giấc mơ 10 viên ngọc

Giấc Mơ 10 Viên Ngọc

  • Pascual Chavez

GIẤC MƠ 10 VIÊN NGỌC

Những Bài Suy Niệm Của Cha Bề Trên Cả

Về Tinh Thần Sa-Lê-Diêng

Theo Giấc Mơ Qualis Esse Debet

  1. Món quà của Chúa Quan Phòng.

Một số anh em chúng ta họp mặt để chia sẻ cùng nhau những ngày hồi tâm và ở lại bên Chúa. Chúng ta biết lấy gì làm đề tài suy nghĩ trong những ngày này. Thật khó nêu lên những nét đầy đủ và rõ ràng nhằm đáp ứng với khát vọng của người Sa-lê-diêng chúng ta muốn hiểu biết hơn về mình. May mắn thay vào những ngày sát với tuần tĩnh tâm, Chúa Quan Phòng đã gởi đến cho chúng ta những bài suy niệm của Cha Bề Trên Cả về tinh thần Sa-lê-diêng trong giấc mơ Qualis esse debet của Don Bosco. Chúng ta hân hoan đón nhận lấy món quà này.

  1. Don Bosco, vị thánh của những giấc mơ.

Giữa các vị thánh, Don Bosco nổi bật như một vị thánh mơ những giấc mơ thật kỳ diệu. Những giấc mơ của Don Bosco hiện lên như một bài suy niệm phi thường, một nhịp cầu với thế giới siêu nhiên. Chúng chiếm một chỗ sâu rộng trong cuộc đời ngài, đến độ ta phải coi đời ngài là một chuỗi kế tiếp những giấc mơ. Ta thực sự đứng trước một điều bí ẩn đang chờ đợi để được khai mở. Khi nói đến những giấc mơ tự nhiên, ta nghĩ tới các cách cắt nghĩa của khoa phân tâm học và thế giới của mộng mơ… nhưng đó chưa hẳn là cách duy nhất để cắt nghĩa. Trong Kinh Thánh, điều xảy ra trong các giấc mơ chính là một lời của Thiên Chúa được vọng tới tai con người. Tại Troa, Phaolo đã mơ: “Phaolo thấy trong thị kiến một người Makedonia đứng khẩn xin với ông rằng: hãy qua Makedonia cứu giúp chúng tôi” (Cv 16,9-10). Không có giấc mơ này, có lẽ Phaolo đã không bao giờ đặt chân lên châu Âu và Tây phương có lẽ đã không sớm trở lại Kitô giáo.

Những giấc mơ của Don Bosco có thể thuộc loại như thế.

Giấc mơ Qualis esse debet  (Người Sa-lê-diêng phải nên như thế nào) xảy ra vào ngày 10.09.1881 là một trong số các giấc mơ cuối đời Don Bosco: vào những năm 1870 – 1887. Chị Cecilia Romero, một nữ tu Con Đức Mẹ Phù Hộ đã viết: “Một hoàn cảnh như thế phản ánh rõ ràng trên nội dung của những giấc mơ. Giờ phút lịch sử trong đó xảy ra những giấc mơ này, sau khi vương quốc trần thế của các Đức Thánh Cha đổ vỡ, bị ảnh hưởng sâu rộng bởi các thay đổi xã hội, chính trị, tôn giáo. Giữa những vấn đề phát sinh ra từ biến cố này, một trong những vấn đề quan trọng là vấn đề ơn gọi tu sĩ và linh mục”.

Đàng khác, đối với Don Bosco, đây là thời kỳ suy nghĩ lại về công trình giáo dục và về Tu hội. Tu hội phải bền chặt để đáp ứng những chờ mong của Hội Thánh và xã hội hiện tại cũng như tương lai. Bởi thế, cần phải có một sự tăng trưởng vững mạnh để đáp ứng kịp thời với việc phát triển truyền giáo mau chóng và lớn rộng là đặc điểm của hậu bán thế kỷ XIX.

Một hoàn cảnh suy nghĩ lại như thế cũng được chứng minh bởi các tác phẩm khác của Don Bosco viết vào thời gian này. Chúng ta chỉ cần nhắc lại vài tác phẩm như “Hồi ký của Khánh lễ viện” (1873-1875) và cuốn sách nhỏ “Phương pháp Dự phòng” (1877).

Nhìn dưới khía cạnh này, các giấc mơ trên mặc lấy một tầm quan trọng đặc biệt, vì nội dung, vì những đặc điểm chung và riêng của chúng giúp chúng ta phân tích với kết quả dưới các bình diện tâm lý, sư phạm, thần học, lịch sử… Giấc mơ 10 viên ngọc đặc biệt quan trọng, vì tính cách miêu tả tinh thần Sa-lê-diêng. Chúng ta cố gắng ghi lại trung thực những gì Don Bosco kể.

  1. Giấc mơ 10 viên ngọc.

Ước chi ân sủng của Chúa Thánh Thần soi sáng giác quan và cõi lòng chúng ta. Amen. Để giáo huấn Tu hội Sa-lê-diêng nên lành thánh.

Ngày 10.07.1881, ngày Giáo hội dâng kính cho tên vinh quang của Đức Maria, những người Sa-lê-diêng tụ họp tại San Benigno – Canavese để tĩnh tâm.

  1. Mẫu của người Sa-lê-diêng thật (Cảnh 1).

Đêm mùng 10 sang ngày 11, khi cha đang ngủ, trí cha thấy mình ở trong một phòng trang hoàng lộng lẫy, khi ấy xuất hiện giữa chúng ta một người dáng vẻ thật uy nghi khiến mắt chúng tôi nhìn sửng sốt. Người ấy nhìn chúng tôi, rồi bước xa khỏi chúng tôi vài bước. Người ấy mặc như sau: một chiếc áo choàng lộng lẫy, giống như khăn choàng phủ trên người. Phía gần cổ kết lại và một dải khăn buông lỏng xuống ngực. Phía trước ghi hàng chữ sáng ngời “Tu hội lành thánh Sa-lê-diêng” và trên viết lời sau: “Phải là như thế”.

10 viên ngọc có độ lớn và vẻ rực sáng phi thường khiến chúng tôi không thể nào nhắm mắt khỏi nhìn về nhân vật cao cả này. 3 viên ngọc trên ngực được viết chữ như sau: một viên chữ TIN, viên khác chữ CẬY và viên ở trên trái tim chữ MẾN. Viên thứ 4 trên vai phải viết chữ LÀM VIỆC, trên viên thứ 5 bên vai trái đọc thấy chữ TIẾT ĐỘ. 5 viên ngọc khác ở đàng sau tấm áo choàng được xếp đặt như sau: viên lớn nhất và rực sáng nhất ở chính giữa như trung tâm của 4 viên khác mang chữ VÂNG LỜI. Trên viên ở bên phải, ta đọc thấy chữ LỜI KHẤN KHÓ NGHÈO. Trên viên ở phía dưới có chữ PHẦN THƯỞNG. Trên viên bên trái ở vị trí cao hơn một chút: LỜI KHẤN THANH KHIẾT. Vẻ rực rỡ của viên này phát ra một thứ ánh sáng hoàn toàn đặc biệt, và càng nhìn càng thấy hấp dẫn, thu hút ánh nhìn như nam châm thu hút sắt. Trên viên thứ hai ở bên trái, phía dưới viết chữ CHAY TỊNH. Tất cả 4 viên này dọi chiếu ánh sáng trên viên ngọc ở trung tâm.

MỘT SỐ CHÂM NGÔN SOI SÁNG

Để khỏi tạo nên hỗn độn, cần ghi nhận là các viên ngọc rực sáng này phát ra những tia sáng giống như ngọn lửa vươn lên cao và mang những dòng chữ viết khác nhau:

Trên viên ngọc Đức Tin vươn lên dòng chữ: “Hãy giữ vững khiên thuẫn đức tin để các bạn có thể chiến đấu chống cạm bẫy ma quỷ”. Tia sáng khác có chữ: “Đức tin không việc làm là đức tin chết. Không phải kẻ nghe, nhưng kẻ thực hành Luật mới có được Nước Thiên Chúa”.

Trên những tia của Đức Cậy“Hãy trông cậy vào Chúa chứ không phải con người. Lòng các ngươi hãy luôn nhắm chinh phục niềm vui chân thực”.

Trên viên Đức Mến viết: “Hãy mang gánh nặng của nhau, nếu các con muốn hoàn thành luật của Ta. Hãy mến yêu và các con sẽ được yêu mến. Nhưng hãy yêu linh hồn các con và linh hồn người khác. Hãy đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ sốt sắng, hãy cử hành Thánh Lễ chăm chú, hãy sốt mến viếng Đấng Thánh của các thánh”.

Tiếp chữ Làm Việc có lời: “Là phương dược chống dục vọng, khí giới mạnh mẽ chống lại các cám dỗ của ma quỷ”.

Trên Tiết Độ“Lửa sẽ tắt nếu lấy củi đi. Hãy ký giao ước với đôi mắt, cổ họng và với giấc ngủ của ngươi, để kẻ thù không chiếm lấy linh hồn các con. Vô độ và thanh khiết không thể cùng tồn tại”.

Trên những tia của Vâng Lời“Nền tảng và triều thiên của tòa nhà thánh thiện”.

Trên những tia Khó Nghèo“Nước Trời là của những ai nghèo khó. Những sự giàu sang như gai nhọn. Nghèo khó không sống bằng lời, mà bằng tình yêu và bằng sự việc. Nó mở cho ta cửa trời”.

Trên các tia sáng của Thanh Khiết“Tất cả các nhân đức cùng theo với nó. Kẻ sạch trong lòng nhìn thấy những bí mật của Thiên Chúa và chiêm ngắm chính Thiên Chúa”.

Trên những tia sáng của Phần Thưởng“Nếu sự lớn lao của phần thưởng lôi kéo các con, các con đừng kinh hoảng vì số lượng lao nhọc. Ai chịu khổ với Ta sẽ cùng Ta vui hưởng. Cái ta chịu khổ trên thế gian mau qua, điều làm vui sướng các bạn của Ta trên Trời thì vĩnh cửu”.

Trên những tia của Chay Tịnh“Khí cụ mạnh mẽ nhất chống lại những cạm bẫy của ma quỷ, là người lính canh của các nhân đức. Với việc ăn chay, ta xua đuổi mọi thứ kẻ thù”.

LỜI CẢNH CÁO CÓ UY QUYỀN

Một dải vải màu hồng dùng để viền phía dưới tấm áo choàng, trên đó có viết: Đề tài rao giảng sáng, trưa, chiều. Hãy gom các hành động nhân đức bé nhỏ làm kho tàng và hãy xây lên một tòa nhà thánh thiện lớn lao. Khốn cho các ngươi khi khinh chê những điều bé nhỏ, từng phút một các ngươi sẽ đi đến diệt vong.

Cho tới lúc đó, các giám đốc người thì đứng, người quỳ, nhưng tất cả đều sửng sốt và không ai nói lời nào. Tới lúc đó, cha Rua sững sờ thốt lên: “Cần phải ghi nốt kẻo quên”. Ngài tìm giấy bút nhưng không thấy, ngài lấy cặp ra tìm nhưng không thấy có bút. Cha Durando nói: “Tôi sẽ nhớ”. Cha Fagnano thêm: “Tôi sẽ lấy nốt” rồi bắt đầu dùng cành hồng viết. Tất cả ngắm nhìn và đều hiểu chữ ngài viết. Khi cha Fagnano ngưng viết, cha Costamagna tiếp tục đọc: “Đức mến hiểu mọi sự, chịu đựng mọi sự, chiến thắng mọi sự, hãy thực hành lòng mến bằng lời và hành động”.

  1. Cảnh trái ngược với người Sa-lê-diêng chân thật (Cảnh 2).

Trong khi cha Fagnano viết thì ánh sáng biến mất, và tất cả chúng tôi ở trong bóng tối dày đặc. Cha Ghivarello nói: “Im lặng, chúng ta hãy quỳ gối xuống cầu nguyện và ánh sáng sẽ lại xuất hiện”. Cha Lasagna bắt đầu xướng Veni Creator, rồi Kinh Từ vực sâu, rồi Đức Mẹ Phù Hộ… Tất cả đáp lại.

Khi đọc tới “Cầu cho chúng con”, ánh sáng lại xuất hiện, với một tấm biển chữ, trên đó ta đọc thấy: “Tu hội đạo đức Sa-lê-diêng có nguy cơ trở thành như thế”. Một lúc sau ánh sáng trở thành rõ rệt hơn và chúng tôi có thể nhận ra nhau, biết lẫn nhau.

Giữa khoảng sáng lờ mờ ấy, nhân vật trước kia lại xuất hiện với vẻ mặt buồn thảm giống như người sắp khóc. Áo choàng lạt màu, rách nát và hư hại nhiều do sâu bọ và các côn trùng khác rúc rỉa.

Nhân vật đó nói: “Hãy nhìn và hãy hiểu lấy”. Tôi nhìn 10 viên ngọc đã trở thành 10 con sâu đang giận dữ cắn nát áo.

Ở viên ngọc Đức Tin có chữ: “ngủ nghê và chua ngoa”;

Viên ngọc Đức Cậy“Cười đùa và nhạt nhẽo, thật đáng xấu hổ”

Viên ngọc Đức Mến“Chểnh mảng hiến thân mình cho những công việc của Chúa. Yêu thích và tìm kiếm sở thích riêng của mình chứ không phải những lý tưởng của chính Đức Giêsu Kitô”;

Viên ngọc Tiết Độ“Mê ăn, Chúa của chúng là cái bụng”;

Làm Việc“Ngủ mê, ăn cắp và nhàn rỗi”;

Vâng Lời: Không có gì khác ngoài một chỗ hư hoại lớn, sâu hoắm, không có chữ viết;

Khó Nghèo“Giường, áo mặc, đồ uống và tiền bạc”;

Thanh Khiết“Dục vọng của mắt và kiêu ngạo của đời sống”;

Phần Thưởng: “Gia sản của ta ở nơi trái đất này”;

Chay Tịnh: có khoảng hư hoại nhưng không viết gì.

Trước cảnh ấy, tất cả đều khiếp sợ. Cha Lasagna ngất đi và ngã xuống. Cha Cagliero xanh như tàu lá, tựa vào ghế và thốt lên: “Làm sao mà tới nông nỗi này?”. Cha Lajero và cha Guidario hoàn toàn sững sờ, nắm lấy tay nhau kẻo ngã. Cha Francesia, Bá tước Cays, cha Barberis và cha Leveratto quỳ gối ngay tại đó cầu nguyện với tràng hạt trong tay.

Trong lúc đó một tiếng nói vang lên: “Làm sao cả một màu sắc rực rỡ biến tan đi như thế?”.

  1. Sứ điệp của người thanh niên.

Tiếng nói với bóng tối là một hiện tượng đặc biệt: trong một lúc chúng tôi hoàn toàn chìm trong tối tăm dày đặc, rồi giữa cảnh tối tăm đó thình lình xuất hiện một ánh sáng chói ngời, có hình một thân thể con người. Chúng tôi không thể nhìn thẳng vào, nhưng có thể nhận ra đó là một thanh niên tuyệt đẹp, mặc áo trắng dệt với những sợi chỉ vàng và bạc. Xung quanh áo có cả một chuỗi những viên ngọc cực sáng.

Với vẻ mặt uy nghi, nhưng rất dịu dàng và đáng mến, người thanh niên nói những lời nguyên văn như sau: “Hỡi các đầy tớ và dụng cụ của Thiên Chúa toàn năng, xin hãy lắng nghe và hiểu cho tôi. Hãy mạnh mẽ và can đảm lên. Những điều các bạn đã thấy và đã nghe là một lời cảnh cáo từ Trời, được gởi tới các bạn và các anh em, hãy chú ý và nghe rõ điều đã được báo cho các bạn. Những lỗi lầm đã lường trước được tạo nên vết thương nhỏ hơn và có thể ngăn ngừa được. Bao nhiêu ý tưởng đã được nêu lên đây là bấy nhiêu đề tài rao giảng. Hãy rao giảng không ngừng vào lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Nhưng điều các bạn rao giảng, hãy kiên tâm thi hành, để công việc các bạn như một ánh sáng, dưới hình thức một truyền thống vững chắc, sẽ dọi chiếu trên các bạn và con cháu các bạn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các bạn hãy nghe và hãy hiểu. Hãy minh mẫn trong việc tiếp nhận tập sinh, mạnh mẽ trong việc vun trồng họ, khôn ngoan trong việc thu nhận họ. Hãy thử thách tất cả, nhưng chỉ giữ lại điều gì là tốt. Hãy thải hồi những người nhẹ dạ và hay thay đổi. Các bạn hãy nghe và hãy hiểu. Nguyện ngắm sáng, trưa và chiều sẽ luôn luôn trên việc tuân giữ Hiến luật. Nếu các bạn luôn làm thế, các bạn sẽ không bao giờ thiếu sự trợ giúp của Đấng toàn năng. Các bạn sẽ trở nên tuyệt diệu trước mắt thế gian và các Thiên Thần, và vinh quang của các bạn sẽ là vinh quang của Thiên Chúa. Người ta sẽ nói về các bạn: điều ấy quả do Thiên Chúa làm ra, thật lạ lùng trước mắt chúng tôi. Khi ấy tất cả anh em và con cái các bạn sẽ hát cùng một tiếng duy nhất: Vinh quang không dành cho chúng con, lạy Chúa, nhưng cho danh Chúa” .

Lời sau cùng này được hát lên, và kết hợp với người lĩnh xướng là vô vàn giọng hát khác rất hòa điệu, vang âm mãnh liệt khiến chúng tôi ngất ngây. Và để khỏi ngất đi, chúng tôi hiệp cùng nhau ca hát. Vào lúc bài hát dứt, ánh sáng mờ đi. Khi ấy tôi bừng tỉnh, và tôi nhận ra đã sáng rồi.

  1. Lời ghi nhận của Don Bosco.

Giấc mơ này hầu như kéo dài suốt đêm, và sáng dậy tôi mệt nhoài, kiệt lực, nhưng vì sợ quên mất, tôi vội dậy và ghi nốt, hầu gợi cho tôi nhớ lại những điều tôi đã trình bày trong ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình. Tôi không thể nhớ hết được. Giữa những điều tôi có thể nêu lên cách chắc chắn là Chúa đã sử dụng lòng nhân từ lớn lao của Người cho chúng ta. Tu hội chúng ta được Chúa chúc lành. Nhưng Chúa muốn chúng ta đóng góp công việc của chúng ta. Các sự dữ đe dọa sẽ được đề phòng nếu chúng ta rao giảng về các nhân đức và các tật xấu nêu lên ở trên. Nếu điều ta rao giảng, ta thực hành và chuyển đạt lại cho các anh em ta qua một truyền thống thực tiễn về các điều ta đã làm và sẽ làm.

  1. Việc ghi lại giấc mơ trên

Vài tuần sau ngày 11.09, chính Don Bosco viết lại giấc mơ này, sửa đi sửa lại, trong cố gắng trung thực với điều Don Bosco khiêm cung cho là một lời cảnh cáo từ trên ban xuống.  

Giấc mơ được coi là gợi hứng từ trên, với lời dẫn nhập long trọng: “Chớ gì ân sủng của Chúa Thánh Thần soi sáng giác quan và cõi lòng chúng ta. Amen”. Qua bản thảo của Don Bosco, Don Besto đã chép ra một bản mới được chính Don Bosco xem lại rồi viết thêm đoạn ghi nhận ở cuối, trong đó ngài viết: “Giấc mơ kéo dài hầu như suốt đêm, đến sáng tôi thấy mình kiệt lực, nhưng sợ quên, tôi vội dậy ghi một vài nốt để giúp trí nhớ lại những gì tôi đã trình bày vào ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, tức là ngày 21.11”.

Tại San Begnino Canavese vẫn còn ghi nhận cho tới nay căn phòng và giường nơi Don Bosco mơ giấc mơ này. Hầu như liền ngay sau đó, nội dung giấc mơ là đề tài suy niệm, duyệt xét đời sống và nhằm đào luyện các người Sa-lê-diêng. Chúng ta còn giữ được bản ghi nốt (1889) của thầy Ercole Maria Barchi di Galbiate (Novara) khấn trọn đời năm 1888, bạn của Beltrami, về giấc mơ 10 viên ngọc cùng những quyết định và những nỗi lo lắng thời tập sinh của thầy.

  1. Giấc mơ qua cái nhìn của các Bề Trên Cả.

Giấc mơ 10 viên ngọc xảy ra vào năm 1881. Don Rua lên kế vị Don Bosco vào năm 1888, chắc chắn đã tìm thấy trong giấc mơ một chứng cớ vững chắc cho việc thi hành trách nhiệm cao vời của mình vào giờ phút cùng cực khó khăn ngài phải đối diện. Để có một ý tưởng về những khó khăn này, chỉ cần nhớ lại người ta đã định biến đổi dòng chúng ta như thế nào. Don Bosco đã chết, một vị thánh vĩ đại, danh tiếng khắp nơi, ngài đã tạo nên một nhóm Sa-lê-diêng và Con Đức Mẹ Phù Hộ không đông mấy. Thế rồi, Don Rua tới Roma, một vài vị Hồng y và Đức ông nhìn ngài: gầy yếu, nhút nhát… không có nét gì trong ngài khiến người ta tin tưởng vào khả năng quản trị dòng tu mới lập đó. Tốt hơn nên dàn xếp cách khác. Ta đọc thấy trong sách chép sử hàng năm của Tu hội Sa-lê-diêng miêu tả hoàn cảnh như sau:

“Nếu trong nội bộ, việc kế tục không tạo nên vấn đề và không hề có điều nghi ngại gì, thì ở bên ngoài, tại Roma, có những người ái ngại và còn tiên đoán đổ vỡ nữa. Hồng y Ferrieri, lúc đó là chủ tịch bộ Các Đức Giám Mục và Dòng tu, luôn coi Tu hội như một thứ phối hợp tạm bợ, không cần lắm, sẽ trở thành con số không vừa khi người dựng nên nó biến mất. Một khi đã hình thành xác tín đó rồi, ngài không thể giữ nó lại cho mình, mà không chia sẻ với các cộng sự viên của ngài, những người này đâu có bó buộc phải giữ bí mật. Khi Don Bosco qua đời, Đức Hồng y cũng không còn nữa, nhưng mối nghi ngờ vẫn còn. Khi ấy một vài vị chức quyền trong Giáo Hội, nghĩ tới cần thiết phải sửa đổi lại sự thể để cho thấy là chỉ có một phương thế: giải tán dòng và sát nhập các thành phần vào một dòng khác có cùng một mục đích. Theo các vị ấy, dòng thiếu những người được đào luyện, có khả năng điều khiển để khỏi tan rã. Ngay cả Đức Leo XIII cũng nghiêng về việc tin rằng một giải pháp như thế là thuận lợi. Một ít lần ngài đã thoáng thấy cha Rua, với vẻ khiêm nhượng và lối nói đơn sơ, thành thật, hiện lên cho ngài như một con người có lòng tốt nhưng thiếu những khả năng thông minh cần thiết cho một người kế vị vĩ đại như Don Bosco. Ngài đã cho thấy rõ ý ngài muốn sát nhập những người Sa-lê-diêng vào số các tu sĩ Scolpi” (E.Ceria, Annali della Societa Salesiana, 4 vol I, 747).

Giấc mơ của Don Bosco đã hiện ra cho cha Rua như là một lời tiên tri về dòng Sa-lê-diêng (giấc mơ luôn được giới thiệu như thế vào những thập niên đầu).

Cha Albera, khi đã thấy thời kỳ bão tố tạm qua, càng ngày càng cắt nghĩa giấc mơ như một giấc mơ đào luyện. Trong thư luân lưu ngài viết vào năm 1920 về Don Bosco – mẫu mực của chúng ta trong việc chinh phục sự hoàn thiện, có một đoạn dành cho giấc mơ 10 viên ngọc, hầu như muốn nói:  ở đây được miêu tả đặc điểm của chúng ta, tính cách riêng của ơn gọi chúng ta.

Nhưng người đánh giá giấc mơ này sâu sắc hơn cả là cha Rinaldi, người kế vị thứ ba, hai lần trong công báo vào những năm 1924, 1930 và nhiều lần trong các bài nói chuyện của người.

Chúng ta hãy cố gắng đi vào chiều sâu của giấc mơ, ta sẽ thấy dậy lên trong ta một ước vọng suy nghĩ giúp cho ta hiểu rõ hơn nét độc đáo của giấc mơ ấy. Cha Rinaldi nhấn mạnh đến điều ấy và chúng ta ngày nay cần phải khám phá ra nó. Công đồng Vatican II khi quả quyết sự khác biệt giữa các Tu Hội, đã nói về “tính cách riêng”, nghĩa là nét đặc biệt, không hệ tại ở những giá trị thiết yếu, là của chung cho tất cả, không hệ tại ở việc kể ra số các nhân đức (mỗi tu sĩ đều phải có mọi nhân đức) nhưng nó nằm ở trong tính cách hòa hợp đặc sắc của các nhân đức, sự nhấn mạnh chuyên biệt và rõ nét về chúng. Giấc mơ 10  viên ngọc sẽ giúp chúng ta có trong trí những yếu tố chính làm rõ nét dung mạo thiêng liêng của chúng ta. Những “nét chính” chứ không phải tất cả mọi nét. Đọc giấc mơ, có người hỏi “có chỗ nào nói đến khiêm nhường chăng?”, cha Rinaldi trả lời nhẹ nhàng nhưng sâu sắc “có khiêm nhường chứ: người Sa-lê-diêng có nó ở bên trong”. Thật đẹp, sự khiêm nhường của người Sa-lê-diêng rất mạnh mẽ nhưng không lộ ra khi thấy họ, sự khiêm nhường đến từ toàn thể, nhất là trong đức “tiết chế” và “ăn chay”.

(5. Liên kết với Đức Maria …)

  1. Nhân vật.

Yếu tố đầu tiên ta phải suy nghĩ là nhân vật. Chính tôi cũng không bao giờ nghĩ ai có thể là nhân vật này. Nhưng cha Rinaldi đã nghĩ tới. Vào những năm cuối cùng trong đời bề trên của ngài, khi bàn về giấc mơ này, ngài nói: hiển nhiên là giấc mơ bàn tới “mẫu người Sa-lê-diêng chân  thật”. Đối  với chúng ta, hình thức logic hơn cả để cắt nghĩa nhân vật là đồng nhất nhân vật đó với chính Don Bosco.

Khi chúng ta muốn biết người Sa-lê-diêng trong tinh thần “chân thật” phải như thế nào, ta phải đối diện con người ấy với nhân vật này. Mỗi người Sa-lê-diêng hiện tại và tương lai phải nhìn mình phản ánh trong Don Bosco.

Trong suốt cuộc đời của ngài, cha Rinaidi nói với chúng ta, Ngài là hiện thân sống động của nhân vật này: tất cả các viên ngọc của ngài có một ánh sáng riêng, nhưng tất cả ánh sáng muôn màu này chiếu vào vòng cung muôn màu rực rỡ là Don Bosco.

(……)

Chúng ta phải nhìn về Don Bosco như mẫu mực, như gương thánh thiện và gương tông đồ cho chúng ta. Chúng ta phải quyết chí ở lại với Don Bosco. Với thái độ ấy, đặc sủng mà Thánh Linh ban cho Đấng Sáng Lập không bị đóng kín, bất động với cái chết của ngài. Số 11 trong Mutuae Relationes quả quyết đặc sủng của Đấng Sáng Lập lộ ra như kinh nghiệm của Thánh Thần được chuyển thông cho các môn đệ, những người phải giữ lấy nó, cổ động và làm cho nó tăng trưởng với một sự trung thành sáng tạo hòa hợp với bước tăng trưởng của Thân Mình Đức Kitô là Hội Thánh.

Cho dù nếu Chúa Thánh Thần đã đặt chung quanh Don Bosco những nhân vật mà chúng ta phải coi một cách nào đó như những người cộng tác gần gũi nhất, để “xây nền” cho Tu hội (trước hết là Đức Thánh Cha Pio IX, rồi một chuỗi nhỏ những tên quen biết như cha Rua, cha Cagliero) thì cũng vẫn có nơi nhân vật trong giấc mơ, hay nơi chính dung mạo Don Bosco, một cái gì duy nhất, do ý muốn của Chúa Thánh Thần – Đấng ban đặc sủng của Ngài cho ai Ngài muốn và theo như Ngài muốn. Đặc sủng của Đấng Sáng Lập có tính cách duy nhất độc đáo: đặc sủng đó không nhắm tới một số lượng lớn hơn của sự thánh thiện, nhưng là một cách thức đặc biệt để theo Chúa Giêsu Kitô.

* Đây là 3 đặc điểm của Don Bosco, Đấng sáng lập:

Thứ nhất là “một nét độc đáo đặc biệt”: Don Bosco đã bắt đầu đi trong ơn gọi của mình mà không muốn trở nên vị sáng lập Tu hội; ngài đã ước ao làm tu sĩ, tu sĩ Phanxico, rồi trở nên linh mục, với một tình yêu đặc biệt cho giới trẻ trong cõi lòng. Ngài chú ý và sẵn sàng nghe theo sự gợi ý của Thánh Thần Chúa. Nhưng ngài đã không có thể tìm một con đường khác để thực hiện ơn gọi của mình ngoài con đường của người sáng lập. Đúng ra, ơn gọi của ngài có những đòi hỏi rất độc đáo đến độ khơi nguồn cho một lối sống thánh hóa và tông đồ riêng, và như thế, Chúa Thánh Thần khơi dậy các vị sáng lập với sự mới mẻ của họ.

Đặc điểm thứ hai là “hình thức thánh thiện phi thường” – qua đó Đấng Sáng Lập đã tổ chức tất cả các nhân đức thành một hòa điệu của riêng ngài, nghĩa là theo một khuynh hướng riêng. Nét độc đáo đặc biệt liên can tới mọi sự: đặc sủng, tinh thần, sứ mệnh và nhất là liên quan tới cách sống nội tâm, qua đó lòng ngài đáp ứng với những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Ở đây ta không bàn tới mức độ thánh thiện mà là tới “loại” thánh thiện. Rất có thể là có một người Sa-lê-diêng nào đó trở nên thánh thiện hơn Don Bosco, hay là có mức độ yêu mến mãnh liệt hơn Don Bosco. Theo nghĩa này, cha Cafasso có thể thánh thiện hơn Don Bosco, tại sao lại không thể được? Nhưng không thể có một hội viên nào lại có thể Sa-lê-diêng hơn Don Bosco, hay là vượt mức Don Bosco về “loại thánh thiện” tạo nên ở nơi ngài đặc điểm của Đấng Sáng Lập.

Nét đặc sắc thứ ba là “sức năng động làm phát sinh một hậu duệ thiêng liêng” khiến vị sáng lập trở thành một thứ “tổ phụ”, cha của nhiều dân tộc. Giờ đây, chúng ta quả là những con cái đông đảo xung quanh ngài trên thế gian: điều ấy không thể cắt nghĩa cách khác được. Đức Thánh Cha Phaolo đã nói một cách chí lý đến “hiện tượng Sa-lê-diêng”: đây là một ân huệ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã phải nại tới các khả năng nhân loại mà Don Bosco có cách dư tràn, nhưng sức sung mãn thiêng liêng của ngài không thể cắt nghĩa được nếu không qua một cuộc can thiệp liên tục của Chúa Thánh Thần.

Bởi thế, nhận định quan trọng đầu tiên là biết cắt nghĩa ai là nhân vật trong giấc mơ.

  1. Vị trí đặc biệt của các viên ngọc.

Một nhận xét quan trọng khác nữa là vị trí của các viên ngọc. Chúng được đặt ở đâu và vì lý do gì? Chính cha Rinaldi giúp chúng ta suy nghĩ về điều đó.

Cái nhìn toàn diện này là một mặc khải lớn của chúng ta. Tại sao một số được đặt ở trước và một số được đặt ở sau? Cha Rinaldi nhấn mạnh tới một lối cắt nghĩa sâu sắc, khá hòa hợp với truyền thống thiêng liêng của chúng ta.

Vị trí của các viên ngọc được đặt ở trước muốn nói lên loại chứng tá của chúng ta trước mặt xã hội và Tu hội: như để trưng bày ra những khía cạnh đặc sắc của ơn gọi chúng ta. Ở đàng sau lưng, trên phía sau của tấm áo choàng, tạo nên cả một bộ vị của các viên ngọc trong thế chống đỡ hầu như ẩn giấu và ít thấy lộ diện nhằm mang lại sức mạnh và đảm bảo thành công. Tất cả khối các viên ngọc tạo thành cái gì duy nhất và không thể chia lìa nhau, nhưng với một khía cạnh là để công bố cách minh nhiên nơi thanh thiên bạch nhật, và một khía cạnh khác dành cho việc tập luyện cá nhân và trong nhà nhằm đào luyện người Sa-lê-diêng cho thành thạo. Nhận xét này quả là rất sắc bén.

Chúng ta sinh ra trong Giáo Hội không phải để trở thành các đan sĩ, nhưng để tạo thành một nhóm người được thánh hiến cách công khai trong Giáo Hội, với các đặc điểm có thể chấp nhận được trong một xã hội càng ngày càng đi sâu vào tiến trình trần tục hóa. Ta có thể đọc lên lời Đức Pio IX đã nói với Don Bosco khi ngài hướng dẫn thánh nhân trong việc thiết lập Tu hội chúng ta. Lời ấy tôi xin nhắc lại với tư cách là Bề Trên Cả:

“Cha tin rằng cha sẽ mặc khải ra đây cả một mầu nhiệm. Cha chắc chắn rằng Tu hội được khơi dậy trong thời gian này do Chúa Quan Phòng để chứng tỏ quyền lực của Thiên Chúa. Cha chắc chắn rằng Thiên Chúa đã muốn giữ kín cho tới nay một bí mật lớn, các thế hệ đã quan cũng như các dòng tu quá khứ không hề biết. Dòng của các con là dòng đầu tiên trong Hội Thánh mang một kiểu mẫu mới, hiện lên trong lúc này như một dòng tu nhưng vẫn mang tính cách trần thế, có lời khấn khó nghèo mà vẫn có của, vừa tham dự vào thế gian vừa tham dự vào chốn tu viện, các thành phần của dòng này vừa là tu sĩ vừa là người “trần thế”, là người sống trong bốn bức tường tu viện và đồng thời là những công dân tự do… Nó được thiết lập để người ta sống trả về cho Thiên Chúa cái thuộc về Thiên Chúa và trả về Cesar điều thuộc về Cesar”.

Khi suy nghĩ tới những thơ luân lưu của cha Rinaldi, người đã nhấn mạnh tới các khía cạnh này, tôi nghĩ rằng ngài thật đã sống mật thiết cùng Thiên Chúa. Ta tìm thấy nơi ngài những trực giác rất thần tình. Chẳng hạn khi viết về Hiến luật được sửa lại vào năm 1921, ngài đã nêu lên đặc tính của Hiến luật chúng ta là tính mềm dẻo, thích nghi với thời gian và uyển chuyển, ngài đã nói lên trực giác của con người có áo mặc của sự thánh thiện và một sự thân thiết tiên tri đối với Chúa.

Lối cắt nghĩa giấc mơ 10 viên ngọc của ngài cũng thế. Theo cha Rinaldi, giấc mơ làm nổi bật dung mạo của chúng ta phải có trong Tu hội thế nào, dung mạo mà giới trẻ đợi chờ nơi chúng ta khi chúng nhìn chúng ta. Đây là một lối sống thiêng liêng đầy cảm tình đối với con người chúng ta hôm nay và ích lợi cho xã hội hiện tại. Nó không tự giới thiệu như là cái tồn tại của một nền văn hóa cổ xưa nhưng là một lối sống mới của cuộc sống nên thánh.

  1. Những xác định có ý nghĩa.

Tính chất liên kết thành một cơ cấu của các viên ngọc ở lưng lộ ra ngay ở trung tâm là “viên ngọc Vâng Lời” mà cả bốn viên ngọc khác đồng quy về. Trên thực tế, chúng ta là một Tu hội thuộc đời hoạt động, trong đó đặc điểm thiêng liêng hướng dẫn sự kiên trì trong trách nhiệm không còn phải là việc cố định ở một nơi nào, mà là sự sẵn sàng đối với sứ mệnh, dễ bảo đối với nhiệm vụ được trao phó. Với kinh nghiệm của nhiều năm, ta nhận thấy rằng đây là một khía cạnh thiêng liêng khá cụ thể của cuộc đời Sa-lê-diêng chúng ta.

Cũng thế, vị trí của năm viên ngọc ở đàng trước áo choàng cũng có một tổ chức đầy sức năng động rất đặc biệt. Cha Rinaldi viết: “Nếu chúng ta nhìn phía trước, đời Sa-lê-diêng được nhìn trong lãnh vực hoạt động, là “làm việc và tiết độ” luôn luôn được làm cho sinh động bởi lòng mến bên trong cõi lòng, hiện hữu trong một thứ ánh sáng càng ngày càng sáng tỏ của đức tin và hy vọng.

Đây quả là một sự miêu tả màu hồng của dung mạo Sa-lê-diêng. Ở đây không có quan tâm trừu tượng trong việc thiết định nhân đức nào nắm quyền tối thượng theo bản thể. Đây không phải là điều chúng ta phải lưu tâm đến. Trái lại, chúng ta muốn biết dung mạo của chúng ta thuộc loại nào. Vấn đề là chúng ta phải biết biểu lộ ra một dung mạo như thế nào. Trên những đường nét của gương mặt, phải có những đặc điểm có ý nghĩa: đây là một sự miêu tả tiêu biểu dung mạo Sa-lê-diêng, hơn là nêu lên những nhân đức nào nắm phần ưu tiên hơn vì tầm quan trọng của nó. Các nhân đức được nêu lên như là những nét đặc sắc, hơn là vì chúng quan trọng và nắm địa vị tối thượng theo tính chất của chúng. Hiến luật khi trình bày các nhân đức, không trình bày chúng theo tiêu chuẩn logic và theo tầm quan trọng bản thể của chúng, bằng cách nêu lên đầu tiên nhân đức nào tự nó là quan trọng nhất, sau đó mới đến những nhân đức kém quan trọng. Hiến luật không phải là một tài liệu thần học, mà cuốn sách miêu tả một kinh nghiệm độc đáo về Thánh Thần. Phải vạch ra một con đường sống khi làm nổi bật điều gì là đặc sắc hơn cả, dù nó chỉ là khía cạnh phụ thuộc xét về phương diện bản thể. Mặc dù vẫn cần thiết phải có ý thức về điều chính sự vật là, trong chính nó và còn vẫn quan trọng hơn nữa việc biết diễn tả ra dưới hình thức xứng hợp, và với sự rõ ràng minh nhiên. Nhưng tất cả những gì là đặc điểm riêng của một chương trình sống Tin Mừng vẫn rút ra từ những yếu tố kinh nghiệm được sống trong một sự tổng hợp những quan điểm nhất định nào đó.

Tôi quan tâm tới việc chính Don Bosco đã nhìn Hiến luật đầu tiên của chúng ta như thế nào. Tôi xác tín rằng ngài là con người thực tiễn. Ngài đã tạo nên Hiến luật của chúng ta từ nhiều yếu tố. Việc sắp xếp Hiến luật được thực hiện như sau: mục đích và sứ mạng của Tu hội; tổ chức Tu hội; đào luyện và ơn gọi; các nhân đức chính để nhằm dạy cho tập sinh và cho các hội viên thực hành, với sự thống nhất tuyệt vời giữa chiêm niệm và hoạt động; các lời khấn và sau cùng là Quy chế tổng quát (xem Cron.III, 431-450). Một sự sắp xếp thật lạ lùng. Don Bosco không có mối quan tâm của một thầy giáo, nhưng của vị sáng lập và con người thực tiễn. Ngài lo đảm bảo tính cách độc đáo của dung mạo chúng ta hơn là đưa ra một công trình nghiên cứu nhỏ về đời tu sĩ và người thánh hiến.

Nhưng ta hãy trở lại vấn đề các viên ngọc. Cha Rinaldi đã nhận thấy đây là một sự miêu tả của một cơ cấu đầy sức năng động được tạo nên bởi năm viên ngọc được đặt ở phía trước. Trong cơ cấu hoạt động này, hai viên ngọc “làm việc và tiết độ” được coi là hai sức mạnh nâng đỡ cả tấm áo choàng. Thực ra Don Bosco muốn khẩu hiệu của dòng là “làm việc và tiết độ”. Viên ngọc Đức ái được đặt ở trung tâm như động lực chủ yếu cho mọi sự, dưới ánh sáng của đức tin và trong sức năng động sáng tạo của Đức cậy.

  1. Một lời cảnh cáo có uy quyền.

Trong phần thứ hai, giấc mơ chỉ cho chúng ta những nguy hiểm đe đọa cuộc sống Sa-lê-diêng của chúng ta. Có cả một quang cảnh rất hãi hùng khiến chúng ta nhận thức ra được cái đi ngược với bản chất người Sa-lê-diêng sẽ như thế nào. Nó có thể là một lời kêu gọi rất ích lợi trong giờ phút của cuộc khủng hoảng này.

Để đề phòng những nguy cơ này, đây là một lời cảnh cáo rất có uy quyền. Trên giải vải màu hồng dùng để viền phần dưới tấm áo choàng có viết: “đề tài để rao giảng vào sáng, trưa, chiều”, như thể nói với chúng ta: nếu chúng ta quan tâm đào sâu những nét thiêng liêng của bản chất riêng của chúng ta, chúng ta có thể vượt qua hay thoát khỏi những nguy hiểm trầm trọng này.

Và để kết luận, chúng ta có sứ điệp của người thanh niên: “Hãy lắng nghe và hãy cố hiểu. Việc nguyện ngắm sáng và chiều phải luôn luôn hướng về việc tuân giữ Hiến luật. Nếu anh em làm thế, thì sẽ không thiếu sự trợ giúp của Đấng toàn năng. Anh em sẽ trở nên quang cảnh tuyệt diệu trước mắt thế gian và các Thiên Thần, và khi ấy vinh quang của anh em sẽ là vinh quanh của Thiên Chúa”.

  1. Sự trợ giúp của Đức Maria.

Chúng ta hãy kết luận: Giấc mơ này đã được bắt đầu dưới sự che chở từ mẫu của Đức Mẹ, Don Bosco đã mơ giấc mơ này vào chính ngày lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền thờ. Vào cuối giấc mơ, Don Bosco viết câu nguyện tắt: “Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu – cầu cho chúng con”.

Chúng ta phải nhìn Đức Maria Phù Hộ như mẫu sư và người hướng đạo không những của chính Don Bosco, mà còn của tất cả người Sa-lê-diêng chúng ta. Vậy chúng ta hãy dành cho Mẹ một chỗ xứng đáng thuộc về Mẹ trong phần miêu tả bản chất của chúng ta. Chúng ta phải kêu xin Mẹ, trong thời buổi rất khó khăn và rất đẹp này, thời chuyển tiếp các nền văn hóa, chúng ta phải đem hết trí tuệ mà tìm kiếm và cổ võ những giá trị bền vững của đặc sủng chúng ta. Xin Mẹ giúp đỡ chúng ta như xưa Mẹ đã trợ giúp Don Bosco.

Mẹ đã nâng đỡ chúng ta rất nhiều, và tôi chắc chắn Mẹ còn đang tiếp tục trợ giúp chúng ta với tấm lòng từ mẫu. Mẹ đang ở đây, chủ tọa cuộc họp mặt của chúng ta nhằm giúp chúng ta tìm kiếm dung mạo Sa-lê-diêng đích thực của mình.

VIÊN NGỌC THỨ NHẤT

ĐỨC TIN

Sau những nhận xét tổng quát về giấc mơ, chúng ta hãy bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa năm viên ngọc đầu tiên tạo nên nét đặc sắc của diện mạo chúng ta trong Hội Thánh và xã hội. Chúng cho chúng ta thấy những nét nổi bật nhất của diện mạo Don Bosco, những nét đặc trưng, trong đó lộ ra dung mạo của chúng ta. Đây không phải chỉ là năm nhân đức phải đào sâu theo quan điểm thần học, nhưng là các nhân đức mà các viên ngọc muốn nói lên và đề ra những thái độ toàn diện của cuộc sống, trong đó bao hàm biết bao khía cạnh bổ sung và sinh động khác.

“Đức tin” hiểu như thái độ hiện sinh biết bao khía cạnh khác có thể quy về đấy, những khía cạnh mà dưới sự phân tích theo hình thức của nhà thần học có thể thuộc về các nhân đức khác. Thực tại sinh động của đức tin có tính cách phức tạp và toàn diện, chứ không chỉ được nhìn trong quan niệm trừu tượng và hình thức của nó. Đây là những khía cạnh chạm tới mọi thứ, bởi thế, chúng ta không muốn tìm hiểu các viên ngọc với mối bận tâm của vị giáo sư muốn định nghĩa đâu là đối tượng của nhân đức này. Chúng ta nhìn viên ngọc dưới nhãn quan một nét sống tiêu biểu, hiện sinh và tự do, và cũng hấp dẫn hơn. Cũng như một cuốn phim không có cao vọng định nghĩa một con người, mà chỉ biểu lộ những tình cảm, dung mạo, nụ cười, hàm răng, mái tóc của người ấy; nhìn chung là biểu lộ hiện sinh của người ấy.

  1. Năm viên ngọc ở phía trước tấm áo.

Trong khi trình bày năm viên ngọc của giấc mơ, chúng ta phải nói đến ba sức năng động của Chúa Thánh Thần nơi tâm hồn nhân vật đã được nêu bật. Đó là Đức Tin, Cậy, Mến. Đó là những năng động lực thần hóa nội tâm con người, của bất cứ người được thanh tẩy nào. Vì thế, chúng ta gọi là những năng động lực “đối thần”. Ơn sủng Đức Kitô tác động trong chúng ta qua việc Thánh Thần ngự trong ta cách thực sự và đầy sức sung mãn.

Hiệu quả thứ nhất mà Thánh Thần khơi dậy trong ta là cái nhìn soi sáng trực giác của khả năng hiểu biết: nó tràn ngập chúng ta bằng một ý thức thâm sâu về chân tính Kitô của ta xuyên qua “Đức tin”, làm cho Đức tin cường mạnh bằng xác tín, niềm vui và hương vị thiêng liêng luôn đầy tràn nơi sự hiểu biết của Thiên Chúa.

Thái độ thứ hai của đời sống trong Thánh Thần là sức năng động của Đức cậy, luôn gắn liền với Đức tin, nó theo niềm tin và thúc đẩy vào hoạt động. Đức cậy thúc đẩy chúng ta đi vào hoạt động thể theo lòng tin nhằm đạt tới những điều thiện hảo mà Đức tin đã khám phá ra và cho chúng ta chiêm ngưỡng.

Tin và cậy trông lại có được mức viên mãn trong lòng mến, là cách diễn tả tột đỉnh của việc chúng ta được tham dự vào đời sống trong Thần Khí, cuộc sống ta đã được tiếp nhận nhờ việc sinh lại trong Bí Tích Thánh Tẩy. Đức mến thấm nhuần, nuôi dưỡng, sinh động hóa Đức tin và Đức cậy, biến con tim nhân loại thành trung tâm và động lực của một lối mến thương và hành động thần linh.

Ba thái độ nền tảng này định nghĩa bản thể của đời sống thiêng liêng của nhân vật, là chính đời sống thanh tẩy và Kitô hữu. Chúng ta, những người Sa-lê-diêng, phải nên chứng tá một đời Kitô hữu chân thực.

  1. Tin, Cậy, Mến: Ba sức năng động nền tảng của đời sống trong Thánh Thần.

Thánh Phaolo nhấn mạnh tới ba cách hiện hữu này ngay từ lúc ban đầu của Kitô giáo. Ngài luôn luôn đặt ba cách thức sống và ba sức năng động ấy cùng với nhau. Chúng được đặt cùng nhau vì trên thực tế chúng là một thực tại duy nhất. Khi này hay khi khác, ngài nhấn mạnh tới lòng mến, rồi niềm cậy trông và lòng tin. Ngài thay đổi thứ tự cách rất tự do, không quan tâm tới các cách sắp xếp logic của những học giả, ngài miêu tả những dữ kiện kinh nghiệm của chính cuộc sống ngài.

Thật là ích lợi nếu ta nhận thức trước tiên “bộ ba này” trong cái nhìn tổng thể, như chúng đã xuất hiện trong tài liệu đầu tiên của Tân Ước. Thư thứ nhất của thánh Phaolo gởi tín hữu Thesalonica viết vào năm 50, trong chương 1,3-5, thánh Phaolo đã nói: “Trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, tôi luôn nhớ lại sự nghiệp của lòng tin, công lao của lòng mến, sự kiên nhẫn cậy trông của anh em trong Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Hỡi anh em, những kẻ đã được Thiên Chúa yêu mến, chúng tôi nhận biết anh em là những kẻ được chọn, bởi vì Tin Mừng chúng tôi loan báo không chỉ đến với anh em bằng lời nói mà thôi, nhưng một cách quyền năng, bằng Thánh Thần và thật dồi dào phong phú. Vả lại anh em biết chúng tôi đã cư xử thế nào với anh em”.

Ngay từ trong tài liệu đầu tiên này, thánh Phaolo đã miêu tả cuộc sống Kitô hữu, hay là việc ngự trị cùng sáng tạo mới của Chúa Thánh Thần trong tấm lòng người chịu thanh tẩy như là tổng hợp đầy sức năng động của lòng tin, cậy, mến như một “tổng thể”.

Nếu ở đây chúng ta sẽ nói trước hết về lòng tin, rồi mới tới lòng cậy và lòng mến, thì vẫn tuyệt đẹp việc ghi nhận là thánh Phaolo giới thiệu chúng như “một tổng thể sinh động và duy nhất”, tức là chính việc của Thánh Thần ngự trong ta .

Còn cả ba là thái độ nền tảng và vĩnh viễn, bởi chúng là những cách thế tham dự vào đời sống Thiên Chúa. Mặc dầu thế, cả ba đều có khía cạnh tàn tạ, bởi vì chúng sống trong chúng ta theo bước chuyển mình của thời gian. Cái gì phải tàn tạ trong chúng ta sẽ mất đi, để chỉ còn tồn tại mãi sức năng động riêng của tin là hiểu biết Thiên Chúa trong hưởng kiến; chỉ còn tồn tại mãi mãi sức mạnh chinh phục của cậy trông trong niềm vui của chiến thắng, trong sự chiếm hữu của đời đời và trong niềm thỏa mãn vì đã hoàn tất mọi sự trong Chúa. Cuối cùng, và ở trong mức độ tràn đầy sẽ tồn tại lòng mến, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Như thế, tin – cậy – mến sẽ bị thanh lọc khỏi mọi vết tạm bợ, để lộ ra và đạt tới đích điểm điều vĩnh cửu chúng hiện có.

Trong 1Cr 13,13, thánh Phaolo nói: “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”. Enrico Schalier, chuyên viên nghiên cứu về các thơ Phaolo đã trở lại từ Tin Lành, nhấn mạnh tới số ít của động từ “tồn tại” theo tiếng Hy lạp. Đây là điểm đáng chú ý vì chủ từ bao gồm cả Tin – Cậy – Mến. Thế mà Phaolo vẫn để động từ ở số ít để nhấn mạnh tới ý duy nhất của ba năng động lực này. Bộ ba quy tụ lại trong lòng mến như sức năng động trung tâm và lớn lao nhất của đời Kitô hữu.

Như thế phần phía trước  tấm áo choàng của nhân vật nêu bật cho chúng ta bộ ba: Tin – Cậy – Mến, những sức năng động thần thiêng cùng sống với nhau trong sự tan hòa thành một khối duy nhất sinh động.

  1. Đức tin: ý thức về việc sinh lại từ phép Thánh Tẩy.

Chúng ta hãy dừng lại để suy nghĩ về những giá trị của viên ngọc thứ nhất.

Ta có thể nói nhiều điều về Đức tin, rồi lại phải nhắc lại những điều ấy khi nói về Đức cậy và Đức mến. Ngược lại cũng thế, chính bởi vì chúng tạo nên một bộ ba chuyển thông cho nhau. Tuy nhiên giờ đây, khi nói về Đức tin, ta cố gắng ở lại trong lãnh vực riêng của sức năng động liên hệ tới sự hiểu biết siêu nhiên này. Chúng ta không có tham vọng nói cạn vấn đề. Chúng ta chỉ xin khơi dậy vấn đề, chỉ ngừng lại trên một vài suy nghĩ về nội dung của Đức tin trong chính nó và cho mọi người; sau đó nói tới một vài đặc điểm mà chúng ta phải sống lòng tin trong trường của Don Bosco.

Chúng ta nghiệm xét Đức tin như là việc Chúa Thánh Thần hiện diện trong chúng ta, bảo đảm và làm tăng cường trong ta ý thức về chân tính Kitô hữu của ta. Rất quan trọng trong việc chúng ta nắm chắc cho mình và làm tăng trưởng một ý thức như thế.

Đức tin là một sức năng động buộc tôi phải suy nghĩ “tôi là ai?”. Tôi là gì khi đối diện với thế giới, với người khác, đối diện với văn hóa và công luận, với giới trẻ, đối diện với Giáo Hội, với Tu hội và gia đình Sa-lê-diêng? Đây là thái độ suy tư, đối thoại, trả lời và chứng tá. Nó cho chúng ta tự ý thức về cuộc sinh hạ của chúng ta trong phép Thánh Tẩy, về “tạo thành mới” hoàn tất trong lòng ta, về đời sống thân thiết của Thiên Chúa trong ta, về việc quan phòng Chúa luôn theo dõi ta. Nhờ Đức tin, ta bắt đầu nhìn vào thực tại như Thánh Thần từng biết tới. Nhờ nó, ta có một ý thức rõ rệt mình là những môn đệ của Đức Giêsu; và đó chính là đối tượng trung tâm trong việc chiêm ngắm của chúng ta. Với Đức Kitô, ta cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống, trong những biến cố, những con người. Từ Đức tin, ta nhận được những nhân tố đầy đủ và sự can đảm để biết nhìn vào thực tại bao quanh ta với khả năng nhận định, để không chấp nhận những gì làm giảm giá trị, để biết phản kháng sự dữ bằng tinh thần của Tin Mừng, không phải vì trong tư thế gây hấn hay tranh cãi, nhưng vì muốn làm nổi bật và làm chứng cho những giá trị riêng của việc theo Đức Giêsu Kitô.

Điều ấy tạo cho chúng ta một bản lĩnh Kitô hữu, một điều rất quan trọng. Có một bản lĩnh nghĩa là có những xác tín rõ ràng, biết đối thoại với mọi người, mỉm cười, bao dung và thông cảm, nhưng không hề nhượng bộ trong những gì liên quan tới chân lý cứu độ, không để mình toa rập theo mốt sống, theo dư luận, theo đa số; nhưng điều ấy không may lại xảy ra quá dễ dàng trong thời đại hôm nay. Trong thời điểm giao lưu văn hóa, nhất thiết phải có những xác tín vững chắc dựa trên Tin Mừng, trên việc Đức Giêsu Kitô là ai, để biết làm chứng cách rõ ràng và không hề sợ hãi.

  1. Trong Kitô giáo, Đức tin mang chiều kích lịch sử.

Nếu chúng ta suy xét kinh nghiệm của những con người có niềm tin vĩ đại, chúng ta nhận thấy ngay Đức tin là một sự hiểu biết dấn sâu vào trong lịch sử, nó không phải là một nhận thức trừu tượng hay đơn thuần là một tình cảm nội tâm. Nó là cách thức hiểu biết xuất hiện cụ thể trong lịch sử nhân loại được Thiên Chúa đến cư trú và lối hiểu biết ấy, đến lượt nó, đưa vào trong lịch sử đang bao bọc ta, lịch sử mà chính ta phải sống. Vâng, Đức tin khiến ta suy nghĩ về cuộc mạo hiểm nhân loại trong một nhãn quan nhất định, thứ nhãn quan nhìn xuyên qua và thông suốt cuộc mạo hiểm ấy trong ý nghĩa cuối cùng của nó.

Đức tin đưa chúng ta lại gần những sự kiện và những con người, những biến cố và thăng trầm, nhất là biến cố Vượt Qua của Đức Kitô, chỉ cho ta thấy đó chính là chìa khóa để đọc cuộc chuyển mình của con người trong thời gian. Như thế, nhờ Đức tin, chúng ta dấn mình vào trong lịch sử, nhưng qua Đức tin, chúng ta soi thủng lịch sử để thăm dò năng lực, nguyên tử ẩn giấu trong đó, nghĩa là những cái lịch sử mang trong mình như sức mạnh nguyên tử, để tạo nên tương lai vĩ đại của toàn thể hiện hữu. Tôi không nói theo ý nghĩa vật lý hay về cuộc khám phá những điều kỳ diệu của thế giới vật chất. Tôi nói về lịch sử như bước chuyển biến của con người: Đức tin bảo đảm cho chúng ta là trong cuộc mạo hiểm nhân loại, khởi đầu và cùng đích của mọi sự là chính Đức Kitô. Chính Ngài đã đưa con người tới cứu cánh của mình: và tất cả lịch sử phải tiến tới việc thiết lập nên một nhân loại mới trong chiều kích vĩ đại và trong vẻ đẹp của chính Đấng Phục Sinh, Đấng đã trở thành Chúa của lịch sử.

Như thế, Đức tin không phải là một sự tha hóa biến chúng ta thành những kẻ lạc loài, không đất sống, vong thân và di tản lên mặt trăng, không còn là công dân của trái đất nữa. Ngược lại, Đức tin cho chúng ta hiện diện trong thế giới cách mãnh liệt hơn, như những chứng tá của cái gì tốt hơn, để hướng dẫn những gì sẽ xảy ra. Khi nhìn tới nhiều tôn giáo tự nhiên thâm nhập trong biết bao nền văn hóa, ta thấy có sự khác biệt thật lớn lao này giữa các tôn giáo ấy với Kitô giáo.

Ngay trong Cựu Ước, nơi dân Do Thái, điều tạo nên nền tảng và đập vào mắt tất cả mọi người vẫn chính là sự gắn bó đặc biệt với Thiên Chúa hằng sống, Đấng sáng tạo mọi sự. Abraham là cha trong Đức tin, dù đó chỉ là ‘trong lời hứa’. Với Đức Giêsu Kitô, bắt đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử, kỷ nguyên của Đức tin trưởng thành trong sự tràn đầy của thực tại cứu độ, hay là kỷ nguyên của việc chiêm ngắm biến cố “Vượt Qua và Hiện Xuống”, như là chính thực tại dấn sâu vào trong lịch sử để hướng dẫn sự tăng trưởng và dẫn dắt nhân loại tới cứu cánh lớn lao và vĩnh cửu.

Ngày nay, khi chúng ta nhìn tới các ý thức hệ được ưa chuộng (Kitô giáo không là một ý thức hệ, nó hoàn toàn được xây dựng trên những dữ kiện của cuộc sống, trên những con người và các biến cố) hay tới các nền văn hóa khác gợi hứng từ các nguyên tắc tôn giáo cá biệt, chúng ta thấy điều gì? Đối với chủ nghĩa Mác-xít: lý tưởng là – hay ít nhất phải là – công bình xã hội. Đối với chủ nghĩa duy lý: lý tưởng là lý trí nhân loại. Tâm trạng tiêu thụ thì là sự tự do khoái lạc, thường dễ dẫn tới thụ hưởng và tìm tòi nhục dục. Đối với các tôn giáo tự nhiên, đó là một sự tìm kiếm dò dẫm sự cứu độ và vươn tới siêu việt, dẫn tới những thái độ, cho dù tự nó là cao cả, nhưng vẫn đầy mê tín và kể từ nay không còn đương đầu nổi với sức đối kháng của tiến bộ, với sự phê bình của khoa học.

Tất cả đều là những điều tốt lành: công bình xã hội, lý trí nhân loại, an lạc và tình yêu, việc giải phóng khỏi sự dữ và vươn tới siêu việt. Tuy nhiên đó chỉ là những lý tưởng khiếm khuyết và bất toàn. Chân lý toàn diện thì tự mình có khả năng mang lẽ sống và sự tự do cho toàn thể con người. Còn những điều kia, trên thực tế không phải là như thế. Hơn nữa, chúng thường được cắt nghĩa cách sai lạc, tấn công và làm lạc hướng những giá trị thuộc về một nỗ lực sống chân thực của con người, với kết quả nguy hại là hạ thấp nền văn hóa và khiến nó không còn hoàn toàn là ‘nhân bản’ nữa bởi vì trong đó không còn chỗ cho một ‘con người chân thực’ trong mức vẹn toàn nữa.

Ngược lai, Kitô giáo xây trên một Đức tin lịch sử, không viện tới một khung giáo lý cần phải có cho được (dù rằng một ai đó đã xem Kitô giáo như một ý thức hệ), nhưng đặt nền trên tương quan sinh động của mỗi con người với Đức Kitô và với những biến cố của cuộc sống Ngài, được nhìn cách tổng hợp trong sự chết Thập giá, trong sự sống lại, trong địa vị làm Chúa của Ngài cho đến muôn đời. Cuộc Vượt Qua (chết – sống lại), Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh – đó là những yếu tố đầy sức năng động được đưa vào bên trong thực tại toàn diện của lịch sử, cho dù các ‘sử học’ chuyên nghiệp, căn cứ theo những đòi hỏi hiện tượng của phương pháp khoa học, không thể đem các lý chứng hiển nhiên của lý trí dựa vào các tài liệu mà viện dẫn cho chúng.

Lịch sử cứu độ, dấn sâu trong chính đời sống của nhân loại, trên thực tế xoay quanh biến cố Vượt Qua và việc ban Thánh Thần, thực đến nỗi thế giới cụ thể đi tới cuộc quang lâm của Chúa cho dù nhiều người không tin và không nhận ra điều đó. Nhãn quan Đức tin của chúng ta không chỉ dừng lại nơi Đức Giêsu Kitô: Ngài là trung tâm điểm của nó, là hạt nhân của cả mầu nhiệm vĩ đại. Nhưng quanh Ngài còn lan tỏa ra những tia sáng biểu lộ và khiến những sự sung mãn đa diện của ân huệ Ngài gần gũi với chúng ta hơn.

Như thế, mầu nhiệm của Đức Kitô tỏa chiếu cách đặc biệt trong Đức Maria: sự phục sinh của Ngài rạng rỡ cách riêng nơi Mẹ, Đấng từ nay đã vĩnh viễn sống trong sức mạnh phục sinh. Mẹ đã được lên trời cùng với Đức Kitô khởi thắng. Thần Khí ngày Hiện Xuống tràn đầy nơi Đức Maria, vì Mẹ là Hiền Thê rất thánh của Chúa Thánh Thần. Khía cạnh Maria của lịch sử Giáo hội cũng thật hấp dẫn. Đức Maria cùng với Đức Kitô, hai Đấng sống lại, can thiệp thực sự trong bước chuyển mình của Hội Thánh qua các thế kỷ. Chúng ta sùng kính Mẹ dưới danh hiệu “Mẹ Phù Hộ”, chúng ta quen nhìn lên Mẹ như Đấng luôn luôn có sáng kiến từ mẫu chăm sóc chúng ta. Như tôi đã có lần đề nghị với các Bề trên, thật tuyệt vời nếu chúng ta viết một vài tác phẩm (với sự trợ giúp của các chuyên viên trong các gia đình tu sĩ lớn) trong đó cho thấy sự can thiệp của Đức Maria trong đời sống đặc sủng của Hội Thánh. Gia đình Sa-lê-diêng chúng ta có thể viết một chương về Đức Maria khá dài và rất hay về nguồn gốc và đời sống của ơn gọi riêng của chúng ta.

Đây không phải là lúc để mở ra một chủ đề mới về Đức Maria, rất bao la và gần gũi với chúng ta. Chúng ta đang nói về chiều kích lịch sử của Đức tin của chúng ta, nhắm thẳng đến Đức Kitô như trung tâm và dọi sáng lên Đức Maria, và chúng ta nhận biết bao là ánh sáng và tầm mức vĩ đại của vấn đề.

Mầu nhiệm của Đức Kitô trải ra rộng rãi cho cả Hội Thánh. Như thế, ta phải nói là tất cả những gì Đức Maria là nơi bản thân Ngài, Mẹ cũng là và sẽ là ngôi nhà Hội Thánh được nhìn như toàn thể cộng đồng dân Chúa phải là. Chúng ta có thể suy nghĩ xuyên qua các thế kỷ những sự tươi nở khác nhau của vườn hoa các thánh, là những lời sống động của Thiên Chúa trong các biến cố nhân loại. Ở bên trong Hội Thánh, mầu nhiệm Đức Kitô tập trung cách đặc biệt trong các Bí Tích. Chúng ta có thể nhìn Đức tin xuyên qua phép Thánh Thể, là yếu tố rất quan trọng của đời Sa-lê-diêng chúng ta.

Không những có thể đào sâu Đức tin qua các Bí Tích mà còn qua cả Huấn quyền của Hội Thánh, nghĩa là nại tới sự suy ngắm có thẩm quyền cho chúng ta khả năng quan niệm Tin Mừng như sứ điệp chân chính cho ngày hôm nay, đáp ứng lại được những đòi hỏi và chất vấn của thời đại. Cả khía cạnh này nữa là một nét đặc sắc bên trong tinh thần Sa-lê-diêng.

Đàng khác, cái nhìn đi vào chiều sâu và sắc bén của Đức tin sẽ quy chiếu vào bức màn dày đặc có tính cách Bí Tích của ‘cận nhân’, cùng là khúc xạ hiện thực của mầu nhiệm nghịch lý của Đức Kitô, nhất là những người nghèo, những người thiếu thốn.. “Ta đói, các ngươi đã cho ăn. Ta khát các ngươi đã cho uống” (Mt.25,35). Như thế Đức tin mang chúng ta chìm sâu vào trong thực tại nhân loại chân thực, để nên những người chủ động của hôm nay, để dấn thân vào việc giải quyết các vấn đề và yêu mến những người cùng khốn.

Như ta thấy, Đức tin không tách lìa chúng ta khỏi mức phức tạp của lịch sử, nhưng ngược lại đưa chúng ta vào sâu trong đó, cùng với cả bản thân chúng ta. Như thế, đó là mầu nhiệm của sự mạo hiểm trong lịch sử chúng ta để cứu rỗi chúng ta: Thiên Chúa Cha đã yêu thế gian đến nỗi sai Đức Giêsu Kitô đến không phải để luận phạt mà là để cứu chúng ta.

  1. Sức năng động của Đức tin gồm những gì?

Đâu là cơ cấu riêng của một thái độ tin? Đọc thư của thánh Phaolo, ta có thể khám phá ra những yếu tố khác nhau:

  1. Thứ nhất là việc lắng nghe – đó là thái độ lắng nghe của kẻ tín thác chứ không phải đơn thuần của người tò mò; thái độ con thảo, cởi mở và dễ dạy, từ bỏ chính mình. Sự lắng nghe như thế tự nhiên dẫn tới cách biểu lộ thực tiễn đặc sắc hơn cả của Đức tin, là khuynh hướng vâng phục: vâng phục Cha. Đức tin tự nhiên đưa người tín hữu tới một thái độ hằng ngày mau mắn và dễ dạy trước Thánh ý Thiên Chúa. Khởi đầu, Đức tin không đặt các dự định cá nhân lên hàng đầu, nó lo lắng nghe Thiên Chúa, nó tích cực đòi hỏi sự chú tâm và trao phó, một sự chú tâm đầy sức năng động của chính bản thân mình, một sự trao phó luôn lo lắng nhận ra ý nghĩa Lời Chúa và hết tình hiếu thảo đến độ không tập trung chú ý vào chính bản thân mình. Đó là một tư thế chiêm ngưỡng ngây ngất, dù không phải là tha hóa chính mình, chăm chú nhận thức ý Chúa một cách rất thực tế để biết hoàn thành ý ấy trong lịch sử. Vì thế, nó nhìn vào sự vâng phục như giá trị đầu tiên của đời sống làm con: thi hành ý Cha, vâng phục theo nghĩa thật sâu xa của từ ngữ, hòa hợp với Tin Mừng, một sự vâng phục Đức tin được sống như là bản năng căn bản của tâm hồn dễ dạy.
  2. Yếu tố thứ hai của cơ cấu Đức tin là bình diện chiêm ngắm của người tín hữu. Đời sống Sa-lê-diêng, cũng như bất cứ đời sống Kitô hữu nào khác có ngay từ nền tảng của nó một bình diện chiêm niệm, bởi vì Đức tin thiết yếu là một sự lắng nghe lớn lao đầy niềm tín thác. Một người tín hữu chân thật sống bằng chiêm niệm, càng mãnh liệt và càng xác tín khi mà Đức tin càng lớn lao. Ở đây ta không nhắm đến phân biệt đời chiêm niệm khỏi đời hoạt động: người tín hữu dù là ai, ẩn sĩ hay tông đồ, càng là tín hữu, càng biết đặt mình trong thái độ chiêm niệm, thái độ biết Chúa và cảm thấy mình được biết bởi Thiên Chúa. Về điểm này, thánh Phaolo có cách diễn tả tuyệt diệu: “Bây giờ anh em đã biết Chúa, đúng ra, chính Thiên Chúa biết anh em” (Gl.4,9). Việc chiêm niệm đưa ta vào trong Thiên Chúa, cho chúng ta ý thức mình được Thiên Chúa biết tới. Như thế, cả khi người tín hữu nhìn về chính mình, thì cũng thấy mình trong tất cả sự thật nơi Thiên Chúa. Điều đó thật khác xa với việc nhìn vào chính bản thân mình đơn thuần với khoa tâm lý chiều sâu.
  3. Yếu tố thứ ba của cơ cấu Đức tin là cả việc lắng nghe cũng như bình diện chiêm niệm đều làm tăng triển nơi người tín hữu ý thức làm con, như cảm nghiệm thấy mình được sinh vào một dòng tộc mới. Qua Đức tin, ta cảm thấy mình thực sự trở thành thụ tạo mới, như lời thánh Phaolo nói, nghĩa là trở thành con đích thực của Thiên Chúa, tham dự vào mầu nhiệm sự sống thâm sâu của Ba Ngôi: “Đồng tham dự vào bản tính Thiên Chúa”. Người tín hữu hiểu mình ở trong sự thật khi nói lên “Lạy Cha chúng con…”. Và như thế, họ cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui.
  4. Yếu tố thứ tư của cơ cấu Đức tin là một tư thế can đảm yên bình đứng trước bất cứ ai. Thánh Phaolo gọi sự can đảm này là sự thẳng thắn, khả năng làm chứng điều chúng ta là không sợ hãi hay vị nể. Sự can đảm này là khiên mộc Đức tin, nó bảo đảm cho ta được lại gần Cha trong Đức Kitô, mặc cho mọi khó khăn. Như thế, chúng ta sẽ không còn sợ hãi trước biết bao vấn đề, biết bao đổi thay, trước các nền văn hóa đa dạng, các ý thức hệ đang được ưa thích. Sự táo bạo của lòng tin đổ vào lòng ta một khả năng làm chứng cho tới hiến mạng sống, không phải là một thứ khát vọng chịu đau đớn cách anh hùng, nhưng như một khả năng can đảm làm chứng tá. Không phải tình cờ mà đời thánh hiến được so sánh với chứng tá tử đạo, vì trong việc tử đạo, các thánh đã đoan thề làm chứng cho mầu nhiệm Đức Kitô cách tận căn. Chứng tá đời tu là chứng tá tận căn không phải vì chúng ta phải đứng trước họng súng, nhưng vì chúng ta đã chọn chứng tá ấy cho suốt cuộc đời.

Những yếu tố trên của cơ cấu Đức tin nơi mỗi người tín hữu phải nhuần thấm toàn thể tinh thần Sa-lê-diêng. Như thế, ta thấy viên ngọc đầu tiên này đã cho một cung giọng và một tầm mức Kitô giáo đầy phẩm chất cho các viên ngọc khác.

  1. Don Bosco – con người vĩ đại của niềm tin.

Những nét vĩ đại của Đức tin vừa mới được nhấn mạnh chúng ta thấy rất rõ ràng nơi Don Bosco, “nhân vật” của chúng ta: một người tin vĩ đại. Trong ngài, Đức tin, tức là thái độ hòa điệu cùng Thiên Chúa, thật sâu xa và đầy sức tác động. Tính tình của ngài, những đòi hỏi của địa phương và thời đại, nền văn hóa nơi ngài phát sinh… hướng ngài tới cái nhìn hiện thực (ta cũng có thể nói như thế về Mẹ Mazzarello), người dân thực tiễn, tâm trạng nông dân, có cái nhìn trực giác trong khoa sư phạm, khuynh hướng hoạt động. Don Bosco nhận thức một cách rất tự nhiên mức dày đặc lịch sử của Đức tin Kitô hữu. Cũng trong tư cách là một học giả và nhà văn, ngài là một con người nhiệt thành với những khía cạnh cụ thể của lịch sử cứu độ. Thực ra, còn hơn là một nhà tư tưởng, ngài chính là người kể chuyện về lịch sử các thánh, lịch sử Hội Thánh, lịch sử nước Ý… Ngài có một cơ cấu tinh thần giúp ngài thăm dò và nhận thức sự hiện diện khôn tả của Thiên Chúa và cuộc mạo hiểm của Thiên Chúa giữa loài người.

Để hiểu Đức tin của Don Bosco thế nào, cần phải đọc sách của cha Ceria “Don Bosco với Thiên Chúa”. Đây là cuốn sách viết cách đây 50 năm, vào dịp phong Chân phước cho ngài, nhưng đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và tính cách hiện đại của nó, Don Ceria đã nhận thức đúng, đã biết nêu bật nét đặc sắc sâu xa nhất của Don Bosco.

Cũng như hai viên ngọc khác của bộ ba bất khả phân ly rực sáng nơi ngực nhân vật, Đức tin nói lên động lực trung tâm của tất cả tinh thần Sa-lê-diêng.

Một câu diễn tả tuyệt đẹp trong Hiến luật của những người Sa-lê-diêng khi nói về cha chúng ta: “Ngài như thấy Đấng Vô Hình” (HL 49). Thật đúng thế, ngài như thấy Thiên Chúa. Các thái độ lớn lao của niềm tin thấm nhuần toàn thể bản thân ngài.

Chúng ta hãy đọc một ít câu nói Don Bosco thấy, viết trong giấc mơ, trên dòng tỏa sáng của viên ngọc thứ nhất “hãy mang lấy khiên thuẫn của Đức tin để có thể chống với âm mưu của ma quỷ”. Đó chính là kinh nghiệm thực tiễn và có một độ dày lịch sử của cường độ Đức tin Don Bosco đã sống. Ta thấy ngay ở đó thái độ can đảm mà thánh Phaolo đã nói: khiên thuẫn Đức tin.

Và rồi trên một vòng hào quang khác viết lời xác quyết của thánh Giacobe “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc.2,17). Thật đúng: bình diện chiêm niệm của Don Bosco được chuyển sang thành hoạt động cứu độ đầy lao nhọc.

Cũng cùng trên vòng hào quang ấy, ta còn đọc thấy “không phải kẻ nghe mà kẻ thi hành luật, mới chiếm được Nước Thiên Chúa”. Nếu chúng ta đọc hồi ký về Don Bosco, chúng ta có thể tìm thấy biết bao chứng cớ để soi sáng cho những lời trên. Tôi chỉ xin đọc ra đây 2 hay 3 lời, để chú giải cách thực tiễn.

Một ngày kia, cha Dalmazzo tới cùng Don Bosco: “…thấy ngài đã hoàn thành biết bao việc lạ lùng… người ta còn gọi ngài là một vị thánh, vậy ngài nói gì về chính ngài?… Don Bosco lắng chìm trong thinh lặng một chút, rồi ngước mắt lên trời đáp lời: tôi tin rằng nếu Chúa đã tìm thấy một dụng cụ thấp hèn hơn, yếu đuối hơn tôi thì Ngài đã dùng dụng cụ ấy để làm công việc của Ngài” (MB XVIII, 587). Ở đây, không cần nhấn mạnh tới ý thức khiêm cung rất rõ ràng nơi Don Bosco khi suy nghĩ về chính mình, nhưng phải làm nổi bật Đức tin của ngài, hay ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của ngài. Chúng ta biết được rằng Don Bosco có những khả năng nhân bản phi thường. Đức Pio XI đã quả quyết: trong bất cứ lãnh vực nào, ngài đều có thể trở thành con người vĩ đại. Trong khi trả lời cho cha Dalmazzo, Don Bosco muốn nhấn mạnh cách khách quan là ngài đã cảm nghiệm thấy trong đời sống ngài sức mạnh của Thiên Chúa và khi tiếp nhận sức mạnh ấy, bất cứ ai cũng có thể đi tới phía trước, dù cho những bất tài của mình có lớn đến đâu đi nữa. Thực thế, vào năm 1886, một hôm Don Bosco nói cho cha Marcesco: “Nếu cha có Đức tin cả một trăm lần lớn hơn, cha đã làm gấp trăm những gì cha đã làm” (MB XVIII, 587). Cũng thế, ở đây không phải nhìn nhiều đến sự khiêm cung của Don Bosco, mà là nhìn tới Đức tin của ngài. Ngài xác định điều ngài cảm thấy như một chân lý và nhận thức của ngài khách quan mà nói thì rất đúng. Ở đây, Don Bosco không có ý nói xấu về mình mà muốn nói tốt về Thiên Chúa. Bằng cách đó, ngài tỏ cho chúng ta thấy sức mạnh của Đức tin, được cảm nghiệm nơi chính ngài, khi ngài tự nhìn về chính bản thân.

Một lần khác, một linh mục gởi gắm Don Bosco một linh mục bạn đang cần sự trợ giúp thiêng liêng, xin ngài cầu nguyện cho. Hiển nhiên là Don Bosco hứa cầu nguyện, nhưng Don Bosco cũng thêm: “xin cha nói cho linh mục đó là: ngoài việc xin người khác cầu nguyện cho, thì chính ngài cũng phải tự cầu nguyện nữa vì ‘Đức tin là yếu tố làm nên mọi sự’…”(MB X, 90). Tôi chỉ tình cờ nêu ra đây những lời quả quyết này, có thể tìm thấy cả ngàn lời khác về vấn đề này. Tôi chỉ muốn cho thấy Don Bosco xác tín là Đức tin bao gồm một ý thức rõ ràng là có Thiên Chúa trong cuộc sống và chính Ngài làm mọi sự, hiển nhiên là trong chính lãnh vực làm tăng triển Nước Trời.

Trong những khó khăn, Don Bosco thường nói với một vài con cái của ngài đang mất tin tưởng trước biết bao chướng ngại và bách hại: “chúng ta đừng hoài nghi về bất cứ sự gì cả” (chúng ta hôm nay tin rằng mình đang sống trong thời buổi khó khăn nhất thế giới, tuy nhiên thời buổi Don Bosco cũng không kém khó khăn. Việc thay đổi văn hóa mà ta đang sống đã bắt đầu từ thời đó). “Cha nghiệm thấy rằng, Don Bosco tiếp tục nói, khi càng thiếu sự nâng đỡ nhân loại, Thiên Chúa lại càng tiếp tay nâng đỡ chúng ta” (MB VII, 319).

Một lần khác ngài nói: “Giữa những thử thách cam go nhất, chúng ta cần có một Đức tin lớn lao vào Thiên Chúa”. Ngài rất thường xuyên đi tới lời kêu cầu này: “Nếu đây là việc của Chúa, lạy Chúa, xin Chúa đỡ nâng; nếu chỉ là việc của con, con bằng lòng để nó đổ vỡ” (MB VII, 319).

  1. Chân trời toàn diện của Đức tin Kitô hữu.

Điều tuyệt diệu tôi thấy nơi Don Bosco, cũng như nơi bất cứ người tin nào, là cái nhìn toàn diện trong Đức tin của mình. Chính đây là một khía cạnh nội tại của Đức tin Kitô hữu, nó cung cấp một chân trời thị kiến toàn diện, không phải bị tù hãm trong một góc nào, nhưng là một nhãn quan có tính cách quy tụ và duy nhất để nhìn toàn thể bức khảm cuộc sống và lịch sử.

Đức tin tự nó luôn luôn gồm một cái nhìn toàn diện. Nơi Don Bosco, ta nhận thấy điều ấy dưới một hình thức rất rõ ràng. Ngài nhìn Thiên Chúa như Đấng hiện diện trong lịch sử, được soi sáng bởi dự định cứu độ của Cha, với trung tâm điểm là mầu nhiệm Đức Kitô, với tin vui của Phúc Âm: có tạo thành mới do sự sống lại và niềm xác tín về cuộc quang lâm của Chúa (trong lời Gioan xác quyết: “Đây là chiến thắng đã thắng được thế gian, Đức tin của chúng ta” – 1Ga.5,4) và cùng với sự hiện diện đầy sức mạnh thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Điều ấy ghi dấu vào thái độ tin hai đặc điểm rất quan trọng cho năng động lực của tinh thần Sa-lê-diêng: nghĩa là làm phát sinh lòng biết ơn cũng như tinh thần lạc quan.

Trước hết là lòng biết ơn sống động diễn tả cách mãnh liệt trong Bí Tích Thánh Thể. Thái độ ấy biến con người trở thành “kẻ tạ ơn” trong chính Hy tế Thánh Thể. Không dễ dàng để trở thành ‘hiến tế tạ ơn’, nghĩa là nuôi trong lòng một tình cảm tri ân sâu rộng của người con Thiên Chúa, bởi lẽ con người thường chỉ nhận thấy tất cả điều tốt lành có trong thế giới và trong cuộc sống của riêng mình mà thôi.  Ta thử hỏi người Mác-xít xem họ có tình cảm tri ân không? Khi hiến mình thực hiện cuộc phân tích với óc phê bình xã hội, nặng quan điểm một chiều, họ thấy mình tìm ra cả một sức nặng áp đảo của sự ác, đến độ rốt cuộc họ chỉ còn có thể nguyền rủa kẻ có tội và cổ xúy cho việc đấu tranh giai cấp, họ cảm thấy mình là kẻ tác động duy nhất và chân thật của sự công bình.

Bầu khí tục hóa của con người, chủ nhân của cuộc sống đã du nhập vào trong nền văn hóa hôm nay, và bởi thế đã len lỏi vào biết bao Kitô hữu. Nhiều lần tôi tự hỏi: làm sao người ta còn có thể tham dự cách sinh động vào Thánh Lễ – Hiến tế Thánh Thể – theo nghĩa Hy Lạp chính là Bí Tích Tạ Ơn hay lòng tri ân? Con người tự coi mình là đủ, làm sao có thể tri ân?

Như thế, chúng ta không những phải khám phá ra sự dữ, mà còn phải khám phá ra một cái gì khác nữa, nhất là sự thiện. Tôi không nói là không có những bất công, nhưng chúng ta cần phải dùng tia sáng Đức tin để đi vào thực tại. Người Kitô hữu cảm thấy sâu xa rằng mình là con, khám phá ra Thiên Chúa là Cha, và không chỉ bằng một xác quyết trừu tượng, nhưng chính trong cái cụ thể của cuộc sống thường nhật. Chính trong sự nghèo khó của mình, mẹ Magaritta đã khám phá ra điều ấy, khi chồng bà mất, bà không biết sẽ làm sao. Tuy thế, bà vẫn chỉ những vì sao trên trời mà nói với các con của mình: “Các con hãy nhìn xem, Chúa đã tạo nên những vì sao đẹp biết bao”.

Những tác phẩm sau cùng của Papini đã khiến tôi thật cảm kích, khi ông nửa mù lòa, đã cám ơn Chúa vì tất cả những điều Chúa còn để cho ông thấy. Thật là đẹp! Đây là tinh thần Đức tin, tinh thần tri ân. Một kẻ khác đã có thể nguyền rủa vì sự suy yếu quá nghiêm trọng của đôi mắt, trái lại ông đã dâng lời tạ ơn.

Lòng biết ơn là kết quả của nhãn quan toàn diện và rộng lớn của Đức tin: không chỉ nhìn vào một góc tối đen, mà vào toàn cảnh muôn màu sắc của bức khảm. Vun trồng lòng biết ơn là việc luyện tập phải thực hiện. Tôi biết một kiến trúc sư Argentina, người đã trở lại Đức tin từ Mác-xít, ông quả quyết là đặc điểm ý nghĩa và hấp dẫn nhất trong Kitô giáo đối với ông chính là lòng biết ơn. Là người Mác-xít, ông không nghĩ là phải biết ơn ai hay vì điều gì. Dần dần, ông hiểu là Thiên Chúa thực sự đã dấn thân vào trong lịch sử, mà Kinh Thánh gọi Ngài là “Đấng đang đến” và biến cố cánh chung của Đức Kitô là một nghị lực lịch sử ôm ấp tất cả và làm chín mùi mọi sự, chứ không phải là một hình thức tha hóa khỏi hiện tại để mơ về một cái không tưởng của tương lai, mà chính là một sức tỏa lan và dọi chiếu của sức mạnh phục sinh. Và như thế, ông đã hiểu Đức Kitô là tương lai của Thiên Chúa trong lịch sử.

Một kết quả khác của nhãn quan toàn diện của Đức tin chính là sự lạc quan. Không phải là thứ lạc quan ngây thơ, nông nổi, không có nghĩa là không nhận ra được những khó khăn và bất công. Chúng ta – những người có trách nhiệm – thấy rõ những khó khăn liên tục, chồng chất, nặng trĩu, những vấn đề phức tạp và biết bao đau lòng phải gánh chịu. Niềm lạc quan ta nói tới ở đây không đưa người tin tới nơi an nghỉ, mà đưa họ ra xa những điểm tối để giúp họ nhận thức vẻ đẹp của bức khảm. Khi tôi cảm thấy mình bị đè bẹp bởi một vấn đề gì, lời nói nào sẽ tự nhiên đến trên môi tôi? Chính là “sự cứu giúp chúng ta là ở nơi danh Chúa”, với xác tín rằng Ngài là “Đấng dựng nên cả đất trời”. Ôi, tôi tự nhủ, nếu Ngài đã dựng nên đất trời, chắc chắn Ngài cũng làm nên những việc cả thể khác chứ? Không phải chỉ để kéo tôi ra khỏi những gian nan, bởi vì những gian nan nằm ở ngay trong lòng một chiến thắng lớn. Những gian nan chỉ là những chấm đen trong một bức khảm, còn cuộc chiến thắng lộ ra trong toàn cảnh của bức khảm.

Hai tình cảm mạnh mẽ phát xuất từ Đức tin (tri ân và lạc quan) rực sáng trong lòng Don Bosco và là nét đặc sắc thấy rõ được của tinh thần Sa-lê-diêng, khiến ngài rất có cảm tình, đặc biệt đối với các thiếu niên.

8- Đức Maria, Đấng đã tin.

Không thể kết luận suy nghĩ về viên ngọc Đức tin này mà không thêm một nhận xét: Hội Thánh nhìn thấy thái độ đức tin cao cả nhất và hấp dẫn nhất nơi con người Đức Maria. Kinh Thánh xác định về Mẹ: “Phúc thay Bà là kẻ đã tin”. Don Bosco thường chiêm ngắm chiều sâu và vẻ đẹp của đức tin của Mẹ Maria, vừa hấp dẫn, cao cả, vừa đơn sơ cùng một lúc, thái độ tin của Mẹ. Lắng nghe một cách thâm sâu biết mấy và cụ thể trong chiêm ngưỡng biết bao, rực rỡ biết mấy nơi Mẹ ý thức làm con và sự ngỡ ngàng trước tạo thành mới khởi sự trong lòng Mẹ. Thật mạnh mẽ và can trường dù Mẹ cảm thấy mình bé nhỏ. Cái nhìn toàn diện và tổng hợp cả lịch sử nhân loại của Mẹ thật cao vời, cách biểu lộ tri ân và lạc quan phát xuất từ lòng Mẹ thật đẹp đẽ!

Hãy nghĩ tới kinh Magnificat khi ta hát, hãy tìm cảm nghiệm tất cả nội dung đức tin trong đó. Mẹ thật là hiện thân của “con người đã tin”.

Vì Mẹ không chỉ là mẫu mực tuyệt hảo của người tín hữu, Mẹ còn là thành phần của mầu nhiệm mà đức tin của ta chiêm ngắm, bởi vì trên Mẹ ơn sủng tràn đầy của Đức Giêsu đã rạng tỏ theo nghĩa đó, mà thật được gọi là “Đấng phù hộ”!

Như thế, chúng ta có thể kết luận với một xác quyết của Don Bosco về Đức Maria nói lên cả một niềm tin mãnh liệt: “Chỉ trên trời chúng ta mới có thể biết được, trong tất cả sự kinh ngạc, điều Đức Mẹ Rất Thánh đã làm cho chúng ta” (MB 10,1078).

* * *

VIÊN NGỌC THỨ HAI

ĐỨC CẬY

Chúng ta đang suy nghĩ về tinh thần Sa-lê-diêng của Don Bosco, bắt đầu bằng ba viên ngọc: Tin – Cậy – Mến (…). Bây giờ chúng ta hãy nhìn thẳng vào viên ngọc Đức cậy. Càng tiếp tục suy nghĩ, ta càng cảm thấy dung mạo Sa-lê-diêng giàu thiện cảm.

Don Bosco sống Đức cậy cách khá mãnh liệt. Sau vài suy nghĩ về thái độ Cậy Trông Kitô hữu, ta sẽ nói tới ít đặc điểm của nó theo như cách Don Bosco đã sống (…).

  1. Tin cậy liên kết và tương đồng với nhau.

Điểm nhận định đầu tiên là giữa tin và cậy có sự tương đồng và liên kết mật thiết. Bộ ba “tồn tại” Tin – Cậy – Mến, như ta đã thấy, diễn tả những khía cạnh khác nhau của sức năng động duy nhất của Thánh Thần nơi tâm hồn Kitô hữu. Không thể sống tròn đầy cái này mà thiếu cái kia, giữa tin và cậy có sự trao đổi sinh động. Phaolo định nghĩa kẻ ngoại đạo là “những người không có niềm cậy trông”. Lý do theo ngài là vì “họ không tin” (…). Ai tin, sống bằng hy vọng, và ai hy vọng, sống bằng lòng tin.

Ta biết câu nói danh tiếng của thánh Giacobe nói về ma quỉ: “Chúng tin nhưng run sợ”. Lòng tin của chúng không là “tin – lắng nghe – và tín thác” mà là một thứ hiểu biết nào đó về mầu nhiệm Thiên Chúa thúc đẩy chúng phản loạn và khiếp hãi.

Đức cậy, như đức tin, đến từ trên. Là kết quả của việc Chúa Thánh Thần ngự trong ta, không phải là một thực tại thuần nhân loại. Thánh Phaolo nhắc lại điều ấy khi viết cho những người Roma: “Chớ gì Thiên Chúa, Đấng ban niềm cậy trông, ban cho anh em, những kẻ tin, được đầy mừng vui và an bình, và trong quyền năng của Thánh Thần, cho anh em được ứa tràn niềm cậy trông” (Rm.15,13).

Suy nghĩ tới thái độ thiêng liêng này như là một thứ cậy trông nhân loại là thiếu sót. Đây là ơn đến từ trên và đưa đức tin tiến xa hơn chính nó. “Cậy trông” không chỉ là “tin”, còn có cái gì hơn nữa, làm cho niềm tin tràn đầy sinh lực.

Trong khi chiêm ngắm những biến cố lớn lao của mầu nhiệm Đức Kitô, người tín hữu làm nổi bật – với tất cả niềm cậy trông – cuộc đảo lộn tận căn do sự sống lại tác động vì chính nó là “khởi điểm” của tạo thành mới phải tăng triển và cuốn theo mọi sự. Vâng phục đức tin và niềm vui làm con cái được diễn tả trong cuộc dấn thân đầy hoạt động của cuộc sống “theo Đức Kitô” và tham gia tích cực vào “sứ mạng cứu độ”, trong đợi chờ và sửa soạn cuộc chiến thắng cuối cùng. Việc nhận chìm bản thân trong sự sống lại của Đức Kitô khởi sự với phép Thanh Tẩy, nhưng sự tràn đầy của nó sẽ chỉ hiện ra vào ngày Quang Lâm của Chúa.

Qua Đức cậy, người tín hữu cảm thấy mình bị đưa vào với tất cả trách nhiệm trong chương trình lịch sử cứu độ, nơi ta phải dấn thân tích cực rất nhiều, hầu đợi chờ và sửa soạn cuộc Quang Lâm. Một cái gì đó đã có, và một cái gì đó còn thiếu, thế là ta chờ đợi, ước mong và làm việc để đến được cái tròn đầy.

Ta sống niềm cậy trông trong sự liên kết mật thiết với việc tuân phục của đức tin (…) là sự dễ dạy trước chương trình của Thiên Chúa, xoay quanh sứ mạng cứu độ vĩ đại của Đức Giêsu Kitô. Một sứ mệnh trong lịch sử mà vì lịch sử, nhắm tới đem lại cho nhân loại khả năng vượt quá chính lịch sử. Mức độ siêu việt ấy gọi là “sự cứu độ” hay “sự thánh hóa”, và được diễn tả trong hai nỗ lực hành động: một gắn liền với sức tăng triển cá nhân trong cái mới của phép “Thanh Tẩy”, là “việc theo Đức Kitô” hay là việc thánh hóa bản thân mình, nỗ lực nữa liên can đến nhân loại được nhìn như người thân cận, tức là “sứ mệnh cứu độ”, hay sự cứu chuộc, hay sự giải phóng toàn diện của con người. Trong cả hai, có cái gì đó đã đạt tới được, và vẫn còn nhiều cái phải nỗ lực nhiều để đạt tới mức độ tràn đầy hơn.

  1. Cái “đã” và cái “chưa”.

Như thế, tính chất khuynh đảo tận căn trong sự sống lại của Đức Kitô “đã” được thực hiện, nhưng mức viên tròn của nó vẫn “còn chưa”. Việc chuyển mình của lịch sử đòi hỏi người Kitô hữu những nỗ lực cậy trông lớn hơn.

Chúng ta hãy trở lại với thánh Phaolo, trong thư Roma. Trong chương 4, vị tông đồ nói với chúng ta về Abraham trong khi miêu tả bí mật của mức vĩ đại ngài: “Hy vọng ngược với mọi điều trông mong (nhân loại), Abraham đã tin” (4,18) (…)

“Abraham đã tin” – thánh Phaolo giới thiệu Abraham như người cha trong đức tin,  giữa thời gian lề luật làm chủ tình hình, và nhấn mạnh: không phải lề luật hay sự cắt bì đã biến ông nên cha mọi tín hữu, mà chính là “lời hứa”. Đức tin vào lời hứa có vẻ không tưởng, không thể có được: ông lúc ấy đã trăm tuổi, vợ ông tàn cỗi (không con), thế mà ông lại có thể trở thành cha của nhiều dân tộc. Thế rồi ông lại phải hy sinh đứa con trai độc nhất. Thế ta mới hiểu được sức mạnh của câu nói: “Abraham đã tin”. Một đức tin mãnh liệt khiến ông “hy vọng”, ngược với mọi niềm trông mong.

Khi thánh Phaolo nói tới “hy vọng”, ngài muốn nói tới quan niệm cậy trông trong lòng tin, một ơn siêu nhiên của Thánh Thần lôi kéo Abraham vào trong một viễn ảnh của chương trình Thiên Chúa. Ngài còn thêm “ngược với mọi điều trông mong”, nghĩa là mọi niềm trông mong vào một tương lai gần của Abraham theo nghĩa nhân loại, dựa vào những dự phóng thông thường gắn liền với khả năng sinh sản của ông và vợ ông; thực ra ông không thể tính trước và dự phóng trước là mình sẽ có nhiều con cái và những người con này tới lượt họ sẽ có một dòng tộc đông đảo.

Trường hợp của Abraham cho chúng ta hiểu mức tôn quý của niềm cậy trông siêu nhiên và dây liên kết của nó với đức tin(…).

Như vậy, Đức cậy dựa trên sự vững chắc của lòng tin: Ta không thể có hy vọng nếu không có một đức tin rõ ràng và sâu xa nhờ sự trợ giúp của đức tin, ta nhận thức được tầm mức lớn lao và quyền lực của điều “đã có”, cái thực ra vẫn còn để mở cách rộng rãi cho một “cái còn chưa tới”.

Cái “đã” này là gì? Đó là biến cố của sự sống lại của Đức Kitô, sự Phục sinh, và việc Thánh Thần hiện xuống, thực tại Hội Thánh, Phép Rửa của tôi… Tất cả cái đó là “cái đã có”, tuy nhiên cần một đức tin để chiêm ngắm nó liên tục và hiểu được rằng, đối với tôi và đối với các người đồng thời của tôi, cái “đã có” đó chỉ mới là hạt gieo, phải được phát triển và lớn lên trong thời gian.

Và đây: niềm cậy trông của một nhãn quan đức tin để nhìn thấy nội dung thần linh của “cái đã là”. Tuy nhiên sẽ không phải là cậy trông nếu thêm vào điều “đã có đó” lại không có một viễn cảnh và một nỗ lực hướng về cái “không có”. Mà đâu là chân trời của “cái còn chưa có”? Còn thiếu một cái gì đó rất quan trọng, việc thực hiện toàn diện của lời hứa vẫn còn để mở. Cái “chưa có” ấy cần một sự cắt nghĩa. Nó nhắm đến cái gì? “Chưa có” muốn nói lên giới hạn, sự thiếu hụt, sự chối từ, sự dữ. Cách diễn tả ghê gớm nhất của nó là sự chết. Và lịch sử chứng tỏ cho chúng ta là nó vẫn còn thống trị thời đại ta. Biết bao sự ác, biết bao sự thiếu thốn, biết bao khó khăn, biết bao sự chết vẫn còn đó mặc dù sự sống lại của Chúa Kitô. Niềm cậy trông, với cái “nó còn chưa có” đó, muốn vượt ra ngoài thời gian. Có khi chúng ta làm “cái chưa có đó” với một cái gì sẽ đến trong lịch sử, cái đến “sau” trong thời gian, cái sẽ xảy ra vào ngày mai, hay hôm sau nữa, trong 10 năm, 100 năm… Nhưng luôn là cái trong thời gian. Niềm cậy trông ngược lại khiến chúng ta nhìn về tương lai tuyệt đối, bắt buộc chúng ta phải thực hiện một bước nhảy vọt về phẩm tính. Ta phải nhìn xa hơn cái sẽ đến sau, đúng ra, phải nhìn lên đó, lên xa mãi. Thực ra cái “chưa có” của niềm cậy trông không tách lìa khỏi cái “đã có”, nó ở trong cái “đã có” như sinh động lực chứa ở trong hạt giống. Đó là tính cách cánh chung Kitô giáo: thực tại lịch sử ngập tràn sức tác động của Thiên Chúa, và trong hướng siêu việt sự sống lại của Đức Kitô là động lực bên trong, cho cả tương lai trong lịch sử, không phải để biến thời gian thành vĩnh cửu, mà là để thiết lập trong thời gian những yếu tố của cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta trong Đức Kitô Phục Sinh.

Có lẽ ta thấy vấn đề khó làm sáng tỏ, nhưng cũng rất hay. Ta khám phá ra ở đây tất cả vẻ đẹp bí mật của niềm hy vọng Kitô hữu. Chúng ta hãy cố gắng cắt nghĩa bằng một ví dụ. Giả thiết một điều không thể được là  y học thành công phát minh ra một cuộc chiến thắng sự chết trên bình diện sinh học. Cuộc chinh phục ấy có giống cái sẽ là đích điểm vĩnh viễn của niềm hy vọng chúng ta? Tất cả sẽ là cái “đã có, đã hoàn tất” mà không còn mong đợi “cái gì chưa đến nữa”, một sự đánh bại hoàn toàn sự chết? Tuyệt đối là không! Đối tượng của niềm cậy trông Kitô hữu không phải thuộc trật tự sinh học, cũng không phải là một phép lạ giống như là sự sống lại của Lazaro, nhưng là một mầu nhiệm, mầu nhiệm trao ban một sự sống mới, sự sống của Thiên Chúa cho mọi kẻ tin vào mọi thời. Giả thiết là y học khám phá ra được thứ thuốc thần – trường sinh ấy: liệu nó có giải quyết được vấn đề về sự chết? Nhưng, còn những kẻ đã chết? Biết bao thế hệ đã chết trong biết bao nhiêu thế kỷ. Còn họ nữa? Và rồi, nếu nó chỉ ban sự sống sinh thực, nó lại không cất bỏ được những bệnh tật, mà còn chồng chất những bệnh tật tệ hại hơn nữa.

Niềm cậy trông Kitô hữu là sự cứu độ cho mọi kẻ tin kể từ Abraham về sau này. Y học không thể thực hiện được điều này. Trong quan niệm Kinh Thánh về sự chết, ta thấy bao gồm cả tội lỗi cùng tất cả hiệu quả của nó, những bất công, những sa đọa luân lý, những sự thiếu sót, những sự khiếm khuyết. Đối kháng lại tất cả những cái đó là niềm cậy trông kiên trung Kitô hữu, vững tâm thắng vượt trong Đức Kitô “tất cả những gì là chưa có”.

Nhưng trong cái “chưa có” đó không chỉ có sự chết, sự dữ, mà còn có cả nhu cầu tăng triển trong thời gian: một đứa bé chưa là một con người, một hạt giống chưa là một trái, một dự định ơn gọi Kitô giáo chưa là sự thánh thiện. Luôn luôn có sự sống phải vươn tới, cái “còn chưa có đó” đòi ta phải săn sóc, phải nuôi dưỡng, phải làm cho nó tăng trưởng.

Trước tất cả chân trời lớn lao đó mà niềm cậy trông phải đối diện như là một sức năng động của chiến thắng phát xuất từ quyền năng của Thánh Thần. Trong ngày vĩ đại của Quang Lâm của Chúa, mọi sự sẽ “được giải phóng khỏi quyền lực của hư hoại để tham dự vào địa vị tự do của hàng nghĩa tử Thiên Chúa” như thánh Phaolo: “Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được ơn cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm.8,23-25).

Đấy là một viễn ảnh lạc quan, hy vọng Kitô hữu cho chúng ta đi vào đời huyền nhiệm. Đừng quên là chính các thánh là những người sống trong bầu khí ấy: Don Bosco đã xây dựng sự thánh hóa của mình và công việc tông đồ của mình dưới nền tảng của niềm hy vọng.

Cần thiết phải khởi sự từ đây để hiểu là rốt cuộc những mong chờ nhân loại về một tương lai lịch sử, những dự định chính trị, những tính toán, những công trình, tất cả đều thứ yếu và tùy thuộc, không phải vì chúng không đáng chú tâm, nhưng vì chúng cần được nâng đỡ bởi niềm hy vọng mà Thánh Thần của Chúa đổ vào lòng ta (…).

  1. Trong niềm cậy trông, chúng ta được cứu độ (Rm.8,24)

Xác quyết trên của thánh Phaolo, trong khi là nguồn vui cho ta, đòi hỏi những nỗ lực nghiêm trọng và cụ thể. Bởi vì “thực chúng ta đã được cứu độ”, sự cứu độ ta “đã có” thật vĩ đại. Nhưng chúng ta chỉ được cứu độ “trong hy vọng”: nghĩa là sự cứu độ của chúng ta vẫn còn được mở ra cho “cái còn chưa có”: nó đòi hỏi nơi chúng ta nỗ lực hoạt động và hiến thân.

 Nói về ơn cứu độ, thánh Phaolo dùng tiếng “chúng ta”. “Chúng ta” đây là ai? Câu trả lời rất rõ ràng, đó là sự cứu độ cho mọi kẻ tin: tôi và đồng loại của tôi. Vừa là sự cứu độ của tôi, “sự cứu độ cá nhân”, vừa là của đồng loại, tất cả nhân loại, sự “cứu độ phổ quát”. Như thế Đức cậy chất vấn chúng ta trên cả hai mặt: việc lo cho sự thánh hóa bản thân qua “việc theo Chúa”, và sự cứu độ thế giới trong sự tham gia vào sứ mạng cứu độ của Đức Kitô và của Hội Thánh.

Như thế, qua Đức cậy, chúng ta “đã” và “còn chưa” được cứu độ, bởi vì ta phải dấn thân cùng Đức Kitô (“Đấng đang đến”, Đấng đã ở trong thế gian, nhưng chúng ta vẫn đợi chờ Ngài hiển thắng trong cuộc quang lâm) để chiến thắng chính chúng ta, chính tôi, con người tôi và để cứu kẻ khác. “Theo Chúa” và “tham dự vào sứ mạng” là một. Chúng ta hoàn tất cái “còn chưa có” trên “bước đường đi theo Chúa”, bằng việc tìm kiếm và nỗ lực thực hiện sự thánh thiện cá nhân trong kế hoạch Tin Mừng là chính đời sống tu sĩ chúng ta. Chúng ta làm chín mùi “cái còn chưa đạt tới” của sứ mạng chúng ta qua nỗ lực tông đồ mà nét đặc sắc chính là tình yêu đặc ái ta dành cho giới trẻ.

Thái độ chờ trông của Đức cậy không thụ động, mà chính là mức độ hành động mãnh liệt của công cuộc sửa soạn của những kẻ muốn tiếp đón cách xứng đáng cuộc thăm viếng của vị Vua và Chúa vĩ đại của mình. Như thế Đức cậy trông Kitô hữu biểu lộ niềm vững tin chăm chỉ của người Kitô hữu trong khi vượt qua cái “còn chưa có”, tức đau đớn, tội lỗi, đổ vỡ, bất toàn của lịch sử với tất cả sức mạnh không kiềm chế nổi của Thánh Thần.

  1. Don Bocso, vĩ nhân của niềm cậy trông.

Don Bosco đã là một trong những vĩ nhân của niềm cậy trông. Có nhiều yếu tố để chứng tỏ điều đó. Tôi không dừng lại ở điểm này. Tinh thần Sa-lê-diêng thấm nhuần những xác tín và tinh thần làm việc là những nét rất đặc sắc của sức năng động của Thánh Thần này.

Chúng ta chỉ nhắc lại cách vắn gọn việc Don Bosco đã biết diễn tả trong cuộc sống ngài nghị lực của niềm hy vọng, trong hai nỗ lực thánh hóa bản thân và sứ mạng cứu rỗi người khác. Ta dám nói chính ở đây ta thấy đặc điểm trung tâm của tinh thần ngài – là sự thánh hóa bản thân qua việc cứu người khác.

Ta hãy nhớ lại khẩu hiệu 3 chữ S: “Salve, Salvando, Salvati”: Hãy cứu rỗi, bởi cứu kẻ khác, ta cứu rỗi chính mình. Có thể đây chỉ là lối chơi chữ, để giúp trí nhớ, một thứ khẩu hiệu sư phạm, nhưng thực sâu xa, diễn tả hai chiều kích thánh hóa bản thân và cứu rỗi đồng loại liên kết với nhau rất chặt chẽ. Trong “hoa thiêng” hay “khẩu hiệu sống” của năm ấy (“Làm Việc và Tiết Độ” khí giới Sa-lê-diêng), ta nhận thấy niềm cậy trông được sống nơi Don Bosco như là một thứ cụ thể hóa thực tiễn và hằng ngày của một năng lực hoạt động không nhọc mệt nhằm thánh hóa và cứu rỗi. Đức tin của ngài dẫn ngài đến việc ưa thích chiêm ngắm nơi mầu nhiệm Thiên Chúa chương trình khôn tả cứu rỗi của Người. Ngài nhận thấy nơi Đức Kitô, Đấng cứu độ con người và Chúa của lịch sử, nơi Mẹ của Người, Đấng phù hộ các giáo hữu, nơi Hội Thánh, bí tích cứu độ vĩ đại, trong việc làm tăng triển đời Kitô hữu và nơi giới trẻ nghèo một lãnh vực lớn của “cái còn chưa đạt tới” phải được hoàn tất. Vì thế từ tấm lòng ngài vang lên tiếng kêu lớn: “Da mihi animas: Lạy Chúa, xin cho con được cứu giới trẻ, còn mọi sự khác xin Chúa cất đi!”. Việc theo Đức Kitô và sứ mệnh vì giới trẻ cũng tạo nên trong tinh thần của ngài, một năng động lực đối thần duy nhất tạo nên một bản lãnh dám đảm nhận mọi sự. Ca hiệp lễ Don Bosco xưa có câu: “Contra spem, in spem credidi”.

Nhưng để hiểu điều ấy thấu suốt hơn, chúng ta hãy nêu lên một vài khía cạnh nội  tại của Đức cậy.

  1. Những yếu tố tạo thành Đức cậy.

Đâu là những yếu tố riêng của Đức cậy Kitô hữu ta có thể nhận thức ra được để hiểu rõ hơn tinh thần của Don Bosco? Tôi xin nhắc lại 3 yếu tố mấu chốt: trên đó chín mùi những hoa quả trang sức cho tinh thần Sa-lê-diêng của chúng ta.

Xác tín về “cái đã có”.

Khi chúng ta hỏi đâu là đối tượng của Đức cậy, thần học trả lời: đó là xác tín sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng “phù trợ”, giúp đỡ và hộ vực cho ta, xác tín nội tại về “quyền năng của Chúa Thánh Thần”, tình bằng hữu với Đức Giêsu chiến thắng khiến “ta có thể làm mọi sự trong Ngài”.

Vậy yếu tố đầu tiên tạo nên Đức cậy là xác tín về “cái đã có”. Niềm cậy trông kích thích Đức tin nhận định ra sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa trong những diễn biến nhân loại, quyền lực của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh và trong thế giới, vương quyền của Đức Kitô trên lịch sử, những giá trị của thanh tẩy đã khai mào trong ta đời sống của sự sống lại cần có trong tâm hồn của một nhận thức sống động về cuộc mạo hiểm của Thiên Chúa trong thời gian và ý muốn đặc biệt của Ngài đến cứu giúp ta khiến ý thức ta phô diễn ra cách tự nhiên và táo bạo lời thú nhận cảm kích của chính thánh Phaolo: “Tôi có thể làm được mọi sự trong chính Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl.4,13).

Bởi vậy yếu tố đầu tiên tạo nên Đức cậy chính là việc thi thố niềm tin trên những nội dung của cái “ta đã có”: trên bản thể Thiên Chúa là Cha nhân từ và Đấng cứu độ ta, trên công trình Đức Giêsu đã thực hiện cho ta, trên Ngày Hiện Xuống như khởi nguyên của thời đại Thánh Thần, trên thực tại mới ở trong ta nhờ thanh tẩy, nhờ các Bí Tích, nhờ đời sống trong Hội Thánh, nhờ tiếng gọi cá nhân của ơn gọi ta.

Phải suy nghĩ rằng Đức tin và cậy chuyển thông sức năng động của chúng cho nhau ở trong ta, kích thích lẫn nhau và hoàn tất lẫn nhau, cho ta sống trong bầu khí sáng tạo và siêu việt của quyền năng Thánh Thần.

Ý thức rõ rệt về cái “còn chưa có”.

Yếu tố thứ hai tạo nên đức cậy là ý thức về “cái còn chưa có”. Có vẻ không khó lắm để có được ý thức này, tuy nhiên Đức cậy đòi hỏi một ý thức rõ ràng không chủ yếu đối với cái gì là dữ và bất công, mà nhất là đối với gì “còn thiếu”, cho tầm cỡ của Đức Kitô trong thời gian, và như thế cần thiết một ý thức rõ về điều gì là bất công và tội lỗi và cả tới điều gì là non yếu, là từng mảng xé lẻ, là còi cọt trong việc xây dựng Nước Chúa.

Điều ấy giả thiết một sự hiểu biết rõ rệt về dự định cứu độ của Thiên Chúa, nhờ thế người sống trong cậy trông mới có được khả năng phẩm bình và nhận thức. Như thế sự phê phán của con người cậy trông không chỉ thuần là tâm lý xã hội, nhưng còn trong viễn ảnh siêu việt, trong đường hành trình của “tạo thành mới”, nó sử dụng những cống hiến của khoa học con người, nhưng vượt xa mức cống hiến đó rất nhiều.

Với ý thức về cái “còn chưa có”, người cậy trông nhận thức được cái gì là chưa chín mùi, cái gì là hạt giống của Nước Trời, và nỗ lực làm cho sự lành lớn lên và chiến đấu chống tội lỗi với viễn ảnh lịch sử của Đức Kitô.

Khả năng nhận thức về “cái còn chưa có” được đo lường bởi xác tín về “cái đã có”. Nhờ thế, (…) trong thời điểm khó khăn, người cậy trông thúc đẩy và kích thích niềm tin khám phá ra được những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa và những trung gian Chúa dùng để dẫn dắt chúng ta trong những con đường Ngài đã vạch ra cho ta. Đây là một đức tính rất quan trọng cho ngày hôm nay: biết nhận ra những hạt giống để giúp chúng nẩy mầm và tăng trưởng.

Làm sao có thể hy vọng nếu ta không có một khả năng nhận thức này? Biết nhận thức ra tất cả sức nặng nề của sự dữ cũng chưa đủ, còn phải nhạy cảm với mùa xuân đang “rực sáng chung quanh”. Bởi vậy, trong thời buổi khó khăn này (…), niềm cậy trông giúp chúng ta nhận thức được là cũng có biết bao cái thiện hảo trong thế giới, và có một cái gì đó đang tăng triển. Ta hãy nhớ lại câu châm ngôn Trung Hoa khá gợi ý: “Một cây đổ còn ồn ào hơn cả một rừng cây đang lớn lên”.

Sự cần lao cứu độ.

Yếu tố thứ ba của đức cậy là nhu cầu phải hoạt động gắn liền với nỗ lực dấn thân cụ thể tiến tới thánh hóa, đầy sáng tạo và đầy hy sinh tông đồ. Ta phải cộng tác với cái “đã có” đang tăng tưởng, nỗ lực hoạt động để chiến đấu chống lại sự dữ nơi ta và nơi những người khác, nhất là nơi thanh thiếu niên cần sự trợ giúp.

Sự nhận thức ra được cái “đã có” và cái “còn chưa có” phải được chuyển biến thành hành động thực tiễn trong cuộc sống, tự mở ra cho những quyết tâm, những dự định, những việc duyệt xét, sáng tạo, kiên nhẫn, bền tâm. Không phải tất cả sẽ kết quả như “ý ta ước vọng”, sẽ có những thất bại, nghịch cảnh, đổ vỡ, hiểu lầm. Đức cậy Kitô hữu cũng tất nhiên tham dự vào với cái tối tăm của đức tin.

  1. Một vài hoa trái của Đức cậy.

Từ ba yếu tố tạo nên đức cậy tôi vừa nói qua tới phát sinh ra những “hoa quả” đặc  biệt có ý nghĩa đối với tinh thần Don Bosco.

  1. a) Từ yếu tố thứ nhất – xác tín về cái “đã có”- sản sinh ra hoa quả đặc sắc là NIỀM VUI. Một niềm hy vọng chân thật đều triển nở thành niềm vui (…).

Tinh thần Sa-lê-diêng mặc lấy niềm vui của hy vọng như cái gì mật thiết với bản chất của nó (…). Giới trẻ là niềm hy vọng của nhân loại và vì thế khao khát niềm vui. Chúng ta thấy Don Bosco diễn tả niềm hy vọng trong một bầu khí vui tươi do chính lớp trẻ phải được cứu rỗi. Daminh Savio, lớn lên trong trường của Don Bosco đã nói: “Ở đây chúng tôi biến sự thánh thiện hệ tại ở việc luôn sống vui tươi”. Không phải là thứ vui tươi hời hợt của thế gian, nhưng là một niềm vui nội tâm, mà bản thể của nó là cuộc chiến thắng Kitô hữu, mối hòa điệu sinh động của nó với niềm hy vọng, một niềm vui nổ bùng lên thành hoan lạc. Tối hậu đó là niềm vui xuất phát từ chiều sâu của đức tin và của Đức cậy. Không cần nói nhiều, nếu ta buồn ấy chính là vì chúng ta nông cạn.

Chúng ta biết có một nỗi buồn Kitô hữu: chính Đức Giêsu đã sống. Tại vườn Ghét-si-ma-ni, linh hồn Ngài đã buồn đến chết, Ngài đã đổ mồ hôi máu. Đấy hẳn là một thứ buồn hoàn toàn khác với thông thường.

Tuy nhiên, nỗi buồn hay nỗi cực xảy ra khi một tu sĩ (…) có ấn tượng là không ai hiểu mình, là kẻ khác không lưu ý trọng nể mình, là người ta ghen tị hay không thông cảm với những khả năng của mình… Đấy là cái buồn không nên nuôi dưỡng. Phải đem cả chiều sâu của Đức cậy mà đối lại với nó: Thiên Chúa ở cùng tôi và muốn sự thiện cho tôi, nào có quan hệ gì việc người khác ít trọng kính tôi? 

Niềm vui trong tinh thần Sa-lê-diêng, là một bầu khí thường nhật, nó phát xuất từ Đức tin đầy trông cậy và từ Đức cậy đầy tín thác, hay từ chính sức năng động của Thánh Thần trong ta loan báo cuộc chiến thắng trên thế gian… Niềm vui tối cần thiết để làm chứng một cách chân chính điều chúng ta tin và hy vọng.

Tinh thần Sa-lê-diêng trước hết và trên hết là chính điểm này, chứ không thể giảm thiểu nó vào duy việc tuân giữ và hãm mình. Đức cậy đưa chúng ta thực hiện rất nhiều việc hãm mình, như là cuộc luyện tập để thực hiện chuyến bay, chứ không như những mũi tiêm hành hình trong cảnh tù tội. Do đó, từ Đức cậy phát xuất biết bao niềm vui.

Ta thấy đó, người ngoại (và nay có biết bao nhiêu!) tìm cách giải trí. Thế gian tìm cách vượt qua giới hạn của mình và sự mất hướng của mình bằng một đời sống sung tràn những cảm giác kích thích. Họ vun trồng việc tăng tiến và thỏa mãn giác quan, phim ảnh khiêu khích, các thứ kích dâm, ma túy v.v… đó là cách trốn thoát khỏi hoàn cảnh tạm bợ, hình như tự nó là vô nghĩa, để tìm một cái gì đi ra ngoài lằn mức để tiến tới một thứ cuộc sống siêu việt giả tạo nào đó.

  1. b) Kết quả thứ hai của Đức cậy, phát sinh từ ý thức về “cái còn chưa có” chính là sự kiên nhẫn. Mọi thứ hy vọng luôn kèm theo kiên nhẫn. Đức nhẫn nại là một thái độ Kitô giáo, gắn liền cách sâu xa với niềm hy vọng vào cái “vẫn còn chưa có” phải đợi chờ lâu dài, với những “khốn nỗi”, những khó khăn và những bóng tối của nó. Tin vào sự sống lại và làm việc cho sự chiến thắng của Đức tin trong khi mình vẫn là thụ tạo phải chết và chìm ngập trong thực tại đổ vỡ, đòi hỏi một Đức cậy tiềm tàng trong cơ cấu của nó yếu tố kiên nhẫn.

Đức Giêsu đã biểu lộ một sự kiên nhẫn tuyệt vời vào giờ phút khổ nạn và giờ chết của Ngài. Một sự kiên nhẫn có kết quả, bởi vì là một thái độ kiên nhẫn sống trong hy vọng. Đức Piô XI nói chí lí rằng: Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta và cứu chúng ta bằng cuộc khổ nạn và sự chết của Ngài còn hơn cả bằng các diễn từ và các phép lạ của Ngài. Ở đây, trong kiên nhẫn, ta thấy đòi hỏi chấp nhận cách có ý thức và chịu đựng  mọi gian truân, hơn là thực hiện những sáng kiến và những hành động, nhằm thực hiện chương trình của Thiên Chúa.

Chúng ta đã lắng nghe biết bao cuộc tranh luận trước vấn đề “chiêm niệm” hay “hành động”, nhưng sự nhẫn nại đưa chúng ta đi xa hơn cả chiêm niệm và hành động. Nó đặt chúng ta vào trong sự chịu đựng đau đớn, nối kết trong đó cả tin lẫn cậy, để đạt tới một tổng hợp cao vời hơn giữa hành động và chiêm niệm. Sự kiên nhẫn trong khi chịu nạn là đỉnh cao của đời Kitô hữu tại Calve, trong chứng tá tử đạo, trong đau đớn của hy lễ hiến dâng.

Đúng, tinh thần Sa-lê-diêng của Don Bosco vẫn thường nhắc nhở cho chúng ta sự kiên nhẫn. Trong phần dẫn nhập vào Hiến luật, Don Bosco nhắc lại qua ý của thánh Phaolo là những đau khổ ta phải chịu trong đời này không so sánh được với phần thưởng đang chờ ta. “Ngài thường nói: Can đảm lên! Chớ gì Đức cậy nâng đỡ ta, khi mình cảm thấy như thiếu lòng kiên nhẫn” (MB 12,485), “Chính niềm cậy trông vào phần thưởng Chúa ban phải nâng đỡ lòng kiên nhẫn” (MB 12,458).

  1. c) Từ yếu tố thứ ba của Đức cậy – “cần lao cứu độ” – phát sinh một hoa quả khác là sự nhạy cảm của sư phạm. Đây là một sáng kiến phải có nỗ lực tương xứng cả trong lãnh vực thánh hóa bản thân (theo Đức Kitô), lẫn lãnh vực cứu rỗi người khác (sứ mệnh). Nó gồm nỗ lực dấn thân thực tiễn, có cân nhắc và bền bỉ, được Don Bosco diễn tả bằng một phương pháp cụ thể.

Đây là một vài đặc điểm:

– Trước hết là tính sắc bén trong đường lối hành động (hay sự khôn lanh thánh thiện): khi cần phải có những sáng kiến, Don Bosco đem tất cả cái nhìn sắc bén nhằm giải quyết vấn đề mà không hề nại tới chủ nghĩa hoàn thiện, nhưng với một tính thực tiễn khiêm cung, ngài thường nhắc lại nhiều lần câu này: “Cái tuyệt hảo là kẻ thù của sự thiện”.

– Một nét đặc biệt khác là tính táo bạo. Thế lực sự dữ có tổ chức, con cái tối tăm hành động với trí lực. Tin Mừng nói với chúng ta rằng con cái ánh sáng phải khôn lanh và can đảm. Bởi thế để làm việc trong thế giới, phải trang bị bằng sự khôn ngoan nguyên tuyền, hay bằng “cái chuông của các nhân đức” khiến chúng ta dẻo dai, quyết đoán và sắc bén trong việc áp dụng sự táo bạo chân thực trong việc lành. Không cần gợi lại ở đây vô số giai thoại trong đời Don Bosco.

– Đặc điểm nữa là lòng đại lượng. Ta không thể khép kín cái nhìn của mình trong bốn bức tường nhà. Chúng ta được Chúa gọi đến để cứu thế gian, chúng ta có một sứ mệnh lịch sử còn quan trọng hơn cả sứ mệnh của các phi hành gia hay những nhà khoa học… Chúng ta dấn thân giải phóng toàn bộ con người. Tâm hồn chúng ta mở ra cho những nhãn quan rộng rãi hơn nhiều. Don Bosco muốn ta “ở hàng đầu của tiến bộ” (khi nói những câu này, ngài có ý chỉ tới phương tiện truyền thông xã hội).

Tôi đã qua ít tháng tại Monte-video, tôi đã được ban tặng một món quà là lá thư Don Bosco viết cho Đức Cha Lasagna chưa được ấn hành, trong đó ngài nói như sau: “Lasagna thân mến, cha đã mua được một lô giấy, con biết đấy, tốt nhất là con liên hệ với giới báo chí và nhà in Monte-video (dĩ nhiên là những người tốt lành không chống lại Giáo Hội) để cung cấp cho họ số giấy này. Cha có thể bán cho họ với 20 phần trăm hoa hồng…”. Chúng ta có thể hiểu nổi không? Đấy là những chuyện các thánh bàn tới sao? Ấy thế mà  Don Bosco lại làm đấy!

Chúng ta biết lòng đại lượng của Don Bosco trong việc tung giới trẻ vào những trách nhiệm tông đồ. Vào đợt gởi các nữ tu Sa-lê-diêng truyền giáo đầu tiên sang Mỹ Châu: những người lên đường đầu tiên là những “thiếu nữ”. Liệu ngày nay ta dám gởi các thiếu nữ sang Phi Châu không? Don Bosco hành xử trên một chân trời rộng lớn: Valdocco, Mornese, đối với ngài chưa đủ. Ngài không chịu ở lại trong những ranh giới Torino, Piemonte, Ý, Châu Âu. Trái tim ngài đập cùng với trái tim Hội Thánh hoàn cầu, bởi vì ngài cảm thấy như mình mang lấy trách nhiệm cứu rỗi giới trẻ nghèo khổ của cả thế giới. Ngài muốn  người Sa-lê-diêng cảm thấy các vấn đề lớn lao và khẩn thiết của thanh thiếu niên và Hội Thánh như là của mình, để sẵn sàng phục vụ tại bất cứ đâu. Trong khi ngài vun trồng những dự định và những sáng kiến lớn lao, ngài rất cụ thể và thực tiễn trong cách thực hiện, với ý thức tuần tự từng bước và sự khiêm cung của những bước khởi đầu. Ta thấy Đức cậy trong tinh thần Sa-lê-diêng tỏa rộng biết mấy.

Đức Thánh Cha Pio X nói: “Chướng ngại vật lớn nhất cho việc tông đồ là sự nhút nhát và yếu hèn của những người tốt”. Trên dung mạo Sa-lê-diêng luôn luôn phải rực sáng, như điểm thu hút, tinh thần đại lượng, không phải để nên cái đầu khổng lồ mà không có những nhãn quan, nhưng là có sự đại lượng của tâm hồn vì mình có một trái tim chứa chất niềm hy vọng.

Péguy, với sự sắc bén khá mãnh liệt, đã viết: “Một sự đầu hàng tự trong bản chất chính là một công trình, trong đó người ta bắt đầu bằng cách giải thích thay vì thực hiện. Kẻ nhát gan luôn luôn là kẻ nại tới nhiều cắt nghĩa”. Trên dung mạo Sa-lê-diêng luôn phải rực sáng, như điểm thu hút cảm tình, một thứ huyền nhiệm của quyết định và sự táo bạo khiêm cung đầy tính thực tiễn. Don Bosco rất quả quyết trong nỗ lực làm việc thiện, dù ngài không thể bắt đầu ngay cả trong sự thiếu trật tự, để rồi hướng tới trật tự.

Đức cậy đặt trên dung mạo người Sa-lê-diêng sự can đảm trong sáng kiến, tinh thần hy sinh trong kiên nhẫn, sự khôn ngoan trong mức tuần tự sư phạm, cái không tưởng của lòng đại lượng, sự khiêm cung của tính thực tiễn, cái khôn ngoan của sự khôn lanh và nụ cười đầy vui tươi bên cạnh chiều sâu của chiêm niệm, niềm vui của đời con cái Thiên Chúa, sự phấn khởi của lòng tri ân và lạc quan (phát xuất từ đức tin).

  1. Lòng sùng kính Mẹ Phù Hộ – cách diễn tả của niềm cậy trông.

Để kết luận, chúng ta nhấn mạnh tới một khía cạnh khác của Đức cậy trong lòng sùng kính của Don Bosco đối với Đức Mẹ: Kính chào Nữ Vương, Mẹ đầy lòng thương xót, Mẹ của đời sống, của niềm cậy trông chúng con…

Cha chúng ta, sau năm 1862, tập trung tình yêu đối với Đức Mẹ vào tước hiệu “Mẹ Phù Hộ”. Ta hãy nghĩ tới cảnh khó khăn khi đó. Nước Tòa Thánh sắp sụp đổ, đối với chúng ta cái đó không có vẻ gì là bi thảm, nhưng khi ấy những người nghĩ rằng chính Hội Thánh cũng sắp sụp đổ, do đấy, một tình trạng lo lắng rất sâu xa. Một xã hội trần tục đang trên đường xuất hiện. Don Bosco cảm thấy mức trầm trọng của các biến cố. Alberto Caviglia, trong lời nhập đề cuốn lịch sử nước Ý, tả lại với những trang súc tích và ý nghĩa vĩ đại của tâm hồn và tính cách hành động thực tiễn của Don Bosco trong một hoàn cảnh tế nhị như thế. Và đây chính là điểm chúng ta muốn nhận định. Trước những khó khăn của thời đại, Don Bosco đào sâu lòng sùng kính Đức Maria của mình, nhấn mạnh tới sự  hộ trực hiền mẫu của Mẹ cho Giáo Hội và cho dân Kitô giáo. Và như thế ngài đã nhìn lên Đức Mẹ một cách mãnh liệt trong ánh sáng của niềm cậy trông. Đâu là yếu tố đặc biệt của Đức cậy? Đó là xác tín về sự phù trợ từ trên. Bởi thế ngài đã bắt đầu tôn kính và kêu cầu Đức Mẹ như “Đấng phù hộ”. Ngài không sáng chế ra danh hiệu này, bởi vì danh hiệu này đã được toàn dân Chúa biết tới và tôn kính, nhưng ngài đã tăng cường lòng sùng kính bởi trình bày Đức Maria như “Đức Mẹ của những người thời kỳ khó khăn”. Chúng ta đã được sinh ra cho Giáo Hội như là gia đình Sa-lê-diêng chính trong thời kỳ khó khăn, và chúng ta đã thừa hưởng một sứ mệnh phải hoàn thành trong những thời kỳ khó khăn.

Danh hiệu Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu nhắc chúng ta Đức Maria là sự nâng đỡ và là Mẹ của niềm hy vọng chúng ta. Chớ gì Mẹ Maria phù hộ chuyển cầu cho cả gia đình Sa-lê-diêng được dồi dào ơn có một đức tin sống bằng trông cậy và một đức cậy luôn tin tưởng, theo như chữ viết trong những vòng hào quang xung quanh viên ngọc đức cậy: “Hãy hy vọng vào Chúa, chứ đừng vào con người. Trái tim bạn sẽ luôn luôn bình an để đi chinh phục niềm vui chân thật…”

VIÊN NGỌC THỨ BA

ĐỨC ÁI

Chúng ta thấy Đức ái được giới thiệu thế nào. Ba viên ngọc này ở trên ngực và chữ “Đức ái” được viết trên viên ngọc ở trên trái tim.

  1. Ở trên trái tim.

Việc giới thiệu này đã làm nổi bật tầm quan trọng và tính chất trung tâm của Đức ái, căn cứ vào vị trí của nó. Chắc chắn viên ngọc quý báu nhất và can dự tới sự sống nhất trong cả ba mới được đặt ở trái tim của nhân vật (…)

  1. Vai trò của lòng mến trong bộ ba theo Phaolo.

Chúng ta đã nói tới bộ ba: tin, cậy, mến như là một thực tại duy nhất. Đức mến không có nếu không có tin và cậy, và đức tin và cậy chỉ sống động bao lâu mặc lấy sức mạnh và hồn sống của lòng mến.

Thánh Phaolo trình bày bộ ba danh tiếng trong 1Cr.13,13 biểu lộ một mức tăng cường của thực tại duy nhất, sinh động, càng ngày càng lớn lên, tột đỉnh và sự viên tròn của nó trong lòng mến. Việc Chúa Thánh Thần ngự trị được diễn tả trong hình thức tròn đầy và sinh động của một Đức tin và một Đức cậy luôn luôn được truyền sức sống của lòng mến.

Lòng mến là dây hoàn thiện, là sự tròn đầy của đời Kitô hữu, là sự biểu lộ của ơn sủng, là yếu tố khiến ta tham dự cách năng động vào bản tính Thiên Chúa. Lòng mến là mô thể của tất cả mọi nhân đức. Không có nhân đức nào hoạt động trong sức mạnh Kitô hữu nếu không được sinh động bởi lòng mến, nếu không được thúc đẩy và khơi động bởi Thánh Thần. Ơn huệ do ơn sủng mang tới là đời sống trong Thánh Thần, và cách biểu  dương tròn đầy của đời sống trong Thánh Thần này là lòng mến. Không có nhân đức nào sinh động biểu lộ sự sống đời đời và việc tham dự vào mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô cho bằng Đức mến. Do đấy, lòng mến là trung tâm cho bất cứ tinh thần nào và cho cả tinh thần Sa-lê-diêng. Quả vậy, viên ngọc của Đức mến đặt ở ngay trái tim.

  1. Mầu nhiệm Đức ái.

Ta phải xác tín rằng Đức mến là một mầu nhiệm. Nó đến từ trên, chứ không do sáng kiến nhân loại, nó là sự tham dự vào sự sống thâm hậu của Thiên Chúa. Không thể đồng hóa lòng mến với các nhân đức nhân loại, lòng mến chắc chắn có một bình diện nhân bản theo nghĩa là chúng ta sống và diễn tả nó bằng các cách biểu lộ nhân bản, nhưng nó không xuất phát từ tình yêu thiện cảm hay tình yêu ưu ái của con người.

Điều quan trọng là phải nhận thức ra ngay và rõ ràng bản chất thiết yếu của Đức mến. Nếu có một giá trị nào ngày nay bị phá hoại do nền văn hóa, các phương tiện truyền thông xã hội, tâm trạng thông thường, công luận, đó chính là trường hợp của tình yêu. Người ta thường dùng từ ngữ này để diễn tả cái trái ngược của Đức mến theo nghĩa Kitô giáo. Đối với nhiều người, tình yêu cụ thể là khoái lạc, ngược lại, chúng ta thấy Chúa Giêsu dạy ta: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ liều mạng sống mình vì bạn hữu”. Dấu biểu lộ tột đỉnh tình yêu Kitô hữu là cây thập giá. Trong khi với tâm trạng duy vật và trần tục người ta  thường xác quyết là càng bớt thánh giá càng hay. Khiêu dâm hóa tình yêu đã phá hủy giá trị trung tâm và tuyệt vời của đời sống nhân loại.

Đức mến, tức là lòng mến, dẫn ta cách sinh động vào trong chính bản tính Thiên Chúa. Vào trong bản tính Thiên Chúa là gì? Thánh Gioan chắc chắn là thánh ký đã suy nghĩ thật sâu xa về thực tại này. Từ “lòng mến” được nhắc lại rất nhiều lần trong trước tác của ngài. Trong lá thư thứ nhất của ngài, ngài định nghĩa Thiên Chúa như lòng mến: “Thiên Chúa là lòng mến”. Đây không phải là một câu nói xuất phát từ miệng Đức Giêsu và vị thánh sử đã giữ lại được, ta chỉ tìm thấy nó trong Gioan. Đó là sự chín mùi trong suy tư của ngài về điều ngài đã thấy, đã chạm tới, đã cảm nghiệm trong cuộc sống cùng Đức Giêsu Kitô. Ngài là ai? Cái gì trồi lên từ con người của ngài? Thiên Chúa là ai nào ai biết, chỉ qua Đức Giêsu, chúng ta mới có thể biết được gì về Thiên Chúa. Ấy thế, thánh Gioan, qua suy nghĩ về những biến cố của Đức Giêsu Kitô đã đi đến kết luận này: Thiên Chúa là lòng mến.

Cái biểu lộ ra nhiều nhất trong cuộc sống của Đức Giêsu Kitô là lòng mến. Thật hay, nếu chúng ta đọc ở đây một vài đoạn Gioan, chẳng hạn: “Lễ Vượt Qua của người Do Thái đã gần tới. Đức Giêsu biết đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian này mà về cùng Cha. Ngài đã yêu các kẻ thuộc về Ngài trong thế gian và Ngài đã yêu họ đến cùng” (Ga.13,1). Trong 1Ga.4,14-16, ngài viết: “Chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian. Kẻ nào tuyên xưng Giêsu là Con Thiên Chúa thì Thiên Chúa lưu lại trong kẻ ấy, và kẻ ấy trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”.

Đây là một kết luận tối hậu, rất đẹp trong tất cả các suy tư thần học của Gioan về mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô. Nó liên tục được nhấn mạnh như là khía cạnh quan trọng nhất của mạc khải Đức Kitô. Đó là khám phá ra trong Đức Kitô bản tính của Thiên Chúa như là lòng mến. Chỉ những kẻ thân tín và bạn hữu của Ngài – “Ta không gọi các con là tôi tớ, mà là bạn hữu” – mới hiểu được và cảm thấy Thiên Chúa là lòng mến. Thánh Phaolo cũng có câu nói tương tự như thế trong thư của ngài gửi cho Titô. Ngài nói Đức Giêsu Kitô là “sự hiển linh của lòng từ hậu, thương mến và thiện cảm của Thiên Chúa cho con người” (Tt.3,4).

Có thể có những loại mến thương phân biệt khỏi nhau tùy theo cách thức và sự nhấn mạnh khi chiêm ngưỡng lòng mến của Thiên Chúa. Và trong điểm này có nhiều mầm sống Đức mến bắt rễ từ sự đa diện của các tinh thần sống.

Trong khi định nghĩa Thiên Chúa một cách tiêu cực, ta có thể nói Thiên Chúa là hữu thể không thể không yêu mến. Thật đẹp khi ta suy nghĩ, trong tinh thần của Don Bosco: Thiên Chúa luôn luôn và hoàn toàn “tốt lành”, thông cảm, cứu độ. Những tinh thần khác, khác biệt với chúng ta, sẽ gợi hứng từ các khía cạnh khác của mầu nhiệm lòng mến: những khía cạnh ấy thật nhiều lắm. Chúng ta thích quan tâm rất nhiều tới vẻ rực rỡ của lòng nhân ái và nó là động lực dấn thân trong sứ mạng cứu rỗi. Thật an ủi khi suy nghĩ đến việc ta không thể nghĩ đến Chúa mà không nghĩ Ngài là Đấng nhân từ, quảng đại, cảm thông, tốt lành, muốn sự lành cho mọi người. Đấng muốn sự lành cho cả kẻ thù: Người Cha yêu thế gian đến độ sai Con Một mình và Thần Khí của mình xuống cứu thế gian khỏi sự dữ.

Cũng thật hay khi nhấn mạnh tới một khía cạnh khác mà thánh Gioan làm nổi bật mỗi khi trình bày Đức Giêsu Kitô như là Đấng mạc khải tình yêu của Cha: tình yêu của Thiên Chúa không phải là một lời đáp trả cho tình yêu của con người. Chúng ta, trong tình yêu nhân loại, khi ta thấy nơi kẻ khác có cái gì đẹp lòng ta, ta đi vào mối hảo cảm với người ấy, thế là phát sinh tình yêu. Như thế tình yêu ta là một thứ đáp trả. Tình yêu Thiên Chúa ngược lại có tính cách sáng tạo. Thiên Chúa không yêu chúng ta bởi chúng ta tốt lành, nhưng chúng ta được tốt lành vì Ngài đã yêu chúng ta. Thái độ rất độc đáo này, đức ái của chúng ta cũng được dự vào, nó khiến ta sống trong khi tạo nên những cái tốt lành nơi kẻ khác.

Lòng mến là một sức năng động nhằm tạo nên cái tốt, sự tốt lành, sự thiện cảm tại nơi nào không có, thậm chí tại nơi những giá trị ấy bị khinh ghét. Lòng mến của Đức Kitô đã làm biến tan kẻ thù, theo nghĩa là lòng mến thương ấy tha thứ và giúp người ta nên tốt. Lời đầu tiên của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II sau khi bị mưu sát là: “Tôi tha thứ!”. Lòng mến cũng có chính bình diện này: sự tha thứ. Đó là một thái độ không thể nghĩ ra được về phía nhân loại, chỉ mạc khải của Thiên Chúa mới dạy chúng ta điều đó. Tự nhiên không thể nào có trong lịch sử một thái độ như thế. Trong luật cũ của các nước có luật đề nghị “thi hành công lý”. Tuy nhiên linh hồn của công lý chính là tình yêu. Tân Ước đã đưa vào trong tương quan giữa người với người một lệnh truyền mới: tình yêu.

Đức Giêsu đã loan báo: “Ta ban cho các ngươi một lệnh truyền mới” và đó là lệnh yêu thương. Đức Giêsu không đến để dạy chúng ta tìm thông biết quyền lực mà là sự sáng tạo nên sự thiện, được biểu dương qua sự từ bỏ chính mình, qua dấn thân đảm nhận sự nghèo khó, sống trong khiêm cung, hiến mình cho kẻ khác tới độ hủy bỏ chính mình. Thánh Phaolo nói tới “việc hủy mình ra không” chính thân phận Thiên Chúa nơi Đức Giêsu để mặc lấy lốt người phàm, không thi thố vẻ hào nhoáng của quyền lực thần linh, mà chấp nhận tất cả nhục nhằn và sự hèn hạ nhân loại, ngoại trừ tội lỗi. Trên thực tế, Đức Giêsu đã nên “tội” – như thánh Phaolo nói – không phải theo nghĩa luân lý chỉ hành vi tội lỗi, nhưng theo nghĩa Ngài trở nên hy sinh tạ tội vì ta.

Và như thế lòng mến thương giúp ta khám phá ra bản thế chúng ta sống – cho – kẻ – khác trong bầu khí liên đới tách khỏi đòi hỏi. Trong Kitô giáo, không thể có quan niệm là có con người cô độc, và cũng không có nếp sống theo cá nhân chủ nghĩa. Chính Thiên Chúa hiện hữu trong Ba Ngôi mến thương nhau, trong hiệp thông cùng nhau và tự trao hiến cho nhau. Sự hoàn thiện của mỗi chủ thể, khởi sự từ chính Thiên Chúa, hệ tại ở hiến thân, ở hiệp thông. (…) Không có chủ thể nào mà lại không sống trong liên đới, sự hoàn thiện mang cho chủ thể mức tròn đầy là chính tình yêu, nó chỉ có giữa chủ thể khác nhau.

Lòng mến tham dự vào bản tính Thiên Chúa là chủ thể sống trong hiệp thông. Mỗi chủ thể, hoặc là Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con, Thiên Chúa Thánh Thần, hoặc là một hữu thể thông minh được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh và như họa ảnh của Ta” (St.1,26).

Tất cả sức năng động của Đức mến nhắm đến những chủ thể, và các chủ thể nhắm đến hiệp thông, sống cùng nhau và nên anh em. Việc làm con Thiên Chúa, việc tham dự vào bản tính Thiên Chúa trong Đức tin, Đức cậy và Đức mến trở thành cần thiết cho tình huynh đệ. Chúng ta là anh em bởi cùng là con một Cha.

Hiểu như thế, Đức mến mở ra cho mọi người. Chúng ta, trong đặc sủng của mình, chú trọng tới lòng đặc ái cho thanh thiếu niên. “Cha chỉ cần biết các con là giới trẻ là đủ để cha yêu mến các con”. Lời nói ấy đã diễn tả tốt đẹp biết mấy ơn gọi của chúng ta. Nó như ngọn đèn rực sáng định mức cụ thể cho mẫu Đức ái của chúng ta.

Đây chính là ơn gọi của ta: một Đức mến diễn tả thành lòng tốt tràn đầy yêu thương, đặc biệt dành sự ưu ái cho giới trẻ. Lòng mến không loại trừ ai.  Tuy nhiên trong dự định của Thánh Thần Chúa, nó dấn thân phục vụ trước hết giới trẻ và những người nghèo khốn!

  1. Một vài đặc điểm của Đức mến.

Thánh Phaolo trong thư gửi các tín hữu Corinto, đã miêu tả cho ta hay một vài nét của mầu nhiệm Đức mến như là vẻ rực rỡ của lòng tốt: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời! Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn” (1Cr.13,4-8).

Ta thấy đó, vẻ rực rỡ của lòng mến thật đầy đòi hỏi. Thiên Chúa là như thế: chúng ta được gọi để sống đời sống của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta làm những gì mình có thể, tuy nhiên đây là hạt giống ta có trong trái tim ta và ta phải làm cho tăng triển cho tới ngày Quang Lâm, và khi ấy nó sẽ mọc thành cây lớn trong chúng ta, và khi ấy Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự: thật tuyệt đẹp!

Trong chương trước, thánh Phaolo đã nhấn mạnh một đặc tính khác: đức bác ái thì ở bên kia mọi đặc sủng. Sau khi đã kể ra hết những đặc sủng, ngài kết luận: “Phải chăng hết thảy là tông đồ? Phải chăng hết thảy là tiên tri? Phải chăng hết thảy là tiến sĩ? Phải chăng hết thảy đều nói ngôn ngữ? Phải chăng hết thảy đều diễn giải ngôn ngữ? Anh em hãy hăm hở sao cho được những ân điển trọng hơn” (1Cr.12,29-31). Tới đó, thánh Phaolo nói về lòng mến trong chương 13. Đây là ân điển trọng hơn, ở ngoài mọi đặc sủng.

Một đặc tính quan trọng khác của lòng mến được nói đến trong chương 13 là: lòng mến là tiêu chuẩn cuối cùng để phán xét mọi sự. Đây thật là quan trọng! Khi một ý thức hệ nào muốn vạch một đường đi cho mình, nó đem các tiêu chuẩn khác đến thay thế cho các tiêu chuẩn cuối cùng của lòng mến: cần luôn biết đối chiếu nó với tiêu chuẩn lòng mến.

Ta hãy nghe thánh Phaolo nói: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng… mà không có lòng mến, thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và biết được mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu hay có được đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có lòng mến, thì tôi cũng chẳng là gì! Và giả như tôi đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có lòng mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr.13,1-3).

Và đây là tiêu chuẩn để phán đoán mọi sự. Bởi đó, khi những nguyên tắc, thái độ, ý thức hệ nào đưa chúng ta tới oán ghét, chắc chắn điều ấy ngược lại tinh thần Kitô hữu: nếu không có đức ái, tất cả chẳng được gì.

Thánh Phaolo còn nói tới một đặc điểm khác của đức ái trong Roma 12, 9-16: “Đức mến không được giả hình, hãy gớm ghét điều ác, hãy khăng khít với điều lành. Trong tình huynh đệ, hãy mến nhau tha thiết: bởi kính trọng nhau, hãy coi kẻ khác hơn mình. Nhiệt thành không bê trễ, tâm thần đầy sốt sắng mà làm tôi Chúa. Hãy mừng vui vì mối hy vọng, hãy kiên nhẫn trong gian truân, hãy chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ túng thiếu của anh em, hãy ân cần cho khách đỗ nhà. Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ. Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Cùng nhau tâm đồng ý hợp, đừng quá cao vọng về mình, trái lại hãy biết bỏ mình, chuộng phần hèn kém, đừng có tự cho mình khôn!”…

Tóm lại, nếu ta mở Kinh Thánh, ta sẽ tìm thấy Đức ái được miêu tả thế nào, đâu là kết quả của nó, cách áp dụng nó. Đức ái thật đòi hỏi và thật hấp dẫn: nó cho ta cảm thấy Thiên Chúa thật ở giữa loài người.

  1. Năng động lực nội tại của mầu nhiệm Đức mến.

Lệnh truyền mới của đức ái dạy ta yêu mến Chúa hết lòng và yêu mến đồng loại như chính mình. Hai đối tượng: việc đào sâu năng động lực nội tại của hai tình yêu này rất quan trọng: tình yêu Thiên Chúa phải là “nguyên nhân” tạo nên tình yêu đồng loại. Nguồn cung cấp khả năng yêu mến đồng loại phát xuất từ Thiên Chúa. Nếu ta không yêu Chúa, ta không làm được phần vụ còn lại. Đồng loại không thể tách lìa nhưng không phải là nguyên nhân của lòng mến Chúa. Đồng loại là bí tích, là nơi Thiên Chúa tự tỏ lộ như là người thiếu thốn, đói khát, trần truồng và cần tới chúng ta. Là nơi đặc sủng của việc Thiên Chúa tự biểu lộ và đòi hỏi ta thi thố lòng mến. Tuy nhiên tình yêu đồng loại chỉ phát sinh từ sức mạnh mãnh liệt của tình yêu ta đối với Thiên Chúa. Có khi ta nghe được những thuyết trái ngược hẳn lại điều này, và khi ấy ta thấy có những người dấn thân vì đồng loại tới độ… bỏ bê Thiên Chúa. Tình yêu như thế không phải là lòng mến nhiệt thành, bởi vì nó không phát xuất từ lòng mến Thiên Chúa như từ nguồn phát sinh và nguồn tăng trưởng, qua sức năng động lực nội tại của nó.

Qua cuốn Giáo Lý cho người lớn của Hội Đồng Giám Mục Ý, ta thấy miêu tả sức năng động này:

Bởi tình yêu lớn lao, Cha đã yêu chúng ta trong Con của Ngài với tất cả Thần Khí yêu thương của Ngài: “Lòng mến của Thiên Chúa được đổ xuống lòng ta nhờ bởi Thánh Thần Người đã ban cho ta” (Rm.6,5).

Lòng mến là tình yêu Thiên Chúa yêu ta và thông ban cho ta qua Thần Khí của Đức Giêsu Kitô. Qua lòng mến, chúng ta có thể yêu Thiên Chúa và anh em với tình yêu mà Cha đã yêu Con Một Ngài và yêu chúng ta.

Nơi điều này hệ tại cái mới Kitô hữu của tình yêu. Tình yêu của chúng ta, có nguồn gốc từ Thiên Chúa, không phải chủ yếu là cuộc biểu lộ của ý muốn tốt lành của ta, mà là sự tham dự vào chính tình yêu của Thiên Chúa đã được thông ban cho ta (không phải là nhân đức anh hùng của lòng quảng đại của ta, mà là sự tham dự khiêm cung vào mầu nhiệm lớn lao của Thiên Chúa).

 Trước hết, Thiên Chúa ban cho ta khả năng yêu mến Ngài, chính dựa vào ơn này mà ta có tình yêu đối với đồng loại: “Ai tin Đức Kitô thì đã sinh bởi Thiên Chúa. Và phàm ai yêu mến Đấng sinh thành, tất yêu mến kẻ bởi Người mà sinh ra. Nơi điều này ta biết là ta yêu mến con cái Thiên Chúa: ấy là khi ta yêu mến Thiên Chúa và làm theo các lệnh truyền của Người” (1Ga.5,1-2).

Cũng bằng những lời thật rõ ràng như thế, thánh Gioan diễn tả bình diện thiết yếu khác của tình yêu Kitô hữu: “Ai không yêu anh em mà nó thấy, không thể yêu Thiên Chúa mà nó không thấy” (1Ga.4,20). Con người, bất cứ con người nào, đều là bụi gai đời đời bốc cháy của Thiên Chúa, là nơi vĩnh viễn mà Ngài biểu lộ chính mình Ngài ra.   

Ta thấy lòng mến Thiên Chúa buộc chúng ta phải thực hành đức tin và đức cậy, nghĩa là xuyên qua thực tại, để tìm thấy trong đó, trong con người cái gì là của Chúa, để mà yêu mến.

Ta đã nói mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa: có thể là hình ảnh nhăn nheo, bẩn thỉu, ươn lười, ngỗ nghịch, lơ đễnh; tuy thế ta vẫn phải yêu hình ảnh ấy. Bởi thế Đức Giêsu đã nối kết hai tình yêu Thiên Chúa và đồng loại một cách bất khả phân ly, và đã tạo cho chúng nên một lệnh truyền. Yêu Thiên Chúa tức là tới gặp con người để phục vụ họ, cùng bước đi với con người có nghĩa là gặp Thiên Chúa, nguyên lý và lý do của mọi tình yêu của ta.

Ở đây ta có một điểm chiến lược ta phải đảm bảo lấy: cái trong ta là lòng mến trước hết và trên hết phải là một sự lựa chọn Đức Giêsu Kitô. Từ đó, do từ lòng mến cho Đức Kitô, không thể mất mát đi một tình yêu nào cả, trái lại tình yêu trong ta còn được lợi thêm, được tăng cường lên, trở nên bền bỉ, hữu hiệu và đầy lao nhọc cho tới chết.

Bởi vậy Đức mến là một điều nền tảng: vì thế nó nằm ngay ở trong trái tim! Trong bộ ba nhân đức thần học, ta đã thấy chân lý (đức tin), sức mạnh (đức cậy), tình yêu (đức mến); nhưng tổng hợp tất cả là tình yêu. Tình yêu thì mạnh mẽ nếu là tình yêu thật. Chân lý thì mạnh mẽ nếu thấm nhuần tình yêu, và sức mạnh thì sung tràn nhờ có tình yêu.

 Tin, cậy, mến: ba viên ngọc này ở trên ngực người Sa-lê-diêng. Đấy là ba giá trị ta phải luôn có trước mắt! Trong ta, giới trẻ, cần phải khám phá ra ta là con người đầy chân lý, đầy khả năng làm việc, đầy cảm thông, đầy tha thứ, đầy nhân ái và lòng tốt.

  1. Lòng mến của Don Bosco.

Giờ đây chúng ta hãy xem Don Bosco, “nhân vật”, đã tham dự vào mầu nhiệm Đức mến thế nào? Tôi nghĩ có hai khía cạnh của mầu nhiệm Đức mến siêu nhiên của Don Bosco, lòng mến của ngài là một lòng mến “mục tử” và một lòng mến “sư phạm”. Đó là đặc điểm nổi bật.

Lòng mến thương mục tử diễn tả trong cuộc sống chính cuộc mạo hiểm của Thiên Chúa để cứu rỗi loài người, nó gắn liền với các nhiệm vụ đặc biệt của các chủ chăn trong Giáo Hội; nó được nuôi dưỡng và tăng thêm sức mạnh bằng Bí Tích Truyền Chức Thánh. Đây là tình yêu linh mục được soi sáng bởi Đức tin, nó làm sinh động cho sức năng động của Đức cậy một cách sâu xa, để chống lại sự dữ, để giúp người thân cận, nhất là giới trẻ, trong công việc cứu rỗi: “Xin cho con các linh hồn, còn những sự khác xin Chúa cất đi”. Đức tin mục tử của Don Bosco được nâng đỡ bởi một nguồn nghị lực sinh động được đặt tên  là “ơn liên kết”: nghĩa là biết sống cùng một lúc, trong lòng mến, vừa đời hoạt động vừa đời chiêm niệm; như cha chúng ta đã nói trong Hiến luật: “Làm sao để cùng đi chung bước đời hoạt động và chiêm niệm bởi đưa Marta và Maria lại gần bên nhau, đời của các tông đồ và đời của các thiên thần” (HL 1885, tit. XIII). Đàng khác số 8 Perfectae Caritatis cũng quả quyết gần như thế.

Rồi tới lòng mến thương sư phạm. Lòng mến thương mục tử là cái gì đặc biệt của các giám mục, linh mục và các dòng hoạt động trong Giáo Hội. Lòng mến thương sư phạm trái lại là nét đặc sắc của Don Bosco, nhất là như Don Bosco đã muốn trình bày. Đây là một tình yêu nhắm tới sự hữu hiệu của một phương pháp giáo dục xây trên lý trí, tôn giáo và tình yêu. Những nét ấy nói lên tất cả. Đây là một lòng mến trong đó rực sáng lòng tốt lành.

Tất cả phương pháp dự phòng, là cách thực hành chân chính của lòng mến thương Sa-lê-diêng, đã được định nghĩa bởi Alberto Caviglio như là “lòng tốt lành xây dựng thành phương pháp giáo dục”. Don Bosco viết trong lá thư danh tiếng từ Roma (10.5.1884) là trong đức ái của ta việc ta yêu mến chưa đủ, mà còn phải cho giới trẻ hiểu là chúng được yêu mến.

 Thánh Augustino, nhà thần học sắc bén, với một câu kiệt tác đã thốt lên: “Hãy yêu rồi muốn làm gì thì làm”. Don Bosco, nhà sư phạm độc đáo, viết cho các Sa-lê-diêng: “Yêu mà thôi chưa đủ, cần làm cho mình được yêu mến”. Đó là khía cạnh sư phạm của đức ái của chúng ta. Chính ở đây qui tụ lại cảm tình của dung mạo Sa-lê-diêng. Lòng mến thương của ta phải có cảm tình, ta phải làm cho mình được mến yêu bởi vì “giáo dục là vấn đề của cõi lòng”. Nếu không có bầu khí của tín nhiệm, nếu không có bầu khí của tình bằng hữu, thì không có giáo dục, không chỉ nhắm khiến trẻ em vâng phục, mà còn nỗ lực xây dựng những giá trị, những xác tín, những thuyết phục dẫn tới sống dự định sống Kitô hữu.

Thật đặc biệt khẩn thiết suy nghĩ về khía cạnh sư phạm này của lòng mến bởi tạo cho mình được yêu mến nào phải chuyện dễ. Phải thực hiện điều ấy trong lòng chân thành và trong sự thánh thiện, không làm ô nhục Đức mến và hạ thấp nó xuống thành dục vọng. Để thực hiện điều đó cần một việc thực hành tu đức xứng hợp. Ta hiểu đấy (…) người Sa-lê-diêng đâu phải các thiên thần. Từ đấy, có nhu cầu phải khổ chế và đền tội. Chúng ta sẽ bàn tới vấn đề đó khi nói tới các viên ngọc Đức Thanh Khiết và Chay Tịnh.

Chính lòng mến thương sư phạm và mục tử khiến ta nên dấu chỉ và kẻ mang tình mến thương của Đức Giêsu Kitô cho giới trẻ. Chúng ta phải là những dấu chỉ hấp dẫn. Những lời nói về thánh Phanxico Sale tại Genève là những điều thanh thiếu niên phải có thể nói về chúng ta: “Nơi ngài, ta thấy được nét đượm cảm tình của Đức Giêsu Kitô!”. Các trẻ em ở Valdocco đã thấy Don Bosco như thế.

Các con cái cha Orione, vào kết thúc Tổng Hội của họ vừa qua (cách đây vài tháng) đã lấy một quyết định rất thiết tha đối với cha Orione, nhưng ngài đã chưa thể thiết định được: đem một lời khấn thứ 4 kết hợp với 3 lời khấn tu sĩ, đó là lời khấn gắn bó vô điều kiện, cho tới hậu quả cuối cùng, với Đức Thánh Cha. Thật tuyệt!

Trong Hiến luật chúng ta (…) khi nói về vâng lời và quyền cai trị trong dòng, chúng ta nhìn nhận Đức Thánh Cha như là bề trên thứ nhất trực tiếp, đấng ta phải vâng lời trong sức mạnh của lời khấn vâng phục. Lời khấn vâng phục của ta đã  thâu tóm một sự gắn bó vô điều kiện với Đức Thánh Cha và cả truyền thống thiêng liêng cho chúng ta đảm bảo điều đó. Còn về “lời khấn thứ tư” của chúng ta, liệu ta có đoán ra được?  Chính tên gọi “Sa-lê-diêng” của chúng ta gợi cho chúng ta về lời khấn ấy. Tại sao ta gọi là Sa-lê-diêng? Bởi vì Don Bosco đã chọn lòng tốt của thánh Phanxico Sale như là chương trình cho đời sống của chúng ta, một chương trình đòi chúng ta nỗ lực để trở thành dễ mến, kiên nhẫn, tốt lành, giàu cảm tình đối với trẻ em.

  Thật hay khi ta nhận thức vì sao Don Bosco, sinh ra từ giới nông dân nghèo tại Piemonte, và với một tính tình cá nhân cứng cáp, không dễ dàng uốn nắn, lại đi tìm một vị thánh quí tộc, tinh tế, dòng tộc các hoàng tử. Chắc chắn không phải vì mối bận tâm vươn ra khỏi một cuộc đấu tranh giai cấp chớm nở, thánh Phanxico Sale là vị thánh thuộc quê hương của ngài – Savois – Piemonte, nhưng điều Don Bosco cảm phục nơi ngài là sự tinh tế của lòng mến thương. Như thế trong tên gọi ta mang, đã có cả một lời mời gọi mạnh mẽ và liên tục thực thi lòng tốt.

Trong lịch sử của Tu hội đã có những khiếm khuyết và nhiều khi ta quên là lòng tốt phải được thiết lập thành phương pháp giáo dục. Ta biết Don Bosco đã viết thư sang Agentina, một lá thư rất hay về phương pháp của lòng tốt. Thế rồi, như kết quả của lá thư đó, ít hội viên thực hiện lời khấn tuân giữ phương pháp đề phòng (xem MB 17,629). Bởi thế chúng ta hầu như có thể nói về phương pháp đề phòng như lời khấn thứ tư được thử luyện và chứng minh qua kinh nghiệm. Alberto Caviglio, trong một bài thuyết trình, nói rõ hơn: “Lời khấn thứ tư của người Sa-lê-diêng là lòng tốt. Người Sa-lê-diêng thiếu lòng tốt không còn là Sa-lê-diêng”. Tôi tin rằng lời bình luận đẹp nhất cho lời trên chính là lời nhấn mạnh của Don Bosco xác định giáo dục là chuyện của cõi lòng. Thật đẹp để suy nghĩ về tinh thần Sa-lê-diêng phát xuất từ Valdocco (…)

  1. Lòng mến thương và đời nội tâm.

Khi suy nghĩ về Đức mến, chúng ta đã lấy nhãn quan về 3 viên ngọc của bộ ba nhân đức đối thần. Đức mến là sự thể hiện mãnh liệt nhất và tròn đầy nhất của Đức tin và Đức cậy được dẫn tới mức trọn hảo sinh động của nó.

Giờ đây ta có thể nói vài điều kết luận cho tất cả ba viên ngọc này. Cả ba viên ngọc tạo nên cái mà ta thường gọi là “đời nội tâm”, “hoa thiêng” cho năm 1982, phát xuất từ lá thư luân lưu do cha Rinaldi gửi tới chúng ta, mời gọi chúng ta tăng cường “đời sống nội tâm”.

Ngày nay không còn mấy nói tới “đời nội tâm”, ta thích nói tới “đời sống trong Thánh Thần” để tránh nguy cơ bàn tới “tính cách thân thiết” hay yếu tố tình cảm thiêng liêng. Quả thực “đời nội tâm” phải tỏ hiện ra bên ngoài, như dung mạo của nếp sống thiêng liêng chúng ta. Người tốt, người có Đức mến, có Đức tin, có Đức cậy có thể thấy được chứ? Ta phải diễn tả lòng tốt và khơi dậy cảm tình như dấu chỉ của lòng mến Thiên Chúa: điều ấy phải được nhận thức trong cách sống hằng ngày. Thực ra, ta thấy ngay ai là người “có đời nội tâm” hay ai là người nông nổi.

Don Bosco nhắc đi nhắc lại trong tinh thần Phúc Âm là người khác phải thấy việc lành ta làm mà ngợi khen Thiên Chúa. Chúng ta phải làm cho mình được yêu mến, tính năng động của tính dễ mến của ta phải được diễn tả qua Đức tin, cậy, mến. Qua đó, các thanh thiếu niên có thể thấy Thiên Chúa trong ta, chứ không phải qua việc tự tìm cách đề cao mình, qua những phản ứng và những dục vọng của mình, và nhờ đó chúng được lôi kéo đến việc yêu mến chúng ta.

Chúng ta phải làm sao cho người ta thấy từ bên ngoài đời sống bên trong của chúng ta, như Công văn Mutuae Relationes nói:

“Do đấy, trước khi xét tới các ơn huệ, các chức vụ và các nhiệm vụ khác nhau, cần thiết phải nhận rằng ơn gọi sống kết hợp với Thiên Chúa vì phần rỗi thế gian là điều nền tảng. Ơn gọi này đòi nơi tất cả như tiêu chuẩn của việc ta tham dự vào sự hiệp thông trong Hội Thánh, tính tối thượng của đời sống trong Thánh Thần, ý thức mình sống như chi thể của một thân thể và lo lắng cho sự duy nhất, việc hoàn tất trung thành sứ mạng riêng, sự tận hiến mình trong phục vụ và sự khiêm cung trong việc hối lỗi” (MR 4).

Ba viên ngọc đặt trên ngực nhân vật giấc mơ là sự diễn tả tất cả những gì là sinh động nhất trong lòng ta, là sự diễn tả và cốt yếu của “đời sống chúng ta trong Thánh Thần”. Tất cả các hoạt động khác phải được thực hiện và được sinh động bởi những hoạt động của Đức tin, cậy, mến: nghĩa là bởi  “đời sống trong Thánh Thần”.

Bởi thế, chúng ta có thể kết luận là tinh thần Sa-lê-diêng hoàn toàn xoay quanh việc làm tăng triển sức năng động của việc Thánh Thần ngự trong lòng ta, trong khi lo tới vun trồng Đức tin, cậy, mến. Địa vị tối thượng của “đời sống trong Thánh Thần” là yếu tố sâu xa nhất và sinh động nhất của cõi lòng Don Bosco (…): “Đời nội tâm” là như linh hồn của mọi sự!

Thế nhưng có hai điểm tựa cho “đời sống trong Thánh Thần” mà chúng ta phải luôn chăm sóc tới, trong đó Đức tin, cậy, mến thể hiện và tăng triển. Chúng là một thời gian  ưu tuyển và một việc thực hành quý báu hơn hết. Thời gian ưu tuyển là thời gian cầu nguyện. Việc thực hành quý hơn hơn hết là việc hiến mình trong hy sinh.

Trong lời cắt nghĩa hoa thiêng năm nay, tôi đã nói là “kinh nguyện là hơi thở cần thiết cho mỗi đời sống nội tâm”. Tôi không ám chỉ cách vật chất tới các việc thực hành đạo đức, tôi nhắm đến “kinh nguyện”. Chúng ta phải đảm bảo cho kinh nguyện một thời gian thực sự ưu tuyển: như là cá nhân trước hết, rồi như là cộng thể nữa. Chúng ta phải tìm ra nhịp độ, sư phạm, cơ cấu bảo vệ – cho thời gian tối cần thiết phải dành cho kinh nguyện này – theo tiếng La tinh: “Non multa sed multum” (không cần nhiều giờ nhưng cần nhiều về phẩm chất). Chúng ta không có nhiều giờ để làm việc đạo đức. Don Bosco không muốn chúng ta quỳ ở nhà thờ cả ngày, mà muốn chúng ta làm việc, tuy thế ngài đòi hỏi chúng ta chăm sóc tới những thời giờ cầu nguyện mạnh hằng ngày, hàng tuần, hàng tháng, ba tháng, hàng năm, bảo đảm cho chúng ta đạt tới sự hoàn toàn của đức ái. Thực ra, có được đức ái biến công việc trở nên kinh nguyện và biến đời sống nên phục vụ, không phải là một chuyện dễ. Chắc chắn với Đức mến, chúng ta có thể biến toàn thể cuộc sống của ta nên phục vụ; tuy nhiên, để có một đức ái như thế, thiết yếu là phải săn sóc “đời sống trong Thánh Thần”, biết cầm lòng cầm trí, có những khoảng thinh lặng, những suy nghĩ cá nhân. Phải đặc biệt lưu ý trước tiên tới từng cá nhân, bởi vì nếu mỗi cá nhân không cầu nguyện, nếu mỗi người đều sống hời hợt, thì cọng thể kết quả sẽ ra sao? Một cộng thể sống hiệp nhất sâu xa nếu đó là sự hiệp thông của những con người với đời nội tâm. Tôi hy vọng sẽ nói tới một lần nữa về cầu nguyện như là cao điểm của Đức mến, trong đó ta sống đời cầu nguyện của câu châm ngôn: “Da mihi animas”.

Điểm tựa thứ hai là việc thực hành rất đáng quý chuộng hơn hết là việc hiến thân trong hy sinh. Không ai yếu mến hơn kẻ hiến mình vì kẻ khác: đó là sứ điệp của Tin Mừng. Bởi thế cần phải làm cho đời sống nội tâm nên sung  mãn qua tinh thần hy sinh cụ thể hằng ngày.

  1. Tấm lòng của người mẹ.

Để kết luận, chúng ta hãy nhớ lại câu nói của mẹ Magaritta cho các trẻ em đầu tiên tại Valdocco khi chúng phá rối với tất cả sự lộn xộn của chúng. Mẹ Magaritta nói với Don Bosco: “Thật là những đứa con nhỏ đáng thương! Nếu không nói rõ cho chúng, chúng không hiểu! Nhưng mẹ đã bịt tai lại và mẹ xem chúng sẽ biến đổi hạnh kiểm. Chúng có lòng tốt. Nhưng chúng còn trẻ quá. Chúng ít suy nghĩ. Chúng ta hãy cư xử bằng lòng mến thương. Đức mến luôn luôn chiến thắng” (MB 3,369).

Để hiểu tinh thần Sa-lê-diêng, cần phải suy nghĩ về nguồn gốc. Lòng mến thương và tốt lành của phương pháp đề phòng, chúng ta tìm thấy trong những giờ đầu tiên của Khánh Lễ Viện, khi có mẹ Magarita ở với Don Bosco và khi tất cả mọi việc tiến hành theo cách cư xử của cõi lòng: một cõi lòng nhuầm thấm tinh thần yêu thương của Thánh Thần.

Tại sao tôi muốn nhắc tới mẹ Magaritta? Bởi vì tình yêu, sự tốt lành, đức mến sư phạm, trái tim, tất cả được diễn tả cách gương mẫu nơi một bà mẹ. Don Bosco luôn có ở bên trên mẹ Magaritta (khi mẹ Magaritta chết, Don Bosco tới Consolata, và nói điều đó cho Đức Mẹ), một bà mẹ trên trời mà từ giấc mơ 9 tuổi, luôn luôn là bà giáo và là người hướng đạo của ngài.

Không có một sự biểu lộ đầy cảm tình hơn lòng tốt của tình mẹ “trong hành động ngọt ngào của yêu thương, ai không là mẹ làm sao có được!”. Một thi sĩ nói lên điều ấy!

Trong tinh thần của chúng ta có một sự can thiệp thiết yếu của Đức Mẹ Maria. Đức Mẹ hiện diện trong mỗi cộng đoàn Sa-lê-diêng để trao tặng một nét mến thương xứng hợp với đức mến. Chúng ta kêu cầu Mẹ, Mẹ của lòng mến thần linh và Đấng Phù Hộ của chúng ta, để Mẹ dạy ta trung thành với đặc điểm tuyệt đẹp của tinh thần Valdocco (…) là “đời sống trong Thánh Thần”: Tin, cậy, mến, tổng hợp lại trong lòng tốt Sa-lê-diêng, như là sự rọi chiếu và vẻ rực sáng của tình yêu siêu nhiên của lòng mến.

VIÊN NGỌC THỨ TƯ

LÀM VIỆC

Viên ngọc thứ tư là “Làm Việc”, được giắt trên vai bên phải. Trên những vòng ánh sáng của nó, ta đọc thấy: “Phương thuốc chống lại dục vọng, khí cụ mạnh mẽ chống lại những cám dỗ của ma quỉ”. Trên vai trái, như người bạn đồng hành bất khả phân ly, rực sáng viên ngọc “Tiết Độ”.

Chúng ta khởi sự bằng một suy nghĩ vắn gọn trên toàn bộ “Làm Việc và Tiết Độ”: thực ra cả hai tạo nên huy hiệu của tinh thần Sa-lê-diêng. Chúng ta nhận thấy hai viên ngọc ở trên hai vai như thể nâng đỡ cả chiếc áo (…).

  1. “Làm Việc và Tiết Độ”.

Thật hữu ích cho chúng ta khi đọc lại ít dòng giấc mơ “con bò tót hung dữ” Don Bosco mơ vào năm 1876.

“Ngươi hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi cuộc chiến thắng của Tu hội thánh Phanxico Sale. Ngươi hãy đứng trên tảng đá này mà xem!”.

Đấy là một tảng đá lớn giữa cánh đồng bằng bất tận, và tôi đã bước lên đấy. Trời, thật là một nhãn quan rộng lớn mở ra trước mắt tôi! Cánh đồng tôi không thể nghĩ là lớn lao đến thế, hiện ra cho tôi như chiếm lấy cả trái đất. Những người đủ mọi màu sắc, áo mặc, quốc gia, đã đứng tụ họp tại đó. Tôi thấy biết bao nhiêu người, tôi không biết là cả thế giới có thể đông như thế không? Tôi bắt đầu quan sát những người đầu tiên hiện lên phía trước mắt tôi. Họ mặc như chúng tôi, những người Ý. Tôi biết những người đứng hàng đầu, họ là số đông các Sa-lê-diêng như đang đưa tay dẫn cả một đoàn lũ đông đủ trẻ nam trẻ nữ. Rồi tới những người khác, cùng với những đoàn lũ trẻ em khác. Rồi còn những người khác và những người khác mà tôi không biết và không còn có thể phân biệt được nữa. Vào giữa trưa, xuất hiện trước mắt tôi: những người đảo Sicilia, Phi Châu và một đám dân bất tận tôi không còn biết nữa. Luôn luôn họ được những người Sa-lê-diêng hướng dẫn. Trong những người Sa-lê-diêng này tôi chỉ biết những người ở hàng đầu tiên thôi, còn ra thì tôi không biết được nữa”.

Và Don Bosco tiếp tục tả lại một nhãn quan lạ lùng và hứa hẹn, rồi tới chỗ ngài nói lên những điều kiện cần thiết để tất cả những sự kiện trên có thể xảy ra:

“Ngươi có thấy cánh đồng gặt thật mênh mông không? Lãnh vực mênh mông trong đó ngươi đang đứng là lãnh vực người Sa-lê-diêng phải làm việc. Những người Sa-lê-diêng ngươi thấy là những người thợ trong vườn nho của Chúa. Nhiều người làm việc, và ngươi biết họ. Rồi chân trời càng mở rộng, trước mắt nhìn, với muôn lớp người ngươi còn chưa biết, và điều ấy nói lên rằng không chỉ trong thế kỷ này, mà còn trong thế kỷ khác và nhiều thế kỷ tới, người Sa-lê-diêng sẽ làm việc trong lãnh vực của mình. Nhưng ngươi biết phải dưới điều kiện nào họ mới có thể thực hiện được điều ngươi thấy đó? Ta sẽ nói cho ngươi, ngươi hãy nhìn: ngươi phải ghi khắc những lời này, chúng sẽ như là khí cụ của ngươi, là hiệu lệnh, là nét đặc biệt của ngươi. Hãy ghi kỹ lấy chúng: làm việc và tiết độ sẽ làm phát triển dòng Sa-lê-diêng. Ngươi hãy làm cho lời ấy được cắt nghĩa, nhắc lại và nhấn mạnh tới lời ấy. Ngươi hãy cho in một thủ bản để cắt nghĩa nó và làm cho hiểu rằng làm việc và tiết độ là gia sản để lại cho dòng và sẽ là vinh quang của dòng” (MB 12,466-467).

 Năm sau (1877), viết cho cha Fagnano đang ở S.Nicolas de los Arrogos, một công trình mới thiết lập, Don Bosco nói cho ngài: “Con hãy luôn nhắc nhở tất cả các người Sa-lê-diêng chúng ta biệt hiệu đã chọn: Làm Việc và Tiết Độ. Đó là hai thứ khí giới giúp chúng ta có thể chiến thắng mọi sự và hoàn toàn” (MB 13,326).

Cha Rinaldi, khi cắt nghĩa về vị trí các viên ngọc, đã nhận xét rằng, chiếc áo choàng được nâng đỡ bởi hai viên ngọc “Làm Việc và Tiết Độ”, rồi thêm “đời sống Sa-lê-diêng, nhìn trong hoạt động của nó, là làm việc và tiết độ, được sinh động hóa bởi lòng mến của cõi lòng trong ánh sáng luôn chiếu sáng của Đức tin và Đức cậy” (“Công báo Thượng Bề Trên” – 56,1931, p.934).

Đó là cách Sa-lê-diêng để cụ thể hóa 3 năng lực thần linh (tin, cậy, mến) ở ngay nơi lòng chúng ta: chuyển biến chúng thành lao động và tiết độ! Đó là khí cụ của chúng ta. Có người sau đó đòi đổi nó thành “làm việc và cầu nguyện”. Cũng thật đẹp, tuy nhiên huy hiệu của chúng ta vẫn là “Làm Việc và Tiết Độ”.

Vào phần kết thúc nguyện gẫm hàng ngày, trong kinh tận hiến cho Đức Mẹ, người Sa-lê-diêng cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Phù Hộ, xin dạy chúng con bắt chước các nhân đức của Don Bosco, đặc biệt là kết hợp với Thiên Chúa, sống thanh khiết, khiêm nhường, yêu thích làm việc và tiết độ, thương mến và tận hiến đời mình cho tha nhân, luôn trung thành với Đức Thánh Cha và các mục tử của Giáo Hội”. Tổng hợp thực tiễn của tinh thần Sa-lê-diêng tập trung nơi làm việc và tiết độ.

Chính Don Bosco đã kết thúc tuần phòng tại Lanzo vào năm 1869 bằng những lời: “Hãy làm việc với Đức tin, cậy, mến” (MB 9,712).

Trong Hiến luật Sa-lê-diêng, có một đoạn tóm lại tinh thần của Don Bosco như sau: “Làm việc và tiết độ làm phát triển Tu hội”. Ngược lại, sự tìm kiếm tiện nghi và dễ chịu gây nên sự tiêu diệt của nó. Người Sa-lê-diêng dấn mình phục vụ sứ mệnh với năng lực làm việc không biết mỏi mệt. Làm việc tông đồ là khoa huyền nhiệm của họ, vì họ nhận thức được mức lớn lao thần linh và mức cấp thiết của nó. Đó là khoa khổ chế của họ, bởi vì họ tiếp nhận lấy đòi hỏi nặng nề của nó. Người Sa-lê-diêng sẵn sàng chịu nóng, lạnh, đói khát, mệt nhọc và khinh khi mỗi khi phải hoạt động vì vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn” (HL.42).

Như thế, “Làm Việc và Tiết Độ”: hai danh xưng phải được sống kết hiệp với nhau. Nhưng bây giờ ta hãy suy nghĩ một chút về “làm việc”.

  1. Don Bosco và công việc.

Tôi đang đọc lại bài thuyết trình của cha Albertto Caviglio (…). Ngài bắt đầu nói chuyện về làm việc như sau: Đây là gương mù của một vị thánh: ngài nhiều lần khích lệ: “Hãy làm việc”, thay vì nói “Hãy cầu nguyện”. Thật là như thế!

Don Bosco gửi cho cô Maria Mazzarello và các con cái Đức Mẹ Vô Nhiễm một trang thư nhỏ với những lời khuyên như sau: “Các con hãy cầu nguyện nữa, nhưng các con hãy làm việc lành hết sức các con có thể” (Cron.1,118).

Sau này, vào năm 1869, khi ngài thiết lập một chương trình hành động với 4 lời khuyên, trong lời khuyên thứ hai, ngài viết: “Yêu mến làm việc, để mọi người có thể nói: Tôi sống bằng mồ hôi trên trán” (xem Cron.1,220).

Chúng ta hãy lắng nghe những lời làm chứng khác của cha chúng ta: “Don Bosco nói cho các linh mục và các tư giáo theo ngài vào phòng ngày 7.5.1871, sau khi ban huấn từ tối cho các trẻ em: Cha không nghĩ là sự chết có thể cắt đứt các kế hoạch của cha, nhưng cha làm mỗi việc như thể đó là việc cuối cùng của đời cha. Cha đã bắt đầu vài công việc, có lẽ cha sẽ không đủ thời giờ để kết thúc chúng, nhưng không quan trọng, cha sẽ làm theo mức cha có thể, cho dù đó là ngày cuối của đời cha. Cha luôn làm việc như thể cha còn sống nhiều năm nữa” (MB 6,933).

Buổi chiều 10.12.1875, ngài quả quyết với ban Thượng Cố Vấn, trong buổi chiều 10.12.1875: “Đối với dòng, cha thấy, dù vẫn thường nhắc lại là chúng ta cần củng cố cho vững chắc, như làm việc nhiều, thì mọi sự tốt đẹp hơn: việc củng cố càng làm từ từ, thì có lẽ càng lâu bền và chúng ta như nhắm mắt mà thấy được điều này: cho tới khi nào công việc lớn lao, tiếp tục tiến triển như buồm căng gió và nơi các hội viên có ý muốn làm việc thật lớn lao” (MB 11,409).

 Tôi có thể nhận thức thấy chân lý của xác quyết này. Tôi đã thấy các tu sĩ các dòng khác có những ý thức hệ khá thiết lệch, giữa các hội viên của chúng ta may mắn là có ít người như thế. Vì sao thế? (Đây là lối cắt nghĩa của riêng tôi) Bởi vì họ không có thời giờ để đề ra biết bao nhiêu lý thuyết. Họ phải giải quyết những vấn đề khẩn thiết và làm việc, nhất là khi họ là các người truyền giáo.

Don Bosco khi từ Pháp trở về, vào năm 1877, ngài thăm các nữ tu Nữ tử Mẹ Phù Hộ tại Alassio. Ngài hỏi họ có nhiều việc để làm chăng, và sau khi được trả lời là có, ngài nói: “Các con xem, khi cha đến các nhà và cảm thấy có nhiều việc để làm, cha yên tâm. Nơi nào có nhiều công việc, thì không còn ma quỉ nữa” (MB 13,116).

Một lần khác trong buổi nói chuyện, ngài quả quyết: “Ai muốn vào Tu hội, phải yêu thích công việc (…). Đừng để thiếu đức tính cần thiết nào, nhưng cần làm việc (…). Không ai vào dòng mà lại hy vọng đứng chống nạng…” (MB 13.424). Những kẻ vô công rỗi nghề không thích hợp cho các nhà tập của chúng ta. Và khẩu hiệu “Bánh, công việc và thiên đàng” là một lời hô kiểu mẫu.        

 Cha của chúng ta luôn nhấn mạnh: “Các con đừng ở rỗi rãi, nếu các con không làm việc, ma quỉ làm việc” (MB 13,433). Về điểm này, chính Đức Thánh Cha cũng hỗ trợ: “Các con hãy tiến lên – Đức Pio IX nói với ngài – ma quỉ sợ một nhà làm việc hơn một nhà chỉ cầu nguyện thôi” (MB 17,661).

Bởi thế cha chúng ta không sợ khi quả quyết: “Khi một người Sa-lê-diêng gục ngã vì làm việc cho các linh hồn, thì khi ấy ta có thể nói là dòng đã có một cuộc chiến thắng lớn” (MB 17,273). Vị bác sĩ săn sóc Don Bosco trong những năm cuối cùng đã nói về sức khỏe của Don Bosco như sau: “Ngài là một người chết vì mệt nhọc và vì những ngày làm việc liên tục, ngủ ít mà sống được. Điều ấy quả là một phép lạ lớn đối với tôi (Bác sĩ Combal)”; “Ngài tiêu hao vì làm việc quá nhiều. Ngài không chết vì bệnh tật” (Bác sĩ Fissore) (MB 18,500).

Còn có cả các bài diễn văn của Đức Pio XI vào dịp phong Chân phước và phong Hiển thánh cho Don Bosco. Đức Thánh Cha Ratti (Pio XI) đã làm một việc mà nay hầu như không thể xảy ra được. Ngài đã muốn cha chúng ta được phong thánh vào 01.04, ngày Phục Sinh, trong Năm Thánh (1934), như để làm nổi bật một lối sống thánh thiện cho nền văn hóa mới khơi dậy.

 Trong lần triều yết 3.4.1929 vào dịp phong chân phước cho Don Bosco, ban cho cha Ricaldone với cả một đoàn lũ người Sa-lê-diêng, Nữ tử Mẹ Phù Hộ, cộng tác viên và học sinh, Đức Pio XI nói: “Vinh quang của cha là có đoàn con khôn ngoan”. Cha của các con đã được tôn vinh với một vinh quang tuyệt đẹp đến độ theo kiểu nhân loại, ngài phải cuời lên sung sướng, nếu các con là những người con khôn ngoan của một người cha như thế, nếu các con biết giờ đây và hơn nữa, mãi mãi càng hiểu biết tinh thần của ngài và công trình của ngài hơn, nếu các con luôn biết luôn luôn tiếp tục công trình ấy tốt hơn chính như ngài mong ước, không hề tính toán mức làm việc (chúng ta hãy nhớ lại lời ngài đã nói, một khẩu hiệu vinh quang: ‘Ai không làm việc, không là người Sa-lê-diêng’), không hề tính toán (chúng ta như còn thấy ngài với đôi mắt chúng ta) mức hiện thân, mức từ bỏ toàn diện, về tất cả những gì liên quan tới bản thân chúng ta khi phải làm bất cứ những gì có thể góp phần lợi ích của các linh hồn” (MB 19,157).

Trong một lần triều yết khác (1.11.1933) ngài nói: “Con người này không có thời giờ nào khác nếu không phải dành cho hoạt động và hành động, làm việc không ngừng và bền bỉ giữa các trẻ nhỏ, thiếu niên, người già, và đã biết viết rất nhiều sách báo: tới cả 70 cuốn sách. Thực ra các tác phẩm xuất bản của ngài, các trước tác đem in, có những bản được in đi in lại rất nhiều lần, ngay khi ngài còn sống”. Rồi Đức Thánh Cha kể ra cả một danh sách các công việc thực hiện, các Tu hội do ngài sáng lập v.v… (x.MB 19,234).

Alberto Caviglia kể tới cả các bài diễn văn của Đức Pio XI đã nói: “Chúng ta thật là giới vô sản của Hội Thánh, là những người lao động theo nghĩa cao thượng của lời nói”.

Quả thực làm việc – như lời Đức Pio XI nói – là dấu hiệu phân biệt, là tấm thẻ của người Sa-lê-diêng (MB 19,235).

(…)

Như thế, chúng ta chắc chắn rằng làm việc là đặc điểm tư cách riêng của chúng ta. Cha chúng ta đã nói áo của người Sa-lê-diêng có thể là tiến bước với cánh tay áo sơ-mi, không phải để nói lên cách ăn mặc dễ dãi như thường thấy ngày nay, nhưng là muốn nói lên việc chúng ta ở với những người nghèo và làm việc mỗi ngày.

  1. Chứng tá tiên tri của một nền văn minh lao động.

Làm Việc và Tiết Độ có thể là yếu tố cấu tạo nên một khoa tu đức độc đáo chăng? Phải! Thánh Gioan Bosco và thánh nữ Maria Domenica Mazzarello là những chứng nhân đáng tin cậy. Tôi dám nói là nơi các ngài, ta có thể đọc thấy một lời tiên tri cho nền văn hóa mới.

Chúng ta cần một chứng tá tiên tri, được thực hiện trong tinh thần tôn giáo, trong một kỷ nguyên văn hóa nặng về nguồn hứng duy vật, mặc lấy điểm của nền văn minh kỹ thuật và kỹ nghệ.

Chúa Thánh Thần khơi dậy các vị thánh của ngài khi mở ra những khoảng rộng và những chân trời mới trong lịch sử, để mặc lấy và đảm bảo những giá trị hiện diện trong nền văn hóa bình dân của thời đại. Những giá trị ấy sẽ biến mất trong nền văn hóa kế tiếp, nhưng còn tồn tại trên những bàn thờ như là lời tiên tri của các thánh, bởi vì chúng là những giá trị không thể mất đi được. Vào lúc đế quốc Roma suy sụp, việc ấy cũng xảy ra như thế: một nền văn hóa rộng lớn đang tan vỡ, nhưng một vài giá trị của nó được chuyển biến thành lời tiên tri cho tương lai chúng ta có những vị thánh nên chứng tá trong Giáo Hội về vài giá trị lớn lao của nền văn hóa Roma: Ambrosio, Augustino, Phaolo de Nola… Trong số các vị thánh đó, một số đã là những chính khách, và trong khi chịu lấy Tin Mừng, họ đã biết chuyển ý nghĩa Kitô hữu vào một số giá trị rất đặc biệt của nền văn hóa của họ. Thực ra, Kitô giáo  đảm nhận lấy tất cả những gì là giá trị của đời sống các dân tộc, nhất là khi đó là cách biểu lộ của một sự trưởng thành trong nhân loại.

Chúng ta nghĩ tới nền văn hóa nông dân của thế kỷ qua (…). Đó là cuộc sống của người lớn đơn sơ như mẹ Magaritta, như cha mẹ của Maria Domenica: những gia đình còn nặng tinh thần Kitô hữu hơn cả người tu sĩ chúng ta hôm nay.

Đúng ra: khẩu hiệu “làm việc và tiết độ” của chúng ta ăn rễ sâu trong nếp sống của các gia đình Kitô hữu thời ấy, một cách diễn tả của biết bao giá trị của nền văn hóa bình dân này.

Chúng ta xuất thân từ những người nghèo: như gia đình Don Bosco tại Becchi. Chúng ta xuất thân từ nền văn hóa bình dân. Và đó là chương trình của Thiên Chúa. Cũng như nền văn hóa bình dân của thời đại đã có những giá trị lớn lao, thì đây, các vị thánh này đã mặc lấy những giá trị ấy trong sự thánh thiện của các ngài, và đã chuyển đạt lại cho chúng ta như một đường lối sống thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta phải nghĩ đến điểm này, không phải vì hối tiếc nền văn hóa nông dân của thời ấy, và để nêu lên một lời tiên tri trong một nền văn hóa đang cần lại những giá trị trên, nhưng phải được cắt nghĩa lại để nó có tính cách hiện đại.

Và đâu là tính cách hiện đại? Chúng ta đang ở trong bình minh của nền văn hóa mới được kích thích bởi nền văn minh của lao động; đây là giờ của kỹ thuật và kỹ nghệ, làm việc giữ một địa vị trung tâm.

Tuy nhiên, khi nói tới sự làm việc của chúng ta, chúng ta muốn cảm thấy mình là “tiên tri” hơn là như “tu đức” đơn thuần. Chúng ta phải nói tới lao động với cách thức sâu xa và rộng rãi. Đây không phải chỉ là một thứ luân lý về cách hành xử, mà phải là một lời tiên tri có tính cách tôn giáo, trong đó cũng có chỗ không nhỏ cho tu đức, nhưng trong đó có cả một chứng tá cho con người hôm nay, có tác dụng khơi dậy một Tin Mừng cho thế giới của lao động.

Tôi muốn khơi gợi  ở đây khía cạnh rộng lớn của vấn đề khi bàn thẳng tới tinh thần của chúng ta. Chúng ta phải biết đặt nó vào trong một khung cảnh lịch  sử và văn hóa quan trọng, để tránh nguy cơ giảm thiểu nó một thứ lời khuyên luân lý suông, nhằm tránh những cám dỗ. Tinh thần của Đấng Sáng Lập trước hết là chứng từ về “một kinh nghiệm đặc biệt của Thánh Thần”, được sinh động bởi Đức tin, cậy, mến. Bởi thế làm việc không phải chỉ nhằm xua đuổi cám dỗ, nó làm cho dung mạo thiêng liêng của chúng ta mang những nét đặc biệt!

 Chúng ta hãy nghĩ tới hoàn cảnh hiện tại, trong đó công việc đã chiếm một tầm quan trọng và mức tạo nên vấn đề trong sức chuyển biến nhanh chóng của những đổi thay xã hội – văn hóa, tôi nghĩ là thuận lợi để chúng ta dừng lại một chút về nó, ít nhất dưới hai nhãn quan. Cả hai ánh nhìn này sẽ soi sáng cho ta nhiều, mặc dù đối với chúng ta, ánh nhìn thứ hai quan trọng hơn.

  1. Công việc như là một dữ kiện khách quan.

Ánh nhìn thứ nhất là nhìn lao động như một dữ kiện khách quan, như là một yếu tố xã hội. Từ khía cạnh này, chúng ta sống trong một kỷ nguyên mà yếu tố  làm việc có chỗ đứng trung tâm trong xã hội. Không còn phải là hoạt động của người nô lệ, khi mà sự “nhàn rỗi” theo nghĩa là thời giờ dùng để cống hiến cho những việc khác, là sở hữu của người tự do, còn người nô lệ thì phải “làm việc”. Công việc là yếu tố trung tâm của xã hội con người, con người tự do. May thay vì nói tới “người quân tử, bậc  hiền triết” ta nói tới “con người lao động chính là kẻ xây dựng và biến cải thế giới”. Và như thế giá trị của lao động chiếm chỗ quan trọng phi thường.

Các nước hiện đại được tổ chức trên lao động. Người ta huyền thoại hóa người lao động: (…). Con người biết lao động nhiều giờ với một sức lực mãnh liệt lớn hơn, sản xuất nhiều hơn… là lý tưởng cho con người hôm nay, trong một đất nước lao động.

Làm việc (…) đã thực là một giá trị trung tâm trong xã hội và trong nền văn hóa hôm nay. Nó làm hiện lên một khía cạnh của sứ mệnh con người trong thế giới: đó là việc làm chủ thiên nhiên để nhân bản hóa thiên nhiên và đưa nó vào phục vụ con người: “Hãy làm chủ trái đất” (St.9,7).

Chúng ta hãy suy nghĩ đến khoa học nay đã được áp dụng vào kỹ thuật: biết bao điều đã áp dụng vào kỹ nghệ, lãnh vực của công việc. , việc đi lại thời Don Bosco và thời đại chúng ta đã khác nhau biết mấy (…). Thường chữ “tiện nghi” bị coi là không mấy tốt đẹp theo nghĩa luân lý, như tìm tiện nghi, an nhàn, dễ dãi… Nhưng ai cũng muốn tốt hơn, ở một căn nhà tiện lợi hơn, có những phương tiện hữu hiệu hơn (…)

Tuy nhiên, chúng ta là tín hữu, khi nhìn tất cả mọi sự trên, chúng ta nhận ra ngay những lợi ích tích cực cũng như phía tiêu cực. Cần phải lưu ý đừng nâng tiện nghi lên hàng ngẫu tượng, như có người đã làm. Tiện nghi là giá trị mập mờ cần phải đặt đúng đường, không phải để loại bỏ nhưng để làm cho nó được nhận biết nhằm phục vụ những giá trị hoàn toàn nhân bản.

Trên khía cạnh kinh tế: sản xuất nhiều của cải tự nó là một dữ kiện tích cực, tuy nhiên vẫn thường kèm theo việc giảm thấp tình cảm nhân loại: ít huynh đệ hơn, phân biệt giữa người và người hơn, ôm đồm bận bịu hơn. Có kẻ quá giàu, có kẻ lại quá cực, và sống trong cùng khốn.

Trên khía cạnh chính trị – xã hội: kết quả của công việc ngày nay là hiện tượng xã hội hóa. Công việc ngày nay là yếu tố khơi dậy những tương quan xã hội, tăng cường tình liên đới (…). Nhưng bên cạnh đó, nó cũng sinh ra đấu tranh giai cấp, ghen ghét, cắt nghĩa (manchea), theo hình thức đối kháng cuộc sống chung: phân biệt con người dựa trên tư cách ông chủ và giới vô sản, mà không phán đoán theo hành động và bản thân từng người để phân biệt tốt xấu.

Trên khía cạnh văn hóa: Qua công trình tổ chức việc làm mà phát sinh nền văn minh kỹ thuật – kỹ nghệ như là một giai đoạn mới của việc phát triển con người. Ví dụ việc kỹ nghệ hóa nền nông nghiệp, tạo nên một khả năng cung cấp lương thực cho dân chúng vượt quá mức độ xưa kia có thể nghĩ tới được…

Như vậy công việc đã tạo nên một bước nhảy vọt về mức sống của con người, khiến con người sống nhân bản hơn. Đó là giá trị tích cực của nó… Chiếc máy có thể hoàn tất trong ít giờ công việc cày đất đáng lý phải kéo dài nhiều tuần.        

Việc thuần hóa thiên nhiên qua việc làm nói lên khía cạnh rất tích cực của việc sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên con người để làm chủ vũ trụ. Tuy thế, cũng đồng thời làm tăng triển tâm trạng duy vật: tiện nghi trở thành ngẫu tượng để tôn thờ: có nhà, có xe, giải trí, hay là có một đất nước quyền uy, với những khí giới kinh khủng nhất, thực hiện một sự thống trị của những kẻ lao động. Và như thế gia tăng mức bất bình đẳng xã hội và việc chế ngự các dân tộc. Đến độ có người dám quả quyết là công việc, trên thực tế, không thuần hóa trái đất, và như thế việc làm như dữ kiện khách quan, vẫn là một cái gì lưỡng diện và cần được Tin Mừng hóa.

Giữa những điều tích cực của công việc, nhìn như dữ kiện khách quan tạo thành đời sống xã hội, có vài khía cạnh ta có thể đảm nhận và vun trồng với một sự nghiêm chỉnh (…) như tư cách nghề nghiệp, khả năng chuyên biệt trong những nhiệm vụ khác nhau, tổ chức, tính hợp lý, đào luyện thích hợp và cập nhật hóa… Việc cơ cấu hóa và việc điều hành một kỹ nghệ nêu bật nhiều giá trị cụ thể cho những người có sứ mệnh thăng tiến đời sống con người (…).

  1. Làm việc như là một giá trị chủ quan.

Nhãn quan thứ hai giúp chúng ta nhận xét về lao động là khía cạnh chủ quan của nó. Ở đây, hơn cả việc nhìn lao động trong chính nó như một giá trị khách quan, chúng ta nhìn vào chính người lao động như người hành động. Con người sinh ra như một dự định và phải xây dựng bản lãnh của mình. Việc miêu tả cụ thể một con người (…) bao gồm cả lịch sử cá nhân của họ với những nỗ lực và những trách nhiệm của họ. Làm việc là một trong những hoạt động, nhờ đó, con người xây dựng nên chính bản thân mình. Ở đây, ta muốn nhấn mạnh tới khía cạnh chủ quan của lao động này, nghĩa là tới chính bản thân người lao động, những lý do và thái độ đi theo với người lao động, hơn là phẩm tính khách quan của chính công việc.

Riêng chúng ta, ta phải đặc biệt lưu tâm suy nghĩ đến việc làm thế nào Đức tin, cậy, mến thúc đẩy người Sa-lê-diêng trở nên người lao động vĩ đại trong Hội Thánh: bộ ba thiêng liêng đây là khởi nguồn của trách nhiệm của người Sa-lê-diêng, là ánh sáng cho những động cơ hoạt động, là linh hồn làm chạy máy công việc hàng ngày. Tại sao người Sa-lê-diêng làm việc? Thái độ trong cõi lòng Sa-lê-diêng phải như thế nào?

Người Sa-lê-diêng tìm thấy chân tính của mình không phải qua việc “một nghề” mà là qua “ơn gọi” của mình. Tuy nhiên, ơn gọi ấy đòi hỏi khả năng cụ thể và khách quan. Công việc của người Sa-lê-diêng luôn luôn là công việc có giá trị nhờ một động cơ “tông đồ” hay “mục vụ”, tuy nhiên cũng bao gồm một khả năng nghề nghiệp chuyên môn (…). Ở đây chúng ta chỉ lưu tâm nhấn mạnh tới khía cạnh tông đồ hay mục vụ thiết yếu cho công việc Sa-lê-diêng.

Việc tông đồ hay trách nhiệm xây dựng Nước Chúa không phải là một nghề thuộc về Bộ Lao Động, hay thuộc về Nghiệp Đoàn. Đây là một hoạt động độc đáo, có thể đảm nhận lấy những nghề nghiệp của con người, nhưng luôn duy trì đặc tính của riêng nó, phát sinh từ cõi lòng của người thực hiện nó. Nó được diễn tả trong công việc, hoạt động, trách nhiệm. Nhưng nó vẫn là tình yêu, cách diễn tả của tin, cậy, mến. Bởi thế, làm việc trở thành hoạt động của chúng ta. “Bộ ba” là động lực thúc đẩy bên trong giúp nó siêu việt các mục đích trực tiếp, các lợi ích vật chất, các kết quả kỹ thuật, và đem loại làm việc này vào phục vụ con người trong một thế giới phải sửa soạn để bước vào “giờ phút trong đó Thiên Chúa sẽ tỏ lộ bộ mặt thật của các con cái Ngài” (Rm 8,19).

Và như thế, người Sa-lê-diêng muốn tuyên bố bằng công việc của mình một sứ điệp cho giới trẻ, sứ điệp khiến cho những giá trị lớn của tin, cậy, mến trở nên hiện đại và quan trọng, bởi đó là những năng động lực lịch sử để can dự vào việc chuyển biến tận căn rễ cuộc sống con người, của cá nhân mình cũng như của xã hội.

Bởi thế, ở tận gốc rễ của sự việc, chính là lao động chứng tá! Chắc chắn chúng ta biết rằng một chứng tá như thế không loại trừ việc đảm nhận lấy một nghề hay một chức vụ được trả lương. Chúng ta hãy nghĩ tới một Tu hội đời: những người tận hiến làm việc trong thế giới, và qua công việc thực hiện giữa trần tục, nêu chứng tá về Nước Chúa. Chúng ta hãy nghĩ tới biết bao công việc trong nhà cần thiết cho đời sống hàng ngày: nấu nướng, giặt giũ, coi cổng, và những việc mục vụ khác, mà đời thánh hiến chuyển biến chúng thành chứng tá.

Trong khi chú tâm tới hai khía cạnh trên của lao động, chúng ta cần làm phong phú thêm cho suy tư của chúng ta một vài điểm rút từ “thần học lao động”.

  1. “Thần học về lao động”.

Trong những năm gần đây, người ta nói tới “Thần học về lao động”. Người đầu tiên viết về chủ đề này là cha Chenu, một linh mục người Pháp (…).

Suy tư “Thần học về lao động” dựa trên hai yếu tố lớn của mầu nhiệm lịch sử cứu độ: việc tạo dựng và cứu chuộc. Thiên Chúa Cha, Đấng sáng tạo thế gian. Thiên Chúa Cha, Đấng sai Con Ngài xuống cứu rỗi thế gian.

Việc tạo dựng, trước hết, không phải là một hành động giới hạn vào khoảng hàng tỉ năm qua, một chuyện thuộc về quá khứ. Nó là một năng động lực thần linh luôn tiếp diễn. Tạo dựng là mầu nhiệm tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa còn hoạt động hôm nay. Nó không phải là hành động quá khứ đã kết thúc, mà là hành động của Thiên Chúa trên đà hoàn thành của sự vật, hoạt động hôm nay của Thiên Chúa, một hoạt động vẫn tồn tại nhằm làm sinh động sự vật và bước phát triển của vũ trụ. Đó là một yếu tố quan trọng.

Như thế, chúng ta phải quan niệm công việc nhân loại như một hoạt động đưa con người lao động vào trong năng động lực của sáng tạo, biến con người lên “đồng sáng tạo”, không phải để tạo nên những thiên hà, mà để làm cho thế giới nhân bản hơn, để chuyển thế giới thành lịch sử, để con người lớn lên và thống trị trái đất. Ai thuần phục trái đất? Ai xây dựng những thành trì? – Con người! Thiên Chúa giúp con người, tuy nhiên tác nhân trực tiếp là con người.

Bởi thế, trong việc lao động, có một bình diện cộng tác với Thiên Chúa trong việc phát triển và nhân bản hóa thế giới. Chính ở đây là cội gốc của tính cách trần thế nền tảng hay thuộc về tạo vật của các công việc khác nhau mà ta phải đảm nhận.

Từ yếu tố đầu tiên này đã vọt trào một thứ “huyền nhiệm” của công việc nhân loại, của ý nghĩa sâu xa về một tính cách “trần thế” lành mạnh, về tầm quan trọng thiêng liêng của “tư cách nghề nghiệp”, khiến chúng ta nghĩ tới vẻ đẹp và sự vĩ đại của chính con người lao động.

Rồi tới khía cạnh thứ hai: “việc cứu chuộc”. Khốn nỗi hoạt động của con người trong lịch sử bị thương bởi tội lỗi, vì thế có biết bao nhiêu sự dữ: không những mọi sự việc đều có thể nghiêng ngả giữa tốt xấu, mà còn có cả cái tai ác của chính sự vật. Chỉ cần nghĩ đến sự bất bình đẳng và sự bất công mà người ta có kinh nghiệm hôm nay trong cuộc sống chung xã hội. Cần phải giải phóng các kết quả của công việc của con người khỏi điều lạc hướng, để mang lại cho đời sống con người trên trái đất ý nghĩa của tình huynh đệ, trong nỗ lực cơ cấu hóa nền văn minh của tình yêu.

Để đạt được mục đích đó, Đức Kitô nhập thể, chết và sống lại, Ngài đã nên Đấng Cứu Chuộc của con người. Trong khi hoàn thành sứ mệnh này, Ngài đã đảm nhận lấy lao động, vẫn cho những đòi hỏi và lao nhọc của nó một bình diện giải phóng. Ngài đã muốn sinh ra giữa những người nghèo và sống giữa những người thợ tại Nazareth (…). Giuse là một người lao động khiêm nhường và vợ của ngài thuộc cùng một bình diện xã hội, một gia đình nghèo, phải giải quyết vấn đề hằng ngày của cuộc sống bằng lao động, đúng như lời sách Sáng Thế nói: “Ngươi sẽ ăn bằng mồ hôi trên trán ngươi” (St.3,19).

Và như thế, lao nhọc, gánh nặng của công việc hằng ngày trở thành phương tiện cứu chuộc. Người Kitô hữu coi công việc của con người cũng là một hoạt động hội nhập bản thân người lao động vào trong năng động lực của sự cứu chuộc, biến họ nên con người “đồng cứu chuộc”, không phải để thực hiện biến cố Vượt Qua khác, nhưng là để hoàn thành cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu. Bởi đó, người Kitô hữu tìm thấy ý nghĩa sâu xa trong khía cạnh khổ chế của lao động, với những yếu tố thập giá của nó. Cả những yếu tố nặng nhọc nỗ lực không ngừng, tận tụy trong khiêm cung, kiên nhẫn giữa những khó khăn khác nhau luôn gắn liền với công việc trên bình diện lịch sử, mang ý nghĩa cứu chuộc làm cho trái tim người lao động nên cao thượng và giúp họ hoàn thành tốt công việc của mình, cùng bảo đảm một ảnh hưởng xã hội.

Làm việc, được sống như thế, sẽ giúp vượt ra khỏi những viễn ảnh quan niệm tiêu cực thường làm thương tổn đến quan niệm về con người và cuộc chung sống xã hội:

Nhị nguyên thuyết giữa vật chất và tinh thần làm việc buộc trí tuệ con người phải kết hợp với vật chất vô tri để hướng tới một mục tiêu duy nhất: nhờ thế, làm việc đưa cách hiện hữu của con người vào sâu trong sự duy nhất giữa tinh thần và vật chất.

Nhị nguyên thuyết giữa cái trần thế và cái thiêng liêng, giữa trật tự những sự vật trần thế và thực tại thiêng liêng. Đây không phải là hai thế giới phân biệt hay hai lãnh vực thuộc tầm mức khác nhau, nhưng là một thực tại lịch sử duy nhất. Chúng ta, những người Sa-lê-diêng, hầu như là không nhận thấy, nhưng thật sự đã học nơi Don Bosco để nối kết cùng nhau sự thăng tiến con người và việc rao giảng Phúc Âm. Nhị nguyên thuyết giữa cơ cấu và nhân vị, như thể cơ cấu đàn áp nhân vị. Trái lại, công việc buộc chúng ta phải coi cơ cấu là yếu tố bổ xung và là sự phục vụ cho con người.

Nhị nguyên thuyết giữa cá nhân và tập thể. Công việc, như chúng ta đã thấy, dẫn tới đời sống xã hội và cho chúng ta thấy nhu cầu thiết yếu của tập thể.

Nhị nguyên thuyết giữa thời gian và vĩnh cửu, giữa trời và đất, giữa lịch sử và Nước Chúa. Hiến chế “Gaudium et Spes” trình bày cho chúng ta thấy hoạt động nhân loại như sức mạnh sáng tạo, một sự tăng triển liên tục từ cuộc sống trần thế đến cuộc sống trên trời, từ thời gian đến vĩnh cửu. Chúng ta không biết bước nhảy vọt của cuộc sống như thế nào, tuy nhiên chắc chắn là từ trái đất này mà xuất hiện trời mới, từ cuộc sống tạm bợ của chúng ta hôm nay mà xuất phát cuộc sống của sự sống lại.

Như thế, làm việc giúp chúng ta vượt qua những viễn ảnh của quan niệm văn hóa mang tính cách đối nghịch này, giúp chúng ta vượt qua thứ nhị nguyên thuyết nguy hiểm này, như thế làm việc ảnh hưởng đến nền văn hóa, mời gọi chúng ta vượt qua những cám dỗ duy vật hay duy linh.

Công việc được quan niệm như vậy, giúp ta đào sâu một cách tích cực chân lý của thực tế. Cho chúng ta một quan niệm toàn diện hơn về mọi mặt, một “tinh thần sống thiêng liêng khi sử dụng sự vật trần thế”. Vật chất là yếu tố thiết yếu của thực tại nhân loại chúng ta, nó được dựng nên để tham dự vào sự sống lại, như thánh Phaolo đã nhắc nhở.

Trong một cuộc phỏng vấn La Pira, hai nhà báo đến từ Liên Xô đặt lời tán thành như sau: “Ngài là Kitô hữu, ngài tin vào sự sống lại, vào cõi bên kia, nhưng như thế, ngài là một người thoái thác, một người tha hóa đối với lịch sử”. La Pira lập tức trả lời: “Chúng tôi, những người Kitô hữu, còn duy vật hơn cả các anh, bởi vì chúng tôi tin rằng vật chất nơi con người mang lấy một ý nghĩa vĩnh cửu: và sẽ có chỗ đứng của nó trong sự sống lại”.

Một chút thần học về lao động quả có nâng cao suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta thường chỉ nghĩ về lao động theo phạm trù xã hội hay luân lý, nhưng giờ đây chúng ta đã nhìn nó trong mức cao cả của Kitô hữu.

Từ suy nghĩ thần học, không khó mấy chuyển sang một đời sống thiêng liêng trong lao động.

  1. Tinh thần sống thiêng liêng bằng lao động.

Lao động không phải là mục đích của chính nó. Lao động không tự nó có giá trị tuyệt đối. Nó là một cách thức quan trọng biến con người nên kẻ “đồng sáng tạo” hay “đồng cứu chuộc” trên trần gian và trong thời gian trên trần. Đối với chúng ta, làm việc trở thành lời  chứng cho bộ ba: tin, cậy, mến. Theo nghĩa đó, không phải phẩm chất của công việc khiến con người nên vĩ đại, nhưng là những động cơ và tấm lòng của con người hoàn tất một công việc, hay là mức độ của lòng mến nhuần thấm công việc.

 Bởi thế, ta không nói: “Mặc dù rất bận bịu, Don Bosco đã nên thánh”, đúng ra phải nói: “Chính vì làm việc nhiều, ngài đã nên thánh”.

Hơn thế nữa, làm việc đặt ta vào hàng những người nghèo. Hiến luật của chúng ta nói: “Làm việc liên lỷ và đầy hy sinh là cách biểu lộ cụ thể của sự nghèo khó của chúng ta. Trong lao nhọc hàng ngày, ta liên kết số phận cùng người nghèo, sống bằng lao nhọc của mình, và làm chứng cho con người thời nay ý nghĩa nhân bản và Kitô hữu của lao động” (HL.87).

Công việc khiến chúng ta cụ thể hơn trong sự khiêm cung, trong mức độ nó thúc đẩy chúng ta cống hiến những việc phục vụ khiêm cung trong việc cung cấp lương thực, nhà ở, và nhất là tuân phục những đòi hỏi của nghề nghiệp, tận lực kiên trì tạo cho mình tất cả sự quan tâm nghiêm chỉnh theo như công việc đòi hỏi. Nó bó buộc chúng ta thực sự là những người có uy tín trong các lãnh vực thăng tiến nhân bản, lãnh vực của hoạt động chúng ta, nó mời gọi chúng ta phải cập nhật hóa, phải có sáng tạo, có kỷ luật, biết xếp đặt chương trình, biết suy nghĩ và luyện cho mình khả năng tổ chức.

Làm việc cho chúng ta lớn lên trong tình liên đới, trong trách nhiệm, trong hiệp thông, trong phục vụ người khác, cho chúng ta cảm thấy mình cụ thể là cộng sự viên của Đức Kitô. Nó giúp ta xa lánh nhàn rỗi là “cha của mọi tật xấu”, như Don Bosco đã nói: “Đâu có việc làm, đấy không có ma quỉ!”

Làm việc tự nó không phải là một nhân đức, nhưng nó có thể tập trung nơi sức năng động của nó tất cả mọi nhân đức của người lao động. Trong cái nhìn chủ quan, lao động là cách biểu hiệu của bản lãnh khiến ta nên chứng tá của Đức tin, cậy, mến. Đối với chúng ta, lao động trở thành sự cộng tác với Đức Kitô để cứu giới trẻ, là một cách biểu dương cụ thể và không ngừng “Da mihi animas”.

  1. Những đức tính của cách làm việc Sa-lê-diêng.

Đâu là những đặc điểm của cách làm việc Sa-lê-diêng? Viên ngọc “Làm Việc” rực sáng mãnh liệt trong cách thức theo Chúa Kitô của chúng ta. Nó tóm lược trong nó những cách thức kích thích khác nhau của nếp sống thiêng liêng đã được diễn tả. Ở đây ta chỉ thêm vào vài đức tính là nét đặc sắc của công việc Sa-lê-diêng. Chắc chắn chúng ta có thể kể ra nhiều cái khác nữa, chỉ xin đan cử ra đây một vài nét quan trọng:

– Trước hết là sự mau mắn làm việc: Sa-lê-diêng thì mau mắn, có nghĩa là điều tôi muốn làm, tôi làm cách vui vẻ, tôi làm với xác tín, tôi thích làm, tôi không làm như thể miễn cưỡng, như người nô lệ, bị bó buộc…

– Tự nguyện: Alberto Caviglio quả quyết: Lời nguyện tắt trên môi người Sa-lê-diêng là “Vâng, tôi đi”. Ngược lại, lời phạm thượng chính là: “Việc đó đâu có ăn nhằm gì với tôi”.

– Quảng đại: không giới hạn. Dù Don Bosco muốn chúng ta có một chút tiết độ (…) ngài đã nói tới: “tiết độ trong công việc”. Dù sao, làm việc cũng không thể thưa thớt và giới hạn vào một chương trình dễ dãi mà phải “full time”.

– Sáng kiến: Người Sa-lê-diêng được thúc đẩy bởi một trí tuệ kèm theo sự hăng say với công việc, để tạo nên những công việc cả tại những nơi nào không có… và hoàn thiện hóa bản thân để làm việc nhiều hơn. Alberto Caviglia nói tự học chính là một gia sản Sa-lê-diêng. Đây không phải là để khinh khi những chương trình học tại đại học, mà bởi vì một thứ tự học tốt đẹp cũng cần thiết trong đời sống (làm việc đào luyện liên tục). Chúng ta tất cả đều phải tự học, đó chẳng phải là ý nghĩa của hai chữ kinh nghiệm sao? Không thể đóng khung trong cái chúng ta đã học một lần nữa là đủ!

– Nhưng còn một đức tính khác kèm theo: đó là nỗ lực học và cập nhật hóa, do sứ mạng đặc biệt chúng ta và những thay đổi văn hóa hiện tại. Việc học hỏi này cũng thuộc về lãnh vực của làm việc: nhất là đạt được mức thẩm quyền hơn trong khoa học về đức tin và về con người. Phải học không phải là để trở thành những người nổi tiếng về trí tuệ, mà để trở nên những mục tử tốt lành và hiểu biết. Don Bosco hơi sợ là có một thứ phong trào trí thức giữa chúng ta: “Hãy nhớ lại giấc mơ về ma quỉ. Tên quỉ khôn lanh hơn hết giữa chúng gợi ý rằng, cơn cám dỗ phá hoại ơn gọi của chúng ta dữ tợn nhất chính là “thuyết phục” (các Sa-lê-diêng) rằng việc trở thành những nhà thông thái là cái phải tạo nên vinh quang chính của họ”. (MB 17,387). Bởi thế, học hỏi là cần, nhưng thứ học hỏi nhằm phục vụ công việc mục vụ chứ không phải vì là hư vinh.

– Khổ chế: tất cả giá trị sư phạm của lao nhọc của ta nằm trong ý nghĩa tham dự vào mầu nhiệm thập giá Đức Kitô và vào điều kiện của con người lao động làng Nazareth.

– Sau cùng là chiêm niệm trong hành động: như là sức thúc đẩy huyền nhiệm theo ý đã được thánh Phanxico cắt nghĩa, như là chứng tá của một đời nội tâm mạnh mẽ.

  1. Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ với thánh nữ Elisabeth.

Đức Maria là mẫu sư và là người hướng đạo trong khoa sống đời thiêng liêng bằng lao động.

Đâu là biến cố cao cả nhất và cá nhân phải trở nên đối tượng ưa thích của việc chiêm niệm của Mẹ?

Đó là việc truyền tin. Đức Maria phải có thể ở lại để chiêm ngưỡng giá trị của mầu nhiệm lớn lao đó, nội dung của nó, viễn ảnh của nó, niềm vui khôn tả phát xuất từ đó, ngược lại, Mẹ đã làm gì? Mẹ ra khỏi nhà, Mẹ đã đi từ Galilea tới Giudea để ở lại ít tháng với bà chị họ Elisabeth để giúp đỡ bà. Chính cuộc viếng thăm bà Elisabeth nhắc nhở cho chúng ta trực giác của thánh Phanxico trong việc thiết lập dòng Thăm Viếng (“ít ra là lúc khởi đầu”!) bắt chước lòng quảng đại thực tiễn và tích cực của Mẹ Maria.

Tinh thần Don Bosco hướng tới nét đặc sắc này: biết diễn tả đời nội tâm thành hành động, để giúp ta thoát khỏi bản thân mà sống tình yêu đối với Thiên Chúa trong kẻ khác.

Sau việc truyền tin, Mẹ Maria đã diễn tả đời nội tâm khôn tả của Mẹ thành thứ chiêm niệm say sưa qua hành động. Ta hãy xin Mẹ giúp đỡ chúng ta để biến công việc Sa-lê-diêng thành cách diễn tả của đời nội tâm sống bằng tin, cậy, mến.

* * *

VIÊN NGỌC THỨ NĂM

TIẾT ĐỘ

Nếu “công việc” tung con người vào hành động, kích thích con người sáng tạo, thúc đẩy con người xác định chỗ đứng của mình, thì “sự tiết độ” tập trung con người vào sự duyệt xét bản thân, điều hành những khuynh hướng của mình, giúp con người biết từ bỏ chính mình trong mức độ hợp lý và yêu mến việc xa lánh thế tục.

Tôi đã chọn những xác quyết có vẻ đối chọi nhau. Đúng ra, chúng không đối chọi mà bổ sung cho nhau: một đàng, thực tại đời sống đòi hỏi sự nhiệt tình và đàng khác đòi sự từ bỏ, một đàng nỗ lực và đàng khác sự chừng mực. Đó là điều thánh Gioan nói khi ngài trình bày thế gian dưới hai khía cạnh.

  1. Hai ý nghĩa của thế gian.

Trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, Công Đồng nói về thế gian như  kịch trường của cuộc mạo hiểm của con người và Thiên Chúa đã yêu mến con người đến độ sai Con Người đến để cứu thế gian. Ở đây ta cảm thấy như tiếng vang thánh Gioan vọng lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicodemo: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến độ ban Con Một mình, để những ai tin vào Ngài thì không chết nhưng có sự sống đời đời. Thiên Chúa không sai Con của Ngài đến thế gian để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được cứu” (Ga.3,16-17).

Nhưng đàng khác, thế giới như là dục vọng của xác thịt, dục vọng của con mắt và kiêu ngạo của cuộc sống. Đây cũng là thế gian. Chính Gioan quả quyết: “Toàn thể thế gian đều lụy quyền kẻ dữ” (1Ga.5,19).

Như vậy có một khía  cạnh của thực tại thế gian là tích cực, và phải tăng triển, đó là tạo thành đang tiến triển tới hoàn thiện, và một khía cạnh tiêu cực của thế gian bị đưa vào trong lịch sử của tội lỗi của con người với dục vọng. Như thế, thánh Gioan quả quyết trong thư của ngài: “Chúng ta biết mình thuộc về Thiên Chúa, và chúng ta biết cả thế gian chung quanh ta đang lụy dưới quyền kẻ dữ” (1Ga.5,19). Bởi thế chúng ta hiểu được lời danh tiếng của Đức Giêsu với Cha Ngài: “Con đã cho chúng Lời của Cha, bởi chúng không còn thuộc về thế gian, và thế gian ghét chúng. Con không xin Cha cất chúng khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ chúng khỏi kẻ dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như con không thuộc về thế gian. Xin cho chúng thuộc về Cha trong sự thật: Lời Cha là sự thật!” (Ga.17,14-15).

  1. Tiết chế – như một thái độ hiện sinh nền tảng.

Chính trong thế giới với hai ảnh hưởng tốt xấu ấy, mà ý nghĩa của tiết chế phải can dự vào. Tiết chế được quan niệm như sự giữ mình, một sự giữ gìn chừng mực các khuynh hướng, bản năng, dục vọng, biết lẽ phải chăng, đoạn tuyệt với thế tục mà không trốn vào sa mạc, nhưng ở giữa con người, làm chủ con tim: ở giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian!

Một sự tiết chế như thế là một thái độ hiện sinh căn bản, biết thống trị bản thân mình. Ở đây, chúng ta không nói tới một nhân đức tự nó đứng riêng ra một mình, độc lập, khi quan tâm tới mô thức của nó. Đúng ra, chúng ta nói tới thái độ hiện sinh bao gồm nhiều nhân đức. Tiết chế khi ấy là nhân đức thứ nhất và chính yếu giữa các nhân đức dung hòa khác, bao quanh lấy nó như các vệ tinh.

Quả thế, viên ngọc đặt ở vai bên trái nhân vật muốn nói tới toàn thể các nhân đức này, nối kết lại với sự tiết chế như quanh một cái bản lề. Truyền thống thần học có lý khi gọi nhân đức “tiết chế” là “nhân đức bản lề”: một  trục xoay quanh đó xoay các thái độ bổ sung khác nhau nhắm đến việc làm chủ bản thân. Chúng ta sẽ xem đâu là các nhân đức xoay quanh trung tâm là tiết độ:

– Đức khiết tịnh, chống lại các khuynh hướng xác thịt.

– Đức khiêm nhường, chống lại khuynh hướng kiêu ngạo.

Cả hai chống lại các dục vọng: một đàng là chống lại dục vọng xác thịt, một đàng chống lại khuynh hướng của tinh thần là kiêu ngạo

Sự dịu dàng, chống lại những cơn giận (phương pháp đề phòng đòi hỏi phải đặc biệt cầm hãm những khuynh hướng này).

– Sự nhân ái, chống lại những khuynh hướng độc ác và trả thù.

– Sự điều độ và chay tịnh, chống lại ăn uống quá độ.

– Tiết kiệm và giản đơn, chống lại hoang phí và xa hoa.

– Sự nghiêm nghị trong cuộc sống, chống lại những cám dỗ tiện nghi.

Toàn thể các nhân đức ấy tạo nên một thái độ toàn diện làm chủ lấy bản thân mình, làm chủ con tim mình, làm chủ tiểu vũ trụ là con người mình. Khiến chúng ta làm quen với đời sống thiếu tiện nghi, với sự điều độ, với việc làm chủ trên dục vọng, với sự quân bình trong cuộc sống chung, với sự dè giữ đứng đắn, với sự tinh khôn lành mạnh (sự tinh khôn, như là một hình thức của công cảm thông minh, là một đặc điểm khá quan trọng trong tinh thần Don Bosco). Tất cả trong ánh sáng và dưới sự hướng dẫn của lẽ phải. Đúng! Sự tiết chế điều hành mọi sự trong lý trí. Chúng ta không muốn chủ trương chủ nghĩa ưa hành hạ, do ý muốn tìm thỏa mãn vì làm chủ trên bản thân chúng ta. Ngược lại chúng ta sống đời vương giả của thanh tẩy, một đời sống mà mặc dù những sự từ bỏ, vẫn sinh ra niềm vui, hoan lạc trong bầu không khí đơn sơ và khiêm nhường đích thực.

Một sự tiết chế như thế là triều thiên chung cho dung mạo tươi nở Sa-lê-diêng, và một sự tiết chế như thế, kết hợp với công việc, tạo nên những đường nét lớn cho dung mạo Sa-lê-diêng.

 Tiết chế cũng như làm việc, là chứng từ cụ thể của những giá trị đối thần của Đức tin, cậy, mến. Để thực thi đời vương giả thanh tẩy, cần phải có động lực và năng lực của bộ ba tin, cậy, mến.

Chúng ta đã thấy là đức ái Sa-lê-diêng có đặc điểm là làm cho mình được yêu để có thể hướng dẫn tuổi trẻ tới Đức Giêsu Kitô. “Làm cho mình được yêu” là một xác quyết tuyệt đẹp, nhưng ở bên trong một lối sống thiêng liêng, nó tạo nên một sự táo bạo chân thực.  Biết bao nhiêu kẻ ước ao “làm cho mình được yêu mến”, nhưng chắc chắn không phải như phương tiện tiến tới sự thánh thiện.

  1. Don Bosco lo tới một khoa sư phạm giúp ta tu đức.

Người cha tốt lành của chúng ta nói là phải làm sao cho sự thánh thiện hệ tại luôn luôn vui vẻ, chúng ta phải làm cho mình được yêu mến, sự thánh thiện của chúng ta là một sự thánh thiện đầy thiện cảm, một sự thánh thiện tạo nên tình bằng hữu, việc giáo dục là việc của cõi lòng. Tất cả những điều đó quá đẹp, nhưng nào phải là dễ! Chúng ta đừng để mình bị lôi theo sự dễ dãi. Một số thầy tu khắc khổ đã ăn chay suốt cả đời, không ăn thịt bao giờ và làm khổ mình vì những việc ăn chay nghiêm khắc, khi họ nhìn chúng ta, có lẽ sẽ nói: “Thật là đẹp đời sống như thế: thể thao, đi dạo, niềm vui, hoạt động, luôn giữa giới trẻ, không phải lo cho kẻ ốm đau, người hấp hối hay người già cả!”.

Cũng có những người già cả giữa chúng ta, nhưng thường chúng ta sống giữa giới trẻ, luôn luôn chúng ta ở giữa mùa xuân. Liệu chúng ta suy nghĩ là một môi trường như thế có thể đưa chúng ta tới cuộc sống bị méo mó vì nghề nghiệp chăng? Nghĩa là không nhận thức được thế giới của nghề nghiệp, già cả, của nghĩa địa, vì chúng ta chỉ ở giữa tuổi trẻ.

Nhìn về Don Bosco và nhìn về những khó khăn trong việc sống đường lối thánh thiện mà Don Bosco đã muốn cho các con cái Sa-lê-diêng của ngài, tự nhiên ta nghĩ tới giấc mơ đi giữa những bông hồng: một giấc mơ đẹp và nêu lên cách giải quyết những khó khăn. Chúng ta hãy đọc một vài đoạn:

Trong khi tất cả, rất đông đảo, thấy tôi đi trên dàn hoa, mới nói: “Ồ, Don Bosco luôn đi trên những bông hồng: ngài đi thật là an tâm. Tất cả tiến hành tốt đẹp”. Nhưng họ không thấy những gai đâm nát những bàn chân khốn khổ. Nhiều tu sĩ, linh mục và giáo dân được tôi mời gọi, bắt đầu theo tôi sung sướng, được lôi kéo bởi vẻ đẹp của những bông hoa, nhưng khi nhận thấy họ phải đi trên những gai sắc, và chúng đâm tỏa ra tứ phía, họ bắt đầu kêu lên: “Chúng ta bị đánh lừa”. Tôi trả lời: “Ai muốn đi sung suớng trên những bông hồng, thì hãy quay trở lại. Những người khác thì theo tôi”. Sau cùng Don Bosco được Đức Mẹ cắt nghĩa giấc mơ. “Khi Đức Trinh Nữ Rất Thánh, là người hướng dẫn  của tôi, hỏi tôi: “Ngươi có biết điều ngươi thấy đây có nghĩa là gì không và điều ngươi thấy trước đó?” – “Không, tôi trả lời, xin Đức Mẹ cắt nghĩa cho con!”. Khi ấy Đức Mẹ nói với tôi: “Con có biết cuộc sống con đi giữa những bông hồng và gai có nghĩa là sự săn sóc con phải dành cho tuổi trẻ. Con phải đi bằng giầy của hãm mình (hãm mình chúng ta sẽ bàn tới khi nói về viên ngọc “ăn chay”, ở đây chúng ta có thể nói giầy của hãm mình ám chỉ giầy của đời tiết chế). Những ai ở dưới đất chỉ các tình cảm ướt át (sensible), những thiện cảm, và những ác cảm nhân loại khiến nhà giáo dục chia trí khỏi mục đích cuối cùng của mình, làm cho mình bị thương tổn, làm cho mình dừng lại không tiến hành sứ mệnh của mình, ngăn ngừa họ tiến hành thu lượm triều thiên sự sống đời đời. Hoa hồng là biểu tượng cho đức ái hăng nồng phải phân biệt con và tất cả các kẻ phụ giúp con. Các gai khác là những chướng ngại vật, những đau đớn, những sự phiền lòng chạm tới họ. Nhưng đừng nản lòng: với đức ái và sự hãm mình (sự tiết chế!) các con sẽ vượt qua mọi sự và tới được những bông hồng không có gai”… (MB 3,34-35).

Như thế, chúng ta phải ý thức rõ là vì ơn gọi của chúng ta được trình bày như một dự định có thiện cảm và tinh thần chúng ta phải hấp dẫn. Tuy nhiên, ở trong trung tâm điểm của nó – cũng như nơi mỗi lối sống thiêng liêng Kitô giáo – phải có chỗ không nhỏ cho mầu nhiệm thánh giá.

 Don Bosco nhắc nhở chúng ta rằng sự tiết chế bảo vệ cho bộ ba đối thần, làm sinh động đời sống tinh thần chúng ta. Thực ra, người Sa-lê-diêng không chừng mực có thể liều làm giảm suy tới mức mất đức tin, cậy, mến, bởi vì “ma quỉ thích cám dỗ kẻ không chừng mực” (MB 4,183).

Mặc dù sự lạc quan của mình, và việc ngài nói nhiều tới tầm quan trọng của làm việc, Don Bosco muốn là chúng ta có tiết độ và hợp lý trong công việc. Ngài nói: “Hãy làm việc theo mức độ sức khỏe cho phép, và không hơn nữa, nhưng mỗi người hãy giữ cho mình khỏi nhàn rỗi” (MB 14,634). Ngài nhắc nhở các nhà truyền giáo: “Hãy săn sóc tới sức khỏe, hãy làm việc, nhưng trong mức độ sức khỏe cho phép” (MB 11,390).

Như ta thấy, sự tiết độ như thế đòi hỏi sự quân bình lành mạnh trong mọi sự. Khi chúng ta nói về thái độ ấy, chúng ta thường chỉ nghĩ tới sự thống trị dục vọng, xác thịt và kiêu ngạo của đời sống, chắc chắn chúng ta phải luôn lưu ý tới những khía cạnh như thế, nhung vẫn phải lưu ý tới tất cả những cái còn lại khác. Sự tiết chế Don Bosco đề nghị cho chúng ta qua viên ngọc này là sự quân bình và sự tiết độ trong tất cả mọi sự, ngay cả trong cái mà ta có thể gọi là bình diện đặc biệt hơn cả của chúng ta là công việc.

Chúng ta quả có lý khi nói cha chúng ta là con người cụ thể và thực tiễn. Ta đặc biệt nhận thức thấy trong việc ngài nhấn mạnh cách hợp tình hợp lý tới hai đặc tính nền tảng: làm việc và sự tiết chế. Ngài là con người “quân bình thực tiễn” và “khôn lanh”, nghĩa là thông minh, kiên trì, tháo vát, khôn ngoan và biết lợi dụng tất cả mọi hoàn cảnh để làm việc thiện, thứ “khôn lanh thánh thiện”. Chúng ta phải phân biệt giữa “khôn lanh” và “quỷ quyệt”. Ta biết chuyện một vị linh mục tại Torino được Don Bosco giúp đỡ, khi người ta mời ngài đến làm chứng cho dự án phong Chân phước và Hiển thánh cho cha chúng ta, ngài đã trả lời: “Tôi không đến. Don Bosco quá khôn lanh để làm thánh”.

 Tuy thế, sự tiết độ của chúng ta bao hàm sự khôn lanh: tức là một sự khôn ngoan sắc bén nhằm lợi dụng mọi hoàn cảnh thánh thiện và cách lành mạnh. Cha Rinaldi nói: “Người Sa-lê-diêng biết tự kìm hãm, không tiến bước với đôi mắt đóng lại, nhưng mở mắt ra, và không đi làm quá mức của điều xứng hợp”. Nếu một cái gì không tiến hành tốt, ta suy nghĩ lại. Biết tự chủ cả trong trò chơi. Biết tự chế trước em bé đang làm mình thất vọng, biết im lặng, biết giấu giếm một vài cái làm ta bực tức, chán nản, làm như thể không có gì xảy ra cả, biết nói đúng lúc, nghĩa là “khôn lanh”. Trong truyền thống của chúng ta, ta hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ này, và chúng ta hiểu rằng sự tiết chế là cả thái độ làm chủ bản thân, giúp ta trở nên có cảm tình, bởi vì nó giúp ta tự chủ để luôn luôn lộ ra như tràn đầy tình yêu, đầy lòng bác ái vô vị lợi và đầy tính cách sư phạm giáo dục.

Rốt cuộc, mức độ tiết chế của chúng ta là nỗ lực làm cho mình được yêu mến. Kinh nghiệm dạy ta rằng, một nỗ lực như thế không phải là nhỏ hay dễ dàng. Như vậy, tiết chế đối với chúng ta có ý nghĩa: tự kìm chế, quân bình, đúng mực, có tình có lý, không thái quá, theo lẽ phải, làm chủ mình, đáng yêu.

  1. Ý thức quân bình trong hoàn cảnh văn hóa xã hội mới.

Sự tiết độ làm triển nở đời sống vương giả của ta. Ở đây, ta nhấn mạnh là nó không chỉ đơn thuần là một thứ hướng dẫn luân lý và tu đức chống lại các dục vọng trong trừu tượng, mà phải là một thái độ hiện sinh đầy tính cách thực tế hàng ngày và nhập thể trong những cách biểu lộ văn hóa, cụ thể của đời sống chúng ta trong tinh thần. Điều đó có nghĩa là, chúng ta phải cố gắng diễn tả trong hoàn cảnh chung sống xã hội hôm nay đời sống tin, cậy, mến và cách làm việc của chúng ta. Nghĩa là để sống sự tiết chế chân thật cần thiết phải nhạy cảm với biết bao cách thức hiện tại, cả cái giới trẻ thích cũng như không thích, với các dấu hiệu của thời đại, với tất cả lãnh vực rộng lớn của việc canh tân Giáo Hội.

Những thay đổi xảy ra đẩy sâu chúng ta vào trong những căng thẳng và ngày nay con người dễ sống mất quân bình hơn các thời buổi khác. Ta rất dễ xếp loại nhau như “tiến bộ”, “bảo thủ”, “dấn thân” hay “quá thiêng liêng”, “mục tử” hay “giáo sư”… Sự tiết chế làm quân bình chúng ta lại: nó muốn là sự phản đối không phải với cái hiện đại, mà là với cái quá khích. Sự tiết chế này đòi hỏi như điều kiện căn bản việc ta phải luôn sống trong thực tại.

Sự tiết chế được hiểu như thế bao gồm một tinh thần luôn mới mẻ và đặt chúng ta vào trong cái biến chuyển liên tục: nó không phải chỉ lặp lại vật chất cái những người tiền nhiệm của chúng ta đã làm, mà gợi hứng từ những giá trị của tự chủ và khôn ngoan đã hướng dẫn các người ấy trong hành động. Tôi nhắc lại: đây không phải là phanh lại diễn biến của đổi thay, mà là một sự tỉnh thức canh phòng những mất quân bình và sự lạc hướng.

Bởi thế, để thực sự tiết chế, cần phải bắt đầu sống giữa hôm nay, một nhà thần học Pháp nghiên cứu về thần học luân lý, đã viết như sau về đề tài tiết chế: vấn đề tiết chế là một trong những điểm, qua đó, ta nhận thức được tính cách lành mạnh của một nền thần học (nghĩa là nếu nó thật là quân bình, tích cực và quan tâm tới chân lý, hay lại là liều lĩnh, mạo hiểm và lo chạy theo mốt hơn là lo tới sự thật).

Thực ra, con người không chỉ là tinh thần, cũng không chỉ là xác thịt, mà là tinh thần lẫn xác thịt. Một nền thần học lành mạnh có thái độ trước tất cả những đòi hỏi của tinh thần và tất cả những đòi hỏi của xác thịt mà Thiên Chúa đã tạo dựng, hay đúng hơn, lưu ý tới tất cả thực tại văn hóa và hoàn cảnh lịch sử. Và khi ấy, mở ra cho chúng ta cả một khía cạnh đặc biệt rất hay, nghĩa là sự tiết độ và tất cả khoa tu đức Kitô giáo, không phải là một thứ qui luật phải sao y lại, thực hiện một lần và cứ thế mãi, ngược lại, nó là một thực tại luôn biến đổi, luôn luôn đòi ta phải tìm kiếm bằng cả cuộc sống.

Nhận thức này thực là quan trọng, bởi vì chúng ta đang sống giữa một giờ phút chuyển biến văn hóa, trong đó ta không chỉ nhắc lại một loại từ bỏ nhất định, mà là làm chủ chính mình theo những đòi hỏi hiện tại.

Mỗi chương trình khổ chế đều phải tương xứng với thời buổi trong đó ta sống. Và mỗi một sự tiết độ đều phải lưu ý tới một quan niệm được đào sâu hơn về con người, và những khám phá của khoa học nhân bản (đặc biệt là tâm lý), và những đặc điểm của thực tại thân thể của ta, về giá trị sâu xa hơn của phái tính, về tiến trình xây dựng nhân vị, về hoàn cảnh đa diện và về tầm quan trọng của bình diện cộng thể, về đòi hỏi của việc xã hội hóa.

Trong tất cả các lĩnh vực này, cần phải thích ứng với bước tiến của chân lý, tôi không nói tới bước tiến của khoa học, bởi vì nhiều khi, cái ta gọi là khoa học lại đưa ra như chân lý cái thực sự chỉ là một giả thiết đơn thuần hay một quan điểm của người học thức. Như trong khoa xã hội học của Marx và trong khoa tâm lý của Freud, người ta đã khám phá ra những lục địa mới, nhưng đã thực hiện điều đó với lăng kính duy vật và đưa ra nhiều chuyện không thật. Tuy nhiên những lầm lạc của họ không thể khép mắt ta lại trước tiến bộ của chân lý. Chúng ta ước muốn xuất hiện những thiên tài biết đào sâu thực tại mà không gạt ra ngoài ánh sáng của Đức tin.

Dù sao, ta không thể chối cãi là từ thời Don Bosco và của mẹ Maria Mazzarello cho tới nay, trong lãnh vực này đã có những bước tiến ghê gớm về phẩm chất, cần thiết phải lưu ý tới chúng, bởi chúng ảnh hưởng đến loại khổ chế phải thực hành. Việc làm chủ bản thân vẫn không thay đổi, nhưng ta buộc phải nhìn sự thật theo nghĩa đúng, với sự quân bình lành mạnh trước thực tại, với cách biết hành xử của ngày nay.

Nếu chúng ta nhìn lịch sử khổ chế trong các thế kỷ Kitô giáo đã qua, chúng ta thấy lịch sử ấy đang thay đổi. Và chúng ta, trong sự đổi thay văn hóa hiện đang trải qua, ta đã cảm thấy tan biến những cơ cấu khổ chế gắn liền với nền văn hóa nay đã lỗi thời. Tuy nhiên, ta vẫn chưa thay đổi những phương pháp cân bằng những sáng kiến mới. Và đó có thể là điều nguy hại! Liệu chúng ta tin là có thể sống tình yêu mà không có khổ chế, không có tiết độ sao? Không, chắc chắn là không. Chúng ta có thể đồng ý là một số cách diễn tả, chẳng hạn như lối thực hành đức “thanh khiết man dại” không còn thích hợp với thực tại nữa. Nhưng rồi biết bao qui luật được vất đi, không có gì thay thế vào, và khi ấy phải tìm những yếu tố mới hòa hợp với khoa nhân bản chân thật của ngày nay, nhưng những yếu tố ấy phải duy trì ý nghĩa, điều cốt yếu, đường hướng của thái độ nền tảng của tiết độ theo kiểu Tin Mừng.

Xưa kia, trong lịch sử Kitô giáo, các thầy dòng, các ẩn sĩ đã có một sự khổ chế nhằm hãm mình nghiêm ngặt. Thánh Simon ở trên cột 40 năm. Ngài đã xử dụng một việc khổ chế đặc biệt như thế nhằm đạt tới sự thánh thiện của mình. Ngày nay chúng ta vẫn còn cảm phục sự thánh thiện như thế, nhưng lối khổ chế ấy không còn thuyết phục hay làm cảm động chúng ta nữa.

Xưa kia, người ta nhấn mạnh tới phạt xác và tới việc hãm mình rất khắc nghiệt. Có lẽ do cũng ảnh hưởng của một thứ nhị nguyên thuyết đối chọi giữa xác thịt và linh hồn. Chúng ta không quên một số tà thuyết vào thời ấy.

Đàng khác, dù có bỏ qua một bên những khác biệt về văn hóa, sự khác biệt về ơn gọi cũng đòi hỏi một sự khổ chế khác biệt nhau. Chắc chắn sự khổ chế và sự tiết độ của người chiêm niệm khác với đời sống một người tu sĩ hoạt động (…). Chúng ta không muốn phê bình một ai, nhưng nhấn mạnh đến một sự chuyển biến, một sự thành hình mới, một nhu cầu thiêng liêng cụ thể mới, để tiếp nối trong Hội Thánh một loại tiết độ và khổ chế đặc biệt nhằm giúp chúng ta, là những người Sa-lê-diêng chân chính và có nét cá biệt. Chắc hẳn có một môi trường văn hóa mới đang thay đổi, và sự tiết độ trong đời Kitô hữu càng ngày càng tiến tới đồng nhất hơn.

  1. Trước cả hãm mình và ở bên kia công việc hãm mình.

Nói về sự tiết độ, tôi muốn nhấn mạnh là đây không chỉ là “sự hãm mình” (…). Ở đây, chúng ta đang nói tới “diện” tức là nói tới tinh thần Sa-lê-diêng như nó phải xuất hiện một cách công khai và là nền tảng của bình diện cảm tình và khả năng thu hút của người Sa-lê-diêng.

Việc hãm mình có thể nói là một thứ chết đi, còn tiết chế liên can đến việc sinh ra, và việc lo săn sóc sự tăng trưởng. Chúng ta được sinh ra cho sự sống Thiên Chúa trong thanh tẩy, chắc chắn nghi thức thanh tẩy cũng nói cho chúng ta về sự chết đi cho tội, nhưng trong đó khía cạnh đầu tiên vẫn là việc sinh ra, việc tăng trưởng, nỗ lực, mùa xuân, sự cần thiết của tăng trưởng. Như thế, tiết chế hay là khổ chế trước hết là sự săn sóc sư phạm để làm cho lớn lên trong ơn gọi của chúng ta. Như vậy, trước cả hãm mình và ở bên kia công việc hãm mình, tiết độ là một môn phương pháp học, nhằm giáo dục con người tới đời hiến thân trong tình yêu. Nó dạy chúng ta tập luyện mến yêu và làm cho mình được mến yêu, không phải để sửa phạt chúng ta trước hết. Đây chưa phải là lúc phải tỉa nhánh, dù rồi sẽ có lúc phải làm việc ấy.

Đây là lúc phải triển khai tình yêu, nếu tôi hiến thân cho Thiên Chúa, tôi phải tìm cách làm tăng triển trong tôi khả năng dâng hiến, biết kìm hãm những gì có thể là một việc lấy lại bản thân cách chùng lén.

Tình yêu Sa-lê-diêng còn có nét đặc sắc là hiến thân trong hành động, bởi thế việc tiết chế sẽ là việc tập luyện chấp nhận lấy những đòi hỏi không dễ dàng và những vui thích của công việc hàng ngày. Đối với người Sa-lê-diêng, cái quan trọng là một khoa sống đời thiêng liêng qua hành động, và bởi thế, cần phải hiểu mức phức tạp của nó và đảm nhận lấy những hậu quả của nó, tức là những bông hồng với các gai góc. Chúng ta tự huấn luyện để trở thành những lực sĩ trong đức ái “Xin cho con các linh hồn”.

Cũng gần giống như điều thánh Phaolo nói: “Anh em không biết sao? Chạy trong trường đua thì mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải thôi? Cũng vậy, anh em hãy chạy để đoạt giải. Phàm là tay đua thì phải kiêng khem đủ điều. Vậy mà họ là để đoạt lấy triều thiên hư nát, còn ta, ta (trông một triều thiên) bất hoại. Cũng vậy, tôi chạy, mà không phải chạy hờ; cũng vậy, tôi đấu quyền mà không phải đấm không khí. Trái lại tôi nhắm con người đồng tứ mà thụi vào chính thân tôi, và bắt nó lụy phục tùng, kẻo nhỡ ra mà làm lệnh sứ cho kẻ khác, mà chính tôi lại bị thải” (1Cr.9,24-27).

Thật là đẹp, chúng ta đã chọn tình yêu, lòng tốt, tình bạn, cho mình được yêu, và nên những nhà quán quân trong lãnh vực này. Có lẽ so sánh ta với người đấu quyền Anh không hợp mấy. Cần tìm một so sánh khác… Tuy nhiên, sự tiết chế của chúng ta là kỷ luật để đoạt giải trong phương pháp đề phòng. Nó là tổng hợp của các nhân đức được miêu tả ở trên, nó theo với công việc của chúng ta và giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu.

Tóm lại, sự tiết chế của chúng ta không phải là số cộng của các sự từ bỏ, mà là sự tăng triển trong việc thực hành lòng mến thương mục tử và sư phạm. Khi chúng ta biết yêu và làm cho mình được yêu mà không mang theo quá nhiều khuyết điểm, chúng ta là những người tiết độ. Đó là mức độ đo lường. Như vậy, mức độ sự tiết chế của chúng ta không phải là đặt thêm đá vào trong giầy đi, hay mang áo nhặm trên cơ thể, hay đặt gỗ lên giường. Những cái đó ta có thể làm, nhưng chỉ trong những trường hợp đặc biệt.

Nếu ta nghĩ tới là đời tin, cậy, mến phải được diễn tả thành công việc mục vụ và việc tông đồ không phải chỉ “nhằm” xây dựng bản thân của ta, mà còn là việc thực hiện cách cụ thể ra bên ngoài chương trình cứu chuộc của Chúa, và người tông đồ là kẻ được mời gọi hành động như là dụng cụ trong tay Thiên Chúa, ta thấy có biết bao đòi hỏi trong việc làm chủ bản thân, sống quân bình, khôn lanh, từ bỏ, và tất nhiên là tiết chế nữa!

Đây là một trong những khía cạnh cụ thể nhất nhằm đào luyện tập sinh và các giai đoạn kế tiếp: tạo nên những thế hệ mới, qua việc luyện tập thi hành công việc tông đồ, không tìm kiếm bản thân, cho dù phải làm cho mình được yêu mến, đây là điểm chiến thuật. Khoa sư phạm dạy chúng ta là công việc này ta không thể làm được khi không chịu đựng những khuyết điểm. Kiên nhẫn mà! Việc quan trọng hơn cả là đo lường để thấy tình yêu chân thật có tăng triển lên mãi, và nâng đỡ tình yêu ấy, không bao giờ thất vọng, không bao giờ kinh ngạc vì những kinh nghiệm đầu tiên của việc tông đồ không đi tới thành công hoàn toàn. Luôn luôn chúng ta phải theo dõi bước tăng trưởng với tinh thần thực tiễn và tháo vát, xác tín rằng không một công việc nào của chúng ta lại hoàn hảo cả. Nếu chúng ta chỉ muốn bắt đầu với những việc làm với mức hoàn hảo ngay, chúng ta sẽ không bao giờ làm được một chuyện chi cả: “Cái  tốt nhất là kẻ thù của điều tốt”, châm ngôn ấy cũng đúng ở điểm này.

Tuy nhiên vẫn cần duyệt xét lại, thi hành việc tự phê bình dẫn tới sự hoán cải sau mỗi lần kết thúc cuộc duyệt xét: nghĩa là có một cái nhìn rõ rệt về lý tưởng phải đạt tới và quyết định sửa đổi cái còn thiếu sót, không bao giờ thất vọng.

Đây chính là khoa sư phạm tăng trưởng trong tình yêu bao gồm nhiều đức tính: khả năng lưu ý, duyệt xét, trung thành với chương trình, gắn bó với Hiến luật, trung thành với bổn phận (Don Bosco nhấn mạnh tới bổn phận biết mấy), sống thực tế và không giả tạo (trong sự tiết chế Sa-lê-diêng không có nhiều chỗ cho giả tạo!). Trong khoản Hiến luật chúng ta đọc: “Chịu đựng, đói khát, v.v…”, không có gợi ý là ta phải tìm những chuyện ngoại thường, mà nhấn mạnh tới cái thông thường, hàng ngày, tới lối sống nghiêm khắc trong suốt năm. Không kêu gọi chúng ta sống từng giờ phút “anh hùng” có tính cách đứt đoạn, nó đòi chúng ta lối sống kiên hùng trường kỳ luôn tiếp nối nhau và bền bỉ.

Khi chúng ta nghĩ tới chương trình, công việc, ăn uống tại Mornese và Valdocco hay tại các nhà Sa-lê-diêng tiên khởi khác, chúng ta hiểu ngay bản chất tiết chế Sa-lê-diêng. Chắc chắn, ngày nay hoàn cảnh xã hội, văn hóa đã đổi thay, nhưng tinh thần vẫn phải tồn tại. Để đạt được hình thức tiết chế hòa đồng với sự chuyển biến văn hóa, ta luôn cần sự soi sáng liên tục và đặc biệt tinh thần Sa-lê-diêng. Tiêu chuẩn chọn lựa không phải là quan niệm tội hay không tội. Có những cái không là tội, nhưng không giúp chúng ta lớn lên trong ơn gọi, không phù hợp với đặc sủng của chúng ta.

Hãy nhớ rằng đời sống của chúng ta không là một đời thuần “luân lý” (giữ lề luật và các lệnh truyền), nhưng là một đời sống bí tích, để nên chứng tá về sự chọn lựa Tin Mừng, cần đi xa hơn cả lề luật và các giới răn. Ai chỉ thẩm định qua tiêu chuẩn tội hay không tội sẽ không sống sự tiết độ theo tinh thần Don Bosco.

  1. Một vài đức tính của sự tiết độ Sa-lê-diêng.

Biết tới các yếu tố tạo nên sự tiết độ, giờ đây chúng ta có thể nêu lên một vài đức tính của nó, theo truyền thống Sa-lê-diêng.

– Tiết chế phải vui vẻ: không cần phải nói ra những cực nhọc ta đã thực hiện nhằm làm chủ bản thân, không cần ai biết những cố gắng ấy. Người ta chỉ cần biết cách chung là tôi làm chủ bản thân mình, còn ngoài ra, tôi phải biết giấu kín những khó khăn và những gai nhọn đang đâm vào tôi. Và tôi luôn tỏ ra mình vui vẻ. Người ta vẫn thường nói là Don Bosco tỏ ra vui vẻ khác thường ngày mà ngài cảm thấy khó khăn lớn hơn. Niềm vui trong tiết chế giúp cho ơn gọi của ta cụ thể có nhiều cảm tình hơn.

– Phải là sự tiết chế hàng ngày: không cần lời khen ngợi và đánh giá, không cần những giờ phút xứng đáng là “anh hùng”, nhưng là một sự tiết chế trong cái “kinh khủng của thường nhật”.

– Phải rất hiền dịu: hiền dịu nào phải là một  điểm yếu. Một tu sĩ thô lỗ, không có giáo dục, ít quân bình, không lễ độ, nhạy cảm, thù hằn, cay cú… tất nhiên là không được cảm tình, và ảnh hưởng không ra gì. Để sống hiền dịu, trong một lúc nào đó, cần phải biết thống trị bản thân. Ngày nay, không còn như xưa, trong nhà tu ít ai vào, và ít có những cuộc gặp gỡ với những người khác phái. Và bởi thế cần làm tăng triển những yếu tố thống trị bản thân và những cách biểu lộ nhã nhặn mà trước kia không dùng tới.

– Phải rất bình dị, nghĩa là tự nhiên và không có gì giả tạo, phức tạp.

– Phải thật tinh tế, nghĩa là có một sự tiết chế không khoe khoang, thức thời và đúng lúc.

 – Phải anh hùng: tất cả những đức tính kể trên không lấy đi bất cứ nét nghiêm khắc và đòi hỏi của tiết chế. Có những lúc thật đòi hỏi và khó khăn.

– Những sự tiết chế của chúng ta phải đầy cảm tình. Hằng ngày, ta phải đảm nhận lấy thập giá Đức Kitô một cách can đảm, mang thánh giá mà không rêu rao dưới hình thức vui vẻ và thu hút, nêu bật đời Sa-lê-diêng không phải là bụi gai mà là vườn hồng, dù cho cùng với hương thơm, vẻ đẹp và cảnh trí mùa xuân, hồng cũng luôn có gai gây thương  tích.

Ta thấy rõ tiết chế thật quan trọng trong tinh thần chúng ta biết mấy. Hơn nữa, Don Bosco dạy ta phải biết diễn tả bản thân con người Sa-lê-diêng của chúng ta dưới nhãn hiệu “làm việc và tiết chế”.

  1. Đức Maria trong mầu nhiệm thập giá.

Chúng ta hãy kết thúc lần này nữa với Đức Maria. Chúng ta gọi ngài “Đức Mẹ thương khó”, bởi vì trong đời sống trần thế của Mẹ, Mẹ đã gặp những khó khăn không ít và cũng không nhỏ. Ông Simeon đã nói với Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà”.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ là Đức Mẹ đã tạo nên những việc hãm mình nhiều hay ít kỳ dị để xứng đáng nhận danh hiệu ấy. Ngược lại, tôi thấy Mẹ đảm nhận tất cả thực tại khó khăn của cuộc sống với niềm vui, với sự tín thác vào Thiên Chúa. Mẹ đã thực hành điều Con Mẹ đã quả quyết: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình đi, vác lấy thập giá hàng ngày mà theo Ta. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Ngược lại, ai sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì Ta sẽ cứu được nó” (Lc.9,23-24).

Đó là điều Đức Mẹ đã làm. Trong một xứ nghèo khổ, trong một hoàn cảnh thiếu thốn, với một sứ mạng lớn lao hơn cả điều người ta có thể tưởng tượng ra nổi trong lịch sử. Vừa mới đảm nhận lấy sứ mạng ấy, Mẹ đã đi giúp bà Elisabeth và Mẹ phải trốn sang Ai-cập, rồi Mẹ buộc phải nói cho người con rất tốt lành của Mẹ, mà cuộc sống của Ngài, Mẹ không có thể thâm nhập vào cách trọn vẹn: “Cha con và mẹ đã phải đau khổ tìm con”. Rồi ta thấy Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá: chắc chắn không có một sự từ bỏ nào lớn hơn sự từ bỏ Mẹ đã thực hiện tại Canve.

Đức Mẹ không đi tìm những hình phạt làm khổ thân. Mẹ đã dấn thân cắt nghĩa thực tại của cuộc sống theo những đòi hỏi của Đức tin, cậy, mến. Như vậy, trong sự đơn giản, Mẹ đã nêu chứng một sự tiết chế hoàn thiện tới mức mang nó tới tột đỉnh của thập giá.

Ta hãy xin Mẹ cho ta biết bắt chước Mẹ trong cách Mẹ cắt nghĩa Kinh Thánh cách hoàn hảo như thế. Xin Mẹ giúp chúng ta trung thành với ơn gọi Chúa đã ban cho ta qua Don Bosco, với một dung mạo đẹp như dung mạo của nhân vật trong giấc mơ, mà tất cả chúng ta cũng muốn là chính dung mạo của mình. Vâng, chúng ta hãy tìm cho chúng ta một cảm tình thiêng liêng chân thật.

* * *

VIÊN NGỌC THỨ SÁU

VÂNG LỜI

Hôm nay chúng ta bắt đầu suy nghĩ tới khía cạnh khác của chân tính Sa-lê-diêng – tức là viên ngọc ở đàng sau lưng tấm áo choàng.

Chúng ta đã thấy nét mặt Sa-lê-diêng rạng rỡ đến độ thanh thiếu niên phải thốt lên: “Gương mặt Chúa Kitô phải đẹp biết mấy khi mà Don Bosco đã đẹp như thế!”. Có sức thu hút thiêng liêng làm cho mình được yêu mến, nên chứng tá của một sự thánh thiện đầy cảm tình, qua những thái độ thực tiễn vững chắc bảo đảm cho tính chân chính của dung mạo mình.

Vì thế, tôi đã sửa soạn khẩu hiệu cho năm tới (1982): “làm việc và tiết độ”. Đối với chúng ta, những môn đệ trong trường Don Bosco, chính là chứng tá khổ chế của đức mến mục tử, để phản đối lại một thế giới tạo nên sự phân lìa giữa tình yêu và hy sinh.

 Hai viên ngọc đặt trên vai là cách biểu lộ cụ thể của ba viên ngọc tin, cậy, mến. Chúng gắn kết chặt chẽ với 5 viên ngọc đàng sau lưng (…)

  1. Gân cốt ẩn kín của tinh thần Sa-lê-diêng.

Chúng là những viên ngọc tối cần thiết, là gân cốt giữ vững tinh thần Sa-lê-diêng. Chúng đặt ở đàng sau để khỏi phô bày gân cốt của tinh thần Sa-lê-diêng ra công khai, không phải vì chúng không quan trọng, nhưng vì tốt hơn không nên công bố chúng (…). Việc trần thế hóa (đã bắt đầu từ thời Don Bosco) nay càng phát triển hơn, tiến tới lối nhìn thuần túy trần tục. Từ góc cạnh đó, người ta ưa nhìn về đời tu sĩ.

Với 5 viên ngọc ở đàng sau, Don Bosco chỉ cho chúng ta một bí mật, một sức mạnh tác động từ bên trong, như sức đẩy giúp ta nâng đỡ và bảo vệ các giá trị ở đàng trước. Vị trí của chúng nhấn mạnh tới những cơ cấu thiêng liêng nâng đỡ, làm cho vững chắc và bảo vệ tinh thần Sa-lê-diêng.

  1. Tâm điểm là vâng lời.

Thoạt nhìn, ta đã bị ấn tượng bởi tính cách trọng tâm của vâng lời: viên ngọc “Vâng Lời” lớn và rực sáng hơn cả nằm ở giữa chung quanh là Nghèo Khó – Thanh Khiết – Ăn Chay – Phần Thưởng.

Những dòng chữ viết cùng ý nghĩa: (vâng lời) là nền tảng và triều thiên của tòa nhà thánh thiện – bộ gân cốt của tinh thần Sa-lê-diêng có trung tâm hoạt động chi phối bởi vâng lời.

Don Bosco thường nói: “Trong dòng, sự vâng lời là tất cả” (MB 10,1059), “Là nền tảng và sự nâng đỡ các nhân đức” (MB 17,890), “Là linh hồn của các dòng tu” (MB 12,459).

 Chúng ta hãy nhớ lại chiếc khăn mùi xoa:

“Don Bosco luôn có trước mặt Tu hội ngài phải thiết lập! Và điều ấy kéo dài nhiều năm, giữa đám thanh thiếu niên và các thày tư giáo, ngài vui đùa như thường lệ, rồi ngồi xếp bằng dưới đất với các học trò ngồi xoay quanh. Khi ấy ngài cầm trong tay một chiếc khăn mùi xoa trắng, ngài cuộn tròn chiếc khăn lại như một trái banh và tung lên từ tay này qua tay nọ. Các em im lặng theo dõi trò chơi này, rồi thình lình Don Bosco kêu lên: ‘Ồ, nếu cha có 12 người, cha có thể là ông chủ sử dụng tùy ý như cha đang sử dụng chiếc khăn này, cha sẽ làm lan tỏa tên Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, không những tại khắp châu Âu, mà còn xa hơn nữa, ở ngoài địa giới của nó, tới các miền đất xa xăm’ – và ngài không cắt nghĩa thêm lời gì  nữa” (MB 4,424).

Trong Hiến luật, Don Bosco luôn đặt vâng lời ở hàng đầu. Đó là nét đặc biệt của tinh thần chúng ta – chúng ta là một nhóm tông đồ, đời hoạt động được tung ra để hoàn thành một sứ mạng, với công việc mục vụ không biết mỏi mệt, dưới hình thức có tổ chức, trong khung cảnh cộng thể, không trao phó cho sự tự ý của mỗi cá nhân. Để thực hiện một sứ mạng như thế, cần phải có trước hết tinh thần sẵn sàng, biểu lộ cụ thể trong sự vâng lời.

Loại cộng thể của ta cũng đòi có vâng lời ngay tại nền tảng của nó. Đây là một loại cộng thể có một tinh thần gia đình mãnh liệt, một gia đình khá hiệp nhất, được gợi hứng bởi lối cai quản của một người “cha” cũng giống như cộng đoàn Biển Đức có vị viện phụ. Lối sống gia đình này nhắc nhở cho chúng ta lối sống đặc biệt là cùng chung sống trong tình yêu – trong một gia đình như thế, người cha không biểu lộ uy quyền trong việc truyền lệnh, mà là hướng dẫn, làm cho chạy công việc, linh động hóa, kết hiệp. Nếu cộng thể của chúng ta sống một tấm lòng và một linh hồn duy nhất, đấy là do ý thức sâu xa về việc cộng thể phát sinh từ một quyết chí vâng lời và được linh động bởi giá trị của tinh thần sẵn sàng hàm chứa trong đó (…)

  1. Chúng ta nói về thứ vâng lời nào?

Thật ích lợi nếu chúng ta ngừng lại để soi sáng một vài khía cạnh của đức vâng lời. Bởi vì đây là một trong những giá trị ngày nay đang ở trong khủng hoảng của đời tu sĩ.

Khi nói về vâng phục, ta cần xác định 4 loại vâng phục: có loại vâng lời của người công dân, và một loại khác nữa là kiểu vâng lời của nhà binh, rồi còn thứ vâng lời trong khoa sư phạm, thứ vâng lời của trẻ em, của người con, của người ít tuổi.

Vâng lời chúng ta muốn nói tới không thuộc về bất cứ loại nào kể trên, bởi vì vâng lời tu sĩ nằm trên một bình diện khác. Chúng ta không vâng lời theo một dấu hiệu đèn đỏ, xanh hay vâng theo một viên cai đội, cũng không phải là thứ vâng lời trong khoa giáo dục, như một phương pháp đào luyện sự tự do. Sự tự do càng trưởng thành thì càng ít nhu cầu phải vâng lời nhằm mục đích sư phạm: nó chỉ cần thiết đối với trẻ nhỏ, người yếu đuối, và nó dám đi với việc đào luyện và tăng trưởng của tự do (…). Người tu sĩ không phải là một trẻ nít, chưa tới tuổi trưởng thành. Dù rằng trong nhà Sa-lê-diêng cũng có những người, xét về tâm lý còn chưa trưởng thành, trong trường hợp này, phải lo thực hiện một thứ đào luyện nhằm đưa tất cả mọi người tới sự trưởng thành.

Vâng lời tu sĩ, theo nghĩa đầy đủ và trong tinh thần Kitô hữu của Giao Ước Mới, chính là một thái độ thiêng liêng, kèm theo việc thi hành một sự tự do trưởng thành. Ở nền tảng của mọi sự, chúng ta giả thiết một sự tự do trưởng thành của họ. Vâng lời đối với họ là cách biểu lộ ý thức của đời làm con người yêu mến một cách thật sâu xa và hoàn toàn tự do, phấn khởi thực hiện ý Cha. Nó có mẫu mực không phải là người làm công, người lính hay trẻ nít, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô. Chính mẫu mực ấy nói lên cái cốt yếu và những đức tính nền tảng của vâng lời tu sĩ.

  1. Tính chất độc đáo và mầu nhiệm của vâng phục Kitô hữu.

Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta chính mầu nhiệm cuộc sống Ba Ngôi tràn vào trong bình diện nhân loại của việc nhập thể của Con Một Thiên Chúa. Ý chí nhân loại của Đức Kitô, sự tự do con người của Ngài gắn bó cách tròn đầy tuyệt hảo với ý muốn của Cha. Quả thực, Đức Kitô có một tâm hồn nhân loại hoàn toàn hòa hợp và cùng một cung điệu  với đời làm Con Thiên Chúa. Cái gì là của Cha cũng là của Ngài: “Không phải ý Con mà là ý Cha”. Đó là ánh sáng ở trong đáy cùng soi sáng cho quan niệm vâng phục Kitô hữu.

Tiết điểm (point nodau) chính là đời tâm lý nhân loại của Đức Giêsu hoàn toàn trao phó cho ý Cha. Ngài xác tín cách sâu xa rằng điều Cha muốn là sứ mệnh tuyệt hảo nhất để hoàn thành.

Gốc rễ mẫu mực phục tùng này không phải là sự thấp kém, không phải vì thiếu trưởng thành, không phải là biến khả năng ta thành dụng cụ phục vụ cho kẻ khác, mà là thái độ thông minh nhất mà con người tự do có thể đảm nhận lấy để hoàn thành cái tuyệt hảo, tuyệt hảo theo nghĩa tuyệt đối. Khả năng tự do là để phục vụ sự thiện, đến độ trên trời, trước mặt Thiên Chúa, con người không còn là “tự do” để mà chọn lựa nữa, mà là “siêu tự do” bởi vì đã được chọn lựa, đã hoàn toàn gắn kết Thiên Chúa với tất cả mọi năng động lực của ý chí của mình.

Bởi đó, bí mật của vâng phục Kitô hữu chính là tâm lý sống đời làm con, dấn thân để biết và thực hiện ý Cha. Chắc chắn vấn đề đời sống tâm lý của Đức Kitô là một vấn đề cực khó khăn cho các nhà thần học. Chúng ta không thể coi tâm lý nhân loại của Chúa Giêsu là một thứ tâm lý thần linh. Đây vẫn luôn luôn là thứ tâm lý nhân loại.

Lời Ngài thốt lên tại Ghét-sê-ma-ni: “xin khỏi con chén này”, có thể cho ta thấy nơi Đức Giêsu có một sự nỗ lực chuyển động nhân loại thứ nhất nhằm thoát khỏi sự chết. Nhưng lập tức ùa ngay vào một thái độ con cái: “Nhưng không phải điều con muốn, mà là điều Cha muốn”. Thái độ con cái ấy, nơi chúng ta, được hướng dẫn bởi đức tin.

Chắc chắn cách thức tâm lý nhân loại Đức Giêsu biết và muốn những chương trình của Cha thì sâu xa hơn đức tin của chúng ta, và không cần tới các trung gian như trong trường hợp của chúng ta: trực giác mình là con Thiên Chúa, đối tượng thường xuyên của sự chiêm niệm của Ngài, luôn luôn chuyển động ý chí Ngài. Chỉ cần nghĩ tới biết bao lần Chúa đã nói về cái chết của Ngài và “giờ”, có nghĩa là trong ý thức nhân loại của Ngài, Ngài đã nhận thức được và luôn gắn bó với chương trình của Cha về Ngài.

Cũng thế, trong chúng ta, Đức tin triển khai trong ta ý thức đời làm con của ta, dẫn ta đến gắn bó với chương trình của Cha, được biết tới qua những trung gian trình bày cho ta những dấu hiệu của ý Chúa: sự vâng lời của chúng ta là một thái độ đức tin.

HL.91 nói:

“Chúa (Giêsu) đến thế gian để làm theo ý Cha”.

“Chúng ta dâng hiến ý chí chúng ta cho Thiên Chúa trong Tu hội… Chúng ta sống lại trong Hội Thánh sự vâng phục của Đức Kitô trong việc hoàn thành chương trình cứu chuộc của Cha”.

“Vâng theo Chúa Thánh Thần và chú tâm tới các dấu chỉ của Ngài xuyên qua các biến cố, chúng ta nhận lấy Phúc Âm là luật tối thượng của đời sống. Hiến luật là đường vững chắc. Các Bề trên và cộng thể là những người cắt nghĩa hàng ngày ý Chúa”.

Dù chúng ta không bao giờ biết với một sự chắc chắn tuyệt đối đâu là ý muốn khách quan của Thiên Chúa Cha, tuy nhiên, chúng ta có những dấu hiệu có thẩm quyền về ý muốn của Ngài. Bởi thế, chúng ta cần một số trung gian đặc biệt – khi Abraham mang Isaac đi với mình để hiến tế con, ông thấy đấy có vẻ là ý muốn của Thiên Chúa Cha. Nhưng trên thực tế không phải như thế. Tuy nhiên Thiên Chúa đòi ông gắn bó với đề nghị đã được đề ra cho ông: ông đã nên người cha trong đức tin (x.Eb 11,17-19;8-12).

Chúng ta thấy sự vâng phục rạng sáng thật sâu xa nơi Đức Maria, Đấng tuyên bố tiếng “thưa vâng” trong đức tin và sống tròn đầy tất cả mầu nhiệm của Đức Kitô vâng phục. Và Hội Thánh, hiền thê của Đức Kitô, đã sống sự vâng phục của đức tin theo mẫu của Đức Maria suốt những thế kỷ qua.

Đức Kitô, Đức Maria, Hội Thánh, cho chúng ta những yếu tố tạo nên một nền tảng chắc chắn, giúp ta suy nghĩ về vâng lời (…). Các ngài trình bày cho chúng ta mầu nhiệm vâng phục Kitô hữu trong mức sâu xa và độc đáo của nó. Và chúng ta phải nhìn bản thể cuộc sống tu sĩ của chúng ta trong chính cuộc sống như những người Kitô hữu chân chính. Đời sống tu sĩ không là một luật trừ hay một đặc ân, nhưng là một cách thức để nên những người Kitô hữu tốt.

Bởi thế, sự vâng phục của chúng ta phải là sự vâng phục Kitô hữu thật sâu xa. Cần phải hành động như Đức Maria đã làm, như các tông đồ đã làm, như Hội Thánh đã làm. Điều Phúc Âm đã dạy dành cho mọi Kitô hữu, kể cả những lời khuyên Phúc Âm và các Mối Phúc Thật: không có con đường thượng lưu dành cho tu sĩ, con đường tuyệt vời của người Kitô hữu là cho tất cả. Việc theo Đức Kitô trong chính thái độ vâng phục của Ngài, cũng như trong tình yêu của Ngài đối với đức khiết tịnh và sự nghèo khó, và lý tưởng khó khăn của những “phúc cho kẻ bị bách hại”, “phúc cho kẻ  khóc lóc”, “phúc cho kẻ tìm kiếm sự công chính”… có giá trị cho mọi người. Ơn gọi nên thánh và đời sống làm con là phổ quát.

Chúng ta hãy nghĩ tới mẹ của Don Bosco, cha mẹ của chúng ta và biết bao người Kitô hữu tốt lành khác mà chúng ta đã biết và đã nhận ra là thánh thiện hơn chúng ta, hay là những người Kitô hữu tốt lành hơn ta: các ngài ăn rễ sâu xa trong một Đức tin, có thái độ con cái trong tuân phục như yếu tố cấu thành thứ nhất.

Ngày nay, không còn kiểu nói chúng ta – những tu sĩ – thì ở trong “cuộc sống hoàn thiện” (état de perfection); sau Vatican II ta không còn nói tới hình thức đời tu sĩ như là một đặc ân có độc quyền về sự thánh thiện. Chắc chắn hình thức đời Kitô hữu chúng ta thiết định và làm chứng tá cách tốt đẹp hơn một vài khía cạnh của việc theo Đức Kitô, các hình thức khác sẽ làm chứng cách tốt đẹp hơn các khía cạnh khác. Chữ “hơn” trong các tài liệu Công Đồng: “gần hơn”, “rõ hơn”, muốn nói đến những giá trị mà hình thức đời tu sĩ chúng ta làm nổi bật, tuy nhiên tất cả mọi hình thức đời sống Kitô hữu đều mở ra cho đỉnh cao của thánh thiện.

Như thế, chúng ta là những tu sĩ, “người của tôn giáo”, không phải vì chúng ta là hạng thượng lưu của sự thánh thiện, mà vì lối sống của chúng ta nêu chứng tá cho toàn dân Chúa một thứ tận căn đặc biệt trong bước đường theo Đức Giêsu Kitô, khi tuyên bố là để nên người Kitô hữu thật, thiết yếu phải sống tinh thần các Mối Phúc Thật của chính mầu nhiệm Đức Kitô vâng phục, thanh khiết và khó nghèo.

Tôi coi những xác định này rất quan trọng, vì chỉ sau Công Đồng, một số ý tưởng mới được sáng tỏ, chúng không lấy đi bất cứ điều gì khỏi đời tu sĩ, nhưng chúng hướng đời tu sĩ tới hướng tốt hơn, chân thành hơn, khiêm cung hơn. Chính trên gốc rễ sâu xa của mầu nhiệm Đức Kitô, là gia sản của Hội Thánh và của mọi Kitô hữu, đặc biệt trên đời làm con vâng phục Cha, mà nhiều hình thức khác nhau và bổ sung cho nhau trong việc theo Đức Giêsu trong chứng tá vâng phục, nghèo khó và thanh khiết đã được tăng trưởng.

5.Vâng phục tu sĩ của chúng ta.

Vâng phục tu sĩ của chúng ta là một hình thức đặc biệt của vâng phục Kitô hữu, thực ra có nhiều cách thức cụ thể để theo Đức Kitô vâng phục.

Tại sao lại có những hình thức khác nhau?

Lý do thứ nhất là sự dày đặc của mầu nhiệm Đức Kitô: không một ai, cũng không một hình thức sống đơn độc nào, có thể biểu lộ nó ra cách tròn đầy: cần biết bao nhiêu vị thánh và cần biết bao cách thức bổ sung cho nhau để biểu lộ nó ra. Ngay chính trong đời tu  sĩ, cũng có biết bao vẻ khác nhau, như Công Đồng đã nói: có người biểu lộ Đức Kitô chiêm niệm trên núi, người khác giữa dân chúng trong khi chữa lành, hay chúc lành cho trẻ nhỏ… (LG.46).

Lý do khác nữa là đa diện về phương diện con người và văn hóa, vì thế cần phải cắt nghĩa việc theo Đức Giêsu bằng cách khác nhau.

Điều ấy là khởi nguồn của các hình thức vâng phục Kitô hữu khác nhau. Vâng phục tu sĩ ăn rễ sâu trong mầu nhiệm Đức Kitô vâng phục, và muốn tiến tới việc sống kinh nghiệm làm con cho tới hậu quả cuối cùng của nó, như chính Đức Giêsu sống. Để đạt mục đích ấy, nó đã chọn việc sử dụng trung gian là bề trên để thẩm định những dấu hiệu của ý Chúa Cha và chọn sống trong một cộng thể đang nỗ lực tiếp nối kinh nghiệm thiêng liêng của Đấng Sáng Lập.

Hình thức cụ thể này tự nó không tốt hơn các hình thức khác. Nó đẹp, thực tiễn, tốt lành, nhưng còn các hình thức khác cũng đẹp, tốt lành. Nếu chúng ta nói tới vẻ đẹp, tính thực tiễn và sự tốt lành của đức vâng phục chúng ta, đó không phải là để khinh bỉ các sự vâng phục khác, nhưng chỉ là để biến chiều sâu và tính cách cụ thể của việc vâng phục của chúng ta.

Loại vâng phục của chúng ta là kết quả của một sự lựa chọn tự do: là hành động quan trọng nhất của sự tự do của việc thanh tẩy. Hành động nền tảng của sự tự do này là lời khấn tu sĩ. Trong đó, ta quyết chí sống cuộc sống Kitô hữu toàn diện, với các lời khuyên Phúc Âm và các Mối Phúc Thật. Đây là một sự chọn lựa cụ thể, với một dự định thực tiễn cụ thể để bước theo Chúa Kitô (…).

Để bảo đảm cách thức cụ thể của việc ta sống đời làm con với Đức Chúa Cha, chúng ta khấn lời khấn vâng phục xuyên qua một con người cụ thể: bề trên. Ta không khấn với cộng thể, mà với người! (…). Điều ấy không có nghĩa là bề trên là một đạo sĩ biết đâu là ý Cha, ta chỉ chọn ngài như là một trung gian có thẩm quyền giúp ta phân định những dấu hiệu của ý muốn Thiên Chúa xuyên qua kinh nghiệm Thánh Thần được sống trong một cộng thể gìn giữ và phát triển đặc sủng của Đấng Sáng Lập.

Chắc chắn, ý của Chúa Cha vẫn luôn luôn là một mầu nhiệm, một mầu nhiệm sâu xa, nhưng không phải là một vấn đề, nghĩa là một mầu nhiệm phát sinh ra sự chắc chắn và rõ rệt, chứ không phải hoài nghi và khó khăn. Mầu nhiệm là cả một ánh sáng dày đặc khiến tôi không thể chiêm ngưỡng trong sự sung mãn của nó; còn vấn đề làm phát sinh ra những khó khăn có khi vô phương vượt qua. Mầu nhiệm ý Chúa giống như một thứ ánh sáng khiến tôi không thể chiêm ngắm trong mức tròn đầy của nó; ngược lại vấn đề thì phát sinh tự những khó khăn có khi không vượt qua nổi. Mầu nhiệm không cất đi sự tự do của tôi, mà soi sáng và cho tôi thấy tất cả (…)

Độ dầy của mầu nhiệm Ý CHA trong chương trình của ý muốn Ngài buộc tôi không được nhìn thẳng vào, mà phải tìm nơi những dấu hiệu hữu hình. Tôi đã nói chúng ta không biết được tâm lý nhân loại nơi Đức Giêsu đi tới mức nào trong việc nhận ra ý Cha. Chắc chắn, Chúa Kitô không đi tới Canve vì vâng theo sự sai phái của một “bề trên”, nhưng Ngài đi tới đó vì vâng phục. Bởi vì Ngài, với tư cách là Con duy nhất, biết cách tuyệt vời ý định của Cha trong mức tròn đầy của mầu nhiệm.

 Còn chúng ta, để tránh hình thức chủ quan (rất dễ xảy ra) và để bảo đảm là chúng ta cử động trong ánh sáng của mầu nhiệm ý Chúa, chúng ta tìm những trung gian có thẩm quyền của ý Chúa (…)

Những trung gian  là thiết yếu sau một dự định của Đấng Sáng Lập được diễn tả trong Hiến luật với tất cả những gì đi kèm theo, và một con người có thẩm quyền, một bề trên, hướng dẫn một cách thức thực tiễn và sống động để thực hiện Hiến luật. Tất cả cộng thể cộng tác dưới những hình thức khác nhau để bề trên có thể thực hiện một sự nhận thức tốt đẹp về ý Chúa, sẽ được chuyển đạt cho tôi qua dấu hiệu có thẩm quyền của quyết định này.

Không bao giờ chúng ta có thể nói điều đó là ý Chúa. Đúng hơn ta nói: đó chắc chắn là dấu hiệu của ý Chúa, nhưng như thế đã quá đủ để ta đi vào việc thực hiện, Cha sẽ lo liệu tốt đẹp cả trong khi có vẻ khiếm khuyết trong việc thẩm định của bề trên.

Nếu đây là hình thức đặc biệt của việc vâng lời tu sĩ, ta nhận thấy ngay tầm quan trọng của nhiệm vụ bề trên. (…) Chúng ta hãy tìm cách đào sâu lãnh vực trách nhiệm của bề trên. Bề trên phải là người vâng lời thứ nhất trong tất cả mọi sự, trong việc tìm hiểu ý Chúa Cha, chứ không phải ý riêng mình, những mộng tưởng của mình. Phải là chuyên viên của “đời làm con”. Tài năng và sự trung gian của bề trên nằm trong chính sự thực thi liên lỉ để sống ý Chúa Cha, trong tinh thần của Đấng Sáng Lập và trong phạm vi Hiến luật. Một bề trên càng ít vâng phục thì càng không là bề trên, nghĩa là làm cho mình không có khả năng tìm ý Chúa Cha, để rồi chỉ vì ý ấy cho người khác. Ngài trở thành một trụ đèn chỉ đường, một viên cai, một nhà sư phạm, chứ không còn là con người sống trong phạm vi vâng phục tu sĩ nữa.

  1. Khủng hoảng của vâng phục.

Liệu có khủng hoảng vâng phục hôm nay? Có! Nhưng cơn khủng hoảng ấy trước hết hệ tại việc các bề trên không có khả năng xứng hợp.

Tôi tìm thấy những câu rất hay của Luther về vấn đề này. Vị cải cách Tin Lành đã nói về tu sĩ và về vâng phục như sau: “Với lời hứa qui phục luật dòng, hội viên không hứa gì khác ngoài điều anh đã khấn hứa ngay từ khi anh rửa tội” (…). Trong việc tuyên khấn tu sĩ, chúng ta đã khấn vâng phục chính là để sống tròn đầy sự thánh hiến của Bí Tích Thanh Tẩy, và đồng thời thêm vào đó một vài cái gì có tính cách đặc biệt và thực tiễn làm nét đặc biệt sự trung gian có thẩm quyền. Dưới hình thức cầu nguyện, ông đã thêm vào những lời có tính cách chế giễu như sau: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn hiểu ý con, thì đây con khấn như sau: Lạy Chúa, con dấn thân cho Chúa qua lời khấn này, không phải để muốn qui phục mọi sự và Tin Mừng của Chúa muốn con qui phục, mà chỉ là qui phục vào bề trên duy nhất của con, khi chỉ thể theo những luật đã viết mà thôi”.

Ý Luther rất rõ: Ông hiểu là vâng phục tu sĩ cụ thể đòi phải vâng phục một vị bề trên và một qui luật nhất định. Nhưng đằng khác, ông tố cáo là nhiệm vụ của quyền bính và của Hiến luật chỉ là giảm thiểu thánh ý Thiên Chúa và là một thứ trò cười…

Chắc chắn vâng phục tu sĩ không phải là qui phục một ý muốn độc tài, tự quyền của một bề trên, hay qui phục những giới hạn của một tu luật, nhưng là tìm ý Chúa xuyên qua những trung gian nhân loại cụ thể. Muốn thực hiện đức vâng phục của thanh tẩy qua những trung gian như thế, không phải là một hình thức độc nhất, nhưng là một phương cách được ca ngợi trong Hội Thánh, để thi hành kinh nghiệm sống đời làm con đối với  Cha, mà không để rơi vào tính tự quyền chủ quan.

Còn về cơn khủng hoảng của vâng lời ngày nay, tôi tạm cho là có cơn khủng hoảng của cộng thể và cơn khủng hoảng của quyền bính. Nó biểu lộ ra dưới hai hình thức trái ngược nhau: thái độ tự quyền và thái độ dân chủ.

– Thái độ độc đoán (tự quyền): hành động thái quá, một thứ lạm quyền, qua đó bề trên không còn là người thứ nhất vâng ý Chúa Cha, mà người thứ nhất “tự ý” muốn làm bất cứ cái gì đến trong trí mình. Tự quyền rất vô bổ và rất sai lạc. Có lẽ nó có ích trong một vài lãnh vực dân sự và quân sự ở một số cơ chế không kính trọng nhân vị nào đó, nhưng nó làm sai bản chất của đời thánh hiến. Những quyết định trong đời thánh hiến thiết yếu phải là nỗ lực tìm kiếm để thực hiện sự tự do của chúng ta cách tốt đẹp trước khi là một lệnh truyền phải loan báo.

Sự vâng phục không biến người Sa-lê-diêng thành “thây ma”, “cái gậy” hay “chiếc khăn mùi xoa”. Trong trí Don Bosco, sự vâng phục phải có tính cách gia đình, có cảm thông, trao đổi, thân tình, xác tín, được soi dẫn bởi sứ mệnh, đối tượng phục vụ, lợi ích Hội Thánh, của dòng, của tỉnh.

– Thái độ dân chủ: là một phản ứng chống lại sự thái quá của sự độc đoán: nó là một thứ quá đề cao cộng thể, được coi như là hội nghị nền tảng, không có “đỉnh cao” lãnh đạo, với hướng quyết định của đa số – tất cả đều bình đẳng – ở đấy ta lấy biểu quyết, biểu quyết cho thấy quyết định phải lấy.

 Đây hẳn không phải là sự cắt nghĩa bản chất của cộng thể tu sĩ, dù cho trong số trường hợp nhất định, cũng phải lưu ý tới việc biểu quyết (như ta làm trong Tổng Hội). Dân chủ rất cần thiết trong những lúc bình thường và trong một xã hội chín chắn. Nhưng cộng thể tu sĩ tham dự vào mầu nhiệm Hội Thánh, được thiết lập trong Đức tin và không giống bất cứ một cộng đoàn nào khác theo bản chất. Rất có thể một người của cộng thể thôi giúp ta khám phá ra ý Cha, có thể là một người nhỏ nhất, trẻ nhất, bình thường nhất.

Việc quan tâm tới tính cách dân chủ trong cộng thể đã khiến bao vị bề trên từ bỏ việc phục vụ của mình trong lãnh vực quyền bính. Từ chủ nghĩa độc đoán tai hại đã chuyển sang thái độ thái quá của cho phép và thả lỏng. Thế là  cuộc khủng hoảng vâng lời len lỏi vào. Sự thánh hiến tu sĩ tự bản chất đòi sự tuân phục một bề trên, như là yếu tố đặc sắc của hình thức của nó: không có vâng lời tu sĩ khi thiếu yếu tố này. Vậy trong thứ dân chủ hóa đời cộng thể, không những người ta đưa vâng phục vào khủng hoảng, mà còn làm sai lạc ngay chính bản chất của đời tu sĩ.

Vậy, ngày nay liệu có khủng hoảng của vâng lời không? Thưa có! Nhưng đúng hơn có lẽ phải nói tới cuộc khủng hoảng của cộng thể và cuộc khủng hoảng của quyền bính tạo nên nó.

  1. Hiệp thông, linh động từ bên trong và bài sai.

Những phương dược chính cho cuộc khủng hoảng là hãy làm sao để cộng thể sống bằng hiệp thông, để quyền bính thực thi qua linh động từ bên trong và bề trên xem lại cách ra lệnh. Đấy là 3 lời nói lên chương trình canh tân vâng phục trong một suy tư chín chắn về nó.

Trước hết, “hiệp thông” và “linh động từ bên trong” kích thích ngay trong cộng thể việc cùng nhau tìm ý Chúa và tìm được ý xuyên qua những xác tín, sự ràng buộc của tự do, chứ không chỉ qua những áp đặt thầm kín và có tính cách cá nhân.

HL.93: Vâng phục và quyền bính thực hiện trong tinh thần gia đình: đầy tín nhiệm và thanh thản. Bề trên hướng dẫn, khích lệ, sử dụng quyền bính cách tế nhị. Các anh em cộng tác trong sự vâng phục thẳng thắn, mau mắn, vui vẻ, khiêm cung.

 Sự sẵn lòng và vâng phục trong lòng mến là nguyên lý đảm bảo sự vững chắc và bền vững của Tu hội…

HL.94: Trong cộng thể, tất cả chu toàn sứ mệnh được trao phó, dù với những nhiệm vụ khác nhau. Trong những điều quan trọng, ta hãy cùng nhau tìm ý Chúa với sự đối thoại huynh đệ và kiên nhẫn. Bề trên thi hành việc phục vụ quyền bính bằng cách lắng nghe hội viên, khích lệ sự tham gia của tất cả mọi người và cổ vũ sự hiệp nhất các ý chí trong Đức tin và Đức ái. Ngài kết thúc các buổi tìm kiếm chung bằng cách lấy những quyết định thích hợp mà thường là phát xuất từ việc đồng qui những quan điểm và ý thức đồng trách nhiệm sống động. Bề trên thi hành việc phục vụ quyền bính bằng cách lắng nghe hội viên, để ý tới quan điểm của họ, và khi cần lấy những quyết định thích hợp: tất cả tích cực nỗ lực trong việc thi hành với sự cộng tác chân thành, cả khi những quan điểm riêng của mình không được lắng nghe.

Trong khi lắng nghe lời Chúa và trong việc cử hành Thánh Thể, chúng ta nói lên và tái xác nhận việc hiến dâng mình chúng ta cho ý Chúa.

Đấy là những chỉ dẫn quan trọng (…). Tôi nghĩ yếu tố tối cần thiết để làm cho vâng lời nên mạnh mẽ giữa chúng ta là làm tăng triển các bề trên: nghĩa là canh tân việc thực thi quyền bính của chúng ta. Việc thực thi này nằm trong việc linh động hóa từ bên trong. Chúng ta cần làm cho các anh em chúng ta hiểu bản chất của cộng thể chúng ta chính là việc tham dự đặc biệt vào mầu nhiệm Giáo Hội.

Rồi cũng cần đào sâu nhiệm vụ thiêng liêng của quyền bính. Cần phải coi người được mặc lấy quyền bính là người được gọi để thi hành một quyền tôn giáo chân thực, một hình thức phục vụ trong đạo gồm thâu một quyền bính chân thật theo nghĩa chỉ định trong Hiến luật, và ai được mặc lấy quyền bính, phải mang trong lương tâm mình một trách nhiệm đặc biệt cho kẻ khác. Ai có quyền bính cần phải có một khoa học thiêng liêng (spiritualita) về nhiệm vụ tế nhị của mình, là phải tìm ý Cha không những cho mình, mà còn cho anh em mình, cho cộng thể mình; phải giúp họ sống đời làm con, nhiệm vụ ấy họ không thể bỏ bê được.

Nhưng nhất là cần tìm cách mang lại cho việc sử dụng quyền bính một cách thức thân tình: không bằng lệnh sai ra, mà bằng đối thoại và linh động hóa từ bên trong cách kiên trì và vất vả.

Linh động hóa nghĩa là gì? Đây chính là điểm nhạy bén để canh tân vâng phục. Linh động hóa nghĩa là tạo một bầu khí làm tăng trưởng xác tín tu sĩ của anh em, cổ xúy cho những xác tín ấy từ bên trong, để tất cả đi đến tự do đảm nhận việc đưa những xác tín ấy ra hành động cách ý thức và vui vẻ.

Điều ấy đòi hỏi tạo nên một môi trường, trong đó những giá trị tu trì, ý nghĩa đời tận hiến, ý thức về sứ mạng, những tiêu chuẩn mục vụ, những đòi hỏi lớn lao của giới trẻ, sự thúc bách phải mang Tin Mừng vào văn hóa, sự tối cần thiết của đời chứng tá chân thực, được đào sâu. Chúng ta cảm thấy một nhu cầu thúc bách mãnh liệt về việc đào luyện liên tục. Nó gồm một việc linh động hóa mãnh liệt để đưa ơn gọi của mỗi hội viên đối diện với cuộc thách đố của các dấu hiệu thời đại, để biết đáp ứng lại với tất cả tính hiện đại và hữu hiệu. Để làm việc đó, phải khuyến khích và kích thích sự tăng trưởng bên trong của con người. Việc thi hành quyền bính phải ưu tiên cho nhiệm vụ này.

Có những dòng đã dành cả một Tổng Hội cho đề tài về linh động hóa này, cái tạo nên một hình thức cụ thể để đổi mới lối “cai trị”. Đó là điều mà có thể nói Hội Thánh đang làm: kiểu mẫu giám mục mới là mẫu con người thứ nhất trách nhiệm việc linh động hóa trong cả cộng đoàn địa phận. Còn Đức Thánh Cha, ngài làm gì? Ngài thi hành nhiệm vụ linh động hóa cao cả nhắm tới chiều sâu của toàn diện đời sống trong Hội Thánh.

Bề trên là người cha thiêng liêng ở những bình diện khác nhau, được gọi để làm triển nở những xác tín bên trong, nhằm thực hiện những chương trình của Cha, theo dự định của Đấng Sáng Lập.

Không có nỗ lực linh động hóa từ bên trong, không thể phục vụ quyền bính  và cuộc khủng hoảng vâng lời không tìm được lối thoát.

  1. Processo di personalizzarine decentramento.
  2. Hiến Luật 95.

“Mỗi người vâng lời với tinh thần tự do và ý thức trách nhiệm riêng mình, với tất cả sức lực của “lý trí, ý muốn, các ơn huệ tự nhiên và các ơn sủng, vâng phục với Đức tin, nhìn nơi bề trên một sự trợ giúp và một dấu hiệu Thiên Chúa ban cho ta để nhận biết ý muốn của Ngài”.

Trong vâng lời, cần phải làm nổi bật vai trò bề trên mà trong hình thức sống của ta có một tầm quan trọng quyết liệt. Những bổn phận và trách nhiệm của một nhiệm vụ như thế, phải được đặt hòa hợp với những đòi hỏi cụ thể của giai đoạn lịch sử, của biến đổi văn hóa sâu xa mà nay ta đang trải qua.

  1. Kinh Truyền Tin và sự vâng phục của Đức Maria.

Và để kết luận: chớ gì Đức Maria giúp đỡ chúng ta. Chính Đức Mẹ trong một giấc mơ khác đã dạy Don Bosco buộc tấm băng vâng phục trên trán một số thanh thiếu niên,  nếu ngài muốn họ ở lại với ngài.

Tôi mời gọi tất cả nhắc lại lời kinh huy hoàng và đầy ý nghĩa, mà nhờ suy ngắm chúng ta có thể mở ra cho mình một thái độ vâng phục đích thực: Kinh Truyền Tin. Các xướng đáp chạm tới biến cố vâng phục và soi sáng cho toàn thể lịch sử cứu độ. Những tiếng đọc “Kính mừng” giữa các câu xướng đáp giúp chúng ta suy nghĩ tới ý nghĩa của những lời bất tử này: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin xảy đến cho tôi ý muốn của Chúa”, “Và Ngôi Lời đã nhập thể và ở giữa chúng ta”.

Đức Maria đã bắt đầu công trình nhập thể với việc vâng phục.

Đức Kitô thực hiện công trình cứu chuộc trong vâng phục.

Đức tin “của Đấng đã tin” và ý thức làm con riêng của Đức Kitô đã được diễn tả trong lịch sử, vì lợi ích của mọi người, trong việc vâng lời rất cụ thể.

Và đây, sự tự do tu sĩ, sự chín chắn và trách nhiệm cá nhân, sự tăng trưởng trong hiệp thông và trong sự tham dự, việc thực thi quyền bính, việc linh động hóa và ban bài sai, việc nhân vị hóa, xã hội hóa, tản quyền và các giá trị mới mẻ khác của nền văn hóa, phải cùng đồng qui trong việc hỗ trợ lẫn nhau, hầu xây dựng một sự vâng phục Kitô hữu  chân thực, diễn tả ý thức làm con của Đức tin trong thái độ đầy hoạt động của biến cố Vượt Qua: “Không phải ý con mà là ý Cha!”.

Trong dòng chúng ta, Don Bosco nói: “Chỉ có Chúa mới là thủ lãnh, ông chủ tuyệt đối cần thiết. Bởi thế các hội viên phải hướng về thủ lãnh của mình, ông chủ thật của mình, Đấng ban thưởng, Thiên Chúa, và vì tình yêu đối với Ngài, mỗi người phải ghi tên mình trong Tu hội, làm việc, vâng phục, từ bỏ mọi sự mình có vì yêu mến Ngài…”

Những câu thưa của kinh Truyền Tin và suy nghĩ trên của Don Bosco cung cấp nhiều chất lượng cho việc suy nghĩ tới những viên ngọc của vâng phục.

* * *

VIÊN NGỌC THỨ BẢY

ĐỨC KHÓ  NGHÈO

Chúng ta đang bàn về một trong 4 viên ngọc xếp thành hình chữ nhật sau tấm áo choàng. Trong giấc mơ, Don Bosco thấy ghi trên những tia ánh sáng của viên ngọc này chữ: “Lời khấn khó nghèo”, “Nước Trời thuộc về những kẻ nghèo khó”, “Sự giàu sang là những gai nhọn”, “Đức nghèo khó không sống bằng lời mà bằng tình yêu cùng hành động”, “Chúng mở cửa trời cho chúng ta”.

  1. Những ý nghĩa của đức nghèo khó.

Khi nói về sự nghèo khó là chúng ta đang đứng trước một chủ đề với những ý nghĩa khác nhau và đa diện bởi quan niệm nghèo khó tự nó cũng không rõ ràng. Chúng ta hãy cố gắng để nhất trí cùng nhau trước vấn đề này.

Chúng ta có thể quan niệm khó nghèo khởi sự từ việc suy diễn hai động từ “là” và “có”.

Có khi ta nói về hai động từ này theo mẫu nhị nguyên, như thể chúng đối chọi nhau. Chúng ta có thể suy nghĩ về chúng – theo một chiều hướng trừu tượng – cái chúng ta “là”, đó mới là đặc ân cao quý cho chúng ta. Tuy nhiên chúng ta phải thực tế, cụ thể, sát với lịch sử, khiêm cung và nói năng chính cái chúng ta “là”, tức nhân vị của chúng ta, để tăng triển, lại cần phải “có” những gì cần thiết. Bởi thế, Thiên Chúa đã sáng tạo những của cải trái đất cho con người, để con người có thể “là” đầy đủ hơn nữa. Chúng ta không thể tăng triển bản thể của chúng ta, tức cái ta “là”, nếu không qua việc ta “có”. Chắc chắn! Không phải nhằm tới chiếm hữu thật nhiều, mà là “có” để tăng triển bản thể chúng ta. Điều này thật huyền diệu: Thiên Chúa Cha tốt lành đã tạo dựng cả vũ trụ cho chúng ta, Ngài đã tạo nên vũ trụ bằng Lời của Ngài, mà không có Lời thì không có gì được tạo thành. Những của vật chất không hẳn là sự dữ, chúng là điều tốt lành: Thiên Chúa đã tạo nên chúng để cho  chúng ta hưởng dùng, Ngài tạo nên cho chúng ta để phục vụ bản thân chúng ta. Sự khó nghèo chân chính không thể khinh chê chúng – sự khó nghèo Phúc Âm. Không phải là sự khinh ghét tạo thành, con người khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục không chê ghét tạo thành. Đức vâng phục không chê ghét sự tự do, mà đưa nó tới sự chín mùi cao độ hơn. Đức khó nghèo không khinh ghét của cải vật chất, mà dùng chúng vì Nước Trời. Bởi thế, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa Cha đã cho ta khả năng “có” và vô cùng đại lượng bởi đã ban cho con người biết bao nhiêu là của cải. Khi dâng lời tạ ơn ấy, ta cũng muốn chính mình tăng trưởng bản thân và làm cho người khác cũng tăng trưởng.

Những của cải vật chất được Thiên Chúa tạo dựng nên cho nhân loại. Trong khi xác quyết như thế, như Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” đã trình bày rất rõ ràng, ta thấy mở ra ngay trước mắt ta cả một quang cảnh muôn vàn nhận thức buồn thảm và những hoàn cảnh bất công không thể tưởng tượng được. Khát vọng chiếm hữu đã tạo nên những rối loạn, đau đớn và ghen ghét.

Đứng trước những của cải vật chất, ta thấy hiện lên những hoàn cảnh tương phản nhau và những thái độ khác biệt nhau. Chúng ta hãy xem xét một số thái độ, gọi là để đưa chúng ta vào sâu trong chủ đề.

 Kẻ khốn quẩn: thiếu thốn mọi sự, sống bên lề. Đó là kẻ nghèo, quá nghèo khổ. Cần sự giúp đỡ, sự công bình và nhất là tình yêu. Đức Kitô hiện thân trong họ: “Ta khát, Ta đói…”. Loại nghèo khó này là một sự dữ của xã hội, cần phải tiến công. Chắc chắn chúng ta không sống để giữ sự khó nghèo này.

Người giàu có: đã chồng chất lên biết bao nhiêu của cải, là kẻ phú túc. Khinh chê mọi loại khó nghèo và tập trung mọi lý tưởng của mình vào cuộc sống: vui hưởng dễ chịu. Tin Mừng rất nghiêm khắc với loại người này.

Ông chủ: coi mình là ông chủ độc quyền, không nhạy cảm trong việc đem của cải mình có vào phục vụ xã hội, không tin Thiên Chúa là Cha đã tạo nên của cải cho hết mọi người. Vun trồng nơi mình bản năng chiếm hữu và thống trị, là một thứ bệnh nguy hại cho tâm hồn mà sự lây nhiễm có thể làm thương tổn đến kẻ khác ở bên lề xã hội dấn thân vào cuộc đấu tranh giai cấp.

Nhà nghệ sĩ: nhìn tới các của cải vật chất và một thái độ ly thoát hiếm có, đấy là một con người thiên tài và độc đáo, giàu cảm tình, chìm ngập trong những giá trị khác nhau và rất ít để ý tới các sáng kiến về kinh tế. Đó là một thái độ lạ lùng của ít người, đáng ta phải tìm hiểu sâu xa, khi chúng ta gặp một con người nghệ sĩ như thế (nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ, một thiên tài của cái đẹp) con người tạo nên những công trình có giá trị, nhưng ăn mặc xốc xếch, không biết quản lý tài sản của mình, chúng ta nói là họ thiếu một cái gì đó. Đúng, tuy nhiên họ có cái gì to tát hơn, và đáng giá hơn. Đáng lý ra họ có thể dùng thiên tài của mình mà tạo cho mình nhiều của cải, nhưng họ lại có những quan tâm khác.

Khi chúng ta nói tới khó nghèo, chúng ta cùng đi sâu vào nhãn quan này: khó nghèo như một thái độ của các nghệ nhân. Nghệ nhân không chê ghét những của cải vật chất, họ cần tới chúng. Tuy vậy, họ ngập chìm trong những giá trị khác mà họ quan tâm tới nhiều hơn, những giá trị ấy xem ra đối với họ đẹp hơn, giá trị mà họ cống hiến tất cả trí tuệ, những sáng kiến và thời giờ của họ. Chắc chắn, chúng ta, muốn sửa chữa thái độ ơ hờ, luộm thuộm trước của cải vật chất nơi họ .

  1. Sự nghèo khó Phúc Âm.

Khi chúng ta nói về sự nghèo khó Phúc Âm, chúng ta cảm thấy mình gần những nghệ nhân hơn những người khác. Tuy nhiên, để hiểu và cắt nghĩa cách khách quan đức khó nghèo Phúc Âm, chúng ta không thể khởi sự từ bất cứ loại người nào, chúng ta chỉ khởi sự từ Đức Giêsu Kitô.

Nếu anh em muốn, Đức Giêsu Kitô hiện lên cho chúng ta dưới một hình thức nào đó như nhà nghệ sĩ của ơn gọi cứu độ và của sự giải phóng toàn diện. Ngài có nét độc đáo thần tình của mình. Ngài vun trồng trong cõi lòng những giá trị đặc biệt, thuộc một loại khác, không phải bởi Ngài khinh chê các giá trị kinh tế (vì chính Ngài là Đấng sáng tạo nên chúng!), nhưng bởi vì Ngài muốn cổ xúy những giá trị cứu độ mà mọi người cần đến, Ngài muốn soi sáng và thực hiện ý nghĩa và mục tiêu của chính lịch sử của con người.

Và đây, sự khó nghèo Phúc Âm, thay vì đo lường nó bằng mức thiếu thốn kinh tế hay các phương tiện, hay bằng hoàn cảnh bất công xã hội, chúng ta nhận thức giá trị của nó, trước hết bởi những mối quan tâm trong cõi lòng, những hướng hành động của cuộc sống độc đáo phi thường, của dự định sống, của hành động phục vụ những kẻ khác. Đức khó nghèo nhắm trước tiên tới trái tim và tâm hồn.

Đức khó nghèo Phúc Âm nhìn lên Đức Kitô như mẫu mực của cuộc sống mà ta phải sống theo: “Hạnh phúc những ai nghèo khó trong cõi lòng”!

  Chúng ta đan chiếu bản thân mình với Đức Kitô. Chúng ta thấy ngay, vào lúc làm người, Ngôi Lời đã gieo một mầm thiên tài độc đáo, một trực giác sâu xa vào trong đời tâm lý nhân loại tương lai của Ngài. Việc “hủy mình ra không” trong đoạn thư danh tiếng của Phaolo là chính tâm điểm của cuộc sống của Đấng Cứu Thế: “Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã có nơi Đức Kitô Giêsu”.

“Ngài, phận là phận một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã hủy mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta, đem thân đội lốt người phàm, Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết trên thập giá! Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài, và ban cho Ngài danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu” (Pl.2,59).

Ngài là nhà nghệ sĩ sửa soạn thực hiện kiệt tác của mình: sự giải phóng, sự cứu độ, sự cứu chuộc. Từ đây phát sinh tất cả lối suy nghĩ của chúng ta về sự khó nghèo Phúc Âm. Đức Giêsu Kitô, vào khởi điểm cuộc sống nhân loại của Ngài, có ý thức sâu xa về việc “tự hủy mình ra không” này: Ngài không khinh chê bất cứ sự gì, nhưng tập trung cả chú tâm của mình vào giá trị tột đỉnh: Ngài lớn lên với một tâm lý dẫn Ngài tới sự lựa chọn nền tảng, một lý tưởng ở sâu trong con tim: thiết lập Nước Chúa, ban cho con người sức sống tràn đầy và một ý nghĩa chân thực về lịch sử.

Bởi thế, khi trao đổi với kẻ khác, Ngài nói về Nước Trời, Ngài trình bày dự định của Cha, Ngài cho thấy lý tưởng tuyệt đối, Ngài nói với các môn đệ: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn mọi sự khác sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Lc.12,31).

Đó chính là năng động lực bên trong khiến Ngài hủy mình ra không để trở nên nghèo khó. Đó là lý tưởng của Ngài, mối quan tâm toàn diện của tình yêu Ngài. Chúng ta có thể nói, linh hồn của sự nghèo khó là đức bác ái, là tình yêu đối với Chúa Cha, để thực hiện dự  định cứu độ của Ngài giữa con người.

Chỉ nhìn về cõi lòng của Đức Giêsu mà thôi cũng chưa đủ để có một ý tưởng đúng đắn về đức khó nghèo Phúc Âm. Thực ra, cõi lòng của Đức Giêsu Kitô luôn tìm Nước Trời trước hết, gắn kết với sự kiện cụ thể của việc Ngài tuyển chọn một hoàn cảnh xã hội cụ thể.

 Chính từ đây mà trổi dậy một số những đòi hỏi cụ thể của đức khó nghèo Phúc Âm. Đức Giêsu đã muốn là chính trong bản thể của đức khó nghèo Phúc Âm nơi chúng ta phải gợi hứng hầu sống theo, bao gồm cả một điều kiện xã hội cụ thể. Đức Giêsu đã làm người không phải trong nhà của các ông hoàng, của nghững người giàu có, các ông chủ, nhưng Ngài đã làm người giữa đám người thiếu thốn, nghèo nàn, những người thợ tại Nazareth, trong gia đình một bác thợ mộc, Ngài đã phải làm việc để kiếm ăn.

Và ai là những đối tượng Ngài yêu thích? Lần đầu tiên Ngài tới Hội đường để đọc và nói công khai, như Phúc Âm kể lại, Ngài mở cuốn sách Isaia, đọan viết: “Người đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho những kẻ cùng khổ”. Không những các thính giả Ngài ưa thích là những người nghèo, và khi thấy người giàu với lòng chai dạ đá của hạng “ông chủ”, không hiểu Nước Thiên Chúa, Ngài đã có những lời rất cứng cỏi đối với thái độ của họ, Ngài không lên tiếng chống lại những của cải vật chất, nhưng chống lại những tấm lòng trở nên chai đá bởi tham lam chiếm hữu. Chúng ta có thể còn ngại ngùng khi công bố lên ít lời nguyền rủa: “Khốn cho các ngươi…”, quả như những nhát búa bổ, thế nhưng Đức Giêsu đã công bố một cách can đảm phi thường.

Trong Tin Mừng, người ta tìm cách cắt nghĩa một số sự kiện, người ta cũng đi tới cùng những kết luận như trên. Tại sao người thanh niên giàu có đã không đi theo Đức Giêsu? Bởi vì anh ta có nhiều của cải, anh ta giàu có. Đức Giêsu không có thái độ phân biệt đối với những người giàu có, Ngài không phải hạng người đứng về phía giai cấp nào, nhưng trên thực tế, Ngài nhận thức rằng sự giàu sang thường đóng cửa lòng con người trước những chân trời vĩ đại.

Đàng khác, Đức Giêsu còn coi người nghèo như bí tích sự hiện diện của Ngài để con người thi hành lòng bác ái: “Ngươi đã cho ta ăn, cho ta uống, đã viếng thăm ta trong tù đày, đã mặc áo cho ta khi trần truồng…” (Mt.25,35-36). Đây đâu phải là thái độ Ngài đảm nhận lấy do tình cờ, mà là một sự chọn lựa Ngài đã muốn có và đã nhiều lần công bố ra cách mạnh mẽ.

Ngài đã chọn các môn đệ của Ngài giữa những ai? Giữa những người thợ, những người chài lưới. Đây không phải là những người cùng khốn, họ là những người thợ, những con người giữa quần chúng. Chỉ có Mattheu là người thu thuế khá giả. Chắc chắn, xung quanh Đức Giêsu hẳn cũng có những người có của, nhưng có tấm lòng mở rộng cho Nước Trời, như Lazaro, hai chị em của ông, những người đàn bà đạo đức đem của cải mà theo Ngài và giúp đỡ Ngài. Ngài không khinh chê những điều đó, nhưng Ngài đã chọn lựa sống giữa kẻ nghèo, và sống theo “bà hoàng nghèo khó”.

Chúng ta biết được rằng của lễ Đức Maria và thánh Giuse dâng trong đền thánh để chuộc lại hài nhi Giêsu là hai chim bồ câu: của lễ của những người nghèo nhất. Chúng ta thấy trong đời sống công khai Đức Giêsu đã chấp nhận tất cả cái khổ cực của sự nghèo khó và muốn các môn đệ của Ngài cũng chấp nhận một hoàn cảnh như thế, trong khi mời gọi họ bỏ mọi sự mà theo Ngài.

Chính trên mẫu nghèo khó ấy mà chúng ta xây dựng lời khấn khó nghèo của chúng ta.

  1. Một lời tiên tri cho thế giới hôm nay.

Tuy nhiên, về điểm này, trước khi nói về sự chọn lựa đặc biệt của mình, chúng ta phải nói tới loại nghèo khó này là cho tất cả các Kitô hữu, cho tất cả các môn đệ: đây không phải là thứ thần học thượng lưu bàn về đời hoàn thiện! Các lời khuyên Phúc Âm là cho mọi người: ngay cả lý tưởng nghèo khó này nữa! Các Mối Phúc Thật là cho tất cả mọi người: tất cả đều phải nghèo khó trong tinh thần. Sự nghèo khó Phúc Âm là một thái độ nền tảng cho tất cả các môn đệ.

 Chúng ta biết được rằng cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, trong nhiệt tình theo Đức Kitô Giêsu đã đảm nhận lấy toàn thể thái độ này làm của mình, khi họ đem mọi của cải làm của chung. Sự hiệp thông các của cải đảm bảo sự ly thoát của cõi lòng và đem đặt mọi của cải phục vụ việc tăng triển hiệp thông nhằm giải quyết những khó khăn cho các anh em cùng khốn. Chúa đã luôn kêu mời những người muốn theo Ngài hãy bỏ của cải, đem  bán đi và phân phát cho người nghèo. Loại nghèo khó này phải là phẩm tính riêng của mọi môn đệ. Ta có thể sống nó dưới những hình thức khác nhau.

 Đời sống tu sĩ là một cách thức tận căn sẽ làm chứng một sự nghèo khó như thế: trong đó, ta nỗ lực chấp nhận một hình thức sống mà lòng ta ly thoát khỏi mọi của cải vật chất được sử dụng nhằm giúp đỡ người nghèo và xây dựng Nước Chúa.

Trong cử tọa của Hội đồng Giám mục Mỹ – Latin tại Puebla, nơi người ta nói nhiều tới sự nghèo khó và các mục tử đã quyết định một sự lựa chọn ưu tiên đặc biệt cho những người nghèo, sự nghèo khó Phúc Âm đã được miêu tả cách rất hay. Chúng ta hãy đọc một ít đoạn:

“Đối với Kitô giáo, chữ ‘nghèo khó’ không chỉ là một cách chịu một sự thiếu thốn hay một cuộc sống bên lề mà chúng ta phải nỗ lực giải thoát mình ra khỏi. Nó còn nhắm tới một mẫu sống đã xuất hiện trong Cựu Ước nơi các kẻ nghèo của Giave mà Đức Giêsu đã sống và đã công bố như một mối phúc thật. Thánh Phaolo đã cắt nghĩa lời dạy dỗ này khi nói rằng, người Kitô hữu phải có thái độ dùng của cải trần gian này (những thứ chỉ có giá trị tạm thời, mau qua) mà không biến chúng thành cái gì tuyệt đối, vì đó chỉ là phương tiện để đạt tới Nước Trời. Tất cả những ai tin vào Đức Kitô đều được kêu mời để sống lối nghèo khó này: chúng ta có thể gọi đó là sự nghèo khó Phúc Âm. Sự nghèo khó là một đòi hỏi chung cho mọi Kitô hữu, được sống cách tận căn bởi các tu sĩ là những người, qua các lời khấn, dấn thân sống các lời khuyên Phúc Âm” (số 1148).

“Sự nghèo khó Phúc Âm kết hiệp thái độ rộng mở đầy tín thác vào Thiên Chúa với một đời sống đơn giản, thanh đạm, và khắc khổ, lìa xa mọi cám dỗ, tham lam và kiêu ngạo” (số 1149).

“Sự nghèo khó Phúc Âm được thực hành qua việc cho và chia sẻ mọi của cải vật chất và thiêng liêng, không phải vì bó buộc mà vì yêu mến, để sự dư dật của người này nên phương dược đáp ứng cho nhu cầu của người khác” (số 1150).

Điều mà các Nghị phụ trong Hội Đồng Giám Mục đã nói cũng là những điều chính Don Bosco đã thường nhắc lại: “Sự thặng dư (của người có của) thuộc về những kẻ nghèo. Chắc chắn, sự thặng dư là một quan niệm khá tương đối: sự nghèo khó vào thời mẹ Mazzarello ở Mornese và thời Don Bosco tại Valdocco khác với sự nghèo khó của các môi sinh trong các thị trấn kỹ thuật – kỹ nghệ. Chỉ cần như người nông dân bình thường hiện nay: tại một nơi có nếp sống khoa học – kỹ thuật cao và tại một nước đang mở mang, ta thấy rõ một bước nhảy vọt về kinh tế – nghèo khó như Ấn Độ và nghèo khó tại nước Mỹ: hai thứ nghèo khó đã khác nhau như thế nào rồi. Cái mà tại một nơi cùng khổ là thặng dư và là giàu sang thì ở một nơi kỹ nghệ mở mang, có thể chỉ là những thứ bình thường cần phải có… Tuy nhiên, yếu tố nền tảng của sự ly thoát, sự giản đơn và sự thặng dư vẫn luôn tồn tại.

Tài liệu tại Puebla còn tiếp:

“Hội Thánh sung sướng thấy nhiều con cái mình, đặc biệt giới trung lưu khiêm nhượng, đã sống sự nghèo khó Kitô hữu cách cụ thể” (số 1151).

Chúng ta hãy nghĩ đến biết bao gia đình Kitô giáo: họ có một sở hữu riêng, tối cần thiết, họ làm việc để thu về của cải, nhưng họ không sống để trở thành những người giàu có, họ sống cách quảng đại các vấn đề giáo dục con cái, các vấn đề cộng tác trong họ đạo, việc giúp đỡ những người cùng khổ…

 Một đoạn khác trong tài liệu của Hội nghị Puebla (số 1152) công bố, qua sự khó nghèo Phúc Âm, một sứ điệp tiên tri cho những con người đang nỗ lực xây dựng một xã hội mới. Thái độ sống theo Phúc Âm của các Kitô hữu có thể tạo nên một cơ may lựa chọn đứng trước các hệ thống kinh tế đang hiện hành ngày nay trên thế giới và không phát xuất từ Tin Mừng: chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Mác-xít, gợi hứng từ vai trò tối thượng của lợi ích kinh tế. Đây là những chủ nghĩa kinh tế duy vật. Qua đó, nói tới “Nước Chúa” chỉ đồng nghĩa tới việc nói tới một thứ không tưởng đáng nhạo cười, như khi một ai đó có thể cười khi nhìn thấy một nghệ nhân chết đói, khi chính anh ta có đủ cơ hội để tạo cho mình một cuộc sống giàu sang. Đối với những hệ thống này, yếu tố kinh tế là tiêu chuẩn chính yếu để phán đoán mọi sự: nhân vị con người, sự tự do, lịch sử, khả năng hạnh phúc.

Mặc dù thế, Hội nghị Puebla vẫn nói: “Trong thế giới hôm nay, sự nghèo khó Phúc Âm này là một thách thức đối với chủ nghĩa duy vật, và mở rộng những cánh cửa để đưa lại những giải pháp mới cho một xã hội tiêu thụ” (số 1152).

Như ta thấy, đây là cả một chân trời tiên tri.

  1. Bài học rút từ nguồn gốc của chúng ta.

Don Bosco và mẹ Mazzarello là những chứng nhân cao vời của sự nghèo khó Phúc Âm, và đã để lại cho chúng ta một truyền thống khá đòi hỏi về vấn đề này: chỉ cần nghĩ tới các ngài đã sinh ra từ những gia đình như thế nào, đã sống thế nào, đã làm những gì, đã được Chúa sai đến phục vụ những đối tượng nào, hoàn cảnh kinh tế của các nhà Sa-lê-diêng vào lúc khởi đầu như thế nào, mức ăn uống, số lượng công việc, quần áo mặc, rồi được sưởi ấm vào thời lạnh giá như thế nào…

Cho phép tôi chỉ ghi nhận lại đây vài giai đoạn có ý nghĩa. Có một giai thoại làm tôi khá cảm kích khi được nghe lần đầu tiên vào lúc còn nhỏ, sau này tôi cũng cảm thấy nhiều nhân vật danh tiếng cũng cảm kích khi đọc tới.

Cha Dassano đã loan báo cho mẹ Magaritta là con trai bà có thể đi tu dòng Phanxico. Một ngày kia, Gioan Bosco nói với mẹ: “Con hy vọng rằng mẹ không có gì phản đối trước quyết định này của con”. Và mẹ Magaritta trả lời (ở điểm này, ta phải nghĩ tới ngay đây là một gia đình nghèo: cha chết, một người mẹ lo lắng nuôi 3 đứa con, và viễn ảnh một người con làm linh mục địa phận có thể góp phần giúp đỡ gia đình là một cái gì hấp dẫn. Còn nếu trở thành tu sĩ Phanxico, cậu không thể giúp đỡ kinh tế gì cho gia đình):

“Mẹ -mẹ Magaritta thốt lên- tuyệt đối mong mỏi con suy xét kỹ bước con sắp làm và mong con theo ơn gọi của con, mà không cần có hậu ý gì. Điều thứ nhất là việc cứu rỗi linh hồn con. Cha xứ đã muốn mẹ ngăn trở con khỏi quyết định này, nhằm tới nhu cầu trong tương lai mẹ có thể cần tới sự giúp đỡ của con, nhưng mẹ nói: trong việc này mẹ không có gì liên hệ tới cả, bởi vì Thiên Chúa trước hết đã. Con đừng bận tâm về mẹ. Mẹ không muốn gì từ nơi con cả. Mẹ không chờ đợi gì nơi con. Hãy nhớ cho kỹ: mẹ sinh ra nghèo nàn, mẹ muốn chết trong nghèo nàn. Hơn thế, mẹ dám chắc với con: nếu con quyết định trở thành linh mục triều và bởi tình cờ con trở thành giàu có, mẹ sẽ không hề tới thăm con, dù chỉ là một lần. Con nhớ kỹ điều đó nhé!” (MB 1,296).

Và Don Bosco, vào 71 tuổi, còn nhớ lại vẻ thống thiết mẹ ngài đã có và giọng rung động từ lời nói của bà khi nói với ngài những câu đầy nghị lực ấy, và ngài cảm động đến rớm lệ.

Trước khi chết, chính mẹ Magaritta nhận thấy mức nghiêm trọng của tình trạng của mình, đã muốn nói những lời khuyên răn tối hậu cho các con cái.

“Lúc đó chỉ có Don Bosco bên mình, bà nói với ngài: (…) Con đừng tìm vẻ mỹ lệ hay vẻ sang trọng trong những công trình. Trước hết con hãy tìm vinh quang Thiên Chúa và tự nền tảng, hãy có sự nghèo khó bằng việc làm. Có ít người (tại Khánh Lễ Viện đây) yêu sự nghèo khó nơi kẻ khác mà không phải nơi chính mình” (MB 5,561-563).

Thật đáng là một phụ nữ Kitô hữu! Khi phải quyết định một điều có liên quan đến tương lai chính mình, và vào giờ phút trước khi chết, giữa những lời khuyên người con linh mục của mình, mẹ Magaritta đã chọn lời khuyên về đức khó nghèo Phúc Âm: thật giống Chúa biết bao!

Don Bosco rất thực tiễn khi nói về đức nghèo khó – trong dịp giảng tĩnh tâm tại Trofarello – ngài có 2 bài nói về đức nghèo khó. Trong bài thứ hai, như được ghi trong hồi ký, ngài nói: “Sự nghèo khó của chúng ta phải trên sự việc”. Rồi ngài cắt nghĩa: “Trong phòng ở, trong quần áo, nơi bàn ăn, trong sách vở, khi đi du lịch… (…) một tu sĩ phải có điều Đức Giêsu Kitô đã có; cũng đừng quên hoàn cảnh xưa của chúng ta” (ngài nghĩ tới hoàn cảnh của ngài, nhưng cũng nói cho các Sa-lê-diêng và con cái Mẹ Phù Hộ – những người thường là nghèo, không kể đến hoàng tử Czartoryski, bá tước Cays và ít người khác. Chúng ta là những người của tầng lớp dân chúng, của giai cấp khiêm nhượng, như tài liệu hội nghị Puebla nói, trong đó được sống cách nổi bật sự nghèo khó Phúc Âm).

 “Nếu chúng ta trung thành với lời khấn khó khăn, chúng ta sẽ nên gần giống với những người tu sĩ hành khất, nhưng nhiều người trong chúng ta nhiều khi sống giàu sang (…). Khốn cho những nhà dòng, trong đó, các tu sĩ bắt đầu sống như những người giàu!” (MB 9,701-703).

Khi một vài người nào đó thốt lên: “Chúng ta thật nghèo!”. Don Bosco nói: “Sự nghèo khó là cơ may của chúng ta, là phép lành của Thiên Chúa! (…) Các con hãy đọc lịch  sử của Giáo Hội, các con sẽ tìm thấy biết bao tấm gương cho thấy sự dư dật của cải vật chất là nguyên cớ phá hoại cộng đoàn. Những cộng đoàn này vì không gìn giữ trung thành tinh thần nghèo khó nguyên thủy, đã rơi vào tột cùng của sự khốn nạn. Còn những cộng đoàn giữ gìn nếp sống khó nghèo, thì triển nở cách lạ lùng” (MB 6,323-329).

Và rồi ngài nêu lên rất nhiều gương mẫu đầy đòi hỏi, mà chúng ta là những kẻ hậu sinh có cả 100 năm sau ngài, chúng ta cảm thấy thái quá. Và đây, nhân một câu chuyện bàn về áo mặc của người Sa-lê-diêng. “Một vài vị linh mục đáng kính giữa hàng linh mục đứng đầu địa phận, tới thăm viếng Don Bosco (…), các vị vui vẻ bông đùa nằng nặc đòi Don Bosco cho biết ngài sẽ mặc áo cho các anh em tu sĩ của ngài loại áo gì (họ giỡn chơi ngài, nhưng Don Bosco còn khôn lanh hơn họ) – Được, Don Bosco đáp lại, con muốn tất cả các anh em tu sĩ của con tiến bước với áo sơ-mi như những người dân lao động. Thế là tất cả phá lên cười vui nhộn trước một mạc khải lạ lùng cỡ đó, còn Don Bosco, sau khi đã để cho quí vị trên cười vui tại chỗ của mình, ngài vừa mỉm cười vừa nhận xét: – Có lẽ con đã nói một cái gì kỳ cục lắm hả? Không, thưa quí cha, việc nhóm tu sĩ tiến bước với áo sơ-mi có nghĩa là họ sống trong khó nghèo. Và một Tu hội sống không có đức khó nghèo làm sao có thể bền lâu?” (MB 2,410-411).

Tóm lại, chúng ta có thể nói, Don Bosco chắc chắn nhấn mạnh nhiều tới sự ly thoát của cõi lòng, và cũng đồng thời đảm nhận những lối sống bên ngoài khá thực tiễn mang tính cách giản đơn, chấp nhận thiếu thốn, với nếp sống cần mẫn lao động. Chúng ta hãy nhớ lại những suy nghĩ của chúng ta về lao động và nỗ lực của Don Bosco phục vụ giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi.

Hiến luật 81 nói:

Cùng với đức khó nghèo tu sĩ, chúng ta được gọi tới một đời sống Phúc Âm cao độ. Theo Đức Giêsu, Đấng “sinh ra khó nghèo, sống thiếu thốn mọi sự và chết trần truồng trên  thánh giá”, chúng ta đảm nhận lấy sự chọn lựa này với niềm vui, bởi vì chúng ta tin vào  điều Chúa đã nói cùng chúng ta: “Ai không từ bỏ tất cả những điều mình có, không thể là môn đệ của ta”.

Như các tông đồ đáp lại lời mời gọi của Chúa, chúng ta tự giải thoát mình khỏi mọi lo lắng trực tiếp về  của cải trần thế, và tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa Cha, chúng ta hoàn toàn hiến mình phục vụ Tin Mừng.

Hiến luật 83 nói cách cụ thể hơn về cách sống lời khấn khó nghèo:

“Mỗi người chúng ta có trách nhiệm đầu tiên về sự khó nghèo của mình, bởi đó ta sống hằng ngày sự ly thoát ta đã hứa với Chúa, với thái độ của một đời khó nghèo.

Ta chấp nhận lệ thuộc vào cộng thể và bề trên trong việc dùng các của trần thế, và biết rằng phép bề trên ban cho không miễn trừ chúng ta khỏi sống khó nghèo trên thực tế và trong tinh thần.

Ta tỉnh thức để không từ từ chiều theo khát vọng tiện nghi và dễ dãi, là mối đe dọa trực tiếp cho sự trung thành và quảng đại tông đồ của chúng ta.

Và nếu sự khó nghèo của chúng ta là lý do một vài bất tiện hay đau đớn, ta hãy vui mừng vì mình có thể tham dự cùng với những người nghèo vào lời chúc phúc Chúa đã hứa ban”.

Thật là một đoạn Hiến luật đầy sức đòi hỏi! Trong đó nhấn mạnh tới việc đặt mọi sự làm của chung, để ta hoàn toàn lệ thuộc vào bề trên và cộng thể, hơn nữa, cần một chứng tá khó nghèo chung.

HL.84: “Theo gương các Kitô hữu tiên khởi, chúng ta đặt mọi sự làm của chung”.

HL.85: “Việc hiệp thông của cải (…) phải được diễn tả thành chứng tá đáng tin và sáng chói”.

 Mỗi cộng thể lưu tâm tới hoàn cảnh môi trường trong đó mình sống, biểu lộ sự khó nghèo của mình bằng mức sống đơn giản và thanh đạm, trong nơi ở khiêm nhượng.

Cả trong công việc giáo dục, nhờ đó ta dạy các thanh thiếu niên thắng vượt bản năng chiếm hữu ích kỷ, dạy họ ý thức Kitô giáo trong việc cho và nhận, thì việc chứng tá về khó nghèo rất cần thiết.

Như thế, ta có một quan niệm về sự khó nghèo Phúc Âm mà ta muốn thực hành là như thế nào. Ta biết rằng lời khấn tu trì tạo nên một hình thức theo Đức Kitô khó nghèo, cách tận căn, theo tinh thần của Don Bosco.

  1. Những cống hiến của văn hóa mới.

Ngay cả trong lãnh vực khó nghèo Phúc Âm này, hình thức cuộc sống của chúng ta cũng gắn liền với những nền văn hóa trong đó ta sống. Thời buổi chuyển biến văn hóa đến chất vấn chúng ta. Đây lại là vấn đề lớn được đặt ra liên quan đến lời khấn và lối sống tu trì của chúng ta.

Nền văn hóa đang manh nha xuất hiện hôm nay đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đức khó nghèo như thế nào?

Chúng ta hãy ngừng lại trên 2 nhận định:

Thứ nhất: ý thức càng ngày càng rõ nét và công khai về phẩm giá con người.

Những quyền lợi của con người nghèo khổ và bên lề xã hội được biết tới nhiều hơn trước, và đồng thời cũng bị chà đạp hơn khi nào hết, và bởi vậy, Giáo Hội đã đảm nhận những thái độ can đảm và mới mẻ trong lãnh vực này.

Thứ đến: sự tăng cường ý thức xã hội, hay là mối bận tâm thế giới đối với công bình đòi hỏi tôn trọng, không những quyền lợi của nhân vị con người và của những người nghèo nói chung, mà còn quyền lợi chính các dân tộc. Điều kiện bất bình đẳng quốc tế đã tạo nên  một cao trào đặc điểm của thế giới thứ ba: tiến trình giải phóng! Tất cả đều đồng lòng về nhu cầu bức thiết phải sắp xếp lại mối tương quan xã hội vì lợi ích của mọi dân tộc, với ý thức thắng vượt những khối độc quyền nắm giữ những của cải kinh tế. Ở đây chúng ta không muốn đi vào chính trị, tuy nhiên đây là những hoàn cảnh chạm tới bình diện tôn giáo và những lời khấn của chúng ta, như sự vâng lời Kitô hữu bị chạm tới bởi tất cả đà tăng tiến về ý thức nhân vị và xã hội, thì sự khó nghèo Kitô hữu cũng bị chạm tới bởi tất cả bước chuyển biến xã hội này.

Hoàn cảnh xã hội này đã đem chủ đề khó nghèo lên hàng đầu trong Hội Thánh, đến độ có khi tạo nên những hướng lệch lạc trong những cắt nghĩa về nó. Quả thực, một số người muốn cắt nghĩa tất cả đời sống Kitô hữu khởi sự từ nhãn quan về khó nghèo xã hội, như thế, người ta dễ đi đến việc dùng lời khấn khó nghèo như phương tiện phục vụ cho những sự chọn lựa có tính cách chính trị xã hội hơn là Phúc Âm.

Quan điểm của chúng ta về khó nghèo không hẳn thuộc lãnh vực xã hội (dù chúng ta vẫn phải lưu ý tới khía cạnh này), nhưng chúng ta nương theo nhãn quan đặc sủng của chính Đấng sáng lập của chúng ta, trong tư cách là môn đệ tận căn của Đức Kitô. Tuy nhiên, cũng chẳng lợi ích gì việc lên tiếng gắt gao chống lại những thái quá của loại khó nghèo dưới cái nhìn chính trị xã hội, khi không nhận ra ý nghĩa ngầm hiểu trong đó: trong trường hợp này, rõ ràng là có một sự đòi hỏi mãnh mẽ Giáo Hội và đời tu sĩ phải làm sao tỏ ra ý thức trung thành với Phúc Âm lớn lao hơn và hiện thực hơn nữa.

Bởi thế, Hội Thánh Mỹ – Latinh sống trong thế giới thứ ba, đã chọn ưu tiên phục vụ những người nghèo. Gia đình Sa-lê-diêng chúng ta cũng hiện diện phần lớn trong thế giới thứ ba, và bởi thế, chúng ta cũng cảm thấy mình bị chất vấn tối đa bởi tiếng gọi này.

Đằng khác, biết bao lần chính Đức Thánh Cha khích lệ chúng ta quan tâm tới những người cùng khốn và những người nghèo. Đây là một nỗ lực hòa hợp sâu xa với việc tuyên khấn khó nghèo của chúng ta.

Bởi thế, ngày nay, sự khó nghèo mang một tầm quan trọng đặc biệt trong việc canh tân đời sống tu trì của chúng ta. Tôi không có ý nói giờ đây chúng ta phải đưa đức khó nghèo lên hàng thứ nhất trong các lời khấn của chúng ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh văn hóa hiện tại, nó đòi hỏi một sự chú tâm phi thường. Nếu chúng ta được Công Đồng mời gọi thực hiện một cuộc canh tân chân chính, chúng ta không thể thực hiện mà không kiểm điểm và tái sáng tạo cách thức theo Đức Kitô khó nghèo của chúng ta. Hoàn cảnh văn hóa thách thức chúng ta suy nghĩ lại cách thực tiễn và can đảm hình thức tận căn của đức khó nghèo chúng ta.

  1. Ba nhãn quan về các lời khấn của chúng ta.

Các tư tưởng gia về đời sống thiêng liêng quả quyết rằng cần phải nhìn các lời khấn dưới 3 nhãn quan sau đây:

Thứ nhất: Lời khấn tương quan với Thiên Chúa, qua đó, ta tuyên bố quyền lực tối thượng tuyệt đối của Thiên Chúa, của Đức Giêsu Kitô. Mỗi lời khấn luôn luôn là một sự chọn lựa có Thiên Chúa là trung tâm, dù lời khấn nhắm đến việc phục vụ con người.

Ta hãy nhớ những gì chúng ta đã nói đến về năng động lực của hai đối tượng của đức mến: lòng mến thương đồng loại là kết quả của lòng mến đối với Thiên Chúa. Điều đó tuyệt đối cần thiết, hầu tránh lối cắt nghĩa đức khó nghèo hôm nay như là một loại khó nghèo mang tính cách xã hội: “Giả như tôi đem cả gia tài sự nghiệp mà cho người nghèo nhưng không có lòng mến thì cũng kể bằng không vậy”.

“Con người lao động” mà chúng ta nói tới, trong xã hội tiêu thụ cũng như trong xã hội tập thể, công bố một vai trò tối thượng khác: chìm ngập trong cuộc sống vô thần, họ công bố quyền tối thượng của những giá trị kinh tế. Đứng trước lời khấn khó nghèo, họ coi đây là một hình thức tha hóa, một thứ chạy trốn khỏi thực tại. Ngược lại, đối với chúng ta là những kẻ theo Đức Kitô, đó là phương thức để chúng ta dấn mình sâu xa vào thực tại của những kẻ bé bỏng và nghèo khó.

Cuộc dấn thân “xã hội” của các tu sĩ xây trên tính cách lấy Thiên Chúa làm tâm điểm. Và ngày nay, đặc biệt quan trọng việc nhấn mạnh tới tính cách độc đáo này.

Nhãn quan thứ hai: liên kết lời khấn với Hội Thánh trong sứ mệnh cứu độ giữa loài người. Lời khấn khi ấy có nghĩa là đảm nhận tận căn sứ mệnh của Đức Kitô giữa bầu khí ham muốn mọi tiện nghi vật chất này. Nó có nghĩa là đảm nhận lấy sứ mệnh của Giáo Hội một cách nghiêm chỉnh để làm chứng rằng, sự cứu độ, sự giải phóng, hay nếu chúng ta muốn dùng lời nói cổ điển, ơn sủng cứu rỗi chúng ta, còn có giá trị nhiều gấp bội những của cải kinh tế.

Tôi xin nhắc lại ở đây câu nói danh tiếng của thánh Toma: “Tài nguyên ân sủng của một người thôi còn có giá trị hơn những của cải tự nhiên của cả vũ trụ”. Đúng thế! Sự khó nghèo của chúng ta phải làm chứng rằng, tình yêu của Đức Kitô có giá trị hơn hằng tỉ đồng. Bởi thế, lời khấn tu sĩ còn có bình diện tiên tri, có tính chất phản kháng làm chứng là cùng với sự có mặt những sự phục vụ và đời sống cộng đoàn, còn có các giá trị siêu việt muốn trong những của cải kinh tế.

Chúng ta có nhớ lời Đức Pio XI đã quả quyết về Don Bosco? Don Bosco quả rất sắc sảo, hoạt động, kiên trì, thông minh, là người tổ chức và tinh ranh. Ngài có thể trổi vượt trong biết bao nhiêu và có thể tạo cho mình thành một nhà tỉ phú. Nhưng ngài trung thành với lòng ưu ái đặc biệt Kitô hữu đối với giới trẻ, thay vì lập nên hãng FIAT, ngài đã sáng lập nên chúng ta, gia đình Sa-lê-diêng của ngài.

Vì những lời khấn, chúng ta trở nên những con người “dấn thân phục vụ”, cụ thể hiến mình giải quyết vấn đề con người, bởi việc nên chứng tá cho tới những hiệu quả tối hậu về một chân lý giải phóng mà chúng ta xác tín! Ai dấn thân trong Hội Thánh với lời khấn khó nghèo thì hiến mình làm chứng là của cải nước Thiên Chúa còn có giá trị hơn mọi của cải kinh tế, và phải được cống hiến trước hết cho những người nghèo.

Và đây là nhãn quan thứ ba: nhìn lời khấn trong tương quan với xã hội, bởi vì Phúc Âm là cho những con người, Hội Thánh là vì nhân loại, vì cả thế giới. Lời khấn liên hệ “tới xã hội” không có nghĩa là liên hệ tới một chính quyền nhất định nào, như thể nó phải đảm nhận lấy một ý thức hệ hay một dự định lịch sử, nhưng có nghĩa là nó có liên hệ tới cộng đồng con người tại khu vực, thành phố, xứ sở, miền, quốc gia, ở bên kia mọi mầu sắc ý thức hệ và những quan tâm của phe phái. Bởi thế, nhãn quan này quả có bao gồm một bình diện chính trị chân thực và nhất định nào đó, theo nghĩa toàn diện và trọn đủ của từ ngữ, xây dựng trên nghĩa gốc của nó, trong đường hướng nó phục vụ cho lợi ích chung. Chúng ta quả hơi khiếp sợ khi muốn nói về bình diện chính trị. Tuy thế, đức khó nghèo của chúng ta cũng có một bình diện “chính trị”, có lẽ tốt hơn nên nói “bình diện xã hội”, bởi vì chữ chính trị luôn luôn có thể bị hiểu dưới nhiều cách và có thể bị cắt nghĩa sai. Tuy thế, thật quan trọng việc ta lưu ý đến nhãn quan thứ ba của đức khó nghèo tu trì của chúng ta. Xã hội hôm nay than phiền về rất nhiều cơ cấu không đủ đáp ứng và bất công. Không khó mấy để nhận thức ra rằng, trong nhiều nước, sự ích kỷ và dối trá được biến thành tổ chức: người ta nói về nhân phẩm và sự tự do của công nhân, nhưng trên thực tế, người ta nô lệ hóa con người, và rốt cuộc điều đó xảy ra vì người ta đã không để chỗ cho Nước Chúa trị đến. Biết bao nhiêu hệ thống xã hội nhằm xếp đặt thể chế chính trị gợi hứng từ những ý thức hệ vô thần hay không muốn biết tới vấn đề Thiên Chúa, đem những mục tiêu tối thượng về kinh tế mà điều hành cuộc sống của những công dân họ.

Thật là một nhu cầu lớn biết mấy, việc ta phải giúp đỡ dân chúng, nhất là giới trẻ nhìn các thể chế xã hội với con mắt phê phán đúng đắn. Don Bosco đã sáng lập Tu hội chúng ta để nhằm giúp xây dựng một xã hội mới, xuyên qua việc giáo dục giới trẻ, đặc biệt giới trẻ nghèo, giới trẻ của tầng lớp quần chúng.

Cần phải tiêu hủy những trò dối trá của những ý thức hệ thuộc một số phạm vi văn hóa nào đó có tham vọng tổ chức xã hội theo sở thích của họ. Chúng ta không phải tạo nên những diễn đàn tại tòa giảng hay tại giảng đường. Tuy nhiên, chúng ta cần nên chứng tá và soi sáng với trực giác của Phúc Âm, với kiên nhẫn bền bỉ và quân bình, và bởi vì chúng ta là những tu sĩ hoạt động, với tư cách phục vụ của nhà giáo dục, biết đem đời sống khó nghèo Phúc Âm như một thái độ sống nền tảng làm cơ may cho cuộc sống xã hội theo dự định của Đấng Tạo Hóa, một thái độ sống mà mọi người phải sống, chứ không chỉ dành cho một số ông chủ.

  1. Khẩn trương phải duyệt xét lại.

Như ta thấy, tới điểm này, lời khấn khó nghèo của chúng ta có một sắc thái ít được biết tới, nó không chỉ là việc tuân giữ nội bộ, mà còn là một lời chứng tá và một lời tiên tri. Nền văn hóa buộc chúng ta duyệt xét lại ý nghĩa sâu xa của lời khấn chúng ta, và 3 nhãn quan ở trên đặt chúng ta trước sự khẩn trương phải duyệt xét lại cách sống và hành động của chúng ta.

Đọc những khoản Hiến luật, chúng ta tìm thấy không ít lý  do khiến chúng ta phải làm một cuộc duyệt xét lớn lao, trong khi nhìn sự trung thành của chúng ta với lời khấn, khiến việc sống lời khấn được chân thật hơn, trung thành hơn đứng trước những thách thức của thời đại, của những người nghèo hôm nay, của thế giới thứ ba, của các đối tượng phục vụ mà Thánh Thần Chúa đã trao ban cho chúng ta, trong giờ phút quan trọng của lịch sử này.

Tất cả những cái đó đòi hỏi ta phải làm gì? Cần phải trở về với cuộc sống chân thật vào lúc khởi nguồn, với tinh thần sống chân chính của Phúc Âm trong việc tăng cường hoạt động rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, cho giới trẻ thiếu thốn, cộng tác với Giáo Hội để trình bày sứ điệp của Đức Kitô như nguồn cụ thể cung cấp một giải pháp nhằm tổ chức những tài nguyên kinh tế phục vụ con người. Đòi hỏi trên đâu phải là nhẹ nhàng, nó đòi hỏi chúng ta phải cố gắng biến các công cuộc của chúng ta trở thành mục vụ hơn.

Có khi chúng ta đã trở thành những nhà giáo có tầm cỡ chuyên dạy các môn hiểu biết quan trọng, và rồi chúng ta đã bỏ qua việc giáo dục tấm lòng và trí tuệ trên những vấn đề rất cụ thể, như việc sử dụng những tài sản và quan niệm về sở hữu. Chúng ta cần phải làm cho hoạt động giáo dục của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, cho việc huấn giáo có hiệu năng hơn. Huấn giáo không chỉ là nhằm dạy Thiên Chúa hiện hữu, mà là đưa Phúc Âm vào cuộc sống cụ thể của giới trẻ, giúp chúng giải quyết các vấn đề đang được đặt ra cho xã hội hiện tại.

Một đòi hỏi khẩn trương khác chính là chứng tá đời sống khó nghèo của chúng ta: thực lòng sống thái độ Phúc Âm của Don Bosco trong đời sống cá nhân và đời cộng thể.  Chúng ta phải biết rao giảng Phúc Âm, nhất là bằng đời sống cụ thể của chúng ta.

Một đòi hỏi kể tiếp nữa là việc xếp đặt lại hoạt động mục vụ của các công cuộc của chúng ta. Đây là một công việc khó khăn, phức tạp, dài hạn, nhưng rất cần thiết. Cần phải lo sao cho công cuộc chúng ta phục vụ quần chúng, để tiếp tục chính sứ mạng đã được Đấng Sáng Lập khởi sự.

Tôi thâm tín rằng chúng ta hoạt động trước hết tại thế giới thứ ba. Phải, chúng ta hiện diện tại thế giới thứ nhất, thứ hai, nhưng nhất là tại thế giới thứ ba. Điều ấy nói lên sự trung thành của chúng ta. Nhưng những người nghèo của thế giới chất vấn chúng ta từ những vị trí mới mẻ của họ. Chúng ta được khởi sinh với một sự chú tâm đặc biệt cho thế giới lao động, tuy thế giờ đây, chúng ta không hiện diện đủ giữa họ. Một thế giới với biết bao thanh thiếu niên, đang cần trên hết tất cả một chứng tá tiên tri Phúc Âm về khó nghèo.

Chúng ta còn cần làm tươi trẻ lại đà truyền giáo: các công cuộc truyền giáo đang gặp trước hết những dân nghèo. Chúng ta được mời gọi để thí nghiệm những “hình thức hiện diện mới” hòa hợp với tinh thần Don Bosco. Chúng ta phải thực hiện điều ấy cách cẩn thận và với trách nhiệm, chúng ta phải tìm cách đưa vào đây những con người có khả năng và có giá trị, chứ không phải những người đầy chua chát và ưa mạo hiểm liều lĩnh.

Sau cùng, trong lãnh vực lựa chọn ưu tiên vì người nghèo, mối quan tâm của Hội Thánh càng ngày càng lớn lên thật to lớn. Ở đây ta có tất cả giáo huấn xã hội của quyền giáo huấn, đang được đánh giá và thông tri cho giới trẻ. Chúng ta biết được rằng Đức Thánh Cha trong những tuần lễ bị bệnh, đã hoàn tất thông điệp về người lao động: Laborem exercens. Tại Puebla, ngài đã nhấn mạnh tới việc phải đề ra trở lại giáo lý xã hội của Hội Thánh để các dân tộc khỏi bị sử dụng bởi các ý thức hệ. Bởi thế, giáo lý xã hội của Hội Thánh phải là yếu tố quan trọng của các tương quan của chúng ta với những người nghèo, là đối tượng phục vụ của chúng ta.

Bình diện chính trị là những giá trị trổi sinh từ nền văn hóa mới “chính trị” theo nghĩa cao cả nhất. Cho nên chứng tá khó nghèo của chúng ta không thể bỏ qua khía cạnh này, dù theo truyền thống, chúng ta không bao giờ làm chính trị bằng cách gia nhập những đảng phái.

  1. Sự nghèo khó của Đức Trinh nữ Maria.

Để kết luận, chúng ta hãy nghĩ tới Đức Mẹ. Chúng ta có tin rằng Mẹ khó nghèo? Hiến luật dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (1975) viết: “Đức Maria, trổi vượt giữa những người nghèo của Chúa, đã sống tinh thần phục vụ khiêm cung của chúng ta với tinh thần của kinh Linh Hồn Tôi Ngợi Khen Chúa” (HL.22). Tinh thần Magnificat này bộc lộ ra những tình cảm sâu xa và những chân trời vĩ đại của một trái tim nghèo khó theo Phúc Âm: một trái tim lấy Thiên Chúa làm trung tâm, một trái tim gắn liền với sứ mệnh cứu độ cách mật thiết, một trái tim quan tâm tới bước chuyển mình của lịch sử nhân loại.

Đấy là 3 nhãn quan của chúng ta khi suy nghĩ về đức khó nghèo.

Đức khó nghèo tu sĩ đặt ở vị trí hàng đầu của việc chiếm hữu chính những của giàu sang của Thiên Chúa, biến đổi hẳn bản chất của con tim chúng ta: nó nỗ lực cùng Hội Thánh thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó, nó cảm thấy liên hệ với đời liên đới và đời phục vụ Phúc Âm những kẻ nghèo khó trong xã hội.

Chắc chắn, đức khó nghèo tu sĩ có những đòi hỏi cá biệt được Hiến luật nêu lên rất rõ, như chúng ta đã đọc thấy, nhưng bầu không khí nó phải được sống nằm ở ngay trong 3 nhãn quan trên. Trong đức khó nghèo của chúng ta, không chỉ có việc “lột trần bản thân” mà còn là “hiến thân”. Việc phục vụ kẻ nghèo không chỉ đến từ một lòng quảng đại là cái gì thêm vào cho đối tượng khó nghèo tu sĩ, nó chính là đối tượng của đức khó nghèo. Bởi thế, sự khó nghèo của chúng ta không chỉ là sống đời khắc khổ và khổ chế, dĩ nhiên rồi, nhưng nó còn đưa chúng ta tới một sự đồng trách nhiệm với sứ mạng của Hội Thánh và với những việc dấn thân cụ thể do sứ mạng Sa-lê-diêng đòi hỏi, trong việc xây dựng một thế giới mới công bình hơn.

Và như thế, ta thấy viên ngọc “Khó Nghèo” giống như một thứ nghị lực dấu ấn và một sức mạnh tiềm tàng, tạo nên nội dung và sắc thái đặc biệt cho 2 viên ngọc chiến thuật là “Làm Việc” và “Tiết Chế”. Chúng sẽ hiện lên cụ thể hơn nếu chúng chứa đựng những giá trị được chiêm ngắm thấy trong 3 nhãn quan về lời khấn khó nghèo.

Xin Đức Trinh nữ Maria, mẫu mực tuyệt vời của những kẻ khó nghèo của Chúa, dạy chúng ta sống đức khó nghèo của chúng ta, với tinh thần kinh Magnificat.

* * *

VIÊN NGỌC THỨ TÁM

KHIẾT TỊNH

Giờ đây, chúng ta hãy suy nghĩ tới viên ngọc “Khiết Tịnh”. Ta đọc thấy giấc mơ: “Ở bên trái, cao hơn một chút, được viết chữ ‘Lời khấn khiết tịnh’. Vẻ rực sáng của nó phát ra một thứ ánh sáng hoàn toàn đặc biệt, và khi nhìn nó, ta thấy nó thôi miên và lôi cuốn ánh nhìn như nam châm hút sắt”. Trên những tia sáng của viên ngọc này được viết: “Mọi nhân đức đến cùng với nhân đức này. Những kẻ có lòng trong sạch thấy bí mật của Thiên Chúa và chiêm ngắm chính Thiên Chúa”. Rồi trên chỗ hư hoại do sâu bọ tạo nên, viết “dục vọng của con mắt và kiêu ngạo của cuộc sống”.

  1. Vị trí của viên ngọc.

Vị trí của viên ngọc đã là lý do để ta suy nghĩ về đức “khiết tịnh”. Viên ngọc không đặt ở “đàng trước”, cũng không “ở trung tâm”, giữa 4 viên ngọc khác, không “lớn nhất”, cũng “không chói sáng” (như viên ngọc “Vâng Phục”). Nhưng là “viên ngọc cao nhất”, ở bên trái, và có một vẻ rực sáng “hoàn toàn” đặc biệt, và vẻ rực sáng này sinh động đến độ lôi kéo lại với mình ánh nhìn như nam châm hút sắt.

Việc suy nghĩ những dữ kiện này thôi đủ nêu lên vai trò bổ sung (…) và cùng một lúc tầm quan trọng đặc sắc của đức khiết tịnh trong tinh thần Sa-lê-diêng. Ở trung tâm của trái tim Sa-lê-diêng có một “tinh thần sống thiêng liêng dựa trên sứ mệnh” (vâng lời), nhưng nó luôn được chiếu soi và không bao giờ tách biệt khỏi lòng đặc ái Tin Mừng đối với đức trong sạch.

Dòng chữ viết trên ánh tỏa chiếu của viên ngọc này cũng đáng ta nhấn mạnh “tất cả các nhân đức đi theo nhân đức này”, cũng như sự nhấn mạnh đến việc chiêm ngắm: “Những kẻ có lòng trong sạch thấy được những bí mật của Thiên Chúa cùng chiêm ngắm chính Thiên Chúa”. Nó dẫn đưa ta tới những giá trị sâu xa của tin, cậy, mến mà đức thanh khiết sống trong sự nối kết rất mật thiết.

Chúng ta hãy nhìn biết bao yếu tố và biết bao chi tiết được cống hiến cho suy nghĩ của chúng ta.

Sau đó cũng được nói thật rõ ràng tới điều gây thương tổn cho đức khiết tịnh là dục vọng: hoặc là dục vọng của xác thịt cũng như dục vọng của tinh thần, hay là tính mê xác thịt và kiêu ngạo.

Don Bosco thường nói, với sự lạc quan và niềm cảm hứng đặc biệt, về sự trong sạch và về các nhân đức làm triều thiên cho nó, đến độ có người tố cáo ngài là quá thiên về luân lý và thiếu cái nhìn đối thần. Vị trí các viên ngọc trong giấc mơ đã làm tiêu tan lời tố cáo nông nổi này. Trong tinh thần Sa-lê-diêng, đức khiết tịnh khá quan trọng, tuy thế, vị trí của viên ngọc này trên tấm áo choàng không đưa chúng ta tới ngộ nhận.

Từ vị trí của viên ngọc này, ta nhận thức ngay là một sai lầm lớn tập trung tất cả ánh nhìn vào đức khiết tịnh với nhãn quan luân lý quá bị ám ảnh, hay là với nhãn quan độc điệu và thu hẹp, như thể tất cả tinh thần Sa-lê-diêng tập trung ở đây. Điều ấy có thể an ủi chúng ta một chút, bởi vì, khi nghĩ đến sự yếu đuối của ta, chúng ta không thể nhìn chúng với nỗi nản lòng đè nặng: chúng là những khiếm khuyết không phá hủy cả tòa nhà. Tôi nghĩ đây là những nhận xét có ích lợi tích cực cho một lối sống thiêng liêng của đời hoạt động.

Chúng ta cũng phải nói thêm là viên ngọc khiết tịnh công bố một vài nét đặc sắc cho chúng ta, cho tinh thần của chúng ta. Không những vì đời tu sĩ xây dựng trên độc thân và sự khiết tịnh tận căn, mà còn bởi vì Don Bosco nhấn mạnh tới một khía cạnh đặc biệt quan trọng về lòng mến thương của chúng ta: (Phải làm sao cho mình “được thương mến”). Chúng ta biết thánh Benedicto nhấn mạnh khi nói: “Hãy yêu đức khiết tịnh”, tuy nhiên Don Bosco thường nói một cái gì hơn nữa: “Hãy yêu vẻ rực sáng của đức khiết tịnh”.

Có một sự “rực sáng” của lòng trong sạch là nét riêng của tinh thần chúng ta, như là một yếu tố có sức thu hút. Ta hãy xem phải bắt đầu ở đâu để tìm cho mình bí mật gây cảm tình của chúng ta: chúng ta hãy tìm cách “làm cho mình được mến thương” trong khi để cho mình được ngập tràn vẻ rực sáng của viên ngọc này; trái với các quyến rũ của người khác yêu mến mình bởi dục vọng.

  1. Cảm tình thu hút đức trong sạch.

Trong tinh thần của Don Bosco, có một sứ điệp mạnh mẽ về đức trong sạch. Truyền thống Sa-lê-diêng và chứng tá của lúc khởi đầu làm chứng dồi dào về điều này. Đây là một sứ điệp đặc biệt mà chúng ta có thể gọi là “cảm tình thu hút của đức trong sạch”. Một sứ điệp đặc biệt cho giới trẻ.

Don Bosco thường nhắc lại: “Cái phải phân biệt chúng ta khỏi các Tu hội khác là đức khiết tịnh, cũng như đức khó nghèo phân biệt các con cái của thánh Phanxico, và sự vâng phục phân biệt các con cái của thánh Ignatio” (MB 10,35).

Chúng ta đã thấy Don Bosco đặt ở giữa 4 viên ngọc khác viên ngọc của “vâng lời” như là tâm điểm của toàn bộ đường gân liên kết. Vâng phục, theo kiểu miêu tả của tinh thần chúng ta, thực là trung tâm và tất cả tia sáng của 4 viên ngọc khác rọi chiếu vào nó. Tuy nhiên, ở bên trong cơ cấu của tinh thần sẵn sàng phục vụ sứ mệnh xuyên qua vâng lời, điều cho ta thấy rõ cung điệu đặc biệt của đường lối tu đức chúng ta (“coetera tolle”), khiến ta có một khả năng sư phạm và mục vụ, chính là lòng khiết tịnh, bởi vì nó phải bảo vệ và tăng thêm khả năng (làm cho mình được yêu mến). Nó góp phần phá tan mọi hoài nghi tập trung mọi sự quanh bản thân trong việc làm cho mình được yêu mến, nó bảo đảm là lòng mến thương của chúng ta là đức bác ái chân thật. Nguồn thực tiễn của “lòng tốt Sa-lê-diêng” nằm ngay trong vẻ rực sáng của đức thanh khiết.

Đối với con người chưa được dẫn vào nghệ thuật này, việc “làm cho mình được yêu mến” theo như tinh thần chúng ta đòi hỏi có thể là điều không tưởng. Nhưng chúng ta biết đấy là điều có thể, bởi chúng ta đã thấy điều đó nơi Don Bosco và nơi những Sa-lê-diêng đầu tiên, và đây là điều sứ mạng và truyền thống của chúng ta đòi hỏi, nó đã được thực hiện như lịch sử đã làm chứng, bởi biết bao anh chị em tu sĩ chúng ta suốt 100 năm nay.

Đức khiết tịnh Sa-lê-diêng không tạo nên bộ mặt khắc khổ hay một nét đanh thép và thiêu cháy, nhưng tạo nên nụ cười, lòng tốt và tất cả những nét của lòng mến thương. Don Bosco thường nói: “đức mến, thanh khiết, khiêm nhường là 3 bà nữ hoàng luôn cùng đi với nhau: không thể có một nhân đức này mà thiếu nhân đức kia” (MB 9,706).

Lòng bác ái mục tử khiến chúng ta nhiệt tình và can đảm khi hiện diện tích cực với kẻ khác. Như sự rực rỡ của đức thanh khiết cho chúng ta sự ngay thẳng trong tương quan và cảm tình trong sự trao đổi mến thương. Sự khiêm nhường rút gỡ ra khỏi lửa và bảo đảm Thiên Chúa luôn là trung tâm mọi sự.

  1. Ý nghĩa Tin Mừng của tình yêu nhân bản.

Nhân đức thanh khiết theo Tin Mừng là gì? Chúng ta đã phải nêu lên cùng một lúc câu hỏi ấy khi suy nghĩ về đức vâng phục và đức khó nghèo. Chúng ta cũng phải nêu lên câu hỏi ấy trở lại đối với đức thanh khiết.

Nhân đức thanh khiết Kitô hữu nhắm đến tình yêu nhân loại trong cấu tạo cụ thể của đời sống tính dục. Chúng ta hiểu rất rõ đây liên quan đến một thực tại không những chạm tới sinh lý mà toàn thể con người của ta.

“Tình yêu nhân bản” mà ta nói tới không phải là lòng mến – ân huệ của Chúa Thánh Thần – mà là cách biểu lộ cuộc sống quan hệ của bản thân chúng ta, gồm tinh thần và thể xác. Nó có thể ít hay nhiều vị kỷ hoặc vị tha, với sức năng động tâm sinh lý của dục vọng. Trong đó, năng lực của tính dục cũng đóng vai trò với những giá trị và nguy hiểm của nó.

Tình yêu nhân bản cũng có rất nhiều cách biểu hiệu tùy theo lứa tuổi và tình trạng sống. Ở lứa tuổi đầu tiên, có việc tăng trưởng thể lý, nó đòi hỏi một sự giáo dục đặc biệt về tình yêu nhân loại, nhất là vào tuổi thiếu niên với hiện tượng dậy thì.

Rồi sau đó, tình yêu được quy hướng theo chiều nhất định, hoặc trong đời hôn nhân hoặc trong đời độc thân ; tuy nhiên, cũng có cả một lối sống phóng túng mở ra cho hạng người phóng đãng, bất bình thường và hưởng thụ.

Tình trạng hôn nhân đưa tình yêu nhân bản vào việc xây dựng gia đình. Tình trạng độc thân dẫn đến chứng tá và phục vụ người khác. Có một khả năng sống độc thân vì những lý do không tôn giáo cho những nhà tư tưởng, khoa học, những con người khai sáng… nhưng cuộc sống độc thân luôn phải là câu chuyện của cõi lòng, chứ không thể là một điều kiện trốn tránh để khỏi mang lấy trách nhiệm của tình yêu.

Ở đây, chúng ta tập trung chú ý vào tình yêu nhân bản sống trong tình trạng độc thân, khi con người vì chọn lựa những giá trị khác, đã không nhắm đến đời sống hôn nhân như lý tưởng sống cho bản thân mình.

Một sự chọn lựa như thế có giá trị chăng? Tin Mừng trả lời cương quyết là có, và đã giới thiệu cho chúng ta Đức Kitô như mẫu mực tuyệt hảo của sự chọn lựa này.

Hôn nhân chắc chắn có một giá trị lớn lao. Chỉ cần đọc những trang khởi đầu của Kinh Thánh và đào sâu chương trình của Thiên Chúa trong việc sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài và như họa ảnh Ngài. Tất cả mọi nền văn hóa đều đặt hôn nhân lên địa vị danh dự. Ta đã thấy trong nền văn hóa Cựu Ước, trước khi có Tin Mừng (…). Trong đó, sự đồng trinh, việc hiếm hoi và sự độc thân quả là vô nghĩa. Đó là cảnh sống vô giá trị, một sự khốn nạn cần phải than khóc và khẩn cầu thần linh giúp đỡ ra khỏi. (Ngay cả chúng ta hôm nay làm cho người ta thấy vẻ đẹp của đồng trinh và độc thân: không phải là  chuyện đơn giản).

Một tình trạng văn hóa như thế có thể giúp ta hiểu Đức Giêsu đã phải trả giá tới mức nào để đề ra trong Tin Mừng của Ngài một sự khiết tịnh tận căn. Khi xác quyết một vai trò đòi hỏi của hôn nhân, các tông đồ nói với Ngài: “Như thế thà đừng cưới vợ, lấy chồng còn hơn”. Ta hãy tưởng tượng khi Chúa bàn đến việc vượt ra khỏi đời sống hôn nhân, thì phản ứng của con người là thế nào! (“Không phải tất cả hiểu được lời này”) (Mt.19,10).

 Quả thực, luật của tạo hóa chính là “hãy sinh sôi nảy nở”. Chúng ta được tạo nên trong chính cơ cấu sống động của chúng ta. Nhưng tổ chức của chúng ta được đan dệt để tự diễn tả trong tình yêu phái tính mà cách diễn tả bình thường và sung mãn cách tích cực chính là đời hôn nhân và gia đình.

Cơ cấu của bản thể chúng ta thiết yếu gồm có 2 giá trị nền tảng của cuộc sống con người: “tình yêu” và “sự sống”! Chúng hiện hữu gắn kết mật thiết với nhau. Tình yêu nhân bản nối kết phái tính và sự sung mãn (sinh con cái) trong một tình bằng hữu suốt cuộc đời. Đó là gia sản nền tảng của nhân loại được cử hành và bảo vệ trong những nền văn hóa khác biệt nhau.

Nếu chúng ta suy nghĩ tới thời của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có thể hiểu cách dễ dàng tại sao sự độc thân bị khinh bỉ, hơn thế nữa, các nhà chú giải nói với chúng ta ngày nay rằng, giữa những lời nhục mạ Đức Giêsu Kitô, có lời tố cáo là “hoạn nhân”. Chúng ta biết Ngài đã trả lời cho những tấn công và những lời chế giễu chống lại sự độc thân của Ngài thế nào: “Có những người là hoạn nhân bởi sinh ra, kẻ khác bởi người ta đã làm cho ra như thế, kẻ khác nữa để phục vụ Nước Trời cách tốt hơn. Ai hiểu, hãy cố gắng mà hiểu” (Mt.19,12).

Đối với một nền văn hóa xa lạ với Tin Mừng, việc hiểu những giá trị của độc thân không phải là chuyện dễ, và nếu một nền văn hóa thuộc loại ấy lại gắn liền với khoa học nhân bản phát xuất từ cuộc xét nghiệm cơ cấu, sinh lý và các khuynh hướng thuộc về cả thể xác lẫn tinh thần trong một bầu khí, trong đó, không quan tâm tới những giá trị siêu việt của tinh thần và của Kitô giáo, thì khi ấy, những khó khăn sẽ tăng lên rất nhiều. Hãy để một nữ tu tới một nhà phân tâm học, đến từ một trường hợp như thế để giải thoát khỏi một vài nỗi chán nản, và ta sẽ thấy chị sẽ nhận được những lời khuyên gì?

  1. Theo Đức Kitô trinh khiết.

Độc thân vì Nước Trời là một tình trạng mà thế gian không thể hiểu được. Đức Giêsu đã đưa vào lịch sử một sự mới mẻ lớn lao, và sự độc thân của Ngài là mẫu mực duy nhất cho đức khiết tịnh tận căn vì Nước Trời. Dĩ nhiên là tự nó, sự độc thân tự nhiên là điều có thể. Tuy nhiên, cần phải xem xét cụ thể từng trường hợp một.

Chúng ta nói cách riêng tới việc độc thân vì Tin Mừng được nâng đỡ bởi tinh thần của Chúa. Đối với một nhân loại cắt nghĩa những giá trị của “tình yêu” và “sự sống” theo một bình diện tự nhiên nhất định, Đức Giêsu Kitô đã cho khả năng cắt nghĩa từ một nhãn quan siêu việt. Chúng ta cần có việc nhập thể của Chúa mới có thể hiểu việc độc thân vì Nước Trời là một điều có thể và phải thực hiện được.

Đây quả là một bước nhảy vọt xét về phẩm chất. Chúng ta thấy điều ấy nơi Đức Giêsu độc thân.  Bản tính nhân loại của Ngài, những năng động lực thể xác và tinh thần, phái tính, đời sống, tình yêu nhân bản của Ngài, tất cả kiến tạo Ngài nên một con người như chúng ta, anh em của chúng ta, liên đới với toàn thể chủng tộc của Ngài trong tất cả bản năng và dục vọng, đồng thời thâm nhập cách sâu xa và tận nền tảng bởi việc là Con Đức Chúa Cha tự bản tính. Giêsu là Con của Cha, hoàn toàn là con, con theo nghĩa mạnh nhất. Đây là tất cả tính cách độc đáo phi thường của Ngài.

Tình yêu nhân loại của Đức Kitô được tràn đầy, được hướng dẫn và kích thích bởi tính chất đặc biệt của điều kiện làm con rất cá biệt trong tất cả sự tràn đầy và vẹn toàn của Ngài. Ngài có một trái tim nhân loại không chia sẻ, hoàn toàn hướng về Cha và hoàn toàn đầy tràn Cha, trong tình yêu nhân loại của Ngài, chuyển lưu năng lực lòng mến tới mức trong sáng tột độ. Năng lực bên trong của lòng mến, như chúng ta đã thấy, có hai đối tượng; chuyển động giữa hai cực lôi kéo rất nhanh và rất bền bỉ theo luật là tình yêu đồng loại lệ thuộc vào tình yêu Thiên Chúa. Hơn thế nữa, đức trinh khiết của Đức Kitô cho thấy là tình yêu nhân loại của Ngài được nâng lên hàng đức ái, thì hoàn toàn quy hướng về Cha, và vì lý do đó, Ngài trở thành người cho những người khác, người anh cả giữa đàn em đông đảo mà Ngài tận hiến thân mình; và thứ tình yêu này của Ngài không phải là sự đáp trả cho một sự thu hút tự nhiên, nhưng là một ơn huệ nhưng không của Ngài cho các em thiếu thốn.

Chỉ như thế, ta mới hiểu được làm sao Ngài có thể công bố một sứ điệp táo bạo về tính dục. Ngài không từ chối tính dục nhưng diễn tả nó trên một bước nhảy vọt xét về phẩm chất, với một tình yêu nhân loại được nâng lên cao bởi lòng mến: một sự thăng hoa mà mọi người đều có thể thực hiện được, qua sức mạnh của sự sống lại. Trong khi sai Thánh Thần xuống, Ngài đã tạo nên những người nam nữ có khả năng chứng tỏ một cách diễn tả phái tính trong tình yêu hoàn toàn mới mẻ.

Chắc chắn Đức Kitô đã không đòi hỏi tất cả mọi người phải là những người độc thân. Trước hết Ngài đã rũ sạch chân lý tình yêu nhân loại trong hôn nhân khỏi biết bao nhiêu bụi bặm của muôn thế kỷ. Ngài đã thiết định lại hôn nhân theo chương trình chân thực của tạo thành. Không những thế, Ngài đã muốn nâng hôn nhân lên thành “bí tích của Giao Ước” mới. Ngài đã mạc khải phẩm chất đáng quý của nó khi dùng nó để nên cách biểu lộ sâu xa hơn và đặc sắc hơn chính mầu nhiệm về nhập thể và về những mối tương quan giữa Ngài và Hội Thánh: một bí tích lớn lao.

Còn đời độc thân, Ngài đã không biến nó thành bí tích, nhưng Ngài đã biến nó thành dấu chứng của một đời sống chuyên biệt và của sự thánh thiện của Hội Thánh – một cách biểu lộ khá đặc sắc và sinh động của tính cách bí tích toàn diện của Dân Chúa là “Thân mình Đức Kitô”.

Cần phải kết hợp sự quý trọng và đề cao hôn nhân lẫn độc thân. Đây không phải là hai sự lựa chọn đối nghịch lại nhau: một cái tốt và một cái xấu. Ngược lại cả hai sự lựa chọn này trong Hội Thánh bổ sung cho nhau và soi sáng cho nhau. Chúng ta hãy nghĩ tới, chẳng hạn, việc thánh hiến tu sĩ của chúng ta và đời hôn nhân của ba má chúng ta.

Sự đồng trinh và độc thân mà chúng ta tuyên hứa, bao gồm một phần sự quý chuộng, đề cao, niềm cảm phục của chúng ta đối với hôn nhân, và đàng khác, sự đặc ái của ta đối với đức khiết tịnh tận căn vì Nước Trời.

Đâu là những giá trị ưu tuyển của độc thân? Chúng ta hãy nhớ lại 3 nhãn quan của lời khấn tu sĩ, những giá trị này xoay quanh địa vị tối thượng của mầu nhiệm Thiên Chúa, việc ta dấn mình tận căn vào sứ mệnh của Hội Thánh, và sự đóng góp có tính cách xã hội để tìm lại tình yêu nhân loại bị dày đạp trong xã hội. Những giá trị này được chứa trong “một con tim không chia sẻ” như Công Đồng nói.

Lumen Gentium nói với chúng ta về ơn gọi phổ quát tới sự thánh thiện và quả quyết rằng, lòng mến là dây ràng buộc sự trọn lành, nó đưa chúng ta ngập chìm trong chính mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là tình yêu và lòng mến cho chúng ta tham dự vào tình yêu này với cách thức (“với con đường và những phương tiện”) đặc biệt quý báu. Cách thức thứ nhất là tử đạo: “Bởi thế việc tử đạo – theo lời của Hiến chế về Hội Thánh – qua đó, người môn đệ nên giống Thầy mình, Đấng đã tự ý chấp nhận sự chết để cứu thế gian, và nên giống Ngài trong việc đổ máu, được Giáo Hội coi như ơn ngoại thường và dấu chứng tuyệt vời của đức mến. Nếu ơn này được ban cho ít người, thì mọi người vẫn phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt loài người, và theo Ngài trên con đường thánh giá trong các cuộc bách hại, không bao giờ thiếu ở trong Hội Thánh” (LG 42).

Trong tài liệu Công Đồng, sau khi nhấn mạnh tới con đường tuyệt vời của tử đạo, thì nói ngay tới ơn đồng trinh và độc thân. Chúng ta đọc thấy: “Sự thánh thiện của Hội Thánh được hỗ trợ bởi nhiều lời khuyên Chúa đã đưa ra trong Tin Mừng cho các môn đệ nắm giữ. Giữa những lời khuyên ấy, nổi bật ơn huệ quý báu này đến từ ân sủng Thiên Chúa, được Cha ban cho một vài người, là hiến mình cho Thiên Chúa cách dễ dàng hơn và với trái tim không chia sẻ trong sự thanh khiết hay bậc độc thân. Sự khiết tịnh hoàn toàn vì Nước Trời này luôn luôn được đề cao cách đặc biệt trong Hội Thánh, như dấu chỉ và như sự kích thích của đức ái và như nguồn đặc biệt của sự sung mãn thiêng liêng trong thế gian” (LG 42).

Xa hơn nữa, khi nói về các tu sĩ và bản chất của đời sống họ, Công Đồng nhắc tới lời khấn, nhấn mạnh tới nét đặc sắc phải được biểu lộ rõ ràng qua chứng tá cuộc sống: “Người tu sĩ hiến toàn thân cho Chúa, Đấng được yêu mến tuyệt vời, để với danh hiệu mới và đặc biệt được dành cho việc phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa” (LG 44). Đó là sự miêu tả tính cách tận căn của việc chúng ta bước theo Chúa Kitô. Giờ đây, lời khấn khiết tịnh biểu lộ trong hình thức minh nhiên và dễ hiểu nhất, việc hiến dâng toàn diện bản thân mình cho Thiên Chúa.

Trong xã hội hiện tại thấm nhiễm bởi chủ nghĩa khoái lạc, nơi tình yêu từ nay bị hoen ố và biến thể, nét đặc sắc của Tin Mừng của người tu sĩ dễ nhận thấy nhất là lời khấn khiết tịnh. Cả những lời khấn khác cùng là những dấu hiệu đọc ra được của Tin Mừng, nhưng lời khấn này có một khả năng truyền đạt ý nghĩa cách đặc biệt. Sự khó nghèo của chúng ta và việc phục vụ những người nghèo khó của chúng ta tìm thấy nhiều cách cắt nghĩa khác giữa con người. Cũng chẳng mấy người nhận ra sự vâng phục của chúng ta, nhưng tất cả đều ngạc nhiên vì sự khiết tịnh của chúng ta và dò xét nó với con mắt khắt khe và hầu như không thể tin nổi.

Số Lumen Gentium trích dẫn ở trên còn quả quyết rằng, với lời khấn các lời khuyên Phúc Âm, người tu sĩ muốn giải phóng mình khỏi những ngăn trở có thể làm mất nơi họ lòng nhiệt tình của Đức mến, và điều ấy có thể áp dụng cách đặc biệt cho đức khiết tịnh. Một trái tim không chia sẻ cho ta khả năng trực tiếp hơn, mãnh liệt hơn, bền bỉ hơn, tận hiến cho Thiên Chúa trong sự hiệp thông của Hội Thánh vì việc phục vụ đồng loại.

Đức Kitô đồng trinh quả là mẫu mực tuyệt vời cho đức khiết tịnh tận căn của chúng ta. Nhưng không thể bỏ qua việc nhắc nhở ở đây, cách trực tiếp, đến Mẹ Ngài, Đức Maria vô nhiễm và khiết trinh. Đến độ trong những môi trường Kitô giáo, nói tới Đức Nữ Trinh, có nghĩa là nói tới Đức Maria, mẹ Đức Giêsu. Nơi Mẹ, chúng ta có thể nhận thức được sự tràn đầy Tin Mừng của đức khiết tịnh đến từ sáng kiến đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Đấng khơi mào nơi họ thời buổi mới.

Tại sao Đức Maria vô nhiễm đồng trinh? Chính bởi vì Mẹ phải là Mẹ Thiên Chúa: chính mầu nhiệm Đức Kitô soi sáng tất cả sự trong sạch và khiết tịnh của Mẹ. Chúng ta nhận thấy Mẹ thực hiện ở một mức độ mãnh liệt hơn tất cả những người khác, điều thánh Phaolo quả quyết: “thân thể chúng ta là đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần!”.

Đúng, nếu có một người mà thân thể có thể được định nghĩa là đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần theo nghĩa tròn đầy, người đó chính là Đức Maria. Không những vì Mẹ vô nhiễm nguyên tội, mà còn bởi vì Mẹ đồng trinh với một hình thức làm Mẹ đặc biệt, vì đã cho thế gian Con Một của Thiên Chúa Cha, Đấng cứu độ nhân loại.

Đức khiết tịnh Phúc Âm được chứa trong những cảnh trí hoàn toàn mới mẻ và có một khả năng mến thương và sung mãn tuyệt mức. Sự độc thân của chúng ta không phải là khô cằn hay là sự bất thụ bạc nhược do biết bao nền văn hóa xa lạ với Tin Mừng tạo nên, càng không phải là sự ích kỷ hưởng lạc của các nền văn hóa duy vật hiện đại. Trái lại, đó chính là sự tràn đầy của tình yêu, của hiện thân và của phục vụ, của tình phụ tử và mẫu tử nhằm đạt đến hoa quả của lòng dạ mà nhân loại hằng ước ao kể từ nguyên tội: việc sinh ra Đấng Mesia Cứu Chúa. Sự khiết trinh của Đức Maria và sự độc thân của Đức Kitô mang theo sự sung mãn rộng lớn nhất cho các thế hệ tương lai, hầu tạo nên hạnh phúc cho con người.

  1. Một nghị lực thúc đẩy lớn lao.

Trong tinh thần Sa-lê-diêng, đức khiết tịnh Phúc Âm được sống tận căn cùng với vâng lời và khó nghèo, tạo thành một “sức mạnh từ phía sau”, một “nghị lực thúc đẩy”, một “sức mạnh từ bên trong”, tự chuyển động sang, triển khai và thực hiện trong lãnh vực 5 viên ngọc phía trước tạo nên diện mạo Sa-lê-diêng. Thực ra, đức khiết tịnh Phúc Âm được sống trong tin, cậy, mến, trong lao động và tiết độ: chính nó bảo vệ sự toàn diện giá trị và vẻ rực sáng vững bền của nhân đức trên.

Mỗi một viên ngọc ở phía sau tấm áo hoàn toàn hướng về 5 viên ngọc phía trước, bởi vì một đàng, nó được thấm nhuần bởi tin, cậy, mến, làm việc và tiết độ, và đàng khác, nó bảo vệ cách thích đáng cho các viên ngọc phía trước này.

Trong mối qui hướng trên, ta đã nói vài nét về đức vâng lời, về khó nghèo ta đã nhấn mạnh rõ qua tới mối liên quan với làm việc và tiết độ (…). Giờ đây, ta nói về viên ngọc khiết tịnh.

Nó đáp ứng với 5 nhân đức kia thế nào?

– Đối với Đức tin, nó là cách diễn tả tròn đầy cuộc sống làm con.

– Đối với Đức cậy, nó nói lên sự lựa chọn những giá trị Nước Trời.

– Đối với Đức mến, nó là trái tim không chia sẻ, nhấn mạnh tới năng lực nội tại và phát xuất từ Thiên Chúa của lòng mến.

– Đối với Làm việc: nó là sự ra khỏi chính mình, trong sự say mê hoạt động vì anh em.

– Đối với Tiết độ: nó gìn giữ bản thân trong sự quân bình lành mạnh để tất cả nhằm phục vụ một tình yêu chân thật.

Ta phải sống những giá trị của 5 viên ngọc phía trước với nghị lực thúc đẩy của hệ thống các viên ngọc phía sau. Các giá trị của 5 viên ngọc phía sau chỉ tỏ lộ rõ ràng trong Đức tin, cậy, mến, làm việc mục vụ và tiết độ Sa-lê-diêng.

Như thế, sự hòa hợp và sự chuyển thông giá trị giữa các viên ngọc giúp đem vào trong từng viên ngọc và cả 10 viên ngọc nét chuyên biệt Sa-lê-diêng.

  1. Hoàn cảnh khác biệt văn hóa hiện tại.

Ngày nay, ít nhất có 3 khía cạnh văn hóa chạm tới lời khấn khiết tịnh. Chúng ta phải biết cắt nghĩa chúng: tính dục, thăng tiến phụ nữ, bước chuyển biến về tình trạng gia đình.

* Yếu tố thứ nhất là sự hiểu biết sâu xa hơn và một sự đánh giá mới về các giá trị của tính dục. Đã có một tiến bộ rất to lớn về các khoa học nhân bản trong lãnh vực này. Đã xuất hiện không ít những yếu tố tiêu cực, lạc hướng, quá đáng, những cách cắt nghĩa theo kiểu duy vật ảnh hưởng của Freud. Tuy nhiên, phải nói tới nhất là sự khám phá ra một đại lục mới quan trọng. Điều ấy phải được chấp nhận và đánh giá nhằm duyệt lại nhiều điều.

Tính dục là cấu trúc quan trọng của nhân vị, phái tính của chúng ta thầm nhuần tất cả thực tại của chúng ta, can dự vào tất cả những nhân đức của chúng ta và tạo nên một cung giọng cho lối sống tận hiến của chúng ta. Là một ơn huệ của Thiên Chúa mà ta phải biết tới, cảm phục, hướng dẫn và sử dụng, cám ơn Thiên Chúa đã ban ơn huệ ấy cho chúng ta.

* Yếu tố thứ hai chạm tới lời khấn này là việc thăng tiến phụ nữ. Ngày nay tiến trình này có lẽ là một trong những tiến trình tạo nên nhiều nỗ lực tìm kiếm canh tân và gợi dậy nhiều vấn đề có khi cực tế nhị và rất nguy hiểm. Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này với Đức Tổng Giám Mục vào dịp kỷ niệm 100 năm Mẹ Thánh Mazzarello. Chúng tôi điểm tâm cùng nhau tại nhà Con Đức Mẹ Phù Hộ tại Torino. Trong bàn ăn, Đức Hồng Y Ballestro nói là nền văn hóa hiện đại đã hoàn toàn tục hóa người phụ nữ, và ngày nay, việc mục vụ giới trẻ giữa thanh thiếu nữ còn khó hơn cả giữa thanh thiếu niên. Rồi ngài đưa ra những ví dụ rút ra từ thời gian lịch sử cuối cùng này, từ sau thế chiến đến nay, ít nhất là trong phạm vi các nước Châu Âu.

Bởi thế, cần phải xét đến phong trào đột phát về thăng tiến phụ nữ, kể cả việc trần tục hóa người phụ nữ. Trong khi suy nghĩ về những đề nghị cho giới nữ, ta thấy ngay những hậu quả kinh khủng không những cho phụ nữ, mà còn cho tất cả mọi xã hội.

* Yếu tố thứ ba là việc chuyển biến xã hội về hôn nhân và gia đình. Người ta không chấp nhận hôn nhân lệ thuộc vào một chương trình của Thiên Chúa nữa. Cho nên có thể tùy nghi sắp xếp nó theo “gu” của mình. Ta có thể nghĩ tới những đạo luật mới đây – ngay cả tại các nước Kitô giáo từ bao thế kỷ – về ly dị và phá thai. Chúng tấn công hai giá trị nền tảng mà theo chương trình của Thiên Chúa, phải phục vụ cho hôn nhân và gia đình: đó là tình yêu và sự sống.

Thượng Hội Đồng các Đức Giám Mục mới đây (…) đã bàn tới vấn đề tế nhị và phức tạp cộng thêm một số nhận xét quan trọng chạm tới việc thánh hiến tu trì.

Một Giám Mục Bỉ, với một bài tham luận rất sâu xa, đã nhận xét là cơn khủng hoảng hiện tại là một trong những cơn khủng hoảng nguy hiểm nhất; nó đến từ “cái chết của người cha”. Người ta không còn nhìn nhận Thiên Chúa là Cha nữa, những tác nhân của lịch sử và những ông chủ của trái đất là chính chúng ta, và chúng ta tất cả đều bình đẳng. Từ đấy phát sinh ra tất cả một quan niệm mới về đời sống nhân loại và biết bao cái nguy hại. Cái “chết của người cha” đặc biệt đã biến tình yêu nhân bản nên xấu xa, và khiến người ta sợ sự sống. Nó đã gây thương tích cho hai giá trị nhân bản lớn lao là tình yêu và sự sống. Các gia đình không còn có con cái nữa. Người ta thích chọn cuộc sống chung thuận lợi để phục vụ sự thỏa mãn cá nhân, không còn lòng quảng đại đối với đời sống hay còn ý thức đúng đắn về tình yêu; có sự ích kỷ cá nhân và đôi lúc làm hư hoại tình yêu nhân bản, bởi cách nghĩ nó tuyệt đối tách biệt khỏi sự hy sinh, không còn chỗ giá trị dành cho đau đớn: người ta không hiểu vì sao và vì ai mà phải chịu đau đớn nữa.

 Trong quan điểm này, gia đình, hôn nhân, khiết tịnh không có chỗ đứng, và người ta có cao vọng đưa ra những biện minh cho quan điểm ấy trên phươn g diện khoa học.

Cho phép tôi đọc một đoạn tham luận rất hay của một Giám Mục Chile, Đức Cha Phanxico Huneens Koe. Tôi nhắc đến tên ngài, vì mới đây Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm ngài làm Bí Thư của cơ quan gia đình tại Vaticano.

 “Con người hôm nay – vị Giám Mục nói – sống khắc khoải với biết bao khối lượng vấn đề. Vấn đề gia đình là một trong biết bao vấn đề khác. Nếu Hội Thánh tin rằng cần giành cho vấn đề đó một Thượng Hội Đồng riêng biệt, là bởi vì gia đình một môi trường đặc tuyển để khởi từ đó đối diện với các vấn đề toàn diện của thế giới hiện đại.

Chúng ta ở đây trong Thượng Hội Đồng muốn suy nghĩ về gia đình không phải thông ban cho con người một vài chân lý về những khía cạnh lẻ tẻ của nó, mà để soi sáng ý nghĩ mới của thực tại gia đình với ánh sáng của Thiên Chúa – là gia đình – Cha, Con và Thánh Thần, Đấng đã tạo dựng ta theo hình ảnh của Ngài và đã sai Con Một Ngài xuống trần để biến chúng ta thành gia đình của Thiên Chúa, gia đình gồm những người con và anh chị em, nhờ giá máu Ngài.

Gia đình là điểm tựa chúng ta cần tới để đẩy thế gian lại cùng Thiên Chúa, và mang lại cho thế gian niềm hy vọng. Gia đình bé nhỏ, nhưng có trong mình một năng lực lớn hơn cả năng lực của nguyên tử. Từ điểm bé khiêm cung của hàng triệu gia đình, Hội Thánh  có thể tung ra sức mạnh của tình yêu đủ để làm cho chính mình nên bí tích của sự duy nhất của Thiên Chúa giữa con người”.

Lời tham luận này khiến tôi suy nghĩ biết bao nhiêu điều. Hai vấn đề tôi cho là quan trọng là thế này: đức khiết tịnh của chúng ta phải hướng tới phục vụ gia đình trên bình diện tông đồ. Thứ đến, tình yêu nhân bản của người độc thân, ít nhất nơi người Sa-lê-diêng, phải triển nở thành một tinh thần gia đình chân chính. Như thế, gia đình phải trở thành một điểm để đối chiếu cho tình yêu mà ta đang sống và đức khiết tịnh. Bên trong cái cộng đoàn chúng ta, phải cảm thấy sức ấm áp của một sự hiệp thông là biểu hiện của một tình yêu nhân bản lành mạnh và cụ thể, được hoàn thiện bởi Đức mến. Đó là một thước đo rất hay để đo lường xem đức khiết tịnh của chúng ta có chạy điều hòa không.

Hơn nữa, chúng ta phải liên hệ với gia đình thực sự để suy nghĩ lại về hoạt động của công việc mục vụ chúng ta. Không thể có mục vụ giới trẻ mà thiếu viễn ảnh về gia đình. Khốn nỗi, nhiều khi ta vẫn phải làm việc mục vụ khi không thể nghĩ tới yếu tố đóng góp của gia đình, vì trên thực tế, gia đình không hiện hữu. Tuy nhiên, ta vẫn phải làm việc để có bầu khí gia đình. Nơi nào không có khung cảnh gia đình, ta phải thay thế cho nó bằng một môi trường Sa-lê-diêng thật sự. Khẩn thiết là ta phải đào tạo giới trẻ cho tình yêu và cho sự sống, để ngăn ngừa tác động thảm hại có việc tan vỡ gia đình trong tương lai.

Việc nại tới gia đình khiến ta ý thức rằng, khi giáo dục, ta là những cộng sự viên, không phải là ông chủ: những người có trách nhiệm chính là bậc cha mẹ. Có khi họ không biết, ta phải cắt nghĩa điều đó cho họ. Nhưng chúng ta phải suy nghĩ lại tất cả việc mục vụ giới trẻ trong nhãn quan rất đòi hỏi của gia đình này.

  1. Bản năng giới tính, một ơn huệ.

Thượng Hội Đồng nói nhiều tới bản năng giới tính, không phải để kết án các sai lầm ngày nay, mà để trình bày tính dục như một trong những ơn huệ lớn mà Thiên Chúa đã  ban cho con người. Hội Thánh rất quý trọng tính dục và ước ao đào sâu giá trị. Hội Thánh muốn ta suy nghĩ tới tầm quan trọng tế nhị của nó trong việc đào luyện các thanh thiếu niên, các tu sĩ, linh mục; cùng nhấn mạnh tới nhu cầu của một “nền giáo dục phái tính” xứng hợp. Bởi đó, chúng ta phải luôn có trước mắt trách nhiệm này.

Riêng về các phụ nữ, Đức Cha Phanxico Huneens phát biểu:

“Đề tài về người phụ nữ chạm tới căn rễ của nền văn hóa hiện đại. Những nhà tư tưởng quan trọng đã miêu tả nền văn minh khoa học kỹ thuật của chúng ta như là một nền văn minh chỉ theo chiều hướng nam giới, thứ tôn thờ sự hữu hiệu là một thứ méo mó có tính cách phái nam. Một câu ngạn ngữ có nói là con người thiết lập một căn nhà và người phụ nữ biến nó thành tổ ấm. Nhưng nền văn minh của chúng ta lại khác. Phong trào phụ nữ tiếp tục nói về chuyện nam nữ bình đẳng, biến người nữ thành người thợ, đặt người nữ trong công xưởng, trong quân đội. Như thế, người ta lấy đàn ông làm lý tưởng, theo cách thức mà người ta trình bày trong nền văn hóa hiện đại, thật là một nền văn hóa sai lầm.

Có lẽ chúng ta không nghĩ là khi bàn về đức khiết tịnh sẽ đưa chúng ta tới những đề tài này và hướng dẫn cách thực tiễn hoạt động tông đồ của chúng ta tới việc đào luyện tình yêu nhân bản cách có suy nghĩ, nhất là để tâm tới việc sửa soạn thanh thiếu niên, ghi vào lòng chúng và trong trí chúng ý tưởng rõ rệt về người mà hôm nay phải là trong xã hội, đâu là danh giá, sự vĩ đại, sứ mệnh xã hội, việc phục vụ tình yêu cùng sự sống của họ. Cần phải thuyết phục họ có một bản lãnh và một khả năng phê bình sắc bén đối với một loại văn minh hay văn hóa nam hóa, dù là được trình bày dưới nhãn hiệu phong trào phụ nữ.

Chúng ta nói rằng những giá trị của tình yêu và của sự sống là nền tảng trong cuộc sống mới. Đúng! Nhưng khổ thay, một vài ý thức hệ hiện đại lại đang làm hư hoại chúng, và sự hư hoại các giá trị này được nhận thấy đặc biệt nơi người phụ nữ. Đối với tình yêu: sự khiêu dâm đã biến nó thành đối tượng thâm độc của khoái lạc và ích kỷ. Đối với đời sống: việc hạn chế sinh sản và phá thai đã biến lòng người phụ nữ – như có người đã nói – không còn là cánh đồng cỏ mùa xuân mà là mồ chôn của nghĩa địa. Chúng ta thấy những sự đồi bại được giới thiệu cách công khai như những biểu hiện của tiến bộ và công bình! Thay vì rao giảng chống lại những sai lạc này, chúng ta cần phải đào luyện người phụ nữ cho xã hội tương lai với những giá trị chân chính của tình yêu và sự sống.

Chúng ta phải xác tín về tầm quan trọng xã hội của đức khiết tịnh tông đồ của chúng ta. Chúng ta không chiến thắng những sai lạc của nền văn hóa hiện đại với những lời nguyền rủa. Don Bosco đã tránh hình thức phô trương này, ngài không phải là diễn đàn rảo khắp công viên để la lớn! Cha chúng ta là một con người thực tiễn, trong khi nhận thấy một vài điều gì không được, ngài cố gắng tìm một giải pháp cụ thể và đào luyện giới trẻ cho một xã hội mới. Chúng ta phải biết bắt chước ngài và hiến mình phục vụ việc giáo dục một tình yêu nhân bản, một bản lĩnh giới tính, một sự sửa soạn hôn nhân, một đời sống gia đình bằng khả năng thành thạo và nhiệt tình của mình.

  1. Đức khiết tịnh và hôn nhân.

Những mối tương quan giữa hôn nhân và độc thân – đồng trinh thật mật thiết. Khi đời sống gia đình không tốt đẹp, thì những ơn gọi tới đời độc thân vì Nước Trời cũng giảm, và khi những người thánh hiến cho Chúa đông đảo, thì cũng có ảnh hưởng tốt đẹp tới đời sống gia đình. Bông hoa đẹp nhất của một gia đình Kitô giáo là ơn gọi tới đời độc thân và hành động lớn lao nhất của người độc thân là giúp gia đình sống đời Kitô hữu. Chúng ta cảm nghiệm được điều đó trong kinh nghiệm sống của chúng ta, khi nghĩ tới gia đình của chúng ta và ơn gọi của chúng ta.

Đức khiết tịnh của chúng ta phải quan tâm tới việc lo phục vụ xã hội, trong lúc chuyển tiếp văn hóa rất tế nhị và rất phức tạp đặc biệt cho chúng ta này:

Có một giờ phút trong lịch sử mà chúng ta có thể gọi là giờ phút của người phụ nữ, và giờ phút ấy, có thể may mắn, có thể nguy hại.

Đức Hồng Y Ratzinger, điều hành viên của Thượng Hội Đồng, trong một tham luận quan trọng về đức khiết tịnh trong một xã hội nhân loại, đã nói:

“Nơi nào đức khiết tịnh là điều có thể, như một hình thức sống, ở đấy ta nhận thấy một cách rực sáng giá trị vô cùng của con người không duy nhất trong nhiệm vụ cao vời của việc chuyển thông sự sống: hôn nhân, đặc biệt qua sự kiện tuyệt vời của họ như là một nhân vị. (Ở đây người độc thân vì Nước Trời làm chứng cho tới những hậu quả cuối cùng phẩm giá của nhân vị!). Đàng khác, sống trog cuộc sống độc thân, con người được gọi để có một mối quan hệ đặc biệt đối với cộng thể, trong đó con người đạt tới cho mình một sự tự do mới, một sự tự do qua đó cuộc sống của họ không chỉ cho mình và cho anh em của mình, mà còn cho biết bao nhiêu người khác đến từ các gia đình khác nhau. Cùng với những người này, họ tạo nên một sự hiệp thông sâu xa mà ta gọi cách chính đáng là “gia đình của Thiên Chúa”.

Chúng ta giữ mình khiết tịnh vì người khác, không nhắm nhiều tới việc bảo đảm cho chính bản thân chúng ta, mà nhất là vì Nước Trời, phục vụ sự cứu độ của mọi người. Chúng ta chú trọng đến sự cứu độ, của những người khác, nhất là của giới trẻ, và chúng ta dùng tất cả mọi phương tiện, mà chính Đức Giêsu đã dùng để vượt thắng sự dữ. Chúng ta muốn có thể tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng “đã yêu mến thế gian đến độ sai Con của mình xuống để cứu rỗi thế gian”. Chúng ta mến yêu các anh em của chúng ta, giới trẻ, và chúng ta khấn vâng lời, khó nghèo, đặc biệt là khiết tịnh, và chúng ta sống trong đời độc thân để sống cho Thiên Chúa và cho họ.

  1. Tầm quan trọng của đức khiết tịnh trong tinh thần Sa-lê-diêng.

Sắc lệnh “Đức ái hoàn hảo” (Perfectae Caritatis) nói về đức khiết tịnh tu trì như sau: “Đức khiết tịnh khiến lòng con người đặc biệt được tự do, để tăng thêm lòng mến cho Thiên Chúa và cho mọi người, và bởi thế, nó là dấu chỉ đặc biệt về những của trên trời, cũng như là phương thế rất thích hợp giúp cho người tu sĩ có thể quảng đại lo việc phục vụ Thiên Chúa và các công việc tông đồ” (PC 12). Trước đó sắc lệnh đã nhấn mạnh: “Việc tuân giữ đức khiết tịnh hoàn toàn chạm tới những khuynh hướng sâu xa nhất của bản tính nhân loại” (PC 12). Một lời xác quyết như thế cho chúng ta nghĩ rằng, khả năng sống một cách chân thực một đức khiết tịnh chạm tới những nghị lực sâu xa nhất của bản thể chúng ta chỉ có thể đến với chúng ta nhờ ân sủng của sự sống lại của Đức Kitô. Chính sức mạnh của đời sống mới của Đức Kitô phục sinh, là việc cư ngụ của Chúa Thánh Thần, mới mặc cho sự yếu của chúng ta một nghị lực siêu nhiên.

Nhận thức này đưa chúng ta tới những ý nghĩ khiêm cung và hy vọng, ít tin tưởng vào khuynh hướng và sở thích của chúng ta, và xác tín rằng trong ta có những điều kiện cần thiết để thành công.

Bởi thế, sống khiết tịnh là một cái gì chạm tới khuynh hướng rất sâu xa của chúng ta, ta phải coi đó như là bổn phận hàng ngày, chứ không chỉ giành sự tỉnh thức cho những năm đào luyện mà thôi. Tất cả mọi lứa tuổi có những cơn khủng hoảng của nó trong lãnh vực tình yêu nhân bản. Chúng ta phải đào sâu mãi, phải biết phân biệt và chiến đấu. Chắc chắn đó là một cuộc chiến đấu đòi hỏi từ bỏ và hãm mình.

Tuy nhiên, chúng ta không cần thiết phải khiếp sợ trước những gì chúng ta cảm thấy; một số phản ứng bộc phát không tạo nên sự khiếm khuyết nhân đức, nhưng chỉ là sự nhận thức về chính thực tế của ta. Nếu đôi khi “cái tình cảm này” đi hơi xa, ta cần phải cân nhắc lại, và nếu cần, ăn năn. Nhưng không coi đó là một màn bi kịch. Nhiều lần chúng ta đã nói là đừng nghĩ sự thánh thiện hệ tại việc không có khiếm khuyết. Không, không! Chúng ta làm mọi sự với những khiếm khuyết. Sự thánh thiện của chúng ta đo lường bằng mức độ của tình yêu của lòng mến (siêu nhiên). Chúng ta luôn sống giữa những khiếm khuyết, quan trọng đừng bằng lòng với chúng. Bởi thế không lạ gì trong lãnh vực của đức khiết tịnh lại trổi dậy những thử thách và có những khiếm khuyết; tôi nghĩ là kỳ cục nếu không có. Chúng ta đừng sợ hãi! Sự thất vọng – chán nản và sự mong hoàn hảo như thiên thần có lẽ là hai lỗi lầm nghiêm trọng trong vấn đề này.

Đức khiết tịnh – như chúng ta đã nói – biểu lộ một cách đặc biệt rõ ràng và mọi người hôm nay thấy được sự thánh hiến đặc biệt của đời sống tu sĩ. Có lẽ đây là chứng tá khiến giới trẻ suy nghĩ nhiều nhất.

Đối với chúng ta, những người Sa-lê-diêng, khiết tịnh gắn kết rất mật thiết với đặc điểm của lòng tốt, nghĩa là “không đủ để yêu mến, mà phải làm cho mình được mến thương”. Có vẻ đây là nghịch lý: Đức trong sạch Sa-lê-diêng có tham vọng tạo nên trong ta một tính dễ mến cao hơn. Chúng ta phải làm cho mình được yêu mến. Đức khiết tịnh của chúng ta tìm kiếm điều ấy bằng cả sức lực của mình.

Tình yêu mà chúng ta muốn khơi dậy chung quanh chúng ta chính là tình yêu nhân bản, làm bằng tình cảm, thiện cảm, tâm sự, chung sống, cộng tác, tình bằng hữu. Chúng ta cố gắng tạo nên một môi trường sự sống, trong đó lối cư xử chính là lòng mến thương cảm thấy được, “tinh thần gia đình”. Một khung cảnh sống làm bằng tín nhiệm đơn sơ, vui tươi, hiệp thông: tất cả giá trị ấy đan dệt với nhau bằng những tình cảm sâu xa và chân thật.

Không thể khinh bỉ tình cảm. Chủ nghĩa đa cảm mới là điều phải tránh. Don Bosco nói: “giáo dục là câu chuyện của cõi lòng” (MB 16,447). Sự khiết tịnh của chúng ta không biến chúng ta “nên khô cằn, thô bạo”, nhưng là để “có con tim”; dĩ nhiên, là có con tim dễ mến như con tim của Cha chúng ta. Alberto Caviglia thường quả quyết: “Ai không có cõi lòng không là Sa-lê-diêng” (…)

Đức khiết tịnh Sa-lê-diêng của chúng ta đặc biệt được chất vấn bởi điều ta có thể gọi là vấn đề trung tâm của tuổi thiếu niên: lớn lên cách ngay thẳng trong tình yêu nhân bản trong khi ý thức về bản chất phái tính của mình. Hiện tượng đặc biệt của tuổi thiếu niên là tuổi dậy thì, một thứ bừng tỉnh của toàn bộ cơ thể. Đây là một tuổi quý báu để hướng dẫn tình yêu nhân bản và cung cấp một lợi điểm là người thiếu niên có thể được hướng dẫn cách tốt đẹp. Don Bosco nói: “Cho tôi một thiếu niên, và tôi sẽ làm cho nó trở nên người lương thiện”. Ngài đã viết nên phương pháp Dự Phòng, lấy tình yêu thương đậm đà làm cốt yếu để giáo dục các trẻ em nghèo và bị bỏ rơi. Dù có những khuyết điểm và những nguy hiểm nghiêm trọng, ngài xác tín rằng mình có thể thành công.

Trong thế giới của tuổi trẻ này, vẻ rực sáng của đức khiết tịnh mà Don Bosco chiếu sáng giống như một nguồn sư phạm Kitô giáo mới và như một lời tiên tri cứu độ cho tình yêu nhân bản.

Chúng ta đừng quên giấc mơ hoa hồng: gai chọc xuyên thủng cả giày, ám chỉ đến mọt số tình cảm yêu mến lạc hướng dựa trên giác quan và xác thịt. Đó là cái phải canh phòng. Đừng sợ cảm thấy mình có thiện cảm hay có những khuynh hướng, nhưng cần phải tập luyện để không nuôi dưỡng chúng cách bệnh hoạn.

Tôi nhắc lại, có những phản ứng nổi dậy cách tự nhiên từ cách thức hiện hữu của chúng ta; việc nhận thấy sự hiện diện của chúng đừng làm ta khiếp sợ, đúng ra phải làm sao cho những giá trị của các viên ngọc “tiết độ” và “chay tịnh” đều tác động trên chúng.

Trong truyền thống Sa-lê-diêng có một chú tâm đặc biệt trong việc tuyển chọn và tiếp nhận các phần tử tương lai của Tu hội. Đây là một điểm Don Bosco nhấn mạnh trong mục vụ ơn gọi phải đảm bảo sự chín chắn, lương tâm ngay thẳng, sự quân bình trong lãnh vực này, bởi vì ai không có đủ quân bình sẽ gặp quá nhiều cám dỗ.

  1. (…)
  2. Kết luận.

Để kết luận, một lần nữa chúng ta hãy nghĩ tới Đức Maria, là Trinh nữ và là Mẹ. Tôi tin chắc rằng một trong những yếu tố đã ảnh hưởng lịch sử đến Tu hội chúng ta là việc tuyên bố tín điều: “Đầu thai vô nhiễm” (1854). Tín điều này trình bày Đức Mẹ ngay từ giây phút đầu tiên của sự hiện hữu nhân loại của Mẹ như là bình minh của một bước tiến nhảy vọt về phẩm chất, đã đặt đức trinh khiết như yếu tố đầy năng động để hướng dẫn lịch sử nhân loại. Không phải là việc đầu thai vô nhiễm có nghĩa là khiết tịnh, nó chỉ muốn nói lên là Mẹ tuyệt đối không có tội nào, dù là tội nguyên tổ, đó là đòi hỏi của việc làm mẹ Thiên Chúa được thực hiện trong mầu nhiệm khiết tịnh.

Đức Maria là bình minh của thời đại mới. Khi Đức Pio IX tuyên bố tín điều này, ngài tạo nên một bầu khí hoàn toàn đặc biệt trong Hội Thánh, một sự quý chuộng và nhiệt tình chân thật đối với giá trị Phúc Âm, điều mà ngày hôm nay, người ta không nhận thức được mấy nữa, đặc biệt đối với giới trẻ.

Một bầu khí quý chuộng và nhiệt tình ấy là khơi nguồn của Tu hội chúng ta. Các hội lành Mẹ Vô Nhiễm (…) làm chứng về mức sinh động của nó: cả một giới trẻ nhìn về Đức Mẹ như niềm hy vọng của tương lai và chọn sự trong sạch như gợi hứng cho một hình thức sống hấp dẫn.

Gia đình Sa-lê-diêng chúng ta sinh ra từ một bầu khí như thế và được xây dựng trên những giá trị ấy. Thật đầy ý nghĩa khi Don Bosco đã luôn coi lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm như khởi đầu của công cuộc Sa-lê-diêng.

Trong khi suy nghĩ đến sự trong sạch của Đức Mẹ, bình minh của thời đại mới, chúng ta xin Mẹ giúp chúng ta gìn giữ vẻ rực sáng của viên ngọc khiết tịnh, mang lại cho diện mạo của ta một khả năng thu hút mãnh liệt, như nam châm thu hút tuổi trẻ.

VIÊN NGỌC THỨ CHÍN

CHAY TỊNH

Dưới viên ngọc “Thanh Khiết”, rực sáng viên ngọc “Chay Tịnh”; tạo thành khung hình chữ nhật. Trên viên thứ hai phía dưới, bên trái, viết chữ “Chay Tịnh”.

Thật hay khi ta nhận thấy rằng viên ngọc “phần thưởng” nằm dưới đức khó nghèo, bên phía tay phải. Viên ngọc “chay tịnh” ngược lại, gắn liền với nỗ lực sống “thanh khiết”.

Những gì được viết trên những tia sáng của viên ngọc này? “Là khí giới mạnh mẽ nhất chống lại những mưu chước của ma quỷ”, “Là người lính canh giữ các nhân đức”,  “Với chay tịnh, ta xua đuổi mọi thứ kẻ thù”.

Trên tấm áo choàng rách bươm, ở chỗ viên ngọc này, ta chỉ thấy một chỗ hư nát, không viết chữ gì.

  1. Một sự từ khước hợp lý.

Chay tịnh là gì?

Tự nó, chay tịnh là kiêng ăn uống, một cách hợp tình, vì những mục đích tích cực. Do đó, những cuộc tuyệt thực, theo mốt, dẫn tới cái chết, không phải là biểu hiệu của những giá trị của viên ngọc này, dù trên thế giới, trong những năm nay, chúng được cắt nghĩa theo một ý nghĩa đáng kính trọng.

Chay tịnh, thực hiện cách hợp tình hợp lý, là một nhân đức đi theo tiết chế. Đó là một sự từ khước một cái gì ích lợi và ưa thích, một sự từ khước thực hiện dưới ánh sáng của nhận thức đúng đắn.

Thánh Thomas đã có những nhận xét rất sắc bén về sự chay tịnh ấy. Ngài nhấn mạnh việc chay tịnh phải được thực hiện với bộ mặt vui vẻ, như Phúc Âm nói: “Khi ngươi ăn chay, đừng thổi kèn và đứng ở nơi công cộng cho mọi người thấy, nhưng hãy tắm rửa sạch sẽ, xức thuốc thơm, mỉm cười… để không ai nhận ra ngươi ăn chay!”.

  1. Tầm quan trọng của chay tịnh trong Kinh Thánh và trong Giáo Hội.

Ăn chay là điều ta thường tìm thấy trong Kinh Thánh như cách biểu lộ sự nhạy cảm tôn giáo đặc biệt và thực tiễn. Ở đây, ta không thể nêu lên việc ăn chay thường xuyên ra như thế nào và tầm quan trọng của nó. Ta chỉ vắn tắt gợi ra vài điểm Phúc Âm nhấn mạnh tới, là khởi điểm cho những suy tư của ta.

Để nêu lên ví dụ, trong Phúc Âm Marco, ta đọc thấy: Bấy giờ môn đệ của Gioan và Biệt Phái đang giữ chay, người ta đến nói với Ngài: “Tại sao môn đồ của Gioan và môn đồ của Biệt Phái ăn chay, còn môn đồ Thầy lại không ăn chay?”. Và Đức Giêsu bảo họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay trong lúc tân lang đang ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, ắt họ không thể ăn chay. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị cất đi khỏi họ, và bấy giờ họ sẽ ăn chay trong ngày ấy” (Mc.2,18-20).

Chúng ta biết Đức Giêsu khởi sự cuộc đời công khai của Ngài bằng một cuộc ăn chay lâu ngày: 40 ngày và 40 đêm. Con số 40 có tính cách biểu tượng, nhưng chắc hẳn đây quả là cuộc ăn chay rất dài và nghiêm khắc.

Hội Thánh xác định ý nghĩa của ăn chay và ban ra các luật thực tiễn để giữ chay: đây không hẳn là thứ đồ cổ hủ phải vứt bỏ đi.

Có những thời gian phụng vụ trong năm dành tầm quan trọng cho việc chay tịnh: mùa Vọng, nhất là mùa Chay.

Ngày nay, việc ăn chay trong những ngày này khá nhẹ, xưa kia ăn chay thật nghiêm khắc và cực khổ. Mẹ Mazzarello một hôm thốt lên lời tâm sự này cùng chị Petronilla: “Trong mùa Chay, chỉ chủ nhật tôi mới cất được cơn đói đi” (Cron.1,80).

Thật ích lợi khi ta nhận định rằng việc ăn chay Kitô hữu vào mùa Chay gắn liền với lời cầu nguyện và việc bố thí cho kẻ khó như hành vi tôn giáo, công bố sự khiêm nhượng, huynh đệ và niềm hy vọng trước mặt Thiên Chúa, trong khi sửa soạn mình cho biến cố trung tâm của ơn cứu rỗi.

  1. Ý nghĩa Kitô giáo và chay tịnh.

Đâu là ý nghĩa Kitô giáo của chay tịnh?

Của ăn chắc chắn là một ơn huệ của Thiên Chúa, việc kiêng ăn có ý nghĩa từ nguyên cớ kèm theo nó: nó trở thành một hành vi tôn giáo vì mục đích nó tự đề ra. Đây không phải là cách biểu lộ khổ chế của thầy Fakir (thầy tu Ấn Độ). Việc chay tịnh muốn nói lên lòng khiêm cung, tình huynh đệ và niềm hy vọng; tăng cường ý thức về Thiên Chúa, về sự lệ thuộc vào Ngài và việc trao phó mình trong tay Ngài, về ý thức những khiếm khuyết của riêng mình, những tội lỗi của mình và của người khác, về sự nguy hiểm của xác thịt chúng ta, những dục vọng và những khuynh hướng sâu xa của nó.

Những lý do nào đã khiến các Kitô hữu thực hiện chay tịnh trong Hội Thánh? Để làm việc đền tội, để tham dự vào thập giá Đức Kitô, để tăng cường cầu nguyện, để kiềm chế các dục vọng, đặc biệt là thống trị các dục vọng xác thịt. Trong chay tịnh, ta thi hành một khoa sư phạm giúp ta sống tròn đầy một số giá trị thiêng liêng: hầu để nâng lòng trí lên những giá trị Phúc Âm, để đền bù những lỗi lầm và tội phạm, để vượt qua những khó khăn và cám dỗ, để cầu xin ơn sủng và tình Chúa đoái thương.

Ngày nay, khốn nỗi người ta không mấy lưu ý tới những lý do đó, tuy thế, việc thực hành trong Giáo Hội vẫn không thay đổi.

Cha tốt lành của chúng ta đã dùng đến chay tịnh. Ngày 16.3.1874, Don Bosco ở Roma để đạt được việc phê chuẩn lịch sử Hiến luật đã khiến ngài phải bao nhiêu khổ nhọc và gặp biết bao khó khăn. Từ Roma, ngài viết một lá thư luân lưu cho các nhà (Sa-lê-diêng và cả nhà nữ tu Con Đức Mẹ Phù Hộ ở Mornese), kêu mời tất cả hãy hợp lại một lòng, “một linh hồn để cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Thần trên các vị Hồng y đáng kính”, bởi vì ngày 24 tiếp đó sẽ là ngày các ngài bàn đến Hiến luật của Tu hội Thánh Phanxico đệ Sale, như đã thực sự xảy ra như thế.

Trong thư luân lưu, ngài đã xin điều gì? Trước hết, ngài nhấn mạnh tới ơn huệ ta phải cầu xin có liên quan tới một trong “những vấn đề quan trọng nhất cho hiện tại và tương lai của chúng ta”. Và để được ơn ấy, Don Bosco xin chúng ta làm gì? Ba ngày “chay tịnh nghiêm nhặt” (từ ngày 21 đến 23 tháng 3) và kể cả “những việc hãm mình mà mỗi người nhận thấy là tương xứng với sức khỏe và bổn phận của riêng mình” (MB 10,763).

Như thế, Don Bosco đã gán cho việc chay tịnh và hãm mình mức quan trọng theo nghĩa chân thật của truyền thống Kitô giáo. Ở đây, tôi không ngừng lại ở nhiều dữ kiện, sách Hồi Sử (MB) cung cấp về đề tài này. Tôi chỉ mời gọi chúng ta suy nghĩ lại về những năm đầu tiên ở Mornese (ở các nhà Sa-lê-diêng): chúng ta phải nhìn nhận trên lãnh vực này, quả có nhiều hy sinh hãm mình quá lớn lao. Tuy thế, những cái chết đến quá sớm đã chẳng làm Mẹ Mazzarello và các đồng bạn của Mẹ khiếp sợ.

  1. Một lời kêu gọi hãm mình.

Tôi tin rằng ánh sáng của viên ngọc này không chỉ ngừng lại ở chay tịnh mà còn trải rộng xa hơn nữa, trên toàn thể lãnh vực hãm mình. Lời cắt nghĩa của cha Rinaldi mở ra theo nghĩa này. Đấy là một lời cắt nghĩa chẳng những có uy quyền, mà còn đi tới tận cùng của vấn đề, để tìm cách soi sáng ý nghĩa của toàn bộ khối các viên ngọc phía sau lưng: bởi thế, việc chay tịnh không chỉ giảm thiểu trong việc từ khước thỏa mãn cái bụng, mà còn trải rộng trên một lãnh vực lớn hơn. Cha Rinaldi nhắc tới việc hãm dẹp giác quan (ngũ quan). Nhưng tôi dám nói là nó vượt ra cả bên ngoài lãnh vực ngũ quan, để ôm ấp lấy tất cả những loại hãm mình.

Khi nói về tiết chế, chúng ta đã xác định là chúng ta không nói đến “hãm mình”, mà là nói đến quân bình, tự chủ, tới quyền vương giả của rửa tội trên tiểu vũ trụ là bản thân chúng ta. Ở đây, ngược lại, khi bàn về viên ngọc “chay tịnh”, ta nói tới những sự khước từ, chay tịnh, từ bỏ, đền tội, hãm mình. Dĩ nhiên, ta phải làm với một độ quân bình, hợp lý, điều độ. Nhưng hiển nhiên nó bao gồm một sáng kiến khổ chế chân thật, sự kiếm tìm những sự từ khước cụ thể, tự bảo đảm cho mình mức nghiêm chỉnh và sự cụ thể của nỗ lực đảm nhận để làm chủ bản thân và để đền tội, cùng ý thức là mình phải làm việc đó cho riêng bản thân mình. Quả thực, lãnh vực của hãm mình trước hết là cá nhân, một cái gì do sáng kiến của riêng mình, và tốt hơn là không ai biết tới, sự hãm mình của chúng ta không thể như việc ăn chay của những người biệt phái.

Khi tôi đang học triết tại Rebaudengo ở Torino, tôi đã tham dự đám tang của cha Fascie. Ngài là bề trên trong ban Thượng Cố Vấn, một người Sicile, rất thông minh và có khả năng, ngài đã để lại tập bình giảng về phương pháp đề phòng đầy khích lệ và nhận xét sắc bén. Cha Alberto Caviglia đọc điếu văn. Từ trên tòa giảng, ngài long trọng mở tập giấy phải đọc (…). Điều ghi đậm trong trí tò mò tuổi trẻ của tôi nhất ư? Chính là lời quả quyết rằng cha Fascie mang áo nhặm. Tôi đâu biết cha Fascie mấy, tôi thấy ngài vui và thích khôi hài: điều khiến tôi ngạc nhiên là chính ngài mang áo nhặm mà không ai biết.

 Không phải là tôi muốn khuyên tất cả hãy mang áo nhặm. Không, không phải thế. Nhưng tôi muốn, mong mỏi là chúng ta hãy tích cực góp nhiều hãm mình hơn nữa. Ai nào đếm nổi vô số hãm mình mà một tu sĩ tốt có thể làm.

Có biết bao là dịp hãm mình ngũ quan, nhất là con mắt: chúng là cửa sổ cho mọi loại tưởng tượng. Đức khiết tịnh đòi ta phải có những sáng kiến về phương diện này. Con mắt ngày nay phải được hướng đến trước những phim ảnh, con người, nơi chốn, thăm viếng, nơi quảng cáo v.v… Rồi còn cả một lãnh vực rộng lớn trong sự hãm mình và tình cảm: canh giữ con tim (như những chiếc gai danh tiếng trong giấc mơ giàn hoa hồng).

Mẹ Mazzarello nhắc nhở các nữ tu hai lãnh vực cách đặc biệt: thích được ưa chuộng và hài lòng, hay là sự thiếu thành thật, những lừa lọc. Đấy là những thái độ nữ giới rất tinh tế, có thể che giấu và ẩn tàng giống như vỏ hạt dẻ trong giấc mơ: những hạt dẻ xem ra rất bóng, nhưng chứa đựng trong đó cái gì đắng đót.

Còn có lãnh vực của tự ái, nhạy cảm. Mẹ Mazzarello khích lệ các nữ tu hãm dẹp “cái đầu” với tính tự lập và cứng cỏi của nó.

Tôi xin đọc ở đây bài huấn từ của Mẹ Mazzarello đã nói cho các nữ tu, ít tháng trước khi chết, vào năm 1880:

“Đời tu sĩ tự nó là một đời hy sinh, từ bỏ và chịu thiếu thốn. Đời cộng thể và chức vụ đã thường buộc chúng ta phải hãm mình… và như vậy đã đủ chưa? Hẳn là chưa! Một nữ tu tốt lành không chỉ bằng lòng với những hãm mình mà hoàn cảnh đưa tới, mà luôn tìm cách đi xa hơn mãi vì yêu đối với Chúa, với các linh hồn, và với linh hồn hèn mọn của mình.

Phải hãm dẹp cái đầu, ý chí, con tim, ngũ quan, có đức vâng lời, sự khiêm cung, chúng đòi hỏi nơi ta biết bao điều mà không con mắt hay lỗ tai nhân loại nào có thể nhận  ra. Hỡi các chị em, con cái rất yêu dấu, sự khó nghèo và hãm mình, vâng lời và khiêm cung, tuân giữ Hiến luật và thanh khiết, chúng là những nhân đức liên kết mật thiết với nhau để làm nên một điều duy nhất (ở đây, chúng ta đang lắng nghe không phải lời của một nhà thần học, mà là những lời của một người có thẩm quyền trong kinh nghiệm của Thánh Thần, mà ngay cả những nhà thần học cũng phải suy gẫm!). Nếu chúng ta muốn trở nên thánh (ai lại không muốn? Chị em nào không muốn cứ đứng dậy đi), chúng ta phải thực hành các nhân đức này, chúng ta đã tuyên thệ làm việc ấy trước bàn thờ, và các thiên thần bản mệnh của chúng ta đã viết chúng bằng chữ vàng để thường xuyên nhắc nhở lại cho chúng ta và đặt chúng ra trước mặt chúng ta vào giờ chết”. Rồi Mẹ kết luận: “Chúng ta là những tu sĩ nghiêm chỉnh, và chớ gì năm mới trở thành đời sống mới cho hết thảy!” (Cron.III, 300-301).

Sự hãm mình được thực hiện thật nghiêm chỉnh tại Mornese, khiến chính Don Bosco, một vị thánh thật hãm mình, cũng phải cảm động nơi các nữ tu đầu tiên ấy, có một sự từ bỏ cực lớn đối với thế gian và đầy lòng cao cả hướng tới mầu nhiệm thập giá. Sau khi phát hiện ra những cái chết non trẻ, Don Bosco đã can thiệp nhiều lần để làm nhẹ mức khắc nghiệt của cuộc sống. Ngay tại cộng đoàn nữ tu của các chị em Con Đức Mẹ Phù Hộ tại Alassio, ngài còn khuyên chừng mực trong lao động (…).

 Chắc chắn, trong lãnh vực thực hành hãm mình, bằng mọi giá, ta phải tránh sự nhàn rỗi. Nó chính là con mọt của tâm hồn.

Nhưng chúng ta hãy trở lại với giấc mơ hạt dẻ: thực tinh tế và soi sáng! Những hạt dẻ bị vết hư phải vứt đi! Trong nước sôi của vâng lời, những hạt dẻ hư nổi lên (đây là sự chuộng hư danh, phù phiếm). Nhưng còn một số hạt tuy tốt, nhưng dính đôi lại, bởi chúng có những vỏ mỏng ở bên trong, cần phải phát giác ra và loại đi. Đấy là những điểm ẩn núp thâm sâu của tâm tư, cả nam lẫn nữ đều có, và chắc chắn nơi nữ giới, nó rất tinh tế.

Cho nên, viên ngọc “chay tịnh” đưa chúng ta vào cả một lãnh vực mênh mông đầy những sáng kiến và những tài nguyên thiêng liêng. Đây là một nhiệm vụ mà không có qui luật hay bề trên nào kiểm soát được: nó là kết quả trước hết của những sáng kiến cá nhân. Tôi nói trước hết, bởi vì cũng có thể có những hãm mình của cả cộng đoàn (…).

  1. Tham dự vào mầu nhiệm thập giá.

Như thế, tinh thần Sa-lê-diêng đòi hỏi nơi chúng ta thực hành hãm mình bằng những sự từ bỏ cụ thể và hợp lý, mà không gắn chặt với một hình thức nhất định nào. Đồng ý là không cho muối vào thịt có thể là một hãm mình. Tuy thế, không nên ràng buộc quá với kiểu hãm mình này và cho đó là một quy luật. Chúng ta phải được tự do, thoải mái, không bị tù hãm trong chiếc vỏ mà mình sắm sẵn cho mình.

Vì thế, ta nên thay đổi hãm mình, để không ai nhận ra được: như Don Bosco đã làm. Nếu chúng ta làm những hãm mình cá nhân khiến những kẻ khác chú ý tới, có nguy cơ là chúng ta tạo nên dịp khoe mình. Điều ấy tỏ rõ chúng ta còn là những con người ít tinh ranh trong nỗ lực khổ chế. Một sự hãm mình thông minh là việc hãm mình không ai hay, do sáng kiến của riêng bản thân mình. Chắc chắn người ta sẽ thấy được qua toàn diện cuộc sống. Ai lại không nhận ra được con người đó hãm mình, làm chủ bản thân và có khả năng hy sinh? Tuy nhiên, người ta nhận ra được điều ấy qua cách sống toàn diện, chứ không thể nhận ra từng việc từ bỏ ta làm.

Đâu là nguyên cớ căn bản của việc hãm mình Kitô giáo? Chữ “hãm mình” (mortification), gợi ý tới việc tham dự vào sự chết của Đức Kitô, vào mầu nhiệm thánh giá, như dấu hiệu đặc sắc của người Kitô hữu. Đối với chúng ta, thánh giá không phải là dấu của thất bại, của khổ nhục, của bất lực, của cay đắng, nhưng là dấu nghịch lý của tình yêu tạo nên nhân vị và cứu rỗi thế gian.

 Trong khi đào sâu mầu nhiệm thập giá mà việc hãm mình giúp ta tham dự vào, ta khám phá ra một khía cạnh nền tảng của Kitô giáo: ý thức về tội lỗi, tội lỗi của tôi và tội lỗi người khác, nhất là của những người ta phục vụ.

Bởi thế, Đức Kitô, là Thiên Chúa, đã tự hủy mình ra không cho tới chết, và là cái chết khổ nhục nhất, cái chết thập giá. Vì tội lỗi của chúng ta! Không thể có tình yêu nào lớn hơn tình yêu ấy! Đấy là một tình yêu nhưng không. Ngài muốn giải phóng con người khỏi cuộc sống nô lệ tội lỗi. Chúng ta, khốn thay, đang sống trong một nền văn hóa dần mất đi ý thức về tội. Có lẽ nỗi khốn nạn nhất của thế giới hôm nay – như đức Pio XII đã nói – hệ tại chính việc con người không còn ý thức về tội lỗi nữa.

Ít ngày qua, tôi trông thấy một chuyện kinh tởm. Tôi đi xe đến khúc quẹo, thì thấy trước mặt tôi một chiếc xe vận tải cao, bịt bùng như một căn nhà: một tấm bản chắn đằng sau với hàng chữ thật to ghi một lời phạm thượng đến Thiên Chúa. Tôi kinh ngạc đau đớn: tôi chưa hề thấy một cảnh tượng giống như thế. Tiếp đó, một xe cảnh sát chạy đến chiếc xe vận tải này, tôi thì lại vượt trước chiếc xe đó, và không hay biết kết cục ra sao. Người ta công khai nguyền rủa phạm thượng Thiên Chúa cách đê tiện nhất giữa đường phố, như không đáng là gì cả…

Nếu ta nhìn cách sống của một số thanh niên, nếu ta nghĩ tới những hiện tượng xì ke, ma túy, cướp bóc, giết người, tự tử, lạm dụng phái tính, những bất công xã hội v.v… chúng ta phải thốt lên trong khi nghĩ tới tình liên đới nhân loại: Ai cam chịu đau đớn để đền bù những tội lỗi này? Câu trả lời chắc chắn sẽ là: Đức Kitô! Nhưng thêm vào những đau đớn của Đức Kitô, vẫn còn thiếu những đau đớn của các người môn đệ: như thánh Phaolo đã nói. Bởi thế, với việc hãm mình, chúng ta tìm cách liên kết một cái gì đó của ta với những đau đớn của Chúa. Đây là một lý do lớn lao, có chiều sâu nội tại, đầy tình liên đới, huynh đệ, khiến ta cảm thấy mình có trách nhiệm cứu rỗi đối với mọi người, vượt ra ngoài các khía cạnh sư phạm (dù rất có giá trị) như hãm mình để tôi luyện ta trong việc làm chủ bản thân.

  1. Vấn đề đã lỗi thời?

Ngày nay, người ta vẫn thường coi việc hãm mình như một vấn đề đã lỗi thời, và người ta nêu lên nhưng lý do để biện minh cho quan điểm trên. Chúng ta hãy thử xem chúng.

– Sự từ bỏ và hãm mình chống lại việc tự xây dựng bản thân: nó làm hư hoại bản lãnh con người của ta. Có nhiều lần, ta còn được nghe vấn nạn này nơi cửa miệng các tu sĩ. Nhưng đâu là lý tưởng của một người sống ơn gọi theo Phúc Âm cho tới tận căn rễ? Chắc chắn không phải là lý tưởng tâm lý. Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu, chiêm ngắm dự định của Cha đòi Ngài phải chết trên thập giá, đã không trả lời rằng: “Lạy Cha, điều ấy ngược lại với việc thực hiện bản thân con?”. Ngài nhận thức rõ ràng những gì sắp gặp phải không thuận theo bản tính của Ngài, nhưng Ngài đã thốt lên: “Xin hãy qua khỏi con chén đắng này”, rồi Ngài thêm: “Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha”.

Tối hậu việc thực hiện bản thân chính là đưa cuộc sống mình tiến vào mức sống siêu việt trong Thiên Chúa, để có thể yêu nhiều hơn. Kẻ yêu nhiều nhất chính là kẻ biết hiến bản thân mình cho tới mức từ bỏ chính sự sống.

Việc hãm mình càng áp đặt bao nhiêu thì càng tệ bấy nhiêu. Tuy nhiên, ta nói tới ý thức cá nhân và những sáng kiến tự do của mỗi người: tinh thần Phúc Âm thì hoàn toàn xây dựng trên sự tự do của con người, ngay cả trong khi vâng phục nữa. Dĩ nhiên, trong việc hãm mình cũng có những nguyên cớ đến từ tâm lý bị chèn ép, hay do cảm bệnh tìm khoái lạc trong sự bị bạc đãi, khinh bỉ, chửi rủa và đánh đập. Có cả những thái quá, những bệnh hoạn, những hoàn cảnh tâm bệnh, nhưng con người rất quân bình, ta phải kiên nhẫn vậy! Tuy thế, không thể đồng hóa hãm mình với những sự lạc hướng của tâm linh.

– Một số người ngày nay lại đưa ra những lý do khác nữa: là không cần phải thái quá khi nhấn mạnh tới quan niệm tội lỗi. Sự mỏng dòn tự do con người thật lớn và vô tình bị hướng dẫn bởi các hoàn cảnh và các trạng huống, đến độ trên thực tế, con người mất tự do.

Chúng ta cũng đồng ý là vấn nạn nêu lên ở trên quả có phần sự thật. Ta luôn phải nhận định trách nhiệm của lương tâm và ý chí cá nhân trong quyết định tội lỗi khi xét đến tội, chứ không thể chỉ ngừng lại ở sự thể vật chất của hành động đã gây ra. Ta rất có thể tưởng tượng ra, một vụ giết người không tội lỗi. Tôi nghe kể một chủng sinh đã giết chết cha mẹ để đưa các ngài về trời, các ngài đang ốm, anh đã cho gọi linh mục tới giải tội và cho ông bà chịu lễ, rồi sau đó “đưa ông bà về trời”. Tuy  nhiên, đây chỉ là một kẻ bất bình thường, một kẻ điên. Còn chúng ta đang nói tới hành động của những con người bình thường.

– Còn một lý do khác nữa: ngày nay, nếu chúng ta muốn khách quan khi bàn đến tội lỗi, chúng ta phải nói tới những sự bất công của cả những cơ cấu xã hội. Bởi thế, thay vì tìm vui thú trong sự tự hành hạ mình, chúng ta hãy chiến đấu để thay đổi những cơ cấu. Chúng ta hãy đi đến thỏa thuận đi. Nếu chúng ta dùng chữ “tội lỗi của những cơ cấu”, ta muốn nói tới khía cạnh bất công của một hệ thống. Thành ngữ lạ lùng trên có điểm này là đúng! Những tội lỗi của con người rọi chiếu lên và có thể được nhập thể hay hội nhập vào trong những cơ cấu khác nhau của xã hội. Ta có thể nhớ lại những gì đã nói ở các hội nghị Medellin và Puebla. Ai lại không thấy trong các cơ cấu của các thành phố hôm nay những hậu quả của tội lỗi con người?

Quả đúng như thế, nói rằng tội lỗi hệ tại ở những cơ cấu là sai. Tội chân thật luôn luôn là cái gì “cá nhân”, trong con người, kết quả của những lòng dạ. Luôn luôn đổ thừa trách nhiệm tội lỗi cho những bất công của hệ thống xã hội là một sự lẩn tránh quá dễ dãi!

Tôi còn nhớ một lần tranh luận với một thầy tư giáo trẻ chỉ biết than phiền về những cơ cấu. Cho tới một lúc nào đó, tôi phải nói: “Này, khi tôi còn hộ trực như thầy, và nếu tôi thấy có gì không tốt xảy ra cho tôi, tôi nghĩ trong tôi: hay tôi đã lầm lẫn, tôi phải chú ý hơn; còn thầy, ngược lại, khi thầy gặp thấy một khó khăn nào hay thấy một cái gì không hay xảy ra cho thầy, thầy luôn luôn kết luận trong một lời kết án “cơ cấu” tổ chức. Thầy không thấy sao, tránh né như thế thì quá dễ chịu rồi!”.

  1. Câu trả lời của Chúa Thánh Thần.

Những vấn nạn trên và nhiều vấn nạn khác nữa khiến chúng ta suy nghĩ, và còn giúp chúng ta làm ngay thẳng một số cách thức hãm mình của ta, tuy nhiên, không một vấn nạn nào có đủ lý do gạt ra ngoài lề mầu nhiệm thập giá. Tin Mừng quả là vạn năng và bất khả kháng. Mầu nhiệm thập giá được công bố như yếu tố tuyệt đối cần thiết cứu độ, giải phóng con người và thiết lập Nước Thiên Chúa. Mầu nhiệm thập giá thật nghịch lý và thật khó cắt nghĩa vì tính chất hiện thực kinh hoàng và cụ thể của tội lỗi. Không có tội, đã không có khổ nạn thập giá! Và thập giá là cách biểu dương tối hậu của quyền năng và phương pháp đấu tranh của tình yêu chống lại tội lỗi.

Đó là lý do nền tảng, bởi đó Đức Kitô, các thánh, đã “tự do” sống mầu nhiệm thập giá. Chúng ta hãy nghĩ tới các Đấng Sáng Lập của chúng ta, và các thánh, nhất là những vị gần với tinh thần chúng ta nhất. Có vị thánh nào ta biết tới lại không phải là vị thánh sống hãm mình? Và các thánh là “lời tiên tri sống động” của những gì Chúa Thánh Thần muốn thực hiện trong lịch sử. Các ngài là lời nói có tính hiện đại của Chúa Thánh Thần. Tất cả các ngài đồng loan báo cho chúng ta điều tuyện đối quan trọng là phải tái đánh giá lại, trước hết trong lương tâm cá nhân chúng ta, rồi sau đó trong cộng thể chúng ta, tầm quan trọng thần học và tầm quan trọng sư phạm của việc hãm mình.

Tiến trình trần thế hóa hiện tại – thường đi đến xây dựng thế giới hoàn toàn trần tục – cũng thâm nhập cả vào trong các nhà dòng và làm giảm đi ý nghĩa sâu xa của tội lỗi, tạo nên cuộc sống hời hợt, dửng dưng và thích an hưởng. Cần thiết phải vun trồng trong lương tâm việc tái khám phá ra thực tại kinh khủng của tội lỗi, hơn là tập trung cái nhìn vào tội lỗi trong chính nó và trong những cách biểu hiện của nó. Tốt hơn, ta hãy nhìn vào những thống khổ Đức Giêsu đã chịu vì tội lỗi, và tái khám phá ra bình diện liên đới giữa con người trong cuộc chiến đấu chống lại sự ác, để xác tín rằng đức ái buộc chúng ta phải liên đới, kêu mời chúng ta đền bù tội lỗi của những người khác, nhất là những người chúng ta phải săn sóc.

Đàng khác, về phần chúng ta, các thánh dạy chúng ta đặc biệt đặt nặng việc biểu lộ sự thật của cuộc hối cải của chúng ta dưới cả hình thức thể lý, bởi vì mỗi người chúng ta là kẻ tội lỗi và biết đâu là những điểm chúng ta cảm thấy mình yếu đuối hơn cả. Sự hối cải bao gồm những quyết định thực tiễn và những sáng kiến đền tội thường được diễn tả qua những biểu lộ thể lý cụ thể hợp lý hợp tình, nhưng cũng đầy đòi hỏi.

Sau hết, các thánh còn mời gọi chúng ta suy nghĩ đến mầu nhiệm của cõi lòng Thiên Chúa, nơi mà lòng nhân từ vô cùng của Ngài (lòng nhân từ phải năng nói đến, và nói rất nhiều!) đồng hóa với sự công chính vô cùng của Ngài. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm cõi lòng Thiên Chúa đấy, các ngài đã chiêm ngắm thánh giá mà không rơi vào thứ dễ dãi của một số nhà văn – kể cả tín hữu – đã thốt lên: “Ôi hỏa ngục là cái gì quá đáng!”. Không, không! Lòng nhân từ của Thiên Chúa thật vô cùng, nhưng sự công chính vô cùng của Ngài vẫn còn nguyên đấy. Mầu nhiệm thập giá vừa là cuộc biểu lộ của lòng nhân từ và công chính của Thiên Chúa.

Hiến luật của FMA (năm 1975) có một khoản tuyệt đẹp, gói ghém tất cả lý do của các thánh về hãm mình như sau:

“Ơn gọi tiến tới sự thánh thiện của chúng ta đòi hỏi một năng động lực liên tục giúp ta sống đền tội. Sự từ bỏ tội lỗi và các hậu quả của nó và sự triển nở đời sống trong Đức Kitô trở thành sự giàu có của cả cộng thể. Bởi vì mỗi chị em, nhờ tham dự và sự chết của Chúa, giải tỏa giữa các chị em khác ánh sáng của sự sống lại. Bởi thế, chúng ta hãy lãnh nhận cách thanh thản các thánh giá bé nhỏ hàng ngày mà không làm đè nặng trên kẻ khác, và chúng ta hãy thực hành cả việc hãm mình tự ý để hoàn tất trong thân thể chúng ta những gì còn thiếu nơi những thống khổ Đức Kitô, vì lợi ích của thân thể Ngài là Hội Thánh. Chúng ta hãy cùng cả cộng thể đặt nặng giá trị quan trọng của các mùa đền tội trong Phụng vụ (HL.35).

Ở đây ta có một lời bình luận tổng hợp cho viên ngọc “chay tịnh”.

  1. Sự đòi hỏi của tinh thần Sa-lê-diêng.

Trong tinh thần Sa-lê-diêng, sự hãm mình là điều tuyệt đối cần thiết. Nó nâng đỡ và bảo vệ trước hết “vẻ rực sáng của đức thanh khiết” và biến thành hiện thực vẻ đẹp của một ơn gọi Thiên Chúa đã muốn để phục vụ giới trẻ. Giới trẻ ta phục vụ có quyền đòi hỏi ta sống tròn đầy ơn gọi của mình. Sự hãm mình, đối với chúng ta, tuyệt đối không là cách biểu dương sự nghiêm khắc và khổ hạnh. Nó luôn gắn kết với niềm vui và sự hoan hỉ. Nó được thực hành trong công việc tiết chế, và đảm bảo đức vâng lời, khó nghèo và thanh khiết. Nó đi theo sức thiện cảm của nghệ thuật “làm cho mình được yêu mến”, có lòng tốt và tình thương mến như thước đo xứng hợp để đánh giá tính chất hãm mình Sa-lê-diêng.

Những sự từ bỏ mà chúng ta thực hiện một khi trở thành khó chịu, lạnh lùng, cứng cỏi, thiếu nhã nhặn, khắc nghiệt, vô cảm và làm cho kẻ khác lìa xa, không còn xứng hợp với tinh thần Sa-lê-diêng nữa. Chúng ta phải sống mầu nhiệm thập giá trên hành lang những bông hồng; nhưng đồng thời là một sự tham dự vào mầu nhiệm của Đức Kitô tại Canve một cách chân thật và tròn đầy.

Gắn kết việc hãm mình với mầu nhiệm thập giá, chúng ta có thể suy nghĩ cách thấm thía hơn.

  1. Mẹ đau đớn.

Tới đây, chúng ta kết luận, luôn luôn cùng với Đức Maria. Chúng ta biết tới hình  thức tự ý và tự do của hãm mình Mẹ đã chọn. Chúng ta còn biết cả thái đọ toàn diện, sâu xa và thảm thiết của việc Mẹ tham dự tròn đầy vào mầu nhiệm thập giá: từ lưỡi gươm Simeon tiên báo đâm thâu lòng Mẹ cho đến lưỡi đòng của người lính Longino đâm vào cạnh sườn Chúa.

Lời ca “Stabat Mater dolosa” đẹp biết mấy:

“Hỡi Mẹ suối yêu thương

Hãy cho con cảm thấy

Sức mạnh đau thương

Để con khóc cùng Mẹ!”

Và là những giọt nước mắt thật gắn kết với mầu nhiệm của Đức Maria dưới chân thánh giá không phải là những giọt nước mắt nhỏ từ mắt mà từ cõi lòng.

 Xin Mẹ giúp chúng ta tìm thấy cho ta và cho cả cộng thể của ta, những giọt nước mắt của chay tịnh và hãm mình!

Chúng ta hãy nhớ lại lời Don Bosco nói với Mẹ Mazzarello vào lúc kết thúc tuần phòng tại Mornese năm 1878: Cha sẽ rất sung sướng nếu thấy ở hành lang này có tấm bảng với hàng chữ viết: “Sự hãm mình là bảng mẫu tự của sự hoàn thiện” (MB 13,210).

* * *

VIÊN NGỌC THỨ 10

PHẦN THƯỞNG

Sau cùng, chúng ta chiêm ngưỡng viên ngọc phần thưởng. Nó được đặt dưới viên ngọc “khó nghèo”! Trên các tia sáng của nó ta đọc thấy những lời này: “Nếu mức lớn lao của phần thưởng lôi kéo bạn, bạn sẽ không sợ hãi trước số lượng khó nhọc”, “Ai chịu đau đớn cùng ta, sẽ vui hưởng cùng ta”, “Điều ta chịu đau đớn trên trần gian chỉ là giây lát, điều mang lại vui sướng cho các bạn hữu ta trên trời thì đời đời”. Trên chỗ hư hoại của tấm áo rách nát, ta đọc thấy: “Gia nghiệp chúng ta là của cải trần gian” (đây là khẩu hiệu của hạng muốn sống an lạc!)

Người Sa-lê-diêng đích thực trái lại có trong trí tưởng tượng, trong tấm lòng, trong ước vọng, trong những chân trời cuộc sống viễn ảnh của Phần Thưởng, như là sự viên thành các giá trị Phúc Âm công bố.

  1. Don Bosco và tư tưởng “thiên đàng”.

Ở nhà Don Bosco vào thế kỷ qua, người ta nói rất nhiều đến thiên đàng. Đấy là một ý tưởng liên lỉ hiện diện khắp nơi: “Bánh, công việc và thiên đàng”, “Một mảnh thiên đàng hoàn chỉnh lại tất cả”. Đấy là những lời thường được nhắc tới ở Valdocco và Mornese.

Ta hãy nhớ lại lời Sr. Enrichetta Sorbone miêu tả về tinh thần Mornese: “Ở đây, chúng tôi sống trong nhà như ở thiên đàng”, chắc chắn không phải vì ở đây không có hoặc ít có vấn đề. Nhưng niềm vui thiên đàng này chỉ là biểu hiệu cụ thể xuất hiện từ cõi lòng, theo như tấm biển Don Bosco đã cho viết: “Hãy phụng sự Thiên Chúa trong niềm vui”.

Cả Đaminh Savio nữa, cũng cảm thấy cùng một bầu khí sống động nóng hổi và siêu nhiên: “Chúng tôi biến sự thánh thiện trở thành cuộc sống luôn vui tươi”.

Trong hồi ký viết về các trẻ em của mình (Dominico Savio, Phanxico Besucco, Michel Magone), Don Bosco trong khi tả lại giờ hấp hối của các em, đã nhấn mạnh với chúng ta niềm vui khôn tả liên kết với niềm thao thức thiên đàng. Các trẻ em của ngài cảm thấy sức hút của mầu nhiệm phục sinh còn hơn cả nỗi khiếp sợ sự chết.

Chúng ta đang kỷ niệm 100 năm cái chết của mẹ Maria Mazzarello: trong cái chết đó, chúng ta khám phá ra niềm vui của thiên đàng nhiều hơn là nỗi khắc khoải của giọt nước cuối cùng trong chiếc chai đang đổ hết những giọt nước sự sống.

  1. Niềm vui – kết quả của sự hiện diện của cõi trời trên trái đất.

Tư tưởng “phần thưởng” là một trong những kết quả của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần: tức là cường độ của Đức tin, cậy, mến, của cả ba cùng nhau, cho dù phần thưởng gắn kết chặt chẽ với Đức cậy. Nó làm ngập tràn cõi lòng bằng niềm vui và hoan lạc phát xuất từ trên và hòa điệp tuyệt diệu với những khuynh hướng bẩm sinh của cõi lòng con người. Ta nhận thấy điều ấy khi sống giữa các trẻ em. Giới trẻ cảm thấy một cách sốt dẻo là con người được sinh ra để hưởng hạnh phúc.

Nhưng chúng ta không cần phải đi tìm khám phá ấy giữa tuổi trẻ. Chỉ cần chúng ta lấy gương để soi mình trong đó, chỉ cần chúng ta lắng nghe tiếng đập của con tim chúng ta. chúng ta sinh ra để hầu tiến tới hạnh phúc. Ta chờ mong hạnh phúc dù không muốn thú nhận điều ấy.

Tư tưởng về thiên đàng, luôn luôn hiện diện trong nhà Don Bosco. Không phải là một thứ không tưởng dành cho những kẻ ngây ngô bị lừa bịp, không phải là củ cà rốt đánh lừa con thỏ để nó chạy nhanh hơn. Đó là nỗi khắc khoải chính yếu của bản thân ta, và trước hết, nó chính là thực tại của lòng mến của Thiên Chúa, của sự phục sinh của Đức Kitô tác động trong lịch sử, là sự hiện diện sống động của Chúa Thánh Thần đang thực sự thúc đẩy chúng ta tiến tới phần thưởng.

Trong Tông Huấn về Niềm Vui của Đức Thánh Cha Phaolo VI (Gaudete in Donino), Ngài mở đầu cho việc suy niệm sâu sắc về niềm vui, đã có những nhận định như sau:

“Chúng ta cần phải có nỗ lực kiên trì giáo dục để học và học mãi tận hưởng cách đơn sơ những niềm vui nhân loại muôn dạng mà Đấng Tạo Thành đã đặt trên con đường của chúng ta. Niềm vui cao dâng của cuộc sống, niềm vui của tình yêu thanh khiết và được thánh hóa, niềm vui mang an bình của thiên nhiên và của sự thinh lặng, niềm vui đôi khi khắc khổ của công việc được hoàn thành cách chính xác, niềm vui và sự thỏa mãn khi chu toàn bổn phận, niềm vui trong suốt của lòng trong sạch, của việc phục vụ và tham dự, niềm vui đòi hỏi của hy sinh. Người Kitô hữu có thể trong lành hóa những niềm vui, hoàn tất chúng, nâng chúng tới trình độ siêu việt: nhưng không bao giờ được phép khinh bỉ chúng. Niềm vui Kitô hữu giả thiết một con người có khả năng vui những niềm vui tự nhiên. Biết bao lần từ đấy, Đức Kitô đã loan báo Nước Trời.

Tư tưởng của Đức Thánh Cha Phaolo VI sắc bén, đầy sắc thái, thu hút, nhân bản cách sâu xa. Nó soi sáng toàn diện cho điều chúng ta đang suy nghĩ về tinh thần Don Bosco. Cha chúng ta không khinh khi bất cứ niềm vui nào của các trẻ em của ngài. Trái lại ngài khơi dậy, tăng cường, cùng triển khai nó. “Niềm vui” rất nổi tiếng, trên đó ngài xây dựng sự thánh thiện, không chỉ là một thú vui thầm kín bên trong, giấu ẩn trong cõi lòng như kết quả của ân sủng. Niềm vui bên trong chính là cội rễ của niềm vui, nhưng niềm vui còn được diễn tả ra bên ngoài, trong đời sống, trong sân chơi, trong không khí ngày lễ. Tại Khánh Lễ Viện, ngài đã cho sửa soạn các lễ trọng, các lễ mừng, các lễ kính tưng bừng biết mấy. Ngài còn tổ chức lễ mừng chính bản thân ngài, không phải vì mình mà là để tạo nên bầu khí biết ơn vui tươi ngay tại môi trường. Chúng ta hãy nghĩ tới niềm vui của những cuộc du hành táo bạo của ngài, tiên báo các cuộc du lịch ngày nay: hai hay ba tháng dành để sửa soạn, 15 tới 20 ngày sống trong cuộc, rồi còn các kỷ niệm và những lời bình phẩm kéo dài: một niềm vui được trải rộng trong thời gian.

Đối diện với Don Bosco, sau cả 100 năm, chúng ta còn lê lết ở đàng sau nhiều lắm. Thật là một trí tưởng tượng dồi dào, một sự can đảm lớn lao! Ngài đã đi từ Torino tới  Becchi, tới Genova, tới Mornese và tới nhiều xứ tại Piemonte cùng với mấy chục trẻ em… Những cuộc du hành, trò chơi, âm nhạc, ca hát, kịch trường: tất cả mọi yếu tố thiết yếu của phương pháp đề phòng, một phương pháp sư phạm giả thiết cả một khoa sống thiêng liêng xứng hợp với đầy sức bộc phát, là kết quả của Đức tin, cậy, mến đầy xác tín, cũng như biết bao nhiêu giá trị khác của cõi trời có mặt trên trái đất.

Trong bầu khí Valdocco, ngày cũng như đêm, trong những lúc mây mù cũng như khi trong sáng, luôn luôn có thiên đàng hiện diện. Don Bosco vẫn thường nhắc lại: “Ma quỷ sợ những người sống trong niềm vui!” (MB 10,648).

  1. Một món quà tiên tri cho thế giới hiện tại.

Làm chứng tá hôm nay cho những giá trị của phần thưởng là một lời tiên tri đầy sức bức thiết cho thế giới hôm nay, đặc biệt cho giới trẻ. Nền văn minh kỹ thuật – kỹ nghệ đã mang lại gì cho xã hội tiêu thụ hôm nay? Một khả năng khổng lồ hưởng tiện nghi và lạc thú? Một sự buồn bã đè nặng!

Tại Mornese và tại Valdocco không có tiện nghi, không có độc tài: tất cả hít thở bầu khí hồn nhiên và hoan lạc. Tiến bộ kỹ thuật nay đã làm cho nhiều cái trở nên đè nặng, nhưng không tăng thêm niềm vui cho con người. Ngược lại, chỉ tăng thêm những âu lo, chán chường, và cái vô vị của cuộc sống lại được cảm thấy cách chua chát hơn.

Đức Hồng Y Hơp-nơ ở Born đã nói với chúng tôi trong một cuộc họp, là khi ngài sang thăm Mẹ Teresa tỉnh Calcutta tại Ấn độ, ngài đã hỏi bà là có bao nhiêu người tự tử giữa những kẻ nghèo của bà. Mẹ Teresa đã trả lời: Không một ai. Rồi ngài phẩm bình: Tại Tây Đức, số người tự tử hàng năm lên tới 1700 người, tại Thụy Sĩ hệ số tự tử còn cao hơn. Như thế, ý vị cuộc sống và niềm vui sống không phải là kết quả của sự tiến bộ kỹ thuật và tiện nghi.

Nói chuyện với các anh em hội viên tại Hà Lan và tại miền Bắc nước Bỉ, tôi cảm thấy là đối với họ, vấn đề mục vụ giới trẻ không hẳn là vấn đề của những thiếu niên nghèo (kẻ nghèo trên thực tế không còn nữa) nhưng vấn đề chính là làm sao cho giới trẻ nhận ra ý nghĩa cuộc sống và những lý tưởng cao vời, và sự độc đáo của Đức Giêsu Kitô.

Người ta đi tìm hạnh phúc, đó là khuynh hướng nền tảng của con người. Nhưng người ta không biết đâu là con đường đúng để tìm hạnh phúc, và bởi thế cả một nỗi tuyệt vọng ghê gớm gia tăng. Hơn cả người thiếu niên, người thiếu nữ còn cảm thấy mình bất lực, không được trang bị về phương diện tâm lý để đối đầu với đau khổ, bổn phận, nỗ lực kiên trì. Vấn đề trung thành với những lý tưởng và với một ơn gọi lại trở nên gay cấn hơn. Giới trẻ cảm thấy mình bất lực đảm nhận lấy những đau đớn và hy sinh. Họ sống trong một bầu khí, trong đó, càng ngày càng gia tăng mức phân lìa giữa tình yêu và hy sinh, tới độ tiện nghi rốt cuộc đã làm tình yêu chết ngột.

Ngược lại, thật đúng đắn đặt viên ngọc “phần thưởng” dưới viên ngọc “nghèo khó”, như để chỉ cho chúng ta hai giá trị đều bổ sung và nâng đỡ lẫn cho nhau. Quả thực, sự nghèo khó Phúc Âm bao gồm một nhãn quan cụ thể và siêu việt trên toàn thể thực thể với một cái nhìn thực tiễn về từ bỏ, đau đớn, những nghịch vận, thiếu thốn, cơ cực. Đâu là nghị lực bên trong giúp ta trực diện với những cái ấy với lòng tin tưởng và với bộ mặt vui tươi, không hề tuyệt vọng? Tối hậu đó chính là cảm thấy có thiên đàng (phần thưởng) hiện diện ngay trong cuộc sống này.

Ý thức này phát xuất từ Đức tin, cậy, mến khiến chúng ta đọc lại ý nghĩa cuộc sống bằng nhãn quan của Chúa Thánh Thần. Thế gian đang khẩn trương cần tới những tiên tri loan báo rằng đời sống mình chân lý vĩ đại về thiên đàng. Đây không phải là một sự lẩn trốn làm tha hóa, mà một thực tại đầy khích lệ.

  1. Thiên đàng là gì?

Thiên đàng, như trong Kinh Thánh nói tới, chỉ một cái vườn cực đẹp. Các tôn giáo Đông phương và Trung Đông ở sát với Do Thái giáo, cũng như sách Sáng Thế đều nói tới vườn Eden: tức là Địa Đàng. Các tôn giáo trên miêu tả vườn ấy đầy cây, đầy trái, đầy mọi sự khoái lạc và các thần linh sống sung sướng tại đó. Sau cùng, nói về địa đàng, ta còn có thể tưởng tượng ra những người quyền thế và giàu sang của thế gian với cả cơ nghiệp đầy nghệ thuật và sang trọng.

Dĩ nhiên chúng ta chỉ mới còn ở ngưỡng cửa của thực tại, để có một hình ảnh và nguồn gốc của chữ thiên đàng. Tất cả nói lên một trực giác: có một chỗ đẹp và đầy bông hoa, nơi người ta sống đầy đủ và sung sướng. Lối miêu tả cảnh cực lạc ấy, như trong truyền thống Đông phương ta cũng nhắc tới như chín suối, tiên cảnh, đều là cách con người nghĩ ra thế nào là hạnh phúc khi còn chưa biết mạc khải của Thiên Chúa.

Chúng ta không ngừng lại để tưởng tượng ra cảnh vườn Eden thế nào trước khi có tội nguyên tổ, ta biết được rằng Eden trong Kinh Thánh phát xuất từ những huyền thoại này, nhưng nó có tham vọng nói lên một chân lý. Hơn nữa, các huyền thoại đều giúp chúng ta hiểu được rằng, ơn gọi con người, ngay từ khởi đầu cuộc sống của họ tại vườn địa đàng, đã không phải là được dựng nên để chịu đau khổ cùng sự chết, nhưng để hưởng sự sung sướng. Sách Sáng Thế nhấn mạnh là tại địa đàng không có sự chết, mà có cây sự sống.

Địa đàng bị mất.

Và đây, chúng ta nói tới cảnh người nữ, con rắn và tội lỗi. Đoạn tường thuật sự sa ngã khởi thủy, cho ta thấy sự khôn lanh quỉ quái và tác hại của con rắn, tuy nhiên ta cũng phải nói Eva đã bắt đầu, sau đó Adam ưng thuận.

Suy nghĩ tới dung mạo của Eva và Adam thật ích lợi, không những để hiểu về vườn địa đàng, mà còn để hiểu những gì ta sẽ thấy trên thiên đàng đích thực. Để hiểu rõ hơn sự vĩ đại của Đức Maria, ta cũng cần phải nói sâu một chút, dù là không phóng đại quá đáng  về Eva…

Hạnh phúc tại vườn Eden loan báo khuynh hướng bẩm sinh của cõi lòng con người, của ơn gọi khởi thủy của con người. Hạnh phúc ấy chắc chắn đã được nghĩ ra như một cái gì trái ngược với nỗi đau đớn của ngày hôm nay: đó là một địa đàng đã mất. Chúng ta hãy tưởng tượng hai thiên thần cầm gươm ra đứng ở cửa vườn Eden xua đuổi Adam và Eva và địa đàng bị đóng lại: thật là một địa đàng đã mất! Kinh Thánh ngay lập tức cho hiểu rằng nó thực không làm mất đi cách vĩnh viễn. Ơn gọi khởi thủy của con người có cơ may để làm lại.

Thế là bắt đầu lời tiên  báo về “thiên đàng được hứa ban” phát sinh từ lòng Cha yêu thương con người, một tình thương không thể tưởng tượng nổi: “Người đã tạo dựng cách lạ lùng và còn cứu chuộc cách lạ lùng hơn nữa”.

Thiên đàng tìm lại.

Và đây chúng ta cố gắng tìm hiểu không phải trên một thể văn chương huyền thoại, dù đây là một bài suy niệm có giá trị để diễn tả một chân lý sâu xa, nhưng là trên những dữ kiện cụ thể gắn liền với lịch sử.

Trước hết, chúng ta hãy nói về các biến cố, là hình bóng loan báo trước sự tròn đầy và mầu nhiệm của toàn thể thực tại. Chúng ta đọc chúng trong ánh sáng của đức tin, cậy, mến của Abraham, của các tổ phụ, của các tín hữu và của những người nghèo của Giavê trong Cựu Ước. Chúng ta đọc thấy các bản tường thuật các biến cố là hình bóng loan báo trước này trong sách Xuất Hành: cuộc tiến hành của dân Ítraen tại sa mạc để tới Đất Hứa: là hình ảnh của thiên đàng. Đây là một hình ảnh tiên tri của toàn thể bước lữ hành của Hội Thánh và của nhân loại tiến tới thiên đàng. Nó bảo đảm cho chúng ta việc tìm lại hạnh phúc. Đức Giêsu Kitô đã thực hiện lời hứa và đã mạc khải cho chúng ta nội dung thực của hình bóng. Cuộc vượt qua: chết – sống lại của Ngài là ánh sáng vĩ đại của chân lý.

Nhưng dưới ánh sáng này, thiên đàng được tìm lại như thế nào?

Đối với chúng ta, đây là một chân lý CÁNH CHUNG. “Thực tại cánh chung” nghĩa là gì? Cánh chung tức là thực tại cuối cùng, cứu cánh tối hậu, cái mới mẻ vĩ đại vào lúc tận cùng. Đức Kitô đã đi qua sa mạc và đã tới Đất Hứa trong cuộc Vượt Qua của Ngài.

Và đây, chúng ta tới thiên đàng đã được tìm lại, thực tại cánh chung mà đối với chúng ta, những người con đang vượt qua sa mạc, là một cái gì vừa “đã có” vừa “còn chưa”.

Cái gì “đã có”? Đó là thực tại “sống lại đã có”, cuộc chiến thắng trên sự chết, cuộc chiến thắng trên sự dữ, cuộc chiến thắng trên tất cả những gì chống lại hạnh phúc của con người “đã có”, việc ngự bên hữu Thiên Chúa như chúng ta nói tới trong kinh Tin Kính “đã có”, sự hiệp thông tròn đầy của con người, con cái Thiên Chúa, cùng với Cha, qua Đức Giêsu Kitô đã có, cuộc thực hiện hạnh phúc và vinh quang tột đỉnh nơi Đức Giêsu và Đức Maria tiên thường của tất cả đã có. Các Ngài là Adam và Eva mới.

Chính thiên đàng được tìm thấy lại khiến ta liên tưởng tới Đức Kitô và Đức Maria, người nam và người nữ đầu tiên đã sống lại, là Adam mới và Eva mới, bắt đầu một nhân loại mới trong vườn Eden chân thật. Và đấy là thực tại, chứ không phải là huyền thoại! Đây là thiên đàng, đây là phần thưởng.

Chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm Luca: Người trộm lành mắng bảo người đồng bạn (phạm thượng) và nói: “Mày không kính sợ Thiên Chúa sao, ngay lúc mày cũng mắc đồng một án? Phần ta, thực là phải lẽ, ta chuốc lấy đáng tội đã làm: nhưng ông này, ông không hề làm gì trái.” Và hắn nói: “Lạy Đức Giêsu, xin nhớ đến tôi, khi Ngài đến trong Nước của Ngài”. Và Ngài đã nói với hắn: “Quả thật, ta bảo ngươi, hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với ta” (Lc.23,40-43).

Và đấy là thiên đàng tìm lại được!

Nhìn lên Đức Maria, Mẹ Đức Kitô, Công Đồng Vatican II đã nhắc lại cho chúng ta một dữ kiện cụ thể của đức tin chúng ta: “Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ nguyên tội, như kết thúc cuộc đời dương thế, được đưa lên vinh quang trên trời với cả hồn lẫn xác, và được Chúa tôn vinh Mẹ làm Nữ Hoàng Vũ Trụ, bởi vì Mẹ đã hoàn toàn nên giống Con Mẹ, là Chúa trên mọi kẻ thống trị và là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết” (LG 59).

Đấy, Adam và Eva mới đã khai mào một nhân loại mới trong “thiên đàng tìm lại được”: một sự hồi phục lại con người bất tử cách lạ lùng, con người mới đầy tràn chân lý và tình yêu, và là Chúa của vũ trụ.

Một thụ tạo không thể tưởng tượng ra nổi đối với con người khép kín trong chính bản thân mình, nhưng thật biết bao, thúc bách biết bao!

Thiên đàng, nhà của Thiên Chúa, nơi ở của những người công chính.

Hai mươi thế kỷ Kitô giáo (thời gian sống cái “đã có” và cái “còn chưa có”) trong Giáo Hội, cho ta thấy quyền thống trị của Đức Kitô trong lịch sử và vương quyền của Đức Maria trong vũ trụ, là thực biết bao. Sách Khải Huyền khi nói tới Chiên Con trước ngai Thiên Chúa, tới Đức Kitô sống lại, đã nói: “Ngài luôn sống để chuyển cầu cho chúng ta”, ngài quan tâm để dẫn đưa lịch sử tới cuộc khải hoàn của tình yêu. Toàn dân tín hữu đã xây dựng biết bao nhiêu thánh đường dâng kính Đức Maria để làm bằng chứng cho sự phù giúp từ mẫu của Mẹ suốt trong các thế kỷ.

Thánh Phaolo, khi nói về thiên đàng, đã dùng hình ảnh của thời đại mình: là trời! Thiên đàng thực, là sự tròn đầy của mầu nhiệm Thiên Chúa, còn ở cao hơn các tầng trời, chính ngài, thánh Phaolo, đã được đưa lên tầng trời thứ ba và ngài phải thốt lên:                                                                                                                   

“Phải vinh quang ư?

– Đã hẳn là chẳng báo bể gì!

Tôi đã bắt qua những thị kiến và mạc khải Chúa ban. Tôi biết có người trong Đức Kitô, trước đây 14 năm – hoặc còn trong thân xác, tôi không biết – người ấy đã được nhắc thấu tầng trời thứ ba, và tôi biết rằng người ấy – hoặc trong thân xác hoặc ngoài thân xác, tôi không biết, có Thiên Chúa biết – đã được nhắc vào thiên đàng và được nghe những lời khôn tả, người phàm không được phép nhắc lại. Và một người như thế, tôi sẽ vinh vang được, chứ còn về tôi, tôi sẽ chỉ vinh vang về những nỗi yếu đuối của tôi” (2Cr.12 ,1-5).

Hãy xem: Phaolo là một con người thực tiễn, đấu tranh, cụ thể, đã hiến mạng sống vì đức tin, ngài thú nhận: “Tôi không biết nói cho anh em thế nào về thiên đàng, dù tôi chỉ có một chút nhận thức thấy, nhưng là cái gì thực, rất thực, một cái gì thúc đẩy tôi sống, vì nếu muốn vinh vang, tôi sẽ không phải là điên khùng, vì tôi nói thật” (2Cr.12,6).

Với những lời đơn sơ, hiển nhiên là bất toàn và gắn liền với trí tưởng tượng, chúng ta có thể nói thiên đàng là “Nhà của Thiên Chúa và nơi ở của những người công chính”. Trong “Nhà của Thiên Chúa”, có cả sự tròn đầy của thiên đàng, và trong “nơi ở của người công chính” còn có một cái gì đó phải hoàn bị thêm. Các thánh còn phải đợi ngày quang lâm vĩ đại. Cũng như Don Bosco và mẹ Mazzarello đã ở trên thiên đàng, nhưng còn phải đợi một cái gì hơn thế nữa, tức là sự khải hoàn tròn vẹn của cả Hội Thánh, của cả lịch sử nhân loại, các ngài vẫn đang khát vọng sống trong sự tròn đầy trong Nhà của Thiên Chúa.

Nhưng nhà của Thiên Chúa sẽ như thế nào và thực sự là gì? Hiển nhiên Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, tuy nhiên nơi nào ta cảm nghiệm được sự thân mật, sự tròn đầy, sự vĩ đại, sự khôn tả của tình yêu Ngài, của sức sống sung mãn Ngài, của bản thể Ngài – là Cha, Con, Thánh Thần- Ba Ngôi và một thực tại duy nhất, một sự hiệp thông sâu xa nhất, chính nơi ấy là Nhà của Thiên Chúa. Sự lan tỏa khôn lường của lòng tốt của Ngài trên thế giới, trên con người, tất cả những gì là niềm vui, là vẻ đẹp, là niềm sung sướng trên trái đất trong lịch sử, trong cõi lòng, trong tâm lý, trong trí tuệ, trong ý chí, chỉ là biểu hiệu bé nhỏ của cái tròn đầy được cảm nghiệm thấy trong Nhà của Thiên Chúa.

Và đây, Nhà của Thiên Chúa là nơi tràn đầy tất cả sự thiện, và tất cả hạnh phúc  không thiếu sót gì. Chúng ta đi tìm những lời lẽ và những hình ảnh chúng ta bập bẹ, tuy nhiên, chúng ta hiểu được rằng chúng ta đang xác quyết một chân lý tuyệt đối, sâu xa, mà cõi lòng chúng ta đang hướng tới, bởi vì Thiên Chúa đã chôn sâu trong chúng ta khả năng tham dự bản tính của chính Ngài.

Những lời nói quá bé nhỏ, và những hình ảnh quá bất toàn, tuy nhiên chúng ta hiểu đấy là một thực tại cụ thể đã được sống tròn đầy bởi Đức Kitô, Đức Maria, là anh và là chị của chúng ta, và được tham dự trong nét cốt yếu bởi các thánh. Đây không phải là huyền thoại.

  1. Làm quen với những chân trời phần thưởng trong tinh thần Sa-lê-diêng.

Trong tinh thần Don Bosco luôn luôn có một mối quan tâm kiên trì nhằm tạo nên sự quen thuộc với thiên đàng, hầu như biến thiên đàng thành bầu trời của trí tuệ, chân trời của cõi lòng Sa-lê-diêng: chúng ta làm việc và chúng ta chiến đấu trong niềm vững tin ở phần thưởng, luôn nhìn quê hương, về nhà Chúa, về Đất Hứa.

Để sống cụ thể và tránh sự kìm tránh làm tha hóa, ta thích ngừng lại ở chính những gì đã rõ ràng và cụ thể trong thiên đàng được tìm lại; ta nhấn mạnh tới “cái đã có”.

Viên ngọc “phần thưởng” mời gọi ta nhấn mạnh tới “cái đã có” là chính đời sống tin, cậy, mến. Nhưng cái gì trong “cái đã có” ấy là đối tượng đặc biệt ưu ái của chúng ta? Chúng ta đã nói tới rồi. Chúng ta nhìn với cái nhìn ưa thích về Đức Kitô và Đức Maria, hai Đấng sống lại, đang sống tròn đầy sự sống mới, đã khai mạc thời điểm vĩnh viễn của nhân loại. Chúng ta phải cộng tác để thiết lập nhân loại mới, và tăng số dòng tộc hạnh phúc của Adam mới và Eva mới.

Đức Kitô và Đức Maria là những con người sống động và cụ thể, hiện đang hiện diện trong chúng ta. Ở trung tâm điểm của các hình thức hiện diện của Đức Kitô giữa chúng ta, chính là việc Ngài không ngừng thông ban Thần Khí Ngài là sự hiện diện thật sự, theo bản thể của Đức Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể, sau đó là sự hiện diện của Ngài nơi các thánh, nơi hàng giáo phẩm (x. SC 7 và Thông điệp Mysterium Fidei của Đức Phaolo VI, 1965). Đức Giêsu Kitô hiện diện như Đấng Cứu Thế, như Chúa của lịch sử, như Đấng yêu mến chúng ta, cứu giúp, nâng đỡ chúng ta, trong tư cách là thầy sự thật, đến soi sáng, hướng dẫn chúng ta.

Và này đây, trong tinh thần Don Bosco, không gian lớn rộng của niềm vui và sức năng động của đức cậy được nuôi dưỡng bằng “cuộc đối thoại mãnh liệt và sâu xa cùng Chúa Thánh Thần” trong đời sống nội tâm và bằng một “tinh thần sống tạ ơn cụ thể của đời liên kết với Chúa Giêsu Thánh Thể”, đời sống thường nhật của chúng ta dựa trên cuộc cử hành Thánh Thể, và trong mỗi nhà Sa-lê-diêng, trung tâm sinh động là Nhà Tạm.

 Ta cũng nhìn lên gương của các thánh, nhìn lên chứng tá của các người lành thánh như là mối khích lệ cho cuộc chạy đua tiến tới phần thưởng của chúng ta, nhìn lên Đức Thánh Cha và các Đức Giám Mục với thái độ yêu mến, “tôn sùng” và biến những hướng dẫn mục vụ của ngài thành những giá trị của cuộc sống.

Và Đức Maria cũng được cảm thấy hiện diện trong mỗi nhà Sa-lê-diêng: chắc chắn là không phải qua việc tham dự một bí tích nào. Tuy nhiên, sự hiện diện như Đấng Phù Hộ hàng ngày, như người mẹ dẫn bước chúng ta. Don Bosco xác tín là Mẹ luôn luôn hiện diện như thế với chúng ta, và muốn có những biểu hiệu nhắc nhở chúng ta nhớ đến sự hiện diện của Mẹ. Ngài đã dùng một Vương Cung Thánh Đường cho Mẹ, là trung tâm làm phép lạ để cổ súy và quảng bá ơn gọi Sa-lê-diêng. Ngài đã muốn có hình ảnh Mẹ tại môi trường sống của chúng ta; ngài gắn kết mỗi sáng kiến tông đồ của ngài với sự chuyển cầu của Mẹ và công bố cách cảm kích những sự can thiệp hữu hiệu và thực sự của Mẹ. Chúng ta hãy nhớ lại lời của ngài đã nói tại Nizza: “Đức Mẹ thật sự ở đây, ở giữa chúng ta. Đức Mẹ đi dạo trong căn nhà này và bao phủ căn nhà này bằng tấm áo choàng của Mẹ”.

Hơn nữa, chúng ta còn tìm trong Nhà Chúa các bạn hữu khác. “Tất cả các thánh nam nữ của Thiên Chúa” chắc chắn là những người bạn của chúng ta. Nhưng chúng ta đặc biệt chú ý đến dung mạo quen thuộc với chúng ta hơn cả: thánh Giuse, thánh Phanxicô Salê, thánh Teresa, rồi cùng với Don Bosco, mẹ Mazzarello, chúng ta còn có cả một đạo quân nhỏ các thánh của chúng ta sống trong “khu vườn Sa-lê-diêng” danh tiếng. Chúng ta thực hiện sự chọn lựa này không phải để phân chia Nhà Thiên Chúa thành những căn phòng riêng tư, nhưng đúng hơn, để ta dễ cảm thấy mình ở trong đó là nhà của mình, và mình có thể nói với Thiên Chúa, với Cha, Con, Đức Giêsu Kitô, Thánh Thần, Đức Maria, với cả tạo thành và cả lịch sử, không phải với tất cả sự run sợ lo âu của một con người đang phải nghe một bài học cao siêu của nhà suy tư sâu sắc, khó hiểu, kín ẩn, mà là với tình gia đình và niềm vui đơn sơ của người cùng được trò chuyện với những người đã là thân bằng của chúng ta, cha chúng ta, anh chị em chúng ta, đồng bạn với chúng ta, bạn làm việc với chúng ta. Một số trong họ, ta chưa được biết trong cuộc sống, nhưng ta cảm thấy rất gần chúng ta và ta muốn noi gương các ngài với tất cả lòng tín nhiệm. Nói chuyện với thánh Giuse, với Don Bosco, mẹ Mazzarello, cha Rua, Đaminh Savio, Laura Vicuna, cha Rinaldi, đức cha Versiglia, cha Caravario, nữ tu Teresa Valsè, nữ tu Eusebia Palomino… đúng là cuộc đối thoại trong gia đình.

Đấy là tất cả những điều viên ngọc “Phần Thưởng” khơi dậy cho chúng ta: “Cảm  thấy mình ở nhà” cùng với Thiên Chúa, Đức Kitô, Đức Maria, các Thánh, cảm thấy sự hiện diện của các Ngài trong nhà của mình, trong bầu khí sống hằng ngày.

Tại Valdocco cũng như tại Mornese, cũng còn nhấn mạnh tới lòng sùng kính đặc biệt đối với các Thiên Thần, mà mới đây, Đức Thánh Cha Phaolo vĩ đại của chúng ta đã xác quyết về sự hiện hữu thật sự và về sứ vụ của các ngài trong kinh Tin Kính danh tiếng của ngài.

Tất cả những điều này nhắc nhở cho chúng ta rằng, trên chân trời đầy ánh sáng huy hoàng thiên đàng của chúng ta, trổi vượt sự chọn lựa sư phạm một số lòng sùng kính không phải chỉ vì sở thích có những lòng sùng kính riêng biệt quá đáng và lỗi thời, mà là để sống cùng với những người hiện nay rất sống động và sung sướng bên Thiên Chúa, và đang yêu mến chúng ta trong Chúa, lo lắng săn sóc chúng ta, cho chúng ta cảm thấy cuộc sống lịch sử của chúng ta quả có gắn liền với một phần thưởng khôn tả. Đời sống dưới thế là một thực tại đang trong thời kỳ thai nghén, sửa soạn cho cuộc sống ở bên ngoài thời gian, nơi “cái còn chưa có” sẽ đến hoàn tất cho cái “đã có” với tất cả sự tròn đầy của Nhà Thiên Chúa.

Ý thức về phần thưởng phải làm chúng ta thốt lên hàng ngày: “Sự thiện hảo đợi chờ tôi thật lớn lao quá mức, đến độ mọi khốn quẫn trở thành những điều tôi ưa thích”.

  1. Phải chăng đó là điều không tưởng của huyền thoại phải bị phá vỡ đi?

Ngày nay, khốn thay người ta ít nói tới phần thưởng và thiên đàng. Có người tin đó là một vấn đề ngày nay trở thành vô nghĩa và phải được gạt bỏ như là một huyền thoại. Chắc chắn, trong vấn đề này, ta phải có óc phê bình và tránh những cách diễn tả và trình bày nào đó không đúng và xa lạ với nền văn hóa hôm nay. Tuy nhiên, thực tại thiên đàng thuộc về gia sản Kitô giáo, và bởi đó ta phải bảo vệ nội dung chính yếu, phải đào sâu nó như đối tượng của đức tin, cậy, mến, chứ không phải của tưởng tượng. Nhất là chúng ta phải biến nó thành yếu tố đầy năng động của tinh thần Sa-lê-diêng chúng ta.

Chúng ta hãy lắng nghe thánh Phaolo: “Anh em hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn! Anh em thuộc về Chúa. Tôi xin lặp lại, anh em hãy vui mừng. Hãy làm sao cho mọi người nhận biết lòng tốt của anh em. Chúa gần bên!” (Pl.4,4-5).

Đúng, anh em thân mến, như sách Khải Huyền nói: “Chúa là Đấng sẽ đến”. Ta không có thể nói như một số người là quang lâm sẽ xảy ra trên ngọn núi Tuyết (Monte Bianco) vào năm 1987. Không! Chúng ta không biết khi nào. Tuy thế, chúng ta biết được là “Chúa luôn là Đấng sẽ đến” và không quá 50 năm nữa, hết thảy chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy lễ Vượt Qua của chúng ta. Chúng ta ước ao thấy được năm 2000, nhưng năm 3000 chắc chắn chúng ta sẽ không thấy.

Bởi vậy: “Chúa đã gần bên” – như lời thánh Phaolo nói – chúng ta đừng bồn chồn lo lắng, nhưng hãy kêu lên Chúa, và xin Ngài ban cho chúng ta những gì chúng ta cần, cùng cám ơn Ngài. Sự bình an của Chúa là điều lớn lao hơn bất cứ sự gì chúng ta có thể tưởng tới được, sẽ gìn giữ trí lòng cùng tư tưởng chúng ta liên kết với Đức Giêsu Đức Kitô. Hỡi anh em, phàm những gì là chân thật, những gì là tinh tuyền, những gì là khả ái, những gì là danh thơm tiếng tốt, và nếu có nhân đức nào, nếu có điều đáng khen nào, anh em hãy chú trọng đến tất cả. Các điều anh em đã thụ giáo, đã chịu lấy, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem thi hành, và Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em!” (Pl.4,8-9).

 Đấy là chân trời vĩ đại mà viên ngọc “Phần Thưởng” mở ra trước mắt chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe thánh Phaolo một lần nữa, ngài đã diễn tả tư tưởng của ngài về vấn đề này, tránh tất cả các hình thức huyền thoại và không tưởng: “Tôi thiết tưởng rằng những đau khổ đời này không đáng là gì so với vinh quang tỏ hiện trên ta. Tạo thành những ngong ngóng trông đợi thấy con cái Thiên Chúa được vinh hiển. Tạo thành đã phải lụy phục sự hư luống – dẫu không muốn – nhưng vì Đấng đã bắt nó phải lụy phục” (Rm.8,18-20).

Mới đây, nhà thi sĩ Montale, “được giải thưởng Nobel” văn chương Ý vừa qua đời. Để tưởng niệm sự ra đi của ông, báo  Ban Chiều đã cho ấn bản một trong những bài thơ của ông bàn về sự chết. Thật là một tiếng kêu tuyệt vọng. Đấy là điều phải xảy ra cho những người mà lòng không hòa điệu với những chân trời của đức tin. “Càng sống ta càng cảm thấy rằng đời sống tự nó vô nghĩa”- với 85 tuổi đè nặng, nhà thi sĩ đã khiếp sợ với một kết luận hướng nội và bi quan thế ấy. Ta thấy đó, nền văn hóa đóng kín con người lại trong chính mình thì không thể có những chân trời của phần thưởng hay bầu trời của thiên đàng được.

Còn Phaolo, ngài tiếp nối tư tưởng của ngài: “Tuy nhiên, còn có niềm hy vọng là chính tạo thành cũng sẽ được tự do khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tự do trong vinh quang thuộc hàng con cái Thiên Chúa. Bởi chưng ta biết: tất cả tạo thành cùng nhau rên siết, cùng nhau quằn quại ở cữ cho đến bây giờ. Nhưng không chỉ có nó, song cả ta nữa, những kẻ hưởng khai ân của Thần Khí, ta cũng rên siết nơi mình ta, trông đợi phúc nghĩa tử, sự cứu chuộc thân xác ta. Vì ơn cứu thoát đã đến cho ta như một hy vọng. Hy vọng mà thấy được thì hết là hy vọng, vì điều thấy được, ai nào còn hy vọng nữa! Nhưng nếu thực sự ta hy vọng điều ta không thấy, thì ta kiên nhẫn đợi trông” (Rm.8,20-25).

Chúng ta phải biết đánh giá hơn nữa tầm quan trọng của ý thức chắc chắn về phần thưởng, trong đời sống thiêng liêng. Thánh Phaolo đã không viết như một nhà văn chương, nhưng như một chứng nhân của đời sống trong Thần Khí, tuy nhiên những giòng của ngài là thi ca thật sự, bởi vì tất cả những gì là đẹp, là vĩ đại, là thần linh đều là thi ca tuyệt diệu!

 Tôi nghĩ tới môi trường sống tại Valdocco và tại Mornese, với những con người đơn sơ, những trẻ em nam nữ không có văn hóa lớn lao, và tôi so sánh những người đó với một số thi sĩ của bi quan, với những con người kỹ thuật và chính trị, thấm nhuần duy vật. Những con người này, lừng danh và quyền thế, xuất hiện trên báo chí, trên màn ảnh TV, giống như những ông chủ của lịch sử, nhưng với họ, khô héo đi và ngã quỵ như những chiếc lá mùa thu. Những con người kia, tuy bé bỏng và nghèo khó, nhưng lại đứng vững như các tiên tri của thời đại. Thật là huy hoàng chiêm ngưỡng một tinh thần hay một khoa sư phạm trong một môi sinh rất đơn sơ, và thân mật đơn sơ ấy, nhưng cùng với một quan điểm hiện thực táo bạo và siêu việt, tạo nên trong trái tim con người cái nhìn về thiên đàng, mang lại ý nghĩa cho chính cuộc đời của mình. Cậu mục đồng nghèo khó như Phanxico Besucco còn nói nhiều điều hơn cho thế giới hôm nay, hơn cả những nhân vật mà các phương tiện truyền thông quảng bá, những ngôi sao sáng của thời đại vụt qua đi, trống rỗng thực thể thiên đàng.

Bởi thế, viên ngọc “phần thưởng” giới thiệu với chúng ta một trong những nét đặc sắc và năng động của tinh thần chúng ta. Chúng ta hãy chăm lo gìn giữ ý thức về thiên đàng, và làm nó trở thành mãnh liệt trong ta. Thánh Phêrô nói với chúng ta: “Anh em phải ngóng đợi và hối cho mau đến những ngày của Thiên Chúa, do đó các tầng trời sẽ tiêu tan trong lửa và ngũ hành bốc cháy rữa tan. Nhưng chiếu theo lời hứa của Người, ta ngóng đợi trời mới đất mới, nơi đức công chính sẽ lưu lại” (2Pr.3,12-13).

  1. Đức Maria hồn xác lên trời.

Và giờ đây, chúng ta hãy kết luận cùng với Đức Maria. Nơi Mẹ, chúng ta nhận thấy sự viên thành của phần thưởng. Đức Kitô và Đức Maria, hai Đấng sống lại để chỉ cho chúng ta thiên đàng được tìm lại. Đức Maria là hiện thân của vẻ quyến rũ và nét cụ thể của phần thưởng. Mẹ là “Đức Nữ Đồng Trinh Vô Nhiễm” (…) sau khi đã kết thúc cuộc đời trần thế, được đưa lên vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác và được Chúa Giêsu tôn vinh làm Nữ Vương Vũ Trụ, để Mẹ hoàn toàn giống như Con mình, là Chúa của mọi kẻ thống trị, là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết” (LG 59).

Tôi muốn đặt nơi miệng của Mẹ một đôi lời diễn tả mãnh liệt vô song phát xuất từ trái tim Phaolo. Bởi đấy là những lời được thần hứng bởi Chúa Thánh Thần, là Lang Quân của Mẹ, nên chắc chắn Mẹ hoàn toàn chia sẻ ý nghĩa của chúng. Đấy là những lời vang dội ghê gớm, với tất cả sức mãnh liệt, nói lên nét sắc mạnh của một ý thức Kitô hữu và phần thưởng. Chúng ta hãy nghe những lời này như phát xuất từ chính Mẹ:

“Thiên Chúa đã giải án tuyên công, thì ai sẽ là người lên án? Phải chăng là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và là Đấng đang chuyển cầu cho ta?

Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bỉ cực, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo ư? Như đã viết: ‘Vì Người, chúng tôi bị sát phạt suốt ngày, chúng tôi bị kể như chiên lò sát’.

 Nhưng trên các điều ấy hết thảy, chúng ta toàn thắng, nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.

Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay địa phủ, dù là hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong  Đức Kitô  Giêsu – Chúa chúng ta” (Rm.8,33-39). Amen.

* * *

TINH THẦN SA-LÊ-DIÊNG

TRONG CƠN KHỦNG HOẢNG VÀ TRONG CUỘC CANH TÂN

  1. Mầu nhiệm thập giá.

Chúng ta kết thúc những bài suy niệm vừa qua trong khi nhìn về chóp đỉnh mầu nhiệm cứu chuộc, tức là mầu nhiệm thập giá Đức Kitô.

(…) Chúng ta nhìn về thánh giá như một chiến thắng phi thường.

Chiến tích theo tiếng Hy Lạp chỉ nơi kẻ thù bại trận, ở đó, người ta thu lại những đồ đạc của kẻ chiến bại, dựng lên thành dấu hiệu chiến thắng. Thập giá, dụng cụ hành hình và sỉ nhục, đã trở thành dấu hiệu chiến thắng vĩ đại trên sự dữ, dấu hiệu công bố sự biểu dương vĩ đại nhất của tình yêu: không ai có thể yêu nhiều hơn những gì biến cố thập giá đã công bố về tình yêu!

Bởi thế, chúng ta suy niệm những giờ phút khác nhau của biến cố này: cuộc khổ nạn, sự chết, và gắn liền với thập giá là sự sống lại, tất cả mầu nhiệm phục sinh của Chúa, như là một tiến trình còn đi xa hơn cả thập giá, những mầu nhiệm ấy, vẫn giữ lại biến cố thập giá như dữ kiện lịch sử cần thiết để thực hiện dự định huy hoàng của Cha.

  1. Thời điểm của tối tăm.

Thập giá mời gọi chúng ta tập trung suy nghĩ vào giờ khắc của yếu đuối và của “hủy mình ra không” trong mầu nhiệm Vượt Qua: vườn Cây Dầu, và rồi đêm tối đau đớn ấy, cuộc hành trình tới Canvê, việc đóng đinh và sự chết của Chúa. Trong giờ phút này mà chúng ta có thể định nghĩa là giờ phút của tối tăm và của cuộc khủng hoảng, chúng ta nhìn về các môn đệ đầu tiên ấy, về Phero (người sau đó sẽ là vị Giáo Hoàng) và về các tông đồ (những cột trụ tương lai của Hội Thánh). Các ngài còn chưa nhận lấy Chúa Thánh Thần, Hội Thánh của ngày Hiện Xuống chưa được sinh ra, nhưng đã có các phần tử phải tạo nên  Hội Thánh, những người ấy đã được sửa soạn, và đào luyện bởi Thầy Chí Thánh.

Vậy, họ đã hành xử thế nào trong giờ phút khó khăn ấy? Họ đã tỏ ra như những người lạc hướng: các môn đệ chạy trốn và Phero chối Chúa. Đức Giêsu đã nói là ông sẽ chối Ngài và ông đã không nhìn nhận điều ấy, dù Chúa đã thêm: “Phần ngươi, một khi đã trở lại, ngươi hãy củng cố anh em ngươi” (Lc.22,32), như thế cho thấy rằng kinh nghiệm của tăm tối vì yếu đuối sẽ phục vụ cho thừa tác vụ tương lai của ông.

Như thế, thánh giá bao gồm trong nó những giờ phút lạc lõng. Chúng ta hãy tránh đừng quá dễ dàng phê phán Phero, các tông đồ và các môn đệ trong giờ thử thách ghê gớm ấy.

Chúng ta, ngày hôm nay, vào giờ phút gần kết thúc thế kỷ thứ 20 này, chúng ta đang sống trong một giờ phút thử thách và tối tăm. Chúng ta hãy nhìn về đời sống tu sĩ, việc thực thi nghĩa vụ linh mục, lối sống của những tín hữu nhiều nơi. Chúng ta tham dự vào cơn khủng hoảng toàn diện với nhiều nỗi lo lắng và thiếu vững chắc. Liệu có ai mà không cảm thấy điều ấy sao?…

Đây là giờ phút chuyển tiếp và khó khăn, khiến chúng ta cảm thấy khá gần với những gì Phêrô và các tông đồ cảm thấy trước biến cố thập giá.

  1. Chiếc áo choàng bị xé rách.

Những ngày qua, chúng ta đã suy nghĩ về các viên ngọc của nhân vật uy nghi trong giấc mơ của Don Bosco. Chúng ta đã suy nghĩ tới những khía cạnh tích cực. Nhưng giấc mơ còn trình bày những khía cạnh tiêu cực rất nặng nề. Nhân vật trong giấc mơ vẻ thiểu não.  Don Bosco thì khóc. Và những người đứng đó kinh hoảng. Ở trong ánh sáng lờ mờ đó, nhân vật trước đây lại xuất hiện với vẻ buồn thảm giống như kẻ sắp khóc. Áo choàng trở nên nhạt phai, bị đục khoét và xé rách. Tại những nơi có các viên ngọc, ta thấy lộ ra chỗ hư nát dữ tợn do những sâu bọ đục khoét (…). Thấy thế, tất cả khiếp sợ. Cha Lasagna ngã bất tỉnh. Cha Cagliero trở nên xanh như tàu lá, và tựa vào ghế kêu lên: “Sao sự việc có thể xảy ra như thế này?”. Cha Lazzero và cha Guidazio như hồn siêu  phách lạc, cố nắm tay nhau để khỏi ngã. Cha Francesio, bá tước Cays, cha Barberis và cha Leveratto quỳ gối niệm hạt mà cầu nguyện. Giữa lúc ấy, một tiếng hãi hùng vang lên: “Làm sao tất cả vẻ rực rỡ ấy đã tan biến?”.

Hơn là một lời tiên tri, quang cảnh se lòng ấy là một lời cảnh cáo. Ta hy vọng chỉ là như thế. Tuy nhiên, giờ phút lịch sử, trong đó Hội Thánh và các dòng tu và cả gia đình Sa-lê-diêng chúng ta ngày nay đang sống, là một giờ phút hoang mang, lạc hướng và khắc khoải. Biết bao sự ra đi, biết bao thiếu hụt ơn gọi, biết bao ý tưởng xô đẩy nhau.

Đây là giờ của cuộc khổ nạn, không phải vì người ta giáng những roi đòn trên chi thể của chúng ta, và đội mão gai trên đầu chúng ta, mà bởi vì những đổi thay và không còn biết rõ mình phải làm gì nữa. Đó là một khía cạnh của cây thập giá chúng ta buộc phải mang, không phải là một cây gỗ với những đinh đóng, nhưng là một ngày tối tăm trong cuộc sống chúng ta.

  1. Biết soi sáng và mang tới sức mạnh.

Tuy thế, trong những ngày này, chúng ta qui tụ để tìm ánh sáng, để rọi chiếu ánh sáng trên cuộc đời chúng ta và anh em chúng ta. May mắn chúng ta đang sống trong thời điểm của Chúa Thánh Thần. Ngài đã xuống trên Hội Thánh và trên chúng ta. Chúng ta tham dự vào thừa tác vụ của Phero sau ngày Hiện Xuống. Soi sáng anh em chúng ta và thêm sức mạnh cho anh em chúng ta, đó là nhiệm vụ của bề trên và của tất cả mọi người. Chúng ta phải đem hết khả năng chúng ta vào công việc này.

Chúa Thánh Thần thường không làm phép lạ một cách trực tiếp. Ngài dùng chính chúng ta để đương đầu với những khó khăn, và chính chúng ta hôm nay phải trở nên những người linh động biết rõ những đường nét căn bản của ơn gọi tu sĩ và Sa-lê-diêng chúng ta, biết mầu nhiệm của sự kiên nhẫn trong giờ phút lịch sử khó khăn này, biết bảo vệ, nếu cần, phẩm tính và chân tính của đặc sủng chúng ta, ở bên trên cả số lượng và công cuộc của chúng ta.

Thiết yếu phải săn sóc giữ gìn sự nguyên tuyền chân thực của tinh thần và tư cách của riêng chúng ta, dù chúng ta chỉ còn lại (số ít!)… Chớ gì Chúa không muốn làm điều đó! Khi những người Sa-lê-diêng đầu tiên của chúng ta chỉ là 100, 200, 500 người, có lẽ lúc ấy đã có tinh thần Sa-lê-diêng nguyên tuyền trong thế giới. Trên thực tế, việc canh tân phải luôn nhìn về nguồn gốc!

Một cách thức để cảm nhận lấy cây thập giá là giờ phút khủng hoảng này, chính là biết trình bày cho anh chị em chúng ta vẻ đẹp, vẻ toàn diện của ơn gọi Sa-lê-diêng, dung mạo chân thực của tinh thần Sa-lê-diêng, để có thể đối đầu với những khó khăn cách bền bỉ và lâu dài.

Người thanh niên đã công bố một sứ điệp rất tích cực ở cuối giấc mơ để khích lệ chúng ta hãy biết và suy gẫm những nội dung của 10 viên ngọc. Không những phải biết chúng, mà suy gẫm chúng một cách mãnh liệt, để đưa chúng vào cuộc sống: “Đây là đối tượng phải suy ngắm cả sáng, trưa, chiều”.

Vào giờ phút của cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải suy nghĩ về chân tính của chúng ta. Đó là nhiệm vụ mà chúng ta phải làm, qua một “dụng cụ” chính Don Bosco đã để lại cho chúng ta: Hiến luật. Chúng ta có trong tay chương trình sống ơn gọi được miêu tả trong Hiến Luật (…). Chính Hiến luật củng cố tinh thần chúng ta.

 (Chúng ta, những người Sa-lê-diêng Việt Nam, vấn đề sống còn vẫn là giữ lấy đúng chân tính của chúng ta, sống đúng chương trình sống của Hiến luật thể hiện cách trung thực tinh thần Sa-lê-diêng. Việc đó càng khó khăn khi chúng ta phải sống đơn độc, không có sự chia sẻ và hỗ trợ trực tiếp bằng sự hiện diện của các anh em ta trên thế giới. Nhưng đây là vấn đề sống còn của chúng ta: chúng ta chỉ là con người thật khi là người Kitô hữu. Chúng ta chỉ là người Kitô hữu thật khi là người Sa-lê-diêng. Chúng ta chỉ là người Sa-lê-diêng khi giữ đúng tinh thần Sa-lê-diêng… Vẫn có nguy cơ để chúng ta mất mát đi tinh thần sống ấy).

Vào cuối tuần phòng, người ta vẫn thường để lại những kỷ niệm. Và đây hai kỷ niệm rất cụ thể và đòi hỏi, được nêu lên trong chính giấc mơ.

“Hãy lắng nghe và cố hiểu”, người thanh niên trong giấc mơ nói, rồi anh cho chúng ta hai ý kiến hay gợi ý.

– Ý thứ nhất nhắm tới việc nghiêm chỉnh tìm kiếm và đào luyện ơn gọi. “Hãy sáng suốt trong việc tiếp nhận tập sinh, cứng rắn trong việc vun trồng họ, khôn ngoan trong việc tiếp nhận họ. Hãy thử thách tất cả, nhưng chỉ giữ lại cái gì là tốt. Hãy cho về những ai nhẹ dạ và không bền bỉ”.

Tôi để lại cho anh chị em nỗ lực này vào lúc ít ơn gọi. Vật kỷ niệm tuần phòng thứ nhất chính là săn sóc mục vụ ơn gọi vào lúc khởi đầu của đời sống Sa-lê-diêng. Giờ phút thật là khó khăn mà ta sống, được soi sáng bởi toàn thể giấc mơ này, khuyên chúng ta không nên là người dễ dãi: không thể giải quyết vấn đề bằng số lượng, chỉ lo tăng số để duy trì công cuộc: chúng ta hãy giải quyết vấn đề công cuộc bằng những con người chân thật của Don Bosco, sống tròn đầy ơn gọi Sa-lê-diêng trong niềm vui và trong nét chân thật của nó. (Việc đào luyện ơn gọi ấy khẩn thiết biết bao đối với chúng ta. Ta phải thực sự HY SINH để vun trồng ơn gọi trẻ, các anh chị  em trẻ của chúng ta! Nhưng để làm việc ấy, ta phải tự đào luyện chính mình để có tinh thần Sa-lê-diêng, qua cố gắng bản thân, qua đời sống tông đồ, qua tinh thần cộng thể, qua sự liên đới. Đây hẳn không phải là vấn đề bé nhỏ, đang thách thức chúng ta).

– Kỷ niệm thứ hai là việc đào luyện liên tục. Người thanh niên trong giấc mơ tuyên bố: “Hãy lắng nghe và hãy hiểu: việc nguyện ngắm sáng chiều luôn luôn phải kiên trì nhắm đến đề tái “Tuân giữ Hiến luật”. Nếu anh em làm điều đó, sẽ không bao giờ thiếu sự trợ giúp của Đấng Toàn Năng. Anh em sẽ trở nên quang cảnh “tuyệt diệu” trước thế gian và các thiên thần, và vinh quang của anh em sẽ là vinh quang của Thiên Chúa”.

Đó là kỷ niệm tuần phòng thứ hai (tôi để lại). Nỗ lực đào luyện liên tục! Việc đào luyện liên tục phải dựa trên chương trình sống ơn gọi như được miêu tả trong Hiến luật. Đó là nội dung cốt yếu phải quan tâm. Không thể chỉ có cố gắng cập nhật hóa với nền văn hóa, mà đây là cả một cuộc canh tân toàn bộ việc đào luyện Sa-lê-diêng, một thứ Nhà Tập thứ hai được thực hiện lại với tất cả chiều sâu và trong tính thực tại của nó. Cái ta phải sống hôm nay, cái là chiều sâu của cuộc sống, chính là chương trình sống Sa-lê-diêng mà Hiến luật đã hình thành.

Và việc tuân giữ Hiến luật ngày hôm nay không chỉ đồng nhất với thứ tuân phục pháp lý những qui luật. Công đồng đã canh tân chính bản chất của Hiến luật và sống những nội dung sinh động của Hiến luật, cảm thấy mình được ném vào trong quỹ đạo của chương trình sống mà Đấng sáng lập đã hình thành, và để mình được thấm nhiễm hàng ngày bởi “tinh thần” của Người.

Tối hậu đối với chúng ta, đấy là việc biến chính tinh thần Don Bosco thành hiện đại  một cách nguyên vẹn và tác động trên mọi sự.

  1. Phần thưởng tương xứng của tinh thần Don Bosco.

Hai gợi ý của người thanh niên trong giấc mơ đã được chọn làm kỷ niệm cho tuần phòng vào lúc kết thúc các buổi suy niệm của chúng ta, đòi hỏi một sự tái thấu hiểu chân thực về “tinh thần Sa-lê-diêng” khiến ta cảm thấy cách mãnh liệt hơn và đầy tính hiệp thông hơn, vẻ quyến rũ của nó. Sự tái thấu hiểu này là điều kiện tiên quyết đảm bảo mục vụ ơn gọi sung mãn hơn và cho một công việc đào luyện hội viên hữu hiệu hơn. Cần suy nghĩ lại về tinh thần của chúng ta trong chiều sâu và trong tính cách hiện đại của cuộc sống, để có khả năng thông truyền tinh thần ấy nhiều hơn. Don Bosco, với giấc mơ 10 viên ngọc, đã cho chúng ta một dụng cụ rất tốt đẹp, có tính cách hướng dẫn khá rõ nét. Cha Rinaldi cùng với những nhận xét của ngài về vấn đề này, đã bảo đảm tính cách nguyên vẹn và sự trung thành trong việc đào sâu tinh thần ấy. Những suy nghĩ mà chúng ta đã làm vào những ngày này chứng tỏ tính cách độc đáo sự phong phú trong nội dung và những khía cạnh có giá trị hiện đại và vững vàng cho cuộc sống.

Tới đây, cũng nên nỗ lực thực hiện một cái nhìn toàn diện vắn gọn về những suy nghĩ chúng ta đã làm, để làm nổi bật những tâm điểm sinh động, hay những điểm chiến thuật mà chúng ta đã phân tích trong tinh thần Don Bosco. Chúng ta làm điều ấy để khám phá ra cái bí mật của sinh động lực của nó. Và có một ý thức rõ rệt hơn trong việc áp dụng cụ thể toàn thể cơ cấu của tinh thần ấy.

Tôi muốn tập trung nỗ lực tổng hợp này vào 4 điểm chính:

1/- Ánh sáng rực rỡ trước hết của toàn thể tinh thần Sa-lê-diêng là đời huyền nhiệm bên trong, bộc phát từ “viên ngọc lòng mến”, được đặt ở trái tim, như trung tâm sinh động của bộ ba đối thần (tin, cậy, mến) và như nguồn suối khôn cạn của “Da mihi animas, coetera tolle” (Xin cho con các linh hồn, còn mọi sự khác, Chúa hãy cất đi).

2/- Việc thực hiện hàng ngày của tinh thần ấy được miêu tả bởi hai viên ngọc đặt trên hai vai như để nâng đỡ lấy tấm áo choàng: Làm Việc và Tiết Chế. Chúng tạo nên liên danh trong đó, thực tế tập trung cuộc sống Sa-lê-diêng. Tất cả đời nội tâm, tất cả đời huyền nhiệm và cuộc sống khổ chế, tất cả nhân đức Sa-lê-diêng nhập thế cách thực tiễn trong cuộc sống làm việc và tiết chế này.

3/- Ý nghĩa của sứ mệnh, phát xuất từ viên ngọc Vâng Phục, đặt ở trung tâm giữa 4 bảo ngọc phía sau tấm áo choàng. Nơi chúng ta, sự sẵn sàng cho sứ mệnh tạo nên cung điệu cho tất cả cuộc thánh hiến tu sĩ và được diễn tả trong một quan niệm sáng tạo, quảng đại, và thân mật của Đức Vâng Lời. Nó là khởi nguồn của chính cộng thể, là chủ thể thứ nhất của sứ mệnh, là sự khích lệ cho tình huynh đệ, bởi vì qua viên ngọc Vâng Lời, ta sống thiết thực đời làm con cái mà chúng ta đều cùng có và là sự sẵn sàng cụ thể và nhanh nhẹn đối với người có sứ mệnh hướng dẫn cộng thể Sa-lê-diêng trong sứ mệnh.

4/- Sau cùng, sự rực sáng của lòng tốt là cung điệu nền tảng gắn liền với danh hiệu “Sa-lê-diêng”, được gợi ý từ viên ngọc Thanh Khiết. Đó là vẻ “rực sáng” tỏa lan và thu hút hoàn thành nhiệm vụ chiến thuật trong nghệ thuật giáo dục Sa-lê-diêng đầy tính cách sư phạm và thân tình trong việc làm cho mình được mến yêu. Nó bao gồm một khoa khổ chế kiên trì và nghiêm khắc chống lại ích kỷ và nhục dục, nhằm phục vụ đối thoại và tình bằng hữu, nhằm gieo một cung giọng vui tươi đầy hảo cảm cho mọi tâm hồn.

Đây! Ba viên ngọc giữa ngực tóm lược trong Đức mến biểu lộ nguồn tinh thần Sa-lê-diêng và mời gọi ta vun trồng đời nội tại siêu nhiên như nhựa sống và tăng trưởng: ánh sáng rực đầu tiên ấy giữ một địa vị tối thượng.

Bộ ba tin, cậy, mến và ánh sáng của chúng phải theo dõi và làm sống động “đời thực tế hàng ngày” qua Làm Việc và Tiết Chế, một cách biểu lộ cụ thể của việc chúng ta theo Đức Kitô. “Ánh sáng rực đầu tiên này phải thấm nhuần cả tinh thần phục vụ sứ mệnh” bởi vì nó hội tụ về mình tất cả những tia sáng của các giá trị đời tận hiến tu trì của chúng ta. Chính “tia rực sáng đầu tiên này” phải nuôi dưỡng tình yêu Sa-lê-diêng của chúng ta, khiến chúng ta có khả năng sống phương pháp đề phòng đầy sức đòi hỏi và rất hữu hiệu của Don Bosco.

Tóm lại, “tia sáng thứ nhất đấy” phải tạo nên nơi mỗi người Sa-lê-diêng “một trái tim” của người tông đồ trong Khánh LễViện xưa kia, từ đó, tự nhiên phát xuất từng giây phút lời thốt lên rất đặc sắc của tinh thần chúng ta: “Xin cho con các linh hồn, còn sự khác, Chúa hãy cất đi”.

Việc đào luyện liên tục sẽ phải tập trung ở trên các điểm này và làm nổi bật nét ưu tiên cho việc chăm lo đến “tia rực sáng đầu tiên” này.

  1. Khoa huyền nhiệm của “Xin cho con các linh hồn”.

 (…) Việc đào luyện phải làm sống lại nơi các tâm hồn ý thức và nhiệt tình của khẩu hiệu “Xin cho con các linh hồn”.

Như tôi đã tỏ lộ xác tín của tôi trong khi cắt nghĩa hoa thiêng năm trước: không có khẩu hiệu tổng hợp nào nói rõ hơn tinh thần Sa-lê-diêng như chính khẩu hiệu Don Bosco đã chọn: “Da mihi animas, coetera tolle”. Nó soi tỏ một tinh thần hiệp nhất cùng Chúa, khiến chúng ta thâm nhập vào mầu nhiệm của đời sống Ba Ngôi biểu lộ cách lịch sử trong việc sai Con và Thánh Thần là tình yêu vô giới hạn đến nhằm “cứu rỗi loài người”.   

Mười viên ngọc của giấc mơ, với cách miêu tả diện mạo Sa-lê-diêng của nó với khung thành nâng đỡ bên trong của diện mạo ấy, có thể được coi như một lời chú thích có thẩm quyền và như là một sự phân tích sâu sắc các nội dung lớn của khẩu hiệu Đấng Sáng Lập chúng ta đã chọn, để biểu dương toàn thể tinh thần Sa-lê-diêng.

Chúng ta đang suy nghĩ (…) tới thời gian tăm tối và khủng hoảng, tới ý nghĩa của một phần trong giấc mơ, giới thiệu cho ta nhân vật với chiếc áo choàng rách nát, tới sự khẩn thiết hiện đại, đòi hỏi sự canh tân và mang sức mạnh lại cho các anh em mình, tới những gợi ý do người thanh niên đã gợi tới về mục vụ ơn gọi và việc đào luyện liên tục. Cho các anh em hội viên, tôi vẫn không nhắc lại là trong một thời điểm, chuyển biến văn hóa sâu xa, kẻ thù lớn nhất ơn gọi của chúng ta có thể gặp chính là sự “hời hợt” trong đức tin, cậy, mến.

Và đây, liều thuốc chữa trị chắc chắn nhất chống lại một nguy cơ nghiêm trọng như thế là việc phát động giữa chúng ta một khoa huyền nhiệm của “xin cho con các linh hồn”. Trước khi kết luận, tôi muốn nhấn mạnh tới nhiệm vụ sinh động bất khả thể của “tia rực sáng đầu tiên” phát xuất và vọt lên từ các viên ngọc ở ngực: chính tia sáng ấy (đức ái) đốt cháy cuộc sống nhiệt nồng vì các linh hồn của chúng ta.

“Tinh thần Sa-lê-diêng” thiết yếu là một kinh nghiệm của Thánh Thần sống bằng tin, cậy, mến, theo dự định tông đồ của Don Bosco. Đức tin cho chúng ta cảm thấy mình có một ơn gọi làm thỏa mãn chúng ta. Đức cậy dìm chúng ta vào trong một ơn gọi khiến chúng ta tích cực và nỗ lực. Đức ái như một tổng hợp sống động của bộ ba, nhuần thấm ơn gọi của chúng ta với nhiệt tình sâu xa phát xuất từ một đời huyền nhiệm.

Đây không phải chỉ là những câu đẹp, nó muốn làm vọt lên những đường nét cá biệt và rất thiện cảm của dung mạo chúng ta.

– Trước hết và bất kỳ ai, người Sa-lê-diêng phải cho thấy được mình là người môn đệ “đã tin”: nghĩa là kẻ lắng nghe lời Chúa, vun trồng bình diện chiêm niệm sống trong vui mừng niềm ý thức của đời con cái cảm thấy can đảm trong việc nên chứng tá, nhìn toàn diện cuộc sống trong ánh sáng của chương trình thắng lợi của Chúa Cha. Bởi đó, người Sa-lê-diêng có dung mạo thiện cảm, đượm vẻ ý thức toàn diện cuộc chuyển biến của con người, đượm tình cảm “tri ân” và thái độ “lạc quan”.

– Người Sa-lê-diêng còn là người môn đệ “cậy trông”, nghĩa là đã có những niềm xác tín chắc chắn (“cái đã có”), trong khi hăng say hoạt động để tìm kiếm “cái còn chưa có”, và bởi thế, đầy tinh thần sáng kiến và hy sinh, giàu nhạy cảm sư phạm trong nỗ lực cứu độ, dựa vào năng lực của Thánh Thần và tín nhiệm vào sự trung gian của Đức Kitô cùng sự trợ giúp của Đức Maria (hai người anh chị em “đã sống lại” vĩ đại của chúng ta!), không mỏi mệt trong hoạt động và cùng một lúc dễ dạy trước mầu nhiệm kiên trì và nhẫn nại của lịch sử, từ đầu, chú ý hơn tới những hạt giống sự thiện và những thời điểm của sự ác, cùng sự đổ vỡ của cái tạm bợ. Bởi thế, người Sa-lê-diêng có dung mạo thiện cảm, rạng rỡ bởi niềm vui của kẻ làm việc cùng Đấng chiến thắng, “Đấng đang đến”, bởi “Sự đại lượng cương quyết”, trong các dự định phải thực hiện, bởi sự chăm lo khiêm cung và thánh thiện không bao giờ ngừng bước vì thấy cái mình làm vẫn còn giới hạn, trong sự chờ đợi năng động lực biến đổi của ngày quang lâm.

– Sau cùng, một người Sa-lê-diêng còn là người môn đệ “mến thương”, cùng với một loại đức ái đặc biệt: sống tình bạn liên tục với Thiên Chúa khiến người Sa-lê-diêng luôn là người cầu nguyện.

Cả khi không thi hành những việc đạo đức, nó giúp họ biết quên mình sống tình yêu của Đức Kitô trong một đời chiêm niệm say mến của hoạt động mang lại cho họ đặc sủng là có một lòng ưu ái đối với giới trẻ làm cho họ nên sung mãn bằng “ơn có khả năng tạo sự kết hợp” trong mối quan hệ vừa giữa Thiên Chúa và loài người, vừa giữa Giáo Hội và thế giới, vừa giữa việc rao giảng Tin Mừng và việc thăng hoa con người, vừa giữa việc thánh hiến và đời trần thế, bởi thế, người Sa-lê-diêng có khuôn mặt thiện cảm, nổi bật bởi lòng mến thương mục tử và sư phạm, bởi “lòng tốt” như biểu hiện của lòng dịu dàng và nhân ái của Đức Kitô, với một “đời sống chứng tá tích cực về sự hiệp nhất cùng Thiên Chúa”.

Những đường nét đầy thu hút của dung mạo Sa-lê-diêng này giống như lửa trong bụi gai không bao giờ tắt, nó cháy trong con tim của người Sa-lê-diêng sống tinh thần Khánh Lễ Viện xưa do “ngọn lửa sáng đầu tiên là đức ái ấy”, khiến người Sa-lê-diêng phải thốt lên với cả lòng chân thành tuyệt đối: “Da mihi ahimas, coetera tolle”.

  1. Cao điểm của lời cầu nguyện.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên, một đời huyền nhiệm như thế chỉ có thể và lớn lên qua việc luyện tập cầu nguyện như Don Bosco và mẹ Magaritta luôn thực hành.

“Một việc tập luyện” bền bỉ và cẩn mật, một việc tập luyện có những nhịp độ tĩnh tâm, các việc thực hành đạo đức, thinh lặng, suy tư, duyệt xét đời sống, một việc tập luyện theo phương pháp của chúng ta với những đòi hỏi cụ thể của nó.

Nhưng lời cầu nguyện phải là hơi thở thật của tâm hồn, có trước và vượt lên trên mọi việc thực hành đạo đức và nhuầm thấm lấy chúng, là cuộc đối thoại chân thành và tự nhiên cùng Thiên Chúa, là cách diễn tả hằng ngày và tối hậu của bản thân mình, là sự hoàn thiện của tình yêu như năng động lực thúc đầy sức sống của đức mến đối thần. Ta hãy nhớ lại lời quả quyết rất đẹp của thánh Phanxico đệ Sale: con người là sự hoàn thiện của vũ trụ, tình yêu là sự hoàn thiện của con người, đức mến là sự hoàn thiện của tình yêu, và quả thực, lời cầu nguyện là sự hoàn thiện của đức mến! Nhưng để hiểu rõ lời xác quyết ấy, chúng ta phải đảm bảo cho từ ngữ “cầu nguyện” cái ý nghĩa đầy tràn của nó như đã được cảm nghiệm và miêu tả ra bởi Thánh Cả Terexa d’Avila, tiến sĩ Giáo Hội, việc miêu tả của thánh nữ đặc biệt có nét trổi vượt vì Mẹ là người mang “đặc sủng cầu nguyện” rất đặc biệt trong lòng dân Chúa.

Đối với thánh Terexa, cầu nguyện trước hết là một nét sống thân tình riêng của bản thân mình cùng Thiên Chúa.

Trong Tự Truyện chương 8, người viết: “Cầu nguyện không là gì khác ngoài việc sống tình bằng hữu, để ở một mình với Đấng ta yêu mến”.

Đàng khác, cầu nguyện còn là một thứ “xuất thần”, đưa ta ra khỏi bản thân mình để dấn thân vào điều làm hài lòng Chúa (chúng ta, Sa-lê-diêng gọi đó là “xuất thần trong hành động”).

Trong tác phẩm “Lâu Đài Thiêng Liêng”, chương 4, Thánh nữ nhấn mạnh điều kiện phải có là quên bản thân mình đi (“xuất thần: Ex-tasi!”). “Nếu con tim ở hết tình với Chúa, thì phải ít nhớ tới bản thân mình”, “Tất cả tâm trí chỉ lo làm đẹp lòng Ngài, và tìm cách biểu lộ tình yêu cho Ngài”. Và để cắt nghĩa cách thức biểu lộ tình yêu này, Thánh nữ quả quyết trong “Tầng lâu đài thứ bảy”: “Cầu nguyện nhằm đích sau đây. Việc hôn phối thiêng liêng nhắm đích sau đây: là các công việc, các công việc phát sinh liên tục!”. Thánh nữ nhấn mạnh trong khi quả quyết phải cầu nguyện “không phải là để cảm thấy mình được sung sướng, nhưng là để chất chứa sức mạnh nhằm phục vụ!”. Đàng khác, bà đã thốt lên nhằm hướng dẫn các nữ tu của mình: “Các con hãy tin lời Mẹ, Marta và Maria phải ở cùng nhau và đồng ý với nhau để đón nhận Chúa và có Chúa ở với mình, không phải bằng một thứ đón khách sơ xuất, không lo sửa soạn cơm nước cho Ngài!”.

Trong “Sách về các công việc thiết lập tu viện”, Thánh nữ Terexa nhấn mạnh tới một thứ ưu tiên cho đức mến hoạt động và thực tiễn (như Don Bosco nhấn mạnh cho các cộng tác viên của chúng ta vai trò cao vượt của “những công việc thực hành bác ái”). Thánh nữ tự hỏi: “Làm sao đạt được tình yêu này?” Rồi bà trả lời: “Bằng việc lấy điều dốc lòng HÀNH ĐỘNG và CHỊU ĐỰNG tùy theo các dịp xảy đến, để mình ở lại với Ngài, sung sướng vì quà tặng của Ngài, để hiện thân cho một trong hai điều này là (“hoạt động” và “chịu đựng”) tức là làm hài lòng Ngài”.

Trong đời sống chúng ta, thái độ cầu nguyện không những chỉ là “hành động” mà còn là “chịu đựng”. Thái độ ấy soi sáng nhiều cho cuộc sống của những người ốm đau và già cả.  Chúng ta đừng quên nhận xét trong phần suy niệm về niềm Cậy Trông là Đức Giêsu Kitô đã cứu thế gian bằng cuộc “khổ nạn” còn hơn là cả “hành động”. Trong gia đình chúng ta,  nghĩ tới cha Beltrami, và tới điều Don Bosco nhấn mạnh về quan niệm cho rằng những người ốm đau tạo nên “cột thu lôi cho nhà của chúng ta!”

 Bởi vậy, cần phải xác định quan niệm sâu xa và chân thực của “lời cầu nguyện”: cầu nguyện, ở cao điểm của nỗ lực mục vụ và sư phạm, là sự hoàn thiện của đức ái mục tử chúng ta. Việc đào luyện phải nhắm tới dạy ta cầu nguyện và cầu nguyện theo cách thức Sa-lê-diêng.

  1. Cùng với Đức Maria tới Canve.

Chúng ta kết luận: Với mầu nhiệm thập giá, chúng ta được mời gọi sống cách can đảm và với viễn tượng hướng về cánh chung giờ phút khó khăn hiện tại với tối tăm và cơn khủng hoảng trong đó ta ngập chìm. Đức tin, cậy, mến giúp chúng ta nhìn lên thánh giá trong khoảng trời rực sáng. Toàn thể mầu nhiệm Kitô hữu dĩ nhiên bao gồm khung cảnh của tối tăm và của khổ nạn, nhưng vẫn ở trong một chân trời nơi luôn rực sáng sự sống lại: “Đây là chiến thắng đã chiến thắng thế gian, đức tin của chúng ta”! (1Ga. 5,4).

 Hãy nhớ rằng chúng ta nhìn về thập giá không phải như những dụng cụ để giáng phạt và là biểu tượng của sự chết, nhưng là chiến tích của chiến thắng: “Trong dấu hiệu này, ngươi sẽ thắng!”.

Bên cạnh thập giá trên Canve, chúng ta tìm thấy người tín hữu đầu tiên và vĩ đại nhất, Đức Maria. Nơi Mẹ, bộ ba đối thần tìm thấy sự hoàn hảo của chúng trong việc “chịu đựng” đau đớn. Trong giờ tăm tối của cuộc khổ nạn của Con, Mẹ ở lại đó, lòng mở rộng cho chương trình cứu chuộc của Cha, cùng thông phần với cõi lòng người mẹ vào ơn gọi của Đức Giêsu tại Đồi Sọ cho tới hơi thở cuối cùng của Ngài. Đức Maria đã chịu đau đớn vì đã tin, bởi Mẹ đã biết cầu nguyện cách chân thật.

Chúng ta xin mẹ giúp ta cầu nguyện và hoàn tất đức mến là ánh “rọi chiếu đầu tiên” của tinh thần chúng ta, cũng như Mẹ đã thực hiện. Như thế, ta sẽ biết trung thành những giờ phút tối tăm nhất, biết rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ và mang sức lực tới cho các anh em của ta, sống và tái thực hiện nơi ta “tinh thần Sa-lê-diêng” mà chính Mẹ, như là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, đã giúp tạo nên nơi Đấng sáng lập của chúng ta.

* * *
MỤC LỤC

Những bài suy niệm của Cha Bề Trên Cả. 1

  1. Mẫu của người Sa-lê-diêng thật (cảnh 1). 5

Một số châm ngôn soi sáng. 6

Lời cảnh cáo có uy quyền. 8

  1. Cảnh trái ngược với người Sa-lê-diêng chân thật (cảnh 2). 8
  2. Sứ điệp của người thanh niên. 10
  3. Lời ghi nhận của Don Bosco. 11

Viên ngọc thứ nhất: Đức tin. 23

  1. Năm viên ngọc ở phía trước tấm áo. 23
  2. Tin, cậy, mến. 25
  3. Đức tin: ý thức về việc sinh lại từ phép Thánh Tẩy. 27
  4. Trong Kitô giáo, đức tin mang chiều kích lịch sử. 28
  5. Sức năng động của đức tin gồm những gì?. 33
  6. Don Bosco – Con người vĩ đại của niềm tin. 35
  7. Chân trời toàn diện của đức tin kitô hữu. 39

8- Đức Maria, Đấng đã tin. 42

Viên ngọc thứ hai: Đức cậy. 43

  1. Tin cậy liên kết và tương đồng với nhau. 43
  2. Cái “đã” và cái “chưa”. 45
  3. Trong niềm cậy trông, chúng ta được cứu độ 49
  4. Don Bocso, vĩ nhân của niềm cậy trông. 50
  5. Những yếu tố tạo thành đức cậy. 51
  6. Một vài hoa trái của đức cậy. 54
  7. Lòng sùng kính Mẹ Phù Hộ – cách diễn tả của niềm cậy trông. 60

Viên ngọc thứ ba: Đức mến. 62

  1. Ở trên trái tim. 62
  2. Vai trò của lòng mến trong bộ ba theo thánh Phaolo. 62
  3. Mầu nhiệm đức ái. 63
  4. Một vài đặc điểm của đức mến. 68
  5. Năng động lực nội tại của mầu nhiệm đức mến. 70
  6. Lòng mến của Don Bosco. 72
  7. Lòng mến thương và đời nội tâm. 76
  8. Tấm lòng của người mẹ. 79

Viên ngọc thứ tư: Làm việc. 81

  1. “Làm việc và tiết độ”. 81
  2. Don Bosco và công việc. 84
  3. Chứng tá tiên tri của một nền văn minh lao động. 88
  4. Công việc như là một dữ kiện khách quan. 90
  5. Làm việc như là một giá trị chủ quan. 93
  6. “Thần học về lao động”. 95
  7. Tinh thần sống thiêng liêng bằng lao động. 99
  8. Những đức tính của cách làm việc Sa-lê-diêng. 100
  9. Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ với thánh nữ Elisabeth. 102

Viên ngọc thứ năm: Tiết chế. 104

  1. Hai ý nghĩa của thế gian. 104
  2. Tiết chế – như một thái độ hiện sinh nền tảng. 105
  3. Don Bosco lo tới một khoa sư phạm giúp ta tu đức. 107
  4. Ý thức quân bình trong hoàn cảnh văn hóa xã hội mới. 111
  5. Trước cả hãm mình và ở bên kia công việc hãm mình. 115
  6. Một vài đức tính của sự tiết độ Sa-lê-diêng. 118
  7. Đức Maria trong mầu nhiệm thập giá. 120

Viên ngọc thứ sáu: Vâng lời 122

  1. Gân cốt ẩn kín của tinh thần Sa-lê-diêng. 122
  2. Tâm điểm là vâng lời. 123
  3. Chúng ta nói về thứ vâng lời nào?. 124
  4. Tính chất độc đáo và mầu nhiệm của vâng phục Kitô hữu. 125
  5. Vâng phục tu sĩ của chúng ta. 130
  6. Khủng hoảng của vâng phục. 133
  7. Hiệp thông, linh động từ bên trong và bài sai. 135
  8. Processo di personalizzarine decentramento. 138
  9. Hiến luật 95. 138

10.Kinh truyền tin và sự vâng phục của Đức Maria. 139

Viên ngọc thứ bảy: Khó nghèo. 141

  1. Những ý nghĩa của đức nghèo khó. 141
  2. Sự nghèo khó Phúc Âm. 144
  3. Một lời tiên tri cho thế giới hôm nay. 148
  4. Bài học rút từ nguồn gốc của chúng ta. 151
  5. Những cống hiến của văn hóa mới. 156
  6. Ba nhãn quan về các lời khấn của chúng ta. 158
  7. Khẩn trương phải duyệt xét lại. 161
  8. Sự nghèo khó của Đức Trinh Nữ Maria. 164

Viên ngọc thứ tám: Khiết tịnh. 166

  1. Vị trí của viên ngọc. 166
  2. Cảm tình thu hút đức trong sạch. 168

Viên ngọc thứ chín: Chay tịnh. 192

  1. Một sự từ khước hợp lý. 192
  2. Tầm quan trọng của chay tịnh. 193
  3. Ý nghĩa Kitô giáo và chay tịnh. 194
  4. Một lời kêu gọi hãm mình. 196
  5. Tham dự vào mầu nhiệm thập giá. 199
  6. Vấn đề đã lỗi thời?. 201
  7. Câu trả lời của Chúa Thánh Thần. 204
  8. Sự đòi hỏi của tinh thần Sa-lê-diêng. 206
  9. Mẹ đau đớn. 207

Viên ngọc thứ 10: Phần thưởng. 208

  1. Don Bosco và tư tưởng “thiên đàng”. 208
  2. Niềm vui – kết quả của sự hiện diện của cõi trời trên trái đất. 209
  3. Một món quà tiên tri cho thế giới hiện tại. 212
  4. Làm quen với những chân trời phần thưởng . 220
  5. Phải chăng đó là điều không tưởng…?. 223
  6. Đức Maria hồn xác lên trời. 226

Tinh Thần Sa-lê-diêng. 228

Mục lục. 244

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *