Hiểu biết cha Thánh Gio-an Bosco: LỊCH SỬ
Tác giả: cha Pascual Chávez V. SDB
LỜI NÓI ĐẦU
Đối với từng thành viên của Gia đình Salêdiêng và mọi người gắn liền với Tinh thần của Don Bosco, ngày16 tháng 08 năm 2015 thật là ý nghĩa để nhìn tới phía trước, khi chúng ta sẽ cử hành đệ nhị bách chu niên ngày sinh của Don Bosco. Thời kỳ chuẩn bị gồm ba năm đã được vạch ra, đấy là một cách làm cho tất cả chúng ta sẵn sàng cho ngày trọng đại này; nhờ đó kiến thức của chúng ta về Don Bosco – Đấng Sáng lập dòng Salêdiêng, và là cha, thầy của người trẻ – được thêm phong phú. Khởi đi từ năm 2012, chúng ta chú tâm đến những lãnh vực chính về con người và đặc sủng của cha thánh, đấy là: “Lịch sử”, “Phương pháp giáo dục” và “Linh đạo” của Don Bosco. Qua đó, chúng ta có thể hiểu biết và bắt chước ngài hơn nữa.
Cuốn sách này gom lại một loạt những bài viết hàng tháng của cha Pascual Chávez – Bề Trên Cả của Tu Hội Thánh Phanxicô Salê – dành cho Gia đình Salêdiêng dưới chủ đề “Lịch sử của Don Bosco” trong Hoa Thiêng năm 2012. Những bài viết này này soi sáng và hướng dẫn anh chị em qua cuộc hành trình khám phá lịch sử của thời đại Don Bosco, cách thức ngài đương đầu với các hoàn cảnh, điều ở đằng sau quyết tâm của ngài là vun trồng sứ mệnh kéo dài suốt đời cho giới trẻ, và cách thức ngài hoàn thành sứ mệnh đáng ghi nhận này.
Chúng tôi hy vọng rằng sau khi đọc cuốn sách này, anh chị em được khởi hứng do cách thức Don Bosco thắng vượt những thách đố và những vấn đề của thời đại ngài và bối cảnh xã hội. Anh chị em cũng sẽ vui lòng giữ lấy tinh thần của ngài là phục vụ giới trẻ bị thiệt thòi trong thế giới luôn thay đổi này.
Trong phần phụ lục, chúng ta in lại bài bình giải của cha Chavez về Hoa thiêng 2012. Nó cống hiến bài tường trình chi tiết về những lý do phải học hỏi lịch sử của Don Bosco, bối cảnh và môi trường xã hội của thời đại ngài và cách thức ngài đáp lại tiếng Chúa gọi để phục vụ giới trẻ nghèo khổ và bị bỏ rơi. Nó giúp đạt được nhiều trực giác và sự khởi hứng hơn nữa để sống sứ mệnh được TC trao ban trong đời sống ngài, đối với chúng ta, để đạt được nhiều trực giác và khởi hứng hơn để sống sứ mệnh Don Bosco trong thời đại chúng ta và môi trường xã hội. Hơn nữa, đôi dòng tiểu sử vắn gọn về Don Bosco, được trình bày theo dạng từng điểm một, cũng được nêu ra để độc giả dễ dàng qui chiếu.
Cha Lanfranco M Fedrigotti
Ngày 24 tháng 5 năm 2013
Lễ kính trọng thể Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu
MỤC LỤC
Lời Nói Đầu
- TIẾNG CHÚA GỌI
- MỘT MÁI NHÀ, MỘT GIA ĐÌNH, MỘT NGƯỜI CHA
- CÙNG NHAU
- NGỌN LỬA PHẢI BÙNG LÊN
- CỘT TRỤ
- GIẢI NGÂN HÀ BÙNG VỠ
- MỘT KHUÔN MẪU MỚI CỦA SỨ MỆNH VÀ TRUYỀN GIÁO 8. TRUYỀN THÔNG HIỆU QUẢ ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ GIÁO DỤC
- Ý TƯỞNG VỀ CỘNG TÁC VIÊN TRONG TÂM TRÍ CỦA DON BOSCO
- MỘT Ý TƯỞNG PHẢI ĐƯỢC KHÁM PHÁ LẠI: “CÁC HỘI LÀNH SALÊDIÊNG”
- ĐỐI VỚI DON BOSCO VÀ NHỮNG NGƯỜI SALÊDIÊNG, GIỚI TRẺ LÀ CHỦ
PHỤ LỤC 1: Hiểu Biết Cha Thánh Gioan Bosco – Lịch sử của Ngài
PHỤ LỤC 2: Thoáng nhìn vào cuộc đời Don Bosco
- TIẾNG CHÚA GỌI
Những Lựa Chọn Của Don Bosco Được Định Rõ Bằng Tiếng Thiên Chúa gọi, Thiên Chúa Của Lịch Sử
Ở giữa lòng Cựu Ước có tiếng Thiên Chúa gọi ông Môsê, trong lúc ông Môsê nhìn thấy bụi gai đang bốc cháy. Đức Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân ta bên Ai-cập, ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì quân lính hành hạ. Phải, ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật….” (Xh 3, 7-8)
“Ta đã nghe… Ta đã thấy… Ta biết rõ… Ta muốn giải thoát chúng”. Bốn lời này nói lên tình cha hoàn hảo. Thiên Chúa không hề bỏ rơi con cái Ngài. Cha thánh Gioan Bosco được gọi để nhập thể tình phụ tử của Thiên Chúa trong thời đại chúng ta.
Một Thời thương đau
Don Bosco sống và làm việc trong một thời kỳ đổi thay nhanh chóng và quan trọng. Sự thay đổi này thật thương đau, đặc biệt trong các lãnh vực xã hội và Giáo Hội. Cách riêng, bước tiến đó đã được khởi sự với Thời Đại Khai Sáng lại nhanh dần. Điều này đã kết thúc một đế chế Kitô giáo, societas cristiana, với sự chiến thắng của những người theo thuyết bất khả tri chống lại Kitô giáo, với việc họ tuyên bố lý trí – khoa học và đức tin không thể tương hợp, cùng với việc tầng lớp trung lưu và giai cấp công nhân ngày một bất mãn với những thể chế Giáo Hội (phong trào này lan rộng tại các thành phố, dần dần ảnh hưởng đến các vùng nông thôn). Ở nước Ý, vấn đề Roma mở ra vết thương đau đớn trong lòng các tín hữu. Dưới áp lực của giới trí thức giáo dân chống giáo sĩ và tầng lớp doanh nhân trưởng giả, nhờ báo chí, đã nắn đúc công luận và những phong thái sống, thì những thế hệ mới, được đào tạo trong một hoàn cảnh mà ngày càng theo thuyết bất khả tri, đã trở nên mất phương hướng, là mồi ngon cho những ý tưởng và thái độ xa cách hẳn việc thực hành Kitô hữu. Đồng thời xuất hiện những hình thức nghèo khổ khác, luồng sóng di cư trong và ngoài nước, các nền văn hóa bị bứng rễ, sự bóc lột sức lao động và những nhóm nghèo khổ nhất trong dân chúng nên tàn bạo về đạo đức.
Cứu vớt người trẻ
Đối với Don Bosco, chính bối cảnh lịch sử này, những thương tích xã hội và những căng thẳng này, lại là kích thích tố và một cơ hội quý giá để phân định tiếng Chúa. Trong khi những người khác tranh cãi, kết án, than trách hiện trạng của thời đại, thì ngài có thể tri nhận TC hoạt động và hiện diện trong lịch sử loài người. Vì được đào tạo để cảm nhận mình là một mục tử được gọi để làm việc vì phần rỗi của nhân loại, nhất là phần rỗi giới trẻ, Don Bosco đã chìm đắm vào thời đại của mình, một cách có phê phán, nhưng sáng tạo và yêu thương; hoàn toàn thiết thân với những biến cố đang xảy ra quanh ngài nhưng ngài lại cảm nhận chúng cách sâu sắc. Ngài sẵn sàng cho đi chính bản thân vì sứ mệnh ngài cảm nhận được kêu mời thực thi; ngài thâm tín rằng ân sủng Chúa mạnh mẽ hơn bất cứ trở ngại nào của nhân loại, và trợ giúp hiệu quả cho bất kỳ ai làm việc để trải rộng vương quốc của Đức Kitô trong cõi lòng của các dân tộc.
Tình trạng thiếu niên nghèo khổ Don Bosco gặp tại Turin trong thập niên 40 và 50, cả đến những biến cố trong Giáo hội, chính trị-xã hội cũng như những luật lệ mới, đã khích lệ và nắn hình việc ngài hiến mình cho giáo dục, nhiệt tình mục vụ của ngài, những tài năng thiên phú của ngài, theo những cách thức thực tiễn; chúng đã dẫn ngài đến sự phân định mang tính chủ động và dự phòng.
Trong những thập kỷ tiếp theo, tình trạng thay đổi, vấn đề mới nảy sinh, nhưng cách ngài suy nghĩ và lối tiếp cận thiêng liêng của ngài khiến ngài trải rộng những chân trời của mình, xác định các hoạt động và kế hoạch, nhân bội các công cuộc của mình, đang khi làm cho đạo binh các môn sinh, những người hỗ trợ, ân nhân và những người thiện chí ngày một gia tăng cũng như can dự vào. Bằng cách này, lối nói “Những trẻ em nghèo và bị bỏ rơi” có được một ý nghĩa ngày một rộng hơn, không chỉ theo những hạn từ xã hội-kinh tế, song cả tinh thần, văn hóa và đạo đức.
“Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”
Tính hiện đại của Don Bosco hệ ở điều này: không chỉ những ý tưởng mới phù hợp với đòi hỏi và sở thích của thời đại và giới trẻ, nhưng là những đáp trả, mau lẹ và thực sự hữu hiệu (vì chúng được nhìn xa trông rộng và là kết quả của một tiến trình phân định và tình yêu chân chính dành cho Thiên Chúa) trước những vấn nạn mới, những thách thức mới, những nhu cầu mới, những tấn công mới của “Quỷ dữ”, khi khởi đi từ một đức tin kiên định, một đức cậy không lay chuyển, từ việc dâng hiến hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa và anh (chị) em, từ một tự do nội tâm, là kết quả của sự thanh luyện và ly thoát chính mình. Ngài viết cho một linh mục đang nản lòng: “Con có việc làm không? cha sẽ chết trên cánh đồng lao động như một chiến sĩ anh dũng của Đức Kitô, sicut bonus miles Chirsti. Tôi chẳng có mấy tài năng ư? Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi, Omnia possum in eo qui me confortat. Có gai góc ư? Bằng những gai nhọn được đổi thành những bông hoa đẹp các thiên thần sẽ kết triều thiên cho con trên thiên đàng. Thời buổi khó khăn ư? Luôn luôn là thế, nhưng Thiên Chúa không bao giờ không giúp con: Christus heri et hodie” (25 tháng 10, 1878, E. Ceria, Epistolario di S. Giovanni Bosco III, p. 399).
Đây là một bài học về đức cậy và sự cam đảm cho chúng ta; đó là lời mời lay tỉnh chúng ta, và canh tân lòng trung thành, sự cam kết và niềm tin tưởng của chúng ta vào Thiên Chúa.
- MỘT MÁI NHÀ, MỘT GIA ĐÌNH, MỘT NGƯỜI CHA
Tầm quan trọng của hoàn cảnh cuộc sống và của những người trong việc đào luyện của Don Bosco thời thiếu niên
“Cha nhớ duy nhất một điều trong ký ức đầu đời của cha. Chúng tôi rời khỏi căn phòng mà cha Bosco qua đời, và cha cố gắng ở lại đằng sau.
“Mẹ cha gọi trong đau thương, ‘Đến đây Gioan, đến đây với mẹ.’”
“Cha trả lời, ‘Nếu cha không tỉnh dậy, con sẽ không đi đâu.’”
“Mẹ cha trả lời, ‘Ôi đứa con tội nghiệp của mẹ, đến với mẹ nào; con đã không còn cha nữa rồi.’”
“Khi nói điều đó, bà dường như muốn quỵ xuống và bắt đầu khóc, đồng thời cầm lấy tay cha dẫn ra ngoài. Cha bắt đầu khóc bởi vì mẹ cha khóc.” (Hồi ký nguyện xá của Tu Hội thánh Phanxicô Salê từ năm 1815-1855, xuất bản năm 1989, trang 7-8)
Kỷ niệm đầu tiên của Don Bosco là cánh tay của mẹ ngài. Khi biết các thiếu niên trong các nhà tù tại Turin, ngài sẽ nói: “Nếu chúng tìm được ai đó giúp đỡ và chăm sóc … chúng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp, chúng sẽ quên đi quá khứ, và trở thành người Kitô hữu tốt và một công dân lương thiện. Đây là nguồn cội của Nguyện xá chúng ta.”
Khi suy tư về những kinh nghiệm thời niên thiếu và tiến trình đã khiến ngài thiết lập công cuộc của mình, trong cuốn hồi ký nguyện xá, Don Bosco nêu bật vai trò quyết định của những nhà giáo dục và môi trường đào tạo xung quanh: gia đình ngài, cộng đoàn giáo xứ Morialdo, trường học tại Chieri, chủng viện, Học viện giáo sĩ tại Turin; sự quan tâm chăm sóc của mẹ ngài và Don Calosso, sự nâng đỡ của các giáo viên tại trường Chieri, lối tiếp đón và lời khuyên của cha giải tội, những người bạn tốt lành, gương sáng khích lệ của Luigi Comollo, tổ chức có kỷ luật mà các bề trên tại chủng viện cung cấp, gương sáng mục vụ và thiêng liêng cũng như lời dạy của Don Cafasso và Don Guala.
Những cội rễ của sức mạnh ngài
Những hoàn cảnh nghèo khổ và cuộc sống nông trại đầy lao nhọc trong đó ngài lớn lên, cũng đóng một vai trò quan trọng, trong việc khích lệ ngài tin tưởng vào Thiên Chúa, sống tinh thần làm việc chăm chỉ và nhất tâm, sống nghiêm túc và sáng tạo. Sự xung đột với anh Antôn không hoàn toàn tiêu cực, vì điều này làm ngài ao ước hơn nữa. Nó kích thích ngài sáng tạo, trong việc tìm kiếm những khả thể và những phương thức khác để biến giấc mơ thành hiện thực, chứ không phải những hoàn cảnh rất thuận lợi. Cũng vậy, những vấn đề phải đối diện trong những năm đầu của nguyện xá gây ra do Thị trưởng Turin, các cha xứ, bà bá tước Barolo, và ngay cả thiếu thốn các nguồn kinh tế, nơi chốn, cộng sự viên, tất cả không chỉ là rào cản nhưng còn là thách đố kích thích đức ái sáng tạo của ngài. Chúng khiến ngài xác định một chiến lược hành động hoàn toàn là của ngài. Don Bosco phát triển não trạng thích ứng tích cực để làm tốt, một thái độ tin tưởng đến từ sự tín thác vào Thiên Chúa cũng như khiến ngài làm bất cứ việc gì có thể được, đang khi chờ đợi những cơ hội được mở ra trong tương lai; một sự cởi mở để thay đổi hay thích nghi nhanh chóng khi đối diện với những chướng ngại đột xuất mà ngài biết làm thế nào để xử lý nhờ vui vẻ và nhanh trí. Dựa trên những liên hệ và thông giao, ngài cũng khai triển một phong thái nhằm làm cho mọi người được thông tin và biết điều đang xảy ra, và làm họ can dự vào, đó là điều quyết liệt trong tương lại.
Những người yêu mến Don Bosco
Trên hết, những người vốn đã đào tạo ngài, sự tận tâm trong giáo dục, sự chăm sóc giúp đỡ và đồng hành của họ, gương sáng và lời động viên của họ, đối với Don Bosco là một nguồn lực quan trọng. Thực vậy, chúng nắn hình tiến trình đào luyện của ngài. Đồng thời, chúng trở thành một điểm qui chiếu và một khuôn mẫu lối thiêng, chọn lựa đời sống, những tương quan hiền phụ, chăm sóc trợ giúp và sự tận tâm… điều đó cho ngài một khuôn mẫu hữu hiệu mà trên đó ngài đặt nền cho Hệ thống Dự phòng và cách thức làm việc của mình. Những năm sau đó, khi nhìn vào lại những người này và lối tiếp cận của họ, Don Bosco đã rút ra những kết luận quan trọng cho hệ thống của chính mình.
Môi trường xung quanh trong đó Don Bosco được đào luyện
Những hoàn cảnh cuộc sống trong đó xảy ra việc giáo dục của ngài rất tác động đến việc ngài soạn thảo khuôn mẫu đào tạo của mình: một đứa trẻ nghèo và một gia đình làm lụng vất vả, sự nâng đỡ lẫn nhau giữa những người nông dân tại Morialdo, bầu khí học tập tại trường học Chieri (Tôn giáo chính lá một phần căn bản nhất trong giáo dục), những kỷ luật và bầu khí thiêng liêng tại chủng viện, tinh thần nhiệt tình của các sinh viên tại đại học công giáo, Turin. Tất cả đúc kết thành một Don Bosco thực tiễn trong phương cách giáo dục của mình, một bầu khí tôn giáo, mối tương giao giữa người với người, các vai trò của giáo dục khác nhau, ý thức thuộc về và sự cộng tác của mỗi cá nhân.
Một mạng lưới để tăng trưởng
Trong suy nghĩ và thực hành của Don Bosco không thể có giáo dục trừ khi nó xảy ra trong một cộng đoàn tổ chức tốt/có qui luật, cần mẫn, an hoà và thân thiện, với một mạng lưới tương quan nhân bản được các nhà giáo dục thân thương và chăm chú thiết lập. Họ hiện diện giữa những người trẻ cách năng động và cuốn hút, có khả năng mở ra những chân trời, khi trân trọng và sử dụng tốt đẹp những tài năng, nắn hình các nhân cách và dẫn họ theo những lối đường của đời sống nội tâm, với lý trí, tôn giáo và lòng mến thương.
- Cùng Nhau
Từ sự cam kết cá nhân cho người trẻ đến việc hình thành một cộng đoàn-Gia đình; từ đặc sủng cá nhân đến đoàn sủng được nhiều người chia sẻ.
Hành vi “chính thức” đầu tiên của Chúa Giêsu: “Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: ‘Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.’” (Mc 1, 16-17).
Từ những năm đầu tại Convitto, Don Bosco đã tìm những “người giúp đỡ” trẻ: “Mục đích của cha là chỉ tập trung những thiếu niên đang gặp nguy hiểm lớn lao, những người vừa ở tù ra. Tuy nhiên, cha đã mời gọi một số thiếu niên khác, có đức tin tốt, được giáo dục, làm thành nền tảng để xây dựng kỷ luật và đạo đức. Những em này giúp cha duy trì sự trật tự; chúng đọc và hát thánh ca. Ngay từ đầu, cha nhận ra rằng không có sách nhạc và các bài đọc phù hợp thì các buổi tụ họp ngày lễ này tựa như một thể xác không hồn.” (Hồi ký nguyện xá, 1989, 196).
Đối với Don Bosco bước tiến, này từ một sáng kiến cá nhân tới một hoạt động hài hoà được điều phối, chẳng mấy chốc đã được thực hiện. Từ đầu, đặc sủng cá nhân đã dẫn đến ơn gọi mang tính cộng đồng và tới một khuynh hướng mang mọi người lại với nhau.
Don Bosco có thể vui hưởng sự cộng tác thực tế hơn vào giữa năm 1844 và 1846, khi cha Borel, Pacchiotti và những người khác cùng sát cánh. Nhưng các ngài là những hình thức cộng sự tuỳ dịp được liên kết với những yêu cầu thực tiễn.
Rồi Nguyện xá được an cư khi ngài thiết lập Nguyện xá tại ngôi nhà Pinardi cùng với mẹ ngài, khi biến đổi cơ sở đó mà cho đến lúc đó, chỉ là một trung tâm hoạt động thành một “mái ấm”, một gia đình tông đồ hiến mình cho sứ mệnh, ngày đêm chào đón tất cả các em nghèo và bị bỏ rơi. Từ đó trở đi, công cuộc ấy phát triển tất cả tiềm năng của mình, bởi vì, Don Bosco đã từ bỏ mọi cam kết khác, chỉ hiến mình cho sứ mệnh giới trẻ. Chính trong những hoàn cảnh này mà Don Bosco quan tâm qui tụ quanh mình một cộng thể gồm các mục tử và nhà giáo dục; ngài qui tụ họ không còn chỉ đơn giản dựa trên cơ bản tuỳ dịp hay khi các hoạt động cần đến; còn họ nhìn nhận ngài là cha, là điểm qui chiếu và khuôn mẫu của mình.
Không chỉ là “những người giúp đỡ”
Đặc biệt sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 1848 – 1849, nhiều cộng tác viên đã rời bỏ Don Bosco, vì được khởi hứng bởi một tinh thần và phương pháp khác. Don Bosco đã bắt tay xây dựng nguyên mẫu cộng thể giáo dục “Salêdiêng”, khi đào tạo những người trẻ không chỉ là “những người giúp đỡ”, nhưng là “những môn sinh” và “những người con”, một phần sinh tử của một gia đình được cùng nhau qui tụ lại bằng những mối dây tình mến thiêng liêng, với những trách vụ và vai trò được xác định rõ và bổ sung nhau; họ chia sẻ đặc sủng của ngài: Ascanio Savio, Rua, Cagliero, Buzzetti, Artiglia, Rocchietti, Bonetti… Những người này đã sống tại Nguyện xá ngày từ lúc ban đầu; họ quyết định ở lại với Don Bosco, hiến đời mình cho sứ mệnh giới trẻ. Họ là hoa quả của việc Don Bosco đào tạo giữa các trẻ tại nguyện xá và việc ngài linh hướng. Không phải hết thảy các em đều trở thành tu sĩ. Nhiều em tiếp tục cộng tác trong nguyện xá và trường học, đang khi sống ở nhà. Những em khác cống hiến sự trợ giúp tuỳ dịp, trợ giúp kinh tế và hỗ trợ đạo đức. Nhưng tất cả cảm nhận họ là thành phần tích cực của công cuộc Salêdiêng, chia sẻ phương pháp, mục tiêu và những nét đoàn sủng của nó.
Một “Gia đình” giáo dục
Kinh nghiệm này khơi dậy một khuôn mẫu hiển nhiên mang tính đoàn sủng về một cộng đoàn giáo dục-mục vụ. Trong các nhà Salêdiêng, cộng thể tu sĩ qui tụ quanh Giám đốc, (Người cha thiêng liêng thực sự), được điều phối trong những vai trò và trách nhiệm, là trọng tâm của cộng cuộc; nhưng để điều này được hiệu quả trong vai trò đào tạo, nó cần những thanh thiếu niên tốt hơn cùng can dự vào trên một bình diện thực tiễn và tình cảm. Chúng đóng vai trò như các người lãnh đạo tinh thần và nhà giáo dục của các bạn đồng lứa của họ. Và cùng xây dựng mạng lưới rộng lớn là sự cộng tác thực tiễn và luân lý trên những mức độ khác nhau (trong những vòng tròn đồng tâm), để mang lại sức năng động, tính hiệu quả và liên tục cho những công cuộc đó.
Tu Hội Salêdiêng đã có thể trải rộng trên toàn thế giới, nhờ vào những ơn gọi có đặc tính cộng đoàn này thuộc đoàn sủng của Don Bosco; ngài biết rõ để giáo dục các thanh thiếu niên tốt đẹp, cần rất nhiều người chia sẻ cùng một lý tưởng và tinh thần, theo một cách thức huynh đệ, sẵn sàng cộng tác với giám đốc, tất cả đều hiến mình cách vui tươi, mỗi người theo bậc sống của mình. Lịch sử của công cuộc Salêdiêng ở mọi nơi trên thế giới cho thấy rằng công cuộc của “những tác nhân tự do này”, bất kể có khả năng hay hiệu quả ra sao, nếu họ không thật sự thuộc về hay không gắn bó với cộng thể, thì chỉ sớm lụi tàn.
Trái lại, những cộng thể Salêdiêng, được hiệp nhất trong công việc và với tinh thần huynh đệ, dù được tạo thành do những người bình dị, nếu họ đâm rễ tốt đẹp vào khu vực địa phương và cùng nhau quan tâm đến hoạt động và liên kết, thì có thể giữ công cuộc theo đúng đường; nó mang lại những tác động sâu xa và hữu ích trên các cộng đoàn dân sự và giáo hội mà trong đó họ được định vị.
Như Hiến Luật Salêdiêng khẳng định: “Đối với chúng ta Salêdiêng, cùng nhau sống và làm việc là một đòi hỏi nền tảng nhất và là một đường lối vững chắc để hoàn thành ơn gọi chúng ta” (Khoản 49).
- NGỌN LỬA PHẢI BÙNG LÊN
Đáp trả những nhu cầu của “Các thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi” vươn ra tới bình diện toàn cầu, với tầm nhìn xa trông rộng và khoé nhìn rộng mở tới toàn thế giới người trẻ
Bản mô tả này về những năm đầu của nguyện xá thật cảm động: “Ngài có những công việc khác cần làm. Vì nghĩ không nên thuê người làm, nên ngài và mẹ ngài đã làm mọi sự trong nhà. Mẹ Margaret thì trông coi nhà bếp, giặt giũ và may vá những quần áo rách của các em nguyện xá. Don Bosco phải lo nhiều việc khác. Trong những năm đầu, ngài sống là dành cho thanh thiếu niên, trừ phi ngài đi ra ngoài, bằng không là ngài làm mọi thứ việc. Vào buổi sáng, ngài hộ trực khi các em tắm rửa. Ngài hớt tóc cho tất cả các em trong nguyện xá từ những em nhỏ nhất, làm sạch quần áo, làm vài cái giường, quét nhà và lau nhà nguyện. Mẹ Margaret thắp lửa, trong khi ngài đi lấy nước từ giếng, sàng gạo và bột bắp. Thỉnh thoảng, ngài bóc vỏ đậu và gọt vỏ khoai tây. Ngài thường xuyên xắp lại bàn ghế, rửa chén dĩa và kiểm tra lại đồ dùng nhà bếp cũng như những nồi nấu bằng đồng mà đôi khi ngài cho hàng xóm mượn. Ngài sửa lại bàn ghế và bổ củi khi cần thiết.
Ngài tự tay cắt và may quần, đồ lót cũng như áo khoác để tiết kiệm chi phí may mặc. Ngài có thể hoàn tất bộ quần áo trong vài giờ với sự giúp đỡ của mẹ ngài.” (Hồi ký về tiểu sử của thánh Gioan Bosco III, tr. 254).
Lịch sử trình bày cho chúng ta thấy Don Bosco bắt đầu như thế nào với những thiếu niên ngài gặp trong thập niên 40; hầu hết chúng là những di dân và bị bỏ rơi. Những cuộc tiếp xúc đầu tiên của ngài đều mang tính mục vụ, nhưng chẳng mấy chốc chúng trải rộng tới những hoạt động bác ái, hỗ trợ, giáo dục và đào luyện toàn diện, để đáp lại những nhu cầu của người trẻ, tinh thần và vật chất, tạm thời và vĩnh cửu. “Ngọn lửa tình yêu” thúc đẩy ngài làm việc cho “phần rỗi các linh hồn”, hướng dẫn ngài vươn tới một hoạt động cứu rỗi mang tính chất thực tiễn, tôn giáo đồng thời dân sự và luân lý.
“Thành phần” của hy vọng
Vào năm 1849, Don Bosco đã viết trên cuốn Official Church Notice: “Giới trẻ là thành phần xã hội mà trên đó ta xây dựng những hy vọng cho hiện tại và tương lai; nó đòi chúng ta phải quan tâm nhất. Nếu người trẻ được giáo dục tốt, chúng ta có trật tự đạo đức; nếu không, nết xấu và bất trật tự ưu thắng. Chỉ Đạo giáo mới có thể khởi đầu và đạt được nền giáo dục chân thật” (Hồi ký tiểu sử III, tr. 425).
Khi cống hiến cho thanh thiếu niên một nền giáo dục toàn diện để chúng nên những “Kitô hữu tốt và công dân lương thiện”, Don Bosco hướng tới việc phục hồi xã hội và văn hóa. Ngài không tiếp cận điều đó như các triết gia hay nhà ý thức hệ. Don Bosco không phải là nhà tư tưởng hay nhà cách mạng. Ngài là một nhà giáo dục. Ngài bắt đầu đáp trả những nhu cầu trước mắt của những thiếu niên ngài gặp. Bằng cách này, ngài chuyển động từ giáo lý đến một Nguyện xá ngày lễ, rồi tới các “nhà gắn liền” với xưởng thợ và trường học, tới việc tông đồ in ấn, tới việc thành lập Tu Hội Salêdiêng và dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, tới việc mở các trường cao đẳng và các nhà ở ngoài Turin, tới việc truyền giáo, tới hiệp hội Cộng Tác Viên, tới việc chăm sóc ơn gọi của người trẻ cũng như người lớn…
Tâm trí và cõi lòng
Theo thời gian và những điều kiện xã hội thay đổi, ý tưởng “Trẻ nghèo và bị bỏ rơi” được trải rộng để ôm lấy những phần rộng lớn hơn nữa. Ý thức về những hình thức nghèo khổ khác đã được thêm vào cái nghèo khổ về kinh tế và bị bỏ rơi về giáo dục của các thiếu niên ngài tiếp đón trong những năm đầu: tình cảm, giáo dục, xã hội, văn hóa, trong các giá trị, luân lý, tôn giáo, thiêng liêng… Giữa năm 1841 – 1888, xã hội thế giới thay đổi dưới những áp lực của phát triển, thương mại, kỹ nghệ, giải phóng dân chúng, ý thức hệ, luật lệ, những tham vọng chính trị và chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa thực dân, di dân. Số giới trẻ nghèo khổ và bị bỏ rơi tăng lên vùn vụt ở mọi bình diện và khắp nơi trên thế giới. Để “cứu vớt” giới trẻ này, giáo lý và mục vụ ngày Chúa nhật thì không đủ: điều cần thiết là giáo dục toàn diện con người tác động trên tâm trí và cõi lòng.
Một dự án có tổ chức
Don Bosco mở rộng chân trời của mình. Ngài xác định các đề xuất, trải rộng phạm vi hoạt động của ngài. Nguyện xá ngày lễ vẫn còn là mô hình căn bản, nhưng không đủ nữa. Để đáp ứng số người trẻ ngày một gia tăng và để cống hiến cho chúng những phương thế cứu độ và giáo dục trong những hoàn cảnh mới, ngài đảm nhận những sự nghiệp luôn lớn lao hơn, khi dễ dàng vượt qua nó, ngài trên hết đáp ứng đòi hỏi huấn luyện học vấn và nghề nghiệp. Cách tiếp cận thực tiễn đơn giản đối với giáo dục trong những năm đầu tiên, cách thức gia đình điều hành nhà được suy nghĩ lại, và một kế hoạch có hệ thống hơn thích hợp cho những công cuộc mới, vốn đem những kinh nghiệm trước kia và nhu cầu mới được xác định lại với nhau: những thập niên 70 và 80 chứng kiến Don Bosco suy tư và xuất bản nhiều tài liệu có giá trị sư phạm đáng kể. Việc tổ chức các công cuộc cũng cần phải có qui tắc được thông tin cho mọi người hơn nữa: năm 1877 chứng kiến việc in ấn các Quy Luật dành cho những người ngoại trú và những Quy luật cho các nhà (x. G. Bosco, Opere edite xxix); chúng là những kế hoạch giáo dục và mục vụ chân thực được thích nghi với những công cuộc phức tạp và những cộng đoàn giáo dục khác nhau.
Như men trong lòng thế giới
Trong lúc đó, ở cấp Giáo Hội, xuất hiện một loại tín hữu mới, một nhân chứng tích cực dấn thân; họ đang tìm kiếm một linh đạo thích hợp cho sứ mệnh, nền đào luyện thích hợp và những tiến trình (thủ tục) mục vụ của mình trong thế giới. Điều này đã thúc đẩy Don Bosco hành động: từ việc quan tâm đào tạo nên một Kitô hữu tốt và công dân lương thiện, ngài chuyển đến một mục tiêu tham vọng hơn: chuẩn bị những người cho sứ mệnh bác ái và tông đồ vốn cống hiến cho xã hội một chứng nhân quả là cũng cần thiết. Những bài nói chuyện ngài trình bày được tường thuật trong Bollettino trong năm 80 rõ ràng cho thấy việc rộng mở này. Nay ta nhìn các Cộng Tác Viên và Cựu Học Sinh từ viễn cảnh dấn thân tích cực này.
- CỘT TRỤ
Lòng tôn kính Mẹ Maria Phù Hộ các Giáo Hữu và tầm quan trọng của Đền thờ dâng kính Mẹ trong lòng công cuộc Salêdiêng
Vào buổi chiều thoáng mát tháng 5 năm 1862, với một kỹ năng thông thường của một người kể chuyện, Don Bosco nói: “Các con hãy tưởng tượng các con đang trên bãi biển với cha, hay đúng hơn là trên một tảng đá giữa lòng biển không thấy đất liền đâu cả. Nước biển mênh mông phủ đầy một đạo quân tàu chiến mũi tàu nhọn hoắc như cây giáo, có thể chọc thủng bất kỳ phòng thủ nào. Tất cả đều được trang bị với các loại vũ khí khác nhau, nào là pháo, đại bác và súng ống. Chúng ồ ạt tấn công một con tàu oai vệ, mạnh mẽ hơn tất cả những chiếc thuyền kia. Khi chúng tới gần, chúng cố đâm vào nó, khai hoả và làm nó tê liệt nhiều bao có thể.
Chiến thuyền oai vệ này được che chắn bởi đoàn tầu nhỏ hộ tống. Sóng gió về hùa với kẻ thù.
Giữa đại dương mênh mông này, hai cột trụ vững chắc, cách xa nhau một chút, nhô cao lên giữa trời; một cột trụ được phủ bởi một bức tượng Nữ Trinh Vô Nhiễm mà ở dưới chân trụ ta đọc thấy một dòng chữ lớn “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu”, Auxilium Christianorum; cột trụ khác cao hơn, cứng cáp hơn nhiều, nâng đỡ một Tấm Bánh có kích thước thích hợp và mang dưới nó dòng chữ: “Ơn cứu rỗi của người tín hữu” (Salus credentium).
Vị thuyền trưởng tối cao – Đức Giáo Chủ Roma – chọc thủng tất cả những đối kháng, lèo lái con thuyền bình an vào giữa hai cột trụ mà từ những chóp của chúng có treo nhiều neo và móc sắt được nối với những sợi xích; ngài cột thuyền vào hai cột trụ, trước tiên vào cột trụ được phủ bởi Bánh Thánh, và rồi vào cột trụ khác, có chóp là tượng Đức Nữ Trinh. Vào lúc này một điều bất ngờ xảy ra. Những chiến thuyền thù nghịch bỗng hoảng loạn và tan tác, va đụng lẫn nhau và làm nhau chết đắm” (Hồi sử về cha thánh Gioan Bosco VII, tr. 107-108)
Một danh hiệu mới và cũ
Cha Albera kể lại rằng vào một buổi tối tháng Mười Hai năm đó, sau khi giải tội mãi đến 11 giờ khuya, Don Bosco đi ăn tối. Ngài xem rất trầm ngâm. Ngài đột nhiên ghi nhận: “Tối nay nhiều người xưng tội thật. Nhưng thú thật cha không biết mình nói hay làm gì, bởi vì có một điều luôn khuấy động tâm trí cha. Cha tiếp tục suy nghĩ: Nhà thờ của chúng ta quá nhỏ rồi; các trẻ bị nêm như cá mòi vậy. Chúng ta phải xây thánh đường lớn hơn, hùng vĩ hơn dưới tước hiệu Mẹ Phù hộ các Giáo hữu. Cha không có đến một xu, và cũng không biết kiếm đâu ra tiền, nhưng điều đó không quan trọng. Nếu Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ thực hiện” (Hồi sử 7, 333-334). Don Bosco cũng thố lộ kế hoạch này cho cha Cagliero: “Cho đến nay chúng ta long trọng và rực rỡ cử hành lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm […]. Tuy nhiên, Đức Mẹ cũng muốn chúng ta tôn kính ngài với tước hiệu Mẹ Maria Phù Hộ các giáo hữu. Thời đại bết bát đến nỗi chúng ta rất cần Mẹ trợ giúp để giữ gìn và bảo vệ đức tin chúng ta” (Hồi sử 7, 334).
Vào đầu năm 1863, cha Bosco tiến hành việc xin giấy phép; vào năm 1865 lễ đặt viên đá đầu tiên và vào năm 1868 ngôi thánh đường được hoàn thành.
Biểu tượng biết nói
Don Bosco được chuyển động không chỉ bằng những nhận xét thực tiễn (có nhà thờ lớn hơn) hay là những lý do chính trị và tôn giáo (làn sóng chống giáo sĩ đang đe dọa Giáo hội).
Bức tranh Đức Maria được họa sĩ Lorenzone đặt trên bàn thờ chính diễn tả rất rõ những tư tưởng sâu kín nhất của Don Bosco. Ngài hiểu rõ lịch sử cứu độ, điều ấy khiến ngài đặt Giáo Hội giữa lòng thế giới, và giữa lòng Giáo Hội, Don Bosco nhìn thấy Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, người mẹ uy quyền thắng vượt sự dữ.
Đức Mẹ luôn hiện diện trong đời sống của Don Bosco. Trong giấc mơ chín tuổi, Chúa Giêsu giới thiệu chính mình cách này: “Ta là Con của Đấng mà mẹ con đã dạy phải chào ba lần mỗi ngày”.
Nhưng tiêu điểm cho lòng sùng kính Mẹ Phù hộ có một nơi chốn biệt loại: thánh đường ở Valdocco. Cha Edigio Viganò viết “Thánh đường này vẫn là một ảnh tượng, icon, dứt khoát về Đức Mẹ: điểm qui chiếu để gia tăng ơn gọi không ngừng và là trung tâm trải rộng đặc sủng của ngài như Đấng Sáng Lập. Nơi Mẹ Phù hộ, Don Bosco cuối cùng nhận biết những nét của Đức Mẹ, là Đấng luôn ở cội nguồn ơn gọi của mình. Mẹ đã là và vẫn luôn là sự khởi hứng và bà giáo của ngài”.
Đức Maria xây nhà cho mình
Vương Cung Thánh Đường Mẹ Phù Hộ ở Valdocco trở thành dấu chỉ thật sự sờ chạm được về sự hiện diện của Đức Maria trong đời sống của Don Bosco và Tu Hội. Đây là “Nhà thờ Mẹ” của Gia đình Salêdiêng.
Công luận khám phá ngay sự thông cảm diệu kỳ giữa Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu và Don Bosco: Nay Mẹ Phù hộ sẽ luôn là “Đức Mẹ của Don Bosco”. Còn Don Bosco là “vị thánh của Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Rất hiếm khi xảy ra là một tước hiệu của Mẹ Maria, hầu như không được biết đến, lại lan rộng rất nhanh trên khắp thế giới.
Don Bosco khiêm tốn nói: “cha không phải là người chịu trách nhiệm về những việc lớn lao các con xem thấy đó. Chính Chúa, chính Mẹ Maria rất thánh nhìn đến và thương dùng một linh mục nghèo nàn. Cha không làm gì cả: Mẹ Maria xây nhà cho mình, Aedificavit sibi domum Maria. Mọi viên đá, mọi vật trang hoàng biểu thị một ơn lành.”
Thánh Đường Valdocco là ngôi nhà thờ mà mọi thành viên Salêdiêng trên khắp thế giới nhìn xem với cõi lòng nhiều hơn là với đôi mắt. Chính ở đây mọi người cảm thấy như “ở nhà” mình (thoải mái).
- GIẢI NGÂN HÀ BÙNG VỠ
Từ nguyện xá đến ngôi nhà kế bên (the house next door), đến các trường văn hoá và trường nghề, và đến các trường cao học
“Nơi nhà thờ thánh Phanxicô Assisi, cha đã ý thức đến nhu cầu phải có một loại trường học nào đó. Một số em đã lớn tuổi rồi song vẫn dốt đặc ‘cán mai’ về những chân lý đức tin. Đối với những em này, dạy dỗ toàn bằng lời và lời quả là tẻ nhạt và lê thê. Chúng nhanh chóng không đến nữa. Chúng ta cố gắng cho chúng một vài bài học, nhưng chúng ta nản chí liền vì thiếu không gian và thày giáo để giúp chúng. Tại nhà nương náu và sau này là nhà Moretta, chúng ta bắt đầu một trường học đều đặn vào Chúa Nhật. Khi dời đến Valdocco, chúng ta cũng khởi sự mở lớp tối (bình dân học vụ). Vì chúng ta muốn có những thành quả tốt đẹp, nên chỉ chọn một môn cho mỗi lần mà thôi. Ví dụ, 1 hay 2 ngày Chúa nhật tập trung vào học bảng chữ cái và cấu trúc của âm tiết. Rồi, chúng ta bắt đầu ngay bằng những bài giáo lý đơn giản, và từng âm tiết một, học sinh được dạy dọc một hoặc hai câu hỏi đầu tiên về giáo lý. Điều đó dùng như một bài học cho tuần này. Chúa nhật sau ôn lại bài đó và có thêm câu hỏi và trả lời khác. Bằng cách này khoảng chừng 8 tuần, cha đã thành công trong việc làm cho một số em có thể tự đọc và tự học cả trang giáo lý” (Hồi ký nguyện xá, tr. 281)
Bộ Ba Salêdiêng
Sân chơi, nhà nguyện và trường học: Đó là ba điều căn bản và hữu hiệu đối với một nhà Salêdiêng ngay từ ban đầu.
Kinh nghiệm về “nhà gắn liền với Nguyện Xá thánh Phamxicô Salê” đã thay đổi Nguyện xá ngày lễ theo lối Roma (Nguyện xá thánh Philip Neri) và theo lối Lombardy (Nguyện xá thánh Charles Borromeo); Don Bosco lấy khởi hứng từ những nguyện xá kiểu mẫu này, song biến nó thành một hình thức giáo dục, phức tạp hơn và có tổ chức hơn; nơi đây hoạt động mục vụ và huấn giáo được nhập hiệp với những trò chơi khác nhau và những diễn đạt nghệ thuật. Người ta cống hiến cho nó tầm nhìn tròn đầy nhờ nền giáo dục toàn diện trợ giúp; nền giáo dục này bao gồm sự giáo dục luân lý và công dân, dạy học, huấn nghệ, sự chấp nhận và khích lệ quảng đại, kinh nghiệm về một đời sống cộng đoàn vốn làm cho mọi người can dự vào, cùng với một sự vươn ra xã hội và truyền giáo. Điều trồi hiện lên từ những điều này là một khuôn mẫu hoàn toàn mới mẻ về một cộng đoàn và khung cảnh giáo dục Kitô hữu, được thích ứng với những nhu cầu thời đại và với những loại người trẻ mới. Đây là một mô hình có thể được đưa vào trong những nơi chốn địa lý văn hoá khác biệt nhất một cách thành công, trong những thành phố lớn hay những trung tâm nhỏ bé.
Nhưng đoàn sủng Salêdiêng tìm được nguồn gốc và khung hệ (paradigm) (x. Hồi ký Nguyện xá) của nó, trong Nguyện xá ngày lễ. Nó đã có thể trải rộng khắp thế giới và mang lại những kết quả giáo dục và đào tạo đến nỗi tạo nên một tác động sâu xa trên xã hội và Giáo hội, nhờ vào việc nó được tháp vào trường cao học và/hay trường học Công giáo truyền thống; nó mang vào cơ sở đó hơi thở sự sống mới, và cũng nhờ đến các trường văn hoá, nghề nghiệp và trường kỹ thuật; tất cả đang theo những phương pháp của Don Bosco.
Khung hệ bất khả thế
Nguyện xá ngày lễ vẫn luôn còn là một hoạt động gần gũi nhất đối với cõi lòng của Don Bosco, là hoạt động tươi trẻ nhất và năng động nhất trongcác cơ sở của ngài, là hoạt động được trân trọng nhất bởi người bình dân và theo những sở thích (cảm nếm) của giới trẻ. Để duy trì sức sinh động và khởi hứng sư phạm của chúng, tất cả các công cuộc Salêdiêng khác phải luôn lấy cái kinh nghiệm nguyên thuỷ đó làm khuôn mẫu của mình. Kinh nghiệm ấy là bí quyết cho sức sinh động của chúng.
Nguyện xá khởi hứng chúng, cách riêng khi liên can đến những người mà chúng dành ưu tiên (trẻ em của những người bình dân); loại tương quan giáo dục vốn nhằm chiếm được sự tin tưởng; linh đạo và lòng nhiệt thành nâng đỡ nhà giáo dục (người đó không chỉ là một giáo viên chuyên môn giỏi hay dạy kèm giỏi); trong việc vun trồng sân chơi là nơi gặp gỡ mang tính giáo dục; nhắm tới bầu khí giải trí và “lễ hội” nổi bật, hài hoà với bầu khí đạo giáo, đào tạo và ơn gọi.
Tính chất bình dân của Nguyện xá, với sự ưu ái dành cho các thiếu niên nghèo khổ hơn và những em “gặp nguy hiểm”, được nối kết với ơn gọi mang tính truyền giáo và xã hội của nó (nếu có thể, vươn tới tất cả mọi người trẻ trong một khu vực, hấp dẫn và chiếm được chúng để “biến đổi” chúng) là nét đặc trưng của nó liên quan đến các nguyện xá giáo xứ cũng như tới tất cả các loại trung tâm giải trí. Điều này hàm ẩn toàn cộng thể Salêdiêng hiện diện như là trái tim sống động (beating), và các cộng sự viên đều được tổ chức tốt đẹp ở mọi bình diện, cùng can dự vào, cũng như những người huynh trưởng trợ giúp (như giáo viên, hộ trực, giáo lý viên, “những người tổ chức giờ chơi và thể thao” hay “các linh hoạt viên”). Đây luôn là mẫu mực, tiêu chuẩn, sự kích thích thiết yếu đối với các người Salêdiêng tại các trường cao học, trường kỹ thuật, trong các nơi truyền giáo và tại các giáo xứ.
Chinh phục thế giới
Việc thành lập Tu Hội Salêdiêng (một gia đình của những người được thánh hiến chuyên lo giáo dục Kitô giáo cho người trẻ), đặc sủng của Nguyện xá có thể lan rộng và được diễn đạt trong những bối cảnh giáo dục và mục vụ khác biệt vớ những bối cảnh của Nguyện xá ngày lễ nguyên thủy. Nỗ lực để suy nghĩ lại và chuyển dịch thành những hạn từ thực tiễn không luôn luôn hoàn toàn thành công, nhưng cơ bản, điều này mang lại một tiến trình tiếp diễn hiệu quả. Ý thức rằng “Hệ thống Dự phòng” theo hình thức Don Bosco diễn đạt vào năm 1877 cố gắng tái tạo mô hình giáo dục nguyện xá dưới diện của một “Trường nội trú” truyền thống, điều ấy là đủ rồi.
Thực vậy, những lập lại tiếp theo của kinh nghiệm nguyện xá Valdocco giữa năm 1846 – 1861 (năm mà nguyện xá Mirabello được thành lập do cha Rua làm giám đốc) trở nên một kích thích tố hữu hiệu, hiệu quả, thành công và do Chúa Quan phòng mong muốn. Nó cống hiến cho đoàn sủng cơ hội để diễn tả và kiện cường chính mình, và đạt được điều nó cần để lan rộng khắp thế giới. Thêm vào Don Bosco, cha Rua trẻ tuổi đã là một lực hướng dẫn đằng sau việc biến đổi mô hình nguyện xá ấy vào trong bối cảnh trường học, một sự biến đổi vẫn tiếp diễn trong suốt thời gian ngài còn là Giám đốc, với nỗ lực để hoà hợp sự trung thành với các nguồn gốc và sự rộng mở trước những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và những nhu cầu của thời đại mới.
Trong “Ký sự” của mình, cha Ruffino viết khá đơn giản như sau: “Tại Mirabello cha Rua thật giống Don Bosco tại Turin. Ngài được các trẻ vây quanh bởi lòng dịu hiền và trò chuyện vui tươi” (Hồi sử VII, tr. 329)
Trong con cái mình, Don Bosco truyền bá (xuất khẩu) chính mình.
- MỘT KHUÔN MẪU MỚI CỦA SỨ MỆNH VÀ TRUYỀN GIÁO
Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, trong chuyến viếng thăm Braxin ngày 19 và 20 tháng 03 năm 2011 nhằm mở rộng và tối ưu hóa mối quan hệ chính trị cũng như kinh tế giữa hai nước, trong bài diễn văn ngỏ với doanh nhân đã nhắc đến giấc mơ của Don Bosco về thành phố Brasilia.
Khi kết thúc bài diễn văn khoảng 20 phút, Obama đề cập đến Giấc mơ của Don Bosco như sau: “Brasilia là một thành phố trẻ trung – tháng tới nó tròn 51 tuổi. Nhưng thành phố này đã bắt đầu trong giấc mơ cách đây hơn một thế kỷ. Vào năm 1883, Don Bosco – vị thánh bổn mạng của thành phố Brasilia, mơ thấy rằng ngày nào đó, một thành phố thủ đô của một quốc gia vĩ đại sẽ được xây dựng khoảng giữa những vĩ tuyến 15 và 20. Thành phố này là mô hình cho tương lai và đảm bảo dịp đó là quyền cơ bản cho tất cả người Brazil.”
Góc khuất nhỏ trên bản đồ thế giới
Vật thấm thía nhất tong căn phòng của Don Bosco tại nguyện xá Valdocco là một quả địa cầu nhỏ, đen và khá chính xác. Nhận ra những biên cương giữa các quốc gia và thế giới được cùng nhau hoà trộn cách lạ kỳ trong cái quả cầu chắc nịch đó quả là khó.
“Thiếu niên Micae Rua thường nghe ngài kêu lên rằng: ‘Ôi, cha có thể làm biết bao điều tốt, nếu cha có được 12 linh mục để tuỳ ý cha sử dụng! Cha sẽ gửi họ ra đi rao giảng đức tin thánh thiện của chúng ta, không chỉ trong các nhà thờ, nhưng còn ở trên các con phố!’ Bất cứ khi nào nhìn lướt qua bản đồ thế giới, Don Bosco thở dài não nuột vì thấy nhiều miền vẫn còn nằm trong bóng tối của cái chết thiêng liêng, và Don Bosco tha thiết mong chờ ngày nào đó, ngài có thể mang ánh sáng Tin Mừng đến những nơi chưa được các nhà truyền giáo đặt chân đến.” (Hồi sử III, tr. 383)
Cùng một nhiệt thành tông đồ ấy được thủ đắc tại trường học của Cafasso; nó khiến ngài nhận diện như cánh đồng hoạt động của mình thế giới của thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi, sẽ dần dần là nền tảng để quyết định khai mở Gia đình Salêdiêng tới truyền giáo Ad gentes. Cha Rua đã lập lại điều này: “Chính nhu cầu phải cứu rỗi các linh hồn khiến Don Bosco nghĩ rằng thế giới cũ kỹ thật quá nhỏ và thúc giục ngài gửi con cái đến truyền giáo nơi xa xôi bên Châu Mỹ” (Bollettino Salesiano 21 [1897] p.4).
Trong những năm học tại Học Viện Giáo sĩ, chịu tác động bởi việc ngài đọc về truyền giáo, Don Bosco đã ngớ ngẩn mơ đến việc gia nhập Dòng Hiến Sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm để truyền giáo cho những Thổ Dân Da Đỏ ở Bắc Mỹ. Ngài là một độc giả háo hức của tờ Annali della Propagazione della fede từ năm 1848. Nhưng yếu tố quyết định thúc đẩy sự phát triển ơn gọi truyền giáo của Tu hội non trẻ đến với Công đồng Vatican I (1869-70): nhiều Giám Mục từ Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Á, lợi dụng việc đến Roma để tuyển mộ giáo sĩ và nữ tu; họ liên lạc với Don Bosco, viếng thăm Valdocco và đưa ra những gợi ý về [xây dựng] các cơ sở. Nơi đây, Don Bosco nhìn ra dấu chỉ về thánh ý Thiên Chúa và ngài thật nhiệt tâm. Chính trong bối cảnh 1871/72 mà giấc mơ truyền giáo đầu tiên có chỗ của mình.
“Dường như cha đang ở trong một vùng đất hoang dã cha chưa bao giờ thấy, một vùng bình nguyên chưa được khai phá, đồi núi trùng trùng điệp điệp, trừ ra ở cuối tít mù khơi, cha nhìn thấy những quả đồi lởm chởm…. Rồi cha thấy nhóm nhỏ các nhà truyền giáo khác, được các thanh thiếu niên dẫn lối, vui vẻ hướng về những chỗ hoang dã ấy.. Cha lo sợ cho họ, cha nghĩ: họ đang đi đến cái chết. Cha đến gặp họ: họ là những tư giáo và linh mục. Nhìn kỹ, cha nhận ra họ là những Salêdiêng của chúng ta. Cá nhân cha biết những người tiên phong. Nhưng cha cũng có thể thấy những người khác cũng là người Salêdiêng.
Chịu ảnh hưởng bởi tinh thần của thế kỷ ngài, Don Bosco nghĩ đến truyền giáo theo nghĩa chặt hơn, in partibus infidelium, và theo một nghĩa lãng mạn hơn: giữa những dân tộc độc ác và hoang dại. Cái nhìn của ngài về Giáo Hội như Công Giáo, được gửi đến hết thảy dân tộc, nhận thức của ngài về ơn gọi Salêdiêng như một món quà của Thiên Chúa dành cho người trẻ trên khắp thế giới, và mối quan tâm chống Tin Lành, cũng đóng một vai trò quan trọng. Những nguyên tắc của truyền giáo học trong thời đó là về men có sức biến đổi, về cuộc chiến chinh phục, về nhân chứng Tin mừng ngay cả khi bị tử đạo. Khi nghe “Euntes in mundum universum” Don Bosco cảm nhận như một mệnh lệnh có tính pháp lý và Giáo hội. Vì lẽ này, Don Bosco đã gởi những truyền giáo của mình đến Rôma để nhận phép lành của Đức Gíao Hoàng.
Người tiền phong của một đội quân vĩ đại
Giữa những chọn lựa, tính chất thực tiễn đã khiến ngài ưa thích đề xướng/chọn lựa Argentina: hàng ngàn người di cư đang tuôn về đó và các nhà truyền giáo của ngài sẽ không thấy mình lẻ loi; xã hội dân sự tại đó cũng sẵn sàng trợ giúp việc truyền giáo; và cũng có những kẻ “hoang dã” trong giấc mơ của ngài. Những lá thư và tin từ cha Cagliero và những người khác nói về thực tế của vùng Patagonia, đã làm thay đổi hoàn toàn tầm nhìn mang tính lãng mạn của Don Bosco, luôn sẵn sàng thích nghi với mọi hoàn cảnh và nhìn ra tiếng Chúa nơi đó. Chiến lược đã thay đổi: thành lập các công cuộc như tại Valdocco (trường học, nhà thờ và nguyện xá); chúng sẽ là những nơi đào tạo để biến đổi những quốc gia mới của Châu Mỹ La Tinh, từ đó bắt đầu sự phục vụ truyền giáo ở giữa các dân bản địa.
Bằng cách này khuôn mẫu truyền thống của truyền giáo được cập nhập với những yếu tố lấy từ đặc sung của nguyện xá, vốn dành tầm quan trọng cho việc giáo dục và chăm sóc giới trẻ. Thậm chí những khía cạnh tổ chức đã thay đổi: người Salêdiêng truyền giáo không chỉ là những nhân chứng và môn đệ đã từ bỏ tất cả để rao giảng Lời Chúa; giống như đỉnh của tảng băng, như người tiên phong của một đội quân vĩ đại, họ trải nghiệm rằng ở đó biểu thị toàn thể Gia đình Salêdiêng, đang nâng đỡ họ cả vật chất lẫn tinh thần, và chia sớt niềm vui cũng như nỗi buồn, thành công và khó khăn của họ.
Cha Rua đã gợi nhắc các Cộng Tác Viên: “Những người Salêdiêng và Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu như đạo quân trong cánh đồng sẽ làm phần của họ, đặt ý chí, sức khỏe và cuộc đời của họ để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân; phần mình các Cộng Tác Viên sẽ làm những điều mà người cha và người mẹ tốt lành đã làm cho con cái mình khi họ ra trận” (Bollettino Salesiano 14 [1890] pp. 4-5).
Những lá thư của các vị truyền giáo được phát hành trong tập san Salêdiêng kể về mọi chi tiết đặc biệt, mọi kế hoạch, mọi thành tựu, mọi đau khổ, mọi khó khăn. Mọi người đều có thể hiểu và chia sẻ những người lao công tông đồ, vui hưởng họ, hãnh diện về họ, chịu khổ với họ, nâng đỡ họ bằng cầu nguyện, cộng tác tài chính. Và những nhà truyền giáo cảm thấy mình thiết thân với đại gia đình của Don Bosco, được trân trọng, được nâng đỡ, được khuyến khích và được yêu thương; họ biết làm thế nào để trồng cách hiệu quả đoàn sủng Salêdiêng trong mọi nơi trên thế giới.
- TRUYỀN THÔNG HIỆU QUẢ ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ GIÁO DỤC
Từ khi là một cậu bé, Gioan Bosco đã có khả năng truyền đạt hiệu quả. Một món quà cá nhân: sự hấp dẫn trong lời nói, nghệ thuật kể chuyện được thừa hưởng từ truyền thống truyền khẩu xa xưa, được dùng phục vụ cho sứ mệnh mục vụ và giáo dục. Viết về bản thân mình, như một cậu bé được vây quanh các bạn cùng trang lứa, ngài nói: “Chúng vây quanh cha yêu, và làm cho chúng say mê đến điên cuồng, vì những những câu chuyện mà cha kể cho chúng. Những gương lành được nghe trong các bài giảng, trong các bài học giáo lý, những câu chuyên cha đã đọc trong cuốn Những vị vua của nước pháp, trong cuốn lão Guirino độc ác, và các cuộc mạo hiểm của Bertolo bố và Bertoldino con cung cấp cho cha rất nhiều giai thoại. Các bạn của cha vừa thấy cha, liền chạy đến để nghe một đứa trẻ, mà phải cố gắng lắm mới bắt đầu hiểu được cái mình đã đọc, và kể lại cho chúng nghe một điều gì đó. Thêm vào đó, còn có cả người lớn tham dự vào để nghe cha kể. Bởi thế, dọc theo con đường đến Castelnuovo hoặc trong vài cánh đồng, cha bị bao quanh bởi hàng trăm người, mong muốn để lắng nghe một đứa trẻ đáng thương nói. Chỉ nhờ có chút trí nhớ tốt, thực ra cha thiếu về hiểu biết, nhưng họ cảm tưởng cha là một học giả vĩ đại đang ở giữa họ. ‘Trong vương quốc người mù, kẻ chột làm vua.’” (Hồi ký nguyện xá thánh Phanxicô Salê từ năm 1815 đến 1855, xb. 2011, tr. 65-66).
Khi đã thành một linh mục, Don Bosco bị chìm ngập do các yêu cầu. Ngài viết cho cha Alasonatti trong những ngày đầu thành lập nguyện xá: “Cha được mời đi đến nơi này, nơi kia để thuyết giảng tuần ba ngày, tuần chín ngày hoặc là giảng tĩnh tâm, nhưng cha không dám rời khỏi đây vì cha không biết ai sẽ trông coi nhà”.
Don Bosco là một người rất giỏi kể chuyện, nên có nhiều việc phải làm với các thanh thiếu niên và những người trẻ. Cách Don Bosco dạy dỗ là bằng câu chuyện. Linh đạo của ngài là qua câu chuyện, Việc huấn luyện những cộng sự viên là qua câu chuyện, Qua câu chuyện, ngài thông tin cho dân chúng về những kế hoạch và những gì ngài dự tính làm. Chủ đề chính của các câu chuyện là đời sống Kitô hữu, như nó được sống, Lời Chúa và những gương sáng thực tiễn của các thánh, những hành vi nhân đức và các việc lành của dân chúng, những kết quả tốt đẹp đạt được bằng những cố gắng trong giáo dục và đào tạo tại nguyện xá, các công cuộc thành tựu, những giấc mơ và lý tưởng của ngài.
Một nhà chiến lược tài năng
Hoạt động mục vụ của Don Bosco tiên vàn hệ tại ở việc nói lên những công trình kỳ diệu Chúa làm nên: Don Bosco nói về Kinh Thánh như “lịch sử” thánh, câu chuyện về công trình cứu độ và những kỳ công của Thiên Chúa ở giữa loài người, câu chuyên về những hành vi trung thành và bất trung của con cái Ngài. Đối với cha Bosco, Lời Chúa không giản đơn là cuốn sách, nhưng là Lời được rao giảng, ngỏ cho những thính giả đặc thù, được áp dụng vào trạng huống cuộc sống, “Một hướng đạo viên trên đường lên trời” (Vita del giovinetto Savio Domenico, ed. 1859, p. 30).
Don Bosco đã viết nhiều. Không phải cho những người uyên bác, nhưng cho các thanh thiếu niên và dân chúng, cho các thành viên của Gia đình Salêdiêng. Ngài viết như là một mục tử và nhà giáo dục Kitô giáo. Ngài muốn chạm đến cõi lòng và tâm trí, để đào tạo và thông tin, để nên nhạy cảm và cùng nhau quy tụ lại. Ngài muốn biến đổi, khuyến khích nên tốt, để mở ra những chân trời rộng lớn cho giới trẻ, để khơi dậy ơn gọi và cộng tác. Ngài trải rộng những ý tưởng về việc sống đời sống Kitô hữu, nhắm đến tái sinh xã hội, phát triển văn hoá và thiêng liêng của giới trẻ, thông qua báo chí và những lời nói (từ những cuộc nói chuyện ngắn ngủi với thanh thiếu niên và người Salêdiêng, các huấn từ tối, những huấn đức về Phanxicô Salê, những bài giảng quyên góp trong các nhà thờ Ý, Pháp, Tây Ban Nha,…) những bút tích đã xuất bản của ngài được sưu tập và in thành 38 tập (được nhà xuất bản LAS phát hành). Don Bosco là một nhà truyền thông giáo dục tài tình, một nhà giảng thuyết và giảng viên hiệu quả.
Don Bosco cũng có tài trong việc tổ chức và trong các chiến lược truyền thông. Trong một bối cảnh lịch sử là sự bùng nổ quá nhanh việc xuất bản và truyền bá lý tưởng, cũng như phong thái sống khác đối với lý tưởng, phong thái sống của Kitô hữu, Don Bosco hiểu được tầm quan trọng của truyền thông và huy động công luận. Ngài không mãn nguyện với việc trở thành một người viết sách để giáo dục thanh thiếu niên: ngài trở thành nhà xuất bản (việc này khởi đầu thành công với tập sách Letture Cattoliche), nhà sáng lập xưởng in và xuất bản. Ngài thúc đẩy và cổ võ các Salêdiêng, các Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, các Cộng Tác Viên và những bạn hữu trở thành nhà viết sách cho trường học, các nhà báo, những nhà soạn kịch, những nhạc sĩ. Đã có một thời gian khi các Salêdiêng trở thành những chuyên gia về truyền thông, được chuẩn bị tốt về văn hóa, có uy tín trong lãnh vực của mình ngang tầm với bất kỳ chuyên viên nào (văn hoá và kỹ thuật). Họ dạy thế giới Công Giáo bằng những nhà xuất bản của chính mình: bước theo họ, các dòng khác cũng hiến mình cho việc in ấn tốt lành. Tập san Salêdiêng là mô hình cho hàng trăm ấn bản tương tự.
Sự cam kết khôn ngoan và rộng lớn này còn lại bao nhiêu? Có một nguy cơ là mất đi một đam mê, một kỹ năng, một thực hành và một văn hóa. Đây là truyền thống phải được phục hồi và làm mới lại; một loạt kỹ năng cần được thủ đắc lại, qua các khóa đào tạo thích hợp và những lựa chọn khôn khoan hơn, bằng việc sinh lợi từ những chuyên viên người đời và các cựu học sinh.
Gởi các Salêdiêng về việc phổ biến sách báo tốt
Cha muốn thấy các con tăng trưởng trong nhiệt tình và công nghiệp trước Thiên Chúa, mọi ngày, và vì thế cha sẽ không ngần ngại thỉnh thoảng đề xướng cho các con những phương thế khác nhau mà cha tin là một sự cải thiện, hầu tác vụ của các con sẽ hữu hiệu hơn. Giữa những phương thế đó, vì vinh danh Chúa và thiện ích cho các linh hồn, cha nhiệt liệt khuyến khích các con một phương thế là việc phổ biến các sách báo tốt.
Sách báo tốt, được quảng bá giữa mọi người, là một trong những cách thức tích cực để giữ gìn vương quốc của Đấng Cứu Độ trong rất nhiều linh hồn.
Các con có thể thêm rằng mặc dù một đàng nó không có sức mạnh của lời nói sống động, thì đàng khác thậm chí sách báo tốt mang đến những ích lợi lớn lao hơn trong một số trường hợp. Sách tốt có thể vào một ngôi nhà mà một linh mục không thể; kẻ xấu có thể chấp nhận nó như một món quà hay vật kỷ niệm. Không cần xấu hổ khi tặng sách, không cần phải lo lắng nếu sách đó bị quên lãng; khi được ta đọc, nó bình lặng dạy những sự thật, nếu bạn không thích nó nữa, nó không phải để bạn chán ngán, nhưng để lại những cảm giác âu lo mà đôi lúc loé lên trong bạn niềm ước ao biết sự thật. Trong khi đó, sách tốt luôn sẵn sàng để dạy!.
Biết bao linh hồn được cứu, biết bao người được cứu khỏi sai lầm, biết bao người được khích lệ làm tốt nhờ những sách tốt. Người tặng một cuốn sách tốt có thể không có công nghiệp nào khác hơn là làm thức tỉnh một ý nghĩ nào đó về Thiên Chúa, nhưng người đó đã đạt được công nghiệp khôn sánh trước Thiên Chúa. Song hơn thế rất nhiều. Một quyển sách trong gia đình, nếu không được đọc bởi người mà cuốn sách được trao tặng hay nhắm đến, thì được một đứa con, bạn bè, người hàng xóm đọc. Một quyển sách trong làng xã được chuyền tay hằng trăm người. Chỉ mình Thiên Chúa mới biết sự thiện hảo mà một quyền sách tạo ra xuất trong một thành phố, trong một thư viện [khi ta] du hành, trong một câu lạc bộ của người lao động, trong bệnh xá, được trao tặng như dấu bằng hữu.
Cha xin và yêu cầu chúng con đừng xao lãng phần quan trọng này trong sứ mệnh của Tu Hội.
Thánh Gioan Bosco
(Thư công báo cho các Salêdiêng về việc truyền bá những quyển sách hay, 19.03.1885)
- Ý TƯỞNG VỀ CỘNG TÁC VIÊN TRONG TÂM TRÍ CỦA DON BOSCO
Cấp độ thuộc về và cam kết với ý tưởng ban đầu
“Cha luôn cần mọi người giúp đỡ”
Don Bosco chưa bao giờ sợ đi xin. Để vào chủng viện, Ngài đi xin lần đầu tiên, lần đầu tiên trong một chuỗi dài suốt đời,
“Mọi sự còn lại bây giờ là cung cấp cho ngài áo giáo sĩ và những vật dụng mà mẹ ngài không thể cung cấp được nữa. Cha Cinzano thảo luận vấn đề này với vài giáo dân và họ đã háo hức đồng ý giúp đỡ. Ông Sartoris cho ngài áo chùng thâm, Mayor Pescarmona đưa ngài cái mũ, cha xứ cho ngài chính chiếc áo choàng của cha. Những người khác tặng một cổ áo giáo sĩ, một chiếc biratta và một vài đôi vớ, trong khi đó một phụ nữ tốt lành trong giáo xứ tình nguyện đứng lên quyên góp để mua cho ngài đôi giày. Thiên Chúa tốt lành thực hiện những điều tương tự ở những năm sau này. Qua những người quảng đại, Thiên Chúa giúp Don Bosco trong những trọng trách ngài đảm nhận. Chúng ta đã nghe hơn một lần Don Bosco thốt lên: cha luôn cần mọi người giúp đỡ!” (Hồi sử I, tr. 274-5).
Don Bosco chưa từng hổ thẹn để van xin
Sau một buổi huấn đức năm 1881, tại Toulon, “Don Bosco đi vòng nhà thờ để xin tiền rổ. Khi làm thế, một điều gì đó xảy ra từ những người bình dân. khi ngài chìa cái rổ xin tiền trước một người công nhân, ông này thô lỗ quay đi. Don Bosco đi ngang qua ông và nói nhẹ nhàng, ‘Xin Chúa chúc lành cho ngài.’ Đoạn, người đàn ông đưa tay vào túi áo và thả vào cái giỏ 5 xu. Nhìn vào mắt ông ta, Don Bosco nói, ‘xin Thiên Chúa thưởng công xứng đáng cho ngài.’ Người đàn ông lặp lại cử chỉ trước, lần này với 10 xu. Ngay sau đó, Don Bosco bảo ông: ‘Bạn hỡi, Thiên Chúa ban thưởng cho ông hơn nữa!’ Khi nghe điều này, người đàn ông bỏ tay vào ví, lấy ra một đồng pháp. Don Bosco nhìn ông với ánh mắt dịu dàng và tiếp tục bước đi. Như thể bị hút bởi một nam châm, ông theo Don Bosco qua nhà thờ vào phòng thánh, và ngay cả sau đó, vào thị trấn, vẫn tiếp tục theo Don Bosco cho đến khi ngài khuất bóng. (Hồi sử XV, tr. 45)
Những Cộng Tác Viên Don Bosco
Trước khi đặt tên cho những người giúp đỡ mình, nhưng không phải tu sĩ, Don Bosco phải do dự một thời gian dài và chỉ sau một chuỗi các biến cố, trước khi quyết định dứt khoát đặt tên “Cộng tác viên Salêdiêng”.
Lời giới thiệu bản văn của Quy luật [hiệp hội], phát hành năm 1876 tại Albenga, mở đầu với những lời sau đây: “Gởi các độc giả. Chẳng bao lâu công cuộc Nguyện xá khởi sự vào năm 1841, thì một vài linh mục nhiệt thành và thánh thiện và giáo dân đã đến giúp đỡ vào việc vun trồng mùa gặt phong phú giữa những thanh thiếu niên trong tình trạng nguy hiểm. Những cộng sự viên và những Cộng Tác Viên luôn hỗ trợ Công cuộc Đạo đức mà Đấng Quan Phòng đã đặt vào tay chúng ta.”
Không chỉ những Cộng Tác viên tuyên hứa, nhưng một mạng lưới rộng lớn của sự cộng tác, hỗ trợ, thân hữu, những biều tặng bác ái… rất được quan tâm. Cần phải khôi phục ý tưởng nguyên thuỷ (độc đáo) của Don Bosco, được cha Rua và các Đấng kế vị của ngài phát triển; chính điều này đã giúp cho công cuộc Salêdiêng lan rộng khắp nơi trên thế giới.
Trong những năm gần đây ta nỗ lực làm cho dân chúng hiểu người Cộng tác viên hơn, trân trọng hơn một trong những khía cạnh trong tầm nhìn của Don Bosco (tầm nhìn về các Salêdiêng “ngoại trú”).
Don Bosco đã có ý tưởng về việc tái tổ chức người Công giáo để tái Kitô hoá xã hội; ý tưởng về việc hỗ trợ tài chính cho những công cuộc Salêdiêng; ý tưởng về “dịch vụ thiện nguyện” của giáo dân Công giáo trong lãnh vực mục vụ (dạy giáo lý, giúp đỡ cha xứ) hoặc lãnh vực xã hội (qua việc giáo dục, hộ trực, huấn luyện, bảo vệ).
Những điều mà Don Bosco nói các buổi huấn đức và chính ngài minh định tính chất, những hình thức và ý nghĩa của sự cộng tác. Ngài ngỏ lời cho các Cộng tác viên và ân nhân, và cả những người dấn thân vào những hoạt động tông đồ khác nhau (những hoạt động tự trị hoặc là thành phần của những hoạt động được Giáo Hội bảo trợ). Những hình thức bác ái cụ thể cấu thành một phần lớn của điều ngài nói và làm, khi ngài đưa ra những lời hiệu triệu càng ngày càng dứt khoát và đòi hỏi hơn.
Tại một buổi huấn đức chính thức vào ngày 01 tháng 06 năm 1885, Don Bosco tuyên bố: “Là một Cộng tác viên Salêdiêng nghĩa là cộng tác với những người khác khi hỗ trợ một công cuộc, mà mục đích của nó là giúp Hội Thánh cổ võ một nhiệm vụ được Đức Thánh Cha mọi nhu cầu thiết yếu. Bằng cách làm như vậy, người đó giúp thúc đẩy điều cam kết mà chính Đức Thánh Cha nồng nhiệt đề nghị, vì điều này sẽ giáo dục các thanh thiếu niên trong nhân đức và hướng dẫn chúng đến nhà thờ. Mục đích chính là giáo dục các thanh thiếu niên, vốn ngày nay là mục tiêu của những người xấu, cũng như cổ xuý lòng yêu mến Đạo thánh chúng ta giữa thế giới, trong các trường, trong các lưu xá, những nguyện xá ngày lễ, và phạm vi gia đình và cũng cố xuý phong hoá, cầu nguyện, đến gần các Bí tích, v.v.”
Trong thế kỷ 21
Được Toà Thánh phê chuẩn ngày 9 tháng Năm 1986, và sau đó được Bề Trên Cả Egidio Viganò công bố ngày 24 tháng Năm, cuốn Những Quy Luật Mới xác định nghĩa hình ảnh được canh tân của Công Tác Viên Salêdiêng vào buổi hừng đông của thế kỷ XXI, liên quan đến căn tính, tinh thần, sứ mệnh và tổ chức của Hiệp hội,
“Các Cộng Tác Viên là những người Kitô hữu sống đức tin của họ trong khuôn khổ của điều kiện trần thế của chính họ, rút sự khởi hứng của họ từ dự phóng tông đồ của Don Bosco: bằng cách cam kết cho cùng một sứ mệnh giữa giới trẻ nghèo trong sự cộng tác và với một cách thức huynh đệ; trong sự hiệp thông chặt chẽ với các phần tử khác của Gia đình Salêdiêng; làm việc vì thiện ích của Giáo hội và xã hội; theo khả năng tốt nhất của họ.”
Những người soạn thảo khoản này muốn trở lại ý hướng nguyên thuỷ (độc đáo) của Don Bosco; theo đó, các Cộng Tác Viên chính là những người Salêdiêng trong thế giới, nói cách khác, là những người Kitô hữu, giáo dân hay linh mục; những người này không bị ràng buộc bởi những lời khấn tu trì, sống chính ơn gọi nên thánh của mình khi phục vụ giới trẻ và tầng lớp lao động theo tinh thần của Don Bosco. Định nghĩa theo cách này, các Cộng Tác Viên có ba đặc tính: là người Kitô hữu, trong thế giới và là người Salêdiêng.
- MỘT Ý TƯỜNG PHẢI ĐƯỢC KHÁM PHÁ LẠI: “CÁC HỘI LÀNH” SALÊDIÊNG
Sự thành công phi thường của khuôn mẫu nhóm Salêdiêng
“Vì các bạn đồng lứa cố dụ cha vào các trò nghịch ngợm bất cẩn nhất của chúng, chúng lại bắt đầu đến với cha để được cha giúp , vì cha đã dịu hiền cho chúng mượn vở bài tập về nhà hay đọc bài cho chúng chép lại. Các giáo viên cau mày khi biết điều này; các ngài nói rằng đó là sự dịu hiền sai lầm, chỉ khuyến khích họ lười biếng mà thôi. Họ nghiêm cấm cha làm thế. Vậy cha đành phải tìm những cách ít lộ liễu hơn để giúp chúng, chẳng hạn giải thích bài toán cho chúng và giúp cho những ai thực sự cần thiết. Vì vậy, mọi người cảm thấy hạnh phúc và cha chiếm được thiện chí và tình cảm của họ. Thoạt tiên, chúng đến chơi, sau đó chúng nghe cha kể chuyện hoặc làm bài tập, cuối cùng chúng đến chẳng vì lý do nào cả, giống như các thiếu niên ở Murialdo và Castelnuovo thường làm. Để những lần gặp gỡ này có một tên gọi, chúng tôi gọi là Hội Vui. Tên gọi này có lý vì mọi người buộc phải tìm kiếm những cuốn sách như vậy, thảo luận các chủ đề như thế hoặc chơi các trò vui khi góp phần làm cho các thành viên hạnh phúc. Cấm ngặt bất cứ điều gì gây ra buồn bã, đặc biệt là những điều trái với luật Chúa. Những ai chửi thề, kêu tên Thiên Chúa vô cớ hoặc đắm mình trong những cuộc nói chuyện xấu bị đuổi ngay khỏi Hội. Như thế, cha nhận thấy mình lãnh đạo một đám bạn đồng lứa…. ” (Hồi ký Nguyện xá, ed. 1989, trg 68).
Xã hội hỗ trợ
Hầu như nhờ bản năng, Don Bosco ý thức được tầm quan trọng của “Chiều kích xã hội” trong việc giáo dục các thanh thiếu niên, nhất là sự giáo dục được bạn bè mang lại. Các thanh thiếu niên cần bạn bè như cần đến khí trời để thở. Băng đảng, bè lũ, nhóm bạn có thể có tác động xấu ngay cả trên thiếu niên tử tế nhất. Với trực giác đặc biệt của một người giáo dục, Don Bosco đã tạo ra một “không gian” cho bè bạn với những lý tưởng cao cả hơn.
Những mối dây thân hữu là yếu tố nền tảng trong việc được che chở. Một người cảm thấy hài lòng khi cảm nhận mình được những người họ chung sống nhìn nhận, đón nhận, giúp đỡ, đối xứ tử tế. Ngày nay, các thiếu niên trương rộng qua việc “cắt và dán”: họ sao chép, lặp lại, bắt chước. Họ không bị lôi kéo quá nhiều đến óc sáng tạo và đến việc hoạch định trước, những yếu tố làm cho họ có thể đối diện tốt đẹp hơn các đổi thay và khó khăn.
Don Bosco lập nên một môi trường an toàn tại Nguyện xá nơi đó các thanh thiếu niên quen với việc can dự vào, gia nhập, góp phần mình, học hỏi và tích cực; không sợ hãi công việc nặng nhọc và không dễ dàng bỏ cuộc.
Don Bosco thêm vào hai yếu tố nền tảng cốt yếu: “Các Thiên Thần Bản Mệnh” và Đức Tin.
Mọi cá nhân ở bất kỳ độ tuổi nào đều phải hạnh phúc hơn, lạc quan hơn và bình an với chính mình khi họ biết có những người gần gũi mình (gia đình, bạn bè, giáo viên, huynh trưởng) sẵn sàng giúp họ trong những lúc khó khăn. Chúng tin tưởng những người này và họ là chỗ dựa vững chắc để các thiếu niên có thể rút lấy sức mạnh. Họ có thể hiểu chúng và hỗ trợ chúng khi chúng thấy mình lẻ loi, bị bỏ rơi, bị phản đối.
Đức tin tôn giáo bảo vệ vững mạnh niềm hy vọng vững chắc, một cái nhìn tích cực về thế giới, là sự đồng hành yêu thương của Thiên Chúa cũng như của cộng đoàn.
Chính từ ý thức này mà các “hội lành” khai sinh. Đầu tiên là hội thánh Luy trong nguyện xá Valdocco (1847). Mục đích của “Hội thánh Luy” là “xin các thiếu niên cam kết thực thi liên lỷ những nhân đức đặc trưng hơn của vị thánh này. Ngài nhắm đến việc chúng khởi sự một cuộc đời gương mẫu đến nỗi trở thành “muối đất” và “ánh sáng trần gian” cho các bạn đồng trang lứa.” (Hồi sử III, tr. 147). Trong việc thành lập hội lành thánh Luy, trong tâm trí Don Bosco có một mục đích đào luyện: nuôi dưỡng đời sống đạo đức và luân lý của các thành viên dựa trên gương của vị thánh (đào luyện và bảo vệ “nhân đức thánh thiện”), đồng thời khích lệ chúng làm gương sáng và giúp đỡ bạn bè. Các thành viên trong hội được chọn lựa rất cẩn thận.
Các tông đồ trẻ
Hội Mẹ Vô Nhiễm xuất hiện trong giai đoạn phát triển sau này, trong viễn cảnh công cuộc của Don Bosco và phản ánh một lối tiếp cận rộng lớn hơn về đào tạo. Trong cuộc đời của Đaminh Savio, Don Bosco viết: “Mục tiêu của hội này là được Đức Trinh Nữ Maria bảo vệ suốt đời, cách riêng trong giờ chết. Những phương thế được đề nghị: cổ xuý thực hành những việc sùng kính tôn vinh Mẹ Thiên Chúa và mọi thành viên năng lãnh nhận và thực hành việc Hiệp lễ thường xuyên” (Tiểu sử thánh Đaminh Savio, tr. 76). Tuy nhiên, quả là rất ý nghĩa khi giữa một ít điều Don Bosco thêm vào cho Quy luật trước khi phê chuẩn là khoản bổ sung đặc biệt này; Khoản này khuyến khích các thành viên của Hội vô nhiễm đảm trách một hình thức nào đó để phục vụ cộng đoàn và hoạt động tông đồ giữa các bạn: “Trong các cuộc họp, một việc bác ái nào đó được gợi lên như quét dọn nhà thờ, giúp đỡ một em dốt nát hay dạy em giáo lý” (Tiểu sử thánh Đaminh Savio, tr. 83).
Từ đó trở đi, các hội lành, một hình thức hoạt động mới mẻ và hữu hiệu của các nhóm thanh thiếu niên trở thành thiết thân với kinh nghiệm Salêdiêng.
Vào năm 1950, cha Ricaldone thành lập Trung Tâm Quốc Tế cho Hội lành Salêdiêng, nhắm đến việc dào tạo các huynh trưởng, đến việc tổ chức và thực hiện “chiến dịch hằng năm”, được Hoa thiêng phát động, và chăm nom “các gặp gỡ, các liên hiệp, các đại hội hay những biến cố khác được Bề Trên Cả cổ võ”. Vào tháng 01 năm 1967, Trung Tâm Ban Mục Vụ Quốc Gia được ra đời.
Ngày nay, ngọn đuốc đã được chuyển qua Phong Trào Giới trẻ Salêdiêng (SYM). Đây là một phong trào giáo dục, mở ra cho tất cả người trẻ nhằm đến việc làm họ trực tiếp can dự vào sự phát triển nhân nhân bản và Kitô hữu của chính họ, với ý hướng là họ phải tác động thực sự đến khu vực địa phương của họ và trên xã hội nói chung và tích cực them gia vào Giáo hội địa phượng của chúng. Trên thế giới có rất nhiều hình thức Phong Trào Giới trẻ Salêdiêng với những cơ cấu và những nét khác nhau như những nhóm Salêdiêng, được phát triển mạnh mẽ tại Châu Âu, Châu Mỹ và Ấn Độ.
Trong nhiều nơi chốn, Phong Trào Giới trẻ Salêdiêng được tổ chức trên bình diện Tỉnh dòng, liên tỉnh dòng và vùng, với một mạng lưới đào tạo, thông tin và những liên kết khác giữa các nhóm trẻ. Những cuộc họp mặt giới trẻ là một trong những nét đặc trưng của Phong Trào Giới trẻ Salêdiêng. Đại Hội Giới Trẻ là một trong những đặc tính cùa Phong Trào Giới trẻ Salêdiêng , mang lại những cơ hội đặc biệt để các nhóm hiểu biết cũng như chia sẻ kinh nghiệm của họ và những giá trị của Linh đạo Giới trẻ Salêdiêng.
- ĐỐI VỚI DON BOSCO VÀ NHỮNG NGƯỜI SALÊDIÊNG, GIỚI TRẺ LÀ CHỦ
Câu chuyện ngoại thường là Gia đình Salêdiêng có cội nguồn của mình trong một giấc mơ có hương vị Tin Mừng Máccô 9, 36-37: “Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
Giới trẻ không chỉ là những người “mà chúng ta làm việc cho”, song là một lực lượng thiết yếu cho Gia đình Salêdiêng. Lịch sử Salêdiêng cho thấy, ưu tiên làm việc cho người nghèo và những thanh thiếu niên bị bỏ rơi lôi kéo phúc lành của Thiên Chúa, là nguồn mạch của sự phong phú đoàn sủng và tôn giáo cũng như của sự phong phú ơn gọi, của sự tái sinh tinh thần huynh đệ trong các cộng đoàn và là bí quyết đằng sau sự tươi trẻ và thành công của các công cuộc.
Thiên Chúa thách đố Don Bosco qua những người trẻ: những em bị nhốt trong các nhà tù của Turin, những em ngài gặp gỡ trên đường phố, ở quảng trường, trong các khu mỏ của các ngoại ô thành phố, những em đến gõ cửa xin đồ ăn và trú ngụ, những em ngài gặp tại các trường học thành phố nơi đó ngài được gọi để thực thi tác vụ của mình.
“Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông3 và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,2-3). Điều này có lẽ là một diễn đạt khó chấp nhận theo nghĩa đen, cách riêng cho một ai đó trên cơ sở hằng ngày bị điên lên vì phải sống với những tay bạo chúa tí hon này. Trẻ em có thực sự dạy chúng ta điều gì không?
Don Bosco đã học từ giới trẻ: chắc hẳn, một số nét của hệ thống dự phòng là những kết quả của việc ngài thân thiện với thế giới của chúng, chia sẻ cuộc sống của chúng, những cảm xúc, và kỳ vọng của chúng; một số nét quan trọng trong linh đạo của Don Bosco đến từ hiểu biết cá nhân của ngài về những gì làm thu hút các thanh thiếu niên, và sự khám phá của ngài về những chiều cao mà chúng có thể vươn tới: một vài nét đặc trung thuộc đoàn sủng của tinh thần Salêdiêng đến từ chính việc họ nên một với thế giới của giới trẻ.
Điều các thanh thiếu dạy chúng ta
Công việc là một nhà giáo dục có thể hoặc là một án chung thân đưa tới nô lệ và áp lực thường hằng hay là một hành trình khám phá thú vị dẫn tới cá nhân được nên phong phú và biến đổi. Một trong những điều tạo nên khác biệt là sự sẵn lòng học hỏi. Thường thì những nhà giáo dục nghĩ về điều họ có thể dạy cho những người họ coi sóc. Có lẽ thảng hoặc, họ phải tự hỏi họ có thể học được gì từ chúng không.
Công việc là nhà giáo dục không hệ tại ở cơn hồng thuỷ các hoạt động và những việc phải làm đến độ kiệt sức. Nó là một hành trình thiêng liêng: sự tiếp nối các kinh nghiệm mà dần dần tỏ lộ ý nghĩa sâu xa của cuộc đời và của cá nhân. Và trên hành trình này, các hướng dẫn viên chúng ta thường là những móng vuốt nhỏ bé lếch thếch vốn chỉ để lại dấu vết không xoá được của chúng trên những vật trang trí lại rất mắc mỏ của Nguyện Xá.
Và đây là vì chính họ là những người gần nhất với những mùa xuân (suối nguồn) cuộc đời.
Là một nhà giáo dục, chính là một trường ở đó ta học nhiều hơn là ta điều hành dạy học: đúng thế, miễn là ta muốn. Chẳng mấy chốc ta khám phá rằng nhìn xem thanh thiếu niên thì tốt hơn xem Ti vị hay tìm trên Google. Nó có nhiều điều hơn dạy dỗ suông.
Đây là vài điều các thiếu niên có thể dạy chúng ta .
Phát triển không ngừng. Những thiếu niên “buộc” các nhà giáo dục phải biết chính mình từ trong ra ngoài: họ có những tài năng ngoại thường để sói mòn trật tự được thiết định và đi tới “cốt lõi của các sự vật.” Bạn có thể nói dối thành công nào đó với người lớn: Nhưng nói dối trẻ em là không thể được. Trẻ em nhận biết những cảm xúc với một sự mãnh liệt và bén nhạy vượt xa chúng ta và tỏ lộ cảm xúc hoàn toàn tự phát.
Điều này gia tăng đáng kể nơi các nhà giáo dục một cảm thức về trách nhiệm, và cần phải có khả năng tự chủ lớn lao hơn mãi. Điều này cũng kích thích tâm trí nhiều. Sống hằng ngày với các thiếu niên đem chúng ta diện đối diện với những chọn lựa, thách đố, vấn đề và khó khăn. Vào mọi lúc trong ngày, nhà giáo dục phải học đáp ứng mau lẹ, quảng đại, sáng tạo.
Chú ý: “Nhìn kìa!” Trẻ em muốn thày cô hiện diện. Đó không chỉ là vấn đề “có mặt ở đây”: chúng muốn sự chú tâm toàn diện không phân chia, không phê bình hay những kỳ vọng đặc thù: một sự hiện diện nồng ấm, làm chúng cảm thấy mình quan trọng, làm chúng thấy mình có giá trị. Hiện diện có nghĩa là sẵn sàng: tôi ở đây vì em; với sự quan tâm đơn thuần không phải là xâm nhập hay kiểm sót, nhưng chỉ rõ ràng là ở đấy. Chúng ta gần gũi với tất cả các thanh thiếu niên, chúng ta không làm bất kỳ sự khác biệt nào bằng cách quan tâm hơn tới những em dễ bảo hơn.
Tôn trọng và kiên nhẫn: trong đời sống thực sự, trẻ em không bao giờ tương tự với điều mà họ được ước mơ hay được kỳ vọng để trở thành. Chúng chống đối lại những kỳ vọng ngăn cản chúng tăng trưởng theo tính cá nhân của chúng. Tất cả chúng đều có nhịp độ của chính mình, kế hoạch của mình, những khuynh hướng cá vị của mình. Don Bosco thường nói: “cha để các trẻ hoàn toàn tự do làm những gì chúng thích… vì ai nấy chỉ hạnh phúc khi làm những gì mình thích. Và ta hạnh phúc chỉ làm điều mà họ biết là có thể làm, nên cha theo nguyên lý này để tất cả các học sinh của tôi không chỉ làm với sự cần mãn nhưng chúng làm với tình yêu.” (Hồi sử XVII, tr. 64).
Ngài hay nói với các cộng sự viên: “Hãy cho phép học sinh tự do diễn đạt ý tưởng của chúng.” Ngài nhấn mạnh: “Lắng nghe chúng. Hãy để chúng nói như chúng muốn.” Và ngài là người đầu tiên phải dẫn bằng gương lành: “Bất chấp nhiều việc quan trọng, với tình yêu hiền phụ, ngài luôn sẵn sàng tiếp đón các thiếu niên tìm nói chuyện riêng với ngài. Hơn nữa, ngài muốn chúng thân hữu với ngài và ngài không bao giờ phàn nàn chúng thỉnh thoảng vô ý. Ngài để mọi người tự do đặt câu hỏi, phàn nàn, bảo vệ hay bào chữa cho mình…. Ngài tiếp nhận chúng với cùng một sự kính trọng ngài dành cho những vị khách lỗi lạc, mời chúng ngồi trên chiếc ghế sofa trong khi ngài ngồi tại bàn làm việc của ngài. Ngài lắng nghe chăm chú như thể điều chúng nói cho ngài là quan trọng nhất. Đôi khi, ngài đứng lên và đi dạo với họ trong căn phòng. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, ngài đưa chúng ra cửa, mở cửa, tiễn họ ra về và nói: “chúng ta sẽ luôn là bạn, đúng không?” (Hồi sử VI, tr. 438-439).
Hạnh phúc và lòng biết ơn đối với cuộc sống. Giới trẻ là sự đầu tư quan trọng nhất vì liên quan đến sự hoàn thành và hạnh phúc cá nhân. Đôi khi chúng là công việc khá nặng nhọc nhưng cũng là phúc lành. Cuộc sống với những thanh thiếu niên có thể làm kiệt sức, nhưng người trẻ tăng trưởng việc tin tưởng với một sự tín thác trọn vẹn như thế có thể cống hiến niềm vui sâu xa biết bao!
PHỤ LỤC 1
Hiểu Biết Don Bosco và Lịch sử của Ngài
Những lý do phải học hỏi Don Bosco
Hẳn nhiên có nhiều lý do khiến chúng ta phải học hỏi Don Bosco. Chúng ta cần phải biết ngài như Đấng Sáng Lập, vì sự trung thành đối với Tu hội mà chúng ta thuộc về đòi hỏi điều ấy. Chúng ta cần biết ngài như vị Lập Luật, theo mức độ chúng ta bị buộc phải tuân giữ Hiến luật và Qui chế mà ngài trực tiếp, hay những Đấng Kế vị ngài, trao ban cho chúng ta. Chúng ta cần biết ngài như nhà Giáo Dục, để chúng ta có thể sống Hệ Thống Dự Phòng, gia sản quí báu nhất ngài để lại cho chúng ta. Nhất là, chúng ta cần biết ngài như vị Thầy về đời sống thiêng liêng, vì lẽ, là con cái và môn đệ của ngài, chúng ta nhờ đến lối thiêng của ngài; thực sự, ngài đã ban cho chúng ta một chìa khóa để hiểu Tin Mừng; đối với chúng ta, cuộc đời Don Bosco là tiêu chuẩn cho việc chúng ta theo Chúa Giêsu một cách đặc thù; về điều này cha đã viết một lá thư cho các hội viên Salêdiêng vào tháng Giêng 2004 “Chiêm ngắm Đức Kitô qua nhãn quan của Don Bosco” (AGC 384).
Ngày nay chúng ta trở nên ý thức hơn rằng ta thật liều mạng nếu không kiện cường những mối liên hệ vốn giữ chúng ta hiệp nhất với Don Bosco. Kiến thức lịch sử, có nền tảng chắc chắn và trìu mến, giúp ta giữ cho mối liên kết này được sống động; đào luyện ban đầu và liên tục phải cổ xúy những môn học Salêdiêng. Đã hơn một thế kỷ qua rồi kể từ khi Don Bosco qua đời; tất cả những người đã tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với ngài, cũng như với những người đã biết ngài cách cá nhân qua đi rồi. Như khoảng cách về niên biểu, địa dư và văn hóa giữa chúng ta và ngài gia tăng, thì bầu khí tình cảm còn hơn thế nữa; [tức là] sự thân quen, thậm chí mang tính chất tâm lý, làm cho Don Bosco và tinh thần của ngài, chỉ bằng cách nhìn ảnh của ngài, thành một cái gì tự phát và quen thuộc với chúng ta. Điều đã được chuyển giao cho chúng ta có thể bị mất; mối liên hệ sinh tử với Don Bosco có thể bị vỡ vụn. Nếu chúng ta không còn nhìn các sự vật theo người Cha chung chúng ta, theo tinh thần của ngài, lối hành động (praxis) của ngài, theo những tiêu chuẩn vốn khởi hứng ngài, thì chúng ta, như Gia đình Salêdiêng, sẽ không còn có quyền công dân trong Giáo hội và trong Xã hội nữa, vì chúng ta bị mất cội rễ và căn tính rồi.
Hơn nữa, giữ cho ký ức về chính lịch sử của ta thật sống động mới đảm bảo có được một văn hóa lành mạnh; không có cội rễ, không có tương lai. Vì thế, làm việc trên ký ức lịch sử và lợi dụng nó, như nhắc nhớ chúng ta có cội rễ chung vốn thúc bách chúng ta phải suy nghĩ lại những vấn đề của thời đại với một ý thức trưởng thành hơn về quá khứ của mình, điều đó quả thật quan trọng. Điều ấy đảm bảo cho Gia đình chúng ta sẽ tiếp tục mang chở đoàn sủng cội nguồn, và làm cho chính mình phải tỉnh thức và sáng tạo canh giữ một truyền thống phong phú, đang khi để ý đến những biến đổi lịch sử và những đổi thay không thể né tránh.
Hiển nhiên, kiến thức về quá khứ không được trở thành một hình thức của điều kiện hóa. Một cách phê bình, nhất thiết phải biết làm thế nào phân biệt giữa ý nghĩa cốt yếu theo lịch sử và những phóng đại vô cớ với những giải thích chủ quan không nền tảng. Bằng cách này, ta phải tránh xa việc gán chân lý đoàn sủng theo lịch sử vào những tái thiết mà ít liên hệ với “lịch sử thực sự”. Đôi khi ta dùng một cách tiếp cận lịch sử tương tự để tránh vấn đề nghiêm trọng là sự tái thiết bối cảnh lịch sử. Ta cần một tiến trình phân định lành mạnh khi giải thích lịch sử của Don Bosco. Lời cảnh cáo của Đức Giáo hoàng Lêô XIII luôn có giá trị cho chúng ta: sử gia không bao giờ nên nói điều gì không thật hay im lặng về sự thật. Nếu một vị thánh có một điểm yếu, ta phải ngay thẳng nhìn nhận. Nhận biết những bất toàn của các thánh có ba công trạng là kính trọng sự chính xác lịch sử, là nhấn mạnh đến bản tính tuyệt đối của Thiên Chúa, cũng như khích lệ chúng ta là những bình sành lọ đất nghèo nàn, đang khi tỏ cho chúng ta rằng nơi người môn sinh anh dũng của Đức Kitô, máu đào đâu phải là nước lã.
Những tài liệu chính thức và những minh xác có thẩm quyền của hai vị tiền nhiệm của cha, trong những thập niên qua, nhấn mạnh đến cần phải cấp thiết hiểu biết Don Bosco cách sâu xa hơn và hệ thống hơn. Đây là cách thức cha diễn đạt nhu cầu ấy trong một lá thư vào cuối năm 2003 (AGC 383, p. 14-17):
“Nhưng Don Bosco thành công trong việc vẫn trẻ trung và vì thế trong việc hài hòa với tương lai qua việc ngài luôn ở với thanh thiếu niên… Trong kinh nghiệm Valdocco rõ ràng có một việc làm chín muồi sứ mệnh và vì vậy một sự chuyển biến từ niềm vui “ở với Don Bosco” sang “ở với Don Bosco vì giới trẻ”; từ “ở lại với Don Bosco vì giới trẻ một cách vững bền” sang “ở với Don Bosco vì giới trẻ cách vững bền với lời khấn.” Ở lại với Don Bosco không tiên thiên, a priori, loại trừ việc học hỏi về thời đại vốn đắp khuôn hay điều kiện hóa ngài, nhưng nó đòi buộc chúng ta phải sống với sự cam kết của ngài, những chọn lựa, sự tận hiến của ngài, tinh thần trong sự nghiệp của ngài và tiến lên phía trước […] Tất cả điều này làm Don Bosco thành một nhân vật thu hút, và trong trường hợp chúng ta, thành một người cha để yêu mến, một khuôn mẫu để bắt chước, nhưng còn là một vị thánh để khẩn cầu… Chúng ta biết rõ ràng thời gian chia tách chúng ta với Đấng Sáng Lập của chúng ta càng gia tăng, thì mối nguy hiểm là việc nói về Don Bosco chỉ dựa trên nền tảng những việc xảy ra và những giai thoại nổi tiếng mà không có chút hiểu biết thật sự về đoàn sủng chúng ta càng trở nên thực. Vì thế cần phải biết ngài qua trung gian nghiên cứu và học hỏi; cần phải yêu mến ngài cách thiết tha và hiệu quả như người cha và vị thầy của chúng ta qua gia sản thiêng liêng ngài để lại cho chúng ta; cần phải bắt chước ngài và cố gắng mô phỏng ngài trong chính chúng ta, khi làm cho Luật đời sống thành kế hoạch đời sống chúng ta. Đây là điều mà việc trở lại với Don Bosco muốn nói tới, và cha mời gọi toàn Tu hội đi tới đó – gồm cả cha – từ buổi “huấn từ tối” đầu tiên của cha nhờ một tiến trình học hỏi và yêu mến; tiến trình này cố gắng hiểu biết, cố gắng tỏa chiếu ánh sáng trên đời sống chúng ta và những thách đố hiện hành cách tốt đẹp hơn. Cùng với Tin Mừng, Don Bosco là tiêu chuẩn phân định của chúng ta và là mục đích cho sự đồng nhất hóa của chúng ta.”
Điều cha có trong đầu không khác gì với suy tư của cha Francis Bodrato, vị Giám tỉnh đầu tiên ở Achentina; vào 5 tháng Ba 1877, ngài viết trong một lá thư cho các tập sinh:
“Don Bosco là ai? cha có thể nói gì về ngài cho anh em? Cha có thể nói thật cho anh em như cha biết và nghe từ những kẻ khác. Don Bosco là người cha yêu mến và thân yêu nhất của chúng ta. Chúng ta là con cái của ngài đều có thể nói điều này. Don Bosco là một người của Chúa Quan Phòng cho thời đại này. Đây là điều mà những người học thức nói. Don Bosco là một người nhân đạo (philanthropist). Đây là điều mà các triết gia nói. Và đang khi tự nhiên đồng ý với điều những người này nói cho chúng ta, cha nói rằng Don Bosco thật sự là người bạn mà Kinh Thánh miêu tả là một kho tàng lớn lao. Đúng thế, chúng ta đã tìm thấy được người bạn chân thật này, kho tàng chân thật này. Mẹ Maria rất thánh đã cho chúng ta ánh sáng nhờ đó chúng ta nhận biết ngài và Chúa cho phép chúng ta có ngài. Vì vậy, khốn cho bất kỳ ai đánh mất ngài. Anh em thân mến, nếu anh em biết có biết bao người ghen với phần số chúng ta […] và nếu anh em tin tưởng với cha rằng Don Bosco là người bạn chân thật của Kinh thánh, thì anh em sẽ lo liệu để giữ ngài mãi mãi và chính anh em sẽ chăm lo bắt chước ngài.” (F. Bodrato, Letters, ed. By B. Casali, Rome, LAS 1995, p. 131-132).
Vì một lẽ tốt đẹp mà Lời nói đầu, cũng như những khoản HL 21, 97, 196 hiện hành của Tu hội Salêdiêng trình bày Don Bosco là “người hướng đạo” và “khuôn mẫu”, và chính Hiến luật được miêu tả là “chúc thư sống động” của ngài đối với chúng ta. Những diễn đạt tương tự cũng được tìm thấy trong Luật đời sống của những nhóm khác thuộc Gia đình Salêdiêng. Chúng ta hết thảy nhìn Don Bosco là điểm qui chiếu của chúng ta; ngài tiếp tục là Đấng sáng lập, là vị Thầy tinh thần, là khuôn mẫu cho giáo dục, là người khởi xướng một Phong Trào có tầm vóc rộng lớn thế giới có khả năng làm cho Giáo hội và xã hội chú ý đến những nhu cầu của giới trẻ, đến tình trạng của chúng và tương lai của chúng một cách rất hiệu quả. Chúng ta không thể không tự hỏi xem ngày nay Gia đình chúng ta còn là một lực lượng như đã là thế hay không; xem chúng ta vẫn còn có can đảm và trí tưởng mà Don Bosco đã có hay không; xem vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba chúng ta vẫn có thể tiếp tục lập trường ngôn sứ của Don Bosco trong việc bảo vệ những quyền lợi của con người và của Thiên Chúa hay không.
Ta đã chỉ ra Gia đình Salêdiêng, từng nhóm, từng cộng thể, từng hiệp hội và từng cá nhân cần phải cấp bách hiểu biết và học hỏi Don Bosco; ta vẫn phải theo đuổi lối đường đó; lối đường ta chỉ ra chưa là lối đường được mọi người theo. Từng người một có bổn phận nhận diện mình phải lấy quyết định nào, mình phải làm sao và bằng cách thức nào tạo được những cơ hội để thực hiện được trách vụ này suốt năm nay. Chúng ta không thể đi tới việc cử hành Đệ Nhị Bách chu niên mà không biết Don Bosco tốt đẹp hơn.
Chức năng của lịch sử khi làm cho các sự việc được hợp thời
Để đạt được mục đích này, ý thức về sự vĩ đại của Don Bosco trong từng người chúng ta quả là không đủ. Điều kiện bất khả thế là biết ngài thật rõ, thêm vào những giai thoại rất hấp dẫn vốn vây quanh người cha thân mến của chúng ta và cả nền văn chương có tính xây dựng mà toàn bộ các thế hệ đã được đào tạo/nuôi dưỡng trên đó. Đây không phải là một vấn đề đi tìm những phương dược rẻ tiền để đối diện với “cuộc khủng hoảng” hiện hành trong Giáo hội và trong xã hội, như một Gia đình; đây là chuyện biết ngài thật sâu xa hầu ta có thể làm cho ngài “thành thích đáng” vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba này, trong một bầu khí văn hóa dịu dàng (hòa nhã) chúng ta đang sống, trong những quốc gia khác nhau nơi đó chúng ta làm việc. Điều ta cần là hiểu biết về Don Bosco, một sự hiểu biết mà ta phải đạt được nhờ liên tục làm thăng bằng giữa việc chúng ta tự hỏi những vấn nạn của hiện tại, và việc chúng ta tìm ra những câu trả lời đến từ quá khứ; chỉ bằng cách này, một lần nữa, chúng ta ngày nay mới có thể hội nhập đoàn sủng Salêdiêng vào văn hóa.
Ta phải chú ý đến sự kiện rằng vào thời khắc của “việc thay đổi thời đại lịch sử” một Phong Trào có tính đoàn sủng có thể tăng trưởng và phát triển chỉ với điều kiện rằng đoàn sủng sáng lập được “giải thích lại cách sinh động” chứ không còn phải là một “vật hóa thạch quí báu”. Những Đấng Sáng Lập kinh nghiệm Thánh Thần trong một bối cảnh lịch sử xác đáng. Vì lẽ này, nhất thiết phải nhận diện những yếu tố bất tất trong kinh nghiệm của họ, trong chừng mực sự đáp ứng một tình trạng lịch sử được xác định có giá trị bao lâu tính bất tất đó tồn tại. Nói cách khác, “những câu hỏi” được cộng đoàn giáo hội ngày nay đặt ra và những câu hỏi về tình trạng xã hội-văn hóa hiện hành không thể được coi là một cái gì “xa lạ” với cuộc khảo cứu lịch sử của chúng ta; điều này phải xác định cái gì là tạm bợ (mau qua), và cái gì là vĩnh viễn trong đoàn sủng, đâu là điều cần phải để sang một bên, và đâu là điều cần phải được đảm nhận, cái gì thì xa cách với những hoàn cảnh hiện tại của chúng ta và cái gì là gần gũi với chúng.
Không thể nào bắt đầu thực hành điều này mà không nhìn vào lịch sử. Như cha đã nói, lịch sử không phải là một người canh giữ một quá khứ đã bị chôn vùi trong thời gian, nhưng đúng hơn là một ký ức sống động vốn ở trong chúng ta, và thách đố chúng ta về cái hiện tại. Bất kỳ việc đổi mới hợp thời nào được ta đảm nhận mà lại làm ngơ bước tiến của những khảo cứu lịch sử, thật sự sẽ ít giá trị. Tương tự, khảo cứu và viết lách, được đảm nhận theo cách tài tử hời hợt, không có những lý thuyết rõ ràng, những phương pháp thích đáng và những dụng cụ làm việc lành mạnh, và không có lối tiếp cận sinh động và hợp thời với bút tích lịch sử, sẽ chẳng mang lại kết quả tốt đẹp từ nhãn quan lịch sử cũng như hợp thời. Viết về lịch sử hàm ẩn một tiến trình duyệt xét liên lỷ và có phê phán về những phán đoán đi trước; một sự duyệt xét vốn cần thiết vì chúng ta phải nhận biết rằng quá khứ không thể được thiết lập như một thứ tượng đài chỉ để ngắm xem, chính bởi vì nó được liên kết với con người mà ta muốn hiểu biết.
Chúng ta cũng không nên coi thường sự kiện rằng câu chuyện cuộc đời Don Bosco không chỉ “thuộc về chúng ta” nhưng thuộc về Giáo hội và gia đình nhân loại; vì thế, nó không được bỏ quên khỏi lịch sử giáo hội và dân sự của từng các quốc gia, thậm chí còn hơn như thế, vì lịch sử Salêdiêng là một lịch sử mà cốt ở sự tương tác năng động, ở những tương quan lệ thuộc và cộng tác và đôi khi ở những tương quan xung đột với thế giới trên bình diện xã hội, chính trị, kinh tế, giáo hội và tôn giáo, giáo dục và văn hóa. Nay chúng ta không thể kỳ vọng “những thế giới khác ấy” xem xét “lịch sử” chúng ta, “khoa sư phạm”, “lối thiêng” của chúng ta nếu chúng ta không cống hiến cho họ những dụng cụ tri thức tân tiến. Đối thoại với những người khác chỉ có thể xẩy ra nếu chúng ta có cùng bộ mã ngữ học, cùng những phương pháp về khái niệm, cùng những kỹ năng và lối tiếp cận chuyên nghiệp; bằng không, chúng ta sẽ ở bên lề xã hội, xa cách khỏi cuộc tranh luận văn hóa, vắng bóng khỏi những nơi chốn mà trong đó ta tìm những giải đáp cho những vấn đề hiện hành. Sự loại trừ khỏi cuộc tranh luận văn hóa xẩy ra trong mọi quốc gia cũng sẽ là một dấu hiệu (chỉ số, indication) cho biết sự vô nghĩa của người Salêdiêng trong lịch sử, cho thấy họ bị đẩy ra ngoài xã hội, và họ vắng bóng trong đóng góp vào giáo dục. Vì lẽ này cha mong mỏi phải cam kết canh tân việc chuẩn bị những người có phẩm chất (bằng cấp) để học hỏi và khảo cứu lãnh vực lịch sử Salêdiêng.
Văn chương Salêdiêng, những xuất bản Salêdiêng, việc giảng dạy về Salêdiêng, những thư luân lưu của những người trong những vai trò trách nhiệm ở những bình diện khác nhau, sự thông giao trong Gia đình Salêdiêng, tất tất cần phải biết rõ hiện tình. Tính chất phổ thông truyền thống của văn chương Salêdiêng, sự phổ biến rộng khắp của nó, không được có nghĩa là nội dung hời hợt, thông tin giả hiệu, sự lập lại một quá khứ không đáng tin. Bất cứ ai có tài hay có dịp để viết lách, để đào tạo, để giáo dục người khác cần phải đảm bảo rằng họ được cập nhật liên lỷ về đề tài họ nói hay viết. Những sản phẩm thông tin đại chúng cần phải có phẩm chất cao và có tính khả tín khả dĩ lớn lao nhất.
Học hỏi Don Bosco là một điều kiện cần thiết để có thể thông truyền đoàn sủng của ngài và đề xướng sự thích đáng của nó. Vô tri bất mộ, không thể bắt chước hay cầu khẩn; rồi chỉ yêu mới thúc đẩy chúng ta phải hiểu biết. Vì vậy, đây là vấn đề của một tri thức xuất phát từ tình yêu và dẫn tới tình yêu: một tri thức tình yêu.
Hơn một trăm năm của việc viết lách về lịch sử để “phục vụ đoàn sủng”
Việc viết lách về lịch sử của Salêdiêng suốt trên 150 năm đã làm nên một bước tiến đáng kể, từ những cuốn tiểu sử khiêm tốn về Don Bosco trong những thập niên 70 và 80 của thế kỷ XIX, đến những cuốn tiểu sử có tính tán tụng; chúng được khởi hứng do lối cắt nghĩa đời sống và công cuộc của ngài theo tính thần học và dựa vào các giai thoại và quan tâm đến việc lạ lùng; những cuốn tiểu sử đó được phân phát rộng rãi từ thập niên 80 sang đến thế kỷ XX. Những dịp long trọng như việc phong chân phước và tuyên thánh của Don Bosco tự nhiên là những dịp cho một loạt các bút tích và tác phẩm có tính chất thiêng liêng và xây dựng. Tương tự, trong lãnh vực sư phạm, người ta có thể nhắc đến loạt bút tích và thảo luận có giá trị về Don Bosco nhà giáo dục, đi theo lời giới thiệu về phương pháp giáo dục dự phòng của Don Bosco trong những chương trình học vụ tại các trường cao đẳng sư phạm (đào tạo thầy giáo) ở Ý.
Trong thời kỳ ngay sau chiến tranh và trong những thập niên 50 của thế kỷ qua, những thế hệ mới của những người Salêdiêng bắt đầu diễn tả một cảm thức không thoải mái với nền văn chương hạnh sử các thánh của quá khứ. Họ thấy cần phải có một hạnh sử về Đấng Sáng Lập; hạnh sử này được nhắm không chỉ ở việc xây dựng hay là một thứ hộ giáo, apologia, nhưng đúng hơn nhắm đến sự thật về ngài nói chung trong nhiều khía cạnh: nói cách khác, một hạnh sử sẽ đặt ngài trong bối cảnh lịch sử của ngài, và như thế sẽ tuân giữ tất cả những đòi hỏi phê bình cần thiết. Một cách nào đó, điều này có nghĩa là thoát ra khỏi cái phạm vi đã vững chắc cho đến bây giờ, hầu khuyến khích đảm nhận một cái nhìn mới vào lịch sử của Don Bosco, được thông tri một cách ngữ văn và với những nguồn liệu được khảo sát kỹ càng, được hướng dẫn theo những phương pháp lịch sử hợp thời. Nhất thiết phải đi xa hơn nhãn quan của các Salêdiêng đầu tiên; hẳn nhiên nhãn quan này là nhãn quan về một người làm những điều lạ lùng, được Chúa Quan phòng khởi hứng, mang tính cách thần học; theo đó, những hoàn cảnh cụ thể và những lực lượng hoạt động vào lúc đó có khuynh hướng biến mất.
Công đồng Vatican II mời gọi phải nhất thiết trở về với những hoàn cảnh nhân loại và thiêng liêng chân chính của những cội nguồn và của Đấng Sáng Lập nhằm canh tân đời thánh hiến (x. Perfectae caritatis, Ecclesiae sanctae) đã tạo ra một sức thúc đẩy mạnh mẽ cho những tiếp cận tương tự đối với việc học hỏi và hiểu biết sâu rộng hơn về Don Bosco; điều ấy, ta đã đoan hứa suốt một thời gian nào đó. Điều này đòi phải hiểu biết những sự kiện lịch sử, như một yêu cầu bất khả thế. Thực thế, không trở về lại cội rễ, việc cập nhật liều trở thành sự suy lý phi lý và không chắc chắn. Và như vậy, trong bầu khí văn hóa mới của thập niên 70, đang khi lợi dụng những giả định, những chiều hướng (trào lưu), những dụng cụ khảo cứu tân tiến, như được dùng trong hầu hết những dự phòng khảo cứu lịch sử nghiêm chỉnh, ta đã đảm nhận việc nghiên cứu sâu xa hơn thành một hiểu biết về gia sản và di sản của Don Bosco, đầy những biến cố và hướng dẫn. Ta đã nhận diện được ý nghĩa lịch sử của sứ điệp, ta đã miêu tả những giới hạn bất khả tránh né về thể chế, văn hóa và cá nhân; thật nghịch lý, điều này hầu như đã chỉ ra những lý lẽ, rồi như nay chúng chỉ tới, để tăng trưởng mạnh mẽ trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Hướng tới một sự giải thích khi đọc lịch sử Salêdiêng
Như một yêu cầu đầu tiên của sự canh tân, Công đồng Vatican II đòi phải trở về nguồn. Về việc này Tu hội xuất bản hàng tá những bộ sách gồm “những tác phẩm đã được xuất bản” và những tác phẩm không được xuất bản của Don Bosco; Trung tâm nghiên cứu Don Bosco tại UPS và Viện Lịch sử Salêdiêng đã chịu trách nhiệm về các tác phẩm đó. Nhờ công việc của họ, hàng ngàn trang bút tích của Don Bosco nên sẵn đấy cho chúng ta, trong những ấn bản đã được phát hành và hiệu đính một cách học thuật, hầu làm cho những phân tích cần thiết về ngữ văn thành có thể được. Thực thế, làm thế nào có thể hiểu “lá thư nổi tiếng từ Roma” mà Don Lemoyne soạn vì Don Bosco, nếu không biết đầy đủ tình hình khó khăn về kỷ luật tại Valdocco thời đấy, và trong cùng những năm đó đưa ra “lá thư luân lưu về hình phạt”? Một lá thư được chính tay Don Bosco viết, không thanh thoát, đầy những sửa chữa, thêm thắt và tái bút, có cùng giá trị như nhau với một thư luân lưu, có lẽ được một cộng sự viên của ngài viết, và rồi đơn giản được Don Bosco ký nhận hay không? Ý nghĩa nào ta phải dành cho những giao kèo về công cuộc được Don Bosco ký, nếu chúng ta so sánh với những giao kèo sớm hơn hay đương thời được những người khác ở Turin soạn thảo?
Cần phải thêm vào sự phân tích ngữ văn sự phân tích phê bình-lịch sử vốn để ý đến cả nội dung minh nhiên của các nguồn liệu cũng như điều mà việc đọc chúng cách hời hợt không thể tỏ lộ, nhưng lại là điều chúng hàm ý. Ta không thể giải thích một bản văn nào, thậm chí càng không thể giải thích những bản văn của Don Bosco, một con người nổi tiếng “nhập thể” trong lịch sử, mà lại không qui chiếu tới thời gian trong đó nó được viết ra, trong một bối cảnh nào đó, trong sự qui chiếu tới một vài người đặc thù nào đó, vì một mục đích nào đó. Như cha đã nói, những bút tích do Don Bosco và về Don Bosco chứa đựng một lời giải thích về tin mừng chịu ảnh hưởng do thời kỳ, những ý tưởng của nó, những cấu trúc trí tuệ, những viễn cảnh, ngôn ngữ và giá trị.
Hai công việc đi trước dẫn tới công việc thứ ba và quan trọng hơn: sự phân tích sinh động và hợp thời, có thể diễn đạt lại, suy nghĩ lại, trình bày lại những nội dung của các nguồn liệu. Về việc này nhất thiết phải thừa nhận một số tiêu chuẩn chú giải, mà không có chúng, sự giải thích về những diễn đạt của Don Bosco, những lập trường lý thuyết và thực hành của ngài, những cách sống thực tiễn mối liên hệ với Thiên Chúa và với xã hội, có thể minh chứng là phản tác dụng. Thực thế, việc lập lại suông những câu nói của Don Bosco có thể dẫn chúng ta tới phản bội căn tính Salêdiêng. Thực vậy, đó là một vấn nạn về các bản văn và các chứng từ của một “văn hóa” rất nhiều của quá khứ, của một truyền thống và của một thần học mà chắc chắn không còn là của chúng ta nữa, và như vậy không lập tức khả tri cho chúng ta.
Trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ vừa qua, Tu hội Salêdiêng đã nỗ lực nhiều để canh tân, và Hiến luật được canh tân là hoa trái chín muồi của điều này. Những người Salêdiêng đã đưa ra một suy tư có tính chất lịch sử-thiêng liêng mà tự thân là một sự học hỏi mang tính giải thích về các nguồn liệu Salêdiêng, và đồng thời về các “dấu chỉ thời đại.” Nếu chúng ta lướt qua mục lục phân tích của Hiến Luật, chúng ta phải lấy làm ngạc nhiên nhiều: tên của Don Bosco xuất hiện khoảng 40 lần. Trong 17 khoản đầu tiên, nó hiện diện tới 13 lần; nhưng ngay cả ở đâu tên gọi đó không được minh nhiên sử dụng, thì vẫn không dứt qui chiếu tới tư tưởng của ngài, tới sự thực hành của ngài, tới các bút tích của ngài. Chỉ cần nghĩ rằng trong thế kỷ XIX, Tòa Thánh nhấn mạnh là không được nhắc nhớ trong Hiến luật tên và bút tích của Đấng Sáng Lập [là đủ]! Cùng điều đó áp dụng cho những Hiến luật khác, Qui chế khác, và những kế hoạch đời sống của những nhóm khác thuộc Gia đình Salêdiêng.
Bốn mươi năm sau Công Đồng, nhất thiết ta phải nhìn nhận rằng cuộc khảo cứu lịch sử về đời sống và công cuộc mà kinh nghiệm nhân bản và thiêng liêng của Don Bosco đã tiến bộ đáng kể nhờ vào những nghiên cứu (học hỏi); những nghiên cứu học hỏi này đã thừa nhận những khung qui chiếu được thay đổi; nó đã chiếu cố thích đáng đến những cách tìm tòi mới và những phạm trù lượng giá tân thời; nó đã nại đến những viễn cảnh mới, khởi từ phân tích những tài liệu không được xuất bản hay những giải thích mới về những tài liệu đã nổi tiếng. Hạnh sử mới mang tính phê bình đã ít nhất có hai hiệu quả tích cực: tiên vàn, hiệu quả là tỏ cho chúng ta bộ mặt thật sự của Don Bosco và sự vĩ đại chân thật của cha chúng ta; thứ đến, hiệu quả là để ý Don Bosco trong lịch sử thế tục.
Thực vậy, cho đến một ít thập niên trước, bút tích lịch sử của thế tục tỏ bày một dị ứng nào đó đối với Don Bosco và đã không dành chỗ cho ngài, có lẽ vì những cung giọng ngọt ngào, chủ thuyết duy cảm kỳ lạ, vốn làm đầy những hạnh sử xây dựng, quá mê đến điều kỳ lạ. Trái lại, ngày nay Don Bosco được nghiêm chỉnh hiểu biết. Cách tự nhiên con người đó được trình bày trong những trường hợp này không thể không phản chiếu những tiêu chuẩn lịch sử của những tác giả khác nhau, não trạng của họ, những tiền giả định mang tính ý thức hệ của họ, mục đích của họ, số lượng và phẩm chất của những nguồn liệu sẵn đấy, cách thức những cái này được khảo sát và rồi được giải thích khác nhau, bầu khí văn hóa của thời đại.
Tất cả điều này tương ứng với tính nhạy bén mới trong Gia đình chúng ta vốn yêu mến nhiều hơn ơn gọi và sứ mệnh của mình. Như cha đã chỉ ra trước kia, lối tiếp cận với Don Bosco, đang khi dùng những phương pháp thích hợp cho khảo cứu lịch sử, đã khiến chúng ta trân trọng hơn nữa sự vĩ đại, những tài năng thực tiễn và những ân điển của ngài như một nhà giáo dục, [trân trọng hơn nữa] lối thiêng và công cuộc của ngài, vốn chỉ được hiểu đầy đủ với điều kiện được đâm rễ trong lịch sử của xã hội trong đó ngài sống. Chúng ta không tiên thiên bác bỏ điều có giá trị nơi điều chúng ta đã nhận được liên quan đến hình ảnh của Don Bosco, được chuyển giao xuống qua những thế hệ của những người Salêdiêng và những thành viên của Gia đình Salêdiêng. Ngày nay chúng ta cần suy nghĩ lại và suy tư hơn nữa; điều này cống hiến cho chúng ta một hình ảnh thích đáng về Don Bosco vốn nói cho thế giới hôm nay theo một ngôn ngữ mới. Giá trị của hình ảnh được ta cống hiến ấy thực sự tùy vào mức độ người ta chấp nhận và chia sẻ nó.
Don Bosco ngày nay mang hình ảnh nào
Đối diện với văn chương Salêdiêng này, vốn nhất thiết vẫn tiến triển, rõ ràng ngày nay chúng ta cũng phải trả lời một loạt câu hỏi.
Don Bosco là ai? Ngài đã nói, làm hay viết gì? Ngài đã thành công trong việc trải rộng những công cuộc bác ái của ngài bằng phong thái sống và hành động nào? Những ý tưởng của ngài từ đâu mà đến? Chúng phát triển ra sao và đâu là điều mới mẻ quanh chúng? Ngài hiểu biết gì về chính mình và về sứ điệp của ngài lúc khởi đầu công cuộc, và ngài dần dần thủ đắc được tri nhận nào khi năm tháng qua đi? Những cộng sự viên đời và giáo hội đầu tiên của ngài, tức là, các Salêdiêng đầu tiên, các FMA, Cộng tác viên, học sinh và cựu học sinh, có tri nhận gì về ngài, về công cuộc và sứ điệp của ngài? Những người đương thời đã hiểu và phán đoán ngài ra sao: Giáo hoàng, các Giám mục, linh mục, tu sĩ, những vị thẩm quyền trong chính trị và dân sự, những người thi hành quyền lực kinh tế và tài chánh, các tín hữu và vô tín, và quần chúng?
Đâu là hình ảnh về Don Bosco mà “truyền thống lịch sử”, những nhà sử biên niên và viết tiểu sử đương thời, những chứng nhân ở những tiến trình [phong thánh], những tưởng niệm và những tán tụng của những ngày kỷ niệm và những ngày tháng quan trọng (1915, 1929, 1934, 1988, 2009) đã kiến tạo và chuyển giao lại? Những giải thích nào được dành cho “sứ mệnh” lịch sử của ngài? Có phải là một sự đáp trả của Chúa Quan phòng cho những nhu cầu của một Giáo hội bị bách hại? Một lời đáp trả của Công giáo cho điều mà thời đại đòi hỏi chăng? Một giải đáp cho “vấn đề của những trẻ nghèo và bị bỏ rơi”, cho vấn đề xã hội, cho sự cộng tác giữa các giai cấp? Sự thăng tiến của đám đông bình dân, đang khi kính trọng trật tự thiết lập sẵn? Một hoạt động truyền giáo và văn minh hóa?
Đâu là đặc biệt về Don Bosco? Có phải ngài là người sáng tác ra một “khoa sư phạm” thích hợp để cư xử với những em “đang gặp nguy hiểm và những em nguy hiểm”? Ngài là một bậc thầy của lối thiêng dành cho giới trẻ gặp nguy hiểm, cho những giai cấp thấp hơn, cho những dân tộc đang phát triển? Ngài là một vị thánh của niềm vui, của những giá trị nhân bản, của việc gặp gỡ mọi người không phân biệt kỳ thị? Hay có lẽ tất cả những thứ này và hơn nữa?
Ngày nay ta cần phải kiến trúc lại hình ảnh Don Bosco này; nhất thiết phải nhìn ngài trong một ánh sáng khác, vì sự trung thành không phải là sự lập lại, được đánh giá vì những công thức được thiết lập hay sự ly thoát cá nhân. Giới hạn mình vào việc đọc sách thiêng liêng nào đó hay bài viết nào đó của một học giả thì không đủ. Nhất thiết tất cả chúng ta phải cùng nhau khảo sát khoa học Salêdiêng sâu xa hơn hầu đạt tới việc chia sẻ một nhãn quan thật sự là uyên bác, chuyên môn, sâu xa; nhãn quan này biết cách đánh giá đúng gia sản lịch sử, sư phạm, thiêng liêng được thừa hưởng từ Don Bosco; ở một chiều sâu nào đó, nó phải thật quen thuộc với tình trạng giới trẻ, hiểu biết rõ ràng về những đặc tính của người Kitô hữu trong xã hội hôm nay và ngày mai, với những cam kết thích đáng “theo những nhu cầu của thời đại.” Nói cách khác, nó là vấn đề khảo sát lại những thể chế và những cơ cấu của những đoàn thể và giáo dục, giải thích lại Hệ Thống Dự Phòng trong những hạn từ đương thời, trình bày cho thế giới và Giáo hội phong thái đặc thù của nhà giáo dục Salêdiêng.
Ngày nay, có lẽ đây là một vấn đề khủng hoảng về tính khả tín, hơn là một khủng hoảng về căn tính. Dường như chúng ta bị kìm giữ dưới ách bạo tàn của status quo, nguyên trạng, một sự kháng cự vô thức hơn là cố ý. Đang khi thâm tín về chân lý của những giá trị thần học mà đời sống Kitô hữu và thánh hiến của chúng ta đã thấm nhuần, chúng ta kinh nghiệm khó mà chạm tới trái tim của những người chúng ta được sai tới; cho họ, chúng ta phải là những dấu chỉ của hy vọng; chúng có một đức tin không thích đáng khi xây dựng cuộc đời, điều ấy khiến chúng ta rúng động; chúng ta biết rằng chúng ta không tiếp chạm với thế giới của chúng; chúng ta ý thức một sự xa lạ, nếu không nói là sự loại trừ, khỏi những kế hoạch của chúng; chúng ta thấy rằng những dấu chỉ, cử chỉ và ngôn ngữ của chúng ta dường như chẳng mảy may tác động gì trên đời chúng.
Có lẽ chúng ta thiếu rõ ràng về vai trò của chính mình trong sứ mệnh mà chúng ta hiến mình cho; có lẽ một số không thâm tín rằng sứ mệnh của chúng ta là hữu ích; có lẽ họ không có thể tìm thấy việc làm hợp với những khát khao của họ, bởi vì chúng ta không biết làm cách nào để mang lại sự canh tân; có lẽ họ cảm thấy bị những tình trạng khẩn cấp ngày một thúc bách hơn cầm tù; có lẽ thiếu một sự kính trọng ad intra hơn là ad extra. Lịch sử có thể giúp chúng ta trong tiến trình làm cho đoàn sủng nên hợp thời; cha giới hạn mình vào việc chỉ ra một vài khía cạnh, cách riêng dành chú ý hơn đến cái thứ nhất.
Sự tiến hóa của những công cuộc và của những người mà vì họ những công cuộc được nhắm tới. Đối với Don Bosco, những đòi hỏi của hiện trạng mới quyết định việc mở những công cuộc mới. Những thiếu niên được chuẩn bị nghèo nàn dưới khía cạnh văn hóa khiến ngài mở một trường sơ cấp vào Chúa nhật tại Valdocco, và rồi vào buổi tối, sau đó vào ban ngày, cách riêng cho những em không thể đến trường công; rồi những trường khác, những xưởng thợ khác nhau, và bằng cách này tới thể phức hợp của “nhà được gắn” với Nguyện Xá thánh Phanxicô Salê. Công cuộc đầu tiên này, từ việc đơn giản là một chỗ cho các thiếu niên tụ lại với nhau trong những ngày lễ để học giáo lý và chơi đùa, trở thành một nơi để đào tạo toàn diện; đối với một số lớn các thiếu niên vốn không có được những phương tiện trợ giúp hữu hình, nó trở thành một mái nhà, một nơi sinh sống. Những cấu trúc khác đã được thêm vào sân chơi và nhà thờ trong đó một chương trình đã khai triển để có thể cử hành các bí tích, dạy đạo giáo cơ bản, vui chơi, mở ra những hoạt động thú vị, thực hành tôn giáo và dân sự. Chúng nhằm cống hiến cơ hội học nghề, và vì thế tránh phải đi vào những xưởng thợ trong thành phố, rất thường là vô luân và nguy hiểm cho những thiếu niên đã bị đè nặng bởi quá khứ khó khăn trước kia. Rồi sau đó những nhà Salêdiêng khác được thành lập, những trường cao đẳng khác – những trường nội trú, và những tiểu chủng viện khác được giao cho Tu hội Salêdiêng vốn đã bắt đầu.
Những thiếu niên cải tạo, những di dân trẻ, và nói chung những thiếu niên không có bất kỳ liên hệ chặt chẽ nào với các giáo xứ của chúng sống chung với nhau tại Nguyện xá đầu tiên. Rồi nâng cấp lên một chút, những học sinh và trẻ học nghề xa “gia đình” được chấp nhận vào Nguyện xá và ký túc xá; chúng vào thành phố để học nghề, hay để học hành; điều này chuẩn bị chúng để lao động. Người ta cống hiến cho một số thiếu niên nào đó thuộc về phạm trù này và những người gặp khó khăn đặc thù, hay các em khác với phương tiện kinh tế lớn hơn, cái khả thể học nghề trong những xưởng thợ được tổ chức, hay việc học hành [văn hóa] trong những trường học và trường cao đẳng. Nhóm này thông thường bao gồm hai phạm trù xã hội khác nhau: “dân lao động nghèo” và “trung lưu”. Rồi những nhu cầu đặc thù dẫn tới việc thiết lập những trường học: sơ cấp, kỹ thuật, trung học phổ thông, huấn nghệ, trường canh nông, trường ban ngày, những trường cao đẳng, cũng như cho giai cấp trung lưu, ở đó là một vấn đề về việc cung cấp một cơ sở khác cho những cơ sở của người đời và tin lành, hay đảm bảo một nền giáo dục Công giáo đầy đủ theo hệ thống dự phòng.
Don Bosco xét rằng sự chọn lựa những người nghèo nhất có thể tương hợp với sự cung cấp các trường học và cao đẳng cho “giai cấp trung lưu” trên phạm vi lớn. Ngài không chống đối bất kỳ ai, nhưng ngài ưa chuộng để chú ý tới giới trung lưu và lao động, là những người cần được giúp đỡ và hỗ trợ nhất. Tuy nhiên, cách thức mà tiến trình trả [học] “phí” thực thi, không dành nhiều chỗ cho những người cực kỳ nghèo hay những người nghèo vừa phải, trừ ra trong trường hợp của những con số rất hạn chế của các thiếu niên được hội từ thiện công hoặc tư nâng đỡ. Rồi một phạm trù tách biệt cốt tại những người trẻ đó, giữa những kẻ nghèo nhất và gặp nguy hiểm nhất được tìm thấy trong những mảnh đất truyền giáo, thiếu ánh sáng đức tin. Một cách tự nhiên, hoạt động truyền giáo không dừng ở giới trẻ, nhưng cố gắng làm mọi người can dự trong vùng lân cận, nó cũng không chỉ giới hạn vào hoạt động mục vụ minh bạch, nhưng trải rộng tới mọi khía cạnh của đời sống dân sự, văn hóa và xã hội, theo điều mà chính Don Bosco nói trong lá thư tháng Mười Một, 1886: mang “tôn giáo và văn minh cho những dân tộc và quốc gia mà cho đến giờ không có.” Không tính đến giai cấp, người ta cũng xem xét đặc biệt đến các thiếu niên tỏ ra một hướng chiều đến đời giáo sĩ hoặc tu sĩ; đây là tặng phẩm quí giá nhất được ban cho Giáo hội và xã hội dân sự.
Cuối cùng ta cũng phải để ý đến những lãnh vực rộng lớn mà “giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi” “bị đẩy ra ngoài lề xã hội” trong những tình trạng đặc biệt nghiêm trọng, đôi khi bi thương, song vẫn còn ở ngoài các hoạt động của Don Bosco: nhóm giới trẻ trồi hiện ngày một hơn bị buộc trong những hoạt động kỹ nghệ mới, ta cần phải giúp đỡ, che chở, huấn luyện chúng một cách xã hội và trong bối cảnh của những công đoàn; thế giới của thiếu niên phạm pháp có ở Turin; những công cuộc để chăm sóc các em vị thành niên đã hay đang trên đường trở thành phạm pháp, mà ngài đã tiếp xúc một mức nào đó; lục địa mênh mông của nghèo khổ và bần cùng, không chỉ trong thành phố đó nhưng thường tệ hại hơn, cả trong miền quê; thế giới rộng khắp của thất học và của tiến bộ qua việc làm nghề nghiệp; thế giới của thất nghiệp và di cư; và thế giới của khuyết tật tâm trí và thể lý.
Nay trang lịch sử này buộc chúng ta suy nghĩ từ viễn cảnh hiện hành. Ngày nay ai là những người mà công cuộc chúng ta tiên vàn nhắm tới? Những công cuộc nào thích hợp với nhu cầu của chúng? Có phải trong Hiến luật Salêdiêng được canh tân, có lẽ sự biến mất bản liệt kê những công cuộc tiêu biểu của Salêdiêng trong đó Nguyện xá chiếm chỗ đầu tiên, góp phần vào việc giảm thiểu số nguyện xá cổ điển của chúng ta, thậm chí được thay bằng các trường trung học và đại học phải không?
Giới trẻ bị bỏ rơi. Như cha nói lúc đầu, ta cần phải nghiên cứu tầm quan trọng lịch sử của Don Bosco, thêm vào những công cuộc, và một vài cách thức làm việc tương đối nguyên thủy (độc đáo), tri nhận mang tính lý trí và cảm xúc về ý nghĩa phổ quát, thần học và xã hội của vấn đề “trẻ bị bỏ rơi”, và khả năng lớn lao của ngài trong việc thông giao tri nhận này cho rất nhiều cộng tác viên, ân nhân và những người hâm mộ.
Rồi, chúng ta hãy tự hỏi: ngày nay, chúng ta có phải là những môn đệ trung thành của ngài không? Như Don Bosco, có phải chúng ta vẫn kinh nghiệm sự xung đột bên trong đó giữa lý tưởng và sự hoàn thành, giữa trực giác và việc hiện thực trực giác đó trong những hoàn cảnh xã hội mà ngài thấy mình đang làm việc không?
Đáp ứng những nhu cầu của giới trẻ. Khi xem xét sự kiện những hoạt động của Don Bosco khi giúp đỡ và giáo dục giới trẻ được phát triển trên bình diện thực tiễn với một mức độ nào đó của “chủ nghĩa cơ hội”, ta cũng cần phải nói rằng việc ngài “đáp ứng” những vấn đề không được đặt nền trên một “kế hoạch” đặc thù có tác dụng trên nền tảng của một khóe nhìn tổng quát được nhận thức trước về tình trạng xã hội và tôn giáo vào thập niên 1800. Khi gặp những vấn đề đặc biệt, ngài tức thời đáp ứng theo một cách địa phương hóa, cho tới khi dần dần những tình trạng đa dạng của giới trẻ dẫn ngài nhìn vào “vấn đề giới trẻ toàn diện” ở khắp nơi. Trong đời sống anh hùng của Don Bosco không có những kế hoạch hay chiến lược dài hạn được làm ra ở bàn giấy – tất cả mọi sự mà ngày nay được xét chính đáng là không thể thiếu được – nhưng là những giải đáp hữu hiệu được trồi hiện cho những vấn đề tức thời, thường là không được nhìn thấy trước.
Ngày nay tất cả điều này có nghĩa gì với chúng ta khi chúng ta đang sống trong “ngôi làng toàn cầu” ở đó mọi sự được biết vào thời gian thực, ở đó chúng ta có sẵn đấy toàn bộ sự khác biệt (đa dạng) của những khoa học được chuyên sâu? Làm thế nào ta đi từ một chính sách cấp thời tới một chính sách được hoạch định? Trên nền tảng của những tiêu chuẩn chính xác nào chúng ta làm những quyết định cụ thể của chúng ta trong lịch sử khi nó diễn ra, chứ không phải từ bên ngoài? Làm thế nào chúng ta có thể tránh mối hiểm nguy lưỡng diện là mất tính duy nhất và căn tính, bằng cách muốn làm mọi sự, bằng cách bỏ những công cuộc ổn định và tiếp tục đi tới những công cuộc khác vốn tạm thời và không được suy nghĩ cẩn thận, đang khi dùng những nguồn lực trên những dự phóng ngắn hạn; và mối nguy là trao ban một giá trị tuyệt đối, và làm thành vĩnh viễn (thường hằng) những nét của Đấng Sáng lập vốn là bất tất, kết tận bằng việc được mãn nguyện với điều chúng ta đã có, đã biết, với một truyền thống bị hóa thạch, được bảo vệ như là sự trung thành với quá khứ, với tất cả thiện ý phải không?
Tính uyển chuyển khi đáp ứng những nhu cầu. Từ phân tích lịch sử chúng ta khám phá thiên tài và khả năng của Don Bosco, trong việc theo đuổi ơn gọi của mình là “cứu” giới trẻ, khi điều phối những công cuộc giáo dục được nhắm đến các thiếu niên của lớp dân chúng lao động trong thành phố với những hoạt động đa dạng hơn nữa theo những mục tiêu khác nhau. Quanh Nguyện xá bé nhỏ tại Valdocco, Don Bosco thành công trong việc qui tụ hàng ngàn thiếu niên lại, trong việc chiếm được sự thỏa thuận và hỗ trợ của những vị thẩm quyền trong Giáo hội tới một mức độ ngày một lớn hơn, hầu như là tất cả. Và việc đóng cửa một vài công cuộc như Nguyện xá Thiên Thần Hộ thủ ở Turin, một vài nhà Salêdiêng đơn độc như Cherasco, Trinità, không phải là dấu hiệu của rút lui nhưng là tổ chức lại và bắt đầu lại. Bằng chứng của điều này là ngài bành trướng sứ mệnh với những công cuộc được nhắm đến đào tạo giới trẻ: thành lập FMA, công cuộc truyền giáo, Cộng tác viên, Tập san Salêdiêng. Những sáng kiến khác nhau này nêu bật bước tiến liên lỷ là tổ chức lại, bắt đầu lại, và phát triển thêm nữa.
Như vậy, bây giờ, liệu không rõ rằng trong tất cả điều chúng ta làm, điều phải được xét là quan trọng thì không chỉ hoặc không chính yếu là cái dáng vẻ, nhưng là thực tại của điều được bắt đầu lại và phát triển trong một sự tái tổ chức khôn ngoan hay sao? Có lẽ có nguy hiểm rằng thông thường việc bó buộc đóng lại quá nhiều công cuộc của chúng ta tỏ ra đơn giản là một vấn đề cắt bớt, hơn là một quyết định được lấy nhằm phát triển hơn nữa phải không?
Đời sống nghèo khó và làm việc không mỏi mệt. Trong những ghi nhận mà truyền thống đã gọi là “Chúc Thư Thiêng Liêng”, Don Bosco viết: “Khi tìm kiếm an nhàn xuất hiện nơi cá nhân, trong phòng ở, và trong các nhà, thì Tu hội bắt đầu suy thoái […] Khi ước muốn an nhàn và tiện nghi lớn lên giữa chúng ta, Tu hội đạo đức của chúng ta sẽ đến hồi kết thúc” (P. Braido ed. “Don Bosco educatore, scritti e testinonianze”, Rome, LAS 1992, pp. 409, 437).
Ngày nay, khi rút lấy khởi hứng của chúng ta từ Don Bosco, liệu chúng ta không phải có can đảm nói rằng khi cộng thể tu sĩ miệt mài xem TV, và đọc báo hàng giờ liên tục, đó là một dấu nói rằng ít nhất trong một nơi chốn đặc thù, chúng ta đang đến hồi kết thúc sao? Ta có thể nói gì khi một trung tâm Salêdiêng bị giảm thiểu xuống còn bốn trẻ nhỏ với một trái banh và một TV, và không thể tìm ra thời giờ để qui tụ các thiếu niên với nhau để làm cho chúng can dự vào công việc ta phải thực hiện, song lại có thể làm thế để tiếp tục những cuộc dã ngoại văn hóa? Có lẽ công cuộc đó cũng đã đến hồi kết thúc; căn cứ vào số trẻ trong công cuộc Salediêng địa phương, đó không phải là mọi sự; tuy nhiên, nó vẫn là nhiệt kế chỉ ra lý lẽ để một nhà hiện diện tại nơi chốn đặc thù đó.
Những đề xướng để đem Hoa thiêng ra ứng dụng
Khởi từ kiến thức về lịch sử của Don Bosco, những tiêu điểm chính và trách vụ nảy sinh từ Hoa thiêng 2012 có thể là như sau. Mỗi nhóm của Gia đình Salêdiêng có thể làm những ứng dụng cụ thể hơn nữa.
- Đức ái mục tử là nét đặc thù của toàn thể câu chuyện cuộc đời Don Bosco và là động lực hướng dẫn tất cả hoạt động của ngài. Chúng ta có thể nói rằng nó là viễn cảnh lịch sử súc tích qua đó đọc toàn thể đời sống ngài. Vị Mục Tử Nhân Lành biết chiên của mình và gọi chúng đích danh, ông giãn khát chúng bằng nước mát trong lành và cho chúng gặm cỏ trong những cánh đồng xanh tươi; ông trở thành cửa qua đó con chiên đi vào chuồng chiên, và trao ban chính đời sống của ông hầu chiên được sống dồi dào (x. Ga 10:11tt). Sức mạnh lớn nhất của đoàn sủng Don Bosco là tình yêu được rút tỉa trực tiếp từ Chúa Giêsu, bắt chước Ngài và ở lại trong Ngài. Tình yêu này hệ tại ở “việc trao ban mọi sự.” Từ đây bắt nguồn lời khấn tông đồ: “Cha nguyện hứa với Chúa rằng cho đến hơi thở cuối cùng cha muốn tận hiến mình hoàn toàn cho các thiếu niên nghèo của cha.” (BM XVIII, 216; x. HL SDB 1).
Đây là nhãn hiệu và tính khả tín của chúng ta với giới trẻ!
- Trong câu chuyện của Don Bosco, chúng ta biết ngài đã chịu nhiều mệt nhọc, hy sinh, thiếu thốn, đau khổ và nhiều hy sinh khác. Vị Mục Tử Nhân Lành thí mạng sống mình vì chiên. Qua những nhu cầu và đòi hỏi của giới trẻ, Thiên Chúa đang xin mỗi phần tử của Gia đình Salêdiêng hy sinh chính mình cho chúng. Như vậy, sống sứ mệnh không phải là một hoạt động hão vì hoạt động mà thôi, nhưng đúng hơn làm cho trái tim chúng ta đồng hình đồng dạng với trái tim của Vị Mục Tử Nhân Lành; Ngài không muốn cho bất kỳ một con chiên của mình bị hư mất. Đó là một sứ mệnh, mang tính nhân bản và thiêng liêng rất sâu xa. Nó là một lối đường tu đức, vì không có một hiện diện sinh động nào giữa giới trẻ mà không có tu đức và hy sinh. Mất một cái gì, hay đúng hơn, mất mọi sự để làm giầu cho cuộc đời của giới trẻ là điều giúp cho chúng ta cam kết tận hiến chính mình.
- Qua những biên bản của việc thành lập Tu hội Salêdiêng, và cách riêng qua sự phát triển công cuộc đa diện của Don Bosco trong lịch sử, chúng ta có thể biết mục đích của Gia đình Salêdiêng, khi mục đích này được chi tiết dần dần. Chúng ta được gọi là tông đồ của giới trẻ, của môi trường bình dân, của những khu vực nghèo khổ và truyền giáo. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cam kết để hiểu biết có phê phán về văn hóa đa phương tiện (truyền thông) và chúng ta sử dụng các phương tiện [truyền thông], cách riêng những kỹ thuật mới, như những cách thức nhân bội đầy tiềm lực các hoạt động chúng ta để gần gũi và giúp đỡ giới trẻ. Như Don Bosco cha chúng ta đã làm, chúng ta làm cho chúng can dự vào như những người cộng sự đầu tiên của chúng ta, đang khi chúng ta ở giữa chúng như những nhà giáo dục. Chúng ta trao cho chúng trách nhiệm, giúp chúng sáng kiến, làm chúng có thể nên những tông đồ giữa các bạn bè cùng trang lứa. Bằng cách này chúng ta mở rộng tâm hồn vĩ đại của Don Bosco hơn nữa; ngài muốn đạt tới và phục vụ giới trẻ khắp thế giới.
- Những ý định tốt lành của chúng ta không thể vẫn còn là những tuyên bố rỗng. Kiến thức của chúng ta về Don Bosco cần phải được chuyển dịch thành một sự cam kết với và cho giới trẻ. Như với Don Bosco, Thiên Chúa đợi chờ chúng ta nơi giới trẻ ngày nay! Vì thế, chúng ta cần phải gặp chúng, ở lại với chúng trong các nơi chốn, hoàn cảnh và biên cương ở đó chúng đợi ta. Chính vì thế chúng ta cần phải đi ra gặp chúng, luôn luôn đi bước trước, bước đi với chúng. Thật phấn khích khi thấy Gia đình Salêdiêng khắp thế giới đang nỗ lực tối đa cho giới trẻ nghèo nhất ra sao: trẻ hè phố, những trẻ em bị loại bỏ, những người thợ trẻ, những người lính trẻ, những em tập nghề trẻ, những em mồ côi bị bỏ quên, những em bị khai thác; nhưng một cõi lòng yêu mến thì luôn là một cõi lòng tự hỏi một số câu hỏi. Tổ chức hoạt động, sáng kiến, cơ sở cho giới trẻ thì không đủ. Điều ta cần là đảm bảo được sự hiện diện, giao tiếp, tương quan với chúng: một lần nữa, đó là vấn đề đảm nhận việc hộ trực, và tái khám phá sự hiện diện đó trên sân chơi.
- Ngay cả hôm nay, Don Bosco hỏi các câu hỏi. Bằng cách biết câu chuyện của ngài, chúng ta phải lắng nghe những câu hỏi mà Don Bosco ngỏ cho chúng ta. Chúng ta có thể làm gì hơn cho giới trẻ nghèo đây? Đâu là những biên cương mới trong những lãnh vực mà chúng ta đang làm việc, trong đất nước mà chúng ta đang sống? Ngoài sự nghèo khổ được nói ở trên, bao nhiêu loại nghèo khổ khác đè nặng giới trẻ ngày nay khi chúng phấn đấu trên đường của mình? Ngày nay, đâu là biên cương mới ở đó chúng ta phải can dự vào? Chúng ta phải nghĩ về thực tại của gia đình, về sự báo động giáo dục, sự lẫn lộn trong việc giáo dục tình cảm và phái tính, thiếu can dự xã hội và chính trị, chiu rút vào cuộc sống riêng của mỗi người, sự yếu đuối thiêng liêng, sự bất hạnh của quá nhiều người trẻ. Chúng ta nghe tiếng kêu của giới trẻ và cống hiến những câu trả lời cho những nhu cầu sâu xa nhất và thúc bách nhất, những nhu cầu thực tiễn và thiêng liêng của chúng.
- Từ kinh nghiệm đời sống của cá nhân ngài, chúng ta có thể biết những đáp ứng mà Don Bosco mang lại trước những nhu cầu của giới trẻ. Bằng cách này chúng ta có thể xem xét tốt hơn nữa những đáp ứng chúng ta đã thiết lập và những đáp ứng khác vẫn cần được tạo nên. Dĩ nhiên có khó khăn. Chúng ta phải “đối điện với những con sói” muốn cắn xé đàn chiên: sự dửng dưng, chủ thuyết tương đối luân lý, chủ nghĩa tiêu thụ vốn phá hủy giá trị của các sự vật và những kinh nghiệm, những ý thức hệ sai lạc. Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta, còn Don Bosco lại khuyến khích chúng ta để là những mục tử tốt lành theo hình ảnh của vị Mục Tử Nhân Lành, để giới trẻ vẫn tìm được những người cha, người mẹ, bạn hữu; và trên hết có thể tìm ra Sự Sống, Sự Sống Chân Thật, sự sống phong phú mà Đức Giêsu trao ban.
- Hồi ký Nguyện xá của thánh Phanxicô Salê được viết do Đức Pio IX rõ ràng yêu cầu, là một điểm qui chiếu để biết hành trình thiêng liêng và mục vụ của Don Bosco. Chúng được viết để chúng ta có thể biết những khởi đầu kỳ diệu của ơn gọi và công cuộc của Don Bosco, nhưng nhất là, để khi đảm trách những động cơ và chọn lựa của Don Bosco, chúng ta như những cá nhân và như mỗi nhóm của Gia đình Salêdiêng, có thể tiếp tục theo cùng một hành trình thiêng liêng và tông đồ. Chúng được coi như “những ký ức về tương lai”. Vì thế suốt năm nay, chúng ta hãy cam kết để biết đến bản văn này, thông truyền nội dung của nó, gieo rắc nó, và nhất là đặt nó vào trong tay của giới trẻ: nó phải trở thành một cuốn sách truyền cảm hứng khi chúng làm những quyết định về ơn gọi của chúng.
Kết luận
Thông thường cha muốn kết thúc bài trình bày Hoa Thiêng với một giai thoại rất ấn tượng. Tuy nhiên, trước khi làm điều này, cha muốn gợi nhắc ở đây “giấc mơ 9 tuổi”. Thực sự, dường như đối với cha, trang tự thuật này cung cấp một trình bày đơn sơ, nhưng đồng thời có tính ngôn sứ về tinh thần và sứ mệnh của Don Bosco. Trong đó, miêu tả cánh đồng công cuộc được trao cho ngài: giới trẻ; nơi đó chỉ ra mục đích của công việc tông đồ: làm chúng tăng trưởng như những cá nhân qua giáo dục; trong đó ban cho ngài một phương pháp giáo dục hiệu quả: Hệ Thống Dự Phòng; ở đấy trình bày bối cảnh trong đó mọi điều ngài làm và ngày nay mọi điều ta làm: kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa, đấng trước tiên và hơn bất kỳ cái gì khác, yêu mến giới trẻ. Chính Ngài làm chúng nên giàu có với mọi loại tặng phẩm và làm chúng trách nhiệm đối với sự phát triển của chúng, hầu chúng chiếm được chỗ đúng đắn trong xã hội. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, chúng không chỉ được đảm bảo thành công ở đời này, nhưng cũng được hạnh phúc vĩnh cửu. Vì thế, chúng ta hãy lắng nghe Don Bosco, và chúng ta sẽ nghe “giấc mơ của đời ngài.”
«Đứa trẻ của giấc mơ”
Chính vào tuổi đó cha đã có một giấc mơ. Suốt đời giấc mơ này vẫn tác động sâu xa đến tâm trí của cha. Trong giấc mơ cha hình như đang ở gần nhà trong một cái sân khá rộng. Nơi đó một đám trẻ em đang chơi đùa. Một số cười đùa, số khác chơi trò chơi, và số khác nữa văng tục chửi thề. Khi nghe được những lời này, cha lập tức nhảy vào giữa chúng và cố gắng dùng quát tháo và nắm đấm để bắt chúng im ngay.
Ngay lúc ấy một người quí phái xuất hiện; ông ăn vận rất quí phái. Ông mang một áo choàng trắng. Khuôn mặt ông rạng sáng đến nỗi cha không thể nhìn thẳng mặt ông. Ông gọi cha đích danh, bảo tôi đảm trách những trẻ em này. Ông nói thêm những lời này: “Con những phải chiến thắng các bạn của con không phải bằng đấm đá, nhưng bằng hiền dịu và tình yêu. Hãy lập tức bắt đầu dạy chúng tội lỗi thật xấu xa còn nhân đức thật giá trị.”
Bối rối và sợ hãi, cha trả lời rằng mình là một đứa trẻ nghèo khổ và dốt nát. Cha không thể dạy giáo lý cho các thiếu niên này. Vào lúc đó, các trẻ ngưng đánh nhau, la hét và thề thốt; chúng vây quanh người quí phái đang nói đó.
Không biết mình nói gì, cha hỏi: “Ông là ai, mà ra lệnh cho con làm điều không thể được ấy?”
“Chính vì dường như không thể được đối với con mà con phải làm cho nó thành có thể được nhờ vâng phục và thủ đắc tri thức.”
“Ở đâu, bằng phương tiện nào, con có thể thủ đắc kiến thức?”
“Ta sẽ cho con một bà giáo. Theo bà hướng dẫn, con có thể trở nên khôn ngoan. Không có bà, mọi khôn ngoan đều là ngu dốt.”
“Nhưng ông là ai mà nói thế?”
“Ta là con của người phụ nữ mà mẹ con đã dạy con phải chào hỏi ba lần một ngày.”
“Mẹ con bảo con không được nhập bọn với những người mà con không biết trừ phi bà cho phép. Vì vậy, xin hãy nói cho con tên của ông đi.”
“Con hãy hỏi mẹ ta tên của ta là gì.
Lúc đó, tôi thấy một bà có dáng vẻ oai nghiêm đứng bên cạnh ông. Người nữ ấy mang một áo dài lấp lánh như thể được bao phủ bằng muôn tinh tú sao trời. Khi thấy từ những câu hỏi và trả lời cha còn lúng túng hơn bao giờ hết, bà ra hiệu cho cha đến gần. Bà dịu dàng cầm tay cha mà nói: “Xem này”. Nhìn quanh, cha ý thức rằng tất cả thiếu niên đã biến sạch. Thế vào đó là cả một đám thú vật chó, dê, mèo và những thú vật khác.
“Đây là cánh đồng con làm việc. Con hãy làm cho mình nên khiêm tốn, mạnh mẽ và nghị lực. Điều con thấy đang xảy ra cho những thú vật này trong chốc lát là điều con phải làm cho con cái của Ta.” Cha lại nhìn quanh lần nữa, và ở chỗ mà cha đã thấy những thú hoang, nay cha thấy toàn nhĩng con chiên hiền. Chúng tung tăng nhảy nhót và kêu be be như thể đón chào người đàn ông quí phái và bà sang trọng.
Lúc đó, vẫn mơ màng, cha bắt đầu khóc. Cha xin bà giải thích hầu có thể hiểu bà, bởi vì cha không biết tất cả điều này có nghĩa gì. Bà đặt tay trên đầu cha mà bảo: “Vào lúc thuận tiện, con sẽ hiểu mọi sự.”
Với điều ấy, một tiếng động đánh thức cha dậy. Mọi sự biến mất. Cha hoàn toàn hoang mang. Tay cha dường như ê ẩm do cha đã đấm đá; mặt cha râm râm do những gì tôi nhận được. Ký ức về người quí phái và phụ nữ sang trọng đó, và những gì đã nói và đã nghe, xâm chiếm tâm trí tôi đến nỗi đêm ấy cha không thể thiếp ngủ được nữa.
(Hồi Ký Nguyện Xá thánh Phanxicô Salê, critical edition by Antonio da Silva Ferreira, LAS Rome 1991)
Don Bosco viết trong “Hồi Ký Nguyện xá” rằng giấc mơ này “vẫn còn ấn tượng sâu xa trên tâm trí cha suốt đời,” hầu ngày nay ta có thể nói rằng ngài sống để biến giấc mơ thành hiện thực.
Và rồi, điều mà Cha thân yêu của chúng ta dùng làm kế hoạch đời sống của mình, khi làm cho các thiếu niên thành mục đích của ngài trong cuộc đời, và hiến tất cả năng lực của ngài mãi cho tới hơi thở cuối cùng vì chúng, là điều chúng ta hết thảy cũng đều được kêu gọi để làm như thế.
Giai thoại mà lần này cha lấy từ lịch sử, minh họa rất hùng hồn ước muốn của Don Bosco là nên dấu chỉ tình yêu không bao giờ thất vọng. Lần đầu tiên cha nghe giai thoại này do một hội viên từ Tỉnh Dòng Úc, cha Lawrie Moate, trong một diễn từ giới thiệu vào dịp cử hành kim khánh (50 năm) đời sống Salêdiêng, tại Lysterfield vào 9 tháng Bảy, 2011:
“Âm nhạc tiếp tục trổi vang”
“Bạn hãy tưởng tượng một sân trong của một nhà tù vào thế kỷ 18 thời thực dân Âu châu. Đó là buổi bình minh. Đang khi mặt trời bắt đầu lấp đầy khung trời phía đông với sắc vàng óng ánh, một tù nhân được mang ra sân đó để bị hành quyết. Đó là một linh mục; ông bị kết án tử vì chống lại sự tàn ác mà những người dân bản xứ trong thời thực dân từng phải chịu. Ông đứng trước bức tường và nhìn vào tiểu đội hành quyết, những người anh em cùng quê hương mình. Trước khi bịt mắt ông, viên sĩ quan hỏi ông câu hỏi truyền thống về những ước nguyện cuối cùng của ông. Câu trả lời khiến mọi người ngạc nhiên: ông xin có thể thổi sáo lần cuối cùng. Những người lính được đặt vào “tình trạng thoải mái” khi họ chờ đợi người tù thổi sáo. Khi những nốt nhạc bắt đầu trổi lên làm đầy không khí im lặng buổi sáng, toàn trại tù tràn ngập với âm nhạc; ngọt ngào và quyến rũ, âm nhạc làm đầy chốn tù đầy đó với sự bình an một chứng từ hằng ngày trước sự bạo tàn và buồn thảm. Viên sĩ quan lo lắng bởi vì bản nhạc càng kéo dài, thì trách vụ ông thi hành dường như càng phi lý. Vì vậy ông ra lệnh quân lính phải khai hỏa. Vị linh mục chết ngay, nhưng mọi người hiện diện đều kinh ngạc âm nhạc tiếp tục vũ điệu sự sống; cái chết bị thách thức.”
Âm nhạc dịu ngọt của sự sống từ đâu đến?
Trong một xã hội hoàn toàn cam kết để làm cho sứ điệp của Đức Kitô phải lặng câm, cha nghĩ ơn gọi của chúng ta là ở giữa những người tiếp tục làm cho âm nhạc Sự Sống được nghe thấy. Trong một thế giới làm mọi sự có thể để ngăn cản giới trẻ nghe lời mời gọi tha thiết của Đức Kitô “hãy đến mà xem”, thì đặc ân của chúng ta là được lôi kéo tới Don Bosco và được khích lệ để cử nhạc của cõi lòng, để làm chứng cho đấng siêu việt, để thi hành tình cha thiêng liêng, để dẫn thanh thiếu niên vào một hướng vốn tương ứng với phẩm giá của chúng và với những ước muốn chân chính của Chúa.
Đây là vũ điệu của Thần khí! Đây là nhạc thánh Thần Linh!
PHỤ LỤC 2
THOÁNG NHÌN VÀO CUỘC ĐỜI CỦA DON BOSCO
16/08/1815 Sinh tại Becchi, Castelnuovo
11/05/1817 Francis Louis Bosco, bố của Gioan Bosco qua đời.
1824 Nhận được sự giáo dục của cha Giuse Lacqua tại Capriglio
1826 Rước lễ lần đầu
1828 Làm việc tại trang trại Moglia
1829 Học tiếng Ý và Latinh dưới sự bảo
trợ của cha Gioan Melchior Calosso
1830 Học sơ cấp tại Castelnuovo
1831 Học nhân văn và hùng biện tại Chieri
1835 Gia nhập chủng viện Chieri
05/06/1841 Thụ phong linh mục tại Chieri
11/1841 Gia nhập Học viện Giáo sĩ (Convitto Ecclesiastico) nhằm đào luyện thêm về mục vụ
08/12/1841 Khởi sự Nguyện xá sau khi gặp gỡ Bartholomeo Garelli
1844 Làm cha tuyên úy tại lưu xá được thành lập do chân phước Juliet Fraces Colbert de Maulevrier, bà bá tước Barolo
05/1845 – 03/1846 Nguyện xá lang thang
12/04/1846 (Chúa nhật Phục Sinh) thành lập Nguyện xá tại túp lều Pinardi. Don Bosco ốm thập tử nhất sinh. Mẹ Magarita của Don Bosco đến nguyện xá. Trường bình dân học vụ ban tối để dạy đọc, viết và toán.
1849 Mở Nguyện xá Thiên thần Hộ thủ.
Xuất bản cuốn Bạn của thanh thiếu niên và Vị thầy của dân chúng.
1850 Thành lập Câu lạc bộ công nhân hay Hội tương trợ cho các thanh thiếu niên lao động tại Turin.
1852 Được Tổng Giám mục Luy Fransoni chỉ định làm giám đốc của ba Nguyện xá.
1853 Phát hành Tập san Công giáo (Catholic Readings)
Thành lập xưởng đóng giày và xưởng may
1854 Thành lập xưởng đóng sách
Đaminh Saviô tham gia Nguyện xá
1855 Thành lập trường dạy văn phạm (cấp 1) tại Nguyện xá
1856 Khởi xướng xưởng mộc
Thành lập trường dạy văn phạm (trình độ 2 và 3)
Đaminh Saviô thành lập Hội lành Mẹ Vô nhiễm (nhóm hoạt động tông đồ giữa các bạn trẻ)
1857 Giuse Bongiovanni, người bạn thân của Đaminh Saviô, sau này là một linh mục, thành lập Hội lành Thánh Thể (để tôn thờ) và Hội Giúp lễ (dành cho nhóm giúp lễ).
16/04/1858 Chuyến đi Rôma lần đầu tiên để hoạch định vì sự bền vững của Nguyện xá trong tương lai
1859 Thành lập trường dạy văn phạm (trình độ 4 và 5) tại nguyện xá
(18/12) Thiết lập Tu hội Salêdiêng với 18 thành viên đầu tiên
1860 Sư huynh đầu tiên gia nhập Tu Hội Salêdiêng
1861 Xưởng in được khởi xướng
1862 Xưởng sắt được ra đời
(14/05) 22 thành viên khấn lần đầu trong Tu Hội
1863 Trường học đầu tiên được mở bên ngoài Valdocco: Mirabello
1864 Thiết lập Collegio tại Lanzo
Decretumm Laudis từ Rome, công bố Tu Hội Salêdiêng là một tu hội thuộc quyền Giáo Hoàng.
1865 Xuất bản cuốn Library of Latin Authors
1868 Thánh hiến Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu
1869 Roma phê chuẩn Tu Hội Salêdiêng
Phát hành cuốn Library of Ilalian Youth
1870 Thành lập Collegio-Convitto tại Alassio
1871 Thành lập các trường học tại Marassi và tại Sampierdarena
05/8/1872 Hội dòng con Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu được thành lập
1874 Roma phê chuẩn Hiến luật Tu Hội
1875 Khai mở việc truyền giáo –
Những người Salêdiêng được sai đến Argentina, Uruguay, Pháp, Tây Ban Nha và Anh
1876 Thành lập Hiệp Hội Cộng Tác Viên
08/1877 Phát hành tờ báo Salesian lần đầu tiên
Tổng Tu Nghị (TTN) Salêdiêng lần đầu tiên (1880, 1883, 1886)
31/01/1888 Don Bosco qua đời tại Turin
24/071907 Đức Giáo Hoàng Piô X tuyên phong “Đáng kính”
02/06/1929 Đức Giáo Hoàng Piô X tuyên phong chân phước
01/04/1934 Đức Giáo Hoàng Piô X tuyên thánh Don Bosco
Leave a Reply