận các giai đoạn sơ khởi của Tu hội Salêdiêng (Xem BM II-VI).

[216] Gồm khảo luận của Alasia về Bí tích Thống hối và khảo luận của Gazzaniga về Thánh Thể (Stella,LW, pp. 49-50).

[217] Bốn dịp phong chức này thường được thực hiện trong các dịp ăn chay ba ngày, được tuân giữ vào các thứ tư, thứ sáu và thứ bảy trước Chúa nhật thứ nhất Mùa chay, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, và vào trước lễ Suy tôn Thánh Giá (14/9), và trước lễ thánh Lucia (13 tháng 12). Tại Tôrinô, các dịp phong chức thường được cử hành trước Chúa nhật thứ tư Mùa chay (Caselle, Gioavanni Bosco Studente, pp. 203,207).

[218] Chức phụ phó tế đưa thầy chủng sinh gia nhập vĩnh viễn đời giáo sĩ, chấp nhận vĩnh viễn bậc độc thân và trách nhiệm đọc các phụng vụ giờ kinh. Đến năm 1973, Giáo Hội bỏ chức này, và các cam kết thuộc chức thánh này chuyển sang cho chức phó tế. Để được nhận vào chức phụ phó tế, cần phải có một tài sản cho cuộc sống giáo sĩ là 5000 lire. Vì phần gia sản Gioan Bosco được hưởng không lên tới con số đó, cho nên anh Giuse Bosco phải cho ngài một mảnh cánh đồng nữa nay gọi là “Cánh Đồng Gia sản của Don Bosco”

[219] Đức Tổng Giám mục Chiaveroti đã trao phó cho Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn trách nhiệm đào luyện hàng giáo sĩ Tôrinô. Vì thế, các cha Vinh Sơn đặc trách nhà linh thao tại nơi này là số 23, đường XX Settembre, xưa thánh Jeane Frances de Chantal đã lập tu viện Đức Mẹ Thăm Viếng tại đó. Các cha Vinh Sơn đã du nhập vào Tôrinô linh đạo của cha Berulle và của thánh Phanxicô Salê.

[220] Trưởng tràng = Hộ trực viên của các chủng sinh.

[221] Các bạn của Gioan Bosco cũng buồn như thế vì ngày chia tay. Tòa Giám mục Tôrinô còn lưu giữ lời nhận định tổng quát về chủng sinh Gioan Bosco: “Nhiệt thành và đầy hứa hẹn”. Điểm thi cuối cùng của thầy vào 15 tháng 5  là tốt nhất thêm dấu + (A+).

[222] Nhà thờ này trước thuộc các Tu sĩ Phanxicô, và sau đó quân đội Napolêôn biến thành trại binh. Năm 1818, Linh mục thần học tiến sĩ Guala, chủ trì nhà thờ, đã thiết lập tại đây trường Nội trú giáo sĩ để đào tạo hàng giáo sĩ trẻ. Có hai đợt giảng dạy mỗi ngày Các lớp dạy của cha Cafasso trở thành nổi tiếng thời đó.

[223] Đức Mẹ An Ủi là bổn mạng chính của thành Tôrinô. Nhà thờ kính Mẹ rất được giáo dân sùng kính, nằm tại đường Đức Mẹ An Ủi, và nằm ở phía nam đường Regina Magherita. Xác Cha thánh Cafasso được đặt tại đây.

[224] Nhà thờ Thánh Đaminh này được xây từ thế kỷ XIV, được ủy thác cho các cha Đaminh, dòng của cha giáo sư Giussiana. Chiếc thắt lưng làm phép lạ của thánh Tôma Aquinô được lưu giữ ở đây. Bàn thờ cạnh kính Đức Mẹ Mân côi nơi Don Bosco làm lễ nằm ở hông phía giữa.

[225] Từ các văn liệu khác, chúng ta biết được vào thứ tư, Don Bosco cử hành Thánh lễ trong nhà thờ chính tòa Chieri, tại bàn thờ Đức Mẹ các ơn sủng, nơi ngài thường cầu nguyện khi còn tuổi trẻ.

Thánh lễ tại “nhà quê” của ngài được cử hành tại thánh đường thánh Anrê ở Castelnuovô, nơi cha Cinzano vẫn còn là cha xứ. Lễ Mình Thánh Chúa Kitô vẫn còn là ngày lễ buộc và là ngày nghỉ công cộng khi đó.

[226] Năm 1839, anh Giuse Bosco đã tự mình xây lấy một căn nhà cách căn nhà xưa ít thước, và anh cùng vợ con và mẹ Marghêrita trở lại Becchi. Don Bosco thường cảm kích nhắc lại giây phút trở về nhà cảm động của đầu đời linh mục này. Cha Lemoyne ghi lại lời nói mà mẹ Marghêrita nói với Don Bosco, tân linh mục: “Con bây giờ là linh mục và con cử hành thánh lễ. Cho nên con gần Chúa Giêsu Kitô. Nhưng con hãy nhớ bắt đầu cử hành thánh lễ là bắt đầu chịu đau khổ. Con không nhận ra điều này ngay bây giờ, nhưng dần dần con sẽ hiểu là mẹ con nói đúng. Mẹ chắc chắn rằng con sẽ luôn cầu nguyện cho mẹ mỗi ngày, dù là khi mẹ sống hay chết, và điều đó là đủ cho mẹ. Từ nay trở đi, con phải nghĩ duy về một điều là cứu rỗi các linh hồn; đừng bao giờ con phải lo lắng cho mẹ. (BM I,388)

Trong cả bốn dịp, Mẹ Marghêrita đều khuyên nhủ Gioan Bosco: Dịp rước lễ lần đầu, dịp chọn ơn gọi, dịp mặc áo giáo sĩ và dịp chịu chức linh mục.

[227] Xem Hiến luật SDB 1984 khoản 18.

[228] Lần đầu tiên Don Bosco nói đến thánh Phanxicô Salê. Nhưng cha Giaconnelli bạn của cha làm chứng rằng cũng có một người bạn chủng sinh có cùng một tên gọi là Gioan Bosco. Để phân biệt, thì bạn của ngài chọn biệt danh là Gioan Bosco Nespolo [gỗ cây sơn trà, cứng và có nhiều mắt], còn ngài chọn biệt danh là Gioan Bosco Salê [thân gỗ sậy, mềm và dẻo dai]. Phải chăng đó là dấu Don Bosco đã biết đến thánh Phanxicô Salê và quyết học nơi ngài nhân đức bác ái, dịu dàng để kiềm chế tính nhạy cảm và rất dễ nổi nóng của bản thân mình?

[229] Tân linh mục phải thi để chứng tỏ khả năng của mình. Don Bosco được tạm ban quyền giải tội ngày 30-11-1842, và quyền giải tội vĩnh viễn ngày 10-6-1843.

[230] Để cho một người được hưởng trợ cấp xã hội.

[231] Cha Grassino (1820-1902) vào chủng viện năm 1840, giúp Don Bosco làm Giám đốc Nguyện xá Borgo Vanchiglia (Tôrinô) và phó giám đốc Nguyện xá Valđốccô, sau làm Giám đốc Tiểu chủng viện Giaveno khi chủng viện còn ở dưới quyền Don Bosco. Ngài không trở thành Salêdiêng.

[232] Gioan Bosco học cưỡi ngựa năm 1832, sau năm cậu phải học thông qua ba lớp. Do đó cần ôn tập lại cho chắc chắn, cậu đã theo học hè tại Castelnuovo với cha phó của giáo xứ, và vì thế cậu được ở lại tại nhà xứ. Để bù lại, cha xứ Castelnuovo khi ấy là cha Dassano cho cậu chăm sóc con ngựa của ngài vào các giờ rỗi, nhờ thế Gioan Bosco có giúp học cưỡi ngựa, thậm chí đã có thể đứng trên lưng ngựa khi ngựa phi nước đại. Thế những điều ấy không hẳn đảm bảo là Gioan đã hoàn toàn làm chủ việc cưỡi ngựa, bao gồm các yếu tố nền tảng, kể cả việc buộc yên ngựa, như trong trường hợp sắp xảy ra sau đây.

[233] Tên đệm Brina [Sương giá] có thể phát xuất từ miền quê của chính ông ta!

[234] Giống như Don Bosco, dòng tộc của ngài dáng người nhỏ nhắn, không cao.

[235] Mức lương khá cao so với phí nội trú và phí học chủng viện là 240 lire một năm, và lương giáo viên tiểu học là 300 lire một năm. Frăng đây đồng nghĩa với đồng lire.

[236] Cả hai đề xuất công việc này đều nhấn đến tiền lương. Nhưng mẹ Magherita thì nói: “Con của tôi ở trong nhà một vị nhà giàu ư? 1000 lire đó có ích lợi gì cho con tôi, hay cho tôi, hay cho anh Giuse của nó, nếu Gioan Bosco sẽ mất linh hồn?” (BM II,30).

[237] Huấn luyện của Gioan Bosco tại chủng viện Chieri thiên về trí tuệ, nhấn mạnh đến tín lý. Nhưng cha Cafasso thì hiểu rõ sự nhiệt thành của người bạn linh mục trẻ của ngài, và cần phải tôi luyện nó bằng một việc thực hành mục vụ có hướng dẫn (“huấn luyện trong chính công việc” [field training]) cùng với một linh đạo quân bình, chừng mực (moderate) và một việc đào luyện thêm về thần học luân lý. Hơn nữa, sao chúng ta lại có thể nghĩ rằng Cha Cafasso, người đã quá biết quyết chí dấn thân của Don Bosco cho các bạn trẻ và cái nhu cầu đang gào thét để có được một ai đó chăm lo cho cả mốt đoàn lũ các người trẻ trong một thành phố lớn, lại không tìm kiếm một cơ hội để cả hai đối tượng này gặp gỡ nhau: Don Bosco và giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi!

[238] Phí để sống và học tại trường Đào tạo giáo sĩ này là 341 lire một năm. Don Bosco trả bằng tiền bổng lễ, và phần còn thiếu thì  chắc chắn là có sự lo liệu của cha Guala và cha Cafasso.

[239] Người sáng lập thực sự trường Đào tạo giáo sĩ này là cha Pio Brunone Lanteri, Đấng sáng lập Tu Hội Các Người Tận Hiến cho Đức Nữ Trinh Maria và nhà tĩnh tâm thánh Inhaxiô tại Lanzo. Cha Guala là môn đệ nổi tiếng nhất của cha Lanteri, có công trong việc tìm tài trợ và điều hành trường. Ngài cổ súy một tư duy thần học nhẹ nhàng và thoáng đạt hơn trong giới giáo sĩ Tôrinô. Đức Tổng Giám mục Tôrinô, sinh quán tại Genova, cũng có tầm nhìn luân lý nhẹ nhàng và có lối tiếp cận thần học mang tính mục vụ hơn. Những vị này ảnh hưởng tới đường lối hướng dẫn của trường Đào tạo giáo sĩ.

[240] Phái này có lập trường rất nhiệm nhặt liên quan đến vấn đề ý muốn tự do và ân sủng, các điều kiện để nhận lãnh các bí tích.

[241] Tác giả Antôniô Alasia nghiêm ngặt trong các vấn đề thực hành, nhưng việc ông có các khuynh hướng thiên về chủ thuyết Giăngsênít hay không còn là một chuyện chưa rõ. Chính cha Guala và cha Cafasso dùng khảo luận Thống Hối của ông như là sách giáo khoa cho trường Đào tạo giáo sĩ .

[242] Các bài dạy tại trường Đào tạo giáo sĩ  này không đi theo một hệ thống thần học hay một lý thuyết mục vụ riêng nào. Trái lại chúng đưa ra các trường hợp thực tiễn và nghệ thuật chăm sóc cho các linh hồn. “Các hoàn cảnh của cuộc sống hằng ngày đã được lấy lại, và rồi lại được đem ra thử lửa trong các hoạt động linh mục như giảng thuyết, dạy giáo lý, v.v…” (L W, p. 98). Giữa các nguồn nghiên cứu của cha Stella về trường Đào tạo này, có một cuốn vở ghi nhận của một sinh viên ghi lại các bài dạy của cha Cafasso (Buổi nói chuyện 6-6-1986).

[243] Sau khi cha Cafasso chết, Don Bosco chọn cha Golzio (1808-1873) làm cha giải tội và linh hướng. Giống như cha Cafasso, Cha Golzio xác tín rằng Thiên Chúa hướng dẫn người mình hướng dẫn này (Don Bosco) bằng những phương thức ngoại thường. Cha Golzio là Giám đốc trường Đào tạo giáo sĩ từ năm 1867 cho đến chết.

[244] Các cơ chế bác ái đông đảo, lối sống liên kết thân thiện giữa các nhà ở, các hoạt động bác ái nhiệt nồng này đã cứu Tôrinô khỏi cơn khuynh đảo xẩy ra ở các thành phố của Ý khác vào năm 1848.

[245] Cha Cafasso là cha giải tội và là người hướng dẫn linh hồn cho Don Bosco. Ngài hướng dẫn sự phát triển thiêng liêng và các quyết định lớn lao của cuộc đời Don Bosco. Thái độ dễ dạy của Don Bosco bắt nguồn từ lòng tín nhiệm đầy tình con thảo của ngài xưa kia với cha Calosso.

 

[247] Nguyên văn “tuder, tuder” một tiếng Piêmôntê nay không còn dùng nữa, dùng để gọi đùa hay để nhạo một người Đức!

[248] Lòng yêu thương là một trong ba cột trụ của phương pháp giáo dục của Don Bosco bao gồm lý trí – tôn giáo – và lòng yêu thương. Đó là một mối liên hệ nhân ái, đầy sự chú tâm tới bản thân của đứa trẻ, vừa thân tình vùa tràn yêu thương, gợi hứng từ đức ái Kitô giáo, thúc đẩy nhà giáo dục lại gần cùng đứa trẻ để hiểu nó, và chính mình gánh vác lấy trách nhiệm đáp ứng những nhu cầu và những vấn đề của nó.

[249] Đoạn này do cha Lemoyene đã từng nghe Don Bosco kể, nên đã thêm vào. Nó cho thấy tâm lý và cách thức tiếp cận sư phạm của Don Bosco, ngài muốn người trẻ phải tin tưởng ở mình và ở người giáo dục mình! (BM II,p. 58).

[250] Garelli còn đi học giáo lý một thời gian, và sau năm 1855, cậu còn trở lại thăm Nguyện xá (BM II,p. 59).

[251] Số di dân khiến dân số thành phố Tôrinô tăng rất nhanh. Nếu năm 1838 dân số là 117.072 thì năm 1858, dân số lên đến 179.835, và 3 năm sau là 204.715.

[252] Trong năm 1868, khi tìm kiếm từ các Giám mục các thư tiến cử Tu hội Salêdiêng để được Tòa Thánh phê chuẩn,  Don Bosco đã dẫn nhập cho lịch sử của Tu hội như sau: “Tu hội này  khởi đầu đơn giản bằng một bài giáo lý do linh mục Gioan Bosco ở một phòng kế bên nhà thờ thánh Phanxicô Assisi…” (BM IX,35). Ở nơi khác, Don Bosco còn nêu lên một chi tiết nữa trong bài giáo lý này: Sau dấu Thánh giá, Don Bosco đã đọc kinh Kính Mừng xin Đức Mẹ cho ngài ơn để cứu linh hồn đứa bé này” (BM II,59). Tất cả các chúc lành tuôn đổ xuống từ trời là kết quả của kinh Kính mừng đọc cách sốt sắng với Bartôlômêô Garelli ở nơi đó, trong nhà thờ thánh Phanxicô Assisi (BM XVII,510).

[253] Mùa đông 1841-1842.

[254] Trong số những em khoảng từ 80 tới 100, Don Bosco sử dụng một số em có học để giúp dạy giáo lý hay ít là đọc lên bài giáo lý cho các bạn khác. Không thể nào Don Bosco tự mình dạy hết số em đông đảo và ô hợp như thế, gồm tuổi từ 7 cho tới 20 tuổi. Đó là giá trị đầu tiên của việc “các bạn trẻ là những tông đồ của các bạn trẻ khác”.

[255] Là một bài hát nổi tiếng trong truyền thống Salêdiêng

[256] Các học trò ở đây là các em Nguyện xá. Với cách gọi đó, Don Bosco lưu ý các Salêdiêng phải coi các em tham dự sinh hoạt giáo xứ và Nguyện xá giống như các học sinh được học ở các trường Salêdiêng.

[257] Don Bosco khi ấy chưa nhận được năng quyền để giải tội, nên phải nhờ tới các cha Guala và Cafasso.

[258] Làng này thuộc tỉnh Varese. Các bạn trẻ tới Tôrinô làm việc, và vào mùa đông, họ lại trở về nhà.

[259] Giuse Buzzetti sau đó trở thành sư huynh Salêdiêng, giúp Don Bosco rất nhiều trong việc quản trị. Có lúc cũng mặc áo giáo sĩ và muốn trở thành linh mục, nhưng vì mất một ngón tay do tai nạn, nên đành bỏ lỡ giấc mộng này.

[260] Carlo Buzzetti (1829-1891) trở thành nhà thầu xây dựng, thi công nhiều công trình cho Don Bosco, kể cả Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ.

[261] Trong 10 năm đầu hoạt động Nguyện xá, Don Bosco giúp đỡ cho ba loại các bạn trẻ:

  1. Những bạn đến từ các làng quê hay từ các tỉnh bên cạnh (Val d’ Aosta, Lombardia, Liguria, Venezia, Savoy) để tìm kiếm các công việc cần đến chúng trong các mùa, và cơ may sống tại thành phố Tôrinô. Năm 1850, con số thợ này giảm, vì các nơi ở vĩnh viễn đã được xây cất, nên có ít nhu cầu cần đến các thợ.
  2. Những trẻ em sống trong khu cư dân của vùng kỹ nghệ. Tại đó không có trường và ít xứ đạo. Các em này bẩn thỉu, hôi hám, ốm o, và không được coi sóc. Cha mẹ chúng vào những thời cao điểm phải làm đến 90 giờ hằng tuần.
  3. Các trẻ em học ở các trường tiểu học công giáo dành cho các trẻ em nghèo, do các sư huynh La San đảm nhận. Tham dự Nguyện xá, các em là những thành phần bền bỉ nhất của Nguyện xá, có học thức và dễ hướng dẫn.

Các bạn trẻ thuộc hai loại đầu tiên “là những bạn trẻ nghèo, bị bỏ rơi” là mối quan tâm hàng đầu của Don Bosco. Khi chúng không tìm được việc làm, và sống nhàn rỗi vào Chúa nhật, các ngày lễ, chúng tạo thành băng nhóm (các bạn xấu) và gặp rắc rối về luân lý và về phạm pháp. Việc tham dự Nguyện xá của chúng lên lên xuống xuống, tùy theo mùa, công việc và các yếu tố khác. Các bạn trẻ thuộc nhóm thứ ba là men trong đấu bột; và vì chúng cũng sống kế cận với các nhóm bạn trẻ kia, nên Don Bosco cũng sử dụng các biện pháp phòng ngừa.

Dựa theo cuộc kiểm tra vào năm 1862, có 885 đàn ông (thuộc mọi lứa tuổi) không có một việc làm, và 13.603 đàn ông khác không có việc làm, 1222 thợ làm công nhật không có một nghề chuyên biệt, và 10.098 là học sinh nam. Nhưng con số này thêm vào cho con số 25% dân số đàn ông tại Tôrinô có cuộc sống ổn định.

[262] Valdocco nằm giữa tường thành cổ của Tôrinô và con sông Đôra. Tên của nó có nghĩa là thung lũng (Valle) của ba vị thánh tử đạo (occisorum) là Octavius, Solutor và Adventor vào năm 300 sCN. Tại đây, cho tới thời Don Bosco, chưa có xứ đạo.

[263] Có chừng 100 em.

[264] Có bốn nhà tù tại Tôrinô.

[265] Don Bosco được tạm thời ban năng quyền giải tội rồi ngày 10-6-1843 được vĩnh viện nhận năng quyền này.

[266] Tức là cho tới lúc sắp bắt đầu niên học mới cho trường Đào tạo giáo sĩ , và Don Bosco phải dời Nguyện xá sang viện Nương náu như chúng ta sắp đọc đến.

[267] Don Bosco học hai năm luân lý tại trường, nhưng cha Guala và cha Cafasso lưu ngài lại thêm một năm nữa, để làm việc tại đây với tư cách người phụ đạo giúp đỡ cho các học viên linh mục gặp khó khăn trong việc học hành.

[268] Đức Tổng Giám mục Fransôni có ý định đưa Don Bosco về phụ giúp cho cha Cômôllô, nhưng hai cha Guala và Cafasso lại có một dự định khác.

[269] Nữ bá tước Barôlô, đã sáng lập trên đường Cốttôlengô ba công cuộc: (1) Viện Nương náu [nay gọi là Trường Barôlô], lấy tên gọi từ Đấng Bổn mạng “Đức Mẹ là nơi Nương náu của kẻ có tội”, là một trạm dừng chân cho các cô gái điếm muốn cải tạo; (2) một trường nội trú dành cho các trẻ nữ bị bỏ rơi và trốn khỏi nhà dưới 14 tuổi, (3) một nhà thường nhỏ cho con gái, kính dâng cho thánh Philômêna. Cha Borel là tuyên úy của ba công cuộc này, và ngài xin thêm một vị trợ tá. Nguyện xá tụ họp tại khu dành riêng cho các linh mục của nhà thương chưa hoàn tất trong năm 1844-1845.

Bà tên thật là Giulietta Colbert de Maulévrier (1785-1864), người vợ góa không có con cái của bá tước Carlo Tancred Falletti di Barôlô (1782-1838), có văn hóa cao và rất giàu có, được triều đình quí trọng. Bà là nữ văn sĩ giỏi, sành nghệ thuật, salon của bà mở ra đón các quí khách như Balbo, Balzac, Cavour, Lamartine, Maistre, Pellico, Sclopis… 

Bà rất đạo đức, chịu sự hướng dẫn thiêng liêng của cha Lanteri và cha Cafasso. Các cha Borel và Cafasso đều cảnh giác Don Bosco là bà có hướng muốn thống trị, tuy nhiên bà đã thực sự chiến đấu để thắng vượt tính xấu này. Ngoài lòng sùng kính thường xuyên của bà, bà làm việc đền tội, thăm nhà tù nữ, nuôi kẻ đau ốm, đỡ đầu nhiều trường và nhiều công cuộc bác ái, sáng lập hai dòng nữ và lập kế hoạch xây dựng một dòng các linh mục dưới sự bảo trợ của thánh Phanxicô Salê. Sứ vụ tôn giáo và giáo dục của bà tại nhà tù nữ đưa bà đến thiết lập các công cuộc duy trì trẻ nữ khỏi rơi vào nguy hiểm và giúp cải tạo các phụ nữ trẻ sa ngã, và thế là các công cuộc của bà phát sinh tại Valdocco (BM II, 182-185).

[270] Don Bosco nói đến giới trẻ là nhìn nhận cái nhu cầu phải chăm sóc cho cả trẻ nam lẫn trẻ nữ nữa. Và quả thực ngài đã trực tiếp phục vụ cho giới trẻ nữ trong hai năm tại các công cuộc của nữ bá tước Barôlô (từ tháng 11/1844 đến tháng 7/ 1846). Nhưng Don Bosco kết luận là tiếng Chúa gọi ngài trực tiếp là để phục vụ cho các trẻ nam trong cái thời điểm văn hóa mà việc giáo dục nam nữ là hoàn toàn tách biệt.

[271] Don Bosco nói đi nghỉ mà thực chất là đi giảng tuần phòng tại Canelli, và giảng tuần 9 ngày lễ Mân Côi tại Castelnuovô.

[272] Đối thoại kiểu mèo vờn chuột gữa hai vị thánh. Để hướng dẫn thiêng liêng, người hướng dẫn cần biết đến các khuynh hướng, cảm nghĩ, tư tưởng của người mình hướng dẫn. Don Bosco xem ra không nhận ra điều này cách đầy đủ vào lúc này. Nhưng sau này khi viết dẫn nhập vào Hiến Luật Salêdiêng, Ngài sẽ nhận ra điều ấy rõ hơn.

[273] Cha Borel dẫn Don Bosco đến giới thiệu với Nữ Bá Tước Barôlô. Bà lập tức bị ấn tượng bởi thái độ trầm lắng và đơn sơ của Don Bosco. Bà thấy ngay đó là dấu chỉ của sự thánh thiện (BM II,360). Bà hăm hở có chắc được việc phục vụ của ngài cho công cuộc của bà, vì thế bà bằng lòng ngay mức lương hằng năm là 600 lire cho ngài và còn cho ngài được phép tiếp tục sinh hoạt Nguyện Xá cho các trẻ nam của ngài. Về phía Don Bosco, ngài cũng “nhận ra sự khiêm nhường lớn lao dưới dáng vẻ uy nghi của bà, và cảm thấy vẻ e dè (reserve) và vẻ quí phái của bà được hòa nhập với sự đáng mến và tốt lành của một bà mẹ…” (BM II, 185).

[274] Đó là căn phòng tạm cho dành cho Don Bosco, chờ cho khu dành cho các linh mục bên cạnh nhà thương hoàn tất. Trên thực tế, Don Bosco đã không bao giờ chuyển chỗ ở của ngài sang phía nhà thương, nhưng ngài có họp mặt các em Nguyện xá của ngài tại khu nhà thương như đã ghi nhận ở trên.

[275] Sân, cổng, Nguyện xá và nhà thờ thánh Phanxicô Salê được xây dựng vào năm 1952 (Xem chương 55).

[276] Một số linh mục và chủng sinh tới giúp Don Bosco, nhưng rồi họ lại bỏ đi. Chỉ có Don Borel kiên trì ở lại với Don Bosco.

[277] Ngoại trừ cha Alasonatti (1812-1865), tất cả 17 tu sĩ Salêdiêng đầu tiên họp thành Tu hội Salêdiêng vào tháng 12/1859, đều là các học sinh Nguyện xá.

[278] Đó là Vương cung Thánh đường Kính Đức Mẹ Phù Hộ được xây dựng trong khoảng 1863-1868.

[279] Nhà Pinardi, rồi nhà thờ thánh Phanxicô Salê, rồi Vương cung Thánh đường Kính Đức Mẹ Phù Hộ.

[280] Chuông kinh Truyền tin, với ba kinh Kính Mừng [Ave Maria] được đọc lên. Don Bosco đang còn ở trường Đào tạo giáo sĩ, nơi có nhà thờ thánh Phanxicô Assisi, khi mơ giấc mơ này.

[281] Giấc mơ được trích dẫn ngay ở dưới, với đề là “Giấc mơ vào thời Nguyện xá lưu động”.

[282] Giấc mơ này chỉ được Don Bosco nói ra vào ngày 2-2-1875 cho cha Barberis và cha Lemoyne. Cha Lemoyne đã lập tức viết lại trong BM II,232-233).

[283] Cánh đồng cỏ của anh em Philip ở chương 36 &39.

[284] Kinh sĩ Laurenzo Gastaldi theo yêu cầu của Don Bosco, đã nghiên cứu và xác định hai vị thánh tử đạo này đã tử đạo ngoài tường thành, gần cổng Đôra ở khu Nguyện xá Valocco ngày nay. Trong nhóm tử đạo, còn có cả thánh Solutor nữa, nhưng trong giấc mơ, Đức Mẹ không nhắc đến, vì vị thánh này đã trốn khỏi Tôrinô, và bị bắt và xử tử đạo tại Ivrea, cách Tôrinô 40km, về hướng bắc Tôrinô.

[285] Dải băng biểu trưng việc khấn dòng, mà trong truyền thống Salêdiêng, Đức Vâng lời là chiếc chìa khóa!

[286] 3-10-1844

[287] Tôrinô có 14 giáo xứ trong nội thành, và là một trong hai điểm kỹ nghệ đông dân nhất. Dân nhập cư quá đông, cách riêng là giới trẻ, khiến các cha xứ không thể nào đáp ứng nổi các nhu cầu mục vụ.

[288] Nguyên văn là “nhà thờ”, nhưng thực chất là “nhà nguyện”. Nhà thờ của Nguyện xá khởi đầu là nhà thờ thánh Phanxico Assisi. Nhưng Nguyện xá chưa có bổn mạng. Trong một giai đoạn nào đó, Don Bosco nhận ra sự thiếu sót này. Ngài và cha Cafasso quyết định chọn thánh Phanxicô Salê làm bổn mạng (BM II,196), nhưng vị Bổn mạng này chỉ được đặt cho Nguyện xá kể từ khi nó được chuyển về Nhà thương Nhỏ kính thánh Philômêna này.

[289] Nay thì thời gian và thời tiết đã hủy hoại bức vẽ rồi.

[290] Don Bosco đã viết: “Nguyện Xá này được đặt dưới sự bảo trợ của thánh Phanxicô Salê, để những ai có ý dấn thân cho loại công việc này được tiếp nhận vị thánh này như mẫu gương của đức ái và sự dễ thương. Hai nguồn nhân đức này sẽ sản sinh các hoa quả mà chúng ta chờ trông từ “các Nguyện Xá”. (BM III,68)

[291] Nhà nguyện này là chặng thứ nhất trong ba chặng dừng chân của Nguyện xá mà các giấc mơ của Don Bosco đã nêu lên.

[292] Nguyện xá sinh hoạt tại nhà thờ Thánh Phêrô bị xiềng xích xảy ra trước thời gian sinh hoạt tại khu nhà máy xay. Don Bosco viết trong A p. 33, FDB 1206 D 2: “Hai sự kiện này chứng minh sự che chở hiển nhiên của Chúa”.

[293] Cha Cafasso đã thỉnh nguyện nữ công tước Bosco, vợ của một thành viên Hội đồng thành phố, giúp khi Don Bosco nộp đơn, nhưng đơn bị bác. Sau nhờ lời giới thiệu của Đức Tổng Giám mục Fransoni, Don Bosco đem đơn xin đứng tên cha Borel lên tòa thị chính và nhận được lời chấp thuận.

[294] Khu Nhà máy xay công cộng nằm phía Cổng Dinh (công trường Emanuele Filiberto), nơi có con lạch cung cấp lực nước để chạy máy nghiền hạt lúa, ép quả ô liu, đánh nát dây gai dầu. Nhà thờ Kính thánh Martinô phục vụ các lễ cho các thợ xay và gia đình của họ. Con sông gần đó là sông Đôra. Nên vùng này được gọi là Môlini Đôra [Khu nhà máy xay Đôra].

[295] Từ Nhà thờ thánh Phanxicô Assisi sang viện Nương náu, rồi từ đó sang nhà thờ thánh Phêrô bị xiềng xích, như chúng ta sẽ đọc thấy trong chương kế tiếp (chương 34), và giờ đây thì tới khu Nhà máy Xay Đôra.

[296] Cha sở của nhà nguyện thánh Martinô cử hành thánh lễ Chúa nhật cho các tín hữu của khu nhà máy xay, và số tham dự đã chiếm hết nhà nguyện rồi, nên Don Bosco phải đem đám trẻ của ngài sang một nhà thờ khác để cử hành Thánh lễ và ban các bí tích cho các em.

[297] Don Bosco nói cơ chế đây tức là Nguyện xá, hay là đến toàn thể Gia đình Salêdiêng mà với các mục tiêu và các hoạt động của nó. Cho tới lúc đó, không ai tại Piemonte cổ xúy việc năng rước lễ như Don Bosco làm. Ngài coi đó như là yếu tố nền tảng của việc giáo dục, không có nó, không thể giúp cho người trẻ tiến bộ. Có một linh mục nổi tiếng ở Tôrinô trách Don Bosco là cổ vũ việc rước lễ thường xuyên, Don Bosco đã cố gắng thuyết phục ngài về lợi ích của việc rước lễ thương xuyên, nhưng đã không thể thuyết phục được ngài, nên đã đề nghị ngài đến nói chuyện với cha Cafasso, nhưng vị đó có lẽ đã không làm. Đây là một lời chứng của một chủng sinh, thầy Gioan Tẩy giả Anfossi, sau này trở thành linh mục kinh sĩ nhà thờ chính tòa, đã nhắc lại cho cha Lemoyne trong một lá thư (9-7-1903; BM,184-186).

[298] Chuyện cách mạng là một vấn đề nhạy cảm, chứ không phải là một sự phóng đại. Đa phần của châu Âu đều từng có kinh nghiệm về cách mạng trong 1820-1821 và rồi trong 1830-1831. Nào là sự rối loạn, rồi những tư tưởng về nền cộng hòa của những con người như Mazzini, cuộc nổi loạn của đám đông, các ý tưởng về chính quyền dân quản.

Các lời phàn nàn cũng xuất phát từ các loại trẻ qui tụ quanh Don Bosco: một số là học sinh, nhưng có rất nhiều người là các tội phạm, những kẻ trốn tù, thất nghiệp, những kẻ trong tiềm năng có thể trở thành các phần tử gây rối.

[299] Lá thư nóng nảy, có nghĩa là dứt khoát này, được viết ngày 18-11-1845, trong đó ông thị trưởng ra lệnh là vào ngày 1-1-1846, sẽ ngưng việc thỏa thuận cho sử dụng Nhà máy xay đã được ban hành.

[300] Trong những lời dẫn nhập cho bản thảo “Luật lệ Nguyện Xá” (không được in ra), với tựa đề “Việc nhắc nhở sơ khởi Lịch sử Nguyện xá thánh Phanxicô Salê từ 1841 đến 1854”, Don Bosco viết: “Tại đó chúng tôi đã qua hai tháng trong an bình, dù cho mọi chuyện được tiến hành không phải là hoàn hảo, bởi vì ở đó không thể cử hành thánh lễ, hoặc chầu Mình Thánh, cũng không thể chơi cách thoải mái. Sự yên tĩnh này là điềm của một cơn bão khiến cho Nguyện xá phải chịu những thử thách gây cấn nhất. Có tiếng đồn thổi rằng các cuộc tụ họp thanh thiếu niên như thế là nguy hiểm, và trong một lúc nào đó có thể chuyển từ một cuộc chơi sang một cuộc nổi dậy. Thật là một cuộc nổi dậy đẹp đẽ  được tạo ra bởi lũ trẻ dốt nát, không khí giới và không tiền bạc, chỉ biết tụ tập lại nhằm một đích duy nhất là để học giáo lý,  và có lẽ sẽ run lên vì sợ hãi do chỉ một con quạ vỗ cánh bay lên [—]. Tôi đã hết sức lên tiếng rằng những quả quyết như trên hoàn toàn là vô căn cớ: nhưng tất cả đều vô ích. Vẫn nổi lên một lệnh rõ ràng, buộc chúng tôi phải lập tức rời khỏi cái nơi đã  ủng hộ chúng tôi rất nhiều.”

Cũng còn phải kể trong dịp này, vào tháng 9 năm 1845, Don Bosco gặp Micae Rua (1837-1910), nay đã là Chân phước Micae Rua! Cậu bé sống gần khu Nhà Máy xay Đôra. Bố của cậu mới chết vào tháng 8, và Micae cùng các em của cậu rất cần một người cha mới. Chúa quan phòng đã yêu thương cho Don Bosco gặp cậu bé sau này sẽ trở thành cánh tay phải của ngài, vào lúc ngài phải chịu hết khốn khổ này đến khốn khổ khác.

[301] Don Bosco có viết tên của người này ra [tên họ] trong bản chép tay của ngài, nhưng vì tôn trong lệnh “không bao giờ được công bố” của ngài, nên chúng tôi không đưa vào ấn bản. Thật là một cách đối xử tế nhị và bác ái của một vị thánh!

[302] Viện Tế bần này dĩ nhiên là được mở tại Nguyện xá thánh Phanxicô Salê.

[303] Nhà thờ này tên thật là Đền Thờ Mộ Chúa Chịu Đóng Đinh, được những người bán rau xây dựng năm 1746. Nhà thờ có tiền đường, hành lang xung quanh và một sân rộng. Bên cạnh có một nghĩa trang, nhưng từ 10 năm trước đó đã không còn chôn cất người chết nữa. Nhà thờ thánh Phêrô bị xiềng xích này được gọi bằng tiếng Piêmôntê là San Pe’ d’ij Col = “Nhà thờ thánh Phêrô Cải Bắp”, có lẽ là do chuyện các người bán rau đã xây dựng lên. Câu chuyện trong chương này thực sự xảy ra trước chặng dừng chân của Nguyện xá tại khu Nhà máy xay. Cho nên có thể, khi phải dời Nguyện xá khỏi khu Nhà máy xay, cha Borel đã gợi hứng từ tên gọi này để giảng cho các học sinh Nguyện Xá phải di dời về câu chuyện cây cải bắp nhờ bị bứng đi để trồng lại mới tăng trưởng tốt. Nhà thờ này bị phá năm 1934, nhưng ngôi mộ lớn còn tồn tại.

[304] Trong thời gian còn sinh hoạt tại Nhà thương Nhỏ của viện Nương náu, nhằm tránh phá rối các nhà của bá tước Barôlô, Don Bosco đã xin và được phép chuyển một số lớp giáo lý của các học sinh Nguyện xá sang học giáo lý thường nhật tại nhà thờ thánh Phêrô bị xiềng xích ở gần đó, nhưng sau đó một sắc lệnh của Hội Đồng Thành Phố ra lệnh là kể từ  ngày 23-3-1845 cấm các buổi tụ tập học giáo lý, có thể vì xét thấy các cuộc học tập giáo lý này làm mất sự yên tĩnh của khu nghĩa trang. Cũng may là ngày 23 tháng 3 là ngày Phục sinh, và các lớp giáo lý thường nhật kết thúc.

Don Bosco do phải rời khỏi viện Nương náu, nên đã đề nghị với cha Giuse Tesio, là cha sở ở nhà thờ thánh Phêrô bị xiềng xích, để tạm thời tụ tập các trẻ tại đây. Cha sở có lẽ không hay biết về lệnh cấm của chính quyền, hơn nữa vì tạm thời vắng mặt, nên nghĩ Don Bosco đến với thánh lễ và giúp giải tội là một điều tốt, nên đồng ý. Thế là ngày 25 tháng 5-1845 lũ trẻ kéo nhau đến, không phải một vài lớp như xưa, mà là cả một đám đông kềnh càng, náo động khiến cho bà giúp việc và chính cha sở cũng thấy là khủng khiếp, nên có biện pháp.

[305] Thứ tự về thời gian Don Bosco đưa ra ở đây có thể phải được điều chỉnh lại như đã gợi ý ở trên.

[306] Theo tờ xác nhận đã chết, cha Tesio chết nhằm ngày thứ tư, vào 12giờ 30 ngày 28-5-1845. thọ 68 tuổi, hai tháng trước thời gian Nguyện Xá sinh hoạt tại khu nhà máy xay được bắt đầu kể từ 13-7-1845. Chúng ta được biết kể từ 1-6-1845 cho đến 6-7-1845, Don Bosco qui tụ các trẻ trai tại khu viện Nương náu vào Chúa nhật và lễ trọng, rồi đem chúng đi các nhà thờ xung quanh.

[307] Cái chết của bà giúp việc có tên là Margarét Sussolino, không được xác minh. Bà ta ở lại đó ít ngày sau khi cha sở chết, rồi biến mất, có lẽ là bà ta trở về quê.

[308] Nhà thờ thánh Phêrô bị xiềng xích chỉ chứng kiến một đợt sinh hoạt ngắn ngủi, nên chỉ được coi là một nơi chuyển tiếp. Chặng dừng chân đích thực chính là tại căn hộ của cha Moretta.

[309] Don Bosco viết trong một lá thư: “Giáo lý vào mùa đông năm đó chúng tôi đã làm tại nhà chúng tôi [khu ở của Don Bosco tại viện Nương náu] và tại các phòng được thuê”.

[310] Thời gian sinh hoạt nguyện xá đi dạo này trong Hồi ký Nguyện xá thì nói là từ tháng 9 đến tháng 11, nhưng xét theo lịch sử phải nằm vào từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 năm 1845.

[311] Làng Sassi cách Tôrinô khoảng 5 km, bên kia con sông Po.

[312] Đền Kính Đức Mẹ Được Truyền Tin, bên kia sông Po, một nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ XVII. Tại đó một Bức Ảnh Đức Mẹ được ghim vào một Cột trụ. Các trẻ phải đến đó bằng đò.

[313] Đức Mẹ Miền Quê là nhà thờ của xứ Đức Mẹ Truyền Tin, trên một thị trấn nhỏ cách Tôrinô 3km, bên kia cầu phía trái con sông Đôra, được xây dựng năm 1657, tái xây dựng lại năm 1883, rồi thế chiến II bị phá hủy bởi bom đạn, và tái xây dựng lại năm 1929.

[314] Là một tu viện Cappucin (các thầy dòng đội lúp), cách Valdocco  2,5 km. Ngọn đồi cây này cao 60 m, nằm bên bờ phải con sông Po. Từ đấy có thể nhìn toàn cảnh thành phố Tôrinô một cách tuyệt vời.

[315] Núi Superga cao 700 m, phía bắc Tôrinô, có vương cung thánh đường kiểu kiến trúc Ba-rốc uy nghi xây giữa các năm 1717-1731 do kiến trúc sư nổi tiếng Philip Juvara phác họa, để hoàn thành lời khấn ước của vua Victor Amadeus vào năm 1706, xin cho Tôrinô đứng vững trước cuộc bao vây của quân Pháp. Các tháp chuông cao 80 m. Tầng hầm nhà thờ là mộ các vua nhà Savoy. Một phòng của tu viện nằm kế bên nhà thờ có các chân dung của tất cả các vị Giáo hoàng cho đến Benedictô XVI. Đỉnh núi này cho thấy toàn cảnh của Tôrinô một cách tuyệt diệu.

[316] Tại một phần của căn hộ Moretta này sau này (1889) được xây dựng nhà thờ của Nguyện xá của các sơ Con Đức Mẹ Phù Hộ, và nay là nhà xứ của Đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ, còn một phần nay là nhà của Hội Xuất bản quốc tế Salêdiêng.

[317] Don Bosco đã bắt đầu các lớp dạy loại này: dạy đọc, dạy viết, dạy làm toán ngay khi còn ở khu Nhà thương nhỏ, mỗi người tại phòng của mình, với một số ít học sinh. Nay tại nhà cha Moretta, với nhiều phòng ốc, sĩ số tăng lên tới 200 em. Dĩ nhiên các sư huynh La San cũng đã mở những lớp tối, theo đúng luật, nhưng dạy cho các em công nhân, thuộc đủ trình độ và bối cảnh kiểu Don Bosco làm, thì là điều thực sự do Don Bosco khởi xướng. Tại nhà Moretta, ít là có thêm ba cộng sự viên linh mục giúp đỡ cho Don Bosco.

[318] Ngày 7-1-1846, vì muốn dạy dỗ những người ăn xin đã khai trương một trường dạy tối tại Santa Pelagia, nhưng chỉ giới hạn cho những người đã biết đọc biết viết, và trường được trao phó cho các sư huynh La San. Cho nên việc dạy lớp đêm của Don Bosco mang tính độc đáo hơn!

[319] Sức thu hút còn do việc Don Bosco quan tâm, tận tình thương yêu và tử tế với các em nữa!

[320] Ngài là cha xứ của Giáo xứ các thánh Simon và Giuđa, có lãnh thổ bao gồm cả Valdocco. Xem MB XX.

[321] Cha Vincentê Ponsati là một trong hai vị đã thử đem Don Bosco tới nhà thương điên. Ngài tiếp tục có mối liên hệ cáu kỉnh với Nguyện xá (Xem BM III, 132-133).

[322] Dĩ nhiên bổn phận của cha xứ là dạy dỗ tôn giáo cho đàn chiên của mình. Các  cha xứ tại Tôrinô thấy việc dạy dỗ tôn giáo này được thực hiện tại Nguyện xá, nên đã giải quyết vấn đề cách khôn khéo và đáng khen!

[323] Don Bosco nhận thông báo phải rời vào ngày 2-3-1846.

[324] Stuponigi là nơi săn bắn của nhà vua, nằm cách Tôrinô 10 km, về hướng nam. Có một công viên rộng bao quanh nó.

[325]  Học viện này với chương trình bốn năm đào luyện các giáo sĩ trong Giáo luật, Giảng Thuyết và thần học luân lý, đã đào tạo được những học viên nắm các chức vụ quan trọng trong các giáo phận. Được thiết lập năm 1833, nó ngưng hoạt động vào năm 1855, nhưng ngay từ năm 1848, coi như đã không còn học sinh khi cha Audisio bị sa thải vì lý do chính trị.

[326] Cha William Audisio (18-2-1882) sinh tại Bra, viết về Giáo Luật, Lịch sử Hội thánh, và giảng thuyết. Ngài qua những năm cuối đời tại Rôma, trong tư cách chuyên viên về giáo luật.

[327] Michele Bensô, Bá tước miền Cavour (1781-1850), thời niên thiếu chống đối mạnh mẽ các khuynh hướng cực đoan. Lập gia đình năm 1805, làm thành viên Hội đồng thành phố năm 1819, là một trong các vị thị trưởng Thành Phố từ năm 1833, và năm 1835 được bổ nhiệm làm Đại diện thành phố. Ông thi hành chức vụ cách nhiệt nồng, trong sự trung thành với nhà Vua.

[328] Đại diện nhà vua, đứng đầu cảnh sát thành phố, dưới chế độ quân chủ tuyệt đối cho tới năm 1848, Cavour thực thi quyền bính nhân danh Đức vua trên tất cả các vấn đề tội phạm và dân sự tại Tôrinô.

[329] Don Bosco lễ phép và đầy lòng thương cảm dành cho lũ trẻ nghèo khổ, mà sửa sai thái độ của Cavour, như ngài sẽ làm đối với bá tước Barôlô (chương kế tiếp).

[330] Nguyên tắc hoạt động nền tảng của Don Bosco là không dính dáng gì đến mọi thứ chính trị để không ai có thể bóp méo cái tốt được thực hiện cho xã hội. Don Bosco thích nói rằng: “Chính trị của tôi là chính trị của kinh Lạy Cha”. Như các sự kiện đã liên tục cho thấy, đặc biệt trong những năm 1848-1849, và sau này trong những năm khởi đầu của thập niên 1860, sống hoàn toàn phi chính trị, được nhận thức y như vậy, và được cho phép để là như vậy là điều nói thì dễ hơn là làm. Bạn có thể xem chương 51.

[331] Don Bosco luôn vâng lệnh giáo quyền và chính quyền cách toàn tâm, ngay cả trong những chuyện không đáng kể. Hơn một lần, ngài đã phải nuốt sự kiêu hãnh của mình đi để làm thế. Nhưng khi đụng đến chuyện bảo vệ lũ trẻ của ngài, và sau này, đến chuyện bảo vệ Tu hội Salêdiêng của ngài, thì ngài không hề thỏa nhượng.

[332] Cavour không chỉ nói suông. Ông đã cho cảnh sát theo dõi các diễn tiến của Nguyện xá (xem chương 41)

[333] Khó mà xác định thời điểm chính xác. Don Bosco hình như đã thuê cánh đồng cỏ của anh em Filippi ngày 1-3-1846 (Chúa nhật thứ nhất Mùa chay), và anh em Filippi đã hủy hợp đồng cho thuê vào giữa tháng 1 đó. Don Bosco lo thuyết phục họ đổi ý định đó, sau nại tới mẹ của họ, nhưng hoàn toàn vô ích. Don Bosco toan đi thuê một cánh đồng cỏ khác, nhưng không thành công.

[334] Cha Pacchiotti (1806-1884) là một trong các cha tuyên úy cho viện Nương náu và là người thường xuyên giúp đỡ công việc dạy giáo lý tại Nguyện xá. Sau này ngài là kinh sĩ của nhà thờ Giavenno.

[335] Chính cha Borel cũng thất vọng đến độ hoài nghi về đặc sủng của Don Bosco.

[336] Hệ thống đo lường duy nhất và thống nhất tạo sự dễ dàng cho việc thương mại.

[337] Căn Nhà Nhỏ Của Chúa quan phòng được biết  nhiều hơn dưới cái tên Công cuộc Cốttôlengô, là một tổng hợp các nhà thương, nhà ở, và đủ thứ đơn vị chăm sóc cho những thành phần bị bỏ rơi nhất của xã hội: những kẻ câm, mù, què, điên, già cả v.v… Nó gồm  năm, sáu khối nhà nằm ở hướng tây Vương cung thánh đường Kính Đức Mẹ Phù Hộ và Công cuộc Barôlô. Thánh Giuse Beneđictô Cốttôlengô (1786-1842), sinh tại Bra, và cựu kinh sĩ nhà thờ chính tòa Chieri, một linh mục giàu có, cảm kích bởi những nghịch cảnh của những người ốm đau nghèo hèn, đã lập nên công cuộc này, trước được đặt tại nội thành, sau được dời ra ngoại thành, tại khu Valdocco. Ngài sáng lập  năm, sáu Tu hội phục vụ trong các lãnh vực  khác nhau: nuôi trẻ thơ, huấn luyện các người di tật bẩm sinh, cầu nguyện chiêm niệm. Ngài không nhận tài sản, chỉ nhận những của dâng cúng tự nguyện. Công cuộc của ngài luôn có tới 5000 cư trú. Ngài được phong thánh cùng năm với Don Bosco (1934).

[338] Bà đã không giữ lời này (M.B. II, 546 và 553).

[339] Trong một lúc yếu lòng, cha Cafasso đã muốn Don Bosco tạm ngừng hoạt động.

[340] Cha Borel đã từng khuyên Don Bosco giảm con số các em Nguyện xá, nhưng Don Bosco không thể nghe lời. Bây giờ cha quá đau khổ vì ngờ rằng Don Bosco điên thật, nên cha hoàn toàn yên lặng!

[341] Thật là một hoàn cảnh bi thảm! Crispoli đã bình luận cách chí lý trong một diễn văn tưởng nhớ Don Bosco như sau: “Sự yếu đuối và giới hạn của tầm nhìn nhân loại trước trường hợp của Don Bosco không phải chỉ có ở nơi các đối thủ và những người thiển cận, mà còn ở cả nơi những con người chuyên viên và từng trải […]. Những đôi mắt đã từng có thể đọc sâu bên trong tâm hồn Don Bosco và nhìn thấy việc siêu thăng liên tục của ngài lên tới Thiên Chúa và việc Thiên Chúa liên tục đi vào cõi lòng của ngài, những con mắt ấy nơi những con người đơn sơ cũng vẫn luôn luôn có – đáng lý những đôi mắt ấy đã có thể vui sướng ngay vào lúc khởi nguồn của những chuyện lớn lao mà Thiên Chúa đã cho phát xuất từ nơi ngài, bởi vì tất cả mọi chuyện cao cả đã bắt mầm ngay ở trong ngài rồi” (Questioni vitali [Rome: Pustet,1908], p. 343).

[342] Nhà thương điên nằm ở đường San Massimo, một khối nhà nằm phía nam viện Nương náu, giữa Rondò và nhà thờ Đức Mẹ yên ủi.

[343] Hai vị giáo sĩ này là các nhà thần học Vincenzo Ponsati, cha xứ của nhà thờ thánh Augustino, và cha Lu-y Nasi. Không ai nghi ngờ hai vị đã hành động hoàn toàn ngay thẳng và vì lòng bác ái. Cha Nasi đặc biệt vẫn duy trì một tình bạn thân thiết với Don Bosco, tiếp tục giúp Don Bosco dạy giáo lý, giảng thuyết và dạy âm nhạc cho các bạn trẻ.

[344] Chiều 10-5-1864 Don Bosco có kể lại diễn tiến sự việc trên, được phó tế Bonetti ghi lại và lưu giữ trong Văn khố của chúng ta: “Trong giấc mơ Don Bosco được chỉ cho thấy không xa khu viện Nương náu nơi ngài đang ở, một căn nhà sẽ được dành cho ngài và cho các thanh thiếu niên của ngài. Sáng hôm sau, Don Bosco nói ngay với cha Borel: – Bây giờ, có nhà rồi! – Cha giáo sư tốt lành hỏi nhà ở đâu. Don Bosco trả lời: – Con đi xem đây. Nhưng hỡi ôi! Ngài thấy đó là một căn nhà mang tiếng. Bị thương tổn, ngài thốt lên: – Những chuyện này đúng là những ảo tưởng do ma quỉ! – và ngài đỏ mặt xấu hổ vì mình đã vội cả tin, và rồi không nói đến nó nữa, tiếp tục với Nguyện xá di động. Nhưng này cùng một căn nhà đó lại được chỉ cho ngài một lần nữa. Hôm sau ngài trở lại quanh vùng đó và khóc, không thể nào thuyết phục được chính mình là sẽ phải đi tới một nơi tai tiếng. Ngài nói: – Đã đến lúc phải xin Chúa đoái thương soi sáng tôi và kéo tôi ra khỏi những chuyện rắc rối này. – Và này lần thứ ba ngài lại được cho thấy cùng một ngôi nhà đó. Khi ấy ngài nghe thấy có tiếng nói với ngài: – Con đừng sợ đi tới nơi đó. Con không biết là Thiên Chúa có thể  dùng các chiến lợi phẩm lấy được từ các người Ai Cập để mà làm giàu cho dân ngài sao? – Cha bằng lòng với lời cắt nghĩa, tìm cách để có được căn nhà đã được chỉ ra đó, khi mà giấy thải hồi khỏi cánh đồng cỏ của anh em Filippi gửi tới, và cơ may thuê khu Pinardi mở ra.” Căn nhà Don Bosco nói đến đó là của bà Teresa Bellezza: Xem các chương 40 và 54; BM II, 421-423.

[345] Sự việc được miêu tả ở đây chắc là xảy ra vào Chúa nhật trước đó, tức là 8-3-1846, dựa theo lá thư Don Bosco viết cho ngài Cavour, Vị Đại diện của thành phố vào ngày 13-3-1846, trong đó Don Bosco trình bày cùng Ngài về sự việc này. Lá thư trên dịch giả xin trích lại ở cuối đoạn văn này.

[346] Pancrazio Soave: thương gia gốc ở Verolengo (cáchTorino chừng 34 cây số). Ông ta đã thuê nhà Pinardi từ ngày 10-11-1845. ông ta đang cố gắng làm một nhà xưởng nghiền tinh bột.

[347] Ông chủ đất đúng ra phải gọi là Phanxicô Pinardi, sinh tại Arcisate, tỉnh Como, người đã mua lại căn nhà và khu đất bao quanh của anh em nhà Filiphê với giá 14 000 lire và vào ngày 10-11-1845, ông cho Pancrazio Soave thuê lại, ngoại trừ mái dại phía sau căn nhà còn đang làm dở và cái sân phía trước.

[348] Cha Mela (1815-1855) là bạn chủng viện rất lớn và thân thiết của Don Bosco; trong năm đó ngài là tuyên úy cho các nhà tù nữ. Công cuộc bác ái của cha Mela (gọi là gia đình thánh Phêrô) nhằm tiếp đón các phụ nữ ra tù và chuẩn bị cho họ trở lại với xã hội nay vẫn còn do các nữ tu thánh Sinh Sơn của Cốttôlengô đảm nhận. Mùa hè 1850, Don Bosco xếp đặt cho ngài dạy ba học sinh hứa hẹn nhất của Nguyện xá, trong đó có Rua.

[349] Căn nhà với đất có tường bao quanh rộng khoảng 1 mẫu tây, do Pinardi mua lại của các anh em Filippi vào tháng 7 năm 1845 với 14.000 lire, và cho Pancrazio Soave thuê lại.

[350] Bức tường phía cuối mái có thể là cao hơn một chút, nhưng đất đáp lên chân tường khiến nó có vẻ thấp như Don Bosco tả. Khi sửa sang xong, chắc hẳn bức tường phía ngoài đã được nâng lên, vì trong giao kèo có nói là nó có 6 cửa sổ và ba cửa ra vào. Tuy vậy trần nhà xem ra vẫn còn thấp (xem chương 45). Nó dài 22 mét, và rộng 7 mét.

[351] Mảnh đất này gồm sân phía sau giữa căn nhà và đường mương rộng 80m x  9m, là khu sân trong đầu tiên của Nguyện xá, và một sân nằm phía cạnh hướng đông của ngôi nhà, và đường ranh bên kia là bức tường phân cách căn nhà Pinardi với khu đất của bà Bellezza, có diện tích 34m x 22 m, dùng làm sân chơi chính, đối diện với cửa chính vào nhà nguyện Pinardi.

[352] Giao kèo ghi ngày 1-4-1846 và ký tên ở dưới là Phanxicô Pinardi và cha Borel, tiền thuê năm ghi là ba trăm mười đồng lire, nhưng chữ “mười đồng lire” được xóa đi, có lẽ là dấu ưu ái của ông Pinardi.

[353] Cuộc hành hương để đi dự Thánh lễ và cầu xin sự trợ gúp của Đức Mẹ để tìm một chỗ cho Nguyện xá đó đã chứng kiến một chuyện lạ: Khi các học sinh đã tiến vào con đường dẫn đến tu viện, thì chuông nhà thờ vang lên chào đón chúng. Chúng ghi nhận ngay, vì chưa bao giờ xảy ra như thế, dù chúng đã đến đây cả mấy lần rồi. Có tiếng đồn là chuông đã tự động vang lên. Dẫu sao cả bề trên tu viện hay bất cứ ai cũng không bao giờ nghe là đã có ai rung chuông khi ấy.

Các thầy dòng đã cho các học sinh ăn sáng, rồi chúng trở về sinh hoạt lần chót tại cánh đồng cỏ của hai anh em Filippi, trong tâm trạng không chắc chắn gì cả về tương lai. (BM II, 327-328).

[354] Những công việc được ông Pinardi cho thi hành đã thực sự chuyển biến mái che này thành một căn phòng dài 15m và rộng 6m, có thể dùng làm nhà nguyện, và hai phòng nhỏ khác, một làm phòng áo, và một làm phòng chứa đồ đạc.

[355] Có vẻ như Don Bosco đã mơ thấy câu được viết trên tại ba nơi, trong ba thời gian khác nhau, với các hình thức hơi khác nhau một chút.

(1) Dịp thứ nhất xin xem  giấc mơ được kể trong chương 31; (2) còn dịp thứ hai thì có liên quan tới “nhà nguyện” thuộc căn nhà Pinardi như nêu lên ở đây;(3), nhưng ba mươi năm sau, tức lần thứ ba, khi xây xong Thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ, Don  Bosco có viết thêm một nhận định ở phía mác cuốn bản thảo Hồi ký Nguyện xá: “Cho dù những dự định của trời có khác!” Vậy là khi ấy, Don Bosco có đọc trên phía trước căn nhà có khả năng chứa 200 em trai câu tương tự: Câu đó là: “Hic nomen mecum, hin inde gloria mea” [ Ở đây tên của Ta, từ phía này và phía kia sẽ phát đi vinh quang của Ta”]. “Từ phía này và phía kia”, tức là từ hai bên của con đường Giardiniera, một bên là Nguyện xá mới phát sinh, bên kia là “Cánh Đồng Của Giấc Mơ” tạo thành nơi mà thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ mọc lên. Vậy giấc mơ thứ ba này ứng vào thánh đường này!

[356] Xem ra việc biến mái dại ra trên thành nhà nguyện khó có thể làm xong trong vòng một tuần lễ. Phải coi như có một thỏa thuận miệng vào giữa tháng ba, và như vậy việc tiến hành công việc sửa sang lại nơi đó theo hợp đồng mới kịp được. Có thể có sự góp sức của trẻ Nguyện xá!

[357] Phần trong ngoặc [ … ] Don Bosco để trống. Tờ Ban năng quyền làm phép và thánh hiến nhà nguyện do Đức Tổng Giám mục Fransoni ký ngày 10-4-1846 , tức nhằm ngày thứ sáu tuần thánh. (Xem ASC F 593).

[358] Chúa nhật ngày 12, có thể Don Bosco đã cử hành thánh lễ Phục sinh tại đây. Xin xem ghi chú kế tiếp.

[359]  Trong tờ Ban năng quyền trên, có trao cho cha Borel nhiệm vụ thánh hiến nhà nguyện. Ở phía sau cha Borel có ghi ngày ngài làm phép thánh hiến nhà nguyện là Thứ hai 13-4-1846 (Xem ASC F 593). Có thể trước ngày thánh hiến chính thức nhà nguyện này nhằm ngày thứ hai sau Phục sinh, vào Chúa nhật Phục sinh, Don Bosco đã cử hành thánh lễ Phục sinh với các học sinh Nguyện xá tại đây.

[360] Vào lúc Don Bosco mệt và bị căng thẳng, có những vị đã rời Don Bosco. Bây giờ các vị trở lại tiếp tục công việc với Don Bosco. Trong số đó phải kể: Cha Trivero (1816-1894): gia đình ngài phục vụ hoàng cung, ngài là người canh giữ nhà nguyện khăn liện Chúa Giêsu thuộc nhà thờ chính tòa Tôrinô.

Cha Giacinto Carpano (1821-1894). Thụ phong linh mục năm 1844, cùng với cho Ponte làm việc tại các Nguyện xá, nâng đỡ các thanh thiếu niên bị bỏ rơi tại nhà riêng của ngài, tìm việc làm cho chúng, cũng thăm viếng các tù thanh thiếu niên. Ngài là người trang trí cho nhà nguyện Pinardi. Có lẽ ngài xa Don Bosco trong thời Nguyện xá lưu động, nhưng khi Don Bosco lâm bệnh, ngài là cánh tay mạnh bên cạnh cha Borel lo cho Nguyện xá, và sau này giúp đỡ Don Bosco cả bằng thời gian lẫn tiền bạc. Ngài là giám đốc đầu tiên của Nguyện xá thánh Lu-y.

Tiến sĩ thần học GB Vola (1806-1872) sau này làm giám đốc Nguyện xá Thiên Thần Bản Mệnh.

Cha tiến sĩ Roberto Morialdo (1815-1882) anh em họ với thánh Leonardo Morialdo (1828-1900), Đấng sáng lập nữ Tu hội thánh Giuse. Cả hai vị đã giúp Don Bosco rất nhiều. Riêng cha Roberto Morialdo làm giám đốc Nguyện xá Thiên Thần Bản mệnh từ năm 1852, và dấn thân rất sâu vào các kế hoạch của Don Bosco.

[361] Phải hiểu là thời xưa Thánh lễ đọc bằng tiếng Latinh, nên giảng Phúc âm mới làm sau thánh lễ.

[362] Điểm gặp giữa con đường Nữ hoàng Margarita và con đường Valdocco, nơi đây nổi tiếng vì các cuộc hành quyết các tội nhân qua việc treo cổ. Nay có tượng thánh Cafasso bên một người bị kết án, một sự tưởng nhớ cảm kích sứ vụ linh mục đặc sủng của ngài.

[363] Bức biểu ngữ treo ở lối vào Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vào ngày phong Chân phước cho Don Bosco (2-6-1929) họa lại cảnh đám đông các trẻ rước Don Bosco trên một chiếc ghế bành, với dòng chữ sau đây:

Nổi hứng bởi một tình yêu độc nhất,

các bạn trẻ vui vẻ la vang

khi nâng cha Gioan trên những cánh tay,

và kiệu cha  đi…

[364] Vị Đại diện thành phố và ngành cảnh sát [Vicario di città e di polizia] là một chức vụ xưa gồm rất nhiều nhiệm vụ chồng chất lên nhau xuyên qua các thời đại: quản lý lương thực, chợ búa, thương mại, thuế má, trật tự công cộng, đàn áp các vi phạm, với quyền hành chính và quyền tố tụng hình sự, và cũng có thẩm quyền trên ngành giao thông, xây dựng, vệ sinh và sức khỏe công cộng, hỏa hoạn, bão lụt, dịch bệnh, tai họa thiên nhiên, mức giá cả và mức tiền thuê nhà, kiểm định cân đo, các nhà máy xay, lò mổ, nghĩa trang, xổ số, nhà thương điều trị tâm thần và các viện hỗ trợ xã hội khác nhau. Tóm lại chức vụ này liên quan hầu như tất cả mọi lãnh vực; bên trong mỗi lãnh vực, các quyền hành còn được phân chia cách rộng rãi và không luôn luôn dễ dàng minh định. Chức vụ này không còn nữa kể từ năm 1847. Vị quan đại diện này gặp  vua mỗi ngày để báo lên Đức vua về mọi sự, kể cả những chuyện kỳ cục hay những nghi ngại mà các nhân viên của ông đã báo cáo cho ông.

[365] Hội đồng này có thẩm quyền trong các công chuyện kinh tế, thuế má, ngân sách, kế toán và các đối tượng khác nhau.

[366] Việc cai trị thành phố Torinô được trao cho hai cơ quan, một là Ủy ban Quản trị gồm 2 thị trưởng, 1 Chánh án, 6 thành viên quản trị và 1 thư ký và một hội đồng mở rộng gồm các thành viên hội đồng quản trị và 50 thành viên khác tham gia hội đồng. Cần phân biệt hai chức vụ: Người đứng đầu Hội đồng Quản trị thành phố và người Đại diện thành phố, chứ không phải như Don Bosco viết là Người đứng đầu Hội đồng Quản trị thành phố cũng chính là Người đại diện thành Phố.

[367] Giuse Provana của vùng Collegno (1785-1854): là một nhân vật có ảnh hưởng của giới quí tộc công giáo Torinô, dấn thân trong lãnh vực xã hội (Một trong những thành viên sáng lập Hội thánh Vinh Sơn Phaolô tại Torinô). Ông là người thân tín của vua Carlô Albertô; là Đại diện Thánh Phố từ 1819 đến 1821, là cố vấn quốc gia năm 1831 và trở thành Chủ tịch và Tổng Kiểm Toán Tài chính vào năm 1840. Ông Provana không phải là thành viên của Hội đồng Quản trị thành phố, mà là của thành viên hội đồng thành phố.

[368] Đúng ra nhà Pinardi, nhà Moretta cũng không cách nhau bao xa, và hiện này đều nằm trong khu nhà mẹ salêdiêng ở Valdocco.

[369] Kể từ khi Don Bosco thiết lập nội trú, các học sinh chia thành hai nhóm: nhóm học chương trình phổ thông và nhóm học nghề. Sau này tại các trường Don Bosco, cũng có thể có thêm ngành học về canh nông.

[370] Don Bosco dùng từ ngữ “Lịch sử thánh”, nay chúng ta gọi là “Lịch sử cứu độ”. Sách của Don Bosco muốn cho thấy các tín điều của đạo Công giáo đều có nền tảng trong Thánh Kinh. Ngày nay nhờ khoa học Kinh Thánh hiện đại, sự hiểu biết về Kinh Thánh đã đạt những bước tiến đáng kể so với thời đại Don Bosco. Sách Kinh Thánh được phổ biến rộng rãi. Nhưng tại Việt Nam chúng ta, có lẽ nhận định của Don Bosco vẫn còn tính cách thức thời: Cần phải làm sao để mở kho tàng Kinh Thánh ra cho thế giới bình dân.

[371] Cha Ferrante Aporti (1791-1858). Sinh tại Mantova, đã theo học trường Cao đẳng Giáo sĩ tại Vienna, dạy khoa chú giải Kinh Thánh và lịch sử Hội Thánh tại chủng viện Cremona, có công khai sinh các trường nhà trẻ tại Cremona. Năm 1844 đến Tôrinô giảng huấn các khóa đặc biệt mà từ đó phát sinh các trường về phương pháp (Trường sư phạm) tại Piemonte. Do ủng hộ cuộc chiến tranh giải phóng chống lại quân Áo, ngài đến Piemonte vào năm 1848, được vua Carlô Albertô phong làm nghị sĩ, và năm 1849 được chọn là chủ tịch của Hội đồng Đại học thủ đô và của Ủy Ban Thường Trực Các Trường cấp III.

[372] Công tước Carlo Boncompagni (1804-1887) chủ xướng vào năm 1848 luật thiết lập việc kiểm soát của nhà nước về giáo dục, bị giới giáo sĩ phản đối dữ dội. Ông cũng đóng vai trò lớn trong việc sát nhập hai nước Tuscana và Modena vào nước Piemonte.

[373] Cha Giuse Rayneri (1809-1867) là giáo sư – sư phạm và nhân học tại Đại học Hoàng gia Tôrinô. Ngài đã từng nói cho các học sinh của ngài: “Nếu các anh muốn thấy khóa sư phạm đang tiến hành trên hiện trường, hãy đến Nguyện Xá và xem Don Bosco hoạt động” (MB III, 21).

[374] Ông là chủ nhà băng Tôrinô, một thành viên Hội đồng thành phố, giúp đỡ Don Bosco trong Ủy ban xổ số (1851-1852), và giúp đỡ Nguyện xá bằng nhiều cách.

[375] Năm 1878, số tiền này được chuyển cho trường các học sinh chuyên nghiệp tại đường Valdocco, do cha Cocchi lập, có Linh mục tiến sĩ thần học Giuse Berizzi làm giám đốc đầu tiên, được kế vị bởi tiến sĩ thần học Leonardo Morialdo. Trường này khác với Nguyện xá, có phép của Hoàng gia gọi là “Exequatur” (Cứ thế mà thi hành!).

[376] Công cuộc này khai sinh năm 1770, có văn phòng chính tại Tu viện các anh em hèn mọn, có phép của nhà vua năm 1776. Trước hết những người ăn xin được tham dự thánh lễ, được dạy giáo lý và các nghi thức, và trong những lúc đó họ cũng được phát bánh và đồ bố thí. Từ năm 1830 đến 1850, việc dạy dỗ người lớn được thay bằng việc dạy giáo lý và dạy học tiểu học cho các trẻ em và các sự huynh La San từ Pháp cũng như các nữ tu thánh Giuse từ Savoia được mời đến để đảm nhận việc dạy dỗ này.

[377] Trong khi Don Bosco luôn thân tình với những cá nhân thuộc các niềm tin khác, thì ngài, con người ở thời đại trước phong trào đại kết vẫn luôn cứng rắn và không khoan nhượng trong việc kết án và chống lại những người được người Công giáo cho rằng họ đi ngược với niềm tin Công giáo.

[378] Cuốn sách này có một thành công vượt mức trong lịch sử tôn giáo nước Ý, không chỉ đơn giản là cuốn sách của lòng sùng kính. Don Bosco nhắm dùng nó như là một phương pháp và một con đường sống. Mục tiêu này được đem áp dụng ở nhiều phần khác nhau của cuốn sách. (1) Phần đầu cắt nghĩa một đường lối tôn giáo để hiểu biết về cuộc hiện hữu của mình, về việc tạo dựng, về sự lớn lên của tuổi thiếu niên, và những biểu lộ hằng ngày của cuộc sống; rồi đến những nền tảng của đạo Công giáo, một thứ hộ giáo được dùng để cảnh giác những người công giáo vào năm 1850, và được đưa vào cuốn Hành trang người Trẻ trong năm sau đó.

[379] Như đã nói, con người rắn chắc, khỏe mạnh thời trai trẻ của Don Bosco bị suy yếu nhiều bởi cái tu đức nhiệm nhặt và những trấn áp tình cảm tại chủng viện (Xem chương 22).

[380] Đó là cha Phêrô Abbondioli (1812-1893), người bạn và người nâng đỡ Don Bosco trong nhiều năm (Xem BM V, 29). Ngài nổi tiếng vì các bài giảng linh thao và các tuần Đại phúc cho dân chúng.

[381] Lại một bằng chứng nữa cho thấy sức cuốn hút của Don Bosco đối với các thanh thiếu niên bất kể từ những đầu.

[382] “Về tới nhà”: Tại viện Nương náu, Don Bosco vẫn còn lại một phòng.

[383] Vào lúc này Don Bosco vẫn còn ở tại viện Nương náu và phục vụ cho các cơ sở của nữ bá tước Barôlô.

[384] Trước đó vài tuần Don Bosco ho ra máu, rồi như Don Bosco miêu tả có lẽ Don Bosco bị viêm màng phổi (T. Bosco, BN,pp. 153-154).

[385] Một hình thức vững bền ư? Don Bosco chỉ mới thuê được một mái dại để sinh hoạt Nguyện xá vừa mới được ba tháng. Và tuy nó đã được chuyển thành một nhà nguyện, nhưng nó thật thô sơ, bé bỏng. Cha Giraudi đã bình luận: “Phải can đảm biết mấy, Don Bosco phải có đức tin lớn lao tới mức nào, để sau khi đã dẫn đám trẻ tới được mái nhà nhỏ này, thì đã nghĩ là mình đã đạt tới được mục tiêu của mình, và quả quyết rằng mình đã tạo ra được một nền tảng vững bền cho Nguyện xá!

[386] Bà bá tước cung cấp một người giúp việc nam cho các linh mục của bà. Cha Francesia cũng bảo đảm là có các cuộc thăm viếng này, và chính mẹ Margarita cũng đến với con của mẹ.

[387] Các trẻ em canh thức cầu nguyện cho Don Bosco tại nhà thờ Đức Mẹ An Ủi, một tước hiệu rất được sùng kính tại Tôrinô.

[388] Có lẽ là vào Chúa nhật thứ nhất của tháng 7 (mùng 5 tháng 7) Don Bosco ngã bệnh, sau một ngày làm việc dài và nóng nực. Don Bosco phải rời viện Nương náu vào cuối tháng 8 (BM II, 364).

[389] Thời gian dưỡng bệnh của Don Bosco là từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1846. Cha Borel và các linh mục cộng tác vẫn tiếp tục công việc Nguyện xá. Trong khi đó nữ bá tước cho giải tỏa phòng của Don Bosco tại viện Nương náu. Cha Borel cho sắp xếp lại một căn phòng khiêm tốn tại căn nhà Pinardi cho Don Bosco; vào tháng sáu trước đó, với sự hỗ trợ tiền nong từ cha Cafasso, Don Bosco đã thuê lại từ ông Soave các phòng của lầu trên của căn nhà Pinardi khi các người thuê đã đáo hạn. Xem chương 44, phần ghi nốt ở đầu chương.

[390] Tư thế hoàn toàn ly thoát khỏi ý muốn riêng của mình để hoàn toàn phó thác mình cho lời khuyên của vị hướng dẫn thiêng liêng giờ đây đã được giảm nhẹ (xem chương 30). 27 năm sau, Don Bosco ốm trầm trọng trong thời gian 1871-1872 (BM X, 122-156).

[391] Không thể thuê cả căn nhà, Don Bosco đã thuê lại từ ông Soave ba căn phòng kế bên, ở tầng trên, phía đông, mỗi căn 5 lire hằng tháng. Cha giáo sư Borel đã giải tỏa căn phòng Don Bosco đã ở tại viện Nương náu và đã chuyển sang các căn phòng nghèo nàn này một ít đồ vật thuộc về người bạn thân quí của mình.

[392] Những lời lẽ này cho thấy Don Bosco có một nếp sống luân lý chắc chắn như thế nào! Một tình yêu thương hoàn toàn dành cho các đứa trẻ bị bỏ rơi nghèo khổ phải đến từ một người cha có trái tim trong sạch, có cuộc sống trong ngần, không chút vẩn đục, điều ấy sẽ có mẹ ngài làm chứng!

[393] Trên quãng đường 28km này, hai bóng người hành trình. Tới đây, tổng hợp lại tất cả cái đơn sơ như của thánh Phanxicô xưa! Con mời mẹ đi theo sứ mệnh mới của Chúa, mẹ nhận lời, họ lặng lẽ lên đường, nghèo như Chúa Giêsu xưa, với đôi chân bước nhẹ, để vào một căn nhà thiếu thốn mọi sự, mẹ Magherita thì thanh thản, bán cả những đồ kỷ niệm ngày cưới và nhè nhẹ hát. Trang này toát ra tất cả một vẻ đẹp khôn lường Thật may mắn là Don Bosco đã ghi lại ngày tháng năm đó, và bức hình của hai mẹ con cha thánh đến cái nơi mà Chúa quan phòng đã dẫn dắt bước đi của họ tới được vẽ ra ở phòng Ao nhà thờ Đức Mẹ Phù Hộ thật là tuyệt vời!

[394] Bà Magherita Gastaldi (1790-1868), sinh tại Volpato, mẹ của Đức Tổng Giám mục sau này của Tôrinô, Đức cha Lorenzo Gastaldi.

[395] “Thật tuyệt vời cảnh về đêm, các phòng nhà Pinardi  đốt đèn sáng, đầy ắp con trai và người trẻ. Có phòng chúng đứng bao quanh một biểu đồ treo ở tường. Ở các phòng khác chúng ngồi ở bàn tập viết, những bạn khác thì quì hay ngồi trên sàn nhà, vở đặt trên bằng ghế dài để viết những chữ to tướng trong các cuốn vở của chúng.

Thỉnh thoảng Don Bosco đi lên ban công, ngó vào các lớp, kiểm tra trật tự, rồi lại đi xuống tầng trệt… Các sư huynh La San đến quan sát và học cách dạy biết bao nhiêu trẻ cùng một lúc của ngài” (BM II, 436).

[396] Xin ghi lại đây hai chú thích của Don Bosco trong bản viết tay của Berti:

  1. Cần ghi nhớ rằng trường dạy học tối đầu tiên hiện nay tại Tôrinô là những lớp đã được mở vào năm 1845 tại căn nhà Moretta. Khi ấy chỉ có thể tiếp nhận 200 học sinh trong ba căn phòng hay lớp học. Kết quả tốt nhận được đã thúc đẩy chúng tôi mở các lớp ấy trong năm kế tiếp, vừa khi có chỗ ở bền vững mới tại Valdocco.
  2. Trong số những người giúp các lớp học tối, và chuẩn bị các thanh thiếu niên diễn đạt, xuyên qua những lời đối đáp và những thoại kịch ngắn, phải kể đến Giáo sư tiến sĩ thần học Chiaves,[396] Cha Musso, và tiến sĩ thần học Giacinto Capano.

[397] Chúng tôi xin dịch từ “Compania” là “Đoàn” thay vì tiếng xưa vẫn dùng là “Hội lành” để nói về các đoàn hội thời Don Bosco: Đoàn thánh Lu-y, Đoàn Thánh Thể, Đoàn Đức Mẹ Vô Nhiễm đều muốn nói đến tính kỷ luật, tính đội ngũ, tính nghi thức, tinh thần sinh hoạt hàng đội và tinh thần nhiệt nồng làm việc cho Giáo hội trong khuôn phép và trong tình tương thân tương ái! (xin xem chương 48, ở phần chú thích, khi nói về ý niệm của Don Bosco về Tu hội Salêdiêng.)

[398] Nội qui này là một bước chuẩn bị cho Tu luật Tu hội Salêdiêng.

[399] Tháng năm 1846 Don Bosco đã cho in ấn 3000 cuốn sách nhỏ có tựa đề là “Sáu Chúa nhật Và Tuần Chín Ngày Kính thánh Lu-y kèm Theo Sơ Lược Tiểu Sử Của Vị Thánh”.

[400] Cha Antôniô Rosmini Serbati (1797-1855), làm linh mục năm 1821, sáng lập tại Domodossola Tu hội Bác ái vào năm 1828. Tại Rôma, ngài được sự quí chuộng của các Đức Thánh Cha. Khi trở lại Bắc Ý, vào năm 1833, ngài thiết lập dòng nữ tu Chúa quan phòng. Dòng này phát triển sang cả nước Anh. Năm 1848, ngài được vua Carlô Albertô phái tới Rôma. Ngài đi theo Đức Piô IX tới Gaeta, nhưng sau bị bó buộc phải rời vương quốc Napoli. Ngài qua những năm cuối đời tại Stresa. Đáng ghi nhận là những diễn biến qua đó các tác phẩm của ngài bị sàng lọc. Don Bosco ca ngợi ngài vì sự qui phục khiêm cung và vô điều kiện cho các phán quyết của Tòa Thánh. Ngày nay càng ngày người ta càng nhất trí trong việc đánh giá cao các trước tác tu đức và sự thánh thiện cá nhân của ngài.

[401] Đức cha Phêrô De Gaudenzi (1812- 1891), linh mục năm 1835, tiến sĩ thần học năm 1836, kinh sĩ nhà thờ chính tòa Vercelli; Giám mục Vigevano năm 1871, trợ lý tòa thánh năm 1885. Ngài rất quí mến Don Bosco, cổ xúy tạp chí sách đọc Công giáo, và giúp 230 lire xây dựng nhà thờ thánh Phanxicô Salê.

[402] Camillô Benso, công tước xứ Cavour (1810-1861), tức Cavour em, theo đuổi binh nghiệp, nhưng sau từ bỏ vào năm 1831. Kể từ 1835, phục vụ cho bước tiến của nghành nông nghiệp và kinh tế nói chung. Hoàn tất nền đào luyện tôn giáo của ông qua sự tiếp xúc với những người Tin Lành và những người Công giáo tự do. Năm 1847 khai sinh tờ “Il Risorgimento” [Phục Hưng]. Năm 1850 bảo vệ luật Siccardi, một luật tước đi một số các đặc ân xã hội xưa của Hội Thánh, và gặp phải sự chống đối chua chát của Giáo Hội và giáo phận Tôrinô: Đức Thánh Cha Piô IX rút Đức Khâm sứ Tòa Thánh, Đức Cha Fransoni vì chống đối mà bị tù và đày ải. Không bao lâu ông trở thành người phát ngôn có uy tín của đảng Tự Do. Kể từ năm 1852 cho đến chết, ông hầu như luôn luôn là thủ tướng. Ông chỉ thấy thực hiện được một phần giấc mơ về sự thống nhất nước Ý và về việc Hội thánh đồng chung sống trong sự tự do với tổ quốc của ông

Hoạt động thống nhất nước Ý của ông thông qua các giai đoạn: Năm 54-56, ông tham gia vào cuộc chiến tranh với các đồng minh Anh, Pháp tại đảo Crimea (Biển Đen), và tranh thủ được sự ủng hộ của các đồng minh. Năm 1859, nước Pháp giúp ông đuổi quân Áo khỏi Lombardia. Đồng thời ông thúc đẩy các tiểu vương quốc ở miền trung Ý chống lại sự cai trị của quân Áo và hướng đến tháp nhập với Nước Sardenia (Piemonte) của ông. Việc đó thành công vào năm 1860.

Nhưng tướng Garibaldi bất chấp ông, đưa đội quân Một Ngàn Du Kích của ông ta xuống Cicilia, và trong vài tuần hạ bệ chính quyền Napoli và đe dọa nước Đức Giáo hoàng, đồng thời có ý ủng hộ phe chủ trương lập nước Cộng hòa. Tuy còn rất nhiều vấn đề gay cấn về kinh tế xã hội tại Piemonte, và dù không muốn tiến những bước nữa chống lại Giáo hội, ông đã phải vội vã cùng với vua Vittor Emanuele xua quân xuống để kiềm chế Garibaldi, và cổ xúy một nước Ý thống nhất dưới ngọn cờ của Vua Emanuele. Thế là nước Ý một phần đã thống nhất, chỉ còn lại Venetia, Trento, Istria dưới quyền quân Áo, và Lazio (Roma) dưới quyền Đức Thánh Cha!

Cuối năm 1860, Don Bosco đã tiên báo một cái chết của một nhân vật rất lớn. Và nó đã đột ngột xảy đến cho chính Camillô Cavour vào năm 1860!

[403] Gustavô Benso, bá tước xứ Cavour (1806-1864), gọi là Cavour  anh, thừa kế từ cha tước hiệu bá tước, do quyền làm con trai cả. Góa vợ năm 1833, chăm lo nghiên cứu, cổ võ nhiệt tình các tư tưởng của Rosmini. Ông là chiến sĩ Công giáo, rất thiện cảm và nhiệt tình giúp đỡ Don Bosco, có lẽ cũng vì có nguồn gốc họ hàng với thánh Phanxicô Salê. Ông là nghị viên từ năm 1852 cho đến chết.

[404] Hồng y Giacôbê Benedetto Antonucci (1798-1879), Giám mục năm 1840, năm 1844 làm Tổng Giám mục hiệu tòa và Khâm sứ Tòa Thánh tại Tôrinô cho tới 1850. Tổng Giám mục Ancona năm 1851, và Hồng y năm 1858.

[405] Đức Hồng y Giacobê Antonelli (1806-1879), học tại chủng viện Roma và trường Sapienza [Khôn Ngoan], không thụ lãnh chức linh mục. Hoàn tất các môn luật học, nắm giữ các công việc quốc gia Tòa Thánh, tổ chức lại việc tài chánh của Tòa Thánh. Theo Đức Piô IX trong kế hoạch ban đầu cải tổ Tòa Thánh của ngài. Năm 1849 đưa Đức Piô IX ẩn lánh tại Gaeta và rồi lại đưa ngài trở về Roma. Làm quốc vụ khanh Tòa Thánh cho tới chết, và giữ lập trường không khoan nhượng trong việc bảo vệ các quyền của Tòa Thánh, biết động viên dư luận quốc tế Công giáo ủng hộ Đức Thánh Cha trong thời kỳ thống nhất nước Ý.

[406] Don Bosco nói nhẹ nhàng như vậy, nhưng những trẻ cù bất cù bơ, thường xấu tính, và chúng thực sự là những đứa bé ăn cắp.

[407] Thung lũng này phía nam Núi Hồng [Monte Rosa], giáp giới Thụy Sĩ. Có con sông Sesia đi ngang qua.

[408] Xưng tội rồi, nhưng chưa được rước lễ, vì lý do thời đó cho rước lễ lần đầu rất muộn do ảnh hưởng [hiểu ngầm] của tư tưởng Giăng- sê- nít.

[409] Cuộc đối thoại của Don Bosco với cậu bé mang ba sắc thái: (1) ngài muốn chinh phục sự tín nhiệm của cậu bé; (2) ngài quan tâm tới vấn đề chính yếu là mối liên hệ của em cùng Thiên Chúa, (3) sau cùng là ngài tốt lành.

[410] Từ đó khai sinh truyền thống “huấn từ tối” trong các nhà Don Bosco: đó là một lời khuyên vào ban tối trước khi đi ngủ về điều phải làm hay phải tránh, với tất cả sự yêu thương chính là chìa khóa cho sự tiến hành tốt và có kết quả của đời sống và việc giáo dục của trẻ em”.

[411] Don Bosco sau đó tìm cho em việc làm. Hết mùa lao động em trở về quê. Chúng ta không có cái may mắn được biết tên của em.

[412] Đó là những người ở nội trú với Don Bosco mà không phải trả tiền. Ngoài ra Don Bosco còn cho các người khác ở nội trú như: Cha Carlo Palazzolo (xem chương 16) và cha Phêrô Ponte (1821-18920) trả một vị 35 và vị kia 50 lire mỗi tháng. Trong tuần các vị có việc mục vụ riêng (cha Ponte là một trong các tuyên úy của nữ bá tước Barôlô), và các ngài giúp Nguyện xá của Don Bosco và Chúa Nhật và các ngày lễ. Vị nội trú thứ ba là chủng sinh GB Bertagna thuộc Castelnuovô, trả cho Don Bosco 50 lire mỗi tháng. Sau này ngài làm giáo sư trường Đào tạo Giáo sĩ và Giám mục phụ tá Tôrinô. Ngoài các vị nội trú giáo sĩ này, Don Bosco còn nhận em Alexander Pescarmona vào tháng 10/1847. Bố của em trả cho Don Bosco hằng tháng 55.5 lire và trả gọn vào đầu năm.

[413] Giuse Blanchi kể từ năm 1822 tham gia Hội Bảo trợ thánh Giuse tại nhà thờ Đức Mẹ An Ủi. Ngài là một trong những người tham dự chiến dịch Một món quà dành cho Đức cha Fransoni vào năm 1850.

[414] Có lẽ là nhạc sư Giuse Cerrutti (? – 1869).

[415] Kinh sĩ Lu-y Nasi (1821-1897) đã bắt đầu làm việc cho các Nguyện xá trước khi làm linh mục. Ngài là đại diện Đức Tổng Giám mục chăm lo cho các nữ tu, và là thủ ngân nhà thờ Chính tòa. Ngài nổi bật về sự khôn ngoan, lịch thiệp và lòng đạo đức, một nhà giảng thuyết được quí chuộng, cách riêng trong các tuần đại phúc mùa chay. Ngài là một trong hai vị linh mục trước đây đã thử đem Don Bosco tới Nhà thương Điên!

[416] Luôn có sự đồng ý của cả hai linh mục anh em họ Morialdo và sự chấp thuận của Đức Tổng Giám mục.

[417] Nhà thờ Gioan thánh sử được khởi công vào năm 1877, và mở ra cho công chúng vào năm 1882. Nhà thờ do kiến trúc sư Edoardo Arborio Mella vẽ và thi công theo kiểu Gô-tích. Các Salêdiêng chủ trì nhà thờ này và điều hành một Nguyện xá sầm uất.

[418] Mua căn nhà Moretta năm 1848 với sân, vườn, cánh đồng, năm 1849 và 1850 sau khi đã chia thành nhiều phần, thì đem bán đi, rồi năm 1875 mua lại toàn bộ cùng miếng đất bên cạnh. Năm 1876, một Nguyện xá cho trẻ nữ do các sơ FMA điều hành, phát triển tại đây.

[419] Don Bosco mua của chủng viện hai miếng vườn và một đồng cỏ. Năm 1851 bán đi một phần, và năm 1854 bán đi một phần nữa, và lần này cho cha Rosmini. Năm 1863, ngài mua lại phần đã bán cho cha Rosmini, năm 1873 mua lại phần đã bán cho ông Coriasco và sau cùng là phần đã bán cho ông Gioan Emanuel.

[420] Bộ luật Hiến pháp của nhà vua Albertô khẳng quyết: “Khoản 1. Tôn giáo Công giáo, tông truyền và Rôma là quốc giáo duy nhất. Các tín ngưỡng hiện hành khác được khoan dung phù hợp với luật pháp [… ]. Khoản 24. Tất cả dân chúng trong vương quốc, với bất cứ danh nghĩa và cấp bậc nào, đều bình đẳng trước luật pháp. Tất cả đều được hưởng đồng đều các quyền dân sự và chính trị và được tiếp nhận vào các trách nhiệm dân sự và quân đội, ngoại trừ các luật trừ mà luật xác định”.

Sắc lệnh của nhà vua ký ngày 19-3-1848 tuyên bố: “Các người Do Thái được hưởng kể từ ngày hôm nay tất cả các quyền dân sự và khả năng theo đuổi các cấp bậc học hành: không có gì thay đổi liên quan tới việc thực thi tín ngưỡng của họ, cũng như tới các trường học do họ điều hành. Chúng tôi hủy bỏ những gì ngược với luật hiện hành”.

[421] Quyết định của Đức Thánh Cha Piô IX là không tham dự vào cuộc chiến tranh giải phóng chống quân Áo đã làm dấy lên một chuỗi những phản ứng chống giáo sĩ, khiến cho sự phân hóa giữa chủ nghĩa tự do và thế giới Công giáo thêm sâu rộng.

[422] Nay Việt Nam chúng ta quen gọi là “huấn từ tối”. Trong cuốn Sức mạnh của nền giáo dục tốt…  do Don Bosco viết, có lời: “Con Phêrô bé nhỏ của mẹ, con hãy kể cho mẹ nghe vào mọi buổi tối điều các bạn con đã nói với con trong ngày. Nhờ đó mẹ sẽ luôn có thể cho con những lời khuyên tốt về cái con phải làm, và về cái con phải tránh” (OE VI 282-287).

[423] Carlo Giuse Bonzanino (? – 1888), giáo sư, cộng tác viên Salêdiêng, từ năm 1837 đã mở trường tư cho các em cấp II, rất gần nhà thờ thánh Phanxicô Assisi.

[424] Cha Matthêu Picco (1812-1880) điều hành một trường tư cho các học sinh cấp III. Ngài cũng có biệt thự-nhà riêng để phụ đạo thêm cho các em.

[425] Tại Valdocco năm 1853 mở xưởng dạy làm giày và cắt may, năm 1854 mở xưởng đóng sách, năm 1856 xưởng mộc, năm 1862 xưởng hàn, nguội và xưởng in. Và khi ấy số nội trú đã lên đến 150, trong đó có cả Đaminh Savio đi học lớp với thầy giáo Pico!

[426] Trong Vài dòng lịch sử về Tu hội thánh Phanxicô Salê và các điều có liên hệ cần được làm sáng tỏ (Rome: Poliglotta, 1874), Don Bosco viết:

Trong năm đó (1848), một cao trào sôi động chống lại các dòng tu, chống lại hàng giáo sĩ và toàn thể quyền bính của Hội Thánh nói chung. Một tiếng la hét giận dữ và khinh bỉ đối với tôn giáo khiến cho người trẻ quay mặt khỏi nên luân lý, lòng đạo đức, và do đó khỏi ơn gọi. Các dòng tu bị phân tán, các linh mục bị cười nhạo, một số bị bỏ tù, số khác bị đày ải. Vậy, cứ nhân loại mà nói, làm sao có thể vun trồng các ơn gọi?

Vào thời đó, Thiên Chúa cho cha biết một loại lực lượng mới (a new kind of army) ngài muốn tuyển binh, không phải lấy từ các gia đình giàu sang, vì đa số họ gửi con cái vào các trường công hay các học đường lớn nơi mà mọi loại tư tưởng, mọi khuynh hướng tới chức linh mục sớm bị bóp nghẹt. Những người làm việc với cái thuổng (cái mai làm vườn) và búa sẽ được chọn để chiếm những chỗ vinh quang của những người sẽ tiến đến chức linh mục.”

Đó chính là điều Don Bosco sẽ làm tại Nguyện xá.

Ngài so sánh Tu hội mới của ngài với một quân đoàn. Ngài ngưỡng mộ dòng Tên, và ngài mượn tên gọi của họ: “Đoàn đội ” để đặt tên cho các người sùng mộ thánh Lu-y của ngài, và sau này là các người sùng mộ Đức Mẹ Vô Nhiễm, sùng mộ Thánh Thể. Nên đúng lý ta phải dịch từ “Compania” bằng danh xưng chính xác: Đoàn  thánh Lu-y, Đoàn Thánh Thể, Đoàn Đức Mẹ Vô Nhiễm”!

[427] Don Bosco thủ lãnh, cha, thầy và là bạn của các bạn trẻ nghèo khổ thiếu giáo dục, lớn có, nhỏ có, thật vất vả và đầy gian lao, nguy hiểm, tính cả đến các đe dọa tới tính mạng, cho tới từng công việc bếp núc, khâu vá, quét dọn. Cha thánh đã hy sinh biết mấy, hơn cả một người bố mẹ thật trong đời sống gia đình!

[428] Từ năm 1847 đến 1864 (17 năm trời), Don Bosco liên tục đưa các em đi dạo píc níc về quê hương Becchi, tại nhà và vùng xứ sở quê hương Castelnuovo của ngài. Lúc ban đầu thì ít học sinh, nhưng dần dần đông hơn, lần chót con số lên tới 100 em. Đó là cuộc đi dạo hùng vĩ, mang theo cả dàn kèn đồng, và hoàn toàn đi bộ, hưởng không khí ngoài trời, các bữa ăn nồng ấm với dân địa phương, miền quê, các cha xứ, và tham gia các dịp hát lễ, diễn văn nghệ quần chúng. Tình huynh đệ, cha con nẩy sinh niềm vui quyến luyến bên nhau, và làm phát sinh các ơn gọi. Trong một cuộc đi dạo, Don Bosco tiếp nhận Cagliero, rồi dịp khác tiếp nhận Đaminh Saviô, rồi một dịp khác tới cả Mornese và tiếp nhận đội ngũ đầu tiên Các Con Đức Mẹ Vô Nhiễm là tiền thân của các nữ tu Salêdiêng, Con Đức Mẹ Phù Hộ, FMA. Don Bosco kể chuyện quê hương cho các em, viếng mộ Lu-y Cômôllô, và sau này khi Đaminh Savio qua đời, các bạn luôn nhớ đến viếng mộ bạn Savio và trào nước mắt! Biết bao sự thánh thiện, tình cảm gia đình, tình cha con, sự gắn bó trong tập thể để dấn thân cho Giáo hội, xã hội phát sinh từ các cuộc đi dạo này. Năm 1865, Don Bosco đã 50 tuổi, với gánh nặng của nhiệm vụ và yếu nhọc, ngài không còn đi píc níc xa cùng các ban trẻ được nữa!

[429] Don Bosco là người khai sinh tuần linh thao hay tuần phòng cho các thợ trẻ. Cha giảng phòng vào dịp này là cha Federico Albert (1820-1876), tuyên úy tại cung vua, sau đó là cha xứ tại Tôrinô và Lanzo. Ngài sáng lập một dòng nữ các sơ Đức Mẹ Vô Nhiễm của thánh Vinh Sơn, và qua ngài, người Salêdiêng đã mở một trường tại Lanzo. Ngài được phong chân phước năm 1984.

[430] [ghi chú của Don Bosco:] Arnaud Giacinto, Sansoldi, cả hai đã qua đời; Giuse Buzzetti, Nicola Galesio; Gioan Constantinođã qua đời; Giacôbê Cerrutti, đã qua đời; Carlo Gastini, Gioan Gravano; Đaminh Borgialli, đã qua đời: Tất cả những người này đều được ghi danh vào số những người thực hành cuộc linh thao đầu tiên làm vào năm ấy và họ đã tỏ ra luôn luôn là những Kitô hữu tốt.

Ta có thể xác nhận thêm về tên các vị được Don Bosco nhắc tới này:

Giacinto Arnaud (1826-?) vào Nguyện xá Valdocco năm 1847 và ra khỏi Nguyện xá tháng 2 năm 1856. 

Carlo Gastini (183201902), học nghề cắt tóc, Don Bosco gặp cậu năm 1843 và đã liều để cho cậu bé thử cao râu lần đầu tiên. Sau này ông đã thú nhận với cha Francesia: “Don Bosco đã thoát khỏi lưỡi dao cạo râu của tôi giống như ông thánh Bartôlômêô!” (Ông thánh Bartôlômêô là người được coi là chết trong khi bị xẻo thịt sống). Giống như Buzzetti, cậu được coi là một trong bốn học sinh hứa hẹn nhất. Gastini là người đầu tiên có ý tưởng thành lập Hội cựu học sinh Don Bosco vào năm 1870. Cậu được coi là người hát rong của Don Bosco, vì giọng tuyệt diệu và tài ngâm thơ, một biệt tài diễn tả các tình cảm dịu dàng. Ông thường hát điệp khúc:

Io devo vivere/ per settan’ anni

A me lo disse/ Papà Gioavanni

Dịch là:

Tôi phải sống / tới 70 năm

Chính cha Gioan / từng đã nói cho tôi!

Ông chết 28-1-1902, một ngày sau khi ông đã đạt đến 70 tuổi!

Gioan Costantino, học sinh nội trú có trả phí của Nguyện Xá trong năm 1849.

Carlo Gastini (1833-1902), mồ côi cha, vào Nguyện Xá năm 1848, là một trong bốn học sinh có triển vọng mà Don Bosco cho đi học với hy vọng cậu sẽ giúp ngài sau này. Năm 1856, cậu tìm được việc làm bên ngoài và lấy vợ. Năm 1861 trở lại làm việc với Don Bosco. Năm 1870 ông là một trong những sáng lập viên Hội cựu học sinh Don Bosco.

Gioan Gravano, chủ tiệm buôn, tham gia Hội Vinh Sơn tại Valdocco vào năm 1858 (Xem ASC E 582 Biên bản cuộc họp của Hội Vinh Sơn)

Đaminh Gorgialli: Có thể đúng ra là Roberto Borgialli, học sinh nguyện xá thời còn học giáo lý tại nhà thờ thánh Phanxicô Assisi, hội viên Hội Đoàn thánh Lu-y, nội trú tại Nguyện xá, có viết cho Don Bosco một lá thứ vào năm 1867. Nếu đúng vậy, thì cậu là con của Đaminh Borgialli, sinh tại Favria, qua đời tại Tôrinô năm 1866 vào tuổi 69. Don Bosco có thể đã lấy tên cha mà viết thay cho tên của con.

[431] Moncalieri là Nữ tu viện dòng Kín Carmêlô. Các sơ tuổi cao đã làm chứng Don Bosco cùng các em tinh nghịch của ngài đã đến hát trong nhà nguyện của tu viện (ASC, thư của sơ Leonilda của Tu viện Đức Mẹ Mân Côi – Ferreira, 23-10-1989).

 

[433] Tiến sĩ Micae Chiattellino (1822-1901) vào chủng viện Tôrinô là người đánh đàn organô trong nhà thờ. Chịu chức linh mục năm 1845, học tại Học viện giáo sĩ những năm 1845-1847. Tại Nguyện xá, ngài săn sóc những em lớn và dạy âm nhạc. Ngài cung cấp tiền cho các em nghèo, và mua từ Don Bosco nhiều đợt sách báo.

[434] Các Tu sĩ tận hiến cho Đức Maria coi sóc thánh đường Đức Mẹ An Ủi từ 1834 đến 1855. Dòng được lập năm 1816, và cha Pio Brunone Lanteri sớm làm Bề trên nhà dòng. Dòng lo đào tạo hàng giáo sĩ, giảng đại phúc, phổ biến sách tốt và chống lại những điều sai lạc.

[435] Cả ba vị là những ủy viên của ủy ban xổ số kiếm tiền cho việc xây dựng nhà thờ thánh Phanxicô Salê của Don Bosco. Ông Phêrô Ropolo là ông chủ làm đồ sắt, ông Gabrien Capello là chủ tiệm bàn ghế, từng dạy cho các thợ dưới quyền ông đồ họa, số học và địa lý.

[436] Lưu ý một lire [Don Bosco gọi là frăng] tương đương với một ngày lương của một người thợ, khoảng 30.000 đVN. Khi Don Bosco mất đi món tiền trợ cấp 300 lire từ chính quyền mỗi năm, ngài mất đi một món tiền lớn (10.000.000 đvn) để nuôi trẻ, nên ngài hẳn rất đau xót, mà nói qua nói lại mấy lần trong Hồi ký Nguyện xá.

[437] Xưa kia lễ thứ năm tuần thánh vào ban sáng. Sau đó là ghi việc canh thức cùng Chúa Giêsu bị bắt giữ. Mình Thánh được đưa tới bàn thờ cạnh, với đèn nến sáng trưng và hoa lá. Tín hữu tới thăm viếng Đức Giêsu bị bắt giữ. Don Bosco sử dụng từ ngữ “mộ thánh Chúa Giêsu” để tả cảnh này. Nay phụng vụ thứ năm tuần thánh làm vào ban chiều, và tín hữu chỉ dành thời gian chiều tối tới nửa đêm để chầu Mình Thánh, nhớ tới hồng ân lớn lao của Bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu lập trong bữa tiệc ly.

[438] Trước đám học trò chỉnh tề của Tôrinô, các trẻ của Don Bosco mặc áo nhà binh phế thải, thì dễ nên trò cười nhất là ở trong cao trào chống giáo sĩ.

[439] 12 tông đồ, lễ rửa chân, một bữa ăn tối, một món quà: đấy đã trở thành thói quen tốt lành trong các nhà Salêdiêng.

[440] Đức Tổng Giám mục Fransoni ra lệnh đóng cửa các chủng viện vì nhiều chủng sinh tham gia các hoạt động chính trị, nhiệt tình ủng hộ hiến pháp mới và cuộc chiến tranh chống lại quân Áo, bất chấp lệnh của ngài. Khi chiến tranh tới, quân đội cần nơi ở, trong khi các chủng viện ở Chieri và Tôrinô để trống, được sử dụng làm các nhà thương phục vụ quân đội.

[441] Don Bosco thuê lại căn nhà Pinardi cùng khu đất xung quanh từ tay ông Pancrazio Soave với giá 710 lire hằng năm. Để tiếp tục hành nghề của mình, ông Soave giữ lại tầng trệt cho tới 10-3-1847, nhưng không có ghi lại trong giao kèo thuê. Trong hợp đồng thuê này, lần đầu tiên Don Bosco đứng tên người thuê ký nhận. Hết hạn hợp đồng này, kể từ 1-4-1849 cho đến 2-3-1852, Don Bosco làm hợp đồng thuê trực tiếp với chủ nhân là ông Pinardi. Hợp  đồng thuê này ký tên người thuê là cha Borel, còn Don Bosco ký tên người làm chứng (xem ASC F 596).

[442] Các tòa nhà nằm sau thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ bao gồm nhà thờ thánh Phanxicô Salê và khu nhà được xây trên chính đất của nhà Pinardi, cộng với nhà nội trú sát đó. Tất cả khu này nằm ở trên khu đất Pinardi, bao quanh cái sân nằm giữa nhà thờ Đức Mẹ Phù Hộ và khu nhà đã xây đó. Năm 1830, khi nới rộng Đền Thờ Đức Mẹ Phù Hộ, thì cái sân biến mất.

[443] Ngoài Nguyện xá ra, các chủng sinh còn được tiếp nhận tại cộng đoàn các tu sĩ Nguyện xá của thánh Philiphê Nêri, dưới sự chăm sóc của cha Felice Carpignano.

[444] Một thành phố nằm ở 2/3 quãng đường giữa Rôma và Napoli, thuộc vương quốc Napoli. Đứng trước cảnh chiến tranh, Đức Thánh Cha Piô IX lên án chiến tranh, và sự việc đạt tới tột đỉnh với việc ám sát Bộ trưởng Pelegrino Rossi và các cuộc đụng độ tại Rôma. Đức Thánh Cha phải trốn khỏi Rôma, đến ở tại đây từ 24-11-1848 cho đến 12-4-1850. Nước Đức Thánh Cha được công bố là Cộng hòa Rômana (5-2-1849), và xác lập Đức Thánh Cha không còn quyền cai trị Rôma nữa.

[445] Trong năm 1846, Đức Thánh Cha ban đặc ân cho Nguyện xá được long trọng cử hành lễ Giáng sinh vào nửa đêm trong ba năm, một điều mà chỉ có các giáo xứ mới được làm. Trong năm 1847, ngài cho phép để ghi danh ngài vào số các hội viên Đoàn  Lu-y.

[446] Các tài liệu đều ghi là món quà Nguyện xá trao ngày 25-3-1849 là 33 frăng.

[447] Don Bosco viết một sứ điệp được đọc lên do một trong các bạn trẻ Nguyện xá vào dịp chuyển giao các món tiền đã thu được. Sau đó sứ điệp này được cùng gửi với món quà của Nguyện xá cho Đức Thánh Cha.

[448] Cuốn sách nhỏ đó mang tựa đề Bản tường thuật ngắn về ngày lễ được cử hành khi quà của Đức Thánh Cha Piô IX được phân phát cho các đứa con trai của các Nguyện Xa Tôrinô (Tôrinô: Rotta, 1850). Cuốn sách nhỏ nói đến các Nguyện xá, bởi vì cả Nguyện xá thánh Lu-y cũng góp phần vào con số 33 lire dâng biếu Đức Thánh Cha. Cho nên số 720 tràng hạt cũng không đủ; Don Bosco phải mua thêm tràng hạt để mỗi em đều nhận được.

[449] BM III, 367-368.

[450] Vanchiglia nằm ở phía đông khu kỹ nghệ phía bắc, trong một tam giác bao bọc bởi sông Pô, sông Đôra và con đường San Maurizio. Nó gồm những nhà tồi tàn, suy sụp, với những con người vô trật tự, tham lam, bị lôi cuốn bởi bản năng nghiêng về sự dữ. Các tội ác, sự nghèo khổ, và tật xấu đầy dẫy, với các băng đảng (BM III, 394).

Cha Gioan Cocchi, một linh mục nhiệt tình, quảng đại, thương người, kiên nhẫn và dám làm, xây dựng Nguyện xá ở đây trên đất của luật sư Bronzino gồm vườn, sân, nhà nguyện, phòng thể thao. 200 học trò Nguyện xá của ngài đã mặc áo lính và cầm súng tiến ra chiến trường chống quân Áo. Ngài không phải là lãnh tụ đoàn quân này giống như Don Bosco viết, mà là người đi theo chúng trong tư cách tuyên úy. Nhưng khi chúng tới chiến tuyến tại Vercelli, thì vị tư lệnh binh đoàn không nhìn nhận chúng là những người linh thật. Sau khi quân Áo đã đánh bại quân Piemonte tại Novora (23-3-1849), chiến đoàn các bạn trẻ này phải rút về Tôrinô bằng những nhóm nhỏ. Cha Cocchi sau đó dấn thân vào nhiều hoạt động bác ái, xã hội, dạy nghề khác, kể cả việc lập một Nguyện xá ở khu Nhà máy xay bên sông Đôra xưa.

Trước tình thế khu Borgo Vanchiglia rất cần một Nguyện xá, hai cha Bosco và Borel sau khi thảo luận với cha Cocchi, xin phép của Đức Tổng Giám mục, và với sự trợ giúp của cha Lu-y Fantini, cha xứ nhà thờ Truyền Tin, đã tái mở lại Nguyện xá Các Thiên Thần Bản mệnh vào tháng 10 năm 1850 (BM III, 393).

[451] Nguyện xá này lần lượt được chủ trì bởi các cha Carpano, Ponte, Vola (1805-1872), nhưng không ai ở lâu trong nhiệm vụ. Chỉ có hai anh em Morialdo là đứng vững lâu trong nhiệm vụ chủ trì Nguyện xá này bất chấp các khó khăn đã từng làm thất vọng các vị tiền nhiệm!

[452] Vào buổi chiều một Chúa nhật tháng 1 năm 1850, ba thượng nghị sĩ công tước Federico Sclopis, chủ tịch thượng nghị viện, bá tước Inhaxiô Pallavicini và công tước Collegno, được chính phủ sai đến  lấy các thông tin về Nguyện xá, mà ông Volpato đã thỉnh nguyện một sự giúp đỡ từ chính phủ. Họ đã nói chuyện lâu giờ với Don Bosco rồi dự hát kinh chiều, huấn đức và chầu phép lành Mình Thánh tại nhà nguyện. Sau đó, Thượng viện của vương quốc nhất trí ra nghị quyết xin chính phủ trợ giúp một viện rất xứng đáng như thế.

[453] Urbano Rattazzi (1808-1873), trạng sư, nghị viên hạ viện, một thời làm bộ trưởng Giáo dục, hai thời làm thủ tướng vương quốc Ý. Từng làm bộ trưởng Ân xá và Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ trong các chính phủ khác nhau của vương quốc Sarđêgna. Trong hoạt động của ông về mối tương quan Giáo hội-quốc gia, ông là lãnh tụ phe cánh trái ôn hòa trong Hạ viện, và là người nhiệt thành làm việc để cải tổ hệ thống tòa án, để điều chỉnh  lại việc được hưởng sự che chở của luật sư bào chữa cho những người nghèo, để thay đổi luật thủ tục hình sự và nhất là luật hình sự hiện hành tại các bang của Đức vua Sardegna. Một trong các cách cắt nghĩa lý do tại sao ông đến thăm Don Bosco vào năm 1854 chính là nhằm trao đổi tư tưởng về khả thể dành cho các thanh thiếu niên có các vấn đề xã hội được hưởng một sự đối sử cân xứng với điều kiện của chúng. Chính ông đã nâng đỡ Don Bosco, vì quí mến việc ngài phục vụ người nghèo, trong việc lập Tu hội Salêdiêng, bằng cách cho ngài các gợi ý để làm sao lách khỏi luật phế truất các dòng tu (BM V, 459-562).

[454]  Liên quan đến các hoạt động của Don Bosco, chúng ta có thể chia ra thành các giai đoạn sau:

  1. Những năm trước 1848: Don Bosco tham gia nhóm các linh mục và giáo dân hướng tới những hình thức tông đồ mới, cách riêng là tới sự làm việc tại các Nguyện xá. Không bỏ cỗ máy bác ái cổ điển, và trong bối cảnh lo lắng phòng ngừa của những năm đó, hoạt động của họ được biểu lộ trong các sáng kiến lưu ý đến các nhu cầu đang xuất hiện của các thợ trẻ tới thành phố làm việc trong một mùa nhất định và của các trẻ em nghèo của thành phố. Đồng thời họ tìm cách tuần tự đem tháp nhập những cái mới là kết quả của sự chuyển biến trong lãnh vực dân chính, kinh tế và xã hội, trên thân cây của truyền thống và của các giá trị tôn giáo được diễn tả nơi truyền thống. Cách riêng, Don Bosco giới thiệu với các thanh thiếu niên một đề nghị sống có khả năng biến chúng thành những công dân tốt để hướng chúng vào con đường ơn cứu độ.
  2. Mười năm tiếp theo sau 1848: Qua đi thời điểm của nhiệt tình xây dựng một liên bang Ý dưới sự chủ trì của Đức Giáo hoàng, nơi Don Bosco đã lớn lên mối hoài nghi đối với các tầng lớp chính trị, khi ngài thấy nhà nước theo đuổi con đường tranh chấp với Giáo hội. Hơn nữa trong xã hội, càng ngày càng có nhiều dấu hiệu hiển nhiên hơn về một cơn khủng hoảng tôn giáo ngày một lan rộng. Trước tiên kết hợp với các linh mục khác và các giáo dân, và rồi sau đó theo một hình thức càng ngày càng là của riêng mình, Don Bosco tìm cách sớm tạo các phương tiện giáo dục bình dân hữu hiệu có khả năng đồng cạnh tranh với các sáng kiến mà biết bao những người có viễn cảnh sống xã hội khác với ngài đã chủ động. Chúng ta có thể nêu lên Hiệp hội Tương trợ, các khế ước lao động có ích cho các thanh thiếu niên của Nguyện xá, các kế hoạch khác nhau hỗ trợ cho nền văn hóa bình dân, các báo Sách đọc Công giáo.
  3. Thời kỳ thống nhất Nước Ý: Sự ly cách giữa nhà nước và Giáo hội mở rộng và khơi sâu thêm, với việc sát nhập các lãnh thổ Giáo Hoàng và các vạ tuyệt thông, việc công bố Nước Ý thống nhất, cuộc tranh chấp giữa vương quốc và Tòa Thánh để dành về phía mình thủ đô Rôma. Trong bầu khí đó, Don Bosco đã hành động cách cẩn trọng, sao cho tỏ lộ rõ việc ngài ủng hộ Đức Thánh Cha, Thủ lãnh Hội Thánh. Đồng thời chín muồi nơi ngài một thái độ: đó là Giáo hội và quốc gia cần đến lẫn nhau để cổ xúy thiện ích của dân chúng; ngay cả khi không đi đến được một giải pháp cho vấn đề gai góc tận nền tảng – là vấn đề Nước Đức Giáo hoàng – cả hai phía Giáo hội và quốc gia đều phải tìm những điểm quan tâm chung để tạo lợi ích cho tất cả mọi người. Đích thân Don Bosco kêu xin và cống hiến sự cộng tác vì lợi ích thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi. Ngay cả trong những thời điểm căng thẳng nhất giữa quốc gia và Giáo hội, ngài tiếp tục đề nghị các thanh thiếu niên phải trở thành các Kitô hữu tốt đứng trước tôn giáo, và các công dân lương thiện đứng trước xã hội. Đằng khác, kể từ năm 1858 trở đi Don Bosco bắt đầu công việc trung gian rất tế nhị mà ngài đã được yêu cầu phải đảm nhận liên quan đến các khía cạnh đặc thù của các mối tương quan giữa quốc gia và Tòa Thánh, chẳng hạn vấn đề các Tòa Giám mục đang để trống.
  4. Hoàn cảnh mỏng dòn của giới trẻ trong thế giới: Trong khi Don Bosco sửa phần bản thảo Hồi ký Nguyện xá cuối cùng và chuẩn bị dùng nó cho việc xuất bản Lịch sử Nguyện xá…, thì công cuộc Salêdiêng đã mở ra cho bình diện quốc tế với việc thiết lập các nhà tại các miền khác nhau trong nước Ý, châu Âu, châu Mỹ. Hoàn cảnh mỏng dòn của các thanh thiếu niên, là kết quả của sự bỏ rơi và sự ơ hờ của xã hội, đối với Don Bosco, đã hiện lên như một đặc tính của điều kiện giới trẻ nói chung, tại khắp mọi nơi và trong mọi bình diện. Ngài đã tung Tu hội Salêdiêng, FMA, các cộng tác viên vào trong việc phục vụ, tiếp nhận, nâng đỡ, cổ xúy cho giới trẻ khắp nơi trên thế giới, yêu cầu sự tham gia của tất cả mọi người. Xuyên qua Tạp chí Salêdiêng, các bài thuyết trình cho các cộng tác viên, các cuộc du hành vất vả của thập niên cuối cùng của đời ngài, ngài đã tìm các sự cộng tác càng ngày càng lớn rộng. Trong khi trao cho việc ấn loát ra khắp thế giới cái trách nhiệm gây tiếng vang của công cuộc của ngài và của các ý tưởng của ngài, ngài quả đã khai sinh ra một sự phát động các ý kiến công cộng trong Giáo hội và trong xã hội dân chính, khiến cho biết bao nhiêu người thiện chí một cách nào đó tham gia vào công việc chung nhằm cứu rỗi giới trẻ (Tổng kết ý kiến của các tác giả Braido, Motto, Stella).

[455] Ông Roberto d’ Azeglio (1790-1862) là em của Thủ tướng Massimo d’ Azeglio, và anh của linh mục Lu-y d’ Azeglio. Ông rất nhiệt thành với các sáng kiến phục vụ cho việc giáo dục bình dân.

[456] Don Bosco tóm tắt trong chương này các cuộc khủng hoảng xảy ra từ 1849 đến 1852.

[457] Tựa đề đầy đủ là “Hòa hợp giữa tôn giáo và nền Dân chính” [L’Armonia della religione e civiltà] do Đức Cha Moreno chủ trì.

[458] Báo Quan điểm nằm giữa lập trường của báo những người cấp tiến có tên là Hòa nhịp [“La Concordia”] và lập trường báo của nhóm ôn hòa do Cavour chủ xướng có tên là “Phục hồi quân chủ” [Il Risorgimento]. Dần dần báo Quan điểm mang sắc thái chống giáo sĩ. Giữa báo hòa hợp và báo Quan điểm đã liên tục có những cuộc bút chiến.

[459] “Thứ người ướt át, đẫm sương này”: ám chỉ những người Công giáo sùng tín và bảo thủ.

[460] Ceria (San Giovanni Bosco, p. 96) viết: “Có một niềm phấn khởi rộng khắp và một ước muốn cuồng nhiệt cái mới. Không ít người trong hàng giáo sĩ chống cưỡng kỷ luật hay lên cơn cuồng nhiệt bởi các sách của Gioberti, hay ngây ngô và ảo mộng, đã để cho mình bị lôi cuốn bởi làn sóng nhiệt tình chung”.

Tuy nhiên công bằng mà nói việc ủng hộ thống nhất đất nước này do Gioberti khơi dậy, muốn đặt dưới sự chủ trì của Đức Thánh Cha. Gioberti nhìn nhận tầm quan trọng của tôn giáo trong đời sống tư và công, nhưng sự thúc đẩy cho phong trào thống nhất phải đến từ Piemonte. Nhưng cái yếu trong lập luận của Gioberti là không nắm bắt rõ hai cản trở là nước của Đức Giáo hoàng và việc chiếm đóng của nước Áo vào thời điểm ông trình bày quan điểm của ông trong cuốn “Del primato morale e civile degli italiani” [Cao điểm luân lý và dân sự của dân Ý](Brussels,1843).

[461] “Các nghi thức quốc gia”: nghĩa là mang cờ quốc gia, khăn quàng màu thiên thanh và các bài quốc ca yêu nước.

[462] Các linh mục đến giúp và Don Bosco khác nhau về quan điểm chính trị, và không đi đến thống nhất với nhau được. Người ta đã từng đề nghị một thứ liên hiệp các Nguyện xá, nhưng Don Bosco không chịu, nói rằng các mục tiêu của các Nguyện xá quá khác biệt nhau, không thể đồng điều hành chung được. Riêng hai linh mục Carpanô và Ponte, sau này các vị vẫn trở về vui vẻ cộng tác với Don Bosco.

Trong thời nhiệt tình cách mạng nổi lên này, hầu hết các học trò lớn và phần đa các học trò trẻ đi theo “những người ái quốc”. Nguyện xá 500 em hằng Chúa nhật giảm xuống còn có ba tới bốn chục em (BM III, 296).

[463] Tức là dạy đọc, viết và nói tiếng Ý cho đúng.

[464] Trong hoàn cảnh gay cấn này, Don Bosco bắt đầu đích thân lo việc đào luyện vài thanh thiếu niên thành các cộng sự viên tương lai của ngài; cha đã chọn Giuse Buzzetti, Carlo Gastini, Felice Reviglio và Giacôbê Bellia, dạy họ Latinh, xin phép Đức Tổng Giám mục năng quyền mặc áo chủng sinh cho họ, với điều kiện sẽ tham gia việc thi tuyển để được mặc áo giáo sĩ vào mùa thu tới. xin xem ở phía dưới chương này lá thư xin Ngân khố Hoàng gia trợ cấp ở phía dưới chương này.

[465] Hai thầy Savio và Bellia sau này là linh mục giáo phận, vẫn liên hệ tốt đẹp với Don Bosco. Thầy Vaccetta thì gặp phải sự suy sụp tâm trí đúng như Don Bosco đã tiên báo.

Trong năm 1901, Cha Bellia cho thấy quan điểm của mình trong một bài mang tựa đề Những chủng sinh đầu tiên của Don Bosco. Ngài nói về mình như sau: “Trước tiên tôi bị bó buộc vào chủng viện Chieri, Don Bosco đã đến thăm tôi nhiều lần, và còn dặn tôi đến dùng cơm với kinh sĩ Lu-y Cốttôlengô, thế rồi tôi được cho về nhà vì lý do sức khỏe, và bị cấm xưng tội với Don Bosco. Tôi buộc phải hướng về Tu viện Đức Mẹ An Ủi, vì say mê sự bình an mà các tu sĩ Tận Hiến được hưởng, nên tôi xin được nhận vào đó. Sau đó Don Bosco nói là tôi không có ơn gọi vào đó, nhưng cha giải tội đảm bảo là tôi có. Tôi vào và sau 10 năm, tôi lại ra vì lý do sức khỏe. Tôi lại rất có thể trở lại với Don Bosco, nhưng Đức Tổng Giám mục Fransoni không nhận tôi vào địa phận và Don Bosco giới thiệu tôi sang Đức Giám mục của Biella. Ngài nhận tôi với điều kiện là phải ờ lại với ngài. Và tôi phải ở lại với ngài thôi. Thế là tôi cắt đứt khỏi Don Bosco, nhưng tôi đã không bỏ ngài” (ASC A 1010310).

[466] Trong năm 1851 Don Bosco – trong một tập thể với các phần đóng góp đồng đều với các linh mục Gioan Borel, Giuse Cafasso và Robertô Morialdo – đã mua căn nhà Pinardi cùng với sân, vườn, và một phần vườn cây ăn trái, với tổng diện tích 3.699 mét vuông, với giá 28.000 lire. Trong năm 1853, cha giáo sư thần học Borel và cha Giáo sư Morialdo đã chuyển phần đóng góp của mình cho Don Bosco và Don Cafasso, khoảng 10.000 lire. Trong năm 1860, cha Cafasso cho Don Bosco thừa kế phần căn nhà Pinardi của ngài (Xem thơ Bosco-Gastaldi 24-11-1852 trong E I, pp. 66-67; ASC A 1030104 Trích chúc thư của linh mục Giuse Cafasso FDB 556 A 1 – 556 A 2).

[467] Don Bosco trước hết thuê lại các phòng của căn nhà này từ tay người đã thuê trước là Pancrazio Soave, rồi từ 1-4-1849, ngài thuê trực tiếp căn nhà từ tay chủ nhân là ông Pinardi.

[468] Đó là kỹ sư trẻ Spezia sống ở gần đó, người sau này sẽ vẽ plan cho nhà thờ Đức Maria Phù Hộ.

[469] Việc vay hoàn tất ngày 19-2-1851. Ngay khi được cha Rosmini đồng ý, Don Bosco đã viết thư  cho cha Carlo Gilardi tổng quản lý của dòng Rosminiano: “Tôi xin gửi những lời cám ơn chân thành tới Bề trên đáng kính vì những gì ngài đã muốn làm cho chúng tôi. Tôi hy vọng rằng công việc bác ái này… đổ xuống trên ngài và trên Tu hội của ngài các phép lành của Thiên Chúa”. Lời hằng năm là 4%, nhưng cha Rosmini không bao giờ hỏi đến tiền vốn và tiền lời. Tuy vậy Don Bosco thanh toán tiền lời hằng năm và rồi trả xong hoàn toàn tiền nợ.

[470] Khế ước thuê được thực hiện ngày 1-9-1853, với giá từ 800 đến 950 cho một khoảng thời hạn 3 năm. Tiền đền bù cho nhà hàng di dời là 20.000 lire. Khu đất và căn nhà của bà Bellezza được các Salêdiêng mua vào năm 1884. Giá đòi là 180.000 lire, nhưng Don Bosco đã hạ xuống còn 100.000 lire, và một ân nhân người Pháp, công tước Lu-y Antôniô Colle ở Loulôn, đã cho tiền để trả.

[471] Năm 1856, cả căn nhà Pinardi và nhà nguyện đầu tiên được phá đi để xây một tòa nhà kiên cố hơn. Trong tòa nhà đó, nhà nguyện đầu tiên trở thành nhà cơm của các bề trên, tại đó Don Bosco đã đón tiếp hai vị Giáo hoàng tương lai là kinh sĩ Giuse Sarto (Đức Piô X) trong năm 1875, và linh mục trẻ Achilê Ratti (Đức Piô XI) trong năm 1883.

[472] Các bản họa đồ này được trao cho Don Bosco, và ngài đã ký tên vào đó là “Giám đốc Nguyện xá cho giới trẻ gặp nguy hiểm”.

[473] Chứng kiến lễ này có cha Francesia khi đó 12 tuổi, và được nghe Micae Rua khi đó 14 tuổi “giảng một bài giảng nhỏ rất hay cho tất cả những người hiện diện” và ngài còn thêm: “Tôi thích nghe lối văn trình bày lôi cuốn của anh, và phẩm chất sốt mến, mà anh đã giữ  suốt cuộc đời anh”.

[474] Kinh sĩ Antôniô Moreno được nhà vua đặt làm Tổng quản lý các tài sản của Giáo hội tại các Tòa Giám mục trống ngôi.

[475] Biên bản không được viết lại trong bản thảo, và cũng không còn tìm lại được.

[476] Năm 1853 con số Don Bosco trực tiếp chăm lo cho chỉ có 20 em. Sau khi xây được tòa nhà, vào năm 1854, con số  các em lên tới 80.

[477] Các nguy hiểm được cha Lemoyne kể rõ ra là: Những điểm rao bán những thứ vô luân; những hình ảnh khiếm nhã, những bức tượng nhỏ dâm dật, những tiểu thuyết đáng kinh tởm… được trưng bày lộ liễu trong các tiệm sách” (BM IV, 459).

[478] Vua Vittor Emanuele II ra lệnh cho văn phòng quản lý địa phận vắng Giám mục cung cấp cho công trình 9.000 lire, còn chính nhà vua cũng ban tặng 1.000 lire.

[479] Gioan Phêrô Losana (1793-1873): gốc Torinô, giáo sư Thần học, Giám mục Biella (từ năm 1833), bác ái, tiến bộ, hài hòa và có ý thức xã hội; trong Công Đồng Vaticanô I, ngài nhiều lần lên tiếng không đồng ý việc công bố tín điều Bất khả ngộ của Đức Thánh Cha (xem ý kiến của Giuse Tuninetti, trong Dixionario biografico degli italiani, LXVI,149-151).

[480] Xổ số công khai là một lối kêu gọi lòng bác ái tại Tôrinô. Tổ chức xổ số của nhà nước cũng rất đồ sộ: có văn phòng đặt tại các giáo xứ có 3000 người trở lên. Nó được tổ chức kể từ năm 1830. Đó là nguồn thu nhập đáng kể để bảo vệ nền độc lập tại Piemonte và phát huy công cuộc thống nhất nước Ý. Don Bosco đã tổ chức cả thảy 14 cuộc sổ số quyên góp kể từ năm 1851 đến 1887, để đáp ứng các nhu cầu và các kế hoạch phục vụ giới trẻ của ngài.

[481] Vua Vittore Emmanuele II (1820-1878) kế vị cha là vua Albertô Carlo thoái vị năm 1849 sau trận thảm bại với nước Áo. Mẹ của ông là Matia Teresa của vương quốc Toscana (1801-1855), vợ của ông là Maria Adelaide của xứ Lorrena (1822-1855). Cả hai rất đạo đức và quảng đại. Khi chính quyền của thủ tướng Cavour, do sự thúc đẩy của Bộ trưởng Nội vụ Rattazzi, bắt đầu chống lại các dòng tu vào năm 1854. Don Bosco đã được cảnh báo bởi hai giấc mơ về “các quốc tang tại triều đình”, ngài viết thư cho nhà vua vào tháng 11năm 1854, thúc đẩy ông hãy chống lại các luật tịch biên tài sản của Giáo hội, nhưng nhà vua rất lo nghĩ, mà không có hành động cụ thể. Thế nên tháng giêng và tháng hai năm 1855, cả mẹ, vợ, con mới sinh, và người em trai duy nhất đều chết, hai bà hoàng hậu thì chết đột ngột. (BM V, 111-123, 128-129, 149-160).

[482] Don Bosco ghi vào bản sao lời dặn “Si pùo mettere il Programma” = Có thể đưa vào đây Chương trình của Cuộc xổ số. Bản dịch này dựa theo bản của cha Ceria đưa nguyên phần chương trình này vào trong bản chính thay vì đặt ở foot-note cho tiện đọc.

[483] Trong các cuộc sổ số, Don Bosco tận lực và chu đáo tổ chức các ủy ban khác nhau. Chìa khóa của thành công là biết chọn những người ủng hộ. Đợt xổ số đầu tiên này, ngài chọn 46 nam ủng hộ viên thuộc các tầng lớp và hậu trường khác nhau (thợ, quí ông, quí linh mục), và 86 nữ ủng hộ viên thuộc giới trung lưu và quí tộc. Từ các vị trên, ngài chọn ra 21 vị uy tín tham gia ủy ban điều hành (BM IV, 225-226). Vấn đề không chỉ là làm sao thu được nhiều tiền, dù đó là điều rất cần thiết, mà còn để có thể lôi cuốn thật nhiều người cộng tác, tạo nên cả một mạng lưới những quan hệ giúp cho toàn bộ kế hoạch tông đồ rộng lớn tương lai của Don Bosco. Trong đời, Don Bosco tổ chức cả thảy 14 cuộc xổ số. Một trong các ủy viên này là cha Phêrô Baricco, phó thị trưởng Tôrinô. Ngài góp phần rất lớn để vượt qua các tệ quan liêu trong thủ tục tiến hành xổ số. Ủy ban điều hành làm đơn xin chính quyền, rồi ra lời kêu gọi lòng quảng đại của các đồng bào vào ngày 20-1-1852.

[484] Don Bosco không thể dùng khu nhà Pinardi nghèo nàn làm chỗ trưng bày, mà phải dùng một phòng rộng đằng sau nhà thờ thánh Đaminh với phép của Bộ Chiến tranh (khi ấy đang quản trị căn sảnh này), và ngài cũng lịch sự xin phép các cha Đaminh (chủ cũ). Nhiều khách được mời để thị sát các phần thưởng, có cả hai anh em Cavour. Ông Camillô Cavour khi đó là Bộ trưởng tài chính, và đang âm mưu lật đổ Thủ tướng Azeglio. Don Bosco đã đích thân hướng dẫn bá tước Camillô Cavour đi thị sát.

Vào tháng 3 năm 1852, một tai nạn đến với Giuse Buzzetti. Do can thiệp một tên sát nhân muốn bắn Don Bosco mà ngón tay cái phía trái bị hư hại nặng (theo lời một người kể chuyện vô danh về thầy). Hoặc do cùng với các bạn canh phòng phòng trưng bày các tặng vật dành cho xổ số, mà vì nhồi thuốc súng và chẳng may bị nổ gây tai nạn làm hư ngón tay cái này theo cha Lemoyne. Dù sao đi nữa, tai nạn này ngăn trở thầy làm linh mục. Thầy sẽ chỉ là Sư huynh Salêdiêng.

[485] Cuộc xổ số công khai được thực hiện tại Tòa Thị sảnh ngày 12-7-1852. Lợi tức thu được, Don Bosco quảng đại chia cho Căn nhà nhỏ Cốttôlengô một nửa, khiến cho Đức Tổng Giám mục Fransoni rất hài lòng. Ngài viết vào ngày 29-7-1852: “Đây là hai công cuộc ở gần nhau, đều đã nhận được ân ban rõ ràng của bàn tay Chúa quan phòng”.

[486] Bài thơ này theo như cha Lemoyne là của Don Bosco và được đưa vào đây. Hai câu cuối trong ngoặc móc thì dịch giả tự thêm vào nhằm giúp làm rõ nghĩa ý Don Bosco muốn nói.

[487] Cuốn sách có tiêu đề Hội Tương trợ một số các hội viên của Hội thánh Lu-y được thiết lập tại Nguyện xá thánh Phanxicô Salê”. Dưới tiêu đề có viết hàng chữ: “Ngọt ngào tốt đẹp biết bao – Anh em được sống sum vầy bên nhau!” (Tv 133:1). Trong cuốn sách gồm các điều lệ. Hội này phát triển cho đến năm 1857, thì nó biến đổi hình thức.

[488] Tức là cho đến 1875.

[489] Trong nhà nguyện Pinardi được canh tân nay vẫn còn giữ lại y nguyên tượng Đức Mẹ An Ủi rất dễ thương được Don Bosco mua năm 1847.

[490] Nhà thờ thánh Phanxicô Salê dài 28m, rộng 11m, được sử dụng suốt 16 năm (1852-1868) như là trung tâm điểm của Nguyện xá. Phòng áo thì thay đổi nhiều lần, lúc đầu ở nhà Pinardi, sau thì đặt ở khu nhà mới xây, và vào năm 1860, chủ thầu Carlo Buzzetti xây ở bên cánh phía đặt Phúc Âm. Tháp chuông là một tháp nhỏ ở cạnh trái nhà thờ, có chuông cũ cộng với chuông mới có tiếng vang lớn hơn do công tước Cays tặng. Đến năm 1929, cả hai chuông được đúc lại, cho tiếng chuông ngân trong tuyệt vời cho đến ngày hôm nay.

[491] Tức vào tháng tư năm 1852.

[492] Kỵ sĩ Blachier khi vẽ họa đồ nhà thờ, cũng đã dự toán ngôi nhà sắp xây này. Họa đồ toàn bộ gồm phần chính dài 44m, rộng 12m, rồi khu nhà nằm theo hương Bắc – Nam dài 12m, rộng 9m. Toàn bộ khu nhà sẽ xây đó cao 19 m.

[493] Nhà thầu là ông Frederick Bocca, người đã xây nhà thờ thánh Phanxicô Salê. Công trình bắt đầu khoảng giữa mùa hè.

[494] Khi xây dựng lại vào năm 1929, người ta khám phá ra căn nhà ông Bocca xây này được xây với rất ít vôi. Sau cuộc thanh tra, ông Bocca bị phạt vì có những lỗi lầm khi thi công. Don Bosco rất tế nhị không nói tên của ông ta ra.

[495] Nhà khi đó chỉ gồm có cánh đối diện với nhà thờ thánh Phanxicô Salê.

[496] Cha Carlo Cays, quận công xứ  Giletta và Caselette (1813-1882). Tiến sĩ luật, góa vợ năm 32 tuổi, Hội trưởng Hội thánh Vinh Sơn, giáo lý viên và ân nhân của các Nguyện xá của Don Bosco, Đoàn trưởng Đoàn thánh Lu-y trong nhiệm kỳ 1853-1855. Từ năm 1857-1860 là thành viên quốc hội Nam- Alpinô, và kể từ năm 1878, là linh mục salêdiêng, trước tiên làm Giám đốc nhà Challonges (Savoia), sau được gọi về Tôrinô phụ trách Nguyệt San Sách đọc Công giáo.

[497] Chương trình của Nguyệt san Sách đọc Công giáo gồm:

  1. Sách đơn sơ, lời lẽ bình dân, hoàn toàn nói về đạo Công giáo.
  2. Mỗi tháng ra một tập 100 tới 108 trang…
  3. Giá báo cho 6 tháng… 12 tháng…
  4. Những ai giúp đỡ…, thì gửi miễn cước phí bưu điện miễn là đạt tới số bản là 50…
  5. Trả tiền báo qua các Đức Giám mục bản quyền sở tại. Chúng tôi xin gửi danh tánh và địa chỉ…
  6. Tại miền quê, có thể trả tiền cho các nhân viên do các Đức Giám mục chỉ định…
  7. [Đáp ứng nguyện vọng của Đức Giám mục Ivrea, có thay đổi nội dung của số 2: Mỗi tháng ra hai tập, nhưng số trang không tăng].

[498] Quán này là một quán nhậu, tuy nhiên nó được nâng lên thêm một tầng nữa. Người ta đến đó bằng con đường Cốttôlengô. Căn nhà vẫn còn, tuy nhiên đã được nâng lên thêm một lầu nữa. Ta đến đó theo lối vào từ căn nhà số 34, đường Cốttôlengô, thông qua một cái sân nhỏ. Trong những tháng cuối cùng của cuộc sống của mình, Don Bosco đã đi qua đó và đã chỉ cái quán nhậu đó cho những người đi theo ngài, và nói: “Đây là căn phòng ăn hạt dẻ!”

[499] Asti, quê hương của Don Bosco, nổi tiếng với thứ rượu riêng của mình.

[500] Đội cảnh sát này mang súng carabin nên tiếng Ý gọi là các “carabinieri”, đội quân cảnh sát này do vua Emanuele I lập.

[501] Khoảng 6 giờ tối vào buổi chiều hôm sau cuộc tấn công  được nói đến đó.

[502] Người bạn lâu dài của Don Bosco đây là Kỵ sĩ Được Tin tưởng (Commendatore) Duprè chỉ can thiệp khi tên sát nhân mưu sát Don Bosco lần thứ hai bằng giao găm, có Gioan Cagliero chứng kiến (BM IV, 490).

[503] Số tiền tổng cộng 160 frăng này tương đương với 650.000 lire (1986), tức khoảng 450 USD.

[504] Thay vì cho hai người đi theo, Don Bosco đã cho bốn người đi theo ngài.

[505] Buzzetti nhớ lại rằng “bá tước Fassati đã đưa Don Bosco về nhà bằng xe ngựa. Không gặp được Don Bosco, Con Chó Xám đã đến hình như để bảo đảm cho Don Bosco rằng nó đã đợi Don Bosco với một sự trung thành thường lệ của nó.” (BM IV, 500). Một linh mục Tôrinô là cha Philip Durando vào năm 1920 có kể cho cha Alberti, một linh mục truyền giáo Salêdiêng, là chính ngài đã thấy Con Chó Xám ở trong nhà cơm khi ngài ăn cơm tối với Don Bosco (M.B., XVIII,8).

[506]  Câu chuyện Con Chó Xám thật là dị thường. Nhưng Don Bosco nói ngài chỉ nói lên thuần túy sự thật, và nói cho các con cái ngài nghe. Năm sáu người khác cũng đã thấy Con Chó Xám, như Giuse Buzzetti, Micae Rua, Gioan Cagliero, GB Francessia (BM IV, 496- 502; Francesia, Vita breve e popolare, p. 179). Khi viết Hồi ký Nguyện xá, Don Bosco nói lần cuối cùng ngài thấy Con Chó Xám là vào năm 1866. Thế nhưng vào năm 1883, ngài còn thấy Con Chó Xám một lần nữa  khi từ Ventimiglia trở về Vallecrosia (MB XVIII, 8). Ngài đã kể về chuyện xem thấy Con Chó Xám lần đó trong năm sáu lần, có các nhân chứng đã từng được nghe Don Bosco kể như bác sĩ Charles D’ Espiney (MB VVI,36; XVIII, 10), và cha Secondo Gay, cha xứ nhà thờ thánh Silvester tại Asti.

Vậy con Chó Xám thực chất là gì? Henri Ghéon đã viết: “Chúa quan phòng đã có thể dùng một con chó. Một thiên thần cũng có khả thể xuất hiện dưới hình một con chó. Còn ít nhất chúng ta cũng phải nói rằng con vật này đã ngửi hơi rất thính về sự thánh thiện của Don Bosco, và đã chiến đấu để bảo vệ cho sự thánh thiện ấy. Nếu đây là một phép lạ, thì bạn cũng đừng ngạc nhiên, vì trong đời Don Bosco còn rất nhiều phép lạ khác.” (Secret of the Saints [New York: Sheed & Ward, 1951], p. 358). Chẳng có gì lạ nếu Thiên Chúa sai một kẻ đến để che chở cho con người từng đứng ra che chở cho các thanh thiếu niên. Nhưng bởi vì Con Chó Xám kích thích sự tò mò của chúng ta một cách ghê gớm, nên chúng ta vẫn muốn biết nó là gì? Trong năm 1870, Don Bosco đã từng nhận định, “Nghe thực tức cười nếu ta gọi đó là một thiên thần, dẫu vậy, đây không phải là một con chó bình thường…” (BM X, 177). Một hôm, vào năm 1883, ở Marseille, trong một gia đình các ân nhân, Don Bosco có kể là ngài mới gặp ông bạn bảo vệ trung thành thời xưa của ngài trên con đường từ Ventimiglia. Bà ân nhân kinh ngạc mới nói với cha rằng Con Chó Xám đó quả có quá nhiều năm tuổi mà một con chó thường không thể có. Don Bosco mới trả lời: “Hay nó là con hay cháu của Con Chó Xám đấy”. Nhưng Don Bosco nói bằng giọng vui đùa và tươi cười như để tránh né đi sâu vào vấn đề. Thế nhưng chúng ta có thể cầm chắc là Con Chó Xám không có dòng giống tiếp nối sau nó.

Chính các sơ Salêdiêng cũng nói chắc rằng họ đã cảm nghiệm được sự che chở của Con Chó Xám trong ba dịp trong thời gian giữa 1893 và 1930 (MB XVI, 36-37).

Có người đã nói nơi Don Bosco sự phi thường trở thành bình thường. Ít nhất có một dịp ngài đã hóa các hạt dẻ ra nhiều (BM III, 404-406), và các ổ bánh mì để ăn sáng (BM VI, 453-455); ngài đã hóa mình thành ra nhiều năm sáu lần (BM III, 311-312); VI, 580-581; VII, 388-389; MB XVII, 520-521). Có những lần ngài ở hai nơi một lúc (BM  VII, 290-291; XIV, 552-555; MB XVIII, 34-39). Các ví dụ về các lần ngài tiên báo các cái chết và các sự kiện tương lai, các lần ngài chữa khỏi bệnh (ít là 60 trường hợp), việc ngài biết được các lương tâm và các sự kiện xảy ra ở cách hằng ngàn dặm, là nhiều lắm và có nhiều người làm chứng. Facebook Google Plus Twitter Linkedin PinterestCopyright © 2022 Ban Truyền Thông Sa-lê-diêng thiết kế – donboscoviet.info

For using stickyPanel positions

Special positions are: stickyPanel, stickyBar, You can use them for any module type. For using this, please go to Module Manager and config your module to your desired position.

You can control module by:

  • Go to Administrator » Template Manager » Your_Template » Tab: Tools utilities » Use Sticky SlidePanel (no/left/right)
  • Go to Administrator » Module magager » Your_Module(by postion: stickyPanel)

TEMPLATE SETTINGSReset

Theme Colors

BlueCyanIndigoOrangeCerulean

Layout

Wide Boxed Framed RoundedPatterns for Layour: Boxed, Framed, Roundedpattern1pattern2pattern3pattern4pattern5pattern6pattern7pattern8We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving conse

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *