Giáo dục Hôm nay cho Ngày mai

 

LỜI TỰA

Biết ở lại trong lãnh vực ‘cái ít’  đó là tất cả sự tự chế của nhà giáo dục …Và tất nhiên ‘ít’ thì không phải là nhiều nhặn gì đối với ‘tất cả’ nhưng đối với “số không” thì chẳng  phải là quan trọng hay sao ?  Jean –Marie Petitclerc đã tung ra câu hỏi này nơi phần kết luận cuốn sách, và câu hỏi này thấy rằng nó rất có ý nghĩa đối với cuộc tìm tòi của ông. Trước hết nó lập tức nêu lên những giới hạn của những trang này, không có cao vọng trở thành một khảo luận về giáo dục, nhưng chỉ là một suy nghĩ, mời gọi những ai có trọng trách giáo dục hãy xem xét cẩn thận hơn về cách thức của mình. Sau là cuốn sách muốn kêu mời độc giả hãy ra khỏi cách đặt vấn đề như  kiểu ‘hoặc là … hoặc là’.

Quả vậy, tôi thấy hình như đó là một ý lực của nền giáo dục do J.M. Petitclerc trình bày : một phương thức giáo dục nhân bản và theo phúc âm, hiệp nhất mà vẫn tôn trọng những nét khác nhau, hoặc căn cứ trên những vẻ khác nhau mà vẫn làm cho hiệp thông với nhau. Nhà giáo dục phải là người biết đập tan những kiểu lựa chọn sai lầm, nhìn hành động theo những cách lựa chọn giả dối ‘hoặc cái này … hoặc cái kia’ ; giáo dục là thực hành lối sư phạm của cái ‘và’, hay tốt hơn, của cái ‘ở trong’, một cái ‘ở trong’ không dấn tới cái lờ mờ bất phân nhưng sẽ đào sâu và khớp lại các sự khác biệt. Bốn ví dụ sau đây sẽ giúp hiểu được điều có vẻ như trừu tượng nhưng thực ra sẽ chi phối hành động giáo dục trong những gì làcụ thể nhất, là thường nhật nhất : 

  • Tình thương, hoặc pháp luật. Đó là một sự lựa chọn mà rất nhiều người thời nay muốn dồn chúng ta vào. Môt cách đầy tính thuyết phục, J.M. Petitclerc cho thấy rằng nếu tình thương là căn bản của mọi nền giáo dục xứng với tên gọi này, thì không có tình thương nào mà không có luật pháp, cấm kỵ , quy tắc. Yêu thương thanh thiếu niên không phải là mời gọi các em sống ngoài luật pháp. Trái lại, đó là giúp các em đứng vào chỗ của mình trong một môi trường xã hội được cấu trúc bởi những cấm kỵ căn bản, đồng thời làm cho các em khám phá ra rằng niềm kính trọng của ta đối với tha nhân bao giờ cũng đi xa hơn pháp luật. Thái độ giáo dục đích thực là thái độ đề cao tình thương trong pháp luật, và luật pháp trong tình thương.
  • Tiếp cận thanh thiếu niên ở một phần thôi nhưng đạt hiệu qủa, hoặc tiếp cận cách toàn diện nhưng mù quáng. Ví dụ thứ hai của chúng ta dành cho chúng ta, mặc dầu xã hội đó không phát biểu điều đó cách tàn nhẫn như thế. Biết bao thanh thiếu niên tỏ ra chán không muốn sống, vì phải ‘qua tay’ quá nhiều nhà chuyên môn, gây nguy hại cho tính thống nhất nội tâm của các em ! Trái lại quá nhiều nhà giáo dục, vì sợ các khoa học nhân bản một cách vô lý, đã ngăn cản không cho các em lợi dụng một sự can thiệp của những nhà chuyên môn ! J.M. Petitclerc đã tránh cả hai thứ cạm bẫy này. Theo gương Don Bosco mà ông là đệ tử, ông không muốn coi cậu bé ‘bị bạt tai’ là ‘một trường hợp’ dành cho nhà chuyên môn, nhưng coi cậu là một con người theo tất cả mọi chiều kích, kể cả chiều kích tôn giáo. Và cũng như Don Bosco,  ông không than phiền về thời đại của mình, nhưng gắng tìm ra những cơ may về giáo dục mà thời đại này mang lại. Vậy mà, nhờ ánh sáng mà chúng mang tới, các khoa học nhân bản là thành phần của những cơ may này. Bởi vậy những trang sách này đón nhận một cách khá phê phán những tiếp cận của nhà chuyên môn cùng với sự sáng suốt khó tính và sự hữu hiệu của các sự can thiệp của họ. Nhưng những tiếp cận này phải được đúc kết lại trong một cuộc nghiên cứu mà cả ê-kíp luôn luôn chú tâm đến việc đón nhận em thiếu niên đó trong tính toàn bộ của em.
  • Giáo dục, hoặc phúc âm hoá. Sự lựa chọn thứ ba mà một số kitô hữu của xã hội tục hoá của chúng ta đã phát biểu. Ở đây cũng vậy, tập tiểu luận này cho thấy một lựa chọn như thế rất đáng nghi ngờ cả về thần học lẫn về mục vụ. Giáo dục và thấm nhuần phúc âm là hai công việc phải hội nhập vào nhau mà vẫn giữ được tính khác biệt nhau. Giáo dục là mang tin mừng của một vị Thiên Chúa đã đến để ưu tiên lo cho ‘những kẻ bé mọn’và những người bị hất hủi. Loan báo phúc âm là kiêu mời người ta bước theo vị Thiên Chúa đãkhởi xướng một cuộc xuất hành ‘ra khỏi xứ sở của cảnh nô lệ’, nói cách khác, đó là thực hiện ‘một sự dẫn ra khỏi.
  • Tất cả, hoặc không gì hết. Đây là lựa chọn thứ bốn đang rình rập những nhà giáo dục chưa thoát khỏi những mơ tưởng của một nền giáo dục toàn năng. Và có thể phải nói thêm rằng nó đặc biệt rình rập nhà giáo dục kitô giáo. Ông ta chẳng đang đi tìm một tuyệt đối là gì ! Phải chăng ông ta bị cám dỗ nói rằng: “Bao lâu chưa cho tất cả, là chưa cho gì hết ?” Với óc hiện thực tác giả đã tố cáo những ước nguyện mơ hồ đang nấp dưới những thái độ hoặc những lời lẽ như thế. Theo ông, giáo dục là làm từng phần. Cũng như tìm kiếm Thiên Chúa không phải là tìm kiếm một tuyệt đối (nghĩa là một hữu thể không có bất cứ một liên hệ nào với bất cứ vật gì). Nhưng đó là khám phá ra bản chất của Thiên Chúa là tình thương, là liên kết, là trao đổi, là đàm đạo với, là say mê tha nhân.

Tóm lại, tôi nghĩ có thể nhận ra rằng cuốn tiểu luận giáo dục này đã rút được sức mạnh của nó từ niềm xác tín căn bản sau đây, rất phù hợp với cốt lõi của Kitô giáo : yêu mến Thiên Chúa, là yêu mến những giới hạn con người của tôi, bởi vì trong con người, Chúa Giêsu là tình thương vô biên, đã dám nhận và biến hoá các giới hạn đó .

Năm nay, 1988, đang kỷ niẹâm một trăm năm ngày qua đời của nhà giáo dục đại tài là thánh Gioan Bosco (1815 – 1888), tôi rât hân hạnh được giới thiệu những trang sách của một người anh em Salêdiêng. Ước mong những trang sách này có thể giúp quý vị độc giả nam nữ trở thành những người mang hy vọng đến cho các em thiếu niên, đặc biệt là những người nghèo khó hơn .

Paris, ngày lễ thánh GIOAN  BOSCO

31 tháng 1 năm 1988

Lm. Xavier THÉVENOT,  SDB

Giáo sư trường Đại học Công giáo Paris

 

LỜI  NÓI  ĐẦU

Nếu có từ đặc trưng cho thời đại chúng ta, thì tôi tưởng đó là từ khủng hoảng.

Trong suốt cuối thể kỷ XX khái niệm này đã lan rộng ra tất cả mọi chân trời của ý thức con người ngày nay. Không một lãnh vực nào, không một vấn đề nào mà hiện nay không bị ám ảnh bởi ý tưởng khủng hoảng : chủ nghĩa tư bản, xã hội, lứa tuổi, các giá trị tinh thần, tuổi trẻ, khoa học, pháp luật, nền văn  minh nhân loại …

Đối vơí tất cả những đề tài này, hiện nay không còn một sự nhất trí nào hết. Người ta chứng kiến một sự bội tăng những cách nhìn của mỗi người và những quyết tuyên khác nhau. Tất cả các hải tiêu đều trở nên rung rinh, các điểm chuẩn trở thành mờ ảo, và giống như những điểm của khoa hình học biến đổi.

Như triết gia Edgar Morin đã linh cảm từ năm 1975, người ta đang chứng kiến sự tan rã, sự teo lại, sự hoá thạch, thậm chí sự nát rữa vừa của một thế giới không chết đi được, vừa của một thế giới không làm sao nảy sinh ra được. Bởi vậy mới có tình trạng lai căng, hàm hồ, bất định, hỗn tạp, mà vì tính nửa chừng của nó, ta có thể gọi là :

Thời Trung cổ.

Theo gốc chữ của nó, thì từ khủng hoảng (tiếng Pháp) do từ hy lạp ‘krisis’ có nghĩa là lúc quyết định của một quá trình tiến hoá, nhưng hiện nay lại có nghĩa là ‘bất định’ : đó là lúc xuất hiện những xáo trộn, đồng thời sinh ra những lưỡng lự.

Phải chăng đã gấp rút tới lúc, nhất là đối với những người có phận sự giáo dục thanh thiếu niên hôm nay cho ngày mai, phải vượt qua giai đoạn đa dạng của sự bất định này, để tìm ra một sự đồng ý mới trong các dự tính giáo dục?

Nhưng chính lúc khẩn cấp phải đáp lại những thách đố của trào lưu mới, phải đào tạo những con người sẵn sàng vượt qua cuộc khủng hoảng, thì người ta lại chứng kiến một cuộc khủng hoảng cấp tính về giáo dục.

Tôi thấy hình như một dấu chỉ của cuộc khủng hoảng này nằm ở chỗ người ta khi bàn về giáo dục ngày nay, đã quá đề cao tương quan của giáo dục đối với các mục đích và những vấn đề xung quanh hành vi giáo dục là những điểm có xu hướng càng ngày càng trở nên mờ nhạt nơi nhiều nhà giáo dục. Rất nhiều tiểu luận và chứng từ được xuất bản ngày nay đang ca tụng một tương quan giáo dục đầy tính âu yếm và gần gũi : đó là điều chúng ta đáng mừng.

Nhưng, như  Guy Avanzini đã nhấn mạnh , phải chăng chúng ta đang chứng kiến một sự biến chất thật sự của tương quan giáo dục, khi nó bị giảm xuống thành một thứ kinh nghiệm sống tình cảm, vì nó không còn biết đến một cứu cánh, hoặc không còn công nhận một qui tắc nào nữa. Dù quý giá và có giá trị trị liệu, cũng nên nói thẳng ra rằng kinh nghiệm sống tình cảm không thật sự có tính giáo dục.

Câu hỏi mà chúng ta khẩn cấp phải trả lời là : vào lúc có cơn khủng hoảng cấp tính của xã hội chúng ta, ‘giáo dục hôm nay cho ngày mai’ là gì ?

¯¯¯¯¯

Bất cứ kitô hữu nào cũng phải thấy mình bị chất vấn bởi câu hỏi trên đây, một câu hỏi rất thời sự, vì hiện nay hơn bao giờ hết, người ta tranh luận rất nhiều về giáo dục.

Bởi vì, như đức Gioan Phaolô đã nhấn mạnh trong diễn văn của ngài đọc ngày 02 tháng 06 năm 1980 tại diễn đàn UNESCO, ‘vấn đề giáo dục, công tác số một và chủ yếu của văn hoá nói chung, và của bất cứ nền văn hóa nào vẫn luôn luôn được gắn liền với sứ mạng của giáo hội.

Ở thời đại mà đứa trẻ chưa có một quy chế xã hội nào hết (theo sau Philippe Ariès, nhiều sử gia ngày nay coi quan niệm trẻ em chỉ xuất hiện sau thế kỷ XVIII. Trước đó, các em phải sống như những người lớn thu nhỏ lại ). Chúa Giêsu đã chẳng tỏ lòng đặc biệt yêu thương các em đó sao ? Khi các môn đệ Ngài la rầy những người để cho các em tới gần Ngài, Ngài đã phấn nộ và nói : “Hãy để các trẻ em đến với Thầy đừng ngăn cản các em, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như  các em” (Mt 10. 14).

Theo gương Thầy mình, giáo hội đã luôn luôn chú ý rất nhiều đến các trẻ em.  Qua các thế kỷ, Giáo hội đã thành lập các trường học ở tất cả mọi cấp, và chính Giáo hội đã khởi xướng các trường Đại học thời Trung cổ tại Châu âu.

Để chỉ nói đến những Kitô hữu đã lo việc giáo dục trẻ em ở miền Normandie, vừa là quê quán vừa là nơi hoạt động tông đồ của tôi, tôi xin kể tên những vị mà tôi đã học được rất nhiều điều.

– Gioan Baotixita de la Salle, qua đời tại Rouen năm 1719, sau khi đã mở ra các trường học tại Reims, tại Paris và tại Roma, và sau khi đã thành lập ‘Hội các sư huynh các trường Kitô giáo’ năm 1684. Ngài là người đầu tiên, tại Pháp, đã lo cống hiến cho con nhà bình dân một nền giáo huấn bình dân đích thực, chớ không phải một nền giáo huấn sao chép của ‘nền văn học hy lạp’ thời đó.

– Gioan Eudes, sinh tại Ri trong quận Orne. Năm 1643 ngài thành lập Hội dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria, chuyên lo cho các Chủng viện, nơi đào tạo ra các Linh Mục tương lai. Ngài qua đời tại Caen năm 1680 sau khi đã thành lập các Chủng viện tại Caen, tại Coutances, tại Lisieux và tại Rouen.

– Các chị em Jaouen ở Lisieux đã mở ra tại Lisieux năm 1683 ngôi trường đầu tiên của ‘Chúa Quan Phòng’ dành cho các trẻ gái nghèo. Hội dòng này vừa mới mừng kỷ niệm ba trăm năm thành lập của mình và hiện đang điều hành nhiều trường học và nhà trẻ tại Normandie và bên Châu phi.

– Elisabeth de Surville (sinh năm 1680) và Anna Le Roy (sinh năm 1692) đã sáng lập hai cộng đoàn nhỏ các thiếu nữ nghèo, một tại Saint – Lô và một tại Caen để hiến thân lo việc giáo huấn cho các bé gái nhà nghèo khó, và tiếp nhận các thiếu nữ bị kinh miệt nhất ‘đĩ điếm, bị bệnh tâm thần’.

– Sau cuộc cách mạng Pháp, hai Hội dòng Chúa Chiên Lành này, tại Saint – Lô và tại Caen, đã hợp lại thành một, hồi đó, linh muc Phanxicô Jamet mà đức Gioan Phaolô II  vừa tuyên phong lên bậc chân phước, đang là cha tuyên uý của nhà Caen từ năm 1784, đã hiến tất cả nghị lực của mình để lo cho công cuộc của Hội dòng Chúa Chiên Lành, và ngài bắt đầu nghiên cứu việc tái giáo dục những người câm điếc. Ngài đã trở thành người đi tiên phong trong lãnh vực này với việc thành lập một ‘trung tâm cải huấn’ tại Caen năm 1816.

– Hai cô Céleste và Euphrasie Harel, hai cô làm nghề dệt đăng-ten của họ đạo bà thánh Madalêna ở Rouen,  được sự giúp đỡ của cha phó họ đạo, đã bắt đầu tiếp nhận mấy bé gái mồ côi, năm1829. Thế là những nền móng của nhà trẻ ‘Từ Bi’ đã được xây dựng tại Rouen cùng với Hội dòng mang danh hiệu này. Năm 1961, Hội dòng này đã sát nhập vào Hội dòng ‘Chúa Quan Phòng’.                                    

– Năm 1928, linh mục Maurice Robert, cha sở họ Épron bé nhỏ ở ven thành phố Caen, đã mở ra cô nhi viện thánh Têrêsa tại Épron, để tiếp nhận và giáo dục các trẻ em bị bỏ rơi, những em mà không nơi nào muốn nhận. Năm 1971, cô nhi viện này được đổi thành trung tâm các thiếu niên có vấn đề, và từ đó trung tâm này đổi  tên vị sáng lập của mình.

Và bởi vì từ mười hai năm nay, tôi đã quyết tâm bước theo ngài, mặc dù ngài đã không bao giờ làm việc tại miền Normandie này, nhưng hiện nay sáu mươi đệ tử của ngài đã đến ở đây tiếp tục sứ mạng của Ngài Gioan Bosco (1815 – 1888). Ngài là một linh mục của thành phố Torino. Ngài đã bàng hoàng khi thấy những thiếu niên lang thang trên các thành phố của thủ đô xứ Piémont, không có gì nuôi thân và cũng không có một tình thương nào hết. Thấy rằng nếu không có ai đứng ra giúp đỡ chúng, chúng sẽ vào đầy các nhà tù, mà ngài đã nhiều lần đi thăm các nhà tù và đã xúc động sâu xa, nên ngài quyết hiến cuộc đời mình để lo việc giáo dục các em đó, và ngài đã thành lập hội (thánh Phanxicô đệ Salê) năm 1857. Ngày nay các Salêdiêng của Don Bosco đang có mặt khắp thế giới, lo phục vụ cho việc giáo dục và loan báo phúc âm cho thanh thiếu, nhất là những em xấu số nhất.

Đúng thế, ngay từ đầu, và cả trong những thời đại xáo trộn nhất của lịch sử, các Kitô hữu vẫn quảng đại dấn thân vào lãùnh vực giáo dục, không chỉ trên bình diện nói và viết, nhưng nhất là trên bình diện hành động cụ thể và thường nhật.

¯¯¯¯¯

     Bởi vậy, theo vết chân của biết bao Kitô hữu thời danh hoặc vô danh đã hoạt động và bàn luận về lãnh vực giáo dục (ngay từ bây giờ tôi muốn nhấn mạnh về sự phải đồng thời có cả hai điều này, vì tôi thấy, trong lãnh vực này, chỉ lời nói nào có dựa vào thực hành mới đáng coi là trung thực), tôi cũng muốn đưa ra một lời bàn có tính hiện thực.

Xin bạn đọc hiểu cho, tôi không có ý viết ra ‘một biên khảo về nền giáo dục Kitô giáo’ (tôi không bao giờ có ý nghĩ như thế), nhưng với tư cách một kitô hữu dấn thân vào thế kỷ của mình, tôi muốn góp một lời bàn hiện nay về giáo dục.

Một lời bàn về tham vọng chăng ? Có thể lắm !… nhưng tính khẩn trương của giáo dục mà chúng tôi vừa nêu lên ở trên, kêu gọi người kitô hữu chúng ta phải ra khỏi sự dè dặt của mình để tiếp tục lớn tiếng và mạnh mẽ làm chứng nhân cho dự án của Thiên Chúa về con người, và kỳ vọng duy nhất của tập tiểu luận này là làm nảy sinh những sự lên tiếng khác.

Mặc dù lời lẽ của tôi nhất định sẽ mang màu sắc của việc đào tạo bản thân tôi, cũng như của những nghiên cứu mà tôi đang theo đuổi trong nghành khoa học nhân bản, tôi quyết chí sẽ tránh dùng những từ ngữ chuyên môn trong tác phẩm này, nếu là những từ chỉ các nhà chuyên môn mới hiểu được.

Xin các nhàgiáo dục chuyên môn đồng nghiệp của tôi hãy tha thứ cho những lời lẽ mà đôi khi họ cho là quá sơ lược, bởi vì  tôi không muốn loại trừ một ai, và tôi muốn thưa chuyện với tất cả những ai, ở tất cả bình diện trách nhiệm nào, đang trực tiếp dấn thân vào hành động giáo dục hằng ngày.

  • Đó là các phụ huynh. Họ là những người bị liên hệ trước tiên, và họ biết chắc rằng hiện nay giáo dục một em bé, một thiếu niên, không phải là việc dễ chút nào. Những gì họ đã học được nơi cha mẹ của họ ngày kia thì hiện nay, đôi khi rất khó truyền đạt cho con em họ, vì thế giới đã thay đổi … và thay đổi quá lẹ!
  • Đó là các nhà giáo. Các vị này ý thức rõ ràng rằng vai trò của mình không hạn hẹp ở chỗ truyền đạt một mớ kiến thức …
  • Đó là những nhà sinh hoá và những nhà giáo dục đang dấn thân vào những phong trào hoặc đoàn thể thanh thiếu niên, với tư cách là những chiến sĩ hoặc những nhà chuyên môn.

Cùng với tất cả các bạn, tôi muốn cắm vài cọc mốc cho việc thực hành nền giáo dục Kitô giáo … Độc giả sẽ đánh giá xem việc làm của tôi có đạt không … ! Kỳ vọng duy nhất của tôi khi xuất bản những trang sách này, chỉ là khơi lên những phản ứng mà ngay từ lúc này, tôi nóng lòng mong đợi !

CHƯƠNG 1

TIẾN TỚI MỘT SỰ THỰC HÀNH KITÔ GIÁO CỦA CÔNG VIỆC GIÁO DỤC

 Cũng như  người nghệ sĩ kitô giáo tốt nhất không tất nhiên là người thực hiện những bức họa có đề tài tôn giáo, hoặc người hát trong nhà thờ, nhưng là người nghệ sĩ biết trình bày nghệ thuật của mình, cái nhìn của mình, dưới ánh sáng của Thiên Chúa tỏa ra trên các hình thể của thế giới, thì cũng vậy, nền giáo dục sẽ không là kitô giáo ở chỗ nó bàn về những người đã được rửa tội, hoặc ưu tiên cho những cơ hội dạy về tôn giáo. Một nền giáo dục là kitô giáo, trước hết vì nó tỏ ra cố gắng chú ý và đón nhận ơn kêu gọi toàn diện của con người đã được Thiên  Chúa gọi đích danh, sau là vì nền giáo dục đó đã đáp lại lời kêu gọi đó, cho phần vụ của mình và theo công tác riêng của mình. 

Tôi đã chọn câu hỏi này của Margue rite Iéna làm tiêu đề cho chương I này, vì câu này dọi một ánh sáng tốt lành cho cuộc tranh luận mà chúng tôi đề nghị phải diễn ra về tương quan giữa hành động giáo dục và sự dấn thân kitô giáo.

Chúng ta đừng hạ giảm việc giáo dục kitô giáo thành  việc dạy giáo lý, như một số người bị cảm dỗ làm. Dạy giáo lý là một việc quan trọng lắm, nhưng đó không phải là đối tượng của tác phẩm này. Các kitô hữu đó không phải là sứ mạng dạy giáo lý mà thôi : họ còn phải dấn thân vào lãnh vực rộng lớn của giáo dục …

CÓ THỂ NÓI ĐẾN MỘT NỀN GIÁO DỤC KITÔ GIÁO CHĂNG?

Theo nghĩa rộng này, người ta có thể nói đến một nền giáo dục kitô giáo chăng ? Riêng tôi, tôi nghĩ  là không, và tôi nghĩ  rằng tốt hơn nên nói đến một, hoặc nhiều cách thực hành kitô giáo của việc giáo dục, dựa trên một cái nhìn kitô giáo về con người .

Xin phép tôi lấy một thí dụ như  việc làm chính trị. Dầu thoạt tiên sự so sánh có vẻ kỳ lạ, nhưng nó không kỳ cục chút nào. Giáo dục và chính trị có chung một điểm, là “không làm” cũng là một cách làm. Ai nói mình không làm chính trị, thì người đó đã chủ trương một đường lối được coi là chính trị, người ta thường thấy rằng, khi có thay đổi màu sắc chính trị của chính phủ, những người trước đó vẫn to tiếng tuyên bố không dây mình vào chính trị, lại bắt đầu làm chính trị. Và điều này rất dễ hiểu. Trong việc giáo dục cũng vậy, khi một nhà giáo dục chọn không giáo dục (nghĩa là chọn buông thả hoàn toàn), thì thật sự ông ta đã thực hành một lối giáo dục rồi đó.

Nhưng xin hãy trở lại việc so sánh của chúng ta. Không có ‘một nền chính trị kitô giáo’ được nhập thể nơi một đảùng phái duy nhất tự xưng là kitô giáo. Bởi vì chính trị không phải là một đường lối hành động để đạt được một mục đích : đó là xây dựng một kiểu xã hội. Làm chính trị chính là chọn những phương tiện, những kỹ thuật, những sách lược đạt được mục đích đó.

Phúc âm đã cho chúng ta những chỉ dẫn về mục đích, còn về các phương tiện thì chúng ta chẳng thấy mình ở trong sự hoàn toàn tương đối, và có thể có nhiều quyết tuyển khác nhau đó sao ? Tuy nhiên điều cần thiết là các phương tiện này không trái nghịch với các mục tiêu. Tôi cho điều kiện này tuyệt đối cần thiết, và như  vậy nó giới hạn khả năng chọn lựa của chúng ta.

Như vậy không có một nền chính trị kitô giáo duy nhất, nhưng là một, hay đúng hơn, nhiều cách thực hành kitô giáo của sự làm chính trị, dựa trên cái nhìn kitô giáo về các quan hệ xã hội (kính trọng các nhân quyền, công bằng, liên đới), và sử dụng những phương tiện không trái nghịch với cái nhìn đó.

Cũng vậy, theo tôi nghĩ thì không có ‘một nền giáo dục kitô giáo’ nhưng có một, hay đúng hơn, có nhiều cách thực hành kitô giáo của việc giáo dục, dựa trên cái nhìn kitô giáo về con người, và không sử dụng những phương tiện, những kỹ thuật trái nghịch với cái nhìn đó. Ở đây cũng vậy, phúc âm nói cho ta nghe dự tính của Thiên Chúa về con người, nhưng không dạy ta điều gì về các phương tiện giáo dục.

DỰ TÍNH CỦA THIÊN CHÚA VỀ CON NGƯỜI

Vậy đâu là cái nhìn kitô giáo về con người ? Đâu là dự tính của Thiên Chúa về con người ? Để có thể làm nền tảng cho một sự thực hành việc giáo dục ?

Khi lên tiếng tại diễn đàn UNESCO ở Paris, ngày 02 tháng 6 năm 1980, Đức Gioan Phaolô II đã nói về vâán đề này như sau : giáo dục là làm cho con người càng ngày càng trở nên người hơn, càng có thể ‘là’ nhiều hơn, chớ không chỉ là có thể ‘có’ nhiều hơn, nghĩa là qua tất cả những gì con người ‘có’ và ‘sở hữu’, con người biết ‘là’ người cách đầy đủ hơn. Muốn được như thế, con người phải biết ‘là nhiều hơn’ không những ‘với những người khác’ nhưng còn là ‘cho những người khác’.

Chúng ta có thể tóm tắt bằng cách nói rằng dự tính của Chúa về con người, là con người phải là cách tròn đầy và đó là nhiệm vụ giáo dục của một kitô hữu.

Bởi vậy, trong lãnh vực này, tất cả những gì có thể được quy định nhân danh Đức tin Kitô giáo, thì cũng phải có thể được biện minh nhân danh con người, và ngược lại. Đó là giả định thần học sẽ hướng dẫn sự suy nghĩ của chúng tôi nơi trang sách này, một sự suy nghĩ sẽ xuất phát từ một cuộc đối thoại thường xuyên giữa các khoa học nhân bản và phúc âm.

Tất nhiên tôi không dám tuyệt đối hóa một luồng tư tưởng như thế. Sự thật thì một điều ai cũng nhận thấy là ngày nay chúng ta đang chạm trán với những lập trường luân lý rất khác nhau. Đứng trước một chủ nghĩa đa quyền về triết học, luân lý và cả thần học nữa, những niềm xác tín của các kitô hữu không còn hiển nhiên nữa. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng những dữ kiện hiện nay của các khoa học nhân bản có thể giúp nhiều cho chúng ta trong việc suy nghĩ về các vấn đề giáo dục. Trái với sự suy nghĩ của một số người tôi thấy có những âm vang đồng điệu rất mạnh giữa những dữ kiện này và những dữ kiện của truyền thống Thánh Kinh : Điều này làm cho người kitô hữu cảm thấy thoải mái trong việc mày mò các dữ kiện như thế. Về phần tôi, tôi vẫn tiếp tục ngỡ ngàng và thích chí trước nội dung của mặc khải, một nội dung tỏ ra phong phú vô tận mỗi khi được khai thác bởi những dụng cụ mới của khoa học ngày nay .

Nếu người ta chấp nhận giả định thần học được nêu lên trên đây, người ta có thể khẳng định rằng tất cả những gì người kitô hữu coi là có giá trị giáo dục, cũng sẽ có một giá trị tích cực đối với những người ngoài kitô giáo. Bởi vậy, tôi ước mong rằng tác phẩm này không những tới tay các kitô hữu, mà còn tới tay các thân hữu vô thần của tôi cũng như những bạn theo chủ nghĩa bất khả tri, là những người chia sẻ cái nhìn của chúng ta về con người một cái nhìn đặt nền trên sự tôn trọng.                                       

MỘT CON NGƯỜI TRONG TƯƠNG QUAN

Làm cách nào tường trình cái nhìn kitô giáo về con người, bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu đối với những người thời đại chúng ta ?

Chúng ta đã quá quen làm việc trình bày này cho thời đại văn hóa mà chúng ta sắp bỏ qua, một thời đại có thể được gọi là ‘thời đại của bản thể’.

Đó là thời đại mà chúng ta cũng có thể xác định là thời đại siêu hình, bởi vì từ Platon đến Hégel, người Tây phương đã cùng nhau tạo nên một nền văn hóa và cùng nhau suy luận rằng ở đằng sau mỗi sự vật vẫn tàng ẩn một thực tại, tuy người ta không thấy được, nhưng vẫn hiện hữu một cách thực sự. Chính trong thời đại này, các kitô hữu đã có dịp suy tưởng về siêu việt, từ trước đến nay.

Thời đại này đã là thời đại của những thuyết nhị nguyên vĩ đại, được tổ chức xung quanh cùng một sơ đồ : một mầm mống tàng ẩn vô hình, với những biểu hiện ít nhiều rõ ràng, được chúng ta nhận thấy trong thế giới : vật chất / tinh thần, sự vật / ý tưởng, thể xác / linh hồn, lời nói / tư  tưởng, thực hiện / ý tưởng.

Như vậy trong thời đại đó, mỗi sự vật có một bên trong, tức một bản thể, và những biểu hiện bên ngoài mệnh danh là các tuỳ thể.

Cái đáng giá đối với thời đại đó, là cái làm cho sống động, làm cho vạn vật trở thành khả niệm, đó là một nền tảng, một cái gì được coi là nguồn gốc để tỏa ra một cái gì là không phải là sự vật, nhưng là một cái lý, một cái làm cho sống động. Những từ then chốt của loại giải thích này là ‘bản thể’, ‘linh hồn’, ‘lý do hiện hữu’, ‘sự thiện’. Gần đây hơn, người ta lại sử dụng những khái niệm như ý thức, nội tâm, tinh thần[1].

Như vậy, để hiểu con người là gì, người ta sẽ tìm hiểu bản thể của con người, linh hồn của con người, tâm linh của con người, ý thức của con người … Người ta sẽ không giải thích hành vi và cử chỉ của con người bằng hiệu quả hoặc bằng tầm quan trọng xã hội của các hành vi đó, nhưng bằng ý hướng tính của chúng .

Sự phát triển mới đây của các khoa học đã đưa chúng ta ra khỏi thời đại này.

Cái hậu phương mà không một ai có thể chỉ cho ta thấy đó là cái gì, dù nó được gọi là bản thể, là linh hồn hoặc ân sủng ? Sự đồng tình của văn hoá về sự hiện hữu của những yếu tố đó, nay không còn nữa, và người ta không có thể biện minh cho lối giải thích đó nữa.

Cùng với những tiến bộ của trí thức ngày nay, thời đại văn hoá mới mà chúng ta vừa bước vào là thời đại của các quan hệ, các tương quan, của hiêp thông : từ nay mỗi sự vật đều được định nghĩa bằng cách thức những liên hệ mà nó có với các sự vật khác.

Điều này đúng cho con người. Bản thân con người là toàn bộ những quan hệ (kinh tế, xã hội, kỹ thuật, tình cảm, ngôn ngữ …) mà họ bị nhét vào, đã bị hoặc sẽ bị nhét vào. Không ai có thể có một ý nghĩa riêng cho mình, không liên quan gì đến các người khác và không liên quan gì với thế giới.

Ngày nay cách thức người ta hiểu con người sẽ ở tại việc nhận ra những quan hệ giữa các yếu tố đó là gì cho chính mình nó. Như vậy chúng ta càng ngày càng ít hiểu con người là một bản thể, nhưng chúng ta sẽ định nghĩa con người bằng cách liên hệ mà mỗi người có với những người khác. Như thế đủ biết tất cả tầm quan trọng của công việc suy tư về ngôn ngữ.

Những tiến bộ của các khoa học về ngôn ngữ và về sự tiếp thông đã dẫn tới một sự đảo lộn hoàn toàn các viễn ảnh, đối với thời đại văn hoá trước đây. Ý tưởng không có trước  ngôn ngữ : nó được hình thành trong và nhờ ngôn ngữ. ‘Ngôn ngữ không phải là một bộ những dấu hiệu qui ước, do con người tạo ra’ ngôn ngữ là ‘nơi xuất phát và là hình thức của tư  tuởng’.

Từ then chốt của thời đại văn hoá mà chúng ta mới bước vào hôm nay, không còn là bản thể nữa, nhưng  là tiếp thông.

Nếu chúng ta đồng ý với Guy Lafon để gọi ‘liên lạc’ là cái môi trường, nơi chúng ta nói, chúng ta nghe, chúng ta đọc, chúng ta viết và cũng là môi trường chúng ta hành động, thì xét cho cùng, chính mối liên lạc này là nét đặc trưng của tình trạng con người chúng ta. ‘Chính nhờ mối liên lạc này mà chúng ta vẫn được lập thành nhân loại, bao lâu chúng ta chưa chết. Nó là nét đặc trưng của tình trạng con người của chúng ta, cũng như tình trạng xã hội của chúng ta’.

Cách quan niệm con người và thế giới như thế nhất định sẽ gây nên một sự đảo lộn đối với quan niệm vẫn thường được chấp nhận trong thời đại trước đây về con người, thời đại siêu hình học, đến nỗi có thể coi đây là cuộc cách mạng Copernic lần thứ hai.

Cũng như ‘cái nhìn thông thường’ vẫn cho rằng mặt trời xoay quanh trái đất, mặc dù chúng ta biết chắc rằng sự thật ngược lại, thì trong vấn đề của chúng ta đây cũng vậy, quan niệm thông thường sẽ còn mạnh mẽ chống lại một nỗ lực phê phán như thế.

Quan niệm thông thường đó vẫn áp đặt chúng ta những điều người ta quả quyết là không chỗi cãi được, đến nỗi xem ra chúng ta không thể sống mà không dựa vào những điều được coi là hiển nhiên đó. Vậy mà những suy tư về các khoa học ngôn ngữ, và về mối tiếp thông của người ta với nhau trong xã hội, sẽ từ bỏ những điều được coi là hiển nhiên đó.

Chẳng hạn, đối với nhận thức thông thường, các chủ thể hiện hữu trước khi có sự họ liên lạc với nhau. Tự nhiên chúng ta nghĩ rằng những thực tại mà chúng ta gọi là anh, tôi, chúng ta, có trước khi chúng ta có thể liên hệ với nhau. Những đại danh từ như tôi, anh, chúng ta, phải chăng đã ghi nhận sự hiện hữu của những chủ thể phải có đó trước đã. Và phải chăng sự có trước này là điều kiện tiên quyết và tất yếu cho mọi thứ liên lạc. Như vậy phải chăng các chủ thể này vẫn cứ hiện hữu, mặc dầu chúng không liên lạc gì với nhau. Những liên lạc của chúng chỉ có sau và là để thêm vào sự hiện hữu của chúng.

Vậy mà những điều hiển nhiên này đang bị sự suy tư hôm nay về mối tiếp thông đặt thành vấn đề. Các khoa ngôn ngữ cho thấy rằng chủ thể nảy sinh nơi liên lạc, nơi mối tiếp thông xã hội.

Để nói một cách đơn giản hơn, chúng ta có thể nói rằng ‘cái Tôi và cái Anh đã cùng nhau nảy sinh’ vì người ta đã nói với tôi, cho nên một ngày nào đó tôi đã có khả năng đáp lại lời đó. Một người mà không ai nói ‘anh’, sẽ không bao giờ có khả năng nói ‘tôi’.

Vậy trong thời đại văn hoá này, khi mà con người không còn được định nghĩa là bản thể nữa, nhưng là một toàn bộ những quan hệ, chúng ta sẽ làm cách nào để triển khai cái nhìn của phúc âm về con người ?

Để trả lời câu hỏi này, nếu tôi phải nói gọn trong một câu – và đây tôi lãnh nhận trách nhiệm về riêng bản thân tôi – nếu phải nói gọn trong một câu  điều gì được tôi coi là chủ chốt của Tin Mừng, bằng thứ ngôn ngữ có thể được người thời nay đón nhận như một Tin Mừng thì tôi xin đưa ra câu này : hạnh phúc không do những gì người ta trao đổi, do những gì người ta ban tặng và lãnh nhận, do những gì người ta chia sẻ … Bởi vì nếu không thể, nếu không được người thời nay đón nhận, thì ta đừng bao giờ quên rằng rao giảng phúc âm là mang đến một Tin Mừng, cho người thời đại mình.

ĐIỀU  QUAN  TRỌNG  KHÔNG  PHẢI  LÀ CÁI  MÌNH  SỞ  HỮU  NHƯNG LÀ  CÁI  MÌNH  TRAO ĐỔI

Chung cuộc có lẽ chỉ có hai hạng người:

  • Những người tin rằng hạnh phúc ở tại những cái họ sở hữu : xe hơi, ngôi nhà để nghỉ hè, bằng cấp, tài sản.
  • Những người nghiệm thấy rằng hạnh phúc phát sinh do trao đổi, do những gì mình cho và mình nhận.

Và chỉ khi thiếu, người ta trao đổi. Bởi vậy người nghèo được coi là hạnh phúc hơn người giàu. Vì sống chết người nghèo cũng phải dấn thân vào vòng trao đổi, còn người giàu vì nghĩ rằng mình có thể thỏa mãn những nhu cầu của mình, cho nên coi đó là thừ. Bởi vậy người nghèo  ở trên đường dẫn tới hạnh phú, còn người giàu thì thậm chí không biết rằng hạnh phúc là một con đường.

Xin hãy nghe rõ điều tôi nói. Tôi nói ở cảnh nghèo, chớ không nói phải yêu sự nghèo khó vì nghèo khó, càng không nói là phải sung sướng vì nghèo. Như thế sẽ là một sự thác loạn : Như linh mục Pierre đã diễn tả rất đúng. ‘Đối với những người sinh ra trong cảnh nghèo khó, đã từng nếm những hoàn cảnh gần như cùng cực, có một thứ mô tả lãng mạn về khó nghèo, cả về bình diện lý tưởng tinh thần, nhưng đó là một thứ mô tả lãng mạn làm cho phát khùng’.

Không. Người ta chỉ có thể thật sự nghèo khó bằng cách đấu tranh chống sự nghèo khó. Nói theo thuật ngữ của một nhà thần học Châu mỹ La tinh, thì sự nghèo khó của KiTô giáo là biểu hiện của tình thương : nó liên kết với người nghèo và phản kháng lại sự nghèo khó.

Nghèo khó là tình thương : hai từ này họa vận với nhau một cách tuyệt diệu, bởi vì nếu có cái gì không bao giờ có thể sở hữu, nhưng chỉ có thể ban và nhận, thì đó là : tình thương. Ai trong chúng ta lại điên khùng nghĩ rằng : tôi có tình yêu của vợ tôi, hoặc tôi có tình thương của người bạn tôi? Nếu người đó tưởng rằng mình sở hữu tình thương, thì người  thì người đó sẽ sớm bước vào con đường đánh mất tình thương.

Bởi vậy tôi lại thích trích dẫn linh mục Pierre một lần nữa. Ông viết, nhân  loại không cơ bản được chia làm hai bên, bên những người được kêu là có tín ngưỡng, và bên những người vô tín ngưỡng,  nhưng mà là giữa những người ‘tự tôn thờ mình’ và những người có hiệp thông[1]. Những người loại trước sẽ ngoảnh mặt đi khi họ gặp thấy đau khổ, những người loại sau thì đấu tranh hết sức mình cùng với những ai đau khổ.

Đối với những người loại trước, những người đặt hạnh phúc nơi những gì họ sở hữu, viễn ảnh sự chết là một cái gì không thể chịu được. Chúng ta hãy nhớ dụ ngôn về người giàu có điên rồ, tự hỏi phải làm gì cho vụ thu hoạch. Tôi sẽ làm như thế này :  Tôi sẽ phá những kho lẫm của tôi, để xây những kho lớn hơ. Tôi sẽ để tất cả lúa mì và tài sản của tôi trong đó. Và tôi sẽ bảo mình rằng : ‘Này, bây giờ mình có rất nhiều của cải để dành cho nhiều năm. Mình hãy nghỉ ngơi, ăn nhậu thỏa thuê’. Nhưng Thiên Chúa bảo người đó rằng : ‘Hỡi tên điên rồ, đêm nay người ta sẽ đòi mạng sống của mi, thì tất cả những gì mi đã chuẩn bị kia, sẽ về tay ai ?’ (Lc 12, 18 – 20).

Còn những người thuộc loại sau, ‘những người biết hiệp thông’ tức là những người đã bước vào sự sinh động của trao đổi và chia sẻ, thì không có gì phải sợ sự chết, đặt tin tưởng vào Chúa Kitô, họ tin rằng những sợi dây của tình thương, của tình bạn và của trao đổi, đã được dệt một cách tốt đẹp trong cuốc sống của họ, sẽ không bị vĩnh viễn tan vỡ do sự chết, bởi vì các mối tình đó mạnh hơn sự chết. Chết  không có nghĩa là chấm dứt  mỗi liên lạc. Và cuộc sống có chiều kích vĩnh cửu, mà vĩnh cửu không có nghĩa là sau này và ở nơi khác, nhưng ở đây và bây giờ, khi họ say mê dấn thân vào cuộc trao đổi.

  ‘Hạnh phúc thay những người có tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ’ (Lc 5,3).

CHƯƠNG 2

GIÁO DỤC  –  MỘT CON ĐƯỜNG

Giáo dục là gì?

Chúng ta hãy để ý đến gốc rễ của từ này : thường khi nhờ đó mà ý nghĩa hiện ra rõ ràng. Tiếng La tinh: ‘E-ducere’ (gốc của từ giáo dục bằng tiếng pháp) có nghĩa là ‘đưa ra khỏi’. Vào thời đại La-mã còn đời sống thôn dã và tiếng La tinh là tiếng nói của dân chăn cừu, thì ‘E-devere’ chỉ có nghĩa rất đơn sơ là bước đi trước đàn cừu của mình để dẫn chúng ra ngoà. Đó cũng là ý nghĩa mà từ này còn giữ lại trong Phúc âm, vì trong dụ ngôn người mục tử tốt lành, ta thấy người mục tử gọi các con cừu của mình bằng tên của mỗi con, và đưa chúng ra khỏi : Vocat  nominatim  et  educit  eas (Jn 10. 3).

Đó là gốc rễ của từ. Vậy giáo dục có nghĩa là dẫn ra khỏi, dẫn ra khỏi tình trạng thiếu nhi, mà đặc trưng là ‘không có lời nói’ chưa biết nói (tiếng La tinh ‘infans’, gốc của chữ  ‘enfans’ có nghĩa là chưa biết nói).

GIÁO DỤC CHỚ KHÔNG DỖ DÀNH

Tôi muốn đối chọi ngay từ educere (éduquer, giáo dục) với một từ có gốc rễ rất giống như thế : đó là  se-ducere (sédeire, dụ dỗ, dỗ dành), vì nhiều khi nhờ những so sánh như  thế mà ý nghĩa được nêu rõ hơn.

Tất nhiên, trong mọi giao tiếp, nhất là giao tiếp giáo dục, bao giờ cũng có những quá trình dụ dỗ.

Ai trong chúng ta dám quyết rằng mình không có lần tìm cách dỗ dành, dụ dỗ, khi mình phải nói với một thiếu niên hoặc một nhóm thiếu niên ?

Điều quan trọng là nhà giáo dục phải có ý thức về các quá trình đó, đừng có bị mê hoặc, nhưng phải tự  chế ngự. Giáo dục là ‘dẫn ra khỏi’, chớ không phải ‘dẫn về mình’.

GIÁO DỤC LÀ MỘT SỰ SANG QUA

Giáo dục là dẫn ra khỏi tình trạng thiếu nhi, tình trạng của sự lệ thuộc chặt chẽ (đứa bé hoàn toàn lệ thuộc vào mẹ nó và nó ước muốn tái tạo sự hiệp nhất với mẹ nó),  để đưa nó tới tình trạng của một chủ thể có khả năng đối lập, làm việc, giao tiếp và có khả năng thực hiện hình thức cao nhất của giao tiếp giữa hai con người là : tình yêu. Đó, mục đích của giáo dục là thế.

Mục đích của giáo dục là một sự sang qua, bước qua tình trạng của một chủ thể có khả năng giao tiếp và yêu thương. Sự sang qua này không phải công việc của một lúc nhưng phải được tiếp tục mãi, vì không phải là thứ việc làm một lần là xong luôn. Giáo dục là cả một lịch sử. Giáo dục là biết tình nguyện thời gian.

Nhà giáo dục là người đưa qua chỗ lội. Ông ta là người dẫn đưa các thiếu niên từ bỏ thiếu nhi qua bờ người trưởng thành. Trước hết và trên hết, nhà giáo dục là một người đi với, một người dẫn đường.

THẾ  GIỚI  CỦA  CHỖ KHỞI  HÀNH 

Vì nói đến sự sang qua, nên chúng ta phải dừng chân  chốc lát để nhận định về những đặc trưng của thế giới mình sắp rời bỏ : đó là thân phận đầu tiên của tất cả mọi người chúng ta.

Thế giới của chỗ khởi hành là một thế giới kết hiệp, theo nghĩa ở lúc khởi đầu vẫn có một sự hoàn toàn hoà trộn giữa đứa bé và nguồn gốc của nó là mẹ của nó.

Đó  là một thế giới không có những khác biệt.

‘Quả vậy, thế giới nguyên thủy này không nhận biết hai sự khác biệt lớn nhất ở thế giới này : sự khác biệt của thời gian là cái ghi dấu tất cả cuộc sống của chúng ta, và sự khác biệt của tha nhân là điều chúng ta cần thiết phải chạm trán để sinh sống. Hơn nữa, thế giới liên hiêp này của đứa trẻ không hàm chứa một thứ ‘trung gian’ nào hết, bởi vì trung gian thì giả thiết có những khác biệt. Đó cũng là một thế giới không nhận biết những suy sụt lớn nhất trong cuộc đời của chúng ta : thất bại và sự chết. Sau cùng, thế giới của thiếu nhi là thế giới của mơ tưởng, mơ tưởng của ‘toàn năng’, vì đứa trẻ chưa biết đến những giới hạn của con người và chưa nhận ra tha nhân : nó vẫn tưởng mọi người đều như mẹ nó, và mẹ nó với nó cũng là một. Bởi vậy nó nghĩ rằng không có gì có thể cưỡng lại quyền năng của nó’[1]. 

Phận sự chính của giáo dục là giúp đứa trẻ ra khỏi cái thế giới của nó, để có thể bước vào thế giới của quan hệ với người khác.

ĐỊA  VỊ CỦA  CẤM  KỴ

Muốn thực hiện điều đó, cần thiết đứa trẻ phải hiểu   rằng : cấm, không thể lặp lại sự hoà đồng đã mất kia, và phải dấn thân vào thế giới bên ngoà.

Ở đây người ta thấy ngay tầm quan trọng của cấm kỵ trong lãnh vưc giáo dục. Phải chăng sự không đặt ra những cấm kỵ, hoàn toàn gạt bỏ những cấm kỵ, đã là một trong những nguyên do chính của những thói tư kỷ ?

Cấm kỵ cơ bản là sự cấm kỵ của sự bất phân. Do sự hiện diện của mình, hiện diện thể lý hoặc tượng trưng, một sự hiện diện có giá trị luật pháp, người cha cấm đứa trẻ không được hoà đồng với mẹ nó. Luật pháp này của người cha, không phải chỉ là luật pháp của người cha bằng xương bằng thịt, nhưng nó còn một tầm vóc bao quát hơn nhiều : đó là luật pháp của văn hoá.

Nhờ sự đặt ra xa như thế, đứa trẻ sẽ có thể đạt tới ngôn ngữ, bởi vì nó là đứng cách xa những sự vật mà mình gọi tên. Như vậy, nhờ luật này của người cha, đứa trẻ sẽ có thể có những quan hệ với những người khác.

Ở đây người ta có thể đoán ra những sự tàn phá có thể gây ra bởi những quan hệ loạn luân .

Người ta có thể thấy trong sách Freud phân tách quá trình Ơ-dip, một thí dụ của sự cấm kỵ này đã ngăn chận sự thỏa mãn trực tiếp và mơ tưởng của ước ao. Nói đúng hơn, cấm kỵ này mở đường cho đứa bé đi từ sự khẩn cấp của nhu cầu sinh lý, tới một ước ao bị trì hoãn, chuẩn bị và nhân bản  hóa bởi sự chờ đợi và bởi ngôn ngữ.

Như vậy không có nghĩa là ‘hoàn toàn không thể được’ nhưng đúng như gốc chữ của nó cho thấy, ‘cấm kỵ’ (tiếng Pháp là interdit) là ‘điều được nói giữa người ta với nhau’ : cho nên cấm kỵ mở đường và biến đổi những khả thể bằng cách công nhận sự hiện hữu của những người khác.

‘Như vậy, luật pháp vạch ra cho đứa bé một không gian của mỗi liên hệ giữa những con người với nhau : nó khởi sự dạy cho đứa bé phải công nhận tha nhân, đừng đồng hóa tha nhân, với nhu cầu mà em có về tha nhân, hoặc với sự thoả mãn mà em có thể nhận được nơi tha nhân. Đây là luật pháp giúp em hiện hữu và lớn  lên : nó phân ly và phối hiệp, và nhân đó đưa mầu nhiệm sự chết vào giữa cuộc sống để phục vụ cho sự sống : bởi vì tất cả mọi lựa chọn đều là một sự từ bỏ, và tất cả mọi sự lớn lên đều là một sự lưu đày’.

Để lớn lên, đứa bé phải từ bỏ cái mà nó đang là bây giờ, để đón nhận hình ảnh còn mờ ảo về cái mà nó sẽ là. Mà ta biết không một ai dễ dàng từ bỏ những vị trí của mình. Ở mỗi chặng đường đời của chúng ta, chúng ta sẽ luôn luôn phải bỏ lại sau lưng mình một thế giới nào đó của tuổi thơ.

Nhưng đó là giá mà chúng ta phải trả trong việc công nhận tha nhân. Và chỉ sự công nhận này mới có thể mở đường cho sự tiếp thông và tình yêu.

CHẤP NHẬN SỰ KHÁC BIỆT

Công nhận tha nhân là chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, công nhận tha nhân khác với ta và cũng khác với hình ảnh mà ta tự hào ra về tha nhân. Và đó sẽ là tất cả một cuộc phiêu lưu, bởi vì tha nhân sẽ luôn khác với hình ảnh mà ta tự hào ra về tha nhân.

Sự khác biệt làm cho sợ, nhưng chính sự khác biệt này mang lại sự phong phú. Bởi vì, như chúng ta đã thấy ‘bản chất của mỗi người không ở tại cái mỗi người là cho bản  thân mình, nhưng ở tại những tương quan của mỗi người với những gì không phải là bản thân mình’[1].

Để có thể giao tiếp, trao đổi phải có một sự khác biệt, một sự cách biệt giữa người cho và người nhận. Nếu không sẽ thể giao tiếp. Như vậy đã nói rõ, nói về giao tiếp, trao đổi, quan hệ, cũng là nói về cùng một sự.

Chấp nhận khác biệt (A # B) là từ khước ba thái độ:

  1. Hủy bỏ  A : đó là những thái độ tự sát.
  1. Hủy bỏ B : đó là bạo lực sát nhân, của những người kỳ thị chủng tộc quá trớn.
  2. Thay dấu # bằng dấu = : đó là thái hóa, muốn trở lại sự hòa đồng.

Thực ra đây là ba cấm kỵ chính đã được nêu lên trong những giới răn của Thiên Chúa : tôn trọng mạng sống mình, tôn trọng mạng sống tha nhân và tránh sự hoà đồng lộn xộn.

Ba cấm kỵ này làm nên cấm kỵ cơ bản, là cấm kỵ làm nền cho bất cứ công việc giáo dục nào, như chúng ta đã thấy: cấm kỵ của sự bất phân.

Chấp nhận sự khác biệt, đó là cái giá, là điều kiện cơ bản của công tác giáo dục, nhất là đối với thế giới hôm nay, một thế giới của biết bao hiện tượng bất khoan dung và kỵ thị chúng tộc.

Dạy cho các thiếu niên biết giá trị của cấm kỵ, là thực hiện một việc có giá trị giáo dục cao. Và các thiếu niên, luôn sẵn sàng chống lại bất cứ những gì các em linh cảm là phạm đến sự tự do, sẽ nhận ra giá trị của sự cấm kỵ, vì không những không thu hẹp sự tự do của con người, các cấm kỵ này là nền tảng của tự do.

VAI TRÒ CỦA NHÀ GIÁO DỤC

Nhờ có ba cấm kỵ :

  • ‘Ngươi đừng tự sát’
  • ‘Ngươi đừng sát nhân’
  • ‘Ngươi đừng giả mạo thực tại băbằng các hủy bỏ sự khác biệt’.

Người thiếu niên có thể bước vào vòng sinh động của những trao đổi đối với các chủ thể khác. Và như chúng tôi đã nhấn mạnh, chính trong vòng sinh động này mà cậu thiếu niên sẽ  đầy đủ trở thành người lớn.

Vai trò chủ yếu của nhà giáo dục là dẫn đưa các thanh thiếu niên vào cái vòng sinh động của các sự trao đổi.

Đại diện cho luật chủ yếu (cấm kỵ của sự bất nhân), nhà giáo dục là chứng nhân của tha nhân để tránh cho đứa trẻ khỏi suy thoái. Bởi vậy điều răn quan trọng là nhà giáo dục phải hiểu rõ ràng quan hệ của mình đối với luật này.

Cấm kỵ là sự bất nhân, là cấm kỵ sự giả mạo, cấm kỵ sự dối trá. Người ta không thể thật sự sống bằng cách tự đặt mình vào viêc giả mạo ngôn ngữ, giả mạo sự giao tiếp. Đó sẽ là thác loạn. Đây tôi gọi thác loạn là viện vào luật để hành động trái nghịch với qui định của luật.

Giáo dục bao giờ cũng là tập sống cách trung thực … Và đó là một con đường dài ta phải cùng bước đi cùng với các thiếu niên.

Sống trung thực mối quan hệ giáo dục, là công nhận tha nhân khác biệt với ta, nhưng cũng là công nhận tầm quan trọng của những cơ cấu của sự đồng hoá vẫn thường tác động giữa cậu thiếu niên và nhà giáo dục. Và đồng hoá đây không chỉ là những quá trình công nhận (quan hệ của sự tương tự), nhưng còn là sự tạo nên sự đồng hoá. Đó là một trong những cơ cấu quan trọng nhất của việc hình thành nhân cách của cậu thiếu niên. Bởi vậy nó giữ một vai trò trổi vượt trong bất cứ quá trình giáo dục nào.

Vậy cần thiết nhà giáo dục phải sống cách trung thực, nếu ông ta muốn giữ trọn vai trò của mình, và không bị mê hoặc về khuôn mẫu mà ông ta có thể tượng trưhg trong giai đoạn khác của bước tiến hoá của các thiếu niên.

HAI  CON  ĐƯỜNG:  ĐÀN ÁP HOẶC DỰ PHÒNG

Bây giờ sau khi đã minh định về vai trò của mình, nhà giáo dục thấy mở ra hai con đường để thực hiện, và tôi xin lấy lại sự phân chia các phương pháp giáo dục làm hai loại, như  Don Bosco đã làm.[1]

  • Phương pháp đàn áp nhằm làm cho các thiếu niên biết rõ luật pháp, rồi giám sát để tìm ra những kẻ lỗi phạm, và nếu cần thì áp dụng hình phạt mà những kẻ này đáng chịu. Theo lời của Don Bosco, phương pháp này ‘dễ dàng và ít mệt nhọc’, nhưng ‘chỉ thích hợp cho người chỉ huy một đạo quân’: phương pháp này đòi hỏi một sự xa cách giữa các nhà giáo dục và các thiếu niên, để gia tăng uy quyền của nhà lãnh đạo, các nhà giáo dụ. Nhà giáo dục sẽ tránh tất cả những giao tiếp thân thiện, và sẽ chỉ luôn luôn có mặt để hăm doạ và trừng phạt.
  • Phương pháp dự phòng thì ngược lại, nó làm giống như khẩu hiệu của y khoa mà ai cũng biết : ‘phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh’ và nó được tóm gọn trong một câu ‘Dự phòng tốt hơn đàn áp’. Phương pháp này đòi hỏi phải có đức tính cao và sự có mặt của nhà giáo dục bên cạnh các thiếu niên. Nhà giáo dục phải luôn lưu tâm sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ việc nêu lên các vấn đề, luôn sẵn sàng khuyên nhủ và sữa chữa những sai lỗi một cách nhân từ .

Trong viễn ảnh dự phòng này, có thể có hai thể thức của hành vi giáo dục. Có khi cần phải thuyết phục : chẳng hạn để tránh một sự nguy hiểm nào đó, cần  phải dùng biện pháp nào đó. Khi đó, mục đích của nhà giáo dục là thuyết phục các thiếu niên về sự cần thiết đó, và khuyến khích các em hãy thực hiện biện pháp đó. Nhưng cũng có khi công việc của nhà giáo dục căn dặn tỏ cho thấy sự lựa chọn của các em có vấn đề, và có thể gây nguy hại cho các em. Nhà giáo dục sẽ giúp các em đi tới một sự lựa chọn tốt, và cũng có khi đưa các em đến chỗ gạt bỏ không lựa chọn nữa.

Tính lưỡng diện này của công tác giáo dục sẽ hiện ra rất hữu hiệu nếu người ta hiểu rõ đặc tính của phương pháp dự phòng. Để nói gọn hơn, có thể nói rằng, trong phương pháp thứ nhất, đó thực sự là giáo dục, còn trong phương pháp thứ hai, việc phải làm là bảo vệ các em.

Tôi thấy hai loại hành động này được thực thi trong phương pháp dự phòng, và bất cứ cách thực hành nào trong lãnh vực này cũng đều phải dựa vào một trong hai đường lối, tuỳ từng hoàn cảnh .

VIỆC GIÁO DỤC XÉT NHƯ MỘT SỰ CỘNG TÁC GIỮA THIẾU NIÊN VÀ NHÀ GIÁO DỤC

Trong một nhãn quan dự phòng như thế, mà tôi chia sẻ vì tôi là đệ tử của Don Bosco, chúng ta chỉ có thể quan niệm giáo dục như một sự cộng tác với các em là những người nắm vai chủ động trong quá trình giáo dục.

Giáo dục không phải là ‘luyện tập’ như kiểu người ta tập cho con vật, nhưng là  ‘nói với’. Công việc giáo dục chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở sự tín nhiệm.

Không thể thực hiện việc giáo dục một cách có hiệu qủa, Khi người ta không chiếm được sự đồng tình của em thiếu niên. Trong một khoa sư phạm đặt nền trên sự tôn trọng, nhà giáo dục phải cùng với các em soạn thảo ra những dự án giáo dục, và cùng với các em đánh giá việc thực thi. Phải luôn coi các em là người chủ động trong việc giáo dục bản thân mình.

Khi đó nghệ thuật số một của nhà giáo dục sẽ là nghệ thuật thương nghị …

Về điểm này, không bao giờ người ta nhấn mạnh đủ về sự hài hước trong quan hệ giáo dục. Tính hài hước làm cho nhà giáo dục tách mình ra khỏi hành vi của mình, và như vậy nhiều khi dễ thực hiện những sự thương thảo với các em.

Tin tưởng các em, là thành tâm xác tín rằng bất cứ thái độ nào của các em, dù sai quấy mấy đi nữa, cũng đều có lý do của nó. Và bao lâu nhà giáo dục chưa nắm được các lý do đó, phán ứng của ông ta sẽ có nguy cơ không thích ứng.          

Tin tưởng các em, là tin cậy rằng các em có đủ khả năng hiểu được tại đâu mà có những bó buộc và những cấm kỵ, và tại sao các em lại đặt vấn đề về những cấm đoán kia.

Tất nhiên một thái độ giáo dục như thế sẽ không khỏi có những va chạm, và nhất là đòi hỏi nhà giáo dục phải suy nghĩ nhiều : một sự suy nghĩ có thể sinh ra sự bất ổn nào đó, và tất nhiên là phải uyển chuyển. Đúng như thế, nhà giáo dục bó buộc phải suy nghĩ lại về chính nền đạo lý của mình, phải kiểm điểm lại xem mình có hành động theo lối ‘tôi cấm em, bởi vì tôi tự cấm tôi không ?’ Nhà giáo dục phải luôn sẵn sàng đối chiếu những giá trị và những điểm chuẩn của mình với những giá trị và những điểm chuẩn của các em.

Nhà giáo dục kitô giáo không tự coi mình như người biết mọi sự, đứng trước mặt đứa trẻ là người  không biết gì. Ông ta cũng bước đi với các em, trên con đường của sự nhân bản hóa hoàn toàn, vì biết rằng đường đi, chân lý và sự sống là những thực tại cùng một lãnh vực. Chân lý không phải là một bộ giáo lý nào đó mà một số người đã nắm được. Chân lý chỉ có thể tiếp cận bởi những người bước tới. Đó là bí quyết của cuộc sống. Chúng ta thường muốn tin rằng hạnh phúc, tình yêu, sự trọn hảo thì ở cuối con đường, ở cuối cuộc đời … trong khi cuộc đời, chính là lên đường, là đã khởi hành…

“Thầy là ĐƯỜNG, là SỰ THẬT, là SỰ SỐNG”. (Ga  14,6)

 

CHƯƠNG 3

GIÁO DỤC LÀ SỰ KINH NGHIỆM VỀ SỰ KHÁC NHAU VÀ GIỐNG NHAU

Nếu giáo dục được quan niệm là sự cộng tác giữa thiếu niên và nhà giáo dục, thì trước hết nó phải là một kinh nghiệm. Vậy vấn  đề không phải là ‘biết’ cho rằng ‘biết làm’ theo nghĩa này thì giáo dục nghiêng về nghệ thuật hơn là khoa học.

Như đại triết gia Kant  đã nhấn mạnh ngay từ thời đại của ông, giáo dục ‘là vấn đề  lớn nhất và khó nhất được đặt ra cho con người’ và giáo dục chỉ là ‘một kinh nghiệm quan trọng’. Ông khuyên chúng ta hãy noi theo kinh nghiệm : ‘Giáo dục là một nghệ thuật mà việc thực hành phải được cải tiến qua nhiều thế hệ. Nó chỉ tiến bộ từng bước từng bước’.[1] 

Và sự thật thì một kinh nghiệm như  thế rất là nghịch lý. Nhà giáo dục vừa phải lưu tâm đến sự thoải mái, sự cởi mở của các em thiếu niên, vừa phải là chứng nhân của tha nhân, của những người khác và của những luật lệ cần thiết cho bất cứ sinh hoạt đoàn thể nào. Như  vậy nhà giáo dục lắm khi cảm thấy mình bị căng xé giữa một bên là những nhu cầu của cá nhân  và bên kia là những nhu cầu của xã hội.

Nhà giáo dục phải để ý đến thực tại của đứa trẻ hôm nay, đồng thời phải lưu tâm đến tất cả những khả năng có thể thi thố mai sau.

Như vậy nhà giáo dục luôn luôn cảm thấy mình ở trung tâm những điều đối nghịch nhau. Ông thấy mình ở giữa những sự căng thẳng không tài nào tránh được, và không một ai dám nghĩ  mình có thể thoát được.

Khía cạnh nghich  lý nhất của bất cứ công tác giáo dục nào, đều có thể được tóm lại trong khẳng định sau đây : ‘có kinh nghiệm về giáo dục, là có kinh nghiệm về sự khác nhau và giống nhau.’

Khi tôi đứng trước một thiếu niên và bắt đầu kinh nghiệm về giáo dục, thì trước hết tôi có kinh nghiệm về sự khác biệt giữa thiếu niên và tôi. Nhưng cũng là kinh nghiệm về sự giống nhau. Tôi có những chỗ đồng tình với em thiếu niên, và đó là cái cho phép có ‘thông cảm’ với nhau, và quan hệ giáo dục có thể được thiết lập.

Phải chăng những kinh nghiệm về giao tiếp giữa người ta với nhau, đều là những kinh nghiệm đặt dưới hai dấu hiệu của những khác biệt và những đồng tình ? Để có thể có tiếp thông, phải có sự phân biệt giữa hai người tiếp xúc với nhau, đồng thời phải có một căn bản của những chỗ đồng tình thì mới có một ngôn ngữ chung.

Biết nhận ra những điểm đồng tình, đồng thời không gạt bỏ những điểm khác nhau : đó chính là bí quyết thành bại của bất kỳ kinh nghiệm giáo dục nào.    

GIÁO DỤC – MỘT KINH NGHIỆM VỀ SỰ GIỐNG NHAU

Tôi thích nhắc nhớ cho những nhà giáo dục tập nghề  rằng : khi mình giáo dục đứa trẻ, mình tưởng chỉ có hai người (đứa trẻ và mình), thực ra có ba người (đứa trẻ, tôi, và đứa trẻ mà tôi đã là trước kia).

Chúng ta đừng quên rằng tất cả chúng ta đã từng là những con nít và những thiếu niên.

Và như các khoa học nhân bản giúp ta khám phá thấy chúng ta đừng quên rằng người ta không trở thành thiếu nhi, thiếu niên, rồi người lớn, trong một chuỗi liên tiếp những trạng thái, trạng thái sau xuất hiện là trạng thái trước biến mất. Không phải thế đâu. Đứa con nít vẫn tồn tại đâu đó, vẫn hiện diện đâu đó trong người lớn. Nhà giáo dục phải tìm biết, để có thể chế ngự cái phần con nít ông vẫn mang trong mình, bởi vì thái độ của em thiếu niên đang đối diện với ông có cơ nguy làm thức dậy cái phần con nít đã được cẩn thận dấu kín kia, nhưng đó là cái luôn luôn sẵng sàng chổi dậy.

Qua những sự đồng tình được thiết lập với em thiếu niên, đứa trẻ mà tôi mang trong người tôi, có thể nhập cuộc.

Đúng như  Xavier Thévenot đã nhấn mạnh : giáo dục là thừa nhận tất cả cái dĩ vãng của tôi, nó vẫn chi phối tôi từ bên trong. Đó là thừa nhận rằng nhiều khi tôi tự đồng hoá mình với những cái người thiếu niên đang sống, bởi vì kinh nghiệm sống của em làm thức dậy trong tôi những thèm ước và những xao xuyến. Sự thật thì, nếu sáng suốt trong công tác giáo dục, chúng ta sẽ gần như luôn đi tới những nhận thức sau đây : những cấm kỵ mà tôi đặt ra cho em thiếu niên, thật ra là những cấm kỵ mà trước hết tôi đặt ra cho tôi, những bảo vệ mà tôi đặt quanh em thiếu niên, thường khi là những bảo vệ vô thức cho chính bản thân tôi ; những sai phạm mà tôi dung thứ, là những sai phạm mà tôi muốn người ta để cho tôi sống, v.v …[1]

Điều quan trọng là phải ý thức điều này, để đừng bị mê hoặc. Bởi vì có thể tôi tưởng đáp lại nhu cầu của đứa trẻ, nhưng thật ra tôi đóng vai trò một nhà giáo dục mà tôi ước ao gặp được, khi tôi còn là đứa bé.

Biết bao lần, nhiều cha mẹ đã vô tình đóng vai trò những cha mẹ mà họ muốn có khi còn bé ! Các cha mẹ đó, đâu có hiểu rằng thời thế đã thay đổi rồi ! Và biết bao nhiêu nhà giáo dục đóng vai trò ‘vị giáo sư tốt’ mà họ mơ ước khi còn là học trò : họ không để ý gì đến sự tiến hóa của các khả năng và tâm trí của thanh thiếu niên ngày nay !

May lành thay những sự đồng tình làm cho mối quan hệ giáo dục có thể tác động ! Nhưng nguy hiểm thay những sự đồng tình này muốn nhốt nhân vật của đứa trẻ vào trong nhân vật đứa trẻ mà nhà giáo dục đã là khi xưa !

Đối với nhà giáo dục kitô giáo, một thực tại thứ hai cũng phải được kể đến trong sự thiết lập những sự đồng tình này : đó là sự chúng ta cùng là con cái Thiên Chúa.

‘Là nhà giáo dục Kitô giáo, tôi phải trước tiên coi em thiếu niên không phải như một con người thấp kém mà tôi cúi mình thương  xót một cách kiêu hãnh, nhưng phải coi em như một kẻ được Thiên Chúa rất thương yêu, và cũng được mời gọi làm con Thiên Chúa với cùng một danh nghĩa như tôi’.[1] nghĩa là phải coi em thiếu niên là người em của tôi .

Và anh em là điển hình cao nhất  tượng trưng cho cái nhìn vừa giống vừa khác.

GIÁO  DỤC  –  MỘT  KINH NGHIỆM  VỀ  SỰ KHÁC BIỆT

Giáo dục vừa là kinh nghiệm về sự giống nhau, nhưng cũng cơ bản làkinh nghiệm về sự khác nhau.

Đứa trẻ và thiếu niên khác hẳn ta về tuổi đời. Thiếu niên không phải là một người lớn thu nhỏ lại.

Và một lần nữa, tôi muốn trích Xavier Thévenot  là người đã gợi hứng nhiều cho sự suy nghĩ của tôi trong chương này :

“Giáo dục một em thiếu niên, là chạm trán với một thế giới mà quan hệ thân xác và quan hệ với thời gian không giống như nơi chúng ta, phái tính và bạo lực cũng tỏ ra khác hẳn, và những điểm chuẩn văn hoá cũng như điểm chuẩn nghệ thuật, đôi khi khiến ta ngỡ ngàng, cách các em quan niệm lao động và thành công xã hội cũng thường không có gì giống với các quan niệm của các thế hệ chúng ta.

Đôi khi người lớn cũng khó chấp nhận những sự khác biệt to lớn này, đến nỗi người ta thường tìm cách chối bỏ bằng nhiều các. Chẳng hạn, người ta làm bộ hiểu  biết các thiếu niên : “Ồ, tôi cũng đã có thời là thiếu niên mà !”. Cũng    có khi người ta tự trấn an bằng cách tự đồng hoá mình với em thiếu niên một cách ngu xuẩn : người ta tưởng có thể xoá các vết tích của thời gian ; bằng cách đón nhận tất cả các thị hiếu của giới trẻ, một cách giả tạo, gượng gạo.

(…) Sau cùng, cũng có thể người lớn chối bỏ sự khác biệt của các thiếu niên bằng cách nổi sùng chống lại các em, nhốt các em vào trong một vòng cương tỏa, thậm chí tìm cách hạ giá các em. Tất nhiên các thái độ tự vệ này rất khác nhau, nhưng chúng cùng có chung nhau một điểm, là tựu trung tỏ ra sợ hãi trước sự xuất hiện của cái mới”.

Để tiến hành công viêïc giáo dục cách thích hợp, cần phải chấp nhận bị lúng túng. Cần phải biết đón nhận các thiếu niên bằng cách đón nhận các em khác chúng ta, nếu chúng ta muốn dạy cho các em phải công nhận về phần các em rằng tha nhân khác với các em.

CÁI NHÌN VỀ SỰ KHÁC BIỆT

Vậy chúng ta hãy đào sâu ý nghĩa của mỗi quan hệ giáo dục, mà để cho có sự tiếp thông thật sự, tôi vừa phải khám phá ra việc em thiếu niên khác biệt tôi, vừa phải nhận ra những chỗ đồng tình giữa tôi và em.

Tuy có liều mình hí họa đôi chút, tôi cũng xin mượn sơ đồ của việc phân tích mối tương giao, để nói lên thái độ có thể có, khi tôi đứng đối diện với mọi người khác tôi (A # B.

 A                                  B

1 .      +                  :                 –

2 .                       :                +

3 .      –                 :                 –

4 .      +                :                 +

Cần nói ngay là không nên coi đây là những thái độ cứng ngắc, vì thực ra ngay tới một cá nhân, những thái độ này cũng có thể rất uyển chuyển.

Thái độ thứ nhất ( + / – ) : Tôi tự coi mình một cách tích cực, và tôi coi tha nhân như ở dưới tôi. Thế là nảy ra một ngôn ngữ có mục đề nghị với em thiếu niên hãy qua những giai đoạn để dần dần tới được trình độ như tôi. Trong ngôn ngữ này, em thiếu niên dễ dàng bị đánh giá cách tiêu cực (phóng túng, thiếu tự tin, quá tin vào việc làm, ít suy nghĩ  v.v …), còn nhà giáo dục thì được đánh giá cách tích cực, rất tích cực (trưởng thành và quân bình, có hệ thống và giá trị tốt v.v …). Biết bao lần người ta đã nghe thứ ngôn ngữ này, dạy em thiếu niên phải tập dần dần nên giống nhà giáo dục ?

Thái độ thứ hai ( – / + ) : Đây là thái độ ngược lại, tôi tự coi mình cách tiêu cực và em thiếu niên thì được coi là có đủ mọi đức tính. Đôi khi người ta nghe thấy thứ ngôn ngữ này : Cậu thiếu niên dù hung tợn và phạm pháp đến đâu, cũng được tôn lên đài danh dự vì ‘những đức tính tự phát và năng động của em’.

Thái độ thứ ba ( – / – ) : Tôi tự coi mình cách tiêu cực, và tôi cũng coi tha nhân cách tiêu cực. Đó là một sự xuống tinh thần phổ biến ! Tất cả chúng mình đều là đồ khốn kiếp !

Thái độ thứ bốn ( + / + ) : Tự coi mình cách tích cực và cũng coi tha nhân cách tích cực. Nhưng đây là thái độ mà chúng ta phải hướng tới. Đó là thái độ được phúc âm đề cao : yêu mến tha nhân như bản thân mình. Để đạt tới thái độ này, luôn cần phải qua một con đường dài, bởi vì theo tính tình của mỗi người chúng ta và do những chuyện chúng ta đã gặp, chúng ta thường nghiêng về thái độ ( + / + ).

Tập có cái nhìn như thế về sự khác biệt được tôi coi là một trong những lời dạy chủ yếu của Phúc âm, một trong những tin mừng chúng ta đang rất cần đến trong thế giới ngày nay của chúng ta, nơi mà thái độ rất khoan dung đang nổi dậy. ‘Anh em hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân mình’ ( Mc 12, 31 ).

 

CHƯƠNG 4

GIÁO DỤC – MỘT VIỆC THỰC HÀNH

 

Nếu, xét theo cơ bản, giáo dục là ‘một kinh nghiệm’ thì trước hết đó không phải là ‘đối tượng của một lý thuyết’, nhưng trước hết đó là một việc thực hành.

Tất cả các nhà giáo dục đích thực đã bắt đầu bằng việc sống nền giáo dục của mình. Nếu không vậy, những lời bàn về giáo dục sẽ dễ trở thành lạt lẽo, và dễ xa rời thực tế. Sự thật thì đối với nhà giáo dục, cuốn sách của ông ấy là chính đời sống của ông ấy.

Bởi vậy, khi tới giai đoạn này của suy nghĩ, và để tránh những cạm bẫy mà tôi tố giác về những lời lẽ trừu tượng, tôi xin liên hệ đến việc thực hành của riêng tôi. Bất cứ tác giả nào cũng phải biết, và biết mình dựa vào đâu mà nói. Và điều này càng đúng cho những lời bàn về giáo dục.

Từ mười hai năm nay, tôi làm việc với tư cách một nhà giáo dục chuyên môn về các thiếu niên gặp khó khăn.

Những thiếu niên này, tuy không bị một khuyết tật  nào về thể lý hoặc về tâm lý, nhưng khi lớn lên đã vấp phải những khó khăn quan trọng, liên hệ đến một lịch sử gia đình và xã hội khá nặng nề.

Không bao giờ tôi muốn coi các thiếu niên này là ‘khó khăn’. Thực tế, phải chăng một thiếu niên bị coi là khó khăn, chỉ vì giao tiếp với em là chuyện khó khăn ? Đúng thế, chính mối liên hệ, chớ không phải em thiếu niên khó khăn.

Riêng bản thân tôi muốn mạnh mẽ tố cáo một số những nhãn hiệu mà người ta thường dễ dàng dán lên những thiếu niên gặp khó khăn, vì tôi tin chắc rằng  đức tính số một của nhà giáo dục là đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán. (‘Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán’ Mt 7,1).

  • Người ta nói đến ‘những trường hợp xã hội’, nhưng may thay ! Chúng ta tất cả không là những con người xã hội là gì ! một xã hội muốn tỏ ra đa dạng …
  • Người ta nói đến ‘các em phạm pháp’ … nhưng lỗi phạm có một lần, rồi bị bắt có đáng cho em thiếu niên bị ghép tội như thế chăng ? Đôi khi người ta còn sài một danh từ điên rồ hơn nữa : Người ta gọi các em đó là ‘tiền phạm pháp’, nghĩa là mấy em đó chưa có những tội phạm, những tình trạng cho phép suy đoán rằng mấy em sắp phạm pháp. Vậy mà người ta lại ngạc nhiên khi sự việc xảy ra …
  • Người ta còn bảo đó là ‘các em thiếu thích ứng’. Nhưng nói đúng ra, từ này không được xử dụng để chỉ mối liên hệ giữa người ta với nhau. Chỉ nên dùng từ thích ứng, không thích ứng của con người đối với một sự vật … Còn khi nói đến những thiếu niên không thích ứng với một cơ sở nào (một cơ sở giáo dục, học đường chẳng hạn), thì phải chăng cũng phải tự hỏi cái cơ sở đó cũng không thích ứng tới mức nào đối với các thiếu niên’.
  • Rồi trong ngôn ngữ chuyên môn, người ta còn tạo ra từ ‘những em bị bất lợi về xã hội’ để đổ thừa cho mấy em những gì là kết qủa của một tình trạng xã hội. Chúng ta phải mạnh mẽ chống lại ‘sự hợp pháp hoá’ của sự bất bình đẳng mà tôi nghĩ là đã được tạo ra để củng cố sự yên hàn lương tâm của thành phần đa số của xã hội chúng ta.

Chúng ta hãy mạnh mẽ tố cáo tất cả những nhãn hiệu này, vì chúng trói buộc và cản bước tiến của các thiếu niên.

Những thiếu niên bị coi là ‘gặp khó khăn’, thật ra trước hết và trên hết chính là những thiếu niên cùng với lịch sử của các em, các quan hệ của các em, những dự tính của các em, và cùng với sự tiến hoá của các em.

Nói về hành động giáo dục của tôi nơi các em, chỉ có nghĩa là nói về những cuộc gặp gỡ các em. Và mặc dù lãnh vực hoạt  động của tôi có tính đặc biệt, nhưng tôi thấy cần nói rằng : tôi tin chắc rằng không một gia đình nào ngày nay lại không phải đối phó với những khó khăn quan trọng trong hành vi và cử chỉ của một trong những con em của mình.

Công việc giáo dục nhiều năm nơi các thiếu niên gặp khó khăn, vừa giúp chúng ta có cái nhìn sắc bén đối với các em, vừa giúp chúng ta dễ hành động với các em. Tôi sẽ mắc tội phản bội bạn đọc, nếu tôi không nói cho bạn đọc biết rằng, nhờ có sự thực hành nhiều năm như thế, mà lời lẽ của tôi có được sựï vững tin như thế này.

Trong chương có nội dung chuyển tiếp này, xin cho phép tôi được trình bày rõ ràng về khung cảnh của hành động giáo dục của chúng tôi, và vắn tắt ghi lại đây con đường tiếp cận của chúng tôi với các thiếu niên này.

TRƯỚC HẾT TÔI ĐÃ LÀ NHÀ GIÁO DỤC NGOÀI ĐƯỜNG PHỐ (Từ 1978 đến 1983)

Trong năm năm liền tôi đã làm việc với tư cách người phụ trách một ê-kíp những nhà giáo dục ngoài đường phố (tại Pháp, người ta gọi công việc này là ‘Dự phòng có tính chuyên môn’). Đó là công việc mà tôi đã thực hiện với sự góp sức của thị xã và của quận.

Công việc của chúng tôi liên quan đến các thiếu niên (đa số từ 13-25 tuổi) của một cư xá gồm những nhà thuê ít tiền (HLM) của vùng ngoại ô Paris, mà có thể bạn cũng biết tiếng bởi vì đã có cả một chiến dịch để tố cáo sự thất bại của cái thị xã này, một thị xã có cái ưu tiếng đáng buồn được liệt vào loại ‘vùng hòn đảo nhạy cảm’ của vùng ngoại ô Paris, và thuộc loại ‘vùng giáo dục ưu tiên’ của bộ giáo dục.

MỘT CƯ XÁ BIỆT LẬP

Xin giới thiệu vài lời về cái cư xá này, mọc lên như một cái nấm ở giữa đồng quê, gồm toàn những căn nhà xã hội : chừng 2300 căn nhà nằm trong những dãy nhà bằng bê tông, và giữa những dãy nhà này là cỏ hoang và dăm ba cây cằn cỗi và khẳng khiu.

Hơn 10.000 người sống trong cái thế giới tập trung bằng bê-tông này.

  • Mười ngàn người thuộc 36 quốc tịch khác nhau. Và đủ mọi chủng tộc (Bắc phi, Á châu, da đen, và người Địa trung hải) đều có mặt trong đám này.
  • Trong số 10.000 người này thì độ một nửa chưa tới 18 tuổi. Như thế có nghĩa là thành phần trẻ em rất quan trọng trong cư xá này. Trên một công viên nhỏ, người ta có thể đếm được gần 50 em ở chỗ đối diện với cầu thang (như thế là độ mười căn phòng).
  • Đa số trong mười ngàn người này (nhất là phụ nữ và con nít) sống khép kín trong khu cư xá này, không bao giờ có dịp ra ngoài. Các phương tiện chuyên chở không thuận tiện chút nào, và nhất là vì những người trong cư xá tự cảm thấy mình bị những dân làng lân cận ghét bỏ.

Quả vậy, đa số cư dân của cư xá này là công nhân và thuộc giai cấp vô sản, một số lớn ở trong cảnh nghèo khổ. Theo chính sách cấp nhà hồi đó của tổ chức nhà ở của vùng ngoại ô Pari, thì nhiều gia đình mới tới thuộc loại ‘những trường hợp xã hội’…

Tất nhiên, sự nghèo khổ này thường được che đậy : họ mua xe hơi trả góp, mua tivi màu, sắm đồ đạc v.v … nhưng những sự mua sắm này, do ảnh hưởng của quảng cáo đối với lớp dân chúng ít hiểu biết, đã làm ngân sách các gia đình đã khó lại càng thêm khốn đốn, đến nỗi họ không đủ tiền để lo ăn lo mặc. Nhiều em đã thú thật với tôi là chỉ ăn có một bữa mỗi ngày (ở căng tin). Rồi nói gì những vụ không trả tiền nhà, và những khoản nợ đủ thứ, cho nên mấy ông thừa phát lại phải thường xuyên tới đây !

Tai vạ nặng nhất là nạn thất nghiệp. Với cuộc khủng hoảng kỷ nghệ, nhất là kỹ nghệ xe hơi mà đa số dân ở đây là công nhân, tình trạng kinh tế của vùng này đã suy sụp ghê sợ, và công ăn việc làm trở thành bi đát. Đặc biệt đối với các thiếu niên mà đa số đã thôi học vào lúc 16 tuổi, không có một chút bằng cấp nào, thì hầu như không thể nào kiếm được viêc làm.

Không có việc làm, không có tiền để giải trí, các thiếu niên đành phải lang thang trên các đường phố. Nhiều khi mấy em đã đoạn tuyệt với gia đình, thành thử vừa thiếu tình thương, vừa bị hằn vết vì thất bại trong việc học hành, mấy em này chỉ còn tìm được nơi các băng đảng của mình chút ấm lòng của tình bạn. Như vậy : cảnh phạm pháp đã ngự trị nơi khu phố này, và rượu chè và ma tuý đã tung hoành nơi đây …

VIỆC  LÀM  CỦA  NHÀ  GIÁO  DỤC  ĐƯỜNG  PHỐ

Tôi phải nói ngay là việc làm của nhà giáo dục ‘Đề phòng đặc biệt’  là việc làm của một ê-kíp : chúng tôi lo cho các em thiếu niên, nhất là những em sống ngoài lề luật, được hưởng một nền giáo dục nhằm giúp mấy em dễ dàng hội nhập vào xã hội, đồng thời giúp mấy em đi tới chỗ có thể tự lập.

Công việc đầu tiên là tìm gặp gỡ các em, phải lui tới những nơi mà các em thường tụ tập : đường phố, các quán cà phê, những chân cầu thang, những chỗ khiêu vũ … Bởi vậy, chúng tôi mang húy danh là ‘những nhà giáo dục đường phố’, chúng tôi thắt mối dây liên lạc đầu tiên với mấy em, một mối liên lạc thắm tình bạn bè rất tầm thường của cuộc sống thường ngày.

Sau đó biết rằng chúng tôi là những nhà giáo dục, các em biết đường tìm đến với chúng tôi, để chúng tôi giúp  các em giải quyết những vấn đề của các em : tìm việc làm, thôi học sớm, mang bầu ngoài ý muốn, vừa ra khỏi tù, nghiện ma túy, bỏ nhà cha mẹ ra đi (lén trốn đi, bị cha mẹ đuổi đi, bị đập đánh) … trong tình cảnh bỏ nhà ra đi như thế, nhiều thiếu niên cảm thấy bơ vơ không biết tin cậy ai để nhờ giúp đỡ, và sự tuyệt vọng đôi khi đã đưa mấy em đến bến bờ sự tự vẫn. Bởi vậy vai trò chính của nhà giáo dục chúng tôi, sẽ là con người để lắng nghe các em và được các em tin tưởng, con người mà các em tìm kiếm trong những giờ phút khó khăn đó.

Để được các em tin tưởng, cần thiết phải làm quen với các em. Bởi vậy một hành động nữa của chúng tôi là giúp mấy em tổ chức thời gian giải trí : như vậy chúng tôi đấu tranh chống lại sự ăn không ngồi rồi, nhân tố số một của sự phạm pháp. Trong căn phòng mà thị  xã để cho chúng tôi xử dụng, có một xưởng cơ khí để mấy em có thể đưa ‘xe máy’ của mình tới đó mà sửa : các em lại có nơi đây một trung tâm, để các em khỏi phải tới tiệm cà phê để chơi  ‘đánh bón bàn’. Trong kỳ nghỉ hè, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc đi cắm trại ngắn hạn cho từng nhóm nhỏ, ưu tiên dành cho những người chưa bao giờ ra khỏi nhà (và số này khá đông). Những trại hè cho phép những người tham dự khám phá ra những môi trường sống khác ngoài cư xá của họ, và nhất là tập cho họ biết cuộc sống đoàn thể bằng cách khám phá ra những đòi hỏi của cuộc sống tập thể và những niềm vui của sự chia sẻ.

Một hướng làm việc nữa của chúng tôi, và đây không phải là công việc nhỏ, đó là kêu gọi các vị có trách nhiệm ở địa phương (các vị dân cử cũng như các cơ quan hành chánh).  Để các vị lưu tâm đến các hoàn cảnh của các em, đấu tranh để đạt được một sự cải thiện trong cuộc sống trong cư xá. Nếu không có sự cùng nhau đấu tranh như thế trên bình diện tập thể, thì công việc riêng lẻ của chúng tôi nơi các em thiếu niên sẽ mất ý nghĩa của nó.

VÀ BÂY GIỜ LÀM GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM

Từ một năm rưỡi nay, tôi rời bỏ đường phố để nhận một trung tâm thiếu niên, và như vậy tôi gần như cũng theo một con đường như đa số các thiếu niên của tôi.

Các anh em Salêdiêng đã xin tôi nhận làm giám đốc một trung tâm các thiếu niên gặp khó khăn trong vùng Caen.

XIN  GIỚI THIỆU TRUNG TÂM VÀ CÁC EM Ở ĐÓ

Có 36 em trai, từ 13 đến 18 tuổi, sống trong trung tâm này. Các em đều có chung một lịch sử gia đình khá nặng nề vì những lần bỏ nhà ra đi, hoặc bị đuổi đi một vài lần. Đó là 36 thiếu niên, với những vết thương nơi trái tim, và với những giọng nói đôi khi hung bạo nhưng không dấu nổi một sự thiếu thốn to lớn về tình thương. Trong số các em này một nửa được ủy thác cho chúng tôi do Ban xã hội lo cho thiếu nhi, và một nửa thì do các tòa án thiếu nhi trao cho chúng tôi.

Nhiều em mắc những chứng do thiếu tình thương, vì sống trong một gia đình cha mẹ ly dị nhau, hoặc một gia đình bị đổ vỡ trầm trọng. Những chứng thiếu thốn này thường được biểu lộ qua sự luôn sợ bị bỏ rơi, cũng như qua những sự thiếu khả năng giao tiếp, bởi vì các em đã sống trong một tình trạng bị cụt hứng, bị mất mát, nhân đó mấy em thường có thái độ yêu sách tích cực và thường xuyên. Nhìn thế giới qua lăng kính của kinh nghiệm xã hội đầu tiên của mình, các em chỉ có thể nhìn thế giới là nguồn mạch những lo âu, và là mối đe doạ thường xuyên. Thường khi các em tự cảm thấy có trách nhiệm trong những gì xảy đến cho mình, nên các em tự coi mình là loại  người xấu, không đáng người ta thương. Bởi đó một số nét thường được  nhận thấy nơi mấy em là : duy kỷ  và không có khả năng để đi ra khỏi cái tư kỷ ; tránh tiếp xúc với thực tại (có khuynh hướng sống trong ảo tưởng và có thái độ chạy trốn thực tế), có những khó khăn về giao tiếp với tha nhân.

Những chỗ khuyết đó nơi mấy em thường đi đôi với một thái độ khá rõ về tính rất thụ động, hoặc ngược lại, tỏ ra là hay gây sự và hung bạo quá đáng. Phải nói rằng đa số, nếu không nói tất cả các em, đều gặp thất bại về học hành : vậy mà các em thuộc loại trẻ em có trí thông minh loại cao ! Tình trạng này thường khi là hậu phát sinh nơi các em một tâm trạng của sự cụt hứng và của sự bất lợi. Không bao giờ người ta nhấn mạnh đủ về sự kiện gặp nhiều thất bại sẽ dẫn tới sự mất tin tưởng vào chính mình, như người ta thấy nơi những thiếu niên này : các em mang nặng tâm tình đau đớn về sự bất tài bất lực của mình, các em mất hết tính xông xáo, mất hết cảm thức về sáng kiến, và không dám xướng xuất gì hết.

Khủng hoảng kinh tế cùng với cảnh thất nghiệp lan rộng, đã góp phần đáng kể vào việc suy giảm khả năng của các em dấn thân vào tương lai, và càng làm cho các em cảm thấy mình vô dụng cho xã hội. Quá bi quan về tương lai của mình, các em không có dự tính nào hết, và sống ngày nào biết ngày đó, hưởng thụ cái lúc hiện tại, mặc cho ngày mai ra sao thì ra. Sống cái thời đại của nguyên tử, của cái tức khắc, các thiếu niên ngày nay không biết chờ đợi nữa : ở tuổi mới lớn lên, chưa trưởng thành về tâm tính, lối sống vội vàng này thường xô đẩy các em tới hành động.

DỰ TÍNH CÔNG VIỆC GIÁO DỤC CỦA CHÚNG TÔI

Don Bosco thường nhắc cho các đệ tử ngài rằng ‘không những em thiếu niên phải được yêu thương mà cần các em cảm thấy mình được yêu thương’. Đó chính là hướng đi của công việc giáo dục của chúng tôi. Đối với các em bị khiếm khuyết về  phương tiện tình cảm, do những vết sâu về thất bại và vì bị xua đuổi, sự thực hiện dự tính giáo dục này của chúng tôi sẽ mang tất cả mọi sắc thái của một nền tâm lý giáo dục có suy nghĩ và được xét lại trong ê-kíp với nhau.

Mục tiêu của chúng tôi là giúp mấy em đảm nhận lấy lịch sử của mình, dù lịch sử đó có nặng nề mấy đi nữa, để rồi tập trung sức lực vào việc xây dựng tương lai của mấy em, cũng như giúp các em tập sống với xã hội.

Việc giáo dục của chúng tôi dựa theo nền giáo dục thiếu niên của Don Bosco, một nền giáo dục đặt căn bản trên tin tưởng và lắng nghe, trong bầu không khí thân tình và âu yếm.

Dự tính giáo dục của chúng tôi được thực hiện, nhờ :

  • Lắng nghe các em. Lắng nghe từng em, trong bầu không khí quí mến, tin tưởng và âu yếm. Sự lắng nghe này được đặt lên hàng ưu tiên. Tất cả những gì góp phần vào việc phát huy những khả năng của mấy em về phương diện thể xác hay ngôn ngữ, đều nhất định được khuyến khích. Nên để ý đến phần quan trọng mà trung tâm của chúng tôi dành cho : thể thao, sân khấu và xem phim vidéo. Hành động giáo dục của chúng tôi nơi mấy em luôn dựa vào những đàm thoại thường xuyên, mệnh danh là ‘đàm thoại để nâng đỡ’, nhằm giúp mấy em ý thức những khó khăn của mình, và một số những phương tiện để thắng vượt các khó khăn đó.
  • Liên lạc với gia đình các em : Việc để các em ở nội trú, xa gia đình, phải được khai thác để được tái tổ chức những quan hệ mấy em với gia đình mình. Việc này đòi hỏi phải liên lạc thường xuyên với các gia đình mỗi khi có thể được.
  • Nhấn mạnh về việc đào tạo học vấn và nghề nghiệp : Đạt được một sự đào tạo vững chắc về nghề nghiệp sẽ là nhân tố cần thiết trong dự tính đưa các em hội nhập lại vào xã hội. Bởi vậy, liền sau khi nhận mấy em vào trung tâm, công việc đầu tiên của chúng tôi là lo cho các em được đào tạo về học vấn và nghề nghiệp. Mỗi khi có thể, chúng tôi khuyến khích việc cho mấy em đi học bình thường như các trẻ khác (đi học tại các trường trung học công hoặc tư thục bên ngoài trung tâm, trong vùng đó ; học chương trình phổ thông, hoặc kỹ thuật). Còn đối với mấy em không thể theo học tại các trường đó (vì đã bỏ học lâu quá, hoặc có những rối loạn quan trọng về cử chỉ), thì các em sẽ được dạy tại chỗ, trong các lớp học – xưởng thợ của trung tâm : các em sẽ được dạy riêng (để có thể theo kịp các bạn học về trình độ học vấn, và được theo các lớp học nghề sơ cấp). Những em lớn hơn sẽ theo chương trình tập nghề, và được hưởng những khoản do chính phủ dành cho việc đào tạo thanh thiếu niên 16-18 tuổi.
  • Tập sống tự lập : Trong thời gian sống ở trung tâm các em sẽ tập dần dần biết tự lập, để có thể đáp ứng những nhu cầu của mình, cả về cuộc sống hằng ngày, cũng như về công việc đào tạo và về những cuộc giải trí. Mỗi em đều tự lập về việc đi lại (xe buýt, xe đạp), và tất cả những gì giúp ích cho việc hội nhập cách bình thường vào xã hội (học tập, giải trí bên ngoài trung tâm), đều được hết sức khuyến khích. Điều này đòi hỏi phải có sự phối trí của trung tâm và bên ngoài.
  • Kinh nghiệm về công việc xã hội : Sự phối trí giữa trung tâm và bên ngoài sẽ giúp cho các em có kinh nghiệm về cuộc sống xã hội. Nhưng một phương tiện tuyệt hảo về đời sống tập thể cũng được thiết lập ngay từ bên trong trung tâm bằng cách chia sẻ cuộc sống của nhóm. Các thiếu niên được chia làm ba đơn vị sinh hoạt có nơi ở riêng và hoạt động một cách tự lập : các em 13-15 tuổi, các em 16 tuổi, các em 17-18 tuổi.

Trong trung tâm, cuộc sống đoàn thể được đặc biệt đề cao. Đúng thế, cuộc sống chia sẻ với nhau trong đoàn thể sẽ cho các em có kinh nghiệm về giao tiếp, đồng thời dạy cho các em biết những đòi hỏi của cuộc sống tập thể. Bầu không khí thân tình của nhóm sẽ là yếu tố quyết định cho sự tiến bộ của các em.

Nơi những em nhỏ tuổi hơn, khi tới trung tâm còn đang bị chấn thương về hoàn cảnh khủng hoảng của mình (bị đuổi ra khỏi gia đình, bị thôi học), thì mục tiêu giáo dục chính yếu phải là xây dựng một tâm trạng được sưởi ấm và an bình, nhờ đó các em sẽ dần dần làm chủ được tình cảm của mình. còn như nơi các em lớn, thì dự tính giáo dục của chúng tôi là phát huy những khả năng tự lập.

Riêng đối với những em có nhiều rối loạn về lãnh vực tình cảm, và nhân đó rất khó thích ứng với cuộc sống xã hội, thì nhóm sinh sống ở trung tâm, do tính năng động riêng biệt của mình, sẽ được sử dụng như phương tiện chữa trị, vì nó cho mấy em có dịp ý thức về những khó khăn giao tiếp của mình, để có thể sửa chữa những thái độ của mình. Chiến dịch hiểu biết lẫn nhau ắt sẽ xảy ra : mỗi thành viên của nhóm phải thừa nhận các anh em khác nếu mình muốn được các anh em khác thừa nhận. Và chúng ta biết rằng, ở tuổi mới lớn lên, các em rất thích sống thành từng nhóm nhỏ, cho nên sự lên án của bạn bè trong nhóm, đối với cử chỉ không thể chấp nhận của một em, thường thì có uy lực hơn là sự răn bảo của nhà giáo dục.

Muốn thực hiện một dự tính giáo dục như thế, trước hết cần phải có sự làm việc ê-kíp thật sự : với tư cách là giám đốc, tôi điều hanh ê-kíp này. Tôi nghĩ rằng : ngày nay, bất cứ công việc nào trong lãnh vực giáo dục chuyên biệt, cùng với tất cả sự lần mò và nghiên cứu của nó, đều phải là công việc của một  ê-kíp, bảo đảm cho việc kiểm tra mối quan hệ giáo dục mà mỗi thành viên đều dấn thân vào một cách đầy tình cảm, việc làm của ê-kíp sẽ giúp các nhà giáo dục tránh được những cạm bẫy của hành động riêng rẽ.

Nhưng để thực hiện công việc giáo dục này, trên hết cần thiết phải có sự nhập cuộc của mỗi em thiếu niên. Nhờ sự chia sẻ cuộc sống hằng ngày với các em, nhờ việc lắng nghe từng em, chúng tôi tìm trước hết thắt chặt mối liên hệ với từng em, trong bầu không khí tương kính tin tưởng và thân ái.

Chính dựa vào tất cả một lịch sử về những tương quan như thế với các em, mà hôm nay tôi giám mạnh bạo lên tiếng  về đề tài giáo dục khó khăn này.

Nhưng khi tiếp tục bàn về vấn đề này, tôi muốn tâm sự với các bạn bằng niềm vui lớn nhất của tôi với tư cách là linh mục giáo dục, đó là khám phá Đức Kitô mà tôi gặp mỗi ngày khi chia sẻ bánh Thánh Thể, thì tôi lại có dịp phục vụ khi lo cho các em của trung tâm.

‘Thầy nói thật với anh em, khi anh em làm điều đó cho một trong những kẻ bé mọn nhất trong anh em ta, thì anh em đã làm chính bản thân thầy’ (Mt 25, 40). 

CHƯƠNG 5 

KHÔNG CÓ THÂN TÌNH KHÔNG CÓ TIN TƯỞNG – KHÔNG CÓ TIN TƯỞNG KHÔNG CÓ GIÁO DỤC

Bây giờ tôi xin bàn về điều mà tôi coi là chủ yếu.

Có thể bị một số nhà chuyên môn tranh cãi, nhưng tôi vẫn sẽ mạnh mẽ lên tiếng, sau mười hai năm sống với các thiếu niên gặp khó khăn : đó là tôi xác tín, – và tất cả các bậc phụ huynh chẳng xác tín như tôi sao ? – tôi xác tín rằng người ta không thể giáo dục bằng nguyên tắc, bằng chương trình, nhưng chỉ bằng tình thương, thứ tình thương mà thánh Phaolô đã dạy chúng ta :

‘Tình thương thì nhẫn nại, phục vụ, không ghen tuông, không lên mặt, không tự kiêu, không làm điều gì xấu, không tìm tư lợi, không nổi sùng, không để bụng thù hằn, không vui vì điều bất chính, nhưng tìm thấy niềm vui nơi sự thật : tình thương tha thứ tất cả, tin tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả’ (1 Cr 13, 4–7).

THÂN ÁI VÀ TIN TƯỞNG   

Em thiếu niên phải cảm thấy người lớn có tình thân đối với em, thì mới có đủ nghị lực để dấn thân vào cuộc đối thoại, và để phó thác mà không sợ gặp rủ ro. Và để các em cảm thấy điều đó, cần thiết nhà giáo dục phải biết bày tỏ sự thân tình này bằng lời nói và bằng những cử chỉ mà các em hiểu được.

‘Thiếu thân tình thì tình thương không được chứng minh, và thiếu sự chứng minh này thì không thể có sự tin tưởng’, Don Bosco đã viết như thế[1] trong lá thư  năm 1884 gửi cho các đệ tử của ngài, vì họ có vẻ như đã bắt đầu không quan tâm đến những tiền đề của nền giáo dục của ngài, nền giáo dục xây nền trên tình thương.

Đúng thế, trong một nền giáo dục được quan niệm như một sự cộng tác với các thiếu niên, sự tin tưởng là yếu tố hàng đầu.

Và tin tưởng không thể là đơn phương : nó luôn có tính hổ tương. Muốn chiếm được niềm tin tưởng của các em, chúng ta phải khơi sự tin tưởng trong các em. Điều này chỉ có thể làm được bằng thân tình … Tuy nhiên, nhà giáo dục phải coi chừng đừng để em thiếu niên cảm thấy ái ngại vì phải đảm nhận một sự tin tưởng quá to cho hai vai bé nhỏ của em: chúng ta phải lưu ý đến sự yêu mến của các em.

MỘT SỰ THÂN TÌNH ĐÍCH THỰC VÀ ĐƯỢC BÀY TỎ

Đây không phải là một kỹ thuật của giáo dục, nhưng đây chính là cuộc sống của những người công giáo lo việc giáo dục. Mối thân tình này phải trung thực. Rất cần phải nhấn mạnh về tính trung thực của mối thân tình này, nếu không nó sẽ vô nghĩa …, tệ hơn nữa , nó sẽ trở thành giả dối.

Sự thân tình này, ta không nên giữ nó trong lòng, nhưng phải bày tỏ cho các em thấy. Trong bức thư năm 1884 của Don Bosco mà chúng tôi vừa nhắc tới trên đây, ngài đã nhấn mạnh : ‘Vẫn còn thiếu một điều quan trọng hơn : đó là không những các em phải được yêu thương, Nhưng các em còn phải biết mình được yêu thương’. Không thể có tình thương mà không có dấu hiệu, không có chứng cớ.

Biết bao khó khăn đã nảy sinh nơi những trẻ em và thanh thiếu niên, chỉ vì mấy em không nhận thấy dấu hiệu tỏ tường nào của tình thương ; các em vẫn tưởng mình không được yêu thương gì cả. Trong cuốn sách kể lại việc khám phá ra cậu Alexandre, con của ông, nghiền ma túy, Jean Bothrel đã than rằng : ‘Dầu sao, nếu phải đánh giá tình thương của tôi đối với Alexandre, thì phải nói đó là một tình thương trừu tượng. Tôi đã vụng về, không ngay thẳng, không có khả năng diễn đạt các xúc động tâm tình ở trong tôi bằng những cử chỉ và những lời nói’.

Không những nhà giáo dục phải yêu thương, nhưng còn phải tỏ cho thấy mình yêu thương.

Điều này đòi hỏi nhà giáo dục phải hoàn toàn làm chủ được tình cảm của mình.

MỘT TÌNH THƯƠNG THANH KHIẾT

Muốn trung thực, tình thương của chúng ta đối với các em thiếu nhi và thiếu niên phải là tình thương thanh khiết.

Danh từ, ‘thanh khiết’ rất xưa này được tôi hiểu là một cách quản lý tình cảm của mình, để không chiếm lấy các em làm đối tượng cho một sự thèm khát của nhà giáo dục, không biến các em thành ‘đối tượng âu yếm’, nhưng nhằm giúp các em tự chủ được tâm tình của mình.

Giáo dục là làm cho tha nhân càng ngày càng độc lập đối với ta, giúp tha nhân giữ vững tư thế của một người đối thoại, với cách ăn nói riêng, chớ không biến tha nhân thành một đồ vật để thực hiện những dự tính của nhà giáo dục.

Điều quan trọng là nhà giáo dục đừng coi các em như  của riêng mình. Chúng ta nên nhớ những lời tuyệt diệu sau đây của Khabil Gibram, những lời thường được đọc lên khi cử hành lễ nghi hôn nhân, nhưng rất khó sống trong thực tế hằng ngày.

‘Các con của anh chị không phải là con của anh chị. Chúng là con trai và con gái của Tiếng gọi sự sống. Chúng nhờ anh chị. Và mặc dầu chúng ở với anh chị, chúng không thuộc về anh chị’.

Dầu sao thì tình thương của nhà giáo dục đối với các em, cũng sẽ có ngày chịu sự thử thách của chia ly !

MỘT TÌNH THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN

Tình thương của nhà giáo dục đối với các em không được có vết tích một sự ‘mặc cả’ nào hết về tâm tình, vì như thế sẽ gây xáo trộn trầm trọng cho quan hệ giáo dục.

Dù em nhỏ có thiếu sót và lầm lỡ đến đâu mặc lòng, nhà giáo dục vẫn phải luôn sẵn sàng tỏ tình thương và giữ niềm tin tưởng đối với em.

Nhà giáo dục phải tin chắc rằng, dù em nhỏ có thái độ ngu xuẩn và bất xứng đến đâu mặc lòng, em vẫn có những lý do ‘của em’ : em nghĩ đó là cách giải quyết tốt nhất của vấn đề được đặt ra cho em lúc đó.

Bởi vậy ta phải giữ vững niềm tin tưởng đối với các em, mặc dù các em phạm phải những lầm lỡ đó : chỉ tình thương  trung thực và vô điều kiện mới có thể giúp nhà giáo dục có được sức mạnh  trong những giờ phút đó. Bất cứ công việc giáo dục nào cũng cần phải có thời gian, không thể nào có ngay được thành quả, cho nên nhà giáo dục phải có đủ khả năng chạm trán với chán nản và thất bại, chấp nhận những giới hạn của hành động của mình và bất chấp mọi sự để cứ tiếp tục hy sinh cho các em. Bởi vì đôi khi, ở những lúc không ngờ nhất, các em lại cần đến nhà giáo dục hơn hết. Trong lãnh vực giáo dục, phải luôn luôn biết ‘nắm lấy những cơ hội’.

Tính vô điều kiện của tình thương này cũng phải được tỏ rõ trong khi cần phải áp dụng những hình thức sửa phạt. Những sự sửa phạt này không bao giờ được mang tính chất hạ nhục, nhưng chỉ có tính sửa sai. Và khi sửa phạt các em, ta phải lo sao để nhân phẩm của các em vẫn được tôn trọng. 

MỘT TÌNH THƯƠNG KHÔNG THIẾU CƯƠNG NGHỊ

Các bậc cha mẹ quá biết rằng yêu con không phải là chiều ý con trong tất cả thị hiếu của chúng. Nhà giáo dục cũng phải cư xử như thế với các em thiếu niên. Phải biết chống đối, từ chối. Phải biết ấn định các giới hạn, và cương quyết vững tay. Với sự dễ dàng nghĩ là làm của các em, những thái độ của các em thiếu niên thường là triệu chứng không tốt đối với pháp luật. Thường hùa nhau đi vào lập trường ‘tất cả, làm ngay’, các em sẽ không trông thoát khỏi đường lối này, nếu trên đường đời các em chỉ gặp toàn những người chịu thua sức ép và những thủ đoạn của các em. Trái lại, các em rất cần chạm trán với những người lớn không sợ các em, dám đối lập với các em và không dung thứ những sự bừa bãi của các em.

Những thái độ cương quyết như thế có thể khó giữ đối với nhà giáo dục. Nhưng cương quyết không bao giờ có nghĩa là nghiêm khắc : cương quyết không được gián đoạn sự đối thoại, nhưng nhằm thiết lập cuộc đối thoại (thật ra, chính những thái độ ‘bắt chẹt’ mới thường ngăn cản diễn ra cuộc đối thoại). Những thái độ cương quyết không bao giờ nghịch với sự tỏ bay tình thương.

Như linh mục Pierre đã nhấn mạnh một cách rất đúng[1]: không những không mâu thuẫn với tình thương, nóng giận là một cách tỏ bày tình thương. ‘Nóng giận là một trong những cách tỏ bày cao trọng, một trong những sức mạnh của tình thương. Sử dụng sự nóng giận cho đúng là một trong những bổn phận, một trong những điều kiện của một tình thương đích thực’.

MỘT TÌNH THƯƠNG PHÚC  ÂM

‘Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em’ (Ga  13,34 ). Đối với nhà giáo dục Kitô giáo, tất cả ý nghĩa của tình thương nằm ở chữ  ‘như’  vì đó là tính độc đáo của đường lối Kitô giáo. Và  tôi muốn kết thúc chương này bằng vài suy nghĩ bản thân về ý nghĩa hôm nay của câu nói ‘yêu thương như Chúa Giêsu’.

Yêu thương như chúa Giêsu không phải là tuyên bố những lời cao trọng về tình thương, không phải thế. Nhưng đó là thực hành những cử chỉ cụ thể đối với những người mà ta gặp mỗi ngày. Chúa đã không chỉ nói thôi. Ngài đã rảo bước trên các nẻo đường Palestina, đi gặp những người điên khùng, những phụ nữ ăn sương, những người mang tiếng xấu, những trẻ em : Ngài đón nhận tất cả những ai tới gặp Ngài.

Yêu thương như Chúa Giêsu, trước hết đó là biết đón nhận tha nhân. Sách vở không dạy ta cách đón nhận : Đó là thái độ cởi mở từ trong lòng và biết chia sẻ. Để có đón nhận, thì người được đón nhận có thể chia sớt những gì người đó mang tới, và nhận cái phần mà người ta hiến cho anh ta. Đón nhận không phải là bước tới, nhưng là để cho người khác bước tới. Bởi vậy, đón nhận luôn luôn là một cuộc phiêu lưu …

Yêu thương như Chúa Giêsu còn có nghĩa là chấp nhận tha nhân với tất cả những khác biệt của tha nhân, chấp nhận một cái gì khác ta, một người khác với ta. Yêu thương không phải là hủy bỏ, từ chối cái vẻ khác biệt, nhưng là chấp nhận sự khác biệt đó, chấp nhận sự người ta khác với ta, và chấp nhận luôn hình ảnh mà ta có về người đó. Như lời ca của ca sĩ Jean Jacqes Goldman, ca sĩ rất được giới trẻ mến chuộng, yêu thương là ‘đem tất cả những nét khác của mình, những nét xấu của mình, cũng là bấy nhiêu sự  may mắn’.

Yêu mến vẻ khác biệt, chính là chấp nhận người khác một cách chân tình, như Chúa Giêsu đã biết thương yêu người phụ nữ đất Samaria, người đàn bà đất Canaan, những người thu thuế, viên bách quân người la mã. Trước hết đó là quyết tâm vượt qua những bức tường ngăn cách mà chúng ta thường dễ dựng nên giữa chúng ta[1], ngay từ khi gặp lần đầu, đã phân chia những người chúng ta gặp làm hai loại : những người có thiện cảm và những người có ác cảm … Bởi vậy, vấn đề không phải là yêu thương những người yêu thương ta (điều này quá dễ và còn có lợi nữa), nhưng là yêu thương cả những người mà đúng hay sai, ta coi là kẻ thù của mình. Điều này không có nghĩa là biến những kẻ thù của ta thành những người bạn hữu ta : như thế sẽ là hiểu sai vấn đề và giải quyết một cách sai lầm. vấn đề là chúng ta phải tôn trọng những ý kiến và con người của những người không chia sẻ những niềm tin sâu xa nhất của chúng ta.

Yêu thương như Chúa Giêsu là tập cho và tập nhận. Người ta thường nghĩ rằng yêu thương ai là mang đến cho                   người đó tất cả những gì mình có thể cho người đó, và người ta quên rằng đôi khi tặng phẩm lớn nhất mà chúng ta có thể cho người khác, là để cho người đó có cơ hội mang cho ta cái gì. Đúng như tôi vẫn lặp đi lặp lại, điều quan trọng trong tình yêu không phải là cái người ta có, nhưng là cái mà người ta trao đổi .

Sau cùng, yêu thương như Chúa Giêsu là đi tới cùng trong tình thương, dù có gặp khó khăn đến mấy trên đường đi. Đối với Chúa Kitô, điều đó đã có nghĩa là ban mạng sống của Ngài. Đó là tiếng gọi đang vang lên trong lòng nhà giáo dục Kitô giáo : ‘Như Cha Thầy đã yêu thương Thầy, Thầy cũng đã yêu thương anh em : hãy ở lại trong tình yêu của Thầy (…) không ai có tình yêu nào lớn hơn là người thí mạng sống mình vì người mình yêu’ (Ga 15,9 và13).   

CHƯƠNG 6 

GIÁO DỤC HÔM NAY CHO NGÀY MAI

Như  Bettelheim đã nói, trong vấn đề giáo dục ‘Thực hiện hành vi đúng và đúng lúc cũng chưa đủ ; còn phải thực hiện với tình thương[1]’, và phải tin chắc rằng, trong lãnh vực giáo dục, ‘tình yêu chưa đủ’ : đó là nhan đề của một trong những tác phẩm thời danh của ông .

Thật sẽ là nguy hiểm, nếu ta muốn giản lược quan hệ giáo dục vào quan hệ tình cảm mà thôi. Như chúng tôi đã nhắc tới trong phần nhập đề, sự quá đề cao quan hệ giáo dục trong khi bàn về giáo dục thời nay, đối với cùng đích và nội dung của công việc giáo dục, là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của cơn khủng hoảng về giáo dục mà chúng ta đang trải qua.

Bởi vì, đối với nhà giáo dục, vấn đề không chỉ là đảm nhận lấy thực tại của thanh thiếu niên hôm nay bằng cách phát huy quan hệ thân ái và tin tưởng với các em, nhưng là phải chuẩn bị cho các em hội nhập vào thế giới của ngày mai. Phải giáo dục hôm nay cho ngày mai.

Mười hai năm nữa là hết thế kỷ này : chỉ còn 12 năm nữa! Lên 12 tuổi hôm nay vừa là có một tuổi đời (tuổi của những em bước vào tuổi thiếu niên) vừa là một triển hạn (triển hạn của chúng ta, lớn và bé, trước năm 2000).

Nhưng tôi lấy lại ở đây luận đề của Réne Rémond : tương lai đã bắt đầu rồi, tương lai đã ở giữa chúng ta[1]. Khung cảnh xã hội của năm 2000 đã được trưng lên rồi. Từ nay đến cuối thế kỷ sẽ không diễn ra điều gì dưới mắt chúng ta mà hiện nay chưa có.

Chúng ta có nhiệm vụ phát hiện ra những dấu vết của tương lai, nếu chúng ta muốn là những người xây dựng một nền giáo dục thích ứng cho thời đại chúng ta.

Như đức Piô XII đã dạy : ‘Dưới nhiều phương diện, nghệ thuật giáo dục là nghệ thuật thích ứng : thích ứng với tuổi, với tính khí, với tính nết, với khả năng, với những nhu cầu và những khát vọng chính đáng của thanh thiếu niên ; thích ứng với tất cả mọi hoàn cảnh của thời gian và nơi chốn, thích ứng với nhịp tiến bộ chung của nhân loại’.

Những thiếu niên mà ta giáo dục hôm nay, sẽ phải thích ứng với một thế giới không do các em tạo ra, và các em sẽ phải sống trong đó. Không có khả năng rút lui như những người lớn đã có được những kinh nghiệm và những quan hệ quá khứ, các em đánh cá cuộc đời các em hôm nay, và hiện tại đã là con đường đi tới ngày mai.

HÔM NAY ĐÃ LÀ NGÀY MAI       

Chúng ta hãy biết đánh giá cái thế giới mà các trẻ em hôm nay đang bước vào[1].

+ Một Thế Giới Của Tin Học Và Của Kỹ Thuật :

Tiếp theo cuộc cách mạng kỹ thuật và kỹ nghệ, chúng ta đang chứng kiến cuộc cách mạng phi mã của kỹ thuật tin học : nó đang đặt dấu ấn của nó trên tất cả các nghề nghiệp và được phổ biến nhờ việc đưa vào xử dụng những máy điện toán gia dụng. Trong khi nền kỹ nghệ lao mình vào ngành rô-bô học, thì khoa quản trị khai thác những khả năng của khoa học văn phòng, và những nhà nghiên cứu thì nhằm rút ra những lợi điểm của môn ‘Trí học’ (intellectique) tức là môn nghiên cứu về khả năng quan niệm của ta khi có sự  trợ  tá của các máy điện toán. Các thiếu niên ngày nay đã bước chân vào thế giới mới ngày nay từ ngành tiểu học với việc tập xử dụng những máy điện toán nhỏ xíu.

+ Một Vũ Trụ Của Truyền Thông :

Chúng ta hãy tưởng tượng đến toàn bộ các phương tiện truyền thông, nhất là các máy vidéo cùng với các áp dụng của chúng, các máy truyền hình có nhiều kênh, các đài phát thanh tự do và sự liên thông giữa các hệ thống máy điện toán, sự bành trướng ghê sợ của các phương tiện đào tạo với những máy điện toán dạy nghề, cùng với những tạp chí chuyên môn, những trợ lực của máy vidéo và những ngân hàng cung cấp những dữ kiện cho các phương tiện truyền thông.

+ Một Vũ Trụ Hạt  Nhân  Và Di Sinh Học :

Việc sản xuất ra năng lượng và đủ thứ vũ khí hạt nhân đang treo lơ lửng chiếc gươm của Damocles trên đầu chúng ta. Đồng thời, sự làm chủ được nguyên tử đang mở ra những chân trời cho kỹ nghệ và nhất là cho y khoa. Những khám phá mới mẻ của môn di sinh học đang cách mạng việc sinh nở và kế hoạch hóa việc sinh con, nhưng cũng đặt ra những vấn đề mới cho việc áp dụng môn di sinh học. Trên những lãnh vực này, cũng như nơi những lãnh vực của tin học và của các phương tiện truyền thông, những khả năng mới đang đồng thời gây nên những nguy cơ mới. Giới hạn của luân lý và của trách nhiệm đang mở rộng thêm và đang di chuyển.

+ Một Vũ Trụ Có Tính Quốc Tế Và Xung Đột :

Trong một vũ trụ mà các phương tiện truyền thông cho ta tiếp thông được cả thế giới, thì thêm vào hai khối Đông – Tây trước kia, nay lại có sự phân chia Bắc – Nam. Cho nên, thí dụ việc thế giới thứ ba không có khả năng trả các nợ sẽ đe dọa thế quân bình tài chánh và tương lai của các cựu lục địa, trong khi đó các công ty đa quốc  trở nên có nhiều tài sản hơn nhiều chính phủ quốc gia, Tình liên đới  giữa các dân tộc và cuộc chiến đấu cho nhân quyền đang trở thành những thách đố của thời đại.

+ Một Vũ Trụ Bị Đánh Dấu Bởi Cảnh Khan Hiếm Và Những Ăn Thua Về Môi Sinh :

Sự sống sót của chúng ta không phải là đối tượng ngắn hạn, mà cũng chẳng là dài hạn nữa, người ta phải nhận lãnh các trách nhiệm hôm nay để nhân loại có thể sống sót ngày mai. Những tài nguyên của trái đất được quản lý như là tài sản chung của tất cả các thế hệ và của tất cả mọi dân tộc.

+ Một Vũ Trụ Đang Biến Đổi Trên Bình Diện Các Điều Kiện Lao Động : 

Với cuộc khủng hoảng gây nên do sự cạnh tranh các thị trường quốc tế và do tiến bộ kỹ thuật, nền kinh tế của thế giới đang trở thành ‘phân đôi’. Sẽ có nguy cơ tồn tại trên thế giới và trong xã hội hai loại dân chúng khác nhau, với những quy chế ngày càng khác xa nhau :

  • Một đại đa số những cá nhân, ít xảo năng, bó buộc làm những công việc vụn vặt : số người này càng ngày càng thêm đông, thường xuyên bị nạn thất nghiệp, không có trách nhiệm và bảo đảm về công ăn việc làm, không có thể tìm thấy niềm vui hoặc niềm kiêu hãnh trong lao động của mình, nhưng lại phải làm việc với số giờ ngày càng bị cắt bớt.
  • Một thiểu số gồm những cá nhân nắm hết mọi quyền hành để quyết định và sáng tạo : đó là những người được lựa chọn cách gắt gao và được chuẩn bị lâu dài cho những chức vụ của họ. Họ có đảm bảo đầy đủ về công ăn việc làm và được hưởng một quy chế ưu đãi về xã hội và kinh tế.

Một cuộc tiến hóa như thế tỏ ra đầy những hiểm nguy, nếu ngay từ bây giờ người ta không tìm cách đề phòng. Sự phân chia lao động và công việc đào tạo sẽ là những chuyện ăn thua quan trọng.

+ Một Vũ Trụ Đa Hướng Và Di Động :

Con người và thanh niên ngày nay không còn là người của một làng hoặc một gia đình nữa. Mỗi người chia cuộc sống của mình giữa ‘nhiều chốn sinh sống’. Đi lại giữa chỗ học hành và khu thương mại, rồi qua trung tâm thể thao và bệnh viện, xưởng thợ hoặc văn phòng, con người trở thành ‘du mục’ mà không hay biết … Rồi mỗi nơi đó lại mang đến cho con người ‘nhiều sự lựa chọn’ về tôi giáo, chính trị hoặc luân lý và thực hành. Đàng khác, có một sự di động ghê sợ đang diễn ra trong nhiều địa hạt : nhà ở , nghề nghiệp, khung cảnh xã hội và gia đình. Nhịp thay đổi gia tốc như thế đang xô đẩy những người mà khả năng thích nghi về tình cảm hoặc trí thức tỏ ra chậm chạp. Sự ổn định không còn là kinh nghiệm đầu tiên của con người nữa. Sự thiết lập quan hệ sâu xa sẽ trở thành khó khăn. Sau cùng, rõ ràng hệ thống thương mại (những khu nhà đồ sộ và quảng cáo), sự phát triển ngành du lịch và các phương tiện truyền thông (đặc biệt là truyền hình) đang tạo nên ‘một sự mở rộng thêm chân trời của những khả thể’ do sự nhất loạt hóa về các lối sống, các cách cư xử  và suy tưởng …

Toàn bộ những nhân tố này đang thực hiện một sự tương đối hóa các kinh nghiệm căn bản và những sự hiển nhiên về môi trường gia đình hoặc môi trường văn hoá đã phát sinh ra người thiếu niên. Nhân đó xảy ra một sự di chuyển các giá trị thường bị thế hệ đi trước gọi là sự đánh mất các giá trị. Khi đó cần thiết phải có một sự thích ứng thường xuyên với vũ trụ luôn thay đổi : nhưng điều này giả thiết mỗi cá nhân phải có được một mức tối thiểu về nhân cách và một sự ổn định của tâm tình, hòng có thể đương đầu với những biến cố đó mà không bị tan rã bản thân. Sự tan loãng các khả thể sẽ theo sau sự nới rộng những ước mong hụt, những thất vọng. Quả vậy, người ta càng nới rộng những ước ao, những dự tính và những cái có thể coi là đạt được, thì lại càng vấp phải những chướng ngại về kinh tế, những chống đối của gia đình, của văn háo, của chính trị và xã hội.

Cả nơi xã hội tự xưng là bình đẳng[1], không phải mọi người đều có những cơ hội học tập, làm việc, du hành và có những quan hệ trong một bầu không khí thuận lợi như nhau. Một số những việc bất bình đẳng đã được làm giảm nhẹ đi, nhưng sự thay đổi cấu trúc xã hội vẫn sinh ra một khoảng cách thường xuyên giữa những vấn đề được đặt ra, và việc giải quyết chúng. Điều này thường phát sinh một tâm trạng làm chán chường lặp đi lặp lại, và đó thường là nguyên nhân phát sinh ra phạm pháp (chẳng hạn như đời các thanh thiếu niên không cách nào đạt được một cuộc sống như những kẻ cùng lứa tuổi với mình, nhưng thuộc một giới khác).          

ĐÀO TẠO NHỮNG CON NGƯỜI SẴN SÀNG VƯỢT QUA CƠN KHỦNG HOẢNG

Trong một thế giới vừa đầy những xáo trộn và những bất trắc, vừa giàu những hứa hẹn cho tương lai – và đó là nét đặc trưng của tình trạng khủng hoảng hiện nay, thì vấn đề sinh tử và khẩn cấp là đào tạo những con người sẵn sàng vượt qua cơn khủng hoảng.

Dừng lại ở khía cạnh tiêu cực của cơn khủng hoảng sẽ chỉ có dẫn tới bế tắc, thay vì gắng tìm ra khía cạnh tích cực, người ta đã chỉ nhìn vào những phương diện tiêu cực … Có thể chính đó là cái làm trầm trọng thêm cơn khủng hoảng : khủng hoảng về tin tưởng, khủng hoảng về hình ảnh của tương lai, khủng hoảng của sáng kiến.

Cơn khủng hoảng nên được là lúc chuyển từ một tình trạng sang một tình trạng khác. Là chỗ nảy sinh những xáo trộn gay gắt, khủng hoảng cũng có thể được nhận định như là điểm thiết lập một trật tự mới bởi những người biết nhận ra ý nghĩa của cơ hội.

Muốn được như thế, cần phải dám nhìn thẳng vào tương lai. Cái đáng mơ ước phải được ăn khớp với cái khả thể trong một xã hội có khả năng chi phối tương lai của mình. Như thế cuộc khủng hoảng không còn là cái ăn thua của tương lai, nhưng là của ngày nay.

Đó là một trong những chỗ thua được của nền giáo dục. Vấn đề không phải là mời các thiếu niên hãy lặp lại nhưng các em phải biết phát minh.

PHÁT HUY NHỮNG TÀI NĂNG CỦA CÁC EM 

Mỗi đứa trẻ đều mang trong mình những sức sinh động, những sức lực, những khát vọng thúc nó lớn lên, những tài năng mà chúng ta phải biến thành những khả năng.

Những sức sinh động này đang vang lên trong trái tim của mỗi em như những lời kêu gọi để các em đừng bao giờ thỏa mãn về cái mà mình đang là, nhưng phải ước muốn tự do hơn, có nhiều tài năng hơn để ăn nói, để sáng tạo, để yêu thương.

Bởi vậy, ở thời đại ta hơn bất cứ bao giờ, vấn đề sinh tử là nhà giáo dục phải đảm nhận lấy tất cả các sinh động đó, và tìm cách phát huy tối đa những tài năng ăn nói, sáng tạo và yêu thương,  vì đó là những cái làm nên vẻ phong phú của đời sống con người. Nhưng nhà giáo dục cũng phải đảm nhận lấy tất cả những khó khăn mà các em có thể gặp trên quá trình tiến hóa.

Nhà giáo dục, trong khi lo cho cá nhân các em, phải tỏ ra biết :

  • Chia sẻ kinh nghiệm đời mình với các em.
  • Nâng đỡ các em, nhất là bằng những cuộc đàm đạo, hầu giúp các em ý thức về những khó khăn, và giúp đỡ các em vượt qua.
  • Giúp các em ý thức và phát huy tất cả những khả năng riêng của mỗi em, gợi cho các em thấy những lãnh vực có sức thu hút các em, và chung tay với các em để tìm ra những phương tiện tỏ bày.
  • Chú ý đến thân thể của các em, luôn lo cho sự phát triển về thể lý và thể thao của các em, không phải quá chú trọng về thi đấu, nhưng là để cơ thể các em được phát triển và được nghỉ ngơi.
  • Đưa ra những đề nghị về khả năng đào tạo, giúp cho các em có thể tiến bộ cả về lãnh vực nghề nghiệp, lẫn lãnh vực xã hội và văn hóa.

CHÚ Ý ĐẾN CÁC THIẾU NIÊN TRONG MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC VÀ GIẢI TRÍ 

Nền giáo dục ngày nay phải toàn diện, sự xé lẻ và chia cắt thành những môn giáo dục khác nhau sẽ có những ảnh hưởng đáng tiếc, thậm chí có những hiệu quả tai hại.

Đối với nhà giáo dục, không một lãnh vực nào của bản tính con người có thể được bỏ qua. Nhà giáo dục phải nắm được các thiếu niên trong địa hạt làm việc cũng như trong địa hạt giải trí,  trong sinh hoạt cá nhân cũng như trong sinh hoạt xã hội, lo cho thân thể cũng như lo cho tinh thần của các em. Chính trong sự tiếp cận toàn bộ đó mà nhà giáo dục sẽ có thể thực hiện đầy đủ sứ mạng của mình.

‘Đặc điểm của một nền giáo dục Kitô giáo đích thực là nhằm đào tạo toàn diện con người của trẻ em và của các thiếu niên’[1].

Ngày nay người ta đang chứng kiến một sự di chuyển  giá trị của sự làm việc. Điều này được giải nghĩa do vai trò của sự làm việc trong đời sống chúng ta không những ngày càng nghèo nàn đi đối với nhiều người, nhưng càng ngày càng giảm bớt đối với mọi người. Thời gian làm việc của một người 75 tuổi đã sụt từ 220.000 giờ năm 1880, xuống còn  110.000 giờ năm 1964, và còn 70.000 giờ hiện nay.

Sự di chuyển này, tôi nghĩ không phải là một sự đặt lại vấn đề của lao động, và bản thân tôi chỉ nghe thấy những người đi làm đôi khi tuyên bố rằng ngày nay lao động không  còn giá trị. Nhưng đó lại không phải là quan điểm những người thất nghiệp mà tôi gặp. Dầu sao, ngày nay lao động ít được coi như một cái gì có giá trị luân lý hoặc tôn giáo, người ta chỉ thường coi lao động như một công cụ để kiếm đồng lương do nó mang lại, hoặc để chiếm được địa vị xã hội mà nó nâng lên.

‘Như vậy, cuộc sống hình như được chia ra làm hai phần, một phần là thời gian làm việc bắt buộc, ai cũng nhận là cần thiết, nhưng lòng con người ta chỉ tha thiết tương đối thôi, và phần kia là thời gian giải phóng : đây là thời gian duy nhất được coi là đáng mơ ước và để người ta hết sức đầu tư vào’. Trong đời sống con người loại thời gian thứ hai này sẽ ít ra cũng gấp đôi thời gian làm việc.

Bởi vậy, điều quan trọng ngày nay là trong khi khai triển các dự án giáo dục, chúng ta không nên chỉ nhấn mạnh vào việc chuẩn bị công ăn việc làm cho giới trẻ, mà còn phải chú ý nhiều đến sự chuẩn bị cho các em biết sử dụng tốt các thời gian thư nhàn bằng cách phát huy các khả năng văn hoá và thể thao của các em.

Đàng khác, theo tôi nghĩ, nền kinh tế sẽ chỉ lấy lại được thế quân bình, nếu song song với một nền kinh tế thương mại càng ngày càng kỹ thuật hóa, và mục đích trong thời kỳ trao đổi quốc tế hóa này là lợi nhuận, thì nền kinh tế xã hội cũng phải được phát triển mạnh mẽ để tạo ra nhiều công ăn việc làm.

MỘT ƯU TIÊN Ở THỜI KHỦNG HOẢNG LÀ PHÁT HUY TÍNH THÍCH ỨNG 

Bất kỳ thời kỳ khủng hoảng nào, cùng với một lô những thay đổi về kỹ thuật và cấu trúc, cũng mang lại nhiều bất trắc. Ai biết được ngày mai sẽ như thế nào ? Ngày nay tốc độ của tiến hóa thật là khủng khiếp.

Cho nên, đối với tôi, một trong những đức tính cần được nhà giáo dục phát huy nơi các em là tính thích ứng, khả năng thích ứng. Thay vì chuẩn bị cho các em làm một thứ công việc duy nhất, với một quy chế xã hội nào đó, ta nên chuẩn bị cho các em đủ khả năng thích ứng với nhiều chức năng khác nhau, phải phát huy khả năng thích ứng của các em. Bởi vì hôm nay ta không thể nắm chắc nội dung của việc đào tạo ngày mai, cho nên cần phải phát huy nơi các em sự thèm khát muốn được theo những khóa tái tập huấn.

Trong đường lối giáo dục ở thời gian khủng hoảng, tôi thiết nghĩ cái khả năng thích ứng này phải đi đôi với một sự tập luyện về tính di động trong cái thế giới đa hướng mà chúng tôi đã mô tả trên kia, đồng thời phải phát huy  các khả năng sáng tạo. Đức tính sau cùng này phải được coi là chủ yếu để vượt qua cơn khủng hoảng. Tất cả những gì góp phần vào việc phát huy khả năng sáng tạo nơi các em đều nhất định phải được khuyến khích, nhưng không nên vì thế mà lơ là với tầm quan trọng của chức năng trí nhớ.

GIÁO DỤC VỀ ĐỨC CÔNG BẰNG VÀ TÌNH LIÊN ĐỚI

Ngày nay, hành động giáo dục không thể chỉ có tính cá nhân, mà còn là tập thể.

Nói như Pierre Moitel, vấn đề không phải là dạy các trẻ em và các thanh thiếu niên rằng các em phải liên đới với nhau (dù việc đó là điều phải làm nhân danh nền luân lý nhân bản, hoặc nền đạo đức phúc âm), nhưng là giúp các em nhận thấy rằng thực sự các em đang ở trong một hệ thống liên đới. Trong thế giới hiện nay, ‘trẻ con’ thiếu niên, người lớn, tất cả chúng ta đang bị vướng trong một cái màng nhện của những quan hệ, liên lạc thông tin, kiến thức, và những trò chơi xã hội mà không một ai có thể thoát được. Và vấn đề được đặt ra sẽ là : trong cái hệ thống những dây liên đới đó, chúng ta sẽ làm cách nào để sống tinh thần liên đới một cách tự do ?[1]

Ngay từ thủơ nhỏ, học tập sống tập thể sẽ cho phép thanh thiếu niên mở ra những đường hướng đáp lại vấn đề liên đới. Đời sống biết chia sẻ của nhóm sẽ dạy các em biết cư xử với người khác (mỗi thành viên của nhóm cần phải công nhận các người khác, nếu chính bản thân mình muốn được công nhận), biết khám phá ra những đòi hỏi cũng như những niềm vui của sự chia sẻ. Các em sẽ có dịp phát huy hai ý nghĩa rất quan trọng cho việc xây dựng xã hội ngày mai:

  • Ý thức trách nhiệm (các em cùng nhau chịu trách nhiệm về nhóm của mình, các em có thể được trao cho lãnh trách nhiệm này, hoặc hành động kia).
  • Ý thức về công bằng và liên đới (sự phát triển có tính liên đới của nhân loại).

Tình liên đới sẽ là một trong những thua được của ngày mai, nếu người ta từ khước xây dựng xã hội trên nguyên tắc loại trừ tất cả những ai không có khả năng cần thiết để có chỗ đứng trong sinh hoạt kinh tế xã hội.

Ngày nay khi đang manh nha một xã hội phân đôi, chúng ta đã có thể thấy trước nguy cơ đó rất là lớn lao. Thay vì phân công làm việc, người ta sẽ thấy xã hội phải nhức đầu về vấn đề thất nghiệp. Thay vì lo cho tất cả mọi người một sự đào tạo thích ứng, người ta sẽ thiết lập những hệ thống ưu tiên cho việc đào tạo những thành phần ưu tú, dựa trên sự lựa chọn rồi gạt bỏ những ai không đủ kiện :  họ sẽ ở trong tình trạng thất  bại.

Khi đó cuộc chiến đấu cho con người … cho sự phát triển  nhân tính của con người, cuộc chiến đấu cho giáo dục, sẽ qua con đường của tình liên đới.

Bởi vậy chúng tôi có thể cho là đáng tiếc việc người ta hiện nay thường chủ yếu nhấn mạnh về khía cạnh tâm tình trong quan hệ giáo dục : có lẽ đó là vì cao trào của chủ nghĩa cá nhân đang nổi bật trong xã hội Tây phương của chúng ta. Tuy nhiên, tôi nghĩ khía cạnh xã hội và chính trị cũng cần phải được đề cao, nếu người ta muốn góp phần vào việc xây dựng một thế giới công bằng hơn và huynh đệ hơn.

Đức Gioan Phao lô II không ngừng lặp lại rằng : “Giáo dục có một tầm quan trọng căn bản cho việc đào tạo những quan hệ giữa người ta với nhau và ở trong xã hội”[1].

Hai thế kỷ trước đây, Kant đã viết : ‘Đây là một nguyên tắc của nghệ thuật giáo dục mà nhất là những người thảo ra các kế hoặch giáo dục phải luôn nhớ : không nên giáo dục các trẻ em theo hiện trạng của nhân loại mà thôi, nhưng còn phải nhìn vào tình trạng mai sau có thể tốt hơn, nghĩa là phù hợp với ý niệm của nhân loại và cùng đích toàn diện của con người. Nguyên tắc này rất quan trọng. Thường cha mẹ chỉ lo giáo dục con cái mình để thích ứng với thế giới hôm nay, dù thế giới đó hư hỏng đến đâu đi nữa. Đáng lý ra các bậc cha mẹ phải lo cho con cái mình một nền giáo dục tốt hơn, để một tình hình tốt hơn có thể nhờ đó mà nẩy sinh trong tương lai’[1].

 

GIÁO DỤC VỀ Ý NGHĨA

André Malraux đã viết : ‘Chinh phục mặt trăng làm gì, nếu để tự tử ở trên đó ?’[1]. Đó là câu hỏi đầy băn khoăn, vì nó gồm câu hỏi căn bản : ‘Sống để làm gì ?’ Khi những điều kiện sinh sống đã do khủng hoảng làm cho trở nên khó khăn, thì vấn đề này càng vang lên với một tầm thước mới.

Vấn đề ý nghĩa trở thành vấn đề trung tâm. Sự thật thì trong thế giới của chúng ta hôm nay, một thế giới đa nguyên về lập trường đạo đức, luân lý, triết học hoặc tôn giáo, khi người ta gặp những người khác mình, người ta thường tỏ ra bất khoan dung và chống đối, hoặc ở bên nhau mà không nhìn nhau, dửng dưng. Ngày nay các thiếu niên khó mà tìm được những bậc đàn anh được chuẩn bị tốt cho những cuộc chạm trán này để có khả năng tìm ra ý nghĩa.

Cuộc khủng hoảng làm cho càng ngày càng nên cần thiết phải phát huy nơi giới trẻ ngày nay cái khả năng tìm ra ý nghĩa.

Malraux đã tiên đoán : ‘Vấn đề chủ yếu của cuối thế kỷ này sẽ là vấn đề tôn giáo’. Sự rộng lớn của cuộc khủng hoảng cho thấy là ông ấy có lý. Càng ngày người ta càng thấy đúng  như lời Chúa dạy trong Phúc âm : ‘Con người ta không chỉ sống bằng bánh mì’ (Mt 4,4).

‘Nếu ai bước đi ban ngày, người đó sẽ không trượt chân, vì nhìn thấy ánh sáng của trần gian ; còn ai bước đi ban đêm thì trượt té, vì người ta không có ánh sáng’. (Ga 11, 9-10)

CHƯƠNG 7

ĐỨNG TRƯỚC SỰ LẦM ĐƯỜNG CỦA GIỚI TRẺ

‘Đúng là chúng ta đang sống trong một thế giới mà tất cả mọi cái đều nhằm làm hư hỏng các thiếu nhi, các thiếu niên và các thanh niên … Chúng ta sẽ phải trả giá mắc, rất mắc’. Đó là phát biểu của văn hào Francois Mauriac, trong khi thảo luận với một nhà báo về làn sóng phản đối của sinh viên, mới diễn ra hồi tháng 5 năm 1968, và ông muốn đưa ra cách giải thích của một nhà luân lý học.    

Rõ ràng thời gian của tuổi thiếu niên, cái thời gian càng ngày càng dài này, giữa tuổi thiếu nhi mà nó muốn kéo dài ra, và tuổi trưởng thành mà nó đứng trước, cái tuổi thiếu niên càng ngày càng trở nên khó sống trong cái xã hội thời mới của chúng ta. Đó là ‘cái tuổi khó thương’, được đánh dấu bởi những biến đổi về thân thể và về  tâm lý, và là cái tuổi mở đầu cho tuổi dậy thì, (tuổi dậy thì càng ngày càng bắt đầu sớm  hơn : 12/13 tuổi cho con gái, và 13/14 tuổi cho con trai). Cái tuổi này sẽ chấm dứt khi các thanh niên sẽ thật sự hội nhập vào xã hội và có nghề nghiệp (nhưng với khung cảnh xã hội khủng hoảng  và với việc gia tăng thời gian học hành, thì việc hội nhập vào xã hội có khuynh hướng càng ngày càng trễ hơn). Thời gian của cái ‘tuổi khó thương’ này có những giới hạn khó phân biệt, bởi vì sự xuất hiện và quãng thời gian của tuổi này thay đổi tùy nam hay nữ, tuổi này được đánh dấu bởi sự xuất hiện và triển nở của bản năng tính dục, bởi vẻ phong phú của một đời sống tình cảm, ước ao được tự do và tự chủ, và củng cố những lợi ích nghề nghiệp và xã hội.

Đây là thời gian con người cảm thấy khó ở hơn hết, khó ở ngay trong da thịt của mình (trong những cái khó ở thông thường nhất của tuổi này, là các bệnh ngoài da) rồi khó ở đối với xã hội (các em luôn bị  kích thích bởi những  quảng cáo, nhưng lại không có một quyền hành thật sự nào trong tay : thời đại của những vị tướng lãnh và dân biểu 18 tuổi nay xa vời). Cho nên tuổi thiếu niên là tuổi dễ bị cám dỗ và dễ bị lạc đường. Lòng chỉ mơ tưởng một thế giới trong sạch và huynh đệ, nhưng lại thất vọng vì thực tế của một thế giới đầy tranh giành, trong đó có lợi nhuận có thể biện minh cho những công việc làm ăn đê tiện nhất, các thiếu niên với bản lãnh còn non nớt, rất dễ bị cám dỗ đi vào con đường nổi loạn.

Cuộc nổi loạn của trẻ không con được biểu lộ như những năm 1960 bằng những cuộc biểu tình rầm rộ, nhưng bằng những thái độ cá nhân, hoặc bằng những nhóm nhỏ : phạm pháp, xì ke ma túy, tự tử.

Những thái độ lạc đường này chỉ liên hệ đến  một thiểu số các em, và tôi muốn chúng ta coi chừng đừng lầm lẫn những va chạm thường tình của tuổi mới lớn lên, với một sự lạc đường thật sự trong cử chỉ của mấy em, như quan niệm về khủng hoảng của tuổi trẻ gợi ý. Như Henri Chabrol đã nhấn mạnh trong một tác phẩm dành cho những thái độ tự sát của các thiếu niên, ‘khái niệm khủng hoảng của tuổi trẻ xét như đó là một sự đảo lộn om xòm mà không tránh được, cũng phần nào giống như những điển hình xã hội vừa nói ở trên : những thái độ này không khỏi gây những ảnh hướng  tiêu cực đối với các bậc phụ huynh và những nhà chuyên môn về thiếu niên. Quan niệm khủng hoảng của tuổi trẻ đã lâu nay làm cớ để người ta tránh bàn luận về cái thường tình và cái bệnh lý nơi các thiếu niên’.

Tuy nhiên, nếu những sự kiện lạc đường như thế của tuổi trẻ vẫn may mắn là một sự kiện xã hội của thiểu số trong xứ sở chúng ta, nhưng chúng ta phải hết sức lưu tâm đến sự gia tăng lớn lao gần đây của các trường hợp. Ngày nay không một gia đình nào thoát khỏi vấn đề phải đối diện với những khó khăn được đặt ra do thái độ lạc đường của  một trong những đứa con của mình, nghĩa là một thái độ vượt ra ngoài những khuôn khổ được xã hội chấp nhận.

Trong vấn đề thiếu niên lầm đường, có lẽ điều tai hại nhất là sự thiếu hiểu biết, do sợ hãi mà ra. Người ta sợ các thiếu niên lạc đường, sợ thái độ bất chấp sự chết, bất chấp điên khùng hoặc tù ngục mà các em luôn có vẻ thách thức người lớn. Có vẻ như các em nói với họ rằng : ‘Chúng tôi không ưa cái lối sống của các người’.

‘Và cũng như bao giờ, sự sợ hãi đã tìm ra những chống chữa của nó : những xác tín, những chắc bụng, những dư luận có sẵn, mà đa số là sai lầm. Cũng không sao mà ! Điều cần  là có được những câu trả lời và những giải thích dứt khoát về một hiện tượng mà người ta không muốn tìm hiểu làm gì’.

Thế rồi, đối với những vấn đề như thiếu niên phạm pháp, xì ke ma tuý hoặc thiếu niên tự tử, người ta loan truyền một mớ những thông tin mâu thuẫn nhau, mà tôi nghĩ là có mục đích củng cố những thiên kiến của quần chúng, hơn là nhắm thông tin một cách khách quan về những hiện tượng đó . phải thú nhận rằng  những hiểu biết của chúng ta về các vấn đề này vẫn còn quá ít ỏi,  thành thử tôi nghĩ không có ai có thể tự phụ mình đã có được cách giải thích đúng, hoặc có bài thuốc kỳ diệu . Tôi không muốn bút chiến với bất cứ ai . Nhưng tôi chỉ muốn mạnh mẽ nói lên rằng  mười năm sống bên cạnh những  thiếu niên phạm pháp, xì ke ma tuý và tự sát đã cho tôi thấy rằng  dán cho các em nhãn hiệu đó là điều vô nghĩa . Hoạ chăng chỉ có những em phạm pháp với chữ F lớn… trong trí tưởng tượng của chúng ta . Nếu chúng ta muốn phác hoạ những nét đặc trưng hoặc chân dung điển hình của em thiếu niên phạm pháp, bởi các em sẽ tìm cách vạch ra con đường riêng của các em để thoát khỏi những mâu thuẫn không thể chấp nhận được cuộc đời đang mở ra trước mặt các em .  

Không bao giờ tôi có ý nghĩa muốn bàn về tất cả các khía cạnh của vấn đề thiếu niên phạm pháp . Một , hoặc có thể nhiều tác phẩm cũng không đủ sức làm việc này . Xin mời các độc giả xem sách báo đang lan tràn về đề tài này .

Tôi chỉ muốn nêu rõ một vài khía cạnh nổi bật trong số những nét có ý nghĩa nhất của ba hiện tường dễ thấy nhất của vấn đề tuổi trẻ lạc đường, đó là vấn đề thiếu niên phạm pháp , xì ke ma tuý và tự tử, sau đó sẽ nghiên cứu những câu trả lời của phương pháp giáo dục mà tôi coi là thích hợp nhất .

Quả vậy , nói đến ‘ đường lối Kitô giáo của giáo dục’ tất nhiên phải là ‘ưu tiên lưu ý’đên những thiếu niên gặp khó khăn to lớn hơn . Thiếu mối ưu tiên này , tất cả các lời lẽ Kitô giáo sẽ trống rỗng .

THIẾU NIÊN PHẠM PHÁP

Nên nhắc lại rằng chúng ta phải coi chừng tính từ ‘phạm pháp’,  vì nó có thể biến thành một nhãn hiệu . Mà chúng ta biết không có kẻ phạm pháp bẩm sinh . Thiếu niên phạm pháp là một em như các em khác , nhưng ở một quãng nào đó của đời mình , đã phạm một trọng tội và bị đưa ra toà . Nhưng làm sao sự kiện phạm một trọng tội và để bị bắt , lại có thể làm cho thiếu niên bị gọi là phạm pháp , sự phạm pháp chỉ  chỉ là một tai nạn xảy ra ,chứ không phải là một nhãn hiệu không thể xoá, được gián cho em thiếu niên .

+     Những nhân tố của phạm pháp

Có ba loại nhân tố của sự một thiếu niên rơi vào cảnh phạm pháp : trước hết là nhân cách thiếu niên ; rồi môi trường sống, tức khung cảnh xã hội và gia đình của em ; Sau cùng là hoàn cảnh em đã gặp, và đây chính là ngòi nổ . Nếu không lưu ý đến ba yếu tố này người ta sẽ rất có thể  đi tới những đơn giản hoá theo tư tưởng . Một số người khẳng định rằng môi trường là căn nguyên moi sự . thế tại sao trong nhiều gia đình, với những điều kiện sinh sống như nhau, lại chỉ có một em phạm pháp, còn các em khác lại không . Một số người khác lại đưa ra một sự giải thích hoàn toàn tâm lý, đổ tội cho một số nét của nhân cách em thiếu niên . Thật ra đây chỉ là một phương diện  của vấn đề, cho nên nếu bám víu vào đó, sẽ có nguy cơ rơi vào những luận đề, giả khoa học, coi nguyên nhân phạm pháp là các nhiễm thể của em thiếu niên . Sau này có những người chỉ nêu lên những hoàn cảnh sống của em thiếu niên (như ăn không ngồi rồi, thất nghiệp), thật ra khủng hoảng kinh tế là một yếu tố gia trọng, nhưng phạm pháp vẫn thấy ở tất cả mọi thời đại, cả những thời kỳ kinh tế hưng thịnh .

Sự thật thì, ngày nay, trong một nước như nước Pháp sự gia tăng em phạm pháp đã làm người ta phải lo âu (vì trong 20 năm, con số thiếu niên phạm pháp đã tăng lên gần bốn lần).

+   Ý nghĩa của hành vi tội ác

Nên nhớ rằng 80 % các hành vi tội ác là những hành vi trộm cắp (đánh cắp và mượn xe cộ, ăn cắp vặt trong các tiệm buôn, ăn trộm tại các tư  gia) và phá hoại tài sản (do tính tình phá phách) . những hành vi xâm phạm đến con người thì ít hơn nhiều (khoảng 8 % ) hành vi tội ác được các thiếu niên phạm pháp ưa thích nhất có thể là những vụ trộm vô danh .

Các hành vi tội ác này không luôn có một ý nghĩa duy nhất. Có thể là ăn cắp thứ thường dùng (như thức ăn , áo quần), nhưng loại ăn cắp này rất được sách vở thế kỷ XIX tông hồng, nhưng nay lại ít xảy ra hơn là ăn trộm những đồ vật các em thèm ước, bởi vì đã được xã hội đề cao là biệt hiệu của lối sống sang trọng, hoặc là ăn trộm xe cộ, từ chiếc xe gắn máy đến chiếc môtô và xe hơi . nhiều khi đấy chỉ là mưỡn đỡ, vì sau khi xài, chiếc xe sẽ bị bỏ ở một nơi nào đó (trong tình trạng đáng buồn) trong các xã hội phương tây . những vụ trộm cắp hay xảy ra …)

Trong loại hành động phạm pháp này, sự chiếm lấy đồ vật ăn trộm không còn là động lực chủ yếu nữa . Rất mau chóng, phạm pháp đã trở thành một trò chơi và chính đây là giá trị mà các em tìm kiếm : ăn trộm phải làm sao để thoát thân, không bị bắt . và cũng như trong mọi cuộc chơi, luôn có đủ những yếu tố như tình cờ may rủi, và khả năng thích ứng với những tình hình bất ngờ .

+   Trò chơi phạm pháp

Trò chơi này mau chóng trở thành mê, không thoát được nữa : những sự ăn thua này ngày càng trở nên quan trọng hơn. Nếu tiếng nói của luật pháp đã không có hiệu quả thì em thiếu niên ra tay hành động lần đầu, thì có nguy cơ em sẽ mau chóng đi vào con đường tái phạm (và người ta thấy nơi các em này, lời răn đe của cha mẹ không giúp các em chấp nhận luật pháp ) .

Và điều này không đúng khi vai trò của băng nhóm tỏ ra rất quan trọng trong việc vi phạm điều cấm .Băng nhóm của mấy em không giống mấy băng nhóm của những tay anh chị có tổ chức rất chặt chẽ vào những năm  sáu mươi, nhưng là môi trường duy nhất các em thấy mình được thâu nhận và yêu thương, sau những tình cảnh thất bại và thiếu thông cảm . Để được nhận vào nhóm, các em phải chứng minh với bạn bè . Cho nên sự phạm pháp ban đầu có cái gì giống như một sự gia nhập đảng . Sau đó, để được nhóm đề cao, các em phải làm tới thêm mãi .                  

Cái trò chơi phạm pháp này , giữ một sự thèm khát tự do mãnh liệt và những nguy cơ luôn bị bắt , là một trong muôn vàn hình thức của trò chơi giữa sự sống và sự chết . điều này nhiều khi nổi bật trong thái độ tự sát của những em ăn trộm xe hơi, phóng nhanh hết tốc lực như để giỡn với tử thần

THIẾU NIÊN NGHIỀN MA TÚY

Trò chơi giữa sống và chết cũng là nét đặc trưng của kinh nghiệm nghiện ma tuý , và cũng bởi vậy rất khó tiếp cận với các em loại này . ‘Ma tuý gây sợ hãi , và thái độ coi thường cái chết , coi thường điên khùng , làm thái độ chúng ta bị lung lay cả nơi những niềm tin chắc chắn nhất của mình’[2]. Chúng ta thấy mình bất lực không cách nào tiếp thông với các em .

+   Khó tiếp xúc với các  em nghiền ma tuý

Chúng ta hãy nghe nhà giáo nổi tiếng  Iean  Bothorel kể lại sự khám phá ra chuyện hút sách của con trai mình .

‘Buổi sáng tháng 11 năm 1982 đó, bỗng nhiên tôi ý thức rằng  Alexandre, đứa con trai 17 tuổt của tôi đã nghiền ma tuý . Nó đã chiếm phòmg của chị giúp việc. Khi tôi bước vào phòng, tôi thấy nó nằm lăn trên giường, vẻ khoái trá . Ba thằng bạn của nó cũng nằm bên cạnh nó, trong vẽ đờ đấn như nó . thật là một cảnh tượng ghê gớm, mà cũng tầm thường. Y như một cảnh trong phim . Tôi la mắng ầm ĩ, vừa phỉ nhổ vừa ngăm đe . Và tôi đã đít mấy đứa đuổi ra khỏi phòng, trừ thằng con tôi . Tôi nhìn nó, cố giữ để đừng khóc . Nó thì lại cười và bảo tôi : ‘Ba không thể hiểu … ba không thể hiểu’ . Dưới đất nào là những cây đèn cầy, nào là chiếc muỗm đen ngòm với cái cán bị bẻ cong, những lọ gạt tàn thuốc lá đầy nhóc những mẫu thuốc lá, những chai rượu mạnh chỉ còn vỏ không . Chỉ còn thiếu chiếc ống chích mà chúng gọi là ‘cái ống bơm’.

Dàn nhạc  âm thanh nổi đã được bật lên : chiếc kim bạch kim đang xoay vòng, nhưng không có đĩa hát . Thật là một sự vô trật tự dơ bẩn : mùi xú khí của mồ hôi và tàn thuốc nguội’ .

‘Tôi lại đi xuống chỗ nó. Từ  đáy lòng tôi  biết tôi sẽ từ chối không chấp nhận sự thử thách đang diễn ra trước mắt, vàtôi muốn đẩy lui hết sức xa cái phút phải nghe nó giải thích, nghĩa là phải đối thoại với con tôi’ .

‘Tôi từ chối như thế vì mang mác sợ cái gì đâu . Nhưng đúng ra là tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực’ .

‘Tôi có thể quen thấy cảnh say rượu, với những nghi thức của cảnh này, sự điên khùng và khờ khạo của nó, còn như cái thế giới của ma tuý thì tôi không hề biết . Tôi cũng không thể nổi nóng để trút cơn điên của tôi lên đầu nó . Để nói với thằng nhỏ  mười bảy tuổi của tôi rằng tôi hết sức ngán cái trò nó bày ra đó, tất cả những chuyện đổi bại của nó . Mấy năm trước, tôi đã có những trận nổi sùng như  thế ? Mà có ích lợi gì đâu ? Bây giờ thì phải đối thoại với con tôi . Tôi không sao nói nên lời . Miệng tôi khô cứng . Tôi cứ loanh quanh mãi mà không bắt đầu được . Từ ‘ma tuý’ đã trở thành  một cấm kỵ đối với tôi, cũng như từ ‘trai gái’ đã là một cấm kỵ đối với cha mẹ tôi’[3]

+   Phải trình bày nhẹ nhàng      

Nhất định người ta sợ ma tuý , và sự sợ hãi  có thể khiến người ta có những lời lẽ tuyệt đối ,thiếu tế nhị, nếu người ta không lưu tâm . Chẳng hạn có người nói ‘không nên phân biệt thế nào làma tuýmạnh, thế nào là ma tuý nhẹ’. Tất nhiên nếu người ta muốn nói rằng không có ma tuý nào ít  nguy hiểm , mọi sản phẩm đều nguy hiểm , thì tôi rất đồng ý với câu nói. Nhưng tất nhiên có những cấp độkhác nhau. Quên điều này để rồi coi các thứ ma tuý đều như nhau, sẽ là gieo rắc sự lẫn lộn Francis Curtet đã viết cách mỉa mai rằng[4] : ‘Coi xì ke ngang hàng với bạch phiến là sai lầm, cũng như đồng hoá xe hai bánh của con nít chơi với công thức số một’. Thật là sai lầm nếu người ta cho là nghiềän ma tuý những người thỉnh thoảng có hít xì ke , vì chất này không có gây ra nghiền , trong khi nghiền ma tuý là sự lệ thuộc thể lý và tâm lý của người ta đối với một sản phẩm. Theo nghĩa này thì nghiền rượu đúng là nghiền ma túy ,vì rượu được xếp vào loại ma tuý mạnh và gây nên một  sự lệ thuộc thể lý . Một điều lạ , là ở nước Pháp, nạn rượu chè là căn cớ của 50 % những vụ phải đưa vào các viện dưỡng trí, và là thủ phạm đứng thứ ba về tử vong (mỗi năm có tới 700.000 người chết vì rượu ), thế mà vấn đề nghiện rượu được coi là không trầm trọng bằng vấn đề nghiền ma tuý (chỉ có 172 nghiền ma tuý chết vì dùng quá liều lượng 1985  : những người chết này, trong 70 % các trường hợp, vào lứa tuổi trên 26  tuổi và 75 % các trường hợp là do dùng bạch phiến, và 15 % là có dùng thêm các loại khác).

Người ta ít sợ rượu hơn là sợ ma tuý, có lẽ vì việc quán lý rượu dễ hơn quán lý ma tuý . Về rượu, có thể phân biệt giữa những người thích rượu (thỉnh thoảng uống chút ít rượu ngon) và những người nghiện rượu (uống đều đều, uống bất cứ rượu tốt , xấu) . Còn như về ma tuý thì tại Pháp cũng có phong trào muốn phân biệt thanh hai loại, những người thích ma tuý (thỉng thoảng có dùng ma tuý), và những người ma tuý, nhưng tôi thấy sự phân biệt này rất nham hiểm, vì người ta cho rằng có thể quản ‘lý’ mức độ dùng ma tuý : tôi nghĩ rằng . Việc này quá khó khăn, thậm chí không thể được  hiện được, nhất là đối với các thiếu niên, bởi vì chúng nghiền ma tuý rất mau lẹ trở thành tập quán của cơ thể, và nhân đó những người nghiền cảm thấy bó buộc phải gia tăng liều lượng. Chỉ sau ít lâu, lâu chóng tuỳ tính nguy hiểm của sản phẩm, người nghiền ma tuý sẽ hoàn toàn lệ thuộc về thể lý và tâm lý, không thể bó chất ma tuý mình tiêu thụ nữa . Sự tuyệt đối cần thiết phải là liều lượng đó mỗi ngày sẽ đẩy họ vào con đường phạm pháp (để kiểm ra tiền)  hoặc muốn  bán ma tuý (họ trở thành những tay cung cấp) .

+   Những sản phẩm

Tôi sẽ không nói nhiều về các sản phẩm này và hiệu quả của chúng, đã có nhiều thư mục nói nhiều về vấn đề này . Có nhiều cách xếp loại các thứ ma tuý, hoặc xếp theo tính cách hợp pháp hay không hợp pháp, hoặc xếp theo hiệu quả của chúng (làm cho sáng khoái, kích thíchm làm cho say, sinh ra oả giác). Tôi nghĩ  cách xếp loại tốt nhất là xếp theo mức độ nguy hiểm gia tăng của chúng, phân chia làm hai loại lớn, các thứ ma tuý nhẹ (như thuốc hút và cần sa) , và các thứ ma tuý nguy hiểm hơn (sinh ra ảo giác và có hình thức dễ bay) cũng gọi là các thứ ma tuý mạnh (rượu, cocain, các sản phẩm của  a- phiến) . 

Trái với dư luận được phổ biến, theo đó thì hát – sít là con đường chính dẫn tới các thứ ma tuý mạnh, hay cuộc nghiên cứu của viện INSERM (viện quốc gia của y tế và nghiên cứu y học) cho thấy rằng hút thuốc, rượu và các thuốc an thần, dùng riêng tưngg thứ, hoặc dùng chung với nhau, thường dấn tới chỗ nghiền ma tuý. Những kết quả của cuộc nghiên cứu[5] nhấn mạnh rằng những thiếu niên tiêu thụ nhiều những thứ ma tuý hợp pháp sẽ là những thành phần lớn trong số những người xài các loại ma tuý bất hợp pháp, và những người tìm sự say sưa . 8% những người đã say từ 10 lần trở lên, sẽ có thể thử xài ma tuý, và có sự tiến dần từng chặng với sự nhảy vọt sau lần say đầu tiên (từ 8 đến 28%) .

 +  Tại sao nghiền ma tuý ?

Nếu tôi không mất giờ để mô tả các sản phẩm ma tuý, là bởi vì chúng không phải là chỗ ăn thua chính của câu hỏi đã được đặt ra : ‘Tại sao các em xài ma tuý?’ 

Ở đây cũng thế, chúng ta hãy coi chừng những câu trả lời đơn giản như ‘ đó là những đứa cung cấp’ hoặc ‘đó là lỗi cha mẹ’ . Chúng ta hãy nhớ công thức được coi là thời danh của bác sĩ  Olievnstein  ‘ nghiền ma tuý là sự gặp gỡ một sản phẩm, một con người và một thời điểm văn  hoá’ . Đây là một sự kiện xã hội, kèm thêm một thảm kịch của cá nhân, bén rễ sâu vào một thời gian rất bất định vì bị lôi kéo, vì bị tủi thân, vì cần có bầu bạn là tuổi thiếu niên : tất cả những sự kiện này xảy ra  trong lịch sử đôi khi đau khổ vàhỗn mang, đôi khi rất tầm thường của một gia đình : nghiền ma tuý là do tất cả những cái đó . Người ta không biết nên bắt  đầu từ đâu để gở mối bòng bong .

Cho rằng người ta xài ma tuý trước hết là vì tò mò, vì bầu bạn ép tình, vì tìm thú vui, vẫn không phải là giải thích thoả đáng, bởi vì con người ta ai cũng tò mò, tại sao chỉ một số nhỏ sa vào đó, và kinh nghiệm đầu tiên về ma tuý, đâu có thú vị gì (ói  mữa, khó chịu, lo âu) . ‘ Phải công nhận rằng ma tuý không chỉ có triệu chứng của nhiều nguyên nhân phiếm diện, nhưng sự phạm pháp nhiều lần . Những động lực phức tạp này thực ra gồm có tính tò mò, sự ép nài của bầu bạn, sự đi tìm thú vui, nhưng cũng gồm sự sống theo ‘mốt’ , đi tìm những giá trị tinh thần mới, một quan hệ mới đối với thời gian và không gian, tình trạng thất nghiệp, sức ép của những bức bách xã hội và nghề nghiệp, hoặc những khó khăn trong việc thiết lập những tương quan thân ái và hoà hợp với tha nhân[6].

Những người nghiền ma tuý rất đau khổ vì khó tiếp thông với người khác, và thường nhờ ma tuý để làm nhẹ nỗi khổ tâm này .

Nguyên nhân chủ yếu của sự nghiền này vẫn là nỗi ưu phiền sâu xa, nỗi chán chường vì không thấy tình thương và khó hội nhập : đó là nỗi niềm đã đấy các em nghiền ma tuý đến chỗ chạm trán với tử thần để thấy rằng mình sống .

THIẾU NIÊN TỰ TỬ

Điểm chung giữa những thiếu niên tự tử và những thiếu niên xì ke ma tuý, là không chấp nhận cuộc sống như người ta đang sống . Ngoài ra, mọi cái đều có vẻ khác biệt . Đối với em nghiền ma tuý, khi các em lồng lộn thèm khát sống, thì các em ưa thích những hang âm u của thế giới tưởng tượng, hơn là cuộc đời thực tế . Còn các em tự tử thì khước từ bất cứ hình thức nào của cuộc sống . Tuy nhiên, đằng sau sự muốn chết đó, thường vẫn tàng ẩn  một sự thèm khát sống điên cuồng .

+ Ước ao chết và ước ao sống, trong sự tự tử của một em thiếu niên .

Từ nguồn gốc vụ tự tử của một em thiếu niên hầu như bao giờ cũng là một tình trạng chán nản, ít nhiều có biểu lộ ra ngoài, và thường đi đôi với một vấn đề khó khăn trong gia đình. Tình trạng chán nản này có thể được nhận thấy qua nhiều dấu hiệu bên ngoài : buồn bã, lừ đừ, đương sự tự chán ghét mình, khó và ít ngủ, biếng ăn hoặc trái lại ăn rất nhiều .

Em thiếu niên tự cảm thấy bất lực không làm chủ được tình hình, và tin chắc rằng mình không làm sao thoát khỏi tình trạng đó, nên em đâm ra chán nản và buồn bã hết sức : khi đó cái chết được coi là giải pháp cuối cùng, để em có thể thoát khỏi mọi tình trạng hết thể chịu nổi . ‘ Cái chết được ước ao như là hậu quả của sự thất bại của tất cả mọi toan tính để giải quyết tình hình’[7].

Mục đích của hành vi tự tử  thường khi lại là muốn thay đổi cuộc sống hơn là chấm dứt cuộc đời . Thái độ tự sát có giá trị như một sự tiếp thông không nói nên lời, bởi vì nó nhằm làm biển đổi thái độ của những người sống chung quanh. Thường khi tự sát là một hành vi tuyệt vọng nhắm lập lại sự tiếp thông .

Để nói lên sự thất bại của tất cả mọi phương thế trong việc đối phó với tình hình, cử chỉ tự sát được coi là cố gắng sau cùng và tuyệt vọng nhằm làm thay đổi cơ sự, nhất là nhắm ánh hướng đến cách xứ sự trong gia đình qua hành vi làm mình làm mấy của em . Tuy nhiên, nhận ra khía cạnh này, chỉ nên hành động rất thận trọng theo hướng này, bởi vì hành động tự tử của em thiếu niên vẫn trước hết là cảm nghĩ của em thấy mình bất lực một cách thảm hại trước một tình hình đang đè bẹp em .

+  Sự rộng lớn của vấn đề này trong các xã hội thời mới.

Đây là một thực tại ít người để ý, bởi vì thường thường bà con các em tìm cách che dấu các vụ đó, vì tội ác nghe sợ quá . Vấn đề thiếu niên tự tử đang trở thành rất đáng ngại trong các xã hội của chúng ta . Tại Pháp mỗi năm có chừng 1000 thanh niên dưới 25 tuổi đã tự tử (trong số này 3 /4 là nam ) .

Trái lại những toan tính tự tử nơi các thiếu nữ lại gấp ba lần nhiều hơn . Dù có vẻ thế nào đi nữa, thì một toan tính tự tử không được coi thường, và dù không thuộc loại tâm bệnh trầm trọng thì sự toan tự sát cũng luôn luôn là một lời kêu cứu . Giáo sư Victor Courtecuisse , chuyển về khoa nhi tại bệnh viện Kremlin –Bicêtre và phụ trách một vụ y khoa lo cho thiếu niên , nơi đây một trong ba vụ nhập viện là do toan tính tự tử , đã cảnh giác các người lớn như sau : ‘Em thiếu niên vừa toan tự tử chỉ mong một điều , là chúng ta hãy săn sóc em . Và phải làm như thế , dù em nói là không muốn’.

MỘT THỨ NGÔN NGỮ BẰNG HÀNH VI

Tôi không bao giờ có ý nghĩ gồm chung lại ba thứ hành động lạc đường này của thanh thiếu niên , bởi vì , cũng như tất cả những ai đã tiếp xúc nhiều với các em , tôi thấy rõ nhân cách của một thiếu niên phạm pháp , một thiếu niên nghiền ma tuý hoặc tự tử khác nào , chừng nào về nhiều phương diện . Và cuộc nghiên cứu ngắn ngủi mà chúng tôi vừa thực hiện đây, cũng đủ làm nổi bật lên những nét khác nhau của ba thứ thái độ .

Tuy nhiên, tôi không ưa cái ‘ mốt’ chuyên môn hoá, bởi vì :

+    Sẽ có nguy cơ biến một vấn đề thành một thứ đề tài ‘tự nó’ , ‘một huyền thoại’ . Chung ta nên nhớ mấy lời của Olievertein : Việc xài ma tuý và nhất là viêc bàn luận về ma tuý ngày nay đã trở thành một huyền thoại thật sự . Và vấn đề đầu tiên  chúng ta phải tự hỏi mình, trong khi bao nhiêu vấn đề lớn lao và quan trọng hơn nhiều về bất công và chết chóc đang tràn ngập thế giới[8]

+  Sẽ có nguy cơ biến người góp ý thành nhà chuyên môn, vì theo họ, chỉ những nhà chuyên môn mới nắm được trí thức, nhân đó chỉ những nhà tâm bệnh học, theo chuyên môn của mỗi vị, mới đủ tư cách để bàn về vấn đề .

+    Sẽ có nguy cơ tạo lập nên những cấu trúc bên lề, gồm những thiếu niên có những triệu chứng như nhau, y như thể hễ có bầu bạn phạm pháp, thì sẽ dễ cho việc giáo dục các em phạm pháp, hễ có bầu bạn nghiền ma tuý thì dễ giáo dục các em nghiền, hễ có bầu bạn toan tự tử thì dễ giáo dục các em toan tính tự tử .

Phần tôi qua những năm làm công việc giáo dục chuyên môn, tôi đã gặp những thiếu niên bị những nhà chuyên môn liệt vào các loại phạm pháp , nghiền ma tuý và tự tử , tôi nghĩ có thể đưa ra một cái nhìn tổng quát về ba loại này , mặc dầu hành động của tôi không phải là không có nguy cơ nhưng tất nhiên chúng ta phải nhấn mạnh về sự khác biệt giữa ba loại : chúng ta phải thử tìm làm nổi bật lên cái gì chung cho cả ba loại , và tôi nghĩ đó là thái độ người thiếu niên ngoảnh  mặt với thực tại của cái thế giới mà em thấy trước mắt em .

Vào lúc mà cuộc tranh luận đang diễn ra giữa một bên là những người coi những ai nghiền ma tuý là những người phạm pháp cần phải trừng trị , và bên kia là những người coi họ chỉ là những người toan tự tử , cần được chăm sóc , tôi thấy đưa ra một cái nhìn tổng hợp như thể không phải là việc vô ích hoặc không hợp thời .

Ngoài những khác biệt rõ ràng về bản chất , ba thái độ đó, mà tôi gọi là ‘ thái độ chạy trốn’ theo nghĩa các em thiếu niên chạy trốn , ngoảnh lưng lại cái thực tại thế giới mà các em nhận thấy [ tất nhiên, đây chúng ta không bàn đến sự phạm pháp cơ hội , hoặc vụ lợi(xem đoạn 1) , cũng không nói đến những người khó có dịp thì hút một điếu ‘có đệm’ , nhưng chúng ta đề cập đến tái phạm nhiều lần , tình trạng nghiền ma tuý và sự bị cám dỗ tự tử của các thiếu niên ] ,ba thái độ chạy trốn này có chung với nhau những nét nổi bật nhất sau đây :

+ Tính cách tái đi tái lại , cùng với nguy cơ luôn luôn gia trọng , nếu các em không được một nền giáo dục chăm lo cách hữu hiệu .    

+ Tính cách chạy trốn , không muốn chạm trán với thực tại ; các em có những nhận xét rất sai lầm về thực tại.

+ Tính cách thường xuyên tìm cách vi phạm luật pháp. tính cách này làđiển hình của cách đặt vấn đề của mấy em , ‘thích / không thích’, ‘thích … thì tôi làm’ và thái độ ‘nghĩ là làm ngay’của mấy em , y như thế không có hàng rào luân lý nào ngăn cản các em làm điều xấu mà các em thích.

+Tính cách trò chơi giữa sống và chết , sự sống và sự chết đuổi bắt nhau, trong một nhu cầu cuồng loạn muốn sống khác đi .

Theo nghĩa này , những thái độ như thế của các em phải được coi như là một thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ không hợp thành bằng những lời nói (cũng nên ghi nhận rằng nơi các em thuộc các loại này , thường có sự khó bày tỏ về nỗi chán chường của các em ) , nhưng bằng các hành động đôi khi có tầm vóc hậu quả bi đát :các em dùng các hành vi này để bày tỏ sự ước ao muốn sống một cách khác . Thoạt tiên chỉ có sự ưu phiền ,    hoặc buồn bã , rầu rĩ , chán nản vì thấy không có lối thoát . Rồi , một cách nghịch lý , chính sự rộng lớn của chính những tâm tình đó làm cho các em không còn khả năng để bày tỏnhững nổi niềm. Các em không muốn nói ra, vì phải nói dài lắm , khó lắm và đau lòng lắm …chính vì không muốn nói , mà lại muốn giải thoát mình khỏi cái buồn bực ám ảnh đó, cho nên em thiếu niên mới phá phách thế giới bên ngoài (phạm pháp) hoặc phá phách bản thân cách trực tiếp , hay là cách gián tiếp (xài ma túy)

Vì không tìm ra được lời nào để giải bày , cũng không gặp được ai có khả năng hiểu được ước vọng muốn sống cách khác , cho nên các em đã ra tay hành động …Chúng ta sẽ có khả năng tìm hiểu các em không ?

ĐÂU LÀ CÂU TRẢ LỜI CỦA GIÁO DỤC

Dầu gây phiền hà và rắc rối đến đâu , những câu hỏi bằng hành động của các em qua các tình trạng phạm pháp , nghiền ma tuý và toan tính tự tử , cũng phải được nhà giáo dục lắng nghe.

Và muốn tỏ ra hữu hiệu, hành vi giáo dục phải nghĩ đến việc trả lời . Nhà giáo dục phải bắt đầu bằng việc tìm hiểu các mật mã của thứ ngôn ngữ bằng cử chỉ của mấy em, nếu muốn tìm ra được những câu trả lời thích đáng .

Nếu phải nói lên những nét đặc trưng của mối quan hệ giáo dục được coi là thích ứng nhất với các thiếu niên loại này, tôi xin nói tóm tắt là phải có những đặc tính như nhau .

+    Phải có một mối thiện cảm thực sự và được tỏ  bày . Nhà giáo dục phải thông cảm sự đau khổ của em thiếu niên đó là nghĩa gốc của từ ‘thiện cảm’ (Sympathie) . Đây không chỉ là thứ khoan dung lạnh lùng cổ điển của môn đồ nhà tâm lý học  Rogers . Trái lại đây là một niềm thông cảm đầy tình thương , được bày tỏ với các em .

+    Phải cương nghị, nhưng không nghiêm khắc . Những thái độ chạy trốn, vànghĩ là làm, của các em, là những triệu chứng của mối quan hệ xấu của các em đối với luật pháp . Và tôi nghĩ những em có thói quen ‘thích là làm’ , ‘nghĩ là làm’ như thế, cần phải chạm trán với những người lớn không chịu thua các áp lực và lối xoay đảo của mấy em . Các em cần phải đụng đầu với những người lớn không sợ các em, dám đối nghịch với các em và nói ‘không’ để bắt các em tuân theo luật pháp .

+     Phải sẵn sàng trong lâu dài . Bất cứ hành động giáo dục  nào đối với các thiếu niên cũng diễn ra trong dài hạn . Không thể nào có được những kết quả ngay trước mắt, và nhà giáo dục phải có khả năng đón nhận những thất vọng và thất bại . Và trong những lúc mà thất bại xảy đến một cách tàn bạo, vô phương cứu chữa, nhất là vào những lúc mà cứ nhìn vào em thiếu niên, chúng ta đâu có ngờ thất bại lại xảy đến : những lúc đó chúng ta rất cần phải có một liều lượng suy nghĩ khá lớn để thắng vượt tình cảm tội lỗi của mình ( ‘ Nếu như tôi ở lại với em ấy thêm một giờ đồng hồ, nếu tôi tim ra câu nói đích đáng, có lẽ đã không xảy ra điều đau khổ này !!! ) , và để nhận rằng trong vấn đề này chúng ta không thể làm gì nhiều lắm … Và điều xảy ra càng đau xót hơn, nếu thất bại đó lại là sự chết của em thiếu niên . Nếu đôi khi chúng ta có thể đẩy lùi cái chết, nhưng không ai có thể ngăn cản cái chết của một người đã quyết tâm muốn chết . Đó là một bai học nghiên khắc về khiêm tốn . Tuy nhiên , như  Francis  Curtet đã nói, ‘ chỉ khi nào từ bỏ cái ước vọng toàn năng của mình, và chấp nhận rằng mình cũng tầm thường và có thể sai lầm, chúng ta mới thật sự đát được tính chất nhà trị liệu của chúng ta’ (10)

Nhà giáo dục phải chấp nhận giới hạn của hành động mình . Và mặc cho những gì xảy đến, ông ta phải tiếp tục tỏ ra sẵn sàng đối với các em mình chăm sóc . Bởi vì thường khi những lúc ông ta không ngờ thì chính là những lúc các em cần đến ông ta hơn hết .

+     Phải kiểm soát quan hệ tình cảm – chúng ta phải luôn luôn kiểm soát lại quan hệ của ta trong khi giúp đỡ em thiếu niên lạc đường, nếu chúng ta muốn tránh sự mất vững tay trong việc điều hành quan hệ tình cảm, một điều sẽ gây nên những hiệu quả tai hại .

Đây là một công tác khó khăn, bởi vì nhiều khi các em thiếu niên này làm ta mủi lòng, bàng hoàng và đôi khi làm ta quyến luyến . Người ta dễ thương các em, và đó là một cạm bẫy, bởi vì là có nguy cơ mấy em muốn tạo nên một quan hệ lệ thuộc đối với nhà giáo dục của các em, theo kiểu ‘đòi làm tất cả … làm ngay lập tức’ . Nếu ta không cảnh giác, sự đòi hỏi của mấy em sẽ trở thành độc đoán độc tài, quá trớn, và nhà giáo dục sẽ thấy mình bị cho các em gán cho cái khả năng ma thuật, có thể làm tất cả mọi sự .

Đúng thế, chúng ta bị cảm dỗ mạnh mẽ để dành tất cả mọi sự cho các em thiếu niên mà chúng ta có cảm tưởng là sẽ sớm chết  nếu ta buông tay không lo cho các em nữa, dù chỉ trong một lúc . Tuy nhiên để các em chiếm đoát lấy chúng ta như thế không phải là một cách giải quyết . Chúng ta sẽ đánh mất cuộc sống của mình, tính trung thực của mình và như thế là đánh mất sự hữu hiệu của mình ( … ) Để làm chủ mối quan hệ với các em, chúng ta cần phải có một tính tình mạnh mẽ trên mức thường, và tốt nhất là nên nhờ một người thứ ba để họ dùng các lời khuyên mà giúp giữ mối quan hệ này cho đúng, và họ sẽ như là chiếc lan can giữ cho khỏi té, Trừ khi một kinh nghiệm lâu dài đã có thể cho người ta đủ khôn ngoan và vững tay để biết đến đâu là đi quá xa[9].   

Đọc qua mấy lời khuyên này, người ta có thể thấy rằng những thái độ giáo dục toát ra từ nội dung những chương trên đây có thể làm thành một câu trả lời tuyệt hảo cho những vấn đề do tình hình thiếu niên phạm pháp đắt ra . 

Những nền giáo dục này chỉ có thể được thực hiện cách đứng đắn do một nhóm các nhà giáo dục . Tổ chức nhóm sẽ bảo đảm cho các thành viên tránh được những nguy cơ của quan hệ tình cảm với các em thiếu niên, những nguy cơ có thể xảy ra khi nhà giáo dục hành động cách đơn độc .

‘Chúa sai họ đi tứng nhóm hai người, để dọn đường cho Ngài . Ngài bảo họ : Này Thầy sai anh em đi  (Mc 10,1 ) như những con chiên ở giữa những chó sói’ (Mt 10,16)

 ‘Ai trong anh em có một trăm con cừu và nếu lạc mất một con, thì lại chẳng để chín mươi chín con đó, để đi tìm con cừu lạc, cho tới khi tìm thấy nó sao ?’ (Lc 18,4 )

CHƯƠNG 8

GIÁO DỤC LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

 ‘Khi tiếp cận với vấn đề phạm pháp, các bạn thấy khái niệm về tội lỗi thế nào’ ?

Trong vương cung thánh đường cung Thánh Tâm rộng lơn của Vác – sa – va . nơi quy tụ hơn 1000 tham dự viên của cuộc hội thảo tổ chức trong hai ngày, ngày 22 và 23 tháng 4 năm 1987, do giáo hội Ba Lan, về đề tài ‘bệnh lý xã hội’ của thanh thiếu niên và mục vụ hiện nay , tôi đã quảng diễn trong hai giờ đồng hồ về đề tài của chương trên đây[10] (1) trước một cử toạ say mê ngồi nghe, bởi vẻ mới mẻ và tính trầm trọng của những hiện tượng thiếu niên lạc đường tại Ba Lan. Trong cuộc tranh luận tiếp theo sau  phần thuyết trình , một chúng sinh đã nêu lên vấn đề mà tôi thấy làm nhan đề cho chương này, vì thầy ấy trong hai giờ dành cho các vấn đề phạm pháp, tôi đã không một lần nào đề cập đến vấn đề tội lỗi .

Và nếu tôi cho in ra đầy bản trả lời của tôi, là vì tôi nghĩ rằng bản văn này có thể dấn vào một sự suy nghĩ cần phải thực hiện về vấn đề khó khăn này, vấn đề giáo dục về ý nghĩa vấn đề tội lỗi, một vấn đề rất quan trọng đối với người Kitô hữu, nhưng thường khi bị bỏ qua vì bị coi là xưa rồi .

GIÁO DỤC VỀ Ý NGHĨA CỦA TỘI LỖI

‘Trước hết tôi nghĩ rằng, để tránh những lời lẽ sai lầm, người ta phải xác định nội dung của từ ‘tội lỗi’

Theo tôi, từ này thuộc về bộ tình thương , trái lại , lỗi lầm về luân lý’ thì thuộc về bộ luật pháp.

Đây là hai bộ rất khác nhau , mặc dầu rất ăn khớp với nhau. Bởi vì tình thương không bao giờ có thể lộn với sự thuần túy tuân thủ luật pháp , nhưng cũng không thể có tình thương mà không có luật pháp , như nhiều người lầm tưởng . Quả vậy , như chúng tôi đã trình bày đầy đủ ở trên kia , luật pháp cho ta đạt tới sự khác biệt và ngăn cấm , sự thoái hoá về tình trạng lộn xộn .

 ‘Phạm tội là quyết tâm nói ‘không’ với đấng yêu thương ta và đề nghị với ta một con đường nhân bản hoá trọn vẹn’.

 ‘Bởi vậy tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể sử dụng từ ‘tội lỗi’ khi đương sự tin rằng Thiên Chúa yêu thương anh ta, và anh ta ý thức rằng anh ta đã đáp lại một cách sai lầm đối với tình thương đó . Điều này giả thiết đương sự phải có ý thức tôn giáo , mà ý thức này thì tôi không gặp thấy nơi nhiều thiếu niên mà tôi tiếp xúc thường ngày’.

Các em này phạm vào các hành vi một cách dễ dàng ghe sợ , các em thích làm liền . Vai trò đầu tiên của nhà giáo dục ,đối với tôi , làm cho các em khám phá ra rằng các hành vi của các em có những hậu qủa đối với người khác , gây tai hại cho người khác , và các em phải bồi thường . Ngay công việc này cũng khó khăn rồi .

Vai trò linh mục của tôi là giúp các em hiểu rằng , hành động như các em,là không đáp lại tình thương của Thiên Chúa, Đấng muốn các em đạt tới mức nhân bản tròn đầy … nhưng công việc này sẽ phải mất nhiều thời giờ …

Còn nếu như đưa những lời của Phúc âm  ra mà áp dụng cho các thiếu niên đang đau khổ và không có một chút hiểu biết nào về tôn giáo, thì các lời của Phúc âm sẽ có nguy cơ trở thành những cạm bẫy …

Thí dụ khi nói ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ , thì đó là một điều tốt lành cho ai đã hiểu tình yêu là gì. Nhưng đối với một thiếu niên chưa bao giờ được yêu thương  thì chúng ta phải để thời giờ để yêu thương em, để em hiểu rằng tình thương là điều có thể có … Và công việc này cũng đã lâu dài rồi.

Nói ‘Thiên Chúa là Cha’, cũng là một tin mừng cho những người có hình ảnh tốt đẹp về người cha … Còn đối với mấy em này, hình ảnh người cha được gắn liền với người nghiện rượu, đang chửi bới, phá phách … Bởi vậy phải bắt đầu bằng việc tái lập lại hình ảnh người cha … và công việc này rất khó khăn .

Nói ‘Chúa Kitô của chúng ta khỏi tội lỗi’ là một tin mừng cho những ai có ý thức về tội lỗi và thấy mình cần được cứu độ . Nhưng các em này không có chút ý thức nào về tội lỗi hết, cho nên chúng ta phải bắt đầu giáo dục lương tâm các em … và đây là con đường vừa dài vừa khó khăn .

Bởi vậy, để trả lời cho câu hỏi được nêu lên, tôi không nói là phải bỏ qua khái niệm tội lỗi, nhưng tôi nói rằng không thể xứ dụng ngay khái niệm này với những em mà chúng ta đang đề cập đây. Trước khi nói đến tội lỗi với các em, cần phải có một công việc giáo dục lâu dài trước đã … (Vác – sa – va ngày 23 /4 /1987).                      

Như người ta thấy đó, nói cho cùng không dễ gì giải quyết được mối quan hệ giữa tội lỗi và phạm pháp . Đúng như  Xavier  Thévenot  đã nhấn mạnh, ‘có thể kẻ phạm pháp có ý muốn đoạn tuyệt với Thiên Chúa bằng cách quyết tâm từ chối không muốn được nhân bản hoá bằng những quy tắc của xã hội và giáo hội … nhưng cũng có thể xảy ra là : trong toàn cảnh cá biệt lịch sử của mình, và sau khi đã suy xét chính chắn, đương sự nghĩ rằng, đối với anh ta, đó là cách duy nhất để thoát ra khỏi chỗ bí của đời sống con người, mà những thất bại trước kia, hoặc những vấn đề tâm lý đã đấy anh ta vào . Tất nhiên cảnh lầm đường này không thể nào được dựng nên thành quy tắc nhưng có thể không bày tỏ một tình trạng tội lỗi chủ quan.[11]

Một suy nghĩ như thế dấn chúng ta đến chỗ tự vấn một cách sâu sắc hơn về tình cảm tội lỗi . Tôi muốn nói đến thực trạng nội tâm, gây cho ý thức có cảm tưởng như bị một khối gì đè nặng, cảm thấy lương tam cắn rứt, và thấy mình đứng trước một toà án bên trong, đang sắp tuyên án và ra hình phạt cho mình .

Trong sự xáo trộn của những năm sáu mươi tám, nhiều nhà tâm lý học đã muốn tố các phương tiện xã hội đã xứ dụng tính hay gây hấn của thanh thiếu niên để chống lại bản thân họ, hòng giữ cho sức bạo động của họ đừng vượt quá những tầm thước mà cộng đồng xã hội có thể chấp nhận được . Trong viễn ảnh đó,  việc giải thoát thanh  thiếu niên sẽ phải qua con đường giúp các em chống lại sự xuất phát thứ tình cảm đó . Ở đây, một lần nữa tôi lại xin quy chiếu vào tư tưởng của   Xavier  Thévenot, để nhận định rằng ‘sức ép của xã hội góp phần vào việc  phát huy tâm tình tội lỗi ở trong chúng ta , và như vậy sẽ làm cho tính gây hấn của chúng ta chỉa mũi dùi vào bản thân mình thay vì chĩa vào người khác’[12](3). Nhưng từ đó đi tới chỗ chối bỏ gía trị của tâm tình này , còn một bước dài mà về phần tôi , tôi sẽ không bước qua . Không nên vì sự xuất hiện tình cảm tội lỗi nơi em thiếu niên , mà đả kích việc giáo dục luân lý . Chúng ta không được chối bỏ tình cảm tội lỗi, mà là phải điều chỉnh. Mà giáo dục là giúp các thiếu niên điều chỉnh tình cảm tội lỗi. Bởi vì niềm xao xuyến về tội lỗi , trong bản chất của nó , không trưc tiếp liên hệ đến tha nhân : và đây là điều rất quan trọng đối với việc suy nghĩ về y ùnghĩa tội lỗi ‘ Niềm xao xuyến này thực ra chỉ là biểu hiện của một sự xung đột ở trong tâm thần . có thể nói , mặc cảm tội lỗi được đặt ra trước hết giữa tôi và tôi . Bởi vậy các tâm lý gia cũng như những vị dẫn đàng thiêng liêng trứ danh, đều đã nhấn mạnh rằng : tựu trung, tâm tình tội lỗi , hay là sự lương tâm cắn rứt, có chiều kích duy ngã khá quan trọng (…). Cách Kitô giáo hiểu tình cảm tội lỗi sẽ đảo ngược cái nhìn duy ngã này . Quả vậy , sự mặc khải của Chúa dạy tôi rằng tội lỗi không chút chi là một việc giữa tôi và tôi , nhưng thật ra đó là một việc liên hệ đến người khác : người khác đó là Thiên Chúa’.[13]   

Như tôi đã nhấn mạnh câu trả lời ở Vác -sa- va tội lỗi là quyết tâm trảlời ‘không’   với Đấng yêu thương chúng ta : đó là không đáp lại lời Ngài kêu gọi chúng ta đi tới sự nhân bản hóa tròn đầy …., nhưng là quyết tâm chọn con đường làm mất nhân tính của mình .

Chỉ có thể nói đến tội lỗi trong cách người Kitô hữu hiểu về cuộc đời của con người: ở đây cuộc đời của con người được quan niệm như một sự trả lời …

DỤ NGÔN VỀ CHIẾC BÌNH

Đã nhiều lần người ta hỏi tôi : ‘những người kitô hữu có tốt hơn những người khác không ? không chút ngại tôi trả lời ‘không’ .

Và tôi đau lòng thấy rằng hiện nay vấn còn một số người cảm thấy rằng hế cái gì tốt là kitô giáo, y như thế chỉ có người kitô hữu mới làm những điều tốt .

Nhưng nếu vậy thì người kitô hữu khác người ta ở chỗ nào ? tôi thích trả lời bằng một dụ ngôn .

Các bạn cứ tướng tượng như có hai chiếc bình giống hệt nhau :

  • Một chiếc bằng tiền túi của bạn .
  • Một chiếc do bà ngoại bạn tặng bạn .

Hai chiếc bình này đẹp như nhau .

Bây giờ hãy tưởng tượng rằng : trong một lúc nổi sùng, bạn đã đập vỡ chiếc bình . Nếu đó là chiếc bình bạn đã mua bằng tiền túi của mình, thì chỉ cần đi mua một chiếc khác là xong . Còn nếu là chiếc bình do bà ngoại tặng bạn , thì sẽ liên hệ đến bà của bạn trong việc đập vỡ chiếc bình .

Cái khác biệt giữa hai chiếc bình là, đối với chiếc do bà của bạn tặng thì hình ảnh của bà bạn sẽ hiện diện, bất cứ bạn làm gì cho chiếc bình . Cả khi bà ở xa bạn từng ngàn cây số, và cả khi bà bạn đã quá cố, thì khi bạn đập bể chiếc bình đó, vẫn có bạn, chiếc bình và bà của bạn .

Tất nhiên, cũng như bất cứ sự so sánh nào, việc so sánh trên đây có những giới hạn của nó, và sẽ là quá khờ dại nếu người ta đồng hoá sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới với sự hiện diện của người bà ngoại trong truyện .

Tuy nhiên dụ ngôn này có thể giúp hiểu sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta . Người kitô hữu tin rằng cuộc sống của mình là một ân huệ . Bởi vì sự sống là một ân huệ, cho nên mỗi khi người ta muốn làm gì đụng đến cuộc sống, người ta thấy vị ân nhân hiện diện đâu đó . Điều này cho thấy nền tảng của khoa luân lý kitô giáo : người ta không có quyền sử dụng cuộc sống của mình bất cứ vào việc gì.

Điều quan trọng không phải là vị ân nhân đó ở xa hay ở gần. Điều quan trọng là sự sống của ta là một tặng phẩm, và Thiên Chúa hiện diện xét như là người ban tắng vật.

GIÁO DỤC MỘT LỜI GỌI NÊN THÁNH  

Chỉ trong viễn ảnh đó, người ta mới hiểu được ý nghĩa của từ ‘thánh thiện’ , một từ rất thông dụng trong sách vở kitô giáo . Thánh thiện không đồng nghĩa với nhân cách tuyệt hảo . Người ta chỉ hiểu được thánh thiện khi coi đó là những khả năng để đáp lại một tình thương mời gọi .

Trong bất cứ em thiếu niên nào, đều có một ông thánh đang ngủ say . Bất cứ em thiếu niên nào cũng có thể là người nhận biết rằng Thiên Chúa say mê em . Và bất cứ em thiếu niên nào cũng có thể là người say mê Thiên Chúa . Đấng tin tưởng mỗi người trong chúng ta, Đấng đã nhận chúng ta làm nghĩa tử của Ngài, Đấng giải thoát chúng ta .

Tất nhiên, các nẻo đường thì khác nhau, và nhịp bước đi cũng khác nhau … và nhà giáo dục phải cùng bước đi một nhịp với mỗi em . Cùng với các em đã gặp gỡ Chúa kitô cách sống động, nhà giáo dục sẽ không ngần ngại suy nghĩ lại công việc giáo dục, dưới ánh sáng của Phúc âm, để đề nghị các em năng lãnh nhận các Bí Tích nhờ thánh thể, Bí Tích của chia sẻ, và Phép Giải tội , Bí Tích của tha thứ và hoà giải, đức tin của các em và mối lo nghĩ tông đồ của các em sẽ được cúng cố . Đàng khác tập chia sẻ và tập tha thứ, là hai nhiệm vụ chú yếu của công việc giáo dục : nhờ biết chia sẻ và tha thứ, con người sẽ là người cách tròn đầy hơn, biết sống đoàn kết và nhân từ hơn .

Đối với những thiếu niên không biết gì về Thiên Chúa và về phúc âm của Ngài , thì công tác đầu tiên của nhà giáo dục sẽ là cho các em thấy rằng có thể có tình thương .làm sao có thể giúp các em khám phá ra Thiên Chúa là tình thương và Ngài hiện hữu , nếu chúng ta không để tất cảthời giờ để thương yêu các em?

Nhưng đối với tất cả các em , mục đích vẫn là sự thánh thiện . Tất cả mọi công việc giáo dục theo Kitô giáo đều phải vang lên như một lời mời gọi nên thánh .

Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng theo quan niệm Kitô giáo, sự thánh thiện không phải là thành quả của ‘những nỗ lực giáo dục của chúng ta’, nhưng đúng ra đó là thành quả của ‘những nỗ lực của Thiên Chúa hướng về chúng ta’ …Đọc và hiểu phúc âm sẽ cho ta khám phá ra sự đảo ngược viễn ảnh như thế . Bởi vậy , trong vấn đề giáo dục , đi tìm sự thánh thiện với các em thiếu niên, thật ra chỉ là phát huy quan hệ giáo dục theo phúc âm, tức là quan hệ giáo dục tình thương .

MỘT BẦU KHÔNG KHÍ GIÁO DỤC TRÀN ĐẦY NIỀM VUI

       Đôminicô Saviô, đệ tử của Don bosco, đã nói với một thiếu niên tới trung tâm do Don Boscođiều hành như sau : ‘ Anh nên biết rằng ở đây , đối với chúng tôi, sống thánh thiện là sống luôn luôn vui vẻ’ .Tôi thấy sự suy nghĩ của thiếu niên Saviô rất đúng và đầy ý nghĩa : ai có tâm hồn bình an thì cũng cótâm hồn  ngập tràn niềm vui.

Một phần lớn của nghệ thuật giáo dục sẽ là làm sao giữ luôn quanh mình một bầu không khí bình an và vui tươi .

Trẻ em cần phải có niềm vui . ‘Chỉ trong kinh nghiệm của niềm vui, người ta mới nghiệm thấy mùi vị của sự  hớnû hở , sức mạnh của sự phấn khởi ,và sự vững tâm tin tưởng nơi mình. Những tuổi trẻ buồn bả thì tố cáo chúng ta, và người ta khó quên được chuyện đó’[14]

Niềm vui cũng rất cần cho nhà giáo dục . ‘Muốn chuyển đạt bất cứ sự thiện nào , thì trước khi được chuyển cho người khác ,người ta phải thấy sự thiện đó sống động vàngon lành nơi người chuyển đạt (…). Trẻ em phải kiểm chứng điều đó nơi người lớn ,và phải thấy ảnh quang sự thiện đó nơi người lớn ,dưới hình thức một niềm vui tỏa rộng’. Nhái lại câu châm ngôn của thánh phanxicô đệ Salê ‘một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn’, tôi xin nói rằng ‘một nhà giáo dục buồn là một nhà giáo dục đáng buồn’.

Đối với tôi , niềm vui là thành tố chủ yếu của bầu không khí giáo dục Kitô giáo .

Những niềm vui không bao giờ là cái để chinh phục (không gì giả tạo hơn thái độ của những người vui vẻ vì bổn phận bắt phải vui vẻ), nhưng đó là một thành quả : niềm vui bao giờ cũng tràn đầy nơn những người sống trong chân lý và tình thương .

‘Thầy nói điều đó để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và để niềm vui của anh em được trọn vẹn’ .

CHƯƠNG 9

GIÁO DỤC DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI

Nay đã gần kết thúc phần trình bày về giáo dục, chúng ta hãy thử xem xét những điểm chuẩn trên đây có thể dấn tới một phương cách giáo dục Kitô giáo như thế nào .

Và để bắt đầu, tôi muốn gạt bỏ một vấn nạn người ta có thể nêu lên . Người ta có thể hỏi : trong những trang trên đây có gì là đặc biệt Kitô giáo chưa ?

Tôi xin trả lời bằng cách khước từ cách đặc biệt vấn đề như thế . Bởi vì tôi nghĩ rằng đây không phải là vấn đề truyền một nội dung rõ ràng có tính tôn giáo, nhưng tính tôn giáo được lồng vào trong chính quan hệ giáo dục .

Nói cách khác, đối với nhà giáo dục Kitô giáo, chính quan hệ giáo dục phải được coi là chỗ tốt đẹp nhất để xây dựng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô .

HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC MỘT BÍ TÍCH

Theo nghĩa trên đây, và theo quan điểm thần học, một lần nữa tôi xin  dựa vào một suy nghĩ của  Xavier  Thévenot  để khẳng định rằng : hoạt động giáo dục là một bí tích của sự gặp Thiên Chúa .

Phải chăng đó chính là ý nghĩa của câu trong Phúc âm Mác – cô : ‘Ai đón nhận một trẻ em như thế này vì danh Thầy, sẽ là đón nhận bản thân Thầy, và ai đón nhận Thầy, thì không phải là đón nhận Thầy, nhưng là đón nhận Đấng đã sai Thầy’    (Mc 9,37) .

‘Lời này của Chúa Kitô có nghĩa là trong cùng một cử động người ta đón nhận một trẻ em nhân danh Ngài, người ta đã đón nhận Ngài, Đức Giêsu . Con Thiên Chúa . Bởi vậy có lý để khẳng định rằng công tác giáo dục Kitô giáo là như một ‘Bí Tích’, nghĩa là ‘một dấu hiệu hữu hiệu’ của sự gặp Thiên Chúa . Chính trong quan hệ giáo dục, khi thực hiện cách nhân bản tròn đầy, Thiên Chúa sẽ cho nhà giáo dục cảm thấy sự hiện diện tích cực của Ngài . Đối với một Kitô hữu, hành động giáo dục không phải là một cái gì ở bên cạnh đời sống tinh thần, y như thể đời sống tinh thần chỉ diễn ra trong việc đạo đức và sinh hoạt phụng vụ ! Trái lại, hành động giáo dục là thành phẩm chú yếu của hành vi đón nhận Chúa Kitô Phục sinh mà nhà giáo dục phải thực hiện’[15].

TIN – CẬY – MẾN

Hành động giáo dục là gì, nếu không phải là hành vi tin, cậy và thương mến đối với các em thiếu niên ?

–   Tin tưởng : trước hết, chúng ta tin tưởng nơi em thiếu niên đang đứng trước mặt  chúng ta . ‘Tôi tin nơi em, Tôi tin có khả năng lớn lên’ . Tôi sẵn sàng tin tưởng nơi em, tôi tin cậy nơi em …

–    Hy vọng : sau đó, em thiếu niên sẽ được tự do đáp lại hay không đáp lại, đi vào hay không đi vào con đường nhân bản hoá, tỏ ra cở mở hay là khép kín đối với nhà giáo dục . Trong những hồi chản nản và thất bại mà nhất định em sẽ trải qua, em sẽ phải giữ vững niềm hy vọng, nếu em không muốn sa vào chỗ tuyệt vọng làm em nản chí .

–  Thương mến : như chúng tôi đã quảng diễn nhiều lần, công việc giáo dục không thể thực hiện được bằng nguyên tắc hoặc bằng chương trình, nhưng bằng tình thương .

Ở trung tâm hoạt động giáo dục, luôn phải có ba hành vi quan trọng nhất của tôn giáo chúng ta : tin – cậy – mến. Đó là ba hành vi làm nên bất cứ công việc giáo dục kitô giáo nào .

Niềm tin này, niềm hy vọng này và tình thương này không bao giờ có thể được sở hữu, nhưng chỉ có thể được cho và nhận  trong một sự trao đổi đầy sinh động .

Ai trong chúng ta lại có thể điên rồ mà nói rằng : tôi sở hữu tình yêu của vợ tôi, hoặc tôi có tình bạn của bạn tôi ? Tưởng mình sở hữu tình yêu, sẽ là cách tốt nhất để đánh mất tình yêu .

Về niềm tin cũng thế, câu nói ‘tôi có niềm tin’ là câu nói ngơ ngẩn, bởi vì niềm tin cũng có thể cho và nhận trong trao đổi . Khi người ta coi niềm tin như một đồ vật mình có thể sở hữu hay không, người ta sẽ mất nhiều thời giờ để xem mình có hay không có niềm tin, tại sao mình đã mất và làm sao tìm lại được niềm tin … và người ta còn nói đến ‘những cấp độ của niềm tin’ hay ‘những cấp bậc của niềm tin’ . Làm sao chúng ta có thể ăn nói như thế, bởi vì Phúc âm tỏ cho ta thấy rằng điểm chú yếu của niềm tin là trao đổi, chớ không phải là sở hữu? Phải tin tưởng chớ không phải có sự tin tưởng.

Cũng vậy người ta chỉ có thể yêu mến Thiên Chúa bằng cách yêu thương tha nhân, người ta có thể tin Chúa bằng cách tin nơi con người . Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân không thể tách rời nhau . Tin Chúa và tin con người cũng là những niềm tin không thể tách rời nhau … về hy vọng cũng thế .

 ‘ Nếu ai nói ‘Tôi yêu mến  Thiên Chúa’ và người đó không yêu thương tha nhân, thì đó là một kẻ nói dối’ thánh Gioan  đã viết như thế trong thư thứ nhất của Ngài (1  Jn  4,20) . Người ta cũng có thể nói như vậy : ai nói mình tin vào Thiên Chúa mà lại không tin vào con người thì đó là một kẻ ngu đần, vì chẳng hiểu gì về dự án của Thiên chúa đối với con người .

Trong lãnh vực đức tin kitô giáo, tất cả mọi sự đều ở trong trao đổi, trao đổi tình yêu ngay cả nơi Thiên Chúa, vì Ngài vừa là ba (Cha, Con và Thánh Thần) vừa là một Rất nhiều đoạn Phúc âm vang lên theo âm điệu này . Chúng ta hãy nhớ lại tất cả cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và những người nghèo khổ ở thời đại Ngài .

THIÊN CHÚA VỪA KHÁC VỪA GIỐNG

Kinh nghiệm về Thiên Chúa bao giờ cũng là kinh nghiệm về sự giống nhau và khác nhau .Tính lưỡng diện này lànét chủ yếu của kinh nghiệm về Thiên Chúa mà chúng ta có thể thực hiện theo gương Chúa Kitô.

Nhưng, như chúng tôi đã nói (nơi chương 3) rằng kinh nghiệm về giáo dục là kinh nghiệm về sự khác và giống nhau . Theo nghĩa này , tthì kinh nghiệm giáo dục có thể được gọi làcó tính Bí tích.

Có kinh nghiệm về Thiên Chúa , trước hết là kinh nghiệm về sự khác biệt,vì Thiên Chúa làĐấng Tuyệt Đối khác biệt , Ngài vượt xa mọi khả năng nhận thức của chúng ta, đến nổi Ngài luôn luôn được bao trùm trong mầu nhiệm . Khi chúng ta tưởng mình hiểu biết Thiên Chúa , thì chúng ta phải nhận thức rằng các sự hiểu biết của chúng ta vẫn chưa hiểu được tí gì về ‘sự hiện hữu’ của Ngài . Như vậy gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta chạm trán với một sự hoàn toàn khác biệt .

‘Chưa bao giờ có ai nhìn thấy Thiên Chúa’ (Ga 1,18)

Tuy nhiên (và đây làđiều nghịch lý), đối với người tín hữu Kitô, có kinh nghiệm về Thiên Chúa cũng là có kinh nghiệm về sự giống nhau và gần gủi nhau.Bởi vì Thiên Chúa đã tạo thành con người ta giống hình ảnh Ngài . Hơn nữa, nơi con Giêsu của ngài, ‘Ngài đã chia sẻ thân phận con người với chúng ta  hết mọi sự , ngoại trừ ‘tội lỗi’. Nếu chưa bao giờ có một ai nhìn thấy Thiên Chúa , nhưng người con duy nhất của Ngài đã mặc khải cho chúng ta biết Ngài .

Và Thiên Chúa đã hứa sẽ lập gia cư của Ngài trong tâm hồn mỗi  chúng ta . ‘Nếu ai yêu mến Thầy , thì tuân giữ lời Thầy ,và Cha Thầy sẽ yêu thương ngưới đó , và chung ta sẽ đến và ở trong người đó ,và sẽ lập gia cư nơi người đó’. (Ga 14,23)

Hơn thế nữa, chúng ta được đoan chắc rằng tất cả những gì chúng ta làm cho một kẻ bé mọn nhất, sẽ được kể là đã làm cho Chúa Kitô : ‘Thật, Thầy bảo thật anh em, những gì anh em làm cho một người trong những người anh em bé mọn nhất của Thầy, được kể là đã làm cho bản thân Thầy’  (Mt  25,40)

Như vậy, chúng ta có thể gặp vị Thiên Chúa tuyệt đối khác biệt này nơi con của Ngài, nơi những người bên cạnh chúng ta, nơi những anh em bé mọn nhất của chúng ta, loại người mà người coi là không đáng kể chút nào .

Bởi vậy, ‘ những người nghèo khổ’ những kẻ mà thế gian không kính trọng, lại được truyền thống Phúc âm đề cao : ‘Họ là hình ảnh của Chúa Kitô’ .

Bởi vậy hành vi và thái độ Kitô giáo luôn xây trên sự đặc biệt lưu tâm đến những kẻ bé mọn . Về vấn đề giáo dục, tất nhiên cũng vậy . Cho nên đừng ai tìm đâu xa để xem tại sao những trang này đã dành một địa vị ưu tiên cho những em thiếu niên của thời đại đang gặp nhiều khó khăn nhất, … Khó khăn để tin tưởng, vì các em đã chạm trán với quá nhiều thất bại … khó khăn để hy vọng, vì tương lai của các em quá đen tối … khó khăn để yêu thương, vì các em đã quá đau khổ vì thiếu tình thương .

Đúng thế, để gặp Thiên Chúa cách đích thực, không cần phải nhà thờ hay nhà nguyện, những nơi rộng rãi đầy không khí tôn nghiêm . Chính trong những cuộc gặp gỡ mọi ngày với những người sống xung quanh ta, mà chúng ta gặp được Thiên Chúa . Một con đường đạo đức chân chính sẽ giúp ta đề phòng sự cảm dỗ muốn biến đời sống Kitô hữu thành một sự chạy trốn thế gian này .

Kết cuộc, người Kitô hữu sẽ là người sống trong sự căng thẳng giữa niềm tin rằng Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối cao xa, và niềm xác tín rằng Thiên Chúa đến với chúng ta qua con người của tha nhân, trong một sự gần gũi lạ thường . ‘Rất xa’ và ‘Rất gần’ : đó là Thiên Chúa của  các tín hữu Kitô .

Kinh nghiệm của người Kitô hữu về Thiên Chúa là một kinh nghiệm mạnh mẽ về sự khác biệt và sự giống nhau . Và đó cũng chính là kinh nghiệm của quan hệ giáo dục, ở một bình diện khác . Cho nên tôi nghĩ rằng hành động giáo dục có thể trở thành con đường tuyệt hảo giúp nhà giáo dục Kitô giáo tới gặp Thiên Chúa, tiếp cận với Nước Trời .

GIÁO DỤC DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI …. 

Nước Thiên Chúa cũng giống như trẻ em lớn lên  ….

Các bạn biết truyện hạt giống nhỏ bé nhất đã trở thành một cây cao lớn . ‘Nước trời giống như một hạt cải người ta nhặt và đem gieo trong vườn . Đó là hạt bé nhỏ nhất trong các loại hạt giống, nhưng khi nó mọc lên, thì trở thành cây cao lớn nhất trong vườn rau, nó trở thành cây lớn, đến nỗi các chim trời đến ẩn nấp trong các cành của nó’  (Mt  13, 31 –32) .

Câu truyện về Nước Trời cũng giống câu truyện một hạt giống mọc lên . Một nước, theo nghĩa trần gian , là một toàn bộ những đất đai và của cải (Các lâu đài , các lãnh thổ ) thuộc quyền sở hữu một ông vua … Trái lại ,theo nghĩa của phúc âm , thì Nước trời ở trong tương lai …vừa đã hiện có rồi (‘Nước Thiên Chúa đến giữa anh em’ Mt 12,28), nhưng lại chưa có đó (Xin cho Nước Cha trị đến’ Mt 6,10 ‘ Nước thiên Chúa đã gấn rồi’ Mt 10,7) …. Cũng như cây có trong hạt giống mà lại chưa thật sự có đó .

Bởi vậy câu chuyện hạt giống có thể được đọc như một dụ ngôn tuyệt vời về giáo dục . Phải vừa nhìn thấy hạt giống , vừa nhìn thấy cây trong hạt giống … Chỉ có thế người ta mới lo tìm mảnh đất  cần thiết cho sự phát triển của nó . Cũng vậy, nhà giáo dục phải biết nhìn nơi đứa trẻ, để vừa thấy đứa trẻ vừa thấy người lớn mà nó sẽ trở thành . Giới hạn cái nhìn của ta vào đứa trẻ làcó nguy cơ không lo giúp em đó phát huy tài năng của em . Và nguy cơ đó sẽ lớn lao , khi cha mẹ và nhà giáo dục không muốn em lớn lên , theo nghĩa cử muốn để em lệ thuộc vào người lớn, vào chúng ta !Trái lại , nếu chỉ nhìn cái người lớn mà em sẽ trở thành sau này , thì có nguy cơ là nhà giáo dục không mấy lưu tâm đến ‘môi trường’ mà em thiếu niên cần phải có để phát huy con người của em một cách hài hoà . Và nguy cơ này sẽ lớn lao nơi một số nền giáo dục, không lưu tâm đến nhu câu riêng của tuổi trẻ … nhất là bầu không khí vui tươi …

Phải luôn luôn nhìn thấy nơi đứatrẻ cái hiện trạng của nó hôm nay , và cái mà nó đang trở thành ngày mai , thì nhà giáo dục mới biết cách giáo dục . Và đứa trẻ là thầy dạy rất tốt, giúp ta nhìn nhận như thế .

Như vậy công viếc giáo dục có thể được đọc như một dụ ngôn về Nước Trời .

Đôi khi người ta nghĩ đến trời làmuốn đặt Thiên Chúa ra ngoài thế giới , đặt Ngài ở một nơi nào khác và sau này …. Nhưng Thiên Chúa tạo thành trời và đất , ở đây và bây giờ , mỗi khi có cái gì mọc lên , khi em bé lớn lên, khi tình bạn nở hoa, khi tình yêu được phát huy , khi tình huynh đệ trở thành sống động .

Nước Trời giống như một đứa trẻ thơ sinh ra  … có lẽ đây là mầu nhiệm của lễ Giáng Sinh , của lễ Noel thiên Chúa đến trong thế gian như một hài nhi lớn lên .

Nước Trời chỉ có thể hiểu được theo nghĩa phát triển.

Tôi thích tiếng Pháp vì người ta nói ‘Je Crois’ thì có thể là :

  • ‘Tôi lớn lên’ (do động từ Croitre) hoặc
  • ‘Tôi tin tưởng’ (do động từ Croire ) .

Bởi vì có thể trẻ em chỉ lớn lên , phát huy con người của em (chấp nhận sự khác biệt và trao đổi, chấp nhận gạt bỏ cái sợ hãi để lao mình vào cuộc phiêu lưu, chấp nhận bỏ rơi những cái cầm chắc để sống trong hy vọng, chấp nhận chết cho tính ích kỷ để sinh ra trong tình thương …, và như chúng ta đã nhận thấy qua các trang sách này, con đường của trưởng thành thì dài và đầy những chướng ngại vật, và đôi khi người ta bị cảm dỗ nặng nề muốn ở lì lại trong tình trạng tuổi trẻ), nếu em tin tưởng vào những người lớn ở xung quanh em.

Muốn lớn lên … muốn cho người khác lớn lên … phải chăng đó là tin, cậy và mến ? phải chăng đó là giáo dục?

Bởi vậy, giáo dục có thể là dụ ngôn tuyệt hảo nhất về Nước Trời đối với con người . Khi đọc hành động giáo dục với cái nhìn như thế, người ta sẽ khám phá ra tính thống nhất sâu xa của những đề tài mà, vì phương pháp ta phải tách lẻ ra : giáo dục là một con đường, giáo dục là sự cộng tác giữa nhà giáo dục và em thiếu niên, giáo dục là kinh nghiệm về sự khác biệt và sự giống nhau, giáo dục là việc chỉ có thể thực hiện trên căn bản tin tưởng và thân ái, giáo dục hôm nay cho ngày mai, giáo dục như một lời mời gọi nên thánh .

CHIỀU KÍCH BÍ TÍCH CỦA QUAN HỆ GIÁO DỤC   

Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng công việc giáo dục là khoa thần bí và khoa tu đức của nhà giáo dục Kitô giáo. Là khoa thần bí, vì công việc giáo dục làm cho chúng ta dần dần tiếp xúc được với mầu nhiệm Thiên Chúa . Là khoa tu đức, vì việc giáo dục giúp chúng ta khuôn đúc dần dần đời sống của chúng ta cho phù hợp với lời Chúa trong Phúc âm .

Vậy đang mở ra một con đường đặc biệt để gặp Chúa Kitô, con đường hoàn toàn đảm nhận lấy tình trạng nghề nghiệp, chiến sĩ và gia đình của nhà giáo dục .

Như vậy đức tin Kitô giáo cho phép chúng ta nhận lãnh công việc giáo dục để làm con đường đi gặp Thiên Chúa, con đường mặc khải cho ta thấy Ngài là Đấng khác xa ta mà lại rất gần gũi với chúng ta .

Với niềm xác tín rằng Chúa làm những việc kỳ diệu nơi tâm hồn của kẻ bé mọn nhất  (‘Chúa đã dẹp tan những kẻ có lòng trí kiêu căng, và Ngài đã nâng những người khiêm tốn lên, Lc  1, 51–52 ), nhà giáo dục Kitô giáo sẽ lắng nghe các trẻ em và các thiếu niên, nhất là những em có tinh thần và cuộc sống nghèo khó .

Dấn thân vào con đường đầy hứa hẹn của việc giáo dục, nhà giáo dục sẽ có dịp sung sướng và ngạc nhiên trước các em, mặc dầu con đường của giáo dục vướng đầy những chướng ngại  vật : ông sẽ học được nơi các em rất nhiều .

Hơn nữa, giữa những khó khăn của công tác giáo dục, ông sẽ có dịp thốt ra lời cảm tạ như Chúa Giêsu ngày xưa : ‘Lạy Cha, là Chúa Trời đất,  Con chúc tụng Cha vì đã che dấu những điều này cho những người khôn ngoan và thông minh, và đã mạc khải những điều đó cho những kẻ rất bé mọn . Vâng, lạy Cha, đó là ý muốn của Cha’ (Mt  11, 25 – 26 )        

 

THAY LỜI KẾT

 ‘Phúc âm hoá bằng giáo dục và giáo dục bằng Phúc âm hoá’

Không bao giờ dễ kết luận. Bởi vì thấy mình chưa đầy đủ.

Quả vậy, kết luận có nghĩa là mình đã đi hết một vòng vấn đề, mình đã bàn luận thấu triệt . Mà như vậy là sai lầm, bởi vì đề tài giáo dục tỏ ra vô cùng tận .

Hoặc kết luận cũng có nghĩa mình đã tim thấy một giải pháp tốt cho vấn đề được đặt ra . Tôi không bao giờ có ý nghĩ như thế .

Đúng thế, nếu phải tóm tắt trong một câu những gì là chú yếu đã được trình bày qua các trang sách này,  tôi xin đề nghị nói rằng : giáo dục không phải là một vấn đề, nhưng là một truyền nhiệm .

Rõ ràng là nhiều lời lẽ của người ta tại Pháp này (còn tại mấy nước không xa chúng ta lắm, người ta lại có những tiếp cận khác hẳn) làm cho chúng ta có cảm tưởng tuổi trẻ là một vấn đề, hoặc một mớ những vấn đề . Có lẽ người ta nghĩ có cơ may giải quyết chăng ? Nhưng coi em thiếu niên là một vấn đề tức là hạ giảm em xuống thành một đối tượng giáo dục. Về phần mình, nhà giáo dục Kitô giáo luôn coi  em la một chủ thể  …. Cùng với vẻ huyền nhiệm bao quanh con người em.

Không coi em thiếu niên là một vấn đề, nhưng coi em là một huyền nhiệm . Đó là tất cả chỗ được thua của những trang sách này … Chắc bạn biết nhà hiền triết  Gabriel  Marcel  đã phân biệt thế nào là vấn đề, và thế nào là huyền nhiệm . Ông ấy đã đưa ra sự so sánh sau đây : Biển là vấn đề cho người đứng ở bãi biển : người đó có thể đắt biển ra trước mặt mình, ở xa mình . Nhưng đối với một người ở trên tàu, thì biển cả là một huyền nhiệm … bởi vì biển cả bao quanh người đó, và người đó không thể suy nghĩ và hành động, mà không nghĩ tới biển .

Về cách thực hành công việc Kitô giáo cũng thể … các thiếu niên và các nhà giáo dục cùng nhau bước đi trên con đường nhân bản hoá . Và nếu biến huyền nhiệm thành vấn đề, người ta sẽ sai lầm lắm . Giáo dục không đặt ra như một vấn đề , nhưng ta phải sống nó như một huyền nhiệm . Giáo dục luôn là con đường mà ta phải lên đường với các em .

Vậy, nay đã đến lúc kết thúc công việc bàn luận của chúng tôi , tôi muốn chúng ta cùng nhau nhìn lại con đường đã đi qua, trước khi đi tiếp con đường này với các thiếu niên được trao phó cho chúng ta . Quả vậy , tôi nghĩ tất cả những sách vở bàn về giáo dục không có mục đích nào khác , ngoài việc dẫn chúng ta về với thực hành giáo dục của mình .

Nhìn lại công việc bàn luận mà chúng tôi vừa thưck hiện trên đây , tôi thấy chủ yếu đó là một sự sang qua , và một sự khám phá, không bao giờ được coi là hòan tất , nhưng phải luôn luôn cập nhật hoá, đổi mới :

+     Sự sang qua , từ một sự tiếp cận giữa nhiều người lo giáo dục , bước qua một sự tiếp cận ‘có hệ thống’ .

+     Đối  với người Kitô hữu , thì có sự khám phá ra chiều kích dụ ngôn của hành động giáo dục .

Xin nói rõ hơn về hai điểm này,vì thoạt nghe xem có vẻ hơi kỳ qoặc :

MỘT TIẾP CẬN CÓ HỆ THỐNG VỀ GIAO DỤC

 Em thiếu niên và nhà giáo dục đều sống trong cùng một hệ thống những liên hệ. Giáo dục không phải là một hành vi riêng lẻ : nó diễn ra giữa một hệ thống rộng lớn của những mối tiếp thông . Nếu quan hệ giáo dục có tính ‘liên nhân vị’ , giữa nhiều người, và đó là tính chất hàng đầu như chúng tôi đã nhấn mạnh, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất cần phải được lưu ý .

Nhà giáo dục phải ý thức về sự hiện hữu của hệ thống các mối liên hệ này, là môi trường hoạt động của mình, và phải tìm hiểu hệ thống những liên hệ đang quấn chặt lấy  em thiếu niên .

Bởi vì nhà giáo dục là gì, nếu không phải là biến đổi hệ thống này cách nào, để cho em thiếu niên có điều kiện trở thành một chủ thể có khả năng tiếp thông, sáng tạo và yêu thương?

Tất nhiên, đứng trước sự rộng lớn của sứ mạng giáo dục, nhà giáo dục phải ý  thức về những giới hạn của mình . Bởi vậy tôi nghĩ rằng nhà giáo dục phải tin chắc chắn là cần phải có sự làm việc thành ê – kíp  . Cũng như hiện nay, đứng trước vẻ phức tạp ngày càng gia tăng của thế giới, nghiên cứu khoa học không thể là việc làm riêng rẽ (hình ảnh  nhà bác học già ngày xưa nay không còn nữa ! chỉ những ê – kíp nhiều nhà nghiên cứu mới đạt được thành công), thì cũng vậy, công việc giáo dục không thể là hành động riêng rẽ . Trong thế giới truyền thông hôm nay, cái gì cũng phải được quan niệm thành hệ thống . Đối với nhà giáo dục, điều này có nghĩa là ‘cái gì cũng phải làm từng ê – kíp  .

Mà hành động của ê – kíp này là một trong nhiều hành động khác (hành động giáo dục của gia đình, của nhà trường, của các nhóm bạn bè, của các phương tiện truyền thông, nhất là của vô tuyến truyền hình, của môi trường xã hội …) và chúng ta biết đôi khi nổ lực rất nhiều mà đạt được hiệu quả rất ít .

Cho nên tôi nghĩ nhà giáo dục cần phải đứng vững trong lãnh vực của mình, lãnh vực của từ tốn .

 Phải chăng cái bệnh nguy hiểm nhất của nhà giáo dục là ‘được ăn cả, ngã về không?’ Tôi có ý đề cập đến sự kiện đổi nhịp rất thường thấy nơi các nhà giáo dục : những thời gian nào hứng để nhà giáo dục triển khai những dự án giáo dục tưởng như  có thể giải quyết được tất cả mọi sự … rồi tiếp theo là những thời gian chản nản, vì thấy rằng  những nổ lực của mình đã vô ích, không biển đổi được thế giới … và nhà giáo dục có nguy cơ rơi vào tình trạng chán ngán tất cả mọi sự.

Biết bằng lòng với cái ít, đó là khoa tu thân của nhà giáo dục . Ít, tất nhiên không nhiều nhặn gì đối với ‘tất cả’ , nhưng đối với ‘số không’  thì chẳng quan trọng ư ?

Lãnh vực ‘cái ít’ , cũng chính là lãnh vực của Phúc âm, và thật ra đó cũng chính là lãnh vực của nhân bản .

MỘT TIẾP CẬN CÓ TÍNH DỤ NGÔN VỀ GIÁO DỤC

Hành động giáo dục có thể được các Kitô hữu đọc như một bài dụ ngôn của Phúc âm

Bởi vì dự tính của Thiên Chúa về con người là mỗi người phải trở nên một con người toàn hảo như Chúa Giêsu Kitô, cho nên xét theo chiều hướng này, mỗi công việc giáo dục đều có thể được đọc như một dụ ngôn về Nước Trời .

Thật vậy, mỗi hành vi giáo dục có thể được xét lại :

+   Hoặc một cách thuần tuý sư phạm, dưới ánh sáng của những khoa học giáo dục, và theo chiều hướng và quan điểm chuyên nghiệp ;

+    Hoặc một cách mục vụ, dưới ánh sáng của ‘kế hoạch của Thiên Chúa’ .     

Như vậy chúng ta có thể xem xét công việc giáo dục theo hai chiều hướng, vì hành động giáo dục có thể là một dụ ngôn của hành động cứu chuộc .

Tính lưỡng kiện đó giúp ta vượt qua được mâu thuẫn đôi khi vấn nảy sinh giữa hành vi chuyên nghiệp và sự tận tâm Kitô giáo của nhà giáo dục .

Và như vậy chúng ta có thể ‘loan  báo Phúc âm’ : đây là một lời tôi mượn của Don  Bosco . Xin phép cho tôi, thay lời kết luận, được quy chiếu về vị Sáng Lập Hội dòng mà tôi là thành viên, và về truyền thống  Salêdiêng thấm nhuần tư tưởng của Ngài .

PHÚC ÂM HOÁ BẮNG GIÁO DỤC VÀ GIÁO DỤC  BẰNG PHÚC ÂM HOÁ

Vẻ độc đảo của truyền thống Sakêdiêng nằm gọn trong câu khẩu hiệu trên đây, trong chữ ‘bằng’ và chữ ‘và’. Chúng tôi không coi công việc giáo dục là tiền đề , nhưng vừa là mảnh đất vừa làthể thức của việc loan báo Phúc âm .

Trong câu châm ngôn này , có hai phần ăn khớp với nhau : giáo dục và loan báo Phúc âm , đến nỗi nếu người ta đọc lại cuộc đời và công việc của vị linh mục kiêm nhà giáo dục là Don Bosco, người ta không thể tách rời những lãnh vực thuộc giáo dục, và những gì thuộc về công việc rao giảng Phúc âm .

Một viễn ảnh như thế sẽ cho phép đặt nền móng cho cái có thể được gọi làmột ‘khoa thần học về giáo dục’.

Và như chúng tôi đã quãng diễn đầy đủ qua những trang sách này , giáo dục là một con đường giải phóng (thoát từ tình trạng lệ thuộc hoàn toàn của tuổi thiếu nhi, để bước qua giai đoạn trở thành một chủ thể có khả năng tiếp thông , sáng tạo và yêu thương ) , cho nên một nền thần học như thế có thể dự vào phong trào rộng rãi của ‘các nền thần học giải phóng’.

Như hai tác giả Lêonardô và Cldovis Boff đã nhấn mạnh trong một tập sách nhỏ giới thiệu phong trào này , ‘Bất cứ nền thần học nào cũng phát sinh từ một đời sống tinh thần , nghĩa là từ một cuộc gặp gỡ sâu xa với Thiên Chúa trong lịch sử’[16]. Về nền thần học của giáo dục , nó đã bắt nguồn trong sự gặp gỡ của Chúa Kitô nghèo khó nơi con người của em thiếu niên.

 ‘Ai đón nhận một trẻ em như trẻ này , là đón nhận chính bản thân thầy’ (Mc 2, 37).

Nhà thần học về giáo dục không phải làmột người ngồi bàn giấy . Trước khi là nhàthần học, ông ấy phải làmột nhà giáo dục .Vấn đề đặt ra cho ông ấy , là sống dấn thân cho đức tin trong chính công tác giáo dục của mình .

Một nền thần học về giáo dục như thế bắt nguồn từ một đời sống tinh thần , và nó kết thúc như một ước mơ : thiết lập một xã hội của người tự do , bình đẳng và huynh đệ .

Quả vậy , không thể có một động lực cơ bản để biến đổi và đổi mới xã hội cách triệt để  nếu không có , một mơ ước ở đằng trước và ở phía trên . ‘Các tín hữu Kitô tin rằng mơ ước nằm trong thực tại toàn diện , bởi vì họ thấy ước mơ đó đã được thực hiện trước kia nơi Chúa GiêSu Kitô, đấng đã tạo thành một nhân loại mới nơi bản thân Ngài’(2).

Làm việc cho sự lên ngôi của một nhân loại mới :đó có thể là định nghĩa đúng nhất của sứ mạng trao cho nhà giáo dục Kitô giáo , bởi Đấng sai họ đi, và Đấng đã tuyên bố : ‘Này ta làm nên một vũ trụ mới’ (Kh 21,5)

 

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ

JEAN-MARIE  PETITCLERC, SDB

“GIÁO DỤC HÔM NAY CHO NGÀY MAI”

Mấy tiêu chuẩn cho việc thực hành giáo dục Theo Kitô giáo.

Trong một thế giới đang biến đổi, không có một lãnh vực nào mà không bị ám ảnh bởi ý tưởng khủng hoảng. Giáo dục không phải là việc tự nhiên mà thành .

Giáo dục hôm nay cho ngày mai là chấp nhận thực tại của tuổi trẻ hôm nay đúng theo sự thật, nối kết với các em một quan hệ thân tình và tin tưởng …., nhưng cũng là chuẩn bị cho các em hội nhập vào thế giới của ngày mai, một thế giới mà hiện nay chúng ta đã nhìn thấy những đường nét.

Những trang sách này đặt mấy cọc mốc cho một nền giáo dục bằng tin tưởng, tin tưởng nơi các em thiếu niên ngày nay, tin tưởng vào tương lai,vào giờ mà cấp tốc chúng ta phải trả lời cho những thách đố của đời mới. Và bởi vì hành động của giáo dục trước hết và trên hết là hành vi của tin, cậy và yêu  mến các thiếu niên, cho nên công việc giáo dục có thể được nhà giáo dục Kitô giáo hiểu theo ánh sáng của Phúc âm. Bởi vì Nước Trời cũng giống như  một hạt giống mọc lên. Cho nên công việc giáo dục có thể được đọc như một dụ ngôn của Nước Trời.

Cho nên những cọc mốc cho một ‘thần học giải phóng’ đã đặt ra. Tác giả Jean –Marie Petitclerc là cựu sinh viên trướng đại học Bách khoa  Paris, đậu văn bằng tiến sĩ về các khoa học giáo dục do Đại Học Công giáo Paris cấp. Là linh mục Tu hội Salêdiêng Don Bosco trong những trang sách này, tác giả đã dựa vào kinh nghiệm sau rộng của mình là nhà giáo dục ngoài đường phố, rồi làm Giám đốc một trung tâm các thiếu niên gặp khó khăn.

[1] Xavier Thévenot, Repères  éthiques (Những tiêu chuẩn đạo đức) NXB Saivator, Mulhouse, 1983 tr. 142.

[2]

[3] Jean Bothorel, ‘Toi mon fils’(Ôi con tôi ) tr 7,8  (12), NXB Grasset 1986

[4] Francis Curtet, Sđd tr.13

[5] ‘ L’association Alcool. Droque  chez  des  jéunes  Scolarisés  et  des toxicmanes’ , của tác giả Francois  Facy và  Marie  Choquet, đăng trong  ‘Psychologie  Médcale’   số tháng 11 – 1986 .

[6] Francis  Courtet, Sđd tr . 54 .

[7] H .  Chabrol, tr . 38 .

[8] Claude  Olivestein, Giám đốc trung tâm  Masmoutant  lo chữa các người nghiền ma tuý, ‘Ecrits  sur  la Toxico – manie’, NXB  đại học (tháng 3 – 1973) .

[9] Francis  Curtet,  Sđd  tr . 76 –77

[10] Bản văn của bài thuyết trình này đã được ấn hành tại nhà xuất bản Don Bosco dưới nhan đề  ‘Đélinquance, Toxi – comanie, suicide  chez  l’adobscent’ (tháng 6 năm 1987)

[11] Xavier  Thévenot,  Les  Péchés , que  peut  peut –on  en  dire? NXB  Salvator, Mulhouse , 1983 , tr . 71 .

[12] Xavier Thévenot, Sđd tr. 53

[13] Xavier Thévenot, Sđd tr. 53-54

[14] Marguerite  Iéna , L’esprit  de  l’éducation  (tinh thần giáo dục), tr .114

[15]

[16] Lêonardo et Clodovis Boff, Qu’est ce quela thélogie de la libratiôn ? NXB Ce rf 1987,tr.15

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *